Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

TRAI TAP TRUNG AUSCHWITZ GIAI THICH CHO CON GAI TOI ANNETTE WIEVIORKA.html

TRẠI TẬP TRUNG AUSCHWITZ GIẢI THÍCH CHO CON GÁI TÔI

(CỦA ANNETTE WIEVIORKA)


Tặng Mathilde, con gái tôi .

Tặng Sophie, Ève, Elsa và Nadia, các cháu của tôi.


Auschwitz expliqué à ma fille


Tác giả: Annette Wieviorka


Nhà xuất bản: Seuil


Người dịch: An Nguyễn



haian14_5@convert*prc



—oOo—




Hè năm ngoái, chúng tôi gặp Berthe trên bãi biển, Berthe là một trong những cô bạn ngày xưa của tôi. Mười năm trước, tôi có phỏng vấn bà về thời gian bà bị giam cầm ở trại tập trung Auschwitz-Birkeneau. Từ đó chúng tôi kết bạn với nhau. Không có một tuần nào mà chúng tôi không gặp nhau hay ít nhất là nói chuyện qua điện thoại về các biến cố thời sự liên hệ đến nạn diệt chủng của người Do-Thái: vụ án ông Maurice Papon, cuốn phim Cuộc Đời Vẫn Đẹp của Roberto Benigni… Mathilde, cô con gái lúc đó mới mười ba tuổi của tôi không biết là Berthe hồi xưa đã từng bị giam ở trại tập trung Auschwitz. Thường thường, khi tôi vắng mặt, con gái tôi nói chuyện qua điện thoại với Berthe. Vậy mà mùa hè năm ngoái, con tôi bị sốc khi thấy các con số xâm trên cánh tay trái của Berthe, xâm với một loại mực màu xanh đã bạc màu. Bỗng một cách dữ dội, tất cả những sinh hoạt trong nhà, trên truyền hình, qua phim ảnh hay qua trường học như mang một cái gì thật hiện thực.


Cách đây vài năm, Mathilde phải tập làm gia phả. Cháu biết bốn ông bà nội ngoại nhưng đến đời ông bà cố cháu không biết chính xác ngày sinh, ngày chết. Bên phía ba cháu, Rywka Raczymow, bên phía tôi Roza và Wolf Wieviorka chết ở trại tập trung Auschwitz. Chawa Perelman, cố ngoại cháu bị người Đức giết ở Chalon-sur-Saône trong trận bố ráp Vél' d'Hiv' ngày 16-07-1942 khi ông cố gắng vượt qua biên giới phân chia vùng bị chiếm đóng và vùng tự do. Ngoài ra cháu còn có chú bác cô dì cũng bị chết nhưng tên của họ không ở trong gia phả. Cha của cháu và tôi mỗi người đều mang tên riêng của một trong những thân nhân đã chết ở Auschwitz. Có phải đó là dấu vết của một gia sản được thừa kế? Anh là văn sĩ, còn tôi là sử gia, một cách gián tiếp, chúng tôi hứng chịu câu chuyện này, chúng tôi cống hiến một phần công việc của mình để nắm rõ nó. Mười ba tuổi, Mathilde không thể nào không biết chuyện này. Chúng tôi và bạn bè lại thường xuyên nói về đề tài này. Ở nhà, rất nhiều sách vở tạp chí nói đến các sự kiện này. Mathilde cũng nghe tôi nói trên đài phát thanh và đài truyền hình. Dù vậy, cháu chưa bao giờ đặt câu hỏi một cách thật sự. Tôi cũng chưa bao giờ "giải thích" cho cháu.


Điều làm tôi ngạc nhiên là khi tôi cố gắng trả lời cho Mathilde, cố gắng giải thích thế nào là trại tập trung Auschwitz thì các câu hỏi của cháu lại cũng là những câu hỏi tôi đã tự đặt cho tôi, hoặc đó cũng là những câu hỏi từ một nửa thế kỷ này các nhà sử học, các triết gia cũng đã đặt và họ cũng không trả lời được. Đơn giản vì nó được diễn tả một cách sống sượng, một cách trực tiếp. Vì là sử gia nên tôi mô tả trại tập trung Auschwitz, giải thích thế nào là tiến trình diệt chủng người Do thái một cách dễ dàng nhưng vẫn còn một câu hỏi trọng tâm không thể nào hiểu được, không thể nào giải thích được: tại sao người đức quốc xã muốn loại bỏ người Do thái ra khỏi hành tinh? Tại sao họ dùng bao nhiêu năng lực để đi khắp Âu châu nơi những nước họ chiếm đóng từ Hòa Lan đến Pháp, từ Ba Lan đến Salonique để tìm trẻ con và người già cốt chỉ để giết họ.


—oOo—



Vì sao có con số xâm trên cánh tay của bác Berthe?

- Bác Berthe bị cưỡng bức đem đi giam ở trại tập trung ngoài nước có nghĩa là bác bị bắt đi ra khỏi xứ – ngoài ý muốn của bác – bác ở Pháp và bị bắt đi qua Ba Lan. Khi người ta nói đến những người bị cưỡng bức bắt đi trong Thế Chiến Thứ Hai là muốn nói đến những người bị bắt đi đến một trại tập trung.

Tại sao mẹ nói bác bị bắt qua Ba Lan?

- Vì trại tập trung Auschwitz mà bác Berthe bị đưa đến ở trên lãnh thổ nước Ba Lan.

Cuộc đời của bác Berthe như thế nào? Thật là lạ lùng, con biết bác từ lâu nhưng con không biết gì về bác hết.

- Ngày 16-07-1942 bác bị bắt ở Paris. Ngày hôm đó, theo lệnh của người Đức, cảnh sát Pháp đã bắt gần 13 000 người Do thái. Gia đình con cái họ bị tập trung ở một vận động trường lớn gọi là Vélodrome d'Hiver. Vì thế người ta gọi cuộc bố ráp hàng loạt này là Vél' d'Hiv'.

Bố ráp là gì?

- Đó là cuộc bắt bớ hàng loạt mà cảnh sát làm một cách bất ngờ. Ngày nay các tòa nhà của Vélodrome d'Hiver đã bị phá hủy nhưng hàng năm có một buổi lễ tưởng niệm ở tại đây. Lúc đó bác Berthe mới mười chín tuổi, bác còn độc thân. Bác không bị đem tới vận đồng trường Vélodrome d'Hiver nhưng bác và các người độc thân hoặc các cặp không có con bị đem lên xe buýt đưa đến trại Drancy gần Paris.

Hồi đó Drancy cũng là một trại tập trung?

- Đúng, nếu gọi trại tập trung là nơi giam những người mất tự do. Nhưng Drancy không giống như những trại tập trung của Đức quốc xã. Vào thời bác Berthe, Drancy là trại chuyển tiếp: người ta bị giam ở đó một thời gian ngắn trước khi đưa ra một trại ở nước ngoài. Bác Berthe ở đó khoảng mười lăm ngày. Rồi bác bị đưa – cũng bằng xe buýt – đến nhà ga Bobigny, một nhà ga nhỏ. Cùng với vài ngàn người khác, người ta đẩy bác lên một toa tàu chở hàng hóa. Cuộc hành trình dài ba ngày ba đêm. Ba ngày ba đêm khủng khiếp. Trời mùa hè nên nóng như lửa, đàn ông đàn bà trẻ con nằm chất đống trong tàu, không có gì ăn và nhất là không có gì uống. Cái khát có thể làm mình điên. Một vài người điên thật sự. Rồi họ đến một nhà ga nhỏ mà cho đến lúc đó chưa một ai biết đến tên. Tiếng Ba Lan là Oswiecim, tiếng Đức là Auschwitz.

Tại sao một nơi mà có hai tên?

- Trong góc xó hẻo lánh này của thế giới, ở miền nam Ba Lan là tỉnh Haute-Silésie mà nước Đức thôn tính năm 1939 nên người Đức đặt tên đức.

Khi cánh cửa toa tàu mở ra – con đã thấy cảnh này được dựng lại trong rất nhiều phim – , bác Berthe nghe những tiếng hét bằng tiếng đức, tiếng chó sủa. Vì bác đã sống ở Đức đến mười tuổi, năm 1933 sau khi Adolf Hitler lên cầm quyền bác mới qua Pháp nên bác hiểu nghĩa của những tiếng kêu này: họ phải đi nhanh lên, phải bỏ va li của họ ở trên ga. Họ ốm yếu không tả được, đầu tóc bị cạo, mặc áo quần đồng phục sọc như một loại đồ ngủ. Lúc đó người Đức loan báo ai mệt thì đến trại bằng xe vận tải, họ chia làm hai nhóm. Những người mệt mỏi, những người già, trẻ con và đàn bà mang thai lên xe vận tải. Những người khác, trong số đó có bác Berthe thì đi bộ. Sau đó, đàn ông đàn bà bị tách ra. Mỗi người ở một trại. Bác Berthe ở trại Birkenau dành cho đàn bà, cách trại chính là trại Auschwitz ba cây số. Trại Birkenau thuộc trại Auschwitz.

Và chuyện gì xảy ra cho họ?

- Phụ nữ bị bắt buộc cởi áo quần. Vào thời buổi đó, phụ nữ giữ kín đáo hơn ngày nay và họ không bao giờ trần truồng trước mặt người khác. Đối với nhiều người đây là sự sỉ nhục đầu tiên. Rồi người ta lục soát họ kể cả những nơi thầm kín nhất. Rồi người ta đưa họ vào phòng tắm đứng, cạo lông họ: đầu, nách, bộ phận sinh dục. Người ta đưa áo quần cho họ. Không phải loại áo ngủ có kẻ sọc như mình thấy trong hình, trong phim ảnh hay trong các viện bảo tàng nhưng là loại áo quần rách rưới, đôi khi còn rất dơ; thật ra đó là áo quần của các người bị bắt giữ trước đây mà người Đức thải ra vì không còn tốt hoặc là áo quần các phụ nữ bị giam cầm trước đã mặc. Và rồi họ xâm một con số lên da, họ dùng viết bằng kim loại với mực xanh, một loại mực không tẩy xóa được.

Chắc đau lắm?

- Theo đa số nói cho mẹ biết thì không đau lắm. Nhưng xâm lên người một con số là tước đi cái cuối cùng họ còn giữ được, tên của họ. Từ nay, vĩnh viễn họ bị gọi bằng một con số. Con số này họ phải nói lên bằng tiếng đức mỗi buổi sáng, chiều đứng ngoài sân để điểm danh, có khi đứng hàng giờ. Họ không còn giữ một cái gì thuộc về đời sống trước kia trên người họ, không một đồ vật, không một tấm hình, không một áo quần. "Không còn gì thuộc về chúng tôi", văn sĩ Primo Levi viết trong quyển Nếu Đó Là Một Người xuất bản khi ông được thả ra khỏi trại: "họ lấy áo quần, giày dép và cả tóc của chúng tôi. (…) Họ lấy đến cả cái tên của chúng tôi; nếu chúng tôi muốn giữ cái tên đó, chúng tôi phải tìm trong con người chúng tôi một sức mạnh cần thiết để đàng sau cái tên này còn có một cái gì của chúng tôi, của những gì chúng tôi có ngày xưa, còn tồn tại lại". Họ đi vào một thế giới khác. Đó là tâm trạng mà rất nhiều người sống sót cho biết. Nhưng có thể văn sĩ Primo Levi là người mô tả rõ nhất: "Bây giờ thử tưởng tượng một người không những mất hết thân nhân mà còn mất nhà, mất thói quen, mất áo quần, mất tất cả để cuối cùng mất trắng mọi sự: đó là một con người trống rỗng, giảm thiểu xuống chỉ còn biết đau khổ và làm các nhu cầu hàng ngày, không còn biết minh định, quên hẳn nhân cách: bởi vì đây là chuyện không phải là hiếm, khi người ta mất tất cả, mất cả chính mình; chỉ còn là cái xác mà người khác có thể quyết định sự sống, cái chết một! cách nhẹ nhàng, chẳng cân nhắc xem người đối diện có còn là con người hay không mà chỉ xem đó là dụng cụ còn hữu ích hay không."

Con không biết bác Berthe là người Đức, và cũng không biết bác đã rời nước Đức năm 1933 khi Hitler lên cầm quyền.

- Bác Berthe đúng thật là người Đức. Gia đình bác sống y hệt các gia đình Đức khác cùng tầng lớp xã hội. Cha của bác là bác sĩ. Ông làm việc trong bệnh viện cùng các đồng nghiệp khác. Ngay khi Hitler và đảng đức quốc xã lên cầm quyền, lòng hận thù người Do thái của Hitler biến qua hành động. Mục đích trước hết của Hitler là phân chia người Do thái và người Đức, cắt từng sợi dây một đã nối họ vào xã hội và kinh tế của xứ sở. Những ai bị xem là người Do thái thì từ nay không còn giữ được việc làm, họ không còn được quyền ra hồ bơi, đi xem kịch nghệ hay hòa nhạc… Con cái của họ phải học ở một trường riêng. Đời sống như thế không phải là dễ. Trong số 500 000 người Do thái sống ở Đức, chỉ có một thiểu số rất mộ đạo. Đối với những người này, là người Do thái thì phải thể hiện phong cách sống đạo Do thái qua lối sống hàng ngày. Một vài người tham dự tích cực vào đời sống chính trị do thái; chẳng hạn, họ là những người chủ trương người Do thái phải có một Quốc gia riêng trên đất Palestine. Quốc Gia này, sau chiến tranh, năm 1948 Israel đã thành lập. Nhưng đa số những người Do thái khác đều hoàn toàn hội nhập vào xã hội Đức. Đối với họ, là người Do thái chẳng có một ý nghĩa nào hết. Họ không giữ đạo do thái, không là thành viên của một hiệp hội do thái nào, không biết gì về do thái giáo. Một vài người Do thái Đức mà cha mẹ hoặc ông bà họ đã theo đạo thiên chúa giáo hoặc tin lành. Rất nhiều người lấy vợ, lấy chồng ngoài đạo do thái.

Những người không còn là người do thái thì họ không sợ…

- Đối với Hitler, là người do thái là thuộc về một "nòi giống". Nếu ông bà của con là người do thái, dù muốn dù không con cũng là người do thái dù con đã theo đạo thiên chúa giáo. Và trong cái nhìn của Hitler về thế giới, cái "nòi giống" này phải biến mất trên một nước Đức vĩ đại ông muốn xây dựng. Một nước Đức mà nếu cần làm chiến tranh thì phải làm để gom lại tất cả các nước nói tiếng Đức như nước Áo và làm các nước dân tộc sla-vơ như nước Nga, Ukraine hay Ba Lan phải tùng quyền. Ông nói nước Đức phải là nước không còn người Do thái, phải rửa sạch người Do thái. Như thế "nòi giống Arian" có thể cầm quyền cả ngàn năm và phục hưng lại thế giới.

Như thế người Do thái có thể rời nước Đức, bỏ trốn.

- Những người Do thái Đức không còn phương tiện để sinh sống, những người là nạn nhân của bạo lực, họ di dân. Đó là trường hợp của cha mẹ bác Berthe, họ đến Pháp hay gia đình cô Anne Frank, họ đến Hòa Lan. Cô Anne Frank con biết qua Nhật Ký của cô. Năm 1939 khi chiến tranh bùng nổ, người Đức chiếm phần lớn Âu châu và đức quốc xã lại chụp cổ họ.

Mẹ nói một vài người Do thái đã hội nhập, không có gì phân biệt họ với những người Đức khác.

- Con nói đúng. Không thể nào biết ai là người Do thái. Cho đến thời Cách Mạng Nước Pháp, mọi chuyện tương đối đơn giản. Là người Do thái là thuộc về một Truyền Thống tôn giáo có cơ cấu bao gồm mọi khía cạnh xã hội: lịch hàng năm, lề luật, hôn nhân, khai sinh… Lúc đó, người Do thái thành lập "một nước" sống cách biệt với những người khác. Rồi họ được "giải phóng" có nghĩa là họ trở thành những công dân bình thường như những người khác. Nếu có người muốn giữ truyền thống tôn giáo thì cũng có những người khác mong muốn được hòa nhập vào xã hội họ đang sống. Cho đến lúc đó, trên nguyên tắc, không có gì phân biệt họ với những người Đức hay những người Pháp khác. Chẳng hạn trong lớp con, con không biết ai là người do thái ngoại trừ khi bạn con mang ngôi sao Đa-vít hoặc đội cái mũ nhỏ trên đầu, hoặc không đi học ngày thứ bảy vì đó là ngày sabbat, ngày nghỉ lễ bắt buộc.

Vậy làm sao người Đức biết ai là người Do thái?

- Để biết ai là người Do thái, trước hết nhà cầm quyền Đức phải ấn định ai là người họ cho là Do thái. Điều này không đơn giản vì có rất nhiều hôn nhân lẫn lộn. Sau đó tất cả người Đức phải chứng minh trong gia phả của họ, có khi đi ngược lên đến thế kỷ 17, họ không có tổ tiên người Do thái. Do thái có nghĩa là có tôn giáo do thái, chưa rửa tội để theo đạo công giáo hay đạo tin lành. Ở mỗi nước mà Đức chiếm đóng – trước hết là nước Áo, tháng 3-1938 rồi nước Tiệp, Ba Lan, Pháp…; người đức quốc xã ra lệnh kiểm tra dân số người Do thái. Chẳng hạn, sau hai tháng chiếm đóng Pháp, ngày 17-09-1940, họ ra lệnh kiểm tra dân số. Tất cả người Do thái ở Paris phải đến trình diện ở đồn cảnh sát khu vực, ở tỉnh thì đến sở cảnh sát. Trên thực tế, tất cả đều đi trình diện.

Tại sao?

- Ngày nay người ta khó hiểu điều này. Nhưng đó là chuyện bình thường khi đi khai dân số bởi vì đó là luật và không ai dám tưởng tượng cái gì sẽ xảy ra nếu mình không tuân theo luật. Nước Pháp, giống như người ta nói, là một Quốc gia có luật lệ, mọi người phải tôn trọng luật. Chính tổ chức guồng máy quốc gia Pháp có nhiệm vụ làm việc kiểm tra dân số này. Khi họ là người Pháp, người Do thái cũng là công dân như những công dân khác; nhưng khi họ là người nước ngoài, họ cũng được nước tạm dung bảo vệ quyền lợi. Hơn nữa, đối với một số người, là người Do thái không có nghĩa gì đặc biệt, nên đi khai dân số là chuyện phải làm của một người có tự trọng. Do đó, triết gia rất nổi tiếng Bergson, Người Do thái đầu tiên được bầu vào Viện Hàn Lâm Pháp, được giải Nobel năm 1927, tâm hồn ông là tâm hồn người công giáo dù ông chưa trở lại, vì lòng đoàn kết, vì tự trọng ông đã đến trình diện đồn cảnh sát khu vực. Lúc đó ông đã tám mươi tuổi và rất bệnh. Năm sau ông chết.

Sau khi kiểm tra dân số thì chuyện gì xảy ra?

- Ở phân bộ Seine, bao gồm Paris và vùng phụ cận, có 149 734 người (85 664 người Pháp và 64 070 người ngoại quốc) được kiểm tra. Từ các mẫu đơn họ điền, theo lệnh của người Đức, Ủy ban cảnh sát thành lập bốn hồ sơ theo thứ tự mẫu tự, nghề nghiệp, địa chỉ, quốc tịch. Lúc đó họ chưa biết các phiếu này dùng để làm gì nhưng sau này các phiếu này được dùng để bắt và để cưỡng bức đi qua các trại tập trung ở nước ngoài. Tháng 5-1941, lần đầu tiên các phiếu này được dùng. Người Đức quyết định bắt người Do thái người nước ngoài, chỉ đàn ông mà thôi, nhất là người Ba Lan như ông bà cố của con. Họ nhận lệnh phải trình diện ở sở cảnh sát khu vực. Ở đó, họ bị đưa lên xe buýt dẫn đến ga Austerlitz và từ đây họ bị đưa đến hai trại ở Loiret không xa Orléans và ở Pithivers, ở Beaune-la-Rolande. Cuộc bắt bớ này lại bắt đầu vào tháng 8-1941 nhưng với một phương pháp khác. Người Đức dùng các hồ sơ của sở cảnh sát, họ chọn quận 11 là quận có nhiều người Do thái. Trước khi trời sáng, cảnh sát Pháp bao vây quận 11 và suốt ngày hôm đó họ đi lùng tìm người Do thái tại nhà cũng như ngoài đường để bắt. Vì họ không bắt đủ số như mong đợi – vào thời đó, rất nhiều người Do thái hiểu là không nên ở lại vùng do người Đức chiếm đóng và họ đã lén lút đi qua vùng tự do -, nên trong vòng năm ngày người Đức và cảnh sát Pháp tiếp tục lùng tìm để bắt người Do thái trong cả thành phố Paris. Chỉ có đàn ông mới bị bắt. Nhưng lần này không phải chỉ có người ngoại quốc mới bị bắt mà c�! � những người Pháp, những luật sư danh tiếng chẳng hạn. Lúc nào họ cũng dùng xe buýt để chở đến trại Drancy, trại mà bác Berthe một năm sau bị chuyển tới đó.

Mẹ nói với con trại Drancy thật sự không phải là một trại tập trung.

- Drancy không giống trại tập trung như con tưởng tượng. Đúng ra đó là một thành phố ngoại ô chưa xây xong mà cũng chưa có dân ở. Nó có hàng trăm căn hộ trải dài trên ba tòa nhà xây theo hình chữ U với một cái sân ở giữa. Không có gì để chuẩn bị cho việc đón tiếp 4000 người. Mới đầu người ta cấm họ không được gởi thơ ra ngoài và không được nhận bưu kiện. Họ không có gì để ăn và có khoảng vài chục người chết vì đói. Chết vì đói ở một nước như nước Pháp, dù nước Pháp đang có chiến tranh, dù nạn đói đã biến mất khỏi nước Pháp từ một thế kỷ nay! Vào tháng 12 năm 1941, cuộc lùng bắt ngắm vào một nhóm hạn chế hơn: gần 700 người, tất cả đều là những nhân vật quan trọng: luật sư, công chức… Ngắn gọn, những người thuộc thành phần ưu tú của xã hội.

Như thế họ chỉ bắt có đàn ông?

- Đúng. Nhưng tất cả đã thay đổi từ khi có cuộc bố ráp Vél' d'Hiv' mà mẹ đã nói ở trên. Trong hai ngày, theo lệnh của người Đức, cảnh sát Pháp bắt 13 000 người: nhưng lần này nhiều nhất là đàn bà, trẻ con. (Đúng ra, có nguồn tin luồng ra từ Sở cảnh sát nên đàn ông đi trốn, thường thường họ được che giấu. Nhưng đàn bà, trẻ con không nghĩ rằng người ta sẽ bắt họ nên đa số ở nhà.) Họ bị dẫn đến Vélodrome d'Hiver và họ sống mấy ngày khủng khiếp ở đó trước khi chuyển qua các trại Loiret ở Pithivers và Beaune-la-Rolande. Những người bị bắt vào tháng 5-1941 không còn ở đó nữa; họ đã bị đưa đến trại Auschwitz. Rồi các bà mẹ bị xa con; đó là những cảnh xé lòng. Các bà bị chuyển đi đến trại Auschwitz.

Không có con cái?

- Lúc đó người Đức chưa dự trù đưa trẻ con đến trại tập trung. Nhưng nhà cầm quyền Pierre Laval đề nghị đưa trẻ con đến trại luôn. Phải chờ quyết định của Berlin. Trong thời gian đó, trẻ con ở một mình với các nữ trợ tá xã hội trong các trại ở Pithivers và Beaune-la-Rolande. Rồi sau đó họ chuyển các em đến trại Drancy và từ đó họ đưa các em lên tàu lửa.

Để làm gì?

- Khi mẹ kể cho con nghe cuộc hành trình của bác Berthe, mẹ có nói khi đến trại Birkeneau, một số ít người còn mạnh khỏe đi bộ đến trại, còn đa số bị chất lên xe vận tải. Những chiếc xe vận tải này đưa họ đến những nơi khác nhau. Trước hết người ta đưa họ đến nơi thay áo quần, họ bị cởi hết áo quần, rồi đưa vào một nơi như phòng tắm tập thể. Trong những phòng này, từ mái nhà có ống dẫn hơi độc xuống – hơi zyklon B – làm họ ngộp thở rất nhanh. Người ta đưa xác họ ra và đốt trong những cái lò rất lớn. Thường thường người ta gọi những nơi này là lò hơi ngạt, đôi khi còn gọi là lò hỏa táng. Hoặc gọi cả hai tên.

Người ta tìm lại được đồ án của những nơi này và sau chiến tranh được đem về trưng bày ở một vài viện bảo tàng như ở Auschwitz hay vừa mới đây trong một viện bảo tàng ở Washington, người ta chế tạo các sơ đồ.

Ai làm công việc lựa chọn này? Người Đức?

- Công việc lựa chọn trên bến ga để lựa ra những người họ cho "có thể làm việc được" và những người đi thẳng đến "lò hơi ngạt" gọi là "thanh lọc". Công việc này do các bác sĩ người Đức làm. Nhưng chính những người bị cầm tù mà họ gom lại trong cái gọi là Sonderkommando, lực lượng Điều Khiển đặc biệt, có nhiệm vụ đốt xác chết. Họ cũng không ở lại lâu để làm việc này vì thường thường, đến lượt họ, họ cũng bị vào lò hơi ngạt.

Vì sao họ lại bị vào lò hơi ngạt, họ hữu ích, họ "còn làm việc được" mà?

- Để họ không nói với ai những gì họ thấy, họ làm vì bắt buộc phải làm. Người Đức không muốn người ngoài biết chuyện này.

Tại sao phải giữ bí mật vì rồi tất cả người Do thái trong trại rồi sẽ bị chết?

- Để không gây chú ý và để những người đang bị cầm tù dễ bảo hơn. Công việc khủng khiếp gọi là Sonderkommando là một công việc "bí mật khủng khiếp".

Khi muốn giải thích cho con một cách rõ ràng nhất, bình thản nhất có thể thì mẹ thấy hóa ra mẹ không giải thích được cho con gì hết. Mẹ mô tả cho con nghe một tiến trình kỹ thuật. Làm sao sao nói cho con nghe một chuyện vô tiền khoáng hậu như thế này? Trong Lịch Sử loài người đã từng có rất nhiều cuộc thảm sát nhưng chưa từng có loại nhà máy được dựng lên để giết người hàng loạt như thế này. Chỉ ở trại Birkenau đã có khoảng – rất khó để đếm – một triệu người bị giết trên một miếng đất nhỏ xíu của quả đất! Abraham Lewin sống trong khu biệt cư gettô của người do thái ở Ba Lan đã ghi lại trong cuốn Nhật Ký rằng có tin đồn người ta giết các em bé mười tuổi trong gettô Lodz, một thành phố lớn của Ba Lan: "Thật đau lòng và không có lời nào có thể nói lên những chữ như vậy để làm cho trí tuệ hiểu được ý nghĩa, để viết những điều này trên giấy."

Con biết đó, cái chết của một em bé là điều khủng khiếp nhất, là chuyện không thể nào hàn gắn được có thể xảy ra. Con sẽ học bài thơ Ngày mai, ngay khi hừng đông – Demain, dès l'aube của văn hào Victor Hugo viết bốn năm sau khi con gái của ông là Léopoldine bị tai nạn chết đuối, con sẽ xúc động với nỗi đau không thể nào an ủi được của ông. Trong các cuộc thảm sát hoặc trong các nạn đói, trẻ con cũng bị chết. Nhưng chết ở trại tập trung Auschwitz là một chuyện khác. Đây là muốn diệt cả một dân tộc và cả con cháu của họ, vây dồn trẻ con dù chúng ở bất cứ đâu, để giết cả một dân tộc làm cho nó từ này vĩnh viễn xóa tên ra khỏi quả đất.

Đôi khi mẹ nói Auschwitz, đôi khi Birkenau…

- Auschwitz là tên trại tập trung chính. Sau khi chiếm đóng Ba Lan, đức quốc xã mở ra trại này để giam những người chống đối Ba Lan hoặc những người ưu tú Ba Lan – các giáo sư, các linh mục chẳng hạn. Đó là trại tập trung mà những người đức quốc xã đã thiết lập lên ngay từ khi họ lên nắm chính quyền năm 1933 để giam các cựu chiến binh – những người theo xã hội chủ nghĩa, những người theo cộng sản và một vài người công giáo chẳng hạn – và như thế họ làm cho toàn dân hoảng sợ. Trại tập trung đầu tiên của những trại này được thiết lập ở Dachau, Đức. Sau đó là Buchenwald và trại dành cho phụ nữ là trại Ravensbruck. Năm 1938 khi nước Áo sát nhập vào nước Đức, đức quốc xã mở trại Mauthausen ở Áo. Năm 1940 khi họ sát nhập tỉnh Alsace, họ thiết lập gần Strasbourg trại Struthof. Ở Ba Lan là trại Auschwitz, đó là những căn nhà làm bằng gạch, ngày trước là của quân đội. Chính SS điều khiển trại này.

SS có nghĩa là gì?

- SS là chữ đầu tiên của chữ Schutz-staffel – quân cảnh quốc xã, có nghĩa là "tuyến bảo vệ". Lúc đầu đó là đội quân riêng để bảo vệ Hitler, một loại cảnh sát đặc biệt của ông và của đảng quốc xã. Sau khi lên nắm quyền, lực lượng này tăng dần, chưa bao giờ nhiều như thế, vào khoảng 250 000 người. Họ là những người đã bị nhồi sọ hoàn toàn, bài do thái một cách hung bạo. Dần dần, dưới quyền điều khiển của một đồng chí trung thành với Hitler, ông Heinrich Himmler, quân cảnh quốc xã này trở thành một Quốc Gia trong một Quốc Gia, đặc trách lo các trại tập trung và đặc biệt là việc loại bỏ người Do thái.

Như thế Birkenau cũng là một trại tập trung, một trại khác?

- Đúng và không. Về phía Bắc-Tây của trại tập trung Auschwitz, để đề phòng cuộc tấn công của Liên Bang Xô-Viết, xảy ra ngày 22-06-1941, người Đức đã thiếp lập một trại rất lớn, làm hàng rào chận bằng gỗ ở Brzezinka, ở Đức là Birkenau, ở nơi một ngôi làng mà họ đã làm thành bình địa. Người ta cũng gọi đó là Auschwitz… có vào khoảng 15 000 tù binh Liên Xô bị giam ở đó và tất cả đều bị chết ở đó. Chính nơi đó, bắt đầu từ năm 1942, các người Do thái từ khắp các nước Âu châu bị chiếm đóng bị đem về đó, và ở đây họ đã xây những phòng hơi ngạt-hỏa táng khổng lồ như mẹ đã nói với con.

Mẹ kể tên các trại tập trung và mẹ nói Birkenau không phải là một trại tập trung. Như thế có nghĩa là gì?

- Thường thường, nhất là ở Pháp, người ta thường lầm các trại tập trung và các nơi người Do thái bị giết. Mẹ đã nói với con bác Berthe bị đưa đến trại tập trung. Tiếng pháp "déporté – bị đưa đến trại tập trung" được dùng cho tất cả những ai bị đức quốc xã đưa đến các trại tập trung khác nhau dù đó là ở Đức hay Ba Lan. Một em bé bị bắt trong cuộc bố ráp ở Vél' d'Hiv' cũng như cháu của đại tướng de Gaulle là Geneviève de Gaulle Anthonioz, là một thành viên trong Lực Lượng Chống Đối cũng bị bắt và bị gởi đến Ravensbruck. Trong suốt thế kỷ 19 người ta cũng dùng chữ "déporté" để nói về những người bị kết án tù khổ sai vì lý do chính trị như Alfred Dreyfus hay Louise Michel. Con thấy đó không phải là một danh từ mới.

Như thế sự khác biệt ở đây là gì?

- Cái khác biệt lớn lao là những gì xảy ra khi họ đến đó. Đại đa số người Do thái bị gởi đến những nơi gọi là trại tập trung trong một mục đích duy nhất là bị giết. Một nhà sử học lớn người Mỹ, Raul Hilberg, không thích dùng chữ "trại" hay "trại của cái chết" hay "trại hành quyết" mà ông thích dùng "các trung tâm giết người". Mẹ nghĩ ông có lý. Một trong những trung tâm này được thành lập vào năm 1941 ở Chelmno-sur-Ner, Ba Lan mà người Đức đặt tên lại là Kulmhof. Cách thiếp lập của Chelmno được ba trung tâm giết người Belzec, Sobibor và Treblinka bắt chước. Không có ai nhắc đến ba trung tâm này vì không còn một ai sống sót ở đó để làm chứng, để kể lại những gì đã xảy ra ở đó. Trong những nơi này, đức quốc xã đã chở đến bằng xe lửa hàng ngàn, hàng ngàn đàn ông, đàn bà, trẻ con có thể lên đến 2,7 triệu người duy nhất để đưa họ vào lò hơi ngạt; xác của họ bị đem đi chôn ngay hoặc đưa vào lò hỏa táng. Như vậy không cần phải có thiết bị, không cần hàng rào cản bởi vì những nơi này không dùng để giam tù nhân lâu ngày. Tuy vậy có hai trại vừa giam giữ vừa giết người đó là trại Majdanek và Auschwitz-Birkenau. Không có một ngăn cách bởi vì các người bị giam có thể đi qua về Auschwitz và Birkenau. Đúng hơn Auschwitz là trại giam giữ và Birkenau là trung tâm giết người.

Tại sao người ta nói nhiều đến trại Auschwitz?

- Auschwitz danh tiếng vì nhiều lý do. Trước hết người chết ở đó nhiều nhất; sau đó, cũng hơi ngược đời, là những người sống sót ở đó cũng nhiều nhất – đó là những người chống đối ở tất cả các xứ hay những người Do thái, sau khi được phóng thích, họ thành lập những hiệp hội và đã làm chứng rất nhiều.

Các trại tập trung là những nơi khủng khiếp. Về những điều thiết yếu, cách tập trung khi vào trại thì tất cả đều giống như những điều kiện bác Berthe sống, ngoại trừ một chuyện: Auschwitz là trại duy nhất người ta xâm số.

Những người bị giam giữ đều bị đói, bị lạnh và thường thường bị bắt buộc phải làm những việc cực nhọc, có khi làm những việc nguy hiểm chết người ở các công trường đá hay các nhà máy. Họ bị sỉ nhục đến tận cùng. Mới đầu là những người Đức bị giam giữ: những người chống đối, những người theo đạo Jéhovah không chịu bỏ đạo, không chịu theo Hitler, sau đó là những người đàn ông vào quân đội và những người đàn bà làm trong các kỹ nghệ chiến tranh. Cũng có những người đồng tình luyến ái. Trong những năm chiến tranh, sĩ số người chết trong các trại tập trung thật là khủng khiếp – ở các trại đỡ tệ hơn như ở Buchenwald thì một trên bốn; trong những trại tệ như Mauthausen thì một trên hai-, ngày nay không có gì cho phép xác định rằng mục đích giam cầm trong các trại này chỉ đơn thuần, giản dị là giết bỏ những người này.

Mẹ nói có 2 700 000 người bị giết bằng hơi ngạt nhưng thường thường con nghe con số này lên đến 6 triệu.

- Con số 6 triệu là bao gồm tất cả người Do thái bị giết bằng hơi ngạt hay bằng các phương pháp khác. Các sử gia không đồng ý về các con số. Có người nói 5, có người nói 7 triệu. Khi chết hàng loạt như thế thì khó mà có một con số chính xác.

Mình bắt đầu từ Auschwitz. Trên thực tế, bây giờ người ta thường hay dùng tên Auschwitz để nói đến sự hủy diệt người Do thái ở Âu châu. Và vì giai đoạn này là giai đoạn lịch sử đen tối nhất của thế kỷ 20 nên đôi khi giai đoạn này cũng được dùng để mô tả cái ác cực kỳ mà con người làm cho nhau.

Người ta cũng nói đó là nạn diệt chủng.

- Con nói đúng. Đó là một chữ mới dùng gần đây, chữ này được một giáo sư luật quốc tế người Ba Lan di dân qua Mỹ, Raphael Lemkin, dùng lần đầu tiên năm 1944, chính xác dùng để chỉ cuộc hủy diệt người Do thái. Chữ diệt chủng tiếng pháp là génocide, có nguồn gốc từ tiếng hy lạp génos, có nghĩa là chủng tộc và từ động từ coedere tiếng la tinh có nghĩa là giết. Là mưu đồ làm biến mất một chủng tộc.

Còn lò thiêu – holocauste?

- Ở Mỹ người ta chỉ dùng chữ "lò thiêu". Mẹ không thích chữ này. Nó có nghĩa là "hy sinh bằng lửa" và có thể làm cho người ta nghĩ rằng người Do thái hy sinh hay bị hy sinh cho Chúa. Năm 1985, ông Claude Lanzmann, một điện ảnh gia đã sản xuất một kiệt tác lạ kỳ trong đó ông quay các người sống sót, các nhân chứng tại nơi đã hủy diệt họ. Phim rất khô khan nên càng làm rõ nét cảnh hủy diệt người Do thái. Phim dài gần mười giờ, sau này lớn lên, dứt khoát con phải xem cuốn phim này. Ông đặt tên phim là Shoah, tiếng do thái có nghĩa là "hủy diệt". Hủy Diệt – Shoah là một cách khác để nói đến nạn diệt chủng người Do thái không phải chỉ ở Auschwitz mà thôi.

Chữ "diệt chủng" mẹ vừa giải thích cho con là để nói đến những gì đã xảy ra cho người Do thái ở Âu châu thời đức quốc xã. Nhưng con thường nghe người ta dùng chữ này cho những biến cố khác, có đúng không?

- Đây là một câu hỏi rất khó. Các triết gia, các sử gia và cả các chính trị gia vẫn còn thảo luận, đôi khi đưa đến những bất đồng rất dữ dội. Không có gì bình thường hơn. Giáo sư luật Raphael Lemkin mà mẹ vừa nói với con đưa ra một định nghĩa pháp lý cho chữ diệt chủng và nó được dùng để phục vụ cho nền công chính quốc tế. Từ năm 1948, Liên Hiệp Quốc đã để diệt chủng ra ngoài luật quốc tế. Đối với các sử gia như mẹ, danh từ thí ít quan trọng hơn là việc hiểu các sự kiện xảy ra trong quá khứ. Nếu người ta định nghĩa diệt chủng là ý muốn của một nhà cầm quyền hay một phần của nhà cầm quyền dù khó biết quyết định này từ đâu và ai là tác giả của quyết định này. Quyết định hủy cả một dân tộc thì mẹ nghĩ có hai biến cố trong lịch sử nhân loại của thế kỷ 20 này có thể được xem đó là diệt chủng: trước hết là cuộc thảm sát người Arménien do người Thổ giết năm 1915 trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Nhất; và gần đây là cuộc thảm sát người Tutsis do người Hutus thực hiện ở Rwanda, Phi châu.

Mình trở lại thời kỳ chiến tranh, có phải trong thời kỳ này chỉ có người Do thái mới bị giết không?

- Người Do thái không phải là những người duy nhất chết trong lò hơi ngạt. Còn có người Du Mục – Tziganes. Trong Đệ Tam Đế Chế, họ bị giam trong các trại tập trung và trong các gettô. Và họ bị chuyển qua các trung tâm giết người. Năm 1942, trung tâm Birkenau mở "trại gia đình": ba mươi hai cái lán được thành lập để gom từng gia đình, vào khoảng 20 000 người. Trong đêm 1-2 tháng 8 năm 1944, tất cả, đàn ông, đàn bà, trẻ con bị đưa vào phòng hơi ngạt.

Những người không bị chết ở phòng hơi ngạt họ sẽ chết như thế nào?

- Nạn diệt chủng người Do thái hay "Giải pháp cuối cùng về vấn đề người Do thái" như cách gọi của đức quốc xã không giới hạn ở trại tập trung Auschwitz hay các trung tâm giết người.

Còn cái khác nữa sao?

- Như mẹ đã giải thích với con, mục đích đầu tiên của những người đức quốc xã là trong thời gian đầu tiên Đệ Tam Đế Chế là phải làm biến mất người Do thái ra khỏi chế độ. Từ năm 1933 đến 1939, người Do thái có thể rời Đức, Áo hay một phần nước Tiệp đang bị sát nhập vào Đức, họ phải để lại phần lớn tài sản của họ. Vấn đề chính của họ là tìm một nước cho họ định cư. Từ sau thế chiến 14-18, nước Mỹ đóng cửa không cho họ vào. Với cơn khủng hoảng kinh tế đang tàn phá Âu châu những năm 1930, tất cả các nước Âu châu đều đóng cửa không cho dân tị nạn vào. Năm 1939, chỉ còn một nơi đón nhận người Do thái: Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Hoa! Từ nay người Do thái như ở trong cái rọ. Ngay ngày đầu cuộc chiến, người Đức đã nghĩ ra việc dựng lên một nơi nào đó dành riêng cho người Do thái. Đầu tiên hết họ nghĩ đến đảo Madagascar lúc đó còn là thuộc địa của Pháp. Nếu một hiệp ước hòa bình được ký với Pháp thì người Đức sẽ có thể gởi 4 triệu người Do thái đến đảo này dưới sự kiểm soát của Quân Cảnh Quốc Xã. Hiệp ước không được ký. Sau cuộc chiếm đóng Ba Lan tháng 9-1939, họ nghĩ đến một khu vực dành riêng cho người Do thái ở Lublin, Nisko ở Ba Lan. Họ bắt đầu đẩy người Do thái đi, tình trạng lúc di chuyển rất khủng khiếp đến nỗi có cả trăm người chết. Nhưng từ tháng 2-1941, họ cấm người Do thái rời Đế Chế Đức.

Như vậy người Do thái không thể nào đi trốn?

- Với cuộc chiếm đóng Ba Lan bằng quân đội Đức, có 3 triệu người Do thái rơi vào tay họ kiểm soát. Người Do thái chiếm 10% dân số Ba Lan nhưng có những thành phố và thị trấn, con số này lên đến một nửa. Trong tuyệt đại đa số này, họ không "hòa nhập" vào dân bản xứ như những người Do thái ở Đức và Pháp. Họ thành lập một cái gọi là "thiểu số quốc gia", trên nguyên tắc, với một vài quyền về văn hóa như được dạy học bằng ngôn ngữ của họ, tiếng yiddish. Tất cả đảng phái chính trị đều có người đại diện của họ trong hội đồng thành phố hay trong nghị viện.

Ngay lập tức, người Đức thiết lập các gettô.

Thế nào là một gettô?

- Ngày nay chữ này dùng để chỉ những khu phố có một nhóm người thiểu số sống trong những điều kiện khó khăn như khu người Da Đen Harlem ở New-York, một vài vùng ngoại ô ở Pháp. Nhưng ở Ba Lan, các gettô giống như các gettô thời Trung Cổ, có nghĩa là những khu vực hoàn toàn cô lập. Người Đức buộc người Do thái phải sống tách biệt một nơi cuối thành phố có chăng kẽm rao gài hay trong một gettô lớn ở Varsovie thì ngăn bằng các bức tường. Họ bắt buộc cư dân trong các thành phố nhỏ đến sống chất đống trong các gettô của các thành phố lớn; ngay lập tức, họ đưa người Do thái ở Đức và người du mục – Tzigane – đến đó ở. Người Do thái phải tổ chức lại cuộc sống với nhau, một loại như một Quốc Gia độc lập nhỏ nhưng hoàn toàn không có gì hết.

Làm sao họ có thể tổ chức được?

- Người Đức ra lệnh cho họ phải chỉ định ai là thành viên của chính quyền gettô, Hội Đồng Do thái. Chính Hội Đồng này có nhiệm vụ nuôi ăn, nuôi ở, tổ chức việc làm, coi sóc vệ sinh và làm cho người Do thái phải tôn trọng luật lệ của người Đức qua hệ thống cảnh sát riêng của người Do thái. Một vài vị chủ tịch Hội Đồng say sưa bởi quyền lực người Đức cho họ, họ tưởng họ là vua người Do thái nên đã lấy hình riêng của mình làm khuôn đúc ttiền, đó là ông Rumkowski ở Lodz. Nhưng đó là một trường hợp ngoại lệ. Một vài người tin, nhờ quyền lực của họ, họ có thể cứu một ít người Do thái bằng cách để những người này làm việc cho người Đức: những việc làm của các người này rất hữu ích nên người Đức buộc lòng phải để họ sống. Đó là một tình trạng không thể được. Phải làm gì bây giờ? Để dân mình trực tiếp tiếp xúc với người Đức mà không có một tổ chức nào sao? Cố gắng tổ chức lại đời sống hoặc ít nhất là sống còn trong tình trạng đỡ khổ nhất? Sau chiến tranh, một số người đã kết án những người trong Hội Đồng đã hợp tác với người Đức trong việc đưa dân tộc họ vào trại tập trung.

Có đúng vậy không?

- Khi nghĩ đến chuyện này, mình có cảm nhận một khi cái búa đã đóng xuống thì gần như không có cái gì mà không thể có, rằng dù họ làm gì đi nữa những người cầm đầu lúc nào cũng mang tội. Không có giải pháp bởi vì rốt cùng, tất cả mọi người đều bị lên án chết.

Người Đức cố tình làm cho điều kiện sống trong các gettô thật là kinh khủng. Chẳng hạn ở Varsovie, năm 1941, trên một miếng đất rộng 403 mẫu có 550 000 người sống chất đống ở đó. Mỗi căn hộ có ít nhất mười lăm người sống, mỗi phòng có thể có sáu, bảy người. Người Đức chỉ cho tiếp tế thức ăn cực kỳ nhỏ giọt. Dân đói kinh niên và bệnh thương hàn làm chết nhiều người. Giữa tháng 1 năm 1941 đến tháng 7 năm 1942 chỉ trong một gettô ở Varsovie, có đến 61 000 người chết. Tổng cọng có 600 000 người chết đói trong tất cả các gettô. Ngày nào người ta cũng thấy các xác chết dơ xương nằm thê thảm ngoài đường.

Dù vậy đời sống vẫn được tổ chức đàng hoàng. Các người thiện nguyện từ nhiều tổ chức khác nhau thành lập phòng phát thuốc, trại mồ côi, trung tâm tị nạn, căng-tin bình dân. Các buổi lễ tôn giáo được tổ chức lén lút. Các thư viện, các rạp kịch nghệ và ngay cả một phân khoa y khoa cũng được lén lút tổ chức. Có một vài người còn làm giàu nhờ buôn lậu và vui mừng làm hội trong những quán ca nhạc.

Làm sao mình biết một cách chính xác họ sống như thế nào?

- Đây là sự kiện duy nhất trong Lịch Sử: những người bị giam trong gettô viết và lưu lại tài liệu. Chaim Kaplan bị giam trong gettô ở Varsovie, ông không sống sót, ông giải thích tại sao ông viết Nhật Ký dù biết viết như thế này nguy hiểm đến tính mạng: "Tôi có cảm nhận sâu xa giá trị lớn lao về thời gian chúng tôi sống ở đây, về trách nhiệm của tôi đối với lịch sử, và tôi xác quyết trong lòng là tôi phải thi hành bổn phận này đối với lịch sử, bổn phận mà tôi không có quyền tước bỏ (…) Nhật ký của tôi sẽ là nguồn tư liệu cho nhiều sử gia tương lai." Emmanuel Ringelblum, một sử gia trẻ và cũng là người bị bắt giữ đã thiết lập các nhóm để gom lại tất cả tài liệu nào có thể gom được. Ông để các tài liệu này trong các bi-đông bằng kim loại rồi chôn nó xuống đất. Sau chiến tranh, khi đào đống gạch vụn ở gettô Varsovie, người ta tìm được phần chính yếu các tài liệu này.

Mẹ có vẻ như thấy điều này rất là quan trọng. Tại sao?

- Các người đức quốc xã muốn xóa hẳn một dân tộc cho đến cả ký ức của họ. Sử gia Ignacy Schiper bị ám sát ở Majdanek đã giải thích rất rõ ràng: "(…) tất cả tùy thuộc vào những người truyền lại bản di chúc của họ cho các thế hệ sau, tùy vào những người sẽ viết lịch sử thời kỳ này. Thường thường, Lịch Sử được viết bởi những người chiến thắng. Tất cả những gì chúng ta biết về các dân tộc bị sát hại là những điều mà những người giết họ muốn nói về họ. Nếu những người giết chúng ta chiến thắng, nếu chính họ là những người viết lịch sử cuộc chiến, sự hủy diệt chúng ta sẽ được trình bày như một trong những trang đẹp nhất của lịch sử nhân loại và các thế hệ sau sẽ tôn vinh lòng can đảm của những người quốc xã này. Mỗi lời nói của họ sẽ là lời Phúc Âm. Như vậy họ có thể quyết định xóa hẳn hoàn toàn chúng ta ra khỏi ký ức nhân loại, như thử chúng ta chưa bao giờ sống, chưa bao giờ có đạo do thái ở Ba Lan, có gettô ở Varsovie, có Majdanek."

Những người chết ở các gettô, những người chết bằng hơi ngạt, không khi nào con hiểu con số 6 triệu người này.

- Tháng 6-1941, quân đội Đức, Wehrmacht, đã giết hàng loạt người Do thái lúc họ chiếm đóng Liên Bang Xô-Viết. Có quân đội tháp tùng yểm trợ, từng nhóm nhỏ Lực Lượng Đặc Biệt bao gồm một ít Quân Cảnh Quốc Xã có nhiệm vụ giết những người cộng sản có trách nhiệm và những người Do thái. Bởi vì nơi người đức quốc xã lòng hận thù người cộng sản và người Do thái đi đôi với nhau. Cộng sản hay người bôn-sê-vích như họ thường gọi, dưới mắt họ đồng nghĩa với người Do thái. Dù có cả một khác biệt giữa người Do thái và những người cộng sản có trách nhiệm. Ohlendorf đứng đầu một trong những lực lượng này, các lực lượng đã giết 90 000 người, đã giải thích như sau: "Lệnh được viết ra là dân tộc do thái phải hoàn toàn bị loại bỏ", ông tuyên bố và nói rõ là trong sự hiểu của ông, không có chuyện "người ta tìm gia đình một ủy viên xô-viết."

Họ phải làm những gì?

- Khi các nhóm đặc biệt này đến một nơi nào đó, họ tụ tập dân do thái ở một nơi công cộng của làng rồi dẫn đến một vùng biệt lập, nơi đó họ đã đào một hoặc nhiều hố. Mẹ để ông Abraham Aviel thuật lại, ông là người sống sót duy nhất trong gia đình ông: "Người ta bắt đầu dẫn người Do thái đi về hướng cái hố, ra lệnh cho họ phải cởi áo quần và khi họ lên trên bờ đất, người ta nghe hàng loạt tiếng súng nổ, họ rơi xuống hố. Trẻ con, đàn bà, từng gia đình này nối đuôi gia đình khác cùng đi chung."

Loại tàn sát này kéo dài đến hết chiến tranh nhưng giai đoạn quan trọng nhất là từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 12-1941, ít nhất đã có 700 000 người Do thái bị giết.

Làm sao người ta có thể làm như vậy với trẻ con?

- Nhiều người cũng đặt câu hỏi như vậy. Mẹ vẫn còn tiếp tục đặt câu hỏi. Dù trong một vài trường hợp, viên chỉ huy có đề nghị cho các binh sĩ nào không muốn tham dự vào các cuộc thảm sát này có thể đổi qua đơn vị khác. Rất ít người chấp nhận. Đối với một vài sử gia, tất cả những điều này phải hiểu trong bối cảnh chiến tranh, lúc bạo lực ở khắp nơi, lúc cái chết trở nên bình thường. Có người giải thích khả năng giết người là do họ không muốn tỏ ra không đoàn kết với nhóm, chẳng hạn không muốn tỏ ra mình hèn. Có người giải thích vì vâng lời cấp trên. Họ nêu ra một thử nghiệm của nhà khoa học Mỹ, Bác sĩ Stanley Milgram, ông muốn thử khả năng cự lại của một cá nhân đối với người có quyền. Ông kêu mời các người tự nguyện tham gia vào thử nghiệm khoa học này. Một "nhà cầm quyền khoa học" bắt các người tự nguyện này giựt điện vào một nạn nhân, thực tế là một diễn viên. Khi điện giựt ngày càng mạnh, "diễn viên" rên rỉ, hét la, cầu cứu rồi nằm yên lặng, giả chết. Hai trên ba người tự nguyện, những người bình thường như mẹ với con đánh đập vào một người mà họ không quen biết chỉ vì họ vâng lời "cấp trên" – ở đây là khoa học -, những cú đánh mà họ nghĩ sẽ làm người đó chết, không chút thương hại nạn nhân.

Mẹ nghĩ là ai cũng có thể sát hại người khác vì cấp trên bắt họ sao?

- Không, không phải tất cả mọi người bởi vì trong thử nghiệm của bác sĩ Milgram, có một số người từ chối đi đến cùng. Cũng có một giải thích khác: có người nghĩ rằng các cuộc thảm sát này là do chiến dịch bài trừ do thái lan rộng, xem họ như chấy rận. Nên loại bỏ họ không phải là giết người.

Những người hành quyết họ không cảm thấy có tội sao, không hối hận sao?

- Điều chắc chắn, người hành quyết không làm một cách thoải mái, ít nhất là lần đầu. Thường thường, họ uống rượu trước khi đi hành quyết người khác và tiếp tục uống sau cuộc hành quyết. Rất đáng lo cho sức khỏe tinh thần của những người này, họ có nguy cơ trở thành những bộ máy vô nhân đạo vì thế mới giải thích được tiến trình đi từ bắn người hàng loạt trước các hố chôn gần làng đến việc dùng hơi ngạt giết người có tính cách kỹ nghệ trong các trại tập trung ở Ba Lan. Như mẹ đã kể với con, từ tháng 12-1941, người Do thái mới bị giết bằng hơi ngạt trước hết là trong các xe vận tải có thiết bị hơi ngạt. Mục đích của phương pháp này là làm xa nạn nhân và tên đồ tể để tên đồ tể không giết người bằng chính bàn tay họ. Họ giữ được ảo tưởng họ vô tội, không dính máu trên bàn tay.

Đó là lần đầu tiên người ta dùng phương pháp này?

- Đúng và không. Hơi ngạt đã được Hitler khởi dùng trong một chiến dịch trợ tử rộng lớn. Đối với ông, xã hội trả giá đắt đỏ cho những người bị bệnh tâm thần. Hơn nữa nếu để họ sinh sôi nẩy nở sẽ có nguy cơ làm hại "nòi giống". Ngay trước khi ông lên cầm quyền, đàn ông đàn bà con lai, những người sinh từ cha, mẹ người Đức và Sénégal đã bị làm cho vô sinh; sau Thế Chiến Thứ Nhất, những người này đã cùng với quân đội Pháp chiếm đóng vùng Rhur. Hitler cũng ra lệnh giết những người bị bệnh tâm thần vì ông cho răng những người này "không đáng sống". Như thế quyền lực chính trị đã có thể quyết định ai được sống, ai phải xóa bỏ khỏi hành tinh này. Các tài liệu gần đây cho biết có khoảng 200 000 người bệnh bị giết trong bí mật tuyệt đối, thường thường là trong những chiếc xe vận tải có hơi ngạt. Chiến dịch chấm dứt năm 1941 khi các linh mục thiên chúa giáo lên tiếng chống lại. Điều đáng ngạc nhiên là chính những người có trách nhiệm trong việc trợ tử này cũng là những người lên chương trình giết người Do thái trong những trại giết người đầu tiên,

Ngay khi lên nắm chính quyền, Hitler đã muốn giết hết tất cả người Do thái?

- Không, chỉ bắt đầu vào năm 1941-1942, việc giết người Do thái ở Âu châu mới trở thành một hệ thống. Lúc đó không những chỉ giết người Do thái ở Ba Lan, nước bị Đức chiếm đóng hay người Do thái ở Xô-Viết, nằm trong vòng kiểm soát của Đức mà toàn thể người Doi thái ở Âu châu. Ngày 20-01-1942 ở Wannsee, một thị trấn của Bá Linh, có một cuộc họp đại diện các thành phần của Quốc Gia liên hệ đến việc này để thảo luận một "giải pháp cuối cùng cho vấn đề người Do thái": Bộ trưởng đặc trách các vùng đất bị chiếm đóng của Đế Chế, bộ trưởng Nội Vụ, bộ trưởng Tư Pháp, bộ trưởng Ngoại Giao… Người ta biết nội dung buổi thảo luận này vì còn giữ biên bản buổi họp này. Mẹ kể cho con nghe một đoạn đủ rõ dù ngôn ngữ dùng dưới thời đức quốc xã thường là mật mã bởi vì theo nguyên tắc, họ phải giữ bí mật tuyệt đối: "Dưới sự hướng dẫn của chính quyền, người Do thái phải – trong viễn cảnh đây là giải pháp cuối cùng – được chuyển về phía Đông và họ bị bắt buộc phải làm việc tại đó. Họ phải bao gồm các người làm việc được, phải phân chia hai phái ra riêng. Các người Do thái còn sức làm việc phải được điều động đến những vùng làm đường. Đương nhiên phải chờ luật đào thải tự nhiên – bằng cái chết – để loại bỏ một tỷ lệ quan trọng trong số này. Yếu tố tự nhiên làm cho những người này còn sống, và từ sự kiện này, nó phải được xem và xử lý như những thành phần chống cự, bao gồm cả luật đào thải tự nhiên. Để cho những người này tự do là! một nguy hiểm vì có thể tạo thành một hạt nhân để từ đó tái sinh dân tộc Do thái."

Nói cho rõ hơn thì mẹ dịch câu này như thế nào?

- Nếu điều kiện làm việc không giết được họ thì những người này là những người rất mạnh, phải loại bỏ họ bằng phương tiện khác, nếu không họ sẽ làm tái sinh dân tộc Do thái.

Như vậy không phải là một chuyện tình cờ mà cuộc bố ráp xảy ra vào tháng 7-1943 tại Vel' d'Hiv'?

- Nếu phải chỉ định một tháng khủng khiếp nhất của cuộc chiến thì đó phải là tháng 7­-1942. cùng một lúc với cuộc bố ráp khổng lồ ở Vel' d'Hiv' các Quân Cảnh Quốc Xã tổ chức đưa người Do thái đến trại tập trung ở Varsovie. Họ mong muốn dựa trên sự hợp tác của ông Adam Czerniakow, chủ tịch Hội Đồng Do thái. Ông này cũng viết một quyển Nhật Ký, ghi các sự kiện xảy ra trong ngày ở gettô trong một quyển sổ nhỏ. Ngày 22-07-1942, ông ghi: "Người ta cúp điện thoại. Trẻ con bị tách ra khỏi sân gần cộng đồng. Người ta tuyên bố tất cả người Do thái, không phân biệt tuổi tác, giới tính sẽ được di chuyển về phía Đông, trừ một vài trường hợp đặc biệt. Ngày hôm nay, chúng tôi phải gởi một đội ngủ gồm sáu ngàn người cho họ trước mười sáu giờ chiều. Và phải gởi một số lượng như thế (có thể nhiều hơn) mỗi ngày." Ngày hôm sau, ông Czerniakow tự tử, ông hiểu cái mà người Đức gọi là "tái định cư phía Đông" trên thực tế là đi đến chỗ chết. Ông để lại mấy chữ cho vợ: "Người ta muốn chính tay tôi giết con cái dân tộc tôi."

Như vậy cuộc di chuyển người Do thái được làm mà không có ông chủ tich Hội Đồng Do Thái?

- Dù không có ông Czerniakow, với nhịp độ đẩy 5000 đến 7000 người mỗi ngày, gettô sẽ mau trống. Một nhà ga được thiết lập gần bờ ranh gettô, nơi có những toa xe lửa chuyển thẳng đến trung tâm giết người ở Treblinka, một trăm hai mươi cây số gần Varsovie; trong khi những người đi từ Pháp, các xứ Bắc Âu hay tại Bỉ cũng bị chất trên những tòa tàu đầy người như thế chạy về trại Auschwitz. Cuộc di chuyển người Do thái về Varsovie kéo dài bảy tuần. Không có con số chính xác nhưng ước lượng có khoảng 265 000 đến 310 000 Do thái ở Varsovie bị vào lò hơi ngạt ngay khi họ đến Treblinka.

Con không hiểu tại sao họ để bị bắt như thế. Tại sao họ không chống cự lại?

- Có người nói rằng người Do thái đã để cho đức quốc xã "lùa họ như lùa đàn cừu đến lò sát sinh". Những cái chết này không xứng đáng để bị khinh như vậy. Phải thử đặt mình trong hoàn cảnh thời đó. Mẹ biết là rất khó khăn. Trước hết, người Do thái không biết là đức quốc xã muốn giết hết họ, là những toa xe lửa này đưa họ đến lò hơi ngạt. Khi đức quốc xã kiểm kê dân số, tịch thu tài sản, họ làm những việc này đôi khi có sự cộng tác của chính quyền đồng minh, như nước Pháp chẳng hạn, hoặc với sự đồng tình của chính quyền Ba Lan đưa họ vào các gettô như ở Varsovie, thì họ không ý thức họ đang ở trong một tình trạng không có lối thoát và nhất là họ không biết họ sẽ đi về đâu. Và dù nghi ngờ do có tin đồn thì họ cũng không thể nào tin những chuyện như thế có thể xảy ra, những điều kinh hoàng khủng khiếp như thế. Làm sao họ có thể ý thức được khi chính người Đức cũng chưa hiểu nội dung chính xác của cái họ gọi là "giải pháp cuối cùng"? Giống như mẹ đã giải thích cho con, đã có lúc họ nghĩ giải pháp quét sạch người Do thái của Đế Chế là di dân.

Khi họ quyết định "Giải Pháp Cuối Cùng" thì đó có phải đó là đơn thuần và giản dị là một cuộc thanh trừng?

- Vì không có lệnh viết của Hitler nên các sử gia không đồng ý với nhau. Đối với một vài người, tháng 6-1941, với cuộc xâm chiếm Liên Xô; đối với một số người khác thì có một loại quyết định mà người ta gọi là quyết định vùng: loại bỏ người Do thái ở Liên xô, rồi ở Ba Lan; cuối cùng với cuộc thảo luận ở Wannsee, tất cả người Do thái ở Âu châu đều rơi vào tay họ. Điều chắc chắn là lúc có cuộc kiểm tra dân số người Do thái ở Pháp hay khi những người Do thái ở Ba Lan bị nhốt trong các gettô có tường bao quanh thì khi đó chưa có quyết định thanh trừng. Chúng ta biết đoạn kết của câu chuyện và chúng ta diễn giải mỗi yếu tố theo đoạn kết này. Nhưng những ai sống vào thời buổi đó thì không biết! Ngày qua ngày, không thông tin, không báo chí, không đài truyền thanh, chỉ nghe những tin đồn trái ngược nhau, họ phải đoán những gì sẽ xảy ra cho ngày hôm sau. Chẳng hạn, nếu họ biết, như ngày nay chúng ta biết, các phiếu kiểm kê dùng để bắt họ thì họ có làm không? Con có thể tự trả lời câu hỏi này.

Người ta biết gì vào thời đó? Các thông tin có được loan báo?

- Rất khó để biết hồi đó người ta biết được những gì. Cái này tùy thuộc rất nhiều vào nơi họ sinh sống. Chẳng hạn, ở Ba Lan nơi có những trung tâm hủy diệt thì tin tức lan đi rất nhanh. Nhưng không phải mọi người đều tin. Ở Pháp, tin tức loan báo có thể chậm hơn. Đàn ông, đàn bà chịu hiểm nguy khi đi thông báo. Chẳng hạn, rất nhiều người biết trước sẽ có cuộc bố ráp ở Vél' d'Hiv', đôi khi còn do sở cảnh sát luồng ra. Người Đức dự trù sẽ bắt 30 000 người Do thái trong vòng hai ngày. Nhưng họ chỉ bố ráp 'có" 13 000 người, con số này cũng đã là kinh khủng. Vì cho đến giờ phút đó, người ta chỉ mới bắt đàn ông, họ nghĩ người ta để yên đàn bà trẻ con. Vì thế ngày hôm đó, đa số đàn bà trẻ con đều bị bắt.

Người ta có thể thoát được bố ráp sao?

- Người ta có thể thoát một cách bất hợp pháp. Nhưng không phải dễ dàng. Còn tùy từng xứ. Chẳng hạn ở Pháp cần phải có giấy tờ giả, phải có tiền để trả cho người đưa đường để họ lén lút đưa qua ranh giới vùng bị chiếm và vùng tự do. Nếu mình là người ngoại quốc, không nói thạo tiếng pháp hoặc nói giọng lơ lớ thì cực kỳ nguy hiểm. Và nhất là phải có gì nuôi mình và nuôi gia đình. Càng nghèo, càng không có tiền thì càng khó khăn. Dù vậy rất nhiều người Do thái sống sót nhờ được dân chúng giúp đỡ. Trên 330 000 người Do thái sống ở Pháp năm 1939, có khoảng 75 000 người bị đưa đi giết, bác Berthe ở trong số 2 500 người Do thái ở Pháp sống sót sau khi bị đưa đến trại tập trung Auschwitz. Như thế có bốn trên năm người Do thái được cứu. Ở Ba Lan có khoảng 3 triệu người Do thái bị giết, gần như không thể trốn thoát ở đó được. Cũng có thể dân chúng ở đó bài Do thái sâu xa nên họ không muốn che chở người Do thái. Ở Ba lan cũng như ở Đức, người ta nghĩ có một "vấn đề Do thái" và một số lớn người Ba Lan, dù chống đối đức quốc xã, nhưng họ không giận đức quốc xã khi đức quốc xã thanh toán người Do thái, vì đối với họ, đây cũng là vấn đề của họ, có quá nhiều người Do thái trong xứ họ. Rồi còn luật lệ của người Đức áp dụng ở Ba Lan khắt khe hơn luật lệ áp dụng ở Pháp về vấn đề này. Nếu một người Ba Lan thiên chúa giáo giấu người Do thái và bị phát giác, thì họ và tất cả những người ở trong nhà sẽ bị hành quyết tại chỗ.

Và chung chung, người Do thái có kháng cự không?

- Suy nghĩ kỹ nếu người Do thái kháng cự lại mới là chuyện đáng ngạc nhiên. Các sử gia – con thấy đó, họ rất thích tranh luận ngay cả họ đã đồng ý về các sự kiện thực tế – đã thảo luận rất nhiều để biết sự kháng cự của người Do thái như thế nào. Một vài người nghĩ rằng phải hiểu rõ chữ "kháng cự" theo nghĩa đen, giống như con học trong môn vật lý: kháng cự là một lực đối kháng với một lực khác. Đối với người Do thái, kháng cự đơn giản là chiến đấu để bảo tồn mạng sống, sức mạnh của sự sống chống với ý muốn giết người. Như thế ở Pháp, các tổ chức như Chương Trình Cứu Giúp Tuổi Thơ đã cứu được nhiều trẻ em.

Vì người ta có thể cứu được trẻ em?

- Để cứu trẻ con, người ta làm giấy giả cho chúng rồi tìm các cô gái để nhờ các cô đưa đến nơi an toàn, thường thường là những gia đình ở nhà quê hay trong các tu viện. Ở một vài vùng như vùng Cévennes hay làng Chambon-sur-Lignon ở miền Trung nước Pháp, những nơi này đối với người Do thái là những nơi dung thân thật sự. Ở Ba Lan, mùa hè 1942, chỉ sau khi người Do thái bị đưa vào trại tập trung ở Varsovie, lúc đó mới có những lời kêu gọi đầu tiên nhằm giúp đỡ họ.

Tại sao giúp đỡ người Do thái ở Ba Lan thì khó hơn?

- Ở Ba Lan, ý muốn cứu người Do thái không được lan rộng. Một văn sĩ rất nổi tiếng ở Ba Lan, bà Zofia Kossak-Szczucka đã viết một bản chống đối: "Ai im lặng trước một vụ giết người, người đó là đồng lõa. Ai không lên án, người đó đồng ý với bản án." Ở Ba Lan, không có gì là thuận lợi cho người Do thái. Sự chiếm đóng của người Đức cực kỳ dã man. Các thành phần ưu tú của xã hội Ba Lan bị cầm tù, bị gởi đến các trại tập trung hoặc bị bắn. Tình trạng của những người Ba Lan rất bấp bênh. Dù vậy một hội đồng giúp đỡ người Do thái đã được thành lập gồm đại diện các đảng phái chính trị do thái và ba lan. Hội đồng này đã giúp đỡ tiền bạc, đã che giấu 8 000 người Do thái bằng cách cung cấp giấy giả, tìm chỗ ở cho họ bằng cách xây chỗ trú ẩn dưới hầm nhà, hay làm tường giả trong các căn hộ, một việc làm rất khó khăn. Họ giấu được 2 500 trẻ em trong các nhà dòng, 1 300 em trong các gia đình Ba Lan. Những con số này là những con số không đáng kể so với 3 triệu người chết. Nhưng nó làm cho mình suy nghĩ về hành vi anh hùng rất đặc biệt, rất kín đáo của những người hành động, đơn giản họ làm bổn phận của con người đối với nhau. Trong lúc con người đối xử với nhau vô nhân đạo thì đôi khi đối xử với nhau có lòng nhân thì cũng đã là anh hùng.

Vì vậy tất cả các "trung tâm giết người" được đặt ở Ba Lan?

- Mẹ không nghĩ vậy. Mẹ nghĩ đúng hơn là vì khía cạnh thực tế khi chọn các nơi này vì rất nhiều người Do thái ở trong vùng lân cận.

Như vậy người Do thái kháng cự là để sống còn và giúp người khác sống còn?

- Không chỉ như vậy. Một vài người còn tham dự vào các phong trào Kháng Cự rộng lớn, có vũ khí. Đó là trường hợp ông ngoại Étienne của con khi ông gia nhập các lực lượng vũ trang ở Grenoble, rồi ở Lyon. Cùng với các bạn ở trường Belleville là những người không phải là người ngoại quốc vì họ sinh ra ở Pháp và đương nhiên là nói tiếng Pháp như người Pháp, họ chiến đấu chống sự chiếm đóng của đức quốc xã bằng cách đặt mìn làm trật đường rầy xe lửa, tổ chức những cuộc đánh bom chống người Đức. Dù vậy khi mẹ thảo luận với ông về thời kỳ đó, lúc nào ông cũng lấy làm tiếc: đã không chiến đấu để cứu trẻ em Do thái bị đưa đi giết. Nên bây giờ về hưu, ông không quan tâm đến việc kỷ niệm thời Kháng Cự nhưng ông quan tâm đến việc làm các bảng tượng niệm đặt trên các tường các trường học ở Belleville, nơi có hàng trăm trẻ em Do thái chết trong các trại tập trung để hậu thế đừng quên tên các em.

Còn ở Ba Lan?

- Có những người chiến đấu trong các trại hay trong các gettô, nơi có một số người nổi dậy. Cuộc nổi dậy nổi tiếng nhất là cuộc nổi dậy ở gettô Varsovie. Con còn nhớ mùa hè năm 1942, sau khi đẩy người Do thái vào các trung tâm giết người, gettô gần như vét trống, chỉ còn khoảng 40 000 người, những người làm cho quân đội Đức. Tinh thần họ thay đổi. Trong khi bị đưa đến trung tâm giết người, ai cũng lo cho sự sống còn của bản thân và của người thân. Vào mùa thu năm 1942, ai cũng hiểu thực tế kinh hoàng: "tái định cư ở phía Đông" là chết. Ý tưởng có một nhóm kháng cự vũ trang được thành hình và tổ chức chiến đấu Do thái do một thanh niên trẻ mới hai mươi bốn tuổi, Mordechai Anieliewicz được thành lập. Đồng bạn của anh, ông Marek Edelmann, người duy nhất ngày nay còn sống sót, đã viết: "Anh lường một cách chính xác các cơ may trong cuộc chiến bất cân này. Anh dự trù việc hủy diệt gettô và các lều bán hàng. Anh chắc chắc là anh và các đồng bạn sẽ không sống sót khi họ giải thể gettô, anh và các bạn sẽ chết như con chó, không kèn không trống, không ai biết xác họ chôn đâu."

Họ chiến đấu như thế nào?

- Phải có vũ khí. Mà tổ chức kháng cự Ba Lan rất dè chừng, họ chỉ cung cấp vũ khí một cách nhỏ giọt. Trước hết là mười khẩu súng, rồi bốn mươi chín. Tổng cộng có khoảng sáu mươi khẩu súng lục. Ngày 18-01-1943, người Đức vào gettô. Họ quyết định đưa 8 000 người Do thái vào trung tâm giết người. Nhưng có súng nổ trong một binh đoàn đưa những người này ra ga. Nhiều người Đức bị thương hoặc bị giết. Các nhóm khác ở nhiều nơi khác nhau trong gettô cũng phản ứng như vậy. người Đức không bắn trả lại. Từ nay họ biết người Do thái sẽ không rời gettô một cách tự nguyện. Như vậy khi họ muốn "thanh toán", danh từ họ dùng cho việc này, thì họ tổ chức một cuộc hành quân. Ngày 19-04-1943 vào hai giờ sáng, lính và cảnh sát đức bao vây gettô. 5 giờ sáng, họ đi từng nhóm nhỏ vào các vùng đất hoang bao quanh gettô. 7 giờ sáng, họ đi hàng hai sát nhau, chân nhịp bước trên những con đường thật vắng. Binh đoàn đầu tiên, vừa đi vừa hát, bị tấn công và chiến đấu để rút lui. Binh đoàn thứ nhì muốn nắm vị trí ở trung tâm gettô. Chính lúc đó các nhóm chiến đấu nổ súng; người Đức phải rút lui. Cuộc chiến đấu đầu tiên làm mười hai người chết và bị thương trong trại của họ. Vào 14 giờ, không còn một người Đức nào trong gettô. Ngày hôm sau, cuộc chiến tiếp diễn. Vị đại tướng Quân Cảnh Quốc Xã thay đổi chiến thuật: ông muốn tỉa từng căn nhà trong gettô một. Nhưng những người chiến đấu thuộc lòng nơi chốn của họ, họ bắn tỉa từ mái nhà, từ hầm núp. Ba người lính Đức, vũ khí chỉa xuống đất, mặc ! đồng phục có nút trắng, đến thương thuyết ngưng bắn để họ tải hai người chết và tám người bị thương đem đi. Con thử tưởng tượng các người trẻ đã chiến đấu như thế nào. Một nhóm người bị bỏ đói chiến đấu chống một quân đội mạnh nhất hoàn cầu!

Nhưng rồi người Đức cũng sẽ thánh hoán hết gettô!

- Đúng. Ngày thứ ba, từng nhóm nhỏ lính Đức vào gettô và ném lửa đốt nhà một cách hệ thống. Cuộc chiến đấu kéo dài mười lăm ngày. Ngày 8-05, tổ chức trung ương của tổ chức chiến đấu Do thái thiết lập trong một hầm trú ẩn kiên cố bị bao vây. Không một ai muốn ra nạp mạng. Đa số tự tử trong đó có người lãnh đạo là anh Mordechai Anieliewicz. Ngày 16-05-1943, đại tướng Quân Cảnh Quốc Xã làm nổ tung nguyện đường lớn của Do thái ở Varsovie và tuyên bố chấm dứt khu vực Do thái. Và như thế là những người cuối cùng trong số 500 000 Do thái chất đống trong gettô bị chết.

Như vậy không còn gettô!

- Đối với người đức quốc xã, không phải chỉ làm cho người Do thái biến mất mà còn làm sao xóa hết dấu vết của họ. Tháng 7-1943, họ thiết lập trên miếng đất của gettô một trại tập trung nhỏ. Họ chuyển vào đó khoảng 3 000 bị giam ở Auschwitz để thu lại các của cải mà người Do thái để lại nhưng nhất là để thu dọn các gạch vụn. Không được để một dấu vết nào của gettô lưu lại. Nơi chốn người Do thái sống bao nhiêu thế kỷ nay sẽ được thay thế bằng một công viên.

Đứng về cái nhìn quân đội, cuộc khởi dậy của gettô Varsovie chỉ có tính cách giai đoạn nếu người ta so sánh với cuộc nổi dậy lớn lao ở các nơi khác như Stalingrad. Nhưng đó là một biểu tượng đẹp đẽ của kháng cự dù biết chết đang nằm chờ ở đàng kia.

Mẹ nói với con có những người dân bình thường đã giúp đỡ người Do thái. Nhưng những quốc gia lớn, họ không làm gì sao?

- Ngày nay người ta biết các Đồng Minh ở Anh là thủ tướng Churchill, ở Mỹ là tổng thống Roosevelt đều được thông báo những gì đang xảy ra ở Ba Lan. Họ được nhiều nguồn tin thông báo. Tổ Chức Kháng Cự Ba Lan gởi văn thư qua Anh; đại diện Hiệp Hội Do thái Thế giới, ông Riegner thông báo một cách chính xác những gì đang xảy ra trong các trung tâm giết người. Dù vậy Đồng Minh không muốn hoặc không thể làm gì để cứu người Do thái vì nhiều lý do.

Lý do nào?

- Bởi vì đầu tiên hết, không một ai muốn đón tiếp những người vừa được cứu; kế đó vì họ cho rằng mục đích chính là thắng cuộc chiến, không được làm gì ngược với mục đích này. Họ nghĩ đơn giản, thắng chiến tranh thì người Do thái cũng sẽ được cứu như người dân các nước khác!

Họ không có lý sao?

- Có và không. Bởi vì, trên thực tế có hai cuộc chiến. Một cuộc chiến giữa các quốc gia với nhau, giữa các lực lượng quân đội và một cuộc chiến khác, cuộc chiến của những người đức quốc xã chống người Do thái lồng trong thế chiến. Khi Hitler thấy mình sẽ thất trận, ông cũng hân hoan vì thấy Âu châu loại được tất cả người Do thái. Vì thế dù cho Đồng Minh được thông báo tin tức, họ cũng không muốn can thiệp. Người Liên Xô, Người Mỹ, không một ai. Đó không phải là vấn đề của họ.

Khi nào họ mới thực sự hiểu?

- Khi quân đội đồng minh vào Đức, tình cờ họ khám phá các trại tập trung và tình trạng những người đã sống ở đây: những bộ xương với cặp mắt thất hồn.

Tình cờ?

- Đúng, tình cờ. Những "trại cũ" được thiết lập trước chiến tranh thì mọi người biết, còn những trại mới lập ra thì bị che giấu, giống như mẹ đã giải thích cho con, suốt cuộc chiến, quân đội đồng minh không dự trù một cách đặc biệt để phóng thích những người bị giam giữ trong các trại. Không có một nghiên cứu nào về tình trạng có thể xảy ra cho những người bị giam giữ. Dù sau khi được phóng thích, những người này vẫn tiếp tục chết vì họ không được săn sóc nuôi nấng đàng hoàng trong thời kỳ chiến tranh. Trong một thời gian ngắn, người Mỹ, người Anh đã khuyến khích báo chí đưa tin tức về những điều khủng khiếp xảy ra ở trại tập trung.

Trong các trại tập trung? Mẹ giải thích cho con nạn diệt chủng không phải là trại tập trung.

- Con có lý. Ý thức rằng đây là nạn diệt chủng đến rất chậm. Giai đoạn quan trọng đầu tiên là năm 1961, khi vụ án Adolf Eichmann xử tại Jérusalem. Trước khi chiến tranh bùng nổ, Eichmann là chuyên gia đặc trách cưỡng bức di dân người Do thái ở Áo, ở Tiệp. Trong thời kỳ chiến tranh, ông là người có trách nhiệm đưa người Do thái vào trại tập trung. Sau chiến tranh, ông trốn thoát được và lén lút di cư về Á Căn Đình. Công an mật của Do Thái dò tìm, bắt cóc và đem ông ra xử ở Jérusalem. Một cuộc xử án vang động kéo dài hàng tháng và có cả hàng trăm người sống sót ra làm chứng cho nhiều giai đoạn diệt chủng khác nhau. Người ta có thể nói đây là giây phút nhân loại có ý thức về những gì xảy ra ở Auschwitz. Nhưng cũng phải chờ mười lăm năm sau khi các sự kiện đã xảy ra. Chỉ khi đó người ta mới hiểu và lường được tầm mức của một số phận đặc biệt dành riêng cho người Do thái.

Mẹ nói ông Eichmann bị xét xử. Ông là người duy nhất phạm tội? Mẹ nói lúc thì người Đức, lúc thì người đức quốc xã?

- Ngay lập tức sau khi chiến thắng, bốn cường quốc thắng trận nước Mỹ, nước Anh, nước Liên Xô, nước Pháp đã tổ chức một cuộc xử án rất lớn. Đó là cuộc xử án Nuremberg, xử trên hai chục tội phạm lớn chiến tranh, có nghĩa là những người cầm đầu Đức Quốc Xã. Nước Đức lúc đó bị bốn cường quốc thắng trận chiếm đóng và đã có rất nhiều cuộc xử. Vào thời đó, người ta gọi là "tẩy trừ đức quốc xã": loại bỏ các cựu đức quốc xã ra khỏi những chức vụ quan trọng. Người ta nói rất ít về những gì họ đã làm cho người Do thái. Với vụ án Eichmann mới bắt đầu nói nhiều đến các tội ác chống lại người Do thái ở Đông Âu, ở Liên Xô hay ở Ba Lan và tiến trình xét xử này được mở công khai. Cuối cùng một cuộc triển lãm đặc biệt trưng bày các chứng tích tội ác của quân đội Đức đã gây tai tiếng lớn ở Đức. Từ lâu người Đức lý luận như sau: một bên là những người đức quốc xã chịu trách nhiệm các cuộc thảm sát hàng loạt đặc biệt là đối với người Do thái; một bên là quân đội Đức ở trong truyền thống lâu đời của quân đội Phổ, đã chiến đấu tuân theo luật lệ của chiến tranh như bất cứ một quân đội nào, một Wehrmacht "thuần túy", "trong trắng", không dính gì đến hệ tư tưởng đức quốc xã. Nhưng cuộc triển lãm cho thấy một quân đội bình thường lại tham dự vào các cuộc thảm sát.

Vậy thì tất cả người Đức thời đó đều có tội.

- Sau chiến tranh và cho mãi đến bây giờ người ta vẫn còn hỏi câu hỏi này. Không dân tộc nào chịu tội một cách tập thể. Những người Đức nào chống chế độ quốc xã cũng bị bách hại, bị giam cầm trong các trại tập trung, bị cưỡng bức đi đày. Thời đó, nước Đức cũng như các nước châu Âu khác đều bài Do thái dù những người bài Do thái tích cực, chủ trương giết người chỉ là một thiểu số. Ngày nay người ta ước tính có khoảng 100 000 người Đức tích cực tham dự vào công việc diệt chủng. Nhưng còn những người thấy láng giềng Do thái của họ bị bắt hoặc những người lái tàu chở họ đến các trung tâm giết người thì sao? Điều ngạc nhiên nhất là thái độ dửng dưng một cách lạ thường của đại đa số dân Đức.

Như thế người Do thái đã làm những gì để người ta muốn giết họ hết?

- Họ không làm gì hết! Thường thường, khi người nào là nạn nhân thì người ta cũng đặt một câu hỏi vô ích là họ đã làm gì; hiểu ngầm là họ đã làm một cái gì xấu. Còn chính nạn nhân, dù họ vô tội, kỳ lạ thay họ cũng cảm thấy mình có tội. Chẳng hạn trường hợp một cô gái bị hiếp, làm sao cô lại chịu trách nhiệm cho những gì xảy đến cho mình? Những người đức quốc xã bài Do thái sẽ chẳng có gì để trách cứ người Do thái thật sự, nhưng đơn giản chỉ vì họ là người Do thái.

Tại sao lại có chuyện bài Do thái?

- Bài Do thái là chuyện rất xưa. Đối với một số người, bài Do thái nảy sinh cách đây ba ngàn năm lúc đạo do thái mới ra đời! Có người nghĩ nó có nguồn gốc từ thiên chúa giáo. Như thế nói đúng hơn là ghét do thái giáo. Người ta trách chính yếu người Do thái là vì họ không chịu công nhận Chúa Giêsu là đấng Thiên Sai, từ chối "tin mừng" và không chịu trở lại. Tệ hơn nữa, họ còn kết tội người Do thái chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu. Trách nhiệm này là trách nhiệm tập thể – tất cả người Do thái – và vĩnh cửu, vì nó truyền cho tất cả thế hệ người Do thái từ hai ngàn năm nay. Vào thời Trung Cổ, người kitô ghét do thái giáo triển nở mạnh và nuôi dưỡng đủ loại huyền thoại. Người Do thái trở thành một nhân vật quỷ quái có một phần dính với quỷ. Khi châu Âu bị nạn dịch hạch thì đó là lỗi người Do thái đã làm nhiễm độc các giếng nước; họ còn lên án người Do thái là những kẻ giết người theo lễ tục: hàng năm, đến ngày lễ Vượt Qua, họ sẽ giết một em bé có đạo để hòa máu của em vào bánh không men mà họ sẽ ăn suốt mùa Phục Sinh. Dù vậy, vào thời đó, nhất là trong những lúc có các cuộc thảm sát, cũng như trong thời thánh chiến, nếu người Do thái nào trở lại đạo thì có khả năng họ sẽ được thoát cực hình. Ai không chịu phản bội tín ngưỡng của mình nếu phải hy sinh mạng sống thì gọi là tử vì đạo để vinh danh Chúa như người ta thường nói.

Con không thấy sợi dây liên hệ với Đức Quốc Xã. Việc ghét do thái giáo thời Trung Cổ có kéo dài không?

- Lòng hận thù người Do thái phát sinh và phát triển vào cuối thế kỷ thứ 19 dù nó có nhiều điểm chung với việc ghét do thái giáo của người kitô nhưng lòng hận thù này vẫn là mới, cũng như chữ "bài do thái" cũng là một chữ mới. Chính ở nước Đức đã "phát minh" ra chữ này. Như mẹ đã giải thích với con, ở Âu Tây, từ nay, người Do thái đã được giải phóng và từng cá nhân, họ tham dự vào đời sống kinh tế và xã hội của xứ họ sống. ở Đức, họ không có nhiều: vào khoảng 500 000 người, chỉ 1% dân số nhưng rất nhiều người có trình độ học vấn cao và họ có mặt trên nhiều lãnh vực mà người Đức tin lành hay thiên chúa giáo không để ý đến: ngành báo chí, kịch nghệ, y khoa và ngay cả chính trị. Trong lúc xứ sở hiện đại hóa với một tốc độ phi mã thì một vài nhà trí thức sợ tính hiện đại này và nghĩ nó mang kết quả không tốt cho nền văn minh. Họ bảo vệ một vài tư tưởng Quốc Gia Đức mà theo họ chỉ nên gồm toàn người Đức. Vì thế họ xem người Do thái như những người ngoại bang làm xoi mòn và làm yếu kém nước Đức. Việc bài Do thái này thịnh hành sau cuộc thất bại của Đức trong thế chiến 14-18. Nước Đức đi qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn: bị nhục nhã vì hiệp ước Versailles, nạn thất nghiệp cao, năm 1923, giá cả thực phẩm căn bản đạt đến hàng tỷ đồng Mark. Tiền không còn giá trị gì. Tất cả những chuyện không tốt này, một phần lớn phe hữu kết tội cho người Do thái. Nước Đức sẽ là nạn nhân của một mưu toan của do thái quốc tế. Nếu chủ nghĩa bài do thái của người Đức khô! ng đủ để giải thích nạn diệt chủng người Do thái, nếu chủ nghĩa của Hitler là một chủ nghĩa khác, thì như mẹ đã giải thích với con, ông cho rằng để cứu nền văn minh thì phải hủy diệt người Do thái, thì đây là một yếu tố quan trọng.

Nhưng bây giờ không còn chủ nghĩa bài Do thái.

- Đúng là bây giờ không thể tỏ ra bài Do thái trong những nước dân chủ như nước của mình. Mặt khác luật lệ cũng cấm, chung chung là cấm các thái độ kỳ thị chủng tộc. Nhưng vẫn còn những hình thức âm thầm. Một nhóm nhỏ, coi thường thực tế, vẫn còn chối cãi là không có phòng hơi ngạt. Người ta gọi họ là những người tiêu cực. Thêm nữa, rất nhiều người cho rằng đó chỉ là một "chi tiết" nhỏ của Thế Chiến Thứ Nhì. Lý do không nói đến những chuyện này cũng là một hình thức bài Do thái. Nếu trại tập trung Auschwitz không có thì người ta có thể âm thầm bài Do thái lại.

Tất cả những gì mẹ vừa giải thích cho con nghe thì rất đau lòng. Trong vài tháng nữa mình sẽ bước qua năm 2000. người Do thái sẽ không còn bị bách hại dù đôi khi người ta vẫn còn bài do thái. Dù vậy con thường hay nghe nói đến "bổn phận phải nhớ". Theo mẹ, có phải dành cho nó một chỗ đứng đặc biệt cho thời kỳ này của Lịch sử không?

- Con đã thấy trong gia phải của con có một vài tổ tiên đã chết ở trại Auschwitz. Ông ngoại Aby, bà nội Anna có mộ khắc tên ông bà ở nghĩa trang Bagneux mà hàng năm gia đình còn đến viếng mộ nhân ngày lễ giỗ, còn vài ông bà cố của con thì không có mộ. Nhà thơ lớn viết bằng tiếng Đức Paul Celan đã viết: "Họ có một nấm mồ trên chín tầng mây". Trong gia đình mình, mình không được quên tên ông bà. Mình phải giữ kỷ niệm về họ vì không ai là không có nguồn gốc. Mỗi người có một gia phả. Mẹ mong sau này các con của con, đến lượt chúng, chúng sẽ làm gia phả cho chúng, chúng sẽ ghi tên các ông bà cố, ông bà sơ và nơi chết của họ: trại tập trung Auschwitz.

Như vậy đây là câu chuyện của những gia đình có người thân chết ở Auschwitz.

- Không. Không đơn giản chỉ trong phạm vi gia đình. Cũng không phải là một biến cố chỉ bao gồm người Do thái. Auschwitz thuộc về Lịch sử của châu Âu. Nếu suy nghĩ kỹ, có thể đây là biến cố có tính phổ quát của toàn Âu châu trong toàn thế kỷ 20! Một lịch sử vẫn còn sống động giữa chúng ta bởi vì một vài người sống sót ở Auschwitz vẫn còn sống như bác Berthe. Nhưng dù vậy đây là một câu chuyện xa dần trong thời gian và trở thành lịch sử. Như trong một gia phả, điều quan trọng là con người phải biết mình xuất thân từ gia đình nào.

 Tại sao phải học hỏi đặc biệt câu chuyện lịch sử này? Một vài người nghĩ rằng biết những gì xảy ra ở Auschwitz sẽ ngăn không cho sự kiện như thế tái diễn, tương tự giống như những người nghĩ thế chiến 14-18 là "cuộc chiến cuối cùng của những cuộc chiến cuối cùng", "sẽ không bao giờ" có cuộc chiến như vậy, chỉ cần đưa ra những hình ảnh đau khổ, làm rúng động những người trẻ để chích ngừa họ, không cho họ tái phạm những tội ác khủng khiếp như thế. Phần mẹ, mẹ vẫn hoài nghi trước những lời tuyên bố như thế. Mẹ không tin một câu chuyện lịch sử chỉ dựa trên xúc cảm lại có được hậu quả lâu bền. Mẹ tiếp tục tin vào lý luận, vào giá trị của thông minh trí tuệ dù những gì về trại Auschwitz vẫn còn là điều không giải thích được.

 Như thế việc nghiên cứu nạn diệt chủng của người Do thái, với tầm vóc chưa từng có trong lịch sử, là nguồn suy nghĩ không hề cạn, chạm đến tất cả khía cạnh của cuộc đời và lịch sử của con người. Vì vậy nó được nhắc đến thường xuyên. Trên bình diện quốc tế, chẳng hạn.

 Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, người ta suy nghĩ nhiều để làm sao có phương cách ngăn những tội ác như những tội ác đã làm trên người Do thái, điều này đã làm tiến triển ngành luật. Ngày nay người ta thành lập Tòa Án Công Chính Quốc Tế để xét xử những người phạm tội ác đối với nhân loại. Trong khi đó, cho đến sau Thế Chiến Thứ Hai, tất cả các quốc gia vẫn còn đồng ý cho rằng ai muốn làm gì tùy ý họ, mở các trại tập trung hay thảm sát một dân tộc thiểu số trong quốc gia họ hoặc đẩy họ ra khỏi kiên giới là quyền nội bộ của quốc gia, càng ngày càng có nhiều tiếng nói yêu cầu có một khả năng can dự vào nội vụ của một quốc gia. Hồi ức của thái độ dửng dưng và không hành động của các cường quốc đối với số phận của người Do thái đã đè nặng trên những vấn đề này.

 Việc nghiên cứu nạn diệt chủng cũng làm suy nghĩ đến cách vận hành của một Quốc gia hiện đại. Việc cưỡng bức người Do thái đi đến các trại tập trung và đưa họ vào phòng hơi ngạt không thể làm mà không có đồng ý của nhiều phía. Phải cần rất nhiều công chức làm giấy tờ, rất nhiều quân lực ra lệnh bắt người Do thái, nhiều nhân viên tổ chức và canh trại, rất nhiều tài xế chở người ra nhà ga, lên xe lửa đến trại tập trung, rồi người dự trù lịch hành quyết…

 Không một ai trong chuỗi người làm việc này có một cái nhìn rõ ràng là họ góp phần trong một chuỗi công việc để đưa hàng triệu người Do thái đến chỗ chết. Thật sự họ không làm gì sai, họ chỉ đơn giản và chú tâm vào công việc của họ. Đương nhiên phân tích như vậy không áp dụng đối với những người như Himmler hay Eichmann: những người này biết họ đang làm gì. Và cũng đương nhiên là trên bình diện chiến tranh, không cái gì là không làm được. Nhưng nhiều người đã không biết, không thể biết hay không muốn cự lại một tiến trình mà họ không bắt buộc mong muốn.

 Trong vụ xử án Maurice Papon, tổng thư ký sở cảnh sát Gironde, người đã ký giấy đưa người Do thái ở Bordeaux đến trại tập trung, người ta gọi đó là "tội phạm bàn giấy". Một chữ ký đơn giản của một công chức vâng lời cấp trên, trong một vài trường hợp lại có thể đưa con người đến chỗ chết. Và rồi tất cả thái độ dửng dưng thường thấy: dửng dưng của người láng giếng, dửng dưng của các cường quốc.

 Đó là những câu hỏi thường xuyên ám ảnh mẹ, mẹ mong làm sáng tỏ được nó khi nghiên cứu lịch sử, khi giảng dạy lịch sử và mẹ nghĩ, nó xứng đáng để mỗi người chúng ta suy nghĩ đến. 

Có thể nào "giải thích" điều mà một phần mình chưa hiểu được cho trẻ con nghe không? Ngày nay, làm sao giải thích cho một cô gái hiểu các người đức quốc xã đã dùng tất cả năng lực của họ để đi khắp Âu châu, để sát hại hàng triệu người đàn ông, đàn bà, trẻ con chỉ vì họ là người Do Thái?

Trên một vấn đề to lớn như vấn đề hủ diệt người Do Thái, trên cái khó hiểu của cái xấu xa tột cùng, một sử gia nổi tiếng, bà Annette Wieviorka, trả lời các câu hỏi rất trực tiếp của chính cô con gái của bà.





—oOo—


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét