Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

TayHoPHANCHAUTRINH.html

TayHoPHANCHAUTRINH.html

Kỷ niệm lần thứ 82 ngày cụ Phan Châu Trinh tạ thế

(24.3.1926 – 24.3.2008)

Tây Hồ

PHAN CHÂU TRINH,

nhà chí sĩ yêu nước nhiệt thành

Tác giả: Hữu Vi

Nguồn: Tạp chí Kiến thức ngay nay số 634, ngày 20.03.2008, trang 5, 6, 7, 59, 60 và 61

Thực hiện ebook: Goldfish

Ngày hoàn thành: 21/03/2008

http://www.thuvien-ebook.com

Từ trước đến nay và mãi mãi sau này, không bao giờ người dân Việt Nam có thể quên được một nhà chí sĩ giàu lòng yêu nước, hy sinh cả gia đình, bôn ba khắp nơi để mong giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Nhà chí sĩ ấy là Tây Hồ Phan Châu Trinh.

Cụ Phan Châu Trinh

(1872 – 1926)

Cụ Phan Châu Trinh tự là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh ngày 9 tháng 9 năm 1872 (Tự Đức thứ 26), quê làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Tây Hồ, xã Tam Lộc, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).

Thân sinh của cụ là ông Phan Văn Bình, một võ quan giữ chức Quản cơ sơn phòng, hưởng ứng phong trào Cần Vương do Trần Dư và Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo, được cử giữ chức Chuyển vận nhưng đến năm 1887 (Đinh Hợi) thì bị ám hại vì nghi kỵ. Thân mẫu của cụ là bà Lê Thị Trung, người làng Phú Lâm, cùng huyện (nay là xã Tiên sơn, huyện Tiên Phước), là người có học và là cô giáo vỡ lòng các con.

Sau cơn quốc biến và gia biến, Phan Châu Trinh mới trở lại đèn sách sau gần ba năm gián đoạn. Năm 1892 (21 tuổi), Phan Châu Trinh kết giao với Huỳnh Thúc Kháng tại trường học của cử nhân An Tráng (Phạm Đạo Mẫn). Năm 1898 (27 tuổi) cụ được vào học trường tỉnh do Đốc học Trần Đình Phong (Mã Sơn) tực tiếp trông nom. Tại đây cụ kết giao với Trần Quý Cáp, làm thành bộ ba kiệt hiệt nhất của phong trào Duy Tân.

Năm Canh Tý (1900) cụ Phan đỗ cử nhân thứ ba tại trường Thừa Thiên. Qua năm sau, Tân Sửu (1901), cụ đỗ phó bảng dưới triều Thành Thái. Năm 1902 (Nhâm Dần) cụ được bổ làm Thừa biện bộ Lễ, nhưng lúc này ông anh cả của cụ (người nuôi cụ ăn học) là Phan văn Cừ qua đời nên cụ về cư tang.

Năm 1903 (Quí Mão) cụ Phan ra Huế nhậm chức. Lúc này các sách dịch của Rousseau, Montesquieu và các trước tác của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu du nhập vào nước ta gây một ảnh hưởng lớn về tư tưởng mới.

Năm 1905 (Ất Tỵ) nhận thấy chế độ quan lại thối nát, người Pháp đè đầu cưỡi cổ dân ta nên cụ từ quan để dấn thân vào con đường cách mạng, công khai chống lại bọn quan lại và chính quyền thực dân, nuôi chí lớn dành độc lập cho Tổ quốc. Trong năm này, cụ cùng hai bạn là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng (mới đỗ tiến sĩ năm trước) làm một cuộc Nam du để xen xét dân tình, sĩ khí cũng như tìm thêm đống chí. Đến Bình Định gặp kỳ khảo hạch, ba cụ lẫn vào đám khoá sinh để làm bài thi. Cụ Phan viết bài "Chí thành thông thánh" ký tên Đào Mộng Giác làm vang vội dư luận đương thời và thức tỉnh thanh niên.

Năm 1906 cụ Phan ra Bắc gặp các thân sĩ Bắc kỳ để chuẩn bị thành lập cơ sở Duy Tân tại Hà Nội (sau này là trường Đông Kinh nghĩa thục), ghé thăm chiến khu Yên Thế của cụ Hoàng Hoa Thám rồi sang Nhật tham quan, nghiên cứu chính sách duy tân tự cường của Nhật và gặp cụ Sào Nam Phan Bội Châu, cùng bàn về sách lược và chiến lược chống Pháp. Tuy chủ trương của hai cụ có khác nhau nhưng không mâu thuẫn nhau, lại còn hỗ tương bổ túc cho nhau để cùng đi đến mục đích chung. Cụ Sào Nam chủ trương dùng vũ lực lật đổ người Pháp thì hoạt động ở hải ngoại, cụ Tây Hồ chủ trương chính sách duy tân thì hoạt động ở trong nước.

Ở Nhật về, cụ Phan cùng các đồng chí Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Trần Quý Cáp, Tăng Bạt Hổ, Lương Văn Can, Dương Bá Trạc… khởi xướng phong trào Duy Tân, mở trường học, lập hội buôn, hô hào thanh niên cắt tóc ngắn, mặc âu phục may bằng vải nội hoá.

Cuối năm cụ trao cho toàn quyền Beau một bức thư rất nỗi tiếng, đương thời gọi là "Đầu Pháp chính phủ thư". Trong thư cụ nêu lên những thảm cảnh mà dân ta phải gánh chịu dưới chính sách hà khắc của chính quyền bảo hộ, luận tội chính phủ Pháp và triều đình Huế, gây tiếng vang rất lớn trên chính trường Pháp.

Tháng tư năm 1908 phong trào Duy Tân bộc phát rất mạnh. Dân Quảng Nam và một số các tỉnh khác ở Trung Kỳ nổi lên chống thuế rồi lan ra các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Thuận. Lúc bấy giờ cụ Phan đang ở Hà Nội bị Pháp bắt giải về Huế. Triều đình Huế mở phiên toà xử cụ về tội chủ mưu xúi gục dân chúng làm loạn và tuyên án "mưu bạn vị hành, xử tử phát Côn Lôn ngộ xá bất nguyên" (mưu làm phản mà chưa làm, xử tử đày Côn Lôn gặp ân xá cũng không tha) (*). May nhờ có Hội Nhân quyền Pháp can thiệp, yêu cầu chính phủ Pháp giảm tội cho cụ, vì thế cụ được giảm án tử hình, chỉ bị đày đi Côn Lôn ngày 4 tháng 4 năm 1908 (Mậu Thân)

Ngày đi đày, cụ bị xiềng, lúc giải ra cửa Thượng Tứ, cụ khẩu chiếm một bài thơ chữ Hán:

Luy luy già toả xuất đô môn (1),

Khẳng khái bi ca thiệt thượng tồn.

Quốc thổ trầm luân, dân tộc tuỵ,

Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn

Cụ Huỳnh Thúc Kháng dịch:

Xiềng gông cà kệ biệt đô môn,

Khẳng khái ngâm nga, lưỡi vẫn còn.

Đất nước đắm chìm, nói giống mỏn,

Thân trai nào sợ cái Côn Lôn.

Lúc đến Côn Lôn, cũng như các tù nhân khác, hàng ngày cụ phải đi lao dịch, nhiều hôm đập đá nặng nhọc nên cụ làm bài thơ Đập đá mà bốn câu đầu như sau:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,

Lừng lẫy làm cho lở núi non.

Xách búa đánh tan năm bảy đống,

Ra tay đập bể mấy trăm hòn…

Cụ bị giam trong ngục ít lâu rồi được cho ra ngoài, hàng ngày cụ đi câu cá và đánh bẫy chim làm vui. Cụ rất khéo "ngoại giao" nên bọn Pháp nể nang, cho cụ tự ý đi đây đi đó trên đảo.

Cụ Phan ra Côn Lôn hơn hai năm, trong thời gian ấy, báo chí và Hội Nhân quyền Pháp can thiệp mạnh với chính phủ Pháp nên thủ tướng Pháp là Poincaré ký giấy tha và chính phủ Paris đánh điện sang Việt Nam bảo phải trả tự do cho cụ.

Một hôm, viên Thống soái Sài Gòn ra đảo cùng quan Chánh tham biện ở đấy đến thẩm vấn cụ rồi hơn một tháng sau thì có chiếc tàu đặc phái ra đảo đưa cụ về Sài Gòn (tháng 6 năm 1910). Dịp này cụ Huỳnh Thúc Kháng có làm bài thơ mừng bạn:

Cố nhân tạc nhật biệt Côn Lôn,

Tái phỏng đương niên tái quốc hồn.

Nhất dạ luân thuyền lăng hải khứ,

Kế trình kim dĩ đáo Sài Côn

Tác giả tự dịch:

Bạn từ Côn đảo tự hôm qua,

Lại hỏi hồn xưa nước cũ ta.

Tàu thuỷ một đêm phăng khỏi biển,

Sài Gòn đã đến đất quê nhà.

Tại Sài Gòn, quan toàn quyền Đông Pháp lúc bấy giờ là Klobukowsky và quan tổng trưởng thuộc địa Trouillot hợp cùng các quan khác lập hội đồng để xét án cụ rồi tuyên đọc lệnh ân xá. Ông Couzineau, tham biện tỉnh Mỹ Tho được cử làm chính án, đọc một câu rằng: "Au nom du peuple Français, je vous rends la liberté" (nhân danh quốc dân Pháp, tôi trả tự do cho ông).

Nghe đọc lệnh ân xá mà cụ không vui vì tiếng là được trả tự do mà thân cụ vẫn bị quản thúc ở Mỹ Tho, không được tự do đi lại. Cụ phản kháng quyết liệt, viết thư gửi chính phủ Pháp đòi được tự do đi lại, tự do sang Pháp, bằng không thì trả cụ về Côn Lôn. Pháp phải nhượng bộ.

Cụ Phan Châu Trinh và con trai Phan Châu Dật

khi mới sang Pháp (1911)

Tháng 3 năm 1911 (Tân Hợi) cụ sang Pháp cùng với cậu con trai Phan Châu Dật 14 tuổi, mục đích là để xem tận mắt tình hình chính trị tại Pháp và nếu có thể tìm cách đấu tranh ngay trong lòng địch. Dịp này để đánh tan dư luận hoài nghi về chuyến đi Pháp của mình, cụ có lưu lại một bài thơ gửi quốc dân đồng bào:

Làm trai trót gánh gánh gian nan,

Dám nại xa xôi bỏ giữa đàng,

Coi lại chỉ còn ba tấc lưỡi,

Trải qua đã nát mấy buồng gan.

Tếch dương Ấn Độ nhì thiên hạ,

Lên tháp Ba lê nhất thế gian.

Mượn bút Tương Như đề mấy chữ,

Thân này đành phó với giang san.

(Qua Tây, gửi đồng bào quốc dân)

Vừa đặt chân đến đất Pháp, cụ đã viết một loạt các tác phẩm như: Trung kỳ dân biến thỉ mạt ký, Đông Dương chính trị luận, Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam… mục đích là để thân oan cho các đồng chí và để nghị viện Pháp thấy rõ tệ trạng của nền hành chính thuộc địa Pháp ở Đông Dương.

Tháng 9 năm 1914 Pháp Đức đánh nhau, đệ nhất thế chiến bùng nổ. Bọn quan lại thực dân ở Đông Dương và ở Pháp mưu hại cụ bằng cách vu cáo cụ làm gián điệp cho Đức. Vì thế cụ bị bắt giam ở ngục La Santé gần một năm. Dịp nầy cụ viết Santé thi tập, trong đó có bài thơ Trong ngục Santé:

Ba năm trải thú khắp Pa ri,

Lao ngục chưa hề biết tí ti.

Sự thế vì đâu bày buộc tôi,

Thân thừa còn dám oán hờn chi.

Một ngày dùng bửa hai lần xúp,

Ba đứa chia nhau một ổ mì.

Tám kiếp trâu già chi sợ ách,

Ngồi buồn lắc vế cứ ngâm thi.

Trong lúc cụ đang bị giam ở ngục La Santé thì ở quê nhà, vợ cụ là bà Lê Thị Tỵ (1877-1914) qua đời. Sau khi ra tù, biết tin buồn ấy, cụ vô cùng đau đơn, có làm đôi câu đối khóc bà. Tháng 8 năm 1915 toà án binh Pháp không tìm được bằng chứng để buộc tội cụ mà Hội Nhân quyền và Hội Dân quyền Pháp cứ thôi thúc mãi nên Pháp phải thả cụ ra. Bấy giờ chính phủ Pháp đã cắt trợ cấp của cụ, lại cắt luôn học bổng của con trai cụ, Phan Châu Dật, nên hai cha con sống rất cơ cực, bữa đói, bữa no. Cụ phải đi rữa ảnh thuê để sống qua ngày và nuôi con ăn học.

Năm 1920 cụ cho Phan Châu Dật về nước và sang năm 1921 thì cậu mất vì bệnh lao ruột. Nỗi đau mất vợ rồi mất con khiến cụ tê tái cả tâm hồn, đau đớn nhất là không được ở cạnh người thân lúc lâm chung.

Năm 1922 vua Khải Định được thực dân đưa sang Pháp để tuyên truyền trong đám Việt kiều nhẹ dạ, chưa hiểu hết tình hình chính trị ở quê nhà. Vào dịp này, cụ Phan có gửi cho Khải Định một lá thư nêu lên bảy tội lớn của nhà vua (thư thất điều đón gia như Tây) và tố cáo âm mưu của Pháp về chuyến đi ám muội này (**). Lá thư đăng trên các báo ở Pháp gây nên một tiếng vang lớn trên chính trường nước Pháp.

Ít lâu sau, cụ viết "Tỉnh hồn ca II" (2) trong đó có những câu phê phán gay gắt triều đình nhà Nguyễn:

Vua ngồi thâm thẩm cung sâu,

Một đời chỉ biết đè đầu dân đen.

Dưới đại thần đua chen tước lộc,

Ngoài trăm quan hì hụt thân danh.

Cúi lòn đút lót đủ vành,

Làm quan cốt để rán sành dân ngu

Tháng 6 năm 1925 cụ Phan về nước sau 14 năm sống lưu vong. Cùng về nước với cụ có các ông Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền. Tàu vừa cập bến Sài Gòn đã có hàng ngàn người thuộc mọi tầng lớp ra đón cụ, đông đảo nhất là sinh viên, học sinh.

Từ ngày về nước cụ làm bất kể ngày đêm nên bệnh cũ (bệnh phổi, kiết lỵ) lại tái phát. Tuy vậy, tháng 11 năm 1925 cụ đã hai lần diễn thuyết tại nhà hội quán Việt Nam với đề tài: Đạo đức và luân lý Đông Tây; Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa. Hai cuộc diễn thuyết đã thu hút hàng ngàn người tham dự và có ảnh hưởng rất lớn.

Tháng 12 năm 1925 bệnh tình cụ Phan mỗi ngày một nặng thêm khiến cụ kiệt sức dần. Đến ngày 24.3.1926, lúc 9 giờ 30 tối cụ trút hơi thở cuối cùng tại "khách quán" số 54 đường Pellerin (nay là đường Pasteur) lúc mới 55 tuổi.

Đám tang cụ Phan Châu Trinh (năm 1926)

Được tin đau buồn ấy, đồng bào khắp nơi mang hương, trầm, trà, nến, hoa, trướng và liễn đối viếng không ngớt. Đối trướng có đến hàng trăm. Cụ Phan Bội Châu thay mặt đồng bào ở Huế viết một bài văn tế rất hay và đôi câu đối viếng cụ Tây Hồ:

Thương hải vị điền, tinh vệ (***) hàm thạch,

Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền.

Nghĩa là:

Biển thẳm lấp chưa bằng, tinh vệ còn ngậm đá,

Chung Kỳ thôi đã mất, Bá Nha dứt dây đờn.

Và một bài thơ viếng cụ rất được chú ý:

Ôi! Cụ Phan Châu đã mất rồi!

Hai mươi lăm triệu có còn ai?

Mấy năm hải ngoại thân chìm nổi,

Bao độ thiên nhai bước lạc loài.

Những muốn phá tan vòng áp chế,

Rắp mong giải thoát buổi tương lai.

Chí kia chưa đạt, công chưa lập,

Non nước nghìn thu luống thở dài!

Đông Pháp thời báo đồng nhân bái vãn.

Ngoài ra còn nhiều điếu văn và câu đối của các ông: Nguyễn An Ninh, Sở Cuồng Lê Dư, cụ nghè Ngô Đức Kế, ông cử Dương Bá Trạc, ông Mai Đăng Đệ, điếu vãn của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Hội Gò Công tương tế, nhân viên Sở Ba Son…

Cụ được an táng ở nghĩa trang của Hội Gò Công tương tế, nay thuộc phường 4 quận Tân Bình. Đám tang của cụ rất lớn, cử hành ngày 4.4.1926, ước tính tên 140.000 người đưa tiển kéo dài hàng cây số, đông đảo nhất vẫn là sinh viên, học sinh, ai nấy đều đeo băng tang trên tay hay trên mũ. Dẫn đầu là học sinh trường Nguyễn Phan Long với bức trướng bằng nỉ đen nổi bật hàng chữ trắng "Deuil national" (quốc táng), theo sau là một rừng trường liễn.

Ngày 24.3.1996, nhân kỷ niệm 70 năm ngày cụ Phan tạ thế, mộ cụ được nhà nước công nhận là "di tích lịch sử văn hoá" của đất nước và thờ cụ rất uy nghi, đẹp đẻ được cất tại đây.

Cụ Phan mất đi, tuy chí chưa thành, công chưa lập, nhưng lòng yêu nước thương nòi của cụ cũng như tinh thần bất khuất trước cường quyền khiến quốc dân ngưỡng mộ và kẻ thù phải kính nể. Gương xả thân vì nước của cụ là động lực thúc đẩy các thế hệ sau dấn thân vào con đường cách mạng để thực hiện cái hoài bảo mà cụ ôm ấp suốt đời.

Chú thích của tácgiả:

(1) Chữ "già" nghĩa là cái gông, cũng như chữ Mộc già (cái gông bằng gỗ) trong Truyện Kiều, đề tài mà quan phủ ra cho nàng làm thơ khi nàng bị Thúc ông kiện. Có sách chép "Luy luy thiết toả xuất đô môn". Ở đây chúng tôi chép theo cuốn "Thi tù tùng thoại" của cụ Huỳnh Thúc Kháng.

(2) Bài "Tỉnh quốc hồn ca I" cụ viết ở Việt Nam năm 1907 gồm 472 câu thơ song thất lục bát mà bốn câu mở đầu như sau:

Ngồi mà nghĩ dư đồ Hồng Lạc,

Ta cũng là một nước Á Đông

Xưa nay vẫn chán (nhiều) anh hùng,

Dọc ngang trời đất, vẫy vùng non sông…

Chú thích của Goldfish:

(*) Bạn (): Làm phản. Nguyên (原): Tha tội, nghĩa là suy đến cỗi nguồn chân tình có thể tha thứ được (theo Tự điển Hán Việt Thiều Chửu)

(**) "Thư thất điều", nguyên văn bằng chữ Hán, chỉ ra 7 điều sau:

    - Một là tội tôn quân quyền

    - Hai là tội thưởng phạt không công bình

    - Ba là chuộng sự quỳ lạy

    - Bốn là tội xa xỉ vô đạo

    - Năm là phục sức không đúng phép

    - Sáu là du hạnh vô độ

    - Bảy là việc Pháp du ám muội (theo Wikipedia)