Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

TH

THÁNH EDITH STEIN

                      Nữ tu dòng kín Cát Minh



                                                          Tác giả: Maria Amata Neyer


BRESLAU

Chúng ta hiện hữu ở trần gian
là để phục vụ nhân loại…

Thế giới thời thơ ấu của Edith Stein là Breslau, thủ đô Silesie, trung tâm kinh tế và văn hóa của Đông Đức. “Tôi, ký tên dưới đây là Edith Stein, ái nữ của thương gia quá cố Siegfried Stein và vợ ông ấy là Auguste  Courant, Tôi sinh ra tại Breslau ngày 12 tháng 10 năm 1891. Tôi là công dân Phổ gốc Do thái”. 

Bố mẹ Edith Stein kinh doanh ngành gỗ. Họ đến lập nghiệp ở Breslau vào những năm 1889-1890 để mở mang việc làm ăn. Auguste và Siegfried có được  mười một người con trong đó bảy người đã đến tuổi trưởng thành. Sau khi Edith chào đời ít lâu, bố chị qua đời. Là một phụ nữ có đầu óc và năng lực, giàu tính độc lập và kiêu hãnh, Auguste Stein nắm trọn quyền điều khiển và biến đổi doanh nghiệp từ trạng thái nợ nần thành một doanh nghiệp đáng nể. Là người phụ nữ Do thái đầy xác tín, bà đã điều hành gia đình sống trung tín theo luật Mô-sê; tuy nhiên, bà không thành công trong việc truyền lại nền linh đạo phong phú của Do thái giáo cho con cái bà. 

Là cô gái cưng của mẹ lại được các chị che chở nuông chiều, Edith đã trải qua một thời thơ ấu thất thường. Khi thì cô bé tỏ ra lanh lợi huyên thuyên, lớn trước tuổi và hay tò mò, khi thì mộng mơ khép kín và đầy khắc khoải. Tư chất dĩnh ngộ, cô bé tỏ ra chán ghét nhà trẻ nhưng lại rất thích trường học. Năm 14 tuổi, Edith tình cờ ngưng học nhưng hai năm sau lại tiếp tục học với niềm hăng say mới, cố theo học lớp dạy riêng và trở về lại trường trung học để rồi tốt nghiệp vào năm 1911 với kết quả thi rất xuất sắc.

 

Sau này Edith có thú nhận về việc chán học  của chị như sau: “Tôi chán ngấy việc học hành"… Điều này phát sinh do sự hoang mang của tuổi dậy thì cũng như do những câu hỏi hiện sinh bắt đầu khơi dậy trong tâm trí Edith. Cô thiếu nữ cảm thấy cần phải có một điều gì mới mẻ. Cô cảm thấy một cách hết sức chắc chắn, cái chắc chắn mà thiên hạ sẽ thường nhìn thấy nơi Edith sau này. Mà muốn trở thành một cái gì khác, phải đến sống ở một nơi khác! Thế là Edith đã đến Hambourg sống với người chị cả đang sắp sinh đứa con thứ hai và đang có rắc rối trong cuộc sống hôn nhân. Một năm sau, Edith quay lại Breslau, chín chắn như một phụ nữ trẻ. Kể từ nay đối với chị  vấn đề tôn giáo như đã được giải quyết xong: “hoàn toàn ý thức và bằng một quyết định tự do", Edith từ bỏ đức tin của mình. 

Thời gian tạm gián đoạn việc học này không những chuẩn bị cho Edith dễ dàng vững bước hơn trong những năm trung và đại học ở Breslau về sau mà còn làm thay đổi hoàn toàn vị trí của chị trong gia đình: Cô út giờ đây đã trở thành một thiếu nữ, một bà chị trưởng thành! 

Dần dà, Edith đã để cuộc sống gia đình qua một bên. Mọi người trong gia đình đều cảm thấy đau khổ vì sự việc ấy, ngọai trừ Edith. Chị ôm ấp một dự định cho cuộc đời được tóm tắt trong câu: “Chúng ta hiện hữu ở trần gian này là để phục vụ nhân loại”. Lý tưởng đạo đức của chị rất cao vời. Edith dưỡng nuôi trong lòng ý thức cao độ về trách nhiệm xã hội kết hợp với tình cảm nồng nàn luôn muốn tương trợ tha nhân. Thế nhưng chính điều ấy đã gây ra một sự phản kháng bởi vì kể từ nay, các mối quan tâm của cái gia đình đông đúc của chị không còn là mối quan tâm của chị nữa!  Một nhóm bạn bè nam nữ thán phục vây quanh chị. Tài năng đặc biệt trong việc nắm bắt tư tưởng cũng như thấu hiểu tâm can kẻ khác, sự chân thành và niềm vui dấn thân đã mở cho Edith nhiều mối quan hệ mới đồng thời cũng chất lên chị nhiều trách vụ chẳng hạn phải lo phụ trách những buổi thuyết trình, những nhóm hội thảo, những lớp học bổ sung, phải hợp tác với các nhóm sinh viên, các nhóm xã hội và chính trị, các buổi vui chơi giải trí… 

Edith viết: "Đầu tư liên tục tất cả sức lực làm dậy lên trong tôi tâm tình hạnh phúc vì có được một cuộc sống vươn cao. Tôi thấy mình là một kẻ được ưu đãi. Vì thế tôi sống trong ảo tưởng thơ ngây là mọi thứ nơi tôi đều tốt đẹp…” Do không còn ai dám phản đối hay chỉ trích, Edith đã tưởng mình được phép đối đầu với mọi người bằng giọng điệu nhạo báng mỉa mai”.

Tuy nhiên, thời kỳ này đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tiên báo về nỗi khắc khoải và suy sụp của Edith. Sau khi đọc một quyển tiểu thuyết luận đề đã làm cho chị ớn ngấy, Edith bị rơi vào tâm trạng chán nản và ngờ vực. Một ngày nọ, do muộn phiền vì một sự cố trong gia đình, Edith đã tự đầu độc mình. Người ta đã khó khăn lắm mới cứu sống được chị. Edith lấy làm tiếc vì đã được cứu sống. Chị ghê sợ chính mình! Nhưng rồi chị cũng đã vượt qua được cơn khủng hoảng ấy … 

 (Chú thích bức hình trang 9) 

         Edith thường nhắc đến công trường này. Tất cả trẻ con thân thuộc láng giềng đều có thể đến đây nô đùa. Edith xem chỗ này là một môi trường quan trọng cho việc giáo dục vì nơi đây đã diễn ra những hoạt động đầu đời, những cơ hội thẩm định, những  cuộc gặp gỡ tha nhân của chị. Công nhân làm việc ở công trường này sống như các thành viên trong gia đình. Bà Stein cư xử với họ rất thoáng nhưng  đồng thời cũng biểu hiện một quyền uy gia trưởng thực sự cần cho một ngành công nghiệp lớn. Vào mùa đông, khi từ công trường trở về, đôi bàn tay bà lúc nào cũng ấm áp. Edith cảm thấy hình như tất cả sự sống và nồng ấm trong gia đình đều theo bà mà đến. 

(Chú thích bức ảnh trang 10)

            Bà Auguste Stein có thói quen chia gia đình bà thành ba nhóm: nhóm con trai, nhóm con gái và nhóm “con nít”, ám chỉ 2 đứa sinh sau đẻ muộn là Erna và Edith. Hai trẻ này thân thiết đặc biệt với nhau như bè bạn suốt cuộc đời. Erna sau này trở thành bác sĩ phụ khoa và kết hôn với bác sĩ bệnh da liễu Hans Biberstein (1889-1965). Bức ảnh được chụp khoảng năm 1899 Edith bên phải, Erna bên trái. Cũng như các chị lớn, Erna và Edith sẽ theo học trường Viktoria tọa lạc tại quảng trường Hiệp sĩ (Chevaliers), sau đó theo học ở Blucherstrasse. Trước tiên đây là trường dành cho các bé gái, sau trở thành trường trung học cấp 1 và cuối cùng là trường trung học cấp hai. Sau cuộc thi bổ sung môn tiếng Hy lạp, Edith đã được cấp bằng văn học cổ điển tại trường này. 

 (Chú thích bức ảnh trang 11) 

Từ tháng 5 – 1906 đến tháng 5 – 1907, Edith cư ngụ ở nhà người chị cả Else tại Hambourg. người chị này kết hôn  với bác sĩ bệnh da liễu tên là Max Gordon. "Max và Else hoàn toàn là những người vô tín , trong căn nhà này chẳng hề có tí dấu vết nào của tôn giáo cả” – Edith đứng bên trái, Else đang bồng đứa con thứ hai tên là Werner. Nhờ lòng kiên nhẫn và tế nhị, sau này Edith  đã cứu được cuộc hôn nhân sắp tan vỡ của cặp vợ chồng Max-Else. Năm 1939 gia đình này tản cư một phần đến Na-Uy, một phần đến Colombia. 

(Chú thích 2 bức ảnh trang 12)

Năm 1903, bà Stein mua một căn nhà lớn tại số 38 đường Michaelisstrasse và một vựa gỗ ở khu lân cận số 151 đường Matthiasstrasse. Trong ảnh, ta có thể thấy hàng rào chắn song trước sân dẫn vào nhà, trên đó có gắn những tấm biển tráng men đề tên bác sĩ Erna Biberstein Stein.

Ở cửa sổ tầng một, có vài thành viên trong gia đình đang đứng. Trong thời kỳ sinh viên, sau khi ở trường về, Edith thường đi dạo khá lâu trước căn nhà  này và mạn đàm triết học  với bè bạn. Bà mẹ không thích chuyện đó nhưng sau này Edith sẽ đưa ra một ý kiến khác: "Rõ ràng thiên hạ và bà con láng giềng không thể ngờ rằng chúng tôi đang đắm mình trong các vấn đề tâm lý và khoa học luận. Còn về phía chúng tôi, thiên hạ có nói hay nghĩ gì cũng chả đáng quan tâm…”

              Edith, Erna và Gerhard Stein, con trai của Paul, người anh cả. Bức ảnh được chụp trong khu vườn của gia đình Stein, có lẽ vào năm 1905. 

 (Chú thích bức hình trang 13) 

 Edith rất yêu mến thiên nhiên và các cuộc  đi chơi xa. Hầu chắc trong kỳ hè năm 1911, chị đã tham gia cuộc leo núi chinh phục đỉnh Schneekoppe, đỉnh cao nhất của ngọn Géants (Những chàng khổng lồ).

Trong  tấm hình này, Edith ngồi hàng dưới và Erne bên phải. Những thiếu nữ còn lại là bạn của họ.

 

(Chú thích trang 14)

 

Ngày 28-04-1911 Edith đăng ký vào trường Đại học ở Breslau. Chị hoàn toàn thoải mái đăng ký môn học chị thích, không bị gò bó do bất cứ chương trình nào áp đặt. Về sau, Edith có thú nhận là không được người hướng đạo tài năng chỉ vẽ thì dễ gặp phải những hậu quả tiêu cực. Chị luôn cảm thấy "biết ơn sâu xa đối với Đất nước đã cho tôi quyền đi học và quyền tự do tiếp nhận các khoa về tâm trí và nhân văn. Tất cả những đặc ân nhỏ bé ấy, được thẻ sinh viên đảm bảo, đã khơi dậy trong tôi niềm mong ước sau này sẽ dùng chuyên môn của mình để đáp đền Dân tộc và Nhà nước”. 

 

(Chú thích bức hình trang 15)

 

Edith nhiều lần đi thăm nhóm trẻ em này tại một căn nhà ở Warteberg gần Obernigk. Lòng quan tâm đến các vấn đề sư phạm thúc đẩy chị tìm đến với các trung tâm xã hội và các viện đào tạo dành cho trẻ khuyết tật về thị giác và thính giác hoặc chậm trí. Căn nhà ở Warteberg do các nữ tu Schloss Miechowitz điều hành, được chị Eva von TieleWinckler, đệ tử của Bodelschwinghs sáng lập. 

 

(Chú thích bức hình trang 16)

 

1/ Mùa hè năm 1911, Edith cùng các bạn đi nghỉ tại Gross-Aupa, một ngôi làng của người Bôhem. Edith ở giữa phía trên đầu người thanh niên bên trái trong hình.

 

Theo chị giây phút đẹp nhất trong chuỗi ngày nghỉ này là cảnh chiều tối, lúc đó họ bàn về những dự định mai sau hoặc vấn đề nghề nghiệp của phụ nữ, về những lý tưởng mà “phụ nữ chúng tôi muốn làm cho chúng chiến thắng trên thế giới bằng công việc làm của mình”.

 

2/ Bức ảnh này cũng được chụp vào mùa hè 1911. Trên hàng cao bên phải là Edith.  Người nằm ở hàng đầu là Hans Biberstein, anh rể tương lai của Edith. Edith thường gọi anh ta là Quạ trắng, bởi anh ta hùng hổ bênh vực quyền bình đẵng của nữ giới trong hàng ngũ sinh viên. Tất  cả nhóm trên đều là thành viên của Liên đoàn Phổ ủng hộ quyền bỏ phiếu của phụ nữ. 

 

(Chú thích hình ảnh cho trang 17) 

 

1/ Đây là trang bìa của cuốn tiểu thuyết từng khiến cho Edith Stein bị khủng hoảng trầm trọng. Nó mô tả đời sống sinh viên theo một góc độ mà Edith không hề biết đến, hoàn toàn trái với chủ nghĩa lý tưởng của chị: nào là rượu chè, thách đấu tay đôi để rửa hận, sống thác loạn… Việc biện hộ sai tư cách cho chủng tộc bắc phương chắc chắn cũng làm Edith chao đảo. Các lễ lạc tổ chức để mừng Bach,  được tổ chức ở Breslau năm 1912 sẽ đưa Edith ra khỏi cơn khủng hoảng trầm trọng của chị.

 

2/ Bức hình này chụp năm 1913 cho thấy 4 chị em của Stein sau một buổi chơi quần vợt. Từ trái qua phải: Rosa, Erna, Frieda và Edith. Không những có khiếu nổi bật về các môn khoa học về tâm trí, Edith còn đoạt được điểm cao ở trường về môn vẽ và môn thể dục. Chị khiêu vũ rất giỏi, thích môn trượt xe và bơi xuồng. 

 

Trong những giấc mơ tôi luôn luôn nhìn thấy trước mặt tôi là một tương lai xán lạn. Tôi mơ đến hạnh phúc và vinh quang. Tôi xác tín rằng đời tôi là để hướng đến một điều cao cả và tôi sinh ra không phải để khép mình trong cái vòng vây của một thế giới hạn hẹp và thuộc về tầng lớp tư sản mà trong đó tôi đã chào đời. 

 

GOTTINGEN

“Nhìn về những chân trời mới…”

Trong nửa phần đầu cuộc đời Edith, không thành phố nào mang nhiều ý nghĩa hơn Gottingen vì chính nơi đây Edith “đã dần dà biến đổi mà chính chị cũng gần như không ngờ”.

 

Sống tại môi trường đại học ở Breslau, Edith cảm thấy như ở nhà mình. Chị được dành cho nhiều đặc ân và khích lệ nhưng bỗng nhiên chị cảm thấy ngột ngạt với tất cả những gì đã trở nên thân thuộc. Chị viết: “lẽ ra ở đây tôi còn có thể học hỏi nhiều hơn nhưng tôi bị thúc đẩy phải đi xa hơn nữa”.

 

Trong bốn học kỳ ở Breslau , Edith quan tâm nhiều nhất đến môn tâm lý học. Trong môn này chị thường xuyên gặp thấy tên nhà triết học Edmund Husserl với phương pháp hiện tượng luận của ông. Đây không phải là thứ triết học tiền chế mà là một sự khởi hành phát xuất từ chính các sự vật mà đồng thời lại vượt qua các sự vật và mặt nổi của chúng để tìm cách nắm bắt được chính "hữu thể" của những sự vật hiện hình. Edith Stein viết: “Thay vì mải nhìn vào chủ thể, ta cần hướng thẳng vào sự vật” “nhận biết tức là tiếp nhận lại chính các sự vật và lấy chính các sự vật làm qui luật cho mình chứ không tự mình chế tạo một quy luật rồi đem áp đặt cho sự vật”. Edith đã thấy có lý để nhảy từ tâm lý học sang hiện tượng luận. Bởi lẽ "tâm lý học còn thiếu những nguyên tắc sáng sủa làm nền tảng cần có”, còn hiện tượng luận tự thâm sâu lại "giúp cho mọi sự trở thành sáng sủa, nhờ đó người ta có thể tự rèn cho chính mình những công cụ tư duy”.

 

Edith đưa ra quyết định mau chóng: hè 1913 chị sẽ đi Gottingen: Chỉ nghĩ đến những điều mới mẻ đang chờ đón ở Gottingen đủ làm chị cảm thấy phấn khởi.

 

Thế nhưng đó mới chỉ là một nửa niềm phấn khích của Edith, bởi vì chị thấy trước rằng không phải chỉ có một học kỳ thú vị ở một nơi khác nào đó bất kỳ. Chị sẽ quen biết nhiều người ở Gottingen, chị sẽ trải qua những kinh nghiệm ở đấy, tất cả sẽ như những sứ giả Chúa sai đến trên hành trình của chị. Không phải chị sẽ nhận ra được điều ấy, nhưng chúng sẽ đẩy chị đi xa hơn, “hướng đến quyết định trọng đại nhất của đời tôi”. 

 

Những mối tương giao đang được nối kết mở ra cho Edith một thế giới mãi đến lúc đó vẫn còn hoàn toàn xa lạ", thế giới của đức tin, một thế giới mà lúc ấy đối với chị vẫn còn “thuộc lãnh vực các hiện tượng”. Tuy nhiên đó là thế giới đáng cho chị bỏ công sức suy tư, bởi vì đó cũng chính là thế giới của những con người cao cả hơn mà lòng chị luôn thán phục. Mối tương giao với những người này thì “sâu sắc và tốt đẹp hơn những tình bằng hữu ngày xưa. Đây là lần đầu tiên không phải tôi đứng điều khiển, không phải tôi đứng ở trung tâm…"

 

Edith nhìn thấy rõ điều này: thời gian sống ở Gottingen khơi mào cho “một quãng đời mới”. Lần đầu tiên Edith cảm nhận ra rằng những trách vụ chị tự gán cho mình có nguy cơ vượt khỏi bản thân chị và có khi còn chống lại quyền kiểm soát của trí khôn chị và chống lại sức mạnh của ý chí chị. Cô độc và nản lòng đè bẹp Edith; đôi khi chị cảm thấy như kiệt sức và suy sụp đến tuyệt vọng và lởn vởn ý muốn quyên sinh; 

 

Thế chiến thứ nhất bùng nổ vào mùa hè năm 1914. Đầu óc đầy minh mẫn tỉnh táo, Edith thấy rõ tấn thảm kịch và để cho tấn thảm kịch ấy chi phối hoàn toàn cuộc sống mình, vô điều kiện. Chị đến trình diện hội Hồng Thập Tự, trải qua cuộc khảo hạch và được nhận vào làm y tá. Trên mặt trận Carpates, chị đã làm việc cật lực tại một bệnh viện quân y dành cho những bệnh lây nhiễm.

 

Trước khi nhận được mệnh lệnh mà chị hằng nóng lòng chờ đợi, Edith đã hoàn tất xong các kỳ thi ở Gottingen. Rời bỏ công tác y tá, Edith bắt đầu học lại tiếng Hy lạp. Chị khởi sự đăng ký tập luyện một năm tại Breslau để được chính thức xác nhận có thể thay thế một vị giáo sư đang lâm trọng bệnh. Đồng thời chị cũng muốn trấn an mẹ và các chị là kể từ nay chị đã bước chân vào một nẻo đường nhất định.

 

(Chú thích bức hình trang 19)

 

Chính vì triết gia Husserl mà Edith Stein đã đến Gottingen và tình bạn giữa hai người sẽ kéo dài cho đến khi nhà triết học qua đời. Edmund Husserl sinh năm 1859 tại Prossnitz, Mahren, theo học tại Leipzig, Berlin và Vienne, từ toán học ông chuyển qua triết học và trở thành giáo sư tại Halle sau đó là giáo sư thường xuyên của Gottingen. Năm 1900 và 1901 hai tập trong bộ "Nghiên cứu luận lý học" của ông xuất hiện và sau đó, vào năm 1912 ông cho ra mắt tác phẩm “Những Ý Niệm”. Chính nhờ những tác phẩm này mà toàn thế giới biết đến thuyết  hiện tượng luận của Husserl.

              

(Chú thích 2 bức ảnh trang 20)

1/ Tại Gottingen, sở dĩ Edith có được những thôi thúc mãnh liệt nhất chính là nhờ hiệp hội triết học gồm những đồ đệ thân tín nhất  của Husserl. Bức ảnh trên được chụp năm 1912; Edith đến đây năm 1913. Từ trái qua phải: Jean Hering, Scheler, Adolf Reinach, Hans Lipps, Theodor Conrad, Max Scheler, Alexander Koyré, Siegfried Hamburger,   Hedwig Martius, Rudolf Clemens, Gustav Hubener và Alfred von Sybel. Tất cả sau này đều là bạn bè của Edith. Việc gặp gỡ Max Scheler, Adolf Reinach, Hans Lipps và Hedwig Martius có tầm quan trọng  đặc biệt đối với Edith.  Vào lúc bấy giờ Scheler, một người công giáo nhiệt tình thường được mời đến Gottingen với tư cách giáo sư thỉnh giảng để thuyết trình. Đây là lần đầu tiên thế giới đức tin công giáo đã đến với Edith thông qua một nhà tư tưởng ưu việt.

 

2/ Edith đến Gottingen ngày 17 tháng 04 năm 1913 và lập tức bị xúc động khi nhìn thấy những tấm biển tưởng niệm gắn ở mặt tiền những căn nhà nơi các nhân vật lỗi lạc từng sống. Hiện nay một tấm biển tương tự để tưởng niệm Edith cũng đã được gắn tại chỗ ngụ cư đầu tiên của chị ở số 2 đường Lange Geismarstrasse. Căn nhà này thuộc quyền họa sĩ Wilhelm Gille. Tấm biển được khánh thành ngày 9 tháng 11 năm 1973 chiếu theo nghị định của hội đồng văn hóa.

 

(Chú thích bức ảnh trang 21)

 

         Vừa tới Gottingen, ngày hôm sau Edith đã đến thăm Adolf Reinach, đệ tử triết gia Thoedor Lipps tại Munich. Reinach từng bị lôi cuốn đến Gottingen là do đọc tác phẩm của Husserl. Cùng với Theodor Conrad, Reinach đã sáng lập ra Hội triết học. Vào thời Edith, Reinach là giảng sư và đồng thời là cánh tay mặt của Husserl, đặc trách lo cho các sinh viên. Từ ít lâu nay Reinach sống đời vợ chồng rất hạnh phúc với Anne nhũ danh Stettenheimer, cuộc hôn nhân phải tan tác vì Adolf Reinach đã sớm hy sinh trên mặt trận miền Tây năm 1917. Khi Anne yêu cầu Edith lo dùm giấy tờ của chồng, Edith rất ngại gặp người quả phụ trẻ tuổi này. Tuy nhiên trước đó ít lâu Anne đã cùng chồng cô từ Do thái giáo gia nhập đức tin Ki-tô-giáo, vì thế Anne tỏ ra rất tự chủ và biểu lộ một tấm lòng can đảm sắt son. Tại đây, lần đầu tiên Edith cảm nhận được sức mạnh mà đức tin vào cuộc tử nạn cứu chuộc của Chúa Kitô có thể mang lại cho những người gặp đau khổ.

(Chú thích bức ảnh trang 22)

Học kỳ đầu tiên của niên khóa 1913 – 1914, đối với Edith là học kỳ cam go nhất tại Gottingen. Chị muốn miệt mài trong luận án tiến sĩ, miệt mài cho vấn đề Einfuhlung, tức vấn đề tha giác hay còn gọi là trực giác bằng cảm thông, nhưng bất thành… Sau này chị có viết: “Dần dần tôi rơi vào nỗi tuyệt vọng thực sự… lúc nào băng qua đường tôi cũng mong bị xe cán chết đi để khỏi phải sống nữa…” Cuối cùng, chị quyết định ngỏ lòng mình cho Adolf Reinach. Những lời chân tình của Reinach đã từ từ giúp Edith tìm lại quân bình nội tâm và năng lực trí tuệ mới. Tuy nhiên mùa hè năm sau chiến tranh bùng nổ cắt đứt công việc của chị.

 

(Chú thích bức hình trang 23)  

Trong ngôi trường quân sự Mahrisch- Weisskirchen được biến đổi thành bệnh viện năm 1915 dành cho các bệnh nhân bị sốt thương hàn, có đến hàng ngàn quân nhân lâm trọng bệnh. Vì muốn ngăn cản không cho con gái mình đến làm trợ tá ở đây, bà Stein đã nói với Edith: “Mẹ không cho phép con đến đó"… Edith liền đáp lại: “Nếu không được Mẹ cho phép con vẫn sẽ đến đó: Các hộ lý ở bệnh viện thỉnh thoảng có tổ chức một buổi tối giải trí đơn thuần, nhưng Edith -"Soeur Edith” ngồi ngay ở tiền cảnh của bức ảnh- không cảm thấy thoải mái, chị nói: “Tôi nghĩ đến các bệnh nhân của tôi…” Tuy nhiên, Edith cho biết thêm chị cũng đã từng làm quen với cà phê pha đậm và thuốc lá.

(Chú thích bức ảnh trang 24)

 

 Trở về lại Breslau trong một năm để được thăng chức bổ dụng, thỉnh thoảng vào buổi chủ nhật Edith cùng đi du ngoạn với các học sinh lớp cao cấp…” theo lối các hướng đạo sinh với nồi siêu xoong chảo và cây đờn guitar… Edith Stein đứng phía trên cao trong bức ảnh.

 

FRIBOURG

“Tôi không thể chấp nhận tùng phục kiểu này…

Tháng 4 năm 1916, triết gia “bực thầy” Husserl chấp nhận bước lên bục giảng  tại Đại học Fribourg-en-Brisgau và Edith Stein sẽ theo học ông tại đây để dọn văn bằng tiến sĩ. Edith chưa từng sống tại miền Tây Nam Đức, vì thế viễn cảnh sống ở đây khiến chị cảm thấy hân hoan.

 

Trong cuộc hành trình này Edith gặp lại một bạn học ở Gottingen tên là Hans Lipps và đã  được quen với Francfort và Heidelberg. Mãi hàng chục năm sau, những tháng ngày sống ở đây vẫn tràn đầy ý nghĩa đối với Edith bởi vì các chứng nhân sống đời Ki-tô-hữu tại đây đã từng khiến chị phải xúc động. Cuộc đời họ chẳng còn cần phải làm cho chị suy nghĩ gì nữa mà còn tác động ngay đến tận thâm sâu tâm hồn chị. Hans Lipps kể cho Edith về những thanh niên theo thuyết hiện tượng luận từng cải đạo theo Công giáo rồi hỏi chị: “Chị cũng tham gia nhóm này chứ?" Edith kể lại: tôi đã trả lời "Không, tôi không thuộc về nhóm ấy" nhưng thực ra gần như tôi đã nói: "Không! Tiếc quá!“.

 

Trở về lại Breslau, Edith đã đậu bằng tiến sĩ với mức điểm tối ưu như người ta đã tiên đoán. Song có điều bất ngờ là bản hợp đồng với Husserl qui định kể từ mùa thu năm nay chị sẽ là trợ tá nghiên cứu cho nhà triết học lỗi lạc này. Edith sung sướng biết bao… Rồi đây chị sẽ rời học đường để tập trung vào những mối quan tâm và sở trường cá nhân của chị.

 

Mười tám tháng làm việc với Husserl sẽ là giai đoạn khó khăn… Giữa vị giáo sư và người trợ tá có những quan niệm rất khác nhau về sự hợp tác. Edith Stein mong ước vị giáo sư thiên tài này đẩy nhanh công việc sưu tầm của ông nhờ đó ông sẽ hoàn tất được những nghiên cứu mới mẻ mà giới đại học đang mong chờ nơi ông đồng thời chị cũng mong ông sẽ cho in ra những đề tài được ký hợp đồng đã lâu… Chị tham dự tất cả khóa trình của Husserl nhằm trang bị đủ khả năng giải thích thêm về những quan niệm của ông cho các thính giả mới. Để đạt được mục đích này Edith đã mở ra một nhóm chuẩn bị, khởi đầu từ những khái niệm ABC về triết học, nhưng dù vậy vẫn không kém phần thú vị. Chị đùa: "Nhà trẻ này dành cho việc học triết" nhưng từ đấy sẽ nẩy sinh ra những nhà thông thái lừng danh.

 

Thế nhưng mọi sự không diễn ra như Edith mong muốn. Husserl nhờ chị xem lại và tu chỉnh hàng đống bản thảo ghi tốc ký. Thế nhưng rồi có khi ông chẳng đụng gì đến những văn bản đã được xếp trật tự. Có khi ông lại khởi xướng một công việc bất ngờ rồi bỏ ngang những gì vừa mới khởi sự… Những lời người ta yêu cầu thường xuyên xáo trộn các dự án của Husserl. Thêm vào đó, cái chết của đứa con trai và nỗi cơ cực do chiến tranh gây ra cũng góp phần kềm hãm nhiệt tình của ông. Đối với Edith Stein, rõ ràng là không thể hoàn tất công việc của mình trong những điều kiện như thế. Lúc đó chị có viết cho một bạn học như sau: “Xin hãy cầu nguyện cho tôi…” Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy lời cầu nguyện bắt đầu mang một ý nghĩa mới. 

 

Dần dà Edith Stein cảm nghĩ rằng đối với Husserl, công việc giữa ông và chị là nhắm để thực hiện những quan niệm cá nhân của ông ấy chứ  không phải thực sự hợp tác với nhau. Những chỉ đạo của Husserl từ từ giới hạn vào việc sắp xếp các bản thảo, điều mà Edith cho rằng chẳng cần thiết gì cả. 

 

Một ngày nọ, thừa dịp Husserl yêu cầu sắp xếp các bản thảo kèm theo những chỉ dẫn tỉ mỉ, Edith đã xin ông chấp thuận cho chị giải nhiệm… Husserl đồng ý để chị toại ý; về sau ông có viết một chứng thư tuyệt vời giới thiệu chị vào một ghế giáo sư đại học. Chị vẫn giữ trọn niềm tôn kính đối với con người thiên tài này. Với chị, “Husserl mãi mãi là người thầy. Hình ảnh ông không thể bị hoen ố do bất cứ khiếm khuyết nào thường vốn có nơi con người”.

 

Ai sống trong chiều sâu sẽ thấy được những điều bé nhỏ gắn kết với nhau thật kỳ diệu biết bao.

 

(Chú thích bức hình trang 26)

 

Tháng 7 năm 1916 trên đường đến Fribourg, Edith dừng chân ở Francfort. Các khu tưởng niệm Goethe ở Romerberg và Hirschgrab tuy gây nhiều ấn tượng nhưng vẫn không bằng  cuộc gặp gỡ tại nhà thờ chính toà. Tại đây, chị đã thấy một người bán hàng lặng lẽ đến quì gối trong khu đền thờ trống vắng. Đây là một kỷ niệm Edith sẽ không bao giờ quên được; chắn chắn Edith từng trông thấy thiên hạ tham gia các giờ kinh nguyện trong các nguyện đường Do thái và thánh đường Đạo Tin Lành tuy nhiên tại ngôi nhà thờ vắng vẻ này chị thật xúc động khi thấy một người đến “chuyện trò riêng tư với Chúa”

 

(Chú thích bức hình trang 27)

 

Tại Francfort Edith Stein chị gặp được cảm nghiệm thứ hai. Trong một bảo tàng viện nọ, chị rất xúc động khi nhìn vào bốn pho tượng thánh được mang đến đây từ một bức tòan bộ "Táng xác vào mồ" gốc Flamande. Edith chiêm ngưỡng những khuôn mặt tượng say sưa không muốn rời đến nỗi các tác phẩm nghệ thuật cổ Hy lạp chị tính đến xem, không còn lôi cuốn được chị nữa.

 

(Chú thích bức hình 28)

 

Đám bạn bè tốt của Edith khuyên chị đừng cư ngụ ở thành phố Fribourg, tốt hơn nên cư ngụ ở khu ngoại ô Gunterstal. Dù bận dọn thi Edith vẫn thường đi dạo lâu giờ trong khu “Rừng Đen” với chị Erna và các bè bạn đến thăm.

 

Edith gặp được bà chủ nhà khả ái và một căn phòng yên tĩnh thuận lợi cho việc học hành tại căn nhà số 4 Dorfstrasse.

 

(Chú thích bức ảnh trang 29)

 

Tại Fribourg, Edith nhận ra Husserl đang rơi vào một tình cảnh khó khăn. Ông ta cần một nam phụ tá cho mình ngay vào lúc các đệ tử ông ta đều gia nhập quân đội. Một  ngày nọ trong lúc cùng nhà triết học bước qua chiếc cầu Friedrich cũ kỹ này, Edith đã đưa ra lời đề nghị làm phụ tá cho ông. Đầy ngạc nhiên vui mừng Husserl chấp thuận. Sau này Edith viết: Tôi chẳng hiểu lúc bấy giờ trong hai chúng tôi ai hạnh phúc hơn ai?

 

 (Chú thích trang 30)

 

Bằng tiến sĩ của Edith Stein. Chị đặt danh hiệu Tối ưu “Summa cum laude

 

(Chú thích trang 31)

 

Edith trở thành phụ tá của Husserl đầu tháng 10 năm 1916. Chị sẽ lưu lại ở Fribourg đến mùa thu năm 1918. Sau này Husserl có ghi lại thủ bút này để giới thiệu chị vào một ghế đại học: “Nếu đại học nhận phụ nữ vào dạy thì tôi xin nồng nhiệt ưu tiên giới thiệu một ghế cho cô Edith Stein”. 

 

BERGZABERN

mật của riêng tôi..”

 

Vào năm 1916 Edith Stein hồi tưởng lại những quãng đường ngoằn ngoèo đã qua trong đời chị: Những bước tiến bước lùi, đi lên đi xuống không do ngẫu hứng nhưng thuận theo một sự chỉ đạo, cùng hội tụ để hướng về một môi trường sống mới.

 

Cuối năm 1918, Edith rời hẳn khỏi Fribourg… Chị trải qua mùa xuân ở Gottingen và thường lui tới đây nhiều lần vào năm kế tiếp. Chị hoàn tất xong một tác phẩm lớn và gắng kiếm một chỗ dạy ở Đại học nhưng vẫn hoài công.

 

Năm 1920, Edith sống tại Breslau, chị mở lớp dạy tư và giảng dạy tại một “Đại học bình dân”. Chị viết: "Nhưng rồi tôi cảm thấy như đang đi trên lửa bỏng. Tôi đang trải qua một cơn khủng hoảng không thể giải quyết nổi ngay tại chính gia đình tôi”. Sức khỏe Edith suy sụp “Chắc hẳn là do cuộc xung đột nội tâm tôi đang âm thầm trải qua không ai trợ lực".

 

Edith Stein cũng hiểu rằng vào thời điểm này Hans Lipps đã chọn những nẻo đường mãi mãi cắt chia hai người. Những nghi vấn từ lâu vởn trong trí giờ đây xoáy sâu tâm hồn chị đòi giải đáp. Tôi sẽ sống kiểu sống nào? Phải tìm Thiên Chúa ở đâu?" Một lần nữa Edith tin chắc rằng tìm ra câu trả lời chưa đủ mà còn cần sống và thực hiện cho được câu trả lời đó.

 

Tháng 3 năm 1921, Edith rời Breslau đến Gottingen và từ đó đến ở Bergzabern trong khu Palatinat, sống với đôi  vợ chồng triết gia Theodor và Hedwig Conrad-Martius, đệ tử của triết gia Husserl. Chính ở đây, vào mùa hè năm 1921, “Quyển cuộc đời Thánh Têrêsa rơi vào tay tôi” và “Cuộc tìm kiếm lâu dài một đức tin đích thực đã đạt đến đích”. Sự kiện này xảy đến ra sao? Edith Stein trả lời: “Đây là bí mật của riêng tôi”! Tiếng Chúa mời gọi và quyết định tự do của Edith trùng khớp nhau thật nhiệm mầu trong tiến trình này. Chính Edith thú nhận rằng, nhờ lĩnh hội được thánh Têrêsa mà mọi nỗi nghi ngờ được dập tắt trong tâm hồn chị, đồng thời chính sự gặp gỡ những tín hữu có một cuộc sống đức tin mà tư duy và nghiên cứu của Edith không lý giải được, khiến cho chị hiểu được mẹ thánh Têrêsa. Trong nhiều năm trời, chị đã tìm kiếm chân lý bằng con đường triết học, tức “chân lý của sự vật”, chân lý khách quan do sự vật đem lại. Còn giờ đây, nơi mẹ thánh Têrêsa, chị cảm nhận được sâu sắc thứ chân lý của Tình Yêu, chân lý không qua con đường tri thức mà qua sự tương giao giữa các chủ thể. Thánh Têrêsa đã sống một cuộc sống đầy tình thiết nghĩa nhiệm mầu với Thiên Chúa và Đấng được Thiên Chúa sai đến, là Đức Giêsu Kitô.

 

Ngày 1 tháng giêng năm 1922, Edith Stein được nhận vào Hội thánh Công giáo qua bí tích Rửa Tội. Ngày xưa người ta chọn ngày đầu năm để kính nhớ việc Chúa Giêsu chịu phép cắt bì, nghi thức duy nhất của Do thái giáo được du nhập vào lịch phụng vụ Hội thánh.

 

 

(Chú thích bức ảnh trang 34)

 

Trong căn nhà hiếu khách của họ ở Bergzabern thuộc khu Palatinat, Hedwig và Theodor Conrad đã tiếp đón nhiều bạn trẻ theo phái hiện tượng luận đến làm việc và thảo luận. Trong quyển sổ vàng có ghi Edith Stein đã sống phần lớn tháng ngày năm 1921. Vì thiếu chỗ, chị phải rời phòng khách lên phòng tầng mái. Căn nhà trên nằm tại số 16 Eisbrunnelweg nay đổi thành Neubergstrasse.

 

(Chú thích trang 35)

 

1/ Mùa xuân năm 1921, Edith miệt mài đọc tiểu sử thánh Têrêsa d’Avila nhà huyền bí đồng thời là tiến sĩ Hội thánh. Nhờ đọc quyển này, cuộc chiến đấu nội tâm lâu dài của Edith đạt đến đích điểm và quyết định gia nhập Hội thánh công giáo của chị đạt độ chín mùi. Sau này Edith đã mô tả chính nhờ gặp Max Scheler và Anne Reisach mà  chị có được quyết định gia nhập Công giáo.

 

2/ Cặp vợ chồng triết gia Conrad sống dựa một phần vào việc canh tác một vườn cây ăn trái. Theo lời một nhân chứng “ban ngày họ làm việc ở vườn cây, ban đêm đàm luận Triết học”. Trong bức ảnh là Hedwig Conrad-Martius đang làm việc ở  vườn cây ăn trái khoảng năm 1921.

 

(Chú thích hình trang 36)

 

            Từ đầu tháng 08 đến cuối tháng 10 năm 1921, Edith cư ngụ trong ngôi nhà bố mẹ ở Breslau. Chị Erna đang chờ sinh em bé đầu lòng. Edith đến phụ giúp chị công việc y khoa và nội trợ của người chị. Edith xin Erna chuẩn bị tư tưởng cho bà mẹ về việc chị sẽ gia nhập đạo công giáo. Erna sau này đã làm chứng: "Lúc đó tôi ý thức được tôi đang đảm nhận một trong những phận vụ khó khăn nhất trong đời tôi”.

 

(Chú thích hình trang 37)

 

1/ Đây là mẹ của Edith. Bà cụ đau khổ rất nhiều về việc con gái bà theo đạo Công giáo. Cô cháu ngoại của bà, bé Susanne, con đầu lòng của Erna trở thành nguồn an ủi giảm bớt nỗi khổ của bà.

 

2/ Vào những tháng trước khi gia nhập đạo Công giáo, sáng nào Edith cũng tham dự thánh lễ ở Breslau. Chị thức dậy sớm và lặng lẽ rời khỏi nhà. Dù vậy, chị vẫn không ngăn được bà cụ Stein thức dậy, lòng đầy linh cảm âu lo rằng con gái bà đang đi đến nhà thờ Công giáo… Đây là phía trong nhà thờ Saint Michel, nơi Edith tham dự các nghi thức tôn giáo mỗi khi chị về sống ở Breslau.

 

(Chú thích hình trang 38)

 

Bên trong thánh đường Saint-Martin, nhà thờ giáo xứ Bergzabern. Có nhiều tấm bảng ghi nhớ ngày Edith Stein chịu phép thanh tẩy.

 

(Chú thích những hàng chữ trang 39)

 

Tuồng chữ ghi trong sổ Rửa tội (bằng tiếng Latin):

 

“Edith Stein đã được rửa tội, từ Do thái giáo chị đã gia nhập vào Công giáo trong tinh thần sẵn lòng và thâm hiểu…”Khi chịu phép rửa, Edith ghép thêm tên hai thánh Têrêsa và Hedwig vào tên của chị. Cùng sáng hôm đó chị được Rước lễ lần đầu.

 

Ở bên dưới phía trái văn kiện này người ta đọc thấy những hàng chữ thêm vào sau liên quan đến những lời khấn dòng Cát Minh của Edith. Edith thường thú nhận rằng chính hôm chị lãnh nhận phép thánh tẩy chị đã quyết định gia nhập dòng của thánh Têrêsa.

 

2/ Hình: linh mục quản hạt Eugen Breitling, (1851 Bohl – 1931 Bergzabern) người Rửa tội cho Edith Stein.

 

(Chú thích hình trang 40)

 

Giếng rửa tội ở nhà thờ giáo xứ Saint-Martin ở Bergzabern nơi Edith nhận bí tích tái sinh, ngày tết dương lịch năm 1922.

 

Hedwig Conrad-Martius, là một người chị và là một người bạn, làm mẹ đỡ đầu cho Edith, đã cho chị chiếc áo cưới màu trắng làm áo mặc dịp lễ rửa tội. 
 

SPIRE

“Chân lý bé nhỏ giản dị mà tôi phải nói…”

Phải đến 10 tháng sau khi lãnh phép thánh tẩy Edith mới trở về lại Breslau tháng 10 năm 1922, nhưng rồi ở đây không lâu. Ngày 2 tháng 2 năm 1922 chị được lãnh phép Thêm sức trong ngôi nguyện đường riêng của Đức Giám mục Spire. Qua trung gian cha tổng đại diện chị quen biết tu viện Đa minh ở Sainte-Madeleine và các cơ sở giáo dục của họ. Edith chấp nhận một chỗ dạy tại các cơ sở này.

 

Chị làm điều này sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng. Tình cảnh lúc đó đòi hỏi chị nên sống độc lập với gia đình và cần sống trong một môi trường công giáo để hiểu rõ đời sống Hội thánh hơn. Nhờ ngôi nhà nguyện và các giờ phụng vụ, tu viện Đa Minh này không những giúp cho chị có chỗ dạy học mà còn cống hiến cho chị sự yên tĩnh để suy niệm và bầu khí thuận tiện cho việc nghiên cứu.

 

Ngay thời gian đầu sau khi gia nhập Công giáo, Edith Stein đã xác tín rằng cuộc sống mới mà chị dấn thân qua phép rửa tội đòi hỏi chị phải thoát ly khỏi tất cả những gì là "thế tục”. Càng lớn dần lên trong Chúa Kitô, Edith càng thấu hiểu rằng cũng như Chúa Giêsu đã được sai đến với loài người, chị được mời gọi mang đến cho trần gian cuộc sống thần linh. Chị viết: “Tôi chỉ là một dụng cụ của Thiên Chúa; Ai đến với tôi thì tôi phải dẫn họ đến với Chúa”.

 

Kiểu giảng dạy của Edith đương nhiên là phù hợp với thời đại của chị. Tính dè dặt kín đáo kèm theo khuynh hướng nghiêm khắc trong các đòi hỏi đối với mình cũng như đối với kẻ khác là bản chất cố hữu của Edith. Tuy nhiên mọi người, dù là học sinh hay tu sĩ, đều nhận thấy chị luôn kết hiệp với Thiên Chúa từ tận thâm sâu tâm hồn. Sự tận tâm của chị đã làm phát triển quanh chị niềm tin cậy và tình thân ái. Chị cũng tận tâm đối với những người thân thuộc ở Breslau, nơi hằng năm chị đều về thăm vào những dịp nghỉ lâu ngày.

 

Giới Công giáo cũng bắt đầu khám phá ra Edith Stein. Càng ngày chị càng được thường xuyên mời thuyết trình tại các cuộc hội họp lễ lạc hay các cuộc hội nghị. Các hiệp hội Công giáo tiếng tăm đều mời chị, chẳng hạn Hiệp hội phụ nữ giáo viên, liên hiệp phụ nữ, hội những người tốt nghiệp đại học… Chị mở những lớp bồi dưỡng giáo viên trẻ, viết các bài báo và bài điểm sách, nói chuyện trên đài phát thanh…

 

Nhờ được đào tạo ở nhiều lãnh vực, Edith đã trở thành một diễn giả tài năng về nhiều đề tài. Tuy nhiên chủ đề trọng tâm và được chị đặc biệt yêu thích chính là chủ đề huấn luyện phụ nữ. Theo chị, tinh thần Phụng vụ và Thánh Thể là khởi điểm, đường đi và mục đích của mọi sự đào tạo tôn giáo – ngay cả đối với cánh đàn ông…! Edith đưa ra những ý tưởng này cách đây 50 năm, thế mà ngày nay vẫn còn đáng cho chúng ta lưu tâm. Chị không lùi bước ngay cả “trước vấn đề khó khăn đầy tranh cãi về việc phong chức linh mục cho phụ nữ". Chị từng đưa ra ý kiến trong một bài nói chuyện như sau: “Về phương diện tín lý, theo tôi, chẳng có điều gì đối kháng với việc phong chức linh mục cho phụ nữ, không có điều gì ngăn cản Hội thánh thiết lập nên sự canh tân độc đáo này". Cũng phải nói thêm rằng, phần chị, chị không cảm thấy có ơn gọi bước vào con đường ấy. "Dù được hiến thánh hay ở ngoài đời, mọi người bất luận nam nữ đều được mời gọi bước theo Đức Kitô”. Edith rất xác tín điều đó: Chỉ khi nào vẻ đặc thù của cả người nam lẫn người nữ được hoàn toàn khai mở, ta mới có được hình ảnh hoàn hảo về Thiên Chúa và chỉ lúc ấy sự sống thần linh mới có thể thâm nhập thật mạnh mẽ vào cuộc sống trần thế".

 

            “Chân lý bé nhỏ giản dị" mà Edith muốn nói chính là mối tương quan tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô. Nhờ có cánh tay Ngài dẫn dắt, chị đã gặp được Chúa Cha, Đấng ngự trên trời.

Các biến cố trọng đại trong lịch sử Hội thánh làm đổi mới bộ mặt trái đất đều được chuẩn bị nơi những cuộc đối thoại thầm lặng với Chúa.

 

(Chú thích bức hình trang 41)

 

Đức cha tiến sĩ Ludwidwig Sebastian (sinh 1862 tại Frankenstein, qua đời 1943 tại Spire), giám mục Spire, ban bí tích Thêm sức cho Edith Stein tại nhà nguyện riêng của ngài, ngày 2-2-1922.

 

(Chú thích bức hình trang 42)

 

Nhờ cha tổng đại diện Schwindt giới thiệu, Edith quen biết tu viện Thánh nữ Mađalêna của các chị dòng Đa Minh tại Spire. Suốt 8 năm, ngôi nhà này với những cơ sở đào tạo và khu nội trú của nó, đã là "nhà" của Edith và là nơi chị làm việc. Tại đây, chị đã thắt chặt tình thân với nhiều nữ tu và giữ bền tình thân ấy đến chết. Edith có dạy tiếng La Tinh cho một vài thỉnh sinh và tập sinh. Những hôm đẹp trời, chị treo ở cửa sổ một lá cờ nhỏ, báo hiệu cho học viên biết hôm ấy sẽ học ở ngòai trời.

 

(Chú thích bức hình trang 43)

 

Để khỏi bị ai thấy và khỏi bị quấy rầy khi cầu nguyện trong nhà nguyện tu viện, Edith Stein đã xin nhà Dòng dành cho chị góc nhỏ này sau một cây cột. Chị đi qua cửa (trong ảnh, ta thấy được một nửa cửa này) để vào thẳng cung thánh. Nhờ đó, chị có thể âm thầm lặng lẽ tiến đến bàn quỳ, không bị ai để ý, và từ đó, chị nhìn lên bàn thờ chính.

 

Như được một nhu cầu tâm linh thúc giục, chị rút lui vào thinh lặng và cầu nguyện, mỗi khi những sinh hoạt khác cho phép chị làm như thế. Chị cũng mời gọi người khác cầu nguyện riêng. Càng vướng phải nhiều bổn phận chồng chất, người ta càng cần phải dừng lại hồi tâm sâu thẳm, quay về với lòng mình, nơi Thiên Chúa ngự trị. Theo chị, muốn được vậy, không nhất thiết phải vào nhà thờ, ở đâu cũng có thể hít thở được về mặt tâm linh.

 

(Chú thích hình 1 ở trang 44)  

 

Cô giáo Edith cùng với các nữ sinh nội trú mang đồng phục, trong vườn tu viện Thánh nữ Mađalêna. Chẳng mấy khi Edith không ôm theo sách, nhưng chẳng bao giờ người ta thấy chị mang cặp đựng sách.

(Chú thích hình 2 ở trang 44)

 

Cha tổng đại diện Joseph Schwindt, vị cố vấn khôn ngoan và là người bạn nhiệt tình của Edith. Sau khi ngài qua đời năm 1927, Edith Stein đã viết một bài tưởng niệm dài in trên tập san giáo sĩ.

 

(Chú thích bức hình trang 45)

 

Nghỉ hè tại Breslau năm 1926. Hình chụp tặng một cô bạn trẻ, dạy học ở Spire. Năm ấy, Edith được 35 tuổi.

(Chú thích bức hình trang 46)

 

Edith Stein (hàng thứ hai người thứ ba bên phải) giữa đám sinh viên của chị. Về sau chị có viết cho một nữ tu ngành giáo dục như sau: "Thế hệ trẻ này đang trải qua nhiều khủng hoảng đến nỗi họ không thể hiểu được chúng ta. Vậy chúng ta phải cố gắng hiểu họ…”

 

(Chú thích bức hình trang 47)

 

Edith trong thời gian ở tại Spire.

 

(Chú thích hình trang 48)

 

1/ Trong thời gian sống ở Spire, Edith Stein không chỉ dạy học mà còn viết lách rất nhiều. Giữa công việc dạy học bề bộn chiếm hết thời giờ, ngoài nhiều bài viết, chị còn hoàn tất xong hai tác phẩm lớn. Trước tiên chị dịch sang tiếng Đức một tập của tác phẩm Lettres et Journaux (Thư và Báo) của Hồng Y Newman (tấm hình trang bìa). Chính Dietrich von Hildebrand, đồ đệ của Husserl đã giới thiệu Edith cho nhà thông thái dòng tên Erich Przywara.

 

2/ Công việc lớn lao nhất của Edith trong thời gian sống ở Spire là dịch 2 quyển De la vérité (bàn về chân lý) của thánh Tôma d’Aquin. Hồi tưởng lại công việc này, Edith thú nhận: hoàn tất được công việc này đối với tôi giống như một phép lạ. Bản dịch đã được ra mắt độc giả mặc dù rất nhiều thiếu sót, bởi lẽ nó được thực hiện với những khỏanh khắc hiếm hoi giữa biết bao công việc bề bộn khác…

 

(Chú thích trang 49)

 

Edith Stein thường xuyên được mời nói chuyện tại các cuộc hội thảo. Quan trọng nhất hẳn là bài nói chuyện ở Salzbourg năm 1930 trước một cử tọa hơn 1000 người về vấn đề “Đạo đức nghề nghiệp phụ nữ”.

Edith là phụ nữ duy nhất lên tiếng trong cuộc họp quan trọng này của hiệp hội trí thức công giáo. Tổ chức này là nguồn gốc những khóa hội thảo của giới đại học tại Salzbourg.

 

Bức hình chụp trong dịp diễn thuyết về thánh Elisabeth de Thuringe, này 30 tháng 5 năm 1931, nhân năm thánh mừng vị thánh này. Dịp kỷ niệm lần thứ 700 ngày thánh Elisabeth qua đời, Edith Stein đã phát biểu 11 lần tại các cuộc hội họp mừng lễ. Chị rất chú tâm làm sống dậy trong tâm hồn thính giả những tấm gương sáng chói về cuộc sống ki-tô-hữu.

 

(Chú thích hình ảnh trang 50)

 

1/ Edith cung cấp nhiều bài học bồi dưỡng cho các nữ giáo viên  trẻ. Họ bước vào phòng chị và ngồi dưới đất vây quanh chị. Edith nói cho họ về tình hình chính trị và những vấn đề xã hội trọng đại lúc bấy giờ – điều này quả là mới mẻ đối với thời điểm đó.

 

2/ Không những Edith Stein muốn làm phong phú học trò chị bằng những môn khoa học trong chương trình mà còn muốn cho họ có được một sự đào tạo phong phú hơn để trở thành người phụ nữ đích thực. Trong việc giáo dục thiếu nữ, Edith thường nhắm đến cả hai mục đích: họ phải có được sức mạnh hướng dẫn cuộc sống theo tinh thần Đức Kitô, đồng thời nhận biết những phận vụ họ phải đương đầu sau này trong cuộc  sống hôn nhân và trong công việc nghề nghiệp. Edith Stein đã đi trước thời đại khi chị viết cho một nữ tu như sau.

 

Thực sự không nên đưa các thiếu nữ vào đời mà không trang bị cho họ sự giáo dục về tính dục…”

 

(Chú thích hình ảnh trang 51)

 

1/ Nhiều bạn trẻ buồn rầu khi Edith (ngồi) nói lời từ biệt ở Spire. Đây là một sự xa mặt nhưng không cách lòng. Edith viết: “Đám thanh niên này tôi kể như một phần bản thân tôi, trải qua năm tháng, và họ trở nên đông đúc với năm tháng đến nỗi không còn có thể tiếp xúc với họ theo lệ thường nữa. Tuy nhiên tôi đã sắp xếp những phương cách khác để gìn giữ được sự kết hiệp chặt chẽ với họ… Sự kết hợp bền bỉ liên tục với những người tôi gặp gỡ trên đường đời, đã trở thành nên một phần thiết yếu của đời tôi. Edith yêu cầu các học trò cũ của chị cầu nguyện cho những phận vụ mới đang chờ đón chị. Từ Vienne, chị viết cho một người trong nhóm họ: “Người ta giao phó cho tôi những điều rất khó khăn và tôi luôn luôn vui sướng biết rằng nhiều người trong các em vẫn còn nghĩ đến tôi và giúp đỡ tôi bằng lời kinh nguyện với Chúa.

 

2/ Ngày 26 tháng 3 năm 1931 Edith rời Spire. Về sau chị đã viết về thời kỳ này: “Trong tám năm trời, tôi dạy học cho các nư tu Đa minh ở Spire. Tôi sống rất thân mật với toàn thể cộng đoàn này”. Một ngày nọ Edith vừa cười vừa tâm sự rằng chị không lấy cái vai trò giảng dạy của mình làm quan trọng lắm là để xem trọng những học trò được giao phó cho chị cũng như phận vụ sư phạm của chị. Khi rời Spire, Edith cũng ý thức rằng kể từ nay chị khó tìm được một khung cảnh thích hợp để cầu nguyện và làm việc như ở khung trời tu viện. Tuy nhiên, noi gương thánh Tôma, chị đã học cách “xem việc nghiên cứu khoa học cũng là một hành vi tôn giáo”

 

(Chú thích hình trang 52)  

 

Tại Beuro, nhiều lần trong ngày Edith Stein đã đi qua chiếc cầu gỗ này để đến tham dự các giờ kinh phụng vụ ở đan viện. Chị cũng dành nhiều thời gian để thầm lặng suy niệm trong ngôi nhà thờ tu viện này.

 

BEURON

Như phòng đợi Nước Trời…

Từ lúc Edith quyết định theo đạo Công giáo (1921) đến lúc chị nhập tu (1933) là 12 năm trời. Mười hai năm này nằm trong quãng thời gian quan trọng của đời sống Hội thánh tại Đức quốc. Các Ki-tô-hữu đầy xác tín và dấn thân trong Hội thánh đã bắt đầu khiến cho não trạng pháo đài khép kín (ghetto) phải lung lay. Từ lâu, não trạng này đã đẩy người Công giáo ra khỏi đời sống văn hóa và chính trị. Ý chí nồng nhiệt cởi mở và đổi mới của các kytô hữu nói trên chắc chắn gặp được sự cộng hưởng sâu sắc nơi người tân tòng Edith Stein. Chị nắm bắt được tầm quan trọng đang gia tăng của các hiệp hội nữ giới Công giáo, chị thấy mình liên kết mật thiết với họ trong khát vọng thăng tiến việc giáo dục các thiếu nữ và huấn luyện phụ nữ. Đó cũng là những năm mà các phong trào giới trẻ Công giáo (Château Rothenfels, Romano Guardini), các hiệp hội giáo xứ (Ludwig Wolker)  hoặc hội trí thức Công giáo (Franz Xaver Munch) bắt nắm lấy phong trào phụng vụ với một đà tiến không ngờ.

 

Chúng ta hãy trình bày rõ hơn. Hội thánh mà Edith Stein gia nhập qua bí tích Rửa tội – với một quyết định tự nguyện và chân thực – vốn là một Hội thánh mà đa số các Ki-tô-hữu chưa bao giờ đạt được ý thức trách nhiệm của một đức tin chín mùi và có tính cách bản thân. Người ta thuộc về Hội thánh từ lúc còn trong nôi và cứ thế mà tự động lớn lên một cách đương nhiên. Vì thế, phong trào phụng vụ nhằm mục đích mở ra cho dân Chúa thấy một lần nữa những kho tàng cổ kính trong đời sống Hội thánh. Chúng ta biết rằng không thể có đời sống đức tin ở trong lòng Hội thánh nếu mỗi người không biết kết hiệp với Đức Kitô. Các tín hữu cần phải gặp gỡ sống động với vị Chúa đã được tôn vinh, để tham dự vào sứ mệnh của Ngài nơi trần gian trong đủ chiều kích: tri thức, xã hội, kinh tế và chính trị.

 

Sau khi cha tổng đại diện ở Spire, linh mục Josef Schwindt, qua đời, nhờ sự gởi gắm của nhà thông thái dòng tên Erich Przywara, Edith Stein được quen với tu viện ở Beuron để rồi từ đó vị tu viện trưởng trẻ tuổi, tiến sĩ Raphael Walzer trở thành người cố vấn và cũng là bạn của Edith.

 

Với cuộc sống đầy tinh thần phụng vụ, nổi bật về văn hóa kèm theo bầu khí luôn quan tâm đến những điều cốt yếu, lại thêm vị tu viện trưởng tài năng có tầm nhìn xa thấy rộng, Beuron đã trở thành “chốn ngụ cư “ được Edith quí chuộng. Dù rất ghét phóng đại, Edith vẫn có thể xác nhận rằng Beuron “không khác gì phòng đợi nước trời”.

 

Tựa những cây căm của một bánh xe, mọi hoạt động rời rạc cũng như những phận vụ năng nổ của Edith đều qui về tâm điểm. Nhịp điệu cuộc sống ở đây phong phú đến nỗi Edith cảm thấy như vừa được nghỉ ngơi vừa có được một niềm phấn khích mới… Cuộc sống được điều chỉnh theo kinh nguyện và phụng vụ tại Beuron đã mang lại cho Edith sự yên nghỉ nội tâm đồng thời đổi mới những hướng nhìn của chị đối với thế giới chung quanh.

 

Tuy nhiên “phòng đợi” này vẫn không phải là một chốn ngụ cư vĩnh viễn… Beuron dầu sao cũng chỉ là một nấc thang trong cuộc đời chị mà thôi.

Edith luôn luôn xem việc cử hành phụng vụ là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Đây chính là điều chị nhắm đến khi chị không ngừng nhắc nhở chúng ta bắt chước Chúa Kitô, sống sự tiếp diễn huyền bí cuộc sống của Đấng Phục sinh, tự nguyện tận hiến cho Ngài để được thuộc về Ngài và sống liên kết với Ngài trong cuộc  hiệp thông bền bỉ. Edith Stein hằng mơ ước dẫn dắt nhiều Ki-tô-hữu đến với lý tưởng đó. Chị nhìn thấy qua các mầu nhiệm của chu kỳ phụng vụ con đường Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta. Ở đó, Ngài hiến mình để đối thọai với chúng ta, tự bộc lộ cho chúng ta. Vì thế sự gặp gỡ này phải trở thành cuộc trao đổi thân hữu triền miên với Thiên Chúa.

 

Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Kẻ nào muốn liên kết với Ngài cũng phải vừa tham dự cả cuộc sống thần linh và cuộc sống nhân linh, với những khổ đau, tăm tối, tuyệt vọng và cuối cùng là cái chết. Phải đi qua cửa tử với Chúa Kitô để cùng Ngài đạt đến niềm vui phục sinh. “Đó là con đường của mỗi người chúng ta cũng như của toàn thể nhân loại”. Đối với Edith, "mầu nhiệm trọng tâm ấy của đức tin chúng ta" chính là “trụ cột của lịch sử thế giới”.

 

(Chú thích hình trang 54)       

 

1/ “Căn nhà có chiếc cầu gỗ” Mayer, nơi Edith cư ngụ  phần lớn thời gian khi chị sống ở Beuron.

 

2/ Từ năm 1928 đến lúc vào dòng, Edith đã trải qua các dịp lễ trọng đại, nhất là tuần thánh và tuần Phục sinh tại Beuron.

 

Tu viện trưởng dòng Biển Đức lúc bấy giờ là Tiến sĩ Raphael Walzer (1888 Ravensbourg – 1966 Heidelberg). Ngài đã thổ lộ lời đầy ý nghĩa sau đây về Edith: Hiếm khi tôi gặp được một người có thể hội tụ nơi bản thân nhiều đức tính cao quí đến thế.

 

Tuy nhiên chị vẫn giữ nơi mình bản sắc trọn vẹn của người phụ nữ, của một cảm năng tế nhị chẳng khác gì của một bậc mẹ hiền. Chị có được những đặc sủng thần bí nhưng luôn biết đơn sơ với kẻ đơn sơ, thông thái với người thông thái, kiếm tìm với ai tìm kiếm, và thậm chí “gần như lỗi lầm với người lầm lỗi…”

 

(Chú thích hình trang 55)

 

Tham dự giờ phụng vụ của các tu sĩ Biển Đức, Edith thường hân hoan theo dõi qua quyển kinh nhật tụng của chị. Tuy nhiên chị không xem kinh nhật tụng là lời nguyện duy nhất của Hội thánh cũng như phụng vụ không phải là cách thức duy nhất để thờ phượng Thiên Chúa. Chị viết: “mọi lời cầu nguyện chân thực đều là lời cầu nguyện của Hội thánh… Dòng sông huyền nhiệm chảy qua bao thế kỷ đâu phải là một nhánh sông lạc lối ly cách khỏi đời sống nguyện cầu của Hội thánh, mà chính là cuộc sống thâm sâu nhất của nó”.

 

(Chú thích hình trang 56)

Edith hồi 40 tuổi, năm 1931. Về sau Dom Walzer tâm sự: “Có lẽ Edith là người đầu tiên mỉm cười trước những lối phóng đại thành kính của những kẻ hâm mộ chị".

 

MUNSTER

“Đâu là giới hạn của tôi…”

Sau tám năm tham gia công tác giáo dục tại Spire, Edith Stein mới hiểu rằng thật khó mà hoàn tất được cùng một lúc cả công tác giáo dục và công tác khoa học. Vì thế vào dịp lễ Phục sinh, chị đã từ bỏ ghế dạy học tại Sainte-Madeleine để, trước hết, có thể viết cho xong tác phẩm lớn của chị “Tiềm thể và Hiện thể” (La Puissance et l’Acte).

 

Tương lai nghề nghiệp của chị vẫn chưa ổn định. Những nỗ lực mới để vào giảng dạy ở đại học không đạt kết quả. Những viễn ảnh khác về công tác khoa học cũng cùng số phận. Tuy nhiên Edith vẫn tin vững chắc là “Mọi sự sẽ đâu vào đấy”. Qua trung gian Hiệp hội công giáo các nhà giáo nữ, cuối cùng Edith đã nhận được ghế giảng sư tại học viện Sư phạm khoa học của Đức. Thế là vào tháng 2 năm 1932, chị đã đến Munster.

 

Edith chỉ có thể thi hành chức vụ trên trong khoảng một năm. Một năm đầy ắp công việc. Chị phải khổ công dọn giáo trình. Chị còn tiếp xúc với các giáo viên khác trong viện cũng như các giáo sư và nữ sinh viên trong đại học. Ngoài các giáo trình, chị còn phải lo cho các buổi thuyết trình, các buổi làm việc chung, các buổi thảo luận tối, nhiều bài giảng bổ sung đồng thời phải trả lời thư tín ngày càng nhiều. Nhờ hiểu biết sâu sắc các vấn đề và nhiệt tình bênh vực quan điểm Công giáo không khoan nhượng, kèm theo một nhân cách hết sức đơn sơ, Edith đã đạt được niềm tin cậy của nhiều người.

 

Tuy nhiên còn một sự việc khác xâm chiếm tâm trí Edith nhiều hơn. Công trình khoa học của chị tuy được nhiều tán tụng nhưng cũng lắm chỉ trích chua cay. Như mọi tư tưởng gia đại khác, Edith nhận thức rõ ràng cái vực thẳm ngăn cách giữa phận vụ và khả năng của chị. Việc gặp gỡ những người dấn thân trọn vẹn với công việc qua đó họ hình thành được chính mình một cách đúng đắn và nhờ đó được triển nở, đã khiến Edith nhận thức rõ khiếm khuyết của chị. Edith thấy rõ chị cần phải nắm lại nền tảng tri thức triết học và thần học nhưng đồng thời chị cũng thấy rằng khó làm được điều đó. Chị phàn nàn về sự lơ là không tiếp xúc với cuộc sống hiện đại, lo sợ mình không bắt kịp và như thế không được trang bị để đương đầu với những đòi hỏi tinh thần của thời đại. Về phần nội tâm, Edith phải trải qua một cuộc chiến đấu cam go khi nghĩ đến những nền tảng công cuộc tìm kiếm khoa học của chị. Chị chiến đấu để tìm ra ý nghĩa đích thực của phận vụ mình trong cuộc sống.

 

Bao nhiêu kỷ niệm thời trẻ tuổi trở lại với chị và bây giờ thì chị đã hiểu chúng dưới một nhãn giới mới. Trước kia bạn bè của chị thường trách chị là đã tự đánh giá mình quá cao với một lòng tự tín ngây thơ, và không biết rõ những giới hạn của mình… Nay thì, tất cả những điều ấy đã trở thành chính vấn đề của bản thân chị. Đầy can đảm trước thử thách, Edith đón nhận sự chỉ trích như một ân sủng, chị nhìn nhận sự dốt nát, sự bất toàn của mình và đành chấp nhận chỉ làm những gì trong giới hạn khả năng của mình: Tạo nên những đà thúc đẩy kẻ khác, đặt nền móng cho những điều mà trên đó kẻ khác sẽ xây dựng về sau.

 

Edith chấp nhận tình trạng đớn đau này như thời gian của ân sủng. Tận thâm sâu chị tin chắc rằng “phải bước qua lối này và cứ việc trầm tĩnh an nhiên để Chúa dẫn dắt”.

 

(Chú thích trang 58)

 

Edith khởi đầu vai trò giảng sư của chị tại Munster vào học kỳ hai năm 1932. Những biến cố chính trị đã bắt đầu phủ bóng đen. Ý thức tôn giáo mạnh mẽ cũng như nhãn quan vững chắc về thế giới của Edith là nguồn định hướng cho đám thanh niên quanh chị – Edith ngồi hàng đầu, thứ hai từ trái qua.

 

(Chú thích hình trang 59)  

1/ Tại Munster, Edith cư ngụ tại hai căn phòng đơn giản trong Đại học Marianum, đây là căn nhà dành cho nữ sinh viên, đa số là các nữ tu trẻ tuổi. Các chị dòng Notre Dame coi sóc căn nhà và các lưu học sinh ở đây. Họ làm chứng cho biết vị giáo sư mới thường lưu lại nhiều giờ trong ngôi nhà nguyện nhỏ.

2/ Tại phòng khánh tiết Đại Học Marianum này, Edith thường xuyên nói chuyện với các lưu học sinh trong nhà. Trước khi Edith rời Munster, các nữ tu và nữ sinh viên đã tổ chức một buổi tiệc tối để tiễn chị trong căn phòng âm nhạc.

 

(Chú thích bức ảnh trang 60)

 

Edith chỉ có thể dạy hai học kỳ tại Học viện sư phạm khoa học của Đức. Việc Đảng Quốc Xã nắm quyền đã chấm dứt sớm chu trình hoạt động của chị. Sau này Edith có viết: “Tôi giữ mãi kỷ niệm trìu mến và tri ân đối với thành phố cổ kính xinh đẹp và đối với tất cả vùng Munster. Không đầy 18 tháng trước, tôi đến Munster như một người xa lạ thế mà khi rời khỏi đây tôi đã để lại một nhóm thân hữu rộng lớn vây quanh tôi đầy yêu thương và trung tín”. Ngày 15 tháng 7 năm 1933, Edith rời Munster đi Cologne. Tại sân ga bè bạn Edith mang tặng chị những đóa hoa hồng và chị đã mang  những đoá hoa hồng đó đến nguyện đường dòng Cát Minh.

 

COLOGNE

“Thay mọi người, hiện diện trước Chúa…”

Đầu năm 1933 nhiều thay đổi lớn đã diễn ra trong cuộc sống nhiều người trong đó có Edith Stein. Guồng máy bài Do thái của đệ tam Đế chế đã chận đứng chu kỳ hoạt động nghề nghiệp của Edith ở Munster. Edith chẳng ngạc nhiên về điều đó. Là người có óc quan sát, sành sỏi về đời sống chính trị ngay thời còn trẻ tuổi, thấu tỏ sự gắn bó chặt chẽ giữa đời sống công cộng và tinh thần của thời đại, Edith Stein nhanh chóng hiểu rằng Chủ nghĩa Quốc xã không chỉ nhắm mục tiêu là một đảng phái chính trị, nó còn là một huyền thọai và là cả một thế giới quan. Edith liền đưa ra một hành động: Trong lá thư gởi Đức Giáo Hoàng Piô XI, chị trình bày với Đức Thánh Cha rằng sự thù nghịch đối với người Do thái là điềm báo trước những cuộc bách hại lớn lao mà người Ki-tô-hữu cũng như Hội thánh sẽ phải gánh chịu. Chúng ta đều biết nhận định của Edith đúng đắn biết bao… Thế nhưng Roma đã không trả lời.

 

Từ nhiều năm nay, Edith đã rất lưu tâm đến thánh Têrêsa Avila, người phụ nữ mà tâm hồn chỉ dành cho Chúa và những kẻ bà muốn lôi cuốn vào việc phụng sự Chúa. Đột nhiên Edith ý thức rằng đã đến giờ chị phải chọn lựa cho mình chính con đường nữ thánh Têrêsa Avila đã đi.

 

Không dễ gì chấp nhận quyết định trên vì phải chăng đó sẽ là một sự trốn chạy trước cơn bách hại đang sắp xảy ra. Chị tin và biết rằng chính Chúa đang chịu đau khổ nơi các anh chị em Do thái của Ngài. Mặc dù tất cả người Do thái đều không hay biết nhưng Edith muốn đại diện cho tất cả họ. Thay cho họ, chị muốn liên kết chặt chẽ với Chúa và tham gia chịu đau khổ với Ngài, vì đó là nguồn cứu rỗi cho tòan thể nhân lọai. Chị linh cảm chắc chắn con đường đó là định mệnh của chị và nó sẽ được thực hiện qua trung gian dòng Cát Minh. Chị từ chối tất cả mọi lời mời dạy học mà chẳng bao lâu sau các trường ngoại quốc đề nghị với chị. Edith giã biệt bà mẹ cao tuổi trong tâm trạng hết sức phiền muộn. Chị gia nhập dòng Cát Minh ở Cologne ngày 14 tháng 10 năm 1933.

 

Đời sống tu trì của Edith khởi đầu êm ả. Ngày 15 tháng 4 năm 1934 chị lãnh nhận tu phục dòng Cát Minh và chọn tên dòng cho mình là Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá. Chị Edith thích ứng dễ dàng với nhịp sống hằng ngày của đời sống tu viện và được bề trên cho phép theo đuổi công việc trí thức của chị.

 

Người ta thường đặt câu hỏi như sau: Làm sao Edith vốn quen thuộc với hai nền linh đạo Biển Đức và Đa Minh hơn lại có thể chọn dòng Cát Minh? Ngoài mối tương giao với thánh Têrêsa d’Avila, Edith chắc hẳn đã bị lôi cuốn bởi liên hệ gốc gác giữa dòng Cát Minh và quê hương tổ tiên chị, đặc biệt là truyền thống tiên tri Êlia, vị tiên tri mà dòng Cát Minh xem là tổ phụ và là tấm gương kiểu mẫu. Lời của tiên tri Êlia: “Tôi luôn đứng trước mặt Thiên Chúa hằng sống” ( 1 Các Vua 17) là khẩu hiệu của tu sĩ nam nữ dòng Cát Minh, hẳn đã vang dội trong tâm hồn Edith.

 

Sau khi vào sống ở tu viện, Edith Stein cho biết chị không luyến tiếc Beuron bởi vì niềm luyến tiếc sẽ tan biến khi người ta đã tìm được nơi chốn của riêng mình.

 

Điều gì đã biến dòng Cát Minh thành nhà riêng của Edith? Chính là lời cầu nguyện của Hội thánh, không phải một lời cầu nguyện mang hình thức phụng vụ trang trọng nhưng tựa như cuộc truyện trò lặng lẽ giữa linh hồn với Chúa. Thừa hưởng di sản của thánh nữ Têrêsa, mỗi ngày dòng Cát Minh dành hai tiếng đồng hồ cho việc suy niệm. Edith Stein viết: “Lời nguyện của Hội thánh sẽ ra sao nếu không có sự tự hiến của những người say mến Chúa, Đấng có tên gọi là 'Tình Yêu' “.

 

Ngày 21 tháng 4 năm 1938 chị Têrêsa – Bênêđicta tuyên khấn trọn đời. Trước cuộc đầu phiếu  ngày 10 tháng 04 ít lâu đã xảy ra một sự cố. Mọi người đều biết rằng việc bỏ phiếu kín không còn được tôn trọng nữa, một lá phiếu nghịch có thể gây ra những hậu quả nặng nề; và kết quả bầu cử chắc chắn đã được lèo lái. Do đó, một chị trong dòng đưa ra gợi ý là các nữ tu có bỏ phiếu cho ai thì kết quả cũng thế… Edith Stein cảm thấy chưng hửng trước câu nói trên. Với tấm nhiệt tình đem lại niềm xúc động bất ngờ cho toàn tu viện, Edith giải thích rằng cần phải từ chối mọi sự tán đồng đối với một hệ thống thù nghịch Đức Kitô bất chấp điều gì sẽ xảy đến…

 

Thế rồi "đêm pha lê" đã đến mang theo lời đe dọa cho bất cứ ai liên lạc với người Do thái. Vì thế Edith xin di chuyển sang một đan viện Cát Minh khác. Ngày 31 tháng 12 năm 1938 chị nói lời giã biệt tu viện Cát Minh ở Cologne.

 

Dưới chân thánh giá, tôi hiểu ra rằng định mệnh của dân Chúa đã bắt đầu ló dạng… (Edith Stein)

 

(Chú thích bức hình trang 62)

 

            Vào năm 1673 các nữ tu sĩ đầu tiên của dòng Cát Minh đến Cologne và đã xây dựng một ngôi nhà thờ kiểu cuối thời baroque, nhà thờ "Đức Bà An Bình". Họ phải rời bỏ gia sản năm 1802. Ba mươi năm sau, các tu sĩ dòng Cát Minh lại tái định cư ở Cologne, lần này dưới bóng Vương cung thánh đường kiểu Roma Saint-Géréon. Họ ngụ cư ở đó cho đến khi Bismark trục xuất vào năm 1875. Nhưng rồi năm 1899 dòng Cát Minh ở Cologne lại được thiết lập lần thứ ba. Lúc bấy giờ họ xây dựng một tu viện ở Cologne – Lindenthal trong khu Durenerstrasse. Edith Stein đã gia nhập dòng Cát Minh tại đây.

 

(Chú thích hình trang 64)  

1/ Ngày 15 tháng 04 năm 1934 trong ngôi nhà nguyện nhỏ này của dòng Cát Minh tại Cologne-Lindenthal, Edith Stein đã lãnh nhận áo dòng. Cùng với chiếc áo dòng Cát Minh, chị cũng nhận thêm tên dòng chị tự chọn là Têrêsa-Bênêđicta Thánh Giá. Chị viết: "Dưới chân thánh giá, tôi hiểu ra rằng định mệnh của dân Chúa đã bắt đầu ló dạng”.

2/ Vị giám tỉnh các tu sĩ Cát Minh hệ đi chân không của nước Đức, cha Theodor Rauch (1890 Alteglofsheim- 1972 Regensbourg). Cha Walzer cử hành thánh lễ và cha Giám tỉnh chủ tọa riêng nghi thức mặc áo dòng. Ngài yêu cầu cho phép nữ tập sinh Edith tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học của chị.

 

(Chú thích bức hình trang 65)

 

1/ Trong ngày lãnh áo dòng, Edith Stein khoác vào người chiếc áo cưới để dự thánh lễ tạ ơn. Tấm vải “soie” trắng sau đó còn dùng để may một bộ y phục phụng tự.

 

2/ Trong thánh lễ, thỉnh sinh mặt phủ voan. Edith Stein viết về nghi thức này như sau: “Tôi không thể dùng lời để diễn tả hết cái đẹp của nghi thức. Chúng tôi luôn luôn nhận được những lá thư cảm tạ của người bị xúc động sâu xa khi tham dự nghi thức này".

 

(Chú thích hình trang 66)

 

1/ Sau một năm nhà tập, Edith Stein, tức nữ tu Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá tuyên khấn tạm 3 năm. Đây là bức hình chụp tại khu vườn tu viện ngày 21 tháng 04 năm 1935, ngày Edith tuyên khấn, đầu đội vòng hoa kết bằng bông hồng trắng theo tập tục thời đó. Niềm vui lớn đã đến với Edith:  vào ngày 24 tháng 12 năm 1936 chị Rosa trở lại đạo Công giáo và nhận phép rửa tại nhà nguyện bệnh viện Sainte Elisabeth ở Cologne-Hohenlind! Edith được tham dự nghi thức này ngay khi chị được nhập viện do bị gãy tay và chân trái. Rosa được rước lễ lần đầu tại nhà nguyện dòng Cát Minh trong thánh lễ nửa đêm.

 

2/ Vào lúc Edith nhập dòng Cát Minh. Chị Teresia Renata Posselt đang là bề trên nhà tập. Năm 1936 chị lên làm mẹ bề trên và nắm vị trí này trong nhiều năm. Chị chứng kiến những trận bom tiêu hủy tu viện Cát Minh ở Cologne – Lindenthal tháng 10 năm 1944. Sau thế chiến thứ 2 chị xúc tiến việc tái thiết nhà dòng tại địa điểm đầu tiên của nó và – thế là tu viện này lại trở về vị trí cũ tại tu viện "Đức Bà An Bình". Năm 1948, mẹ Renata xuất bản tiểu sử Edith Stein, tiểu sử này được tái bản nhiều lần được dịch sang nhiều thứ tiếng. Mẹ Renata qua đời tháng giêng năm 1961.

 

(Chú thích hình trang 67)

 Ca triều Cát Minh, trong nội cấm. Nơi đây hằng ngày chị Edith tham dự phụng vụ cùng với các nữ tu khác. Chị thường lưu lại thêm 2 tiếng đồng hồ cầu nguyện trong thinh lặng, một giờ buổi sáng và một giờ buổi chiều. Edith viết cho một người bạn Do thái như sau: “Khi một người nhập dòng Cát Minh thì không có nghĩa thân nhân của họ bị mất mát mà trái lại, còn được lợi! Bởi vì ơn gọi của chúng tôi là hiện diện trước mặt Chúa vì lợi ích tất cả mọi người”.

 

(Chú thích trang 68)

             Sau những bạo động của “Đêm pha lê” Edith quyết định di cư đến ở một tu viện Cát Minh nước ngoài. Dự tính đi đến một tu viện tại Thánh Địa của chị không thành công. Như thế chị sẽ phải đi đến tu viện ở Echt Hà Lan. Edith cần một bức hình để làm thẻ thông hành. Bức ảnh trên được chụp tại ngưỡng cửa dòng Kín. Phía trên đầu chị Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá, người ta nhìn thấy mờ mờ tượng thánh giá treo trên bức tường trắng của tu viện.

 

 (Chú thích trang 69)

 

1/ Bản chụp lại giấy ghi lời khấn trọn của Edith do chính tay chị viết. Theo tập tục thời đó, việc tuyên khấn chỉ diễn ra trước mặt cộng đoàn nhà thôi, vào ngày 21 tháng 4 năm 1938. Ngày 1 tháng 5 diễn ra nghi thức công khai nhận tấm lúp đen, trước sự chủ tọa của Đức Giám mục phụ tá, Tiến sĩ Josef Stockums. Như thế tất cả những dịp trọng đại trong đời sống tôn giáo của Edith đều xảy ra vào dịp Phục sinh là thời gian chị yêu quí nhất. Theo tập tục, dòng Cát Minh thường chôn vị nữ tu quá cố trong tay cầm theo tờ khấn dòng. Tờ khấn của Edith Stein vẫn được tôn giữ… Đối với Edith Stein tuyên khấn là hiến dâng đời chị một cách dứt khoát. Sau lễ khấn ít lâu, chị viết: “Tôi tin cậy Chúa đã chấp nhận cuộc đời tôi vì lợi ích cho mọi người. Tôi thường nghĩ đến hoàng hậu Esther (Est 5 H ) người đã được chọn trong dân, đại diện họ trước Đức vua. Tôi chỉ là một Esther nghèo hèn bất tài nhưng Đức Vua Đấng đã chọn tôi thì vô cùng cao cả và đầy lòng lân tuất 

 

Ngày 21 – 04 – 1938

 (Chú thích trang 70)

 Trước khi Edith rời Cologne, Tiến sĩ Strerath đã dùng xe hơi đưa chị đến thăm ngôi giáo đường ngày xưa của dòng Cát Minh “Nữ Vương An Bình” (lúc bấy giờ là nhà thờ giáo xứ) trong thành phố Cologne cổ kính. Edith bày tỏ niềm mong ước được cầu nguyện lần cuối trước bức tượng “Nữ Vương Hòa Bình” hay làm phép lạ. Chị cũng được dẫn đi xem những nhà cửa cổ thời thế kỷ 17 nơi các nữ tu từng cư ngụ đến tận năm 1802. Bức hình chụp cho thấy phía bên trong nhà thờ trước khi nó bị phá hủy năm 1942. Giống như tu viện Cologne Lindenthal cũng bị phá hủy tương tự, các nữ tu Cát Minh đã xây dựng lại nhà thờ và tu viện Đức Bà An Bình sau thế chiến thứ hai.  Kể từ năm 1949 lần thứ hai các nữ tu lại trở về  cư ngụ nơi chốn cũ của họ.

 

 ECHT

“Vĩnh biệt để…  về với nguồn sống”.

Vốn rất sáng suốt, Edith Stein linh cảm cuộc giã biệt Cologne lần này sẽ là lần cuối. Chị đến Echt, một thành phố nhỏ ở Hà Lan. Dòng Cát Minh ở Cologne đã xây dựng tại đây một căn nhà dưới thời thủ tướng Bismark. Edith được tiếp nhận hết sức ân cần và không bao lâu sau chị đã cảm thấy thoải mái như ở nhà mình bởi vì chị luôn ẩn mình trong ý Chúa.

Các nữ tu ở Cologne xem Hà Lan, vùng trung lập, là một chỗ trú ngụ an toàn. Tuy nhiên không dễ có được một giấy phép cư trú lâu ngày ở đây khi làn sóng người tỵ nạn đang tuôn tới. Qua năm sau tình hình còn khó hơn khi mà Rosa Stein, vừa gia nhập Công giáo, cũng theo Edith đến Echt. Thế nhưng rồi Rosa Stein cũng đã đến được và chị đã được nhận vào làm người gác cửa tu viện.

Hai chị em đầy lòng biết ơn, vui mừng vì được sống bên nhau. Cả hai từng trải qua bao đau khổ… Gia đình họ bị trục xuất, ly tán khắp mọi nơi và những ai còn nán lại Đức thì đang bị cái chết đe dọa. Sau khi chiếm được Hà Lan, bọn Đức đã ra tay bách hại người Do thái và những nguồn tin hãi hùng mà chị gác cổng Rosa hay được  đã lọt vào tu viện khiến mọi người đều âu lo.

Chính vì để giúp Bênêđicta khỏi bị căng thẳng liên tục trước các nguồn tin tệ hại, mẹ bề trên đã ra lệnh cho chị phải chú tâm trở lại làm việc trí thức. Để kỷ niệm 400 năm ngày sinh của thánh Gioan Thánh Giá, tiến sĩ khoa thần nhiệm đồng thời là tổ phụ dòng Cát Minh, Edith Stein phải soạn thảo một  tác phẩm về đời sống và học thuyết của vị thánh này. Edith cảm thấy mình có được ân sủng đặc biệt khi đào sâu tác phẩm về vị thánh này.

Edith Stein ý thức rằng mẻ lưới của quân bách hại đang siết dần. Những cố gắng để di chuyển đến Thụy sĩ không thành công. Khi các giám mục ở Hà Lan công khai phản đối việc đưa người Do thái đi trại tập trung thì liền bị trả đũa ngay. Ngày 2 tháng 8 năm 1942. Edith và Rosa bị đưa đi tập trung cùng với toàn bộ người Công giáo gốc Do thái tới trại Amersfoort rồi trại Westerbork và cuối cùng đi về hướng Đông. Tới đây người ta không còn tin tức gì về hai chị. Theo một số kết quả đạt được sau những cuộc truy tìm lâu ngày, họ đã bị giết ngày 9 tháng 8 tại Birkenau gần Auschwitz.

Cuộc đời của thánh Gioan Thánh Giá có ý nghĩa gì đối với Edith Stein trong những tháng cuối đời chị? Chắc chắn đã từ lâu Edith luôn sống kết hiệp với vị thánh này. Chị thường đọc những tác phẩm và suy niệm những vần thơ linh thiêng của  ngài. Tương tự vị thánh này, Edith đã gắn vào tên mình mầu nhiệm thánh giá.

Trong dòng Cát Minh, việc lựa chọn mầu nhiệm gán thêm vào tên dòng muốn nói rằng người tu sĩ được gọi bước theo và sẵn lòng sống đúng với viễn ảnh của mầu nhiệm ấy. Đối với thánh Gioan Thánh Giá cũng như đối với Edith, thập giá nói lên tột đỉnh việc hiến mình của Chúa Giêsu trong thân phận làm người của Ngài, trong tâm tình hoàn toàntrông cậy vào Cha mình, Chúa Giêsu đã từng sống và chịu đau khổ trên trần gian nhằm dẫn đưa mọi người từ thân phận nợ nần hư mất về đến nhà Cha nơi có nhiều chỗ ở và là nơi cập bến cho mọi người.

Nhiều chỉ dẫn cho thấy Edith Stein bắt gặp được chính cõi thâm sâu tâm hồn chị nơi thánh Gioan Thánh Giá. Chẳng hạn chị đã nói đến trường hợp một người được gọi và bị cô lập, tách biệt khỏi cộng đồng, trở thành cớ cho người ta chống đối, chỉ vì Đấng Toàn Năng đã đặt tay trên người đó. Hoặc chị đã chiêm ngắm hình ảnh đấng Messie can đảm nhận cái chết để hiến thân chuộc lại hôn thê của mình là Israel và ban sự sống mình cho nàng. Edith Stein biết rõ điều này: “Thiên Chúa có những dự định cứu rỗi đối với dân tộc ngài chọn vì lợi ích của toàn nhân loại”.

Trong tác phẩm cuối cùng còn dang dở mang tựa đề “Khoa học về thập giá”, Edith đã cố gắng giải thích những gì mà, sau biết bao nỗ lực tìm tòi, chị đã hiểu được về yếu tính của cuộc sống con người. Cái dự định thuở thanh xuân muốn đem hết sức lực và tài năng “phục vụ nhân loại” và cái dự định tận hiến cuộc đời cho Chúa Kitô “vì nhân loại” kết chặt với nhau trong cùng một ý nghĩa.

Đây là tu viện Cát Minh ở Echt (tỉnh Limbourg thuộc Hà lan)  48 Bovenstestraat, nơi Edith Stein được nồng nhiệt tiếp nhận vào ngày 31 tháng 12 năm 1938. Trong tu viện Cát Minh này do Cologne xây cất lên, cộng đồng chỉ xử dụng duy nhất tiếng Đức. Vào năm 1941 khi 5 thiếu nữ tập sinh đến đó, người ta chuyển qua dùng tiếng Hà Lan: trong một thời rất ngắn, Edith đã rành rẽ thứ ngôn ngữ này.

(Chú thích các bức hình trang 72)

Bên trên phía trái: Tại Echt, Edith Stein phụ trách nhà ăn tập thể một thời gian. Chị cũng thích thay thế vị trí người đọc sách đứng trên chiếc bục cao (trong góc) đọc sách cho cộng đoàn nghe trong lúc dùng bữa.

Bên trên phía phải: Hành lang những căn phòng nhỏ của dòng Cát Minh tại Echt. Cửa thứ tư là phòng của Edith.

Sáu tháng sau khi Edith đến đây, vào ngày 1 tháng 7 năm 1939, Rosa chị của Edith cũng tìm đến dòng Cát Minh ở Echt để ẩn náu. Chị làm người gác cổng cho tu viện và làm việc ở trong vườn.

Bức hình được chụp tại vườn.

 (Chú thích bức hình trang 73)

Phía bên trong căn phòng của Edith Stein tại dòng Cát Minh Echt. Tại nơi đây Edith đã soạn thảo tác phẩm cuối cùng của chị “Khoa học về thập giá”.

 (Chú thích trang 74)

1/ Vào trưa ngày 2 tháng 8 năm 1942, Edith Stein đang lặng lẽ cầu nguyện trong ca triều này của dòng Cát Minh thì hai nhân viên mật vụ Đức Quốc Xã bước vào tu viện và yêu cầu nói chuyện với các nữ tu mang họ Stein. Hai gã này tuyên bố Edith và Rosa thuộc vào số người  phải bị bắt giữ và yêu cầu hai chị đi theo họ. Mẹ bề trên cố ý thương thuyết để trì hoãn, hy vọng có thể kiếm được một hộ chiếu đi Thụy sĩ nhưng vô ích, cuối cùng Edith và Rosa phải rời khỏi nhà theo hai gã mật vụ…

2/ Bức hình của Rosa Stein chụp năm 1942.

3/ Edith đã rời tu viện qua cánh cửa này.

(Chú thích hình trang 75)

Xe hơi bọn mật vụ không đậu trước cổng tu viện mà ở một góc đường chờ. Đám người kích động và giận dữ tụ tập ở đó, một chị  quen biết tu viện trong lúc được hối hả gọi đến, vẫn còn có thể đến gần hai chị em Edith và nghe rõ những lời Edith nói với chị mình trong nước mắt: “Nào, vì dân tộc mình, chúng ta hãy ra đi”.

Chiếc xe mật vụ mang những người bị bắt giữ đến trại Amersfoort. Đám người này chỉ toàn là dân công giáo gốc Do thái. Họ đến trại vào ngày 4 tháng 8.

Từ trại Westerbork, các tù nhân vẫn còn được phép gởi thơ và được thăm viếng. Hai thanh niên đã mang đến những gói đồ từ dòng Cát Minh ở Echt và mang về lá thư ngắn này của Edith Stein được viết vội vã trên một tờ lịch. Edith xin gởi cho chị đôi tất len, hai tấm mền, khăn, một tượng thánh giá và một cỗ tràng hạt cho Rosa, và tập kinh nhật tụng tiếp theo của chị…  Ngày mai sẽ có một cuộc di chuyển (đến Silésie hay Tiệp khắc). Và đây là lời thú nhận đầy cảm động. “Đến lúc này tôi vẫn có thể cầu nguyện một cách diệu kỳ…”

Hừng đông ngày 7 tháng 8, đoàn xe rời Westerbork lên đường về hướng Nam. Chuyến xe lửa đứng lâu ở Schifferstadt vùng Palatinat. Chắc hẳn Edith đã có cơ hội để thông báo những tin vắn gọn cho những người chị quen biết. Nhiều nhân chứng tuyên bố đã nhận được những lời nói hoặc ngay cả những mẩu giấy câu này: “Chúng tôi đang trên đường về mạn Đông” của một phụ nữ bận y phục sẫm ngồi trong toa xe lửa đang dừng lại ở Schifferstadt. Người phụ nữ này giống hệt Edith Stein. Theo tin xác nhận chuyến xe lửa đó vào đến Birkenau gần Auschwitz ngày 9 tháng 8 năm 1942…

(Chú thích hình trang 76)

Khi cuộc đời sắp đến hồi kết thúc, Edith Stein đã làm việc hơn một năm cho tác phẩm cuối cùng mang tên Khoa học về thập giá viết về thánh Gioan Thánh Giá… Chị thường chiêm ngắm bức hình chịu nạn này do thánh Gioan vẽ. Chị có được một bản sao mờ trên giấy xấu. Chị Benedite Thánh Giá cố gắng vẽ lại bức hình trên và viết: “Tôi không là họa sĩ nhưng tôi vẽ bức hình Chúa với lòng kính trọng mến yêu”.

(Chú thích hình trang 77)

Bức hình cuối cùng của Edith Stein vài tháng trước khi chị qua đời.

Tôi tự đề nghị một số môn học và để đạt điều này tôi đã chọn một đại học giúp tôi tiến bộ về mặt chuyên môn của tôi. Điều này quả là một tính toán hợp lý, thông minh và đầy ý nghĩa. Còn chuyện tôi gặp một người đàn ông trong thành phố này, anh ấy “ngẫu nhiên” cũng đến đây học và một ngày nọ “ngẫu nhiên” tôi bắt đầu trò chuyện với anh ấy về những vấn đề triết học, thì đối với tôi, cuộc gặp gỡ này có vẻ chẳng phải là điều đương nhiên hợp lý.

Thế nhưng, khi gẫm lại đời mình sau bao năm tháng, tôi mới khám phá rất chính xác là cuộc trò chuyện ấy đã mang lại một ảnh hưởng quyết định đối với tôi, chắc chắn còn thiết yếu hơn tất cả sự học tập của tôi. Nhờ đó, tôi đã hiểu ra rằng có lẽ “chính vì thế” mà tôi "phải đến" thành phố này. Đây quả không phải những gì nằm trong ý định của tôi mà chính là trong hoạch định của Thiên Chúa.

Và những biến cố tương tự như thế càng xảy đến cho tôi, tôi càng thêm niềm xác tín rằng nơi Thiên Chúa chẳng hề có gì là “ngẫu nhiên”. Trọn đời tôi, ngay tận những chi tiết nhỏ nhất cũng đều được tiền định trong kế hoạch quan phòng của Ngài. Trước đôi mắt tinh tường của Chúa, cuộc đời tôi chứa chan vẹn toàn ý nghĩa…

Bấy giờ tôi bắt đầu vui hưởng Anh Sáng Vinh Quang, mà trong đó tôi sẽ nhận ra chính mình và hiểu được được trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời tôi.

Edith Stein

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

Ký tên. Nữ tu Benedicta Thánh Giá O.C.D.

Chũ ký của Edith trên chúc thư của chị


(Chú thích hàng chữ tiếng Latin)

Trong ngôn ngữ hằng ngày, chúng ta thường phân biệt giữa “điều được hoạch định” tức điều chúng ta cho là “có ý nghĩa” và “hợp lý” với “điều ngẫu nhiên” tức những gì xem ra vô nghĩa, khó hiểu.

(Chú thích bức hình trang 71)

Tác giả: Maria Amata Neyer

http://www.Dunglac.org


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét