Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Nhung ong tuong nha troi.html

Nguyễn Thái Hải – Những ông tướng nhà trời

Phần một

1.

Mỗi buổi sáng sớm, sau khi bà Hoàng rời khỏi nhà để đi bộ đến quảng trường tỉnh tập thể dục dưỡng sinh, thì ông Hoàng ra ngồi bên cửa sổ uống phin cà phê tự pha đầu tiên trong ngày. Qua khung cửa sổ, ông nhìn ra khu vườn hoa nhỏ của mình, khoảng không gian ngăn cách với dãy nhà trọ phía cuối cùng khu đất của gia đình. Trong dãy nhà trọ đó, năm học này có tất cả mười học sinh và hai sinh viên, vừa chẵn một tiểu đội. Mà là tiểu đội nam đàng hoàng, bởi đó là cả mười hai “ông tướng nhà trời”, theo đúng yêu cầu nơi tấm bảng treo trước cổng nhà ông: “Nhận sinh viên và học sinh thuê phòng trọ. Chỉ nhận nam”.

Bà Hoàng kể với ông rằng có người nói với bà: “Chắc gia đình bà trọng nam khinh nữ ?”. Bà giải thích: “Ngược lại ! Vợ chồng tôi chỉ có ba thằng con trai, cả đời ao ước có đứa con gái mà trời không cho. Còn chuyện chỉ nhận nam sinh đơn giản là vì ông nhà tôi cho rằng chúng tôi có kinh nghiệm quản lý con trai hơn là con gái. Mình cho thuê phòng trọ thì cũng phải thay mặt cha mẹ chúng, quản lý chúng cho tốt. Có thế, cha mẹ chúng mới yên lòng mà gửi con cho mình chứ”. Ông tự gật gù thầm khen bà vợ giỏi giang, vừa biết giải thích vừa tự “quảng cáo”.

Lại có lần bà Hoàng kể rằng có người lối xóm thật tình thắc mắc: ông bà đã lớn tuổi, con cái đều đã trưởng thành có gia đình riêng lại làm ăn khá giả, mỗi tháng đều gửi tiền về nuôi cha mẹ thì ông bà còn xây nhà cho thuê trọ kiếm tiền làm gì nữa, ấy là chưa kể bao phiền toái phải chịu từ đám học sinh, sinh viên trẻ con không ra trẻ con, người lớn chưa thành người lớn? Ông hỏi bà: “Thế bà nói với họ thế nào?”. Bà đáp: “Tôi bảo rằng vì vợ chồng tôi muốn tự mình làm để nuôi thân, đỡ phiền đến con cái”. Ông lắc đầu chê: “Bà trả lời dở lắm! Lần sau nếu có ai hỏi tương tự, bà nên giải thích thế này: vợ chồng tôi không chỉ muốn tự nuôi thân mà còn muốn đóng góp sức già còn lại của chúng tôi trông nom những đứa trẻ đang tuổi học hành. Ấy cũng là một việc có ích cho xã hội”. Bà lườm ông: “Ông thì lúc nào cũng nói kiểu lý tưởng. Thời bây giờ mà nói thế, người ta cười, cho là mình giả dối đấy!”. Ngẫm nghĩ lại, ông thấy bà cũng có lý. Nhưng chẳng thể thay đổi được ý nghĩ của ông nữa. Nó đã lớn dần và ngày càng vững chắc qua bảy mươi tuổi đời của ông mà trong đó có đến bốn mươi năm ông ở trong hàng ngũ quân đội.

Sực nhớ đến hai cây quới mà chiều hôm qua những nụ hoa đã đến độ sung mãn, ông Hoàng đi ra vườn xem chúng đã nở hay chưa. Cái giống quới, đã nở hoa là nở hàng loạt, tỏa hương thơm đến nức mũi. Ông bảo chúng là “hoa quân đội” vì “đến nở hoa cũng nở tập thể”.

Mới năm giờ sáng, trời còn ẩm hơi sương và ánh sáng đục nhờ trong khu vườn hoa nhưng ông Hoàng vẫn nhìn thấy những chùm hoa quới màu trắng xen lẫn tàn lá xanh của hai cây hoa chủ lực khu vườn. Một mùi thơm thoảng làm ông dễ chịu.

- Chào ông ạ! Sao ông ra vườn sớm thế?

Ông Hoàng giật mình khi nghe lời chào. Mải để ý hai cây hoa, ông không thấy Tâm, cậu sinh viên đại học Lạc Hồng thơ thẩn dưới gốc cây liễu rũ.

- Chào cháu! Thế còn cháu, làm gì mà dậy sớm thế?

- Thưa ông, cháu ngủ không được…

- Có chuyện gì rồi sao?

- Dạ, cũng có chút chuyện ạ…

- Thất tình phải không?

Tâm cười:

- Ông đoán sai rồi. Cháu còn nhỏ, còn phải học hành, đâu có dám nghĩ đến chuyện ấy sớm…

- Thế thì được! Nhưng nếu không phải chuyện ấy thì là chuyện gì? Nói cho ông nghe xem nào?

- Dạ…

- Sao lại ngập ngừng? Hay có gì khó nói?

- Dạ… số là cháu đang phải nghĩ xem có nên tiếp tục dạy kèm thằng bé ở xóm cây Chàm nữa hay không?

- Nào! Kể cho ông nghe đi, chàng trai!

- Cháu mới nhận dạy kèm thằng bé Cao này được non tháng. Nó thông minh nhưng rất lười học. Ba nó làm ở Cục thuế, má nó là phó giám đốc một công ty ở Khu công nghiệp Biên Hòa, gia đình giàu có nên không tiếc tiền lo cho con. Họ quý cháu do cháu được thầy hiệu phó giới thiệu và cháu cũng đã chứng tỏ được sự cần mẫn và năng lực dạy kèm của mình. Tiền công có thể nói là hậu hĩnh. Nhưng vấn đề là thằng bé không ham học. Nếu cháu cứ dạy nó thì kết quả cũng chẳng đến đâu, mình lại mang tiếng. Nhưng bỏ thì phải nói thế nào với ba má nó? Lại nữa, cháu cũng đang cần một chỗ làm để có tiền mua sách vở, tiêu vặt… Lên năm thứ hai rồi, cháu không muốn về quê xin tiền ba má nữa. Cháu còn hai đứa em đang sức ăn sức học…

Ông Hoàng gật gù, kéo tay Tâm ra ngồi nơi băng ghế đá giữa vườn:

- Cháu suy nghĩ như thế là tốt lắm! Việc này bà Hoàng tham mưu thì tốt hơn ông nhiều. Để lát nữa bà ấy đi tập dưỡng sinh về, ông sẽ kể cho bà ấy nghe, xem bà ấy khuyên cháu nên như thế nào? Này! Thế sáng nay có đến trường không?

Tâm cười khì:

- Ông quên rồi sao? Hôm nay chủ nhật. Ông thấy đó, cả lũ trong kia còn đang ngáy khò khò. Có đứa nào dậy học bài, làm bài gì đâu!

- Ừ nhỉ! Ở không như ông thì ngày nào cũng như ngày nào…

- Nhưng ông hỏi cháu có việc gì ạ?

- À! Ông định nhờ cháu giúp một tay thay đổi vị trí một vài cái chậu hoa trong vườn ấy mà. Nhưng để sáng rõ đã.

- Vâng! Cháu sẵn sàng… Nhân tiện, chắc thế nào cháu cũng nghe được vài “triết lý hoa” của ông…

- Cái gì? Cái gì mà “triết lý hoa”?

- Bà bảo thế đấy! Bà bảo với chúng cháu là ông có một “triết lý hoa” hay lắm.

- Cái này mới đây! Sao bà Hoàng lại nói như thế nhỉ? Đâu, cháu nói thử xem bà ấy có nêu ra một thí dụ nào không?

- Dạ có. bà kể hồi xưa ông có thú uốn cây. Và ông đã dạy các chú rằng: Cây cối tao còn uốn được, đừng nói đến chúng mày. Cứ liệu hồn đấy!

Ông Hoàng cười hà hà:

- Nhớ rồi! Biết rồi! Thì ra những chuyện như thế bà Hoàng lại gọi là “triết lý hoa”. thế thì đúng là ông có cả một kho “triết lý hoa” để nói chuyện! Cứ yên tâm đi. Rồi dần dần cháu sẽ được nghe hết…

Cửa căn phòng cuối phía trái dãy nhà trọ hé mở. Một cậu trai mặc quần cụt, ở trần, bước ra hiên lát gạch tàu. Không nhìn thấy ông Hoàng và Tâm, thằng bé bước đến một góc vườn, đứng quay lưng lại.

Ông Hoàng quắc mắt về phía đó, rồi ông đứng lên rời khỏi ghế đá, bước tới bên thằng bé vừa quay lại:

- Này! Lần sau không được “bậy” ra vườn nghe chưa! Cháu có biết là cháu đã làm ô uế cái không gian đang thơm lừng mùi hoa quới này hay không?

Thằng bé run giọng:

- Dạ… Cháu xin lỗi… Tại vì nhà vệ sinh đã có đứa vào rồi mà cháu thì… không nhịn được…

Ông Hoàng phì cười, xoa đầu thằng bé:

- Tên gì? Trọ lâu chưa?

- Dạ… Cháu tên Phẩm. Cháu mới đến trọ từ đầu năm học này…

- Thế à? Chưa biết luật mà phạm luật thì được tha. Nhưng chỉ một lần thôi. À! Thế cháu học trường nào? Quê ở đâu?

- Dạ, cháu học chuyên toán, trường chuyên Lương Thế Vinh. Nhà cháu ở huyện Xuân Lộc…

- Giỏi! Thôi nhé! Vào nhà đi. Nhớ luật và không được phạm luật nữa đấy!

Thằng bé Phẩm mừng rỡ chạy nhanh vào phòng như kẻ vừa thoát một tai nạn nguy hiểm.

Ông Hoàng trở lại ghế đá với Tâm.

- Cháu biết thằng bé ấy không?

- Dạ, cháu đã quen với nó rồi. Rất mê toán và mộng trở thành tiến sĩ toán học. Ở huyện nhưng gia đình giàu có. Nó kể, ba má nó có hàng chục mẫu cà phê, chôm chôm, sầu riêng..

- Gia đình giàu có mà ham học là tốt lắm. Thời này, trẻ con nhà giàu thường bị hư do đua đòi… Cháu nên lưu ý thằng bé Phẩm, nếu cần thì chỉ dẫn thêm cho nó.

- Vâng ạ…

Có tiếng chuông điện từ ngoài ngõ. Ông Hoàng đứng lên:

- Bà Hoàng về đấy! Để ông ra mở cổng cho bà ấy vào. Rồi ông sẽ hỏi ý kiến bà ấy về việc khó nghĩ của cháu…

Bà Hoàng mua bánh ướt cho ông Hoàng ăn sáng. Ông ăn không nhiều nhưng kén món. Nếu là bánh ướt, bà phải mua của bà Xuân Tỉnh Đội; còn bánh mì thì phải là bánh mì nhận thịt của chú Tám Vườn Mít… Chưa hết, ông còn kén ăn rau sống. Chỉ có hai loại ông chấp nhận ăn sống là rau bắp chuối thái mỏng và giá sống. Bởi theo ông, đó là hai loại rau sống không dùng nước tưới, bảo đảm không bị nhiễm trùng hay thuốc trừ sâu! Có người thắc mắc không hiểu vì sao sống gần cả đời trong quân ngũ mà ông Hoàng lại kiêng ăn được như thế ! Ông cười: “Đó là một cách rèn luyện kỷ luật cho chính mình”.

- Bà nó này! Bà thấy cậu Tâm sinh viên thế nào?

Vừa ăn sáng, ông Hoàng vừa hỏi vợ, lúc ấy cũng ngồi bên bàn ăn để uống sữa đậu nành.

- Nhà mình có hai cậu sinh viên. Cậu Tâm là cậu cắt tóc ngắn phải không?

- Phải. Cậu sinh viên trường Lạc Hồng.

- Tôi nhớ rồi. Nhà ở huyện Định Quán, nghèo nhưng có chí.

- Đang có nhiều khó nghĩ cần bà cố vấn cho đấy.

Nói rồi, ông Hoàng kể cho vợ nghe chuyện của Tâm. Vừa nghe xong bà Hoàng đã nói ngay:

- Dứt khoát phải trình bày trực tiếp với ba má thằng bé Cao thôi. Có điều, tình hình này tôi e rằng sẽ dẫn đến việc cậu Tâm phải thôi dạy vì rất khó chuyển một đứa lười nhác như thằng bé Cao thành một đứa chăm chỉ trong thời gian ngắn hay bằng biện pháp mạnh…

- Và như thế cậu Tâm sẽ không có thu nhập. Lại phải bắt đầu đi tìm việc mới…

- Đành phải thế thôi. Nhưng tôi hy vọng sẽ giúp được cậu ấy. Tâm nó học môn gì hả ông?

- Công nghệ thông tin.

- Thế thì có hy vọng rồi. Một bà bạn tập dưỡng sinh của tôi đang tìm người dạy vi tính cho con gái bà ấy. Tôi sẽ giới thiệu Tâm.

- Thế bà tính “tiền cò” bao nhiêu?

Bà lườm ông:

- Đừng có nói giỡn với tôi như thế, tôi không thích đâu.

- Thì tôi xin lỗi bà vậy…

Có tiếng chuông điện thoại. Bà Hoàng chạy lại nghe. Ông Hoàng lắng nghe những câu nói của vợ:

- Thằng chó con có khỏe không? … Siêu âm rồi hả? Con gái hả? Ôi! Sung sướng quá!… Phải rồi, về đi, má đi chợ làm cơm, hôm nay cho vợ con được miễn làm bếp… Ừ! Má đợi…

Bà Hoàng trở lại bàn ăn, vẻ mặt và cả giọng nói đều rất vui:

- Con dâu cả của tôi sẽ sinh cho tôi một đứa cháu gái. Thật là hạnh phúc…

Ông Hoàng “Ư” một tiếng:

- Cháu gái của tôi nữa chứ! Ôi! Cái nhà này, ba ông tướng lấy vợ đẻ con, toàn là “tướng nhà trời” cả. Mãi đến tận bây giờ cái đại gia đình này mới xuất hiện được một cô nương bé nhỏ… Tuyệt vời! Thật tuyệt vời!

- Phải! Tuyệt vời đấy! Nhưng ông phải ăn cho hết đĩa bánh ướt đi chứ…

Bà Hoàng nhắc chồng.

2.

T uổi bảy mươi nhưng ông Hoàng vẫn còn tráng kiện lắm. Tâm kết luận như thế khi thấy nhịp thở của ông vẫn bình thường sau khi hai ông cháu di chuyển xong mấy chậu hoa kiểng trong vườn.

Đúng ra là có đến ba người cùng làm! “Sự cố” hồi sáng sớm đã dẫn đến việc thằng Phẩm len lét đến bên ông Hoàng và thưa:

- Ông cho cháu làm với…

Ông Hoàng cười hà hà, có lẽ nhớ đến chuyện trước đó:

- Được thôi! Mời nhà toán học!

Tuy thế, khi bắt tay vào việc, ông lại nói với Phẩm:

- Có lẽ thế này thì hay hơn… Khiêng chậu chỉ cần hai người đã đủ rồi, vậy cháu giúp ông việc này: khi ông và anh Tâm di chuyển xong chậu nào, cháu xem rồi nhổ cỏ dưới gốc cây chậu ấy…

Khi các chậu cây yên vị, ông Hoàng ngụm một hớp nước trà thấm giọng rồi rủ Tâm cùng làm công việc của Phẩm. Ba người vừa làm vừa trò chuyện. Thỉnh thoảng lại nghe thằng Phẩm hỏi:

- Cây chua me có nhổ không hả ông?

- Cây dương xỉ này ta để lại cho đẹp, ông nhé!

Ông Hoàng vừa trả lời, vừa giải thích nhiều điều thật thú vị. Chẳng hạn như cây dương xỉ thì ông gọi là “những đứa nhỏ có sức sống mãnh liệt”, đám cây chua me thì là “đối thủ nặng ký của cỏ dại”… Nhưng đáng suy nghĩ nhất là khi đột nhiên ông nói về chuyện nhổ cỏ:

- Chăm cây không chỉ là tưới nước, bón phân hay tỉa cành cho nó, mà còn phải nhổ cỏ cho nó nữa. Việc này giống như việc bài trừ những kẻ xấu để cho xã hội thêm lành mạnh vậy.

Ông cười hà hà nói tiếp:

- Bài trừ kẻ xấu cho cây đi chứ nhà toán học. Sao lại ngẩn người ra thế?

Phẩm gãi đầu:

- Ông ơi!… Thế, những đứa trong kia đứa nào đến tận giờ này vẫn còn nằm đắp mền thì có phải là “kẻ xấu” không?

- Câu hỏi lý thú đây! Ông cho là… không xấu. Nhưng nếu dậy sớm mà không “phạm lỗi” như nhà toán học thì mới thật là… đẹp!

Tâm mỉm cười thấy Phẩm đỏ mặt. Và đến tận lúc này, anh mới nghĩ đến cái gọi là “triết lý hoa” của ông Hoàng. Giữ nguyên nụ cười mỉm, Tâm định nói với ông Hoàng về ý nghĩ của mình thì từ nhà trên có tiếng chuông gọi cửa và ông Hoàng hớn hở nói với hai cậu học trò:

- “Ông tướng cả” của ông đã về… Thôi nhé, ông cảm ơn hai cháu… Để ông lên nhà…

Được mấy bước, ông Hoàng dừng lại, ngoái nhìn hai “ông tướng” ở trọ và cười rất tươi:

- Tí nữa ông quên báo cho hai cháu biết là con dâu cả của ông sắp sinh cho nhà này một cô nương… Phải! Chính xác là một cô nương đấy!

Nói xong, ông Hoàng mới chịu đi hẳn. Những bước chân quen đi bộ của ông lúc này có vẻ tất bật hơn, đưa ông khuất dần sau bụi phát tài lá xanh từ gốc lên đến ngọn cao hơn ba thước…

Người sinh viên thứ nhì cũng là người lớn tuổi nhất trong số “tiểu đội ông tướng” ở trọ nhà ông bà Hoàng là Thịnh, đang học năm thứ ba trường Cao đẳng Sư phạm. Quê Thịnh ở tận Phan Rang, Ninh Thuận. Anh con trai xứ cực nam Trung bộ đã không phải xin tiền gia đình từ cuối năm thứ nhất, sau khi chiếm được giải ba cuộc thi giọng hát hay của thành phố Biên Hòa và được nhiều tụ điểm ca nhạc mời cộng tác biểu diễn. Thịnh đi hát lấy tên là Phan Minh để nhớ quê hương và cũng vì anh rất thích giọng hát của ca sĩ Cao Minh. Hạn chế của Thịnh là chiều cao quá “khiêm tốn” của anh, chỉ một mét năm mươi lăm, nên rất “thất thế” khi lên sân khấu. Thịnh biết điều đó sau lần đi thi “Tiếng hát truyền hình”, một giám khảo đã nói với anh: “Giá như em cao hơn một chút…”. Biết làm sao được. Cha sinh mẹ đẻ ra mình nhu thế thì chịu thế. Chỉ có một cách để “cải thiện tình hình” là phải tập hát cho thật hay, lấy đó bù đắp cho phần yếu của mình. Hầu như không có cuộc thi ca hát nào trong tỉnh mà không có mặt thí sinh Phan Minh. Bao giờ Thịnh cũng vượt qua vòng sơ kết dễ dàng, vượt qua cả vòng bán kết để vào chung kết, thậm chí chung kết xếp hạng. Thành tích cao nhất của anh là hạng nhì một cuộc thi vào dịp Tết âm lịch ở khu du lịch Bửu Long. Lần ấy, Thịnh thật sung sướng khi nhận phần thưởng bằng tiền là một triệu năm trăm ngàn đồng. Ngay buổi chiều hôm đó, anh ra bưu điện gửi về cho gia đình một triệu và lá thư xin lỗi, Tết đã không về nhà.

Chủ nhật thường là ngày bận rộn của Thịnh. Nhưng, sự bận rộn chỉ bắt đầu từ khoảng ngoài chín giờ sáng. Vào lúc Tâm cùng thằng bé Phẩm ngồi uống nước nghỉ ngơi, nói chuyện về hai đề tài toán và tin học ở ghế đá thì Thịnh rời khỏi dãy phòng trọ. Anh mặc chiếc áo “phi bóng” trắng muốt có gài nơ nơi cổ, mặc quần xanh đen và đi giày thể thao trắng đế cao, đẩy chiếc Chaly ra sân. Tâm chào Thịnh rồi hỏi:

- Hôm nay anh đi hát ở đâu hay đi thi hát vậy?

Thịnh lấy tay nhúc nhích cái nơ nơi cổ, trả lời:

- Trưa nay anh hát “sô” đám cưới.

Phẩm hít hà:

- Vậy là được ăn đám cưới luôn. Anh Thịnh sướng ghê ta!

- Đấy là cậu nhóc đứng ngoài nên nghĩ vậy thôi. Chứ anh cậu cũng phải ra sức cho “đáng đồng tiền bát gạo” của người ta. Được một bữa cơm trưa và trăm ngàn bạc, ít nhất cũng phải “gào thét” ba bài. Có đám, ca sĩ phải hát đến năm bài, muốn mất cả giọng… Ông bà mình nói rồi: Muốn ăn phải lăn vào bếp mà…

Thịnh vẫy tay chào từ giã rồi lên xe, đạp máy chạy chầm chậm ra cổng. Anh ngạc nhiên khi nghe tiếng nói cười ồn ào trong phòng khách nhà ông bà Hoàng.

Phẩm cũng lên xe đạp đi ra phố sau đó ít phút. Đi ngang phòng khách, thằng bé thấy người con trai lớn của ông bà Hoàng đang ngồi nói chuyện với ba, còn vợ của anh thì đang thủ thỉ gì đó với mẹ chồng. Một thằng bé chừng ba, bốn tuổi ngồi chơi một mình gần ngưỡng cửa với con rôbô đồ chơi biết đi và bắn súng.

Phẩm nhớ nhà quá. Cũng tại ba nó cả. Nó đâu có ý định thi vào lớp 10 trường chuyên vì đã dư tiêu chuẩn vào trường trung học phổ thông ở huyện Xuân Lộc rồi. Ba nó nói: “Lên trường chuyên, có dịp thi thố tài năng với người ta mới khá được. Hay là mày sợ đi xa, không dám sống một mình?”. Vế thứ nhất thì Phẩm chịu chứ vế thứ hai, đụng chạm tự ái nó lắm! Thi đậu đã khó, đậu cao càng khó hơn, chứ thi rớt thì dễ ợt. Lúc đầu Phẩm đã có ý nghĩ: thì cứ nghe lời ba nó đi thi rồi làm bài sơ sịa, rớt là cái chắc và khi đó khỏi phải đi học xa nhà. Từ Xuân Lộc lên Biên Hòa, cả bảy, tám mươi cây số chứ có gần gũi gì! Nhưng, nghĩ là một lẽ, còn làm lại một lẽ khác. Ngồi vào phòng thi, thấy đề ra tuy khó nhưng có thể giải được, Phẩm đâu chịu thua. Thi văn, toán cơ bản buổi đầu, nó làm trôi chảy; thi toán chuyên, nó cũng làm trọn vẹn trong khi quanh nó, nhiều đứa phải cắn bút. Phẩm đậu thủ khoa kỳ tuyển sinh vào lớp chuyên Toán. Ba nó rất hãnh diện, làm một bữa tiệc đãi người thân, người quen dưới huyện trước hôm tiễn nó lên đường “du học”. Không còn cách nào khác, Phẩm phải “khăn gói” từ giã gia đình. Dù ba nó đã đưa tiền tiêu trong tháng rồi, má nó vẫn dúi vào tay nó một trăm ngàn rồi sụt sùi căn dặn: “Con nhớ phải ăn sáng. Lên đó không có ai nhắc con chuyện ấy đâu. Nhớ chưa con?”. Ba nó hứ giọng mũi nói: “Bà cứ lo hão! Tôi đã tìm ra chỗ trọ cho thằng Phẩm là một nhà tử tế. Họ đã hứa sẽ thay mình chỉ bảo thằng bé!”.

Một tháng xa nhà, Phẩm đã quen dần với thói quen khi đi học về không thấy ba nó ngồi đọc báo chờ cơm, không thấy má nó chạy ra khỏi bếp vẫy tay gọi nó cho ăn trước bữa một món ăn gì đó. Nhưng quả thực nó chưa quen được với sự thiếu vắng tiếng nói, tiếng cười và những giờ kèm học cho bé Hạnh, em gái nó đang học lớp bảy; lại nữa, cả những lúc chơi trò con trai với thằng Tùng, em út nó, trạc tuổi thằng bé cháu ông bà Hoàng kia.

Nhưng thôi, phải cứng rắn lên chứ! Phẩm tự nhủ mình rồi đạp xe về hướng trung tâm thành phố. Hôm nay nó cần tìm một nơi để thuê máy vi tính học thêm thường xuyên. Anh Tâm giới thiệu cho nó một địa chỉ mà có thể trong tương lai gần, anh sẽ cộng tác để “kiếm thêm” ở đó.

Tâm ở nhà với chín “ông tướng” nhỏ còn lại, đều đang học trung học phổ thông. Chín đứa thì tám ở các huyện trong tỉnh, duy có thằng Quốc là người thành phố Hồ Chí Minh, một trường hợp rất đặc biệt. Đó là một cậu bé lớp mười hai thông minh nhưng có sinh hoạt hết sức “tự do”, bướng bỉnh như cái “đầu bò” của nó. Trong lần trò chuyện đầu tiên giữa Tâm và nó, khi anh mới đến trọ còn nó đã ở trước một năm, Quốc đã nhún vai rất “bất cần đời” nói: “Em bị đi đày!”.

Cũng có nguyên nhân của chuyện Quốc bị “đi đày”. Ba của nó trước kia là sĩ quan dưới quyền của ông Hoàng, khi rời khỏi quân ngũ đã về thành phố Hồ Chí Minh làm ăn. Việc làm ăn ngày một khá hơn, ba Quốc thành lập Công ty tư nhân, đứng tên làm giám đốc. Dù là giám đốc tư thì Quốc cũng vỗ ngực xưng với bạn bè thời trung học cơ sở “tao là con giám đốc” và nó bắt đầu chứng tỏ cho bạn bè biết thế nào là “con giám đốc”. Chỉ một năm, Quốc tụt từ hạng giỏi xuống trung bình, đạo đức suýt bị phê là kém nếu má nó không đến trường khóc lóc năn nỉ, hứa sẽ dạy con tốt hơn. Người cha biết chuyện, sắp xếp gửi Quốc về tỉnh, trọ trong nhà ông Hoàng, “nhờ thủ trưởng ra tay rèn giũa nó”. Không phải đứa học dở mà chỉ vì ham đua đòi, có cơ hư hỏng, lại không đủ điều kiện chuyển trường công lập, Quốc phải học trường dân lập từ năm lớp mười. Mất hết “nguồn” tài chính để chứng tỏ là "con giám đốc”, cộng thêm sự “rèn giũa” thực sự nghiêm khắc của ông Hoàng, Quốc chỉ còn một con đường là… học. Lại nữa, giữa những đứa bạn không vào trường công lập được vì học lực kém, thì Quốc nổi lên như một “người chột làm vua xứ mù”. Tất cả những nhận định như thế đều do tự nó đưa ra. Nó nói: “Vậy là ông già em khỏi nói gì em nữa!”. Dẫu sao thì “con người phá phách” trong Quốc vẫn còn đó và được biểu hiện qua cách sinh hoạt “muốn gì làm nấy” của nó. Có lần, ông Hoàng đã phải lắc đầu nói: “Cái thằng bất trị ấy không biết đến lúc n�! �o thì nổ tung lên!”.

Chủ nhật, thường thì Quốc đi chơi ở câu lạc bộ bi-da cả buổi sáng, chiều về ngủ một giấc đến tối mới dậy học bài hay làm bài cho ngày hôm sau.

- Sao hôm nay lại ở nhà? Bài vở nhiều quá hả?

Tâm hỏi khi thấy Quốc từ phòng của nó bước ra sân vườn.

- Em làm gì mà siêng được như vậy!

Quốc nói giọng quạu cọ, như trong lòng nó có gì bực bội.

- Chuyện gì vậy?

- “Bà già” nhắn hôm nay xuống thăm mà em đợi tới giờ này vẫn chưa thấy đâu…

- Có thể bị kẹt đường chăng?

Xa lộ mà kẹt sao được hả anh!

- Đằng nào thì em cũng đã đợi. Qua ngồi nói chuyện vãn với anh cho đỡ sốt ruột…

Quốc thở khì ra đằng mũi, đã bước đến gần Tâm thì cậu ta đổi ý, đứng lại nói với anh:

- Em đi chơi bi-da với tụi bạn đây. Nếu má em có tới, anh nói chừng mười hai giờ trưa em về…

Tâm khẽ lắc đầu ngao ngán. Anh không thuyết phục Quốc vì quá hiểu tính của cậu trai này. Quốc nói là làm. Nó quay vào lấy xe đạp, nhảy phóc lên rồi đạp thẳng ra phía cổng…

Tâm ngồi một mình nơi sân vườn. Thịnh đi hát kiếm tiền. Phẩm đi tìm chỗ thuê vi tính. Quốc đi đánh bi-da. Tám đứa còn lại ở trong phòng của mình, đứa học bài, đứa làm bài, vài đứa xúm chơi cờ hay đánh bài gì đó… Ông bà Hoàng đang vui vẻ sum vầy với vợ chồng người con trai lớn và đứa cháu đích tôn.

Lúc nãy chuyển dịch mấy chậu hoa, ông Hoàng có nói một “triết lý hoa” của ông: “Cây cối phải để gần nhau, chúng mới xanh tươi được. Ít cây nào đứng một mình mà vẫn tươi tốt. Cây cũng như người vậy, sống với nhau phải có bạn, có bè, có xóm, có làng…”.

Trong lòng Tâm đang rối rắm. Chuyện kiếm sống là cấp bách với anh nhưng thằng bé Cao, chắc anh không thể tiếp tục dạy. Không biết bà Hoàng sẽ khuyên anh như thế nào đây?

3.

Tâm vẫn chưa có quyết định gì cho đến khi thằng bé Cao nhăn nhó nói với anh:

- Anh Tâm ơi… Em… em nhức đầu quá…

Tâm nhìn thằng Cao. Đang nhìn anh, nó vờ cúi đầu để tránh phải bối rối. Nhưng chừng đó cũng đủ để Tâm đoán hiểu là nó kiếm cớ dừng buổi học. Chiều chủ nhật, chắc có nhiều “chương trình” hấp dẫn với lũ bạn mời gọi thằng bé. Tâm nghiêm giọng:

- Nhức đầu thì cũng phải giải nốt bài tập này mới được nghỉ…

Thằng Cao chịu phép, cúi xuống với bài tập Tâm cho và đúng như anh nghĩ, chỉ vài phút sau nó đã giải được. “Chỉ mỗi cái tội lười không sao trị được. Mình đến chịu thua thôi”. Tâm nghĩ thế nhưng anh vẫn cố gắng động viên Cao:

- Em giỏi lắm. Hết nhức đầu rồi phải không?

Thằng Cao mím môi không nói gì. Nó cứ cúi đầu vẻ như đang nhìn chăm chú vào cuốn tập mở mà kỳ thực chẳng nhìn gì cả. Rồi nó chuyển ánh mắt qua cái chặn giấy bằng nhựa tổng hợp trong, hình vuông vát một góc và có con thuyền màu xanh lơ lửng bên trong. Tâm nói:

- Bây giờ mình cùng giải thêm một bài tập nữa…

- Anh Tâm ơi… Em… em đói bụng quá…

- Giải xong bài này rồi nghỉ, tha hồ cho em ăn…

- Nhưng… đói bụng thì em không học được…

- Nghe lời anh đi. Cố gắng thêm một ít phút nữa thôi mà… Em thông minh, bài tập này lại không khó…

- Nhưng… em… em đói bụng lắm…

Tâm không còn giữ được sự kiên nhẫn nữa. Nhức đầu. Đói bụng. Mỏi tay. Mờ mắt… Thằng bé Cao có cả trăm lý do mà từ khi hai “thầy trò” tiếp xúc với nhau, Tâm đã được nghe nó “trình bày” để được nghỉ học trước giờ quy định.

Tâm đứng lên. Hành động đứng lên của anh rất dứt khoát. Anh nói với thằng Cao:

- Thôi được rồi. Em nghe anh nói đây. Anh biết là em không nhức đầu, cũng chẳng hề đói bụng gì cả. Nhưng em không muốn học, có đúng không nào?

Thằng Cao không nói gì nhưng đôi mắt nó nhìn Tâm có gì đó ngỡ ngàng.

- … Anh rất tiếc là trong lúc có bao nhiêu học sinh khác muốn học thêm mà không có điều kiện thì em lại từ chối những thuận lợi của mình. Em thông minh thật đấy. Nhưng chừng ấy không đủ đâu. Còn phải chăm chỉ nữa. Hôm nay anh hơi dài dòng phải không Cao? Đừng ngạc nhiên. Bởi vì đây là buổi dạy và học cuối cùng giữa anh em mình…

Đến lúc này thì thằng bé Cao bật đứng dậy:

- Em… em đâu có muốn nghỉ học…

- Em muốn đấy! Còn anh thì không thể chịu được một đứa học trò lười. Thế nhé! Anh đi gặp ba má em đây…

Thằng Cao chạy lên nắm tay Tâm, mếu máo:

- Em… em xin lỗi… Anh đừng đi gặp ba em… Ổng đánh em chết…

- Em yên tâm. Anh đâu có nói là anh xin nghỉ dạy em vì em lười mà em sợ bị ba đánh! Anh sẽ nói là anh bận học quá, không có đủ thì giờ để dạy kèm em nữa… Sao? Nín được rồi chứ? Con trai, đừng có khóc…

Nhưng Tâm đã làm khác với điều mình nói với Cao. Khi ngồi một mình trên ghế đá công viên quảng trường tỉnh, trên đường về nhà trọ, anh đã để mặc cho những giọt nước mắt lăn dài trên má. Anh không tiếc một chỗ làm kiếm được tiền như chỗ dạy thằng bé Cao mà anh đau lòng khi mình phải bất lực trước một thực tế mà theo lý lẽ, không thể xảy ra hoặc có xảy ra thì cũng có thể khắc phục. Anh đành phải chịu thua thằng bé trước khi nhận được một lời khuyên của bà Hoàng. Hôm nay, chắc quá vui với niềm vui sẽ được làm ông bà nội của một “công nương” mà cả ông bà Hoàng cùng không xuống chơi với những “ông tướng” ở trọ như mọi chiều chủ nhật trước.

Ba thằng Cao không tin lý do Tâm đưa ra. Một người như ông thật đáng phục nhưng cũng thật tội nghiệp. Ông đã ngăn không cho vợ nói gì mà chỉ nói với Tâm:

- Tôi hiểu hết rồi. Cậu đã quyết định thế nào thì chúng ta cứ như thế mà làm. Không chuyện gì gượng ép mà nên cả. Cậu hãy yên tâm rằng mình không có lỗi gì trong sự việc đáng tiếc này.

Tâm đứng lên, dắt xe đạp ra cổng khu vực quảng trường. Túi áo anh hôm nay cộm lên với số tiền lương dạy kèm và hai trăm ngàn “tiền thưởng”, theo cách nói của ba thằng Cao và vợ chồng ông nhất định ép anh phải nhận. Tối nay, anh sẽ rủ cả “tiểu đội” ở trọ đi ăn chè, còn bao nhiêu phải dành dụm cho những ngày “thất nghiệp”, chờ tìm việc mới.

Thịnh khựng lại khi nhìn thấy Tâm dắt xe đạp đi ra.

Tâm cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy Thịnh chạy xe hướng về phía “Giữ xe theo giá quy định” ở một phía cổng vào quảng trường. Không ngạc nhiên sao được khi ngồi phía sau chiếc Chaly cũ của Thịnh là một cô gái! Trong những trường hợp như thế này thì tốt nhất là tảng lờ như không quen biết. Tâm nghĩ thế và thầm cười trong bụng vì mình đã tình cờ khám phá ra một bí mật của Thịnh.

Tâm đã nghĩ và làm đúng. Sự “phớt tỉnh Ăng lê” của anh đã gỡ rối cho Thịnh. Khi hai người gần đối diện nhau, lợi dụng lúc cô gái nhìn đi nơi khác, hai “ông tướng” đã gửi tín hiệu cho nhau bằng ánh mắt.

Thịnh yên tâm bảo người bạn gái đứng đợi để anh đi gửi xe. Trở lại, cẩn thận đảo mắt quanh một vòng, không thấy Tâm đâu, anh càng yên tâm hơn nắm tay cô gái đi về phía những hàng ghế công viên.

Đèn bắt đầu sáng. Phía bên rạp hát thành phố, tiếng nhạc phát ra chuẩn bị cho suất chiếu phim tối, tình cờ sao lại là băng nhạc của các ca sĩ nghiệp dư trong tỉnh. Chỉ nghe bài đầu là Thịnh biết ngay trong băng nhạc có một bài do anh hát. Anh sung sướng nói với bạn gái rằng trong lúc hai người ngồi chuyện trò, sẽ có một món quà đặc biệt dành cho cô. Những mẩu chuyện trong khi chờ đến bài Thịnh hát vì thế đã trở nên rời rạc mà chỉ có anh mới hiểu lý do.

Sắp hết bài hát trước, nhạc dạo bài Thịnh hát bắt đầu. Bấy giờ anh mới nói với bạn gái:

- Em hãy lắng nghe xem: người ta đang phát bài hát do anh trình bày…

Đúng lúc Thịnh đón nhận ánh mắt thán phục của cô gái nhìn mình thì anh cũng phát hiện ra một dáng người quen thuộc xuất hiện ở phía trước. Cái thằng “nhãi” sinh viên trường Lạc Hồng định trêu ghẹo anh chắc? Nó vờ bỏ đi khi hai người chạm mặt rồi quay trở lại, lượn lờ trước mắt Thịnh để “phá đám”… Quá lắm!

Tâm chỉ nảy ra ý định trêu chọc Thịnh khi chiếc xe đạp của anh bị nổ bánh, phải ghé vào tiệm sửa xe bên đường vá ruột. Ông chủ tiệm đang vá ép cho một chiếc xe Trung Quốc, ngẩng lên nói với Tâm:

- Phải nửa giờ nữa, có đợi được không?

Tâm miễn cưỡng gật đầu. Anh nói:

- Nửa giờ nữa tôi trở lại…

Rồi anh thả bộ về phía quảng trường, định đi dạo một vòng. Chính tại bên tấm bảng “Giữ xe theo giá quy định” nơi cổng, Tâm đã nảy ra ý định đi tìm Thịnh để “chọc quê”. Anh chọn được một chiếc ghế đá trống phía trước và cách ghế đá của Thịnh đang ngồi chừng mươi thước. Ngồi quay lưng lại nhưng Tâm biết là ở phía sau mình, Thịnh rất bực mình.

“Mình có ác quá không?”. Tâm tự hỏi rồi tự trả lời: “Có gì đâu. Mình chỉ đùa một chút cho đỡ buồn thôi mà”. Mà cũng đúng. Tâm đang buồn lắm. Chẳng lẽ cứ phải dăm ba lần phải bỏ chỗ dạy kèm vì những lý do a, b, c, d… nào đó, mới là trọn vẹn ý nghĩa của đời sinh viên xa nhà! Những ngày tiếp theo, rồi anh lại phải đi tìm một chỗ dạy khác, hay một việc làm nào đó. Chẳng hạn như cửa hàng dịch vụ vi tính “Sao Mai” mà sáng nay anh giới thiệu cho “ông tướng” Phẩm đến thuê máy. Một mùi thơm thoảng của hoa từ đâu bay đến. Chắc là từ một chậu hoa nào đó gần chỗ Tâm ngồi…

Hóa ra mùi thơm thoảng ấy là từ hai cô gái tuổi đôi tám đang nắm tay nhau đi tới phía trước mặt Tâm. Nhìn là Tâm đoán ngay ra đây là hai nữ sinh trung học, chắc phải thân nhau lắm mới rủ nhau đi chơi công viên buổi tối như thế này. Chắc hẳn là hai “nương” đang tìm một ghế trống.

- Anh ơi…

Tâm đón nhận câu nói trong tâm trạng bất ngờ. Anh hỏi hai cô gái đứng trước mặt mình:

- Có chuyện gì vậy hai em?

Một cô chỉ tay vào chiếc ghế đá:

- Anh ơi… anh nhường ghế cho tụi em được không anh?

Ôi! Tâm muốn kêu lêân! Sao lại có cách đặt vấn đề “trực tuyến” như thế nhỉ! Còn chưa kịp nói gì thì cô thứ hai đã tiếp:

- Hay là anh ngồi xích qua một bên cho tụi em ngồi chung cũng được…

Tâm đành phải giơ hai tay chào thua.

Anh đứng lên, cười gượng:

- Hai em ngồi đi. Cũng đến lúc anh phải đi rồi…

Đứng lên nhường ghế cho hai cô gái thời hiện đại, Tâm liếc nhìn về phía ghế đá của Thịnh.

Nhưng nơi đó đã có một cặp nam nữ khác ngồi.

Gần tám giờ tối Tâm mới về đến nhà trọ.

Ông Hoàng đang đứng trước sân, thấy anh, ông hỏi:

- Sao hôm nay dạy học về trễ vậy cháu?

Tâm chưa muốn cho ông biết chuyện gì đã xảy ra với anh nên trả lời:

- Dạ, tại xe cháu bị cán đinh, phải vá.

Ông Hoàng sôi nổi:

- Chắc lại là nạn nhân của bọn rải đinh ngoài đường rồi chứ gì nữa! Cái thời buổi kỳ cục thật. Người ta vì miếng ăn của mình mà sẵn sàng hại người khác. Đạo đức xuống cấp mất rồi.

Tâm “Dạ” nhỏ rồi dẫn xe vào khu nhà trọ, tránh phải nghe ông chủ nhà dài dòng những điều mà vào lúc khác, ở tâm trạng khác, rất đáng để anh nghe và tiếp thu.

- À, cậu Tâm này!

Ông Hoàng gọi. Tâm buộc phải quay lại:

- Có chuyện gì vậy ông?

- À, cái chuyện mà cháu nhờ ông hỏi bà Hoàng hồi sáng ấy mà! Bà ấy cố vấn thế này: cháu nên xin nghỉ dạy thằng bé Cao thôi. Vấn đề là, cách nói như thế nào cho hợp tình, hợp lý để chủ nhà vui vẻ chấp nhận đề nghị của mình… Cháu nghĩ sao về ý kiến tư vấn ấy của bà Hoàng…

- Dạ… cháu cũng đang… nghĩ như thế ạ…

- Tốt lắm! Như vậy, cháu nên tiếp tục suy nghĩ cái cách đặt vấn đề…

- Dạ, cháu cám ơn… cháu xin phép…

- Ừ…

Ông Hoàng gật gù ra vẻ đắc ý vì vừa làm được một việc có ích cho Tâm, ít ra cũng là chuyển lời của bà Hoàng cho cậu sinh viên này. Tâm cũng đã đẩy xe vào gần đến hiên nhà trọ thì ông mới sực nhớ ra một điều khác. Ông bước vội về phía Tâm cùng lời gọi:

- Tâm này… Còn một chuyện nữa mà ông quên bẵng đi mất…

- Dạ… Chuyện gì ạ?

Vừa lúc này thì tiếng xe gắn máy của Thịnh vang lên từ ngoài cổng.

Ông Hoàng vỗ vai Tâm vui vẻ nói:

- Bà Hoàng đã tìm được cho cháu một chỗ làm mà ông nghĩ rằng rất phù hợp với khả năng của cháu… Một chỗ dạy kèm vi tính ở khu Vườn Mít…

Tâm phấn chấn hẳn lên khi nghe tin:

- Ông để cháu cất xe rồi cháu lên gặp bà hỏi thêm cho rõ…

- Tiếc quá! Bà Hoàng đi thành phố Hồ Chí Minh chơi với vợ chồng “ông tướng cả” nhà này rồi. Nhưng không sao, để ông điện thoại hỏi thêm cho…

Thịnh dắt xe vào. Ông Hoàng quay qua cậu sinh viên “ca sĩ”:

- Hôm nay nhìn cháu bảnh lắm. Đi làm về có mệt không cháu?

- Dạ, cảm ơn ông. Cháu cũng bình thường thôi ạ… Cháu xin phép…

Ông Hoàng quay về nhà trên. Còn lại hai người, Thịnh nói với Tâm:

- Bạn mới quen thôi. Đừng có hiểu lầm!

Tâm giấu nụ cười. Có ai tra hỏi đâu mà khai! Vả lại, nếu Thịnh có bạn gái thân thì cũng đã sao?

Tâm cảm thấy rất vui, nghĩ mình là người may mắn. Đến lúc này, anh mới thực sự quên được nỗi buồn lo vì chuyện anh xin thôi dạy thằng bé Cao. Mọi chuyện đến với anh ngày hôm nay đều bất ngờ, từ quyết định nghỉ dạy học đến thông tin sẽ có chỗ làm mới.

Trong nhà trọ, các phòng đã lên đèn. Ở phòng mình, Tâm thấy thằng Phẩm đang ngồi chúi đầu nơi bàn học còn thằng Quốc thì nằm nghe nhạc từ chiếc máy Walkman của nó bằng headphones.

4.

Quốc là đứa đưa ra ý kiến bác bỏ lời mời khao cả bọn ăn chè của Tâm và ý kiến của nó được tất cả ủng hộ. Tâm bị bất ngờ, chỉ còn biết hỏi lại:

- Thế theo các em thì ta nên đổi qua món gì?

Lần này thì Phẩm là đứa khởi xướng:

- Em đề nghị đi ăn cháo nghêu!

Cả bọn nhao nhao lên hưởng ứng.

Chỉ năm phút sau, mỗi “ông tướng” cưỡi con ngựa sắt của mình rời khỏi nhà trọ nối đuôi nhau hướng về phía ngã tư Đồng Khởi, nơi có những quán ăn đêm bình dân đông khách. Thịnh lấy chiếc Chaly chở Tâm với lý do “ưu tiên phục vụ chủ xị”. Tâm hiểu và đúng như anh hiểu, trên đường đi, Thịnh đã nói với anh về chuyện “cô bạn gái”. Cũng vẫn cái điệp khúc “Bạn mới quen thôi, đừng hiểu lầm”. Tâm nén cười đáp: “Biết rồi. Tin rồi”. Một lát sau, Thịnh lại nói: “Đừng có kể cho bất cứ đứa nào biết, rồi tụi nó bép xép tới tai ông Hoàng, anh phải nghe ông già giảng đạo đức khổ lắm!”. Tâm lại phải “Đã bảo cứ yên tâm đi mà!”.

Mười hai “ông tướng” phải kê sát ba cái bàn thấp ra lề cỏ cạnh nơi để xe mới đủ chỗ ngồi. Tâm gọi mười hai tô cháo nghêu. Thịnh gọi thêm “một xị” rượu chuối hột dành riêng cho hai “người lớn sinh viên”.

Ăn được khoảng nửa tô cháo, Quốc dừng lại hỏi Thịnh:

- Em muốn thử một chút “nước cay”, có được không anh Thịnh?

Tâm lắc đầu:

- Không được. Thứ này chỉ dành cho người trên mười tám tuổi.

Quốc giơ cao ngón trỏ tay phải:

- Vậy thì em có quyền rồi. Năm nay em vừa đủ mười tám!

Tâm biết mình nói hớ. Lẽ ra, anh chỉ cần nói là “người lớn”. Thịnh vô tư:

- Nếu Quốc mười tám tuổi thì anh xin mời!

Quốc đón ly rượu ực một cái hết sạch. Nó nhăn mặt nhưng liền đó lại gật gù:

- Coi vậy chứ đâu có gì là ghê gớm!

Những “ông tướng” còn lại đứa cười, đứa lắc đầu bảo là Quốc “quậy”. Mà quả chẳng ai ngờ, thằng bé lớp mười hai bướng bỉnh ấy sau đó lại “quậy” thật. Nó tự ý gọi thêm “một xị”, móc túi trả tiền ngay và tuyên bố: “Xị này là của em để mời anh Thịnh, anh Tâm. Những đứa còn lại, đứa nào muốn thì Quốc này mời luôn!”.

Quốc rót rượu ra ly, mời Thịnh đầu tiên. Nó nói:

- Em mời anh ly rượu của một thằng nhỏ bị “đi đày”.

Thịnh ái ngại nhưng chưa biết phải làm sao. Đợi anh uống xong, Quốc tự rót một ly cho mình và uống cạn. Lần này, nó vẫn còn nhăn mặt. Tới lượt Tâm, nó nói:

- Còn ly này là ly rượu mời của một thằng con dài cổ chờ má cả ngày nay!

Tâm hiểu là thằng Quốc rất buồn chuyện má nó hẹn mà không tới. Dù sao, cũng không thể để cho nó “quậy” kiểu này được. Tâm đỡ ly rượu, chưa uống mà nói với Quốc:

- Anh nhận ly rượu mời của em với điều kiện là sau đó thì phần còn lại là của anh và anh Thịnh thôi.

- Em đã mười tám tuổi!

Quốc nói với giọng đã đổi khác. Thịnh dung hòa:

- Em sẽ được uống một ly nữa rồi thôi! Đồng ý chứ?

- Đồng ý!

Quốc vừa nói vừa quơ tay. Cái quơ tay ấy đụng mạnh vào cái muỗng trong tô cháo còn quá nửa của nó làm văng cháo tung tóe. Chưa hết, bàn tay của thằng bé say rượu còn chạm vào cái hũ đựng đũa, muỗng làm đổ rơi xuống đất. May mà phía dưới có một lớp cỏ.

Thấy diễn biến không hay ho gì, Tâm gọi tính tiền trong khi Thịnh dỗ dành Quốc:

- Em lên xe anh chở về. Xe em để anh Tâm đi.

Quốc nghe lời Thịnh. Những “ông tướng” lục tục lấy xe, đợi đến khi Quốc ngồi sau chiếc Chaly, hai tay ôm chặt vòng eo của Thịnh có vẻ an toàn và chiếc xe từ từ xuống đường, tất cả mới đạp theo.

Phẩm đi song song với Tâm. Nó hỏi:

- Anh Quốc uống rượu như thế người ta gọi là “xỉn” phải không?

Tâm thở dài:

- Em thông cảm cho Quốc. Hôm nay nó có tâm sự buồn đấy!

Gần đến nhà trọ, Tâm đạp vượt qua tất cả để dặn dò từng “ông tướng”:

- Không đứa nào được nói là Quốc uống rượu nghe chưa! Ông bà Hoàng có hỏi thì nói là nó bị trúng gió. Nhớ chưa! Lộ ra là chết cả lũ đấy!

Đêm xuống, trời lạnh. Những ngọn đèn vàng trên cao hai bên con lươn phân cách con đường mới mở rộng soi rõ nét mặt từng “ông tướng” với những tâm trạng khác nhau. Một trăm phần trăm đều sợ phải nghe ông Hoàng “lên lớp”. Chưa hết, có khi sau đó gia đình còn nhận được thư của ông mời lên gặp để “thông báo tình hình đạo đức” của con em mình.

Hú hồn!

Khi cả bọn về, Thịnh chở Quốc vào trước, vừa thoát khỏi khu vực phòng khách thì ông Hoàng xuất hiện. Ông hỏi:

- Đi ăn tối có vui không các cháu?

Không cần dặn nhau, tất cả đều lên tiếng:

- Dạ… vui lắm ạ!

Phần hai

5.

Phẩm không đạt loại giỏi trong học kỳ một dù điểm trung bình các môn của nó trên tám. Môn văn, điểm trung bình của Phẩm là sáu phẩy ba, dưới điểm chuẩn chỉ không phẩy hai điểm. Sẽ là bình thường với một học sinh nào khác nhưng với Phẩm thì không. Nó là thủ khoa kỳ thi tuyển vào lớp chuyên Toán kia mà! Được tin, ba nó tức tốc từ huyện Xuân Lộc chạy xe máy lên Biên Hòa gặp con, “sạc” cho nó một trận mà sau này, Quốc ví von là một “trận mưa bom”. Buổi chiều hôm ấy Tâm đi dạy kèm, Quốc được nghỉ hai tiết sau, về sớm nên tình cờ biết được “trận mưa bom”. Nó kể rằng thằng Phẩm phải chịu trận với không chỉ ba nó mà còn có cả ông Hoàng nữa. Hai người lớn thay nhau “điều tra” giờ giấc học tập, sinh hoạt của Phẩm, thay nhau “bày vẽ” cho nó cách khắc phục trong thời gian tới. Quốc không dám vào phòng mà ngồi ngoài ghế đá trong vườn chờ “mặt trận bình yên”. Nó không nghe thằng Phẩm nói câu nào ngoài những tiếng “Dạ”.

Khi hai người lớn đưa nhau lên phòng khách nhà ông Hoàng, họ thấy Quốc. Quốc chào cả hai rất đúng phép. Dù bướng bỉnh đến đâu, nó cũng không muốn bị “lạc đạn” vô duyên! Ông Hoàng hỏi:

- Sao về sớm vậy cháu?

- Dạ, lớp cháu được nghỉ hai tiết sau ạ.

- Thật không đấy chú chàng? Hay là lại trốn học về trước?

- Dạ, cháu đâu dám.

- Được, ông tin cháu.

Quốc vào phòng, thấy Phẩm còn ngồi thừ người trên giường.

- Sao? Buồn vì từ nay không được đi học thêm vi tính nữa phải không?

- Sao anh biết?

- Tao ngồi ngoài kia, nghe hết.

- Vô lý quá! Điểm môn văn em thấp là vì em không thích học văn, thế thôi. Việc đi học thêm vi tính có dính líu gì đâu mà cấm em chứ?

- Ấy là để em có thời gian học thêm môn văn!

- Anh nói y như ông Hoàng và ba em vậy!

- Hì… thì tao cũng đã là… người lớn rồi còn gì! Tao đã mười tám tuổi!

Phẩm bật cười, quên cả “thân phận" đang "hẩm hiu” của mình:

- Mười tám thì cũng không được uống rượu!

Mặt Quốc xị xuống:

- Tao vẫn còn đang bực chuyện hồi đó đây! Tao mà biết đứa nào mách ông Hoàng vụ tao uống rượu, đứa đó chết với tao! Mày thấy không! Đâu phải một mình tao mà cả anh Thịnh, anh Tâm cũng bị ông Hoàng gọi lên phòng khách mắng mỏ! Đã hết đâu, ba má tao được thông báo, tao bị “triệu hồi" về quê, lãnh một buổi học ngoại khóa về đạo đức!

Phẩm có “chiêu” của nó. Sau trận "mưa bom”, thằng bé đợi một chiều chủ nhật, khi ông bà Hoàng cùng xuống dãy nhà trọ thăm các “ông tướng” như thói quen của họ, nó đã ngỏ ý nhờ bà Hoàng giới thiệu giúp một cô giáo dạy kèm môn văn vì bà vốn là một nhà giáo, quen biết nhiều người trong giáo giới. Ông Hoàng cười hà hà xoa đầu nó:

- Tốt lắm! Biết khắc phục cái yếu một cách cụ thể như thế, ắt sẽ thành công.

Có chỗ đến học thêm môn văn rồi, Phẩm tăng thời gian đi học thêm lên gấp đôi khi nó “báo cáo” với ông Hoàng – người được ba nó nhờ “kèm thật chặt thằng bé”. Ông Hoàng không chút nghi ngờ. Phẩm sử dụng thời gian đi học thêm môn văn dôi ra để tiếp tục đi học… vi tính, môn mà nó rất thích và có lần nó hứng chí nói với bạn bè rằng chắc nó sẽ từ bỏ ước mơ thành “nhà toán học” để phấn đấu thành “nhà tin học”.

Dù sao thì mục tiêu gần của Phẩm vẫn là cố gắng trong học kỳ hai, lấy cho được danh hiệu học sinh giỏi để khỏi bị ba nó… “làm phiền”.

Học trò vi tính của Tâm là một cô bé lớp mười, ngang tuổi, ngang lớp với Phẩm, tên là Thanh Thúy. Ngoài những bài tập trong chương trình tin học nhà trường mà Tâm chỉ cho cô bé ôn tập, bà mẹ của cô bé yêu cầu anh dạy thêm chương trình soạn thảo văn bản Word “để nó có thể giúp cô công việc văn phòng cho cửa tiệm”. Tuần ba buổi tối, mỗi buổi hai tiếng, lương tháng ba trăm ngàn với Tâm là vừa phải. Tuy thời gian dạy kèm chỉ được hứa hẹn đến cuối năm học, nhưng Tâm không lo. Công việc ở cửa hàng dịch vụ vi tính mà anh quen biết vẫn ưu tiên dành cho anh một chỗ, đặc biệt là vào mùa hè.

Chiếc xe đạp bị lỗ mọt ở ruột sau. Ông sửa xe gợi ý:

- Tôi có loại tốt lắm. Cậu thay cái mới đi. Bảo đảm sau một năm mới… có vấn đề!

Không phải vì lời gợi ý và bảo đảm kia mà nhìn cái ruột xe cũ đã có hàng chục miếng vá, Tâm gật đầu nói:

- Nhưng bác phải thay nhanh cho cháu. Cháu có việc phải đi ngay…

- Được mà! Năm phút nữa là cậu có thể lên đường…

Vậy mà Tâm vẫn đến trễ.

Trong phòng khách, nơi đặt chiếc máy vi tính Pentium III với đầy đủ nào máy in laser, máy scanner ảnh, máy in màu… mà chủ nhân rất thích khoe với khách đến chơi, cô bé Thanh Thúy đang ngồi chơi games say mê đến nỗi Tâm vào đến mà cô bé cũng không biết. Anh ngồi xuống chiếc ghế đơn của bộ salon gỗ có khắc chạm đắt tiền, chưa vội lên tiếng.

Mẹ Thanh Thúy là góa phụ của giám đốc một Công ty lớn ở Khu công nghiệp Biên Hòa qua đời vì tai nạn giao thông cách nay hai năm, hiện là chủ một tiệm cho thuê quần áo cưới. Tuổi ngoài bốn mươi, trang điểm khéo, trông bà trẻ hơn tuổi thật. Xuất hiện nơi cửa phòng riêng thông qua phòng khách, bà chào “thầy giáo” bằng một nụ cười và tiếng gọi con:

- Thanh Thúy!

Cô bé không thèm nhìn lại, mắt vẫn dán vào màn hình games, ậm ừ:

- Má… để con chơi mà…

Giọng người mẹ sắc hơn:

- Thôi đi! Thầy Tâm đến rồi mà còn chơi games nỗi gì!

Đến lúc này Thanh Thúy mới chịu quay lại chào Tâm rồi làm lệnh thoát khỏi trò chơi.

- Em chào thầy…

Tâm bảo:

- Cho thầy xem bài tin học mới…

- Thầy ơi, kỳ này lớp em được nghỉ giờ tin nên không có bài mới. Hôm nay thầy dạy em làm Word thôi…

Bà chủ nhà chen vào:

- Hôm nay cho con được nghỉ. Thầy Tâm à, tôi muốn nhờ thầy một việc… Số là, tôi tới nhà cô bạn, thấy cứ mỗi khi mở máy vi tính lên là có hình của cô ấy xuất hiện. Thầy có thể cài đặt như thế giúp tôi được chứ? Không phải hình của riêng tôi mà là của hai mẹ con tôi… Tấm hình đẹp lắm… Tôi đã để sẵn trên cái máy scanner hình kia kìa…

“Lại một kiểu cách nhà giàu”. Tâm nghĩ sau khi trả lời chủ nhà là anh có thể làm được theo yêu cầu của bà. Lộ vẻ vui mừng, bà mẹ bảo con gái:

- Còn không đi lấy nước trà chanh ướp lạnh mời thầy Tâm à? Đi con!

Tâm xem tấm ảnh của mẹ con Thanh Thúy. Đó là một tấm ảnh chụp ở studio, đẹp theo cái nhìn không phải của những người làm nghệ thuật. “Ăn cơm chúa, múa tối ngày”. Tâm cay đắng khi nghĩ như thế và bắt đầu thao tác đầu tiên, bấm đôi trên biểu tượng chương trình Photoshop…

Khi Tâm về nhà trọ, ngang qua phòng khách thì thấy Thịnh đang ngồi cùng ông Hoàng. “Chuyện gì vậy?”. Tâm tự hỏi mà không thể tìm ra câu trả lời ngay. Anh chỉ có thể đoán lờ mờ rằng ông Hoàng đang đặt “vấn đề” gì đó với Thịnh và tốt nhất là anh nên “biến” thật nhanh để khỏi bị vướng vào vụ việc này sau hai giờ mệt mỏi với tấm ảnh của hai mẹ con cô bé Thanh Thúy. Về kỹ thuật thì chẳng có gì. Sau năm phút anh đã cài xong tấm ảnh vào màn hình vi tính để nó xuất hiện sau khi khởi động máy. Nhưng rồi hết bà mẹ đến cô con gái nhờ thầy Tâm chỉnh cho màu da hồng thêm một chút, chỉnh cho mái tóc đen hơn, cái áo màu vàng tươi hơn, rồi đặt thêm chữ… tất cả những gì hai mẹ con có thể nghĩ ra khi ngắm tấm hình!

- Kìa, cậu Tâm ! Hay quá, cậu về vừa kịp lúc…

Ông Hoàng gọi với ra. Tâm thở dài. Vậy là “vướng”.

Anh rụt rè bước vào phòng khách. Cái nháy mắt “đánh tín hiệu” của Thịnh cho anh biết là tình hình khá gay go!

- Ngồi xuống đi cậu kỹ sư!

- Dạ…

- Uống với ông ly nước trà chứ?

- Dạ…

- Trông cháu có vẻ mệt mỏi đấy! Hay là có gì lo lắng? Chỗ dạy mới ra sao?

- Dạ thưa, cũng… tốt ạ…

- Đấy! Chỗ bà Hoàng giới thiệu là cháu cứ yên tâm. Uống nước đi…

Tâm liếc nhìn Thịnh. Anh thầy giáo tương lai ngồi khép nép như chàng rể ra mắt bố vợ.

- Chuyện thế này. Có lần bà Hoàng tình cờ trông thấy cậu Thịnh đi dạo chơi với một cô gái. Mới đây lại thấy lần nữa. Ông chỉ muốn hỏi Thịnh rằng cô gái ấy với cháu là thế nào? Bạn hay người yêu? Ông muốn Thịnh nói thật để ông có lời khuyên thích hợp. Thịnh đã nói rồi nhưng thật lòng ông chưa tin hẳn. Vậy nhân có cháu Tâm đây, cháu thử nói cho ông nghe xem. Thứ nhất, cháu có biết chuyện này không?

- Dạ… biết!

Tâm đáp và liếc nhìn thấy vẻ mặt thất vọng của Thịnh.

- Rất tốt! Vậy cháu hãy trả lời câu thứ nhì: đấy là bạn gái hay người yêu của Thịnh?

- Dạ… theo cháu biết thì cô ấy chỉ là bạn gái của anh Thịnh thôi ạ. Cô ấy thường song ca với anh Thịnh và có thể khi hai người đi với nhau là họ đang… tập một bài hát nào đó ạ…

Ông Hoàng gật gù. Tâm lại liếc qua Thịnh và bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên lẫn vui mừng của anh ca sĩ nghiệp dư!

Ông Hoàng hỏi Thịnh:

- Thế sao cái chi tiết hai người là một cặp song ca, cháu không nói ngay cho ông biết từ đầu…

Thịnh lúng búng đáp:

- Dạ… tại cháu thấy việc ấy không quan trọng ạ…

- Thôi được! Vậy là ông tin Thịnh rồi. Chỉ là bạn bè ca hát thôi chứ gì. Nhưng dẫu như thế ông cũng khuyên cháu là chỉ còn một hai năm nữa ra trường, cháu hãy tập trung cho việc học. Chuyện yêu đương nếu có cũng tạm gác lại một bên. Khi nào ra trường, có việc làm ổn định hãy tính cũng không muộn… Nhớ chưa nào?

- Dạ cháu nhớ…

- Uống nước đi. Rồi hai đứa về nghỉ.

“Thoát” khỏi ông Hoàng, Thịnh và Tâm đi bên nhau không nói năng gì cho đến khi cả hai đến bên hiên dãy nhà trọ. Chia tay nhau ai về phòng nấy, Thịnh mới nắm tay Tâm:

- Cảm ơn em. Sao em lại nghĩ ra cái chuyện “song ca” ấy nhỉ?

Tâm cười:

- Như vậy là anh chịu thú nhận rằng anh với cô ấy không phải cặp song ca chứ gì?

- Suỵt… Nhớ giấu biệt chuyện ấy nghe chưa. Thật ra ở tuổi bọn mình thì cũng… yêu được rồi chứ bộ. Nhưng ông già không phải không có lý. Với lại, anh cũng sợ nghe ông già giảng đạo đức và cách học làm người lắm! Này, chiều mai anh mời đi ăn mì Vườn Mít nhé ! Sẽ có cả “cô song ca” để cảm ơn Tâm đấy! Nhận lời chứ?

- Tất nhiên rồi…

6.

Quốc lại uống rượu. Nơi nó uống, những người cùng uống với nó, lý do khiến nó bê tha lần này hoàn toàn khác với lần trước. Trong một cuộc thi đấu được tổ chức khá bài bản của Câu lạc bộ bi-da, Quốc đoạt chức vô địch. Với phần thưởng là hai triệu đồng cùng những lời chúc tụng và “gài độ”, nó đã mời những “người lớn" thực sự đi ăn lẩu bò và uống rượu. Không rõ tất cả đã uống bao nhiêu rượu, chỉ biết Quốc đã không thể tự về nhà trọ được mà một người trong nhóm đã phải chở nó về trên xe máy lúc sáu giờ chiều, hai người khác thì chở nhau trên xe máy khác, dẫn theo chiếc xe đạp của Quốc. Họ nói với ông bà Hoàng với những lời nói đậm mùi rượu.

Bà Hoàng sau cái lắc đầu ngán ngẩm đã phải lo cho “ông tướng” tập làm người lớn này từ việc lau mặt bằng khăn nhúng nước ấm đến pha nước chanh cho uống. Đợi Quốc thiếp đi trên giường rồi, bà mới nói với Tâm và Phẩm:

- Đêm nay, hai cháu nên lưu ý đến thằng Quốc. Thế nào nửa đêm nó cũng thức dậy kêu khát hoặc ói mửa gì đó. Có gì thì cứ gọi bà nhé!

Ông Hoàng không yên tâm, ra ngồi nơi ghế đá giữa vườn hoa như để canh chừng cho Quốc. Tâm ái ngại bỏ dở bài học đang ôn, ra chuyện vãn với ông. Một lúc sau thì cả Thịnh cũng ra góp chuyện.

Ông Hoàng kể chuyện thời ba của Quốc còn là sĩ quan thuộc quyền ông với những kỷ niệm khó quên giữa hai người:

- Ông coi chú ấy như em út trong nhà nên mặc dù chẳng phải ruột rà, mỗi khi chú ấy có lỗi, ông nóng giận mắng mỏ, trách móc có khi nặng lời rồi lại xin lỗi. Có điều chú ấy nhận ra tấm lòng của ông, không hề giận mà còn quý trọng, tin tưởng ông. Thằng bé Quốc, chú ấy gửi ở đây là mong ông có thể rèn giũa nó nên người nhưng ông thật không ngờ… Đến nước này, không chừng ông phải nhắn ba nó tới để gửi trả con cho chú ấy. Chứ không, mình mang tiếng lắm. Có khi còn mang vạ vào thân…

Thịnh dè dặt phát biểu:

- Cháu cho rằng bản chất của Quốc vẫn là một đứa trẻ tốt. Những hành động của nó có thể chỉ là một cách phản kháng của nó thôi… Nó muốn mọi người nhìn nó bằng cái nhỉn khác hơn bây giờ…

- Hừm!… – Ông Hoàng ngắt lời Thịnh – Ông nói các cháu đừng buồn, chứ thằng Quốc hư hỏng thế này, không chừng cũng có phần của các cháu góp vào cho nó đấy! Các cháu cứ làm cho nó tưởng nó là một anh hùng hảo hớn thì có ngày…

Thịnh nín khe. Tâm cũng không dám nói gì. Cuộc trò chuyện bị lắng lại, ngột ngạt. May sao lúc ấy thằng Quốc tỉnh dậy đi tìm nước uống. Thằng bé Phẩm được dặn dò lưu ý Quốc thì lúc ấy đã ngủ khò sau thời gian miệt mài trên những tờ giấy nháp với một bài tập toán khó. Tâm chạy vào giúp Quốc. Nó uống một hơi hết ly nước rồi lại leo lên giường nằm…

Ông Hoàng vào, sờ tay lên trán thằng bé rồi nói với Tâm:

- Chắc là yên rồi đấy! Ông về đi ngủ. Có gì khác thì hãy gọi ông.

Cái dáng nhỏ nhắn của ông đại tá về hưu khuất dần vào bóng tối vườn hoa.

Tâm bỏ mùng đi ngủ. Mười một giờ đêm, trời bắt đầu thấy lạnh và im ắng hẳn. Anh suy nghĩ về chuyện của Quốc. Có thể Thịnh nói đúng. Một đứa trẻ như Quốc thì không thể thích hợp với sự gò bó, câu thúc quá chặt chẽ của người lớn. Ngay như chuyện của Thịnh, Tâm cũng thấy ông Hoàng quá khắt khe. Thằng bé Phẩm cũng chung số phận, tuy mức độ có nhẹ nhàng hơn. Còn may là anh chưa có việc gì để ông Hoàng phải “tham gia quản lý”…

Không ngủ được, Tâm mở cửa ra vườn hoa. Anh ngạc nhiên thấy Thịnh ngồi nơi ghế đá một mình, đang hút thuốc lá.

- Sao thức khuya vậy anh Thịnh?

- Tâm cũng không ngủ được à?

- Cứ nghĩ về thằng Quốc mà em không sao chợp mắt được…

- Anh thì đang lạc quan mà nghĩ rằng có lẽ chúng ta đã là những người lớn thực sự rồi. Là người lớn vì anh em mình đã biết lo cho người khác và đã bắt đầu tự lo liệu cho mình nhiều việc…

Tâm mỉm cười:

- … kể cả việc hút thuốc trong đêm chứ?

Không ai để ý đến thời gian khi câu chuyện giữa hai cậu sinh viên xoay quanh đề tài việc làm sau khi ra trường rồi trở lại chuyện kiếm sống trong những ngày hiện tại.

- Tết này anh lại cũng không về quê được. Tỉnh có cuộc thi "Tiếng hát Sinh viên học sinh", giải nhất đến hai triệu đồng, khuyến khích cũng năm trăm ngàn, khó lòng mà bỏ qua một cơ hội tốt…

- Còn em thì phải về thôi. – Tâm trầm ngâm – nhưng có thể đến hăm chín Tết, em mới lên đường…

- Sao trễ thế?

- Một nhóm bạn rủ đăng ký một chỗ bán hoa Tết ở quảng trường tỉnh, kiếm chút tiền tiêu Tết…

- Hay đấy! Nhưng vốn liếng thế nào?

- Tụi nó hùn đủ rồi, em chỉ tham gia bán hàng thôi. Mình không vốn thì làm công cho tụi nó…

- Cho anh góp mặt được không?

- Để em hỏi tụi bạn.

- Mà này, sao không rủ tụi thằng Quốc, thằng Phẩm cùng tham gia cho vui nhỉ?

- Anh quên là vào những ngày ấy, tụi nó về nhà ăn Tết cả rồi sao?

- Ừ nhỉ! Những “ông tướng” ấy còn tuổi trung học, đâu có tự quyết định được như anh em mình…

Sương bắt đầu xuống. Thịnh đứng lên trước:

- Vào thôi. Không ngủ được thì cũng phải nằm nghỉ chứ… Còn bao nhiêu việc ngày mai chờ đợi…

Tâm nắm tay Thịnh:

- Chúc anh ngủ ngon và mơ thấy người ấy…

Sáng hôm sau, phải đến tám giờ thằng Quốc mới tỉnh hẳn. Lúc ấy, tất cả những cậu sinh viên, học sinh trọ học nhà ông bà Hoàng đã đi đến trường. Trong lúc bà Hoàng đi chợ thì ông Hoàng ngồi nơi ghế đá uống trà, chờ xem thằng Quốc sẽ làm gì, nói gì sau khi rời khỏi phòng mình. Cả đêm qua ông mất ngủ cũng vì “ông tướng nhà trời” này. Ông giận thằng Quốc lắm. Giá như nó là con cháu ruột thịt của ông, chắc ông đã không dằn nổi cơn thịnh nộ, vung roi trừng phạt. Ông nghĩ ngợi và càng nghĩ càng thấy khó hiểu khi một đứa trẻ thông minh, giỏi giang như Quốc, được sống trong một gia đình khá giả, đầy đủ về các tiện nghi đời sống, học tập lại không chịu khép mình vào đó, rèn luyện, học hành chuẩn bị cho tương lai. Thằng bé là con ngựa chứng mà ba nó và cả đến chính ông, còn chưa tìm ra cách cầm cương hướng đạo? Hay là nó đang bắt đầu một quá trình hư hỏng…?

Quốc ra tới, bước chậm đến bên ông Hoàng. Nó thực sự không nhớ hết những gì đã xảy ra hôm trước, kể từ lúc nó nâng ly rượu uống sau một lời mời của ai đó. Dường như sau đó nó đã cố hết sức để giữ trong tay nhưng cái ly rượu bằng thủy tinh vẫn rơi khỏi tay nó xuống đất. Nó lờ mờ nhớ có lúc đã đi tìm nước uống vì quá khát. Và… hết!

Còn bây giờ, đầu nó nhức như búa bổ nhưng nó vẫn biết hôm nay mới là thứ sáu, chiều nay nó vẫn phải đến trường. Trên băng ghế đá giữa vườn kia là ông Hoàng, người đã một thời là chỉ huy của ba nó, một thời cho ba nó bao lời khuyên răn, hướng dẫn.

- Thưa ông… cháu xin lỗi…

Ông Hoàng nén giận bảo Quốc:

- Cháu ngồi xuống đi rồi nghe ông hỏi. Thế cháu xin lỗi ông về việc gì?

Quốc gãi đầu gãi tai:

- Dạ… chiều hôm qua cháu lãnh giải rồi đi uống rượu…

- Làm thế nào cháu về được nhà, cháu có nhớ không?

- Dạ… không ạ…

- Thôi được rồi, việc ấy sau này cháu hỏi anh Tâm, thằng bé Phẩm khắc biết. Thế bây giờ có đói bụng không?

- Dạ, đói.

- Cháu sẽ đi ăn sáng một mình như thường lệ được chứ?

- Dạ… chắc là được.

- Vậy sao còn chưa đi…?

- Dạ… cháu muốn xin lỗi ông…

- Để chuyện xin lỗi lại đó, ta sẽ nói sau, có thể vào chiều chủ nhật tới, khi ông và bà Hoàng xuống thăm các cháu ở trọ. Trước mắt, ông chỉ nói với cháu ngắn gọn thế này thôi: Ông đang có ý định gửi trả cháu về với gia đình cháu đấy!

Quốc im lặng không nói gì.

Ông Hoàng cũng im lặng một lúc mới tiếp:

- Dẫu sao ông và bà Hoàng, anh Thịnh, anh Tâm và mọi người ở đây đều không có ai là ruột thịt của cháu. Chẳng qua, chúng ta sống gần nhau trong những mái nhà gần nhau, có dính líu tí chút trong quan hệ xã hội và kinh tế, thế thôi. Cháu có quyền của cháu, chẳng ai có thể can thiệp…

Bỗng nhiên thằng Quốc bưng mặt khóc. Phản ứng của nó là điều bất ngờ với ông Hoàng. Ông nghĩ rất nhanh: “Thằng bé còn có thể uốn nắn được”.

7.

Vào một ngày cuối năm, trường cũ của bà Hoàng tổ chức họp mặt giáo viên, cán bộ, nhân viên và có mời cả các giáo viên đã về hưu đến dự.

Là nhà giáo, trở về trường cũ gặp lại cảnh quan sư phạm quen thuộc một thời của mình, gặp lại đồng nghiệp cùng thời, đồng nghiệp lứa sau, không thể xem như một buổi họp mặt hội viên câu lạc bộ tập dưỡng sinh hay buổi họp mặt phụ nữ khu phố. Bà Hoàng thức dậy sớm, chọn trong số những bộ áo dài một chiếc có màu sáng và sang trọng nhất của con dâu út may tặng. Mặc xong, ngắm mình trong gương, bà lại đổi ý thay bộ áo dài khác nền nã hơn, hợp với tuổi già của mình hơn. Ông Hoàng gật gù khen:

- Nhìn vừa đẹp lão, vừa có vẻ nghiêm túc của một nhà giáo đấy!

Bà Hoàng rất hài lòng với lời khen của chồng. Bà khéo léo chuyển ý:

- Của con dâu cả ông biếu trước Tết năm ngoái ấy mà!

- Thằng cả nhà mình tốt phước đấy, bà nhỉ! Lấy được người vợ vừa có học thức, vừa biết đối nhân xử thế. Nhưng tuyệt vời nhất là lại sắp sinh cho vợ chồng mình một “công nương” bé nhỏ. Mà này bà Hoàng, theo bà tính toán thì bao giờ dâu cả của mình sinh cháu gái vậy?

- À! Khoảng đầu tháng ba dương lịch.

- Ôi! Nếu mà đúng ngày phụ nữ tám tháng ba thì hay biết mấy!

- Phải! Hay đấy! Nhưng làm gì lại có chuyện trùng hợp như thế!

Trường ở cách nhà hai cây số, đường có xe buýt, xe lam nhưng bà Hoàng nói với chồng:

- Ông cho phép tôi đi tắc xi một lần cho ra vẻ một chút chứ?

Ông Hoàng đồng ý ngay:

Cũng nên như thế! Để tôi gọi điện kêu xe cho bà…

Bà Hoàng được mọi người đón tiếp trân trọng. Đích thân cô hiệu trưởng mời bà đến chỗ ngồi, một vị trí danh dự ở hàng ghế đầu. Trong phần phát biểu, ban tổ chức mời bà lên có mấy lời nhưng bà từ chối với lý do rất thật: bà quá xúc động.

Nhà trường chiêu đãi cơm trưa. Bà ngồi bên cô Túy, một giáo viên đàn em, chính là người mà bà giới thiệu dạy kèm thằng bé Phẩm. Cô Túy gắp tiếp bà từng món ăn và trong lúc chuyện trò, cô nói về việc dạy thêm của mình:

- Em chỉ nhận kèm có 5 đứa để có điều kiện theo sát học sinh. Em Phẩm rất thông minh và không phải là không có điều kiện học văn giỏi. Vấn đề là phải làm sao cho em ấy yêu thích môn học này. Tiếc rằng mỗi tuần chỉ có hai buổi cô trò gặp nhau…

Bà Hoàng tưởng mình nghe lầm nên hỏi lại:

- Cô nói gì? Mỗi tuần cô chỉ kèm có hai buổi thôi à?

- Vâng! – Cô Túy xác nhận và thắc mắc – nhưng… có chuyện gì vậy cô?

- À không…

Bà Hoàng không muốn nói ra điều bà vừa khám phá vì nó không phải là việc quan trọng với cô Túy. Nhưng, điều này lại rất hệ trọng với việc quản lý thằng bé Phẩm mà ba nó đã nhờ cậy đến vợ chồng bà.

Từ lúc ấy, bà chỉ mong sớm về để gặp thằng bé thủ khoa lớp chuyên Toán mà hỏi cho ra lẽ vì sao nó lại báo với vợ chồng bà là mỗi tuần đi học thêm môn văn với cô Túy đến bốn buổi?

Phẩm ghi tên tham dự kỳ thi Tin học không chuyên với ý định rút kinh nghiệm cho kỳ thi năm sau mà nó quyết sẽ đoạt giải. Mấy tháng học thêm vi tính, Phẩm đổi đến ba địa chỉ và chỉ dừng lại ở lớp dạy lập trình. Hơn một tháng làm quen với ngôn ngữ lập trình, lại được sự hướng dẫn đặc biệt của thầy giáo, Phẩm đã viết được một phần mềm giải trí và đang nâng cấp dần công trình đầu tay của mình. Nó sẽ đưa phần mềm này để dự thi. Tiếc là nó không có một máy vi tính riêng để sớm hoàn chỉnh công trình của mình, mà đi học thêm thì lại phải nghĩ cách nói dối ông bà Hoàng. Nó định bụng năm học sau, sau khi thuyết phục ba má bằng thứ hạng giỏi cuối năm nay, nó sẽ xin ba má mua cho một bộ máy vi tính và thú nhận chuyện gian dối của năm nay.

Nhưng… “chiêu” của Phẩm đã bị bà Hoàng tình cờ khám phá mất rồi. Nó không ngạc nhiên khi nghe bà Hoàng gọi nó lên phòng khách nhà bà và hỏi: “Cháu nói thật với bà nhé: thế mỗi tuần cháu học thêm với cô Túy mấy buổi?”. Nó chỉ không hiểu vì sao bà Hoàng lại biết chuyện?

Phẩm nhìn bà Hoàng một cách đường hoàng và nói cũng rõ ràng:

- Cháu xin lỗi đã nói dối ông bà. Thời gian qua, mỗi tuần cháu chỉ học thêm với cô Túy có hai buổi thôi, hai buổi còn lại cháu đi học vi tính. Nhưng cháu sẽ chứng minh rằng cháu học môn văn khá hơn trong học kỳ hai dù vẫn học thêm vi tính…

Bà Hoàng nhìn thằng bé với ánh mắt thông cảm:

- Bà biết rồi. Điều bà lo là cháu nói dối để lấy thời gian đi chơi, chứ để đi học thì không sao…

- Dù thế nào thì cháu cũng có lỗi vì đã không nói thật với người lớn. Chẳng qua vì ba cháu quá khắt khe, cấm đoán cháu theo đuổi sở thích của mình…

- Cháu không nên nói thế. Đó chẳng qua là ba cháu lo cho việc học của cháu thôi…

- Thưa bà, xin bà nói với ông về chuyện này và cho cháu được xin lỗi ông…

- Không cần đâu. Bí mật này hai bà cháu mình biết là được rồi. Ông Hoàng, ông ấy “hắc” lắm. Nói thật với ông ấy có khi lại không hay đâu…

- Cháu cảm ơn bà.

- Bà chờ cháu thực hiện lời đảm bảo của mình ở kết quả thi học kỳ hai đấy!

- Vâng, cháu hứa.

Lúc chào bà Hoàng để về phòng trọ, Phẩm còn nhắc lại lời hứa của mình một lần nữa. Không hiểu vì lý do gì, bỗng nhiên nó lại nói:

- Cháu rất muốn dành cho bà một món quà tinh thần đặc biệt. Nhưng không hiểu cháu có giành được món quà ấy hay không…

Bà Hoàng ngạc nhiên hỏi:

- Cháu định nói về điều gì?

Phẩm ấp úng:

- Dạ.. cháu chỉ chợt nghĩ như thế thôi ạ…

Thịnh đã thú nhận với Tâm qua buổi đi ăn mì ở Vườn Mít. Anh hãnh diện giới thiệu với Tâm về Hạnh, cô bạn gái anh mới quen mà đã có thể kết bạn lâu dài, thậm chí có thể tiến tới hơn nữa sau khi ra trường. Việc “làm quen” của hai người khá đơn giản. Sau một buổi biểu diễn, Hạnh đã lên sân khấu tặng hoa cho Thịnh. Một lần khác, ở một sân khấu khác, hai người lại gặp lại nhau và Thịnh lại nhận được hoa tặng của Hạnh.

Thịnh khá hài lòng về tính tình của Hạnh. Cô bé đã đậu tú tài nhưng thi rớt đại học, đang bỏ một năm để ôn tập thi lại. Sở thích của Hạnh là rất mê nghe nhạc. Điều làm cho Thịnh hơi bị “rối” là anh mất khá nhiều thì giờ với việc hò hẹn cùng Hạnh, ngoài ra, lại phải tránh sự “kiểm soát” của ông bà Hoàng. Cũng may, anh đã có Tâm là “đồng minh”.

Những ngày này, anh tập trung tất cả thì giờ rảnh rang ngoài giờ học cho việc luyện tập mấy bài hát dự thi "Tiếng hát Sinh viên – học sinh". Theo đuổi nhiều lần thi, anh đã hiểu không có vinh quang nào dễ dàng đạt được nếu không có công phu khổ luyện. Anh đến thư viện tìm bản gốc ca khúc mình chọn hát thi, phô tô đem về nghiên cứu ý nghĩa ca từ và những chỗ chưa rõ thì nhờ thầy giáo dạy nhạc trong trường Cao đẳng giải thích cách biểu diễn đạt hiệu quả nhất. Anh bỏ qua cả ý định bất chợt hôm nào dù Tâm thông báo rằng bạn bè cậu ta đồng ý mời anh cùng tham gia gian hàng bán hoa Tết.

Thịnh vượt qua vòng thi sơ kết, tối nay sẽ vào vòng bán kết. Anh nghe nói trong sáu mươi thí sinh của vòng thi này, chỉ có hai mươi người được chọn vào vòng chung kết. Buổi chiều đi tắm trở về, anh thấy ông Hoàng ngồi sẵn trong phòng chờ mình. Ông nói ngay:

- Nghe nói tối nay cháu đi thi hát, ông đến chúc cháu thành công!

Dắt chiếc Chaly ra tới cổng, Thịnh lại được bà Hoàng giữ lại với một lời chúc tương tự. Cảm giác hạnh phúc khiến Thịnh thấy hưng phấn, trên đường đi luôn miệng huýt sáo bài hát mình sẽ hát thi…

Đêm nay cũng là đêm đầu tiên các gian hàng bán hoa tết khai trương. Thịnh định bụng sau khi thi xong, sẽ đi tìm thăm gian hàng hoa của nhóm Tâm ở khu vực quảng trường tỉnh.

Gần chín giờ mới đến lượt thi, Thịnh lên sân khấu khi có những cơn gió đêm khá lạnh. Anh gác mọi lo toan, ưu phiền của cuộc đời sinh viên xa nhà, thả hồn vào giai điệu mở đầu của bài hát, chuẩn bị. Rồi tai anh nghe chính giọng hát của mình vang vang trong khoảng không gian tràn ngập ánh đèn, những tia nước phun lấp loáng ánh sáng, những bóng người đứng trên bãi cỏ, trên sân gạch con sâu mắt hướng về sân khấu… Một chút suy nghĩ làm xao động lòng anh khi anh nghĩ đến số điểm mình sẽ đạt được nhưng may quá, nó chỉ thoáng qua. Nhạc gian tấu trỗi lên với sự đắm chìm vào một không gian không còn ai nữa trước mắt Thịnh. Anh chỉ còn là thí sinh Phan Nam…

Cúi chào ban giám khảo và khán giả, Thịnh chuẩn bị bước lui xuống sân khấu thì Tâm xuất hiện với một bó hoa nhỏ. Thịnh nhận hoa, xúc động:

- Cảm ơn Tâm!

Tưởng đã xong, ngờ đâu Hạnh cũng xuất hiện với bó hoa hồng tươi thắm. Nhưng điều làm Thịnh bối rối là anh nhìn thấy dưới chân chiếc cầu thang nhỏ từ sân khấu xuống sân, bà Hoàng đứng chờ anh với một nhánh hoa hồng bọc giấy kiếng.

Mười tám điểm tròn. Thịnh nằm trong số 5 thí sinh có điểm cao nhất buổi bán kết đầu tiên.

Tâm mời Thịnh và bà Hoàng cùng đến thăm gian hàng bán hoa của mình và bạn bè. Cách bày biện không theo kiểu xô bồ hàng chợ mà ngăn nắp, mỹ thuật, kể cả việc “chơi màu” giữa các loại hoa tạo phong cách trẻ, có lẽ là yếu tố thu hút khách đến xem và… hỏi giá khá đông. Theo kinh nghiệm thì ở ngày đầu tiên này, khách xem còn nhiều hơn hẳn khách mua. Tâm phụ trách cụm hoa phát tài loại mới nhập, luôn miệng giải thích về hàng hóa của mình và cái giá trên năm mươi ngàn một chậu, là cao với người mua bình dân.

Đi hết một khu vực hoa thì bà Hoàng ngỏ ý muốn về, “sợ ông Hoàng ở nhà đợi, sốt ruột, chứ đi bộ như thế này đã thấm gì với những buổi tập dưỡng sinh của bà”. Thịnh xin được chở bà Hoàng về. Anh chạy chậm không phải chỉ vì yêu cầu của bà mà chính anh cũng muốn tận hưởng cái thú mà anh tự tưởng tượng ra: ngồi phía sau anh là bà ngoại anh ở quê nhà Phan Rang xa nơi này hàng trăm cây số…

Một lúc, “Bà ngoại” nói với Thịnh:

- Cái cô tặng hoa là cô hay song ca với cháu đấy phải không? Sao hai cháu không đăng ký dự thi?

- Dạ… có ạ… Nhưng tiết mục của tụi cháu bị loại từ vòng đầu rồi ạ…

Bà Hoàng không hỏi thêm gì nữa. Chứ không, Thịnh lại phải “sáng tác”. Đến khổ thân anh!

Ông Hoàng bảo Thịnh cất xe rồi lên phòng khách ông hỏi chuyện. Bà Hoàng kể chuyện “cô song ca” cũng đến tặng hoa cho Thịnh, kể cả chuyện “cặp song ca” thi rớt từ vòng một. Nhưng ông Hoàng không nói gì thêm về “cô song ca”. Hú hồn cho Thịnh.

Ông hỏi:

- Cháu dự đoán xem mình có thể vào được vòng chung kết hay không?

Thịnh tin chắc là mình sẽ vào chung kết nhưng với ông Hoàng thì anh không thể khẳng định, chỉ dám nói:

- Nếu hai đêm sau mỗi đêm cũng chỉ khoảng năm, bảy người có điểm trên mười tám thì cháu mới có hy vọng…

- Vậy cháu định sẽ hát những bài gì?

Thịnh còn chưa kịp trả lời thì ông Hoàng đã nói luôn:

- Cháu nên hát bài “Tiểu đoàn ba lẻ bảy”. Hát bài truyền thống cách mạng, lại là bài hùng ca như thế, ông tin là cháu sẽ được điểm cao… Ngày còn trong quân ngũ, ông cũng đã từng nhiều lần chấm thi văn nghệ cho bộ đội trẻ, ông biết.

Thịnh không giấu vẻ ngạc nhiên:

- Vậy ra ông cũng là người am tường âm nhạc…?

- À không! Ông nào biết một nốt nhạc bẻ đôi! Nhưng bao giờ ban tổ chức văn nghệ cũng phải mời ông. Vì ông là thủ trưởng đơn vị mà! Cháu nên nhớ, chọn bài hát có nội dung tốt là ăn điểm lắm đấy! Tóm lại thế này: cháu nên đăng ký hát bài “Tiểu đoàn ba lẻ bảy”.

Thịnh không muốn giải thích vì cơn buồn ngủ đang kéo đến với anh. Anh đứng lên:

- Cháu cảm ơn ông đã tư vấn. Cháu xin phép được về nghỉ…

Ông Hoàng cũng đứng lên tiễn khách:

- Phải đấy! Cả ngày nay cháu vất vả hết đi tập rồi đi thi… Nên nghỉ ngơi thôi…

Thịnh về phòng trọ, thay quần áo rồi thả mình trên giường. Chung quanh, ba “ông tướng” khác đã ngủ như chết. Anh nghĩ đến ba người tặng hoa cho mình với cảm giác khó tả. Nghĩ đến chuyện mình phải bịa với bà Hoàng, lòng anh chợt thấy áy náy. Dù sao, buổi “lên lớp” ngắn của ông Hoàng về việc chọn bài hát thi chung kết cũng khiến anh phải mỉm cười một mình trong đêm. Ông Hoàng hẳn chưa biết rằng ngày nay việc đánh giá đã khác xưa nhiều điều. Cứ tưởng tượng, chất giọng tình cảm của anh mà hát bài hùng ca “Tiểu đoàn ba lẻ bảy”…

8.

Mười hai giờ trưa ba mươi tết, khu vực bán hoa phải thu dọn vệ sinh, trả lại mặt bằng cho khu quảng trường trang nghiêm, thoáng đẹp. Gian hàng của nhóm sinh viên đã thu gom trước đó một giờ. Chủ vựa hoa phát tài giống mới không giấu nổi sự thất vọng khi số chậu hoa loại này còn đến hơn nửa. Theo giao ước, ông ta phải nhận lại vì đây là hàng ký gửi. Nhìn gương mặt không vui của ông, Tâm không khỏi áy náy vì chính anh là người giới thiệu mặt hàng này. Anh lấy hai chậu đẹp nhất trong số những chậu hoa còn lại và gửi tiền cho ông chủ vựa:

- Hai chậu này tôi mua.

- Chú mua đem về quê?

- Không. Tôi mua để biếu ông bà chủ nhà trọ.

- Thế thì tôi lấy giá gốc một chậu, còn chậu kia tặng chú.

Sòng phẳng mà tình cảm, ông chủ vựa người miền Tây sau đó còn lấy thêm hai chậu nữa trao cho Tâm:

- Đây là quà của tôi gửi chú đem về quê cho ông bà già vui. Dù sao thì chú cũng đã tận tình giới thiệu mặt hàng cho tôi suốt mấy ngày qua.

Tính toán, sau khi trừ các chi phí, nhóm của Tâm không lời được bao nhiêu nhưng anh em ai cũng có tiền công kha khá. Tâm được trả năm trăm ngàn cho năm ngày đêm làm việc. Số tiền đủ để anh góp với gia đình ăn một cái tết tươm tất ở một vùng quê huyện Định Quán.

Gần một giờ trưa mới về đến nhà trọ, Tâm vội đem biếu ông bà Hoàng cặp chậu hoa phát tài giống mới màu đỏ thắm rồi xin phép về phòng thu xếp đồ đạc về quê. Ba căn phòng trọ vắng lặng. Đám học trò trung học đã về nhà trước đó hai ngày, chỉ còn Thịnh đang ngồi tập hát. Thấy Tâm về, Thịnh nói ngay:

- Để anh chở em ra ngã ba Chợ Sặt đón xe về quê. Chắc vẫn còn xe nhưng dù sao cũng phải nhanh lên…

Tâm để cả hai chậu hoa mình được tặng lại cho Thịnh chơi Tết, không quên chúc anh đoạt giải cao trong đêm thi chung kết mồng ba Tết. Nháy mắt với “ca sĩ Phan Minh”, Tâm nói:

- Cho em gửi lời chào “cô song ca” của anh.

Thịnh mỉm cười không nói.

Cả ông bà Hoàng cùng đứng chờ Tâm ở sân trước phòng khách, gần cổng nhà. Trao cho anh túi lì xì màu đỏ, bà chủ nhà trọ nói:

- Chúc cháu những ngày Tết thật vui. Cho ông bà gửi lời chúc đến gia đình nhé!

Tâm đáp bằng lời chúc sức khỏe và không quên chúc ông bà sẽ có một “công nương cháu” thật xinh đẹp.

Thịnh chở Tâm bằng chiếc Chaly nhỏ nhắn của mình. Tâm cao gần một mét bảy, ngồi phía sau xe, nhô cao hơn Thịnh cả một cái đầu.

- Tết, bọn em về nhà hết, chỉ còn mình anh ở lại. Anh ăn Tết chung với ông bà Hoàng chứ? Em nghe nói các anh chị con trai, con dâu của ông bà ấy chỉ về ngày mồng hai Tết…

- Năm ngoái cũng vậy. Nhà đông khách, anh phải phụ ông bà một tay. Nhiều người tưởng anh là con cháu trong nhà…

- Không chừng sau cái Tết này, anh được nhận làm con nuôi cũng nên…

Thịnh cười phá lên:

- Anh sẽ giới thiệu em thay thế. Nói thật, không hiểu sao anh rất sợ những giờ “lên lớp” của ông Hoàng. Em có tin không? Ông ấy khuyên anh nên hát thi chung kết bài “Tiểu đoàn ba lẻ bảy” đấy!

Hai cậu sinh viên cùng cười thông cảm với ông Hoàng, người mà những kỷ niệm xưa lúc nào cũng choàng ngập tháng ngày hiện tại…

Thịnh không về nhà trọ ngay. Đợi Tâm lên xe rồi, anh mới thật yên tâm quay đầu chiếc Chaly về hướng Biên Hòa. Quốc lộ I xuyên qua tỉnh lỵ Biên Hòa được mở rộng đến hơn hai mươi mét, nhà cửa xây dựng lại vừa đẹp, vừa sang trọng, mang dáng dấp một thành phố công nghiệp. Hai năm không trở về Phan Rang, Thịnh không hình dung nổi quê mình giờ đây có những đổi thay gì. Anh mong sớm đến ngày ra trường, về quê, mong được nhận vào một trường học nào đó, làm một giáo viên tận tụy và thỉnh thoảng tham gia văn nghệ quần chúng thi đua cùng đồng nghiệp hoặc các giọng ca xứ biển cực nam Trung bộ… Biên Hòa là nơi anh học tập để trở thành một thầy giáo, là nơi giúp anh rèn luyện giọng ca, có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với anh và có cả Hạnh, cô bé mười chín tuổi dạn dĩ, lắm mộng mơ. Nhưng, tất cả những cái ấy chắc chắn vẫn không níu giữ được bước chân mong mỏi hồi hương của anh bằng hình ảnh những bụi xương rồng dọc đường ra bãi biển Ninh Chữ, hình ảnh những người kéo lưới cá lẳng lặng, cần cù như sợi dây lưới ngày một rút ngắn đi để ước mơ mẻ lưới đầy cá xuất hiện dần. Tất cả là tuổi thơ của Thịnh.

Xe xuống dốc cầu Suối Máu, được trớn lao nhanh. Chiều ba mươi Tết, dường như ai cũng vội vã. Trên nhiều chiếc xe gắn máy chạy ngược chiều, người ngồi yên sau ôm cặp bông cúc vàng rực trong lòng hoặc cành mai nở rộ trên tay, có lẽ mua “vét” tại các điểm bán hoa Tết. Giờ này chắc ông bà Hoàng cũng đang quét dọn, lau chùi đồ đạc trong phòng khách, nơi đặt bàn thờ gia tiên của dòng tộc mà bất cứ “ông tướng nhà trời” nào được gọi lên, ngồi vào một góc chiếc ghế salon cẩm lai cũng phải khép mình vào sự trang nghiêm, lễ phép. Thịnh đã nghĩ đến việc mình cần làm trong buổi chiều nay: quét tước thật sạch khu vườn hoa sau nhà ông bà Hoàng, cũng là “mặt tiền” dãy phòng trọ mà anh là người duy nhất còn ở lại.

Bỗng, xuất hiện trước mắt Thịnh là một chiếc xe đạp, trên yên có một cô bé tóc thắt bím từ trong một đường hẻm lao thẳng ra đường để băng qua phía bên kia. Thịnh hoảng hốt đạp thắng chân, siết cả thắng tay và tránh về phía phải. Hai chiếc xe chạm vào nhau trong tiếng kêu thất thanh của ai đó bên đường. Chiếc xe đạp bị đổ giữa đường, cô bé tóc bím ngã xuống vừa mếu máo vừa nhìn chiếc vè sau bị cong một đoạn, chẳng buồn để ý đến chiếc Chaly lúc ấy đã lao thẳng về phía phải, sụp ổ gà bên gốc cây điệp vàng và người chạy xe bị hất văng qua một bên đường.

Thịnh nhìn thấy một ống quần của anh có đốm máu đang loang rộng, đau nhức cả cánh tay phải. Nhìn về phía chiếc xe đạp, Thịnh thấy đứa bé không bị thương tích gì, đang được mấy người lớn dìu vào lề đường, anh gượng đứng lên định đến đó. Nhưng mới chỉ dợm người, anh đã quỵ xuống đau đớn.

Một ai đó nói:

- Gọi xe đưa anh ấy đi bệnh viện ngay…

9.

Sáng mồng ba, thằng Quốc theo ba má từ thành phố Hồ Chí Minh đến Biên Hòa chúc Tết ông bà Hoàng mà theo ba nó thì là ông đi “chúc tết Thầy”. Đến nơi, Quốc mới biết Thịnh bị tai nạn vào chiều ba mươi. Thành ra mấy ngày Tết, chẳng những Thịnh không giúp gì được cho ông bà Hoàng mà còn làm phiền ông bà phải lo cho anh. Cũng may vết thương nơi chân anh tuy ra nhiều máu nhưng chỉ ở phần mềm, sau khi băng bó, anh được về điều trị ở nhà.

Thằng Quốc xuống thăm Thịnh. Điều khiến nó quan tâm lại là chuyện thi hát của Thịnh.

- Rồi tối nay anh có đi thi được không? – Quốc hỏi và nó nghĩ Thịnh sẽ trả lời không – Tiếc thật, thành ra anh ở lại Tết này chẳng còn ý nghĩa gì…

- Ông Hoàng cũng bảo anh nên bỏ cuộc thi… Sáng nay, anh không đi tập, có lẽ ban tổ chức cũng nghĩ là anh bỏ cuộc rồi… Nhưng anh lại đang nghĩ… Rất có thể anh sẽ có mặt vào giờ chót…

Quốc hào hứng nhìn Thịnh:

- Ừ! Sao lại không thể như thế? Bị tai nạn nhưng trên mặt anh không có dấu vết gì, vết thương ở chân thì đã bị che khuất, chỉ một chút băng ở bàn tay phải… Anh vẫn có thể đổi tay trái cầm micrô… Hay là… mình quyết định như anh nghĩ đi! Em sẽ ở lại đưa anh đi thi, chở anh về với giải thưởng… cao nhất!

Thịnh gật đầu:

- Anh quyết định rồi. Anh sẽ đi thi…

Quốc đòi ở lại và với sự can thiệp của ông bà Hoàng, ba má nó cho nó được toại ý. Ông Hoàng còn thương lượng với vợ:

- Lần trước, bà đã đi xem Thịnh nó hát. Lần này thì đến lượt tôi nhé! Để tôi xem nó hát “Tiểu đoàn ba lẻ bảy” thế nào?

Thịnh không nỡ nói với ông Hoàng rằng trong hai bài anh đăng ký thi chung kết không có bài hát mà ông gợi ý, muốn nghe.

Quốc chạy xe Chaly của Thịnh, chở anh đến địa điểm dự thi. Ông Hoàng thì đi xe ôm cùng đến. Ban tổ chức nhận ra ông Hoàng, họ vồn vã mời ông đến ngồi nơi hàng ghế quan khách. Thằng Quốc được ngồi “ké” bên cạnh, lấy làm tự hào lắm.

Thịnh được “cô song ca” chờ sẵn dìu đến khu vực hậu trường. Bên chân bị thương của anh vẫn còn đau nhiều tuy đã cầm máu hẳn. Những thí sinh “đối thủ” biết chuyện, ai cũng hỏi thăm. Do không dự rút thăm vào buổi sáng nên Thịnh phải chịu hát thứ ba theo số của lá thăm còn lại không ai bắt trúng. Ban nhạc vốn không xa lạ gì với Thịnh, cử người đến lấy “tông” hai bài hát cho anh. Thịnh chợt nảy ra một ý…

Và, anh đã hát, lần đầu tiên trong cuộc đời ca hát của mình, một bài hát mà anh chưa hề tập với ban nhạc. Hơn ai hết, Thịnh hiểu bài “Tiểu đoàn ba lẻ bảy” không phù hợp với chất giọng của anh, anh cũng tin tưởng rằng mình có khả năng đoạt một trong ba thứ hạng cao nhất cuộc thi này. Hát bài “Tiểu đoàn ba lẻ bảy”, anh sẽ bị đánh tụt điểm là điều chắc chắn. Rất có thể, cả trong những người đoạt giải khuyến khích cũng không có tên anh.

Ông Hoàng ngồi nghe, gật gù thích thú theo từng lời hát của Thịnh trên sân khấu. Ông nói với Quốc:

- Ngày xưa, ông rất thích hát bài hát này. Khi đi chấm thi, cậu nào hát bài này, ông cũng cho điểm ưu tiên cả… Cháu thấy thế nào? Anh Thịnh hát được đấy chứ?

Gần cuối bài hát, hứng chí, ông Hoàng hát khe khẽ theo Thịnh, vừa hát, ông vừa đánh nhịp tay. Rồi, khi Thịnh chấm dứt phần thi của mình, ông là người vỗ tay to và lâu nhất.

Thịnh chỉ được xếp giải khuyến khích. Rất nhiều người tỏ ý tiếc cho anh. Có người ngạc nhiên, có người trách anh đã là một người từng có nhiều kinh nghiệm thi hát, sao lại chọn một bài hát không phù hợp chất giọng của mình để phải nhường vinh quang cho người khác. Thịnh chỉ cười và nói lần sau sẽ “rút kinh nghiệm”.

Thằng Quốc thích làm người lớn cũng nằm trong số những người tiếc rẻ cho Thịnh. Nhưng đến khi nó thấy Thịnh cầm đóa hoa mình được “cô song ca” tặng trên sân khấu và được cô gái dìu đi, bước những bước khó khăn xuống tặng lại ông Hoàng và nói với ông: “Cháu xin lỗi đã hát không được hay như ông mong muốn…”, thì thằng bé hiểu. Đợi ông Hoàng nói xong: “Không! Cháu hát hay lắm chứ!”, Quốc cũng nắm tay Thịnh và nói: “Anh hát rất hay!”.

Nó chỉ không hiểu vì sao “cô song ca" của anh Thịnh lại không vui, vẻ mặt cứ như đang giận dỗi!

Phần ba

10.

Gần cuối tháng giêng, ông Hoàng bất ngờ lâm bệnh nặng phải nhập viện.

Điều trị ở bệnh viện tỉnh chưa đầy một tuần, người ta chuyển ông lên bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh để kiểm tra chức năng phổi của ông.

Chỉ chừng ấy thông tin, cả mười hai “ông tướng” ở dãy nhà trọ đều hiểu là tình trạng sức khỏe của ông Hoàng rất đáng lo lắng. Trước hôm ông Hoàng chuyển đi, Tâm có vào thăm và được ông dặn dò đôi điều. Về nhà trọ, anh họp cả bọn để nói lại ý ông: Ông muốn tất cả phải nghe lời Thịnh, không được gây phiền toái cho nhau, không được gây ra những gì tai tiếng với xã hội.

Thịnh gặng hỏi Tâm:

- Em nói thật đi. Ông Hoàng giao cho anh hay là cho em?

Tâm nghiêm giọng:

- Cho anh.

Thịnh không nói gì.

Thịnh có bao điều áy náy cũng bởi lòng tin của ông Hoàng đặt nơi anh mà tự anh cho là mình không xứng đáng. Trước hết là chuyện anh không nói thật với ông bà Hoàng về mối quan hệ tình cảm của mình với Hạnh. Mỗi lần nghe ông Hoàng hay bà Hoàng hỏi thăm về những tiết mục “song ca”, Thịnh lại phải tìm cách lẩn tránh hoặc bịa ra một điều gì đó. Thực lòng, nhiều lần Thịnh đã muốn nói thật nhưng quả tình là anh rất ngại những bài giảng của ông Hoàng.

Bà Hoàng lên ở hẳn trên bệnh viện để chăm nom cho chồng. Chị con dâu giữa từ Thủ Đức phải xuống trông nhà và cứ cách vài ngày, anh con trai cả lại chở bà Hoàng đảo về một buổi.

Biết ông Hoàng rất yêu vườn hoa của mình, Thịnh phân công Tâm và Phẩm cùng chăm lo tưới nước, bắt sâu, nhổ cỏ và cắt hoa gửi vào bệnh viện cho ông khi bà Hoàng về nhà. Bà kể rằng lần nào nhận được hoa, ông Hoàng cũng rất vui. Không ai dám dối ông bằng cách mua hoa ngoài chợ thay thế hoa trong vườn vì ông thuộc từng cây hoa của mình, có khi còn nhận ra cả vị trí của nhánh hoa ở chỗ nào trên cây!

Lần về thăm nhà gần nhất, bà Hoàng bảo là ông Hoàng muốn gặp “những ông tướng nhà trời” vì thấm thoát, ông đã xa “lũ nhóc” gần một tháng, nhớ lắm. Sáng chủ nhật kế đó, anh con trai giữa của ông chạy chiếc xe hơi mười lăm chỗ ngồi từ nhà anh ở Thủ Đức về Biên Hòa, bảo:

- Hôm nay anh sẽ đưa chị ba về thăm nhà một buổi. Trong thời gian đó thì anh chở các em đi thăm ba anh. Vì thế ở nhà này cần có một hoặc hai em ở lại trông nom. Em nào tình nguyện?

Mười hai “ông tướng nhà trời” đều không ai chịu ở lại. Thịnh định tổ chức rút thăm thì chị dâu cả của ông bà Hoàng về tới. “Công nương” trong bụng chị đã sắp đến ngày chào đời, chị lại cũng chỉ có ý định ghé nhà một buổi sáng, nhưng khi biết chuyện, chị đã tình nguyện ở lại trông nhà cho đến khi các “ông tướng” trở về.

Nét mặt ông Hoàng tươi tắn hẳn lên khi thấy đám học trò trai, những “ông tướng nhà trời” làm vừa lòng ông thì ít mà gây phiền phức cho ông thì nhiều đứng vây quanh giường bệnh. Ông gọi tên từng đứa tới bên mình, nắm tay từng đứa và hỏi chuyện. Tới Quốc, ông hỏi nó:

- Trong thời gian ông vắng nhà, cháu “bày được những trò gì”, kể cho ông nghe xem nào?

Quốc nhỏ giọng đáp:

- Dạ, cháu đã xới đất mặt cho gần hết các chậu cây hoa kiểng của ông rồi…

Ông Hoàng xúc động:

- Ông vẫn nghĩ cháu là một thằng bé giỏi giang, tốt bụng. Tâm này, thế cháu có giải thích cho Quốc nó biết vì sao lại phải xới đất mặt cho các chậu cây không ?

Tâm đáp:

- Dạ… cháu chưa giải thích…

- Là thế này… Các cháu cùng nghe nhé! Rễ cây hút nước, hút chất bổ dưỡng nhưng cũng cần cả khí trời nữa. Mặt đất trong chậu lâu ngày bị rêu phủ, rễ cây không “thở” được. Vì thế mình phải giúp cho nó tiếp nhận không khí…

Bà Hoàng ngắt lời chồng:

- Bác sĩ bảo ông không nên nói nhiều, sẽ mệt…

- Ừ! Tôi nhớ rồi! Nhưng với những “ông tướng nhà trời” này thì tôi phải nói. Tôi muốn tất cả chúng nó nên người…

Một cơn ho rũ rượi ngắt lời ông Hoàng. Với vẻ mặt hết sức lo âu, bà Hoàng vừa vuốt ngực cho chồng, vừa ra hiệu cho đám học trò tản ra cho thoáng. Ông Hoàng, sau cơn ho, xua tay nói:

- Ông không sao đâu. Ngọc Hoàng còn chưa đánh điện gọi ông về mà…

Ông cố ý pha trò nhưng không ai cười được.

Anh con trai thứ của ông Hoàng nhắc tất cả đã đến giờ về. Từng “ông tướng nhà trời” lần lượt đến nắm tay từ giã ông Hoàng, chúc ông mau bình phục. Ông Hoàng miệng cười rất vui mà nước mắt chảy hai dòng trên gương mặt hốc hác. Ông mở lớn đôi mắt để nhìn từng đứa như sợ rằng sẽ không còn dịp nào nhìn thấy chúng nữa…

Ngồi trên xe trên đường về, Tâm nói nhỏ với Thịnh:

- Sao em lo cho sức khỏe của ông Hoàng quá!

- Anh cũng nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Việc ông Hoàng đòi gặp anh em mình cứ như một cái điềm xấu…

- Tốt nhất là anh em mình phải thay ông nhìn chừng mấy đứa nhỏ, không để xảy ra việc gì làm cho ông phải buồn lòng…

11.

Thằng Phẩm vượt qua vòng thi kiến thức cuộc thi Tin học không chuyên cấp tỉnh. Một giải thưởng – dù chỉ là khuyến khích – cho phần mềm mà nó tham dự cuộc thi, sẽ chính là món quà tinh thần đặc biệt mà nó muốn dành tặng bà Hoàng như đã nghĩ hôm nào.

Hôm trình bày phần mềm của mình, ba của Phẩm từ huyện Xuân Lộc thuê xe hơi đưa cả hai em nó lên dự, theo lời mời tha thiết của nó qua điện thoại. “Ba ơi ! Ba cố thu xếp đi Biên Hòa để xem con trai của ba học tập thế nào”. Một người thân khác của Phẩm cũng có mặt là Tâm. Cứ xét về chuyên môn thì Tâm là đàn anh của Phẩm, nhưng đi sâu hơn thì hai người ở hai ngã rẽ khác nhau: Tâm theo hướng ứng dụng còn Phẩm đi con đường lập trình.

Hội đồng giám khảo là những kỹ sư tin học, những thầy dạy tin học có tiếng trong tỉnh. Phẩm không được tự tin lắm khi phải trình bày bài thi đầu tiên. Nhưng rồi nó cũng hoàn tất phần thi của mình. Là phần mềm giải trí, bài thi của Phẩm chưa được đánh giá cao và nó chỉ được trao giải triển vọng.

Dẫu vậy, ba của Phẩm vẫn rất sung sướng. Ông mời thợ chụp ảnh chụp chung cho bốn cha con một bức, rồi lại chụp riêng cho Phẩm một bức với khung kính lồng giấy khen trong tay. Ông mời Tâm cùng đi ăn trưa với cha con mình.

- Ba không ngờ con lại sáng tạo được phần mềm như thế. – Ba của Phẩm hào hứng nói khi mọi người chờ dọn món – Chắc là con phải mất khá nhiều thời gian làm việc ở phòng máy vi tính nhà trường…

Phẩm vẫn không dám thú thật là mình phải nói dối ông bà Hoàng để đi học thêm bên ngoài trường.

-… Ba sẽ thưởng cho con một bộ máy vi tính để con có điều kiện nghiên cứu riêng, con chịu không?

Phẩm vô cùng sung sướng.

Hôm nay là một ngày hạnh phúc với nó. Tiếc nhất là bà Hoàng lại không có mặt…

Tâm lại gặp rắc rối trong việc dạy thêm.

Cô học trò Thanh Thúy ở Vườn Mít không lười như thằng bé Cao ở Cây Chàm dạo nào. Nhưng cô bé chỉ học những gì cần học một cách chiếu lệ. Đam mê của Thanh Thúy không dành cho những lệnh trong chương trình Word mà dồn cả cho những games hấp dẫn.

Bà chủ cửa tiệm cho thuê đồ cưới thì mê những tấm ảnh của mẹ con mình. Hầu như tuần nào bà cũng nhờ Tâm scanner ảnh, đưa vào album ảnh trong máy vi tính. Bà yêu cầu Tâm dạy cho con mình sử dụng phần mềm xem ảnh để khi cần, cô bé có thể mở máy, giới thiệu với khách toàn bộ album ảnh của gia đình mình bằng chế độ chiếu slide ! Tâm đã đặt sẵn biểu tượng và hướng dẫn những thao tác đơn giản nhất, vậy mà cô bé Thanh Thúy khi nhớ khi không khiến có lần bà mẹ đã phải bực mình vì không khoe được với khách như ý mình mong muốn.

Cuối cùng, trong buổi học gần nhất của Thanh Thúy, bà chủ nhà bảo Tâm:

- Hôm nay thầy Tâm cho con Thúy nghỉ học. Thầy sẽ dạy tôi cách xem ảnh…

Tâm ngỡ ngàng trước đề nghị này. Anh nói:

- Nhưng bà còn chưa biết sử dụng chuột thì làm sao có thể…

- Bởi vậy tôi mới nhờ thầy dạy.

- Việc này ngoài hợp đồng giữa hai bên…

- À! Tôi hiểu rồi… Thầy muốn có thêm tiền công chứ gì? Được, tôi trả riêng cho việc này mức khoán là ba trăm ngàn, thầy đồng ý chứ?

Tâm không thể không tự ái:

- Thưa bà, cháu đến đây để dạy vi tính trong chương trình học nhà trường và sử dụng phần mềm soạn văn bản cho em Thúy chứ cháu chưa hề nghĩ là mình sẽ phải làm dịch vụ ảnh như thời gian vừa qua, càng không nghĩ rằng mình sẽ dạy bà xem ảnh để lấy tiền công thêm…

- Hay là thầy muốn nâng giá?

- Bà đã hiểu lầm cháu…

Bà chủ nhà giận dỗi đứng lên rời khỏi bàn máy vi tính, nói với Tâm:

- Thôi được rồi. Hôm nay thầy về nghỉ đi và suy nghĩ xem có thể làm theo yêu cầu của tôi hay không. Buổi học sau, thầy trả lời cho tôi biết rồi chúng ta cùng quyết định dứt khoát…

Tâm chào về mà lòng hết sức chán nản. Người ta dựa vào sức mạnh của đồng tiền để đòi hỏi người khác phải chiều theo ý mình, bất chấp tất cả. Còn ba tháng nữa mới đến hè, mới đến thời điểm Tâm chính thức cộng tác với cửa hàng dịch vụ vi tính “Sao Mai”. Vậy nếu không dạy cho Thanh Thúy nữa, anh sẽ phải tìm việc gì hầu có thu nhập đóng tiền học cho nửa năm học sau?

Chỉ còn Thịnh để Tâm hỏi ý kiến.

Anh chợt nghĩ: Giá như lúc này ông bà Hoàng có nhà…

Quốc làm hồ sơ thi đại học theo hướng dẫn của nhà trường. Cả khối lớp 12 trường nó xôn xao vì việc này. Tâm trạng mỗi đứa rất khác nhau. Nhiều đứa chọn trường thi theo số đông bạn bè. Có đứa chọn theo ý thích riêng.

Quốc không muốn học lên đại học mà thích học một nghề kỹ thuật. Nhưng nó biết chắc ba má nó sẽ chẳng để cho nó ghi tên thi vào một trường nghề, mai này ra làm thợ. Từ thời gian còn sống chung với ba má ở Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc đã biết má nó muốn nó trở thành một kỹ sư, còn ba nó thì muốn nó trở thành một nhà kinh tế, nối nghiệp mình.

Không biết lấy thông tin từ đâu mà ba của Quốc biết là nó đang làm thủ tục đăng ký thi đại học. Một buổi tối, ông gọi điện thoại xuống nhà ông bà Hoàng. Chị con dâu thứ của ông bà gọi Quốc lên nghe điện thoại. Ba nó hỏi:

- Mày đã ghi tên thi trường nào rồi?

- Dạ, con chưa ghi vì chưa hết hạn nộp hồ sơ. Nhưng chắc là con sẽ thi vào trường… sư phạm.

Đúng là Quốc có ý định đó vì bây giờ vào Sư phạm rất khó. Thi Sư phạm có nhiều khả năng nó sẽ rớt, để khỏi phải học đại học!

Giọng ba của Quốc gắt gỏng ở đầu dây bên kia:

- Dẹp! Mày mà làm thầy giáo thế nào được! Con phải ghi tên thi vào trường kinh tế, nghe chưa!

- Nhưng con không thích học kinh tế…

- Không thích cũng phải thích! Thế mày nghĩ cái công ty của ba mày, mai này mốt nọ ai sẽ quản lý đây? Hả? Thôi! Không nói dông dài nữa. Tao đã quyết định rồi, mày phải thi vào trường kinh tế! Nghe rõ chưa?

Ba Quốc cúp máy.

Chị con dâu ông bà Hoàng hỏi Quốc:

- Có chuyện gì vậy em?

Quốc gãi tai:

- Ba em nói em phải thi vào trường kinh tế…

- … mà em thì không thích chứ gì?

- Dạ…

- Nếu có ba chồng chị ở nhà, chắc ông sẽ can thiệp giúp em được. Ba em từ xưa đến giờ vẫn nghe lời của ba chồng chị lắm mà…

- Vâng… em biết…

Thịnh cũng có nỗi khổ tâm riêng. Sau cái giải khuyến khích cuộc thi "Tiếng hát sinh viên học sinh", Hạnh mấy lần trách anh làm cô “mất mặt” với bạn bè khi đoan chắc rằng anh sẽ đoạt giải chính thức, ít ra cũng là giải ba. Anh đã làm cho Hạnh thất vọng vì tài năng và cả sự “tính toán” hơn thua.

Thịnh cảm nhận về một khoảng cách giữa anh và Hạnh. Mong muốn mình đạt giải cao trong các cuộc thi văn nghệ nhưng anh không hề mang nặng “máu ăn thua”, càng không mắc “bệnh thành tích”. Nghệ thuật mà “ăn thua”, mà chạy theo danh vọng thì còn gì là nghệ thuật nữa! Cảm nhận ấy khiến Thịnh nhớ lại một lần ngồi tâm sự với nhau, anh có hỏi Hạnh: “Em thích anh là một thầy giáo hay một ca sĩ”. Hạnh đã trả lời không đắn đo: “Tất nhiên là em mong anh trở thành ca sĩ nổi tiếng rồi”. Lần ấy, anh chưa ngẫm nghĩ sâu mà còn dấn vào hướng “ca sĩ nổi tiếng”. – “Điểm thất thế của anh trên sân khấu là chiều cao” – “Anh sai rồi. Nhiều nam ca sĩ đang nổi tiếng hiện nay cũng đâu có cao ráo gì” – “Nhưng họ có những điều kiện để được lăng xê” – “Anh cũng sẽ có”.

Giải thích về việc mình quyết định hát bài “Tiểu đoàn ba lẻ bảy” là muốn tạo niềm vui, cũng để đáp lại sự chăm sóc của ông bà Hoàng trong những ngày anh bị tai nạn phải điều trị, Thịnh cũng không tìm được sự thông cảm của Hạnh. “Cô song ca” của anh còn bĩu môi: “Anh điên! Quyết định gì mà để mất ít nhất năm trăm ngàn tiền thưởng!”.

Thịnh buồn, mấy lần không nhận lời hò hẹn với Hạnh nữa. Lý do anh đưa ra là bận tập văn nghệ với các bạn chuẩn bị biểu diễn nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26 tháng 3.

Anh không bịa chuyện. Quả là anh đang làm việc ấy và phải bỏ nhiều thời gian cho nó. Giá mà có ông bà Hoàng ở nhà để anh khỏi phải bận tâm đến sinh hoạt của những “ông tướng” còn lại ở nhà trọ.

12.

Chị con dâu cả của ông bà Hoàng sinh con gái, mẹ tròn con vuông, sau ngày tám tháng ba đúng một tuần. Hai tuần lễ sau, ông Hoàng được xuất viện gây bất ngờ cho mọi người. Chỉ trong thời gian không đầy nửa tháng mà sức khỏe của ông cải thiện đến mức bác sĩ phải nói “Không hiểu tại sao?”. Dĩ nhiên ông vẫn phải điều trị ngoại trú.

Buổi chiều ông Hoàng được anh con trai cả đưa về nhà thì Thịnh đang bận biểu diễn văn nghệ ở trường. Tối về đến nhà, Thịnh dựng xe nơi sân trước phòng khách, vào thăm ông ngay. Ông Hoàng ngồi trên chiếc ghế dựa bằng nilon, da dẻ đã có phần tươi tắn, giơ tay vẫy và hỏi anh:

- Sinh nhật Đoàn, thế cháu có hát “Ba lẻ bảy” không?

Thịnh không trả lời câu hỏi của ông vì anh không muốn thêm một lần nói dối. Anh chuyển qua một đề tài khác mà anh biết chắc là ông Hoàng rất hào hứng và sẽ quên ngay chuyện anh có hát bài “Tiểu đoàn ba lẻ bảy” hay không:

- Ông ơi! “Công nương cháu” của ông thế nào ạ?

- Ồ! Một công nương xinh đẹp! Rất xinh đẹp! – Ông Hoàng nói như reo – Cháu biết không, rời khỏi bệnh viện là anh cả nhà ông đưa ông về ngay nhà anh ấy để ông thăm cháu gái của mình mà không đợi ông ngỏ ý. Thế là tâm lý lắm đấy! Ông dặn vợ chồng anh ấy rồi, đầy tháng “công nương” phải làm tiệc ở nhà ông. Khi ấy, các cháu sẽ thấy là ông chẳng “mèo khen mèo dài đuôi” cháu gái cưng của mình đâu! Xinh đẹp lắm!

Bà Hoàng cũng rất vui, góp chuyện:

- Nhiều người nói thế này này Thịnh à. Họ bảo sở dĩ sức khỏe của ông Hoàng hồi phục nhanh là nhờ niềm vui có cháu gái. Nếu đúng như thế thì “công nương” này quả là cứu tinh của gia đình ông bà, là người mang hạnh phúc cho cả đại gia đình này…

Ông Hoàng gật gù:

- Nghe cũng có lý đấy! Phải không cháu Thịnh?

Bác sĩ không nói rõ mà mọi người chỉ biết là phổi ông Hoàng có vấn đề. Ông thường thấy khó thở khi ở trong phòng riêng và chỉ dễ chịu khi ở nơi nào thoáng mát, có chút gió nhẹ. Vườn hoa là nơi lý tưởng đáp ứng điều kiện ấy, từ đó trở thành nơi ông Hoàng thường xuyên có mặt, trừ buổi trưa ánh nắng mặt trời tuy đã có bóng mát của tàn cây vú sữa che khuất, vẫn phả hơi nóng khó chịu xuống khu vườn.

Tâm, Quốc và Phẩm là ba “ông tướng” làm vườn ngày càng thiện nghệ của ông Hoàng. Có lần ông vui vẻ nói:

- Tâm có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về cây hoa kiểng, ông phong cấp thiếu tá vườn hoa, Phẩm và Quốc thì chỉ trung úy thôi.

Phẩm khiếu nại:

- Cháu chuyên trị bọn cỏ dại, trưởng ban chống bọn xấu, sao chỉ là trung úy hả ông?

Quốc cũng nói vui:

- Cháu rất chăm tưới và vô phân cho cây, công lao “hạn mã” mà cũng chỉ trung úy thì bất công quá ông ơi!

Ông Hoàng cười giải thích:

- Các cháu đều làm tốt việc của mình nhưng hiểu cây thì chỉ có một mình anh Tâm. Để ông dẫn vài thí dụ nhé. Cháu Quốc thường ít tưới những chậu xương rồng và bảo là xương rồng chịu được nắng hạn. Anh Tâm lại yêu cầu phải tưới đều đặn hàng ngày, có điều tưới ít hơn các cây cần nước. Anh Tâm đúng vì xương rồng tự tích trữ nước để sống nhưng nếu vẫn có nước hàng ngày và phân bón đầy đủ, nó sẽ phát triển tốt hơn. Cũng tỉ như một người có thể nhịn lâu ngày, nhưng nếu cứ bắt họ nhịn mãi thì đâu có tốt! Cũng có nghĩa là đừng thấy ai có sức chịu đựng rồi bắt người ta chịu đựng hoài. Còn những cây mai sau Tết, anh Tâm bảo ngắt bỏ hết hột mai là đúng. Làm như thế cây mai mới không bị mất sức…

Cứ nói đến chuyện hoa, kiểng là ông Hoàng lại thao thao bất tuyệt, luôn kèm theo một “triết lý hoa”, y như khi ông nói chuyện về cô cháu gái duy nhất trong đại gia đình ông.

Ngày đầy tháng “công nương xinh đẹp”, ông thay mặt vợ chồng anh con trai cả mời khách, có đến mười bàn ngồi chật cả phòng khách và khoảng đất bên hông nhà. Những “ông tướng nhà trời” được dành một bàn riêng kê ngoài vườn hoa cùng những người khách trọng tuổi của ông bà Hoàng.

Ông Hoàng đang có những ngày rất vui. Ông vẫn lưu ý kiểm tra từng “ông tướng” trong việc đi lại, học hành, tuy có bớt khó khăn hơn trước. Ông đã được thông báo về việc thằng Phẩm đoạt giải tin học và ba nó thực hiện lời hứa với con rất sớm: mua cho nó một bộ máy vi tính để trong phòng trọ của nó, sử dụng riêng cho việc học tập. Việc đi lại của Phẩm được tự do nhưng nó cũng chẳng buồn đi đâu, ngoài giờ học thêm môn văn với cô Túy hoặc chạy ra dịch vụ vi tính có việc gì đó. Quốc, mỗi lần đi học về, ông Hoàng vẫy lại bên, hỏi vui nó: “Nói với ông một câu gì cũng được, để ông xem có mùi rượu bia không nào?”.

Ông nói với bà Hoàng vào một buổi cả mười hai “ông tướng nhà trời” cùng vắng mặt:

- Bà tin tôi đi! Tôi đã khuất phục được tất cả chúng nó rồi.

Làm sao ông có thể biết hết những chuyện khác của bọn trẻ để giúp đỡû, khi giữa chúng và ông vẫn còn khoảng cách khiến chúng dè dặt không dám thổ lộ cùng ông!

Cả đến “thiếu tá vườn hoa” cũng giấu ông chuyện anh đã nghỉ dạy vi tính cho cô bé Thanh Thúy. Có lẽ bà mẹ của cô bé chưa nói gì với bà Hoàng khi hai người gặp nhau ở chỗ tập dưỡng sinh mỗi buổi sáng nên cũng không thấy bà Hoàng nói gì về chuyện ấy.

Chưa có chỗ dạy kèm, cũng chưa đến thời gian cộng tác với dịch vụ “Sao Mai”, Tâm xin được mở thử một câu lạc bộ tin học ở Nhà thiếu nhi. Sau chiêu sinh, câu lạc bộ hình thành với một thầy và tám trò, đều là học sinh cấp hai. Học phí không đáng kể, lại phải đóng góp với Nhà thiếu nhi, Tâm chỉ còn một món tiền rất khiêm tốn, tạm đủ đóng tiền ăn hàng tháng.

Không phải “mùa thi văn nghệ”, Thịnh cũng “đói”. Đây là những tháng anh phải rút tiền kiếm được trong mùa cưới trước và mùa thi văn nghệ sau Tết để tiêu pha, cũng là thời gian phải đầu tư công sức học tập chuẩn bị cho các kỳ thi cuối năm. Chia tay với Hạnh, Thịnh thấy lòng mình có một khoảng trống hụt hẫng nhưng lòng anh nhẹ nhõm. Nhẹ nhõm nhất là từ nay anh không còn phải nói dối ông bà Hoàng về chuyện “cô song ca” – “sáng tác” cứu bồ của Tâm ngày nào.

Chỉ có Quốc vẫn chưa yên!

13.

Đó là một ngày tháng năm, khi học trò trung học vừa hoàn tất kỳ thi học kỳ hai, chuẩn bị tổng kết một năm học. Tiếng ve đã râm ran và hoa phượng dần nở đỏ sân trường.

Thằng Phẩm đạp xe từ cổng trường ra đến đường Đồng Khởi thì vượt qua mấy đứa bạn cùng lớp để “bứt phá” một mình. Nó muốn một lần nữa, thực hiện trên con ngựa sắt như cuộc bứt phá ngoạn mục ở học kỳ hai trên ghế nhà trường. Chín điểm ba mươi trung bình, nó bỏ xa đứa bạn kế đến hơn nửa điểm. Công bằng mà nói, môn văn của nó vẫn chưa được cải thiện theo kiểu “bứt phá” chung của mình: nó chỉ được tròn bảy điểm trung bình. Nhưng, cuối cùng Phẩm đã được xếp loại giỏi cả năm, tính thứ tự trong lớp thì nó đoạt hạng nhất. Tối nay Phẩm sẽ gọi điện về cho ba nó biết tin này, đồng thời, nó sẽ khoe ba về một phần mềm học tập mà nó đang viết với niềm tin sẽ giúp ích nhiều cho việc ôn tập của học sinh, ít nhất cũng là cho chính nó!

Được tin nó xếp loại giỏi, lại nhất lớp, Phẩm tin rằng ông bà Hoàng – nhất là bà Hoàng – sẽ rất vui. Nó mỉm cười một mình khi nhớ lại có lần ông Hoàng nói với ba nó: “Đấy, cũng nhờ mình dùng kỷ luật sắt mà chú chàng mới chịu rèn môn văn tuần bốn buổi, nghe nói được cô giáo Túy đánh giá cao đấy!”. Ấy là thời điểm sau khi Phẩm đoạt giải tin học và đã thú thật với ba chuyện nó “tăng giờ học văn” để đi học lập trình. Ba nó thấy ông Hoàng chưa biết gì và lại đang tự hào về những việc mình làm cho Phẩm nên không nói gì, chỉ gật gù tán thành.

Phẩm còn có nhiều dự tính. Chẳng hạn như sau ngày lãnh thưởng, nó sẽ mua một món quà gì đó biếu bà Hoàng, một món quà khác biếu cô Túy. Nó cũng sẽ mời cả nhà trọ một chầu chè – nhất định như thế chứ không như anh Tâm ngày nào đổi ý đi ăn cháo rồi sinh chuyện anh Quốc uống rượu.

Phẩm về tới cổng, nhìn vào phòng khách nhà ông bà Hoàng thì thấy cửa đóng, khóa trái. Linh tính cho nó biết rằng có chuyện gì đó đã xảy ra.

Mấy “ông tướng” ngồi quanh bàn đá trong vườn hoa kể cho Phẩm biết là ông Hoàng lại bị mệt, rất khó thở. Bà Hoàng và anh Tâm đã đưa ông đi bệnh viện từ lúc bốn giờ chiều. Phẩm vào phòng mình, vừa cất cặp thì nghe tiếng xe Chaly của anh Thịnh.

Nó chạy ra, rủ Thịnh chở lên bệnh viện xem tình hình ông Hoàng thế nào. Thịnh lập tức quay đầu xe sau khi dặn dò những đứa còn lại phải lưu ý trông nhà.

Ông Hoàng không còn ở bệnh viện tỉnh. Tâm kể:

- Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ quyết định chuyển ngay ông Hoàng lên thành phố Hồ Chí Minh. Bà Hoàng đi theo. Bà dặn lên đấy sẽ gọi điện về cho anh em mình biết. Chìa khóa nhà ông bà đây, anh Thịnh giữ lấy.

Cả ba trở về nhà. Thịnh và Phẩm ngồi trực nghe điện thoại ở phòng khách. Tâm đem lên ba tô mì gói cùng ăn. Phẩm quên cả gọi điện về báo tin cho ba biết kết quả học tập của mình như dự định. Bảy giờ hơn điện thoại mới reo. Nhưng người nói chuyện lại là anh con trai cả của ông bà Hoàng. Thịnh nghe rồi nói lại với Tâm và Phẩm:

- Anh Hai bảo anh em mình trông nhà giúp tối nay, sáng sớm mai sẽ có người về giữ nhà.

Rồi Thịnh phân công:

- Nhà có tài sản nên ta phải giữ ý, tốt nhất là cả ba anh em mình cùng ở lại đây và ngủ ngay phòng khách này. Thằng Quốc đâu rồi? Hay là mình gọi nó lên đây ngủ luôn cho vui…

Những đứa còn lại dưới nhà trọ kể:

- Trưa nay ba anh Quốc tới. Tụi em nghe hai người to tiếng với nhau trong phòng nhưng không biết về chuyện gì. Rồi sau đó ba anh ấy lên chào ông bà Hoàng về. Khoảng hai giờ, ông Hoàng vẫn chưa có dấu hiệu gì nguy kịch. Nửa giờ sau thì anh Quốc lấy xe đạp đi đâu không rõ…

Bàn ra tán vào, không ai đoán được chuyện gì đã xảy ra với Quốc, đành phải chờ xem tối nay nó có trở về nhà trọ hay không?

Một đêm thật dài với Thịnh, Tâm và Phẩm.

Mười hai giờ đêm, vẫn không thấy Quốc về.

Vẫn là chị dâu thứ của ông bà Hoàng đến trông nhà.

Thịnh, Tâm, Phẩm tranh nhau hỏi thăm về tình trạng sức khỏe của ông Hoàng. Chị nói:

- Sáng sớm nay trước khi đi Biên Hòa, chị có vào bệnh viện nhưng không gặp được ba chồng chị. Ông phải nằm phòng cấp cứu đặc biệt. Anh Hai nói bác sĩ cho biết là còn rất ít hy vọng…

Nước mắt chị lăn dài khiến cả ba cậu trai không dám hỏi thêm gì nữa.

Về nhà trọ, Thịnh họp tất cả lại để thông báo tình hình sức khỏe của ông Hoàng. Chuyện thằng Quốc bỏ đi đâu không biết cũng được nêu ra nhưng không ai tìm được lời giải đáp.

- Chẳng lẽ mình cứ ngồi đây chờ nó về? Thế lỡ nó không về thì sao?

- Lúc này mà báo cho bà Hoàng biết thì không hay chút nào, chỉ khiến cho bà thêm lo. Anh em mình phải gánh vác thôi…

- Hay là mình tìm cách báo tin cho ba má nó biết?

- Có ai biết số điện thoại nhà thằng Quốc không?

- Không. Chắc phải hỏi bà Hoàng…

- Đã bảo lúc này không nên làm phiền bà Hoàng mà…

- Thế thì mình phải làm sao đây?

Chẳng ai biết phải làm gì. Ngày hôm ấy, ai lo việc nấy. Chiều, Quốc vẫn không thấy tăm hơi. Tin về ông Hoàng thì vẫn như cũ: còn ở phòng cấp cứu.

Tâm lo lắng bàn với Thịnh:

- Hay là mình báo cho công an biết chuyện thằng Quốc bỏ đi…

- Đấy là cách cuối cùng. Nhưng liệu bây giờ đã cần làm việc đó hay chưa?

Chín giờ tối, Quốc đạp xe đạp về. Qua cổng, nó chạy thẳng xe vào dãy nhà trọ, quăng xe nằm chỏng chơ bên hiên rồi vào phòng ném mình lên giường. Người nó ướt mèm và đầy mùi rượu.

Tất cả những “ông tướng” có mặt đều chạy qua phòng Quốc. Nó nhỏm ngồi dậy, quắc mắt hỏi:

- Nhìn gì? Bộ thằng Quốc này lạ lắm sao?

Nó nhìn Thịnh và Tâm, giơ bàn tay phải lên chào:

- Hai anh yên tâm đi, em không sao đâu! Em lớn rồi, em biết mình phải làm gì mà… Thế nhé! Để cho thằng Quốc này ngủ một giấc nhé! Bai… Hẹn ngày mai sẽ cùng đàm đạo…

Quốc nằm xuống, không biết nó ngủ hay chỉ chập chờn mơ tỉnh.

Thịnh bảo Tâm và Phẩm coi chừng cho Quốc như lần nó say rượu trước.

“Sao lại đến nỗi này?”. Thịnh về phòng mình, lòng trĩu nặng nỗi lo cho Quốc.

Hôm sau, thấy Quốc đã tỉnh hẳn nhưng Tâm không hỏi gì về chuyện nó bỏ nhà đi rồi trở về trong trạng thái say rượu mà anh chỉ thông báo cho nó biết chuyện ông Hoàng phải đi cấp cứu. Quốc tròn mắt nhìn anh rồi bỗng dưng nó ôm mặt khóc.

Một lúc sau, không nói gì, Quốc lại lấy xe đạp ra đi. Không ai cản nó vì biết đó là một việc làm vô ích.

Mười một giờ rưỡiø, Tâm vừa ra khỏi cổng trường Lạc Hồng, định đi đến quán cơm tháng thì thấy Quốc đứng đợi mình. Nó chủ động nói:

- Anh cho em ăn cơm với. Rồi em mời anh đi uống nước, em sẽ kể cho anh nghe chuyện của em…

Suốt bữa ăn, Quốc không nói năng gì. Nó ăn như một người đói lâu ngày.

Đi uống nước thì Quốc lại khác. Ly nước chanh mà nó gọi cho mình, đá tan gần hết mà nó vẫn không đụng tới.

Thì ra là chuyện học hành của Quốc. Ba nó không yên tâm về thằng con trai nên gọi điện hỏi nhà trường để biết nó đăng ký thi những trường nào. Thằng bé bướng bỉnh nhất định không ghi tên thi vào trường kinh tế như ý ba nó mà còn như thách thức, nó đăng ký thi một trường trung học chuyên nghiệp, trường thứ nhì là đại học thể dục thể thao! Đi ngay lên Biên Hòa gặp con, ba Quốc đã nặng lời với nó và nó thì lại có lời nói hỗn với ba. Ông sĩ quan cũ của ông Hoàng vốn nóng tính, đã tát con trai một cái ra trò rồi chỉ mặt nó nói: “Coi như tao không có thằng con là mày nữa!”.

Quốc bỏ đi lang thang một buổi chiều trên đường phố Biên Hòa – chính cái buổi chiều ông Hoàng phải đưa đi cấp cứu. Tối ấy nó đi uống cà phê đến khuya rồi tìm đến nhà một thằng bạn xin ngủ nhờ. Cả ngày hôm sau, nó lại đi lang thang đến chiều thì tấp vào một quán nhậu gọi đĩa “mồi” và uống rượu một mình!

Tâm khuyên Quốc:

- Chuyện đã lỡ rồi, cứ để đó ít lâu em sẽ thấy nguôi ngoai mà ba em cũng sẽ nghĩ lại thôi. Muốn gì thì em cũng phải vượt qua kỳ thi tú tài sắp tới đã. Em hiểu ý anh không?

Quốc không nói.

Từ lúc trở về nhà trọ cùng Tâm, Quốc trở thành một đứa lầm lì mà chỉ có Tâm mới đoán hiểu vì sao!

Phần kết

Một mùa hè trôi qua như bao mùa hè khác.

Trước cổng nhà ông bà Hoàng vẫn treo tấm bảng “Nhận sinh viên và học sinh thuê phòng trọ. Chỉ nhận nam”, dù bây giờ ông Hoàng không còn trên cõi đời này nữa. Một mình, bà Hoàng vẫn tin tưởng rằng bà có thể quản lý tốt những “ông tướng nhà trời”, giúp chúng học tập tốt, biết cách cư xử với mọi người và biết sống vì người khác.

Năm học mới, ngoài Quốc còn có thêm hai “ông tướng” của năm trước thi đậu tú tài, không còn trọ nữa. Ba “ông tướng” mới đến thuê trọ đều là học sinh lớp mười, xem ra không phải là dạng bướng bỉnh.

Quốc nghe lời Tâm, tập trung cho kỳ thi tú tài và nó đậu hạng khá, một bất ngờ với mọi người, nhất là với ba má nó. Lại đậu vào một trường trung học kỹ thuật ở Thủ Đức, Quốc tiếp tục cuộc đời “ở trọ”, chỉ khác là trong tâm tư nó, khi ba nó đành chấp nhận ý muốn của con, nó không còn cảm thấy mình là một kẻ bị “đi đầy” nữa.

Một buổi sáng chủ nhật, Quốc từ Thủ Đức đi xe gắn máy – chiếc xe mà má nó mua cho – về Biên Hòa thăm bà Hoàng và những anh em ở trọ cũ. Nó mặc áo màu xanh bỏ trong quần, đi giày da nâu, đội mũ bảo hiểm, trông ra dáng người lớn lắm.

Sau khi thăm hỏi bà Hoàng, nó xuống khu nhà trọ.

Không thấy Thịnh, nó hỏi:

- Chắc anh Thịnh lại đi thi hát rồi?

Phẩm lắc đầu:

- Năm nay anh ấy chuẩn bị ra trường nên tập trung cho việc học. Em nghe nói sẽ phải đi thực tập xa…

- Còn anh thì sao, anh Tâm?

- Ổn định hơn năm ngoái. Nhà thiếu nhi đã ký hợp đồng với anh đứng lớp tin học thiếu nhi cả năm. Ngoài ra anh còn đi làm thuê cho một cửa hàng dịch vụ vi tính vào các buổi tối… Vào phòng anh xem đi. Anh đã mua trả góp được một bộ máy vi tính. Cấu hình có kém hơn của Phẩm nhưng cũng đủ để anh nghiên cứu các phần mềm ứng dụng mới…

Phẩm khoe:

- Kỳ thi tin học không chuyên năm nay, em quyết sẽ giành được từ giải ba trở lên với phần mềm học tập của mình.

Quốc thấy lòng nao nao một cảm giác khó tả. Bỗng nhiên nó nhìn ra vườn hoa và hỏi:

- Bây giờ ai chăm sóc vườn hoa?

- Anh Tâm! – Phẩm cười nói tiếp – “Thiếu tá” Tâm chứ còn ai nữa!

Vườn hoa đã khác xưa nhiều. Tâm xin phép bà Hoàng được sắp xếp lại theo ý anh. Bà Hoàng không cản mà còn khuyến khích. Bà nói:

- Thuở sinh thời ông Hoàng hay bảo: người có là bạn thân với cây thì cây mới tươi tốt, xanh lá đẹp hoa. Bây giờ Tâm là bạn thân nhất của những cây hoa kiểng trong vườn này, chúng sẽ chấp nhận sự xếp đặt của cháu thôi.

Hai cây quới đang kỳ trổ hoa, thơm nức mũi. Quốc ngắt một nhánh nhỏ bỏ vào giỏ xe của mình.

Trên đường về Thủ Đức, Quốc ghé thăm mộ ông Hoàng. Nó đặt nhánh hoa quới lên bàn thờ trước tấm bia có khắc ảnh ông, đứng im tưởng niệm.

Quốc bướng bỉnh nhưng lại là đứa nhạy cảm, hay khóc.. Lần này thì không thế nữa. Bởi vì nó nghĩ và tin rằng ông Hoàng đang nằm yên trong phần mộ kia biết là thằng bé Quốc ngày nào nay đã khác. Cứng cỏi hơn và bắt đầu hiểu cần phải sống thế nào để trở thành một người lớn thực thụ.

1-2002

N.T.H


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét