Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

TRIET LY GIAI THICH CHO CON GAI TOI ROGER POL DROIT.html

TRIẾT LÝ GIẢI THÍCH CHO CON GÁI TÔI


Để tặng những ai thích đặt câu hỏi và không bằng lòng với câu trả lời


La philosophie expliquée à ma fille


Tác giả: Roger-Pol Droit


Nhà xuất bản: Seuil-2004


Người dịch: An Nguyễn



haian14_5@convert*prc



Vì sao có quyển sách này?


Thường thường hai chữ triết lý làm cho người ta sợ. Người ta tưởng tượng ra những câu hỏi cực kỳ phức tạp, những danh từ bí hiểm, những quyển sách mà ngay cả tựa đề họ cũng không hiểu. Một thế giới riêng biệt chỉ dành cho một vài chuyên gia hiếm hoi mà cũng có thể những người này đến từ hành tinh khác. Ngắn gọn, đây không phải là một sinh hoạt vừa tầm tay với mọi người. Thật là sai lầm khi nghĩ như vậy.


Bởi vì tất cả mọi người, đặc biệt là các trẻ em và trẻ vị thành niên đều tự hỏi về ý nghĩa cuộc đời, về cái chết, về công lý, về tự do và những câu hỏi thiết yếu khác. Mỗi người đều có khả năng suy nghĩ, lý luận, đi đến việc hình thành các suy nghĩ của họ. Và chẳng có gì khác hơn để bắt đầu bài học triết lý bằng cách: đặt câu hỏi và vận dụng khả năng suy nghĩ.


Nhưng nếu tìm ra câu trả lời quá nhanh thì có nguy cơ rơi vào một cái bẫy khác. Như thế triết lý trở nên quá đơn giản, quá bình thường, vừa tầm với mọi người thì nó sẽ mất hết hứng thú. Tất cả mọi người đều nói triết từ sáng đến chiều mà chẳng để ý gì đến triết, giống như khi mình thở. Lại lầm nữa khi nghĩ như thế.


Triết lý không phải là trò chơi điên đầu cũng không phải là một sinh hoạt tự nhiên và ngẫu hứng. Người ta có thể thực hành triết ở nhiều mức độ khác nhau, giống như khi chơi nhạc, chơi thể thao hay làm toán, từ người mới bắt đầu đến chuyên gia, từ tài tử đến chuyên nghiệp.


Điều thiết yếu là bước khởi hành đầu tiên phải tốt, không ảo tưởng, không thành kiến, không có những ý tưởng mông lung. Và đó là mục đích của quyển sách này: đem đến cho những người trẻ mới bắt đầu tìm hiểu triết lý một ý tưởng có thể với tới được, khá chính xác được chừng nào hay chừng đó về cái gọi là "triết lý," về tính duy nhất và đa dạng của nó.


Tôi hy vọng quyển sách nhỏ bé này sẽ mang đến lợi ích thực tế cho các thanh thiếu nữ muốn bắt đầu tìm hiểu thế nào là một sinh hoạt tinh thần bởi vì nó là suối nguồn không bao giờ cạn được của vui vẻ, của kinh ngạc và của tự do.


Tôi muốn nhấn mạnh đến điểm này trước khi nhường chỗ cho cuộc đối thoại giữa tôi và Marie, con gái của tôi, lúc Marie mười sáu tuổi – nhưng các em nhỏ tuổi hơn cũng có thể đọc được dễ dàng. Cả đời tôi, tôi đọc sách của các triết gia viết. Tôi nghiên cứu và diễn giải họ. Tôi cũng quen khá nhiều triết gia sống ở thời buổi này. Tôi cũng viết thêm vài quyển sách theo kiểu của tôi để góp mặt với tất cả các sách đã có trong lãnh vực này.


Dù vậy, lúc nào tôi cũng ngạc nhiên. Bởi tính đa dạng của các triết thuyết. Bởi những tư tưởng không thể tưởng tượng, không thể mong chờ, những tư tưởng hiếu kỳ được hình thành trong đầu óc con người. Bằng thông minh và với vi tế của những bài phân tích. Bởi sự tự do phóng khoáng phi thường toát ra ở một thế giới đầu óc mà không một thảo luận nào bị cấm đoán, không một khả năng nào bị ngăn chận, không một phê bình nào có thể tránh khỏi.


Tinh thần cởi mở này là sức mạnh không thể nào vơi cạn của triết lý. Đối với tôi đó là điều rất cần thiết vì tôi tin chắc rằng người ta sống giống như người ta nghĩ. Người ta sống một cách hẹp hòi nếu người ta suy nghĩ thiển cận. Người ta sống cởi mở nếu người ta suy nghĩ phóng khoáng. Tư duy không bao giờ mà không có hậu quả trên đời sống chúng ta dù đó là cá nhân hay tập thể.


Như thế tôi cảm nhận có một trách nhiệm rất lớn trong việc trao truyền con đường đầu tiên dẫn đến triết lý. Tôi tin tôi làm hết khả năng nhưng tôi biết sự toàn vẹn chỉ có thể có trong một vài giấc mơ, trên thực tế thì nó thường hay vắng mặt.


1


Tìm những tư tưởng thật



Thế thì triết lý là gì?

Chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm. Và ba mong là chúng ta sẽ tìm thấy. Nhưng con đừng chờ có câu trả lời ngay tức khắc. Triết lý không thể nào giải thích trong một câu.

Ba thử đi!

- Không, chẳng giải quyết được gì. Con mở tự điển ra tìm từ "triết lý," theo tiếng hy lạp cổ đại triết lý là "yêu mến sự khôn ngoan." Có thể con sẽ nghĩ chuyện này chán lắm đây, vì chữ "khôn ngoan" làm trẻ con liên tưởng đến câu răn dạy "phải ngoan!" mà không khi nào chúng muốn nghe. Nếu thế thì con khó tiến xa vì con phải tự hỏi thế nào là "khôn ngoan," khôn ngoan trong cái gì. Con sẽ học để biết chữ "triết lý" muốn nói gì nhưng con sẽ không khi nào biết triết lý thật sự là gì.

Nếu ba giải thích cho con rõ chữ đó thì chắc chắn con sẽ biết!

- Chưa chắc đâu! Khi con học chữ "Việt Nam," đó là tên của một xứ ở Á Châu nhưng không phải vì con biết chữ Việt Nam mà con biết Việt Nam. Hoặc con tưởng tượng một em bé chưa biết thế nào là "toán," con định nghĩa "toán là khoa học của các số và các hình," đứa bé hiểu ý nghĩa của các chữ này, vậy thì nó có thể làm toán. Như thế con nói nó biết làm toán chắc?

Chắc chắn là không!

- Đó, con thấy… danh từ thôi chưa đủ! Biết một chuyện nào đó không phải chỉ biết qua chữ nghĩa mà bắt buộc phải biết qua kinh nghiệm. Con biết cái gọi là "toán" khi con bắt đầu tính toán, làm bài tập đại số, hình học. Còn về nước Việt Nam, con sẽ biết xứ sở này khi con đọc sách, xem triển lãm, xem phim và đương nhiên đến viếng thăm nước đó!

Như vậy muốn biết triết lý phải đi đến đó?

- Chắc chắn là như vậy! Như thế là con đã nắm vững vấn đề. Triết lý là phải đi đến đó. Tuy nhiên đó không phải là xứ sở hay nơi chốn mà mình có thể đi đến được. Đúng hơn nó cũng như toán, có nghĩa là một bài tập.

Con đồng ý với ba nhưng như thế mình làm gì khi mình làm bài tập triết?

- Mình tìm để biết sự thật. Và đó là bước khởi đầu không được tốt lắm: triết lý là một tiến trình đi tìm sự thật. Nhân viên điều tra cảnh sát cũng là người đi tìm sự thật. Khi ông điều tra vụ án giết người, ông tìm ai là kẻ sát nhân. Như con biết, để làm như vậy, ông nghiên cứu thời dụng biểu của nghi can, so sánh các lời khai, đối chiếu với các nhân chứng… và suy nghĩ! Ông sẽ không tin vào lời khai của ai hết, ông nghi ngờ một cách có hệ thống tất cả những gì người ta kể cho ông.

Để tìm sự thật, các triết gia cũng làm như vậy, họ không ngần ngại xem lại các điều họ xác tín và các điều họ tin tưởng. Họ cũng có thể nghi ngờ chính ý tưởng của họ. Nhưng họ không phải là cảnh sát viên điều tra! Có đủ loại người đi tìm một cái gì đó thật. Ngoài những điều tra viên, trong thể loại những nhà đi tìm sự thật, con biết ai không?

Con không biết… Có thể là các sử gia? Họ muốn tìm sự thật về các biến cố đã xảy ra?

- Đúng, đó cũng là một khả năng. Còn các nhà khoa học? Theo ý con mình có liệt họ vào hàng ngũ những người đi tìm sự thật không?

Chắc chắn rồi. Nhưng họ tìm sự thật về hóa học, vật lý hay sinh lý!

Đúng thế! Con thấy đó, thiệt là dễ để kết luận cho các ví dụ của chúng ta: các cảnh sát viên điều tra, các nhà sử học, các nhà khoa học (và chắc chắn còn các nhà nghiên cứu khác có một điểm chung là đi tìm sự thật nhưng trong các địa hạt khác nhau. Để đi tới trong việc tìm hiểu thế nào là triết lý, chúng ta có một vấn đề cần giải quyết. Con thấy vấn đề gì không?

Con nghĩ là mình phải tìm địa hạt nào mà ở đó các triết gia đi tìm sự thật?

- Rất giỏi! Như thế theo ý con, lãnh vực nào các triết gia đi tìm sự thật? Các cảnh sát viên điều tra trọng phạm? Các phản ứng hóa học, các công thức vật lý như nhà khoa học?

Không! Con nghĩ là họ phải nghĩ đến công chính, tự do, đại loại những chuyện như thế…

- Con có lý nhưng con phải coi lại cho chính xác. Đúng là các triết gia đi tìm sự thật trong lãnh vực đạo đức ( để biết cái gì đúng cái gì sai, để định nghĩa cái gì công chính cái gì bất chính) hay chính trị (công dân và quyền lực, tổ chức thể chế để thực thi các quyết định). Nhưng không phải chỉ những lãnh vực đó. Khi người ta bắt đầu khám phá ra triết lý, người ta đụng phải một số lượng lớn các thể loại đề tài khác nhau. Đúng ra các triết gia quan tâm đến khoa học, nghệ thuật, luận lý, tâm lý, chính trị, lịch sử… Dù họ không phải là nhà khoa học, nghệ sĩ, chuyên gia thảo chương, tâm lý gia, chính trị gia, sử gia…

Đến đây là con không còn hiểu nữa. Họ quan tâm đến mọi chuyện mà lại không phải là chuyên gia?

- Con chờ ba một chút, ba nghĩ những chuyện này cũng dễ hiểu thôi. Con xem lại các yếu tố này, nó giống như một loại đố mẹo: những người tìm sự thật trong một lãnh vực (toán học, đạo đức hay nghệ thuật) mà không phải là chuyên gia làm việc trong lãnh vực này?

Vậy là bí ẩn vẫn tiếp tục… thật là kỳ lạ.

- Bình thường ai đi tìm sự thật trong lãnh vực toán học là nhà toán học, trong lịch sử là sử gia vv… vv Nếu các triết gia tìm sự thật trong mọi lãnh vực thì họ phải làm một cách đặc biệt giống như họ làm trong một lãnh vực mà lãnh vực này đi xuyên qua tất cả các lãnh vực khác. Giải pháp cũng không xa mấy: chính trong lãnh vực ý tưởng mà họ đi tìm sự thật. Mỗi lần con muốn hiểu triết gia nào ở trong lãnh vực nào con nên thêm vào chữ "ý tưởng của…" Triết gia không bảo vệ công chính như vai trò của luật sư hay quan tòa. Ông bảo vệ "ý tưởng" về công chính. Ông không quan tâm đến quyền lực theo cách chính trị gia quan tâm, ông tìm để đào sâu "ý tưởng" về quyền lực.

Và cứ thế ông đào sâu trong mọi lãnh vực. Trong toán học cũng thế, triết gia sẽ quan tâm đến ý tưởng về bằng chứng, về chứng minh, về số lượng. Trong lịch sử, ông quan tâm đến biến cố, đến cách mạng, đến bạo lực, đến khái niệm về hòa bình. Trong đạo đức học, ông quan tâm đến khái niệm cái thiện, cái ác. Hoặc các ý tưởng về lỗi lầm, trách nhiệm, luật lệ.

Như thế bây giờ con có thể hiểu khi các triết gia làm việc trong lãnh vực ý tưởng thì họ có thể bàn đến tất cả các lãnh vực khác, vậy họ bàn luận đến rất nhiều lãnh vực chuyên môn mà không cần phải là chuyên gia của các lãnh vực đó, đúng không?

Vậy, họ là các chuyên gia về ý tưởng?

- Đúng rồi. Trong việc đi tìm sự thật trong lãnh vực tư tưởng, gần như lúc nào cũng phải đặt câu hỏi: "tư tưởng thật của… là tư tưởng gì?" Ở chỗ ba dấu chấm, con có thể hỏi về "tự do", "tác phẩm nghệ thuật", "quyền lực", "cá nhân", "công chính", "tâm hồn", "con người", "nhân phẩm"… cả hàng chục, hàng trăm đề tài. Rốt cùng các triết gia đi tìm cho được cái định nghĩa nào hoàn hảo nhất cho mỗi tư tưởng. Và giữa các định nghĩa này, họ tìm cái nào là đúng.

Vậy thì các tìm hiểu của họ cụ thể dùng vào việc gì?

- Để sống, đơn giản là để sống! Các tư tưởng không phải là một lãnh vực riêng biệt, một khu vườn biệt lập với cuộc sống. Không như thế chút nào! Trên thực tế, tư tưởng điều khiển hành động, cách sống, cách xử thế.

Dù ba giải thích như vậy, ba cũng không làm cho con tin là con người cần phải có triết lý để sống. có hàng tá người sống không cần biết các triết gia suy nghĩ gì. Vậy mà họ vẫn sống.

- Con chờ ba một chút!… Nếu con muốn nói mình có thể ăn, ngủ, lớn lên mà không cần chân lý trong các tư tưởng thì đương nhiên con có lý. Người ta không thể sống mà không ăn, uống, ngủ nhưng người ta có thể giữ cơ thể mình mạnh khỏe mà không cần phải suy nghĩ thật sự. Vấn đề không phải ở đó. Vấn đề là làm sao biết để sống tốt hơn. Một cách nhân đạo hơn, thông minh hơn, đậm đà hơn. Và ở điểm này, con không thể nào thoát khỏi công việc làm trên các ý tưởng.

Ba nói công việc làm trên các ý tưởng bởi vì lúc nào người ta cũng có những ý tưởng. Trước khi có triết lý đã có ý tưởng. Không phải triết lý tạo ra ý tưởng mà triết lý chứng nghiệm nó, thử thách nó, quan sát nó để xem ý tưởng nào đúng ý tưởng nào sai.

Con thấy nó thật sự cần thiết để sống!

- Vậy thì con nghe câu chuyện này. Đây là một câu chuyện có từ xa xửa xa xưa do triết gia Socrate kể. Trẻ con muốn chọn thức ăn để ăn. Nếu chúng đến tiệm bánh, chúng sẽ có ý tưởng trong đầu bánh nào, kẹo nào tốt cho nó. Nhưng trên thực tế, kẹo bánh làm hư răng và lớn lên có thể làm chúng mập phì. Các trẻ em này có thể bệnh vì ý tưởng không đúng của chúng có về kẹo: chúng lầm thức ăn ngon miệng với thức ăn bổ dưỡng.

Nếu chúng đến bác sĩ, ông ta sẽ nói sự thật cho chúng nghe: "thức ăn tốt cho sức khỏe, cho tăng trưởng là các thức ăn đủ loại như sữa, trái cây, cá, rau cải và… một ít kẹo bánh." Các em bé này sẽ nghĩ gì về ông bác sĩ?

Chúng sẽ nghĩ ông bác sĩ lầm rồi, chúng biết cái gì tốt cho chúng hơn…

- Đúng, chúng sẽ nói ông bác sĩ này dữ, ông chỉ làm khổ chúng, chỉ muốn cho chúng không được vui. Hoặc ông không hiểu cái gì tốt dưới mắt chúng. Hoặc ông bị lầm, ông chẳng biết gì hết. Vậy có hai chuyện trong chuyện này. Một là trẻ con vẫn ở trong ảo tương của chúng, dĩ nhiên là chúng rất thích, rằng tốt nhất cho chúng là sống với bánh kẹo. Hai là chúng sẽ thấy ông bác sĩ này nói đúng, dù nó không thích sự thật này, nó thay đổi ý tưởng và nó sẽ có sức khỏe.

Đó… các ý tưởng, chúng có thể làm mình khỏe mạnh hoặc bệnh tật! Bây giờ con hiểu ý tưởng quan trọng để sống như thế nào?

Con chắc chắn là ba đã dựng lên câu chuyện cho hợp… để nó phù với luận điệu của ba.

- Ba không dựng chuyện gì hết. Câu chuyện các em bé thích ông bán bánh kẹo hơn ông bác sĩ là câu chuyện của triết gia Socrate kể lại, ba lặp lại đó là câu chuyện của một trong những triết gia đầu tiên của nhân loại sống ở Athènes, Hy Lạp, cách đây 2500 năm…! Con nghĩ ví dụ này chỉ là một trường hợp đặc biệt và con vẫn chưa tin rằng ý tưởng lúc nào cũng rất quan trọng cho cuộc sống. Vậy thì chúng ta hãy xem vấn đề dưới một khía cạnh khác. Có phải ý tưởng người ta có về công chính mang một tầm quan trọng trong cách sống, đúng không?

Dạ, đương nhiên là đúng!

- Và các ý tưởng về tự do, cái chết, bình đẳng, hạnh phúc cũng đóng một vai trò trong cuộc sống phải không?

Dạ, con đồng ý, con hiểu. Có những ý tưởng điều khiển cuộc sống của chúng ta…

- Vậy thì con thấy cái quan trọng cho cuộc sống là mình phải biết ý tưởng nào đúng ý tưởng nào sai. Tưởng tưởng một người có ý tưởng sai về hạnh phúc hay về tự do. Họ muốn hạnh phúc, tự do nhưng họ đi lầm đường, họ lạc và chắc chắn họ làm rất nhiều cố gắng mà chẳng được gì! Họ tưởng ý tưởng họ đúng, nhưng nếu nó sai thì có thể họ sẽ thất bại, đời họ sẽ tiêu tùng.

Nhưng nếu đó là ý tưởng sai, tại sao lại nghĩ nó đúng?

- Con đặt câu hỏi rất đúng! Câu trả lời rất đơn giản: một ý tưởng sai mà họ nghĩ đúng là vì họ chưa quan sát, chưa nhìn cho gần. Và chúng ta gặp điều này xảy ra luôn. Và đó cũng là tình trạng thường xảy ra và bình thường nhất. Tôi nghĩ có một cái gì đúng ở đây va tôi nghe người ta nói đến hoài. Khi còn nhỏ tôi đã học như vậy và mọi người lặp lại cho tôi nghe như thế. Gần như tất cả những ý tưởng tôi có trong đầu là từ bên ngoài đưa đến. Chúng vào trong đầu tôi mà tôi không biết chúng vào bằng cách nào. Từ gia đình, từ bạn bè, từ môi trường chung quanh. Chung chung thì chẳng phải chúng ta dựng lên những ý tưởng đó! Cũng chẳng phải chúng ta sáng chế ra các từ để chúng ta nói chuyện với nhau.

Thường thường, các ý tưởng này đã định vị trong đầu chúng ta, chúng trở nên những ý tưởng của "chúng ta" mà không phải do chúng ta thật sự chọn lựa. Hiếm khi chúng ta nói "vâng" hay "không." Trên thực tế, chúng ta không đi tìm để biết chúng đúng hay sai.

Như vậy có thể chúng ta có cả đống ý tưởng sai trong đầu mà không biết?

- Đương nhiên! Và còn tệ hơn thế nữa: hàng tá cái sai mà mình cố thuyết phục đó là đúng với đầy lý lẽ!

Như vậy làm sao giải quyết? Làm sao mình chữa vấn đề này?

- À… mình không chữa lành nhưng mình triết lý! Chắc chắn đây là cách duy nhất mình có được kết quả mong muốn cho những vấn đề mình bàn cải: dò tìm các tư tưởng của chúng ta, chứng nghiệm và chọn lọc nó.

Nhân tiện con sẽ thấy, chúng ta sẽ có được một kết quả mới: triết lý cũng là một cách phê bình. Triết lý không phải chỉ là việc đi tìm chân lý trong lãnh vực ý tưởng. Để đạt đến mục đích này, nó bắt buộc phải gạt ra ngoài những ý tưởng sai. Triết lý dò tìm những ý tưởng sai không để nó làm hại.

Người ta có thể nói một cách khác: các ý tưởng, ai cũng có. Chúng ta có những ý kiến, những tín ngưỡng, những xác quyết. Các ý tưởng này có thể bao gồm nhiều lãnh vực như chính trị, tôn giáo, đạo đức, công chính, nghệ thuật… Toàn bộ các ý kiến, các niềm tin mà chúng ta có chưa thật sự là triết lý. Triết lý hành vi có suy nghĩ, nó chỉ bắt đầu khi chúng ta tự hỏi: "trong tất cả những ý tưởng đang có trong đầu tôi bây giờ, cái nào là đúng?" Suy nghĩ triết lý không phải chỉ đơn thuần suy nghĩ, có ý tưởng. Nhưng là bắt đầu quan sát các tư tưởng riêng của mình, giống như thử mình đứng ngoài nhìn, giống như mình muốn dọn dẹp lại đầu óc.

Đó là một sinh hoạt đặc biệt. Ba nhắc lại thêm một lần nữa, nó không phải đơn thuần là suy nghĩ. Người ta có thể suy nghĩ một đống chuyện khác nhau. Nghĩ đến ngày mai làm cái gì, hôm qua làm gì, nghĩ đến việc học, đến việc làm… Tất cả suy nghĩ này không gọi là triết lý.

Tóm lại, triết lý là những suy nghĩ đặc biệt…

- Đúng vậy! Ba nói thêm không phải nó đặc biệt với nội dung của nó mà còn với phong thái của nó.

Ba muốn nói sao?

- Đúng ra cái làm cho những tư tưởng triết lý "đặc biệt" không phải là những vấn đề nó đề cập đến (chẳng hạn tự do, công chính, cái chết, Thượng Đế vv…). Trên những vấn đề này, ba có thể có những tư tưởng nhưng không bắt buộc đó là tư tưởng triết lý. Cái mà ba gọi là phong cách của những tư tưởng triết lý, nếu con thích, con có thể gọi đó là "lối sống", là cách chứng nghiệm, đặt vấn đề để biết nó đúng hay sai hoặc đơn giản hơn, để biết nó nói cái gì. Và đó là những điều làm cho nó trở thành đặc biệt.

Ba có thể cho con một ví dụ?

- Đồng ý. Con biết về số?

Biết chứ, con biết số chẳng, số lẽ, số hàng chục…

- Đúng, nhưng số là gì?

Số là số!

- Hoan hô! Vậy là chúng ta đã tiến một bước khá xa rồi… Vì con đã biết, con nói cho ba biết nó như thế nào.

Là những con số.

- Không! Các số từ 0 đến 9 chỉ để dùng để viết số, nhưng sự thật thì nó khác: con có mười con số nhưng con có vô tận các số… con có thể viết cùng một số, số 3 chẳng hạn bằng số la mã (III) hoặc số ả rập (3). Như vậy không giống nhau, số và con số. Vậy ba hỏi lại: số là gì?

Là dụng cụ dùng để đếm.

- Giống như máy tính, giống như các ngón tay?

Đơn giản như vậy! Số là số, đây có hai đôi bít tất, kia có ba ngọn nến…. Khi nhìn nó, con biết là nó và con nói "hai," "ba." vv…

- Rồi làm sao con đếm nếu con không có số? Con hãy suy nghĩ… Không phải vì con thấy các ngọn nến mà con có ý tưởng số ba. Bởi vì trong đầu con đã có số này và con biết đó là ba ngọn nến chứ không phải bốn hay năm.

Chuyện này đúng là nhức đầu… Đúng là con không biết cách nào để giải thích một con số! Nhưng vì sao ba hỏi con câu hỏi này?

- Để con biết phong cách đặc biệt của những câu hỏi triết lý. Số, thoạt tiên người ta tưởng đó chỉ là lãnh vực toán học và nhất là như con nói, người ta biết rõ nó là cái gì. Nhưng ngay khi bắt đầu tìm hiểu nó thì người ta bị lúng túng, người ta chợt nhận ra mình không biết. Người ta tưởng là rõ ràng, hóa ra là mờ mờ, là lẫn lộn. Tưởng mình biết và rồi không còn biết nữa. Thật là bực mình!

Cái cách các triết gia đặt câu hỏi cũng hay tạo ra bực mình như vậy. Socrate là triết gia đầu tiên trở nên nổi tiếng vì cách gợi lên thắc mắc nơi lòng người khác bằng cách này. Ông đi dạo trên các đường phố ở Athènes – Hy Lạp – dưới chân đền Parthenon, ông bắt đầu thảo luận với những người qua lại và chỉ cho họ thấy họ nói sai mà họ không biết.

Chẳng hạn, Socrate hỏi một chiến binh lớn tuổi, ông là vị tướng am hiểu chiến tranh nhưng hay bại trận. Vị tướng này tưởng mình hiểu thế nào là can đảm. Socrate yêu cầu ông giải thích, ông nói can đảm là không sợ. Socrate hỏi như thế nếu có người rất sợ nhưng vẫn chiến đấu và vượt qua được cơn sợ, vậy họ không can đảm hơn người không biết sợ. Ông đại tướng đồng ý. Như vậy ý tưởng của ông về can đảm không đúng. Đó, con tưởng tượng xem, ông tướng này sẽ rất giận khi có người nói cho biết ông đã lầm trên lãnh vực mà ông nghĩ ông biết hơn ai hết!

Có rất nhiều loại ví dụ như thế này trong các đối thoại của Platon, Platon là đồ đệ của Socrate đi theo Socrate để học và để ghi chép các lời dạy của Socrate. Và cứ như thế, Socrate hỏi một ông giáo sư khá kênh liệu về thế nào là cái đẹp vì ông này lúc nào cũng tự hào mình biết rất nhiều chuyện, đủ các loại vấn đề. Vị giáo sư bật cười: câu hỏi quá dễ! Câu trả lời là trò chơi con nít, ông thuộc lòng các câu trả lời này, Socrate cứ chọc thiên hạ cười với những câu hỏi dễ ợt… Câu trả lời rất đơn giản: một cái lọ bằng vàng, đó là cái đẹp, ông giáo sư trả lời.

Lúc đó, Socrate mới giải thích nhưng xem ra thì ông kia chẳng hiểu gì hết câu hỏi của Socrate. Ông không yêu cầu cho một ví dụ về cái đẹp mà ông hỏi thế nào là "cái đẹp," đẹp là gì và làm sao định nghĩa cái đẹp. Mất một lúc, người kia cũng không biết Socrate muốn hỏi gì và cũng không biết ông đã sai ở chỗ nào. Ông tiếp tục sai khi nói cái đẹp là một con ngựa đua đẹp, một cô gái đẹp. Socrtae hỏi về cái đẹp, có nghĩa là cái gì chứng minh các ví dụ này (cái lọ, con ngựa, cô gái) có một điểm chung được gọi là "đẹp", cái mà Socrate quan tâm, đó là…

Ý tưởng về cái đẹp?

- Đúng rồi! Và cuối cùng khi vị giáo sư biết-mọi-chuyện hiểu ra câu hỏi thì ông đâm ra bối rối. Ông ngớ ra là mình không thể định nghĩa được cái đẹp. Như mọi người, ông nghĩ ông biết thế nào là cái đẹp vậy mà bây giờ ông không biết gì hết. Giống như con hồi nảy, con nghĩ con biết về số…

Và có rất nhiều chuyện như thế, mình tưởng mình biết mà thật sự mình không biết phải không?

- Cả hàng ngàn chuyện! Có một triết gia danh tiếng tên là Augustin nói: "Khi người ta không hỏi tôi thế nào là thời gian thì tôi biết nhưng khi có người hỏi thì tôi không còn biết nữa." Con hãy suy nghĩ về ví dụ này. Có vô số ý tưởng như vậy. Giống như thời gian, mình tưởng mình biết khi không có ai đòi mình giải thích một cách rõ ràng chính xác. Nhưng khi có người yêu cầu mình giải thích rõ ràng thì mình bị bối rối. Triết lý là thử làm cho mình ra khỏi cái bối rối này.

Khỏi bối rối được sao?

- Đúng, thường thường là được. May là tất cả các câu hỏi gần như đều có câu trả lời! Trong triết lý, có những vấn đề người ta tìm được giải pháp để giải quyết. Đương nhiên không phải là luôn luôn, bởi vì cũng có lúc mình rơi vào những vấn đề mới mà càng đặt câu hỏi càng thêm rối. Nhưng không sao. Ngược lại, đó cũng là điều tốt…

Nhưng bối rối đâu có phải là chuyện tốt!

- Đúng vậy. Rất đơn giản, phải bắt đầu đồng ý với nhau về nghĩa của "bối rối." Trong đời sống hàng ngày, mình không thích bị bối rối. Mình loại những vật choán nhiều chỗ (thùng hộp, va-li to bự) làm cồng kềnh, choán đường đi. Tinh thần cũng vậy: thói quen, mình loại bỏ những lo lắng mà đôi khi có thể làm mình tê liệt, tạo bối rối trong đầu nếu nó chiếm quá nhiều chỗ.

Không phải trong nghĩa này mà mình tưởng rằng các triết gia thích những chuyện bối rối. Bối rối ở đây là những chuyện làm họ ngạc nhiên và đẩy họ đi tìm tòi. Nếu ba hỏi con thế nào là số, đầu tiên hết con bối rối vì con ngớ ra không biết làm sao mà trả lời trong khi đó là một chuyện đương nhiên. Cũng xảy ra như thế với người mà Socrate hỏi thế nào là can đảm, là cái đẹp, họ cũng có cảm giác như vậy. Triết gia Augustin cũng cảm thấy vậy khi người ta hỏi ông về thời gian.

Ba nghĩ triết lý nảy sinh từ hình thức bối rối này, một loại bối rối đặc biệt. Đó là điểm khởi đầu. Ngạc nhiên cũng là điểm khởi đầu. Người ta tự hỏi: "Sao vậy? Tôi không biết rõ ràng thế nào là số, là can đảm, là cái đẹp. vậy tôi phải đi tìm!"

Triết lý lúc nào cũng bắt đầu vì mình ngớ ra về cái không hiểu biết của mình. Chúng ta không biết trả lời, vậy mà chúng ta nghĩ chúng ta có câu trả lời và dễ dàng trả lời.

Cái cảm giác mình không biết gì làm cho mình chưng hửng…

- Đúng, chẳng dễ chịu chút nào. Có sẵn các câu trả lời có phải yên tâm hơn không. Cứ mỗi lần thấy mình không biết gì là mình bị sốc. Con có lý, mình bị chưng hửng. Cũng giống như khi không còn tấm thảm lót chân, mình mất thăng bằng, mình không có điểm tựa. Trên quan điểm này, triết lý lúc nào cũng "lo lắng" – theo nghĩa đầu tiên của từ này, có nghĩa là không yên tỉnh, không nghỉ ngơi được. Mình có cảm giác yên bình khi mình biết chắc. Con có lý khi nói đây là điều khó chịu. Cũng vì lý do đó mà nhiều lúc người ta không thích các triết gia: họ làm mình mất ngủ, họ thức mình dậy. Và vì họ, mình lên đường tìm tòi.

Để đi đến đâu?

- Con đoán đi!

Tìm sự thật?

- Đương nhiên! Và đây là một chuyến viễn du dài lâu, khó khăn, mệt mỏi lại chẳng bao giờ biết chắc là mình sẽ đến đích. Dù vậy, từ khi triết lý xuất hiện trong lịch sử loài người, lúc nào cũng có những người sẵn sàng hy sinh tất cả để đi trên con đường này.

Vì sao họ làm như vậy? Vì sao họ muốn tìm sự thật?

- Để khai phá, có thế thôi! Có một cái gì nơi con người làm cho họ mong muốn đi tìm sự thật. Chúng ta đừng lo chuyện đi tìm cái đó đến từ đâu, làm sao nó vận hành. Những câu hỏi đó sẽ dẫn chúng ta đi rất xa. Nhưng chúng ta nên xem tầm quan trọng của "cái gì đó" làm cho con người đi tìm sự thật. Người ta gọi đó là ước muốn được biết. Đúng là cùng một chuyện giống nhau: không ai muốn biết chuyện gì sai. Khi người ta muốn biết là người ta muốn biết sự thật.

Không phải chỉ có các triết gia! Những người trẻ như chúng con và cả cha mẹ… 

- Đúng rồi. Và ai nữa?

Các nhà khoa học, chẳng hạn, mình đã nói từ hồi đầu.

- Con có lý, đúng là giống nhau. Triết gia hay nhà khoa học chẳng khác gì to lớn cả.

Sao vậy? Nhưng không phải cùng một chuyện!

- Đúng là ngày nay rất khác biệt. Và dưới mắt con, công việc của các nhà sinh hóa, hóa học hay địa chất thì rất xa với công việc của các triết gia. Nhưng sự tách rời này tương đối mới xảy ra gần đây. Trong nhiều thế kỷ, các triết gia làm công việc của các nhà khoa học, toán học, vật lý học, họ vừa làm vừa suy nghĩ về các vấn đề luân lý, chính trị.

Chỉ có một ước muốn là được biết, biết mọi chuyện; biết mọi chuyện trong nghĩa là họ có thể hiểu và biết, va trong mọi lãnh vực. Vì thế các triết gia thời Cổ Đại, thời Trung Cổ muốn vừa biết cơ chế nước thủy triều lên xuống cũng như cách tổ chức một guồng máy quốc gia tốt nhất. Điều đó không ngăn họ tìm hiểu cùng một lúc về công chính, hạnh phúc, tính thiện hay tình bạn. Họ vừa hiểu tâm hồn con người được cấu tạo như thế nào vừa hiểu bộ máy tiêu hóa của loài cá…

Tóm lại, giấc mơ của triết lý là làm sao hiểu được mọi chuyện, bao gồm được tất cả các hiểu biết. Đàng sau giấc mơ ý tưởng là làm sao sự thật không bị cắt ra bởi nhiều lãnh vực độc lập nhau: nơi đây là sinh hóa, nơi kia là chính trị, nơi nọ là luân lý.

Nhưng làm sao tất cả các tìm tòi này có thể đặt chung với nhau?

- Đối với chúng ta ngày nay khó mà hiểu được. Trước khi các lãnh vực này được phân chia rõ ràng, chúng ta khó mà tưởng tượng được. Dù vậy, khái niệm đồng nhất về hiểu biết đã kéo dài rất lâu và nó cũng rất mạnh nữa. Nó đã ăn sâu vào trong lịch sử và ngay cả trong triết học. Vì thế không phải là vô ích để ba nói với con thêm vài phút, dĩ nhiên là nếu con muốn, về…

Được ba, nhưng đừng dài quá, con bắt đầu mệt rồi…

- Một chữ thôi: sophos. Đó là tiếng hy-lạp, chữ này có hai nghĩa: "thông thái" và "khôn ngoan". Đối với người Hy Lạp thời Cổ Đại, hai nghĩa này không phân biệt rõ ràng: thông thái thì phải biết sống tốt trên đời. khôn ngoan thì bắt buộc phải học để hiểu biết.

Có một nhân vật không thể nào ở trong thể loại này: người "thông thái điên", người có một hiểu biết đáng kể nhưng lại có tham vọng nắm quyền tối thượng.

"Ah! Ah! Ah!.. Tôi sẽ bấm nút này và tôi là bá chủ thế giới. . . ah! ah!ah!"

- Đúng vậy. Nhân vật này là nhân vật người Hy Lạp thời Cổ Đại không thể chấp nhận được. Nếu người này thông thái thì họ phải đủ khôn ngoan để không mơ mình là bá chủ thiên hạ. Nếu họ muốn làm bá chủ thiên hạ thì họ không phải là một nhà hiểu biết chân chính. Người Hy Lạp còn hiểu một cách sâu xa là sự hiểu biết cái gì đúng thì bao gồm sự hiểu biết cái gì thiện. Hiểu biết, không phải chỉ là dạy dỗ, mà còn làm biến đổi, làm cải hóa.

Điều đó có quan hệ gì đến chúng ta?

- Ít nhất là điểm này: tĩnh từ "sophos", "khôn ngoan-thông thái", con tìm từ này trong "philosophos", triết gia. "Philo", trong tiếng hy-lạp ngày xưa có nghĩa là yêu tình bạn, là làm bạn với, là mong muốn. Triết gia là người mong muốn trở nên "sophos" "khôn ngoan thông thái", là bạn của "sophia", có nghĩa là bạn của hiểu biết-khôn ngoan.

Con sẽ thấy trong quá trình lịch sử ý nghĩa đúp này (hiểu biết và khôn ngoan ở trong một chữ "sophia") sẽ bị phân chia và tách rời nhau. Một vài người xem triết lý như một loại tình yêu dành cho sự khôn ngoan, người khác thì xem triết lý là một tiến trình đi tìm để biết. Nhưng bây giờ cha con mình ngừng ở đây một lát. Mình đã đi một đoạn đường khá xa. Con nghĩ cho khỏe nhé!


2


Là người khôn ngoan hay


người thông thái



Ba hay nhắc đến Socrate và các triết gia Hy Lạp thời Cổ Đại, khi nhắc đến triết lý, người ta thường lấy họ làm điểm chuẩn, vì sao?

- Có rất nhiều câu trả lời con ạ. Trước hết, người Hy Lạp đã để lại cho chúng ta rất nhiều tác phẩm triết học. Có thể con đã nghe những tên như Platon, Aristote, họ là những thiên tài với đầu óc hiểu biết vô song. Các tác phẩm của họ mỗi người chiếm một kệ sách lớn ở thư viện và họ là gương mẫu cho các triết gia Âu châu. Các triết gia Ả rập, Do Thái cũng nghiên cứu học hỏi tác phẩm của họ nhất là vào thời Trung Cổ. Qua bao nhiêu thế hệ, người ta chẳng bao giờ ngừng đọc. Vào thời Phục Hưng và cả đến ngày nay người ta còn học hỏi các tác phẩm của người Hy Lạp – của Platon, Aristote và của nhiều triết gia lớn khác thời Cổ Đại. Dĩ nhiên, mỗi thời người ta hiểu một cách khác nhau nhưng chẳng bao giờ người ta ngừng đọc và ngừng thảo luận. Như thế các triết gia này có một ảnh hưởng đáng kể trên tư tưởng.

Nhưng tại sao? Họ có cái gì đặc biệt? Tư tưởng của họ là tư tưởng nào?

- Có thể nói họ là những người đặt ra luật chơi. Cái cách đặt câu hỏi riêng biệt của triết học. Ở trên quan điểm này, có thể nói suy nghĩ triết học là chơi trò chơi hy-lạp. Những gì cha con mình bàn luận, quyết chí tìm tòi những ý tưởng đúng, để ý đến cách nói chuyện, đó là những gì lần đầu tiên hết người Hy Lạp thời Cổ Đại đem ra thực hành.

Những chuyện này đến với họ như thế nào?

- À, đây là một câu hỏi rất khó, không ai có thể trả lời chắc chắn được. Hình như vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, ở Hy Lạp đã xảy ra một cơn khủng hoảng tín ngưỡng. Người ta bắt đầu không còn tin tưởng vào các truyền thống cổ truyền, ít nhất là không còn tin vào huyền thoại. Thay vào đó, họ bắt đầu muốn tìm hiểu. Họ tìm cách để lý luận, dùng cái đầu để tìm hiểu thế giới vận hành như thế nào. Hoặc phải dựa trên những quy tắc luật lệ nào để hướng dẫn đời sống, hoặc phải thiết đặt các luật lệ nào để bảo vệ công chính. Thế là họ nghi ngờ về những gì các nhà khôn ngoan ngày xưa nói…

Các triết gia không phải là những nhà khôn ngoan?

- Không, không thật sự như vậy. Hoặc không hoàn toàn như vậy. Chính triết gia Pythagore đã sáng chế ra chữ "triết gia" "philosophe" để nói lên cái khác biệt. Các nhà khôn ngoan là những nhà… khôn ngoan! Họ có được cái khôn ngoan. Còn về phần các triết gia, họ đi tìm cái khôn ngoan này. Họ mong muốn được khôn ngoan và làm cách nào thật tốt để minh định nó. Những gì họ tìm tòi để lên hệ thống, qua suy nghĩ và lý luận, là một phương pháp làm việc đúng, một chủ đích tốt. Khôn ngoan không còn là kho tàng cất giấu nhưng là cái gì cần xây dựng, cần trình bày. Khôn ngoan không còn là lãnh vực của huyền thoại và tín ngưỡng, nhưng là một công việc lô-gic và hợp lý.

Và những người Hy Lạp là những người duy nhất làm sự thay đổi này?

- Con lại hỏi một câu hỏi quá khó và sẽ gây ra nhiều tranh luận. Ngày xưa có rất nhiều người khẳng định chỉ người Hy Lạp mới là những người làm công việc triết lý. Họ là những nhà sáng chế ra các từ dùng trong triết học, họ cũng là những nhà sáng chế ra sự việc. Như thế họ là những người duy nhất. Họ thật ngoại hạng nên có người đã nói đó là "phép lạ hy lạp"!

Lòng tin tưởng này rất mạnh. Và bây giờ cũng còn nhiều người nghĩ như vậy. Còn ba, ba nghĩ đây không phải là một ý tưởng thật. Theo ba, có một nền triết học và các triết gia của các nền văn minh khác, ở Ấn Độ, Trung Hoa và ở nền văn minh Do Thái, Ả Rập. Người Hy Lạp rất đáng phục nhưng không phải là những người duy nhất.

Để hiểu vấn đề này, chỉ cần nhớ lại một thời buổi rất đáng ngạc nhiên trong lịch sử nhân loại: thế kỷ thứ VI trước công nguyên. Như ba đã nói, ở Hy Lạp có các triết gia Pythagore, Thalès và nhiều người khác. Với họ, nảy sinh ra nền triết học và khoa học, đòi hỏi sự hợp lý, chứng minh sự lô-gic.

Cũng thời kỳ này ở Ấn Độ xuất hiện một phong trào phi thường suy nghĩ về vai trò của con người, về bản chất các sự việc, về số phận, về cách để tâm hồn được thanh thản, lúc đó Ấn Độ không liên hệ với một nền văn minh nào. Một thời gian sau, ở Ấn, với tư tưởng của Đức Phật lại xuất hiện một loại suy nghĩ rất gần với triết lý ở nhiều điểm.

Cũng cùng thời, ở Trung Hoa, cũng chẳng liên hệ với các biến đổi trên, nở bùng ra một loại suy nghĩ mới đánh dấu thời kỳ thế kỷ thứ VI trước công nguyên. Nhà tư tưởng lớn lao Lão Tử viết quyển sách Đạo Đức Kinh bắt đầu một trường phái suy nghĩ kết hợp việc phân tích về mặt trí tuệ và việc đi tìm kiếm để được khôn ngoan. Cái điều hiếu kỳ là ngày nay người ta vẫn còn đọc các sách này, lời Đức Phật dạy, cũng như vẫn còn học các tác phẩm của những triết gia Hy Lạp đầu tiên.

Làm sao các tư tưởng xưa như thế vẫn còn tính thời sự?

- Chắc chắn vì nó không dính líu gì đến với loại thời sự cấp kỳ tại chỗ. Suy nghĩ của họ nhắm về thái độ của mình trước cuộc sống, về quan hệ của mình đứng trước mình, trước cái chết, trước ước muốn và trước người khác. Trong các vấn đề sống chết này, chắc chắn chúng ta bị chi phối bởi xã hội đang sống nhưng không mạnh lắm. Rốt cùng, giữa những triết gia thời xa xưa và chúng ta thời buổi này, điểm giống nhau thì nhiều hơn là điểm khác biệt. Xã hội Hy Lạp thời Cổ Đại chẳng giống gì với xã hội chúng ta ngày nay nhưng tư tưởng của họ vẫn rất gần với chúng ta dù họ sống vào một thời rất xa chúng ta.

Cũng có thể nói như vậy với nước Ấn, Trung Hoa, Do Thái và các quốc gia Ả Rập thời xưa. Nhà cửa, cách sống, cách ăn uống, ăn mặc, di chuyển, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày… đều không còn và cách sống của họ khác hẳn thời này. Dù vậy các tư tưởng của họ vẫn còn đối thoại với chúng ta và lúc nào chúng ta cũng có khả năng hiểu họ, tranh luận với họ.

Dù sao họ cũng đâu còn ở đây để trả lời cho chúng ta!…

- Đương nhiên, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, thiên hạ vẫn không ngừng bàn thảo với họ. Các triết gia thích ứng để đối đáp từ thời buổi này đến thời buổi khác. Qua sách vở của họ, họ vẫn đối thoại với chúng ta qua các thời đại. Đây là một tình trạng rất đặc biệt. Trên lãnh vực khoa học, không còn ai để ý đến những khái niệm xưa cũ. Còn về vật lý, sinh hóa và trong nhiều bộ môn khác, sự hiểu biết đã tiến triển, tiến bộ kỹ thuật mới đã thay thế các khái niệm cũ. Các sử gia có thể nghiên cứu sự kiện ngày xưa để tạo dựng lại câu chuyện. Nhưng nhà khoa học không quan tâm đến những lý thuyết có từ hàng thế kỷ trước đây. So với khoa học hiện nay, nó đã lỗi thời. 

Ngược lại, trên lãnh vực triết lý không có một tiến bộ thật sự nào. Dù sao, cũng không ở trong cùng một ý nghĩa. Có những nhãn quan thay đổi, những tầm nhìn mới xuất hiện nhưng nó không tài nào đuổi những tư tưởng cũ. Cũng giống như trong lãnh vực văn chương, người ta vẫn còn đọc các cuộc phiêu lưu của Ulysse trong tác phẩm L'Odyssée hay trong nghệ thuật, người ta vẫn còn chiêm ngưỡng các bức tượng, bức tranh đời xưa. Nhưng có một chút khác biệt: trong triết lý, người ta không ngừng ở chỗ thán phục các tư tưởng cũ mà còn bàn cải, tranh luận, biến đổi và dùng lại…

Dù thế, chắc chắn có những chuyện đã xưa từ thời Cổ Đại! Ba chỉ nói cho con nghe những triết gia mấy thế kỷ trước công nguyên.

- Khoảng năm thế kỷ trước công nguyên. Đương nhiên là thời nào cũng có triết gia kể cả thời đại này. Nhưng ba lặp lại, thời Cổ Đại rất quan trọng vì không bao giờ bàn cải cho xong các triết thuyết của họ nên người ta cứ phải trở lại nghiên cứu hoài. Mình có thể học hỏi được ở đó một cái gì. Mình bắt đầu nhé. Mình thử tìm hiểu những giai đoạn chính của quá trình triết lý lâu dài này. Đương nhiên không thể kể hết tất cả các chuyện. Con thử tưởng tượng xem, hai mươi lăm thế kỷ, hàng trăm triết gia, hàng ngàn quyển sách… Mình sẽ mất rất nhiều thì giờ và sẽ kiệt sức. Vậy để mở đầu, ba đề nghị mình chia đơn giản ra từng phần. Ba sẽ chia triết lý tây phương ra làm hai phần. Phần đầu là phần mình muốn được khôn ngoan. Tóm lại, đó là phần thuộc thời Cổ Đại. Phần thứ nhì mình muốn thành nhà thông thái. Đó là phần thuộc Thời Đại Mới.

Làm như thế nào để được khôn ngoan?

- Đơn giản mình tự nhủ người khôn ngoan là người tìm những ý tưởng đúng để hướng dẫn đời mình và áp dụng được trong cuộc sống của mình.

Điểm đầu tiên cần nhấn mạnh: phải đi tìm khôn ngoan và biết rằng khôn ngoan sẽ làm biến đổi con người mình. Đó là điểm rất quan trọng để hiểu các triết gia thời Cổ Đại. Họ muốn thay đổi cho được con người của họ. Họ nghĩ ra những bài tập để thực tập và làm cho được. Họ rèn luyện. Trong bối cảnh này, trở nên triết gia không phải là thầy dạy học. Không phải lên lớp giảng, không phải viết sách. Đó là thay đổi đời sống, có một cái nhìn khác về cuộc sống.

Các triết gia này không viết sách?

- Không phải tất cả mọi triết gia đều viết. Ai viết là vì họ xem đây là phương tiện để hiểu thêm con đường đi đến khôn ngoan. Hoặc xem đó là thao luyện để có được khôn ngoan.

Nhưng vì sao họ lại muốn mình khôn ngoan? 

- Đơn giản là để được hạnh phúc! Và có hạnh phúc hoài. Người khôn ngoan sẽ thay đổi con người của họ để không làm mất hạnh phúc, không bị lo lắng, không thất vọng, không bứt rứt, không ghen tuông, không mong chờ, không hối tiếc chuyện gì. Họ lúc nào cũng thanh thản, không bối rối. Họ có thể rời cuộc sống này như đứng dậy rời khỏi cái bàn, không hốt hoảng…

Không ai có thể làm được như vậy!

- Ngày xưa các triết gia cũng biết là không có ai làm được như vậy. Chắc chắn họ cũng đã nói không ai có thể trở nên khôn ngoan được. Nhân vật khôn ngoan này là người lý tưởng. Nơi chân trời. Có thể người ta sẽ không đạt tới được nhưng mình cố gắng để đến gần, nó giúp mình có một hướng đi.

Làm sao được?

- Cách sống và nhất là các khái niệm sống thì mỗi trường phái mỗi khác nhau. Với trường phái này là nghiên cứu tri thức, rèn luyện hiểu biết để mở cánh cửa hạnh phúc. Chẳng hạn Platon, ông xác nhận rằng tâm hồn mình đã được tạo nên để chiêm ngưỡng chân lý. Đó là hạnh phúc tối thượng của con người, là cái gì con người có thể làm được tốt nhất cho cuộc đời họ. Triết gia Aristote cũng nghĩ như vậy, con người sinh ra là để hiểu biết. Aristote là học trò Platon, sau này ông không đồng ý với Platon trên nhiều điểm. Tóm lại, con người muốn biết và cái hiểu biết tạo cho con người niềm hạnh phúc lớn nhất.

Sống như vậy thì cũng không vui lắm!

- Ba hiểu con sẽ nghĩ như vậy… Dù vậy, con phải nhớ không phải câu trả lời của Platon, Aristote hay của các triết gia khác là quan trọng. Điều thiết yếu là ở câu hỏi, dù cho họ trả lời khác nhau: làm sao con người phải sống cách tốt nhất có thể để sống gần nhất với bản chất tự nhiên của mình, để thực hiện trọn vẹn nhất khả năng thiên bẩm của thân phận con người?

Như con thấy đó, đó cũng giống như câu hỏi về hạnh phúc. Đúng vậy, một cuộc đời thành công tuyệt vời là cuộc đời thực hiện được những gì mà con người có thể làm tốt nhất, đó chắc chắn là một cuộc đời hạnh phúc.

Và những câu hỏi khác là những câu hỏi nào?

- Lạc thú, chẳng hạn.

À, tốt hơn chứ!

- Đúng, chẳng hạn có lạc thú trong học hành, trong khám phá, trong hiểu biết, trong trí thông minh… Các triết gia của lạc thú không phải không biết chuyện này. Nhưng nguồn gốc chính của lạc thú để mang lại hạnh phúc là thể xác, dục tính, thức ăn. Đối với triết gia Épicure, nhờ triết lý, con người có thể có được hạnh phúc nếu biết bỏ đi những gì làm cho mình rối loạn một cách vô ích. Loại triết thuyết này được trình bày như một loại trị liệu, một loạt phương thuốc để chữa bệnh "không biết sống" của chúng ta. Trên con đường tìm hiểu để được khôn ngoan, đa số các trường phái triết thuyết thời Cổ Đại khuyên chúng ta một loại "trị liệu" triết lý.

Theo trường phái Épicure, phương thuốc chữa gồm bốn chấ:

Thứ nhất: không sợ thần thánh.

Thứ hai: không sợ chết.

Thứ ba: điều hòa các ước muốn, có nghĩa là đừng muốn những chuyện vô ích, không với tới được.

Thứ bốn: chịu đựng được đau đớn.

Theo Épicure, nếu mình thực hiện được bốn điều này trong đời sống hàng ngày thì mình sẽ có cuộc sống bình an. Một cuộc sống không xáo trộn, không bất hạnh. Một cuộc sống hạnh phúc, đương nhiên là với điều kiện chấp nhận cái bình thản, cái thư giãn là những cái đem hạnh phúc đến cho mình…

Ba không tin vậy?

- Dù vậy cũng có nhiều cách nhìn khác. Chẳng hạn có những triết gia chống đối cái lạc thú thanh thản nghỉ ngơi này của những người theo trường phái Épicure. Họ cho rằng lạc thú phải cao hơn, phai luôn luôn "động."

Như vậy là sao? Lạc thú của cơ thể?

- Có hai khái niệm về lạc thú trái ngược nhau.

Nghỉ ngơi: lạc thú là không có gì làm mình khổ. Không đói, không khát, không buồn ngủ, không mệt: thoải mái không đau đớn, vui sống.

Động: lạc thú là có cảm giác dễ chịu và mạnh mẻ. Ăn, uống, làm tình, nhảy, ngủ… Để cảm nhận những thích thú này, thì phải chấp nhận là mình có đói, có khát, cảm thấy sức ép của thèm muốn. Nếu con điều khiển được lạc thú, chẳng hạn xem đó là lạc thú bình thản, không có đau khổ hay đó là lạc thú do sức ép và vui sướng. Đó là điểm để thảo luận.

Vào thời Cổ Đại, các triết gia khác đã điều khiển ý chí và lòng bình thản của tâm hồn. Họ bảo vệ ý kiến cho rằng không ai có thể làm gì để lung lạc tâm hồn họ. Nó là thành trì kiên cố, ở đó chúng ta có tự do dù cơ thể bị cầm tù hay bị đau. Đó là trường phái khắc kỷ. Họ cho rằng mình có thể hạnh phúc dù chịu đau khổ thể xác, nghèo đói hay sống dưới chế độ độc tài. Bởi vì chỉ có một chuyện duy nhất trên đời tùy thuộc vào mình, một mình mình thôi: ý chí của mình.

Ngoài ra còn có các trường phái khác của thời Cổ Đại: trường phái hoài nghi và xy-níc. Những người xy-níc nghĩ rằng con đường trực tiệp nhất để mang đến hạnh phúc là con đường sống theo tự nhiên. Thế là họ bắt đầu sống như con chó (chữ xy-níc có nguồn gốc từ chữ "kunos" của hy-lạp có nghĩa là chó.) Các triết gia này không thích tiện nghi, lễ phép, luật lệ của xã hội. Họ ngủ trên lề đường và đi ăn xin để sống.

Cũng khó nhưng ít nhất họ có tự do!

- Còn những người thuộc phái hoài nghi, họ tin chắc chúng ta chẳng bao giờ biết được chân lý. Như vậy họ khuyên mình bỏ hết mọi phán xét, có nghĩa là không bao giờ nói "có" nói "không," không bao giờ tin chắc chắn một chuyện gì là tốt hay xấu, một tư tưởng nào đúng hay sai. Dưới mắt họ, nghi ngờ tất cả là con đường khôn ngoan và hạnh phúc.

Còn cả ngàn cách giải thích khác. Người ta có thể viết hàng lô sách về các chuyên gia đi tìm khôn ngoan và lối sống của họ. Nhưng đó không phải là mục đích của cha con mình! Ba chỉ muốn cho con thấy cái phong phú, cái đa dạng của các trường phái này. Từ Hy Lạp đến La Mã và chung quanh vùng biển Địa Trung Hải, qua bao nhiêu thế kỷ các trường phái này không ngừng sống động. Và rồi tất cả đều thay đổi.

Vì lý do gì?

- Vì kitô-tô giáo. Ba thế kỷ sau công nguyên, đạo kitô-tô ngày càng lan truyền khắp lãnh thổ của đế quốc La-Mã. Và chắc con cũng biết, vào năm 323, với công đồng Constantin, đạo kitô-tô trở thành đạo chính thức của đế quốc La Mã.

Một cuộc thay đổi não trạng khổng lồ đã xảy ra vào thời buổi đó. Trong những hệ quả của cuộc đảo lộn này, có một hệ quả làm chúng ta nên quan tâm đến đó là lý tưởng tìm khôn ngoan sẽ đi vào bóng mờ và cả tiến trình để có một đời sống triết lý cũng vậy.

Con không thấy có lý do. Tiến trình đi tìm khôn ngoan vẫn có thể tiếp tục chứ…

- Ồ, tiến trình đi tìm không thể nào thực hiện đầu hôm sớm mai là được. Lý tưởng đi tìm khôn ngoan không thể nào bị quét sạch hoàn toàn. Nhưng đạo kitô áp đặt một não trạng khác hẳn. Thay vì trở nên khôn ngoan thì bây giờ lý tưởng là trở nên thánh. Thánh không phải chỉ ở trong lãnh vực loài người. Thánh là vâng lời Chúa, là theo ý Chúa hoàn toàn, theo lời Chúa. Điều này không giống gì với tiến trình của các triết gia. Và nhất là người thánh thì không để ý đến hạnh phúc trần gian. Họ có thể hy sinh tất cả, họ có thể chết vì đạo. Bởi vì điều họ muốn không phải là hạnh phúc mà được cứu rỗi. Họ muốn được "cứu" một cách vĩnh cửu trong nước Trời.

Đương nhiên, trong một nghĩa nào đó, cứu rỗi là tốt, cũng là hình thức tối thượng của hạnh phúc, bởi vì đó là hạnh phúc vĩnh cửu và tuyệt đối trong việc chiêm ngưỡng Thượng Đế. Nhưng hạnh phúc đó ở trên Thiên Đàng không phải hạnh phúc mà các triết gia suy nghĩ và nghiên cứu trong lạc thú, trong đời sống tự nhiên. Với đạo kitô, người ta đi từ chân trời loài người qua chân trời thần thánh. Các triết gia, các người đi tìm khôn ngoan ở địa vị phụ, họ dần dần biến mất vào hậu trường.

Họ trở thành những người nào?

- Họ trở thành tổ tiên, những người được kính phục. Ở thời Trung Cổ người ta vẫn còn nghiên cứu họ nhưng ý nghĩa tư tưởng của họ thường được thay đổi. Người ta diễn giải khác nhau những gì họ nói. Triết lý không biến mất nhưng nó bị che khuất như nhật thực nguyệt thực. Và nhất là nó biến đổi. Từ nay người ta nói nó trở thành "kẻ hầu hạ" cho những gì tôn giáo yêu cầu. Triết lý thời Trung Cổ không mang tính độc lập. Nó không được xác định bởi những mục tiêu riêng của nó. Chỉ có tôn giáo điều khiển tư tưởng và hành động. Triết lý cung cấp cho tôn giáo dụng cụ, luật lệ để trình bày và đôi khi chất liệu, tư tưởng hay khái niệm.

Như thế triết không được tự do và tình trạng này kéo dài bao lâu?

- Cũng vài thế kỷ… Cho đến khi sự suy nghĩ bắt đầu tìm được một hình thức độc lập đối với tín ngưỡng. Nhưng khi điều này xảy ra (vào thời Phục Hưng), nền triết học đã khác nhiều so với thời Cổ Đại. Hình ảnh lý tưởng của người khôn ngoan hoàn toàn bị xóa mờ. Từ nay, hình ảnh lý tưởng là người thông thái. Triết gia đi tìm để biết. Cái họ quan tâm không còn là hạnh phúc mà là chân lý. Họ không còn giấc mơ muốn được khôn ngoan, họ mơ được hiểu biết. Không còn việc biến đổi đời sống mình, nhưng là dựng lên một hệ thống tư tưởng. Gần như triết lý hoàn toàn ở bên cạnh lý thuyết. Gần như nó chỉ còn lo một chuyện: có lý, lô-gíc, diễn giải được. Các triết gia ngày xưa người ta cũng quan tâm như vậy nhưng bây giờ nhãn quan này là tâm điểm, chiếm trọn vẹn chỗ đứng.

Dù vậy đi vào chi tiết thì phức tạp hơn nhiều, có rất nhiều trường hợp đặc biệt. Chắc có ngày con sẽ thấy các chi tiết này cần được thảo luận lại. Nhưng chung chung thì không phải là sai. Đứng hàng đầu nền triết lý hiện nay (bốn thế kỷ vừa qua tại Âu châu) là chương trình xây dựng một hệ thống các tư tưởng đúng.

Nó gồm những gì?

- Con thử tưởng tượng đó là bộ máy thông minh có thể giải thích được mọi sự. Chẳng hạn: tại sao có thế giới này, những gì mình phải làm với cảm xúc của mình, làm sao hình thành được các xã hội, phương cách thể xác vận hành, tự do, công chính, đạo đức là gì… Dù câu hỏi nào đi nữa, phải có một câu trả lời lô-gic, chặt chẽ, biện luận đúng và đương nhiên phù hợp với những câu trả lời khác trong cùng hệ thống.

Một hệ thống triết lý, gần giống như vậy: tìm cách để hiểu toàn bộ thế giới, dưới nhiều góc cạnh, vật lý, tâm lý, luân lý, chính trị…

Thật là điên rồ! Các triết lý sẽ là các vị thần với khả năng hiểu biết vô tận.

- Trong một nghĩa nào đó đúng như vậy. Cùng một lúc, đó là tham vọng cao nhất của lý lẽ: hiểu cho được toàn bộ thế giới. Đương nhiên không có vấn đề thêm vào đó một loạt vô số các chi tiết này nọ. Mục đích là nắm được một vài nguyên tắc tổ chức toàn bộ thế giới.

Nhưng không thể được, mình chẳng bao giờ hiểu được…

- Dù vậy những hệ thống triết học lớn cho rằng có thể đi đến được. Bắt đầu từ một số điểm khởi sự, mười mấy điểm chẳng hạn, họ khẳng định là có thể giải thích được toàn bộ những gì đang xảy ra trên thế giới.

Ba có thể cho con biết một vài vì dụ không?

- Chẳng hạn trong máy vi tính, con có thể viết vào hàng ngàn ngày tháng lịch sử. Khi con đánh vào ngày 14-07-1789 thì máy sẽ hiện ra ngày giải phóng ngục Bastille. Đó không phải là một hệ thống, đó chỉ mới gom lại các dữ kiện.

Nhưng nếu con muốn biết 1234×1234=? thì lúc đó máy vi tính không đi tìm dữ kiện trong bộ nhớ, nó "làm" bài toán nhân nếu máy có chương trình tính toán.

Vậy thì hệ thống triết lý giống như bộ máy tính. Nó có thể đưa ra câu trả lời nếu mình cung cấp cho nó nguyên tắc và luật lệ giống như máy cọng trừ nhân chia từ các con số. Như thế con hiểu rõ chưa?

Dạ… con hiểu ba muốn nói gì nhưng con thấy chắc chẳng thể nào thực hiện được?

- Sao?

Đem cả thế giới vào trong một hệ thống…

- Đúng đây là dấu hiệu điên cuồng của các triết gia, họ nghĩ có thể hiểu được hoàn toàn thế giới bằng tư tưởng.

Thật sự có những hệ thống như vậy sao?

- Có, rất nhiều. Điều đó không có nghĩa là chúng đạt được mục đích nhưng chúng thử. Và còn có những cơ chế tư tưởng phi thường khác. Chẳng hạn nơi triết gia Descartes, Spinoza hay Leibniz. Chúng ta không đi vào trong các vũ trụ này. Đúng ra từng hệ thống này tự nó là cả một vũ trụ riêng. Điều ba muốn nhấn mạnh là mình ở rất xa các triết thuyết thời Cổ Đại. Mục đích chính của triết lý là hiểu được thế giới. Không còn tìm cách để trở nên người khôn ngoan hay tìm cách biến đổi cuộc sống mình. Mục đích tối thượng là làm sao nắm cho được thực tế qua tư tưởng, một cách lô-gíc và có lý lẽ.

Một trong những tác giả cuối cùng của những hệ thống lớn là triết gia Đức Hegel ở thế kỷ 19 đã có một công thức: "Tất cả những cái gì thật thì không hợp lý, tất cả những gì không hợp lý thì thật."

Ba thử nói rõ hơn.

- Tất cả những gì có vóc dáng sự sống trong thế giới này thì có thể hiểu được bằng đầu óc và tất cả những gì có thể hiểu được bằng đầu óc thì có vóc dáng của sự sống trong thế giới này. Gần gần như vậy. Nói một cách khác, thế giới này và đầu óc thì hoàn toàn tương hợp nhau. Đến một giới hạn, chúng có thể trùng nhau. Triết gia Đức Hegel gọi đó là "cái biết tuyệt đối."

Thôi mình nghĩ một chút ba nghe!

- Được con. 


3

 
Lần bước theo con đường của chữ



- Chúng mình ôn lại: mình đã nói triết lý là sinh hoạt của tư tưởng và đi tìm chân lý. Chúng ta đã thấy những tư tưởng này có thể làm thay đổi cuộc sống chúng ta. Cuối cùng chúng ta nhận ra, trong lãnh vực suy tư triết học, tất cả khởi đầu bằng sự ngạc nhiên, vì trước hết, ngạc nhiên làm mình mất thăng bằng. Cú sốc này khởi phát con đường đi tìm chân lý. Và con đường tiến về hiểu biết bao gồm thế giới vật lý, vật chất lẫn các giá trị đạo đức, trước khi hai lãnh vực hiểu biết và khôn ngoan tách biệt nhau. Ba tóm như vậy con hiểu chưa?

Dạ, con hiểu như vậy.

- Có thể mình phải nói thêm triết lý là tìm để biết xem chúng ta có được những tư tưởng đáng gọi là tư tưởng hay không (không phải ảo tưởng hay tư tưởng ma quái) và những tư tưởng này phải là những tư tưởng đúng.

Nhưng đâu là khác biệt giữa "tư tưởng đáng gọi là tư tưởng" và "tư tưởng đúng"? Con không chắc là con hiểu rõ chuyện này.

- Một tư tưởng đáng gọi là tư tưởng, đó là tư tưởng mình sắp giải thích, một tư tưởng đứng vững sau khi được suy nghĩ khảo nghiệm.

Nhưng một tư tưởng đứng vững thì nó phải đúng!

- Hoan hô, con vừa đụng đến một điểm rất quan trọng. Đúng vậy, đối với rất nhiều triết gia, không có khác biệt giữa hai chuyện này: một tư tưởng đáng gọi là tư tưởng phải là một tư tưởng đúng. Nếu nó được xây dựng tốt thì nó phải phù hợp với một thực tế. Con đã nói đúng! Nhưng trên điểm này chúng ta còn khối chuyện để học hỏi.

Bởi vì chúng ta chưa tìm hiểu một"tư tưởng được xây dựng đúng", "mạch lạc". Mình cũng chưa biết bằng cách nào người ta "thử nghiệm" các tư tưởng, làm sao chứng nghiệm chúng đúng hay sai. Để biết được, chúng ta dùng cái gì để tìm hoặc để truyền đạt tư tưởng. Con nghĩ sao?

À… Người ta dùng sách vở, báo chí, đối thoại. Hoặc dùng điện thoại, máy vi tính.

- Trong tất cả những điều này, đâu là điểm chung? Con suy nghĩ đi, nó ở trước mặt con đó…

Các chữ?

- Đúng rồi! Đương nhiên! Các chữ, lúc nào cũng là các chữ. Chúng ta mở đường vào tư tưởng bằng các chữ và qua phối hợp của các chữ. Vì thế các triết gia lúc nào cũng cẩn thận về cách diễn tả của họ. Vai trò của ngôn ngữ là trọng tâm và đó là điều ba muốn làm sáng tỏ ở đây. Các triết gia ngày xưa họ đã biết cách dùng ngôn ngữ nhưng vào thời buổi này, câu hỏi này trở nên điểm thiết yếu cho nền triết học.

Chúng ta cùng đi lui lại đàng sau một chút. Triết lý không phải là các hành vi hay các cử động tay chân mà nó là lời, là câu, là sách. Đó là sinh hoạt của những diễn từ, những chữ nối tiếp những chữ một cách có tổ chức.

Có nhiều lãnh vực khác liên hệ đến diễn từ và ngôn từ. Chẳng hạn văn chương thi ca và cả lịch sử địa lý. Nhưng trước hết chúng ta cần nói cho rõ cái gì phân biệt triết lý với các sinh hoạt dính tới ngôn từ. Vóc dáng, phương cách, phong cách?

Tại sao?

- Con tìm đi!

Vì ngôn từ có thể làm chuyện tốt cũng như chuyện xấu!

- Đúng, con tiếp tục… Đào sâu tư tưởng ở hai mặt: xấu và tốt, rồi sao nữa?

Cái đúng cái sai?

- Đúng vậy. Ngôn từ có thể hướng dẫn mình đi đúng mà cũng có thể làm mình đi lạc, có thể cho mình tin tức mà cũng có thể đánh lừa mình. Ngôn từ giống như con dao hai lưỡi. Vậy mà triết lý là môn học đi tìm tư tưởng đúng qua ngôn từ, đúng là oái oăm.

Con thấy oái oăm ở chỗ nào?

Nó vừa dùng ngôn từ để diễn tả vừa phải coi chừng ngôn từ?

- Đúng rồi. Triết lý dùng chữ để chiến đấu với chữ… Cùng một lúc đó là dụng cụ duy nhất để đi tìm tư tưởng đúng mà cũng là nguồn gốc của một số tư tưởng sai.

Tư tưởng sai cũng đến từ chữ?

- Tất cả các loại ảo tưởng và vấn đề mà triết lý dùng để chỉnh đốn hoặc để né tránh. Mình sẽ xem vài ví dụ. Chắc chắn con sẽ thấy kỳ kỳ nhưng ba xin con kiên nhẫn.

Như ba đã nói: cách của triết gia quan tâm đến chữ không giống như các nhà thơ, các tiểu thuyết gia. Họ không tìm các câu hay ho, cảm động hay khêu gợi. Họ muốn những câu diễn tả chính xác tư tưởng. Điều kiện đầu tiên, các câu phải đúng với ngôn ngữ, với cấu trúc. Cái mà người ta gọi là cú pháp. Không có điều kiện đầu tiên này, không làm gì được hết. Con tưởng tượng xem nếu ba nói: "xanh và hoặc dù vậy."

Sao?

- "Xanh và hoặc dù vậy."

Không ra cái gì hết!

- Đúng vậy, không ra cái gì hết. Đó là mấy chữ mà nếu để riêng từng chữ thì con sẽ hiểu nhưng ráp lại thì không có một ý nghĩa nào hết. Điều kiện đầu tiên: để nghiên cứu một tư tưởng thì phải làm một câu cho đúng.

Nhưng điều đó chưa đủ, nếu ba nói với con "cái vòng này vuông," câu này đúng gồm chủ từ, động từ và túc từ nhưng nó không có nghĩa và không hình dung được. Nó không chứa một nghĩa. Con thử nghĩ xem có cái vòng nào vừa tròn vừa vuông! Hoặc nó tròn, hoặc nó vuông không thể vừa tròn vừa vuông!

Ba, mình đang nói chuyện triết lý hay nói đang chơi đố mẹo đây?

- Kiên nhẫn con… Bởi vì chuyện này quan trọng đây. Nếu mình muốn tìm sự thật trong lãnh vực tư tưởng thì mình phải dùng các câu các chữ. Cũng như các ngành khác, các chữ làm thành câu. Chân lý không phải là nữ thần, là vùng xa xôi huyền bí không đến được. Đơn giản phải dùng các câu: có câu đúng có câu sai. Phải xem xét cấu trúc của câu và xem nó có ý nghĩa nào không.

Công việc đầu tiên có thể làm được là để qua một bên các câu kiểu "vòng tròn vuông". Những câu này không dính vào một nghĩa nào hết. Đó là mâu thuẫn, mình phải loại nó vì không có cách nào để suy nghĩ theo kiểu đó. Ngược lại mình có thể suy nghĩ hàng tá chuyện không có tính cách mâu thuẫn dù những chuyện này không có trong thực tế. Chẳng hạn, ba có thể nghĩ đến một hòn núi bằng vàng hay một con ngựa có cánh. Đó là những chuyện có thể suy nghĩ được. "Trong tư tưởng" chúng có thể suy nghĩ được dù chúng không có trong thực tế. Nó không cùng loại với vòng tròn vuông. Đó là một trường hợp khác mà người ta gọi đó là "lông rùa."

Lông rùa?

- Đây là câu chuyện khôi hài của các triết gia phật giáo ngày xưa. Họ tưởng tượng họ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Lông rùa mềm hay cứng?" Trên thực tế không có câu trả lời cho câu hỏi này, không có câu trả lời đúng cũng không có câu trả lời sai. Đơn giản là vì con rùa không có lông…

Lần này sự việc còn khác nhau: ba có thể nghĩ đến lông rùa hay núi bằng vàng nhưng ý tưởng này không phù với thực tế.

Trước khi biết một tư tưởng đúng hay sai thí ít nhất có ba chuyện phải làm:

1- xem cái câu diễn tả tư tưởng đó có thuộc loại câu khó hiểu kiểu "xanh và hoặc dù vậy", loại câu không có điểm nào để dựa lên mà suy nghĩ.

2- xem câu đó có mâu thuẫn kiểu "vòng tròn vuông" làm cho tư tưởng không thể nào nghĩ ra được.

3- xem câu đó trên thực tế có thật không chứ không phải loại câu kiểu "lông rùa."

Con sẽ thấy: nếu con bình tâm suy nghĩ thì sự việc không đến nỗi rắc rối. Tuy nhiên cũng không đến nỗi trầm trọng nếu con không nắm vững tất cả hệ quả của những gì ba vừa nói. Quan trọng là hiểu trên lãnh vực triết lý, để tìm những tư tưởng đúng, bắt buộc phải làm việc với chữ nghĩa, với ngôn ngữ, với lô-gic có nghĩa là phương cách để các chữ và các tư tưởng được cấu trúc với nhau. Các triết gia Hy Lạp thời Cổ Đại đã thấy rõ điều này. Con có biết từ "lô-gic" đến từ đâu không?

Con không biết.

- "Lô-gic" có từ chữ "logikos", tỉnh từ của chữ "logos". Logos là một chữ rất kỳ lạ. Con nhớ chữ sophos vừa có nghĩa thông thái vừa khôn ngoan. Logos vừa có nghĩa là "lời nói" (ngôn ngữ) vừa có nghĩa là "có lý" (khả năng suy nghĩ, xây dựng được cách trình bày, các suy diễn) và vừa có nghĩa là "phép tính"! Trong tiếng Hy Lạp khi người ta nói con người là một con vật "logikos" thì có nghĩa con người là một con vật "biết nói" và có "khả năng lý luận."

Đó là chỉ dẫn quan trọng cho những gì chúng ta đang quan tâm đến. Nói và suy nghĩ là hai sinh hoạt kết dính chặt chẽ với nhau. Mối dây tư tưởng giữa chúng, quan hệ của chúng, ngay cả sự tồn tại của tư tưởng cũng liên hệ trực tiếp với ngôn ngữ loài người. Rốt cùng, có khả năng lý luận cũng là có khả năng vận hành các dấu hiệu của ngôn ngữ. Mặt khác, con sẽ thấy các chữ nói lên tư tưởng chứ không phải sự vật…

Con không đồng ý chút nào. Nếu con nói "hồi nãy con cắm hoa trong bình và bây giờ con đến ngồi trên ghế," đó là con nói đến sự vật! Câu này rất cụ thể: cái hoa không phải là tư tưởng! Cái bình, cái ghế cũng không phải tư tưởng!

- Như vậy ba sai. Theo con, các chữ không nói đến tư tưởng mà nói đến những vật có thật, những người có thật…

Đúng, đúng như vậy.

- Xin lỗi con, đó chỉ là ảo tưởng. Đây là ví dụ một tư tưởng người ta tưởng là đúng nhưng nó không đứng vững.

Sao vậy? Nó đúng mà! Con nói đến cái hoa, cái ghế, con đâu nói một tư tưởng!

- Nếu con nói chữ "hoa" với bất cứ ai, người đó sẽ nghĩ gì?

Đương nhiên họ sẽ nghĩ một cái hoa…

- Người đó sẽ nghĩ đến cái hoa này, cái hoa đang ở đây, bây giờ mà con vừa cắm?

Chắc chắn là không. Ba hỏi gì kỳ vậy?

- Ba hỏi thêm một câu hỏi kỳ lạ: có phải chữ "ghế" cũng vậy, họ sẽ nghĩ đến "cái ghế" của mình? Nếu con nói với người khác chữ ghế, con đồng ý là họ sẽ không nghĩ đến cái ghế con đang ngồi trên đó.

Chắc chắn là không… Ba nói gì kỳ vậy?

- Mình đi đến một kết luận sẽ không làm cho con vui đâu… Chữ "hoa" không bắt buộc người ta nghĩ đến những cái hoa đang ở trước mặt mình. Vậy họ nghĩ đến gì?

Về bất cứ một cái hoa nào?

- Đúng. Bất cứ một cái hoa nào vậy thì có phải là ý tưởng về cái hoa, bất cứ cái nào sao?

Con không hiểu gì hết!

- Ba đi trở lại. Ba luôn luôn khẳng định các chữ là dùng để nói về các ý tưởng. Con không đồng ý khẳng định của ba, con nói những chữ "hoa" "bình" "ghế" là để nói đến những sự vật ở đây. Vì vậy ba hỏi tiếp con nếu có ai nghe chữ "hoa" họ có nghĩ đến các hoa này không? Con nói không. Vậy thì họ nghĩ đến cái gì? Đến hoa "chung chung." Chỉ nói "hoa" mà không nói hoa cúc, hoa hồng, hoa cẩm chướng thì cái hoa "chung chung" này ba e đó là thuần túy và đơn giản là một… ý tưởng có về hoa! Không có một cái gì khác! Cái chung với tất cả các cái khác. Không phải là một cái hoa được, cũng không phải là một thực tế. Và tất cả những danh từ chung đều giống nhau: nó làm cho mình nghĩ về những ý tưởng, chắc chắn là chung chung chứ không phải từng sự vật. Và nó đúng cho tất cả các danh từ chung và cho mọi ngôn ngữ. Cũng vậy với "cái ghế"!

Vậy thì con ngồi trên cái gì?

- Trên cái ghế là chắc rồi…

Và đó là một ý tưởng?

- Không, đó là sự vật! Không ai trên thế giới này lại ngồi trên ý tưởng, con đồng ý phải không?

Vậy thì khi con nói cái ghế, con nói sự vật hay nói một ý tưởng?

Cả hai. Chính đó là cái khó của chúng ta. Khi con nói cái ghế, con nói về ý tưởng của một sự vật (ý tưởng chung chung về loại bàn ghế) và con ngồi trên một trong những đồ vật loại này. Có thể nói mình không được lầm lẫn cái ghế này và "cái ghế chung chung."

A!… mình đang ở đâu vậy?

- Mình đang làm sáng tỏ vấn đề, ba hy vọng vậy. Chúng ta gọi "cái ghế" trong dấu ngoặc là cái ghế theo nghĩa chung chung của bàn ghế. Chưa ai ngồi trên "cái ghế" cũng như chưa ai hái hay ngửi "cái hoa" đó. Nhưng khi con nói "tôi ngồi trên cái ghế" con dùng ý tưởng chung chung có về cái ghế để nói đến cái ghế đó, cái ghế của nhà mình. Tóm lại, con nói "cái" ghế là con dùng hình dung từ để chỉ cái vật con muốn tả. Con ngồi trong cái ghế này, trong cái ghế (cái ghế đó, cái ghế của chúng ta), chứ không phải ngồi trong "cái ghế" chung chung.

Con bắt đầu hiểu sơ sơ. Triết lý cũng vui vui… Với tất cả các chữ khác cũng như vậy sao?

- Ít nhất cho tất cả các danh từ chung. Nếu con nghe chữ "đàn bà" là con hiểu nó không ám chỉ một người đàn bà nào đặc biệt. Và không bao giờ, không bao giờ con gặp ngoài đường phố hay bất cứ nơi đâu người "đàn bà" chung chung hay người "đàn ông" chung chung hay "số hai"…

Nhưng có hàng tá chuyện có số hai, hai đôi giày, hai đôi bí tất, hai cái găng, hai mắt kiếng…

- Nhưng con không bao giờ thấy trong tủ hay trên sân trượt tuyết "số hai"! "Số hai" chỉ có trong đầu và chữ "hai" để chỉ một ý tưởng. Như con thấy đó, đó là một ý tưởng rất rõ ràng, rất đơn giản, ý tưởng chữ "hai". Con nghĩ đến nó một cách dễ dàng và con không lầm lẫn nó với các ý tưởng khác (một hay ba chẳng hạn). Rõ như vậy, chính xác như vậy nhưng lại… trừu tượng!

Không phải vậy mà con gọi là trừu tượng!

- Ba biết. Giống như mọi người, con nghĩ "trừu tượng" là một bài văn khó hiểu, không thấy rõ đâu là vấn đề. Trừu tượng là cái gì mờ ảo, hoang mang, là cái gì làm "nhức đầu"…

Đúng rồi…

- Vậy mà không! Đó không phải là một định nghĩa đúng. Phải định nghĩa một cách khác. Trừu tượng là một thực tế người ta chỉ có trong đầu mà thôi. "Hai" là số hai, là một thực tế của loại này. Con không thể sờ, nhìn, nếm số… Cụ thể là một thực tế người ta có thể sờ, nhìn, đụng đến… ngắn gọn, một thực tế vật chất. Những gì cần suy nghĩ là trừu tượng, những gì nhận thức được qua ngũ quan là cụ thể.

Con không hiểu chỗ này. Ba nói cụ thể là mình có thể nhận thức bằng một trong ngũ quan của mình?

- Đúng, chung chung mình có thể nói như vậy.

Nhưng còn các chữ, con có thể nghe chúng! Rồi con thấy chúng được viết ra như thế nào! Vậy thì sao ba nói chữ dùng để chỉ định những chuyện trừu tượng?

Hoan hô… Một câu hỏi rất hay. Con nhìn đây, ví dụ tấm bảng chỉ đường "đường cấm đi." Ai cũng biết đó là tấm bảng vẻ một hình tròn đỏ có gạch chéo đỏ. Tấm bảng này làm bằng tôn sơn đỏ. Con có thể nhìn tấm bảng này dưới mọi khía cạnh nhưng con sẽ không thấy nơi tấm tôn sơn đỏ này ý tưởng "cấm đi ngược chiều." Cái ý tưởng này chỉ có trong đầu, không có nơi tấm tôn. Người ta liên hệ một hình vẽ với một ý tưởng. Tấm tôn vẻ, cụ thể, tạo nên ý tưởng, trừu tượng. Một dấu hiệu luôn luôn có hai mặt, một cụ thể, một trừu tượng. Mặt này là sự vật, mặt kia là ý tưởng.

Với các chữ cũng vậy. Con nghe âm thanh, còn nhìn các chữ. Các yếu tố ngoại hình tạo nên ý tưởng liên hệ. Cái con nghe là âm của tiếng "hai" chứ không phải ý tưởng hai! Đó, con thấy chưa?

Thấy? Con muốn ba giải thích cho thấy tầm quan trọng của việc này. Con không thấy nó dùng vào việc gì!

- Ba hiểu. Chắc con muốn nói đại khái: " Dù đó là vấn đề hạnh phúc, công chính, sự thật nhưng vì sao phải chẻ sợi tóc làm tư trên mấy cái chữ và sự vật, trên cách làm câu, trên một đống chuyện rắc rối mà người ta không biết nguồn gốc của nó, và nó dẫn đi đâu." Đúng không?

Không, mà cũng đúng, có những chuyện như vậy…

- Đó là bình thường. Vậy thì phải sắp xếp mọi chuyện cho nó đúng chỗ để thấy cho rõ. Con còn nhớ là mình bắt đầu câu chuyện này với chủ đề: đi tìm sự thật qua các câu.

Đúng, nhưng nó có liên hệ gì với tiến trình của mình?

- Đúng vậy, tiến trình này cho chúng ta thấy muốn triết lý phải dùng chữ và một vài phương cách để đặt vấn đề. Thường thường thì người ta nói mà không hề đặt câu hỏi, gần như không suy nghĩ. Còn các triết gia thì họ chú ý đến những gì họ nói. Họ vừa nói vừa suy nghĩ, còn mọi người nói mà không suy nghĩ.

Vì thế triết lý cũng là một loại suy nghĩ về ngôn ngữ, về các cơ chế, về các quyền lực và về các giới hạn. Tìm sự thật, đuổi ảo tưởng đó là công việc làm với các chữ, qua các chữ và trong các chữ. Vì vậy mà phải học cách làm câu, làm sao để kết hợp được với các sự việc. Và cũng vì lý do đó mà phải tìm hiểu phương cách các ý tưởng liên kết với các chữ như thế nào.

Đồng ý là chúng có kẻ kỳ kỳ. Và đó vì sao mà phải học văn phạm và lô-gic! Thay vì học triết? Không, bởi vì người ta thấy ngay đây là điều rất cần thiết. Để lọc lựa các ý tưởng đúng và các ảo tưởng, chúng ta cần chữ và cần câu. Phải biết các dụng cụ này làm việc như thế nào, có thể chờ gì ở chúng và đâu là cạm bẫy cần phải tránh.


4


Rất nhiều con đường dẫn đến tự do



- Tốt, ba hy vọng bây giờ con thấy rõ ràng hơn những gì mà chữ "triết lý" muốn nói. Dù vậy, cũng còn một vòng chân trời cuối cùng để mình cùng chiêm ngưỡng nó. Chúng ta đã có những yếu tố để định nghĩa. Chúng ta đã thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ và một vài hàng về quá trình lịch sử của triết lý. Để kết thúc, chúng ta phải thấy cái đa dạng của triết học trên nhiều lãnh vực.

Ba gọi cái gì là các lãnh vực của triết lý?

- Ngày xưa người ta gọi "những mảng triết học." Cũng không đúng hơn. Ba thú thật với con ba cũng không biết nên dùng chữ nào cho đúng. Không có một chữ nào diễn tả đúng hoàn toàn. Nhưng điều thiết yếu là ý tưởng. Ý tưởng thì dễ hiểu hơn.

Triết lý là phạm vi sinh hoạt duy nhất có nhiều cách để phát triển và nhiều vùng để suy nghĩ.

Ví dụ?

- Chúng ta hãy bắt đầu cái khó nhất. Đó là lãnh vực siêu hình, một mảng triết học tìm tòi để đặt câu hỏi cho những điểm căn bản nhất của thực tế. Tại sao có chúng ta? Cái gọi là "bản thể" là cái gì? Thay vì không có cái gì tại sao lại có cái gì? Đó là các loại nghi vấn mà lãnh vực siêu hình học để ý tới.

Và người ta tìm được không?

- Tìm được gì?

Thì tìm được câu trả lời!

- Chắc chắn, nhưng chẳng có câu trả lời nào chắc chắn. Tất cả đều là những công trình xây dựng xuất phát từ lãnh vực mà chúng ta có thể kiểm chứng. Một nhánh khác của ngành triết học là lô-gic. Đó là việc nghiên cứu các chứng minh và các lý luận. Nó rất quan trọng bởi vì khi đi tìm những ý tưởng đúng, lúc nào người ta cũng có thể bị mắc bẫy qua các lý luận sai lầm.

Ví dụ?

- Ba cho con ví dụ: "tất cả xy." Bây giờ con có thể suy diễn một cách chắc chắn nếu con không biết x là gì y là gì không.

Thì tất cả y là x?

- Không! "Tất cả cô gái tóc vàng là đàn bà" điều đó không có nghĩa đưa đến kết luận "tất cả đàn bà đều có tóc vàng!" Con chỉ có thể suy diễn "một vài bà có tóc vàng." Nếu tất cả xy, vậy "một vài yx", nếu "tất cả bà tóc vàng là đàn bà "thì chắc chắn "một vài bà có tóc vàng." Đó là những gì người ta có thể suy diễn một cách mạch lạc như thế.

Sai lầm này con hay mắc phải, do đó trong lý luận nó có thể dẫn đến những lầm lạc quan trọng. Vì thế học môn lô-gic là điều thiết yếu. Lô-gic tạo nên vóc dáng cho lý luận, độc lập với nội dung của các câu.

Con nghĩ là con có thể hiểu nhưng ba nói rõ hơn cho con nghe.

Ba lấy lại ví dụ "tất cả xy," vậy ba có thể suy diễn "một vài y có thể x." Con đồng ý chứ.

Dạ dạ…

- Vậy thì ba có thể thay đổi hình thức này, nó như cái khuôn với những yếu tố khác nhau. Hồi nãy ba giả thử "x = các cô tóc vàng" "y = đàn bà," vậy "nếu tất cả các bà tóc vàng là đàn bà thì một vài bà có tóc vàng."

Nhưng trong loại lý luận này, ba có thể để những yếu tố chẳng dính gì với nhau. Ví dụ" "x = máy bay" "y = kẹo ngọt." Vậy có thế nói: "Nếu tất cả máy bay là kẹo ngọt thì một vài cái kẹo ngọt là máy bay." Câu này sẽ có nghĩa gì? Câu này phi lý, trong thực tế nghĩa của nó chẳng phù nhau. Nhưng lý luận thì đúng. Cấu trúc câu đúng. Hình thức đúng, suy diễn đúng.

Vậy thì có khả năng có thể có một lý luận đúng trên những yếu tố phi lý hoặc sai. Bởi vì lý luận là một dạng độc lập với nội dung mình mang vào để trong đó. Các triết gia thời Cổ Đại và thời Trung Cổ đã vạch ra mục tiêu này rất rõ ràng. Họ nghiên cứu, sàng lọc và xếp loại các hình thức suy diễn khác nhau. Từ một trăm năm nay, lãnh vực lô-gic rất phát triển và ngày càng mở rộng đến mức bây giờ nó trở thành một nhánh của toán học.

Nó tách ra khỏi triết học à?

- Đúng, cuối cùng là vậy. Càng ngày càng trở nên kỹ thuật, cuối cùng lô-gic thành một bộ môn riêng biệt. Và đó không phải là ví dụ duy nhất. Ngày xưa có nhiều lãnh vực khác thuộc về triết học và dần dần nó thoát ra khỏi triết học, chẳng hạn khoa tâm lý.

Hồi xưa tâm lý cũng thuộc triết học?

- Chắc chắn. Tâm lý, theo nghĩa của từng chữ là khoa học nghiên cứu về tâm hồn ("psychè" tiếng hy-lạp xưa là tâm hồn.) Suốt quá trình lịch sử, các triết gia không ngừng suy nghĩ cách nào mà các cảm giác nối kết với chúng ta, theo cách mà trí nhớ, các tư tưởng phối hợp, các cảm xúc, các tình cảm của chúng ta. Họ mô tả hàng tấn chuyện về ước muốn, tình yêu, tình bạn, tình thương xót, lòng hận thù, tính lo lắng, lòng thanh thản…

Và rồi cách đây gần một trăm năm, ngành tâm lý tách rời khỏi triết lý và ngày càng trở nên một ngành có chứng nghiệm và khoa học. Ngày nay con thấy đó, có rất nhiều trung tâm nghiên cứu trên thế giới nơi các nghiên cứu gia quan sát cách làm việc của cái đầu. Họ cố gắng khám phá cách vận hành của thị giác, hoặc cách tồn trữ trí nhớ. Họ cũng tìm cách để biết cái gì xảy ra trong đầu mình khi mình nghe nhạc hay khi mình sợ…

Tất cả các khám phá này đều nhờ đến kỹ thuật mà ngày xưa các triết gia không biết và không tưởng tượng ra. Đây là điều ba muốn nhấn mạnh, với những máy móc tân kỳ, các nhà nghiên cứu ngày nay cũng quan tâm đến cùng những vấn đề của các triết gia ngày xưa. Quan hệ giữa thân và trí luôn luôn là trọng tâm các nghi vấn của họ.

Làm sao hình thành ý thức của chúng ta? Làm sao ý chí điều khiển được bắp thịt? Vì sao chúng ta cười? Tương đương với khóc là gì? Đó là một vài vấn đề mà các triết gia ngày xưa đã khai phá và bây giờ vẫn còn là trọng tâm của các nhà nghiên cứu. Mặc khác, các nhà nghiên cứu làm việc trên lãnh vực này thường coi lại các lý thuyết của các triết gia, họ bàn thảo và nói cho chúng ta biết các triết gia ngày xưa đúng hay sai.

Nếu con hiểu đúng, ngày xưa có các triết gia, ngày nay có các nhà khoa học cùng quan tâm đến cùng câu hỏi?

- Đúng và không. Đúng, bởi vì nó đã xảy ra như thế cho ngành tâm lý và ngành lô-gic. Không, bởi vì triết gia không phải là một chủng loài đang biến mất trên quả địa cầu! Sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng ngày xưa mới có triết gia còn bây giờ triết gia được thay bằng các nhà khoa học. Tuy thế, có một lãnh vực quan trọng khác của triết học vẫn được tiếp tục phát triển từ Cổ Đại đến ngày nay và nó chiếm một chỗ khá lớn trong đầu óc của các triết gia cận đại. Đó là bộ môn "triết học đạo đứcchính trị."

Tại sao để "đạo đức và chính trị" chung với nhau? Khác nhau chứ!

- Con thấy khác nhau?

Đạo đức là chuyện riêng tư, tùy từng người. Chính trị bao gồm nhiều người hơn. Đại chúng hơn…

- Ba nghĩ điều con khẳng định cần phải được bàn cải. Đúng vậy, khi người ta ấn định cái gì "thiện" cái gì "ác" thì điều này phải áp dụng cho nhiều người và thường thường là cho mọi người! Theo ba thấy, khó để hỗ trợ cho từng cá nhân tự sáng chế cho mình một kiểu đạo đức…

Ngược lại, có một điểm chung giữa đạo đức và chính trị, đó là chúng có quan hệ với nhiều người. Các hành vi công chính hay bất chính, anh hùng hay tội phạm, đạo đức hay tật xấu, đều dính líu đến quan hệ giữa con người với nhau. Khó để làm điều thiện điều ác nếu mình là Robinson một mình trên đảo, không gặp ai hết! Chính vì mình đông người và sống với người này người khác mà chúng ta làm điều thiện điều ác với nhau.

Lúc nào chúng ta cũng làm điều thiện hoặc điều ác với một người. Và lúc nào cũng do một người nào đó làm điều thiện điều ác cho ta. Ngắn gọn, tất cả vấn đề đạo đức đều liên hệ ở điểm chúng ta sống và liên hệ với nhau. Đương nhiên là tất cả mọi liên hệ. Tình yêu, đình gia đình, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình tương thân, tình đoàn kết, tình đồng hữu hoặc cạnh tranh, tranh đua… Những liên hệ này khác nhau, nhưng nó bao gồm luật sống và mọi người, có nghĩa là đạo đức. Chính trị cũng ở trong thứ trật này. Con biết chữ chính trị có nguồn gốc ở đâu không?

Lại hy-lạp?

- Lại hy-lạp, đúng! "Politeia," đó là thể chế, cách mà quyền lực được tổ chức trong một thành phố, có nghĩa là quốc gia. Đây cũng vậy, trước hết cũng là các liên hệ giữa con người nhưng được thể hiện dưới một góc cạnh đặc biệt. Đó là làm sao biết lấy quyết định cho những công việc chung. Ai lấy? Một mình? Vài người? Chỉ định như thế nào và bởi ai? Trong một thời gian có hạn? Mãi mãi? Đó là những vấn đề đặt ra cho việc suy nghĩ về chính trị. Và các triết gia không bao giờ ngừng suy nghĩ về nó.

Các triết gia làm chính trị?

- Đúng và họ tiếp tục. Họ không làm theo cách của một một chiến sĩ công đoàn hay nhân viên chính quyền làm. Nhưng họ tiếp tục đặt câu hỏi về: một thể chế chính trị tốt nhất, bản chất của quyền lực, quan hệ giữa từng cá nhân với quốc gia. Đương nhiên có những trường phái, những phân tích chống đối nhau và các vấn đề cũng phát triển theo thời. Thời Cánh Mạng Pháp là thời các tư tưởng của triết gia ảnh hưởng rất nhiều lên chính trị, người ta bắt đầu quan tâm đến quyền của con người, đến bảo vệ quyền tự do của công dân.

Vào thời này đã xảy ra một thay đổi quan trọng về cách định nghĩa thế nào là đạo đức. Cuối thế kỷ 18, Kant, một triết gia người Đức đã đặt vấn đề này. Làm sao tôi biết cái gì tôi phải làm? Tôi có đủ khả năng để hiểu bổn phận của tôi một cách vững vàng và chắc chắn không? Đó là những câu hỏi khởi đầu.

Nhưng cũng tùy người! Mỗi người khác nhau!

- Ba lấy ví dụ của Kant đưa ra nhé. Ông nói một đứa bé mười tuổi có thể hiểu chuyện này… Một người nhận lệnh quan chức để làm chứng sai cho một người vô tội, ông không biết người này và không có một liên hệ đặc biệt nào với ông ta, nhưng nếu ông làm chứng thì người này sẽ bị lên án. Nếu ông vâng lời ông sẽ được bảo vệ và được thưởng. Nếu ông từ chối, ông sẽ bị phạt. Vậy bổn phận ông phải làm gì?

Bổn phận của ông là không làm chứng.

- Hoàn toàn đúng, nhưng vì sao?

Bởi vì người ta không thể giết một người vô tội!

- Đúng. Chính xác hơn: không được quyền giết một người mà họ không làm gì, bởi vì về mặt thể chất, người ta có thể làm… Kant nói thêm: duy nhất sự kiện làm chứng sai về mặt đạo đức là bị cấm bởi vì nó làm sai mọi cuộc làm chứng. Con thấy cái ý tưởng này: nếu người ta có thể nói dối khi làm chứng thì chẳng có một chứng cớ nào có giá trị nữa. Con có để ý đến một chuyện?

Không, chuyện gì?

- Con đã trả lời một cách bộc phát là không được làm chứng sai, không chấp nhận làm chứng sai.

Chắc chắn rồi. Vậy thì sao?

- Con có tin là các bạn con sẽ nói như vậy?

Tin chứ, chắc rồi!

- Đó con thấy đó, con không thể nói "cái đó tùy mỗi người'! Điều này không thể khác nhau cho mỗi người… Tóm lại, Kant muốn chứng minh cho thấy ai cũng biết bổn phận của họ là gì, rất dễ dàng để thấy. Và bổn phận này cũng là bổn phận của tất cả mọi người, trong những trường hợp tương tự.

Cái tùy thuộc mọi người không phải là bổn phận mà làm hay không làm. Tôi biết tôi phải làm như thế nào nhưng tôi có thể chọn cách khác… Trong trường hợp ví dụ trên, Kant tưởng tượng ra bối cảnh bi thảm: quan chức bắt ông này bỏ tù, vợ con vào tù xin ông vâng lời. Nếu ông tiếp tục bảo vệ người vô tội không quen biết này thì ông và cả gia đình bị hại.

Mình có thể tưởng tượng cuối cùng rồi ông nhượng bộ. Có thể ông muốn cứu ông và gia đình thay vì phải làm theo đạo đức. Ai cũng có tự do không sống theo đạo đức, không làm bổn phận. Nhưng không phải vì không biết hay vì bổn phận du di.

Ba muốn nói đạo đức là điều cố định và chỉ vì con người thực hiện nó một cách khác nhau?

- Đúng rồi, người ta có thể nói như vậy. Bổn phận cùng là bổn phận của mọi người nhưng quyết định làm bổn phận hay không thì mỗi người mỗi khác.

Còn một yếu tố quan trọng cần nhấn mạnh. Trong đạo đức học cũng như trong suy nghĩ chính trị, có một điểm chung liên hệ đến suy nghĩ triết học. Đó là tính phổ quát. Bổn phận là cùng bổn phận cho mọi người, cho cả đàn ông đàn bà, da trắng da đen, người giàu người nghèo, không phân biệt. Và khi nói về quyền làm người thì con nhớ ngay bản Tuyên Ngôn chung về quyền làm người. Nó không phải chỉ có giá trị ở phía Bắc hay chỉ những ngày lẻ mới áp dụng, nhưng mọi lúc và mọi nơi.

Ngoài ra con có thấy cái gì có tính cách phổ quát như vậy không?

Toán học?

- Đúng, con rất giỏi. Mình có thể nói thêm các luật lệ về lô-gic như mình vừa nói hồi nảy. Và cũng vậy trên một bình diện khác, các ý tưởng về siêu hình học: nếu người ta tìm được lý do vì sao vũ trụ này có mặt thì điều này phải đúng ở khắp mọi nơi. Con có nhận thấy một chuyện gì không? Mình đang đi trở về điểm khởi đầu.

Ba muốn nói gì?

- Này nhé, nếu có một cái gì phổ quát thì đó là ý tưởng về chân lý! Một ý tưởng thật sẽ không giới hạn cho một xứ sở nào hay một giai đoạn lịch sử nào. Nếu quả nó "đúng là thật" thì ba dám nói nó thật như "hai với hai là bốn", lúc đó mới là phổ quát, có nghĩa là đúng cho tất cả mọi người, mọi nơi, mọi lúc.

Nói một cách khác, triết học không phải chỉ là việc đi tìm những ý tưởng đúng. Ý tưởng đúng này phải phổ quát và mình có thể thấy chúng trong mỗi người để mình dùng cho lý lẽ của mình trong mọi lãnh vực và trong mọi chủ đề.

Ba thấy con có vẽ lo. Cái gì đang ở trong đầu con vậy?

Con có một vấn đề. Nếu ba nói với con như vậy thì tại sao các triết gia không đồng ý với nhau? Họ cùng dùng một lý luận. Một lô-gic. Họ cùng đi tìm sự thật. Họ đồng ý là chúng phải phổ quát. Vậy mà họ lại nói khác nhau. Tại sao?

- Đây là một vấn đề rất lớn và cũng là một vấn đề rất xưa. Từ thời Cổ Đại, cái thời mình nhắc tới hoài, người ta đã cười những bất đồng của các triết gia. Người ta cũng đã từng nói triết học chẳng dùng vào việc gì, đã từng có cảm tưởng như tham dự chợ phiên mà mỗi triết gia đứng trong quầy của mình la to lên quảng cáo: "Đây này, nơi tôi đây mới có sự thật!" người ta có thể nghi ngờ họ, chế nhạo họ hoặc làm họ nản chí.

Thật ra chúng ta ở trong những lãnh vực mà đa số chẳng ai có được cái sự thật phổ quát để cuối cùng mọi người có thể đồng ý. Nhưng điều đó không ngăn cản con người lúc nào cũng tiếp tục đi tìm.

Để suy nghĩ về triết học, cuối cùng theo ba, mình phải cùng một lúc rất tham vọng và cũng rất khiêm tốn. Rất tham vọng vì lúc nào mình cũng muốn hiểu, muốn giải quyết, muốn phân tích. Rất khiêm tốn vì không bao giờ mình được quên mục đích không thể nào đạt đến trọn vẹn này, rằng các phương tiện của mình có giới hạn, và cố gắng thì không ngơi nghĩ.

Nơi các triết gia Hy Lạp Cổ Đại có một đối lập mà chúng ta có thể dùng ở đây: Một và đa.

Tại sao?

- Đó là cách để diễn tả nhiều khía cạnh khác nhau qua hai chữ. Một: đơn vị, hợp nhất, sự kiện có được một giải pháp, một câu trả lời, một sự thật. Đa, như cái tên của nó: đa dạng, phân tán, nhiều nghiên cứu, nhiều giải pháp, nhiều câu trả lời.

Mỗi cực của hai thái cực này không thể đến được với nhau. Sẽ chẳng bao giờ có một nền triết học duy nhất. Nhưng cũng sẽ chẳng bao giờ có vô tận ý tưởng mà chúng không có một quan hệ nào qua về với nhau. Trên quả đất này cũng sẽ chẳng bao giờ có hàng tỷ hệ thống suy nghĩ mà chẳng có suy nghĩ nào giống suy nghĩ nào hoặc không thể nào hiểu được.

Tất cả đều được bàn đến dưới dạng căng thường xuyên giữa đa dạng và đơn vị. Về mặt đa dạng, lúc nào cũng có những tư tưởng mới và khác biệt, những cách nhìn đặc biệt, những mâu thuẫn. Về mặt đơn vị, lúc nào cũng có những cố gắng để nối các yếu tố này lại với nhau, để so sánh và nếu được đem lại gần nhau.

Vì thế có nhiều dạng triết gia, nhiều dạng trường phái, nhiều lãnh vực suy nghĩ nhưng chỉ có một sinh hoạt mà người ta gọi là sinh hoạt triết lý.

Đúng là có rất nhiều chuyện mà con chẳng bao giờ có thể khám phá được!

- Điều này chẳng có một chút gì quan trọng. Không ai có thể đọc tất cả mọi sách, nghe tất cả bản nhạc… Quan trọng là tìm cho được một con đường riêng của mình qua các ý tưởng. Cái điều tốt nhất là con tìm cho ra được triết gia nào là bạn, triết gia nào là thù.

Ba muốn nói cái gì vậy?

- Bạn là những triết gia khai triển những tư tưởng mà con đã có trong đầu. Họ giúp con khám phá ra sức mạnh và nguồn phong phú của một vài tư tưởng của con. Họ không bao giờ biện bác với con, họ giúp con đào sâu và làm mạnh hơn những gì con đã cảm nhận.

Còn kẻ thù?

- Là những triết gia mà khi đọc, con tự hỏi: "Nhưng làm sao người ta có thể suy nghĩ những chuyện như vậy được? Thật là vô nghĩa lý, không thể nào được! Thật là quỷ quái! Tôi không thể tưởng tưởng điều đó lại có thể xảy ra." Những kẻ thù này rất quan trọng. Họ cũng rất quý giá. Nhờ họ, con có thể thấy các nhãn quan mới, những ý tưởng mà chính con, con không bao giờ có.

Tóm lại, thiết yếu là đừng chán dù đọc những người con thích hay những người con ghét, là kêu lên những tiếng kêu vui vẻ hay giận dữ. Ba tin là nó cũng giúp con khởi phát ra tư tưởng.

Vậy nhưng cũng có thể chán, nhất là khi mình không hiểu!

- Nếu khi nào chán quá thì phải ngừng. Đơn giản là như vậy. Nhưng nói là không hiểu gì hết thì ba không tin. Không đúng. Trong một quyển sách, lúc nào cũng có một chương mà mình hiểu gần gần hết. Trong một chương, lúc nào cũng có một trang mình hiểu gần gần hết. Trong một trang khó hiểu, lúc nào cũng có một câu mình hiểu hoàn toàn.

Vậy thì?

- Vậy thì phải bám vào đó, dính vào cái gì mình có thể hiểu. Bắt đầu từ đó, dần dần mình tiến đến vùng mờ mờ hoặc tối hoàn toàn. Với một chút kiên nhẫn, làm việc có hệ thống, khung cảnh từ từ sẽ khác. Cuối cùng triết lý cho phép chúng ta du hành đủ loại phiêu lưu, những chuyến đi xa dài ngày, những quỹ đạo mới. Đó cũng là con đường lữ hành theo cách riêng của con. Bây giờ con tự vạch cho con một con đường nghe con!





—oOo—


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét