Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Tan an ngay xua.html

Tan an ngay xua.html

Đào Văn Hội

Tân An Ngày Xưa

Thông tin ebook

Tên sách : Tân An Ngày Xưa

Tác giả :  Đào Văn Hội

Thể loại : Tùy búy – Biên khảo

Xuất bản : Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa

Năm xuất bản : 1972

———————————-

Nguồn : http://viendu.com

Convert (TVE) : santseiya

Ngày hoàn thành : 02/07/2007

Nơi hoàn thành : Hà Nội

http://www.thuvien-ebook.com

Mục Lục

Tài Liệu Tham Khảo

Đôi Lời Hoài Cổ Về Hai Chữ « TÂN AN »

I) Lịch Sử

Lịch sử Nam Kỳ

Lịch sử Tỉnh Tân An

II) Địa Lý

a) Hành chánh, giao thông

b) Vị trí, sông ngòi

c) Đồng Tháp Mười

d) Thổ sản

III) Sanh Hoạt Tỉnh

a) Vấn đề đèn nước

b) Chuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho

c) Chiếc đò rút

d) Cây cầu sắt Tân An

e) Trường tiểu học

f) Nạn tai khủng khiếp

g) Đệ nhứt thế chiến

IV) Nhân Vật

a) Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức (1748 – 1819)

b) Ông Hóng cự phú số một miền Nam

c) Một nhà có biệt tài dịch thuật : Trần Phong Sắc

d) Sáng lập viên Đạo Cao Đài : Ông Ngô Văn Chiêu tức Ngô Minh Chiêu (1878 – 1932)

e) Một ông giáo đặc biệt : Ông Huỳnh Văn Đẩu

f) Một danh gia vọng tộc

g) Một nhân tài : Nguyễn Văn Tỵ

V) Kháng Pháp Ở Tân An

a) Thiên hộ Nguyễn Duy Dương

b) Nguyễn Trung Trực (1837-1868) Sát Đại úy Bourdais

VI) Thắng Cảnh, Cổ Tích

a) Lộ Tổng Huẩn

b) Rạch Bà Rịa

c) Chợ Ông Huyện

d) Bến Vũng Gù

e) Bến đò Chú Tiết

f) Sông Châu Phê

g) Thị trấn Kỳ son

h) Kinh ông Hóng

i) Miễu Ông bần quì

VII) Giai Thoại

a) Phú ông mất vàng

b) Bà già bị … ếm giàu

c) Chủ quận Việt « xài » Cò Tây

d) Thần Tài không đãi người khoe khoang

e) Chủ quận năn nỉ nhân dân

f) Thần Tài báo mộng

VIII) Giải Trí

a) Đá gà nòi

b) Những trò chơi vặt

c) Chơi cờ tướng

d) Cúng rằm tháng bảy

IX) Ca Dao

Kết Luận

Thành kính Dâng Chư vị Thầy tôi và Song thân tôi thiên khảo cứu nhỏ nhoi nầy

 

Trăm năm bia đá thì mòn,

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Ca dao

 

Tài Liệu Tham Khảo

- Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim

- Hà Tiên Mạc thị sử Đông Hồ

- Lịch sử Nam tiến Ngô Văn Triện

- Nam Kỳ Lục Tỉnh địa dư chí Đại Việt tạp chí số 50-51-52 ngày 1, 16-11 và 1-12-1944

- « Đây, đất Đồng Nai, dòng máu sống Việt Nam » Bảo Việt sưu tầm

- Quốc hiệu Việt Nam Lý Bổn Nguyên

- Danh nhân nước nhà Đào Văn Hội

- Lịch trình hành chánh Nam Phần Đào Văn Hội

- Anh hùng kháng Pháp miền Nam Đào Văn Hội

- Lịch sử của quan Phủ Ngô Văn Chiêu Nhà in Việt Hương x.b.

- Định Tường xưa và nay Huỳnh Minh

- Le royaume du Cambodge J. Moura

- Monographies des Provinces de Cochinchine (Địa dư chí các tỉnh Nam Kỳ)

Đôi Lời Hoài Cổ Về Hai Chữ « TÂN AN »

Những buổi chiều tà, khách nhàn du đứng trên « Cầu xe lửa » Tân An phóng tầm con mắt về phía hợp lưu hai con sông Vàm cỏ tây với Bảo định hà, thấy những tòa lầu, nhà trệt, ẩn hiện dưới lùm cây xanh soi bóng trên dòng nước bạc.

Đó là châu thành Tân An, một tỉnh lỵ nho nhỏ, xinh xinh, với dân cư thuần hậu, gợi trong lòng du tử vì sanh kế mà phải lìa quê xiết bao kỷ niệm êm đềm. Hai chữ « Tân An », sau khi tồn tại suốt mấy trăm năm trong lịch sử, cách nay chẳng bao lâu, năm 1956, bị Ngô triều cao hứng xóa bỏ trong bảng đồ miền Nam đất Việt và thay vào hai chữ Long An.

Tân An ! Mặc dầu Tân An không còn hiện diện trên công văn giấy tờ nữa, song không bao giờ phai lạt trong tâm tư những người chân thật tự xưng mình là « người Tân An » !

Người thường nói : « Vô cổ bất thành kim » (không có xưa sao có nay), hiện tại tuy quan trọng mà quá khứ cũng chẳng nên khinh, huống chi khắp năm Châu biết bao nhiêu là sách sử ghi chép những tích cũ truyện xưa từ mấy ngàn năm về trướcd, và chính hiện nay, nhiều nhà khảo cổ nhọc trí khổ tâm cố công phơi ra ánh sáng những thành phố xa xưa đã bị thời gian vùi lấp.

Như thế ấy, lẽ nào chúng tôi, con dân sanh trưởng ở Tân An, đành làm ngơ chẳng góp một viên gạch mặc dầu nhỏ nhoi vào công trình soạn thảo một « Tân An địa phương chí » đầy đủ sau nầy.

Vả lại, với mục đích hào bảo hai chữ Tân An thân mến, hôm nay chúng tôi mạo muội thảo năm ba trương về tỉnh Tân An năm mươi năm về trước và xa hơn nữa, cho đến cận đại thời cuộc 1945.

Tân An, một tỉnh kỳ cựu lịch sử di tích dồi dào, nhân vật cũng nổi danh chẳng kém một tỉnh nào khác ở Nam Kỳ, như Định Tường chẳng hạn.

Tuy nhiên, không đủ phương tiện sưu tầm tài liệu trong thời kỳ chiến tranh nầy, chúng tôi khiêm nhượng lưu ý đồng bào tân cựu, lão thiếu, năm ba điểm chính về lịch sử, địa lý và cống hiến đôi câu chuyện về nhân vật, cổ tích, giai thoại … để cùng chúng chúng tôi thưởng thức những giờ nhàn rỗi.

I) Lịch Sử

Tìm hiểu lịch sử một tỉnh, tức là khảo cứu lịch sử của toàn xứ gồm tỉnh kia trong đấy. Như thế, để cống hiến độc giả lịch sử tỉnh Tân An, chúng tôi trước xin trình bày lịch sử xứ Nam Kỳ thân mến của ta, nhân tiện biểu dương tinh thần nhẫn nại của tổ tiên, kiên cường khai thác suốt mấy trăm năm trời một vùng đất rộng lớn gần sáu mươi ngàn cây số vuông, hoang vu tự cổ thời, biến thành một vựa lúa phong phú nhất nhì Đông Nam Á, hàng năm xuất cảng ra ngoại quốc, trước thời cuộc 45, với dân cư đông đúc, với những thành phố đẹp đẻ kim thời.

Lịch sử Nam Kỳ

Chia làm nhiều giai đoạn :

a) Nước Phù Nam và Chân Lạp

Từ sơ khai kỷ nguyên Cơ Đốc, trên miền Nam bán đảo Đông Dương, có một dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ lập nên nước Phù Nam, đóng đô ở Ba Phnom (Đặc Mục).

Thế kỷ thứ IV, và thứ V, nước Phù Nam cực kỳ cường thịnh, song đầu kỷ thứ VI, Phù Nam khởi sự suy tàn, và vua Rudravarman là vua Phù Nam cuối cùng vậy.

Giữa thế kỷ thứ VI, nước Phù Nam sụp đổ và nước Chân Lạp trước là hầu quốc của Phù Nam, ngày càng mạnh mẽ. Vào khoảng năm 540-550, hai anh em vua Chân Lạp, Bhavavarman và Citrasena (Chất đa tư na) đánh lấy Phù Nam, chiếm kinh đô Đặc Mục.

Đầu thế kỷ thứ VIII, nước Chân Lạp chia làm hai miền :

- Miền bắc gồm những núi non và truông rẫy, gọi là Lục Chân Lạp ;

- Miền nam giáp biển Nam hải, nhiều đầm hồ sông rạch, gọi là Thủy Chân Lạp.

Nam Phần Việt Nam xưa kia là Thủy Chân Lạp.

Đến đời nhà Lý Việt Nam, hai nước Lục, Thủy Chân Lạp hợp lại làm một gọi là Chân Lạp, sau nữa gọi là Cao Miên hay Kampuchéa, Camgodia, tức Camgodge dưới thời Pháp thuộc và là quốc hiệu do Sihanouk chọn lựa. Sau người Nam tị quốc huý là cử chữ Miên trong tên vua Thiệu Trị, viết thành Cao Man.

Trong một thời gian khá lâu, nước Cao Miên có hai vua : đệ nhứt vương đóng đô ở Oudong (ta gọi là Long Úc) còn đệ nhị vương thì đóng đô tại Sài Gòn, lúc bấy giờ kêu là Prey Nokor, ban đầu kêu là Prey Kôr, dịch là « Rừng gòn » sau đổi là Prey Nokor, Prey là « rừng », Nokor là « xứ ».

Từ khi Việt Nam lập quốc, mãi đến năm Thuận Thiên thứ ba (1012) đời vua Lý Thái Tổ, nước Chân Lạp mới vào cống, từ đó cứ ba năm lại một lần sai sứ đến. Về sau, Chân Lạp cùng với Chiêm Thành thường đến xâm đất Nghệ An, nhưng nhiều lần bị quân ta đánh bại, từ đó nhìn nhận nước ta là thượng hạng.

Trong một khoảng thời gian quá ngàn năm, trên giải đất hoang vu của Phù Nam xưa, mà ban sơ chúng ta gọi là Thủy Chân Lạp, người Tàu kêu là « Cổ Chiêm Thành », sau nầy người phương tây gọi là Basse Cochinchine, rồi Cochinchine do các nhà hàng hải Bồ Đào Nha thấy miền duyên hải miền Nam nước Việt giống như miền duyên hải xứ Cochin nước Ấn Độ, nên gọi Cauchin China hay Cochin Chin, tức là Cochin gần nước Tàu (China) để khỏi lầm Cochin bên Ấn Độ, trên giải đất nầy, rộng lớn minh mông, sống rải rác nhiều dân tộc, người Miên, Chàm, Mã Lai và người Tàu, phần nhiều chuyên về trồng tỉa, bán buôn, săn bắn, chài lưới, mà không có một chánh quyền cai trị nào vững chắc.

Bởi thế cho nên, sau nầy có những cuộc di dân quan trọng người Việt người Tàu vào đất Đồng Nai, không ai phản đối chi cả, và mỗi khi trong hoàng tộc Cao Miên xảy ra những vụ tranh chấp để dành ngôi vua thì cầu cứu cùng Chúa Nguyễn. Mãn nguyện rồi, họ cắt những vùng đất trên Thủy Thân Lạp tạ ơn Chúa Nguyễn, mà thật sự họ cũng không thiệt thòi gì.

b) Nhân dân Trung Phần di cư vào Nam

Dân tộc Việt Nam ta thật sự Nam tiến vào đầu thế kỷ thứ XVII với nhân dân miền nam Trung Phần, vùng Quảng Nam, Qui Nhơn, Phú Yên thường hay mất mùa, phải đói khổ luôn, vả lại nhằm lúc Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh tranh hùng cho nên một số đông dân chúng gánh gồng, dìu dắt nhau tản cư, tìm nơi an toàn, phì nhiêu mà sanh sống.

Đoàn di dân tiến về phía nam nước Chiêm Thành, có lẽ hiện nay là Cù Mi, La Gi, đổ bộ lên lục địa lập nghiệp sanh cư, nơi đây thuở ấy gọi là « Môi Xoài » (hay Mỗi Xúy) là vùng đất giữa Biên Hòa và Bà Rịa (Phước Tuy ngày nay). Đoàn khác lại theo dòng thủy triều mà tấp vào một nơi khác trên phần đất gò nổng mà điểu thú đa số là loài công, do đó truyền miệng nhau gọi là Gò Công (Khổng tước nguyên).

Đám người trôi dạt khác lại theo cửa Cần Giờ ngược dòng sông Nhà Bè trở lên một đồng bằng, có lẽ nơi đây họ gặp nhiều bầy nai thản nhiên ăn cỏ giữa cảnh thiên nhiên cho nên đặt tên vùng đất mới là Đồng Nai (Lộc Dã) tức là Biên Hòa ngày nay. Lại có đám di dân tản lạc lên tới bình nguyên Prey Kôr mà khai khẩn, ấy là Sài Côn mà hiện nay là Sài Gòn.

c) Bọn người Tàu Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên khai khẩn miền Nam

Năm kỷ mùi (1679) Tổng binh thành Long Môn (Quảng Tây) nhà Minh tên là Dương Ngạn Địch, Phó tướng Huỳnh Tấn (Hoàng Tiến) và Tổng binh châu Cao, châu Lôi và châu Liêm (Quảng Đông ?) là Trần Thượng Xuyên, Phó tướng Trần An Bình cử binh phản nhà Thanh để mưu khôi phục cơ nghiệp nhà Minh.

Thế không địch nổi, hai Tổng binh đem tướng sĩ xuống thuyền chạy sang hải phận nước Nam, ban đầu cầu cứu với Chúa Trịnh, sau đó lại đầu hàng Chúa Nguyễn và xin Chúa nhận họ làm người dân Việt. Chúa Hiền vương Nguyễn Phúc Tần xuống chỉ cho họ vào đất Thủy Chân Lạp dùng làm nhân công khai thác các vùng đất hoang.

Dương Ngạn Địch và Huỳnh Tấn theo dòng sông Cửu Long đến cấm trại ở Định Tường, còn bọn Trần Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ, ngược dòng sông Đồng Nai cắm trại ở đất Ban Lân (Biên Hòa) và Đông Phố (Gia Định) chuyên lo việc thương mãi và canh nông, người Tàu, người Tây Dương, Mã Lai, Nhựt bổn chở thuyền đến buôn bán ngày một thạnh vượng vui vẻ tại Biên Hòa

d) Mạc Cửu khai thác đất Mang Khảm (Hà Tiên) lập bảy xã thôn qui phụ vào Nam triều

Năm Tân hợi (1671) có người Tàu tên là Mạc Cửu, người huyện Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, không thần phục người Thanh, cùng các người di dân xuống thuyền xuất ngoại sang Cao Miên thần phục vua Nặc Ông Non, khai khẩn đất Mang Khảm, chiêu mộ lưu dân lập ra bảy xã thôn :

- Hà Tiên, – Phú Quốc, – Long Cơ, – Cần Vọt (Kampot), – Vũng Thơm (Kimpongthom), – Rạch Giá, – Cà Mau.

Năm 1714, Mạc Cửu thân đến Phú Xuân dâng biểu xin đem bảy xã của mình khai phá qui phụ vào Nam triều.

Chúa Minh vương Nguyễn Phúc Chu chấp thuận và đổi tên đất Mang Khảm là Hà Tiên trấn.

Con Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích nối chí cha, khai thác miền duyên hải Thủy Chân Lạp và trấn Hà Tiên được thêm bốn huyện nữa :

- Long Xuyên (Cà Mau, ngày nay là tỉnh An Xuyên), – Kiên Giang (Rạch Giá), – Trấn Giang (Phong Dinh bây giờ), – Trấn Di (Bạc Liêu, Bai Xau).

e) Chúa Nguyễn lập Dinh, Trấn và các Đạo trên Nam Phần thời xưa

Ngoại trừ những cuộc di dân lập ấp nói trên, các Chúa Nguyễn còn dùng xương máu chiến sĩ Việt Nam để hộ trợ Miên vương trong những vụ hoàng tộc họ cùng nhau tranh ngôi báu. Và khi vị vương nhờ Việt Nam ta giúp đỡ được mãn nguyện rồi, họ cắt đất đền ơn, nay một tỉnh mai một vùng. Những tranh chấp ngôi báu của Miên vương và những can thiệp của Chúa Nguyễn, nhiều sách sử còn ghi chép rõ ràng, chẳng hạn như :

- Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim

- Hạ Tiên Mạc thị sử Đông Hồ

- Lịch sử Nam tiến Ngô Văn Triện và Le Royaume du Cambodge J. Moura. mà chúng tôi đã biên trong mục « Tài liệu tham khảo », chúng tôi nghĩ không cần thiết chép dài dòng ra đây làm chi, độc giả muốn lãm tường xin xem qua mấy quyển sách ấy.

Điều quan trọng là nêu lên kết quả công lao của người Việt Nam trên miền Nam đất Việt suốt mấy trăm năm.

Năm 1698, Chúa Minh vương Nguyễn Phúc Chu lập :

Trấn Biên Dinh (Biên Hòa) và Phiên Trấn dinh (Gia Định).

Năm 1714 và mấy năm sau, nhận Hà Tiên trấn và mấy huyện :

- Hà Tiên, Phú Quốc, – Long Xuyên, – Kiên Giang, – Trấn Giang, – Trấn Di.

Năm 1732, Chúa Ninh vương Nguyễn Phúc Chú chiếm :

- Định Tường và Long Hồ (Vĩnh Long).

Năm 1744, Chúa Võ vương Nguyễn Phúc Hượt lập :

- Trấn Biên dinh, – Phiên Trấn dinh

- Long Hồ dinh, – Hà Tiên trấn.

Năm 1753, lập : Đạo Trường đồn (Mỹ Tho, Cao Lãnh)

Năm 1755, nhận : Tầm Bôn và Lội Lạp, tức vùng Soi Rạp (Tân An).

Năm 1757, nhận :

- Trà Vang tức Trà Vinh (Vĩnh Bình)

- Ba Thắc (Bassac, Sóc Trăng), – Tầm Phong Long (vùng bắc Bassac).

Sau cùng, năm 1759, Chúa Võ vương lập năm đạo :

- Đông khẩu đạo (Sa Đéc), – Tân châu đạo (Cù lao Giêng)

- Châu Đốc đạo, – Kiên Giang đạo, và Long Xuyên đạo (tức An Xuyên ngày nay).

Kể từ đó, toàn cõi Nam Kỳ được Nguyễn triều kinh lý và người Việt Nam sinh cư lập nghiệp, khai thác ngày một thịnh vượng cho đến ngày nay.

Trên đây là sơ lược lịch sử Nam Kỳ. Bây giờ chúng tôi xin đề cập đến :

Lịch sử Tỉnh Tân An

a) Năm 1788, sau khi khắc phục thành Gia Định, Chúa Nguyễn Phúc Ánh sửa sang đất Nam Kỳ, kêu là Gia Định, chia địa phận ra làm bốn Dinh :

- Phan Trấn dinh, – Trấn Biên dinh, – Trấn Vĩnh dinh, và Trấn Định dinh.

Vua Gia Long trung hưng (1802) định đô ở Phú Xuân (Huế) mới có cái danh hiệu Nam Bắc ; vua chia ra làm ba khu vực :

1) Kinh thành, 2) Gia Định thành, 3) Bắc thành.

Riêng phần Kinh thành (gồm cả Trung Phần ngày nay) thì ở dưới quyền trông nom trực tiếp của nhà vua, còn hai Phần kia xa xôi thì có quan Tổng trấn lo việc cai trị.

Gia Định thành thuộc hạt có 4 trấn, 4 phủ, 15 huyện. và phụ thêm một trấn Hà Tiên : 2 đạo, 2 huyện.

- Phiên An trấn

- Biên Hòa trấn (Biên Hòa và Phước Tuy ngày nay)

- Vĩnh Tường trấn (Định Tường)

- Vĩnh Thanh trấn (Vĩnh Long, An Giang) và Hà Tiên trấn (Hà Tiên, Kiên Giang và Cà Mau)

Phiên An trấn gồm có :

1 phủ : TÂN Bình

4 huyện : Bình Dương, TÂN Long, Phước Lộc, Thuận AN.

Thế là, trong một Phủ và hai huyện, đã có hai chữ Tân và An.

Qua năm 1832 sau khi Bắc thành Tổng trấn Lê Chất và Gia Định thành Tổng trấn Lê Văn Duyệt từ tan, vua Minh Mạng đổi :

- Bắc thành ra Bắc kỳ. – Gia Định thành ra Nam kỳ. và Kinh thành ra Kinh kỳ.

Lại theo lối nhà Thanh, bãi bỏ chức Tổng trấn thành Gia Định và đổi trấn làm tỉnh, lấy đất Tân châu, Châu Đốc và tách hai huyện ở phủ Định Viễn (nguyên thuộc Vĩnh Long) mà đặt ra làm sáu tỉnh, kêu là

« Nam Kỳ Lục Tỉnh » cộng 18 Phủ, 43 Huy3en :

- Gia Định (Phan Yên)

- Biên Hòa (Đồng Nai)

- Định Tường (Mỹ Tho)

- Vĩnh Long (Long Hồ)

- An Giang (Châu Đốc)

- Hà Tiên.

Dưới triều Tự Đức, Nam Kỳ phân làm ba quận, mỗi quận do quan Tổng đốc cai trị, gồm hai tỉnh.

Quận Định biên gồm hai tỉnh Gia Định và Biên Hòa. Tỉnh Gia Định có 4 Phủ, 9 Huyện :

Phủ Tân Bình

3 huyện : Bình Dương

Bình Long

Tân Long

Phủ Tân An

2 huyện : Cửu An

Phước Lộc

Phủ Hòa Thanh

2 huyện : Tân Hòa

Tân Thành

Phủ Tây Ninh

2 huyện : Tân Ninh

Quang Hóa

Thế là Phủ Tân An ra đời dưới triều Tự Đức và trong một « lòng phái » do vị Hòa thượng chùa Phước

Hải ở Cái Bè (Mỹ Tho) cấp cho một nữ tín đồ ở Tân An cách đây năm mươi năm, chúng tôi được nghe mấy danh từ địa phương như sau :

« Đại Nam quốc, Tân An phủ, Tân thành huyện, Thượng hội thượng tổng, Bình lập thôn… » b) Quân đội Pháp xâm chiếm Nam Kỳ trước đoạt ba tỉnh miền đông : Biên Hòa, Gia Định, Định Tường.

Do Hòa ước năm Nhâm Tuất ký kết ngày 5-6-1862, sứ thần Việt là Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp nhượng cho Pháp ba tỉnh nói trên.

Thuở bấy giờ, Phủ Tân An vẫn thuộc địa phận tỉnh Gia Định và ban sơ, Phủ đường đặt tại Châu phê, chợ

Cai Tài, làng Huê Mỹ Thạnh, nên mới có câu ca dao còn truyền tụng đến ngày nay :

Bảng treo tại chợ Cai Tài,

Bên văn, bên võ, ai có tài ra thi.

 Năm 1863, chánh quyền dời Phủ lỵ về làng Nhơn thạnh, tả ngạn sông Vàm cỏ tây và năm 1864, một viên Tham biện Pháp (Inspecteur) được bổ nhiệm cai trị Phủ nầy.

Cuối năm 1868 (hay đầu năm 1869), Phủ đường được vĩnh viễn dời về vị trí tỉnh lỵ Tân An hiện nay, lúc bấy giờ được gọi là Vũng gù.

Lúc trước, tổng Hưng long thuộc Phủ Kiến an (tỉnh Định tường) năm 1867 sáp nhập với Tân An và năm 1871, Tân An lại đặng thêm tổng Mộc hóa khi xưa thuộc Phủ Tây ninh : như vậy, các tổng làng nằm giữa hai con sông Vàm cỏ đều được nhà cầm quyền Tân An kiểm soát.

Tham biện Tân An tồn tại đến năm 1899 và nghị định ngày 20-12 bãi bỏ chữ Tham Biện (Inspection) và thay thế bằng chữ Tỉnh (Province).

Và tham biện Tân An từ đây gọi là Tỉnh Tân An. c) Sau cùng, do Sắc lịnh số 143-NV ngày 22-20-1956, Tổng Thống đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa sửa đổi ranh giới các tỉnh Nam Phần Việt Nam, biến nhiều tỉnh cũ làm quận, lập thêm nhiều tỉnh mới. Quận Mộc Hóa tỉnh Tân An được tách ra làm tỉnh Kiến Tường ; phần còn lại hiệp với các quận Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước của tỉnh Chợ Lớn cũ lập thành tỉnh Long An. Tuy nhiên, Tân An đã có trong bảng đồ Nam Kỳ gần ba trăm năm nay, thì dầu ai có oai lực kinh thiên động địa làm sao cũng không thể một sớm một chiều làm cho Tân An đương nhiên mất tích.

II) Địa Lý

a) Hành chánh, giao thông

Dưới thời Pháp thuộc, tỉnh Tân An gồm bốn quận, 10 tổng, 62 thôn.

Quận Châu thành, 2 tổng, 9 thôn : – Tổng Hưng Long

- Thạnh hội thượng

Bình Phước, 4 tổng, 16 thôn : – Thạnh hội hạ

- Cửu cư hạ

- Thạnh mục thượng

- Thạnh mục hạ

Thủ Thừa, 3 tổng, 20 thôn : – Cửu cư thượng

- An ninh thượng

- An ninh hạ

Mộc Hóa, 1 tổng, 17 thôn : – Mộc Hóa.

Tổng Mộc Hóa diện tích bằng 9 tổng kia, tức nhiên quận Mộc Hóa rộng lớn bằng ba quận kia vậy.

Sự giao thông giữa ba quận Châu thành, Thủ thừa và Bình phước rất dễ dàng bằng đường bộ đường thủy, còn từ Châu thành đến quận lỵ Mộc hóa lúc bấy giờ chỉ có duy nhứt một chiếc tàu đò của Hoa kiều mỗi tuần vài chuyến chạy đi chạy lại trên sông Vàm cỏ tây mà thôi. Là vì tạo hóa từ mấy ngàn xưa đã tặng Nam Kỳ một cánh đồng bao la man mát, gọi là Đồng Tháp Mười, nước đọng quanh năm suốt tháng mà chúng tôi sẽ nói sau. Và tổng Mộc Hóa của Tân An lại nằm gọn trong Đồng Tháp Mười thì trước đây, muốn viếng quận lỵ, không có đường nào khác hơn là con sông Vàm cỏ tây.

Nếu chúng tôi nhớ không lầm thì vào năm 1949 ( ?), để tiện việc hành quân, quân đội Việt Nam đấp một con đường đất dài 40 cây số ngàn, dọc theo kinh Bà Bèo, nối liền quận Cai Lậy (Mỹ Tho) với quận Mộc Hóa, sau này là tỉnh Kiến Tường. Chắc con đường ấy ngày nay đã trải đá tráng nhựa rồi, giao thông tiện lợi.

b) Vị trí, sông ngòi

Tỉnh Tân An nằm giữa tỉnh Mỹ Tho phía nam, Gia Định, Chợ Lớn phía đông ; bắc, giáp Cao Miên còn tây thì cận Vĩnh Long, Sa Đéc và Châu Đốc.

Địa phận Tân An gồm cả hai con sông to: Vàm Cỏ Đông (Waico oriental) xưa gọi là Sông Thuận an, tục danh là sông Bến Lức, và Vàm Cỏ Tây (Waico occidental) xưa là sông Hưng Hòa, tục danh là Vũng Gù. Sông Bảo Định Hà nối liền Vàm cỏ tây qua Tiền Giang tại tỉnh lỵ Mỹ Tho. Thời xưa, sông nầy là hai khúc rạch nhỏ, nhờ Vân trường hầu là Nguyễn Cửu Vân nối liền cả hai làm một thông thương từ Vũ Gù qua sông Mỹ Tho.

Đến năm Gia Long thứ 18 (1819), vua sai đào thêm và nới rộng, đặt tên là Bảo Định hà, ghe tàu đi lại thuận tiện từ Tân An qua Mỹ Tho và các tỉnh miền Hậu Giang.

Và chính nhờ Bảo Định hà mà sau khi chiếm cứ Định Tường, quân đội Pháp dùng nó chở thơ từ, bưu kiện từ Tân An qua Mỹ Tho (Định Tường) nên mới có cái tên « Arroyo de la poste » (Kinh Bưu chánh). Một con kinh đào chảy ngang châu thành Tân An, hình vòng cung, bắt đầu từ sông Vàm cỏ tây, ngăn cách hai trường nam nữ tiểu học, và đổ ra Bảo Định hà, nơi cầu Đội Lai. Kinh nầy, người ta gọi là Kinh Lính Tập vì nó chảy bên hông dãy nhà lính ở, người Pháp kêu là Canal de Ceinture vì nó giống cái thắt lưng ; vài mươi năm nay, kinh đã được lấp bằng.

c) Đồng Tháp Mười

Hẳn đồng bào Nam Phần Việt Nam không còn ai xa lạ gì với danh từ Đồng Tháp Mười mà người Pháp gọi là Plaine des Joncs (đồng cói, đồng lác). Cánh đồng bao la nầy chạy dài, về phía đông và nam, từ các tỉnh Mỹ Tho, Tân An và Chợ Lớn, phía tây từ các tỉnh Sa Đéc, Long Xuyên và Châu Đốc.

Về phía bắc cánh đồng tiếp giáp với Cao Miên và những trung tâm sau đây có thể coi như là cửa ngõ lớn của Đồng Tháp Mười.

Về phía nam : Cai Lậy

Về phía đông : Bến Lức

Về phía bắc : Mộc Hóa

Về phía tây : Cao Lãnh

Tháp Mười

Vì sao có cái tên là Đồng Tháp Mười ?

Là vì đồng nầy lấy tên một ngôi chùa cổ, hay gọi là tháp, theo kiến trúc Cao Miên, xây cao mười tầng trên mặt đất. Một điều lạ lùng, gần như kỳ dị, là chung quanh vùng nầy chẳng có ngọn núi nào cả, mà người xưa kiến trúc được cái tháp bằng đá xanh thật cũng lắm công phu và tài tình, nếu ta nghĩ rằng, xưa kia, sự chuyên chở vô cùng khó khăn và vùng Đồng Tháp là một nơi khí hậu hết sức độc địa, thêm đủ loại thú dữ ăn thịt người.

Sau nầy, lúc ông Phủ Trần Văn Mẩng làm chủ quận Cao Lảnh, ông phúc trình lên thượng cấp về ngọn tháp nên, năm 1931, ông Parmentier, nhà khảo cổ Viễn đông, đến tận tháp nầy nghiên cứu. Parmentier đọc những chữ trên mấy tấm bia đá sứt mẻ vì phong sương tuế nguyệt và tan tác ngổn ngang, giải nghĩa rằng đây là Cây Tháp Thứ Mười trong số 10 cái tháp của vua nước Thủy Chân Lạp lập ngày xưa. Vì thế mà dân cư gọi cánh đồng bao la có cái Tháp thứ 10 ấy là Đồng Tháp Mười. Một mớ cổ vật như tượng Phật, đồ thờ bằng đá, bằng đồng được đoàn khảo cổ đem về Sài Gòn chưng bày trong Bảo tàng viện.

Theo kết quả khảo cứu của một nhà khảo cổ khác là P. Pelliot, thì đất Nam Phần xưa thuộc nước Phù Nam (Founan), lập quốc trên miền tây bán đảo Đông Dương từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI. Kế sụp đổ, bị vua Chân Lạp xâm chiếm. Và tòa Tháp gọi là Tháp Mười là công trình kiến tạo của vua Phù Nam Gunavarman là con vua Jayavarman, để kỷ niệm sự lấp hào vũng, lập một thánh đường để tôn thờ dấu chơn của Vishnou là Thái dương thiên thần.

Đồng Tháp

Trở lại Đồng Tháp Mười, những nhà bác học đồng ý công nhận rằng, xưa nơi đây là một cái vịnh to, lần lần đất phù sa sông Cửu Long bồi đấp cả mấy ngàn năm mới thành đất liền. Tuy nhiên, mãi đến nay, trung tâm Đồng Tháp vẫn còn là một lòng chảo, có lắm chỗ trũng nước ngập quanh năm cả về mùa khô nữa, biến thành những hồ bùn lầy nước đọng.

Lại có vùng hoàn toàn là một bãi cát mênh mông cho nên người ta gọi là Láng biển, ở tại là Mỹ Thọ (Sa Đéc). Nơi đây, người ta còn gặp nhiều di tích thuyền bè bị đắm như cột buồm, lòi tói, mỏ neo …

Trước đây, khi Đồng Tháp hoàn toàn hoang vu, có những nơi như Bàu Sen, Láng bông súng, Lung Năng, Đồng Lác, Đồng Đưng, Rừng Tràm, cỏ cây mọc la liệt, liên tiếp nhau chạy mút tầm con mắt, xa tận chơn trời. Đó là nơi trú ẩn của vô số thú rừng như hùm beo, rắn, tượng … có chỗ voi đi thành đìa lầy, nên gọi là Láng Tượng. Về mùa mưa, cánh đồng ngập đến một hai thước nước.

Theo lời Thiếu tướng Văn Là, nguyên Chỉ huy trưởng Khu chiến Đồng Tháp Mười, đồng này có nhiều nguồn lợi thiên nhiên chẳng hạn như có những đìa cá vô số kể, có thể gọi là « Tiểu Biển Hồ Cao Miên » ở Nam Phần. Và nếu Đồng Tháp được khai thác hẳn hòi, đào kinh xẻ rãnh đặng chắt nước phèn, thì trong một ngày gần đây, sẽ là một kho tàng lúa và cá của miền Nam đất Việt, dư để dư ăn, có thể hàng năm xuất cảng.

d) Thổ sản

Nhờ hệ thống sông rạch phong phú, phân phối đồng đều nhứt là nhờ phù sa hai con sông Vàm cỏ, Bảo định và các con kinh nhân tạo khác mà đất địa Tân An phì nhiêu không kém mấy tỉnh có tiếng là phồn thạnh ở Nam Kỳ, chẳng hạn như Mỹ Tho, Cần Thơ… Thổ sản chính hai quận Châu thành và Bình phước là Lúa đủ loại, Trái Cây, Thuốc Lá.

Quận Thủ Thừa sản xuất Mía làm đường trong mấy thôn nằm dài theo sông Vàm cỏ đông, giáp ranh với quận Đức Hòa. Những năm nước sông Vàm cỏ lên quá cao, vào tháng chín, tháng mười, mía trồng hai bên bờ sông cũng hư hao chút đỉnh.

Về việc tiêu thụ mía Thủ Thừa, nhà vườn lớp thì thực hành tiểu công nghệ làm đường tán, đường thẻ, với phương pháp thô sơ, máy ép cũ càng, lớp thì bán mía cho Hãng đường Hiệp Hòa ở quận Đức Hòa và vì sự lệ thuộc vào nhà tư bản độc quyền mà một bọn « thầy xu », nhân viên trong Hãng, hễ ai « biết điều » thì họ cho cân mía trước, bằng chẳng thì phải chịu cảnh đợi chờ, mía khô mất trọng lượng, đôi khi nhà vườn khóc hận đổ mía xuống sông mà về !

Theo một nhân viên người Pháp Hãng đường Hiệp Hòa, ép mía bằng máy cổ lổ của nhà tiểu công nghệ chỉ thâu hoạch được sáu mươi phần trăm nước mía mà thôi ; trái lại, ép bằng máy tối tân của hãng thì lấy mật mía đến 98, 99 phần trăm…

Thổ sản đặc biệt của quận Mộc Hóa là Heo và Gà Vịt. Lúa thì thổ dân, đa số là người Miên, trồng Lúa Sạ, hễ nước lên đến đâu thì lúa lên đến đấy, chừng nước hạ xuống, lúa cũng theo xuống mà trổ bông. Mỗi nhà chúng dân nuôi gà vịt vô số kể và mỗi kỳ tàu từ Mộc Hóa về Châu thành Tân An, chiếc tàu Hoa kiều chở đầy nhóc những giỏ gà giò, gà mái, gà thiến mà đồng bào ta mua trên ấy đem về tỉnh bán kiếm bộn lời.

Vì rằng người Miên lúc bấy giờ tánh tình còn chất phác, họ bán một con gà giò một cắc bạc mà một con gà mái cũng một cắc thôi ; họ lý luận rằng « lớn nhỏ gì cũng con gà » họa hoằng con gà thiến to mập, họ mới bán vài ba cắc. Đem về chợ Tân An, người Việt ta bán con gà giò hai ba cắc, gà mái năm sáu cắc, gà thiến, đồng hai, đồng rưỡi. Một tháng đi buôn gà vài chuyến cũng lời cả trăm bạc, bằng lương ông Đốc phủ sứ thời bấy giờ !

III) Sanh Hoạt Tỉnh

a) Vấn đề đèn nước

Châu thành Tân An là một trong các châu thành chậm tiến nhứt về vấn đề đèn nước. Trước năm 1920, ban đêm, các con đường trong tỉnh lỵ được thắp bằng đèn dầu ; nơi Tòa bố, văn phòng Chánh Phó chủ tỉnh, vài tội nhơn ngồi rút quạt. Trong công sở, nhà người Pháp và các nhà khá giả người Việt đốt đèn măn-song (manchon).

Nước mưa nơi chợ được hứng vào một cái bể to (citerne) cao rộng ; mỗi ngày, một toán tội nhơn đến xe, cung cấp nước uống, tắm giặt cho các công chức Pháp Nam trong châu thành. Thường dân thì uống nước mưa chứa trong mái đầm, còn tắm giặt thì có nước sông, hoặc gánh trong một cái ao to gần trường học. Từ 1920, Công ty Layne đến đào giếng lấy nước mạch và đặt ống phân phối nước trong châu thành. Đồng thời, đèn điện sáng trưng thay thế mấy cây đèn dầu lu lít.

b) Chuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho

Từ sáu giờ sớm mai đến bảy giờ rưỡi tối, năm chuyến xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho ghé ga Tân An, ba chiếc cũ, hai chiếc mới.

Chiếc xe cũ chỉ có hai hạng, hạng ba và hạng tư, băng dài bằng cây, chạy cà rịch cà tang, mỗi ga mỗi ghé ; từ Sài Gòn đến Mỹ Tho chỉ có 72 cây số ngàn mà nó chạy mất ba tiếng đồng hồ mới tới ! Là vì, cũ kỹ, yếu đuối chậm chạp, nó ì ạch leo dốc cầu sắt Tân An, lên gần tới cầu thì tuột lần tuột lần xuống cả trăm thước, lại lấy trớn leo lên, có khi ba bốn lượt mới lên tới cầu và chạy luôn.

Chiếc xe mới khá hơn, có ba hạng ghế cho hành khách : hạng nhì, ghế đẹp, lót nệm da, hạng ba cũng ghế nệm da song kém hơn, hạng tư thì băng cây dài ; trên sàn toa xe, hành khách tha hồ để giỏ gà vịt giỏ heo con, trái cây, mắm muối … Chiếc xe nầy với tốc lực 40 cây số giờ cũng mất hai tiếng đồng hồ mới đi suốt hành trình.

Đường Sài Gòn Mỹ Tho có cả thảy một chục ga đủ đầu, vừa lớn vừa nhỏ : Chợ Lớn – Phú Lâm – An Lạc – Bình Điền – Bình Chánh – Gò Đen – Bến Lức – Bình Ảnh – Tân An – Tân Hương – Tân Hiệp – Lương Phú và Trung Lương.

Làm một bài toán cỏn con, chiếc xe cũ ghé mỗi ga trung bình ba phút, thử hỏi hành khách bực mình mất ngày giờ là bao nhiêu, chưa kể bụi than đá bay vãi vào y phục ! Mặc dầu chiếc xe cũ chạy chậm rì song vì nó chạy tới thụt lui ở ga Tân An, nên bảy giờ tối ngày ba mươi Tết năm nọ, nó đụng nhằm đứa bé gái năm tuổi con anh tư Đủ gác nhiếp chạy chơi giữa đường rầy (rails) và cán nát óc.

Ngày mồng bảy tháng giêng năm sau, trăng thượng huyền mờ mờ, lối mười giờ đêm, vài người hãi hùng thấy bóng một đứa bé cụt đầu đi tới đi lui giữa đường rầy trước ga Tân An. Báo hại ông sếp ga, ông Huỳnh Sum tức Rùm, rước thầy cầu siêu cho von ghồn em bé ba đêm, nó mới hết hiện hồn về.

c) Chiếc đò rút

Trên quốc lộ hướng về Tân An, còn năm trăm thước tới cầu, con đường chia làm hai, một đi ngay đến cầu sắt, một rẻ qua tay trái xuống bến đò. Một chiếc đò rút tiếp chiếc xe hơi ở Sài Gòn xuống, rồi tám anh phu lực lưỡng, mỗi bên bốn anh, hướng về phía Tân An nắm chiếc dây rút, chỗ giáp nước sông cái với Bảo Định hà, bên hè nhà ông Huyện Sĩ, lúc xưa gọi là Vũng Gù, hay Bưng Cồ, đọc trại tiếng Miên gọi nơi đó là bến bò uống nước.

Kẻ viết bài nầy thú thật hồi mươi, mười hai tuổi, chỉ thấy đàng xa họ rút chiếc đò, chạy từ từ qua sông, chớ chưa hề lại gần mà xem cơ cấu nó ra sao cho biết. Chiếc xe hơi dưới đò lên bến rồi, hoặc vào châu thành, hoặc đi dọc theo Bảo Định hà, qua chiếc cầu quây, ra quốc lộ mà xuống Mỹ Tho.

d) Cây cầu sắt Tân An

Cây cầu nầy bắt ngang sông Vàm cỏ tây đã lâu lắm rồi, có lẽ cách nay một trăm năm ; từ lúc ban sơ cho đến năm 1919 (1920 ?) chỉ dành cho chiếc xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho chạy thôi. Trên cầu lót đà ngang to, cách khoảng nhau lối một thước hai. Dọc theo lan can cầu, phía bên phải hướng về Mỹ Tho, Sở Trường tiền lót ván làm một « chiếc cầu » rộng độ thước tư, chỉ đủ cho chiếc xe kéo hay xe đạp và bộ hành đi. Đứng trên cầu nhìn xuống sông dưới chơn mình, nước chảy như cắt, trẻ con và người yếu bóng vía chắc phát run. Và chính vì sự lót đà cách khoảng ấy mà xảy ra một tai nạn ly kỳ … không có người chết.

Năm ấy, anh Đặng Văn Ký mang bịnh phong đơn bị Chánh quyền địa phương sai một anh lính mã tà giải lên bịnh viện Chợ Quán. Chiếc xe lửa chạy ngang cầu sắt lúc bốn giờ chiều, chắc anh Ký buồn tủi phận mình dở sống dở chết làm khổ cho gia đình, nên anh ra ngoài toa xe, nhảy xuống cầu quyết lòng tự tử. Ơn Trên xui khiến anh té ùm xuống sông. Thấy bịnh nhân tự vận, anh lính hoảng hồn : anh không tròn phận sự, anh mới làm sao đây ? Anh liền co giò nhảy theo và, lạ lùng thế nào, anh cũng lọt tuốt xuống sông, nhờ bạn ghe chài đậu dọc mé sông gần đó lội ra cứu cả hai thoát nạn. Nếu nạn nhân nhảy nhằm mấy cây đà ngang trong lúc xe đang chạy thì gãy tay gãy chơn, bể đầu bể ngực là phần chắc.

Từ năm 1919 (1920 ?), chiếc cầu được lót trọn bằng ván dày, xe cộ qua lại hai chiều tiện lợi. Và mỗi buổi hoàng hôn, trời quang mây tạnh, đồng bào lão ấu hay lên đây hóng gió mát mẻ như là « Tiểu Vũng Tàu ».

e) Trường tiểu học

Trước năm 1911, trường nầy bằng cây lợp lá. Cuối năm 1910, mới được kiến tạo bằng lợp ngói, cao ráo, vẻn vang, một dãy dài chia làm chín lớp. Và ngày 5-3-1911, ngôi trường mới mở cửa tiếp học sanh đông đảo, mừng vui. Lớp tám (Cours Enfantin C) do thầy giáo Nghi đảm nhiệm ; thầy trắng, ốm, mặc áo xuyến dài, bịt khăn nhiễu ; một con roi mây ngắn để trên bàn song thầy ít đánh ai. Thầy cũng điều khiển luôn lớp bảy (C.E.B).

Lớp sáu (C.E.A) giáo viên là ông Cha Kiểm, một thầy dòng cổi áo nhà tu. Lớp năm (Cours Préparatoire B) có thầy năm Đợi, rong rỏng cao, mảnh mai như một người đàn bà đẹp. Thầy hiền hậu, ai cũng mến thầy. Thầy Quới dạy lớp tư, chơn đi cà nhắc.

Tất cả mấy thầy trên đều có bằng Sơ học (Certificat d'Etudes primaires franco-indigènes), còn từ thầy ba sắp lên đã đỗ bằng Thành chung (Diplôme de fin d'Etudes complémentaires). Thầy ba Giá đảm nhiệm lớp ba B (Cours Elémentaire B), thầy Hồ Văn Cảnh, lớp ba A. Hai thầy đều là cầu thủ có hạng.

Thầy Paul Khịa (mà học sanh gọi là « ba khía » – con ba khía giống như con còng, một loại cua nhỏ) dạy lớp nhì B, hay nói tiếng Pháp.

Thầy Dương Ngọc Anh dạy lớp nhì A (Cours Moyen A) ; thầy dạy giỏi, nhứt là Việt văn và Toán pháp song thầy hay đánh ghê lắm. Giờ toán pháp, học sanh sợ hết hồn, hai con roi của thầy hoạt động luôn. Dường như thầy đánh làm vui, mấy đứa ngồi bàn đầu bữa chiều nào về cũng u đầu xể tai ! Thuở ấy, chúng tôi là những đứa học trò nhỏ bé lớp nhì A. Mỗi chiều, ông Đốc học là ông Toản cho phép học sanh lớp ba sắp lên, từ bốn rưỡi đến năm giờ mướn banh chơi môn túc cầu.

Ông giáo Huỳnh Văn Đẩu dạy lớp nhứt (Cours Supérieur) nhiều năm, ông là thân phụ Bác sĩ Huỳnh Công Chiêu chuyên môn về nhi khoa ở Sài Gòn hiện nay. Chúng tôi xin dành riêng cho ông một bài trong chương « Nhân vật ».

Về phần dạy chữ nho và luân lý thì có thầy Trần Phong Sắc, chúng tôi cũng dành một bài nói về thầy sau đây.

Sỡ dĩ chúng tôi nêu danh chư vị giáo viên trường tỉnh Tân An vào năm 1918-19 là để tỏ lòng tri ân đối với quí vị đã dày công đào luyện trẻ em suốt mấy mươi năm trời, và đa số sống không ai biết, chết không một tiếng vang !

Ngày nay, tất cả đều ra người thiên cổ ; những kẻ kỳ cựu sáu mươi tuổi sắp lên họa hoằng con tưởng niệm đôi ba hình bóng người xưa. « Quân, Sư, Phụ », kính thầy như cha, thời nay tìm đâu cho thấy ? « Thời hồ, thời hồ, bất tái lai ! Ngày giờ qua không bao giờ trở lại. Và tuyết năm nay chẳng phải tuyết năm xưa ! »

f) Nạn tai khủng khiếp

Châu thành Tân An bé nhỏ ba phen chịu ách nước tai trời, những bậc lão thành trên bảy mươi không sao quên được

Bão Năm Thìn

Trận bão năm thìn (1904) tàn phá toàn cõi Nam Kỳ, ngày và tháng nhiều người quên lững.

Theo lời truyền khẩu, trận bão bắt đầu ở Tân An hồi bốn giờ chiều, lúc ai nấy đang nấu cơm. Ban đầu, gió hiu hiu, mưa pháy pháy, kế gió thổi càng ngày càng to, cây ngã, nhà sập. « Bão ! bão ! » đồng bào kêu la thất thanh, mạnh ai nấy chạy, tìm mấy nhà gạch chắc chắn mà dung thân.

Thuở ấy, nhà cửa châu thành còn lụp xụp, chỉ có hai loại, nhà gạch của các công sở và công chức người Pháp còn người Nam cư trú trong những nhà lá xịch xạch, lôi thôi. Gió thổi mạnh nhứt vào lúc bảy giờ đêm, mưa ào ào, to không thể tưởng tượng ; sau đấy, người ta lại nói rằng chiều đó lần đầu tiên mưa đá rơi ở Tân An, mưa những cục to bằng cái trứng gà. Nước sông Vàm cỏ tây, Bảo định hà, kinh lính tập dâng lên, nhiều người chạy không kịp bị nước lôi cuốn xuống Thủy tề. Dân sự đua nhau chạy đến dinh Chủ tỉnh và Tòa bố mà ẩn mình, đêm ấy ngồi chen chút nhau khoanh tay mà chịu trận.

Mưa lần lần tạnh, nước giựt lần lần, bảy giờ sáng ngày hôm sau, một cảnh điêu tàn bày ra trước mắt đồng bào sợ hãi : tất cả nhà lá đều sập, mấy cây keo cây me mọc trên lề đường trốc gốc chín mươi phần trăm ; trên sông Vàm cỏ, nhiều cái thây nổi lều bều theo dòng nước.

Một điều lạ làm sao, là cái chuồng heo của bác cai Hiền cất trên kinh lính tập còn vững chắc ; trong cơn kinh khủng, đôi ba người leo đại vô đó mà ngồi, lại thoát nạn, kỳ chưa !

Bịnh Dịch hạch

Năm 1915, vào khoảng tháng tư tháng năm, dân chúng châu thành Tân An trải qua một cơn hãi hùng : bịnh dịch hạch (peste bubonique) hoành hành tại chợ, trong mấy tiệm của người Trung Hoa, không có tiệm nào là không người mang bịnh. Là vì người Hoa kiều ở với nhau đông đúc, bất chấp vệ sanh, gặp phải bịnh truyền nhiễm, mỗi ngày đều có một hai người tử bịnh. Chánh quyền địa phương dùng mọi phương pháp phòng ngừa, trị bịnh và tẩy uế. Người nào bịnh nặng thì cho tội nhơn võng xuống « nhà thương lá » (lazaret) tức là một cái nhà lá cất gần bến đò Chú Tiết, xa châu thành một cây số ngàn, để nằm đó dưỡng bịnh, rũi chết thì đem ra ruộng mà chôn liền cho tiện. Nhiều người không đau nặng lắm song bị bỏ nằm một mình trong khung cảnh âm u đầy tử khí, khủng hoảng tinh thần, sợ hãi chết luôn ! Hễ được « hân hạnh » làm khách của « nhà thương lá » thì ít có ai may mắn mạnh mà về ! Chợ Tân An cấm nhóm, trường học đóng cửa, hơn nửa tháng tình hình mới trở lại bình thường.

Một trận hỏa tai

Năm 1916, tháng ba, trời nắng hanh hao, một buổi chiều tại xóm Ngã tư, vì một em bé nấu cơm bất cẩn mà bà Hỏa bốc lên thiêu rụi mấy trăm căn nhà lá, heo trong chuồng chết mấy mươi con. Lửa sanh ra gió, gió tăng sức lửa, cách xa châu thành cả ngàn thước, dân làng còn thấy ngọn lửa cất lên ngùn ngụt. Với phương pháp cứu hỏa thô sơ thời bấy giờ, cảnh sát với lính mã tà, có dân chúng tiếp tay, chật vật hết sức mới đàn áp ngọn lửa sau hai tiếng đồng hồ cố gắng, từ ba giờ đến năm giờ chiều.

Thật là một trận hỏa tai lớn nhất xảy ra tại châu thành Tân An cách nay hơn nửa thế kỷ.

g) Đệ nhứt thế chiến

Trận thế chiến kéo dài từ năm 1914 đến 1918 giữa quân đội Đồng minh Anh Pháp Mỹ và Đức quốc.

Ở Tân An, chánh quyền địa phương mộ quân tình nguyện sang Pháp. Để khuyến khích mấy anh chiến sĩ bất đắc dĩ ấy, vài giáo viên trường nữ dựa theo bảng quốc ca « La Marseillaise » của Pháp mà đặt một bài hát lủng củng, Tây không ra Tây, mà ta cũng chẳng phải ta, hát lên nghe nó ngớ ngẩn, buồn cười. Nguyên văn bài hát chữ Pháp là :

« Allons enfants de la Patrie, Le jour de gloire est arrivé.

Contre nous de la tyrannie, L'étendard sanglant est levé (bis)

… và đây là mấy câu đầu bài hát của ta :

« Anh hùng thành thân đừng lo ngã trí, hề

Vì nước quên nhà sá chi lìa quê.

Ngàn muôn năm đừng quên ơn chiến sĩ, hề

Lằng tên đá trường chinh chiến mấy khi về (hai lần)

Chánh phủ lại quyên tiền, móc túi mấy anh ba Tàu mà thơ ký, giáo viên cũng thắt lưng buộc bụng quyên năm ba cắc, thậm chí mấy học sanh cũng nhịn ăn xôi bánh mà quyên đôi xu, là vì, trên vách tường các công sở và các hiệu buôn, nhan nhản những bích chương vẽ hình con rồng vàng phun bạc, đánh anh lính Đức mặc sắc phục, đội nón sắt có ngù nhọn té nhào, dưới kẻ mấy dòng chữ :

« Rồng Nam phun bạc, đánh đổ Đức tặc ; một mai Đại Pháp thắng trận, dân ta tất có phần ! »

Năm 1918, Đồng minh, trong đó có nước Pháp, đánh bại Đức quốc, mà dân ta, dân thuộc địa có được hưởng phần gì ở đâu !

Để nhắc dân tộc Việt Nam chớ quên công ơn nước Pháp, họ cho diễn một tuồng hát nhan là :

« Cao Hoàng đế viễn chinh Tây sơn tặc, Đông cung Cảnh cầu viện Đại Pháp đình » diễn lớp Cha Bá Lộc đem Hoàng tử Cảnh mới bảy xuân đi cầu viện nơi Pháp quốc.

Anh kép đóng vai Bá Đa Lộc mặc áo nhà tu, hát nam hát khách, giọng lơ lớ khó nghe …

IV) Nhân Vật

Đồng bào miền Nam, mỗi khi nghe nói đến Đồng Tháp Mười là liên tưởng đến Thiên hộ Dương, tức Nguyễn Duy Dương, vị anh hùng kháng chiến, mấy năm cứ hiểm Đồng Tháp Mười, làm cho quân Pháp điêu đứng khổ sở.

Trong chương « Nhân vật » tỉnh Tân An nầy, chúng tôi xin lượt kể năm ba vật từ xưa nổi bậc trên đám danh nhân và, tôn trọng thời gian tính, trước tiên chúng tôi trình bày tiểu sử ngài Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức, một trong các vị khai quốc công thần của Vua Gia Long, mà công lao hạn mã không kém ngài Tả quân Lê Văn Duyệt.

Sau, chúng tôi sẽ đề cập đến ngài Thiên hộ Dương trong đoạn « Tân An kháng Pháp » và các nhân vật khác.

a) Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức (1748 – 1819)

(Trích « Danh nhân Nước Nhà » của Đào Văn Hội, trương 17 và mấy trương kế tiếp).

Trên con đường Sài Gòn đi Mỹ Tho qua khỏi tỉnh lỵ Tân An độ hơn ba cây số ngàn, có một con đường nhỏ rẻ sang tay mặt nơi ngã ba đường đó lúc trước có cắm một tấm bảng to, kẻ mũi tên chỉ dưới dòng chữ Pháp : « Tombeau du Maréchal Đức » (Lăng Ngài Đức quốc công). Khách hành hương do theo tấm bảng đi tới khóm dừa xanh ở trong làng cuối đường thì thấy làng Khánh hậu, nơi sanh trưởng của một vị hổ tướng khai quốc công thần nhà Nguyễn :

Nguyễn Huỳnh Đức.

Mộ và nhà thờ ở cả trong làng nầy.

Vào đầu làng thì đến ngay nhà thờ, cách chừng một trăm thước nữa mới tới mộ.

Nhà thờ đây chính là nhà của quan Tiền quân ở từ khi chưa ra phò Nguyễn Ánh : một cái nhà xưa, mái ngói, vách bổ kho, cất trong một ngôi vườn rộng trồng cao và dừa. Ngay cửa vào, gian giữa có hai hương án, trên có chân dung ngài Tiền quân mặc phẩm phục võ quan, có đề phẩm tước. Sau hương án, giữa nhà thờ, có một bộ ván bằng cây sao làm bằng một miếng cây to, dài ba bốn thước, ngang 1,3 thước và bề gáy 1 tấc 8 phân, tức là bộ ván ngựa lúc sanh tiền ngài thường nằm nghỉ, và sau nầy không ai dám lên ngồi. Trên bộ ngựa, bày la liệt khám cùng ngai và bài vị đề chữ tựa xưa hãy còn, cùng các đồ dùng của Quốc công lúc trước như gối, tráp, quạt, hòm sắc.

Phía trên, có bức hoành ba chữ : « vạn lý danh ».

Nơi nhà thờ và mộ, có rất nhiều câu đối, xin lược chép ra sau :

1) Bắc Nam tam Tổng trấn, vạn lý binh quyền ;

Tiền hữu lưỡng Tướng quân, lục sư soái lịnh.

2) Hoàng thiên tri nghĩa liệt, hậu tương tước xỉ đáp thành thần ;

Bạch nhựt quán tinh trung, phân phó thần linh phù phước tướng.

3) Thất thập hữu nhị trung, trung hiếu nhứt sinh thụ lập ;

Cửu nguyệt trùng dương nhựt, thọ ninh ngũ phúc thủy chung.

4) Trung nghĩa cương thường, long hổ phong vân đính hội

Anh hùng mi mục, Tiêm Miên Lao Miến tri danh.

Ngoài cửa nhà thờ, cách một cái sân nhỏ lại còn có một tiểu đình trong để cái dòn võng của ngài khi xưa và một lá cờ đuôi nheo phai cả màu sắc. Lại có cái khánh bằng đồng bề dài 7 tấc 3, bề đứng 5 tấc 7, bề gáy 4 phân tây. Cái khánh nầy đúc ra đã trên 150 năm rồi (1819) và có khắc mấy chữ Nho (kỷ mão niên, trung thu thọ tạo).

Theo lời ông Nguyễn Huỳnh Tân, cháu năm đời của ngài Tiền quân thì bức chân dung nói trên do họa sĩ Nguyễn Văn Vẹn ở tại chợ Củ Chi thành tâm tưởng tượng vẽ ra hồi năm 1942.

Ngài Nguyễn Huỳnh Đức tên tộc là Huỳnh Tường Đức, sanh năm mậu thìn (1848) tại Giồng Cái Én, làng Trường khánh tổng Hưng Nhượng, huyện Kiến Hưng, phủ Tân An, trấn Vĩnh Tường (Định Tường), nay là làng Khánh Hậu, tổng Hưng Long, tỉnh Tân An, con một vị võ quan triều Lê là cai đội Huỳnh Công Lương. Ông nội ngài là Huỳnh Công Chu, làm quan Thủy sư triều nhà Lê. Tiểu sử ngài Nguyễn Huỳnh Đức nhiều sách báo đã đăng, chúng tôi không kể rành mạch làm chi nữa, chỉ xin lược thuật những bước công danh thăng trầm của ngài nơi đây độc giả lãm tường.

1780 đầu quân phò Chúa Nguyễn hồi 33 tuổi

1782 bị Nguyễn Huệ đánh bại tại Gia Định, phò Nguyễn Ánh quá giang, có lẽ là sông Bến Lức, suốt đêm không ngủ, được Chúa cho đổi họ Huỳnh làm họ Nguyễn.

1783 bị Nguyễn Huệ bắt tại Đồng Tuyên ( ?) đem ra Bắc hà làm phó tướng cho Nguyễn Văn Duệ ở Nghệ An

Trốn về với Chúa Nguyễn – Tầm Chúa nơi Xiêm quốc, song đến nơi, được biết Nguyễn Ánh đã về Gia Định

Sau một thời gian thử thách, Xiêm vương cấp thuyền bè cho về gặp Chúa Nguyễn, được phong làm Khâm sai Chưởng cơ quản Trung chi tướng sĩ Nhận Lê Văn Duyệt làm nghĩa tử.

1790 Thăng Chưởng quản Hữu quân dinh

1792 Án thủ Bà Rịa, tiến đánh Phố Hài, phá được địch quân

1793 Thăng Khâm sai Chưởng Hữu quân dinh Bình tây Phó tướng quân, cùng Tôn Thất Hội và

Nguyễn Văn Thành đem bộ binh ra đánh Phan Rí.

1796 Thăng Khâm sai Chưởng Hữu quân Bình tây tướng quân, trấn thủ Diên Khánh

1797 Theo Nguyễn vương tiến đánh Quảng Nam rồi với Nguyễn Văn Thành cùng lưu lại giữ Phú Yên

1798 Đem thủy quân cứu viện nước Xiêm bị quân Miến sang xâm lấn

1800 Giải vây Qui Nhơn

1802 Được phong tước Quận công, giữ chức Tiền quân và trấn thủ Bình Định

1810 Quyền Tổng trấn Bắc thành

1812 Thăng Khâm sai Chưởng Tiền quân, Tổng trấn Bắc thành

1816 Phong Tổng trấn Gia Định

Năm 70 tuổi, thấy mình già yếu, ngài Tiền quân lập sẳn sinh phần và từ đường ở làng Khánh Hậu

Ngày mồng chín tháng chín năm kỷ mão (1819) ngài Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức về thần, thọ 72 tuổi.

Gia Long Cao Hoàng đế truy tặng cho ngài là : Duy trung Dực vận công thần, đắc tiên phụ quốc Thượng Tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái phó quận công, thụy Trung nghị. Lại sai các quan ở trấn Định Tường về tận làng cúng tế. Năm sau, Minh Mạng nguyên niên (1820), ngài được thờ tại miếu Trung hưng công thần.

Năm Minh Mạng thứ 5 (1824), ngài được tùng tự tại Thái miếu và đến năm thứ 12 (1831) được truy tặng là Kiến xương Quận công.

Mấy năm trước đây, ngài giáng cơ bút lưu hậu thế một bài thơ như vầy :

Việt Nam Khai Quốc

Đức Tiền quân giáng bút thi :

Hàn lâm võ viện chuyển sơn thông

Nhị thập nhứt điền nhập khố đồng ;

Đức quán càn khôn minh võ trụ, Nghĩa phò nhựt nguyệt chiếu nam đông.

Công danh sự nghiệp hưng hà tại ?

Chí sĩ hạn lao bất quản công ;

Công trận xích tâm lưu hậu thế, Tinh trung nghĩa dõng vạn lưu hồng

Tạm dịch :

Văn võ gồm tài dậy núi sông, Hai mươi mốt ruộng chứa kho cùng ( ?)

Đức thâu trời đất soi hoàn vũ, Nghĩa hiệp trăng sao rạng cõi đông.

Sự nghiệp công danh là đâu nhỉ ?

Gian lao chí sĩ há nề công

Lòng son công trận truyền mai hậu, Trung nghĩa ngàn sau thấm giống dòng.

Bộ ván linh với Trần Bá Lộc

Ông Nguyễn Huỳnh Tân, cháu năm đời của ngài Tiền quân thuật với chúng tôi rằng từ lúc chánh khí về thần tới nay, chẳng có ai dám ngồi trên bộ ván của ngài hết.

Hồi năm 1880, nghĩa quân của ông Ong nổi chống Pháp tại Lương Phú (Mỹ Tho) bây giờ. Tổng đốc Trần Bá Lộc đắc lịnh tiễu trừ, ghé làng Khánh Hậu, vào miếu đường Tiền quân, bắt nhân dân vùng đó tra khảo. Lộc là người Thiên Chúa giáo, không tin quỉ thần, cứ leo đại lên bộ ván ấy ngồi chễm chệ. Giữa lúc đám cháu chít ngài Tiền quân bước ra lom khom cúi lạy chào quan thì Trần Bá Lộc đang ngồi trên ván bỗng té nhào xuống đất bất tỉnh nhân sự. Bọn lính hầu bèn khiêng ông để nằm trên bộ ván kế đó. Chặp sau, Lộc tỉnh dậy như thức giấc chiêm bao, thuật lại với mọi người như vầy :

« Ta đương ngồi trên ván thình lình có một bọn năm sáu tên lính hầu của quan Tiền quân vâng lịnh ngài đến bắt ta đem đi chém, ta vùng vẫy với bọn lính hầu nên té tuốt xuống đất ».

Ông lại nói tiếp :

- Từ hồi nào tới giờ, một tay ta đánh nam dẹp bắc, giết người như chém cỏ, chẳng biết nể một ai, mà đến đây lần nầy là lần thứ nhứt, ta phải kiên sợ bộ ván anh linh của quan Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức như vậy.

b) Ông Hóng cự phú số một miền Nam

Cách đây lối nửa thế kỷ, mỗi khi người ta nói đến những bậc cự phú miền Nam, không ai quên câu :

- Nhứt Sĩ, – Nhì Xường, – Tam Phương, – Tứ Định.

Giàu nhứt là ông Huyện Lê Phát Sĩ ở Tân An, miêu duệ người là các ông Lê Phát Đạt, Lê Phát Tân, Lê Phát An, Lê Phát Tịnh … vẫn còn giàu lớn. Chính vị đại phú nầy đã cất cái nhà thờ mang tên là « Nhà thờ Huyện Sĩ » ở đường Bùi Chu, Sài Gòn, hiện nay.

Người thứ nhì là Bá Hộ Xường ; con cháu dường như còn ở đường Lý Thành Nguyên trong Chợ Lớn.

Cựu Tổng đốc Đỗ Hưu Phương, mà ai ai cũng nghe danh được sắp hạng ba.

Hạng tư về Bá hộ Định, ngườic ũng gốc ở Chợ Lớn. Nhưng ít ai biết rằng gia tài của bốn ông cự phú ấy nhập lại có lẽ cũng không bằng một phần ngàn (1 /1.000) tài sản ông Hóng. Mà ông Hóng là ai ?

Chúng ta hãy xem bài dưới đây của Khuông Việt đăng trong « Nam Kỳ tuần báo » số 56 ngày 14-10-1943, nhan là :

« 25 ngày theo dấu người xưa »

… Rời làng Khánh Hậu, chúng tôi ghé tỉnh lỵ Tân An nghỉ vài giờ rồi qua bến đò Chú Tiết, tại Vàm Châu Phê, trên sông Vũng Gù (Vàm cỏ tây) đặng đi viếng một địa gia quyến ông Hóng. Ông Hóng tên thật là Phan Văn Ngêu, gốc người miền Trung vào Đồng Nai, khai khẩn đất hoang, làm ăn phát đạt và trở nên một tay cự phú trong vùng.

Cái tên riêng « Ông Hóng » có lẽ do người đồng thời đặt ra, ngụ ý vì tiền của ông Phan Văn Ngêu nhiều không thể đếm chẳng khác nào mồ hóng (một thứ khói bụi đen quện đóng trên giàn bếp). Danh ông Hóng lưu truyền về sau và thành bất tử với câu tục ngữ : « Giàu không bằng c.. (phẩn) ông Hóng », để biếm nhẽ những kẻ vừa có của ít nhiều đã vội ra mặt làm sang.

« Trong khi Nguyễn vương lo phục nghiệp, ông Hóng hết lòng giúp ngài về việc quân lương. Ông tận tâm đến nổi không màng hao của tốn công, đốc suất đào một con kinh để tiện việc vận lương. Kinh đó ngày nay hãy còn và có tên là « Kinh ông Hóng ».

Cũng như ông Nguyễn Văn Hậu ở Hồi Oa (Nước xoáy, Sa Đéc), ông Hóng giúp vua Nguyễn chỉ vì lòng vị tha chớ chẳng vì danh vọng phẩm hàm, nên ông không thọ lãnh chức tước chi cả khi Nguyễn Ánh thâu phục được san hà, nhớ ơn người cũ.

« Tới làng Bình lãng, băng ruộng độ năm trăm thước, vào ấp Định Hòa, chúng tôi gặp một người trai vạm vỡ, đầu trần quần vắn đang cuốc đất lên giồng quanh một khoảnh đất rộng không hơn trăm thước vuông và trên đó có bốn ngôi mộ cổ. Hỏi ra thì đó là ông Phan Văn Chơi, cháu ba đời của ông Hóng.

« Ông Chơi vui vẻ dẫn chúng tôi đi xem mộ.

« Bốn ngôi mộ bằng nhau đều xây theo kiểu thuộc đời Gia Long, hình mái nhà. Trên hai ngôi mộ của bà và ông Hóng còn lưu lại nét nổi mờ mờ những hình con cù con phụng. Phía trước mộ có bình phong, hồ bán nguyệt và phía sau có vòng tường thấp bao tròn ba mặt.

« Hai ngôi mộ kia thuộc hai người con. Một ngôi lại nứt nẻ đến nổi lòi cả hòm ra ngoài !

« Cảnh tang thương của toàn mộ địa không những thấy rõ với cỏ cây lan mọc, nước đọng vũng sâu, mà cả những sứt mẻ của vôi gạch, bể nát của đá ông Hoàng phế thật là hoàn toàn hoang phế !

« Nơi an giấc ngàn thu của một gia đình phú hộ vào bực nhứt nhì đất Gia Định xưa, có thể thế nầy được ư ! Sao không, khi chúng tôi nhìn lại ông Phan Văn Chơi hiện diện, tay lấm chơn bùn, đầu bù tóc rối, cực nhọc vất vã suốt ngày để kiếm miếng ăn cho bầy con thơ ba đứa.

« Ông Chơi mời chúng tôi vào nhà ông cách mộ địa vài trăm thước. Một gian nhà lá trống trước trống sau càng chỉ rõ cái nghèo hiện tại của một họ mà tiền của trước kia đã nuôi nổi một đạo binh, giúp nổi một ông vua phục nghiệp.

« Nghèo thật là nghèo, nhưng giữa nhà còn trang nghiêm một cái bàn thờ trên có tấm biển khắc hai chữ 'Thọ Dân' của vua Minh Mạng ban.

« Ông Chơi thanh đạm đãi chúng tôi giải khát bằng nước dừa tươi và thuật cho chúng tôi nghe gia thế của ông. Theo ông thì một phần lớn điền sản của họ Phan đã bán cho ông Huyện Sĩ, và hiện nay, ở về hai làng

Hòa Ái, Huê Mỹ Thạnh (Tân An) còn nhiều ruộng công điền mà trong bộ lại ghi tên Bá hộ Phan Văn Nghị, cháu nội ông Hóng.

« Ông Chơi không hiểu vì sao có chuyện éo le như thế !

« Rồi không nệ thất công, ông mời chúng tôi đi xem ngôi đình làng Bình Lãng đã nhờ tiền của ông Hóng dựng nên. Ngôi đình đã hư nhiều. Bên trong còn một cặp hạc rất cổ và một cái hương án chạm trổ công phu, sơn son thếp vàng, có chữ khắc là do Phó Thủy sư Đô đốc Võ Văn Liêm ( ?) cúng »…

Và sau đây là đoạn tiểu sử ông Hóng do ngoại tổ chúng tôi thuật lại và có lẽ Khuông Việt chưa được biết.

Ông Hóng là một dân cày của một địa chủ ở Tân An. Dầm mưa dãi nắng làm lụng cực nhọc năm bảy mùa, ông Hóng dành dụm được một số tiền nho nhỏ, ông điền chủ cho ông cất nhà ra riêng mà ở và cho ông mướn một miếng ruộng mà làm. Ông Hóng mới dọn một cái nền trong vườn của chủ, dựng lên bốn cây cột.

Đêm khuya, ông địa chủ ra vườn của bỗng thấy trên bốn đầu cột, bốn cây đèn sáp to tướng đang cháy sáng trưng. Vừa ngạc nhiên vừa tức giận, vì ông địa chủ bảo là ông Hóng xài to, lãng phí, mới kêu ông Hóng đến rầy.

Thì ra ông nầy cũng phải ngạc nhiên không kém chủ vì ông không có mua mấy cây đèn sáp ấy bao giờ, vả lại ông có tiền đâu mà mua. Ông địa chủ vào nhà bàn với vợ rằng đèn ấy là « đèn trời », ông Hóng sẽ giàu không ai sánh kịp và gia tài sự sản của hai ông bà sẽ về tay ông Hóng. Mấy lời tiên đoán ấy ứng hiện. Ông Hóng làm ruộng năm nào cũng trúng mùa to còn ông chủ lại thất bại, thành thử lần lần ông mua hết gia viên điền sản của chủ.

Trong lúc Chúa Nguyễn Ánh còn bôn đào, một hôm chiến thuyền ngài đến đậu tại sông Vàm cỏ tây, nơi tỉnh lỵ Tân An bây giờ. Nghe tiếng ông Hóng là người hào hiệp, ngài sai quan hầu cận đến mượn ông « một bữa cháo ».

Ông Hóng liền đào một con kinh từ nhà ở làng Bình Lãng thông ra sông Vàm cỏ rồi cho ghe lường (không rõ mấy chục mấy trăm chiếc) chở lúa ra chiến thuyền Chúa Nguyễn và chở luôn ba tháng. Ngày nay, người Tân An ai cũng biết câu hát nầy :

Ba phen quạ nói với diều,

Ngả kinh ông Hóng có nhiều vịt con.

Đời ông Hóng có nhiều việc ly kỳ.

Mỗi buổi mai, đầu trùm khăn, tay xách gậy, ông Hóng đi rảo trong xóm trong làng. Gặp một chòi lá, tình cờ ông bước vô, thấy anh nông phu ngồi ủ rũ, vợ anh đau, con anh rách rưới, đói khát khóc kêu. Năm rồi anh thất mùa, cặp trâu lại chết, có mấy con vịt tơ bán chạy thuốc cho vợ hết rồi ! Động lòng trắc ẩn, ông cho anh mượn mười lượng bạc để mua lúa giống, mướn trâu làm mùa và thuốc thang cho vợ, năm sau sẽ hoàn lại cho ông.

Năm sau, đúng ngày giờ, ông Hóng không quên trở lại viếng gia đình anh nông phu kia. Thì vui thay, nhà anh mới lợp lại, trong bồ lúa được vài thiên, con anh quần áo sạch sẽ, bầy gà bươi gốc rơm, vài con heo đi núc ních. Vợ chồng và mấy con anh quì lạy tạ ơn và trả số bạc cho ông. Ông cười, phủ ủy đôi lời và tặng luôn số bạc ấy, bảo có cần dùng gì ông sẵn lòng giúp thêm cho.

Có khi, ông cũng gặp người lãn tử không lo làm ăn, thừa dịp có số tiền ông cho mượn cờ bạc rượu chè. Ông nổi giận hươi gậy đập chết anh ấy đi rồi sai gia nhân vác tiền đến thường nhân mạng cho thân nhân người đó.

Tiền của ông quá nhiều không biết làm gì cho hết, ông xúc đổ đầy một ghe lường tiền kẽm, mổ bụng một tên mọi (tục bán mọi lúc ấy hãy còn), móc ruột gan ra, giồn tiền may lại để thây tên mọi xuống ghe, rồi nhận chìm chiếc ghe trong kinh ông Hóng.

Những đêm trời trong trăng tỏ, nước lớn đầy kinh, thợ chài gặp anh mọi chèo thuyền lên xuống trong kinh. Thợ chài hỏi gì, hồn anh mọi chỉ lắc đầu mà thôi. Cập thuyền lại, thợ chài hốt một nắm tiền trong tay thì tiền nát ra như cám. Buông chiếc thuyền ra ma, thuyền trôi theo dòng nước một hồi rồi tan mất trong sương mù.

Phải chăng tại ông Hóng giàu mà ít tu nhân tích đức lại giết người vô tội quá nhiều, tạo thành « nghiệp » ác nặng sâu, cho nên gia sản chẳng còn mà con cháu đời nầy, chẳng hạn như anh Phan Văn Chơi, làm lụng đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có miếng ăn !

c) Một nhà có biệt tài dịch thuật : Trần Phong Sắc

Mấy mươi năm về trước, nếu nơi đất Bắc Nguyễn Đỗ Mục nổi danh nhờ dịch thuật mấy bộ diễm tình tiểu thuyết Trung Hoa « Dư chi phu » (chồng tôi), « Dư chi thê » (vợ tôi), « Song phụng kỳ duyên »… thì, dưới trời Nam, tỉnh Tân An, không mấy ai là không biết tên tuổi nhà nho Trần Phong Sắc, và chắc cả hai mươi tỉnh Nam Kỳ, nhiều người được nghe tiếng ông, dịch giả hơn bốn mươi bộ truyện Tàu, mà kẻ viết bài này còn nhớ mấy bộ sau đây :

- Phong thần – Tam quốc diễn nghĩa – Thuyết Đường – La Thông tảo Bắc – Tiết nhơn Quí chinh Đông – Tiết đinh San chinh Tây – Phi Long diễn nghĩa – Ngũ hổ bình tây – Ngũ hổ bình Nam – Thập nhị quả phụ chinh Tây – Dương văn Quảng bình Nam – Nhạc phi diễn nghĩa – Anh hùng náo tam môn giai – Hậu anh hùng – Phong kiếm xuân thu – Tây Hán – Đông Hán – Quần anh Kiệt – Phấn trang lầu – Tái sanh duyên – Càng long hạ Giang nam – Chánh đức du Giang nam – Tam hạp minh châu bửu kiếm – Tây du diễn nghĩa – Đông du bát tiên – Bắc du Chơn Võ – Nam du Huê Quang …

Câu văn ông vừa cân đối trôi chảy, vừa bóng bẩy văn hoa, phụ nữ nhi đồng đọc mấy pho truyện ông đã say mê mà hạng lão thành, nhà trí thức xem càng thích thú …

Năm ấy, tôi là một học sinh nhỏ bé trường tỉnh Tân An. Mỗi tối, cơm nước xong xuôi, anh em chúng tôi làm bài học bài đến tám giờ, rồi thì ông thân chúng tôi chìa ra một cuốn truyện của Trần Phong Sắc, ông mới mượn đâu hồi chiều, hoặc Tiết Nhơn Quí chinh đông, hoặc Tiết Đinh San chinh tây. Anh em chúng tôi thay phiên nhau đọc, cả nhà nằm nghe, hàng xóm cũng đến nghe hùn, đến mười giờ mới tắt đèn đi nghỉ.

Từ năm 1918 trở về trước, kỳ bãi trường lớn bắt đầu từ 25 tháng 12 dương lịch và nhập học vào đầu tháng ba năm sau. Trừ lớp nhứt là lớp chuẩn bị học sanh thi lấy bằng Sơ học (Certificat d'Etudes primaires franco-indigènes, kêu là C.E.P.F.I) và thi học bổng Trung học, còn thì từ lớp nhì trở xuống, ông Toản, Đốc học, « nhắm mắt » cho các thầy cùng học sinh, sau ngày 15 tháng 12, nghỉ xả hơi thời gian mươi ngày trước khi về nhà sửa soạn ăn Tết.

Một lớp ba mươi mấy, bốn mươi trò, chỉ còn vài mươi đi học lấy lệ và, sớm mai, thầy cho viết một bài ám tả, đọc vài bài Pháp văn, Việt văn ; chiều, thầy Cảnh, thầy ba Giá, thầy nhì Anh, chọn trong lớp vài ba trò đọc Việt văn trôi chảy cho luân phiên đọc truyện Tàu của Trần Phong Sắc, thầy và các bạn đồng học thưởng thức làm vui.

Trên, tôi có nói ông Trần Phong Sắc dịch thuật rất hay, thỉnh thoảng ông chêm vào bản dịch một vài bài thi bát hay tứ cú đọc êm tai, là vì ông có một nền học vấn Hán văn vững chắc, và tôi tin ông cũng có một tâm hồn thi sĩ nữa.

Tôi thích nhất là bộ truyện « Phong Thần » ông dịch, kết thúc bài tựa của ông bằng bốn câu thi như vầy :

Trần trọc đêm thanh mấy khắc chầy, Phong thần diễn dịch giải niềm tây ; Sắc tài phép tắc bày ra đủ, Chép để khuyên răn phỉ nguyện nầy.

Bốn chữ đầu của bốn câu thi ghép lại là « Trần Phong Sắc chép ». Cũng trong bộ « Chánh Đức du Giang Nam », ông có làm mấy câu thi :

Trần thiện can vua kính họ Lương, Phong làm Thừa tướng giúp triều đường ; Sắc bà Quốc thái sai tìm chúa, Chánh Đức về ngai hưởng thái bường. (Trần Phong Sắc chánh).

Trong bộ truyện (Phong Thần) mà những kẻ không tin pháp mầu huyền bí của thần tiên cho là bịa đặt, mỗi khi một vị tiên (Xiễn giáo) xuất trận đối địch cùng một tiên (Triệt giáo) là mỗi vị ngâm một bài thi rồi mới so tài đấu phép.

Dưới ngòi bút linh hoạt của nhà nho họ Trần, tình nghĩa thầy trò thiêng liêng được miêu tả một cách vô cùng thân ái song không kém nghiêm minh, như đoạn Thái Ất mượn tay đạo hữu là Văn Thù sửa trị tánh nết hung hăng của Na Tra Linh châu tử.

Chẳng những ông Trần Phong Sắc tế nhị trong văn tình cảm mà khi ông tả cảnh hai tướng Phiên Đường chiến đấu, hơi văn ông mạnh mẽ gọn gàng, nghe như tiếng binh khí chạm nhau chan chát : « … kỳ phùng địch thủ, tướng ngộ lương tài, một qua, một lại, một tới, một lui, bốn mươi hiệp cầm đồng… ». Ấy, ông đang dịch thuật mà ông lại dùng chữ nho trong câu văn, song đọc lên cũng hay hay.

Đôi khi, nhà nho đạo mạo cũng dùng lối văn hài hước mà kín đáo chọc cười độc giả. Như hồi Lưu Kim Đính dựng bảng chiêu phu tại núi Song Tỏa, Cao Quân Bảo đi ngang qua đập bảng ấy đi, Lưu Kim Đính nổi giận, tức thì đôi nam nữ anh hùng nhứt tề hổn chiến, sáu mươi hiệp thắng bại bất phân, « đao lớn dáo dài, trai mạnh gái dạn » ( ?!)

Thuở ấy, bao nhiêu truyện Tàu do ông Trần Phong Sắc dịch ra đều được nhà in Joseph Nguyễn Văn Viết, Đinh Thái Sơn, Đặng Lễ Nghi xuất bản, bán có ba cắc một cuốn mà thôi.

Chẳng những ông Trần Phong Sắc là dịch giả trứ danh những truyện Tàu, ông lại còn có biệt tài sáng tác bài ca dựa theo âm điệu (notes) mặc dầu ông không biết đờn.

Bản « Lưu thủy hành vân », tôi còn nhớ bài bản như vầy :

Xự cống xê xang hò, (là) xự cống xê xang hò, Xế xang hò (là) hò xự xang, Xế xang tồn xang xê cống, …

Ông nhìn vào đó mà đặt một bài « Lưu thủy hành vân » bằng chữ nho nhan là « Ngoạn hứng hoa viên » :

Ngoạn hừng hoa viên, hề, Tình nguyện hứng hoa viên, hề, Nhứt nhựt thanh nhàn thị tiên, Lung linh đào lan mai trước, …

Tập bài ca của ông gồm một số bài như : Bình bán vắn – Lưu thủy hành vân – Dạ cổ hoài lang (vọng cổ hoài Lang) – Long hổ hội – Ngũ điểm – Bài tạ – Khổng Minh tọa lầu – Tây Thi – Cổ bản – Lưu thủy – Phú lục – Bình bán – Xuân tình – Tứ đại cảnh – Tứ đại oán – Văn thiên tường – Cửu khúc Giang Nam…

Và ca sĩ nhà nghề công nhận là « ca được ». Kể về tướng mạo thì ông Trần Phong Sắc xấu người, ông mang một đầu tóc to tướng, nước da ngâm ngâm đen, mắt lé nặng. Đi dạy học, ông bịt chiếc khăn nhiễu đã phai màu, mặc cái áo xuyến dài cũ, cặp cây dù đen, mang đôi giày hàm ếch thật là (xập lết). Mưa như nắng, ông vẫn đi bộ luôn, từ xóm ngã tư đến trường, trong túi áo trắng mặc trong, kè kè những sách.

Chánh quyền địa phương bổ dụng ông dạy luân lý cho trẻ học sanh từ lớp năm đến lớp nhì, nguyệt bổng lối mười mấy đồng bạc. Học sanh gọi ông là « thầy ma ranh » (morale) hoặc « ông kẹ lửa » vì, trong lớp trò nào trửng giỡn thái quá, ông tặng nó một cái cú đầu nháng lửa và cho nó một điểm không (0).

Môn luân lý thường dạy buổi chiều, tùy theo lớp, từ bốn giờ tới bốn giờ rưỡi, và bốn giờ rưỡi tới năm giờ.

Ông giảng dạy bổn phận làm con đối với cha mẹ, học trò đối với thầy, nhân dân đối với Chánh phủ, anh chị em, bè bạn cư xử với nhau.

Rồi ông lên bảng đen, viết một câu lối chín mười chữ Hán, viết luông một câu giải nghĩa, một hàng. Ông viết rất khéo, rất đẹp, chữ như dao cắt. Ông bắt chúng tôi chép vào một tập vở nhỏ, đem trình ông chấm điểm.

Những chữ Nho ngoằn ngoèo khó viết làm sao cho những bàn tay non nớt và chúng tôi vẽ chẳng khác vẽ bùa, thế mà được ông cho chín mười điểm ngon lành !

Tánh ông trầm lặng, ít giao thiệp nên giờ nghỉ xả hơi, mấy ông giáo kia tựu nhau chuyện vãng còn ông thì ngồi một mình trong lớp xem sách chữ Nho.

Có lẽ vì thời buổi ấy, trường tỉnh Tân An xem thường môn luân lý, vì ông Trần Phong Sắc quá hiền hậu lôi thôi, và cũng vì mấy ông giáo khác ít nể ông, không răn dạy học trò phải kính trọng ông, nên giờ dạy luân lý, cái lớp của ông không khác nào cái chợ, mặc ông nhịp roi nhịp thước trên bàn học trò cứ giỡn …

Gần bốn mươi tuổi đầu, ông tái giá cùng một cô thôn nữ. Có người cắc cớ hỏi ông sao không kết hôn cùng một góa phụ khoảng ba ưmơi đến bốn mươi, có phải là xứng đào xứng kép chăng ?

Quí độc giả đoán được ông trả lời thế nào không ?

Ông bảo rằng thà là cưới con gái đồng trinh, còn đàn bà góa chồng phải để cho người ta thủ tiết thờ chồng mới phải đạo Thánh hiền cho.

Tôi không biết thuở mẫu thân ông sanh tiền ông thờ mẹ hiếu thảo thế nào mà, sau khi mẹ ông quá vãng, ông tạc tượng gỗ một người đàn bà, trên đầu gắn tóc giả, mặc y phục đàng hoàng để thờ trên cái gác nhà ông. Sớm mai và chiều hai buổi, ông dọn cơm nước nhang đèn trước tượng cúng lạy kính cẩn : « Sự tử như sự sanh » (Cung phụng người chết như người sống). Ông ở xóm Ngã tư một cái nhà ngói ba căn sùm sụp, trước nhà có một hàng rào bằng cây, ông quét nước vôi trắng toát rồi viết chữ Nho đầy cả mấy thanh gỗ hàng rào. Chiếc cửa ngõ nhà ông gồm hai trụ gạch, trên, ông gác một tấm đá xanh to, dày một tấc, rộng bốn mươi phân, dọc một thước hai.

Chúng tôi có cảm tưởng đó là một cái « cửa động ». Vài công chức hóm hỉnh ngâm câu thơ mỉa mai :

« Tỉnh Tân An có động Trần Phong »

Năm 1916, xóm Ngả tư bị một trận hỏa hoạn to một chiều nắng gắt, tôi đã có nói trong chương « Sanh hoạt tỉnh » trên đây. Phương tiện cứu hỏa thô sơ ở tỉnh thời bấy giờ không đủ sức đàn áp bà Hỏa, bà thiêu rụi mấy trăm căn nhà, heo nhốt trong chuồng chết cũng bộn, may không có tai nạn về người.

Đôi ba bạn học tôi, nhà cũng ở xóm Ngã tư, nhưng dãy khác, hôm sau thuật rằng cái xóm bị hỏa tai cách nhà ông Trần Phong Sắc một cái rạch con và ngọn gió lại thổi về phía nhà ông nữa. Mấy anh thấy tận mắt, ông thỉnh ra để trên phiến đá xanh cửa ngỏ một cái hình nhơn cao độ vài tấc tây, tay cầm lá cờ. Ông đọc chi lầm thầm một chặp, đoạn phất lá cờ trên tay hình nhơn mấy lượt ; lạ thay, ngọn lửa đang cháy mãnh liệt, hướng về phía nhà ông, sắp leo qua rạch tấn công mái ngói của ông, bỗng quay trở lại. Thế là nhà ông nạn khỏi tai qua.

Đây là lời mấy bạn tôi thuật lại, hư thực thế nào tôi không dám quyết, chỉ chép cống hiến bạn độc coi chơi.

Ông Trần Phong Sắc là người hữu Tài vô Mạng. Bình sanh, ông làm giàu cho nhà xuất bản, ông không dư giả chi, lại chết nghèo. Dường như ông lấy việc dịch thuật văn chương làm sở thích mà không mấy chú trọng về tiền tài. Ông xử thế theo Thánh hiền, không mích lòng ai, không oán giận hờn ai. Người trí thức đồng thời ở Tân An ít ai hiểu ông, hễ nói tới ông là họ mỉm cười, có lẽ họ cho ông là một người gàn dở. Thử hỏi ai là người tri kỷ của ông, biết được ông là « người quân tử » ?

Và đừng nói chi một tỉnh Tân An mà có lẻ cả Lục Tỉnh Nam Kỳ, nửa thế kỷ trước đây, chưa thấy ai có tài dịch thuật đặc sắc như ông Trần Phong Sắc.

Mấy năm sau đây, tuy nhiên có nhiều bản dịch truyện Tàu được ra đời, song mấy ông « dịch » có một lối hành văn đọc lên nghe nó « làm sao ấy » !

Có lẽ tại tôi tiêm nhiễm lối hành văn của ông thầy « ma ranh » tôi rồi chăng ?

d) Sáng lập viên Đạo Cao Đài : Ông Ngô Văn Chiêu tức Ngô Minh Chiêu (1878 – 1932)

Nam Phần Việt Nam, không mấy ai không biết ông Phủ Ngô Minh Chiêu là một trong những người góp công to trong việc sáng lập Đạo Cao Đài.

Ông là người gốc gác Chợ Lớn, song ông làm việc ở Tân An đã lâu năm được đồng bào kính mến, ông là người đạo đức hoàn toàn, chúng tôi hân hạnh chép tiểu sử ông vào mục « Nhân vật » tỉnh Tân An.

Ông sanh ngày mồng bảy tháng giêng năm Mậu dần (28-2-1878) sau chùa Quan Đế tại quận Bình Tây, tỉnh Chợ Lớn. Khi sanh ra, ông không chịu bú, mà nếu có bú thì mình mẩy lại phù lên, cho nên thân mẫu ông phải cho ông uống nước cơm, lần lần tập ăn cháo và ăn cơm. Ấy cũng là một điềm lạ. Vốn con nhà hàn vi mà lương thiện, ông được Chánh quyền Pháp cấp cho học bổng học tập đến thành danh.

Năm 21 tuổi, ông thi đậu cấp bằng Thành chung và ngày 23-3-1899, ông được bổ làm thơ ký Sở Tân đáo (Service de l'Immigration) tại Sài Gòn, cho đến ngày 31-12-1902.

Tấm lòng ông từ thiện, hằng kính trọng Tiên Phật Thánh Thần, ông thờ Đức Quan Thánh Đế Quân, ăn chay một tháng hai ngày, và tụng Kinh Minh Thánh.

Năm 1902, ông lên hầu đàn tiên tại Thủ dầu một (Bình Dương) cầu thọ cho mẫu thân và muốn biết việc tiền trình. Tiên ông giáng cơ khuyên ông lo tu, ngày sau đắc lộ.

Đến ngày 1-1-1903, ông được đổi về làm việc ở Dinh Hiệp lý (Bureaux du Gouvernement) cho tới 30-4-1909, kế thuyên chuyển làm việc tại Tòa Bố Tân An. Nơi đây, gia đình ông ở Cầu quây, đường Lagrange một cái nhà cây vách ván, lợp ngói rộng rãi, sống một cuộc đời bình dị, đạo đức.

Mỗi tháng, mồng một và rằm, ông phóng sanh chim cá, se sẻ, chim sắt, giồng giộc và, lạ làm sao, hai cây keo sum sê trước nhà ông là nơi tụ hợp của số đông chim được phóng xả. Ban ngày, chim bay đi ăn đâu không biết, mà chiều, lối sáu giờ rưỡi, tựu về đó ngủ, xôn xao như nhóm chợ đến tám chín giờ mới im lìm.

Năm 1917, ông thi đỗ Tri Huyện, bà mẫu thân lâm trọng bịnh ; ông đến đàn Hiệp Minh ở Cái Khế (Cần Thơ) cầu thuốc. Ơn Trên cho ông bài thuốc và bài trường thiên sau đây :

Trời còn, sông biển đều còn, Khắp xem cõi dưới núi non đượm nhuần, Thanh minh trong tiết vườn xuân, Phụng chầu, hạt múa, gà rừng gáy reo.

Đường đi trên núi dưới đèo, Lặn tìm cao thấp phải trèo chông gai.

Phận làm con thảo há nài, Biết phương Tiên, Phật, Bồng lai mà tìm.

Xem qua xét lại cổ kim, Một bầu trời đất thanh liêm chín mười, Vàng trau ngọc chuốc càng tươi, Bền lòng theo Phật cho người xét suy ;

Thần Tiên vốn chẳng xa chi, Có lòng triêm ngưỡng nhứt nhì giáng linh.

Họ Ngô gắng sức lòng mong, Tên Chiêu xem thấy ở trong hay ngoài.

Cõi trần tro bụi bèn nay, Quên ơn dưỡng dục tháng ngày thuở xưa.

Lâm gia nguyên tích thừa ưa, Nữ môn thánh thị đề vừa thiên căn.

Sáu mươi hội điểm linh đằng, Cầu cho mẹ mạnh mới bằng lòng con.

Ba ngày trong điểm vuông tròn, Sơ dâng cho mẹ điểm son tha rày.

Uống thuốc ông cầu về, bà thân ông mạnh được vài năm. Qua cuối năm 1919, bà ly trần.Vừa cúng tuần bá nhựt xong, ông được lịnh đổi đi Hà Tiên.

Ông Trần Phong Sắc với ông Cao Văn Lỏi thiết tiệc tiễn hành ông, đọc chúc từ, trong có bài thi :

Mừng nay quan Huyện đổi Hà Tiên, Có đức trời cho đặng có quyền.

Trăm dặm Vũng Gù còn tiếng miến, Một đường sau trước nối danh hiền.

Hòn Nghê cầm báu đưa theo gió, Đảnh Hạt hoa tươi rắm tới triền.

Âm chất sẽ ngồi xe ngựa mãi, Trùng phùng đồng ước hội đào viên.

Ông đổi ra Hà Tiên nhằm ngày 1-3-1920. Nơi đây, ông thường lên núi Thạch động cầu tiên. Có một vị Tiên cô, xưng là Ngô Kim Liên, cho ông hai bài thi khuyên ông rán tu hành :

I)

Văng vẳng nhạn kêu bạn giữa thu, Rằng Trời cùng Đất vẫn xa mù ;

Non Tây ngảnh lại đường gai góc, Gắng chí cho thành bực trượng phu.

II)

Ngần ngần trăng tỏ giữa trời thu

Cái cảnh Tây Phương vẫn mịt mù.

Mắt tục nào ai trông thấy đấy, Lắm công trình mới đúng công phu.

Làm việc tại Tòa bố Hà Tiên được ít lâu, ông được đổi ra trấn nhậm quận Phú Quốc ngày 26-10-1920. Bẩm tánh hiền lương và mộ đạo, ông thường để tâm nghiên cứu các tôn giáo. Ông lại hay lên núi Dương đông thiết đàn cầu Tiên, học hỏi đạo mầu và cầu linh dược cứu chữa bịnh nhân. Một chơn linh giáng cơ, xưng Cao Đài Tiên Ông, thường kêu đích danh ông Chiêu mà dạy đạo. Chư nhu hầu đàn lấy làm lạ vì thuở nay không thấy kinh sách nào nói đến danh hiệu Cao Đài Tiên Ông, duy một mình ông Chiêu nghiệm xét ý tứ trong mấy bài thi giáng cơ, và dường như linh tánh bảo cho, nhận biết Cao Đài Tiên ông là tá danh của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Kể từ ngày 8-2-1921, Tiên ông dạy ông Phủ Ngô Văn Chiêu (vì ông đã vinh thăng Tri Phủ) trường trai học Đạo Ngài chỉ cho ông cách tu luyện và dặn phải giữ kín bí truyền, chừng nào tới thời kỳ khai đạo thì Ngài sẽ dạy.

Do lời ông Chiêu thỉnh cầu Đức Cao Đài Tiên ông, một bữa chiều kia, ông ngồi trên hòn đá ngó mông ra biển cả, thấy biệt mù trời nước, sóng dợn ba đào. Bỗng chút ông thấy lần lần từ chỗ trời nước giáp nhau, lộ ra một cảnh, chẳng biết là cảnh nào mà thiệt là xinh đẹp, cảnh đó vừa khuất lại lộ ra cảnh khác. Ông ngồi xem mê mẩn, quên lửng rằng thân còn ở chốn trần gian. Được chừng 15 phút đồng hồ, cảnh ấy lu dần rồi biến mất.

Sau ông hầu cơ, Tiên ông nói cho ông biết ấy là cảnh Bồng Lai. Theo lời ông ước nguyện nên Tiên ông cho ông thấy, nông chí mà tu hành.

Một hôm, Đức Cao Đài giáng cơ dạy ông Chiêu một biểu tượng thờ ngài. Ông Chiêu suy nghĩ chưa ra thì, một buổi sáng, ông đương nằm trên võng, bỗng thấy trước mắt ông cách độ hai thước, một « Con Mắt » rất lớn linh động khác thường và hào quang sáng rỡ. Biết là huyền diệu của Đức Cao Đài, ông Chiêu lật đật quì gối chấp tay bạch rằng :

« Bạch ngài, đệ tử biết đó là huyền diệu của ngài, nếu ngài dạy thờ ngài bằng tượng trưng « Con Mắt », đệ tử xin ngài cho biến mất đi, kẻo đệ tử sợ lắm ».

Ông bạch xong, hiện tượng ấy liền tan.

Tuy nhiên, ông cũng chưa thiệt tin. Muốn chắc ý, ông chờ có dịp hầu đàn xin biểu tượng để thờ, thì Đức Cao Đài dùng cọ cơ chấm rượu vẽ trên bàn một con mắt như ông đã thấy. Đức Cao Đài lại xưng trọn Thánh danh là « Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát », rồi dạy ông Chiêu từ đấy kêu ngài bằng Thầy.

Sau khi trấn nhậm Phú Quốc gần bốn năm, ngày 30 tháng 7 năm 1924, ông Phủ Chiêu đắc lịnh đổi về Dinh Hiệp lý ở Sài Gòn. Ông ở yên nơi đây vừa tu vừa làm việc cho đến khi qui liễu vào năm Nhâm thân (1932). Gần cuối năm Ất sửu (1925), Đức Cao Đài mới dạy ông đem mối Đạo truyền ra.

Ông gặp trước hết là ông Phủ Vương Quang Kỳ là bạn đồng song tâm đầu ý hiệp, ông mới khuyên ông Kỳ lo tu tâm dưỡng tánh và thờ Đức Cao Đài.

Ông độ được bốn ông sau nầy nhập đạo :

- Ông Phủ Vương Quang Kỳ, – Ông Phán Nguyễn Văn Hoài, – Ông Phán Võ Văn Sang, – Ông Đốc học Đoàn Văn Bản.

Ông Vương Quang Kỳ cũng khuyên được nhiều ông vào Đạo như ông Nguyễn Thành Cương, Nguyễn Thành Diêu, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Hữu Đắc, Lê Văn Bảy tự Tý, Võ Văn Mân, Âu Kiết Lâm …

Trong tuần tháng 5, năm 1927, lúc tín đồ ở Cần Thơ lập thành một sở « Chiếu Minh Nghĩa địa », ông Kinh lý Lê Công Phương là một trong mấy ông đứng ra sáng tạo cái nghĩa địa ấy, viết thơ cho ông Ngô Văn Chiêu, cầu xin ông đến lúc qui vị, cho phép tín đồ đem xác ông về nghĩa địa đó …

Lối tháng tư năm mậu thìn (1928), ông có xin nghĩ sáu tháng đặng thong thả đi du lịch theo lệnh của Đức Thượng đế dạy. Trước khi đi, ông ghé Cần Thơ và khởi sự du lịch nhằm ngày 26 tháng 4 ; ngày 28 tới Hà Tiên, ghé chùa Tiêu Sơn Tự ở Thạch động nghỉ. Bữa mồng một tháng năm, ông ghé chùa Kim Cang ở Đế Thiên. Du lịch trên Đế Thiên, Đế Thích xong, ông trở về làm việc lại.

Đến năm 1931, ông tu đã được 11 năm, ông khởi sự ăn uống ít lắm nên càng ngày càng ốm. Tuy đau mặc dầu, ông vẫn cười nói, nên chẳng ai biết được căn bịnh ông.

Cuối năm 1931, ông mệt nhiều nên xin phép ở nhà dưỡng bịnh. Dầu vậy, ngày 30 tháng 3 năm 1932, ông cũng đi núi Trà Lơn, và khi về, ông ghé Cần Thơ ở dưỡng bịnh trong một cái « thảo lư » cất trên một ao sen mát mẻ, thanh tịnh, ngang Chiếu Minh Nghĩa Địa. Ông thường nói rằng Thầy đã định cho ông chết khi qua sông, vì khi xưa Thầy có nói :

Giờ nầy Thầy điểm thâm công, Ngày sau con sẽ cỡi Rồng về nguyên.

Đến đúng ngày giờ, ông biểu phải đem ông về Tân An lập tức. Các đệ tử tuân lời, song đò Mỹ Thuận vừa ra tới giữa sông Tiền Giang thì hồn ông lìa xác … Lúc ấy nhằm ngày 13 tháng 3 năm Nhâm Thân, lối 3 giờ chiều (18-4-1932). Ông thọ 55 tuổi. Ông chết cho tới 51 tiếng đồng hồ sau mà mình mẩy chẳng lạnh, tay chơn vẫn còn dịu nhiễu. Thi hài ông được liệm ngồi trong một cái quan tài « lục giác » (lục giác, theo lục tự Cao Đài : Nam mô Cao Đài Tiên ông), bề kính tâm lối 8 tấc tây, bề cao được thước hai, thước ba tây.

Đám táng ông rất là êm tịnh, không nhạc lễ, không kinh kệ, vì ông có dạy rằng lúc sanh tiền, mỗi buổi, ông đã có cầu kinh cho ông rồi, ông đã biết mình là ai, đến khi bỏ xác sẽ về đâu. Đọc kinh cầu nguyện cho ông là điều vô ích …

Đức Cao Đài Thượng Đế phong cho anh linh ông Ngô Văn Chiêu, tức là Ngô Minh Chiêu là « Đại Đức Tiên ».

e) Một ông giáo đặc biệt : Ông Huỳnh Văn Đẩu

Ông giáo lớp nhứt (Cours Supérieur) chúng tôi, năm 1918 gần năm mươi tuổi, cao lớn mạnh mẽ. Ông ở gần bên trường một cái nhà lợp ngói nền đất, vách bổ kho, sạch sẽ. Ông bới một đầu tóc nho nhỏ và ăn trầu chút đỉnh. Qua trường dạy học, ông mặc áo xuyên dài, mang giày hàm ếch, để đầu trần. Chỉ khi nào ông lên nhà tư dạy ông Cordier, Phó Chủ tỉnh học Việt ngữ, mỗi tuần hai lần, ông mới bịt khăn đóng, mang đôi giày mới, đi kêu ken két.

Ông rất siêng cần trong chức vụ, không bao giờ vô lớp trễ và mãn giờ cũng không ra về sớm. Ông có phương pháp dạy rất hay và học sanh lớp ông gần như đồng đều, nhứt là toán pháp và pháp văn ông buộc học trò học kỹ lưỡng. Ông đặc biệt giỏi về môn toán pháp ; có người thuật rằng hồi ông thi bằng Thành chung (Diplôme de fin d'Etudes complémentaires) tại trường Chasseloup Laubat, không rõ Chủ khảo ra đề thi về bài toán đố (problème) thế nào mà ông đứng dậy nói rằng bài toán ấy không thể có giải đáp được vì thiếu yếu tố (élément). Giám khảo xem lại thì quả ông có lý, thí sinh rất phục ông.

Nơi đây, chúng tôi xin mở một dấu ngoặc : sau khi lập nền cai trị vững chắc rồi, Chánh Phủ Pháp lập trường « Collège des Stagiaires » gọi là « Trường hậu bổ » ; sau trường nầy đổi tên là « Collège Chasseloup Laubat » lấy tên ông Hầu tước De Chasseloup Laubat, Tổng trưởng thuộc địa Pháp quốc thuở quân đội Pháp xâm chiếm Việt Nam. Học sanh học bốn năm thi bằng Thành chung ; mấy thí sinh đỗ cao được bổ dụng làm giáo viên và cam phận « thầy giáo » mãn đời.

Nhiều ông nổi tiếng dạy giỏi, như Nguyễn Khắc Huề ở Bến Tre, ông Nguyễn Văn Cẩm, ông Nguyễn Văn Tâm, Mỹ Tho, và ông Huỳnh Văn Đẩu, Tân An …

Còn những thí sinh đậu bằng Thành chung mà đậu thấp thì được bổ làm thơ ký hành chánh, sau khi đậu Huyện, thăng Phủ, Đốc phủ sứ, vinh thân phì gia ! Trường hợp điển hình là nhiều ông thơ ký, bạn ông giáo Đẩu, nhờ ông luyện cho thi Huyện về môn Toán pháp, và đa số mấy ông ấy trúng tuyển ; Mỗi năm, học trò ông Đẩu đậu bằng Sơ học tỷ số cao hơn phần đông các tỉnh khác, thường là 80%.

Vào năm 1918, 1919, lớp nhất Mỹ Tho, với ông Cẩm, và lớp nhứt Tân An, với ông Đẩu, tranh nhau coi học sanh ai đậu nhiều. Năm 1918, anh Đào Văn Lân thi học bổng vào trường Trung học Chasseloup Laubat đỗ đầu ; năm 1919, anh Nguyễn Văn Tỵ thi học bổng vào Trung học Mỹ Tho cũng đỗ thủ khoa.

Ông thầy mặc dầu cao niên song vui tánh, không bao giờ ông giận dữ. Ông bảo rằng ta phải viết Việt ngữ thế nào cho mấy chị đàn bà ăn trầu xỉa thuốc hiểu được, chớ viết cầu kỳ thì không hay. Ông nói : « Dạy Cordier học chữ Việt phát dóa, va đọc tầm bậy tầm bạ, muốn xán cho một bạt tai, song sợ bị ở tù ! »

Ông biết ông Đốc Toản sợ con gà con chết, ông nùi một mớ râu bắp vàng lườm làm hình con gà con rồi vô sớm kéo hộc tủ ông Toản bỏ vô. Tám giờ, chúng tôi đang học bỗng nghe bên văn phòng ông Đốc tiếng la bài hãi, ông Đẩu chạy qua, thì lại có tiếng cười vang lên…

Ông thường nói mà cười rằng hồi nhỏ, ông thấy ai mang kiến tưởng là sang, bây giờ ông phải mang kiến ông phát rầu vì rời cặp mắt kiếng ra thì không thấy mà đọc và viết. Thậm chí trong việc trừng phạt học trò không thuộc bài hay làm bài trật, ông cũng còn hài hước. Ông có con roi mây ngắn, láng bóng, ông quất vào bắp vế mình một roi đau thấu trời xanh, xuýt xoa ôm bắp vế cà nhắc về chỗ ngồi, ông chỉ theo cười ngất : « Coi kìa, coi kìa, ghe bầu chạy cấn ! »

Giờ toán sau khi học sanh làm bài xong, góp tập vở để trên bàn ông một đống. Ông bảo học trò câng của ông là Nguyễn Văn Tỵ lên, dở từ tập ông xem. Bài nào trúng và thật hay, ông phê hai tiếng : « Thiên tài » tức thì Tỵ cho chín điểm ; « thần tài » là tám điểm, còn « lục lục thường tài » thì sáu hoặc năm điểm. Nhược bằng « dở tệ, dở ẹt », chủ nhân tập vỡ lãnh một hai điểm, có khi nhận thêm một vài roi đằng khác.

Thú tiêu khiển đặc biệt của ông là nuôi gà nòi ; ông nuôi gà kỹ lưỡng cũng như ông dạy học trò kỹ càng vậy. Ông lựa những con gà gân cốt liền lạc, đá nhau, chịu đòn giỏi, đầu nhỏ, mắt to, mình bắp chuối, lông mã rơi. Ông không cần gà có vảy lạ : « án thiên » « phủ địa », « chuỗi châu », ông chấp tất cả, chỉ chọn gà vảy hai hàng trơn, khít rịt, bén như lưỡi cưa, đá rắt máu, vì gà nào có miếng gì hay, nó tùy cơ ứng biến trừ cũng được. Ông xay vỏ sò, vỏ ốc thành bột, trộn với lúa, với cháo cho gà ăn, xương cốt tăng phần cứng cáp. Ông chơi gà kiểu tài tử, gà ông tốt như con phụng ra trường mười con thắng trận hết bảy tám, song ông đá không quá năm đồng (5$00), không phải ông không có tiền, chỉ vì tánh ông như thế, trong khi ấy, những người đứng sổ ông ăn năm bảy chục ngon lành !

f) Một danh gia vọng tộc

Làng Tân Trụ, mấy mươi năm về trước, nổi danh một gia đình mà cả anh lẫn em đều chiếm địa vị cao cả trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Nhân dân Tân An kính phục song không khỏi ngạc nhiên tự hỏi tổ phụ nhà ấy được táng vào huyệt mả « phát quan » chăng, hay là ở ăn đạo đức mà :

Ông cha kiếp trước khéo tu, nên sanh con cháu võng dù nghinh ngang.

Dầu nhờ phúc ấm nào mà gia đình ấy hơn người, đồng bào Tân An cũng nhận thấy rằng tuy anh em nhà ấy phú quí đủ điều, song đối đãi với nô bộc trong nhà như là anh em, một niềm thương mến, chẳng chút chi phong kiến quan liêu. Đạo đức thay, tốt đẹp thay ! Mấy ai được vậy ?

Người anh cả của « đệ nhứt gia » ở Tân An là ông Nguyễn Văn Ca, nguyên Đốc phủ sứ, dường như ông là một chức sắc cao cấp trong đạo Cao Đài.

Người kế là Nguyễn Văn Vịnh, cũng cựu Đốc phủ sứ, viết Pháp văn cứng cáp, từng làm chủ quận Ô Môn (Cần Thơ).

Ông thứ ba là giáo sư Nguyễn Văn Duyên có du học bên Pháp, đỗ bằng Brevet Supérieur, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong nền học chánh Nam Việt.

Kế đó là ông Nguyễn Văn Liễn, tốt nghiệp trường Dược Sư Hà Nội, tác giả một quyển sách bằng Pháp văn về sự tiến hóa của nước Việt Nam.

Ông em thứ năm cũng là Dược sư, tên Nguyễn Văn Phấn.

Ông chót là Nguyễn Văn Khát, Y sĩ Đông dương, là thân sinh ra Luật sư Nguyễn Văn Huyền, Chủ tịch Thượng nghị viện Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa.

g) Một nhân tài : Nguyễn Văn Tỵ

Chép tiểu sử danh nhân trong tỉnh thời xưa, chúng tôi làm việc thiếu sót nên quên một nhân tài : Nguyễn Văn Tỵ.

Là trưởng nam một gia đình đông con, của ông bà Nguyễn Văn Danh ở Mỹ Tho, Nguyễn Văn Tỵ học ban tiểu học ở trường tỉnh Tân An, nên chúng tôi xem Tỵ như là người Tân An vậy. Xuất sắc, anh dẫn đầu trong lớp luôn. Tỵ lên đến lớp nhứt vào khoảng mười một tuổi và, nhỏ tuổi như thế, Nha Học chánh cấm thi Sơ học, chẳng khác phương sách hiện nay buộc học sinh xuất sắc song nhỏ tuổi phải « dậm chơn » chờ mấy trẻ tầm thường tiến lên theo thòi kịp, thiệt thòi cho mấy trẻ kia mất ngày giờ, chớ chẳng biết noi gương Âu Mỹ lập những lớp đặc biệt cho những học sinh ưu tú. Thành thử, Tỵ phải ngồi lớp nhứt ba năm, luôn luôn đứng số 1 và trong khoảng thời gian ấy, Tỵ chẳng còn gì học với ông giáo Đẩu.

Một hôm, Tỵ vẽ một bảng địa đồ xứ Đông dương, đẹp như là bản in, ông giáo khen lấy khen để, cho mười điểm. Đầu tháng bảy năm 1919, trong cuộc « giang đô khảo võ » tại Mỹ Tho, qui tự trên 500 học sinh các tỉnh miền Hậu giang và Trung ương thi lấy bằng Sơ học, Hồ Văn Kế, trường tiểu học Mỹ Tho đỗ thủ khoa, Nguyễn Văn Tỵ, Tân An, đỗ hạng nhì Kỳ thi học bổng trung học, Kế, giàu, không ứng thí, Tỵ đỗ đầu. Ba năm học trường trung học Mỹ Tho, Tỵ luôn luôn ưu tú về Toán pháp và khoa học. Thế thường phải học bốn năm mới thi bằng Thành chung, song cuối năm đệ tam niên, Tỵ đỗ bằng Brevet Elémentaire luôn cả bằng Thành chung với hạng « bình thứ » (Assez bien).

Tiếp tục học ban Tú tài bổn xứ (Enseignement secondaire local), Tỵ là học trò cưng của ông Pasqualini, Giáo sư Thạc sĩ Toán, ông can thiệp cùng ông Hiệu trưởng Bouault cho Tỵ được chuyển sang ban Tú tài Pháp, và Tỵ đỗ Phần I, Phần II đều với hạng cao.

Một điểm đặc biệt là Tỵ viết chữ đẹp đẽ như chữ in, làm bài Toán pháp hay Pháp văn trên giấy láng tốt, ngó vào mát con mắt, cầm mát tay, giáo sư ai cũng hài lòng. Thế thường người ta nói : « Nhơn vô thập toàn » (mấy ai được hoàn toàn) và bộ óc thông minh của Tỵ nằm trong một thể xác óm o, bộ ngực lép xẹp, ho khúc khắc luôn. Và Tỵ cao đến đâu là tiền thuốc chồng đến đó. Chỉ sau khi du học về, Tỵ mới khoẻ mạnh cao lớn.

Sang Pháp học Trường Kỹ thuật Trung Ương (Ecole Centrale des Arts et Manufactures), thành tài về Nam giữ nhiều chức vụ quan trọng. Nếu chúng tôi không lầm thì, trong Nội các Trần Văn Hữu, Tỵ có làm Tổng trưởng Bộ Kinh tế.

Ông Ngô Đình Diệm chấp chánh, Nguyễn Văn Tỵ xuất ngoại và, vào khoảng 1964-65, đảm nhiệm trọng trách Giám đốc hải cảng Abijan, kinh đô của Côte d'Ivoire vương quốc. Một người Kỹ sư Việt Nam mà điều khiển một hải cảng quan trọng như Abijan, nghĩ cũng vinh dự cho Nước Nhà.

Nguyễn Văn Tỵ kết hôn cùng một nữ nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng và, hiện nay, gia đình ấy sống sung túc bên nước Pháp.

V) Kháng Pháp Ở Tân An

a) Thiên hộ Nguyễn Duy Dương

Như trên chúng tôi có nói, Đồng Tháp Mười quan hệ mật thiết với Thiên hộ Nguyễn Duy Dương (Có nơi chép là Võ Duy Dương, Võ Di Dương), cứ hiểm nơi đây suốt hai năm trời (1866-68) hoạt động mạnh mẽ, đánh bại Đô đốc Roze.

Thiên hộ Dương là người thế nào ? Ngài là một người miền Nam, một nhà hào phú, nhơn mộ quân đồn điền đặng 1.000 quân nên được Cụ Nguyễn Tri Phương phong làm Thiên hộ.

Thiên hộ Dương là một người tài kiêm văn võ, sức mạnh hơn người, một tay nhổ nổi một cây tre mỡ to, lại còn cử nổi năm trái linh (lối 30 kí lô), nên được nhiều người kính phục mà gọi là « Ngũ linh Thiên hộ ». Hưởng ứng lời kêu gọi của vua Tự Đức với Cụ Nguyễn Tri Phương, Thiên hộ kéo cờ Cần vương, tổ chức những bộ đội du kích, phục kích, cướp đồn, giựt súng và thẳng tay trừng trị bọn Việt gian mãi quốc cầu vinh. Tổng hành dinh của ngài đặt tại trung tâm cánh đồng, xung quanh cái Tháp.

Lúc bấy giờ, ba Tỉnh miền Tây vẫn còn thuộc Nam triều cho nên các quận Cao Lãnh, Cai Lậy, Mộc Hóa, Hồng Ngự, Sa Đéc lãnh phần tiếp tế lương thực cho kháng chiến quân. Và thanh niên nam nữ xung phong vào Đồng Tháp chiến đấu dưới lá cờ Cần vương do ngài Thiên hộ Dương lãnh đạo.

Đêm đêm, tiếng dân ca, hò hát trên dòng kinh nơi xa vọng lại, âm điệu buồn buồn, bộc lộ tinh thần ái quốc :

« Non nước ta tành ngũ mãi sao ?

Vội vã dân làng thu dẹp cuốc, Trong lòng đã rộn ánh binh đao.

Trên đoàn thuyền khác, có tiếng ai ngâm thi đáp lại :

« Đã nghe sắt lửa âm thầm dậy,

Tiếng gọi từ xa thúc giục hoài,

Há chịu làm thân trâu ngựa mãi,

Chim lồng sao để hát bi ai !

Trong hàng ngũ kháng chiến

Dưới sự chỉ huy của ngài Thiên hộ, có trên 1.000 binh, trong đó có nhiều lính Tagals (cũng như lính lê dương : légion étrangère) của Pháp đào ngũ sang giúp ta để chống cự lại quân Pháp, bởi lính Tagals phần nhiều là tù binh của Pháp ở Maroc, Algérie, Tunisie…

Chiến sĩ Bắc Phi ấy, tuy ngôn ngữ bất đồng với ta, nhận thấy rằng không thể cầm súng chống lại đoàn quân kháng chiến Việt Nam. Không những thế mà thôi, trong hàng ngũ kháng chiến còn có một người Pháp chánh tông tên là Linguet đã giúp ta chống lại đoàn quân xâm lược.

Chiến công oanh liệt

Tháng 7 năm 1865, Thủy sư Đô đốc De La Grandière về Pháp giao quyền chỉ huy cho Thủy sư Đô đốc Roze. Ngày 22 tháng 7 năm 1865, Nguyễn Du Dương từ mặt trận du kích biến ra mặt trận đại qui mô. Từ Đồng Tháp Mười, đoàn nghĩa quân rần rộ kéo binh đánh phá quân Pháp ở Mỹ Trà, Sa Đéc.

Đô đốc Roze được tin cấp báo đem quân Pháp và Việt gian đến nghinh chiến, quân ta và quân Pháp kịch chiến suốt mấy ngày đêm liền. Quân Pháp hết sức chống cự nhưng không nổi, bị nghĩa quân hạ đồn, đốt chợ Mỹ Trà và thiêu hủy chiếc tàu của Pháp dùng để liên lạc. Trận nầy, quân Pháp chết hại rất nhiều và, sau khi thâu thập được súng đạn, nghĩa quân liền rút lui.

Thiên hộ Dương mở một mặt trận thứ nhì tấn công Cái Bè, Mỹ Quí, chọc thủng phòng tuyến Pháp, đánh tan nhiều cánh quân Pháp đóng giữ vùng nầy, quân ta bắt sống được 50 quân Pháp và gần 100 Việt gian.

Bởi Thủy sư Đô đốc Roze thua ta liên tiếp mấy trận lớn, nên Chánh phủ Pháp triệt hồi Roze về Pháp.

Về phần Nam triều, hay tin Thiên hộ Dương gây tổn thất nặng nề cho quân đội Pháp, vua Tự Đức giáng chỉ phong chức Lãnh binh cho nhà ái quốc.

Quân Pháp phản công

Như trên đã nói, Tổng hành dinh của Thiên hộ bấy giờ ở giữa Đồng Tháp, chung quanh có Tiền đồn, Tả và Hữu, mỗi đồn có lũy đất bao bọc ở ngoài, cao hai thước và dày thước rưỡi, trong và ngoài lũy đều có một hàng cừ bằng cây sao, lũy có chừa lỗ để bắn ra ngoài. Mỗi đồn có lối vài ba trăm lính, 10 khẩu súng và 4, 5 thớt súng bắn đá, vài khẩu đại bác.

Ở xa hành dinh, còn có nhiều hàng đồn nhỏ giữ các nẻo hiểm, cũng có binh sĩ và súng lớn phòng thủ.

Năm 1866, De La Grandière được phái trở sang Nam Kỳ. Vừa đến Sài Gòn, De La Grandière khởi sự nghiên cứu kế hoạch tấn công Đồng Tháp.

Sau nhiều ngày chuẩn bị, tháng tư năm ấy, quân Pháp động viên lực lượng quân đội chia ra làm ba mặt tấn công Đồng Tháp. Tư lịnh của Pháp quân gồm có mấy Tướng :

- Boubée

- Paris de la Bollardière

- Quản Tấn (Huỳnh Công Tấn)

- Huyện Lộc (Trần Bá Lộc)

Như thế, ta đủ hiểu rằng quân Pháp quyết đánh tan kháng chiến quân Việt Nam với chiến thuật cá lớn nuốt cá bé. Lần lượt, quân ta bị thất bại, nhưng hết lớp nầy tới lớp khác nổi lên chống cự, không lùi bước trước quân xâm lăng cướp nước. Tinh thần càng lên cao, gương hy sinh, lòng dũng cảm của người Việt làm cho Pháp quân thán phục.

Nhà chí sĩ Nguyễn Duy Dương mang bịnh từ trần.

Kế tiếp Đốc binh Lê Công Kiều hùng cứ cả một vùng Mỹ Quí, nhưng binh lực ta kém, nên không bao lâu Đốc binh Kiều cũng thất bại và kháng chiến của nghĩa quân Việt Nam Đồng Tháp lần lần tan rã.

Tưởng niệm vị anh hùng kháng chiến

Thiên hộ mất, nhân dân lập đền thờ ông tại Đồng Tháp và tên ông còn lưu truyền thiên thu trên miền Nam đất Việt.

Để tưởng niệm cuộc kháng chiến anh dũng của ngài Thiên hộ, Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa đặt tên « Đường Tháp Mười » một con đường trong quận IV, đi từ đường Võ Di Nguy đến đường Phạm Đình Hổ và đường Nguyễn Duy Dương cũng trong quận IV, nối liền đường Nguyễn Trãi với đại lộ Lý Thái Tổ (Trích « Định Tường xưa và nay » của Huỳnh Minh, trương 37-38 và 39).

Mấy năm về trước, những đêm trăng mờ ảo, du khách còn nghe được bác nông phu, chú lái đò, anh cắm câu, hát lên những câu thắm thía :

Ai về Đồng Tháp mà coi,

Mả ông Thiên hộ trăng soi lạnh lùng !

Bà con đùm đậu quanh vùng,

Tháng giêng ngày giỗ xin đừng ai quên.

Và, trong một cuộc viếng thăm Đồng Tháp, nhà thơ Nguyễn Công Minh có làm câu đối điếu Ngài Thiên hộ như vầy :

Ẩm hận anh hùng, tự Bắc tự Nam,

Thập tháp hương yên trường diếu diếu,

Kiên can tuấn kiệt, nhi kim nhi cổ,

Ngũ linh phong độ thượng y y.

Dịch nghĩa :

Ngậm ức anh hùng, tiếng nổi Bắc Nam,

Thập tháp lửa hương còn phới phới

Chắc gan tuấn kiệt, danh truyền kim cổ,

Ngũ linh dáng cách vẫn như như.

b) Nguyễn Trung Trực (1837-1868) Sát Đại úy Bourdais

Nhắc đến những chiến công kháng Pháp của đồng bào Tân An, chúng tôi không làm sao quên được ông Nguyễn Trung Trực, vị anh hùng trẻ tuổi, võ nghệ hơn người, tướng mạo phương phi, nói năng lễ độ.

Vào đầu tháng tư năm 1861, quân đội Pháp quyết định tiến đánh tỉnh Định Tường, do Thủy sư Đô đốc Charner chỉ huy bằng cách dùng tàu chiến chạy dọc theo các dòng sông lớn từ Tân An qua Định Tường. Được tin ấy, nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực, đa số là dân chài lưới bơi lội tài tình, ngày đêm sóc nọc hàn sông mục đích ngăn cản bước tiến quân của địch. Nhờ vậy mà suốt một tuần tàu Pháp mới đến được Rạch Chanh, chịu nhiều nhọc nhằn vất vã mới phá vỡ các chướng ngại vật.

Rạng ngày 10-4-1861, địch quân đổ bộ lên sông Bảo định (Arroyo de la poste). Họ toan tiến đánh Trung Lương thì một trận ác chiến xảy ra liền đó. Nguyễn Trung Trực bổn thân điều khiển diệt địch : hơn 30 binh sĩ Pháp bị giết và tướng chỉ huy là Đại úy hải quân Bourdais trúng đạn chết ngay tại nơi đổ bộ.

Dụng hỏa công tại Nhựt Táo

Tháng chạp dương lịch 1861, đại úy Parfait cầm một đội chiến thuyền trong đó có chiếc « l'Espérance » ngược xuôi trên sông Vàm cỏ tuần tiễu, thường đậu tại làng Nhựt Tảo (nay là An nhựt tân) nơi vàm rạch Nhựt Tảo đổ ra sông Vàm cỏ đông, tức sông Bén Lức xuống ngã ba Soi Rạp.

Ngày 10 tháng 12, vào khoảng giữa trưa, lính Pháp và lính da đen dưới tàu nằm ngủ chênh chồng, để một thơ ký người Nam phê giấy thông hành. Nguyễn Trung Trực cùng ba bốn mươi nghĩa quân đi hai chiếc thuyền giả làm đám cưới đến xin phê giấy. Viên thơ kỳ vừa chồm ra cửa hông tàu đã bị Trực một mũi thương chết tốt. Rồi thì nghĩa quân nhảy bổ lên tàu, lớp dùng binh khí hạ sát quân Pháp và lính da đen, lớp chất rơm chất củi đốt tàu.

Bất thình lình, quân Pháp chống cự không nổi nên 17 thủy quân hoặc bị chết thiêu, hoặc bị gươm đao sát hại. Lửa cháy rực trời, tàu nổ vang tai. Năm thủy quân, hai người Pháp và ba lính da đen, nhảy xuống một chiếc tam bản nổ lực chèo như giông trốn thoát, tìm được Đại úy Parfait.

Trong lúc ấy, đồn thân binh hai mươi người trấn thủ trên bờ sông, ngang chiếc l'Espérance, bị Việt quân giết sạch.

Nội ngày ấy, Parfait đem binh tiếp viện, đến chỗ chiếc tàu bị đốt gặp ba tên lính da đen đã bị nghĩa quân bắt đặng song lại nhân lúc tàu nổ mà trốn thoát, chui xuống một cái bàu, đứng dưới nước ngập tới miệng chờ Pháp quân tới cứu. Việt quân rút lui tự bao giờ, chỉ có dân làng Nhựt Tảo bị vạ lây, cả làng bị Pháp quân đốt sạch !

Năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị bắt và vị anh hùng dân tộc bị trảm quyết tại Kiên Giang.

Cụ Nguyễn Đình Chiểu tế Nguyễn Trung Trực có hai câu đối hùng hồn như sau :

« Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa,

« Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỉ thần.

Tạm dịch :

Lửa thiêu Nhựt Tảo, rền trời đất,

Gươm sát Kiên Giang khóc quỉ thần.

VI) Thắng Cảnh, Cổ Tích

Là một tỉnh đồng bằng, Tân An không có thắng cảnh như những miền sơn dã : Đà Lạt, Hà Tiên, Vũng Tàu, Long Hải … nhưng lúc thời bình, những buổi chiều trời quang mây tạnh, đứng trên Cầu sắt mà ngắm cảnh hưởng ngọn lương phong, thật cũng là thú vị. Trông về tây bắc, xa tận chơn trời, xanh xanh lờ mờ hòn núi Bà Đen (Điện Bà) ở Tây Ninh.

Mỗi lần du khách đến Tân An, sao sao cũng đến viếng lăng ngài Tiền quan Đức quốc công. Và sau đây là năm ba tên lịch sử còn tồn tại với thời gian đôi ba cổ tích và vài thắng cảnh.

a) Lộ Tổng Huẩn

b) Rạch Bà Rịa

c) Chợ Ông Huyện

Cách cầu xe lửa vài cây số hướng về Sài Gòn, bên phải, con đường làng nho nhỏ « Lộ Tổng Huẩn » đưa du khách đến « cầu Tổng Huẩn » bắc trên « Rạch Bà Riạ », do ông Cai tổng Huẩn lúc sanh tiền đấp con đường và bắc cây cầu ấy. Qua cầu, đi bộ sáu cây số ngàn đến « Chợ ông Huyện », làng Huê Mỹ Thạnh, không rõ ông Huyện ấy tên chi.

Mùa mưa, điệp tây trồng hai bên lề lộ Tổng Huẩn hoa nở vàng lườm trông thật là ngoạn mục. Đứng trên cầu Tổng Huẩn vào buổi chiều tà, trông xuống ngọn rạch quanh co, trông ra cánh đồng man mát thì :

Ngư ông gác lưới hồi quê,

Chim kêu bụi rậm trâu về đồng không.

d) Bến Vũng Gù

Nơi bến nầy, khi xưa người Miên hay đem bò uống nước cho nên người Nam còn gọi sông Vàm cỏ tây là Vũng gù hay « Bâng cồ », có lẽ là tiếng Miên đọc trại, nghĩa là «bến bò uống nước ».

Tại đây, có ngôi nhà lầu của ông Huyện Sĩ, Lê Phát Sĩ mà chúng tôi có dịp nói trước đây. Ông là một trong những người cọng sự đầu tiên của Chánh phủ Pháp ở Tân An và cũng là một bực cự phú địa phương. Thật ông khéo chọn vị trí mà cất nhà : nơi giáp nước sông Vàm cỏ tây và Bảo định hà ; đứng trên lầu mà trông ra hai con sông, ngó lên cầu sắt, phong cảnh đã đẹp mà ngọn gió chiều mát mẻ khỏe thân. Một nhà địa lý đoán rằng nhà ông Huyện Sĩ cất nhằm hàm rồng nên ông giàu lớn, con cháu còn phú hộ nhiều đời.

Lối năm 1870, một thương gia Pháp đem qua Sài Gòn một chiếc xe hơi mui trần hiệu Citroen chưng ở nhà hàng Courtinat, đường Catinat (Tự Do), để giá một ngàn đồng (1.000$). Cả tháng không ai mua, họ mới xuống Tân An mời ông Huyện Sĩ lên xem. Ông chê mắt, lại không mua.

e) Bến đò Chú Tiết

Đi vòng trước dinh tỉnh trưởng và tiếp tục đi dọc theo mé sông Vàm cỏ tây, ta tới bến đò Chú Tiết là nơi một chiếc đò chèo đưa ta qua sông để viếng mấy làng Nhơn thạnh trung, Huê mỹ thạnh, Nhựt tảo, Bình lãng … nếu ta không do lộ Tổng Huẩn mà đi xuống mấy làng này. Như ông Tổng Huẩn đấp lộ bắc cầu, có lẽ một người đàn ông tên Tiết lập cái bến đò nầy trước nhứt.

f) Sông Châu Phê

Sông Châu Phê ở về bờ hướng bắc sông Bảo định hà ; Vân trường Hầu khai khẩn đất nơi đây nên Chúa Nguyễn mới châu phê là tự điền cho ngài, đặt tên là ruộng Châu Phê, và cũng gọi sông đó là sông Châu Phê.

Một thuyết khác cho rằng Chúa Nguyễn Ánh thường ghé thuyền nơi đây để phê sắc chỉ nên người ta mới gọi nơi Vàm con rạch đổ ra Vàm cỏ tây là « Vàm Châu Phê ».

g) Thị trấn Kỳ son

Cách châu thành Tân An sáu cây số ngàn, con đường đá thẳng tắp dẫn đến thị trấn Kỳ Son, nhà tô nhà lá xinh lịch ẩn mình giữa đám vườn dừa, cam, quít. Thời cũng chợ bán buôn sum mậu, trường học đông đúc trẻ thơ, giáo viên tận tình dạy dỗ, đồng rộng minh mông, ruộng lúa gió chao sóng dợn Chông chênh mấy đám nhà thôn, Một đàn cò đậu cánh đồng chiều hôm.

Năm 1917, nhà văn Nguyễn Tử Thức, ký giả báo « Nông cổ mín đàm », đến viếng Kỳ son, có làm bài thơ như vầy :

Kỳ son phong cảnh cũng xinh xinh,

Gió đón mây đưa rất hữu tình,

Vật thạnh nhơn hòa đời phước hậu,

Cá ao ruộng lúa sẵn trời dành.

h) Kinh ông Hóng

Từ Bình lãng thông ra Vàm cỏ tây, là kinh ông Hóng, như chúng tôi đã nói trên.

i) Miễu Ông bần quì

Hạ lưu sông Vàm cỏ đông, có cổ tích « Miễu Ông bần quì » thờ ông Mai Công Hương. Sanh tiền, ông là viên xá sai ti Phan trấn, làm chức Tào vận, chuyên chở lương thực cho Chúa Nguyễn.

Năm Ất dậu (1705), vua Cao Miên Nặc Ông Yêm bị người em là Nặc Ông Thâm viện binh Xiêm về đánh. Yêm chạy xuống Gia Định cầu cứu. Cai cơ Nguyễn Cửu Vân thống lãnh quân thủy bộ ở Gia Định đánh quân Xiêm ở Rạch Gầm. Đại binh tới trước, quan Xá sai ti là Mai Công Hương chở lương thực đi sau, bị binh Miên chận đón ở sông Xá Hương. Tấn thối lưỡng nan, ông thà liều chết theo thuyền không để lương tiền sa vào tay giặc. Thế là ông ra lịnh đục thuyền, thuyền chìm và ông cũng tử tiết luôn. Binh Miên không cướp được hột lương nào.

Sau nhà vua truy phong cho ngài làm « Thần Tử Nghĩa » và lập miễu thờ tại chỗ đó. Lại lấy chức quan với tên ngài mà đặt tên con sông chảy trước miễu là sông Xá Hương. Từ khi ông tử tiết, trên khúc sông này, thường nổi lên những đợt sóng thần, mặc dầu trời không chút gió.

Một khi, quan Kinh lược Phan Thanh Giản đi thuyền ngang qua, nghe câu chuyện ông Mai khí khái hiển linh, ghé lại thắp vài nén hương, rồi đề lên cột đôi câu đối như vầy :

« Nghĩa báo Nam thiên, cương thượng thường bồi cao khí tiết,

« Khí hiềm Tây tặc, giang tiền do khởi nộ ba

Dịch nghĩa :

Nghĩa đáp trời Nam, gò thượng từng nêu cao khí tiết,

Thù căm Tây giặc, sông tiền hay dấy động sóng hờn.

Tục truyền rằng, kể từ ngày ấy, sóng thần của vong linh ông Mai Công Hương lần lần im bặt. Cho hay, văn chương chân thành, mãnh liệt của vị lão quan đạo đức có mãnh lực xoa dịu nỗi hờn của vị anh hùng dân tộc.

Trong câu đối trên, có người bảo giá Cụ Phan dùng chữ « Xiêm tặc » ắt rõ nghĩa hơn, song chắc Cụ ưng dùng chữ « Tây tặc » để đối với chữ « Nam thiên ». Thượng Tân Thị, dịch giả quyển « Nam Kỳ lục tỉnh địa dư chí » của Duy Minh Thị (soạn năm Nhâm thân 1872) có bài thơ đề vịnh Mai Công Hương như vầy :

Hỏi thử nhà ta giống Lạc Hồng,

Gần đây ai chết được như ông ?

Chở lương bị giặc ngăn đường nước,

Đục ván cho thuyền lặn đáy sông.

Muốn để tiếng thơm về cửa phụng,

Nên gieo mạng bạc xuống cung rồng.

Xá Hương miếu cũ còn nguyên đó,

Chi khác bia danh với tượng đồng.

VII) Giai Thoại

a) Phú ông mất vàng

Hồi xưa, dân tộc Á đông, người Việt Nam chẳng hạn, có tục chôn vàng giấu bạc, cốt ý để dành cho con cháu sau nầy, nhưng đôi khi chủ nhân từ trần, hoặc không kịp, hoặc quên trối trăn cho con cháu biết, thành thử số bạc vàng ấy lưu lạc chẳng biết về tay ai.

Có một phú ông ở Tân An, vàng bạc quá nhiều chẳng biết làm chi cho hết, ông đổ vô bốn cái ché xưa đậy nấp ràng dây chì cẩn thận rồi chôn trong bốn góc cái ao trước nhà, trên ché ông trồng bốn bụi sen tươi tốt. Trên ao, ông cất một nhà thủy tạ, chiều chiều ông ra đây hóng mát, thưởng thức hương sắc hoa sen và vuốt ve trong tư tưởng bốn cái ché vàng. Bỗng một hôm, ông không thấy bốn bụi sen ở góc hồ đâu nữa. Ông ngạc nhiên, bảo gia nhân xuống mò đúng chỗ ông chôn mấy ché vàng : vàng cũng không cánh mà bay !

Ông nhờ thầy bói trứ danh trong vùng chiếm dùm ông một quẻ. Quẻ ứng điềm « thất vật », thầy bàn : của nầy tự nó bỏ ông mà đi, chớ không ai trộm cắp ; ông muốn tìm thì thầy chỉ hướng cho, song gặp rồi cũng không đem về được. Thế là phú ông theo hướng thầy chỉ, đi mấy ngày đường, qua làng nầy xóm nọ, đến một ấp kia, ông để ý trong một cái mương trước nhà lá, bốn bụi sen to tướng « của ông ». Ông vừa mừng vừa lo sợ …

Chủ nhân nhà ấy là một anh nông phu nghèo đã nhiều đời, nhưng gia đình anh, từ ông nội đến anh, đều hiền lành hay làm phước thiện. Phú ông vào làm quen, hỏi chuyện làm ăn, mưa nắng, sau tỏ thật bốn bụi sen với bốn ché vàng đó là « của mình ».

Thật thà, vợ chồng anh nông phu nói :

- Nếu sen và vàng phải của bác thì bác cứ đem về.

Phú ông sững sờ, nhưng « quân tử » không kém anh kia, ông nói :

- Vì tiền tài đã rời bỏ nhà tôi mà đến ở với chú em, tức Thần Tài thấy chú em hiền lành, thìm đức hạnh, nên cho chú thím đó, tôi còn giành giựt làm chi !

Vợ chồng anh nông phu làm gà nấu cơm thết đãi phú ông tử tế rồi, đêm ấy, vợ chồng cặm cụi gói mấy đòn bánh tét … Rạng ngày, khi ông từ giã mà về thì nông phu ta biếu ông bốn đòn bánh tét, kỳ thật nhưn (nhân) bánh bằng … vàng.

Ông vốn người khỏe mạnh, không thấy bốn đòn bánh nặng lạ thường. Ông đi đến trưa, khát nước ghé vào nhà kia xin nước uống ; mấy trẻ nhỏ ăn mặc rách rưới, cung kính rửa tô múc cho ông một tô nước mưa trong vắt và lấm lét ngó mấy đòn bánh tét bộ thèm thuồng. Ông già tinh ý, khi ông ra về, bất đồ ông kêu mấy trẻ lại, cho phứt mấy đòn « bánh tét ».

b) Bà già bị … ếm giàu

Không biết ông Lỗ Bang, tổ thợ mộc, ổng truyền sách ếm cho hậu thế làm chi mà bây giờ thợ mộc Việt Nam, nhứt là mấy bác thợ vườn, mỗi lần cất nhà cho ai, tuân lịnh ông Tổ hay ếm người ta : nặng thì trong gia đình sẽ có người chết, chủ nhà tán gia bại sản, bị kiện bị thưa, nhẹ thì bất hòa, ếm đau lặt vặt, không nghe ai nói « ếm cho làm giàu, được may mắn » bao giờ. Hỏi sao làm điều thất đức như vậy thì họ bảo : « Không ếm làm ăn không khá ( ?) »

Năm 1927, chúng tôi sửa nhà, ở Tân An. Trong đám thợ có bác Tư hay rượu, vui tính, thích nói chuyện. Lối một giờ rưỡi trưa, sau khi dùng miếng kẹo uống tô nước trà, và trước khi tiếp tục làm việc, chúng tôi phá bác :

- Nói chuyện ếm nghe chơi bác Tư. Bác biết ếm hôn ? Nói bác ếm giỏi lắm mà, bác đừng ếm tụi tui, nghe bác Tư !

- Ếm cái con khỉ khô nọ ! Bác biết chút đỉnh song bác không ếm bao giờ, cái việc làm tổn đức ấy bác không thích.

- Cho nên bác nghèo hoài, phải hôn ? Chúng tôi reo cười.

Bác cũng cười tích toát :

- A nầy, bác thuật câu chuyện ếm nầy mấy cháu nghe, câu chuyện động trời mà kết quả lại tức cười, không ai ngờ được.

Bác tằng hắng, lấy giọng :

- Cách đây mười mấy năm, bác làm phụ cho anh thợ Hai. Ảnh ếm đối giỏi lắm mà vẫn nghèo hoài. Có lẽ vì vậy mà ảnh không khá. Chúng bác cất nhà cho bà Mười.

« Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung » (bác rung đùi ngâm).

« Trưa, bà đãi thợ mộc một bữa cơm ; chiều, ai về nhà nấy. Mấy tháng trường làm nhà cho bả, bữa cơm nào cũng canh chua, cá chiên, cá kho … nhưng mười bữa như một, chưa bao giờ thợ được thưởng thức cái đầu cá lóc.

Anh thợ Hai lầm bầm : « Bà già keo kiết, để dành cái đầu cá cho bà con bả ăn. Tao sẽ ếm cho bả biết tay tao !

Ảnh nói là làm. Nhưng mấy ai học được chữ ngờ ? Cất nhà xong, tiền nong tính sòng phẳng, thầy thợ thu xếp đồ đạc mà về, bà Mười tiễn thợ mỗi người bằgn một gói mắm đầu cá lóc, thợ chánh thợ phó thì gói lớn, thợ phụ, tiểu công, gói nhỏ hơn. Đám thợ chưng hửng : thế là bấy lâu, bà chủ không phải để dành đầu cá mà ăn, bà chỉ làm mắm, để hôm nay biếu chho thợ đem về vợ con. Khổ sở nhứt là anh Hai, thợ chánh, làm sao bây giờ lấy phép ếm lại được, dễ gì đương nhiên lên trính dở lấy phép ra ! Rồi bả không yên, bả làm lớn chuyện, mới ra thế nào ? Thôi đành phú cho vận mạng.

Ấy thế mà, một năm sau, bà Mười phát giàu ngang, làm ruộng trúng mùa, nuôi heo mau lớn như thổi, buôn bán đắc lợi đắc tài. Anh thợ Hai lại càng không hiểu : sao mình ếm cho bả tán gia bại sản cho hả lòng căm tức của mình mà hậu quả ngược lại, bả giàu quá như vầy ? Hay là phép ếm không linh ?

Sau cùng, không thể đừng được, anh đến nhà bà Mười viện lý lẽ chánh đáng là anh muốn lên trính coi cây có còn chắc tốt hay bị mối mọt chi chăng.

Bà Mười vui lòng chịu. Anh thợ Hai bắt thang leo lên mái nhà dở ngói lên trính mà xem thì … Trời Đất Quỉ Thần ơi, anh đã để hai con hình nhơn cầm cái gàu dai (thứ gàu có hai quai, dùng để tát nước vô ruộng) thay vì tát ra ngoài, chúng nó xây mặt vô, tát trở vô nhà mới lạ ! Là vì, lúc lợp cái trính, trong lúc hấp tấp, anh thợ Hai ếm vô tình đặt hai hình nhơn tát vô như thế ? »

c) Chủ quận Việt « xài » Cò Tây

Thuở ấy, ông Phủ Michel Nguyễn Hữu Mỹ làm Chủ quận Châu thành. Ông trắng đẹp người như Pháp lai, viết Pháp văn trôi chảy. Ông có sáng tác vài quyển bằng Pháp, chẳng hạn như cuốn « L'Annam sous la terreur » (Nước Nam thời kỳ loạn lạc). Một đêm, một người ở châu thành bị trộm đến viếng nhà. Tri hô cầu cứu. Kẻ trộm chạy. Một người lân cận mở cửa đuổi theo tiếp tay bắt kẻ trộm. Nào dè, chú Cò tuần cảnh lảng vảng đâu đó, nghe tiếng kêu cứu và thấy người chạy, liền chụp bắt người ấy, còng tay, nhốt khám sáng hôm sau giải qua quận. Kết quả điều tra, anh lân cận là nạn nhân sự tận tâm can đảm của mình, không ai cám ơn còn bị ngủ khám một đêm, làm mồi cho rệp, muỗi.

Ông Michel Mỹ dững râu, trợn mắt, vỗ bàn, hét chú cò Tây :

« Idiot, au lieu d'arrêter le voleur, vous arrêtez le pousuivant ! C'est comme ca que vous faites votre métier de Commissaire de police ? » (Đồ ngu, thay vì bắt tên trộm, anh lại túm cổ người rượt ăn trộm ! Anh làm cái nghề Cò tuần cảnh của anh như vậy đó hả ?)

Tên cò Pháp nầy bị Chủ tỉnh đuổi đi nơi khác vì « lý do kỹ thuật ».

d) Thần Tài không đãi người khoe khoang

Một buổi mai, tại làng Hướng thọ phú. Ông Hai, một nông phu chất phác, đang làm cỏ lúa ngoài đồng bỗng bà Hai hớt hãi chạy ra kêu ông giật ngược, báo cho ông biết nơi nhà vừa xảy ra một biến cố lạ thường. Ba chơn bốn cẳng, hai ông bà chạy về nhà ; vừa chạy, bà hào hển thuật rằng bà đang cho heo gà ăn sáng bỗg nghe trong nhà tiếng ồn ào như một bầy vịt Xiêm đập cánh : bà lật đật vô xem thì một cảnh tượng lạ lùng phô bày trước mắt … nhưng thôi ông về coi sẽ rõ.

Bà dắt ông vô một căn buồng bỏ trống đã lâu năm, dùng để cất đồ lặt vặt. Ló lên khỏi mặt đất, độ vài gang tay, một cái hộc cây hình chữ nhựt dài hai thước, ngang một thước tư, bốn góc có bốn cái ché xưa cũng lộ lên cỡ nửa thân mình. Ông Hai quan sát kỹ lưởng rồi nét mừng vui lộ trên khuôn mặt cằn cỗi của ông :

« Bà ôi, Thần Tài chiếu cố nhà mình, đây là vàng bạc, ổng đem tới cho gia đình ta. Thật có phước quá ! »

Ông lấy dao phay cạy nắp cái hộc, thì tiền kẽm tiền đồng đầy ăm ắp. Bà lấy thúng hốt ra vài thúng đem phơi và, nội ngày ấy, cả làng Hướng thọ phú đều hay tin ông Hai bà Hai được Thần Tài ưu đãi. Thế là nhân dân lũ lượt tốp năm tốp ba đến thăm ông bà và tán tỉnh không tiếc lời. Thế là ông bà xuất ra một số tiền rước gánh hát danh tiếng đến hát một chầu ba thứ, trước là tạ Đất Nước Ông Bà, Thần hoàng bốn cảnh, sau đãi bà con cô bác ăn tiệc xem hát chơi.

Vừa thanh toán tiền nong cho bầu gánh xong, bỗng ông bà nghe trong buồng như cả trăm con vịt Xiêm đập cánh ồn ào, ông bà kinh ngạc chạy vô, thì gian phòng trống lại hoàn trống trơn, mặt đất phẳng lì. Thôi rồi, Thần Tài đã đem bạc tiền đi nơi khác ! Than tiếc nào có ích chi !

Nhưng, ông Hai làm thịt một con gà trống, nhổ lông sạch sẽ, hôm sau gói trong cái khăn, tang tảng sáng lên đường qua làng kế cận nhờ ông thầy Viên đoán dùm cho một quẻ. Ra khỏi nhà đặng vài trăm thước, ông gặp thím tư quen hỏi ông đi đâu và ông ôm gì đó. Tình thiệt, ông nói rằng qua nhà thầy Viên và ông cho thím coi con gà.

Gặp thầy, ông tỏ bày ý muốn. Thầy khoát tay, bảo ông đem gà về, hôm khác sẽ lại, « vì đã có người xem con gà ấy trước ông rồi ».

Hôm sau, để tránh những gặp gỡ bất ngờ, ông Hai đi lúc gà mới gáy tan. Thầy Viên xem đầu, mỏ, giò cẳng con gà rồi nói « Nhà ông tu nhân tích đức đã ba đời, Thần Tài thưởng đem tiền bạc đến cho ông bà, tưởng ông bà dùng làm điều phước thiện, nào dè ông bà lãng phí, hát xướng chẳng ích chi ai, lại bày tiệc rượu dân làng ăn nhậu gây gỗ… Cho nên Thần Tài mới đem kho tiền ấy đi. Song ông bà con cháu đừng thất vọng, cứ ăn hiền ở lành làm doan làm phước, Thần Tài lại sẽ đến cho chắt chít ông mọt lần tiền của nữa ».

e) Chủ quận năn nỉ nhân dân

Chẳng rõ lúc trước nữa các quan chủ quận có chăm nom đến quận Mộc Hóa hay không, chớ heo chúng tôi nhận thấy thì trong khoảng từ năm 1935 đến 1945, có hai quan chủ quận đặc biệt xem chuyện công như chuyện mình, sửa sang quận lỵ Mộc Hóa nhà cửa khang trang thành một châu thành tốt đẹp, mấy ông chủ tỉnh không tiếc lời ngồi khen, ấy là ông Nguyễn Văn Hoài và ông Bùi Quang Ân. Ông Hoài từ trần trong thời kỳ loạn lạc 1945, còn ông Ân vừa quá vãng cách đây không lâu bên Pháp quốc.

Nơi đây, chúng tôi xin thuật một câu chuyện vui vui về ông Nguyễn Văn Hoài, trong thời kỳ ông cai trị quận Mộc Hóa. Thế thường, làng xã, dân sự hay lễ mễ ông quận, một là hy vọng hưởng nhờ ân huệ, hai là vì cảm tình. Một hai lần, ba bốn năm sáu lần.

Ban đầu, ông Hoài thọ lãnh, sau ông trả tiền, thét rồi ông không nhận nữa và gởi thông tư cho tổng làng, yêu cầu bố cáo cho mọi người đặng rõ nên chấm dứt việc biếu lễ vật ông, vì ông xuất tiền túi mà trả hoài thì có ngày ngân sách gia đình ông ắt phải thiếu hụt …

f) Thần Tài báo mộng

Năm 1927, chánh quyền địa phương, Ông Petit làm chủ tỉnh, ông Vilmont phó, tổ chức một cuộc xổ số Tombola lấy tiền chẩn tế xã hội. Số độc đắc là một chiếc xe Citroen mui trần, mới tinh hảo, đáng giá hai ngàn đồng (2.000$).

Đêm trước ngày xổ số ở chợ Tân An, nhiều người nằm mộng thấy một ông già đem đến cho họ một cây cán gáo và ba cái gáo dừa. Ai có hiểu thế nào mà bàn, vả lại giấy số đã bán hết từ mấy ngày trước, ông già cắc cớ thì thôi ! Chiều chúa nhựt, xổ số tại sân banh với bốn bánh xe Fichet do mấy em học sanh quây : số 1.300 trúng độc đắc chiếc xe hơi ! Rõ ràng một (1) cây cán gáo với ba (3) cái gáo dừa (0) !

VIII) Giải Trí

a) Đá gà nòi

Cách đây năm mươi năm, thú tiêu khiển của đồng bào ở Tân An là đá gà nòi.

Theo chúng tôi thấy thì họ ăn thua không lớn, độ vài ba trăm bạc trở xuống thôi, nhưng họ chơi một cách say mê, đá gà cựa có, chơn trơn có mà gà cựa chốt cũng đá. Hai trường gà đắc khách nhứt thời bấy giờ là nhà ông Hội đồng Vận với ông tám Kiển, thợ bạc, cách châu thành vài cây số. Trường gà ông Hội đồng Vận nghiêm chỉnh, ngày chúa nhựt qui tựu hầu hết các giới ở Tân An, Ông Đốc Phủ sứ hồi hưu, giáo viên, thư ký, thợ hớt tóc, nông dân, học sanh, đến cả đội cai bếp lính cũng mặc thường phục ôm gà đi đá.

Trường gà ông tám Kiển ai vô cũng được, song ngoài đá gà, trong lại hốt me… Chúng tôi còn nhớ vài ba sự việc hay hay, xin kể sau đây bạn đọc tiêu khiển.

Ông giáo Đẩu nuôi gà nòi

Ông nuôi kiểu tài tử, trên đây chúng tôi đã nói rồi, giờ xin cống hiến vài nét độc đáo khác.

Gà nòi Bình tâm

Làng Bình tâm cách châu thành Tân An ba cây số ngàn, nổi tiếng nhờ gà nòi, nhứt là con « xám khô » thiện nghệ đá chơn trơn.

Có lần, chúng tôi chứng kiến con xám khô Bình tâm đụng độ con « ô ướt » của anh năm Danh, thợ hớt tóc, xổ mấy kỳ tuyệt diệu. Nhang đầu, con ô ướt hùng dũng nắm đầu xám khô đá luôn ba cái, con xám khô bình tĩnh trả lại một. Nhang thứ nhì, gà ô đá hai, xám trả lời một. Nhang ba con ô sức lực đã giảm nhiều, đá 1, xám ta đáp lễ 1. Đến nhang thứ tư, gà ô hoải gân hoải cốt, đầu cổ sưng chần vần, đứng còn chưa vững còn đấm đá với ai. Gà xám vẫn đều đều tặng một. Anh Danh thương con gà quá, xin vớt ăn bảy (10đ thua 7 đồng).

Dân Tân An đá gà Bình Điền

Anh Danh thua gà Bình tâm, bắt gà Bình điền mà gỡ. Chúa nhựt, anh không đem gà đi đá, song lần nào về, trong túi anh cũng nặng bốn năm mươi nguơn bạc. Hỏi bí quyết của anh, anh cười đáp :

« Có gì đâu, bà con Bình điền họ nóng tiết lắm : giả tỉ con gà nhạn đá con gà ớt một cái đau, chủ nó tức thì quăng : 'bốn chục ăn hai chục !', mình bắt. Giây lát, con ớt trả lại một đòn hay, chủ con nầy lại quăng : 'bốn chục ăn hai chục', mình cũng bắt. Rồi lại quán ăn uống chơi, xách chiếu đi ngủ. Chiều, con nào thua, mình cũng có vài chục dằn túi, khỏe không ? Chỉ trừ khi nào hai con huề nhau mình mới lỗ sở hụi, tốn tiền xe, cơm, rượu…

Trong giới đá gà, người ta có tặng chúng tôi vài câu ca dao về tài năng gà nòi ngộ nghỉnh như :

Gà hay là « cửu lương tinh »,

Hai bên mười tám tài tình rất ngoan.

Chuỗi châu ba vảy rất tròn,

Con nào chịu nổi ba đòn thì hay.

Hẳn « ba vảy chuỗi châu » đây là ba búa đặc biệt của lão Trình Giảo Kim, tướng nào cự nổi ba búa đầu của lão thì lão chịu thua, còn con gà nào không sợ ba đòn của con có « vảy chuổi châu » thì tất phải tài cao hơn nó vậy. Trái lại, những trự Gà ô chơn trắng mỏ ngà thì : đá đâu thua đỏ dở nhà mà đi !

Năm 1940, con gà Gô loa bị con ó Đức cắn cho tơi bời chẳng còn manh giáp, chúng tôi mạo muội tỉ nước Pháp như con gà ô chơn trắng mỏ ngà, đánh đâu cũng không muốn thắng !

b) Những trò chơi vặt

Đua thuyền

Dưới thời Pháp thuộc, những ngày lễ lớn như 14 tháng 7, gọi là « lễ Chánh chung », những ngày 11 tháng 11 là « lễ Đình chiến » với Tết Nguyên Đán Việt Nam, Chánh quyền địa phương tổ chức những trò chơi lặt vặt để cống hiến cho công chúng vui chơi (réjouissances) : thọc thùng, leo cây, bắt heo, thả vịt, cạp chảo, ủi bột, đập tĩn, chạy bộ, đua xe đạp (đua mau và đua chậm), đua thuyền …

Chúng tôi không tả tỉ mỉ mấy trò chơi ấy nơi đây làm chi vì, tiếng là giúp vui cho công chúng, song thật sự họ bày nhiều trò xem ra thật sỉ nhục cho dân tộc bị trị, như thọc thùng thì nước xối trên đầu, cạp chảo cái mặt lọ lem, ủi bột, mặt mủi, miệng mồm đầy những bột, leo cây thì trèo lên tuột xuống vì cái cột cây đã cao mà họ thoa mỡ bò láng lẫy, muốn trèo lên tận ngọn để đoạt gói thuốc, chiếc khăn tay, thật vô cùng cực nhọc ! Thế nên chúng tôi chỉ đề cập đến những cuộc đua thuyền là trò thể thao có tánh cách quốc gia được đồng bào thích nhất.

Trong mấy cuộc đua thuyền, các làng ở dọc mé sông đem thuyền đến dự, những thuyền dài, hông hẹp, mũi cao, lái hướt, mỗi thuyền 12, 14 hoặc 16 tay bơi, có khi hơn, và mỗi loạt đua là ba bốn chiếc. Mức thắng bại là cầu tàu cách chợ vài trăm thước, trang hoàng lịch sự, trên che rạp, thả bòng bong, cờ tam sắc khoe màu.

Tám giờ. Quan khách địa phương đến dự đông đủ. Đoàn thuyền tranh tài bề dài bằng nhau, số tay đua như nhau, sắp hàng chữ nhứt ngoài vàm, nơi giáp nước sông Vàm cỏ tây và sông Bảo định, mũi hướng về Bảo định hà.

Một hồi trống nổi lên, dứt tiếng là người ra lịnh đua phất cờ một cái. Mấy chiếc thuyền đua, với 24 cánh tay lực lưỡng, bay trên làn sóng, thủ quân đứng giữa thuyền, tay thủ cặp sanh, hễ người nhịp cái « cắc » thì 12 cây giầm cắm xuống nước cái « phụp » tạo thành một khúc nhạc « cắc phụp – cắc phụp… » hùng dũng vui tai.

Thuyền chun qua chiếc cầu quây (cây cầu nầy đã dở từ lâu và thay thế bằng cây cầu đúc cũng bắc trên sông Bảo định, ngang chợ Tân An) rồi quanh cột cầu quây trở lại, bơi đến cầu tàu, ai tới mức trước là thắng cuộc, lãnh giải thưởng bằng tiền, khăn lau mặt, thuốc hút…

Khó là lúc quanh mấy cây cột sắt của chiếc cầu quây, thuyền nào quanh gấp thì lật úp, tay bơi hè nhau lội, trông dễ tức cười, trái lại quanh chậm thì mất trớn. Và khá, không năm nào xảy ra tai nạn chết người. Quần chúng, đa số là học sanh, đứng chật hai bên bờ sông, vỗ tay reo cười hoặc cổ võ thuyền nhà.

Trong mấy cuộc đua thuyền nầy, thường ông Cai tổng Nguyễn Văn Nguyên, quận châu thành, đoạt giải nhứt. Thuyền ông vừa nhẹ, dân chèo thiện nghệ mà ông (bịt khăn đóng, mặc áo dài, mang giày hàm ếch) cầm lái, khéo điều khiển chiếc thuyền thế nào mà, khi đến cột cầu thuyền bớt tốc lực và quanh cột cầu một vòng tròn rất khéo, xong lại lướt trước thuyền đối phương vai ba thước …

Huynh đệ tranh hùng

Trong cuộc đua thuyền nói trên, ông Cai Nguyên thắng nhiều xã tỉnh Tân An song chưa ắt về môn thể thao nầy, ông thắng được dễ dàng ông em là Hội đồng Vận, vì ông nầy cũng là tay điều khiển xuất sắc mấy chiếc thuyền đua của ông.

Đồng bào chợ Tân An thường chứng kiến anh em ông ấy o bế mấy chiếc thuyền đua, ngắn dài nhiều cỡ, tuyển chọn kỹ lưỡng những tay chèo và thỉnh thoảng đem ra sông cái tập dượt.

Rồi ông Cai Nguyên xin phép Chánh quyền cho một ngày nhứt định, anh em tranh tài đua sức cùng nhau và dân chúng châu thành Tân An được dịp thưởng thức mấy cuộc đua thuyền hào hứng …

c) Chơi cờ tướng

Ở Tân An, nửa thế kỷ trước, ngoại trừ cái thú đá gà, đua ghe, còn cái thú đánh cờ tướng, mà những tay cao cờ lúc ấy cũng chẳng ai khác hơn là ông Cai tổng Nguyen, ông Hội đồng Vận và Ban trưởng Tạ Bỉnh.

Một bữa, Bang Bỉnh mời ông Cai Nguyên đánh cờ. Hai người thỏa thuận đánh bàn cờ 50$. Độc giả thử nghĩ : một đồng bạc hồi năm 1918 có giá trị bằng một hai ngàn đồng hiện nay thì 50 đồng lúc đó tức là năm mươi một trăm ngàn đồng năm 1970 vậy.

Hai ông ráp tranh tài cao thấp nơi tiệm Bang Bỉnh từ tám giờ sáng cho đến mười giờ mà cuộc cờ chưa tan. Ông Cai Nguyên dường như lép vế, đối phương chỉ còn hạ thủ con xe là bỏ vô hồ bao năm chục bạc. Nhưng tới phiên ông Cai Nguyên đi ; ông suy nghĩ mãi chưa tìm được nước hay gỡ rối. Thừa ưa, ông Hội đồng Vận dắt chú tiểu đồng đi chợ Tân An uống nước chơi. Ông ghé tiệm Bang Bỉnh, tình cờ thấy anh ông là Cai Nguyên đang lâm nguy.

Thế thường, người ngoài sáng nước song ngoại nhân không được chỉ bảo người trong cuộc. Ông Vận kiếu từ ra khỏi tiệm, vài phút sau, bảo đứa tiểu đồng trở lại thưa với ông Cai Nguyên như vầy :

« Thưa ông Cai, thầy Hội đồng tôi bảo thưa với ông 'con ngựa kim' của ông nó sổng chuồng chạy đâu mất rồi, mấy người ở của ông còn đang kiếm ».

Con ngựa kim ? Ông Cai Nguyên có con ngựa kim nào ở đâu ! Ông nhìn vào bàn cờ thấy con ngựa đỏ của ông có nước chiếu tướng đối phương, ông ngụ ý, gật đầu, cám ơn ông Hội đồng, để lát nữa ông về sẽ tính.

Thế là ông dùng « con ngựa kim » chiếu đàng kia liền liền, bang Bình phải đem xe về sẽ chống đỡ. Rốt cuộc, ông Cai Nguyên chuyển bại vi thắng, nhờ ông em giúp khéo cho một nước cờ.

d) Cúng rằm tháng bảy

Châu thành Tân An nhỏ bé cũng « chịu chơi » trong dịp rằm tháng bảy lắm : các tiệm Hoa kiều hùn tiền với nhau cất trên khoảng đất trống tại chợ một cái giàn cao ba thước, vuông vức mỗi bên năm thước. Ngày 16 tháng bảy, mỗi tiệm đem đến một cái cổ bằng tre, dán giấy bạch, hình nón đáy tròn (cône) cao một thước hai. Toàn thân cái cổ được gắn bánh nầy bánh kia đủ thứ, hoặc giấy tiền vàng bạc, có cái mang những xâu xu, tiền điếu. Trên giàn bong hình ông Tiêu, ông Xá, Thập điện Minh Vương, Tề Thiên Đại Thánh …

Năm giờ chiều, thầy chùa lên giàn cúng cô hồn xong, vãi muối gạo tứ phía, đốt giấy tiền vàng bạc rồi chủ tiệm « xô giàn » nghĩa là liệng mấy cái cổ xuống cho bá tánh giựt, gọi là « giựt giàn », từ ba bốn giờ, đàn ông, con trai, cỡ 14, 15 tuổi, đã tề tựu quanh giàn, chờ giờ ra tay.

Một cái cổ rơi xuống, một cảnh vô cùng hổn loạn diễn ra, lớn bé tranh nhau giựt bánh, ít ai ham cái cổ vàng bạc giấy tiền ; có người ranh mảnh mang theo một cây tre dài, cái cổ vừa được xô xuống là anh ta đưa cây sào vào gọn lỏn trong lòng cổ, giở hỏng lên khỏi đầu quần chúng mà mang đi, cười ngất. Rồi thì các tiệm thi nhau đốt pháo rùm trời, suốt giờ không dứt, làm cho ông chủ tỉnh điếc óc đinh tai, sai lính ra chợ yêu cầu mấy anh ba Tàu vui lòng thôi đừng « pháo kích » nữa … !

IX) Ca Dao

Địa phương nào có những phong tục tập quán cho địa phương ấy. Mặc dầu có những ca dao mà dân nhiều tỉnh đều chung hát, nhưng cũng có câu đặc biệt của mỗi vùng.

Ở Tân An, chúng tôi thường nghe trẻ em hát câu :

Trời mưa trời gió đùng đùng

Cha con chú Hùng đi gánh cứt heo.

Không biết chú Hùng là ai, sống về đời nào, mà danh bay khắp Nam kỳ : xuống Bạc Liêu, chúng tôi có nghe câu hát đó mà lên Đức Hòa, nó cũng lọt vào tai.

Viết bổn « Tân An ngày xưa », chúng tôi thấy có phận sự cống hiến độc giả những câu hát rặc Tân An, nhưng ca dao Tân An nhiều quá, chép cả một quyển sách mấy trăm trang còn chưa hết, huống chi thu gọn trong vài ba trang ! Vậy chúng tôi đơn cử năm mười câu giúp vuui bạn đọc, với những câu tả cảnh mộc mạc đơn sơ, song không kém phần thấm thía :

Chiều chiều én liệng trên trời, Rùa bò dưới nước, khỉ ngồi trên cây.

Chiều chiều vịt lội cò bay

Ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng

Ngó lên đám bắp trổ cờ, Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông.

Có những câu bộc lộ tâm tình trung hiếu :

Đi về lập miễu thờ vua

Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha.

Hỏi :

Quân thần cang, phụ mẫu cang, phu thê cang

Em đố anh, ba cang cang nào là trọng ?

Đáp :

Làm trai giữ vẹn ba giềng

Thảo cha, ngay chúa, vợ hiền chớ vong.

Con làm sao quên được công ơn cha mẹ bao la như trời biển :

Có cha có mẹ thì hơn

Không cha không mẹ như đờn đứt dây

Mất cha con cũng u ơ

Mất mẹ con cũng bơ vơ một mình.

Tục truyền có anh quân nhân ở đồn Rạch Chanh nhớ mẫu thân, hát lên câu hát bi ai như vầy :

Mẹ già ở tấm lều tranh

Đói no chẳng biết, rách lành không hay !

Một quan Huyện đi thuyền ngang qua, nghe câu hát như thế, ghé lại bảo sửa:

 

Mẹ già ở tấm lều tranh,

Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.

Quan Huyện nhà ta quên rằng anh quân nhân đang tại ngũ thì làm sao « sớm thăm tối viếng » mẹ già cho đặng, trừ phi quan ngài cao hứng can thiệp với vị lãnh binh cho anh giải ngũ.

Trong niềm tình ái, mặc dầu nam nữ yêu nhau, song không vượt qua vòng lễ giáo :

Phụ mẫu sở sanh để cho phụ mẫu định,

Em đâu dám tư tình cải lịnh mẹ cha.

Việc hôn nhơn đàng hoàng, phải có miếng trầu ly rượu :

Rượu lưu ly chơn quì tay rót,

Cha mẹ uống rồi dời gót theo anh.

Một khi nên vợ nên chồng thì :

Trăm năm trăm tuổi may rủi một chồng,

Dầu ai thêu phụng vẽ rồng cũng không.

Có chồng thì phải theo chồng,

Đắng cay phải chịu, mặn nồng phải theo.

Đồng bào thôn quê nhận xét thời tiết bằng câu :

Chuồn chuồn bay thấp trời mưa,

Bay cao trời nắng, đập dừa em ăn.

Nhận xét thời gian qua sự vận chuyển của mặt trăng :

Mười ba trăng lặn, gà kêu,

Mười bốn trăng lặn, gà đều gáy tan.

Nhưng mang nặng óc dị đoan truyền thống :

Mồng năm mười bốn hăm ba,

Cữ ba ngày ấy đừng đi ra đường.

Và đêm hôm xem thiên văn mà ngao ngán việc đời :

Đêm khuya thức dậy đem trời,

Thấy sao bên bắc đổi dời qua nam.

Sao Hôm chờ đợi sao Mai,

Trách lòng sao Vượt thương ai băng chừng.

Đồng bào ta phê bình nghiêm khắc những ai khinh bần trọng phú giả dối tinh ma :

Dò sông dò biển dễ dò,

Nào ai bẻ thường mà đo lòng người.

Vai mang túi bạc kè kè,

Nói vấy nói vá chúng nghe rầm rầm

Phú quí đa nhơn hội,

Bần cùng bà nội cũng xa !

Cồng cộc bắt cá dưới sông,

Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ.

Cồng cộc bắt cá dưới bàu,

Ông ngoại có giàu cháu giổ heo quay !

Nơi thôn quê, nhà cửa rải rác quanh một cái chùa, dân ta nhiều đời tiêm nhiễm Phật giáo :

Ông cha kiếp trước khéo tu,

Nên sanh con cháu võng dù nghinh ngang

Đời xưa trả báo làm chầy, Đời nay trả báo một giây nhãn tiền. và nhận xét như vầy cũng đúng :

Thứ nhứt là tu tại gia,

Thứ nhì thu chợ, thứ ba tu chùa.

vì thế mà :

Vô chùa thấy Phật muốn tu,

Về nhà thấy mẹ công phu chưa đành.

Về địa phương tính, chúng tôi có những câu sau đây : vì thuyền Tân An cái mũi sơn son, nên thôn nữ hát :

Anh đi ghe cá mũi son,

Để em đương nệm cho mòn móng tay.

Nhớ lại khi xưa, mỗi lần lịnh vua mở hội khoa thi thì :

Bảng treo tại chợ Cai Tài,

Bên văn bên võ ai có tài ra thi.

Chợ Cai Tài là một chợ trong tỉnh Tân An và là Phủ lỵ xưa của Phủ Tân An.

Và câu hát nầy không ai là không biết :

Ba phen quạ nói với diều,

Ngả kinh ông Hóng có nhiều vịt con.

Trẻ em Tân An có những câu hát ngây ngô, hài hước :

Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắt lẽo gập ghềnh khó đi.

Ví dầu cá bống hai hang

Cá trê hai ngạnh tôm càng hai râu.

Ví dầu, ví dẫu, ví dâu

Ăn trộm bẻ bầu, ăn cướp hái dưa.

Con mèo con chuột có lông,

Ống tre có mắt, nồi đồng có quai

« Con mèo con chuột có lông… » sự đó hiển nhiên quá, còn gì phải nói ? Câu hát đúng là :

Con gà con vịt cũng không

Bóng tre có mát, ngoài đồng không ai.

Đấy là cảnh trưa nơi đồng ruộng, nông phu đã tháo cầy dắt trâu về ngơi nghỉ, con gà con vịt cũng không còn rảo bước kiếm ăn tìm bóng tre mà đụt nắng.

Mấy em châm biếm bà già còn muốn việc nọ kia :

Ro re nước chảy dưới đèo,

Bà già lật đật mua heo cưới chồng

Cưới về chồng bỏ chồng dông,

Bà già mới tiếc ba mươi đồng mua heo !

Châm biếm mấy cô cậu chốn thôn quê, theo nghề « xướng ca vô loại » :

Trồng trầu trồng lộn với tiêu,

Con theo hát bội mẹ liều con hư.

Ví dầu cá bống xích đu,

Tôm càng hát bội, cá thu cầm chầu.

Nhưng các em không kém phần thực tế, trông mau tới Tết đặng có ăn chơi :

Cu kêu ba tiếng cu kêu,

Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè.

Đã có những câu hát tả tình tả cảnh, đối với xã hội, cha mẹ, vợ chồng, đồng bào Tân An chúng tôi cũng dựa theo kinh nghiệm mà xem tướng đoán người :

Vô duyên chưa nói đà cười,

Chưa đi đà chạy là người vô duyên.

Đàn ông rộng miệng thì sang,

Đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà.

Những người lỗ mũi hểnh lênh,

Của xe chất lại một bên cũng nghèo.

Nhân trung sâu tựa như đào,

Danh vang trên thế anh hào khôn đương.

Đối với anh hùng lỡ vận, chí chưa thỏa mà phải ẩn tích mai danh :

Chim quyên xuống đất ăn trùn,

Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than.

Dân ta có lời khuyên :

Ở đời muôn sự của chung,

Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi !

Đến đây chúng tôi xin tạm dừng bút vì kho tàng ca dao phong phú của Tân An chép bao giờ cho hết được.

Kết Luận

Trong thiên khảo cứu nhỏ nhoi nầy, chúng tôi nhắc lại những chuyện xưa tích cũ ở tỉnh Tân An, vui có mà buồn cũng có, không phải để mà luyến tiếc những điều hoan hỉ thời xưa, hay thở than cảnh tang thương dĩ vãng, nhưng để cho đồng bào Phần nầy được thêm hiểu biết Phần kia, tỉnh nầy am tường tỉnh nọ, và chính với mục đích tỏ chút thâm tình, kính mến tri ân tiền nhân đã suốt mấy ngàn năm, dày công khai thác dãy non sông gấm vóc Việt Nam nói chung và đất Nam Kỳ với tỉnh Tân An nhỏ bé của chúng tôi nói riêng vậy.

Tiền nhân ta lại đổ biết bao nhiêu xương máu, cương quyết bảo vệ quyền sở hữu của mình, không để cho ai cướp giựt một tấc đất đai, ngõ hầu lưu lại cho con cháu một di sản vật chất lẫn tinh thần vô cùng quí báu. « Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách » (Nước nhà còn mất, kẻ thất phu cũng có trách nhiệm). Dĩ nhiên là phận sự tối thiêng liêng của chúng ta đã vạch sẵn trong từng trang lịch sử :

- Tận tâm bảo vệ Tổ quốc quê hương bằng mọi cách cương nhu, võ lực và chánh trị ;

- Tận lực phát triển di sản ấy cho ngày càng hoàn mỹ, hùng cường, phồn thạnh, văn minh.

Và phận sự cao cả ấy, ta phải cùng nhau chung vai gánh vác, không thể giao phó cho ai, ỷ lại vào ai được. Ỷ lại vào tha nhân, tức là ta đương nhiên phủ nhận lịch sử vẽ vang của ta, lịch sử oai hùng của những kẻ bất khuất chống mọi ngoại xâm và mãnh liệt trên đường Nam tiến. Thi hành phận sự một cách nồng nhiệt hăng say, ta mới tỏ ra xứng đáng thọ hưởng di sản tiền nhân để lại. Tiền nhân sẽ hãnh diện có con cháu như ta.

Và những con dân đất Việt, chôn nhau cắt rún ở Tân An, nay vì trách nhiệm, vì sanh kế mà phải cất bước ly hương, hoặc giang hồ du lịch, mỏi gối chồn chơn, những khi canh tàn đêm vắng, động lòng hoài niệm tỉnh nhà, chúng tôi thân ái mời quí vị thừa đôi ngày nghỉ, đáp xe hồi cảnh cũ quê xưa, thưởng thức ngọn gió chiều, ngử mùi lúa chính, hành hương lăng Đức Tiền quân, thả thuyền dưới trăng trên sông Vàm cỏ, viếng cảnh Kỳ son, vui mắt trông đám hoa vàng nở trên hàng điệp rậm và cảm khái ngâm câu :

Ta về ta tắm ao ta,

Dầu trong dầu đục ao nhà cũng hơn !

Trung thu năm Canh tuất

Tháng chín năm 1970

Đào Văn Hội

 

– Hết – 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét