Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

NAN KY THI GIAI THICH CHO CON GAI TOI TAHAR BEN JELLOUN.html

NẠN KỲ THỊ GIẢI THÍCH CHO CON GÁI TÔI


Thân tặng Mérième


Le racisme expliqué à ma fille


Tác giả: Tahar Ben Jelloun


Nhà xuất bản: Les Éditions du Seuil


Người dịch: An Nguyễn



haian14_5@convert*prc



Dẫn nhập:

Ngày 22-02-1997, khi đi biểu tình để chống dự luật Debré về nhập cảnh và ngụ cư của người nước ngoài trên đất Pháp mà tôi có ý định viết về quyển sách này. Cô con gái tôi mới mười tuổi đã đặt cho tôi rất nhiều câu hỏi. Cháu muốn biết tại sao phải đi biểu tình, mấy khẩu hiệu đó có nghĩa là gì, mấy biểu ngữ này dùng để làm gì khi xuống đường, vv.

Vì lý do đó mà chúng tôi nói về nạn kỳ thị. Nhớ lại các câu hỏi và các suy nghĩ của cháu, tôi soạn một bản văn. Lúc đầu chúng tôi cùng đọc chung với nhau, sau đó thì tôi phải viết lại hoàn toàn. Tôi thay đổi các chữ cầu kỳ và giải thích những khái niệm khó hiểu. Tôi đọc lại cho cháu và hai cô bạn của cháu nghe. Phản ứng của chúng rất thích thú. Tôi ghi lại và sau đó viết lại.

Bản văn này viết đi viết lại không dưới mười lăm lần. Cần phải trong sáng, đơn giản, khách quan. Tôi muốn ai đọc cũng hiểu dù tôi ưu tiên viết cho những em từ tám đến mười bốn tuổi. Cha mẹ các em cũng có thể đọc được.

Tôi đi từ nguyên tắc cuộc chiến chống kỳ thị phải bắt đầu từ giáo dục. Người ta có thể giáo dục trẻ con nhưng không giáo dục được người lớn. Vì thế bản văn này được nghĩ ra và viết trong chiều hướng giáo dục.

Tôi xin cám ơn các bạn đã đọc lại bản văn và ghi lại nhận xét cho tôi. Tôi cũng cám ơn các bạn của Mérième đã góp phần soạn thảo những câu hỏi.



- Ba, ba nói đi, thế nào là nạn kỳ thị?

- Kỳ thị là một lối cư xử khá phổ biến, chung chung trong tất cả mọi xã hội, than ôi, nó trở nên thường trong một vài xứ bởi vì người ta không ý thức điều này. Từ ngờ vực đến khinh bỉ những người có diện mạo bề ngoài, có văn hóa khác chúng ta.

Khi ba nói "chung chung", ba muốn nói là bình thường?

Không. Không phải vì đối xử thông thường mà nó bình thường. Chung chung, con người có khuynh hướng ngờ vực ai đó khác mình, một người lạ chẳng hạn; đó là lối đối xử xưa như trái đất của con người; nó phổ biến. Nó xảy ra cho tất cả mọi người.

Nếu nó xảy ra cho tất cả mọi người thì con cũng có thể là người kỳ thị!

- Trước hết, bản chất tự nhiên của trẻ con là không kỳ thị. Một em bé sinh ra chưa biết kỳ thị. Nếu cha mẹ và người thân không đặt trong đầu chúng các ý tưởng kỳ thị thì nó không có lý do gì để trở thành kỳ thị. Ví dụ nếu người ta làm cho con tin rằng người có nước da trắng thì hơn người có nước da đen, nếu con xem trọng lời khẳng định này thì có thể con sẽ có một cách đối xử kỳ thị với người có nước da đen.

Thế nào là hơn?

- Ví dụ nghĩ rằng người có nước da trắng thì thông minh hơn người có một làn da khác như đen hoặc vàng. Nói một cách khác, các nét về thể lý làm người này khác người kia thì không can dự đến bất cứ một bất bình đẳng nào.

Ba nghĩ con có trở nên kỳ thị không?

- Trở nên, có thể lắm; tất cả tùy vào giáo dục con nhận được. Tốt hơn là phải biết nó để ngăn mình đừng kỳ thị, nói cách khác là chấp nhận mọi trẻ em hay mọi người lớn có thể, một ngày nào đó, có suy nghĩ và đối xử hất hủi với một người mà người này chẳng làm gì mình hết nhưng chỉ vì họ khác mình. Điều này thường hay xảy ra. Mỗi người trong chúng ta, một ngày nào đó, có một hành vi xấu, một suy nghĩ xấu. Mình bực mình vì một người không quen thuộc, mình nghĩ mình hơn họ, mình có cảm tưởng mình hơn hoặc thua họ, mình hất hủi họ, không muốn họ là hàng xóm, lại càng không muốn kết bạn với họ, đơn giản vì họ khác mình.

Khác?

Khác là ngược với giống, một cái gì y hệt. Cái khác đầu tiên là khác giới tính. Người đàn ông cảm thấy mình khác người đàn bà và ngược lại. Khi có sự khác biệt này, thì chung chung là có lôi cuốn.

Mặt khác, người mà mình gọi cái "khác" thì họ có một màu da, ngôn ngữ, phong tục, tôn giáo, lối sống, thức ăn, cách thức mừng lễ, vv… khác với chúng ta. Khác qua sắc vóc (cao thấp, màu da, nét mặt…), qua cách đối xử, não trạng, tín ngưỡng…

Như thế kỳ thị là không thích ai có ngôn ngữ, thức ăn, màu sắc khác mình?

- Không, không hẳn như vậy; một người kỳ thị có thể thích và học một ngôn ngữ khác bởi vì họ cần để làm việc hoặc để giải trí nhưng họ có thể có một phê phán tiêu cực và bất công đối với các dân tộc nói thứ tiếng này, giống như trường hợp họ từ chối không cho một sinh viên Việt Nam thuê phòng chẳng hạn nhưng lại thích đi ăn tiệm ăn Việt Nam. Người kỳ thị là người nghĩ những ai quá khác mình có nguy cơ làm mất yên tỉnh của mình.

Chính người kỳ thị là người có thể cảm thấy mình bị đe dọa?

- Đúng, bởi vì họ sợ người không giống họ. Người kỳ thị là người đau khổ vì mặc cảm tự ti hay tự tôn. Hai thái độ này đều giống nhau vì trong trường hợp này hay trường hợp kia, lối đối xử của họ là khinh bỉ.

Họ sợ?

- Con người lúc nào cũng cần được bảo đảm, không thích có quá nhiều nguy cơ làm đảo lộn những điều mình tin tưởng, có khuynh hướng khinh thường những gì mới. Thường thường, con người sợ những gì mình chưa biết. Sợ ở trong bóng tối, vì mình không biết cái gì sẽ xảy ra khi đèn tắt. Đứng trước người lạ, mình có cảm tưởng mình không có gì để đề phòng. Mình tưởng tượng những chuyện khủng khiếp. Không lý do. Điều này không hợp lý. Đôi khi, chẳng có gì để biện minh cho nỗi sợ nhưng mình vẫn sợ. Mình lý luận đủ chuyện, cứ phản ứng như có đe dọa thật sự. Kỳ thị không phải là cái gì đúng hay có lý.

Ba, nếu người kỳ thị là một người sợ sệt, người cầm đầu một đảng không thích các người nước ngoài thì lúc nào họ cũng phải sợ. Dù vậy, mỗi lần con nhìn họ trên truyền hình, con lại sợ! Họ hét, họ đe dọa báo chí, họ đập bàn.

- Đúng, nhưng người đứng đầu đảng mà con nói là một chính trị gia nổi tiếng vì tính hung hăng của ông. Tính kỳ thị của ông diễn tả một cách hung bạo. Ông nói những điều sai với những người không được thông tin đầy đủ để họ sợ. Ông khai thác cái sợ, đôi khi có thật, trong lòng người khác. Chẳng hạn, ông nói những người di dân đến Pháp để dành công việc của người Pháp, ăn trợ cấp xã hội, chữa bệnh miễn phí. Không đúng. Những người di dân thường làm các công việc mà người Pháp không thích làm. Họ trả thuế, họ đóng bảo hiểm xã hội; họ có quyền được săn sóc khi bệnh. Nếu ngày mai, người ta tống khứ hết tất cả di dân ra khỏi nước Pháp thì nền kinh tế của nước Pháp sẽ sụp đổ.

Con hiểu. Người kỳ thị sợ không có lý do.

- Họ sợ người lạ, người họ không biết, nhất là người lạ này nghèo hơn họ. Họ khinh người thợ Phi châu, họ không khinh người tỷ phú Mỹ. Hơn nữa khi một tiểu vương Ả-rập đi nghỉ hè ở miền biển Pháp thì mọi người mở rộng tay đón tiếp, họ đón tiếp không phải người Ả-rập nhưng đón tiếp người giàu đến tiêu tiền ở xứ họ.

Người lạ là người như thế nào?

- Chữ lạ tiếng Pháp là "étranger" có nguồn gốc từ chữ "étrange" có nghĩa là ở ngoài, bên ngoài. Là người đến từ một xứ khác, gần hoặc xa, đôi khi từ một tỉnh khác hay một làng khác. Chữ này đưa đến chữ "bài ngoại", có nghĩa là kinh sợ người lạ. Ngày nay chữ "lạ" ám chỉ một cái gì đó phi thường, rất khác với cái mình thường thấy. Nó đồng nghĩa với chữ "kỳ cục."

Khi con đến Normandie thăm bạn con, con có là người lạ không?

Chắc chắn đối với cư dân trong vùng con là người lạ, vì con ở Paris đến và con là người Ma-rốc. Con còn nhớ khi mình đi thăm nước Sénégal ở Phi Châu không? Mình là người lạ đối với người Sénégal.

Nhưng người Sénégal không sợ con mà con cũng không sợ họ!

- Đúng, vì ba mẹ đã giải thích cho con là con không được sợ người lạ dù họ giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ, trắng hay đen. Con đừng quên chuyện này! Mình lúc nào cũng lạ đối với một ai đó, có nghĩa là mình luôn luôn bị xem như một người lạ bởi người không có cùng văn hóa với mình.

Ba, giải thích cho con hiểu vì sao nạn kỳ thị có mặt gần như khắp nơi.

- Trong các xã hội rất xưa, các xã hội sơ khai, con người có lối đối xử như con vật. Lấy ví dụ con mèo, khi nó ở chỗ nào, nó bắt đầu khoanh vùng của nó. Nếu có một con mèo khác hay một con vật khác định ăn căp thức ăn hoặc đụng đến con của nó thì nó sẽ dùng hết nanh vuốt để chống cự và bảo vệ con của nó. Con người cũng như vậy. Con người thích nhà, đất, của cải của mình và chiến đấu để giữ nó. Điều đó bình thường. Người kỳ thị cho rằng người lạ, dù là người nào đi chăng nữa sẽ lấy hết của cải của họ. Vậy là chẳng cần suy nghĩ, gần như do bản năng tự nhiên, họ khinh thường. Nhưng đôi khi họ cũng tấn công người lạ dù người này không có ý định cướp cái gì hết.

Và ba thấy nó thường có trong tất cả các xã hội?

- Thường, khá phổ biến, đúng; nhưng bình thường thì không. Từ rất lâu, con người đã phản ứng như vậy. Con người phản ứng theo bản tính tự nhiên và theo văn hóa nhận được. Nói cách khác, có cách đối xử theo bản năng, không suy nghĩ, không lý luận và có cách đối xử có suy nghĩ của những người có giáo dục, có đến trường, có lý luận. Và đó là "văn hóa" ngược với "tự nhiên." Với văn hóa, người ta học để cùng sống chung với nhau; và nhất là học để biết mình không phải là những người duy nhất trên đời này, còn có những dân tộc khác với những truyền thống khác, cách sống khác và tất cả đều có giá trị giống như giá trị của chúng ta.

Nếu ba nói văn hóa là nhờ giáo dục thì những gì mình học cũng có thể dẫn đến kỳ thị…

- Khi sinh ra mình chưa là người kỳ thị, sau này mình mới thành người kỳ thị. Có giáo dục tốt mà cũng có giáo dục xấu. Tất cả tùy thuộc vào người dạy, ở trường cũng như ở nhà.

Vậy thì con vật không nhận một giáo dục nào lại tốt hơn con người!

- Con vật không có một cảm nhận nào đã được cài sẵn vào nó. ngược lại, con người có cái người ta gọi là thành kiến. Nó phán đoán người khác trước khi biết họ. Nó tưởng là nó đã biết trước người kia là người như thế nào, giá trị của họ như thế nào. Thường thường là nó lầm. Và từ đó nó sợ. Và để chiến đấu với cái sợ của mình mà đôi khi đưa dẫn con người làm chiến tranh. Con biết, khi ba nói sợ thì không phải là run rẩy; ngược lại, nỗi sợ khiêu khích tính hung hăng; nó có cảm tưởng bị đe dọa và nó tấn công. Người kỳ thị là người hung hăng.

Vậy vì kỳ thị mà có chiến tranh?

- Chắc chắn, đúng. Thực chất là họ muốn lấy của cải của người khác. Họ dùng kỳ thị hoặc tôn giáo để đẩy con người đến chỗ thù hận, đến tự ghét mình mà mình không biết. Sợ người lạ, sợ họ đến lấy nhà của mình, việc của mình, vợ của mình. Chính sự không hiểu biết làm mồi thêm cho cái sợ. Tôi không biết người lạ là ai và người lạ cũng không biết tôi là ai. Lấy ví dụ các người hàng xóm của mình. Từ lâu họ nghi ngờ mình, cho tới ngày mình mời họ ăn cơm thì lúc đó họ mới thấy mình giống họ. Dưới mắt họ, mình không còn nguy hiểm dù mình xuất thân từ Ma-rốc, một nước khác nước của họ. Khi mời họ ăn, chúng ta xóa đi lòng ngờ vực nơi họ. Cùng nói chuyện với nhau, mình biết nhau hơn, mình cười với nhau, có nghĩa là mình thoải mái với nhau trong khi trước đó, gặp nhau ở cầu thang mình cũng không chào nhau.

Như thế để chiến đấu chống nạn kỳ thị mình phải mời người khác!

- Cũng là một ý kiến hay. Học để biết nhau, nói chuyện với nhau, cười với nhau; cùng chia niềm vui nỗi buồn với nhau, cho thấy mình cũng có những quan tâm, những vấn đề giống nhau, làm như vậy mình sẽ đẩy lui được nạn kỳ thị.

Du lịch cũng là một phương tiện tốt để tìm hiểu người khác. Triết gia Montaigne (1533-1592) từng thúc đẩy đồng hương của ông đi du lịch để quan sách các khác biệt. Theo ông, du lịch là phương tiện tốt nhất để "cọ xát và mài giũa bộ óc của mình với bộ óc của người khác." Biết người khác để hiểu mình hơn.

Nạn kỳ thị lúc nào cũng có phải không?

- Đúng, từ khi có con người, dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy theo từng thời. Từ thời xa xưa, thời tiền sử, thời mà một tiểu thuyết gia gọi là thời "chiến tranh của lửa", con người dùng các vũ khí thô sơ để đánh nhau, dùng gậy ngắn để dành một miếng đất, một túp lều, một người đàn bà, vài món thức ăn… Lúc đó họ củng cố các biên giới, mài vũ khí, họ sợ bị xâm lăng. Con người lúc nào cũng bị ám ảnh bởi an ninh của mình, đôi khi vì thế mà sợ người hàng xóm, người lạ.

Nạn kỳ thị là chiến tranh?

- Có nhiều nguyên nhân gây chiến tranh khác nhau, thường là do kinh tế. Nhưng có những cuộc chiến gây ra do người chủ chiến nghĩ mình cao hơn người kia. Người ta có thể vượt lên khía cạnh có tính cách bản năng này bằng lý luận và bằng giáo dục. Để thực hiện được, phải dứt khoát không sợ người hàng xóm, không sợ người lạ.

Vậy mình phải làm gì?

- Học. Giáo dục. Suy nghĩ. Tìm tòi để hiểu mọi chuyện, phải có óc hiếu kỳ tìm hiểu những gì liên hệ đến con người, kiềm chế các bản năng sơ khai, các xung động…

Xung động là gì?

- Đó là hành vi thúc đẩy, hướng về một mục đích mà không suy nghĩ. Tiếng Pháp chữ xung động là "pulsion", chữ này đưa đến chữ "répulsion" có nghĩa là ghê tởm, một hành động cụ thể để đuổi kẻ thù, đuổi ai đi chỗ khác. Ghê tởm là gớm, diễn tả một cảm nhận rất tiêu cực.

Người kỳ thị là người đẩy người lạ đi chỗ khác vì họ ghê tởm người này?

- Đúng, ngay cả khi không bị đe dọa họ cũng đuổi người ta, đơn giản chỉ vì họ không thích và để biện minh cho hành động thô bạo này, họ viện ra đủ lý lẽ để nói. Đôi khi họ viện đến khoa học nhưng khoa học không bao giờ biện minh gì được cho nạn kỳ thị. Họ nói bất cứ gì vì họ nghĩ khoa học cung cấp cho họ các bằng chứng vững chãi và chứng cứ không chối cãi được. Nạn kỳ thị không có nền tảng khoa học dù con người cố gắng dùng khoa học để biện minh cho nạn kỳ thị chủng tộc.

Kỳ thị chủng tộc là gì?

- Là chia một nhóm người hay một sắc dân ra khỏi xã hội, đối xử tệ với họ. Ví dụ chẳng hạn trong trường học, ban quản trị quyết định chia tất cả trẻ em đen ra một lớp riêng vì cho rằng các em này không thông minh bằng các em khác. May thay, loại kỳ thị này không xảy ra ở các trường học Pháp. Nó từng xảy ra ở Mỹ và ở Nam Phi. Khi người ta buộc một cộng đồng, một sắc dân thiểu số hay tôn giáo phải tụ nhau lại để sống biệt lập khỏi dân chúng, người ta tạo ra cái gọi là getto, khu biệt lập.

Như nhà tù?

- Chữ "gettô" là tên của một hòn đảo đối diện với thành phố Venise ở Ý. Năm 1516, những người Do Thái ở Venise bị đẩy ra hòn đảo này sống, xa với các cộng đồng khác. Gettô là một loại nhà tù. Dù sao, đó là nạn kỳ thị chủng tộc.

Đâu là bằng chứng khoa học cho nạn kỳ thị?

- Không có, nhưng người kỳ thị tin hoặc làm cho người khác tin người lạ thuộc về một chủng tộc khác, một chủng tộc thấp kém. Họ hoàn toàn sai, chỉ có một chủng tộc mà thôi, đó là chủng tộc nhân loại để phân biệt với chủng tộc súc vật. Nơi súc vật, có rất nhiều khác biệt về loài. Loài nhai lại, loài răng nanh. Trong loài răng nanh lại có những khác biệt rất lớn, ví dụ sự khác biệt giữa một con chó bẹc-giê Đức và một con chó kiểng lớn đến mức mình khó phân biệt chủng của nó. Nhưng nhân loại thì không phân biệt như vậy, bởi vì người này bình đẳng với người kia.

Nhưng, ba này, ở trường người ta hay nói người này da trắng, người kia da đen, người nọ da vàng. Hôm kia cô giáo còn nói với tụi con là Abdou từ Mali đến là người da Đen.

- Nếu cô giáo con nói như vậy thì cô giáo lầm rồi. Ba rất buồn mà nói với con như vậy vì ba biết con thương cô nhiều nhưng cô đã nói sai và ba nghĩ chính cô cũng không biết cô sai.

Con nghe ba kỹ đây: con người không có các chủng tộc. Chỉ có một chủng tộc là chủng tộc loài người, gồm đàn ông đàn bà, màu da khác nhau, cao thấp lớn bé với các thái độ khác nhau và đa dạng. Chữ "chủng tộc" không nên dùng để chỉ nét đa dạng của nhân loại. Nó được dùng để nói quá lên về các nét khác nhau bên ngoài, về mặt thể lý. Người ta không có quyền dựa trên khác biệt về thể lý – màu da, sắc vóc, khuôn mặt – để phân chia nhân loại theo đẳng cấp, có nghĩa là xem có người cao hơn người khác và xếp những người khác này ở một đẳng cấp thấp hơn. Nói cách khác người ta không được quyền tin và nhất là làm cho người khác tin vì họ có màu da trắng nên họ có các phẩm chất trội hơn người có da màu.

Ba đề nghị con đừng dùng chữ "chủng tộc" nữa. Đã có rất nhiều người ác ý khai thác chữ này, tốt hơn nên thay thế nó bằng cụm từ "loài người." Như thế loài người gồm các nhóm đa dạng và khác nhau. Nhưng tất cả đàn ông đàn bà trên hành tinh này đều có cùng một màu máu trong mạch máu dù họ có là da trắng, da vàng, da đen, da nâu hay da màu khác.

Tại sao người Phi châu da đen và người Âu châu da trắng?

- Màu da là do một sắc tố có tên là mê-la-ni. Ai cũng có sắc tố này. Nhưng người Phi châu sản xuất sắc tố này nhiều hơn người Âu châu hay Á châu.

Vậy bạn Abdou của con chế tạo nhiều sắc tố…

- Mê-la-ni giống như một chất nhuộm màu.

Vậy Abdou chế tạo sắc tố nhiều hơn con. Con biết máu của ai cũng màu đỏ nhưng khi mẹ cần máu thì bác sĩ nói ba không có cùng nhóm máu với mẹ.

- Đúng, có nhiều nhóm máu: nhóm A, B, O và AB. Nhóm O là nhóm có thể cho tất cả nhóm khác máu của mình. Nhóm AB là nhóm có thể nhận máu của tất cả các nhóm khác. Nhưng như thế không phải là chuyện nhóm này hơn nhóm kia.

Khác biệt nhau nằm ở vấn đề văn hóa (ngôn ngữ, phong tục, tập tục, ẩm thực vv…) Con nhớ không, Cô Tâm, người bạn Việt Nam của mẹ đã cho mẹ máu trong khi mẹ là người Ma-rốc. Hai người có cùng nhóm máu, mặc dù hai người không cùng màu da và có văn hóa rất khác nhau.

Vậy nếu ngày nào bạn Abdou cần máu, con có thể cho?

- Nếu hai đứa con có cùng nhóm máu.

Thế nào là một người kỳ thị?

- Người kỳ thị là người cho rằng mình không có cùng màu da, cùng ngôn ngữ, cùng cách tổ chức lễ, tự nghĩ mình tốt hơn, cao hơn người khác với mình. Họ còn khăng khăng cho rằng có nhiều chủng tộc và tự nhủ: "Chủng tộc của mình đẹp và quý phái; các chủng tộc khác xấu và như súc vật."

Có giống dân nào tốt hơn không?

- Không. Các sử gia từ thế kỷ 18 đến 19 đã cố thử để chứng minh giống dân da trắng tốt hơn giống dân da đen về mặt thể lý và tinh thần. Vào thời đó họ nghĩ nhân loại chia ra làm nhiều giống. Sử gia Ernest Renan (1823-1892) chỉ định các nhóm một thuộc "chủng tộc thấp kém" là: Người da Đen ở Phi châu, dân thiểu số ở Úc và người In-điên ở Mỹ. Theo ông, "người da Đen đối với loài người thì giống lừa đối với ngựa", có nghĩa là "một người thiếu thông minh và sắc đẹp!" Nhưng, một bác sĩ chuyên gia máu nói "trong thế giới loài vật, các giống tinh tuyền chỉ tồn tại ở dạng thử nghiệm trong phòng thí nghiệm như những con chuột chẳng hạn." Ông nói thêm "có bao nhiêu khác biệt văn hóa xã hội giữa một người Trung Hoa, Mali và Pháp thì có bấy nhiêu dạng di truyền khác nhau."

Các khác biệt văn hóa xã hội là gì?

- Các khác biệt văn hóa xã hội làm phân biệt nhóm người này với nhóm người khác qua cách họ tổ chức cuộc sống xã hội (con đừng quên là mỗi nhóm có phong tục và truyền thống khác nhau) và họ tạo ra các dạng văn hóa khác nhau – nhạc của người Phi châu thì khác nhạc của người Âu châu. Văn hóa của nhóm này khác văn hóa của nhóm kia. Cũng vậy với cách sống, cách tổ chức đám cưới, tổ chức lễ vv…

Di truyền là gì?

- Chữ "di truyền" để chỉ định các gien, gien là các yếu tố có trách nhiệm di truyền trong cơ thể. Một gien là một đơn vị di truyền. Con biết thừa kế là gì không? Là những gì cha mẹ truyền cho con cái: chẳng hạn các nét về thể lý và tâm hệ. Con cái giống cha mẹ về hình thức và có vài nét tính tình của cha mẹ gọi là thừa kế.

Như vậy chúng ta khác nhau vì giáo dục nhiều hơn là gien?

- Dù sao thì chúng ta người này người kia cũng khác nhau. Một cách đơn giản, vài người trong chúng ta có những nét thừa kế giống nhau. Chung chung. Họ nhóm lại thành một nhóm. Tạo thành một dân tộc khác nhau qua lối sống. Có nhiều nhóm người phân biệt nhau bằng màu da, bằng hệ thống lông, bằng các nét trên mặt và cũng bằng văn hóa.

Đứa con của các cuộc hôn nhân trộn lẫn gọi là "lai." Chung chung con lai rất đẹp. Chính sự pha trộn làm cho đẹp và là thành trì chống nạn kỳ thị.

Nếu tất cả ai cũng khác nhau thì không ai giống ai...

- Mỗi người là một cá thể duy nhất. Trên khắp thế giới, không có hai người nào tuyệt đối giống nhau. Dù sinh đôi nhưng họ cũng khác nhau. Nét đặc thù của mỗi người là bản sắc mà chỉ chính mình mới xác định được. Nó đặc biệt, có nghĩa là không thay thế được. Chắc chắn người ta có thể thay thế một chức năng nhưng tái sản xuất lại y hệt thì không thể được. Mỗi người chúng ta có thể nói: "tôi không giống như những người khác", và họ có lý. Nói: "tôi là người độc nhất" không có nghĩa là "tốt nhất". Chỉ đơn giản xác nhận mỗi con người là một cá thể đặc biệt. Nói cách khác, mỗi khuôn mặt là một điều thần diệu, độc nhất và không bắt chước được.

Con cũng vậy?

- Chắc chắn. Con độc nhất, cũng như Abdou độc nhất, Céline độc nhất. Trên quả đất này không có hai dấu tay nào giống nhau y hệt. Mỗi ngón tay có dấu riêng. Chính vì vậy trong các phim trinh thám, người ta lấy dấu tay trên các đồ vật để lại ở hiện trường để tìm thủ phạm.

Nhưng ba này, trên truyền hình ký rồi có phóng sự chiếu người ta chế tạo con cừu qua hai phiên bản.

- Con muốn nói đến chuyện sinh sản vô tính, tái sản xuất với rất nhiều ấn bản. Sản xuất đồ vật thì được, máy sẽ sản xuất cùng độ vật, cái nào cái đó giống nhau y hệt. Nhưng người ta không được làm trên súc vật và nhất là trên con người.

Ba có lý, con không thích có hai Céline trong lớp con. Một là đủ.

- Con biết đó, nếu mình quyết định sản xuất con người như mình sao chụp, mình sẽ kiểm soát được thế giới, mình sẽ quyết định giữ giống này hoặc loại bỏ giống kia. Thật khủng khiếp.

Con sợ… Dù cho đó là cô bạn thân nhất của con, con cũng không muốn có hai.

- Và rồi nếu người ta cho phép sinh sản vô tính, những người nguy hiểm có thể lợi dụng, chẳng hạn họ nắm quyền lực và đè bẹp người khác. May thay, con người là cá thể duy nhất và không tái sản xuất lại y hệt. Bởi vì mình không giống người hàng xóm, cũng không giống với người anh em sinh đôi, bởi vì chúng ta ai cũng khác nhau nên có thể nói và xác nhận "phong phú nằm trong khác biệt."

Nếu con hiểu đúng, người kỳ thị là người sợ người lạ vì họ không biết, họ nghĩ có nhiều giống và xem giống của họ là tốt nhất?

- Đúng rồi con. Nhưng không phải như vậy là đủ. Con quên bạo lực và ý chí của họ là muốn đi thống trị người khác.

Người kỳ thị là người lầm lạc.

- Những người kỳ thị tin chắc là nhóm của họ – có thể là tôn giáo, xứ sở, ngôn ngữ hoặc tất cả những chuyện này gộp lại – là cao hơn nhóm trước mặt.

Làm sao họ nghĩ họ cao hơn người khác?

- Họ tin và làm cho người khác tin là có những bất bình đẳng tự nhiên theo thứ trật thể lý – diện mạo bề ngoài, hoặc theo thứ trật văn hóa nên họ có cảm tưởng cao hơn người khác. Vì thế có người dựa vào tôn giáo để biện minh cho cách đối xử và tình cảm của họ. Phải nói là mỗi tôn giáo nghĩ mình là tôn giáo tốt nhất cho mọi người và có khuynh hướng cho rằng những người không theo tôn giáo mình là đi sai đường.

Ba nói các tôn giáo là kỳ thị?

- Không, không phải các tôn giáo kỳ thị nhưng đôi khi do con người làm và họ nuôi lòng kỳ thị.

Năm 1095, giáo hoàng Urbain II kêu gọi bắt đầu từ thành phố Clermont-Ferrand một cuộc chiến chống người Hồi giáo vì xem họ là những người không trung thành. Hàng ngàn người công giáo đi đến các xứ Trung Đông để tàn sát người Ả-rập và người Thổ. Cuộc chiến nhân danh Chúa này được gọi là "thập tự chiến."

"Giữa thế kỷ 11 và 15, viện các lý do tôn giáo, người công giáo ở Tây Ban Nha đã trục xuất người Hồi giáo và người Do Thái.

"Và cũng có vài người dựa trên sách thánh để biện minh cho khuynh hướng tự cho mình cao hơn người khác. Các cuộc chiến tranh tôn giáo thường hay xảy ra.

Nhưng hôm nọ ba nói kinh Coran chống kỳ thị.

- Đúng kinh Coran cũng như sách Thora hay Kinh Thánh; tất cả sách thánh đều chống kỳ thị. Kinh Coran nói mọi người bình đẳng trước mặt Chúa và họ chỉ khác nhau qua lòng tin sâu đậm của họ. Trong kinh Thora có viết: "… nếu có người lạ đến ở nhà con, con không được hành hạ họ, đối với con, họ là một trong những người đồng hương của con… và con thương họ như chính con vậy." Kinh Thánh còn nhấn mạnh phải tôn trọng người anh em, có nghĩa là anh em mình hay người lạ. Trong Tân Ước có nói: "Những gì cha đòi hỏi là các con hãy thương yêu nhau" và "Con yêu người anh em như chính mình vậy." Tất cả mọi tôn giáo đều dạy con người giữ hòa bình với nhau.

Và nếu mình không tin ở Chúa? Con hỏi vậy vì thỉnh thoảng con tự hỏi không biết có thiên đàng, hỏa ngục không… 

- Nếu mình không có lòng tin thì dưới mắt các tu sĩ, mình chướng mắt họ, rất chướng mắt; với những người cuồng tín, họ nhìn mình như kẻ thù.

Hôm nọ trên truyền hình, khi có các cuộc mưu sát, một ký giả kết tội Hồi giáo. Theo ba đó là một ký giả kỳ thị không?

- Không, ông không kỳ thị, ông không biết và không giỏi. Ký giả đó lẫn lộn Hồi giáo với chính trị. Chính các chính trị gia dùng Hồi giáo trong các cuộc chiến đấu của họ. Người ta gọi đó là những người toàn nguyên cực đoan.

Đó là những người kỳ thị?

- Những người toàn nguyên cực đoan là những người cuồng tín. Người cuồng tín là người nghĩ họ là người duy nhất nắm Chân Lý. Thường thường, cuồng tín và tôn giáo đi chung với nhau. Những người toàn nguyên cực đoan có ở trong tất cả mọi tôn giáo. Họ tin họ được thần khởi. Họ mù quáng và cuồng nhiệt, muốn áp đặt lòng tin của họ lên người khác. Họ rất nguy hiểm vì họ không coi trọng mạng sống người khác. Nhân danh Thượng Đế, họ sẵn sàng giết và ngay cả chết; rất nhiều người bị người lãnh đạo của họ lèo lái. Đương nhiên họ là những người kỳ thị.

Giống như những người bầu cho đảng cực hữu của ông Le Pen?

- Ông Le Pen điều khiển một đảng chính trị dựa trên kỳ thị, có nghĩa là ghét người lạ, người di dân, người Hồi giáo, người Do thái vv…

Đó là đảng của hận thù.

- Đúng. Nhưng tất cả những ai bầu cho Le Pen không nhất thiết là những người kỳ thị… Ba vẫn tự hỏi… Nếu không, sẽ có bốn triệu người kỳ thị ở Pháp! Quá nhiều! Người ta đánh lừa họ; hoặc họ không muốn thấy thực tế. Một vài người bầu cho ông Le Pen là họ muốn biểu lộ một sự nổi loạn nhưng họ dùng sai phương tiện.

Ba, làm sao để dân chúng không còn kỳ thị?

- Đại tướng de Gaulle đã nói, đó là "cả một chương trình rộng lớn"! Gieo hận thù thì dễ hơn là gieo tình yêu. Khinh người, không yêu thương người mình không quen biết thì dễ hơn là yêu thương họ. Luôn luôn cái khuynh hướng bộc phát, cái xung động quen thuộc như ba vừa nói hồi nãy là để diễn tả sự từ chối, ruồng bỏ.

- Thế nào là từ chối, ruồng bỏ?

- Đó là đóng mọi cánh cửa. Nếu người lạ gõ cửa, mình không mở. Nếu người ta van nài, mình mở cửa nhưng không cho vào; có nghĩa là tốt hơn họ nên đi chỗ khác, mình đuổi họ.

Như thế sẽ gây hận thù?

- Đó là ngờ vực tự nhiên mà một vài người đối xử với người khác. Hận thù là một cảm xúc nặng hơn, sâu hơn bởi vì nó đi ngược với tình yêu.

Con không hiểu ba nói tình yêu nào ở đây?

- Tình yêu đối với chính mình.

Vậy sao? Có những người không thương chính mình sao?

- Khi mình không thương mình thì mình không thương được ai. Nó giống như một căn bệnh. Đó là sự khốn cùng. Thường thường, người kỳ thị thương họ lắm, thương đến nỗi mà không còn chỗ cho người khác. Từ đó phát sinh tính ích kỷ.

Vậy, người kỳ thị là người không thương ai hết và họ ích kỷ. Họ phải rất khổ. Đó là địa ngục.

- Đúng, nạn kỳ thị là địa ngục.

Hôm kia khi ba nói chuyện với chú, ba nói: "Địa ngục là tại người khác." Câu đó có nghĩa là gì?

- Câu này không dính gì đến kỳ thị. Đó là thành ngữ dùng khi người ta bắt buộc phải chịu đựng những người mà mình không muốn sống với họ.

Cũng giống như nạn kỳ thị.

- Không, không hẳn như vậy, bởi vì không phải mình phải yêu tất cả mọi người. Nếu có người, lấy ví dụ đứa em họ của con, nó vào phòng xé tập của con, nó phá phách không cho con chơi một mình, con đuổi nó ra khỏi phòng, như vậy không phải là kỳ thị. Ngược lại, nếu Abdou, bạn cùng lớp đến phòng con chơi, bạn đàng hoàng nhưng con đuổi ra khỏi phòng chỉ vì bạn da đen, thì lúc đó con kỳ thị. Con hiểu chứ?

Đúng, nhưng con chưa hiểu kỹ câu "địa ngục là tại người khác."

- Đó là câu đối đáp trích từ vở kịch Xử Kín – Huis Clos của triết gia Jean-Paul Sartre. Sau khi chết, ba nhân vật ở vĩnh viễn với nhau trong một căn phòng rất đẹp. Họ phải sống chung với nhau và không có một phương tiện nào để thoát ra. Và đó là địa ngục. Từ đó mới có thành ngữ "địa ngục là tại người khác."

Vậy đây không phải là kỳ thị. Con có quyền không thương tất cả mọi người. Nhưng làm sao mình biết lúc nào thì kỳ thị?

- Một người không thể nào tuyệt đối yêu tất cả mọi người được và nếu họ bắt buộc phải sống với những người họ không lựa chọn, họ sống trong địa ngục và thấy các khuyết điểm của mấy người kia, như vậy cũng gần với kỳ thị. Để biện minh cho sự ghê tởm của mình, người kỳ thị viện đến các nét ngoại hình; họ sẽ nói: tôi không chịu đựng người này vì họ có mũi quặp, người kia vì có tóc quắn, người nọ vì mắt một mí, vv… Đây là những gì người kỳ thị nghĩ trong tận sâu thẳm: "Dù có biết khuyết điểm hay đức tính cá nhân của họ, chỉ cần thấy họ thuộc về một cộng đồng nào đó là tôi vứt họ qua một bên." Họ dựa trên các nét ngoại hình hay tâm lý để biện minh cho việc vứt bỏ này.

Ba cho con vài ví dụ.

Họ sẽ nói người da Đen "khỏe mạnh nhưng lười biếng, tham ăn và không vệ sinh"; họ sẽ nói người Tàu "nhỏ con, ích kỷ và hung ác"; họ sẽ nói người Ả-rập "xảo quyệt, hung hăng và phản trắc" hay "làm như người Ả-rập" để chỉ một công việc làm cẩu thả; họ sẽ nói người Thổ là những người "mạnh và tàn nhẫn": họ sẽ thấy người Do Thái khó coi với các nét ngoại hình hoặc giá trị tinh thần xấu để biện minh cho các cuộc bức hại của họ… Ví dụ thì rất nhiều.

Người da Đen thì nói người da Trắng có mùi kỳ kỳ, người Á châu thì nói người da Đen hoang dã, vv. Con phải gạt ra khỏi đầu các thành ngữ "Cứng đầu như người Thổ", "làm việc như người Ả-rập", "cười khỉn như người Á châu", làm việc vất vả như mọi", vv… Đó là những lời chửi mắng thậm tệ cần phải đập tan.

Làm sao để đập tan?

- Trước hết phải học kính trọng. Kính trọng là điều thiết yếu. Thêm nữa, người ta không đòi mình phải thương họ nhưng đòi mình phải kính trọng họ trong nhân phẩm của họ. Kính trọng là tôn kính và chú tâm. Là biết lắng nghe.

Người lạ không đòi tình yêu và tình bạn, họ đòi được tôn trọng. Tình yêu và tình bạn có thể đến sau khi biết nhau nhiều hơn và mến nhau hơn. Nhưng khởi đầu, không được có bất cứ một phê phán nào trước. Nói cách khác là không được có thành kiến, mà kỳ thị lại phát triển qua các định kiến về dân tộc và văn hóa của họ.

Ba nói thêm các ví dụ khái quát hóa một cách ngu xuẩn: người Ê-cốt thì bủn xỉn, người Á châu thì xảo trá, người Bỉ thì ma lanh, người Du mục thì ăn cắp… Khái quát hóa như vậy thì ngốc thật và đó là nguồn gốc của sai lầm. Chính vì vậy mà không bao giờ con được nói: "Người Ả-rập thì thế này thế kia"; "người Pháp thì thế này thế nọ…" Người kỳ thị là người vơ đũa cả nắm. Nếu một người Ả-rập ăn cắp thì không được kết luận tất cả người Ả-rập ăn cắp. Tôn trọng người khác là bảo vệ công chính.

Nhưng mình có thể kể những câu chuyện về người Bỉ mà không bị cho là kỳ thị!

- Tại sao phải chế nhạo người khác, phải biết cười mình trước. Nếu không, mình không có tính hài hước. Hài hước là một sức mạnh.

Hài hước là cười?

- Có óc hài hước là biết cười đùa, không xem mọi chuyện là nghiêm trọng. Là trong mọi chuyện, kéo ra được một khía cạnh nào đó làm cho người ta cười hay thuận ý. Một nhà thơ nói: "Hài hước là tỏ ra lễ độ với thất vọng."

Mấy người kỳ thị có óc hài hước không?

- Không, mấy người kỳ thị không có óc hài hước; còn tính khí của họ, họ thường dữ dằn. Họ chỉ biết cười một cách hung dữ với người khác khi lôi những điểm xấu của người khác ra để nói, làm như họ không xấu vậy. Khi người kỳ thị cười là để tỏ cho thấy họ cao hơn; sự thật, họ chỉ chứng tỏ cái không hiểu biết, cái trình độ ngu xuẩn hay ý muốn đi hại người khác. Để nói về người khác, họ dùng những chữ ghê tởm, chưởi bới. Ví dụ nói về người Ả-rập, họ dùng những chữ như "chuột con", "mèo con"; người Nhật thì "mắt hí", "lùn", người da Đen thì "mọi"…

Khi người ta ngốc thì người ta kỳ thị?

- Không, nhưng khi người ta kỳ thị thì người ta ngốc.

Vậy con kết luận: kỳ thị là do: 1-sợ, 2-không biết, 3-ngu ngốc.

- Con có lý. Con cũng phải biết điều này: người ta cũng có thể hiểu biết và dùng hiểu biết này để biện minh cho kỳ thị. Cũng có thể dùng trí thông minh cho mục đích xấu; như vậy cũng không đơn giản.

Vậy sao?

- Đôi khi những người có giáo dục, có văn hóa nhưng sau một bất hạnh, chẳng hạn sau khi thất nghiệp thì họ nghĩ người lạ đến xứ mình làm cho mình thất nghiệp. Thật ra trong thâm tâm, họ biết người lạ chẳng làm gì hết nhưng họ cần đổ cơn giận lên người khác. Cái đó người ta gọi là dê tế thần.

Dê tế thần là gì hả ba?

- Ngày xưa, cộng đồng Do Thái chọn một con dê thả vào sa mạc để tượng trưng cho việc họ rủ bỏ các điều không trong sạch. Khi muốn đổ sai lầm của mình trên người khác thì họ chọn một con dê tế thần. Ở Pháp, các người kỳ thị làm cho dân chúng nghĩ rằng nếu có khủng hoảng kinh tế là do các người nước ngoài đến Pháp. Họ cáo buộc những người này lấy công ăn việc làm của người Pháp. Vì vậy đảng Mặt Trận Quốc Gia là một đảng kỳ thị, họ dán trên các bức tường các khẩu hiệu: "3 triệu người thất nghiệp = 3 triệu di dân dư." Con biết, có một trên năm người ở Pháp là người đến từ xứ khác!

Nhưng những người di dân cũng bị thất nghiệp vậy! Cha của Souad cũng không có việc từ hai năm nay. Ông tìm mà không có, đôi khi ông điện thoại đến xin việc, họ đồng ý nhưng khi đến trình diện thì họ nói quá trễ!

- Con có lý. Nhưng những người kỳ thị là những người nói dối. Họ nói bất cứ gì mà không đếm xỉa đến sự thật. Những gì họ muốn là đánh vào trí tưởng tượng quần chúng bằng các khẩu hiệu. Các nghiên cứu về kinh tế đã chứng minh phương trình "3 triệu người thất nghiệp = 3 triệu di dân dư" là hoàn toàn sai. Nhưng người nào đang khổ vì không có việc thì sẽ tin bất cứ chuyện gì ngu xuẩn để dịu cơn giận.

Kết tội người di dân thì cũng không đem việc làm đến cho mình!

- Đương nhiên là vậy, mình lại sợ người lạ, người mình đổ trên đầu họ đủ chuyện xấu. Đổ tội thì rất dễ. Người kỳ thị là người có ý xấu.

Ý xấu?

- Ba cho con một ví dụ: một em học sinh người nước ngoài có điểm xấu ở trường. Thay vì em giận vì mình không học kỹ thì em nói nếu em có điểm xấu là vì cô giáo kỳ thị.

Giống như Nadia em họ của con. Em bị cảnh cáo, em nói với cha mẹ là cô giáo không ưa người Ả-rập! Em nói quá, con biết em là học sinh không tốt.

- Đó là có ý xấu.

Nhưng Nadia không phải là người kỳ thị..

- Em dùng một lý lẽ sai để tránh trách nhiệm, cách dùng này giống mấy người kỳ thị.

Như vậy phải thêm ý xấu vào ba điểm trên: sợ, không hiểu biết, ngu xuẩn.

- Đúng. Nếu hôm nay ba giải thích cho con vì sao con người ta trở thành kỳ thị là vì đôi khi kỳ thị có những chiều kích rất bi thảm chứ không phải chỉ đơn giản là vấn đề ngờ vực, ghen tương đối với một cộng đồng. Trong quá khứ, người ta đã thấy cả một dân tộc nằm dưới quyền lực chi phối của nạn kỳ thị và bị hủy diệt.

Thế nào là hủy diệt? Chắc khủng khiếp lắm!

- Đó là làm biến mất một cách tận căn và vĩnh viễn một cộng đồng, một nhóm.

Làm thế nào? Người ta giết mọi người sao?

- Đó là những gì xảy ra trong Thế Chiến Thứ Nhì khi Hitler, nhà độc tài Đức quốc xã quyết định loại bỏ người Do Thái và người Di-gan trên bản đồ thế giới (còn người Ả-rập thì Hitler đối xử như "giống dân đứng sau cóc nhái!"

Ông đã đốt và bỏ vào lò hơi ngạt năm triệu dân Do Thái, đó là nạn diệt chủng. Do họ căn cứ vào một lý thuyết kỳ thị cho rằng: "Người Do Thái bị xem là những người thuộc dòng "giống không tinh tuyền", như vậy là thấp kém và không có quyền sống; phải hủy diệt họ, có nghĩa là diệt cho đến người cuối cùng." Ở Âu châu, chính quyền nào có người Do Thái trong dân chúng thì phải tố cáo và giao nộp cho Đức quốc xã. Người Do Thái phải mang một ngôi sao vàng trên ngực để mọi người nhận diện họ. Kỳ thị người Do Thái có tên là bài Do Thái.

Từ đâu ra chữ này?

- Nó đi từ chữ xê-mít "sémite" là chữ để chỉ định các nhóm có nguồn gốc Tây Á nói các thứ tiếng như tiếng hê-brơ và Ả-Rập. Vì thế người Do Thái và Ả-Rập là những người xê-mít.

Như vậy bài-xê-mít cũng là bài Ả-rập.

- Chung chung khi người ta nói chữ bài xê-mít antisémite là muốn ám chỉ bài Do Thái. Đó là một loại kỳ thị đặc biệt vì họ đã lên chương trình và lạnh lùng giết hết tất cả người Do Thái. Để trả lời trực tiếp vào câu hỏi của con, ba sẽ nói ai bài Do Thái thì cũng bài Ả-Rập luôn. Dù sao người kỳ thị là người không thích người khác, dù đó là người Do Thái, Ả-Rập hay người da Đen… Nếu Hitler thắng chiến tranh thì ông sẽ tấn công qua toàn nhân loại, bởi vì không có một giống dân nào là dân tuyền cả. Thật vô nghĩa và không thể nào có được. Chính vì vậy mà phải hết sức cẩn thận.

Người Do Thái có thể là một người kỳ thị không?

- Người Do Thái cũng có thể là người kỳ thị, cũng như người Ả-Rập cũng có thể là người kỳ thị, nười Ác-mê-niên, người Di-gan, người da màu cũng có thể là người kỳ thị… Không có một nhóm dân nào mà trong đó không có những người mang tính kỳ thị.

Dù họ bị kỳ thị?

- Sự kiện họ đau khổ vì bị kỳ thị không bắt buộc họ sẽ là người công chính. Họ cũng có thể kỳ thị. Một nạn nhân của kỳ thị, trong một vài trường hợp họ cũng có khuynh hướng kỳ thị.

Ba giải thích cho con thế nào là nạn diệt chủng.

- Đó là hủy diệt một cách có phương pháp và hệ thống một nhóm dân thiểu số. Một người có quyền lực và điên khùng lạnh lùng quyết định dùng tất cả mọi phương tiện để giết tất cả mọi người trong một nhóm dân mà họ ngắm. Chung chung là những nhóm dân thiểu số thường bị nhắm cho loại quyết định này.

Còn một chữ con không hiểu, chữ dân thiểu số.

- Đó là một nhóm người có cùng một ngôn ngữ, phong tục, truyền thống, văn minh truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, là một dân tộc có sắc thái riêng. Các thành viên của nhóm có thể ở phân tán khắp nơi trên thế giới.

Ba cho con vài ví dụ.

- Người Do Thái, người Ác-mê-niên, người Di-gan, người Cha-Đốc, những người nói tiếng Ả-Rập hay hêbrơ, vv…

Khi một dân tộc không có nhiều dân, họ có nguy cơ bị diệt chủng.

- Lịch Sử cho thấy các dân tộc thiểu số – những dân tộc không có nhiều dân – thường hay bị bức hại. Ngay thế kỷ 20, từ năm 1915, những người Ác-mê-niên sống trong vùng Trung Đông ở A-na-tô-li đã bị người Thổ đuổi đi và thảm sát (hơn một triệu người chết trong một dân số chỉ có một triệu tám trăm ngàn dân). Sau đó là người Do Thái bị thảm sát ở Nga và Ba Lan. Kế tiếp năm triệu người Do Thái bị Đức quốc xã giết trong các trại tập trung, Đức quốc xã xem người Do Thái thuộc "giống dân tiêu cực", một loại "thứ cấp", giống như họ cho người Di-gan là người thuộc "giai cấp thấp" và đã giết khoảng hai trăm ngàn người Di-gan.

Đó là chuyện từ lâu, còn bây giờ?

- Các cuộc thảm sát dân tộc thiểu số vẫn còn tiếp diễn. Mới đây, năm 1992, người Xẹc-bi nhân danh những gì họ gọi là "rửa chủng tộc" đã giết hàng ngàn người Bốt-ni hồi giáo.

Ở Rwanda, người Hutus giết người Tutsis. Hai nhóm dân thiểu số đánh nhau trong vùng này từ thời người Bỉ cai trị thuộc địa này. Chủ nghĩa thực dân, ba sẽ giải thích thêm cho con sau, thường phân chia dân để họ dễ cai trị. Con ơi, thế kỷ 20 là một thế kỷ đau đớn, nhân loại chém giết nhau rất nhiều.

Ở Ma-rốc có người Do Thái không? Con biết có người Béc-be, mẹ là người Béc-be.

- Ở Ma-rốc, người Do Thái và người Hồi giáo sống chung với nhau gần mười một thế kỷ nay. Người Do Thái có khu phố riêng của họ. Họ không lẫn lộn với người Hồi nhưng họ không gây nhau. Giữa họ cũng có ngờ vực mà cũng có kính trọng. Điều quan trọng nhất là khi người Do Thái bị thảm sát ở Âu châu thì họ được bảo vệ ở Ma-rốc.

Vào thời Đức chiếm đóng Pháp, Vua Ma-rốc Mohammed V đã từ chối không giao người Do Thái cho thống chế Pétain, ông này yêu cầu vua giao người Do Thái để đưa vào trại tập trung Đức quốc xã. Vua bảo vệ họ. Vua đã trả lời cho ông Pétain: "Đây là con dân của tôi, dân Ma-rốc. Ở đây, họ ở trong nhà của họ, họ được an toàn. Tôi có trách nhiệm bảo vệ họ." Người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới rất thương ông. Ngày nay còn vài ngàn người Do Thái ở Ma-rốc. Và những người ra đi muốn trở lại đó. Đó là xứ Ả-Rập và Hồi giáo có nhiều người Do Thái nhất trên đất của họ. Có một làng nhỏ ở phía Nam được người Do Thái gọi là "làng nhỏ Giê-ru-sa-lem."

Nhưng tại sao họ lại ra đi?

- Năm 1956 khi nước Ma-rốc độc lập, họ sợ không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Người Do Thái đã định cư ở Í-t-ra-en kêu họ hồi hương. Sau đó chiến tranh năm 1967 và 1973 xảy ra giữa Ít-ra-en và các nước Ả-Rập, họ quyết định rời quê cha đất tổ để đi hoặc Ít-ra-en, hoặc Âu châu, hoặc Bắc Mỹ. Nhưng người Ma-rốc Hồi giáo rất tiếc chuyện ra đi này vì hơn mười thế kỷ, họ sống chung hòa bình với nhau. Có những bài thơ, bài hát của những Do Thái và người Hồi viết bằng tiếng Ả-Rập, bằng chứng hai dân tộc sống hòa hợp với nhau.

Vậy thì người Ma-rốc không kỳ thị!

- Câu khẳng định này không vững. Không có dân tộc kỳ thị hoặc không kỳ thị trong toàn diện của nó. Người Ma-rốc cũng như tất cả mọi người, cũng có người kỳ thị và người không kỳ thị.

Họ có thích người nước ngoài không?

- Ai cũng công nhận họ là một dân tộc hiếu khách. Họ thích đón tiếp khách ghé chơi, giới thiệu xứ sở, thưởng thức các món ăn đặc biệt. Lúc nào các gia đình người Ma-rốc cũng hiếu khách; người Ma-ghép, người Ả-Rập trong sa mạc, người Ả-Rập du-cư, người du mục cũng vậy. Nhưng có một số người Ma-rốc có lối cư xử đáng lên án, nhất là đối với người da Đen.

Vì sao là người da Đen?

- Vì ngày xưa, thương gia Ma-rốc qua Phi châu làm ăn. Họ bắt đầu làm ăn ở Xê-nê-gal, Ma-li, Xu-đăng, Ghi-nê và một vài người trong số họ đem các bà da Đen về. Con cái mà họ có với các bà này bị vợ da Trắng và con của họ hành hạ. Chú của ba có hai bà vợ Đen. Ba có anh em họ da Đen. Ba nhớ là họ không ăn chung với mình và mình có thói quen gọi họ là người nô lệ da Đen.

Trước người Ma-Rốc, người Âu châu cũng xem người da Đen là một loại "súc vật như khỉ" (Buffon 1707-1788), văn sĩ này là người rất thông thái mà cũng nói: "Người Mọi thì thấp kém, lẽ dĩ nhiên họ phải làm nô lệ." Nạn nô lệ đã được loại bỏ khắp nơi trên thế giới nhưng đây đó vẫn còn tồn tại dưới các hình thức ngụy trang.


Giống như trong mấy phim Mỹ, chú da Trắng đánh người da Đen…

- Người da Đen ở Mỹ là con cháu của những người nô lệ mà người di dân đến Mỹ đầu tiên đem từ Phi châu về. Tình trạng nô lệ là quyền của chủ áp đặt trên một người. Người nô lệ hoàn toàn không có tự do. Hồn và xác của họ thuộc về chủ.

Nạn kỳ thị đã và vẫn tiếp tục rất gay go ở Mỹ. Người da Đen đã đương đầu rất kinh khủng mới có được quyền. Trước đó, trong một vài tiểu bang, người Đen không được quyền tắm chung hồ bơi với người Trắng, không được quyền dùng chung nhà vệ sinh với người Trắng, không được chôn cùng nghĩa địa, không được đi cùng xe buýt, không được học cùng trường. Năm 1957, ở thị trấn Little Rock, một làng phía Nam nước Mỹ, cảnh sát, quân đội và cả chính tổng thống Eisenhower can thiệp để chín học sinh da Đen được vào học trường Central High School, một trường của người da Trắng… Cuộc chiến đấu dành quyền cho người da Đen vẫn không ngừng dù mục sư Matin Luther King đã bị ám sát năm 1968 ở Atlanta, ông là một trong những người dẫn đầu cuộc chiến đấu này. Ngày nay mọi sự đã bắt đầu thay đổi.

Ngày xưa ở Nam Phi người Trắng và người Đen sống tách riênrg ra. Người ta gọi đó là chủ nghĩa phân cách màu da. Người Đen đông hơn nhưng bị thiểu số người da Trắng cai trị.

Ba phải nói để con hiểu người Đen cũng như tất cả mọi người, họ cũng có thái độ kỳ thị đối với những người khác họ. Họ thường là nạn nhân của kỳ thị nhưng không phải vì vậy mà họ không kỳ thị.

Vừa rồi ba nói chủ nghĩa thực dân chia để trị… Chủ nghĩa thực dân là gì, nó cũng giống kỳ thị?

- Vào thế kỷ 19, các nước Âu châu như Pháp, Anh, Bỉ, Ý, Bồ Đào Nha dùng vũ lực quân sự xâm chiếm các nước Phi châu và Á châu. Chủ nghĩa thực dân là chủ nghĩa thống trị. Người thực dân nghĩ rằng họ là người da trắng, họ văn minh, họ có bổn phận đem "văn minh đến cho các sắc dân thấp kém hơn". Chẳng hạn họ nghĩ, một người Đen Phi châu thí ít trí tuệ hơn người Trắng, có nghĩa là ít thông minh hơn.

Người thực dân là người kỳ thị!

- Họ kỳ thị và thống trị. Khi mình bị nước khác thống trị, mình không còn tự do, mình mất độc lập. Đến năm 1962, nước An-giê-ri vẫn còn bị con như một phần của nước Pháp. Nguồn tài nguyên của họ bị lợi dụng và công dân của họ không có tự do. Người Pháp xâm chiếm An-giê-ri năm 1830 và sau đó xâm chiếm toàn lãnh thổ. Ai không muốn ách đô hộ này thì bị đuổi, bị bắt và có khi bị giết. Chủ nghĩa thực dân là một chủ nghĩa kỳ thị ở tầm Quốc gia.

Làm sao một nước lại đi kỳ thị?

- Không phải toàn cả nước nhưng nếu chính quyền quyết định một cách độc đoán đi xâm chiếm một lãnh thổ không phải của mình, dùng vũ lực để duy trì, khinh dân bản xứ, xem văn hóa của họ không ra gì, cần phải đem cái mà họ gọi là văn minh đến cho dân bản xứ. Trên thực tế, thực dân phát triển những gì sẽ giúp họ khai thác nguồn tài nguyên của xứ sở đó. Đó gọi là chủ nghĩa thực dân. Thường thường là để chiếm đoạt tài nguyên và gia tăng quyền lực nhưng những điều này họ không bao giờ nói ra. Đó là một cuộc xâm chiếm, ăn cắp, hung bạo có tác hại rất lớn trên người dân. Chẳng hạn ở An-giê-ri phải cần rất nhiều năm để chiến đấu, để kháng chiến mới chấm dứt được chế độ thực dân.

Bây giờ nước An-giê-ri được tự do…

- Đúng, nước An-giê-ri được độc lập từ năm 1962; chính người An-giê-ri quyết định mình làm gì cho xứ sở họ…

Từ 1830 đến 1962, một trăm ba mươi hai năm, một thời gian rất dài!

- Năm 1958, nhà thơ An-giê-ri Jean Amrouche viết:

Người ta đã lấy của người An-giê-ri

Tổ quốc với cái tên

Ngôn ngữ với những câu châm ngôn thần thánh

Khôn ngoan làm chuẩn cho con đường sống

Từ thuở nằm nôi đến khi vào mồ

Đất đai với ruộng lúa

Suối nguồn với vườn cây

Bánh nuôi thân, bánh nuôi tâm hồn…

Người ta vứt người An-giê-ri ra khỏi

nhân loại

làm cho nó mồ côi

làm cho nó bị tù

của một hiện tại không ký ức và không tương lai.

Đó là chủ nghĩa thực dân. Người ta xâm chiếm xứ sở, vô sản hóa người dân, bỏ tù những người chống đối, đem dân có sức lao động qua nước chủ làm việc.

Chính vì vậy mà có nhiều người An-giê-ri ở Pháp?

- Trước khi được độc lập, An-giê-ri thuộc về Pháp. Không có hộ chiếu riêng của nước An-giê-ri. Người An-giê-ri lệ thuộc người Pháp. Người kitô giáo là người Pháp. Người Do Thái trở thành người Pháp từ năm 1870. Còn người Hồi giáo bị cho là "dân bản địa" có nghĩa là dân của một xứ thuộc địa, một từ diễn tả nạn kỳ thị hồi đó. Vì thế từ "bản địa" để chỉ người dân ở một tầng lớp thấp trong xã hội. Khi quân đội Pháp hay các ngành kỹ nghệ cần người làm việc, họ qua An-giê-ri tìm. Họ không cần hỏi ý kiến người An-giê-ri, người An-giê-ri cũng không có hộ chiếu, họ chỉ cần cấp giấy phép là đi. Họ ra lệnh, nếu ai bất tuân sẽ bị bắt và bị phạt. Đó là những người di dân đầu tiên.

Những người di dân là người Pháp trước đó?

- Chỉ từ năm 1958, những ai đã được đem từ An-giê-ri đến mới được xem là người Pháp, những người đến từ Ma-Rốc hoặc Tu-ni-di thì không. Các những người xứ khác thì họ tự đến như người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan…

Nước Pháp như nước Mỹ!

- Không hoàn toàn như vậy. Trừ người In-điên, tất cả người Mỹ, những người dân đầu tiên của châu Mỹ đều là những cựu di dân. Người In-điên bị người Tây Ban Nha và sau đó là người Mỹ sát hại. Khi ông Kha Luân Bố khám phá Tân Thế Giới, ông gặp người In-điên và rất ngạc nhiên thấy họ cũng là người giống người Âu châu, bởi vì vào thế kỷ 15, người ta không nghĩ những người này có một tâm hồn. Người ta tưởng tượng họ gần với súc vật hơn loài người!

Nước Mỹ gồm nhiều chủng tộc, nhiều nhóm dân đến từ khắp nơi trên thế giới trong khi nước Pháp chỉ là đất của người di dân vào cuối thế kỷ 19.

Nhưng trước khi người di dân đến, nước Pháp có nạn kỳ thị không?

- Ở đâu có con người sống, ở đó có kỳ thị. Không có một nước nào tự cho mình không có nạn kỳ thị. Nạn kỳ thị nằm trong lịch sử nhân loại. Nó như một cái bệnh. Tốt hơn là phải biết mình mắc bệnh và học để loại bỏ nó, từ chối nó. Phải kiểm soát và tự nhủ "nếu tôi sợ người lạ thì họ cũng sợ tôi". Mình lúc nào cũng là một người lạ đối với người khác. Học để cùng sống chung là chiến đấu chống nạn kỳ thị.

Con, con không muốn học để sống chung với Céline, một cô bé dữ dằn, ăn cắp và nói dối…

- Con nói quá, một cô bé bằng tuổi con đâu đến nỗi vậy!

Cô dữ với Abdou, cô không muốn ngồi bên cạnh Abdou và cô nói xấu người da Đen.

- Có thể cha mẹ Céline không dạy Céline mà có thể họ cũng không được dạy dỗ. Nhưng con đừng đối xử với cô như cô đối xử với Abdou. Phải nói chuyện với cô, giải thích cho cô thấy điểm sai của cô.

Một mình con, con không làm được.

- Con nhờ cô giáo thảo luận vấn đề này trong lớp. Con biết đó, mình chỉ có thể sửa cách đối xử của một em bé, nhưng khi thành người lớn rồi thì rất khó.

Tại sao vậy ba?

- Bởi vì trẻ con sinh ra không có thói kỳ thị trong đầu. Thường thường trẻ con lập lại những gì cha mẹ, người thân nói. Trẻ con chơi với nhau một cách tự nhiên. Nó không đặt câu hỏi em bé này có màu da này thì hơn hay thua nó, nó chỉ cần có bạn để chơi. Trẻ con có thể thuận hay nghịch nhau. Đó là chuyện bình thường không dính gì đến màu da. Ngược lại nếu cha mẹ dặn con cái nên cẩn thận về các em bé da màu thì có thể lúc đó cách đối xử của chúng sẽ khác.

Nhưng ba này, ba cứ nói hoài kỳ thị là chuyện bình thường, phổ biến, đó là khuyết điểm chung của con người!

- Đúng, nhưng phải khắc sâu vào trí não trẻ con những tư tưởng lành mạnh để nó không buông theo bản năng. Người ta cũng có thể khắc ý tưởng sai và không lành mạnh. Điều này tùy thuộc rất nhiều vào giáo dục và não trạng của cha mẹ. Đứa trẻ phải sửa lại cha mẹ khi cha mẹ nói những câu kỳ thị. Đừng ngần ngại can thiệp, cũng đừng e dè vì đó là người lớn.

Như vậy có nghĩa là gì? Mình có thể cứu em bé để em bé không kỳ thị nhưng mình không cứu được người lớn…

- Đúng, cứu một em bé dễ hơn. Có một luật chi phối con người một khi nó lớn lên: không thay đổi! Từ rất lâu một triết gia đã nói: "Trọn con người mình cứ khăng khăng giữ chặt lấy mình." Tên ông là Spinoza. Nói một cách bình dân hơn là: "Người ta không đổi vân của con ngựa vằn được." Hay nói cách khác, mình sinh làm sao thì ra làm vậy. Ngược lại, đứa trẻ con còn cởi mở, còn học được, còn hình thành được. Người lớn khi họ đã tin có "bất bình đãng giữa các giống" thì khó mà thuyết phục họ được. Ngược lại trẻ con có thể thay đổi. Và trường học giúp cho trẻ con để chúng học và biết mọi người sinh ra đều bình đẳng trước mặt pháp luật, nét đa dạng của nhân loại là phong phú chứ không phải khuyết tật.

Người kỳ thị có lành không?

- Con xem người kỳ thị là người mắc bệnh?

Đúng, bởi vì nghi ngờ người khác chỉ vì họ có màu da khác mình là chuyện không bình thường…

- Lành hay không tùy họ. Nếu họ có khả năng đặt lại vấn đề.

Làm sao người ta đặt lại vấn đề?

- Người ta đặt lại vấn đề, nghi ngờ và nói "có thể mình sai khi nghĩ như vậy", mình cố gắng suy nghĩ để thay đổi cách lý luận và cách đối xử.

Nhưng ba nói là người lớn không thay đổi.

- Đúng, nhưng mình có thể ý thức là mình đã sai lầm và chấp nhận vượt lên. Điều đó không có nghĩa người ta thay đổi thật sự và hoàn toàn. Người ta thích ứng với. Đôi khi mình là nạn nhân của kỳ thị, mình ý thức kỳ thị là bất công, là không chấp nhận được. Chỉ cần đi du lịch, đi khám phá các xứ khác để thấy. Như người ta thường nói, du lịch làm trẻ lại. Du lịch là thích khám phá và học hỏi, là ý thức có các nền văn hóa khác nhau và tất cả đều đẹp và phong phú. Không có văn hóa này hơn văn hóa kia.

Như vậy có một hy vọng…

- Phải chiến đấu chống kỳ thị vì người kỳ thị vừa nguy hiểm mà cũng vừa là nạn nhân.

Làm sao vừa cả hai một lúc?

- Nguy hiểm cho người khác và nạn nhân của chính mình. Họ ở trong sai lầm mà họ không biết và họ cũng không muốn biết. Phải có can đảm để nhận ra lỗi lầm của mình. Người kỳ thị không có được can đảm này. Không phải dễ để nhận thấy mình lầm và tự phê phán mình.

Ba nói không rõ lắm!

- Con có lý. Phải rõ ràng. Nói "bạn sai, tôi có lý" thì dễ hơn. Nhưng khó để nói: "bạn có lý, còn tôi sai."

Con tự hỏi không biết người kỳ thị có biết mình sai không.

- Thực tế, họ có thể biết nếu họ chịu khó tìm hiểu, và nếu họ có can đảm đặt lại tất cả câu hỏi.

Câu hỏi nào?

- Tôi có hơn người khác không? Tôi có thuộc về một nhóm hơn nhóm khác không? Có nhóm nào thấp hơn tôi không? Nếu giả thử có nhóm thấp hơn tôi, tôi nhân danh gì để đánh họ? Có phải diện mạo bên ngoài bao gồm khác biệt trong cư xử không? Nói cách khác, có phải vì mình da trắng mà mình thông minh hơn không?

Những người yếu đuối, bệnh tật, già cả, trẻ em, khuyết tật, tất cả những người đó là những người kém hơn đúng không?

- Dưới mắt của những người hèn, họ thấp kém.

Người kỳ thị có biết họ hèn không?

- Không, bởi vì cần phải có can đảm để biết mình hèn…

Ba, ba quay vòng vòng.

- Đúng, nhưng ba muốn chứng tỏ cho con thấy bằng cách nào người kỳ thị là tù nhân cho những mâu thuẫn của họ và họ không muốn thoát ra.

Vậy thì họ là người bệnh!

- Đúng, một hình thức nào đó khi mình thoát ra, mình có được tự do. Người kỳ thị không thích tự do. Họ sợ. Vì họ sợ sự khác biệt. Tự do duy nhất mà họ thích là tự do của họ, tự do cho phép họ làm bất cứ gì, phê phán người khác và dám khinh người khác chỉ vì người ta khác mình.

Ba, con muốn nói người kỳ thị là một người đểu giả.

- Chữ đó còn nhẹ đó con nhưng nó cũng đúng. 


Kết luận

Cuộc chiến chống nạn kỳ thị phải là một suy nghĩ hàng ngày. Lúc nào cũng phải cảnh giác nó. Phải bắt đầu bằng làm gương và chú ý đến cách dùng chữ. Chữ rất nguy hiểm, có những chữ gây tổn thương và sỉ nhục, nuôi lòng ngờ vực và hận thù. Có chữ lại làm ngược đi ý nghĩa sâu xa của nó và nuôi dưỡng khuynh hướng đẳng cấp và phân biệt chủng tộc. Có những chữ rất đẹp và hạnh phúc. Phải loại bỏ các định kiến, một vài câu châm ngôn ngạn ngữ có tính gom đũa và như thế là kỳ thị. Phải dứt khoát loại các cụm từ mang ý nghĩa sai và độc hại. Cuộc chiến này cần ý chí, kiên trì và trí tưởng tượng. Chỉ phẫn nộ trước một bài diễn văn hoặc thái độ đối xử kỳ thị thôi thì chưa đủ, cần phải phản ứng, không đi trệch đường theo thói kỳ thị. Đừng bao giờ nói: "Không sao đâu!" Nếu mình làm ngơ thì mình để cho nạn kỳ thị lan tràn và phát triển nơi những người chưa biết kỳ thị. Không phản ứng, không hành động là mình làm cho nạn kỳ thị trở nên bình thường và nó có địa vị huênh hoang. Hơn nữa còn có luật lệ, luật lệ trừng phạt hành vi khơi động hận thù chủng tộc và còn những hiệp hội, những tổ chức chiến đấu chống mọi hình thức kỳ thị và họ đã làm một công việc thật đáng kể.

Khi tựu trường, con nhìn tất cả mọi khác biệt và thấy nét đa dạng này thật đẹp. Đó là một may mắn cho nhân loại. Các học sinh đến từ khắp bốn phương trời, họ mang đến cho con những chuyện mà con không có; cũng như con, con mang đến cho họ những gì họ chưa biết. Sự pha trộn là tài nguyên phong phú hổ tương.

Biết rằng mỗi gương mặt là một điều kỳ lạ. Độc nhất. Con sẽ không bao giờ gặp hai khuôn mặt giống nhau y hệt. Dù đẹp dù xấu cũng chỉ là tương đối. Mỗi gương mặt là một biểu tượng của cuộc sống. Mọi cuộc sống xứng đáng được tôn trọng. Không ai có quyền sỉ nhục bất cứ ai. Nhân cách mỗi người xứng đáng được tôn trọng. Khi tôn trọng người khác, qua họ, mình tôn trọng sự sống trong nét đẹp, điều kỳ lạ, điều khác biệt và điều bất ngờ. Mình chứng tỏ mình tôn trọng mình qua việc đối xử tôn trọng người khác.


Tháng sáu đến tháng mười 1997


Phụ lục

Các bản văn về luật trong hệ thống pháp lý của Pháp về kỳ thị

Luật ngày 1 tháng 7 năm 1972 được Hội Đồng Quốc Gia Pháp đồng loạt thông qua, phạt sự vu khống hay lăng nhục có tính cách kỳ thị cũng như "khích động cho việc kỳ thị, hận thù hay bạo lực đối với một người hay một nhóm người với lý do nguồn gốc, thuộc về hay không thuộc về một nhóm thiểu số, một sắc dân hay một tôn giáo nào đó.

Luật này cho phép các tổ chức chống kỳ thị đã có ít nhất năm năm tồn tại được đứng ra tố cáo.

Ngày 9 tháng 12 năm 1948, Công Ước Liên Hiệp Quốc thừa nhận diêt chủng là tội ác chống nhân loaị. Tội ác này được định nghĩa như sau: "Diệt chủng là một tội ác không thể chấp nhận, trong ý hướng muốn tiêu diệt toàn bộ hay một phần một nhóm người trong quốc gia, một nhóm sắc dân hay tôn giáo." Trên nguyên tắc, ngay khi có nạn diệt chủng, các Quốc Gia phải nhận ra, can thiệp để "phòng ngừa" hoăc "trừng trị."


***



 Giữa tháng giêng và tháng tám năm 1998, tôi đi nói chuyện ở mười lăm trường trung học ở Pháp và Ý. Tôi gặp nhiều nhất là các em lớp năm, lớp sáu, các em đã đọc quyển sách này.

 Cảm tưởng chung là các em thích và thậm chí quan tâm đến chủ đề này. Các em lo nhất là các em di dân người Ma-ghép, Bắc Phi. Ba chủ đề trong các cuộc thảo luận là: làm sao chống lại nạn kỳ thị?; làm sao thành công được hội nhập?; sợ phát-xít và Mặt Trận Quốc Gia, và các giới hạn của lòng dung thứ.

Giáo sư đã chuẩn bị cho học sinh, quyển sách đã được giải thích, bình giải và thảo luận. Khi tôi đến, các em đặt những câu hỏi đã được bàn thảo trước với giáo sư hay cha mẹ.

Zahra, mười một tuổi, mắt to đen láy, học lớp sáu trường Montpellier, em hỏi: "Ông nghĩ gì khi các cha mẹ người Ả-Rập rút con về không cho học ở một trường Pháp có nhiều người Ả-Rập?

Tôi nói em lập lại câu hỏi và hỏi em có phải cha mẹ em kia là người Ả-Rập. Em trả lời: "Đúng." Tôi nói tôi rất ngạc nhiên và tôi tự nói thầm: "Làm sao giải thích cho một em bé hiểu thế nào là hận thù chính mình." Tôi không nói cảm nghĩ đó ra mà chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh gia đình đó muốn hội nhập rất mạnh vào xã hội. Tôi trả lời cho em: "Đó là những cha mẹ muốn con mình giống người khác, giống những em bé người Pháp khác, họ nghĩ rằng khi họ tách con mình ra khỏi các em Ả-Rập khác, họ tránh cho con mình khỏi bị kỳ thị." Zhara cắt lời: "Nhưng em không muốn rời trường, cha mẹ em là người kỳ thị!" Giáo sư chủ nhiệm đang có mặt ở đó can thiệp và nói với tôi: "Đó là trường hợp của em, em rất khổ."

Tất cả các câu hỏi các em đặt cho tôi, chắc chắn câu hỏi của em Zhara là câu hỏi bất ngờ và dữ dội nhất. Tôi cũng bị lạc hướng khi các cha mẹ chia sẻ nổi hoang mang và bất lực của họ khi thấy con mình có tư tưởng kỳ thị và tham gia vào hàng ngũ Mặt Trận Quốc Gia. Họ ngạc nhiên và nói: "Mặc dù chúng tôi giáo dục con kỹ, chúng tôi luôn luôn có chân trong những tổ chức chống nạn kỳ thị…."

Ở tiệm sách Quan tâm về môi sinhL'Oeil au vert ở Pháp, một bà mẹ chất vấn tôi: "Chồng tôi và tôi sống trong một thảm kịch. Hai đứa con trai mười lăm, mười bảy tuổi của chúng tôi thường hay bị mấy người Ma-ghép tấn công. Cứ mỗi lần như vậy, tôi cố giải thích để các cháu đừng gom đũa cả nắm nhưng các cháu vẫn kỳ thị người Ma-ghép. Chúng tôi phải làm gì? Quyển sách của ông không nói đến chuyện này."

Một học sinh ở trường trung học Bourges cũng hỏi tôi câu hỏi đó: "Tôi khó cắt nghĩa cho ba tôi hiểu vì ba tôi không chịu đựng nổi mấy người Ma-ghép, họ cứ đậu xe vào nhà đậu xe của chúng tôi hoài. Thật quá bực mình, họ không chịu hiểu.

Một cô giáo ở Reims than phiền: "Các học sinh Ma-ghép nói với nhau bằng tiếng Ả-Rập để tôi không hiểu, thật khó chịu, tôi phải làm gì bây giờ?"

Camille, cô bé mười bốn tuổi học lớp ba trường Reims: "Đến đâu thì hết dung thứ nổi? Làm sao mình phản ứng khi người hàng xóm cùng chung cư ép cô con gái mười bốn tuổi lấy chồng và mang khăn che mặt?"

Chính Malika trả lời giùm: "Ở Pháp không được làm vậy. Nếu cha tôi ép tôi lấy chồng, tôi sẽ đến trốn ở nhà bạn tôi."

Ở Bazas, một thành phố có năm ngàn dân ở Landres, một cô gái trẻ người Anh ngạc nhiên thấy vấn đề khăn che mặt mang một tầm mức quan trọng ở Pháp: "Ở Anh, chúng tôi không chấp nhận!"

Rachida, một cô nhân viên văn phòng của trường Bourges xin lỗi xen vào cuộc thảo luận của tôi với các học sinh để đặt câu hỏi: "Khi nào thì ông viết quyển sách Nạn Kỳ Thị Giải Thích Cho Cha Mẹ?" Sau đó cô nêu lên những khó khăn đã gặp khi buộc cha mẹ phải chấp nhận cô lấy một người không phải đạo Hồi, một người Âu châu. Cô nói tiếp: "Đối với tôi, đó là kỳ thị; cha mẹ tôi sợ người lạ; tôi không muốn lấy một người mà họ giả vờ theo đạo Hồi để cha mẹ tôi chấp nhận."

Houzia, mười hai tuổi, học lớp sáu ở trường Roubaix: "Ông có nghĩ là mình có thể can thiệp cho một đúa bé mà cha mẹ nó kỳ thị không?" Cũng cùng câu hỏi, Sylvie, mười hai tuổi, học một trường ở Lomme hỏi: "Nếu gia đình con kỳ thị, con có bị kỳ thị theo không và con có thể giải thích cho cha mẹ hiểu không?" Karine, bạn của Houzia nói: "Ở trường chúng tôi biết có một anh học sinh kỳ thị. Anh không muốn đọc một quyển sách nào. Không phải lỗi anh, gia đình anh rất kỳ cục. Chúng tôi muốn nói chuyện với anh, nhưng anh chẳng muốn gì hết, chẳng muốn nghe gì hết. Chúng tôi không biết làm gì; chúng tôi mong ông cho chúng tôi lời lẽ để nói…"

Malika, trường trung học Anatole-de-Monzie ở Bazas; cha mẹ người An-giê-ri, sinh ở Pháp, em kể chuyện anh của em sống ở Toulon đã phải đổi tên họ để hy vọng kiếm được việc làm và có một đời sống bình thường. Sau một lúc im lặng, em nói thêm: "Nhưng cũng chẳng thay đổi được đời sống vì mình không thể nào thay đổi khuôn mặt mình! Còn con, con thấy thoải mái ở đây."

Abdel, một em bé Pháp-An-giê-ri trả lời: "Con, con phản ứng chống lại nạn kỳ thị bằng hài hước; khi gia đình con ở Bordeaux, con chỉ cười để trả lời cho những câu nói đùa bóng gió kỳ thị nhưng em gái con thì khổ nhiều lắm, em phải đi tâm lý gia để trị liệu.

Tất cả các em bé đều không có khả năng cười nhạo khi bị khinh bỉ vì kỳ thị. Tôi đi đâu cũng đều nhận những câu hỏi đại loại: "Làm sao phản ứng khi bị một người kỳ thị tấn công? Trong sách ông không nói đến cách phản ứng trong trường hợp này…"

Đúng vậy, sách không nói đến điều này. Tôi trả lời với các em là mình cần phải phản ứng chứ không để mặc kệ, không nghĩ rằng đó chỉ là kỳ thị nhẹ, giống như loại thuốc phiện nhẹ hay nước chanh nhẹ, có luật lệ để trừng phạt những ai xúi giục hận thù chủng tộc.

Một ngày nọ, ở trường học Montélimar, trong khi thảo luận, ông hiệu trưởng ra dấu cho tôi. Một thầy giáo nói nhỏ vào tai tôi: "Cẩn thận, đừng khuyến khích bạo lực ở trường, đó là một vấn đề trầm trọng ở đây; các em tưởng có thể đánh nhau hợp pháp ở trường." Tôi chỉnh lại bằng cách nhấn mạnh không được trả lời sự xúc phạm kỳ thị bằng một sự xúc phạm kỳ thị khác, nhưng phải bình tĩnh và nhân cơ hội này để giải thích, để nói chuyện với nhau trong lớp."

Andrée, cô học sinh lớp năm trường này nói với tôi: "Con không bao giờ để cho kỳ thị lấn con; con không bao giờ kỳ thị. Những người Bắc Phi sống ở Pháp kỳ thị người Pháp. Một vài người nước ngoài sống ở Pháp không chấp nhận một số luật lệ của chúng ta…"

Laurent cùng lớp cũng nói cùng ý kiến: "Phần lớn kỳ thị lại do người Ma-ghép, người da Đen đối xử với người da Trắng. Trên truyền hình, khi một người Pháp giết một người Ả-Rập thì họ nói đến hai tuần, ngược lại, khi người Ả-Rập giết người Pháp thì họ chỉ nói vài ngày."

Một em khác nói nhỏ với tôi: "Con không kỳ thị nhưng con không thích một vài người Ả-Rập vì họ ngu xuẩn. Con bị người Ả-Rập nói con là đồ bẩn." Marlène nói: "Dù mình Đen, Trắng, Đỏ, Vàng, tất cả đều có một quả tim, một bộ óc. Con chưa bao giờ bị sỉ nhục và con nghĩ con cũng không sỉ nhục ai." Ariane, lớp một trường Bazas cũng nói: "Con thú nhận khi con còn nhỏ, con có nói một cô bạn là "đồ mọi", nhưng từ đó, con không bao giờ lặp lại."

Jessica, mười hai tuổi, lớp năm ở trường Reims: "Nếu cha mẹ và các bạn không kỳ thị, vì sao mình lại kỳ thị?"

Arthur, cùng lớp: "Ông sẽ phản ứng như thế nào khi con gái ông kỳ thị?"

Marion: "Con gái ông có bị kỳ thị không?"

Frédéric: "Ông có là nạn nhân trực tiếp của kỳ thị không?"

Các em ngạc nhiên khi tôi nói tôi và các con tôi không bị kỳ thị, ít nhất là một cách trực tiếp và hung bạo. Lúc đó các em Ma-ghép nói chúng tôi được ưu tiên.

Trước khi làm một cuộc diễn thuyết chu du qua nước Pháp, tôi chưa biết các em lứa tuổi mười một đến mười lăm lại quan tâm đến Mặt Trận Quốc Gia như thế. Các em đồng hóa đảng này với những việc làm không tốt của nạn kỳ thị và không hiểu tại sao nền dân chủ Pháp lại để cho phong trào này phát triển. Các em lớp ba của trường Montpellier thì không đặt vấn đề nguy hiểm của Mặt Trận này.

Em Hicham, ở Reims, mười bốn tuổi hỏi tôi: "Nếu một ngày nào đó nền Dân Chủ Cộng Hòa không còn, có một nhà độc tài nào lên rồi đuổi hết người di dân đi không? Phản ứng của ông sẽ như thế nào?" Tôi khuyến khích em giải thích thêm: "Chẳng hạn đảng cực hữu lên, họ không muốn chế độ Cộng Hòa, nếu người ta để cho họ làm thì họ sẽ làm bất cứ gì họ hứa."

Một em học sinh Ma-ghép khác: "Nếu có luật lệ để chống kỳ thị thì vì sao người ta không cấm một đảng như đảng Mặt Trận Quốc Gia.? Rachid, trường Montpellier đặt câu hỏi một cách khác: "Tới đâu mình có thể dung thứ được? Dung thứ phải áp dụng cho tất cả mọi người, và bất cứ lúc nào không?"

Đến đó, tôi không thể nào không ca ngợi các em đã không bao dung khi kỳ thị đụng đến công chính và nhân cách: người ta không thể bất chính, sỉ nhục và hận thù giết người. Lòng bao dung chỉ là một đức tinh khi nó không trở nên thụ động trước điều không thể chịu đựng được. Phải khoan dung, có nghĩa là tôn trọng sự khác biệt nhưng vẫn phải giữ tính khách quan. Phải bao dung và cảnh giác. Đứng trước nạn kỳ thị của một quân đội hận thù và hung ác thì lòng bao dung vượt quá giới hạn. Lúc đó phải phản ứng, hành động và phải tự bảo vệ. Đôi khi phải bảo vệ thân xác mình, cứu đời mình và đời con cháu.

Constance ở cùng lớp: "Ông cảm nhận gì khi Mặt Trận Quốc Gia ngày bành trướng?"

Nóemie: "Trong một nước bảo vệ nhân quyền tại sao người ta lại cho một đảng như đảng Mặt Trận Quốc Gia hoạt động?"

Ở Bazas, đa số học sinh ở vùng nông thôn. Một thầy giáo nói với tôi: "Ở đây, gần như không có nạn kỳ thị." Cuối cuộc gặp gỡ, các học sinh thú nhận với tôi, nếu không có quyển sách này thì các em không nghĩ tới hận thù chủng tộc lại có thể xảy ra. Trong cả trường tôi chỉ thấy có một em bé da Đen và Malika, một nữ học sinh người Ma-ghép, các em hoàn toàn hội nhập và nói tiếng Pháp như người Pháp. Không có người nước ngoài thì không có kỳ thị? Không chắc. Bởi vì khi thảo luận với các em tôi mới thấy các em quan tâm đến vấn đề kỳ thị, dù đó không phải là vấn đề thiết yếu. Amélie hỏi tôi: "người ta có thể kỳ thị mà không biết mình kỳ thị không?" Élodie hỏi: "Cái gì thúc đẩy ông tố cáo trước công chúng nạn kỳ thị?" Em bé da Đen duy nhất trong trường không nói gì. Khi tôi về, em đến gần tôi, đưa quyển sách cho tôi ký và nói: "Thưa ông, ông nói cho tôi biết kỳ thị để làm gì vậy?"

Trong một trường học ở Roubaix, ở trung tâm giáo dục ưu tiên, tôi bị một tràng câu hỏi đã được các em chuẩn bị trước với giáo sư hỏi tôi. Câu ghi chú đầu tiên nêu lên một mâu thuẫn trong sách: "Có phải là một hình thức kỳ thị khi nói các trẻ em lai đẹp hơn các trẻ em khác không?" Câu hỏi này được tất cả các em trong các lớp hỏi tôi. Cũng vậy, một vài người bị sốc khi thấy người kỳ thị bị cho là đểu cáng. Em Stéphanie ở trường Montpellier nói với tôi: "Ông nói phải tôn trọng người khác dù mình không thương họ." Nhưng ở cuối sách ông lại nói người kỳ thị là bọn đểu cáng. Vậy như thế là gì?" Estelle ở lóp năm trường Reims nói: "Ông có cân nhắc lợi hại khi viết quyển sách này không?" Aurélie ở cùng lớp hỏi: "Ông đã thành công cải hóa một người kỳ thị nào chưa?"

Các chủ đề khác, các câu hỏi khác cũng được nêu lên trong các buổi thảo luận. Các em người Ma-ghép là các em nói nhiều nhất về nổi sợ, không phải sợ vì bị kỳ thị mà sợ không tìm được một chỗ đứng trong xã hội Pháp.

Nadia, mười bốn tuổi hỏi tôi : « Thế nào là hội nhập? Có phải là : con sinh ra ở Pháp, cha mẹ người An-giê-ri, ở nhà nói tiếng Ả-rập, rồi sẽ có một ngày con sẽ được hội nhập? » Em đặt câu hỏi giống em Zahra về các cha mẹ Ả-rập không muốn con mình chơi với người Ả-rập. Em nhắc lại anh của Malika đã đổi tên họ. Nhất là các em con cái của thế hệ di dân, tương lai các công dân Pháp nhỏ bé này thật khó mà định trước trong xứ sở gốc của cha mẹ, các em rất lo lắng, với những lời lẽ đơn giản, các em mong không bị loại ra khỏi xứ sở này, muốn tham dự vào dòng lịch sử của xứ sở.

Còn các em ở Bazas, những em nói không biết kỳ thị là gì lại đồng loạt hỏi tôi một câu hỏi thật hay : « Ông muốn chúng con lớn lên như thế nào? »

Thomas lớp năm ở trường Montélimar đưa cho tôi mẫu giấy em ghi câu hỏi : « Kỳ thị là thích làm chiến tranh. » Trên một trang khác, em viết lời thú nhận như sau : « Con không cách nào hiểu được cái ngu xuẩn của những người kỳ thị. Đó không phải là bằng chứng của một trí óc thông minh. Con biết con là người chống kỳ thị bởi vì mọi giống dân đều bình đẳng với nhau; đen, trắng, vàng đều giống nhau. Từ khi còn nhỏ, con có nhiều bạn có màu da khác nhau. »


***



Ngày 9 tháng 4 năm 1998, các em trường tiểu học và trung học họp nhau ở phòng Protomoteca ở Campidoglio, tòa thị chính ở La Mã. Các em tuổi từ mười đến mười bốn đi theo các giáo sư, có vài em có cha mẹ cùng đi theo.

Roberto, mười hai tuổi nói : « Theo quyển sách của ông, nạn kỳ thị phổ biến nhiều ở người da Trắng hơn là người da Đen. Nhưng người da Đen cũng kỳ thị. Làm sao để không còn kỳ thị ở cả hai màu da? » Tôi nhắc cho em nhớ các nạn nhân của chế độ nô lệ lúc nào cũng là người da màu, người Phi châu da Đen, người In-điên ở Mỹ mà người ta gọi là người « Da Đỏ ». Không phải vì mình bị kỳ thị mà mình lại không bất công đối với những người khác mình.

Isabelle, mười ba tuổi, người Ê-ti-ô-pi đến Ý cách đây năm năm : « Sau những gì đã xảy ra, vì sao còn có người tin ở chế độ phát-xít? »

Thật khùng.

Michele, mười ba tuổi, hỏi : «Nếu kỳ thị là vì không biết thì tại sao những người có học lại kỳ thị? »

Văn hóa – kiến thức, hiểu biết, học hỏi – không phải lúc nào cũng ăn khớp với khái niệm về điều Thiện và tiến bộ. Người ta có thể biết rất nhiều chuyện về các dân tộc khác và coi mình như cấp trên, tin và làm cho người khác tin văn hóa của mình cao hơn các văn hóa khác; trong khi, đặc nét của các nền văn hóa là nét đa dạng, nét khác biệt mà không được có một thành kiến về giá trị, luân lý hay chính trị. Tôi nhớ lại một khẩu hiệu ghi lại trong một cuộc biểu tình chống Mặt Trận Quốc Gia ngày 28-3-1998 ở Pháp : « Trí thông minh ngừng lúc bắt đầu có kỳ thị. »

Fabio, mười ba tuổi : « Nạn kỳ thị như độ ẩm. Với thời gian, độ ẩm càng nhiều, nhà sẽ sập. »

Silvia, mười tuổi : « Theo ông, con người có được tự do không? »

Làm sao trả lời câu hỏi nghiêm trọng này cho một em bé còn nhỏ như thế? Tôi trả lời : « Tự do của mình nằm trong tay của mình. Nếu mình quyết định tự do, mình sẽ có tự do, có nghĩa là không một ai có thể làm mình không suy nghĩ. »

Guido, mười lăm tuổi, trường khoa học Vecchi-de-Trani ở Puglia : « Con nghĩ tình trạng ở Ý không đến nỗi nguy kịch như ở Pháp. Ở đây chúng con có một vài chuyện đáng buồn : hận thù những người ở miền Nam. Con nghĩ mình không thể nào loại bỏ nạn kỳ thị một cách tận căn. Đôi khi con cũng có những tư tưởng kỳ thị đối với những người vô gia cư bê bối. Thực ra, phản ứng của con chỉ muốn nói : bạn nên làm mọi cách để đừng xuống dốc như thế. Thái độ của con đối với nạn kỳ thị có tính cách phòng ngừa : đừng đặt mình trong tình trạng làm cho người khác hất hủi mình. »

Tôi giải thích cho em hiểu sự ghê tởm của em không phải là kỳ thị nhưng là một loại bực mình tạo ra như khi mình nhìn vào gương và thấy một chuyện xấu. Tóm lại, em muốn nói, em không muốn một ngày nào đó em là nạn nhân để người ta khinh bỉ em.

Elisa, mười bốn tuổi đưa ra nhận xét : « Giải thích nạn kỳ thị cho cô con gái chưa biết kỳ thị là gì thì rất dễ. Nhưng làm sao giải thích nạn kỳ thị cho một người không có lòng bao dung và kỳ thị ra mặt? »

Không bao dung và kỳ thị là lối đối xử không cần biết đến đối thoại là gì. Vậy làm sao nói chuyện với người không thèm nghe, không muốn tin, chỉ khăng khăng giữ ý kiến mình? Tôi cho rằng đứng trước những người kỳ thị hung dữ, cần phải để họ đối diện với luật lệ. Ngày 10-6-1998, ba người Mỹ Trắng cột một người da Đen đàng sau xe và kéo đi cho đến khi ông này chết, ba người này không muốn nghe đến lý lẽ. Chỉ có công chính và hình phạt mới nói chuyện được với họ.

Giovanni, mười ba tuổi nói tiếp : «Vậy thì làm sao giải thích nạn kỳ thị cho một em bé mà cha mẹ chúng lại kỳ thị? »

Trong một trường học ở quận 20, Paris có một lớp học chỉ gồm các em không đủ trình độ để lên lớp sáu, vì thế nên phải chia các em ra. Một vài em lên được trung học, vài em vào trường kỹ thuật, vài em bỏ học luôn bởi vì các em không thể học được. Các em ở tuổi mười một và mười bốn. Đa số con của các gia đình nghèo và di dân. Sự kiện các em tập trung vào trong một lớp học như vậy mang hai ý nghĩa : học hành thất bại, tương lai hạn chế. Các em ý thức được điều này và sáng suốt nói ra một cách thẳng thắn. Cũng có tuyệt vọng trong lời lẽ của các em. Ở đây, các em sống trong cảnh kỳ thị như đó là hậu quả của việc gạt ra ngoài xã hội đang chờ các em vì các em biết các lớp học này là phòng chờ trước khi các em bị vứt và gởi về đường phố.

Các cô thầy làm những gì họ có thể làm. Họ rất xứng đáng không những ra công dạy mà còn đem đến hy vọng và lòng tự tin cho các em vị thành niên, các em ghi nhận xã hội không cứu các em và giúp các em hội nhập. Do đó các em quay qua người khác và có những nhận xét mang tích cách kỳ thị, một hình thức diễn tả cơn giận và nổi tuyệt vọng :

Rachid, mười bốn tuổi, sinh ở Pháp, cha mẹ người An-giê-ri, em nói nhiều nhất lớp, lo âu nhất lớp : « Tại sao người Ả-rập, người Hồi giáo thường ăn mặc bệ rạc, họ đi quét đường, hai bàn tay lúc nào cũng dơ bẩn vì làm việc tay chân, trong khi các người Do Thái thì ăn mặc đàng hoàng, làm việc trong văn phòng, ngân hàng hay trong bệnh viện? Con muốn biết vì sao lúc nào chúng con cũng có điểm xấu, là người đứng chót… »

Tôi hỏi lại em : « Tại sao là người Do Thái? »

Thinh lặng, rồi em nói : « Bởi vì họ không thích mình. »

Dù Rachid đã đọc quyển sách của tôi, em biết người Do Thái đã chịu đựng và bị bức hại đến như thế nào. Nhưng em trách tôi không nói là bây giờ họ « bất công và dữ với người Ả-rập. » Em muốn nói đến mâu thuẫn giữa Ít-ra-en và Pa-lét-tin hiện nay.

Nhận xét này của em giống câu hỏi của em Zahra lớp sáu trường trung học Montpellier, em đã đau khổ vì cha mẹ không cho em học ở trường có nhiều người Ả-rập. Hình ảnh người Ả-rập không được cao cho lắm. Các em cảm nhận điều này trong chính đời sống các em và trong quan hệ với người khác. Hình thức kỳ thị này, diễn tả qua việc các em tự ghét mình, còn nặng hơn do cái khốn cùng của sự thất bại, thất bại trong học hành, nghề nghiệp hoặc kinh tế. Một đứa trẻ không thấy mình có tương lai ở xứ này và ở xã hội này thường rất yếu về mặt tâm lý. Không có chỗ để bám víu. Chạm trán hàng ngày với người khác kích động thêm xung động nơi các em. Học hành thất bại càng làm cho các em cảm nhận mình hoàn toàn bị gạt ra ngoài xã hội. Trên nguyên tắc, sự kiện mình thua thiệt về kinh tế sẽ thúc giục mình làm việc nhiều hơn để thoát ra khỏi cảnh nghèo nhưng trong một vài trường hợp đặc biệt, cảnh nghèo lại tạo nên phản ứng ngược, gục ngã và bỏ cuộc.

Trường công là một bộ máy thần kỳ giúp các em di dân hội nhập vào xã hội. Nhưng để sự hội nhập này thành công, cần phải làm việc thêm với gia đình, với môi trường sống chung quanh (truyền thông giữ nhiệm vụ thiết yếu trong cuộc chiến mỗi ngày này). Nếu không, nạn kỳ thị sẽ lợi dụng những kẻ hở, những điểm yếu để xâm nhập và thiết lập trong não trạng, dù cho để tự vệ hay để che đậy một khả năng nhận định yếu kém.


***


Nhân cuộc gặp gỡ với các em, có vài em đưa bài viết của các em cho tôi.

Một em ở trường Montélimar đưa bài thơ này cho Mérième, con gái tôi :

Cô gái trẻ tuyệt vời

Thoải mái giữa hàng banh

Cười dưới vầng trăng sáng

In-điên hay Ma-rốc

Cô cuốn sợi dây len

Dễ thương và không hận thù.

Ba nam học sinh cũng cùng trường viết một bài thơ khác :

Đỏ, xanh, trắng hay đen

Màu của Phi châu

Nó có làm vỡ cuộc đời?

Nó có đi đến đó?

Cuộc đời nó không xấu hổ

Nhưng chúng tôi không thích vậy

Nó, con người phải chết, có chấp nhận một xứ sở run rẩy vì tình yêu không?

Và cuối cùng là bài thơ của Romain, lớp sáu :

Cho đến lúc nào nạn kỳ thị vẫn còn

Chờ là vô ích

Gạch bỏ chữ kỳ thị

Mang hòa bình đến cho người lạ

Thêm một chút hòa bình vào.

Tôi nhận rất nhiều thư phấn khích và rất hay. Trên cả ngàn bức thư, chỉ có bốn hay năm bức có lời lẽ thật hung dữ, rõ ràng kỳ thị và nhất là hung bạo chống Ả-rập. Tôi lựa rất hạn chế giữa các thư phê bình xây dựng, những bức thư chân thành giúp suy nghĩ về những vấn đề của nạn kỳ thị trên thế giới và đặc biệt là ở Pháp. Các bức thư trao đổi đều có nhã ý xem quyển sách này như của họ và nói « quyển sách của chúng ta » để nói lên « cuộc chiến đấu của chúng ta ». Những bức thư này đã góp phần sửa lại một vài sai lầm trong ấn bản đầu tiên.

Các chữ :

Tôi vụng về viết « Người Đức » khi nghĩ đến các đảng viên đảng Quốc Xã Đức đã bắt đầu hoạt động từ năm 1933.

Ông Lorneanu viết cho tôi :

Tôi nghĩ, dù ở Pháp chúng ta ít nghe nói đến người Đức đứng lên chống lại việc bài Do Thái của các đảng viên đảng Quốc Xã Đức, nhưng trong bài viết nhấn mạnh đến việc tổng quát hóa các lợi dụng thì ông nên trình bày các sự kiện chính xác, có tình hòa đồng với công dân các nước láng giềng, tôi thiết nghĩ nên viết các đảng viên đảng Quốc Xã Đức thay vì viết chung chung người Đức.

Một nhận xét khác : Ông viết : « Người da Đen, họ cũng đối xử kỳ thị ». Tôi xin được phép đề nghị « Người da Đen cũng như mọi người, một vài người trong số họ cũng đối xử kỳ thị ».

Tôi cũng nhận một lá thư rất hay khác nói về chữ khuyết tật tôi dùng mà không hề nghĩ chữ này có hai định nghĩa, một về mặt văn chương, một về mặt xã hội. Đây là trích đoạn thư của ông Patrick Prieur ở La Rochelle :

Trang 40, ông viết : … « nét đa dạng của nhân loại là phong phú chứ không phải khuyết tật.» 

Dùng chữ khuyết tật ở đây không đúng, thậm chí còn nguy hiểm. Ông không nên có một nhận xét nào về chủ đề này, thật tác hại và – tôi lặp lại – thật nguy hiểm khi độc giả liên hệ chữ khuyết tật qua một nghĩa xấu làm nặng hơn tình trạng què quặt, đặt người kia ở một tình trạng thấp kém về mặt thể xác cũng như tinh thần, nạn nhân của một loại kỳ thị ẩn trang, bởi vì nó không trực tiếp hung bạo, ngược lại, bề ngoài lại có vẽ khoan dung dưới dạng « vì tình thương đồng loại », « vì tội nghiệp », vân vân.

Lịch sử các trại tập trung của Thế Chiến Thứ Nhì nhắc cho chúng ta nhớ những người khuyết tật là những người đầu tiên đến đó.

Khiếm khuyết của một người làm người khác khó chịu vì, ý thức hoặc không ý thức, nó nhắc đến cái mong manh của nhân loại và tôi đồng ý với ông, người kỳ thị không thích ai làm mình khó chịu, họ sợ.

Trẻ con chưa phân biệt trẻ em khuyết tật, dưới mắt chúng, đó là một đứa trẻ như các đứa trẻ khác, sau này nó mới phân biệt, cũng như ông, tôi mong trường học sẽ là nơi chiến đấu mạnh mẽ để chống nạn kỳ thị nhưng tránh không nên kết hợp vào đây chữ khuyết tật, một chữ mang một nghĩa về mặt xã hội rất mạnh và « kỳ thị khuyết tật », hai chữ này đi chung với nhau tạo nên một nghĩa xấu, góp phần vào việc loại bỏ các người khuyết tật.

Xin ông cho phép tôi giải thích lý do vì sao tôi dùng chữ khuyết tật. Trong lần tái bản mới này tôi đã thay chữ khuyết tật bằng chữ " trở ngại, làm nghèo đi". Trong quyển sách nói về nạn kỳ thị, tôi không muốn gợi lên khái niệm ruồng bỏ (khinh bỉ, sợ, không nói thẳng) của người bị khuyết tật. Đó là một vấn đề khác tương tự như cái người ta gọi, một cách quá nhanh chóng và không suy nghĩ "kỳ thị chống người trẻ và chống người già".

Ông Da Piedade viết:

Trước hết phải cho ví dụ và chú ý đến các chữ mình dùng. Khổ thay trong trường hợp bất đắc dĩ của ông, ông đã lặp lại hai lỗi lầm:

1- Trang 31: "… người da màu cũng có thể là người kỳ thị".

2- Trang 40: " Ngược lại nếu cha mẹ dặn con cái nên cẩn thận về các em bé da màu thì có thể lúc đó cách đối xử của chúng sẽ khác. »

Thường thường, người da Đen, tôi là người da Đen, bị xem là người da màu (vì e dè, vì không thích, vì thói quen, để khỏi nói đó là người da đen…) vì họ khác với người khác, những người da Trắng được coi như không có màu. Như thế người ta có thể hiểu những người da Trắng là những người đúng tiêu chuẩn, so với tiêu chuẩn này, người da Đen ở ngoài tiêu chuẩn và vì thế họ bất bình thường. Trong khi ở trường, tôi luôn luôn được học dù da trắng, đen, vàng, xanh, đỏ… đều là màu. Nếu nguyên tắc này được đặt ra, bây giờ ai mới có thể gọi là "người da màu."

Nhận xét này được xem là xây dựng vì với tư cách là điều hợp viên, giám đốc một trung tâm giải trí và bây giờ là giám đốc một chương trình cho các em tuổi thơ, tôi đặc biệt nhạy cảm với tất cả những ai làm việc để đẩy mạnh tiến trình chống nạn kỳ thị.

Ông Nyhan ở Nice lưu ý:

Đừng sợ dùng các chữ ngược với lòng nhạy cảm của chúng ta, bởi vì nếu chúng ta lên án nó thì cũng không vì thế mà ngăn được sự hiện diện của nó. Ngược lại, nếu lên án chúng, chúng ta không lột hết ý nghĩa của chúng; mặc cho chúng cái áo cấm đoán thì chúng ta chỉ cổ võ cho việc khích động, còn chúng ta thì dùng chiêu bài nói năng cho đúng để núp đàng sau nó. Chúng ta đừng giương bẫy ra để tự sẫp bẫy mình (…) Chúng ta đừng trở thành những người kỳ thị đối với các chữ, và cũng đừng quảng bá nạn độc tài của các chữ.

Đểu giả

Rất nhiều bức thư chống việc Mérième dùng chữ « đểu giả » ở cuối cuộc đối thoại.

Ông Hissette ở Bỉ viết :

Tôi lên án nạn kỳ thị giống như ông đã làm; tôi xem người kỳ thị phải chịu trách nhiệm về lời nói và hành động của họ do đó những gì họ nóilàm là đáng lên án. Nhưng tôi không thể lên án con người của họ.

Lẫn lộn lời và hành động với chính con người của họ, theo tôi là một hành vi quá giảm thiểu và nguy hiểm. Tất cả chúng ta có hơn những gì chúng ta nói và làm không? (…)

Như vậy tôi thấy tốt hơn nên nói : người kỳ thị không phải là một tên đểu giả, nhưng những gì họ nói và họ làm có tính cách kỳ thị là đểu giả.

Ông Gache nói thẳng hơn :

Ông nói : « Phải tôn trọng người khác »… nhưng cuối quyển sách ông nói những người kỳ thị là những tên đểu giả. Thế thì một câu hỏi được đặt ra : làm sao một nhận xét có ý nghĩa của một học sinh mà một người tự tin ở mình, một người đi giảng dạy lại không nhận ra?

Chữ « đểu giả » dùng ở đây mang tính cách hóm hỉnh. Cháu chưa suy nghĩ kỹ; đáng lý tôi phải giải thích thêm cho Mérième khác biệt giữa những gì mình nói và con người của mình.

Cũng cùng nhận xét như vậy đối với câu « chung chung, con lai thì đẹp ». Những em không lai đã phản ứng, có em cười nói rằng tác giả thiên vị. Sự thật đây cũng là một lời nói hóm hỉnh, có một chút trượt nhẹ chủ quan ở đây.

Nhưng như ông Bancal viết :

Tôi muốn nói « con lai không đẹp hơn cũng không xấu hơn bất cứ người nào ». Và nếu lai giống có thể là một nét phong phú cho văn hóa thì đó cũng là dấu hiệu của một tương quan sức mạnh; và thường thường đó là trường hợp của những người thực dân trong quá khứ, họ « dùng » những người đàn bà trong các dân tộc thiểu số, bất kỳ người thực dân nào, Âu châu hay người Ả-rập đi chinh phục dân Hégire, một công cuộc khai thác thuộc địa rất xưa nhưng không phải là không có, người dân Béc-Be có thể xác nhận điều này.

Khai thác thuộc địa

Giống như chữ « khuyết tật », một vài độc giả phản đối đưa khái niệm khai thác thuộc địa vào quyển sách nói về kỳ thị. Họ nghĩ rằng việc xâm chiếm một vài xứ ở Á châu, Phi châu hay Ma-ghép nằm trong tổng hợp của những thiện hướng tốt lúc đầu.

Bà Laralle viết :

Tôi xin nói hết tấm lòng của tôi với ông. Thời thanh xuân, tôi làm việc trong một nhà trẻ ở Agadir, và tôi bảo đảm với ông các em bé Ma-rốc cũng được ôm ấp và chiều chuộng như các em bé Pháp. Mẹ chồng tôi ở Marrakech, bà săn sóc các em bé ở xứ đèo heo hút gió Bắc Phi với đồng tiền riêng của bà…

Ở Pháp, cũng có những người đồng hương với ông đã giúp đỡ một cách dễ thương và thiện nguyện như vậy.

Năm 1995, khi trở lại Agadir, nhìn xứ sở được tái xây dựng tôi thật hạnh phúc. Tôi rất tiếc là thấy giấy tờ, các xắc gói hàng tràn ngập siêu thị, tôi mua vài tấm thiệp, khi đi ra khỏi cửa hàng, một người đàn ông Ma-rốc khoảng bốn mươi lăm tuổi đến nói với tôi dù tôi không nói gì : « Tôi không thích nước Pháp, tôi ghét người Pháp. » Tôi không trả lời, nhưng trong lòng tư nhủ : « … biết đâu đó là một trong các học sinh của tôi ngày xưa… » Tôi thật buồn. (…)

Năm 1997, tôi về Việt Nam. Bảo đảm với ông là tôi không cảm thấy xấu hổ khi thấy trường học, đường xá, bệnh viện, cầu cống được người Pháp xây cất ở đây. Người Việt Nam còn dùng đến và tôi không nghĩ những người ngày xưa khi xây dựng những công trình này lúc nào trong đầu họ cũng nghĩ đến than, đồng, chì, vàng…

Rất khó để viết một quyển sách về đề tài này nhưng phải tách Quốc Gia và dân chúng, và ông chưa nói đủ mạnh về vấn đề này.

Các cuộc thập tự chinh

Ông Port viết cho tôi về các cuộc thập tự chinh :

Về các cuộc thập tự chinh, chính xác hơn là các lý do dẫn đức giáo hoàng Urbain II mời những người kitô lên đường đến Giê-ru-sa-lem. Cũng như tôi, ông có thể tham khảo các tài liệu ở tây phương và đông phương, các tài liệu được cho là nghiêm túc; ông sẽ thấy lý do khởi xướng qua các biến cố nguyên do mang tính cách tôn giáo nhiều hơn là mở rộng ra đến việc kỳ thị.

Ngòi bút của ông đã đi trệch, tôi rất lấy làm tiếc vì tôi là một độc giả chăm chú, mê say, thán phục và đôi khi rất xúc động khi đọc quyển sách của ông.

Sống mười năm 1947-1957 bên bờ kênh đào Suez, tôi có dịp tìm hiểu và để ý đến thế giới Ả-Rập, hồi giáo, các vấn đề Trung-Đông : cả một thế giới hoàn toàn khác. Đây cũng là một cơ hội thật tốt để mình chọn lựa trong cuộc sống hàng ngày mình có nên kỳ thị hay không.

Không cần phải nói, trong trường hợp của tôi, cuộc tranh luận của tôi không dựa trên một thành kiến kỳ thị nào.

Bà Noel, một cô giáo đã về hưu :

Tôi đọc ở trang 22 : « Hàng ngàn người công giáo đi đến các xứ Trung Đông để tàn sát người Ả-rập và người Thổ. » Đúng như vậy, là người kitô tôi thật sự xấu hổ. Nhưng vì sao ông không nói cho con gái ông biết năm 647, người Ả-Rập đã xâm chiến Bắc Phi, vùng đất của người kitô hồi đó và đã tàn sát người Béc-Be, buộc họ theo đạo Hồi?

Ông nói : « Giữa thế kỷ 11 và 15, người kitô ở Tây-Ban-Nha đã trục xuất người Hồi giáo. » Có lẽ nên nói chính xác hơn là người Hồi giáo đã xâm chiếm nước Tây-Ban-Nha sau đó là Bắc Phi, rồi xứ Gaule đến tận Poitiers… (May là chúng ta có anh hùng Charles Martel!) Tôi không nghĩ các cuộc xâm chiếm này dễ như trở bàn tay. Những chinh phục gia hồi giáo này được các người hiếu chiến Béc-Be giúp đỡ nên họ đã biết dùng giao, dùng kiếm. (Than ôi, họ còn biết nhiều hơn nữa, cứ nhìn những gì xảy ra ở An-giê-ri, ở đó còn có nạn kỳ thị đối với đàn bà.) Tôi không nói đến bất hạnh của người Do Thái vì thời nào họ cũng bị bức hại. Nhưng, nhưng… chính họ cũng kỳ thị… Để không tạo ra nạn kỳ thị, cần kể lại lịch sử dưới mọi khía cạnh dù những hành động của tổ tiên chúng ta làm chúng ta xấu hổ. Không một nhóm thiểu số nào mà hoàn toàn có lý hoặc hoàn toàn vô lý.

Sống đời sống hàng ngày

Bà Boudard, quản lý thư viện ở Besancon viết cho tôi một bức thư dài để nói lên nổi thất vọng của bà :

Khổ thay đa số các em tám tuổi chung quanh tôi chưa quan tâm đến những điều ông đề cập đến trong sách. Tôi nhận thấy nội dung quyển sách quá lý thuyết và lý tưởng. Xin được phép cho tôi trình bày kinh nghiệm của một bà mẹ.

Khi các con còn nhỏ, tôi ở trong một làng 100% người Pháp, chúng tôi chỉ gặp người lạ duy nhất vào những dịp trao đổi thân tình. Quá dễ dàng để tôi giải thích cho con người da Trắng và người da Đen có cùng giá trị với nhau và mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng trước pháp luật, giống như đa số sách vở giải thích cho trẻ con.

Mọi sự không còn được như vậy khi chúng tôi đến ở một khu vực của người di dân (…)

Con trai tôi than phiền bị « chúng » hành hung bằng lời nói lẫn bằng đánh đấm, từ đó cháu có ác cảm với người Ma-ghép. Tôi lặp lại với cháu bao nhiêu lần mọi giống dân đều có giá trị như nhau vân vân và vân vân…, cháu cảm nhận mình không được hiểu, mình bị vấp và bất đầu có thiện cảm với những người trẻ có tư tưởng cực hữu, ít nhất những người này biết lắng nghe cháu. May thay, trong một buổi nói chuyện về các em vị thành niên, tôi hiểu ra tôi chưa biết lắng nghe con tôi. Khi cháu nói với tôi, tôi chờ cháu nói hết câu để giải thích cho cháu hiểu với những lập luận người lớn hay ho của tôi, rằng không nên có thái độ kỳ thị.

Tôi bắt đầu lắng nghe cháu thật sự và tôi phải đồng ý với cháu là cháu quá bực mình khi đứng đón xe buýt mà phải đối diện với những bạn trẻ « chọc » mình và những người trẻ này lúc nào cũng là người Ma-ghép.

Tôi còn phải chấp nhận nếu tôi để cháu một mình ở hồ bơi, thế nào cháu cũng bị hành hung và cháu cũng phải tránh đi xe đạp ở một số khu phố nếu không sợ xe bị giựt mất. Dù vậy, tôi vẫn đi bộ ở các khu phố này mỗi ngày mà chẳng có vấn đề gì. Gặp tôi, các người trẻ chào hỏi lễ phép. Tại sao tôi phải khăng khăng nói với con là mọi người đều suy nghĩ giống nhau trong khi bạn của cháu nghe một bà mẹ nói với đứa con trai của mình : «Con đem về cho mẹ chiếc xe đạp mẹ sẽ cho con 200 quan? »

Tôi không được bịt mắt trước thực tế, tôi phải thay đổi lời nói. Tôi nói với con : « Giữa những người Pháp, có những người con thích, nhưng đa số họ dửng dưng với con và có người con thương (hai người bạn thân nhất của con là người I-ran; con có quyền không thích những người hung hăng, ăn cắp, thậm chí hung bạo. Không phải con không thích người Ả-Rập mà con không thích người ăn cắp. Mẹ đơn giản xin con tôn trọng tất cả họ. »

Tôi cũng nói như vậy với cô bạn dạy học trong một lớp đặc biệt khó khăn ở ngoại ô Paris. Cô nói với tôi : « Marie, tôi nghĩ tôi thành người kỳ thị mất thôi, tôi không chịu nổi học sinh Ả-Rập trong lớp tôi. » Năm học bị xáo trộn không ngừng, đáng kể trong lớp có một em người Ma-ghép. Khi trường tổ chức các lớp học về môi sinh, không một ai chấp nhận tháp tùng em này. Bạn tôi đứng ra bảo vệ và em được đi giống như các em khác. Chỉ trong vòng một tuần ở trại, em đã cố ý phá hoại các tác phẩm nghệ thuật ở đây. Bạn tôi đã phải nhờ đến hãng bảo hiểm để họ trả tiền sữa chữa, cố giải quyết công việc để tránh tạo xì-căng-đan, vân vân… Cô nói với tôi : « Lúc nào cũng là người Ả-Rập ». Tôi nói với cô, sự bực mình chính đáng của cô không phải do kỳ thị vì cô cũng sẽ bực mình như vậy đối với một người Pháp hay bất cứ một em nào khác làm như vậy. « Chính cách đối xử mà bạn lên án chứ không phải con người của họ, cũng không phải gia đình, không phải chủng tộc. » (…)

Tôi không kỳ thị, nhưng…

Lúc đầu tôi nghĩ tôi sẽ tặng quyển sách này cho cô con gái đỡ đầu mười một tuổi của tôi… nhưng quyển sách của ông chỉ có thể thuyết phục được những ai không kỳ thị hoăc người nào có tinh thần cởi mở (… phải còn rất trẻ), chưa bị méo mó vì giáo dục nhận được hoăc chưa bị kỳ thị. Với những người khác thì mình phải làm như thế nào? Chắc chắn sợ người lạ là một chuyện ngu xuẩn nhưng nỗi sợ này lại căn cứ trên kinh nghiệm sống không chối cãi (hung hăng, hăm dọa, phá hoaị). (…) Tôi là giáo sư trong một trường trung học của trung tâm thành phố, tôi sợ cho các học sinh Ả-Rập của tôi vì tôi biết các em có thể là nạn nhân của bất cứ một sỉ nhục nào, hoăc tệ hơn nữa là bị đối xử kỳ thị." Phải nói đây là điều không tránh được… người tốt phải gánh chịu hậu quả việc làm của người xấu làm sao?

Bà Lyonnet bị một vài người trong gia đình cho là kỳ thị, bà viết:

Thực ra tôi chỉ đơn giản nói ra những gì người khác nghĩ thầm trong lòng nhưng với bất cứ giá nào họ cũng không dám thú nhận, sợ bị cho là kỳ thị. Đối với tôi, trục xuất một người nước ngoài nhập cư bât hợp lệ là chuyện bình thường. Tôi cũng thấy lô-gíc việc cắt bỏ trợ cấp gia đình cho những gia đình không có khả năng "giữ" con họ lại, đương nhiên bất luận họ thuộc nguồn gốc nào. Tôi cũng cảm thấy khó chịu khi tôi thấy tôi là người da Trắng duy nhất đứng ở quầy trả tiền, hoặc khi tan trường, tôi thấy ba phần tư các em là "dân da màu" – một danh từ gần đây tôi nghe từ miệng của một cảnh sát.

Phòng chờ của các văn phòng trợ cấp xã hội thì đa số gồm những người nước ngoài, có phòng còn viết thông báo bằng chữ Ả-Rập. Thêm vào đó giới truyền thông, làm ra vẻ như không có gì nhưng với đầu óc đánh lừa của họ, họ còn nhồi sọ chúng ta thêm, đến mức mà chúng ta chán ngấy kỳ thị, nói quá là quá, tôi có cảm tưởng như mình bị xâm chiêm, mình không còn ở trong nhà mình.

Dù vậy, chân thành mà nói, tôi không nghĩ tôi kỳ thị theo nghĩa đúng của nó. Đối với tôi, không có một giống dân nào cao hơn giống dân nào, tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá của tôi vẫn là và sẽ là giá trị nhân bản (…)

Ông Francis B., hội An Xá Quốc Tế tự hỏi về hình ảnh của đạo Hồi.

Khi tôi nghe ai nói: "Đúng là việc làm của người Ả-Rập!", lúc nào tôi cũng tự nhủ: "Thât là một lời khen hay!"

Các bạn có biết người Ả-Rập đã mang đến cho nước Pháp rất nhiều kiến thức: số học, đại số, hình học, y khoa, thiên văn vv..

Than ôi, tôi không thể nói chính xác cảm nghĩ của tôi cho lập luận này. Bạn có thể giúp tôi và nói cho tôi biết những gì bạn nghĩ về câu trả lời của tôi khi nghe người ta nói: "Đúng là việc làm của người Ả-Rập!"

Tôi gắn bó với Nhân Quyền, tôi làm việc cho hội Ân Xá Quốc Tế.

Lòng tôi tan nát, tôi rất xấu hổ vì tôi nghĩ tôi kỳ thị, dù cho cô bạn thân nhất của tôi người da Đen!

Tôi sợ đạo Hồi. Những gì xảy ra ở Afghanistan thì thật là khủng khiếp.

Tôi mong các bạn nói cho tôi biết kinh Coran hợp với bản tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Có phải quyển sách thiêng liêng của người Hồi giáo nói là phải áp dụng án tử hình, ném đá người đàn bà ngoaị tình, cắt bỏ âm hộ, đánh roi, chặt què tay chân, cấm nghe nhạc, cấm xem hình, v.v..

Tôi có một cái nhìn như bóng đè về Hồi giáo và tôi cứ phải nghĩ đây là một tôn giáo nguy hiểm nhất thế giới… Tôi theo đạo công giáo và tôi ý thức đạo của tôi cũng có nhiều khiếm khuyết: Bắt đạo, giết các người tin lành, bảo thủ cực đoan. . . "

Các giai thoại

Bà Aird ở Ontario, Canada:

Làng tôi ở ngày xưa gần như chẳng bao giờ có bóng dáng một người Phi châu, trong một cuộc đi dạo, đứa con gái bốn tuổi của tôi gặp một người đàn ông cao to đi đến, có nét của Người Phi châu, da đen bóng. Khi ông đi đến gần, con tôi hỏi có phải đó là người Hoà Lan không. Tôi ngạc nhiên vì câu hỏi của con vì tôi chỉ thấy ông có nét Phi châu, da lại rất đen. Tôi hỏi cháu: "Tại sao con nghĩ đó là người Hoà Lan?" Cháu trả lời: "Vì ông mang guốc." Tôi quay lại và thấy ông mang guốc. Tôi thấy ấm cả lòng.

Ông Luscher ở Genève:

Tôi đưa Camille về nhà. Cháu mới ba tuổi rưởi. Ngày hôm đó, cháu rất hài lòng vì cháu chơi vui với Blaise.

- Blaise là ai vậy con, là ai trong số ba người bạn của con?

- Là người bạn mặc áo len đỏ đó.

- Không, ba không biết… Bạn như thế nào?

- Thì… con không biết… bạn mặc áo len đỏ đó!

Tôi không hỏi thêm nữa, tôi chờ đến ngày hôm sau khi đến nhà trẻ, tôi nói cháu chỉ bạn cháu cho tôi xem. Cháu chỉ người bạn vẫn mặc áo len đỏ. Em có vẻ thiện cảm, em nở một nụ cười thật lớn với tôi. Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt đen bóng của những em bé Phi châu!


***


Một bài bào trong tờ Le Monde ngày 8 tháng 4 năm 1998:

Lần đầu tiên, một nhóm nghiên cứu gia trường đại học Helsinki thiêt lập được một mối dây liên hệ giữa quan hệ dòng máu và sự tiêu diệt của những dân tộc sống cô lập (liên hệ dòng máu là sợ dây nối kết của những đưa bé có cùng một cha).

Các nguy hiểm của việc liên hệ dòng máu được chứng nhận nơi các con bướm

Lần đầu tiên, các nghiên cứu gia vừa xác nhận sự liên hệ dòng giống đã làm thuận lợi cho việc biến mất các sắc dân sống cô lập.

Khi nghiên cứu loài bướm đa-mi-ê, một loài bướm Âu châu khá quen thuộc với cư dân vùng Aland, một vùng đảo giữa Phần Lan và Thụy Điển, một nhóm nghiên cứu viên của trường đại học Helsinki đã chứng tỏ nguy cơ biến mất gia tăng một cách đáng kể nơi các loài sâu bọ có phấn trên cánh mà tính phong phú của di truyền bị yếu kém do sự phối hợp giữa các cha mẹ quá gần nhau.

Kết luận của các nhà sinh học Phần Lan được đăng trên tờ báo khoa học Thiên Nhiên số 2 tháng 4 chỉ là bề nổi của một công trình nghiên cứu từ nhiều năm nay. Giữa các năm 1993 và 1996, với sự hợp tác của các sinh viên làm việc trong các kỳ nghỉ hè, các khoa học gia đã khoanh 1600 đồng cỏ nơi các loại thảo mộc mã đề và rau thủy mọc, hai loại cây nuôi con sâu của loài bướm đa-mi-ê.

(…) Một năm sống của loài bướm đa-mi-ê như cái đồng hồ, chính xác từng ngày. Giao hợp và đẻ trứng tháng sáu. Gom lại từng gói ấu trùng từ 50 đến 250 con, các con sâu đa-mi-ê tự nuôi đến tháng tám. Sau đó chúng nghĩ một thời gian ngắn, rồi tiếp tục ăn đến tháng ba sang năm; cuối cùng, con bướm ra khỏi kén vào tháng năm. Nó chỉ còn vài tuần để sinh sôi nẩy nở.

(…) Từ các quan sát của họ, các nhà nghiên cứu Phần Lan trích ra từ mẫu tất cả các yếu tố bên ngoài (điều kiện khí hậu, khan hiếm thức ăn, diện tích đồng cỏ và dân số, khoảng cách giữa các đồng cỏ, vvv…) có thể dẫn đến sự biến mất nhóm bướm này hoặc nhóm bướm kia. Một khi loại bỏ các yếu tố này thì phần còn lại trong bài tính của họ là sự gần gũi giữa các dòng giống: 26% lý do của sự biến mất của loài.

Người ta thừa nhận các sắc loài sống cô lập (chỉ truyền giống giữa chúng với nhau) có tỉ số sản xuất không bằng mức trung bình, do tạng và cân nặng của ấu trùng nhỏ hơn trung bình; các con bướm cái ít thọ hơn và vì thế ít đẻ trứng hơn. Một điểm cuối cùng, thời gian chúng ở trong kén lâu hơn trung bình lại càng thuận lợi thêm cho tình trạng ký sinh.


Pierre Barthelemy

Le Monde, 8 – 4 – 1998


Điều này muốn nói gì với chúng ta? Các con bướm này bị teo dần vì chúng không trộn lẫn vào các nhóm khác. Kinh nghiệm khoa học này chứng tỏ sự liên hệ dòng giống (cùng một nhóm, cùng một gia đình kết hôn với nhau) có thể nguy hiểm vì làm cho hệ thống di truyền nghèo đi. Một vài người sợ lai giống. Isabelle Olivier, một nghiên cứu gia của trường Đại học Montpellier II nói: "Người ta đụng vào một sự kháng cự rất mạnh về mặt tâm lý, một loại kỳ thị khi họ muốn tránh các sắc dân lẫn lộn với nhau. Một tư tưởng thuần giống vẫn còn đọng lại trong đầu óc của nhiều người."


—oOo—

Ghi chú:

Lịch sử gia người Mỹ Raoul Hilberg trong quyển sách Hủy Diệt Người Do Thái Ở Âu Châu, (nhà xuất bản Fayard 1988) đưa ra con số năm triệu người Do Thái bị giết trong các trại tập trung và lò hơi ngạt của các đảng viên đảng Quốc Xã: "Người Đức giết năm triệu người Do Thái."




—oOo—


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét