Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Tap 6 Giai thoai thoi chong quan Minh.html

Tác phẩm: Giai thoại thời chống quân Minh

Tác giả: Không rõ

Tủ sách: Lịch sử – Địa lý

Nguồn: danchua.eu

Thực hiện ebook: Zaqqaz

ooO TVE Ooo


   01) Tương truyền em họ Lê Lợi là Lê Thận làm nghề thả lưới đánh cá ở sông Chu. Một hôm, kéo lưới lên, thấy nặng, tưởng được cá lớn, không ngờ chỉ có một thanh sắt dài. Lê Thận bực mình, ném, thanh sắt xuống sông rồi ra chỗ khác thả lưới.

oOo

 

   02) Lần này kéo lên lại được thanh sắt đã vứt đi. Lê Thận xem kỹ thì thấy đó là một thanh kiếm có khắc 4 chữ, mà 2 chữ đã mờ. Lê Thận chỉ đọc được 2 chữ còn rõ là Thuận Thiên nghĩa là: “Tuân theo mệnh trời.”

oOo

 

   03) Lê Thận đem thanh kiếm về nhà thì gặp Lê Lợi tới chơi. Lê Thận đưa thanh kiếm ra khoe thì tự nhiên 2 chữ mờ lại hiện ra thành 4 chữ: “Thuận Thiên Lê Lợi.” Lê Thận vội tặng Lê Lợi thanh kiếm rồi nói: “Trời cho anh thanh kiếm này để trừ giặc Minh đó. Vậy xin anh hãy nhận lấy”.

 oOo

   04) Lê Lợi thấy thế rất vui lòng, liền cảm ơn Lê Thận rồi đem thanh kiếm ra về. Tới nhà, thấy vợ là Trần Thị Ngọc Trân đang đứng chăm chú nhìn lên ngọn cây đa ở đầu đường. Lê Lợi hỏi thì Trần Thị đáp: “Có cái gì sáng lấp lánh ở ngọn cây đa đấy!“.

oOo

 

   05) Lê Lợi trèo lên xem thì thấy một cái bao đựng kiếm rất đẹp, có nạm ngọc. Đem xuống, bỏ thanh kiếm Thuận Thiên vào thì vừa vặn. Lê Lợi mừng lắm và bảo vợ: “Đúng là trời cho ta thanh kiếm cùng cái bao đựng này để diệt trừ giặc Minh”.

oOo

 

   06) Mười năm gian khổ đã qua. Thanh kiếm Thuận Thiên luôn luôn ở cạnh Bình Định Vương. Ngày 15 tháng 04 năm Mậu Thân (1428) Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi vua ở Đông đô, hiệu là Lê Thái Tổ. Nhớ lại chuyện xưa, Ngài lấy niên hiệu là Thuận Thiên.

oOo

 

   07) Một hôm đẹp trời, Thái Tổ ngự thuyền rồng, dạo chơi trên hồ Tả Vọng. Tới giữa hồ, bỗng thấy ở dưới nước, nổi lên một con rùa vàng thật lớn. Rùa bơi đến trước thuyền rồng rồi cúi đầu gật gật, như có ý mừng đón nhà vua.

oOo

 

 

   08) Rồi rùa cứ bơi quanh quẩn trước thuyền rồng, không chịu lặn hoặc bơi đi chỗ khác. Lấy làm lạ, Thái Tổ rút thanh kiếm Thuận Thiên ra chỉ. Nhanh như chớp, rùa vàng đớp luôn thanh kiếm trong tay nhà vua rồi lặn xuống nước, biến mất.

oOo

 

   09) Vua cho quân lính tát cạn hồ Tả Vọng để tìm lại thanh kiếm Thuận Thiên. Hồ cạn hết nước mà rùa và kiếm vẫn không thấy đâu. Vua cho là bây giờ đã dẹp xong giặc Minh, nên Trời sai lấy lại thanh kiếm đã cho khi trước. Và từ đó Ngài cho đổi tên hồ Tả Vọng thành hồ Hoàn Kiếm (ngày nay vẫn còn ở giữa thành phố Hà Nội).

oOo

   10) Khi còn ở Lam Sơn, lúc mới đánh nhau với quân Minh, Bình Định Vương thường bị thua luôn. Một hôm vương bị quân Minh đuổi rất gấp. Lúc chạy băng qua một cánh đồng, thấy vợ chồng ông lão già đang tát nước, vương vội vàng chạy lại, cởi bỏ áo ngoài, rồi nhảy xuống ruộng nước, giả làm người đang mò cá.

oOo

   11) Quân Minh đuổi tới nơi hỏi: “Có thấy Lê Lợi chạy qua đây không? “Ông già đáp: “Lê Lợi nào? Lão không thấy!“. Vương ngừng tay nghe ngóng. Bà già quát: “Việc gì đến mày thằng kia! Bắt cá đi chứ!“. Quân Minh thấy thế, không nghi ngờ gì nữa, cùng nhau bỏ đi.

oOo

 

   12) Đến tối, Ông bà già mời Vương về nhà nghỉ và dọn cơm lên mời. Thức ăn chỉ có đĩa cá giếc nướng và bát canh thịt hầu (tức thịt khỉ). Hai ông bà già cùng chắp tay thưa: “Gặp lúc nguy cấp, chúng tôi trót ăn nói vô lễ, xin chúa công tha tội cho!“.

oOo

 

   13) Vương đáp: “Đa tạ hai cụ. Nếu không có hai cụ nhanh trí đối đáp với giặc thì mạng Lê Lợi này đâu còn nữa?“. Về sau, khi dẹp xong giặc, vương cho đi tìm vợ chồng ông lão già để trả ơn thì cả hai người đều đã mất. Vì không biết tên của họ nên vua gọi là ông Hầu, bà Hầu để kỷ niệm bát canh thịt hầu ngày trước.

oOo

 

   14) Được tin Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Trần Nguyên Hãn giả làm người bán  dầu, lẻn vào thành Đông Đô để tìm Nguyễn Trãi còn bị quân Minh giam lỏng ở trong đó. Sau khi bàn luận, Trần Nguyên Hãn rủ Nguyễn Trãi cùng trốn ra khỏi thành, đi tìm gặp Lê Lợi để dâng kế hoạch đánh đuổi giặc Minh.

oOo

 

   15) Nhận được cuốn sách ghi rõ kế hoạch “Bình Ngô”, Lê Lợi mừng lắm, giữ Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn ở lại giúp việc. Nguyễn Trãi ngầm cho người tói những cây đa ở ven sông, lấy mật viết 8 chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” (tức là Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm bầy tôi) vào các lá đa còn xanh.

oOo

 

   16) Kiến thấy mật, kéo tới ăn và đục thủng những chỗ có vết mật thành ra 8 chữ: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”. Lá cây rụng xuống, theo dòng nước trôi đi khắp nơi. Dân chúng nhặt được những lá cây có 8 chữ này, cho là điềm trời báo trước như thế, nên rủ nhau kéo về giúp Lê Lợi càng ngày, càng đông.

oOo

 

   17) Chính Bình Định Vương, khi mới được quân lính đem nộp những lá cây này cũng lấy làm ngạc nghiêng. Vương biết ngay là kế vận động dân chúng của Nguyễn Trãi. Vương cười bảo: “Ta có lời khen diệu kế của quân sư. Dựa vào việc dân chúng hết lòng tin ở Trời, quân sư đã khéo làm cho mọi người theo ta!“.

oOo

 

   18) Làng Đặng Xá (Tiên Lữ, Hưng Yên) xưa nay vẫn nổi tiếng là nơi có nhiều người đàn giỏi, hát hay. Những đêm trăng sáng, trai gái trong làng thường họp nhau lại ở sân đình để cùng thi hát, cùng vui chơi, đối đáp với nhau.

oOo

 

   19) Trong đám thiếu nữ có cô Đào Thị Huệ là xinh đẹp, nết na hơn cả. Cô Đào Thị Huệ hát đã hay mà lại còn nhanh trí. Cô luôn luôn đặt ra những câu hát mới, hợp tình, hợp cảnh để bên nữ hát đố, làm cho bên nam không giảng được…

oOo

 

   20) Cuộc sống đang yên vui thì giặc Minh kéo về làng, đóng đồn để chặn đánh Bình Định Vương. Ngoài việc vơ véc thóc lúa, giặc Minh còn bắt thanh niên phải đi làm phu vác đất, đắp đồn cho chúng… Biết tiếng làng Đặng Xá có nhiều thiếu nữ hát hay, chúng đi lùng bắt.

oOo

   21) Đào Thị Huệ cùng mấy chị em bạn gái khác cũng bị giặc bắt về đồn để đàn hát cho chúng nghe. Dù không hiểu tiếng Việt, nhưng nghe tiếng đàn thánh thót và giọng hát trong trẻo, ngọt ngào của mấy thôn nữ xinh đẹp, giặc cũng rất thích.

oOo

 

   22) Uống rượu, đùa bỡn chán rồi, lính giặc đều chui vào túi vải để ngủ vì chúng rất sợ bị muỗi đốt sinh ra bệnh sốt rét. Chúng chỉ để một vài tên ở ngoài, giữ việc buộc miệng túi vải lại, rồi thức mà ngồi canh gác suốt đêm.

oOo

 

   23) Dần đà thấy bọn thiếu nữ hiền lành biết chiều chuộng chúng, nên chúng cho các cô tự do ra vào đồn trại, bất kể ngày đêm. Chúng còn tin cẩn giao cho bọn Đào Thị Huệ việc buộc miệng túi vải lại cho chúng ngủ, và không cắt quân canh gác suốt đêm như trước nữa.

oOo

 

   24) Lúc này bọn Đào Thị Huệ bàn với nhau: “Chúng ta sức yếu, không thể nào vào nghĩa quân giúp Bình Định Vương được. Vậy nhân dịp này, chúng ta hãy cùng nhau lập kế giết ngầm lính giặc, bằng cách đợi cho chúng ngủ say trong túi rồi buộc chặt miệng túi lại và khiêng vất xuống sông, mỗi đêm vài tên.”

oOo

 

   25) Mấy chị em đều đồng ý. Ngay đêm sau Đào Thị Huệ (còn gọi là Ả Đào) cùng mấy bạn gái khác lặng lẽ khiêng từng túi vải, trong đó có những tên giặc say rượu, ngủ mê mệt, đem quẳng xuống ngòi. Túi đựng xác giặc theo nước trôi ra sông lớn mất tăm…

oOo

 

   26) Cứ thế mỗi đêm quẳng vài tên lính, mà tướng Minh không hay biết gì hết. Cho tới một hôm, tướng giặc thấy không rõ vì sao mà số lính trong đồn tự nhiên bị hao hụt đi khác nhiều. Y vội ra lệnh kiểm điểm lại số quân.

oOo

 

   27) Y bắt tất cả quân lính trong đồn đứng xếp hàng vào một thửa ruộng hình vuông, bốn bề có đắp tường cao, gọi là đấu đong quân để biết thiếu đủ ra sao. Y giật mình thấy số quân sĩ vơi ít hẳn đi, nên cho là đất vùng này độc, không thích hợp cho việc đóng quân, nên quyết định phải dời đồn đi nơi khác.

oOo

 

   28) Sau này khi đất nước thanh bình, làng Đặng Xá nhớ công ơn của Đào Thị Huệ nên đặt luôn tên thôn, nơi có nhà nàng ở là thôn Ả Đào. Đến nay vẫn còn đền thờ Ả Đào ở làng Đào Xá cùng dấu vết đấu đong quân của giặc Minh, tại một khu ruộng gần đó.

oOo

 

   29) Từ năm Đinh Hợi (1407) sau khi diệt được nhà Hồ, tướng Minh là Mộc Thạnh sai lấy đất ở núi Bô và phá tháp Chương Sơn (xây từ đời Lý) để đắp thành Cổ Lộng. Thành này ở bên bờ sông Đáy, giữa cánh đồng Lai Cách (Ý Yên, Nam Định).

oOo

 

   30) Thành này rộng hơn một trăm mẫu, trong có lũy cao, ngoài là hào sâu, rất kiên cố. Thành Cổ Lộng trấn giữ con đường từ thành Đông Quan vào đến Thanh Hóa. Dân chúng đi qua phải vào trình báo với quân lính nhà Minh.

oOo

 

   31) Ở thành Cổ Lộng, giặc Minh hàng ngày đi cướp lúa gạo, trâu bò của dân. Chúng còn kiểm soát rất ngặt, không cho phép dân chúng rèn gươm đao, chế tạo xe thuyền, hy vọng triệt hết mọi nguồn vũ khí của nghĩa quân, và không còn ai có thể chống lại chúng nữa.

oOo

 

   32) Bấy giờ ở gần thành Cổ Lộng, tại làng Chuế Cầu có bà Lượng Thị Nguyệt nhan sắc rất xinh đẹp. Chồng bà là ông Đinh Tuấn, người thường liên lạc với các nhóm nghĩa quân chống lại chính sách tàn ác của bọn quan lai nhà Minh.

oOo

 

   33) Bà Lương bàn với chồng là nên tìm cách mua chuộc, lấy lòng bọn quân lính trong thành Cổ Lộng để dò la tin tức. Ông Đinh Tuấn liền bảo vợ rằng: “Nếu muốn làm như thế, thì phải mở quán bán hàng, ở ngay phía ngoài thành mới được”.

oOo

 

   34) Ít lâu sau, quán hàng của bà Lương đã được dựng lên để bán cơm, rượu cho khách qua đường. Vì bà chủ xinh đẹp, lại khéo mời chào vồn vã, nên cửa hàng rất đông khách. Quân lính nhà Minh từ trong thành Cổ Lộng ra, đều vào ăn uống ở quán của bà Lương.

oOo

 

   35) Lâu ngày, bà Lương đã làm quen được với một số lớn tướng sĩ va quân lính nhà Minh. Chúng còn cho phép bà được mang rượu thịt vào bán cho những người ở trong thành, vì bận canh gác mà không ra quán được. Do đó mà chỗ nào giặc chức lương thực, vũ khí, bà Lương đều biết rõ.

oOo

   36) Khi ấy thế lực của Bình Định Vương đã mạnh. Vương sửa soạn ra đánh thành Đông Quan. Trên đường tiến quân thì gặp thành Cổ Lộng chắn ngang. Vương liền họp các tướng sĩ lại để bàn tìm cách phá thành Cổ Lộng trước đã.

oOo

   37) Giữa phiên họp, bà Lương tìm đến dâng kế hạ thành. Bà nói: “Tôi sẽ bỏ thuốc mê vào rượu cho lính canh uống, rồi đốt lửa làm hiệu để Chủ Tướng đem quân vào chiếm thành. Những nơi chứa lương thực và vũ khí đều được ghi rõ ràng trong tấm bản đồ này".

oOo

   38) Trước tiên Bình Định Vương còn nửa tin nửa ngờ. Sau khi được biết thêm rằng bà Lương chính là vợ ông Đinh Tuấn, người vẫn gửi tin tức giặc Minh chi nghĩa quân, vương rất mừng. Vương cùng các tướng hết lời khen ngợi bà Lương và dặn bà về nhà, cữ làm đúng như thế.

oOo

 

   39) Đúng ngày giờ đã định, bà Lương nổi lửa làm hiệu, ông Đinh Tuấn cùng các nghĩa sĩ ở bên trong lén mở toang cửa thành Cổ Lộng. Đại quân của vương tràn vào chiếm gọn thành, bắt sống được giặc mà không tốn một giọt máu. Vương giao việc giữ thành lại cho bà Lương và ông Đinh Tuấn rồi tiến thẳng ra Đông Quan.

oOo

 

   40) Sau khi đuổi hết giặc Minh, Lê Thái Tổ phong cho vợ chồng ông bà Lương làm Kiến Quốc Công và Kiến Quốc Trinh Liệt Phu Nhân. Đến khi bà mất, vua sai quan về tận nơi làm lễ tế và lập đền thờ bà ngay ở làng của bà. Đến nay, đền thờ Kiến Quốc Trinh Liệt Phu Nhân vẫn còn ở làng Chuế Cầu.

HẾT

                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét