Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

TON GIAO GIAI THICH CHO CON GAI TOI ROGER POL DROIT.html

TÔN GIÁO GIẢI THÍCH CHO CON GÁI TÔI


Les religions expliquées à ma fille


Tác giả: Roger-Pol Droit


Nhà xuất bản: Seuil-2004


Người dịch: An Nguyễn



haian14_5@convert*prc



—oOo—



Mục lục


Quyển sách ra đời như thế nào


Những dụng cụ để khởi đầu


Ai tin cái gì?

Các tôn giáo đơn thần:do thái giáo, kitô giáo, hồi giáo


Ai tin cái gì? ấn giáo, phật giáo


Để kết luận

Nhiều tôn giáo, một tôn giáo hay không có tôn giáo nào?


Lời cám ơn



Quyển sách ra đời như thế nào


Tôi ngạc nhiên khi hiểu ra cô con gái Marie mười ba tuổi của tôi không được học về tôn giáo. Đương nhiên đây không phải là chuyện ngoài tưởng tượng. Chúng tôi đã suy nghĩ: "Con sẽ chọn, sẽ tự xây dựng cho mình những niềm xác tín riêng." Quan niệm này có vẻ như có lý. Gia đình ít nhiều chống đối, gia đình ít nhiều bỏ mặc. Giống như các em bé khác cùng thế hệ, Marie lớn lên mà không thuộc về một tôn giáo nào.


Nhưng chúng tôi không tưởng tượng được hệ quả của nó: tôi kinh ngạc thấy cháu thiếu những điểm chuẩn. Chẳng hạn về Kinh Thánh, khái niệm về Thượng Đế, ý nghĩa của thiêng liêng, không có một cái gì quen thuộc với cháu. Rõ ràng là cháu không biết gì về những điểm giống và khác căn bản nhất của do thái giáo, kitô giáo và hồi giáo; những điểm tương đồng, bất đồng chính giữa kitô giáo và phật giáo. Tính hiệp nhất và tính đa dạng của các tôn giáo và các khác biệt của nó chưa được ai nói một cách rõ ràng. Cả ở trường lẫn ở nhà.


Dù vậy cháu rất cần biết những câu hỏi này, những điểm chuẩn này. Để có một kiến thức tổng quát, để hiểu các tác phẩm nghệ thuật. Để hiểu cuộc sống hàng ngày trong thế giới hiện nay. Bây giờ, trong mọi xứ, dân chúng thuộc mọi tín ngưỡng ở bên cạnh nhau, họ phải học để biết lẫn nhau.


Nhưng không phải thế là đủ. Các tôn giáo là một yếu tố thiết yếu cho kinh nghiệm nhân loại. Nếu chúng ta không nói cho con cái nghe, cả một kho tàng nhân loại có nguy cơ tuột khỏi tay chúng.


Như vậy tôi muốn thử để nói với con gái tôi một cách đơn giản nhất những gì hàng trăm triệu con người tin, những gì làm họ hy vọng, những tình cảm nào trong tâm tư họ. Chỉ cần trả lời các câu hỏi một cách công bằng và rõ ràng, không che giấu các giới hạn ngoài tầm tay của tôi. Không có vấn đề phải tra cứu bách khoa tự điển. Nắm cho được tinh thần của các tôn giáo khác nhau thì quan trọng hơn là lên danh sách các ngày lễ hay các lề luật ăn uống.


Cần rất nhiều thời gian. Chúng tôi đã có những buổi nói chuyện lâu dài với nhau, thâu một số đối thoại, trao đổi các ghi chú. Các man nữ độc giả trẻ cũng đã có những nhận xét. Rất nhiều người lớn cũng đã góp phần để làm quyển sách này. Bản văn đã theo các đề nghị của họ. Tôi thảo quyển sách này và nghĩ những điều chúng tôi làm sáng tỏ cũng hữu ích cho các em bé và các cha mẹ khác.


Mục đích đã được giải thích. Các tôn giáo lại là một việc khác. Trước tiên hết chúng ta hãy sang trang.


1. Những dụng cụ để khởi đầu



- Con nghe ba, ba không thích kể cho con nghe những câu chuyện. Giải thích cho con về các tôn giáo là chuyện không thể nào làm được! Tốt hơn hết là ba nói ngay: chúng mình sẽ không đi đến đích được!

Như vậy là mình khởi đầu đúng rồi! Con, con nghĩ ba nói cho con biết ai tin cái gì, giải thích cho con hiểu những gì người ta nghĩ trong các tôn giáo khác nhau.

- Ba cố gắng. Nhưng tạm thời mình đừng dùng chữ "giải thích" trong cùng một nghĩa. "Giải thích" có thể là "kể." Chẳng hạn ba có thể hỏi con: "Con giải thích cho ba nghe con làm gì trong ngày," giản dị là ba muốn hỏi con kể cho ba nghe con làm những gì, cái gì làm con thích, làm con chán, vv. Chữ "giải thích" ở đây đơn giản là kể chuyện một ngày đi học của con.

Nhưng chữ này có thể bao gồm nguyên do. Chẳng hạn nếu con nói với ba: "Giải thích cho con hiểu trời màu xanh," có nghĩa là: "Ba nói cho con biết tại sao trời màu xanh, làm sao nó lại xanh mà không là màu khác."

Còn các tôn giáo?

- Vậy thì ba có thể dùng chữ "kể". Tóm lại ba có thể nói nó gồm những gì nhưng ba không thể nói một cách chắc chắn "vì những lý do nào" mà có các tôn giáo, sự hiện hữu của nó tương đương với cái gì. Cái đó đối với ba là một phần của huyền bí. Những ai tin vào Thượng Đế sẽ thấy đó là một phần huyền bí của Thượng Đế. Những ai không tin vào Thượng Đế thì thấy đó là một phần huyền bí của nhân loại. Súc vật không có tôn giáo! Ngược lại, con người ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời nào đều bị mê hoặc bởi những gì vượt quá họ, những gì họ không cách nào hiểu nỗi. Chẳng hạn, sinh, tử, thời gian trôi đi, sự kiện mình đang hiện hữu, nét đẹp của thế giới, bầu trời vô tận, sức mạnh kinh hồn của thiên nhiên. Với tất cả những câu hỏi mênh mông như thế này, trí thông minh của chúng ta và các tôn giáo đều thử để đem lại các câu trả lời khác nhau.

Có tất cả bao nhiêu tôn giáo?

- Có ngàn lẽ một tôn giáo! Đó chỉ là một cách nói. Nhưng đó cũng là thành ngữ để người ta hiểu có nhiều cách. "Ngàn" có rất nhiều tôn giáo, rất nhiều loại khác nhau. Con biết đó: trong tất cả các xứ sở, trong tất cả các nền văn minh, ở tất cả mọi thời người ta đều thấy có tôn giáo. Tính đa dạng này giống như tính đa dạng của loài người.

Các tôn giáo không nhiều như con người! Nếu không thì mình không đi lọt!

- Thế đó, cũng như con người, các tôn giáo sinh và chết theo cách của nó. Đúng ra trong quá trình Lịch Sử, đã có rất nhiều tôn giáo sinh ra và chết đi. Chỉ còn lại đền đài, tượng tạc và đôi khi là các bản văn. Nhưng không còn ai hành đạo. Các tôn giáo thời Cổ Đại của người Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Gaulois đều được các sử gia nghiên cứu. Nhưng những người ở thời buổi này không chia sẻ với họ những gì họ đã tin. Các nghi thức của những tôn giáo này cũng biến mất, chẳng còn ai theo. 

Có những tôn giáo khác thì tồn tại qua nhiều thế kỷ. Đa số các tôn giáo lớn còn lại ngày hôm nay trên thế giới đều là những tôn giáo có từ rất xưa. Các tôn giáo này có từ thời Cổ Đại và được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đôi khi cũng có biến đổi gọi là thích ứng với các thời buổi khác nhau. Dù vậy, chung chung, các tôn giáo này đã vượt được thời gian và giữ lại gần như cũ. Giống như chỉ thay bộ tóc, cái mũ nhưng vẫn giữ nguyên bộ mặt.

Bây giờ có còn các tôn giáo mới sinh ra đời không?

- Còn. Vẫn còn những linh đạo mới, đặc biệt là ở Phi Châu và Mỹ Châu La-Tinh. Người ta thường hay thấy điểm khởi đầu ở các tôn giáo là có một người khẳng định mình được Thượng Đế mặc khải. Chẳng hạn họ nói họ có thị kiến về tương lai hoặc nhận sứ điệp từ Thượng Đế. Đôi khi những người này vẫn ở lại trong tôn giáo cũ đã có. Thường thường trong các xã hội Phi Châu hay Châu Mỹ La Tinh, các nhà tiên tri này là những người sáng lập các tôn giáo mới. Các tín ngưỡng của họ giữ lại một phần các tư tưởng tôn giáo đã có sẵn chỉ biến đổi thêm bớt mà thôi. Các hướng tôn giáo loại này rất hạn chế. Tóm lại, lúc nào cũng có một khả năng sáng tạo rất lớn trong lãnh vực này.

Đó là vì sao ba nói với con ngay lúc đầu là có cả "ngàn" tôn giáo. Nói như vậy chắc chắn là ba không muốn cho một con số. Ba chỉ muốn nhấn mạnh đến một số lớn, rất đa dạng các tín ngưỡng và các nghi lễ tôn giáo.

Ba nói với con "ngàn lẽ một." Vậy tương đương với "lẽ một" là gì?

- Con biết là có rất nhiều tôn giáo. Dù vậy, con không bao giờ  nào con nói "các" tôn giáo. Con hay nói có "một" tôn giáo giống như thử trong đáy tâm hồn của con, con chỉ có một tôn giáo. Một mặt, tôn giáo là "ngàn" vì có nhiều cách để thấy thế giới khác nhau hoặc ngay cả chống nhau. Mặt khác, người ta có thể nghĩ các tôn giáo này là một. Cái làm cho các tôn giáo gần nhau là tất cả giống nhau ở điểm là cuộc đi tìm của nhân loại.

Đến đây không phải "lẽ thêm một" mà "một trong tất cả"!

- Hoàn toàn đúng! Điều đó có nghĩa tất cả các tôn giáo khác nhau này đều giữ bộ mặt riêng của mình nhưng tất cả bộ mặt này đều có nét thân thuộc của một gia đình. Không phải dễ để hiểu ngay lập tức như thế. Để hiểu hơn, chúng ta phải vạch một con đường. Ba đề nghị con để qua một bên "ngàn lẽ một." Mình sẽ đi tìm nó sau. Vậy thì bây giờ mình có thể nhìn nó dưới một góc cạnh khác.

Lúc nào cũng có các tôn giáo?

- Chắc chắn người tiền sử cũng đã có những hình thức tôn giáo.

Theo con, họ chưa tin có một vị thần bởi vì mình không tìm thấy các dấu hiệu họ có cử hành các nghi thức tôn giáo…

- Chúng ta không biết chắc những gì họ tin vì không có tài liệu nào để lại. Lịch Sử chỉ bắt đầu khi có chữ viết. Thời Tiền Sử không để lại một trang viết nào. Nhưng người ta có thể nghĩ các hình vẽ, các tranh khắc trên đá không phải chỉ là những bức tranh dùng trang hoàng hay tác phẩm nghệ thuật. Các bức tranh này có thể liên hệ đến những buổi họp, những ngày lễ, những tập tục, những nghi lễ, cũng có thể là ma thuật, tóm lại là những bước khởi đầu của tôn giáo. Và nhất là các người tiền sử là những người sáng chế ra các ngôi mộ. Họ chôn người chết. Chắc chắn họ có một lòng tin về những gì xảy ra sau cái chết. Như vậy mình có thể nghĩ thật sự họ đã có những hình thức tôn giáo. Nhưng mình không biết gì về nội dung.

Như thế trong số "ngàn", ba kể luôn các tôn giáo của những người tiền sử?

- Đúng. Mặt khác không có một ví dụ của một xã hội loài người nào mà không có tôn giáo gì hết. Ngày nay, ngày càng có nhiều người có những niềm xác tín và tư tưởng riêng mà họ không giữ một đạo nào. Họ không theo một đạo nào đã có sẵn. Nhưng điều đó không ngăn cản xã hội đó không có tôn giáo! Trong xã hội con sống, có người kitô giáo, do thái giáo, hồi giáo, phật giáo… Có nhiều người của nhiều đạo khác nhau, có người không theo đạo nào. Nhưng trong toàn bộ xã hội thì tôn giáo vẫn có mặt.

Ba nói lại thêm một lần nữa, trong lịch sử nhân loại, chưa bao giờ có một xã hội nào mà không có tôn giáo. Từ lúc có con người sống là có tôn giáo. Các xã hội có thể rất khác nhau nhưng lúc nào, trong mỗi xã hội cũng có "một cái gì đó" tương đương với tôn giáo. Bây giờ chúng ta phải thử để tìm hiểu nó tương đương với cái gì. "Cái gì đó" là cái gì? Loài người làm gì với tôn giáo? Đây không phải là một câu hỏi đơn giản…

Như vậy phải xem lại định nghĩa của chữ "tôn giáo"! Mình chưa nói đến nghĩa của nó. Chữ này đến từ chữ nào?

- Đó là một chữ đến từ tiếng la-tinh. Có hai cách khác nhau để giải thích nguồn gốc của nó, các nhà thông thái đã thảo luận nhưng không thể quyết định được định nghĩa nào là đúng. Con sẽ xem, rất là hay để thấy cái khác biệt giữa hai nghĩa.

Có một vài chuyên gia nói rằng nguồn gốc chữ "tôn giáo" trong tiếng pháp "religion" đến từ chữ religare, tiếng la-tinh có nghĩa là "nối kết-relier". Ở đây con có một ý niệm khá đơn giản: "Người ta gọi "tôn giáo" là cố gắng nối kết thế giới loài người với thế giới thần linh." Trong nghĩa này "tôn giáo" là tất cả các sinh hoạt nhằm nối kết con người với thần thánh, Đất với Trời, thế giới tự nhiên với thế giới siêu nhiên. Mỗi lần như thế, chữ "nối kết" mang ý nghĩa trọng tâm.

Các nhà thông thái khác thì nói chữ "religion" đến từ chữ la-tinh relegere có nghĩa là "đọc lại-relire". Đối với người La Mã khi họ đọc kinh hay dâng lễ hiến tế cho thần linh điều quan trọng là họ không được sai lầm, họ phải đọc lại tất cả cho chính xác. Tiếng la-tinh religio cũng có ý muốn nói "cẩn thận đắn đo- scrupule." Con thấy đó, cũng khá lạ lùng: chữ "tôn giáo" cũng có thể nói thành "cẩn thận đắn đo." Ý chính là phải chú ý, không được lầm, phải chắc là làm mọi cử chỉ đúng, đọc đúng tất cả các lời cầu nguyện. Nghĩa thứ nhì này nhấn mạnh đến một khía cạnh khác của tôn giáo…

Nghĩa là "nghiêm nhặt."

- Đúng, người ta tìm thấy ý nghĩa này có từ thời Cổ Đại. Chẳng hạn người La Mã ngày xưa suy nghĩ: nếu trong khi làm lễ mà vị linh mục đọc lầm một chữ, làm sai một hành vi thì tất cả dân cư trong vùng sẽ bị phạt. Các thần sẽ giận. Họ có thể phá hủy vụ mùa, làm bão tố nổi lên, làm bệnh tật lan truyền. Như thế phải đọc lui đọc tới các công thức lễ tế không được lầm một dấu phết dù họ không hiểu.

Hai ý nghĩa này của chữ "tôn giáo" (tiếng la-tinh là "nối kết" hay "đọc lại") mình có thể để chúng liên hệ với nhau mà ba gọi đó là "hai mặt" của các tôn giáo. Đúng ra, chúng có một mặt "hướng nội" và một mặt "hướng ngoại."

Có nghĩa như thế nào?

- "Hướng nội" là những cảm nhận tôn giáo, các xác quyết, các tín ngưỡng, đức tin: tất cả những gì con người cảm nhận và sống bằng tinh thần một cách riêng tư, thầm kín. Trong nghĩa này, chứng nghiệm tôn giáo trước hết là ở "nội tâm" của mỗi người. Quan trọng là mình cảm nhận những điều đó trong lòng mình.

"Hướng ngoại" là những thể hiện bên ngoài của con người trong xã hội: các buổi hội họp trong nhà thờ, các buổi lễ, các lễ tục, các linh mục, các nhà sư, các thói quen, các ngày lễ cố định trong niên lịch. Tất cả những yếu tố này cũng thuộc về tôn giáo. Nhưng con thấy đó, nó không ở cùng sàn với những cảm nhận riêng tư của từng người.

Vậy thì theo ba khi một người tự chế cho mình một tín ngưỡng riêng thì không thể gọi đó là tôn giáo?

- Đó là một phần của tôn giáo. Một yếu tố. Nhưng không thể nào tương đương hoàn toàn với định nghĩa của tôn giáo. Nếu người nào chế một loại tín ngưỡng riêng cho họ thì tín ngưỡng này chỉ có trong đầu của họ, trong "nội tâm" nhưng nó không chia sẻ được với người khác, không "hướng ngoại."

Khi một người có một tôn giáo riêng của mình (theo nghĩa họ có những xác quyết, những tín ngưỡng của họ) thì tôn giáo của họ không có lễ lạc, không có tín hữu, không có đền thờ, không có những buổi cầu nguyện, không có lễ tục, không có lễ lạc chung. Nhưng một tôn giáo không thể chỉ xây dựng trên những ý tưởng cá nhân, nó cũng phải được cấu thành bởi một loạt sinh hoạt quy tụ dân chúng trong một xã hội. Như thế bắt buộc phải có hai mặt này đi chung với nhau.

Mặt khác không phải chúng ta sẽ gặp chỉ một cặp cụm từ đối kháng này.

Một cặp cụm từ đối kháng là gì?

- Đó là hai ý tưởng khác nhau nhưng không tách rời nhau. Chúng tạo thành một cặp chẳng hạn "hiền hay dữ", "tích cực hay tiêu cực". Để định nghĩa tôn giáo, cặp đối kháng " thần thiêng hay thế tục" rất quan trọng.

Người ta gọi thần thiêng là những gì được xem như mang một sức lực vượt quá sức lực con người hay sức lực tự nhiên. Một cái cây, một cục đá, một con vật, một đền đài cũng có thể là thần thiêng. Bề ngoài, nó chẳng có gì đặc biệt để phân biệt. Nhưng nó lại được nhìn như một cái gì khác. Thuộc một loài riêng. Nó khác đến độ mà mà người ta không thể đến gần mà không dè đặt. Trong mỗi tôn giáo, có cả một loạt lề luật với những ghi chú cẩn thận được ghi ra để đến gần những gì được cho là thần thiêng.

Còn những gì thuộc thế tục thì được định nghĩa đơn giản hơn. Đó là phần còn lại của những gì không phải là thần thiêng, có nghĩa là những việc bình thường, hàng ngày, không huyền bí, không sức lực đặc biệt, đó là thế tục. Ba có thể nói, một trong những sinh hoạt chính của các tôn giáo là "canh chừng biên giới" giữa cái thần thiêng và thế tục.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người ta không chú ý mà bước qua biên giới này?

- Là cả một tai họa lớn! Tóm lại đó là những biến cố rất trầm trọng. Đương nhiên tất cả đều tùy từng tôn giáo. Nhưng ý tưởng trọng tâm là thần thiêng có một quyền uy khủng khiếp. Thần thiêng được xem như một cái gì tuyệt vời, thăng hoa nhưng cùng một lúc lại là cái gì rất đáng sợ, rất kinh hãi. Trên quan điểm tôn giáo, thần thiêng có thể hủy hoại nhân loại nếu nhân loại không tuân theo luật lệ.

Và luật lệ đầu tiên của các luật lệ là phải tôn trọng biên giới phân biệt thần thiêng và thế tục. "Thế tục" một ngôi đền, một nấm mồ có nghĩa là không quan tâm đến tính thần thiêng của nó, đi vào đó như đi vào bất cứ một nơi nào.

Làm sao được? Thần thiêng của người này không bắt buộc phải thần thiêng với người khác?

- Đương nhiên là không vì đó là vấn đề tín ngưỡng! Nhưng người ta có thể không chia sẻ tín ngưỡng của một người nhưng phải tôn trọng tín ngưỡng của người đó. Dù chúng ta nghĩ rằng tín ngưỡng này sai hoặc kỳ cục nhưng dưới mắt của người tin thì tín ngưỡng này thiết yếu cho họ. Đối với họ đó là sự sống! Nếu dân chúng tin cái cây này là thần thiêng thì con không thể hạ cái cây này chỉ vì con không tin nó thần thiêng! Dù cái cây này làm choáng đường hay choáng dây điện!

Một ngôi đền, một nấm mồ cũng thế. Chẳng hạn một ngôi đền ấn giáo chẳng có gì là thần thiêng dưới mắt ba. Nhưng người ấn giáo cấm ba không được bước vào bởi vì trong đầu họ ngôi đền này dành riêng cho tín hữu ấn giáo, vì kính trọng họ ba phải tôn trọng luật cấm này. Mỗi tín ngưỡng được một số người theo, nếu tín ngưỡng đó không làm gì nguy hiểm hay có hại, thì mình bắt buộc phải tôn trọng họ dù mình không có cùng tín ngưỡng với họ.

Khi người ta từ chối không chịu tôn trọng những gì người khác tin, khi họ nghĩ những ý tưởng của họ là đúng và họ muốn áp đặt lên người khác thì phải làm sao?

- Con đặt câu hỏi này rất quan trọng và rất khó. Phải có cho được tấm lòng khoan dung. Nhưng điều này không phải là chuyện đương nhiên trong lãnh vực tôn giáo, chính vì mỗi tôn giáo đều tin chắc mình là tôn giáo thật và có lý! Một cặp cụm từ đối kháng khác có thể rất hữu ích trong suy nghĩ này của chúng ta: "cuồng tín hay khoan dung."

Cuồng tín là thái độ của một người đoan quyết mình nắm giữ chân lý, mục đích chính của họ là áp đặt niềm xác quyết của mình lên người khác. Đối với người cuồng tín, những gì họ tin là tuyệt đối chắc chắn, hoàn toàn đúng. Và thế là họ tìm đủ mọi phương tiện kể cả bạo lực để tư tưởng của họ toàn thắng.

Người cuồng tín không nhường chỗ cho một tín ngưỡng nào khác tín ngưỡng của họ. Thêm nữa họ không nghĩ tín ngưỡng của họ là "của họ." Họ cho rằng chỉ có "một" chân lý, thuần túy và chỉ có một. Người cuồng tín không nói: "Đây là tín ngưỡng của tôi." Ngược lại họ nói: "Tôi hoàn toàn ở trong cái đúng, tôi nắm được chân lý tuyệt đối." Dưới mắt họ, ai không nghĩ như họ là người lầm đường lạc lối. Họ muốn áp đặt tư tưởng của họ lên người khác vì họ tin chắc vào tính tối thượng các xác quyết của họ.

Điều này có thể gây nguy hiểm!

- Rất đúng! Từ thuở có loài người, luôn luôn đây là một trong những yếu tố nguy hiểm chính cho tự do! Quả thật người ta tìm thấy các thái độ cuồng tín trong tất cả quá trình Lịch Sử. Và trong nhiều lãnh vực khác nhau như chính trị và đạo đức. Nhưng trong lãnh vực tôn giáo chủ nghĩa cuồng tín phát triển sâu đậm và giết nhiều người nhất. Một vài người có thể giết người, tra tấn, phạm những tội ác tày trời nếu họ tuyệt đối tin họ làm theo lệnh của Thượng Đế. Họ tin làm như thế họ sẽ lên Thiên Đàng sống vĩnh cửu. Và thế là họ không tôn trọng gì nữa hết…

Và có những người cuồng tín trong tất cả các tôn giáo?

- Than ôi, có! Gần như người ta không thấy luật trừ ở đây. Nhưng cũng phải nói thêm ngay là trong tất cả các tôn giáo lúc nào cũng có những nhà hiền triết cao cả không chấp nhận cuồng tín. Những nhà hiền triết này nhấn mạnh trên lòng tôn trọng người khác, trên lòng khoan dung. Như thế sẽ sai lầm khi nghĩ có một bên là các tôn giáo trong đó chủ nghĩa cuồng tín có thể nảy sinh còn bên kia, ngoài địa hạt tôn giáo là tấm lòng khoan dung. Ngược lại, gần như bất cứ đâu cũng có người cuồng tín và bất cứ đâu cũng có những tấm lòng khoan dung.

Ba không quên câu hỏi con vừa đặt ở trên: "Làm sao làm khi người khác muốn áp đặt ý tưởng của họ và từ chối không chịu tôn trọng ý tưởng của chúng ta?" Theo ba, lối thoát duy nhất là làm sao tạo một khoảng không gian cho tấm lòng dung thứ, có nghĩa là có được tự do diễn tả và tự do thờ phượng được bảo đảm thật sự cho từng người.

Tự do thờ phượng là gì?

- Đó là quyền được giữ đạo mà không bị theo dõi và đe dọa. Và đó cũng là quyền không theo một đạo nào. Ngắn gọn, đó là khả năng để mỗi người đi theo con đường thích hợp với họ mà không có một cái gì áp đặt lên họ. Điều áp đặt duy nhất là không được làm hại người khác. Tự do thờ phượng là một trong các quyền của con người.

Đoạn 18, Hiến Chương Nhân Quyền năm 1948 nói rõ ràng: "tất cả mọi người đều có quyền tự do suy nghĩ, có công tâm và có tôn giáo; quyền này bao gồm tự do thay đổi tôn giáo hay thay đổi xác quyết cũng như quyền tự do giữ đạo hay giữ niềm xác quyết của mình, một mình hay tập thể, nơi công cộng hay tư gia, bằng dạy dỗ, giữ đạo, thờ phượng và thực hiện các lễ tục."

Đó đúng là thực hiện đích thực lòng khoan dung. Đúng vậy, thường thường khi người ta nói "khoan dung" một điều gì là đơn giản để cho điều đó được làm. Người ta nâng đỡ, người ta ít nhiều chấp nhận nhưng không thật sự cho phép. Hiểu khoan dung theo nghĩa này là nghĩa yếu và có phần nguy hiểm. Nếu ba nói ba khoan dung để con mời bạn về nhà nhưng ba không thấy bạn con và con dễ thương gì lắm! Như thế bạn con không được mời thật sự! Khoan dung thật sự thì mạnh hơn thế nhiều. Con không cùng một ý với người khác, vũ trụ của họ dưới mắt con quá kỳ lạ hoặc con nghĩ họ hoàn toàn sai lầm trong những gì họ tin tưởng. Nhưng con tôn trọng quyền nói, quyền suy nghĩ, quyền giữ đạo của họ, đạo mà họ cho là đúng. Và đây không phải là một thái độ của từng cá nhân. Ngày nay, Quốc Gia có những luật lệ để đảm bảo cho tự do này.

Không phải giống như thời các vua chúa! Ở Pháp phải bắt buộc theo kitô giáo!

- Đúng vậy: ngày xưa có một tôn giáo chính thức, tôn giáo của nhà vua hay của đế quốc. Năm 1905, nước Pháp làm một cuộc cách mạng mới tách Giáo Hội ra khỏi Quốc Gia. Trước đó, con người không được quyền không có tôn giáo. Và rất khó để có một tôn giáo khác kitô giáo. Cách đây một trăm năm gần như trong tất cả các nước, mỗi nước có một tôn giáo bắt buộc. Không phải tất cả các vùng đều có cùng một tôn giáo nhưng gần như vùng nào cũng có một tôn giáo riêng cho họ.

Từ năm 1905, gần như khắp nơi trên thế giới, chỗ đứng của các tôn giáo trong xã hội đã thay đổi. Thêm một cặp cụm từ đối kháng! "Xã hội có tôn giáo hay xã hội không có tôn giáo". Ngày xưa các xã hội có tôn giáo là những xã hội thống trị. Trong loại xã hội này, uy quyền Quốc Gia (vua, hoàng đế hay chính quyền) nối kết với một tôn giáo. Không có khác biệt nào giữa những điều tôn giáo áp đặt và các chính trị gia áp đặt. Tôn giáo và xã hội rất tương thuận nhau giống như chúng được đặt chồng lên nhau. Cái gì thần thiêng dưới mắt tôn giáo thì cũng thần thiêng dưới mắt Quốc Gia.

Ngược lại, trong một xã hội không có tôn giáo, tôn giáo đứng ngoài tất cả những gì của tập thể và của dân chúng. Không có tôn giáo chính thức. Trên quan điểm về tôn giáo, Quốc Gia giữ thái độ trung lập. Lãnh vực tôn giáo là lãnh vực riêng tư.

Ba có thể cho con một ví dụ?

- Trong xã hội có tôn giáo, trường học sẽ dạy cho học sinh những gì tôn giáo chính thức của quốc gia tin. Ngược lại, trong xã hội không có tôn giáo, trường học không được tạo ảnh hưởng trên học sinh. Ở trường, các học sinh sẽ học đọc, học viết, học làm toán, lớn lên các em sẽ học lịch sử, địa dư, ngoại ngữ, toán học vv… nhưng chỉ ở nhà, trong gia đình các em mới được học hay không được học về tôn giáo.

Trong một xã hội không có tôn giáo, có thể có nhiều tôn giáo cùng sống chung với nhau. Không có một tôn giáo nào thống trị!

- Đúng rồi! Quốc Gia độc lập với tôn giáo. Họ phải giữ vai trò áp dụng các nguyên tắc khoan dung.

Nhưng trong một xã hội mà Quốc Gia nhân danh một tôn giáo để cai trị thì sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng cuồng tín!

- Rất đúng!

Cái mà không khi nào con hiểu được là tại sao lại có tôn giáo. Tôn giáo đến từ đâu? Tôn giáo tương đương với cái gì? Tại sao con người phải dựng lên mấy chuyện này?

- Đúng là một câu hỏi gài bẫy!

Tại sao?

- Bởi vì câu trả lời sẽ rất khác nhau nếu câu trả lời này nằm trong lãnh vực tôn giáo hay không nằm trong lãnh vực tôn giáo.

Ví dụ nếu ba hỏi tại sao có kitô giáo thì những người kitô giáo sẽ trả lời là vì Chúa gởi Giêsu, con một của mình xuống làm người, là Giêsu chết để giải thoát tất cả mọi người, là đạo kitô phải phát triển để rao giảng "tin mừng" (chữ phúc âm-évangile- tiếng hy-lạp dùng để nói đến các câu chuyện của Chúa Kitô, có nghĩa là "tin mừng"). Như thế trong phạm vi của từng tôn giáo sẽ có những câu trả lời để giải thích vì sao có đạo này và nó tương xứng vào với cái gì. Chấp nhận những câu trả lời này là tin vào đạo này.

Ngược lại, nếu đứng ngoài lãnh vực tôn giáo, người ta sẽ tìm cách giải thích mà không tin vào những điều tôn giáo đó nói. Người ta sẽ xem tôn giáo là phát minh của loài người. Chẳng hạn họ sẽ nói con người thời xa xưa rất hãi sợ trước sức mạnh của thiên nhiên như bão tố, cuồng phong, đêm đông lạnh giá. Họ tưởng tượng những sức mạnh khủng khiếp này là do thần linh. Thần sấm sét, thần cuồng phong, thần đêm đen ở trong trí tưởng tượng của họ. Để tránh cơn giận dữ của thần linh phải dâng lễ vật, phải vâng lời họ.

Khi người ta giải thích như thế thì rốt cuộc các tín ngưỡng là những ảo tưởng, ảo ảnh, những câu chuyện ngụ ngôn được trí tưởng tượng con người dựng ra.

Con xin lỗi ba nhưng con chưa thấy đâu là cái bẫy!

- Cái bẫy là khi mình vào trong địa hạt "thuận" hay "chống" theo cách giải thích mà mình chọn.

Thực vậy, nếu con cho một câu giải thích về đạo kitô của kitô giáo (hay một câu giải thích đạo hồi của hồi giáo, một câu giải thích đạo ấn độ của ấn giáo vv…), con tự đặt con vào trong tôn giáo này. Con trở nên "thuận". Con làm một loại cổ động. Ngược lại, khi con đứng ngoài, chẳng hạn khi con đi tìm nguồn gốc của một tôn giáo trong trí tưởng tượng của loài người, ngay lập tức con ở bên phía "chống". Con xem tôn giáo này chỉ là một giấc mơ. Con tấn công nó và…

Sẽ làm mếch lòng!

- Đúng vậy. Chính vì vậy mà ba nói đó là những "câu hỏi gài bẫy." Khi mình tìm cách giải thích các tôn giáo, muốn biết tôn giáo đó tương đương với cái gì và tại sao nó tồn tại thì mình có nguy cơ bị khép trong tình trạng "thuận hay chống." Đó là cái bẫy bởi vì chúng ta muốn suy nghĩ và tìm hiểu. Chúng ta không tím cách giúp hay chống các tôn giáo!

Không có cách nào để ra khỏi tình trạng này?

- Có một con đường nhưng con đường này không rộng lắm! Con để ý là các tôn giáo thường gắn liền với những câu hỏi rất lớn.

Những câu hỏi nào?

Những câu hỏi chính là: tại sao có thế giới này? Tại sao có con người? Làm sao giải thích có đàn ông đàn bà? Con người phải sống như thế nào, theo những luật lệ nào, mục đích nào? Cái gì xảy ra sau cái chết? Cái ác đến từ đâu? Tại sao có những chuyện bất công và dữ dằn?

Các tôn giáo mang đến câu trả lời cho các câu hỏi này. Dù sao thì các tôn giáo cũng thường cho rằng họ trả lời được. Đó không phải chỉ là những câu trả lời duy nhất. Những câu trả lời khác đôi khi khoa học hay triết lý cũng trả lời được. Nhưng điểm chung giữa tôn giáo, khoa học và triết học đó là nghi vấn về cuộc đời. Người ta có thể nói loài người vốn hay lo. Nó suy nghĩ đến sự có mặt của mình trong thế giới này, đến sự hiện hữu, đến lối ứng xử nào tốt nhất. Nó quan tâm đến những gì vượt quá tầm tay nó: vũ trụ, vô tận, vĩnh cửu. Những con ruồi, con giun đất, con chim bồ câu không có loại lo lắng này. Không một động vật nào lo lắng.

Ba có biết gì về mấy chuyện này?

- Đồng ý, ba chẳng biết gì hết. Nhưng không một ai biết! Có thể có một tôn giáo bí mật cho mấy con muỗi hay thơ văn tiểu thuyết phiêu lưu cho mấy con kiến. Dù sao thì nó cũng giấu kín. Chưa bao giờ có ai thấy. Ngược lại, muốn quan sát các tôn giáo, chỉ cần nhìn chung quanh chúng ta: lịch sử loài người có đầy dẫy! Trong quá trình lịch sử, các tôn giáo không ngừng làm xúc động, say mê, say sưa quả tim con người. Những hãi sợ lớn lao nhất, những hy vọng lớn lao nhất của nhân loại đều được diễn tả qua các tôn giáo.

Nếu mình giữ những điều này trong đầu, mình sẽ có thể tránh được cái bẫy "thuận hay chống."

Bằng cách nào?

- Vậy thì chúng ta sẽ không tìm cách để biết ai có lý ai không có lý, tôn giáo nào hơn tôn giáo nào. Chúng ta cũng không tự hỏi nếu có một tôn giáo nào tốt nhất hoặc có một tôn giáo nào không nên theo. Chúng ta quan sát và coi mình là chứng nhân cho cuộc tìm kiếm lo âu này của con người. Dù có hàng ngàn tôn giáo nhưng cuộc tìm kiếm này chỉ có một!


2


Ai tin cái gì? 

Các tôn giáo đơn thần:

do thái giáo, kitô giáo, hồi giáo



- Sự thay đổi lớn lao nhất trong lịch sử các tôn giáo đó là lòng tin vào một đấng thần linh. Các tôn giáo thời Cổ Đại như Hy-Lạp, La-Mã và cả Ấn Độ, Trung Hoa đều tin vào sự hiện hữu của nhiều vị thần. Họ nghĩ có thần trời, thần biển, thần thực vật, thần sinh sản, thần săn bắn, thần lửa. Mỗi thần có những ngày lễ và lễ tục đặc biệt cho thần đó. Mỗi thần đòi những lễ vật hy sinh đặc biệt riêng của mình. Mỗi thần có những đặc tính và quyền lực riêng của họ.

Các tôn giáo thờ nhiều thần gọi là đa thần giáo (polythéisme, tiếng hy-lạp poly là nhiều, théosthần). Các tôn giáo khẳng định chỉ có một thần duy nhất thì gọi là đơn thần giáo (monothéisme, tiếng hy-lạp monođơn, théosthần.)

Tôn giáo chỉ thờ một thần duy nhất xuất hiện từ lúc nào?

- Các người tin thì họ có thể trả lời cho con là chính Thượng Đế tự tỏ hiện cho con người thấy. Những người không tin thì nói rằng tư tưởng con người tự tiến triển để cuối cùng dẫn đến khái niệm này. Chúng ta đừng rơi vào cái bẫy mà chúng ta đã thấy ở trên: "tin" hay "không tin", "ở trong" hay "ở ngoài", và "thuận" hay "chống". Hiểu ý nghĩa tư tưởng "Chỉ có một thần duy nhất" là điều rất thú vị. Quan trọng là thấy vì sao tư tưởng này độc đáo và trên thực tế là một điều rất khó để suy nghĩ.

Khi một tôn giáo quy tụ một số các thần thì mỗi thần có một đặc tính riêng, người ta có thể nói mỗi thần có một chuyên ngành riêng. Trong thời Cổ Đại, rất thường khi các thần linh thay đổi xứ sở, vùng, thành phố. Còn có những loại thần linh nhỏ nhỏ đặc biệt cho từng gia đình. Tổ tiên được biến thành những người bảo vệ che chở cực mạnh.

Chỉ có sau này người ta mới bắt đầu nghĩ đến sự hiện hữu của một vị thần duy nhất?

- Không. Lạ lùng là không phải sau này. Chính trong tôn giáo của người do thái mà người ta gọi là do thái giáo mới xuất hiện tư tưởng chỉ có một thần duy nhất. Trong một thời gian rất lâu, thời của những người Hy-Lạp và La-Mã thì chỉ có người do thái mới có tư tưởng này, là một tư tưởng rất khác với tư tưởng của các dân tộc khác. Sau này tư tưởng này lan truyền ra khắp thế giới. Ngày nay khi người ta nói với con về Thần với một chữ hoa và họ không giải thích chính xác gì thêm thì con đừng tự hỏi "thần gì?", "thần của xứ nào?". Ngay lập tức con biết đó là Thượng Đế, vị thần duy nhất theo định nghĩa.

Vị "thần duy nhất" này rất phi thường. Ngay khi vừa suy nghĩ là người ta nhận ra ngay lập tức. Thực vậy, đây không phải cùng loại với các vị thần của các tôn giáo đa thần như trong thời của người Hy-Lạp hay Ấn-Độ. Chẳng hạn con tưởng tượng xem giữa bao nhiêu là vị thần hy-lạp người ta chỉ chọn một. Người ta chọn Apollon và bỏ các thần khác: Zeus, Hermès, Athéna vv. Đó là cách để chọn một vị thần. Apollon sẽ trở nên vị thần duy nhất! Nhưng nó không dính gì với Thượng Đế, vị thần duy nhất của đơn thần giáo.

Tại sao?

- Bởi vì Apollon, cũng như tất cả các vị thần hy-lạp, chỉ là một yếu tố trong toàn phần tử: "các" vị thần. Nếu tách vị thần này ra thì giống như khi rút một nhân vật ra khỏi vở kịch. Một mình, không có những nhân vật khác, thì nó không còn đóng được vai trò! Tuy thế, cái khác biệt chính yếu là ở chỗ khác. Apollon hay bất cứ vị thần nào khác của đa thần giáo thì dễ dàng nhận ra. Quá khứ, các cuộc phiêu lưu, các ứng xử, tính tình của vị thần này thì rất giống với một người. Các vị thần này là một loại "siêu nhân". Họ có những uy quyền đặc biệt, một sức mạnh hơn người. Nhưng rốt cùng, họ vẫn giống con người rất nhiều. Ngược lại, Thượng Đế, vị thần duy nhất của đơn thần giáo thì hoàn toàn khác hẳn một con người. Bởi vì nó vô tận!

Sao cơ, "vô tận"?

- "Vô tận" có nghĩa là Thượng Đế đã tồn tại và sẽ tồn tại mãi mãi theo cái nhìn của những người tin vào Thượng Đế. Ngay khi con bắt đầu suy nghĩ về cái ý nghĩ có một vị thần vô tận, tuyền tinh thần, cực mạnh thì con thấy đây là một ý nghĩ cùng một lúc vừa cực kỳ mạnh vừa gần như không thể nào nắm bắt được.

Làm sao có người có thể thành vô tận?

- Này con, Thượng Đế không phải là "một người"!

Vậy thì có một cái gì vô tận?

- Cũng không phải là một cái gì. Con người đương nhiên…

Có tận!

- Đúng. Con người có giới hạn. Ai rồi cũng có ngày chết. Đó là cái "tận". Con người có giới hạn về vóc dáng dù có người rất cao to, giới hạn về sức nặng dù có người rất nặng, giới hạn về tuổi tác dù có người rất già, giới hạn về sức mạnh dù có người rất can đảm, vv. Nhưng ý nghĩ một vị thần vô tận là ý nghĩ có một hữu thể không có một giới hạn nào.

Thật là khó để suy nghĩ! Theo con thì tốt hơn mình bỏ chữ "vô tận"!

- Không! Nếu bỏ chữ "vô tận" thì bỏ luôn chữ Thượng Đế! Chẳng hạn vô tận có nghĩa là Thượng Đế biết hết, hiểu hết, có thể làm hết.

Là Đấng Tối Thượng!

- Đúng vậy, đây là thành ngữ người ta dùng để chỉ Thượng Đế. Chữ này gần như là chính xác. Thượng Đế là một quyền uy cực mạnh hơn tất cả những gì mà trí óc thông minh của mình có thể tưởng tượng được. Nếu con không hiểu thì đó là chuyện bình thường! Các tư tưởng gia lớn của tôn giáo thường hay nhấn mạnh Thượng Đế là điều không thể nào hiểu được. Không một loài thụ tạo nào có thể nói: "Tôi hiểu được Thượng Đế". Đúng như vậy, bởi vì Thượng Đế vô tận.

