Thông tin ebook
Tên truyện : Thằng Cà Chớn Ở Cầu Thang
Nguyên tác : The Ruffian on the Stair
Tác giả : Joe Orton
Dịch giả : Hoàng Ngọc Nguyên
Thể loại : Kịch – Sân khấu
———————————-
Nguồn : http://tienve.org
Convert (TVE) : santseiya
Ngày hoàn thành : 18/09/2007
Nơi hoàn thành : Hà Nội
Mục Lục
Đôi lời về JOE ORTON và kịch bản THẰNG CÀ CHỚN Ở CẦU THANG
Joe Orton (1933-1967)
Joe Orton — kịch tác gia và tiểu thuyết gia Anh quốc, nổi tiếng về những vở kịch khôi hài đen — tên thật là John Kingsley Orton, sinh ngày 01.01.1933 tại Leicester, mất ngày 09.08.1967 tại London. Ra đời trong một gia đình thuộc giai cấp lao động. Mẹ là công nhân xưởng giày, chết vì bệnh lao phổi. Cha là người dọn cỏ, làm vườn cho trụ sở hội đồng thành phố Leicester. Orton bỏ học sớm để mưu sinh bằng những nghề lặt vặt. Năm 16 tuổi, ông bắt đầu yêu thích sân khấu và tham gia một vài hội kịch nghệ, và có một thời gian là hội viên của Leicester Dramatic Society.
Năm 17 tuổi, ông được nhận vào Royal Academy of Dramatic Art, nhưng bất ngờ bị viêm ruột thừa, nên một năm sau đó ông mới chính thức nhập học. Tại đó, ông gặp Kenneth Halliwell và kết bạn, rồi hai người trở thành một đôi tình nhân đồng tính luyến ái, và cùng chia sẻ đời nghệ sĩ.
Trong khoảng thời gian cuối những năm 1950 và đầu 1960, cặp Orton-Halliwell chưa gặt hái được thành công nào trong kịch nghệ. Họ bỏ nhiều thì giờ để viết kịch bản và tiểu thuyết nhưng chưa tác phẩm nào được trình diễn xuất bản vào lúc ấy. Để tự mua vui, họ đã tạo ra những trò trêu chọc nghịch ngợm trong những tiểu phẩm sân khấu và ngay cả ngoài đời. Năm 1962, họ đã bị phạt 6 tháng ngồi tù và nộp £262 vì đã lén đánh cắp một số sách văn học ở thư viện địa phương, đem về thay các mẩu bìa nghiêm túc bằng các mẩu bìa “khiêu khích, dâm ô”, rồi đem trả lại!
Kenneth Halliwell là diễn viên, nhưng có sáng tác một kịch bản (chưa xuất bản) và một tiểu thuyết (bản thảo đã bị thất lạc), và có viết chung 5 cuốn tiểu thuyết với Joe Orton, nhưng chỉ có 2 cuốn Lord Cucumber và The Boy Hairdresser mới được xuất bản vào năm 2001, còn bản thảo 3 cuốn khác đã bị thất lạc sau khi họ qua đời. Joe Orton sáng tác nhiều hơn. Ngoài 5 cuốn tiểu thuyết viết chung với Kenneth Halliwell, ông viết thêm 2 cuốn khác: Head to Toe (được xuất bản năm 1971) và Between Us Girls (xuất bản năm 2001), và trước khi qua đời ông đã hoàn tất 10 kịch bản.
Hai kịch bản đầu tiên, Fred and Madge (1959) và The Visitors (1961) đều không thành công, nhưng kịch bản kế tiếp, The Boy Hairdresser (1963), được đài BBC trả £65 để dựng thành vở kịch truyền thanh The Ruffian on the Stair [Thằng cà chớn ở cầu thang], và phát sóng vào ngày 31.08.1964. Sau đó, kịch bản này được Joe Orton sửa chữa lại hoàn chỉnh hơn để đem lên sân khấu vào năm 1966.
Cũng vào năm 1963, Joe Orton viết xong kịch bản Entertaining Mr Sloane, và được Michael Codron của New Arts Theatre đưa lên sân khấu vào tháng 5 năm 1964. Đó là một kịch bản gây nhiều phản ứng đối nghịch từ giới phê bình, và có doanh thu khá thấp, nhưng ngay sau đó lại được một vài người yêu thích và tài trợ để tiếp tục trình diễn tại các nhà hát nổi danh như Wyndham’s Theatre và Queen’s Theatre. Thế rồi Joe Orton được tạp chí Variety trao danh hiệu “Most Promising Playwright” cho kịch bản này. Năm sau đó, Entertaining Mr Sloane được nhà đạo diễn Alan Schneider dàn dựng tại New York, và mặc dù doanh thu vẫn rất thấp, nó được đem đi trình diễn ở các nước Tây-ban-nha, Do Thái và Úc. Sau đó, nó được chuyển thành một tác phẩm điện ảnh, và một cuốn phim truyền hình.
Tiếp theo đó, kịch bản Loot (1965), sau vài lần dàn dựng thất bại, đã xuất hiện lần đầu trên sân khấu London vào tháng 9 năm 1966 như một thành công lớn, đoạt nhiều giải thưởng, và tên tuổi của Joe Orton bắt đầu nổi lên. Say men thắng lợi, trong vòng 10 tháng tiếp theo, Joe Orton sáng tạo dữ dội. Ông kết hợp 2 kịch bản The Ruffian on the Stair và The Erpingham Camp để dựng thành một tác phẩm đôi cho sân khấu, đặt tên chung là Crimes of Passion; ông viết xong vở Funeral Games, viết kịch bản phim Up Against It cho ban nhạc Beatles, và bắt đầu viết vở What the Butler Saw…
Thế nhưng, mối quan hệ của đôi tình nhân Orton-Halliwell bắt đầu suy sụp. Trong lúc Orton đang hăng hái, cuồng nhiệt với nghệ thuật, thì Halliwell lại trở nên cay đắng, chán chường và cáu gắt. Cuộc tình đồng tính luyến ái và sự nghiệp nghệ thuật của họ kết thúc vào sáng sớm ngày 09.08.1967, khi Halliwell dùng búa đập chín nhát vào đầu Orton rồi uống thuốc độc tự tử.
Cuộc đời và nghệ thuật của Joe Orton đã được John Lahr mô tả trong cuốn Prick Up Your Ears (1970). Năm 1987, Prick Up Your Ears đã được nhà đạo diễn Stephen Frears dựng thành phim, với các diễn viên chính: Gary Oldman (trong vai Joe Orton) và Alfred Molina (trong vai) Kenneth Halliwell.
Tiền Vệ
Đôi lời về JOE ORTON và kịch bản THẰNG CÀ CHỚN Ở CẦU THANG
JOE ORTON là một hiện tượng văn học của Anh quốc trong những năm 1960, nhưng có lẽ chỉ sau khi ông mất trong một vụ án đẫm máu một thời gây xôn xao dư luận cả châu Âu, vị trí của ông mới được xác lập rõ ràng và ngày càng độc đáo, vững vàng. Lớn lên trong cảnh tăm tối và bất định của giới cùng khổ ở Luân Đôn, ông thường xây dựng sân khấu của mình quanh sự thất bại của những người cầm quyền ở 10 Downing Street trong việc tạo dựng một "xã hội an lạc, toàn dân sung túc", khiến cho sự phân hoá giai cấp, chủng tộc ngày càng đậm nét — người nghèo ngày càng đi vào ngõ cụt trong đời sống vật chất và tinh thần, giới thượng lưu thì vẫn ngất ngưởng chìm đắm trong sự ngụy thiện, ngụy tín trước những vấn đề xã hội và giới tính. Theo ông, sở dĩ cái xã hội đó vẫn tồn tại là vì một giai cấp trung lưu đã quá vị kỷ với vị trí mà họ đã đấu tranh vất vả để giành được và bảo vệ, cho nên khoanh tay và bất lực, không thể vói xuống giai cấp dưới để cùng họ đả phá sự phi tình, phi nghĩa của những người ở trên. Là một kịch tác gia của giai cấp lao động nghèo khổ, do giai cấp này và vì giai cấp này, ông nổi bật với khuynh hướng châm biếm xã hội được xem là sâu sắc nhất trong thời hiện đại của Anh. Cùng với John Osborne, Harold Pinter, ông được xem là một trong những kịch tác gia có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong thời nay của thế giới Tây phương.
Theo Joe Orton, "tất cả các giai cấp ngày nay đều là tội phạm. Chúng ta đang sống trong một thời đại mọi người đều bình đẳng". Cũng như tất cả những nhà viết kịch châm biếm hàng đầu, Joe Orton là một người soi thẳng cái nhìn vào hiện thực. Ông sẵn sàng nói lên những điều không thể nói, và như John Lahr viết trong lời giới thiệu tập truyện của ông, sự can đảm này đã cho độc giả của ông vừa những nụ cười thoải mái, vừa một cảm nhận nặng nề về những đe doạ, nguy hiểm của cuộc sống con người. Orton không tin tưởng có những "giá trị nhân bản". Con người, theo ông, sẵn sàng làm những chuyện mà người ta vẫn nói đã là con người thì không làm. Những chuyện đạo đức đối với ông chỉ là những mơ mộng nhân khi cao hứng của con người, xuất phát từ "anh hùng tính" của những con người quá dư dả trong cuộc sống vật chất.
Ông sống một cuộc đời cũng bất định như những nhân vật của các vở kịch của ông. Năm ông 34 tuổi, ông bị giết chết bởi một người bạn đồng tính luyến ái.
The Ruffian on the Stair [Thằng cà chớn ở cầu thang], viết năm 1963, là vở kịch thành công đầu tiên của ông. Về tác phẩm này, Joe Orton viết: "Trong một thế giới được thống trị bởi những thằng điên, người viết chỉ có thể ghi lại những việc làm của những tên điên và nạn nhân của chúng. Và bởi vì thế giới là một nơi tàn bạo, không có con tim, nên người viết sẽ bị kết án là đã không nghiêm chỉnh trong cách đặt vấn đề… Nhưng trào phúng là một việc rất nghiêm chỉnh, và hài kịch là một khí giới nguy hiểm hơn là bi kịch. Bởi thế mà những bạo chúa rât dè dặt với hài kịch. Cái chất liệu thực sự của bi kịch cũng sống động ở hài kịch – trừ khi ta viết bằng tiếng Anh, khi vấn đề khẩu vị được đặt ra. Anh là nước vô cảm, không có khẩu vị nhất trên thế giới, đó là lý do người ta xem phân biệt hài kịch và bi kịch là chuyện quan trọng".
Hoàng Ngọc Nguyên
Một phòng khách ăn thông với nhà bếp có một khoảng tường dẫn vào phòng ngủ. MIKE đang đứng cạo râu cạnh chậu rửa mặt. JOYCE từ phòng ngủ đi ra, tay bưng một cái khay có ly, dĩa, cốc đựng trứng, v.v… Cô đặt khay lên bàn.
JOYCE: Hôm nay anh có phải đi đâu không?
MIKE: Có chứ. Mười một giờ anh phải có mặt ở nhà ga King's Cross. Anh hẹn gặp một người ở phòng vệ sinh.
Anh ta dẹp đi đồ dùng cạo râu của mình.
JOYCE: Sao anh luôn luôn được đến những nơi hay ho như thế. Anh có lái chiếc xe thùng không?
MIKE gắn một chiếc nơ vào cổ áo.
MIKE: Không. Xe đang sửa.
JOYCE mang cái khay đến bồn rửa chén bát và để mấy cái dĩa vào trong một cái tô lớn. Cô đổ nước vào tô.
JOYCE (đeo vào đôi găng tay cao su): Hôm qua anh đi đâu?
MIKE: Anh đi gặp ông Mickey Pierce để giao một bức thư. Anh nói chuyện với một ông đang dùng một máy thoa bóp chạy điện. Ông ta mua cho anh một khúc bánh mì thịt. Xem ra ông này đang chạy trốn thì phải. Ông ta chẳng dám nói ra đâu. (Anh ta nháy mắt). Nhưng anh đoán.
JOYCE: Bị truy nã hả?
MIKE: Anh nghĩ công ty của ông ta sẽ chẳng trả tiền bảo hiểm nếu họ biết tình trạng của ông ta.
JOYCE: Chắc rồi.
Cô bắt đầu rửa dĩa. MIKE mặc vào người áo khoác.
JOYCE: Anh sống thích hơn em nhiều.
MIKE: Nhưng cũng khó khăn lắm.
JOYCE: Thế nhưng anh vẫn còn giữ được cái bề ngoài.
MIKE: Cũng phải. Nét mặt của anh vẫn còn ngon lành đấy chứ. Nhiều cô vẫn có thể chết với anh như chơi.
Anh ta gắn một bông hoa vào khuy áo, tay vuốt áo khoác từ trên xuống.
JOYCE: Anh đã xem ngày chưa?
MIKE: Chưa.
JOYCE: Hôm nay là ngày kỷ niệm của hai đứa mình đấy.
MIKE: Thế à? Thời gian trôi nhanh thật.
JOYCE: Hai năm trước anh đến phòng em, bảo em bỏ đi, về sống với anh.
MIKE: Bây giờ em khá hơn chứ.
JOYCE: Bây giờ không còn ai gọi em là Maddy[1] nữa.
MIKE (ngừng lại): Cái gì?
JOYCE: Không ai gọi tên em là Madelein cả. Em dùng tên đó cả năm năm. Trước đó, khi em còn ở trên miền bắc, người ta gọi em là Sarah.
MIKE (ngẫm nghĩ, nhíu mày): Kể từ khi anh gặp em, em có bao giờ để cho tên đàn ông nào tán tỉnh em không?
JOYCE: Không!
MIKE: Anh sẽ giết bất cứ tên nào tán tỉnh em. Thật đó, anh sẽ giết. (Im lặng).
JOYCE (tháo đôi găng tay cao su ra): Các tờ báo sáng nay hấp dẫn lắm.
MIKE: Thế ư. Anh cũng mừng là người ta còn chịu đọc.
JOYCE: Em đọc tin thấy một ông phải ra tòa vì tội nhốt vợ trong tủ áo. Bà ta kể lại đêm kinh khủng của bà. (Im lặng). Họ kỷ niệm đám cưới cách lạ kỳ thật.
MIKE cầm lấy chiếc áo mưa và gấp áo lại.
MIKE: Anh cũng làm thế thôi. Anh sẽ nhốt em lại nếu em lộn xộn.
JOYCE: Báo địa phương cũng có tin về tai nạn của một người xăm cả mình mẩy. Ông ta xăm hình trái tim, một bàn tay nắm lại và một đoá hoa hồng ở một bên vai. Cái tên Ronny thì ở hai nơi khác nhau trên thân hình ông ta.
MIKE: Tên của ông ta ư?
JOYCE: Không. Ông ta tên Frank. Một chiếc xe tải cán phải ông. (Im lặng).
MIKE: Anh đi đây.
JOYCE: Giày anh đánh chưa.
MIKE: Rồi.
JOYCE: Giữ cho sạch nhé. Không chừng anh sẽ gặp những người quan trọng đấy. Biết đâu đấy.
MIKE: Ở nhà vui nhé.
JOYCE: Hôn em một cái. (Anh ta hôn lên má cô). Bây giờ em có nhắc anh mới nhớ. Hai năm trước anh tự động làm mà em chẳng cần bảo.
MIKE: Lúc đó anh còn trẻ. Tối về gặp em.
Anh ta đi ra. JOYCE đi vào phòng ngủ, kéo thẳng lại tấm trải giường. Cô chuồi bộ đồ ngủ của MIKE xuống dưới gối. Có tiếng chuông cửa. Cô ra mở cửa. WILSON đứng bên ngoài.
WILSON (cười): Tôi đến xem căn phòng.
JOYCE: Anh nhầm rồi chăng. Tôi chẳng có phòng nào cho mướn cả. Anh đi hỏi chỗ khác đi.
WILSON: Tôi không phải da đen. Tôi được người ở Sở Cộng Đồng cho hay.
JOYCE: Tôi chẳng hiểu gì cả.
WILSON: Cái phòng này phải không?
JOYCE: Đó là phòng tôi.
WILSON: Tôi không thể chung phòng được. Cô muốn bao nhiêu.
JOYCE: Tôi chẳng muốn bao nhiêu cả.
WILSON: Tôi chẳng muốn ở không đâu. Tôi sẽ trả tiền mướn phòng.
JOYCE: Chắc là ông đến sai chỗ rồi. Tôi rất tiếc ông đã mất thì giờ.
Cô muốn đóng lại cánh cửa, nhưng WILSON dùng chân chận cửa lại.
WILSON: Tôi vào được không? Tôi đi cả bữa mới đến đây đấy. (Im lặng. Anh ta cười).
JOYCE: Chờ một tí. (Cô để hắn vào và đóng cửa. Hắn ngồi xuống). Tôi rất bận. Hôm nay tôi phải đi ra ngoài cả buổi.
WILSON: Cho tôi xin một tách trà. Cô vẫn dùng trà vào giờ này.
JOYCE gật đầu. Cô đi đến bồn rửa chén bát, nhưng chợt dừng lại.
JOYCE: Tại sao anh biết?
WILSON: Ồ, trong nghề của tôi vẫn có được những tin tức có ích như vậy.
JOYCE: Nghề gì thế?
Cô chế nước từ ấm vào bình trà.
WILSON: Tôi làm nghề cắt tóc cho đàn ông. Có giấy hành nghề đàng hoàng đấy nhé. Ba tôi có mở tiệm. Chỉ có vài cái ghế. Tôi cũng đã cắt tóc cho nhiều người đặc biệt lắm. Hầu hết là những người chuyên nghiệp. Nhưng cách đây vài tuần cũng có một khách hàng là nhạc sĩ tài tử chơi trên đường phố. Tôi nghĩ ông ta cũng thích chỗ của tôi.
JOYCE đặt xuống bàn hai tách và châm trà cho anh ta.
WILSON: Anh tôi cũng ở trong nghề này. Cho đến khi anh ấy bị tai nạn.
Anh ta cho đường vào trà và sữa.
JOYCE: Tai nạn gì thế?
WILSON: Anh bị xe tải cán phải.
JOYCE chế trà cho mình.
JOYCE: Ông ấy có xăm trên người phải không?
WILSON: Cô có nghe nói đến anh ấy hả?
JOYCE: Tôi có nghe nói có mấy vết xăm trên mình của ông ấy.
WILSON: Chúng rất đặc biệt. Anh ấy nhờ một nghệ sĩ nổi tiếng làm cho đấy. (Anh ta lấy một cái bánh từ phong giấy). Đám ma của anh được nhiều người đặc biệt đến. Anh ấy là một thể thao gia trước khi chết. Anh ấy mặc quần đùi trắng tốt hơn bất cứ ai mà tôi đã từng biết. Thực ra, nói riêng với cô thôi, hiện tôi đang mặc quần đùi của anh ấy đấy. Bất tiện… bởi vì… (anh ta thố lộ) … không có nút quần. (Im lặng). Anh ấy mặc hai ngày trước khi bị chết.
JOYCE quay nhìn chỗ khác trong một thoáng ngỡ ngàng bất chợt nhưng rồi điềm tĩnh trở lại.
Báo chí không nói gì đến. Người ta chẳng hiểu vai trò quan trọng của tôi trong đời của Frank, cho nên không đả động gì đến tôi. Tôi định nói ra. Nhưng có ích gì. (Im lặng). Hôn thê của anh được người ta chụp hình đấy. Kêu khóc ầm ĩ. Cô ta đòi chôn cái nhẫn đính hôn với anh. Chỉ là hành động kịch sĩ, vô duyên thôi. Bây giờ đã có quá nhiều chuyện rắc rối, thì giờ đâu mà đi đặt vòng hoa lên mộ của anh ấy.
JOYCE: Có lẽ tai nạn làm cho đầu óc cô ta bất thường đấy.
WILSON: Không phải là tai nạn. (Anh ta uống trà). Anh ấy bị giết.
JOYCE: Làm sao anh biết được.
WILSON: Cô đừng nói ngược ý tôi.
JOYCE trố mắt nhìn anh ta vẻ ngạc nhiên.
JOYCE (giận dữ): Đây là nhà tôi. Ông muốn gì mà lớn tiếng với tôi. Tôi không muốn có người lạ vào nhà và nói chuyện với tôi cách đó.
WILSON uống trà và ăn chiếc bánh.
Ông uống trà rồi đi đi. Tôi không muốn thấy ông ở đây nữa. Chồng tôi về bây giờ đấy.
WILSON: Anh ta có phải là chồng cô đâu.
JOYCE (Giận dữ): Ông dám nói thế. Ông đi quá xa rồi đấy. Ông đi khỏi phòng tôi ngay lập tức.
WILSON: Cô không có chồng. Cô coi chừng đấy.
JOYCE: Tôi chẳng ngại gì mà không gọi cảnh sát.
WILSON: Cô có điện thoại đâu.
JOYCE: Tôi có thể nện ầm ầm trên sàn nhà.
WILSON: Dưới nhà chẳng có ai cả.
JOYCE: Tôi sẽ tố cáo anh.
WILSON đứng thẳng dậy.
WILSON: Đến đây nào.
JOYCE (giật mình): Tránh ra!
WILSON nhìn cô, tay vẫn cầm tách trà. Anh ta nhấp một ngụm.
WILSON: Cô biết tôi có thể giết cô hay không. Rất dễ dàng. (Anh ta búng ngón tay). Việc cưỡng hiếp đàn bà neo đơn thường là như thế. Tôi có thể cưỡng hiếp cô một cách tàn bạo bây giờ đấy. Nếu tôi muốn.
JOYCE (giọng cực kỳ bi phẫn): Anh đừng đến gần hơn nữa.
WILSON: Chồng cô có mết cô không?
JOYCE thở mạnh.
JOYCE: Tôi sẽ báo cảnh sát. Dùng ngôn ngữ bẩn thỉu.
WILSON: Nếu tôi đè cô ra, anh ta có trả thù không?
JOYCE: Có.
WILSON: Anh ta cất súng ở đâu?
JOYCE: Anh ấy không có súng.
WILSON: Tôi được biết chắc anh ta có một cây súng luôn luôn có sẵn đạn.
Anh ta tiến lên một bước. Cô thối lui.
Nó đâu?
JOYCE: Trong ngăn kéo. Đàng kia kìa.
WILSON đi về phía ngăn kéo. Anh ta đặt tách xuống, mở ngăn kéo và lấy cây súng. Anh ta kiểm soát để biết chắc súng có nạp đạn, bỏ súng lại trong ngăn kéo và đóng ngăn kéo lại. Rồi anh ta bước trở lại, tay cầm tách trà, uống hết phần còn lại trong tách rồi đặt tách lên dĩa.
WILSON (cười): Cám ơn tách trà nhé.
JOYCE nhìn sững, vẻ bối rối.
JOYCE: Anh đi hả?
WILSON: Không có phòng phải không. Tôi tính cô nghĩ rằng tôi là dân Do Thái hay giống gì đó. (Im lặng). Cô có một hai đồng xu lẻ không? Tôi không thể lết bộ trở về được.
JOYCE mở túi xắc.
JOYCE (đưa tiền cho anh ta): Đây này nửa đồng. Đừng để tôi thấy anh quanh quẩn ở đây nữa nhé.
WILSON bỏ đi. JOYCE lấy một lọ thuốc viên từ túi xắc và cho nhiều viên vào miệng.
Về sau.
Thức ăn thừa của bữa ăn chiều còn trên bàn. MIKE hút một điếu xì gà nhỏ. JOYCE đang đọc sách. Cô đeo kính.
MIKE: Như anh nói với em, anh đã đến phòng vệ sinh ở nhà ga King Cross. Anh đã gặp ông đó. Đôi chân của ông ta rất bết. Cuộc đời của ông ta có vẻ tơi tả, bị bầm dập nhiều. Ông ta sống mà chẳng biết để làm gì. Anh chuyển cho ông ta lời nhắn tin của… (Im lặng). Anh đã cho ông ta hay rồi. Anh đi ra ngoài sân ga. Trời lạnh. Anh gặp một bà thở không ra hơi. Bà ta không có hơi sức nào để thở. Mặt bà tái xám. (Im lặng). Này, em có nghe anh nói không, Joyce?
JOYCE: (gỡ kính ra, đặt sách xuống). Có chứ. (Ngừng). Em hôm nay bận quá chừng.
MIKE: Em mệt không?
JOYCE: Phần nào.
MIKE: Em bận lắm phải không?
JOYCE (lên giọng): Đúng. Sao anh không nghe người ta nói. Anh không hề chịu nghe ai nói cả trừ ra nghe chính mình.
MIKE: Có chứ.
JOYCE: Có bao giờ anh nghe em nói không.
MIKE: Điều em nói có gì đáng nghe đâu.
JOYCE: Thà em chết còn sướng hơn. (Im lặng). Nếu anh về nhà thấy em nằm chết thì sao?
MIKE: Sao nói gỡ thế.
JOYCE: Không có.
MIKE (im lặng): Em có chuyện bực bội trong lòng chăng?
JOYCE: Em có sao đâu.
MIKE: Hay em bị đau gan.
JOYCE: Không.
MIKE: Có lẽ em ăn phải đồ chiên đấy. Em nuốt chửng. Bỏ cái gì đó vào chảo và ăn đồ chiên. Đó là phương châm của em.
JOYCE: Anh có vẻ rành quá nhỉ.
MIKE: Anh là đàn ông. Đàn ông thì khác. Em không ăn đồ ăn của anh được đâu.
JOYCE: Được rồi, nếu anh muốn biết thì em cho anh biết. Em chịu đựng hết nổi rồi.
MIKE: Em không chết vì đau thần kinh đâu.
JOYCE: Thế sao?
MIKE: Anh sẽ đến thư viện ngày mai để tìm hiểu việc đó.
JOYCE: Nhỡ em bị người ta xâm phạm thì sao.
MIKE: Ai lại làm như thế với em.
JOYCE: Cũng có thể chứ. Hàng ngày anh đều thấy tin về những vụ cưỡng hiếp phụ nữ neo đơn không có gì để tự vệ.
MIKE: Em có thể kêu cứu chứ.
JOYCE: Kêu ai đây?
MIKE: Mary.
JOYCE: Bà ta có ở nhà đâu. Bà đã đi làm trở lại. Chỉ có mình ở nhà.
MIKE: Em có thể phá cửa sổ. Như vậy người ta sẽ biết.
JOYCE (im lặng): Ngày mai anh đừng đi.
MIKE: Anh không muốn quanh quẩn xó bếp. Anh là người hoạt động. Anh không ngồi một chỗ được.
JOYCE đóng sách lại và làm dấu trang. MIKE bắt đầu thu dọn các dĩa trên bàn và bỏ tất cả vào chậu rửa chén bát.
Mary vẫn ở nhà một mình. Có sao đâu.
JOYCE: Mary có thể xoay xở được.
MIKE từ chậu rửa chén bát quay đầu lại nhìn.
MIKE: Tại sao em biết không. Vì bà ta theo đạo. Bà sống với niềm tin. Chúng ta vẫn được dạy như thế. Chảng phải ai cũng làm thế được, nhưng người ta phải thử thôi.
Anh ta cởi áo khoác ngoài.
Sao em không nói chuyện với Mary? Bà sẽ giúp em chấn chỉnh lại. Cho em địa chỉ một ông cha đầu óc rất sâu sắc. Ông sẽ giúp em hết thơ thẩn.
Anh ta cởi giày.
Em có óc tưởng tượng rất mạnh mẽ. Một đầu óc rất phong phú. Đối với nhiều người thì đó là ưu điểm đấy. Nhưng trong trường hợp em thì chẳng phải. (Im lặng). Nó ở trong đầu. Ông cha sẽ nói như thế đấy. Em sẽ khá hơn nếu em chịu thánh thể. Em cần như thế. Anh vẫn nói mãi mấy năm nay.
JOYCE: Nhưng em vẫn phải ở một mình.
MIKE: Em sẽ có phép bí tích trong em. Nó phải có ích gì chứ. (Im lặng). Hơn nữa, ai cưỡng bách em? Ai? Hẳn phải là một tên điên. Trông mặt em kìa. Lần cuối em rửa mặt là bao giờ?
JOYCE: Em mới khóc.
MIKE: Khóc hả? Em có thai hả?
JOYCE: Không. Em lo.
MIKE: Không ai khoái chuyện hiếp em đâu. Nghĩ chuyện người ta làm thế chỉ để tưởng mình có giá mà thôi. Đó là một ý tưởng hão huyền. Đừng làm anh phải bận tâm về chuyện đó nữa.
Anh ta tháo nơ ở cổ áo, đi vào phòng ngủ, lật chiếc khăn trải giường và lấy bộ đồ ngủ của mình.
JOYCE đi đến cửa phòng ngủ.
JOYCE: MIKE:.. (Im lặng). Hôm nay có một đứa đến đây.
MIKE cởi áo khoác ngoài.
MIKE: Tụi nhỏ trong xóm hả?
JOYCE: Không. Thằng này định làm hỗn với em.
MIKE: Mấy đứa nhỏ này thấy em một mình nên mò đến. Sao em không gọi Mary?
JOYCE: Bà ta không có nhà. Bà ta không có nhà! Có phải em nói cho có đâu? (Im lặng). MIKE:.. Nếu hắn đến nữa… em phải làm sao đây? Anh bảo em phải làm sao đây?
MIKE cởi nút áo sơ mi.
MIKE: Em đem cho anh cái áo khoác ngoài. Đêm nay lạnh đó. Mình phải có thêm chăn mền.
Buổi sáng
JOYCE đang lau phòng, chợt ngừng tay.
JOYCE: Em không thể đến công viên được. Em không thích ngồi trên các băng đá lạnh lẽo. Nhiệt độ xuống thấp bị trĩ như chơi. Nói gì thì nói em chẳng ham một tí nào cả.
Cô đặt cái lau bụi xuống, vẻ phấn khích.
Có lẽ em cũng cố cầu nguyện. Nhưng Đức Mẹ Đồng Trinh không nghe lời cầu nguyện của người Thanh giáo đâu. (Im lặng). Em không thể đơn độc như thế. Không ai có thể chịu được hoàn cảnh đó. Thật khổ sở quá.
Cô lắng nghe. Trong nhà im lặng.
Xem em đã phải xấu hổ thú nhận biết bao nhiêu lần rồi. Anh tưởng làm như thế em sẽ gần gũi được với người khác. Nhưng có được thế đâu.
Có ba hồi chuông kêu cửa.
Ai đấy?
Không có tiếng trả lời.
Ông muốn gì? (Quyết định dứt khoát). Tôi sẽ chẳng mở cửa cho ai cả. Người ta có thể phá cửa mà vào chăng? (Im lặng) Ông giao sữa hả? (Gọi lớn). Ông có điếc không? Không, chẳng phải ông ta. Ông ta chỉ kêu cửa khi đòi tiền.
Cô đứng sau cánh cửa.
(Nói lớn). Có phải ông nhân viên bảo hiểm không? (Im lặng). Nhưng ông này đến ngày thứ sáu. Hôm nay mới thứ tư.
Cô bước lui khỏi cánh cửa, vẻ lo lắng.
Không ai đến ngày thứ tư làm gì. (Cô cúi xuống nhìn qua khe bỏ thư ở dưới cửa). Nếu ông muốn lấy tiền thì tôi nói cho ông biết, trong ví tôi không có lấy một xu.
Cô cắn lấy môi, đứng suy nghĩ.
(Nói to tiếng). Ông ở Sở Xã Hội phải không? Họ thường đến bất kỳ. Mình vừa tiếp họ hôm thứ hai. Họ đến bất cứ lúc nào họ muốn. Quyền của họ mà. (Cười và tự tin hơn). Ông ở Sở Xã Hội phải không? (Giọng cô cất cao). Đúng hay không đúng?
Có tiếng kính vỡ từ phòng ngủ. Cô chạy đến cửa phòng và khựng lại, giật mình; một cục gạch ném vào cửa sổ, JOYCE ngây nhìn, miệng lắp bắp. Lại một viên gạch ném vào cửa sổ, thêm một khung kính cửa nữa bị vỡ.
(Kêu lên). Chính là ông ta. Ông ta đang phá cửa.Trời ơi, tôi phải làm gì đây. Ông ta sẽ giết tôi!
Cô giậm chân trên sàn nhà.
Mary! Mary!
Cô vụt đến cửa, mở cửa và chạy ra ngoài hành lang. Giọng hoảng sợ, vang lên như khóc.
Bà O'Connor ơi! Bà O'Connor ơi!
Cô chạy trở lại vào phòng, đóng mạnh cửa. Khoá rớt xuống, văng trên sàn nhà. Cô nhặt lên xem xét, và và rên rỉ lo sợ.
Nó bung ra rồi! Nó gẫy rồi!
Cô cố sửa lại ổ khoá gắn vào cửa.
Mình đã bảo nhiều lần. Mình đã bảo anh ấy… phải sửa ổ khoá!
Cô không sửa nữa, ngừng để thở. Rồi cô cố kéo cái ghế dài vào phòng, nhưng lại thôi và nhặt một chiếc ghế, chắn ngang cửa, ngồi lên trên ghế.
Hắn ta sẽ dễ dàng đạp tung cánh cửa này. Ôi, Michael, em bị người ta giết đây cũng chỉ vì tật lười biếng của anh không chịu sửa ổ khoá.
Có tiếng chuông cửa rung liên hồi.
Để cho tôi yên! Tôi sẽ đi báo cảnh sát. Tôi thấy họ ở nhà ga. Họ giăng bẫy đó. Tôi ở đây an toàn. Cửa nhà tôi có cái khoá Chubb rất chắc. Cho nên ông bị mắc bẫy rồi ông ơi. Ha, ha! Cảnh sát đang canh chừng nhà này đó.
Cửa chính bị đá văng. Cái ghế bị đẩy qua một bên và JOYCE bị ngã về một phía. Cô đi lui vào phòng ngủ.
Nếu ông muốn lấy cây súng, tôi phải nói là tôi không biết anh ấy để đâu. Anh ấy đã lấy đi rồi. (Im lặng). Có thể tôi tìm ra nó cũng nên. Phải ông muốn cây súng không?
Ngoài cửa có tiếng nhạc nổi lên từ một máy phát thanh bán dẫn. Có tiếng gõ cửa. Chuông reo. Im lặng đột ngột. Có tiếng cười phá lên. Im lặng. Tiếng gõ từng chập.
(JOYCE kêu lên lanh lảnh). Tôi đã bảo chồng tôi. Anh ấy đang đi báo với người ta. Để xem ông còn cười được nữa không.
Đột nhiên, không còn giả bộ được nữa, cô bật khóc.
Đi đi. Ông là người đàng hoàng mà. Tôi chẳng hiểu ông muốn gì. Tôi chẳng có tiền bạc gì. Ông đi đi. Tôi van ông, van ông, van ông…(Cô khóc nức nở).
Sau đó.
MIKE ngồi ở bàn đọc báo. JOYCE bước vào, trang phục đi ra ngoài.
MIKE: Em đi đâu về thế. (Anh ta gấp tờ báo lại).
JOYCE giở mũ, cởi áo khoác ngoài và máng vào tủ.
JOYCE: Đi ra ngoài.
MIKE: Đi ra ngoài. Thế trà anh đâu? Chưa có.
JOYCE: Em đi loanh quanh. Em thấy có ánh đèn ở cửa sổ em mới về.