Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Nhu Loi Cau Kinh ANTHONY DE MELLO.html

Nhu Loi Cau Kinh ANTHONY DE MELLO.html

NHƯ LỜI CẦU KINH – THE PRAYER OF THE FROG

ANTHONY DE MELLO

QUYỂN I

Dịch giả: ĐỖ TÂN-HƯNG

Đọc lại và bổ túc: LM ANTÔN-PHAOLÔ, SJ

Giấy phép dịch ngày 20-05-2001

Nhà xuất-bản Gujarat Sahitya Prakash Anand, India


MỤC LỤC

1.- LỜI CẦU KINH CỦA CON ẾCH  

2.- THẦY GIÁO TRƯỞNG DO THÁI NHẢY MÚA  

3.- CẦU NGUYỆN BẰNG DẠ VŨ

4.- ĐÔI CHÂN CHĨA VỀ THÀNH THÁNH  MÉT-CA (MECCA)

5.- LỜI CẦU NGUYỆN CỦA MỘT KẺ MỘ ĐẠO VỚI THẦN VIS-NU (VISHNU)

6.- NHÀ PHÁT MINH  

7.- BIẾN THÀNH LỬA

8.- LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI THỢ SỬA GIÀY

9.- CẦU NGUYỆN BẰNG NHỮNG MẪU TỰ  

10.- NGHỀ CHUYÊN MÔN CỦA CHÚA LÀ THA THỨ

11.- NGÀI NA-RA-ĐA (NARADA) ĐỘI BÁT SỮA

12.- NGÔI LÀNG LUÔN ĐƯỢC CỨU VỚT  

13.- LỜI CẦU NGUYỆN CÓ THỂ CHẾ NGỰ  THỜI TIẾT?  

14.- SỰ ĐÁP TRẢ TRÌ HOÃN CỦA NỮ THẦN LÁC-SI-MI (LAKSHMI)  

15.- LỜI CẦU NGUYỆN CỦA TRẺ CON  

16.- MỘT KẺ QUẤY RẦY KHÔNG THỂ CHỊU NỔI  

17.- VỀ LỜI CẦU NGUYỆN VÀ NGƯỜI CẦU

18.- TÔI CÓ THỂ GIÚP BÀ ĐƯỢC KHÔNG?

19.- CẢ HAI CHỈ NGHE. KHÔNG AI NÓI  

20.- VUA ÁC-BA CẦU NGUYỆN   

21.- CON BÒ ĐỰC ĐIÊN TIẾT  

22.- CẦU XIN CHẤP NHẬN CUỘC SỐNG

23.- VÀO MỘT NGÀY LẠNH TRỜI, CHẾT CÓNG  

24.- LÀM BẠN VỚI RỒNG  

 

1.- LỜI CẦU KINH CỦA CON ẾCH  

Một đêm kia khi thầy Bruno đang cầu nguyện, thầy bị quấy rầy bởi tiếng ộp ộp của một con ễnh ương. Mọi cố gắng của thầy để phớt lờ âm thanh đó đều vô hiệu nên từ cửa sổ, thầy la lớn: “Im đi!  Ta đang cầu nguyện!”

Vì thầy Bruno là một vị thánh nên lệnh của thầy được tuân hành ngay. Mọi sinh vật đều im hơi lặng tiếng, nhằm tạo sự thinh lặng thuận lợi cho việc cầu nguyện của thầy.

Nhưng giờ đây một âm thanh khác xâm nhập vào việc thờ phượng của thầy Bruno – một tiếng nói từ bên trong nói rằng: “Có thể Chúa cũng ưa thích tiếng ộp ộp của con ếch đó như tiếng hát những bài Thánh Vịnh vậy." Thầy Bruno đáp lại với vẻ khinh miệt: ” Tiếng ồp ộp của một con ếch có gì mà làm Chúa nghe lọt tai?”  Nhưng tiếng nói đó không chịu từ bỏ: “Con có nghĩ tại sao Chúa đã tạo nên âm thanh không?”

Thầy Bruno quyết định khám phá cho biết tại sao. Thầy ngả người ra ngoài cửa sổ và ra lệnh: “Hát lên đi!” Tiếng ộp ộp đều đặn của con ễng ương tràn lan không trung cùng với sự phụ hoạ buồn cười của mọi con ếch ở xung quanh đó. Và khi thầy Bruno chú trọng vào âm thanh thì những giọng kêu của chúng không còn làm thầy chói tai nữa, bởi vì thầy khám phá ra rằng nếu thầy không còn kháng cự chúng nữa thì chúng thực sự đang làm phong phú hóa sự tĩnh mịch của đêm trường.

Nhờ sự khám phá đó, con tim thầy Bruno đã hòa nhịp với vũ trụ và lần đầu tiên trong đời, thầy mới hiểu cầu nguyện nghĩa là gì.

 

2.- THẦY GIÁO TRƯỞNG DO THÁI NHẢY MÚA 

Một câu chuyện trong sách Ha-si đim (Hasidim)

Những người Do Thái ở một tỉnh nhỏ bên nước Nga rất nóng lòng chờ đợi thầy giáo trưởng tới. Đó sẽ là một biến cố hiếm hoi nên họ đã để nhiều thời giờ chuẩn bị những câu hỏi mà họ sẽ đặt ra cho con người thánh thiện đó.

Cuối cùng khi thầy giáo trưởng đến và họ gặp thầy ở tòa thị chính, thầy có thể cảm nhận bầu khí căng thẳng khi mọi người sẵn sàng lắng nghe những câu trả lời mà thầy để dành cho họ. 

Trước hết, thầy không nói gì; thầy chỉ nhìn chằm chằm vào đôi mắt họ và ngậm miệng ngân nga một giai điệu lặp đi lặp lại. Rồi mọi người bắt đầu ngậm miệng ngân nga theo. Thầy bắt đầu hát và họ hát theo thầy. Thầy lắc lư và nhảy múa khoan thai, với những bước chân có chừng mực. Toàn thể giáo đoàn bước theo thầy như vậy. 

Chẳng bao lâu, họ dồn hết tâm trí vào cuộc nhảy múa cho đến nỗi họ bị cuốn hút vào những động tác mà quên đi những gì khác ở trên mặt đất. Vì vậy mỗi người thuộc đám đông đó làm thành một tổng thể được chữa lành khỏi sự rạn nứt từ bên trong đã cầm giữ chúng ta xa rời Chân Lý.

Cũng phải mất gần một tiếng đồng hồ trước khi cuộc khiêu vũ chậm lại để rồi chấm dứt.  Với sự căng thẳng được gỡ khỏi nội tâm con người, ai nấy ngồi xuống trong sự an bình thinh lặng tràn lan căn phòng. Rồi vị giáo trưởng nói những lời duy nhất tối hôm đó: “Tôi tin chắc tôi đã trả lời các câu hỏi của quý vị rồi”.

Người ta hỏi một vị tu sĩ Hồi giáo tại sao ông ta thờ phượng Chúa bằng cách nhảy múa. Ông trả lời: “Vì thờ phượng Chúa có nghĩa là chết cho chính mình; sự nhảy múa giết chết cái tôi. Khi cái tôi chết, mọi vấn nạn chết theo với nó. Nơi nào vắng bóng cái tôi, ở đó có Tình Thương, ở đó có Thiên Chúa”.

 

3.- CẦU NGUYỆN BẰNG DẠ VŨ

Minh Sư ngồi với các đệ tử trong cuộc hội kiến. Ông nói: “Các con đã nghe cầu nguyện nhiều và các con cũng đã đọc kinh cầu nguyện nhiều. Tối nay, thầy muốn các con nhìn thấy cầu nguyện một lần”.

Vào lúc đó màn kéo lên và buổi dạ vũ bắt đầu.

 

4.- ĐÔI CHÂN CHĨA VỀ THÀNH THÁNH  MÉT-CA ( MECCA) 

Một vị tu sĩ khổ hạnh thánh thiện Hồi giáo đi hành hương Mét-ca. Khi tới ngoại vi thành phố, ông nằm xuống bên vệ đường, mệt mỏi do cuộc hành trình. Khi vừa mới thiêm thiếp ngủ, thình lình ông bị đánh thức dậy bởi một người hành hương có vẻ giận dữ: “Đây là lúc mọi tín đồ cúi đầu về phía thành thánh Mét-ca, còn ngươi lại chĩa chân về phía đền thánh. Ngươi là hạng người Hồi giáo gì vậy?”

Vị tu sĩ khổ hạnh không nhúc nhích động đậy; ông chỉ mở mắt ra và nói: “Anh ơi, xin anh làm ơn đặt đôi chân tôi ở đâu để khỏi phải chĩa thẳng vào Chúa?”

 

5.- LỜI CẦU NGUYỆN CỦA MỘT KẺ MỘ ĐẠO VỚI THẦN VIS-NU (VISHNU)

“Ngài ôi, tôi khấn xin Ngài tha thứ cho tôi về ba tội tày trời nầy: trước hết, tôi đã đi hành hương nơi nhiều đền thánh của Ngài mà quên rằng Ngài hiện diện khắp nơi; thứ đến, tôi thường lớn tiếng van xin Ngài phù hộ cho tôi mà quên rằng Ngài lo lắng cho sự an sinh của tôi còn hơn chính tôi; và sau cùng, này đây tôi đang xin Ngài tha thứ, trong khi tôi biết rằng mọi tội lỗi tôi đã được tha thứ trước khi tôi lỗi phạm.”

 

6.- NHÀ PHÁT MINH 

Sau nhiều năm khó nhọc, một nhà phát minh đã tìm ra ra kỹ thuật làm lửa. Ông đã mang những dụng cụ lên vùng Bắc cực đầy tuyết phủ và bắt đầu dạy cho một bộ lạc về kỹ thuật và những lợi ích của việc làm ra lửa. Dân chúng ở đó bị thu hút bởi sự mới mẻ này đến độ họ không nghĩ tới việc cám ơn người sáng chế nên một ngày kia ông đã lặng lẽ bỏ đi. Là một trong những con người hiếm hoi có tâm hồn cao thượng, ông không ước mong được tưởng nhớ hay tôn sùng: tất cả những gì mà ông nhắm tới là sự mãn nguyện được biết có kẻ đã hưởng lợi từ phát minh  của mình.

Bộ lạc kế tiếp mà ông tìm tới cũng chỉ háo hức học hỏi như bộ lạc trước đây. Nhưng các thầy tế ở đây, vì ganh tị ảnh hưởng của người phương xa đối với dân chúng nên đã sát hại ông ta. Để xóa đi mọi dấu vết ngờ vực liên quan đến tội ác đó, họ đã dựng nên một bức ảnh của Nhà Phát Minh Vĩ Đại được đặt trang trọng trên bàn thờ chính của đền thờ; họ thiết lập một nghi thức tế lễ để những ký ức về ông tiếp tục sống trong lòng họ. Họ rất cẩn thận kỹ càng không để một lời chỉ dẫn nào của nghi thức phụng tự bị sửa đổi hay quên sót. Những dụng cụ dùng vào việc phát minh ra lửa được cất giữ như những vật thiêng liêng trong một cái tráp nhỏ và người ta nói là những vật này đem lại sự chữa lành cho tất cả những ai đặt tay lên đó với lòng tin.

Thầy Trưởng Tế đích thân nhận lãnh trọng trách soạn thảo Tiểu Sử của Nhà Phát Minh. Sách này đã trở thành Thánh thư trong đó lòng từ bi nhân ái của ngài được tôn lên như mẫu mực cho mọi người noi theo, những công trạng rạng rỡ của ngài được tán dương, bản tính siêu phàm của ngài làm nên đề mục của đức tin. Các tư tế làm hết sức để Sách đó được lưu truyền xuống cho các thế hệ mai sau, trong khi họ giữ độc quyền giải thích ý nghĩa các lời nói của ngài cũng như ý nghĩa đời sống thánh thiện và cái chết của ngài nữa. Và họ phạt tử hình một cách không thương tiếc hoặc dứt phép thông công bất cứ ai đi lệch ra ngoài giáo lý của họ. Bị kẹt trong những nghĩa vụ tôn giáo đó, dân chúng hoàn toàn quên lãng kỹ thuật làm lửa.

 

7.- BIẾN THÀNH LỬA

(Trích Hạnh Các Thánh Tu Rừng)

Viện Phụ Lót (Lot) là tu viện trưởng tìm tới viện phụ Giu-Se (Joseph) cũng là tu viện trưởng và nói: “Thưa cha, tuỳ theo khả năng của con, con tuân giữ luật lệ nhỏ mọn của con cũng như việc ăn chay chút ít của con, con cầu nguyện, chiêm niệm, giữ thinh lặng; và bao lâu còn có thể được, con thanh lọc tâm trí con khỏi những tư tưởng xấu. Con phải làm gì thêm nữa đây”

Viện phụ lớn tuổi hơn đứng lên trả lời. Ngài giơ đôi tay lên trời và những ngón tay của ngài biến thành mười ngọn đèn cháy sáng. Ngài nói: “Coi đây: cha phải biến thành lửa hoàn toàn.”

 

8.- LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI THỢ SỬA GIÀY

Một người thợ sửa giày tới gặp vị giáo trưởng Do-thái là I-xa-ác (Issac) thuộc dòng họ Gie (Ger) và nói: “Xin thầy nói cho biết tôi phải làm gì đối với việc đọc kinh ban sáng của tôi. Khách hàng của tôi là những dân nghèo và chỉ có một đôi giày để mang. Tôi đi lấy những đôi giày của họ lúc chiều tối và làm việc gần trọn đêm; vào lúc hừng đông vẫn còn việc phải làm, nếu họ cần có đôi giày sửa xong trước khi đi làm. Vậy câu hỏi của tôi là: tôi phải làm gì đối với việc đọc kinh ban sáng của tôi?"

Vị giáo trưởng hỏi: “Ông đã làm gì cho đến bây giờ đây?”

“Đôi khi tôi đọc kinh vội vàng mau chóng rồi trở lại làm việc – nhưng rồi tôi cảm thấy áy náy về điều đó. Những lần khác, tôi bỏ giờ kinh sáng luôn. Rồi tôi cũng có cảm giác mất mát điều gì và thỉnh thoảng, khi tôi giơ cái búa lên khỏi chiếc giày, tôi gần như nghe tiếng lòng thổn thức: 'Tôi là một con người bất hạnh làm sao, vì tôi không thể đọc kinh sáng được'.”

Vị giáo trưởng nói: “Nếu tôi là Chúa, tôi coi trọng tiếng thở dài não nuột đó hơn là lời cầu kinh.”

 

9.- CẦU NGUYỆN BẰNG NHỮNG MẪU TỰ 

Một câu chuyện trong sách Ha-si-đim (Hasidic)

Vào một chiều tối, một nông dân nghèo, từ phiên họp chợ trở về, mới biết mình không mang theo quyển sách kinh. Bánh xe bò của ông bị sút ngay ở giữa rừng và làm cho ông lo lắng là ngày đó sẽ trôi qua mà ông không đọc kinh được.

Vì vậy, đây là lời cầu nguyện của ông: “Chúa ôi, con đã làm một việc rất ngu xuẩn. Con đã rời nhà sáng nay mà không mang theo sách kinh và trí nhớ con lại kém cỏi nên con không thể đọc được một kinh nguyện nào mà không có sách. Do đó, đây là điều con sắp làm: con sẽ đọc hết bảng mẫu tự năm lần rất chậm và vì Chúa thấu biết hết mọi lời kinh, Chúa có thể ráp những chữ cái lại với nhau để làm thành những lời kinh mà con không thể nhớ được.”

Và Chúa đã nói với các thiên thần: “Trong tất cả những kinh nguyện mà Ta đã nghe hôm nay, chắc chắn lời kinh này phải là hay nhất, vì nó phát xuất tự đáy lòng đơn sơ và chân thành.”

 

10.- NGHỀ CHUYÊN MÔN CỦA CHÚA LÀ THA THỨ

Theo thường lệ, người Công giáo xưng tội với một linh mục để nhận lãnh từ ngài lời xá giải, như là dấu chỉ được Chúa tha thứ. Nhưng rất thường xảy ra điều nguy hại là những người đi xưng tội sẽ dùng điều đó như là một thứ đảm bảo, một chứng thư sẽ che chở họ khỏi hình phạt của Chúa, và như thế họ tin tưởng nhiều hơn vào sự tha tội của linh mục hơn là vào lòng thương xót của Chúa.

Đây là điều mà Pê-ru-gi-ni (Perugini), một hoạ sĩ người Ý thời Trung Cổ, đã bị cám dỗ làm khi ông hấp hối. Ông quyết định sẽ không đi xưng tội nếu, vì sợ hãi mà ông tìm cách để khỏi bị luận phạt. Đó sẽ là điều phạm thánh và sỉ nhục đến Chúa.

Vợ ông không biết chút gì về tâm trạng của ông, có lần bà đã hỏi ông là ông không sợ khi chết mà không xưng tội sao. Pê-ru-gi-ni trả lời: “Em ạ, phải hiểu như thế này: nghề chuyên môn của anh là hội hoạ và anh đã trở thành một hoạ sĩ xuất sắc. Nghề chuyên môn của Chúa là thứ tha, và nếu Ngài cũng xuất sắc trong nghề chuyên môn của Ngài như anh trong nghề của anh thì anh không có lý do gì mà phải sợ hãi cả.”

 

11.- NGÀI NA-RA-ĐA (NARADA) ĐỘI BÁT SỮA

Na-ra-đa (Narada), nhà hiền triết  Ấn-Độ, là một người rất sùng bái Thần Ha-ri (Hari). Sự sùng bái của ông lớn lao cho đến đỗi ngày kia ông dám nghĩ là trên khắp thế gian không có một ai yêu mến Thần hơn ông.

Thần Ha-ri rõ biết lòng ông nên nói: “Nầy Na-ra-đa, con hãy đi vào thành này, trên bờ sông Hằng (Ganges) vì một người sùng bái ta ngụ ở đó. Sống cùng người đó sẽ hữu ích cho con.”

Na-ra-đa ra đi và gặp một nông dân mà sáng ngày dậy sớm, anh ta chỉ niệm[1] tên Hari một lần, rồi vác cày đi ra đồng làm lụng suốt ngày. Chỉ tối trước khi ngủ, anh ta mới niệm tên Hari một lần nữa. Na-ra-đa tự nghĩ: “Làm sao con người quê mùa đó có thể là một người sùng bái Thần được? Tôi thấy người ấy suốt ngày đắm đuối trong những công việc trần thế của anh ta.”

Bấy giờ Thần Ha-ri nói với ông Na-ra-đa: “Hãy đổ đầy miệng một bát sữa và đi vòng quanh thành phố. Rồi trở về mà không đổ một giọt.” Na-ra-đa đã làm như được truyền dạy.

Thần Ha-ri hỏi: “Con đã nhớ ta mấy lần trong khi đi vòng quanh thành phố?”

Na-ra-đa thưa: “Dạ thưa Thần, chẳng được một lần nào. Làm sao con có thể làm được, khi Ngài truyền cho con phải canh chừng bát sữa?”

Thần phán: “Bát sữa đã khiến con tập trung hết tâm trí đến nỗi con đã hoàn toàn quên ta. Nhưng con hãy nhìn người nông phu này, mặc dù bận tâm với những lo toan nuôi sống gia đình mà anh ta còn nhớ đến ta mỗi ngày hai lần phải không?”

********

[1] Chú thích của người dịch: Người Ấn Độ có thói quen niệm tên các vị thần mà họ tôn kính suốt ngày, giống như Phật tử niệm Phật vậy.

 

12.- NGÔI LÀNG LUÔN ĐƯỢC CỨU VỚT 

Cha xứ của ngôi làng là một vị thánh nên mỗi khi dân làng gặp chuyện khó khăn, họ đến cầu viện ngài. Lúc đó cha lui về một nơi đặc biệt ở trong rừng sâu và đọc một lời nguyện đặc biệt. Chúa luôn nhậm lời cầu của cha và dân làng được cứu vớt.

Khi cha chết và lúc dân làng gặp chuyện khó khăn, họ đến cầu viện vị linh mục kế vị, dù không phải là một vị thánh, nhưng cha biết sự bí mật về chỗ đặc biệt đó trong rừng và lời nguyện đặc biệt. Vì vậy cha đã cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, Chúa biết con không phải là một vị thánh. Nhưng chắc chắn Chúa không lấy đó mà khước từ dân làng của con? Vậy xin Chúa nhậm lời con xin mà cứu giúp chúng con.” Và Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của cha và dân làng được cứu vớt.

Khi cha này cũng chết và lúc dân làng gặp chuyện khó khăn, họ đến cầu viện vị linh mục kế vị là người biết được lời nguyện đặc biệt, nhưng không biết chỗ trong rừng. Vì vậy cha đã cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, Chúa quan tâm gì đến nơi chốn? Phải chăng mọi chỗ đều được thánh hóa bởi sự hiện diện của Chúa sao?  Vậy xin Chúa nhậm lời con xin mà cứu giúp chúng con.” Và một lần nữa, Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của cha và dân làng được cứu vớt.

Rồi cha đó cũng chết và khi dân làng gặp chuyện khó khăn, họ đến cầu viện vị linh mục kế vị là người chẳng biết lời nguyện đặc biệt hay chỗ đặc biệt ở trong rừng. Vậy cha đó cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, công thức không phải là điều Chúa coi trọng, nhưng là tiếng kêu thống thiết từ con tim. Vậy xin Chúa nhậm lời con cầu xin mà cứu giúp chúng con.” Và một lần nữa, Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của cha và dân làng được cứu vớt.

Sau khi cha đó chết và khi dân làng gặp khó khăn, họ đến cầu viện vị linh mục kế vị. Nhưng cha này quen với tiền tài hơn là kinh nguyện. Do đó cha đã cầu nguyện với Chúa như sau: “Chúa là loại thần thánh nào mà khi Chúa hoàn toàn đủ sức giải quyết những khó khăn do chính Chúa đã gây ra thì Chúa lại từ chối nhấc ngón tay lên cho đến khi chúng con khấu đầu khuất phục và van xin! Chúa muốn làm gì với dân làng thì cứ làm.” Rồi cha trở lại ngay với việc kinh doanh còn bỏ dở. Và, một lần nữa, Chúa đã nghe lời cha cầu xin và dân làng được cứu vớt.

 

13.- LỜI CẦU NGUYỆN CÓ THỂ CHẾ NGỰ  THỜI TIẾT? 

Một bà già là một người làm vườn hăng say đã tuyên bố là bà không chút mảy may tin tưởng những tiên đoán là một ngày nào đó các khoa học gia sẽ biết cách chế ngự thời tiết. Theo bà, tất cả những gì cần thiết để chế ngự thời tiết là lời cầu nguyện.

Thế rồi vào một mùa hè kia, khi bà đi du lịch ngoại quốc, một cơn hạn hán xảy ra trên toàn quốc và hủy hoại toàn bộ mảnh vườn của bà. Khi trở về, bà thất vọng đến đỗi đã cải giáo luôn.

Đáng lẽ bà nên thay đổi những niềm tin ngớ ngẩn của bà.

 

14.- SỰ ĐÁP TRẢ TRÌ HOÃN CỦA NỮ THẦN LÁC-SI-MI (LAKSHMI) 

Những lời cầu xin của chúng ta không nên được Chúa đáp trả, nếu sự đáp trả không đúng lúc

Ở Ấn-Độ xưa kia, người ta tin tưởng rằng những việc cầu cúng theo những nghi lễ Vệ-Đà mang tính khoa học khi được áp dụng, đến nỗi lúc các vị trưởng lão cầu mưa thì chẳng bao giờ có hạn hán. Do đó một người đã yên tâm cầu khẩn nữ thần tài Lác-si-mi (Lakshmi), theo các nghi lễ đó, để van xin thần cho được giàu có.

Ông đã cầu xin suốt mười năm trường mà không kết quả gì. Sau thời gian đó, đột nhiên ông nhận thấy tính cách phù du của sự giàu sang và đã chấp nhận cuộc sống của người xuất gia (renunciate)[1] trên dãy Hi-Mã-Lạp-Sơn.

Một ngày kia, ông đang ngồi thiền định, khi ông mở mắt ra và thấy trước mặt mình một bà xinh đẹp tuyệt vời, sáng chói và lóng lánh như thể bằng vàng.

Ông hỏi: “Bà là ai và bà đang làm gì ở đây?”

Người đàn bà đáp: “Ta là nữ thần Lác-si-mi mà ngươi đã tụng niệm suốt mười hai năm. Ta hiện ra để ban cho ngươi điều ngươi mong ước.”

Ông đó la lên: “Ôi! Ngài nữ thần kính yêu, từ lâu tôi đã đạt được sự an lạc trong thiền quán và không còn chút gì hứng thú về sự giàu sang. Ngài đến quá trễ rồi. Xin Ngài nói cho tôi rõ tại sao Ngài đã đến quá trễ như vậy?”

Nữ thần trả lời: “Cứ sự thật mà nói, bằng vào bản chất những nghi lễ cầu cúng đó mà con đã trung thành tuân theo thì con đã đáng được sự giàu sang một cách sung mãn rồi. Nhưng vì ta yêu con và cũng mong ước sự phúc lợi cho con nên ta đã kìm giữ lại.”

Nếu bạn được chọn lựa, bạn sẽ chọn điều nào:

lời cầu xin của bạn được chấp nhận

hay ơn phước được sự bình an,

cho dù lời cầu xin của bạn có được chấp nhận hay không?

[1] Chú thích của người dịch: Ở Ấn Độ thời xưa có những người từ bỏ cuộc sống thế tục, gọi là người xuất gia, hoặc "sa-môn" (sramana).

 

15.- LỜI CẦU NGUYỆN CỦA TRẺ CON 

Một ngày kia, vị giáo sĩ Hồi giáo Nas-ru-đin (Nasruddin) thấy ông hiệu trưởng trường làng dẫn một đám trẻ con đi vào đền thờ Hồi giáo.

Vị giáo sĩ hỏi: “Ông đưa đám trẻ con vào đó để làm gì?”

Ông hiệu trưởng trả lời: “Có một cơn hạn hán trong xứ và chúng tôi tin tưởng lời van xin của những trẻ thơ vô tội sẽ cảm động con tim Đấng Tối Cao.”

Vị giáo sĩ nói: “Không phải những lời van xin, cho dù của kẻ vô tội hay của người có tội mới đáng kể, nhưng là sự khôn ngoan và sự tỉnh thức.”

Ông hiệu trưởng la lên: “Làm sao ngài dám thốt lên một câu phạm thượng như thế trước mặt đám trẻ con này! Hãy chứng minh điều ngài đã nói, bằng không ngài sẽ bị tố cáo là một kẻ lạc giáo.”

Ngài Nas-ru-đin nói: “Quá dễ. Nếu lời cầu xin của trẻ con mới đáng kể cho bất cứ điều gì thì sẽ không có một ông hiệu trưởng nào ở khắp trong nước, vì không có điều gì chúng ghét cho bằng phải đi học. Lý do ông vẫn sống còn sau những lời cầu nguyện đó là vì chúng tôi biết rõ hơn đám trẻ con nên đã giữ ông lại nơi vị thế của ông hiện có, phải không?”

 

16.- MỘT KẺ QUẤY RẦY KHÔNG THỂ CHỊU NỔI 

Một cụ già đạo đức cầu nguyện năm lần mỗi ngày, trong khi người hùn vốn kinh doanh với cụ chả bao giờ đặt chân đến nhà thờ. Và giờ đây vào ngày sinh nhật thứ tám mươi, cụ đã cầu nguyện như sau:

“Ôi lạy Chúa! Từ thuở thiếu thời, không một ngày nào mà con bỏ qua chẳng đi tới nhà thờ vào buổi sớm mai và đọc kinh cầu nguyện vào năm lần nhất định. Không một cử động đơn thuần nào, không một quyết định quan trọng hay tầm thường nào con đã làm mà trước hết không kêu cầu Thánh Danh Ngài. Và con đã tăng gấp đôi những việc đạo đức và cầu nguyện Chúa ngày đêm không ngừng nghỉ. 

Tuy nhiên, con nay đói rách như con chuột lột trong nhà thờ. Nhưng xin Chúa hãy nhìn người bạn hùn vốn kinh doanh với con. Hắn ta chè chén cờ bạc và mặc dù tuổi cao, hắn vẫn giao du thân mật với những người đàn bà phẩm hạnh rất đáng ngờ vực, tuy nhiên hắn ta vẫn sống trong sự giàu sang. Con tự hỏi không biết có lời kinh nào thốt ra từ cửa miệng của hắn bao giờ không. Giờ đây, Chúa ôi! Con không xin Chúa trừng phạt hắn, vì điều đó không phải là tính cách của Kitô hữu. Nhưng xin Chúa hãy cho con biết: tại sao, tại sao và tại sao…Chúa lại để cho hắn ta giàu có và tại sao Chúa đã đối xử với con như vậy?”

Chúa trả lời: “Bởi vì con là một kẻ quấy rầy không chịu nổi như thế đó!”

 

Luật Lệ trong tu viện không khẳng định: “Chớ nói chuyện”, nhưng: “Chớ nói chuyện trừ khi bạn có thể giữ im lặng được.”

Điều này không có thể áp dụng được như thế đối với việc đọc kinh cầu nguyện hay sao?

 

17.- VỀ LỜI CẦU NGUYỆN VÀ NGƯỜI CẦU

Bà nội hỏi cháu: “Cháu có cầu nguyện mỗi tối không?"

Cháu trả lời: “Dạ có!”

“Và mỗi sáng?”

“Dạ không. Ban ngày con không sợ.”

***

Sau khi chiến tranh kết thúc, bà cụ già mộ đạo nói: “Chúa đã rất nhân hậu đối với chúng ta. Chúng ta đã cầu nguyện và cầu nguyện rất nhiều nên tất cả bom đạn đều rơi về phía bên kia thành phố!”

 ***

Cuộc bách hại của Hít-le (Hitler) đối với các người Do Thái đã đến mức không thể chịu đựng được nữa nên hai người Do Thái quyết định ám sát ông ta. Họ rình rập, tay ôm súng sẵn sàng nhả đạn, ở một nơi mà họ biết Lãnh Tụ Hít-le sẽ đi qua. Chờ mãi mà chưa thấy ông đến, một tư tưởng khủng khiếp đến với Sa-mu-en (Samuel) nên hắn ta bảo bạn: “Giô-su-a (Joshua) ơi, hãy đọc một kinh nguyện đi để đừng có chuyện gì xảy tới cho ông ta!”

***

Họ có thói quen mời người dì đạo đức mỗi năm đi chơi ngoài trời với họ. Năm nay, họ quên bẵng đi. Khi lời mời tới vào phút chót, bà nói: “Bây giờ quá trễ rồi: dì đã cầu nguyện cho trời đổ mưa.”

 

18.- TÔI CÓ THỂ GIÚP BÀ ĐƯỢC KHÔNG?

Một linh mục quan sát một phụ nữ ngồi trong nhà thờ vắng vẻ một mình, hai tay ôm đầu.

Một giờ trôi qua. Rồi hai giờ. Bà vẫn còn ngồi đó.

Tưởng rằng bà ta bị khủng hoảng tinh thần, vì nóng lòng muốn giúp đỡ, cha đi về phía bà và nói: “Tôi có thể giúp bà được gì không?”

Bà nói: “Dạ không, cám ơn cha. Con đã nhận được mọi sự giúp đỡ cần thiết rồi.”

Cho đến khi bị cha gián đoạn!

 

19.- CẢ HAI CHỈ NGHE. KHÔNG AI NÓI 

Một ông cụ thường ngồi bất động hàng giờ cho đến cuối ở trong nhà thờ. Ngày kia, một vị linh mục hỏi cụ rằng Chúa đã nói gì với cụ. 

Cụ trả lời: “Chúa không nói. Chúa chỉ nghe thôi.”

“Tốt. Vậy cụ đã nói những gì với Ngài?”

“Con cũng không nói. Con chỉ nghe thôi.”

 

Bốn cấp bậc cầu nguyện:

Tôi nói, Chúa nghe.

Chúa nói, tôi nghe.

Không ai nói, cả hai đều nghe.

Không ai nói, không ai nghe: im lặng.

 

***

Tu sĩ Hồi giáo Ba-gia-zít Bít-ta-mi (Bayazid Bistami) mô tả những tiến bộ của ông trong nghệ thuật cầu nguyện như sau: “Lần đầu tiên khi tôi tham viếng đá thánh Ka-a-ba (Kaaba)[1] ở Mét-ca ( Mecca), tôi chỉ thấy đá thánh Ka-a-ba. Lần thứ hai, tôi đã thấy Chúa của đá thánh Ka-a-ba. Lần thứ ba, tôi chả thấy đá thánh Ka-a-ba, mà cũng chả thấy Chúa của đá thánh Ka-a-ba.”

[1] Chú thích của người dịch: Kaaba là một khối đá vuông vức mầu đen, là di tích thánh của Hồi giáo ở thánh địa Mecca, nơi mọi người Hồi phải đến hành hương ít nhất một lần trong đời.

 

20.- VUA ÁC-BA CẦU NGUYỆN  

Hoàng đế Hồi giáo của Ấn Độ[1] là Ác-ba (Akbar), một ngày kia đi săn bắn trong rừng. Khi đến giờ cầu nguyện ban chiều, vua xuống ngựa, trải thảm trên đất và quì gối cầu nguyện, theo cách thức những người Hồi giáo ngoan đạo ở khắp nơi.

Nhưng ngay lúc đó, một bà nhà quê, hoảng hốt vì sự biệt tăm tích của ông chồng đã rời nhà ra đi lúc sáng sớm hôm đó mà không trở về nên đã cắm đầu cắm cổ chạy băng qua đó, lo lắng tìm chồng. Vì quá bận tâm, bà đã không để ý nhà vua đang quì mọp xuống đất và đã vấp phải vào ngài, rồi chỗi dậy mà chạy xa trong rừng, không một lời tạ lỗi.

Vua Ác-ba tức giận bởi sự gián đoạn này, nhưng vì là một người Hồi giáo ngoan đạo, nhà vua đã tuân giữ luật không được nói với bất cứ ai trong giờ cầu kinh.

Nhưng đúng vào lúc giờ cầu kinh vừa chấm dứt, người đàn bà trở lại rất vui vẻ, có ông chồng mà bà đã tìm được đi theo. Bà ta hốt hoảng và sợ hãi khi nhận ra nhà vua và đoàn tùy tùng ở đó. Vua Ác-ba nổi giận với bà và la lớn: “Hãy giải thích cho trẫm thái độ bất kính của nhà ngươi, bằng không nhà ngươi sẽ bị trừng phạt.”

Người đàn bà đó phút chốc quên hết mọi sợ hãi, nhìn thẳng vào đôi mắt vua và thưa: “Muôn tâu Hoàng Thượng, kẻ hèn này đã bị chi phối bởi ý nghĩ về người chồng của kẻ hèn nên đã không thấy Hoàng Thượng ở đây, ngay cả khi kẻ hèn vấp ngã lên Hoàng Thượng, như Hoàng Thượng đã phán. Còn Hoàng Thượng, khi đang cầu nguyện, Hoàng Thượng đã bị thu hút bởi một Đấng cao quí hơn chồng của kẻ hèn nầy muôn vạn lần. Vậy làm sao Bệ Hạ để ý thấy được kẻ hèn?”

Nhà vua rất đỗi xấu hổ, lặng thinh và về sau, đã thổ lộ tâm tình với bạn bè là một bà nhà quê không phải là một học giả, cũng không phải là một tu sĩ Hồi giáo mà đã dạy vua ý nghĩa của sự cầu nguyện.

 

21.- CON BÒ ĐỰC ĐIÊN TIẾT 

Lần kia, Minh Sư đang cầu nguyện. Các đệ tử tới gặp ông và nói: “Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện thế nào.” Và ông đã dạy họ như thế này…

Ngày kia, có hai người đàn ông rảo bước qua một cánh đồng, họ thấy một con bò đực điên tiết. Tức thì họ cắm đầu chạy về phía hàng rào gần nhất, trong khi con bò đực giận dữ chạy theo bén gót. Rõ ràng sớm muộn gì họ cũng không thoát hiểm, vì vậy một trong hai người la lớn với người kia: “Chết rồi! Không thoát được đâu. Hãy đọc một lời kinh đi. Mau lên!”

Người kia la lại: “Cả đời tôi chả cầu nguyện bao giờ và tôi chả có lời cầu kinh nào cho trường hợp này!”

“Không sao đâu. Con bò đực sắp đuổi kịp chúng ta rồi. Lời cầu kinh nào cũng được cả.”

“Được rồi. Tôi sẽ đọc lời cầu kinh mà tôi nhớ lại ba tôi hay đọc trước khi ăn: Lạy Chúa, đối với những gì chúng con sắp nhận lãnh, xin làm cho chúng con thực sự biết ơn.”

Không có gì trỗi vượt sự thánh thiện của những ai biết hoàn toàn chấp nhận mọi sự xảy ra như thế.

Trong ván bài gọi là cuộc đời, người ta sát phạt bằng quân bài mà họ được chia với hết khả năng của họ.

Kẻ nào cứ nhất định sát phạt không phải bằng những quân bài đã được chia, nhưng bằng những quân bài họ nhất định phải có bằng được – kẻ đó sẽ thất bại trong cuộc sống.

Chúng ta không được hỏi là có muốn sát phạt hay không. Đó không phải là một sự lựa chọn. Chúng ta phải sát phạt. Sự lựa chọn là sát phạt như thế nào.

[1] Chú thích của người dịch: Người Hồi giáo chiếm đóng Ấn Độ và lập nên triều đại Mô-gun (Moghul) từ thời Trung cổ đến thế kỷ XIX.

 

22.- CẦU XIN CHẤP NHẬN CUỘC SỐNG 

Ngày kia một vị giáo trưởng Do Thái giáo hỏi một cậu học sinh điều gì đã làm cho em buồn phiền.

Câu trả lời: “Sự khó nghèo của con. Hoàn cảnh của con khổ sở đến nỗi con phải vất vả lắm để học hành và cầu nguyện.”

Vị giáo trưởng nói: “Trong thời đại này, cách cầu nguyện hay nhất và cách học hành hay nhất là ở chỗ biết chấp nhận cuộc sống đúng như người ta nhận được.”

 

23.- VÀO MỘT NGÀY LẠNH TRỜI, CHẾT CÓNG 

Vào một ngày trời lạnh như cắt, một vị giáo trưởng Do Thái và đồ đệ ngồi tụm quanh một bếp lửa.

Một đệ tử trong khi nhắc lại những giáo huấn của thầy, đã nói: “Vào một ngày đông giá như thế này, tôi biết chắc phải làm gì!”

Các đồ đệ khác hỏi: “Làm gì?”

“Sưởi ấm! Và nếu không thể làm được, tôi còn biết phải làm gì nữa.”

“Làm gì?”

“Chết cóng.”

***

Thực Tại chắc hẳn không thể phải bị loại bỏ hay phải được chấp nhận.

Trốn chạy thực tại cũng như trốn chạy khỏi đôi chân mình.

Chấp nhận thực tại thì giống như hôn đôi môi mình.

Tất cả những gì người ta cần phải làm là nhìn thấy, tìm hiểu và yên nghỉ.

 

24.- LÀM BẠN VỚI RỒNG  

Một người tới gặp bác sĩ trị bệnh tâm thần và cho biết đêm nào cũng có một con rồng mười hai chân và ba đầu đến viếng thăm ông. Ông ta hết sức hoảng sợ, không tài nào ngủ được và gần như hoàn toàn suy sụp. Ông ta nghĩ cả đến việc tự vẫn nữa.

Bác sĩ tâm thần nói: “Tôi tưởng tôi có thể giúp ông được, nhưng tôi phải báo cho ông biết trước là ông sẽ mất một hay hai năm và sẽ tốn ba ngàn đô-la.”

Người đó la lên: “Ba ngàn đô-la lận! Thôi đi. Tôi chỉ cần về nhà và làm bạn với nó!”

***

Ngài Fa-rít (Farid) là một nhà chiêm niệm người Hồi giáo, được các người lối xóm thuyết phục đi đến triều đình ở Đề-li (Delhi) để xin hoàng đế Ác-ba (Akbar) một đặc ân cho dân làng. Khi ông Fa-rít đến nơi bệ rồng thì nhằm lúc Hoàng Đế Ác-ba đang cầu kinh.

Cuối cùng khi Hoàng Đế xuất hiện, ông Fa-rít thưa: “Bẩm, Hoàng Thượng đã cầu nguyện những gì?”

Nhà vua đáp: “Trẫm đã xin Đấng Đại Từ Đại Bi ban cho trẫm được thành công, giàu sang và trường thọ.”

Ông Fa-rít lập tức quay lưng lại với Hoàng Đế, vừa đi vừa nhận xét như sau: “Tôi đã đến để bệ kiến một vị Hoàng Đế. Người mà tôi gặp được ở đây lại là một kẻ ăn xin cũng giống như bao người ăn xin khác!”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét