Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Nhung Giot Muc.html

Nhung Giot Muc.html

Lê Tất Điều

Những Giọt Mực

Thông tin ebook

Tên truyện : Những Giọt Mực

Tác giả : Lê Tất Điều

Thể loại : Văn học trong nước

Nhà xuất bản : GIAI PHẨM THỨ TƯ – SÀI GÒN

Năm xuất bản : 1974

———————————-

Nguồn : http://vnthuquan.net

Đánh máy : ĐạoCấy

Chuyển sang ebook (TVE) : santseiya

Ngày hoàn thành : 11/06/2008

Nơi hoàn thành : Hà Nội

http://www.thuvien-ebook.com

Mục Lục

Thay lời tựa

Trung thu của bác đèn xếp

Tình bạn của đôi guốc

Diều giấy mắc nạn

Cây roi kể công

Tờ lịch đầu tháng

Những giọt mực

Tâm sự bác Đinh già

Những mũi tên trưởng thành

Một chút anh hùng

Ô đen đi du lịch

Cơn giận của bác đồng hồ

Lão dao sắc

Thay lời tựa


Đứa trẻ nói với bàn chân nó.
 
….Bàn chân trẻ nhỏ không biết nó chỉ là bàn chân và nó muốn trở thành một cánh bướm hay một trái táo….
Nhưng rồi sau, đá cứng khô đường phố, cầu thang….
Những con đường trên trái đất tiếp tục xây, bàn chân biết rằng nó chẳng thể bay chẳng thể làm trái táo trên cây.
Rồi bàn chân trẻ nhỏ chịu thua.
Ngã trên chiến địa, thành tù binh.
Bị giam giữ trong một chiếc giầy!
Không rõ trong 7000 bài thơ sáng tác của Neveda có bao nhiêu bài thuộc loại ngộ nghĩnh đáng yêu tương tự? Có điều chắc chắn trong " Những giọt mực " của Kiều phong Lê tất Điều ngây thơ ngộ nghĩnh như vậy mà còn dài hơn nhiều, nhuộm màu sắc vừa bi hùng, vừa trữ tình đặc biệt phương Đông.
CẠC SĨ.
 
 
Lê tất Điều nhân cách hoá đồ vật, rồi thủ thỉ kể chuyện. Câu chuyện khởi đầu bằng câu chuyện nên thơ của ban đêm và cứ thế kéo dài với những ngày tháng của cuộc đời.
Tuổi trẻ của chúng ta bị đoạ đày bị dằn vặt đủ thứ, tuổi trẻ của chúng ta được thưởng thức văn chương Lê tất Điều chắc chắn thống khoái vô cùng.
Lê tất Điều viết cho các em bé nhưng cũng để cho người lớn đọc. Lê tất Điều gửi gấm thật nhiều nỗi lòng, thật nhiều tâm sự trong những đoạn văn ngắn nhưng hàm xúc. Nhưng đoạn văn như bài thơ xuôi, những đoạn văn long lanh như hạt ngọc.
Đọc " Những giọt mực " người đọc có cảm giác như được dẫn dắt phiêu bồng ra khỏi cái thế giới đê tiện của cuộc đời hôm nay, để đi vào thế giới tươi mát, thế giới trong đó tình yêu! thương bao la.
Kết luận "Những giọt mực " là những hạt ngọc cho tuổi thơ, một tác phẩm tuyệt vời của một tác giả có kích thước lớn.
HỒ NAM.
 
 
….Nói " Những giọt mực " là truyện dành riêng cho trẻ thơ, e hơi phiến diện. Phải nói là dành cho con người, cho tất cả….
CAO BỒI GIÀ.
 
 
….Trẻ con trong nhà vây quanh nhau để nghe chiếc bàn cự nự, chiếc đèn xếp khua reo, chiếc ô kiêu hãnh, đôi guốc thì thầm, chiếc roi tâm sự, con diều giấy rên xiết…v..v…với lối nhân cách hoá tự nhiên, linh động vui tươi. Anh Lê tất Điều đã điều khiển các đồ vật quen thuộc, đùa giỡn, lý sự, làm việc sinh hoạt một cách lý thú, dễ thương.
Như vậy tôi cho rằng đổ tội cho trẻ ham đọc sách bậy là cách che lỗi trân tráo của người lớn vô trách nhiệm. Trẻ ngày nay vì tiếp xúc sớm với đời, nên chúng khôn lanh hơn. Cũng nhờ vậy mà chúng đã sớm biết phân tách cái hay cái dở. Những giọt mực của Lê tất Điều được chúng công nhận là truyện hay.
Riêng các bà Mẹ, quyển " Những giọt mực " là một thích thú thoải mái khi các bà chọn cho con mình đọc, và cho rằng quyển sách bổ ích lành mạnh cho lứa tuổi đang cần có loại sách để đọc.
LINH TRANG.
 
 
Khung cảnh là cái phòng riêng của một cậu bé với tất cả những đồ vật lỉnh kỉnh lủng củng của một cái phòng dành cho trẻ con cỡ 7, 8 tuổi: từ những cây nến, cái búa, cái đèn xếp cũ, con diều giấy, đôi guốc mộc, những giọt mực…v..v…đến những cái ghế, bàn, bức tranh, cuốn sách, thôi thì đủ cả. Thời gian là về đêm, khi sinh hoạt của loài người hiếu động tạm ngưng lại để nhường chỗ cho đồ vật lên tiếng.
Đồ vật cũng sinh hoạt đư! ợc ư? Sao lại không nhỉ? Và khởi đầu là sự hy sinh cao cả của bác đèn xếp để cứu cụ sách bị chuột gặm gáy; bác đèn xếp kẻ bị bỏ quên cả năm trời ( trừ ngày Trung thu ) để soi đường cho ông cung tên bắn kẻ định mưu sát cụ sách, đã gồng mình cháy sáng để cuối cùng bị thiêu rụi.
Bằng những tiêu đề như: Trung thu của bác đèn xếp, Tình bạn của đôi guốc, Diều giấy mắc nạn, Những giọt mực; tác giả lần lượt đưa người đọc vào sinh hoạt chung với các đồ vật có đầy đủ những tính tốt cũng như tật xấu của loài người: có hy sinh, có ghen tị, có cao cả, có thấp hèn, có bao dung, phản bội, mơ mộng, trầm tĩnh.
Gấp cuốn sách lại, người đọc không khỏi nhìn quanh mình mỉm cười thích thú, tưởng như các đồ vật quanh mình xì xào to nhỏ, tưởng như cuộc sống trở nên phong phú lạ thường, tưởng như mình hết còn cô độc. Và bây giờ người đọc hiểu tại sao bé gái này có thể nói chuyện suốt ngày với con búp bê bất động, bé trai kia có thể bầu bạn không chán với cả những cục gỗ viên gạch. Cả một thời thơ ấu lộ ra trong tâm trí quá mỏi mòn bởi những chen đua vật lộn thường ngày. Và hơn nữa người đọc hình dung đến viên sỏi của Fellini trong La Strada đến những bức tranh tĩnh vật đầy linh động của Salvador Dali. Dù vậy, những cái đó, viên sỏi của Fellini và đồ vật của Dali vẫn có vẻ quá nặng nề, kinh hoàng quá. Phải chăng đó là điều khác biệt giữa tâm hồn Á Đông và tâm hồn Tây Phương. Phải chăng đó là điều cho phép chúng ta, những tâm hồn quá mỏi mòn bởi chiến cuộc còn tin tưởng ở cuộc sống ở đời người.
NGÀN CÁNH H�! �C.  
 
Xin đừng đọc vội vã, ngấu nghiến quyển này, hãy cứ nhẩn nha, đi đâu mà vội. Gọi là truyện trẻ con nhưng chính ra là chuyện của người lớn. Tôi có ba đứa con đi học, nên khi đọc xong có chuyển cho từng đứa. Đứa nào cũng lấy làm thích. Đứa con gái đầu lòng thì thích " Những giọt mực ". Một thằng học đệ lục lại ưa " Tình bạn của đôi guốc ". Một đứa tám tuổi mới đọc thông Quốc ngữ lại thương " Con diều giấy mắc nạn " trên cột đèn. Mỗi tuổi có một lối thưởng ngoạn khác nhau. Phải chăng đứa con gái đầu lòng của tôi đã yêu cái vẻ hy sinh lãng mạn của bình mực " mang trên mình trăm mảnh trăng tròn, trăm mảnh bầu trời ngoài khung cửa sổ ". Thằng nhỏ học đệ lục, đã tìm thấy một thế giới bằng hữu và mộng tưởng phiêu lưu trong tình bạn của đôi guốc gỗ. Còn đứa nhỏ tám tuổi đã nghiêng con mắt nai thương xót một thứ đồ chơi thân quý mắc nạn trên dây điện đầu đường. Riêng tôi, tôi thích tất cả cuốn truyện, nhưng nếu phải chọn lựa, có lẽ tôi bằng lòng nhất truyện " Trung thu của bác đèn xếp " và " Những mũi tên trưởng thành ".
Khi tôi nói ra sự tuyển lựa của tôi, mấy đứa nhỏ đều chê mà nói rằng: " Bố không biết đọc ". Có lẽ sự nhận xét của chúng đúng, vì tâm hồn mà càng triết lý càng dùi mài thì càng xa sự vật. Trẻ con nhìn sự vật đơn sơ, người lớn nhìn sự vật khúc mắc. Trẻ con xem truyện, người lớn xem những gì đằng sau câu truyện, hay ở giữa câu truyện nên tất nhiên khó có sự hoà đồng.
Vì thế ở trên, tôi mới dám nói rằng truyện Những giọt mực không phải dành riêng cho t! rẻ con,! mà nó còn là đầu đề suy nghĩ cho người lớn nữa.
Tuy nhiên, tôi và gia đình đều phải cám ơn bạn Lê tất Điều. Cốt truyện của bạn đã khiến bố con tôi bàn tán, cãi nhau hoài mà không ai chịu ai. Một cuốn truyện gây được một tác động như vậy, hẳn là một cuốn truyện đáng đọc…..
KÝ GIẢ LÔ RĂNG.

Trung thu của bác đèn xếp


Đêm thật khuya, buổi sinh hoạt của đồ vật trong phòng bắt đầu như thường lệ. Bao giờ họ cũng tán gẫu với nhau về chuyện xảy ra ban ngày, hoặc về chú bé chủ nhân của một vài vật. Chị Tranh trên tường hồi này ít nói. Trước kia chẳng ngày nào chị ta quên khoe sắc đẹp của mình và nhắc đến những đôi mắt đã chiêm ngưỡng chị.


Ông Bàn lên tiếng trước nhất. Ông càu nhàu về vụ hôm nay chú bé lại làm đổ mực lên mặt ông. Ông già rồi mặt mũi nứt nẻ cả, giờ lại loang lổ mực xanh, mực tím thật dơ bẩn. Ông cảm thấy xấu hổ, mất mặt với bà con quá. Cái bệnh mọt ăn trong xương, trong mình ông vào mùa này lại thêm nặng. Hết cằn nhằn ông xoay qua kêu rên, rồi ông gây sự với chú Ngăn kéo:


– Đã nằm nhờ trong bụng người ta, còn rinh về đủ thứ, nặng muốn chết.


Thực ra, lỗi không phải ở chú Ngăn kéo. Cậu bé có món đồ chơi gì cũng tống vào lòng chú. Nhưng Ngăn kéo không cãi. Ông Bàn già rồi, " kính lão đắc thọ ". Ở với nhau lâu, chú biết tính ông. Ông hay cằn nhằn nhưng tốt bụng.


Anh Ghế cũng lên tiếng phụ họa với ông Bàn. Anh than phiền về vụ chú bé hồi này hay nghịch, thường đứng trên mình anh mà nhảy nhót hoài.


Anh Diều giấy suốt cả buổi chiều bay lượn mệt nhọc giờ này nằm ở gầm tủ ngủ bù. Nếu không, chắc anh đang ba hoa thuyết trình về tổ tiên của anh. Ôi! Thời đại của những ông Diều khổng lồ có sáo để ca hát vi vu giữa lưng trời. Anh thương nhớ thời đại đó biết bao! Tổ tiên của anh cũng chả bao giờ phải đeo một cái đuôi dài lằng nhằng như cái đuôi của anh bây giờ. Thân thể của các ngài rất cường tráng cân đối. Ít khi gió làm các ngài phải đảo nhiều vòng. Cần gì có đuôi để giữ thăng bằng.


Trầm lặng nhất là ông già Cung tên, ông mang dòng máu hiệp sĩ quí phái, lúc nào cũng kín đáo với lớp áo màu đen phơn phớt bụi phong trần.


Thỉnh thoảng, ông kể lại một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Các đồ vật trong phòng tưởng chừng nghe tiếng quân reo, ngựa hí và thấy ông Cung tên, nằm gọn trong tay một Dũng tướng, đang tả xung hữu đột giữa trận tiền. Đêm nay, ông không nói, chắc ông đang thương nhớ một điều gì. Hay ông lắng nghe tiếng bọn guốc dép kể các cuộc du lịch của chúng và lòng thầm khinh bỉ. Bọn giầy dép được đi xa, biết nhiều, nói dóc nghe còn thương được. Lũ guốc chỉ quanh quẩn ở xó nhà, cũng góp lời, thật nản.


Như thế, đêm sẽ trôi qua một cách bình thường cho tới lúc bình minh đến, nếu đột nhiên dưới gầm tủ không vang lên tiếng kêu thảm thiết:


– Trời ơi! Cứu tôi! Cứu tôi!


Đó là tiếng kêu của cụ Sách.


Mọi vật nhốn nháo hỏi:


– Chuyện gì đó cụ?


– Cụ mơ ngủ hả?


Cụ Sách hổn hển:


– Tôi đang mơ màng thì bị cắn vào gáy một cái đau điếng!


– Cái gì cắn?


– Không biết. Chắc là một con quái vật.


Ông Tủ có vẻ ngạc nhiên:


– Này cụ Sách, sao cụ lại nằm dưới đó? Tôi tưởng cụ phải nằm trong lòng tôi chứ. Lúc nào tôi cũng chả dành cho cụ một chỗ nằm mát mẻ rộng rãi.


Cụ Sách vừa xuýt xoa kêu đau, vừa than thở:


– Ấy, tại cậu chủ vứt tôi ra đây đấy. Hồi này cậu ấy bừa bãi quá, chả coi công dạy dỗ của tôi ra gì hết.


Chưa nói xong câu, cụ lại kêu rú lên. Ông già Cung tên, vốn có máu hiệp sĩ trong người ra lệnh lập tức:


– Phải có ánh sáng.


Mọi vật đều hướng về phía Đèn Ống chờ đợi. Nhưng cái tên này đang ngủ say sưa. Bây giờ chỉ có ông chủ nhà đánh thức hắn mới dậy, và khi dậy hắn kêu lách tách mấy tiếng càu nhàu, nhập nhoạng ngái ngủ mấy cái. Hắn làm việc có giờ và cư xử một cách hết sức máy móc. Khi hắn mới được đưa về đây, ông Đèn Cầy vừa trông thấy đã than:


– Thôi thế là máy móc đã bắt đầu ngự trị, đè bẹp loài đèn cầy rồi.


Và ông lui về một góc bàn thờ, chỉ chờ dịp Đèn Ống ốm đau mới ra tay được một lát. Nhưng trong dịp có lễ lạc ông trở nên quan trọng lạ thường, đó là nguồn an ủi duy nhất, quả thực, những giây phút linh thiêng đó, ông Đèn Cầy cảm động và hài lòng, mặt mũi ông thật rực rỡ. Tư cách ông đàng hoàng hơn anh Đèn Ống nhiều. Trong lúc nguy nan thế này, ai dám trông mong vào Đèn Ống máy móc và ích kỷ.


Nhưng, lúc này ông Đèn Cầy ngủ mê mệt.


Anh Ghế gọi anh Diều:


– Ê! Bồ bay lẹ tới gầm tủ coi con quái vật nào, đang tấn công cụ Sách?


Diều cằn nhằn:


– Việc ai người ấy lo. Tôi làm việc nặng nhọc cả buổi chiều rồi, không làm giờ phụ trội đâu.


Nói xong, tên ích kỷ hạng nhì này ngủ tiếp. Mọi vật nghĩ đến chị Bóng bay. Nhưng chị ấy mới bị xì hơi hồi chiều qua, bị ốm, nằm ỉu xìu ở một góc nhà, gầy tọp hẳn đi, chưa biết xẹp lúc nào. Chắc chị không cất bước nổi.


Tình hình có vẻ hoàn toàn tuyệt vọng. Bình hoa bắt đầu nhỏ lệ thương xót cho ông Sách.


Bỗng dưới gầm giường có tiếng quay vù vù. Chú Con Quay đã đứng dậy. Chú xoay tít, xoay tít và lần tới gầm tủ quan sát. Chú nói:


– Xin báo cáo với Đại tướng Cung tên. Kẻ tấn công cụ Sách là một con chuột khổng lồ. Nó đang cắn gáy cụ ấy.


Cụ Sách rên rỉ không ngừng. Ông Cung tên hét:


– Tôi có thể bắn hạ nó, nhưng làm sao xoay cho ra chút ánh sáng bây giờ. Tôi không thể bắn ẩu được.


Mọi vật lại ngẩn ngơ. Làm sao có anh sáng bây giờ? Bình hoa khóc thảm thiết.


Ông Bàn sốt ruột:


– Tôi có thể khuân vác tất cả. Ai muốn nhảy lên mặt tôi mà ngồi cũng được. Nhưng tôi làm gì có ánh sáng. Tội nghiệp cụ Sách quá. Nếu cụ có bề gì chắc tôi không sống nổi. Ngày nào chúng tôi cũng gặp gỡ nhau.


Ông Bàn càng nói càng nghẹn ngào!


– Ông Cung tên sửa soạn tấn công đi. Tôi sẽ lo vụ ánh sáng.


Câu nói đó của một giọng khàn khàn như xuất phát ra từ một nơi đầy bụi. Đó là giọng bác Đèn xếp. Bác chui từ gầm giường ra. Bác đã nằm đó để chờ tết Trung thu. Mỗi năm bác chỉ làm việc có một ngày. Thời gian còn lại, bác nghỉ hè.


Bác Đèn xếp đã lăn tới giữa nhà (đó là vật cô đơn nhất phòng, bình thường chả có vật nào nói chuyện hay nhắc tới đèn xếp )


Đèn xếp đứng thẳng và sáng dần. Thân thể bác đầy bụi. Ánh sáng còn mờ. Những lằn xếp chưa dãn ra hẳn, chúng cũng lười biếng như những khớp xương lâu không được dùng tới. Ông Cung tên hét:


– Ráng lên chút nữa!


Bác Đèn xếp cố sáng hơn.


– Tôi thấy bóng tên chuột rồi. Sáng thêm chút nữa bác Đèn xếp.


Đèn xếp không ngừng cố gắng.


– Rồi! Tôi thấy nó rồi!


Mũi tên vụt đi trúng ngay con chuột. Nhà hiệp sĩ Cung tên mà bắn thì có bao giờ trượt. Mọi vật reo hò.


Nhưng ở giữa nhà, bác Đèn xếp không thể chia vui được. Bác đã ráng sức đến nỗi cả thân mình bác bốc lửa. Bình hoa rú lên và ngất xỉu.


Trong ngọn lửa nóng hừng hực, bác Đèn xếp thều thào:


– Xin vĩnh biệt các bồ!


Thoáng một cái, bác đã đen hết mình.


– Trung thu sang năm các bồ hãy nhớ đến tôi nhé!


Và bác ngã xuống cùng với ngọn lửa.

Tình bạn của đôi guốc


Đêm hôm sau trời mưa to, nước ào ào trút xuống mái nhà, nhảy múa trước hiên. Căn phòng lạnh và có vẻ buồn.


Chỉ có một mình bác Ô đen hân hoan. Bác chờ đợi im lặng suốt một mùa nắng. Có những con nhện hỗn hào leo lên thân bác tính chuyện ở lâu dài. Thật là một điều không tha thứ được. Nhưng ngày mai, khi bình minh tới, ông chủ sẽ trịnh trọng nhờ tới bác. Khi ông ở xe hơi bước xuống, bác sẽ che đầu ông. Khi ông ở sở ra xe, bác lại che đầu ông lần nữa. Bác sẽ ngửa mặt nhìn trời, chống trả những giọt mưa một cách oai hùng. Một đồ vật cảm thấy sung sướng khi thấy mình có ích. Bác Ô muốn nói thật nhiều về ngày mai. Nhưng bác đành phải im lặng.


Căn phòng cũng im lặng đến nửa đêm. Đó là lệnh của ông Cung tên, kẻ quí phái nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm chiến trường này cho biết đấy là cách tưởng niệm bác Đèn xếp đẹp đẽ nhất. Ông Cung tên bảo vụ mặc niệm không có tính bắt buộc, ai muốn tỏ lòng cám ơn bác Đèn xếp thì cứ im lặng, có thế thôi. Nhưng cả phòng không có vật nào lên tiếng.


Vật thành khẩn nhất dĩ nhiên là cụ Sách. Cụ đã được nằm trong tủ. Con chuột nguy hiểm đã được đem đi, nhưng ngọn lửa cháy rực rỡ trên mình bác Đèn xếp thì tưởng như được ghi chép thành một thiên anh hùng ca trong lòng cụ. Sau cụ Sách, những bông hoa trong bình cũng bắt đầu héo úa vì nỗi tiếc thương.


Quá nửa đêm, hết giờ mặc niệm, kẻ lên tiếng trước tiên lại là ông Bàn. Ông lên tiếng là càu nhàu ngay:


– Khổ quá! Khổ quá! Vì lòng kính trọng bác Đèn xếp, tôi đã chịu im lặng không dám than thở gì. Nhưng thật là quá sức tôi. Cứ cái đà này chắc chắn tôi sắp tới ngày què cẳng và xụm xuống.


Anh Ghế thở dài:


– Tội nghiệp! Chắc cụ lại bị lũ mọt hành chứ gì.


Ông Bàn nói:


– Không phải! Lũ mọt thì tôi chịu quen rồi. Cái kẻ làm hại mình lại chính là cái kẻ ở ngay trong bụng mình mới đau chứ, thật quá đáng. Thật không ngờ!

Mọi vật biết liền là ông Bàn muốn ám chỉ ai. Chú Ngăn kéo cũng biết điều đó, chú vội lên tiếng:


– Ông Bàn ơi, ông hiểu lầm cháu rồi.


Ấy thế là ông Bàn làm toáng lên:


– Hiểu lầm cái gì? Anh ở nhờ trong bụng tôi, anh rinh về đủ thứ. Thằng già này chịu nặng hết nổi. Bây giờ anh lại còn mời thêm bạn bè về nữa.


Chú Ngăn kéo cãi:


– Anh Búa đinh đâu phải bạn cháu.


– Thế sao nó nằm với anh trong bụng tôi?


Búa đinh ậm ừ lên tiếng:


– Ông Bàn lôi thôi gớm. Tôi có nhà đàng hoàng, trong tủ đồ mộc dưới bếp, ai thèm ở nhờ ông. Cậu bé lôi tôi ra đóng đinh cái xe của cậu ấy rồi tống bừa vào đấy. Mai ông chủ thấy thế nào cũng đưa tôi về. Đừng có làm khó, ông lão rỗ ơi!


Búa đinh dám gọi ông Bàn là " ông lão rỗ "! Thật hỗn xược. Về già mặt ông có xấu xí, loang lổ chút đỉnh, nhưng vật nào cũng kính trọng ông. Chưa có vật nào trong phòng lại hỗn láo đến thế. Các vật nhao nhao lên phản đối Búa đinh:


– Anh ăn nói lỗ mãng quá.


– Phải biết kính trọng tuổi già chứ.


Búa đinh cãi:


– Tôi nói thế còn lịch sự chán, phải tay thằng Dùi đục coi, nó chửi liền.
Dùi đục thì quả có tiếng là thô lỗ. Hắn ăn nói nhấm nhẳng khó nghe nhất nhà. Búa đinh ở chung với Dùi đục nên lâu ngày quen tật xấu.


Nghe Búa đinh lôi Dùi đục ra khoe, ông Cung tên khó chịu, ông nói chậm rãi:


– Này, cậu Búa đinh, cậu nên nhớ đây là phòng khách, toàn những vật đàng hoàng lễ độ. Cậu nên dành cái giọng đó để nói chuyện với lũ bạn Dùi đục của cậu.


Ông Cung tên không quát tháo, nhưng giọng nói thật nghiêm khắc, đáng sợ. Lời nói của ông có tuổi tác, có nhiều năm kinh nghiệm và một sự can đảm phi thường hỗ trợ, Búa đinh có vẻ ngán. Tuy nhiên, anh ta vẫn càu nhàu.
Anh Ghế phát cáu. Anh nói:


– Chú Ngăn kéo ơi! Chú hất quách cái thằng lỗ mãng đó xuống đất đi.


Một tiếng " huỵch " nặng nề đột ngột nổi lên dưới chân bàn. Tên Búa đinh thiếu lịch sự đã nằm thẳng cán dưới đất. Chú Ngăn kéo nghe lời anh Ghế, chú cũng không ưa kẻ dám nói hỗn với ông Bàn.


Hất Búa đinh đi rồi, chú Ngăn kéo đột nhiên có vẻ cương quyết, chú hỏi to:


– Nào! Còn mấy thằng Đinh ranh con này! Có đứa nào muốn lôi thôi lộn xộn cái gì không?


Lũ đinh nhỏ hoảng hốt:


– Dạ không! Xin chú Ngăn kéo cho chúng em ở nhờ, mai chúng em về. Trời mưa ẩm ướt thế này mà phải nằm đất nằm cát chúng em sẽ ốm hết.


Ông Bàn dịu giọng:


– Thôi chú Ngăn kéo, có cái thằng Búa nặng chình chịch ấy thì mới phải tống nó đi chứ lũ Đinh thì tha. Trời này mà phải nước mưa chúng sẽ bị sốt vàng da, chả mấy lúc mềm ra mà chết, tội nghiệp lắm!


Lũ đinh được tha cảm ơn rối rít. Chúng nằm sát vào nhau và cố giấu cái cẳng nhọn hoắt đi để khỏi làm phiền ông Bàn, chú Ngăn kéo.


Vụ lộn xộn làm mọi vật tạm quên cái chết anh hùng của bác Đèn xếp. Mưa ngớt dần, chỉ còn tiếng nước xối ào ào trong các ống cống trước hiên.


Bỗng nhiên, mọi vật trong phòng nghe tiếng khóc nỉ non từ ngoài hiên vọng vào. Ông Tủ hốt hoảng:


– Chết chửa! Có chuyện gì vậy? Có cụ Sách nào lạc ra ngoài ấy không?


Các vật nhốn nháo. Chú Con Quay đã đứng dậy xoay tít, sửa soạn cuộc dò thám. Nhưng thềm cửa quá cao, dù quay tít hết cỡ, chú cũng không sao nhảy ra ngoài được. Chú nói:


– Tôi chịu. Chị Bóng bay ráng xem chuyện gì ngoài đó.


Bóng bay đã được cậu bé thổi phồng trở lại. Nhưng trước kia mặt mũi chị trong, đẹp và thân hình hoàn toàn nhẹ nhõm vì khinh khí. Giờ thì hết rồi, chị căng lên sống đỡ qua ngày vậy thôi. Chị không sao nhấc mình khỏi mặt đất được nửa thước. Nhờ gió xô đẩy, chị Bóng bay lê la suốt ngày trong phòng một cách buồn bã, làn da lại nhăn nheo, thân thể lại mềm dần. Khi trời bắt đầu mưa, làn gió lạnh đã xô chị vào gầm tủ, tại đây nếu không né kịp thì chị đã bị một cây kim gút ám hại. Cái cẳng chân nhỏ xíu nhưng nhọn hoắt nhưng thừa sức làm chị toi mạng.


Nghe chú Con Quay gọi, chị Bóng vội rời gầm tủ, lê tới gần cửa. Sau cái gương sáng của bác Đèn xếp, vật nào cũng tỏ ra biết hy sinh cho vật khác. Chị Bóng bay ham làm việc thiện hơn tất cả vì chị biết mình chả còn ở đây lâu, chưa biết xẹp lúc nào. Chính cây chổi sẽ đưa tiễn chị tới nơi an nghỉ cuối cùng là cái giỏ rác. Ra đi như thế mà không để lại một kỷ niệm đẹp nào thì tệ quá.

 
Dựa theo chiều xô đẩy của hướng gió, chị Bóng bay tự để cho mình va chạm vào chân ông Bàn rồi nhảy phắt ra ngoài hiên.


Chị thấy ở đó một chàng Guốc Mộc, đang đứng dầm mình trong mưa và nức nở khóc.


Lập tức, chị Bóng bay thông báo cho mọi vật trong phòng. Chàng Guốc nghẹn ngào vẫn chưa nói được. Bóng bay hỏi gặng mãi:


– Sao anh khóc?


Một lát sau, Guốc Mộc mới trả lời:


– Chị không biết gì sao?


– Chuyện gì vậy?


– Chị có bao giờ thấy tôi đứng một mình chưa?


Chị Bóng bay như hiểu ra:


– À, phải. Thế còn anh kia đâu? Sao anh lại đứng một mình? Bao giờ tôi cũng thấy hai anh có đôi như bóng với hình mà?


– Trên đời chắc có ít vật thân nhau như chúng tôi?


– Đúng vậy.


– Thế mà thằng kia bỏ tôi, đi rồi đó.


Chàng Guốc lại nghẹn ngào. Nỗi cô đơn của chàng chắc ghê gớm lắm. Chị Bóng bay giữ yên lặng trước nỗi khổ đau của Guốc. Đó là thái độ vừa lịch sự vừa khôn ngoan. Quả nhiên, sau đó, chàng Guốc kể lể hết:


– Thằng kia với tôi giống nhau như anh em sinh đôi. Chúng tôi là bạn thân. Tôi biết tính nó, suốt ngày nó chỉ mơ được phiêu lưu.


– Chuyện đó có gì xấu?


– Vâng. Nó muốn phiêu lưu quá khả năng của nó. Nó say mê nghe chuyện các bác Giầy, bác Dép. Nó muốn được đi khắp nơi như họ. Thế mà, chị biết đấy, nhiệm vụ của chúng tôi là chỉ đi quanh quẩn trong nhà, ngoài sân, hoặc xuống bếp. Tôi thích cuộc đời quanh quẩn nhàn hạ. Trời cho sức mình đến đâu thì mình làm đến đó. Tôi khuyên nó nhiều lần nhưng nó không chịu. Cả ngày nó nằm mơ tới những chân trời xa lắc, những con đường trải thảm nhung theo lời bác Giầy kể. Tôi nghi bác ấy thêu dệt nhiều, nhưng thằng bạn tôi thì tin lắm. Có lần, nó điều đình với một bác Dép, đứng thế vào chỗ bác. Nó hy vọng ông chủ sẽ lầm lẫn và vốn đãng trí, ông sẽ lôi nó đi khắp nơi. Nhưng ông chủ vừa đặt chân lên nó là biết liền, lầm gì được! Tội nghiệp, nó thất vọng quá, ỉu xìu, trong một tuần bị đứt quai hai lần.


Mưa ngớt nên những lời chàng Guốc kể các vật trong phòng đã nghe rõ. Giầy, Dép khúc khích cười. Ông Cung Tên nạt ngay:


– Đừng kiêu căng thế.


Giầy, Dép im lặng, nhưng vẫn cười thầm. Đối với chúng, lũ Guốc thật là quê mùa cục mịch, vậy mà lại có một tên quê mùa học đòi phiêu lưu. Thật là lố bịch.


Chàng Guốc kể tiếp:


– Càng ngày, sự mơ ước được phiêu lưu càng khiến nó ngơ ngẩn. Nó bảo muốn cái thân nó được mòn đi ở những nơi xa lạ. Cái mặt đất quen thuộc này đã khiến nó mòn mất gần nửa cuộc đời rồi.


– Hôm nay, trời mưa to, chúng tôi đứng ngoài hiên, tiện thể tắm luôn. Lúc nãy đột nhiên nó nhìn thấy dòng nước chảy trên đường mương. Đường mương đầy, nước chảy xiết. Nó hỏi bác Giầy: " Nước chảy về đâu? ". Bác Giầy cho biết nước chảy đi khắp nơi. Ấy thế là nó hét lên: " Dịp may của ta đã tới ". Rồi nó hỏi tôi: "Đi không? ". Tôi hỏi lại: "Đi đâu? ". Nó có vẻ khoái trá: "Đi khắp bốn phương trời ". Tôi chưa kịp lên tiếng cản ngăn thì nó đã nói: " Tao biết! Mày nhát như cáy, mày đâu có dám rời cái xó bếp. Thôi mày cù lần mày cứ việc ở lại, ông đi phiêu lưu đây ". Ấy thế là nó nhào ngay xuống đường mương, nước cuốn nó đi băng băng, thoáng một cái chả thấy nó đâu nữa.


Chàng Guốc lại ngậm ngùi. Giây phút chia ly kinh hoàng ấy thật ghê gớm. Chàng không hiểu sao tên bạn thân của mình lại có thể mang một tâm hồn sắt đá như thế. Guốc hỏi chị Bóng bay:

- Chị đã từng được lên cao, đi xa, chị có biết dòng nước chảy về đâu không?


– Nước chảy ra sông, sông về biển.


– Không biết giờ này nó đã ra tới biển khơi chưa?


Một bác Giầy xen vào:


– Làm sao mà ra tới biển!


– Tôi thấy nó đi lẹ lắm.


– Lẹ cũng chưa chắc đã ra tới sông. Chưa biết chừng hắn bị mắc kẹt ở đường cống nào rồi. Xưa nay có ai dại dột phiêu lưu theo cái kiểu kỳ cục vậy.

 
Chàng Guốc lặng thinh. Tưởng chàng đã nguôi thương nhớ, chị Bóng bay dựa theo một làn gió, bay vào phòng. Nước mưa làm chị thấy lạnh. Bỗng Guốc lên tiếng, giọng rất bình tĩnh:


– Bác Dép ơi! Đời tôi như thế này kể là tàn rồi phải không?


Dép hốt hoảng:


– Sao anh lại nghĩ vậy?


Chàng Guốc cay đắng:


– Thôi, bác giấu tôi làm gì. Chúng ta dù sao cũng có họ hàng xa gần với nhau. Số mệnh của chúng ta chả khác nhau mấy. Một chiếc dép, một chiếc guốc chỉ còn một mình trên đời là hoàn toàn vô dụng, không sớm thì muộn tôi cũng bị đưa về nghĩa địa thùng rác.


Bác Dép lúng túng. Chị Bóng bay vội lên tiếng:


– Anh Guốc nghĩ quẩn rồi. Phải can đảm lên chứ.


Guốc vẫn điềm tĩnh:


– Tôi có sợ hãi gì đâu. Nếu thằng kia không bỏ đi tôi sẵn sàng chăm chỉ làm bổn phận cho đến khi mòn quá nửa thân mình. Các bác biết đấy, suốt từ ngày về đây chưa bao giờ tôi chịu đứt quai. Nhưng bây giờ tình thế khác hẳn. Một chiếc guốc cô đơn là chiếc guốc hoàn toàn vô dụng. Tôi tự coi như đã bị tàn phế.


Chị Bóng Bay lúng túng nốt. Các vật trong phòng xúm lại an ủi Guốc, nhưng không ai bác bỏ được những điều Guốc suy nghĩ. Số phận một chiếc Guốc cô đơn rõ rệt quá!


Guốc đột ngột gọi to:


– Cụ Sách ơi! Tôi nghĩ đúng phải không?


Không có tiếng cụ Sách trả lời. Guốc gọi to hơn, vẫn im lặng. Ông Tủ vội nói:


– Cụ Sách ngủ say rồi.


Ông Bàn càu nhàu:


– Sao lại cứ phải hỏi cụ Sách. Làm như cái gì cụ ấy cũng biết.


– Trường hợp của tôi chắc có ghi rõ trong lòng cụ ấy.


Ông Bàn vẫn công kích:


– Ôi chao! Chắc gì ở cái lão gàn ấy. Tôi hỏi bác, có biết bao điều rắc rối mà cụ Sách không kịp ghi trong lòng? Chẳng hạn như các bác không có cái chân nào sao các bác được đi cùng khắp, còn tôi sơ sơ cũng có tới bốn cẳng mà đứng đâu đứng đó, cả năm chả nhích được một phân. Sự đời là vậy. Ta cứ can đảm chịu đựng số phận là quí nhất.


Ông Cung Tên lên tiếng:


– Chuyện gì rồi cũng quen cả, anh Guốc ơi. Sự cô đơn mới đầu có vẻ ghê gớm sau cũng tầm thường. Anh chịu được những phút đầu là chịu được mãi.


Mưa dần dần trở lại nặng hạt. Tiếng chàng Guốc lẫn trong tiếng mưa reo trên mái ngói.


– Xin cám ơn quí vị đã có lòng thương mà khuyên bảo. Thực ra, tôi đâu có sợ sự cô đơn, tôi chỉ thất vọng vì bỗng dưng mình thành vật vô ích. Phải đứng cạnh thằng kia đời tôi mới có ý nghĩa, số mệnh đã xếp đặt như vậy. Tôi rất ghét phiêu lưu, không muốn làm việc ngoài khả năng, phạm vi mình. Nhưng tôi phải đi tìm thằng bạn, dù nguy hiểm cũng phải đi tìm. May mắn gặp lại nó, chúng tôi trở lại là đôi guốc có ích. Nếu không gặp lại nó, tôi cũng yên tâm rằng những ngày cô đơn tôi không sống như một kẻ tàn phế. Xin vĩnh biệt quí vị.


Nói xong, chàng Guốc lặng lẽ phóng mình xuống đường mương. Dòng nước lại cuồn cuộn kéo đi một chàng Guốc phiêu lưu. Chàng biến mất rất nhanh trong mưa mù và bóng tối.


Mọi vật trong phòng sững sờ. Họ ngẩn ngơ im lặng, lặng nghe tiếng nước, tưởng theo dõi được tiếng thân chàng Guốc trôi bập bềnh trên sông.


Hai đêm chứng kiến liền hai thảm kịch, bông hoa trên bàn rũ xuống như sắp tàn.


Bỗng có tiếng thở dài:


– Tội nghiệp!


Đúng là tiếng cụ Sách. Mọi vật nhao nhao lên:


– Cụ Sách thức.


– Ê! Lúc nãy cụ Sách giả vờ ngủ.


Ông Bàn càu nhàu:


– Này ông lão gàn. Sao lúc nãy ông không trả lời anh Guốc, còn vờ ngủ, chơi xấu vậy hả?


Giọng cụ Sách trầm trầm:


– Anh Guốc đã nghĩ đúng. Tôi muốn an ủi anh ấy thì phải nói dối. Một quyển sách tự trọng như tôi không có quyền nói dối. Tôi đành phải im lặng.


Ông Cung Tên nói:


– Cũng là phiêu lưu, nhưng cuộc phiêu lưu trước là do sự tò mò, háo thắng, dại dột. Cuộc phiêu lưu sau do ý muốn tìm ý nghĩa cho đời mình. Chúng ta không thể cản chàng Guốc được.


Có đôi dép tí hon nằm dưới gầm tủ rụt rè lên tiếng hỏi cụ Sách:


– Cụ Sách ơi. Bây giờ họ ra tới biển chưa?


Cụ Sách dịu dàng:


– Chưa đâu. Chắc họ mới gặp nhau và hẹn hò nhau cùng bơi ra sông, các cháu ạ.

Diều giấy mắc nạn


Cuộc sinh hoạt của đồ vật đêm nay mở màn sớm hơn thường lệ. Quả thật đã có nhiều điều xui xẻo xảy ra trong thế giới của chúng. Nơi gầm tủ kể từ nay đã vĩnh viễn vắng mặt anh Diều giấy. Anh ta là vật có cuộc đời sôi nổi, phiêu lưu nổi tiếng. Anh đã đem tính mạng mình treo đầu sợi chỉ. Chiều nào anh cũng bay lượn lửng lơ giữa bầu trời xanh, vẫy vùng trong gió. Đêm về, anh mệt, thường ngủ bù hoặc im lặng sống cuộc đời riêng. Anh có vẻ ích kỷ và hơi kiêu căng.


Anh Diều giấy đã gặp nạn! Nhưng mọi vật trong phòng không hiểu kẻ bay cao ấy thọ nạn thế nào?


Cuộn chỉ được coi là vật kể chuyện hấp dẫn, đáng tin nhất. Bởi vì, chỉ có mình nó chứng kiến tai nạn và ở bên anh Diều giấy những giây phút chót.
Cuộn chỉ nằm trên bàn, thỉnh thoảng lăn qua lăn lại cho thêm phần quan trọng. Ông Bàn gợi chuyện trước:


– Tao nghi chính mày có lỗi to nhất trong việc làm hại anh Diều giấy.


Cuộn chỉ cãi ngay:


– Cháu không có lỗi gì hết.


– Không có lỗi? Chắc chỉ của mày đứt rồi anh ấy bị gió lôi đi mất tích chứ gì. Cái lũ chỉ chúng mày bở bùng bục, mày giữ anh Diều nào là anh Diều ấy bị gió bắt cóc mất tiêu.


– Ông Bàn kết tội hồ đồ quá. Ông phải biết cháu là một trong những cuộn chỉ dai nhất. Gió to tới bậc nào cháu cũng níu anh Diều lại được. Vả lại, chúng cháu lên cao xuống thấp có nhau, thân thiết như tình ruột thịt, đời nào cháu lại chịu cho gió bắt cóc anh ấy. Thú thực với ông chưa có anh Diều giấy nào được cháu quí như anh này. Thân thể anh ấy cân đối, vững vàng, gặp một chút gió là bay bổng.


– Thế sao anh ấy gặp nạn?


– Thì ông để từ từ, cháu phải nhớ lại mọi chuyện rồi mới kể được.


Ông Bàn đành im lặng nhưng vẫn hậm hực.


Cuộn chỉ lăn qua lăn lại thêm vài vòng, rồi bắt đầu tường thuật nội vụ:


– Chiều hôm nay gió to, cậu bé đem anh Diều giấy đi thả sớm. Như mọi lần, cậu vào công viên, nơi đây có bãi cỏ rộng. Anh Diều giấy no gió bốc thẳng lên trời. Tôi ( lời cuộn chỉ ) níu kéo anh ấy thật là mệt. Cái đuôi ba màu của anh ấy bay phất phơ rất đẹp. Những hôm Diều no gió chỉ có cái thân làm cuộn chỉ chúng tôi là khổ. Chịu không nổi để anh Diều bay đi mất thì thật mang tiếng xấu muôn đời. Nhưng bù lại, anh Diều bay cao, chúng tôi cùng chung niềm kiêu hãnh.


– Tôi có bao nhiêu chỉ được mặc sức thả ra hết cho anh Diều tha hồ vùng vẫy. Anh lên cao hơn các anh Diều khác rất nhiều. Cậu bé hài lòng, vui cười suốt buổi.


– Thình lình trời đổ mấy hột mưa cậu bé đành thâu chỉ lại, kéo Diều xuống ra về. Một chiều hoạt động như thế kể cũng là nhiều rồi.


– Khi chúng tôi về gần tới nhà, mưa chợt tạnh, mây đen tan dần. Gió lại nổi lên, rất hấp dẫn, nhưng ngại trở lại công viên, sợ gặp mưa thình lình, cậu bé đưa chúng tôi lên sân thượng. Anh Diều lại được tung ra. Nhưng gió trong thành phố vướng nhà cửa thổi không đúng chiều nhất định. Anh Diều chưa kịp lên cao đã đảo hai vòng và đâm đầu ngay xuống, mắc tòn ten giữa những sợi dây điện….


Các vật trong phòng ồ lên một tiếng, xôn xao vì cái tai họa bất ngờ. Cuộn chỉ bùi ngùi tiếp:


– Quí vị nào có dịp ra khỏi nhà thì biết đấy. Đường phố đầy dây điện, chỗ nào cũng có, nhà cửa lại san sát, thật chả có chỗ nào đủ rộng cho một anh Diều cất cánh, hạ cánh an toàn. Phải bay nhảy trong thành phố là một điều vô cùng nguy hiểm, mất mạng như chơi.


– Ngay khi anh Diều mắc trên dây điện cậu bé đã tìm cách cứu ngay. Nhưng cái đuôi của anh ấy dài quá. Cứ mỗi lần gió thổi cái đuôi lại quấn thêm một vòng vào dây điện. Diều giấy lại bị trói chặt vào đó.


– Cậu bé liều lĩnh và dại dột kéo mạnh một cái. Ấy thế là hai sợi dây điện được dịp chạm nhau. Như mọi vật biết đấy, bọn dây điện đâu có ưa gì nhau. Vừa chạm mặt là chúng hét lên, lửa xanh, lửa đỏ tung toé. Chỉ đứt luôn! Cậu bé cầm tôi chạy thẳng, anh Diều bị giam cứng trên đó.


– Tôi vẫn hy vọng một lúc nào đó anh được gió vô tình gỡ ra. Nhưng buổi tối mưa to. Tôi thực tình không biết số phận anh Diều ra sao, nhưng anh ấy khó lòng thoát nạn.


Cuộn chỉ không lăn qua lăn lại, đứng im lặng ngậm ngùi. Bỗng ở góc nhà, có tiếng nói:


– Anh Diều giấy tan xác rồi.


Đó là tiếng bác Ô đen. Chiều qua bác về nhà trễ nhất. Bây giờ bác Ô đen kể:


– Tôi đi với ông chủ nên về trễ. Tôi thấy anh Diều giấy nằm chết cứng trên dây điện, đuôi anh ấy đứt hết. Một bên cánh chỉ còn trơ cái xương tre, trận mưa to đã tàn phá anh ấy hoàn toàn rồi.


Mọi vật cùng hướng về phía gầm tủ nơi trước kia Diều giấy vẫn nằm. Nơi đó trống không buồn bã. Nhiều vật trước kia có chuyện xích mích với Diều giấy đều cảm thấy ân hận. Đáng lẽ phải cư xử tốt với anh ta. Một vật luôn luôn bay lơ lửng lưng trời đâu có hứa hẹn ở với ta lâu dài. Muôn vàn nỗi tiếc thương lúc này cũng là vô ích. Chỉ có niềm vui đem đến cho anh ta trước đây mới thật là quí giá đáng kể.


Ông Bàn lại càu nhàu:


– Lỗi hoàn toàn ở cậu bé.


Cụ Sách thở dài trong tủ:


– Hồi này cậu bé ít hỏi ý kiến tôi. Cậu ấy ham chơi quá rồi.


Ông Bàn vặn cụ Sách:


– Xin lỗi cụ, trong lòng cụ làm gì có ghi cái vụ cứu chiếc Diều giấy bị mắc trên dây điện?


Cụ Sách điềm nhiên:


– À, điều đó dĩ nhiên là không. Nhưng tôi dạy cậu ấy rằng không bao giờ được thả diều trong thành phố.

Cây roi kể công


Cây Roi đứng cạnh anh Phất trần trên nóc tủ sách. Thân thẻ hắn bóng loáng, hắn nói dõng dạc, oai nghiêm như một ông tướng:


– Thưa quí vị đồ vật trong phòng. Tôi trả thù cho quí vị rồi đó.


Cây roi ngưng nói nhìn một lượt từ ông Cung tên quí phái, ông Bàn hay càu nhàu, con Quay hay xoay tít, đến chị Bóng bay bắt đầu ốm ở xó nhà. Mọi vật im lặng. Cây Roi hiểu rằng tất cả đang chờ đợi hắn nói. Hắn kể.


Cây Roi không vào chuyện ngay, hắn hỏi:


– Ông Bàn có phải ông bị chú bé hành hạ nhiều nhất không?


Ông Bàn chậm rãi:


– Cái đó thì chắc rồi. Anh xem cái mặt tôi đủ màu lem luốc thì biết. Mới hồi chiều nay cậu ấy còn cao hứng, cậu ấy cầm dao chém lên mặt tôi cồng cộc. Thật không thể tưởng tượng cái mặt tôi bây giờ nó nham nhở tới bậc nào.


Cây Roi lại xoay sang anh Ghế:


– Còn anh Ghế thì sao?


– Ối giời! Suốt ngày nếu có dịp là cậu ấy nhảy lên mình tôi rầm rầm, mà chân cậu ấy thì bẩn quá sức. Tôi nghĩ cứ cái đà này chắc có lần tôi què cằng lăn kềnh trước ông Bàn mất thôi.


– Còn cụ Sách?


– Còn phải nói. Anh cứ xem cái gáy tôi thì biết. Tên chuột đã cắn tôi bị thương nặng, sứt hết bộ áo ngoài. Nếu không có bác Đèn xếp và ông Cung tên cứu thì cái thân tôi đã nát bấy ra rồi.


Cây Roi có vẻ hoan hỉ:


– Thôi, thế là đủ rồi. Bây giờ quí vị có thể ăn mừng. Kẻ thù của quí vị đã bị phạt nặng, chính tôi đích thân thi hành bản án trừng phạt ấy.


Ông Cung tên hỏi:


– Chú bé đã bị phạt à?


Cây Roi lắc lư đắc chí:


– Vâng. Buổi chiều hôm nay, ông chủ nhà đã bắt chú bé nằm xấp trên giường, tôi được nằm bên cạnh chờ đợi.


– Đầu tiên ông chủ hỏi tội chú bé về việc hành hạ ông Bàn anh Ghế. Chú làm đổ mực, chú nhảy nhót trên ghế, chú chém mặt bàn, ông đều biết hết. Rôi ông kể tới việc chú không chịu thăm nom hỏi han ông cụ Sách. Chú đã quên cho cụ Sách vào bụng ông Tủ để cụ Sách bị chuột ám hại.


– Tôi lo nhất là chú bé làm mất mạng anh Diều giấy, và làm hai sợi dây điện gặp nhau toé lửa, suýt gây hoả hoạn.


– Sau đó, ông chủ cầm tôi lên và đét cho chú bé ba roi vào mông. Thú thực trước những tội lỗi tầy đình như thế, tôi cũng giận quá, tôi đã hạ xuống mông chú bé những roi đích đáng. Thù của quí vị đã được trả…


Cây Roi ngưng lại chờ mọi vật hoan hô. Nhưng hắn vô cùng ngạc nhiên, tất cả đều im lặng. Cho là lời kể của mình chưa đủ yếu tố hấp dẫn, hắn thêm:


– Chú bé đã bị lằn ba vệt đậm ở mông.


– Chú bé đã khóc suốt buổi chiều và tỏ ra hối hận.


Căn phòng vẫn im phăng phắc. Cây Roi ngẩn ngơ nhìn hết vật nọ đến vật kia.


Thình lình, ông Cung tên lên tiếng:


– Chị Bóng bay đâu?


– Dạ.


– Chị còn đi được không?


– Tôi sẽ cố gắng.


Chị Bóng bay nhúc nhích ở cuối phòng rồi dựa theo gió lăn ra giữa nhà.


Không chờ ông Cung tên gọi, chú con Quay tự động xoay tít đứng cạnh chị Bóng bay. Ông Bàn nói:


– Chắc chú bé đang ngủ ở phòng bên.


Thế là Bóng bay và con Quay lần mò sang phòng bên. Một lát cả hai trở về báo cáo:


– Chú bé đã ngủ.


Ông Cung tên hỏi:


– Chú ấy ngủ ngon chứ?


Con Quay đáp:


– Dạ. Chú bé ngủ rất say sưa. Anh Đèn ngủ đuổi chúng tôi, không cho lại gần, sợ làm chú bé thức. Anh ấy rải trên khắp người chú làn anh sáng hồng rất đẹp.


Anh Ghế hỏi:


– Xem chú ấy có vẻ đau đớn gì không?


Chị Bóng bay đáp:


– Không đâu. Tôi thấy chú ấy mơ ngủ và mỉm cười.


Lúc ấy, mọi vật trong phòng mới thở phào nhẹ nhõm và vui tươi trở lại. Bình hoa trên bàn đã chịu nở thêm hai bông. Cây Roi ngẩn ra, ngạc nhiên:


– Ủa? Sao? Sao quí vị lại….


Không để cây Roi nói hết. Ông Cung tên chậm rãi đáp:


– Cám ơn anh Roi đã có ý binh vực chúng tôi. Nhưng anh lầm rồi. Thực ra chúng tôi rất quí chú bé. Lỡ chú ấy làm lỗi bị phạt, chúng tôi thương xót lắm. Chúng tôi chỉ ước mơ chú ấy hiểu tâm sự chúng tôi mà cũng thương lại chúng tôi. Nghe anh kể chú bé bị đòn chúng tôi rất buồn.


Cây Roi hỏi:


– Ông Bàn cũng không oán chú bé sao?


Ông Bàn khề khà:


– Tức thì nói cho hả, chứ làm sao tôi không thương chú ấy được. Ngày nào chú ấy cũng tựa vào mặt tôi mà học bài. Tôi thương yêu chú ấy nhất.

 
Cây Roi ỉu xìu, lăn quay ra nằm cạnh anh Phất trần.

Tờ lịch đầu tháng


Trước khi bị bóc đi, tờ lịch ngày ba mươi mốt nói với tờ lịch ngày mồng một:


– Ta sắp vĩnh viễn giã từ chú em. Ngày sắp tới là ngày riêng của chú, chú sẽ mở đầu một tháng. Chú có riêng mình một buổi bình minh, một buổi trưa, một hoàng hôn và có cả đêm tối. Nhưng chú phải nhớ, phải nhớ cho thật kỹ một điều: chú em chỉ được sống đúng một ngày thôi đấy nhé. Dòng họ chúng ta mang cái truyền thống ấy, đời sống chúng ta ngắn ngủi và rất chính xác. Vậy hãy sống cho ra sống, đừng bỏ phí một giây nào.


Tờ lịch ngày ba mươi mốt rớt xuống, tờ lịch ngày mồng một trình diện cuộc đời. Nó mang trên mình đầy đủ di tích và đặc tính của những tờ lịch trước. Vẫn khuôn mặt hình chữ nhật, vẫn là năm 1974, chỉ có tháng mới, ngày mới.
Đầu tiên tờ lịch ngất ngây vì trách nhiệm, vì đời sống đột ngột hiện ra trước mặt.


Nó có riêng mình một buổi bình minh.

 
Nắng đầy cửa sổ, nắng tràn trên sân nhà. Chị Rèm cửa nép mình một bên vẫn hồng lên rực rỡ. Hàng muôn ngàn hạt bụi đuổi nhau tung tăng, sưởi mình trong nắng. Chúng giống hệt những tinh cầu trong vũ trụ của một chú búp bê vô cùng bé nhỏ. Bác Gió, sau một đêm du hành trong không gian mênh mông đem về cho bình minh một chút quà lành lạnh của sương đêm và mùi thơm dịu dàng của cây trái cỏ hoa.


Để chào tờ lịch ngày mồng một, mọi vật mặc áo mới, tươi mát và sạch sẽ.
Tờ lịch cảm thấy mình quan trọng, nó tin rằng mọi vật đang chờ đợi nó ghê lắm. Tờ lịch nói:


– Xin nhắc quí vị, hôm nay là ngày mồng một đầu tháng.


Mọi vật lặng thinh, bình thản. Đã có biết bao nhiêu bình minh qua đi trong phòng này! Mọi vật không có lý do gì để vội vã. Nhưng vài vật cảm thông với tờ lịch, nó chỉ có độc nhất một buổi bình minh. Nó có quyền say sưa cuống quít. Tờ lịch lại nói:


– Xin nhắc quí vị bình minh rồi. Đời sống đẹp quá, phải vui lên chứ.


Ông Bàn bắt đầu hơi bực mình, ông càu nhàu:


– Này chú bé con, đừng làm ồn. Đâu có phải bọn này đợi chú ra đời rồi mới được biết tới bình minh.


Tờ lịch im, nhưng vẫn nôn nao, bồn chồn.


Nó bắt đầu để ý tới từng vật xung quanh. Trong buổi bình minh hồng hào khỏe mạnh, tờ lịch quan sát và học hỏi về đời sống của những vật khác biệt, như chú học trò bắt đầu cắp sách tới trường.


Buổi trưa tờ lịch biết rõ về ông Bàn, anh Ghế, chú con Quay. Nó cũng biết tại sao cụ Sách được mọi vật kính trọng. Nhất là tờ lịch biết rõ nhiệm vụ của nó: nhắc nhở mọi người, mọi vật biết họ đã bước tới đâu trên con đường thời gian vô tận.


Còn việc nhắc nhở thời gian đi mau đã có bác Đồng hồ.


Nhưng khi chiều tới, tờ lịch lại nhớ tới lời nhắc nhủ của vị tiền nhiệm.


– ….chú em chỉ được sống đúng có một ngày thôi đấy nhé….vậy hãy sống cho ra sống….


Mặt trời lặn, bóng tối về. Tờ lịch biết rằng nó chỉ còn đúng có một đêm. Và bắt đầu từ giây phút này, nó cũng không còn là vật cần thiết nữa rồi.


Buổi chiều chú bé chủ nhân căn phòng đã nhìn nó một lần để tính toán ngày tháng, thế là tờ lịch mãn nguyện.


Nhưng tờ lịch biết rằng qua đêm nay khi bình minh khác bắt đầu, nó sẽ rơi xuống, nhường chỗ cho đàn em.


Nửa đêm tờ lịch hỏi Đồng hồ:


– Xin bác coi giúp: Tôi còn mấy giờ nữa?


Đồng hồ đáp:


– Khoảng sáu tiếng.


Khi hỏi bác Đồng hồ lần thứ hai, biết chỉ còn sống còn bốn giờ tờ lịch bỗng nói với mọi vật:


– Thưa quí vị! Xin quí vị giúp cho tôi một điều. Tôi muốn được thấy mọi vật đều vui. Những thế hệ trước tôi hẳn đã từng nhiều lần được hưởng chuyện đó. Nhất là những tờ lịch có may mắn ra đời nhận công tác vào đúng một ngày lễ.


– Có lẽ sự đòi hỏi của tôi làm phiền vài vị. Nhưng tôi chỉ sống đúng một ngày và ngày sắp hết. Mong quí vị nghĩ tình tương trợ muôn loài mà tha thứ cho.


– Tôi hiểu rằng, ngoài khung cửa sổ kia, ngày rộng lớn mênh mông, rộng bằng cõi nhân gian muôn màu muôn vẻ mà tôi đã được nghe bác Ô đen, những chú Giầy Dép kể lại một phần. Ngày có những bình minh lạ, những hoàng hôn xa mà tôi chẳng hề biết tới.


– Nhưng ngày của tôi thu nhỏ trong căn phòng này. Tôi thấy ông Bàn, cụ Sách, chú con Quay, tôi sống với chị Bóng bay, anh Ghế….Chính các vị làm thành ngày của tôi….Sinh hoạt, nỗi buồn của quí vị là ngày của tôi….


– Chỉ còn một đêm nay, tôi mong quí vị tặng cho phần cuối cùng của đời tôi những giây phút rực rỡ.


Tất cả các vật trong phòng lặng thinh. Chúng xúc cảm.


Chú con Quay chạy ra giữa phòng xoay tít. Cây Đàn ném ra một trận mưa nốt nhạc. Bông hoa trong bình mở tung tươi hồng như vừa tình dậy sau một giấc mộng đẹp. Bốn cây nến rực sáng ở các góc phòng. Cụ Sách phanh cái bụng đầy chữ ra, ngâm một bài thơ cổ. Chị Rèm cửa gọi bác Gió tới và thướt tha khiêu vũ trong ánh nến vàng tươi.


Tờ lịch hân hoan vừa hát theo tiếng đàn vừa chờ bình minh tới.

Có những ngày mà mọi vật quanh chúng ta bỗng dưng vui tươi, hớn hở. Hoa đẹp hơn, mặt bàn sạch sẽ hơn, chú con Quay tài tình dễ thương hơn. Tại vì tờ lịch đấy.


Đó là tờ lịch biết quí trọng, mến yêu vô cùng một ngày riêng của nó.

Những giọt mực


Đêm hơi lạnh. Ánh trăng lọt qua cửa sổ, soi sáng một chút mặt ông Bàn. Bình mực thủy tinh đổ nghiêng, mang trên mình mảnh trăng nhỏ xíu, lấp lánh, xa vời.


Dòng mực xanh chảy lan trên mặt ông Bàn đã khô. Đáy bình còn một gợn đen đậm nhỏ. Đó là ba giọt mực cuối cùng.


Ông Bàn giận lắm. Chưa bao giờ ông giận đến thế. Chú Ngăn kéo sợ ông sẽ quẳng tất cả các vật trên thân thể ông xuống, kể luôn chú. Chú gắng thu xếp các vật trong lòng mình, cho chúng nằm thứ tự gọn gàng. Ở đậu trong bụng ông Bàn, chú Ngăn kéo luôn tế nhị, giữ gìn.


Nhưng lần này, lỗi không ở chú Ngăn kéo.


Ông Bàn to tiếng:


– Ông Cung, cụ Sách nghĩ coi: tôi làm sao chịu nổi. Trong phòng này tôi là món đồ xui xẻo, cực khổ nhất.. Vật gì cũng có thể nhảy lên mặt tôi được. Ban ngày tôi còn phải cõng cả ánh nắng, ban đêm cõng ánh trăng, toàn những món đồ do chị Cửa sổ mang về.


Cửa sổ nhỏ nhẹ:


– Ánh trăng và ánh nắng nhẹ tênh mà.


– Đồng ý. Nhưng chị phải biết ánh nắng có thể làm tôi vỡ mặt ra. Tuy nhiên việc đó bỏ qua. Tôi xin hỏi mọi vật: tôi là bàn tôi đâu có là anh hề nhựa, sao mặt tôi ngày một bẩn thỉu, kỳ cục, đầy những vết mực dọc ngang, lộn xộn?


Anh Bút chì nằm bên cạnh cô Vở quăn góc nói nhỏ:


– Cháu chỉ lỡ vẽ trên mặt bác một cái xe hơi, một cái nhà…


Anh Bút bi cũng lên tiếng:


– Cháu vẽ một con vịt.


Ông Bàn giận dữ hơn:


– Hình đó đâu phải là con vịt. Đó là một thứ quái vật, đầu to như đầu ngựa, hai cẳng như cây tăm. Tôi yêu cầu các cháu từ giờ đừng có trổ tài hoạt hoạ nữa.


Cụ Sách lên tiếng nghĩa là mở cửa kho đạo đức:


– Những vật trên mặt ông Bàn không biết điều chút nào. Hãy noi gương những vật ở nhờ trong lòng ông Tủ. Họ tới, họ đi, biết bao đợt rồi, lòng ông Tủ vẫn sạch sẽ.


Ông Cung góp lời:


– Vật cẩn thận không bao giờ để lại dấu tích nơi mình đã cư ngụ, nhất là những dấu tích mất vệ sinh. Ngày xưa, khi còn đi theo các chiến sĩ, ta đã từng cắm trại, các chiến sĩ không để lại một cái hố nhỏ.


Sau câu nói của ông Cung, ông Bàn đã bớt càu nhàu, nhưng chưa nguôi giận.


– Lỗi tại tôi xin ông Bàn tha thứ. Tôi đứng không vững nên mới ra cớ sự.
Đó là câu nói của bình mực thủy tinh. Tất cả xôn xao của mọi vật, cùng cơn giận của ông Bàn hình như bây giờ mới làm hắn bừng tỉnh. Không phải hắn lì lợm, bướng bỉnh. Hắn là vật đãng trí mơ mộng nhất trong phòng.


Dù chứa mực trong lòng, thân thể hắn vẫn có những phần trong veo. Cảnh vật in hình trên đó, nhỏ xíu, mơ hồ. Không giống mặt gương, phản chiếu hình một cách máy móc, chính xác. Bình mực bóp méo khuôn mặt mọi vật theo ý hắn.


Những đêm trăng như đêm nay, đứng gần cửa sổ, hắn chứa cả trăng sao, bầu trời yên tĩnh. Vài cành cây bên cửa xao động làm cho mảnh thế giới in trên bình mực sinh động, đẹp tuyệt vời. Tất cả mang một màu xanh hơi tối. Nếu một chú kiến lạc vào thế giới nhỏ bé, xinh xắn ấy, chú sẽ biến thành thi sĩ.
Vì vậy, bình mực của chúng ta hoá ra là một vật mơ mộng.


Bình mực đổ, từ cái miệng tròn vo của hắn, mực trào ra, hào hứng như bọn tù vượt ngục. Mặt ông Bàn thêm một vết đen lớn khủng khiếp. Đó là lý do khiến ông giận dữ, nói những lời cay đắng, trách móc lung tung. Tai họa xảy tới từ hồi chiều.


Bình mực đã công khai nhận lỗi, dù chậm, ông Bàn cũng hài lòng. Ông già rồi, không chú ý tới dung nhan mình. Vết mực loang lớn thật, nhưng so với những hình vẽ lăng nhăng, những vết dao chém, nó cũng chẳng làm ông xấu hơn được. Tuy nhiên ông Bàn vẫn doạ:


– Bây giờ anh mới biết lỗi à? Tôi sẽ quẳng anh xuống đất, cho anh vỡ tan xác ra.


Ông Bàn rung nhẹ, các khớp gỗ kêu cót két. Nhiều vật tưởng ông quyết liệt hạ bình mực, đều hoảng kinh. Cụ Sách cất tiếng:


– Xin ông Bàn bớt nóng.


Những cây Bút mực cũng cuống quít can ngăn:


– Anh Bình mực thật dễ ghét, nhưng thiếu anh ấy, chúng cháu mất kho nhiên liệu, hoá vô dụng. Mong ông nghĩ lại.


Chỉ có Bút chì im lặng. Đương sự rất đắc chí vì có thể tự lực, tự cường. Hắn viết ra những chữ mờ nhạt, nhưng khỏi cần nhờ vả , lệ thuộc anh nào. Bình mực sống chết chả ăn nhậu gì tới hắn. Bút chì bị mang tiếng ích kỷ và vụng về. Hắn phải đeo kè kè ở sau đuôi một cục tẩy tròn chuyện việc xoá những bước đi lỗi lầm của hắn.


Những bông hoa thuộc loại tình cảm, nghe chuyện cãi vã xô xát đã thất kinh. Giọng hoa run rẩy:


– Ông Bàn chớ làm vậy! Ông Bàn chớ làm vậy!


Chỉ có ông Cung, vật từng trải, lão luyện là biết ông Bàn doạ chơi. Một vật dễ giận, dễ to tiếng, rồi dễ nguôi như ông Bàn, ít khi làm chuyện ác độc.
Bình mực thủy tinh cũng sợ hãi. Rơi từ mặt bàn xuống, chắc tan xác thật? Nhưng vật đãng trí và mơ mộng này lại tự an ủi bằng trí tưởng tượng. Cần quái gì. Hắn nghĩ. Nếu tan thành trăm mảnh, ta sẽ là trăm mảnh lóng lánh sáng, trăm mảnh mang hình trăng tròn, trăm mảnh bầu trời ngoài khung cửa sổ….không còn một giọt mực nào dính trên thủy tinh, cả trăm mảnh sẽ trong veo.


Tuy nhiên trăm mảnh rực rỡ đó không sống lâu, sẽ gặp nhau trong sự tăm tối của thùng rác. Kẻ mơ mộng, sau phút tưởng tượng tới sự tan tành đẹp đẽ, bỗng biết ớn:


– Tôi đã nhận lỗi rồi mà. Tôi xin hứa sẽ cẩn thận hơn.


Bình mực chưa dứt lời, mọi vật bỗng nghe tiếng khóc. Tiếng khóc vang lên từ trong lòng bình mực. Tiếng khóc tỉ tê tuyệt vọng.


Mọi vật sững sờ, im lặng, lắng nghe. Ông Bàn bối rối trước tiên:


– Này chú Bình mực, ta doạ chơi vậy thôi, sao mà nhút nhát quá vậy?


Bình mực cãi:


– Ông lầm rồi, tôi đâu có khóc.


Quả vậy, đó là tiếng khóc nhỏ bé của ba giọt mực cuối cùng, còn đọng dưới đáy bình.


Ba giọt mực tụ lại, như một giọt nước mắt đen lớn buồn thảm.


Hàng ngàn giọt mực đến rồi giã từ bình mực. Bình mực biến thành nơi tạm trú của chúng. Mới đầu vật mơ mộng này cũng lưu luyến, tất cả những khách trọ. Sau đó quen đi, hắn trở về với nếp sống riêng tư.


Tiếng khóc của ba giọt mực khiến hắn kinh ngạc.


Bông hồng khẽ hỏi:


– Làm sao các em lại khóc?


Một giọt mực nghẹn ngào:


– Bọn em đang khô dần.


Giọt mực thứ hai:


– Chúng em không bao giờ được làm bổn phận của loài mực.


Giọt mực thứ ba tiếp lời:


– Tất cả những giọt mực cùng sinh ra đời với chúng em đều đã sống đầy đủ. Họ được những anh chị bút đón ra khỏi bình, họ biến thành chữ, thành hình vẽ. Họ khô trong danh dự vinh quang, chúng em không như vậy. Chúng em đang héo tàn trong đáy bình mực một cách vô duyên.


Những câu than thở của ba giọt mực khiến cho muôn ngàn chữ trong tất cả những sách vở bừng tỉnh.


Sau đó muôn ngàn chữ cùng hân hoan. Tiếng than của kẻ hậu sinh như lời khen tặng các vị tiền bối.


Cả những giọt mực đã khô hàng trăm năm, đang mờ tới nét chữ cuối cùng cũng góp niềm kiêu hãnh.


Những giọt mực khô trong lòng cụ Sách thì reo vui hơi quá lố. Chúng cất tiếng cười dù cố đè nén, vẫn làm cho những trang sách rung rung. Tất cả những giọt mực vào lòng cụ Sách đều biến thành lời đạo đức, khôn ngoan, dạy dỗ loài người, phác giác những chuyện huyền bí của vụ trụ. Những giọt mực ấy đã tìm được một địa vị hết sức cao trọng, như giọt mực xấu số thứ ba đã nói: " Họ khô trong danh dự vinh quang ".


Cụ Sách phải nạt khẽ:


– Này! Cười vui trước nỗi đau khổ của vật khác là vô ý thức.


Căn phòng đỡ mất trật tự.


Nhưng muôn ngàn chữ vẫn sung sướng, cười thầm, và ba giọt mực đang khô trong đáy bình, tiếp tục khóc tỉ tê.


Chỉ có năm sáu giọt mực khô trong lòng chị Vở cất tiếng an ủi:


– Không ra khỏi bình các em đừng buồn. Như bọn ta đây, đâu có gì là sung sướng. Chúng ta không hoá thành chữ, mà thành một cái hình quái gở.


Quả thực, cậu bé đã dùng những giọt mực này để vẽ một hình người đầu tròn, tóc lởm chởm, không có mũi, chân tay cong queo, kì dị.


Những giọt mực khác, biến thành hình vẽ xấu xí trong vở, trên bìa sách, trên mặt bàn, cũng đua nhau an ủi ba giọt mực. Họ cho rằng ở vĩnh viễn trong bình còn hơn là biến thành những quái thai.


Hàng trăm giọt mực, vết loang lớn trên mặt ông Bàn, bây giờ mới đủng đỉnh lên tiếng:


– Còn bọn chúng tôi thì sao? Cũng nhục nhã lắm chứ. Cả trăm mạng hoá thành vết đen dơ dáy trên mặt ông Bàn, chúng tôi đâu có khóc.


Ba giọt mực vẫn khăng khăng:


– Thà làm một vệt đen còn hơn khô héo trong đáy bình. Chúng tôi biết không phải giọt mực nào cũng gặp may mắn khi ra đời. Nhưng đã là mực, phải được ghi một vết ở đâu đó. Là chữ, là hình vẽ, là một cái chấm xấu xí cũng được, chúng tôi muốn ra khỏi bình. Chúng tôi không muốn chết non và chết vô ích.


Các vật trong phòng lặng thinh. Ba giọt mực cảm thấy mình đang khô héo mau hơn, lại tỉ tê khóc. Bông hồng nghe thấy chuyện chết chóc, buồn rũ cánh. Chị Bóng bay thơ thẩn lăn tới một góc nhà, ngậm ngùi thương những vật nhỏ bé mong manh.


Chú con Quay muốn cất lời an ủi. Nhưng chính chú cũng nghĩ rằng một vật sinh ra đời chẳng để làm gì, chẳng có ích gì thì vật đó buồn phát khóc là phải.


Bỗng dưng ông Bàn hỏi to:


-Sao? Cụ Sách, trong cái bụng đầy nhóc thông thái của cụ, không có ghi câu nào an ủi ba giọt mực hả?


Hồi này, ông Bàn ưa trêu cụ Sách. Ông nghi cụ vẫn có ý coi thường ông. Bụng cụ đầy chữ, bụng ông chỉ có chú Ngăn kéo dốt nát. Thỉnh thoảng ông tìm cách đưa cụ Sách vào thế kẹt. Chẳng hạn ông hỏi cụ: tại sao giầy dép không có chân lại đi khắp nơi, bàn ghế có tới bốn chân thì nằm một chỗ.
Bây giờ ông lại làm cụ Sách lúng túng.


– Ờ….ờ…nghĩ rằng ba giọt mực không nên buồn quá thế. Trời sinh ra muôn vật: mỗi vật có một số phận….


Chưa bao giờ cụ lại nói một câu thiếu dứt khoát như vậy.


Ông bàn bỗng phá lên cười:


– Ha! Ha! Ha! Xin lỗi cụ Sách! Nhà cháu không đồng ý với cụ. Theo quan niệm của vật dốt nát này thì ba giọt mực không có quyền khóc. Cả ba phải reo mừng vì đã sống những ngày đầy ý nghĩa.


Cả phòng kinh ngạc, ba giọt mực nín khóc lắng nghe. Ông Bàn vẫn cười ha hả:


– Hãy coi cái thân tôi này. Tôi là bàn, tôi có hoá ra gì đâu, nhưng tôi đã để cho biết bao nhiêu vị ngồi trên mặt. Các vị ấy đều có ích, thế là cuộc sống của tôi có ý nghĩa.


– Ba giọt mực dưới đáy bình đâu có vô ích. Nếu họ không ở đó thì làm sao các anh chị bút có thể với tới hết tất cả những giọt mực khác?


– Ba giọt mực cuối cùng đã làm một việc có ý nghĩa nhất: họ đội những đứa khác trên đầu, suốt ngày này sang ngày khác. Nhờ vậy, những giọt đứng trên đầu họ mới bám vào ngòi bút, ra ngoài, biến thành chữ.


– Chú Bình mực phải biết điều đó chứ. Bao nhiêu thế hệ mực đã qua trong lòng chú? Mỗi thế hệ đều có ít nhất ba giọt mực nằm dưới đáy, nâng các giọt mực khác lên cao. Sau đó, những giọt hy sinh khô đi trong lặng lẽ.


– Khi nãy, tôi nghe các chữ, những giọt mực khô trong lòng cụ Sách đã cười. Thật là một lũ vô ơn. Dù vinh quang hiển hách đáng lẽ lũ ấy phải biết tới những giọt mực đã đội chúng lên, những giọt mực chịu nằm dưới đáy bình, chịu nhục nhằn, tăm tối và thiệt thòi.


– Vậy ba giọt mực bé tí teo, các cháu có quyền kiêu hãnh. Các cháu đóng góp vào rất nhiều sách vở. Và hàng tỉ chữ, hằng sa số hình vẽ trên cõi thế gian này đều mang ơn những giọt mực nằm dưới đáy bình.


Ông Bàn không cười nữa, căn phòng im lặng hoàn toàn.


Một lát sau, cụ Sách nói với ông Cung tên:


– Lần này, tôi chịu thua lão già lỗ mãng. Lão chỉ có một cái bụng rỗng tuếch mà khôn ngớm!


Trong bình thủy tinh lóng lánh, ba giọt mực cuối cùng kiêu hãnh hân hoan bốc thành hơi.

Tâm sự bác Đinh già


Trời mưa nước thấm qua tường, gầm tủ hơi ẩm ướt. Một bác Đinh già nắm lặng lẽ buồn với cơ sốt vàng da đã trở nên nguy kịch. Hồi xưa bác là chân của một chú con Quay gỗ. Bác cùng chú xoay tít trong những buổi mai nắng hồng, bác xoay tít trên hè phố, trong sân trường. Chú Quay gỗ nghiêng nghiêng chạy vòng quanh các đối thủ, chú giữ thăng bằng tài tình như một người làm xiếc. Khi những con quay khác kiệt sức, ngã quị, chú Quay gỗ còn đứng, thẳng tắp. Trên trường đấu, kẻ đứng vững sau cũng được kể là thắng cuộc. Trước khi đổ xuống, chú Quay gỗ đảo vài vòng. Bác Đinh đã từng khen ngợi:


– Thân hình chú cân đối lắm chúng ta mới tạo được những thành tích vẻ vang như vậy.


Chú Quay gỗ khiêm tốn:


– Tất cả nhờ chân bác. Nếu chân bác không tròn, nhẵn đầu, tôi làm sao đứng vững được.


Bác Đinh hiểu điều đó, bác thầm kiêu hãnh. Chân bác đâu có giống chân cẳng những chú đinh tầm thường. Họ có những cái cẳng nhọn hoắt. Với cái cẳng như vậy họ chỉ có ước vọng là kiếm một chỗ đứng, đứng thật chắc, vĩnh viễn. Cho nên nhiều chú đinh gẫy gập xuống như một bà già còng, vẫn cố bám chặt vào tường.


Bác Đinh của chúng ta không thuộc loại cẳng nhọn, bác có chân tròn sẵn sàng thích hợp với những cuộc phiêu lưu.


Cùng với chú Quay gỗ, bác cất bước giang hồ. Nơi nào bác đến cũng có tiếng trẻ thơ reo cười, có nắng hồng, gió mát. Bác hiểu thế nào là mây trắng trời xanh, bác quay vù vù và cảm thấy dễ chịu. Hình như bác đang được hoà mình vào sự chuyển động không ngừng của vũ trụ.


Bác Đinh yêu nhất những buổi chiều trên đồi. Đỉnh đồi có một khoảng đất nâu hồng, xung quanh cỏ xanh mướt. Chú Quay gỗ chỉ có thể chạy vòng tròn trên đất, lạc đường một chút là vướng cỏ, mất thăng bằng. Đất không quá mềm khiến bước chân phiêu lưu của bác bị níu kéo. Đất không quá cứng khiến bác nhảy nhót làm chú Quay gỗ mất sức. Trên khoảng đất bằng phẳng dễ chịu ấy, bác Đinh vừa xoay vừa lướt nhẹ nhàng như tài tử trượt trên băng.
Những ngày tháng êm đẹp nhất của đời bác Đinh chấm dứt khi chú Quay gỗ bị thương, vết thương nứt ra. Đinh và Quay vĩnh viễn từ giã nhau trong gầm tủ. Một buổi sáng chị Chổi đưa chú Quay gỗ ra thùng rác, bác Đinh kẹt lại.
Một nhân vật giang hồ như bác ít khi chịu than thở. Bệnh sốt vàng da làm thân thể bác mất hết màu sáng khoẻ mạnh. Bác lặng lẽ chịu đựng chờ tháng ngày qua. Chú Quay gỗ trước khi bị cây chỗi tiễn đưa đã nói với bác:


– Chúng ta đã sống xứng đáng phải không bác?


Thân thể chú Quay gỗ gần vỡ làm đôi. Nhưng chú sống cuộc đời con Quay một cách tuyệt vời. Bác là một phần thân thể của chú Quay gỗ, bác muốn giữ cuộc đời chú trước sau đều đẹp, không một lời than thở.


Một buổi chiều, có em bé Đinh ốc lăn vào gầm tủ, cạnh bác. Nó nhỏ xíu, da dẻ ướt nhẹp, nhưng sáng láng.


Bác hỏi:


– Ranh con, mày ở đâu ra đó?


Đinh ốc nhỏ nhẹ:


– Thưa bác, cháu ở trong chiếc xe hoả của cậu bé. Xe rớt từ bàn học xuống nhiều lần, anh em cháu ly tán gần hết.


Bác Đinh dịu giọng:


– Ở một mình mày sẽ khổ con ạ.


Đinh ốc có vẻ tinh quái:


– Cháu biết dư. Như bác ở một mình, bác đang đau.


– Ngày xưa da dẻ tao đâu có sần xùi dơ dáy thế này.


– Tại bác không có chiếc áo dầu như cháu. Cháu không sợ bệnh sốt vàng da.


Thân thể bé quá thực có một lớp dầu che phủ. Với chiếc áo ấy, nó sẽ thọ lắm.


Bé Đinh ốc hỏi:


– Chắc bác đau lắm?


– Chút đỉnh mà ăn nhằm gì.


– Để cháu đưa cho bác một ít dầu.


Một hơi gió chiều lướt qua cửa, tung bụi xuống gầm tủ. Nương theo hơi gió, Đinh ốc lăn nhẹ nhàng đến bên bác Đinh. Một chút dầu dính vào cái thân thể gầy còm đã vàng khè của bác. Bác Đinh không thích chiếc áo dầu. Nhưng bác lặng lẽ để cho bé Đinh ốc thực hiện hành động chia áo. Bác mừng thấy Đinh ốc tốt bụng và biết thương muôn vật. Bác cám ơn bé và chúc nó sớm trở về toa xe hoả, đoàn tụ với anh em, trở thành một vật hoạt động, hữu ích.
 
 
Chỉ có một lần bác Đinh nói nhiều nhất. Bác tâm sự với chú Quay sừng.
Bác nói:


– Chắc chú vẫn nghĩ ta là một phế binh phải không?


Chú Quay sừng đáp:


– Thưa không. Ông anh là một chiến sĩ về già, em vẫn mơ ước có cái chân tròn nhẵn như ông anh.


Bác Đinh xúc động. Đám trẻ ngày nay không quá kiêu căng như bác tưởng. Mỗi vật có một thời rực rỡ, bệnh sốt vàng da làm hư thân thể bác, không làm mất mát phút giây nào của một thời rực rỡ kia.


– Cám ơn chú đã biết kính trọng tuổi già.


– Đáng lẽ lúc này bác phải có chiếc áo dầu che chở như bé Đinh ốc.


– Không ta không cần thứ đó. Thật tình ta chỉ ước mong được hoạt động, xoay tròn mãi mãi. Ta nhớ đất rộng trời cao. Các thuở ta còn xoay tít, ta đâu có sợ nước, ta sáng láng mạnh mẽ. Trên đường xoay tròn, đôi khi ta vấp phải sỏi đá. Chú biết đấy, chúng ta đâu có sợ sỏi đá, chúng làm chân ta tròn hơn, nhẵn hơn. Chúng giúp ta xoay tròn bền bỉ.


– Bây giờ tệ quá, một giọt nước đả làm ta lạnh và rồi bệnh sốt vàng da…..


– Em hiểu ý bác….


– Chú cũng chẳng cần phải mặc áo dầu, nếu chú còn được xoay tít mãi mãi. Ráng lên chú em, chớ có dại dột nằm bất động. Tuổi trẻ của chú dài vô cùng nếu chú luôn luôn xoay tít.

Những mũi tên trưởng thành


Tất cả nến trong phòng đều sáng. Ngay đến những mẩu nến nằm trong góc kẹt, bụi bám đầy, cũng lăn ra giữa phòng cười thật tươi với ngọn lửa hồng mịn màng.


Họ nhà nến thì thầm với nhau:


– Chúng ta sẽ rực rỡ, vui chơi cho đến giọt sáp cuối cùng.


Ang Đèn Ống, vật máy móc và có vẻ ích kỷ nhất, cố gắng góp một chút ánh sáng trắng mờ. Nhưng anh ta chỉ tạo nổi vệt sáng màu ngà trên trần.


Cụ Sách bảo:


– Như thế lại hay, căn phòng hôm nay chỉ cần một thứ ánh sáng ấm cúng và một bầu không khí trang trọng.


Hàng ngàn sợi dây nhỏ, kết bằng giấy bóng đủ mầu, chăng kín tường và rủ xuống, lung linh tha thướt như mưa nhẹ trong một bầu trời còn gió, còn sót nhiều tia nắng bâng khuâng vàng.


Giấy màu vây quanh từng ngọn nến xoay tròn, đùa nghịch một cách kỷ luật như đoàn Hướng đạo sinh xoay quanh lửa trại. Chúng in màu trên tường pha trộn vào nhau, biến đổi vô cùng tựa lòng kính vạn hoa.


Chú quay Sừng nôn nao vì sắc màu, chú không thể nằm yên. Chú xoay tít chạy quanh nhà, chân đinh của chú sáng loáng. Thân Sừng óng ánh. Bông Hoa phê bình:


– Chú giống hệt một viên kim cương khổng lồ.


Chú va vào chân ghế, dội ra, chú chạm nhẹ vào chân bàn, giả vờ lảo đảo. Chú chạy vụt vào gầm tủ, rồi vòng ra, đuổi theo chị Bóng bay.


Bác Đinh già nhận xét:


– Lúc này Quay Sừng đang đóng vai một viên kim cương say rượu.


Chị Rèm cửa mỏng manh thướt tha giăng mình đầy khung cửa sổ và cất lời cáo lỗi:


– Xin bác Gió đừng giận, xin ánh trăng đừng buồn nhé! Bữa nay chúng tôi tổ chức lễ, trong phạm vi thân mật. Mong quí vị trở lại đêm mai.


Rèm cửa biết dư rằng Nến không ưa Trăng. Họ nhà nến vẫn chê ánh trăng nhạt mờ, ngoài tính cách trang trí không còn dùng được vào việc gì. Bác Gió thì làm hại sức khoẻ nến. Tốt hơn hết Rèm cửa chặn họ lại ở ngoài khung cửa sổ.


Tuy nhiên thỉnh thoảng có chút gió tò mò, đẩy nhẹ chị Rèm, lọt vào phòng. Họ hàng nhà nến xôn xao, hàng ngàn sợi dây màu uốn mình, bốn phía tường như có hàng ngàn bông hoa muôn sắc lướt qua.


Cụ Sách trầm tư xét lại những dòng chữ trong lòng mình, cụ muốn tìm những câu chúc tụng văn hoa bay bướm nhất.


Chiếc xe hoả móp đầu, năm chiếc xe hơi nhựa nối đuôi nhau chạy khắp phòng. Chú con Quay vui đùa hỏi:


– Các bạn đi đâu cho tôi quá giang với?


Đoàn xe đáp:


– Rất tiếc chúng tôi thuộc loại xe chuyên chở nhẹ. Xe chở đầy ắp niềm vui rồi. Chú con Quay cảm phiền nhé.


Anh Chổi lông gà, suốt đêm trước lo quét bụi cho mọi vật trong phòng bây giờ mệt còn ngủ say. Nhưng anh đã cẩn thận căn dặn Giỏ rác:


– Nhớ đánh thức tôi vào lúc nửa đêm nghe.


Giỏ rác cố thu mình vào góc phòng với những vật đã bị loại ra khỏi cuộc đời.


Chị Tranh vô cùng kiêu hãnh. Trong ánh sáng muôn màu chị được mặc cái áo mới chắc chưa từng có trên thế gian. Khung cảnh cánh đồng nơi chị màu xanh nhạt đổi qua màu tím sậm rồi màu vàng, màu hồng, màu ngọc thạch….Đôi lúc những màu ấy chen lấn xô đẩy nhau. Chị Tranh tưởng rằng mình vừa được ban chiếc áo thần của một bà tiên tính tình bất nhất, chỉ thích đổi thay.


Cây đàn nằm trên góc tủ so lại dây. Chàng sẽ dành cho đêm nay một tấu khúc tuyệt diệu, một tấu khúc vui tươi, hân hoan không thua gì những nụ cười của họ hàng nhà nến.


Suốt từ tối tới giờ ông Bàn, vật khó tính nhất trong phòng, không càu nhàu một tiếng. Chỉ thỉnh thoảng ông nhắc khẽ bình hoa:


– Này! nhớ giữ cho bông hồng thật tươi đấy. Đêm nay là đêm trọng đại.


Chỉ có bé Đinh ốc chẳng hiểu gì, đang thắc mắc. Bác Đinh già phải giải thích:


– Đêm nay mọi vật tổ chức mừng thọ ông Cung tên.


Biết bao thế hệ lịch, những vật có đời sống kéo dài đúng một năm trời đã qua đi, ông Cung tên vẫn vững bền khoẻ mạnh. Thân thể ông thuộc loại gỗ quí. Da ông đen bóng như sừng, thời gian không tạo một nổi vết nứt. Ông nói:


– Ngay lúc này ném tôi ra giữa trận tiền, tôi vẫn có thể chiến đấu mạnh mẽ như một trăm năm trước.


Mọi vật mừng thọ ông, mừng vị anh hùng đã chống cự bền bỉ với kẻ thù nguy hiểm, lạnh lùng nhất: thời gian.


Khi bác Đồng hồ điểm lên mười hai tiếng đều đặn trong veo, cụ Sách đại diện cả phòng cất lời chúc tụng.


Anh Chổi lông gà được đánh thức giật mình, tung cả bụi lên, nhưng những hạt bụi cũng óng ánh muôn màu.


Ông Bàn tiếp lời cụ Sách:


– Đáng lẽ tôi phải giữ mặt thật sạch sẽ để mừng thọ ông Cung tên. Nhưng ông biết đấy, lũ ranh con ở nhờ trên mặt tôi không bao giờ giữ vệ sinh chung. Vác bộ mặt nhem nhuốc này ra mừng ông, thật tôi xấu hổ quá. Tôi có bông hồng nhỏ còn tươi, xin tặng ông. Mong ông không từ chối món quà tầm thường của lão già thô lỗ này.


Nhà quí phái Cung tên vô cùng cảm kích.


Ông hiểu rằng quà tặng ông không phải riêng có lời chúc tụng của cụ Sách, bông hồng tươi của ông Bàn. Tất cả những sắc màu rực rỡ, hân hoan của mọi vật trong phòng đều dành riêng cho ông. Ông Bàn khỏi cần bày đặt tặng hoa. Một ngày không càu nhàu, lại chịu khó giữ khuôn mặt thật sạch sẽ của ông cũng là một món quà vô giá, khiến ông Cung tên có thể kiêu hãnh.


Ông Cung tên cám ơn mọi vật, ông ngập ngừng nói rằng không biết kể sao cho hết lòng mến thương tất cả. Ông đã sống quá lâu, đã thấy hàng trăm thế hệ lịch từ tường rơi xuống, nhưng ông không mệt mỏi, ông còn muốn sống lâu nữa vì mọi vật cũng thương mến ông….


Tất cả những ngọn nến trong phòng rực sáng thêm. Anh Đèn ống reo lách tách. Chiếc xe lửa và mấy cái xe hơi nhựa, đoàn xe chuyên chở niềm vui, tăng tốc độ. Chú quay Sừng vướng chân vào sợi chỉ buộc chị Bóng bay. Chú ngã chúi vào góc nhà. Nhưng chú vùng dậy ngay, đuổi theo mấy chiếc xe hơi. Chú vẫn giống một viên kim cương lóng lánh.


Cây đàn bắt đầu tham dự cuộc vui. Chàng nghệ sĩ ồn ào nhất phòng này tung ra hàng ngàn nốt nhạc nhỏ xíu. Chúng ca hát, bay tung tăng khắp phòng, chúng lướt qua những ngọn nến, khiến tất cả những ngọn lửa trong phòng đổi từ màu da cam sang màu vàng rực. Những nốt nhạc rơi xuống như trận mưa mà tất cả những giọt nước đều hồng.


Gió tò mò, chịu không nổi, xô nhẹ chị Rèm, tràn vào. Những sợi tơ giấy đủ màu uốn mình xao xác. Gió bắt cóc hàng trăm nốt nhạc, đẩy ra ngoài khung cửa sổ, bay vút lên cao.


Bông Hồng trong bình nở tung, một bông hồng lạ kỳ, đổi màu theo từng cơn xao động của dây giấy bóng và ánh nến.


Chị Bóng bay lăn vào gầm tủ thủ thỉ với bác Đinh già:


– Tôi đã từng dự những cuộc lễ lớn. Họ hàng nhà tôi biết bao kẻ đã được bay cùng hàng ngàn con chim câu trên một nơi người đông như biển. Nhưng tôi chưa từng thấy có cuộc mừng lễ nào vui tươi như đêm nay.


Khi chàng đàn trình diễn, ông Cung nói:


– Quí vị làm tôi nhớ tới cái đêm mình tổ chức lễ tiễn đưa mấy cháu nhỏ nhà tôi lên đường. Cũng căn phòng này….


Cụ Sách biết ngay là ông Cung nhắc tới đêm những cậu tên trưởng thành.
Cụ Sách nói:


– Hồi ấy, căn phòng này còn hẹp hơn, bốn phía là vách ván không phải tường gạch.


Ông Cung tên hỏi:


– Khi đó ông Bàn về đây chưa nhỉ?


Ông Bàn đáp:


– Rồi! hồi ấy tôi trẻ măng, da dẻ nâu sẫm, nhẵn bóng chứ đâu có như bây giờ, mặt đầy sẹo ngang dọc, lem luốc.


Để các vật trẻ trung trong phòng hiểu rõ về kỷ niệm mình vừa nhắc tới. Ông Cung tên bắt đầu kể:


Ông Cung có năm con. Đêm ấy cả năm cậu Tên đều đến tuổi trưởng thành nghĩa là được bay đi khắp bốn phương trời.


Mũi tên nhọn hoắt, thân tên thẳng tắp, cả năm đều đã đủ điều kiện để làm nhiệm vụ giang hồ.


Vì mến ông Cung, các vật trong phòng tổ chức lễ tiễn đưa thật long trọng. Vả lại đây cũng là dịp các cậu Tên vĩnh biệt tất cả để sống một đời sống khác hẳn, họ hoàn tất cái sứ mạng đầy ý nghĩa họ mang từ lúc chào đời.
Tình cờ, đêm lễ mừng trưởng thành của năm cậu gần ngày Trung thu nên trong phòng có đủ loại đèn. Tất cả những ngọn nến đều tìm được nơi trú ngụ đầy màu sắc cả căn phòng cũng sáng muôn màu.


Cụ Sách đọc một bài thơ giã từ, lời lẽ ngậm ngùi, quyến luyến nhưng rất hào hùng.


Các chú đèn con Cá, đèn Thiềm thừ, đèn con Thỏ chia nhau đứng ở các góc phòng. Bác đèn ông Sao đứng chính giữa, nơi các màu sắc trộn lẫn với nhau.
Ông Bàn cho phép chú Ngăn kéo hé ra một chút để tất cả những vật trong lòng chú được dự lễ.


Anh Diều giấy nói:


– Chà! mấy cậu Tên sẽ bay cao lắm đấy nhé. Tôi phải có hai cuộn chỉ mới bay cao bằng các cậu.


Cậu Tên anh cả khiêm tốn:


– Nếu chúng em bay cao xa được là cũng nhờ sức của cha em.


Cụ Sách nói:


– Đúng vậy, ông Cung còn mạnh lắm. Ông sẽ đẩy các cháu bay xa không thua bất cứ một mũi tên nào.


Ông Cung vội nói:


– Quí vị có lòng thương nói vậy chứ thật ra hồi này chúng tôi cũng sa sút lắm.


Cậu Tên anh cả rất điềm đạm, bình tĩnh, trái lại cậu hai cậu ba thì nôn nao lắm, cả hai nói nhỏ với nhau, chỉ mong những nghi lễ rườm rà sớm chấm dứt để chúng được lên đường. Chúng đã nghe tiếng gọi của thinh không.

 
Đúng giờ mấy cậu Tên khởi hành, bên ngoài khung cửa sổ rộng mời mưa lất phất. Cụ Sách tỏ ý lo lắng:


– Thời tiết xấu, hay chúng ta dời chuyến bay của các cậu Tên lại.


Bác Ô đen trấn an:


– Không sao, mưa nhỏ mà. Bay nhanh như các cậu ấy thì không thể nào ướt được.


Anh Diều giấy vẫn ngần ngại:


– Trời gió to không?


Chị Rèm cửa đáp:


– Gió rất nhẹ.


Ông Cung cảm ơn sự lo lắng của mọi vật, nhưng cho biết tên bay bất kể thời tiết. Tên bay trong nắng gay gắt hoặc trong giông bão. Chuyến bay càng cam go thì đời của Tên càng có ý nghĩa.


Cậu anh cả, thay mặt các em, hỏi ông Cung câu cuối cùng:


– Thưa cha! Cha còn dạy chúng con điều chi nữa không?


Ông Cung nghiêm trang:


– Cha chỉ có một lời khuyên, cha nhắc lại: Phải kiêu hãnh và bay cho thật thẳng.


Mũi tên đầu phóng đi như một lằn chớp.


Mọi vật quá chú ý vào đường bay của từng mũi tên đến nỗi, sau khi mũi thứ tư lên đường, mới khám phá ra mũi tên thứ năm; cậu Út đã trốn đâu mất tiêu.


Ông Cung hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra, ông cố cứu vãn bằng cách nói nhẹ nhàng:


– Thằng Út đâu rồi? Sửa soạn chậm quá vậy?


Mọi vật im phăng phắc chờ đợi. Không có tiếng trả lời.


Ông Cung sẵng giọng:


– Út!


Vốn là một nhà quí phái, ông Cung luôn luôn tỏ ra điềm đạm bình tĩnh. Khi giọng ông gay gắt như thế là ông đã giận lắm.


Tất cả đèn trong phòng rực sáng thêm một lần để tìm kiếm. Bỗng có tiếng cậu Út càu nhàu:


– Con muốn ở nhà, con chẳng đi đâu hết.


Hoá ra cậu Út trốn dưới gầm ông Tủ.


Ông Cung lịm đi, không nói gì. Ông giận quá và có lẽ hơi xấu hổ với mọi vật vì tình trạng bất ngờ này.


Anh Diều giấy nói nhỏ:


– Cậu làm vậy cha cậu sẽ buồn lòng lắm.


Cậu Út nói to:


– Cha tôi giận, tôi chịu. Nhưng tôi không đi đâu hết, tôi ở trong phòng này quen rồi. Bây giờ phải bỏ đi, tôi chịu không nổi.


Ông Bàn lên tiếng:


– Các anh của cậu đi cả rồi đấy.


– Mấy anh ấy khoái giang hồ. Tôi khác, tôi nhất định không đi đâu hết. Tại sao ông Bàn, ông Tủ, anh Diều được ở đây mãi mãi? Như cái bọn Giầy Dép, bác Ô đen thì ra đi rồi cũng lại trở về? Tại sao tôi phải bỏ nơi này?


Ông Bàn nói:


– Tại vì chú thuộc loài Tên. Nếu chôn chân vĩnh viễn ở đây thì chú có bốn cẳng nặng chịch như bọn Bàn chúng tôi, chớ đầu chú nhọn hoắt làm chi.


Cụ Sách cũng nghiêm khắc:


– Còn một lý do nữa: chú sanh ra là con của ông Cung. Đừng để mọi vật nghĩ rằng chú không xứng đáng được có một ông cha như thế.


Cậu Út lặng thinh. Ông Cung vẫn chưa chịu nói gì.


Bông Hoa giầu tình cảm, rất hiểu nỗi khổ của cậu Út, hoa ngậm ngùi héo mất một cành.


Một lát sau, cậu Út nói nhỏ như một tiếng thở dài:


– Nhà chỉ có năm anh em tôi, chúng tôi bỏ đi cả, cha tôi sẽ buồn và cô đơn.


Cụ Sách nói:


– Nếu cậu nhất định không đi, làm buổi lễ tiễn hành, làm chính cuộc đời cậu mất hết ý nghĩa, cha cậu sẽ đau khổ gấp ngàn lần.


Ngoài khung cửa mưa đã tạnh. Một chút ánh trăng tò mò nhìn vào phòng, cậu Út nói:


– Xin quí vị tha lỗi cho, thật tôi làm phiền quí vị quá.


Cậu trở lại với ông Cung, ngoan ngoãn đặt mình trong vị trí khởi hành.


– Con xin lỗi cha. Con thương mến căn phòng này và con cũng sợ năm anh em con đi hết thì cha cô đơn.


Mọi vật trong phòng rực rỡ, vui tươi trở lại, tất cả đã tha thứ cho cậu Út. Ông Cung vẫn lặng thinh, nhưng sự im tiếng của ông không cò vì buồn giận.
Khi cậu Út hướng cái mũi nhọn lên trời cao ngoài khung cửa sổ, ông Cung mới nói:


– Nhớ kiêu hãnh và bay cho thật thẳng. Đừng bao giờ để mọi vật lầm tưởng con là một mũi tên mềm.


Cậu Út cũng phòng vụt đi như một lằn chớp.


Bấy giờ ông Cung mới ngậm ngùi nói:


– Xin quí vị tha lỗi cho thằng cháu Út, nó giầu tình cảm quá. Nó nói cũng không sai. Quả thực, năm anh em nó đi hết tôi cô đơn và buồn, nhưng hạnh phúc của chúng nó là quan trọng.


Đúng như lời ông Cung nói. Khi đó, cậu Út đang hưởng cái sung sướng tuyệt vời của một mũi tên bay.


Những đám mây kéo nhau về phía chân trời, trăng vằng vặc, đầy ấp thinh không bao la. Cậu lên cao, lên cao hoài, cậu hân hoan reo một tiếng thật dài. Giữa cõi mênh mông, cậu kiêu hãnh, ngất ngây với đường bay xuyên gió.

Một chút anh hùng


Những vật mới đến được treo ở hai cây đinh, nơi góc phòng, trong bóng tối.
Đêm vừa bắt đầu, một trong những vật lạ lên tiếng:


– Chào quí vị.


Chỉ có cụ Sách, ông Bàn, ông Cung cất tiếng chào lại. Những vật khác mải chú ý tới vụ cãi vã giữa những viên gạch nền nhà và hai anh Giầy. Họ gây nhau suốt từ chiều tới giờ. Mấy chú Gạch có vẻ công phẫn lắm:


– Trong tuần lễ này ngày nào hai anh Giầy cũng lôi bùn đất về, bọn tôi chịu gì nổi. Hai anh làm xấu mặt chúng tôi quá, các anh ra đường tưởng học được nhiều điều khôn ngoan lễ phép. Ngờ đâu càng ngày các anh càng bất lịch sự và làm phiền vật khác.


Hai anh Giầy không giữ được bình tĩnh. Một anh nói:


– Tôi xin nhắc lại với các chú gạch rằng: chúng tôi ra đường hoàn toàn vì bổn phận. Tháng này trời mưa đều đều làm sao chúng tôi giữ gìn được. Bị ướt sũng chúng tôi đâu có sung sướng gì.

Gạch nhao nhao hỏi:


– Sao trước khi đi lên mặt chúng tôi, hai anh không chịu tắm rửa sạch sẽ?


– Xin lỗi, chuyện đó các anh đi hỏi cậu bé. Cậu ấy lười biếng và cẩu thả thì chúng ta phải chịu tai hoạ như nhau cùng dơ dáy bẩn thỉu cả. Kêu ca nỗi gì.


Mấy chú Gạch hơi đuối lý. Một Giầy tấn công thêm:


– Vả lại, khi chúng tôi đem bùn với cát về thì chỉ khổ Chổi, xà phòng và giẻ lau nhà. Sáng mai thế nào các chú cũng được lau mặt thật sớm, việc chi mà làm ồn lên.


Một chú Gạch nói:


– Vật nào cũng có quyền bảo vệ cái mặt sạch sẽ của mình. Chỉ có họ nhà Giầy Dép các anh ưa nhảy vào tất cả những chỗ đầy bùn đất….


Một anh Giầy nổi giận:


– Đúng đấy, bởi vì chúng tôi được đi khắp nơi, cuộc đời không đến nỗi tê liệt, dính cứng một chỗ như bọn gạch.


Nghe câu đó, tất cả những chú gạch nền nhà đều khó chịu. Gạch trên tường cũng nhao nhao lên, phẫn nộ vì anh Giầy đã chỉ trích theo lối vơ đũa cả nắm, đụng chạm tới sự yếu kém của một tập thể.


Tất cả nhiếc mắng anh Giầy là vật nói năng hàm hồ, vô ý thức. Búa đinh đột nhiên đứng về phe Giầy, hắn nói một câu vô ý thức hơn:


– Tôi đồng ý với hai anh Giầy, tôi không khoái họ nhà gạch. Mỗi lần có dịp giúp một chú Đinh xuyên thủng tường tôi giúp hết sức mình. Tôi có thể đập đổ tường không khó khăn lắm. Các chú Gạch đừng tưởng nhầm là các chú vững vàng chắc chắn….


Một viên gạch già trên tường mỉa mai:


– Bác Búa ơi! Phá hoại thì dễ, xây dựng mới khó. Thế giới này được họ hàng nhà Búa đinh cai trị chắc đã biến thành sa mạc từ lâu.


Những vật tê liệt dính cứng một chỗ như nhà họ gạch đứng về phe các chú này. Trong khi đó bạn đinh nhỏ sẵn sàng bênh vực búa đinh.


Tình hình khá căng thẳng.


Vật lạ bỗng lên tiếng, giọng thật oai vệ:


– Yêu cầu quí vị đừng cãi nhau lộn xộn nữa. Hai anh Giầy đem bùn đất về phòng này là vì đã đi đón chúng tôi. Phòng này chật hẹp, mọi vật lại không hoà thuận. Tôi chê.


Phòng trở lại hoàn toàn yên tĩnh. Trước giọng nói lạ, câu nói hách dịch kia, hai anh Giầy, mấy chú Gạch kinh ngạc và hơi e ngại.


Vật lạ tiếp tục nói thật dõng dạc:


– Một căn phòng thiếu sự chỉ huy như căn phòng này không thể nào có hoà bình và tiến bộ được. Bắt đầu từ giờ phút này mọi vật phải hoàn toàn nghe lệnh tôi.


Vật là nằm trong vùng bóng tối. Giọng nói phát ra từ một nơi thiếu sáng sủa thường có vẻ bí hiểm đối với vài vật nhút nhát. Ngay đến chú Quay sừng hiếu động lần này cũng không dám nhúc nhích. Đèn Cầy và họ hàng nhà nến sửa soạn đem ánh sáng tới.


Từ ngày bác Đèn xếp hy sinh một cách kiêu hùng để cứu cụ Sách thì Nến và Đèn cầy hối hận luôn luôn túc trực ban đêm, không ngủ say nữa.


– Những vật gây rối như bọn Gạch đáng bị trừng phạt, hai anh Giầy cũng vậy. Tuy nhiên vì hai anh có công đi đón tôi về nên được ân xá.

 
Mấy chú Gạch có vẻ lo sợ. Chúng hướng về phía ông Cung và cụ Sách mong đợi một sự can thiệp. Hai vật này vẫn im lặng.


Chỉ có một mình ông Bàn bướng bỉnh lên tiếng hỏi lại vật lạ:


– Này anh bạn. Anh mới đến phòng này anh là cái quái gì mà lên mặt dạy dỗ lại còn đòi chỉ huy bọn tôi?


Vật lạ dõng dạc đáp:


– Bởi vì tôi là một vị anh hùng. Không những thế, tôi đã làm cho chú bé biến thành một anh hùng.


Ông Bàn hơi ngẩn ngơ, tuy ông chưa hiểu gì. Vật lạ tiếp:


– Tôi lại có thể giúp cho bất cứ vật nào trong phòng này biến thành anh hùng tức khắc, nếu vật đó thích.


Đột ngột vật lạ ra lệnh:


– Bọn Nến đốt lửa lên để mọi vật được nhìn thấy ta.


Căn phòng sáng dần, bóng tối bỏ chạy. Ba vật được treo ở góc phòng hiện rõ ra là ba cái mặt nạ.


Chiếc mặt nạ đòi chỉ huy căn phòng này, quả thực, có khuôn mặt của một ông Tướng thời xưa. Đôi mắt tròn, lớn, hơi xếch, lông mày rậm. Trán có ba nếp nhăn, tai to dầy, miệng thật rộng, mũi như mũi sư tử. Da mặt đỏ rực.
Trong ánh nến chập chờn khuôn mặt ông Tướng thời xưa linh động và dữ dằn.


Chú Quay sừng chui vào góc nhà, nấp sau bác Ô đen. Anh Ngăn kéo nằm yên trong bụng ông Bàn, không dám hé ra. Hai nụ hoa trong bình không dám nở.


Mặt nạ kể:


– Suốt buổi chiều nay nhờ tôi mà chú bé có khuôn mặt anh hùng. Tất cả bạn bè của chú ấy đều phải khâm phục.


Ông Bàn lặng thinh. Khuôn mặt oai vệ của mặt Nạ quả có khiến ông e ngại kiêng nể. Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy có một cái gì không ổn trong vụ mặt Nạ đòi chỉ huy mọi vật trong phòng. Ông có thể lép vế, nhưng không lẽ cụ Sách, ông Cung cũng phải thần phục kẻ mới tới.


Giọng nói của mặt Nạ đột nhiên nghiêm khắc, cứng rắn. Mọi vật nhìn qua ánh nến, tưởng như đôi lông mày rậm của ông Tướng nhíu lại:


– Tất cả những kẻ nghi ngờ hay chống đối quyền lực của ta đều bị trừng phạt thật nặng. Như ông Bàn có thể bị chặt thành từng mảnh nhỏ dùng làm củi đun bếp.


Ông Bàn vừa tức vừa hơi sợ. Ông hỏi nhỏ ông Cung:


– Tôi già nua dốt nát, không được đi đây đi đó chẳng biết gì, nhưng ông Cung vốn rành chuyện chiến tranh và lịch sử, ông thử ngắm giùm tôi xem bạn mới của ta có thực là một vị anh hùng không?


Ông Cung đáp ngập ngừng:


– Tôi cũng không biết rõ lắm, nhưng khuôn mặt này đối với tôi khá quen thuộc. Ngày xưa, khi còn xông pha nơi trận mạc, tôi vẫn nằm trong tay những vị anh hùng có khuôn mặt thế này….


Bây giờ thì ông Bàn ngán quá. Mặt Nạ hình như cũng nghe được những lời của ông Cung, kiêu hãnh hơn:


– Ta đã từng tham dự hàng trăm trận, chỉ huy hàng vạn người. Ta là một vị tướng bách chiến bách thắng. Mọi vật trên khắp đất nước này đều mang ơn ta, không có ta bảo vệ tất cả đã cháy tiêu.


Sợ bị chẻ làm củi đun bếp, ông Bàn cố cãi:


– Thì cũng phải cho tôi nghi ngờ một chút chứ. Ông mới đến, chưa kể thành tích, làm sao tôi biết ông là một vị anh hùng.


Giọng mặt Nạ đột nhiên trở nên vui vẻ:


– Ta sẵn sàng ân xá cho tên Bàn ngu dốt, miễn là từ nay phải nhớ tuân lệnh ta.


Trước vẻ thua cuộc của ông Bàn, những vật nhỏ bé trong phòng kể như đã hoàn toàn bị mặt Nạ khuất phục. Chúng khiếp hãi và tê liệt trước uy dũng của một vị anh hùng.


Mặt nạ hét:


– Nến sáng hơn chút nữa. Bóng bay lại đây.


Bóng bay ngơ ngác, chưa dám rời xó nhà. Chị cũng muốn nấp sau bác Ô đen như chú Quay sừng.


– Ta sẽ biến Bóng bay thành một vị anh hùng để mọi vật trong phòng biết rõ quyền lực của ta.


Bóng bay thu hết can đảm tiến về phía mặt Nạ. Mọi vật hồi hộp chờ. Chú Ngăn kéo đã hé ra một chút để những vật trong lòng chú được thấy những chuyện lạ lùng sắp xảy ra.


Thế rồi, đột nhiên chị Bóng bay biến mất. Mặt nạ chuyển động lắc lư:


– Quí vị thấy tôi ra sao?


Giọng nói ngập ngừng của chị Bóng bay phát ra từ cái miệng ông Tướng.
Vô cùng kinh ngạc, mọi vật reo lên:


– Chị Bóng bay đã biến thành vị anh hùng.


Mặt Nạ cười ha hả, lui về góc phòng. Chị Bóng bay từ phía sau mặt Nạ lướt ra, trở về chỗ cũ. Chú Quay sừng bớt sợ, chú xoay tròn, chạy ra giữa nhà:


– Tôi cũng muốn biến thành vị anh hùng trong một lúc.


Mặt Nạ đồng ý giúp chú con Quay ngay. Quay sừng lướt tới góc nhà rồi cũng biến mất và nói bằng cái miệng của ông Tướng mắt xếch, mặt đỏ:


– Quí vị thấy tôi ra sao?


Mọi vật lại reo:


– Chú con Quay đã biến thành vị anh hùng.


Thế rồi lần lượt bác Đèn cầy tắt lửa, bác Đồng hồ, chị Tranh đều đòi được là anh hùng trong khoảng khắc. Mặt Nạ hăng hái giúp đỡ tất cả.


Khi biết các vật đã phục mê tơi tài nghệ đặc biệt của mình. Mặt Nạ nghiêm trang trở lại:


– Các vật phải triệt để tuân theo lệnh này: Hãy sống có trật tự và hoà thuận với nhau.


Nhiều vật hét lớn:


– Tuân lệnh.


Mặt Nạ cười:


– Tốt lắm, bây giờ hãy tỏ lòng trung thành. Ta muốn thấy mọi vật tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ để hoan hô ta.


Mặt Nạ vừa dứt lời, cụ Sách bỗng cất tiếng, giọng khoan thai và lạnh lùng:


– Thôi chứ chú mặt Nạ, chú làm quá rồi. Nhờ mấy nét vẽ mà chú xưng là anh hùng thì chả hoá ra cả hai bạn của chú em là Heo với Khỉ thật cả chăng?


Bây giờ mọi vật mới chú ý hai chiếc mặt nạ im lìm kia. Cái mang hình mặt Heo, cái mang hình mặt Khỉ.


Bị cụ Sách tấn công bất ngờ, mặt nạ mang khuôn mặt Tướng hơi lúng túng. Tuy nhiên hắn vẫn dõng dạc nói:


– Cụ Sách nói chi ta không hiểu. Nhưng cụ phải nhớ rằng chính ông Cung cũng công nhận ta là vị anh hùng.


Ông Cung bình thản:


– Chú em lầm. Ta không nói chú em là anh hùng, ta chỉ nói chú em có khuôn mặt thật giống.


– Nhưng ta đã làm cho Bóng bay, Quay sừng…đều hoá thành anh hùng trong chốc lát mà.


Cụ Sách điềm tĩnh hỏi:


– Khi nãy có thực chị Bóng bay đã biến thành vị anh hùng không?


Chị Bóng bay ngập ngừng:


– Tôi không cảm thấy đổi khác gì. Tôi đứng sau lưng mặt Nạ và mọi vật gọi tôi là anh hùng.


Chú Quay sừng, bác Đèn cầy nhao nhao:


– Tôi cũng vậy! Tôi cũng vậy!


Hai chiếc mặt nạ Heo và Khỉ lúc này cười lên tiếng:


– Thôi bồ bị lật tẩy rồi, đừng khoác lác thêm nữa.


Mặt nạ ông Tướng lặng thinh. Nhưng khuôn mặt Tướng vẫn oai vệ, dữ dằn như trước.


Mặt nạ Khỉ nói với cụ Sách:


– Trong mấy anh em chúng tôi, nó ưa khoác lác dóc tổ nhất. Đi đâu nó cũng đòi chỉ huy. Mặt chúng tôi xấu xí tầm thường hơn, chúng tôi chỉ có mục đích chọc cười. Xin các vị trong phòng đừng giận nó, nó trót mang khuôn mặt một vị anh hùng.


Cụ Sách nói:


– Tôi biết! tôi biết mà; dòng họ mặt nạ các anh vừa ra đời đã phải nói dối rồi. Cuộc đời các anh cũng chỉ là một câu chuyện nói dối dài. Các anh nói với vật trước mặt rằng vật sau lưng các anh là Heo, là Khỉ hay là một vị anh hùng. Các anh làm nhiệm vụ, tôi đâu có trách. Nhưng thay vì dối trá để vui chơi, chú em kia lại làm quá.


Mặt nạ Heo buồn rầu:


– Riêng tôi, tôi chán cái nghề nói dối quá rồi.


Cụ Sách an ủi:


– Mặt trước chú em nói dối, nhưng mặt sau thì lại rất thành thực.


– Mặt sau thì tụi này giống nhau, đều có một sợi cao su và một mảnh giấy bồi chưa được sơn phết.


Biết chắc mặt nạ không phải là vật đầy quyền uy và nguy hiểm nhiều vật khoan khoái dễ chịu. Búa đinh ngủ một giấc thẳng cán, hoa tiếp tục nở. Có vài vật cảm thấy tiếc cái mộng trở thành anh hùng trong chốc lát.


Nhưng ông Bàn thì nổi giận, ông hét lên:


– A! Thì ra từ nãy tới giờ tôi bị bịp hả?


Mặt nạ ông tướng phá lên cười:


– Đùa chút xíu mà, có hại chi đâu.


Ông Bàn vẫn gay gắt:


– Đùa gì. Chính chú doạ sẽ chặt tôi ra làm củi đun bếp.


Ông Cung mỉm cười:


– Kể ra ông Bàn cũng đáng bị đưa vào bếp thật. Lỗi tại ông mà.


– Tôi đâu có làm gì.


– Ông phạm tội bất cẩn. Trước khi tuân lệnh một vật nào ông phải coi xem phía sau của vật đó. Phía sau mặt nạ hoàn toàn trống rỗng mà.


Ông Bàn bớt giận, chỉ càu nhàu:


– Tại cái mặt nó coi ghê quá.


Các vật trong phòng bật cười vui vẻ.

Ô đen đi du lịch


Sau bốn ngày theo ông chủ đi chơi xa, chiều nay bác Ô đen trở về, màu vải hơi bạc và phủ dày một lớp bụi nâu hồng.


Mọi vật chờ đêm tới để nghe bác kể chuyện. Bác thu mình ở góc phòng, khiêm tốn và lặng lẽ. Những nan sắt nằm sát nhau nghỉ ngơi rất trật tự. Chúng làm việc và đi ngủ cùng một lúc. Sự kỷ luật ấy giúp cho khuôn mặt bác Ô đều đặn và mạnh mẽ, chống cự bền bỉ được với mưa nắng.


Thèm nghe chuyện phiêu lưu nhất. Bác Đinh già lên tiếng trước.


– Kể đi chớ bác Ô. Trong bốn ngày chắc là bác được đến nhiều nơi lắm nhỉ?


Lũ xe bằng nhựa cũng nhao nhao:


– Chắc bác được đi trong những chiếc xe khổng lồ?


– Bác du lịch có vui không?


Ô đen thủng thỉnh đáp:


– Vui thì có vui nhưng mệt quá. Toi phải chống lại mấy chục ngàn giọt mưa và hàng triệu tia nắng, đôi lúc tưởng rách tả tơi rồi chứ.


Trên tường, ông Cung mỉm cười kín đáo. Kẻ đi xa về ít khi chịu kể những chuyện tầm thường. Bác Ô đen tránh sao được thông lệ ấy, nhất là bác luôn luôn thích đóng vai che chở và sống trên đầu những vật khác.


Sau khi xoè nan sắt ra cho mọi vật trong phòng biết là mình không hề bị thương trong chuyến đi vừa qua, bác Ô đen bắt đầu kể:


Bác kể rằng đã được đi trên đủ các loại đường. Có những con đường mặt xấu xí đầy lỗ hổng như mặt ông Bàn. Ô đen nghe bánh xe và đường cãi nhau hằng giờ. Bánh xe kết tội đường đã lừa bịp, giăng đầy cạm bẫy và đập những viên đá nhọn vào mặt chúng. Đường thì la lối rằng họ bị chính các bánh xe tàn phá nên thân thể mới lam nham.


Lại có những con đường nhỏ màu nâu sậm nằm tựa đầu vào quốc lộ, mơ ngày được mặc chiếc áo đá xanh có phủ lớp nhựa đường đen tuyền.


Bác Ô đen đã đi qua một cây cầu hùng vĩ, mới được xây. Chân cầu khổng lồ, rắn chắc hơn đá, khúc khích cười những dòng nước va đầu vào mấy cây cột, tung bọt trắng xoá. Cây cầu lên tiếng trêu cợt dòng sông:


– Cám ơn các bạn đã chăm chỉ rửa chân cho ta suốt ngày đêm không nghỉ. Nhưng bạn chảy nhẹ nhàng êm ái quá, làm sao chân ta sạch được.


Mặt vẫn bình thản, không nổi sóng, dòng sông trả lời bằng giọng lạnh lùng, trôi chảy:


– Sẽ có một ngày chân chú gãy gục. Đã có quá nhiều cây cầu lớn, nhỏ nằm mãi vĩnh viễn trong lòng tôi đó chú em ơi.


– Tại họ yếu quá mà.


– Không phải. Họ đâu có yếu, họ chỉ thua sự bền bỉ của tôi. Chẳng hạn như riêng trường hợp của chú em, tôi sẵn sàng chờ một triệu năm để thấy cái ngày chú em gãy cẳng.


Bác Ô tin chắc rằng dòng sông sẽ thắng. Sóng to, gió lớn không phải là sức mạnh thật của dòng sông, sức mạnh phi thường của nó là sự kiên nhẫn, xuôi chảy muôn ngàn năm không nghỉ.


Bác Ô kể tới chuyện những trái núi, những ngọn đồi, những đám mây. Bác kể rằng có một đám mây lạc đường, lên tiếng hỏi một vì sao:


– Xin chỉ giùm cháu mặt trời thức giấc phía nào? Cháu muốn tắm nắng mai.

Không ngờ, mây hỏi lầm một vì sao khó tính, thay vì trả lời hắn lại càu nhàu:


– Muốn hỏi đường hãy đến gặp lão Bắc đẩu, ta không muốn tranh nghề của hắn.


Nửa đêm, thấy mọi vật say mê nghe mình, Ô đen bắt đầu khoác lác:


– Quí vị phải biết, trong dịp du lịch này tôi đã được Trái Đất ngỏ lời cám ơn chính thức.


Mọi vật trong phòng xôn xao, khâm phục. Chú Quay sừng hỏi:


– Bác làm gì mà được Trái Đất mang ơn.


Ô đen nghiêm trang đáp:


– Dòng họ nhà tôi đã che bớt ánh nắng mặt trời, giúp cho da dẻ Trái Đất đỡ nứt.


Ông Cung bật cười. Cụ Sách không muốn Ô đen ba hoa quá đáng. Cụ hỏi:


– Này, bác Ô! Bác đi du lịch nhiều thế hẳn bác đã tinh thông nhiều chuyện lắm?


Ô đen đáp đầy tự tin:


– Dạ. Đi một ngày đàng học một sàng khôn mà.


Giọng cụ Sách vẫn trầm trầm:


– Vậy để tôi xin đố bác một câu nhé. Bác có biết nơi nào giúp người ta du lịch một cách nhanh chóng. Đặc biệt là đến đó người ta có thể khởi hành đi khắp nơi, lên đỉnh núi, xuống đáy biển, lên các hành tinh vào lòng trái đất….Nếu muốn người ta có thể đi ngược thời gian ngắm nhìn quá khứ hoặc bay vun vút vào tương lai vô cùng?….


Ô đen ngẩn ngơ, mọi vật cũng bâng khuâng. Một lát sau, Ô đen khẽ cụp những nan sắt, đáp nhỏ:


– Tôi xin chịu.


Cụ Sách mỉm cười:


– Lần sau đi du lịch bác Ô nhớ ghé những chúng cư vĩ đại của họ hàng nhà tôi, đó là các Thư Viện. Trạm khởi hành ấy đã giúp nhiều người trở thành những nhà thông thái đấy bác Ô ạ.

Cơn giận của bác đồng hồ


Chị Bóng bay hoàn toàn kiệt sức. Sinh lực của chị chỉ còn là một chút không khí lớn bằng anh Bóng đèn. Thân thể chị mềm nhũn, suốt ngày nay chị nằm liệt dưới chân ông Bàn. Những làn gió nhẹ không làm chị nhúc nhích được.
Chị Bóng bay sống bằng không khí, chị đã hết thời bay bổng rồi. Chung quanh chị là bầu không khí bao la, nhưng chị vẫn gặp đai hoạ vì thiếu chất dinh dưỡng ấy. Vật ít thông minh như ông Bàn mà bây giờ hiểu sự cần thiết của những bàn tay từ thiện cấp cứu.


Quá nửa đêm không còn vật nào dám hy vọng chị Bóng bay sẽ qua khỏi. Chúng đoán rằng bình minh tới, chị sẽ chỉ còn bó da cao su không sót chút hơi nào để thở ra lần cuối. Chổi sẽ rất buồn bã làm nhiệm vụ tiễn đưa một vật hết sức dễ thương. Giỏ rác đã dành một chỗ danh dự cho chị Bóng bay, mặc dầu nó hiểu tất cả những vật đến với nó đều bình đẳng tuyệt đối.


Chú con Quay dặn dò Chổi:


– Khi đưa chị Bóng bay ra giỏ rác anh nên đưa chị ấy một mình, đừng xếp chị ấy chung với rác rến, bụi bặm.


Chổi đáp:


– Vậy thì mất công quá, nhưng tôi sẽ cố gắng. Chú băn khoăn làm chi. Đằng nào bụi bặm cũng gặp chị ấy ở giỏ rác.


Chú Quay sừng nín thinh, nhưng chú giận lắm. Một lát sau chú Quay sừng bắt đầu gây chuyện.


– Này anh Chổi, sao anh chọn cái nghề kỳ cục vậy?


Chổi hỏi lại:


– A! Chú nhỏ này! Chú định phỉ báng nghề nghiệp của tôi đấy phải không?


Quay sừng đáp một cách lừng khừng:


– Tôi chẳng phỉ báng việc làm của bất cứ vật nào. Nhưng tôi xin thú thực, tôi không ưa nổi cái nghề đẩy mọi vật ra giỏ rác. Chắc thấy chị Bóng bay lâm nạn anh khoái lắm đấy nhỉ. Sắp có việc làm mà.


Chổi cố nén giận:


– Chú nói năng cẩn thận một chút nghe, đừng có chọc tức tôi. Không có chị Bóng bay thì mỗi sáng tôi vẫn hoạt động như thường. Căn phòng này mà rời tôi ra vài ngày là mọi vật sẽ mặc áo mới, một cái áo toàn bụi. Hừ! Đẹp đẽ lắm đấy.


Quay sừng càu nhàu:


– Anh khỏi kể công. Tôi chỉ muốn anh phân biệt bụi bặm và những vật chúng tôi mến thương chẳng may mắc nạn. Đừng xếp chị Bóng bay vào hàng ngũ bụi, khó nghe lắm.


– Tôi chỉ đưa ra một nhận xét thực tế: dù đi trước hay sau thì chị Bóng bay vẫn gặp lũ bụi nơi giỏ rác.


Chú Quay sừng nghe nhắc tới chuyện đó, nổi sùng:


– Bởi vậy, tôi xin nhắc lại, tôi không khoái cái nghề của anh.


Cuộc cãi vã giữa Chổi và con Quay đã đến chỗ căng thẳng. Chổi lắc lư muốn hắt một ít bụi lên mặt Quay sừng. Trong khi đó chú con Quay sẵn sàng tiếp tục khiêu khích Chổi, chú tin rằng Chổi là một vật rất độc ác. Chưa vật nào trong phòng nói về chị Bóng bay bằng cái giọng tàn nhẫn như Chổi.
Cụ Sách phải can thiệp:


– Này chú Quay sừng, chú chớ hiểu lầm anh Chổi. Trên đời có những vật lo cho ta lúc đến thì cũng có vật lo cho ta lúc đi. Vật đón, vật đưa đều cần thiết và đáng quí, ta phải cám ơn tất cả. Chú đừng trách anh Chổi, anh ấy nói năng vụng về nhưng tốt bụng.


Cụ sách nói với Chổi:


– Chú Chổi cũng đừng giận Quay sừng, hắn thương chị Bóng bay quá nên mất bình tĩnh.


Nể lời cụ Sách, Chổi và Quay sừng thôi nghinh nhau. Chổi về một góc nhà đứng lặng thinh. Quay sừng tiếp tục quay xung quanh chị Bóng bay, theo dõi bệnh tình của chị, để báo cáo cùng mọi vật trong phòng.


Ông Bàn càu nhàu:


– Suốt buổi chiều cậu bé ngồi bên tôi học bài. Chị Bóng bay nằm ngay dưới chân tôi, sao chẳng lê tới chân cậu ấy nhắc nhở. Cậu bé biết, chị sẽ thoát nạn ngay mà.


Anh Ghế nói:


– Lúc ấy chị Bóng bay yếu quá rồi, có muốn lê đi cũng chẳng nổi.


Đêm lạnh lẽo và ẩm ướt. Từng đợt sương mong manh lãng đãng trôi qua khung cửa sổ. Chị Rèm cửa cảm thấy thân mình nặng trĩu. Bình mực thủy tinh tưởng như cả căn phòng cô đơn giống như chiếc thuyền nhỏ lạc trong biển sương. Khung của sổ in hình trên bình mực chỉ là một khoảng đen đậm. Bình mực bâng khuâng nhớ chị Hằng ở một nơi thật là xa.


Trừ Bình mực mơ mộng và đãng trí, mọi vật trong phòng đều chú ý tới hoàn cảnh bi đát của chị Bóng bay.


Tất cả cố giữ im lặng để tỏ sự tôn trọng nỗi khổ của vật khác. Ông Tủ cũng đang bị bệnh mọt gặm trong xương. Ông muốn than thở chuyện đó với ông Bàn, kẻ đồng bệnh, nhưng không dám.


Sự chịu đựng trong im lặng khiến ông Tủ phiền lòng. Rồi ông cảm thấy cần gây gổ với bất cứ vật nào:


– Này bác Đồng hồ, sao cứ kêu tích tắc hoài vậy?


Ông Tủ vốn hiền hoà. Đồng hồ không ngờ ông đang giận nên trả lời một cách vui vẻ, đùa cợt:


– Tim tôi đập đó ông ơi.


Ông Tủ gằn giọng:


– Hãy bảo trái tim nhà bác câm đi. Trong khi tất cả yên lặng, bác cứ tích tắc, nghe vô duyên lắm.


Đồng hồ kinh ngạc:


– Ô hay! Tôi làm bổn phận của tôi mà.


Bông hoa trên bàn hét lên:


– Bổn phận của bác độc ác lắm. Bác tích tắc, tích tắc xua đuổi thời gian tiến tới để dòng họ hoa chúng tôi chóng tới lúc già nua tàn héo. Chính bác là nguyên nhân của mọi thảm họa, chúng tôi thù bác.


Thì ra Hoa vẫn thù Đồng hồ từ lâu, nay được dịp cô ả đứng ngay về phía ông Tủ.


Đồng hồ bào chữa:


– Tôi làm việc một cách máy móc thật nhưng tôi đứng đắn, không có ý hại ai bao giờ…..


Được dịp thoát khỏi bầu không khí im lặng nặng nề, mọi vật nhao nhao lên tranh nhau nói. Không vật nào bênh vực bác Đồng hồ. Cuốn Lịch tố cáo:


– Nhất định bác Đồng hồ có gian ý, một tờ lịch cũ của tôi đã than thở nhiều chuyện ấy. Hắn bảo rằng hắn sinh ra vào đúng một ngày lễ, hắn có một ngày tuyệt vời, nhưng bác Đồng hồ ghen tức, bác ấy tích tắc nhanh hơn thường lệ để ngày riêng của tờ lịch chóng hết. Trước khi rớt xuống tờ lịch còn dặn dò tôi là đừng bao giờ tin tưởng ở sự liêm chính của bác Đồng hồ.


Anh Diều giấy mới tới, nằm trong gầm tủ góp lời:


– Trường hợp của tôi thì ngược lại. Sáng hôm qua, tôi mong cho chóng tới chiều để được bay bổng, nhưng bác Đồng hồ cố tình tích tắc thật chậm, kéo thời gian chạy chậm lại để trêu tôi.


Ông Bàn càu nhàu:


– Tôi không cần biết Đồng hồ làm việc nhanh chậm ra sao. Nhưng trong trường hợp mọi vật buồn bã, im lặng thế này mà anh ta cứ thản nhiên tích tắc, nghe không được tí nào. Tôi đồng ý với nỗi bất bình của ông Tủ.


Riêng chú con Quay thì hoàn toàn mất bình tĩnh. Nghe nói có vật xua kéo thời gian làm hại vật khác, chú phóng ra giữa nhà, xoay tít, lớn tiếng.


– A! Chính bác Đồng hồ xua thời gian chạy nhanh hơn để chị Bóng bay chóng xẹp lép phải không? Vậy mà tôi cứ ngu dại tin tưởng vào cái bụng đầy máy móc chính xác của bác. Nếu bác rời nóc tủ xuống đây chắc chắn tôi sẽ lao thẳng vào thân bác, cho bác vỡ mặt ra.


Lời khiêu khích, thách thức của Quay sừng quả là hơi quá đáng. Cụ Sách, ông Cung định can thiệp, nhưng không kịp. Bác Đồng hồ nói một cách rất bình thản:


– Quí vị hiểu lầm tôi rồi. Để chứng minh sự ngay thẳng của tôi, tôi sẽ ngừng chạy. Rồi quí vị coi….


Sự bình thản che dấu một cơn giận khủng khiếp. Nói chưa dứt câu, bác Đồng hồ nhảy thẳng từ nóc tủ xuống nền nhà. Mặt kính nứt ra, cây kim dài cong đi và ruột gan bác lộn tùng phèo hết cả.


Bác nằm bất động, những tiếng tích tắc biến mất.


Tiếng nói của mọi vật trong phòng cũng biến mất. Bông hoa lặng đi, cảm thấy nước trong bình, dưới chân lạnh ngắt. Ông Bàn rùng mình kinh hãi làm ông Bút và Bình mực thuỷ tinh suýt lộn nhào. Chú Quay sừng đảo một vòng rồi lùi lũi trở về đứng bên cạnh chị Bóng bay không dám hó hé.


Không còn tiếng tích tắc, mọi vật lắng nghe tiếng thời gian đi qua. Chú Quay sừng thấy chân thời gian trên mình chị Bóng bay. Bông hoa cảm thấy chân thời gian nặng trĩu trên một cánh sắp tàn của nó. Bình mực thấy thời gian cặp kè những làn sương mỏng bước qua của sổ. Và ông Tủ, vật phiền trách bác Đồng hồ đâu tiên cũng không còn nghi ngờ chi nữa. Thời gian đang đồng loã với lũ mọt, gặm nhấm thân thể ông một cách đều đặn, bền bỉ.
Ông Tủ nói với Đồng hồ:


– Xin lỗi bác, chúng tôi hàm hồ ngu dại quá. Chắc bác bị thương nặng lắm?


Đồng hồ nói nhỏ:


– Đừng chú ý tới tôi. Hãy ngắm thời gian đi, ngắm thật kỹ.


– Chúng tôi hiểu rồi mà.


Mọi vật cùng cất tiếng xin lỗi Đồng hồ. Khi đó, Đồng hồ mới bớt giận:


– Quí vị thấy đó. Tôi chẳng hề có liên lạc riêng tư gì với thời gian. Công việc của tôi chỉ là đếm….Nhiệm vụ của tôi nào có khác gì ông Lịch, chỉ tỉ mỉ hơn một chút mà thôi. Tôi không gian lận ngày vui hay phá phách những kẻ mong chờ.


Chú Quay sừng ân hận, bỏ chị Bóng bay, chạy quanh bác Đồng hồ:


– Bác bị thương nặng quá.


Đồng hồ mỉm cười tha thứ:


– Không sao! Chỉ cần được săn sóc một chút tôi hoạt động điều hoà lại ngay.


Ngừng một lát, bác nói tiếp:


– Bây giờ tôi có cố gắng chạy lại cũng vô ích, thời gian bỏ tôi một quãng khá xa rồi. Có điều thật đáng tiếc là sáng mai tôi không thể gõ chuông kêu chú bé dậy sớm.


" Chú bé dậy sớm " đó là nguồn hy vọng mong manh cuối cùng của mọi vật. Bình minh tới, nếu chú bé còn ngủ thì chị Bóng bay không thể nào sống sót được.


Nhưng sau cơn giận, sau cái nhảy tai hại, bác Đồng hồ mất hẳn khả năng gõ chuông.


Mọi vật vô cùng lo âu nghĩ tới buổi bình minh tới trong lặng lẽ.

Lão dao sắc


Dù không có tiếng chuông đồng hồ báo thức, sáng hôm sau, chú bé vẫn dậy sớm do thói quen. Đúng ngày chủ nhật, chú nghĩ tới đám đồ chơi ngay khi vừa bừng tỉnh. Nhờ vậy chị Bóng bay đã được cứu. Bác Đồng hồ cũng được đưa đi bệnh viện. Trước khi lên đường, bác vui vẻ chào tất cả và hứa hẹn sẽ tái ngộ trong một ngày rất gần, khi bác hoàn toàn bình phục.


Bác Đồng hồ không còn giận bất cứ vật nào, kể cả chú con Quay. Bác hy vọng trong tương lai có thể đếm thời gian một cách chính xác hơn nữa.


Chị Bóng bay tròn trịa, da dẻ trong veo, chị được buộc bằng một sợi chỉ trắng rất chắc. Sinh lực của chị không thoát ra ngoài một cách phí phạm như trước. Ông Cung tin chắc rằng ít nhất chị có thể khỏe mạnh một tuần liền.
Lão Dao sắc được chú bé đem từ nhà bếp lên để cắt sợi chỉ buộc chị Bóng bay, bị chú bé quăng trong gầm tủ.


Lão Dao có cái mũi nhọn hoắt và cái lưỡi sáng loáng, mỏng tanh. Lão chỉ chạm nhẹ vào chân mà ông Tủ bị thương ngay. Tủ giận, lão Dao xin lỗi rối rít. Nhưng chỉ một lát sau, lão nói nhỏ với bác Đinh già nằm cạnh:


– Gớm, thân thể họ mềm quá sức. Mới chạm một chút xíu mà đã kêu la ầm ĩ.
Giọng nói của lão Dao đầy vẻ ngạo mạn khinh thị.


Bác Đinh già nói:


– Họ bằng gỗ mà, làm sao so bì được với chúng ta.


Bác Đinh già cũng hơi kiêu hãnh vì chất thép của mình. Đã lâu lắm bác không được nghe ai nhắc nhở tới nguồn gốc cứng chắc ấy.


Cảm thấy thương mến bạn mới, bác Đinh già nói:


– Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận. Chúng ta dễ bị bệnh sốt vàng da, nhất là khi ở lâu trong cái gầm tủ ẩm ướt này. Trước kia tôi còn sáng sửa hơn bạn nữa, nhưng vì chẳng hoạt động gì…


Lão Dao có vẻ không chú ý tới lời báo động của bác Đinh già. Trên thân thể lão không hề có một dấu vết nhỏ của cái bệnh quái ác mà bác Đinh sợ. Nhưng nơi không sáng loáng, da lão đen như mun.


Bác Đinh thao thao kể lại những cuộc phiêu lưu của mình. Lão Dao im lặng, nhưng khó mà biết lão có chú ý nghe hay không. Khi bác Đinh hỏi về cuộc đời lão Dao, lão chỉ đáp ỡm ờ, nhát gừng. Bé Đinh ốc ham nghe chuyện phiêu lưu rất chú ý vào những câu nói của Dao, nhưng cũng chẳng biết gì hơn rằng lão Dao là một trong những con dao rất sắc bén và ham hoạt động.
Sau đó, suốt một ngày liền, lão Dao giữ im lặng. Đến nỗi bác Đinh già nói với chú Quay sừng:


– Đây là một vật hết sức hiền từ.


Đêm hôm sau, lão Dao bỗng tỉnh táo như vừa ngủ một giấc dài thức dậy. Lão hỏi bác Đinh già:


– Trong phòng này có bao nhiêu vật gốc bằng thép, cứng cáp như tôi với bác?


Bác Đinh đáp:


– Không nhiều lắm. Ngoài tôi ra có chiếc xe hoả, bé Đinh ốc, chân của chú Quay sừng. Bác Đồng hồ thì đi nằm nhà thương rồi….


Bác Đinh chưa kể hết, lão Dao đã rời gầm tủ, tiến ra giữa nhà. Dao xoay một vòng. Ánh nến phản chiếu trên thân lão lấp lánh. Bốn phía tường như vừa có những làn chớp nhỏ xẹt qua. Vùng không khí quanh lão Dao bỗng lạnh ngắt.
Hai cô Nến hồng đang chập chờn kinh ngạc. Dao đã tới bên các cô, nói bằng một giọng vô cùng êm ái:


– Tôi giúp các chị tách làm hai nhé?


Nến hồng ngơ ngác không hiểu. Lão tiếp:


– Một nến sẽ thành hai nến. Mỗi chị Nến hồng sẽ có hai ngọn lửa, họ nhà nến sẽ đông gấp đôi.


Giọng nói của lão Dao vừa dịu dàng, vừa chân thành. Một cô Nến hồng hỏi lại:


– Ông làm vậy được sao?


– Nghề của tôi mà.


Nói dứt câu, Dao lao tới, soạt một cái, lão cắt đôi cô Nến hồng. Nửa thân nến trên rớt xuống lảo đảo mãi mới đứng vững được. Lão Dao nói thật to:


– Xong rồi đó, thật dễ dàng, giản dị biết bao. Hãy sáng lên chứ, hãy tiếp lửa cho bạn nến mới của chúng ta.


Quả nhiên cô Nến hồng vừa bị Dao cắt sáng gấp đôi. Cô có tới hai ngọn lửa. Vật nào cũng có cảm tưởng là cô đang kiêu hãnh vì sự tiến bộ bất ngờ này.
Cô Nến hồng thứ hai náo nức:


– Trời ơi! Sao ông Dao tài quá vậy?


Cô ta vừa nói dứt câu, lão Dao đã xẹt tới. Tức thì cô này cũng có hai ngọn lửa sáng rực rỡ.


Lão Dao xoay một vòng. những làn chớp xẹt quanh bốn phía, tường trắng hơn, không khí quanh Dao lạnh hơn.


Dao nói to, giọng vẫn vui tươi êm đềm:


– Tôi sẵn sàng giúp đỡ tất cả nhà họ nến tách làm hai. Tôi phục vụ miễn phí, cam đoan không đòi hỏi điều gì.


Trước hai cô Nến hồng – bây giờ đã hóa bốn – sáng rực rỡ với bốn ngọn lửa, họ hàng nhà nến đều cảm thấy sung sướng như được dự một ngày hội bất ngờ. Từ những chàng Nến trắng cao lớn nhất tới những mẩu nến nhỏ nằm trong lòng anh đèn Ông sao đều đến trước lão Dao, xếp hàng rất trật tự và chờ đợi.


Trong khoảng khắc lão Dao đã làm cho tất cả họ nhà Nến hài lòng. Thế là căn phòng này đột nhiên có một số nến đông đảo lạ thường. Mỗi ngọn nến vừa tách ra làm đôi đều thắp lên hai ngọn lửa để tự thưởng thức sự rực rỡ của mình.


Căn phòng có tới sáu mươi ngọn lửa. Chưa có ngày lễ nào cần tới một số ánh sáng đông đảo đến như vậy.


Lão Dao xoay mình tới ba vòng. Lần này những tia chớp lão phản chiếu trên bốn phía tường có lẫn cả màu xanh biếc.


Họ hàng nhà nến đồng thanh:


– Xin cám ơn Dao đã đem thêm nhiều ánh sáng lại cho chúng tôi.


Hầu hết các vật trong phòng đều sững sờ kinh ngạc về sự tài tình của lão Dao. Lưỡi Dao sáng loáng biến thành một cái gì thật lôi cuốn.


Bông Hoa cung kính nói:


– Tôi cũng muốn biến thành hai bông Hoa.


Anh Diều giấy mới nằm không yên trong gầm tủ:


– Có thêm một cánh diều để cùng bay lượn bên nhau mỗi buổi chiều thì thật là tuyệt. Ông Dao giúp tôi với.


Bác Ô đen, anh Ghế, đoàn xe bằng nhựa, Bình mực thủy tinh, chị Vở quăn góc..v..v…tất cả đều nhao nhao:


– Ông Dao nhớ giúp chúng tôi. Đừng có quên tách dùm bọn này ra làm hai đấy nhé.


Chỉ có một mình ông Bàn càu nhàu:


– Tôi cũng khoái tách làm hai. Có thêm một tên Bàn nữa chứa bớt mấy vật lẩm cẩm tôi cũng đỡ khổ. Nhưng tôi không khoái họ nhà Dao. Chúng nó chém vào mặt tôi nhiều lần rồi. Tôi không tin đó là những vật tốt bụng.
Chú Ngăn kéo nghe thấy vậy cũng cảm thấy yên tâm. Nếu phòng này có thêm một ông Bàn nữa thì cả ngày chú sẽ nghe những lời càu nhàu, đâu có vui thú gì.


Trước những lời khẩn cầu của mọi vật, lão Dao bỗng đổi thái độ. Lúc nãy lão vồn vã sốt sắng với họ nhà nến, bây giờ lão chậm chạp, bình thản. Dao tới gần bông hoa, nhưng trong lúc mọi vật chờ đợi một cách nóng nẩy và Hoa hân hoan tưởng mình sắp được Dao tách làm hai, thì Dao quay đi, tiến đến bên anh Diều giấy. Bác Ô đen nói nhỏ:


– Giúp anh Diều giấy xong, bác phải lo cho tôi.


Nhưng Dao lại đột nhiên không chú ý tới Ô đen và Diều giấy, lão xoay qua đoàn xe bằng nhựa.


Đoàn xe nhựa vội vã xếp hàng, cãi nhau chí choé:


– Tao đứng số một.


– Làm gì mà chen lấn dữ vậy?


– Đừng có tranh nhau, tùy ông Dao muốn giúp vật nào trước thì giúp.


Dao lại quay đi, lão làm như cảm thấy thất vọng vì sự lộn xộn, vô trật tự của lũ xe hơi nhựa.


Đột nhiên Dao đứng khựng lại, xoay một vòng sáng lấp lánh và nói với ông Cung:


– Ông Cung là một trong những vật quí phái, già lão nhất phòng này. Tôi xin gắng sức giúp ông trước.


Ông Cung đáp một cách dè dặt:


– Xin cảm tạ hảo ý của ông. Tuy nhiên tôi chưa tin rằng việc làm của ông ích lợi và cần thiết. Ông cho phép tôi suy nghĩ, tôi đang chờ ý kiến của cụ Sách.


Lão Dao hơi khựng một chút. Nhưng rồi lão quay đi, nói với mọi vật bằng giọng đầm ấm, vui tươi:


– Xin lỗi quí vị nhé. Tôi biết quí vị đang nóng lòng chờ đợi. Tôi càng chậm trễ thì quí vị càng thiệt thòi, càng chậm được hưởng những phút giây hạnh phúc của một cuộc đời mới. Những tháng ngày trước đây, dù hăng say phục vụ tôi vẫn bị nhiều vật oán giận vì đã chậm tách họ làm đôi. Nhưng xin quí vị thông cảm cho trong phòng này cụ Sách; ông Cung là những vật trưởng thượng chúng ta phải kính trọng. Tôi không dám quên lễ nghĩa, tôi cam đoan quí vị không phải chờ lâu.


Chú Quay sừng càu nhàu nho nhỏ:


– Đã thế còn đọc diễn văn dài dòng nữa, sốt cả ruột.


Hình như lão Dao có nghe tiếng Quay sừng, nhưng lão vẫn bình thản.


– Thế nào các chị Nến hồng? Các chị hết vui rồi hay sao mà những ngọn nến bớt sáng như vậy?


Thực ra sáu chục ngọn nến vẫn sáng rực rỡ, căn phòng chưa có đêm nào sáng đến thế. Nhưng nghe lời lão Dao, họ hàng nhà nến vội vàng đốt lửa lớn thêm và reo:


– Chúng tôi vui vô cùng. Cám ơn ông Dao nhiều lắm.


Bây giờ lão Dao mới tới bên cụ Sách:


– Thưa cụ, tôi hiểu rằng cụ cần được tách làm đôi nhanh hơn tất cả mọi vật trong phòng này.


Cụ Sách lưỡng lự:


– Có lẽ ông lầm rồi.


Giọng lão Dao trầm xuống:


– Cụ thật là một vật can đảm và giầu tinh thần hy sinh mà tôi chưa từng gặp. Cái gáy cụ bị rách nát.


– Bị chuột cắn đấy. Cậu bé bỏ quên tôi dưới gầm tủ thành ra tôi gặp nạn. Nhưng cũng chẳng sao. Những cuốn sách về già thế nào cũng mắc cái bệnh rách gáy, như loài dao sốt vàng da và loài người thì bạc đầu.


Lão Dao ngậm ngùi:


– Tội nghiệp cụ quá. Vậy mà cụ còn phải chứa một số trang sách quá đông đảo, chắc cũng có tới bốn trăm trang?


– Bốn trăm hai mươi trang tất cả.


– Quá sức tưởng tượng? Với một cái gáy bị chuột gặm nát ra như thế kia làm sao mà cụ giữ cho những trang sách khỏi đi lang thang rồi thất lạc luôn?


– Dạ, thưa một cuốn sách tự trọng thì bao giờ cũng phải giữ gìn đủ từ trang đầu tới trang cuối và cũng phải bắt các trang đứng theo thứ tự trước sau đàng hoàng, không có lộn xộn được. Tôi đã dạy dỗ các trang sách rất kỹ điều đó nên không có chuyện đáng tiếc nào xảy ra.


– Cụ có bao nhiêu chương tất cả nhỉ?


– Dạ, hai chục chương tất cả.


Lão Dao xuýt xoa như cảm phục lắm:


– Thưa cụ, thế thì chúng tôi lại xin phép tỏ sự cảm thông xâu xa với nỗi khó khăn của cụ. Chắc chắn mười chương đầu với mười chương cuối không ưa nhau. Chúng chia phe cãi lộng suốt ngày….


Cụ Sách kinh ngạc:


– Ủa! Sao ông biết chuyện đó?


– Tuy là dao lớn nhưng không bao giờ tôi từ nan những công tác nhỏ. Vì vậy thỉnh thoảng tôi được dùng vào việc rọc sách, cuốn nào cũng có cái nạn chương nọ gây chuyện cãi lộn với chương kia.


Cụ Sách thì thầm:


– Chuyện lộn xộn xảy ra trong lòng mình, tôi vẫn phải dấu mọi vật trong phòng, sợ họ cười. Quả thực, chưa khi nào những chương sách của tôi chịu sống hoà thuận với nhau. Chúng chia làm hai phe, phe thứ nhất do chương thứ mười cầm đầu. Chương thứ mười một lãnh đạo phe còn lại gồm trọn nửa phần cuốn sách. Chương mười và chương mười một ở sát cạnh nhau nên luôn luôn có chuyện xích mích.


Cụ Sách chưa nói hết lời, bỗng một chương sách lên tiếng:


– Lỗi tại chúng nó cả. Luôn luôn chúng kể công rằng nhờ có bọn chúng mở đường người ta mới biết tới chúng tôi. Nếu không những chương về sau là đồ bỏ.


Đó là lập trường của chương thứ mười một.


Chương thứ mười phản công ngay:


– Láo khoét! Thưa ông Dao, chưa có vật nào hợm hĩnh kiêu căng như bọn chúng nó. Chúng chê bọn tôi, những chương sách đầu, là quê mùa thô kệch dốt nát. Chỉ có những chúng mới thực sự là bọn thông thái và bao nhiêu cái hay chúng nắm giữ cả. Thật là một bọn vô ơn.


Những chương sách sau chương thứ mười một nhao nhao lên:


– Đừng có hỗn.


– Tài cán chẳng được bao nhiêu, mà lại ưa kể công.

 
– Chương giỏi nhất của bọn bay còn thua chương hạng bét của chúng tao.


Mười chương sách kia đâu có chịu nhịn. Chúng chửi lại địch thủ là bọn mất gốc, vô ơn bạc nghĩa…


Cụ Sách hét lên nhiều lần, bắt hai phe im tiếng. Nhưng các chương sách cứ vừa phân trần với lão Dao vừa sỉ nhục, chọc tức nhau. Cụ Sách cũng kinh hoàng vì chưa bao giờ thấy chúng cãi lộn nhau dữ dội đến như thế. Chúng moi móc cả những lỗi in sai của nhau ra để giễu cợt, phỉ báng. Chương thứ mười bảo rằng chương thứ mười một đã được tác giả viết trong một cơn say tí bỉ. Còn chương mười một thì chê lại rằng chương mười ra đời trong lúc tác giả đang mắc bệnh khùng. Cả đến chương cuối, một chương thông thái nhất, cũng bị chửi là đồ không có hậu.


Cuối cùng, chương thứ mười hét lên:


– Tôi không thể nào sống chung với bọn kiêu căng vô lối được.


Chương thứ mười một quay ra nói với lão Dao:


– Xin ông giúp cho, tôi không còn muốn thấy mặt bọn dốt nát hỗn hào.


Cụ Sách hình như không có ý kiến nào sáng suốt nữa. Cụ mệt nhoài và gáy nứt ra thêm một đường dài.


Lão Dao nói to:


– Thể theo lời khẩn khoản yêu cầu của các chương sách cùng sự đồng ý của cụ Sách, tôi tách cụ Sách ra hai phía.


Dao xẹt tới một đường và hai nửa cuốn sách văng ra hai phía.


Cụ Sách, vật khôn ngoan cao quí nhất trong phòng đã tách làm đôi. Bấy giờ lão Dao mới bình tĩnh trở lại với mọi vật khác. Các vật náo nức xôn xao. Chúng không còn giữ trật tự nữa, chúng vây quanh lão Dao, tranh nhau xin lão giúp đỡ trước.


Lão Dao cắt bác Ô đen ra làm hai. Chỉ có phần vải và các nan thép được chia đồng đều cho hai phía. Cán ô bằng thép lão Dao không chạm tới. Chúng ta không có hai cái Ô mà chỉ có một chiếc ô rách tả tơi cùng những mảnh vải vô dụng.


Vĩnh biệt bác Ô đen!


Anh Diều giấy được cắt làm đôi trong chớp mắt. Những nan tre bung ra. Chỉ còn chiếc đuôi nguyên vẹn. Không bao giờ có những mảnh tre gẫy bay lộn nhẹ nhàng trên trời.


Vĩnh biệt anh Diều giấy!


Lão Dao cắt đôi bông Hoa một cách thận trọng tỉ mỉ hơn. Cả cái cuống cũng được chẻ làm đôi rất đều đặn. Nhưng ngay sau đó Hoa tàn héo, gục đầu xuống miệng bình, các cành đều rũ liệt.


Vĩnh biệt bông Hoa!


Lão cắt đôi những chiếc xe hơi tí hon bằng nhựa. Mỗi chiếc xe được chia làm hai phần, mỗi phần chỉ có hai bánh. Như thế tất nhiên chẳng khi nào chúng có thể chở niềm vui chạy quanh nhà như trước. Bây giờ chúng đứng cũng không vững.


Vĩnh biệt những chiếc xe hơi nhựa!


Bình mực bị cắt không chia làm hai mà bị vỡ thành trăm mảnh. Niềm an ủi cuối cùng của vật mơ mộng và đãng trí này là cả trăm mảnh đều lấp lánh phản chiếu ánh nến sáng ngời.


Vĩnh biệt chị Hằng nhỏ bé xa vời vẫn lướt mây trong lòng bình mực!
Lão Dao lầm lì tiếp tục cắt, càng làm việc lưỡi dao càng sáng quắc.


Ông Bàn là vật lên tiếng báo động đầu tiên. Lúc đó bình minh đã sắp tới. Ông hét:


– Nguy rồi. Hoa không ngủ, cô ấy đã héo đi.


Cùng lúc đó sau mươi ngọn Nến gào thét dữ dội:


– Chúng tôi bị giảm thọ, mất hẳn một nửa đời sống.


– Chúng tôi bị lừa.


Chú Quay sừng vùng dậy chạy đến hỏi thăm bác Ô đen, Ô đen không trả lời. Rồi Diều giấy, nhưng chiếc xe hơi nhựa cũng không có vật nào lên tiếng, dù chú Quay sừng hét thật lớn.


Bây giờ ông Cung đã hiểu. Khi nãy thấy chính cụ Sách cũng đòi tách làm hai, ông hết nghi ngờ. Ông đang nhớ những kỷ niệm oai hùng trong quá khứ.
Ông Cung gọi:


– Cụ Sách…..cụ Sách ơi!


Có tiếng hai cụ Sách thều thào:


– Tôi bị thương nặng bị tách làm đôi. Bây giờ nửa này đang thương nhớ nửa kia. Nhưng không sao, chỉ cần một chút keo là xong. Ông hãy cứu lấy những vật khác.


Ông Cung hét to:


– Yêu cầu anh Dao ngừng lại.


Lão Dao tỉnh bơ. Lão làm như không hề nghe một tiếng nào và tiếp tục chặt đôi chị Tranh. Chị Tranh kêu cứu một cách tuyệt vọng.


Ông Cung hét một lần nữa:


– Anh Dao không ngừng lại tôi bắn.

 
Chị Tranh đã bị cắt làm đôi.


Ông Cung có ba mũi tên mới, chúng còn non nên chưa được phiêu lưu. Trong lúc nguy cấp ông Cung bắn cả ba mũi tên vào lão Dao. Cả ba mũi đều trúng đích làm lão Dao ngã lộn xuống. Nhưng cái thân thể bằng sắt thép của lão đâu có hề hấn gì. Chú Quay sừng được dịp xoay tít lao thẳng vào thân lão, gây lên một tiếng keng dữ dội, nhưng rồi chú văng ra. Lão Dao tiếp tục chặt đôi tới anh Ghế.


Anh Ghế đã thấy những chiếc xe bằng nhựa, anh hiểu rõ số phận bi đát của mình nếu bị cắt đôi, anh kêu la thật thảm thiết. Nhưng ông Cung chẳng còn một mũi tên nào, mà dù còn, cũng vô ích.


Lão Dao trở thành vật vô địch.


Bấy giờ chị Bóng bay lơ lửng ở góc nhà đang nhớ tới sự hy sinh của bác Đèn xếp. Bác đã chịu cháy tiêu để cứu mạng cụ Sách. Chị cảm thấy lão Dao đến phòng này và tác hại là vì chị và vì sự đãng trí cẩu thả của cậu bé.
Chị biết rằng chỉ có cách gọi cậu bé sang phòng này bằng một tiếng động thật lớn.


Chị dũng cảm lướt tới trước mũi lão Dao và nói:


– Chia tôi ra làm hai đi.


Chị muốn chào vĩnh biệt mọi vật trong phòng nhưng không kịp. Vừa chạm nhẹ vào lão Dao, chị đã nổ tung.

 
Trong lúc lão Dao bàng hoàng, kinh ngạc. Ở trong phòng ngủ của chú bé vang lên tiếng dép….
 
 
Ông Cung nói với cụ Sách giọng nghẹn ngào:


– Chúng ta mất nhiều bạn quá.


Cụ Sách khóc:


– Lỗi tại tôi dốt nát, ngu si. Đáng lẽ không nên tin tưởng vào một con dao sắc và độc ác như thế. Tôi sẽ xin ghi nhớ thêm trong lòng, ở những trang cuối cùng, lời nhắc nhở cậu bé: "Đừng bao giờ đùa nghịch với một con dao và để quên nó trong phòng, nhất là những con dao quỉ quái ".


Ông Bàn than thở ở góc nhà:


– Tụi mình thương chú bé biết bao. Nếu biết, chắc chú ấy không nỡ xử tệ với tụi mình như vậy.


Cụ Sách cố dằn cơn xúc động, trầm ngâm, rồi phát biểu một câu rất lạc quan:


– Quí vị cứ yên tâm. Họ hàng nhà sách chúng tôi đông lắm. Thế nào sau này cũng có một chàng sách trẻ ghi tâm sự tụi mình. Cậu bé giở sách đọc, cậu ấy sẽ hiểu.

– Hết –


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét