T A N G M A T H E O T Ụ C L Ệ CỔ TR U Y Ề N
PHẦN 1:
KHÁI NIỆM:
Tang là sự đau buồn khi có người thân mới chết, là lễ chôn cất người chết (an táng, mai táng), là dấu hiệu (áo, mũ, khăn…) để tỏ lòng thương tiếc người chết.
Tang chế là phép tắc quy định việc đưa đám và để tang.
Tang lễ (lễ tang) là nghi lễ chôn cất người chết.
Từ đó có những từ: tang phục, tang sự, tang gia, tang chủ, đám tang, để tang, bịt khăn tang, đeo băng tang, mãn tang, xả tang, tống tang, hộ tang …
Ma (ma chay) là lễ chôn cất và cúng người chết theo tục lệ cổ truyền. Đám ma còn gọi là đám tang.
Như vậy tang ma có nghĩa là lễ chôn cất cúng kính, cùng những quy định về việc để tang và đưa đám người thân mới chết.
Khi có tang ma, người ta đem tiền hay đồ lễ đến viếng để tỏ lòng thương tiếc người chết và thăm hỏi chia buồn cùng tang quyến, gọi là phúng viếng hay phúng điếu. Điếu ca là bài thơ tỏ lòng thương tiếc người chết. Điếu văn là bài văn tỏ lòng thương tiếc người chết đọc khi làm lễ tang.
Con người sinh ra, lớn lên, học hành, thi cử, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, tạo lập công danh sự nghiệp, dù có hiển hách đến đâu, cuối cùng cũng theo quy luật sinh lão bệnh tử trở về cát bụi, để lại bao niềm tiếc thương vô hạn cho người ở lại.
Tục lệ tang ma của người xưa nhầm thể hiện một phần nào sự tiếc thương vô hạn đó, bởi lẽ:
- Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn
- Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm người ơi
Cũng giống như tục lệ cưới gả, tục lệ tang ma của người Việt xưa ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Tàu, nhưng vẫn giữ được nét đặc thù văn hóa Việt Nam.
Thọ Mai Gia Lễ là bộ sách Việt Nam dựa vào sách Chu Công Gia Lễ của Trung Quốc. Tác giả Thọ Mai, tên thật là Hồ Sỹ Tân (1690-1760) thời vua Lê chúa Trịnh, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, đậu Tiến sĩ năm 1721. Thọ Mai Gia Lễ của ông có trích dẫn 1 phần của Hồ Thượng Thư Gia Lễ, Hồ Thượng Thư tức Hồ Sỹ Dương (1652- ?) người cùng làng Hoàn Hậu đậu Tiến sĩ năm 1652 làm Thượng thư Bộ Hình, tước Duệ Quận Công, làm quan đến chức Hàn Lâm Thị Chế.
Việc tang ma xưa nay dựa vào sách Thọ Mai Gia Lễ, nhưng xuống đến làng xã, người bình dân tổ chức linh động đơn giản, chú trọng ở lòng thành cùng cách ăn ở đối xử sao cho phải đạo làm người:
Lễ bạc lòng thành
Đức trọng quỷ thần kinh
Chẳng ai khen đám cưới, chẳng ai cười đám ma
Tuy nhiên, đối với nhà phú quý, hay triều đình, thì có vô số những nghi lễ nhiêu khê, rườm rà, phức tạp, tốn kém. Thí dụ khi vua băng hà, các quan, các hoàng thân, các bà nội cung luân phiên dâng lễ tế, các cuộc vui chơi, hội hè, cưới gả trong nước bị cấm, từ quan lại đến cung đình đều phải để tang từ ba tháng 10 ngày đến ba năm, Bộ Lễ lo việc tang lễ, Khâm Thiên Giám lo chọn ngày giờ, thi hài nhà vua được chôn theo với vô số vàng bạc châu báu, lăng tẩm được xây dựng nguy nga tráng lệ, có khi phải tiến hành từ vài ba chục năm về trước lúc nhà vua vừa mới lên ngôi, hao tốn không biết bao nhiêu tiền bạc và có cả xương máu nữa.
Sau đây là những tục lệ tang ma phổ biến của người Việt xưa tại các làng xã:
LÚC LÂM CHUNG
Là lúc hấp hối, sắp tắt thở, sắp chết.
Trong nhà có người thân (ông, bà, cha, mẹ) sắp mất, con cái vực đến nằm ở gian chính tẩm (gian chính để làm việc sinh hoạt trong nhà) hay gian bên cạnh, hỏi han có trăn trối gì không? Lấy 1 tấm lụa trắng dài gấp thành những khổ ngắn đắp lên ngực để khi hồn lìa khỏi xác thì hồn sẽ nhập vào đó, tấm lụa này được dùng để thắt hồn bạch.
Thường các nhà đại phú không để tới lúc lâm chung mới trăn trối, mà đã lo viết di chúc, tức chúc thư, từ lúc còn mạnh khỏe. Chúc thư, tức di chúc (chúc: là lời dặn dò phó thác) là lời dặn dò phó thác của người chủ gia đình, chủ đất nước, được viết thành văn bản có giá trị hành chánh, pháp lý. Nếu không viết được thì nói cho người khác ghi, đọc lại cho nghe rồi ký tên hay lăn tay. Di chúc của vua gọi là di chiếu. Ngày xưa, sau 3 năm tang chồng, người vợ nếu tái giá thì ra đi tay không, nếu ở lại thủ tiết thờ chồng nuôi con, thì cũng không được toàn quyền mà phải bị lệ thuộc vào các ông chú ông bác trong họ chồng.
TẮT HƠI
Treo bông gòn trước lổ mũi không thấy động đậy là khí tuyệt, tức là đã tắt hơi rồi.
Báo tin cho bà con dòng họ, làng xóm biết đã từ trần, gọi là cáo phó.
Nhờ thư lại (viên chức nhỏ coi việc văn thư ở phủ, huyện) đặt tên hiệu, dùng nước trầm hương lau sạch sẽ, thay quần áo tươm tất, lấy 1 chiếc đủa để ngang giữa 2 hàm, lấy 1 tờ giấy bản (loại giấy trắng) phủ lên mặt, trải chiếu dưới đất đặt người chết xuống 1 phút rồi đưa lên chỗ cũ.
Nhờ thầy lễ lo việc tang lễ coi ngày giờ khâm liệm mai táng; nhờ thầy chùa đến tụng kinh (nếu theo Phật); nhờ thầy địa coi huyệt mả…
Lập tang chủ là trưởng tử, nếu không có trưởng tử thì cháu đích tôn.
Lập ty thơ coi sổ phúng điếu, ty hóa coi sổ chi tiêu.
Mua quan tài, đèn cầy, hương hoa trầm trà, rượu… mua mạt cưa, tro, vôi… (để liệm) mua khăn, lược… (để tắm, cha thì con trai tắm, mẹ thì con gái tắm) may quần áo tang, khăn tang, băng tang …
LỄ PHẠN HÀM
Lấy 1 nắm gạo và 3 đồng tiền kẽm mài sạch bỏ vào miệng người chết (nhà phú quý dùng 3 miếng vàng sống, 9 hạt châu) gọi là lễ phạn hàm. Người xưa nói:
“Đấng thiên tử thì dùng trân châu, vua và chư hầu thì dùng ngọc, quan đại phu thì dùng ngọc bích, kẻ sĩ thì dùng bối, dân dã thì dùng cơm gạo, tiền kẽm…”
LỄ CHIÊU HỒN
Làm lễ phạn hàm xong, tới lễ chiêu hồn: con cái lấy cái áo của người chết vừa thay, tay trái cầm cổ áo, tay phải cầm lưng áo trèo lên nóc nhà gọi lớn tên của người chết 3 tiếng (hú hồn) rồi đem phủ lên thi thể.
CẦU NGUYỆN
Khi có người chết, con cháu thường khóc lóc kêu gào thảm thiết, riêng các gia đình theo Phật vì sợ làm kinh động vong linh khó siêu thoát nên thường im lặng cầu nguyện và rước thầy về tụng kinh độ vong.
Từ lúc này trở đi, con cháu trong nhà đều đi chân đất, không được: kình cãi, cười đùa, trang điểm, mang nữ trang…
KHÂM LIỆM
Là bọc xác người chết cho vào quan tài.
Nhà giàu dùng vóc nhiễu tơ lụa, nhà nghèo dùng vải trắng, may thành đồ tiểu liệm, đại lịệm:
Đồ tiểu liệm: dọc: 1 mảnh dài 5m; ngang: 3 mảnh dài 3m, ngang dọc (tung hoành) đều có xé đầu 3 mối.
Đồ đại liệm: dọc: 1 mảnh dài 5m; ngang: 5 mảnh dài 3m, không xé.
May các thứ: Gối 1 tấm. Tịch thủ túc 2 tấm. Áp nhỉ 2 tấm. Phúc diện 1 tấm. Phúc trung yên 1 tấm. Tả hữu thốn túc 2 tấm. 1 bao hàm bằng bông.
Cách liệm: Đem quan tài vào, đổ tro, vôi dày 1 tấc, để tấm thất tinh lên, rồi trải tấm khâm, xong rải 3 tấm ngang, 1 tấm dọc, (tiểu liệm) rồi tiếp 5 tấm ngang, 1 tấm dọc (đại liệm), để tấm tấn thủ trên đầu, tấm túc dưới chân, trải giấy thấm hoặc trà. Đúng giờ hoàng đạo, chủ tang vào cử ai đốt nhang cúng bái (có thầy lễ phụ trách). Những người khâm liệm đưa thi hài vào quan tài, dở khăn úp mặt cũ thay khăn mới, để bao hàm dưới cầm, để 2 tấm áp nhỉ 2 bên tai, để tấm phúc diện lên mặt, để tấm phúc trung từ ngực đến bụng, để 2 tấm tả hữu thốn túc. Khuyết chỗ nào lấy quần áo cũ chêm vào. Xong kéo tấm tung đại lên phủ từ đầu xuống chân, tiếp 5 đoạn hoành xếp ngay ngắn, rồi tiếp đồ tiểu liệm, tấm tung tiểu kéo lên từ trên đưa xuống, cột lại, rồi đến hoành tiểu buộc lại, xong trải tấm khâm. Đậy nắp quan tài, khoan chốt, hay đóng đinh, rồi đặt quan tài lên 2 con ngựa gỗ để an trí.
Theo tục lệ, trong quan tài thường có miếng ván đục hình sao Bắc Đẩu thất tinh, hay dán bùa chú. Chết nhầm giờ xấu thì bỏ vào hòm 1 cổ bài tổ tôm, hay 1 quyển lịch Tàu, hay 1 tàu lá gồi để trấn áp ma quỷ.
Quan tài đặt ở gian giữa nhà, hay gian cạnh, đầu quay ra sân (muốn để lâu thì quàn lại để trong nhà hay đem ra vườn phủ cát lên), trên nắp thắp 7 ngọn nến, lập bàn thờ đặt lư hương, 1 chén cơm úp, 1 đôi đũa, 1 trứng gà luộc bóc vỏ. Con cháu đứng thường trực bên linh cửu, để lạy đáp lễ khách phúng điếu.
Mấy ngày mới nhập quan, con cháu còn được phép cưới gọi là cưới chạy tang.
LINH SÀNG
Là 1 cái giường kê bên linh cữu về phía tay mặt người chết để cung phụng như lúc còn sống có đầy đủ mùng màn chăn nệm…
LINH TỌA
Là bàn thờ vong linh đặt trước quan tài, có đèn cầy, chân dung, bài vị (là tấm thẻ bằng giấy hay gỗ ghi tên tuổi chức vụ người chết để thờ), ngoài cùng kê hương án bàn độc và đồ cúng cấp.
HỒN BẠCH
Lấy tấm lụa đắp trên ngực người chết thắt thành hồn bạch có đầu và 2 tay 2 chân giống như hình nhân đặt nằm trên linh sàng. Trong lúc chưa có thần chủ, hồn nương tựa vào hồn bạch. Mỗi sáng mỗi tối đều cúng vái hồn bạch, đến khi chôn xong, thần chủ thay thế, đem hồn bạch đốt đi.
LỄ THÀNH PHỤC
Đến giờ cử hành lễ thành phục, tức lễ phát tang, con cháu xõa tóc mặc đồ tang tùy theo thứ bậc sắp hàng trước hương án để khóc lạy người quá cố. Thường có thầy lễ, hay thầy pháp phụ trách tế lễ.
ĐỂ TANG:
Theo Thọ Mai Gia Lễ có 3 cha 9 mẹ:
Ba cha là: Thân phụ (cha ruột), kế phụ (cha ghẻ) dưỡng phụ (cha nuôi).
Chín mẹ là: Thân mẫu (mẹ ruột), từ mẫu (vợ lẽ của cha nuôi mình bú mớm), đích mẫu (vợ cả của cha), kế mẫu (mẹ ghẻ), dưỡng mẫu (mẹ nuôi), xuất mẫu (mẹ ruột bị cha bỏ), giá mẫu (mẹ ruột cha chết tái giá), thứ mẫu (mẹ ruột là vợ lẽ của ba), nhũ mẫu (bà vú).
1. Đại tang: để tang 3 năm, sau giảm xuống còn 2 năm 3 tháng:
Con trai, con gái, con dâu để tang cha mẹ (kể cả đích mẫu, dưỡng mẫu, từ mẫu, dưỡng phụ)
Vợ để tang chồng
2. Cơ niên: để tang 1 năm (dùng khăn tròn, vải trắng, không gậy):
Cháu nội để tang ông bà nội
Con riêng của vợ để tang cha ghẻ nếu có nuôi dưỡng và ở
chung, nếu không thì không tang, nếu trước có sau không
thì để tang 3 tháng.
Con để tang mẹ đẻ nhưng bị cha bỏ (xuất mẫu), hoặc cha
chết mẹ tái giá (giá mẫu).
Chồng để tang vợ cả có gậy, nếu cha mẹ còn sống thì
không gậy.
Cháu để tang bác trai bác gái, chú thiếm, cô ruột.
Anh chị em ruột để tang cho nhau (cùng cha khác mẹ để
tang 1 năm, cùng mẹ khác cha để tang 5 tháng).
Cha mẹ để tang con trai, con gái, dâu cả, kể cả con đi làm
con nuôi nhà người.
Ông bà nội để tang cho cháu đích tôn.
Đích mẫu, từ mẫu, kế mẫu để tang con chồng. Thứ mẫu để
tang con mình, con chồng và con dâu cả.
Con dâu để tang dì ghẻ
Rể để tang cha mẹ vợ.
Nàng hầu để tang cha mẹ chồng, vợ cả của chồng, các con
riêng của chồng.
3. Đại công: để tang 9 tháng:
Anh chị em con chú bác ruột để tang cho nhau
Cha mẹ để tang con dâu thứ, con gái có chồng.
Chú bác thiếm ruột để tang cháu, con dâu của anh em ruột.
Cháu dâu để tang ông bà chồng, chú bác thiếm cô ruột của
chồng.
Mẹ để tang con dâu thứ, con gái riêng của chồng
Con gái đã xuất giá để tang bác trai bác gái, chú thiếm cô
ruột của mình.
4. Tiểu công: để tang 5 tháng:
Chắt để tang ông cố (cụ) bịt khăn vàng.
Cháu để tang anh chị em ruột của ông nội.
Con để tang vợ lẻ, nàng hầu của cha (nếu nuôi mình thì để
tang 3 năm).
Cháu để tang anh chị em con chú bác ruột của cha.
Anh chị em con chú bác ruột để tang cho vợ của nhau.
Anh chị em cùng mẹ khác cha để tang cho nhau (vợ con
của anh chị em ấy không tang).
Chú bác ruột để tang cho cháu dâu (con dâu của anh em
ruột)
Ông bà bác, ông chú, bà thiếm, bà cô để tang cho cháu
(cháu nội của anh em ruột)
Ông bà nội để tang cho vợ của cháu đích tôn, cháu gái xuất
giá
Cháu ngoại để tang ông bà ngoại, cô ruột, dì ruột
Cháu dâu để tang cô ruột của chồng
Chị dâu, em dâu để tang anh chị em ruột của chồng và con
những người đó
5. Ty ma phục: để tang 3 tháng:
Chiếu để tang ông sơ (cụ) bịt khăn đỏ (hồng tang)
Chắt để tang cố bác cố chú (anh em ruột của ông cố)
Cháu để tang cô bà xuất giá (chị em ruột của ông nội)
Cháu để tang cô họ (chị em con chú bác ruột với cha)
Con để tang cha ghẻ
Con để tang nàng hầu của cha
Con để tang bà vú
Cháu để tang tộc bá thúc phụ mẫu (anh em con chú con
bác với cha)
Chồng để tang vợ lẽ, nàng hầu
Anh chị em họ nội 5 đời để tang cho nhau
Bố mẹ vợ để tang con rể
Ông bà ngoại để tang cháu ngoại, cháu dâu ngoại
Ông cố để tang cho chắt nội
Cháu để tang vợ cậu, chồng cô, chồng dì nếu ở chung 1
nhà, nếu không thì không tang:
Chồng cô vợ cậu chồng dì
Trong ba người ấy chết thì không tang
Anh chị em con cô ruột, con dì ruột để tang cho nhau
Cậu ruột để tang vợ của cháu trai
Cháu dâu để tang ông bà (anh chị em ruột với ông nội
chồng)
Cháu dâu để tang ông bà ngoại của chồng, cậu ruột dì ruột
của chồng
Cháu dâu để tang anh chị em ruột của ông nội chồng
Chắt dâu để tang ông cố nội của chồng
Ông cố để tang chắt nội
Con nuôi để tang bên nhà cha mẹ nuôi:
Ông sơ: 3 tháng; Ông cố: 5 tháng; Ông bà nội:1 năm
Cha mẹ nuôi: 3 năm, áo sổ gấu có gậy
Con nuôi để tang bên nhà cha mẹ ruột:
Ông bà nội: 9 tháng
Cha mẹ ruột: 1 năm có gậy
Chú bác cô thiếm ruột: 9 tháng, cô đã xuất giá 5 tháng
Anh chị em ruột 9 tháng, chị gái em gái xuất giá 5 tháng,
chị dâu em dâu 3 tháng.
Con gái có chồng bị chồng chết hay chồng bỏ không con, trở về nhà xem như chưa chồng để tang như chưa chồng, không bị giáng. Đương để tang cha mẹ 1 năm mà bị chồng bỏ thì tiếp tục để tang cha mẹ 3 năm
Tang phục thể hiện tình nghĩa, phân biệt thân sơ, bày tỏ lòng thương xót giữa kẻ mất người còn. Ngày xưa, chẳng những thân thích mà người ngoài đến phúng viếng cũng đeo băng tang. Thọ Mai Gia Lễ quy định ông bà cha mẹ đều phải để tang con cháu, tuy nhiên thực tế có nhiều nơi quan niệm “Phụ bất bái tử” (nghĩa là cha không lạy con), con chết trước cha mẹ là con bất hiếu, do đó, cha mẹ không để tang con, mà trên đầu thi thể của con phải quấn 1 vòng khăn tang để để tang cha mẹ, riêng cha mẹ thì không đi đưa tang con.
Cư tang: Phép nước quy định dù làm quan đến chức gì, khi cha mẹ mất là phải về cư tang (thọ tang) 3 năm, thời gian cư tang lệnh vua không đến cửa. Ba năm cư tang phải nhẫn nhục chịu đựng mọi gian khổ, không dự cuộc vui, lễ cưới, lễ mừng, không uống rượu nghe đàn, không mặc gấm vóc nhung lụa, không đội mũ đi hia, chỉ đi chân đất, ra đường không sinh sự, ở nhà không to tiếng, không ngủ với vợ, sinh con trong thời gian này bị coi là bất hiếu. Ba năm sầu muộn, tự nghiêm khắc với mình, rộng lượng với kẻ dưới, cung kính với người trên, bố thí cho người nghèo khổ… để tỏ lòng thành kính hiếu thảo với cha mẹ vừa mới qua đời.
Con dâu được xem như con ruột, để tang giống con ruột, trong lúc con gái “xuất giá tòng phu” được xem là:
Nữ nhi ngoại tộc
Con gái là con người ta
Con dâu mới thật mẹ cha mua về
Trưởng nam hoặc cháu đích tôn rất hệ trọng trong việc để tang như đã nói ở phần Cư Tang, có người còn phải cất chòi bên mả để “nằm mả tư lư” nữa. Nếu có vi phạm điều chi, họ tộc sẽ họp để lấy biểu quyết truất quyền thừa tự thừa kế.
TANG PHỤC:
Để tang cha may trảm thôi phục
Để tang mẹ may tư thôi phục (tề thôi phục)
Nam thôi phục chế: áo may biên hướng ngoại, quần may biên hướng nội, mũ bằng rơm, dây cột mão dây thắt lưng bện bằng dây gai dây chuối hay dây đay.
Nữ thôi phục chế: áo may biên hướng ngoại, quần may biên hướng nội.
Con trai, con gái chưa chồng, con dâu, đội khăn sô mũ rơm, mặc áo sô, thắt lưng bằng dây chuối…
Để tang cha, quần áo may xổ gấu (trảm thôi). Để tang mẹ, quần áo may vén gấu (tề thôi) “Mẹ vén cha buông”. Áo phải khâu đường sóng lưng lộn mép vải ra ngoài, giữa lưng có 1 miếng vải khâu bám vào, gọi là “phụ bản” với ngụ ý: mang trên lưng 1 sự đau buồn thương tiếc. Khăn sô có giải sau lưng gọi là “khăn ngang”.
Con gái có chồng mặc áo vén gấu. Con trai chống gậy, gậy tang cha bằng cây trúc, gậy tang mẹ bằng cây vông. Gậy trúc tròn tượng trưng cho trời, gậy vông vuông tượng trưng cho đất, ý nói: công cha nghĩa mẹ cao rộng như trời đất, khi cha mẹ qua đời, hiếu tử là con có hiếu vì đã khóc thương nhiều quá mà sinh đau ốm nên phải chống gậy.
Con rể, cháu nội đội mũ mấn, bịt khăn trắng, mặc áo sô trắng, bà con thân thuộc xa thì bịt khăn trắng.
Cháu đích tôn mồ côi cha phải thay cha đầu rơm mũ bạc, chống gậy, đứng chủ tế, giống như vai trò của người con trưởng nam vậy.
CHIÊU TỊCH DIỆN:
Cúng thành phục xong, mỗi ngày 2 buổi sớm chiều cúng cơm gọi là chiêu tịch diện. Buổi sáng con cháu bưng thau nước, khăn mặt, cau trầu vào chỗ linh sàng, khóc 3 tiếng, rồi rước hồn bạch ra linh tọa, buổi chiều cúng xong rước hồn bạch về linh sàng buông màn đắp chăn. Nhà đại gia mới dùng lễ ấy, nhà thường chỉ cúng ở bàn linh tọa thôi.
NHẠC TANG:
Mời phường bát âm gảy đàn thổi sáo, phường tang nhạc thổi kèn đánh trống, mời người khóc mướn đến khóc, thường họ là thành viên của các ban tang nhạc. Con cháu mỗi người nhờ ban nhạc thổi 1 câu khóc rồi thưởng tiền cho họ. Người sang thích đi phúng viếng bằng nhạc, nên những đám tang nhà giàu thường có dăm bảy ban tang nhạc kèn thổi, trống đánh, đờn kéo, người khóc, nghe thật tang tóc thê lương.
LỄ CHUYỂN CỬU:
Trước ngày di quan làm lễ chuyển cửu, tức rước quan tài sang chầu Tổ miếu (nhà thờ họ). Vì lễ này phiền phức quá nên về sau bỏ, thay thế bằng lễ rước hồn bạch, nhà đại gia thì rước áo mũ đại trào. Nhà không có Tổ miếu chỉ xoay quan tài 1 vòng thôi.
LỄ ĐỘNG QUAN, ĐƯA ĐÁM:
Trước khi động quan, con cháu xúm quanh quan tài nhắc lên đặt xuống 3 lần. Trước đó có lễ cáo gia tiên, toàn thể tang quyến phủ phục trước linh tọa theo sự điều khiển của thầy lễ. Bên ngoài, bà con làng xóm đi đưa đám đã tụ họp đông đủ với 2 hàng cờ, chiêng, trống trang nghiêm. Khi vị đại diện làng đọc điếu văn xong, 3 hồi chiêng trống cất lên, vị trưởng toán đô tùy (tức âm công mặc đồng phục 2 màu đen trắng) tay cầm 2 thanh tre gõ vào nhau, hô lớn, nhảy múa theo thế hổ quyền chào kính linh cửu xong, ban lệnh cho toán đô tùy tiến vào khiêng quan tài ra cửa ngõ đặt lên linh xa đầu hướng về phía trước.
Con trai chống gậy đi theo quan tài. Nếu con trai chết thì cháu trai thay cha chống gậy. Con cháu tay bám vào quan tài vừa đi vừa khóc, theo sau là bạn bè thân hữu. Nếu con trai ở xa không về kịp thì cây gậy của người ấy được treo ở đầu đòn khiêng. Nếu người chết không có con trai, thì ai thừa tự phải chống gậy. Con gái, con dâu thỉnh thoảng phải nằm lăn ra mặt đường cho linh cữu đi qua, con gái nằm ngoảnh mặt về phía trước, con dâu nằm ngoảnh mặt về phía sau.
Đi kèm bên linh cửu gọi là hộ tang, đi đưa gọi là tống tang.
NGHI THỨC ĐI ĐƯỜNG:
Đi đầu đám tang là 2 thần Phương Tướng làm bằng giấy có 4 mắt, hình dung dữ tợn, cầm binh khí dẫn đạo. Từ xa xưa dùng 2 người thật đeo mặt nạ cầm giáo mác đóng vai thần Phương Tướng đi đầu dẹp ôn trừ tặc.
Theo sau là thủ kỳ 2 người khiêng có 1 bức hoành vải trắng đề 4 chữ Hán: “Hổ Sơn Vân Ám” (cha mất) hay “Dĩ Lĩnh Vân Mê” (mẹ mất) lấy từ câu:
Trèo lên núi Hổ ta trông thấy cha
Trèo lên núi Dĩ ta trông ngóng mẹ
Hai bên có treo đèn lồng chức tước, húy, hiệu của người quá cố.
Tiếp đến là tấm minh tinh làm bằng dãi lụa đỏ, hoặc giấy đỏ viết bằng phấn trắng đề chức, tước, tên, họ, thụy, hiệu của người chết với 4 chữ “quỷ khốc linh thính” trương cao trên 1 cành tre như cây phướn hoặc để lên thủ kỳ cho 2 người khiêng. Theo sau là hương án bày giá hương, độc bình, đồ tam sự (2 cây nến, 1 lư hương) và 1 mâm ngũ quả.
Kế đến là án thực bày tam sinh, hoặc lợn quay, bánh trái.
Rồi đến hồn bạch, có phường bát âm, có đèn giấy, có biển đan triệu: đàn ông đề 2 chữ “Trung Tín” đàn bà đề 2 chữ “Trinh Thuận”, cùng những câu liễn của người phúng viếng. Nhà đại gia có áo mũ đại trào, cờ, tán, nến sáp, chiêng, trống, võng, lộng. Nhà thường thì chỉ có kèn trống thổi khúc nam thương.
Sau cùng là linh xa rước linh cữu. Con cháu tống táng đi theo linh cữu. Nhà theo Phật có các bà vãi cầm phướn đi 2 bên tụng kinh niệm Phật gọi là đi hộ phúc, nhà sư mặc áo cà sa gõ mõ tụng kinh, các bà vãi đội cầu bát nhã cho vong hồn bước qua cõi Phật. Giấy vàng bạc được rải trên suốt đoạn đường linh cửu đi qua để đuổi trừ ma quỷ.
NHÀ TRẠM:
Nhà phú quý dọc đường có cất trạm tế trung đồ, lợp bằng lá, hay cót, kết hoa, treo đèn, liễn… Tại huyệt có cất trạm tế hạ huyệt. Lúc cúng trạm, thường nhờ người có chức tước danh giá đứng đề chủ: tay cầm bút chấm 1 chấm lên tấm thần chủ ngay tại đầu chữ “chủ”, rồi sổ 1 nét.
HẠ HUYỆT:
Chủ tang nhờ thầy địa lý nhắm hướng chọn chỗ để đào huyệt, định giờ hoàng đạo để hạ huyệt. Đến huyệt, 2 thần Phương Tướng đi dạo 4 góc, đoạn đưa quan tài xuống, tháo tấm minh tinh trải lên quan tài lật qua lật lại 3 lần, con cháu khóc lạy, khách khứa vào viếng, mỗi người ném 1 hòn đất hoặc 1 cành hoa xuống huyệt, rồi lấp đất. Tang quyến làm lễ cúng Thổ Thần cầu cho người nằm dưới mộ được yên ổn. Nếu theo Phật thì các Tăng Ni làm lễ cúng Quy Lăng cầu Phật độ vong, vừa đi quanh mộ vừa niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, gọi là dong nhang.
HẠ HUYỆT TRÁNH NGÀY XẤU:
Tránh ngày: sát chủ, thọ tử, bạch hổ thực thi, bát tòa, thiên tặc, phá sát, âm thố, dương thố, đại mộ, tam tang, tam xa sát, trùng tang, trùng nhựt, thiên kim cang, xung kỵ bổn mạng, xung khắc hiếu tử…
Nếu gặp ba bốn ngày xấu liên tiếp thì phải dùng đạo táng, nghĩa là không xin lễ đào huyệt, không tế hậu thổ, chôn xong rồi về nhà, đợi ngày tốt đến làm lễ tạ mộ, đó chỉ là 1 việc bất đắc dĩ.
KHÓC LẠY:
Khi linh cữu còn để trong nhà, con cháu và khách phúng viếng lạy 2 lạy coi như người còn sống, nhưng khi mai táng xong thì lạy 4 lạy.
Trong đám tang, con cháu lúc nào cũng phải khóc. Khách vào phúng viếng thường “ô hô” 3 tiếng, con cái phải khóc đáp lễ; khách lạy 2, thì đáp 1; khách lạy 4, thì đáp 2; và phải lạy trên đất chứ không được lạy trên chiếu.
Con cháu tập trung khóc lóc chưa đủ, các nhà phú quý còn mời các phường thương vay khóc mướn đến khóc than kể lể rất bài bản.
CÚNG NGU:
An táng xong trở về nhà cúng ngu, ngu có nghĩa là yên ổn. Ngày đầu gọi là sơ ngu, ngày thứ hai gọi là tái ngu, ngày thứ ba gọi là tam ngu. Khi người mới mất, hồn phách còn vật vờ nên phải cúng ngu 3 lần để hồn phách được mau chóng nhẹ nhàng siêu thoát.
VIẾNG MỘ ĐẮP MỘ:
Liên tiếp trong 3 chiều sau khi chôn, chiều nào con cháu cũng phải đến viếng mộ, thắp nhang, đốt lửa.
Chiều thứ ba cúng tam ngu, còn gọi là cúng mở cửa mả, rước thầy pháp đến yểm bùa, dùng gà trắng còn sống để cúng Thổ Thần; dùng lươn, cá chép, ốc, quạ, để yểm trừ hung thần đến quấy nhiễu người mới chết. Cúng xong, thả gà ra, con gà ngơ ngơ ngáo ngáo như đồ mất hồn nên gọi là “gà mở cửa mả“.
Con cháu sửa sang nấm mộ lại cho đẹp, hay rước thợ xây nhà mồ, xây mộ, dựng bia.
CÚNG CƠM HẰNG NGÀY:
An táng rồi, mỗi ngày cúng cơm 2 bữa và khóc. Cúng 1 bát cơm úp, 1 quả trứng luộc, hay món ăn nào mà người chết lúc còn sống thích.
CHUNG THẤT:
Mỗi tuần cúng thất 1 lần, kể cả 2 ngày sóc vọng trong tháng.
49 ngày là tuần thất sau cùng, cúng lớn, rước tăng ni về nhà tụng kinh, hay đem vào chùa làm chay, tụng kinh sám hối để cầu cho vong hồn sớm siêu thăng tịnh độ. Theo nhà Phật, sau 49 ngày linh hồn người chết mới được đầu thai kiếp khác, nên việc cúng kính, cầu siêu, bố thí, cầu nguyện cho người chết trong vòng 49 ngày đầu là vô cùng cần thiết và hệ trọng hơn hết.
TỐT KHỐC:
Đúng 100 ngày có lễ cúng lớn gọi là tốt khốc (thôi khóc), xả tang cho những người để tang 3 tháng 10 ngày. Từ đây về sau không còn cúng cơm hằng ngày nữa.
TIỂU TƯỜNG:
Là lễ cúng lớn, còn gọi là làm tuần giáp năm. Ai để tang 1 năm thì được xả tang, các đồ hung phục như sô gai, gậy, mũ được trừ bỏ nhưng vẫn mặc tang phục cho đủ 3 năm.
ĐẠI TƯỜNG:
Tròn 2 năm có lễ cúng lớn gọi là lễ đại tường, hay gọi là làm tuần mãn. Nếu không có lễ Đàm Tế, thì lễ Đại Tường xả tang cho người để tang 3 năm, Tang chủ cùng con cháu rước thần chủ (tức bài vị) người quá cố đến thờ tại bàn thờ tổ tiên, triệt bỏ linh tọa cùng những đồ thờ khác.
Làm tuần giáp năm tính đủ 12 tháng, làm tuần mãn tính đủ 24 tháng:
Đám giỗ tính nhuần làm tuần tính đủ.
ĐÀM TẾ:
Sau lễ đại tường chọn 1 ngày tốt trong 3 tháng dư để làm lễ trừ phục, gọi là lễ đàm tế, gồm 3 lễ:
1. Lễ sửa mộ
2. Lễ đàm tế: đốt khăn tang, tang phục, đốt các thứ thuộc phần lễ tang, bỏ bàn thờ tang, thu hết các bức trướng, liễn.
3. Lễ rước linh vị: Chép sẵn linh vị mới phủ vải đỏ, đốt linh vị cũ cùng với khung đen phủ quanh khung ảnh và văn tế. Rước linh vị, bát hương, chân dung đưa lên bàn thờ gia tiên.
ĐỐT ĐỒ MÃ:
Trong khoảng thời gian giữa tiểu và đại tường có 2 kỳ đốt mã, gọi là đốt mã biếu đồ và đốt mã dâng đồ cho người chết dùng. Thường đốt vào rằm tháng Bảy, đốt vào ngày tiểu tường, hay đại tường. Đồ mã được thợ mã làm, gồm các thứ: nhà cửa, xe, ngựa, áo, quần, chăn, màn, hòm, rương, mâm, bát, giày, dép…
CẢI TÁNG:
Sau ba, bốn năm thường làm lễ cải táng. Có nhiều lý do để cải táng như: chỗ ngôi mả bị ngập lụt, bị mối kiến, bị sụp lở, cây cối khô chết; trong nhà có người dâm loạn điên cuồng, ốm đau, kiện tụng… hay tang chủ nhờ thầy địa tìm được chỗ địa linh. Trước ngày cải táng làm lễ cáo từ đường, trong ngày cải táng làm lễ khấn Thổ Công. Khi khai mả, nhặt hài cốt xếp vào 1 cái tiểu sành. Khi mở nắp quan tài, lấy chiếu che kín không cho nắng gió xâm vào làm hư hại hài cốt. Cái tiểu sành dưới đáy có lổ thoát nước, hài cốt được rửa sạch sẽ bằng rượu và hương nhu được xếp lại theo hình dạng cũ.
Trước khi xếp xương cốt, lót 1 tấm vải lụa: 1 nửa nằm dưới lòng tiểu sành, nửa còn lại bọc lên đầu đắp xuống chân. Xong rưới nước hương bưởi hương lài… Có nhiều gia đình khi cải táng đem hài cốt hỏa thiêu lấy tro đựng vào bình sứ để thờ tại chùa, hay trên bàn thờ gia tộc. Nhà phú quý dùng quan quách để khâm liệm như khi hung táng. Khi cải táng, con cháu bịt khăn trắng trên đầu, 3 tháng sau mới bỏ.
KỴ NHẬT:
Là ngày giỗ, ngày kỵ của ông, bà, cha, mẹ… Cúng chiều hôm trước gọi là cúng tiên thường (nghĩa là nếm trước), cúng ngày hôm sau gọi là cúng chính kỵ. Trong lễ cúng phải có 1 bát cơm úp và 1 quả trứng luộc. Cỗ bàn tùy nhà giàu, nghèo; mời ít hay nhiều khách khứa. Bà con khách khứa đến dự thường mang trà rượu bánh trái đến cúng.
Cửu tộc (9 đời) gồm: cao (sơ), tằng (cố), tổ (nội), phụ (cha), đời mình, tử (con), tôn (cháu), tằng tôn (chắt), huyền tôn (chiếu). Thường chỉ làm giỗ 4 đời là cao tằng tổ phụ, từ cao trở lên gọi là tổ tiên không cúng nữa mà nhập chung vào cúng ở lễ xuân tế.
Thường con cháu chết dưới 18 tuổi gọi là chết yểu, khi mãn tang yết cáo với tổ tiên xin được thờ theo tổ tiên, không có lễ giỗ riêng.
Từ khởi thủy, đặt ra đám giỗ là để tưởng nhớ, tưởng niệm người quá cố với lòng thương yêu, tôn kính và biết ơn người đã sinh thành, dưỡng dục và gầy dựng cơ nghiệp cho mình. Nhưng theo thời gian, người ta đã biến đám giỗ thành đám ăn, đám nhậu, “đám trả nợ miệng” làm mờ phai cái ý nghĩa cao quý lúc ban đầu.
Tác giả Phan Kế Bính viết:
“Ngày kỵ nhật là một ngày chung thân chi tang, là ngày thương xót, rầu buồn, đáng lẽ chỉ nên đóng cửa mà thương nhớ mới phải. Mà dẫu có theo tục dùng cách cúng tế làm sự kỷ niệm thì làm thế nào cho giản tiện, miễn là tỏ được chút lòng với tổ tiên là đủ, tưởng không nên bày vẽ cho sinh tốn làm gì. Nếu có của mà muốn họp mặt bà con anh em, khoản đãi khách khứa thì tưởng nên dùng vào những dịp ăn mừng còn phải hơn.”
NHỮNG CÂU, CHỮ ĐỂ THỜ:
Trong đám tang, đi sau thần Phương Tướng có:
Bức hoành: là bức vải trắng đề 4 chữ Hán “Hổ Sơn Vân Ám” (cha mất) hay “Dĩ Lĩnh Vân Mê” (mẹ mất).
Đi trước linh cữu có:
Triệu: là tấm biển đề 2 chữ Hán “Trung Tín” (nếu người chết là đàn ông) hay “Trinh Thuận” (nếu người chết là đàn bà).
Trướng: là bức lụa hay vải thêu chữ Hán hoặc thêu hình.
Liễn: là bức lụa hay vải, có từng đôi viết câu đối treo song song với nhau.
Sau khi an táng, các bức hoành, triệu, trướng, liễn, được mang về thờ tại nhà nơi đặt bàn linh tọa gọi chung là đồ thờ.
Sau đây là các câu, chữ (thường viết bằng chữ Hán) được viết trên các đồ thờ (trướng, liễn…) thường gặp:
1. Thờ ông nội: – Hà Linh
2. Thờ bà nội: – Diêu Đảo
3. Thờ ông bà cha mẹ:
- Hiếu đạo chưa đền ơn cúc dục
Hồng trần thêm tủi phận làm con
- Lễ sớm hương hôm lòng hiếu kính
Non cao biển rộng đức sinh thành
4. Thờ cha:
- Trắc Hổ – Tiêu Diêu – Xuân Thọ
- Hổ Sơn Vân Ám
- Vân Ám Đảnh Hồ
- Ân cao quá núi ngàn ngàn trượng
Nghĩa nặng hơn sông vạn vạn tầm
- Chung thinh tịch tịch liên đài tịnh
Trúc ảnh tiêu tiêu lan nhuợc u
5. Thờ mẹ:
- Tỵ Sơn – Trắc Tỷ
- Huyên Đường Vụ Tỏa
- Thuận biến Tiết Ai
- Thập nguyệt hoài thai ân cố phúc
Tam niên nhũ bộ đức cù lao
6. Thờ Chồng:
- Lang Quân – Lương Nhân – Phu Lang
- Sơn Trường Thủy Viễn
- Kỷ Nhơn Như Ngọc
- Người về âm cảnh thân thơ thới
Kẻ ở dương gian dạ ngậm ngùi
- Tiếc thương thay! cảnh kẻ mất người còn, câu trinh thuận nặng nề hai vai gánh
Ngao ngán quá! lời minh sơn thệ hải, kẻ chung tình lạnh lẽo một thân đơn
- Cõi đất bỗng gây cơn vĩnh biệt
Lòng trần thêm cảm kiếp phù du
7. Thờ vợ:
- Đoạn Huyền – Cổ Bồn – Chuyết Kinh
- Những tưởng mối tình chung một gối
Nào ngờ giấc mộng biệt ngàn thu
- Tình chồng vợ lẽ nào cách biệt
Nghĩa cang thường sao lại chia ly
8. Thờ con gái: – Đầm hoa
9. Thờ con trai: – Chưởng chu
10. Thờ cháu: – Long tôn
11. Đi cho ông ngoại: – Tuế tinh
12. Đi cho bà ngoại: – Di phương
13. Đi cho ông nội vợ: – Nhạc đính vân mê
14. Đi cho bà nội vợ: – Hạt hóa kham lân
15. Đi cho chú, bác họ: – Thống thiết a nghi
16. Đi cho chàng rể: – Đờn cầm dận tuyệt
17. Đi cho nhạc gia: – Thái Sơn Kỳ Đồi
18. Đi cho nhạc mẫu: – Thái Thủy Phong Hàn
19. Đi cho chú, bác: – Vân ám trúc lâm
20. Đi cho bà bác bà thiếm: – Đào hạt hưng bi
21. Đi cho cô ruột: – Thống thiết lương cô
22. Đi cho sui gia:
- Phan hảo di bi
- Hoa cát vĩnh hoài
23. Đi cho bạn hữu: – Thống thất lương bằng
24. Đi cho Cơ Đốc nhân: – Thiên Đường vĩnh biệt
25. Đi cho Phật tử:
- Viễn du Tiên cảnh
- Phật quốc hoa khai
- Vãng sanh tịnh độ
26. Đi cho tăng ni: – Tiêu diêu
- Sanh tiền tưởng niệm Di Đà Phật
Một hậu vãng sanh Cực Lạc Ban
27. Đi cho ông đồ: – Môn Khổng chi ai
28. Đi cho ông cậu: – Trướng vọng đàm công
29. Đi cho anh ruột: – Nhạn ảnh hưng bi
30. Đi cho chị ruột: – Thống thiết phàn phát
31. Đi cho chị dâu: – Võ ngọc thâm bi
32. Đi cho anh em ruột: – Huân trì thủ túc
33. Đi cho chị em ruột: – Nhiên tu di dung
34. Đi cho lão ông:
- Lão thành châu tạ
- Thọ thắng lai hy
35. Đi cho bằng hữu:
- Xe thiên cổ đưa người về cực lạc
Cõi hồng trần với kẻ ở bi thương
VĂN TẾ:
Văn tế là loại văn thường có vần để đọc trong lễ cúng tế.
Thi hào Nguyễn Du có viết một bài văn tế nổi tiếng (thường đọc trong các dịp lễ Vu Lan, rằm tháng Bảy) tên là: “Văn tế thập loại chúng sinh” bằng thể thơ song thất lục bát, nội dung đầy ắp lòng nhân ái xót thương những mảnh đời cùng khổ, xin trích một đoạn:
Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa
Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
……
Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế vào ra
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng
Kìa những kẻ chìm sông lạc suối
Cũng có người sẩy cối sa cây
Có người leo giống đứt dây
Người trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành
Người thì mắc sơn tinh thủy quái
Người thì sa nanh sói ngà voi
Có người có đẻ không nuôi
Có người sa sẩy có người khốn thương
Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn phiêu phách lạc biết đâu bây giờ?
Về tang ma, xin giới thiệu 3 bài văn tế:
1-Bài văn tế Cha:
Than ôi!
Mây che núi Thái
Gió ngã cây Thung
Trăm năm trong cõi tạm mịt mùng
Một phút giữa cuộc đời phù ảo
Gẫm trời đất cổ kim kim cổ
Thương hình hài không có có không
Tủi phận làm con chưa đền đáp công ơn
Hổ thân nam tử chẳng giữ tròn hiếu thảo
Nghe tiếng vạc kêu, trái tim sầu não
Nhìn vầng trăng khuyết, nước mắt tuôn trào
Cha đi rồi nhà dột cột xiêu
Con ở lại canh cô mồ quả
“Phụ tử tình thâm” đời đời ghi nhớ
“Công cha như núi” kiếp kiếp không quên
Hai ngọn đèn sáng, cái trứng lưng cơm
Một tấm lòng thành, cây nhang bát nước
Van vái Phật Trời từ bi thương xót
Nguyện cầu hương linh tịnh độ siêu thăng
Tháng lại ngày qua
Kính cẩn dâng lên…
Lễ bạc lòng thành
Thương thay xin hưởng!
2. Bài văn tế Mẹ
Than ôi!
Khói tỏa non tây
Mây mù ải bắc
Công ơn mẹ sinh thành dưỡng dục
Phận làm con đâu dám lãng quên
Nhớ mẹ xưa điềm đạm dung ngôn
Thương nhà cũ đảm đang sau trước
Mẹ luôn dạy đường ngay nẻo thật
Mẹ vẫn khuyên việc phải điều lành
Từ công dung ngôn hạnh ở ăn
Đến bác ái vị tha chung thủy
Tình mẫu tử bao la trời bể
Nghĩa mẹ con lai láng biển hồ
Lòng những mong sớm tối cậy nhờ
Ai nỡ khiến âm dương cách trở
Hỡi ơi!
Núi lở mây mù
Cây dài bóng chết
Ngày mất mẹ con đứt từng đoạn ruột
Buổi xa con mẹ không nói nên lời
Giữa đường trần con của Mẹ cút côi
Trên thiên quốc dãi Ngân Hà mờ tỏ
Phút vĩnh biệt vầng trăng tan thành lệ!
Giờ chia ly ngọn gió thổi sau rèm…
Bát cháo, vắt cơm
Đĩa rau chén thuốc
Con đỡ bế nâng niu
Mẹ mừng vui mạnh khỏe
Con những tưởng sống đời bên mẹ
Con nào ngờ mẹ vội xa con
Phận làm con hiếu đạo chưa tròn
Trước hương án khấu đầu tế lễ
Ba cây nhang nguyện Ơn Trên phù hộ
Một tấm lòng thành xin Mẹ chứng minh
Đĩa muối dưa lễ bạc lòng thành
Tình mẫu tử ghi tâm khắc cốt
Rượu ba chung con rót
Lạy bốn lạy một quỳ
Xin hồn mẹ chứng tri
Thương thay xin hưởng!
3. Bài văn tế Chồng:
Than ôi!
Cánh nhạn nam bay về biển bắc
Em một mình thao thức năm canh
Sương mong manh chiếc lá lìa cành
Em than thở phận mình cô quả
Giọt lệ sầu sớm khuya rơi lả chả…
Căn nhà vắng sau trước thật bi ai!
Giữa đêm khuya nghe tiếng gió thở dài
Trước thần chủ trông ngọn đèn leo lét
Sầu dạ thiếp đã đành khi ly biệt
Thương con thơ cam chịu cảnh bơ vơ
Lễ tơ hồng Nguyệt Lão lỗi đường tơ
Tình chồng vợ Cầu Ô không ngõ hiệp
Nghĩ thương chàng và tủi thân phận thiếp!
Dám trách ai và hờn giận chi ai?
Ngày tháng thoi đưa… đã đúng trăm ngày
Hương trầm khói tỏa… bay về tám hướng
Cầu hương linh về đây chứng giám
Phần mặn lạt xin chàng đoái tưởng
Thương thay xin hưởng!
KẾT LUẬN:
Tục lệ tang ma là 1 nét văn hóa độc đáo của người VN, là cách thể hiện những tình cảm thiêng liêng cao quý như sự thờ kính, thương tiếc, yêu quý và biết ơn của người sống đối với người chết, đồng thời nói lên tình nghĩa thủy chung như nhất của con người lúc sống đối xử với nhau như thế nào thì khi chết cũng đối xử với nhau như thế ấy. Đó là đạo hiếu, đạo nhân, đạo nghĩa, nói chung là Đạo Làm Người trong xã hội Việt Nam xưa. Nếu đối xử ngược lại thì bị xã hội lên án nặng nề:
- Đồ bất hiếu bất nhân bất nghĩa!
Người xưa dạy:
- Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
- Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu
- Khôn ngoan nhờ đến cha ông
- Làm nên nhớ đến tổ tông phụng thờ
Đạo làm con chớ hững hờ
Phải đem chữ hiếu mà thờ mẹ cha
Chữ “Hiếu” trong Hán tự gồm 2 chữ, chữ “Lão” ở trên và chữ “Tử” ở dưới, có nghĩa là mối quan hệ cha ở trên con ở dưới, suy rộng ra là Đạo Làm Người của con cháu đối với cha mẹ ông bà tổ tiên. Hiếu là thiên kinh địa nghĩa, là gốc của mọi đức tính. Đạo Hiếu xuyên suốt mọi phong tục tập quán của người xưa, nhất là về tang ma, giỗ kỵ.
Tuy nhiên trong tang ma, có nhiều tục lệ đã lỗi thời nên bỏ như: chiêu hồn, thắt hồn bạch, khóc mướn, nằm lăn giữa đường, thiết linh sàng, quàn quan tài nhiều ngày để ngả heo ăn uống linh đình, cùng những tục lệ rườm rà, phiền phức, tốn kém, và kéo dài mất nhiều thời gian… Trả hiếu đâu chưa thấy, chỉ thấy trước mắt mất ăn, mất ngủ, mất việc, nợ nần, ốm đau, truyền nhiễm, bệnh tật… chỉ vì làm sai lời dạy của tiền nhân:
- Lễ bạc lòng thành
Tang Ma chú trọng ở lòng thành, không chú trọng ở nghi lễ, nghi lễ dù có rườm rà công phu cách mấy, lễ vật dù có mâm cao cỗ đầy cách mấy, mà thiếu lòng thành thì cũng trở thành vô nghĩa không khéo còn bị người đời mai mỉa cười chê:
- Vải thưa che mắt thánh
- Sống thời chẳng chịu cho ăn
Đến khi thác xuống làm văn tế ruồi
Việt Nam Sử Lược ghi Vua Lê Thánh Tông là một đấng minh quân, Ngài làm vua được 38 năm, sửa sang chính trị, mở mang học hành, chỉnh đốn võ bị, đánh dẹp Chiêm Thành, Ai Lao, mở mang bờ cõi, “khiến cho nước Nam ta bấy giờ được văn minh thêm ra và lại lừng lẫy một phương, kể từ xưa đến nay chưa bao giờ cường thịnh như vậy”. Khi lên ngôi Ngài mạnh dạn cho sửa lại phong tục.
“Những lễ hôn và lễ tang thì làm những điều trái với lẽ thường, như là nhà nào có tang chế thì làm cỗ bàn ăn uống, rồi bày ra các trò hát xướng làm một cuộc vui chơi. Lễ hôn thì ăn lễ hỏi rồi, để ba bốn năm mới cho rước dâu về nhà chồng.” Ngài đã ra lệnh cấm những tệ tục đó.
Sách Kinh Lễ có câu:
- Tang sự chủ ai
Việc tang ma là việc buồn, nên phải lấy sự đau buồn thương tiếc người quá cố làm trọng, không nên cười đùa vui vẻ, hoặc đánh lộn cãi nhau, hay trang sức lòe loẹt…
Nhà thơ nông thôn Tam Nguyên Yên Đỗ, tác giả 3 bài thơ Thu nổi tiếng đã có những tư tưởng rất tiến bộ về tang ma, cuối đời đã viết di chúc bằng thơ để lại cho con cháu, dặn dò sau khi mình qua đời hãy tổ chức đám tang một cách đơn giản:
… Sống không để tiếng đời ca thán
Chết được về quê quán hương thôn
Mới hay trăm sự vuông tròn
Sống lâu đã trải chết chôn chớ gì?
Đồ khâm liệm chớ nề xấu tốt
Kín chân tay đầu gối thì thôi
Cỗ đừng to lắm con ơi!
Hễ ai chạy lại con mời người ăn
Tế đừng có viết văn mà đọc
Trướng đối đừng gấm vóc làm chi
Minh tinh con cũng bỏ đi
Mời quan đề thủ con thì không nên
Môn sinh chớ bỏ tiền đạt giấy
Bạn của thầy cũng vậy mà thôi
Khách quen chớ viết thiệp mời
Ai đưa lễ phúng con thời chớ thu
Chẳng qua nợ để cho người sống
Chết đi rồi còn ngóng vào đâu
Lại mang cái tiếng to đầu
Khi nay bày biện khi sau chê bàn…
Thi hào Nguyễn Trãi, tác giả Ức Trai Thi tập và Bình Ngô Đại Cáo nổi tiếng, năm 21 tuổi đỗ Tiến sĩ, khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, bắt Nguyễn Phi Khanh dẫn về Kim Lăng, Nguyễn Trãi theo khóc lên đến ải Nam Quan không chịu trở lại, Nguyễn Phi Khanh bảo rằng:
“Con hãy coi chữ tận trung là tận hiếu, phải trở về lo trả thù cho cha, rửa thẹn cho nước, chứ cứ theo khóc lóc mà làm gì“.
Quả thật, người Việt xưa đã hiểu chữ hiếu rất rộng. Chữ hiếu không chỉ đóng khung trong việc cúng kính lễ bái khi cha mẹ lìa đời, mà còn thể hiện trong cách đối xử ăn ở với cha mẹ khi cha mẹ còn sống, xuyên qua việc “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Đem đức độ tài trí giúp nước giúp đời làm cho gia đình được rạng rỡ, cha mẹ được tiếng thơm như Nguyễn Trãi vị anh hùng dân tộc, thiết nghĩ không có sự hiếu thảo nào to lớn hơn.
Tuế hữu tứ thời Xuân tại thủ
Nhơn ư bách hạnh hiếu vi tiên
Hiếu không những vi tiên, hiếu còn bao la bàng bạc trong khắp vũ trụ vạn vật vô tận vô cùng.
HẾT
VINH HỒ
15/3/2005
Tài liệu tham khảo:
Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính
Thọ Mai Gia Lễ
Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim
Tục Lệ Cưới Gả, Tang Ma của Người Việt Xưa, của Phan Thuận Thảo, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1999
Lễ Tang của Khải Chính Phạm Kim Thư, đăng trên mạng lưới: http://e-cadao.com/phongtuc/index.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét