Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

NguyenDuVoiDongThoiGian.html

NGUYỄN DU VỚI DÒNG THỜI GIAN

Tác giả: GS  Nguyễn Xuân Vinh

Thư hoạ: Vũ Hối

Nguồn: Website www.vannha.com

Thực hiện ebook: Goldfish

Ngày hoàn thành: 13/03/2008

http://www.thuvien-ebook.com

 

Lắng tai Chung Kỳ

Hai trăm ba mươi năm, kể từ ngày sinh của Nguyễn Du (1765), và tròn một trăm bẩy mươi chín mùa thu đếm từ ngày thi hào lìa trần thế (1820), Truyện Kiều vẫn được nhắc nhở đến bằng nhiều thứ tiếng như là một áng thơ tuyệt tác trong nền văn học thế giới. Ngày 13 tháng Sáu năm 1999, vào buổi chiều ở Thung Lũng Hoa Vàng, tại Santa Clara Convention Center, bộ CD Kiều Ca do nghệ sĩ Thu Hà thực hiện được đưa ra mắt trước một số đông người ái mộ. Thu Hà chính là nữ nghệ sĩ duyên dáng, có tiếng ca thật nồng nàn và giọng ngâm đầm ấm trong ban Tam Ca Đông Phương đã đoạt giải nhất tại Đại Hội Dân Ca Á Châu tổ chức ở Đài Loan năm 1972. Tôi biết Thu Hà như là bác sĩ Nguyệt Mehlert tại San José và, một lần tôi tới đây nói chuyện, chị đã ngâm một bài thơ tôi mới làm trong phần văn nghệ giúp vui. Tôi được biết thêm là trong hai chiếc CD của bộ Kiều Ca, Thu Hà đã thực hiện sau một năm làm việc, có lời giới thiệu và ngâm thơ của Thu Hà, Kiều Loan và Thanh Hùng, và nhiều đoạn thơ được phổ nhạc rất truyền cảm. Cũng vì thế mà khi nhận được hai vé mời của nhóm y sĩ thân hữu, chúng tôi đã thấy rất hứng khởi khi đến tham dự buổi trình diễn. Trước khi đi, một người bạn là y sĩ đồng nghiệp với Thu Hà đã nói riêng với tôi là ban tổ chức có ý muốn tôi nói đôi lời cảm nghĩ. Tôi đã sắp sẵn mấy điều để nói. Theo tôi, sau CD Minh Hoạ Kiều của Phạm Duy, Kiều Ca của Thu Hà sẽ góp thêm phần truyền bá tập thơ Kiều bằng thanh âm tới giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại, đặc biệt tới một số rất nhiều các em không đọc được thơ Kiều trong nguyên bản quốc ngữ.

Hai câu thơ của Nguyễn Du thường được người đời nhắc nhở không phải là hai câu lấy trong Truyện Kiều mà lại là hai câu thơ chữ Hán là những câu kết trong bài Độc Tiểu Thanh Ký [1]

Đọc câu chuyện thương tâm của nàng Tiểu Thanh đời nhà Minh, khoảng ba trăm năm trước đó, nhà thơ nghĩ cảnh đồng điệu mà than rằng: hơn ba trăm năm về sau có còn ai đọc truyện mà thương cảm đến Tố Như hay không? Nỗi khổ tâm của Nguyễn Du, và cuộc đời phong trần của nhà thơ trong thời Lê mạt là cha mẹ mất từ lúc còn ít tuổi, ở với các anh, có văn tài, lại giỏi nghề cung kiếm, nhưng thi cử chỉ đậu được tam trường, ngoài hai mươi tuổi vừa ra làm chức võ quan nhỏ ở Thái Nguyên thì vua Lê rời nước lưu vong, ông phải về ẩn ở quê vợ ở Thái Bình trong mười năm gió bụi, đói khổ. Sau này vua Gia Long thống nhất sơn hà, lên ngôi cửu ngũ, ông được vời ra làm quan, có lúc ở, có lúc về, có lần được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh tuế cống, mức công danh làm tới Lễ bộ Hữu Tham Tri, phong Hầu tước Du Đức, nhưng ông vẫn không tha thiết với quan trường, chốn triều trung vẫn dè dặt lời nói, tránh sự tị hiềm. Nhiều học giả phê bình tư tưởng của Nguyễn Du thường cho rằng ông thuộc giòng dõi thế gia vọng tộc, thân phụ là Hoàng giáp Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm làm Tể Tướng thời Lê, Trịnh, các anh đều thi đỗ làm quan to nên ông vẫn giữ lòng trung với nhà Lê, phải miễn cưỡng ra làm quan với nhà Nguyễn nên lúc nào ông cũng [2]

 

Nếu nghĩ như vậy thì cho Nguyễn Du là người yếm thế, chán nản sự đời. Nhưng dù bản tính là người trầm lặng, ít nói, Nguyễn Du đã sống trong một thời đại có nhiều thăng trầm của đất nước, từ những năm cuối cùng của Trịnh Nguyễn phân tranh, đưa đến sự sụp đổ của triều Lê, rồi tiếp theo đó là một thời gian ngắn ngủi có những chiến tích oai hùng của vua Quang Trung Nguyễn Huệ và lúc cuối đời ông đã được chứng kiến những thắng lợi ngoại giao của niên đại Gia Long mà ông đã là một trong những người đóng góp. Tuy không lộ ra ngoài là một anh hùng cái thế nhưng Nguyễn Du cũng là một tay hào kiệt, đã dùng văn tài của mình để gây nên sự nghiệp, giúp ích cho quốc gia và dân tộc. Cái dũng của Nguyễn Du đã ẩn trong kẻ sĩ của con người ông. Vì đã từng chịu đói khổ mười năm để chờ thời, vì tự biết mình là người có toàn tài, cả văn lẫn võ, nên trong những năm về cư ngụ ở quê nhà trong giải núi Hồng Lĩnh, tuy vẫn làm văn thơ nhưng ông đã tự mệnh là Hồng Sơn Liệp Hộ, là người săn bắn ở núi Hồng. Cái nhàn tản của cuộc đời giữa khung cảnh núi rừng thâm u đã được trải trong một thời gian tồn trữ năng lượng văn hoá để chờ một xuân thời trổ lộc đâm hoa. Trong những bài thơ chữ Hán mà Tố Như tiên sinh để lại, nhiều bài được sáng tác trong thời gian về sau khi ông làm chánh sứ đi tuế cống ở Yên Kinh (1813-1814), những bài thơ đã gây được sự kính nể của những vị quan trong bộ Lễ của phương Bắc. Trong Bắc Hành Tạp Lục, ông để lại nhiều bài vịnh những anh hùng liệt sĩ trong xứ Trung Quốc. Qua sô! ng Hoài, ông nhớ đến Hàn Tín khi xưa, thời trẻ lưu lạc có lúc bị đói đã nhận được bát cơm của bà Phiếu Mẫu để lót lòng, sau này nhờ Tiêu Hà tiến cử nên được vua Hán trao ấn Thượng Tướng, sẻ cơm nhường áo, mà sau cũng bị giáng xuống làm Hoài Âm Hầu để rồi bị vạ chu di tam tộc. Làm bài thơ tưởng niệm người xưa nhưng ông dè dặt lời ăn tiếng nói ở chốn triều trung. Sau đó, qua nơi mà khi xưa Hàn Tín dụng binh, Du Đức Hầu cũng cảm khái viết một bài thơ bát cú mở đầu bằng [3]

 

tỏ cái hùng khí khi xưa, vị tướng quân phất cờ lệnh cho trăm vạn quân vượt sông qua phía Bắc, để đời sau dưới trận địa nước Yên còn đào thấy gươm giáo của tử sĩ để lại chiến trường. Trong thời gian đi sứ, mỗi khi qua nơi nào có ghi tích lịch sử Trung Hoa, Nguyễn Du đều làm thơ để lại, trong đó có chen tâm sự của mình. Khi đi qua làng cũ của Lạn Tương Như, ông viết bài thơ ngũ ngôn với bốn câu đầu bộc lộ quan niệm người anh hùng của thi hào [4]

 

Những câu thơ có nghĩa là người có dũng lớn không cần dùng đến sức mạnh. Lạn Tương Như là người được như thế. Chỉ dùng tài năng và trí tuệ mà giữ được ngọc quý cho nước Triệu để đem về. Câu cuối nói về chuyện mỗi lần Lạn Tương Như đi đâu mà gặp xe của Liêm Pha là bậc Thượng Khanh có công giữ nước Triệu thì ông lại cho xe rẽ đi ngả khác để tránh sự tranh chấp giữa hai công thần. Sau này Liêm Pha hiểu được tấm lòng cao thượng của Lạn Tương Như và thân đến nhà để tạ lỗi, xin kết bạn tâm giao. Cũng vì quan niệm người hùng không phải qua vũ dũng mà qua trí tuệ nên Nguyễn Du mới coi Vương Thúy Kiều là người anh hùng qua lời nói của Từ Hải [5]

 

Câu “anh hùng nhiên hậu thức anh hùng” được nhà thơ nhắc lại cũng là câu tự hỏi đời sau có ai hiểu được mình hay không? Muốn nhìn thấy Nguyễn Du như là một con người có nghị lực phi thường, vượt qua được nhiều gian lao khổ ải, khắc phục được những trở ngại để một mặt sáng tác văn thơ tuyệt mỹ để lại đời sau, và cùng một lúc ra gánh vác việc công, có khi làm tri phủ Thường Tín ngoài Bắc, rồi có lúc được triệu về Kinh lãnh chức đại thần, có năm dài đi sứ, mang trọng mệnh quân vương ký thác, thì chỉ việc đọc lại những đoạn tả Từ Hải gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo, khi buông cuốn cảo thơm người đọc phải nhận thức rằng nhà đại thi hào không phải là người yếm thế, buông tay theo thế sự xoay vần để ngồi nhà tưởng nhớ tới một thời xưa huy hoàng đã vang bóng. Trái lại, tuy là một nhà thơ thường hay ngâm vịnh nhưng Nguyễn Du cũng giầu khí lực để vượt qua nhiều đoạn trường cam khổ. Vào đầu thế kỷ XIX, các quan triều mỗi lần đi sứ, dọc theo đường bộ từ Thuận Hóa đến Yên Kinh rồi trở về thì thật là trần ai khổ sở. Lần làm chánh sứ đi tuế cống năm ông 48 tuổi, bắt đầu đi từ tháng Hai năm Quí Dậu (1813), bằng đường bộ phái đoàn đi qua nhiều tỉnh như Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam, Hà Bắc, Giang Tô …, rồi lúc trở về đất Hà Nam, Hà Bắc có nhiều giặc giã, sứ đoàn phải đi tránh vòng về phía Đông dài thêm hàng ngàn dặm. Nhà thơ đã bộc lộ cảnh ngộ này trong bài Tố Sơn Đạo Trung, có những câu [6]!

 

nghĩa là những ngày trước, hai tỉnh Hà Nam và Hà Bắc có chiến trận, thành ra đi vòng thêm ngàn dặm càng thấy nhớ quê. Đi giữa đám bụi hồng, tóc càng thêm thấy bạc. Về chiều mà đường còn phải đi lên cao, còn gì thấy buồn hơn. Cảnh binh biến trong khi đi đường, Nguyễn Du đã tả trong bài Trở Binh Hành dài sáu mươi ba câu, nói về cảnh loạn lạc, dân chúng trẻ già dắt díu nhau bỏ nhà hoang vắng để di tản cư, hai huyện Hoạt và Tuấn nổi loạn, quan lại mười người thì tới tám hay chín người bị giặc giết, các tỉnh Sơn Đông và Trực Lệ đều hưởng ứng nên đi tới đâu các quan địa phương tiếp đón phái đoàn cũng bối rối không biết đường tiến hay lui ra sao. Có khi ông đi qua sông Hoàng Hà, nước dâng lớn, phải kẹt lại trên một bãi cát năm ngày không có ăn. Hơn một năm sau, tới thàng Tư năm Giáp Tuất (1814), phái đoàn mới trở về kinh thành. Vì Nguyễn Du đã chu toàn sứ mệnh, vượt được bao nhiêu trở ngại của thiên nhiên, thời sự, trên đường đi lại dùng thiên tài văn thơ gây được sự kính nể của ngoại bang, nên chỉ sáu năm sau, vào năm Canh Thìn là Minh Mệnh Nguyên Niên (1820), ông lại được chọn làm chánh sứ để đi Yên Kinh cầu phong cho tân Vương. Tuy chưa kịp đi Nguyễn Du đã mất vì bạo bệnh, nhưng trong cuộc đời ông đã chứng tỏ rằng là kẻ sĩ gặp thế cuộc thăng trầm, triều đại này đổi sang triều đại khác, ông có trí mà cũng có hành, những điều ông làm đều đưa lại vẻ vang cho quốc gia và dân tộc. Nỗi băn khoăn của Nguyễn Du, sợ người đời sau không hiểu mình, không khóc Tố Như như ông đã viết, k! hông phải là vì sợ bị hiểu là không giữ vẹn lòng trung với triều Lê, mà là ngại rằng sự nghiệp văn thơ và công sự của ông không được nhận xét đúng mức. Đặc biệt là những áng văn nôm của Nguyễn Du, nổi bật là cuốn Đoạn Trường Tân Thanh, tức là Truyện Kiều mà ông đã dày công tạo dựng, ông sợ rằng sẽ bị dần dần quên lãng trong những thế hệ sau. Ta nên nhớ lại là hơn hai trăm năm về trước, về thời đại của Nguyễn Du, chữ Hán vẫn là văn tự chính, dùng trong công văn và thi cử. Dù cuốn Truyện Kiều, sau khi được cụ Hoa Đường Phạm Huy Thích, tiến sĩ triều Lê (1779), cho khắc bản gỗ để in ra và được phổ thông tới quần chúng, nhưng lúc đầu vẫn chỉ có một số ít người khoa bảng tìm đọc, mà chính yếu chỉ là do khẩu truyền trong dân gian, nhất là trong giới phụ nữ là những người ít được đến trường theo học. Chỉ sau khi Nguyễn Du qua đời, Truyện Kiều được các bậc vương gia chú ý đến, vua Minh Mệnh viết bài Tổng thuyết năm 1830, và năm 1871 chữa văn bản và chép lại để truyền đi thì áng thơ này mới được mọi tầng lớp người trong nước, từ vua quan, sĩ phu cho đến dân giả hết lòng ưa chuộng. Riêng đối với tôi thì lần đầu tiên được nghe thơ Kiều là do bà nội luôn luôn nhắc nhở con cháu: [7]

 

Nội tổ tôi là người sinh ở cuối thế kỷ XIX, vốn chữ Hán, học lúc còn là con gái, chỉ đủ viết tên họ hay học được vài bức hoành phi, câu đối chứ đâu có đủ để đọc văn bản Đoạn Trường Tân Thanh, còn gọi là Kim Vân Kiều Tân Truyện, viết bằng chữ Nôm. Nguyễn Du lúc sinh tiền không biết rằng đời sau tiếng Việt được chuyển văn tự La Tinh và nhờ đó mà Truyện Kiều lại được phổ thông ra đại chúng tới tất cả mọi tầng lớp, già trẻ, trai gái trong dân gian. Vì vậy chúng ta có thể nghĩ rằng Tố Như đã lo ngại rằng áng thơ tuyệt tác của mình mấy trăm năm sau sẽ không còn phổ thông để người sau tìm đọc, như là hiện nay mình đang được đọc tập văn ký sự tả cuộc đời của nàng Tiểu Thanh. Điều này không phải là vô lý, vì ngoài mấy bản thảo cuốn thơ viết bằng tay, mà nghe nói có một bản được bọc gấm Nguyễn Du dâng vua Gia Long, còn những bản khác in được phổ biến bởi tiến sĩ Phạm Quý Thích, được gọi là bản Hoa Đường, thì chỉ ít lâu sau là không còn lưu hành nữa và Truyện Kiều chỉ được ngâm nga truyền khẩu lại mà thôi. Trong bài Tổng thuyết viết năm 1830, nghĩa là mười năm sau khi Nguyễn Du qua đời, vua Minh Mệnh đã hạ bút rằng: “Hoa Đường dĩ viễn, phá bích tiêu điều …” nghĩa là bản của Hoa Đường in ra đã cũ rồi, như vách nát tiêu điều. Vua Tự Đức, trong bài Tổng từ, viết năm 1871, thì lại rõ ràng hơn qua những câu thơ: “Cận lai, danh sơn phong vũ thực; Hoa Đường bình bản vô lưu truyền”, nghĩa là núi lưu danh bị gió mưa soi mòn, như cuốn thơ Hoa Đường nay cũng không còn nữa.

Thời nay chúng ta không còn phải lo ngại là Truyện Kiều không tồn tại với thời gian vì cuốn thơ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và ghi bằng những nét vàng son trong văn học sử thế giới. Nhưng chúng ta cũng cảm thông với những lời để lại của Nguyễn Du mà sợ rằng tâm sự của nhà thơ gửi gắm trong phong cảo có thể bị những con người theo duy vật chủ nghĩa làm mờ ám trên quê hương, và với thế hệ trẻ Việt sống ở hải ngoại, mỗi ngày một bành trướng, sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Du không được hiển hiện ra rực rỡ đúng mức như những công trình của các tác giả nước ngoài mà các em đã được biết tới ở học đường. Kiều Ca của Thu Hà được ra đời đúng lúc, và qua hai CD, giọng ngâm, tiếng hát của các nghệ sĩ sẽ truyền cảm tới người nghe, đặc biệt là các bạn trẻ, theo chính lời Thu Hà tâm sự.

Từ nghe Kiều Ca, biết đến nàng Kiều và những nhân vật liên hệ, biết những tình tiết trong truyện, biết thêm được tiếng Việt và hiểu được giá trị văn chương của cuốn thơ, dưới góc nhìn của các bạn trẻ Việt trưởng thành trong đầu thế kỷ XXI, biết đâu chúng ta chẳng được biết những khám phá mới về Truyện Kiều. Mỗi người trong chúng ta nhìn luân lý trong cuốn thơ dưới một khía cạnh riêng biệt. Riêng tôi, từ khi nghe bà nội nhắc nhở đến hai câu thơ đã nói ở trên, mới đầu tôi không nhận thấy cái hay của lời thơ mà chỉ tò mò muốn biết thêm về Hoàng Sào mà tôi chỉ biết sơ qua là một tướng giặc. Về sau tôi tìm đọc ở những cuốn Truyện Kiều có chú giải mới biết thêm là Hoàng Sào chính là một nho sinh hay chữ đời Đường, khi đi thi bị các giám khảo bất công đánh trượt mà uất ức nổi quân làm phản. Từ khởi sự dấy quân ở Sơn Đông, Hoàng Sào đã đánh phá được các tỉnh Hà Nam, Giang Tây, Phúc Kiến…, trong mười năm trời (675-884), rồi sau chiếm được Trường An lên ngôi Đế là Tần Kim Thống, nhưng sau cũng bị thua quân triều đình và bị thủ hạ hãm hại để cho ngàn đời sau không được một ai khen là người có tài đức. Cùng một lúc được biết đến những vẻ tuyệt mỹ trong thơ Kiều, tôi ghi nhớ lời khuyên của nội tổ rằng trong cuộc đời dù sự việc có xẩy ra không thuận với lòng người cũng nên kiên nhẫn, tìm cách vượt qua chứ đừng nổi lòng căm thù mà có thể làm việc trái với đạo nghĩa, thủy chung.

 

Chắp nhặt dong dài

Trên đây là những ý kiến tôi đã ghi sẵn vào một trang giấy để sẽ nói đôi lời trong phần khán thính giả góp ý kiến sau khi dự buổi giới thiệu Kiều Ca của Thu Hà. Trước đây, trong vài dịp khác, tôi đã được nghe Thu Hà, Kiều Loan và Thanh Hùng ngâm thơ, và tôi tin rằng sau khi đã đưa vào CD với những kỹ thuật thu âm tân kỳ, người nghe sẽ được những giờ phút thưởng thức lời thơ, tiếng nhạc thật lạ [8]

 

Nếu những đoạn thơ trích được chọn lọc và trình bày đầy đủ những diễn tiến quan trọng trong cuốn thơ và làm nổi bật được giá trị văn chương của tác giả qua sự chọn chữ và gieo vần, cùng kỹ thuật miêu tả, từ cảnh vật đến hình dáng và dung nhan của từng nhân vật trong truyện, sự liên hệ và tình cảm giữa những vai chính, thì hai CD Kiều Ca của Thu Hà thật là một đóng góp quý giá vào sự phổ biến và lưu truyền áng thơ tuyệt tác này ở hải ngoại. Nhưng khi tới Santa Clara Convention Center, trước giờ khai mạc chút ít mà đã đông chật người, tôi lại được một thân hữu trong y giới cho biết là chương trình giới thiệu Kiều Ca đã được sửa đổi và sau nghi lễ khai mạc và lời chào mừng của ban tổ chức, tôi sẽ là người được mời lên nói đầu tiên. Tôi chỉ có ít phút để ghi chép vội vàng lên một mảnh giấy vài câu thơ Kiều và thay đổi lại dàn bài nói chuyện, và lúc được mời lên sân khấu, tôi đã nói về sự đóng góp quý giá của Thu Hà trong sự giới thiệu bằng thanh âm Truyện Kiều tới giới trẻ Việt ở nước ngoài. Sau đó, nhớ lại những bài nói chuyện về Kiều trước đây của tôi với học sinh Trung học ở đô thành Sài Gòn và để gợi trí tò mò, tìm hiểu của thế hệ trẻ hiện nay, tôi đã nói về nghệ thuât siêu việt của Nguyễn Du đã tả tâm tình của các nhân vật trong Truyện Kiều biến đổi theo với thời gian. Theo lời đề nghị của một số thân hữu dự buổi ra mắt Kiều Ca, tôi đã viết lại phần hai của bài nói chuyện như ở dưới đây, gọi là ít lời góp nhặt dong dài trên văn đoàn hải ngoại.

Là một nhà toán học, và từ mấy chục năm nay chuyên tâm nghiên cứu các chuyển động của các vật thể trong không gian, theo với thời gian, mỗi lần đọc lại Truyện Kiều tôi lại thêm một lần thán phục Nguyễn Du ở chỗ thi hào luôn luôn có một nhận định chính xác về sự luân lưu của thời gian. Đề có một nhận định tổng quát, ta chỉ cần đọc câu đầu và câu cuối của cuốn sách [9]

 

có thể đoán ngay được rằng dòng thời gian sẽ luôn luôn hiển hiện trong cuốn thơ. Các nhà bình luận Kiều ai cũng công nhận là Nguyễn Du có biệt tài tả cảnh, tả người và tả tình. Trong bài này tôi sẽ nói về cách dùng cảnh vật để tả thời gian và cách tả tâm tình người trong cuộc biến đổi theo với thời gian của thi hào.

Để tả thời gian trôi đi, Nguyễn Du đã dùng sự thay đổi của bốn mùa xuân, hạ, thu và đông qua cảnh vật và chim muông một cách tuyệt vời. Chỉ dùng hai câu lục bát, tác giả vẽ ra được một bức tranh linh động để ấn định thời gian. Để dẫn tới một cảnh trưa hè, Thúy Kiều chăng tấm màn hồng, tắm nước thang lan, Nguyễn Du đã viết [10]

 

Hai câu thơ gợi cảnh vào hè, nghe tiếng chim đỗ quyên kêu ban đêm, rồi sang ban ngày nhìn ở góc tường thấy cây thừu lựu đã nở hoa chói lọi. Tuy không tả rõ ra, nhưng người đọc cũng thấy một khung cảnh vắng lặng, để rồi sau đó, buồng the gặp buổi thong dong, chỉ có riêng Thúc sinh và Kiều, chàng mới thấy rõ ràng trong ngọc trắng ngà để thảo nên một thiên Đường luật tả cảnh tắm hoa. Và cũng để tạo ra khung cảnh hợp ý, hợp tình để sau đó Kiều căn vặn đến điều, bắt chàng Thúc phải tính sao cho trọn mọi đường, đưa nàng ra khỏi lầu xanh.

Ngày tháng nối tiếp nhau trong Truyện Kiều cũng được Nguyễn Du sắp đặt đúng mức. Lấy một thí dụ, ta theo dõi thời gian đã xẩy ra mối tình đầu của nàng Kiều. Lần đầu tiên Kiều gặp Kim Trọng để cho người quốc sắc, kẻ thiên tài, mới thoạt nhìn đã luyến ái, cơn tỉnh cơn mê, là vào tiết Thanh Minh, tức là đầu tháng Ba [11]

 

Kim Trọng về nhà mơ tưởng tới người đẹp, ôm mối tương tư, cũng phải mất gần một tháng trời. Sau đó chàng buâng khuâng, nhớ cảnh, nhớ người, nhớ nơi kỳ ngộ tìm đến thì khi xưa cỏ non xanh tận chân trời, mà nay đã thành một vùng cỏ mọc xanh rì. Từ xanh non cho tới xanh thẫm, mầu sắc của cỏ cây đã được vẽ ra theo với diễn tiễn của thời gian. Chàng Kim lân la tìm đường và thuê được một căn nhà ở bên cạnh nhà Kiều. Sau đó ngày ngày đứng bên tường đông trông ngóng, phải mất hai tháng trời mới có dịp may được gặp lại nàng [12]

 

Gặp nhau lần này là lần thứ hai, tính thời gian tất nhiên phải ở vào khoảng cuối tháng Năm. Sau đó hai người cách tường mà không được chạm mặt để phải đợi ít lâu mới có dịp cha mẹ và hai em đi dự sinh nhật ngoại gia vắng nhà, nàng mới được gặp lại ý trung nhân. Lần gặp này xẩy ra vào đầu mùa hè và Nguyễn Du đã viết [13]

 

Đêm ngày nối tiếp nhau là diễn biến của thời gian, theo với ngày tháng, mầu hoa đỏ của mùa xuân bớt dần và mầu xanh thẫm của lá cây đã tới cùng với mùa hè. Vừa qua một đêm thề thốt, hẹn trăm năm đầu bạc với Kiều thì tảng sáng Kim Trọng nhận được tin của nghiêm đường gọi đi Liêu Dương để hộ tang thúc phụ. Trên đường đi của Kim Trọng, ngày tháng đi dần vào cuối hè để ta nhìn thấy và nghe thấy qua lời thơ của thi hào [14]

 

Tiếng đỗ quyên vẫn kêu ra rả trong mùa hè, nhưng loáng thoáng đã có vài cánh nhạn đến trước khi có mùa thu. Như tất cả các thi sĩ từ cổ chí kim, Nguyễn Du cũng ưa tả mùa thu. Cảnh mùa thu mà vào ban đêm thì dễ gây cảm xúc cho người trong cuộc. Trong đoạn Thúy Kiều đi trốn theo Sở Khanh, Nguyễn Du đã viết [15]

 

Ban đêm, nghe tiếng đồng hồ nước nhỏ giọt, ta thấy được thời gian lặng lẽ trôi. Trời đã vào thu, lá cây vàng rơi rụng theo từng cơn gió, và ánh trăng tà treo đầu núi chiếu xuống một cách mờ ảo lối mòn đi trên cỏ. Cảnh vật như thế, ai là người xa quê chẳng thấy chạnh lòng đau khi bước chân đi. Ý kiến diễn tả như vậy mà được gói trọn vào bốn câu thơ tả cảnh, tả tình, và tả thời gian thật là tuyệt diệu. Thúc sinh từ giã Kiều để về thăm nhà ở huyện Tích, châu Thường và dò ý người vợ cả là Hoạn Thư cũng vào mùa thu [16]

 

Khi chàng lên ngựa, nàng còn níu áo bào. Mùa thu đã nhuộm vàng lá phong, trông theo lối đi chỉ thấy bụi hồng, còn người đã khuất sau mấy ngàn dâu xanh. Mấy câu thơ đã tả được cảnh, được tình, rất linh động như cảnh chia tay đã hiển hiện trước mắt, tuy không nói đến thời gian nhưng thực là một hoạt cảnh sống động. Riêng câu cuối cùng đã thu gọn mấy câu thơ Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn: “Tương cố bất tương kiến. Thanh thanh mạch thượng tang. Mạch thượng tang, mạch thượng tang. Thiếp ý, quân trung, thùy đoản trang?” đã được bà Đoàn thị Điểm dịch là [17]

 

Trong truyện Kiều, Nguyễn Du hay tả mùa thu với lá vàng, nhưng tả ở đoạn nào cũng hợp tình hợp cảnh, đặc biệt là ở khung cảnh nào cũng có sự chuyển động để gợi ý thời gian đang trôi đi. Sau khi về nhà được một năm tròn, Thúc sinh nhìn thấy lá cây ngô đồng rụng mà nhớ lại cũng mùa thu này năm ngoái từ biệt Kiều để lên ngựa thăm quê [18]

 

Nguyễn Du đã dùng những câu thơ tả cảnh vật thay đổi để định mức thời gian mỗi khi có một lớp chuyển tiếp trong truyện, và cùng một lúc khơi động chút ít tâm tình của những người trong cuộc. Những khoảng thời gian thi hào hay dùng là nửa năm hay một năm. Trong mười lăm năm bèo dạt mây trôi, xa bố mẹ và các em, Thúy Kiều đã hai lần ở thanh lâu, hai lần khoác thanh y làm kẻ tôi đòi, và ba lần đi tu ở chùa nếu kể cả lần cuối cùng ở thảo am ăn mặc nâu sồng với Giác Duyên, nhưng cũng có những năm có thể gọi là vui hạnh phúc với Thúc sinh và những năm ở bên Từ Hải đường đường là một vương phi, vinh hoa bõ lúc phong trần. Qua những câu thơ của Nguyễn Du tả tháng ngày trôi đi trong truyện ta cũng có thể ước lượng một cách khá chính xác những tháng năm Kiều thoát cảnh thanh lâu, không phải làm vợ khắp người ta, như nàng đã rền than khóc hộ Đạm Tiên. Ta có thể lấy vài thí dụ những đoạn năm tháng được ghi rõ thành lời thơ. Sau khi được Thúc sinh thu xếp cho Kiều thoát vòng trần ai, để một nhà trúc mai xum họp, thì nàng được hương lửa đượm nồng đúng sáu tháng trời, trước khi bị Thúc ông thưa kiện tới phủ đường [19]

 

Lúc này trời đã về thu. Vị phủ quan, sau khi chấp pháp, cho nàng một trận đòn tan nát cành hoa, một sân lầm cát, lại cảm vì thi tài mà rộng lượng khuyên Thúc ông cho nàng về làm dâu chính thức. Thời gian huệ lan thơm nức một nhà lần này được thêm chín tháng nữa cho tới muà hè [20]

 

lúc này hoa đào nở mùa xuân đã phai sắc thắm, và lá sen đã mọc báo hiệu mùa hè bắt đầu. Kiều khuyên Thúc sinh về nhà để dò ý Hoạn Thư vì hai người đã ăn ở với nhau được gần một năm, nếu kể từ ngày nàng được Thúc ông chính thức nhận làm dâu. Như đã ghi ở đoạn trên, Thúc sinh đã nghe lời khuyên của Kiều và khi người lên ngựa kẻ chia bào trời cũng đã vào mùa thu. Như vậy Kiều chung sống hạnh phúc với Thúc sinh được một năm rưỡi. Khi tiễn chân, nàng hẹn một năm sẽ gặp lại [21]

 

Sau khi đã về nhà với chính thê, vào mùa thu năm sau, khi lá ngô đồng đã rơi rụng xuống giếng, Thúc sinh nhớ lời hẹn ước và mấy mùa trăng gió với Kiều mà toan tính trở về thì Hoạn Thư cũng đã mớm lời nhắc chàng [22]

 

Thúc sinh đi trên đường chưa về tới nhà thì Kiều đã bị Hoạn phu nhân cho người đi bắt. Như vậy Kiều đã được sông dưới mái nhà của Thúc sinh ở Lâm Truy vào khoảng hai năm rưỡi, nếu không kể những ngày trăng gió với chàng khi Kiều còn nấn ná ở chốn Bình Khang. Phải một năm sau Thúc sinh mới gặp lại Kiều vì [23]

 

Tuy chỉ là lời đoán của phù thủy đạo nhân nhưng sự việc đã xẩy ra đúng như vậy. Một năm sau khi tưởng Kiều đã bị chết thiêu, Thúc sinh về Vô tích thăm nhà thì Hoạn thư gọi nàng ra lậy mừng. Sau khi làm cho hai người giáp mặt chiền chiền mà không dám thở than cùng nhau, Hoạn tiểu thư đã hả dạ và cho Kiều xuất gia ở gác Quan Âm. Thời gian ở chùa này chừng vài tháng cho đến cuối mùa thu [24]

 

Sau đấy vì Thúc sinh tới thăm và khóc lóc kể nỗi đoạn trường với Kiều ở vườn sau và bị Hoạn Thư nghe thấy tỏ tường nhưng chưa ra tay, Kiều sợ hãi phải đi trốn và được sư Giác Duyên cho nương nhờ ở Chiêu Ẩn am. Nương nhờ cửa Phật cho đến cuối xuân thì chuyện ăn cắp chuông vàng, khánh bạc ở nhà Hoạn thư bị người biết, và nàng lại bị rơi vào tay Bạc bà, là cùng phường với mụ Tú bà [25]

 

Từ cuối thu sang cuối xuân, tính cho tròn cũng là nửa năm [26]

 

Như vậy, từ ngày Kiều rời nhà Tú bà cho đến lúc rơi vào tay Bạc bà là vào khoảng bốn năm cộng thêm chừng ba hay bốn tháng.

 

Thời gian nương nhờ Từ Hải thì Kiều được thong dong hơn. Thời gian đầu sống chung để phỉ nguyện sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng cũng là sáu tháng [27]

 

Lúc rứt áo ra đi để gây sự nghiệp, Từ hẹn là cùng lắm là một năm sẽ đưa mười vạn tinh binh về đón nàng nghi gia. Thời gian chờ đợi này có lẽ chừng nửa năm mà thôi nếu ta so sánh những câu tả sân nhà nàng [28]

 

với cảnh nhà cũ của Vương viên ngoại bỏ hoang vắng khi Kim Trọng tới đó là sau thời gian đi hộ tang nửa năm ở đất Liêu Dương [29]

 

Thời gian làm Vương phi, ngồi sánh vai với Đại vương Từ Hải được ghi rất rõ ràng là năm năm qua những câu thơ tỏ khí phách ngang tàng [30]

 

cũng có những câu đượm ai oán [31]

 

hay chỉ là một lời hẹn tiên tri [32]

 

nhưng tựu trung về khoảng thời gian này thì Nguyễn Du đã ghi lại một cách rất chính xác. Tóm lại thời gian Kiều làm vợ Từ Hải là tròn sáu năm. Cộng với thời gian đã tính ở trên là hơn bốn năm trời, thì thòi gian nàng Kiều ở thanh lâu, ong qua bướm lại đã thừa xấu xa, thật chưa tới năm năm.

Một khoảng thời gian nữa mà Nguyễn Du ghi nhận qua rất nhiều câu thơ là thời gian mười lăm năm lưu lạc giang hồ của Kiều. Có một điều đáng chú ý là những câu nói về khoảng thời gian này lại là những câu thơ đượm tình tha thiết. Khi gặp lại những người thân yêu, Kiều gục đầu vào lòng mẹ già thổn thức [33]

 

Mười lăm năm xa nhà cũng là mười lăm năm chờ đợi của những người thân như Thúy Vân [34]

 

để đưa Thúy Kiều đến tái hợp với chàng Kim [35]

 

Phải chăng trong quãng đời của Tố Như cũng có một khoảng thời gian mười lăm năm phong trần trôi nổi nên đã làm cho nhà thơ viết lên những lời tha thiết như vậy? Chiếu theo niên biểu Nguyễn Du thì nếu thi hào có mười lăm năm gió bụi thì khoảng thời gian này ứng chiếu từ năm 1787 khi vua Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang Kinh Bắc, quân Tây Sơn ra thu phục Bắc Hà, Nguyễn Du bỏ chức chánh thủ hiệu ở Thái Nguyên để về quê vợ ở Thái Bình bắt đầu một quãng đời đói khổ. Năm 1796, một năm sau khi bà vợ họ Đoàn mất sau khi sinh nở, Nguyễn Du trong cảnh cùng cực, ôm cậu con trai trở về làng Tiên Điền là quê cũ để gần họ hàng. Ông xếp sách vở lại, hàng ngày đi câu và săn bắn để kiếm lương thực nhưng cũng không đủ ăn. Đến năm Gia Long nguyên niên, 1802, ông được vời ra làm quan, bổ tri huyện Phù Dung và ba tháng sau thăng tri phủ Thường Tín, hoạn lộ thênh thang, kết thúc khoảng mười lăm năm bẩy nổi, ba chìm, cuộc đời như bèo trôi sóng vỗ.

Ngoài nghệ thuật tả cảnh, tả người, Nguyễn Du lại có biệt tài tả tâm tình người trong truyện biến đổi, khi tăng, khi giảm theo với thời gian. Tôi không đi đến chỗ thái cực mà nói rằng thi hào cũng là một nhà toán học, nhưng lấy khách quan mà nhận định, Tố Như cũng biết tình người thay đổi, có thể vì xa xôi mặt mà thưa thớt lòng. Trong thời đại của Nguyễn Du, ở Âu châu bắt đầu một thế kỷ phát triển tuyệt mức môn toán học, và đặc biệt là lý thuyết những hàm số, nghiên cứu sự biến thiên của một lượng tùy thuộc một lượng khác gọi là biến số, thường thường gọi một cách chung là biến số thời gian. Lấy môt thí dụ giản dị, nhiệt độ trong một ngày không phải là một hằng số mà luôn luôn thay đổi theo với thời gian. Dòng thời gian luân lưu một chiều, nghĩa là lúc nào cũng tăng. Nếu nhiệt độ tăng theo thời gian, ta nói là nhiệt độ là một hàm số đồng biến. Nếu nhiệt độ giảm, ta nói là hàm số nghịch biến. Ban ngày nhiệt độ tăng lên rồi tới một thời điểm nào đó, nhiệt độ giảm đi. Từ đồng biến chuyển sang nghịch biến, hàm số nhiệt độ lúc đó qua một trị số cực đại. Ngược lại, khi thời gian đi về đêm nhiệt độ giảm đi rồi tới một thời điểm gần về sáng, nhiệt độ bắt đầu tăng lên với ánh dương. Từ nghịch biến chuyển sang đồng biến, hàm số nhiệt độ phải qua một trị số cực tiểu. Đơn vị thời gian có thể là giờ, hay nếu hàm số là tình người thì đơn vị thời gian có thề là ngày hay tháng, nhưng bao giờ cũng phải kể từ một điểm gốc. Trường hợp nhiệt độ trong một ngày thì điểm gốc thời gian là lúc nửa đêm. Một điều cần thiết khác để có thể viết theo một hệ thống quy chiếu là lượng biến thiên theo với thời gian là một lượng có thể đo được như trong thí dụ đang kể thì đó là nhiệt độ bách phân. Vì vậy khi nói rằng tình người là một hàm số của thời gian, ta mặc nhiên công nhận rằng có máy đo tình cảm con người. Nhiệt độ trong một ngày có thể chuyển từ số dương sang trị số âm, thì tình người, nếu đo lường được, cũng có những trị số dương và những trị số âm, và khi biến thiên theo thời gian, có thể mỗi ngày một tăng, hay mỗi ngày một giảm, có thể đổi tăng thành giảm sau khi qua một trị số cực tiểu. Khi yêu thì tình cảm có những trị số dương và khi hận thì tình cảm có những trị số âm, và dĩ nhiên khi tình cảm có trị số không thì [36]

 

Trong Truyện Kiều, để ấn định gốc thời gian, Nguyễn Du đã dùng một chữ “từ” một cách tuyệt diệu. Ở trên ta đã có một vài câu trích dẫn có ghi gốc thời gian. Ở dưới đây ta trích dẫn thêm vài câu nói lên những hàm số biến thiên theo với thời gian kể từ ngày bắt đầu [37]

 

Hàm số tăng theo với thời gian băt đầu từ thời điểm gốc ở đây là đống hài cốt những tử sĩ. Nếu theo những câu [38]

 

thì ta lại có mỗi oán hận của nàng Kiều, nay là một hàm số giảm đi theo với thời gian. Bốn câu thơ Kiều hay được nhắc nhở như là lời nhắn nhủ của chí sĩ Phan Bội Châu gửi tâm sự tới các đồng chí khi đến thăm cụ ở Bến Ngự là [39]

 

Một thí dụ nữa cho ta tới bốn hàm số biến thiên, kể từ gốc thời gian, lấy ở tình cảnh của Hoạn thư [40]

 

Từ thời điểm gốc, nghĩa là kể từ ngày được tin Thúc sinh cưới thêm vợ lẽ thì đối với Hoạn thư tin buồn đưa tới thì nhiều mà tin chàng thì lại không có gì. Lòng tức giận mỗi ngày một tăng, nàng sinh oán hận người chồng đen bạc.

Trong cuốn truyện, vì đeo tình cảnh hoa trôi bèo dạt nên Thúy Kiều đã nặng tình luyến ái nhiều người. Ta lựa ra ít câu tả tâm tình của nàng tăng theo với thời gian. Đối với Kim Trọng, khi chàng đi xa thì [41]

 

Kiều yêu Thúc sinh vì chàng là người ăn chơi hào phóng, biết đủ bốn thú chơi tao nhã là cầm, kỳ, thi và tửu. Cũng bằng hai câu lục bát, Nguyễn Du đã tả mối tình của nàng thắm đậm theo với thời gian [42]

 

Nếu còn ai thắc mắc rằng hai câu này đã tả mối tình của chàng Thúc thì coi thêm ở đoạn dưới sẽ thấy là Kiều đã rất sung sướng trong hạnh phúc khi được cưới về làm vợ [43]

 

Khi bị bắt về làm hoa tỳ cho Hoạn thư, Kiều vẫn chỉ nghĩ đến Thúc sinh mà thôi qua những câu thơ [44]

 

Sau này Kiều gặp Từ Hải, là người trượng phu, anh hùng, mang lại cho nàng uy quyền và phú quý, tất nhiên nàng phải nặng tình [45]

 

Mối tình với Từ vương cũng là mối tình mỗi ngày một tăng theo với thời gian. Chỉ riêng Kim Trọng là người thật nặng tình với Kiều kể từ ngày đầu tiên gặp mặt [46]

 

Nguyễn Du đã tả mối tình này từ lúc khởi đầu, luôn luôn là một hàm số tăng theo biến số thời gian [47]

 

Để tả tâm tình của Kim Trọng như là một hàm số, Nguyễn Du trước hết tả cảnh trăng tròn rồi khuyết, và đĩa đèn dầu thắp cạn năm canh như là biến số thời gian trôi đi và sau đó nói đến mối tình tăng lên như sau [48]

 

Để kết luận, ta thử lấy mấy câu trong Kiều để chứng minh rằng có mối tình, sau khi tăng lên rồi lại có thể giảm, nghĩa là qua một trị số cực đại, và cũng có mối tình tuy khởi đầu có giảm nhưng rồi lại tăng, sau khi đã qua một mức thấp nhất. Những mối tình lên xuống bập bềnh như thế, tất nhiên ta tìm thấy ở chàng Thúc là con người tuy mê gái nhưng lại sợ uy quyền của kẻ lớn trong nhà. Ta trở về lúc Kiều nỉ non khuyên Thúc sinh về thăm nhà [49]

 

từ lúc bắt đầu được chính thức về làm dâu, nàng tính thời gian chim nhạn đến mùa thu, chim yến tới mùa đông, thấm thoát cũng đã gần một năm trời qua. Thế mà tình của chàng Thúc thì [50]

Mối tình của Thúc sinh đối với Kiều, ví như cát lũy là phận giây leo, sắn bìm thì ngày một mặn mà, và tình đối với Hoạn thư là người vợ tao khang, ăn tấm, ăn cám từ thuở hàn vi, thì mỗi ngày môt nhạt đi. Ở trên ta đã trích dẫn nhiều câu để tả mối tình của Thúc sinh với Kiều ngày một thắm đậm. lên đến cao độ là khi chàng Thúc tưởng rằng Kiều đã mắc nạn thiêu thân. Điều này được tả trong bốn câu [51]

 

Ta chỉ cần để ý đến chữ “từ” để chỉ thời điểm gốc, những chữ “tháng ngày” để chỉ thời gian trôi đi và những chữ “bội phần” để chỉ mối tình thương xót người xưa tăng lên vòn vọt là thấy ngay thi tài và óc luận lý của Nguyễn Du. Nhưng ở chỗ này mối tình chưa lên đến mức cực đại vì chưa có chiều hướng giảm đi. Phải đợi gần một năm sau khi chàng Thúc muốn trở lại nhà [52]

 

Hai câu đầu, Nguyễn Du tả một năm trôi qua, hết mùa hạ sen tàn rồi đến mùa thu cúc nở, qua mùa đông rồi lại tới mùa xuân, ngày đi chong vánh mà mối sầu lại dài. Hai câu tiếp theo tả chàng Thúc tuy thương nhớ người xưa nhưng rồi cũng lấy câu số mệnh để khuây dần nỗi sầu. Chỉ ở thời điểm này ta mới có thể kết luận rằng mối tình của Thúc sinh với Kiều đã qua mức cực đại vì đã bắt đầu giảm đi. Hai câu cuối chỉ rõ rằng chàng lại nhớ nhà, nơi có người vợ chung tình và khéo chiều chuộng là Hoạn thư. Hai câu thơ có hai chữ “nhớ”, gợi cho người đọc niềm thương nhớ, và cùng một lúc có ý nghĩ rằng mối tình với người vợ tao khang tuy xưa có phần phai nhạt nhưng nay đã dần ấm lại.

Bài nói chuyện mở đầu của tôi ở buổi ra mắt CD của Thu Hà chỉ ngắn gọn, dài chừng mươi phút, tôi nhớ được câu nào đưa ra câu ấy. Nay tôi viết lại thành một bài dài, dành cho những độc giả muốn hiểu thêm về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Với niềm hy vọng sẽ nhận được những ý kiến của độc giả, tôi xin kết luận bằng cách hoán vị lại hai tiểu đề đã viết ở trên cho bài này và xin thưa rằng đây chỉ là mấy lời chắp nhặt dông dài và mong được những lời góp ý để xin lắng tai Chung Kỳ.

Chú thích của Goldfish:

[1] Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

(Xem Phụ lục)

[2] Vui là vui gượng kẻo là

Ai tri âm đó, mặn mà với ai?

[3] Bách vạn tinh huy bắc độ hà

Yên giao địa hạ hữu trầm qua

(Xem Phụ lục)

[4] Đại dũng bất dĩ lực

Cận hữu Lạn Tương Như

Kiểu hãnh năng hoàn bích

Bồi bồi thiện tị cư

(Xem Phụ lục)

[5] Cười rằng: Cá nước duyên ưa

Nhớ lời nói những bao giờ hay không?

Anh hùng mới biết anh hùng

Rầy xem phỏng đã cam lòng ấy chưa?

[6] Khứ nhật Lưỡng Hà tằng tập chiến

Hu đồ thiên lý chính tư quy

Bà bà bạch phát hồng trần lộ

Nhật mộ đăng cao bi mạc bi

(Xem Phụ lục)

[7] Làm chi để tiếng về sau

Ngàn năm ai có khen đâu Hoàng sào?

[8] Trong như tiếng hạc bay qua

Đục như tiếng suối mới sa nữa vời

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa

[9] Trăm năm trong cỏi người ta

Mua vui cũng được một vài trống canh

[10] Dưới trăng, quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông

[11] Ngày Xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

[12] Nhẫn từ quán khách lân la

Tuần trăng thấm thoát nay đà thêm hai

[13] Lần lần ngày gió, đêm trăng

Thưa hồng, rậm lục đã chừng xuân qua

[14] Buồn trông phong cảnh quê người

Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa

[15] Đêm thu khắc lậu canh tàn

Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương

Lối mòn cỏ lợt màu sương

Làng quê đi một bước đường một đau

[16] Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm mầu quan san

Dặm hồng bụi cuốn chinh an

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh

[17] Câu "Thiếp ý, quân trung thuỳ đoản trang?" có lẽ do gõ sai, câu đúng hơn là "Thiếp ý, quân tâm thuỳ đoản trường" (Xem phụ lục)

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một mầu

Lòng chàng, ý thiếp ai sầu hơn ai?

[18] Thú quê thuần hức bén mùi

Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô

Trạnh niềm nhớ cảnh giang hồ

Một mầu quan tái, cuối mùa gió trăng

[19] Nửa năm hơi tiếng vừa quen

Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng

[20] Mảng vui rượu sớm, trà trưa

Đào đà phai thắm, sen vừa nẩy xanh

[21] Chén đưa nhớ bửa hôm nay

Chén mừng xin đợi ngày này năm sau

[22] Cách năm, mây bạc xa xa

Lâm Truy cũng phải tính mà thần hôn

[23] Mệnh cung đang mắc nạn to

Một năm nữa mới thăm do được tin

[24] Nâu sồng từ giở mầu thuyền

( bản ghi: Nâu sồng từ trở màu thiền)

Sân thu trắng đã vài phen đứng đầu

[25] Cửa thuyền vừa cữ cuối xuân

(Có bản ghi: Cửa thuyền vừa tiết cuối xuân)

Bóng hoa đầu đất, vẻ ngân ngang trời

[26] Gửi thân được chốn am mây

Muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong

[27] Nửa năm hương lửa đương nồng

Trượng phu thoát đã động lòng bốn phương

[28] Sân rêu chẳng vẽ dấu giầy

Cỏ cao hơn thước, liễu gầy vài phân

[29] Đầu vườn cỏ mọc lau thưa

(Có bản ghi: Đầy vườn cỏ mọc lau thưa)

Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời

Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Xập xè én liệng lầu không

Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giầy

[30] Trước cờ ai dám tranh cường

Năm năm hùng cứ một phương hải tần

[31] Năm năm trời bể ngang tàng

Dẫu mình đi bỏ chiến trường như không

(Có bản ghi: Đem mình đi bỏ chiến trường như không)

[32] Sư rằng cũng chẳng mấy lâu

Trong năm năm lại gặp nhau đó mà

[33] Từ con lưu lạc quê người

Bèo trôi, sóng vỗ chốc mười lăm năm

[34] Những là rầy ước mai ao

Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình?

[35] Những từ sen ngó đào tơ

Mười lăm năm mới bây giờ là đây

[36] Sự đời đã tắt lửa lòng

Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi?

[37] Ngẫm từ khởi việc binh đao

Đống xương vô định đã cao bằng đầu

[38] Nàng từ ân oán rạch ròi

Bể oan dường đã vơi vơi cạn lòng

[39] Sinh rằng: từ thuở tương tri

Tấm riêng, riêng những nặng vì nước non

Trăm năm tính cuộc vuông tròn

Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông

[40] Từ nghe vườn mới thêm hoa

Miệng người đã lắm, tin nhà thì không

Lửa tâm càng giập càng nồng

Giận người đen bạc ra lòng trăng hoa

[41] Não người cữ gió tuần mưa

Một ngày nặng gánh tương tư một ngày

[42] Sớm đào, tối mận lân la

Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng

[43] Một nhà sum họp trúc mai

Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông

Hương càng đậm, lửa càng nồng

(Có bản ghi: Hương càng đượm, lửa càng nồng)

Càng sôi vẻ ngọc, càng lồng mà sen

[44] Lâm Truy chút nghĩa đèo bồng

(Địa danh Lâm Truy có bản ghi là Lâm Tri)

Nước non để chữ tương phùng kiếp sau

(Có bản ghi: Nước bèo để chữ tương phùng kiếp sau)

[45] Vinh hoa bõ lúc phong trần

Chữ tình ngày một thêm xuân một ngày

[46] Rằng từ ngẫu nhĩ gặp nhau

Thầm yêu, trộm nhớ bấy lâu đã chồn

[47] Chàng Kim từ lại thư song

Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây

Sầu đong càng khắc càng đầy

(Có bản ghi: Sầu đong càng lắc càng đầy)

Ba thu dọn lại một ngày dài ghê

(Có bản ghi: Ba thu dồn lại một ngày dài ghê)

[48] Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao

Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng

[49] Phận bồ từ vẹn chữ tòng

Đổi thay nhạn yến, đã hòng đầy niên

[50] Tin nhà ngày một vắng tin

Mặn tình cát luỹ, nhạt tình tào khang

(Có bản ghi: Mặn tình cát luỹ, lạt tình tào khang)

[51] Lâm Truy từ thuở uyên bay

Buồng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân

Mày ai trăng mới in ngần

Phấn thừa, hương cũ bội phần xót xa

[52] Sen tàn, cúc lại nở hoa

Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân

Tìm đâu cho thấy cố nhân

Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương

Trạnh niềm nhớ cảnh gia hương

(Có bản ghi: Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương)

Nhớ quê, chàng lại tìm đường thăm quê

PHỤ LỤC

(Trích tài liệu do bác Vvn cung cấp)

Độc Tiểu Thanh ký

Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư,

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kỳ oan ngã tự cư.

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

讀小青記

西湖花苑盡成墟,

獨吊窗前一紙書。

脂粉有神憐死後,

文章無命累焚餘。

古今恨事天難問,

風韻奇冤我自居。

不知三百餘年後,

天下何人泣素如。

Đọc truyện ký nàng Tiểu Thanh

(Người dịch: Lê Thước)

Hồ Tây cảnh đẹp hoá gò hoang,

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.

Son phấn có hồn chôn vẫn hận,

Văn chương không mệnh đốt còn vương.

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,

Cái án phong lưu khách tự mang.

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,

Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Hàn Tín giảng binh xứ

Bách vạn tinh huy bắc độ Hà

Yên  giao địa hạ hữu trầm qua

Du du sự hậu nhị thiên tải

Đãng đãng thành biên nhất phiến sa

Khoái  ngũ vị thành cam lục lục

Quân tiền do tự thiện đa đa 

Khả liên thập thế sơn hà tại

Hậu thệ  đồ duyên Giáng Quán gia.

韓信講兵處

百萬旌麾北渡河

燕交地下有沉戈

悠悠事後二千載

蕩蕩城邊一片沙

噲伍未成甘碌碌

君前猶自善多多

可憐十世山河在

厚誓徒延絳灌家

Chỗ Hàn Tín luyện quân

(Người dịch: Đặng Thế Kiệt)

Hoàng Hà trăm vạn lá cờ bay

Gươm giáo còn chôn dưới đất này

Xa tít hai nghìn năm chuyện cũ

Mênh mông một bãi cát thành nay

Tướng thua, bậc thấp ngang Phàn Khoái

Vua hỏi, quân nhiều đánh lại hay

Nhà Hán mười đời cơ nghiệp nối

Lời thề … Giáng, Quán hưởng phần may

Lạn Tương Như cố lý

Đại dũng bất dĩ lực

Cận hữu Lạn Tương Như (1)

Kiểu hãnh năng hoàn bích (2)

Bồi bồi thiện tị cư (xa)  (3)

Phong bi lưu tính tự

Toàn Triệu miễn khâu khư

Tàm quý lực ách hổ 

Bình sanh vô khả thư

藺相如故里

大勇不以力

僅有藺相如

僥倖能完璧

徘徘善避車

豐碑留姓字

全趙免丘墟

慚愧力扼虎

平生無可書

Làng cũ của Lạn Tương Như

(Người dịch: Đặng Thế Kiệt)

Bậc đại dũng không dùng sức mạnh

Đời này chỉ có Lạn Tương Như

Đem về ngọc bích hay chưa

Vòng xe tránh né mà thừa khéo khôn

Bia lớn họ tên còn để lại

Nước Triệu kia khỏi phải nguy vong

Thẹn người bắt hổ tay không

Trọn đời mà chẳng nên công cán gì.

Chú thích của bác Vvn:

(1) Lạn Tương Như: quan thượng khanh nước Triệu thời Chiến quốc.

(2) Hoàn bích: giữ hòn ngọc được nguyên vẹn. Nước Triệu có ngọc bích quý. Vua Tần muốn đem mười lăm thành đổi lấy ngọc. Lạn Tương Như mang ngọc sang Tần, nhưng vua Tần không nói đến việc giao thành. Lạn Tương Như lập kế lấy lại ngọc đem về nguyên vẹn.

(3) Liêm Pha và Lạn Tương Như cùng là thượng khanh nước Triệu. Liêm Pha ganh ghét Lạn Tương Như không có công đánh giặc mà cũng ở ngôi như mình, có ý định làm nhục Lạn Tương Như. Lạn Tương Như biết vậy nên mỗi lần thấy xe Liêm Pha thì cho xe mình tránh đi ngả khác, nói rằng: "Không phải ta sợ Liêm tướng quân đâu, sở dĩ nước Tần không dám đánh nước Triệu là vì có ta và Liêm Pha, nếu hai con hổ đánh nhau thì thế không lưỡng toàn được. Ta tránh Liêm Pha là vì quốc gia mà không nghĩ đến thù riêng". Liêm Pha nghe lời nói ấy, đến gặp Lạn Tương Như xin tạ tội. Từ đó hai người kết bạn tâm giao, cùng nhau nỗ lực giúp nước Triệu.

Tổ Sơn đạo trung

Phong thụ lâm trung diệp loạn phi

Kinh sa tác vũ thướng chinh y

Tiêu tiêu khô thảo lộ nhất tuyến

Tịch tịch tà dương sơn tứ vi

Khứ nhật Lưỡng Hà tằng tập chiến

Hu đồ thiên lí chính tư quy

Bà bà bạch phát hồng trần lộ

Nhật mộ đăng cao bi mạc bi

   

祖山道中

   

楓樹林中葉亂飛

驚沙作雨上征衣

蕭蕭枯草路一線

寂寂斜陽山四圍

去日兩河曾習戰

紆途千里正思歸

皤皤白髮紅塵路

日暮豋高悲莫悲

Trên đường Tổ Sơn

(Người dịch: Đặng Thế Kiệt)

Rừng phong thu lá loạn bay

Cát như mưa đổ bụi đầy chinh nhân

Cỏ khô xơ xác dặm trường

Bốn bề hiu hắt tà dương ngút ngàn

Lưỡng Hà chinh chiến tràn lan

Đường vòng hun hút muôn vàn nhớ quê

Tóc phơ bụi đỏ đi về

Trời chiều lên núi buồn tê tái buồn

Chinh Phụ Ngâm Khúc

Nguyên tác: Đặng Trần Côn

Thanh thanh mạch thượng tang

Mạch thượng tang mạch thượng tang

Thiếp ý quân tâm thuỳ đoản trường

Người dịch: Đoàn Thị Điểm

Cùng ngoảnh lại mà cùng chẳng thấy.

Thấy xanh xanh chỉ mấy ngàn dâu.

Ngàn dâu xanh ngắt một màu.

Lòng chàng, ý thiếp, ai sầu hơn ai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét