Những giải đáp của Phật Giáo cho thế kỷ 21
MỘT ĐỜI SỐNG CÓ Ý NGHĨA
Thubten Zopa Rinpoche
Nicholas Ribush và Glenn H. Mullin ghi lại Mỹ Thanh dịch sang tiếng Việt
Lạt ma Thubten Zopa Rinpoche là học trò của Lạt ma Thubten Yeshe. Ông là một người thầy khả kính đã dạy về con đường giải thoát cho hàng ngàn người, mà trên một trăm người đã trở thành tu sĩ. Bài giảng nầy được ghi lại ở Tushita vào ngày 4, tháng 7, năm 1979.
Một điều rất quan trọng mà chúng ta trong lúc được thân người nên ráng thực hành, đó là: ráng tu tập để được an bình trong tâm trí.
Điều hiển nhiên là hạnh phúc không tùy thuộc vào những điều kiện bên ngoài. Chúng ta có thể trắc nghiệm được điều nầy ngay trong cuộc sống hiện tại.
Hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc không những từ những điều kiện bên ngoài mà còn cần đến những điều kiện ở bên trong. Nếu những điều kiện bên ngoài có thể cho chúng ta một hạnh phúc miên viễn, thì những người giàu có chắc hẳn được nhiều an lạc; và những ai không giàu sẽ không sung sướng hay hạnh phúc. Nhưng cuộcc sống cho thấy rằng: có bao người sống rất hạnh phúc nhưng chẳng giàu; trong khi bao kẻ giàu sang lại đau khổ.
Chẳng hạn ở Ấn Độ, có rất nhiều nhà thông thái, nhiều đạo sĩ cao thâm, và bao người Phật tử sống một cuộc đời rất khiêm nhường nhưng đầy an lạc. Lúc mà họ hạnh phúc nhất là lúc mà họ từ bỏ sự chạy theo cái tâm lăng xăng lộn xộn. Sự từ bỏ ngã mạn, giận dữ, si mê, bám víu, v…v… Càng xa lánh những thứ nầy thì trong tâm họ càng an lạc.
Những đạo sĩ nổi tiếng như: Naropa của Ấn Độ và Milarapa của Tây Tạng, chẳng có gì hết nhưng tâm hồn họ tràn đầy an lạc. Họ đã từ bỏ cái tâm lăng xăng, nguyên nhân của những đau khổ.
Chính sự giải thoát, giác ngộ, đã đem hạnh phúc lại cho họ. Như Milarapa, có lúc nhịn ăn cả nhiều ngày, sống trong hang đá, nhưng vẫn được xem là người hạnh phúc nhất trần gian. Bởi vì họ đã từ bỏ ba thứ độc: tham, sân, si; và do đó được an lạc, hạnh phúc. Khi mà cái tâm lăng xăng lộn xộn không còn nữa, thì hạnh phúc, an lạc hiện hữu.
Nếu hạnh phúc tùy thuộc vào những điều kiện bên ngoài thì những nước giàu có như Mỹ chắc hạnh phúc lắm lắm. Bao người cố gắng bắt chước Mỹ quốc vì nghĩ rằng giàu như thế mới hạnh phúc. Riêng tôi nhận thấy rằng tôi tìm được an lạc nơi những quốc gia thiên về tâm linh như Ấn Độ và
Ở những quốc gia nầy, người ta dễ tìm được an lạc. Vì Ấn Độ là một nước tâm linh, nên ta dễ tìm được sự bình an nơi tinh thần. Khi mà bạn nhìn thấy những xã hội vật chất và những người sống trong xã hội đó, tinh thần bạn rất dễ bị dao động. Khi mà vật chất bành trướng thì con người càng lúc càng bận rộn và nhiều vấn đề bắt đầu xuất hiện. Con người không còn thời gian để nghỉ ngơi, người ta bận rộn, lo lắng, và bất an. Nếu hạnh phúc hoàn toàn tùy thuộc vào những yếu tố bên ngoài, thì những đất nước dư ăn dư mặc như Thụy Sĩ hay Mỹ đã thực sự được an lạc, hạnh phúc; họ đã không cãi nhau, đánh nhau, và không có bạo động. Nhưng sự thực không phải vậy. Như thế có nghĩa là có điều gì đó thiếu sót. Chứng tỏ rằng họ đã sơ sót trong việc tìm kiếm hạnh phúc.
Về phương diện vật chất, những nước Âu, Mỹ là hàng đầu thế giới, nhưng biết bao là vấn đề đang tiếp tục hủy hoại sự an lành và hạnh phúc của họ.
Họ đã thiếu sót cái gì? Thưa, đó là sự trau dồi bản tâm.
Họ đã lo chạy theo những thứ bên ngoài và quên mất bản tâm, quên trau dồi mặt tinh thần. Những nước Tây phương tiến triển rất nhanh về mặt vật chất; nhưng vì mãi lo bên ngoài mà họ quên hẳn sự phát triển về mặt tâm linh.
Sự phát triển vật chất tự nó không phải là không tốt, nhưng sự phát triển về tâm linh còn quan trọng gấp mấy lần. Hơn nữa sự phát triển về mặt bản tâm có hiệu quả kiến tạo hạnh phúc lâu dài hơn hết. Bạn không thể nào tìm được an lạc khi mà bản tâm bạn bị bỏ quên. Khi mà lòng từ được tăng trưởng thì bạn dễ tìm được sự an bình trong tâm hồn. Làm sao có thể so sánh được sự giàu có vật chất với lòng từ bi bác ái, sự yêu thương, nhẫn nại, sự diệt trừ bạo động, và sự từ bỏ cái tâm lăng xăng lôn xộn. Cho dù bạn có một núi kim cương cũng không thể nào so sánh được với sự bình an trong tâm hồn. Kẻ sở hữu nhiều châu báo vẫn bị chi phối bởi sân hận, tham lam… Nếu có ai đó mắng họ, tức thì họ nổi giận và muốn chửi lại hay đánh lại. Một người biết tu tập thì không phản ứng như thế. Họ sẽ tự nói: “Kẻ kia mắng mình làm mình buồn khổ, và nếu mình mắng lại họ thì họ cũng sẽ buồn, sẽ khổ như mình. Vì đã biết tu tập từ tâm, nên không mắng chửi lại.” Nếu biết nghĩ như thế thì sẽ không làm ai đau khổ. Khi mà bạn bè của tôi nói hay làm điều gì mà tôi không thích, sự khó chịu và bực bội bắt đầu nổi lên trong lòng, tôi muốn nói lại để làm cho họ đau; nhưng tôi tự chủ lại và tự ngẫm , “Tôi và họ đều muốn tránh đau khổ và mong hạnh phúc. Thế thì tôi không nên nói hay làm những điều gây ! buồn phiền cho họ. Đó là tôi tu.” Nhờ nghĩ như thế, cơn giận liền tan biến như bọt nước bong bóng. Ban đầu bong bóng tựa như là một khối đá rắn chắc, nhưng thình lình nó tan biến. Lúc đầu tưạ như là chúng ta không thể thay đổi được quan niệm, nhưng nếu biết áp dụng phương pháp đúng cách, thì cơn giận tức khắc tan biến như bọt bong bóng nước. Đâu còn điều gì để mà tức giận nữa.
Bạn nên tập kiên nhẫn, đừng để cho cơn giận bốc lên, nhớ rằng cơn giận làm cho tâm trí bất an, hủy hoại sự thanh bình của chính bạn và luôn cả những người chung quanh cũng bị vạ lây. Cơn giận làm mặt chúng ta xấu đi. Không cần biết bạn đẹp như thế nào, một khi cơn giận xuất hiện thì cho dù có điểm trang khéo đến đâu, bạn cũng không thể che dấu được sự xấu xí, hằn hộc trên gương mặt. Bạn có thể nhận diện được sự giận dữ trên khuôn mặt mọi người. Bạn sẽ sợ hãi khi mà phải đối diện với một kẻ đang sân hận. Khuôn mặt họ lộ vẻ dữ tợn, đó là phản ảnh của sự tức giận từ bên trong. Đó là một năng lượng có những rung động rất xấu, chúng ta nên từ bỏ nó. Vì sân hận làm cho mọi người bất an và mất hạnh phúc. Sự thực hành đúng chánh pháp, sự thiền định đem lại lợi ích cho mọi người. Sự thiền định giúp cho chúng ta và mọi người chung quanh được an lạc. Một hành động đúng theo chánh pháp làm lợi ích cho mình, cho người. Như tôi đã nói ở trên, sự nhẫn nại quý giá gấp triệu lần núi kim cương. Làm sao có được sự bình an của tâm hồn nếu chỉ lo góp nhặt kim cương? Bạn còn có thể bị nguy hiểm đến tánh mạng nếu có quá nhiều kim cương. Không thể nào chúng ta có thể so sánh được sự tốt lành của bản tâm với sự sung mãn về vật chất.
Mọi người trong chúng ta đều muốn an vui, hạnh phúc; đo đó chúng ta phải thực hành chánh pháp. Thực hành chánh pháp cho đúng nghĩa không phải là tụng kinh nhiều, lễ lạy luôn luôn và mặc áo tràng. Thực hành chánh pháp là làm tăng trưởng tâm hồn, làm cho cái tâm được trong sạch hơn… Chúng ta có rất nhiều những nhân tố xấu bên trong như: tâm lăng xăng lộn xộn, si mê, ngu dốt, sân hận… và những nhân tố tốt bên trong như: tình thương, lòng bác ái, v…v… Chúng ta ai ai cũng có sẵn những nhân tố tốt cũng như xấu. Thực hành chánh pháp là làm tăng trưởng những cái tốt, diệt trừ những cái xấu. Đây là một cách thực hành chánh pháp mà ta nên tu tập. Có rất nhiều cấp bậc đau khổ, vì vậy chúng ta cần sự bảo vệ tối đa cho chính mình. Chánh pháp như là một sợi dây thừng được quăng ra cho ai đó đang sắp rơi vào vực thẳm. Chánh pháp bảo vệ và giữ gìn một người, không cho họ rơi vào những thế giới đau khổ – thế giới của điạ ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Hơn nữa, chánh pháp bảo giúp chúng ta không rơi vào ba đường ác khi chúng ta còn trong vòng sinh tử luân hồi. Chánh pháp giúp chúng ta phân biệt được chính tà và bảo vệ chúng ta cho đến lúc chúng ta đạt giải thoát, được giác ngộ thành Phật; và sự an lạc tối thượng là đây. Cái chết được tiếp nối ở một giai đoạn gọi là “trung ấm” (Bardo-Tây Tạng), sau giai đoạn nầy chúng ta thác sanh một trong sáu thế giới –! ; Thọ sanh, sống, chết, giai đoạn trung ấm, và đầu thai. Đây là một chu kỳ không ngừng nghỉ, chúng ta chạy quanh, lặp đi lặp lại những kinh nghiệm buồn vui lẫn lộn, vì nhận thức sai lầm.
Khi chúng ta thực hành chánh pháp, chánh pháp bảo vệ và dẫn dắt chúng ta khỏi những lầm lẫn tai hại khi ta còn trong vòng sinh tử. Chánh pháp có nhiều trình độ, và luôn dẫn dắt, bảo vệ những ai thực hành nghiêm chỉnh. Cơ thể và tâm trí của chúng ta luôn làm chúng ta đau khổ. Tại sao như vậy ? Bởi vì tâm trí chúng ta chưa được giải thoát khỏi vô minh. Và khi còn vô minh thì tâm trí và cơ thể đều chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Cơ thể chúng ta “khổ” khi bị nóng quá, lạnh quá, đói khát, sanh, bịnh, già, chết, v.v…
Còn có thân, thì chúng ta còn chưa thoát được những nỗi khổ nầy. Những hạt giống đau khổ đã nằm sẵn ở trong mỗi chúng ta. Sự luân hồi sinh tử của chúng ta là do nơi thân nầy, tâm nầy. Thân và Tâm nầy luôn làm chúng ta lo lắng và không bao giờ để cho chúng ta yên tịnh. Thân và Tâm cộng thêm Vô Minh, và bắt đầu từ đó là Nghiệp được tạo ra, rồi Nghiệp đó lại dẫn dắt chúng ta đi trong vòng luân hồi.
Luân hồi là một vòng tròn như bánh xe. Nó quay như thế nào ? Những hợp thể, thân và tâm, tiếp tục từ kiếp sống nầy sang kiếp sống khác. Những kết tập của kiếp trước và kiếp sau liên tục, không gián đoạn. Chúng tạo ra một vòng tròn tiếp nối, giống như là người đi xe đạp vậy.
Bản ngã cũng thế. Nó dắt chúng ta chạy quanh từ kiếp sống nầy sang kiếp sống kế tiếp; đầu thai trở lại theo nghiệp lực đã gieo. Cái nghiệp mà ta đã tạo ra nơi thân và tâm. Dựa vào những dự kiện đã huân tập mà ta thọ thai nơi cõi người, súc vật, trời hay địa ngục…. Những hợp thể đưa dẫn chúng ta đi chẳng khác nào con ngựa chở người cỡi nó.
Từ vô thỉ đến nay, trải qua bao nhiêu kiềp sống, chúng ta đã không tu tập để tự giải thoát khỏi những phiền não, nghiệp lực. Do đó, thân và tâm chúng ta lúc nào cũng trong vòng đau khổ, luôn lặp đi lặp lại những lỗi lầm đã vấp phải. Nếu chúng ta thoát được phiền não thì không khi nào chúng ta lại lặp lại những đau khổ đã trải qua.
Một khi mà giải thoát được khỏi vòng sinh tử, tức là khổ đau chấm dứt. Khi không phải trở lại mang thân sinh tử thì đâu cần phải có nhà cửa, quần áo, thức ăn, và những nhu cầu cần thiết khác.
Đâu có lý do gì để lo lắng, sắm sửa, góp nhặt của cải, chạy theo danh lợi để có cả trăm bộ quần áo, mặc vào những dịp khác nhau, để có cả trăm đôi giầy, làm việc đầu tắt mặt tối v…v…
Không có thân thì đâu có những vấn đề nầy.
Nhưng vì có thân nầy mà phải lao tâm, lao lực suốt cuộc đời, từ lúc “mang thân” cho đến lúc “bỏ thân”; cũng chỉ lo có bấy nhiêu.
Lạt ma Tsong Khapa, một đạo sư Tây Tạng, được tôn sùng như Bồ tát Văn Thù Sư Lợi (Manjushri), vị Bồ tát của Trí Tuệ, trên bước đường tu tập có viết như sau: ” Nếu một người không bao giờ nghĩ đến sự tiến hóa trong vòng luân hồi, thì không khi nào họ có thể cắt đứt được gốc rễ của sinh tử.”
Ví như một người hay bệnh vì ăn những thức ăn không hợp với thể tạng của họ; nếu anh ta không chịu để ý để tránh, mà cứ ăn hỗn tạp thì cho dù có uống bao nhiêu thuốc cũng sẽ không khỏi bệnh.
Cũng như vậy, nếu chúng ta không chịu tìm hiểu đường đi nước bước của vòng luân hồi, thì làm sao chúng ta có thể đạt được Niết Bàn.
Muốn chứng đạt Niết Bàn phải cắt gốc sinh tử. Muốn thành công trong việc cắt gốc sinh tử thì phải biết tu tập theo chánh pháp. Có nghĩa là chúng ta phải nhận diện được sự vận hành của vòng luân hồi, những nguyên nhân nào đã ct chúng ta vào vòng sinh tử. Nhờ hiểu rõ ngọn ngành, chúng ta có thể thực hiện được những điều cần thiết để thoát vòng sinh tử.
Lạt ma Tsong Khapa tóm tắt như sau: ” Tôi là một đạo sĩ đã thực tập như vậy để được giải thoát; và tôi yêu cầu tất cả những ai đang trên đường giải thoát nên thực tập y như vậy.”
Vị đạo sư nầy đã giải thoát và khuyên chúng ta nên thực tập như người.
Điều quan trọng trước tiên là chúng ta phải có ước muốn được thoát khỏi luân hồi; kế đến là nhận diện luật tiến hóa trong vòng sinh tử và cuối cùng thì cắt gốc sinh tử.
Để hiểu rõ về sự tiến hóa của chu trình sinh tử, chúng ta phải hiểu cặn kẻ về mười hai mắc xích, và những căn nguyên của chúng phụ thuộc lẫn nhau.
Mười hai mắc xích nầy là nguyên nhân dẫn chúng ta chạy quanh vòng sinh tử. Trong quá khứ, vì Vô Minh che đậy, chúng ta tích lũy Nghiệp để rồi thọ sanh ra thân nầy. Trong cơn hấp hối, một tích tắc trước khi lìa đời, chúng ta còn bám víu, không muốn bỏ cái thân, không muốn chết … Khi sang qua thân trung ấm, và kế đến là vào bào thai mẹ. Trứng lớn dần và những cảm giác bắt đầu tăng trưởng. Sau đó, là sự xúc chạm, phản ứng của những cảm thọ xuất hiện. Thế là sự đầu thai bắt đầu… cho đến lúc chúng ta già…và những gì còn lại chỉ là kinh nghiệm của cái chết.
Trong cuộc sống hiện tại không có an lành; từ lúc sanh ra cho đến lúc chết, chúng ta luôn luôn phải chịu đau khổ: đau đớn lúc chào đời, không hài lòng với hoàn cảnh, gặp cảnh trái ngang, có nhiều lo lắng, sợ phải xa lìa người thân, sợ mất của, sợ bệnh hoạn, sợ tuổi già và sợ chết.
Tất cả những vấn đề nầy là đều từ nơi nghiệp lực mà ra. Nghiệp có được là từ vô minh. Bởi thế cái gốc rễ của vòng sinh tử đều bắt đầu từ Vô Minh. Sự vô minh bắt đầu bằng cái ” TA.” Cái bản ngã nầy không có thật. Nhưng vì vô minh, chúng ta xem nó là thật, là thật hiện hữu. Vô Minh là nguyên nhân của tất cả khổ đau. Chúng ta chỉ được Niết Bàn khi mà phá bỏ được Vô Minh – gốc rễ của sinh tử. Nếu không nhổ được gốc Vô minh, thì sẽ không có Niết bàn. Muốn được Niết Bàn phải nhổ gốc sinh tử, do đó chúng ta phải thực hành theo Chánh pháp. Một khi gốc sinh tử được cắt đứt thì Niết Bàn hiện tiền. Nhưng mà một khi đạt được giải thoát, ta phải nghĩ đến những chúng sinh khác, trong đó có cha mẹ, anh chị em trong nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta.
Không có một chúng sanh nào không tử tế với chúng ta dù trong kiếp nầy hay kiếp khác. Ngay trong hiện tại, ít nhiều hạnh phúc của chúng ta đều tùy thuộc vào sự tử tế của những người chung quanh. Không hẳn chỉ có loài người, mà còn có những chúng sanh khác bị giết vì chúng ta, và một số còn làm việc cực nhọc để cho chúng ta được sung sướng. Chẳng hạn muốn có lúa gạo, một số côn trùng bị giết, một số người phải làm việc dưới ánh nắng gay gắt, v…v… Do đó sự sung sướng hàng ngày của chúng ta luôn tùy thuộc vào sự tử tế của các chúng sanh khác. Được làm người, đây là cơ hội để chúng ta trả những ơn đó. Những con vật thì ngu dốt và không hiểu chánh pháp. Chúng ta làm người có được cơ hội để học tập và khi đạt giác ngộ thì chúng ta giúp những chúng sanh nầy được giải thoát. Chúng ta nên suy ngẫm như sau: “Tôi nên ráng tu tập đạt đạo giải thoát để làm lợi ích cho chúng sanh. Chúng sanh đã tử tế với tôi, và giúp đỡ tôi rất nhiều. Những chúng sanh nầy đang đau khổ, trong đó biết đâu lại chẳng có cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp của tôi. Là con, tôi phải có bổn phận giúp đỡ… Con đường chánh pháp là tâm từ . Và tâm từ rộng lớn là tâm Bồ Tát, với ý nghĩ muốn thành Phật để độ chúng sanh thoát khổ. Và đây là tâm từ mà chúng ta nên phát triển.
ẢNH HƯỞNG CỦA THIỀN VIPASSANA NƠI LÀM VIỆC
S. S. Joshi – Mỹ Thanh dịch sang tiếng Việt
Để tìm hiểu mức ảnh hưởng của Thiền Vipassana (Thiền Minh Sát) nơi làm việc, chúng tôi phỏng vấn những người đã theo học khóa Thiền Vipassana trong vòng mười ngày. Những câu hỏi cũng được đặt ra cho những đồng nghiệp của họ để biết về kết quả thu thập được sau khi họ thực tập Thiền Vipassana.
Kết quả cho thấy thực hành thiền Vipassana không chỉ có nhiều chuyển hoá trong đời sống mà còn tăng cường năng suất và hiệu quả làm việc.
***
Thường thường tất cả đều nhận thấy có những đổi thay tốt đẹp nơi những người thực tập Thiền Vipassana, và mang lại được nhiều lợi ích cho nơi họ làm việc. Sau khóa thực tập, họ trở nên cởi mở, tin tưởng và thân thiện hơn. Họ làm việc một cách hăng say. Sự mệt mỏi, căng thẳng biến mất ; vấn đề ganh tỵ, khó chịu, mặc cảm đều giảm đi một cách rõ rệt.
Bây giờ chúng ta hãy nhận xét kết quả của từng cá nhân sau thời gian tu tập:
- Ông Balle, Nhà quản Lý (Nghiên cứu & Khuếch trương), thực tập Thiền Vipassana trong vòng mười năm. Ông nói là ông đã giảm bớt sự nóng nảy, cộc cằn. Ông suy nghĩ nhiều lần trước khi trả lời. Ông không còn xẵng giọng với mọi người như trước kia nữa. Những người dưới quyền ông giờ có thể đến gần ông trò chuyện và không khí trở nên thân mật hơn, ở nhà cũng như ở sở. Niềm tin của ông đối với mọi người được tăng lên.
Ông cảm thấy thoải mái đối với mọi hạng người. Chẳng hạn, ở sở có một người mà không ai ưa hết, thế mà ông thân được với người nầy và bây giờ cả hai trở nên bằng hữu.
Ông Balle nhận thấy được sự lợi ích của Thiền Vipassana, nên đã giới thiệu một người bạn thông minh nhưng cộc tính học một khóa Vipassana.
Sau đó, người bạn nầy cũng thay đổi rõ rệt, ông ta dễ thương hơn đến nỗi gia đình và bạn bè đều rất đổi ngạc nhiên. Một thời gian sau, người bạn nầy giới thiệu hai, ba người bạn Bác sĩ khác đến học Thiền Vipassana.
Nhờ ông Balle bớt nóng giận và trở nên tin tưởng vào những cộng sự viên, và họ làm việc tích cực, có hiệu quả hơn.
Trước kia, những tiến trình của một dự án mất rất nhiều công sức và thời gian; đôi lúc phải thực hiện nhiều lần mới có kết quả như ý muốn. Bây giờ, sau khi thực tập Vipassana, những ý kiến cũng như quyết định của ông Balle đã trở nên chính xác và có hiệu quả hơn. Việc làm tiến hành một cách mỹ mãn mà không mất thời gian. Kết quả là hàng sản xuất gia tăng trong một thời gian rất ngắn.
Tất cả những người thực tập Vipassana và đồng nghiệp của họ, đều công nhận rằng có những đổi thay khả quan nơi họ cũng như nơi làm việc.
- Ông Kulkani (Ban hành sự) hay bực tức và căng thẳng khi mà thuộc hạ lầm lỗi hay không làm theo ý của ông. Sau khóa thực tập Vipassana, ông lẳng lặng nhìn 65 lỗi của thuộc hạ và từ tốn chỉ dẫn họ sửa sai. Sự chú tâm và bình tĩnh của ông gia tăng thì sự căng thẳng được giảm bớt.
Do đó, kết quả của mức sản xuất cũng trội hơn lúc trước.
- Những đồng nghiệp của một người thực tập Vipassana nói rằng: sau khóa tu tập, ông ta dễ chịu hơn với mọi người và bớt hung hăng. Ông suy nghĩ trước và sau đó hành động một cách thích ứng tùy theo trường hợp. Đồng nghiệp cảm thấy thoải mái hơn khi gần ông ta.
- Ông B. Sitharam (Tổng Quản Lý) thực tập 10 ngày trong tháng giêng 1993. Sau khóa tu tập thứ I, ông ngừng hút thuốc và uống rượu. Ông thực tập Vipassana mỗi ngày trong vòng một tiếng đồng hồ. Vợ ông thì thực tập khóa học tháng 11, 1993.
- Ông N.P. Joshi (Phụ tá quản lý) cảm thấy sau khóa tu học Vipassana, ông trở nên lễ phép hơn và bắt đầu quan tâm đến mọi người. Vợ ông cũng thực tập một khóa vào tháng giêng năm 1994, và quan niệm về cuộc sống của bà sau đó cũng thay dổi. Bây giờ đứa con trai 9 tuổi cũng sửa soạn học một khóa vào tháng 5, 1994.
- Ông P. J. Shah (Nhân viên môi giới) thực tập Vipassana một tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ông nói mặc dầu tâm trí đôi lúc bực dọc, sau buổi thực tập, tâm thần ông trở nên sảng khoái, minh mẫn hơn. Sự nóng nảy cũng được giảm bớt. Ông làm việc có hiệu quả hơn. Mọi quyết định của ông trở nên chính xác và nhờ đó ông tự tin hơn.
- Ông Pathah (Nhân viên cửa hàng) thực tập Vipassana từ tháng 7, 1992. Trước đó ông hay ngủ vào giờ ăn trưa. Bây giờ giấc ngủ trưa không còn cần thiết nữa, vì tinh thần ông không mỏi mệt. Ông làm việc nhanh hơn. Ông thường làm xong tất cả công việc trước khi tan sở. Nhờ vậy ông có thời gian rảnh rỗi để lo việc ở nhà. Thuộc hạ của ông bảo là ông dễ chịu hơn, bớt nóng nảy, bớt căng thẳng. Đồng nghiệp ông cũng khen ông làm việc có hiệu quả và chính xác hơn. Chứng tỏ Thiền Vipassana đã giúp ông cải thiện đời sống của chính mình và nơi chốn làm việc, ông là một nhân viên khá hoàn toàn.
Những nhận xét chung về nhân viên có thực tập Vipassana như sau: họ luôn luôn làm xong công việc được giao phó trong ngày, ít khi nào công việc bị dời lại cho ngày hôm sau. Chứng tỏ họ có sự chú tâm ”đặc biệt,” do đó họ làm công tác nhanh hơn; họ cũng bỏ luôn những thói quen xấu như: hút thuốc, uống rượu. Sự tin tưởng, quan tâm, biết giúp đỡ lẫn nhau trong một đoàn thể làm cho công tác ở sở không còn khó khăn hay trở ngại như lúc trước.
Nếu chúng ta biết áp dụng Thiền Vipassana cho mọi người cùng thực tập thì trong một đoàn thể hay một xã hội đều sẽ có được nhiều lợi ích.
Tóm lại, chúng ta có thể kết luận một cách chắc chắn là Thiền Vipassana có một ảnh hưởng rất tốt cho chính bản thân cũng như đối với mọi người chung quanh. Thêm vào đó, Vipassana cũng giúp cho sự sản xuất gia tăng nơi chốn công sở. Người tốt thì việc tốt.
GÌA VÀ CHẾT
Bhikkhu P.A. Payutto – Mỹ Thanh dịch sang tiếng Việt
Bản nguyên tác tiếng Anh
(Thuyết trình tại buổi hội thảo chuyên đề y học quốc tế về bản chất
và tiến trình của cái chết)
Ngày 22 tháng 4 – 2539/ 1996
Kính thưa toàn thể quý vị,
Hôm nay thay vì trình bày về cái chết và tiến trình của cái chết, tôi xin được trao đổi với quý vị về tiến trình của già và chết.
Già và cái chết là những hiện tượng thiên nhiên. Theo quy luật thiên nhiên, tất cả các sự vật duyên khởi đều vô thường và phải bị biến đổi, tùy thuộc vào sự chi phối của nguyên nhân, và điều kiện. Bất cứ cái gì có khởi đầu đều phải có kết thúc.
Đời sống của tất cả chúng sinh, sau khi được sanh ra là phải chịu biến đổi với sự kiếm khuyết của các giác quan. Cái chết chỉ là một sự thay đổi, sự chấm dứt đời sống ở nơi nầy ; sự tan rã của các tế bào, sự vất bỏ của thân xác nầy.
Mặc dầu theo luật thiên nhiên, Già và Chết là một sự thật hiển nhiên của đời sống con người. Trên mặt tâm lý, thường thì Già và Chết tượng trưng cho sự mất mát, hết hy vọng, một ngả rẻ đi vào bóng tối với sự hiện diện của sợ hãi, lo lắng. Dù vậy, tuổi già cũng có thể là một cơ hội để 'trưởng thành', và cái chết là một sự giải thoát. Ít ra, một người khi có được đời sống tốt đẹp và có ý nghĩa; lúc chết ít nhất cũng sẽ không bị hoang mang mà còn có thể được giải thoát ngay lúc ấy.
Cuộc sống của con người thường thì được chia ra làm ba giai đoạn: trẻ thơ, trung niên và cuối cùng là “tuổi già”. Trong những thời gian nầy, một người khi sống với Chánh Niệm trong từng hành động thường ngày, có thể sống tốt đẹp ở giai đoạn đầu và đoạn giữa của cuộc sống, nhưng còn đoạn cuối thì sao ?
Đức Phật là một điển hình của sự toàn thiện trong cả ba giai đoạn. Có nghiã là một đời sống an vui, hạnh phúc trong tuổi “già” vẫn có thể thực hiện được. Thêm vào đó, như đã nói trên, một người vẫn có thể tiến triển đến mức hoàn thiện vào lúc cuối cuộc đời.
Bao người đã bỏ hai phần ba cuộc đời chạy theo danh vọng, tiền tài, địa vị, quyền lực, và đua đòi vật chất. Họ có thể nói đời sống của họ là đáng giá. Thật ra thì chưa đủ. Họ đã không nhận ra tiềm năng thật sự của con người. Khi có cơ hội được sống lâu hơn kẻ khác, đó là lúc họ có thể tiến bước trên con đường tìm lại những tiềm năng của chính mình.
Muốn được sống lâu, chúng ta phải biết săn sóc bản thân. Săn sóc trên mọi phương diện : tinh thần, thể chất, sinh lý cũng như tâm lý. Sự tương quan giữa những điểm nầy cần được hướng dẫn chu đáo để đời sống hàng ngày được nhiều lợi lạc. Ngoài việc ăn uống đầy đủ và thể dục đều đặn, một cuộc sống không làm tổn hại đến người và vật xung quanh là một điều rất cần thiết cho một cuộc sống hạnh phúc & quân bình.
Ngày nay, xã hội phát triển trên đà tranh chấp và tiêu thụ. Con người vì lao theo nhịp sống nầy chỉ lo tranh dành và gom góp của cải ,và vì vậy đã không còn thời gian dành cho chính mình. Vì sống trong một xã hội như thế, không ai có thể lo cho ai, nên người già phải tự lo. Trong trường hợp nầy, người già nên giải trí bằng cách tập thể dục, năng vận động trong môi trường thiên nhiên. Trên phương diện tình cảm gia đình, tình thương dành cho con cái vẫn giữ vai trò quan trọng. Nhưng đôi lúc, cha mẹ đã lo lắng thái quá và việc đó làm cho con cái bực bội.
Theo lời Phật dạy : một khi con cái đã trưởng thành và có thể tự lập, cha mẹ nên san sẻ tình thương của mình một cách công bằng, không quá đáng. Có nghĩa là tình thương mà có tính cách trói buộc vào người hay vật, phải được chuyển đổi thành tình thương công bình – tình thương được cân bằng ở mức độ như tình bạn & tình nhân ái.
Bên Thái Lan, người già tìm được sự quân bình trong tình thương khi họ tìm đến Chùa hay Thiền Viện và ở đấy, họ thực tập, làm công quả cả tuần với những bạn già khác. Xa hơn nữa, hãy khuyến khích họ chọn lựa, tự tìm cho mình một việc gì để làm. Nghĩa là họ phải tự biết mình nên làm gì, vì điều đó rất tốt, có ý nghĩa, họ thích làm được việc mà họ muốn. Chẳng hạn, viết một quyển sách về những kinh nghiệm đã sống qua, làm một chương trình về công tác trồng cây, hay tìm hiểu về vấn đề tâm linh. Cần nhất là phải thiết tha làm một việc mà mình tin tưởng và muốn thành công. Hãy tự nói với mình : “Tôi phải làm xong việc nầy trước khi lià đời.”
Có những người già, sau một thời gian về hưu thì cảm thấy trơ trọi, trống vắng, chán nản, và buồn rầu. Họ héo sầu và ít khi kéo dài tuổi thọ.
Vài người khác bị xuống tinh thần, và có kẻ đã tự kết liễu đời mình.
Nhưng những người già có ý chí và có lòng tin nơi việc mình làm sẽ không như vậy. Lúc đó, ý chí và sự tin tưởng mãnh liệt vào việc làm có ý nghĩa sẽ giúp họ vượt qua trở ngại. Họ có việc để làm và có chỗ để nương tựa niềm tin.
Họ tiếp tục học hỏi, tìm tòi thêm ; họ sẽ sống mạnh khỏe, về thể chất cũng như tinh thần. Như Phật đã từng dạy, “ai có bốn điểm như sau : Muốn làm, có ý chí, biết dấn thân, và kinh nghiệm tìm hiểu vấn đề tâm linh, sẽ giúp họ kéo dài tuổi thọ.”
Người già thường dễ nhuốm bệnh vì cơ thể bị suy yếu. Do đó, họ hay lo lắng và thường tủi thân. Đức Phật dạy mình nên tự ngẫm : “Thân bệnh, nhưng tâm không bệnh.”, hoặc “mặc dầu cơ thể suy yếu nhưng tâm tôi không hề suy yếu.” Nhiều người nghĩ hạnh phúc là khi sung mãn về vật chất. Nếu hạnh phúc là thỏa mãn những nhu cầu của các giác quan thì tuổi già thật là một nỗi thống khổ to tát, bởi vì tuổi già có nghĩa là các giác quan bị thoái hóa hoặc kiếm khuyết.
Sự thật thì có hai loại hạnh phúc:
– Hạnh phúc vật chất.
Có những người chuyên chạy theo cảm thọ vật chất; và trong lúc tìm kiếm thứ hạnh phúc nầy, họ phải lao tâm, lao lực để đạt mục đích. Việc nầy đôi khi còn được khuyến khích bởi xã hội.
Con người có khả năng sáng tạo. Ngày nay con người đã sáng chế ra rất nhiều thứ kỹ thuật tối tân. Nếu sức sáng tạo nầy được hướng dẫn xoay về bên trong, khả năng nầy có thể tạo ra niềm vui và sự hài hoà trong tinh thần.
Chẳng may những người tìm kiếm khoái lạc cũng như hạnh phúc đã hao tổn sức lực để đi tìm những cảm thọ nhất thời. Do đó đã không có thời gian để mà tìm lại bên trong của chính mình.
Sức sáng tạo và tiềm năng không được phát huy, dẫn đến sự thiếu an lạc, tinh thần bất an. Lúc họ đi tìm khoái lạc vật chất, họ đã vô tình tự tạo những hiện tượng bất an ở bên trong như : sự căng thẳng, lo lắng, hồi hộp, thất vọng, sợ hãi, mất ngủ và biết bao là tính trạng tâm thần bất an khác, kể cả bệnh điên.
Những kẻ chạy theo vật chất lúc thiếu thời sẽ khổ gấp đôi trong lúc tuổi già. Lúc nầy các giác quan bị suy kém, và vì họ không được thỏa mãn như lúc còn trẻ; họ sẽ cảm thấy bực bội, căng thẳng, sợ hãi, lo lắng, và thất vọng.
Sự bực bội vì những cảm thọ bên ngoài không được thỏa mãn sẽ làm tăng cường những cảm giác bất an bên trong. Lúc nầy thật là khổ cho tuổi già.
– Người sáng suốt, thông minh sẽ không chỉ tìm kiếm vật chất để thỏa mãn những cảm thọ, mà họ còn tìm cách tạo ra những cảm giác tốt cho tinh thần, và một niềm an lạc bên trong.
Đức Phật đã khuyên chúng ta nên khai thác năm tính chất tốt cho tinh thần, đó là: Niềm vui, phấn khởi , thoải mái, an lạc và sự chú tâm. Năm điều nầy giúp chúng ta gạt bỏ được những cảm giác bất an, đau khổ.
Đây là cách tu tập để được an lạc và hạnh phúc.
Lúc về già, người có tuổi nên học tập để có được nhiều niềm vui nội tại, nhờ đó họ có thể sống an lạc, tự do và hạnh phúc.
Niềm hạnh phúc nầy cao hơn, vượt khỏi những hình thức. Đây là thứ hạnh phúc cao tột khi mà một người nhận chân được tất cả sự thật về vạn vật cũng như vũ trụ.
Trên bước đường tu tập để tự giải thoát khỏi vô minh, đức Phật dạy chúng ta phải học hỏi, tìm hiểu sự thật về mọi sự vật. Già và Chết là một phần của sự sống cần được tham vấn. Phật nói : “Đây là năm sự thật về đời sống. Mỗi người phải tự suy ngẫm, dù là nam hay nữ, người cư sĩ hay tu sĩ: “Tôi sẽ già, tôi không thể tránh khỏi tuổi già. Tôi sẽ bệnh, tôi không tránh được bệnh. Tôi sẽ chết, tôi không tránh khỏi cái chết. Mọi người cũng như mọi vật tôi hằng yêu mến sẽ bị đổi thay hay xa cách. Tôi là chủ những việc làm của tôi, tốt hay xấu, tôi phải chịu trách nhiệm.”
Cái Chết là điểm then chốt của những điều nêu trên, là một điểm cần được suy ngẫm. Người Phật tử được nhắc nhở, cần phải trau dồi Chính Niệm, và luôn suy ngẫm về cái Chết.
Sự suy ngẫm đúng và sáng suốt sẽ giúp chúng ta nhận chân ra sự vô thường của cuộc đời. Hơn nữa, sự suy ngẫm giúp chúng ta sống với Chính Niệm, để chuyên cần tinh tấn trước khi cuộc đời chấm dứt.
Thêm vào đó, điều nầy dẫn chúng ta đến sự hiểu biết chân thật về vô thường. Sự nhận thức chân thật nầy giúp chúng ta giác ngộ và giải thoát.
Ai đạt đến đây coi như là người hạnh phúc nhất.
Nhiều đệ tử của đức Phật đã giác ngộ và giải thoát ngay trước phút lâm chung. Những người chưa hoàn toàn giải thoát, lúc chết nhờ được nhắc nhở, nên họ chết một cách an lành, không sợ hãi, loạn động.
Tóm lại, ba điểm cần được soi xét lúc già và chết :
- Già và Chết là luật tự nhiên, phải chấp nhận và nhận thức một cách không sợ hãi.
- Già và Chết cũng là một cơ hội để thăng hoa đời sống, và chúng ta nên làm hết lòng.
- Nơi cái Già và Chết còn có cái Không già & Không chết , mà ai ai cũng có thể “sỡ hữu” được.
Với những điểm trình bày sơ lược bên trên, tôi xin kết thúc buổi nói chuyện hôm nay.
Chân thành cảm ơn tất cả quý vị.
LỢI ÍCH CỦA THIỀN VIPASSANA
CHO CHÍNH BẢN THÂN CŨNG NHƯ XÃ HỘI
Nguyên tác tiếng Anh: Usha Modak – Dịch sang tiếng Việt: Mỹ Thanh
Đời sống văn minh hiện đại tiến nhanh đến mức độ, thời gian để thở cũng không có. Cuộc sống bon chen, cạnh tranh như cuộc chạy đua quyết liệt mà không có người thắng; với những tiện nghi vật chất, những trò chơi phong phú, những cải tiến tốt nhất về kỹ thuật , cũng đã không làm cho con người sung sướng hơn.
Về mặt vật chất, sự tiến bộ của loài người trên phương diện khoa học, kỹ nghệ, và chính trị thật là to tát. Con người là kẻ sáng lập và là kẻ tiêu thụ những phát minh nầy, nhắm mục đích là để cải thiện và hài hoà nếp sống của con người.
Nhưng sự thực có phải như thế không ?
Chúng ta hãy nhìn rõ những xã hội trên thế giới được gọi là “văn minh hiện đại”. Mặc dầu họ phát triển tối đa về phương diện học vấn, sức khỏe, và kỹ thuật, nhưng họ lại đang rơi vào tình trạng khủng hoảng về những bệnh tâm thần, nghiện ngập, tự tử, phạm pháp và tội ác đang gia tăng…
Một xã hội được hình thành bằng những phần tử cá nhân. Mỗi một cá nhân trong xã hội hiện đại không ít thì nhiều, là nạn nhân của sự căng thẳng và lo lắng. Mỗi một phút giây trong cuộc sống của họ là sự giằng co giữa vật chất và tinh thần.
Xã hội vật chất đã thôi miên con người, làm cho con người chỉ biết bỏ thời gian để làm ra tiền, và tiêu tiền. Con người trở thành nô lệ cho những dục vọng của chính mình; nói cho văn hoa hơn là con người có hoài bão, nguyện vọng, mục đích và lý tưởng.
Những thứ nầy ít khi nào ta đạt được đầy đủ, bởi vì chúng là nguyên nhân tạo ra những thất vọng, buồn khổ, và bất mãn; cho dù ta “có” hay “không có.” Do đó, đau khổ là một vấn đề chung của con người. Đau khổ không dành riêng cho một đất nước nào, một giống dân nào, hay một đoàn thể riêng biệt nào, mà là cho tất cả những ai có mặt trên dãy điạ cầu nầy.
Vì đau khổ là một “bịnh” chung cho nhân loại nên “thuốc trị” cũng chỉ có một thôi, đó là thiền Vipassana.
Căn bản của một xã hội lành mạnh, tốt đẹp phải là một xã hội gồm có những cá nhân tốt lành. Mỗi một cá nhân có những ý tưởng lành mạnh, tốt đẹp, sẽ giúp cho xã hội tốt đẹp và lành mạnh theo.
Thiền Vipassana là một phương pháp duy nhất để giúp chúng ta có được một đời sống nội tâm lành mạnh, an lạc. Sự an lạc nội tâm được gia tăng tùy theo sự tiến triển của cá nhân về mặt tâm linh.
Đức Phật Gotama đã tìm thấy lại phương pháp nầy trong lúc thiền định một cách sâu xa. Ngài đã giác ngộ, và đạt giải thoát qua phương pháp nầy.
Với lòng từ bi và tình thương vô biên, Ngài đã chỉ dẫn pháp môn nầy để giúp chúng sinh thoát khổ.
Đức Phật không lập môn phái hay bảo mọi người phải tôn sùng Ngài. Phật chỉ dạy thiền Vipassana, một phương pháp để tẩy sạch cái tâm tham, sân, si của chúng ta.
Thiền Vipassana là gì?
Đây không phải là một nghi thức dựa theo sự tin tưởng mù quáng.
Không có sự hình dung, tưởng tượng Thượng đế, các thần thánh hay một vật gì, cũng không có sự tụng đọc thần chú; càng không phải là một sự giải trí về trí óc hay triết học.
Vipassana có nghĩa là : “passa” là nhìn , là quan sát, và “vi” là một cách đặc biệt. Vipassana nghĩa là quan sát theo dõi chính mình một cách đặc biệt.
Đây là một cách thanh lọc tư tưởng, để giảm thiểu tối đa những sân hận, tham lam, ích kỷ, v…v… bằng cách tự quan sát chính mình và soi xét nội tâm.
Đây là “thiền sáng suốt”, giúp chúng ta nhìn thấy sự vật như “nó là”, chứ không phải như thế nầy hay thế khác, hoặc thấy sự vật qua lăng kính đủ màu. Đây là một phương pháp giúp chúng ta sửa đổi những tập quán tham đắm, si mê đã in hằn trong tâm khảm từ lâu đời lâu kiếp.
Thiền Vipassana được dạy căn bản trong vòng mười ngày. Khóa học đòi hỏi học sinh phải quan sát sự yên lặng và tuyệt đối tuân hành theo những luật lệ. Thời khóa biểu hàng ngày, trung bình, là mười tiếng thiền định, với những giờ giải lao. Thiền sinh tham khảo từng lời chỉ dẫn cho mỗi buổi thiền trong ngày, và mỗi chiều có buổi thuyết pháp qua “videotape” của Thầy S.N. Goenka, giải thích những thắc mắc gặp phải khi tọa thiền.
Có ba bước thực tập trong khóa Thiền Vipassana.
Thứ nhất, quan sát về năm giới cấm, những giới nầy ngăn cản sự bạo động, nói láo, ăn cắp, gian dâm, sử dụng rượu cùng những chất kích thích xấu.
Tóm lại, sự quan sát về những giới nầy giúp chúng ta hành động đúng, sống đúng với nói lời thành thật.
Khi mà một người phạm những giới trên, tự họ đã làm vẩn đục tư tưởng của chính mình. Những cái không tinh khiết là gốc rễ của căng thẳng, bất an, mà ai ai cũng muốn từ bỏ chúng.
Khi bạn thực tập Thiền Vipassana, trong lòng bạn nên hiểu rằng : mỗi lần bạn phạm một điều, trước hết tự mình làm khổ mình, và sau đó làm khổ người.
Khi mà bạn tức giận, bạn cảm thấy khó chịu, khổ sở, như thế thì làm sao bạn an lạc được? Đó là luật tự nhiên. Một sự thật không chối cãi được.
Bước kế tiếp là làm sao để làm chủ cái tâm lăng xăng lộn xộn của chính mình, phương pháp thực tập là chú ý vào hơi thở, còn được gọi là aanaapaana-sati. Không cần tưởng tượng hay tụng niệm gì, chỉ quan sát hơi thở ra vào một cách tự nhiên.
Sự tập trung nầy giúp cho tâm trí chúng ta nhạy bén hơn. Và sau đó, thiền sinh sẽ bước qua giai đoạn kế tiếp của Vipassana, đó là quan sát những cảm thọ trong cơ thể từng phút giây, giai đoạn tập trung liên tục giữa tâm và thân.
Tâm trí chúng ta luôn luôn phản ứng theo những điều kiện ở bên ngoài, giữa ” yêu ” và “ghét”. Nhưng nếu chúng ta tra xét rõ ràng qua phương pháp Vipassana, chúng ta sẽ khám phá ra rằng khi mà chúng ta có những phản ứng, chỉ là phản ứng theo sự cảm thọ của thân hoặc của tâm, liên kết với những dự kiện bên ngoài.
Một ý nghĩ xuất hiện, tức thì có sự cảm thọ của thân, thích hoặc không thích, rồi thì yêu và ghét. Đây là luật tự nhiên. Dần dần sự yêu thích và ghét bỏ được cũng cố thêm và kế đến, là tham đắm, si mê thêm bành trướng. Chúng ta bắt đầu cột những gút thắt trong tâm mình. Chúng ta gieo đau khổ cho chính mình bằng cách luôn phản ứng theo cảm thọ nhất thời.
Với phương pháp Vipassana nầy, chúng ta tập cho tâm trí mình quan sát theo dõi những cảm thọ một cách bàng quan, không thiên vị, nghĩa là, không ham muốn khi có những trạng thái sung sướng, dễ chịu, và không ghét bỏ khi có trạng thái khó chịu, hay khổ.
Một khi chúng ta có thực tập thì nghiệm ra rằng cho dù cảm thọ vui hay khổ, nó cũng bị đổi thay không ngừng. Tất cả đều là vô thường, không thật.
Đây là luật tự nhiên của vũ trụ, dù là hữu tình hay vô tình.
Theo kinh nghiệm thực tập, một người sẽ hiểu rằng phương pháp nầy không phải chỉ để học cho biết một cách qua loa. Một khi mà chúng ta bắt đầu có sự chú tâm về những cảm thọ khác nhau, dù dễ chịu hay khó chịu, tư tưởng sẽ dần dần trở nên sáng suốt vì có sự chú tâm.
Lúc nầy, hàng rào ngăn cách giữa ý thức và vô thức bị sụp đổ, và chúng ta không còn phản ứng một cách mù quáng nữa.
Những tham đắm, si mê chôn sâu trong vô thức ví như một hỏa diệm sơn đang ngủ, chỉ chờ cơ hội là vùng dậy làm điêu đứng chúng ta.
Muốn được giải thoát khỏi những hoả diệm sơn đang ngủ, ta chỉ có cách là làm theo Chánh Pháp.
Sự giải thoát không phải một sớm một chiều. Chúng ta phải kiên tâm, bền chí thực hành phương pháp Vipassana một cách đúng đắn.
Khi mà bạn tiến trên đường thực tập, bạn sẽ tự nhận diện được những phiền não như : nóng giận, ganh ghét, tự ty, ngã mạn, của chính mình, và bạn sẽ biết quan sát chúng một cách bàng quan để mà loại bỏ chúng. ! span>
Vipassana là phương pháp thanh lọc tư tưởng qua sự quan sát nội tâm.
Đây là phương pháp “tự kiểm thảo”, tự loại bỏ những gì không trong sạch trong tâm hồn chúng ta. Với phương thức nầy không có “sự tôn thờ một giáo chủ”, chính bạn phải vạch sẵn đường đi của chính mình. Không ai có thể làm thế cho bạn được. Bạn không thể trở thành thiền sinh đúng nghĩa, nếu chỉ thực tập có mười ngày.
Khóa học mười ngày chỉ là một khuôn mẫu hướng dẫn, cần được thực hành hàng ngày, và nếu được nên tiếp tục học những khóa kế tiếp, để củng cố và tiến hơn trên bước đường tu tập.
Chỉ có như vậy chúng ta mới gặt hái được những lợi ích đáng kể trong lúc thực hành thiền Vipassana. Có những khóa học hai mươi ngày, ba mươi ngày, hay bốn mươi lăm ngày để giúp thiền sinh vững chãi hơn trên bước đường thực tập. Thực hành kiên trì trong một thời gian, tâm trí ta sẽ từ từ thoát khỏi những tham đắm, giận hờn, si mê. Và từ đó, ta tìm được hạnh phúc, an lạc cho chính mình, và luôn cả những người chung quanh cũng được lợi ích.
Lợi ích của Thiền Vipassana trong đời sống hằng ngày như thế nào ?
Sự tiến bộ trong lúc hành thiền Vipassana không đo lường bằng bao nhiêu khóa học, bao nhiêu năm thực hành, mà là sự bình thản, an lạc của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Bạn gặt hái được lợi ích của Thiền Vipassana ngay trong hiện tại. Bước đầu là sự tấn công vào bản ngã, và dần dần bản ngã sẽ tan biến khi mà quá trình thanh lọc bắt đầu.
Một thiền sinh cho biết, thời thiếu niên anh ta bất đồng ý kiến với cha mẹ, và trong lúc tức giận, anh ta từ bỏ mái ấm gia đình, và trong mười năm qua mặc dầu cha mẹ cố gắng tìm anh, anh vẫn không thèm gặp họ. Khi anh đến học khóa thiền Vipassana, và nhờ thực tập, bản ngã của anh bắt đầu tan dần và anh chợt nhận ra sự thiếu sót của mình. Anh cảm thấy rất khổ sở, nhưng anh bắt đầu cảm nhận được quan điểm của cha mẹ anh. Anh nhận thấy được nhiều khía cạnh của cùng một vấn đề, và không còn suy nghĩ một chiều nữa. Anh quyết định viết thư cho cha mẹ và cho họ biết anh ở đâu; anh trở về nhà và giải tỏa những mâu thuẫn ngày xưa.
Lời khuyên hay lời chỉ bảo đơn thuần sẽ không có kết quả. Chỉ khi nào ta thay đổi quan điểm và chịu quan sát vấn đề một cách cặn kẽ. Những lớp vỏ tinh thần không tinh khiết sẽ được vứt bỏ khi hành thiền Vipassana và sự suy nghĩ trở nên sáng suốt hơn. Chúng ta bắt đầu có những phán đoán chính xác về người và vật. Nhờ đó, sự liên kết giữa ta và người được tốt đẹp thêm lên. Chúng ta bắt đầu bớt đòi hỏi nơi thân nhân, con cái, hàng xóm, đồng nghiệp, thuộc hạ, v…v… Với cách suy nghĩ rõ ràng, sự phán đoán chính xác, trong nhà cũng như nơi công sở ta sẽ được nhiều lợi ích thiết thực.
Một thiền sinh khác là nữ y tá cho nhà thương, cô nói Thiền Vipassana đã giúp cô bớt bực dọc, bối rối trong việc làm. Hàng ngày cô phải đối diện với máu me, thương tật, và đôi lúc cô như bị tê liệt bởi những cảnh tượng nầy. Cô không đổi sang chỗ khác, nhưng quyết định đương đầu với vấn đề. Với sự thực tập đều đặn hàng ngày, cô đã trở nên cứng rắn và quân bình hơn.
Điều nầy đã làm cho các bác sĩ và y tá làm chung với cô ngạc nhiên hết sức. Công việc săn sóc bệnh nhân của cô cũng trở nên tốt đẹp, khả quan hơn.
Khi mà tâm trí chúng ta trải qua một cuộc thanh lọc, thì khả năng làm việc của chúng ta cũng được gia tăng gấp bội. Nghị lực được tiêu thụ trong lúc đấu tranh với căng thẳng, hẹp hòi, ích kỷ, trở ngại cảm xúc, được tiêu dùng một cách có ích lợi hơn. Công việc của chúng ta cũng trở nên hoàn toàn hơn, về phẩm cũng như lượng.
Sự đắn đo thông thường là : Phương pháp nầy nhấn mạnh về sự bình thản, như vậy có làm cho chúng ta trở thành ù lì không ? Thưa không!
Một người có trách nhiệm trong xã hội phải là người năng hoạt động.
Cái mà chúng ta gạt bỏ ra là sự phản ứng mù quáng.
Chúng ta học để phản ứng đúng hơn với một cảm giác chắc chắn, rõ ràng. Ngoài phần thanh lọc nội tâm ( đây là điểm then chốt của việc hành thiền ), thiền sinh còn được lợi ích về mặt thể chất cũng như tinh thần.
Những bệnh như : máu cao, nhức đầu, ung nhọt, lở loét, v…v… là những chứng bệnh “tinh thần cơ thể” (psychosomatic). Những căn bệnh nầy được chữa lành trong lúc hành thiền Vipassana, và đây chỉ là những sản phẩm phụ gặt hái được trong lúc thanh lọc thân tâm.
Có những người nghiện rượu, thuốc, cũng đã bỏ hẳn những thói quen không tốt nầy sau khi thực hành Vipassana. Nhiều thiền sinh cho biết họ có sự tập trung cao hơn, trí nhớ cũng gia tăng, học và hiểu nhanh hơn lúc thường.
Một học sinh bỏ học nửa chừng, và phải uống thuốc an thần; nay đã không còn dùng thuốc, đã đi học trở lại và đã học xong .
Vipassana, nếu thực tập một cách đúng đắn, với sự hiểu biết chính xác, sẽ giúp mỗi cá nhân trở nên tốt đẹp hơn. Nhờ đó, mỗi một người có thể đóng góp tích cực trong việc xây dựng xã hội một cách hài hòa tốt đẹp.
Kết luận
Vipassana là một phương pháp có đường lối thực tiễn. Không những nó giúp ta bình thản trước những thăng trầm của cuộc đời, mà còn cho ta một xã hội an lạc. Vipassana không những giúp ích cho từng cá nhân, mà còn có thể giúp cho cả một cộng đồng. Đây là nghệ thuật sống, nơi đây chúng ta học sống hòa bình với chính mình và hòa hợp với tất cả mọi người.
Tóm lại, đặc điểm đặc thù của Vipassana là :
1. Đây là một phương pháp có tính cách phổ thông, ai ai cũng có thể thực tập, không kể là đất nước nào, tôn giáo nào, thành phần nào…
2. Đây là phương pháp đánh thẳng vào những vẩn đục trong vô thức, phá vỡ những lớp vỏ si mê hàng rào giữa ý thức và vô thức.
3. Không có sự tưởng tượng thánh thần nào, không trì tụng thần chú. Chỉ bắt đầu nhận diện sự thật nơi thân và tâm, từ thô đến tế, và nhận diện được Sự Thật hằng hữu nơi mình.
4. Đây là cách hành thiền có tính cách cá nhân, với sự cảm nhận riêng biệt của mỗi người. Do đó, ta nên tự bước đi trên đường. Trong pháp môn nầy, không ai có thể làm thế cho ai; như vậy, không có sự sùng bái thái quá về một bậc thầy.
5. Với phương pháp nầy chúng ta gặt hái được nhiều lợi ích cho chính bản thân mình. Và để trở nên một công dân vẹn toàn.
HẠNH PHÚC, KHỔ ĐAU VÀ NIẾT BÀN
Venerable Ajahn Sumedho -Dịch sang tiếng Việt: Mỹ Thanh
Mục đích của Thiền Phật Giáo là Niết Bàn.
Chúng ta hướng đến Niết Bàn và tránh xa những rắc rối của thế giới dục lạc – vòng tròn không dứt của những thói quen. Niết Bàn là mục đích mà ta có thể đạt được ngay hiện đời. Chúng ta không cần đợi lúc lià đời mới biết Niết Bàn hiện hữu.
Các giác quan và thế giới dục lạc là cõi của Sanh, Già, Bệnh, Chết.
Cái thấy là một thí dụ, nó dựa vào rất nhiều nguyên nhân : cho dù là ngày hay đêm, cho dù mắt tốt hay không tốt. Chúng ta hay bám víu vào màu sắc, hình dáng mà ta cảm nhận được bằng mắt và bắt đầu đồng hóa với chúng.
Kế đến là lỗ tai và cái nghe. Khi chúng ta nghe những âm thanh chói tai thì chúng ta chán ghét. Cái ngửi thì cũng vậy. Chúng ta tìm kiếm những mùi thơm tho, và không ưa những mùi hôi thối.
Với cái nếm cũng thế, chúng ta kiếm những vị thơm ngon và tránh những vị dở. Kế nữa là sự xúc chạm — có bao lần trong đời, chúng ta trốn chạy những xúc chạm khó chịu, đau đớn và tìm kiếm những xúc chạm dễ chịu.
Cuối cùng là sự suy nghĩ, sự phân biệt . Cái suy nghĩ và phân biệt nầy đem lại cho chúng ta bao niềm vui cũng như nỗi khổ. Bời vì đây là những cảm giác, cảm xúc.
Chúng ta đang ở trong thế giới dục lạc – Thế giới của Sanh Tử. Do đó đau khổ, bất toàn, và bất như ý là những điều hiển nhiên. Bạn không bao giờ tìm được hạnh phúc hoàn toàn, không bao giờ hài lòng và an bình trong thế giới dục lạc. Nơi đây chỉ có thất vọng và sự chết. Thế giới dục lạc là bất như ý, do đó khi chúng ta tìm ”sung sương” nơi đây – chúng ta chỉ được kết quả đau khổ mà thôi. Chúng ta sẽ đau khổ nơi thế giới nầy khi mà chúng ta đòi hỏi nơi đây nhiều hơn là nó có thể mang lại cho chúng ta. Chẳng hạn như đòi sự an toàn tuyệt đối, tình yêu vĩnh viễn, và mong đời sống của chúng ta chỉ toàn niềm vui và không có đau buồn.
” Nếu chúng ta có thể đoạn diệt được bệnh hoạn và tuổi già.”
Tôi còn nhớ hai mươi năm trước ở Mỹ Quốc, người ta hy vọng vào khoa học tiên tiến để loại trừ hết bệnh tật. Họ nói : ”Tất cả bệnh về tâm thần là do hóa chất trong cơ thể không được cân bằng. Nếu chúng ta có thể tìm ra công thức của những hợp chất và chích những hóa chất mà ta thiếu vào trong cơ thể thì bệnh tâm thần như ‘phân tán tâm thần’ (schizophrenia) sẽ được chữa lành.” Sẽ không còn bệnh đau lưng hay đau đầu nữa.
Chúng ta có thể thay thế tất cả bộ phận bên trong bằng những bộ phận tốt hơn làm bằng ”nhựa” (plastic). Tôi còn đọc một bài báo của Úc Châu nói là họ sẽ làm thế nào để chiến thắng tuổi già ! Như hiện giờ dân số của thế giới cứ tiếp tục gia tăng, chúng ta cứ tiếp tục sanh con và nếu không ai già và không ai chết… Thử xem thế giới sẽ hỗn loạn đến mức nào.
Thế giới sắc dục là bất như ý và điều nầy là hiển nhiên. Khi mà chúng ta bám víu vào thế giới nầy, thì chúng ta chỉ có thất vọng – vì bám viú nghĩa là muốn được như ý — chúng ta muốn thế giới nầy làm vừa lòng chúng ta, làm cho chúng ta sung sướng và hạnh phúc, an toàn. Nhưng chúng ta hãy nhìn lại bản chất của hạnh phúc — Chúng ta có thể hạnh phúc trong bao lâu ?
Hạnh phúc là gì ? Bạn có thể nghĩ là khi mà bạn có được những gì bạn mong muốn, đó là hạnh phúc. Người nào đó nói điều gì, hay làm điều gì mà bạn hài lòng và bạn cảm thấy vui, cảm thấy hạnh phúc. Người nào làm đồ ăn ngon đãi bạn – bạn vui. Bạn vui khi trời đẹp, có nắng ấm. Nhưng bạn có thể vui trong bao lâu ? Ở Anh Quốc, thời tiết thay đổi liền liền, sự sung sướng, vui thích lúc nắng ấm bên Anh là một việc không hoàn toàn được như ý vả lại chúng ta đâu phải lúc nào cũng vui khi được thời tiết đẹp. Tóm lại, đau khổ là khi không được cái mà ta mong muốn. Muốn trời đẹp, mà trời mưa. Người ta làm những việc mà mình không vừa ý, đồ ăn không ngon v…v… Đời sống nhàm chán, độc điệu khi mà ta không vừa ý với đời sống ta đang có.
Do đó hạnh phúc và khổ đau dựa trên những gì ta muốn và đạt được, hoặc không muốn mà phải ”bị có”.
Nhưng hạnh phúc là mục đích của mọi người trong cuộc sống nầy. Trong luật nhân quyền của Mỹ, có nói đến ”tự do tìm hạnh phuc”.
Làm cho được những gì mình mong muốn, và đây là mục đích của chúng ta trong đời sống hằng ngày. Nhưng hạnh phúc lúc nào cũng đưa đến đau khổ vì nó là ”Vô Thường.” Bạn có thể hạnh phúc được trong bao lâu ? Ráng thu xếp, điều khiển, làm mọi cách để có những gì ta muốn, luôn nghe được những điều ta muốn nghe, thấy những gì ta muốn thấy, để cho ta không phải nếm đau khổ hay thất vọng — Nhưng đây chỉ là một việc làm vô ích. Một điều không thể thực hiện đưọc, phải không ? Vì thế đây không phải là một điều mà ta có thể dựa vào hay lấy đó làm mục đích cho đời sống.
Hạnh phúc luôn luôn là thất vọng vì nó hiện hữu một cách ngắn ngủi và tiếp theo là đau khổ. Hạnh phúc lúc nào cũng tùy thuộc vào những nguyên nhân khác — Chúng ta hạnh phúc khi chúng ta mạnh khỏe, nhưng cơ thể con người luôn bị đổi thay ; chúng ta có thể mất sức khỏe một cách nhanh chóng. Lúc ấy chúng ta thiệt là khổ vì bệnh hoạn làm mất đi cảm giác mạnh mẻ, đầy sức sống. Do vậy, mục đích của người Phật tử không phải là tìm hạnh phúc vì biết nó không thật.
Mục đích thật , nằm ngoài thế giới dục lạc. Không có nghĩa là chối bỏ thế giới nầy, nhưng mà là hiểu được nó một cách cặn kẻ để mà thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn. Chúng ta không còn chờ đợi ” nó ” mang hạnh phúc lại cho chúng ta nữa. Chúng ta không còn đòi hỏi quá đáng và bắt đầu ý thức về bản chất thật của thế giới mình đang sống. Chấp nhận bản chất thật của nó trong mọi trường hợp và hoàn cảnh. Ta không còn bám víu vào những cảm xúc nhất thời khi hạnh phúc cũng như khi đau khổ.
Niết Bàn không phải là trạng thái ” trống vắng ” mà là một trạng thái ” tỉnh thức ” – khi mà ta không còn bị lôi cuốn theo những pháp trần. Bạn sẽ không còn đòi hỏi thứ gì nơi cõi dục lạc nầy. Bạn chỉ nhận biết tất cả là những hiện tượng của ” có ” và ” không. ”
Trong hiện tại được thân người, chúng ta không thể tránh khỏi già, bệnh, chết. Một lần, có một người đàn bà trẻ ẳm con đến Thiền Viện ở Anh Quốc. Đứa bé bệnh đã hơn một tuần và bị ho rất nhiều. Người mẹ nhìn con với vẻ thất vọng và khổ sở. Bà ngồi ôm con, đưá bé bắt đầu ho và la khóc đỏ cả mặt mày. Bà mẹ nói : ” Ôi! Thầy Sumedho, tại sao con tôi phải khổ như thế? Nó chưa từng hại ai, chưa làm gì sai trái. Tại sao ? Chẳng lẽ kiếp trước nó đã làm gì nên tội, nên bây giờ phải chịu khổ như thế ?” Thật ra đứa bé khổ vì nó đã ra đời ! Nếu nó không ra đời thì đâu phải chịu khổ. Khi mà chúng ta được sanh ra tức là chúng ta sẽ phải gánh chịu bệnh hoạn, đau đớn, già và chết.
Đây là một điều quan trọng cần suy ngẫm. Chúng ta có thể đoán chừng là kiếp trước, đứa bé nầy có lẽ đã bóp cổ mèo, chó gì đó, và bây giờ phải chịu trả nghiệp mà nó đã gieo. Nghĩ và đoán chừng như thế nầy cũng chẳng lợi ích gì. Ta chỉ cần biết là khi được sanh ra là do Nghiệp.
Mỗi người trong chúng ta đều phải chịu bệnh, đau, đói, khát, già, và cuối cùng là chết. Đây là định luật của Nghiệp báo!
Cái gì có bắt đầu thì phải có kết thúc, có sanh thì có tử, có sum họp thì có chia ly. Chúng ta không phải chán đời vì những điều nêu trên, nhưng chúng ta nên chiêm nghiệm để mà đừng đòi hỏi nhiều nơi cuộc sống ở đây.
Nhờ vậy ta mới có thể đương đầu với cuộc sống, chịu đựng khi gặp trở ngại , hài lòng khi mọi việc êm xuôi. Nếu hiểu được như thế, chúng ta có thể sống vui và không trở thành ” nạn nhân ” của cuộc sống.
Bao nhiêu đau khổ xảy ra trong đời sống con người cũng chỉ vì chúng ta đòi hỏi quá đáng. Chúng ta có những ý tưởng lãng mạn như là gặp đúng ý trung nhân, thương nhau và sống với nhau hạnh phúc suốt đời; nghĩa là chúng ta sẽ không cãi nhau, một liên hệ hoàn hảo.
Nhưng còn cái chết thì sao ? Bạn có thể nghĩ, ” nếu hai chúng ta có thể chết cùng lúc.” Đây chỉ là hy vọng phải không ? Hy vọng và rồi thất vọng khi một người thân yêu vĩnh viễn ra đi — trước khi bạn đổi ý bỏ đi theo một người nào khác.
Bạn có thể học được rất nhiều từ nơi trẻ em, bởi vì trẻ em không biết che dấu những cảm xúc. Khi chúng vui thì cười, khi chúng buồn thì khóc. Một lần tôi đến nhà một cư sĩ – Khi chúng tôi đến , đứa con gái trông thấy cha nó thì rất là vui mừng. Người cư sĩ nói với con :” Cha phải đi với Thầy Sumedho, chỉ một chút thôi – sẽ trở lại trong vòng một tiếng.” Đứa bé chưa đủ trí khôn để hiểu câu ” trở lại trong vòng một tiếng ”, và nó bắt đầu la khóc. Bởi vì sự chia ly đột ngột của người thân yêu là một nỗi khổ lớn. Hãy để ý xem trong cuộc sống của chúng ta, khi nào có khổ đau là lúc mà ta phải chia ly với người thân yêu, hay mất đi một vật gì mà ta yêu thích; hoặc phải rời xa một chỗ mà ta hằng yêu mến. Là người lớn chúng ta có đủ sáng suốt để hiểu rằng chúng ta đi rồi sẽ trở lại – nhưng nỗi buồn vẫn man mác đâu đây. Từ tháng 11 đến tháng 3, tôi du lịch khắp nơi… mỗi lần đến phi trường, gặp người đón tôi ” chào anh / chị ”, và vài ngày sau thì ” chào tạm biệt ” — Lúc nào cũng có ý ” sẽ trở lại ”và tôi nói ” vâng, tôi sẽ trở lại ”… và như vậy tôi hứa với tôi sẽ trở lại năm sau. Ta không thể nói ” chào vĩnh biệt ” với người mà chúng ta mến thương, phải không nào?
Vì vậy, chúng ta nói ” tôi sẽ gặp lại anh / chị ; tôi sẽ điện thoại, tôi sẽ viết thư, và hẹn gặp lại…” Chúng ta nói lên những câu nầy để che đậy phần nào cảm giác buồn xa cách. Đây là cảm giác tự nhiên.
Trong Thiền định chúng ta bắt đầu chứng nhận đau khổ, để hiểu rõ nó hơn, và không đè nén, hoặc bỏ nó qua một bên. Bên nước Anh, người ta có khuynh hướng đè nén đau khổ khi người thân qua đời.
Họ tránh không khóc, và ráng giữ bình tĩnh. Và khi họ bắt đầu thực tập Thiền thì họ thấy, họ tự nhiên khóc cho một người đã chết cách đây 15 năm.
Họ đã không khóc và chờ 15 năm sau mới giải tỏa nỗi lòng.
Khi mà người thân qua đời, chúng ta không muốn chấp nhận nỗi khổ, và không khóc vì khóc là yếu đuối, và mắc cỡ với mọi người chung quanh. Do đó, chúng ta đã đè nén và giữ lại những cảm xúc, không nhận thức được đây là một hiện tượng tự nhiên.
Trong Thiền định, chúng ta để cho tâm trí rộng mở và để cho những gì bị đè nén, chèn ép, được nhận diện, và khi mà những vấn đề được nhận diện thì chúng sẽ tự dưng chấm dứt. Chúng ta để cho mọi việc trôi theo tiến trình của nó — Sanh và Diệt. Chúng ta để nó tự nhiên mất đi hơn là chúng ta xua đuổi nó đi. Thông thường thì chúng ta hay đẩy những vấn đề qua một bên, từ chối không chấp nhận hoặc không chịu ý thức sự hiện diện của chúng. Khi chúng ta ngắm nhìn hoa đẹp, trời xanh, đọc sách, xem TV, tức giận, chán chường, hoặc làm việc gì đó. Chúng ta không khi nào nhận thức được một cách hoàn toàn những việc nầy. Chúng ta không nhận thức được nỗi buồn, nỗi thất vọng của chính mình vì chúng ta thường tìm cách khỏa lấp chúng bằng cách : ta có thể ăn bánh, kẹo, và nghe nhạc. Rất dễ dàng để thấm hồn vào âm nhạc, tránh được sự nhàm chán, thất vọng.
Chúng ta lệ thuộc vào việc xem TV, và đọc sách. Có rất nhiều sách đến nỗi ta cần phải đốt bớt, vì có bao sách vô bổ. Mọi người thi nhau viết về mọi thứ mà không có thứ nào đáng để nói cả. Ngày nay có bao tài tử viết và làm phim về cuộc đời của họ. Rồi có những đề mục về tán gẫu. Con người muốn tránh sự nhàm chán của đời sống riêng mình, cho nên đọc những chuyện về thiên hạ, chuyện liên quan đến tài tử nổi tiếng và những nhân vật quan trọng.
Chúng ta không bao giờ nhận thức được bản chất thật của sự nhàm chán.
Khi mà sự nhàm chán xuất hiện thì tức thời chúng ta chạy tìm những cái hấp dẫn, những thú vui khác để khoả lấp nó. Nhưng trong lúc Thiền định, chúng ta để cho sự nhàm chán bộc lộ. Chúng ta để cho thất vọng, chán chường, ganh tỵ, giận dữ, oán ghét… xuất hiện và ý thức nhận diện ‘”nó” với bản chất thật của nó không thêm không bớt.
Bằng vào ” từ tâm ”’ và trí tuệ, chúng ta để cho những điều nầy tự ” Sanh và Diệt ” — tốt hơn là đè nén chúng theo thói quen. Nếu chúng ta cứ muốn đè nén những cảm xúc thì đây là một thói quen không tốt.
Khi chúng ta thất vọng và chán chường, chúng ta không thể nào thưởng thức được những vẻ đẹp; vì bình thường chúng ta chưa bao giờ nhận thức được bản chất thật của cái đẹp.
Tôi còn nhớ một kinh nghiệm trong năm đầu thực tập Thiền ở Thái Lan.
Trong năm đó, tôi sống một mình trong chòi lá và những tháng đầu thật là khủng khiếp…
Bao nhiêu là thứ nổi lên trong tâm thức — ham muốn, sợ hãi, khủng hoảng và ganh ghét. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình có nhiều ganh ghét đến thế.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình ghét ai, nhưng trong những tháng đầu Thiền định, tôi hình như ghét tất cả mọi người.
Tôi không thể nghĩ tốt về ai hết, có rất nhiều phản kháng hiện ra trong tâm thức. Cho đến một buổi trưa, tôi bắt đầu thấy một điều lạ… Lúc đó, tôi nghĩ là tôi điên — Tôi thấy người ta đi ra khỏi óc của tôi — Tôi thấy mẹ tôi bước đi khỏi óc tôi và tan vào trong hư không. Rồi cha và chị tôi bước đi kế tiếp. Đây là một kinh nghiệm rất là khó chịu. Sáng hôm sau thức dậy nhìn quanh, tôi cảm nhận và thấy rằng tất cả mọi vật đều tuyệt đẹp. Tất cả, kể cả những cái bất toàn cũng đẹp. Tôi ở trong tình trạng ngạc nhiên cực điểm.
Cái chòi được dựng nên rất thô sơ, nhưng lúc ấy tôi như sống trong cung điện. Những cây cằn cỗi trông như khu rừng xanh tươi, đẹp đẽ. Ánh nắng tràn ngập qua cửa sổ chiếu lên một cái dĩa nhựa — trông thật là đẹp vô cùng.
Tôi sống trong cảm giác tươi đẹp ấy trong vòng một tuần lễ và chiêm nghiệm nó; và tôi đột nhiên hiểu rằng mọi vật có chu trình của nó và chỉ khi nào tâm thức thật sáng suốt thì ta mới cảm nhận được một cách đầy đủ.
Trong bao tháng, cửa sổ có rất nhiều bụi bám, nhưng tôi không hề hay là cửa sổ dơ. Mãi cho đến lúc đó, tôi mới nhận ra rằng mình đã nhìn thấy mọi việc qua khung cửa sổ dơ bẩn. Và vì thế, cho nên tất cả những gì tôi thấy đều mang màu sắc xám, xấu xí. Thực hành Thiền là ” lau chùi cửa sổ ”, là thanh lọc tinh thần, để cho mọi việc đến và đi không chút vướng bận.
Một khi đạt ” Giác ngộ ”, kiến tánh, chúng ta sẽ nhận xét một cách rốt ráo bản chất thật của sự vật.
Không còn bám víu vào cái sắc tướng nữa. Nhờ vậy chúng ta không còn bị lôi cuốn theo thói quen qua cái nhìn của Vô minh mà thật sự thấy rõ lẽ ” tự nhiên ” của tạo hóa.
Có sanh là có già, có bệnh và có chết. Nhưng đây là nói về thân thể của bạn, không phải bạn. Thân thể của bạn không thật là của bạn. Không cần biết bạn có những đặc điểm gì, cho dù bạn có khoẻ mạnh hay đau yếu, đẹp hay không đẹp, trắng hay đen — tất cả đều là Vô Ngã. Đó là ý nghĩa của Anatta.
Thân thể con người thuộc về thiên nhiên, nó bị chi phối bởi thiên nhiên, sanh ra, lớn lên rồi già, rồi chết. Biết là biết như thế, nhưng chúng ta vẫn bám víu vào thân thể nầy rất nhiều. Ta có thể nói : ” Tôi là người sáng suốt, tôi sẽ không khi nào bám víu vào thân nầy.” Như vậy thì là ta đã quá lý tưởng rồi. Tựa như chúng ta muốn leo lên ngọn cây, ta nói : ” Tôi đáng lý phải ở ngọn cây, không phải ở dưới đất.” Nhưng thật ra ta phải khiêm hạ chấp nhận là ta hiện ở gốc cây, phải nhìn lại những việc xem như là tầm thường, trước khi ta biết nhận diện được cái gì là ngọn cây. Đây là chiêm nghiệm một cách sáng suốt. Khi mà tâm thần được chút gì trong sáng, ta cũng không nên bám vào cái mà gọi là thanh tịnh, sáng suốt. Bởi vì cả đến những cảm giác, ý tưởng cao tột, trong sáng nhất cũng là Vô thường, vì chúng đều dựa vào những yếu tố khác để mà hiện hữu.
Niết Bàn thì khác. Những nguyên nhân xấu hay đẹp, hay hoặc dở, thanh cao hay gì gì đi nữa — nó xuất hiện và rồi biến mất, không dính dáng gì đến bản thể của Niết Bàn. Chúng ta không nên chán bỏ thế giới nầy, vì khi chúng ta cố gắng loại bỏ những cảm xúc thì chúng ta có thể sẽ trở nên thờ ơ, lãnh đạm . Chúng ta cần phải kiên nhẫn. Cuộc sống của con người là một cuộc sống trong Thiền định.
Hãy xem phần cuối cuộc đời ta như là một buổi thực tập Thiền dài hơn là 10 ngày. Khi mà bạn Thiền và ” đạt ” đến trình độ cao hơn, thì những việc tầm thường hàng ngày dường như là trở nên nhàm chán. Bạn đang ” lên cao ” và khi trở về với cuộc sống thực tại, với những công việc độc điệu, thì còn tệ hơn là lúc bạn chưa Thiền, phải không nào ? Khi đến mức độ cao thì tự nhiên sinh hoạt hàng ngày trở nên quá tầm thường, thô kệch, và khó chịu.
Sự sáng suốt ( Giác ngộ ) không phải là thích thanh cao và chán ghét những cái thô kệch, nhưng nhận chân ra là dù thanh cao hay thô kệch thì cũng chỉ là những giai đoạn của Vô thường. Vô thường thì là bất như ý. Vì vậy, nó sẽ không bao giờ làm ta hài lòng vì nó là Vô ngã — Nó không phải là ta và ta không phải là nó. Vì vậy giáo lý của Bụt dạy thật là đơn giản — có gì đơn giản hơn là ” cái gì có sanh thì có diệt ” . Đây đâu phải là một triết lý cao siêu gì, kể cả dân bộ lạc thiếu học cũng biết điều nầy. Bạn không cần phải vào đại học mới biết được điều nầy.
Khi ta còn trẻ, ta nghĩ ” Tôi còn những bao năm của tuổi trẻ và hạnh phúc “. Nếu ta nghĩ ta đẹp thì ” Tôi sẽ trẻ, sẽ đẹp hoài hoài “. Nếu ta 20 tuổi, đang vui chơi, thì cuộc sống thật là tuyệt vời và nếu có ai đó nói : ” Anh ngày nào đó sẽ chết “. Ngay khi ấy, ta nghĩ đây là một kẻ đang chán đời, không nên mời anh ta đến nhà mình nữa. Chúng ta không muốn nghĩ đến cái chết, chỉ lo nghĩ đến cuộc sống là đẹp, là vui.
Chúng ta có thể có được bao nhiêu niềm vui trong đời ?
Khi là Thiền sinh, chúng ta suy ngẫm về già và chết. Đây không phải là ý nghĩ chán đời, bệnh hoạn hay u ám, nhưng mà là bắt đầu hiểu được chu kỳ của cuộc sống, để sống một cách thận trọng hơn.
Bao người làm những việc rất dã man, vì họ không chịu suy nghiệm về cái chết của chính họ. Họ chỉ chạy theo những dục vọng và cảm thọ nhất thời, chỉ muốn được phần mình và rồi thì tức giận, chán chường khi mà cuộc sống không đem lại cho họ những gì họ mong muốn.
Hãy suy ngẫm lại cuộc đời của bạn, suy ngẫm về cái chết, cũng như những tiến trình tự nhiên của tạo hóa . Ta nên chiêm nghiệm lại niềm vui cũng như nỗi thất vọng. Hãy nhận xét xem chúng ta cảm giác như thế nào lúc được cũng như lúc mất, lúc ưa cũng như lúc ghét. Khi mà chúng ta đang buồn, chúng ta đọc một quyển sách và chợt có niềm hứng thú cao độ. Nhưng nên nhớ là cho dù cảm giác cao đến đâu đi nữa, tất cả cũng chỉ là vô thường. Chẳng hạn như muốn được cảm giác vui vẻ, bạn phải tập như thế nào để có được niềm vui ấy hoài hoài. Nhưng một khi công việc ấy trở nên máy móc, độc điệu thì bạn không còn cảm thấy vui thú nưã. Do đó, dựa vào hứng thú tôn giáo thì chắc chắn là thiếu sót. Bởi vì khi bạn quá bám vào sự hứng thú tìm hiểu về Phật Giáo chẳng hạn; khi bạn nhàm chán thì sao ? Bạn sẽ tức khắc chạy đi tìm một tôn giáo mới để gây cảm hứng cho mình . Chẳng hạn như là bám víu vào tình yêu, một khi một mối liên hệ vừa chấm dứt thì bạn bắt đầu đi tìm một tình yêu mới . Vài năm trước ở Mỹ, tôi có gặp một cô đã lập gia đình những đến sáu lần, cô ấy chỉ mới 33 tuổi. Tôi nói : ” Cô đáng lý đã phải học hỏi được nhiều nơi lần đỗ vỡ thứ 3, thứ 4. Tại sao cứ tiếp tục cưới rồi ly dị ?” Cô trả lời : ” Vì Tình Yêu, tôi không thích mặt trái của tình yêu. Nhưng tôi yêu ” tình yêu ”.
Ít ra cô ta cũng thành thật, nhưng không sáng suốt mấy. Tình yêu, sự hứng thú, sự náo nhiệt, phiêu lưu , luôn hiện hữu, khi đạt đến tột đỉnh của nó, rồi thì mặt trái của những thứ nầy xuất hiện, giống như khi chúng ta hít vào thật sâu rồi thì phải thở ra. Thử tưởng tượng sự hít vào. Y như là có nhiều tình yêu, cái nầy nối tiếp cái kia . Bạn có thể hít vào trong bao lâu ? Hít vào thì phải có thở ra, cả hai đều cần thiết. Sanh thì Tử, hy vọng thì rồi thất vọng… Vì thế khi chúng ta bám vào niềm hy vọng thì tất nhiên là chúng ta sẽ thất vọng. Khi ta bám vào sự náo nhiệt thì nó sẽ đưa ta đến sự chán chường.
Khi ta bám vào tình yêu thì sẽ vỡ mộng và ly dị là điều không tránh khỏi.
Khi ta bám vào sự sống thì nó đưa ta đến cõi chết.
Vì vậy, nên nhận thức rằng sự bám víu vào bất cứ cái gì đều là đau khổ, vì chúng là vô thường, là vô ngã. Đừng đòi hỏi nơi nó những gì mà nó không thể cho ta được. Có bao người lúc nào cũng dường như chờ đợi, hy vọng vào một sự thành công, hay niềm hoan lạc nào đó; hoặc giả lo lắng, sợ hãi về một điều bất tường sẽ xảy ra trong tương lai.
Nhưng hy vọng nhiều thì cũng sẽ thất vọng nhiều. Do đó, khi ta suy ngẫm và bắt đầu hiểu rằng cái gì làm cho ta đau khổ . Ta thấy rằng chính mình là người làm cho mình đau khổ. Vì Vô minh, vì không hiểu rõ lý vô thường của sự vật, chúng ta đã đồng hóa mình với sự vật và do đó đã đau khổ, thất vọng. Khi mà ta có thể buông bỏ, không một chút vướng bận thì đây là Giác ngộ. Khi chúng ta hiểu rõ được thế giới dục lạc, ta có thể sống chung với nó mà không bị lệ thuộc. Ta không còn đòi hỏi thế giới nầy phải làm hài lòng chúng ta, hay cho chúng ta sự an toàn tuyệt đối vì biết rằng, càng đòi hỏi thì chúng ta sẽ càng thất vọng, khổ đau. Ta biết dùng thế giới nầy để thực tập bố thí, để thực tập từ tâm.
Khi chúng ta không còn đồng hóa với sự vật, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả là Vô ngã. Khi sự vật đổi thay, ta có thể an tâm chịu đựng cái bất toàn của nó. Ta có thể âm thầm chịu đựng bệnh hoạn, đau đớn, đói lạnh, thất bại hay chê bai. Khi ta không còn bám víu vào thế giới nầy thì dù cho nó có thay đổi đến đâu đi nữa,dù tốt dù xấu, ta cũng có thể thích ứng. Khi ta còn bám víu thì ta khó có thể thích ứng được như ý, chúng ta luôn luôn phản kháng, chống đối, muốn điều khiển mọi thứ theo ý mình, nhưng hoài công, chỉ còn cảm giác bất mãn, sợ hãi và thất vọng vì cuộc đời sao mà hão huyền đáng sợ.
Khi ta không có thời gian tìm hiểu, chiêm nghiệm về cuộc đời thì cuộc đời là một nơi đáng sợ. Cuộc đời giống như là một khu rừng vậy : bạn không biết sau cái cây kia, sau cái bụi kia, một con dã thú, một con cọp, rắn độc hay rồng dữ đang chờ bạn. Niết Bàn là rời khỏi khu rừng đó. Khi chúng ta hướng về Niết Bàn tức là chúng ta đang trên đường tìm an lạc cho bản tâm .
Trạng thái của tinh thần có thể là vui, buồn, khổ, phấn chấn, hoặc thất vọng, thương hay ghét, lo lắng hoặc sợ hãi.
Hãy tưởng tượng một căn phòng, ví dụ cho tinh thần, chúng ta bỏ thời gian để soi mói những người trong căn phòng, để xem là ta ưa hay không ưa, họ như thế nầy, như thế kia, nhớ lại họ đã làm gì trong quá khứ, và sẽ làm gì trong tương lai… Nếu ta chịu khó đừng để ý mọi người trong căn phòng; nhưng hãy để ý khoảng không trong phòng. Khoảng không gian nầy có thể chứa đựng tất cả người, vật, và những trạng thái khác nhau .
Hãy xem tinh thần ta là khoảng không đó, cho dù là trống không hay chứa đầy sự vật, chúng ta chỉ để ý đến hư không. Khi ta sống với khoảng không nầy thì những gì đến cũng như đi không còn lôi kéo ta được nữa. Chúng ta tập buông bỏ. Chúng ta từ bỏ không đồng hóa mình với sự vật, vì biết là chúng vô thường, vô ngã. Đây là môn Thiền Vipassana.
Chỉ cần nhìn lại, nhận thức, lắng nghe, soi xét những gì đến cũng như đi.
Mọi vật dù thô thiển hay thanh cao, tốt hay xấu, nó đến rồi đi.
Chúng ta không phải nam cũng không phải nữ, nói chi đến xấu hay đẹp — những trạng thái đổi thay nầy là vô ngã.
Hiểu được như vậy thì đây là con đường giác ngộ của người Phật tử, tiến dần đến Niết Bàn. Bây giờ bạn có thể hỏi, ” Nếu tôi không phải là những trạng thái của tinh thần, không nam cũng không nữ, vậy thì tôi là cái gì ?” Câu hỏi nầy ví như con mắt muốn nhìn thấy con mắt. Bạn chỉ cần biết cái gì không phải là mình thì đã giải quyết được phần nào vấn đề rồi, phải không nào ?
Chẳng hạn tôi nói ” Tôi là ai? Tôi phải đi tìm tôi ”, thế rồi tôi kiếm dưới bàn thờ, dưới thảm, sau màn cửa… bạn sẽ nghĩ, ” Thầy Sumedho chắc điên rồi. Ông đang tự kiếm mình.”
Khi ta đồng hóa với sự vật thì ta sẽ đau khổ và thất vọng. Vấn đề nằm ở chỗ biết buông bỏ hay là bám víu. Bạn không cần loại bỏ những cảm giác, chỉ cần theo dõi và học hỏi, đừng để cho mình bị lôi cuốn theo sự việc. Tiếp tục theo dõi, lắng nghe, tỉnh thức, có chánh niệm, thì trí tuệ sẽ dần sáng suốt.
Hãy dùng trí tuệ nầy để nhận thức sự vật đến rồi đi, bạn không cần làm gì hết, chỉ cần tỉnh thức trong từng giây phút hiện tại và những giây phút kế tiếp.
TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, TÌNH HUYNH ĐỆ
Hoà thượng P.A. Payutto – Bruce Evans dịch sang tiếng Anh
Mỹ Thanh dịch Việt
Sự thiếu đoàn kết trong nền dân chủ Mỹ
Theo truyền thống dân chủ, một xã hội dân chủ cần phải có ba đặc tính thiết yếu: Tự Do, Tình Huynh Đệ, và Bình Đẳng.
Nước Mỹ, được xem là quốc gia đầu tiên có nền dân chủ hiện đại. Nơi đây người ta kêu gọi tự do và bình đẳng.
Bình đẳng giúp cho tự do không đi quá đà, và sự hỗ tương nầy tạo ra cái mà được gọi là “tự do bình đẳng.”
Điểm thứ ba là tình huynh đệ, thường ít khi được nhắc tới. Khi mà từ “huynh đệ” được dùng đến, nó dùng để chỉ cho những hội đoàn, tập thể trong một cộng đồng, nhất là cộng đồng sinh viên.
Mặc dầu xã hội Mỹ không lớn tiếng hoan nghênh hay cổ võ “tình huynh đệ.” Điều nầy không phải là “tình huynh đệ” đã không giữ một vai trò quan trọng trong sự hình thành xã hội Mỹ.
Thật ra, tình huynh đệ, được gọi với những tên khác nhau, đã giữ một vai trò hệ trọng trong sự lớn mạnh của đất nước nầy. Một đất nước có nhiều chủng tộc, nhiều quốc tịch, và nhiều tôn giáo khác nhau được mệnh danh là “đa văn hóa” ( melting pot).
Một đất nước chỉ có thể giàu mạnh khi mà những công dân nầy sống với nhau một cách hài hòa. Đây là sự thành công đáng kể của nước Mỹ, nơi mà nhiều sắc tộc đã chung sống dưới một bóng cờ–có thể nói là không một quốc gia nào đã làm được như Mỹ quốc.
Nhưng xã hội Mỹ cũng là nơi có nhiều kỳ thị chủng tộc, cũng như kỳ thị tôn giáo và có những va chạm văn hóa trong những lúc ban đầu.
“Cái xã hội đa văn hóa” nầy không được thành công hoàn toàn như chúng ta biết. Có những vấn đề chưa được giải tỏa đang dần dà bành trướng.
Những nhà văn hiện đại như Arthur M. Schlesinger, Andrew Hacker and William J. Bennett đã phân tách những vấn đề nầy một cách sâu sắc để tìm kiếm giải đáp cho một số vấn đề, nhưng hoài công.
Mặc dầu tình huynh đệ là một điều thiết yếu trong nền dân chủ. Nhưng trong nền văn hóa Mỹ, tình huynh đệ ít được quan tâm đến, do đó có những bất đồng trong cơ cấu xã hội.
Không có tình huynh đệ thì sẽ không có tự do hay bình đẳng
Thường thường nền dân chủ chú trọng nhiều về sự tự do hơn bình đẳng và những thứ khác: nghĩa là bắt đầu với ba đặc tính quan trọng: Tự do, Bình đẳng, Tình huynh đệ — khi không có quyền bình đẳng, người ta sẽ hỏi: “họ làm như vậy được, tại sao tôi không được ?“
Như vậy là thiếu bình đẳng, nếu không có bình đẳng thì sẽ không có đoàn kết. Ngược lại, nếu chúng ta không đoàn kết được thì sẽ không có tình huynh đệ, bình đẳng không có vì sự tự do của chúng ta không đồng. Và đây là lý do tạo nên những vấn đề trong xã hội.
Nhưng những vấn đề cũng có thể bắt đầu bằng tình huynh đệ, và lan dần đến tự do và bình đẳng. Khi mà con người bất hoà, thiếu đoàn kết, họ sẽ sống trong nghi ngờ và sợ hãi lẫn nhau, và họ bắt đầu nghĩ là “người khác làm được, tại sao tôi không? – Họ có được, tại sao tôi không ?” Thiếu bình đẳng thì tự do cũng sẽ không có. Nếu như vậy, thì dù cho chuyện không đáng cũng có thể trở thành hệ trọng.
Gia đình là một thí dụ điển hình. Anh chị em trong một gia đình cũng có thể nhận thấy sự thiếu bình đẳng trong tự do của từng cá nhân khi mà cha mẹ có vẽ chìu chuộng đứa con nầy hơn đứa con kia. Khi mà anh em trong một gia đình cảm thấy không có sự bình đẳng thì họ sẽ tự chia rẻ và găng với nhau — Họ mất đi tình huynh đệ.
Đôi lúc vấn đề không phải nơi cha mẹ thiên vị, mà bởi vì giữa anh chị em đã không có hoà thuận với nhau. Anh chị em bắt đầu nghi kỵ nhau. Khi mà một người trong đám anh chị em được quà hay được thưởng thì những đứa kia ganh tỵ . Chính họ cũng không muốn như vậy, nhưng tánh ganh tỵ mạnh hơn, do đó đây là một phản xạ tự động.
Sự hiểu lầm nho nhỏ cũng có thể trở nên vấn đề quan trọng, và không ai chịu nhường bước cho ai. Họ hay theo phe và phản kháng lẫn nhau, hay phàn nàn là họ không nhận được sự chia phần đồng đều. Cả gia đình chứa đầy nghi kỵ, thiếu tình thương và hạnh phúc.
Ngược lại, trong một gia đình mà con cái và cha mẹ thương yêu và hoà hợp với nhau, tất cả những lợi tức đều được chia đồng đều. Đôi lúc có những sự chia phần không được đồng đều, nhưng không có ai phàn nàn chi hết.
Có thể một anh, em, hay chị có thể nhường phần của mình cho anh em; kẻ mà được phần nhiều thì sẵn lòng chia bớt phần mình cho các anh em trong gia đình. Nhờ đó, những vấn đề cũng bớt căng thẳng; chuyện lớn thành chuyện nhỏ, và chuyện nhỏ thì coi như không có. Và đây là một gia đình có tình huynh đệ, những phần tử trong đó biết lo lắng bảo bọc cho nhau bằng sự tử tế và đoàn kết. Cũng như vậy, sự đoàn kết hài hòa trong một xã hội cần có sự tự do, bình đẳng và tình huynh đệ.
Khi mà mọi người có tự do, bình đẳng, thì những vấn đề va chạm có thể được hoá giải và sẽ có sự hoà hợp trong xã hội. Sự hòa hợp trong xã hội có thể thực hiện được khi mà nơi đó có sự tử tế, hòa nhã, mọi người đối xử với nhau như anh em.
Trong những đất nước mà chế độ dân chủ chưa “trưởng thành,” thì những vấn đề xã hội đều liên quan đến sự thiếu bình đẳng và thiếu tự do.
Một khi nhiều người vận động bên nhau để có được sự thay đổi cho một quyền lợi chung. Sự thiếu hoà hợp đã có mặt một cách âm thầm mà không ai thấy…
Trong những đất nước mà chế độ dân chủ đã có mặt lâu đời, thì sự vắng mặt của “tình huynh đệ” là một vấn đề nan giải, và khó giải quyết. Đây cũng là một ngõ cụt của nền văn minh nhân loại.
Điển hình là Nước Mỹ, nơi mà người dân có quyền tự do, bình đẳng cao nhất. Và đây cũng là nơi có nhiều xung đột về chủng tộc, màu da, giới tính và phong tục.
Như chúng ta thấy chủ nghĩa bè phái đang phát triển khắp mọi nơi. Không tìm thấy sự hòa hợp ở chế độ dân chủ, chỉ tìm thấy sự ngờ vực, và xung đột. Thí dụ, ở nước Nga, lúc còn là Sô Viết, dưới chế độ độc tài, tất cả dường như là đồng nhất thành một khối vững mạnh; nhưng khi tự do được đề cao thì tức thời có những tranh chấp trong bè phái. Những vấn đề nầy đang bành trướng mãnh liệt, và chưa có giải quyết nào thoả đáng.
Chưa có một đất nước nào được thành lập chỉ bằng một giống dân độc nhất. Phần lớn các quốc gia được thành lập bởi những chủng tộc, những giống dân khác nhau; những tín ngưỡng, ngôn ngữ, phong tục cũng không tương đồng. Những khác biệt nầy tiềm tàng và chỉ chờ cơ hội là bùng nổ, khi được kích thích bởi sự thiếu “tình huynh đệ “.
Một khi mà đã có được tự do và bình đẳng, sự kiếm khuyết về ” tình huynh đệ” sẽ được nhận diện rõ rệt khi mà những vấn đề bắt đầu xuất hiện. Lúc nầy những vấn đề trổi dậy dưới chiêu bài chủng tộc, màu da, tôn giáo, hơn là những vấn đề thật của từng cá nhân.
Để giải quyết những vấn đề nầy, chúng ta phải làm hai việc — trên mặt cơ bản, cần phải bảo đảm sự tự do, bình đẳng cho tất cả cộng đồng dân chúng; về mặt chiều sâu thì nên khuyến khích và làm tăng trưởng tình huynh đệ. Nhưng không phải dễ dàng để mà truyền dẫn ý nghĩa “huynh đệ,” bởi vì chúng ta phải đương đầu với mặt tinh thần — thái độ, tín ngưỡng, và giá trị–sự bám víu vào chủng tộc, màu da, sự kiêu ngạo về học thức cũng như tập quán, tín ngưỡng cá nhân là những chướng ngại.
Một khi tinh thần không có khuynh hướng tử tế, hài hoà, thì tình huynh đệ vắng bóng. Việc không đáng sẽ trở thành vấn đề, việc nhỏ hóa to — bởi vì tâm trí đã có chiều hướng đối nghịch.
Chúng ta nên suy ngẫm là con người có cùng một tổ tiên, nhưng vì sự di dân, đã tách rời nhau và sống riêng rẻ từng nhóm. Hiện tại, thế giới càng ngày càng thu hẹp, và chúng ta bị bắt buộc phải sống gần nhau. Chúng ta là một cộng đồng và chúng ta phải có những liên hệ tốt với nhau. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể loại bỏ được mối bất hòa, sự kỳ thị để mà sống hài hòa, để thống nhất thành một cộng đồng thế giới hòa hợp với muôn vàn khác biệt.
Đây là một vấn đề cuối cùng chờ được giải quyết trong cộng đồng nhân loại. Đây là thử thách cuối cùng xem chúng ta có thể phát triển được tiềm năng của con người để đạt đến hòa bình và tự do hay không.
Sự kiếm khuyết về tình huynh đệ là một vấn đề nằm ngoài phạm vi của chính trị, nhà cầm quyền, và xã hội. Đây là vấn đề tinh thần, có liên quan đến thái độ, và giá trị; và cần có một sự hiểu biết tổng quát về tôn giáo, triết lý, chủng tộc và rất nhiều nhân tính để mà giải quyết. Cần nhất là con người phải có mức tiến khả quan trên phương diện tinh thần.
Danh từ ” dân chủ ” nghĩa là quyền hành nằm trong tay dân chúng. Ngày xưa ở Ấn Độ cũng có chế độ được gọi là chế độ “hài hòa” (samaggadhamma).
Ở đây, sự liên hệ tốt giữa những người dân được nhấn mạnh, và chính điều nầy mới bảo đảm chắc chắn sự thành công .
Bình đẳng và tự do chỉ nở rộ trong sự đồng nhất
Trong Phật Giáo, tự do, bình đẳng, và tình huynh đệ được xem là tương quan. Tình huynh đệ có thể so sánh như là một sân vận động, hay nơi hội họp, ở đó các thể thao gia, tài tử, hay nhà nghiên cứu chuyên đề (seminar members) họp mặt một cách tự do, mỗi người đều có tự do, và bình đẳng ngang nhau. Mọi người đối xử với nhau trong tình thân ái. Nơi đó, sự biểu lộ tự do và bình đẳng được thể hiện. Mọi người giữ đúng vai trò của mình và tiếp xúc tử tế với nhau trong tình thân ái, thì mọi việc đều thuận lợi.
Phật có dạy rằng trong một xã hội dân chủ cần phải có sự thống nhất, nơi đó mọi người đối xử với nhau trong tình thân ái. Những hành động hài hoà được biểu lộ bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cần nhất là phải có lòng tốt (tâm từ – metta ), muốn làm lợi cho người, và hành động cần đúng đắn trong sự hiểu biết. Sự hiểu biết phải được thấm nhuần với lòng tốt. Lòng tốt mà thiếu sự hiểu biết, chẳng hạn như chỉ biết giúp bạn mà không cần tìm hiểu nguyên nhân, có thể dẫn đến sự thiên vị. Hiểu biết mà không có lòng tốt thì trở nên thờ ơ với mọi người, dù không cố ý, cũng ít nhiều gây thiệt hại cho người. Vì thế lòng tốt và hiểu biết phải đi đôi, và cần có sự quân bình.
Sáu điểm cần thiết cho cuộc sống hài hòa trong cộng đồng
1. Hành động dựa trên lòng tốt: hành động nào tạo ra cảm giác đồng lòng, củng cố cho sự vững mạnh của cộng đồng, giúp cho của người dân có khả năng để xây dựng xã hội.
2. Lời nói dựa trên lòng tốt: rất quan trọng trong những buổi họp, và tranh luận. Tranh luận và bàn cãi với tư cách chống đối chỉ tạo thêm ganh ghét, oán thù. Nếu chúng ta nói với lòng từ, với tâm thành muốn hoà hợp, thì chúng ta nói trong sự xây dựng. Ngược lại, chỉ tạo thêm điều kiện cho tranh cãi, đưa dần đến ấu đả.
3. Suy nghĩ dựa trên lòng tốt: khi mà lòng tốt được kết hợp chặt chẽ với lý luận, giúp cho chúng ta kháng cự lại được những sức mạnh của Tham, Sân, Si. Giúp cho ta có những ý định sáng suốt cho lợi ích chung của tất cả. Thêm vào đó, suy nghĩ với tâm từ sẽ thấm nhuần dần và nơi khuôn mặt hiện ra những nét khả ái, thêm vào đó một nụ cười thân thiện đã mở màn cho một buổi nói chuyện đầy hoà khí.
Lòng tốt còn đi xa hơn thế nữa. Đó là một thứ tình thương không phân biệt. Mọi người đều bình đẳng, tất cả đều là bạn trong sanh, già, bịnh, chết. Tất cả chung chịu ảnh hưởng của luật thiên nhiên, và ai ai cũng đều phải chết.
Với tâm từ, chúng ta đối xử với mọi người một cách bình đẳng, không phân biệt màu da, chủng tộc, tín ngưỡng; chúng ta có thể chấp nhận họ vì thấy được sự tương đồng giữa người và ta.
4. Chia xẻ quyền lợi: khi người ta thiếu học thì họ hay ích kỷ, và hay tìm cách thủ lợi riêng. Họ không thích san sẻ với kẻ khác; do đó có những khoảng cách lớn trong vấn đề lương bổng nơi dân chúng, vì lý do nầy mà có xung đột. Chia xẻ là một phương thuốc cho bịnh ích kỷ.
Chẳng hạn, những tu sĩ Phật Giáo chia xẻ tất cả mọi thứ với nhau –thức ăn, quần áo, nhà ở, thuốc men. Nếu xã hội ngày nay chịu thực hành như trên thì đây là một tiến triển trọng đại. Người ta sẽ không còn muốn gom góp cho riêng mình trên mồ hôi nước mắt của kẻ khác.
Bụt dạy ” Người nào ăn một mình sẽ ăn không sung sướng”. Bởi vì khi ăn một mình thì ta đã tự tách mình ra khỏi mọi người, một mình thì làm sao sung
sướng . Ngược lại, khi ta san sẻ với mọi người thì tức thời ta có được sự sung sướng đằm ấm.
Phật Giáo quan trọng nơi sự tiến triển của con người trong từng giai đoạn. Một người trong giai đoạn thấp nhất sẽ tìm sung sướng một cách ích kỷ — phải gom góp, phải có nhiều, phải hưởng thụ trước và phải hưởng hơn mọi người thì họ mới sung sướng. Người như thế nầy thì khi san sẻ gì cho ai, họ xem đó là một mất mát.
Một người trong giai đoạn cao hơn sẽ tìm thấy hạnh phúc trong sự san sẻ. Người thanh cao sẽ dễ tìm thấy niềm vui trong sự chia xẻ. Chẳng hạn như cha mẹ khi cho con cái vật gì, họ rất vui. Vì nơi họ, hành động cho bắt nguồn từ tâm từ. Khi mà tâm trí có tâm từ thì hành động san sẻ là một niềm vui, niềm sung sướng.
Cha mẹ thương con cái và dễ có tâm từ cho con. Bạn bè cũng thế, cũng dễ dàng thể hiện lòng tốt với nhau. Nếu chúng ta có thể lan toả tâm từ nầy đến với tất cả mọi người trên thế giới, chúng ta sẽ sung sướng khi mà có dịp san sẻ với mọi người. Điều nầy được nói lên trong một bài tụng của người tu sĩ: “Người trí, khi cho hạnh phúc tức là nhận hạnh phúc.”
Người tiến triển cao hơn thì mỗi khi cho là mỗi lần họ sung sướng, hạnh phúc. Phật Giáo dạy rằng cần phải thực hành bố thí, kinh nghiệm hạnh phúc là khi san sẻ với mọi người. Xã hội dân chủ nào mà có được những công dân như trên thì thật là lý tưởng .
5. Đồng nhất về hạnh kiểm, đạo đức: một xã hội hài hoà là nơi mà tất cả công dân đều có một nền đạo đức căn bản. Mọi người đều tuân theo luật pháp và đối xử thành thật với nhau. Nếu hạnh kiểm của người công dân không đồng nhất, thì luật lệ không có hiệu quả công bằng, tội ác trở nên thông thường, không cần thiết đó là một xã hội dân chủ đến mức nào, sẽ không có hài hoà và sự phát triển của đất nước sẽ khó thực hiện. Một xã hội hài hòa, hạnh phúc là một xã hội dựa theo năm giới ( Không giết, không lấy của người, không tà dâm, không nói láo, và không dùng những chất kích thích như rượu, thuốc hút.)
Sự thiếu hãm mình, thiếu kỷ luật là một sự thiếu tự chủ. Trong một xã hội mà người công dân không có sự tự chủ thì đây là bước đầu cho kẻ độc tài lên nắm quyền. Kẻ độc tài sẽ nói: “các người không biết tự chủ, thì để tôi làm chủ cho.” Một xã hội thiếu kỷ luật, kém đạo đức sẽ tạo nên những chướng ngại cho bước đường dân chủ, và còn huỷ hoại luôn những cơ hội cho sự sống còn và phát triển của đất nước.
6. Tầm nhìn đồng nhất: những lý tưởng, tín ngưỡng đồng nhất là những nguyên nhân quan trọng trong việc bảo đảm một xã hội hài hòa. Người công dân trong một xã hội dân chủ phải có sự hiểu biết đồng nhất về chế độ đó, và hiểu được ý nghĩa của sự tự do. Không có sự hiểu biết như thế, thì sẽ có những vấn đề. Nếu chỉ hiểu tự do là muốn làm gì thì làm thì chỉ tạo thêm hiềm khích và bất hòa.
Tầm nhìn có liên quan đến trình độ thông minh và hiểu biết. Ở trình độ căn bản, hiểu biết và thực hành những yếu tố dân chủ cũng đủ làm cho xã hội được tốt đẹp; nhưng ở trình độ sâu hơn, thì cần phải có sự hợp nhất và tình huynh đệ. Đó là hiểu biết luật thiên nhiên, hiểu rõ là tất cả đều là vô thường, sẽ bị hủy hoại, không có gì là thường hằng, vĩnh cữu.
Hiểu như thế có ích lợi gì ? Nó giúp cho chúng ta từ bỏ hay làm yếu đi những bám víu thông thường, ích kỷ. Nghĩa là từ bỏ tâm tham đắm, dành giựt. Đạo Phật có nói về năm cách tham đắm.
Nơi đây với đề tài về tính dân chủ, tôi chỉ nhắc đến hai cách thôi. Đó là:
a. Kulamacchariya: tham lam và dành giựt cho mình, cho gia đình mình cũng như đoàn thể mình.
b. Vannamacchariya: tham lam và dành giựt cho nòi giống mình.
Với sự giảm thiểu về tham lam, dành giựt, sự phân biệt cũng như hiềm khích được giảm đi, và do đó tìm được sự hợp nhất, hài hoà. Khi mà con người được thấm nhuần với lòng tốt, họ sẽ nhìn nhau với nhiều thiện cảm, xem nhau như bà con, thân thích và như thế là chế độ dân chủ có được ba điều — Tự do, Bình đẳng, và Tình huynh đệ.
Điều thứ sáu là quan trọng nhất cho việc hình thành tình huynh đệ: người công dân phải có được sự hiểu biết tương đồng về mọi mặt. Khi mà tất cả đều hiểu biết và sống chung cùng một lý tưởng, thì đây mới là một nền dân chủ thực sự.
Nói tóm lại, sáu cách để có được cuộc sống hài hòa trong tình huynh đệ là:
1. Hạnh kiểm tốt
2. Lời nói ngay thật, dễ nghe
3. Ý nghĩ trong sạch
4. Chia xẻ lợi tức
5. Đạo đức đồng nhất, hài hoà
6. Tầm nhìn hợp nhất.
Cuộc sống hạnh phúc, hài hòa, sẽ có được khi mà ta sống với sáu điều nêu trên. Chúng ta đối xử với nhau bằng sự tử tế, nói với nhau bằng những lời hoà nhã, nghĩ đến nhau bằng lòng từ, chia xẻ với người những gì ta có được, tuân kỷ luật xã hội, tránh không làm tổn hại, hay lạm dụng người khác, và cuối cùng là có được sự hiểu biết, và tín ngưỡng đồng nhất. Như thế, sự hợp nhất sẽ dễ dàng và sự phát triển xã hội chắc chắn sẽ được đảm bảo.
[Trích dịch từ Những giải đáp của Phật Giáo cho thế kỷ 21 (Buddhist Solutions for the Twenty-First Century ) ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét