Những giọt tháp Chăm
Thanh Thảo Cập nhật : 14/03/2007
Hội thảo (14.11.2006) về bảo tồn hệ thống Tháp Chăm Bình Định, do Báo Bình Định và Sở Văn Hoá Bình Định phối hợp tổ chức, có mục đích chuẩn bị cơ sở cứ liệu cho hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hệ thống Tháp Chăm Bình Định là DI SẢN THẾ GIỚI. Hệ thống Tháp Chăm Bình Định, rất đẹp và rất độc đáo, nằm rải ra trên một diện tích khá rộng chứ không tập trung như ở Mỹ Sơn. Chúng tôi đăng dưới đây bài tham luận của nhà thơ Thanh Thảo
" Những giọt tháp chăm " Bình Định : một không gian mở
thanh thảo
Tháp Cánh Tiên – Bình Định, ảnh Đào Tiến Đạt
Mùa hạ năm 1984, Văn Cao lần đầu tiên sau giải phóng vào thăm Bình Định. Ở Qui Nhơn, nhà thơ-nhạc sĩ thiên tài này đã viết được một "chùm ba thơ" : Qui Nhơn 1, Qui Nhơn 2, Qui Nhơn 3. Và một cảm giác kinh ngạc đã đến với Văn Cao khi Ông lần đầu nhìn ngắm những Tháp Chàm:
Từ trời xanh
Rơi
Vài giọt Tháp Chàm
Quanh Qui Nhơn
Tôi
Như đứa trẻ yêu huyền thoại
Tôi có thể nói, nếu trong lần đầu tiên ấy Văn Cao lại đến với những Tháp Chàm ở Thánh địa Mỹ Sơn, Ông sẽ không thể viết được câu thơ xuất thần: " Từ trời xanh/Rơi/Vài giọt Tháp Chàm/", đơn giản vì ở Mỹ Sơn, quần thể Tháp Chàm là "một trận mưa rào" chứ không là những "giọt mưa" đơn lẻ. Chính cái "tính cách nhỏ giọt" của bản-đồ-Tháp-Chăm-Bình-Định đã cho Văn Cao những câu thơ tuyệt vời, khi Ông cảm nhận được sự bất chợt, nhịp rải và tính ngẫu hứng của bố cục nơi những Tháp Chăm ở Bình Định đã tạo nên một không gian mở cho người thưởng ngoạn. Điều thứ 2 là chính vị trí tọa lạc của những ngọn Tháp Chăm Bình Định đã cho Văn Cao một cảm xúc khác lạ khi nhìn ngắm: hầu hết những Tháp Chăm Bình Định đều được xây trên đỉnh những ngọn đồi, ở những vị trí cao nhất của những vùng đất mà chúng ngự trị. Khác với những Tháp Chăm ở Mỹ Sơn được xây xúm xít trong lòng một thung lũng như một lòng chảo parabole, cũng khác với nhiều ngọn Tháp khác ở Quảng Nam được xây ở vùng đất bằng. Không có điều kiện để nhìn ngắm cả 7 cụm Tháp với 13 ngọn Tháp ở Bình Định, mà chỉ nhìn được một số ngọn Tháp vươn cao trên đỉnh đồi, là một nhạc sĩ, Văn Cao hình dung chúng vút lên như những nốt thăng, nhưng là một nhà thơ, Ông lại cảm thấy chúng như những giọt mưa bất chợt, những giọt mưa tình cờ và bí ẩn rơi xuống vùng đất Bình Định. Hai cảm giác trái chiều ấy thực ra đã tồn tại song song khi chúng ta thưởng ngoạn ở một tầm nhìn tương đối rộng quần thể những cụm Tháp! Chăm ở xứ này. Vút lên là những lời nguyện cầu, và rơi xuống như những ân phước, nhưng những nghệ sĩ Chăm xưa khi xây nên những ngọn Tháp (kalan) này còn vì một lẽ cao hơn những lễ nghi tôn giáo hay sự sùng bái những vương triều: họ tạo tác cái Đẹp với niềm tin nó sẽ trường tồn cùng cuộc sống con người. Những Tháp Chăm ở Bình Định bao giờ cũng tìm được một vị trí thuận lợi nhất để tự thể hiện mình, nhưng cũng như bất cứ cái Đẹp nào, bao giờ chúng cũng tạo một khoảng cách với người chiêm ngắm. Những nhà khảo cổ và nghiên cứu nghệ thuật Chăm đánh giá những cụm Tháp Chăm Bình Định đã đạt tới độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, và đã dung hoà được những phong cách nghệ thuật Champa và Khmer khiến chúng khác với những quần thể Tháp Chăm có trước và sau chúng. Là một người thưởng thức nghệ thuật không có chuyên môn chuyên biệt, tôi thử đặt mình như một du khách từ phương xa du lịch tới vùng đất Bình Định, và những ngọn Tháp Chăm kỳ lạ ở đây đã mở ra trước tôi một không gian chiêm ngắm rộng. Tôi thấy gì từ cái không gian nghệ thuật mở ấy ?
Tháp Dương Long – Bình Định, ảnh Đào Tiến Đạt
Một niềm tin sâu xa vào chất liệu đất: Nói đến Tháp Chăm là nói đến sự độc đáo của chất liệu xây nên chúng: đó là gạch Chăm. Gạch Chăm cũng làm từ đất sét như mọi loại gạch khác, nhưng nó bí ẩn đến mức chúng ta không biết người nghệ sĩ Chăm xưa đã khắc tạc trực tiếp lên gạch sống hay gạch chín? Vì những nhát khắc quá ngọt ngào trên chất liệu, vì cái cảm giác đất nung quá ấm áp và gần gũi mỗi khi ta chạm tay vào cơ-thể-gạch của ngọn Tháp đã truyền cho ta cái niềm tin qua hàng nghìn năm về sự bền bỉ của một chất liệu không trường cửu là gạch nhưng vĩnh cửu là đất. Với người nông dân và người nghệ sĩ Chăm xưa, đất đã là tôn giáo của họ, đã là chất liệu chính để họ hình dung ra nghệ thuật và cái Đẹp. Tôi nghĩ, nếu những ngọn Tháp Chăm này được xây bằng đá, nó có thể khiến ta kính nể, khiến ta an tâm về độ bền vững, nhưng sẽ không làm ta cảm thấy chúng gần gũi thân thiết đến thế! Và không cho ta sự kinh ngạc đến thế, rằng vì sao trải qua hàng nghìn năm với bao biến thiên bao tai họa mà những ngọn Tháp-đất-nung này vẫn tồn tại ? Lại thêm một lý do nữa để tôi yêu những ngọn Tháp Chăm Bình Định.
Sống chan hoà giữa đời sống: Tôi chưa được đi thăm hết 7 cụm Tháp Chăm Bình Định, nhưng chỉ qua 3, 4 cụm hay ngọn Tháp đơn lẻ mà tôi biết, Tháp Chăm Bình Định luôn hiện ra trong tôi hình ảnh của một người bộ hành đi bộ qua không gian và xuyên thời gian. Người-đi-bộ-vĩ-đại ấy lại luôn chọn điểm dừng dù trên cao giữa những xóm làng bình dị, nơi cuộc sống lặng lẽ hay trào cuộn trôi qua với những người nông dân mộc mạc. Sống chan hoà giữa đời sống là một đặc điểm nổi bật của những Tháp Chăm Bình Định, nếu so chúng với những ngọn Tháp ở Thánh Địa Mỹ Sơn chẳng hạn. Bớt chất Đạo mà thêm chất Đời, và cuối cùng chỉ hiện lên như cái Đẹp thuần túy giữa đời thường, những ngọn Tháp Chăm Bình Định là thế! Vì vậy, cách tốt nhất để bảo tồn những ngọn Tháp này là để chúng tiếp tục sống không cách biệt với những xóm làng, những người dân, những sinh hoạt bình thường. Và nếu có thể, xin hãy chọn ra và phục dựng quanh những cụm Tháp những ngôi làng mang dáng vẻ cổ xưa, với nhà lá mái, với những vật dụng sinh hoạt xưa cũ và bình dị của người nông dân Bình Định cũng là của người nông dân Chăm và Việt xưa. Đó cũng là cách bảo tồn một không gian nghệ thuật sống mà những Tháp Chăm là những điểm nhấn quần tụ và kết nối. Nếu hình dung cả 7 cụm Tháp Chăm Bình Định rải ra trong không gian như một tác phẩm của nghệ thuật xếp đặt (Installation Art), ta sẽ thấy! chùm "Đại hùng tinh" (Constellation) này rải ra trên địa giới của 3 huyện và 1 thành phố: Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và Qui Nhơn. Đó đều là những vùng đất cổ, và đều là những điểm du lịch sáng giá trong tương lai gần. Chính không gian mở của "Thất hùng tinh Tháp Chăm" này khiến cách thưởng ngoạn Tháp Chăm Bình Định khác với cách thưởng ngoạn Tháp Chăm ở những địa phương khác thuộc miền Trung. Chỉ có Quảng Ngãi là vùng đất từng tọa lạc những Tháp Chăm có bố cục "không gian mở" như ở Bình Định. Tiếc thay, toàn bộ Tháp Chăm ở Quảng Ngãi đã bị san phẳng, không phải bởi thời gian hay mưa a-xít, mà bởi con người. Bây giờ ở đó chỉ còn những nền Tháp bị vùi sâu trong lòng đất.
Tháp Phú Lốc – Bình Định, ảnh Đào Tiến Đạt
Mãi mãi là bí mật: Với 13 ngọn Tháp còn lại, Bình Định là địa phương thứ 2 sau Quảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét