Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Nhung Bong Hong Trong Thung.html

Thông tin ebook

Tên truyện : Những Bông Hồng Trong Thung

Tác giả : Quân Thiên Kim

Thể loại : Văn học trong nước

Nhà xuất bản : Kim Đồng

Tủ sách : Tuổi Mới Lớn

Số quyển / 1 bộ : 1

Hình thức bìa : Bìa mềm

———————————-

Nguồn : http://www.nxbkimdong.com.vn

Chuyển sang ebook (TVE) : santseiya

Ngày hoàn thành : 27/06/2008

Nơi hoàn thành : Hà Nội

http://www.thuvien-ebook.com

Mục Lục

1.

2.

3.

4.

5.

6.

7.

8.

9.

10.

11.

12.

13.

1.

Tháng mười. Cơn mưa cuối mùa khiến trời chập choạng tối đã khá lạnh. Mưa dứt hạt, tôi lẳng lặng ra sau dẫn con Phi lên trước sân đóng xe, lau chùi cho ráo bớt nước mưa đọng trên xe, băng ghế, dù che. Khi tôi vào nhà lấy thêm áo ấm, mẹ tôi ngừng đan len ngẩng lên hỏi xem trời đã dứt hẳn mưa chưa. Tôi ậm ừ xỏ tay vào áo. Khi tôi quay lại thấy bà đang mở cửa nhìn ra ngoài trời. Gió thốc vào đẩy bung cánh cửa khiến bà hơi loạng choạng cố giấu cơn rùng mình.

- Mẹ! – Tôi xót xa gọi, cố nén lòng, ra vẻ cứng giọng – Mẹ ra cửa làm gì vậy?

- Mẹ xem trời đã tạnh mưa hẳn chưa.

- Con đã nói là tạnh rồi mà mẹ. Mai mốt mẹ đừng có đứng ngoài cửa để gió lùa, mẹ đang bệnh mà.

Tôi kéo khóa áo ấm đến ngập cổ rồi cầm cây roi bước ra ngoài nhảy lên xe tôi đã chuẩn bị xong trước đó một phút. "Hây!". Con Phi lóc cóc gõ móng chạy lên dốc.

- Mẹ giữ ấm nhé mẹ!

Tôi quay lại nói lớn. Mẹ tôi gật gật đầu. Bà vẫn thế, luôn xem tôi như một đứa trẻ con. Bà càng xem tôi như cậu bé tôi càng tỏ ra cứng cáp, mạnh mẽ. Lâu lắm rồi tôi không ôm mẹ dù tôi muốn như thế lắm. Lần cuối cùng tôi ôm mẹ đã hơn năm năm, đó là khi ba tôi mất. Mẹ tôi gần như không trụ nổi, ngất từng cơn trong vòng tay tôi. Sau đám tang ba, tôi cắm nhang trước di ảnh ông, thì thầm hứa sẽ thay ông chăm sóc cho mẹ.

- Mẹ, bây giờ con là người đàn ông duy nhất của nhà mình. Con sẽ không làm cho mẹ thất vọng đâu.

Mẹ tôi chỉ lặng lẽ nhìn di ảnh ba khi tôi nói câu đó. Hai ngày sau, khi biết điều tôi quyết định "không làm cho mẹ thất vọng" chính là bỏ thi đại học, bà gần như bừng tỉnh sau một cơn mê.

- Con chỉ là một cậu bé, lúc nào con cũng là bé con của mẹ, hiểu không Quân? Mẹ là mẹ, mẹ không bao giờ cho phép con nghỉ học. Bằng mọi cách con không thể để thua bạn bè… Mẹ đã hứa với ba là mẹ sẽ lo cho con….

Khi nói những câu này, bà như một con gà mái xù lông. Tôi thầm nói "Con cũng đã hứa với ba…" rồi tỏ vẻ thật cứng đầu. Mẹ và tôi bắt đầu những ngày tháng luôn tỏ ra mình rất vững chắc, cứng cáp, rằng chăm sóc người kia là nhiệm vụ của mình. Không ai muốn có hành động, cử chỉ nào mang nặng tình cảm mà luôn là những câu nói ngắn cụt, khô khốc. Tôi cũng muốn nói với mẹ những lời nói yêu thương, mềm mại hơn nhưng luôn sợ mình sẽ không kìm được cảm xúc. Tôi biết nếu chỉ cần yếu lòng một chút tôi sẽ trở lại là thằng bé con của mẹ và phải nghe theo mẹ mọi điều.

Hai mẹ con tôi bắt đầu "thương lượng" với nhau. Mùa hè năm đó tôi vẫn phải thi vào đại học, sau khi đi thi về tôi mới được phép đưa xe thổ mộ ra bờ hồ thay công việc của ba ngày xưa. Mẹ tôi cắm cúi đan len vì bà chẳng biết làm gì hơn. Chiếc xe thổ mộ và con ngựa tạm thời cho một người quen thuê lại, tiền trả mỗi tuần không đáng là bao.

Sau hai tháng dồn sức cho việc ôn luyện, tôi gói ghém đồ về Sài Gòn đi thi đại học, tất nhiên là một mình. Đêm trước khi đi, tự tay mẹ tôi kiểm tra lại đồ đạc rồi đưa cho tôi một cọc tiền được xếp cẩn thận. Tôi cầm tiền, muốn cảm ơn mẹ nhưng thấy sến (sao lúc đó lại nghĩ vậy không biết?) nên chỉ nắm chặt vào tay. Hai đôi mắt nhìn nhau, cùng thảng thốt:

- Sao mẹ ốm quá vậy?

- Nhìn con kinh khủng quá!

Mẹ tôi dường như nhỏ tẹo lại, phùng phình với lớp áo ấm. Bà già hẳn đi, nhanh như đã qua mười năm. Tôi đọc trên khuôn mặt bà toàn nỗi lo, dằn vặt, day dứt, nhớ thương, bế tắc, hy vọng… Còn tôi chẳng biết lúc đó ra sao nhưng theo lời mẹ nói thì tôi gần như không còn sức lực gì. Mẹ căn dặn với những lời nửa ra lệnh nửa thiết tha tôi phải cố gắng làm bài thật tốt cho ba vui. Nhưng con chỉ còn có mẹ, con sẽ vì mẹ! Tôi gật đầu để bà an tâm.

Đề thi năm đó không khó với tôi, nhưng nếu mình đậu thì sẽ ra sao? Tôi nhớ lại khuôn mặt mẹ và câu nói của mọi người về những kỳ thi đại học cực kỳ khó khăn. Chưa chắc gì mày đã đậu, cứ làm hết mình thử xem sức tới đâu. Tôi đã làm bài thi hết sức mình, tò mò chờ đợi kết quả nhưng chẳng có mấy chút gì háo hức. Thi xong, trong đầu tôi chỉ còn những con số về tiền công của một cái áo len, số cái đan được trong tuần, số tiền đi chợ hàng ngày, tiền nước, tiền điện, tiền mua đồ đạc rối tung lên nhưng kết quả luôn rõ rệt. Việc đầu tiên tôi làm sau khi thi xong là lấy lại xe thổ mộ và ra bờ hồ đón khách du lịch. Mẹ tôi cũng quyết định mở một "sạp" hoa nho nhỏ gần trường đại học Đà Lạt, chỉ đơn giản là hai xô nhỏ đựng hoa hồng loại bét và loại khá hơn một chút, giá rất rẻ. Khi tôi hỏi sao lại bán hoa hồng ở đó, bà cười:

- Người ta thường tượng trưng hoa hồng là hoa tình yêu. Tụi sinh viên thích tặng hoa cho nhau, hoặc thích mua về cắm trong phòng cho thêm lãng mạn. Cứ nhìn thấy hoa hồng là nghĩ ngay đến tình yêu… tương tư cũng cắm hoa hồng được…

Tôi chẳng quan tâm tới ý nghĩa hay thông điệp của chúng, nhưng ngày nào tôi cũng hỏi mẹ bán được nhiều không? Ai mua của mẹ? Nam hay nữ nhiều hơn? Mua tặng hay mua cắm? Mẹ cười mỗi khi trả lời tôi, vẻ phấn khởi. Rồi bà hỏi công việc của tôi thế nào? Đã làm quen với hết mọi người ở bãi xe thổ mộ chưa? Khách có vui không?

- Con đang làm quen dần mẹ à.

Tôi trả lời na ná như nhau. Thật ra con trẻ quá nên hình như khách không thích. Anh Hải bảo cái mặt con nhìn giống con cù lần. Con không dám ra mời khách, mà có mời họ cũng lắc đầu. Mẹ ơi! Mẹ có cách nào cho con có nhiều khách không mẹ? Tôi chỉ muốn nấc nghẹn nhưng không thể nào nói với mẹ được. Đơn giản tôi là đàn ông và tôi phải chăm sóc cho mẹ, không thể để mẹ lo lắng thêm được. Anh Hải bảo rồi một thời gian con sẽ tự khôn ra. Ở bãi ai cũng hiền lành nhưng ai cũng vì miếng cơm manh áo.

- Không ai bắt nạt con vì có luật chung rồi mẹ, với lại ai cũng biết con là con của bố Trung mà.

Nhưng khi nào các xe chạy hết rồi mới đến lượt con. Tôi quay đi, tìm một câu gì đó để nói. Tôi không muốn mẹ thấy tôi bối rối với công việc mới.

Gần hai tuần sau, tôi tình cờ thấy mẹ khóc khi sáng sớm dậy xếp hoa hồng vào xô. Bà nâng niu đám hoa như chúng là những bông hoa có linh hồn. Lúc đó tôi mới nhận ra sáng nào trước khi đi mẹ cũng cắm một bông hồng trước di ảnh của ba. Tôi lục tìm trí nhớ. Chịu! Không thể nhớ ra lần nào ba tặng hoa cho mẹ, dù chỉ là những đóa hoa dại ven đường. Tôi thôi hỏi những câu hỏi ngốc nghếch làm khơi dậy nỗi buồn của mẹ còn mẹ vẫn hỏi thăm về công việc của tôi.

Cuối tháng, tôi đề nghị mẹ cùng ngồi tính xem hai mẹ con đã thu chi ra sao. Mẹ gạt phắt, bảo rằng tôi cứ đi làm khi tôi rảnh, kiếm được tiền thì đưa cho mẹ, cần tiền thì nói mẹ sẽ đưa. Mẹ không muốn chia sẻ gánh nặng với con, sao vậy mẹ? Chẳng lẽ mẹ chưa coi con là một người đàn ông? Tôi muốn vén gọn sợi tóc bạc đang lòa xòa trên mặt mẹ lên vành tai của bà. Mẹ có biết mẹ già đi nhiều lắm không? Ánh mắt cứng rắn của mẹ nhìn tôi. Sao mình cứ có những cảm xúc như trẻ con thế, sến quá! Tôi nhìn lại với ánh mắt quyết liệt không kém:

- Mẹ à, con muốn nói chuyện… thẳng thắn với mẹ… ý con là… con nghĩ mình không làm ra nhiều tiền, phải không mẹ?

Tôi nhìn bà như van nài bà hãy gật đầu. Mẹ tôi thoáng nghĩ rồi gật đầu xác nhận điều đó. Xong giọng bà rất cứng:

- Con biết điều đó rồi, nhưng mẹ chỉ muốn con giúp mẹ khi con rảnh, còn việc chính của con là học. Mẹ sẽ lo cho con.

- Nhưng bằng cách nào?

- Đó là chuyện của mẹ.

Kết thúc. Tôi thấy mình thất bại thảm hại khi chẳng nói được với mẹ ý của mình. Tôi thì nói như một thằng đàn ông – hy vọng là được thế – còn mẹ chỉ coi tôi là con nít. Cách duy nhất là phải để mẹ nhìn tôi như một người lớn đã. Vì vậy khi giấy báo nhập học về, tôi giấu biệt và nói với mẹ rằng tôi đã thi rớt. Mẹ tôi lặng người một chút rồi lập tức quay sang an ủi:

- Thôi con đừng buồn nữa, thi đại học chứ có phải thi lên lớp đâu. Sang năm mình thi tiếp, con sẽ vào đại học mà. Mẹ thấy người ta thi mãi mới đậu được. Con thì đúng lúc thi ba lại mất, cho nên…

- Dạ, sang năm thi tiếp, năm nay con ở nhà ôn thi, phụ mẹ kiếm tiền rồi để dành mẹ há?

Thấy tôi tươi tỉnh mẹ vui hẳn. Mẹ sợ tôi buồn, còn tôi cũng sợ mẹ buồn. Rốt cuộc cả hai đều cười với nhau nhưng tôi thừa biết đêm nào mẹ cũng trằn trọc, sáng mẹ thường lén khóc với những bông hồng, còn tôi thì đêm nào cũng ôm chặt mền quay cuồng với những tương lai chẳng biết về đâu.

Vậy mà cũng đã hơn năm năm rồi. Lẽ ra tôi có thể khác đi nếu như… nhưng cái cụm từ "nếu như" không thể trở thành hiện thực. Tôi thương mẹ tôi biết chừng nào. Cái dáng nhỏ bé của bà lọt giữa cánh cửa gió lùa nhìn theo mỗi khi tôi và con Phi chạy lên con dốc. Căn nhà gỗ be bé buồn ơi là buồn nằm dưới thung lũng, lẫn giữa màu xanh cỏ và cây. Tôi còn có bạn bè, còn có sư phụ, các huynh đệ, tiểu muội, và cả những du khách đôi khi vừa cà chớn vừa ngốc toẹt lẫn những du khách thật sự biết thế nào là rong chơi quanh bờ hồ với tiếng lóc cóc lóc cóc của xe thổ mộ. Còn mẹ tôi còn có gì?

2.

- Hình như đám du khách sợ lạnh trốn hết rồi hay sao ấy, mẹ nó!

Anh Hải làu bàu phết vào mông con Zaku một cái khá mạnh, làm như nó là nguyên nhân khiến trời lạnh không bằng. Tất nhiên với dân Đà Lạt thì cái lạnh này chẳng thấm vào đâu nhưng khách du lịch thì khác. Mới buổi xế trưa còn có thể tung tăng với một chiếc áo ấm mỏng thì sau cơn mưa trời đã đầy gió lạnh tê tái, mà du khách làm gì có áo gió dày cộp như dân địa phương, lại chịu lạnh dở. Tôi nhớ có năm mùa giáng sinh không lạnh, dịp Tết âm lịch trời trở lạnh nhất trong năm. Tôi hớn hở khoác áo trong áo ngoài. Mẹ bắt xỏ găng len. Trời lạnh mà đứng bên hồ, cái lạnh tăng gấp đôi vì gió sương nhiều hơn. Tôi thích lạnh vì sinh ra từ trong cái lạnh, nhưng Đà Lạt cứ nóng dần lên. Hồi còn nhỏ tôi đi học với cái áo len xanh mẹ đan dày thật dày, nặng trình trịch, tay xỏ găng len. Cái áo len mặc suốt cả ngày. Ai cũng thế, suốt ngày áo len áo ấm dày cộm, mũ len khăn quàng cổ chứ không riêng gì tôi, nhưng cái lạnh cứ len  vào qua từng lớp vải, cọng len và gãi gãi vào da thịt, bất kể mùa nào. Khi tôi lớn – tính từ hồi tôi học cấp ba nhe - tôi bắt đầu biết thế nào là nóng. Đó là vào trưa tháng tư, tôi mặc chiếc áo len mỏng và chạy dọn dẹp trong lớp. Ba tôi phàn nàn suốt ngày về việc Đà Lạt cứ nóng dần lên đến nỗi chẳng nhớ ra Đà Lạt xưa lạnh như thế nào. Thế nên mỗi lần Đà Lạt lạnh cóng lên tôi vui như thấy lại thời nhỏ.

Nhưng bài học của cái Tết lạnh cóng năm đó là: thằng tôi hớn hở áo ấm ra hồ, còn du khách thì biến mất. Họ nằm ôm nhau trong khách sạn, quấn đủ mọi lớp mà vẫn lạnh cầm cập. Hơn nửa số du khách bỏ về trước khi tour chấm dứt. Có nhiều đoàn chỉ lên hai ngày là quay xe về vì lạnh quá chẳng ai đi nổi tới đâu. Đó là một cái Tết "móm xọm" với những người làm du lịch địa phương. Anh Hải gõ gõ lên đầu tôi:

- Đừng có khoái làm cậu bé tí như thế, bây giờ là phải biết thích cái gì mà du khách thích mới có tiền, nhe!

- Nhưng mà họ thích lên đây vì trên đây lạnh mà?

- Thằng này tướng như cù lần mà tư tưởng cũng cù lần nốt vậy hả?

Anh Hải nói chuyện lúc nào cũng cộc kệch, nhưng anh là người quan tâm đến tôi nhiều nhất trong những người chạy xe thổ mộ ở đây. Hồi đầu mới ra đây tôi ghét anh vì anh chỉ hơn tôi vài tuổi, hình như cứ muốn làm đại ca của tôi. Nhưng cuối cùng thì tôi hiểu cái tính anh vốn thế, anh là dân mới nhập cư đến và trước khi tôi xuất hiện, anh là người nhỏ nhất trong bãi. Sau năm năm làm nghề này anh là người tôi thân nhất.

Trời lạnh, du khách không nhiều nhưng xe ra bãi đầy đủ. Có hai nhóm du khách ra bao xe chạy vòng quanh bờ hồ. Trong lúc tôi đang tán dóc với ông già ngồi câu cá dưới hồ, một cô gái đến gần ngồi phía trên cao nhìn xuống. Tôi ngồi xéo nên nhìn thấy nhưng tỏ ra không quan tâm còn ông già vẫn bình thản ngồi câu. Quanh bờ hồ có nhiều người câu cá như thế, cắm một cây dù tay rồi ngồi luôn mấy tiếng, có khi giữa trời mưa nhỏ bay lất phất. Đám sinh viên lang thang quanh hồ hay ngồi "câu ké" bằng cách quan sát, đôi lúc có người – thường là nữ – tò mò xuống ngồi gần gần để hỏi thăm có câu được cá không.

Một lúc, cô gái đi xuống bờ cỏ đến gần chỗ tôi ngồi, hơi tần ngần khi tôi ngẩng lên nhìn:

- Anh cho em hỏi thăm…

- Sao hả chị?

- Anh có biết mấy cái xe ngựa kia đi như thế nào không ạ?

- À, đi vòng quanh bờ hồ hoặc là đi hết đồi Cù, thường thì là như vậy vì không được phép vào thành phố.

Cô gái vén tóc vén tai cười bối rối:

- Dạ, ý em hỏi là có mua vé không, hay là thuê giờ, hay là sao ạ?

- Tụi tôi đi theo vòng, ví dụ như đi một vòng quanh bờ hồ là bốn chục ngàn, cũng tùy khách thỏa thuận nữa.

- Hóa ra anh cũng chạy xe hả?

Tôi gật đầu. Cô gái suy nghĩ rất nhanh rồi hỏi tiếp:

- Vậy anh cho em hỏi nếu  khách chỉ có một mình thì sao? Em có đi ghép được không? Em… em chỉ đi có một mình à.

- Đi ghép hả?

Tôi bắt đầu lúng túng. Thường thì khách đi chơi theo đoàn, tệ lắm cũng là hai người và họ đều bao nguyên chuyến, còn cô nàng này chỉ có một mình. Tôi nhìn qua. Ông già ngồi bên vẫn im lặng câu cá.

- Dạ, vì em không có đủ tiền để bao nguyên chuyến đi một mình. Nếu như mà …

- Chị đợi một chút tôi hỏi thử xem.

Tôi đi vội lại bãi đậu xe hỏi anh Hải. Anh đưa mắt nhìn cô nàng đang ngồi bên ông già câu cá.

- Sao không hỏi xem có bao nhiêu, ít thì đi gần thôi.

- Nhưng mà người ta muốn đi ghép theo khách khác để đi quanh bờ hồ mà anh.

- Với đoàn nào đây? Thường thì đoàn người ta đâu có thích có người lạ đi theo. Xe thổ mộ đâu có chở được nhiều khách đâu mà đi ghép được.

Tôi thấy tội tội cho cô nàng. Đi chơi một mình hẳn là buồn lắm rồi, chẳng lẽ giờ tôi lại đến nói rằng các du khách không đồng ý cho đi theo cùng? Mà cũng phải thôi, nếu người ta đi theo cặp mà đòi theo thì càng vô duyên bạo.

- Mày đừng có định phá giá anh em ở đây nghe Quân!

Giọng anh Hải đanh như thép. Tôi giật nảy mình. Cứ như anh Hải đang đi trong đầu tôi không bằng.

- Em… đâu có đâu!

- Ừ, tao biết mày nghĩ gì mà… Ra đây làm ăn rồi, không phải chỉ có mình mày, còn anh em khác nữa chi? Mày đừng có để anh em nói tới nói lui mệt lắm đó.

Anh Hải đã nói vậy, tôi không còn ý định mời cô nàng lên xe đi vòng quanh hồ một chuyến rồi có bao nhiêu trả bấy nhiêu nữa. Khi tôi bước lại gần, cô gái quay sang nhìn tôi với ánh mắt ấm áp lạ lùng, cứ như tôi là người thân quen lắm của cô. Nghe tôi nói ở đây không nhận khách đi ghép, hai khóe môi của cô gái chùng xuống buồn thiu. Nhưng chỉ vài giây sau cô gái đã cười tươi tắn:

- Cám ơn anh!

Và gật nhẹ đầu chào. Chỉ vậy thôi, rồi cô nàng đứng dậy đi lên ven đường, tiếp tục đi theo bờ hồ. Tôi lặng mất một hồi vì câu nói ngắn ngủi nhưng đầy tình cảm rất thật. Làm nghề này, tôi gặp rất nhiều khách du lịch từ nhiều miền khác nhau, có người vô duyên, có người giống như chập mạch, có người yểu điệu đến chảy nước, có người làm như bỏ tiền ra đi xe là mua luôn cả nhân phẩm của người chủ xe rồi muốn nói nặng nói nhẹ cũng được, có người thì hơi lịch sự kiểu cách, có người rất dễ thương, nhưng một lời cảm ơn như cô gái tôi mới gặp thì chưa bao giờ tôi nhận được. Những lời cảm ơn lịch sự thì nhiều, chỉ riêng của cô gái ấy, tôi cảm nhận cả sự chân thành. Cả cái dáng đi của cô gái cũng làm tôi lặng nhìn, có cái gì thật bình thản khác người. Hình như cô gái bước đến từ… đám sương mù đêm nay thì phải?

Anh Hải và mọi người còn chọc tôi vài câu nữa rồi chạy giỡn đuổi nhau, người này đá đít người kia vài cái cho đỡ lạnh. Tôi cố không nhìn theo bóng dáng cô gái mà đứng chải bờm cho con Phi.

Đêm ấy không có khách nhiều, chỉ vài xe dạo được. Tôi ngáp ngủ nhảy lên xe, ngoắc ngoắc tay chào rồi lịch kịch ra về. Con đường Đinh Tiên Hoàng bọc một phần đồi Cù rộng tênh, vắng ngắt. Con Phi quen đường tự do chạy chầm chậm. Tôi ngủ thiu thiu ngay trên đường. Một vài đôi sinh viên ôm nhau ấm áp tản bộ về ngã năm Đại Học. Bỗng con Phi chạy cà giựt cà giựt làm tôi choàng tỉnh. Không hiểu sao linh tính của tôi hay gắn liền với con Phi – người bạn thân thương nhất. Nó chạy chậm hẳn lại. Tôi nhận ra ven đường một cô gái đi sát rào hoa tường vi đầy gai góc. Tôi buồn cười vì cô gái đi một mình khá lãng mạn, lề đường lót bê tông không đi lại leo lên ven bờ rào đầy cỏ và sương, đẹp nhưng mà… không khỏi ăn vài nhát gai của đám dã tường vi bao quanh đồi Cù. Nghe tiếng vó ngựa, cô gái dừng chân quay lại.

- A… anh gì…!

Tôi cũng nhận ra ngay cô gái gặp bên bãi xe bờ hồ lúc nãy. Trời ạ, sao lại gặp cô ở đây?

- Chị đang về nhà hả?

Cô gái gật gật đầu cười rất tươi. Con Phi dừng lại theo lệnh của tôi.

- Tôi cũng đang về nhà, chị đi về đâu vậy?

- Em đi về ngã năm Đại Học.

Thì con đường này dẫn tới ngã năm Đại Học mà lại. Tôi bỗng bạo dạn hẳn:

- Chị có muốn đi cùng không? Chị lên đi, tôi không tính tiền đâu, tôi cũng về ngã năm.

Cô gái không từ chối một lời, nhanh nhảu nhảy lên xe ngồi cạnh tôi.

- Em ngồi đây được không? Em muốn nói chuyện với anh một chút.

- Ừ…

Tôi lúng búng trong miệng. Lúc thì tài lanh lúc thì như thằng ngọng. May mà cô gái chủ động bắt chuyện chứ nếu không tôi cũng chẳng biết nói gì. Nhưng những chuyện cô gái nói cũng chẳng rõ với tôi hay với ai.

- Bụi dã tường vi kia đẹp quá!

- Sương xuống đọng trong mấy nhánh cỏ giống bông hoa hồng bằng sương ghê!

- Con đường này vẫn là con đường của những đôi tình nhân như trước đây…

Cô gái tự giới thiệu tên là Nguyên, Khôi Nguyên. Cái tên thật sự ấn tượng! Với vóc dáng gầy gầy, phong cách đầy nam tính, tự tin, Nguyên làm tôi tưởng cô là một du khách. Con gái phố núi đi bộ nhiều, đường thoai thoải dốc, khí trời mát lạnh nên hầu như ai cũng bầu bĩnh mập mạp, các vòng tương đối nảy nở, lại hiền lành e lệ qua đôi má ửng hồng, điệu bộ chậm chạp, đôi khi rất rụt rè. Hơn nữa dân địa phương chẳng khi nào leo lên xe thổ mộ để đi loanh quanh hồ Xuân Hương cả. Nguyên thì hoàn toàn khác, tôi cứ ngỡ Nguyên là người Sài Gòn, nhưng giọng nói của cô gần giống như dân địa phương. Giọng Nguyên trầm và rất ấm. Thằng con trai nhút nhát trong tôi ấm ớ trả lời, hơi ngờ ngợ. Một lúc sau tôi mới biết Nguyên cũng là dân địa phương, tuy nhiên Nguyên đã theo gia đình vào Sài Gòn hơn 5 năm. Cô vừa mới tốt nghiệp đại học và lên Đà Lạt tìm việc. Đơn giản là Nguyên yêu phố núi – cô nói thế, và hy vọng rằng mình sẽ tìm được việc để sống ở đây. Nguyên giống như một người bạn thân thiết đủ để tuy lần đầu gặp nhưng người ta dễ tin tưởng vào sự chân thành của cô. Tôi mến Nguyên ở điều ấy, và quý Nguyên hơn khi nhìn thấy cô ngồi dáng vẻ như một gã trai lãng tử trong phim kiếm hiệp, mái tóc ngắn bị gió thổi bay hất nhẹ ra sau. Tôi chưa từng thấy một cô gái nào như Nguyên, khi ngồi ở bên cạnh, người ta có cảm giác thanh thản thật dễ chịu.

 

Đến ngã năm, Nguyên nhảy xuống xe, không yểu điệu cũng không nghịch ngợm. Cô nhìn tôi cười đưa tay lên nhúc nhích mấy ngón tay qua tay áo dài trùm gần kín mu bàn tay:

- Bái bai anh nhe, cảm ơn anh. Chúc anh ngủ ngon! – Nguyên chỉ tay về phía con đường nhỏ – Em về lối này.

- Ừ, chào Nguyên.

Thằng khùng! Chỉ vậy thôi sao. Con Phi hí lên khó chịu vì không hiểu tôi muốn nó đi đâu. Khi chiếc xe xóc lên chạy về phía đồi Trà, tôi đưa tay vỗ bẹt vào trán rủa mình thậm tệ. Chỉ có việc hỏi thăm Nguyên về đâu, rồi đưa Nguyên về tận nhà, có khó khăn gì mà cứ im như thằng cù lần, chẳng có đàn ông gì hết! Nhưng mà chắc Nguyên nhìn mình giống như con nít. Thể nào mở miệng ra Nguyên cũng sẽ cười mình. Nhìn Nguyên thì biết, cô ấy trông không yếu đuối tí nào.

Xe lọc cọc xuống dốc. Căn nhà gỗ nhỏ lọt thỏm trong những bụi cây hồng, trà um um. Tôi thấy buồn buồn khó hiểu. Mẹ tôi ra mở cửa khi tôi tháo xe và buộc con Phi ra phía sau nhà. Ước gì tôi có thể bật ra với mẹ một câu: "Mẹ ơi con buồn!" "Con buồn gì vậy hả con trai của mẹ?" "Con không biết!". Ôi, cái thằng đàn ông như đàn bà này, sao lại có những ý nghĩ như vậy chứ. Tôi đã nhe răng ra cười với mẹ, chờ mẹ nằm im trong giường rồi với tay tắt đèn. Vậy là xong một ngày, không có gì đáng nhớ.

- Mẹ?

- Gì vậy con?

Tôi hốt hoảng. Là tôi nói đấy sao? Mình đã mất kiểm soát rồi, tệ thật!

- Không có gì, con định hỏi… chẳng lẽ con sẽ mãi là một anh chàng chạy xe thổ mộ sao mẹ… nhưng con nhớ ra rồi mẹ ạ.

Mẹ tôi im lặng. Tôi leo lên giường nhắm mắt lại. Nụ cười và ánh mắt của Nguyên hiện ra rõ mồn một. Hai ánh mắt long lanh như ngôi sao hiền lành của những đêm lạnh in vào trong giấc mơ.

3.

Hai đêm sau liên tiếp Nguyên đều ghé qua chỗ anh em đậu xe ngoài bờ hồ. Lúc đầu khi thấy Nguyên tiến đến trong bụng tôi rộn lên vì không nghĩ mình sẽ gặp lại Nguyên.  Tôi lén cười chào cô. Nguyên đến gần mọi người mỉm cười chào tất cả, rồi quay sang hỏi tôi như quen từ đời nào rồi.

- Đây là anh em, bạn bè cùng trong nghề của anh Quân hả?

Tôi liên tiếp bất ngờ nhưng cả đám không ai quay sang chọc một câu, lập tức vui vẻ trò chuyện với Nguyên. Trong khi tôi cứ ngớ người chưa biết  nói ra sao thì câu chuyện của mọi người với Nguyên đã vui vẻ hòa nhã lắm rồi. Anh Hải hỏi:

- Em lên đây chơi bao giờ mới về?

- Không, em định ở luôn trên đây. Nếu mà tìm được việc làm tốt thì em sẽ ở lại.

Giọng của Nguyên làm cho mọi người ấm áp theo. Mấy tay đàn ông con trai thỉnh thoảng vẫn có những câu không lấy gì lịch sự nhưng khi nói chuyện có Nguyên, ai cũng dễ thương thêm vài lần, chắc tại ai cũng muốn xứng với câu khen rất chân thật của Nguyên "Con trai Đà Lạt ai cũng hiền hòa, không như người thành phố". Buổi tối đi loăng quăng quanh bãi chào mời khách trở nên vui vui vì cô nàng dễ mến. Nguyên không ngỏ lời muốn đi xe thổ mộ nhưng anh Thắng nói nếu Nguyên thích thì chọn bất cứ xe nào đi một khúc rồi quay về. Anh Hải trợn mắt:

- Trời ơi, Nguyên đâu có phải là du khách đâu, dân Đà Lạt gốc ngày xưa mà.

Nguyên bật cười:

- Người Đà Lạt không thích đi xe ngựa phải không anh?

- Không phải, tại xe của tụi anh là xe cho khách du lịch nên người Đà Lạt không thích đi, chắc họ thấy kỳ kỳ …

- Em thích nghe tiếng vó ngựa. Hồi nhỏ em hay nghe tiếng vó ngựa kéo rau ra chợ bán vào sáng sớm. Lâu rồi em không còn nghe thấy tiếng vó ngựa nên cũng nhớ. Em còn nhớ xe thổ mộ hồi đó không đàng hoàng lịch sự như thế này, chắc tại vì chỉ để chở rau – Nguyên cười -  nhưng mà em nhớ mấy cái xe như vậy lắm, bây giờ không thấy ở đâu có nữa.

- Cho nên em mới ra đây ngắm xe thổ mộ của bọn anh cho đỡ nhớ hả?

Cả đám cười hi hi. Nguyên cũng cười theo chan hòa. Tôi bắt chước mọi người gọi Nguyên là em. Khi cô quay về tôi chịu trận với đủ thứ tra vấn nhói khắp người mà chỉ dám nhe răng cười. Hồi chỉ còn tôi đứng lơ ngơ dưới gốc tùng, anh Hải đập vai tôi đau điếng:

- Có khai thật với anh không thì nói, mày quen hồi nào nhanh vậy?

Tôi không dám im lặng với anh đành kể đầu đuôi, rằng tôi với Nguyên là hai người bạn mới quen. Anh chỉ cười:

- Con nhỏ dễ thương đấy chứ!

Phù… điều đó đâu cần anh công nhận! Bỗng dưng tôi nhận ra trong mình một thoáng cảm giác khó chịu. Mọi người khen Nguyên thì có gì xấu mà tôi lại nôn nao bức bối kia chứ? Hình như ai cũng có một chút quý mến Nguyên dấu kín trong lòng nên những câu chuyện về Nguyên luôn nhẹ nhàng như thể Nguyên đang ngồi ngay đó vậy.

Mẹ nhận ra sự khác lạ của tôi. Bà hỏi:

- Sao mẹ thấy con hay thở dài?

Tôi ngơ ngác vì cũng chẳng nhận ra điều ấy. Khi tôi lau người cho con Phi bà ra giục tôi:

- Con lau người cho nó lâu vậy?

Tôi cũng chẳng dám trả lời. Buổi sáng từ lớp võ về, tôi lại chỗ bà để hoa hồng đưa tay bới nhẹ. Hành động thô lỗ ấy nhận ngay một nhát gai đau nhói. Hoa tình yêu. Hoa tình yêu. Những bông hoa này mà là tình yêu ư? Tôi chẳng thấy chúng có vẻ gì như cô gái của tôi. Gai góc, bé tí. Tôi chẳng có chút cảm giác nào với những bông hoa hồng trong xô. Đến khi giúp mẹ mang những xô hoa ra cổng trường đại học, tôi đứng khuất gốc thông già ven đường nhìn xem những ai mua nó. Mẹ nhìn cái xe của tôi đứng gần đó vẻ ngạc nhiên một chút, rồi bà cũng chẳng để ý gì đến tôi và con Phi nữa.

Vị khách đầu tiên của mẹ là hai cô gái. Con gái mua hoa hồng để tặng con trai à? Không phải rồi! Mẹ đã từng bảo hoa hồng khiến người ta nghĩ đến tình yêu đó thôi. Chắc hai cô nàng giả đò cầm hoa làm như được ai tặng để cho mọi người thấy mình cũng đáng yêu ra phết đấy chứ! Tôi bụm miệng cười đồ con gái ưa làm bộ! rồi đi thẳng ra bờ hồ.

Suốt tuần đó, vài lần Nguyên đi ngang qua chỗ tôi và những anh bạn đứng chờ khách. Mọi người chọc "Khách quý của Quân kìa!", cố  tình nói thật lớn để Nguyên quay lại nhìn cả bọn và mỉm cười rất hiền. Nụ cười chẳng dành riêng cho ai, giống như một luồng hơi ấm tràn qua từng người trong đám xe thổ mộ. Cả bọn đều biết về Nguyên, ai cũng mong cô tìm được việc làm tốt, ở lại phố núi này. Điều duy nhất mà tôi – đại diện cho cả bọn chạy xe thổ mộ quanh hồ Xuân Hương mong muốn ở Nguyên là chiều chiều đi ngang qua chỗ chúng tôi và mỉm cười, nụ cười không e thẹn, nụ cười ấm cả lòng người.

Một tuần tiếp theo, cả đám ngóng cổ chờ hoài chẳng thấy bóng dáng Nguyên đi qua hồ. Vài người hỏi thăm giống như tôi là bạn thân của Nguyên vậy. Tôi trả lời không biết. Trời ạ, tôi còn muốn biết hơn mấy ông nhiều nhưng mà biết hỏi ai đây? Có người đoán Nguyên đã bỏ về thành phố:

- Người ta ở thành phố quen rồi, ai mà thèm về Đà Lạt ở, buồn thấy mồ!

- Chắc nó nói vậy thôi, lên chơi vài bữa rồi về chứ ở đây làm gì?

Tôi chẳng biết được. Chắc tại Nguyên không tìm được việc làm tốt. Ở đây công việc vừa chừng thôi Nguyên ơi, Nguyên muốn thế nào mới là tốt hả Nguyên? Tôi nhờ anh Hải trông chừng con Phi rồi đi thẳng một mạch đến góc Bùi Thị Xuân nhờ thằng Thịnh xe ôm chở xuống Nguyễn Công Trứ.

- Tới nhà ai vậy Quân?

- Tao kiếm nhà người quen.

- Ủa, nhà ai?

- Tao không biết, kiếm giùm cho một người bạn ấy mà.

Tôi dặn Thịnh chạy chầm chậm suốt con đường Nguyễn Công Trứ để tôi nhận ra căn nhà mà người bạn tôi nhờ tìm. Thịnh cằn nhằn:

- Không biết số nhà à?

- Biết thì cần gì tìm nữa, cái thằng này!

- Vậy căn nhà đó có đặc điểm gì?

Tôi bực mình vì không nghĩ Thịnh nhiều chuyện đến thế. Tôi có tìm nhà ai đâu, chẳng qua là hôm chia tay ở ngã năm tôi thấy Nguyên đi về lối này. Bây giờ tôi muốn tìm thử, biết đâu sẽ thấy Nguyên đang đứng đâu đó trong một căn nhà nào đó. Mà hình như mình khùng? Thịnh chẳng hỏi nữa, cũng nhìn nhìn vào từng nhà tìm kiếm mà chẳng biết rõ phải tìm một căn nhà như thế nào. Hết con đường, Thịnh đứng lại ngã ba Mả Thánh hỏi tôi muốn rẽ trái hay rẽ phải. Tôi nhìn lên đồi Mả Thánh tần ngần. Những ngôi mộ lặng lẽ nằm rải rác khắp đồi. Ngày xưa, khi những người dân tộc Lạch sinh sống ở Đà Lạt bị người Pháp lấy mất hồ Xuân Hương xinh đẹp để xây dựng thành phố, họ đã dời về khu đồi này. Sau đó thành phố Đà Lạt được mở rộng, chính quyền quy hoạch lại, biến khu đồi này thành nghĩa trang. Lần này thì những người Lạch không còn được "di cư" tự do nữa mà được chính quyền chuyển đến bên chân núi Langbian. Nếu tôi rẽ phải, tôi sẽ chạy đến chân núi Langbian. Chẳng lẽ Nguyên ở đó với những người dân tộc Lạch, Cil và hàng ngày lên núi tìm củi, lượm trái thông? Còn rẽ trái sẽ đến góc Phan Đình Phùng thì rất vô lý bởi nếu Nguyên ở Phan Đình Phùng thì khi chia tay tôi tại ngã năm Đại Học Nguyên chỉ cần theo đường Bùi Thị Xuân đâm ra Phan Đình Phùng cho nhanh chứ mắc gì phải đi theo Nguyễn Công Trứ rồi rẽ thêm một khúc như phải đi hai cạnh tam giác trong khi chỉ cần đi một cạnh. Vậy thì… tôi nhìn lên Mả Thánh. Chẳng lẽ…??? Thịnh thấy tôi rùng mình liền dài mỏ:

- Mày chịu lạnh kém thế? Nói nhanh đi, rẽ trái hay rẽ phải?

Tôi thấy Nguyên ngồi trên một ngôi mộ nhìn tôi cười. Đúng là hay tưởng tượng vớ vẩn, đàn ông con trai gì mà cứ ngơ ngơ kiểu này? Tôi bật nói nhanh:

- Tìm không được, thôi quay lại về đi Thịnh.

Thịnh đưa tôi về lại bãi xe. Tôi chán nản đến ngồi cạnh ông lão câu cá, chẳng muốn chào mời khách, chẳng muốn làm gì. Bỗng nhiên tôi chợt nhớ ra có nhiều lần tôi tự hỏi mấy người câu cá ngoài hồ Xuân Hương để làm gì, bởi vì tôi thấy họ ngồi suốt cả ngày, cả đêm. Mỗi người một góc, im lặng co ro nhìn xuống hồ, họ gần như những pho tượng. Trời Đà Lạt mưa nhiều hơn nắng. Những ngày mưa nhỏ dầm dề họ cắm một cây dù màu sẫm và ngồi thưởng thức cái lạnh bắt xương bắt da. Thỉnh thoảng lắm mới có cá cắn câu. Bây giờ thì tôi có thể đoán ra, có lẽ họ ngồi đó chỉ là để chôn chặt tư tưởng của họ một nơi, không chạy lông bông rối bời như tôi, đến nỗi phải thấy người mình mến hiện ra như một con ma.

4.

Anh Hải là người nhận ra tôi trở nên khác hơn. Tối tối thấy tôi ngồi chờ khách bên hồ, trầm ngâm nhìn xuống mặt nước như một ông già câu cá, anh thường đến ngồi cạnh tôi, chẳng để làm gì. Hai anh em ngồi im nhìn những làn hơi mờ mờ bốc lên từ hồ tạo thành những cụm sương. Anh Hải nhúc nhích tay chân liên tục cho bớt lạnh trong khi tôi ngồi im như tượng. Thường thì anh chỉ ngồi như thế chừng hai mươi phút rồi bỏ đi sau khi buột miệng nói những câu đại loại như "Bỏ hết đi Quân ạ", "Rồi mọi thứ cũng qua thôi, mẹ nó, ngồi như đồng cho lạnh à?".

Đến ngày thứ tư, khi tôi đưa xe tới thấy anh Hải nhìn tôi cười cười. Rồi anh khoác vai tôi kéo ra cây cầu nhỏ đi ra ngoài hồ mà thỉnh thoảng cả bọn hay kéo ra ngồi nhậu. Cây cầu rộng chừng một mét tám xây de ra bờ hồ gần mười mét, ngồi một chút gió lạnh từ bốn phía rỉa lột từng lớp áo.

- Nguyên vẫn còn ở đây Quân ạ.

- Thế hả?

Tôi hững hờ và hai giây sau tôi mới kịp tiếp thu những gì anh Hải nói, người gần như giật bắn lên:

- Sao anh biết?

Anh kể cho tôi nghe vài người chạy xe thổ mộ khu vực Thủy Tạ chạy xe khuya có hay thấy Nguyên lang thang quanh đồi Cù. Vậy là Nguyên vẫn còn thói quen đi bộ về khuya. Nhưng mà trời ơi, cô nàng tưởng mình là gì vậy kia chứ? Đi lang thang một mình? Con gái gì mà… Nguy hiểm quá Nguyên ơi!

Hơn 8 giờ tối, tôi đánh xe chạy dọc đồi Cù, men theo hồ Xuân Hương đến vườn hoa thành phố. Không thể biết lúc nào Nguyên xuất hiện, chính xác là ở đâu? Tôi nghĩ có lẽ Nguyên buồn chuyện gì đó ở Sài Gòn nên mới lên đây. Ban đêm đi lang thang lếch thếch như vậy chắc hẳn là tâm trạng đang buồn. Nhưng rủi có chuyện gì xảy ra không hay? Mình có thể làm gì được cho Nguyên? Nguyên đâu phải như mẹ? Nhưng cô ấy cũng là một người phụ nữ? Ba tôi đã từng nói khi tôi là một chàng trai mười tám tuổi, rằng người phụ nữ luôn cần được chở che. Nhưng ba đã không thể chở che cho mẹ, ba bỏ đi trước! Và tôi đã cố gắng làm một thằng đàn ông tốt. Suốt năm năm nay tôi thay ba làm mọi việc của ông, mà lẽ ra mọi thứ có thể khác đi nếu như ba không đi sớm. Và mẹ, nếu như mẹ không …

Vài người chạy xe thổ mộ chạy ngang nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi đâu có ý định lập một bãi riêng ở vườn hoa thành phố về đêm đâu mà nhìn? Tôi đành để con Phi đi chầm chậm, còn hơn là đứng im một chỗ.

Gần nửa đêm, khi tôi về đến nhà, mẹ đưa cho tôi một chén chè.

- Dạo này mẹ thấy con mất ngủ, ăn chè sen cho dễ ngủ con ạ.

Giá như mà mẹ biết con có ăn hết cả một nồi chè to cũng không thể ngủ ngon được. Mẹ nhìn tôi im lặng ăn chè. Tôi cố tránh ánh mắt của bà. Chè nấu nhạt. Mẹ bắt tôi ăn hai chén. Tôi ăn như đang ăn một bài thuốc ngủ. Khi tôi rửa chén xong và quay lên nhà trên, bà gọi tôi nho nhỏ.

- Quân à, tối nay mẹ con mình tính xem còn cách nào để con đi học lại không. Mẹ thấy con …

- Mẹ à – Tôi gắt nhỏ – Mẹ có biết bây giờ là hơn nửa đêm rồi không? Con buồn ngủ lắm rồi, với lại con không muốn đi học lại, mẹ đừng ép con mà. Mẹ đã hứa với con những gì mẹ nhớ không?

Mẹ tôi im bặt. Tôi cũng im bặt.

Đêm. Tiếng cựa quậy thở dài trong chăn, bên mẹ, bên tôi. Tôi biết bà lại đang trằn trọc vì chuyện tôi nhất định không thi vào đại học mà cứ khất lần mãi. Bà không nói gì nhưng ai cũng biết bà đau lòng thế nào khi sức khỏe của bà càng ngày càng tệ đi, cần có người chăm sóc.

Sáng sớm, tôi đến lớp võ với bộ dạng liêu xiêu sau một  đêm mất ngủ. Sau buổi tập, mấy muội lại gần hỏi thăm nhí nhố. Hằng xô nhẹ tôi:

- Huynh đứng còn không vững nữa nè. Muội nói cho huynh nghe, đang có chuyện gì buồn thì cứ đánh cho hăng vào, cứ tưởng tượng cụ thể cái nỗi buồn của huynh ngay trước mặt ấy xong rồi tha hồ đánh vào nó.

Hằng đấm một cú vào vai tôi, cười hic hic:

- Tưởng tượng đây là cái thằng bồ cà chớn của muội nè! – Hằng bồi thêm hai cú – Muội đánh cho chừng nào huynh cười thì thôi!

- Huynh nhớ hồi nhỏ Hằng mới vào lớp không? Cái mặt như dương trần sắp vang lên bài tiễn đưa vậy. Bây giờ thì lóc chóc con sóc suốt ngày, buồn buồn cứ nhè muội mà đấm mấy cái, nó bảo như thế hết buồn ngay – Thủy mách, đưa vợt tập lên trước mặt tôi – Bữa nay muội hy sinh cầm vợt cho huynh đảo sơn, bàng long cước mấy cái, bảo đảm hết bực hết buồn liền. Nhưng nhớ đừng có giận quá mất kiểm soát đá luôn vào muội là muội… lấy làm chồng đó.

Lớp tập buổi sáng có gần bốn chục người, hết phân nửa là sinh viên của đại học Đà Lạt gần đó. Tôi theo thầy từ khi sân tập còn đóng ở Phan Đình Phùng, lúc tôi quyết định không thi đại học. Những cú thôi sơn, quyền cước giải tỏa rất nhiều những nỗi buồn trong tôi. Thỉnh thoảng luyện tập tôi quăng mình huỳnh huỵch xuống sân theo đòn của người cùng tập, cảm giác cái lưng nện thình xuống đất, mọi dồn nén vỡ theo. Rồi đứng dậy, thấy nhẹ nhõm hẳn. Mình cũng sẽ đứng lên như thế thôi! Đai lưng của tôi lên màu khá nhanh: lên vạch xanh, chuyển xanh, xanh vạch vàng rồi lên vàng. Tôi trở thành sư huynh của một đám học sinh lóc nhóc đáng yêu. Khi tôi lên đai đỏ thì sư phụ chuyển về dạy ở trường Bùi Thị Xuân gần khu ngã năm Đại học. Tôi có thêm một số "sinh viên đệ" nam nữ nghịch tơi bời rất dễ thương. Năm năm qua, những bài quyền dạy tôi thêm tính nhẫn nại. Trong đám đông của lớp tập lúc nào cũng căng đầy tinh thần thể thao, những nỗi buồn của tôi hay của bất cứ ai rất dễ bị đè bẹp, tan biến.

Hằng và Thủy quẩy ba lô đi ra cổng. Trong lúc gom các côn thương kiếm, bất giác tôi thoáng thấy nụ cười của Nguyên. Phải rồi, tôi sẽ tìm gặp cô và nói Nguyên nên đến lớp võ này tập luyện. Nguyên không phải mẫu người con gái yểu điệu, cũng không ngông nghênh như thằng con trai, có lẽ Nguyên sẽ đồng ý tới lớp tập. Tôi sẽ thuyết phục Nguyên rằng tôi không biết cô đang vui hay buồn nhưng nếu cô đi tập võ sẽ có thêm niềm vui, sự mạnh mẽ trong tâm hồn lẫn thân thể. Thật ra ít nhất sự có mặt của Nguyên tại lớp cũng làm cho tôi yên tâm hơn. Tôi cũng thật sự muốn thấy Nguyên hàng ngày mà!

Nhưng vấn đề là làm sao gặp lại Nguyên?

Đêm thứ ba đang lóc cóc đi gần vườn hoa thành phố, tôi thấy dáng Nguyên quen thuộc đang đi dạo trên hè đường. Tay cô vung vẩy cây dù. Nguyên nhận ra tôi trước khi tôi lên tiếng. Cô đứng lại nhìn tôi và con Phi, miệng nhoẻn cười. Tôi nhảy xuống xe hỏi Nguyên đi đâu khuya khoắt. Lỡ có gì thì sao? Nguyên tin vào an ninh phố núi quá rồi đó! Nguyên nói cô thích đi lang thang bên hồ, quanh đồi Cù. Biết Nguyên đang trên đường về nhà chú – Nguyên ở tạm với gia đình cô chú – ở Nguyễn Công Trứ, tôi xin phép đưa Nguyên về. Nguyên ngập ngừng một chút rồi gật đầu leo lên xe. Nguyên cho biết cô đã tìm được một công việc nho nhỏ không lấy gì như ý.

- Em làm tạm trong lúc chờ việc khác.

Nguyên phủi nước dính trên đôi ba ta. Tôi lén nhìn mái tóc ngắn bay hất ra sau của Nguyên. Lúc nào nhìn Nguyên cũng lãng tử, nghệ sĩ.

- Nguyên biết đàn không?

Tôi buột miệng hỏi. Nguyên gật đầu:

- Em biết sơ sơ, đủ đệm cho mình hát. Chắc là anh chơi giỏi lắm hả?

Tôi lắc đầu:

- Không, anh không biết – Ngập ngừng một chút, tôi nói nhỏ hơn – Anh thích học võ hơn.

- Thế hả? Em cũng thích học võ lắm! Hồi trước ở Sài Gòn em đi học taekwondo, nhưng mà đi được có một tháng em nghỉ luôn. Tại vì lớp có vài người nữ nên cũng ngài ngại, với lại em không thích võ gì mà cứ gồng lên đánh …

Con Phi chạy trúng ổ gà làm xe xóc lên. Nguyên chụp vào thành bên ghế rất nhanh. Tôi reo lên. Nguyên nhìn tôi ngạc nhiên khó chịu. Tôi vội phân trần:

- Không phải, ý anh là em cũng thích học võ thì hay quá. Anh đang theo học thiếu lâm nè.

May mà Nguyên cũng thích những môn võ mềm mại uyển chuyển có cả cương lẫn nhu. Nguyên nói rất thích học đi quyền, vì học cho vui, cho khỏe mạnh chứ chẳng phải đánh đấm gì ai. Học võ giúp tập luyện tính nhẫn, sự khiêm tốn, tinh thần luôn mạnh mẽ, con người cũng phản ứng nhanh nhẹn, hoạt bát và mạnh mẽ hơn. Nghe Nguyên nói như thế, tôi lập tức rủ Nguyên theo lớp của sư phụ tôi. Nguyên đồng ý ngay và hỏi về những giờ tập:

- Hiện tại thì có một lớp buổi sáng và hai lớp buổi chiều, tối.

Nguyên nhẩm tính giờ rồi quay sang hỏi tôi:

- Thế anh học lớp nào?

- Anh học buổi sáng.

- Ô… Em đang định học buổi tối…

- Thì cũng tốt chứ sao – Tôi thấy lòng chùng lại – Học buổi tối Nguyên đỡ phải đi lang thang như vầy, nguy hiểm lắm!

Nguyên nhìn tôi rồi phì cười. Cô nhìn lên trời như cố nén cười lớn, gõ gõ đầu cây dù xuống chỗ để chân.

- Có sao đâu anh, ở Đà Lạt ai cũng hiền khô mà.

- Nguyên không sợ ma hả?

- Không – Nguyên nhướng mắt cười lắc đầu rất nhẹ một cái – Anh có thấy ma bao giờ chưa?

- Có chứ, ở ngay đầu con đường xuống thung lũng nhà anh đó. Đêm nào chúng cũng lòa xòa đu đưa ra gần giữa đường, nói rì rì rào rào, nhìn ghê lắm!

Nguyên trợn mắt nhìn tôi. Tôi nuốt nước miếng ực một phát. Nói dối ngon lành vậy đó! Thật ra đó là những cây lau sậy rất to hai bên đường với những lá rũ lòa xòa lúc nào cũng đong đưa phủ ra lòng đường, nhìn như những ngón tay phù thủy khổng lồ hay tóc của những con ma xõa ra hong gió ru con. Đà Lạt đầy ắp những câu chuyện ma. Ngay từ trên đèo Prenn, những căn biệt thự bỏ hoang tróc vôi loang lổ mọc rêu cũ nát trên núi, gần đường lộ cũng đã có nguyên một kho tàng về những con ma lóc cóc suốt đêm. Chúng lục tìm nước uống và lau chùi súng ống, gõ giày đinh, sẵn sàng dốc đứng giường của kẻ dám nghi ngờ mà vào đó ngủ thử hoặc leo lên ngực kẻ bạo gan kia ngồi nhìn trừng trừng vào mặt, lắc lư người cho mớ tóc rối chưa chải gội của mấy chục năm về trước cọ cọ vào mặt mũi kẻ bạo gan. Ngôi biệt thự ốp đá bỏ dở chừng là do xây tại khu vực của những con ma ôm con che gió lạnh, biệt thự xây chưa xong những con ma đã tràn vào phá phách. Chuyện ma quái ở Đà Lạt nhiều cũng như các câu chuyện về đồi thông Hai Mộ, thung lũng Tình Yêu, hai cây thông cuốn lấy nhau, thác Camly, hồ Than Thở, dinh Bảo Đại, hồ suối Vàng, núi LangBian, đồi Cù, hồ Xuân Hương, thiền viện Trúc Lâm, chùa Tàu v.v… Tôi chẳng định hù dọa Nguyên nhưng tôi hy vọng làm như thế Nguyên sẽ không còn dám đi lang thang một mình trong đêm theo những con đường vắng hoe người nữa. Thấy tôi không có ý đính chính mình chỉ giỡn hay đùa cho vui, Nguyên im lặng nhìn quanh.

- Anh thấy hoài cũng quen rồi, chúng cũng chẳng làm gì ai. Tại mình sợ nên mình chạy chứ anh có thấy ma hù dọa gì người đâu.

Tôi nuốt nước miếng tiếp. Mong là Nguyên không bị ám ảnh bởi những con ma lau sậy của tôi. Tôi thấy Nguyên cúi xuống cười gượng:

- Mai mốt em không đi dạo lúc khuya quá nữa, không phải vì mấy con ma đâu.

Xe dừng trước ngôi nhà gỗ nhỏ phía dưới chân xây tường gạch. Ngôi nhà vẫn còn giữ lại nét đặc trưng của nhà Đà Lạt ngày xưa: phủ đầy hoa quanh nhà. Những bụi xác pháo leo lên một góc mái tôn. Tôi nghe mùi dạ lý hương từ bụi hoa bên cổng tỏa hương thơm đậm nhạt. Hình như có cả mùi quỳnh hương phảng phất. Nguyên cảm ơn tôi và nói nhanh:

- Sáng mốt em sẽ đến học võ chỗ anh. Cảm ơn anh rất nhiều. Anh ngủ ngon nhé!

Tôi còn lọng ngọng chưa biết trả lời ra sao Nguyên đã vuốt má con Phi rồi bước vào, khép cổng.

- Chúc anh ngủ ngon, hẹn gặp lại!

- Ừ, chúc Nguyên ngủ ngon.

Đêm ấy mẹ không nấu chè sen cho tôi ăn nhưng tôi đánh một giấc ngon lành như nửa năm rồi không được ngủ.

5.

Nguyên giữ đúng lời hứa. Khi tôi đến lớp thì thấy Nguyên đã đến, mặc đúng bộ võ phục thiếu lâm đen tuyền. Thấy tôi Nguyên cười đưa tay ngúc ngoắc ra ý chào. Tôi không dám làm mặt thân, chỉ nhe răng cười rồi vội quay vào phòng thay đồ. Khi tôi tập hợp lớp, mọi người nhanh chóng vào hàng khởi động. Nguyên nhìn tôi cười thú vị. Tôi cố tránh nhìn về phía Nguyên, cẩn thận quan sát cả lớp. Tôi hô nhịp dõng dạc. Sau mười phút khởi động là những tư thế căn bản cho nóng người. Nguyên đã học taekwondo nên cũng có thể theo kịp những động tác này, tuy động tác đá của Nguyên chưa chuẩn. Khi mọi người đi quyền, Vũ gọi Nguyên tách ra. Nhiệm vụ của Vũ là hướng dẫn những người mới vào. Sau vài ba ngày Nguyên có thể tham gia vào một nhóm theo cấp lớp của mình. Tôi thầm ước mình được rời khỏi vị trí đại sư huynh để giao cho Vũ hô cho cả lớp tập, còn tôi sẽ ra chỗ Nguyên để dạy riêng cho cô. Lúc mọi người chia theo cấp hoặc tách riêng để ôn luyện bài quyền, tôi tranh thủ đi ngang qua Nguyên vài lần:

- Nguyên mới tập lại tập vừa thôi, hăng quá về đau người mai không đến lớp nổi đâu nhe.

- Dạ, nghe, sư huynh!

Kết thúc buổi tập, Nguyên lại gần tôi nheo mắt:

- Chào đại sư huynh, thế mà anh giấu em nhé. Anh làm em bất ngờ đấy!

- Em cũng làm anh bất ngờ vậy.

- Về chuyện gì?

- Nhìn em tập cứ như em đã học thiếu lâm vài tháng rồi vậy.

Về nhà, khi đưa những xô hoa lên xe, tôi liên tục huýt sáo. Mẹ tôi vừa leo lên xe, tôi chợt nhớ:

- Mẹ, mẹ cắm hoa hồng cho ba chưa?

- Mẹ cắm rồi.

Chiếc xe lóc xóc chạy ra cổng trường đại học. Mẹ nói nhìn tôi hôm nay vui vui. Tôi chỉ chun mũi cười. Lúc đặt các xô hoa lên khung cho mẹ bán xong, tôi rút một bông hồng:

- Cho con lấy một bông mở hàng cho mẹ.

Không nán lại thêm giây nào, tôi biến ngay ra xe và cùng con Phi chạy ra bãi đón khách. Tôi cắm bông hồng lên khung che cạnh chỗ tôi ngồi. Bông hoa này là Nguyên đấy Nguyên à. Sao tự nhiên mình khùng khùng thế nhỉ?

Đúng sau hai hôm chính sư phụ tập cho Nguyên những tư thế tấn, những đòn cước đầu tiên của thiếu lâm. Nguyên không biết nhưng tôi biết đấy là một ngoại lệ, ít ra cũng từ khi tôi theo sư phụ đến nay. Nguyên đấm không mạnh có lẽ vì cô gầy quá, nhưng Nguyên biết phát lực đúng vào điểm cuối nên cú đấm xoáy mạnh không kém Thủy đai vàng – nữ võ sinh có đai cao nhất lớp tập buổi sáng. Trong lớp, Nguyên rất ít nói, nhưng những lời Nguyên nói luôn gần gũi, thân thiện với mọi người. Tôi biết mọi người đều có thiện cảm với Nguyên, riêng tôi rất vui khi biết Nguyên không còn hay lang thang bên hồ về khuya nữa. Mỗi ngày tôi đã có thể nhìn thấy khuôn mặt, nụ cười của Nguyên.

Tôi không giấu mọi người ở bãi xe thổ mộ về việc Nguyên đã có việc làm và ở lại Đà Lạt. Cả bọn nhe răng cười:

- Nói Nguyên thỉnh thoảng ra chơi với anh em.

Có điều không ai biết Nguyên đang tập võ cùng với tôi. Nguyên hứa sẽ ghé thăm nếu Nguyên đi lang thang ra hồ – tất nhiên là lúc trời vừa tối.

Hôm Nguyên ghé, cả đám đang ngồi với hai anh chàng lãng tử từ Sài Gòn lên. Hai anh chàng xách theo chai rượu và cây đàn guitar ra bờ hồ ngồi gần chỗ bọn tôi và cây cầu nhô ra hồ. Họ mời chúng tôi cùng uống rượu. Rượu thì không uống vì còn đang chờ đón khách nhưng cả đám một chốc sau đã bị cuốn hút bởi tiếng guitar bập bùng. Khi Nguyên đến, cô nhập bọn nhanh chóng. Tôi thấy đôi mắt của Nguyên sáng ánh lên. Nguyên ngồi cạnh tôi và chàng lãng tử, mắt dán vào tay đàn đang bật xuống dây với những điệu rock hoang dại, khỏe khoắn. Những bài quen, cả bọn cùng gào theo. Nguyên im lặng nhịp nhịp bằng cái đầu gật gật. Một góc hồ bùng lên những âm thanh kiểu nổi loạn. Hai anh chàng thay nhau đánh đàn, khuôn mặt đỏ bừng lên giữa sương lạnh. Họ hát như bật ra từ lồng ngực, từ trái tim. Những giọt rượu họ uống tan chảy, hòa vào những âm rock cuồng say, ngấm vào trong từng lời hát. Bọn tôi nghe, say theo, khắp người rộn rạo như đã uống cạn vài ly. Những du khách đi qua đứng lại bên bờ hồ nghe chúng tôi hát, đúng hơn là nghe hai anh chàng lãng tử hát.

Tôi nhìn ánh mắt của Nguyên dành cho cây đàn, thoáng ghen tỵ với anh chàng lãng tử. Tôi chợt nhớ ra Nguyên cũng biết đàn liền nói nhỏ:

- Nguyên đàn một bài đi!

Nguyên chưa kịp từ chối, cả đám nghe thấy liền nhao nhao nói Nguyên đàn.

- Cô em này cũng người Sài Gòn đó.

Anh Hải giới thiệu. Anh chàng lãng tử đang đặt cây đàn vào lòng Nguyên nghiêng đầu nói:

- Vậy hả, thế thì em đàn đi, tặng phố núi, tặng phố hoa, phố sương mù đáng yêu này một bài hát được không?

- Em người địa phương thôi mà. Em đàn không hay đâu, mới tập tễnh chơi thôi.

Tim tôi bóp nhẹ. Có lẽ tôi đã dồn Nguyên vào thế tiến thoái lưỡng nan. Biết đâu Nguyên chỉ chơi được sơ sơ, hai anh chàng lãng tử chơi đàn quá giỏi, như thế tôi đã làm Nguyên khó xử rồi.

Nguyên cầm cây đàn so nhẹ lượt dây. Tôi thở mạnh ra nhẹ nhõm. Những ngón tay như lướt trên phím thế kia, hẳn Nguyên đàn không tồi.

- Hát bài gì bây giờ? Em không chơi được rock.

- Không sao, bất cứ bài gì em thích. Rock nãy giờ rồi, chơi thể loại nhẹ nhàng hơn cũng được.

Tất nhiên những fan nhạc rock chẳng bao giờ nghe ngược đời từ nặng sang nhẹ như vậy, nhưng bọn tôi không phải là fan của rock, trừ hai anh chàng lãng tử nổi loạn kia. Nguyên búng dây đàn, cất tiếng hát nhẹ tênh:

Ta đi lang thang theo ngày tháng, theo đời hoang mang hồn đi bốn phương trời. Ta đi rong chơi như là gió như là mây, đi tìm quên cơn mê này. Ta đi lang thang trên đồi vắng, qua rừng sâu, cho tâm hồn hết âu sầu, không còn nhớ không còn thương…

Những đám sương mù phủ trên bờ hồ dần trở nên đặc hơn. Tiếng con Zaku phì phì như một lời từ biệt của một kẻ lãng du nào đó đang lên ngựa đi xa. Điệu valse bùm chát chát ba nhịp và tiếng hát của Nguyên bay vút lên. Cái lạnh và nỗi buồn không hiểu vì sao ngấm vào tay chân và trái tim tê buốt. Ánh đèn vàng của ngọn cao áp gần đó tỏa ôm lấy khuôn mặt Nguyên, tạo nên một vùng sáng tối mờ ảo trên một khuôn mặt như chẳng còn nhớ, chẳng còn thương.

Ta đi bơ vơ trên ghềnh đá, trên sườn non, chân ngựa hoang bước mơ hồ. Ta đi rong chơi bên bờ suối, theo bầy nai đi tìm quên cơn mê này…

Tôi cầm ly rượu uống trọn ly đầu tiên. Hai chàng lãng tử uống tiếp, bốn bàn tay đưa ra như đánh nhịp, như bay theo cơn mê.

Ta đi lang thang quên ngày tháng quên trần gian quên nhân tình đã quên mình, xin một sáng trong mùa đông, trên nệm êm lá vàng úa, không còn nhớ không còn thương, ta nằm im chết bên đường…

Cả bọn ngồi im. Không biết từ bao giờ, nhưng có lẽ chuyện một cô gái ôm đàn giữa những đám đàn ông chạy xe thổ mộ, những kẻ lãng du không quen biết, trên bãi cỏ ven bờ hồ, hát bài hát rong chơi cuối trời lãng quên là chuyện chưa từng thấy. Tôi đang ngồi cạnh Nguyên, chẳng biết cô là thực hay ảo. Những nỗi niềm riêng của Nguyên nằm bình thản trên những đám sương mù, không rõ hình hài, nhưng chắc chắn đó là những điều ứa nghẹn không nói được. Tôi nhìn thấy trong mắt mọi người những câu hỏi. Tôi cũng chẳng biết gì nhiều về Nguyên. Thật ra cô ấy đến phố núi có phải để lang thang rong chơi quên trần gian không? Nỗi niềm của Nguyên không thành nước mắt, nó bay vút theo lời của một bài hát rất lạ. Nguyên là một cô gái mạnh mẽ nhưng hình như thích sự cô độc, thích tung nỗi buồn của mình lên trời và kệ mặc cho chúng bay. Những đám sương mù lành lạnh của đêm nay chính là những nỗi buồn lãng du của Nguyên.

- Bài hát không được vui, em hát bài khác vui hơn nhe.

Nguyên mỉm cười bâng quơ chẳng với ai. Đôi mắt Nguyên hút theo những đám sương mù bay nhè nhẹ dưới ánh đèn cao áp. Rồi Nguyên nhăn nhẹ mũi, gật nhẹ đầu, tay đánh nhanh và đều hơn.

Chuyện một tình yêu anh họa sĩ, gởi trong tranh vẽ những nỗi buồn… Dưới ánh sáng sương long lanh triệu cành hồng khoe sắc thắm…

Tôi uống thêm một ly nữa. Nguyên nhìn tôi. Tôi thấy cả khuôn mặt em ửng hồng. Tôi nhìn thấy đám sương mù cũng màu hồng hồng. Nguyên ơi, anh thực sự chưa bao giờ thấy một cô gái nào như em! Triệu cành hồng, triệu cành hồng…

Đêm ấy, mẹ ủ chăn cho tôi như một đứa trẻ con. Mẹ la rầy gì, tôi không nhớ. Tôi chỉ thấy một khu rừng đầy lá vàng rơi và Nguyên của tôi mặc chiếc váy trắng nằm trên xác lá, dưới một gốc cây rất lớn. Nguyên nằm im và những chiếc lá vàng phủ dần lên người Nguyên. Những con nai đi gần đó, chúng không biết đến Nguyên. Con ngựa hoang cũng thơ thẩn gần đó. Con ngựa hoang rất giống con Phi. Tôi hét lên. Mẹ bắt tôi uống nước gì đó, than phiền về việc tôi uống rượu. Tôi nắm tay mẹ. Mẹ ơi, Nguyên là một cô gái mạnh mẽ. Con muốn thấy Nguyên tung tăng giữa triệu cành hồng đỏ thắm. Con muốn thấy Nguyên ngập tràn hạnh phúc, mắt và môi cùng cười. Những cánh hoa hồng rơi trên người Nguyên, phủ lên không gian tình yêu bất tử. Tình yêu của con dành cho Nguyên đó mẹ. Triệu đóa hồng… triệu đóa hồng…

6.

Tôi ôm cả bó hồng của mẹ, ước chừng xem hoa hồng đã phủ kín được bao nhiêu tầm nhìn. Một triệu là bao nhiêu? Tôi hình dung Nguyên giữa một rừng hoa hồng, thấy mái tóc ngắn của em bay nhẹ và đôi môi cười hình cánh cung tươi tắn. Nếu tôi là anh họa sĩ có căn nhà xinh có lẽ tôi cũng sẽ bán để mua một triệu đóa hoa hồng. Thế rồi mẹ sẽ ở đâu? Chỉ là ví dụ thôi mà! Tôi chỉ là anh chàng chạy xe thổ mộ đón khách du lịch, oai hơn chút nữa thì tôi là sư huynh của em.

Bỏ những bó hoa hồng đáng yêu về chỗ của chúng, lúc này tôi mới nhận ra hoa hồng đáng yêu quá! Tôi xuống thung lũng dẫn con Phi lên. Dưới thung lũng, những bông hoa lưỡi kiếm dại màu vàng, đỏ chen lẫn giữa đám cỏ cuối mùa mưa rất tươi tốt. Con Phi đang cọ mõm vào bụi dã tường vi đang nở những cụm hoa nhỏ màu hồng nhạt. Đứng dưới thung lũng nhìn sang triền đồi bên kia, những mảnh ruộng trồng rau đủ loại tạo thành những ô vuông với những màu xanh khác nhau. Màu xanh lá mơn mởn mịn màng rất non của ruộng cà rốt. Màu xanh ánh bạc sáng ánh với những giọt sương của những bắp cải, bông cải sú lơ, màu xanh lá sậm của khoảng khoai tây, màu xanh tía của củ dền đỏ. Bao bên ngoài những khoảng ruộng là màu hoa dã quỳ vàng rực. Cuối tháng mười, những bông dã quỳ như hàng trăm ngàn mặt trời nhỏ vàng rực những triền đồi. Những bụi dã quỳ hoang dại có sức sống mãnh liệt. Những bông hoa nở hết mình, rút hết sức sống của thân, của lá để bùng lên màu vàng báo hiệu đầu mùa đông lạnh. Khắp phố núi những khoảng màu vàng tràn ngập. Dã quỳ nở như chưa bao giờ được nở, vươn lên và chen nhau cháy hết mình. Sau mùa hoa, những bụi dã quỳ xơ xác lởm chởm để rồi vào tháng ba, khi những cơn mưa sớm trên cao nguyên ào về, dã quỳ hồi sinh xanh um những bụi tròn mơn mởn.

Con Phi đi theo tôi lên nhà, trên mõm còn vương một cánh tường vi hồng hồng. Nó vừa đi vừa gõ móng sốt ruột. Tôi dừng lại nhìn con Phi. Bất chợt trong một khoảnh khắc rất nhanh, tôi thấy cả thung lũng đầy hoa tường vi. Những bụi dã tường vi là những bông hồng dại nhỏ li ti kết thành từng chùm. Tôi nhìn thấy chúng tách ra thành những bông hồng đỏ thắm. Triệu đóa hồng ngậm đầy sương sớm kiêu hãnh vươn mình trong nắng sớm tràn ngập thung lũng.

Mẹ nhìn xuống thung, thấy tôi nhảy tưng tưng ôm cổ con Phi. Khi tôi đưa Phi lên thắng vào xe, bà hỏi tôi mấy hôm nay có chuyện gì mà thấy tôi khác quá. Con Phi hí lên mách lẻo. Mẹ tôi không hiểu ngôn ngữ của ngựa. Tôi vỗ vỗ lên má con Phi rồi nhanh chóng chất những xô hoa lên xe đưa mẹ đến cổng trường đại học. Một nhóm sinh viên đã đứng chờ từ hồi nào. Họ reo lên khi thấy mẹ tôi. Khi tôi giật dây cho con Phi chạy tiếp ra bãi xe, những cô gái dễ mến đó đang xúm quanh xô hoa của mẹ tôi để lựa hoa. Những bông hoa tượng trưng cho tình yêu!

Mấy ngày liền tôi đi lùng sục những bụi hoa hồng về trồng trong thung. Đêm về, tôi thường mơ những bông hồng trong thung lũng nở đầy kiêu sa. Tôi và Nguyên cười vui bên những cánh hồng, chưa bao giờ tôi thấy Nguyên cười vui và rạng rỡ đến vậy. Giấc mơ tôi bắt đầu gọi tên em…

Tôi đã chặn lòng mình mà không được. Nguyên nhỏ hơn tôi một tuổi nhưng hơn tôi bốn năm đại học. Trái tim tội nghiệp của tôi giống như đem ra hong gió lạnh, nhoi nhói suốt ngày. Tôi đã lôi kéo Nguyên đến được lớp võ, như thế tốt hơn là để em lang thang hoài bên bờ hồ với nỗi buồn tôi luôn linh cảm thấy ở em. Tôi gần như bỏ quên lũ nhóc tì vì lúc nào cũng ngóng sang góc em đang gồng mình đứng tấn tập. Vũ và những huynh đai đỏ trở nên nghiêm và dễ thương đến lạ. Sư phụ không nhắc nhở gì tôi vì cũng mải chăm chú nhìn võ sinh mới. Nguyên tiếp thu nhanh kinh khủng, chỉ trừ mỗi đứng tấn là vẫn ngả nghiêng chưa vững còn bài quyền nắm bắt rất nhanh. Nguyên chẳng mè nheo như phần đông các cô gái trong lớp mà chỉ lẳng lặng tập. Ba tháng Nguyên học, cả lớp chỉ có mình em tiến nhanh, còn tất cả gần như dậm chân tại chỗ. Ba sư huynh quên cả các đệ. Sư phụ đôi khi vui miệng bật ra "Kỳ này sư phụ có người để truyền được rồi!".Vài lần vào nhà bắt gặp sư phụ đang vội khép cây quạt giấy, tôi mơ hồ hình dung ra hình ảnh của Nguyên đang múa bài hồng phiến quyền rất mềm dẻo với cây quạt giấy ấy, có lẽ chỉ một năm nữa thôi là thành sự thật. Cả bọn chúng tôi mới chỉ một lần thấy sư phụ đi quyền với cây quạt ấy. Nguyên gieo cho nhiều người niềm hy vọng mơ hồ quá, Nguyên ơi!

Những bụi hồng tôi trồng trong thung đã lên tươi tốt. Mẹ tôi hỏi:

- Con trồng giống gì vậy?

- Lung tung mẹ ạ.

- Con nghĩ con biết cách trồng hoa hồng để bán à? Không đơn giản vậy đâu con. Mẹ thấy người ta chăm sóc mất công lắm, còn phải mua giống về ghép vào những gốc hồng dại, phải bao bọc, ủ ấm, công phu lắm chứ không phải đùa đâu.

- Nhưng con chỉ trồng chơi thôi mà mẹ.

Bà nhìn tôi, nghĩ một chút rồi cười:

- Con thích hoa hồng bao giờ vậy?

- Lâu rồi mẹ.

Tôi nói dối. Mẹ tôi nhận ra điều ấy rất nhanh vì bà là mẹ tôi, nuôi tôi từ nhỏ.

- Con định trồng hoa hồng khắp thung lũng à?

- Thì sao hả mẹ? Ở đó người ta để không mà, con trồng đâu có sao.

- Ờ, không sao.

Bà nhìn xuống thung lũng. Những cây hồng mọc đầy thung.

- Mẹ thấy con cực vì những cây hồng ấy nhiều đấy Quân. Con nhớ cẩn thận. Mẹ thấy tay con đầy vệt gai cào.

- Có gì đâu mẹ, con là đàn ông mà.

Đôi mắt bà ánh lên hạnh phúc rồi nhìn lên góc di ảnh của ba tôi. Những bông hồng quanh khung ảnh tràn ngập tình yêu của bà dành cho ba tôi. Tôi ngờ ngợ nhưng không dám nói gì thêm. Căn bệnh thận của mẹ tôi đã nặng dần mà vẫn chưa tìm được người cho. Nếu có người cho thì số tiền mổ để ghép thận mới cũng hoàn toàn nằm ngoài khả năng của gia đình tôi. Mẹ tôi không thích nhắc đến chuyện này. Bà im lặng chấp nhận số phận dành cho bà. Tôi cũng chỉ biết điều duy nhất có thể làm được cho mẹ tôi là ở bên cạnh bà. Những thỏa thuận giữa tôi và mẹ mang lại những ngày tháng yên bình, không ai muốn nhắc đến những day dứt dằn vặt của mình vì hiểu rằng chúng tôi đang sống vì nhau.

Những ngày sau, tôi nhận ra có bàn tay khác đã chăm sóc cho vườn hoa của tôi, dẫu rất ít. Tôi đoán mẹ đã xuống thung.

- Mẹ, mẹ đừng xuống thung nữa nghe mẹ.

- Ừ, mẹ xuống tìm hoa hồng ấy mà.

- Nhưng con mới trồng, chưa có hoa. Bao giờ có hoa con cắt lên cho mẹ.

- Mẹ thích nhìn hoa hồng còn nguyên trên cây.

- Dạ, nếu có con sẽ báo cho mẹ biết ngay nhe.

Bà cười khẽ gật đầu. Tôi nhớ hồi tôi còn rất nhỏ, ba tôi đã nói bao giờ ông rảnh ông sẽ trồng cả một vườn đầy hoa hồng. Nhưng ông đã không bao giờ rảnh để thực hiện được điều đó, trừ một vườn hoa nho nhỏ trước nhà với những bông hoa chuông đỏ tươi, những luống lưu ly tim tím long lanh sắc trắng ở nhụy, mấy cụm violet khó tính thỉnh thoảng nở những bông tím và những luống dây bò quanh vườn hoa, bông đỏ khía vàng mà tôi chẳng biết tên. Ở dưới cửa sổ ba tôi trồng vài cành hồng phấn, bụi cẩm tú cầu với những cụm hoa to đùng chuyển từ xanh sang tím, sang hồng nhạt. Lúc ấy tôi còn quá nhỏ để hiểu tại sao ông muốn trồng cả vườn hoa hồng. Hàng ngày sau giờ học tôi theo ông ra vườn chăm sóc những cây hồng quả, những bụi trà. Những cây hồng trứng quả nho nhỏ như trái trứng, mẹ tôi hái khi chúng còn xanh vừa ửng chín để làm món hồng giòn với khí đá. Những trái ngon hơn mẹ để dành chờ chín. Tất cả đều được mẹ đem ra chợ bán cho người ta bán lại cho du khách. Tôi được ăn những trái hồng chín bị đèo. Chúng ngon, mềm, ngọt và thơm.

Bây giờ tôi xuống thung trồng hoa hồng. Hoa hồng không ra trái như những cây hồng quả, nhưng chúng nở ra những bông hoa tình yêu. Cánh xe thổ mộ khao tin: đợt này thằng Quân phá cỏ trồng đầy hoa hồng trong thung lũng của nó, những thằng bạn dắt ngựa tới ăn ké cỏ không đủ phải đưa qua thung lũng bên. Có lần con ngựa của chính thằng Quân đạp trúng nhánh hồng mới ươm, thằng Quân đá cho con ngựa một cái – chi tiết con ngựa đá lại vào đít tôi hoàn toàn bịa đặt – rồi kiếm cây rào quanh những luống hồng. Tôi nghe chỉ cười và bảo: trồng để bán, không đính chính gì thêm. Làm như mỗi mình tôi mơ về những bông hồng! Chẳng thằng nào nói ra, nhưng có lắm kẻ mong, riêng gì tôi?

7.

Chuẩn bị cho kỳ thi kiểm tra lên đai, các võ sinh cấp đai nhỏ tập luyện ráo riết bài quyền của mình. Mười lăm phút cuối thường tập đánh đối kháng. Nguyên chạy lên chỗ tôi:

- Anh nói thầy cho em miễn thi được không?

- Sao vậy Nguyên?

- Em học cho khỏe thôi mà, em không cần lên đai đâu.

Tôi bật cười:

- Nhưng em không lên đai thì làm sao sư phụ cho em tập bài quyền mới?

- Sao thế? Em cũng đi tập luyện như mọi người, khi em tập tốt bài quyền rồi thì sư phụ sẽ cho các huynh cho em tập bài quyền mới chứ?

- Nhưng những người có cấp đai cao hơn mới được học những bài quyền đó. Em có hình dung ra em đeo đai đen đứng giữa những người đai xanh để học bài quyền mới không? Nó là như vậy đó.

Nguyên nhìn tôi nghĩ ngợi một chút. Em không nhăn nhó nài nỉ gì, chỉ quyết định rất nhanh:

- Vậy thì em đánh hoài một bài quyền cũng được – Rồi Nguyên cười – Một đòn năng tập cũng sẽ hóa biến thiên anh Quân nhỉ?

- Nhưng sao em không muốn lên đai, đâu có gì xấu đâu Nguyên?

Nguyên cười không trả lời, bỏ về một góc tập quyền cước.

Sư phụ nói tôi gọi Nguyên và Thúy lên bắt cặp đầu đối kháng. Thúy là sinh viên năm thứ nhất, người thấp hơn Nguyên một chút nhưng đậm, khá hiền, ít nói, không có vẻ lì đòn bằng Nguyên. Đó là tôi đoán vậy vì thấy Nguyên thường tập trung luyện đòn cước còn Thúy thì ít hơn.

Nghe tôi gọi, Nguyên bước lên với nét mặt không vui. Sư phụ nói cả hai đeo găng. Nguyên quay sang nói với sư phụ:

- Thầy cho em khỏi tập đối kháng được không thầy? Em không muốn thi lên đai đâu.

Sư phụ nhìn Nguyên lạ lẫm. Hình như ai cũng nghĩ Nguyên siêng năng tập như vậy hẳn sẽ đấu đối kháng tốt lắm.

- Tại sao em không muốn thi lên đai?

- Em chỉ định đến tập cho khỏe thôi ạ.

- Vậy em nghĩ những người thi lên đai là những người như thế nào?

Nguyên im lặng. Câu hỏi quá khó! Tôi biết Nguyên luôn tôn trọng mọi người. Nguyên đưa mắt nhìn tôi. Làm sao anh dám nói với sư phụ cho em miễn tập đối kháng được hả Nguyên? – Nhưng anh là đại sư huynh mà! – Anh không làm được, cố lên đi Nguyên! – Đại sư huynh mà thế à?

- Đeo găng!

Sư phụ dứt khoát. Vũ xỏ găng vào tay Nguyên, buộc dây. Tôi lẳng lặng buộc găng cho Thúy. Cả hai bước vào vòng tròn. Tôi trong vai đại sư huynh luôn là người điều khiển, đưa hai tay đối vào nhau. Nguyên và Thúy bắt bông chào sư phụ rồi cúi người chào nhau. Đấu!

Cả hai nhìn nhau, vờn một vòng. Thúy xuất cước. Cú đá non nớt không tới đích. Mọi người ồ lên nho nhỏ. Việc những người mới tập đá không chuẩn là chuyện bình thường vì cùng một cước ấy các học viên ngày nào cũng tập, sau vài ba năm phải khác hẳn người mới vào. Mọi người ngạc nhiên là vì không nghĩ Thúy là người ra đòn trước.

Thúy liên tiếp ra đòn. Nguyên đi sát vòng tròn để tránh những cú đá của Thúy. Võ sinh mới thường tấn công bằng cước vì cảm giác đứng xa đối thủ hơn, an toàn hơn. Những đòn cước chỉ búng ra từng cái chứ không phải là chuỗi liên hoàn cước. Nguyên vẫn né và đi xoay vòng trong vòng tròn. Thỉnh thoảng Nguyên lấn ra vòng. Sao vậy Nguyên, tấn công lại đi em! Ai cũng biết Nguyên là võ sinh mới nhưng tập quyền cước chuẩn nhất trong những người mới, những cú đá rất nhanh và gọn, tuy không phải lúc nào cũng phát lực đúng lúc vào điểm dừng cuối.

- Đánh đi Nguyên!

Tôi buộc lòng nhắc trước khi sư phụ lên tiếng. Nguyên vẫn tránh đòn. May mà Thúy cũng chỉ là người mới nên đá còn vụng về, nhưng né hoài sẽ thụ động mệt mỏi. Không ai kiên nhẫn để nhìn một trận đấu đối kháng chỉ có một bên tấn công.

Sư phụ khoát tay.

- Dừng!

Tôi hét gọn. Hai đối thủ tách ra. Sư phụ nhìn Nguyên vẻ rất không hài lòng:

- Con phải ra đòn thầy mới biết để chỉ tiếp chứ.

Nguyên đặt nắm tay phải vào lòng tay trái ngang ngực cúi nhẹ đầu xin lỗi. Hai cô gái lại so găng.

Lần này Thúy tấn công liên tục vì biết Nguyên không ra đòn. Việc duy nhất của Thúy là xem Nguyên như một mục tiêu và phải đánh trúng được mục tiêu di động đó. Những học viên mới thường dùng đảo sơn cước, đòn đá dễ nhất, úp mu bàn chân vắt từ ngoài thẳng vào cần cổ của đối phương, chân trụ rất dễ lấy lại thăng bằng để rút chân kia về. Thúy không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên võ sinh chỉ được phép đá vào vai của người đấu với mình. Để tránh đảo sơn cước, Nguyên chưa biết dùng cách khóa chân mà chỉ biết lùi ra sau để tránh. Nguyên lùi ra khỏi vòng mấy lần. Tôi nhìn Nguyên nhắc nhở, trong lòng đau nhói như chính mình bị tấn công mà không thể phản đòn. Đánh lại một đòn đi Nguyên! Nếu Nguyên trúng đòn, nó không đủ mạnh để đau nhưng sẽ đủ tạo ra một sự choáng váng nhỏ về tâm lý.

Thúy vắt một đòn đảo sơn. Hai tay Nguyên vẫn đưa cao che gần mắt. Bỗng Thúy đứng sựng lại, nhìn sững vào Nguyên. Mọi người chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Nguyên và Thúy nhìn nhau vài giây, không có ai tỏ vẻ đau đớn, nhưng trận đấu khựng lại rất đột ngột. Và Thúy co chân lên, sau đó ngồi xuống, vẻ hoảng hốt. Khi tôi gỡ tay nhìn xuống mu bàn chân của Thúy, cục u nổi phồng lên rất nhanh. Một phút sau, chân Thúy đã sưng phồng lên như gắn một quả ổi to đùng. Thúy hoảng sợ yếu ớt. Sư phụ nói người đi mua nước đá. Tôi dìu Thúy về văn phòng. Khi đưa mắt nhìn về phía Nguyên, tôi thấy em vẫn đứng im ở ngoài vòng tròn, ngay chỗ mà em đã nhích cùi chỏ ngang sườn và cú đá vụng về của Thúy không úp từ ngoài vào mà kéo từ dưới lên, hốt thẳng vào trỏ của em. Ánh mắt của Nguyên vẫn chưa hết bàng hoàng.

Mọi người tản ra tập quyền tiếp. Hằng và Thủy dưới sự hướng dẫn của sư phụ đắp đá lạnh lên chỗ chân Thúy sưng phồng trong văn phòng. Tôi ra sân trông coi các võ sinh. Nguyên ngồi im ở một góc nhìn về phía văn phòng. Khi tôi đến gần, Nguyên hỏi vội:

- Chân Thúy sao rồi anh Quân?

- Không sao đâu Nguyên, chỉ là bị thương phần mềm thôi mà.

- Nhưng sao nó sưng to nhanh như vậy? Em chưa từng thấy bao giờ.

- Ờ, cái này cũng bình thường thôi, em đừng lo quá. Chắc tại chỏ của em chấn đúng vào một mạch máu nào đó nên nó tắc lại, sưng phồng lên. Anh vẫn thấy trường hợp như thế hoài. Mấy kiểu bị thương như thế nhìn thì nghĩ là ghê lắm nhưng chỉ là rất nhẹ thôi. Mình là dân nhà võ mà Nguyên.

Nguyên buồn buồn:

- Em không có ý đánh Thúy.

- Thì ai cũng thấy em không tấn công Thúy mà.

- Nhưng ai cũng thấy Thúy bị thương, còn em thì đâu có sao đâu.

- Đó là chuyện bình thường thôi, em đừng để tâm.

- Thúy đá gần quá, lúc đó em đã rơi ra khỏi vòng rồi, em không thể lùi được nữa nên định đưa vai chịu đòn, không ngờ Thúy lại đá thẳng vào chỏ của em. Lẽ ra Thúy không được đá như vậy, em không cố ý…

Tôi hiểu Nguyên đang day dứt về chuyện đã làm cho Thúy bị thương:

- Anh biết mà, cái đó là do Thúy tấn công hăng quá mà lại đá không đúng cách. Ai cũng hiểu không phải em cố ý.

- Anh là đại sư huynh còn mọi người đâu phải ai cũng quan sát và biết phân tích như anh. Em đã nói em không muốn tập đối kháng mà.

Giọng Nguyên hơi gắt nhỏ nhưng rất buồn. Tôi lúng túng nhớ tới ánh mắt em nhìn tôi cầu cứu khi bị sư phụ ép so găng.

- Anh sẽ nói với sư phụ cho em ngoại lệ xem có được không.

- Nếu hôm nay Thúy không bị đau thì em sẽ bị đau. Tại sao lại bắt đấu đối kháng mà kết quả là thế nào cũng có một người bị đau?

Tôi không biết phải trả lời như thế nào. Đó chỉ là tập luyện thôi. Nguyên cũng là một người rất siêng năng, có tinh thần, đã nhiều lần tôi thấy em tập những đòn ngã từ trên cao xuống huỳnh huỵch rất lỳ lợm, không hiểu tại sao em lại không thích tập đấu đối kháng. Em nhạy cảm quá Nguyên à!

- Sư phụ nói khi tập đối kháng mình sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn. Nếu sau này ra đời có bị tấn công mình cũng tự vệ được.

Nguyên nhìn tôi định nói gì đó. Ánh mắt của em làm tôi lúng túng, cảm giác có lỗi. Nguyên không yểu điệu thục nữ nhưng cũng không phải là một người ưa tấn công người khác. Chắc Nguyên đang nghĩ anh là kẻ háo thắng, thích tấn công người khác? Tôi quay mặt nói vội:

- Thúy không sao đâu em, cô ấy sẽ nhanh khỏi thôi mà.

Không dám đứng lâu, tôi đi qua nhóm nhóc tì đai xanh để xem chúng tập quyền.

Mấy ngày sau, không biết Nguyên nói gì với sư phụ mà không thấy em phải tập đối kháng nữa. Tôi giận mình hèn nhát không dám nói với sư phụ giùm em, rồi tự nhủ có lẽ Nguyên làm điều ấy thì tốt hơn.

Gần thi, sư phụ nói ai ngoài giờ tập muốn luyện thêm có thể vào nhà thầy. Tôi mắc chạy xe ngoài hồ nên không đến. Cấp đai của tôi một năm mới thi một lần, những cấp đai nhỏ ba tháng kiểm tra một lần. Tôi nghe Vũ nói chủ nhật vừa rồi Nguyên có ghé. Sư phụ không đưa Nguyên ra sân sau tập mà chở Nguyên đi đâu đó. Nói xong Vũ quay đi chỗ khác thở dài. Tôi cũng chẳng biết phải nói gì, chỉ ậm ừ. Tụi mình làm sao bằng thầy được hả Vũ?

Buổi sáng thứ ba, tan lớp, Nguyên nán lại chờ tôi dọn binh khí. Em dành phần cầm mấy cây kiếm.

- Em thích đánh kiếm ghê! Sư phụ đang chỉ cho em bài quyền với thương.

Tôi giật mình. Dù gì Nguyên cũng chỉ mới học ba tháng, nhiều thế tấn còn chưa học hoặc chưa vững. Những bài quyền với trường côn, kiếm, thương ít nhất tập luyện cả năm mới được đụng đến. Sư phụ đang tạo ra ngoại lệ?

- Em tập ở nhà sư phụ hả?

- Không, em nói anh bí mật nhỏ này nhe: sư phụ bảo nếu mọi người biết em tập sẽ so bì nên muốn em tập riêng với sư phụ.

- Em thấy vui không? Sư phụ đang ưu tiên cho em đó, thường thì phải học ít nhất một năm mới được đụng đến binh khí, mà cũng ít khi chính sư phụ hướng dẫn.

Tôi hỏi, nuốt nước miếng đánh ực. Rồi em sẽ bị cuốn hút vào những bài quyền ấy mất thôi. Nguyên cười lắc đầu nhẹ:

- Em không thích, em từ chối rồi.

- Sao vậy?

Tôi ngạc nhiên hết sức. Nguyên luôn làm tôi bất ngờ. Vậy mà tôi tưởng em sẽ hí hửng vui lắm khi biết mình đang được ưu tiên. Nếu như Nguyên biết bài thương không phải là bài quyền quy định để thi lên đai mà là bài biểu diễn để đi thi toàn quốc thì có lẽ khác hơn.

- Em không thích ưu tiên mà phải tránh mọi người vì sợ so bì. Nếu như em thực sự đáng để được sư phụ chỉ dẫn thì mọi người sẽ không so bì. Đằng này em mới tập, chắc chắn những bài quyền đó không phải để em tập lúc này rồi.

- Đó là em nghĩ vậy thôi.

- Anh biết đi bài hồng phiến quyền không?

Tôi lắc đầu. Tôi là đại sư huynh, được sư phụ chỉ cho rất nhiều bài quyền riêng và có trách nhiệm huấn luyện cho các võ sinh dưới đai những bài quyền quy định. Võ sinh cấp dưới luôn thấy tôi biết nhiều bài quyền và có những bài quyền chỉ có tôi mới biết và biểu diễn. Sư phụ ít khi đi quyền, trừ khi tập cho các huynh đai đỏ cho kỳ thi lên đai hàng năm. Tôi đã từng thấy sư phụ biểu diễn hồng phiến quyền với những tư thế như bay lượn rất tuyệt. Sư phụ cũng đã chỉ cho tôi một chút, và tôi đã làm rách 5 cây quạt giấy để tập đoạn quyền ấy. Chỉ bấy nhiêu đó thì xem như tôi không thể đi hồng phiến quyền.

- Anh thấy sư phụ đi bài này chưa?

- Ừ, anh có thấy vài lần, hai hay ba gì đó. Sư phụ chỉ múa bài này cho tụi anh xem thôi, còn trước các võ sinh cấp đai nhỏ thì anh chưa thấy bao giờ.

- Thì có bao giờ em thấy thầy đi quyền trong lớp, lúc nào cũng là anh hoặc các huynh khác tập cho tụi em thôi. Nhưng mà hôm chủ nhật rồi sư phụ đưa em lên chùa Tàu. Sư phụ nói muốn tập cho em một số bài quyền nhưng vì không muốn cho ai biết nên phải đi lên chùa. Xong rồi sư phụ biểu diễn bài quyền này ngay trên đồi, chỗ có cái nhà nhỏ dừng chân với sự tích về Phật đó, anh biết không?

Tôi gật đầu. Nguyên quay sang nhìn thoáng tôi rồi kể tiếp:

- Em rất thích bài quyền đó. Sư phụ nói em có thể tập bài thương trước rồi sẽ tập hồng phiến quyền.

- Ừ, em là một võ sinh giỏi, nên chắc thầy muốn truyền bí kíp cho em. Bài hồng phiến quyền nữ đi đẹp hơn nam. Sư phụ có nói với anh sẽ tìm một nữ đệ tử để truyền lại.

- Nhưng mà em từ chối.

- Tại sao vậy?

- Em nói em chưa có khả năng tập những bài quyền khó như vậy. Sư phụ nói em cứ tập thử vài chiêu của bài thương đã rồi tính tiếp.

- Vậy thì tốt rồi! Em cứ từ từ tập.

Tôi buột miệng. Nguyên nhìn tôi rất lạ. Khuôn mặt em buồn buồn:

- Em hỏi cái này nhe, anh theo sư phụ bao lâu rồi?

- Hình như là năm năm thì phải.

- Anh có nghĩ mình hiểu sư phụ không?

- Ờ… cũng một phần nào, anh cũng không rõ nữa.

- Anh muốn em theo sư phụ tập những bài quyền ấy?

- Ừ… ừ… nếu em thích, tại anh thấy em cũng thích võ thuật mà.

Nguyên im lặng suốt khúc đường ngắn ngủi còn lại. Đến ngã năm, tôi đỡ những cây kiếm từ tay em. Nguyên cười chào tôi đi tiếp về lối khác. Em có vẻ không vui. Tôi không hiểu Nguyên thật rồi. Tôi biết một chút về sư phụ, nhưng tôi không hiểu vì sao mà Nguyên lại buồn. Tôi thật sự muốn nắm chặt tay em nói rằng "Anh hiểu em mà, sư phụ muốn gì mình không để tâm tới, miễn là học quyền, học hết mình, vậy thôi! Anh lúc nào cũng ở bên em và tin em mà!". Nhưng tôi có tư cách gì để nói với em như thế? Hoặc giả sử lúc ấy tôi nói "Nguyên cứ tập với sư phụ, nhưng em nhớ cẩn thận nha!" thì có thể sẽ khác đi. Nói như vậy nghĩa là tôi quan tâm đến Nguyên lắm, và tôi hiểu sư phụ đang muốn điều gì. Nhưng tôi đã không nói gì vì tôi sợ Nguyên sẽ nổi giận.  Nguyên lúc nào cũng mạnh mẽ, em sẽ không dễ gì để sư phụ lái theo ý đồ của ông. Nguyên vui vẻ tươi tắn nhưng không phải là người yếu đuối nhẹ dạ.

Tôi ngoái lại nhìn, thấy Nguyên đi khá chậm. Vậy là tôi đã làm em buồn, nhưng tôi chẳng biết làm gì hơn.

8.

Những cây hoa anh đào đã bắt đầu nở hoa. Những bông hoa màu hồng tím nhạt báo hiệu cuối đông. Nguyên khoe:

- Trong trường đại học có con đường tên là đường hoa anh đào, mùa này anh đào nở nhiều hoa lắm, anh Quân đi xem không?

- Ừ, anh có nghe trường có con đường sầu đông, đường hàng tùng, đường thông reo. Năm nay hoa anh đào nở rộ đẹp ghê! Thường thì anh thấy vài năm mới có một lần hoa anh đào nở rộ.

Nguyên đi một mình vì tôi không theo em vào trường. Những cây hoa anh đào mọc phía trên triền thung lũng thông đầy cỏ trong trường mùa này phủ đầy màu hoa. Nhìn lên cao, những tán hoa anh đào lẫn trong màu thông xanh đẹp đến nao lòng. Thung lũng dẫn xuống cái hồ nhỏ xíu phía dưới, ở đó có con cá màu đỏ nhỏ tí tôi từng nhìn thấy bơi tung tăng dưới đám hoa súng cũng nhỏ như những ngón tay. Cách đây năm năm, mùa đông, tôi xuống thung lũng ấy. Cỏ xanh, lá thông xanh và màu hoa đào làm tôi muốn bật khóc với số phận của mình. Năm ấy hoa đào cũng nở hồng phố núi.

Khi tôi ra bờ hồ với con Phi, cây phượng tím đã có một chùm hoa lẫn trong đám lá xanh. Khi cây phượng tím già nhất Đà Lạt nằm ở con đường dẫn vào chợ nở bùng lên những bông hoa tím nhạt và chẳng còn thấy lá đâu, đó là vào mùa xuân.

Buổi sáng nào tan lớp tập về Nguyên cũng đi cùng tôi đoạn đường chung ngắn ngủi, trò chuyện với tôi về những câu chuyện con con hoặc về những công việc trong cơ quan. Nguyên không thích sự cứng ngắc trong cơ quan.

- Em thích ở Đà Lạt anh Quân ạ, nhưng mà ở trên đây khó có một công việc thú vị. Thành phố hoa sống cứ như trong cõi mơ, thụ động ghê!

- Cũng còn hơn bọn anh mà.

- Nếu được chọn thì em thích giống như bọn anh hơn.

- Không có đâu, Nguyên nói vậy thôi.

- Thật mà, sống như thế tự do, thoải mái hơn.

Tôi nhớ lúc Nguyên đàn. Em vốn mang trong mình tính cách của nghệ sĩ, còn bọn tôi làm nghề này vì mưu sinh, tâm hồn không thể bay lên được như Nguyên tưởng. Tôi rất muốn nói với Nguyên rằng em hãy cố lên, rồi sẽ tìm được một công việc như ý thích thôi. Anh tin là em sẽ làm được mà. Rồi lại nghĩ Nguyên mạnh mẽ hơn mọi người con gái khác, đâu phải là cô gái mè nheo yếu đuối thích nghe những lời động viên của tôi.

Mùa giáng sinh qua không lạnh nhiều, đợt lạnh đổ vào đầu xuân. Buổi sáng tan lớp, Nguyên mở ba lô lấy một cái khăn quàng cổ bằng len màu xanh thẫm đưa cho tôi:

- Anh xem có đẹp không?

Cái khăn hơi lạ vì tôi thường nhìn thấy những cái khăn len đan. Nguyên nói:

- Em không biết đan len, cái khăn này em móc đó.

Nhìn nụ cười hồn nhiên của Nguyên, tôi vui vui vì không ngờ em cũng khá khéo tay.

- Sao em không chọn màu nào sáng hơn một chút?

- Tại vì em làm cho anh mà.

Tôi bất ngờ nhìn Nguyên. Em cười, đôi mắt như hát. Tôi vui vui và lúng túng hẳn. Em lúc nào cũng là một cô gái tốt bụng và hay quan tâm đến người khác. Nguyên lấy cái khăn từ tay tôi cuộn lại:

- Mới tập xong nóng lắm, em không có bắt anh mang lên cổ đâu mà lúng túng dữ vậy. Để em cuộn lại cho. Anh đem về, cái này chỉ dành lúc ra hồ thôi. Buổi tối ngoài ấy em thấy lạnh lắm đó, toàn gió không à.

- Ừ. Cảm ơn Nguyên nha!

- Lẽ ra em phải đưa anh lúc đầu đông nhưng tại em cũng chỉ mới móc xong, với lại hồi ấy anh em mình chưa thân như bây giờ, sợ tặng anh anh không thèm nhận. Bây giờ Nguyên tặng anh rồi, anh mang nó hay không tùy ý anh, em không có bắt đâu à nghe.

Nguyên nói chơi sao Nguyên, tôi mừng muốn chết đây nè. Mẹ tôi vẫn bắt tôi mặc vài ba lớp áo, cuốn cái khăn len mẹ đan màu nâu quanh cổ, nhưng có thêm cái của em tôi sẽ ấm áp lắm, dù tôi biết em chỉ xem tôi như một người anh trai. Tệ hại hơn là một người anh chẳng bảo vệ được cô em gái vì cô ấy còn mạnh mẽ hơn cả tôi.

- Anh lên Langbian với em không? Em định hôm nay leo lên núi xem thử, em chưa lên bao giờ.

- Em đi với ai nữa?

- Em đi một mình, nếu anh rảnh thì đi chung với em cho vui. Em nghe nói đường đi cũng không khó lắm vì có sẵn đường rồi phải không anh?

Thời học sinh tôi đã đến LangBian hai ba lần. Đường lên đỉnh núi Bà có sẵn một con đường trải nhựa lên gần đến đỉnh. Nếu muốn leo lên đỉnh phải cần dùng dây leo lên những đường mòn nhỏ và dốc dựng đứng. Nếu theo con đường nhựa sẽ rẽ trái và lên đỉnh thấp hơn. Dãy Langbian nhìn từ xa như ngực người đàn bà nằm ngửa. Truyền thuyết đó là nàng Bian nằm chết bên người yêu. Chàng Lang bị hại để không có thể lấy được người con gái khác tộc chàng yêu. Ở cách dãy Langbian mấy chục km, đàn voi kéo nhau đi dự đám cưới hai người, nghe tin cả hai đã chết liền rống lên và gục xuống hóa thành dãy núi voi.

Tôi rất muốn đi với Nguyên nhưng em hỏi đột ngột quá, tôi chưa kịp thu xếp. Nguyên lúc nào cũng nhanh nhẹn, không thích lừng khừng. Đi hay không đi, vậy thôi!

- Hôm nay anh không đi được rồi, hôm khác được không em?

- Hôm khác là khi nào hả anh?

Nguyên nhìn xoáy vào mắt tôi. Tôi không kịp nghĩ ra ngày nào, em đã cười:

- Thôi, em xin lỗi nhe, anh còn phải có công việc hàng ngày nữa, em quên mất. Một dịp nào đó anh em mình sẽ cùng lên Langbian cho biết.

Nói vậy, tưởng vậy mà không phải vậy. Sáng hôm sau không thấy Nguyên đến lớp, tôi nóng ruột ngóng lên ngóng xuống. Sư phụ hỏi:

- Sao Nguyên hôm nay không đến lớp?

Tôi nói Nguyên không nói gì trước nên tôi không biết. Sư phụ vẻ mặt không vui.

- Nguyên bị sao mà không đến lớp tập vậy anh?

Vũ hỏi. Tôi cười mà như khóc:

- Anh cũng không biết nữa. Chắc là Nguyên ngủ quên?

- Có bao giờ em thấy Nguyên bỏ buổi tập nào đâu. Hay là Nguyên bệnh?

Tôi lắc đầu không biết. Ngay sau khi đưa mẹ đến cổng trường với những xô đựng hoa hồng, tôi hướng con Phi về phía nhà chú Nguyên. Đó là một ngôi nhà nhỏ kiểu xưa của Đà Lạt, đám dây leo nở đầy trên vách, trên nóc nhà, đỏ hồng màu hoa giấy lẫn trong màu cam xác pháo phủ trên nóc nhà.

Một đứa bé chắc là em họ Nguyên đang chuẩn bị đi học chạy vào trong gọi Nguyên giùm tôi. Nguyên ra, ngơ ngác:

- Có chuyện gì mà sư huynh tới tận nhà kiếm em vậy?

- Sáng nay Nguyên không đến lớp, mọi người nghĩ là em bệnh. Em bị đau hả?

- Đâu có! – Nguyên cười khì – Em bình thường à. Mọi người quan tâm đến em quá, làm em xúc động thật sự đấy.

- Vậy sao sáng nay em nghỉ tập?

- Tại hôm qua em đi lên Langbian, mãi đến tối muộn em mới về đến nhà. Chân em mỏi nhừ không tập nổi nữa, với lại sáng nay em cũng ngủ quên.

Trời ạ, vậy là Nguyên vẫn lên Langbian. Người này làm gì cũng theo hứng.

- Em lên Langbian với ai?

- Em đi một mình à. Em lên được đến đỉnh bên trái. Thôi để bữa nào em kể cho huynh nghe, bây giờ huynh đi làm đi, em cũng chuẩn bị đi làm.

Khi tôi chuẩn bị đi, Nguyên phấn khởi nói với theo:

- Em sẽ kể cho anh nghe mùa xuân trên đỉnh Langbian đẹp như thế nào.

Con Phi đủng đỉnh chạy như muốn bảo tôi rằng: Nguyên là vậy đó, cô ấy không yếu mềm như những phụ nữ khác đâu nghe.

Tôi không biết mùa xuân trên núi đẹp như thế nào, nhưng những đám hồng trong thung của tôi đã bắt đầu trổ nụ. Những nhánh hồng mập mạp mạnh khỏe với những nụ hoa nho nhỏ vươn mình kiêu hãnh. Mẹ tôi nhìn xuống thung lũng hoa hồng, ánh mắt nửa vui nửa buồn. Ba tôi đã không kịp trồng cho bà một vườn hoa. Có bao nhiêu điều mình muốn làm cho người thân yêu mà không được?

Mùa xuân trên đỉnh Langbian của Nguyên không đẹp như tôi tưởng. Em mặc áo phong phanh leo lên núi một mình. Lối mòn nhỏ heo hút đi vòng trên núi, dẫn ngang qua một khe nước trong vắt. Nắng óng ánh như pha lê. Hơi lạnh thấm vào da thịt. Em tìm những lá thông khô gom lại, đốt một ngọn lửa nhỏ. Khói trắng bay lên lẫn vào sương mù. Lời cầu mong bay theo gió hút về rừng già. Nỗi đau tưởng như sẽ phôi pha một lần nữa lại gặm nhấm như hơi lạnh làm tê buốt trái tim. Tôi không biết gì về nỗi buồn của em. Nguyên không kể về điều ấy. Tôi chỉ biết em đã thả kỷ vật và nỗi đau của mình xuống lòng hồ Tuyền Lâm khi mới lên lại Đà Lạt, nhưng tất cả lại trào dâng khi em lên đỉnh núi vào mùa xuân. Dường như em chỉ muốn ôm nỗi đau cho riêng mình. Ai cũng có một nỗi đau riêng. Và tôi có tới hai nỗi buồn không thể chia sẻ cùng em.

Nguyên bảo, những nỗi buồn rồi sẽ qua đi. Tôi hình dung em đang dang tay mặc cho vòng xoáy cuộc đời cuốn em trôi, vẫn mở to đôi mắt rất buồn, không khóc, không cười, nét mặt rất bình thản. Tôi hình dung em nằm im nhắm mắt bên một gốc cây to, trên một lớp lá vàng êm mềm, mặc cho những cánh lá rơi trên người.

Tôi hình dung Nguyên như là sương bay ngang qua đám rừng thông, như là cỏ dại ướt mềm trong sương sớm. Đôi khi, tôi thấy em hóa thành đóa hồng trong thung, và hốt nhiên thấy em xa tít tắp. Tôi vội chạy xuống thung. Những nụ hoa đã cựa quậy muốn hé nở. Rồi Nguyên sẽ hiểu tôi khi em đến thung lũng, rằng tôi yêu em như thế nào.

Một lần, em đi cùng hai đứa trẻ con chừng hơn mười tuổi ra chỗ anh em tôi. Nhìn thoáng qua tôi cũng nhận ra chúng là những trẻ bụi đời lang thang ngoài chợ Âm Phủ. Bọn trẻ thường mặc tất cả áo ấm chúng có lên người, nhận bưng bê cho mấy bàn ăn trong chợ Âm Phủ và kiếm thức ăn thừa. Ban đêm, bọn chúng khoanh tròn ngủ trong những hốc trống dưới sạp hàng. Đà Lạt là xứ lạnh nên nhìn những đứa bé bụi đời không đến nỗi nhem nhuốc bẩn thỉu. Hai đứa bé đứng sau Nguyên nhìn chúng tôi với con mắt xa lạ, ngờ vực. Nguyên nói:

- Hai bé này muốn xem thử những chiếc xe thổ mộ thật gần, em dẫn đến xin các anh cho xem một chút có được không ạ?

Tất nhiên là không ai từ chối. Tôi hơi lạ lạ vì tại sao chúng lại đến đây chỉ để xem những chiếc xe thổ mộ? Nguyên đến gần tôi nói nhỏ:

- Anh Quân à, em vừa nói chuyện với tụi nhóc, em đang muốn thuyết phục chúng quay về nhà hoặc vào trung tâm bảo trợ xã hội để người ta chăm sóc chúng. Anh giúp em được không?

Tôi gật đầu rất nhanh:

- Được mà, nhưng anh phải làm gì?

- Anh cho bọn trẻ leo lên xe được không? Cho chúng cầm dây cương thử, chỉ thử thôi, không có chạy đâu.

Tôi đồng ý mà không khỏi thắc mắc làm sao mà thuyết phục được tụi nhóc cứng đầu này. Nguyên nói chuyện với hai đứa bé với những lời nhẹ nhàng và chúng nhe răng cười phấn khởi nhảy ngay lên xe. Tôi đoán chúng sẽ nghịch như quỷ sứ và con Phi sẽ rất khó chịu. Nhưng chúng chỉ loay hoay và hét với nhau nho nhỏ, tôi nghe loáng thoáng là không được làm cô Nguyên buồn, cô Nguyên giữ lời thì tụi mình cũng phải giữ lời. Tôi tò mò:

- Em quen với tụi nhóc lâu chưa?

- Em mới quen lúc đi ngang chợ Âm Phủ.

- Làm sao em quen được hay vậy?

- Đâu có gì đâu anh, tụi nó đang chạy rượt giỡn nhau, em bắt chuyện, lúc đầu hơi khó một chút nhưng sau thì không có gì hết.

Một thằng nhóc nhảy xuống ôm cổ con Phi vuốt vuốt bờm của nó. Con Phi hiền lành ngúc ngoắc đầu với đứa trẻ lạ. Nguyên cười rất hồn nhiên:

- Anh thấy tụi nó dễ thương không? Em đang kêu tụi nó về trung tâm đó.

- Em cũng tham gia hoạt động trong trung tâm à?

- Không, em chỉ biết ở đó người ta nhận nuôi mấy đứa trẻ bụi đời, cho chúng nó ăn học. Em có đến chơi một lần, thấy như thế thì quá tốt cho bọn trẻ rồi. Bữa nay tình cờ gặp hai đứa nhỏ, em thử thuyết phục vậy thôi.

- Chúng có vẻ quý em đấy.

Nguyên cười, đôi mắt đầy tình cảm:

- Em hy vọng tụi nó sẽ nghe em để về trung tâm.

Chơi một lúc, ba cô cháu kéo nhau đi chơi tiếp. Tôi lo lắng không biết Nguyên sẽ như thế nào. Lúc nào em cũng sống hết mình với mọi người. Nguyên lại nhạy cảm, vui hay buồn rất mong manh.

Ngày hôm sau gặp tôi, khuôn mặt Nguyên thiếu hoạt bát vì thiếu ngủ. Nguyên cười khoe đến gần nửa đêm thì bọn nhỏ đã nghe Nguyên về trung tâm.

- Em tém mùng cho chúng trước khi về. Bọn chúng cứ dặn em rảnh nhớ ghé thăm. Bọn nhỏ tình cảm ghê anh à!

Tôi xót xa nghĩ đến đêm qua Nguyên đội sương đêm đi về một mình từ trung tâm bảo trợ xa lắc. Nếu đêm qua bọn trẻ thân thiện hơn với tôi, tôi đã đi cùng với Nguyên và bọn chúng. Nhưng đúng là chỉ có Nguyên mới có thể làm cho người ta cảm giác yên tâm, gần gũi như đã thân quen và tin nhau từ lâu lắm. Bọn trẻ lảng ra khi tôi có ý muốn đến gần hỏi chuyện. Có lẽ tôi không chân thành bằng Nguyên, mà điều đó không sai. Tôi làm sao đáng yêu như Nguyên được?

Từ đó thỉnh thoảng Nguyên lại lên thăm những đứa trẻ. Em kể lại cho tôi nghe về bọn chúng, nét mặt em thánh thiện như thiên thần khi kể về những hạnh phúc mới của hai đứa nhỏ. Chúng vui một, tôi biết Nguyên vui gấp nhiều lần. Đó là những hạnh phúc thật sự chứ không phải người ta cứ hy sinh cho nhau hoài, cố tạo ra sự bình yên mà thật ra trong lòng dằn vặt khôn nguôi. Sự dằn vặt ấy luôn có trong tôi, và tôi cũng nhìn thấy nó qua đôi mắt buồn của mẹ tôi. Song chúng tôi đã không đối diện với nó. Cả hai mẹ con tôi có một sự bình yên và niềm vui không có thật.

9.

Tôi hỏi Nguyên:

- Em có thích cưỡi ngựa không?

- Ôi, em thích lắm, nhưng mà không biết cưỡi ngựa có khó không nữa?

- Thế em đã leo lên ngựa bao giờ chưa?

- Rồi ạ – Nguyên cười tinh nghịch – Hồi nhỏ em có leo lên con ngựa gỗ của anh em cưỡi không biết bao nhiêu lần, có lần cũng ngã ngựa bổ chửng…

Tôi cười theo:

- Vậy còn ngựa thật?

- Ngựa thật thì có lần em leo lên ngồi cho người ta dẫn đi vòng vòng, lúc đó em bé tí, hình như đi ngựa ở thác Cam Ly thì phải. Nhưng mà cưỡi ngựa thì em thích cưỡi chạy ào ào như trong phim, như thế mới gọi là cưỡi ngựa.

- Ngày mai em đến thung lũng cạnh nhà anh tập cưỡi ngựa không? Anh cho em tập với con Phi, nó hiền lắm!

Mắt Nguyên sáng ánh lên. Em gật đầu đồng ý ngay lập tức. Đúng như tôi đoán, Nguyên rất thích được tập cưỡi ngựa. Tôi thon thót lo bao nhiêu thì Nguyên hồ hởi bấy nhiêu. Em có biết đâu tôi chỉ mong em đến thung lũng của tôi để nhìn ngắm những luống hoa hồng. Tôi không phải là anh nghệ sĩ bán ngôi nhà của mình để mua cho Nguyên triệu đóa hồng vì tôi ở nhà của ba mẹ tôi ai mà dám, tôi đâu phải là kẻ bán… nhà không cần văn tự, nhưng tôi đoán Nguyên sẽ thích hơn khi được tự do trong cả một vườn hoa hồng trong thung lũng. Công trình vất vả bao nhiêu tháng trời của tôi, dẫu chỉ làm cho Nguyên vui một chút tôi cũng hả lòng. Chỉ cần Nguyên đứng bên những luống hoa, tôi sẽ nhìn vào mắt Nguyên để em hiểu những gì tôi muốn nói mà không dám nói. Nguyên sẽ cảm động vì hiểu ra tại sao tay tôi luôn bị trầy xước mà trước đây em hỏi hoài tôi không nói.

Theo lời hẹn, Nguyên qua thung lũng. Đúng hôm em đến, hoa hồng trong thung hé nở rất nhiều. Mẹ tôi không có nhà, bà đang bán hoa hồng ở cổng trường đại học, những bông hồng không phải do tôi trồng. Nguyên reo lên trước những… con ngựa của tôi và của đám bạn đang gặm cỏ gần vườn hoa. Em gần như không một chút cảm xúc nào trước vườn hoa hồng của tôi. Hình như Nguyên luôn là một cô gái mạnh mẽ, mạnh mẽ đến mức không thích bông thích hoa. Tôi nhận ra ở em sự tinh tế, nhạy cảm lẫn cả sự mạnh mẽ âm thầm đến khó ngờ của một người con gái.

Thằng tôi như bánh tráng nhúng nước ỉu xìu. Ai mà biết được Nguyên không thích hoa? Nhà của chú Nguyên đầy hoa leo, tôi ngỡ đâu… Nguyên ơi là Nguyên, em có biết được khi em loay hoay lên ngựa cũng là lúc tôi bải hoải hoài công, hoài… kế hoạch, lại lo con ngựa có trở chứng quăng em xuống thung lũng không? Còn Nguyên thì cười rất tươi. Tôi dắt con Phi được vài vòng, Nguyên nói:

- Anh thả con Phi ra đi, chắc là không sao đâu.

- Lỡ Phi chạy, em té thì sao?

Nguyên cười lớn, giọng em trong và mềm:

- Cỏ ở đây êm lắm anh, có té thì té xuống cỏ mềm cũng thích mà.

- Em đừng thúc con Phi nhé, cứ đi từ từ cho quen đã.

Nguyên và con Phi dạo bước thong dong bên vườn hồng của tôi. Làm gì có cảnh em đứng giữa vườn hồng cho tôi trao ngàn lời qua ánh mắt. Tại sao em lúc nào cũng vậy, không mè nheo nhõng nhẽo làm điệu làm bộ như nhiều người con gái khác để tôi có thể là người đàn ông mạnh mẽ trước em. Nguyên cũng không cá tính mạnh đến mức người con trai khi ở bên cạnh cảm thấy mình đang ở bên cạnh một "thằng đàn ông" khác. Nguyên vẫn đằm thắm, hiền hòa. Em sống chân thành, hết mình và như một hình bóng lãng du. Và thế là em đã không cho tôi một cơ hội nào rồi, Nguyên ơi! Em có hiểu tình yêu đơn phương buồn như thế nào không?

Chỉ đến khi Nguyên tập cưỡi ngựa mệt nhoài xong, em vỗ về xoa xoa má con Phi rồi chợt ngoảnh sang hỏi:

- Hoa hồng ai trồng mà không theo luống, cũng không thèm cắt bán, để nở hết trơn rồi vậy anh Quân?

- Em có muốn vào không? Vườn anh trồng đó, chỉ để ngắm thôi mà.

Tôi ướm thử, lòng rộn lên một chút hy vọng nhỏ nhoi. Nguyên nhìn tôi lạ lùng như không thể hiểu được. Em chân thật:

- Em không thích hoa hồng. Nó đẹp nhưng mà kiêu sa quá! Em chỉ thích những loài hoa mộc mạc, mạnh mẽ, chân tình.

- Ví dụ như hoa gì hả Nguyên?

- Forget-me-not, lưu ly, Marguerite, Goclico, thạch thảo… nhiều loại lắm, nhưng mà nói chung hình như là những loài hoa hoang dại, nở hồn nhiên em đều thích. Em thấy trên những triền đồi, vào đầu mùa mưa hay nở rất nhiều những bông hoa y như là mọc lên từ đất, em không biết tên chúng. Em thì lại thích những bông hoa như thế.

Trời ạ, những hoa đó thì trồng nhanh và dễ hơn hoa hồng nhiều. Nhưng làm sao tôi biết được, tưởng em cũng như bao nhiêu phụ nữ khác luôn thích hoa hồng. Chỉ cần em có một chút xúc động đặt tay lên một đóa hồng, tôi sẽ nói: "Anh trồng vườn hoa này tặng cho Nguyên đó, em có thể đến đây bất cứ lúc nào em thích vì bây giờ nó là thung lũng hoa hồng của em mà!". Giờ thì tim tôi giống như bị gai hồng đâm lủng lỗ chỗ, cảm nhận mình giống như đang cố nắm bắt sợi khói bay trước mặt. Đau lắm! Nguyên biết không? Em vừa gần vừa xa, vừa như bên tôi vừa như trong giấc mộng, dẫu không kiêu sa, có khoảng cách với tôi nhưng em vẫn là của riêng em, tôi không thể nào chạm đến được.

Khi Nguyên về, tôi đau đớn quật, chém nát vườn hoa.

Điên rồ!

Mặc kệ giùm tôi!

Mặc kệ đời tôi!

Rồi tôi sẽ trồng cho em cả một vườn hoa dại như em muốn.

Ừ thì em không kiêu sa, em cứ hoang dại để cho phố núi này cần em. Cần em trong mơ hồ, mà không thể nào có em được. Hoa hồng kiêu sa chấp nhận cho người ta cắm trong nhà, uốn nắn theo ý người ta, chứ  loài hoa hoang dại thì làm gì chấp nhận việc uốn nắn cắm tỉa, làm gì theo ý ai.

Tôi giận lây sang cả con Phi. Ít ra thì mày cũng được cô ấy ôm cổ bá vai! Tôi không nói chuyện với nó, chỉ cột gần vườn hoa rồi leo lên nhà gặm nhấm nỗi buồn dứt dứt từng mảng hồn. Những vết xước lớn trên tay, trên cổ tôi rỉ máu, tôi vẫn chỉ biết nằm im, dường như mình không còn biết đến mình.

Khi mẹ tôi về, bà đứng sững người nhìn đám hồng gục nát trong thung. Thấy tôi ngồi im trên ghế, bà không nói gì, lẳng lặng lấy bông và oxy già đưa cho tôi:

- Con lau mấy vết máu khô đi!

Tôi im lặng làm theo. Mẹ không lau cho tôi. Bà ngồi bên cạnh không nói gì cho đến khi tôi lau xong những vệt máu ri rỉ. Khi bà đứng dậy mang đám bông băng đi, tôi mới nhận ra đôi mắt của bà ướt nước. Bà nói rất nhỏ, đủ để tôi nghe như mơ hồ:

- Rồi những nỗi buồn sẽ qua!

Và nỗi đau còn ở lại. Lần đầu tiên tôi thấy mình bế tắc. Không phải là bế tắc trong tình yêu, mà nhận ra lối cụt mình đi vào tương lai. Tôi đau đớn nhận ra mình đang thất vọng về chính mình.

Những ngày sau đó, tôi ít nói chuyện với Nguyên. Mỗi lần em bắt chuyện, nỗi đau của tôi bừng lên nhức nhối. Tôi tìm cách từ chối khi Nguyên muốn xuống thung lũng thăm con Phi. Ban đầu Nguyên có vẻ giận, nhưng rất nhanh, dường như em cảm nhận được rất nhạy nên chỉ hỏi thăm Phi và những bông hoa của tôi.

Những đám hồng bị tôi chặt phá gục trên đất đã héo queo. Trên vài gốc hồng còn lại, những vết thương đã khô xước. Buổi chiều, khi tôi đang tháo dây chuẩn bị dẫn con Phi lên nhà thắng vào xe, Nguyên hiện ra đột ngột trên dốc. Tôi không có phản ứng gì hơn ngoài việc đứng im lọng ngọng như một thằng hề. Nguyên xuống thung lũng, đứng nhìn đám hoa hồng một lúc rồi hỏi:

- Anh đang chuẩn bị ra hồ à?

- Ừ.

- Mình dọn đám xác hoa này trước được không anh?

Tôi theo ý Nguyên, cùng dọn dẹp đám hoa hồng tội nghiệp. Cả hai đứa không nói gì, còn tôi thì không hiểu nổi Nguyên. Em lúc nào cũng làm tôi bất ngờ với tính cách của một cô gái khó hiểu và nhạy cảm. Im lặng được một lúc, tôi nghe tiếng Nguyên kêu lên nho nhỏ vì gai đâm. Tôi vội cầm tay em lên. Một mảnh gai hồng mắc lại trong ngón tay.

- Không sao đâu anh! Em làm được mà.

Nguyên giật tay lại. Khi tôi đang đưa tay nóng ruột định nắm lại bàn tay ấy để rút gai ra, Nguyên đã nhanh chóng rút mảnh gai và bóp chảy ra giọt máu dính gai. Em lại thế nữa rồi!

- Sao anh lại nhìn em? Thế còn hôm bữa thì sao, ai lấy gai ra cho anh?

Nguyên pha trò. Tôi nhướng mắt:

- Hôm bữa là hôm nào?

- Hôm anh phá vườn hoa này nè.

Tôi cười. Nguyên làm tôi dễ chịu hơn khi em mỉm cười.

- Chẳng có ai hết.

- Em đoán ngay hôm sau anh lên lớp võ, vì thấy người anh đầy những vết gai cào. Ai biểu anh xử tệ với những cây hồng làm chi?

Từ hôm đó, Nguyên hay trò chuyện với tôi về "những chuyện buồn sẽ phải qua" của em. Tôi chỉ biết em đã rất buồn mới lên phố núi tìm chút bình yên, còn cụ thể đó là nỗi buồn gì tôi không biết. Nhiều lần tôi muốn hỏi mà không dám. Nhiều lần ngồi bên cạnh Nguyên, tôi thầm mong em sẽ dựa đầu vào bờ vai tôi và òa khóc. Có thể nước mắt sẽ cuốn trôi đi nỗi buồn của em. Có thể bờ vai của tôi sẽ làm em cảm thấy có một điểm tựa vững vàng hơn cho những bước chân vào ngày mai. Có thể ở bên cạnh tôi em cảm thấy có được sự chia sẻ, đồng cảm. Có thể và có thể. Tôi nhìn lên trời và hỏi liệu có thể những điều có thể ấy sẽ xảy đến với tôi không? Và câu trả lời là tiếng con Phi hí vang ở dưới thung. Tôi nhắm mắt thấy mình cứ mãi rong ruổi trên những chiếc xe thổ mộ. Rồi tôi sẽ giống như ba tôi? Hay là tôi sẽ chia sẻ và hiểu được Nguyên? Một gia đình? Thật ra tôi là ai? Tôi không biết! Hình như chỉ là một kẻ thấp bé trong xã hội, một gã đàn ông không ra đàn ông với mộng sẽ luôn ở bên cạnh mẹ tôi để chăm sóc thay cho ba. Cuộc sống mịt mù cứ thế bình lặng trôi. Đám sương mù trôi ngang đèn cao áp vàng vọt mỗi đêm trôi về đâu? Tôi không biết! Tôi chẳng thể nào biết. Kiến thức của tôi nhỏ như hạt cát. Làm sao tôi hiểu được Nguyên? Làm sao Nguyên có thể tin tưởng ở tôi để dựa đầu vào vai tôi mà khóc, mà thổ lộ những nỗi buồn. Tôi chẳng là gì! Vậy còn tôi cần chi đây? Hình như cũng là những nhịp lóc cóc rất đều rất đều của vó ngựa. Tôi cần gì, tôi không biết! Tôi yêu mẹ tôi. Tôi cũng muốn hiểu được Nguyên. Mà hình như! cứ thế này cuộc đời mẹ con tôi cũng trầm buồn lặng lẽ. Nếu có còn ba thì bây giờ tôi sẽ như thế nào? Tôi không biết! Một ngày nào đó Nguyên cười bên một bờ vai khác, tôi sẽ như thế nào? Chắc là buồn lắm! Nhưng đàn ông thì không được yếu đuối. Nguyên là cỏ dại hồn nhiên, em là của sương của trăng và gió, của ánh mặt trời, của tự do và của tất cả. Tôi làm sao có thể là nơi cọng cỏ tìm thấy sự bình yên được. Bởi vì, Nguyên mạnh mẽ và tự tin hơn cả tôi.

Cứ như thế, ý nghĩ đuổi nhau mơ hồ, bất nhất trong đầu tôi, không rõ rệt điều gì.

Những ngày sau đó, tôi trằn trọc trong đêm. Thấy quanh mình toàn là lối cụt, trừ phía trước mà tôi luôn lảng tránh.

Mẹ tôi cũng trở mình nhiều, không phải vì lạnh.

10.

Nguyên bắt đầu sôi nổi hơn. Trong lớp võ, em cười nhiều hơn trước và hay chọc ghẹo mọi người. Buổi tối Nguyên thường ra hồ ngồi trò chuyện với chúng tôi khi mọi người chờ khách. Mọi người biết thói quen lang thang quanh hồ của Nguyên nên không ai thắc mắc gì. Cả đám cảm thấy vui hơn khi có Nguyên ghé qua. Một vài lần xe tôi có khách, trong khi chở khách đi dọc bờ hồ, tôi nửa vui nửa buồn khi nghĩ đến Nguyên đang ngồi chơi với mọi người. Tôi thích có em ngồi bên cạnh để nghe em nói, hoặc chỉ đơn giản là nhìn em vậy thôi. Nhưng tất nhiên điều đó không thể xảy ra vì Nguyên không muốn ai hiểu lầm rằng em yêu tôi. Nguyên luôn là cô em gái thân thiết dễ thương của tôi trong mắt mọi người. Và nếu Nguyên ngồi với đám đông tôi cảm thấy yên tâm hơn là khi em lang thang một mình.

Lúc xe quay trở lại, những con mắt hấp háy nhìn tôi. Tôi nghi ngờ:

- Mọi người vừa nói xấu anh phải không?

Nguyên tinh nghịch:

- Ủa, anh chỉ còn một khía cạnh thôi, làm gì còn tốt hay xấu mà sợ người ta nói xấu?

- Hừ, cứ cho là vậy đi, nhưng nói về người khác sau lưng là làm cho người ta nóng ruột đấy em ạ.

- Vậy ruột anh đang đóng băng rồi, anh biết chưa?

- Không, anh thấy nóng lắm!

Anh Hải cười khành khạch:

- Ai thèm nói sau lưng mày mà nóng? Chắc mẹ mày nhắc mày lo mà cưới vợ đi thì có.

Khi Nguyên đi về rồi, anh Hải nói với tôi:

- Nó hỏi thăm về mày nhiều lắm, nhưng mà hỏi rất khéo. Mấy đứa kia không biết, nhưng không qua được mắt tao đâu. Mày nói thật đi Quân …

- Anh đừng nghĩ lung tung, Nguyên mà biết được lỡ giận không chơi với em nữa thì buồn lắm anh Hải à. Em với cô ấy là anh em huynh muội thôi!

- Là huynh muội, lúc nào mày cũng nói như vậy, nhưng mà thật ra mày có xem Nguyên là em gái không?

Tôi ngập ngừng rồi dằn lòng:

- Thì em vẫn xem Nguyên là em gái mà.

- Ngày mai Nguyên ra, tao xin phép thằng anh trai cho tao nói tao thương Nguyên được không?

Tôi cứng người nuốt nước miếng mà như nuốt cục đá sần sùi:

- Tùy anh thôi, ăn thua là Nguyên mà.

Anh Hải lắc đầu nhìn tôi vẻ khó hiểu:

- Mày bướng vừa thôi. Nguyên thương mày! Tao nghĩ là vậy, rồi mày coi…

Tôi định hỏi Nguyên hỏi gì về tôi nhưng lại thôi. Như vậy có khác nào thú nhận tình cảm của mình? Tôi là đàn ông mà.

- Ừ, rồi anh coi, chỉ là anh em thôi! Anh biết tính Nguyên rồi mà, cô ấy lúc nào cũng quan tâm đến mọi người hết.

- Tao công nhận Nguyên rất khác những người phụ nữ khác, nhưng mà…

Anh Hải im lặng. Lâu lắm, không biết anh nghĩ gì mà đăm chiêu rồi buột miệng:

- Tao tiếc cho mày! Nếu ba mày còn sống, có lẽ cuộc đời mày khác bây giờ.

Ba đã mất rồi, chẳng thể ví dụ khác đi được anh Hải à! Tôi không trả lời. Nhiều ngày nay tôi đã nhức nhối với cuộc đời mình. Cuộc đời của mình, nghĩa là do chính mình quyết định. Nhưng mà cuộc đời tôi bị chi phối bởi nhiều điều quá. Bây giờ chính tôi đang như người mắc lưới càng vùng vẫy càng bị quấn chặt. Em muốn điên lên đây này anh Hải ơi!

- Mày sẽ không như thế này hoài được. Mày giỏi hơn tụi tao!

Kết thúc câu chuyện. Anh Hải bỏ đi. Những lần sau anh chẳng nói gì nữa, nhưng nhìn ánh mắt anh tôi hiểu Nguyên vẫn hỏi thăm về tôi. Lẽ ra tôi không nên phá vườn hồng. Dường như điều đó làm Nguyên băn khoăn khó hiểu về tôi. Nếu như Nguyên chỉ cần hiểu chệch đi một chút, rằng tôi không phải đơn giản chỉ xem em như em gái như tôi vẫn tỏ vẻ thì em sẽ hiểu. Nhưng không phải chuyện gì cũng đơn giản. Nếu như Nguyên biết điều đó có thể em sẽ không thèm chơi với tôi nữa, vì Nguyên lúc nào cũng xem như tôi là anh trai.

11.

Buổi trưa, con Phi thở phì phì mệt nhọc. Tôi đến xem mắt, vạch bờm của nó ra. Có lẽ nó không được khỏe.

- Mình về nhà, chiều nay cho mày nghỉ nhé. Tao cũng nghỉ ở nhà dọn dẹp vườn cho mẹ.

Tôi xoa xoa lên má con Phi. Nó không buồn phản ứng. Tôi để con Phi đi thật chậm về nhà. Tháng ba, hoa dã tường vi quanh đồi Cù đã chớm những bụi hoa màu hồng nhạt. Những bụi dã quỳ nở cháy hết mình mùa đông chỉ còn lại những cành khô xơ xác bây giờ đã um tùm nhưng mảnh lá non tươi mơn mởn căng đầy sức sống. Tôi thương dã quỳ mọc khắp triền đồi, lúc nào cũng thể hiện sự hết mình cho cuộc sống. Khi ra hoa cũng vàng rực, rút hết nhựa, hết sức sống để cháy đến kiệt cùng. Khi đâm lá cũng hết mình làm lá, làm mầm non, không một chút e ngại, đòi hỏi. Những bụi non tròn căng mạnh mẽ. Mình có sống hết mình như dã quỳ được không?

Tôi cho con Phi về tắt qua lối trường đại học. Gần tới chỗ mẹ tôi ngồi, con Phi nhận ra chỗ quen nên bước chậm hẳn lại. Tôi dợm nhảy xuống định chạy đến chỗ bà để nói chiều nay tôi nghỉ không ra hồ. Cái nhớm người khựng lại. Tôi giật mình vì thấy Nguyên ngồi cạnh mẹ tôi. Em ngồi bệt trên nền gạch vỉa hè, hai đầu gối co lại với hai cẳng chân chéo nhau, mắt nhìn mẹ tôi chăm chú. Vẫn là dáng vẻ tự nhiên và chân thành như một người quen thân thiết lắm. Mẹ tôi ngồi trên cái ghế con đang say sưa nói gì đó. Những bông hồng trong xô đã vơi đi gần hết.  Một vài bông được gói trong giấy kiếng, bọc nơ hồng. Trời ạ, sao bây giờ? Làm sao mẹ tôi và Nguyên lại quen nhau? Tôi ở tư thế nửa nhảy xuống nửa ngồi yên suýt ngã, không kịp ghìm cương nên con Phi vẫn bước tới. Bây giờ chạy luôn làm sao được? Tôi nhảy xuống đi lại gần mẹ. Bà cũng vừa nhận ra con Phi đứng ngoài đường nên ngưng câu chuyện nhìn ra. Nguyên bối rối hẳn. Tôi cũng bối rối chẳng kém gì.

- Anh Quân!

- Sao con lại về sớm vậy?

Lúc này thì trong đầu tôi bùng bùng chẳng biết đâu vào đâu. Tôi cười gượng:

- Mẹ, con Phi bệnh nên con cho nó về nghỉ, chắc là chiều nay cho nó ở nhà nghỉ ngơi. Nguyên sao lại ngồi ở đây?

- Em đi mua hoa, tiện thể ngồi chơi với bác…

- Ừ – Mẹ tôi chen rất nhanh – Khách hàng quen của mẹ.

Tôi ngạc nhiên:

- Ủa, em mua hoa gì?

- Thì… mẹ anh bán hoa hồng mà?

Tôi nhận ra mình hỏi một câu vô duyên nhất đời, xém nữa còn phang thêm "Em đâu có thích hoa hồng đâu?". Thì ra mẹ và Nguyên chỉ biết nhau như người mua người bán.

- Nhưng mà… sao em biết mẹ anh?

- Anh vừa mới gọi mẹ mà!

Nguyên cười, mắt hấp háy chọc quê. Tôi cười tươi:

- Ừ, đây là mẹ anh.

Tôi quay sang mẹ giới thiệu:

- Nguyên học chung lớp võ với con đó mẹ.

- Anh Quân là sư huynh của cháu đó bác.

- À, ừ, mẹ có nghe.

- Mẹ nghe gì ạ?

Tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ tôi nói với mẹ về Nguyên. Mẹ tôi lập tức phản ứng:

- À không, ý mẹ là mẹ vừa biết. Cũng hay, tình cờ lại biết nhau cả.

Tôi định hỏi vài câu nhưng thấy không tiện nên hỏi han mẹ vài câu rồi chào về trước. Nguyên gật đầu:

- Anh về trước chăm sóc cho Phi nhe, em ngồi nói chuyện vui với bác một chút. Em thích bác lắm, em đang nói bác kể chuyện Đà Lạt ngày xưa cho em nghe. Nghe mà nhớ lại ngày xưa, tại vì lúc đó em còn nhỏ quá không nhớ được rõ. Bây giờ nghe bác kể em mường tượng được nhiều hơn.

Tôi ừ ừ vui vẻ. Khi ra xe tôi nhảy phóc lên:

- Mình về Phi ơi!

Nhưng thật ra có đến 1001 câu hỏi. Tôi chợt nhớ ra hai tuần nay mẹ tôi đã mua giấy kiếng gói hoa. Tôi thấy nhưng không hỏi. Ai đã nói bà nên bọc giấy kiếng cho hoa? Những sinh viên có nhu cầu ấy ư?

Buổi chiều ở nhà dọn vườn, loay hoay chặt mấy cành cây xòa xuống đất, tôi xém chặt phải tay mình. Tôi cảm thấy khó chịu với những câu hỏi của chính mình. Thật ra Nguyên có biết mẹ tôi là mẹ của tôi trước chưa? Và mẹ tôi có biết Nguyên quen tôi không hay chỉ mới biết? Tại sao Nguyên lại mua hoa hồng? Mà chắc có lẽ chỉ đơn giản là Nguyên mua hoa cho ai đó, gặp mẹ tôi hợp ý nên trò chuyện. Cuộc sống vẫn có những điều giản đơn mà người ta khoái gán ghép cho nó những điều phức tạp không đâu vào đâu.

Khi mẹ về, tôi không nhắc gì đến Nguyên. Bà cũng không nói gì về chuyện ấy. Tôi lén quan sát xem bà buồn hay vui, có ý định nói gì về cô gái khách hàng của mình không, nhưng tuyệt nhiên không thấy vẻ bà nhớ đến Nguyên. Càng muốn hỏi tôi càng không dám nhắc. Nhắc đến như tình cờ gặp một người mình quen đang ngồi với mẹ mình thì có gì lạ đâu, vậy mà tôi không dám nhắc. Cũng chẳng hiểu sao mẹ tôi không kể về một cô gái học chung sư phụ với tôi. Kể với con mình về một hiền muội trong lớp nó đã trò chuyện với mẹ ra sao thì có gì lạ đâu, vậy mà mẹ tôi cũng không kể. Mẹ chỉ hỏi han bệnh của con Phi, ra xem nó và cuối cùng là hai mẹ con cùng ăn cơm, xem ti vi.

- Mẹ có coi phim này không?

- Ờ, con thích xem kênh nào thì xem, lâu lâu mới ở nhà xem ti vi mà. Mẹ không có theo dõi phim này, thỉnh thoảng mở coi cái này cái kia vậy thôi.

Hai mẹ con nói vài câu vẩn vơ rồi đi ngủ. Trong đêm khuya, vẫn là những tiếng trở mình của bà. Dạo này hình như bà khó ngủ. Tôi cũng có ngủ được đâu. Những ý nghĩ mơ hồ vẫn rượt đuổi nhau, chúng chạy cả vào trong những giấc mơ.

Buổi sáng đến lớp, tôi không hỏi gì Nguyên. Em cũng không nhắc lại.

Một vài ngày, em hỏi:

- Mẹ anh dạo này khỏe không?

- Mẹ anh vẫn thế, chỉ có điều hay bị mất ngủ.

- Vậy hả?

Nguyên buồn buồn, không hỏi gì thêm. Tôi ngờ ngợ điều gì đó nhưng không thể hỏi.

Hai ngày sau, mẹ tôi nói xuống thăm cậu Út ở dưới ngã ba Finôm. Bà không cho tôi đi cùng. Trước khi rời khỏi nhà, bà thắp nhang và đứng rất lâu trước di ảnh của cha tôi. Tôi đưa bà ra bến xe. Mẹ tôi nhìn tôi cho đến khi xe lăn bánh. Tôi thấy mẹ tôi lạ lắm, điệu bộ cương quyết nhưng đôi mắt ầng ậng nước.

Ngày hôm sau mẹ tôi về. Khuôn mặt bà ánh lên một sự quyết đoán, rạng rỡ. Bà thắp nhang cho cha rồi đứng bên cửa sổ nhìn xuống thung lũng chỉ còn trơ lại những gốc hồng. Tôi thông báo:

- Con nghe nói người ta sắp bán miếng đất dưới ấy rồi mẹ à.

- Đất của nhà nước mà? Họ để không từ bao nhiêu năm nay rồi, đâu có phải của ai mà bán?

- Con không rõ lắm, nhưng mà ý con chỉ muốn nói là con sẽ dẫn con Phi đến chỗ khác gặm cỏ nếu người ta đến thung lũng ở.

- Và con bỏ luôn những gốc hồng dưới kia đúng không con trai? – Mẹ tôi mỉm cười – Con chưa bao giờ nói cho mẹ biết con trồng những cây hồng ấy để tặng ai.

Tôi nhe răng cười. Mẹ tôi là một người phụ nữ nhạy cảm. Có thể bà đã nhận ra có mối liên quan giữa vườn hoa trong thung lũng của tôi với Nguyên. Lẽ ra bà đã phải nói thật nhiều trong cái ngày tôi phá nát cả vườn hoa và mệt nhừ người nằm xoài trên giường, người xây xước vệt máu.

- Qua hết rồi mẹ à.

- Ừ, mẹ biết! Mẹ biết bây giờ điều con mong muốn nhất là gì. Con đừng bận tâm tới việc con sẽ dẫn con Phi đi đâu để gặm cỏ nữa. Mẹ nghĩ là mẹ biết điều này rõ hơn con.

Mắt mẹ tôi nhìn như đang cười. Mẹ à, con còn không biết con cần gì nữa cơ mà, mọi thứ bây giờ cứ rối lên trong đầu con thôi.

- Rồi sẽ khác đi, Quân à! Con sẽ phải là người đàn ông mạnh mẽ, tự tin. mẹ không muốn hai mẹ con vì nhau rồi đi vào lối cụt, như thế này không phải là yêu thương, đúng không con?

- Con không hiểu ý mẹ.

- Ừ, mẹ sẽ nói với con sau.

Suốt hai ngày liền bà không mang hoa hồng đến cổng trường đại học. Tôi lo lắng kể cho Nguyên nghe:

- Anh không biết mẹ anh nghĩ gì mà mấy ngày nay cứ như người bị bệnh, lúc vui lúc buồn. Mẹ không nói rõ cho anh biết mà cứ úp úp mở mở, anh không hiểu được.

- Có thể mẹ anh đang lo cho anh. Em nghĩ sớm hay muộn mẹ anh cũng sẽ nói cho anh nghe những gì bác ấy đang nghĩ thôi. Em cũng đang có một điều muốn nói với anh nè…

- Về… cái gì vậy Nguyên?

- Tối nay em sẽ ra chỗ mấy anh, rồi em sẽ nói cho anh nghe.

- Vui hay buồn vậy Nguyên?

- Thì anh sẽ biết mà. Em đâu có biết đó là vui hay buồn, lỡ với em thì đó là buồn còn với anh đó là vui thì sao?

Buổi tối, Nguyên tìm ra bờ hồ gặp bọn tôi. Em hỏi han cả bọn một lúc rồi thông báo thật bất ngờ:

- Ngày mai em về Sài Gòn luôn rồi!

Mọi người lập tức phản ứng. Người nói Nguyên chê Đà Lạt, người kêu lên buồn quá, người thì nói sao đến bây giờ Nguyên mới nói. Nguyên vẫn chỉ cười vui:

- Thôi à, đừng có trách em, em xin lỗi…

Tôi không thể nói được gì, thấy nghèn nghẹt đến khó thở. Anh Hải tự nhiên quay sang phát mạnh vào lưng tôi:

- Còn cái thằng giặc này, Nguyên không nói đã đành, mày cũng còn giấu tụi tao, cái tội này không tha được.

- Em đâu có biết, đến bây giờ Nguyên mới nói cho anh em mình hay mà.

Tôi nói, giọng buồn thiu. Suốt hơn hai mươi phút sau tôi chỉ im lặng. Nhận được ánh mắt đầy dấu hỏi của tôi, Nguyên lảng tránh không nhìn tôi nữa. Nguyên quay về Sài Gòn, là tôi sẽ đau thật sự, làm sao có thể giả lả nói cười cầu chúc hay hỏi han? Khi Nguyên về, tôi đi theo tiễn một đoạn. Rốt cuộc, em vẫn là người biết phải làm gì sẽ tốt nhất.

- Anh buồn phải không?

- Ừ…

- Muội vẫn là muội của huynh mà.

- Ừ…

- Anh Quân!

- Sao hả em?

- Anh đừng như thế nữa!

- Em rời khỏi Đà Lạt, làm sao bảo anh đừng buồn được?

Im lặng vài phút.

- Cuộc sống có nhiều nỗi đau, cách tốt nhất là mình đối diện thẳng với nó. Em chọn cách đối diện đó, nên em phải quay lại Sài Gòn. Cứ như thế này, em thấy mình đi vào ngõ cụt. Đối diện vấn đề chưa hẳn đã giải quyết được nó nhưng ít ra cũng thấy mình mạnh mẽ hơn.

Tôi nhìn em. Nguyên nói điều đó cho Nguyên hay cho tôi? Đôi mắt Nguyên long lanh. Cho cả hai, phải không em? Hai bàn tay tôi đã nắm chặt lại từ lúc nào. Một bên nắm lấy nỗi buồn của một tình yêu đơn phương, của sự chia tay bất ngờ, một bên tay tôi nắm nỗi buồn của chính tôi về tương lai. Hai nỗi buồn chồng chềnh làm tôi chẳng còn nhớ phải hỏi gì, nói gì với Nguyên. Tôi bơi bơi trong không gian của mình.

Khi tôi quay lại, anh Hải thấy tôi buồn liền chủ động rủ rê:

- Mẹ nó, buồn quá! Đi mua thịt chó về nhậu đi tụi bay.

Anh Thắng lắc đầu:

- Mày biết tao không ăn thịt đồng loại được mà.

- Anh Thắng đề cao mình quá đấy nha.

Thịnh đùa. Anh Hải đùa theo:

- Khỉ thật, tao thì phải bổ sung chất chó vào người hoài, ít nhất mỗi tuần phải một lần.

- Ừ thì tại người mày luôn sử dụng, tiêu hao chất đó nên có nhu cầu bổ sung hoài chứ sao.

Mọi người cười ha ha. Tôi biết họ đang giỡn vui cho tôi bớt buồn, chứ thật ra ngay lúc này họ cũng chẳng có vui gì nổi. Ai cũng mến Nguyên. Bây giờ Nguyên đột ngột nói sẽ rời khỏi Đà Lạt, ai mà không buồn đôi chút. Thịnh vẫn cái giọng châm chọt:

- Anh Thắng không có nhu cầu bổ sung chất chó phải không?

- Ừ, tao không cần…

- Là vì trong người anh có thể tự sản sinh ra chất đó nên anh đâu có cần, hi hi, ha ha…

- Đồ… một không, tao thua! Thằng Quân, cứu bồ anh mày coi, từ nãy giờ tao nói gì cũng bị lỡ hàng hết. Vớt lại danh dự của anh đi Quân.

Tôi cười rối beng. Anh Hải lại chọc thêm:

- Ý nó cười là nói mày làm gì có danh dự cho nó vớt ấy mà.

Anh em cười đùa cho quên đi nỗi buồn, nhưng thật ra ai cũng đang cười gượng. Anh Hải tin là tôi nói thật về chuyện tôi không hề biết Nguyên sẽ rời khỏi Đà Lạt vào ngày mai nên anh không vặn hỏi gì tôi. Anh cũng hiểu tôi buồn như thế nào.

Đêm hôm ấy tôi về thẳng nhà, không hề ghé qua nhà Nguyên như lúc đầu tôi định. Ghé qua để làm gì, tôi đâu có giữ được Nguyên? Đã đến lúc phải đối diện sự thật, đối diện với những nỗi đau, chính Nguyên nói với tôi như thế mà.

Hai ngày hôm sau, nhớ lại, tôi mới nhớ đến câu nói cuối cùng của Nguyên:

- Em rất mong gặp lại anh ở Sài Gòn.

Làm sao anh có thể gặp lại em ở Sài Gòn hả Nguyên?

12.

Nguyên đi được gần một tháng, mẹ tôi hỏi về Nguyên đến năm lần. Tôi nói Nguyên về Sài Gòn rồi và tôi không biết tin về Nguyên, bà thở dài. Lần thứ sáu, mẹ tôi buột miệng:

- Mẹ nghĩ hai đứa vẫn liên lạc với nhau… con bé Nguyên dễ thương biết chừng nào. Nhưng mà nó là con gái mà nó có ý chí mạnh quá! Mẹ phục nó!

Đêm ấy, mẹ tôi đã nói cho tôi một quyết định của bà. Tôi không thể thay đổi được gì, mọi thứ đã được mẹ tôi sắp xếp từ bao giờ. Ngay tuần sau, tôi có mặt ở Sài Gòn. Mẹ tôi về ở gần nhà cậu tôi ở Finôm, căn nhà bên thung lũng đã được sắp xếp đón người chủ mới. Mẹ nói tôi hãy yên tâm vì bây giờ mẹ tôi đã có vợ chồng cậu Út gần bên. Việc của tôi là tự lực, cố gắng mưu sinh và ôn thi lại vào đại học.

Tiền bán con Phi, tôi mua chiếc xe cà tàng về Sài Gòn làm phương tiện kiếm sống. Thằng đàn ông trong tôi đã khóc đau đớn ngày rời khỏi Đà Lạt, ngày để mẹ lại với sự cô đơn, ngày chia tay với người bạn bốn chân mà tôi rất thương yêu. Nhưng tôi hiểu ra những gì Nguyên nói, tôi không thể đi vào lối cụt. Cách tốt nhất để vượt qua nỗi buồn là đạp lên nó và đi qua. Trước tiên, tôi phải dũng cảm đối diện với mọi vấn đề. Mẹ tôi cũng phải vượt qua quá nhiều nỗi buồn để là người mạnh mẽ và dũng cảm khi quyết định nói tôi về Sài Gòn.

Sau này tôi mới nghe mẹ kể lại, Nguyên đã chủ động tìm tới gặp mẹ. Qua những câu chuyện, những lời nói chân thành và sự gợi ý của em, mẹ tôi đã quyết định như thế. Những sự hy sinh nếu có, không phải là hy sinh để người khác vẫn quanh quẩn với lối cụt. Mẹ đã biết Nguyên là bạn tôi từ trước khi tôi gặp hai người nói chuyện với nhau, nhưng Nguyên đã nói với mẹ đừng cho tôi biết gì. Nguyên muốn tôi phải trưởng thành và tự tin vào chính mình. Nhưng em cũng đã muốn tôi không phải tự ái khi cuộc đời tôi thay đổi nhờ có em, nên em đã bước đi lặng lẽ khỏi cuộc đời tôi phải không Nguyên? Em cao thượng biết chừng nào! Sự cao thượng dịu dàng và mạnh mẽ!

Đó là những gì mà gần tám năm sau mẹ tôi mới nói. Suốt thời gian bận rộn học hành và mưu sinh trên đất Sài Gòn, tôi vẫn dành thời gian để tìm tin tức của Nguyên. 8 năm qua, tôi vẫn không tìm lại được người đã khiến tôi quyết tâm xuống Sài Gòn để học, phấn đấu, bắt đầu thành công. Những khổ cực ngày đầu, tôi vừa chạy xe, vừa dạy võ, ôn luyện học. Cực nhưng thấy con đường phía trước sáng hơn, thằng đàn ông trong tôi cứng rắn và trưởng thành dần. Năm sau, tôi vào được đại học. Vừa học vừa làm, tôi nhận được sự hỗ trợ nhỏ từ mẹ tôi về học phí vì tiền bán nhà trên Đà Lạt còn dư chút đỉnh bà bỏ vào ngân hàng, và tôi nhận được rất nhiều lời động viên tinh thần của mẹ. Căn bệnh của mẹ tôi không hiểu sao dường như ngưng lại không phát nặng thêm. Lâu lâu bà lại hỏi thăm trong thư xem tôi có gặp lại Nguyên chưa. Tôi viết trả lời rằng chưa, ngay khi gặp lại Nguyên tôi sẽ báo cho bà biết.

Khi tôi ra trường, Mẹ tôi cầm tay tôi khi tôi về thăm bà:

- Lúc này mà gặp lại bé Nguyên, chắc là con sẽ thấy mình tự tin hơn. Con sẽ không nhờ đến vườn hồng nữa, phải không?

Tôi cười vì bị bà lật tẩy chuyện cũ, đánh trống lảng:

- Bây giờ thì chắc Nguyên có chồng rồi mẹ à.

Mẹ tôi trầm ngâm buồn buồn:

- Hồi đó, không biết bé Nguyên có thương con không, nhưng mà nó tốt bụng thật. Mẹ thương nó lắm!

- Nguyên tốt với mọi người, không phải chỉ riêng con đâu. Cô ấy lúc nào cũng muốn người khác hạnh phúc. Con thấy Nguyên sống bằng hạnh phúc của người khác.

- Nó sống như vậy, không biết có ai bên cạnh để nó cảm thấy có điểm tựa không?

- Cô ấy bản lĩnh hơn con nhiều mà mẹ! Con nghĩ cô ấy đủ mạnh mẽ…

- Không có người đàn bà nào mạnh mẽ cả, người ta chỉ tỏ ra mạnh mẽ vì cần phải như thế thôi.

Tôi nắm bàn tay xương xẩu của bà, thương cháy lòng:

- Vậy là mấy năm nay mẹ đang phải tỏ ra mạnh mẽ? Mẹ không có ai bên cạnh để làm điểm tựa…

- Đó là con nghĩ vậy. Còn mẹ, mẹ lấy con làm điểm tựa. Mẹ nghĩ đơn giản như bé Nguyên nói với mẹ, là khi mình thấy người khác hạnh phúc mình sẽ hạnh phúc hơn, nhất là khi đó là người mà mình quý mến, thương yêu. Mỗi khi mẹ buồn, mẹ lại nghĩ đến con đang trưởng thành và có một tương lai tốt hơn, thế là mẹ lại cảm thấy mẹ vui.

Người ta chỉ có thể làm điều đó khi người ta có một tấm lòng rộng mở, một tâm hồn cao thượng. Mẹ có biết mẹ và Nguyên là những người phụ nữ cao thượng không? Nếu không có những người như mẹ, như Nguyên, những người hy sinh vì người khác, sống với nỗi vui của người khác, con đâu có ngày hôm nay.

Tôi ra trường và tham gia vào ngành quảng cáo. Sự quyết tâm và nhạy bén của tôi giúp công việc thành công rất nhanh. Sau ba năm, tôi tự tin vào chính mình, khao khát học hỏi và khao khát chinh phục, thử thách chính bản thân mình. Tôi đã trả lời được câu hỏi tôi là ai, và tôi cần gì.

Không có tin của Nguyên, tôi tin rằng em đã lấy chồng và mong em hạnh phúc.

Tôi quen được một hai người bạn gái, nhưng hình ảnh của Nguyên như đám sương mù làm đông đặc tôi khiến tôi không thể yêu ai chân tình được. Có nhiều lần hôn người yêu mà trong đầu tôi ngỡ là môi Nguyên, vội xót xa dứt ra như vừa làm tổn thương hình ảnh vừa hoang dại vừa thánh thiện luôn ở bên mình. Cô người yêu sửng sốt câm lặng nhìn, đến lần thứ ba như thế thì bật khóc. Phụ nữ nhạy cảm, họ hiểu tôi đang nhớ về một ai đó. Mà lúc ấy tôi cũng chỉ nhìn người yêu tôi – chứ không phải người tôi yêu – với ánh mắt đau đớn không buồn thanh minh. Người yêu thứ hai của tôi có mái tóc ngang vai như Nguyên. Vài lần đi chơi giữa phố Sài Gòn, chẳng hiểu sao tôi lại đột ngột dừng xe ngoái lại nhìn. Làm gì có mái tóc liêu trai bay hất ra sau vì gió lạnh. Đôi khi ngồi bên cô ấy, tôi nhìn lên mái tóc rồi thở dài. Người yêu tôi – vẫn là người yêu tôi – tưởng tôi thích tóc dài nên nuôi tóc. Tóc mới chỉ qua vai thì chia tay. Tôi nào muốn thế. Cuộc sống, người ta vô tình hay cố ý cứ làm tổn thương nhau.

13.

Qua lễ hội Đà Lạt 110 năm vài ngày, tôi về thăm mẹ và tìm lên Đà Lạt vì nghe nói xe thổ mộ đã được phép xuất hiện trở lại. Tôi lặng lẽ đi lang thang qua những chiếc xe ngựa vẻ lộng lẫy, thèm nhìn lại hình ảnh chiếc xe thổ mộ ngày xưa của tôi biết bao. Con Phi giờ này chắc đã thành một con ngựa già. Số phận của nó ra sao tôi cũng không biết. Đạp lên nỗi đau và đi qua nó đâu phải là điều dễ dàng! Trong tôi nhoi nhói nhớ về con Phi, về Nguyên.

Một người phụ nữ nhìn tôi chăm chú. Tôi nhìn lại và bàng hoàng trước ánh mắt ấy. Ăn mặc rất thời trang, mái tóc uốn dợn nhuộm nâu hạt dẻ xịt keo đúng mốt mới nhất của Sài Gòn, màu son nhàn nhạt, đầy nữ tính, Nguyên chỉ còn lại đôi mắt chân thành của ngày xưa. Tôi bước nhanh lại, cả hai bật ra tiếng gọi tên. Tất cả cảm xúc của tôi dồn vào hai hàm răng nghiến chặt. Tôi thấy Nguyên rùng mình trong lớp áo măng tô thời thượng của Đà Lạt lúc này. Lớp áo dày nhưng tôi cảm nhận từng cái căng ngực thở đầy kìm nén của Nguyên.

- Chồng  và con của Nguyên đang đứng bên kia!

Câu đầu tiên sau gần chín năm trời không gặp của Nguyên vẫn là những điều làm tổn thương tôi, nhưng cũng tốt, nếu Nguyên không nói ra ngay điều ấy có lẽ tôi đã… rụng hết răng vì nghiến quá chặt. Cũng có thể Nguyên nói để làm một cái thắng gấp cho chính Nguyên. Tôi quay lại nhìn người chồng rất nam tính của Nguyên đang bế một cô nhóc chừng hơn một tuổi, hiểu vì sao bây giờ Nguyên nữ tính nhiều như thế. Anh ấy mỉm cười chào lại từ xa. Nguyên đưa tay ra dấu cho chồng bước lại rồi hồ hởi giới thiệu:

- Đây là anh Quân, là sư huynh của em ngày xưa đó. Lâu quá hai anh em mới gặp lại nhau, bặt tin từ tám chín năm nay luôn…

- Chào anh! Tôi là Đạt.

- Chào anh! Tôi đang còn chưa tỉnh lại vì cuộc gặp gỡ bất ngờ này đây.

Cả ba cùng cười. Có lẽ chưa bao giờ Nguyên kể về tôi cho chồng nghe. Phải rồi, là sư huynh chứ có phải là người yêu xưa đâu mà đòi! Nguyên nựng cô nhóc tí hon:

- Đây là bé Tường Vi, con gái đầu của em đó.

Tôi mời hai vợ chồng Nguyên đi ăn cơm. Câu chuyện rôm rả tự nhiên. Tôi không còn lúng túng trước Nguyên nữa, có lẽ vì lần đầu tiên tôi thấy Nguyên thật sự là một người phụ nữ dịu dàng và yếu đuối. Phải chăng vì Nguyên đi bên cạnh một người chồng rất đàn ông, hay bởi vì tôi không còn là tôi trong lối cụt của ngày xưa nữa? Anh có biết vợ anh nhìn dịu dàng là thế, nhưng chính cô ấy đã kéo một gã trai ra khỏi lối cụt và bước đi mạnh mẽ hơn không? Chắc là anh không biết vợ anh bản lĩnh và mạnh mẽ như thế nào đâu! Qua trò chuyện, tôi biết chồng Nguyên là một người thành đạt bởi cách dám nghĩ dám làm, bản lĩnh dám chịu trách nhiệm. Nguyên cũng là một người có công việc tốt và trở thành một người phụ nữ rất đáng yêu, không còn nét lãng du sương khói như ngày xưa nữa. Nhưng bản tính nghệ sĩ của Nguyên vẫn còn rất rõ. Nguyên hỏi thăm nhiều về tôi, về mẹ tôi và về con Phi. Tôi kể vắn tắt về chuyện tôi về Sài Gòn học và công việc hiện nay. Nguyên nháy mắt:

- Biết tin về anh như vậy, em mừng lắm đó. Công việc anh làm hay ghê! Hồi đó anh Hải luôn nói anh thông minh và nhạy bén mà. Thế người yêu anh đâu mà lang thang trên đây có một mình?

Nghe Nguyên nói, tôi mím môi cười gượng. Biết nói thế nào đây hả Nguyên?

Chồng Nguyên nói ngày mốt hai vợ chồng Nguyên bay về Sài Gòn lại, mà Nguyên cứ đòi tìm một thung lũng trồng đầy hoa hồng để nhìn ngắm, liệu tôi còn nhiều bạn ở địa phương này có thể mách giúp được không. Tôi nhìn Nguyên ngầm hỏi em thích hoa hồng từ bao giờ? Nguyên quay đi lảng tránh. Tôi nói với chồng Nguyên:

- Có lẽ là không còn đâu anh Đạt ạ, ngày xưa người ta trồng hoa hồng trong thung lũng nhiều, nhưng bây giờ toàn là hoa hồng lai ghép, người ta trồng để bán nên họ trồng theo từng luống, có che chắn, ràng buộc, bao bọc từng nụ hồng, nhìn mất tự nhiên lắm anh.

- Vậy à? Nguyên nói cô ấy có một tuổi thơ rất đẹp trên đây. Cô ấy hay nhớ đến nhất là một thung lũng đầy hoa hồng. Tôi chưa nhìn thấy bao giờ nhưng tưởng tượng ra cũng thấy đẹp.

Tôi nghẹn cả lời. Nguyên đâu vô tình như tôi nghĩ.

- Tiếc là bây giờ thì không còn nữa, mọi thứ thay đổi nhiều lắm rồi so với trước đây.

Nguyên nén tiếng thở dài nhìn ra cửa:

- Không sao, em chỉ muốn tìm lại một kỷ niệm của ngày xưa, nhưng mà mọi thứ qua rồi, em hiểu mà.

"Qua rồi", đó là Nguyên nghĩ vậy thôi. Tình cảm của tôi với Nguyên là chân thành, phải đâu là qua đường vui chơi. Làm sao tôi quên được hình ảnh Nguyên trước đây. Tôi đã cố gắng để mình xứng đáng với hình ảnh đó, nhưng cuộc sống nhiều lối đi quá. Tôi không chạy kịp về phía em đi.

- Cô ấy lãng mạn quá nên hay làm khổ mình, tôi cũng buồn vì chẳng chia sẻ với vợ mình được cái thế giới riêng của cô ấy.

Nguyên nắm tay chồng đặt lên tay con gái dịu dàng:

- Nhưng anh chia sẻ với em rất nhiều điều khác, em cần điều ấy, anh biết không?

Cuối buổi, tôi tiễn hai vợ chồng Nguyên lên taxi, cùng hẹn lên Sài Gòn liên lạc, nhưng nhìn mắt nhau cũng biết làm vậy sẽ chỉ khơi thêm nỗi buồn.

- Anh mừng vì Nguyên đã có một nơi rất bình an, chỉ điều đó cũng làm anh yên lòng rồi. Anh sẽ tìm tặng Nguyên một bức tranh vẽ những bông hồng trong thung lũng, được không?

Nguyên khẽ gật đầu bước vào xe. Bé Tường Vi theo lời ba đưa tay bye bye tôi. Xe chạy, trái tim của tôi bật khóc. Cuối cùng thì em cũng đã kiêu sa như nhiều phụ nữ khác. Phụ nữ dẫu có cá tính, mạnh mẽ đến thế nào suy cho cùng cũng chỉ muốn mình được bé nhỏ trong một vòng tay mạnh mẽ, chở che. Vậy mà ngày xưa tôi không hiểu ra điều ấy.

Những bông hồng trong thung lũng ngày nào bây giờ chỉ còn là quá khứ. Tôi đã trưởng thành thật sự, điều đó chắc sẽ làm em hạnh phúc hơn ngày em đứng giữa vườn hồng trong thung, phải không Nguyên ơi?

Q.T.K

– Hết –


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét