Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Tap 2 Ho Quy Ly.html

Thành nhà Hồ

Tác phẩm: Hồ Quý Ly

Tác giả: Không rõ

Tủ sách: Lịch sử – Địa lý

Nguồn: danchua.eu

Thực hiện ebook: Zaqqaz

ooO TVE Ooo


   1) Lê Quý Ly bỏ Trần Thiếu Đế, tự xưng làm vua, rồi lấy lại họ cũ là họ Hồ, tức Hồ Quý Ly. Trần Thiếu Đế bị giáng xuống làm Bảo Ninh Vương. Hồ Quý Ly đặt tên nước là Đại Ngu vì họ Hồ vốn là dòng dõi nhà Ngu bên Tàu.

oOo

 

   2) Nhân dịp vua Chiêm Thành là La Khải mới mất, Quý Ly sai Đỗ Mãn và Trần Tùng đem quân thủy bộ, chia làm hai ngả, tiến đánh. Trần Tùng đi đường núi tới trước, không gặp thủy quân của Đỗ Mãn, nên vội rút về. Do đó, Trần Tùng mắc tội, bị đày đi làm lính.

oOo

 

   3) Bắt chước nhà Trần, dù làm vua chưa được một năm, Quý Ly cũng nhường ngôi vua cho con thứ là Hồ Hán Thương. Quý Ly giữ chức Thượng hoàng, tự ý quyết đoán mọi việc nước. Trong triều, Hồ Hán Thương chỉ ngồi làm vì mà thôi.

oOo

 

   4) Trước hết Quý Ly cho sửa sang lại việc võ bị để sẵn sàng đối phó với nhà Minh. Ông cho lập sổ hộ tịch, người dân từ 2 tuổi trở lên, đều phải ghi tên vào sổ. Dân chúng, ai mà ẩn lậu, không khai, sẽ bị phạt nặng. Vì thế, Quý Ly biết rõ số dân từ 15 tuổi trở lên, để khi cần đến sẽ gọi ra đi lính.

oOo

 

   5) Quý Ly sai đóng nhiều thuyền lớn để dùng cho thủy binh. Thuyền nào cũng có sàn gỗ vững chắc ở trên để dễ dàng đi lại, tập luyện. Hầm ở phía dưới dành cho người chèo thuyền. Mỗi thuyền có tới hai, ba chục người chèo ở hai bên mạn thuyền, nên tiến hoặc lui rất mau lẹ.

oOo

 

   6) Quý Ly còn cho xây bốn kho lớn để chứa khí giới. Rồi ông cho gọi những thợ rèn khéo tay ở khắp mọi nơi về, giao cho họ đánh sẵn thật nhiều gươm, đao, giáo, mác. Được bao nhiêu khí giới lại đem chất vào kho, để sẽ dùng tới, một khi có chiến tranh với nhà Minh.

oOo

 

   7) Mọi cửa sông chảy ra biển đều được đóng cọc nhọn, bịt sắt, để ngăn chặn tàu, thuyền địch tràn vào. Những nơi hiểm yếu đều có quân đóng giữ để canh phòng giặc và kiểm soát tàu thuyền cùng dân chúng qua lại.

oOo

 

   8) Quân lính được chia thành từng đội, từng doanh, từng vệ. Cứ 18 người thì họp lại thành một đội. Mỗi doanh có 15 đội và mỗi vệ có 18 đội. Hàng ngày, đội trưởng họp 18 đội viên lại, để dạy cho những người này cách múa gươm, ném giáo và bắn tên nhằm vào giữa hồng tâm.

oOo

 

   9) Theo lệ mới thì người giàu chỉ được giữ lại 10 mẫu ruộng để cày cấy. Còn thừa phải đem nộp quan để chia cho người nghèo. Người đi buôn hoặc làm ruộng đều phải đóng thuế. Người già, trẻ con, không làm gì ra tiền, đều được miễn thuế.

oOo

 

   10) Năm 1403, Quý Ly bắt dân chúng ở khắp mọi nơi trong nước, đều phải dùng một thứ thước, một loại đấu giống nhau để đo vải hoặc đong thóc. Ông lại đặt ra chức giám thị ở các chợ, để kiểm soát cách dùng thước và đấu.

oOo

   11) Việc mua bán, trao đổi, từ trước vẫn dùng loại tiền đúc bằng đồng hoặc bằng kẽm, xâu thành từng quan tiền, phải vác hoặc gánh đi chợ, để mua bán rất nặng nề. Quý Ly đặt ra loại tiền giấy, rồi mọi người mang tiền đồng, tiền kẽm tới, đổi lấy tiền giấy, đem về tiêu, vừa nhẹ nhàng, lại vừa tiện lợi.

oOo

 

   12) Tiền giấy về đời nhà Hồ có nhiều loại. Loại 10 đồng thì vẽ cây rêu biển, loại một tiền (tức 60 đồng) thì vẽ đám mây, loại một quan (tức 10 tiền) thì vẽ con rồng. Tiền giấy phát ra, dân chúng phải tiêu. Tiền đồng, tiền kẽm đổi được của dân, phải đem nộp vào kho.

oOo

 

   13) Việc học, việc thi đều được sửa đổi lại. Trong các khoa thi, đặt thêm ra kỳ thi toán pháp. Các thầy khóa đi thi, ngoài phần văn bài, còn phải biết dùng thước để đo, dùng bàn tính để làm tính. Thi độ được gọi là Thái học sinh.

oOo

 

   14) Hồ Quý Ly còn đặt ra sở Quảng tế thự (như là nhà thương bây giờ) để chữa bệnh cho quan và dân. Nguyễn Đại Năng được cử giữ chức Quảng tế thự thừa, để trông coi sở này. Hàng ngày, rất đông dân chúng đến Quảng tế thự để xin được bắt mạch, xem bệnh và kê đơn thuốc…

oOo

 

   15) Trong khi mọi sự cải cách vẫn tiến hành thì năm 1402, Quý Ly lại sai Đỗ Mãn đem quân sang đánh Chiêm Thành lần thứ 2. Lần này, chiếm thêm được đất Chiêm Động (Quảng Nam) và Cổ Lụy (Quảng Ngãi) để đưa dân nghèo từ miền Bắc vào khai khẩn ruộng đất.

oOo

 

   16) Năm 1403, Quý Ly lại muốn lấy thêm đất nữa, nên sai Phạm Nguyên Khôi và Đỗ Mãn sang đánh Chiêm Thành lần thứ ba. Quân nhà Hồ vây thành Đồ Bàn được hơn một tháng thì lương thực cạn dần, nên phải rút quân về, mà không thu được kết quả gì.

oOo

 

   17) Sau khi được Quý Ly truyền ngôi, Hồ Hàn Thương cho sứ sang Tàu cầu phong với nhà Minh. Sứ giả nói dối rằng: con cháu nhà Trần không còn ai nữa, nên Hồ Hán Thương vốn là cháu ngoại nhà Trần, phải ra gánh vác việc nước.

oOo

 

   18) Vua Thánh tổ nhà Minh vẫn có ý xâm lăng nước Việt, nay thấy sứ giả nhà Hồ tới, liền sai Dương Bột sang tận nơi, xem hư thực thế nào? Quý Ly bắt mọi người dân làm tờ khai, y như lời sứ giả. Vì thế, Minh Thánh tổ đành phải phong cho Hồ Hán Thương làm An Nam Quốc Vương.

oOo

 

   19) Năm 1404, có Trần Thiêm Bình tự xưng là con Trần Nghệ Tông, sang tận Yên Kinh, vào tâu với Minh Thánh tổ là Hồ Quý Ly đã chiếm ngôi vua của nhà Trần. Sau đó, Thiêm Bình lại xin nhà Minh cho quân lính đưa Thiêm Bình về nước làm vua.

oOo

 

   20) Gặp cơ hội tốt, vua nhà Minh sai hai tướng là Hàn Quan và Hoàng Trung dẫn 5 nghìn quân, đưa Thiêm Bình về nước, năm 1406. Được tin này, Quý Ly sai quân lên đón sẵn ở Chi Lăng, đánh tan quân Minh và bắt giết Thiêm Bình.

oOo

   21) Biết rằng thế nào nhà Minh cũng sẽ lại sang đánh báo thù, Quý Ly đốc thúc dân chúng đắp thành Đa Bang (Sơn Tây) để chống lại. Dòng sông Bạch Hạc được cắm đầy cọc nhọn, để chặn đường tiến của thủy quân nhà Minh.

oOo

 

   22) Về phía nam Nhị Hà (tức Hồng Hà) cọc nhọn đóng liên tiếp dài hơn 700 dặm. Dân ở Bắc Giang và Tam Đái được đưa sang làm nhà sẵn ở phía nam, để phòng khi giặc Minh tới, sẽ bỏ nhà từ phía Bắc mà dời tạm sang bên này.

oOo

 

   23) Quý Ly còn cho phép các quan võ nhà Hồ được quyền mộ thêm binh lính cho riêng mình, để khi cần đến, thì sẽ hợp với lính nhà vua mà đánh giặc. Trong khi ấy, Quý Ly lại sai sứ giả sang tạ tội với nhà Minh và xin vẫn theo lệ tiến cống như cũ.

oOo

 

   24) Bắt chước nhà Trần mở hội nghị Bình Than, Quý Ly cho họp tất cả các quan văn võ lại, để bàn việc nên đánh hay nên hòa. Người thì bàn phải đánh, người lại nói là nên hòa. Cuối cùng Quý Ly đã tuyên bố: “Nhất định phải đánh, giặc Minh sẽ không tha ta”.

oOo

 

   25) Lấy cớ là Hồ Hán Thương dám giết Thiêm Bình, vua Minh sai Chu Năng, Trương Phụ, Mộc Thạnh, Lý Bân, Trần Húc chia binh làm hai đạo, sang đánh nhà Hồ. Khi quân kéo tới Long Châu thì Chu Năng bị bệnh chết. Trương Phụ lên thay.

oOo

 

   26) Trương Phụ đem bộ binh theo đường rừng núi, từ Quảng Tây sang đánh lấy Ba Luy (tức ải Nam Quan bây giờ). Sau đó đạo quân này lại tiến về phía tây bắc tức mé sông Cái (Hồng Hà).

oOo

 

   27) Thủy quân của Mộc Thạnh gồm nhiều chiến thuyền, từ Vân Nam tiến sang, đánh lấy Tuyên Quang rồi rẽ ra sông Thao (cũng là Hồng Hà). Đạo quân của Mộc Thạnh đã gặp đạo quân của Trương Phụ. Cả hai cùng đóng đồn ở phía bắc sông Bạch Hạc.

oOo

 

   28) Tuy nhà Hồ đã phòng bị từ trước, nhưng nhà Minh lại có lợi thế vì biết rằng dân chúng vẫn không phục nhà Hồ. Ngoài việc chiếm đoạt ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly lại còn đưa ra những cải cách mới mẻ, táo bạo, đã làm mất lòng nhiều người. Do đó, Trương Phụ liền viết hịch mà kể tội Hồ Quý Ly.

oOo

 

   29) Trương Phụ còn sai chép tờ hịch đó thành nhiều bản, vào những mảnh gỗ nhỏ. Y viết thêm rằng: “Quân Minh kéo sang kỳ này là để lập lại ngôi vua, cho con cháu nhà Trần và cứu giúp cho dân chúng khỏi bị khổ sở vì mọi sự đổi mới của Hồ Quý Ly. Những mảnh gỗ đó, thả xuống sông, đã trôi thẳng về miền xuôi.

oOo

 

   30) Dân chúng cũng như quân lính của nhà Hồ đã vớt được những mảnh gỗ đó. Sau khi đọc xong, họ bàn với nhau là không nên đánh nữa và hãy theo hàng quân Minh. Rồi một truyền trăm, trăm truyền nghìn, lời hịch của Trương Phụ đã lan tràn đi khắp mọi nơi.

oOo

   31) Cách tuyên truyền giả dối nhưng thâm độc ấy, đã làm nản lòng và mất hết tinh thần chiến đấu của mọi người. Do đó mà quân nhà Minh, đánh tới đâu là được đấy. Có nơi quân lính nhà Hồ đã bắt trói chủ tướng rồi mở cửa thành ra đầu hàng quân nhà Minh.

oOo

 

   32) Những cánh quân còn lại, hết lòng trung thành với nhà Hồ, phải rút lui về giữ thành Đa Bang. Họ tích trữ lương thực để cầm cự lâu dài. Họ cố ý chờ cho quân Minh mệt mỏi, vì không quen với thời tiết, lúc bấy giờ mới ra đánh.

oOo

 

   33) Quân nhà Minh vây chặt thành Đa Bang. Trương Phụ ra lệnh, nếu ai leo được lên thành trước, sẽ được trọng thưởng. Quân Minh dùng thang đan bằng dây mây để leo lên thành. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt, ngay trên mặt thành.

oOo

 

   34) Đàn voi của nhà Hồ xông ra trận. Quân Minh liền vẽ hình sư tử và hổ, trùm lên đầu ngựa chiến, rồi tiến đánh. Súng nổ làm voi sợ, quay chạy trở lại. Quân minh theo sau, nhảy ùa vào chiếm thành. Thành Đa Bang bị vỡ. Quân nhà Hồ thua to, phải rút hết về Hoàng Giang (Hà Nam).

oOo

 

   35) Hồ Nguyên Trừng (con trưởng của Hồ Quý Ly) đem 300 chiến thuyền ra tiếp cứu, lại bị thua trên sông Mộc Phàm. Hồ Nguyên Trừng vội rước Quý Ly và Hán Thương ở Tây Đô ra cùng chống giặc. Sau trận Hàm Tử lại bị thua, vua tôi nhà Hồ theo đường biển chạy về Thanh Hóa.

oOo

 

   36) Lúc đó có quan An Phủ sứ Bắc Giang là Nguyễn Hy Chu bị giặc bắt. Chúng dụ ông hàng. Ông trợn mắt quát: “Nước tao có nhiều Trần Bình Trọng! Tao thà chết, chứ không bao giờ chịu hàng mi!“. Trương Phụ rút gươm chém luôn, không để cho ông nói nữa.

oOo

 

   37) Quân Minh đuổi theo đánh, quân nhà Hồ tan rã hoàn toàn, Ngụy Thức tâu với Quý Ly: “Nước đã mất, bệ hạ nên tự tử đi, còn hơn là để bị giặc bắt!“. Quý Ly giận lắm, bắt Ngụy Thức ra chém, rồi chạy tiếp vào Nghệ An, nhưng đến núi Cao Vọng thì bị giặc bắt.

oOo

 

   38) Cả triều đình Hồ Quý Ly bị bắt và đưa về giam ở Kim Lăng. Các quan nhà Hồ, người thì xin hàng, người thì không chịu nhục, nhảy xuống sông tự tử. Nhà Hồ làm vua được 7 năm (từ năm 1400 đến năm 1407) thì mất. Nước Nam lại rơi vào ách đô hộ của nhà Minh.

oOo

 

   39) Biết Hồ Nguyên Trừng là người có tài nên vua nhà Minh không giam giữ, mà còn dùng ông vào việc chế tạo võ khí. Ít lâu sâu, Hồ Nguyên Trừng chế ra được súng thần cơ, dâng lên vua nhà Minh. Thế là danh tiếng phát minh ra súng thần cơ trước tiên, lại được ghi là của người Tàu.

oOo

 

   40) Hồ Quý Ly là một ông vua có nhiều sáng kiến về kinh tế và quân sự. Ông đã sớm đưa ra những cải cách xã hội mà cho đến nay, nhiều điều vẫn còn hợp thời. Tiếc rằng nhà Hồ chỉ làm vua được 7 năm và những cải cách quá mới đã làm mất lòng dân chúng vào thời đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét