"Rùa và Thỏ" là câu chuyện ngụ ngôn quen thuộc nhưng được mở rộng bởi Roberto Goizueta – cựu Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc điều hành Coca Cola. Câu chuyện này đã được sử dụng trong các khóa đào tạo về quản lý trên khắp thế giới. "Nó" hiện lại được up – date lên thêm một version mới theo tình hình thực tế của một Doanh nghiệp thành đạt tại Tp. Hồ Chí Minh! (Xin tạm thời giấu tên, nhưng có lẽ, qua câu chuyện, các bạn sẽ hiểu được mừ…)
Trân trọng giới thiệu…
RÙA VÀ THỎ (2K8)
Nguồn : Sưu tầm…
Hiệu đính và Thực hiện ebook: tducchau (TVE)
Ngày hoàn thành: 17/08/2009
MỤC LỤC
3. – BIẾT RỒI ! KHỔ LẮM, NÓI MÃI!
4. – "ĐÂU CÓ DỄ ĂN CỦA NGOẠI ?"
5. & 6. – "THÀ RẰNG NHƯ THẾ !"
7. – NÊN CHĂNG CÓ KẾT CỤC BUỒN ?
Ngày xửa ngày xưa có một con Rùa và một con Thỏ cãi nhau xem ai nhanh hơn. Chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một cuộc thi chạy. Thỏ xuất phát nhanh như tên bắn và chạy thục mạng một hồi, và sau khi thấy rằng đã bỏ khá xa Rùa, Thỏ nghĩ nó nên nghỉ mệt dưới một tán cây bên đường và thư giãn trước khi tiếp tục cuộc đua. Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa từ từ vượt qua Thỏ và sớm kết thúc đường đua, giành chiến thắng. Thỏ giật mình tỉnh giấc và nhận ra rằng nó đã thua.
Bài học của câu chuyện trên là người chậm nhưng ổn định đã chiến thắng.
Thỏ vô cùng thất vọng vì để thua và nó nhận ra rằng nó đã thua chỉ vì quá tự tin, bất cẩn và thiếu kỷ luật. Nếu nó không xem mọi thứ quá dễ dàng và chắc thắng thì Rùa không thể có cơ hội hạ được nó. Vì thế, nó quyết định thách thức một cuộc đua mới. Rùa đồng ý.
Lần này, Thỏ chạy với tất cả sức lực của nó và chạy suốt một mạch về đích. Nó bỏ xa Rùa đến mấy dặm đường.
Triết lý của câu chuyện này là nhanh và vững chắc sẽ chiến thắng cái chậm và ổn định.
Nếu có 2 người trong công ty của bạn, một chậm, cẩn thận và đáng tin cậy; còn người kia nhanh chóng vẫn đáng tin cậy ở những việc anh ta làm, người nhanh và đáng tin cậy chắc chắn sẽ được thăng tiến nhanh hơn. Chậm và chắc là điều tốt nhưng nhanh và tin cậy là điều tốt hơn.
3. – BIẾT RỒI ! KHỔ LẮM, NÓI MÃI!
Rùa đã suy ngẫm kết quả và nhận ra rằng, nó không có cách nào thắng được Thỏ trên đường đua vừa rồi. Nó suy nghĩ thêm một chút nữa và rồi thách Thỏ một cuộc đua khác, nhưng có một chút thay đổi về lộ trình. Thỏ đồng ý. Chúng bắt đầu cuộc đua. Cả 2 đã tự hứa với mình là phải nhanh.
Thỏ bắt đầu chạy và chạy với tốc độ cao nhất cho đến bên bờ sông Hậu. Vạch đích còn đến 2 km nữa ở bên kia sông, tại trung tâm thành phố Cần Thơ. Nước chảy thấy phát ớn, đục ngầu mà còn dơ nữa. Bên kia sông bờ cỏ chỉ thấy lờ mờ, Thỏ lắc đầu ngao ngán cho đoạn kết của mình ! Nó đành ngồi xuống và tự hỏi không biết phải làm sao. Và cứ thế nó suy nghĩ và suy nghĩ, … Trong lúc đó Rùa đã đến nơi, lội xuống sông và bơi qua bờ sông kia, tiếp tục chạy và kết thúc đường đua.
Ý nghĩa từ câu chuyện này ? Trước tiên, cần phải xác định ưu thế của mình, và sau đó là biết chọn sân chơi phù hợp.
Trong một tổ chức, nếu bạn là người có khả năng hùng biện, đảm bảo rằng bạn phải biết tạo cơ hội trình bày để Sếp chú ý đến bạn. Khi bạn làm việc dựa trên thế mạnh của mình, chắc chắn rằng không những bạn được quan tâm mà còn lại "cú hích" cho bạn phát triển và tiến xa hơn. Ghi nhớ là "Phải chọn sân chơi cho phù hợp. Đừng quá ham banh mà đá lộn sân người khác."
4. – "ĐÂU CÓ DỄ ĂN CỦA NGOẠI ?"
Đến đây, cả Thỏ lẫn Rùa cùng nhau suy ngẫm. Nếu cứ tiếp tục "bày mưa tính kế", thi thố tài năng thì "ân oán giang hồ" bao giờ mới dứt ? Nghiệp chướng cứ đeo bám mãi đến bao giờ mới được " bình yên, thanh thản ". Thế là chúng quyết định bắt tay cùng hợp tác chạy đua để giành phần thưởng. Cả 2 tổ chức một cuộc đua cuối cùng nhưng sẽ cùng chạy chung một đội.
Cuộc đua bắt đầu, Thỏ cõng Rùa chạy đến bên bờ sông, Rùa lội xuống sông và cõng Thỏ qua bên kia bờ sông. Lên đến bờ, Thỏ lại cõng Rùa đưa cả 2 cùng về đích giật thưởng (giả sử không có quán đặc sản nào bên kia sông !). Chúng cùng nhận ra rằng, đã về đích sớm hơn rất nhiều so với các lần đua trước.
Triết lý của câu chuyện này thật tuyệt vời, nếu mỗi người đều thông minh và đều có ưu điểm riêng nhưng trừ khi các bạn cùng làm việc với nhau trong một đội và cùng chia sẽ, cống hiến ưu thế của từng người. Nếu làm một mình, bạn sẽ không bao giờ thực hiện được công việc hoàn hảo bởi vì luôn luôn có những trường hợp bạn không thể làm tốt hơn người khác. Do đó, tinh thần đồng đội là yếu tố quyết định thành công trong công việc.
Điều quan trọng của làm việc theo nhóm là phải chọn được người trưởng nhóm trong từng trường hợp cụ thể . Phải chọn được người có ưu thế về lĩnh vực mà họ có khả năng lãnh đạo nhóm.
Cả Thỏ và Rùa đều không hề đầu hàng hay nãn chí sau thất bại. Thỏ quyết tâm làm việc nhiệt tình hơn và cố gắng nhiều hơn sau khi gặp thất bại cay đắng. Rùa phải thay đổi chiến lược vì nó đã cố gắng làm việc hết sức.
Trong cuộc sống khi phải chịu đựng, đối mặt với thất bại, có thể đó cũng là thời điểm thích hợp để cố gắng hơn và nỗ lực nhiều hơn nữa, nhưng đôi khi cũng cần phải thay đổi chiến lược và thử tìm kiếm giải pháp khác. Và đôi khi phải làm cả 2.
Thỏ và Rùa cũng đã học thêm một bài học để đời khác "thay vì chống đối hay cạnh tranh với nhau", chúng bắt đầu tìm cách giải quyết tình huống thông qua hợp tác và chúng đã cùng nhau làm tốt hơn rất nhiều.
5. & 6. – "THÀ RẰNG NHƯ THẾ !"