Đúng là rất khó để hiểu!

- Ba nhắc lại: đó là chuyện bình thường! Vô tận là mênh mông vô cùng, người ta không thể nào đem ra trình bày được. Gần như người ta chẳng có thể nói gì, nghĩ gì! Ngay khi con sắp nói hay nghĩ gì về đề tài này, những gì con sắp nói và nghĩ sẽ là bản sao chép về những sinh hoạt của loài người. Tất nhiên con sẽ nói Thượng Đế "muốn", "tạo dựng", "biết" hay "nghĩ". Dưới mắt con người, gần như chúng ta có thể biết "muốn" "sáng tạo", "biết" vv… có nghĩa là gì. Nhưng còn Thượng Đế? Chúng ta không biết gì hết. Không ai biết gì hết! Khi nói về Chúa, lúc nào chúng ta cũng dùng những thành ngữ không phù hợp.

Nếu con thấy dễ hơn thì con thay thế chữ "vô tận" bằng chữ "vĩnh cửu". Đối với người do-thái, Thượng Đế là đấng "Vĩnh Cửu". Ngài chưa bao giờ sinh ra, chưa bao giờ chết. Lúc nào cũng ở đó, lúc nào cũng tồn tại. Phần đóng góp của do-thái giáo vào lịch sử nhân loại trước hết là khái niệm này về Thượng Đế. Và đó không phải là một tư tưởng trừu tượng. Cái Đấng Vĩnh Cửu này có thể không quan tâm chi đến loài người, những sinh vật li ti chỉ sống một thời gian rất ngắn. Nhưng không. Ngược lại, ngài coi sóc toàn nhân loại. Và ngài kết giao với dân do-thái, Kinh Thánh kể như thế.

Kinh Thánh đúng nghĩa là gì? Con hay nghe danh từ này nhưng con muốn ba giải thích một cách chính xác cho con biết.

- Chữ này đến từ một cổ ngữ hy-lạp. Biblos có nghĩa là "quyển sách-livre." Vậy "Kinh Thánh" là "Quyển Sách". Nhưng không đơn giản chỉ là quyển sách, cũng không phải là quyển sách thiêng liêng mà là "Quyển Sách". Bởi vì đối với những người tin vào đó thì đây là quyển sách chứa đựng lới Chúa.

Bằng cách nào Chúa có thể nói được?

- Hoặc một cách trực tiếp: Chúa truyền mười điều răn cho Mai-Sen, có nghĩa là mười điều luật con người phải theo để sống, lát nữa ba sẽ đề cập lại. Hoặc một cách gián tiếp, Chúa khởi hứng cho các tiên tri, ngài nói vào quả tim của họ, sau đó họ nhân danh ngài diễn tả ra và truyền đạt lại. Điều thiết yếu là phải thấy, đối với do thái giáo, có một giao ước giữa đấng Vĩnh Cửu và dân tộc do thái. Ở đây không những khái niệm có một Thượng Đế duy nhất là quan trọng nhưng còn ý tưởng có một thỏa thuận, một hiệp ước giữa Thượng Đế duy nhất này và dân tộc. Đây không phải là sự tùng thuận mù quáng của con người đối với quyền lực thần linh nhưng đúng hơn là sự trao đổi các lời hứa mà mỗi bên phải dấn thân: một hợp đồng. Kinh Thánh là nơi chốn đầu tiên của hợp đồng này. Kinh Thánh giải thích làm sao nó được thành lập, làm sao nó được tiến triển.

Bởi vì có rất nhiều giai đoạn trong Giao Ước này. Đầu tiên hết là Giao Ước với Abraham. Abraham là nhà sáng lập ra đạo do thái, người đầu tiên quyết định phải hoàn toàn vâng lời vị thần duy nhất này và cam kết hậu duệ mình cũng sẽ vâng lời như vậy. Và Thượng Đế thử thách ông bằng cách đòi hỏi ông giết đứa con trai Isaac. Mặc dù đau khổ nhưng Abraham vâng lời bởi vì đó là lệnh của Thượng Đế. Đến lúc ông đưa dao lên để cắt cổ con làm lễ tế hy sinh thì theo Kinh Thánh tường thuật, một thiên thần đã giữ tay ông lại và ông đã dùng một con dê để tế lễ thế cho Isaac. Và Abraham có lại được người con.

Ai viết Kinh Thánh?

- Người ta nói rằng Mai-Sen đã thảo ra phần xưa nhất, đó là năm quyển sách mà người do thái gọi theo cổ ngữ do thái là Tora (có nghĩa là giảng dạy, lề luật). Cũng theo Kinh Thánh, Mai-Sen đã viết theo những gì chính Chúa đã truyền cho ông trên núi Sinai. Nhưng ngày nay người ta biết chắc chắn những bản văn khác nhau trong Kinh Thánh được nhiều người viết ở nhiều thời kỳ khác nhau. Các sử gia chuyên ngành thánh kinh thảo luận các ngày tháng, các tác giả đã viết những bản văn khác nhau bao gồm quyển Kinh Thánh. Dù sao những người viết những quyển sách cuối cùng không phải là những người viết câu chuyện ngày tạo dựng vũ trụ của quyển đầu tiên.

Câu chuyện tạo dựng là câu chuyện gì?

- Trong Kinh Thánh, sách kể câu chuyện tạo dựng gọi là sách Sáng Thế – Genèse, lại một chữ hy-lạp có nghĩa là "sáng tạo." Thượng Đế không tạo dựng vũ trụ "từ một cái gì". Cho dù đó là một khuôn mẫu hay từ vật thể đã có sẵn. Theo sách Sáng Thế, ngài tạo dựng thế giới này bằng lời. Điều này cũng rất khó để cảm nhận. Chỉ cần Thượng Đế nghĩ và nói ra một sự việc là sự việc đó có mặt.

Còn mình, khi mình nghĩ đến một chuyện gì thì chuyện đó không đương nhiên có mặt!

- Khi trời tối đen mịt, nếu ba nghĩ đến ánh sáng thì chẳng có cái gì lóe sáng hết! Theo Kinh Thánh, để tạo dựng ánh sáng, Thượng Đế chỉ cần nói: "Phải có ánh sáng!" Chỉ lời nói của ngài là đủ để sự vật có mặt. Như vậy đứng về điểm này, Thượng Đế có một sức mạnh vô tận về tư tưởng và lời nói của ngài. Đến độ mà trong đạo do thái, tên của Thượng Đế không được nói ra.

Theo ba, câu nào là câu quan trọng nhất trong Kính Thánh?

- Đó là một câu hỏi gần như không có cách nào để giải quyết! Có rất nhiều câu quan trọng! Nhưng nếu cần phải giữ lại một câu thì câu đó vừa rất nổi tiếng vừa rất khó hiểu. Khi Chúa hiện ra với Mai-Sen dưới hình thức bụi lửa. Mai-Sen hỏi ngài tên gì.

Nhưng ba nói là không được kêu tên Chúa mà!

- Đúng vậy, nhưng Chúa trả lời không phải là một tên! Chúa nói: "Ta là đấng hiện hữu." Rất khó để nắm tất cả các ý nghĩa của những chữ này. Nhưng người ta hiểu ngay tập tức một cái gì đó rất thiết yếu: Thượng Đế, là hiện hữu. Không phải chỉ là "Đấng Tối Cao", không phải chỉ là "một hữu thể" lớn hơn tất cả các hữu thể tồn tại trong vũ trụ này. Nhưng, trong một nghĩa đơn giản, hiện hữu.

Còn Mai-Sen là ai? Một nhà tiên tri?

- Mai-Sen là một em bé do thái, con của một bà mẹ nô lệ không thể nào nuôi con của mình. Bởi vì con cháu của Abraham trở thành nô lệ cho người Ai Cập. Mai-Sen bị bỏ trong một chiếc nôi thả trôi trên dòng sông Nil, được triều đình vua Pharaon vớt lên và nuôi nấng, Ông đã đưa được dân do thái ra khỏi nước Ai Cập. Ông giải thoát họ và đưa họ về đất Chúa hứa. Sau cuộc xuất hành, một chuyến đi trong sa mạc bốn mươi năm, Thượng Đế cam kết với dân do thái một Giao Ước Mới. Dân tộc do thái trở thành "dân tộc của những thầy cả", có nghĩa là họ phải giữ gìn và truyền đạt các điều răn của Chúa, vì vậy họ phải tinh tuyền.

Các điều răn nào?

- Có mười điều răn. Chẳng hạn: "Con không được giết người." Đương nhiên điều răn này chống lại việc hy sinh mạng sống con người, là điều xảy ra thường xuyên trong các tôn giáo thời Cổ Đại, như thế điều răn này cũng chống mọi hình thức chiến tranh. Điều quan trọng phải hiểu là có một chiều kích đạo đức thiết yếu trong do thái giáo. Giờ đây là lề luật luân lý, giải gìn giữ và lưu truyền nó. Và đương nhiên phải đem ra áp dụng. Lề luật đạo lý này Kinh Thánh giới thiệu như lề luật nhận được từ Chúa, không phải áp dụng riêng cho người do thái mà cho toàn thể nhân loại. Nhưng theo tôn giáo của họ, người do thái xem họ như người canh giữ lề luật của Thượng Đế. Họ nghĩ là cả dân tộc họ phải cam kết tôn trọng lề luật đó và chịu trách nhiệm truyền đạt nó.

Vì thế đối với người do thái, Kinh Thánh rất quan trọng. Nó bao gồm lời Chúa, Lề Luật của Chúa ban cho loài người. Như thế phải truyền đạt "Quyển Sách", tôn trọng cái người ta gọi là "Sách Thánh." Do thái giáo là "tôn giáo đầu tiên của Quyển Sách." Trong quá trình Lịch Sử, Quyển Sách đã làm cho người do thái gìn giữ được bản sắc của họ dù cho họ bị phân tán.

Tại sao họ bị phân tán?

- Chính yếu là vào năm 70 công nguyên, sau khi người La Mã phá hủy đền Giê-ru-sa-lem, trung tâm cử hành mọi buổi lễ, thì người do thái bắt đầu phân tán. Từ đó cho đến bây giờ, trong bất cứ xứ sở nào từ Bắc đến Nam họ sống, những ai giữ đạo do thái đều lưu truyền đạo. Họ gìn giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác sự hiểu biết tiếng hê-brơ là cổ ngữ của Kinh Thánh, của Sách Thánh và họ cũng gìn giữ các chú giải bởi vì các bản văn Kinh Thánh được kèm theo rất nhiều lời giải thích.

Như thế con thấy đó, tôn giáo của một vị thần duy nhất, đơn thần giáo, là một loại cách mạng trong lịch sử các tôn giáo. Đó không phải là tin vào "một vị thần" thay vì "nhiều vị thần" nhưng tin vào sự hiện hữu của vô tận, của đấng Vĩnh Cửu, của đấng Toàn Năng. Và đó cũng là niềm xác quyết rằng Chúa đã mặc khải lời Chúa cho loài người và cam kết với họ trong một lịch sử chung. Bởi vì một điểm chung cho các tôn giáo tin ở một vị thần – do thái giáo, kitô giáo và hồi giáo – là họ tin Chúa thể hiện cho loài người, truyền cho loài người lời và lề luật của Chúa và ngài lo cho số phận của loài người.

Tất cả các tôn giáo đa thần đều biến mất hết sao?

- Không! Ngày nay vẫn còn các tôn giáo đa thần. Ví dụ rất nhiều tôn giáo tin vào vật gì cũng có thần, nhất là ở Phi châu, nhưng cũng có một vài vùng ở Châu Mỹ la-tinh và Á châu. Đó là những tôn giáo tin vào thần khí (tiếng la tinh chữ anima có nghĩa là "tâm hồn" hay "tinh thần". Chẳng hạn người ta tin có một thần khí của rừng hoặc một cây đặc biệt nào đó có thần của cây, hoặc thần của một tổ tiên. Các thần này rất nhiều. Ngày nay, người ta có thể thấy một người vừa tin vào một vị thần duy nhất vừa tin vào vật gì cũng có thần. Người này nghĩ bên cạnh Thượng Đế, có một số lượng các thần khí, cũng đầy sức mạnh quyền thuật đủ loại, những vị thần "nho nhỏ" đủ loại.

Đơn thần giáo đã đánh dấu một bước tiến rất quan trọng trong lịch sử các tôn giáo nhưng nó không làm biến mất đa thần giáo. Mặt khác, người ta còn nói lúc nào cũng có những hình thức đa thần giáo đi trở lại. Dù người ta tin vào một Chúa duy nhất, người ta cũng có thể giữ những nhân vật thánh, những nơi chốn thánh, những vật thánh mà người ta ưa chuộng. Việc ưa chuộng này lúc nào cũng có nguy cơ tạo ra một loại tôn thờ thần thánh đặc biệt mà người ta gọi là thờ thần tượng. Các tôn giáo đơn thần vẫn tiếp tục chiến đấu để loại các thần tượng.

Điều con ngạc nhiên là có nhiều tôn giáo đơn thần! Nếu họ đã tin vào một Chúa duy nhất thì làm sao lại có nhiều tôn giáo đơn thần được?

- Đây là một vấn đề! Khởi đầu đơn thần giáo chỉ có đạo do thái. Chính đạo này đầu tiên hết khẳng định có một Chúa duy nhất. Đứng trên quan điểm này, kitô giáo và hồi giáo là những tôn giáo "con đẻ" của do thái giáo. Mặt khác, người kitô cũng xem Kinh Thánh là lời của Chúa và người hồi giáo cũng xem họ là con cháu hậu duệ của Abraham, giống như người do thái vậy.

Vậy thì điều gì làm họ phân chia?

- Chúng ta hãy theo thứ tự thời gian. Giêsu-Kitô là người do thái. Ngài sống ở Palestine, cùng thời với Jules César và là thời khởi đầu của Đế Quốc La Mã. Ngài tuyên bố: "Ta là con Thiên Chúa." Đó là một câu lạ kỳ. Tại sao Thượng Đế, đấng đã tạo dựng loài người và toàn thể vũ trụ lại có một người con, người con này lại trở thành người? Đây là nét mới của kitô giáo: Thượng Đế, vô tận, vĩnh cửu nhập thế trong một con người, vừa có nhân tính trọn vẹn vừa có thiên tính trọn vẹn. Theo những gì chính ngài nói, Chúa Kitô không đến để loại bỏ đạo do thái, Lề Luật, mười điều răn và các lề luật tôn giáo.

Như thế thật là kỳ lạ. Nếu đấng Kitô là người do thái, làm sao cùng một lúc lại có thể…

… "người kitô"? Những bước đầu, kitô giáo chưa phân biệt ngay được với do thái giáo. Phần lớn những người kitô đầu tiên là người do thái. Họ có cùng các tín ngưỡng, cùng các bản văn. Sự phân chia sẻ tiến hành dần dần.

Bằng cách nào?

- Điều mà Giêsu đem lại rất quan trọng, đó là ý tưởng của một tôn giáo tình thương. Đối với người kitô, định nghĩa về Chúa không chỉ là một vị thần duy nhất, vĩnh cửu, vô tận; Lề Luật của Chúa truyền cho loài người không phải là luật lệ bắt buộc, quyết định những hành động nào bị cấm, những hành động nào cho phép làm theo ý Chúa. Chỉ có một luật duy nhất đó là tình thương, yêu thương không tính toán, không giới hạn. Vì thế, trong kitô giáo, điều thiết yếu là đức bác ái, yêu tha nhân, làm tất cả cho người nghèo nhất, người yếu nhất, người khốn cùng nhất. Và cũng là tha thứ cho người có tội, không để hận thù, trừng phạt ở trong lòng: ngay cả những người dữ dằn nhất, độc ác nhất họ cũng có thể hối hận việc họ đã làm.

"Các con hãy yêu thương nhau", đó là sứ điệp thiết yếu của Đức Kitô. Tình yêu này rất đòi hỏi, bởi vì nó không đòi hỏi xứng đáng mới được nhận, không đòi hỏi phải tốt hay phải đẹp. Phải yêu thương mọi người trước hết là người nghèo, người bệnh, người tàn tật nhưng cả những người ăn cắp, người bất chính, phần tử căn bã của xã hội. Và yêu thương họ, mỗi người, không giới hạn.

Nhưng làm sao yêu thương được?

- Đương nhiên là rất khó. Nhưng phải yêu với một tình yêu không thể tin này được mới ngang tầm với chính Chúa vậy. Đối với người kitô, Chúa nhập thể làm người là dấu hiệu một tình yêu vô tận. Con đã biết những nét chính trong cuộc đời Chúa Giêsu: sinh ra trong hang bò giống như người nghèo nhất của những người nghèo, lớn lên bên cạnh người cha làm thợ mộc, ngài rao giảng tình yêu và lòng tha thứ. Cuối cùng, ngài bị một đồ đệ phản bội và bị người La Mã lên án tử hình. Bị nhục, bị đối xử một cách bất công, bị cực hình. Cái chết của ngài thật khủng khiếp, trên đồi Golgotha, một ngọn đồi ở Giêrusalem, bị đóng đinh trên thập giá, ngài hỏi Thiên Chúa là Cha của ngài vì sao bỏ ngài.

Đúng nhưng sau đó ngài sống lại.

- Dù sao đó là điều người kitô tin. Quan trọng là con nắm được ý nghĩa của sự sỉ nhục và cái chết này. Làm sao một Thượng Đế, toàn năng, vinh quang lại chấp nhận chịu khổ nhục tất cả, bị phản bội, bị chửi mắng, bị đánh đập, bị giết? Đó là hình ảnh của một tình thương không giới hạn, hiến tất cả cuộc sống của mình, hy sinh trọn vẹn để cuối cùng con người được tự do, được cứu.

Ngài cứu thế giới này như vậy?

- Cứu thế giới có nghĩa là khi làm người, khi chấp nhận chết cho loài người, Ngài đã giải thoát họ.

Nhưng giải thoát cái gì?

- Cái chết.

Khi đang chết, ngài cứu loài người khỏi chết?

- Đúng. Đây cũng là một điều khó hiểu. Người ta có thể nói rằng đấng Kitô chết để chuộc lỗi cho con người. Kitô giáo xuất hiện với ý tưởng Chúa xuống làm người và chết cho nhân loại. Kitô giáo không những chỉ tin Chúa tạo dựng nên vũ trụ và các tiên tri trong Kinh Thánh được Chúa thần khởi – như đạo do thái – mà còn tin qua Đức Kitô, Chúa làm người để cứu nhân loại.

Vì thế người do thái và người kitô chia nhau ra. Người do thái không tin Đức Kitô là con Thiên Chúa. Họ nghĩ Đức Kitô là một nhà minh triết, một nhà tiên tri nhưng dưới mắt họ, Đức Kitô không phải là Chúa nhập thể có nghĩa là một người "bằng xương bằng thịt."

Con muốn biết sự khác biệt giữa đạo công giáo và đạo tin lành.

- Cả hai đều là người kitô. Đạo công giáo và đạo tin lành đều tin Đức Kitô là Con Thiên Chúa nhập thể, chết trên thập tự và sống lại. Ai giữ đạo thì mỗi chúa nhật họ họp nhau lại – người công giáo thì trong nhà thờ, người tin lành thì trong đền thờ – để nhận bánh và rượu. Dù họ không nghĩ cùng một ý nghĩa việc rước lễ này nhưng họ cùng dựa vào lời Chúa, người đã yêu cầu các tín hữu làm việc này để nhớ đến người, bánh tượng trưng cho thân xác người, rượu tượng trưng cho máu người.

Như thế khác biệt nằm ở đâu?

- Đạo tin lành mới chỉ xuất hiện vào thời Phục Hưng, thế kỷ thứ 15 và 16, chỉ mới gần đây trong quá trình lâu dài của lịch sử kitô giáo. Đức Kitô sinh năm zéro, bắt buộc như thế bởi vì hệ thống tính năm của chúng ta đã chọn năm ngài sinh là năm khởi đầu. Sau khi Đức Kitô chết, dần dần Giáo Hội được tổ chức. Tập thể các linh mục, giám mục, tu sĩ được thành lập trong mỗi vùng. Phải gom lại từng nhóm khác nhau, kiểm soát lại các buổi lễ, chuẩn lại các tín ngưỡng. Trong những thế kỷ đầu tiên, người kitô càng ngày càng đông trong Đế Quốc La Mã. Họ bị truy đuổi, bị bách hại và rất nhiều người tử vì đạo.

Cuối cùng, kitô giáo nắm phần thắng. Vào năm 312, hoàng đế Constantin đã làm cho kitô giáo trở thành tôn giáo chính thức của Đế Quốc. Từ đó, dù lúc thăng, lúc trầm, người ta có thể nói Giáo Hội công giáo không ngừng phát triển. Khi Đế Quốc La mã suy sụp và thời Trung Cổ bắt đầu với những cuộc xâm lấn của quân man rợ, Giáo Hội ngày càng có một uy quyền quan trọng. Giáo Hội điều khiển một phần các lãnh chúa.

Bằng cách nào?

- Bằng cách dứt phép thông công, có nghĩa là không cho họ ở trong Giáo Hội, từ chối không cho họ đi dự lễ và rước lễ. Nếu một vị lãnh chúa hay một vị vua hành động không đúng dưới mắt Giáo Hội thì Giáo Hội có quyền gạt họ ra ngoài xã hội. Quả thật, vào thời Trung Cổ, dân chúng không sống trong một xã hội không có tôn giáo! Ở Pháp cũng như ở các nước khác của Âu châu người dân không có quyền tin cái gì khác. Nếu không họ có thể bị các tòa án của Giáo Hội kết án và đem lên giàn thiêu.

Như thế, dần dần kitô giáo xen vào chính trị. Tôn giáo của tình thương, của tin tưởng, của bác ái, của giải thoát trở nên uy quyền trọng tâm của xã hội. Giáo Hội công giáo thu góp được tài sản, đất đai, các cơ sở mênh mông, tiền bạc rất nhiều. Vào thời Phục Hưng, một vài giám mục giàu có cực kỳ. Họ, đáng lý phải nghèo, phải phục vụ mọi người thì trở thành lãnh chúa và sống xa hoa. Mặt khác họ tổ chức đủ loại buôn lậu. Thay vì nhân danh Chúa để tha thứ, họ đem bán tha thứ. Tín hữu phải cho tiền để được lên Thiên Đàng nhanh chóng!

Không ai chống đối sao?

- Có chứ! Những người tin lành! Các loại buôn lậu này đã làm một số người kitô bực mình và giận dữ – người ta gọi họ là những người "chống đối-protestants" (protestant tiếng việt dịch là tin lành) bởi vì họ chống đối để có quyền khẳng định đức tin của mình và không tùng quyền Giáo Hội công giáo. Họ thấy Giáo Hội không còn theo tinh thần của Chúa Kitô. Các người chống đối này bắt đầu từ chối không vâng lời giáo hoàng. Một trong những nhà sáng lập đạo tin lành là một tu sĩ người đức Martin Luther, sống vào thế kỷ thứ 16. Đó là thời gian bắt đầu cuộc Cải Cách. Có Jean Calvin và những người khác. Họ khẳng định, là người kitô không cần có giáo hoàng, giám mục hay toàn bộ hệ thống của Giáo Hội công giáo mà chỉ cần lời Chúa. Điều thiết yếu là những gì Chúa Kitô nói, những lời nói được viết lại trong Phúc Âm, bốn quyển thuật lại đời sống Chúa Giêsu của Mat-tê-ô, Mác-cô, Lu-ca và Gioan.

Như thế những người tin lành muốn đi trở lại những gì Chúa nói…

- Đúng vậy, đạo tin lành muốn đi trở lại nguồn của kitô giáo. Dưới mắt người tin lành, có quá nhiều người là người kitô chỉ ở "bề mặt" hay "bên ngoài." Họ đọc kinh, họ làm những cử chỉ điệu bộ nhưng họ không thật sự là người kitô trong lòng. Như thế phải thay đổi tình trạng này, làm lại, cải cách lại.

Vì thế Giáo Hội tin lành cũng gọi là "Giáo Hội thoát thai từ cuộc Cải Cách."

Các điều chính mà đạo tin lành khẳng định có thể tóm tắt như sau:

* Chúa thương loài người dù loài người không xứng đáng. Phúc Âm là tin mừng.

* Điều quan trọng là có đức tin, tin tưởng vào Chúa.

* Chỉ một mình mình đứng trước mặt Chúa và với lương tâm của mình. Không cần giáo hoàng, không cần quyền uy của Giáo Hội với một giáo lý bắt buộc.

* Điều đáng kể là các điều răn của Chúa. Uy quyền duy nhất là quyển Kinh Thánh.

Còn người hồi giáo họ tin cái gì?

- Họ cũng tin ở một Chúa duy nhất, vĩnh cửu và toàn năng. Đối với người hồi giáo, điều quan trọng nhất là tùng thuận vào Chúa, là hoàn toàn theo ý Chúa. "Islam" có nghĩa là tùng thuận và "musulman" có nghĩa là "nhu thuận". Dù sao đó cũng là điều họ thường nói. Đúng ra hai chữ này có cùng nguồn gốc ở tiếng ả-rập có nghĩa là "làm hòa bình". Như thế theo nghĩa đen, người hồi giáo là người "làm hòa bình" với Chúa.

Và sách của họ cũng là Kinh Thánh?

- Không, đó là sách Coran. Trong các chương sách Coran có rất nhiều đoạn tương tự với những đoạn của Kinh Thánh nhưng đó là một quyển sách hoàn toàn khác. Sách Coran là quyển sách của tiên tri Mohammed. Ông sinh năm 570 và chết năm 632 kỷ nguyên này. Đó là vị tiên tri lớn cuối cùng và đạo hồi là tôn giáo gần đây nhất trong các tôn giáo lớn của thế giới. Trước khi trở thành nhà tiên tri, Mohammed là một người đi buôn thường. Ông ở La Mecque và có cuộc sống đơn giản. Vào khoảng năm ông bốn mươi tuổi, lối ứng xử của ông thay đổi một cách hoàn toàn. Ông không ăn, ông bắt đầu đi lang thang. Ông có hàng loạt thị kiến trong một hang động ở trên núi vùng cao của La mecque.

Những biến cố này đã thuyết phục ông rằng chính Chúa nói với loài người qua trung gian của ông. Toàn bộ những lời Chúa mặc khải cho tiên tri Mohammed được viết và gom lại trong kinh Coran, có nghĩa là "đọc". Đối với người hồi giáo, Chúa diễn tả và cho chỉ dẫn trong quyển sách này. Như thế tiên tri Mohammed không phải là một người thần thiêng nhưng ông là người chuyển lại lời Chúa. Ông nói: "Tôi chỉ là người mang sứ điệp."

Sứ điệp đó là gì?

- Trước tiên và đứng đầu hết là lời khẳng định sâu đậm và đòi hỏi của đơn thần giáo. Chúa là duy nhất. Không có một cái gì ngang hàng. Không có một cái gì được phối hợp vào Chúa, không có một cái gì so sánh với Chúa. Chúa ở trên hết tất cả mọi sự, tuyệt đối ở trên hết tất cả các thực tế của loài người và của tự nhiên. Cái gọi là "tuyên xưng đức tin" của hồi giáo, cái phải tin để được làm người hồi giáo là phải nói rõ ràng: "Tôi xác nhận chỉ có một Chúa là Allah và Mohammed là sứ giả của ngài."

Còn Chúa Kitô? Người hồi giáo nhìn Chúa Giêsu như thế nào? Đối với họ, đó không phải là con Thiên Chúa?

- Không, không phải là con Thiên Chúa. Giêsu là sứ giả của Chúa, là người được gởi đến, là một nhà tiên tri và rất đáng kính. Nhưng cũng chỉ là một người. Đối với người hồi giáo, nghĩ rằng Chúa có một người con và người con đó làm người là rất chướng tai. Nhất là ý tưởng này ngược lại với sự kiện Chúa là Chúa duy nhất. "Chỉ có một Chúa" điều đó có nghĩa Chúa là duy nhất. Thêm một lần nữa, trước hết đạo hồi muốn nhắc lại hiệu lực của đơn thần giáo. Đây không phải là lần đầu tiên khái niệm một Chúa duy nhất được tuyên xưng! Nhưng con người lúc nào cũng quên đặc tính duy nhất và tuyệt đối này của Chúa. Họ lại không thấy, phải xác nhận lại, phải liên tục nói lại.

Vậy thôi?

- Trong một nghĩa nào đó, như thế là đủ! Nhưng một tôn giáo không thể nào xây dựng chỉ trên một xác nhận. Lời tuyên xưng đức tin mà chúng ta vừa nói là cột trụ đầu tiên của "năm cột trụ" của hồi giáo. Cột trụ thứ nhì là cầu nguyện. Trong ngày, người hồi giáo phải cầu nguyện năm lần, mặt hướng về La Mecque. Như thế họ sẽ nhớ Chúa hoài. Tôn giáo của họ đánh dấu các giai đoạn trong ngày gần như liên tục. Bởi vì không phải chỉ đọc các chữ và làm các hành vi một cách máy móc. Kinh Coran có nói "Bất hạnh cho ai đọc kinh mà lòng không ở đó."

Như thế cả cuộc sống của họ ở trong tôn giáo!

- Đúng như vậy. Đối với những người giữ đạo hồi, không có biên giới rõ rệt phân chia đời sống đạo một bên đời sống thường ngày một bên. Cột trụ thứ ba là bố thí. Người hồi phải cho người nghèo một phần của cải họ kiếm được. Nhưng quan trọng là họ làm mà không hy vọng được bù lại, không bất bình cũng không tự hào. Hai cột trụ cuối cùng là ăn chay và hành hương thánh địa La Mecque. Tháng Ramadan là tháng ăn chay, trong tháng này người hồi không ăn uống từ sáng sớm đến khi mặt trời lặn. Mỗi người hồi ít nhất đi hành hương La Mecque một lần trong đời.

Như thế chỉ có những chuyện cần phải làm!

- Chỉ bề ngoài thôi. Nghĩ rằng đạo hồi là một tôn giáo chỉ bao gồm một loạt "các chuyện phải làm" là sai. Thái độ bên trong tâm hồn mới thiết yếu. Con thấy đó, việc bố thí cũng như tháng Ramadan ăn chay và hành hương La Mecque. Không phải chỉ những hành vi mới đáng kể mà những hành vi này đi theo tinh thần và cũng là một cách "làm hòa bình". Thái độ này tiếng ả-rập gọi là ihsân, "hành động đẹp", phương cách để làm việc tốt, tìm được phần thưởng đền bù trong chính nội tâm của mình.

Ngày nay, có bao nhiêu người tin vào các tôn giáo này?

- Cần phải cẩn thận với các con số. Thực tế làm sao đếm? Người dân có sùng đạo không? Những người giữ đạo qua loa? Những người nói tin nhưng không giữ đạo? Những người sống trong một xứ sở mà nền văn minh thấm nhuần đạo này đạo kia? Thật là nhức đầu! Và thay đổi hoài. Theo ba thì điều này chẳng thật sự tốt. bởi vì các con số có thể làm người ta cạnh tranh nhau. Người ta sẽ hỏi ai đông ai ít, ai "thắng" ai "thua". Đó không phải là một quan điểm tốt.

Dù sao, các tôn giáo đơn thần mà người ta gọi là các "tôn giáo của Sách Thánh" thì chiếm đại đa số.

Có những tôn giáo Sách Thánh khác không?

- Không. Chỉ có ba tôn giáo lớn: do thái giáo, kitô giáo và hồi giáo. Có những tôn giáo khác tôn kính một quyển sách. Chẳng hạn ở Ấn, người xích tôn kính một quyển sách thiêng liêng. Ở Nhật, các phật tử của nhóm do thiền sư Nhật Liên sáng lập thời Trung Cổ cho rằng sách Pháp Hoa Kinh chứa đựng những điều thiết yếu cần phải hiểu để được giải thoát. Nhưng các chuyên gia về tôn giáo không có thói quen dùng thành ngữ "tôn giáo của Sách Thánh" để nói đến những trường hợp khác biệt này. Họ dành thành ngữ này để dùng cho do thái giáo, kitô giáo và hồi giáo.


3


Ai tin cái gì?

Về phía Á châu:

ấn giáo, phật giáo



Có phải những tôn giáo của Sách Thánh là những tôn giáo duy nhất có những bản văn mà người ta tin là đến từ Chúa không?

- Không phải dễ để trả lời một cách đơn giản câu hỏi này bởi vì người ta sẽ gặp một trường hợp đặc biệt. Ở Ấn Độ, có những bản văn thiêng liêng làm nền tảng cho một tôn giáo mà người Âu châu gọi là "ấn giáo". Sách Vệ Đà – tiếng phạn có nghĩa gần gần là "các hiểu biết" – trong ngôn ngữ thiêng liêng của An, đó là những bản văn rất xưa và ở Ấn người ta cũng xem đó là những bản văn được "mặc khải". Dưới mắt người ấn giáo, đây không phải là những bản văn do loài người sáng tác. Sách Vệ Đà cũng được các nhà hiền triết đầu tiên của Ấn "công nhận."

Và ai nói? Con cá là Chúa!

- Con không thắng cuộc đâu! Đương nhiên con nghĩ: "Nếu các bản văn này không do người viết thì nó phải có nguồn gốc thần linh." Đúng lô-gíc. Cũng không phải là sai: có một cái gì thần linh, siêu nhân, siêu nhiên trong nguồn gốc kinh Vệ Đà.

Như vậy là Chúa! Con nói không sai!

Nhưng con nói không có lý. Bởi vì không có một cái gì thực sự tương đương trong ấn giáo với ý tưởng một Chúa duy nhất, vĩnh cửu như trong các tôn giáo của Sách Thánh. Chúa không ở đây.

Có nhiều thần trong ấn giáo?

- Có và không…

Không rõ ràng rồi! Ba giải thích cho con hiểu thêm.

- Đúng, có nhiều thần. Mỗi vị thần có một truyền thuyết và có những đặc tính khác nhau. Các vị thần của Ấn Độ trải qua những cuộc phiêu lưu phi thường và chiến đấu chống với những loại quỷ sứ hoang đường. Thỉnh thoảng họ thay đổi hình dáng. Họ luôn luôn có những quyền lực ngoại hạng và thường có những vũ khí chưa từng ai có.

Dù vậy, người ta có thể nói các loại thần khác nhau này chỉ là những hình ảnh khác nhau của đấng Tối Thượng là đấng duy nhất! Như thế đây không phải là những vị thần thật sự khác nhau. Đứng trên quan điểm của người ấn giáo, đúng hơn đây là những mặt nạ, những bộ dáng bên ngoài, trên mặt. Đằng sau những mặt nạ này, dưới bề mặt này là "một cái gì" duy nhất, đấng Tuyệt Đối.

Như thế có nhiều vị thần giống như có nhiều nhân vật nhưng chỉ có một diễn viên duy nhất đóng tất cả mọi vai. Diễn viên này là Chúa!

- Con nhìn cũng khá đúng… Dù sao nói như thế cũng chưa đủ! Bởi vì đấng Tuyệt Đối trong ấn giáo không giống với cái gọi là "Thượng Đế" trong Kinh Thánh hay trong kinh Coran. Đấng Tuyệt Đối không tạo dựng vũ trụ. Không phán xét các linh hồn để gởi lên Thiên Đàng hay xuống Địa Ngục. Trong ấn giáo không có thiên đàng hỏa ngục. Và thế giới này, toàn thể vũ trụ thực chất chỉ là một ảo tưởng to lớn.

Điều đó muốn nói gì? Dù vậy chúng ta thực sự có thật!

- Thật sự không đến nỗi cực kỳ phức tạp nhưng điều này rất khác thói quen suy nghĩ của chúng ta, vì thế không nên dùng đôi mắt kính của chúng ta để nhìn các tôn giáo ở Ấn Độ. Khi chúng ta nói về "Thượng Đế", về "tôn giáo", về "cứu rỗi", về "giải thoát" là chúng ta đã có trong đầu những ý tưởng không phù hợp với Ấn Độ. Chúng ta hãy bắt đầu bằng ý tưởng có về Thượng Đế. Đối với người do thái giáo, kitô giáo, hồi giáo, Thượng Đế là thần khí vĩnh cửu. Ngài tạo dựng vũ trụ và vũ trụ vật chất này ở bên ngoài ngài. Ngài cũng tạo dựng con người. Ngài làm cho con người biết ý của ngài bằng cách chỉ dẫn các lề luật phải theo. Và Thượng Đế cho con người khả năng chọn lựa, con người có thể tuân theo hoặc không tuân theo lề luật. Con người có thể sống tốt hay không tốt, công chính hay không công chính. Tóm tắt, đó là một loạt các điểm chung của các tôn giáo Sách Thánh. Người ta có thể nói rằng Thượng Đế và vũ trụ tách rời nhau. Dù sao vẫn là tách biệt.

Còn ấn giáo không phải như vậy?

- Khá khác biệt. Trước hết, thế giới không được tạo dựng một lần nhưng nó được tạo dựng rồi phá hủy, rồi được tái tạo dựng… rất nhiều lần. Phải tưởng tượng có một hữu thể bao la khi thì thức khi thì ngủ. Đương nhiên mỗi "ngày" hay mỗi "đêm" có thể kéo dài hàng tỷ năm. Quan trọng là các xuất hiện và các biến mất của vũ trụ này nối tiếp nhau.

Tại sao lại quan trọng?

- Để hiểu cái khác biệt đầu tiên với cách nhìn của các tôn giáo đơn thần. Họ không có cùng một khái niệm về thời gian. Đối với người do thái giáo, kitô giáo và hồi giáo, thế giới là đường thẳng. Đường thẳng này bắt đầu từ ngày tạo dựng vũ trụ. Và nó kéo dài đến "khi tận chung", ngày Phán Xét cuối cùng có nghĩa là ngày tận thế. Đối với người ấn giáo, thế gian như một cái vòng. Vũ trụ sinh ra, lớn lên, rã ra và cuối cùng biến mất trước khi tái sinh, tái lớn lên, tái rã ra và tái biến mất lại… và cứ thế mà tiếp tục. Không ngừng, không một bắt đầu, không một kết thúc, không phải làm "một lần là xong."

Như thế thật sự không có một thế giới mà có nhiều thế giới!

- Đúng, chính xác như vậy: một chuỗi thế giới giống nhau. Các thế giới này có rất nhiều và tất cả đều đi qua những trạng thái giống nhau. Theo ấn giáo, lịch sử của vũ trụ và của nhân loại không phải được xây dựng lên một lần. Lịch sử này lặp lại. Đi qua đi về cùng những giai đoạn. Giống như một vòng quay.

Con hiểu cái cách suy nghĩ về thế giới. Nhưng nó không thay đổi về Chúa?

- Con có lý, người ta có thể tưởng tượng Thượng Đế cũng là một Thượng Đế. Mỗi lần làm sai ngài lại tạo dựng lại nhiều lần. Nghe thì có vẻ kỳ cục nhưng cũng có thể tưởng tượng được. Dù vậy đó cũng không phải là tư tưởng của ấn giáo. Tư tưởng trọng tâm của ấn giáo là thế giới này như một loại giấc mơ của Thượng Đế.

Nhưng giấc mơ thì không ở trong một người! Chỉ có trong đầu, không có trong thực tế!

- Đương nhiên. Nhưng con thử tưởng tượng đi, giống như trong một trò chơi, con và ba là những nhân vật của một giấc mơ. Chúng ta, cái bàn, cái ghế, cái nhà, tất cả những gì chung quanh chúng ta chỉ có mặt trong giấc mơ của một trí tuệ mênh mông. Như thế con sẽ nói gì bây giờ?

Trước hết phải hy vọng trí tuệ làm giấc mơ này đừng thức giấc! Mình sẽ biến mất tất cả!

- Đồng ý. Cứ hy vọng! Nhưng chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về ý tưởng này. Đương nhiên ý tưởng này có vẻ như rất lạ kỳ và điên cuồng. Dù vậy chúng ta cũng tiếp tục. Nếu thế giới này là giấc mơ của một trí tuệ lớn lao, vậy thì mọi sự chỉ tồn tại trong giấc mơ này, đúng không?

Đúng, cả cái nghèo khổ và chiến tranh.

- Tất cả đều ở trong trí tuệ lớn lao này! Cả chúng ta! và nếu trí tuệ lớn lao này là Thượng Đế thì kết luận là gì?

Là… chúng ta ở trong Chúa! Dù vậy chúng ta không phải là Chúa!

- Chúng ta hãy tiếp tục, phong cảnh sẽ đổi khác. Chúng ta quên đi một lúc câu chuyện giấc mơ của Thượng Đế. Trong các tôn giáo mà chúng ta nói vừa qua, cuối cùng, cái điều nổi bật là các ý tưởng "chia cắt" và "nối kết". Thượng Đế và con người xa cách nhau. Thượng Đế là tinh thần, vũ trụ là vật chất. Con người là cả hai, vừa tinh thần vừa vật chất, tâm hồn và thể xác. Và vì thế có những tôn giáo, để vượt lên sự chia cắt này đã nối kết con người lại với Thượng Đế. Cũng một cách này, con người tách ra người này người kia, trong nghĩa con người là những cá thể đặc biệt. Và những cá thể khác nhau này phải sáng chế ra các cách để nối người này lại với người kia: tình yêu, tình bạn, tình đoàn kết.

Trong ấn giáo, việc làm sáng tỏ này thì khác. Người ta sẽ đi ngược lại và xác nhận rằng không có chia cắt. Thay vì khởi đầu từ một tình trạng mà mỗi người, mỗi vật tách rời nhau và con người xây một cái cầu để nối người này người kia lại với nhau thì ấn giáo sẽ chứng minh các chia cắt này chỉ là những ảo tưởng, ảo ảnh.

Nhưng tại sao lúc nào cũng có ý tưởng là giấc mơ? Chúng ta có thật mà!

- Trong một bản văn danh tiếng của Ấn Độ có một cảnh người thầy nói người đệ tử nhìn cái cây đàng xa. Và người thầy nói với đệ tử đang nhìn cái cây: "Con là cái đó." Rồi ông chỉ con ong, ông lại nói: "Con là con ong". Cứ như thế rất nhiều lần. Công thức "Con là cái đó" ở Ấn gọi là "lời thánh" có nghĩa là không có chia cắt, không có khác nhau căn bản giữa con người, sự vật và súc vật.

Nhưng con không phải là ba! Và ba cũng không phải là con ong! Con cũng không phải là cái cây! Mấy câu chuyện này là cái gì vậy?

- Đó chỉ là một cách để làm cho mình suy nghĩ thế nào là chia cắt, những chia cắt này chỉ có thể là hình thức bên ngoài. Đương nhiên con là con, ba là ba, con ong là con ong, cái cây là cái cây. Nhưng đối với ấn giáo, tất cả những điều đó có thể là Thượng Đế, là đấng Tuyệt Đối. Trong trường hợp này, các khác biệt, các chia cắt, các khoảng cách không bị loại bỏ ngay lập tức. Nhưng nó xuất hiện như những ánh phản chiếu trên nước chứ không phải là những thực tế rắn chắc.

Tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này có vẻ như được cấu tạo bởi cả đống chuyện nhưng thật sự chỉ là một chuyện phải không?

- Đúng, đúng như thế! Chuyện đó là đấng Tuyệt Đối. Người ta có thể nói đó là Thượng Đế nhưng với điều kiện phải thấy ý tưởng Thượng Đế này khác với ý tưởng Thượng Đế của người do thái, người kitô và người hồi giáo. Không phải một Thượng Đế khác với vũ trụ.

Theo ấn giáo, chúng ta không khác với Thượng Đế?

- Không! Đối với người ấn giáo chúng ta phải làm sao hiểu rằng chúng ta cũng chính là Thượng Đế. Chúng ta sai lầm khi nghĩ rằng mình là những cá nhân tách biệt. Ngay khi chúng ta thật sự ý thức là tinh thần của chúng ta nối kết với toàn vũ trụ thì chúng ta đi ra khỏi các giới hạn của mình.

Nhưng mình không thể nào làm bay đi cái thân xác! Con không hiểu điều này muốn nói cái gì?

- Vậy thì chúng ta hãy thử tưởng tượng một cách khác. Con tưởng tượng những giọt nước. Tròn, từng giọt tách rời nhau như khi con thấy nó nơi vòi nước. Từng giọt nước tách biệt giọt này giọt kia. con tưởng tượng mỗi giọt nước này là một người, một người như con và ba. Con có thể thấy đời sống của những giọt nước này một cách khác nhau. Nếu người ta tưởng tượng những giọt nước này có một đời sống vĩnh cửu, chẳng hạn chúng có thể cứ là những giọt nước độc lập này mãi mãi giống như tâm hồn của từng người. Nhưng người ta cũng có thể nghĩ nếu dội một luồng nước trên các giọt nước này và chúng tuôn ra biển. Khi giọt nước vào trong biển thì nó có biến mất không?

Không, đương nhiên!

- Không đương nhiên như vậy. Nó biến mất vì nó riêng lẻ vì nó hòa vào nước của biển cả. Người ta có thể nói giọt nước trở thành mênh mông. Nó trở thành cả đại dương. Tóm lại, không có hàng rào, không có phân chia, không có chia cắt.

Vậy thì sao?

- Vậy thì nếu chúng ta là những giọt nước, chúng ta có thể muốn giữ mãi là những giọt nước tròn, cá thể. Điều này giống như ý tưởng tâm hồn vĩnh cửu: tâm hồn sống vô tận một cách riêng biệt. Ngược lại, nếu chúng ta muốn hợp với đại dương thì chúng ta hòa mãi mãi trong biển cả mênh mông này, đó là người ấn giáo muốn như vậy.

Họ muốn có đời sống vĩnh cửu?

- Nhưng không giống như cách của người kitô và hồi giáo. Bởi vì khái niệm về cuộc đời của họ cũng khác nhau. Đối với người kitô và người hồi giáo, khi một người sinh ra, theo một nghĩa nào đó, họ không chết nữa. Thể xác của họ ngừng sống nhưng tâm hồn họ (giọt nước tròn) sẽ sống mãi mãi. Đời sống mãi mãi này có thể là một hạnh phúc vô biên. Theo người kitô và hồi giáo, ý tưởng sống mãi mãi, được Chúa thưởng là phương cách chính để họ chịu đựng những khó khăn của cuộc đời.

Ngược lại, theo nền văn minh Ấn Độ, ý tưởng sống vĩnh cửu làm họ nản chí. Bởi vì họ cho rằng sống là đau khổ dù có người sống thật hạnh phúc nhưng người đó cũng có những giây phút buồn bã. Và nhất là đối với họ, thời gian là một vòng quay, đời sống chúng ta cứ xoay kế tiếp nhau, giống như các điểm khác nhau của một vòng quay.

Mình tái sinh bao nhiêu lần?

- Cứ cho là… ngàn lẽ một lần! Theo người ấn giáo, mỗi đời sống của con tùy vào những gì con làm ở đời sống trước. Nếu con làm tốt thì con sẽ được hạnh phúc hơn, có một đời sống khá hơn. Nếu con làm xấu, con sẽ tái sinh làm người nghèo, người bệnh và có khi làm súc vật. Chuỗi kế tiếp của các đời sống có lúc lên cao lúc xuống thấp. Khi còn tái sinh thì cái vòng này bất tận. Lúc nào cũng có ít nhiều đau khổ. Vì thế ý tưởng "đời sống vĩnh cửu" là ý tưởng khủng khiếp ở Ấn!

Làm sao thoát ra được?

- Phải tránh sự sống!

Chết!

- Không. Không tái sinh! Không phải cùng một chuyện. Những người được "giải thoát" không tái sinh. Họ được tách ra khỏi vòng sinh tử. Cũng như họ thoát ra được vòng thời gian.

Vậy thì họ đi đâu?

- Mình không biết vì không thể nào suy nghĩ được điều này. Khi một giọt nước ở trong biển cả, giọt nước ở đâu?

Và làm sao mình được giải thoát?

- Bằng cách diệt ham muốn, không bám vào những chuyện phù du, hiểu rằng chúng ta không tách ra khỏi đấng Tuyệt Đối.

Người phật tử cũng vậy sao?

- Trên điểm này, đúng, các ý tưởng của phật giáo và ấn giáo có nhiều điểm giống nhau. Không hoàn toàn giống nhau nhưng cùng một gia đình.

Vậy thì đâu là những điểm khác nhau?

- Đúng hơn phật giáo là một lối sống khôn ngoan, sau đó mới biến thành một tôn giáo. Ba thử giải thích cho con như vậy. Khôn ngoan không bắt buộc phải buồn bã! Đối với trẻ con "ngoan đi" có nghĩa là "ở yên, đừng làm những gì con muốn". Không hấp dẫn! Chữ này đối với người phật giáo có nghĩa đó là một cách để hiểu thế giới này, cho phép mình thay đổi các ước muốn, thay đổi cuộc đời. Ý tưởng khôn ngoan không bao gồm ý tưởng của một thế giới thần thánh hay lời Chúa mặc khải cho loài người. Vì thế một nền khôn ngoan không phải là một tôn giáo.

Nói phật giáo là một nền khôn ngoan sau đó trở thành một tôn giáo là có ý muốn nói gì? Đức Phật không bao giờ cho mình là một vị thần. Cũng không bao giờ nói ngài là sứ giả hay người được Thượng Đế gởi xuống. Đó là điểm khác biệt đầu tiên đối với các tôn giáo Sách Thánh. Mai-Sen nhận mười điều răn từ Chúa; Giêsu nói mình là Con của Chúa; tiên tri Mohammed là sứ giả của Chúa; sách Vệ Đà của ấn giáo không do loài người làm. Riêng Đức Phật là một người, chỉ là một người, ngài không tự cho mình là người truyền đạt lời được mặc khải. Ngài cho thấy một phương pháp để chấm dứt đau khổ và nói: "Đừng tin vào lời tôi! Hãy tự mình chứng nghiệm!"

Ngài sống vào thời nào?

- Người ta biết ngài sống vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên cùng thời với triết gia Socrate của hy lạp. Gautama – sau này ngài có tên là "Bụt" có nghĩa là người "Tỉnh Ngộ" – sống ở Ấn Độ, bên bờ sông Gange. Theo truyền thuyết ngài là con của một vị vua. Vua có một vương quốc nhỏ và rất bảo vệ hoàng tử. Vua muốn nuôi dạy con mà không cho con biết các đau khổ của trần gian. Hoàng tử sống trong nhung lụa sang trọng với áo quần đẹp, dầu thơm, âm nhạc nhưng không được đi ra khỏi hoàng cung. Một ngày nọ, chàng chiến sĩ trẻ – Đức Phật – quyết định đi ra khỏi hoàng cung…

Dù vua cha cấm?

- Đúng, và ngài gặp ba chuyện làm ngài khám phá ra người ta đã giấu ngài cho đến giờ này: bệnh tật, già nua, chết chóc. Ngài hiểu đây là những chuyện không thể nào tránh được. Và thế là ngài khám phá ra sự đau khổ của đời sống con người. Điều này làm cho ngài muốn đi tìm một phương cách để tránh đau khổ. Ý tưởng trọng tâm của phật giáo là chấm dứt đau khổ. Làm sao để không còn đau khổ? Đó là điểm khởi đầu. Làm sao có thể loại bỏ bệnh tật, già nua và cái chết, phải tìm một phương cách để những điều này ngưng làm chúng ta đau khổ.

Và thế là Gautama rời hoàng cung. Ngài từ giã vợ con vì ngài đã lập gia đình và có một con còn nhỏ. Ngài quyết định không làm chiến sĩ nữa. Ngài cắt bóc, bỏ con ngựa yêu quý và sống đời sống ẩn tu, có nghĩa là sống đơn độc, chuyên suy gẫm. Ngài sống gần các nhà hiền triết, họ khuyên ngài phải hy sinh và không ăn uống gì. Truyền thuyết kể ngài chỉ ăn mỗi ngày một hạt gạo. Nhưng ngài nhận thấy đời sống khắc nghiệt này không phải là một giải pháp tốt. Không phải tự hành hạ mình mà làm cho mình khỏi đau khổ! Như thế ngài đã từ giã hoàng cung sang trọng của cha mẹ, bây giờ ngài cũng từ giã các vị thầy có lối sống khắc khổ. Ngài muốn tìm cho mình một đường đi riêng.

Con thấy đó, thật là khác với các tôn giáo mặc khải. Không có thần, không có ý Chúa, không có lời Chúa. Một người, một mình, qua suy gẫm thử đi tìm thế giới này vận hành như thế nào và bằng con đường nào để thoát khổ. Ngài quyết định ngồi dưới gốc cây bồ đề, bất động cho đến khi tìm được giải pháp. Chính lúc đó ngài biết được Ngộ. Ngài trở thành người Đạt Ngộ, "Bụt". Ngài hiểu từ đâu có đau khổ và làm sao ngừng đau khổ.

Một ý tưởng ma-gíc!

- Đúng, con có lý. Cũng giống như ma thuật, bởi vì, bỗng nhiên ngài hiểu tất cả, ngài hiểu cách tổ chức thế giới này. Nhờ vào hiểu biết này, ngài có thể tìm ra con đường để tránh đau khổ.

Con đường nào?

- Nếu chúng ta đau khổ là vì chúng ta mong muốn những chuyện không lâu dài. Nếu chúng ta muốn trẻ, tuổi trẻ không kéo dài. Muốn đẹp mãi, sắc đẹp qua đi. Sống mãi, sẽ chết một ngày. Như thế chúng ta bám dính vào những chuyện chóng qua bên ngoài, chúng ta đau khổ vì chúng biến mất. Nếu chúng ta bỏ được bám dính, giữ một khoảng cách thì chúng ta không còn đau khổ nữa. phương cách để buông bỏ – bởi vì quyết định thôi cũng chưa đủ! – là phải có một cách sống mà Bụt gọi là "chánh đạo" trong quan hệ với người khác, trong quan hệ với chính mình. Đó là con đường trung dung: không quá căng không quá chùn. Như dây đàn vỉ cầm: quá căng thì đứt, quà chùn thì không ra tiếng. Như vậy trong quan hệ với sự việc, với người khác, với chính mình phải theo "con đường trung dung", đi giữa bám dính và từ chối bám dính.

Không giống gì với một tôn giáo!

- Đúng vậy, chưa giống. Những gì ba nói từ nãy giờ về phật giáo là phật giáo gợi ra một lối sống đặc biệt, một khôn ngoan, gần như một triết lý nhưng không thật sự là một tôn giáo. Đừng quên một yếu tố quan trọng trong phật giáo là lòng trắc ẩn. Một loại thương xót người khác, thương xót tất cả mọi hình thức của cuộc sống đau khổ. Làm nhẹ nỗi đau của người nghèo, người yếu, không lợi dụng sức mạnh của mình, không sống ích kỷ, nhường nhịn người khác, đoàn kết với tất cả những người khốn khổ, đó là những nét chính của lòng trắc ẩn. Tất cả các tôn giáo đều có chiều hướng này, tất cả đều đặt giá trị cho lòng: tận tâm, bác ái, tương trợ.

Trong phật giáo, lòng trắc ẩn này trải rộng ra đến mọi hình thức của sự sống, kể cả súc vật. Có một câu chuyện cổ tích cho trẻ con, trong câu chuyện này Bụt gặp một con sư tử cái không có sữa cho con uống, cũng không tìm ra thức ăn, các con của con sư tử sắp chết. Động lòng thương, Bụt để con sư tử ăn thịt mình! Đương nhiên đây chỉ là một câu chuyện nhưng nó cho thấy lòng trắc ẩn trong đạo phật không chỉ giới hạn cho con người mà thôi.

Cuối cùng, đạo phật cũng là một tôn giáo?

- Đúng, nhưng phải nói sự kiện xảy ra như thế nào. Khởi đầu, Bụt xây dựng một cộng đồng, cộng đồng này không hẳn là một cộng đồng tôn giáo theo nghĩa thông thường của chúng ta. Các tu sĩ có một lối sống nghiêm nhặt. Họ đi ăn xin để sống, họ không có cái gì hết ngoài bộ áo quần, họ để hết tất cả thì giờ để suy gẫm. Nhưng họ không đọc kinh. Họ cũng không có một buổi lễ nào. Dù đó là những yếu tố quan trọng để có thể nói về một tôn giáo! Hơn nữa, lúc mới đầu chỉ có các nhà sư mới được gọi là phật tử. Dân chúng không phải là tu sĩ thì ở bên ngoài. Họ có thể nuôi ăn các nhà sư chứ không làm gì thêm hết!

Thời gian làm thay đổi dần dần. Trong toàn Á châu, các người cha gia đình, các nông dân, các người đi buôn đều thành phật tử đến độ các nhóm tu sĩ ngày càng nhiều và càng có ảnh hưởng. Dân chúng bắt đầu niệm phật cho công việc, cho mùa màng, cho gia đình họ. Các tu viện mở rộng. Họ bắt đầu có đất đai. Đôi khi họ cũng có những gia sản rất giàu có. Các người ăn xin trở thành chủ nhân! Ở một vài điểm, cuộc cách mạng này cũng giống như cuộc các mạng của đạo công giáo vào thời Trung Cổ ở Âu châu. Các tu sĩ phật giáo bắt đầu tổ chức những buổi lễ cho dân chúng, các nghi lễ với lời tụng kinh, nhang trầm, của lễ, hoa quả dâng lên Bụt. Phật giáo dần dần biến đổi thành một tôn giáo. Và người ta còn xem Bụt như một đấng thần linh, siêu tự nhiên.

Nhưng ngài chỉ là một người!

- Chắc chắn nhưng trong lịch sử loài người, người ta thấy sự thay đổi vị trí rất thường. Qua bao nhiêu thế kỷ, ở trong tất cả mọi xứ, những ai chịu đựng đau khổ đều muốn ngừng đau khổ. Chữa lành một em bé sắp chết, tránh một tai nạn đang đe dọa, ngừng một cuộc chiến đang hoành hành, đó là những hy vọng của con người. Thường thường, giải pháp thì ở quá tầm sức của chúng ta. vậy thì nhờ ai giúp đỡ? Nhờ ai để cái không thể biến thành cái có thể? Con người cầu cứu một lực ở cao. Họ cầu nguyện, họ van xin. Và nếu đứa bé được chữa lành, tai nạn được tránh, chiến tranh chấm dứt, họ tạ ơn. Và đó, dù muốn dù không, nó thuộc vào lãnh vực tôn giáo.


Để kết luận


Nhiều tôn giáo,

một tôn giáo

hay không có tôn giáo nào?



Ba nghĩ là mình đã nói hết tất cả chưa?

- Ồ không! Chúng ta đã làm một con đường. Nhưng cũng còn rất nhiều giải thích khác. Người ta có thể đi lại con đường của chúng ta và thêm vào đó khối chuyện. Trong từng tôn giáo, có hàng loạt tín ngưỡng khác nhau. Chúng họp thành như từng nhóm gia đình. Nếu người ta muốn giải thích nhiều hơn, chẳng hạn phải nói chính xác những khác biệt đã có sẵn trong do thái giáo giữa những người sépharades bị đuổi khỏi Tây Ban Nha năm 1492 là những người do thái Bắc Phi và những người ashkénazes là những người Đông Âu. Trong kitô giáo thì phải kể đến Giáo Hội chính thống tách rời khỏi Giáo Hội công giáo năm 1000 và ngày nay họ ở Nga và nhiều nước Đông Âu. Nơi những người theo đạo tin lành thì phải phân biệt giữa giáo phái luther và giáo phái calvin, giáo phái ba-tít. Nơi người hồi giáo thì phân biệt người sunnite và người chiite.

Như vậy, chẳng bao giờ chấm dứt!

- Nếu là lãnh vực hiểu biết thì chẳng bao giờ hết! Quan trọng là bắt đầu định hướng. Ở ấn giáo còn phải phân biệt người vishnouiste, đệ tử của thần Vishnou và người shivaite, đệ tử của thần Shiva. Nơi người phật tử thì còn phân biệt "Tiểu Thừa" và "Đại Thừa", hai nhánh khác nhau của phật giáo. Rồi còn phải nói đến Phi châu, giải thích những ý tưởng rất vi tế rằng các tôn giáo truyền thống ở phi châu mặc cho cái chết, thể xác và thiên nhiên tâm hồn con người. Rồi ở Nhật Bản, việc thờ phượng tổ tiên và tôn giáo truyền thống shinto. Ở Trung Hoa, khổng giáo, minh triết do Khổng Tử để lại và lão giáo…

Ba đừng đi nhanh quá, còn zen nữa! (cười)

- Zen, đúng là cái mình cần phải nhắc đến, phải giải thích, đó là một hỗn hợp phát triển ở Nhật giữa lão giáo ở Trung Hoa và phật giáo ở Ấn Độ…

Ba ngừng lại! Ba sẽ làm một bộ bách khoa sau đi!

- Và nếu người ta tìm thấy ở đây cả "ngàn" tôn giáo mà từ đó chúng ta đã bắt đầu. Và nếu người ta nói ngược lại, chỉ có một? Dù cho bề ngoài có rất nhiều thể loại tôn giáo, trên thực tế, người ta có thể nói tất cả các tôn giáo đều nói đến một chuyện. Mình có thể tưởng tượng, "trong sâu thẳm" các tôn giáo đều giống nhau. Như những con đường khác nhau nhưng tất cả đều khởi hành cùng một chỗ hoặc tất cả đều đến cùng một đích. Ý tưởng này không mới lạ. Nó vẫn thường xuyên được phát triển.

Có cả một tôn giáo phát triển khởi từ ý tưởng này! Đó là tôn giáo Baha'is vừa xuất hiện cách đây một thế kỷ và ngày nay có rất nhiều tín đồ ở nhiều nước trên thế giới. Tôn giáo này xác nhận tất cả tôn giáo đều họp lại chung quanh cùng một lý tưởng là công chính, huynh đệ và tôn trọng từng cá nhân. Và những gì làm các tôn giáo gần nhau thì quan trọng và sâu xa hơn là những gì làm họ chống nhau. Dù cho văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống của họ khác nhau nhưng sứ điệp chính của tất cả các tôn giáo trong sâu thẳm vẫn giống nhau.

Chắc rồi! Nhưng sứ điệp là gì?

- Về phần ba, ba không chắc là cách nhìn này đúng! Nhưng đương nhiên đó là một cách nhìn làm cho mình yên tâm. Tất cả mọi người đều đồng ý về điều thiết yếu. Các tranh cãi sẽ là những sai lầm hoặc những điều nói quá. Dù vậy, theo ba hình như giữa các tôn giáo vẫn có những chống đối mà người ta không dễ gì tẩy xóa một cách dễ dàng. Có tôn giáo xây dựng trên ý tưởng Thượng Đế là đấng sáng tạo và phán xét, có tôn giáo thì không để ý đến ý tưởng này. Chắc chắn các tôn giáo dù rất khác nhau vẫn có thể học hỏi để tôn trọng nhau, cùng tồn tại với nhau, cùng sống chung với nhau một cách khoan dung và thông hiểu. Nhưng các tôn giáo không thể giải tán để họp lại thành một tôn giáo lớn của hoàn vũ.

Sẽ là một hỗn hợp kỳ lạ!

- Cũng có một cách nghĩ khác là tất cả các tôn giáo khác nhau bổ túc cho nhau.

Giống như các mẫu của trò chơi ráp hình puzzle?

- Đúng, một cách so sánh hay! Tưởng tượng mỗi mẫu puzzle đều có hình thức riêng của nó nhưng nó lồng vào nhau. Các mẫu ráp chung lại với nhau cho một hình ảnh rất khác với từng mảnh rời. Dù các tôn giáo không bổ túc cho nhau một cách chính xác như các mẫu puzzle nhưng người ta cũng có thể tưởng tượng nếu họ xích lại gần nhau thì họ sẽ có những khía cạnh bổ túc cho nhau.

Dù sao theo ý con, sống mà không có tôn giáo thì không thể được.

- Cái đó cũng tùy. Nếu con nói đến đời sống của một người, thì có thể được. Rất nhiều người sống mà không tin vào ở một tôn giáo nào ngay cả không thắc mắc là có tôn giáo hay không. Nhưng nếu con nói đến toàn nhân loại thì ba đồng ý với con. Theo ba thì gần như nhân loại không thể sống mà không có một tôn giáo nào.

Tại sao?

- Vì hai loạt lý do. Lý do đầu tiên là ở "trong đầu." Luôn luôn có và theo ba, sẽ luôn luôn có, nơi con người, một sự lôi cuốn về một cái gì vượt quá nó. Trong tinh thần, trong quả tim mình, chúng ta có một quan hệ nào đó với vô tận. Ít nhiều chúng ta cảm nhận điều này nặng nhẹ nhưng không bao giờ chúng ta không có cảm nhận này. Trọng tâm của tất cả các tôn giáo, chắc chắn là có trải nghiệm lôi cuốn về vô tận này. Chúng ta thấy nó ở trong chính con người mình, một cách độc lập với tất cả hệ thống tín ngường.

Loạt lý do thứ hai liên hệ đến "bên ngoài cái đầu." Con có nhận xét thấy không? Khắp nơi, các lễ lạc tôn giáo lúc nào cũng đi theo những giây phút quan trọng trong đời: ngày sinh, ngày ra khỏi tuổi ấu thơ, đám cưới, ngày chết. Đương nhiên đây không phải là chuyện tình cờ. Từng nhóm, từng xã hội đi theo từng con người khi họ mới chào đời, khi họ truyền sự sống, khi họ từ giã cuộc đời.

Theo ba, hai loạt lý do này không thể biến mất. Tôn giáo có thể thay đổi, có thể có dưới các dạng khác nhau, nhưng các tôn giáo vẫn tiếp tục tồn tại. Đó là chuyện dĩ nhiên.

Vậy thì là người vô thần là không thể được!

- Chắc chắn được chứ! Cẩn thận con đừng lầm " vô thần-athée" và "không thể biết được-agnostique".

Agnostique-không thể biết được (agnostique – tiền ngữ a trong tiếng hy-lạp có nghĩa là "không", và gnosis là "biết"), là không có tôn giáo, không có ý kiến, nghĩ rằng không thể nào biết được sự thật trong lãnh vực tôn giáo. Đây là một thái độ ngày càng phổ biến rộng từ hai trăm năm nay trên thế giới.

 Vô thần là một chuyện khác (athée cũng là một chữ hy lạp, a là "không", théos là "thần"), nhưng nó mang một xác tín rất mạnh. Vô thần là không tin có Thượng Đế. Và đó cũng là một hình thức tín ngưỡng! Đương nhiên, đây là tín ngưỡng ngược lại với nhiều tôn giáo lớn. Nhưng không bắt buộc nó có một nghĩa tiêu cực về cảm nhận vô tận cũng như từ chối mọi lễ lạc. Thường thường người ta còn nghĩ vô thần là thái độ ích kỷ, không đạo đức, tuyệt vọng hoặc cả ba thái độ cùng một lúc! Vì những người có tôn giáo bắt buộc phải bác ái, quãng đại! Nên những người vô thần buộc phải vô cảm, không có quả tim! Người ta có thể tin không có Thượng Đế nhưng người ta vẫn thương người khác, vẫn tỏ tình đoàn kết với những người gặp khó khăn. Và người ta cũng có thể rất mộ đạo nhưng vẫn ích kỷ!

Con, con nghĩ con người không thể nào vô thần được bởi vì ai cũng có một cách để suy nghĩ làm cho mình có một lòng tin. Theo con, khi người ta tin vào Chúa hay vào Bụt, họ thực hiện cho họ một hình ảnh toàn hảo mà họ không muốn, cũng không biết điều đó.

- Cuối cùng, trong tôn giáo cũng như trong tất cả các chuyện thiết yếu, đương nhiên lúc nào cũng có điều tốt nhất, điều tệ nhất.

Điều tệ nhất, chẳng hạn có thể là ngu xuẩn, u minh, tinh thần hẹp hòi, từ chối mọi phê bình, mọi thảo luận, tin chắc mình có lý, chỉ có một mình nắm được chân lý. Và như thế dẫn đến cố chấp không khoan dung, cuồng tín, dị đoan.

Điều tốt nhất là bác ái, trắc ẩn, đoàn kết, khoan dung, tôn trọng người khác. Và cũng là có ý chí để làm điều tốt, ý nghĩa của công chính, ý thức cuộc sống tốt đẹp. bao nhiêu là chuyện tốt đẹp!

Người ta không bao giờ giữ những điều tốt nhất được sao?

- Có thể được nhưng không phải là chuyện dễ dàng. Bởi vì chung chung trong đời sống con người, người này không thể nào sống mà không có người khác. Sắp tới đây sẽ có người bằng tuổi con, rồi sau này sẽ có người bằng tuổi con của con, cứ thế mà thay đổi. Và ba mong có ngày các con sẽ làm được. Ba mong rồi cuối cùng các con sẽ xây dựng một thế giới mà tất cả các tôn giáo, kể cả các người không tôn giáo sẽ học để cùng sống chung với nhau: một quả đất tự do.

Ngày xưa, các tôn giáo không để cho con người tự do, bởi vì sinh ở đâu phải theo tôn giáo ở đó. Chọn lựa là điều không thể được. Không có chuyện thay đổi tôn giáo, cấm không được ở ngoài tôn giáo, không được phối hợp nhiều tôn giáo. Bây giờ, dễ dàng để so sánh, để suy nghĩ, để tham khảo về các tôn giáo khác nhau, để tìm tôn giáo nào hợp với mình, để chọn lựa sống với tôn giáo đó.

Ba, con muốn hỏi ba một câu hỏi chót: theo ý ba, con có nên có một tôn giáo không?

- Không ai biết được điều đó, trừ… 

Trừ ai?

- Chính con!


Lời cám ơn


Chúng tôi cám ơn sự hỗ trợ ở nhiều mặt khác nhau của các bạn để giúp cho việc chuẩn bị xuất bản quyển sách này. Chúng tôi ghi ra đây danh sách theo thứ tự mẫu tự:

Laura Atran-Fresco, Tatiana Atran-Fresco, Paul Audi, Janie Bénas và nhóm nhà tranh Cala di Sole, Tahar Ben Jelloun, Claude Cherki, Fabienne Droit-Galimard, Nadine Fresco, Gabrielle Gelber, Yvette Gogue, Jean-Claude Guillebaud, Roland jaccard, Maurice Olender, Françoise Peyrot, François Rachline, Jean-Louis Schlegel.

Qua lời khuyên, qua lòng tin tưởng, qua tình bạn, qua tình trìu mến tất cả đã giúp chúng tôi rất nhiều.

Đương nhiên tác giả vẫn là người chịu trách nhiệm về nội dung và hình thức cuối cùng của quyển sách.

Marie Droit-Galimard và Roger-Pol Droit






—oOo—


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét