Những Chuyện Tình Đôi Phút
Tiểu thuyết văn học mạng
Trang Hạ dịch
Nguồn: http://blog.360.yahoo.com/trangha75
Chuyển PRC: vinhhoa@www.thuvien-ebook.com
Những chuyện tình chỉ cần
đôi phút đọc đã hết, không tới 1.000 chữ,
nhưng vương vấn mãi.
Mục lục
Ba khoảnh khắc dấu yêu
Thư Giáng Sinh
Nếu không phải tình yêu
Em đồng ý ly hôn
Những vòng vỏ cam
Câu chuyện tình yêu trong ngày 31/5
Cõng em lên gác
Em còn yêu anh không?
Có cánh chuồn nào trên vai em không?
Ba khoảnh khắc dấu yêu
Một đời dấu yêu, chẳng qua chỉ vỏn vẹn ba khoảnh khắc.
Khoảnh khắc đầu tiên xảy ra trên giảng đường năm thứ hai đại học. Cô trò chuyện với anh ngồi bên cạnh rất tâm đầu ý hợp. Anh biết cô là người Vũ Hán, lúc sắp tan lớp, anh hỏi: “Thế sau này tôi đi Vũ Hán chơi, tìm bạn, có được không?“. Cô bảo: “Tất nhiên rồi!“. Tiện tay cô xé một trang sổ vẽ vội đường đi đưa cho anh.
Khảnh khắc thứ hai là lúc trên sân ga. Hát hò, khóc lóc, vẫy tay chào, tiễn từng bạn từng người bạn học, cuối cùng đứng lại trên sân ga còn có hai người, lúc nửa đêm phương Bắc, trời tháng Sáu cũng lành lạnh, vào lúc trăng sao cũng tối đen, anh đột ngột nói: “Em biết không, anh đã yêu em rất lâu rồi!”
Cô kinh ngạc ngẩng đầu, nhìn gương mặt anh, hốt nhiên hiểu ra tất cả, vì sao mỗi ngày gặp anh, nắng cũng rạng rỡ hơn. Cô gần như thảng thốt đáp lại: “Em cũng vậy!“. Nhưng tiếng còi tàu từ xa tới đã nuốt hết tất cả âm thanh.
Sau này, cô gửi hết lá thư này tới lá thư khác cho anh, nhưng biệt vô âm tín, cô không rõ vì sao: nhầm địa chỉ, hay là… nhầm trái tim. Từ đó cô nghĩ hẳn không bao giờ gặp gỡ nhung nhớ, nhưng có lần trong đêm thâu mộng thấy anh đi về phía cô, dường như muốn thổ lộ cùng nhau hàng trăm nghìn lời nói, nhưng lại chỉ đau đớn, im lặng, quay đi… Cô bàng hoàng tỉnh dậy, ngồi trên giường tới tận bình minh.
Khoảnh khắc thứ ba, là sáu năm sau. Cô vừa cưới, cùng chồng đi Thượng Hải hưởng tuần trăng mật. Người chồng đôn hậu yêu thương không rõ vì sao vợ lại đòi nhất định phải ghé vào một thành phố nhỏ như An Khánh để tìm một người bạn học cũ.
Nhưng địa chỉ anh ghi cho cô, đã thành bãi cỏ hoang từ bao giờ, cả một dãy phố đã biến mất. Đứng đầu phố đầy đất cát, họ chẳng biết hỏi qua bao người, mới có một thanh niên kinh ngạc: “Anh trai tôi đây mà!”
Sáu năm mới gặp, mà như mới chia tay. Anh điềm đạm hỏi: “Em đến ư?“. Cô đáp: “Vâng em đã đến!”
Vẫn chỉ trò chuyện vài lời. Công việc của anh thất thường, anh cười cười: “Hồi đó, suýt chút nữa anh đi Vũ Hán, công việc rồi quan hệ đã thu xếp xong rồi, bố anh lại mất… Thế là nhà chỉ còn mẹ già và em trai… Chả đi nổi!”
Có phải là đêm cô mơ thấy anh đi tới?
Ngồi một lúc, hoàng hôn xuống, thấy chồng nhìn đồng hồ, cô đứng dậy cáo từ, nói một câu lịch sự: “Đến Vũ Hán, tới nhà em chơi nhé, anh biết địa chỉ mà?“. Anh đáp điềm đạm: “Anh biết!” Rồi mở ngăn kéo, trong dó một tờ giấy.
Tám năm trước, cô tiện tay xé trang sổ, mực đã bay màu, có dấu mũi tên còn đậm, chỉ vào nhà cô…
Dấu yêu, chỉ còn ba khoảnh khắc đó, trong đời…
Thư Giáng Sinh
Cô vì được lĩnh phần thưởng học sinh giỏi nhất trường, nên được đứng lên bục nhận thưởng
Nên cả trường biết mặt
Anh trở thành kẻ ngưỡng mộ
Năm đó anh mười bốn tuổi.
Một hôm tan học, anh phát hiện cô không những chỉ ngồi cùng chuyến xe bus, lại còn xuống cùng một bến, nhà cô chỉ cách nhà anh một con ngõ nhỏ.
Anh nhờ tấm thiệp Giáng Sinh để viết thư cho cô: “Hy vọng mình trở thành bạn bè”.
Kết quả được hồi âm là… bị giám thị cầm lên đọc trước toàn trường và những tiếng cười rúc rích chế nhạo
Lá thư này làm cả trường đểu biết “cóc nhái đòi ăn thịt thiên nga”
Một đứa ở lớp cá biệt đòi lọt mắt xanh nữ sinh gương mẫu của trường?
Anh tiếp tục viết thư, viết rồi phong lại.
Đến mùa Giáng Sinh năm lớp 9 thì mang tất cả bỏ vào hòm thư nhà cô
Cô không trả lời, giám thị cũng chả nhắc nhở.
Kỳ thi vào cấp 3 có kết quả, cô thi đỗ vào trường Nữ sinh số Một Đài Bắc danh tiếng ngay sát phủ tổng thống,
Trường anh cách đó chẳng xa, anh học trường bổ túc Khoa học tự nhiên
Vẫn thường cùng cô tuyến xe bus, nhưng chưa hề bắt chuyện.
Anh chỉ có thể lén nhìn màu áo đồng phục xanh lục kia, âm thầm cầu chúc cho cô, và tự động viên chính mình.
Anh vẫn viết thư, vẫn gửi cả tập vào mỗi mùa hoa Thánh Đản Hồng (hoa Trạng nguyên ) nở tháng Mười Hai
Cô vẫn không ngó ngàng.
Đại học, cô vào Đại học Sư phạm Đài Loan, anh xuống miềnhọc trường Trung cấp Nam
Để được nhìn thấy cô thường xuyên, anh ở miềnkhổ học một năm trời Nam
cuối cùng thi đỗ kỳ chuyển trường, vào khoa Giáo dục Công nghiệp của Đại học Sư phạm Đài Loan, lại trở thành bạn học của cô.
Còn nhớ, ngày nhìn thấy tên mình trên bảng trúng tuyển, anh lẩm nhẩm tên cô
phóng xe như bay đến con ngõ nhỏ để lần đầu tiên bấm chuông cửa nhà cô,
trong tiếng chuông cửa, đầu óc anh chỉ có hình ảnh cô
khao khát nói với cô một câu nói một đời người, nhưng cô không để ý
Cô đã có bạn trai, nhưng anh vẫn viết một câu cho cô:
“Em chọn người khác đó là quyết định của em, tôi chọn em đó là quyết định của tôi,
Em có thể sẽ thay đổi quyết định của em, nhưng tôi sẽ không bao giờ!”
Cô rốt cuộc vẫn không ngó ngàng gì tới anh, với sự si tình có vẻ khủng bố tinh thần kia
Mùa Giáng Sinh năm đó, anh nhập ngũ, cô cưới chồng.
Không lâu sau, cô sang Mỹ, anh cũng được tin cô đã sinh con gái.
Nhưng anh không tuyệt vọng, từ nhỏ chưa bao giờ anh nghĩ sẽ đi Mỹ,
vẫn nghĩ, đi Mỹ là chuyện không tưởng, như kiệu vàng bao giờ đến thân kẻ phàm trần,
Anh cứ tưởng mỗi học kỳ học cho thật chắc đã là quá tốt rồi,
nhưng cô đã gọi lên giấc mơ nước Mỹ, và anh đến Mỹ du học,
mới hiểu ra những mùa Giáng Sinh trên tuyết trắng thật đẹp
và kiên trì tin sự lựa chọn của tuổi mười bốn.
Ba mươi mốt tuổi, anh tốt nghiệp về Đài Loan, dạy một trường đại học, vẫn chỉ yêu một người
Anh vẫn còn viết thư, mỗi lần Giáng Sinh lá thư lại đặc biệt dài,
Chỉ có điều anh không gửi đi, anh định chờ khi tròn hai mươi năm quen nhau rồi tính.
Anh muốn đơn sơ mang mối tình đơn sơ vào tuổi trung niên.
Mùa Giáng sinh năm ba mươi ba tuổi, cô đến tìm anh.
Đã mười chín năm rồi! Cuối cùng thư đã có hồi âm.
Cô đã mất nhiều thứ, cô mang con gái quay về, không việc làm,
Nghĩ anh là giảng viên đại học, quan hệ rộng, nhiều bạn tốt
Anh, tất nhiên, giúp cô quay lại giảng đường.
Anh cần cô, anh dùng cái tình đơn sơ của năm mười bốn tuổi
Nhưng cô vẫn từ chối, vì giờ thì cô không còn xứng đáng với anh nữa.
Cô không còn là cô học trò giỏi giang ngày xưa ấy nữa.
Giờ chỉ còn một thiếu phụ cay đắng sau cuộc hôn nhân thất bại!
Anh mang hai hòm thư đến nhà cô để cầu hôn
Anh cảm ơn cô đã cho anh tất cả:
Không có cô, anh có lẽ chỉ học hết cấp ba bổ túc mà thôi;
Không có cô, sẽ không có cử nhân, không thạc sĩ, không tiến sĩ;
Không có cô, ai dắt anh qua những tháng ngày đằng đẵng
Không có cô, anh sẽ đi về hướng nào của đời sống?
Không có cô, chữ anh sẽ không được luyện đến ngay ngắn thế, văn chương của anh sẽ không mượt mà thế
Không có cô, một người học khoa học tự nhiên không thể yêu văn chương thi ca như anh
“Văn chương thi ca đã ở bên tôi, tôi trở thành tôi ngày hôm nay!”
“Em hãy để cho anh cả đời chỉ yêu một người!”
“Em chưa nợ anh gì, yêu em là điều tốt đẹp nhất đời anh”
Mùa Giáng sinh năm ba mươi tư tuổi
Anh và cô bước vào thảm đỏ hôn lễ
Anh nhất định đòi con gái cô làm Tiên Đồng cho đám cưới
Câu chuyện này chưa kết thúc, họ đã sống bên nhau hơn mười mùa Giáng sinh hạnh phúc
trong khu tập thể nhà trường, những Thánh Đản Hồng nhà họ nở thắm đỏ hơn cả
nở sớm nhất, và lâu tàn nhất
tôi biết, vì tôi từng học giáo sư Bành Hoài Chân, khoa Giáo dục Công nghiệp Đại học Sư phạm Đài Loan.
(Trang Hạ dịch)
Nếu không phải tình yêu
Cảnh Vệ (Đài Loan)
Bốn năm trước, em trai tôi bắt đầu đi làm, quen một cô gái Việttên là Thuý ở cùng công ty. Quen nhau khoảng một năm, lần đầu tiên em trai tôi dẫn bạn gái về nhà. Khi đó không chỉ làm cả nhà tôi chấn động, còn dẫn tới một cuộc cách mạng trong chính gia đình. Nam
Không phải bố mẹ tôi kỳ thị các cô dâu người nước ngoài, nhưng cứ nghe Thuý ấp úng khó nhọc câu chào: “Chào pác, chào rì, nhà ta khoẻ!” chưa kể khi nói chuyện với em trai tôi, cô ấy thường phải dùng động tác tay để diễn tả, nói thật đã đủ để hai bậc phụ huynh khá gia giáo và truyền thống phản đối họ yêu nhau.
Em trai tôi là út, khi nó vào học lớp một thì tôi và em gái sau tôi đã đi làm kiếm tiền rồi. Tuổi chúng tôi và tuổi nó quá cách xa nhau, vì thế em trai tôi từ nhỏ đã được bố mẹ cực kỳ nuông chiều, rất nhiều việc bố mẹ đã làm thay hoặc thu xếp thay cho nó, từ đó tạo nên tính chây ì, ỷ lại, bạc nhược của nó, nó luôn là đứa răm rắp nghe theo bố mẹ.
Lần này, nó cứ đeo đuổi quan hệ đấy, làm chúng tôi giật mình nhận ra, lần đầu tiên trong đời nó đã cả gan trái lời bố mẹ. Về sau này, sau nhiều lần cố gắng dẫn Thuý về nhà chơi hòng lấy lòng bố mẹ nhưng chẳng có kết quả, và bị bố mẹ tôi nghiêm khắc cấm đoán, nó lẳng lặng không nói một lời, chơi trò ì ra ăn vạ để phản kháng gia đình.
Nó không dẫn Thuý về nhà nữa, ngày nghỉ cũng không đi chơi với cô kia, hàng ngày đúng giờ đi làm và tan sở, nhất nhất đều rất ngoan ngoãn, chỉ có điều, từ những hoá đơn thanh toán điện thoại khổng lồ của nó hàng tháng, và những âm thanh rì rầm thì thào từ phòng nó đêm đêm, đều chứng tỏ bọn nó vẫn tiếp tục yêu nhau.
Giấy làm sao bọc được lửa. Sống cùng một mái nhà, bố mẹ tôi cũng phát hiện điều đó, tuy nhiên dưới sự can ngăn khuyên giải tích cực của cô chị hai, bố mẹ tôi cũng chưa lần nào chửi mắng cãi vã kịch liệt với nó, và tình hình cứ mờ mờ tỏ tỏ như thế hết ngày này qua ngày khác.
Cho đến một ngày, em trai tôi cãi nhau với đồng nghiệp trong công ty, bố mẹ tôi nhân cơ hội này bắt nó bỏ việc. Em tôi lúc đầu không chịu, sau vừa sức ép từ công ty thêm sức ép từ bố mẹ, nó đành khuất phục.
Nó xin việc mới, cương vị mới, bận rộn công việc và cũng bận làm quen với những người đồng nghiệp mới, nó thưa dần các cuộc điện thoại cho Thuý.
Vào lúc bố mẹ tôi đang mừng thầm, thì có một sự kiện bất ngờ lại giáng đến.
Hôm đó, Thuý mang quà tự tìm đến nhà tôi. Cô ấy vẫn dáng dấp đó, nụ cười bẽn lẽn đó, nhưng tiếng Hoa đã nói lưu loát hơn nhiều: “Chào bác, chào anh, chào chị, chào cả nhà!”
Trong sự kinh ngạc của gia đình chúng tôi, Thuý thanh minh sự đường đột đến thăm. Thì ra hợp đồng làm việc của cô đã kết thúc, tháng ba tới cô ấy sẽ rời Đài Loan, cô muốn cảm ơn chúng tôi đã chăm sóc bấy lâu.
Rồi Thuý bày quà ra, đó là những món ăn Việt Nam cô chế biến từ các nguyên liệu Đài Loan, có nem rán Việt Nam, nộm đu đủ trộn, khẩu vị khác của Đài Loan, nhưng cũng khá ngon. Người ta thường bảo giơ tay không nỡ tát người đang cười, huống hồ giờ cô Thuý sắp đi khỏi Đài Loan rồi, vì thế trong bầu không khí có thể tạm gọi là hoà bình, cô Thuý kết thúc chuyến thăm hỏi xã giao. Tất nhiên, gia đình tôi không cho em trai tôi biết việc này.
Thời gian trôi nhanh như bóng ngựa câu qua khe cửa hẹp, Thuý rốt cuộc đã về nước. Khi nghe tin, em trai tôi đông cứng cả người.
Từ đó về sau, một thời gian rất dài, tôi thường thấy nó ngồi lẫn đẫn một chỗ không còn chút hồn vía, làm bất cứ việc gì cũng không hào hứng, trông nó bệch bạc rũ rù. Tôi khá lo lắng, nhưng cũng còn biết làm gì được, đau thà ngắn còn hơn chịu dài, một lần cho xong, đó cũng là một kết thúc tốt đẹp, tôi tin chỉ một thời gian em tôi sẽ vui trở lại.
Quả nhiên, thời gian là liều thuốc tốt cho cơn bệnh đau tình. Hơn một tháng sau, em trai tôi khôi phục lại tinh thần, có điều, nó bắt đầu lao đầu vào làm việc, ngày nào cũng làm thêm tới chín mười giờ tối mới về, bố mẹ thương nó, nhưng dù sao lấy lại tinh thần cũng là tốt rồi, vì thế, bố mẹ tôi không ngăn cản việc nó làm thêm giờ.
Trung tuần tháng bảy, bố mẹ tôi đang ở nhà, đột ngột nhận được điện thoại của em trai tôi gọi từ… sân bay Trung Chính, nói nó đi Việt Nam tìm Thuý, tìm được sẽ quay về, cả nhà đừng chờ nó. Nó sợ gia đình lo lắng, càng sợ gia đình phản đối, vì thế khi bước chân lên máy bay, em tôi mới gọi điện về báo.
Trời ơi, em tôi từ nhỏ chưa từng đặt chân đi ra nước ngoài, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, một chữ tiếng Việt bẻ làm bốn càng không biết, mẹ tôi chửi ồ ồ trong điện thoại hàng tràng, yêu cầu nó về ngay thương lượng với gia đình. Nhưng em tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi suốt nửa năm rồi, nó không chịu nhượng bộ. Và thế là nó bay đi Việt. Nam
Khi em tôi quay lại Đài Loan, cái nó mang về là Album ảnh cưới chụp tại Việt. Nam
Cho dù việc kết hôn của hai đứa còn chưa hoàn tất thủ tục, nhưng sự kiên quyết và hành động của em trai tôi đã làm cho bố mẹ tôi hiểu ra quyết tâm lấy cô kia làm vợ của nó. Và sau đó mấy tháng trời, em tôi ngược xuôi lúc Đài Loan lúc Việt Nam, làm tất cả mọi loại thủ tục cần có, và vào tháng mười hai, nó mang bố mẹ tôi đi Việt Nam dự đám cưới của nó. Còn phía bên này, chờ khi nào Thuý về Đài Loan rồi sẽ làm tiệc cưới mời khách sau.
Chuyện thu xếp ổn thoả, tôi nhìn hai đứa chúng nó mặc áo dài cổ truyền của Việt Nam, rồi cười ngọt ngào trong tiệc cưới, tôi chân thành chúc chúng nó hạnh phúc, hy vọng cuộc hôn nhân vượt biên giới khó khăn và gian nan này sẽ kéo dài tới vĩnh viễn.
Mà suốt từ đầu đến cuối quá trình ấy, tôi chỉ có một thắc mắc nhỏ mà chưa biết bao giờ được giải đáp, hoặc có lẽ sẽ chẳng có đáp án. Đó là, vào cái hồi mà em trai tôi và em dâu tôi còn chưa thạo tiếng của nhau, nói chuyện còn cần dùng tay để diễn đạt, thì làm sao bọn chúng có nhiều chuyện đến thế để buôn điện thoại ròng rã?
Nếu không phải là “tình yêu” thì…
Trang Hạ dịch (Bài lên mạng Đài Loan 26/1/2008)
Em đồng ý ly hôn
Tôi luôn là người phụ nữ yếu đuối. Tôi dùng mọi cách để cứu vãn hôn nhân. Nấu những món ăn chồng thích, mua những CD chồng thích, dọn dẹp nhà gọn như chồng thích, vì chồng làm tất cả những gì tôi cho là hạnh phúc.
Tôi chưa bao giờ đòi hỏi chồng, tôi sợ chồng nghĩ tôi lắm chuyện. Nhưng giờ tôi đã hiểu, tình cảm lâu dài không so được với tình yêu sét đánh.
Lần đầu tiên nhìn thấy chồng và cô ấy là trên bức ảnh post trên mạng âm nhạc, lần đầu gặp mặt cô ấy là khi hai người rời cổng khách sạn, lần đầu được nghe chồng nhắc về cô ấy là tối kỷ niệm ba năm ngày cưới… đó quả thật là một cô gái đẹp.
Tôi xem trộm những mail chồng viết cho cô ấy, mỗi dòng ngọt ngào cảm động ấy tôi đều tự lừa mình rằng đó là viết về tôi, cho tôi. Làm sao chồng có thể yêu ai sâu nặng như thế khi chồng chưa hề nói đến việc ly hôn với tôi. Tôi sợ nói, vì sợ rằng nếu nói sẽ ly hôn thật, vĩnh viễn mất người chồng tôi yêu.
Chồng ạ, tôi thật sự yêu chồng, chỉ những khi chồng ngủ rồi tôi mới từ từ khóc. Cảm ơn chồng đã bên tôi từng đấy năm, yêu tôi như tôi yêu chồng. Ít nhất chồng chưa nói đến ly hôn, chồng còn quay về nhà, chồng còn ăn cơm tôi nấu, còn cười. Thế là tôi thấy đã đủ. Tôi yêu chồng nên tôi tha thứ cho cô ấy.
Cho đến tối qua chồng nói:
Anh có một anh bạn, anh ấy cưới vợ sáu năm rồi. Vợ tốt lắm, anh ấy cũng yêu vợ, nhưng cách đây bốn năm, anh ấy quen một cô, cũng rất tốt, cũng yêu anh ấy. Cho nên anh ấy yêu cả vợ cả bồ. Cô gái cũng là người hiểu biết nên không bao giờ đòi anh bạn anh cưới hay đòi anh ấy bỏ vợ. Vợ anh ấy cũng không bao giờ tìm cách ly hôn. Nhưng bây giờ cô gái kia có bầu rồi, nên đòi cưới. Cô ấy đã yêu bốn năm, những gì tốt đẹp nhất trong đời cô ấy, thì đã đều trao đi cả rồi.
Chồng hỏi tôi: Em bảo anh ấy nên làm thế nào đây?
Tôi không nói gì. Tôi biết đó là chuyện của chồng tôi. Đấy là sự lựa chọn của chồng tôi.
Buổi tối sau khi chồng ngủ, tôi ngồi ngắm khuôn mặt chồng, dáng vẻ chồng ngủ. Tôi hôn thận trọng trong nước mắt vì biết là những cái hôn cuối cùng.
Tôi đi đây. Tôi biết đó là kết thúc tốt nhất. Tôi đã dọn nhà sạch bong, cơm ở trong nồi, thức ăn nên hâm nóng trước khi ăn, đó là bữa cơm cuối cùng tôi nấu cho chồng. Ít uống rượu thôi vì bệnh dạ dày nhé, tôi đã đặt mua một năm sữa bò, họ sẽ đến đưa hàng ngày, nhớ hâm nóng trước khi uống.
Tôi không mang cái gì ra khỏi nhà cả. Tôi chỉ mang món quà ngày xưa lần đầu tiên được chồng tặng, là con gấu len, tôi đã quen ôm nó. Nó sẽ ở bên tôi.
Tôi nói tạm biệt với căn nhà đã ở từng ấy năm, tôi nói tạm biệt với gia đình đã sống từng ấy năm, và tôi nói với chồng sau từng ấy năm: Chúc anh hạnh phúc!
Tôi muốn dặn chồng rằng, hãy hạnh phúc, và đừng làm tổn thương người khác trong hạnh phúc của mình.
Tôi vẫn yêu chồng như ngày xưa. Chỉ có điều, từ sau khi ký giấy ly hôn và ra đi, tất cả sẽ bắt đầu không liên quan gì tới chồng nữa…
Trang Hạ dịch (theo PJBLOGGER)
Những vòng vỏ cam
Huỳnh Minh
Bây giờ anh vẫn ngồi tự hỏi, hồi ấy mình đã làm gì, đã sai hay đã đúng? Ở tuổi 20 anh coi ái tình là một trò vui và những cô gái qua đời anh là bất tận.
Em đến như con chim xinh bé nhỏ, ngại ngùng nhờ anh mở giùm khóa xe, tiếng cám ơn ngọt ngào như hạt nhân kẹo vỡ. Anh điện thoại ngày đôi lần để nghe em cười rụt rè và cả câu nói dạ thưa dễ thương… Một năm, rồi hai năm. Những cô gái ngang qua đời anh, chỉ còn em ở lại. Mẹ anh coi em như một đứa con gái và bà ao ước anh cưới vợ. Lúc đó anh chỉ cười.
Người ta bắt đầu ghép đôi. Những đám cưới, bạn bè cứ cắc cớ hỏi em sao không đi với anh. Họ hiển nhiên coi em là của anh, còn anh cứ ngu khờ tuyên bố chơi qua đường thôi, tình chả có gì đâu. Rồi để chứng minh, anh lăn xả vào chinh phục những cô gái khác. Đời còn dài, anh tha hồ được kén chọn.
Em chỉ coi anh như một người anh, em nói một cách hồn nhiên để làm vui lòng anh. Và khi anh đụng độ với những tình cảm rắc rối, em lại là người hòa giải. Anh bệnh, em đến ngồi ríu ríu kể chuyện, rồi em gọt cam. Những dây vỏ tròn xoay quay thật khéo, anh chưa thấy cô bạn gái nào gọt đến hết trái cam mà vỏ vẫn không đứt.