Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Osho Phat la gi.html

Phật là gì?

OSHO

Một học tăng hỏi: "Phật là gì?"

Thiền sư Triệu Châu trả lời: "Phật là Phật".

Vị tăng: "Thế nào là Đạo?"

Triệu Châu: "Đạo là Đạo."

Vị tăng: "Thế còn Thiền?"

Triệu Châu: "Thiền là Thiền."

Chân lý không thể được nói ra bằng lời, thế nhưng ta cũng không thể im lặng về nó. Chân lý không thể nói ra vì lời nói tự nó không đầy đủ. Bạn cũng không thể im lặng về nó, vì im lặng tự nó cũng không đầy đủ. Lời nói là vọng động, đúng vậy, bởi vì chúng chỉ tạo ra những khua động huyên náo mà chẳng nói lên được điều gì. Im lặng chỉ là sự vắng mặt tiếng động, thế nhưng nếu mặt tích cực của tiếng động đã không nói lên được điều gì thì mặt tiêu cực của nó –im lặng- làm sao có thể nói lên cái gì được? Nếu mặt tích cực đã bất lực thì mặt tiêu cực làm sao lại có đủ khả năng?

Cái khía cạnh thứ hai này cần phải được hiểu một cách thấu đáo, bởi vì đã có không biết bao nhiêu trường phái, bao nhiêu triết gia cho rằng chân lý không thể được nói ra và họ chọn sự im lặng. Thế nhưng im lặng cũng chẳng nói lên được điều gì. Im lặng chỉ có thể cho thấy một điều rằng, ngôn ngữ không đầy đủ, vậy thôi. Và im lặng cũng thế. Thế nhưng đôi khi nó lại tạo ra nguy hiểm: Im lặng có thể là sự ngu dốt hoàn toàn. Phải cần đến rất nhiều ngôn từ mới có thể tạora được một kẻ nguy hiểm –một con vẹt lặp lại sách vở, một nhà học giả, một vị giáo sư chẳng hạn. Tuy nhiên im lặng lại có thể tạo ra nhiều tên đại bịp. Không thiếu gì ững người tịnh khẩu, chẳng hề nói năng gì cả và thiên hạ cứ lầm tưởng rằng y ta đã chứng ngộ rồi, vì y ta im lặng. Một lần –lâu lắm rồi- có một anh chàng tìm đến tôi và tự xưng là "Baba Muktananda ramhansa". Tôi hỏi y ta vài điều căn bản và y hoàn toàn im lặng, cứ như một ông thánh, đã chứng ngộ.

Cũng ngày hôm đó tôi có việc phải đi đến một thành phố khác nên bảo y: "Bây giờ ông phải đi với tôi và trong suốt ba ngày phải hoàn toàn tịnh khẩu như thế. Để rồi xem." Tôi trao cho y chiếc y vàng, và y là người hành giả học trò đầu tiên của tôi, một hành giả giả hiệu, bịp bợm. Tôi bảo y: "Trong ba ngày này ông sẽ là Baba Chuktananda Paramhansa."

- "Chuktananda? Chưa hề nghe đến cái tên ấy bao giờ."

- "Tôi cũng chưa hề nghe đến bao giờ. Nó chỉ mới thoáng qua trong ý nghĩ của tôi vào lúc này thôi. "Chuka" có nghĩa là người đã trả sạch nghiệp. Bạn đã được giải phóng, hoàn toàn tự do. Công việc của bạn ở thế gian này đã hoàn tất."

- "Rồi tôi sẽ phải làm gì đây?"

- "Chẳng làm gì cả. Cứ việc ngồi yên một chỗ cho tôi. Và im lặng. Tất cả những gì cần tôi sẽ tự làm lấy. Nếu có ai hỏi câu gì, ông có thể ra điệu bộ. Hoặc có thể nhắm mắt lại. Hoặc có thể nhìn lên trời, nhìn xuống đất, làm những gì mà ông cảm thấy có vẻ coi được. Nhưng nhớ là đừng có thốt ra một lời nào."

Y làm theo đúng lời tôi bảo, và trong suốt ba ngày cả cái thành phố kia đều kính cẩn thờ lạy y. Vào buổi tối khi được phép nói chuyện với tôi –vì mọi người đã về hết. Y ôm lấy chân tôi và bảo, "Tôn giả, ngài đang làm cái gì vậy? Tôi cảm thấy vô cùng bối rối khi tất cả mọi người đều đến kính cẩn sờ vào chân tôi. Biết bao nhiêu là người! Chuyện gì không ổn đã xảy ra với họ? Làm sao mà ngài có thể xử lý được?"

Một khi mà người ta được nghe rằng y đã chứng ngộ và bây giờ tịnh khẩu luôn – thế là đủ để cho người ta tin rồi. Thiên hạ thường xuẩn động như thế. Nếu không bị gạt gẫm bằng lời thì cũng bị gạt gẫm bằng im lặng – cách này hay cách khác thôi.

Hãy nghe một giai thoại về Thiền sau đây.

Một ông tăng tự gọi mình là "Vô Ngôn Đại Sư". Thật ra đây là một trò gian dối vì ông tăng này chẳng hề hiểu biết một chút mô tê gì về giáo lý nhà Phật cả. Để làm ăn với cái trò Thiền bịp này ông ta có hai ông tăng thuộc loại mồm mép phụ tá làm "thông dịch viên" để trả lời những câu hỏi thay mình; dĩ nhiên ông ta luôn luôn im lặng để chứng tỏ cho mọi người thấy mình là một "thiền sư vô ngôn" thứ thiệt.

Một hôm có một vị du tăng nổi tiếng nghe danh liền tìm đến vấn đạo, chẳng may gặp vào lúc cả hai ông phụ tá đều đi vắng. Vị khách tăng hỏi: "Thưa Đại sư, Phật là gì?" Bối rối vì không thể nào trả lời được câu hỏi, "Thiền sư Vô Ngôn" đảo mắt nhìn bốn phương tám hướng một cách tuyệt vọng để tìm kiếm hai ông phụ tá.

Tuy nhiên đối với hành động này, vị du tăng có vẻ như đã thoả mãn với câu hỏi thứ nhất, liền nêu tiếp câu hỏi thứ hai: "Thưa ngài, thế còn Pháp là gì?" Dĩ nhiên là ông tăng giả này chẳng biết đường nào mà trả lời thế nên cứ hết nhìn lên trời, đến nhìn xuống đất may ra trời đất có thể cứu ông ta vào lúc này được chăng?

Tuy nhiên vị du tăng lại tỏ ra hài lòng và nêu câu hỏi tiếp: "Thế còn Thiền là gì?"

Đến đây thì "Thiền sư Vô Ngôn" hoàn toàn tuyệt vọng, nhắm nghiền đôi mắt lại. Vị du tăng liền nêu câu hỏi cuối cùng: "Còn thế nào là sự gia hộ?" Không còn biết trả lời thế nào, Đại sư Vô Ngôn tuyệt vọng duỗi hết cả đôi tay của mình về hướng vị du tăng hàm ý chịu thua.

Thế nhưng vị du tăng thì tỏ ra rất mực thoả mãn, giã từ ông "Đại sư" và lên đường tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Giữa đường thì ông ta gặp hai vị tăng phụ tá trở về và rất mực thích thú kể lại câu chuyện mình vừa được một bậc giác ngộ như Thiền sư Vô Ngôn điểm đạo cho như sau: "Tôi hỏi ngài Phật là gì. Lập tức ngài quay mặt nhìn về phương đông rồi phương tây, hàm ý rằng chúng sanh cứ chạy đông chạy tây đi tìm Phật ở khắp mọi nơi mà thực ra Phật không bao giờ có mặt ở những nơi đó cả.

Thế rồi tôi hỏi ngài Pháp là gì. Để trả lời câu hỏi này ngài hết nhìn trời rồi lại nhìn xuống đất, hàm ý rằng chân Pháp là hoàn toàn bình đẳng, không hề có sự phân biệt cao hay thấp, tịnh hay bất tịnh.

Để trả lời câu hỏi Thiền là gì của tôi, ngài chỉ làm một việc đơn giản là nhắm mắt lại không nói gì cả. Đó chính là những gì mà cổ đức thường dạy : 'Nếu một người có thể nhắm mắt và ngủ một giấc thật ngon ở tận nơi chốn thâm sơn cùng cốc đó mới quả thực là một bậc đại tăng'

Cuối cùng để trả lời cho câu hỏi "Thế nào là gia hộ", ngài đã duỗi đôi cánh tay và chìa hai bàn tay của mình ra trước mặt tôi. Điều này có nghĩa là ông ta đang duỗi cánh tay cứu độ của mình ra để hướng dẫn chúng sanh với tất cả sự gia bị của ông ta. Ôi, thật là một bậc thiền sư hoàn toàn đạt ngộ! Lời dạy của ngài cao thâm biết chừng nào!"

Khi hai ông tăng phụ tá vừa về tới chùa liền bị 'Đại Sư Vô Ngôn' mắng cho một trận nên thân: "Các người trốn chui trốn nhủi đi đâu hết vậy? Cách đây không lâu có một lão du tăng đến đây chất vấn làm ta muốn đứng tim luôn, chẳng biết đường đâu mà trả lời!" Điều tương tự như thế đã xảy đến với Baba Chuktananda Paramhansa. Người ta không ngừng đến tham vấn y, nhưng y chỉ ngồi đó yên lặng, hoặc nhìn đó nhìn đây, hoặc nhìn lên trời xuống đất, hoặc nhắm nghiền đôi mắt lại và tôi chỉ có việc "thông dịch" lại những hành động của y. Trong suốt ba ngày đó thiên hạ đều xem Chuktananda như là một ông thánh bậc nhất, còn tôi chỉ là một nhân vật thứ yếu, một "tên thông dịch của thượng đế" không hơn không kém. Tất cả mọi người đều cảm thấy an lạc như được thấm nhuần cơn mưa pháp ban xuống từ Chuktananda.

Người đời thuờng xuẩn động như thế! Hoặc là người ta cứ bám chặt vào ngôn từ, chữ nghĩa hoặc là người ta bám vào điều ngược lại, vô ngôn. Thế nhưng chân lý không ở nơi lời nói cũng như trong lặng im. Chân lý là sự siêu việt, thăng hoa của nhị nguyên tính. Im lặng chỉ là một bộ phận trong trò chơi nhị nguyên của tâm. Tâm không phải chỉ thuần lời, hãy nhớ như thế. Giữa hai lời luôn luôn có một khoảng cách nhỏ, ở đó tâm hoàn toàn vắng lặng. Tâm bao gồm cả hai –ngôn từ và yên lặng giao thoa. Mỗi lời đều được tiếp nối bởi một khoảng lặng im, và mỗi lặng yên đều được tiếp nối bởi lời. Khi bạn đang suy tưởng, một niệm đến và kế đó là một cách quảng, bằng không niệm sẽ trùng lặp lên nhau tạo nên sự mơ hồ lớn -quảng cách vì thế là một cần thiết. Rồi tiếp theo là một niệm khác. Điều này chẳng khác gì bạn đứng ở bên lề đường nhìn lưu lượng xe cộ lưu thông. Cứ một chiếc xe chạy qua rồi đến một khoảng cách chạy qua! Bạn không nhìn thấy cái khoảng cách này vì bạn không thể nào nhìn thấy được. Cứ một chiếc xe chạy qua rồi đến một khoảng cách chạy qua và rồi một chiếc xe khác. Nếu không có khoảng cách này thì sẽ có sự đụng chạm giữa hai chiếc xe và tai nạn xảy ra. Khoảng cách luôn hiện hữu ở đó, là một bộ phận quan trọng không kém gì xe cộ trên tuyến lưu thông. Cũng giống y như vậy đối với tâm. Những ngôn từ, tiếng động và cái được gọi là yên lặng, cả hai đều là những thành phần của tâm.

Có một thứ yên lặng khác mà tâm không can dự vào. Cái yên lặng đó không phải là sự vắng mặt của tiếng động mà là sự có mặt của cái không thể hiểu biết bằng tri kiến –nó mang một phẩm chất hoàn toàn khác biệt: không phải là sự vắng mặt của tiếng ồn mà là sự có mặt của Thượng Đế, của tổng thể. Cái im lặng này không phải là một thứ im lặng chết mà rất mực sống động, nó rung động dạt dào, tràn đầy phỉ lạc, tưới tẩm đời với cơn mưa hạnh phúc, khơi mạch nguồn yêu thương tuôn chảy. Bạn có thể nhận ra sự khác biệt này. Khi một người lặng im trong cái ý nghĩa không gây ra tiếng động, như một sự rút lui thì đó là một sự trì trệ, ứ đọng, chung quanh y như bao phủ một bầu khí ngái ngủ, u mê, chết lịm. Chẳng có gì toát ra vẻ tinh anh của một con người. Bạn có thể tìm thấy những loại người này rất nhiều nơi ở Ấn Độ, những paramhansa. Trở thành một ông thánh giả hiệu thì chẳng có gì khó khăn. Bạn không phải tốn nhiều công sức. Ngay cả chỉ việc ngồi yên tịnh khẩu –ít ra là vào ban ngày- cũng đủ rồi. Khỏi cấn phải hạ thủ công phu gì cả, chỉ là một việc nhỏ thôi mà.

Im lặng trong cái ý nghĩa vắng mặt, rút lui là một sự trì đọng; im lặng trong sự có mặt của Thiêng Liêng, của Thượng Đế, Chân Lý, của Đạo hay bất cứ tên gọi tương tự nào mà bạn muốn, mang một phẩm chất hoàn toàn khác biệt. Đây là một im lặng nở hoa, những đoá hoa thiên hình vạn trạng, những đóa hoa toả ngát mùi hương. Nó luôn luôn tươi tắn trẻ trung; nó không bao giờ trì trệ mang mùi tử khí. Đó không phải là sự im lặng của nghĩa trang mà là nơi đời sống đâm chồi, đâm chồi trong tĩnh lặng.

Thế nên hãy ghi nhớ điều khác biệt này: Lời không thể nói lên được chân lý và cái được gọi là im lặng cũng thế. Cái im lặng của bạn cũng chính là bạn. Cái mặt bằng của lời và im lặng chẳng khác gì nhau –chúng cũng đều ở chung trên cùng một mặt bằng.

Chân lý chỉ được nhận ra khi bạn chuyển hoá, biến dạng cái mặt bằng sinh thể của mình, khi bạn đạt đến một loại ý thức mới, một sự tĩnh thức mới. Chúng ta đang tiếp tục chuyển động trên cùng một mặt bằng. Có lúc chúng ta chơi trò ngôn ngữ, có lúc chúng ta chơi trò im lặng. Đôi lúc chúng ta chơi trò thế gian, đôi lúc chúng ta chơi trò thoát tục. Có lúc thì lăng xăng giữa chợ, có lúc lại chạy đến chùa, đến nhà thờ -nhưng cái mặt bằng cũng giống nhau thôi. Chúng ta không hề di chuyển một li tấc nào cả. Cái tu viện và cái chợ đời của bạn cả hai đều cùng chung một cõi thế gian.

Bạn đang sống trên một mặt bằng. Trừ phi cái mặt bằng này chuyển động đến một cao độ khác, bằng không bạn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn nhưng sẽ chẳng có gì thay đổi. Một con người sân hận có thể nguyện cầu nhưng những nguyện cầu của y bắt nguồn từ sân hận; một con người sân hận có thể yêu thương, nhưng sự yêu thương của y cũng tràn đầy sân hận. Một con người sân hận có thể làm nhiều việc, thế nhưng bất cứ nơi đâu, bất cứ chuyện gì mà y làm đếu có bóng dáng của lòng sân hận –có thể nó hiện ra một cách hiển nhiên có thể không, vậy thôi. Một con người bạo động có thể cố gắng để hành xử bất bạo động. Thế nhưng trong cái bất bạo động của y vẫn có mặt của bạo động. Y sẽ là một người bất bạo động rất mực bạo động. Y sẽ là người mang tinh thần rất mực tiến công vào lãnh vực này; y sẽ luôn bị ám ảnh bởi sự bất bạo động.

Hãy nhớ rằng, vấn đề không phải là thay đổi từ thái cực này sang một thái cực khác trên cùng một mặt bằng. Vấn đề là thay đổi từ một mặt bằng này sang một mặt bằng khác.

Mấy năm trước đây, vị khoa trưởng phân khoa Triết học Đại học Cambridge quyết định ra đề thi cuối khoá võn vẹn chỉ có một câu hỏi ngắn bắt buộc như sau: "Đây có phải là một câu hỏi không?" Trước sự ngạc nhiên của mọi người, một thí sinh đứng dậy nạp bài chỉ hai phút sau khi cuộc thi khởi sự. Khi kết quả cuộc thi được công bố, thí sinh này được chấm đỗ đầu. Bài thi của y cũng chỉ võn vẹn một câu ngắn gọn: "Nếu đây là một câu hỏi, thì đây cũng là một câu trả lời." Vâng, đó là câu trả lời đúng đắn nhất –cùng chung trên một mặt bằng. Thế nhưng cả câu hỏi không phải là một câu hỏi lẫn câu trả lời cũng không phải là một câu trả lời. Đó là những gì mà chúng ta đang làm. Thế nên hãy rất mực thận trọng. Con người thường bị vướng vào một thái cực này hay một thái cực khác.

Vâng, chân lý không thể nói ra bằng lời nhưng cũng không thể nói ra bằng im lặng. Thế thì chúng ta phải nên làm gì đây?Thiền có một lối tiếp cận rất độc đáo, rất đặc biệt về chuyện này. Nó dùng lời không nghĩa -sử dụng ngôn từ không hàm chứa một ý nghĩa nào cả. Nó sử dụng ngôn từ mà lẽ ra không nên dùng như vậy, trong một cách thế hoàn toàn phi lý.

Một học tăng hỏi: "Phật là gì?"

Thiền sư Triệu Châu trả lời: "Phật là Phật".

Đây là phép lặp thừa, bạn không nói ra điều gì mới. Một người hỏi: "Phật là gì?" Và bạn trả lời: "Phật là Phật". Bạn chẳng thêm thắt gì vào mà chỉ đơn giản lặp lại.

Ngôn ngữ là dùng để thêm thắt, giải nghĩa, để đề xuất cái gì đó, làm cho nó rõ ràng sáng tỏ hơn, giúp cho người nghe qua một cách thế nào đó. Đằng này, bạn chẳng hề giúp đỡ gì cả! Bạn quăng trả câu hỏi lại cho chính người hỏi. Y hỏi: "Phật là gì?" và bạn trả lời: "Phật là Phật". Bạn đang làm gì vậy? Bạn đã kích động toàn bộ cái tiến trình của tâm thức. Trong một khoảnh khắc, người hỏi sẽ bị choáng váng –làm cái gì bây giờ đây? Nếu bạn trả lời bằng một nội dung có ý nghĩa … thế là tiến trình suy nghĩ khởi sự, y bắt đầu suy gẫm về câu trả lời. Một câu trả lời với nội dung khẳng định thường dẫn đến suy nghĩ. Y có thể suy nghĩ về những điều mà bạn đã nói ra. Nhưng nếu bạn im lặng … y có thể đoán mò và lại khởi sự suy nghĩ. Y sẽ nghĩ rằng, "Không biết ông này im lặng là có ý gì đây?" Thực ra sự im lặng của bạn làm cho y tốn nhiều công sức để phỏng đoán hơn là bạn nói ra lời. Khi bạn nói ra một điều gì đó, ít nhất là bạn cũng đã chỉ ra một cái hướng nhất định. Còn nếu bạn im lặng không nói gì hết, cả muôn hướng đều mở ra. Y có thể chạy đi khắp nẻo và suy nghĩ lung tung những gì mà y muốn -bạn cho y sự tự do. Bằng cách này hay cách khác, bạn đã tạo điều kiện để y suy nghĩ, và cái tâm của y bắt đầu chạy lăng xăng như chiếc thoi dệt vải.

Ngài Triệu Châu muốn nói gì khi trả lời, "Phật là Phật"? Ông ta chỉ làm một điều đơn giản là kích động bạn. Một cú đánh dứt điểm. Ông ta không giúp đỡ, tạo điều kiện cho bạn suy nghĩ nữa. Một cú "sốc" cao độ … trong một khoảnh khắc, tất cả đều dừng lại. Trong cái khoảng khắc ngưng đọng đó là hoát nhiên đạt ngộ. Cái khoảnh khắc ngưng đọng này mang một ý nghĩa rất mực lớn lao.

Nếu bạn tham vấn những triết gia, họ sẽ trả lời, "Đây là một sự lặp thừa, đây không phải là một câu trả lời." Vâng, đó không phải là một câu trả lời. Đó chỉ là phép lập thừa, nó không thể giúp bạn điều gì cả. Tuy nhiên kỹ thuật này phải được hiểu thấu đáo. Ngài Triệu Châu đang làm cái gì vậy? Ông ta sáng tạo ra một kỹ thuật độc đáo. Sau ông ta, không biết bao nhiêu vị Thiền sư đã áp dụng kỹ thuật này một cách tuyệt diệu và rất nhiều người đã không ngừng cải tiến nó.

Một vị Thiền sư khi được hỏi: "Phật là gì?"

Ông ta hét lên, "Hãy nhìn xem! Cây tùng cây bá ngoài sân kia."

Bây giờ thì lại càng tuyệt chiêu hơn. Khi bạn trả lời, "Phật là Phật", vẫn còn cái khả năng là người kia đang tiếp tục suy nghĩ theo cái kiểu cách mà y đã từng suy nghĩ trước đây. Cũng có thể là y đang nghĩ rằng bạn không biết gì cả, hoặc giả y cho rằng, "Vâng, đúng rồi, Phật là Phật." Có thể là y chẳng hề mảy may bị kích động. Thế nhưng khi vị Thiền sư la lên, "Nhìn xem! Cây tùng cây bá ngoài sân kia!" Điều này hoàn toàn chẳng liên hệ gì đến câu hỏi cả. Ông ta đã hoàn toàn chặt đứt dòng suy nghĩ của bạn.

Ông ta đã lay động bạn ra khỏi giấc ngủ dài, cho dù chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, thế nhưng thoát ra khỏi cơn mê ngủ trong một chớp mắt cũng đủ để cho thị kiến bùng vỡ. Và trong cái thị kiến này một cái gì đó đã xảy ra –cái mặt bằng của bạn đã hoàn toàn thay đổi. Bạn không còn di chuyển trên cùng một mặt bằng trước đây, bạn đã nhảy tỏm vào một mặt bằng khác, một chiều kích khác. Thiền sư Triệu Châu là người đã sáng tạo ra kỹ thuật kích động, không sử dụng ngôn ngữ theo lối đời thường mà như là một trò chơi qua đó ngôn ngữ không còn là sức đẩy để cho người ta suy nghĩ, cũng không dùng đến im lặng để người ta phải đoán mò. Dùng đến ngôn ngữ, nhưng mà trong cung cách hoàn toàn vô nghĩa, không chứa đựng một ý nghĩa nào –như một đồ vật. Những vị Thiền sư về sau đã tiếp tục cải tiến kỹ thuật này. Nếu bạn hỏi một vị Thiền sư, "Phật là gì?" Có thể bạn sẽ được ăn một cái tát! Cung cách trả lời này lại càng tuyệt vời hơn là "Nhìn xem! Cây tùng cây bá ngoài sân kia!" Ông ta đã nhảy xổ lên bạn. Ông ta có thể tạo nên tình huống bất ngờ. Bạn không hề chờ đợi điều này sẽ xảy ra khi bạn nhận một cái tát đích đáng. Những kỹ thuật này là gì? Đâu là ý nghĩa của chúng? Thoạt nhìn thì có vẻ rất hung bạo, bạo động, mọi rợ, thiếu văn minh. Nhưng thực ra không phải thế. Tất cả nỗ lực của vị Thiền sư là tạo nên một khoảng trống, không còn bị sức thu hút chi phối nào trong cái tâm thế gian lăng xăng của bạn, đẩy bạn đến một nơi chốn nào đó vượt ra khỏi cái chiều kích mà bạn đang sống.

Định Thượng Tọa hỏi Thiền sư Lâm Tế về yếu tính của giáo lý Phật đà, Lâm Tế liền bước ngay xuống pháp toà, túm lấy ngực áo của ông ta và giáng cho một cái tát, xong đẩy đi. Định Thượng Tọa đứng đó, ngây người sửng sốt. Một vị tăng đi qua trông thấy liền bảo, "Định Thượng Tọa, Còn chờ gì mà không đảnh lễ?" Câu nói này đã làm vị tăng tỉnh người và trong khi sửa soạn cúi mình đảnh lễ, ông ta hoát nhiên đạt ngộ.

Chuyện gì đã xảy ra? Một cuộc trao đổi rất mực lạ thường. Một học tăng hỏi Thiền sư Lâm Tế "Yếu tính của giáo lý Phật đà là gì?" và rồi nhận lãnh một cái tát trước mặt đám đông – những đồ đệ của ngài Lâm Tế. Ông ta không hề chờ đợi điều này xảy ra. Thật quá đổi bất ngờ, nhưng tuyệt vời là ở chỗ đó. Khi chuyện gì xảy ra theo như dự kiến, tâm của bạn cứ tiếp tục suy nghĩ theo một lối mòn. Bây giờ nếu vị học tăng này đến gặp Thiền sư Lâm Tế, lặp lại câu hỏi này một lần nữa và nhận lãnh một cái tát, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra. Ông ta đã chờ đợi chuyện đó. Thế nhưng một vị đại Thiền sư như Lâm Tế hay Triệu Châu sẽ không bao giờ tát bạn một lần thứ hai, ông ta sẽ dùng một cách khác. Có thể là ông ta sẽ qùy xuống đảnh lễ và sờ chân bạn.

Một vị Thiền sư luôn luôn có sẵn những đòn bất ngờ, bởi vì nếu bạn biết được câu trả lời của ông ta, đó sẽ không còn là câu trả lời nữa; một khi biết trước chuyện gì sẽ xảy đến, tâm của bạn lại bắt đầu xoay quanh vấn đề với cùng một kiểu cách cũ -bởi vì nó đã có kinh nghiệm rồi.

Cái tâm chỉ có thể bị kích động và bứng ra khỏi cơn mê bởi một điều gì đó tuyệt đối bất ngờ. Đó là kỹ thuật: tạo đột biến. Sự đột biến rất mực hữu hiệu. Cái bình thường giữ bạn ở nguyên vị nhưng sự đột biến lay động bạn ra khỏi cơn mê. Tuy nhiên ngay cả cái tát cũng chưa tạo đủ sức đẩy. Cái tát đột ngột của ngài Lâm Tế có thể làm cho vị học tăng đứng chết điếng một chỗ, có thể làm cho y kinh hoàng, kích động. Tuy nhiên vẫn chưa đủ làm cho y ra khỏi cơn mê, y vẫn còn bám cứng vào cái mặt bằng cũ. Cái tát này có thể làm cho y nổi giận, có thể gợi cho y cái ý nghĩ tìm cách trả miếng. Thế rồi trong cái đám đông kia -một người nào đó, chắc chắn đã đạt ngộ- lên tiếng, "Còn chờ gì mà không đảnh lễ?" Bây giờ lại thêm một đột biến khác nữa. Có ai đó đang đánh bạn, tát bạn và bạn bây giờ phải qùy xuống để đãnh lễ y! Thế nhưng cái người lên tiếng mách nước, "Còn chờ gì mà không đảnh lễ?" là một người đã có cái nhìn tuệ giác. Ông ta muốn nói rằng, "Ông Thầy đã rãi lòng từ vô lượng đến ngươi. Không có lý do gì để ông ta phải làm một việc quá sức như vậy -bước xuống pháp tòa, túm lấy cổ áo đánh ngươi, tát ngươi. Đâu có nhu cầu để làm một chuyện như vậy! Chỉ do lòng từ mà ông ta đã làm một việc quá sức như thế đối với ngươi, còn ngươi thì sao lại đang đứng chết trân một chỗ như một tên đần? Tối thiểu là ngươi cũng phải biết qùy xuống đảnh lễ người. Tối thiểu là ngươi cũng biết bày tỏ lòng biết ơn!" Đây quả là điều bất ngờ hơn nữa – có ai đó đang đánh đập bạn và bạn phải trâ! n trọng cảm ơn y. Tuy nhiên vị học tăng này đã hiểu. Chắc hẵn ngay khoảnh khắc đó ông ta đã nhìn thẳng vào ngài Lâm Tế -thấy được cái ánh mắt từ bi kia, cái lòng yêu thương vô hạn toả ra từ cái bóng dáng kia chính trong cái khoảnh khắc đó ông ta nhìn thấy được một vị Phật đang đứng trước mặt mình, cái nhân dáng giác ngộ. Chỉ trong một thoáng nhìn, một tiếng động dội vao tâm thức, cả một khung cửa đột nhiên rộng mở. Vâng, y đã hiểu ra: "Cái đánh này không phải phát sinh từ lòng giận dữ, gây hấn. Ông ta không phải là kẻ thù của mình mà là người bạn thiết thân. Cái đánh này phát xuất từ tâm từ bi vô hạn."

Một khi cái nhìn này chiếu dọi vào tâm thức, y qùy xuống đảnh lễ. Trong cái lạy sâu sắc này, y hoát nhiên đạt ngộ. Thiền đã mang đến thế gian này cái kỹ thuật tạo đột biến đưa đến giác ngộ. Trọng điểm của nó là: làm bất cứ điều gì để tạo ra đột biến, giữ chặt bạn lại ngay trong cái khoảnh khắc đột biến đó để bạn không thể vận dụng những kinh nghiệm của quá khứ, quá khứ là hoàn toàn vô nghĩa và bạn cũng không thể suy đoán này nọ. Kinh nghiệm quá khứ sẽ không góp phần đưa ra lời giải đáp nào, trí nhớ, ký ức hoàn toàn bất lực ở đây –đó là ý nghĩa của điều mà tôi gọi là "sự đột biến"- khi bạn không thể moi ra từ ký ức của mình lời giải đáp "tại sao?" Tại sao ngài Triệu Châu đã trả lời như thế khi một người hỏi: "Phật là gì?" -một câu hỏi rất có ý nghĩa, rất mực có ý nghĩa là đằng khác- Ông ta đã nêu lên ba câu hỏi mà ai cũng thấy là rất phong phú đáng được hỏi.

Thứ nhất:

"Phật là gì?"

Đây cũng là một mục tiêu, mục tiêu tối hậu của đời sống: đạt thành giác ngộ, vươn tới cực điểm của tự do, hoàn toàn liễu ngộ, tuệ giác bừng sáng, thoát vòng sanh tử. Ông ta đã vấn đạo bằng cách đặt vấn đề về mục tiêu:

"Phật là gì?"

Và câu hỏi thứ hai: "Đạo là gì?"

Đạo có nghĩa là con đường. Trước tiên là mục tiêu, kế đến là con đường để đạt đến mục tiêu. Và câu hỏi thứ ba:

"Thiền là gì?"

Thiền có nghĩa là phương pháp. Phương pháp, con đường và mục tiêu -chỉ có thế. Ba câu hỏi này là ba câu hỏi thích đáng được đặt ra bởi một người thông minh. Toàn bộ tôn giáo chẳng là gì khác hơn ngoài lời giải đáp cho ba câu hỏi này: Mục tiêu, con đường và phương pháp. Phương pháp đưa bạn đến đạo lộ và đạo lộ là con đường dẫn đến mục tiêu. Phương pháp giúp bạn bước đi vững vàng trên đạo lộ hướng đến mục tiêu. Đây là toàn bộ tính chất khoa học của tôn giáo. Một cách tóm tắt, tôn giáo có thể được xác định qua ba phạm trù: phương pháp, đạo lộ và mục tiêu. Vị học tăng đã nêu ra ba câu hỏi thích đáng nói trên nhưng đã nhận được những câu trả lời chẳng ăn nhập gì với câu hỏi chút nào.

"Phật là gì?"

Và Triệu Châu trả lời: "Phật là Phật!"

Ông ta không hề trả lời câu hỏi của bạn. Ông ta đã quăng trả bạn lại với chính mình. Ông ta muốn nói lên một điều rằng, bằng cách định nghĩa một từ này bằng một từ khác là cả một chuổi dài bất tận. Hãy cố gắng để lãnh hội điều này. Bạn không thể nào đi giải thích một điều không biết này bằng một cái không biết khác … phải vậy không? Cả hai đều chẳng khác gì nhau… Chẳng hạn như nếu ngài Triệu Châu trả lời rằng, "Phật là một đấng giác ngộ", điều này chẳng giải quyết được vấn nạn. Bởi vì người kia chắc sẽ vẫn còn thắc mắc, "Thế nào là giác ngộ?" Và rồi chữ nghĩa cứ tiếp tục chạy lòng vòng nhưng vấn đề vẫn không hề được giải quyết. Người kia vẫn sẽ cứ thắc mắc, "Cái đó là gì?" Bạn sẽ tiếp tục đi giải thích từ khái niệm A cho đến khái niệm XYZ, nhưng vẫn chẳng giải thích được điều gì cả. Chữ nghĩa này dẫn đến chữ nghĩa khác nhưng tất cả đều mù mờ như tự ban đầu. Đó là cái chuỗi dài bất tận của chữ nghĩa.

Đó là tất cả những gì mà chúng ta đang vướng mắc vào -một chuỗi dài nghịch hành bất tận. Bởi vì chúng ta không thể đi đến điểm tận cùng của câu hỏi, đó là lý do tại sao chúng ta không hề nhận thức được vấn đề. Có ai đó hỏi bạn, "Tình yêu là gì?" và bạn cắm cúi trả lời –mà không hề nhận ra một sự thực rằng những ngôn từ bạn dùng để giải thích tự nó đã không có khả năng giải thích. Thế thì trọng điểm của vấn đề nằm ở đâu?

Nếu tôi hỏi bạn: "Anh A ở chỗ nào?" Và bạn trả lời, "Ở kế nhà anh B." Điều này sẽ làm tôi bối rối như lúc ban đầu bởi vì tôi cũng không hề biết nhà anh B ở đâu. Thế rồi tôi hỏi, "Nhưng anh B ở đâu?" Và bạn cho tôi hay, "Ở gân nhà anh C, họ là láng giếng với nhau." Bạn đã trả lời câu hỏi của tôi, thế nhưng tôi không hề biết anh C đang ở đâu! Thế là cái vòng lẩn quẩn độc hại kia cứ được tiếp tục. Bạn trả lời sự mù mờ của tôi bằng cách tạo ra một mù mờ khác. Nó sẽ chẳng hề giúp ích gì cả. Có ích lợi gì đâu? Tôi không biết A, không biết B và cũng không biết C. Thay vì giúp đỡ tôi bạn lại đẩy tôi vào một đống rối nùi!

Ngay lúc ban đầu chỉ có một câu hỏi duy nhất: "Anh A đang ở đâu?" Bây giờ thì đẻ ra hàng ngàn câu hỏi khác: "Anh B đang ở đâu? Anh C đang ở đâu? vv và vv…" Bạn chỉ làm tôi thêm mù mờ, bố rối. Bạn chẳng giúp được tôi điều gì cả. Thế nên khi Triệu Châu trả lời rằng: "Phật là Phật". Ông ta đã cố gắng đưa bạn ra khỏi cơn hỏa mù. Trong khi bạn đang mù mờ bối rối, ông ta khẳng định "A là A." Ông ta hàm ý điều gì đây? Đâu là chỉ hướng của ông ta?

Ngài Triệu Châu hàm ý rằng, "Phật chỉ có thể nhận biết mà không thể được giải thích. Ông ta muốn nói rằng, "Tôi không thể nói Phật là gì nhưng tôi có thể chỉ cho bạn làm thế nào để đạt thành Phật quả. Phật là Phật. Khi nào trở thành Phật rồi bạn sẽ biết. Không có phương cách nào khác. Nếu bạn không phải là một vị Phật, tất cả những gì mà bạn nghĩ rằng mình biết về Phật đều không xác đúng -chẳng bao giờ."

Thế nên phép lặp thừa có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Nó có thể vô nghĩa nhưng lại rất mực ý nghĩa. Điều này cần phải được hiểu thấu đáo. Khi ngài Triệu Châu trả lời rằng, "Phật là Phật", ông ta không hề giúp bạn đừng nghĩ đến Phật nữa mà đơn giản là ông ta đưa bạn đến một trạng thái dừng lại hoàn toàn. Ông ta muốn nói lên rằng, "Ngừng lại! Đừng có chạy theo ngôn từ chữ nghĩa nữa bởi vì ngôn từ này sẽ dẫn đến ngôn từ khác, không bao giờ chấm dứt." Ngôn từ cũng chẳng khác gì người Ấn Độ -họ không bao giờ tin vào sự kiểm soát sinh sản. Tha hồ đẻ. Chữ nghĩa này cứ đẻ ra chữ nghĩa khác, và chữ nghĩa khác nữa, bất tận. Rồi không sớm thì muộn bạn sẽ rơi vào một đống rối nùi, một mớ bòng bong chữ nghĩa, và rồi bạn quên bẳng đi câu hỏi đầu tiên!

Triết gia Bertrand Russel trong cuốn tự truyện của mình có viết rằng: "Lúc còn trẻ khi ghi danh học Triết ở trường Đại học, tôi đã mang cái ý tưởng rằng mình sẽ tìm ra tối thiểu một vài câu trả lời cho những vấn đề cơ bản của đời sống." Ở vào tuổi chín mươi, Russel nhớ lại rằng ông ta đã sống trong môi trường Đại học, không phải chỉ như là một sinh viên mà còn là một giáo sư và là một triết gia nổi tiếng –Russel là một trong những triết gia hàng đầu của thế kỷ 20- cuối cùng đã thốt lên: "Chỉ có một điều duy nhất mà tôi có thể nói về triết lý, đó là: nó chẳng hề giải quyết được bất cứ một vấn đề đon thuần nào mà chỉ tạo ra thêm những vấn đề mới, thay vì cái cũ –càng phức tạp và bí hiểm hơn."

Khi một người tìm đến triết học, y đến với những câu hỏi rất mực hồn nhiên. Triết học chẳng hề mang lại lời giải đáp. Triết học chỉ giúp cho y những mánh khoé để trả lời. Y trở nên thành thạo hơn. Y đặt ra những vấn đề trong một cung cách đầy luận lý, thế thôi. Trải qua thời gian, triết học đã không hề giải quyết được một vấn nạn nhỏ nào. Đó là hàm ý của Triệu Châu khi nói rằng: "Phật là Phật. Đừng có đi vào triết lý vớ vẩn nửa!" –thông điệp của ông ta là như vậy. "Nếu tôi trả lời bạn rằng Phật là thế này thế nọ- cuộc hành trình của bạn sẽ được bắt đầu –và sẽ không bao giờ chấm dứt. Bạn sẽ trở thành một đại triết gia. Tốt hơn là nên dừng lại ở bước đầu tiên! Đừng bước vào con đường đó! Chuyện này sẽ không ngừng kéo theo chuyện nọ. Và sau một cuộc hành trình dài lê thê, bạn lại quay trở về với khởi điểm đầu tiên. Thế nên điều tốt nhất là đừng có bước vào cuộc hành trình vô ích này. Hãy dừng lại, ngay bây giờ và tại đây!" Đó là ý nghĩa câu trả lời của ngài Triệu Châu: "Phật là Phật. Đạo là Đạo. Thiền là Thiền". Ông ta muốn nói lên một điều: "Chấm dứt những bàn cãi vô nghĩa. Chấm dứt trò chơi ngôn ngữ!" Nhưng ông ta đã không trả lời bằng sự lặng im. Dĩ nhiên là ông ta có thể im lặng để nói lên một điều đơn giản: "Chấm dứt trò chơi ngôn ngữ; hãy lặng im." Tuy nhiên điều đó cũng không phải là trọng điểm -bởi vì bạn có thể giữ im lặng, nhưng ở bên trong, cái tâm của bạn vẫn không ngừng lên tiếng. Thực ra khi bạn ngồi yên lặng, cái tâm của bạn còn sôi nổi nói năng hơn b�! �t cứ lúc nào, bởi vì khi chuyện trò trao đổi với thiên hạ, bạn không ngừng xả nguồn năng lượng của mình ra, còn khi yên lặng, cái tâm của bạn không ngừng tích tụ năng lượng, nổi sóng ở bên trong. Chỉ ngồi im lặng ù lì, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra. Cỏ cây, đất đá đều im lặng –chúng đâu có hề biết đến chân lý là gì. Chúng ta cần đến một thứ im lặng khác -thứ im lặng phát khởi từ nhận thức về sự vô ích cùng khía cạnh tiêu cực của ngôn ngữ- đó mới là im lặng thực sự. Một khi lời nói và lặng im đều được buông bỏ, lúc đó một thứ yên lặng hoàn toàn mới mẻ khởi dậy: tịch tĩnh –yên lặng mà sống động, mà rung lên cùng với nhịp đời tuôn chảy. Một thứ yên lặng chan hoà lời ca, điệu múa, không phải là thứ yên lặng của nghĩa trang. Yên lặng như một khúc hoà âm vang lừng tiết tấu thiên nhạc. Yên lặng nhưng nói lên cả vạn lời -không bằng ngôn từ nhưng hàm chứa tất cả nội dung. Đó là thứ yên lặng sáng tạo, chứ không phải là sự vắng mặt của tiếng động. Hãy cố gắng để hiểu điều này. Bạn có thể đi đến bác sĩ để thăm bệnh. Ông ta có thể tiến hành cuộc kiểm tra sức khỏe của bạn -một cuộc kiểm tra toàn diện, và bảo rằng bạn không bệnh hoạn gì cả; tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn khoẻ mạnh. Không đau ốm và khoẻ mạnh là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Không đau ốm chỉ là mặt tiêu cực, nó chỉ nói lên một điều đơn giản rằng bạn không bị ho lao, không bị ung thư, không bị bệnh này bệnh nọ, rằng huyết áp của bạn bình thường, tim mạch của bạn hoạt động điều hoà –tóm lại mọi chuyện đều ok. Bạn không mang một! chứng ! bệnh nào. Tuy nhiên không mang một chứng bệnh nào không có nghĩa là bạn có sức khoẻ! Sức khoẻ là một chuyện hoàn toàn khác biệt. Sức khoẻ là một hiện tượng dương tính, là sự có mặt của một cái gì đó. Sức khoẻ mang biểu hiện dưong tính như là bệnh hoạn. Bệnh hoạn là sự có mặt của ho lao, của ung thư. Sức khoẻ cũng thế, là sự có mặt – một kinh nghiệm mới mẻ của hạnh phúc. Đó là oà vở niềm vui, bạn như đang nở hoa hạnh phúc. Sức khoẻ vì thế không phải là sự vắng mặt của bệnh hoạn; mà tự nó là một cái gì đó toát ra chiều hướng tích cực. Sự tĩnh lặng thực sự cũng giống y như thế -không phải là sự vắng mặt của tiếng ồn. Đó là lý do tại sao Triệu Châu đã không thể im lặng, ông ta đã phải thốt ra một điều gì đó, nhưng lời nói chỉ như là một biểu hiện. Tôi muốn lập lại điều này một lần nữa, rằng: Chân lý không thể được nói ra bằng lời, nhưng có thể được biểu hiện. Những lời nói mà ngài Triệu Châu sử dụng đến không mang một ý nghĩa nào; nó không được dùng như ngôn ngữ đời thường mà như là những tiếng thét đập vào tâm thức người khác, làm cho tâm ngưng lại ngay tức khắc. Chúng biểu hiện lên một điều gì đó, như muốn nói rằng: "Đừng có hỏi nữa. Hãy để tín ngưỡng là một thôi thúc tìm cầu chứ không phải là câu hỏi. Hãy để tín ngưỡng là kinh nghiệm thân chứng của bạn chứ không phải là một lời giải thích. Nếu bạn thực sự muốn biết Phật là gì, thì ta đang có mặt ở đây này! Hãy nhìn kỹ đi! Phật là Phật. Nhìn ngay vào ta. Nhìn ngay vào chính ngươi –ngươi cũng chính là một vị Phật."

Ở Ấn Độ có ba truyền thống tôn giáo. Một là truyền thống Ấn Độ giáo, truyền thống cổ điển nhất. Truyền thống Ấn Độ giáo cho rằng Thượng Đế hiện xuống –đó là ý nghĩa của chữ avatar- Thượng Đế đến từ cõi trên. Cũng giống như Thượng Đế hiện xuống trong Giêsu khi ông ta được thánh Gioan Báptít rửa tội trên dòng sông Jordan; Thượng Đế hiện xuống nhu một con chim câu trắng, thể nhập vào Giêsu. Ngài đến từ cõi trên –avatar. Đây là truyền thống lâu đời nhất.

Truyền thống thứ hai cũng cổ điển không kém –có thể có một vài điều còn cổ xưa hơn đó là Kỳ Na giáo. Truyền thống này quan niệm hoàn toàn khác biệt, cho rằng Thượng Đế không phải đến từ cõi trên mà là sự đi lên từ cõi thấp, một sự lớn dậy, trưởng thành. Trong Kỳ Na giáo không hề có khái niệm avatar. Thượng Đế không phải ở trên trời rơi xuống mà là lớn dậy từ thế gian, như một cái cây vươn thẳng lên bầu trời –teerthankar. Con người trở thành Thượng Đế do trưởng thành, tiến hoá, từng bước từ thấp đến cao. Một ngày nào đó con người sẽ trở thành Thượng Đế khi y vươn tới điểm rốt ráo, tận cùng. Trong Ấn Độ giáo, một ngày nào đó Thượng Đế sẽ trở thành người khi ông ta xuống đến điểm tận cùng.

Phật giáo là truyền thống thứ ba, và theo tôi, là truyền thống trội vượt hơn hẵn cả hai truyền thống kia. Phật giáo có hướng tiếp cận mới, cho rằng mỗi con người đều là một vị Phật; Thượng Đế chẳng đi lên mà cũng chẳng đi xuống; mỗi người đều là Phật sẽ thành, vấn đề chỉ là thực chứng. Phật đã có sẵn ở đó rồi! Các bạn là những vị Phật! Có thể vì vô minh che lấp bạn đã quên đi, nhưng mà chẳng sao cả, điều đó sẽ không làm cho bạn trở thành phi-Phật. Các bạn là những Thượng Đế! Bạn có thể đã quên đi chính bạn là ai, đúng vậy, nhưng không phải vì quên đi mà bạn trở thành một con người nào khác -bạn vẫn chính là bạn như tự thuở nào.

Thế nên trong Phật giáo có một cái từ rất mực ý nghĩa: Buddhanusmriti -niệm Phật, tức là nhớ đến cái Phật tánh trong mỗi con người. Bạn không phải chạy đi đâu cả, không đi lên mà cũng không đi xuống. Phật giáo rất mực khoa học ở chỗ này. Có chỗ nào đâu để đi lên –lên và xuống chỉ là những cái từ tương đối- thế nên không có chuyện lên hay xuống. Và cũng không có cả chỗ nào gọi là thấp để từ đó trưởng thành vươn thẳng lên cao. Chúng ta đã ở sẵn ngay chỗ đó! Ở ngay tại điểm rốt ráo, đã đến đích. Chúng ta cứ không ngừng cho rằng mình chưa đạt đến nên cứ tìm cách vươn đến một nơi nào đó. Vấn đề chỉ là thực chứng, là nhận ra … Thế nên Thiền cứ nhất định đánh thức bạn dậy bằng những cú "sốc". Chứ còn phải làm gì bây giờ? –đang là một ông Phật mà lại cứ cho rằng mình không phải là Phật! Thay vì đem đủ thứ ngôn từ ra để giải thích cho y, vận dụng đến triết học, thần học, tốt nhất là nện cho y một trận đòn đích đáng để cho y tỉnh ra! Cái khoảnh khắc tỉnh thức đó chính là đại ngộ.

Người đời thường cứ mơ mơ hồ hồ tại sao lại có chuyện hoát nhiên đại ngộ xảy ra nhanh đến như vậy. Sở dĩ có chuyện nhanh như thế là bởi vì bạn đã ở sẵn trong tình trạng đó rồi. Đây không phải là vấn đề tuần tự nhi tiến, đòi hỏi thời gian, nỗ lực; bạn không cần đến bất cứ một cố gắng nào cả. Nó chẳng khác gì chuyện một người đang mê ngủ, quên bẳng đi cả tên tuổi của mình –như là bạn quên hết tất cả mọi chuyện trong lúc ngủ say. Thế rồi có người đến la lên: "Ram! Làm cái gì ở đây vậy? Thức dậy đi -mặt trời lên mấy sào rồi!" Và y mở mắt ra. Y lại trở lại với cái anh chàng Ram ngày nào. Chỉ mới một khoảnh khắc trước đây, y đang bơi lội trong một ngàn lẻ một thứ giấc mơ -nổi trôi, chuyển động trong trăm phương ngàn hướng, mộng mơ những chuyện hoang đường, rồi bỗng nhiên một tiếng la lớn: "Ram! Thức dậy đi. Trưa trờ trưa trật rồi!" và Ram mở mắt ra.

Hoát nhiên đại ngộ cũng giống y như thế.

Chuyện kể rằng Hoàng đế Thái Tổ nhà Đường có lần đã hỏi một đạo sĩ đang ẩn tu học đạo trên núi cao: "Ông luôn lánh mình ở trong chốn thâm sơn cùng cốc. Có gì ở những nơi đó vậy?" Nhà đạo sĩ đã trả lời vị Hoàng đế bằng một bài thơ: Có gì trong chốn núi non này?

Chỉ có ngàn năm mây trắng bay

Muốn thưởng thức xin mời ngài đến

Tôi không thể mang chúng về đây

Có một vài điều mà không một ai có thể mang đến cho bạn. Bạn phải tự đi đến đó. Tôi không thể nói với bạn về những nét đẹp của những đám mây trắng trên Hy Mã Lạp Sơn, những đỉnh núi trinh nguyên, những chiếc hồ trong suốt như pha lê, tất cả đều chỉ là ngôn từ. Chúng có thể khơi động những mơ mộng nào đó ở trong bạn, nhưng chẳng hề có một ý nghĩa nào cả. Bạn phải đích thân đi đến đó, trên chót vót non cao, nằm dưới những đám mây trắng kia…Tôi có nghe một câu chuyện về một nhà thơ, một nhà thơ lớn, đang tha thẩn dọc theo bải biển. Người vợ thân yêu của ông ta ngã bệnh nặng, đang nằm ở nhà thương và ông ta đã phải thức suốt đêm ngồi canh bên giường bệnh. Buổi sáng nay khi thấy người vợ đang thiu thiu ngủ, ông ta liền thả bộ ra bải biển để thưởng thức một chút không khí trong lành. Đó là một buổi sáng tuyệt vời, tươi đẹp. Mặt trời soi bóng biển xanh. Hương vị của biển cả, cái không khí trong lành của buổi ban mai, tiếng sóng vỗ rì rào … Ông ta ngây ngất đắm mình trong không khí đó và nảy ra cái ý tưởng mang một chút tươi đẹp của buổi ban mai này về cho người vợ yêu dấu đang hấp hối trên giường bệnh. "Chắc chắn là nàng sẽ rất hạnh phúc. Đây là một món quà ý nghĩa. Nàng sẽ từ giã cõi đời này không bao lâu nữa."

Ông ta đã làm một chuyện rất mực điên rồ -mà chỉ có những nhà thơ mới làm như thế, là chạy về nhà mang một chiếc hộp xinh xắn ra bờ biển, mở ra, xong khép lại và khoá kỹ. Vâng, trong chiếc hộp này là ánh mặt trời nhảy múa reo vui, là gió biển, là hương vị của đại đương, là tiếng chim ca trong không khí trong lành. Ông ta thu lấy tất cả vào chiếc hộp và hối hả trở lại dưỡng đường. Ông ta rất mực thích thú với cái ý tưởng đem về tặng vợ cả một mảnh buổi sáng tươi đẹp.

Ông ta đánh thức vợ dậy, đặt chiếc hôp bên cạnh nàng và mở ra… Chẳng có gì ở trong đó cả -không ánh mặt trời, không mùi hương biển, không tiếng chim ca… Chỉ là một chiếc hộp trống rỗng. Tất cả ngôn từ cũng đều giống y như thế … trống rỗng. Cái từ "Thượng Đế" cũng trống rỗng như là một chiếc hộp không. Cái từ "Phật" cũng trống rỗng y như vậy. Đó là những gì mà Triệu Châu đã cố gắng nói ra, "Phật là Phật". Bải biễn là bải biển -bạn phải đích thân đi đến đó. Núi là núi, bạn phải đi đến tận nơi. Bạn không thể mua chúng ở ngoài chợ. Không có ai có thể giao những món hàng này cho bạn. Những vị Đạo sư cùng lắm chỉ có thể tạo ra cơn khát, thế thôi; ông ta có thể tạo ra những giấc mơ trong mắt bạn để bạn lên đường khỏi sự cuộc hành trình. Thế nhưng không ai có thể cho bạn cái đó. Có một câu chuyện ngụ ngôn cổ điển của Phật giáo về người cùng tử trong Kinh Pháp Hoa như thế này:

Đứa con trai của ông trưởng giả bỏ nhà đi hoang từ lúc còn bé và trở thành một tên lang thang vô gia cư. Lúc này hầu như y đã quên đi chuyện rằng mình đã từng có một mái nhà. Thế rồi một hôm do xui khiến làm sao y lại đi ngang qua trước cổng cái dinh cơ bề thế của ông trưởng giả. Dĩ nhiên y không hề nhận ra rằng mình đã từng được sinh ra tại đây. Y đứng đó, trước cổng nhà, cảm thương cho thân phận nghèo hèn rách rưới của mình. Tuy nhiên ông trưởng giả đã nhận ra đứa con thất lạc của mình ngay tức khắc, cho dù đã bao nhiêu năm xa cách, ông liền cho gọi y vào nhà, thế nhưng tên ăn mày đã hoảng sợ không dám đặt chân vào một nơi cao sang như vậy. Không những thế, tên ăn mày còn tìm cách chạy trốn. Ông trưởng giả -tức cha ruột của y rất mực lo lắng rằng mình sẽ mất đứa con thân yêu một lần nữa. "Làm thế nào để thuyết phục y vào nhà? Làm thế nào để thuyết phục cho biết rằng đây chính là ngôi nhà của y? Không có gì để phải sợ hãi -rằng ta không ai khác hơn là cha ruột của ngươi?" Ông trưởng giả đã khôn ngoan cho người đầy tớ ra dụ rằng: "Ở đây đang cần một người giúp việc. Ngươi có muốn nhận công việc này không?" Tên ăn mày vui mừng đón nhận công việc. Với việc làm hèn mọn được giao phó, y đã được đón nhận trở lại với công việc rất mực khiêm nhượng lúc ban đầu. Lần hồi y được cất nhắc đảm trách những công việc quan trọng hơn và cuối cùng nhận ra thân phận của mình, lúc đó y trở thành chủ nhân của ngôi nhà, sở hữu sự giàu có và tất cả tài sản của cha y.

Đó là toàn bộ công việc của một vị Đạo sư -tạo ra nỗi khát khao đi tìm chân lý và rồi giúp bạn từng bước một nhận ra rằng chân lý không nằm ờ một nơi chốn xa xôi nào cả mà ở ngay trong chính bạn. Tuy nhiên bạn sẽ không sẵn sàng nhận ra nó một cách trực tiếp. Bạn sẽ rất mực sợ hãi như tên cùng tử kia. Nếu như ông trưởng giả bảo y ngay lập tức rằng, "Ngươi là con trai của ta", chắc là y sẽ bỏ chạy mất. Có thể lúc đó y sẽ nghĩ rằng, "Chắc là đang có một âm mưu, người ta đang dương lên một cái bẩy gì đây." Làm sao mà y lại có thể là con trai của một ông trưởng giả được? Y chỉ là một tên ăn mày nghèo hèn rách rưới.

Vị thầy thực sự là người rất mực thông minh. Ông ta thuyết phục từng bước một. Trên con đường đi đến Phật quả bạn phải được chăm sóc, thuyết phục một cách từ từ. Vị thầy sẽ điểm đạo bạn, bạn trở thành một hành giả, một tỳ kheo rồi bằng cách này hay cách khác, lần hồi bạn vươn đến cách cảnh giới tiểu ngộ, đại ngộ, tam ma địa. Bạn được thăng tiến dần, cho đến một ngày bạn nhận ra rằng tất cả chỉ là những phương tiện thiện xảo, chẳng khác gì những trò chơi. Cái điểm rốt ráo tận cùng mà bạn vươn tới thực ra bạn vẫn luôn ở sẵn đó rồi. Tuy nhiên vị Đạo sư đã phải làm đủ mội phương cách để dẫn dụ bạn.

Vị Đạo sư không hề mang đến cho bạn một cái gì cả. Không có gì để cho. Cái mà ông ta cho bạn, bạn đã có sẵn. Thay vì nói rằng vị Đạo sư ban cho bạn một cái gì đó, thực ra ông ta ông ta không cho mà chỉ lấy đi ở bạn rất nhiều thứ. Ông ta đã lấy đi những thứ bạn không hề có nhưng cứ nghĩ rằng mình đang có, ông ta trao tặng bạn những gì bạn đang có nhưng cứ nghĩ là mình không có. Tất cả chức năng của vị Đạo sư chỉ là làm công việc đưa bạn trở về lại mái nhà xưa –mà thực ra bạn chưa hề rời nửa bước.

Thiền gia có một câu rất nổi tiếng mà bạn cần phải chiêm nghiệm. Đó là, khi chưa học thiền, thấy núi là núi, sông là sông. Khi bước chân vào Thiền, thấy núi không còn là núi, thấy sông không còn là sông. Khi đã lãnh hội được yếu chỉ của Thiền, lại thấy núi là núi, sông là sông.

Khi một vị Thiền sư giảng giải điều này cho một trong những môn đệ của mình, người Thiền sinh kia đã thốt lên, "Ồ, nếu đúng như thế thì đâu có gì khác nhau giữa một phàm phu và một kẻ giác ngộ. Bởi vì khi chưa học Thiền, thấy núi là núi, thấy sông là sông. Khi bước chân vào Thiền, thấy núi không còn là núi, thấy sông không còn là sông. Khi đã lãnh hội được yếu chỉ của Thiền, trở về nhà, lại thấy núi là núi, sông là sông trở lại."

Y đem điều này chất vấn thầy, "Bạch thầy, nếu quả đúng như vậy, thì đã không hề có sự khác nhau giữ kẻ phàm phu và bậc giác ngộ."

Vị Thiền sư trả lời: "Không hề có sự khác nhau."

Vâng, không hề có sự khác nhau, ngoại trừ một điều -rằng, bậc giác ngộ thấy không hề có sự khác biệt còn kẻ phàm phu thấy có sự khác biệt. Có một người hỏi Phật, "Giác ngộ là gì?" Phật trả lời: "Điều này chỉ hiện hữu trong tâm của những kẻ phàm phu."

Một câu trả lời tuyệt diệu! Bạn hiếm khi gặp được một câu trả lời theo kiểu Kohinoor như thế: "Điều này chỉ hiện hữu trong tâm của những kẻ phàm phu." Họ đã tạo ra cái ý niệm đó. Ngay tự ban đầu, họ cho rằng mình là người chưa giác ngộ và từ đó họ tạo ra cái lý tưởng về giác ngộ. Người giác ngộ đã trở về nhà và nhận ra rằng núi là núi, sông là sông như chúng luôn luôn đã từng là núi, là sông. Không hề có một đổi thay nhỏ nào trong từng khoảnh khắc; vạn pháp đều như thị, đều rất mực toàn bích. Không gì có thể hoàn hảo hơn trong mỗi hiện sinh như cách thế mà chúng hiện bày. Vạn pháp rất mực toàn hảo! Bạn cũng đang toàn hảo như thế, như bạn đang hiện hữu. Không có gì để phải thêm thắt vào, không có gì để phải cải thiện cả. Tuy nhiên nói ra điều này với ai đó chẳng mang đến một ý nghĩa nào. Một học tăng hỏi: "Phật là gì?"

Thiền sư Triệu Châu trả lời: "Phật là Phật".

Chẳng khác gì một nhát búa! Ông ta đang nói rằng, "Đừng có hỏi những câu vớ vẩn vô nghĩa nữa. Ngươi chính là cái mà ngươi đang hỏi –tat-twam-asi. Ngươi là một ông Phật." Tuy nhiên ông ta đã không nói huỵch toẹt ra như thế, bởi vì một khi bạn bảo ai đó rằng, "Ngươi chính là cái đó, tat-twam-asi," thế là triết học đã chen chân vào. Người kia sẽ khởi sự suy nghĩ, "Thế thì ta là ai đây?" hoặc "Cái đó là cái gì vậy?" hay "Làm thế nào mà ta là cái đó được?", những câu hỏi cứ không ngừng đặt ra … Không bao giờ chấm dứt. Ngài Triệu Châu đã làm một công việc đơn giản là chặt đứt cái tiến trình đó ngay tự khởi điểm.

Trong thế giới của Thiền người ta nói rằng một vị Thiền sư chẳng khác gì một lưỡi kiếm. Ông ta chặt. Nhát kiếm của ông ta sâu đến độ mà chỉ cần một đòn hạ thủ thôi cũng đủ cắt tung bạn thành hai mảnh. Vị tăng hỏi: "Thế nào là Đạo?" Triệu Châu: "Đạo là Đạo." Vị tăng: "Thế còn Thiền?" Triệu Châu: "Thiền là Thiền." Vị học tăng kia có thể nhờ câu trả lời của Triệu Châu mà tỏ ngộ hoặc là ông ta sẽ nổi sùng lên cho rằng, "Ông thầy này điên!" Ngài Triệu Châu đang làm gì vậy? Ông ta chỉ đơn giản lập lại! Đâu có thể làm điều gì khác hơn nữa? Bạn đi lên một sơn động và cất lên tiếng hát, cả sơn động đều vang lên những vọng âm. Tại Matheran có một nơi gọi là Vọng Âm Đài. Tôi có lần đến đó chơi cùng với một vài người bạn. Khi bạn hú lên một tiếng, cả vùng núi non này hú lên một tiếng vọng đáp lại. Có ai đó giả bộ làm tiếng chó sủa. Khắp nơi cũng vọng lại những tiếng sủa. Tôi bảo người bạn, "Nếu bạn muốn thử làm một cái gì đó, tại sao không hát lên một khúc ca, lại đi làm tiếng chó sủa cho phiền muộn chốn núi non này?" Nghe lời tôi y cất lên một khúc hát, và cả núi rừng đều vọng lại những lời ca. Đời sống cũng là một vọng âm đài. Vị Đạo sư là tiếng vọng lập lại của chính bạn, như tấm gương soi. Vị Đạo sư chỉ làm một công việc đơn giản là chỉ cho bạn thấy rằng mình là ai, thế thôi. Ông ta làm cho bạn thấy rõ khuôn mặt của chính mình, bản lai diện mục. Ông ta chỉ phản chiếu, là tiếng vọng âm. Bạn đi lên một sơn động nào đó và cất cao lời hỏi, "Phật là gì?" và rồi bạn sẽ nghe nhữn! g vọng âm. "Phật…Phật…là…" Bạn sẽ không nghe thấy toàn bộ câu hỏi được lập lại. Lý do tại sao? Hai tiếng đầu tiên sẽ trùng lặp, tan loãng. Khi bạn cất lên "Phật là gì?" Cả sơn động sẽ vọng lại toàn bộ câu "Phật là gì?" Rồi thì sẽ có một khoảng trống –đó là khoảng trống thời gian, rất nhỏ. Do bởi cái khoảng trống thời gian này, khi bạn có thể bắt đầu nghe được tiếng vọng âm -tức là khi bạn nói xong câu nói để có thể nghe được tiếng dội lại- bạn sẽ không còn nghe được câu "Phật là gì" lập lại toàn bộ. Bạn chỉ nghe thấy, "Phật … Phật… là… là…" Đây là điều rất mực ý nghĩa. Vị Đạo sư chỉ phản chiếu, như chiếc gương soi. Vị Đạo sư chỉ lần hồi trao trả lại cho bạn những gì của chính bạn. Ông ta không làm công việc cải thiện bạn. Ông ta không hề bảo bạn phải nên thế này nên thế nọ. Cái "phải nên" này tạo ra mặc cảm tội lỗi. Vị Đạo sư không hề vạch ra một lý tưởng để bạn theo đuổi. Bởi vì tất cả mọi lý tưởng đều tạo ra sự căng thẳng, lòng tham cầu. Một vị Đạo sư không hề bảo bạn rằng, "Cái này thiện, cái kia ác." Ông ta không bao giờ đưa ra một bảng giá trị nào, bởi vì tất cả mọi giá trị đều tạo ra sự phân cách. Vị Đạo sư không hề dạy bạn sự phán xét, ông ta dạy cho bạn cách sống không phán xét, không lên án, không nói đến chuyện thiện ác. Ông ta để cho đời sống tuôn chảy tự nhiên.

Hãy nghe giai thoại Thiền sau đây để hiểu rõ thêm về phẩm chất như chiếc gương soi của một vị Thầy. Đây là một trong những câu chuyện Thiền nổi tiêng về Đại Thiền sư Bạch Ân lúc ngài còn trụ trì tại chùa Shoinji . Một cô gái ở đạo tràng này bị chữa hoang. Người cha nghiêm khắc đã không ngừng tra vấn cô con gái để tìm cho ra tác giả của chiếc bào thai, và cuối cùng, muốn khỏi bị trừng phạt, cô gái đã nói với cha mình rằng: "Đó chính là Thiền sư Bạch Ân." Người cha im lặng không nói một lời, đợi cho đến lúc cô gái sinh nở xong, ông ta lập tức mang đứa bé đến quẳng vào mặt Thiền sư Bạch Ân, "Hình như đây là giọt máu của ông đó," kèm theo những lời mắng nhiếc nặng nề.

Thiền sư Bạch Ân chỉ đáp lại, "Ồ, vậy hả?" và ẳm đứa bé lên tay. Từ đó về sau, cho dù ngày mưa hay đêm bảo, ông ta đã bồng đứa bé đi gỏ cửa từng nhà trong vùng để xin sữa nuôi dưỡng nó. Bất cứ đi đâu ông ta cũng mang theo đứa bé, quấn nó vào trong chiếc tăng bào rách rưới của mình. Bây giờ thì ông ta, một người đã từng được tôn kính như một vị Phật sống, được mọi người quỳ lạy đảnh lễ không khác gì Đức Phật Thích Ca, đã rơi xuống đến tận cùng của sự khinh rẽ. Không biết bao nhiêu đồ chúng đã quay mặt, chống lại ông và bỏ đi. Thiền sư Bạch Ân vẫn im lặng không nói một lời nào. Cho đến một ngày, người mẹ cảm thấy không còn chịu đựng nỗi đau vì phải phân lìa đứa con ruột thịt của mình cũng như sợ hãi về quả báo của kiếp sau do tội ác của mình gây ra, đã phải thú thật tên tuổi người cha thật của đứa bé. Người cha của cô gái, một người rất mực nguyên tắc về quan niệm đạo đức, đã thực sự kinh hoàng trước chuyện này. Ông ta hối hả chạy đi tìm Thiền sư Bạch Ân dập đầu sám hối, không ngừng van lạy xin ngài tha lỗi. Thiền sư Bạch Ân lần này cũng chỉ đáp lại võn vẹn, "Ồ, vậy hả?" và trao trả đứa bé lại cho ông ta. Cả hai lần ngài chỉ nói một lời giống nhau: "Ồ, vậy hả?" Lần đầu tiên khi người cha quăng đứa bé vào mặt ông và mắng, "Đây là giọt máu của ông." Thiền sư Bạch Ân không hề trả lời rằng phải hay không, không mảy may phản đối. Ông ta chỉ đơn giản chấp nhận và thốt lên: "Ồ, vậy hả?" Trong một quảng thời gian dài … Và chắc bạn phải thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của ông ta: p! hải cưu mang nuôi dưỡng một trẻ sơ sinh trong khi cả thành phố đang quay lại chống ông ta. Đi khất thực cho chính mình đã khó khăn rồi, đi xin sữa cho đứa bé lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng ông ta đã không hề thốt lên một lời phàn nàn trong bất cứ một khoảnh khắc nào. Hoàn toàn chấp nhận, -tathata, như thị. Muôn sự thả tùy duyên. Mọi chuyện đều ok. Tuyệt đối ok. Và rồi khi người cha tìm đến xin lại đứa bé với lời xin lỗi và thỉnh cầu tha thứ, "Đây là một chuyện lầm lỗi. Thầy tha thứ cho con. Thầy không phải là cha của đứa bé mà là một người khác. Xin Thầy tha lỗi cho con." Thiền sư Bạch Ân cũng chỉ trả lời một câu đơn giản "Ồ, vậy hả?" và trao lại đứa bé. Không một lời phẩm bình nào.

Đó là phẩm chất như chiếc gương soi. Không có cái này tốt cái kia xấu -tất cả đều thánh thiện như nhau. Đó cũng chính là thông điệp mà Đức Phật đã trao gởi. Phẩm chất của một vị Thầy phản chiếu qua từng hành động của mình. Đó là lý do tại sao đôi khi bạn thấy một vị Thiền sư rất mực mâu thuẫn. Tôi cũng thế, nhiều khi bạn thấy tôi rất mực mâu thuẫn. Tôi nói điều như thế này với người này và nói một điều khác hoàn toàn ngược lại với người kia, trước cùng một vấn nạn! Trên cái vỏ bọc của ngôn ngữ, cái vấn nạn thoạt nhìn có vẻ rất giống nhau, nhưng thật ra không phải thế, bởi vì cảnh huống của mỗi người hoàn toàn khác nhau. Họ có những quá khứ khác nhau, những hướng nhìn khác nhau. Họ có những khổ đau khác nhau, những ao ước khác nhau. Họ khác cha, khác mẹ, khác hoàn cảnh xã hội, khác duyên nghiệp. Vấn đề đặt ra trên mặt nổi có vẻ giống nhau như khuôn đúc, thế nhưng lại không thể giống nhau. Không hề có chuyện hai người có thể nêu lên một câu hỏi giống nhau, thế nên cũng không hề có chuyện hai người sẽ có những câu trả lời đúng đắn giống nhau. Mọi chuyện còn tùy. Khi bạn đứng trước một tấm gương soi, tấm gương phản chiếu khuôn mặt của bạn. Khi bạn đi chỗ khác, khuôn mặt biến mất. Có ai đó đến trước tấm gương, nó phản chiếu khuôn mặt của người đó. Họ bỏ đi, khuôn mặt kia không còn nữa, tấm gương trở lại trống không. Bạn không thể phàn nàn với tấm gương rằng, "Gương ạ, mày không kiên định, không có lập trường gì cả. Bửa nay thì mày hiện ra khuôn mặt này, mai kia thì mày hiện ra khuôn mặt khác." Chỉ có những t! ấm hình thì may ra kiên định hơn! Đúng vậy. Một tấm hình thì trước sau như một, không hề thay đổi. Nhưng tấm hình chỉ là một xác chết. Khả năng cùa nó rất mực giới hạn. Một khi được chụp và phô ra là chấm dứt. Còn tấm gương là vô tận. Nó có thể được phô ra cho cả hàng triệu người và nó vẫn như vậy, một tấm gương hoàn chỉnh, không ngừng phản chiếu. Một vị Thầy thực sự thường có vẻ như rất mâu thuẫn, chỉ có một ông thầy giáo mới rập khuôn, bất biến. Tâm của người đời cũng thường như thế. Khi tâm trở nên bao la, chan hòa trùm khắp, nó trở nên biến hoá khôn lường, cũng tràn đầy nghịch lý như Thượng Đế, Chân Như. Thế nên tôi gọi Thiền là Con Đường Nghịch Lý.

Một vị tăng hỏi Thiền sư Triệu Châu: "Phật là gì?"

- "Thì ở trong đại điện đó."

Vị tăng bảo: "Đó chỉ là một cái tượng đất."

- "Thì đúng như vậy."

"Thế thì Phật là gì?" vị tăng lập lại câu hỏi.

- "Thì ở trong đại điện đó."

Quả là chuyện nghịch thường. Ông ta đã đồng ý với vị tăng kia rằng cái ông Phật mà người ta thờ lạy ở trong đại điện chỉ là một cục bùn đất, "Đúng như vậy". Thế nhưng khi vị tăng kia lâp lại câu hỏi "Thế thì Phật là gì?" ngài Triệu Châu lại cũng chỉ trả lời bằng câu, "Thì ở trong đại điện đó." Ngài Triệu Châu muốn nói lên điều gì đây? Ông ta hàm ý rằng chỉ khi nào bạn buông bỏ câu hỏi "Phật là gì?" bằng không bạn chỉ chạy đi tìm những cái tượng gỗ, tượng đất mà thôi. Bao lâu mà bạn còn nêu lên câu hỏi "Phật là gì?", bạn đang hỏi về một khách thể, một đối tượng. Đó là lý do tại sao ngài Triệu Châu đã trả lời, "Thì ở trong đại điện đó." Nếu bạn còn tiếp tục nêu lên câu hỏi này, có nghĩa là bạn chờ đợi câu trả lời về Phật như một đối thể khách quan -trong khi Phật là chủ thể, ngay trong chính bạn. Thế nên ông ta đã hoàn toàn đồng ý với vị tăng. "Vâng, bạn nói đúng. Những ông Phật ở trong chùa chỉ là những cái tượng đất, không phải là Phật thực sự." Điều tự nhiên là vị tăng kia tràn trề hy vọng – "Chắc chắn ông ta sẽ ban cho mình một câu trả lời đúng đắn". Thế nên ông ta đã lập lại câu hỏi thêm một lần nữa "Phật là gì?" và không hề chờ đợi một câu trả lời giống y như lần trước vì ngài Triệu Châu đã từng đồng ý với ông ta. Thế nhưng, câu trả lời cũng vẫn là, "Thì Phật ở trong chùa đó." Tại sao vậy? Bởi vì nếu bạn cứ tiếp tục lằng nhằng hỏi về một đối thể, bạn đang hỏi về một cái thây ma khô chết.

Thực tại là chủ quan. Thượng Đế là chủ quan. Đó là cái cốt lõi ở trong bạn, không thể tìm kiếm được ở bên ngoài. Bạn không thể nêu lên một câu hỏi như thế. Bạn phải mở ra một cuộc hành trình hướng nội để tìm kiếm "Phật là gì?" Và khi bạn khởi sự cuộc hành trình này, bạn đang trên đường đi đến Đạo. Và đến với Đạo không thể nào không sử dụng đến Thiền –dhyana, Zen. Thiền là phương pháp để đi, Đạo là con đường dẫn bạn về bản thể uyên nguyên, cái cốt lõi ở trong bạn, cái cốt lỏi uyên nguyên này là Phật. Bạn đang là một vị Phật. Thế nên điều cơ bản trước tiên là chấp nhận tính cách như thị của đời sống. Chấp nhận nó, mọi dục vọng tan biến. Chấp nhận nó, mọi căng thẳng, bất mãn tan biến. Một khi chấp nhận đời sống như nó hiện bày, ta sẽ bắt đầu cảm thấy tràn ngập một niềm hỉ lạc không nguyên cớ. Những niềm vui có lý do thường không tồn tại lâu dài. Chỉ có niềm vui không nguyên cớ mới vững bền mãi mãi. Con người có thể sống trong hai cách thế khác nhau. Hoặc là hướng đến sự chiếm hữu càng nhiều càng tốt bất cứ những gì có thể có được -với cách này họ xa rời Phật, xa rời Đạo, xa rời Thiền. Một nguời chỉ biết quan tâm đến chuyện sỡ hữu thật nhiều là loại người phàm phu thế gian. Một người thoả mãn với những gì hiện có; một người thư giãn, không bận tâm mấy đến chuyện có thật nhiều tiền, nhiều quyền lực, danh vọng, được tôn kính; luôn an lạc trong cái như thị, tathata –đó là con người tín ngưỡng thực sự. Y đang bắt đầu trên con đưòng nhập vào giòng thánh.

Nếu bạn cứ quan tâm, tưởng nghĩ đến chuyện thu góp cho thật nhiều, bạn sẽ ngày càng rời xa; khi bạn không còn quan tâm đến chuyện sở hữu nữa, bạn đang bước vào hiện thể của chính mình. Cái hiện thể đó chính là Phật.Có một câu chuyện về Rengetsu, một bậc Thiền gia nữ lưu nổi tiếng … Rất hiếm phụ nữ chứng ngộ rốt ráo về Thiền. Bà Rengetsu là một trong những bậc nữ lưu hiếm có này.

Chuyện kể rằng bà Rengetsu đang trên đường hành hương, đi ngang qua một ngôi làng kia vào lúc trời vừa sụp tối. Bà ghé lại đây để xin ngủ trọ qua đêm, thế nhưng cư dân địa phương đều đóng sầm cửa lại không ai đón tiếp. Ở đây người ta rất ghét phái Thiền. Tính chất cách mạng của Thiền, dưới mắt nhìn của họ, chẳng khác gì những kẻ rối đạo, những tên nổi loạn, khó mà chấp nhận được. Bởi vì chấp nhận Thiền có nghĩa là bạn hoàn toàn được chuyển hoá, bạn đi ngang qua một ngọn lửa thiêng và sẽ không bao giờ còn là con người cũ nữa. Thế nên những người bảo thủ, truyèn thống luôn luôn chống lại tất cả những gì là sự thật trong tôn giáo. Họ ưa chuộng những điều không thật. Những dân làng này chắc hẵn là những người Phật tử bảo thủ nên đã cấm cửa, không chấp nhận cho bà lưu trú ở trong làng. Đó là một đêm giá lạnh và vị nữ tu già nua này đã không tìm được một chỗ trú chân… Đói và lạnh. Bà đành phải nghỉ lại qua đêm dưới một gốc cây anh đào ở ngoài đồng trống. Trời lạnh như cắt khiến bà không tài nào nhắm mắt ngủ yên được. Lại thêm nguy hiểm nữa –thú dữ và bao nhiêu mối hiểm nguy khác đối với một người phụ nữ.

Bà tỉnh dậy vào lúc nữa đêm –vì quá lạnh- và nhìn lên bầu trời đêm xuân, những đoá hoa anh đào nở rộ như đang cười đùa dưới ánh trăng mờ ảo. Choáng ngợp trước cảnh đẹp tuyệt vời này, bà ngồi dậy đảnh lễ với vô vàn biết ơn về hướng ngôi làng …

Cảm ơn lòng tốt không cho chỗ trú chân

Ta được ngồi dưới gốc cây anh đào trổ hoa

Trong đêm trăng lung linh mờ ảo này

Đó là những gì được gọi là như thị -tathata.

Bà cảm thấy tràn ngập lòng biết ơn và không khỏi cảm ơn dân làng đã xua đuổi bà, nếu không, trong đêm nay chắc hẵn bà đã ngủ lại dưới một mái nhà bình thường nào đó, làm gì tận hưởng được cái diễm phúc này – nhìn hoa đào nở rộ dưới ánh trăng lung linh mờ ảo trong một đêm thanh vắng tịch liêu. Bà không khởi lên một mảy may oán hận, mà hoàn toàn chấp nhận. Không những chấp nhận mà còn chào đón cái cơ hội hiếm có này -với tất cả lòng thâm tạ.

Một người trở thành một vị Phật ngay cái khoảnh khắc mà y chấp nhận tất cả những gì đời sống mang lại với vô vàn biết ơn. Y đang bước đi trên Đạo lộ, sống với Đạo, trong thiền quán sâu sắc. Kỹ năng của tâm là hướng ngoại. Đó là lý do tại sao bạn được huấn luyện tại các trường đại học, cao đẳng và bao nhiêu những trường học khác cho cái tâm này. Hướng ngoại có nghĩa là thu góp càng nhiều càng tốt -sở hữu những ngôi nhà lớn hơn, có nhiều tài sản hơn, nhiều quyền lực hơn, nhiều tiền bạc hơn. Cái Tâm này chỉ biết một chuyện là hướng ngoại, chinh phục thế gian. Thiền là một tiến trình ngược lại. Không có gì cả ngoài chuyện đạt đến tình trạng vô-tâm. Đó chính là Thiền. Bạn hướng nội, chấm dứt cái tâm thế gian lăng xăng suy tưởng. Tại sao đây là điểm cốt yếu? Bởi vì ta không còn cần đến suy tưởng nữa. Chinh phục nội tâm không cần đến loại suy ttưởng này. Nó chỉ cần thiết cho việc chinh phục thế giới ngoại tại. Suy tưởng là khí cụ cho cái thế giới này. Thế nên Zen, dhyana, hay thiền định chẳng là gì khác hơn ngoài cái tâm vô niệm. Không còn nhu cầu nữa! Một khi không còn tham cầu, đâu còn ai bận tâm đến suy tưởng làm gì? Mà suy tưởng cái gì đây? Chỉ nhìn ngắm thôi. Khi con người bạn tham đắm quá nhiều, bạn không ngừng suy tưởng. Khi lòng tham đã diệt, suy tưởng tự nó cũng tan biến theo. Nhiều người hỏi tôi làm sao để không còn suy tưởng? Đó không phải là trọng điểm. Vấn đề cốt yếu là làm sao để không còn tham cầu nữa. Lòng tham cầu tạo ra những niệm niệm không dứt, mang lại những ý tưởng, giấc mơ. Thế rồi bạn sẽ phải! thực hiện nó, bạn sẽ phải hoạch định, tìm hướng giải quyết trong một cách thế có phhương pháp –và rồi suy tưởng phát sinh. Bây giờ hãy thử tạo ra một sự tham cầu. Một chiếc xe chẳng hạn. Thấy một chiếc xe đang chạy ngang qua và hảy để cho lòng tham cầu nổi lên ở trong bạn, "Tôi mong muốn có được chiếc xe này." Và rồi bạn sẽ thấy không biết bao nhiêu niệm nổi lên ở trong bạn: "Làm thế nào để sở hữu nó đây? Làm thế nào để chạy ra tiền? Phải làm gì đây? -Kiếm công việc làm hay đi ăn trộm? Hay là bắt chước theo kiểu Mỹ: Mua trả góp?" Bạn thấy không, người ta sẽ không ngừng suy tưởng, bởi vì không suy tưởng bạn sẽ không bao giờ có được chiếc xe. Hãy nhìn kỹ chuyện đó, bất cứ lúc nào lòng tham cầu nổi dậy, nó sẽ đánh thức dậy ở trong bạn không biết bao nhiêu là ý niệm. Khi lòng tham cầu đã tuyệt, đột nhiên sự suy tưởng biến mất. Không còn nhu cầu nữa. Khi ngọn sóng giao động tan biến, cái tâm lăng xăng náo động sẽ không còn lăng xăng nữa. Lúc đó, tâm sẽ có một chức năng khác, chức năng tiếp thụ. Tiếng chim hót ở ngoài kia – bạn nghe, nhưng không còn cả thốt lên, tiếng hót tuyệt vời làm sao. Không có nhu cầu để phải thốt lên như vậy. Tự nó đã là một tuyệt vời! Có gì để phải nói ra? Một chiếc phi cơ bay ngang qua bầu trời cùng với tiếng ồn, bạn biết, bạn nghe thấy –nghe còn rõ ràng hơn bất cứ ai khác nữa, bởi vì những người khác còn đang đắm chìm trong suy tưởng nên đâu còn nghe được gì. Tai của họ, tâm của họ đã bị bịt kín lại bởi những ý tưởng. Cái tấm nỉ dày của suy tưởng đã làm cho họ không còn khả năng ti�! ��p thụ! . Thế nhưng khi một người không còn một niệm dấy lên, y sẽ rất mực nhạy cảm. Y thấy được những nét tuyệt vời. Y nhìn ra chung quanh, nghe một cách sâu sắc, ngửi một cách sâu sắc, cảm thụ một cách sâu sắc, yêu thương một cách sâu sắc. Bất cứ cái gì cũng có chiều sâu hơn! Hãy nhìn vào điều nghịch lý này: Khi bạn càng tham muốn nhiều, mọi thứ có vẻ như luôn luôn khan hiếm, ít ỏi hơn là điều bạn mong cầu. Khi bạn không còn lòng tham muốn nữa, mọi thứ đều trở nến phong phú! Phong phú đến mức bạn không còn chuyên chở nổi! Cái nhỏ bé biến thành vĩ đại và thế rồi bạn tận hưởng tất cả niềm vui với những chuyện tầm thường nhất của đời sống hàng ngày: chẻ củi, gánh nước, nắm tay một người bạn thâm giao hay nhìn hoa đào nở rộ dưới ánh trăng lung linh mờ ảo. Đời sống rất mực phong phú, trong từng khoảnh khắc nó không ngừng mang đến cho bạn cả một ngàn lẻ một thứ quà tặng. Thế nhưng bạn cứ mãi miệt mài chìm đắm với cái tâm mong muốn, tham cầu. Cái đầu của bạn tràn ngập bởi vô vàn ý niệm nên đã khước từ tất cả những tặng phẩm này. Ngay cả Thượng Đế có đến vớí bạn, bạn cũng khước từ luôn. Hành trình hướng nội có nghĩa là hiểu thấu đáo những cách thế của lòng tham cầu. Một khi đã hiểu được rằng lòng tham cầu tạo ra những xáo trộn không ngừng, bạn ngưng lại. Khi tham muốn không còn là suy tưởng chấm dứt, là vô niệm. Đó chính là Thiền. Khi bạn đến với Thiền, bạn đã khởi sự bước đi trên đạo lộ -ở trong Pháp, trong Đạo. Và một khi đã dấn bước vào đạo lộ rồi thì Phật quả sẽ không xa. Nó có thể xảy đến bất cứ lú! c nào, c! hỉ trong một khoảnh khắc ngắn, tất cả tùy thuộc vào mức hạ thủ công phu của bạn. Không hề có chuyện cái đạo lộ này dài mười dặm, hai mươi dặm hay một ngàn dặm. Vấn đề chỉ là công phu của bạn mãnh liệt như thế nào.

Những người với sự hiểu biết sâu sắc mãnh liệt có thể đạt thành Phật quả chỉ trong một bước nhỏ. Trong một chớp mắt. Tất cả đều tùy thuộc vào sự tập trung toàn bộ nỗ lực của bạn như thế nào, nỗi khát khao của bạn như thế nào, bạn đã sẵn sàng để đầu tư tất cả vốn liếng đời mình vào đó chưa. Nếu bạn đánh cuộc với cả sinh mạng mình, thì chỉ trong một khoảnh khắc nhỏ … toàn bộ cơ cấu thay đổi. Bạn không còn là một người phàm, bạn là một vị Phật. Tuy nhiên nếu mức hạ thủ công phu không toàn bộ hết mức mà chỉ nửa vời, bạn có thể sẽ phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp. Bạn có tiếp tục cả một ngàn kiếp đi nữa cũng sẽ chẳng đi đến đâu, Phật quả vẫn xa vời. Thế nên một điều cần nhớ kỹ: đạo quả viên thành lâu hay mau, tất cả đều tùy thuộc vào sự chuyên tâm mãnh liệt của bạn. Zen là thiền định, Đạo là Con Đường và Phật quả là chơn tâm, là bản tánh uyên nguyên rốt ráo của bạn. Nếu bạn bước vào Thiền một cách trọn vẹn, toàn bộ, thì ngay chính trong khoảnh khắc đó -sự chuyển hoá toàn diện. Lắng nghe lại cuộc trao đổi ngắn gọn giữa Thiền sư Triẹu Châu và vị học tăng một lần nữa. Bây giờ thì bạn đã có thể lãnh hội nó một cách sâu sắc hơn.

Một học tăng hỏi: "Phật là gì?"

Thiền sư Triệu Châu trả lời: "Phật là Phật".

Vị tăng: "Thế nào là Đạo?"

Triệu Châu: "Đạo là Đạo."

Vị tăng: "Thế còn Thiền?"

Triệu Châu: "Thiền là Thiền."

Vị Đạo sư chỉ đơn giản làm công việc phản chiếu, như tấm gương soi, quăng trả người học tăng trở lại với chính mình, một lần, hai lần hoặc nhiều lần. Nếu y thật sự là người xả thân cầu đạo, không phải là kẻ tò mò, chắc chắn y sẽ đạt đến giác ngộ. Chỉ cần nhìn vào ánh mắt, chỉ cần lắng nghe tiếng dội vọng lại từ trái tim của một vị Thầy thôi cũng đủ. Chỉ cần tiếp xúc với ngọn lửa thiêng của Phật quả đó, chỉ cần tiếp cận với một bậc giác ngộ là đủ. Ông ta chẳng khác gì một ngọn lửa, một cái tim đèn cháy sáng, mà khi bạn đến gần, sẽ có một khoảnh khắc tiếp cận … ngọn lửa đó sẽ lan đến bạn, bùng cháy lên thành ngọn lửa của chính bạn. Bạn được truyền đăng. Vị Thầy chẳng hề mất đi một chút gì mà bạn được tất cả. Chẳng khác gì bạn đang cầm một ngọn nến, một ngọn nến đang thắp sáng, châm lửa vào một ngọn nến khác. Hãy nhìn kỹ xem điều gì đã xảy ra. Cũng giống y như vậy khi một môn đệ tiếp cận với vị Đạo sư của mình. Gần gũi, thân cận tạo nên sự kích lửa. Toàn bộ nghệ thuật của mối liên hệ thầy trò chính là sự thân cận. Đến gần hơn, buông bỏ chiếc áo giáp phòng thủ, ý chí, bản ngã của mình, tiến đến gần, gần hơn nữa. Và rồi bỗng nhiên … trong khoảnh khắc này bạn đang tắt ngấm, khoảnh khắc kia ngọn lửa đã bùng lên. Một sự cháy bùng đột ngột chứ không phải là một tiến trình tiệm tiến. Không phải là chuyện hôm nay bạn được thắp sáng lên một tí, rồi ngày mai thêm một tí nữa. Không, nó bùng lên đột nhiên, như một bước nhảy lượng tử, bạn không còn là con người cũ nữa … Mới m! ẻ tinh khôi, hoàn toàn không còn liên hệ gì với con người cũ. Và thế là đủ, không còn cần gì thêm khác nữa. Nếu bạn có thể gặp được một vị Đạo sư mà bạn yêu thương, cảm thấy thân cận, không cần phải e dè phòng thủ, có thể trải lòng mình ra, không có bí mật gì cần phải che dấu, người mà bạn sẵn sàng sống chết, sẵn sàng đi với ông ta đến bất cứ nơi đâu –không cần phải biết, vì con đường đó cũng là mục tiêu của bạn- nếu có được sự tin cậy đó, thế là đủ… Mọi chuyện tự nó sẽ xảy ra, bởi vì các bạn đã là những vị Phật, chỉ cần sự thực chứng mà thôi. Nếu bạn gần gũi với một vị Đạo sư mà tâm của ông ta phản chiếu bóng dáng bạn, trong tấm gương soi kia bạn sẽ thấy được rằng khuôn mặt mình chính là khuôn mặt Phật, rằng cái trạng thái vô-tâm của bạn chính là Thiền và khi bạn đang trên hành trình hướng nội, bạn đang ở trong Đạo. Và như thế, không còn một cách nào khác để giải thích thế nào là Phật, thế nào là Đạo, thế nào là Thiền. Vâng, Chân lý không thể được nói ra bằng lời -vì lời nói tự nó không đầy đủ. Nó cũng không thể được nói ra bằng im lặng -vì im lặng rất mực tiêu cực. Thiền chọn con đường trung đạo. Nó dùng lời trong cái cách thế tạo ra im lặng. Đây là một đại phương tiện. Phải cần đến một phương tiện thiện xảo mới có thể sử dụng lời để tạo ra im lặng, một tác động tối hậu dể mang đến yên lặng chứ không tạo thêm lời. Đó là tất cả những gì mà tôi đang làm trong từng buổi sáng đối với bạn. Tôi quẳng vào bạn cả hàng ngàn lẻ một mớ ngôn từ chữ nghĩa. Thế nhưng nỗ lực của tô! i không ! phải là đem cho bạn cái mớ chữ nghĩa đó, mà ngược lại. Nỗ lực của tôi là đập vỡ tung cái mớ ngôn từ chữ nghĩa đang tích tụ ở trong đầu bạn. Tôi quẳng cái mớ ngôn từ chữ nghĩa này để đập vỡ cái mớ ngôn từ chữ nghĩa kia. Bao giờ mà chúng phủ định lẫn nhau, bấy giờ cả hai đều mất dấu – lúc đó sẽ còn lại một sự im lặng, một sự im lặng hoàn toàn mới mẻ mà bạn chưa từng biết đến bao giờ. Nó không phải là khoảng trống giữa hai lời. Không phải vậy. Đó là sự hiện hữu của Thượng Đế, là Phật quả.

HẾT


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét