Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Nguoi Gai Hau Cua My Chau.html

Phạm Hổ

Người Gái Hầu Của Mỵ Châu

Nhà văn Phạm Hổ

Thông tin ebook

Tên truyện : Người Gái Hầu Của Mỵ Châu

Tác giả : Phạm Hổ

Thể loại : Kịch – Sân khấu

———————————-

Nguồn : http://docsach.dec.vn

Chuyển sang ebook (TVE) : santseiya

Ngày hoàn thành : 30/10/2007

Nơi hoàn thành : Hà Nội

http://www.thuvien-ebook.com

Mục Lục

Nhân vật

Lời thuyết minh

Cảnh một

Cảnh hai

Cảnh ba

Cảnh bốn

Cảnh năm

Cảnh sáu

Cảnh bảy

Cảnh tám

Cảnh chín

Cảnh mười

Nhân vật

An Dương Vương

Mỵ Châu

Trọng Thủy

Quan sư phó

Cao Lỗ

Tướng quân Tiêm

Mễ tướng quân

Trai hầu của Trọng Thủy

Gái hầu của Mỵ Châu

Trung Liêu

Bà cụ

Người đánh mõ

Đám đông

Lời thuyết minh

Sau khi xây được thành Cổ Loa

An Dương Vương đánh thắng Triệu Đà

Ba năm Trọng Thủy sang ở rể

Bao chuyện vui buồn sử còn kể

Đêm nay sống lại thuở xa xưa

Chuyện cũ ôn lo chuyện bây giờ.

Màn từ từ kéo lên   

Cảnh một

Vườn hoa ở trong thành Cổ Loa. Trời tối. Sao chi chít, Trọng Thủy, Mỵ Châu cùng ra, đến giữa sân khấu thì dừng lại.

Trọng Thủy: Tôi đố công chúa trăng là đàn ông hay đàn bà?


Mỵ Châu: Đàn ông! Gọi là ông trăng kia mà.


Trọng Thủy: Không phải! Đàn bà! Mặt trời mới là đàn ông!


Mỵ Châu: (Cười) Không! Mặt trăng là đàn ông. Mặt trời cũng là đàn ông!

Trọng Thủy: Đàn ông hết ấy à? Thì ai Sinh ra chừng ấy sao trên trời nào?


Mỵ Châu: (Lại cười) Trời Sinh chứ còn ai nữa!


Trọng Thủy: Không phải! Mặt trời nóng như lửa là đàn ông. Mặt trăng hiền mát là đàn bà! Những đêm trời tối như thế này là mặt trời đang gặp mặt trăng!


Mỵ Châu: Còn đêm có trăng thì mỗi người một nơi à?


Trọng Thủy: Phải! Mặt trời đi làm việc của mặt trời, mặt trăng đi làm việc của mặt trăng.


Mỵ Châu: Mặt trời, mặt trăng cũng xa nhau nhiều nhỉ?


Trọng Thủy: Ừ! Tôi đố công chúa, hai bên, bên nào nhớ bên nào nhiều hơn, mặt trời hay mặt trăng?


Mỵ Châu: Mặt trăng!


Trọng Thủy: Đúng rồi! (Cầm tay Mỵ Châu). Nay mai vua cha gọi tôi về nước, công chúa có nhớ tôi như mặt trăng không?

Mỵ Châu (Bẽn lẽn): Có

Trọng Thủy: Tôi nhớ công chúa hơn mặt trời nhớ mặt trăng nhiều. Công chúa biết không?


Mỵ Châu: (Sung sướng) Biết!

(Trai hầu hiện ra và lên tiếng)

Trai hầu: Xin mời phò mã và công chúa về lầu. Quan Sư phó đang đợi!

Trọng Thủy: Có việc gì vậy?

Trai hầu: Thưa phò mã, Trai hầu này không biết ạ!

Mỵ Châu: Có người bên nước mới sang chăng?

Trai hầu: Thưa công chúa, không phải ạ!

Trọng Thủy: Em về trước đi. Ta về ngay đây!

(Trai hầu lạy chào rồi trở ra. Gái hầu từ bên này sân khấu đi ra, tay cầm một bó hoa nhỏ).


Gái hầu: Thưa công chúa, hoa mới bắt đầu nở. Tất cả chỉ được chừng này.

Mỵ Châu: (Đón lấy bó hoa ngửi) Hoa mộc đây. Hoa bé mà thơm quá! (Đưa bó hoa cho Trọng Thủy)

Trọng Thủy: (Đón lấy vẻ hơi lo lắng) Hoa thơm thật. Thôi, mời công chúa ta cùng về…


(Cả ba vào… Màn ngoài kéo lên cảnh lầu quan Sư phó ở. Quan Sư phó đang ngồi bên cạnh một cây đèn. Trai hầu vào)

Quan Sư phó: Trai hầu đã gặp phò mã ở đâu?


Trai hầu: Thưa quan Sư phó, phò mã đang đi chơi ở vườn hoa.


Quan Sư phó: Con nghe phò mã nói gì với công chúa?


Trai hầu: Thưa quan Sư phó! Phò mã đố công chúa mặt trăng là đàn bà hay đàn ông.


Quan Sư phó: (Vẻ mặt nghiêm lại) Phò mã hỏi gì nữa?


Trai hầu: (Lúng túng) Dạ, Thưa quan Sư phó. Rồi phò mã lại hỏi, mặt trời là đàn ông hay đàn bà?


Quan Sư phó: (Vẻ mặt càng khó chịu) Thôi được rồi! Cho Trai hầu về phòng nghỉ! Phò mã sẽ về ngay chứ?


Trai hầu: Dạ thưa, có tiếng phò mã đã về kia rồi! Con xin lạy chào quan Sư phó

(Lạy chào rồi đi ra. Trọng Thủy vào)

Trọng Thủy: Thưa sư phụ, con đã về!


Quan Sư phó: (Lặng im một giây) Phò mã đi chơi hơi nhiều đấy! Đêm qua phò mã có luyện võ không?


Trọng Thủy: Thưa sư phụ, có đấy ạ!


Quan Sư phó: Có, nhưng chừng ấy thì chưa đủ. Còn đêm nay, phò mã không biết là có chuyện gì à?


Trọng Thủy: (Ngạc nhiên) Thưa sư phụ, con không biết ạ!


Quan Sư phó: Qua chuyện Trai hầu kể, ta đoán đêm nay họ lại thử đấy!

Trọng Thủy: Thưa sư phụ lại, thử à? Mới thử đấy thôi mà!

Quan sư phó : Muốn thử nữa thì người ta cứ thử. Ai cấm!

Trọng Thủy: Thưa sư phụ! Chắc là lão Cao Lỗ lại đúc được thứ tên mới.

Quan Sư phó: Phò mã thường đoán rất đúng. Nhưng phò mã không để ý đến gì hết.

Trọng Thủy: Con đang lo đánh dấu những cái sư phụ dặn.

Quan Sư phó: Vừa đánh dấu nhưng phải vừa nghe, vừa nhìn xung quanh mới được! Sáng nay Cao Lỗ vừa cho mang nhiều bó tên mới đúc tới.

Trọng Thủy: Chắc là họ muốn bắn một lúc được nhiều mũi tên hơn trước.

 

Quan sư phó (Khẽ gật đầu): Đúng! Cho nên ta càng lo nghĩ đến chuyện kia.

Trọng Thủy: Thưa sư phụ, có phải là chuyện cái…

Quan Sư phó: (Giơ tay ra hiệu bảo im) Đừng! Điều hệ trọng chớ có nói ra! (Im một giây). Đấy, con xem, bao nhiêu việc vua cha giao, ta đã làm được chút gì đâu!

Trọng Thủy: Thưa sư phụ, sư phụ cũng đã đi xem xét được khá nhiều nơi rồi.

Quan Sư phó: Nhưng cái chính thì chưa làm được chút nào. Mấy hôm nay bụng ta cứ nóng như lửa. Chắc ở bên nhà vua cha đang sốt ruột và quở trách ta nhiều lắm.

Trọng Thủy (Vẻ mặt lo lắng): Thưa sư phụ, nhưng chuyện này đâu có dễ… Con đã tìm cách hỏi thử, nhưng công chúa cứ nói là không biết.

Quan sư phó (Gật gật đầu): Ta đã có cách rồi. Ta sẽ nói với con sau… Bây giờ thì ta hãy hé mở hết các cánh cửa để xem đêm nay họ bắn thử ở phía nào.

Trọng Thủy: Thưa sư phụ, con đoán đêm nay ở cửa phía bắc, vì lần trước họ đã bắn thử ở cửa phía nam.

(Trọng Thủy đi mở hé các cánh cửa xong quay lại). Trời tối, mời sư phụ đến gần cửa cho dễ nhìn. (Quan Sư phó chậm rãi đứng dậy, đi ra phía cửa bắc. Trọng Thủy đi theo).


Quan Sư phó: Con có nhớ nhà không?

Trọng Thủy: Thưa sư phụ! Nhớ quá.

Quan Sư phó: Từ đây về đó, bao nhiêu núi, bao nhiêu sông. Hình như con say mê công chúa lắm phải không?

Trọng Thuỷ (Bối rối): Thưa sư phụ, sư phụ dặn con là phải làm cho công chúa thật tin và yêu con kia mà?

Quan Sư phó: Đó là về phía công chúa, còn phần con, con phải khác!

Trọng Thủy: Xin sư phụ dạy cho con được rõ thêm…

Quan Sư phó: Làm sao cho nó say mê con, nhưng con đừng say mê nó mới được!

Trọng Thủy (Nói một mình): Sao mà khó vậy! Có lẽ không có gì khó hơn (Bỗng giật mình kêu lên) Kìa! Họ thử rồi!

(Bên ngoài cánh cửa từng lúc có những mũi tên sáng rực bay vút đi, nhìn đẹp và uy nghi lạ thường.
– Mở hé thêm cánh cửa).


Quan Sư phó: Đúng là vật báu trên đời. Mũi tên thường nhưng có nỏ thần bắn đi thì lại sáng lên như sao bay. Phải hàng mấy trăm mũi tên bay đi cùng một lúc… Lần trước, họ bắn được ít hơn mà họ đã thắng ta. Con thấy không?

(Ngoài cửa, hàng trăm nghìn những mũi tên sáng rực lại vun vút bay qua).

Cảnh hai

Trong lầu vua An Dương Vương. Mỵ Châu đang ngồi cạnh một cái ghế to đặt ở một bậc cao hơn. Đó là cái ngai của vua. Công chúa bỗng đứng dậy đi tới bên cửa sổ, nhìn ra ngoài.

Mỵ Châu: Được gặp vua cha, tôi lại thấy như tôi đang còn bé. Vua cha lúc nào cũng thương tôi như lúc lên chín, lên mười. Còn tôi, ôi nếu không có vua cha thì tôi chết mất. Tôi chỉ còn có vua cha thôi. Sao tôi không được có mẹ như người khác? Tôi hơn nhiều người vì tôi là công chúa, nhưng tôi thua nhiều người vì tôi mồ côi. May mà gần đây, tôi đã có thêm phò mã thương tôi… Bây giờ thiếu vua cha tôi cũng chết, mà thiếu phò mã, e tôi cũng khó mà sống được! Nhưng phò mã đang giận tôi… Thật ra là tôi có biết gì đâu. Để hôm nay gặp vua cha, tôi thử hỏi xem… Phò mã buồn, tôi làm sao vui được! Đêm qua, vua cha vừa lại thử nỏ thần. Chắc vua cha đang vui lắm.

(Có tiếng Sơn ca hót réo rắt. Công chúa ngẩng nhìn lên trời cao, xúc động, lắng nghe tiếng chim hót)

Tiếng chim sơn ca:

“Tít lên mây!

Tít lên mây!

Tít lên mây!

Tít lên mây!

Trời cao đất rộng

Đỉnh núi rừng cây

Biển lúa đồng đay

Dưới, trên cùng đẹp

Tít lên mây!

Tít lên mây!

Tít lên mây!

Tít lên mây!

Treo mình em hót

Quê em là đất

Quê em là trời

Hai mà một thôi

Một mà hai đấy

Nhìn xa biết mấy

Vẫn gần gụi bên

Yêu thương em hót

Gửi cùng dưới, trên

Tít lên mây!

Tít lên mây!

Tít lên mây!

Tít lên mây!

Sơn ca đã về hót rồi! Tôi đã từng được nghe vua cha kể chuyện về chim sơn ca… Hồi tôi còn bé kia! Nàng Tiên nhỏ giúp vua cha và thần kim quy diệt Gà tinh, đã bị Gà tinh hãm hại, chết đi nàng đã hóa thành sơn ca…

(An Dương Vương tươi cười bước ra)

An Dương Vương: Con chờ cha có lâu không?

Mỵ Châu: Thưa cha, con cũng mới đến thôi!

An Dương Vương: Con có chuyện muốn hỏi cha phải không? (Nhận ra tiếng sơn ca đang hót) ồ! Có tiếng sơn ca đang hót kìa! Con có nghe thấy không?

Mỵ Châu: Thưa cha, con nghe thấy rồi.

An Dương Vương: ại, mỗi lần nghe tiếng sơn ca, cha lại nhớ tới nàng Tiên nhỏ và bà cụ mẹ nàng. Con có còn nhớ chuyện cha đã kể cho con nghe không?

Mỵ Châu: Thưa cha, con còn nhớ. Nhưng theo cha kể thì chỉ có một con sơn ca thôi, sao bây giờ lại nhiều sơn ca như vậy?

An Dương Vương: Con chưa nghe cha kể về chuyện đó lần nào à?

Mỵ Châu: Thưa cha, con chưa được nghe…

An Dương Vương: Thế là tại cha. Cha cứ tưởng là đã kể rồi!

Mỵ Châu: Thưa cha, cha trăm việc phải lo, mà toàn việc lớn…

An Dương Vương: Đây cũng không phải là chuyện nhỏ… ừ, để cha kể cho con nghe. (Lại đứng bên con, ngay ở cửa sổ) Con ơi, khi Thần núi Thất Diệu hóa phép biến nàng Tiên nhỏ thành chim sơn ca để hót cho cả đất trời cùng nghe thì đúng là chỉ có một chim sơn ca thôi. Nhưng sau đó, Triệu Đà kéo quân sang định cướp nước ta, cha đem nỏ thần ra bắn giặc. Mỗi phát bắn hàng trăm mũi tên, và mũi nào cũng giết được giặc. Không dè, đang bắn, cha bỗng sẩy tay để tuột cái lẫy thần… Mà không có cái lẫy thần thì nỏ của cha cũng chỉ là cái nỏ thường thôi. Cái lẫy thần rơi xuống chân thành, ngay bên chân mấy tên giặc. Cha đang lo lắng thì một cái bóng từ trên lầu cao vút xuống chân thành. Nhìn ra đó là An Liêu, một chàng trai vừa khỏe, vừa đẹp. An Liêu có thể bắn nỏ suốt cả ngày không biết mỏi. Và bắn rất nhanh, rất trúng đích. Cha lo quá, sợ An Liêu nhảy từ lầu cao xuống, không khéo thì nguy mất. Vậy mà An Liêu nhẹ nhàng đứng dậy ngay được. An Liêu xông đến chỗ lũ giặc, nhặt nhanh cái lẫy thần và ném vút lên lầu cao. Cha vội vàng đón lấy. Cha cài lại lẫy thần vào nỏ thì ở dưới kia, lũ giặc cũng vừa xông lại chém An Liêu. An Liêu tay không, chống trả chỉ được một lúc, đánh được mấy tên xong thì chàng bị ngã xuống… người đẫm máu… Cha thương quá, cắn răng lấy sức bắn giết hết lũ giặc để trả thù cho An Liêu… Đánh đuổi được giặc chạy rồi, cha cùng tướng quân Cao Lỗ chạy vội xuống chân thành, cầu Thần núi Thất Diệu xuống cứu chữa…

(An Dương Vương dừng lại, ngoái đầu nhìn lên trời để nghe tiếng sơn ca đang hót rất gần).


Mỵ Châu: Cha ơi, cha kể tiếp cho con nghe đi. Thần núi có cứu được An Liêu không cha?

An Dương Vương: Cứu được thì An Liêu đã còn. Không cứu được vì xác An Liêu đã nhiễm quá nhiều khí lạnh của đêm (Nói một mình). Giá cứu ngay lúc còn mặt trời thì được.

Mỵ Châu: Trời ơi! Thương cho An Liêu quá! An Liêu có còn cha còn mẹ gì không cha?

An Dương Vương: Không còn ai hết, An Liêu mồ côi cha mẹ từ lúc còn bé… Sau đó, nghe có người nói, lúc còn sống, An Liêu biết chuyện chim sơn ca, rất yêu tiếng sơn ca hót, có khi ngồi suốt cả buổi chiều để nghe, không chịu về nhà, nên Thần núi Thất Diệu mới làm phép biến An Liêu thành con chim sơn ca thứ hai, để cho sơn ca có đôi, có bạn. Từ ngày có con sơn ca thứ hai thì con sơn ca đầu tiên thôi hót. Và từ chỗ có một đôi, sau đó không lâu, ai cũng thấy có rất nhiều chim sơn ca.

Mỵ Châu: Cha ơi! Chuyện cha kể làm con muốn khóc!

An Dương Vương: Cha cũng vậy! Nghe tiếng sơn ca hót là cha lại thấy nàng Tiên nhỏ, lại thấy An Liêu như còn sống đó…

(Tiếng sơn ca lại hót)

Mỵ Châu: Cha ơi, chắc là mỗi con chim trước kia đều là một con người.

An Dương Vương: Cha cũng nghĩ vậy! Có con thì mình biết chuyện, có con thì mình không biết.

(Tiếng chim sơn ca vẫn lanh lảnh hót)

Mỵ Châu: Cha ơi! Chim sơn ca như muốn gọi con ra với chim hay sao ấy! (Nhìn lên trời cao một giây lâu) Sau này khi con chết, con cũng muốn thành chim! Cha nhớ xin Thần núi biến con và phò mã thành một đôi chim thật đẹp cha nhé!

An Dương Vương: Được rồi! Còn cha, con có muốn cha cũng thành chim không?

Mỵ Châu: Trẻ mới thành chim! Còn tuổi nhiều như cha thì phải thành rồng…

An Dương Vương: Chết! Con đừng nói gở! Con làm sao chết trẻ được. Con cũng sẽ sống lâu như cha. Thiếu con, cha không sống được đâu!

Mỵ Châu: (Nhìn cha, cầm lấy tay cha nghẹn ngào) Thưa cha, con cũng vậy, thiếu cha con sẽ chết ngay tức khắc…!

(Quỳ xuống lạy vua cha. Tiếng hót sơn ca càng lảnh lót ở bên ngoài).

Cảnh ba

Trong thành Cổ Loa: trọng thủy, trai hầu, người đánh mõ, Mỵ Châu

Trọng Thủy: Trai hầu này, em bảo Gái hầu nó có quý ta không?

Trai hầu: Thưa phò mã, Gái hầu kính yêu phò mã không thua em một chút nào.

Trọng Thủy: Sao em biết?

Trai hầu: Phò mã không thấy Gái hầu vui khi gặp phò mã, khi thấy công chúa lo cho phò mã việc này việc kia sao?

Trọng Thủy: Em nói đúng. Ta cũng vậy, ta rất quý Gái hầu… Nghe nói bố mẹ chết sớm nên Gái hầu phải ở với người em của mẹ phải không?

Trai hầu: Dạ, thưa phò mã phải đấy ạ.

Trọng Thủy: Mà nhà em thì cũng ở gần nhà Gái hầu.

Trai hầu: Dạ thưa không gần mà cũng gần.

Trọng Thủy: Sao lại thế?

Trai hầu: Dạ vì cứ chịu khó đi thì đâu cũng đến. Mà đến thì không xa nữa.

(Có tiếng trống đồng nổi lên)

Trọng Thủy: Vua cha sắp đi rồi à?

Trai hầu: Thưa vâng! Còn hai hồi trống nữa là đoàn đi săn lên đường. Dạ thưa sao mùa săn này phò mã không đi ạ?

Trọng Thủy: Ta xin vua cha ở nhà vì hai hôm nay ta bị mệt. Tiếc quá! Mùa săn trước thật là vui!

Trai hầu: Bao nhiêu con nai, bao nhiêu con hổ sắp sửa bị trúng tên và bị đưa về? Gái hầu nó bảo nó thương những con vật bị chết lắm.

Trọng Thủy: Còn em thì sao?

Trai hầu: Lúc đầu em thích đi săn bắn được thú mang về, nhưng nghe Gái hầu nó nói, em cũng thấy thương thương.

Trọng Thủy: Trời định trước cả đấy em ạ! Ngay con người, trời cũng định trước sướng khổ, sống chết ra sao rồi!

Trai hầu: Quyền của trời to thật!

Trọng Thủy: Nhưng Trời là ở trên trời, còn ở dưới đất này thì đã có vua… Vua là con của Trời mà!

(Người đánh mõ hiện ra, Trai hầu vồn vã chạy lại)

Trai hầu: Chào anh mõ! Đêm nào cũng nghe tiếng mõ của anh, bữa nay mới gặp.

Người đánh mõ: Xin lạy chào phò mã! Chào Trai hầu! Vâng, đêm nào tôi cũng đánh mõ, nhưng có ai nghe tôi đâu.

Trai hầu: Có chứ! Tôi mà thức là tôi nghe rất rõ.

Người đánh mõ: Nhưng anh có thức đâu! Mà anh có thức thì cũng như ngủ, anh có nghe, có biết gì đâu!

Trai hầu: Anh nói khó hiểu quá!

Người đánh mõ: Thưa phò mã, anh Trai hầu có đúng là thức mà cũng như ngủ không ạ?

Trọng Thủy: Ý nhà ngươi muốn nói gì?

Trai hầu: (Nhanh nhảu) Thưa phò mã, anh đánh mõ này có tài đặt câu đố hay lắm…

Người đánh mõ: Hay thì người ta đã bảo tôi ra câu đố rồi! Mà tôi cũng muốn đố lắm! Nhưng có ai đặt cho tôi đâu!

Trai hầu: Thưa phò mã, phò mã đặt đi! Anh ấy mà ra câu đố thì ai cũng phải cười.

Người đánh mõ: Sao anh dám hỗn vậy! Thưa phò mã anh Trai hầu này thích cười lắm, nhưng có ngày rồi anh ta sẽ khóc…

Trọng Thủy: Vì sao ngươi nói vậy?

Người đánh mõ: Thưa phò mã, tôi cứ lấy tôi ra mà xét thì đúng như vậy. Trước đây tôi hay cười, thích cười thật. Còn bây giờ thì tôi hết muốn cười rồi. Chỉ muốn khóc.

Trọng Thủy: Vì sao lại muốn khóc?

Người đánh mõ: Đêm nào tôi cũng thức – Đêm nào tôi cũng đánh mõ… Mà người ta vẫn cứ để kẻ trộm vào nhà!

Trai hầu: Thưa phò mã! Em nghe các cụ làng em nói chính vua cha đã có lần thưởng rượu cho anh đánh mõ này đấy!

Trọng Thủy: Ta cũng có biết. Nhưng thôi, ta mau sang chỗ lầu công chúa để cùng xem đoàn đi săn lên đường.

Người đánh mõ: Xin lạy chào phò mã ạ!

(Vái một cái rồi đi luôn, Trọng Thủy quay nhìn theo dừng lại hỏi Trai hầu)

Trọng Thủy: Trai hầu này! Có phải tên đánh mõ này là người đặt ra bài hát về “Nàng Tiên nhỏ” đã giúp vua cha xây nên Thành ốc phải không?

Trai hầu: (Vui vẻ) Dạ thưa phò mã đúng đấy ạ! Anh ấy giỏi lắm!

Trọng Thủy: Em có thuộc bài hát về nàng Tiên nhỏ không?

Trai hầu: Dạ, Gái hầu có dạy em nên em thuộc ạ.

Trọng Thủy: Em đọc ta nghe thử.

Trai hầu (Vỗ vỗ vào trán): Dạ, phò mã đừng hỏi thì em nhớ, phò mã mà hỏi thì em lại quên.

Trọng Thủy (Vẻ không bằng lòng): Lúc này ta không thích đùa đâu!

Trai hầu (Lo lắng): Dạ, thưa phò mã, em có dám đùa đâu ạ. à, em sợ phò mã giận, vậy là tự nhiên em lại nhớ ra. Thưa phò mã chỉ có mấy câu thôi mà. Em nhớ thật rồi. May quá. Mấy câu như thế này này

Từ nay, đánh mõ canh tư

Tôi sẽ nhớ nàng Tiên nhỏ ấy

Nàng giúp nhà vua đi diệt Gà tinh

Nàng nằm xuống cho thành cao mọc dậy…


Trọng Thủy: Được rồi! Thôi ta đi nhanh lên

(Cả hai vào).

(Màn ngoài kéo lên. Lầu Mỵ Châu… Tiếng trống đồng lại nổi lên lần hai)

Mỵ Châu: Chào phò mã! Sao phò mã để em chờ lâu vậy? Vua cha sắp lên đường rồi! Phò mã nhìn kìa! Vua cha đẹp quá.

Trọng Thủy: Vua cha chúng ta đẹp ít người bì! Nhưng sao lần này Người không cưỡi con ngựa hồng của vua cha tôi tặng mà lại cưỡi con ngựa đen?

Mỵ Châu: Nghe nói con ngựa đen này cũng hay lắm, chắc vua cha muốn thử tài nó đấy.

Trọng Thủy: Tôi rất tiếc không được cùng đi lần này.

Mỵ Châu: Phò mã đã bớt đau đầu chưa?

Trọng Thủy: Có bớt nhưng chưa hết hẳn! ại, nhìn vua cha đứng trước đoàn đi săn, tôi lại muốn chạy xuống đi ngay đấy…!

Mỵ Châu: Đừng! Phò mã sẽ đi chuyến sau… Nhưng kìa, cứ nhìn vua cha đứng trước đoàn quân, em lại lo lo thế nào ấy.

Trọng Thủy: Công chúa lo làm sao?

Mỵ Châu: Vua cha mà lại phải đi đánh nhau thì em sợ lắm!

Trọng Thủy: Công chúa hay nghĩ ngợi quá. Bây giờ thì làm gì còn có chuyện đánh nhau! Hai vua cha của chúng ta đã như anh em một nhà. Những bọn xấu bụng còn dám làm gì nữa. Nhất là khi vua cha lại có cái lẫy thần quý báu..

Mỵ Châu: Vậy mà em vẫn lo!

Trọng Thủy: Tôi và công chúa thương nhau thế này thì hai vua cha cũng sẽ quý nhau lắm.

Mỵ Châu: Chuyện ấy thì em tin.

(Hồi trống lần thứ ba nổi lên. Cả đoàn quân bỗng cất tiếng reo hò) “Nhà vua muôn tuổi! Nhà vua muôn tuổi!” Tiếng vua An Dương Vương vẳng lên: “Theo lệnh ta: lên đường!”
Tiếng reo hò lại nổi lên. Tiếng trống đồng thúc từng nhịp dồn dập. Mỵ Châu và Trọng Thủy cùng đứng sát bên nhau nhìn ra.

Trọng Thủy: Đúng vua cha của chúng ta là con của Trời! (Đổi giọng) Công chúa này, vua cha có biết chúng ta thương nhau lắm không? Vua cha có bằng lòng không?

Mỵ Châu: Vua cha cũng đã nói câu phò mã vừa nói. Phò mã thương em nhiều, em thương phò mã nhiều thì hai vua cha sẽ quý nhau rất nhiều.

Trọng Thủy: Nhưng công chúa có thật yêu tôi nhiều không?

Mỵ Châu: Phò mã đừng hỏi như vậy nữa.

Trọng Thủy: Tôi mà không có công chúa, tôi mà bị công chúa ghét thì tôi sẽ như cái giếng không có nước…

Mỵ Châu (Sung sướng): Không bao giờ có chuyện đó đâu.

Trọng Thủy (Cầm tay Mỵ Châu, nhìn vào mắt Mỵ Châu): Công chúa nói thương tôi nhiều, nhưng có tin tôi không, sao có chuyện công chúa còn cứ giấu tôi?

Mỵ Châu: Phò mã nói chuyện gì?

Trọng Thủy: Chuyện cái lẫy thần của vua cha ấy! Công chúa được thấy nó, mà công chúa không kể cho tôi được nghe.

Mỵ Châu (Hồn nhiên, nhẹ dạ): Là vì lần trước phò mã hỏi, em đã được thấy đâu?

Trọng Thủy: Bây giờ thì công chúa thấy rồi chứ?

Mỵ Châu (Vẫn hồn nhiên): Vua cha thấy em lớn rồi (Che miệng nhìn Trọng Thủy cười) nên vua cha mới cho xem đấy.

Trọng Thủy: Hình dáng nó ra sao công chúa? 

Mỵ Châu: Nó bé lắm. Và chỉ là cái móng của thần kim quy thôi.

Trọng Thủy: Lạ nhỉ! Thế vua cha chắc phải giữ luôn bên mình. 

Mỵ Châu (Càng hồn nhiên): Vua cha buộc ngay ở cổ tay vua cha.

Trọng Thủy: Thế đi săn thế này, vua cha cũng mang nó đi à? Chẳng may bị vướng cây, vướng gai, nó rơi mất thì làm thế nào?

Mỵ Châu: Đi săn thì vua cha phải để lại nhà chứ! Lần sau gặp vua cha, phò mã cứ xin xem đi.

Trọng Thủy: (Vẻ mặt tươi hẳn lên) Tôi sợ lắm! Ngoài công chúa ra, vua cha có cho ai xem không?

Mỵ Châu (Bối rối): Chắc là không!

Trọng Thủy: Đấy, thế thì làm sao tôi dám xin xem: Với lại nghe công chúa cho biết vậy là đủ rồi… Như vậy là vua cha thường gói nó vào cái mảnh vải đỏ, và buộc ở cổ tay trái phải không?

Mỵ Châu (Nhìn Trọng Thủy): Phò mã đoán tài lắm!

Trọng Thủy: Buộc ở đấy ai cũng có thể nhìn thấy nhưng không ai lấy được.

Mỵ Châu (Lạ lùng): Phò mã lại nói giống vua cha nữa rồi. Vua cha cũng bảo như thế đấy.

Trọng Thủy: Mà lúc cần đến thì có ngay!

Mỵ Châu (Gật đầu): Phò mã nói, em càng thấy là đúng thật.

Trọng Thủy: Chắc cái móng của thần kim quy thì cũng chỉ to bằng cái vảy cá lớn?

Mỵ Châu: Chỉ to chừng ấy thôi! Đẹp lắm, nhìn cứ đen bóng.

Trọng Thủy: Thần kim quy quả là có lòng với vua cha! Tôi đoán chắc nếu vua cha mà rủi có đánh mất cái lẫy thần này thì thần kim quy lại sẽ cho ngay một cái khác. 

Mỵ Châu (Lắc đầu): Không đâu! Vua cha nói, khi trao cho vua cha, thần kim quy đã nói là phải giữ thật kỹ. Thần kim quy chỉ cho một lần thôi. Và cũng chỉ có cái móng này mới làm được lẫy thần.

Trọng Thủy: Như thế mới lại càng quý. Công chúa thấy không?

Mỵ Châu: Vâng! Vua cha bảo sống, chết, còn, mất là ở đấy cả!

Trọng Thủy: Thật vậy, chứ đùa à? ại! Được vua cha cũng thương tôi như thương công chúa mà cho tôi được tận mắt xem nó nhỉ!

Mỵ Châu: Để em xin vua cha cho!

Trọng Thủy: Đừng! Khi nào vua cha thương và tin, lúc ấy vua cha tức khắc sẽ cho tôi xem thôi. Mà tôi tin là vua cha trước sau thế nào cũng cho tôi xem.

Mỵ Châu: Sao phò mã lại tin chắc như vậy?

Trọng Thủy: Vì tôi tin là tôi thương công chúa và quý vua cha đến có thể chết vì công chúa, chết vì vua cha.

Mỵ Châu: Phò mã nói thật đấy chứ?

Trọng Thủy: Lòng tôi là như vậy.

Mỵ Châu: Nhưng hình như quan Sư phó lại không muốn như vậy?

Trọng Thủy: Không phải đâu! Quan Sư phó nghiêm nghị nhưng rất thương tôi và quý công chúa. Chính quan Sư phó đã viết thư xin vua cha của tôi gửi chiếc áo lông ngỗng sang tặng cho công chúa đấy.

Mỵ Châu: Phò mã có nói cho em nghe một lần rồi. Nhưng sao em vẫn cứ lo lo…

Trọng Thủy: Đấy! Công chúa lại lo rồi! (Cầm lấy tay Mỵ Châu) ại! Gió sông Hoàng thổi vào mát quá! Công chúa ơi, sáng mai ta đi dạo chơi một vòng trên sông Hoàng đi.

Mỵ Châu: Phò mã muốn đi thì em đi ngay! Em sẽ bảo Gái hầu lấy một ít nước sông về để cắm sen cho nó thơm lâu.

Trọng Thủy: Nước sông Hoàng cắm sen thì sen thơm lâu à? Hay lắm! Nhưng sen nào có thể sánh bằng công chúa!

Mỵ Châu: Phò mã nói vậy, em ngượng lắm!

(Mỵ Châu lại đưa nốt tay kia cho Trọng Thủy cầm lấy. Hai người tựa sát vào nhau…)

Cảnh bốn

Một cánh cổng tre đang khép kín. Hai bên là tường đất đắp cao. Sát ở trước là con đường chạy ngang qua. Buổi sáng tinh mơ. Tiếng gà gáy. Im lặng một giây lâu trên sân khấu. Cánh cổng bỗng hé mở. Tưởng có người bước ra. Nhưng sau đó cánh cổng lại khép lại, kỹ hơn. Có tiếng cười của một người con gái. Rồi tiếng nói nghe gần gần.

Tiếng Gái hầu: Thưa công chúa, chắc công chúa lại bỏ quên cái quạt ở trên lầu?

Tiếng Mỵ Châu: Tại buổi sáng mát quá!

Tiếng Trọng Thủy: Có quạt của tôi đây. Trời có nóng, tôi sẽ xin quạt hầu công chúa.

Tiếng Trai hầu: Phò mã mà quạt thì một ngọn gió sẽ thành hai.

(Tiếng cười nổi lên, cả đoàn người hiện ra: Mỵ Châu, Trọng Thủy đi trước. Gái hầu tay xách gói, Trai hầu đội quả, đi sau…)

Trọng Thủy: (Hỏi) Công chúa này, nhà ai mà tường xây cao thế?

Mỵ Châu: Phò mã chưa biết à? Nhà tướng quân Cao Lỗ đấy mà.

Trọng Thủy: Có phải người đã đúc nên những mũi tên đồng kỳ lạ đấy không?

Mỵ Châu: Đúng rồi!

Trọng Thủy: Hình như lò đúc làm việc suốt đêm qua! ở ngoài này mà vẫn thấy nóng nóng…

(Vẳng ra tiếng hát những người thợ đúc tên)

Ai Sinh lửa ra?

Ai nuôi lửa lớn?

Lửa múa, lửa bay

Lửa đùa, lửa giỡn

Lửa chết ở đây

Sống lại ở kia

Lửa biến, lửa hiện

Lửa đi, lửa về

Lửa nung, lửa dốt

Đất cháy vẫn khô

Đồng chảy thành nước

Mũi tên ra đời

Đất cho dáng trước

Tên bay vun vút

Tìm đúng kẻ thù

Tên ta có mắt

Nhờ bàn tay người

Lò lửa ngời ngời

Mặt trời trong đó

Hừng đông sáng đỏ ấm cả lòng ta

Ai Sinh lửa ra

Ai nuôi lửa lớn

Lửa, người bên nhau

Đêm đêm thức trọn

Lửa đỏ hừng hực

Mũi tên sáng vàng.


Mỵ Châu: Nghe vua cha nói lúc nào tướng quân cũng đúc tên về đêm?

Trọng Thủy: Sao lại phải đúc về đêm?

Mỵ Châu: Vì mùa này trời nóng bức quá.

Trọng Thủy (trầm ngâm): Người tài giỏi ở đâu cũng không nhiều và lúc nào cũng quý, công chúa nhỉ?

Gái hầu (Nói to lên): Thưa công chúa, công chúa lại quên một cái nữa

(Cả đoàn dừng lại).


Mỵ Châu: Quên gì nữa hở em?

Gái hầu: Công chúa quên bảo em mang cái lọ đi lấy nước sông Hoàng về cắm hoa sen cho phò mã và công chúa ngắm rồi.

Trọng Thủy: Thôi, lấy nước ở hồ cũng được em ạ!

Trai hầu: Nhưng thưa phò mã, hoa sen có cắm vào nước sông Hoàng thì mới thơm lâu.

Trọng Thủy (Cười): Không thơm lâu thì thơm mau. Hết thơm thì ta lại đi ngắt hoa khác. Ta cám ơn hai em lo cho chúng ta nhiều quá.

Gái hầu: Công chúa và phò mã vui thì chúng em mới vui.

Trọng Thủy: Chúng ta cũng vậy thôi. Hai em vui thì chúng ta mới vui. (Nhìn Trai hầu và Gái hầu cười tủm tỉm làm Gái hầu thẹn đỏ cả mặt vội quay đi). Thôi ta đi nhanh ra bến, kẻo thuyền ngoài ấy đang chờ!

(Tất cả kéo đi. Bài hát những người thợ đúc tên lại cất lên. Im lặng một giây. Cánh cửa bỗng từ từ hé mở. Tướng quân Cao Lỗ hiện ra vẻ hơi mệt nhọc vì đã làm việc suốt đêm qua. Tuy vậy trông vẫn quắc thước. Tướng quân nhìn về phía đoàn người vừa đi qua, lắc đầu tỏ vẻ không bằng lòng).

Cao Lỗ: Chuyện gì sắp xảy ra trên vùng đất này? Từ khi có lũ nó sang, lòng ta cứ như có lửa đốt… Có chuyện muốn nói mà nói với ai? Ai nghe mình nói?

(Bà cụ xách cái ấm nước chè to và nặng từ bên kia lại)

Bà cụ: Xin chào tướng quân!

Cao Lỗ (Quay lại): Chào bà cụ! Bà đem nước cho anh em sớm thế?

Bà cụ: Tướng quân mà cho phép, tôi còn muốn mang đến sớm hơn.

Cao Lỗ: Bà cụ cao tuổi quá rồi! Giúp đỡ cho chúng tôi thế này là đã quý lắm!

Bà cụ: Tôi đã nói nhiều lần rồi. Lúc đắp thành, tôi chỉ có cái ấm nước chè nóng này để góp phần đắp thành. Bây giờ tôi lại cũng chỉ có cái ấm nước chè nóng này để cùng với các ông lo chuyện giữ thành. Đêm qua, trời nóng quá, chắc tướng quân và anh em mệt lắm.

Cao Lỗ: Thưa cụ, quả có mệt thật. Nhưng được cái đêm qua chúng tôi đã đúc được nhiều mẻ rất tốt. (Rút từ trong túi áo ra mấy mũi tên đồng sáng loáng)

Bà cụ: Hình như mũi tên làm trong đêm nhìn cũng khác mũi tên làm ban ngày phải không tướng quân?

Cao Lỗ: Bà cụ nói đã hay lại đúng nữa. Ban đêm tâm trí con người trong hơn, sáng hơn, mũi tên đúc trong đêm như cũng đẹp hơn… tinh hơn…

Bà cụ: Tướng quân và anh em cứ lo đúc đi. Đừng sợ thừa. Chỉ sợ thiếu. Từ khi tôi nghe có lũ nó sang, tôi lo quá, có đêm nằm không ngủ được…

Cao Lỗ: Bà cụ lo làm sao ạ?

Bà cụ: Còn lo làm sao nữa! Tôi lo nhà vua cất nhà thì kỹ mà rào dậu lại không kỹ.

Cao Lỗ (Nhìn mũi tên): Tôi cũng lo như bà cụ. Mũi tên này đúc ra chưa chắc đã có ích gì.

Bà cụ: ở cạnh hổ, phải có cách trị hổ. Sao tướng quân không bàn với nhà vua?

Cao Lỗ: Thưa cụ, chuyện gì cần nói, tôi đã nói rồi. (Thở dài) Có lẽ mời cụ vào trong nhà! Anh em được uống nước cụ cho, chắc vui mừng lắm.

Bà cụ: ừ! Mải chuyện tôi quên mất. Tôi vào đây!

Cao Lỗ: Mời bà cụ đi trước!

(Hai người vào. Có tiếng nói cười từ phía bờ sông. Gái hầu và Trai hầu xuất hiện)

Gái hầu: Em sợ không mượn được đâu!

Trai hầu: Không lo! Em nói thì có gì người ta cũng sẵn sàng cho hết!

Gái hầu: Đừng có nịnh!

Trai hầu: Đây không thèm nịnh!

(Cả hai đến trước cánh cổng)

Gái hầu: Anh gọi đi!

Trai hầu: Em gọi đi!

Gái hầu: Cả hai đứa cùng gọi vậy.

Cả hai gọi to: “Ai mở cổng cho vào với!” Im một giây. Cổng từ từ mở. Thấy tướng quân Cao Lỗ, cả hai cùng cúi xuống chào, vừa mừng, vừa lo…

Cao Lỗ: Có việc gì vậy? (Vừa hỏi vừa bước hẳn ra ngoài cửa và khép kín cửa lại ở phía sau).

Gái hầu, Trai hầu nhìn nhau, người này ra hiệu bảo người kia nói. Cuối cùng, Gái hầu đành nói.

Gái hầu: Thưa tướng quân, công chúa sai con trở lại mượn tướng quân một cái bình để lấy nước sông Hoàng.

Cao Lỗ: Về cắm hoa phải không? (Nhìn kỹ Gái hầu, Trai hầu)

Gái hầu: Dạ!

Cao Lỗ: Mượn có một cái lọ, sao lại đi tới hai người?

Trai hầu: Gái hầu đi một mình sợ nên xin cho con đi theo.

Cao Lỗ: Sợ ai? Sợ cái gì?

Trai hầu: Thưa tướng quân… (Nhìn Cao Lỗ, rồi cúi xuống ngay)…

Cao Lỗ: (Nhìn kỹ Trai hầu, Gái hầu lần nữa) Công chúa muốn mượn bình to hay bình nhỏ?

Gái hầu: Dạ, bình vừa thôi!

Cao Lỗ: Vào bảo người nhà ta tìm cho mà mượn.

Gái hầu: (Mừng rỡ) Dạ, ngày mai con sẽ xin mang ra trả ngay.

(Cao Lỗ mở cửa cho hai người vào, rồi trở ra, vẻ mặt như đang suy nghĩ lung lắm)

Cao Lỗ: Nó bảo con bé kia sợ, nhưng chính nó lại có vẻ lo sợ hơn. Vì sao? Ta có gì đáng cho nó sợ? (Đi đi, lại lại như để tìm câu trả lời). Cái đám trẻ này chẳng có đứa nào biết suy nghĩ. Cứ thấy lũ nó cho cái này, cái nọ là sướng quá, đâu biết nó bỏ ra vài cái nhỏ nhặt, nó lấy hết hồn, hết vía của mình lúc nào không hay.

(Gái hầu và Trai hầu trở ra. Trai hầu tay ôm bình, tay ẩy cửa)

Gái hầu: Chúng con xin lạy chào tướng quân, chúng con ra bến.

Trai hầu: Xin lạy chào tướng quân.

(Cao Lỗ nhìn Trai hầu rất kỹ rồi bỗng đưa tay ra hiệu đứng lại).

Cao Lỗ (Nghiêm giọng): Khoan đã! Anh có cái gì nằng nặng ở trong túi kia?

Trai hầu (Mặt tái lại): Thưa tướng quân, có gì đâu ạ?

Cao Lỗ: Anh cứ đặt cái bình xuống rồi lấy ra ta xem nào?

(Trai hầu làm theo và móc từ trong túi ra một mũi tên đồng)

Trai hầu: Thưa tướng quân! Có gì đâu ạ! Chỉ có cái mũi tên bị gãy này, con thấy bỏ, con nhặt về chơi!

Cao Lỗ (Giận giữ): Có thật là để chơi không?

Trai hầu (Luống cuống): Dạ nếu tướng quân không bằng lòng, con xin trả lại ngay ạ!

Cao Lỗ (Hỏi như quát): Anh tự nhặt hay ai bảo anh vào đây nhặt?

Trai hầu (Vẻ mặt càng tái mét): Dạ thưa tướng quân, không ai bảo cả ạ! Con thấy lạ lạ, con nhặt lên thôi.

Cao Lỗ: Anh nên nhớ, anh vừa phạm một tội rất lớn. Nhưng nể công chúa, ta tha cho anh… Đưa mũi tên đây cho ta ngay! (Giật lấy mũi tên, nhìn Trai hầu như trút lửa)

Gái hầu: Con xin lạy chào tướng quân.

Cao Lỗ: Các ngươi đi đi! (Gái hầu, Trai hầu chào lí nhí rồi tháo nhanh. Cao Lỗ không thèm để ý, chỉ cúi nhìn mũi tên đang cầm trong tay rồi lắc đầu). Ta có quá đa nghi không? Hay ta đã đoán đúng từ đầu? (Lại nhìn xuống mũi tên) Một mũi tên bị gãy! Điềm xấu chăng? Mũi tên này sao ta cảm thấy như đã có hơi tay của giặc. Ta phải mang nó vào thưa chuyện với nhà vua. Dù nhà vua không muốn nghe, ta vẫn phải nói. Trời ơi! Làm sao mà không nói được! Dẫu có gì, cũng phải nói! Dẫu phải chết vì nó, cũng phải nói kia mà! (Trừng mắt nhìn ra phía bờ sông). Trọng Thủy và tên Sư phó kia! Chúng mày đừng hòng che mắt Cao Lỗ này. Lòng dạ chúng mày đen trắng ra sao tao biết! Tao biết! (Nói như rít lên, căm giận đến tột độ).

Cảnh năm

Cảnh ngoài trời – Trời xanh và cao gái hầu, trai hầu, trọng thủy, Mỵ Châu

Gái hầu: Nghe Cao Lỗ tướng quân nói, mình rởn cả người. Chuyện như vậy, có thể có thật được không! Nhưng ta dã hứa với tướng quân rồi! Ta phải tìm gặp Trai hầu để hỏi cho ra chuyện. (Xăm xăm đi. Vừa lúc Trai hầu đến. Hai người suýt đâm sầm vào nhau)

Trai hầu (Mừng rỡ): Trời! Đằng ấy đi đâu mà làm tôi giật cả mình!

Gái hầu (E thẹn): Tôi à…? Còn anh thì anh… đi đâu?

Trai hầu: Đi… Đi… chơi? (Lúng túng)

Gái hầu: Đi chơi gì mà cái chân lại như chạy tìm ai vậy?

Trai hầu (Đánh bạo): Tìm đằng ấy đấy mà!

Gái hầu (Sung sướng, thẹn thùng): Có việc gì mà tìm?

Trai hầu (Lại lúng túng): à, à… Có việc chứ…

Gái hầu: Nói đi!

Trai hầu: Việc thì có, mà khó nói quá. Đằng ấy nói dùm tôi đi!

Gái hầu (Cười rũ): Nói dùm à? Nói với ai?

Trai hầu: Tôi tìm gặp đằng ấy để nói, vậy mà lại hỏi là nói với ai?

Gái hầu (Càng cười nhiều hơn): Vậy là tôi nói với tôi à?

Trai hầu: Chứ sao!

Gái hầu: Nói cái gì?

Trai hầu: Nói chuyện tôi muốn nói.

Gái hầu (Làm mặt nghiêm): Chuyện gì mới được chứ?

Trai hầu: Chuyện khó nói ấy mà.

Gái hầu (Đằng hắng): Chuyện khó nói là chuyện gì?

Trai hầu (Xoa hai tay với nhau): Chuyện tôi với đằng ấy mà.

Gái hầu: Tôi không hiểu.

Trai hầu: Lại còn không hiểu! Cứ giả vờ!

Gái hầu (Làm ra vẻ ngạc nhiên): Cái anh này lạ thật! Sao lại nói là tôi giả vờ.

Trai hầu: Tôi thấy vậy thì nói vậy.

Gái hầu: Thấy thế nào.

Trai hầu: Thấy giả vờ chứ thấy sao nữa?

Gái hầu: Giả vờ là thế nào nhỉ?

Trai hầu (Lấy hết cam đảm): Là đằng ấy cũng không ghét tôi mà cứ giả vờ như không làm sao cả…

Gái hầu: Đúng là tôi không ghét anh rồi.

Trai hầu: Đấy! Đấy! Vậy mà…

Gái hầu: Vậy mà làm sao?

Trai hầu: Vậy mà không chịu nói cho tôi mừng.

Gái hầu: Tôi không ghét anh mà anh cũng mừng à?

Trai hầu: Mừng chết đi ấy chứ? 

Gái hầu: Nhưng tôi cũng có ghét ai đâu! Ai tôi cũng quý như nhau cả. Chỉ trừ khi…

Trai hầu: Trừ khi thế nào?

Gái hầu: Trừ khi có người làm chuyện không hay?

Trai hầu: Thế nào là chuyện không hay?

Gái hầu: Chuyện người khác không muốn mà mình cứ làm.

Trai hầu: Như chuyện gì?

Gái hầu (Nhìn Trai hầu làm Trai hầu bối rối, mặt cứ nghệt ra, vừa lo, vừa há vọng): Như chuyện lúc sáng ấy.

Trai hầu: Chuyện tôi… cầm bàn tay đằng ấy… ấy à?

Gái hầu: Không phải!

Trai hầu (Vui hẳn lên): Hay là chuyện tôi lấy cái bông sen cọ vào má đằng ấy.

Gái hầu: Cũng không phải!

Trai hầu (Càng mừng hơn): Vậy thì còn chuyện gì nữa đâu!

Gái hầu: Chuyện chết người kia!

Trai hầu (Giật cả mình): Chết người à?

Gái hầu: Chứ sao nữa!

Trai hầu: Tôi lạy đằng ấy, đằng ấy nói đi…

Gái hầu: Nhưng anh phải nói thật kia!

Trai hầu: Tôi xin thề ngay cho đằng ấy tin mà!

Gái hầu: Thề thế nào?

Trai hầu: Tôi mà không nói thật… thì đằng ấy cứ ghét tôi cho tôi chết đi!

Gái hầu: Tôi ghét anh mà anh chết được à?

Trai hầu: Chết chứ! Không chết thẳng cẳng như con châu chấu, nhưng chết héo như cái lá vậy.

Gái hầu: Anh thề lại đi! Thề nếu nói láo thì anh đừng nói chuyện với tôi nữa.

Trai hầu: ại! Không được nói chuyện với đằng ấy thì tôi càng chết nhanh hơn nữa!

Gái hầu: (Cười tủm tỉm) Thì thề đi!

Trai hầu: Thề rồi mà! Cứ bắt thề mãi!

Gái hầu: Thề lần nữa tôi mới tin!

Trai hầu (Nhìn Gái hầu vừa trách, vừa vui): Thì thề! (Đổi giọng). Xin thề trên có trời, dưới có đất, trước mặt có đằng ấy, sau lưng có (Quay lại nhìn) cái lùm cây, tôi mà không nói thật với đằng ấy thì trời sai thiên lôi đánh chết tôi đi.

Gái hầu: (Cảm động) Được rồi! Vậy tôi hỏi anh nhé. Sao lúc sáng, anh lại nhặt cái mũi tên đồng làm gì để tướng quân Cao Lỗ bắt được.

Trai hầu: Tôi đã nói là thấy lạ, tôi nhặt về chơi mà.

Gái hầu: Anh chưa nói thật! Thôi tôi đi đây!

(Quay ngoắt bỏ đi. Trai hầu vội vàng chạy theo níu lại, giằng co một lúc Gái hầu mới chịu đứng lại)

Trai hầu: Thôi tôi lạy đằng ấy! Đằng ấy mà bỏ đi thì tôi chết ngay bây giờ!

Gái hầu: Chết dễ vậy! Nhưng ai bảo nói dối!

Trai hầu: Tôi xin thề…

Gái hầu: Đừng thề nữa! Bây giờ thì chỉ cần anh giữ đúng lời thề lúc nãy thôi.

Trai hầu: Tôi giữ đúng mà!

Gái hầu: Vậy anh trả lời lại đi… Có ai bảo anh nhặt không nào? Anh mà không nói thật thì đừng hòng tôi nói với anh một câu nào nữa…

Trai hầu: (Gãi đầu, gãi tai rồi nói một mình) Ai chứ cái nàng này mà nói là làm đấy! Mà nói ra thì chết như chơi! Không nói cũng chết mà nói cũng chết. Chọn cái nào bây giờ!

Gái hầu: Sao! Không trả lời ngay là tôi đâm nghi rồi đấy! Thôi nhé! Tôi đi cho anh khỏi trả lời nhé!

(Trai hầu vội vàng chạy lại cầm chặt lấy tay Gái hầu)

Trai hầu: Thôi, thà tôi chết vì ai chứ không thể chết vì đằng ấy được. Tôi nói đây… Nhưng đằng ấy phải nhớ là đừng nói với ai kia.

Gái hầu (Nhìn Trai hầu, vẻ rất quý mến): Được rồi! Anh nói đi! Ai bảo anh nhặt nào?

Trai hầu (Nhìn quanh rồi ghé sát mồm vào tai Gái hầu): Phò mã đấy!

Gái hầu (Giật nảy cả mình, tránh xa ra): Trời! phò mã bảo lấy à?

Trai hầu (Hốt hoảng): Chết! Đừng nói to chứ!

Gái hầu (Cố giấu vẻ thảng thốt): à, tôi quên mất! Này! Nhưng bảo nhặt để làm gì?

Trai hầu: Nghe nói là để giữ làm của lạ chơi thôi.

Gái hầu: Chơi! (Bước ra nói một mình) Anh chàng này cũng giống như mình trước đây thôi…

(Chợt có tiếng ai gọi to: Trai hầu! Trai hầu đâu rồi? Phò mã đang gọi đấy!. Trai hầu giật mình chạy vội về phía có tiếng gọi. Gái hầu nhân lúc ấy chạy nấp kín sau một lùm cây rậm lá. Trai hầu quay lại không thấy Gái hầu, vội chạy đi tìm… Vừa lúc Trọng Thủy đến)

Trọng Thủy: Trai hầu ơi! Em chạy tìm ai mà như người mất hồn vậy?

Trai hầu: Dạ thưa phò mã, em chạy tìm… con chim! Con chim nó mới bay về phía này.

Trọng Thủy: Chim gì vậy?

Trai hầu: Dạ, con chim sẻ con đang tập bay chuyền… 

Trọng Thủy: Chắc thứ chim sẻ này biết nói phải không?

Trai hầu: Dạ thưa phò mã, chim sẻ thật mà!

Trọng Thủy (Nhìn quanh): Thế nó bay mất rồi à?

Trai hầu: Dạ mất rồi! (Vẻ mặt đau khổ).

Trọng Thủy (Đi đi lại lại nhìn trước, nhìn sau): Này Trai hầu! Ta nhớ có lần em nói cha em chuyên nghề đi săn thú phải không!

Trai hầu: Dạ thưa phò mã, phải ạ!

Trọng Thủy (Vẻ mừng rỡ): Ta dặn em đây, nếu có ai hỏi về cái chuyện kia (nhỏ giọng) chuyện cái mũi tên lúc sáng ấy mà, em cứ nói là em lấy về cho cha em săn thú nhé.

Trai hầu: Nhưng dạ em đã nói lỡ là lấy về chơi rồi!

Trọng Thủy: Nói vậy ai tin! Phải nói lấy về đi săn kia!

Trai hầu: Đi săn sao lại lấy mũi tên gẫy?

Trọng Thủy (Cau mày): ừ! Mà em nói nho nhỏ thôi chứ! Tại em đó! Sao lại lấy mũi tên gẫy?

Trai hầu: Dạ, phò mã dặn là gẫy cũng được! Lấy cái gẫy dễ lấy hơn, dễ nói hơn.

Trọng Thủy: Khó thì có!

Trai hầu: Dạ, lấy không được thì thôi, sao phò mã lo quá vậy?

Trọng Thủy: (Lúng túng) Ta thì muốn lấy chơi, nhưng sợ có kẻ không tốt nó lại nói này nói nọ.

Trai hầu: Thưa phò mã, nói sao ạ?

Trọng Thủy: Thôi, không cần biết làm gì. (Đổi giọng vẻ dọa nạt) Nhớ là phải giấu kín chuyện này, hở ra là không được nghe chưa!

Trai hầu: Thưa nghe rồi ạ!… Còn nếu ai hỏi thì cứ nói là định lấy về chơi…Nếu không tin mà hỏi nữa thì nói là lấy về cho cha tôi đi săn thú…

Trọng Thủy: ừ!

Trai hầu: Họ không tin, hỏi nữa thì trả lời làm sao ạ?

Trọng Thủy: Cứ trả lời như vậy thôi.

Trai hầu: Họ có hỏi sao lại lấy mũi tên gãy thì cũng mặc kệ họ?

Trọng Thủy (Cau mày): Không! Không! Cứ nói là định kiếm mũi tên nguyên nhưng không lấy được nên lấy mũi tên gãy bắn thử.

Trai hầu: Phò mã tài thật. Vậy mà em nghĩ không ra. Đầu óc em nó như cái cục đất thó.

Trọng Thủy: Tại con chim nó vừa bay mất đó mà!

Trai hầu (Vừa xấu hổ vừa sung sướng): Dạ, phò mã cứ nói vậy làm em xấu hổ quá!

Trọng Thủy: Em về luôn với ta đi! Ta hứa cho em một miếng da thỏ từ bên nước gửi sang để làm mũ, em về ta đưa luôn cho.

Trai hầu (Đi xa ra, nói riêng): Thích quá! Ta sẽ đem cho lại người mà ta… à, mà chết! Phò mã dặn ta kỹ vậy mà lúc nãy ta lại trả lời kiểu khác mất rồi!

Trọng Thủy (Ngạc nhiên): ồ! Sao em có vẻ lo lắng vậy?

Trai hầu (Nhanh nhảu): Em mừng quá, lại đâm lo!

Trọng Thủy: Lo làm sao?

Trai hầu: Em có được miếng da thỏ, đứa nào biết, nó sẽ lấy trộm mất.

Trọng Thủy: Sợ mất thì phải giữ!

Trai hầu: Thưa phò mã, có khi muốn giữ mà không giữ được. Thôi cứ có được là sướng rồi. Em theo phò mã về đây.

Trọng Thủy: Về đi!

(Cả hai cùng vào. Gái hầu từ trong lùm cây thậm thò một lúc để nhìn trước sau rồi bước hẳn ra…)

Gái hầu: Nghe hai người nói chuyện mới thấy là Trai hầu nói đúng. Thật không ngờ, ta phải đi tìm tướng quân Cao Lỗ để thuật lại vậy…

(Chợt có tiếng ai gọi to: “Gái hầu đâu? Công chúa đang hỏi tìm Gái hầu đấy!” Gái hầu vội đi nhanh vào. Màn trước kéo lên.
Cảnh phòng Mỵ Châu ở hiện ra. Một đôi kiếm nhỏ treo bắt chéo trên tường. Cạnh đấy là một bộ áo lông ngỗng trắng. Mỵ Châu ngồi cạnh một vại hoa sen đang chớm nở).

Mỵ Châu (Vui vẻ): Em đi đâu, ta gọi không thấy?

Gái hầu: Thưa công chúa, em xuống dưới vườn đây thôi.

Mỵ Châu: (Đứng dậy lấy cái áo lông ngỗng choàng vào người) Em thấy có vừa không?

Gái hầu: Dạ thưa vừa và đẹp lắm! (Vẻ mặt như đang suy nghĩ điều gì).

Mỵ Châu (Vô tình): Mặc áo vào, ta càng thấy là ta phải có gì tặng lại cho phò mã. Em thấy sao?

Gái hầu (Lúng túng): Dạ, thưa công chúa…

Mỵ Châu (Nhìn kỹ vẻ mặt Gái hầu): ! Em có chuyện gì không vui phải không?

Gái hầu: Thưa không ạ. Em chỉ hơi mệt thôi! Nhưng đã đỡ rồi…

Mỵ Châu (Vuốt từng chiếc lông ngỗng trên áo): Em phải đi nằm nghỉ một lúc.

Gái hầu: Thưa, em khỏe rồi mà!

Mỵ Châu (Vui vẻ): Em thì cứ chiều ta… (Nhìn Gái hầu vẻ băn khoăn) Mà không có em thì ta cũng buồn lắm.

Gái hầu: Thưa công chúa… Em chỉ lo có ngày công chúa lại ghét bỏ em…

Mỵ Châu (Cười): Em nói gì mà lạ vậy. (Đổi giọng) Này, Gái hầu ơi, sáng nay đi chơi về, ngắm cái áo này ta muốn có cái gì để tặng lại phò mã. Em nghĩ xem ta nên tặng lại cái gì?

Gái hầu (Lúng túng) : Thưa công chúa, em chắc là công chúa đã có ý định sẵn rồi.

Mỵ Châu (Vui vẻ): Em giỏi thật (Treo áo lên vách rồi quay lại) Gái hầu này, có một lần xem công múa, phò mã thích lắm. Hay là ta làm một cái quạt bằng lông công để tặng phò mã!

Gái hầu: Thưa công chúa, bên nước phò mã, chắc không thiếu quạt…

Mỵ Châu: Nhưng đây là quạt ta tự kết kia mà!

Gái hầu (Nhìn Mỵ Châu, hiểu ra): Nhưng công chúa có biết kết đâu?

Mỵ Châu: Học thì biết! Em gọi giúp một người vào dạy ta đi!

Gái hầu (Nghĩ ngợi): Thưa công chúa, công chúa cho em về nhà một vài bữa, em hỏi thử xem có ai!

Mỵ Châu: Em đi một ngày được không? Không có em, ta buồn thật đấy mà.

Gái hầu (Xúc động): Công chúa nói làm em cũng thấy buồn theo…

Mỵ Châu: Ta và em đã sống bên nhau từ ba năm nay rồi. Em có nhớ lúc vào trong này em hãy còn nhớ mẹ và khóc đòi về không?

Gái hầu: Thưa có ạ!

Mỵ Châu: Ta cũng khóc theo em. Rồi ta cho em về. Vua cha định tìm cho ta người khác, nhưng ta chỉ muốn em thôi.

Gái hầu: Thưa công chúa, em còn nhớ hết.

Mỵ Châu (Đổi giọng): Sáng mai em về, rồi chiều mai em vào được không?

Gái hầu: Thưa công chúa, được ạ!

Mỵ Châu: Chắc ở xóm Trai hầu, có nhiều người đi săn, thế nào cũng có người biết làm quạt, làm áo bằng lông chim lông thú.

Gái hầu (Tươi tỉnh hơn): Thưa công chúa! Công chúa ít ra ngoài mà công chúa thấy hết, biết hết! Vâng, em sẽ đi tìm người ở xóm anh Trai hầu.

Mỵ Châu (Vui vẻ): Em và Trai hầu có hay gặp nhau không?

Gái hầu (Bối rối): Thưa công chúa, cũng ít thôi.

Mỵ Châu: Phò mã cũng quý Trai hầu lắm.

Gái hầu: Thưa công chúa, em có biết!

(Có tiếng ồn ào ở bên dưới lầu)

Mỵ Châu: Gì vậy em?

(Gái hầu bước vội ra cửa nhìn xuống. Vẻ lo lắng hiện ra trên mặt, Gái hầu vội quay ngay vào)

Gái hầu: Có mấy người định đánh Trai hầu ở bên ngoài thành.

Mỵ Châu: Ai vậy em?

Gái hầu (Mặt tái lại): Thưa em không rõ!

(Tiếng ồn vẳng vào)

Tiếng một người: Cứ cho nó mấy gậy cho nó chừa đi!

Tiếng một người khác: Nó nói láo! Đánh cho nó vỡ mồm ra!

Mỵ Châu: Sao vậy nhỉ?

Gái hầu: Thưa chắc lại chuyện mũi tên rồi!

Mỵ Châu: Mũi tên nào?

Gái hầu: Thưa mũi tên anh Trai hầu đã nhặt ở trong nhà tướng quân Cao Lỗ.

Mỵ Châu: Vậy mà cũng làm ầm ỹ thế kia ư?

Gái hầu: (Nhìn Mỵ Châu với cái nhìn vừa trách móc, vừa lạ lùng) Thưa công chúa, cho em chạy xuống xem sao.

Mỵ Châu (Gật gật đầu): Em đi đi, rồi lên ngay nhé.

(Gái hầu vội vàng chạy đi, vẻ mặt như người mất hồn)  

Cảnh sáu

Phòng Trọng Thủy. Một cây giáo dài. Một tấm da hổ treo trên tường. Bên trái là một cánh cửa to nặng đang khép kín. Trọng Thủy đứng một mình bên cửa sổ nhìn ra ngoài, nhìn lên trời cao.

Trọng Thủy: Như con chim mà sướng. Cứ bay, cứ lượn chắc không phải lo nghĩ chuyện gì. Con nai trong rừng cũng sướng. Làm người phải lo nhiều việc quá. Việc nào cũng nặng như đá, như núi…

(Cánh cửa to hé mở Quan Sư phó hiện ra… Trọng Thủy vội vàng quay lại lạy chào)

Quan Sư phó: Con sắp vào gặp mặt nhà vua à?

Trọng Thủy: Thưa sư phụ vâng!

Quan Sư phó: Trai hầu đâu?

Trọng Thủy: Thưa nó đi sang bên công chúa để lấy hoa về.

Quan Sư phó: Nó có buồn, có sợ không?

Trọng Thủy: Con đã nói cho nó biết hết rồi!

Quan Sư phó: Nói sao? Đi săn không bắn mũi tên cuối cùng. Việc lớn, chớ để lộ hết cả gan, cả ruột…

Trọng Thủy: Con chỉ nói đấy là do Cao Lỗ sai khiến nên bọn kia mới làm vậy.

Quan Sư phó: Trai hầu có bị đánh nhiều không?

Trọng Thủy: Cũng khá đau!

Quan Sư phó: Càng đau thì người ta càng dễ tin

Trọng Thủy: Thưa sư phụ, con thấy thương nó lắm.

Quan Sư phó: Thương thì thương, việc cần làm cứ phải làm… Lát nữa, gặp nhà vua, phò mã định tâu những gì?

Trọng Thủy: Thưa sư phụ, sư phụ dặn gì con đều nhớ hết. Con nghe Trai hầu nói sáng nay Cao Lỗ cũng vào gặp nhà vua.

Quan Sư phó: Ta đã biết rồi!

Trọng Thủy: Gạt được lão ta đi nơi khác thì không gì sướng bằng.

Quan Sư phó: Trừ được lão không khó, nhưng không tiện. Cứ gạt lão ra xa là được rồi…

Trọng Thủy: Thưa sư phụ, công lão lớn quá, nhà vua còn quý lão lắm!…

Quan Sư phó: Mỗi lần gặp nhà vua, phò mã thấy thế nào?

Trọng Thủy: Nhà vua rất tin và quý con.

Quan Sư phó: Phò mã đừng quên, đó là người đã làm nhục nước ta!

Trọng Thủy: Thưa con rất nhớ lời sư phụ dặn…

Quan Sư phó: Chỉ có phò mã mới rửa được cái nhục ấy cho vua cha…

Trọng Thủy: Thưa sư phụ, con hiểu.

(Có tiếng trống đồng vang lên một hồi dài)

Quan Sư phó: Phò mã đi đi thì vừa!

Trọng Thủy: Con xin lạy chào sư phụ (Cúi lạy rồi đi ra).

Quan Sư phó: Con đừng quên tâu với nhà vua là ngày mai ta sẽ gặp nhà vua để trao tặng mấy món trầm hương và mấy món thuốc quý từ bên nước mới gửi sang.

Trọng Thủy: Thưa sư phụ xin vâng!…

(Trọng Thủy cúi lạy chào rồi đi khuất. Quan Sư phó cũng đi về phía phòng mình. Khép cánh cửa to và nặng lại. Một hồi trống đồng rền vang. Im lặng một giây rồi màn ngoài kéo lên. Màn trong hiện ra… An Dương Vương đang ngồi trên một cái ghế to và cao. Phía dưới, rất gần vua là Tiêm Mễ tướng quân)

An Dương Vương (Vui vẻ): Như vậy là về đất để trồng lúa, ta đã mở thêm được ba nơi! Còn các giống cây thì đã tìm ra được cây gì lạ không?

Tiêm mễ: Thưa nhà vua, người của tôi đã tìm được ở vùng ngả mặt trời mọc, một cây lúa mới, thân cao hơn, lá nhiều hơn mà bông cũng to hơn.

An Dương Vương: Đã đem về chưa?

Tiêm mễ: Thưa nhà vua, chừng hai ba hôm nữa thì người của tôi mới đem được hạt về.

An Dương Vương: Hạt mang về được thì tướng quân cho ta xem ngay, không để chậm… ừ, hạt lúa thì bé, công nó nuôi người thì to. Tướng quân nhớ đem hết lòng chăm sóc nó, cho dân cả nước được nhờ.

Tiêm mễ: Thưa nhà vua, tôi còn quý nó hơn cả tôi.

An Dương Vương: Người của tướng quân đi nhiều nơi, có chuyện gì mới nữa, tướng quân cho ta biết tiếp.

Tiêm mễ (Ngập ngừng): Thưa nhà vua, có chuyện một con sâu kỳ lạ lắm, người của tôi mang về hôm qua, nhưng còn phải lâu nữa tôi mới dám trình lên nhà vua

An Dương Vương: Con sâu gì vậy?

Tiêm mễ (Dâng lên vua một cái kén vàng): Thưa nhà vua, con sâu này có thể cho ta bông để dệt áo. Màu bông vàng như thế này đây.

An Dương Vương: Nhưng sâu đâu, ta không thấy?

Tiêm mễ: Thưa bây giờ thì nó đang nằm trong cái cuộn bông vàng này. Nghe nói nay mai, nó sẽ chui ra thành bướm, bướm đẻ trứng, trứng mới nở thành sâu…

An Dương Vương (Ngạc nhiên đến lạ lùng): Sâu mà hóa bướm rồi lại hóa sâu?…

Tiêm mễ: Thưa nhà vua, đúng như vậy!

An Dương Vương: Rồi ở đâu mà có được cái cuộn lông vàng này để nó chui vào?

Tiêm mễ: Thưa nghe nói cái cuộn lông này chính lại tự nó làm ra… Nó nhả từ mồm ra rồi cuộn quanh mình lại để nằm trốn ở giữa.

An Dương Vương: Lạ lắm! Lạ lắm! à, vậy sâu này nó ăn những lá cây gì?

Tiêm mễ : Thưa nhà vua, nó chỉ ăn một thứ lá thôi, lá to và có răng. Loại cây này mọc ở ven sông lớn. Loại sâu kỳ lạ này, người của hạ thần tìm thấy ở ven một bờ sông lớn.

An Dương Vương: Vậy là đâu chỉ trên rừng mới có của lạ! Mà ở đâu rồi cũng có của lạ!

Tiêm mễ: Thưa nhà vua, nghe nói bông của nó xe lại bền lắm, dệt cho con gái, đàn bà che người vừa đẹp vừa bền…

An Dương Vương: Chờ xem, đúng như vậy thì tướng quân nhớ thưởng to cho người có công tìm được nó, rồi tìm cách nuôi thử con sâu kỳ lạ ấy. Hôm nay tướng quân cho ta nghe bao nhiêu là chuyện vui!

Tiêm mễ: Thưa nhà vua, chuyện vui thì sẽ còn mãi. Nhưng, hình như tôi được nghe có chuyện gì không vui vừa xảy ra.

An Dương Vương: Chuyện gì?

Tiêm mễ: Thưa nhà vua, chuyện mũi tên ấy mà!

An Dương Vương: à, có gì đâu! Tướng quân đừng lo!

Tiêm mễ: Thưa nhà vua, vậy mà suốt đêm qua, chuyện đến tai, tôi không ngủ được…

An Dương Vương: Để tôi gặp tướng quân Cao Lỗ, tôi sẽ nói cho ông ấy rõ. Thằng Trai hầu, bố nó đi săn thú, nó định nhặt về cho bố nó bắn thử thôi mà…

Tiêm mễ: Nhưng thưa nhà vua! Đó là tội đáng chém đầu.

An Dương Vương: Kẻ gian thì mới chém đầu. Nó là đứa còn nhỏ tuổi, lại là đứa tốt!

Tiêm mễ: Thưa nhà vua, chỉ sợ còn có chuyện gì ở đằng sau… Sao nhặt về cho bố nó bắn mà…

An Dương Vương (Cười to): Không có gì đâu! Với lại cái của quý nhất thì ta đã cầm trong tay ta, còn mũi tên thì có nghĩa gì?
 

Tiêm mễ: Thưa nhà vua, của quý nhất là lẫy thần nhưng lẫy thần không thể chỉ bắn không!

An Dương Vương: Đúng! Tướng quân nói đúng, tướng quân lo nghĩ là phải. Nhưng chuyện này là chuyện nhỏ. Đừng làm nó thành chuyện to. Không hay đâu tướng quân! Thôi! Ta đang vui. Tướng quân có thể ra về.

Tiêm mễ: Xin kính lạy nhà vua!

(Lạy chào rồi bước ra, vẻ mặt chưa hết băn khoăn. Hai tiếng trống đồng nổi lên. Cao Lỗ tướng quân bước vào).


Cao Lỗ: Cao Lỗ này xin kính chúc nhà vua sống lâu như sông, như núi.

An Dương Vương: Tướng quân ngồi đi! (Giọng vui vẻ) Ta nghe tướng quân mới đúc được nhiều mẻ tên tốt, ta mừng lắm.

Cao Lỗ: Thưa nhà vua, công đó là của người pha chế đồng mà tôi đã trình với nhà vua ngày nọ.

An Dương Vương: Ta biết! Có phải đó là người giúp việc giỏi nhất của tướng quân không?

Cao Lỗ: Thưa nhà vua, sau này người trai đó còn hơn tôi nhiều lắm.

An Dương Vương: Thật là trời thương ta. Trước kia xây Thành ốc thì có thần, có tiên giúp đỡ. Nay đánh thắng được giặc thì cho ta nhiều người tài.

Cao Lỗ: Thưa nhà vua, người của tôi còn đang thử làm những cái nỏ mới còn bắn xa hơn.

An Dương Vương: Giỏi lắm… (Bỗng nhìn Cao Lỗ giây lâu đổi giọng). Nhưng này, sao chuyện mũi tên thì nhỏ mà tướng quân lại làm to vậy?

Cao Lỗ: Thưa nhà vua, to là to làm sao ạ?

An Dương Vương: Tướng quân sai người vào đánh Trai hầu của phò mã phải không?

Cao Lỗ: Thưa nhà vua, tôi không hề làm chuyện đó.

An Dương Vương: Thế sao lại có chuyện kia?

Cao Lỗ: Họ giận thì họ đánh! Mà cũng có khi do ai đó xúi giục để đổ cho tôi.

An Dương Vương: Ai đó là ai?

Cao Lỗ: Thưa nhà vua…

An Dương Vương: Tướng quân cứ nói đi… Ta chỉ lo là tướng quân hay để bụng nghi ngờ.

Cao Lỗ: Thưa nhà vua, không chỉ mình tôi mà dân tình ai cũng có bụng nghi ngờ.

An Dương Vương: Nghi ngờ ai? Nghi ngờ làm sao?

Cao Lỗ: Thưa nhà vua… Tôi xin lạy nhà vua tha cho tội chết tôi mới dám thưa.

An Dương Vương: Ta bảo rồi, tướng quân cứ nói.

Cao Lỗ: Thưa nhà vua, kẻ đã bị ta đánh chưa dễ gì thật bụng muốn cầu thân với ta? Huống từ khi có họ đến nay, có đôi việc ngẫm ra hơi khó hiểu.

An Dương Vương: Tướng quân muốn nói lại chuyện mũi tên phải không?

Cao Lỗ: Thưa nhà vua! Còn có chuyện khác nữa!

An Dương Vương: Chuyện gì?

Cao Lỗ: Họ lấy cớ đi chơi nhưng có thật đi chơi không hay là đi thăm dò đường đất, đường nước của ta? Họ lấy cớ đi săn hay là đi thăm dò những kho, những trại của ta?

(Một tên lính hầu bỗng chạy vào và quỳ xuống lạy)

An Dương Vương: Có việc gì vậy?

Lính hầu: Thưa nhà vua, phò mã đã đến!

An Dương Vương (Vui vẻ): ồ! Sao lại đến sớm vậy! Mời phò mã dạo chơi quanh vườn ta một lúc rồi ta sẽ gặp.

Lính hầu: Dạ! Xin kính lạy nhà vua (Ra).

An Dương Vương: Tướng quân nói tiếp đi!

Cao Lỗ: Việc lấy mũi tên càng đáng nghi ngờ

An Dương Vương: Lấy mũi tên là tên lính hầu lấy cho cha nó chứ?

Cao Lỗ: Thưa nhà vua, tôi đã nhờ người hỏi và tên lính hầu đã nói thật là chính có người khác đã bảo nó lấy!

An Dương Vương: Ai?

Cao Lỗ: Thưa nhà vua, phò mã!

An Dương Vương (Cau mặt): Đâu có chuyện lạ lùng vậy? Tướng quân đã nhờ ai hỏi?

Cao Lỗ: Thưa nhà vua, tôi đã hứa với người đó là không nói rõ tên, nếu không họ không dám làm. Xin nhà vua tin ở bụng dạ tôi, kẻ đã hầu hạ nhà vua, và khi nhà vua bảo chết sẽ xin sẵn sàng chịu chết.

An Dương Vương (Nhìn ra xa): Ta không tin… Trước đây, họ tưởng ta yếu nên họ mới có ý này ý nọ. Nay ta mạnh, thì họ chỉ muốn làm lành với ta, làm bạn với ta…

Cao Lỗ: Bụng họ chưa hết tham, xin nhà vua đừng quá tin ở họ…

An Dương Vương: Từ ngày phò mã sang đây, đối với ta thật mọi bề hiếu thảo.

Cao Lỗ: Thưa nhà vua. Lá ngó nhìn vẫn xanh, nhưng thật ra đó là thuốc độc. Tôi sợ ngoài chuyện mũi tên họ đã làm những chuyện khác mà ta không biết.

An Dương Vương: Tướng quân không lo! Ta đâu có thiếu người thêm tai, thêm mắt cho ta.

Cao Lỗ: Thưa nhà vua, có khi tai mắt của ta mà lại thành tai mắt của họ lúc nào không biết. Họ giàu, họ lắm của…

An Dương Vương (Hơi khó chịu): Đúng là tướng quân quá lo mà thành gay gắt…

Cao Lỗ: Thưa nhà vua, bụng tôi thật là như vậy!

An Dương Vương: Tướng quân đừng nghĩ là ta quáng mắt vì báu vật họ mang sang tặng ta.

Cao Lỗ (Lo lắng): Thưa nhà vua, tôi không hề dám nghĩ như vậy. Phò mã đang chờ, tôi xin lạy tạ nhà vua!

An Dương Vương: Tướng quân về! Và đừng quên lời ta dặn, việc nhỏ đừng làm ra to, chẳng có lợi gì…

Cao Lỗ: Xin kính lạy nhà vua!

(Cao Lỗ ra… Trọng Thủy vào…)

An Dương Vương: Phò mã chờ ta có lâu không! Sao phò mã sang sớm vậy?

Trọng Thủy: Thưa nhạc vương, con nhớ nhạc vương quá nên muốn được gặp ngay. Con chờ lâu hay mau thì con không biết nữa. Con đang buồn lắm.

An Dương Vương: Có việc gì vậy phò mã?

Trọng Thủy: Thưa nhạc vương, người ta không muốn con ở đây, nên cứ gây ra chuyện này chuyện nọ.

An Dương Vương: Phò mã đừng lo. Ta đã cấm họ không được làm như vậy nữa rồi.

Trọng Thủy: Thưa nhạc vương. Con tin là họ không chịu thôi đâu. Con khổ lắm. Mà công chúa cũng khổ lắm. Thưa nhạc vương… Hay là…

An Dương Vương: Con định nói gì?

Trọng Thủy: Hay là nhạc vương cho phép con đưa công chúa về bên nước con… Sống thế này, con không sống nổi.

An Dương Vương (Lo lắng): Sao phò mã lại nghĩ vậy? Ta chỉ có mỗi mình công chúa! Phò mã biết ta yêu quý phò mã như thế nào rồi… Không được đâu! Hai con phải ở bên ta, ta cũng già rồi…

Trọng Thủy (Xúc động): Thưa nhạc vương, con chỉ muốn sống ở đây, chết ở đây với nhạc vương thôi… Nhưng người ta không muốn vậy…

An Dương Vương: Kẻ nào dám trái ý ta…

(Lính hầu lại chạy vào, vẻ hốt hoảng, quỳ vội xuống lạy An Dương Vương).


Lính hầu: Kính lạy nhà vua! Có chuyện không hay! Có chuyện không hay!

An Dương Vương (Vội vàng đứng dậy): Chuyện gì mà ngươi hốt hoảng vậy?

Lính hầu: Kính lạy nhà vua. Trai hầu của phò mã bị người ta đánh chết rồi!
 

An Dương Vương (Nổi giận): Ai đánh chết?

Lính hầu: Kính lạy nhà vua, chưa biết là ai ạ!

Trọng Thủy: Thưa nhạc vương, con nói không sai! Còn ai vào đây nữa!

An Dương Vương (Vỗ mạnh tay xuống bàn): Thế này thì ta không thể để yên! Lính hầu

Lính hầu (Hoảng sợ): Con xin chờ lệnh!

An Dương Vương: Gọi Cao Lỗ tướng quân trở lại ngay đây ta bảo!

Lính hầu (Vội vàng cúi lạy): Xin tuân lệnh! (Chạy đi ngay).

Cảnh bảy

Gái hầu: (Đang dọn dẹp đồ đạc trong lầu .Mỵ Châu bỗng đứng dậy nhìn ra ngoài. Có tiếng chim sơn ca hót). Nghe chim hót

Gái hầu: Trong bụng tôi càng có thêm bao nhiêu chuyện buồn (Nhìn xa xôi). ừ, sao lại vậy. Thấy người xấu đó mà tôi đành chịu, không làm gì được! Sao người này có quyền làm thế này mà người kia lại không có quyền làm gì hết? Trai hầu ơi, tôi mà có quyền, tôi trả thù cho Trai hầu ngay. Tướng quân ơi, cháu có quyền, cháu sẽ xin tướng quân cứ bắt hết bọn nó lại mà trị tội. (Nhìn vào trong) Tôi vừa thương ,vừa giận công chúa của tôi, công chúa có để ý đến gì đâu… Chỉ thấy có phò mã… (Giật mình vì thấy Mỵ Châu hiện ra, Mỵ Châu dừng lại nhìn Gái hầu giây lâu rồi nói, giọng dịu dàng, âu yếm).

Mỵ Châu: Gái hầu ơi! Ta thương Trai hầu, ta thương em lắm. Em có muốn ta giúp em điều gì không?

Gái hầu: Công chúa ơi! Điều em muốn xin công chúa giúp thì em không thể nói ra được!

Mỵ Châu: (Hơi ngạc nhiên) Vì sao vậy em?

Gái hầu: Em không biết nói thế nào với công chúa bây giờ.

Mỵ Châu: Ta chưa bao giờ không tin em.

Gái hầu: Trước đây là như vậy, còn bây giờ thì khác.

Mỵ Châu (Càng ngạc nhiên): Em không tin ta thì có!

Gái hầu: Thưa công chúa…

Mỵ Châu: Đúng rồi, đúng là em không tin ta!

Gái hầu: Em vẫn kính yêu công chúa vô cùng…

Mỵ Châu: Nhưng tin thì không tin, có phải không?

Gái hầu: Dạ thưa, em lo là công chúa chưa thấy được rõ những chuyện đã xảy ra.

Mỵ Châu: (Lo lắng) Chuyện gì hả em?

Gái hầu: Trước đây, chính em cũng không thấy, còn bây giờ…

Mỵ Châu: Em thấy những gì, em nói đi.

Gái hầu: Em thấy nhiều cái không tốt mà trước đây em cứ tưởng là tốt.

Mỵ Châu: Ta chưa hiểu…

Gái hầu: Nhiều con người em rất quý trọng, bây giờ em lại thấy…

Mỵ Châu: Em muốn nói ai?

Gái hầu: Thưa công chúa, em khổ lắm! Em đã thưa là em không biết nói cách nào với công chúa bây giờ

Mỵ Châu: Nghe em nói, ta rất phiền lòng. Đúng là em không tin ta nữa.

Gái hầu: Công chúa như một bông sen… Công chúa tốt quá… hiền quá…

Mỵ Châu: Em khen ta mà là chê ta.

Gái hầu: Tội em đáng chết!

Mỵ Châu: Ta rất hiểu em… Em khổ vì Trai hầu phải không?

Gái hầu: Thưa công chúa. Vì nhiều chuyện khác nữa!

Mỵ Châu: Chuyện gì nữa vậy?

Gái hầu: Em nói ra có thể bị mất đầu.

Mỵ Châu: Ta hứa với em…

Gái hầu: Thưa công chúa, em thương Cao Lỗ tướng quân.

Mỵ Châu: (Lạ lùng hỏi) Tướng quân làm sao?

Gái hầu: Cao Lỗ sắp bị đuổi ra khỏi thành, phải trở về quê quán.

Mỵ Châu: Nhưng chính tướng quân đã sai người đi giết Trai hầu kia mà!

Gái hầu (Cười mỉa mai): Thưa công chúa không phải tướng quân đâu! Chính là người khác.

Mỵ Châu: Người khác là ai?

Gái hầu: Quan Sư phó!

Mỵ Châu: (Giật nảy lên) Sao em lại dám nói vậy… Ai bảo em điều đó?

Gái hầu: Thưa công chúa, Trai hầu!

Mỵ Châu: Trai hầu nói trước khi chết à?

Gái hầu: Thưa công chúa, lúc hãy còn sống! Lúc Trai hầu chết, em không hay. Nhưng nhìn xác Trai hầu thì em biết!

Mỵ Châu: Lúc còn sống, Trai hầu nói gì?

Gái hầu: Thưa công chúa, em không dám nói hết ra đâu…

Mỵ Châu: (Giận dỗi) Em làm ta buồn phiền rất nhiều.

Gái hầu: Em nói ra hết, công chúa còn buồn phiền hơn. Mà em tin là chỉ mai kia thôi, công chúa sẽ biết hết!

(Có tiếng Trọng Thủy gọi Gái hầu. Gái hầu vội vàng quay ra. Trọng Thủy vào. Gái hầu lạy chào rất nhanh rồi lui ra).


Trọng Thủy: Công chúa sao như không được vui?

Mỵ Châu: (Gượng cười) Thưa phò mã! Không ạ! Chỉ có chuyện Trai hầu bị chết nên Gái hầu nó buồn…

Trọng Thủy: Tội nghiệp cho Trai hầu. Quan Sư phó cũng vừa nhắc tới nó… Càng nghĩ càng giận ông Cao Lỗ.

Mỵ Châu: Phò mã đến em có việc gì lạ không?

Trọng Thủy: Có người bên nước vừa sang! Vua cha đang mệt nặng. Tôi phải về gấp! Công chúa có buồn không?

Mỵ Châu: (Mặt biến sắc) Bao giờ phò mã đi?

Trọng Thủy: Quan Sư phó định trong ngày mai hay ngày kia thôi! Chỉ sợ về chậm vua cha có làm sao thì phải tội lớn!

Mỵ Châu: (Nhìn Trọng Thủy trân trân) Phò mã về rồi bao giờ qua lại?

Trọng Thủy: Vua cha khỏi bệnh là tôi xin phép qua lại ngay.

Mỵ Châu: Có thật không?

Trọng Thủy: Xa công chúa một ngày, tôi thấy ngày dài lắm… Không có công chúa, tôi không còn thấy có gì vui nữa.

Mỵ Châu: Nghe phò mã nói, em thấy càng đau trong lòng! Phò mã đi thì mỗi ngày một xa.

Trọng Thủy: Khi tôi trở qua thì mỗi ngày một gần.

Mỵ Châu: Bao giờ phò mã mới trở qua. Em lo phò mã đi đường xa… núi cao, rừng rậm…

Trọng Thủy: Vua cha đang chờ tôi từng ngày…

Mỵ Châu: Em sẽ cầu trời cho vua cha chóng khỏi, và phò mã sớm trở lại.

Trọng Thủy: Tôi sẽ nhìn về phía giữa mặt trời mọc và mặt trời lặn khi nhớ tới công chúa.

Mỵ Châu: Em sẽ nhìn về phía phò mã ra đi để nhớ phò mã…

Trọng Thủy: Khi nào trở lại, tôi sẽ mang cho công chúa thêm một cái áo lông ngỗng màu khác.

Mỵ Châu: Mùa rét năm nay, em mặc nó cho đỡ nhớ phò mã đấy!

Trọng Thủy: Công chúa có tin là tôi sẽ qua lại nữa không?

Mỵ Châu: Sao em cứ thấy lo lo! Phò mã gắng qua lại trong mùa rét năm nay. Em sẽ mặc áo lông ngỗng đi đón phò mã…

Trọng Thủy: Trên đời, chắc không còn ai đẹp và hiền như công chúa…! Hay là tôi xin phép vua cha bên này đưa công chúa về thăm bên kia một chuyến.

Mỵ Châu: Chắc vua cha không cho! Vua cha chỉ có mình em thôi mà!

Trọng Thủy (Thở dài): Được mà có phép bay nhanh như chim! Mình thua chim, công chúa thấy không!

Mỵ Châu: Khi nào chết, em sẽ xin hóa thành chim đấy!

Trọng Thủy: Tôi cũng sẽ thành chim như công chúa. Lúc đó chắc khỏi xa nhau. Kìa! Có tiếng ai như tiếng ông Cao Lỗ…

Mỵ Châu (Lắng nghe): Đúng là Cao Lỗ tướng quân.

(Một cánh màn từ trong kéo ra, ngăn sân khấu ra làm đôi, bên này là Trọng Thủy Mỵ Châu, bên kia là Cao Lỗ và Gái hầu)

Gái hầu (Mừng rỡ): Cháu không ngờ còn được gặp bác ở đây!

Cao Lỗ: Bác chỉ còn được phép đi lại trong thành này từ giờ đến sáng mai. Bác phải gặp cháu trước khi trở về quê quán. Biết ngày nào bác cháu ta mới lại gặp nhau!

Gái hầu (Khóc nấc lên): Bác ơi! Nghe bác nói mà gan ruột cháu như có dao đâm.

Cao Lỗ: Cháu đừng quá buồn phiền thì bác mới nói chuyện được.

Gái hầu: Thưa bác, bác nói cho cháu nghe đi!

Cao Lỗ: Bác già rồi, có chết cũng không tiếc. Chỉ tiếc là không được làm những điều mình muốn… Không sao! Bác về quê quán, bác sẽ không buông tay, ngồi rỗi, âu sầu… Cháu biết quê bác ở đâu chưa?

Gái hầu: Thưa quê bác ở Hương Canh!

Cao Lỗ (Cảm động): Đúng! Có dịp, cháu xin phép công chúa lên thăm bác thì bác rất mừng. Còn phần cháu…

(Nhìn Gái hầu… Cao Lỗ và Gái hầu lặng im… Bên này, Mỵ Châu và Trọng Thủy bắt đầu bàn bạc)

Trọng Thủy: Gái hầu có bà con gì với ông Cao Lỗ không?

Mỵ Châu: Em không biết!

Trọng Thủy: Sao họ thương nhau như là ruột thịt vậy?

Mỵ Châu: Em cũng không biết?

Trọng Thủy: Hay là họ định nói cho chúng mình nghe… Lão Cao Lỗ này chẳng biết sợ phép vua, phép nước là gì!

Mỵ Châu: à, phò mã đã thưa chuyện phải về bên kia với vua cha chưa?

Trọng Thủy: Quan Sư phó đã xin phép cho tôi cùng vào gặp vua cha và

thưa chuyện ngay hôm nay.

Mỵ Châu: Phò mã đi, chắc vua cha cũng sẽ nhớ lắm.

Trọng Thủy: Tôi cũng nghĩ vậy… Thôi lắng nghe xem họ đang nói gì.

(Mỵ Châu, Trọng Thủy lặng im. Cao Lỗ và Gái hầu lại tiếp tục chuyện trò).


Cao Lỗ: Bác cám ơn cháu đã tin là bác bị oan. Rồi ai cũng biết là bác đã bị oan. Cháu ơi! Suốt cả đêm qua, bác cứ nhớ An Liêu và thương hại Trai hầu.

Gái hầu: Có phải An Liêu, người đã từ lầu cao nhảy xuống chân thành để nhặt cái lẫy thần cho vua không bác?

Cao Lỗ: Đúng rồi (Im một giây). An Liêu chết một cách. Trai hầu chết một cách! Bác thấy Trai hầu đã quá thật thà, đến lúc chết mà chưa biết vì sao mình chết!

Gái hầu: Nhưng sang đến cõi chết thì chắc Trai hầu biết rồi.

Cao Lỗ: Còn với cháu, bác muốn nhờ cháu hãy để tai mắt đừng cho kẻ gian muốn làm gì thì làm. Bác không được sống trong cái Thành ốc này, nhưng lòng bác vẫn ở đây!… Bác cũng sẽ để mắt. Bác cũng sẽ phòng chừng… Kẻ gian mà thò tay ra thì ta phải chặt ngay, bác chỉ lo là mình đã chậm rồi… Trời hỡi! sao trời đã giúp vua tôi xây thành mà không giúp vua tôi giữ thành!

(Cao Lỗ, Gái hầu lại lặng im. Mỵ Châu và Trọng Thủy lại bàn luận)

Trọng Thủy: ạng Cao Lỗ chắc sắp điên rồi.

Mỵ Châu: Tướng quân nói gì vậy, phò mã? Nói ai vậy phò mã?

Trọng Thủy: Cũng có thể là ông ấy bị hồn Trai hầu bắt tội vì đã sai người giết nó.

Mỵ Châu: Tướng quân nói là bị oan kia mà!

Trọng Thủy (Cười): Vậy công chúa nghĩ là oan thật à! Vua cha đã xét xử thì không thể nào sai.

Mỵ Châu: Nghe phò mã nói em mới yên lòng!

Trọng Thủy: Biết tôi trở về bên kia, chắc ông Cao Lỗ vui lắm!

Mỵ Châu: Sao phò mã cứ nghĩ vậy?

Trọng Thủy: ạng ấy có muốn tôi được ở đây, được ở gần công chúa đâu! Thật đấy mà!

Mỵ Châu: Chẳng lẽ lại ác độc đến như vậy?

(Hai người lại lặng im, theo dõi)

Cao Lỗ: Thôi, bác còn phải đi thăm, đi chào nhiều người! Cháu ở lại mạnh khỏe. Đừng thương Trai hầu quá mà ngã xuống ốm. Bác dù ở xa, bác sẽ hỏi thăm tin về cháu ngày ngày. Bác đi đây!

Gái hầu (Khóc nấc lên và quỳ xuống ôm lấy chân Cao Lỗ tướng quân): Bác đi rồi, cháu càng thấy bơ vơ. Bác đừng đi ! Sao bác lại phải đi? (Khóc nức nở. Cao Lỗ cúi xuống ôm lấy đầu Gái hầu cố nén xúc động)

Cảnh tám

Ở bên dưới lầu Mỵ Châu, Gái hầu đang nằm ngủ thiếp đi. Ánh sáng xanh mờ, huyền ảo. Trai hầu từ từ đi vào, khẽ đập vào tay Gái hầu.

Trai hầu: Gái hầu này! Gái hầu!

Gái hầu (Mở mắt): ại! Trai hầu vẫn sống à? (Vừa vui mừng vừa kinh ngạc)

Trai hầu: Thần núi đã cứu tôi sống lại vì Gái hầu muốn vậy phải không?

Gái hầu (Ngồi dậy, xúc động): Phải!

Trai hầu: Tôi sống lại, tôi thấy sướng hơn lần sống trước, tôi cũng thấy quý Gái hầu hơn trước.

Gái hầu: Nhưng Trai hầu khoan ra mắt đã! Họ sắp đi rồi. Họ mà biết Trai hầu sống lại, họ sẽ xin nhà vua cho Trai hầu cùng đi đấy.

Trai hầu: Chết thì chết, tôi cũng chẳng thèm đi. Tôi chỉ cần được sống gần Gái hầu thôi. Tôi sẽ xin nhà vua cho tôi đi đúc tên với người học trò giỏi nhất của tướng quân Cao Lỗ.

Gái hầu: Đúng đấy. Nhưng đợi họ đi rồi Trai hầu hãy ra mặt.

Trai hầu: Tôi vừa được sống lại là tôi đến gặp ngay Gái hầu. Tôi chết lại thấy nhớ Gái hầu gấp trăm lần. Gái hầu có nhớ tôi không?

Gái hầu: Có! Nhớ và khóc một mình luôn đấy.

Trai hầu: Từ nay thì chúng ta được sống gần nhau rồi (Cầm tay Gái hầu). Nhưng này, chúng nó về rồi chúng nó có sang lại không?

Gái hầu: Sang lại chứ!

Trai hầu: Không sợ nhà vua, tôi sẽ giết hết cả hai đứa để trả thù. Nhất là thằng Sư phó. Chính nó đã lập đủ các thứ mưu để giết tôi và đổ tội cho tướng quân Cao Lỗ.

Gái hầu: ại! Bây giờ mà được gặp tướng quân Cao Lỗ thì không gì sướng bằng!

Trai hầu: Muốn gặp thì dễ thôi! Kìa tướng quân đang đến!

(Cao Lỗ hiện ra thật… Cao Lỗ từ từ đi lại cạnh Trai hầu, Gái hầu. Cả hai chạy đến ôm lấy chân Cao Lỗ)

Cao Lỗ: Bác mừng cho hai cháu đã gặp lại nhau… Nhưng này, Gái hầu ơi, sao cháu không biết gì cả thế?

Gái hầu: Thưa bác gì ạ?

Cao Lỗ: Chúng nó thừa lúc nhà vua đi săn mà lấy cắp cái lẫy thần của nhà vua rồi!

Gái hầu: Làm sao chúng lấy cắp được thưa bác?

Cao Lỗ: Việc gì mà chúng không làm được!

Gái hầu: Bác biết có chắc không?

Cao Lỗ: Là bác đoán như vậy và chắc đúng như vậy.

Gái hầu: Nhưng cháu thấy nhà vua đối xử với chúng không có gì khác.

Cao Lỗ: Nhà vua có biết là bị nó lấy cắp đâu!

Gái hầu: Phải làm gì bây giờ thưa bác?

Cao Lỗ: Ta sẽ cho người chặn đường nó, và ta sẽ đích thân cải trang làm kẻ cướp để cướp lại cái lẫy thần cho vua.

Gái hầu: Vậy thì bác cho hai cháu cùng đi với. Mà phải đi ngay đi bác ơi! Canh tư này chúng đã lên đường rồi!

Cao Lỗ: Bác biết! Cháu đừng lo! Nhưng bác hỏi cháu điều này. Cháu không hề nghi ngờ gì chuyện chúng nó có thể lấy cắp lẫy thần à?

Gái hầu: Thưa bác có chứ ạ!

Cao Lỗ: Có! (Hừ). Vậy tại sao cháu không cho người chạy lên báo cho bác biết?

Gái hầu: Cháu định đi báo tin cho người học trò giỏi nhất của bác, nhưng không đi được. Công chúa buồn vì người kia họ sắp đi nên cứ giữ cháu ở bên cạnh.

Cao Lỗ: Phải tìm hết mọi cách mà đi chứ! Sao không thừa lúc công chúa ngủ mà đi!

Gái hầu: Lúc đó thì lại sợ lính canh họ không cho đi!

Cao Lỗ: Nghe cháu nói bác buồn lắm! Bác giận nữa! Bác giận thật đấy! Nếu không ai báo cho bác biết, bọn nó lấy mất lẫy thần, thì liệu vua ta, dân ta có còn giữ được thành, giữ được nước nữa không?

Gái hầu: Cháu xin bác tha lỗi cho cháu.

Trai hầu: Thưa tướng quân, bây giờ thì chúng cháu xin làm để bù lại tội.

Cao Lỗ: Làm gì?

Trai hầu: Chặn đường bọn nó, lấy lại lẫy thần.

Cao Lỗ: Vậy thì đi nhanh đi! Kìa có tiếng trống đồng tiễn chúng nó lên đường kia rồi!

(Tiếng trống đồng rền như sấm. Đèn tắt một giây rồi sáng lại, sáng trắng, sáng thật. Không huyền ảo như trước. Gái hầu vẫn đang nằm ngủ thiếp như lúc mở màn bỗng vùng dậy ngơ ngác nhìn quanh).


Gái hầu: Cao Lỗ tướng quân và Trai hầu đi đâu cả rồi? (Giụi mắt nhìn quanh) Hóa ra chỉ là chiêm bao! (Đau khổ) Tướng quân ơi! Trai hầu ơi! Sao chẳng ở thêm lúc nữa! (Đứng dậy bỗng nghe tiếng mõ từ xa vọng đến. Ba hồi mõ dài, sau mỗi hồi lại gióng lên ba tiếng). Chỉ mới canh ba thôi. Còn một canh nữa thì chúng nó ra đi… Ta phải làm gì bây giờ! Tướng quân Cao Lỗ có vẻ giận ta lắm. Bác ơi, cháu xin nghe lời bác, cháu sẽ đi rủ người học trò giỏi nhất của bác cùng cháu lên báo tin cho bác biết ngay bây giờ. Phải chặn đường chúng lại! Phải giành lại lẫy thần! Cháu đoán chắc là đã có sự không hay xảy ra. Nó đã biết nhà vua mà đi săn thì để lẫy thần ở nhà, mà để ở nhà thì thế nào nó cũng tìm cách lấy trộm. Đêm thì dài. Từ lầu nó sang lầu vua thì ngắn. Chúng nó là người nhưng như ma, như quỷ. Mà nếu chúng nó không ăn cắp, chưa ăn cắp được thì càng tốt chứ sao! Cứ chặn đường, cứ lục soát cho kỹ là rõ ra hết. Có tay Cao Lỗ tướng quân thì mọi việc sẽ đâu vào đấy. Trời! Trai hầu! Được Trai hầu sống lại thật để cùng đi với tôi (Nhìn ra xa như tưởng nhớ cái giây phút vừa gặp Trai hầu) Trai hầu hãy phù hộ cho tôi làm xong việc nhé! (Đổi nét mặt) Phải đi ngay lập tức bây giờ. Công chúa có thức dậy gọi thì cũng mặc công chúa. Bây giờ chỉ có mỗi một việc này thôi: Phải gặp ngay tướng quân Cao Lỗ!

(Đi dép cỏ vào chân và nhanh nhẹn bước ra. Màn ngoài kéo lên.
Cảnh làng xóm hiện ra. Một cái chòi canh. Người đánh mõ đang chuẩn bị ra về thì bà cụ xách cái ấm nước đến. Trời sáng)

Người đánh mõ: Chào bà cụ! Bà cụ lại xách ấm nước đến chỗ tướng quân Cao Lỗ đấy à?

Bà cụ: ừ! Nhưng ông Cao Lỗ còn ở đấy nữa đâu! Từ bữa vắng ông ấy, tôi cứ thấy buồn héo cả ruột. Sáng nào tôi cũng muốn đến ngay chỗ ông ấy cho đỡ nhớ. Đến đó, lại thấy nhớ hơn… (Thở dài)

Người đánh mõ: Bây giờ ai trông nom việc đúc tên đấy hả cụ?

Bà cụ: Vẫn người học trò giỏi nhất của ông Cao Lỗ đấy. (Sực nhớ ra điều gì) à, có phải chúng nó đã kéo nhau đi từ lúc đầu canh tư không hả anh mõ?

Người đánh mõ: Đúng đấy cụ ạ! Chúng nó kéo đi, cháu thấy vừa nhẹ cả người mà vừa lo… Vả lại cũng tức trong bụng! Mỗi lần về, chúng nó lại chẳng khuân mất của mình bao nhiêu của quý ấy à!

Bà cụ: Chúng nó kéo về rồi chúng nó lại kéo sang đấy thôi! Đừng có chơi bời, lui tới gì với lũ quỷ chúng nó thì tôi mới mừng được. Chúng nó trước thế nào, nay thế ấy, tôi nói không sai đâu mà!

Người đánh mõ: Nghe nói mấy bữa nay công chúa buồn lắm vì sắp phải xa phò mã (Giọng mỉa mai)

Bà cụ: Người nó đẹp, con gái, đàn bà dễ mê lắm. Nhưng cái bụng của nó chỉ chứa toàn cái ác, mà có ai biết đâu…

Người đánh mõ: Bà cụ nói vậy tức là bà cụ biết chứ!

Bà cụ: Biết thì cũng chịu. Này nó có mang gì về bên nước nó không?

Người đánh mõ: Chúng nó có mang thì mang của quý. Mà của quý thường lại bé nhỏ! Không cồng kềnh. Còn cái quý hơn hết thì lại to quá, chúng nó làm sao mang nổi.

Bà cụ: Cái gì vậy?

Người đánh mõ: Thưa cụ, tôi muốn nói cả cái đất nước mình đây này. Chúng nó có cướp được thì cũng để ở đây mà gậm thôi.

Bà cụ: Thách chúng nó đấy. Chúng nó có muốn cướp cái đất này thì cứ để xác lại đã!

(Có tiếng vó ngựa xa xa)

Người đánh mõ: Có bóng hai người đang phi ngựa!

Bà cụ: Ai vậy nhỉ?

Người đánh mõ: Một trai, một gái cụ ạ! Mà lại phi về hướng chúng nó vừa kéo đi.

Bà cụ: ừ! Đúng như vậy thật! Kìa gà đã gáy canh năm rồi, anh gióng mõ lên. Tôi phải đến nhà tướng quân Cao Lỗ kẻo anh em họ chờ.

Người đánh mõ: Tôi đánh lần mõ này để báo cho xa gần được biết là đêm đã qua nhưng cũng để báo là trong đêm nay có nhiều chuyện xảy ra. Chuyện chúng nó kéo về nước, chuyện có hai người phi ngựa đuổi theo… Làng nước hãy nhớ mà đợi xem rồi ngày nay, đêm nay sẽ xảy tiếp chuyện gì. Rồi cần làm gì thì phải sẵn sàng. Lạy trời cho dân Phong Châu này, đất Phong Châu này ai gặp điều không may cũng chỉ như cơn giông kéo đến rồi tan đi… Trời sắp sáng thật rồi. (Giơ cao tay đánh ba hồi mõ dài, rồi tiếp theo là năm tiếng lẻ cuối hồi)

Cảnh chín

Cảnh trung du. Đồi và đồi nhấp nhô như bát úp. Nhiều lùm cây và nhiều bụi bờ hoang dại.

Trời tối được một lúc. Sao mọc dày… (Sư phó và Trọng Thủy ra)

Quan Sư phó: Phò mã có thấy là tôi đoán đúng không? (Giọng giận dữ) Nhưng sao lại để sổng mất thằng kia? Ta mau mau hỏi tội con nhãi đi thôi.

Trọng Thủy: Xin tuân lệnh sư phụ!

Quan Sư phó: Đem nó ra đây.

(Hai tên lính dắt Gái hầu ra. Gái hầu bị trói quặt hai tay ra sau lưng. Trọng Thủy trông thấy vội quay mặt đi…)

Quan Sư phó: à! Đúng là mày, không sai một chút nào! Ta biết mà. Ta biết là mày sẽ đuổi theo ta mà! Con nhãi kia! Mày định đuổi theo tao để làm gì

Gái hầu: Làm gì thì ngươi biết rồi!

Quan Sư phó: Biết rồi! Mày vẫn cứ phải nói!

Gái hầu: Không bao giờ ta nói!

Quan Sư phó: Mày định lên báo cho Cao Lỗ đón giữ chúng tao phải không?

Gái hầu: Ta không biết!

Quan Sư phó: Đón giữ chúng tao lại để làm gì hả con nhãi kia?

Gái hầu: Ngươi không được gọi ta là con nhãi. Ta là một người con gái của đất âu Lạc! Ta làm việc cần phải làm!

Quan Sư phó: Việc gì?

Gái hầu: Ngươi tự hỏi ngươi ấy! Hay ta hỏi ngươi câu này, nếu ngươi trả lời đúng sự thật thì ta sẽ trả lời cho ngươi câu hỏi kia!

Quan Sư phó: Mày muốn hỏi gì?

Gái hầu: Các ngươi có ăn cắp cái lẫy thần của vua ta không? Hãy trả lời cho thật đi!

Quan Sư phó: Mày chỉ là một con Gái hầu. Mày chỉ như một con sâu, ta có thể dí chết dưới chân, mày không có quyền hỏi như vậy.

Gái hầu: Ta nói rồi! Ta là dân của đất Âu Lạc. Vì đất Âu Lạc của ta, ta có quyền hỏi ngươi lắm! Ngươi trả lời đi!

Quan sư phó (Quát): Mày muốn chết phải không?

Gái hầu: Ta không sợ chết, đừng có dọa!

Quan Sư phó: Mày không sợ thì tao sẽ làm cho mày phải sợ. Chúng bay đâu, ra cắt hết mấy cái gân ở gót chân nó cho ta. Cắt luôn cả cái lưỡi của nó cho ta! Xem nó có còn cách gì để về tâu với vua của nó nữa không!

(Hai tên lính xông đến, đứa giữ chặt lấy Gái hầu, đứa lấy dao. Gái hầu rú lên, ú ớ… gục xuống, rồi lại chồm lên. Trọng Thủy quay nhìn chỗ khác rồi theo Sư phó đi vào. Sân khấu lặng im một giây… Có nhiều tiếng nói vẳng lại. Có ánh đuốc sáng dần. Cao Lỗ cùng mấy người nhà và người bạn gái của Gái hầu hiện ra.)

Tiếng người bạn gái kêu lên: Đây rồi! ại trời! Gái hầu chết rồi ư?

Cao Lỗ (Cúi xuống, đỡ Gái hầu lên): Cháu ơi! Gái hầu ơi! Có nghe tiếng bác nói không?

Một người: A! Còn sống! Còn sống!

Cao Lỗ: ừ, may ra thì còn sống thật! Gái hầu ơi! Cháu ơi! Bác đây mà!

(Gái hầu hé mắt nhìn thấy Cao Lỗ xúc động quá lại ngất nhưng rồi vụt tỉnh lại, đưa tay chỉ về phía tên Sư phó và Trọng Thủy đi, vẻ cầu khẩn…)

Một người: Thưa tướng quân, ta đưa Gái hầu đến nhà ông cụ lang Tầm xin thuốc đi!

Cao Lỗ: Được rồi! Bác sẽ đuổi theo ngay chúng nó… Nhưng này, hãy nghe lệnh bác. Gặp cụ lang Tầm xong thì tìm một cái võng, võng Gái hầu về ngay Thành ốc để kịp thuốc thang tiếp. Ta phải đuổi theo chúng nó ngay bây giờ đây! Trung Liêu! Con hãy theo ta!

(Màn ngoài lặng im một giây lâu rồi kéo lên.
Cảnh núi cao rừng sâu hiện ra cùng với tên Sư phó, Trọng Thủy và mấy tên lính hầu)

Quan Sư phó: Phò mã thử nói cái điều thứ hai ta đoán liệu có xảy ra không nào?

Trọng Thủy: Thưa sư phụ, con chắc là thế nào lão Cao Lỗ cũng đuổi theo ta nhưng không thể nào biết được con đường này…

Quan sư phó (Cười đắc chí): Giỏi! à, còn cái lẫy thần, ta phải mang nó về dâng nộp cho vua cha yên lòng.

Trọng Thủy: Thưa vâng!

Quan Sư phó: Nhưng đúng là phò mã đã lắp và bắn thử rồi chứ?

Trọng Thủy: Thưa đã bắn thử ba lần! Cả ba đều như nhau. Chỉ ở trong tay An Dương Vương, ở trong tay người Âu Lạc thì nó mới là lẫy thần thôi. Vào tay người khác, nó chỉ là một cái móng rùa.

Quan Sư phó: Mặc dù vậy, ta vẫn cứ mang về. (Bỗng lắng tai nghe, vẻ nghi ngờ) Phò mã ạ, sao như có tiếng người và tiếng vó ngựa ở phía sau ta…

Trọng Thủy (Cùng lắng nghe): Thưa sư phụ, sư phụ quá lo mà tưởng vậy chăng. Con nghe chỉ thấy có tiếng gió thổi…

Quan sư phó (Cau mày quay lại bảo lính hầu): Chúng mày hãy áp tai xuống đất nghe thử xem sao!

(Một tên lính hầu nhảy ngay xuống ngựa, áp tai sát đất rồi ngồi dậy, vẻ lo lắng)

Lính hầu: Thưa đúng là có tiếng vó ngựa, mà nghe cũng khá gần.

Quan sư phó (Kéo riêng Trọng Thủy ra xa bọn lính hầu): Phò mã ạ! Ta nghĩ lại rồi, nếu cái lẫy thần sang tay ta chỉ còn là một cái móng rùa vô dụng thì có lẽ ta nên vứt nó đi luôn…

Trọng Thủy (Ngạc nhiên): Thưa sư phụ, chính sư phụ vừa bảo…

Quan Sư phó: ừ! Lúc nãy khác, bây giờ khác. Cao Lỗ nó sắp đến đây rồi. Nó mà lục soát, lấy lại được cái lẫy thần thì công của ta bấy lâu nay hóa ra công cốc. Phò mã hãy đưa ngay nó cho ta!

(Trọng Thủy lục trong bọc, lấy cái nẫy thần đưa cho quan Sư phó. Quan Sư phó vung mạnh tay ném luôn xuống vực sâu, thở ra nhẹ nhõm…)

Lính hầu: Thưa quan Sư phó và phò mã, vó ngựa nghe đã sát ngay ở phía sau. Xin quan sư phó và phò mã hãy giục ngựa cho phi nhanh lên.

(Tất cả phóng đi. Sân khấu vắng lặng một giây. Cao Lỗ và Trung Liêu đến)

Cao Lỗ: Chúng ta đuổi theo gần kịp chúng nó rồi. Chúng nó vừa mới đi qua đây thôi.

Trung Liêu: Chắc chúng không ngờ là ta đã biết con đường tắt này mà chúng nó đã chọn để kéo nhau về cho thật nhanh và thật êm thấm.

Cao Lỗ: Không! Ai chứ thằng Sư phó này, nó ghê lắm. Chúng nó làm gì ta biết thì ta làm gì chúng nó cũng có thể biết. Đến chỗ kia, ta rẽ sang một lối khác để chặn đầu chúng.

Trung Liêu: Thưa tướng quân, liệu chúng nó có biết lối đi đó không?

Cao Lỗ: Chỉ có ta mới biết hết ngóc ngách của đất nước ta. Chúng nó giỏi lắm mười, chỉ biết bảy, tám… Đến chỗ rẽ rồi, ta cho ngựa vượt qua cái sườn núi bên kia đi!

(Phóng vút đi)

(Màn lại kéo lên. cảnh một rừng cây cao hiện ra).

Quan sư phó (Vui vẻ): Thế là tai ta nghe nhầm rồi. Không có ai đuổi theo ta cả. Ta dừng lại chờ bọn lính hầu một lát.

Trọng Thủy: Thưa sư phụ, xin mời sư phụ uống một ngụm trà cho đỡ mệt.

(Dâng cái vỏ bầu có buộc tua đỏ lên cho quan Sư phó. Tên này vừa cầm trong tay thì Cao Lỗ và Trung Liêu đột ngột hiện ra)

Quan Sư phó: Trời hại ta thật rồi! Đúng là chúng nó!

Cao Lỗ (Đã cải trang, chỉ để hở đôi mắt): Này, tên kia mày là người nước nào? Đi đâu mà dám đến khu rừng của ta?

Quan sư phó (Lấy giọng cứng rắn): Ta là người của nước lớn ở phương Bắc sang phương Nam này, theo lệnh của vua ta. Ngươi là ai?

Cao Lỗ: Là chúa vùng này chứ còn ai nữa!

Quan Sư phó: Ngươi muốn mất đầu à? Động đến chúng ta vua của ngươi sẽ không tha tội cho ngươi.

Cao Lỗ: Vua nhà ngươi và vua của ta đều ở xa cả. Giờ đây chỉ có chúng ta và các ngươi thôi.

Quan Sư phó: Mà chúng ta cũng không để yên cho ngươi muốn làm gì thì làm. Phò mã hãy tuốt gươm ra cho chúng nó xem!

Cao Lỗ (Cười mỉa mai): à! té ra đây là phò mã à? Hay lắm. Ta nghe gia nhân ta nói chuyện đã lâu bây giờ mới được gặp! Xin chào phò mã, vậy thì thôi, ta không cần lấy đồ đạc của các ngươi làm gì. Ta chỉ cần hỏi các ngươi một việc này thôi.

Quan Sư phó: Cho ngươi cứ hỏi.

Cao Lỗ (Nghiêm nghị): Hãy bỏ cái giọng Sư phó của ngươi đi! Nghe ta hỏi đây! Các ngươi đã ăn cắp cái lẫy thần của vua chúng ta phải không?

Quan Sư phó: Ta là người của nước lớn. Ta không thể nghe một câu hỏi láo xược như vậy?

Cao Lỗ: Nhưng chính các ngươi đã làm những việc ấy!

Trọng Thủy: Không phải!

Cao Lỗ: Các ngươi nên nhớ là quân của ta mai phục kín hết bốn phía rồi. Muốn sống mà về hay gửi xác lại đây thì tùy các ngươi.

Trọng Thủy (Nói riêng với quan Sư phó): Sao chúng nó bảo con đường này vắng vẻ?

Quan Sư phó: Chắc là bọn này từ đâu mới kéo đến.

Cao Lỗ: Các người có thể chết trong nháy mắt. Quân của ta bốn phía, chỉ cần một mũi tên tẩm thuốc độc chạm vào da là các người đã bỏ mạng rồi! Trả lời đi!

Trọng Thủy: Thưa sư phụ, ta cần làm gì bây giờ?

Quan Sư phó: Con hổ to cũng phải thua một đàn sói nhỏ! Thôi ở giữa rừng này, chỉ có ta với nó, ta trả lời cho xong chuyện, về đến bên nước sẽ hay.

Cao Lỗ: Có trả lời không thì nói! Ta sốt ruột lắm rồi!

Quan Sư phó: Ai cũng muốn hơn người. Chúng ta sang đây có làm gì thì cũng là để trả thù việc chúng ta đã bị thua nhà vua của các ngươi lần trước.

Cao Lỗ: Ta chỉ muốn các ngươi trả lời là có lấy trộm lẫy thần hay không thôi.

Quan Sư phó: Có!

Cao Lỗ: à! (Nổi giận). Có! Có? Bây giờ lẫy thần đâu rồi?

Quan Sư phó: Chúng ta biết không dùng được nên vứt mất rồi!

Cao Lỗ (Hét lên): Vứt ở đâu?

Quan Sư phó: Trên đường ta đi!

Cao Lỗ: Khoảng rừng nào?

Quan Sư phó: Không nhớ! Vứt xuống một cái suối nước chảy xiết!

Cao Lỗ: (Quay sang Trung Liêu) Ta muốn chém ngay cho chúng nó mỗi đứa một nhát…

Trung Liêu (Nói nhỏ): Không nên, thưa tướng quân… Cháu e nhà vua sẽ không tha tội vì còn chuyện lớn giữa hai nước nữa!

Cao Lỗ: Thế là các ngươi đã nhận xong một tội. Còn hai tội nữa. Có phải các ngươi đã lập mưu ma, chước quỷ để giết Trai hầu không?

Quan sư phó (Hỏi riêng Trọng Thủy): Sao nó ở xa tận trên này mà nó lại biết hết mọi chuyện! Phò mã trả lời chúng nó đi.

Trọng Thủy: Chúng ta rất thương người, nhưng vì công việc đành phải làm vậy!

Cao Lỗ: (Cười gằn) Phải! Các ngươi thương người lắm! Như vậy là các ngươi đã nhận cái tội thứ hai. Bây giờ đến tội thứ ba, thứ tư: Có phải các ngươi đã xui nhà vua đuổi tướng quân Cao Lỗ về quê và đêm qua các ngươi đã cắt gân chân và cắt lưỡi người Gái hầu của công chúa không?

Quan Sư phó: Đúng cả đấy! Nhưng mọi chuyện đều là vì bắt buộc!

Cao Lỗ: Thế bây giờ ta cũng vậy. Ta rất thương người, nhưng vì bắt buộc ta phải chặt đầu các ngươi để trả thù cho những người đã chết và trị tội các ngươi về những việc xấu xa mà các ngươi đã làm!

Quan sư phó (Tái mặt): Nhưng, ông có hứa là nếu nói thật thì các ông để cho chúng tôi về nước yên ổn kia mà!

Cao Lỗ (Cười khinh bỉ): Ta ít thấy ai ham sống sợ chết như các ngươi! Nếu ta tha cho các ngươi thì chẳng qua ta xem các ngươi chỉ như những con chồn, con chuột không đáng kể.

Quan sư phó (Vẻ mừng rỡ): ạng giữ lời hứa như vậy là rất phải.

Cao Lỗ (Quát): Im ngay! Đừng nói nữa! Bây giờ để có bằng chứng là các ngươi đã nhận những tội kể trên, các ngươi hãy để lại cho ta hai cái mũ các ngươi đang đội trên đầu, để ta gửi người mang về Cổ Loa tâu cho nhà vua ta được biết.

Trọng Thủy: Thưa sư phụ, như vậy thì nhục quá. Thà chết còn hơn!

Quan sư phó (Nói riêng): Chết thì chẳng hơn được cái gì đâu! Mất cái mũ này, ta còn cái mũ khác. Phải sống chứ. Cứ sống được rồi ta hãy liệu trả thù sau! ại! Ta cứ xem như bị ngã ngựa, mũ nó văng đi, chúng nó nhặt được.

Trọng Thủy: Sư phụ dạy thì con phải nghe nhưng nhục lắm! Nhục lắm!

Quan Sư phó: Rồi ta sẽ rửa được cái nhục này. Bây giờ cứ nghe ta, làm theo lời chúng nó cho được việc đã.

(Cởi cả mũ mình và mũ Trọng Thủy đưa cho Cao Lỗ)

Cao Lỗ (Ném hai cái mũ cho Trung Liêu giữ rồi quay lại giọng khinh bỉ): Này hai con chồn độc, ta tha chết cho chúng mày, nhưng chúng mày hãy liệu mà kéo nhau đi nhanh cho khuất mắt.

(Cùng Trung Liêu quay đi, bỏ mặc hai thầy trò Trọng Thủy đầu trần, mặt mày ngơ ngẩn, bàng hoàng)

Cảnh mười

Lầu An Dương Vương. Trời tối được một lúc. Những bình đèn dầu sáng rực ở xung quanh chỗ An Dương Vương ngồi. An Dương Vương lo lắng, vẻ mặt phiền muộn.

An Dương Vương: Chuyện gì đang xảy ra? Mà sao công chúa lại nằm mơ thấy rắn độc cắn? Còn ruột gan ta thì như lửa đốt từng hồi…? Hay là tại vừa rồi, trong cuộc đi săn, ta đã bắn trúng một con nai có con trong bụng và đó là nai của thần nên thần phạt ta?

(Có tiếng xôn xao ở bên dưới. Một lính gác chạy lên lầu rồi quỳ xuống)

Lính gác: Kính tâu nhà vua, có người nhà của ông Cao Lỗ vừa võng Gái hầu về…

An Dương Vương: Gái hầu làm sao?

Lính gác: Thưa nhà vua, Gái hầu bị ai cắt đứt gân chân và cắt cả lưỡi ạ!

An Dương Vương (Sửng sốt): Ai là ai? Đưa Gái hầu lên ngay đây cho ta hỏi chuyện.

Lính gác: Xin tuân lệnh! (Đi ra, vừa lầm bầm nói một mình) Bị cắt mất lưỡi thì còn hỏi chuyện làm sao được?

An Dương Vương: Sao lại người nhà ông Cao Lỗ võng Gái hầu về? Gái hầu lên nhà ông Cao Lỗ à? Lên làm gì? (Cau mày). Còn Trung Liêu thì đi đâu? Đi đằng nào? (Một tốp đông võng Gái hầu vào. Có cả bà cụ già hay xách nước đến chỗ đúc tên. Gái hầu gắng chịu đau đớn ngồi dậy, hay tay lạy vua, nước mắt giàn giụa… An Dương Vương vội chạy đến). – Có phải các ngươi là người nhà ông Cao Lỗ không?

Đám đông: Kính thưa nhà vua, phải ạ!

An Dương Vương: Gái hầu đi đâu và bị ai mưu hại như thế này?

Đám đông: Kính thưa nhà vua, chúng tôi đang ngủ thì có Trung Liêu đến, báo cho ông Cao Lỗ biết là Gái hầu đã bị ông Sư phó bắt.

An Dương Vương: ạng Sư phó bắt Gái hầu à? Sao lại bắt? ạng ấy về nước với phò mã rồi kia mà!

Đám đông: Kính thưa nhà vua, chúng con không biết ạ! Chỉ nghe ông Cao Lỗ bảo đi cứu Gái hầu thì đi thôi.

An Dương Vương: Các ngươi gặp Gái hầu ở đâu?

Đám đông: Dạ ở giữa rừng!

An Dương Vương: Vậy thì ai mưu sát Gái hầu… Chẳng lẽ…

Đám đông: Kính thưa nhà vua, còn ai ngoài ông Sư phó và…

An Dương Vương: Ai nữa?

Đám đông: Thưa nhà vua, đi với ông Sư phó thì còn có phò mã nữa ạ!

An Dương Vương: Vậy Trung Liêu đâu rồi? ông Cao Lỗ đâu rồi?

Đám đông: Kính lạy nhà vua, ông Cao Lỗ ra lệnh cho chúng con võng Gái hầu về đây, còn ông và Trung Liêu thì cưỡi ngựa đuổi theo ông Sư phó ạ…

An Dương Vương (Nổi giận): Sắp loạn thật rồi! (Quay sang Gái hầu). Có phải ông Sư phó đã cắt lưỡi và cắt gân cháu không? (Gái hầu gật đầu chầm chậm vừa theo dõi sắc mặt nhà vua) – Vì sao họ làm vậy? (Gái hầu liền đưa tay chỉ vào cổ tay trái của An Dương Vương và vừa lắc đầu vừa xua tay ra hiệu) – Cháu định nói gì ta không hiểu!

Bà cụ: Thưa nhà vua, Gái hầu muốn nói là cái gì đó mà nhà vua đeo ở cổ tay không còn nữa!

An Dương Vương (Giật mình): Có phải Gái hầu định nói như vậy không? (Gái hầu gật đầu. An Dương Vương lạ lùng nhìn vào cổ tay có buộc miếng vải đỏ. Gái hầu lại ra hiệu với An Dương Vương). – Gái hầu định nói gì? Mở ra xem à? (Vừa nói vừa mở ra) Đây là của quý thần cho, ta vẫn giữ! Làm sao mà mất được! (Gái hầu liền lắc lắc đầu và lại xua xua tay).

Bà cụ: Thưa nhà vua, chắc Gái hầu nói là có đấy mà vẫn mất rồi! Có đấy mà không thật nữa rồi chăng?

An Dương Vương (Ngắm nghía kỹ cái móng chân rùa gói trong mảnh vải đỏ): Không! Đúng là của quý thần cho không sai mà!

(Có tiếng xôn xao rồi lính gác chạy lên quỳ xuống)

Lính gác: Kính lạy nhà vua, có ông Cao Lỗ và Trung Liêu xin được lên gặp nhà vua.

An Dương Vương: Cho lên!

Lính gác: Xin tuân lệnh!

(Lạy chào rồi ra nhanh)

(Gái hầu nhìn theo, hồi hộp đợi chờ. Bỗng nước mắt giàn giụa)

Bà cụ: Kính thưa nhà vua, Gái hầu lại khóc!

An Dương Vương: Ta vẫn chưa hiểu vì sao lại xảy ra những chuyện này. Hay ông Cao Lỗ muốn trả thù…

(Gái hầu lại chắp tay lạy nhà vua và vẫn lấy tay chỉ vào cổ tay của nhà vua)

Bà cụ: Gái hầu lại vẫn chỉ vào cổ tay! Chắc là mọi việc đều đã do từ đó…

An Dương Vương: Nhưng có gì lạ đâu. Của quý thần cho ta vẫn còn đây.

(Gái hầu lại lắc đầu, có ý nói chưa chắc. Rồi Gái hầu lấy tay ra dấu là nên lấy nỏ bắn thử).


Bà cụ: Thưa nhà vua, hình như Gái hầu xin nhà vua hãy đem nỏ ra đây bắn thử hay sao ấy?

An Dương Vương: Có phải ý cháu là như vậy không?

(Gái hầu lại gật ngay đầu. Vừa lúc Cao Lỗ và Trung Liêu đi lên. Cả hai quỳ xuống lạy chào An Dương Vương).

Cao Lỗ, Trung Liêu (Cùng nói): Xin kính chúc nhà vua muôn tuổi.

An Dương Vương: Ta chào ông Cao Lỗ và Trung Liêu. Có chuyện gì mà cả hai lại kéo đến xin gặp ta vào giờ này?

(Cao Lỗ và Trung Liêu cùng nhìn sang Gái hầu)

Cao Lỗ: Kính tâu nhà vua, trước hết xin nhà vua hãy đem lẫy thần ra thử. Chúng tôi e rằng lẫy thần đã bị mất.

An Dương Vương (Giật mình): Sao các ngươi lại dám nói như vậy. Lẫy thần còn sờ sờ ra đây.

Cao Lỗ: Xin nhà vua tha tội chết cho tôi, biết đâu đấy là của giả!

An Dương Vương: (Nhìn lẫy thần rất nhanh) Lẫy thần là lẫy thần, ta tin chắc như vậy.

Bà cụ: Kính lạy nhà vua! Có lẽ vì lo là giả mà Gái hầu cũng vừa xin nhà vua đem nỏ ra bắn thử đấy chăng?

An Dương Vương: Ta giữ lẫy thần còn kỹ hơn giữ mắt ta, ta thuộc lẫy thần còn hơn thuộc người của ta, làm sao lại có thể nghi là bị mất, bị đổi!

(Cao Lỗ bèn ra lệnh cho người nhà đem hai cái mũ của Sư phó và Trọng Thủy vào)

Cao Lỗ: Kính thưa nhà vua, Cao Lỗ này xin dâng nhà vua hai cái vật này! Đây là lời thú nhận của những kẻ đã gây ra bao nhiêu chuyện xấu xa và tàn ác.

An Dương Vương: ạng nói ai vậy ông Cao Lỗ?

Cao Lỗ: Thưa nhà vua, Cao Lỗ này muốn nói đến những kẻ đã đội những cái mũ này.

An Dương Vương: Quan Sư phó và phò mã à? (Giận run lên). Ai cho phép ông nói như vậy hả ông Cao Lỗ?

Cao Lỗ: Thưa nhà vua, chính họ chứ còn ai nữa! Họ đã thú nhận hết.

An Dương Vương: Thú nhận thế nào?

Cao Lỗ: Là đã mưu sát Trai hầu! (Gái hầu bỗng khóc òa lên, nước mắt càng giàn giụa) Là đã lập mưu để nhà vua không tin ở tôi nữa và đuổi tôi ra khỏi thành Cổ Loa. Nhưng nguy hơn hết là…

An Dương Vương: Là sao? (Mặt biến sắc như đã linh cảm được điều gì vô cùng quan trọng)

Cao Lỗ: Là họ đã lấy trộm được lẫy thần của nhà vua và mang đi rồi.

An Dương Vương: ạng không sợ tội mất đầu? (Giơ tay lên) Ta đã bảo là lẫy thần của ta vẫn còn đây!

Cao Lỗ: Kính thưa nhà vua, xin nhà vua cứ cho đem nỏ ra đây bắn thử thì biết!

An Dương Vương: Quân đâu! Đem nỏ ra đây cho ta! Này, ông Cao Lỗ, nếu ta thử mà nỏ thần vẫn là nỏ thần thì ông tính sao?

Cao Lỗ: Thưa nhà vua, xin nhà vua cứ chém đầu Cao Lỗ này đi!

(Lính đem nỏ ra. An Dương Vương lấy lẫy thần và lắp vào nỏ rồi đặt mấy mũi tên vào).


An Dương Vương: ạng Cao Lỗ, ông hãy mở to mắt ra mà nhìn đây (Mỉa mai). Xem tên ta bắn có bay sáng lên như sao không! Nó mà sáng thì liệu ông có giữ đúng cái lời ông vừa nói.

Cao Lỗ: Thưa nhà vua! Tôi nói thế nào, xin giữ đúng thế ấy…

(An Dương Vương bước một bước ra gần khung cửa rồi nghiêm trang nâng nỏ lên, bắn chếch lên trời! Bựt! Mấy mũi tên lao vút đi. Tối đen, chẳng ai biết mũi tên đã bay đi đâu… An Dương Vương giật mình kinh ngạc, rồi đặt tiếp mấy mũi tên khác vào bắn. Vẫn tối mịt! An Dương Vương thử một lần thứ ba. Bựt! Vẫn tối mò… Vẻ lo âu hiện rõ trên nét mặt mọi người… Gái hầu bỗng khóc nấc lên…)

An Dương Vương (Thả rơi nỏ xuống): Trời! Sao lại có chuyện như thế này (Ngắm kỹ lẫy thần). Ta bị mất lẫy thần thật rồi chăng? Mà kẻ nào đã dám lấy của ta?

Cao Lỗ: Kính lạy nhà vua, điều đó, bất cứ ai ở đây cũng đều có thể trả lời.

An Dương Vương: ạng vẫn khăng khăng là họ đã lấy của ta!

Cao Lỗ: Thưa nhà vua, không họ thì còn ai? Họ sang đây đâu phải để cầu thân, mà chỉ là cốt để lấy cắp cái lẫy thần… Chính họ đã nhận hết, và đã đưa hai cái vật kia (Chỉ vào hai cái mũ) để thay vào lời nhận tội, và đã được Cao Lỗ này tha cho tội chết.

An Dương Vương: ạng đã tha cho họ được sống trở về à? (Giọng giận dữ) Sao không băm xác nó ra?

Cao Lỗ: Thưa nhà vua, Cao Lỗ này sợ nhà vua sẽ không tha tội chết.

An Dương Vương: Trời! Mất lẫy thần thì coi như mất hết! (Đau khổ đến tột độ). Ta có tội lớn với dân ta rồi! Ta có tội lớn với các thần nữa (Giọng ăn năn cúi đầu cầu nguyện). Xin các thần hãy đến cứu giúp tôi thêm một lần này!

(Thần kim quy vụt hiện ra. Rồi tiếp đó là thần núi Thất Diệu).


Thần kim quy: Nhà vua gọi, tôi đã đến đây!


Thần Núi: Nhà vua cần gì xin cứ bảo!

An Dương Vương (Cúi đầu chào, định quỳ xuống nhưng cả hai thần đã vội ngăn lại): Xin hai thần hãy thương tôi và giúp tôi chuộc lại lỗi này! Tôi mà mất lẫy thần, thế nào chúng cũng sẽ kéo quân qua! Làm sao tôi giữ vững được đất nước này, xin hai thần chỉ giúp.

Thần kim quy: Chúng lấy cắp lẫy thần nhưng không dùng được lẫy thần.

Cao Lỗ: Kính thưa các thần, chúng thú nhận là đã ném lẫy thần đi rồi!

Thần kim quy: Đúng! Như thế là lẫy thần vẫn còn ở đâu đó. Nhà vua muốn tìm lại lẫy thần thì chắc là tìm được. Nhưng phải tốn nhiều năm tháng, công phu!

An Dương Vương: Thưa các thần. Tốn bao nhiêu, tôi cũng quyết đi tìm. Tới chết vẫn còn tìm! Tôi là người đã gây ra tội, tôi phải chuộc tội. Còn bây giờ (Quay lại Gái hầu) xin các thần hãy thương tôi mà cứu lấy Gái hầu…

Thần kim quy: Việc này xin nhờ thần Thất Diệu.

Thần Núi: Tôi xin sẵn sàng (Quay lại Gái hầu) Nhưng tôi chỉ có thể cứu một trong hai vết thương này thôi, cháu hãy nghĩ kỹ và chọn đi. Chọn muốn đi lại được hay là nói lại được?

Bà cụ: Nói và đi! Cái nào cần hơn cái nào? Theo bà, cháu nên chọn cái nói cháu ạ? Cháu không còn chân nhưng vẫn còn người khác đưa cháu về đây. Còn nói thì phải chính tự mình nói ra mới hết lời, hết ý!

(Gái hầu cầm lấy tay bà cụ và xúc động nhìn bà cụ như để cám ơn. Bỗng Gái hầu chắp tay lạy Thần rồi đưa tay chỉ vào mồm, vào chân, sau đó xua tay, để chỉ vào cổ tay của An Dương Vương).


Cao Lỗ: Ý cháu muốn nói gì? Có phải…

Bà cụ: Tôi cũng đoán được rồi! Có phải cháu muốn nói cháu không xin Thần chữa cho cháu nói lại được, đi lại được mà chỉ xin Thần giúp cho nhà vua tìm lại được lẫy thần không?

(Gái hầu gật đầu ngay và lại ôm lấy bà cụ, ngả đầu vào lòng bà cụ)

An Dương Vương (Xúc động, nghẹn ngào): Trời hỡi! Sao Gái hầu lại biết nghĩ và nghĩ hay như vậy! (Chạy đến cúi xuống nắm lấy tay Gái hầu). Cháu ơi, cháu hãy cho ta được cám ơn cháu về cái điều cháu vừa cầu mong Thần giúp cho chúng ta! Trời! Đến bây giờ tôi mới hiểu được hết những con người rất mến yêu tôi! Còn từ trước đến nay tôi đã bị chúng nó làm cho tôi trở thành một con người tàn ác! (Quay qua Cao Lỗ). Tướng quân Cao Lỗ, tôi thật có lỗi với tướng quân! (Quay lại Gái hầu) Có lỗi với cả cháu nữa.

Cao Lỗ (Cúi lạy nhà vua, tay lau nước mắt): Thưa nhà vua, một lời nhà vua nói làm Cao Lỗ này thấy người nhẹ đi như cất khỏi cả một núi đá đè trên ngực.

Thần Núi: Thưa nhà vua! Lời cầu mong của Gái hầu vừa rồi cũng làm cho tôi vô cùng cảm mến (Quay sang Gái hầu). Cháu ơi! Ta vừa hỏi để thử lòng cháu đấy thôi. Bây giờ thì ta xin mời cháu hãy đứng dậy (Phẩy phất trần một cái – Gái hầu bỗng đứng dậy ngay được) và hãy nói đi, (Phẩy phất trần cái nữa, Gái hầu bỗng kêu lên: “Trời ơi!” Và òa khóc)

Gái hầu: Cháu xin lạy tạ ơn các Thần. Được đi lại, nói năng bây giờ, cháu mới thấy mình đang được sống thật sự (Quay sang An Dương Vương): Kính lạy nhà vua, ngày mai xin nhà vua cho cháu cùng đi với nhà vua tìm lại lẫy thần!

(An Dương Vương đón Gái hầu chạy lại, vuốt lên tóc Gái hầu)

An Dương Vương: Còn gì sung sướng đối với ta hơn là thấy cháu khỏe lại. Có cháu ta sẽ có thêm sức mạnh (Quay sang các Thần). Tôi xin hứa với các Thần là chúng tôi nhất định sẽ đi tìm cho kỳ được lẫy thần.

Tất cả những người có mặt: Kính thưa nhà vua, chúng tôi xin quyết cùng nhà vua đi tìm được lẫy thần.

Thần kim quy và Thần Núi: Xin chúc nhà vua đạt được điều mong muốn.

An Dương Vương: (Quỳ xuống thật nhanh) Xin cảm tạ các Thần! Xin các Thần tin ở chúng tôi! Tất cả người đất âu Lạc này sẽ tìm cho kỳ được lẫy thần.

Tất cả cùng hát bài:

Đi tìm lại lẫy thần.

Ta phải đi tìm

Cái ta đánh mất

Dù trăm gian nan

Dù nghìn khó nhọc.

Lẫy thần ơi lẫy thần

Đang ở đâu?

Nằm đâu?

Trôi theo dòng suối xanh

Chôn vùi sâu dưới đất?

Hãy nghe bước chân ta

Hãy nghe tiếng hát ta

Trồi lên cho rõ mặt

Cho mọi người gặp mặt

Lẫy thần ơi, lẫy thần!

Tiếng trống đồng và tiếng kèn hòa theo, nghe thật trang nghiêm và hùng tráng. 

Màn hạ từ từ.

Hà Nội 1978-1981

– Hết –


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét