Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Tap 10 Trinh Nguyen phan tranh.html

Sự chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài

Tác phẩm: Trịnh – Nguyễn phân tranh

Tác giả: Không rõ

Tủ sách: Lịch sử – Địa lý

Nguồn: danchua.eu

Thực hiện ebook: Zaqqaz

ooO TVE Ooo


   01) Sau khi Nguyễn Kim bị chết về thuốc độc thì binh quyền đều vào tay Trịnh Kiểm. Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng theo anh rể đã lập được rất nhiều chiến công. Trịnh Kiểm sợ hai em vợ tranh quyền với mình, liền cho người lẻn vào nhà, đâm chết Nguyễn Uông.

oOo

 

   02) Nguyễn Hoàng lo sợ, cho người ra Hải Dương hỏi ý kiến cụ Trạng Trình. Lúc đó Trạng Trình đang đứng xem đàn kiến bò trên núi non bộ. Trạng Trình trỏ vào đàn kiến rồi nói: “Một dải Hoành Sơn có thể yên thân được muôn đời” (Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân).

oOo

 

   03) Người nhà của Nguyễn Hoàng đem câu chuyện này về trình với chủ. Nguyễn Hoàng hiểu ý, liền vào gặp chị ruột là bà Ngọc Bảo, vợ của Trịnh Kiểm. Nguyễn Hoàng nhờ chị xin với anh rể cho mình được vào trấn thủ ở phương nam.

oOo

 

   04) Năm Mậu Ngọ nghe theo lời vợ, Trịnh Kiểm xin vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng được vào giữ đất Thuận Hóa. Dụng ý của Trịnh Kiểm, trước là đuổi Nguyễn Hoàng đi xa cho khuất mắt, sau là dùng Nguyễn Hoàng để chận giặc Chiêm Thành.

oOo

 

   05) Nhân dịp này Nguyễn Hoàng đem theo người nhà và quân lính cùng vợ con của họ vào Nam. Nguyễn Hoàng là người khôn ngoan, nhân đức nên những kẻ tài giỏi ở khắp mọi nơi theo về rất đông. Do đó mà thế lực mỗi ngày một mạnh.

oOo

 

   06) Tuy vậy Nguyễn Hoàng vẫn giữ lễ thường, hàng năm cho người đem vàng, lụa ra dâng vua Lê. Năm Quý Tỵ (1593) Nguyễn Hoàng còn đem quân ra giúp Trịnh Tùng đánh nhà Mạc và ở lại Đông Đô dòng dã suốt 8 năm. Trịnh Tùng có ý ghen ghét, không muốn cho Nguyễn Hoàng trở về Thuận Hóa nữa.

oOo

 

   07) Lúc đó ở nhiều nơi vẫn còn người nổi lên chống lại họ Trịnh. Nguyễn Hoàng liền đem quân lính của mình, nói là đi dẹp giặc, rồi theo đường biển, dùng thuyền về thẳng miền Nam. Sau đó, ông cho tích trữ lương thực, luyện tập quân sĩ để đề phòng.

oOo

 

   08) Khi Nguyễn Hoàng sắp mất, ông gọi con là Nguyễn Phúc Nguyên đến dặn: "Thuận Hóa là nơi có thể gây dựng cơ nghiệp lâu dài, vậy con phải thương yêu quân lính và giúp đỡ dân chúng, mới chống nổi họ Trịnh ở ngoài Bắc”. Sau đó Nguyễn Phúc Nguyên tức chúa Sãi liền ra sức mở mang, xây dựng miền nam.

oOo

 

   09) Bấy giờ miền Nam có nhiều người tài giỏi hết lòng giúp chúa Sãi. Trong số này, nổi bật nhất là Đào Duy Từ, người tỉnh Thanh Hóa, có cha là Đào Tá Hán. Trước đó Đào Tá Hán làm nghề hát chèo và trông coi đội nữ nhạc ở trong cung điện của vua Lê Anh Tông.

oOo

 

   10) Đào Duy Từ thông minh, học rất giỏi. Đến khi có khoa thi, thì Đào Duy Từ lại không được phép vào trường thi. Lý do là vì cha ông đã đi hát chèo, mà vào thời đó, nghề ca hát lại bị khinh rẻ. Phẫn chí, Đào Duy từ bỏ miền Bắc vào miền Nam.

oOo

   11. Đến Bình Định, Đào Duy Từ đi ở tạm cho một nhà giàu, làm nghề chăn trâu, cày ruộng. Từ đó, mỗi ngày Đào Duy Từ lại đuổi trâu ra đồng cho ăn cỏ. Rồi ông tìm đến cạnh một cây cao có nhiều bóng mát, ngồi tựa lưng vào gốc cây mà đọc sách.

oOo

 

   12. Một hôm, chủ nhà mời các nho sĩ trong làng đến họp mặt để bàn chuyện văn chương. Đi chăn trâu về, Đào Duy Từ đứng lại, lắng tai nghe. Thấy gã chăn trâu có vẻ thích văn thơ, mọi người gọi vào nhà, hỏi chuyện. Đào Duy Từ đối đáp thật trôi chảy khiến chủ nhà và các tân khách đều rất ngạc nhiên và kính phục.

oOo

 

   13. Từ đó, chủ nhà mời Đào Duy Từ lên ở nhà trên, ngồi dạy học chứ không phải đi chăn trâu, cắt cỏ nữa. Biết tài Đào Duy Từ, một vị quan to trong vùng là Trần Đức Hòa liền dẫn ông vào gặp chúa Sãi. Chúa Sãi rất mừng, giữ ông ở lại giúp việc và phong cho quan tước.

oOo

 

   14. Gặp được người hiền tài năng của mình, Đào Duy Từ hết lòng giúp chúa Nguyễn sửa sang lại mọi việc trong nước. Từ đó, chúa Sãi ra mặt chống lại chúa Trịnh. Đào Duy Từ cho quân lính đắp đồn binh Trường dục ở Quảng Bình.

oOo

 

   15. Năm Tân Mùi (1631) Đào Duy Từ lại xin với chúa Sãi cho đắp thêm chiến lũy Nhật-lệ tục gọi là lũy Thầy. Thời ấy, từ chúa cho đến các quan, ai cũng coi trọng Đào Duy Từ như là bậc thầy. Do đó, mà chiến lũy Nhật-lệ do Đào Duy Từ cho xây đắp lên, còn được gọi tắt là lũy Thầy.

oOo

 

   16. Nhờ hao công sự này mà quân chúa Nguyễn tuy ít, đã đánh thắng quân của chúa Trịnh nhiều lần. Đến khi Đào Duy Từ mất (1634) chúa Sãi rất thương tiếc và cho lập đền thờ. Hiện nay ở Quảng Bình vẫn còn đền thờ Đào Duy Từ gọi là đền Hoằng Quốc Công.

oOo

 

   17. Từ năm Đinh Mão (1627) đến năm Nhâm Tý (1672) trong thời gian 45 năm, quân chúa Trịnh và quân chúa Nguyễn đã đánh nhau cả thẩy là bảy lần. Quân chúa Nguyễn chỉ đánh ra Bắc có một lần. Còn sáu lần kia đều là quân chúa Trịnh vào đánh miền Nam.

oOo

 

   18. Quân chúa Trịnh tuy nhiều, nhưng phải đi xa, vận tải khó khăn. Quân chúa Nguyễn tuy ít, nhưng có đồn lũy chắc chắn, tướng sĩ hết lòng, lại đóng ở ngay trên đất của mình. Do đó, mà hai bên đánh nhau, vẫn không bên nào được, bên nào thua.

oOo

 

   19. Sau cùng hai bên phải tạm đình chiến, lấy sông Gianh làm giới hạn phân chia Nam Bắc. Đánh nhau dai dẳng như thế chỉ làm khổ cho dân chúng cả hai miền. Nhà cửa bị đốt phá, ruộng đất bị bỏ hoang, người chết, người đi lính, người đi phu rất khổ sở.

oOo

 

   20. Từ khi họ Trịnh lên cầm quyền, thì vua Lê gọi là Triều đình. Bên chúa Trịnh gọi là Phủ liêu. Mọi việc trong nước đều do chúc Trịnh định đoạt, cắt đặt. Vua Lê chỉ ngồi làm vì trên ngai vàng chứ không có chút quyền hành gì cả.

oOo

   21. Các đời Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng và Trịnh Tráng thường phải đánh nhau luôn với họ Mạc ở phía Bắc. Rồi lại chống nhau với chúa Nguyễn ở phía Nam. Trong khoảng thời gian đó công việc ở trong nước không được sửa sang mấy.

oOo

 

   22. Đến đời Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương thì việc chiến tranh đã tạm yên. Lúc đó, các chúa mới có thì giờ định lại phép tắc, luật lệ về học hành, thi cử và thuế khóa ở trong nước. Sách học được khắc trên những bản gỗ rồi in ra thành nhiều quyển cho học sinh, nên từ lúc đó không phải mua sách do Tàu in nữa.

oOo

 

   23. Chúa Trịnh Cương còn cho mở trường dạy võ và cứ ba năm lại tổ chức kỳ thi võ một lần. Các võ sinh đều phải thi đua các môn như: bắn cung, múa giáo, đánh kiếm và phi ngựa. Sau đó, các thí sinh lại được hỏi về mưu kế, chiến lược cùng cách dùng binh để xét tài năng của từng người.

oOo

 

   24. Sang đời Trịnh Giang, Trịnh Doanh, Trịnh Sâm thì Trịnh Giang là một vị chúa chơi bời, xa xỉ nhất, nên dân chúng ở khắp mọi nơi đều oán giận. Giặc cướp nổi lên đánh phá lung tung. Trịnh Giang còn cho phép những người giàu có, cứ bỏ tiền bạc ra là mua được quan tước, mà không cần phải có tài năng gì cả!

oOo

 

   25. Trong thời vua Lê, chúa Trịnh, ở ngoài Bắc, có nhiều danh nhân, văn sĩ đủ loại như: Đoàn Thị Điểm, Lê Hữu Trác, Lê Quý Đôn v..v… bà Đoàn Thị Điểm, người Bắc Ninh, là một nữ sĩ nổi tiếng về văn thơ. Bản dịch cuốn Chinh phụ ngâm của bà, dịch từ bản Hán văn của Đặng Trần Côn, vẫn còn được truyền tụng cho đến bây giờ.

oOo

 

   26. Về mặt y học thì có Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác. Ông con thứ 7 của quan thượng thư Lê Hữu Kiều nên còn được gọi là Chiêu Bảy. Thi đỗ hương cống (như cử nhân bây giờ) nhưng ông lại không thích công danh, không xin ra làm quan như nhiều người. Ông lui về miền núi, đêm ngày đi hái thuốc, tìm cách chữa bệnh nhân cho dân chúng.

oOo

 

   27. Ông không theo hẳn các sách thuốc của người Trung Hoa, mà lại chữa bệnh bằng cách gia giảm, chế biến các vị thuốc, tùy theo thủy thổ và thể chất của từng bệnh nhân ở nước ta. Ông bỏ ra 10 năm để tìm tòi, thí nghiệm, nghiên cứu rồi soạn thành một bộ sách thuốc rất quý, gồm 65 quyển gọi là “Lãn ông tâm lĩnh”. Đến nay, các thầy thuốc ta còn dùng bộ sách này.

oOo

 

   28. Còn nhà bác học biên soạn ra rất nhiều sách quý trong thời Lê Mạt là Lê Quý Đôn, người huyện Duyên Hà (Thái Bình), Lúc còn nhỏ, cậu bé Lê Quý Đôn vừa chơi, vừa học, mà đã nổi tiếng là thần đồng. Lê Quý Đôn rất thông minh và bất cứ sách gì, ông chỉ xem qua một lần, là thuộc lòng ngay.

oOo

 

   29. Tương truyền, khi mới 7 tuổi, cậu đang bơi lội ở dưới ao thì có khách đến chơi, hỏi thăm nhà. Cậu vội nhảy lên bờ, không mặc quần áo gì cả, rồi đứng dạng hai chân, dang hai tay ra, đố ông khách biết là chữ gì? Khách không đáp. Cậu cười bảo: “Đó là chữ “Thái”, dễ thế mà không biết!“.

oOo

 

   30. Khi về nhà, cậu thấy khách đã ngồi ở trong nhà, đang kể chuyện vừa qua với cha cậu. Cha cậu quát mắng, bắt cậu phải làm ngay một bài thơ: “Rắn đầu biếng học” để tạ lỗi với khách. Lê Quý Đôn ngâm liền tám câu thơ, mà câu nào ở trong cũng có tên một con rắn. Khách chịu là tài.

oOo

   31. Một hôm, đến chơi nhà viên lý trưởng, cậu thấy trên bàn có quyển sổ ghi tên những người đóng thuế. Cậu liếc mắt xem qua. Mấy hôm sau, nhà lý trưởng không may bị cháy. Lý trưởng cuống cuồng lo sợ, vì quyển sổ thuế bị cháy hết, không còn biết làm sao để mà thu thuế nữa! Cậu liền bảo đem giấy bút ra để cậu chép lại cho đầy đủ quyển sổ thuế, mà không thiếu sót, sai lầm một người nào.

oOo

 

   32. Lê Quý Đôn thi đỗ bảng nhãn năm 27 tuổi. Đó là tước vị cao thứ nhì trong các kỳ thi ngày xưa, chỉ sau trạng nguyên một bậc. Ông còn để lại nhiều tác phẩm rất có giá trị, vừa bằng chữ Nôm, vừa bằng chữ Hán, viết về lịch sử, địa lý và văn hóa nước nhà.

oOo

 

   33. Từ đời Nguyễn Hoàng, họ Nguyễn giữ riêng một mảnh đất ở phía Nam. Lúc chưa ra mặt chống lại họ Trịnh thì miền Nam vẫn tiếp nhận các quan chức do miền Bắc bổ vào. Đến đời Nguyễn Phúc Nguyên, khi đã tự xưng là chúa Sãi rồi, thì mới tự tổ chức lấy mọi việc.

oOo

 

   34. Ngoài việc sửa đổi lại cách thi cử, Chúa Nguyễn còn phải tổ chức việc võ bị để chống lại chúa Trịnh. Năm Tân Mùi (1631) chúa Sãi lập ra sở đúc súng đại bác và mở trường tập bắn. Lại có bãi đất rộng để dạy voi, ngựa, dùng vào việc chiến tranh.

oOo

 

   35. Sau khi việc đánh nhau với chúa Trịnh tạm yên rồi, thì chúa Nguyên lại lo mở rộng bờ cõi về phía Nam. Từ năm Tân Hợi (1611) cho đến năm Quý Dậu (1697) các vị chúa Nguyễn đã dần dà đem quân đánh chiếm hết đất nước Chiêm Thành.

oOo

 

   36. Sau đó, các chúa Nguyễn lại đem những người dân nghèo vào khai phá mấy vùng đất tốt còn bỏ hoang ở miền Nam. Qua nhiều lần giao tranh với Xiêm La (Thái Lan ngày nay) phần đất Chân Lạp, tức 6 tỉnh miền Nam bây giờ, đã thuộc về chúa Nguyễn.

oOo

 

   37. Năm Giáp Dần (1614) vào đời chúa Sãi đã có người Bồ Đào Nha, người Nhật, người Hòa Lan được phép vào buôn bán ở Hội An. Ở ngoài Bắc thì người Hòa Lan đến mở cửa hàng ở Phố Hiến (gần tỉnh lỵ Hưng Yên ngày nay) vào năm Đinh Sửu (1637).

oOo

 

   38. Trước các nhà buôn Âu Châu, vào đời Lê Trang Tông (1533) đã có các giáo sĩ ngoại quốc sang nước Nam để rao giảng đạo Thiên Chúa. Đến các đời sau, trong Nam, cũng như ở ngoài Bắc, lại xảy ra các chuyện cấm đạo Thiên Chúa rất khắc nghiệt, giết hại rất nhiều người dân Việt hiền lành, vô tội.

oOo

 

   39. Các vị chúa Nguyễn làm chúa ở trong Nam. Về phía Bắc các chúa Nguyễn phải chống với họ Trịnh, về phía Nam lại đi đánh chiếm đất Chiêm Thành và Chân Lạp. Đến đời Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát mới tự xưng làm vua, đóng đô ở Phú Xuân. Năm Ất Dậu (1765) Vũ Vương mất, bao nhiêu quyền hành đều rơi cả vào tay Trương Phúc Loan.

oOo

 

   40. Trương Phúc Loan chuyên quyền, đổi tờ di chiếu, lập Định Vương 12 tuổi lên ngôi vua. Trương là kẻ tàn ác, gian tham nên ai cũng oán giận. Vì thế mà nhà Tây Sơn mới nổi lên ở Qui Nhơn. Rồi họ Trịnh cũng nhân cơ hội này, từ Bắc vào đánh chiếm Phú Xuân. Cơ nghiệp của các chúa Nguyễn cũng sụp đổ từ lúc đó…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét