Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Tham van Tu van.html

Tham van Tu van.html

THAM VẤN VÀ TƯ VẤN

TRIẾT LÍ NGHỀ THAM VẤN

Các chuyên gia tham vấn Hoa Kỳ đã xây dựng những cơ sở được coi là triết lý cho hoạt động tham vấn. Đó là Mô hình lành mạnh, Khía cạnh phát triển, Phòng ngừa và can thiệp sớm và cuối cùng là Làm mạnh thân chủ.

  1. Mô hình lành mạnh:

Niềm tin đầu tiên mà các nhà tham vấn cho là tốt nhất trong việc trợ giúp con người giải quyết các vấn đề cảm xúc và cá nhân là mô hình Lành mạnh – wellness model (Hermon & Hazler, 1999; Mc Auliffe & Ericksen, 1999). Năm 2000, Myers, Sweeney và Witmer đã phát triển mô hình này đặc dành cho tham vấn. Trước kia, mô hình cơ bản được sử dụng bởi các chuyên gia sức khỏe tâm thần (mental health professionals) ở Mỹ để tập trung vào vấn đề cảm xúc là mô hình bệnh và y học (illness and medical)

Trong mô hình y học, người trợ giúp xác định bệnh tật bằng cách hỏi bệnh nhân. Sự chẩn đoán bệnh tật luôn là bước đầu tiên trong việc trợ giúp. Mục tiêu trợ giúp là giúp bệnh nhân đạt được chức năng như khi chưa bị bệnh.

Theo cách tiếp cận wellness model, mục tiêu cho mỗi người là đạt được sức khỏe tâm thần một cách tích cực có thể, với quan điểm, sức khỏe tâm thần là một quá trình diễn tiến.

Khuynh hướng lành mạnh về thể chất và cảm xúc xem xét dựa trên một số thang đo, những tiêu chí này đại diện cho sự lành mạnh về cảm xúc và tâm thần trong các lĩnh vực quan trọng khác nhau của cuộc sống. Nhà tham vấn đánh giá chức năng của thân chủ dựa trên những khía cạnh này để khẳng định cần tập trung vào khía cạnh nào là tốt nhất trong quá trình tham vấn. Thang này bao gồm: Mối quan hệ gia đình, Bạn bè, những mối quan hệ khác, Nghề nghiệp/ công việc, Tâm linh, Hoạt động giải trí, Sức khoẻ thể chất, Môi trường sống, Tài chính, Tình dục.

Sự khác biệt cơ bản giữa hai mô hình này là thái độ của chuyên gia đối với thân chủ và sự tập trung vào yếu tố lâm sàng của chuyên gia. Các nhà tham vấn xem xét thân chủ có cả hai tiềm năng và khát khao muốn tự chủ và thành công trong cuộc sống hơn là xem như có bệnh và cần được điều trị.

  1. Khía cạnh phát triển

Trong cuộc đời chắc chắn con người phải trải qua và ít nhất đã thành công một thách thức nào đó. Các nhà tham vấn tin rằng hầu hết các vấn đề mà con người phải đối mặt đều là một sự nảy sinh tự nhiên và phổ biến. Một số vấn đề mà các chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể xem là bệnh lý thì nhà tham vấn xem nó như là sự diễn tiến. Chẳng hạn như:

– Ở tuổi thứ 5 bé trai cảm thấy hoảng sợ khi bị mẹ để lại lớp mẫu giáo lần đầu tiên
– 11 em gái ám ảnh vì một cậu bạn
– Tuổi teen, cậu con trai chống đối cha mẹ mãnh liệt
– Sau khi sinh đứa con đầu lòng, người mẹ trẻ cảm thấy trầm cảm
– Ở tuổi 35, người đàn ông gặp rắc rối và uống rượu
– 40 tuổi, người phụ nữ cảm thấy vô giá trị khi đứa con nhỏ nhất đã tốt nghiệp đại học
– 46 tuổi, người đàn ông bỗng ngoại tình với một cô gái trẻ sau 23 năm chung sống với vợ
– 65 tuổi, người đàn bà cảm thấy trầm cảm khi về hưu
– 80 tuổi, ông già quên rất nhiều đến nỗi bị phàn nàn là mất trí.

Bằng cách nghiên cứu các giai đoạn phát triển trong cuộc đời và hiểu các vấn đề mà tất cả các cá nhân phải đối mặt nhà tham vấn có thể giúp thân chủ trải nghiệm vấn đề như là một sự tự nhiên và phổ biến ở con người. Thậm chí vấn đề được xem như là tâm bệnh lý bởi các chuyên gia khác như trầm cảm nặng, nghiện chất, … có thể được xem như là vấn đề tạm thời gây phiền nhiễu cho con người và được giải quyết hiệu quả nếu cá nhân tiếp tục cách sống tích cực.

  1. Phòng ngừa và can thiệp sớm

Tổng kết mang tính triết lý thứ ba của các nhà tham vấn là ngăn ngừa các vấn đề cảm xúc và tâm thần hơn là điều trị (Conyne& Horne, 2001; Kulic, Dagley, & Horne, 2001; Mc Carthy & Mejia, 2001, Owens & Kulic, 2001; Sapia, 2001; Wilson & Owens, 2001). Khi không thể ngăn ngừa các nhà tham vấn mới cố gắng can thiệp.

Công cụ cơ bản của nhà tham vấn trong việc ngăn ngừa vấn đề cảm xúc và tâm trí (mental ) là giáo dục đào tạo. Nhà tham vấn thường thực hành nghề nghiệp của mình với tư cách là một giáo viên sử dụng tâm lý giáo dục như là một công cụ bằng cách cảnh báo trước những khía cạnh stress tiềm năng và chuẩn bị cho họ những hành trang để thách thức tới thành công. Một số hoạt động mang tính ngăn ngừa như : Chương trình giáo dục làm cha mẹ, toạ đàm về việc ra quyết định, nhóm khám phá nghề nghiệp, tham vấn tiền hôn nhân.

  1. Làm mạnh thân chủ

Niềm tin thứ 4 mà các nhà tham vấn đưa ra trong là giúp thân chủ có khả năng giải quyết vấn đề của mình một cách độc lập. Thông qua việc dạy cho thân chủ những chiến lược giải quyết vấn đề một cách hợp lý và tăng cường khả năng hiểu bản thân mình, các nhà tham vấn hy vọng rằng thân chủ sẽ không cần đến sự trợ giúp trong tương lai nữa.

Khi gặp gỡ người trợ giúp, thân chủ trở nên rất dễ bị phụ thuộc vào người trợ giúp. Một số hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần khuyến khích sự phụ thuộc này trong cuộc đời. Các nhà tham vấn thì khuyến khích thân chủ tự chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình và sống theo cách giúp cho họ trở nên tự chủ và độc lập. Mặc dù một số người có thể cần tới sự trợ giúp thể chất hay tâm thần nhưng tất cả họ đều được trợ giúp để trở nên độc lập như họ có thể. Các nhà tham vấn không xem mình như là chuyên gia phải tư vấn khi có vấn đề xảy ra. Hơn nữa, nhà tham vấn truyền tải niềm tin rằng thân chủ có khả năng phát triển các kỹ năng họ cần có cho sự lành mạnh và cuộc sống độc lập.

Tô Thị Hạnh (biên dịch)

 (Theo Ethical, Legal, and Professional Issues in Counseling)

KHI NÀO TÍNH BÍ MẬT CẦN ĐƯỢC DỠ BỎ ?

Bí mật là một trong những nguyên tắc cơ bản và cũng là yếu tố quan trọng quy định đạo đức của người làm công tác Tư vấn tâm lý.

Trong hầu hết trường hợp, những thông tin trao đổi giữa Nhà tư vấn và khách hàng sẽ được giữ bí mật. Điều này là cần thiết giúp bảo đảm quyền lợi chính đáng của khách hàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ, tính bí mật cần phải được dỡ bỏ.

§ Khách hàng đe doạ Nhà tư vấn
§ Khách hàng có ý muốn tự hủy hoại bản thân hoặc hành hung người khác
§ Khi khách hàng là nạn nhân của lạm dụng tình dục trẻ em hoặc bị bỏ rơi.

Trong những tình huống trên, Nhà tư vấn nên đặt sự an toàn của khách hàng, của bản thân và những người khác lên trên tính bí mật và thông báo những thông tin này đến các cơ quan chức năng để tìm hướng giải quyết. Để làm tốt công việc này, Nhà tư vấn cần phải có sự hiểu biết về luật pháp: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng cơ quan thi hành pháp luật, đánh giá được mức độ an toàn cũng như khả năng giải quyết vấn đề của những đơn vị này trong những tình huống cụ thể.

§ Công dân của mỗi quốc gia đều phải tuân thủ theo luật pháp. Vì vậy, thông tin tư vấn có thể sẽ được cung cấp một phần hay toàn bộ theo yêu cầu của tòa án hay những người thi hành pháp luật.

§ Tính bí mật cũng có để được phá vỡ nếu khách hàng muốn Nhà tư vấn cung cấp những thông tin của họ với một người khác. Ví dụ: bác sĩ, giáo viên, tòa án hay một người cụ thể.

Trong trường hợp này, Nhà tư vấn cần phải lập một bản cam kết bao gồm danh sách những thông tin mà khách hàng muốn cung cấp, đối tượng mà khách hàng muốn cung cấp và yêu cầu khách hàng ký vào.

Vấn đề về tính bí mật sẽ rắc rối hơn khi Nhà tư vấn làm việc với đối tượng khách hàng là trẻ em. Trẻ em chưa được coi là những người có đủ khả năng làm chủ mọi vấn đề liên quan đến bản thân mình. Vì vậy, tất cả quyền của các em sẽ được quyết định thông qua những người thi hành pháp luật.

Quốc Khánh (Interviewing and Diagnostic Exercises for Clinical and couselling skill building)

TRỊ LIỆU TÂM LÍ VÀ THAM VẤN

Có thể nói, cuộc tranh luận về thuật ngữ tham vấn, tư vấn hay trị liệu tâm lý vẫn luôn là vấn đề nóng hổi hiện nay trong các diễn dàn bàn về tham vấn tại Việt nam. Trong không ít hội thảo có người phê phán việc sử dụng tư vấn khi tham vấn. Đồng thời cũng có ngưới lại đồng nhất hai khái niệm này. Bên cạnh đó cũng không ít người lại băn khoăn liệu có gì khác nhau giữa tham vấn và trị liệu tâm lý. Bài viết này xin cung cấp một số thông tin nhằm giúp bạn đọc cũng như các nhà nghiên cứu có quan tâm hiểu rõ hơn về sự giao thoa cũng như và khác biệt giữa các thuật ngữ trên làm cơ sở cho việc sử dụng chúng một cách đúng đắn trong những bối cảnh có liên quan.

Trị liệu- tiếng anh là Therapy – được lấy từ gốc Hy lạp là Therapia có nghĩa là chữa trị, làm lành. Trị liệu tâm lý có nghĩa là sự xóa bỏ rắc rối, những bệnh lý mang tính tâm lý.

Tham vấn và trị liệu tâm lý có mối quan hệ khá mật thiết với nhau. Do có nhiều cách hiểu khác nhau về hai thuật ngữ này nên cuộc tranh luận về sự khác biệt giữa chúng đã diễn ra từ lâu cho đến nay vẫn chưa kết thúc.

Có quan niệm cho rằng trị liệu tâm lý bao hàm tham vấn. Người ta cho rằng trị liệu tâm lý như một quá trình can thiệp của nhà tâm lý học, nhà công tác xã hội hay nhà tham vấn đối với tình trạng sức khỏe tâm thần của đối tượng (thân chủ /người bệnh) bằng việc sử dụng các liệu pháp tâm lý như tham vấn để điều trị những rối nhiễu về cảm xúc hay tâm thần.

Một quan điểm khác lại xem trị liệu tâm lý như là tập hợp kỹ thuật, đặc biệt là hình thức đối thoại và giao tiếp trực tiếp để cải thiện sức khỏe tâm thần của khách hàng hay người bệnh hoặc cải thiện mối quan hệ của nhóm người (ví dụ như gia đình). Trong quá trình này nhà trị liệu và khách hàng (hay người bệnh) thảo luận những vấn đề tiềm ẩn và tìm ra giải pháp tích cực. Hình thức can thiệp này được sử dụng trong trợ giúp những khách hàng có vấn đề tâm thần. Nó còn được sử dụng để giúp đỡ những người có khó khăn trong mối quan hệ hàng ngày dưới hình thức tham vấn. Do vậy hai khái niệm tham vấn và trị liệu tâm lý thường được sử dụng thay thế cho nhau.

Carl Rogers xuất thân từ nhà tâm lý lâm sàng, mặc dù khi giới thiệu tác phẩm với hai khái niệm Counseling and Psychotherapy (1952), ông vẫn xem Tham vấn và trị liệu tâm lý là hoàn toàn giống nhau (S. Narayana, 1981). Hay C.H Patterson (1974, 1986) cũng không đề cập tới sự khác biệt rõ rệt nào trong tài liệu mà ông đã xuất bản. G. Corey (1991), C.B.Truax và R. Carkhuff (1967) sử dụng hai khái niệm Tham vấn và trị liệu tâm lý hoán đổi cho nhau. Hội Tham vấn và trị liệu tâm lý Australia xem tham vấn và trị liệu là một, bởi vì theo họ cả hai hoạt động này đều là quá trình tâm lý nhấn mạnh nhu cầu của đối tượng, cùng sử dụng những kỹ năng giống nhau như lắng nghe tích cực, thấu hiểu những điều họ nói và thúc đẩy khả năng tự giúp, tính trách nhiệm của cá nhân.

Tuy nhiên một số tác giả khác lại bảo vệ quan điểm về sự khác biệt giữa tâm lý trị liệu và tham vấn. Điển hình như F. Robinson (1950), C.Thorne (1950), P. Blos (1946) L. Tyler (1958). Các tác giả này cho rằng trị liệu tâm lý chú trọng tới thay đổi nhân cách còn tham vấn hướng tới việc giúp đối tượng sử dụng nguồn lực sẵn có để đối phó với vấn đề trong cuộc sống tốt hơn. Sự phân biệt đó còn được biện hộ bởi lý luận rằng trong Tham vấn yếu tố được xem như trọng tâm đó là bản thân đối tượng, mối quan hệ đầy tính nhân văn giữa nhà tham vấn và đối tượng, nhưng trong tâm lý trị liệu yếu tố nổi trội là nhà trị liệu cùng với những kỹ thuật trị liệu cụ thể và xu hướng sử dụng hệ thống lý thuyết trị liệu để phân tích tâm lý hay hành vi của đối tượng. Hơn thế nữa, tham vấn thường được diễn ra trong những cơ sở như trường học, cộng đồng nhiều hơn, trong khi đó tâm lý trị liệu lại thường thấy cả ở các cơ sở y tế mang tính chữa trị.

Để có thêm thông tin về sự khác biệt của hai hoạt động này trong thực tiễn, chúng tôi tiến hành phỏng vấn và thảo luận nhóm với 9 chuyên gia làm tham vấn tại Canada, Úc, Singapore. Kết quả cho thấy 4 chuyên gia tâm lý cho rằng họ xem trị liệu tâm lý và tham vấn là như nhau, số còn lại cho rằng có sự khác biệt nhất định giữa hai thuật ngữ này. Một số chuyên gia Công tác xã hội khi được hỏi cho rằng, khi thực hiện tham vấn họ và các đồng nghiệp không làm trị liệu và sử dụng các kỹ thuật test tâm lý như một công cụ chính của quá trình can thiệp.

Từ nghiên cứu tài liệu cũng như thực tiễn, chúng tôi cho rằng mặc dù khó có thể tách bạch tham vấn và trị liệu tâm lý song có sự khác nhau nhất định giữa chúng ở một số khía cạnh sau:

– Thứ nhất, đối tượng trợ giúp trong tham vấn thường là những người có vấn đề liên quan tới cuộc sống hàng ngày, còn trong tâm lý trị liệu, đối tượng gòm cả những người có vấn đề rối nhiễu tâm lý, hành vi ở mức độ tương đối rõ rệt và mang tính bệnh lý nhiều hơn.


– Thứ hai, công cụ can thiệp của tham vấn chủ yếu là mối quan hệ tương tác nghề nghiệp với sự tích cực, chủ động của chính đối tượng dưới sự xúc tác gợi mở của nhà tham vấn, còn công cụ ưu thế của tâm lý trị liệu là hệ thống các liệu pháp (phân tâm, hành vi, cảm xúc thuần lý…) và các trắc nghiệm tâm lý v.v.

– Thứ ba, hình thức tham vấn được sử dụng ở phạm vi rộng hơn bởi các chuyên gia tâm lý, các nhà Cán bộ xã hội chuyên nghiệp, thậm chí các nhà sư phạm, cán bộ ngành y và một số nhà trợ giúp không chuyên giúp trên cơ sở nắm vững các kỹ năng cơ bản, nguyên tắc đạo đức của tham vấn, trong khi đó tâm lý trị liệu thường được sử dụng bởi các nhà tâm lý học, các cán bộ xã hội, các nhà tham vấn chuyên nghiệp được phép hành nghề.

Trong bối cảnh nền văn hóa ở Việt Nam khi nhiều người còn chưa sẵn sàng chia sẻ những vấn đề riêng tư thì việc sử dụng thuật ngữ trị liệu tâm lý dễ được hiểu như sự chữa trị tâm lý như vậy có thể làm tăng thêm tâm lý e ngại và hạn chế việc sử dụng dịch vụ tham vấn – một công cụ bảo vệ sức khỏe tâm thần, tăng cường khả năng thích nghi của cá nhân khá hữu hiệu. Do vậy, chúng tôi cho rằng nên có sự tách biệt hai thuật ngữ trên ở nước ta hiện nay.

Nói tóm lại, tồn tại sự khác biệt nhất định trong Tham vấn, Tư vấn và Trị liệu tâm lý. Song quá trình trợ giúp con người giải quyết vấn đề tâm lý xã hội luôn luôn phức tạp đòi hỏi sự tham gia của nhiều hình thức can thiệp. Điều này khiến cho sự đồng nhất hay hoán đổi giữa chúng ở nhiều tác giả cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, từ đặc điểm của nền văn hóa cũng như xuất phát điểm của các lọai hình dịch vụ này hiện nay ở Việt Nam chúng tôi đề xuất nên có sự tách biệt giữa chúng tạo cơ sở cho sự phổ biến hóa việc sử dụng cũng như từng bước chuyên môn hóa các loại hình trợ giúp tâm lý xã hội trên ở nước ta hiện nay.




CÓ NÊN ĐỒNG NHẤT THAM VẤN VỚI TƯ VẤN ?

Cuộc tranh luận về thuật ngữ tham vấn, tư vấn hay trị liệu tâm lý vẫn luôn là vấn đề nóng hổi hiện nay trong các diễn dàn bàn về tham vấn tại Việt nam.

Phần 1 : Tư vấn và Tham vấn

Có thể nói, Trong không ít hội thảo có người phê phán việc sử dụng tư vấn khi tham vấn. Đồng thời cũng có ngưới lại đồng nhất hai khái niệm này. Bên cạnh đó cũng không ít người lại băn khoăn liệu có gì khác nhau giữa tham vấn và trị liệu tâm lý. Bài viết này xin cung cấp một số thông tin nhằm giúp bạn đọc cũng như các nhà nghiên cứu có quan tâm hiểu rõ hơn về sự giao thoa cũng như và khác biệt giữa các thuật ngữ trên làm cơ sở cho việc sử dụng chúng một cách đúng đắn trong những bối cảnh có liên quan.

Tư vấn và tham vấn

Tư vấn- trong tiếng anh là Consultation – được xem như quá trình tham khảo về lời khuyên hay sự trao đổi quan điểm về vấn đề nào đó để đi đến một quyết định Tư vấn trong từ điển tiếng Việt được định nghĩa như là sự phát biểu ý kiến về những vấn đề được hỏi đến, nhưng không có quyền quyết định. Hoạt động này phần nhiều diễn ra dưới dạng Hỏi –và Đáp.

Tác giả Trần Tuấn Lộ đã mô phỏng hoạt động tư vấn như sự tham khảo và cung cấp ý kiến giữa một bên A- có thể là một cá nhân, một tổ chức cần tìm câu trả lời cho một thắc mắc hoặc tìm giải pháp với bên B- một cá nhân, một tổ chức khác có chuyên môn, kinh nghiệm và giúp họ giải đáp những thắc mắc hay vấn đề của họ.

Tư vấn được các tác giả nước ngoài hiểu theo nhiều cách với vai trò khác nhau của người tư vấn.

Tư vấn có thể được xem là mối quan hệ mà ở đó người chuyên gia đưa ra sự trợ giúp cho cá nhân hay tổ chức có nhu cầu giải quyết vấn đề khó khăn (A.M. Douherty, 1990). Tư vấn được M. Fall, (1995) định nghĩa một cách rất đơn giản rằng "Tư vấn là việc tôi và anh cùng nói về người đó, điều đó nhằm mục đích để thay đổi". Người tư vấn có thể đóng vai trò như người chịu trách nhiệm tìm ra những giải pháp (R. Schein, 1969), hay thu thập thông tin, chẩn đoán vấn đề và đề xuất giải pháp (D.J. Kurpius & J.C. Brukbaker 1976) hoặc là chỉ là người định hướng, điều phối tiến trình giải quyết vấn đề (R. Blake & J.S.Mouton 1976). Một nghiên cứu chỉ ra rằng, các nhân viên tham vấn tại cộng đồng trung bình sử dụng 10 % công việc cho làm công tác tư vấn (L.Stone & J. Archer, 1990). Như vậy cũng không nên tuyệt đối hóa việc không làm tư vấn trong tham vấn. Grace M. (1998) cho rằng Tham vấn là một kỹ thuật trợ giúp trong Công tác xã hội cá nhân và việc cho lời khuyên là một kỹ thuật của tham vấn. Tuy nhiên bà nhấn mạnh lời khuyên đó không nên mang tính áp đặt mà cần khách quan, phù hợp với nhu cầu của đối tượng được xác định trên cơ sở thảo luận và dựa vào kiến thức chuyên môn ví dụ như kiến thức về kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay, khi làm tham vấn người ta thường thiên về đưa ra lời khuyên mang tính áp đặt ý chí chủ quan khá nhiều, khiến cho hoạt động tham vấn bị lu mờ và ý nghĩa của tư vấn bị hiểu sai lệch.

Những quan điểm trên cho thấy, việc trao đổi ý tưởng, cung cấp thông tin, và có thể là những lời khuyên trong tư vấn đã tham gia một phần vào quá trình giải quyết vấn đề. Thực tế cho thấy tồn tại nhiều loại hình tư vấn như tư vấn hướng nghiệp, tư vấn giáo dục, tư vấn sức khỏe, tư vấn pháp luật, tư vấn kinh tế, kinh doanh. Các hoạt động tư vấn về các vấn đề tâm lý xã hội qua báo chí, qua đài hay điện thoại, thậm chí ngay tại các trung tâm tư vấn tâm lý hiện nay cũng phần lớn hoạt động theo phương thức này. Hình thức hỏi và đáp, cung cấp thông tin trong các hoạt động tư vấn trên đã phần nào giải đáp được những thắc mắc cũng như quan tâm của nhiều người. Song cần nhấn mạnh rằng chức năng của tham vấn không phải đưa ra lời khuyên. Do vậy có sự khác biệt giữa tham vấn và tư vấn ở những điểm sau đây:

– Thứ nhất, về mục tiêu: Tư vấn chủ yếu hướng tới giải quyết vấn đề hiện tại, còn hoạt động tham vấn còn hướng tới mục tiêu lâu dài hơn đó là giúp cá nhân nâng cao khả năng giải quyết vấn đề sau khi được tham vấn.

– Thứ hai, về tiến trình: tư vấn thường là cung cấp thông tin hay đưa ra lời khuyên. do vậy nó diễn ra trong một thời gian ngắn, giải quyết vấn đề tức thời, còn tham vấn có thể diễn ra trong thời gian có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng thậm chí hàng năm.

– Thứ ba, về mối quan hệ: Trong tư vấn: có thể là mối quan hệ trên- dưới giữa một người là được xem là "uyên bác" với những thông tin chuyên môn, còn bên kia là người "thiếu hiểu biế! t" về vấn đề nào đó, bên cạnh mối quan hệ ở đây không đòi hỏi sự tương tác rất tích cực từ phía đối tượng. Trong khi đó ở tình huống tham vấn, mối quan hệ mang tính ngang bằng, bình đẳng và đòi hỏi có sự tương tác rất chặt chẽ và hợp tác tích cực giữa hai bên, có thể nói nó đóng vai trò như một công cụ quan trọng cho sự thành công của ca tham vấn

– Thứ tư về cách thức tương tác: Trong tư vấn cách thức can thiệp chính là cung cấp thông tin và lời khuyên bổ ích từ người tư vấn với đầy kiến thức chuyên sâu về vấn đề cần tư vấn. Trong tham vấn sự thành công phụ thuộc vào kỹ năng tương tác của nhà tham vấn để đối tượng tự nhận thức, hiểu chính mình và hoàn cảnh của mình để chủ động tìm kiếm giải pháp phù hợp và thực hiện nó.

Như vậy rõ ràng tư vấn và tham vấn là hai hình thức trợ giúp có sự khác biệt nhất định ở một số khía cạnh. Mặc dù khi tư vấn có tham gia vào quá trình tham vấn song để giúp đối tượng nâng cao được năng lực giải quyết vấn đề trong cuộc sống thì việc sử dụng hình thức tham vấn tỏ ra hữu hiệu hơn.

 

GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐẠO ĐỨC VÀ NGUYÊN TẮC HÀNH NGHỀ

Một số qui định chung trong việc giải quyết những vấn đề liên quan tới đạo đức và nguyên tắc hành nghề tư vấn là nội dung cuối cùng trong Bản nguyên tắc đạo đức mà Hiệp hội tư vấn Hoa Kỳ đưa ra.

H.1. Hiểu biết về các nguyên tắc nghề nghiệp

Tất cả những nhà tư vấn phải làm quen và hiểu về các quy tắc đạo đức, nguyên tắc hành nghề và những ứng dụng của các nguyên tắc trong các tổ chức cơ sở nghề nghiệp cụ thể mà mình đang làm việc hoặc trong các tổ chức cấp chứng chỉ mà mình là thành viên. Sự thiếu hụt những hiểu biết về đạo đức và nguyên tắc nghề nghiệp không phải là lý do chính để tránh khỏi những trừng phạt khi có những hành vi không tuân thủ nguyên tắc đạo đức. (Xem thêm F.3.e.)

H.2. Những vi phạm


a. Những hành vi vi phạm nguyên tắc: Nhà tư vấn hoạt động để củng cố những nguyên tắc liên quan đến đạo đức và hoạt động nghề nghiệp. Khi nhà tư vấn có những lý do hoặc nghi ngờ có cơ sở về đồng nghiệp của mình khi hành động không theo nguyên tắc đạo đức, nhà tư vấn phải có những hành động phù hợp để duy trì nguyên tắc đạo đức. (Xem thêm H.2.d và H.2.e.)

b. Tư vấn: Khi nhà tư vấn không chắc chắn rằng một hành động nào đó, hay một tình huống nào đó có thể vi phạm nguyên tắc đạo đức, nhà tư vấn phải tìm kiếm sự tư vấn, trợ giúp với những nhà tư vấn khác, đồng nghiệp của mình hoặc những người có chức năng có hiểu biết về vấn đề đạo đức và nguyên tắc nghề nghiệp.

c. Khi có những xung đột: Khi nhà tư vấn hoạt động trong một tổ chức cụ thể nào đó mà những hoạt động của tổ chức đó có khả năng vi phạm những nguyên tắc đạo đức nghề ngihệp, nhà tư vấn phải hiểu rõ những xung đột và phải đề cập đến vấn đề này với những người giám sát, những người có chức năng. Trong điều kiện có thể, nhà tư vấn phải tăng cường hoạt động để tìm kiếm những thay đổi trong nội bộ tổ chức để củng cố hoạt động dựa trên nguyên tắc đạo đức và nghề nghiệp.

d. Những giải pháp không chính thức: Khi nhà tư vấn có những lý do để tin rằng một nhà tư vấn khác hoạt động vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, trước hết nhà tư vấn phải nỗi lực để giải quyết vấn đề với bản thân nhà tư vấn khác nếu có khả năng trừ khi những hành động này trá! i với nguyên tắc bảo mật và vấn đề có thể không được giải quyết.

e. Báo cáo về những trường hợp vi phạm: Khi những giải pháp không chính thức đã được áp dụng nhưng không mang lại hiệu quả, nhà tư vấn phải thông báo những hành vi vi phạm đối với hội đồng phụ trách về đạo đức và nguyên tắc nghề nghiệp trừ khi những hành động này trái với nguyên tắc bảo mật và vấn đề có thể không được giải quyết.


f. Những lời khiếu nại không đủ cơ sở: Những nhà tư vấn không khuyến khích tham gia vào những hoạt động khiếu nại thiếu cơ sở hoặc có chủ đích làm tổn hại đến đồng nghiệp của mình hơn là bảo vệ khách hàng hay công chúng.

H.3. Hợp tác với hội đồng tư vấn về đạo đức và nguyên tắc hành nghề:

Tất cả mọi nhà tư vấn nên trợ giúp hội đồng tư vấn để củng cố những nguyên tắc hoạt động nghề nghiệp. Nhà tư vấn phải hợp tác trong quá trình điều tra, xem xét và những đòi hòi của hội đồng dựa trên những đòi hỏi của ACA (hiệp hội những nhà tư vấn Hoa Kỳ) và tất cả các tổ chức liên quan khác trong việc trừng phạt những cá nhân có liên quan đến nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Nhà tư vấn phải biết và hiểu những chính sách của ACA và quá trình xem xét liên quan đến đạo đức và nguyên tắc nghề nghiệp để trợ giúp và củng cố nguyên tắc nghề nghiệp.


SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CTXH VÀ THAM VẤN LÀ NHƯ THẾ NÀO ?

Hiện nay, nhiều người nhầm lẫn giữa nghề tham vấn với nghề công tác xã hội. Sự nhầm lẫn này gây không ít phiền phức cho cả nhân viên công tác xã hội cũng như tham vấn viên…

Phân biệt giữa Công tác xã hội và tham vấn tâm lý?

Đây là hai lĩnh vực khoa học biệt lập nhưng rất gần gũi nhau, có những nguyên tắc và giá trị giống nhau, hoạt động bổ sung cho nhau. Công việc của họ gặp nhau ở điểm tiếp xúc trực tiếp với đối tượng được giúp đỡ, nhưng công việc của người tham vấn tâm lý (NTV) thu hẹp vào mối quan hệ mặt đối mặt với thân chủ và đi vào chiều sâu tâm lý, còn nhân viên công tác xã hội (NVXH) thì ngoài việc tiếp xúc với thân chủ qua đối thoại, còn tác động vào môi trường xung quanh họ để giúp họ giải quyết vấn đề.

Hai bên bổ sung cho nhau như thế nào?

Ví dụ khi tiếp xúc với một đối tượng ngoài các khó khăn tâm lý, còn có tình trạng thất nghiệp, không có thu nhập, NTV giới thiệu họ cho phòng xã hội để giúp tìm việc làm. Trước khi bắt tay vào việc NVXH phải tìm hiệu hoàn cảnh cụ thể của người đó bằng cách "vãng gia", nói chuyện với thân nhân để hiểu rõ gia cảnh. Ngoài gia đình, NVXH còn đi đến một cơ quan, cơ sở sản xuất để giới thiệu thân chủ. Trong quá trình vãng gia NVXH còn phát hiện thân chủ có con nhỏ không đi học vì không trả học phí được và tìm đến một lớp tình thương để gởi gắm các cháu. Nhưng trong quá trình làm việc NVXH có thể gặp một "ca" có vấn đề tâm lý phức tạp. Anh/chị ta lại phải giới thiệu lại cho NTV để giúp đỡ. Giới thiệu chuyển tuyến (referral) là như vậy. Cả hai loại nhân viên đều phải nắm vững các "tài nguyên" trong cộng đồng để giới thiệu thân chủ của mình vì không có nghề nào có thể bao sân mọi giải quyết mọi nhu cầu của xã hội.

Cả hai nhân viên có một số nguyên tắc hành động chung như tôn trọng thân chủ vô điều kiện, chấp nhận thân chủ, lắng nghe, bảo vệ sự riêng tư (bí mật) của thân chủ… Cả hai đều không làm thay thân chủ mà giúp họ tự quyết địn bằng sức mạnh nội lực.

Hai bên phải có một số nền tảng kiến thức chung nên NVXH có thể làm NTV cho những trường hợp không quá phức tạp.

Ở nước ta hiện nay người được đào tạo thật bài bản về tư vấn tâm lý rất hiếm hoi. Một số được tập huấn ngắn hạn và phát huy nhờ kinh nghiệm, Còn nhân viên xã hội mặc dù được đào tạo bài bản trong và ngoài nước đã có nhưng chưa đông. Dù sao cũng đã có một số đang tham gia tích cực vào công tác tư vấn tâm lý. Việc đào tạo bài bản cho cả hai ngành hiện nay là rất cần thiết.

CÁC NHÀ TÂM LÝ HỌC CÓ THỂ GIÚP ĐỠ MỌI NGƯỜI TÌM THẤY ĐIỀU LÀM CHO HỌ HẠNH PHÚC

Tiền tài, xe hơi, nhà lầu – Con người làm việc vất vả để có được những thứ đó: Nhưng một khi có rồi, lập tức một số người cảm thấy nếu có nhiều tiền hơn, nếu có thêm chiếc xe hơi thứ hai hay nếu có thêm một ngôi nhà nghỉ mùa hè thì họ sẽ hạnh phúc hơn.

Tuy nhiên, theo GS.TS. M.Csikszentmihalyi – một nhà tâm lý học lớn của Mỹ – thì sự giàu có về vật chất không làm cho cuộc sống của con người hạnh phúc. Và, các nhà tâm lý học cần phải làm rõ xem điều gì làm cho con người hạnh phúc.

Trong bài phát biểu, tại cuộc họp thường niên của Hội Tâm lý học Mỹ được tổ chức tại San Francisco năm 1998, “Nếu như chúng ta giàu có như vậy, tại sao chúng ta không hạnh phúc?”, M. Csikszentmihalyi đã đưa ra các lý do khiến con người bị lái vào những việc tích lũy vật chất khi chính điều đó không thực sự đem lại hạnh phúc cho họ. Ông cũng đưa ra các cách thức, mà qua đó, các nhà tâm lý học có thể giúp mọi người tìm thấy điều làm cho họ hạnh phúc. Ông nói: “Sự phòng ngừa bắt đầu bằng việc làm rõ câu hỏi: Phần nào của một cuộc đời là đáng sống?”

Là một giáo sư tâm lý học giáo dục của trường Đại học Tổng hợp Chicagô, M.Csikszentmihalyi đã dành hơn 30 năm để nghiên cứu vấn đề điều gì làm cho cuộc sống của con người có ý nghĩa và được thoả mãn. Kết quả cho ông thấy rằng một cuộc sống vật chất đầy đủ, không liên quan tới một cuộc sống tinh thần tốt đẹp. Trong một nghiên cứu gần đây của ông, tiến hành trên 1000 đối tượng là thiếu niên cũng đã cho thấy: Những thiếu niên thuộc các tầng lớp xã hội thấp kể về hạnh phúc nhiều nhất, còn những trẻ thuộc các gia đình có địa vị cao trong xã hội kể về hạnh Phúc ít nhất. ông cũng trích dẫn một nghiên cứu của David Myers (Gs.Ts. Tâm lý học tại Đại học Hy Vọng) và Edward Diener (Gs.Ts. Tâm lý học tại Đại học Tổng hợp lllinois: Urbana – Champaign), trong đó vạch rõ: Trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ tăng hơn gấp hai lần (tính từ giữa năm 1960 đến năm 1990) thì tỷ lệ những người cho rằng mình hạnh phúc lại sụt đi một cách đáng kể. Ông nói, mặc dù nghiên cứu cho thấy không có một mối quan hệ rõ ràng giữa sự giàu sang vật chất và sự hạnh phúc, song theo nhiều người, nhiều tiền vẫn ngang bằng với nhiều hạnh phúc. Trong một cuộc điều tra do trường Đại học Tổng hợp Michigan tiến hành, khi được hỏi: "Cái gì sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống con người?”, phần lớn các đối tượng đều trả lời: Đó là tiền. Vì sao vậy? M.Csikszentmihalyi đưa ra bốn lý do:

– Thứ nhất, khi các nguồn lợi được phân phối không đồng đều thì con người thường so sánh bản thân mình với những người giàu có hơn dựa vào việc đánh giá số tiền mà họ có.

– Thứ hai, văn hoá ngày nay do sự thành đạt thông qua tiền bạc, chứ không phải thông qua các yếu tố như “lòng yêu nước", hay “tinh thần công dân” là những yếu tố đã từng được đánh giá cao hơn.

– Thứ ba, con người không bao giờ hoả mãn với số tiền mà họ có, dù là bao nhiêu đi nữa. Khi đã đạt được một mục đích vật chất nào đó, họ tiếp tục tin rằng nếu đạt được một mức cao hơn, họ sẽ hạnh phúc hơn.

– Thứ tư, có nhiều người hầu như dành toàn bộ thời gian của mình nhằm theo đuổi những mục đích vật chất. Họ dành thời gian cho những mục đích khác cũng rất cần thiết cho sự thoả mãn cuộc sống như tình bạn, tình yêu, âm nhạc, thể thao và văn học nghệ thuật.

Theo .M. Csikszentmihalyi, các chiến lược quảng cáo cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong sự theo đuổi mục đích vật chất của chúng ta. ông nói- “Có quá nhiều tổ chức được hưởng lợi từ chỗ làm cho chúng ta tin rằng, nếu chúng ta có một chiếc đồng hồ “xịn” hay nếu chúng ta được hưởng một nền giáo dục “xịn” là hoàn toàn chứng tỏ những cơ hội sống hạnh phúc của chúng ta”.

Một trong những đòi hỏi quan trọng nhất mà các nhà tâm lý học phải đối mặt là làm sao giúp cho mọi người tìm được những sự lựa chọn trước sự giàu có về vật chất để đưa họ đến với những cuộc đời đáng sống hơn. Ông nói, nếu lý lẽ chủ yếu của nghề nghiệp chúng ta là giúp làm giảm bớt nỗi đau đớn về tinh thần… thì chúng ta nên cố gắng ngăn ngừa sự vỡ mộng mà con người gặp phải một khi họ cảm thấy rằng, họ đã phung phí cuộc đời của mình trong cuộc vật lộn để đạt được những mục đích, mà trên thực tế, chúng không làm cho cuộc sống của họ được thoả mãn. Trong khi khái niệm về hạnh phúc còn tiến triển chậm như vậy, tâm lý học cần phải cung cấp các cách lựa chọn khác nhau trước những mục đích vật chất để chúng có thể làm cho đời sống của con người được thoả mãn hơn. M. Csikszentmihalyi viện dẫn ra một loạt lý thuyết như: Lý thuyết “Tự hiện thực hoá” của Abraham Maslow, lý thuyết “Học lạc quan” của Martin E.P.Seligman và lý thuyết “Flow” của riêng ông như là những ví dụ đầu tiên. Ông giải thích “Flow” là một trạng thái tập trung sâu, xuất hiện khi con người phải đương đầu với những mục tiêu, mà những mục tiêu đó đòi hỏi một sự ràng buộc và sự tập trung cao độ.

Bằng việc nghiên cứu cuộc đời của hàng ngàn con người cụ thể, M. Csikszentmihalyi đã  thấy rằng: Hạnh phúc của một người phụ thuộc rất nhiều vào chỗ anh ta (hay chị ta) có khả năng biến “Flow” thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống của mình hay không. ông nói, việc yêu cầu các nhà tâm lý học xác định xem điều gì làm nảy sinh hạnh phúc chỉ là một sự lặp lại cái điều mà một nhà triết học vĩ đại đã có lần khẳng định: “25 thế kỷ trước, Platon đã viết rằng, mục tiêu cấp bách nhất đối với các nhà giáo dục là dạy cho lớp trẻ tìm thấy niềm vui trong những sự việc đúng đắn. Ngày nay, mục tiêu này là một phần trách nhiệm của chúng ta”.


                                                                                                PGS.TS. Đào Thị Oanh
 

TRÒ CHUYỆN LÂM SÀNG VỚI TRẺ CÓ KHÓ KHĂN TÂM LÝ

Trò chuyện lâm sàng với trẻ có khó khăn tâm lý là một công việc đòi hỏi tính kỹ thuật, tính nghệ thuật và một tấm lòng tôn trọng vô điều kiện. Làm thế nào để cuộc trò chuyện hiệu quả, hãy thử tìm hiểu qua một ca trị liệu lâm sàng thực tế.

Nguyễn Văn G, 15 tuổi, học sinh lớp 10 trường trung học phổ thông dân lập ĐTH Hà Nội, đã gặp chúng tôi vào tháng 01 năm 2002, tại phòng Tư vấn Tâm lý – Giáo dục của Nhà trường, theo sự giới thiệu và yêu cầu của cô giáo chủ nhiệm để được giúp đỡ về mặt tâm lý. G đã bị lớp, nhà trường kỷ luật và chuyển đến lớp mới bởi G luôn luôn mất trật tự trong lớp và dính vào ma tuý.

Những khó khăn trong buổi gặp gỡ đầu tiên.

G luôn luôn giữ thế phòng vệ, trong ánh mắt của cậu biểu hiện một thái độ thù địch. Cậu tránh không nhìn thẳng tôi, tỏ ra rất căng thẳng, luôn luôn xoay cây bút trong tay. G có khuôn mặt tròn, da mặt xạm, tóc đen. Chiều cao trung bình, không béo, không gầy. Sau khi nghe chúng tôi nói lý do của cuộc nói chuyện. G im lặng, không nói gì, vẫn giữ một khoảng cách để phòng vệ, không tỏ thái độ sẵn sàng trao đổi. Khi chúng tôi hỏi mong muốn của cậu trong buổi nói chuyện hôm nay, G trả lời “Em chẳng mong muốn điều gì”. Cậu nói mà không nhìn chúng tôi. Im lặng một phút, chúng tôi nói với cậu ấy rằng “Các thầy cô giáo và bố mẹ của em rất lo cho tình trạng của em”. Sau một lúc im lặng G nói “Chẳng ai hiểu em cả, mọi người chỉ than vãn, chì chiết em, hãy kệ em, để em tự giải quyết vấn đề của mình, em không dùng ma tuý”. Nói đến đây G dừng lại và quay mặt đi chỗ khác, để giấu đi sự bối rối của mình. Im lặng một lúc cậu xin dừng buổi nói chuyện tại đây. Chúng tôi nói với G rằng “Chúng ta tạm không nói đến ma tuý và việc kỷ luật của em nữa, chúng tôi chỉ muốn giúp em hiểu vấn đề gì đang xảy ra với em và em có muốn tìm ra một giải pháp tháo gỡ vẫn đề rắc rối của mình không?”. “Hôm nay, nếu em không muốn nói chuyện thì chúng ta sẽ dừng lại, chúng ta sẽ nói chuyện về vấn đề này vào hôm khác”. G đã đồng ý và hẹn hôm sau sẽ quay trở lại.

Chẳng phải lúc nào người lớn cũng dễ dàng trò chuyện với trẻ, nhất là với những trẻ đang phải chịu đựng những nỗi khổ tâm, dằn vặt trong lòng, chịu đựng những mâu thuẫn, những xung đột, những nỗi đau trong tâm trí. Đối với những trẻ này, việc trao đổi, trò chuyện với các em là cực kỳ khó khăn. Các em thường im lặng, né tránh câu trả lời, không muốn chia sẻ, giãi bày những khó khăn, những đau đớn trong lòng mà mình đang phải chịu đựng. Có những em lại trả lời một cách vòng vo, che giấu cảm xúc của mình… làm cho việc trò chuyện, trao đổi với trẻ trở nên bế tắc, đứt đoạn, hai bên không đi đến sự thông hiểu lẫn nhau. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự bế tắc trong việc trò chuyện với trẻ. Phải chăng do trẻ có vấn đề thính giác ? Phải chăng do cách trò chuyện của người lớn ? Hay là trong trò chuyện với người lớn trẻ luôn luôn có một cơ chế phòng vệ tự nhiên.

Trước một em bé luôn luôn im lặng, không có phản ứng gì trước những câu hỏi, thì giả thuyết em bé có khuyết tật về thính giác cần được đặt ra và yêu cầu gia đình đưa trẻ đi khám y khoa. Việc này, tránh được những chẩn đoán sai lầm, sớm có những biện pháp trợ giúp trẻ.

Việc trẻ có cảm thấy thoải mái và sẵn sàng cởi mở trong cuộc trò chuyện hay không là tuỳ thuộc vào cách trò chuyện của người lớn. Thường thì, trong trò chuyện với trẻ, người lớn thường nói quá nhiều, nói hết phần của trẻ, hay phê phán, đánh giá những suy nghĩ, những hành vi, quan điểm của trẻ, không tỏ thái độ tin tưởng vào niềm tin và lối sống của trẻ. Trẻ không có điều kiện bộc lộ những suy nghĩ, những cảm xúc của mình, làm chúng ức chế. Từ đó, trẻ cho rằng người mình đang nói chuyện không hiểu gì về vấn đề của mình. Trẻ không cảm nhận được sự thông cảm từ phía người nói chuyện cùng, trong trường hợp này trẻ thường có phản ứng chống đối lại người nói chuyện cùng.

Trong trò chuyện với trẻ, làm chủ cảm xúc là một yếu tố quan trọng. Sự bối rối, khó chịu hoặc xúc động, không biết đáp ứng như thế nào trước nỗi đau khổ của trẻ, né tránh nỗi đau khổ của trẻ. Sợ rằng mình sẽ làm cho tình trạng của trẻ tệ hơn, vô tình đã ngăn cản trẻ dừng nói, dừng biểu lộ những suy nghĩ, những khó khăn của mình. Chúng ta thường gặp những câu “Đừng khóc nữa”, “Thôi đừng nghĩ đến chuyện ấy nữa”..vv. Trong tình huống này hãy an ủi và từ từ khuyến khích trẻ tiếp tục trò chuyện. Hãy cho trẻ thấy rằng việc trẻ thổ lộ những khó khăn, đau khổ với mình là hợp tình, hợp lý, cần phải chấp nhận, không được né tránh khi trẻ tâm sự. Tránh không để cho trẻ rơi vào tình trạng bị bỏ rơi với nỗi đau của mình.

Trẻ im lặng hay trả lời câu hỏi như thế nào còn phụ thuộc rất nhiều vào việc người lớn đặt câu hỏi. Câu hỏi được đặt đúng cách, phản ánh đúng nỗi băn khoăn, trăn trở của trẻ sẽ khuyến khích trẻ nói chuyện, giãi bày tâm sự, trẻ cảm thấy thoải mái, và bộc lộ một cách tự do, cởi mở. Có thể xếp câu hỏi thành ba loại:

+ Câu hỏi khép: câu hỏi này thường thì chỉ nhận được câu trả lời “Có” hay “Không” hoặc một lời đáp đơn giản. Câu hỏi khép thường là những câu hỏi như “Cháu mấy tuổi rồi ?”, “Nhà cháu ở đâu ?”, “Em đang học lớp mấy ?”, “Cháu có mấy anh chị em ?”. Đôi khi, chúng ta phải dùng những câu hỏi kiểu này, bởi nó khuyến khích được trẻ nói năng cởi mở, vì chỉ có duy nhất một câu trả lời, nhưng sau khi trẻ đáp “Cháu 6 tuổi ạ”, cuộc trò chuyện dừng lại, cần phải đặt câu hỏi tiếp theo.

+ Câu hỏi dẫn dắt: loại câu hỏi này gợi sẵn lời đáp như “Mọi chuyện đều tốt đẹp rồi phải không ?”, “Em đồng ý chứ ?”, “Em thích sống ở đây lắm phải không?”. Những câu hỏi kiểu này hầu hết đã gợi sẵn câu trả lời “Có” hay là “Không”. Thực tế cho thấy, hầu hết trẻ đều khó có thể trả lời là “Không” cho những câu trả lời kiểu này. Các em đáp là “Có” trong khi trong lòng chẳng đồng ý chút nào. Trẻ cảm thấy người đặt câu hỏi không muốn nghe các em bày tỏ tâm trạng u ám, hay lo lắng của mình. Loại câu hỏi này được gọi là câu hỏi dẫn dắt vì ch! úng dẫn dắt trẻ đưa ra câu trả lời ấn định.

+ Câu hỏi mở và góp ý: câu hỏi loại này khuyến khích trẻ bộc lộ ý nghĩ và tâm trạng của mình. Ví dụ những câu hỏi mở như “Rồi sau đó chuyện gì xảy ra ?”, “Em kể về gia đình em chứ “, “Em cảm thấy việc đó như thế nào ?”, “Lúc đó em làm thế nào ?”… Nhờ những câu hỏi mở như thế này, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm được về đời sống của trẻ, tâm trạng của trẻ và điều gì là quan trọng nhất đối với trẻ lúc này. Thực tiễn cho thấy, phải kết hợp câu hỏi khép với câu hỏi mở: câu hỏi khép để tìm hiểu các dữ kiện và câu hỏi mở để khuyến khích trẻ nói năng tự do, cởi mở.

Có rất nhiều trẻ khó khăn khi diễn tả cảm xúc bằng lời. Các em chưa bao giờ được khuyến khích tự nói về mình và không có đủ lời để diễn tả tâm trạng của mình. Vốn từ của các em rất ít. Do các em phải nghỉ học sớm. Đặc biệt có những em không biết chữ thì khả năng giao tiếp của các em là rất hạn chế. Các em thường im lặng, không biết bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình bằng lời nào cho đúng.

Có những trẻ, sau những biến cố bi thương, thường khó diễn tả tâm trạng bằng lời. Trẻ sợ bị choáng ngợp bởi chính những tâm trạng của mình và muốn đè nén những tâm trạng ấy. Có những tâm trạng đau thương đến nỗi trẻ không muốn nghĩ đến nữa, chúng đã biến thành vô tri, vô giác trong lòng trẻ. Trẻ không tìm thấy ngôn từ thích hợp để diễn tả tâm trạng đau khổ của mình. Không ít trẻ có mặc cảm tội lỗi, tự trách mình. Các em thường hổ thẹn vì những gì đã xảy ra đối với mình. Chẳng hạn như những trường hợp các em bị cưỡng dâm, bị làm nhục. Có em lại tự trách mình bởi đã không bảo vệ được cho gia đình, vì mình mà gia đình phải buồn phiền đau khổ.

Đối với trẻ rơi vào hoặc sống trong hoàn cảnh khó khăn (học sinh cá biệt, vô kỷ luật, trẻ em đường phố, trẻ em phạm pháp), các em có đủ lý do để hoài nghi, ngờ vực về mục đích của cuộc trò chuyện. Sự thiếu tin tưởng trong trò chuyện của trẻ sống trong hoàn cảnh khó khăn, xuất phát từ một trong những quan niệm của trẻ cho rằng người lớn không hiểu và không chấp nhận những khó khăn của chúng và có nói chuyện cũng chẳng thay đổi được gì. Nhưng có những trẻ sợ bị trừng phạt hoặc bị cưỡng bức (trẻ đường phố) đã không giám đả động gì đến tình trạng khó khăn của mình. Các em thay vì từ chối trò chuyện, có thể sẽ bịa đặt ra những câu trả lời để mau chóng kết thúc câu chuyện. Có em lại chuyển hướng chính của cuộc trò chuyện bằng cách nói khoác về những tội ác kinh khủng, những hành vi bạo lực dữ dội mà chúng đã thực hiện. Có những trẻ lại cố gắng nói ra những điều “hay”, những điều mà trẻ cho rằng người lớn muốn nghe, muốn biết. Biết đâu, trẻ lại được hưởng lợi lộc gì đó. Từ đó, trẻ cố gắng trả lời, nói để lấy lòng người lớn. Xu hướng này, cũng sẽ dẫn cuộc trò chuyện đến sự bế tắc.

Cần phải vượt qua những trở ngại làm cho cuộc trò chuyện từ chỗ bế tắc đến thông hiễu lẫn nhau, bằng cách tìm hiểu và xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau. Việc này có thể mất một thời gian lâu dài. Nhưng việc này phải được bắt đầu ngay từ buổi làm việc đầu tiên với trẻ. Cần phải giải thích thật đơn giản mục đích của cuộc nói chuyện với trẻ và cần phải giới thiệu chúng ta là ai, tên là gì và tại sao lại phải gặp trẻ. Dù hai người đã biết rõ về nhau, việc giới thiệu này cũng giúp giải thích cho trẻ lý do của cuộc nói chuyện đặc biệt này. Trong buổi làm việc đầu tiên, trẻ biết được mình đang nói chuyện với ai, người đó có liên quan gì đến vấn đề của mình. Mục đích của việc giới thiệu này là tạo nên ở trẻ một sự an tâm, một sự tin tưởng trong lòng, tạo nên một sự hy vọng trong việc giải quyết vấn đề mà mình đang gặp phải. Điều đó sẽ thúc đẩy trẻ tích cực trao đổi, trò chuyện, bộc lộ bản thân.

Thực tiễn còn cho thấy rằng trẻ có thể im lặng trong khi nói chuyện với chúng ta, nhưng trẻ vẫn bộc lộ tâm trạng của mình dù chúng không nói bằng lời mà qua những hành vi, cử chỉ, qua việc vui chơi, liên lạc với người khác. Có rất nhiều hình thức diễn tả cho phép trẻ bộc lộ tâm trạng của mình một cách yên tâm, thoải mái. Đồng thời trẻ được giải trí vui vẻ và cảm thấy hãnh diện về những thành tích của mình. Điều hết sức quan trọng là phải đưa ra những cách thức khác nhau để trẻ bộc bạch tâm sự của mình. Có thể là gần gũi thân mật với trẻ, trò chơi, truyện kể, những hoạt động mang tính diễn tả như vẽ tranh, ca vũ nhạc, kịch tuồng, múa rối…

+ Sự vỗ về và chú ý, bày tỏ sự quan tâm là rất cần thiết tạo nên sự thân mật với trẻ.

+ Dùng chuyện kể: những chuyện kể về những nhân vật đã khắc phục những khó khăn trong cuộc sống của nhân vật giúp trẻ liên tưởng đến chính mình, soi dọi vào những khó khăn của chính mình. Khích lệ trẻ suy nghĩ, bộc lộ và giải quyết những khó khăn trong lòng.

+ Vẽ tranh cũng là một hình thức hiệu quả giúp trẻ nhỏ biểu hiện tâm trạng. Qua tranh vẽ trẻ truyền đạt những những kinh nghiệm và những tâm trạng khó nói ra bằng lời. Khi trẻ vẽ xong, chúng ta có thể yêu cầu trẻ nói về bức vẽ ấy. Đó có thể là phương tiện mở đường cho việc trao đổi, trò chuyện bằng lời.

+ Trò chơi sắm vai cũng là một hoạt động đem lại hiểu quả không nhỏ. Trẻ có thể đóng một vai kể về những kinh nghiệm thực sự của trẻ và thử nghiệm các ! kiểu diễn xuất khác nhau cho một vai. Khi kết thúc có thể trao đổi với trẻ xem trẻ cảm thấy thế nào về vai mình đóng, về vở kịch mà mình tham gia.

+ Viết: đối với những trẻ biết viết, để cho các em viết ra những gì các em đã trải qua là phương pháp rất hữu ích để các em diễn đạt tâm trạng.

Trong tất cả các hoạt động nói trên, hãy để trẻ tự do diễn tả theo ý thích. Không phê bình kỹ thuật biểu hiện hoặc chất lượng biểu hiện của trẻ vì làm như thế là ngăn cản trẻ diễn đạt tự do, thoải mát tâm trạng, suy nghĩ của mình.

Việc trò chuyện với trẻ sở dĩ gặp trở ngại có thể là vì người lớn chưa đáp ứng thích đáng đối với trẻ: chưa xây dựng được bầu không khí tin tưởng, khích lệ trẻ, chưa đặt được những câu hỏi phù hợp gây trở ngại cho những nỗ lực trao đổi, trò chuyện của trẻ.Ý muốn trao đổi, trò chuyện của trẻ có thể bị ngăn cản bởi những tâm trạng khác nhau như buồn sầu, không tin tưởng, tức giận hoặc mặc cảm tội lỗi. Nếu trẻ có vẻ như không nói thật, hãy cố gắng tìm hiểu tại sao, hãy chấp nhận việc nói dối như một cách để trẻ diễn tả những tâm trạng nào đó.

Chúng ta có thể phá vỡ những sự bế tắc trong trao đổi, trò chuyện với trẻ bằng cách đem đến cho trẻ những phương tiện diễn tả khác và bằng cách xử sự nhẫn nại.

Ths. Nguyễn Bá Đạt

NHÀ TƯ VẤN TÂM LÝ VÀ THÂN CHỦ

Thuật ngữ "nhà tham vấn" (hay Nhà Tư vấn tâm lý)được hiểu đơn giản là "những chuyên gia thực hành tham vấn" . Thân chủ (hay Khách hàng) là người có vấn đề cần được tham vấn. Khi đến với nhà tham vấn, đa phần họ ở trong trạng thái hoang mang, không ý thức được tâm trạng cũng như cảm xúc của mình.

1. Khái niệm nhà tư vấn tâm lý (Nhà tham vấn)

Trong nhiều năm qua, thuật ngữ "nhà tham vấn" được hiểu đơn giả là "những chuyên gia thực hành tham vấn" (professional who practices counseling). Trong những năm gần đây, nhà tham vấn được hiểu là "người giúp đỡ cho các thân chủ khi họ gặp những vấn đề khó khăn bằng cách khơi gợi những tiềm năng trong thân chủ để thân chủ tự giải quyết vấn đề của mình" Nhà tham vấn khi thực hành tham vấn cho thân chủ phải đảm bảo là những người thân chủ có đủ những phẩm chất nghề nghiệp, không gây tổn thương cho thân chủ, không đẩy thân chủ đi đến đối đầu, không đi ngược lại lợi ích của thân chủ, khích lệ, cổ động họ tự tìm tiềm năng của bản thân; giúp họ nói ra những vướng mắc trong long, giúp họ nhận thức tốt hơn về bản thân, làm cho họ mạnh lên, yêu mình hơn. Nhà tham vấn không được phép bày vẽ cách giải quyết vấn đề nho thân chủ.

Theo Carl Rogers, nhà tham vấn phải làm cho thân chủ nhận thức được mình là người "đáng tin cậy, chắc chắn, trung kiên", nhà tham vấn phải diễn tả "đủ thông suốt" lời nói, hành vi để bộc lộ được mình là rất trong sang, nhà tham vấn phải thể hiện được cảm giác, cảm quan của mình để thân chủ nhận ra họ "tích cực". Nhà tham vấn phải có nhân cách đủ mạnh để "biệt lập" với thân chủ và đủ an tâm để cho phép thân chủ cảm thấy như là không bị đe doạ; nhà tham vấn luôn luôn coi thân chủ là người đang trong "Tiến trình trở thành" chứ không bị trói buộc vào quá khú của anh ta.

2. Khái niệm thân chủ và vấn đề của thân chủ

Để hiểu khái niệm thân chủ và vấn đề của họ, chúng ta cần hiểu thế nào là con người cân bằng.

2.1. Con người cân bằng

Con người cân bằng, theo nhiều tác giả khác nhau mô tả khác nhau trên nhiều bình diện khác nhau.

Trên bình diện thể chất, con người cân bằng có một cơ thể khoẻ mạnh có một thể trạng tốt, thích thú cố gắng về thể xác và chịu đựng được mệt nhọc. Không thể có sự cân bằng tâm trí trong một thể xác ốm yếu. Tác giả La Tris Juvenal đã nói: "một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể lành mạnh". Sức khoẻ tâm lý và sức khoẻ cơ thể là hai trụ cột của sự tinh thông của con người.

Trên bình diện tình dục và cảm xúc: con người cân bằng là con người có thể thiết lập một cách hài long mối quan hệ thân tình với những người khác. Trong khi quan tâm không thái quá đến thoả mãn những nhu cầu của mình con người biết chú ý và nhạy cảm với những nhu cầu của đối tác cùng với mình.

Trên bình diện trí năng, con người cân bằng là con người thông minh để có thể suy nghĩ và hành động một cách hữu hiệu. Họ biết những năng lực và năng khiếu của mình và sử dụng nguồn lực đó một cách tốt nhất cho những hoạt động sinh lợi. Họ tiến bộ thường xuyên trong những luyện tapạ bằng cách cố gắng đạt được mục đích đã ấn định trong một thời gian hợp lý. Họ có óc tưởng tượng và thích đi tìm những giải pháp khác ngoài những giải pháp truyền thống đã được đề xuất.

Trên bình diện đạo đức, con người cân bằng luôn luôn thắm đượm sâu xa một sự quan tâm đến tính chất khách quan. Họ có khuynh hướng tin vào sự lý giải của mình hơn những đánh giá của người khác hay của truyền thống đại chúng. Họ luôn quyết định có tuân theo những chuẩn mực xã hội hay không một cách tự nguyện. Mặc dù họ có một ý chí vững mạnh nhưng không phải vì thế mà họ trở nên bướng bình. Họ luôn sẵn sang thừa nhận những sai lầm của mình.

Trên bình diện xã hội, con người cân bằng luôn cảm thấy dễ chịu khi đối mặt với những người khác và cảm giác được họ chấp nhận. Những phản ứng của họ ít khi có sự tính toán và sự tự nhiên này giúp họ chuẩn định được dễ dàng những phản ứng của mình đối với người đồng cấp như đối với người trên, kẻ dưới.

Trên bình diện nhân cách, người cân bằng là một con người lạc quan, yêu cuộc sống. Thường họ có tâm trạng vui vẻ, hôn nhiên. Đó là một nhân cách chin chắn, tự chủ và thực tế biết chấp nhận những trách nhiệm, không từ chối trước những nguy nan.

Trên bình diện cảm xúc, họ tương đối ổn đinh, không quá tự tin, khôn g quá lo lắng, biết đương đầu với những sự không may và không biểu lộ sự thất vọng quá đáng. Nhìn xung quanh, con người cân bằng thích đạt được những gì họ muốn bằng chính cố gắng của mình hơn là bằng những đòi hỏi hoặc là bằng những hành vi xảo trá. Hơn nữa, họ còn biết giữ gìn sự tươi tỉnh khiến họ vô tư, được người khác than phục. Cuối cùng, họ yêu mến bản thân và nhìn mình với mối thiện cảm trong khi vẫn giữ được sự hóm hỉnh để tránh rơi vào tình trạng thái quá nghiêm nghị

Là người bìnht thường, người cân bằng cho phép mình sống với những sai sót của mình, với những ứng xử không phải lúc nào cũng thích nghi với những nhu cầu mà người ta làm thoả mãn một cách tàm tạm và cố gắng dự phòng những lo âu một cách tốt nhất, bằng cách sử dụng những cơ chế tự về khác nhau hoặc phát triển một số nét tính cách được chấp nhận. Điều quan trọng là càng có ý thức tốt hơn. Do không đạt được sự cân bằng đầy đủ, họ vẫn giữ được thía độ phê phán trước những phản ứng của mình và có khả năng chế giễu chúng nếu gặp dịp.

Hiểu được như thế nào là người cân bằng, nguời không cần đến sự trợ giúp tham vấn, chúng ta xem xét người không cân bằng – người có nhu cầu ham vấn mà ta gọi là thân chủ

2.2. Thân chủ

Về mặt tự nhiên, thân chủ là người có vấn đề cần được tham vấn. Khi đến với nhà tham vấn, đa phần họ ở trong trạng thái hoang mang, không ý thức được tâm trạng cũng như cảm xúc của mình. Họ biết rõ sự kiện nhưng không vượt qua được cảm xúc. Họ có nhu cầu bộc lộ những điều này phụ thuộc vào ngươờ tham vấn có tạo ra cho họ điều kiện bộc lộ hay không.

Trong tham vấn chuyên nghiệp, thân chủ được nhìn nhận là người chủ động tích cực, tự giải quyết được vấn đề của mình với sự trợ giúp của nhà tham vấn. Theo Carl Rogers: "Thân chủ là chuyên gia giỏi nhất về vấn đề của họ". Vì vậy, quá trình tham vấn phải đặt hoàn toàn tin tưởng vào thân chủ. Như thế, tham vấn đã giúp cho thân chủ tự giải quyết vấn đề của mình.


2.3. Vấn đề của thân chủ

Các cá nhân được coi là bình thường – có vấn đề – là "những người ngoài chuẩn mực và ứng xử ngược với những giá trị, những thói quen hoặc những thái độ của người khác", "Biểu lộ sự tuyệt vọng bằng những tình cảm quá mức buồn phiền hoặc giận dữ qua những sợ hãi không có cơ sở thực tế hoặc qua một trạng thái trầm nhược do một sự kiện gây chấn thương mà họ tỏ ra không thể vượt qua được", "Thể hiện ở trạng thái con người bất lực không vượt qua được những căng thẳng tâm lý của cuộc sống khiến họ phản ứng bằng cách thu mình lại hoặc rút lui thuần tuý và đơn giản là làm họ xa rời con đường giao tiếpthông thường.

Các cá nhân có "vấn đề" trở thành thân chủ của tham vấn khi họ luôn cảm thấy không hài long trong một mối quan hệ, sự kiện nào đó; luôn gây bất bình cho những người xung quanh; ở họ xuất hiện những cá tính hiếm thấy; có những hành động không xảy ra trong tiền lệ; cảm thấy buồn chán, lo âu, căng thẳng, đau khổ, sợ hãi lặp đi lặp lại, nói nhiều, lảm nhảm; biểu hiện phi lý trong nhận thức cá nhân, thể hiện trong hoạt động mà ngươờ khác thấy không bình thường; khó thích nghi hoặc không thích nghi; hay luôn luôn hành động theo cách có ảnh hưởng đến mục tiêu hoạt động của mình, hoạt động của những ngườixung quanh.

Nguyên nhân của những "vấn đề" này có thể từ hoàn cảnh khách quan (những xáo trộn trong cuộc sống, nghề nghiệp, nhu cầu, giai đoạn chuyển tiếp về lứa tuổi và tâm sinh lý, những áp lực,…), có thể từ chủ quan (những người thụ dodọng, thiếu nghị lực trong cuộc sống, hành động ngẫu nhiên không có mục đích, thiếu khả năng chịu trách nhiệm, hay đổ lỗi cho người khác, thiếu sự cân bằng trong đời sống tình cảm, lý trí hoặc rối loạn về tình cảm, lý trí, hành động; có vấn đề trong mối tương giao với người khác, không thoả mãn với bản thân và người khác, người quá cầu toàn, mặc cảm, không nhận biết mình, không chấp nhận mình, chấp nhận người khác, chấp nhận hoàn cảnh..



THẾ NÀO LÀ MỘT CON NGƯỜI CÂN BẰNG ?

Có rất nhiều tiêu chí khác nhau để xác định một người có sự cân bằng hay không. Nó bao gồm cả thể chất, trí tuệ, cảm xúc, đạo đức, nhân cách và xã hội

Trên bình diện thể chất: Con người cân bằng có một cơ thể khoẻ mạnh, một trạng thái tốt, chịu đựng được mệt nhọc.

Trên bình diện tình dục và cảm xúc: Con người cân bằng có thể thiết lập một cách hài hoà mối quan hệ thân tình với người khác, không quan tâm thái quá đến việc thoả mãn nhu cầu riêng của bản thân và biết chú ý tới những nhu cầu của đối tác cùng với mình.

Trên bình diện trí tuệ: Con người cân bằng có thể suy nghĩ và hành động một cách hữu hiệu. Họ biết những năng lực của mình và sử dụng nguồn lực đó một cách tốt nhất cho những hoạt động sinh lợi. Họ có thể tiến tới mục đích trong một thời gian hợp lý. Họ có óc tưởng tưọng và thích đi tìm những giải pháp khác ngoài những giải pháp truyền thống.

Trên bình diện đạo đức: Con người cân bằng luôn có khuynh hướng tin vào sự lý giải của mình hơn những đánh gia của người khác hay của truyền thông đại chúng. Họ luôn quyết định có tuân theo những chuẩn mực xã hội hay không một cách tự nguyện. Mặc dù học có một ý chí vững mạnh nhưng không phải vì thế mà trở nên bướng bỉnh. Họ luôn sẵn sàng thừa nhận những sai lầm của mình.

Trên bình diện xã hội: Người cân bằng thường cảm thấy dễ chịu khi đối mặt với những người khác và cảm giác họ được chấp nhận. Những phản ứng của họ ít khi có sự tính toàn và sự tự nhiên này giúp họ chuẩn định được dễ dàng những phản ứng của mình đối với người đồng cấp cũng như đối với người trên, kẻ dưới.

Trên bình diện nhân cách: Người cân bằng là một người lạc quan, yêu cuộc sống. Họ thường có tâm trạng vui vẻ, hồn nhiên. Đó là một nhân cách chín chắn, tự chủ và thực tế, biết chấp nhận những trách nhiệm, không từ chối trước những nguy nan.

Trên bình diện cảm xúc: Họ tương đối ổn định, không quá tự tin, không quá lo lắng, biết đương đầu với sự không may và không biểu lộ sự thất vọng quá đáng. Nhìn chung con người cân bằng thích đạt được những gì mình muốn bằng chính cố gắng của mình hơn là bằng những đòi hỏi hoặc bằng những hành vi xảo trá. Hơn nữa, họ còn biết giữ gìn sự tươi tỉnh khiến họ vô tư và cảm thấy yêu mến bản thân.

Nói tóm lại: Một người cân bằng không phải là người hoàn thiện, không phải là không bao giờ mắc sai lầm… mà là người cho phép mình sống với những sai sót của mình, với những ứng xử không phải lúc nào cũng hoàn hảo, chấp nhận bản thân mình với cả những điểm tốt, điểm xấu, điểm tích cực và tiêu cực như mình vốn có.

Một người không cân bằng trên một bình diện nào đó, nhất là bình diện cảm xúc có thể gây mất cân bằng trên những bình diện khác. Khi đó, ở những mức độ khác nhau, con người không có sự ổn định về tâm trí và có thể cần đến sự trợ giúp về mặt tâm lý.



PHÁ VỠ THÓI QUEN XẤU

Một số người học cách chế ngự thói quen xấu của chính mình bằng các phương thức củng cố. Nathan Azrin và Robert Nunn (1973) đã đưa ra phương thức gồm ba bước sau đây:

1.      Hãy hiểu rõ thói quen không tốt của mình. Dừng hành vi đó lại và cô lập nó trong chuỗi hành vi bình thường khác. Rồi bạn có thể tưởng tượng mối liên hệ giữa hành vi đó và điều gì đó ghê tởm. Ví dụ như, để phá vỡ thói quen cắn móng tay, hãy tưởng tượng rằng móng tay của bạn vừa nhúng vào nước thải.

2. Nếu không có ai củng cố quá trình loại bỏ hành vi này của bạn, hãy tự quy định cho mình những củng cố. Ví dụ, tự thưởng cho mình bằng cách mua một thứ yêu thích sau khi đã dừng hành vi xấu được một quãng thời gian.

3. Làm điều gì đó ngược lại với hành vi xấu của mình. Ví dụ, nếu bạn có thói quen xấu là nhún vai, hãy tập hạ vai xuống.

Đây là một ví dụ của một sinh viên đại học lập danh sách những củng cố và trừng phạt để hỗ trợ kế hoạch giảm hút thuốc của anh ta. Nếu anh ta giảm hút thuốc thành công, anh ta sẽ tự thưởng cho mình bằng cách đi xem phim, nếu không, anh ta sẽ phải lau dọn phòng một mình. Nhiều người cũng tự đặt ra cho mình những phần thưởng và phạt tương tự mà không cần một bản kế hoạch được viết ra. Nếu bạn quyết định theo cách này, hãy đặt ra mục tiêu rõ ràng, chọn những yếu tố củng cố thực tế và ghi lại những thành công cũng như thất bại.

Theo James W. Kalat. Introduction to Psychology. Six Edition. Wadsworth, Thomson Learning.

Ví dụ về một kế hoạch từ bỏ thuốc lá

Mục tiêu: Giảm dần và thôi hút thuốc lá

Tôi sẽ làm gì: Trong tháng đầu tiên, tôi sẽ không hút nhiều hơn một điếu trong một giờ. Tôi sẽ không hút ngay sau bữa ăn. Trong tháng thứ hai tôi sẽ hút ít hơn một điếu trong một giờ.

Những người khác sẽ làm gì: Bạn cùng phòng của tôi, Joe sẽ kiểm tra xem tôi hút hết bao nhiêu điếu thuốc lá trong ngày bằng cách kiểm tra bao thuốc lá mỗi tối. Anh ấy sẽ ghi lại bất cứ lần nào tôi hút thuốc sau bữa ăn hay trên giường.

Phần thưởng nếu thực hiện được kế hoạch đã đặt ra: Tôi sẽ được đến rạp chiếu phim mỗi tuần nếu không vi phạm quy định đã đặt ra.

Hậu quả nếu không thực hiện được kế hoạch: Nếu tôi vi phạm quy định đã đặt ra, tôi sẽ phải lau phòng vào cuối tuần.

Chữ ký:
Steve Self
Joe – Bạn cùng phòng.

Nguồn: http://tuvantamly.com.vn/

Tạo e-book: Metquathantanay

Hà Nội, 24/06/2007

http://thuvien-ebook.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét