Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Nguyen Quang Lap Ban Van 35.html

Nguyen Quang Lap Ban Van 35.html

Nguyễn Quang Lập – Bạn văn 35

Nguồn: blog Quê Choa (http://quechoablog.wordpress.com)

Tạo e-Book: My Dao

http://quechoablog.files.wordpress.com/2010/03/nhe1baa1c20sc4a920tre1bb8dng20c490c3a0i1.jpg?w=226&h=300

Tối qua nhậu ở nhà Nguyễn Nhật Ánh về không say nhưng hơi mệt, định bụng ngủ một tiếng rồi dậy làm việc, chẳng dè đánh một giấc thẳng cánh đến 3 giờ sáng, chiêm bao không thấy ai lại thấy Trọng Đài. Khi đó hình như mình mở mắt thấy có người ngồi cuối giường, lúc đầu thấy cái đầu trọc, sau thấy ba chòm râu ngọ ngoạy, cái mũi nhúc nhích khịt khịt, lúc này mới nhận ra Trọng Đài.

Nghĩ cũng hay hay, bạn bè ở Hà Nội cả tấn, đến khi xa Hà Nội đứa mình đánh đu với nó  suốt ngày thì không thấy, Trọng Đài  cả năm qua không hề gặp mặt thì lại thấy. Nó ngồi bó gối nhìn mình cười khì khì, nói vào đây làm cái gì, ba chỏm râu của nó ngọ ngoạy ngọ ngoạy, thiếp đi một lúc  mở mắt lại thấy ba chòm râu của nó ngọ ngoạy, rất lạ.

Mình quen Trọng Đài từ năm 1992, khi nó làm nhạc cho vở Những linh hồn sống của mình. Gần trưa mình đến Nhà hát kịch Hà Nội thấy nó đang lúi húi ghép nhạc, nhiều người chạy ra bắt tay bắt chân mình, nó cứ mặc kệ, xong việc thì tới vỗ vai mình rất thân thiện như là quen nhau từ lâu lắm, nói đi làm mấy be.

Trọng Đài ngồi uống thường nghe nhiều hơn nói, bảo nhạc nó hay chỗ này chỗ kia nó gật gật ừ ừ, không hề tỏ ra mừng rỡ, hí hửng. Chê nhạc nó dở chỗ này chỗ kia nó cũng gật gật ừ ừ, cũng chẳng tỏ ra buồn chán, tự ái. Nó thuộc típ người tri túc, biết chắc việc nó làm, cái nó biết, khả năng nó tới đâu, rõ là dân Hà Nội.

Dân Hà Nội, đặc biệt dân Hàng Đào, cái gì không biết thì thôi, phàm đã biết đều biết rất thấu đáo chu toàn. Ngồi đâu cũng vậy họ ít nói cái họ biết, ai hỏi thì nói, cũng chỉ nói vừa đủ cái người ta cần nghe, cần biết, ít khi nghe họ nói thừa, thứ ngôn ngữ khoe mẽ hầu như xa lạ đối với họ. 

Món văn hoá giao tiếp giả cầy, lịch sự đãi bôi, sến và cải lương là của mấy anh dân quê tạo ra chứ dân Hà Nội gốc tuyệt không có món đó.  Người Hà Nội lịch lãm thấm nhuần từ trong máu, lịch lãm truyền kiếp, họ chẳng cần diễn món lịch lãm như mấy anh khách ở quê ra đâu. Mình cũng là dân quê một cục, hễ thấy ai diễn món lịch lãm đã cực kì ngứa mắt, đừng nói dân Hà Thành.

Trọng Đài cũng vậy, là trai Bát Đàn Hà Nội nó nhanh chóng bỏ qua mấy thủ tục giao tiếp mà văn hoá giao tiếp giả cầy qui ước để đến thẳng với người mình muốn chơi, không màu mè, khách khí. Tuồng như từ trong máu nó đã biết ai là người để chơi, ai là kẻ cần tránh.

 Với bạn nó chơi say mê, không e dè kiêng kỵ giữ ý tứ. Nó chơi  như kẻ không biết tiếc thời gian, lắm khi thấy nó đàn đúm, la cà hết chỗ nọ sang chỗ kia như thằng không có việc làm, ít ai biết để có thời gian dành cho bạn nó đã chối khéo hết các cuộc giao tiếp khác. Chỉ cần mất năm bảy phút cho các cuộc gặp gỡ vô nghĩa vô duyên vô tích sự nó cũng tiếc quay quắt. Nó sẵn sàng lái xe phi về Thanh Hoá hú hí với bạn suốt đêm, trong khi ai đó ngồi quán cách nhà nó vài trăm mét gọi nó lần nào nó chối khéo lần đó.

http://quechoablog.files.wordpress.com/2010/03/avatar1.jpg?w=236&h=198

Trọng Đài và Mai Hoa

Mình làm việc với Trọng Đài ba bốn vở kịch, hầu như vở nào của mình do Nhà hát kịch Hà Nội dựng là nó làm nhạc. Trọng Đài làm nhạc kịch cũng như phim, hay dở chưa bàn nhưng chưa ai lo nó lỡ hẹn. Bảo nó làm việc nọ việc kia, nó ừ một tiếng nhẹ không, chỉ cần nói một câu là xong, không cần nói câu thứ hai, không cần nhiều lời bàn đi tính lại, cũng chả cần vờ vịt kêu ca khó dễ để moi thêm tiền bạc. Đúng hẹn là nó xong việc, không sớm không trễ, giao việc cũng nhẹ không, chưa bao giờ nghe nó nói ôi ông ơi tôi phải cố thế này phải gắng thế kia.

Còn như giúp ai đó một việc gì, xong việc là xong chuyện, tuyệt không bao giờ ngồi lê lết khoe khoang, kể công như một số người. Mấy người này vui lắm, chưa giúp đã khoe, giúp rồi thì khoe suốt đời, thậm chí chẳng giúp gì cũng vơ vào để lấy ơn, vô duyên vô lối hết nỗi, cái tính ấy nó ghét cay ghét đắng, mình cũng thế.

Bạn bè mời đến nhà chơi, nó đã nhận lời thì đến sớm, khi đi một mình khi đèo thêm Mai Hoa vợ nó, nhậu nhẹt tán gẩu thong dong, chưa bao giờ nhìn đồng hồ. Hết nhậu nhẹt đến chơi ta lả, chơi cho đến khi không còn gì để chơi nữa mới chịu về. Chơi đến đáy làm đến đỉnh là cung cách của dân Hà Nội chính hiệu.

 Mấy ông nhậu nhẹt chạy sô, ngồi vào mâm nhậu mặt mày cứ nhớn nhác sợ trễ hẹn cuộc sau, nửa chừng cuộc nhậu thì viện lý do bỏ cuộc, nhậu cũng như họp cứ loay hoay loay hoay đến khổ. Mấy ông này nói đến việc gì thì xong ngay, ba mươi giây, chuyện nhỏ ấy mà… tóm lại chẳng làm gì cả. Cung cách chơi và làm đó đích thị là của mấy ông Hà Nội giả cầy.

Dài dòng loanh quanh vậy để nói có không ít người hiểu nhầm tính cách người Hà Thành. Mình cũng vậy, thời trẻ mình chán dân Hà Nội đến nỗi ra trường được phân làm việc ngay Hà Nội cứ khóc đứng khóc ngồi đòi về quê làm việc cho bằng được. Khi lớn khôn, giao du nhiều, được tiếp xúc với người Hà Nội gốc thấy mê đi, mê lắm nhưng mà học không được, theo không nổi. Vả, đó là tính cách truyền kiếp, chẳng học mà thành, nhiều kẻ văn hoá chưa đủ lưng bát cứ cố đeo lấy mà học, thành ra nửa ông nửa thằng nửa dơi nửa chuột, rất tức cười.

Ngay việc ứng xử với đồng tiền dân Hà Nội gốc cũng khác hẳn với dân khác, họ không trọng cũng chẳng khinh tiền. Trọng vọng đồng tiền tất nhiên chẳng ra gì rồi nhưng cố gồng lên để khinh rẻ đồng tiền chẳng qua cũng chỉ là phía khác của sự trọng tiền, xuất phát từ mặc cảm đói nghèo.

Trọng Đài  ngồi nhậu đâu cũng vậy, chẳng khi nào trốn tránh việc trả tiền, cũng chẳng khi nào cố giành lấy trả. Không ai trả thì nó trả, nhẹ nhàng như không, có người trả rồi thì thôi, cũng nhẹ nhàng như không.  Đối với đồng tiền nó chẳng cú đỉn rị mọ cũng không hoắng huýt tinh tướng.

Giỗ đầu Trần Khắc Tám, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức một đêm thơ nhạcNhớ Trần Khắc Tám, giao cho mình phụ trách. Mình đưa bài thơ Tim tím của Tám cho nó, nói ông phổ nhạc giùm tôi, giúp nhau nhé, tôi không có tiền trả ông đâu. Nó  gật gật, nói bạn ông là bạn tôi. Nó nhét bài thơ vào túi, coi như xong không phải nói gì thêm, tháng sau đưa cho mình cái đĩa bài hát nó phổ cẩn thận, phối cũng rất hay, Mai Hoa hát cũng rất có hồn, rồi kéo mình đi nhậu, chẳng nói thêm gì.

Phải như người khác thế nào cũng kêu khổ này khổ kia khó phổ, tôi phải thế này tôi phải thế kia, rồi thuê dàn nhạc khó thế nào, thu âm khó làm sao. Nó đưa cái đĩa xong là tuyệt không nhắc gì bài hát, chỉ nói tôi kẹt, không vô Đà Nẵng với ông được. Mình đưa phong bì tiền cho nó, nói không phải tiền tôi đâu, tiền thù lao của cơ quan tôi đấy. Nó cầm ngay, nhét vào túi  rất nhẹ nhàng, chẳng nói gì, chưa bao giờ tiền là cái khiến nó phải nghĩ ngợi.

 Thời buổi văn hoá trọc phú lên ngôi, thiên hạ mua xe xịn chạy ầm ầm, có người vay nợ ngân hàng mua cả cái xe chục tỉ bạc, nó vẫn chiếc Lada cà tàng ngược xuôi trên từng cây số, đỗ ngang nhiên với đám xe xịn không hề mặc cảm. Một khi người ta biết mình là ai rồi thì chẳng cần đeo lấy một mớ của cải làm sang, kì thực đang quê mùa hoá bản thân, tốn tiền hư người chẳng được cái gì.

Nhậu nhẹt nó cũng chẳng quan tâm uống cái gì, rượu xịn cũng chơi, rượu trắng cũng uống, dân chơi thường quan tâm cái view nó cũng chẳng thèm để ý, miễn sao vui là được. Có vợ ngồi cạnh vẫn tán chuyện cô này đẹp cô kia xinh chẳng hề e dè. Có ai trêu chọc nó trước mặt Mai Hoa nó cũng chỉ cười chẳng phân bua thanh minh gì, Mai Hoa cũng cười toe, tươi tỉnh thật lòng, còn vui vẻ tán thêm chuyện, mới thấy vợ chồng chúng nó tin yêu nhau thế nào.

Mình nhìn Mai Hoa cười cười, nói em thật khéo chọn chồng, dân tchaikovski xịn, đàn ông xịn, Hà Nội xịn, vớ được ông ba xịn sướng nhé. Mai Hoa cười tít, nói ui ui em làm sao chọn được, trời cho em đấy. Nó ngước nhìn vợ âu yếm, ba chỏm râu ngọ ngoạy, biết ngay cu cậu đang rất hạnh phúc, hi hi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét