Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Song het minh EARNEST L TAN.html


SỐNG HẾT MÌNH


Lê Công Đức
dịch từ nguyên bản LIVING LIFE FULLY,

Requisites for Personal Growth and Change

(New Edition, 2000)

của EARNEST L. TAN

do Spiritus Works Publication xuất bản


haian14_5@convert *prc


To all who seek

personal freedom

and desire to

live life to the full …

with you

I share this work! 


—oOo—


Lời tựa

Chỉ trẻ con mới có thể Sống Hết Mình. Trẻ con không sợ sống con người thật của chúng. Chúng cảm nghĩ thế nào, chúng sẽ thoải mái và công khai biểu lộ ra y như vậy. Chúng biết rất rõ chúng thật sự là gì. Chúng không cảm nhận theo sắc dạng bề ngoài. Chúng không quan tâm đến chuyện mình là con gái hay con trai, mình thuộc Kitô giáo hay Hồi giáo, mình giàu hay nghèo. Đó là lý do tại sao trẻ con rất nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương. Đó cũng là lý do tại sao Đức Giêsu nói rằng Nước Trời thuộc về các trẻ nhỏ.

Trẻ con cũng giống các anh hề ở chỗ đối với chúng, những điều cấm kỵ của xã hội và những qui tắc thiêng thánh chẳng có được 'gờ ram' nào cả. Chúng nói huỵch toẹt sự thật, và chúng bám riết lấy sự thật. Những biểu tượng về địa vị và chức quyền của người lớn chẳng gây ấn tượng gì cho một đứa trẻ. Nó chỉ lắng nghe tiếng nói trong lòng nó, và nó chẳng lấy làm quan trọng những gì mà thế giới đánh giá cao. Như vậy, cả đứa trẻ và anh hề đều là những ngôn sứ. Giống như Đức Giêsu, đó là những ngôn sứ mang "dấu mâu thuẫn" (Lc 2,32) trong một thế giới cảm thấy bị đe doạ bởi cung cách đơn sơ và ngay thẳng của những ngôn sứ này.

Điều dễ thương nơi một đứa trẻ không chỉ nằm ở tính cách vui tươi thoải mái của nó mà còn ở tinh thần lạc quan lì lợm của nó nữa. Trẻ em là biểu tượng của hy vọng. Chúng xây những lâu đài cát trên bãi biển và chúng cứ tiếp tục xây đi xây lại hoài, mặc cho các đợt sóng liên tục tràn vào quét sạch tất cả. Chúng ngồi đó, lì lợm xây lại lâu đài của mình, lì lợm hy vọng rằng những con sóng sẽ buông tha và công trình của mình sẽ đứng vững.

Xem thế, trẻ em, các ngôn sứ, các thánh và các anh hề là những người sống hết mình, những người "sống dồi dào" đời mình. Thánh Irênê thật có lý để khẳng định rằng "Thiên Chúa được tôn vinh khi con người sống dồi dào".

Tôi yêu quí tập sách Sống Hết Mình, một quyển sách đậm tính ngôn sứ của Earnest, bạn tôi. Tôi thấy nơi anh một tâm hồn của đứa trẻ và một phong cách của anh hề với kinh nghiệm dạn dày.

Fr. Ruben J. Villote


—oOo—


MỤC LỤC:


LỜI GIỚI THIỆU

CHƯƠNG I: TRỒNG CÂY NÀO, ĂN QUẢ NẤY!

CHƯƠNG II: NẾU HẠT LÚA MÌ KHÔNG THỐI ĐI

CHƯƠNG III: HÃY MỞ RA

CHƯƠNG IV: DỐI TRÁ! DỐI TRÁ! AI AI CŨNG DỐI TRÁ!

CHƯƠNG V: MỘT GIẤC MƠ CHO CUỘC ĐỜI

CHƯƠNG VI: KHẢO SÁT LÒNG MÌNH

CHƯƠNG VII: Ở ĐÂY VÀ BÂY GIỜ HAY Ở ĐÓ VÀ LÚC ẤY?

KẾT LUẬN – ĐÔI DÒNG VỀ TÁC GIẢ




LỜI GIỚI THIỆU


Tôi luôn cảm thấy vui sướng mỗi khi tình cờ gặp một anh bạn cũ và được anh ta khen rằng mình trông 'phong độ' hơn trước nhiều. Lời khen này càng có ý nghĩa khi chính tôi cũng ý thức rõ rằng mình đã thật sự lớn lên hơn – không chỉ về thể lý mà cả về tâm cảm. Những cuộc gặp gỡ như vậy luôn luôn làm tôi nhớ lại lần nọ tôi gặp một anh bạn – là linh mục. Anh hỏi tôi hai câu hỏi, rất đơn sơ nhưng cũng rất cào cứa. "Earnest, cậu đang làm gì?" Để trả lời, tôi mau mắn kể ra một loạt những công việc 'sáng giá' mà mình đang làm như: tư vấn, dạy học, điều hành các khoá hội nghị, hội thảo, vv… Quả là lúc bấy giờ, tôi đang đảm nhận rất nhiều hoạt động – và tất cả các hoạt động ấy đều mang ý nghĩa phục vụ. Rồi, anh bạn tôi hỏi: "Này, vậy cậu có đang hạnh phúc không?" Tôi đột nhiên cảm thấy chóng mặt, lúng ta lúng túng. Giá chi tôi có thể mỉm cười và nói "Có" để trả lời anh ta. Nhưng tôi không thể. Và chính lúc ấy tôi chợt hiểu ra rằng hạnh phúc không duy ở chỗ một đời sống đầy hoạt động, dù là những hoạt động thanh cao đến mấy đi nữa.

Tôi bắt đầu bộc bạch nỗi lòng mình với anh ta, giãi bày về những lý do làm cho mình không cảm thấy hạnh phúc. Tôi đánh liều dốc cạn cho anh tất cả những gì đang diễn ra trong lòng mình, những điều mà trước đó vẫn được che đậy kỹ bởi cái vỏ bọc là cuộc sống đầy hoạt động của tôi. Tôi nhìn thẳng vào một số sự thật nơi con người tôi. Và khi tôi thành thực nhìn lại chính mình và trang trải câu chuyện của mình như vậy, tôi bỗng nhận ra rằng để có thể sống hết mình, thì trước hết chúng ta phải đối diện với con người thật của mình và học biết tận dụng cách tốt nhất những gì cuộc đời trao cho mình.

Hiện nay, tôi vẫn dấn mình vào bao công việc, dù áp lực không căng như trước. Đôi khi, tôi ngừng lại và tự hỏi: "Mình có đang hạnh phúc không?" Và thật thú vị, tôi có thể dễ dàng nói "Có" – dù vẫn nhìn nhận rằng "Có, tuy không trọn vẹn!" Giờ đây, đối với tôi, hạnh phúc là một tâm trạng; và giống như mọi tâm trạng khác, nó đến rồi nó đi. Không ai có thể tự nhận rằng mình hạnh phúc tròn đầy, như kiểu những đoạn kết rất có hậu của các câu chuyện cổ tích: "… và họ sống hạnh phúc mãi mãi!" Hiện nay tôi hạnh phúc bởi vì tôi cảm nhận được niềm vui và an bình do đã dàn xếp được một cái gì đó bên trong bản thân mình. Nhưng tôi không hạnh phúc trọn vẹn, bởi vì nơi tôi còn nhiều điều phải thay đổi, nhiều điều phải lớn lên, phải thành.

Cuộc sống của tôi bây giờ có ý nghĩa bởi vì tôi đã học biết đón nhận tất cả những gì cuộc đời trao cho mình. Tôi học hỏi, tôi lớn lên, tôi trở thành xuyên qua tất cả những kinh nghiệm tôi gặp trên đường đi. Sống là thở, là cười mỉm, là cười vang, là khóc, là đớn đau, là cho, là nhận, là học tập, là yêu thương, cầu nguyện, hy vọng… Trước đây, khi chưa hiểu được như vậy, tôi thấy đời sống chỉ là một vấn đề. Còn bây giờ, tôi nhận ra đời sống là một cơ hội để mình thay đổi và lớn lên.

Trong những trang sách này, tôi muốn chia sẻ với bạn một số suy tư của mình về những điều kiện cơ bản để trưởng thành và để thay đổi nhân cách. Tôi ước mong rằng bạn cũng có thể học biết cách sống hết mình. Nhiều suy tư trong sách này đã được chia sẻ trong các khoá hội thảo đó đây. Nay viết chúng ra trên giấy, một đàng tôi hy vọng chúng sẽ tiếp cận nhiều người hơn, đàng khác, tôi muốn xác nhận lại những chỉ nam vốn đã giúp ích không chỉ cho bản thân tôi mà còn cho rất nhiều người khác nữa trong hành trình sống của họ.

Tập sách gồm 7 chương, mỗi chương trình bày một điều kiện căn bản cho sự trưởng thành và thay đổi nhân cách. Đó là:

1)                   nhận trách nhiệm đối với đời mình.

2)                   chấp nhận đầu tư chính mình.

3)                   biết cởi mở.

4)                   biết thành thực.

5)                   biết giải trừ các nhãn hiệu.

6)                   biết biện phân.

7)                   biết hoà hợp với hiện tại.

Nếu bạn vận dụng được các điều kiện ấy một cách nhuần nhuyễn vào cuộc sống của bạn, thì tập sách này đã trở nên hữu ích cho bạn rồi đó.

Nhóm bạn bè của tôi thường tự mệnh danh là "câu lạc bộ những trái tim cô đơn". Có lần chúng tôi gặp nhau sau hai năm lu bu với hàng núi công việc. Sau những lời chào hỏi thông thường, chúng tôi bất chợt nhận ra rằng mình vẫn còn cô đơn y như trước, thậm chí hơn trước. Chúng tôi nhìn nhau và tự hỏi tại sao quãng thời gian hai năm ấy đã chẳng đem lại một thay đổi gì nơi mình cả. Cuối cùng, một anh bạn trong nhóm đã làm loé lên ánh sáng hy vọng khi đưa ra nhận xét: "Này, có vẻ tâm trạng cô đơn nơi mình vẫn y nguyên, nhưng chắc chắn là thái độ của mình đối với tâm trạng ấy đã thay đổi. Thật vậy, bây giờ mình đối diện với cuộc sống một cách vững vàng hơn, và mình chấp nhận cuộc sống đúng như sự thật của nó!" Những chia sẻ ấy đã làm thay đổi toàn bộ bầu khí của buổi tối. Thay vì day dứt với nỗi cô đơn của mình – như thói thường của chúng tôi – chúng tôi bắt đầu nhìn lại những gì cho phép mình có thể vui mừng trong hai năm qua. Chúng tôi bắt đầu chúc mừng nhau vì những nghị lực nội tâm mà mình đã nhận được, mừng vì mình đã chững chạc hơn, và mừng vì cảm thức hy vọng đã sáng lên hơn ngay giữa thất vọng.

Tối hôm đó, tôi về nhà vẫn với nỗi cô đơn thênh thang, nhưng thêm vào đó còn có một niềm vui vì cảm nghiệm được sự lớn lên và trưởng thành mà nhóm bạn bè chúng tôi đã nhận ra nơi nhau. Xin nói luôn, đó cũng chính là điều mà tập sách này muốn đem lại cho bạn. Tập sách này không hứa hẹn giúp bạn thoát ra khỏi mọi vấn đề của cuộc sống, nó không tham vọng giải phóng bạn khỏi tất cả mọi gánh nặng. Tuy nhiên, nó sẽ hướng dẫn bạn khám phá lại năng lực bên trong mình và nhận ra rằng mình có thể trưởng thành hơn xuyên qua những nỗi đau và những chiến đấu trong cuộc sống. Nói tắt, nó muốn giúp bạn sống thật hết mình.



CHƯƠNG I: TRỒNG CÂY NÀO, ĂN QUẢ NẤY!


(điều kiện 1: nhận trách nhiệm đối với đời mình)

Đời sống – đó chủ yếu là một cơ hội để lớn lên và thay đổi…

Không ai có thể thay đổi chúng ta nếu chúng ta không muốn thay đổi. Không ai có thể dạy chúng ta bất cứ gì nếu chúng ta không khao khát muốn học. Không ai có thể lớn lên thay cho chúng ta; lớn lên hay dậm chân tại chỗ, đó là quyết định của riêng mỗi người. 

"Trồng cây nào, ăn quả nấy!" Câu tuyên bố này cho thấy rõ nền tảng của việc sống hết mình, đó là: Ta phải trách nhiệm đời ta. Hẳn nhiên đời sống được trao ban cho chúng ta, nhưng còn chính việc sống cuộc đời ấy thì là do ta định đoạt. Chúng ta chỉ hạnh phúc trong cuộc đời theo chừng mực mà ta cho phép mình hạnh phúc. Cũng vậy, chúng ta chỉ khốn khổ theo mức độ mà chính mình chọn lựa khốn khổ. Thế nhưng, nhiều người không ý thức được sự thật này. Nhiều người cảm thấy bị mắc kẹt bởi những áp lực bủa vây xung quanh và, do đó, để vuột mất quyền kiểm soát trên cuộc đời mình.

Tôi nhớ một cô giáo mà tôi từng gặp. Cô uể oải đến trường hằng ngày, với vẻ mặt thiểu não. Cô đã biến các học sinh lớp hai của cô trở thành một đống rác để cô trút vào đó những xúc cảm tiêu cực. Ngày nào cô cũng la mắng chửi rủa đám trẻ ngây thơ tội nghiệp ấy. Cung cách của cô làm tôi thắc mắc và tôi muốn tìm hiểu nguyên nhân. Cuối cùng tôi khám phá rằng sở dĩ cô khốn khổ bởi vì cô đã phải dạy học suốt hai mươi năm trong khi cô rất ghét nghề dạy học! Một hôm, không chịu nổi sự trái khoáy nơi cô, tôi nói thẳng: "Này cô, nếu cô ghét dạy học, thì ai bắt cô phải dạy học như vậy? Sao cô không nghỉ dạy, tìm một công việc khác? Chỉ đơn giản vậy thôi mà!"

Cô trừng mắt nhìn tôi và gào lên: "Ông biết không, tôi đã không hề được quyền chọn lựa!"

Tới đây, không nhẫn nhịn được nữa, tôi ngán ngẩm trả lời: "À, có thể cô không hề chọn lựa việc dạy học, nhưng chắc chắn rằng chính cô đang chọn lựa cho mình nỗi khốn khổ ngày này qua ngày khác!"

Vâng, có thể chúng ta không nắm quyền kiểm soát các cảnh ngộ của cuộc đời, song còn thái độ đối với các cảnh ngộ ấy cuối cùng là thuộc về sự định đoạt của chính chúng ta. Trong quyển "Man's Search For Meaning" của mình, Viktor Frankl đã kể lại bằng cách nào anh đã chịu đựng được những thử thách ghê gớm trong một trại tập trung, và qua đó anh đã khám phá được ý nghĩa trong những nỗi thống khổ của mình. Anh chia sẻ: "Cuối cùng, ta không nên hỏi đời mình có ý nghĩa gì, nhưng phải nhận ra rằng chính mình là người được hỏi và chính mình phải đưa ra câu trả lời. Nói tắt, mỗi người chúng ta đều bị chất vấn bởi cuộc đời; và chúng ta chỉ có thể trả lời cho đời bằng cách trả lời cho chính chúng ta. Ta chỉ có thể trả lời cho đời sống nói chung một khi ta biết nhận lấy trách nhiệm về cuộc đời của riêng mình."

Một áp phích của tôi diễn tả điều này bằng hình tượng: "Khi đời trao cho bạn quả chanh, hãy pha một ly đá chanh và uống!" Bạn thấy đó, không có sự miễn trừ nào để ta khỏi phải sống hết mình.

Không có cách nào khác, chúng ta phải nhận trách nhiệm và phát huy tốt nhất cuộc đời mình. Thế nhưng, một số trong chúng ta lại chọn sự phàn nàn và qui gán mọi nỗi khốn khổ của mình cho bất cứ ai hay bất cứ cái gì khác, còn mình thì vô can!

Có lần, tại một buổi trực canh đám ma, tôi đã phải chịu đựng suốt ba mươi phút để nghe một người đàn ông nọ lải nhải những lời đắng cay chua chát về đủ thứ chuyện trên đời. Ông ta phiền trách hết mọi người, phiền trách cả Thiên Chúa. Ông nói thao thao về những cái đáng chán của cuộc đời – nào là "chẳng có ai nghèo mạt rệp như tui", nào là "tui chẳng được may mắn học xong trung học", nào là "con cái tui phải đi giúp việc nhà cho người ta, trong khi bạn bè trang lứa của chúng nó đều đã học thành tài và có nghề nghiệp ổn định", nào là "dân mình, nói cho cùng, là một lũ ngu ngốc", nào là "chính phủ mình chỉ toàn ăn hại", nào là "Thiên Chúa thật tàn ác"…

Tôi chợt hiểu rằng còn có nhiều lý do hơn nữa để cho con người này than van rên rỉ. Và tôi không thể tưởng tượng ông ta có thể sống được với kiểu suy nghĩ như vậy. Tôi nghĩ thật khủng khiếp cho những người phải chung sống với ông ta hằng ngày. Chỉ ngồi với ông có ba mươi phút, mà tôi còn không chịu nổi, huống chi…!


CHÍNH BẠN KIẾN TẠO CUỘC ĐỜI

Chúng ta không thể đi trong cuộc đời và phiền trách mọi người và mọi sự về những nỗi khốn khổ của mình. Đành rằng chúng ta không thể phủ nhận cái nghèo, những điều không may, những bi đát trong đời sống. Nhưng chúng ta có nghị lực bên trong để hoặc cho phép chúng tiếp tục làm tổn thương mình hoặc quyết định vượt qua chúng. Nếu ta cứ khư khư phiền trách, thì rốt cục ta chỉ nổi giận và xót xa tủi phận mà thôi – và điều này không có chút khả năng chữa trị nào. Đàng khác, nếu chúng ta biết cách vượt qua chúng, chúng ta sẽ tìm thấy được sự tự do sâu xa và tìm thấy được sức mạnh để nhận lãnh trách nhiệm.

Mới đây, tôi có vô tình làm cho một người bị 'quê' trước mặt nhiều người khác. Dù đó chỉ là một chuyện nhỏ và dù tôi không hề cố ý, song tôi rất áy áy về hành động ấy của mình. Bởi vì đó không phải là cung cách của tôi. Xưa nay tôi đã không bao giờ làm một điều như thế, vì vậy tôi day dứt hoài rằng tại sao mình đã điên khùng như vậy. Tôi ao ước giá chi mình có thể xoay ngược thời gian để sửa sai sự việc, để hành động lại một cách đúng đắn. Nhưng, điều gì đã xảy ra là đã xảy ra rồi!

Tối hôm ấy, đoán biết rằng tôi bất an, một người bạn đã tìm cách xoa dịu tôi bằng cách nhắc đến nhiều điều tốt đẹp nơi tôi. Chúng tôi đi xem hoà nhạc. Nhưng tôi chẳng thưởng thức được gì vì cứ ray rứt hoài. Bạn tôi cảm thấy bất lực, không giúp được tôi. Tôi còn tiếp tục dằn vặt như thế hai ba ngày sau đó nữa. Cho tới khi một ý nghĩ chợt sáng lên trong trí tôi rằng hoặc mình tiếp tục tâm trạng dằn vặt này mãi mãi và tiếp tục đau khổ, hoặc mình chọn lựa tha thứ cho chính mình về điều mình đã làm và dần dần khuây khoả. Đồng thời tôi chợt hiểu dù người khác có muốn giúp mình bao nhiêu đi nữa, thì rốt cục chính mình mới là người có thể cứu lấy mình. Chìa khoá thật đơn giản: Hãy tha thứ cho chính bạn về những sai lỗi của bạn, và hãy rút ra bài học từ những sai lỗi ấy.

Không ai có thể thay đổi chúng ta trừ phi chúng ta muốn thay đổi. Không ai có thể dạy chúng ta trừ phi chúng ta khao khát muốn học. Không ai có thể lớn lên thay cho chúng ta. Lớn lên hay khựng lại, điều đó tuỳ thuộc vào quyết định của riêng mỗi người.

Bài học này thật khó. Thường thì chúng ta muốn người khác phải trở thành cái mà họ không thể hoặc chưa thể. Và vì thế chúng ta nếm quá nhiều những chán nản trong các mối tương quan. Sự thay đổi chỉ có thể xảy ra từ bên trong. Chúng ta có thể khích lệ, thuyết phục, và thậm chí lôi kéo một người – nhưng rốt cục, chỉ người ấy mới là người quyết định lớn lên và thay đổi.


TÔI CẦN THỜI GIAN ĐỂ SẴN SÀNG,

XIN ĐỪNG THÚC HỐI!

Khi tôi nghe người ta xì xào rằng một giáo sư đồng nghiệp của tôi dính líu vào chuyện quan hệ tình dục với một nữ sinh viên, tôi cảm thấy rất ưu tư. Vì là chỗ bạn bè, tôi thấy mình cần phải giúp đỡ anh ta. Trong  quá trình học tập để trở thành nhà tư vấn, tôi được dạy rằng mình không nên xét đoán một ai, nhưng thay vào đó nên thông cảm và giúp người ta giải quyết vấn đề riêng của họ. Tôi đã làm y như vậy. Tôi phân tích vấn đề của anh bạn ấy và đi tới kết luận rằng anh ta thật sự không yêu thích cô sinh viên kia. Anh ta chỉ đang cố che đậy một số sự thật về chính mình – và mối quan hệ kia chỉ là tấm màn tuyệt vời giúp anh trong công việc che đậy đó.

Với tất cả thiện chí, tôi mời anh ta đi ăn tối. Tôi nghĩ, cách tốt nhất là mời anh ta ăn uống. Sau bữa ăn tối, một cách nhỏ nhẹ, tôi nói với anh ta: "Mình đã nghe chuyện của cậu. Cậu đừng sợ. Mình không xét đoán cậu đâu. Mình nghĩ vấn đề của cậu là …, và mình thấy rằng sở dĩ cậu dính líu với cô sinh viên kia bởi vì …, và mình tin rằng mình có thể giúp đỡ nếu cậu …"

Tôi đã nói những lời đó với tất cả thiện chí và chân thành. 

Thế nhưng, thay vì tỏ vẻ biết ơn đối với cử chỉ của tôi, anh bạn tôi đã cực lực phủ nhận mọi sự và bắt đầu 'xù lông nhím'. Đó là một dấu hiệu rõ ràng cho tôi biết rằng mình nên thinh lặng và xin anh ta bỏ qua cho. Tự nhiên tôi cảm thấy buồn. Tiền mất tật mang! (chí ít là tôi đã chi trả cho bữa tối ấy và sự tốn tiền của tôi đã không đem lại kết quả gì!) Vì thế, tôi mặc kệ và không cố thuyết phục anh ta nữa. Kết quả là tôi bắt đầu bị bối rối vì hành động của mình. Anh bạn tôi khó chịu vì những lời tôi nói. Chúng tôi bỗng trở thành lúng túng với nhau. Từ hôm đó, chúng tôi tránh gặp mặt nhau – và rất sượng sùng mỗi khi bất đắc dĩ phải gặp. Niên khoá ấy, anh ta thôi việc.

Ba năm sau, vào một buổi chiều, tôi tình cờ gặp anh ta. Lần này, anh ta mời tôi vào quán (và anh ta trả tiền!). Sau vài câu chào hỏi thông thường, anh bắt đầu chia sẻ với tôi. Anh nói: "Trong ba năm nghỉ dạy vừa qua, mình khám phá thấy vấn đề của mình là …, và mình đã dan díu với cô sinh viên ấy bởi vì …" Lắng nghe anh ta nói, tôi hơi bực bội trong lòng và thầm nghĩ: "Thì đấy không phải đúng những điều tôi đã nói với bạn cách đây ba năm rồi sao? Tại sao lúc ấy bạn không chịu nghe tôi? Đáng lẽ bạn đã không phải mất đến ba năm mới nhận ra như thế!"

Nhưng, tôi cũng chợt nhận ra một điều. Có lẽ anh bạn tôi cần quãng thời gian ba năm ấy để một mình anh – và trong sự sẵn sàng của chính anh – anh có thể đối diện và đương đầu với sự thật về chính bản thân mình. Đành rằng hồi ấy tôi nói đúng, nhưng hồi ấy anh ta chưa đủ sẵn sàng để đón nhận những gì tôi nói. Tôi thấy mình phải ghi khắc kỹ bài học rút ra từ chuyện này. Dù chúng ta nóng lòng muốn giúp một ai đó, chúng ta cũng phải tôn trọng khả năng của đương sự trong việc xử lý các vấn đề của chính mình. Dù chúng ta có sốt sắng muốn giúp đỡ đến mấy đi nữa, cũng không được phép quên rằng cuộc đời của người ấy là do chính người ấy trách nhiệm.

Có lần, người ta trông thấy một quả trứng sắp nở. Quá hăm hở, họ muốn giúp một tay bằng cách bóc vỏ trứng ra. Dĩ nhiên, chú gà con được ra ngoài ngay lập tức. Nhưng chỉ được vài phút, chú gà con tội nghiệp ấy chết ngoẻo!

Bài học ta rút ra ở đây là phải tôn trọng nhịp độ của con người. Chúng ta không thể thay đổi những gì chưa thể thay đổi được. Và chúng ta phải tin tưởng rằng người ta sẽ lớn lên một khi họ nhận lãnh trách nhiệm về chính bản thân họ.

Chương này muốn nhắc bạn rằng để bắt đầu sống hết mình, bạn phải biết nhận lãnh trách nhiệm về cuộc đời mình. Vì thế, bạn cần suy ngẫm và tự vấn: Tôi có thường xuyên phiền trách người khác, phiền trách số phận, phiền trách Thiên Chúa về những điều này điều nọ xảy ra trong cuộc đời mình không? Tôi có đổ tội cho người khác, và tự miễn cho mình khỏi nhận trách nhiệm về cuộc đời mình không? Tôi có nghĩ mình chỉ là một nạn nhân của các hoàn cảnh – và do đó mình bất lực không thể làm gì để xoay chuyển cuộc đời mình không? Hay tôi thực sự cảm thấy mình có nghị lực và tự do để nhận lãnh trách nhiệm về đời mình và lèo lái lại cuộc đời mình cho đúng hướng?

Bạn hãy bắt đầu ngay bây giờ đi! Hãy nhận lấy trách nhiệm! Các chương kế tiếp sẽ giới thiệu những phương cách giúp bạn nhận lãnh trách nhiệm một cách cụ thể.



CHƯƠNG II: NẾU HẠT LÚA MÌ KHÔNG THỐI ĐI


NẾU HẠT LÚA MÌ

KHÔNG RƠI XUỐNG ĐẤT

VÀ KHÔNG THỐI ĐI…


(điều kiện 2: biết đầu tư chính mình) 

Năm nay tôi được vinh dự trở lại trường cũ của mình và điều hành một khoá hội thảo dành cho các thầy cô giáo – một số trong các vị ấy từng là thầy cô của chính tôi thậm chí từ hồi lớp một. Tôi vừa rất lo lắng vừa cảm thấy thú vị. Trong những giấc mơ ngông cuồng nhất của mình tôi cũng chưa bao giờ dám nghĩ rằng sẽ có ngày mình có cái vinh dự này. Ngày xưa, tôi luôn luôn cảm thấy mình là một kẻ khờ khạo, chậm chạp. Tôi vốn nghĩ mình sẽ chẳng đạt được cái gì ra trò. Thế nhưng, hôm nay, tôi đứng trước mặt các thầy cô giáo của mình và tới lượt tôi giảng dạy cho các vị ấy.

Cô giáo lớp năm của tôi ngạc nhiên thốt lên: "Ernesto, có phải đúng là em đây không?" Và cô nhớ lại – tôi là cậu bé cứ hễ tới giờ ra chơi là nhón một miếng bánh xăng uých, rón rén bước đi dọc theo hàng rào phía sân bóng đá, vừa ăn bánh một mình vừa đăm đăm hướng mắt nhìn về xa xăm. "Hiệu ứng cô đơn!" – cô mô tả về tôi như thế. Và trong tư cách là cô giáo chủ nhiệm của lớp, cô đã chỉ định các bạn cùng lớp đến chơi với tôi. Nhưng, lần nào cũng vậy, các bạn ấy quay trở về, báo cáo rằng: "Thưa cô, bạn Ernesto không muốn chơi với chúng em!" Cô đành buông tay đầu hàng, nghĩ rằng trường hợp của tôi là vô vọng. Hôm nay, nhìn thấy tôi trong một con người hoàn toàn khác, cô tự hỏi điều gì đã xảy ra.

Lắng nghe cô ôn lại chuyện cũ, tôi mỉm cười. Vâng, tôi còn nhớ rõ mọi sự. Tôi vốn luôn luôn được gọi là một "học trò ngoan" – chỉ theo nghĩa rằng tôi không bao giờ gây rắc rối cho ai. Tôi rất trầm lặng. Nhưng tôi không học giỏi. Tôi là một học sinh trung bình, thuộc loại xoàng xoàng trong lớp. Ồ, làm sao một học sinh rụt rè, nhút nhát, và xoàng xoàng như tôi lại cuối cùng có thể đứng thuyết trình trước một cử toạ đông đảo như thế này nhỉ? Chính tôi cũng không khỏi tự hỏi: "Điều gì đã xảy ra giữa TƠI của thuở ấy và TƠI của bây giờ?"

Khi nhìn lại những quãng đời mình, tôi nhận ra rằng mình đã trưởng thành hơn lên chủ yếu là nhờ ở sự đầu tư chính mình (self-investment). Khi tôi có can đảm để đầu tư chính bản thân tôi vào những cơ hội của cuộc đời, chẳng hạn, đầu tư vào các mối quan hệ hay vào những cố gắng hoà đồng, tôi bắt đầu mở rộng tầm nhìn của tôi về thế giới và về chính mình. Mỗi kinh nghiệm đó đều giúp đưa tôi ra khỏi vỏ ốc và giúp tái tạo lại con người tôi. Tôi đã không ngừng bước tới.

Đầu tư chính mình là một chìa khoá để lớn lên. Chúng ta càng đầu tư nhiều trong cuộc sống thì chúng ta sẽ càng gặt hái được nhiều. Như lời Thánh Kinh: Nếu hạt lúa mì không rơi xuống đất và không thối đi, nó sẽ không thể sinh bông hạt và sẽ không có sự sống.

Cuộc sống trao cho ta nhiều cơ hội để đầu tư chính mình:

¨       Những cơ hội làm quen thêm nhiều người, với một số người trong đó, ta có thể phát triển tình bạn sâu xa .

¨       Cơ hội để mài giũa các kỹ năng của mình qua việc đảm nhận những trách nhiệm mới, chẳng hạn, chấp nhận một chức vụ nào đó được giao cho mình, dù tôi cảm thấy lo sợ.

¨       Cơ hội để nói ra các ý nghĩ và các tâm trạng của mình.

¨       Cơ hội để thử những cách ứng xử mới, chẳng hạn thử đổi kiểu tóc, kiểu quần áo, đột phá sự nhút nhát và ức chế bằng cách tham gia vào các nhóm sinh hoạt tập thể, hay làm một điều gì đó mà mình không bao giờ nghĩ rằng mình có thể làm.

¨       Dấn thân vào các vấn đề xã hội qua các phong trào và các tổ chức.

¨       Đưa ra những quyết định cá nhân trong cuộc sống và kiến tạo một sự thay đổi nào đó.


DÁM MẠO HIỂM

Tất cả điều chúng ta cần là sự can đảm để dám mạo hiểm. Mạo hiểm là bạn đồng hành của sự trưởng thành. Đây không phải là chuyện dễ. Thật vậy, chúng ta thường khiếp sợ và không dám liều. Nhưng như chúng ta thường nghe: "Có gan, làm giàu!" Nếu chúng ta cứ loay hoay  tính toán, cân nhắc lợi hại về mọi hành động, thì hầu chắc chúng ta sẽ không bao giờ tra tay vào làm một cái gì.

Nếu tôi ngần ngại không dám ra khỏi nhà vì cứ sợ rằng mình có thể bị xe cán, hoặc bị sét đánh, hoặc bị trấn lột…, thì tôi sẽ mãi mãi không bao giờ dám bước chân ra khỏi nhà. Không bước ra khỏi nhà, tôi có thể cảm thấy an toàn. Nhưng tôi cũng sẽ bị tước mất rất nhiều kinh nghiệm mới mẻ cần thiết để lớn lên.

Thật vậy, tôi biết một phụ nữ rất hay lo sợ, chị không bao giờ rời khỏi nhà. Tôi nói thẳng với chị ta: "Quả là nếu cứ ở trong nhà, chị sẽ thấy an toàn hơn, nhưng thế giới của chị rốt cục chỉ còn là khoảng không gian bé nhỏ trong bốn bức tường của ngôi nhà chị."

Không mạo hiểm, tầm nhìn của bạn về thế giới sẽ rất chật hẹp. Chúng ta chỉ có thể học hỏi nhờ dám 'xông pha trận mạc' mà thôi.

Cũng vậy, tôi ngại không dám làm quen với người ta vì tôi sợ mình sẽ phải nếm cái kinh nghiệm bị từ khước và bị thương tổn, tôi sẽ không chủ động đi đến với ai nữa. Tôi sẽ giữ một khoảng cách an toàn. Thế nhưng, khi làm thế, tôi chắc chắn cũng sẽ bỏ mất nhiều cơ hội để trưởng thành hơn về tâm cảm.  Như Leo Buscaglia nói: "Các mối quan hệ rất cần thiết, bởi vì nếu không có các mối quan hệ, bạn sẽ cô đơn, khép kín và đánh mất chính bản ngã của mình. Và dấu hiệu tốt nhất cho biết tình trạng lành mạnh ít hay nhiều của bạn trong tư cách là con người, đó là cứ xem thử bạn có bao nhiêu các mối quan hệ vững bền, giàu ý nghĩa và sâu sắc."

Sự chọn lựa hoàn toàn tuỳ thuộc vào chúng ta. Có những người chọn một cuộc sống cô lập và buồn chán bằng cách co rút lại trong chiếc vỏ ốc an toàn của mình. Trong khi đó, có những người chọn thái độ cởi mở hướng về người khác, ý thức rằng sự thương tổn là một phần tất yếu của tiến trình lớn lên. Họ không cho phép nỗi sợ bị thương tổn trở thành yếu tố duy nhất quyết định cung cách ứng xử của họ.

Nếu mạo hiểm là điều tất yếu để có thể đầu tư chính mình, thì chúng ta không thể không mạo hiểm. Tuy nhiên, chúng ta phải biết biện phân giữa một rủi ro thực tế và một rủi ro không thực tế. Thật không khôn ngoan chút nào nếu chúng ta đưa đầu ra khi biết rằng đầu mình sẽ bị chặt. Trong khi chấp nhận mạo hiểm, chúng ta cần luôn luôn cân nhắc: Phải chăng sự mạo hiểm này phù hợp hoàn toàn với mẫu người mà tôi phác hoạ cho tôi? Có đáng chịu những hệ luỵ rắc rối có thể xảy ra hay không? Tôi đã chuẩn bị để đón nhận những hậu quả của một sự mạo hiểm như thế này chưa? Nếu có thể trả lời "Có" cho các câu hỏi ấy, thì chúng ta có thể yên tâm mà mạo hiểm.

Trong quyển "Dám Liều" của ông, David Viscott đã cô đọng những điều vừa nói trên như sau: "Việc bạn chấp nhận mạo hiểm sẽ tuỳ thuộc vào mẫu người mà bạn phác hoạ cho bạn. Nếu bạn đi trong cuộc đời mà không có một lý tưởng nào, thì hầu như không một sự mạo hiểm nào có thể đem lại cho bạn niềm vui bền vững. Những mạo hiểm đáng chấp nhận là những mạo hiểm có thể giúp bạn tạo lập một cuộc đời tốt nhất cho chính bạn." Và ông kết thúc bằng ghi nhận sâu sắc này: "Đàng sau mọi sự mạo hiểm đều có một cuộc sống đáng mạo hiểm để đổi lấy."

Mọi sự mạo hiểm đều phải có mục đích và có định hướng. Chúng ta không mạo hiểm chỉ vì mạo hiểm. Chúng ta cũng không mạo hiểm chỉ vì 'hứng bất tử'. Chúng ta mạo hiểm bởi vì chúng ta biết rằng sự mạo hiểm này sẽ dẫn chúng ta đến chỗ sống hết mình.

Tôi đã nhiều lần mạo hiểm trong đời tôi. Nhưng tôi ý thức rằng mình còn phải mạo hiểm thêm nhiều nữa, nếu tôi muốn trở thành con người mà Chúa muốn tôi trở thành. Con đường Ngài chỉ cho chúng ta, đó là tiêu diệt hết mọi sự sợ hãi nơi ta, vì kẻ thù số một không cho phép chúng ta mạo hiểm và sống hết mình chính là nỗi sợ. Sự sợ hãi kìm hãm chúng ta, làm ta không thể kinh nghiệm đầy đủ thế nào là sống và yêu thương. Bao lâu chưa giũ bỏ được sự sợ hãi, chúng ta sẽ vẫn còn chôn chân ì một chỗ. Gerald Jampolsky đã viết một quyển sách về sự bình an trong tâm hồn – và thật ý nghĩa khi quyển sách ấy có tựa đề là: "Love is letting go of fear!" (Yêu là xua đi nỗi sợ!)

Chúng ta thử nhìn lại xem ta đã sợ hãi đến mức nào trong cuộc sống mình. Biết bao cơ hội có thể giúp mình lớn lên mà ta đã tự tước mất khỏi mình cũng chỉ vì sợ hãi. Hãy hình dung, đời sống chúng ta rất có thể đã khác biết bao nếu sự sợ hãi đã không đắp mô cản lối ta đi.

Chúng ta phải nhổ rễ sự sợ hãi. Và chúng ta có thể cầm cương được nó nếu như chúng ta có niềm tin vào chính mình, vào người khác, và vào Thiên Chúa. Nếu tất cả chúng ta đều cảm thức sâu xa rằng con người nội tâm của mình cắm rễ trong sự thiện; rằng mọi người mà ta gặp gỡ cũng thế; và rằng chúng ta được thúc đẩy bởi cùng một tinh thần trên cao; thì lúc ấy mọi sự sợ hãi sẽ biến mất.

Nếu tôi quay lại với người bên cạnh mình và nhận thức sâu sắc rằng anh ta cũng lo sợ bị khước từ như tôi vậy; rằng cô ta cần sự nhìn nhận không kém tôi, rằng giữa tôi và anh ta/ cô ta cùng chia sẻ một tinh thần chung, dù chủng tộc hay văn hoá của chúng tôi khác nhau thế nào đi nữa; thì chúng tôi có thể vượt qua sự sợ hãi và bước tới để gặp gỡ nhau.


CÓ NHỮNG CON NGƯỜI

ĐƯỢC BAN TẶNG CHO TA

Nhiều sự mạo hiểm mà tôi đảm nhận trong đời đã trở nên dễ dàng hơn nhờ có những con người nêu gương cho tôi trong niềm tin vào chính mình, vào người khác, và vào Thiên Chúa. Tôi nhớ lại Jun, người bạn thân nhất của tôi hồi ở trung học. Tôi luôn luôn ngưỡng mộ anh vì tính cách thoải mái và tự tin của anh trong giao tiếp với người khác, nhất là với những người có chức trách. Tôi đã trở thành như chiếc bóng của anh suốt thời trung học và sang tận những năm đầu đại học. Anh giúp tôi biết dám liều chui ra khỏi vỏ ốc của mình, biết nhìn thẳng vào mắt người khác, và không mặc cảm chút nào về bản thân mình.

Tôi cũng không thể quên Cha Francis, vị hướng dẫn của tôi hồi ở trung học. Ngài mở ra cho tôi một giấc mơ bằng cách chia sẻ giấc mơ của chính ngài. Nơi ngài tôi tìm thấy được sự can đảm để đi theo một con đường mà tôi vốn không bao giờ nghĩ rằng mình có thể đi. Cho tới lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến ngành hội hoạ, vì cảm thấy rằng đó là khả năng duy nhất cho những con người nhút nhát và hướng nội như tôi. Nhưng Francis đã mở toang cánh cửa. Tôi đã chọn ngành tâm lý, vì muốn theo điều tâm niệm của ngài là trở thành một "nhịp cầu". Thế là tôi đã trở nên hướng ngoại và cởi mở nhiều hơn.

Tôi cũng phải ghi nhớ Belen, người luôn luôn tin vào tôi khi mà tôi hầu như không chút tự tin vào chính mình. Tôi luôn luôn gọi cô là "giám đốc tiếp thị" đầu tiên của mình. Bằng cách thường xuyên đẩy tôi ra trước 'sân khấu', cô bắt tôi phải tin rằng mình có rất nhiều tiềm năng giấu ẩn bên trong. Cô cho phép tôi 'toả sáng' trong khi cô đứng nép lại trong 'hậu trường'. Cô là một khí cụ giúp tôi tìm được sự tự tin để điều khiển những cuộc hội nghị và hội thảo.

Khi chúng ta có những con người như Jun, như Cha Francis, và như Belen, những người thoải mái tín nhiệm và chấp nhận chúng ta, thì sự sợ hãi nơi ta sẽ vơi đi. Chúng ta sẽ tìm thấy sự can đảm cần thiết để dám mạo hiểm và đầu tư chính mình. Những con người ấy quả là những ân huệ đặc biệt. Tôi hy vọng trong cuộc sống chúng ta, chúng ta sẽ tiếp tục gặp được những con người như thế.

Nói tắt, như trong dụ ngôn cây vả cằn cỗi, chúng ta đừng như cây vả ấy, sau ba năm vẫn cứ cỗi cằn – cuối cùng, bị chặt xuống và trốc rễ lên. Hay tệ hơn, chúng ta bị nguyền rủa và chết khô. Trái lại, chúng ta hãy xin Chúa cho ta thêm thời gian, thêm cơ hội, thêm phân bón (là những con người hiện thân của ân huệ) – để có thể bắt đầu và tiếp tục phát triển. Chúng ta hãy dám mạo hiểm hơn, vượt qua nỗi sợ nơi mình, và đầu tư cuộc đời chúng ta vào tình yêu và sự sống. Vì nếu hạt lúa mì không rơi xuống đất và không thối đi, nó sẽ không thể nào sinh bông hạt!



CHƯƠNG III: HÃY MỞ RA


(điều kiện 3: cởi mở) 

"Hãy cởi mở?! Thật vậy sao? Bạn muốn nói rằng tôi phải chia sẻ những điều thầm kín của tôi cho người khác à? Lỡ họ phản bội thì sao?" Người ta rất thường phản ứng như vậy mỗi khi tôi nhấn mạnh rằng cởi mở là một yếu tố cần thiết để lớn lên và thay đổi. Dĩ nhiên, họ đang phản ứng lại ý niệm thông thường về sự cởi mở – hiểu rằng cởi mở là chia sẻ một cách không hạn chế mọi ý nghĩ và tâm trạng của mình cho người khác. Ngoài ý nghĩa trên, còn có hai hình thức khác nữa về sự cởi mở. Dù sao, trong chương này, chúng ta sẽ khám phá cả ba loại. Đó là: cởi mở qua việc chia sẻ chính mình; cởi mở chống lại những miếng da che mắt ngựa; và cởi mở để mở rộng mình ra.


CỞI MỞ BẰNG CÁCH

CHIA SẺ CHÍNH MÌNH

Khi nói "cởi mở", chúng ta ngay lập tức liên tưởng đến việc chia sẻ chính mình cho người khác. Đây là ý nghĩa thông thường của cởi mở. Nói cách khác, ở đây cởi mở được hiểu là "việc tự ý bộc bạch về mình" hay "khả năng chia sẻ một số thông tin riêng tư cách tự nhiên thoải mái, nhất là về chính mình, cho người khác."

Hình thức cởi mở này làm nhiều người trong chúng ta khiếp sợ. Chúng ta thử cởi mở như vậy, nhưng dường như để rồi cuối cùng phải nếm mùi đau khổ. Chúng ta san sẻ con người thầm kín nhất của mình cho người khác chỉ để rồi khám phá ra rằng những gì mình chia sẻ ấy đã được sử dụng để chống lại mình. Bị phản bội và cay đắng, chúng ta thề sẽ không bao giờ lặp lại điều đó nữa. Thay vào đó, chúng ta quyết định thu mình lại trong vỏ ốc của mình cho được an toàn. Sự mạo hiểm bắt ta phải trả giá đắt quá!

Tôi đã gặp rất nhiều người đóng khung nhốt kín chính mình. Khi tôi mời họ thử cởi mở một lần nữa, họ cảm thấy kinh sợ. Những nỗi sợ hãi của họ lại hiện lên, dường như có một chiếc máy báo động 'automatic' bên trong họ bảo họ rằng khả năng bị thương tổn sẽ lại xảy đến y như cũ. Họ quyết cự tuyệt.

Trước tình hình đó, tôi bảo đảm với họ rằng sự cởi mở – như chúng ta định nghĩa – là một cái gì có tính tự nguyện. Không ai bị ép buộc cởi mở. Nhưng vì cởi mở là điều kiện tất yếu cho sự lành mạnh tâm lý và tâm linh của chúng ta, nên tôi đang muốn khích lệ họ mà thôi.

Tất cả chúng ta đều cần được lắng nghe và, nhất là, được hiểu. Bao lâu chúng ta chưa dám liều để chia sẻ bản ngã thâm sâu của mình và được nhìn nhận bởi một ai đó khác, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc củng cố con người nội tâm của mình. Chúng ta sẽ không được tự do để thể hiện tính cách của mình, thể hiện mình là gì và mình không là gì. Chúng ta sẽ không thể là mình trước mặt người khác. Và chúng ta trở nên cô đơn. "Người ta cô đơn bởi vì họ xây những bức tường thay vì những cây cầu!"

Pepe (không phải tên thật của anh ta) tham dự khoá hội thảo 7 ngày của chúng tôi. Tối nào Pepe cũng xin gặp và nói chuyện với tôi một lát. Yêu cầu của anh nghe rất khẩn thiết. Nhưng khi gặp tôi, anh nói huyên thiên những chuyện linh tinh không đâu vào đâu cả. Anh làm tôi có ấn tượng rằng anh không có đủ can đảm để nói với tôi về điều đang gây bận tâm cho anh. Sự việc cứ thế tiếp tục diễn ra trong sáu buổi tối. Mỗi lần tôi muốn đặt thẳng vấn đề với anh, anh luôn luôn lảng tránh.

Vào buổi tối thứ sáu, tôi thở dài và nói: "Này Pepe, mình thật sự trân trọng sự chia sẻ của cậu trong cả tuần qua. Tuy nhiên, mình cảm thấy chắc hẳn còn rất nhiều điều mà cậu chưa đề cập đến. Mình băn khoăn vì ngày mai mình phải đi Manila rồi. Mình không biết có ai ở đây để cậu tiếp tục chia sẻ với hay không?"

Không chút lưỡng lự, Pepe lắc đầu. Tôi tiếp tục thúc giục anh ta thêm nữa. "Hãy nghĩ kỹ đi, Pepe. Chắc chắn phải có ai đó mà cậu có thể tiếp cận và trang trải tâm sự một cách dễ dàng."

Một lần nữa, Pepe lại lắc đầu và thú nhận: "Tôi đã thử, nhưng mọi người chỉ lên lớp cho tôi mà thôi. Họ không thật sự lắng nghe tôi." Rồi, nhìn vào mắt anh ta, tôi nhận thấy một tâm hồn cô đơn khủng khiếp đang bức thiết cần được tiếp xúc và được lắng nghe. Tôi khích lệ anh tiếp tục tìm kiếm một ai đó, đồng thời tôi cũng đề nghị anh tiếp tục liên lạc với tôi bằng thư từ.

Thế là thỉnh thoảng Pepe viết thư cho tôi. Sau một năm, tôi có dịp gặp lại anh. Lần này, anh có đủ can đảm để vén mở mọi sự cho tôi. Tôi chăm chú lắng nghe anh, ý thức rằng mình đang được anh đặc biệt tin tưởng để phơi trần tất cả tâm hồn anh. Trong khi tập trung lắng nghe câu chuyện của Pepe, tôi nhận ra rằng câu chuyện của anh không chỉ là câu chuyện của một mình anh. Đó cũng là câu chuyện của tôi nữa. Nhớ lại, đã bao lần tôi thường nguỵ biện rằng vì cuộc đời của mỗi người mỗi khác, nên mình không thể đồng cảm được với bất cứ ai!

Sau khi Pepe thở dài, nhẹ nhõm vì cuối cùng thì anh đã trút được gánh nặng đè nén bấy lâu nay, tôi khích lệ anh ta: "Pepe, không sao đâu. Cậu không chiến đấu một mình đâu. Cậu không cần phải một mình vác lấy gánh nặng này."

Giống như Pepe, chúng ta sợ không dám mạo hiểm để cởi mở. Chỉ khi cảm thấy tín nhiệm thì việc mạo hiểm cởi mở mới trở nên dễ dàng. Khi một người khác cho chúng ta thấy rằng họ đáng tin cậy – không chỉ bằng lời nói, mà nhất là bằng hành động – chúng ta sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc tự nguyện bộc bạch chính mình. Rất tiếc là sự thất tín – chứ không phải sự tín nhiệm – đang tràn lan trong xã hội chúng ta hôm nay.

Chúng ta nghe nhiều cha mẹ nói rằng họ thích con cái mình cởi mở trong gia đình. Nhưng khi con cái họ chớm có dấu hiệu cố gắng diễn tả những quan điểm nào đó, chúng lập tức bị quở trách và bị 'tắt đài'. "Đừng cãi! Mày biết là mày đang nói chuyện với ai chứ? Mày chỉ là một đứa con nít!", hay "Chúng mày biết không, con nhà gia giáo thì không bao giờ cãi lại bố mẹ (cho dù chúng nó có lý!)"

Chúng ta cũng thấy nhiều thầy cô giáo khích lệ sự cởi mở trong lớp học. Nhưng khi một học sinh công khai phát biểu những cảm nghĩ tiêu cực của mình, học sinh ấy lập tức bị đuổi ra khỏi lớp: "Mời em lên gặp hiệu trưởng!"

Hoặc chúng ta cũng có thể nghe một ông chủ việc kêu gọi rằng các công nhân nên góp ý về tình hình công ty. Nhưng khi một công nhân nào đó – trong tinh thần xây dựng – dám nêu ra một số phê bình tiêu cực, lập tức công nhân ấy sẽ bị hạ tầng công tác vào năm tới.

"Thế thì, tại sao ta phải mạo hiểm khi mà cứ đóng kín mọi sự nơi chính mình thì sẽ an toàn hơn?" – đây là thái độ thường được nhận thấy trong xã hội của chúng ta. Thật vậy, bao lâu chúng ta chưa có đủ những kinh nghiệm tích cực về sự tín nhiệm, thì bấy lâu sự cởi mở vẫn còn là một lý tưởng xa vời.

Tôi buồn cười khi nghe chị kia nói: "Ồ được, tôi sẽ cởi mở với điều kiện anh ta cởi mở với tôi trước." Và anh nọ cũng trả lời tương tự: "Được chứ, tôi sẽ cởi mở nếu cô ấy bắt đầu trước!" Thế là hai người chờ nhau, người này chờ người kia khởi động, không ai dám đi bước tiên phong.

Chúng ta phải bắt đầu, cách này hay cách khác. Hoặc chúng ta giúp cho thêm nhiều người biết cởi mở bằng cách cho thấy rằng chúng ta là người đáng tin cậy, hoặc chúng ta tiên phong đi bước trước trong việc cởi mở chính mình. Sự cởi mở sẽ làm phát sinh sự cởi mở. Chúng ta phải dám làm người tiên phong.

Chính tôi cũng từng nếm cảm kinh nghiệm bị thương tổn do việc cởi mở. Khi một trong những người bạn (mà tôi tín nhiệm nhiều năm) bất ngờ bội phản tôi qua việc sử dụng những chia sẻ của tôi để bôi bác tôi, tôi tự nhủ: "Chừng đó đủ tởn tới già; mình sẽ không bao giờ bộc bạch tâm sự với ai nữa!" Rồi giống như bao người khác, tôi co lại và phòng thủ.

Rất may là những người bạn khác nhận ra thái độ 'xây lô cốt' ấy nơi tôi, và họ cố gắng tiếp cận tôi. Họ nói: "Chỉ một người phản bội cậu, mà sao cậu lại trả đũa tất cả bọn mình?"

Lời chất vấn đó làm tôi tỉnh ngộ. Đúng vậy. Khi bạn bị một người làm tổn thương, bạn dễ có khuynh hướng nghi ngờ hết mọi người khác. Nhưng nếu do bởi chỉ một người mà tôi ngừng tín nhiệm hết mọi người, thì ai thua trong cuộc chơi này đây? Chắc chắn đó không phải là người đã phản bội tôi. Chính tôi mới là người thua lỗ.

Tôi phải tiếp tục tín nhiệm người ta. Một người thất tín với tôi, điều đó dạy tôi phải biết cân nhắc và cẩn thận hơn. Tôi cần phải biết phân định khi nào tôi nên cởi mở và khi nào thì không nên. Nhưng chúng ta không nên tuyệt đối bế quan toả cảng.

Bạn hãy tự hỏi: Trong cuộc sống mình, mình có được ít nhất ba hay bốn người để có thể chia sẻ mọi sự một cách thoải mái không? Mình có thể chia sẻ những nỗi sợ, những thương tổn và những điểm yếu của mình cũng một cách tự nhiên không kém chi khi chia sẻ các niềm vui, những thành tựu với một người khác không? Mình có luôn luôn ở trong tư thế cởi mở và sẵn sàng bộc bạch chính mình cho người khác không?

Nếu câu trả lời của bạn là "Không", thì có lẽ đã đến lúc bạn cần quan tâm nhiều hơn đến hình thức cởi mở này.


NHỮNG MIẾNG DA CHE MẮT NGỰA

Nhìn một con ngựa kéo xe, chúng ta có thể thấy rằng nhãn giới của con ngựa bị giới hạn rất nhiều bởi hai miếng da che mắt nó. Xét một phương diện, miếng da che mắt ấy phục vụ cho mục đích giữ con ngựa khỏi bị quấy rối. Nhưng đồng thời nó cũng tước mất khỏi con ngựa khả năng nhìn thấy các thực tại chung quanh. Tương tự như những miếng da che mắt ngựa, tất cả chúng ta đều có những tâm cảnh về chính mình, về người khác, về thế giới, và về Thiên Chúa. Chúng ta có những tâm cảnh – những cảm nhận, những quan điểm, những thái độ – về hầu như mọi sự. Và cũng giống như những miếng da che mắt ngựa, nếu chúng ta không cẩn thận, tâm cảnh của chúng ta có thể che mắt mình, không cho phép mình nhìn thấy những thực tại mới và tước khỏi mình khả năng học hỏi thêm.

Vì thế, chúng ta cần thực hành một hình thức thứ hai của sự cởi mở. Chúng tôi gọi sự cởi mở này là "khả năng đập vỡ tâm cảnh đang tồn tại của mình và cho phép ta kinh nghiệm mọi điều mới, để đạt được những hiểu biết mới, để học lại những điều vốn đã quên, và để đào thải những nhận hiểu sai lầm."

Có một anh chàng đến tham dự từ đầu đến cuối một khoá hội thảo, nhưng chỉ lắng nghe một cách nửa vời – bởi vì ngay từ đầu anh ta cho rằng đề tài đang được thảo luận không mới mẻ gì đối với anh. Anh giữ thái độ này trong suốt khoá, thậm chí anh còn tỏ ra cho thấy rằng mình rất am hiểu. Cuối cùng, anh ta về nhà, mang theo với mình những gì mình đã biết, chẳng được thêm gì. Cũng chẳng có gì thay đổi.

Đàng khác, có một phụ nữ tham dự cùng khoá hội thảo ấy. Đó là lần thứ hai chị nghe tôi thuyết trình. Vì thế, tôi đến gặp chị và nói nhỏ: "Chị không cần tham dự khoá này nữa. Nói chung, những điều mà chúng ta sẽ thảo luận ở đây cũng giống như những gì chúng ta đã làm hồi năm ngoái."

Nhưng chị trả lời: "Ồ, tôi nghĩ việc mình tham dự lại một lần nữa là điều rất tốt. Tôi sẽ có thể thu nhặt được điều gì đó mới mẻ, hoặc tôi cũng có thể ôn lại những gì mình đã học hỏi được."

Sau một buổi thảo luận, tôi tò mò muốn biết lần này chị nhận định thế nào về bài thuyết trình của tôi. Và chị đã trả lời như sau: "Năm ngoái, khi tôi nghe anh nói, tôi không thể không bật khóc bởi vì anh thường xuyên khơi lại nỗi đau của tôi. Năm nay, tôi nhận ra rằng mình không bị đau như thế nữa. Có lẽ, tôi đã chữa lành nỗi đau của mình rồi, và tôi đã trở thành mạnh mẽ hơn. Và hôm nay, chỉ chừng ấy cũng đã đủ lý do để tôi vui mừng rồi!"

Bạn hãy ghi nhận điều kỳ diệu nơi người phụ nữ này khi chị luôn sẵn sàng tiếp tục lớn lên và học hỏi bằng sự cởi mở của chị. Bởi vì chị cởi mở, mọi kinh nghiệm đều là một cơ hội mới cho chị lớn lên. Đây đúng là thái độ mà chúng ta cần phải có. Nếu ta không cởi mở, tâm cảnh của mình có thể tước mất của mình mọi kinh nghiệm mới và mọi nhận thức mới gắn liền với các kinh nghiệm ấy.

Tôi có một kinh nghiệm thú vị về những miếng da che mắt ngựa. Câu chuyện có liên quan tới một viên giám thị ở trường nơi tôi làm việc. Ở đây chúng ta sẽ gọi anh ta là Bill. Khi lần đầu tiên tôi đảm nhận tư cách một nhà hướng dẫn tư vấn, tôi nghe vô số những lời phàn nàn về anh ta. Bill không được ưa thích lắm đối với các học viên, cũng không chiếm được nhiều cảm tình của các giảng viên và các vị quản lý. Vai trò của anh ta trong tư cách một giám thị càng làm tai tiếng của anh ta thêm tệ hại.

Trong khi tôi ghi nhận những lời phàn nàn về Bill, tôi cố thận trọng để không bị ảnh hưởng bởi thành kiến của mọi người. Vả lại, tôi là một nhà tư vấn và tôi dạy về sự cởi mở – nên tôi quyết định rằng mình phải đích thân gặp anh ta và tự mình tìm hiểu.

Sau một thời gian, tôi có cơ hội làm việc với Bill. Tôi bắt đầu cảm thấy rằng mọi người đã phàn nàn đúng. Tôi cũng không thích anh ta. Anh ta quả là một người mà bạn sẽ khó chịu đựng. Tuy nhiên, tôi cố duy trì một thế đứng chuyên môn trong mối quan hệ với anh.

Có một lần, tôi tình cờ gặp một người quen cũ và té ra là bạn chí cốt của Bill. Họ gọi nhau như thế bởi vì họ đã có một mối gắn bó sâu xa hơn cả quan hệ ruột thịt. Khi người bạn ấy khám phá ra rằng tôi đang làm việc với Bill, anh cười thật tươi và hỏi về Bill.

"Cậu có chắc là chúng ta đang nói về cùng một người không đấy?" Tôi hỏi. Ở trường, không ai mỉm cười khi nhắc đến tên của Bill. Đa số người ta sẽ bĩu môi và lắc đầu.

Sau khi người bạn tôi mô tả Bill một cách chi tiết, tôi hiểu rằng đúng là anh ta đang nói về Bill – chỉ có điều là tâm cảnh của anh ta về Bill khác xa với tâm cảnh của chúng tôi. Rồi, bạn tôi chia sẻ thêm những thông tin đầy bất ngờ về Bill. Lắng nghe anh bạn này nói chuyện, tôi chợt nhận ra mình biết về Bill quá ít, mình đã đánh giá về Bill quá vội vàng. Giống như một con ngựa phải đeo hai miếng da che mắt, tôi đã cho rằng sự hiểu biết ít ỏi của mình về Bill chính là toàn bộ sự thực về anh ta. Và tôi tự cảm thấy xấu hổ.

Tôi càng giật mình hơn nữa khi người bạn ấy nói: "Cậu có biết rằng Bill là một con người rất nghệ sĩ không?" Thú thật, tôi chưa bao giờ biết về khía cạnh ấy nơi Bill. Vai trò của anh ta ở trường có lẽ đã không cho anh ta nhiều cơ hội để bộc lộ tính cách này. Chính tôi cũng là một nghệ sĩ bất đắc chí, vì thế tôi có thể cùng chia sẻ một điểm chung với anh ta trong lãnh vực này.

Khi trở lại trường, tôi nhìn thấy Bill từ đàng xa. Tôi đánh liều tiến đến chỗ anh ta và gợi chuyện về đề tài nghệ thuật. Thật bất ngờ, tôi cảm thấy rất thú vị khi nói chuyện với anh ta về nghệ thuật. Tuy nhiên, tôi phải chấp nhận rằng chúng tôi cũng vẫn không nhất trí nhiều điều khi đề cập đến công việc mà chúng tôi đang đảm nhận. Dù sao, cảm nghĩ của tôi về Bill đã thay đổi – bởi vì tâm cảnh của tôi về anh ta đã thay đổi. Giờ đây, tôi không chỉ nhìn thấy tất cả những điểm tiêu cực nơi Bill, mà tôi đang ngày càng ý thức nhiều hơn về những điểm tích cực của anh ta nữa. Điều này làm cho tôi dễ dàng liên hệ với Bill một cách khách quan hơn.

Tôi rất tiếc vì những người khác không có được cùng cảm nghiệm như tôi về Bill. Khi anh ta nghỉ việc, mọi người thở phào vui mừng. Tôi cũng cảm thấy vui mừng – nhưng với một lý do khác hẳn. Tôi âm thầm mừng cho anh ta. Tôi nghĩ, nếu mọi người đã đóng hộp anh ta vào một thành kiến cứng nhắc thì anh ta không có cơ hội để được nhận biết đúng như sự thật của anh – và như vậy tốt nhất là anh ta nên tìm một chỗ làm khác để có thể làm lại từ đầu. Ít nhất ở chỗ mới, anh ta sẽ có cơ hội tốt hơn để thể hiện lại chính mình và bộc lộ rõ về mình hơn.

Cũng vậy, tôi đã lớn lên với tâm cảnh rằng để trở thành một Kitô hữu tốt, tôi phải luôn luôn cho đi. Tôi thường xuyên được dạy rằng "Cho thì tốt hơn là nhận".

Thế là, tôi đi vào nghề tư vấn, một nghề nghiệp có tính cách cho đi. Tôi nói "vâng" với mọi người, và nếu có lúc nào tôi phải nói "không", thì tôi sẽ cảm thấy áy náy kinh khủng. Tôi dấn mình vào mọi vấn đề của mọi người, một cách tối đa có thể.

Cho tới một lần, tôi cảm thấy mình bị quá tải. Nụ cười của tôi trở thành gượng gạo và tôi mất nhiệt tình. Nhưng tôi cứ tiếp tục cho đi, vì tôi muốn trở thành một Kitô hữu tốt. Nhưng rồi, trong một cuộc tĩnh tâm, tôi bỗng nhận ra rằng không phải hễ mình không cho đi thì đích thị là mình đang ích kỷ hay mình không tốt. Việc đón nhận, nhất là đón nhận để đáp ứng một số nhu cầu cá nhân của mình, cũng là điều rất quan trọng trong sự quân bình tâm lý – và rõ ràng là việc đón nhận như vậy không nhất thiết là một hành động ích kỷ. Trong khi phục vụ, chúng ta cũng cần phải biết nghỉ ngơi – như điều kiện để có thể làm việc với hiệu năng nhiều hơn.

Sự thay đổi ấy trong tâm cảnh của mình đã làm cho tôi thoải mái hơn và thực tiễn hơn. Đôi khi tôi phải học biết nói "Không" và nhìn nhận những giới hạn của mình. Kết quả là, công việc phục vụ của tôi trở thành có ý nghĩa hơn và bớt đi tính gánh nặng của nó.

Việc xoá bỏ một tâm cảnh cố hữu, của bạn hay của một người khác, dĩ nhiên là một việc không dễ dàng chút nào. Tuy vậy, một thái độ sẵn sàng cởi mở sẽ làm cho điều đó trở thành dễ dàng hơn. Vì thế, chúng ta cần xét lại, xem mình đã có được thái độ cởi mở ấy chưa. Chỉ khi ấy chúng ta mới có thể cho phép cuộc sống mình thay đổi và mới có thể cho phép mình lớn lên. Một nữ giảng viên giáo lý lần nọ đã chia sẻ với tôi: "Chồng tôi đã từ chối đi nhà thờ kể từ khi Công Đồng Vatican II qui định linh mục quay mặt về phía cộng đoàn và dâng lễ bằng tiếng bản xứ!" Tôi rất buồn vì chồng chị ấy thiếu khả năng thích nghi với sự thay đổi. Bước vào mỗi ngày mới và đón nhận sự mới mẻ của nó, đó là một quà tặng của cuộc sống. Nếu không cởi mở đón nhận như vậy thì đấy là khước từ chính sự sống.


CỞI MỞ ĐỂ VƯƠN RA

John Powell, trong quyển Vision Therapy của ông, đã giới thiệu cho chúng ta ý niệm vươn ra "stretching". Ơng nói rằng tất cả chúng ta đều hiện có những ý niệm nào đó về chính mình và về những khả năng của mình. Những gì mà chúng ta nghĩ rằng thuộc khả năng của mình sẽ lập nên "vùng dễ chịu" của chúng ta. Vùng dễ chịu này sẽ định giới hạn cho các hành động của chúng ta. Chúng ta ít khi dám liều vựơt qua các vành đai của vùng này. Như vậy, vươn ra có nghĩa là "nới rộng nhận thức của mình về tiềm năng của bản thân mình". Chúng ta càng tự buộc mình làm một cái gì đó – miễn là điều đó đúng hoặc có lý – và dám từ bỏ vùng dễ chịu của mình, thì chúng ta càng khám phá ra các tiềm năng nơi mình.

Đây chính là hình thức thứ ba của  sự cởi mở. Chúng ta phải có cái "khả năng dám mạo hiểm một mức nào đó, nhất là dám liều đi ra khỏi vùng dễ chịu của mình để vươn ra và giải phóng các tiềm năng nơi mình".

Chẳng hạn, tôi có thể nhìn nhận rằng tôi có thể ca hát, nhưng chỉ ca hát trong … phòng tắm thôi! Đó là vùng dễ chịu của tôi. Yêu cầu tôi hát trước công chúng là một điều vượt quá sức tôi và chỉ tổ khiến tôi sượng đỏ mặt. Bạn biết đó, tôi hát có đúng cung nhịp gì đâu! Nhưng như John Powell đề nghị, tôi có thể tự gây áp lực cho mình và khám phá ra rằng mình hát cũng không đến nỗi… Dĩ nhiên tôi không cho rằng mình hát hay như ca sĩ, nhưng dù sao cũng không là quá tệ. Vì thế, khi tôi thực sự vươn ra trong lãnh vực này, dù chỉ là hát một bài ca sinh hoạt đơn giản để 'làm nóng' vào đầu giờ hội thảo, thì tôi cũng nhận thấy rằng mình hát không tệ như mình tưởng. Tôi có thể làm nếu tôi muốn làm. Và với việc thực hành, cái không dễ chịu sẽ biến mất.

Những người thành công trong lãnh vực của họ sẽ nhìn nhận rằng họ đạt được thành công là nhờ ở chỗ họ sẵn sàng vươn ra. Các tiềm năng của họ không tự động phát triển. Chúng phát triển xuyên qua quá trình khó khăn của sự trau giồi và định hình, đành rằng đó cũng là một quá trình đầy căng thẳng và không thiếu những thất bại.

Tính rụt rè nơi tôi rất có thể đã làm chết cứng tiềm năng ăn nói trước công chúng của tôi. Nhưng tôi đã vươn ra bằng cách chấp nhận những lời mời. Đầu tiên, việc vươn ra như vậy đã làm cho tôi phải nhiều đêm mất ngủ và thường xuyên suýt 'đái trong quần'. Đứng trước cử toạ, tôi cảm thấy như bên trong mình có một 'cuộc nội chiến'. Bên ngoài thì tôi làm ra vẻ như bình tĩnh lắm, nhưng bên trong là cả một sự căng thẳng ghê gớm. Nhưng khi tiếp tục thực hành như vậy, tôi có được sự tự tin nhiều hơn. Dần dần, tôi khám phá ra mình ngày càng có khả năng ăn nói hơn.

Nói tóm lại là phải có can đảm để thử. Như thầy giáo dạy toán của tôi ở trường trung học thường nói mỗi khi thầy nhìn thấy cả đám học trò chịu đầu hàng trước một bài toán hình học hay đại số: "Các em phải cố đi cố lại mãi, không phải cho đến khi thành công, nhưng là cho đến chết mới thôi!" Nghĩa là, chúng ta phải có can đảm để mạo hiểm trong suốt cả đời.

Dĩ nhiên sự vươn ra cũng phải ở trong mức độ hợp lý. Một số tiềm năng sẽ đòi ta phải thực hành nhiều hơn những tiềm năng khác. Chẳng hạn, về chuyện ca hát của tôi – tôi sẽ không điên khùng để nghĩ đến việc biểu diễn trong các buổi hoà nhạc. Trong thực tế, tôi chỉ có thể đi xa đến mức ca hát sơ sơ để khởi động đầu giờ sinh hoạt. Tôi chấp nhận rằng mình vẫn còn hát trật nhịp khá thường xuyên. Nhưng tôi không nói rằng mình hoàn toàn bất lực. Tôi biết tôi có thể hát khá tốt nếu tôi có điều kiện luyện giọng.

Có nhiều lãnh vực chúng ta có thể vươn ra. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tính đến quyền lợi và trách nhiệm của mình để biết lựa chọn những lãnh vực phù hợp và thực tiễn. Như một linh mục bạn tôi nói: "Một chiếc xe có thắng thì tốt hơn nhiều so với một chiếc xe không thắng!" Chúng ta cần bảo vệ chính mình ngay cả khi chúng ta vươn ra. Anh bạn ấy muốn nhắc tôi: "Việc hành sử tự do mà không có một sự kìm chế nào sẽ là điều nguy hiểm chết người."

Nhưng sự cẩn trọng không hề ngăn cản chúng ta vươn ra. Chúng ta phải tiếp tục cởi mở để vươn rộng tiềm năng của mình ra. Mức độ phát triển trong các tiềm năng của chúng ta sẽ là máy đo mức độ cởi mở mà ta có được.

Nói tắt, chương này có thể đúc kết nơi hai tiếng "VƯƠN RA"! Vươn ra qua việc cởi mở chính mình với người khác; vươn ra bằng cách mỗi ngày mỗi đẩy lùi "miếng da che mắt ngựa" xa thêm một chút; và vươn ra để giải phóng các tiềm năng của chúng ta.



CHƯƠNG IV: DỐI TRÁ! DỐI TRÁ! AI AI CŨNG DỐI TRÁ!


(điều kiện 4: phải thành thực) 

Hồi năm 1951, bộ phim "Rashomon" của đạo diễn Nhật Akira Kurosawa đã kết cấu một câu chuyện liên quan đến các tình tiết cưỡng hiếp, gây án mạng và lừa dối. Khi bốn nhân vật dính líu đến vụ việc được đưa ra trước toà án để cung khai, mỗi người trong họ đã tường thuật một câu chuyện khác hẳn. Sự thật bị bóp méo đến nỗi một quan sát viên bực mình, hét lên: "Dối trá! Dối trá! Các người dối trá để tự lừa gạt chính mình!"

Điều chúng ta ghi nhận qua bộ phim ấy là sự thể hiện của bản tính con người. Việc chúng ta mang mặt nạ là điều tự nhiên, để đánh lừa không chỉ người khác mà nhất là đánh lừa chính mình. Những mặt nạ chúng ta mang thường không phản ảnh đúng con người thực của chúng ta. Nhưng vì chúng ta sợ sự thực về mình, nên chúng ta dùng các mặt nạ để che chắn. Các mặt nạ bảo vệ chúng ta, đề phòng người khác nhìn thấy những sự thật mà chính chúng ta không thể chấp nhận và không dàn xếp ổn thoả được.


LỚP LỚP CÁC MẶT NẠ

Có nhiều loại mặt nạ. Một số có tính tích cực và dễ chịu. Một số khác thì gây nhiều phiền toái, khó chịu.

Một bà mệnh phụ giàu có nọ đeo chiếc mặt nạ xinh đẹp thuỳ mị. Mái tóc của bà rất kiểu cách; khuôn mặt được trang điểm kỹ lưỡng; y phục rất 'điệu'. Bà cho thấy một vẻ trầm lặng, thanh thoát. Suốt cả ngày không ai có thể phát hiện ra một dấu hiệu bấn loạn nào nơi người phụ nữ này. Khi tất cả chúng tôi thoải mái cười 'ha hả', thì bà chỉ cười "hi hi" khe khẽ. Và khi chúng tôi xuýt xoa vì xúc động mạnh thì bà chỉ hơi nhếch miệng để hưởng ứng. Sở dĩ thế chỉ vì bà không muốn làm hỏng những nét trang điểm công phu trên khuôn mặt mình.

Thế là, bà nhận cái biệt danh "Nụ Cười Đông Lạnh"! Vâng, bà trông có vẻ rất dễ thương. Nhưng bà không thật là bà. Bà thành công trong việc kiểm soát chính mình để luôn toát ra vẻ trầm lặng thanh thoát, nhưng đồng thời bà cũng không sống thực sự. Bà tước mất khỏi chính mình cái khả năng được cười thoải mái và khóc tự nhiên khi xúc động – mà đó là một phần của kinh nghiệm con người.

Bà sợ người khác nhìn thấy đúng sự thật về bà. Bà là một mệnh phụ và, vì thế, không thể tỏ ra hớ hênh trước mặt người ta. Cuối cùng, chỉ đến khi bà cho phép mình được thoải mái, bớt bận tâm đến chuyện người ta có thể nghĩ gì và nói gì, bà mới có thể biết cười và khóc thật sự. Bấy giờ, bà mới sống thực sự.

Cũng may là mặt nạ của bà không gây dị ứng lắm cho người chung quanh. Chúng tôi thậm chí không nhận thấy rằng bà đeo một mặt nạ. Bà dễ dàng gây ấn tượng cho chúng tôi bằng bộ dạng bên ngoài của bà. Tuy nhiên, bây giờ thì chúng tôi đã nhận ra rằng cái mình nhìn thấy không hẳn là cái có thật!

Một loại mặt nạ khác là loại mặt nạ của những "người tử tế". Họ tỏ ra nồng nhiệt và quảng đại mọi nơi mọi lúc. Họ luôn luôn hy sinh và chúng ta thấy mình nhận quá nhiều từ họ. Chỉ đến khi mà họ ngừng lại, mỉm cười, nói "Không", và bắt đầu đòi hỏi thì mới té ra là đàng sau cái mặt nạ của họ, họ cũng tìm kiếm sự quan tâm săn sóc và tranh thủ cảm tình.

Trước đây tôi có một cậu sinh viên được mọi người yêu mến. Cậu xồng xộc đi vào văn phòng hướng dẫn, mỉm cười và ôm hôn mọi người có mặt ở đó. Cậu luôn luôn làm cho mọi người cảm thấy vui vẻ. Nhưng, một hôm, tôi bị một cú sốc khủng khiếp khi nghe thấy rằng cậu ta đã chém đứt cổ tay mình và nốc nguyên một chai winter-green. Thì ra, thật đáng sợ khi đeo một mặt nạ tích cực, bởi vì chúng ta không thấy được rằng người đeo mặt nạ ấy đang bị thương tổn bên trong.

Cũng vậy, có những "anh hề lì lợm". Họ pha trò cho mọi người được vui. Đôi khi họ thậm chí nhận làm cái đích để người ta cười. Nhưng khi họ nghiêm trang thì họ cũng trở thành khó chịu. Điều mà chúng ta có thể không nhận ra, đó là rất có thể họ "đang cười bên ngoài mà đang khóc trong lòng!"

Trên đây chỉ là một số ví dụ về những mặt nạ có tính dễ chịu. Chúng ta sẵn sàng trân trọng những phẩm cách tốt đẹp của họ và nể phục sự tốt lành nơi họ. Chúng ta có thể xem đó như chuyện bình thường. Chúng ta có thể dễ dàng bị các mặt nạ của họ che mắt và không nhận ra bản tính con người nơi họ – họ cũng có những nỗi sợ, họ cũng có nhu cầu cần được yêu thương và được quan tâm săn sóc, họ cũng quay quắt với những nỗi cô đơn…

Mặt khác, có những mặt nạ gây rất nhiều khó chịu. Tôi biết một phụ nữ hầu như lúc nào cũng vồ vập khoe khoang. Chị thuộc loại người "giành giựt sự chú ý" và 'biết hết mọi sự"!

Số là tôi đang triển khai một đề tài với nhóm của chị ta. Tôi hỏi mọi người xem họ nhớ gì về đề tài của buổi hôm trước đó. Mỗi người đứng lên tại chỗ của mình, phát biểu một hay hai câu. Thình lình, chị ta giơ tay lên, nói lớn: "Tôi xin phát biểu!"

Khi tôi ra hiệu cho chị ta nói, chị đứng dậy, bước tới trước lớp và giật lấy micrô từ tay tôi. Rồi chị bắt đầu làm một bài thuyết trình dài đúng nửa tiếng đồng hồ. Chị dõng dạc nói với mọi người trong lớp: "Đây là nội dung CHÚNG TA học hôm qua …" Chị ăn nói với cung cách đầy uy quyền, thỉnh thoảng chen vào những giải thích như: "Tôi nắm rõ điều này vì tôi đã lấy bằng tiến sĩ trong ngành X…" "Tôi biết rõ điều này vì tôi đã từng có một công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài này hồi tôi học cao học ở Y…" "Tôi biết điều này vì tôi là trưởng ban Z…"

Đầu tiên, tôi nhìn chị với sự đồng cảm. Có những người không được người khác chú ý đủ, do đó họ phải cố kiếm tìm – và chị là một trong số những người như vậy. Giống như nhiều người chúng ta, chị đang lôi kéo người ta chú ý đến chị. Vì thế, sau bài nói chuyện của chị, tôi khen ngợi: "Ồ, chị có khả năng tổng hợp rất tốt! (chưa kể cái tài khoe khoang, dĩ nhiên)" Tôi rất thành thực khi nêu nhận xét như vậy. Mắt chị sáng lên ánh sung sướng và mãn nguyện. Có điều, về sau tôi mới thấy rằng lời khen ngợi ấy của mình xem ra có phần tai hại. Nó thúc đẩy chị tiếp tục phát huy thêm cái cốt cách ấy. Cứ hễ có dịp, chị lại giật lấy micrô từ tay tôi và thuyết một bài ra trò. Ngày hôm ấy chị đã làm được ba hay bốn bài như vậy!

Điều làm tôi lo lắng là cả nhóm đang công khai tỏ ra khó chịu đối với chị. Họ dị ứng trước cung cách của chị. Tôi lâm vào thế kẹt, không biết phải làm sao để vừa đáp ứng nhu cầu được khoe khoang của chị vừa đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu của lớp là không cho chị phát biểu. Tôi cố kiểm soát chị một cách sít sao. Đến cuối ngày thì tôi mệt rã rượi. Khi tôi ngồi xuống nghỉ, một bạn đồng sự của chị khều tôi và nói: "Bây giờ thì ông bắt đầu thực sự biết chị ấy rồi đấy. Chị ấy là chủ tịch 'HỘI TỰ TIN' của chúng tôi ở đây."

Tôi hỏi sao gọi là HỘI TỰ TIN. Cô ấy nói vì đó là hội của những người quá tin vào chính mình. Tôi phá lên cười. Rõ ràng là nơi người phụ nữ kia có rất nhiều tính cách hoàn toàn phù hợp với cái danh hiệu ấy. Nhưng tôi vẫn băn khoăn suy nghĩ. Cuối cùng tôi quay lại với người đang nói chuyện với tôi và phản đối: "Này cô, tôi nghĩ là chị ấy không tự tin chút nào cả. Đúng ra, chị ấy nghi ngờ các khả năng của chính chị ấy. Hãy xem chị ấy phải vất vả biết bao để thuyết phục mọi người tin rằng chị ấy giỏi giang. Tôi cho rằng chính trong lòng chị ấy, chị ấy cũng không tin rằng mình giỏi mấy!"

Tôi sực nhớ lại, một nhà trị liệu tâm lý bạn tôi đã từng nói với tôi: "Nếu trong đáy lòng mình, bạn xác tín rằng bạn tốt, thì bạn sẽ chẳng thấy cần phải chứng minh điều đó cho bất cứ ai. Bạn cứ thoải mái là chính bạn!"

Người phụ nữ của câu chuyện trên là một trường hợp bệnh hoạn. Sau nhiều tháng năm, chị đã đi đến kết luận rằng cách duy nhất để chị tin chắc vào các khả năng của mình, đó là kể đi kể lại với người khác về những bằng cấp và những thành đạt của chị – và chị không thể ngờ rằng bằng cách ấy chị chỉ có thể gây ác cảm nơi người ta. Mọi người đều xa tránh chị. Ngay cả khi chị nhận ra được vấn đề, thì chị cũng đã mắc vào một cái bẫy tâm lý. Fitzhugh Dodson, một chuyên gia về tâm lý trẻ em, đã nhận ra điều này và đã gọi đó là "qui luật của những miếng khoai tây chiên ướt sũng". Ướt cũng không sao, miễn có khoai tây chiên là được rồi! Có còn hơn không mà! Ở đây người phụ nữ ấy chỉ cần được thiên hạ chú ý, chị không cần bận tâm về chuyện người ta đang chú ý để yêu hay ghét mình.

Điều mà người phụ nữ nói trên và nhiều người trong chúng ta thiếu, đó là tính thành thực tâm lý (psychological honesty). Chúng ta không có được cái "khả năng đối diện với sự thật về chính mình, cả những sự thật tích cực lẫn tiêu cực, cả những điểm mạnh và điểm yếu." Vì nếu chúng ta có được khả năng ấy, chúng ta sẽ không thấy có lý do gì để mình phải nấp sau một mặt nạ. Chúng ta sẽ thấy việc xây dựng cho mình một hệ thống phòng thủ là vô nghĩa. Mình ra sao, mình cứ thể hiện ra như vậy. Thế thôi!


MỘT CUỘC HOÀ GIẢI BÊN TRONG

Tuy nhiên, tính thành thực tâm lý không thể tồn tại trong một môi trường mà sự dối trá – chứ không phải  sự thật – chiếm nhiều ưu thế hơn. Rất nhiều người trong chúng ta không nhận ra được sự thật về những điều tốt lành nơi mình, vì chúng ta ở trong một xã hội bị què quặt bởi quan niệm lệch lạc rằng hễ ai nhìn nhận các phẩm chất tích cực nơi mình thì rõ ràng đó là kẻ kiêu ngạo. Rốt cục, nỗi sợ phạm tội kiêu ngạo đã ngăn cản không cho chúng ta ý thức các khả năng được ban cho mình. Rồi, sự bất lực không hoà giải được trong chính mình ấy, đến lượt nó, sẽ làm chúng ta khổ sở và không thể phát huy tối đa năng lực của mình.

Tôi đồng ý rằng một số trong chúng ta có thể rơi vào cám dỗ kiêu ngạo khi chúng ta quá loay hoay với những phẩm chất tốt đẹp của mình. Song một số người có thể cảm nghiệm một cách khác hẳn, và chúng ta không được phép phủ nhận kinh nghiệm tâm linh này của họ. Thay vì tự mãn về các khả năng của mình, họ trở nên khiêm tốn. Các khả năng của họ trở thành một dấu chỉ rõ ràng cho họ thấy tình yêu của Thiên Chúa. Họ khám phá rằng họ được ban cho những khả năng mà họ vốn không đáng được. Phủ nhận những khả năng ấy, đấy sẽ chẳng khác nào phủ nhận chính tình yêu của Thiên Chúa. Và việc phủ nhận như vậy sẽ là một hình thức kiêu ngạo còn khủng khiếp hơn.

Cũng vậy, chúng ta không được dạy để chấp nhận những điểm yếu như một phần của thân phận con người chúng ta. Hãy xem sự hoàn hảo được đề cao biết bao, và sự sai sót bị tẩy chay biết bao! Chúng ta có khuynh hướng che giấu không cho người khác thấy các sai lầm và bất toàn của mình; thế nhưng, cách duy nhất để vượt qua chúng là tiên vàn phải nhận biết chúng. Chỉ khi ấy chúng ta mới có được khả năng để điều chỉnh chúng.

Chính Chúa Giêsu đã kiến tạo một bầu khí phù hợp cho sự thành thực tâm lý. Ngài kéo các tội nhân đến với Ngài. Ngài nói: "Ta đến không phải để xét xử nhưng là để cứu các tội nhân." Khi chúng ta phơi trần các tội lỗi của mình trước mặt Ngài và kinh nghiệm được sự đón nhận và tha thứ của Ngài, thì chúng ta sẽ có được sự tự do và sức mạnh lớn lao hơn để vượt qua những yếu hèn và bất toàn nơi mình. Bằng cách này hay cách khác, những điểm tiêu cực của chúng ta sẽ trở thành những cơ hội và những kinh nghiệm ân sủng, từ đó chúng ta có thể trưởng thành hơn lên về tâm lý và tâm linh.

Đối diện với sự thật về chính mình – tức sự thành thực tâm lý – là đảm nhận lấy nhân tính của chúng ta. Bồi dưỡng các khả năng của mình và giải phóng những hèn yếu nơi mình, đó chính là chúng ta đang hiện lộ dần ra với thần tính nơi mình.

Khi chúng ta gặp một người trên đường, chúng ta phải nhận ra nhân tính và thần tính tiềm tàng nơi người ấy. Mọi con người, dưới lớp vỏ của họ, dưới những mặt nạ và những hệ thống tự vệ của họ,  đều có sự thành thực trong các ý hướng. Trong sâu thẳm, họ có một tình yêu căn bản đối với những người khác. Mặc dù trong một số trường hợp, tình yêu này không tự nó bộc lộ ra ngoài cách rõ rệt.

Khi điều hành một cuộc Hội Thảo Phòng Chống HIV dành cho nam giới mại dâm, tất cả chúng tôi bị khó chịu bởi một thành viên xuất hiện như một tay lưu manh. Chỉ tướng mạo anh ta cũng đủ thấy "dữ dằn". Anh ta có tính cách trịch thượng, khoe khoang, kẻ cả. Nhưng khi chúng tôi giới thiệu cho các tham dự viên một bài thực hành vén mở câu chuyện cuộc đời mình, tôi mới nhận ra bên trong anh chàng này là một cậu bé bị bị bỏ rơi và bị thương tổn .

Thì ra, cha anh đã bỏ gia đình lúc anh còn rất nhỏ. Mẹ anh, sau đó, bỏ đi theo một người nước ngoài. Anh và các em mình phải sống với bà ngoại – một tay máu mê cờ bạc. Nghĩa là, mấy đứa nhỏ phải bắt đầu tự lo nuôi thân. Là anh cả, anh phải đùm bọc các em. Anh bắt đầu bán hàng rong ngoài đường phố và dần dần 'dạn dày sương gió'. Trường đời trui anh trở thành một con người cứng rắn.

Nhưng khi chia sẻ câu chuyện của mình, anh đã khóc nức nở như một đứa trẻ. Anh nói trong nước mắt ràn rụa: "Tôi đã săn sóc các em trai, em gái mình từ đó đến nay. Nhưng còn bản thân tôi? Những người đáng ra phải săn sóc chúng tôi đang ở đâu rồi?"

Chúng ta có thể dễ dàng đoán xét anh qua loại công việc anh làm và qua các hành động của anh. Thế nhưng, trong nhận thức về anh như một nhân vị, chúng ta phải thấy rằng thực ra anh là một nạn nhân. Quả chúng tôi đã được một mạc khải lớn khi chứng kiến đứa trẻ dễ xúc động bên trong anh.


LỜI TRỞ THÀNH XÁC THỊT

Một thách đố đặt ra cho chúng ta, đó là chúng ta phải là những "lời trở thành xác thịt". Kiểu nói này mượn ở Thánh Kinh, qui chiếu đến ngôi vị Đức Kitô. Đức Kitô là "Lời Trở Thành Xác Thịt" bởi vì nơi ngôi vị của Ngài, tình yêu của Chúa Cha được tỏ lộ và trở nên cụ thể. Không giống như thứ triết lý nào đó nói: "Tôi yêu nhân loại, chỉ có điều tôi không chịu nổi lũ người xung quanh tôi!", Cha chúng ta không trao cho chúng ta những lời hứa và những thiện chí suông. Ngài đã hoàn thành các lời hứa của Ngài qua việc trao ban cho chúng ta chính Con của Ngài, Đấng làm cho tình yêu của Ngài hiện diện thực sự với chúng ta.

Chúng ta phải theo cách của Ngài. Biết bao lần chúng ta nghe lời phân trần: "Ồ, xin lỗi! Tôi không có ý như vậy. Tôi không hề có ý muốn gây thương tổn cho bạn." Hoặc biết bao lần chúng ta làm thương tổn người khác chỉ bởi vì chúng ta bị thương tổn. Thường có một khoảng cách giữa một bên là hành vi thái độ và bên kia là các ý hướng của chúng ta.

Tôi xin minh hoạ điều này bằng mẩu chuyện sau đây. Một cậu bé, lần nọ, tập trung hết can đảm để hỏi mẹ: "Mẹ ơi, sao mẹ đánh đòn con hoài thế hở mẹ?"

"Con à," người mẹ trả lời, "Mẹ đánh đòn con vì mẹ thương con. Nếu mẹ không quan tâm đến con, thì mẹ chẳng cần mất công sửa trị con."

Nghe vậy, thằng bé nhíu mày. Nó đưa tay gãi gãi đầu và nói: "Mẹ à, vậy thì xin mẹ vui lòng bớt thương con đi một chút … Mẹ thấy đó, tình thương của mẹ làm con đau khủng khiếp!"

Dù các ý hướng của người mẹ tốt đến mấy đi nữa, thì điều mà đứa con của bà cảm thấy vẫn là những ngọn roi quất vào mông đít nó. Thế đó, thường các ý hướng của chúng ta không ăn khớp với cách mà chúng ta hành động.

Câu chuyện cuối cùng của tôi trong chương này là câu chuyện liên quan đến một người đàn ông 63 tuổi mà chúng ta sẽ gọi là Phil. Phil thuộc về tầng lớp những ông chủ lớn, vì thế tôi nghĩ rằng ông ta sẽ rất đứng đắn chỉnh tề. Thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Ơng khạc nhổ bừa bãi bất cứ chỗ nào. Lúc đó chúng tôi đang ở trong một nhà tĩnh tâm xinh đẹp, và ông đã làm mọi người khó chịu bằng cách liên tục nói chuyện ồn ào với người ngồi bên cạnh trong khi diễn giả đang thuyết trình. Ơng không bao giờ lắng nghe, nhưng ông thích xỏ lá bằng cách hỏi diễn giả những câu hỏi vớ vẩn. Gai mắt nhất là ông luôn luôn ve vãn các phụ nữ trong nhóm – "Tôi không thể hiểu tại sao vợ tôi không chịu nổi việc tôi quan hệ lung tung với phụ nữ. Tôi là một người đàn ông kia mà!" (cực kỳ sô vanh đàn ông!) Nói tắt, ông là một con người rất khó ưa.

Thái độ và hành vi của Phil gây phiền toái rất nhiều cho tôi trong tư cách là người điều hành nhóm. Vài lần, tôi thầm nghĩ giá chi ông ta nhận được một cú điện thoại khẩn cấp và cút xéo đi thì hay biết bao! Hoặc giả, tôi cảm thấy muốn túm cổ ông ta và liệng phứt qua cửa sổ cho rảnh nợ! Thật vậy, tôi tự hỏi tại sao ông ta phải mất công ở lại dự khoá hội thảo này khi mà rõ ràng ông chẳng cho thấy một chút quan tâm!

Trong một buổi nói chuyện, tôi thảo luận về đề tài "Cháy máy" (Burn-out). Ơng ta bắt đầu tấn công tôi, tố cáo rằng tôi theo thực dân, rằng "Cháy máy" không phải là một kinh nghiệm của người Philippines, rằng tôi vay mượn ý niệm ấy từ sách vở Mỹ. Tôi kiên nhẫn giải thích rằng đúng là tôi đang thảo luận những ý niệm từ các tài liệu Mỹ, nhưng "Cháy máy" là một kinh nghiệm phổ quát của con người. Theo như định nghĩa, "Cháy máy" là tình trạng "bị rút sạch năng lực do cho đi quá nhiều hay do kỳ vọng quá nhiều vào chính mình." Vì thế, kinh nghiệm này cũng gần gũi với người Philippines không kém chi so với người Mỹ. Nhưng, theo cốt cách cố hữu của ông, ông vẫn khư khư bào chữa cho quan điểm của mình.

Thế là tôi bị trôi vào cuộc tranh luận với ông ta. Không ai trong chúng tôi chịu lắng nghe cả. Ơng ta một mực bướng bỉnh cố chấp. Còn tôi thì quyết tự vệ. Cả nhóm bị đặt trong tình trạng bối rối. Buổi làm việc xem như hỏng hoàn toàn. Cuối cùng, tôi nói: "Nếu ông không đồng ý, thì đó là quyền của ông!" – và cuộc thảo luận tạm dừng.

Tôi vốn có tính nhẫn nại và ôn hoà với người ta. Vì thế tôi rất áy náy, vì trong trường hợp này mình đã thiếu nhẫn nại với Phil. Nghĩ kỹ, tôi nhận thấy rằng mình đã phản ứng lại người đàn ông ấy dựa theo những tâm cảnh tiêu cực trước đó của mình về ông ta. Tôi viết cho ông một thư ngắn, xin lỗi vì cuộc cãi vã đã xảy ra và vì mình đã không lắng nghe ông ta. Nhưng tôi cũng vạch cho ông thấy những cung cách của ông đã đẩy tôi tới chỗ phản ứng như thế.

Sau khi đọc mảnh giấy của tôi, Phil thinh lặng suốt thời gian còn lại của ngày hôm ấy. Sáng hôm sau, chúng tôi lại giáp mặt nhau trong giờ giải lao. Thay vì tránh mặt, Phil đã làm tôi ngạc nhiên qua việc tự nguyện cởi bỏ mặt nạ của ông ra và bộc bạch câu chuyện cuộc đời mình cho tôi nghe. Lắng nghe ông nói, các cảm nghĩ của tôi về ông bắt đầu thay đổi. Tôi không kinh tởm ông nữa, thay vào đó, tôi bắt đầu cảm thấy tội nghiệp cho ông, tôi đồng cảm với ông.

Thì ra, ở tuổi sáu mươi ba của mình, Phil đã xây dựng cho mình một tiêu chuẩn giá trị dựa trên hai điều. Thứ nhất, ông cảm thấy mình có thế giá bởi vì ông có sự nghiệp ổn định và đường đường là một giám đốc. Tuy nhiên, ông sợ rằng trong hai năm nữa, ông sẽ bị yêu cầu nghỉ hưu. Ơng thường tự hỏi liệu mai mốt khi không còn địa vị này nữa thì mình sẽ thế nào. Ơng không thể tưởng tượng được việc ông đánh mất cái mà ông đang bám vào như một "phao an toàn".

Thứ hai, ông luôn luôn tin rằng giá trị của ông trong tư cách là một đàn ông được đo lường bằng con số những người đàn bà mà ông chinh phục được. Vợ ông càng ghen, thì có nghĩa là tính cách đàn ông nơi ông càng được khẳng định – và như vậy cũng có nghĩa rằng ông là một con người có giá trị. Nhưng, càng tiến tới tuổi già, ông càng bị ám ảnh bởi nỗi sợ đánh mất tính đàn ông nơi mình. Và một lần nữa, ông băn khoăn không biết số phận và giá trị của mình sẽ ra sao khi mình không còn nhiều "tính đàn ông" nữa.

Mối đe doạ về việc mất địa vị và mất tính đàn ông là một mối đe doạ rất thực và rất mãnh liệt đối với Phil. Điều này giải thích tại sao nơi ông có những kích động trái khuấy. Hiểu được điều này, tôi chủ động cởi mở và trao đổi quan điểm với ông về tầm quan trọng của việc tìm ra giá trị bên trong con người mình.

Điều thú vị trong câu chuyện này là sau đó Phil đã cố nài chúng tôi tổ chức một khoá hội thảo tương tự cho các nhân viên của ông vào tuần tiếp sau đó. Tôi không thể hiểu được tại sao ông yêu cầu bức thiết như vậy. Tôi tiếp tục tìm hiểu, và ông thú nhận: "Nếu tôi trở về sở của mình, với một tính cách đã thay đổi như bây giờ, các nhân viên của tôi sẽ không tin tôi. Bởi vậy, nếu anh chia sẻ kinh nghiệm này cho tất cả chúng tôi, thì họ sẽ dễ nhận hiểu và sẵn sàng nâng đỡ những thay đổi nơi tôi hơn."

Đành rằng yêu cầu của Phil có dấu vết ích kỷ, nhưng đó cũng là một yêu cầu có cơ sở vững chắc. Đôi khi chúng ta thay đổi nhưng lại bị bối rối về sự thay đổi của mình. Bao lâu những người khác không ủng hộ sự thay đổi nơi chúng ta, thì chúng ta không thể tạo ra được và giữ được sự thay đổi ấy.

Câu chuyện của Phil dạy chúng ta rằng dù bề ngoài của một người nào đó có vẻ tiêu cực đến mấy, nếu người ấy được trao cho cơ hội, chúng ta sẽ thấy hiện lộ tính cách tốt lành nơi người ấy. Tất cả những gì người ấy cần là sự can đảm để cởi bỏ các mặt nạ và hệ thống tự vệ của mình, để bộc lộ chính con người thực của mình ra.

Chương này muốn nhấn mạnh rằng chúng ta phải đứng về phía sự thật để chống lại những sự dối trá, ta phải có sự thành thực tâm lý để chống lại những mặt nạ và những hệ thống tự vệ. Đó là những bước quyết định để lớn lên. Ở đây chúng ta được dạy đừng sợ đảm nhận lấy tính người của mình, vì chính tính người sẽ lát đường cho chúng ta tiến lên và hiện lộ trong thần tính. Chúng ta được bảo đảm rằng trong sâu thẳm mỗi con người đều có tồn tại tính bản thiện – hiểu là ai cũng có những ý hướng thành thực. Tất cả những câu chuyện minh hoạ trên đây của chúng ta đều nêu bật điều đó.

Bạn hãy nhìn lại cuộc sống của bạn và kiểm tra các mặt nạ và các hệ thống tự vệ. Bạn đã bám chặt vào chúng đến mức nào? Bạn đã sử dụng loại mặt nạ nào? Một con người tử tế ? Một anh hề? Một 'ông biết hết'? Và đâu là những sự thực về chính bạn, cả tích cực lẫn tiêu cực? Bạn có gặp khó khăn trong việc hoà giải với những sự thật nơi mình không – đến nỗi bạn phải tránh né dưới một mặt nạ? Bạn có thể làm những gì để hoà giải với những sự thật này?

Chúng ta thường nghe câu châm ngôn: Thành thực là thượng sách! Trong tiến trình trưởng thành, chúng ta cũng sẽ áp dụng câu châm ngôn tương tự: Thành thực (tâm lý) là thượng sách!



CHƯƠNG V: MỘT GIẤC MƠ CHO CUỘC ĐỜI


(điều kiện 5: lột bỏ nhãn hiệu) 

Tôi có một giấc mơ. Tôi mơ đến một thời mà trong thế giới này người ta sẽ liên hệ với nhau như những con người, không phải như những nhãn hiệu. Tôi ước mơ cuối cùng chúng ta sẽ thanh toán được nơi mình những ấn tượng, những đánh giá, những thành kiến gắn liền với các nhãn hiệu mà chúng ta dán cho người ta. Tôi ước mơ chúng ta biết khôn ngoan hơn để khi nhìn một con người, chúng ta có thể nhìn quá những nhãn hiệu như đàn ông hay đàn bà, kết hôn hay độc thân, đồng tính ái hay 'dị tính ái', giàu hay nghèo, tu sĩ hay giáo dân, người kinh hay người thượng, người bản xứ hay người nước ngoài, Công giáo hay Phật giáo … Thay vào đó, chúng ta sẽ gặp gỡ mỗi người trong chính tính độc đáo của con người ấy.


BỊ LUNG LẠC BỞI NHỮNG NHÃN HIỆU

Thực tế là chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những nhãn hiệu. Hãy cho phép tôi minh hoạ điều này bằng một kinh nghiệm mà tôi mới gặp cách đây khoảng hai năm. Tôi và ba người phụ nữ bạn tôi lần ấy mới từ xa về, vừa đặt chân đến Manila. Vì lúc đó khó tìm thấy taxi, chúng tôi quyết định chỉ gọi một chiếc và cùng đi chung. Tôi đưa ba người bạn ấy lần lượt về đến nhà của họ. Cuối cùng, trên đường về nhà tôi, người tài xế taxi chợt lên tiếng mở chuyện bằng một câu nhận định: "Ba người bạn ấy của anh, chắc hẳn họ là những cô giáo, phải không?"

Tôi ngạc nhiên không biết tại sao anh ta đoán được như thế. Vì vậy tôi hỏi: "Làm sao anh biết?"

Anh ta đáp gọn lỏn: "Vì họ nói chuyện bằng tiếng Anh!"

Ồ! Một suy luận rất thú vị. Tôi thầm nghĩ. Nhưng ngay lập tức anh ta nói thêm: "Chắc hẳn họ chưa có chồng, phải không?"

Lần này, anh ta đã suy luận rằng vì các bạn tôi là những cô giáo, nên chắc hẳn họ đang còn độc thân. Thật tình cờ, quả là cả ba người bạn ấy của tôi đều độc thân. Vì thế, tôi chỉ đơn giản nói "Vâng, đúng thế". Rồi, anh ta tiếp tục: "Chắc họ hay cáu kỉnh lắm phải không?"

Tới đây thì tôi phản ứng. Và điều tôi muốn rút ra cũng nằm ở đây. Người tài xế, dù chỉ biết các bạn tôi qua vài nhãn hiệu – cô giáo, độc thân – song anh ta đã có những qui gán về họ. Tôi đã phải giải thích: "Này anh bạn, cáu kỉnh không phải là đặc tính chỉ dành riêng cho những người phụ nữ độc thân. Xem ra một trong ba người bạn ấy của tôi thường tỏ ra cáu kỉnh hơn hai người kia. Nhưng tôi biết có nhiều cô giáo khác tuy có gia đình nhưng thậm chí còn cáu kỉnh hơn nhiều (nhất là khi họ không thích chồng họ!) Ngoài ra, không phải mọi cô giáo đều nói tiếng Anh và đều độc thân cả đâu."

Té ra, anh tài xế đã có những suy đoán như vậy bởi vì dựa trên một kinh nghiệm của bản thân anh. Anh có một bà cô là cô giáo, độc thân, và rất cáu kỉnh. Đồng thời, chúng tôi bị chìm ngập trong một xã hội có não trạng xem các phụ nữ không chồng như đối tượng của những lời nói vào nói ra. Tôi không thể không thương hại cho những phụ nữ phải chịu đựng điều đó. Cũng như anh tài xế taxi này, người ta chụp mũ các phụ nữ ấy ngay cả trước khi người ta biết (và hiểu) họ.

Tôi đang nhắc bạn về mối nguy của việc dán nhãn hiệu cho người ta qua câu chuyện về anh tài xế taxi nói trên. Nhưng tôi sực nhớ cũng có lần chính tôi đã mắc cái tội dán nhãn hiệu như vậy. Lần đó, cũng trên một chuyến taxi, tôi nhận thấy anh tài xế là một con người có tính cách rất vui tươi cởi mở. Thật tuyệt vời khi đi xe của anh ta, nhất là đi vào giờ kẹt xe buổi sáng sớm như hôm ấy. Tôi ít khi gặp được một tài xế dễ thương như vậy. Vì thế tôi muốn chia sẻ ý nghĩ ấy với anh.

Khi chúng tôi gần đến nơi, anh ta tự giới thiệu anh ta là người gốc ở tỉnh Iloilo. Tôi vốn có nhiều ấn tượng tốt đẹp về những người đến từ Iloilo, nên ngay lập tức tôi nói với anh: "Anh là người ở Iloilo. Thảo nào anh thật dễ mến!"

Câu trả lời của anh tài xế đã làm tôi mắc cỡ vô cùng. Anh chỉ đáp rất rõ ràng và đơn giản: "Không, thưa ông. Chuyện đó còn tuỳ ở mỗi người."

Ở đây tôi đang dạy về việc giải trừ các nhãn hiệu và câu chuyện trên cho thấy tôi đã vướng vào cái sai lầm của việc khái quát hóa một nhãn hiệu. Người tài xế này đã đúng. Không phải mọi người dân Iloilo đều dễ mến. Điều đó còn tuỳ ở mỗi người. Có lẽ sẽ thích đáng hơn nếu tôi nói: "Các kinh nghiệm của tôi về người địa phương Iloilo rất là tích cực. Bây giờ, với anh, kinh nghiệm ấy của tôi lại được xác nhận một lần nữa – vì anh là một người rất dễ mến." Thay vì khái quát hóa, đáng ra tôi nên tuyên bố một sự kiện (rằng tôi có những kinh nghiệm rất tốt về người địa phương Iloilo) và diễn tả một cảm nghĩ của mình (rằng tôi thích anh ta vì anh ta rất dễ mến). Nếu vậy thì rất có thể tôi đã vừa phục vụ được cho mục đích ban đầu của mình là bày tỏ các cảm nghĩ tích cực của mình về anh, vừa không sa vào cái tội khái quát hoá một nhãn hiệu.


ĐỪNG KHÁI QUÁT HOÁ

Bởi vì các nhãn hiệu là thông tin trực tiếp nhất mà chúng ta có được về một người, nên chúng ta thật dễ sa vào cái bẫy khái quát hoá nhãn hiệu và qui chụp này nọ cho người ấy. Đó là lý do tại sao chúng ta cần trau giồi một khả năng nhạy bén để phân biệt giữa nhãn hiệu và con người. Đành rằng các nhãn hiệu là cái rất cần thiết, vì chúng phục vụ cho mục đích làm sáng tỏ các chức năng và các mối quan hệ, nhưng không được đánh đồng chúng với con người.

Vì thế, việc giải trừ nhãn hiệu được định nghĩa là "khả năng chúng ta không cho phép các nhãn hiệu hạn định kinh nghiệm của chúng ta về nhân vị tính của mình và của người khác." Tôi có thể là một giáo viên, nhưng nhân vị tính của tôi không bị hạn định ở đó. Tôi KHƠNG CHỈ LÀ một giáo viên. Đó là lý do tôi cảm thấy ngán ngẩm khi nghe câu chuyện rằng các giáo viên của trường nọ, khi xem các pha bóng hấp dẫn trong giải bóng đá nhà trường, đã rất muốn nhảy chồm lên và la hét thoả thích. Nhưng các vị lãnh đạo nghiêm khắc nhắc nhở: "Đừng quên rằng các anh là giáo viên. Các anh phải có tư cách mô phạm của một giáo viên chứ!" Thế đấy, cái nhãn "giáo viên" nơi họ đã tước mất của họ cái quyền được vui tươi thoải mái.

Cũng vậy, một linh mục Ấn Độ lần nọ đến gặp tôi, chia sẻ: "Ở giáo xứ của tôi bên Ấn Độ, các giáo dân kỳ vọng tôi giải quyết tất cả các vấn đề của họ vì tôi là linh mục. Nhưng khi chính tôi có những vấn đề và tôi cần có ai đó lắng nghe mình, thì chẳng tìm ra ai cả! Họ không thể chấp nhận ý tưởng rằng linh mục cũng có những vấn đề khó khăn, họ không thể hình dung linh mục mà lại cần giáo dân giúp đỡ. Vì thế, làm linh mục ở đó là đảm nhận một vai trò rất cô đơn. Người ta đặt tôi lên một cái bệ và bỏ mặc tôi một mình ở đó!"

Chúng ta nghe vô số câu chuyện trong đó người ta khái quát hoá các nhãn hiệu. Một số trường hợp, sự khái quát hoá ấy có tính bất công và kỳ thị. Juan là một người đàn ông nghèo sống ở khu ổ chuột. Thế là khối người sẽ kết luận rằng đấy bởi vì anh ta lười biếng và thiếu trách nhiệm, và rằng chẳng bao lâu nữa anh ta sẽ trở thành một tay ma cô hay đạo chích. 

Celia làm việc trong bộ máy chính phủ. Thế là chúng ta dễ lập tức dán cho cô ta nhãn hiệu bất tài và ăn hối lộ.

Soeur Marie Kim là một nữ tu. Chúng ta lập tức dành cho Soeur sự đối xử đặc biệt ân cần. Ở đây tôi không có ý nói rằng ta không nên đặc biệt ân cần với các nữ tu. Tôi chỉ muốn nhắc rằng chúng ta nên dành cho cả những người không phải là nữ tu sự cư xử bình đẳng như vậy.

Mike là một người Hồi giáo. Chúng ta có khuynh hướng tẩy chay anh ta như một kẻ nguy hiểm và chúng ta thấy không có một khả năng nào để có thể làm bạn với anh ta.

Juan, Celia, Soeur Marie Kim, và Mike là những con người. Tất cả họ phải được cư xử như những con người. Chỉ khi chúng ta gặp gỡ họ như những con người thì chúng ta mới có thể khẳng định hay phủ định những điều chi đó về họ.


BA CÂU CHUYỆN

Ba trường hợp buồn cười sau đây đã xảy ra với tôi và liên quan tới việc dán nhãn hiệu. Câu chuyện đầu tiên là khi tôi làm một chuyến đi lên phía bắc để có một bài thuyết trình tại một hội nghị của miền đó. Tôi được hướng dẫn đón chuyến xe buýt công cộng sẽ dừng ngay trước khu vực tổ chức hội nghị. Vì đây là lần đầu tiên đặt chân tới đó nên tôi rất bồn chồn. Tới nơi, tôi nghe nhẹ nhõm khi trông thấy một nhóm các chị đang nâng một vòng hoa và một ruy-băng. Tôi nghĩ rằng vòng hoa và ruy-băng ấy là dành để đón chào mình. Vì thế tôi bắt đầu tiến về phía họ. Trông thấy tôi, họ cũng tiến về phía tôi. Tới khi tôi mở miệng sắp bật ra lời chào thì họ đi qua khỏi tôi và gắn dải ruy-băng đồng thời trao hoa cho một người đàn ông cao niên đằng sau lưng tôi. Và các chị đồng thanh hô to: "Welcome, Mr. Tan!" (Chào mừng Ơng Tan).

Tôi phải cố nín cười. Họ tưởng lầm người đàn ông ấy là tôi bởi vì ông ta đang diện một kiểu tóc rất bóng láng và vận y phục rất lịch lãm. Nói tắt, ông ta trông có nét của một diễn giả hơn tôi nhiều. Còn tôi chỉ đang mặc quần tây với sơ mi dài tay và trông quá trẻ so với ông ấy. Dĩ nhiên là các chị vô cùng bối rối khi nhận ra rằng người đàn ông lịch lãm ấy là một tham dự viên của hội nghị. Họ lập tức xin lỗi tôi. Tôi chỉ cười và ghi nhận câu chuyện ấy như một bài học thú vị về việc giải trừ nhãn hiệu.

Câu chuyện thứ hai là khi tôi đang đợi một chuyến xe buýt để đi Cotabato City vào sáng sớm. Tôi đang ngồi trên ghế băng bên cạnh ba người – hai phụ nữ và một đàn ông – tại một trạm xe buýt ở Davao City. Lúc đó tôi cảm thấy buồn ngủ, vì thế, để xua đuổi cơn buồn ngủ của mình, tôi nhìn quanh và tập trung chú ý hành vi thái độ của người ta.

Nhìn xuôi theo con đường, tôi chú ý đến một cậu bé bán báo. Khi cậu bé phát hiện ra bốn người chúng tôi đang ngồi chờ xe buýt, cậu lập tức tiến về phía chúng tôi. Đầu tiên cậu nhìn người phụ nữ ở phía cuối ghế. Tôi chú ý thấy cậu không đưa ngay tờ tạp chí nào ra để mời cả. Cậu nhìn người phụ nữ từ đầu đến chân và có vẻ nghiên cứu chị ta. Rồi, cậu lựa một tờ, rút ra, trao cho chị để mời chào. Không may, tờ tạp chí mà cậu rút ra là một tờ 'lá cải'. Người phụ nữ lắc đầu ra dấu không thích.

Cậu bé thử thời vận với người phụ nữ thứ hai. Cậu không mời chào tờ lá cải ấy nữa. Cậu cất tờ báo vào trong xấp, rồi nghiên cứu người phụ nữ này từ đầu tới chân. Lần này, cậu rút ra một tờ tạp chí phụ nữ. Nhưng, một lần nữa, cậu bị từ chối.

Tới đây, tôi đã theo dõi được sách lược của cậu bé bán báo này. Cậu bé đang cố ráp loại tạp chí cho hợp với ấn tượng mà cậu có về con người. Nói tắt, cậu đang dán nhãn hiệu cho người ta. Tôi bắt đầu toát mồ hôi vì hồi hộp không biết đến phiên mình thì cậu bé này sẽ rút ra tờ tạp chí nào.

Cậu bé tiếp tục lấy một tờ, lần này là một tờ thể thao để mời người đàn ông ngồi kế bên tôi. Lại một lần nữa, cậu bị từ chối. Cuối cùng, đến phiên tôi! Tôi nhìn lảng đi chỗ khác, giả bộ không chú ý đến cậu bé. Kỳ thực, tôi rất căng thẳng. Cậu bé nhìn tôi, thăm dò một hồi, rồi lục lạo trong xấp báo, rút ra một tờ. Kìa! Cậu bé rút ra tờ Free Press. Tôi bất giác thở phào nhẹ nhõm. Free Press! Một tờ báo có tính chính luận, trí thức! Tôi cảm thấy biết ơn cậu bé.

Nhưng khi ngẫm lại, tôi nhận ra rằng vì mình đã quá quan tâm đến loại nhãn hiệu mà cậu bé có thể gán cho mình đến nỗi tôi thậm chí đã không xét xem mình thực sự đang muốn xem loại tạp chí nào. Xem chừng lúc ấy tôi lại thích xem một tờ lá cải hơn. Nói cho cùng, ai lại thích đọc các bài chính luận vào buổi sáng sớm! Đọc những chuyện tào lao vớ vẩn nghe đỡ mệt óc hơn chứ!

Qua đó tôi cảm nghiệm rằng thiên hạ dán nhãn hiệu cho chúng ta dựa theo cách mà chúng ta gặp họ. Vì thế, chúng ta có bổn phận phải bộc lộ về mình, cho biết mình muốn được hiểu và được đối xử như thế nào.

Câu chuyện thứ ba xảy ra khi tôi ghé thăm một người bạn tại văn phòng cô ta ở Makati. Bầu khí ở đó thật trịnh trọng. Tôi thấy người ta dường như rất chú ý đến địa vị và cấp bậc. Vì thế, chiếc quần jeans và áo T-shirt của tôi xem ra không phù hợp với chỗ này.

Dù sao, cô bạn của tôi quá bận rộn, không thể tiếp tôi một cách thoải mái được. Thay vào đó, tôi tình nguyện giúp cô ta một tay. Tôi bắt đầu ngồi vào phụ giúp cô ta vài công việc đánh máy. Sau một chốc, vị phó chủ tịch bước tới và nhìn tôi với ánh mắt trừng trừng dò xét. Tôi ngước lên, tự giới thiệu bằng cách nói vui vui: "Chào ngài! Tôi là Earnest. Tôi là thư ký của Mel."

Nghe thế, ông ta hứ một tiếng rồi bước đi, tiếp tục công việc thường lệ của ông. Khi Mel, bạn tôi, trở lại và nhìn thấy vị phó chủ tịch, cô lật đật đưa ông ta lại chỗ tôi. Lần này, cô giới thiệu tôi như sau: "Thưa ngài phó chủ tịch, không biết ngài đã gặp Earnest chưa nhỉ? Anh ấy là người mà tôi đã nói tới khi bàn về việc tổ chức các khoá hội thảo. Chắc ngài nhớ tôi đã nói gì với ngài. Anh ấy rất tốt và chúng ta đang cố gắng mời anh ấy cho một số dự án của chúng ta."

Với thông tin mới này, thái độ của ông phó chủ tịch đối với tôi hoàn toàn thay đổi. Ơng ta bắt đầu kéo ghế ngồi và nói chuyện với tôi. Điều thú vị là khi cô bạn tôi mang tới một khay kem (ngày hôm trước là sinh nhật của cô!), vị phó chủ tịch đã giật lấy chiếc khay từ tay Mel và tuyên bố: "Bây giờ, tới phiên tôi là tiếp viên của Mel."

Câu chuyện này có điểm độc đáo  ở chỗ nó cho biết rằng chúng ta luôn luôn có thể cố gắng đền bù sai sót của mình. Không bao giờ quá muộn. Trong trường hợp của ngài phó chủ tịch ở đây, ông mắc cái lỗi dán nhãn hiệu. Nhưng ông đã cứu vãn bằng cách giành lấy chiếc khay và phục vụ chúng tôi. Đó là cách gián tiếp để ông nhận lỗi và làm một điều chi đó để bù đắp.

Từ tất cả những minh hoạ đó, tôi hy vọng rằng điểm nhấn mạnh ở đây đã hiện lộ rõ ràng. Chúng ta phải ngừng lẫn lộn nhãn hiệu với con người. Chúng ta không chỉ là các nhãn hiệu của chúng ta. Chúng ta cần phải được nhận biết sâu xa hơn thế. Và chúng ta thiếu nợ điều này với nhau.

Tôi hy vọng bạn cùng hưởng ứng giấc mơ nhỏ bé của tôi về cuộc sống. Chúng ta sẽ học những nghệ thuật và kỹ năng giải trừ nhãn hiệu. Chúng ta phải cảnh giác mình hằng ngày cho khỏi bị làm mù quáng bởi các nhãn hiệu. Chúng ta phải trao cho nhau lòng kính trọng mà tất cả chúng ta đều đáng nhận được.

Khi người ta hỏi tôi muốn được giới thiệu như thế nào với các cử toạ của mình, tôi luôn luôn trả lời đơn giản: "Hãy giới thiệu: Đây là Earnest!" Không cần kèm theo một chức danh nào, một học vị nào. Không cần những từ hoa mỹ. Tôi muốn người ta biết tôi như sự thật của tôi. Và tôi ước mơ rằng mọi người chúng ta sẽ gặp nhau như sự thật của nhau, không cần nấp dưới những nhãn hiệu này nọ nữa.



CHƯƠNG VI: KHẢO SÁT LÒNG MÌNH


(điều kiện 6: một thái độ biện phân) 

Tôi có một ghi nhận chung chung mỗi khi các sinh viên được đề nghị làm một bản lược sử cá nhân cho mình. Đó là rất nhiều người có khả năng viết – thậm chí viết rất hay – về các biến cố đã xảy ra trong cuộc sống của họ. Họ có thể tường thuật mạch lạc các chi tiết. Nhưng, rất tiếc là họ dừng lại ở đó. Chỉ một ít người đi sâu hơn và bắt đầu suy tư về ảnh hưởng của mỗi biến cố ấy trên đời sống của mình – những ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực. Chỉ một số ít người dám đào sâu công việc phân tích bản thân. Điều này dẫn tôi tới kết luận rằng chúng ta thiếu sự thực hành biện phân biết bao.

Người ta thường bào chữa – chẳng hạn, "nhưng tôi không có giờ để suy tư, tôi ít khi có thời giờ cho chuyện riêng của mình!" Đời sống của họ bị chen kín bởi những hoạt động khiến họ không còn phút nào để thở. Rồi, khi có dịp nào đó để dừng lại và suy nghĩ, họ thường nhận ra rằng có nhiều thứ mình đã không đánh giá đúng tầm mức. Trong một số trường hợp, họ phải mất hàng chục năm để khám phá ra quá trễ rằng lẽ ra mình đã có thể làm những điều gì đó để tháo gỡ những gánh khốn khổ không cần thiết do chính mình tạo ra. Những khốn khổ này xuất phát từ một biến cố nào đó, nếu được đương đầu và giải quyết cách thích đáng, thì đã không đẻ ra biết bao hệ luỵ lôi thôi. Thế là, họ thấm thía một nỗi ân hận: "Giá chi mình đã nhận ra điều này sớm hơn!"


NHỮNG NĂM ĐAU KHỔ KHÔNG CẦN THIẾT

Đây là kinh nghiệm của Elsa. Chị lo lắng bởi tâm trạng ngày càng lạnh nhạt đối với các con cái mình. Điều này làm cho chị tính đến chuyện xin một công việc làm ở nước ngoài. Đầu tiên, quyết định này có vẻ là vì các con chị. Đối với chị, đó là một cách để tránh xa khỏi con cái. Dĩ nhiên, mặc cảm tội lỗi cứ day dứt ám ảnh chị. Chị biết rằng nếu mình là một người mẹ tốt thì mình không nên toan tính như vậy. Vả lại chị là một phụ nữ goá chồng và các con đang trông cậy vào chị.

Những giằng co ấy đã dẫn Elsa đến với tôi. Cùng nhau, chúng tôi cố gắng dò tìm những biến cố đã đưa đẩy chị đến tình huống hiện tại. Chúng tôi khám phá thấy nỗi đau của chị đã bắt đầu trước đó mười năm, khi chồng chị mới qua đời. Trong khi thi hài người chồng mình vẫn còn nằm đó, bố chồng chị – người mà từ đó đến nay chị không bao giờ chịu đựng được – đã tố cáo chị. Ơng nói: "Bây giờ, con trai tôi đã chết, chắc rằng cô sẽ tìm một người đàn ông khác và bỏ đám cháu nội của tôi."

Những lời ấy của bố chồng đã xúc phạm và gây thương tổn cho chị. Kể từ đó, chị thề sẽ chứng tỏ cho ông bố chồng thấy rằng chị sẽ là người mẹ hết sức đảm đang của các con mình. Dù chị làm việc nhà nước và chỉ nhận được một món lương còm, chị vẫn đảm nhận vai trò một trụ cột duy nhất nuôi sống gia đình. Chị không bao giờ xin sự giúp đỡ từ phía gia đình bên chồng. Chị gắng làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm tiền. Chị bảo đảm mọi nhu cầu của các con đều được đáp ứng. Có điều, trong khi đó các nhu cầu của chính chị thì phải hy sinh.

Sau vài năm, giờ đây chị cảm thấy mệt mỏi và kiệt lực. Tôi chỉ ra rằng từ ngữ đúng nhất để mô tả tình trạng của chị hiện nay là "cháy máy" (burn-out). Vì chị đã không quân bình giữa việc cho đi và việc đáp ứng các nhu cầu của riêng mình, nên chị đã vắt kiệt năng lực nơi chị. Đó là lý do tại sao chị càng ngày càng cảm thấy dửng dưng đối với con cái. Trong những trường hợp như vậy, triệu chứng này rất thường xảy ra.

Chỉ lúc ấy chị mới nhận ra rằng chị đã đóng quá mức vai trò của người mẹ đối với các con mình, như một cách gián tiếp để trả đũa ông bố chồng. Tuy nhiên, chị đã làm thế đến mức tác hại đến các con chị. Chị đã cung ứng cho chúng những thứ vượt ngoài khả năng thu nhập của chị. Chị một mình làm hết mọi công việc trong nhà, đặt các con vào thế phụ thuộc vào chị – và chị tự tứơc mất khỏi bản thân mình những nhu cầu căn bản như đi lại gặp gỡ bạn bè. Chị đã tự đẩy mình vào tình trạng khốn khổ không đáng có.

Khi Elsa nhận ra rằng chị đang phản ứng lại ông bố chồng, chị bắt đầu suy xét rằng sẽ hay hơn biết bao nếu chị quyết định đáp ứng (respond) hơn là phản ứng (react). Thay vì chứng tỏ chính mình, lẽ ra chị chỉ cần diễn tả nỗi đau của bản thân và tìm sự nương tựa nơi bố chồng.

Giống như Elsa, chúng ta thường dễ phản ứng hơn là đáp ứng các tình huống trong cuộc sống. Để có thể đáp ứng, chúng ta cần phải dừng lại và khảo sát lòng mình trước khi chúng ta tra tay vào bất cứ hành động nào xa hơn. Đây cũng là một thái độ biện phân. Thái độ này "dạy chúng ta đối diện, đương đầu và làm chủ tất cả các kinh nghiệm trong cuộc đời mình và suy ngẫm về ý nghĩa của chúng đối với cuộc đời chúng ta."

Mọi kinh nghiệm đều có một ý nghĩa riêng tư cho ta. Trong trường hợp của Elsa, những lời nói của ông bố chồng mang ý nghĩa của một cái gì gây xúc phạm và thương tổn. Và chị đã trả đũa bằng cách tự chứng tỏ mình. Rồi té ra là cung cách ấy của chị vừa không lành mạnh vừa không cần thiết. Chị bắt đầu biết biện phân khi chị kinh nghiệm các hậu quả của tình trạng "cháy máy" nơi mình.


SAO ĐÀNH NHẮM MẮT ĐƯA CHÂN?

Không biết biện phân, chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của các hoàn cảnh. Chúng ta để cho các biến cố thao túng chúng ta. Trái lại, với sự biện phân, chúng ta sẽ tìm lại được năng lực để lãnh trách nhiệm và để hành động trong cuộc sống mình.

Xin minh hoạ ở đây bằng câu chuyện của Manny. Manny kể lể rằng anh bất lực không thể kiểm soát các cảm nghĩ tiêu cực của mình đối với vợ và các con mình. Anh nhìn nhận rằng anh dễ quạu quọ và nóng nảy, vì thế lúc nào anh cũng cằn nhằn chì chiết. Bao lần hối hận, rồi anh vẫn cứ lặp lại hoài kiểu cư xử tệ hại ấy. Và điều này làm anh chán chường.

Nhìn lại cuộc đời mình, Manny khám phá rằng thái độ ấy của anh bắt đầu bộc phát sau khi anh bị mất công việc làm trước đó vài năm. Đó là một kinh nghiệm kinh hoàng đối với anh. Anh bị xô vào trong những toan tính ngầm của công ty và bị biến thành con dê tế thần. Tên tuổi của anh bị bôi bẩn và mọi nỗ lực minh oan đều thất bại. Anh không dám gặp người ta, và vì thế đành bỏ việc. Vợ anh, vì thế, phải gánh trên vai trách nhiệm nuôi sống gia đình.

Tình hình này làm Manny lúng túng và anh bắt đầu có những ý nghĩ rất tiêu cực về bản thân anh. "Tôi là một kẻ vô dụng! Tôi là một tên đàn ông không nuôi nổi vợ con. Tôi là một anh chồng phải để vợ đi làm lo cơm gạo. Tôi thật xấu hổ khi nhìn vợ con. Tôi thật dở. Tôi không có can đảm để nhìn mọi người…"

Những kết luận ấy về chính mình càng đè nặng thêm nỗi đau nơi anh. Càng bất mãn chính mình, anh càng bất mãn người khác, nhất là những người gần gũi anh. Giống như mọi người đàn ông, anh thiếu lòng khiêm tốn để chấp nhận thế yếu và cho phép vợ mình nắm giữ thế mạnh. Trái lại, anh phản đối điều đó và cảm thấy tình trạng như vậy sẽ làm cùn nhụt chí khí nam nhi nơi anh. Anh trở nên thường xuyên bực dọc và hay gây gổ. Để có thể thoát ra, Manny sẽ phải sắp xếp lại những ý nghĩ tiêu cực về chính mình và phải chấp nhận chính mình một cách thực tiễn hơn.

Manny không nhận ra được điều này trước đây bởi vì anh ta không dám lắng nghe những tiếng nói bên trong mình. Anh biết rằng mình sẽ đau đớn. Chính nỗi sợ đau đã cản trở không cho anh làm công việc biện phân.

Chúng ta muốn quên đi cơn đau. Vì thế chúng ta hùng hục cắm cổ làm việc. Chúng ta làm tê liệt các cảm giác của mình, hy vọng sẽ vĩnh viễn nhận chìm những tiếng nói tiêu cực bên trong mình, trong khi nỗi khổ sở vẫn kéo dài trong tiềm thức. Nhưng, đau đớn có thể là một vị thầy tuyệt vời. Như Leo Buscaglia nói: "Đôi khi một phút đau khổ dạy cho ta được nhiều hơn là mười năm huy hoàng."


NHỮNG CƠN ĐAU RĂNG

Vâng, những cơn đau răng có thể là một hình ảnh loại suy rất hay để minh hoạ ở đây. Hẳn bạn không chối rằng ngay cả khi chúng ta biết mình bị sâu răng, chúng ta thường vẫn không đi gặp nha sĩ bao lâu cái răng sâu ấy của mình chưa đau nhức. Rồi khi nó bắt đầu đau nhức, chúng ta vẫn nấn ná, ù lì chứ chưa chịu đi gặp nha sĩ ngay. Chúng ta đổ dầu khuynh diệp, hoặc cồn, hoặc thậm chí đổ cả xăng vào chỗ răng sâu … chỉ để làm giảm đau tạm thời. Chỉ đến khi nó nhức nhối quá lắm, không chịu nổi nữa thì chúng ta mới chịu đi gặp nha sĩ. Bấy giờ, vị nha sĩ sẽ phát hiện ra rằng sự trễ nãi của chúng ta đã không chỉ ảnh hưởng đến chiếc răng này – mà cả những chiếc răng chung quanh nó cũng đã bị ảnh hưởng nữa.

Chúng ta cũng thường có thái độ như vậy trước nỗi đau cuộc sống. Trong ngần nào có thể, chúng ta thường cố tránh né các vấn đề, thay vì đối mặt với chúng. Khi không thể tránh né được nữa, bấy giờ chúng ta bị buộc phải làm một điều gì đó. Và cho tới lúc này thì vấn đề đã phình lên và gieo tai rắc hoạ cho biết bao người rồi!

Dù các kinh nghiệm của chúng ta có tính tích cực hay tiêu cực, chúng ta cũng phải đối diện với chúng và rút ra bài học từ chúng. Chúng ta phải đều đặn dành thời giờ để xem xét lại từng kinh nghiệm của mình và suy ngẫm về cách mà các kinh nghiệm ấy đang hình thành nên con người hiện tại của chúng ta. Chúng ta phải cảnh giác để không mù loà trước sự thật – do bởi nỗi sợ đau đớn. Chúng ta phải tiếp tục khảo sát lòng mình.

Có lần tôi nói chuyện với một nhóm hỗn hợp các thành viên của các khoa về ý nghĩa của sự cởi mở, nhiều người trong họ đã phát biểu như sau: "Điều mà anh đang nói quả hoàn toàn đúng đắn. Chúng tôi thật sự thích thú và chúng tôi nhất trí rằng cần phải cởi mở. Nhưng, chúng tôi tự hỏi nó có thực tiễn không. Chúng tôi nhìn quanh và tự hỏi liệu có ai ở đây để cho mình thực hành sự cởi mở như thế không."

Họ nêu dồn dập những nghi ngờ như thế với tôi. Tôi bắt đầu tìm hiểu và phát hiện ra rằng các thành viên của hai khoa này có một quá trình cạnh tranh và xung khắc. Vì thế, tôi thách thức họ. Tôi nói: "Các bạn không nhận ra rằng trong quá trình quan hệ với nhau, các bạn đã dạy nhau rằng đừng tin tưởng hay sao? Thế tại sao các bạn không nhân cơ hội mới này để dạy nhau lấy lại niềm tin tưởng? Thật đáng thử lắm chứ, và các bạn chắc chắn sẽ chứng tỏ là mình rút được ích lợi thiết thực hơn bất cứ ai."

Tôi biết mình đang đưa ra một đòi hỏi quá cao. Nhưng, vì tôi nại đến tính bản thiện của họ, họ đã dần dần cho thấy sự sẵn sàng và họ xác nhận rằng họ hoàn toàn có thể lấy lại niềm tin tưởng nơi nhau.

Chúng ta luôn luôn còn bất ngờ thú vị mỗi khi thấy một tia sáng nào đó đủ khả năng đem lại một sự thay đổi tích cực. Chỉ cần chúng ta dành thời giờ để dừng lại và khảo sát lòng mình, chúng ta sẽ lớn lên thêm rất nhiều trong tư cách là những con người. Vì thế, bạn hãy bắt đầu bây giờ. Hãy phát triển một thái độ biện phân trong cuộc sống của bạn. Hãy kiểm tra thường xuyên – Này, tôi đang trở nên khá hơn hay đang ngày càng tệ hơn?



CHƯƠNG VII: Ở ĐÂY VÀ BÂY GIỜ HAY Ở ĐÓ VÀ LÚC ẤY?


(điều kiện 7: hoà hợp với hiện tại)

Khi tôi nhìn lại quá khứ của mình với thái độ chấp nhận và tha thứ, tương lai của tôi dường như xanh lên màu hy vọng nhiều hơn. Và bấy giờ, tôi cảm nghiệm được niềm vui và an bình sâu xa hơn trong hiện tại. 

Một số trong chúng ta chìm đắm quá nhiều trong quá khứ; trong khi một số khác lại phóng mình quá nhiều vào tương lai. Cả hai trường hợp chúng ta đều đánh mất hiện tại và những cơ hội mà hiện tại cung ứng cho mình.

Tôi có một anh bạn – là bố đẻ đứa con đỡ đầu của tôi. Khi anh nghe tin được tuyển đi làm ở nước ngoài, anh sung sướng tuyên bố: "Giờ đây mình có thể sắm cho con cái mình những gì mà mình không bao giờ có được hồi mình còn bé."

Quả thế, sau vài tháng làm việc ở xứ người, anh lập tức gửi về Manila một thùng hàng gồm những món đồ chơi đắt tiền: những chiếc máy bay chạy bằng pin và những xe đua điện tử. Đây là những món đồ chơi mà anh ta rất thích bởi vì hồi còn bé anh đã ao ước nhưng không có được.

Đứa con đỡ đầu của tôi, chỉ mới ba tuổi, tỏ ra rất thích thú với những món đồ chơi đó. Đứa bé nào mà chẳng thích thú với những cái mới lạ! Nó bắt đầu chơi với các món ấy cho đến một hay hai tuần sau, do óc tò mò, nó bắt đầu táy máy tháo tung mọi thứ ra để xem thử chúng hoạt động làm sao. Rốt cục, tất cả chỉ còn là những mảnh vụn vung vãi khắp nhà.

Mẹ thằng bé hốt hoảng, vì chị biết chồng mình sẽ phẫn nộ về chuyện này. Thế là từ đó, hễ nhận được món đồ chơi nào do chồng gửi về, chị đều cất vào tủ kính, ngoài tầm với của thằng nhóc. Thằng nhóc đành phải chấp nhận chỉ đứng nhìn các đồ chơi qua tủ kính.

Sau một năm, anh bạn ấy của tôi trở về. Anh đùng đùng nổi giận khi nhìn thấy một số đồ chơi đã tan tành. Anh lôi thằng nhóc ra và đánh đòn. "Cả đời tao, tao không bao giờ có được những món đồ chơi như thế này. Bây giờ mày được sắm cho đầy đủ – chỉ có mỗi chuyện giữ gìn mà cũng không xong. Mầy hư quá!" Cảm thấy lời tố cáo của anh ta quá vô lý đối với một đứa bé ba tuổi, tôi chen vào bênh vực nó: "Này, vấn đề nằm ở nơi cậu đấy chứ! Các món đồ chơi cậu mua không hợp với một đứa bé ba tuổi. Thằng nhóc nào mà không muốn tháo tung các thứ ra vì tò mò. Vì thế, lẽ ra cậu nên mua cho nó những bộ đồ chơi tháo ráp, chẳng hạn. Còn những món nào mà cậu thích, thì cậu nên mua cho chính cậu và cứ để lại bên Saudi mà chơi. Nói cho cùng, đây chỉ là những thứ mà CẬU đã ao ước mà không có được hồi còn bé."


NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN DANG DỞ

Thường chúng ta ai cũng có những vấn đề trong quá khứ còn dang dở, chưa giải quyết xong. Chúng ta phóng chúng vào hiện tại, cho dù sự phóng chiếu này không tương hợp và phi thực tế đến mấy đi nữa. Câu chuyện của anh bạn nói trên của tôi cho thấy một điểm yếu thông thường nơi các bậc cha mẹ, đó là họ biến con cái mình thành cái mà tôi gọi là "những sự bành trướng bản ngã" của họ. Họ muốn nhìn thấy nơi con cái họ những gì mà bản thân họ đã không có được trong quá khứ. Kết quả là, những đứa con của họ bị tước mất cá thể tính của riêng chúng.

Trong tư cách là một nhà tư vấn cho các thiếu niên, tôi thường xuyên nghe những trường hợp trong đó các cha mẹ quyết định cuộc đời cho con cái mình. "Bố đã từng muốn làm một luật sư, nhưng không thành, bố muốn con trở thành luật sư!" "Bố đã đi tu nhưng đường tu của bố không thành; này con, con trai của bố, hãy trở thành linh mục để biến giấc mơ của bố thành hiện thực." "Con hãy tránh tất cả những sai lầm mà mẹ đã mắc phải trong quá khứ!" Nghĩa là, những đứa con tội nghiệp ấy bị mắc kẹt trong những vấn đề chưa được giải quyết của bố mẹ chúng.

Ở đây tôi không có ý nói rằng các bậc cha mẹ không được phép khích lệ con cái đề cao các giá trị của họ. Điều tôi muốn cảnh giác đó là mối nguy của việc đẩy con cái vào trong quá khứ của cha mẹ và tước mất cuộc sống riêng của chúng.

Tôi có gặp một người kế toán mà chúng ta sẽ gọi là Cesar. Các đồng nghiệp của anh đã gọi anh là một kẻ bủn xỉn phi thường. Anh ít khi tham gia những sinh hoạt có đòi hỏi phải đóng góp tiền bạc. Anh viện lẽ rằng mình không có tiền. Rồi, người ta thường nghe anh dạy mấy đứa con của anh về chuyện tiền bạc như sau: "Cả đời bố, bố đã phải sống với 50 xu mỗi tuần. Các con cũng phải bắt chước bố như vậy."

Thực ra, Cesar hiện nay không nghèo. Cả anh và vợ anh đều là những người có tay nghề chuyên môn và có thu nhập khá. Không có lý do gì để anh phải quá lo lắng về tiền bạc như vậy. Nhìn anh ky cóp từng đồng, người ta dễ tưởng rằng anh muốn sưu tầm các loại xe Mercedes Benze! Rõ ràng nơi anh có tồn tại một xung động rất vô lý.

Khi tôi đề nghị Cesar nhìn lại và phân tích cuộc đời riêng của anh, tôi mới hiểu rõ hơn về cớ sự. Cái mức độ mà Cesar bám chặt vào tiền bạc cũng chính là mức độ khốn khổ do tình trạng túng quẫn mà anh đã trải qua trong quá khứ. Trong khi sự nghèo túng có thể là một thầy dạy tốt đối với một số người;  thì ở đây, đối với Cesar, nghèo túng chỉ là một kinh nghiệm nghiệt ngã, hổ nhục và kinh tởm. Vì thế, anh tập trung mọi năng lực của mình cho mục đích duy nhất là giữ gìn sự ổn định cho cả đời mình.

Tuy nhiên, anh khám phá ra rằng bao lâu anh chưa chữa trị được vết thương của quá khứ – vết thương của nỗi sợ nghèo túng – thì anh sẽ không bao giờ dàn xếp được các vấn đề của hiện tại. Như thực tế rất rõ ràng đấy, trong hiện tại anh chẳng phải đứng trước mối đe doạ nghèo túng nào, nhưng anh vẫn hành động như thể là đang có thực một mối đe doạ như vậy. Rốt cục, anh đang vô tình tạo ra cùng một loại khốn khổ mà mình phải chịu trước đây cho con cái mình bây giờ!


TOÀN LÀ NHỮNG CHỮ "NẾU"

Đàng khác, một số người qui hướng cuộc sống hiện tại của mình quá nhiều vào tương lai. Đời sống của họ bị chi phối bởi những chữ "NẾU"! Đời tôi sẽ mãn nguyện nếu tôi leo lên được tới chức vụ đó. Tôi sẽ không còn gì để phàn nàn nếu tôi kiếm được một ngôi nhà và một mảnh vườn. Đời tôi sẽ tốt hơn nếu tôi gặp được một người lý tưởng làm bạn đời của mình. Tôi sẽ hoàn toàn hạnh phúc nếu không có vấn đề gì xảy ra cho tôi nữa. Thế là, khi chưa được thăng chức, khi chưa có được nhà và đất, khi chưa gặp được một người bạn lý tưởng, và khi chưa có được một cuộc sống giũ sạch mọi vấn đề, thì họ ngụp lặn trong khốn khổ.

Chúng ta không xa lạ gì với những người mà tôi gọi là "những cha mẹ của thế chiến thứ ba". Họ tập trung tất cả mọi năng lực của hiện tại để chuẩn bị cho tương lai. Và trong quá trình ấy, họ tước mất khỏi chính mình và con cái mình những niềm vui hiện tại. Ưu tư của họ về tương lai đã làm cho họ bị nhỡ mất chính cuộc sống.

Mới đây, tôi nghe kể câu chuyện về một người đàn ông quá lo sợ khi nghe một số tin tức về các vụ cướp. Ơng quyết định hy sinh cắt bớt giấc ngủ để đảm bảo an toàn cho nhà mình. Thế là, đêm nào cũng vậy, ông chỉ ngủ đến nửa đêm, rồi thức dậy canh gác ngôi nhà cho tới sáu giờ sáng.

Tôi thấy câu chuyện này vừa tức cười vừa điên rồ. Điều tôi cho là vô lý trong cung cách của ông ta, đó là ông tự tước mất của mình một cái gì căn bản (= giấc ngủ) để đổi lấy việc canh chừng một tên trộm có thể sẽ không bao giờ xuất hiện. Theo tôi, ông chỉ cần kiểm tra lại các cửa trước, cửa sau, gài chốt và khoá cẩn thận … là đủ. Còn việc chấp nhận mất thời gian, mất giấc ngủ là điều mà tôi không thể nhất trí được!

Những băn khoăn của chúng ta về tương lai đôi khi làm cho chúng ta hành động một cách điên rồ trong hiện tại.

Tôi nhớ mãi một phim Trung Quốc mang tựa đề "Bạn Gái". Câu chuyện xoay quanh một anh chàng nọ mơ mộng một phụ nữ và dành hết thời giờ để theo đuổi nàng. Mặc dù rõ ràng là tình yêu của anh không được đáp lại, anh vẫn mù quáng trong ảo mộng lãng mạn của mình. Anh có một cô bạn gái, và cô này yêu anh. Cô kiên trì ở bên anh trong khi anh mải miết theo đuổi người phụ nữ kia. Và trước sau, anh chẳng có một chút quan tâm nào đến cô bạn này.

Vào hồi kết của chuyện phim, anh chàng ấy chợt bừng tỉnh và nhận ra sự thực rằng người phụ nữ mà mình yêu đã không bao giờ thực sự quan tâm đến mình. Khốn khổ, anh đứng như mất hồn giữa trời mưa, ướt sũng. Cô gái bạn anh lại xuất hiện – từ lâu nay cô vẫn kiên trì như thế – và lấy dù che mưa cho anh. Chính lúc đó anh mới nhận ra mình thật điên rồ. Anh đã mải đeo đuổi một một phụ nữ lý tưởng của mình. Anh không nhận ra rằng tình yêu thật sự đang ở đó, bên anh.

Chuyện phim thật lãng mạn. Nhưng sứ điệp thì rất rõ ràng: Khi chúng ta loay hoay quá nhiều về tương lai, chúng ta sẽ hụt mất hiện tại.

Trong quyển sách mang tựa đề "Stress, Sanity, and Survival" của mình, Woolfalk và Richardson đã đưa ra hai chỉ dẫn để giải phóng căng thẳng như sau:

"Những cuộc chiến đấu trong đời chỉ thay đổi chứ không bao giờ chấm dứt. Bạn hãy ngừng ngay việc chờ đợi cái ngày mà 'mình có thể an nhàn thảnh thơi' hay cái ngày mà 'mọi vấn đề của mình sẽ không còn'. Cái ngày ấy sẽ không bao giờ xảy đến đâu! Kìa, phần lớn các điều tốt lành trong cuộc sống của bạn đang lướt qua hôm nay – và chúng ngắn ngủi lắm. Bạn hãy thưởng thức chúng, cảm nếm chúng. Đừng phí thời gian ngưỡng vọng một hồi kết cục của mọi mối phiền não!"

"Quá khứ của chúng ta được chiếm lĩnh phần lớn bởi những bóng ma vốn không ích dụng gì cho cuộc sống hiện tại của chúng ta. Thường đó là những trường hợp bị chúng ta đổ lỗi là cớ sự của những thiếu thốn của mình, đó cũng có thể là những chuẩn mực của cha mẹ mà chúng ta cố sống theo một cách triệt để, hoặc đó cũng có thể là những hoài niệm không chính xác về 'ngày xưa huy hoàng ấy'. Nói tắt, dồn hết tâm lực vào quá khứ là cướp mất của hiện tại niềm vui và sức sống."

Tôi nhớ có lần khi mình chán nản, một người bạn đã nói với tôi: "Có lẽ cậu khốn khổ vì cậu nhìn về quá khứ với quá nhiều oán giận và cay đắng, và vì thế, tương lai của cậu dường như mịt mù vô vọng. Đó là lý do tại sao cậu đang cảm thấy bất hạnh và chán chường."

Những lời ấy chứa đựng rất nhiều sự thật. Về sau, khi tôi đã chữa trị được các vết thương của mình trong quá khứ, tôi nhận ra cảm nghĩ của mình về cuộc sống hiện tại bỗng thay đổi rất nhiều. Lúc này, khi tôi nhìn trở lại quá khứ với thái độ chấp nhận và tha thứ, thì tương lai của tôi xanh lên màu hy vọng dạt dào. Đồng thời, tôi cảm nghiệm được nhiều niềm vui và nhiều sự an bình hơn trong cuộc sống hiện tại.

Chúng ta không được phép quên quá khứ, cũng không được phép lảng tránh tương lai. Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhìn quá khứ và tương lai trong qui chiếu đến hiện tại. Ở lại trong quá khứ hay mất hút trong tương lai, tức hiện hữu 'ở đó và lúc ấy' thay vì "ở đây và lúc này", điều này sẽ cướp mất sức sống của chúng ta. Vì thế, chương này nêu điều kiện cuối cùng là chúng ta phải hoà hợp với hiện tại, phải sống 'ở đây và bây giờ'. Quá khứ của chúng ta nên được nhìn lại từ nhãn giới của hiện tại. Bất cứ vấn đề gì còn tồn đọng, chưa giải quyết, chúng ta phải lập tức giải quyết chúng ngay. Và tương lai của chúng ta nên được phác hoạ cũng trong bối cảnh thực tế của hiện tại. Bất cứ điều gì xảy đến sẽ tuỳ thuộc phần lớn vào cách mà chúng ta xây dựng trong hiện tại này.

Sống hết mình là sống hết cái hiện tại của mình!



KẾT LUẬN – ĐÔI DÒNG VỀ TÁC GIẢ


Khi viết tập sách này, tôi cảm thấy rất phân vân. Tôi nghi ngờ khả năng của mình, nhất là trong việc viết một quyển sách về việc sống hết mình. Vì thế, như thường lệ, tôi gặp một số bạn hữu và tìm kiếm sự nâng đỡ nơi họ. Tôi cố gượng cười và nói: "Cậu biết không? Mình đang viết một cuốn sách về đề tài sống hết mình. Cậu nghĩ sao?" Đoán được rằng tôi không đủ tự tin, một trong các bạn tôi đã nói thẳng thắn: "Cậu không nghĩ rằng nguyên việc cố gắng viết về đề tài đó thì cũng đã là một cố gắng sống hết mình rồi sao?"

Nhận xét đó đã có sức chặn đứng nỗi nghi ngờ chính mình nơi tôi. Tôi nhận ra rằng mình có khuynh hướng đánh giá không đúng mức về các tiềm năng của mình. Thật may mắn khi người bạn ấy đã giúp tôi biết nhìn sự việc bằng một cách khác. Chính quá trình viết quyển sách này là một kinh nghiệm giúp thanh toán cái tâm cảnh tiêu cực của tôi về chính bản thân tôi.

Nhận xét ấy cũng nhắc tôi nhớ lại một nhận thức mà mình từng bắt gặp. Một trong những dấu hiệu lớn nhất cho thấy một con người đang sống hết mình, đó là đương sự có can đảm để dám đưa ra những tuyên bố và những hành động hậu thuẫn cho sự sống. Theo một nghĩa nào đó, quyển sách này là kết tinh của những tháng năm chiến đấu trong đời tôi. Giờ đây, tôi chia sẻ những suy tư của mình với bạn trong niềm hi vọng rằng một cách nào đó tôi có thể giúp bạn sống hết mình hơn.

Một cách chủ yếu, quyển sách này khích lệ bạn đừng sợ đương đầu với chính mình và đừng sợ mạo hiểm để thể hiện một số nỗ lực nhằm biến đổi mình trở thành những con người tốt hơn. Mọi sự sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta đáp ứng các điều kiện đặt ra cho cuộc sống mình – đó là lãnh nhận trách nhiệm về đời mình; đó là tiếp tục đầu tư vào những cơ hội để phát triển; đó là biết cởi mở để vén mở con người mình ra, để thay đổi các tâm cảnh và phát huy các tiềm năng của mình; đó là có được sự thành thực tâm lý; đó là tránh dán nhãn hiệu cho mình và cho người khác; đó là không ngừng biện phân tất cả các kinh nghiệm sống của mình và rút ra bài học từ mỗi kinh nghiệm ấy; và đó là nhìn mọi sự trong nhãn giới của 'ở đây và bây giờ', của chính hiện tại này.

Tôi tin rằng quyển sách này thành công hay không là tuỳ ở mức độ mà nó đẩy được bạn vào sâu hơn trong cuộc sống. Đó là mục đích của quyển sách. Tôi muốn nhắc lại với mình và với bạn rằng chúng ta không được phép phung phí cuộc sống này, cuộc sống đã được trao ban cho chúng ta. Bạn hãy cho phép tôi chấm dứt với một trích dẫn của Leo Buscaglia, một con người tràn đầy sức sống và tình yêu. Ơng nói:

"Sống là một tiến trình năng động. Vì thế, nó chào mừng bất cứ ai đón nhận lời mời để trở nên một thành phần năng động của nó. Điều mà chúng ta gọi là bí quyết hạnh phúc chung qui chỉ là thái độ chúng ta sẵn lòng chọn lựa sự sống."



Đôi dòng về tác giả

Earnest L. Tan đang làm việc trong tư cách là một điều phối viên tự do, chuyên tổ chức những khoá hội thảo về TRƯỞNG THÀNH và LÀNH MẠNH. Anh cũng là một giảng viên chính thức tại Học Viện Mục Vụ Đông Aù (EAPI), Viện Xã Hội Á Châu (ASI), và Học Viện Cao Học Miriam (MGS). Anh từng là chuyên viên cố vấn và đảm nhận công việc huấn luyện cho Dự Án Đào Tạo Các Nhà Đào Tạo thuộc Chương Trình Phát Triển Giáo Dục Trung Học của DECS. Anh đã viết một số tài liệu nòng cốt cho dự án nói trên.

Nguyên là một giáo sư tâm lý và là nhà hướng dẫn tư vấn, anh đã phục vụ tại nhiều cơ sở giáo dục như Đại Học Ateneo de Manila, Chủng Viện St. Camillus, Chương Trình Giáo Dục Người Lớn Miriam, Đại Học Holy Spirit, Đại Học San Beda, vv…

Sinh tại Binondo, mang hai giòng máu Phi-luật-tân và Trung Hoa, anh lớn lên trong nền giáo dục của Dòng Tên, nhất là của Trường Xavier và Đại Học Ateneo de Manila. Anh chọn dấn thân vào lãnh vực tư vấn và đào tạo phát triển con người.

Sống Hết Mình (Living Life Fully, bản hiệu đính) và nhiều tác phẩm khác cùng loại đã được anh giới thiệu mới đây – đặt nền cho tủ sách SPIRITUS WORKS PUBLICATION, một hoài bão mới của anh.



Other Earnest L. Tan Books

-HUMAN INTIMACY - An introduction to a process of journeying inward to understand the dynamics involved in personal growth and integration.

-THE CLARIFICATION AND INTEGRATION OF VALUES - A manual that explains the valuing process and the strategies used in clarifying and integrating personal values.

-HUMAN CREATIVITY - An overview and exploration of our creative potentials and accompanying exercises to release these potentials.

-THE DEVELOPMENT OF SELF CONCEPT - An activity book on the dynamics of self-concept and on how we can build people and their sense of self-worth.

-INSTRUMENTAL SKILLS IN THE VALUES DEVELOPMENT PROCESS (with Belen Mandin) – A resource book introducing the concept and significance of life skills as part of our basic education.

-THE EMERGING FILIPINO (Integration) Book 4 – A Resource Book written by Earnest L. Tan that delightfully invites the readers to work out four essential aspects in their self: Personal Power, Possibilities, Passion for Life, and Perspective to Life Meaning. Refer to accompanying volumes – Books 1 to 3: Journeying, Breakthrough, Reaching Out.

-HOW TO ATTRACT LOVE - A book of reflections on the factors that either facilitate or hinder us from attracting love in our lives, whether romantic or otherwise.

-GENTLE PRESENCE - A meditative book to help you reflect more deeply on how we as persons significantly influence each other.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét