GIỚI THIỆU VÀ PHÊ BÌNH THÁNH KINH BÁO
Cơ quan của hội Tin Lành xuất bản tại Hà Nội
Mới rồi, tôi nhận được Thánh Kinh báo số 1 mà chủ nhiệm báo ấy là ông mục sư W.C. Cadman gởi tặng, tôi rất lấy làm mừng rỡ, nên viết bài nầy giới thiệu tập báo ấy cho độc giả của Phụ nữ tân văn.
Thánh kinh báo ra một năm 10 số, giá bán đồng niên 1$00, mỗi số bán lẻ 0$15. Số 1 nầy đề tháng Janvier 1931, đây chắc có vì cớ gì đó nên phải xuất bản trước đến ba tháng như vậy.
Hội Tin lành mới có trong nước ta độ hơn 10 năm nay, có lẽ nhiều người còn chưa biết, ta nên cắt nghĩa sơ qua.
Trong sách Tân Ước có chữ "Évangile", chỉ nghĩa là cái đạo của Jésus-Christ, mà nghĩa đen là cái tin tức tốt lành (bonne nouvelle) về sự đắc cứu mà ngài đem rao báo cho loài người. Chữ Évangile ấy, dịch ra chữ Tàu là "Phước âm", ra chữ ta là "Tin lành".
Độc giả hãy biết trước rằng đạo Cơ đốc (Christianisme) có hai phái lớn: Một phái có từ xưa, kêu bằng "Catholique", truyền sang ta đây đã lâu, ta thường kêu là đạo Thiên Chúa. Một phái nữa mới biệt riêng ra hồi thế kỷ XVI, người ta thường kêu là đạo "Protestant". Phái nầy mới do giáo hội nước Mỹ truyền sang xứ ta, ta kêu bằng đạo Gia-tô, song chính họ tự đặt tên là "đạo Tin Lành", còn cái giáo hội (Eglise) của họ ở đây, tên là "Hội Tin Lành Đông Pháp".
Đây tôi quyết không đặt miệng mà phê bình đến tông giáo và cũng không so sánh hay là khen chê sự hay dở của hai phái ấy đâu. Tôi chỉ muốn cắt nghĩa tại làm sao họ đặt tên tờ báo cơ quan của họ là "Thánh kinh", nên tôi nói rằng: Cái giáo nghĩa của đạo Tin lành không có vẽ vời ra nhiều nghi thức như bên Công giáo (Catholique), mà chỉ lấy Kinh Thánh làm gốc, bất cứ việc gì đều căn cứ ở Kinh Thánh và nhận một mình Jésus-Christ làm Thầy, do đó lập cái cơ quan nầy ra để phát huy nghĩa lý trong Kinh Thánh.
Nếu vậy thì tôi giới thiệu tờ báo ấy ở đây làm chi? Tôi cổ động cho người mình theo đạo Tin Lành hay sao? Không phải vậy đâu. Về sự tín ngưỡng, ai nấy có quyền tự do; đây tôi giới thiệu Thánh Kinh báo là chuyên về một mặt văn học.
Nhớ dạo trước tôi có viết một bài điền bạch (article de remplissage) đăng trong Trung lập báo, không ngờ hôm nay có dịp xứng đáng được chuyển lục ra đây. Bài ấy như vầy:
Văn học với Kinh thánh.
Kinh Thánh đây tức là Bible, gồm cả Cựu ước và Tân ước. Người có đạo Cơ-đốc ở xứ ta bất luận Cựu giáo (Catholique) hay Tân giáo (Protestant) đều dịch ra tiếng ta kêu bằng Kinh Thánh.
Có nhiều người An Nam mình, theo cái óc cũ, thấy đạo khác thì không ưa, nói rằng: Kinh Thánh là do người có đạo họ tôn trọng kinh của họ mà kêu như vậy; còn mình, người ngoại, không tội chi mà kêu Kinh Thánh như họ.
Ai nói vậy là còn hẹp hòi quá, không hiểu sự học đời nay. Ở bên Tàu và Nhựt Bổn, người không theo đạo cũng kêu bằng Kinh Thánh như người có đạo vậy, vì hai chữ ấy đã thành một cái tên riêng (nom propre) rồi.
Ở đời nay, bất kỳ nước nào, nếu là một nước văn học đúng đắn thì trong đó cũng có chịu ảnh hưởng của Kinh Thánh. Đương thời đây, các nhà văn học đại gia bên Tàu, dầu không phải tín đồ Cơ-đốc đi nữa, trong khi họ làm văn cũng dùng đến chữ trong Kinh Thánh luôn luôn. Như họ dùng chữ "tẩy lễ" là do chữ "Baptême" mà ra; chữ "phước âm", là do chữ "Evangile" mà ra. Mà những chữ ấy ngày nay họ dùng đã quen lắm, chẳng khác nào chữ gốc trong ngũ kinh tứ thơ vậy.
Còn nói chi về chữ Pháp, thì muốn nói là gốc bởi Kinh Thánh mà ra, cũng không phải quá đáng. Tức như bởi một chữ Bible đó mà sanh ra bộn bề chữ có nghĩa về sách vở. Ấy là như: Người làm sách thì kêu bằng Bibliographe, sự học về biên chép sách vở thì kêu bằng Bibliographie; người ham mê sách vở thì kêu bằng Bibliomane; cái tánh ham sắm sách thì kêu bằng Bibliomanie; người hay tìm mua sách vở thì kêu bằng Bibliophile; cái nhà chứa sách vở thì kêu bằng Bibliothèque. . .
Lại có nhiều câu trong Kinh Thánh đã thành ra tục ngữ (proverbe) hay là thành ngữ (expression) trong tiếng Pháp. Như: "Kẻ tiên tri không được trọng đãi trong quê hương mình"; "Dưới mặt trời chẳng có sự gì lạ" . . . mấy câu đó đều là ở trong Kinh Thánh cả.
Hết thảy những nhà văn học Pháp dầu không theo đạo nữa cũng đều có học qua Kinh Thánh hết, bởi vì văn chương ở đó mà ra. Vậy mà thấy kẻ học ở ta đây ít có người biết đến Kinh Thánh là gì, thì đáng lấy làm tiếc quá.
Đừng nói mấy ông nhà nho họ cho là dị đoan họ không ngó tới đã đành. Các ông học chữ Pháp giỏi mà cũng ít có ông nào đọc tới Kinh Thánh thì cái học ấy cũng gọi được là cái học không gốc.
Có nhiều chữ trong tiếng Pháp nhiều không xiết kể – nếu chẳng biết đến Kinh thánh thì chỉ hiểu nghĩa cạn cạn mà thôi. Ai đã thông thạo Kinh Thánh rồi thì chắc hiểu sâu hơn mà lấy làm khoái lắm.
Văn quốc ngữ ta cũng nên dùng chữ Kinh Thánh vào. Làm như vậy thì tiếng mình được dồi dào thêm, chớ có hại gì đâu.(*)
Cái bài của tôi đó tuy ngắn cũng đủ thấy Kinh Thánh có quan hệ với văn học ngày nay thế nào. Các chi hội Tin Lành ở xứ ta, đâu đâu cũng có bán đủ Kinh Thánh bằng ba thứ chữ Pháp, Hán và quốc ngữ; ước gì mỗi người có học đều tùy mình biết thứ chữ gì thì mua mà xem. Vì tôi đối với Kinh Thánh có lòng sốt sắng như vậy, nên khi thấy Thánh Kinh báo thì mừng rỡ mà giới thiệu.
Cái chỗ tôi mừng rỡ hơn nữa, là văn chương của Thánh kinh báo còn có phần giúp ích cho văn quốc ngữ ta trong lúc mới lập nền. Bởi vì văn chương của Thánh Kinh báo đặt một cách thật rõ, thật gọn mà lại dễ hiểu nữa, rất hiệp với cái lối bình dân văn học. Tôi xin cử ra đây một vài đoạn trong bài "Tánh nết" ở trương 9 –10 của tập báo ấy:
". . . Ý tưởng kín nhiệm dầu mình không tỏ, tư dục ngấm ngầm dầu mình không lộ, lời gian dối dầu mình không nói ra miệng, sự phạm thượng dầu mình vẫn chứa trong lòng, nhưng cũng có thể làm hỏng tánh nết, và không sao che tai bịt mắt xã hội được. Tánh nết là sự mầu nhiệm, phải cố sức làm cho hoàn toàn mãi mãi. Tánh tốt quý hơn ngọc, hơn vàng, hơn quyền thế, hơn mão triều thiên. . .
Ở đời, ta phải có mục đích cao xa, nghĩ đến đời đời vô cùng, chớ chẳng phải chỉ lo tính trong tạm thời mà thôi. Không nên để hoàn cảnh uốn nắn tánh nết mình. Ai bị hoàn cảnh sai khiến ấy là người rất nhát, "giống như sóng biển bị gió động mà đưa đi đẩy đi đó" (Gia-cơ 1: 6). Cái giá một người có chí quả quyết chống nổi điều ác, giữ vững điều thiện, thật gấp triệu lần những người yếu chí nhát gan. Ta nên theo gương sáng của Đa-ni-ên quyết chí trong lòng rằng không chịu ô uế bởi đồ ngon vua ăn và rượu vua uống" (Đa-ni-ên 1: 8).
Mỗi người nên kể tánh tốt bằng sự quý nhứt trong đời mình. Cố sức bươn theo mục đích đó, thì đời mình sẽ có giá trị với xã hội và đẹp lòng Chúa… Nếu có mục đích cao xa như thế, dầu không tới được, nhưng lòng mình cũng sẽ hăm hở bươn theo. ông Disraeli có nói: "Một người thiếu niên nếu không ngửa mặt lên trời, ắt sẽ cúi đầu trông xuống; tâm thần không hướng về trời, chắc sẽ sấp mình mà bò trên đất". Ai sống trong phạm vi cao xa thì cách ăn nết ở sẽ đúng đắn hơn người bậy bạ . . .
Tóm lại, tánh nết là sự cần nhứt trong đời người. Lẽ thật đó, đơn sơ mà cao cả, đẹp đẽ mà oai nghiêm, thật là một bài đạo đức lúc trẻ nên học, khi già phải nhớ.
Xã hội nào định giá tánh nết càng cao bao nhiêu, thì trình độ càng văn minh bấy nhiêu . . . Người nào hoặc nước nào coi khinh tánh nết, thì khó tránh khỏi tiếng bậy bạ, hèn mạt và mọi rợ. Chỗ nào nhơn dân không biết chú trọng tánh nết, thì ở đó đầy dẫy tình dục và tội lỗi. Ai thích hư danh hơn tánh nết, ấy là người hèn…"
Lối văn của Thánh Kinh báo bài nào cũng đại khái như vậy. Cái sở trường ở chỗ dùng lời nói thường mà đạt được ý cao sâu. Câu nào câu nấy rắn rỏi, già giặn, không có cái bịnh quá rườm rà, nhiều lời ít lẽ. Nếu những người thức giả đọc mấy đoạn trên đây mà không đồng ý, không khen như tôi, thì tôi xin chịu là tôi không có mắt, không có óc!
Thánh Kinh báo lại có một cái giá trị đáng quý nữa là viết chữ đúng. Cả 32 trương chữ đặc mà tôi thấy chỉ sai một chữ thôi, là chữ trau mà viết ra trao, ở trương 22, cột 2. Lại còn cách chấm câu cũng thật là hẳn hòi, không chỗ chỉ trích được. Đến cách in cũng đáng phục, đã đẹp lại kỹ, đâu ra đó lắm, không có làm tạp nạp bèm nhèm như lối in của phần nhiều báo chí ta. Tôi tưởng ai hay suy nghĩ một chút, thấy tập báo nầy chắc cũng phải sanh lòng hổ thẹn: sao người ngoại quốc lại biết viết tiếng Việt Nam đúng và có phép tắc hơn người bổn quốc?
Xem tập Thánh Kinh báo nầy lại thấy ra cái Mỹ quốc hóa (Américanisme) nữa. Người Mỹ vẫn là phú hào mà lại có cái tánh cần kiệm, tiếc từng chút vật liệu cũng như tiếc từng chút thì giờ. Tập báo nầy giấy thật tốt, in thật khéo, mà bài nào bài nấy cũng cứ chẵn trương, không hề chừa một chút giấy dư. Cái đặc tánh ấy thiết tưởng ta cũng nên bắt chước. Song le, có người lại nói rằng: Việc gì mà làm như vậy thì được, chớ in sách mà làm như vậy, tất phải đẽo gọt từng bài cho tề chỉnh, e có khi làm kém cái tinh thần mỹ thuật đi và cũng có khi làm mất sự linh hoạt của văn học đi.
Trên đó tôi làm xong phần việc giới thiệu Thánh Kinh báo cho độc giả người Việt Nam; sau đây tôi có một chút ý kiến muốn đem cống hiến cho tòa soạn Thánh Kinh báo.
Trong nước chúng tôi, từ xưa học về đạo lý đều dùng sách bằng chữ Hán cả, bắt đầu từ đây mới có những sách nói về tôn giáo hay triết học bằng quốc ngữ. Sự học trong nước nầy cũng thiếu thốn như mọi đồ mặc thức dùng, chúng tôi bằng lòng nhập cảng hàng ngoại quốc về những món nào mà chúng tôi thiếu. Tuy vậy, chúng tôi chỉ ưa dùng hàng thiệt mà thôi. Nói thế, có ý bóng là khi liệt vị đem Kinh Thánh mà giới thiệu cho chúng tôi, phải nói cho thật đúng với Kinh Thánh, Kinh Thánh nói làm sao thì nói y theo làm vậy, rồi chúng tôi hiểu thế nào tuỳ chúng tôi, chớ người nhập cảng không nên pha trộn một chút gì vào.
Tôi vẫn biết liệt vị biên tập Thánh Kinh báo rất là cẩn thận, chẳng phải cậy ở trí khôn mình mà cậy ở Thánh linh soi dẫn cho. Dầu vậy, cũng còn có chỗ làm cho tôi thấy mà hồ nghi, phải chất vấn mới được.
Trương 27, về mục "Bài học ngày Chúa nhựt" cột 2, có đoạn như vầy:
"Thế gian không phải tự nhiên mà có. Nhưng phải nhờ có một quyền phép lớn lắm mà đã dựng nên trời đất, và quyền phép lớn ấy tức là Đức Chúa Trời".
Đó, câu cuối cùng đó phải làm cho tôi hồ nghi. Tôi thấy như Kinh Thánh nói quyền phép lớn ấy ra từ Đức Chúa Trời, chớ không phải tức là Đức Chúa Trời.
Nếu nói quyền phép lớn ấy tức là Đức Chúa Trời, thì thành ra Đức Chúa Trời với quyền phép lớn chỉ có một mà thôi. Kinh Thánh có khi nào nói như vậy? Theo Kinh Thánh thì Đức Chúa Trời có hình, cho nên "ngài mới nắn người ta theo như hình của ngài". Chẳng những vậy thôi, Đức Chúa Trời lại có khi vui, khi buồn, khi nổi ghen, khi phát cơn giận và thạnh nộ nữa; thế mà bảo rằng quyền phép lớn tức là ngài, sao được? Quyền phép dầu lớn cho mấy đi nữa cũng chỉ là một danh từ trừu tượng (un nom abstrait) mà thôi, khi nào có sự vui, buồn, ghen, giận được?
Theo Kinh Thánh thì Đức Chúa Trời vẫn có hình tượng, duy người ta không thấy được, chỉ có người đời xưa như ông Áp-ra-ham, ông Môi-se thì đã thấy được ngài. Nếu ngài chỉ là cái quyền phép lớn, chỉ là một danh từ trừu tượng, thì cũng chẳng qua như cái danh từ đạo hay lý, các ông ấy làm sao thấy được và nhiều khi đã nói chuyện cùng ngài?
Các Tống nho, tức là các nhà triết học Tàu về hồi thế kỷ XII, XIII, nói rằng: "Thiên tức lý dã" hay là nói: "Thiên giả lý nhi dĩ". Nghĩa là: "Trời tức là lý"; hay là: "Trời, chỉ là lý mà thôi". Vậy nếu tín đồ đạo Tin Lành mà cũng nói Đức Chúa Trời tức là quyền phép lớn, thì có khác gì ông Trời của Tống nho? Bởi vì quyền phép và lý cũng chỉ là cái danh từ trừu tượng!
Một câu đó – riết lại chỉ hai chữ tức là – tuy không chi mà quan hệ lắm. Thấy câu ấy có thể hồ nghi cả bộ Kinh Thánh, vì gặp những chỗ khác, người ta có thể hỏi rằng: Đức Chúa Trời chỉ là quyền phép, sao lại có hình tượng, có đủ thứ tánh tình như người ta?
Tôi biện bác cái lẽ nầy cũng như trước kia phê bình sách Nho giáo của ông Trần Trọng Kim, mà tôi không chịu cái lẽ vô cực là của Khổng Tử. Tôi nói: nếu từ miệng mình nói ra, muốn nói thế nào thì nói, miễn có lý là được; nhưng khi thuật lời người đời xưa, thì phải nói y theo lời người đời xưa; bằng chẳng vậy, nhiều khi sẽ thành ra mình vu cho người đời xưa. Lời của người thường còn như vậy, huống chi lời Kinh Thánh đã được nhìn là lời của Đức Chúa Trời.
Sau hết, tôi xin có lời cảm ơn ông bà Mục sư Cadman đã gởi tặng tập báo nầy cho tôi. Vì tôi làm chung việc dịch Kinh Thánh với ông trong 5 năm (1920-1925), biết ông là người yêu lẽ thật, nên thấy trái thì nói, tôi chẳng lấy làm ngại chút nào. Trong bài nầy, nếu có chỗ nào bổ ích cho việc biên tập của ông thì có lẽ là một đoạn cuối cùng đó.
PHAN KHÔI
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.74 (16.10.1930)
Kinh Thánh – Một tác phẩm văn hoá có giá trị của nhân loại | ||
(11/02/2009) Cho tới nay dường như vẫn có nhiều người nghĩ rằng Kinh Thánh là sách nói về giáo lý của đạo Ki-tô, thuần tuý là sách tôn giáo, chỉ dùng cho các tín đồ Ki-tô giáo mà thôi – mà tôn giáo lại là lĩnh vực nhạy cảm, quen bị gọi là "thuốc phiện của nhân dân", chớ có dại mà đụng chạm tới; vì vậy ai không theo Ki-tô giáo thì chẳng cần đọc Kinh Thánh. Cuốn sách gối đầu giường của hơn một tỷ tín đồ và được cả thế giới xuất bản với số lượng nhiều nhất này chưa từng thấy bán tại các hiệu sách ở ta. Báo in, báo điện tử ngại đăng các bài viết liên quan tới Kinh Thánh. Thực ra cách hiểu như vậy là lệch lạc và bất lợi cho mọi người trong việc tìm hiểu văn hóa nhân loại và văn hóa phương Tây nói chung cũng như văn hóa Ki-tô giáo nói riêng. Hiểu lầm nói trên có thể bắt nguồn từ bản thân tên "Kinh Thánh" đem lại ấn tượng "thần thánh", thần bí. Đây là cái tên không chính xác, dễ gây hiểu nhầm. Thực ra sách này vốn dĩ có hai tên gốc: 1) Tên tiếng Hy Lạp là Biblia, nghĩa là "sách"; 2) Tên tiếng La Tinh là Scriptura, nghĩa là "trước tác" "bài viết", "bản thảo" – nói cách khác, nó hoàn toàn không có chút nào ý nghĩa thần thánh. Tiếng Anh đầu tiên gọi là Biblelh, về sau thống nhất gọi là The Bible, nghĩa là sách kinh điển. Kinh Thánh gồm hai phần: Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament), do hơn 40 tác giả viết trong suốt hơn 1600 năm từ thế kỷ XII trước CN cho tới thế kỷ II sau CN, là một tác phẩm đồ sộ, bản tiếng Việt dày tới 1400 trang chữ khổ nhỏ. Cựu Ước – Giao ước cũ của người Hebrew (nay gọi là Do Thái) với Thượng Đế, là Kinh điển của người Hebrew, thực tế là bộ sử của một dân tộc dẫn đầu nền văn hoá nhân loại. Từ 5000 năm trước, người Hebrew đã sáng suốt chỉ tin một đấng tối cao duy nhất họ gọi là Jehovah tức Thượng Đế (God), được hiểu là một sức mạnh siêu nhiên sáng tạo ra tất cả (Tạo Hóa, the Creater) – khái niệm ấy ngày nay ta chưa hiểu rõ song lại chưa thể phủ nhận – chứ không thờ một thần thánh nào có nguồn gốc từ người hoặc vật. Cựu Ước gồm 39 cuốn chia 4 phần: – sách Luật pháp (5 cuốn đầu của Moses); – sách Lịch sử (12 cuốn); – sách Tiên tri (16 cuốn); – sách Văn thơ (6 cuốn). Cựu Ước rất ít mầu sắc tôn giáo, nó chứa đựng vũ trụ quan, nhân sinh quan cổ xưa nhất của nhân loại, là tài liệu vô cùng quý giá rất đáng nghiên cứu. Sách Cựu Ước nguyên văn viết hầu hết bằng tiếng Hebrew và một phần bằng tiếng Aramaic (tiếng của người Aram, tức Syria cổ), do nhiều người viết suốt từ năm 1200 đến năm 100 trước CN và được truyền miệng từ rất lâu trước khi viết. Tuy cổ xưa như thế nhưng Cựu Ước là một văn bản có thực và tồn tại cho tới ngày nay. Thời gian 1947 – 1956, người ta phát hiện trong các hang động gần Biển Chết chứa hơn 900 "sách" có viết chữ (chữ Hebrew, Hy Lạp, Aramaic) bằng dùi nung trên da cừu, gọi là Sách Cuộn Biển Chết (Dead Sea scrolls), đựng trong các bình gốm cao. Giám định cho thấy số sách này được làm vào khoảng từ năm 100 trước CN tới 70 sau CN, là những bản sao cổ xưa nhất còn tồn tại của Cựu Ước (nội dung hoàn toàn như Kinh Cựu Ước hiện sử dụng) và một số kinh điển khác của người Hebrew. Phát hiện Sách Cuộn Biển Chết có ý nghĩa khảo cổ cực kỳ quan trọng. Kinh Thánh là một bộ sách có tính tổng hợp, một bách khoa toàn thư rất hữu ích trong việc nghiên cứu nhân loại cổ đại về các mặt lịch sử, chính trị, quân sự, pháp luật, luân lý đạo đức, kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học, văn hoá… Chưa dân tộc nào viết được bộ sử của mình một cách khái quát, hữu ích như Cựu Ước. Bộ sử này không viết nhiều về đời sống, hành vi của các vua chúa (như Sử Ký của Tư Mã Thiên), nhưng viết rất kỹ về quá trình di chuyển, các tai họa dân tộc (chiến tranh, đói kém…), các kinh nghiệm và đời sống của dân tộc này, qua đó đời sau có thể học được nhiều điều bổ ích. Cựu Ước ghi lại đời sống mọi mặt của người Hebrew, từ việc lớn của quốc gia, dân tộc cho tới những chi tiết rất nhỏ nhặt trong ăn ở, đối nhân xử thế, thậm chí cả trong sinh hoạt tình dục, nhờ thế giúp hậu thế hiểu chính xác, chi tiết về đời sống tinh thần vật chất của họ cách đây mấy nghìn năm. Một thí dụ: phương pháp tránh thai phổ biến nhất, cổ nhất xưa nay là xuất tinh ngoài âm đạo – phương Tây gọi là Onasism – từ này có nguồn gốc trong Kinh Thánh, chương 38 "Sáng thế ký (Genesis)" "Giuđa và con dâu là Tama".* Chưa dân tộc nào biên soạn và còn lưu giữ được một tác phẩm kinh điển có giá trị như Kinh Thánh phần Cựu Ước. Thí dụ "Kinh thánh" của văn minh Trung Hoa là sách Luận Ngữ hoàn toàn không có được tính tổng hợp như vậy, chưa kể còn ra đời sau 7 thế kỷ. Kinh Thánh còn là một tác phẩm văn học đồ sộ, di sản quý báu của nhân loại. Trong Cựu Ước có các tác phẩm văn học trí tuệ, văn học tiên tri và văn học khải huyền, là những sáng tạo của người Hebrew.
Kinh Thánh có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại của dân tộc Do Thái. Cựu Ước là kinh điển của đạo Do Thái, nhờ tôn giáo này mà người Do Thái dù hai nghìn năm mất tổ quốc, sống lưu vong phân tán ở khắp nơi trên thế giới, bị hắt hủi, xua đuổi, thậm chí hãm hại, tàn sát nhưng vẫn giữ nguyên vẹn được nòi giống, ngôn ngữ, truyền thống văn hóa và nhất là họ luôn dẫn đầu thế giới trong các hoạt động trí tuệ. Ngày ngày cầu kinh, ôn lại lịch sử khốn khổ của dân tộc mình, là cách nhắc nhở người Do Thái luôn nhớ quá khứ gian nan của mình để cố gắng vươn lên thoát khỏi nghịch cảnh. Dân tộc nhỏ bé này có đóng góp cho nhân loại nhiều hơn mọi dân tộc khác. Một thí dụ: người Do Thái chỉ chiếm 0,25% số dân thế giới nhưng họ chiếm 22% tổng số giải Nobel các loại đã trao trong thời gian 1901-2007; trong đó có 41% giải Kinh tế, 26% giải Vật lý, 19% giải Hóa, 28% giải Y học, 13% giải Văn học, 9% giải Hòa bình. Đối với loài người, tính chất quan trọng của Kinh Thánh không chỉ thể hiện ở chỗ nó được in đi in lại với số lượng nhiều nhất thế giới, mà còn ở chỗ được người ta quan tâm đọc và trích dẫn nhiều nhất. Cho tới nay, nó đã lưu truyền mấy nghìn năm chưa bao giờ ngừng, được dịch ra 1800 ngôn ngữ của khắp thế giới, có ảnh hưởng tới hàng nghìn triệu người kể cả người không theo tôn giáo nào. Riêng nước Mỹ hàng năm in khoảng 9 triệu bản Kinh Thánh. Trung Quốc đã in hơn 40 triệu bản. Kinh Thánh là nguồn cảm hứng và trích dẫn của nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, lịch sử, triết học v.v… trên toàn thế giới. Từ bức tranh Bữa ăn tối cuối cùng của Leonard de Vinci, tập thơ Thần khúc của Dante, các vở kịch của Shakespeare (vở Hamlet trích dẫn Kinh Thánh nhiều nhất), cho tới tiểu thuyết Sống lại của Tolstoy…vô số tác phẩm văn học nghệ thuật đều lấy nguồn từ Kinh Thánh. Các trước tác của Các Mác và Ang ghen trích dẫn Kinh Thánh hơn 300 lần, liên quan tới hơn 80 nhân vật trong đó. Tại Trung Quốc, Lỗ Tấn, Tào Ngu, Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn… đều trích dẫn Kinh Thánh. Ở Việt Nam, chúng ta thường xuyên kỷ niệm lễ Phục sinh, Giáng sinh… tiểu thuyết, sách báo ta thường nói A-đam, Ê-va, Chúa… tất cả đều có nguồn gốc từ Kinh Thánh. Bởi vậy nếu không hiểu Kinh Thánh thì sẽ rất khó tìm hiểu văn minh phương Tây – nền móng của văn minh hiện đại, cũng rất khó hiểu về dân tộc Do Thái. Không đọc Kinh Thánh thì tất nhiên sẽ dễ nói, viết sai về các điển tích đó. Rõ ràng tất cả mọi người, nhất là người làm công tác văn hóa văn nghệ, giáo dục, xã hội… đều nên đọc Kinh Thánh. Có thể vì nghĩ rằng Kinh Thánh là sách riêng của Ki Tô giáo, tuyên truyền cho tôn giáo, nên ở ta không thấy hiệu sách nào có bán Kinh Thánh do nhà xuất bản của nhà nước chính thức phát hành rộng rãi như một tác phẩm văn hóa bình thường. Thực ra các giáo hữu ở ta đều có cuốn Kinh Thánh do Toà Tổng Giám mục Hà Nội kết hợp Nhà Xuất bản Hà Nội in và xuất bản với số lượng lớn nhưng chỉ phát hành nội bộ giáo hữu. Cuốn Kinh này chỉ in Tân Ước nặng tính tôn giáo; Cựu Ước quan trọng hơn thì lại không được in, thật đáng tiếc. Sách khổ nhỏ cỡ bàn tay in trên giấy tốt, bìa ni lông. Ngoài ra các giáo hữu còn có sách Kinh Thánh bằng hình (phụ bản của báo "Công giáo và Dân tộc" in tại TP Hồ Chí Minh năm 1991, lượng in 25000 cuốn); đáng tiếc là hệ thống phát hành của nhà nước cũng không phát hành cuốn này. Lùng các hiệu sách cũ, người viết bài này mua được một bản Kinh Thánh toàn tập tiếng Việt, dày 1400 trang giấy mỏng, bìa giả da, do United Bible Societies in tại Hàn Quốc năm 1995. Sách dùng cách hành văn và từ ngữ cổ, khó hiểu; phần Tân Ước dịch khác nhiều so với bản in của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Thiết nghĩ hệ thống xuất bản phát hành của nhà nước nên xuất bản phát hành Kinh Thánh như một tác phẩm văn hoá nghệ thuật nhằm khai thác kho tàng văn hóa vô giá này của nhân loại. Nên đưa việc học Kinh Thánh (nhất là Cựu Ước) vào chương trình giảng dạy phổ thông trung học. Cũng nên biên soạn các sách hướng dẫn tìm hiểu giá trị văn hoá lịch sử, khảo cổ… của Kinh Thánh. Việc tìm hiểu Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta hiểu đúng đắn, toàn diện về văn minh phương Tây nói riêng và văn minh nhân loại nói chung, giúp chúng ta hoà vào dòng chảy chung của văn minh toàn cầu, đồng thời thể hiện chúng ta biết tôn trọng văn hoá tôn giáo – một thành phần rất quan trọng của văn hoá thế giới. Đây là một việc cần làm khi Việt Nam đã gia nhập WTO, hòa vào nhịp sống chung của toàn cầu, trong đó có đời sống văn hóa-tâm linh. Nguyễn Hải Hoành Nguồn: Hội Nhà Văn |
Lịch Sử Của Quyển
Kinh Thánh
Danh từ Kinh Thánh được dịch ra từ chữ La-tinh “biblia” có nghĩa là quyển sách. Ngày xưa người ta dùng vỏ cây cắt ra thật mỏng như tờ giấy (papyrus) để ghi chép các tài liệu, loại giấy nầy được sản xuất và bán đi các nơi từ thành phố Biblios, một hải cảng ở phía bắc nước Do Thái, của người Phê-ni-xi, gần Beyruth, Lebanon ngày nay.
Vào thế kỷ thứ 5 S. C., các Hội thánh Hy Lạp dùng danh từ “Tà Biblia” hoặc “Biblia” cho Các Quyển Sách Thánh (Kinh Thánh). Nhiều người cho rằng Jean Chrysostome trưởng lão tại thành Constantinople (398-404 S. C.), là người thứ nhất dùng danh từ nầy. Ðến thế kỷ thứ 13, thì “Tà Biblia” trở nên “Biblio” hay “Biblia[1][1]” theo tiếng La-tinh tức là Các Sách Thánh trở nên Kinh Thánh. Sau đó các nước Tây phương cũng chấp nhận và dùng danh từ “The Bible” hoặc “La Bible”.
I. Nội Dung:
Kinh Thánh gồm có phần Cựu Ước và Tân Ước. Chữ Ước trong Cựu Ước được dịch từ danh từ berith của Hy-bá-lai có nghĩa là giao ước. Trong Tân Ước, chữ Ước được dịch từ danh từ diatheke của Hy Lạp có nghĩa là chúc thư (testament) hay giao ước (covenant). Nội dung của Cựu Ước nói lên giao ước giữa Ðức Chúa Trời và dân sự của Ngài, tức là dân Do-thái. Còn Tân Ước nói về giao ước mới của Thượng Ðế với loài người, “hầu cho hể ai tin Con Ngài đều được sự sống đời đời”.
A. Cựu Ước của Cơ đốc giáo và Kinh Thánh Do thái giáo (Hebrew Bible) đều giống nhau. Cựu Ước có 39 quyển sách trong khi đó Kinh Thánh Do-thái có 24. Sự khác biệt nầy là do các vị lãnh đạo Cơ đốc giáo ngày xưa đã chia các sách Tiên tri và lịch sử ra làm nhiều sách riêng biệt. Cựu Ước đã được Ðức Chúa Jêsus và các Môn đồ cùng Sứ đồ nhìn nhận và gọi là Kinh Thánh (Scripture, Holy Scriptures). Các sách của Cựu Ước và Kinh Thánh Do-thái là:
Kinh Thánh Cựu Ước | Kinh Thánh Do thái |
A. Năm quyển sách của Môi-se: | A. Các sách luật pháp: |
1. Sáng thế ký | Sáng thế ký |
2. Xuất Ê-díp-tô ký. | Xuất Ê-díp-tô ký. |
3. Lê-vi ký. | Lê-vi ký. |
4. Dân số ký. | Dân số ký. |
5. Phục Truyền luật lệ ký. | Phục Truyền luật lệ ký. |
B. Các sách về lịch sử: | B. Các sách tiên tri: |
6. Giô-suê. | 2a. Tiên tri trước: |
7. Các Quan xét. | Giô-suê. |
8. Ru-tơ. | Các Quan xét. |
9. I Sa-mu-ên. | Sa-mu-ên (Sa-mu-ên I và II). |
10. II Sa-mu-ên. | Các Vua (Các Vua I và II). |
11. I Các Vua. | 2b. Tiên tri sau: |
12. II Các Vua. | Ê-sai, |
13. I Sử ký. | Giê-rê-mi, |
14. II Sử ký. | Ê-xê-chi-ên, |
15. E-xơ-ra. | Sách mười hai: Ô-sê. |
16. Nê-hê-mi. | Giô-ên. |
17. Ê-xơ-tê. | A-mốt. |
C. Các sách văn thơ: | Áp-đia. |
18. Gióp. | Giô-na. |
19. Thi Thiên. | Mi-chê. |
20. Châm Ngôn. | Na-hum. |
21. Truyền đạo. | Ha-ba-cúc. |
22. Nhã ca. | Sô-phô-ni. |
D. Các sách tiên tri: | A-ghê. |
23. Ê-sai. | Xa-cha-ri. |
24. Giê-rê-mi. | Ma-la-chi. |
25. Ca thương. | C. Các sách văn thơ: |
26. Ê-xê-chi-ên. | Thi Thiên. |
27. Ða-ni-ên. | Gióp. |
28. Ô-sê. | Châm Ngôn. |
29. Giô-ên. | Ru-tơ. |
30. A-mốt. | Nhã ca. |
31. Áp-đia. | Truyền đạo. |
32. Giô-na. | Ca thương. |
33. Mi-chê. | Ê-xơ-tê. |
34. Na-hum. | Ða-ni-ên. |
35. Ha-ba-cúc. | E-xơ-ra và Nê-hê-mi. |
36. Sô-phô-ni. | Sử ký (Sử ký I và II). |
37. A-ghê. |
|
38. Xa-cha-ri. |
|
39. Ma-la-chi. |
|
Các sách Ẩn Kinh (Apocrypha): Kinh Thánh của Giáo hội Công giáo La-mã và Chính thống giáo Ðông phương (Eastern Orthodox) có thêm các quyển sách lịch sử và thơ văn Do-thái khác vào. Các quyển sách nầy được gọi là Deuterocanon, có nghĩa là Thứ Kinh (secondary canon). Người Do-thái và Tin Lành gọi là Apocrypha, hay Ẩn Kinh (hidden canon), còn được gọi là Ngụy Kinh.
Các sách Ẩn Kinh được viết trong thời gian nước Do Thái bị ngoại ban đô hộ và hà hiếp từ thế kỷ thứ ba đến thế kỷ thứ nhất T. C. (trong thời gian bốn trăm năm yên lặng). Các quyển sách nầy, được viết bằng tiếng Hy-bá-lai và tiếng Hy-lạp, thường không có xuất xứ rỏ ràng, và được cho vào bản dịch Bảy Mươi bằng tiếng Hy Lạp, bản dịch La-tinh thế kỷ thứ hai, bản La-tinh Vulgate thế kỷ thứ năm, nên rất phổ thông. Nội dung của các sách nầy có nhiều chỗ đi ngược lại sự dạy dỗ của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước vì thế Hội thánh đầu tiên và Giáo Hội Công Giáo không công nhận. Mãi cho đến thời kỳ cải chánh (Reformation), vào năm 1546 S. C., Hội Ðồng Giáo Hội Công Giáo La Mã, tại thành
Hai mươi năm sau khi Ðền Thánh bị phá hủy bởi quân La mã và dân Do Thái bị tản lạc khắp nơi, vào năm 90 S. C., một số học giả Do Thái họp tại Jamnia, cách Giê-ru-sa-lem chừng 50 Km về phía tây, để thống nhất và hợp thức hóa Kinh Thánh Do Thái (họ loại bỏ Ẩn Kinh ra) vì họ nhận thức rằng chỉ có Kinh Thánh và những sự dạy dỗ trong Kinh Thánh mới có thể liên kết dân Do Thái với nhau dù họ ở nơi nào trên thế giới.
Ðức Chúa Jêsus không bao giờ trích dẫn từ Ẩn Kinh trong chức vụ của Ngài tại thế, cũng như trong cả Tân Ước, với tổng cộng hơn 300 lần trích dẫn từ Cựu Ước, chúng ta không thấy chỗ nào dùng đến những quyển sách nầy. Tín hữu Tin lành cho rằng Ẩn Kinh có giá trị, đáng được nghiên cứu (Giáo sĩ Cadman đã trích dẫn nhiều đoạn từ Ẩn Kinh trong quyển Thánh Kinh Từ Ðiển của ông), tuy nhiên các sách nầy không có thẩm quyền như các sách Cựu Ước được Ðức Thánh Linh soi dẫn.
Các sách Ẩn Kinh | |
1. Tobit | 10. Bel and the Dragon |
2. Judith | 11. I Maccabees |
3. Phụ bản của Ê-xơ-tê | 12. II Maccabees |
4. Tri thức của Sô-lô-môn | 13. I Esdras |
5. Ecclesiasticus (Sirach) | 14. Lời cầu nguyện của Ma-na-se |
6. Baruch | 15. Thi thiên 151 |
7. Thơ của Giê-rê-mi | 16. III Maccabees |
8. Lời cầu của A-xa-ria và ba bạn Hê-bơ-rơ | 17. II Esdras |
9. Susana | 18. IV Maccabees |
B. Tân Ước: Thánh thư Tân Ước (canon of the New Testament) là những quyển sách được Ðức Thánh Linh soi dẫn. Làm sao chúng ta biết rằng đây là những Thánh thư hay Tân Ước thật có đúng là lời của Ðức Chúa Trời hay không? Vì có rất nhiều thơ tín và văn chương Cơ đốc từ thời Chúa Jêsus, cho nên rất khó mà biết sách nào là sách Thánh.
Vào thế kỷ thứ 4 S. C., Công giáo hội nghị (Church council) gồm mười trưởng lão đã chọn các quyển sách để biệt vào hàng Thánh thư, tức là được Ðức Thánh Linh soi dẫn để cho vào Tân Ước. Nguyên tắc lựa chọn của họ là những tài liệu thơ tín của các Môn đồ, Sứ đồ trực tiếp học hỏi từ Ðức Chúa Jêsus như Phi-e-rơ, Phao-lô, Giăng, Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca… là các quyển sách Thánh, được Ðức Chúa Trời hà hơi. Tuy nhiên nhiều Hội thánh lúc đầu hoài nghi về các sách Gia-cơ, II Giăng, III Giăng. Nhiều người cho rằng các vị trên đã được giao phó một công tác vượt quá khả năng của loài người, nhưng trên thực tế những vị nầy chỉ khẳng định các sách đã được giáo giới chấp nhận từ lâu, có nghĩa là họ đã hợp thức hoá các Thánh thư Tân Ước, chứ không phải có quyền cho quyển sách nào là thánh hay không.
Các quyển sách Tân Ước | ||
1. Ma-thi-ơ | 10. Ê-phê-sô | 19. Hê-bơ-rơ |
2. Mác | 11. Phi-líp | 20. Gia-cơ |
3. Lu-ca | 12. Cô-lô-se | 21. I Phi-e-rơ |
4. Giăng | 13. I Tê-sa-lô-ni-ca | 22. II Phi-e-rơ |
5. Công vụ các sứ đồ | 14. II Tê-sa-lô-ni-ca | 23. I Giăng |
6. Rô-ma | 15. I Ti-mô-thê | 24. II Giăng |
7. I Cô-rinh-tô | 16. II Ti-mô-thê | 25. III Giăng |
8. II Cô-rinh-tô | 17. Tít | 26. Giu-đe |
9. Ga-la-ti | 18. Phi-lê-môn | 27. Khải huyền |
Tân Ước cũng có Thứ kinh (Apocrypha) tuy nhiên vì không có giáo hội nào nhìn nhận các quyển sách nầy nên ít người biết đến. Chúng ta không đề cập đến Thứ kinh Tân Ước nơi đây.
II. Tác Giả:
Cơ-đốc nhân tin rằng Ðức Chúa Trời đã dùng những người viết hay trước giả để truyền đạt lời của Ngài và chính Ngài là tác giả của cả quyển Kinh Thánh. Tuy rằng có vài quyển sách mà chúng ta không biết rỏ người viết là ai, cơ đốc nhân tin quyết rằng “Cả Kinh Thánh là được Ðức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (II Ti-mô-thê 3:16) vì thế chúng ta cám ơn Chúa nhận lãnh lời Ngài trong Kinh Thánh dù rằng sau nầy chúng ta có thể biết xuất xứ của một quyển sách nào đó một cách tường tận hơn sự hiểu biết hiện tại.
1. Năm sách luật pháp: Ða số các học giả cho rằng Môi-se đã viết các quyển sách Sáng thế ký, Xuất Ê-díp-tô ký, Lê-vi ký, Dân số ký và Phục Truyền luật lệ ký, các sách nầy được viết vào khoản năm 1400 T. C., trước khi ông mất. Ðoạn cuối của Phục Truyền luật lệ ký nói về sự qua đời của Môi-se, có lẽ được Giô-suê, người kế vị của ông viết.
2. Các sách lịch sử:
a. a. Giô-suê là người viết sách mang tên ông, ông qua đời khoản 1375 T. C., đó cũng là thời điểm mà quyển sách nầy được hoàn tất.
b. b. Người ta không biết rõ ai đã viết Các quan xét. Có lẽ sách nầy được hoàn tất vào đời vua Sau-lơ hay Ða-vít năm 1050-1000 T. C..
c. c. Trước giả của sách Ru-tơ không được biết rỏ, tuy nhiên nhiều người cho rằng Sa-mu-ên đã viết quyển nầy. Sách được viết vào đời vua Ða-vít hay sau nữa vì đoạn cuối của sách có đề cập đến Ða-vít.
d. d. Sa-mu-ên là người đã viết hai sách mang tên của ông. Các sách nầy kể lại từ khi Sa-mu-ên ra đời cho đến khi Áp-sa-lôn nổi loạn vào năm 975 T. C..
e. e. Lúc đầu người ta cho rằng tiên tri Giê-rê-mi đã viết hai quyển sách Các Vua. Về sau người ta tin rằng có lẽ do một tiên tri không được biết tên, đồng thời với Giê-rê-mi, viết lúc đế quốc Ba-by-lôn xâm chiếm Giê-ru-sa-lem vào năm 587 T. C.
f. f. Thầy tế lễ E-xơ-ra là người viết bốn sách Sử ký I, II, E-xơ-ra và Nê-hê-mi vào cuối thế kỷ thứ năm T. C. (Nê-hê-mi có góp phần vào việc biên chép sách Nê-hê-mi đoạn 1-7 và 11-13). Trong các bản Kinh Thánh cổ, 4 sách nầy là một.
g. g. Chúng ta không biết rõ ai là trước giả của Ê-xơ-tê. Sách được viết vào khoản cuối đời vua A-suê-ru, 465 T. C..
3. Các sách thơ văn:
a. a. Chúng ta không biết ai là trước giả sách Gióp. Quyển sách nầy được viết vào khoản năm 2000 T. C., có người cho rằng sách được viết vào khoản năm 950 T. C..
b. b. Ða-vít là trước giả sách Thi Thiên, ngoại trừ các đoạn sau đây: Ðoạn 72 và 127 do Sa-lô-môn viết; Ðoạn 90 của Môi-se (năm 1500 T. C.); Ðoạn 50 và đoạn 73-83 do A-sáp viết; Các đoạn 42, 44-49, 84-85, 87-88 do con cháu Cô-rê viết; Ðoạn 88 do Hê-man (cùng với con cháu Cô-rê); Ðoạn 89 do Ê-than viết. Thi Thiên 137 là đoạn được viết vào năm 538 T. C. nói đến sự buồn thảm của những kẻ bị đày qua Ba-by-lôn.
c. c. Sa-lô-môn là trước giả sách Châm Ngôn, ông viết sách nầy vào khoản năm 970-931 T. C.. Ðến năm 720 T. C., người ta thêm vào các đoạn 25-29. Ðoạn 30 do A-gu-rơ viết và đoạn 31 do vua Lê-mu-ên soạn.
d. d. Sa-lô-môn là người viết sách Truyền đạo cùng một lúc với Châm ngôn vào khoản năm 970-931 T. C.. Nhiều học giả cho rằng cách dùng từ ngữ và câu văn cho biết sách được viết sau thời gian trên.
e. e. Nhã ca cũng do Sa-lô-môn viết vào năm 965 T. C..
4. Các sách đại tiên tri:
a. a. Tiên tri Ê-sai, con A-mốt, viết quyển sách mang tên ông. Sách được viết vào năm 740-700 T. C..
b. b. Tiên tri Giê-rê-mi là trước giả của sách Giê-rê-mi, ông thường đọc cho thơ ký của ông là Ba-rúc chép lại. Ba-rúc hoàn tất sách nầy sau khi Giê-rê-mi chết năm 585 T. C..
c. c. Ca thương không đề cập đến ai là người biên soạn. Nhiều học giả cho là Giê-rê-mi viết sách nầy vào năm 587 hay 586 T. C. trước khi Giê-ru-sa-lem rơi vào tay người Ba-by-lôn.
d. d. Tiên tri Ê-xê-chi-ên là người viết sách mang tên ông lúc dân Do thái bị bắt làm phu tù ở Ba-by-lôn. Sách bắt đầu lúc vua Giê-hô-gia-kin bị bắt năm 597 T. C., Giê-rê-mi làm tiên tri cho đến năm 573 T. C.
e. e. Tiên tri Ða-ni-ên viết sách mang tên ông vào năm 536 T. C.. Nhiều học giả hoài nghi về điểm nầy.
5. Các sách tiểu tiên tri:
a. a. Tiên tri Ô-sê, con Bê-ê-ri làm tiên tri 40 năm từ năm 755 – 715 T. C.. Ông là người viết sách Ô-sê.
b. b. Tiên tri Giô-ên, con Phê-thu-ên viết sách Giô-ên. Vì sách không có đề cập đến vị vua nào nên chúng ta không biết rỏ sách được viết lúc nào, có thể vào năm 835-796 T. C.
c. c. Tiên tri A-mốt, người chăn ở Thê-cô-ra viết sách A-mốt sau năm 760 T. C.
d. d. Tiên tri Áp-đia viết sách Áp-đia sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ vào năm 687 T. C.
e. e. Tiên tri Giô-na, con trai A-mi-tai viết sách Giô-na vào năm 760 T. C.
f. f. Tiên-tri Mi-chê, người Mô-rê-sết, làm tiên tri từ năm 750-687 T. C.. Ông viết sách Mi-chê.
g. g. Tiên tri Na-hum, người Ên-cốt, viết sách Na-hum vào năm 612 T. C. sau khi thành Ni-ni-ve bị chiếm và hủy diệt.
h. h. Tiên tri Ha-ba-cúc nói về sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem vào năm 587 T. C., sách được viết vào năm 600 T. C.
i. i. A-ghê có nghĩa là vui vẽ, hoan lạc. A-ghê nói tiên tri làm phấn khởi dân sự sau khi bị đày ở Ba-by-lôn trở về quê vào năm 520 T. C. Ông viết sách A-ghê.
j. j. Xa-cha-ri, con Ba-ra-chi, viết sách Xa-cha-ri từ năm 520-475 T. C.. Có người cho rằng đoạn 9 đến 14 được thêm vào 30-40 năm sau bởi một người khác không rỏ tên.
k. k. Tiên tri Ma-la-chi đã viết quyển sách mang tên ông vào năm 450 T. C.
6. 6. Bốn sách phúc âm:
a. a. Chúng ta không biết trước giả của Ma-thi-ơ là ai. Nhiều học giả cho rằng chính Ma-thi-ơ viết sách nầy, có lẽ vào năm 45 S. C..
b. b. Nhiều người cho rằng Mác là trước giả của quyển sách mang tên ông. Sách được viết vào những năm cuối của thập niên 60.
c. c. Sách Lu-ca được viết cho Thê-ô-phi-lơ, một quan La-mã, vào những năm đầu của thập niên 70 S. C., có lẽ do chính ông Lu-ca viết.
d. d. Chúng ta không biết ai viết sách Giăng. Có người cho Giăng đã viết sách nầy vào khoản cuối thế kỷ thứ nhất.
7. Công vụ các sứ đồ: Trước giả của sách Công vụ các sứ đồ và sách Lu-ca là một (Lu-ca), được viết cho Thê-ô-phi-lơ, một quan La-mã, vào khoản năm 70-80 S. C.