Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Tap 1 Doi Nha Tran.html

Tap 1 Doi Nha Tran.html

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1228 – 1300)

Tác phẩm: Đời Nhà Trần

Tác giả: Không rõ

Tủ sách: Lịch sử – Địa lý

Nguồn: danchua.eu

Thực hiện ebook: Zaqqaz

ooO TVE Ooo


   01) Sau ba lần thắng quân Nguyên, nhà Trần không phải lo chống giặc phương bắc nữa. Về phương Nam thì Ai Lao và Chiêm Thành lại hay sang quấy nhiễu. Quân Ai Lao thường đem từng đàn voi sang cướp phá vùng Thanh Hóa, Nghệ An.

oOo

 

  

   02) Trước vua Trần Nhân Tông đã đi đánh mấy lần. Sau vua Trần Anh Tông lại sai Phạm Ngũ Lão đi đánh dẹp. Phạm ngũ Lão cho quân lính vẽ mặt, đeo râu trông rất hung dữ và mặc quần áo sặc sỡ, nhiều mầu. Mỗi người cầm một cây gậy tre dài…

oOo

 

   03) Những người này được núp kính ở các lùm cây ven đường. Khi đoàn voi trận của Ai Lao vừa tới nơi, thì pháo nổ vang trời. Quân lính vẽ mặt, xông ra hò hét, quật vào chân voi… Những con voi đi đầu hoảng sợ quay chạy trở lại…

oOo

 

   04) Những con voi đi sau cũng chạy luôn. Chúng xô đẩy, dày xéo lên quân lính Ai Lao, không ai cản được nữa… Quân Ai Lao cho là trời giúp Đại Việt nên mới sai quỷ sứ ra trận. Từ đó, chúng không dám quấy nhiễu vùng biên giới nữa.

 

   05) Đi đánh Ai Lao về Thượng Hoàng Trần Nhân Tông giao việc nước lại cho Thái tử Trần Thuyên tức là vua Trần Anh Tông. Sau đó Thượng hoàng đi tu ở chùa Võ Lâm (Ninh Bình). Rồi Ngài lại tới tu ở Chùa Yên Tử Sơn thuộc hạt Quảng Yên.

oOo

 

   06) Năm 1301 Thượng hoàng Trần Nhân Tông đi sang Chiêm Thành để xem phong cảnh. Vua Chiêm là Chế Mân đón tiếp Thượng hoàng rất long trọng. Trong đại yến, Chế Mân cho đoàn vũ nữ Chiêm Thành ra múa hát và chúc thọ Thượng hoàng.

oOo

 

   07) Ban ngày, vua Chiêm đưa Thượng hoàng đi xem phong cảnh tại các tháp như: Tháp Bà, Tháp Vàng, Tháp Đôi v..vChiều về lại tới đấu trường để xem quân lính Chiêm Thành vừa phi ngựa, vừa quay lưng lại, giương cung bắn tên trúng đích.

oOo

 

   08) Trong thời gian lưu lại kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã được Chế Mân phục dịch rất trọng thể. Cảm động, trước lúc chia tay, Thượng hoàng có hứa, sẽ gả một công chúa họ Trần cho Chế Mân để kết chặt mối tình Chiêm Thành, Đại Việt.

oOo

 

   09) Sau đó, Chế Mân cho người đem lễ vật sang cống vua Trần và cưới công chúa. Triều đình có nhiều người bàn là không nên. Chế Mân lại xin dâng hai châu Ô và châu Rí để làm lễ cưới. Trần Anh Tông cho là cần phải gả công chúa để giữ lời hứa của Thượng hoàng.

oOo

 

   10) Về cung, vua Trần Anh Tông cho họp các công chúa lại để nói rõ về việc này. Các công chúa, ai cũng cho là Chiêm thành quá xa, vua Chiêm lại khác nòi giống, khác ngôn ngữ, khác phong tục, nên không ai chịu lấy…

oOo

   11) Vua Trần Anh Tông lại nói thêm: “Việc này rất có lợi cho nước nhà, Chiêm Thành đã không quấy nhiễu nước ta mà lại còn dâng hai châu Ô và Rí để làm lễ cưới, khiến bờ cõi nước ta sẽ được rộng thêm ra… Vả lại trước đây, Thượng hoàng đã hứa nên chúng ta càng phải giữ lời…“.

oOo

 

   12) Cuối cùng, một vị công chúa xinh đẹp và trẻ nhất quỳ xuống tâu: “Tâu Hoàng Huynh, Tiểu muội xin vâng lệnh Hoàng Huynh và Phụ hoàng”. Vua Anh Tông vui vẻ đỡ công chúa đứng dậy. Lúc đó ấy mọi người mới biết đó là công chúa Huyền Trân.

oOo

 

   13) Công chúa Huyền Trân là con gái út Thượng hoàng Trần Nhân Tông và là em ruột của vua Trần Anh Tông. Ngày thường, công chúa rất hiền thục, nết na. nay công chúa lại vâng lời vua cha nên các công chúa khác đều tỏ lòng mến phục và xúm lại khen ngợi.

oOo

 

   14) Tháng Sáu năm Bính Ngọ (1306) vua Trần Anh Tông cùng các quan văn võ đưa tiễn công chúa Huyền Trân lên đường sang Chiêm Thành. Sang năm sau (1307) Anh Tông thu nhận hai châu Ô và Rí rồi đổi tên là Thuận Châu và Hóa Châu.

oOo

 

   15) Vua Anh Tông cử Đoàn nhữ Hài vào kinh lý và đặt quan cai trị ở hai châu mới (ngày nay là từ phía Nam Quảng trị đến phía Bắc Quảng Nam). Đồng thời dân chúng Thanh Hóa, Nghệ An cũng được đưa vào sinh sống, làm ăn ở vùng đất mới được sát nhập này.

oOo

 

   16) Huyền Trân Lấy Chế Mân được phong làm hoàng hậu với mỹ hiệu là Paramecvari, sống rất vui vẻ, hạnh phúc. Chưa được một năm, thì Chế Mân chết. Theo tục lệ Chiêm Thành, hoàng hậu sẽ phải lên dàn hỏa thiêu cùng chết với Quốc vương Chế Mân.

oOo

 

   17) Được tin này, Trần Anh Tông sai quan nhập nội hành khiển là Trần Khắc Chung đi suốt ngày đêm sang Chiêm Thành nói là để dự tang lễ Chế Mân. Tới nơi, Trần Khắc Chung đã tìm cách đưa công chúa Huyền Trân chạy trốn bằng thuyền để khỏi bị thiêu sống trên dàn hỏa đã sắp sẵn…

oOo

 

   18) Sau khi Chế Mân chết, Chế Chí lên làm vua Chiêm Thành và không thân thiện với Đại Việt nữa. Do đó, năm 1311 vua Anh Tông cùng Trần Quốc Chân, Trần Khánh Dư chia quân làm ba đạo sang đánh Chiêm Thành. Chế Chí bị bắt giải về Thăng Long.

oOo

 

   19) Theo tục lệ từ đời Hồng Bàng thì mọi người trong nước đều phải vẽ mình, xâm mình, khi tới tuổi trương thành. Chỉ có vua là được vẽ mình bằng hình con rồng, còn mọi người phải dùng hình khác để vẽ mình. Vua Anh Tông đã không theo tục lệ này và năm 1323 vua Minh Tông bỏ luôn tục vẽ mình.

oOo

 

   20) Năm 1334 giặc Ai Lao lại sang đánh phá. Thượng hoàng Trần Minh Tông lại phải thân chinh đi dẹp. Sau khi thắng trận, Thượng hoàng truyền cho ông Nguyễn Trung Ngạn soạn bài văn bia, khắc vào núi đá ở Nghệ An để ghi công. Bài văn bia đó đến nay vẫn còn.

oOo

   21) Trần Minh Tông là một ông vua nhân từ, biết thương yêu dân. Tuy nhiên vì quá nghe nịnh thần, Minh Tông đã bắt giam Huệ võ vương Trần Quốc Chân vào chùa Từ Phúc mà bỏ ở đó cho tới khi bị chết đói và chết khát. Trần Quốc Chân vốn vừa là bố vợ vua lại vừa là một vị tướng có công lớn.

oOo

 

   22) Sau Minh Tông đến Hiến Tông rồi Dụ Tông. Hiến Tông chết sớm. Dụ Tông hay rượu chè, chơi bời, đánh bạc, xây cung điện. Do đó mà dân chúng cực khổ rồi giặc giã nổi lên ở khắp nơi. Nhà Trần bắt đầu suy yếu từ đấy.

oOo

 

   23) Các trung thần như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn lần lượt qua đời. Triều đình đầy rẫy gian thần. Ông Chu Văn An đang làm quan tại triều, thấy thế, dâng sớ lên vua để xin chém bảy tên nịnh thần. Vua Dụ Tông không nghe. Chu Văn An liền bỏ quan về ẩn ở núi Chí Linh.

oOo

 

   24) Vua Chiêm Thành từ lâu vẫn thù oán nhà Trần. Nhân thấy Trần Dụ Tông chỉ biết ăn chơi, không chăm lo việc nước, năm 1368 vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho sứ sang đòi lại đất Hóa Châu và Thuận Châu mà Chế Mân đã dâng cho nhà Trần để lấy công chúa Huyền Trân.

oOo

 

   25) Dụ Tông chưa kịp trả lời thì đã có tin Chế Bồng Nga đem binh sang đánh. Chế Bồng Nga muốn rửa thù, nên đã hết sức tập trận, luyện binh, bắt quân lính phải chịu khó nhọc, vất vả cho quen. Do đó, mà quân Chiêm Thành lúc này rất mạnh.

oOo

 

   26) Chế Bồng Nga đánh phá kinh thành Thăng Long mấy lần. Quân Chiêm vào thành nổi lửa đốt hết mọi cung điện của vua Trần. Khi rút quân về, chúng còn bắt đàn bà, con gái đi theo và lấy hết mọi đồ vàng bạc, châu báu.

oOo

 

   27) Năm 1367 Dụ Tông mất, không có con. Sau cuộc nội loạn, Trần Ngệ Tông lên nối ngôi. Nghệ Tông là một ông vua nhu nhược, chỉ ngồi làm vì trên ngai vàng. Mọi việc đều do Lê Quý Ly tự ý cắt đặt.

oOo

 

   28) Tổ tiên Quý Ly là Hồ Hưng Dật ở Chiết Giang bên Tàu, lánh nạn sang Quỳnh Lưu (Nghệ An) rồi rời ra Thanh Hóa. Sau đó đến đời Hồ Liêm thì lại làm con nuôi họ Lê nên mới đổi ra họ Lê. Lê Quý Ly có hai người cô đều lấy vua Trần Minh Tông nên được Nghệ Tông rất tin dùng.

oOo

 

   29) Năm 1372 Nghệ Tông truyền ngôi cho em là vua Duệ Tông. Duệ Tông thấy Chiêm Thành thường sang quấy nhiễu luôn nên có ý đi đánh báo thù. Nhà vua cho luyện tập quân lính, rèn đúc khí giới, tích trữ lương thực để chuẩn bị đi đánh Chiêm Thành.

oOo

 

   30) Tuy lo việc võ bị nhiều, Duệ Tông vẫn không quên việc văn học. Năm 1374 nhà vua mở khoa thi tiến sĩ thay cho khoa thi Thái học sinh. Khoa này lấy được 50 người nên vua Duệ Tông ban cho các vị tân khoa áo, mũ để vào làm lễ tạ ơn vua.

oOo

   31) Những người mới thi đậu này còn được phép cưỡi ngựa đi chơi dạo vườn thượng uyển của nhà vua để xem mọi thứ hoa lạ, cây quý. Sau đó họ còn được vinh dự ăn tiệc do vua ban cho cùng với các quan trong triều.

oOo

 

   32) Tiếp theo là lễ vinh qui bái tổ trở về làng. Các quan ở mỗi địa phương liền ra lệnh cho làng nào có người thi đậu phải đem cờ, trống, võng, lọng lên rước quan tân khoa (mới thi đậu) về làng để làm lễ tạ ơn tổ tiên rồi tạ ơn thầy đồ dạy học. Sau đó còn mở tiệc đãi dân chúng trong làng.

oOo

 

   33) Năm 1376 quân Chiêm lại sang đánh phá Hóa Châu. Duệ Tông thân chinh đi đánh dẹp và sai Lê Quý Ly vận tải lương thực. Chế Bồng Nga liền lừa cho quân lính của Trần Duệ Tông tiến sâu vào thành Đồ Bàn rồi mới đem quân vây đánh. Quân nhà Trần thua to. Duệ Tông chết tại trận.

oOo

 

   34) Sau khi Duệ Tông chết, Chế Bồng Nga lại kéo quân ra cướp phá Thăng Long. Từ năm 1378 đến năm 1380 rồi năm 1382, cứ cách một năm, quân Chiêm lại ra đánh Đại Việt một lần, khiến cho vua quan nhà Trần phải rời bỏ kinh thành chạy trốn thật là nhục nhã.

oOo

 

   35) Lúc đó, nhà Minh đã diệt xong được nhà Nguyên ở bên Tàu. Năm 1384, Minh Thái Tổ cho sứ sang bắt nhà Trần phải cung cấp lương thực cho quân nhà Minh đóng ở Vân Nam. Năm sau (1385) chúng lại đòi cống cây quý, lương thực và 20 tăng nhân (nhà sư) để đưa về Kim Lăng.

oOo

 

   36) Bấy giờ giữa triều đình thì Lê Quý Ly chuyên quyền, trong nước thì giặc giã nổi lên, bên ngoài thì nhà Minh ép buộc. Tình thế thật là đen tối. Thừa dịp này Chế Bồng Nga lại đem thủy quân vây đánh Thanh Hóa. Lê Quý Ly đem quân vào chống giữ lại bị thua to.

oOo

 

   37) Tháng Giêng năm 1390, Trần Khát Chân đem chiến thuyền tới vùng Hoàng Giang để ngăn chặn địch. Chế Bồng Nga dùng thuyền riêng tới xem xét tình hình. Vì có người lính Chiêm làm phản, chỉ cho biết chiếc thuyền này, nên Trần Khát Chân đã cho binh sĩ chỉ nhằm vào đó và đã bắn chết được Chế Bồng Nga. Quân Chiêm mất chủ, bỏ chạy tán loạn.

oOo

 

   38) Từ khi giặc Chiêm xâm lăng đã yên thì Quý Ly lại càng lộng quyền, kéo thêm vây cánh càng ngày càng nhiều. Năm 1394 Trần Nghệ Tông mất. Năm 1396 Quý Ly bắt vua Trần Thuận Tông phải rời kinh đô về Tây Đô (Thanh Hóa). Sau lại bắt Thuận Tông nhường ngôi cho con.

oOo

 

   39) Con của Thuận Tông mới có 3 tuổi lên ngôi gọi là Trần Thiếu Đế. Lê Quý Ly làm phụ chính tự xưng là Đại vương rồi sau lại cho người giết Thuận Tông. Thấy thế, Trần Nguyên Hảng và Trần Khát Chân lập hội định trừ Lê Quý Ly. Việc bại lộ, Quý Ly bắt giết cả bọn hơn 360 người.

oOo

 

   40) Năm 1400 Quý Ly bỏ hẳn Trần Thiếu Đế, tự xưng làm vua, lập ra nhà Hồ. Tính ra nhà Trần làm vua được 12 đời trong 175 năm, các vị vua đầu đời nhà Trần đều có công chống ngoại xâm và mở rộng bờ cõi. Về sau cơ nghiệp nhà Trần bị mất vì Nghệ Tông và Dụ Tông đều là những ông vua lười biếng và hèn nhát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét