Vua Lê Thánh Tông (1442 1497)
Tác phẩm: Vua Lê Thánh Tông
Tác giả: Không rõ
Tủ sách: Lịch sử – Địa lý
Nguồn: danchua.eu
Thực hiện ebook: Zaqqaz
ooO TVE Ooo
01) Nghi Dân giết Lê Nhân Tông và bà Thái Hậu Nguyễn Thị Anh để lên làm vua nên mọi người đều không phục. Vừa được 8 tháng thì Nguyễn Xí, Đinh Liệt bắt giết Nghi Dân rồi tôn con thứ tư của Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Dao là Lê Tư Thành lên ngôi, hiệu là Lê Thánh Tông.
oOo
02) Thánh Tông là một ông vua thông minh, tài giỏi và rất có hiếu. Chính mẹ con vua trước đây nhờ vợ chồng ông Nguyễn Trãi ngầm che chở cho nên mới không bị hại. Vì thế, khi lên ngôi rồi, Lê Thánh Tông nghĩ ngay tới việc giải oan cho Quan phục hầu Nguyễn Trãi.
oOo
03) Nhà vua xét lại vụ án Lê Chi Viên để cho mọi người thấy rõ là bị tra tấn quá dã man nên Nguyễn Thị Lộ đã phải nhận bừa tội bỏ thuốc độc giết vua mà nàng không hề làm. Do đó cả gia đình Nguyễn Trãi đã bị giết oan. Nay Lê Thánh Tông cho tìm con cháu ông Nguyễn Trãi để cấp cho ruộng đất và lập đền thờ Quan phục hầu để hằng năm cúng tế.
oOo
04) Ngài lại truy tặng cho những công thần đã bị giết oan như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo v.v… Con cháu các vị này đều được gọi ra làm quan. Ai trước được Thái Tổ cho đổi họ ra họ Lê, nay nếu không muốn giữ họ Lê nữa, đều được trở lại họ cũ của mình.
oOo
05) Dựa vào nghi lễ bên Tàu, Lê Thánh Tông tổ chức, sắp đặt lại các quan văn võ trong triều. Các vị này đều có phần ruộng đất và bổng lộc hằng năm. Đến 65 tuổi thì được về hưu để an hưởng tuổi già cùng con cháu ở quê nhà.
oOo
06) Trước vua Lê Thánh Tổ chia đất nước ra làm 5 đạo. Nay vua Thánh Tông tăng lên thành 12 đạo để đặt quan cai trị. Ngài lại lập ra các giám sát ngự sử. Hằng năm các vị giám sát ngự sử phải đi xem xét công việc làm của các quan ở từng đạo một.
oOo
07) Vua Lê Thánh Tông lấy việc làm ruộng, chăn tằm làm trọng. Ngài ra lệnh cho các đạo phải khai khẩn những vùng bỏ hoang để có thêm đất cày cấy. Do đó mà thóc lúa dư thừa, dân chúng không bị đói.
oOo
08) Để làm gương cho mọi người, hằng năm các quan tổ chức lễ hạ điền (xuống ruộng cấy lúa). Sau khi cúng tế Trời Đất, chính vị quan ở mỗi địa phương phải tự mình xuống ruộng cầy bừa sẵn để cấy mấy cây mạ, làm gương cho dân chúng cấy theo.
oOo
09) Ruộng ở ven sông đều được trồng dâu để lấy lá nuôi tằm. Đàn bà, con gái, ngoài việc cấy lúa, còn đi hái dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa quanh năm. Nhờ thế mà đời sống ở thôn quê rất dễ chịu, no ấm.
oOo
10) Ở mỗi đạo, vua cho lập nhà Tế sinh để nuôi dưỡng người già yếu bệnh tật. Nơi nào có bệnh dịch thì cử các quan đem thuốc đến từng nhà, chữa cho dân. Ngài còn cho sưu tầm những bài thuốc hay để chữa các chứng bệnh hiểm nghèo cho dân chúng.
oOo
11) Dân ta thời bấy giờ rất tin đạo Phật. Ở thôn nào, làng nào cũng có chùa chiền, có đền. Tuy vậy mà vẫn còn nhiều người đi quyên tiền dân chúng để xây thêm chùa. Nhà vua xuống chiếu cấm việc quyên góp này, để dành tiền mà làm các việc có ích khác.
oOo
12) Nhà vua còn cấm những nhà có người chết, không được bày ra cỗ bàn ăn uống và ca hát suốt ngày. Ngài bảo rằng tang gia đang đau buồn thì có lẽ nào lại vui chơi, ăn uống, ca hát ồn ào như thế? Nếu có bệnh dịch thì việc ăn cỗ ở nhà người chết sẽ rất nguy hiểm.
oOo
13) Về hôn nhân thì nhiều nơi có lệ ăn hỏi rồi phải để ba bốn năm mới cho rước dâu. Vua Lê Thánh Tông ra lệnh rằng: đã nhận lễ hỏi thì phải cho đón dâu sớm chứ không được để lâu quá. Sau ngày cưới là phải đi chào cha mẹ, họ hàng và lễ từ đường.
oOo
14) Muốn cho dân chúng giữ được những lệ hay, tục tốt Lê Thánh Tông đặt ra 24 điều khuyên răn mọi người. Những điều này đều nhằm mục đích giữ cho đời sống được yên vui và lòng người thêm tốt đẹp.
oOo
15) Sau những vụ cày cấy, dân chúng rảnh rỗi, các quan lo về việc giữ gìn phong tục cho mỗi địa phương phải họp mọi người lại. Sau đó vị quan tuyên đọc từng khuyên răn của vua rồi giảng giải thêm cho dân chúng cùng hiểu và làm theo.
oOo
16) Từ xưa đến đời vua Lê Thánh Tông vẫn không có địa đồ của đất nước. Vua sai các quan ở 12 đạo xem trong hạt mình có núi gì, sông gì, phải ghi và vẽ lại cho rõ ràng. Sau đó, gửi về bộ Hộ ở kinh đô để làm quyển địa lý nước Đại Việt.
oOo
17) Thánh Tông giao cho Ngô Sĩ Liên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư gồm 15 quyển. Ngô Sĩ Liên viết xong vào năm Kỷ Hợi (1479) và trình lên vua Lê Thánh Tông. Bộ sử này chép từ đời Hồng Bàng đến khi hết thời nội thuộc nước Tàu: 5 quyển và từ đời Ngô Quyền đến đời vua Lê Thái Tổ: 10 quyển.
oOo
18) Vua Lê Thánh Tông rất trọng văn học. Ngài sửa đổi lại phép thi để chọn nhân tài ra giúp nước. Thường thường chính vua đứng ra làm chủ khảo ở các kỳ thi Đình (thi trước sân rồng của nhà vua).
oOo
19) Ngài lập ra lệ xướng danh (đọc tên) các vị Tiến sĩ. Mỗi khi nghe loa xướng đến tên mình là các vị tân khoa (mới đậu) rất sung sướng phải dạ thật to. Còn những người bị trượt, thì mặt buồn, lủi thủi ra về…
oOo
20) Một khi thi đậu, các vị tân khoa được lãnh mũ, áo mới rồi cùng vào dự yến (tiệc) do vua ban. Sau đó, họ còn được vua cho vinh quy về làng để tạ ơn Tổ tiên, mừng cha mẹ và cảm ơn thầy đồ đã dạy mình học.
oOo
21) Ngài cho mở rộng nhà Thái học ở phía sau Văn miếu. Cạnh đó kho bí thư để chứa sách cùng những phòng để cho sinh viên ở xa lên trọ học. Vì thế mà việc học lúc bấy giờ rất được mở mang, phát triển…
oOo
22) Vua Lê Thánh Tông yêu thích thơ và cũng là nhà làm thơ nôm nổi tiếng. Có nhiều bài thơ như: vịnh Cái chổi, vịnh Người ăn mày, vịnh Thằng bù nhìn v.v… còn được truyền tụng đến ngày nay và nhiều người cho là những bài thơ này đều do nhà vua làm ra.
oOo
23) Mỗi khi tới thăm những nơi có phong cảnh đẹp, nhà vua thường làm thơ vịnh cảnh. Ngài còn soạn nhiều tập thơ bằng chữ Hán như Quỳnh uyển cửu ca (tức là chín khúc hát ở vườn tiên) để ngâm nga…
oOo
24) Ngài lập ra hội Tao đàn nhị thập bát tú gồm có nhà vua cùng 27 vị quan khác ở trong triều cũng hay làm thơ như các ông: Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận v.v… Rồi nhà vua tự xưng là Tao đàn nguyên soái để cùng 27 vị quan kia làm thơ, xướng họa cho vui.
oOo
25) Trong khi sửa sang mọi việc xã hội, văn học, vua Lê Thánh Tông vẫn không quên việc võ bị. Ngài bắt các quan võ phải hàng ngày giảng dạy cách tiến quân cùng cách xử dụng võ khí cho mọi lớp binh sĩ để đề phòng khi cần tới.
oOo
26) Cứ ba năm có một kỳ thi võ. Tướng sĩ, người nào cũng phải thi. Ai đậu thì được thưởng và được thăng lên chức mới. Người nào hỏng thì bị phạt và giáng xuống một bậc. Vì thế tướng sĩ mọi người đều hăng hái luyện tập võ nghệ.
oOo
27) Năm Canh Thìn (1470) vua nước Chiêm Thành là Trà Toàn gây sự với Đại Việt. Một mặt Trà Toàn cho sứ giả sang Tàu cầu cứu nhà Minh. Một mặt y đem quân sang đánh phá vùng Hóa Châu để đòi lại đất.
oOo
28) Năm Canh Thìn (1470) vua nước Chiêm Thành là Trà Toàn gây sự với Đại Việt. Một mặt Trà Toàn cho sứ giả sang Tàu cầu cứu nhà Minh. Một mặt y đem quân sang đánh phá vùng Hóa Châu để đòi lại đất.
oOo
29) Trà Toàn thua to, rút quân về giữ kinh thành Đồ Bàn. Vua Lê Thánh Tông kéo quân tới vây đánh và phá được thành Đồ Bàn. Trà Toàn bị bắt sống. Đất Đồ Bàn được sát nhập vào nước Đại Việt để thành đạo Quảng
oOo
30) Em Trà Toàn là Trà Toại chạy chốn rồi sai người sang cầu cứu nhà Minh và xin phong làm vua. Hay tin này, Thánh Tông sai đại tướng Lê Niệm đem quân vào bắt được Trà Toại giải về giam ở Thăng Long.
oOo
31) Sau đó vua nhà Minh sai sứ sang đòi vua Lê Thánh Tông phải trả lại đất cho Chiêm Thành nhưng ngài không chịu. Từ đó thanh thế của vua Lê Thánh Tông càng ngày càng lừng lẫy vô cùng. Nước Lào và mấy bộ lạc ở phía Tây đều phải sang triều cống.
oOo
32) Đến năm Kỷ Hợi (1479) người Lão qua (Thượng Lào) lại đem quân sang quấy nhiễu. Thánh Tông liền sai quan Thái Úy là Lê Thọ Vực cùng mấy danh tướng khác, chia quân làm 5 đạo, sang đánh. Trận này quân Đại Việt đại thắng.
oOo
33) Tù trưởng xứ Bồn Man là Cầm Công đánh chiếm đất Trấn Ninh. Lê Thánh Tông lại đem quân đi đánh dẹp. Nửa đường được tin giặc Lão Qua đã thua, ngài liền quay trở về, giao cho Lê Niệm tiếp tục đi đánh. Cầm Công tử trận, người Bồn Man lại xin hàng.
oOo
34) Tuy Nước Đại Việt vẫn còn phải theo lệ từ đời vua Lê Thái Tổ là thần phục nước Tàu, nhưng vua Lê Thánh Tông vẫn không e sợ phương Bắc. Ngài vẫn tổ chức việc phòng thủ và mỗi khi có các cánh quân lẻ tẻ của nhà Minh tràn sang, là nhà vua cho tiểu trừ ngay.
oOo
35) Ngài thường bảo với các quan văn võ trong triều rằng: “Ta phải gìn giữ cho cẩn thận. Đừng để cho ai lấy một phân núi, một tấc sông của vua Thái Tổ để lại”. Ngài hết lòng vì nước như thế nên nhà Minh cũng không dám xâm lăng.
oOo
36) Hơn thế nữa quân lính của vua Lê Thánh Tông được luyện tập rất thuần phục và lại quen với chiến trận. Mấy lần đi đánh Lào, dẹp Chiêm đều toàn thắng. Do đó nhà Minh càng có ý nể và việc giao thiệp giữa hai nước vẫn tốt đẹp.
oOo
37) Đặc biệt là vua Lê Thánh Tông lại cho biên soạn bộ hình luật Hồng Đức để các quan căn cứ vào đó mà xét xử những kẻ phạm tội cho đúng luật. Ngài còn viết cuốn Thân chinh ký sự để ghi chép việc đi đánh dẹp các nước Chiêm Thành, Lão Qua v.v
oOo
38) Xét những công việc của Lê Thánh Tông đã làm cho đất nước thì mọi người đều nhận thấy rằng Ngài quả là một vị anh quân tài giỏi, sáng suốt vào bậc nhất trong lịch sử Việt
oOo
39) Về mặt văn học, xã hội, võ bị thì từ đời cổ đến bấy giờ. không có đời nào thịnh bằng đời Hồng Đức. Nhờ vua Lê Thái Tổ, giang sơn mới còn. Nhờ vua Lê Thánh Tông nền văn hóa của Đại Việt mới tươi đẹp, rực rỡ, huy hoàng…
oOo
40) Vua Lê Thánh Tông làm vua được 38 năm (1460 đến 1497) hưởng thọ 56 tuổi. Các vị vua kế tiếp ngài đều hèn yếu khiến cho cơ nghiệp nhà Lê lại rơi vào tay nhà Mạc. Bây giờ nói tới nhà Lê, người ta chỉ nhớ tới 2 vị vua là Lê Thái Tổ và Lê Thánh Tông mà thôi.
HẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét