Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Tap 9 Nha Hau Le.html

Hội chầu ở triều đình vua Lê

Tác phẩm: Nhà Hậu Lê

Tác giả: Không rõ

Tủ sách: Lịch sử – Địa lý

Nguồn: danchua.eu

Thực hiện ebook: Zaqqaz

ooO TVE Ooo


   01) Về nhà Hậu Lê, từ đời vua Lê Thái Tổ cho tới đời vua Lê Thánh Tông, có rất nhiều người tài giỏi ra giúp nước. Ngoài Nguyễn Trãi và Ngô Sĩ Liên ra, còn có rất nhiều nhân tài như: Lương Nhữ Hộc, Lương Thế Vinh, Vũ Hữu v.v… Lương Nhữ Hộc được coi là ông tổ của nghề in sách chữ Hán.

oOo

 

   02) Đỗ Thám hoa (sau Trạng nguyên và Bảng nhãn) Lương Nhữ Hộc đã hai lần đi sứ Tàu. Nhận thấy dân ta đều phải mua sách học do Tàu in, giá bán thường rất đắt, ông liền nhân dịp này, học cách khắc chữ vào bản gỗ. Về nước, ông dạy dân chúng cách in sách bằng những bản gỗ đã được khắc sẵn chữ vào từ trước.

oOo

 

   03) Lương Thế Vinh quê ở Nam Định, thuở nhỏ rất thông minh, đã nổi tiếng là thần đồng. Đời vua Lê Thánh Tông, Lương Thế Vinh thi đậu Trạng Nguyên lúc mới 23 tuổi (1463). Khi đi sứ Tàu, ông ứng đối giỏi nên các quan nhà Minh đều khen tài và mến phục.

oOo

 

   04) Trong khi đi sứ, ông để ý học thêm về môn toán và phép đo lường của người Tàu. Về nước, Lương Thế Vinh đem dịch các sách toán chữ Hán ra chữ Nôm để dạy học sinh. Ông còn cho thợ, theo mẫu bàn tính của Tàu, chế ra nhiều bàn tính khác để mọi người dân đều có thể dùng được.

oOo

 

   05) Vũ Hữu người tỉnh Hải Dương rất thông minh về môn toán học. Ngay từ thời đó, ông đã biết cách đo đạc ruộng đất rất chính xác. Có sách chép rằng: Muốn xây lại các nhà cửa thành đã đổ nát, vua Lê Thánh Tông vời ông tới để giao cho việc tính xem phải cần bao nhiêu viên gạch mới đủ.

oOo

 

   06) Vũ Hữu dùng thước để đo chiều cao, chiều rộng của các cửa thành. Sau đó về nhà, ông tính ra số gạch cần dùng để vào tâu vua. Vua theo lời ông cho thợ nung đủ số gạch. Khi cửa thành xây xong thì không thừa, không tiếu một viên gạch nào. Vua khen ngợi và ban thưởng cho ông rất hậu.

oOo

 

   07) Sau khi vua Lê Thánh Tông mất thì các vị vua kế tiếp như Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, v.v… đều là người tàn ác, ăn chơi xa xỉ. Vua Tương Dực bắt dân chúng xây cung điện tốn hao tiền bạc, chết hại nhiều người. Do đó, mà Hậu Lê đã bắt đầu suy yếu.

oOo

 

   08) Dân chúng ở khắp mọi nơi nổi loạn. Trong triều đình đánh phá lẫn nhau, nay họ giết vua này, mai họ lập vua khác. Kinh thành bị đốt phá, vua Lê Chiêu Tông lại còn ít tuổi, không biết trông cậy vào ai. Sau cùng, nhà vua phải cho người đi gọi Mạc Đăng Dung về giúp.

oOo

 

   09) Mạc Đăng Dung thuở nhỏ nhà nghèo, phải đi đánh cá ở ven sông để kiếm ăn. Nhờ có sức khỏe, Mạc Đăng Dung luyện tập võ nghệ để chờ dịp tiến thân. Nhân có khoa thi võ Mạc Đăng Dung đi thi và đậu Đô lực sĩ.

oOo

 

   10) Qua các đời vua trước, Mạc Đăng Dung được cử đi giữ đất Hải Dương. Nay Lê Chiêu Tông gọi Mạc Đăng Dung về kinh và trao cho binh quyền để dẹp bọn phản loạn. Được ít lâu, Đăng Dung đã lôi kéo được nhiều tướng giặc về làm vây cánh, chân tay cho mình.

oOo

   11) Từ đó Mạc Đăng Dung nắm mọi quyền hành, ra vào cung cấm tự do, không kiêng nể ai hết. Đăng Dung còn dùng mũ áo và cờ quạt y hệt như nhà vua. Mấy vị quan, vì vua Lê mà ngỏ lời can, thì đều bị Đăng Dung tìm cách giết.

oOo

 

   12) Thấy vậy, Lê Chiêu Tông ngầm bàn mưu kế với một số người thân để trừ Mạc Đăng Dung. Nửa đêm vua rời bỏ kinh đô và chạy lên Sơn Tây. Sáng hôm sau, biết vua Chiêu Tông bỏ đi, Mạc Đăng Dung liền lập em vua lên ngôi, hiệu là Lê Cung Hoàng.

oOo

 

   13) Ở Sơn Tây, Lê Chiêu Tông được hào kiệt các nơi theo khá đông. Sau vì nghe lời bọn hoạn quan, Chiêu Tông đã giết oan một thuộc tướng của Trịnh Tuy. Trịnh Tuy giận lắm, đem quân bắt Chiêu Tông đưa vào Thanh Hóa.

oOo

 

   14) Năm Giáp Thân (1524) Mạc Đăng Dung đem quân vào đánh Thanh Hóa. Trịnh Tuy thua trận rồi chết. Vua Chiêu Tông cũng bị bắt. Sau đó Mạc Đăng Dung cho người tới giết Lê Chiêu Tông, lúc nhà vua mới 26 tuổi.

oOo

 

   15) Hai năm sau, Mạc Đăng Dung lại bắt các quan trong triều phải thảo chiếu để Lê Cung Hoàng truyền ngôi cho họ Mạc. Lê Cung Hoàng cùng mọi người trong họ nhà vua đều bị giết. Kể từ đời Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng vừa một trăm năm (1428-1527) và nhà Lê truyền được 10 đời vua.

oOo

 

   16) Thấy Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, nhiều vị quan đều căm giận. Có người nhổ thẳng nước bọt vào mặt Đăng Dung. Có người lấy nghiên đá mài mực ném vào đầu y, rồi lớn tiếng chửi mắng. Nhưng tất cả đều bị quân lính của Đăng Dung nhảy vào, chém giết ngay tại chỗ.

oOo

 

   17) Năm Đinh Hợi (1527) Mạc Đăng Dung lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Minh Đức. Tuy đã làm vua nhưng vì sợ lòng người còn tưởng nhớ đến nhà Lê, nên Đăng Dung vẫn theo phép cai trị cũ. Đăng Dung còn dụ dỗ, mua chuộc các cựu thần (quan cũ) nhà Lê để tìm họ ra giúp việc.

oOo

 

   18) Theo lối nhà Trần, Mạc Đăng Dung làm vua được 3 năm thì truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh rồi về ở Cổ Trai là Thái Thượng Hoàng. Đăng Doanh lên ngôi, hiệu là Đại Chính nhưng mọi công việc quan trọng trong nước, ngoài nước do Đăng Dung định đoạt…

oOo

 

   19) Năm Đinh Dậu (1537) vua nhà Minh sai quân sang đóng ở gần Nam Quan rồi truyền hịch đi khắp mọi nơi nói rằng: ai bắt được cha con Đăng Dung sẽ được lĩnh thưởng. Mạc Đăng Dung lo sợ, vội sai sứ đem lễ vật sang cống và xin đầu hàng nhà Minh.

oOo

 

   20) Năm Canh Tý (1540) thấy quân nhà Minh lại sửa soạn sang đánh nữa, Mạc Đăng Dung lo sợ lắm. Đăng Dung cùng bọn Vũ như Quế tất cả hơn 40 người, tự trói mình, lạy phục xuống đất ở phía cửa Nam Quan để xin đầu hàng nhà Minh. Thật là nhục nhã vô cùng!

oOo

   21) Nhân dịp này, Đăng Dung lại dâng nộp đất đai cùng vàng bạc châu báu cho nhà Minh. Quân Minh chưa đánh mà Đăng Dung đã xin hàng nên vua nhà Minh phong cho Mạc Đăng Dung làm Đô thống sứ chứ không được phong làm quốc vương.

oOo

 

   22) Thấy Mạc Đăng Dung cướp ngôi và giết vua, các cựu thần nhà Lê, người thì tự tử, người thì trốn đi nước ngoài. Ông Nguyễn Kim chạy sang Ai lao được vua Ai lao cho đến ở tạm tại đất Sầm Châu (Thanh Hóa). Tại đây, Nguyễn Kim mưu tính việc khôi phục lại nhà Lê.

oOo

 

   23) Năm Quý Tỵ (1532) Nguyễn Kim tìm được người con út của vua Lê Chiêu Tông tên là Lê Duy Ninh rồi lập lên làm vua. Đó là Lê Trang Tông. Lúc này có một người tên là Trịnh Kiểm đến xin giúp. Nguyễn Kim thấy Trịnh Kiểm có tài liền đem con gái là Ngọc Bảo gả cho chàng.

oOo

 

   24) Năm Canh Tý (1540) Nguyễn Kim đem quân về đánh Nghệ An rồi sau đó chiếm được Tây đô (1543). Đến năm Ất Tỵ (1545) Nguyễn Kim đem quân ra Bắc. Nửa đường ông bị hàng tướng nhà Mạc đánh thuốc độc chết. Do đó binh quyền đều vào tay Trịnh Kiểm.

oOo

 

   25) Trịnh Kiểm rút quân về Thanh Hóa rồi chiêu mộ hào kiệt, luyện tập quân sĩ, tích trữ lương thực để lo đánh nhau với nhà Mạc. Nhiều người tài giỏi như Phùng Khắc Khoan (tức Trạng Bùng), Lương Hữu Khánh v…v… đều bỏ nhà Mạc vào giúp nhà Lê mới được trung hưng.

oOo

 

   26) Bấy giờ, đất nước được chia làm hai: Từ Thanh Hóa trở vào thuộc nhà Lê Trung Hưng (lại nổi lên) gọi là Nam Triều. Từ Sơn Nam trở ra thuộc về họ Mạc gọi là Bắc Triều. Năm 1548 Lê Trang Tông mất. Lê Trung Tông nối ngôi, làm vua được 8 năm.

oOo

 

   27) Khi Lê Trung Tông mất mà không có con, Trịnh Kiểm đã định xưng vua nhưng còn lưỡng lự chưa quyết. Sau Trịnh Kiểm phải cho sứ giả lẻn ra Hải Dương để hỏi ý kiến ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (tức Trạng Trình) xem là nên làm thế nào.

oOo

 

   28) Nguyễn Bỉnh Khiêm là người xã Cổ Am (Hải Dương) lớn lên vào lúc Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Sống ẩn dật mãi tới năm 1553 khi đã 45 tuổi, ông mới ra đi thi và thi đậu Trạng nguyên. Làm quan với nhà Mạc được ít lâu rồi ông xin về hưu, mở trường dạy học.

oOo

 

   29) Nhà Mạc mến tài đức của ông nên phong cho ông chức Lại bộ Thượng thư, tước Trình quốc công. Do đó, người ta quen gọi ông là Trạng Trình. Nguyễn Bỉnh Khiêm học rộng, hiểu nhiều, tinh thông dịch lý, biết rõ các việc về trước đã xảy ra cùng việc về sau sẽ tới. Lời ông nói ra được coi như là sấm ký.

oOo

 

   30) Vì thế cho nên ai có việc gì quan trọng, từ vua quan cho đến dân chúng, mọi người đều tìm đón hỏi ông. Một hôm thấy người nhà của Trịnh Kiểm đến hỏi, Trạng Trình không trả lời thẳng, mà chỉ quay lại bảo người nhà: “Năm nay mất mùa, phải tìm hạt thóc giống cũ mà gieo mạ thì mới cấy lúa được!”.

oOo

   31) Sau đó, Trạng Trình sai người nhà ra quét dọn sạch sẽ ngôi chùa ở cạnh nhà. Rồi ông ra đó thắp nến hương, lễ Phật. Ông còn bảo chú tiểu đứng gần đó rằng: “Nên nhớ: có giữ chùa, thờ Phật thì mới được ăn oản”.

oOo

 

   32) Sứ giả về kể lại mọi chuyện. Trịnh Kiểm hiểu ý, liền cho tìm con cháu họ Lê. Sau đó gặp Lê Duy Bang, ông liền cho rước về lập lên làm vua. lấy hiệu là Lê Anh Tông. Lúc này Trịnh Kiểm vẫn giữ thế thủ ở Thanh Hóa.

oOo

 

   33) Nhà Mạc đem binh vào đánh Thanh Hóa cả thảy hơn một chục lần, lần nào cũng bị thua trở về. Trịnh Kiểm kéo quân ra đánh Sơn Nam tất cả 6 lần nhưng cũng không có lần nào toàn thắng. Hai bên đánh nhau chỉ làm khổ cho dân chúng.

oOo

 

   34) Năm Canh Ngọ (1570) Trịnh Kiểm mất, Trịnh Tùng lên thay. Năm Tân Mão (1591) Trịnh Tùng đánh tan quân nhà Mạc rồi năm sau Nhâm Thìn (1592) tiến vào Thăng Long. Chiếm được Thăng Long, Trịnh Tùng cho phá cả ba tầng hào lũy phòng thủ đi rồi lại trở về Thanh Hóa.

oOo

 

   35) Sau đó Trịnh Tùng lại ra Thăng Long chấm dứt được họ Mạc rồi rước vua Lê Thế Tông ra Đông Đô ăn mừng chiến thắng. Từ đó nhà Mạc mất ngôi. Nhà Mạc làm vua kể từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Mậu Hợp vừa được 65 năm (1527-1592).

oOo

 

   36) Năm Kỷ Hợi (1599) đời vua Lê Thánh Tông, Trịnh Tùng thu xếp xong việc giao thiệp với nhà Minh. Theo lời yêu cầu của nhà Minh, Trịnh Tùng phải chịu nhường đất Cao Bằng lại cho con cháu nhà Mạc. Việc nước vì thế cũng tạm yên.

oOo

 

   37) Trịnh Tùng tự xưng là Thượng phụ Bình an vương rồi định ra luật lệ và cấp lương bổng cho vua Lê Thế Tông. Kể từ đấy, vua Lê mất hết mọi quyền hành và chỉ ngồi làm vì ở trên ngai vàng. Mọi việc đều do sự cắt đặt của Trịnh Tùng.

oOo

 

   38) Chỉ khi nào có sứ giả của nhà Minh hay của Ai Lao thì vua Lê mới ra mặt đón tiếp. Họ Trịnh được gọi là Chúa Trịnh có phủ đệ riêng, cha truyền, con nối cũng y như vua Lê.

oOo

 

   39) Trong đời Lê Trung Hưng có ông Phùng Khắc Khoan (anh em cùng mẹ khác cha với Trạng Trình) là người tài giỏi hơn cả. Mặc dù không đậu Trạng nguyên nhưng thấy ông học rộng, biết nhiều, nên người ta thường gọi ông là Trạng Bùng.

oOo

 

   40) Khi đi sứ Tàu, ông đã lấy được hạt ngô (bắp) và hạt vừng (mè) về làm giống cho dân chúng trồng. Ngoài ra, ông lại học được cách dệt the bằng tơ tằm của người Tàu. Vì thế, hiện nay ở nhiều nơi, dân chúng còn lập đền thờ Trạng Bùng làm thủy tổ của nghề dệt the.

HẾT

 

                                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét