Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Qua Giac Mu Suong.html

Qua Giac Mu Suong.html

Thông tin ebook

Tên truyện : Qua Giấc Mù Sương

Tác giả : Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Thể loại : Văn học trong nước

Trích trong Bán Nguyệt San Tuổi Hoa số 223, 224, 225, 226

———————————-

Nguồn : http://tuoihoa.hatnang.com

Chuyển sang ebook (TVE) : santseiya

Ngày hoàn thành : 06/09/2008

Nơi hoàn thành : Hà Nội

http://www.thuvien-ebook.com

Mục Lục

Một

Hai

Ba

Bốn

Năm

Sáu

Bảy

Tám

Chín

Mười

Mười một

Một

Giảng xong bài toán, cô giáo Hòa nhìn Trí, cười:
– Thế nào, còn thắc mắc gì nữa không?
– Thưa Cô không ạ. Con cám ơn cô.
Trí về chỗ thu xếp sách vở vào cặp. Lớp học chỉ còn lại Trí và cô Hòa. Bạn bè đã về hết, chỉ có Trí là nán lại xin cô giảng nốt bài toán mà Trí gặp phải nhiều thắc mắc. Trí đến vòng tay thưa cô, và chạy nhanh ra ngoài. Cô Hòa nhìn theo, mỉm cười, thoáng một chút hài lòng.

Cô cũng sửa soạn để ra về. Nhưng cô còn muốn đứng lại thật lâu, trên bục gỗ, để nhìn xuống những dãy ghế bàn yên lặng. Trước đây năm phút, như mọi ngày, bầy trò nhỏ ngồi đầy cả lớp, líu lo như bầy chim. Chúng nó đọc, viết, và ca hát. Mỗi ngày hoạt cảnh ấy đều diễn ra, nhưng không làm cô chán. Trái lại, cô càng yêu mến hơn. Nhất là, trong lớp có cậu bé Trí thật nổi bật nhờ trí thông minh, sự lanh lẹ và tính tình hiền lành. Cô Hòa cảm thấy có lẽ cô thương Trí hơn hẳn mọi đứa học trò khác. Cô có hơi thiên vị chăng? Không tránh được. Bởi cô nhiều tình cảm. Không có một việc gì không làm cô suy nghĩ. Ngày xưa cô hằng ao ước có một đứa con như vậy. Cô tưởng tượng trong đầu, một đứa con trai, nhanh nhẹn, thông minh nhưng phải cộng thêm sự hiền lành. Trí giống hệt đứa con trai tưởng tượng ấy. Cô thương nó nhất là vì vậy, vì đứa con trai tưởng tượng kia không bao giờ chào đời, vì chồng của cô đã chết giữa lúc cô đang ở trong những ngày hạnh phúc nhất.

Cô Hòa khe khẽ thở dài. Chuyện đã qua như một giấc chiêm bao. Cuộc sống bây giờ đơn độc và phẳng lặng. Nguồn vui duy nhất của cô là bầy trò nhỏ của trường này. Tự nhiên cô cầm lấy một mẩu phấn thừa, vẽ lên bảng một vòng thật tròn, rồi chấm một chấm lớn ngay tâm điểm. Cô mỉm cười một mình. Cô sẽ sống trong khuôn khổ của cô đến trọn đời – một nhà giáo. Sẽ sinh nghề, và sẽ tử nghiệp.

Cánh cửa lớp khép lại sau lưng cô Hòa. Cô ôm chồng vở của học trò đi về phía phòng ông hiệu trưởng. Nghe chồng vở nặng và hương giấy học trò như có quyện mùi sữa. Cô thấy vui vui trong lòng và bước nhanh. Buổi trưa mùa thu, nắng không gắt, chỉ đủ làm trong trẻo bầu không khí mến yêu trong sân trường.

Một cô giáo đi lại, chào cô Hòa:
– Chào chị. Hôm nay chắc chị bận lắm?
– Vâng. Cô cứ nhìn chồng vở này thì biết.
Cô giáo nọ kêu lên:
– Chao ơi! Chị còn chấm bài ở nhà nữa, thì giờ đâu mà nghỉ?
Cô Hòa cười:
– Thế mới vui chứ cô! Tôi có cái thú xem vở học trò như… xem truyện.
– Em phục chị đấy! Nhưng chị nhớ nghỉ ngơi. Lúc này chị hơi ốm đấy nhé!
– Cám ơn cô. Cô lo cho tôi quá!
Hai người chào nhau đi. Những câu xã giao tuy không thân mật lắm nhưng cũng chứng tỏ được rằng những người đồng nghiệp thường để tâm đến cô Hòa và quý mến cô. Họ thường bày tỏ sự mến phục tính điềm đạm của cô và nếp sống đơn chiếc mực thước mà cô đã chấp nhận từ mấy mươi năm nay.

Cô Hòa bước xuống sân, đến bên xe của cô. Cô nhẹ nhàng đặt chồng vở lên nệm ghế sau, rồi ngồi vào chỗ lái. Tiếng máy nổ nghe cũ kỹ, như hình dáng chiếc xe của cô. Nó cũng ốm yếu, già nua và chung thủy như cô vậy. Cô lái xe chạy từ từ ra khỏi cổng trường, và gật đầu chào người gác-dan. Rồi lại nghĩ đến Trí, lại nghĩ đến đứa con trai tưởng tượng. Giờ này có lẽ Trí đang ở trên đường về nhà. Chốc lát nữa nó sẽ ngồi trước bàn ăn với ba má. Cảnh đầm ấm biết là bao!

Nhưng cô giáo Hòa không ngờ, rằng chính lúc đó, cậu bé Trí đang băng nhanh qua đường, sơ ý không nhìn thấy một chiếc xe hơi đang chạy trờ tới. Chiếc xe đang ngon trớn phải thắng gấp vì một đứa bé. Tiếng rít của bánh xe siết xuống mặt đường nghe chát tai. Trí té xuống trước mũi xe. Trí nghe như dưới chân có một cảm giác đau nhức thấu tận óc. Rồi thì toàn thân tê dần. Trí chìm vào hôn mê.

Hai

Tụi trẻ nhỏ chơi giỡn trước đường vọng vào tiếng cười nói làm em thấy rộn ràng theo. Em muốn bước đến gần chiếc cửa sổ kia, nhìn ra đó một tí. Nhưng mà không được. Một bên chân em bị băng bột cứng ngắc. Má dặn em không được đi đâu cả, cần gì thì phải gọi má. Hôm đầu tiên biết mình phải băng bột, em khóc ngon lành. Thế này thì phải nằm một chỗ rồi, không được đi học, không được đi chơi, cũng không được tự do đi đây đó trong nhà. Thật tù túng làm sao! Nhưng phải đành vậy, tai nạn xảy đến cho mình mà! Lần đầu tiên em lưu ý đến chữ "tai nạn", vì nó đã xảy đến cho chính em. Tới bây giờ em cũng không nhớ rõ hôm xảy ra "tai nạn", nó như thế nào nữa. Chỉ nhớ rằng hình như em đang băng qua đường, thì nghe một tiếng rít. Em ngã xuống, chưa cảm thấy gì, mà thấy như có một khối vuông vức ở ngay bên người mình. Mắt em tối lại, và rồi chợt nghe như chân mình muốn đứt ra. Rồi hết. Em không biết gì nữa.

Thật là kinh hoàng, mà cũng thật là ngộ nghĩnh, như một trò chơi. Vậy là em biết "tai nạn" nghĩa là gì rồi! Cái gì có thể làm cho người ta đau đớn, người ta khổ sở, hoặc người ta tốn kém tiền bạc, thì gọi là "tai nạn". Em chỉ có thể hiểu như thế rồi thôi. Bây giờ em đang nghĩ đến bọn trẻ ngoài kia. Chúng nó đang chơi "u mọi", em đoán chắc như vậy, vì em nghe chúng nó "u… u…" luôn miệng. Trò này không thích mấy. Em dẫn ý nghĩ đến lớp học. A, giờ này cô Hòa đang cho các bạn làm thủ công chăng? Cô đã nhận được giấy xin phép của ba má chưa? Cô biết em bị xe đụng chưa? Cô có buồn không? Và cô có nhìn xuống chỗ ngồi của em mà thấy nhớ em không? Mới trưa hôm nào em nán lại xin cô giảng thêm toán đây mà. Tại em cả, nếu em về sớm, thì đâu gặp chiếc xe hơi quái ác đó. Em thấy tiếc, và thấy buồn. Bây giờ thì em chịu thua, ngồi ở đây chờ đợi đến bao giờ? Bao giờ thì xương em mới liền lại? Bao giờ thì bột được cắt ra, và em chạy nhảy như xưa? Chao ơi! Chắc là phải chờ lâu lắm.

Má đi vào phòng, đem cho em một khúc bánh mì. Má ngồi bên cạnh, nhìn em ăn, và dường như má rưng rưng khóc. Em thương má quá chừng. Má lo cho em, đêm hôm qua không ngủ vì em làm sốt, bây giờ mắt má thâm quầng. Cả ba nữa, ba lo chạy tiền để lo thuốc cho em. Em nghe ba má nói với nhau, coi chừng em bị đi "cà nhắc". Ôi chao! Em mới là đứa con đầu của ba má, đứa con cưng duy nhất hiện giờ, mà rủi mang tật, thì tội cho ba má biết bao! Nghĩ thế rồi tự nhiên em buột miệng nói với má:
– Má ơi, chân con không bị tật đâu, má há!
Má hơi ngạc nhiên, rồi má ôm vai em, ngọt ngào:
– Ai nói con vậy? Làm sao con bị tật được. Con ráng nghỉ cho mau lành, rồi con đi đứng như thường.
Má hôn em một cái trên trán, rồi má đứng lên, nói:
– Con nằm đây nhé! Má đi nấu cơm cho ba về ăn.
– Dạ.
Má đã khuất sau cửa phòng. Em ngả người nằm xuống, đắp chăn lên tận ngực. Em nhìn tấm màn cửa khẽ lay động bởi làn gió ngoài kia, nghĩ đến con đường mọc đầy cây còng, có lũ trẻ nhỏ đồng lứa đang giỡn vui. Em nghe lòng nao nao, nghe đầu óc lãng đãng như muốn rủ rê hồn đi xa.

Có tiếng động ở đầu giường. Chắc má trở lại cho em cái kẹo? Em quay đầu lại để nhìn. Không phải má. Nhưng là một thằng bé. Em hơi ngạc nhiên. Nhỏ này ở đâu vào đây vậy nhỉ? Em bỡ ngỡ hỏi nó:
– "Ấy"… làm gì vậy?
Thằng bé nói tỉnh bơ:
– Tìm "bồ".
Em càng ngạc nhiên hơn:
– "Bồ" gì?
Nó chỉ vào em, nói:
– "Bồ" là… "bồ" chứ ai!
– Tôi hả?
– Ừ.
Em hơi nhỏm người dậy:
– Tôi đâu có quen với "ấy".
Thằng bé nhún vai một cái rồi quay đi. Em nghe như có tiếng nó cười khẩy. Một nỗi gì như là bực tức nổi lên. Em hơi gắt với nó:
– Sao "ấy" không trả lời? "Ấy" vào nhà tôi mà có thưa má tôi chưa?
– Thưa?
Thằng bé hỏi lại mà vẫn quay lưng về phía em. Em thấy cái mái tóc nó, và cái gáy của nó quen quen. Chẳng lẽ nó là một đứa bạn nào học với em hồi lớp một, lớp hai mà em đã quên? Hay nó là một đứa hàng xóm mà em ít gặp?.. A, đúng rồi, bọn trẻ chơi "u mọi" ngoài kia… Chắc nó chơi chán, rồi vào nhà em chứ gì! Vậy thì nó ngang thật. Em lại hỏi nó:
– "Ấy" đang chơi ngoài kia phải không?
– Không.
Thằng bé đáp cộc lốc làm em cụt hứng. Em toan gọi má, nhưng thằng bé đang quay lại. Ô kìa! Em có nhìn lầm không? Nó đang ngó em chăm chăm. Và em cũng đang nhìn nó không chớp mắt. Nó giống hệt em. Mái tóc đó, gương mặt đó, và cái cổ cao "như cổ cò" cũng giống em luôn. Em sững sờ, ngỡ mình nằm mê. Dưới nhà bếp có tiếng má em đang khua xoong nồi vẳng lên thật rõ và có tiếng của con mèo Na đòi ăn ở nhà ngoài. Em cũng không nằm mê, vì em vẫn ! cảm thấy ở chân mình cảm giác nhức nhối của mấy ngày qua. Thằng bé đang đi đi lại lại trước mắt em, dáng nó vô tư lắm. Trời ơi, em không ngờ lại có một đứa giống em như tạc. Em lắp bắp:
– "Ấy"… "ấy" là ai?
Lần này thằng bé ngồi phịch xuống giường, cười rung cả nệm. Em khó chịu hơi lách mình sang một bên. Em nghe tiếng cười của nó như ngàn mảnh thủy tinh nhọn đâm vào tai em.
Cười chán, nó nhìn em, rồi nó nắm lấy tay em. Kỳ lạ làm sao, em thấy bàn tay nó với bàn tay em giống nhau quá chừng. Năm ngón tay mủm mỉm, và ngón tay thì hơi hếch lên – mà em vẫn nghĩ rằng ít người có kiểu móng tay đặc biệt đó. Nó giống em toàn diện, chỉ khác là nó không bị thương ở chân mà thôi. Tự nhiên em không thấy ghét nó nữa – chẳng ai ghét một người giống mình như đúc bao giờ. Mà em thấy vui vui, ngộ ngộ. Chẳng là hồi lên ba, em vẫn thường ao ước có một "thằng em bé" để chơi, hoặc có một thằng tí hon biết cử động để em "điều khiển" nó. Em là đứa con nít duy nhất trong nhà, nên em lẻ loi lắm. Bây giờ tự nhiên có một đứa giống y mình vào nhà mình, lẽ nào em đuổi nó ra? Em lấy giọng êm dịu bảo nó:
– "Ấy" ở đây chơi với tôi nhé!
– Dĩ nhiên.
Thằng bé này láu quá chừng. Nhưng không sao, em sẽ nói phải trái cho nó nghe. Em chống tay ngồi dậy, hỏi:
– Nhà "ấy" ở đâu?
– Ở đây.
– Trong xóm này hở?
– Ở đây, ở nhà này.
Em tròn mắt nhìn nó. Trong tâm trí em bắt đầu hiện ra những điều quái gỡ. Bây giờ đến phiên thằng bé dịu lại. Nó toan nói với em một điều gì, bỗng nghe có tiếng má ho ngoài c! ửa. Th�! ��ng bé lùi lại gần tủ áo cạnh đầu giường em.
Má mở cửa phòng bước vào, hỏi:
– Con không ngủ hở trí?
Em lắc đầu, rồi như một phản xạ, quay lại nhìn phía tủ áo. Thằng bé không còn ở đó.
Má thấy em ngơ ngác, bèn hỏi:
– À, con chói mắt phải không? Để má đóng cửa sổ lại, con ngủ đi, khi nào ba đi làm về má sẽ gọi dậy.
Em không biết nói gì hơn là gật đầu. Ánh sáng bị chận lại bên ngoài cửa sổ. Em nghe má đi dần ra cửa rồi em ngơ ngẩn trong bóng tối mông mênh.
Có tiếng động ở bên giường làm em giật mình. Giọng thằng bé cất lên:
– "Bồ" buồn ngủ hở?
Bây giờ tối đen, không thấy mặt nó, em mới nhận ra một điều nữa: giọng nói của nó chính là giọng nói của em.
Em băn khoăn:
– Nãy giờ "ấy" trốn trong tủ áo?
– Ờ… chắc vậy….
– "Ấy" trốn má tôi làm gì?
Thằng bé cười:
– Ghét người lớn.
Em hết sợ nó. Em nắm lấy tay nó:
– "Ấy" với tôi đâu phải anh em sinh đôi, sao giống nhau vậy?
– Vì tôi với "bồ" là một, "bồ" biết không?
– "Ấy" đùa hở? Cứ làm như chuyện thần tiên vậy.
Thằng bé bước đến mở một cánh cửa sổ ra, cười nhè nhẹ:
– Không đùa đâu. Tôi nhắc lại: tôi với "bồ" là một. "Bồ" là Trí phải không? Tôi cũng… là Trí.
Em nghe đầu nặng ghê gớm. Em lại thấy rõ gương mặt nó. Chao ôi, nó chính là em, không khác một ly. Em ngắt mạnh vào tay. Đau nhói. Em không có nằm mê. Em bàng hoàng như bị ám ảnh bởi một chuyện ma quái. Thằng bé bước đến gần em, nói:
– Xưa nay tôi với "bồ" là một, tự nhiên! hôm nay! tôi muốn tách ra khỏi "bồ". Bồ hiền quá, "bồ" sai khiến tôi hoài.
– Ủa!??
– Nhưng "bồ" đừng lo. Tôi sẽ làm giúp "bồ" những việc nào "bồ" cần. Tôi cũng sẽ ở bên cạnh "bồ", chơi với "bồ".
– Nhưng "ấy" hãy dẹp chữ "bồ" đi, gọi tôi là Trí.
– Thì bồ cũng dẹp chữ "ấy" đi, gọi tôi là Trí.
– Không được, trùng tên rồi.
– Đã bảo hai đứa là một mà!
Em ngẫm nghĩ, rồi nói:
– Để tôi tìm cho "ấy" một tên.
– Tên tôi là Trí mà!
– Thì tạm gọi tên khác đi! À, "ấy" hãy đến bàn viết, lấy hộ tôi quyển tự điển Việt Anh của ba tôi.
– Chi vậy?
– Tôi chọn cho "ấy" một cái tên. Đó, quyển sách màu xanh.
Thằng bé đem quyển tự điển lại. Em lật tìm chữ "Trí". Đây rồi! Em bảo nó:
– "Ấy" nhìn đây nè, đọc chữ này đi!
– Ơ… tôi… không biết đọc.
Em cố gắng đọc theo dấu phiên âm ba có lần chỉ em:
– Mai. Mai. Đúng rồi! "Mai" có nghĩa là "Trí". "Ấy" chịu tên Mai nghen! Mai với Trí cũng là một.[1]
– Ừ, chịu vậy. Dù sao tôi cũng tên là Trí.
Em có cảm tình với thằng bé này thật nhiều. Em vẫn thắc mắc tại sao nó với em là một. Nhưng sự thích thú vẫn to lớn hơn. Nó, thằng Mai, sẽ là "thằng em bé" hay là đứa bạn nhỏ của em. Nó sẽ thay em làm những việc gì em cần. Em bỗng nghĩ đến khoảng sân chơi vuông vắn, và lớp học thân mến có cô giáo Hò! a.
M! ai nói:
– Trí biết đánh cờ không?
Em lắc đầu:
– Cô giáo tôi bảo học trò không nên cờ bạc. Tôi chỉ biết làm toán thật lẹ.
Mai bĩu môi:
– Gì mà gắt vậy? Tôi dạy Trí đánh cờ nghen!
– Tôi không thích chơi cờ.
– Rồi Trí sẽ thấy ham, không bỏ được. Nè, với lại lúc này Trí đang bị bệnh, Trí đâu có đến trường. Chơi cờ đi, khi nào lành bệnh, Trí sẽ đi học lại.
Em gật gù:
– Ừ nhỉ! Nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ ghiền. Chẳng bao giờ ghiền.
Em lập đi lập lại câu nói ấy.

Ba

Lần này thì em thấy rõ ràng không phải thằng Mai trốn vào tủ áo mỗi khi nghe có tiếng động. Mà là nó biến mất. Đúng vậy, nó có thể biến mất cũng như có thể hiện ra bất cứ nơi nào, bên giường em, sau lưng em, hay trên ghế ngồi. Mới đầu thì em hơi kinh ngạc. Nhưng mãi rồi em quen dần, em thấy ngộ nghĩnh và thích thú. Chẳng là hồi nào em vẫn ao ước có một cái gì tựa như truyện thần tiên xảy đến cho em. Bây giờ em đã có thằng Mai. Nó không phải ma. Nó lại là em nữa mới kỳ. Con người em đã tách làm hai. Thì em phải thương nó như thương chính em vậy. Em nghĩ thế rồi thản nhiên chơi với thằng Mai. Mỗi khi má hay ba vào phòng thì Mai lại biến mất. Chắc nó sợ một người thứ ba biết sự bí mật giữa nó và em. Em đoán vậy nên em không hề kể cho ai nghe chuyện ấy. Không hại gì, mà lại giữ được sự kỳ thú cho riêng mình nữa. Ít ra thằng Mai cũng sẽ là người bạn của em trong suốt những ngày em nằm một chỗ.

Hôm nay thằng Mai hỏi em:
– Con mèo Na đâu, tôi không thấy?
– Mai biết cả mèo Na nữa cơ à?
Thằng Mai cười típ cả mắt lại:
– Tôi là Trí, mà tôi lại không biết con mèo Na sao?
Em gật gù:
– Ừ nhỉ! Tôi quên mất. Con mèo Na… nó chơi ở phòng khách, hay là nó theo má đi xuống bếp để ăn vụng những bột bánh rồi chắc. Tôi tức nó lắm.
– Sao vậy?
Em buồn buồn nói:
– Mọi ngày nó theo tôi như là bạn thân. Từ hôm tôi bị xe đụng, nó có vẻ bớt thân với tôi. Chắc nó sợ cái chân tôi. Có hôm nó theo cô y tá vào phòng xem cô ấy rửa vết thương. Nó lắc đầu kêu "meo meo" như là… khinh khi tôi lắm. Tôi thấy cái mũi nó hênh hếch lên, giống như nó muốn nói "hôi quá, hôi quá".
Thằng Mai cười to:
– Thế sao Trí không lấy cái chân đau đá cho nó một cái? Cục bột cứng ngắc này mà giáng lên đùi nó thì… hic hic… thế nào cũng nằm lăn quay.
Em kêu lên:
– Í, sao Mai nói ghê vậy? Tôi mà làm như vậy, không những tôi đau thêm mà con Na chết, tôi lấy ai làm bạn? Tôi không muốn thấy nó đau đớn như tôi.
Em lẩm bẩm, hài lòng với ý nghĩ của mình:
– Kệ nó. Bữa nào chân tôi lành, chắc nó hết sợ.
Mai bĩu môi rồi lại lôi bàn cờ ra. Em lắc đầu:
– Tôi không chơi cờ nữa đâu.‎
– Chứ ở không làm gì?
– Tôi muốn xem lại quyển vở của tôi một tí. Mai lấy giùm tôi quyển màu nâu để ở gần bình mực kia đi.
Thằng Mai đem quyển vở lại cho em – lúc nào nó cũng sẵn lòng giúp em, thật là một đứa bạn tốt. Em mở vở ra. Tự nhiên thấy lòng nôn nao và xúc động ghê gớm, vì em trông th! ấy những con số 8 nằm tròn trịa bên cạnh những bài học. Em thấy nhớ cô giáo Hòa làm sao!
Dường như thằng Mai biết em buồn. Nó hỏi:
– Nhớ lớp học hở?
Em gật đầu. Nó cười:
– Lớp học có gì để nhớ?
Em cau mày nhìn nó:
– Bộ… Mai không biết lớp học sao?
– Biết. Nhưng có gì đáng yêu trong đó đâu!
– Mai làm bộ hở?
Mai đáp rất thành thật:
– Đâu có. Mà tại vì mỗi khi vào lớp thì… tôi ngủ.
Em nổi cáu:
– Tôi đâu có ngủ.
– Nhưng mà tôi ngủ.
Em bực bội đặt quyển vở xuống nệm, nói:
– Tôi chẳng hiểu gì hết.
– Rồi đây Trí sẽ hiểu.
Trời ơi! Thằng Mai nói câu "rồi đây Trí sẽ hiểu" sao mà giống như trong kịch quá đi! Em chẳng bao giờ nói những câu như vậy, nghe trịch thượng, nghe "người lớn" làm sao! Em chán nản nhắm mắt lại. Thằng Mai để yên như thế độ hai phút rồi nó lay em:
– Trí ngủ hở?
– Không.
– Mở mắt ra tôi nói cho mà nghe.
– Nói cái gì?
Em mở mắt ra. Thằng Mai cười tủm tỉm:
– Trí thấy không? Khi Trí nhắm mắt thì tôi đâu có nhắm mắt. Vậy những khi ở trong lớp, Trí thức để học thì tôi cũng có thể ngủ vậy.
Em ngạc nhiên vô cùng nhưng em thấy có một điều hữu lý. Em cười lại với thằng Mai:
– Mai nói tiếp đi!
Thằng Mai gõ tay lên băng bột của em, nói:
– Này nhé! Tôi không bao giờ ưa được cái bảng đen to sồ sồ trong lớp, những cái bàn ghế sơn xanh sơn đỏ mà sắp xếp ngay ngắn quá như vậy. Cái bảng đen đã vô duyên mà lại vô duyên hơn nữa khi mà có những chữ gì lên đó. Tôi! cũng mu! ốn bàn ghế biến thành đồ chơi để cho tôi đá hất chúng mà còn khoái hơn. Còn cái lũ học trò "ba xạo" đó, cứ giả vờ như là ngoan lắm, cứ mở "mỏ" đọc đọc hát hát, chán thấy mồ! Giá tụi nó ra sân chơi đá banh với tôi, chắc còn dễ ưa hơn.
Em cười:
– Mai nói nghe ngộ quá đi! Cái gì Mai cũng cho là vô duyên.
– Ừ, vô duyên hết. Bởi vậy tôi mới ngủ. Trí thức Trí học, còn tôi, tôi ngủ.
– Hèn gì Mai quên mất một điều nữa.
– Điều gì?
– Cô giáo Hòa. Mai không để ý đến cô hở?
– Không.
– Cô thật là dễ mến, đáng kính nữa. Tôi nghỉ học, tôi chỉ nhớ cô Hòa nhất.
Mai trố mắt:
– Vậy chắc cô Hòa phải trẻ, đẹp, và ăn mặc lộng lẫy như cô đào hát?
– Không. Làm gì kỳ vậy?
– Chứ sao mà Trí thích?
Em cười hãnh diện:
– Tại Mai ngủ trong lớp nên Mai không biết đó!
– Ừ ha!
Có tiếng dép của má đi gần đến cửa phòng. Mai nhìn ra và nó lùi lại sau giường. Em vừa thấy nó biến mất xong, quay lại là thấy má đang vào phòng. Má bưng vào một tô cháo. Em nhoẻn miệng cười với má:
– Má cho con ăn gì vậy?
– Cháo thịt heo, con thích không?
Trong khi má đặt tô cháo lên bàn, em nói:
– Con thèm ăn thịt gà.
Má đến bên cạnh em, âu yếm nói:
– Con quên là con bị một vết thương sao? Ăn thịt gà nó lại lở ra, khó lành lắm. Đáng lẽ con phải kiêng nhiều thứ nữa, nhưng má… tội.
Giọng má nghe bùi ngùi. Bỗng má cầm quyển vở học của em lên, ngạc nhiên:
– Ủa! Hồi sáng má mới thấy quyển này trên bàn mà. Làm sao con đến lấy đư�! �c?
! Em hơi run. Nhưng em kịp bịa ra:
– Trước khi ba đi làm, con nhờ ba lấy.
– Vậy mà má cứ tưởng… con đi được qua đó.
Em thở phào. Nhưng rủi như tí nữa má vui miệng nhắc cho ba nghe chuyện này, chắc em kẹt lắm. Má bưng tô cháo lại, đưa cho em. Em ăn thật mau như sợ má hỏi gì thêm. Xong, em giả vờ nằm xuống, muốn ngủ. Cũng như những lần trước, má đắp chăn cho em rồi đi ra.

Thằng Mai hiện ra, nói tiếp với em câu chuyện.
– Bộ Trí nhớ cô giáo lắm hở?
– Nhớ chứ! Nhưng biết làm sao?
Thằng Mai đề nghị:
– Thế thì… ngày mai tôi sẽ đi học.
Em nhỏm dậy, kêu lên:
– Mai đi học?
– Chứ sao! Vào lớp lần này tôi sẽ không ngủ, để còn nhìn kỹ cô giáo Hòa.
Em mừng quá nắm tay thằng Mai:
– Ừ, Mai đi học thế tôi nhé! Hứa với tôi là đừng có ngủ nghen!
– Hứa!
Em giở quyển tập ra:
– Nè, ngày mai đến phiên tôi trả bài "Lời khuyên đầu năm", Mai có thuộc không?
Mai ngơ ngác, lắc đầu. Em nói:
– Ai bảo ham ngủ. Để tôi bày cho. Đọc theo tôi!

"Các em cắp sách đến trường
Chớ nên thơ thẩn bên đường rong chơi
Mặt mày lau rửa hẳn hoi,
Áo quần chớ để có mùi hôi tanh.
Ngồi trong lớp cố học hành,
Chớ làm ồn hoặc nhổ quanh chỗ ngồi.
Ra vào đều xếp hàng đôi,
Chơi, cầm dao kéo lỡ thời nguy nan.
Làm bạn tốt, học trò ngoan,
Rồi ra trong xóm ngoài làng đều khen".

Thằng Mai cũng khá thông minh. Nó vừa nhăn mặt vừa đọc, chừng như không thích thú lắm. Nhưng cuối cùng nó hơi thuộc. Nó gật đầu:
– Biết rồi! Đưa vở đây, ngày mai tôi đến lớp.
– Nhớ mặc bộ đồ mới của tôi, để trong tủ áo.
– Biết rồi!
Thằng Mai có vẻ nôn nóng. Mà em thì cũng nôn nóng chẳng kém gì. Em bảo nó đến tủ lấy bộ đồ mới mặc vào. Em ngắm nó, và xuýt xoa:
– Đẹp quá!
– Đẹp gì? Tôi là "bồ", mà "bồ" khen đẹp.
Em sung sướng cười. Nghĩ đến ngày mai, có một thằng bé đi đến trường, thay cho em, ngồi vào lớp học, ngắm cô giáo Hòa giùm em, em vui quá! Em không cần thắc mắc tại sao lại có một thằng Mai, một thằng Trí thứ hai, tách khỏi con người em như vậy. Dù sao "như vậy" cũng vẫn thích hơn là một mình em đơn độc.

Bốn

Cô giáo Hòa ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống. Gần ba mươi cái miệng lại bắt đầu mở ra, ríu rít như chim. Cô giáo phải gõ thước lên bàn, nói lớn:
– Các em im lặng nào! Mở vở ra, ôn lại bài ám đọc, cô gọi đó!
Tiếng giấy lật nghe sột soạt. Cô Hòa bắt đầu nhìn đảo quanh lớp học theo như thói quen. Bỗng cô ngừng mắt lại ở chỗ của Trí. Trí đã có mặt ở đó. Cậu bé thản nhiên đọc lẩm nhẩm trước trang vở. Cô Hòa kêu lên:
– Ồ! Trí đã đi học rồi sao?
Cậu bé ngước mặt nhìn lên. Cô Hòa hấp tấp bước xuống, đến gần đứa học trò cưng.
– Sao ba con viết thư bảo là con bị gãy xương?
Trí lắc đầu:
– Đâu có! Con chỉ bị trầy sơ sài thôi.
Và cậu bé vén ống quần cho cô giáo thấy một miếng băng keo lớn dán che cả vết thương. Cô thở ra:
– Trời! Vậy mà cô tưởng con bị nguy rồi. Cám ơn Trời Phật! Hôm nay Trí đã khỏe rồi hở?
Trí gật đầu và bỗng bụm miệng cười. Cô Hòa trố mắt ngạc nhiên. Nhưng không nghe Trí nói gì, cô dịu dàng bảo:
– Trí ráng học cho kịp các bạn nghen. Cô sẽ giảng lại bài cho con. Có thắc mắc gì, con ở lại sau giờ về, cô giảng cho. Cô sẽ đưa con về tận nhà.
– Thôi, con không ở lại đâu. Chán thấy mồ!
Cô Hòa hơi sửng sốt. Thằng bé có một vẻ khác thường làm sao! Chưa bao giờ cô nghe nó nói một chữ "chán". Hôm nay… cô vừa vui mừng khi gặp lại gương mặt dễ thương, vừa lạ lùng thấy những đổi khác ở Trí. Cô nghĩ đến những triệu chứng bất thường ở trẻ nhỏ. Sau những trận đau ốm, những tai nạn, trẻ con thường hay bị giao động. Sự giao động có ! thể làm cho trẻ nhỏ đổi tánh. Có đứa sau khi bệnh thì sinh hỗn, có đứa giở chứng lầm lì đăm chiêu. A, có lẽ thằng bé Trí cũng ở trong trường hợp đó. Nó vừa mới bị một tai nạn. Dẫu không đến nỗi gãy xương như trong lá thư đầy vẻ hoảng hốt của ba má nó, nhưng có thể sự sợ hãi quá độ cũng làm cho trí óc nó mất quân bình. Ý nghĩ đó làm cô giáo Hòa nở một nụ cười khoan dung; cô xoa đầu Trí rồi trở về chỗ.
– Các con chuẩn bị xong chưa? Cô gọi trả bài đây! Lê Thị Phương Hương.
Một đứa bé gái nhanh nhẩu đi lên, khoanh tay đọc làu làu. Cô Hòa phê cho nó một chữ "khá" và con số 8 cạnh bài ám đọc. Cô lại gọi:
– Trương Đức Trí.
Cô phải gọi đến lần thứ hai, Trí mới đứng lên. Nó hờ hững đi lên và đọc:
– Lời khuyên đầu năm.
Cô Hòa ngắt lời:
– Trò Trí! Sao trả bài mà không khoanh tay lại?
Trí ngơ ngác. Cô Hòa tiếp:
– Mọi ngày con vẫn khoanh tay lại mà! Giống như trò Hương ban nãy đó, con quên rồi sao?
Trí nhìn quanh. Vài đứa học trò cười với nhau. Cô Hòa cầm hai cánh tay Trí đặt vòng trước ngực, rồi dịu dàng nói:
– Trí nghỉ học mấy ngày rồi, hư lắm nhé! Nào đọc bài đi!
Trí bực bội đọc nhanh:

- "Các em cắp sách đến trường
Chớ nên thơ thẩn bên đường rong chơi
Mặt mày lau rửa hẳn hoi,
Áo quần chớ để có mùi hôi tanh.
Ngồi trong lớp… ngồi trong lớp… ngồi…"

Nó ngập ngừng. Cô Hòa mỉm cười, chờ đợi. Trí gãi đầu, đọc:
– Ngồi trong lớp… trong lớp… Tôi quên rồi!
Cả lớp cười rộ lên. Cô Hòa đập thước lên bàn, rồi quay sang nói với Trí:
– Trí học bài chưa thuộc nghen! Nhưng cô tha, vì con mới bị tai nạn. Nhớ học bài kỹ lại.
Cô phê một câu trong vở rồi đưa lại cho Trí. Cô không muốn cho nó ít điểm nên đã nén lòng ghi số 5 dưới lời phê. Trí không buồn nhìn vào vở, thản nhiên đi về chỗ ngồi. Cô Hòa buồn bã nhìn theo nó, lắc đầu. Không lẽ chỉ một vết trầy nhỏ trên chân mà khiến thằng bé sa sút đến thế sao? Cô ngồi xuống ghế, tư lự. Và chợt nhớ ra một điều là Trí vừa mới xưng "tôi" với cô, một tiếng mà chưa có đứa học trò nào xưng với cô như vậy.

Một phút trôi qua. Cô Hòa không gọi trả bài nữa. Một sự gì như là chán nản vây quanh cô. Cô bảo học trò giở vở toán ra, rồi đọc:
– "Cha tôi mua một sở đất hình chữ nhật dài 18 mét, ngang 6 mét. Giá mỗi mét vuông là 400 đồng, công rào mỗi mét là 180 đồng. Hỏi tiền vốn sở đất là bao nhiêu?"
Cô vẽ một hình chữ nhật lên bảng, ghi số đo mỗi cạnh, rồi cô nói:
– Bài này cô đã cho làm một lần rồi. Các con ráng nhớ lại và làm cô coi. Trò nào góp trước cô sẽ cho thêm điểm.
Những mái đầu cúi xuống bên nhau. Cô Hòa nhìn cảnh ấy, rồi nghe lòng như dịu lại. Cô nhìn Trí. Thằng bé cũng lấy ra một tờ giấy nháp, hí hoáy làm bài. Chốc chốc nó lại nhìn lên cô. Cô tìm thấy nét thông minh sáng sủa trên gương mặt măng sữa ấy. Cô mỉm cười. Thế nào Trí cũng nộp bài trước. Nó là đứa học trò giỏi toán nhất lớp mà!

Mười phút lặng lẽ trôi qua. Cô Hòa hơi thất vọng. Không phải Trí, mà là trò Phương Hương lên nộp bài. Tiếp theo đó là Dũng, Quang, Minh. Rồi những học trò còn lại lục tục kéo nhau lên nộp vở. Cô ngạc nhiên vô cùng. Trí vẫn cắm cúi với cây bút và tờ giấy nháp.

Những tập vở úp chồng lên nhau dần dần. Cô Hòa sốt ruột thật sự. Cô bảo học trò về chỗ ngồi yên, rồi cô bước đến gần Trí, hỏi:
– Trí làm chưa ra sao? Đưa cô xem!
Trí vội vàng buông bút xuống, và úp tờ giấy nháp vào người. Cô Hòa vẫn ngọt ngào:
– Sao lại giấu cô? Nếu con làm không ra thì cứ đưa cô xem. Chắc con quên cách tính diện tích?
Trí lắc đầu. Cô lại nói:
– Hay là con quên cách tính chu vi?
– Không phải.
Cô Hòa dằn lòng, nói:
– Trí! Con hãy đưa cô xem tờ giấy nháp.
Trí lắc đầu lia lịa:
– Không mà! Không mà!
Có một cái gì như là vẻ gian dối hiện ra trên mặt đứa học trò yêu dấu kia? Cô Hòa nghĩ thế rồi không nén được, cô giật tờ giấy trên tay Trí. Thằng bé la lên một tiếng còn cô Hòa thì biến sắc mặt ngay. Cô run run cầm tờ giấy, đôi mắt mở lớn. Cô không thể ngờ được thằng bé ngoan ngoãn của cô lại tàn nhẫn đến độ này. Trí đã vẽ cô – chính cô – với mái tóc bới cao, nhưng dị hợm hơn, kỳ quái hơn, và rõ ràng nó cũng vẽ cây bút bằng vàng mà mẹ cô đã để lại cho cô như một di vật. Cây bút, thật ra là một cái trâm, bằng vàng thật mà cô luôn luôn giắt trên mái tóc. Nhưng điều khủng khiếp nhất là Trí đã vẽ cô đang bị treo cổ trong một dây thòng lọng, cột tòn ten trên một cây ngang. Cô kinh hãi sờ cổ mình, và sờ lên mái tóc có giắt cây bút vàng. Tiếng nói nghẹn lại trong cổ họng. Cô nhìn Trí, vừa muốn trút tức giận lên đầu nó, vừa muốn khóc để tiêu tan đi sự thất vọng và đau khổ.

Trí vẫn thản nhiên xoay xoay cây bút chì trên tay. Cô Hòa nuốt giận, nói:
– Lát nữa, giờ về, Trí ở lại lớp cô bảo.
Trí lắc đầu:
– Tôi không ở lại đâu. Mẹ tôi dặn về sớm kẻo bị xe đụng.
Nghe đến hai chữ "xe đụng", cô Hòa cảm thấy mềm lòng. Nhưng Trí nói:
– Với lại, tôi không thích nghe giảng toán.
Cô Hòa giận dữ:
– Tôi không giảng toán. Tôi bắt buộc trò phải ở lại tự chuộc lỗi.
– Lỗi gì?
– Lỗi trò đã khi dễ tôi. Trò còn bé, không được hỗn láo.
Thốt xong câu nói ấy, cô Hòa lên ghế ngồi, lòng đau như cắt. Lần đầu tiên cô xưng "tôi" với Trí. Cô không muốn như thế, cũng như không muốn tin rằng nó có thể vẽ cô bị treo tòn ten trong thòng lọng.

Suốt buổi học không khí nặng nề như đeo đá. Khi tiếng chuông reo báo hiệu giờ về, cô Hòa bảo:
– Các con về hết đi! Sắp hàng ngay ngắn, đi hàng một. Còn trò Trí, ở lại đây cô bảo.
Trí tỉnh bơ ngồi yên tại chỗ. Đoàn học trò nhỏ bé lần lượt đi ra cửa. Đến khi chỉ còn hai người trong lớp, cô Hòa lặng lẽ lấy khăn xóa bảng. Rồi cô lại ngồi, cố gắng nhìn Trí, phân tích những gì đang xảy ra trong con người bé bỏng đó. Cô vừa giận, vừa thấy tội nghiệp. Nếu xưa nay Trí là một đứa ngỗ nghịch, thì không nói làm gì. Nhưng Trí là một học trò thông minh, hiền lành cơ mà! Cô không bao giờ ngờ rằng một sự thay đổi xảy ra đột ngột như thế ở con người nó. Nếu chỉ vì một vết thương ở chân mà làm cho Trí biến đổi, thì thật là một sự đại bất hạnh cho nó.

Cô Hòa nhẹ nhàng đến ngồi trước mặt Trí, nói:
– Trí, hãy nghe cô hỏi đây! Tại sao con làm như vậy?
Trí hơi ngước lên, chợt che miệng cười. Cô Hòa nuốt nước bọt, gượng cười:
– Trí cười chuyện gì? Trả lời cho cô, tại sao…
– Ha ha! Tôi cười vì… nhìn gần mặt cô, thấy… í ẹ… da cô nhăn nheo, ghê quá hà!…
Cô Hòa nghẹn cả cổ, vừa nghe tay mình lạnh ngắt, vừa nghe lửa giện bốc lên bừng bừng. Cô nắm chặt đôi vai Trí, lắp bắp:
– Trí! Trí! Trời ơi!
Bàn tay cô run rẩy, yếu dần. Trí vùng ra khỏi tay cô, ôm cặp chạy đi, kêu lên:
– Tôi phải đi về. Tôi phải đi về. Học lớp này… chán "bỏ xừ".
Cánh cửa bị đóng "rầm" một cái. Cô Hòa gục đầu khóc rưng rức. Cô nghe tứ chi rã rời chưa từng thấy. Cô khóc như người vừa mới đón lấy một tai họa.
Chợt cô đứng phắt dậy. Cô chạy ra cửa, thảng thốt gọi:
– Trí! Trí!
… và vừa trông thấy ông Hiệu trưởng đang xăm xăm đi đến. Cô nghĩ có lẽ nên trình bày cho ông Hiệu trưởng nghe về trường hợp thay đổ bất ngờ của thằng bé. Cô mở miệng toan nói thì ông Hiệu trưởng đã đứng lại, hỏi:
– Ủa, bà vừa mới ở lớp ra?
Cô Hòa thở dồn dập:
– Thưa ông Hiệu trưởng , tôi…
– Ơ hay! Sao thằng bé Trí lại nói rằng có "kẻ" chận nó lại trong lớp để đánh nó? Nó vừa khóc vừa chạy mất. Tôi vội đến đây xem ra sao. Thì ra… là bà???
Cô Hòa đứng như chôn chân xuống đất, nghẹn ngào.

Năm

Em đau khổ nhìn con số 5 đỏ chói cạnh bài ám đọc và hàng chữ "Gắng học bài thuộc hơn". Đúng là nét chữ thân quen của cô giáo Hòa nhưng nó làm em muốn khóc quá! Đâu có bao giờ em bị ít điểm như thế. Và cũng chưa khi nào cô phê em một câu "nhục nhã" như thế. Em buồn bã nói với thằng Mai:
– Mai kỳ quá! Sao lại trả bài không thuộc? Tôi đã dạy Mai đọc kỹ rồi mà!
Mai nhún vai nói:
– Ơ… tôi đâu có quen trả bài. Với lại, bài gì mà khó quá, tôi quên mất.
– Nếu Mai quên, thì Mai phải bắt chước tôi, nói "Thưa cô cho con về chỗ để con học lại", thì đâu có bị 5 điểm.
Thằng Mai gắt gỏng:
– Nhưng tôi đâu có biết chữ mà học lại. Được 5 điểm còn kêu rêu.
Em ngạc nhiên:
– Mai… không biết chữ?
– Đã bảo rằng lúc Trí thức thì tôi ngủ trong lớp đó, tôi đâu có thích học mà bảo tôi phải biết chữ.
Em tròn xoe đôi mắt nhìn thằng Mai. Nó không có vẻ gì áy náy vì con số 5 trong vở cả, mà em thì đau khổ lắm. Em hỏi:
– Rồi… giờ toán, Mai làm sao viết?
Thằng Mai cười:
– Viết? Viết? Tôi đâu thèm viết. Tôi vẽ.
– Mai vẽ cái gì?
– Vẽ bà giáo. Bà giáo già của Trí đó.
Em tức giận:
– Mai dám… kêu cô giáo như vậy đó hả?
Thằng Mai hếch mặt lên:
– Ừ, chứ bộ phải gọi là "cô" sao? Tưởng gì chứ bà ta già khú, năm mươi, sáu mươi tuổi rồi mà "cô" gì?
– Tôi gọi "cô" vì cô là cô giáo , hiểu chưa?
– Cô giáo của Trí, chứ cô giáo của tôi à? Tôi vẽ bà ta bới tóc ngược trên đầu.
– Không đâu! Cô Hòa bới tóc đẹp lắm!
&! #8211; Có giắt cây bút vàng, và bị treo cổ. Ha ha!!!
Em hoảng hốt suýt rú lên. Em ngồi bật dậy, nhìn đăm đăm vào người thằng Mai. Trời ơi! Nó ác quá! Em run run hỏi:
– Rồi… rồi cô có biết không?
– Biết chứ lị. Thế mới thích.
– Ôi chao!
Cô Hòa sẽ thất vọng đến đâu! Em bàng hoàng ngơ ngẩn nhìn thằng Mai:
– Mai hại tôi rồi!
– Cái gì mà hại? Chuyện cỏn con mà Trí quý‎nh lên vậy?
Em ghét thằng Mai quá! Em không muốn nói chuyện với nó. Nó làm em thất vọng, làm cô Hòa buồn khổ. Trời ơi! Em nghĩ đến cô Hòa bị thằng Mai chọc giận. Cô yếu đuối và hiền dịu, làm sao cô trị nó? Em hối hận vì đã để thằng Mai đi học thay em.

Giờ phút trôi qua nặng nề. Em muốn thằng Mai biến mất nhưng nó vẫn thản nhiên chơi cờ trên giường em. Nó chu môi huýt sáo. Em khó chịu nói:
– Nè Mai! Ít ra Mai cũng phải giống tôi một tí chứ!
– Chứ tôi không giống hệt Trí đây à?
– Mai giống tôi về hình vóc, mà tính tình thì…
Thằng Mai cười thích chí:
– Đúng rồi! Tính tình thì không giống nhau tí nào. Trí đã hiểu rồi đó! Trí muốn tôi giải nghĩa ra hơn nữa không? Hay là Trí cứ nghĩ rằng tính tôi và tính Trí như nước với lửa, trái ngược hẳn nhau đi!
Em ngơ ngác nhìn thằng Mai, lẩm bẩm:
– Tôi không tin.
– Không tin gì?
– Tôi không tin rằng Mai trái ngược với tôi. Tôi với Mai là một. Tôi cũng không muốn tin là Mai đã chơi ác với cô giáo.
Thằng Mai cười giòn:
– Tức quá! Tôi không đem tờ giấy vẽ về cho Trí coi. Bà Hòa đã lấy mất tiêu. Lần sau tôi sẽ có bằng cớ cho Trí tin.
Em kêu lên:
– Thôi, Mai ơi! Tôi van Mai chớ có đi học nữa.
– Hôm qua chính Trí nhờ tôi đi học.
Em nói khổ sở:
– Nhưng hôm nay khác rồi. Tôi năn nỉ Mai, ở nhà đi!
– Trí lẩm cẩm quá, đánh cờ đi!
Em gục đầu không đáp. Bàn cờ được thằng Mai sắp xếp lại. Em nghĩ có lẽ nên chiều nó đi, rồi trong khi chơi cờ em sẽ dỗ thằng Mai ở nhà.

Mỗi khi nể lời thằng Mai, ngồi đánh cờ, em vẫn thường nghĩ "Ta sẽ không bao giờ ghiền, không bao giờ ghiền". Thế nhưng lần này em thấy bàn cờ có một sức hấp dẫn lạ lùng. Em lén nhìn thằng Mai. Từ tia mắt của nó như có một cái gì, vừa như tinh ranh, vừa như muốn thôi miên em. Bỗng dưng em đâm sợ. Hay là em đã ghiền? Không, một đứa học trò không bao giờ ghiền cờ bạc hay bất cứ trò chơi nào. Mỗi dịp tết má vẫn nhắc chừng em đừng chơi "bầu cua", hay "cờ cá ngựa" nhiều, vì nó dễ sinh ra ghiền – tức là ham mê quá đó! Má nói luôn luôn phải. Em cũng chẳng thấy ham thích gì ở những môn chơi đó. Nhưng tại sao bây giờ em lại cảm thấy khó bỏ? Tại vì thằng Mai chăng? Nếu đúng là nó với em "như nước với lửa" thì em cần phải xa lánh nó, không thể bắt chước nó.

Thấy em uể oải, thằng Mai hỏi:
– Sao yếu xìu vậy?
– Tôi nhức đầu quá, nghỉ đi!
– Đói bụng rồi sao?
Em có cớ để gật đầu:
– Ừ, vừa mệt, vừa đói bụng.
Thằng Mai nhếch mép cười:
– Thèm ăn gì?
Em vừa đưa tay dẹp bàn cờ vừa nói:
– Xem cái chân tôi nè! Tôi chỉ được ăn cháo thịt heo không thôi nó lở ra, chậm lành.
– Tội nghiệp! Tôi thì vừa mới ăn một tô phở gà ngon tuyệt, trên đường về nhà.
Em ngạc nhiên nhìn thằng Mai, toan hỏi nó một câu, thì nghe có tiếng xe ba ngừng trước sân. Thằng Mai lùi vào góc tủ, rồi biến mất. Em vội vã giấu bàn cờ xuống dưới nệm, sợ ba má thấy được thì nguy.
Em nghe tiếng ba huý‎t sáo nho nhỏ trong phòng khách, nhưng chợt có tiếng má nói run run:
– Anh… hồi sáng anh có lấy tiền đi không?
Giọng ba ngạc nhiên:
– Không !?
– Chứ sao em lấy tiền đi chợ, thấy mất đâu hết ba nghìn.
– Xem lại đâu đó…
– Em đã tính đi tính lại, nếu anh không đem theo tức là mất.
– Lạ nhỉ!
– Nhà mình đâu có ai. Em khóa cửa lại chạy vội ra chợ rồi về. Bé Trí nằm trong phòng, nó cũng đâu có thấy gì. Không lẽ ăn trộm vào lấy có ba nghìn. Thiếu gì những thứ quý hơn để ở ngoài.
Ba nói gì em không nghe rõ và cả hai người hình như đang đi dần xuống bếp. Em khẽ gọi:
– Mai! Mai!
Nhưng không thấy nó xuất hiện. Em thấy mồ hôi tự nhiên đổ giọt trên trán.

Sáu

Cô y tá gỡ lớp băng keo trên chân em, ôn tồn hỏi:
– Bớt đau không, cậu bé?
Em gật đầu, và theo dõi bàn tay của cô. Mấy lượt băng "ga" được vứt xuống chiếc giỏ dưới chân giường để lộ ra vết thương của em, nơi bánh xe chạm vào. Vết thương còn rướm máu khi động đến, dù đã bớt đau nhức nhưng em vẫn còn nghe ê ê tận trong xương. Má lo âu hỏi:
– Cô, liệu cháu có mau lành không cô?
Cô y tá cúi xuống nhìn kỹ vết thương, đáp:
– Như thế này là tốt lắm bà ạ. Theo như bác sĩ đã nói đó, em bé có lẽ phải nghỉ thêm khoảng nửa tháng.
Vừa nói cô vừa gắp miếng bông tẩm thuốc rửa vết thương cho em.Tự nhiên em bật khóc. Má ôm đầu em, an ủi:
– Kìa! Hôm qua rửa Trí đâu có khóc, bữa nay bớt đau rồi mà!
Cô y tá mỉm cười. Em thổn thức:
– Má ơi! Con bị nghỉ học lâu quá…
– Không đâu bé! – Cô y tá an ủi – Em nghỉ thêm độ nửa tháng, đâu có lâu. Người ta mà bị thương, phải nằm cả mấy tháng đó! Em là nhẹ nhất. Đừng thèm khóc, xấu trai.
– Rồi… rồi nửa tháng sau, có cắt bột đi không cô?
– Có chứ! Tha hồ em chạy nhảy.
Em quẹt nước mắt:
– Em không thèm chạy. Em chỉ thèm đi học thôi.
Má bật cười:
– Gớm! Siêng năng quá! Cô thấy không, nó chỉ nhớ lớp thôi!
Cô y tá đang đắp vết thương em cho kín lỗ vuông khoét trên băng bột, giống như người ta lót nôi cho em bé. Cô nói bằng giọng thật dịu dàng:
– Em học trường nào, thưa bà?
– Dạ trường Việt Ấu, cô biết?
– À, em biết.
Má bưng giỏ băng bẩn đi ra ngoài. Cô y tá vừa rửa tay bằ! ng alcool, vừa nói với em:
– Ráng nghỉ cho mau lành, nghen bé!
Nhìn nét mặt cô hiền dịu quá, em nghĩ đến cô Hòa. Tự nhiên em thấy mến cô y tá này. Em ước được tâm sự với một người nào, mà người đó không phải là ba hay má. Cô y tá đây chăng? Ồ, nhưng cô sẽ không biết gì về em hơn là cô biết về vết thương đâu. Em thấy em cô đơn thật sự. Mắt em dần dần ứ đầy một màn long lanh.
Cô y tá ngồi xuống bên em, ngạc nhiên hỏi:
– Sao thế bé? Có chuyện gì?
Em lắc đầu. Đôi mắt cô y tá nhìn em như muốn đoán những ý nghĩ của em. Chắc cô sẽ không thấy gì hơn là những nhận xét về một đứa con nít. Em cố tạo nét mặt thản nhiên trở lại. Cô y tá hỏi:
– Em cần chị giúp em gì không?
Chao ơi! Cô ấy xưng "chị" nghe êm ái quá! Em nói không suy nghĩ:
– Em nhờ chị làm ơn lấy giùm em hộp đồ chơi trong tủ áo.
Cô y tá đứng lên, đến mở cửa tủ, hỏi:
– Em để nơi nào?
– Dạ ở dưới những chiếc áo treo bên phải.
– Rồi, chị thấy rồi.
Cô y tá đem hộp đồ chơi đến cho em. Em thở dài. Trời ơi, sao cô không thấy thằng Mai? Em nghĩ thế rồi tự trách mình lẩm cẩm. Nó đâu có trốn trong tủ áo bao giờ!
Em giở nắp hộp ra. Cô y tá trầm trồ:
– Đẹp quá! Chú lính này, ai cho em đó?
Em đáp hãnh diện:
– Dạ, em nắn bằng đất sét.
Cô y tá cầm người nộm lên, xuýt xoa. Em nói:
– Em tặng chị đó!
– Thật không?
– Thật. Em viết chữ dưới đế chân của nó nghen!
Cô y tá đưa cây bút cho em:
– Ừ, em viết đi! Tên chị là Trang.
Em không ngần ngại, cúi xuống vi! ết th�! �t nhỏ ở mặt dưới chân thằng người nộm: "Thân tặng chị Trang. Em Trí".

Em cần một người bạn hơn bao giờ hết.

Chị Trang nói chuyện với em một lát thì má vào. Má mời chị Trang uống nước rồi chị Trang kiếu về.Chị cẩn thận gói chú lính lại, bỏ vào túi áo blouse rộng rồi giã từ em:
– Ngày mai chị sẽ đến. Có bác sĩ thăm lại cho em.
Em "dạ" và nhìn chị Trang, mỉm cười. Em nằm xuống, nhắm mắt lại và nghe tiếng chân của má và chị Trang đi xa dần.

Hình như chị Trang đã rồ xe đi về. Em vui vui nghĩ đến người bạn mới. Ngoài phòng khách có tiếng má gọi:
– Na ! Na!
Em mở mắt. Sao không nghe tiếng Na kêu "meo meo" trả lời? Con mèo này, chắc đã qua nhà hàng xóm ăn vụng rồi chăng? Em thở dài. Từ hôm em bị thương đến nay con Na lạt lẽo với em hết sức. Nó chẳng còn quấn quít bên chân em, nhảy lên lòng em mà đòi ăn. Ghét nó ghê đi! Nhưng nó chỉ là một con mèo, một con vật, làm sao nó có được những ý nghĩ sâu xa như con người được?
– Na! Na! Mi đâu rồi?
Tiếng má gọi khắp nơi. Rồi má mở cửa phòng, ló đầu vào hỏi:
– Có con Na trong này không Trí? Má cho nó mấy miếng thịt vụn. Na! Na!
Em ngóc dậy nhìn quanh tìm con mèo. Má cúi xuống gầm giường gọi luôn miệng, rồi má qua bên bàn. Bỗng má kêu lên một tiếng lạ lùng. Má run rẩy đứng dậy, hỏi:
– Cái gì đây?
Em cũng suýt la lên theo. Em thấy dưới chân bàn có một nhúm lông màu trắng. Đúng là lông của con mèo Na. Má nói bàng hoàng:
– Sao lại có lông con Na ở đây?
Má chạy vụt ra ngoài, kêu luôn miệng:
– Na! Na!
Hết năm phút trôi đi yên lặng. Chợt em nghe má rú lên dưới bếp. Em ngồi bật dậy và cố nhấc cái chân nặng trịch nhưng không được. Em như bị dán cứng xuống giường. Em la lớn:
– Má ơi! Cái gì vậy?
Tim em đập thật nhanh. Má chạy vụt vào phòng, ôm chặt lấy em. Nét mặt má bày tỏ một sự kinh hoàng chưa từng thấy. Da má xanh lét. Em hoảng hồn, tưởng như có một sự gì khủng khiếp xảy ra dưới nhà bếp. Má nói tắc cả tiếng:
– Trời ơi! Trời…!
– Má! Cái gì vậy?
– Con ! Na… con Na…
– Sao má?
– Con Na nằm ở trong… lò… nướng… bánh…
Nói được câu ấy, má bật khóc ngon lành. Em hét lên kinh hãi. Trời ơi! Ai đã giết mèo Na? Ghê gớm quá! Em muốn xỉu đi được.

Bảy

Em đưa hai ngón tay bịt chặt mũi lại. Nhưng cái mùi đó vẫn như chui vào từng thớ thịt của em. Trời ơi! Mùi y hệt như mùi gà rô-ti. Em muốn hét lên. Không phải gà rô-ti, mà là thịt của con mèo Na yêu dấu. Ba đang lấy đĩa thịt mèo Na ra khỏi lò nướng. Má đang luôn miệng kêu trời ở dưới bếp. Em ở trong phòng, nghe lạnh cả xương sống. Ai đã giết mèo Na? Câu hỏi lớn nhất của em là như vậy. Em nhìn quanh. Cái gì trong nhà bây giờ cũng đáng sợ cả. Nhúm lông của mèo Na còn nằm dưới chân bàn. Hình như đêm hôm qua mèo Na có vào phòng em, đi quanh rồi lại đi ra. Ai đã nỡ giết mèo Na? Ngay cả em cũng không dám đánh nó một cái nhẹ nữa mà!
Má khóc rưng rức đi theo ba vào phòng. Vừa thấy ba, em òa khóc:
– Ba ơi! Sao mèo Na lại chết?
Ba không trả lời em mà ngồi thừ trên ghế. Em hỏi thúc:
– Ba ơi! Thịt mèo Na đâu rồi?
– Ba… ba đã cho vào một cái bao rồi con à.
Em nức nở:
– Na ơi! Na ơi!
Ba điềm tĩnh bảo em:
– Đừng khóc nữa con. Má cũng sợ nữa kìa! Hãy để cho ba suy nghĩ nào! Đừng làm ba rối.
Má sụt sùi:
– Ngoài anh và em, bé Trí thì nằm trên giường, nhà ta còn ai? Mà dù có, cũng không ai đi giết một con mèo. Ai mà có gan ăn thịt mèo?
Ba hỏi:
– Sáng nay có ai đến chơi không?
– Không. À, chỉ có cô y tá Trang đến thay băng cho Trí.
Ba trợn tròn đôi mắt. Má vội vàng nói ngay:
– Nhưng không thể ngờ bậy cho cô Trang. Cô ấy ở trong phòng này săn sóc cho con rồi về, không làm gì hơn nữa.
Em nói:
– Chính con cũng nói chuyện với chị Trang sau khi băng bó xong
Ba thở ra:
– Lạ thật! M�! ��t kẻ man rợ đến đâu cũng không ăn thịt mèo. Ba quyết tìm cho ra nguyên nhân chuyện lạ này.
Bữa cơm dọn ra. Ba má ăn qua quít còn em thì vẫn húp cháo và ăn bánh mì. Xong bữa, ba mệt mỏi nằm nghỉ ở nhà ngoài. Má lo dọn dẹp ở dưới bếp. Bây giờ là lúc thằng Mai hiện ra. Nó liếm quanh mép như thèm thuồng một cái gì. Em giật mình. Lần này thì em cảm thấy sợ nó. Nó đấm tay xuống nệm, bực tức nói:
– Hỏng cả công trình!
Em hỏi:
– Hỏng gì?
– Ba ném thịt mèo Na đâu rồi!
Em há hốc miệng nhìn thằng Mai. Nó gắt gỏng:
– Trí không biết à? Ngu quá vậy?
– Mai… Mai???
– Tôi đã làm thịt mèo Na để làm món "mèo nướng".
Em ôm đầu, bịt chặt lấy tai. Khủng khiếp quá đi! Ngoài sức tưởng tượng của em. Thằng Mai đến ngồi bên chân em. Em sợ hãi xích ra nhưng khối bột nặng như đè em xuống. Thằng Mai bĩu môi:
– Không cần. Ta vẫn còn hơn hai nghìn đây, tha hồ ăn phở.
Em kêu lên một tiếng nhỏ trong cổ họng. Thằng Mai móc trong túi quần ra một xấp giấy bạc, thích thú nói:
– Trí không hiểu hở? Tiền trong tủ của má chứ đâu! Gớm, Trí thông minh chỗ nào không biết, mấy chuyện này Trí khờ quá! Vậy mà hồi sáng nay ông Hiệu trưởng vào phát bảng danh dự cho Trí đó!
Em nắm chặt tay thằng Mai:
– Mai cũng đi học nữa sao?
– Ừ.
– Đúng rồi! Tháng trước tôi nhiều điểm nhất lớp. Tôi hạng nhất phải không? Bảng danh dự đâu?
Thằng Mai lục trong túi quần, rồi lắc đầu:
– Chắc tôi liệng mất rồi.
Em nghẹn cả họng, nhìn thằng Mai, giận tràn lòng. Em thở dài:
– Tôi kh�! �ng thể! tin Mai được.
Mai cười:
– Không tin? À, vậy thì ngày mai tôi sẽ làm cho Trí tin.
Rồ nó đứng dậy đi đến gần chân bàn đá hất nhúm lông mèo. Em kêu:
– Mai!
Nhưng nó đã tan biến mất rồi.

Tám

Cô giáo Hòa đợi chờ thắt thỏm. Bầy học trò đã vào lớp hết mà vẫn chưa thấy bé Trí. Có một chuyện gì đã xảy đến cho thằng bé chăng? Trăm nghìn câu hỏi giăng đầy óc cô. Vạn mối hồ nghi làm cô thấy mình như đang ở trong một cơn khủng hoảng. Một sự thật nào sắp hé màn? Nhưng tất cả chỉ làm cô rối óc thêm. Nếu cô không ở gần nhà cô y tá Trang? Nếu cô không thấy bức tượng chú lính có đề "Thân tặng chị Trang –Em Trí"? Cô đã sửng sốt khi nghe Trang nói: "Đây là món đồ chơi của một cậu bé rất dễ thương, bị xe đụng gãy chân, phải bó bột". Trang cả quyết rằng mình không bao giờ nghe lầm tên của cậu bé bệnh nhân dễ mến là Trí, trường của cậu bé học là trường Việt Ấu, lớp của cậu bé là lớp năm. Khi cô giáo Hòa bảo rằng cậu bé Trí không bị bó bột nằm nhà mà vẫn đi học và đã gây cho cô nhiều phiền toái, Trang đã lạ lùng nhìn cô giáo và băn khoăn:
– Chị… chị vẫn khỏe trong người chứ?
Cô Hòa cười khổ sở:
– Trang nghĩ rằng chị nói tầm bậy à?
Trang cười:
– Dạ không. Nhưng chính em cũng đang thắc mắc đây. Hay là… để ngày mai đến săn sóc cho Trí, em bảo Trí viết vài chữ thăm chị?
Cô Hòa mừng rỡ đồng ý ngay:
– Trang nhớ nói với nó là chị… cô Hòa, chị ở gần nhà Trang…
Nhưng rồi bây giờ cô vẫn không thấy an tâm chút nào. Cô hoang mang, lo lắng, như người đang chờ đón một tai họa sắp xảy đến cho mình.

Kìa! Trí đã đến! Cô giáo Hòa sửng sốt. Vẫn thằng bé Trí xinh đẹp mọi ngày. Nó đi đến chỗ ngồi và liếc nhìn lên cô. Tia mắt ẩn dấu một sự độc ác. Cô Hòa cúi xuống, nghe một nỗi sợ hãi vô cớ hiện đến. Cô đứng dậy viết bài Sử Ký‎ lên bảng. Cô vẫn cảm thấy đàng sau lưng, có đôi mắt tinh quái của Trí nhìn chòng chọc vào cô.
Khi chép xong bài học, cô Hòa đến bên Trí, nói thật khẽ:
– Trí, con hãy vui lòng trả lời câu hỏi của cô nhé!
Trí ngước mắt nhìn cô, gật đầu ra vẻ ngoan ngoãn. Cô Hòa lấy lại nét tự nhiên, hỏi:
– Con có một người anh hay em sinh đôi nào không?
– Không.
Thằng bé đáp cụt ngủn làm cô Hòa lùi lại một bước.
– Nhà con ở đâu?
– Đường Hoàng Diệu, số 3300…
– Ba má con có đứa con nào nữa không?
– Không.
– Trí là con một?
Trí gật đầu, thản nhiên. Cô ngạc nhiên thấy tập vở của nó trắng tinh. Cô giục:
– Trí chép bài đi!
Rồi cô bước lên bục, lòng rối như tơ vò. Cô cầm cây thước kẻ lên, sửa soạn giảng bài. Thấy Trí cúi đầu trên trang giấy, hí hoáy viết, cô bỗng hành động một cách không chủ ý, đưa tay sờ mái tóc. Cô giật mình. Cây bút bằng vàng, mà cô luôn luôn giắt trên đầu, đâu mất rồi? Cô vội vã lục lọi ví tay, trong sách vở, vẫn không tìm ra. Những đôi mắt ngây thơ nhận ra vẻ hoảng hốt của cô, cũng nhìn lên, chờ đợi. Cô Hòa run giọng nói:
– Các con, cô bị mất cây bút bằng vàng, các con hãy tìm giúp cô.
Những chiếc cặp được dốc ngược. Những hộc bàn được xem xét. Nhưng vẫn không thấy cây bút. Cô Hòa đặc bi�! �t chú tâm quan sát Trí. Nó cũng dốc cặp, lục hộc bàn, nhưng thỉnh thoảng nó nhìn cô bằng tia mắt bén như dao. Cô nói, trong khi cổ họng khô đét:
– Cô không bao giờ rời cây bút đó. Sáng nay khi vào lớp cô vẫn còn nó ở trên đầu. Các con cũng thường khen và đã biết đó là di vật độc nhất mà mẹ cô đã để lại cho cô. Cô qu‎ý nó lắm. Nếu cô đã làm rơi và có trò nào lượm được, hãy đem lên cho cô xin lại.
Những gương mặt ngây thơ nhìn nhau. Không có ai đáp lại lời cô. Đứa bé nào trông cũng vô tội. Cô lại đưa thêm một giải pháp:
– Bây giờ, cả lớp làm theo lời cô, úp mặt xuống bàn hết. Cô cũng quay mặt vào tường. Trò nào đã giữ cây bút của cô, hãy tự động đem lên để ở bàn cô. Cô sẽ không phạt, cô sẽ không tìm hiểu trò đó là ai.
Tất cả học sinh làm y lời cô. Cô Hòa quay lưng lại, nhìn vào tường. Cô tin rằng đứa học trò dại dột nào đó sẽ không bị xấu hổ và tự động lên trả bút cho cô.

Năm phút qua đi. Cô Hòa xoay người lại. Cô ngạc nhiên vô cùng, vì không có gì khác ngoài mấy quyển sách để trên bàn. Cô nói:
– Ngẩng mặt lên hết đi! Cô buồn lắm, không lẽ cô phải khám xét từng trò? Cô sẽ không phạt nếu…
Cô Hòa im bặt. Cô vừa nhìn thấy trên tay của Trí, cây bút vàng lấp lánh. Trí đang xoay xoay cây bút và nhìn cô bằng ánh mắt trêu chọc. Cô không thể bình tĩnh được, hấp tấp bước xuống. Cô giật mạnh cây bút trên tay Trí. Thằng bé la lên:
– Á! Cô làm gì vậy?
Cô Hòa thở dồn dập, nói:
– Tại sao Trí không đem lên trả, hở?
– Bút của em, bút của em.
– Láo!
Cô tát Trí một cái tưởng chừng tóe lửa. Thằng bé khóc òa lên, gào to:
– Bút của em mà! Cô nhận lầm rồi!…
– Còn chối nữa hả? Cái gì đây?
Con bé Phương Hương ngồi cạnh Trí, kêu lên:
– Thưa cô, viết của Trí mà!
Cô Hòa nhìn lại tay mình. Không phải cây bút của cô, mà là cây bút chì của Trí. Cô ngơ ngác. Mắt cô đã lòa chăng? Không, rõ ràng cô thấy cây bút vàng mà! Trí vẫn khóc nức nở như bị oan ghê gớm.

Chuông reo tan học như những sợi thủy tinh nhức nhối chạy vào tai cô, lan đầy óc. Cô cho các học trò về, và uể oải lên ngồi trên ghế. Lần đầu tiên trong đời một nhà giáo, cô thấy chán nản và gớm ghiếc một lớp học. Nó đã làm cô mệt mỏi và căng thẳng. Hay là vì cô đã già nua, đã lú lẩn? Đến những phút giây này cô mới thấy nghề giáo là một nghề nhiều đau khổ.

Kìa! Bây giờ thì không phải cô nhìn lầm nữa. Cây bút vàng của cô lại xuất hiện trên tay của Trí. Cô dụi mắt hai, ba lần và vẫn thấy đó là cây bút vàng. Thằng bé nhìn cô, kiêu hãnh. Cô đẩy xô những bàn ghế học trò, chạy đến nắm tay Trí, hét to:
– Đưa cây bút đây!
Thằng bé thản nhiên đưa ra: cây bút chì. Cô Hòa mở to đôi mắt nhìn tay nó, nhìn mặt nó, rồi nhìn toàn thân nó. Cô nói như nói sảng:
– Mày… mày là ai?
– Dạ, em là Trương Đức Trí, con của ông…
– Câm đi! Mày là ai? Mày không phải là bé Trí dễ thương. Mày là người… hay là… quỷ?
– Ơ! Bà này kỳ quá!
Thằng bé vùng vẫy trong tay cô Hòa. Và cô – con người điềm tĩnh, ưu ái đó, nhà giáo mấy mươi năm trong nghề chưa bao giờ giận dữ với một học trò đó – đã túm lấy thằng bé mà đánh túi bụi như một kẻ điên. Cô vừa đánh, vừa khóc… Nó cũng kêu la đau đớn… Cho đến khi ông Hiệu trưởng xuất hiện ở cửa lớp và la lên:
– Bà Hòa! Xin bà dừng lại!
… thì cô Hòa vẫn không nghe gì hết. Ông Hiệu trưởng chạy vào, kéo Trí ra. Thằng bé khóc tru tréo. Cô giáo Hòa thở hổn hển:
– Mày là ai? Mày là ai?
Ông Hiệu trưởng nói:
– Kìa! Bà Hòa! Đây là bé Trí. Bà nói gì vậy?
Trí nức nở:
– Con cầm cây bút này, mà cô cứ nhất định là con ăn cắp cây bút vàng cài tóc của cô. Cô đánh con…
Nó vừa nói vừa đưa cây bút chì ra. Cô Hòa rên rỉ:
– Không! Nó nói láo…
Thằng bé nép người bên ông Hiệu trưởng như sợ hãi lắm. Ông Hiệu trưởng bảo:
– Con đi về đi! Có thầy đây, con đừng sợ.
Trí chạy vụt ra kh�! ��i lớp, quên cả cặp vở. Ông Hiệu trưởng bấy giờ mới tỏ thái độ. Mặt ông rắn đanh lại, ông nói:
– Tôi thật không ngờ.
– Thưa ông…chuyện gì?…
– Còn chuyện gì nữa? Một cô giáo hành hung học trò sau giờ học. Bà hãy nhớ lại, bà đã đánh nó bao nhiêu lần, thưa bà Hòa?
Cô Hòa cúi đầu không đáp. Ông Hiệu trưởng gằn giọng:
– Nguyên tắc căn bản của một nhà giáo là chỉ răn đe học trò trong sự yêu thương. Một đứa bé lớp năm chỉ chịu đựng một thước kẻ vào tay là đủ. Bà đã đánh nó như đánh một kẻ thù.
Cô Hòa kêu lên:
– Tôi không hề thù nó. Ông Hiệu trưởng hãy nghe tôi…
– Bà Hòa! Tôi không xét đoán oan cho bà, vì tận mắt tôi đã trông thấy bà đánh bé Trí. Dù với lý do nào đi nữa, tôi cũng không thể chấp nhận hành vi đó. Tôi không thể nói hơn nữa. Xin bà tự giải quyết.
Rồi ông đi nhanh ra khỏi lớp. Cô Hòa bước theo, nói:
– Ông Hiệu trưởng! Ông…
Cánh cửa lớp đóng sầm chắn lối đi của cô. Cô ngồi phịch xuống ghế, ôm mặt khóc nức nở. Cô phải tự giải quyết? Nghĩa là cô phải rời khỏi ngôi trường này chăng? Không có con đường nào khác. Đến những phút cuối của đời dạy học, cô thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết.

Chín

- Thưa chị, em đem cháo qua cho chị đây!
Cô giáo Hòa mở mắt. Gương mặt của Trang hiện mờ mờ qua khung cửa, rồi rõ dần. Trang nâng đầu cô Hòa dậy, nói:
– Sao chị mệt quá vậy? Chị cảm thấy trong người ra sao?
Cô Hòa cười héo hắt:
– Không, chị không sao cả. Trang hãy nói cho chị nghe, sáng nay bé Trí thế nào?
Trang tươi hẳn nét mặt:
– Vết thương của nó khá rồi. Nhưng hình như nó có vẻ buồn chị ạ! À, Trí có viết thư cho chị, khi nghe em bảo rằng em ở cạnh nhà chị.
Cô Hòa ngồi bật dậy, mừng rỡ:
– Đâu? Em đưa cho chị xem!
Cô run rẩy cầm lá thư của Trí. Cô mở ra, đọc:
– "Thưa Cô,
Con đã làm cô buồn lòng. Xin Cô tha thứ tất cả cho con. Con sắp đi học lại để xin lỗi cô. Trí vẫn là Trí ngoan muôn đời của Cô.
Bé Trí"
Hai giọt lệ lăn ra từ khóe mắt cô Hòa. Đúng là nét chữ của thằng bé yêu dấu. Nhưng qua cơn xúc động ấy, cô Hòa lại rối óc với những câu hỏi. Trí nào đã đi học? Trí nào đã bị thương? Trí nào đã phá quấy cô để đến nỗi cô phải bỏ trường? Trí nào đã được Trang săn sóc? Và Trí nào đã viết bức thư này? Trí "sắp đi học lại", nghĩa là bấy lâu nay vắng mặt, mà tại sao lại "xin cô tha thứ tất cả"…??? Đầu óc cô Hòa xoáy lộn như cơn gió lốc. Cô nhìn Trang. Trang thì cũng không biết gì hơn ngoài một bé Trí dễ thương ở căn nhà mà cô thường đến mỗi buổi sáng. Trang không hề tin có một thằng Trí tàn ác, tinh quái ở lớp năm trường Việt Ấu. Nếu có bàn cãi thêm, chắc Trang cũng sẽ nghĩ cô Hòa là một người đã đến tuổi già nua, mất quân bình, nói những điều khó ti! n. Cũng như đối với ông Hiệu trưởng, thì thằng bé Trí vẫn là một đứa học trò ngoan ngoãn, vô tội. Chỉ có cô là lẩm cẩm và thù hằn với học trò. Cô đau đớn khóc một mình và chẳng biết hé răng bày tỏ cùng ai.

Trang nhỏ nhẻ nói:
– Thôi, em về nhé! Chị ăn hết bát cháo đi, có gì cần chị cứ gọi em. Em về dạy học mấy đứa nhỏ bên nhà.
Cô Hòa gượng cười gật đầu. Trang đã về, còn lại cô với nỗi buồn lớn lao. Cô nhìn khắp nhà. Ảnh của mẹ cô, ảnh của chồng cô.., những người đã chết. Cô lẻ loi trong cảnh sống buồn tẻ. Có một niềm an ủi duy nhất là một đứa bé ngoan hiền và một lớp học vui như tổ chim cũng bỏ cô mà lui gót. Cô sẽ sống như một chiếc bóng trong căn nhà này hay sao? Tự nhiên cô sợ hãi. Hình ảnh thằng bé Trí hiện ra như đe dọa cô. Lần đầu tiên cô thấy căn nhà của mình rờn rợn. Cô gắng gượng bước xuống, mang dép đi ra sân.

Trời đang lúc hoàng hôn. Mặt trời gần khuất sau dãy nhà cao ở phía tây. Trong sân nhà cô, những bông hoa dường như cũng lạnh lẽo như bầu trời đỏ nắng quái trên kia. Cô bước dần ra thăm luống hoa Hồng. Mấy ngày rồi bỏ quên, chắc hôm nay cây đã có nhiều hoa lớn. Nhưng kìa! Không có một nụ hoa nào cả. Cành lá chỉ còn trơ những gai nhọn. Cô ngạc nhiên bước đến gần. Có dấu cắt của dao hay kéo trên những cành cây. Cô hoảng hốt khi thấy cây kéo của cô dùng để xén lá nằm dưới gốc Hồng. Cô cầm cây kéo lên. Ai đã cắt những hoa Hồng của cô? Chỉ có Trang là hay lui tới nhà cô, ngoài ra không có một ai. Nhưng cô không tin Trang có thể tự tiện cắt hoa mà không xin phép trước. Trang không phải là kẻ bất lịch sự. Vậy thì ai? Cô nhìn cây kéo, rồi nhìn quanh. Trong sân vắng vẻ, chỉ có tiếng chim gọi nhau yếu ớt. Bỗng cô lùi lại, vì vừa nhìn thấy ngoài cổng có dáng thằng bé Trí. Cô vừa mừng, vừa lo sợ. Cô nhìn nó đăm đăm. Cô gặp một tia mắt tinh quái. Cô hoảng hốt, lắp bắp:
– Trí, trò… đến đây… làm gì?
Thằng bé cười thật hiểm ác. Cô Hòa bước lùi lại. Cô cảm thấy cổ họng nghẹn đắng. Cô kêu lên:
– Mày đi về đi! Tao ghét mày…
Nhưng Trí đang xăm xăm mở cổng đi vào. Cô Hòa bỗng bỏ chạy vào nhà. Cô chạy được vài bước bỗng đứng khựng lại. Trí đang đứng trên thềm nhìn cô cười ngạo nghễ. Cô há miệng, ú ớ không thành lời. Thằng bé càng cười to. Cô kinh hãi quay lưng, cũng lại thấy nó bên luống hoa Hồng. Đâu đâu cũng có nó. Cô đâm đầu chạy theo một hướng bất định. Nỗi hoảng sợ làm chân cô ríu lại, và cô vấp chân té xuống…!

Tiếng thét của cô Hòa làm Trang hấp tấp chạy qua. Những người hàng xóm cũng đổ xô sang. Người ta thấy cô giáo Hòa té sấp trên cây kéo của cô. Trang òa khóc bên người bạn già nua đáng kính.

Mười

Em cố gắng nhấc đầu lên cũng không nổi. Từ sáng sớm, em nghe thân mình ớn lạnh. Em không thể làm một động tác nào hơn là nằm mở mắt, nghe tiếng đùa giỡn của trẻ hàng xóm. Toàn thân em rã rời, mệt mỏi. Em không hiểu tại sao trong khi vết thương đang lành lặn dần thì bên trong cơ thể lại từ từ suy yếu. Nhưng "bên trong" đó không phải là bao tử hay là lá gan. Đối với sự hiểu biết nhỏ bé của em, thì đó hình như là cái trí óc để giúp em suy nghĩ, giúp em hồi tưởng, giúp em thương yêu… Tất cả đang sa sút. Em cũng không hiểu rõ tại sao. Không thể đổ lỗi cho vết thương ở chân. Cũng không thể đổ lỗi cho những ngày em nằm trên giường bệnh. Mà phải nói là từ ngày có thằng Mai. Khổ thay, thằng Mai không phải là một đứa nào xa lạ đến phá quấy cuộc đời bình yên của em. Nó, chính là em. Mai và Trí là một, thật dễ hiểu và cũng thật lạ lùng đối với em. Em ngạc nhiên khi thấy nó, và em cũng hoan hỉ nhận nó làm bạn suốt thời gian này. Bởi vì Trí với Mai là một. Em đau khổ biết điều đó, cũng như trước đây em đã thích thú với sự hiện diện của Mai.

Bây giờ em lại cảm thấy sợ thằng Mai thật sự. Em hết thích thú. Em hết mong chờ. Em muốn nó đừng đến với em nữa. Em đã viết thư cho cô Hòa. Nhưng lời lẽ trong thư của em chắc là không chỉnh. Cô Hòa có vui lòng tha thứ những lỗi do thằng Mai gây ra không? Cô có biết rằng em đã khổ sở vô cùng khi thằng Mai khoe em cây bút vàng, vật yêu dấu mà cô không rời? Em phải chịu đựng nghe nó kể chuyện trêu tức cô, chuyện cô đánh nó… Trời ơi! Đối với cô, lúc này thằng học trò tên Trí là một đứa độc ác, mất dạy. Cô mà nhận được lá thư của em, cô có đọc không? Chắc cô không còn thương em một tí ti nào nữa. Em khóc khi nghĩ như vậy.

Ngay lúc em vừa khóc, thằng Mai đã đứng bên cạnh em. Nó cười ngạo nghễ hỏi em:
– Trí, sao khóc?
Em quay mặt đi, thổn thức:
– Tôi nghĩ đến cô giáo, tôi khóc. Hỏi làm gì?
– Xì, cái bà già đó mà thương dữ vậy?
– Ừ, kệ tôi. Tôi thương cô giáo tôi, tôi không muốn Mai phá cô giáo tôi. Đứa nào ngu mới chê cười cô giáo, chọc quấy cô cho cô buồn..
– Rồi sao nữa?
Em quay phắt lại, trừng mắt với thằng Mai:
– Rồi sao? Tôi muốn Mai đem trả cây bút cho cô giáo. Tôi muốn Mai xin lỗi cô, rồi Mai nghỉ học đi!
– Ha ha! Bà ta nằm nhà thương rồi, sắp chết rồi!
Em há hốc miệng nhìn thằng Mai. Em nghe tai em ù đi. Nó đang chậm rãi kể cho em nghe chuyện gì đã xảy ra chiều hôm qua. Em kinh hoảng bịt tai lại. Nhưng tiếng nói của nó vẫn chui vào tai em. Em nức nghẹn:
– Mai ơi! Mai im đi! Mai đi chỗ khác… Tôi sợ Mai quá! Mai ác quá! Tôi không chơi với Mai nữa.
Thằng Mai rút cây bút vàng trong túi ra, gõ gõ lên chân em, nói:
– Nói dễ không? Tôi và Trí là một đứa. Dù mỗi đứa mang một tính khác nhau, tôi vẫn không rời Trí được. Chính Trí đã yêu cầu tôi ở bên cạnh Trí, thay thế Trí làm những việc mà Trí không làm được. Tôi đã làm theo lời Trí rồi mà!
Em nói một cách tuyệt vọng:
– Nhưng bây giờ tôi không muốn có Mai nữa. Tôi muốn Mai đi mất. Tôi đau yếu như thế này, Mai chưa vừa lòng sao?
Mai cười khanh khách:
– Nếu Trí không thích tôi, thì chỉ có một trong hai đứa ta sống. Hoặc tôi, hoặc Trí ở lại căn phòng này. Đứa kia phải chết.
Nghe chữ "chết", em giật mình hoảng kinh. Quá sức t�! �ởng tượng của em rồi! Em, hoặc Mai sẽ chết? Em muốn gọi một ai đó ở bên ngoài. Ba đi làm rồi. Má đi chợ rồi. Chị Trang chưa đến. Em muốn òa lên khóc. Nhưng không, em không khóc. Khóc sẽ làm em có vẻ yếu đuối trước mặt thằng Mai. Nó sẽ khinh thường em. Không được! Kẻ yếu đuối bạc nhược sẽ thất bại. Lời giảng của cô Hòa sống lại trong em thật mạnh mẽ. Em phải tranh đấu với thằng Mai – với chính em, với con người ác độc của em.
– Được rồi! Một trong hai đứa chúng ta sống. Nhưng hãy có một cuộc so tài. Nếu tôi thua, tôi sẽ chết cho Mai sống. Bằng ngược lại, Mai phải đi khỏi nơi này.
Thằng Mai vẫn giữ nụ cười tinh ranh:
– Ô-kê.
– Tôi cho Mai bày cuộc trước.
– Được. Chúng ta sẽ đánh cờ.
Thằng Mai sắp bàn cờ ra nệm. Nó rành rẽ hơn em, nên chỉ vài phút đầu là nó đã lấn lướt em. Đầu óc em tối đặc lại vì cơn đau. Em phải khó khăn lắm để theo đuổi, ngăn chặn nó. Em đã tự nhủ lòng "mình sẽ không bao giờ ghiền, không bao giờ ghiền" nên em đã không học những nước cờ cao của thằng Mai. Mồ hôi em đổ giọt. Thằng Mai cười đắc chí. Nhưng kìa, sau lưng thằng Mai, cô giáo Hòa hiện ra. Cô đang ra dấu bày cho em phải nắm con cờ nào, đi đường nào. Em làm theo tay cô. Em thoát được ngõ bí. Và em đã thắng thằng Mai.
Em thở phào. Thằng Mai nói:
– Khoan mừng vội. Còn một cuộc so tài nữa, nếu tôi thắng, sẽ bày cuộc lại.
– Bây giờ tới phiên tôi. Mai lấy cho tôi hai tờ giấy, hai cây bút.
Thằng Mai quay lại phía bàn để lấy giấy bút. Nó hơi nao núng khi thấy cô giáo Hòa ở đó. Em bảo:
– Con xin ! cô cho m! ột đề toán. Mai và con sẽ làm, đứa nào xong trước là thắng cuộc.
Thằng Mai bối rối. Nhưng cô Hòa đang đọc:
– Tìm chu vi một thửa ruộng có chiều dài 30 mét, chiều rộng kém chiều dài 5 mét.
Em chép nhanh vào giấy rồi làm nhanh. Em trừ 30 với 5, rồi cộng 30 với 25, đem nhân đôi. Em thốt lên:
– Thưa cô, ra 110 mét.
Trong lúc đó, thằng Mai không viết được một chữ nào trên giấy. Mặt nó xanh nhợt trong khi em thì mừng rỡ. Cô Hòa xách lấy tai nó và lôi đi. Nó vùng vẫy nhưng không thoát khỏi bàn tay cô. Em ngơ ngẩn nhìn theo. Cô Hòa và thằng Mai tan biến sau tấm màn cửa sổ gió bay.

Mười một

Em đã lành bệnh. Em đã được đi học lại. Vẫn những khung cảnh và con người quen thuộc, nhưng đối với em sao có một cái gì là lạ. Đúng ra các bạn sẽ chạy đến ngay khi trông thấy em, hỏi han em về những ngày em nghỉ ở nhà sau tai nạn. Nhưng không, các bạn vẫn chỉ chào hỏi em như thể vẫn gặp em hàng ngày. Em nhớ ra rồi. Bởi vì ngày ngày các bạn vẫn gặp Mai mà các bạn nghĩ đó là Trí. Em ngồi vào chỗ ngồi quen thuộc. Em chợt thấy trong hộc bàn mấy mảnh giấy đã bị vò nhàu nát. Em mở ra: đó là những mảnh giấy Trí đã vẽ cô giáo Hòa, hình ảnh thật xấu xí, ghê rợn. Em ứa nước mắt. Em muốn khóc cho hả cơn buồn giận. Có ai hiểu em không? Em đã im lặng giữ kín những điều bí mật giữa em và Mai. Ba má em, những ngày sau khi mèo Na chết một cách khó hiểu, đã rất lo sợ vì nghĩ có kẻ lạ vào nhà làm chuyện xấu. Ba má có báo cảnh sát để nhờ họ lưu ‎ý bảo vệ. Nhưng sau ngày cô giáo Hòa đến làm trọng tài cho cuộc đấu trí giữa em và Mai, đã không còn việc gì xảy ra nữa. Mai đã biến mất như thể nó chưa từng có mặt.

Lớp học tạm được ông Hiệu trưởng dạy vì chưa có ai thay cô giáo Hòa. Em học mà trong lòng buồn lắm. Thầy Hiệu trưởng cho biết cô giáo Hòa đang nằm bệnh viện vì cô làm vườn sơ ý té ngã lên cây kéo, rất may cô không bị nguy hiểm đến tính mạng. Không ai biết được rằng chính thằng bé Mai – không, đúng ra là thằng bé Trí, là em – đã hại cô Hòa. Em giữ im lặng nhưng trong lòng em đau khổ lắm. Ước gì em có thể đứng lên để kể hết mọi việc rồi xin thầy Hiệu trưởng và các bạn tha lỗi cho em. Nhưng ai sẽ tin em đây? Chắc chắn là sẽ không ai tin em. Em không muốn gây rắc rối thêm cho lớp nữa.

Nhưng rồi em không thể làm trái với lương tâm của mình. Em là Trí mà, bé Trí ngoan ngoãn của trường lớp này, em không phải là Mai – đúng ra là em đã đánh bại được Mai – Nghĩ như vậy nên trong giờ ra chơi, em đã đánh bạo xin gặp thầy Hiệu trưởng. Thầy tươi cười khi gặp em vì nghĩ rằng trước sau em vẫn là đứa học trò ngoan. Em nói:
– Thưa Thầy, con muốn thưa với thầy một việc.
– Việc gì, Trí cứ nói đi.
– Thưa thầy, con muốn nhận lỗi.
– Con đã làm gì?
– Con đã làm cô Hòa giận, con đáng bị đòn. Con xin thầy đừng nghĩ oan cho cô Hòa. Cô Hòa bây giờ nằm nhà thương, con hối hận lắm. Xin thầy hãy mời cô Hòa trở lại dạy chúng con.
Nói được chừng ấy điều, em òa lên khóc nức nở….

(TRONG NHẬT KÝ CỦA CÔ TRANG)

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không giải thích hết được tất cả những sự việc xảy ra xung quanh cậu bé Trí. Nhưng tôi không dám cho đó là chuyện đùa. Chính Trí đã kể cho tôi nghe khi tôi đến thay cho cậu bé lớp băng mới trên vết thương gần lành hẳn. Lời thuật của Trí phù hợp với những điều xảy ra cho chị Hòa. Cậu bé bảo rằng chỉ có tôi là người đầu tiên, cuối cùng và duy nhất để cậu bé thố lộ. Lần đầu tiên trong đời y nghiệp của tôi, tôi được nghe một chuyện lạ. Tôi vốn không tin những chuyện huyền hoặc. Nhưng sau ngày cậu bé Trí lành hẳn, tôi cũng được biết là cô giáo Hòa đã xuất viện và được nhà trường mời dạy trở lại. Mọi việc có vẻ như không có gì đáng thắc mắc nữa. Tôi cũng thôi không thắc mắc và không muốn đào sâu vào câu chuyện này.

Nhưng bỗng hôm nay tôi lại muốn viết cho các em tôi đọc. Các em tôi thích nghe và thích đọc truyện ma cũng như tôi mê nghề thuốc. Nhưng tôi không muốn các em tôi bị chìm ngập trong rừng sách ma quái đầy đặc ngoài vỉa hè đường phố. Tôi có một ý tưởng nhỏ bé là "Lấy độc trị độc". Đúng hơn, tôi muốn biến câu chuyện mà tôi kể ra đây, thành một viên thuốc bổ. Các em tôi sẽ cười khi nghe ý kiến này? Không, tôi sẽ phải giải thích với các em rằng, hãy nghe câu chuyện của bé Trí như một chuyện ma thông thường, và đừng tin là có thật. Nhưng phải nhớ một điểm chính yếu rằng: cậu bé Trí có hai con người: một Trí ngoan ngoãn, hiền lành, nhân ái – và một Trí tinh quái, biếng lười, ác độc, tức là Mai. Bé Trí đã phải tranh đấu, vì cả hai con người ấy đều mạnh mẽ nên đã tách làm hai. Bé Trí đã phải chiến đấu trong cơn đau yếu để cho con người "thiện" thắng con người "ác". Và bé Trí đã thành công. Tôi tin rằng từ nay Trí sẽ học giỏi, sẽ tấn tới và nên người, vì không còn sợ bị phá phách bởi con người xấu xa kia.

Nhưng còn các em tôi, còn tôi, cũng như bao nhiêu người, phải nói rằng chúng ta không may mắn như bé Trí. Bởi vì mỗi chúng ta cũng có hai con người – một tốt đẹp và một xấu xa, nhưng hai con người đó không tách rời nhau như Trí và Mai, mà chúng hiện diện cùng lúc trong tâm hồn ta, trong thể xác ta. Có khi con-người-tốt mạnh mẽ hơn, giúp ta làm được những việc ích lợi, nhân ái. Nhưng cũng có khi con-người-xấu nổi dậy mãnh liệt hơn, sẽ thúc đẩy ta hành động những điều tệ hại. Sẽ không có một còn, một mất như Trí và Mai. Mà tôi, mà các em, phải tự chiến đấu trong chính tư tưởng của mình, sao cho con người thiện đè ép bản năng thấp kém của con người ác. Đó là điều khó, nhưng không phải là không làm được.

Còn một điều mà tôi cũng chưa hiểu được, đó là trong cuộc đấu trí giữa Trí và Mai, lúc đó cô giáo Hòa đang phải nằm bệnh viện vì một vết thương nhỏ gây ra do cô té vào cây kéo làm vườn, thì cô Hòa nào đã đến giúp cho Trí thắng được Mai? Câu hỏi này, tôi xin dành phần giải đáp cho quý độc giả.

(Phóng tác theo ý phim truyền hình "Ghost story" của Hoa Kỳ)

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
(Bán nguyệt san Tuổi Hoa , số 223, 224, 225, 226
Năm 1974)

– Hết –

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét