Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Ong Gia Va Thang Be.html


Thông tin ebook

Tên truyện: Ông Già Và Thằng Bé

Nguyên tác: Le vieillard et l’enfant

Tác giả: François Augiéras

Dịch giả: Nguyễn Đăng Thường

Nguồn: François Augiéras (Abdallah Chaamba), Le vieillard et l’enfant (Paris: Les Éditions de Minuit, 1977).

Thể loại: Văn học nước ngoài

——————————-

Nguồn: http://tienve.org

Chuyển sang ebook (TVE): santseiya

Ngày hoàn thành: 10/05/2009

Nơi hoàn thành: Hà Nội

http://www.thuvien-ebook.com


Mục Lục

Lời giới thiệu của người dịch

ZIRARA

CHƯƠNG MỘT

CHƯƠNG HAI

CHƯƠNG BA

CHƯƠNG BỐN


Lời giới thiệu của người dịch

FRANÇOIS AUGIÉRAS

(1925-1971)

Một ông già da trắng và một thằng bé da màu. Một cuộc tình cấm kỵ trong sa mạc hoang vu? Một cơn ác mộng loạn luân trên đồi gió hú? Một mối căm thù khôn nguôi giữa hai dân tộc? Bức xúc tình dục để làm ẩn dụ cho thời thuộc địa? Hay chỉ là một bài thơ tình thù rực rỡ, một giấc mơ phiêu lưu, một chuyện tình dị thường, dị chủng trong một vườn địa đàng hoang sơ, một luận án về sức mạnh của ngôn từ, trong đầu một gã da trắng?

 

CỐT TRUYỆN: Một tướng về hưu xa nhân loại và thế giới, hay chính xác hơn, một tá về chiều, cô đơn, dưới một mái nhà hoang liêu. Ngài đại tá không chờ thư, mà chỉ đợi chờ, suốt đời, một thiên thần da màu bé bỏng sẽ mang tình yêu chân chất tới hiến dâng. Cuối cùng thiên thần cũng đã tới, trong một đêm trăng: một chú nhỏ quê mùa, mồ côi, cô đơn, ngây thơ, man dại. Một nhà thơ, một nghệ nhân, một thiên thần chỉ có đôi cánh mỏng vạn dặm dưới gót chân du tử lang thang. Và lòng căm thù người da trắng trong quả tim non, để trao tặng. Phần còn lại là lịch sử và định mệnh. Mà cũng có thể chỉ là mộng mơ thôi! Như Emily Brontë, cô con gái hiền từ của một vị linh mục, đã mơ mộng để viết Đồi gió hú. Ông già đôi khi chỉ là một đứa con nít, thằng bé thì có khi lại nghiêm chỉnh hơn người lớn. "Những giọt máu của người đàn ông đó cũng là những giọt máu của tôi, dù tôi không dám thú nhận nó là máu huyết của tôi tới mức độ nào… Đối với ông già ấy, có phải tôi chỉ là một giấc mơ đến từ một quá khứ rất xa xăm", thằng bé viết.

 

HUYỀN THOẠI: Vào khoảng đầu thập niên 50, vài nhà văn, nhà thơ được ưu ái của nước Pháp, như André Gide, René Étiemble, Yves Bonnefoy… thỉnh thoảng có nhận được vài tập sách nhỏ, rất lạ lùng, với nhan đề chung LE VIEILLARD ET L'ENFANT (Ông già và thằng bé). Các tập này, in trên giấy màu và đầy những chỗ gạch xoá sửa chữa, đều ghi tên tác giả là Abdallah Chaamba, và được gởi đi từ vùng sa mạc Bắc Phi. Nhà văn André Gide cảm thấy "một niềm vui sướng tột đỉnh và lạ kỳ" khi ông đọc đi đọc lại các trang viết đó. Tác giả hình như là một cậu bé người Angiêri hay Marốc, mới tập viết tiếng Pháp, do đó văn chương đôi khi vụng về, nhưng cũng nhờ vậy mà thêm thi vị. Cuối cùng, trong năm 1954, nhà Minuit đã thâu gom các tập đó lại và in chung thành một cuốn tiểu thuyết mang cùng tựa đề, với khổ lớn, 272 trang.

 

SỰ THẬT: Năm 1963, nhà Minuit tái bản cuốn tiểu thuyết này với khổ nhỏ, gồm một bài dẫn nhập — "ZIRARA" — do chính tay tác giả viết, và bốn chương. Ấn bản mới này được cả thảy là 84 trang, ghi tên tác giả đã được sửa đổi lại như sau: FRANÇOIS AUGIÉRAS (ABDALLAH CHAAMBA). Bởi lẽ tác giả cuốn tiểu thuyết này thật ra là một người Pháp, sinh năm 1925 tại Rochester, Mỹ. Mẹ ông là người Ba-lan. Người cha đã đem gia đình sang Mỹ để dạy nhạc tại trường Eastman ở Rochester ( New York), và đột ngột qua đời năm 1925. Sự rút ngắn cuốn tiểu thuyết đầu tay đã được tác giả giải thích minh bạch trong lời tựa. [Tiếc thay, vì trong ấn bản đầu tiên của nhà Minuit có nhiều đoạn về các đồn lính Pháp trong sa mạc và các sinh hoạt của thổ dân rất hấp dẫn. Tôi đã mua ấn bản đầu tiên này (giá hạ) ở tiệm sách Xuân Thu năm 1958-59, sau có thuê đóng bìa cứng để mang theo ra hải ngoại]. Ông đại tá và trang trại / viện bảo tàng có thật. Ông này là bác ruột của Augiéras mà cũng là một bạn thân của tướng de Gaulle — "Ngài Đại Tướng" trong Ông già và thằng bé. Tướng de Gaulle có tới thăm viện bảo tàng một lần. Cậu bé trong tiểu thuyết chính là tác giả, nhưng "bé" đã hai mươi tuổi khi đến El Goléa (1945) sống với bác để tìm một liên hệ cha con và tình dục trong dịp nghỉ phép ba tháng (năm 1944 Auriégas đăng lính hải quân và được gởi sang Bắc Phi). Tất nhiên, đời sống thật chỉ được sử dụng vài phần, chỉ là cái cớ để khai sinh một tác phẩm văn chương thai nghén trước đó. Nếu mượn lời Proust để nói, thì cái tôi sáng tạo là cái tôi tinh tuý, thầm kín của Augiéras, khác hẳn cái tôi đời thường. Ngoài đời, người bác của Augiéras thật ra rất tốt, thỉnh thoảng có gởi tiền về cho người em dâu mẹ goá con côi ở Paris. François Augiéras có thư từ qua lại với André Gide, trong năm 1950 có được gặp mặt nhà văn tên tuổi này một lần ở Taormina, vài phút, ngay trước khách sạn Gide đã thuê phòng. Ông già và thằng bé được đánh giá là tác phẩm độc đáo nhứt của François Augiéras và là hình mẫu của những tác phẩm sau. Có người đã đọc nó như một ẩn dụ về đạo Thiên Chúa: Thượng Đế và Giêsu, cha và con, chỉ là một người duy nhất, và Thượng Đế đã đóng đinh / đã để mặc cho loài người đóng đinh đứa con yêu quý của mình. Năm 34 tuổi (1960), François Augiéras, một người đồng tính luyến ái, lập gia đình với một cô em họ 17 tuổi, và bị người vợ này ly dị năm 1967. Ông mất ngày 18 tháng 12, năm 1971 ở Périgueux (Pháp), trong sự cô đơn, túng thiếu. Chỉ có ba người bạn thân tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tới nay (1984) nơi chôn cất ông vẫn của ông vẫn chưa có bia mộ.[1]

 

TÁC PHẨM: Le vieillard et l'enfant, 1954; Le voyage des morts, 1959; L'apprenti sorcier, 1964; Un vovage au mont Athos, 1970; Une adolescence au temps du Maréchal, 1968; Les Noces avec l’Occident, thơ văn xuôi, 1981; Domme ou L'essai d'occupation, 1982; Les Barbares d’Occident, 1990… v.v, và nhiều bức tranh giá trị dù chỉ sử dụng chất liệu thô sơ, phần lớn với kỹ thuật tranh thờ (icon) vẽ trên nền vàng kim đã học hỏi với các tu sĩ Hy Lạp trên núi Athos trong một chuyến viếng thăm vào năm 1956.[2]

 

Nguyễn Đăng Thường


ZIRARA

Thổ dân méharite chắc đã biết những tình cảm đối nghịch như tôi, bị áy náy đến mức cảm thấy xấu hổ, vì họ cũng muốn chống đối những người đồng chủng. Đúng thế, chúng tôi thảy đều đã thích mùi vũ khí, mặc dù trong thâm tâm họ không muốn dùng khí giới để chiến đấu với một kẻ thù có thể đang rình rập từ những đỉnh cao xung quanh, và ở đây chẳng có ai đã thực tình muốn lùng bắt kẻ thù, mà chính kẻ thù đó, cũng vậy, cũng vẫn còn thư thả như chưa muốn tiếp xúc vội với đối thủ. Trên nguyên tắc, chúng tôi đã kiểm soát một vùng đất dành cho dân du mục và sự có mặt của chúng tôi chỉ để tượng trưng thôi, Zirara chỉ là một cái đồn ở cách xa đường đi hiện nay, nó nằm trên ngả di chuyển cũ, về hướng El Goléa, trong một cảnh trí tuyệt đẹp. Chúng tôi lúc đó chỉ là một lá cờ cắm trên một ngọn núi.

Rất đúng, là sa mạc không khuyến khích những hoạt động thực sự. Hai hay ba gia đình du mục, luôn luôn là những gia đình này, đã tới lấy nước giếng trong bóng mát các bờ tường của chúng tôi, rồi lặng lẽ ra đi, họ tất nhiên phải biết rõ về quân lực và vũ khí của chúng tôi, trong khi chúng tôi mù tịt về dự tính của phe địch. Các đám du mục ở những nơi xa hơn và gặp gỡ trong những cuộc tuần tiễu vất vả, đã ơ hờ chứng kiến cảnh đoàn quân xa bị lún sình, họ đã phớt tỉnh trong khi phi cơ thám thính đã báo cho chúng tôi biết có những toán võ trang đang di chuyển từ hướng Bắc, các anh bộ đội Bêlumi đã mang quân trang và vũ khí ra chiến khu, các nhóm này vẫn thích trở về đầu thú, thường bị phân tán, và chỉ còn lẻ tẻ vài ba mạng hết biết đi đâu nên sẵn sàng bắn giết, cũng như sẵn sàng quy hàng nếu có lời hứa hẹn sẽ không bị tử hình.

Thảy đã rất bấp bênh trong sự im lặng của sa mạc và ở giữa mùa hè Sahara; thảy đã như không thực ngoài cái thực tế mà chúng tôi chỉ có thể tưởng tượng khi nhìn thấy những dấu vết cũ bị gió xoá nhoà gần hết. Nhưng một cuộc tấn công bất ngờ vẫn có thể xảy ra lắm chứ.

Zirara: hãy tưởng tượng một đồn lính có những lỗ châu mai, phết sơn trắng chói mắt, trên một đỉnh đồi cao đầy sỏi đá. Xung quanh là sa mạc. Một giếng nước ở giữa đồng, vài con lạc đà. Zirara: một cái bordj trong dạng thái tối thiểu nhất, gần như trừu tượng, nơi mà cuộc đời quân nhân đã không còn quân kỷ; các đại đội méharite đi tới lui như ở tư gia, sau các giờ trực, sau các cuộc tuần phòng, mạnh ai nấy đi nấy làm các công việc riêng, một cách quá ư là nhàn nhã khiến não óc tôi rất thư thái tự do.

Một buổi sáng, sau khi giao đoàn quân xa cho vài tên lính ở lại canh gác, cầm súng tiểu liên và nối gót nhau, chúng tôi chậm rãi đi lên một triền dốc chấm dứt bởi những mũi đá. Băng đạn quấn vào giây nịt, đùi trần, trong bầu không khí tinh khiết trinh nguyên của buổi sớm mai, da sạm nắng, bắp thịt săn cứng vì cố gắng: bỏ mạng trong một cuộc chiến tranh phi lý, đó là số phận dành cho tôi, tôi đã nghĩ thầm trong khi leo dốc, với lũ bạn lặng lẽ bước sau lưng. Khi lên tới đỉnh chúng tôi chỉ nhìn thấy sa mạc mênh mông; chúng tôi lấy ống dòm ra quan sát các vùng lân cận yên tĩnh; chúng tôi trở lại đoàn quân xa.

Khi đêm xuống, chúng tôi quay về trại. Ánh sáng đèn pha rọi lên vòng thành chung quanh đồn, kéo ra ngoài bóng tối các vách tường trắng, rồi cánh cổng đóng lại tức khắc sau khi đoàn quân xa đã vào trại. Tôi leo lên một mái nhà đứng gác, gỡ băng đạn ra để trong lỗ châu mai bên cạnh khẩu súng, và trong một tiếng đẩy nhẹ, gài cần lên nòng, các viên đạn lấp lánh dưới ánh sáng những ngôi sao mới mọc. Nếu lòng chung thuỷ của tôi đối với nước Pháp không thành vấn đề, thì ngược lại chắc chắn sự có mặt của tôi ở châu Phi trước tiên là để phục vụ định mệnh của tôi. Một cuộc phiêu lưu riêng rẽ, một hướng đi cô độc? Xâm lấn ai ở những vùng giới tuyến bao la này, trong khi du kích chiến đã lan tràn khắp thế giới.

Trăng đang lên trên các đỉnh đá trước mặt. Tất cả đang an giấc, trừ tôi ra, với khẩu súng trên tay. Các sân thượng trắng của chúng tôi vươn ra ngoài bóng đêm, phản sắc dữ dội với cái sân tối. Các vết sẫm của những tấm mền đắp che thân thể vài tên ảrập đang yên giấc trên các mái nhà hiện ra đó đây trên nền vôi trắng huyền ảo. Tôi đi vài bước trong bầu không khí tĩnh mịch, ấm áp, băng đạn vắt lên vai, tránh đụng chạm vào những kẻ đang nằm ngủ khẽ mớ ú ớ hoặc mở một bàn tay ra mà không tỉnh giấc, mặt phủ kín như người chết.

Sự vô ý thức của họ càng khiến tôi muốn nhìn thấy rõ mình hơn. Nếu chẳng có một điều gì khác có sức gây xúc cảm nhiều hơn giấc ngủ của một kẻ sùng đạo, thì sự luôn luôn mê mải tự chất vấn mình cũng chẳng thua kém nó đâu; trên các mái nhà Zirara này, ở giữa bọn người đang ngủ say, chỉ có tôi là kẻ duy nhất còn tỉnh táo, chiếc bóng dọi của tôi chậm rãi lướt qua trên mình họ. Ở đây chỉ toàn là dân ảrập, toàn là những người lính rất tự do, rất cô đơn, toàn là những tín đồ bị Thượng Đế ám ảnh, như tôi bị ám ảnh bởi cuộc phiêu lưu của chính mình, và, nhiều hơn thế nữa, là cuộc phiêu lưu trong các cuốn sách đa sắc của tôi, đã được gởi đi từ sa mạc khi tôi còn chưa biết tí ti gì cả về cái nghề viết lách. Nhìn lại đời mình, tự kiểm thảo trước những thiên thể của đêm, cái định mệnh của tôi, như thể sự bất trị và sự gần cận với mối hiểm nguy đã tách rời tôi ra khỏi nó, cái định mệnh của tôi nó chợt hiện về như một kế hoạch, như một chuỗi tín hiệu.

Nơi phía Bắc của khu trù mật El Goléa, ở giữa những vườn cọ, trong một thứ viện bảo tàng được bồi đắp thêm cho kiên cố, tôi đã sống chung với một ông đại tá nghỉ hưu mà tôi đã gần như là một tên nô lệ.

Ông đại tá ấy, tuy nhiên, đã không độc ác đến mức không thỉnh thoảng cho tôi được cái vinh hạnh nghe ông tỏ bày vài ý kiến, nhất là về lòng khinh miệt của ông đối với sự trường tồn trong ký ức của con người, và hơn thế nữa, trong ký ức của một ông Thượng Đế. Bằng một thứ lòng tốt nào đó ông ta đã dạy cho tôi viết và đọc tiếng Pháp, trong khi đã có những tiếng gầm gừ khe khẽ từ cuộc nổi loạn giải phóng đất nước Angiêri; một đêm, tôi bỗng thấy trong ánh mắt ông ta cái gì như là một thoáng hãi sợ, và ông ta đã chấm dứt ngay việc dạy dỗ tôi.

Lúc ấy bỗng nảy nở trong đầu tôi một đức tin bất khuất về sức mạnh của chữ nghĩa; đã có một phát hiện bất ngờ về một quyền năng và những hậu quả của nó trong lúc tôi cảm thấy bị sỉ nhục. Tôi đã tiên đoán sự chiến thắng rực rỡ của mình; tôi đã quyết định để cho cả vũ trụ chứng kiến câu chuyện dị kỳ đã xảy ra ở một viện bảo tàng trong sa mạc, biến nó thành một cuốn tiểu thuyết, sử dụng nó để nói lên nỗi thống khổ của tôi, để bằng cách đó trả thù một ông đại tá về hưu tàn nhẫn.

Nghệ thuật kêu cứu, đó là bản tính của nó lúc ban sơ; do đó mà không đọc được, biết bao trang viết dưới vòm trời đầy sao trong một hốc đá, thật ra, không phải để cho con người, cũng chẳng phải cho dương thế, mà đúng ra, chỉ để cho mảnh linh hồn tôi bất tuyệt và cho Thượng Đế mà thôi. Tôi đã viết chỉ cốt để viết, để tự biện bạch trước mặt đấng Tạo Hoá là vị Thẩm Phán của tôi, giải thích về cái thân phận quá đớn hèn của mình, về sự thiếu tự tin về tài năng của mình; sự cô đơn không giúp cho tôi có được nhiều hy vọng gặp gỡ những người khác. Và một nếp sống gần như du đãng đã hoàn tất sự chia cắt tôi với tất cả; tôi đã viết cho Thượng Đế, cho tôi. Tôi đã thú thật hết, vì tôi viết chẳng để thưa gởi với ai cả.

Cho đến một hôm tôi cảm thấy mình như đã có được một thứ kiêu hãnh vì đã phải sống quá khổ sở như vậy. Các cuốn "sổ tay", rứt ra từ một châu Phi đen tối nhất, bỗng mất cái bản sắc vô giá trị, một văn thái bị ám ảnh bởi bầu trời đầy tinh tú có thể gây được thú vị nơi người đọc lắm chứ. Thượng Đế câm lặng; nhưng tôi vẫn còn những kẻ khác.

Xuất phát từ sa mạc, kín đáo bỏ vào các hộp thư, các cuốn sổ tay in sơ sài tại Bỉ trên giấy màu, xanh đêm, vàng và hồng, không để tiếp thị, đã được gởi đi từ Ouargla, Touggourt, Gardaia sang Âu châu, qua Á châu, có khi đến tận Đại dương châu; sổ chứ không phải sách, vì đã bị gạch xoá gần rách cả giấy, nhem nhuốc do chính bàn tay tôi, gói buộc sơ sài trong các tấm giấy dày màu xanh ở những nơi này thường được dùng để gói các bánh đường, những mẩu giấy gói hàng mà tôi đã nhặt trong các tiệm tạp hoá ở các khu trù phú khi tôi đến gom góp địa chỉ trên các trang báo văn nghệ.

Thoạt tiên, mọi việc đều có vẻ như kình chống tôi: sự lạ kỳ của một câu chuyện có nhiều yếu tố ô nhục, việc tôi đã gởi chúng đi với tính cách cầu may, sự khốn cùng và sự yếu đuối của tôi. Thế nhưng, viết đối với tôi, chỉ có giá trị thực sự khi nó bắt nguồn từ sự cô đơn tuồng như bất lực đó; tôi trông chờ một phép lạ, mơ ước cái khoảng cách quá lớn lao giữa sự bé nhỏ khiêm tốn của các cuốn sổ tay đó và văn chương của thời đại sẽ hữu ích cho tôi; dù thiếu hẳn các nguồn tin tức nhưng tôi vẫn biết rõ rằng tác phẩm man dại đó nó cũng có thể gây được sự ngạc nhiên chú ý nơi người khác. Tôi đã đặt tất cả niềm tin vào sự sống còn, sự tồn tại không thể giảm thiểu của tôi trong cái may rủi của những đêm tối; người ta sẽ đáp lời tôi mà, tôi tin chắc như vậy; lúc đó tôi chỉ là một thằng bé con, nhưng nó vẫn có thể tìm được một chỗ nào đó trong tim của vài nhà văn; nơi sa mạc ấy, trong những năm 50, họ đã có một đối thủ lợi hại.

Nhưng tin đi mà chờ mãi chẳng thấy tin về. Với cái cú thử thời vận đó giữa những thiên thể của đêm, tôi đã quá liều lĩnh đòi hỏi một điều bất khả chăng. Nhiều tảng mây bay qua che lấp các vì sao, tôi đã gác bút, và chẳng có một vọng âm nào cho tiếng gọi của tôi. Tôi đã kêu gào rất vô ích từ đáy vực của khổ đau. Tôi tin rằng Thượng Đế đã khước từ sự tồn tại của tôi trong ký ức con người, bởi vì tôi đã thưa thốt với Ngài trước tiên, bởi vì Ngài sẽ định đoạt số phần tôi, bởi vì tương lai của mảnh linh hồn tôi và của câu chuyện trong sa mạc chỉ là chuyện riêng tư giữa chúng tôi thôi. Tôi đã tuyệt vọng, trong lúc cuộc phiêu lưu của các cuốn sách của tôi vẫn tiếp tục ngoài sự hay biết của tôi.

Bởi vì chúng đã được cứu vớt khỏi sự quên lãng như tôi đã quyết định. Cuộc phiêu lưu của chúng ôi lạ kỳ thay; khởi đi từ châu Phi, gần như không đọc được, với nhiều màu sắc, chẳng khác gì củi dạt bèo trôi nhưng lại gặp may mắn một cách khó tưởng tượng nổi, chúng đã được thu nhặt và xuất bản. Được đặt để trước một đề tài kỳ diệu lúc còn quá non trẻ, bốn năm sau, tôi chẳng còn nghi ngờ gì nữa cả: cái mà người ta đã cứu vớt chỉ là một tiếng réo gọi, tác phẩm thật sự vẫn cần phải được viết ra. Chắc hẳn rằng tôi vẫn còn được trọn quyền hồi sinh trong ký ức của mình cái bề sâu của tấn thảm kịch đó chứ, trả nó lại cho chính nó, mà không làm mất đi cái nét ngây thơ man rợ lúc ban đầu, viết nó lại một cách nhân ái hơn, giản dị hơn, viết nó lại cho những kẻ đã đưa tay ra cho tôi nắm bắt.

Đã có biết bao trang viết quá thừa thãi! Lúc đó nó là tiếng thét la của cơn phẫn nộ, là sự phát hiện đầy kinh hãi một văn thái bị ám ảnh bởi Thượng Đế dưới vòm trời đầy sao của châu Phi, là thảm kịch của một đứa bé đã bị nô lệ hoá; nó chỉ có thể là chất liệu để viết một cuốn tiểu thuyết be bé thôi, tôi đã nghĩ như vậy trên các mái nhà Zirara, trong một phiên gác đêm. Tôi đã phát hiện sức mạnh của ngôn từ trong lúc bị sỉ nhục; nay tôi lại thấy mình cần phải giải thích thêm cho nó được minh bạch hơn, bởi tôi đã bị đe doạ tính mệnh.

Trên các mái nhà Zirara, tháng tám 1957.


CHƯƠNG MỘT

Tôi thấy một chốn dị thường trong sa mạc, một cánh đồng cỏ vàng chia cắt bởi suối và đầm lầy, và tôi nghe tiếng róc rách của một dòng suối. Dưới bầu trời đêm, cuối một con đường dài, một bức tường có những lỗ châu mai che chở một cái sân rộng ở giữa những gian nhà phủ sơn đỏ chói.

Trên một cái mái phẳng, một chiếc giường sắt lấp lánh dưới ánh trăng.

Tôi đã cất tiếng gọi trước những tảng đá của sa mạc, trong tiếng sủa của lũ chó bị bước chân của tôi đánh thức, những bước chân trần bước trên cát, một bàn tay đặt lên cánh cổng gỗ có những vòng xích, trong lúc một tên da đen đốt một ngọn đèn dầu và ông già bước ra theo dưới bầu trời đầy sao.

Trong nhà, như chẳng còn cách nào khác, ông già mời tôi tới ngồi nơi chiếc bàn; ông già mở tủ và cho tôi các thứ tôi hằng mơ ước. Ngồi đối diện nơi mép đầu kia của chiếc khăn vải dầu và chỉ lẳng lặng nhìn tôi, ông già đã đặt trước mặt tôi bánh mì, cá mòi, một cuốn tập kẻ ô vuông, một cây viết và mực tím. Miếng ăn cuối cùng đút vô miệng, ông già đọc các từ ngữ tiếng Pháp cho tôi viết, chất vấn tôi về địa dư và sử ký nước Pháp. Ổng ghi vài bài toán cấp tiểu học vào cuốn vở rồi đi ra.[3]

Căn phòng có vẻ tiều tụy, gần như trơ trụi, và một nỗi buồn mênh mang xâm chiếm tôi trong sự im lặng của đêm khuya. Trên tường, lồng trong khung gỗ, các tấm ảnh của những thằng bé đồng lứa tôi, kỷ niệm của thời ông già còn là một sĩ quan. Ông già trở vô, mở một cái hộp gắn vào tường, lấy ra một chiếc chìa khoá.

"Chìa khoá gì?"

"Chìa khoá kho lương thực."

Để bước ra ngoài, ông già đi qua mặt tôi, tôi đứng dậy đa tạ tấm lòng vàng.

"Tao chờ cái cử chỉ đó," ông già nói, "mày cứ ngồi."

Tôi ngồi xuống trước những bài toán.

"Thật ra chẳng phải là những bài toán mà là dấu hiệu của sự tín nhiệm, rồi mày sẽ hiểu. Tao đã quan sát mày; tình cảm của mày tốt và cao thượng, học lực của mày đầy đủ." Nói xong ổng đưa cho tôi vài cái mền rồi trở về phòng.

 

Mùa đông, và lửa cháy khôn nguôi trong ngôi nhà buồn bã của ông già. Mỗi buổi tối, chiếc vai đẹp và êm của tôi, ông già muốn áp nó vào ngực. Ông già thiếp ngủ, nhưng tôi thức. Ông già nói ổng chẳng khác gì cha tôi, nhưng tôi chỉ yêu một Thượng Đế: chỉ có Ngài là Đấng Tạo Hoá và Quan Toà của tôi thôi.

Các chuồng cừu của chúng tôi đầy tiếng dê; tôi thích các gian nhà gỗ bé nhỏ này, sự ấm áp của các chuồng ngựa; và thằng đàn ông đó, tôi căm thù nó. Nó băng qua chiếc sân bị gió vùi dập từng cơn; nó vuốt ve mái đầu tôi và một ý nghĩ vụt đến. Trở về phòng, nó mở một cái hộp, lấy compa ra đo kích thước đầu tôi:

"Mày là thằng bảnh nhứt đã tới ở đây. Tổ tiên mày đã di tản từ Iran, cặp mắt xanh của mày là mắt dân Bẹcbe." Sau khi ghi hình dáng khuôn mặt tôi trong một cuốn sổ chi chít những tên họ đã gần hết trang, ổng nói:

"Mày lại đây ngồi gần tao bên lò sưởi."

Khói toả cay mắt; ở những nơi khác trời lạnh kinh khủng và tôi sẽ chết đói. Tôi sẽ trông coi các phiến than hồng, khêu những tàu dừa đang bốc cháy. Tôi đau khổ, lệ tràn chứa chan; tôi viện cớ đi ra.

"Về lẹ nhé," nó réo theo.

Tôi tựa người vào một cây khuynh diệp gần các lồng chim cu, tôi khóc âm thầm trong bóng đêm dưới những cành lá thấp, mái đầu êm ái của tôi nghiêng nghiêng trên những vỏ cây. Bên cạnh tôi là những cái chuồng và những con khỉ đang thiếp ngủ trong những sợi xích. Và chỉ có tiếng nức nở của tôi thôi và sự xê dịch của lũ chim trên các thanh gỗ. Tôi trở về nhà nó, gió bấc thỉnh thoảng đập vào cánh cửa từng cơn, từng cơn buốt giá.

 

Ông già cho tôi những bộ đồ lính tôi phải dùng một sợi dây cột chặt vào người.

"Bữa nay mày chăn dê."

Tôi lùa đàn thú của tôi tới một vườn cây khô héo, những nhánh cây tuyệt vời như rắc muối hay phủ tuyết. Ở những chỗ cao, cát tích tụ giữa những tảng đá màu ngọc trai, những hạt cát mịn màng, khít khao, vàng óng ả. Gió đã để lại những lượn sóng trên cát.

Gió mát thì thầm trong những bụi rậm, dưới bầu trời xanh thẳm đến tận cùng không gian. Vài cánh chim thưa của những sườn đồi trơ trụi và quang đãng rời những hốc đá và tung bay với những tiếng kêu the thé. Tôi chăn đàn dê của tôi kề vầng trăng bạc gần gũi với tôi hơn ngôi nhà của "cha". Rồi tôi đi xuống cánh đồng, trên những đường mòn len lỏi qua mê đạo của những phiến đá dưới chân là vườn cọ của vùng sa mạc phì nhiêu.

Ông già đang đi dạo nơi phía tây cánh đồng cỏ; cây gậy bọc sắt cắm xuống đất, ổng nhìn mặt trời lặn.

Trong một góc sân, tôi chờ xúp chín. Cài chốt kho lương thực xong, ông già hỏi tôi đã về tới nhà chưa.

Tên da đen, bưng một chồng dĩa, bảo tôi đi vô ngôi nhà của cha tôi. Tôi gõ cánh cửa duy nhất, bước vô, lấy chân trần đẩy cánh cửa. Ông già đã đặt một bàn cờ trên chiếc khăn vải dầu; tôi moi óc tìm những nước cờ cao để hạ ông già, tôi sẽ nằm ngủ cạnh đống tro tàn trong bộ đồ ổng cho.

Vào lúc đêm tàn tôi tiến về hướng mặt trời mọc, về phía những ngọn đồi trắng, về nơi tinh khiết muôn đời của thế giới. Bước lặng và khẽ, hạnh phúc trong bộ đồ nỉ, tôi đi trong sa mạc, chiếc măng-tô nhà binh khoác lên đôi vai trần, trong sự yên bình của buổi sớm mai, từ phiến đá này tới phiến đá kia qua những thung lũng im vắng. Không một gợn mây trên những hòn sỏi của những triền dốc duỗi thẳng về hướng đông xa hơn tôi tưởng tượng, xuyên qua những hành lang đá xám mát rượi đẫm sương mai; không một tiếng kêu, ngoại trừ tiếng những con diều hâu trên những bãi vắng.

Đôi dép cỏ để trên cát, tôi lấy chiếc sơ-mi xanh nắng hâm nóng và gai nhọn đâm thủng trùm kín đầu. Trên những cồn cát, ven rìa những đỉnh đồi đá, ở giữa cơn gió, tôi yêu thương Thượng Đế đã cho tôi một mảnh linh hồn. Tôi chỉ cần báo cáo với Đấng Tối Cao: Thượng Đế và Thẩm Phán của tôi.

Trong cái sa mạc phớt hồng này, mình trần, súng vác ngang trên đôi vai rộng, tôi lùa đàn thú qua những đồng cỏ thưa. Thảy đều yên lặng: không một dấu vết nhỏ trên đất; mỗi ngày gió xoá tan các dấu vết mới, chỉ để lại trên cát bức vẽ tinh khôi có vô vàn nếp nhăn.

Tôi chậm rãi bước trở về nhà trong ánh hoàng hôn; trăng lấp ló trong những lùm cây ở Chir (Sia). Cơn lạnh xâm chiếm các thung lũng đá của tôi.

Lùa đàn thú vô chuồng xong, tôi tới ngồi nơi ngưỡng cửa. Tôi thấy ổng đang ngồi đọc sách trước ngọn lửa. Ổng đi ra, gọi tôi lại cho bánh mì và thịt trong sự im lặng và cái lạnh của mùa đông.

Tôi sẽ làm những điều hắn muốn; chúng tôi sẽ vặn máy hát, tôi sẽ gắn một cây kim may vào máy hát, chúng tôi sẽ nghe nhạc nơi một góc bàn. Đầu gục vào cánh tay, những hạt cát dính trong túi áo bờ-lu-dông nỉ, tôi sẽ khép mắt trong bóng tối của đêm nay.

 

Gió thổi mạnh như bão. Các gian nhà trống trải — những cánh cửa mở toang được chêm bằng củi cành. Những cụm mây xám và dài lướt nhanh trên sa mạc và trên vườn cọ của chúng tôi, nơi ấy, nơi có những đầm lầy, người đầu bếp giăng bẫy bắt được một con ngỗng Thụy Điển, chân có đính chiếc vòng của thảo cầm viên ở Stockholm. Ông đại tá biên thư gởi về Stockholm cho biết sự có mặt của con chim ở miền Nam Algérie. Ổng bảo tôi viết địa chỉ trên phong bì để thực tập, trong ngôi nhà của ổng có những cây cột bằng đất sét đắp nắn và sơn phết sơ sài hứng đỡ các vòm mái. Rồi ổng lại tiếp tục đọc cuốn sách nghiên cứu địa chất học; chúng tôi uống những chén sô-cô-la nóng bỏng; chúng tôi đốt các tàu dừa, ngọn lửa phựt cháy, rồi lụn tàn nhanh, tôi ném thêm những cành khô vào ngọn lửa.

"Tao đã theo dõi mày từ trên mái nhà; sa mạc bẩn và ướt. Mày chơi đùa. Mày ngửa mặt chạy giỡn trong cơn gió; tao không cấm mày nô đùa, tao chỉ không hài lòng với cái cách mày chăn đàn thú của tao. Chắc mày sẽ không bỏ tao chứ. Một thằng du đãng tao đem về nuôi đã trốn đi."

Không đáp lời ông, tôi ngồi xếp bằng trước lò sưởi. Ông già cũng nín thinh suốt cả tiếng đồng hồ. Nông trang yên tĩnh; tên đầy tớ vắng nhà; những tán dừa in bóng lên nền trời.

Tôi run lập cập nơi bàn ăn; ông già cầm tay tôi, và, nghiêng mình trên các dĩa đựng thức ăn:

"Một phần là do lỗi của mày; chạy chơi như vậy mà không mặc áo thì dễ bị trúng gió. Vô buồng nằm đi." Ông già cũng đi vô buồng theo tôi ngay sau đó, bưng cây đèn dầu để trên bàn ngủ. Ổng rờ thử cái chụp đèn pha lê sợ nó nổ, ổng vặn nhỏ tim đèn; tiến về phía một khung cửa sổ hẹp, ổng đứng nhìn ra ngoài, chiếc sân trắng xoá dưới bầu trời đầy tinh tú, rồi ổng trở về chỗ cũ khi tôi đã chui vào các tấm ra nhám, dưới các tấm mền ươn ướt của chúng tôi. Ông già đặt ống giác cho tôi. Tôi run lập cập, vì bị lạnh, rồi vì nóng, tôi thiếp ngủ trên chiếc giường lún xuống của ông già, kế bên tấm vách xông mùi nước tiểu và mùi xà-bông; rải rác đó đây là những quần áo cũ, những chiếc giày đế mòn vì cát, và một cái tủ đựng chén dĩa miền quê ẩn hiện trong ánh sáng dịu dàng của lửa. Sau một hai giờ im lặng, gió lại tiếp tục thổi trên sa mạc, đập vào các mái tôn.

Đó là cái giờ buồn bã, khi ông già tỉnh giấc. Ổng sẽ ngồi viết tới sáng. Cây đèn đã được châm thêm dầu gần tràn. Ổng gọt các cây bút chì và chuẩn bị các cục tẩy bằng cách mài vào vách. Trên các trang vở, ổng vẽ hình những người tiền sử nằm trước cửa hang, dưới bầu trời đầy sao, trong buổi chiều đầu tiên của nhân loại.

Ông già muốn có những chi tiết thật rùng rợn, những khuôn mặt đầy thú tính, và ổng buộc tôi phải bắt chước ổng, phải vẽ như ổng. Rồi trời bừng sáng, chúng tôi vào sa mạc, đi về hướng Grand Erg. Ông già nói các đống sỏi phân ranh sở đất của ổng đã bị gió cuốn; ổng bảo tôi quan sát thật kỹ và nhặt các hòn đá có vết tích loài ngao sò cổ ở ven đường. Tôi xua đàn thú của tôi tới những mũi đá xám, tận những nội cỏ đẫm nước mưa, và tôi ở lại đó suốt ngày.

Lúc về nhà, tôi mang bánh mì và bàn cờ, nước trà, vào tận giường hắn; tôi nằm sát người hắn để sưởi ấm. Khi ngủ hắn cởi đồ ra, chỉ giữ lại chiếc quần lót có mùi chua bị mốc vì khí lạnh. Khi tôi cục cựa đầu gối dưới các tấm chăn, bàn cờ lệch qua một bên và các con cờ trượt về phía tôi, mặt hắn buồn xo khi hắn nhận thấy sự gian lận. Chúng tôi dời các con cờ về chỗ cũ trên các ô vuông đen trắng; nhưng tôi không nhớ mình đã nghiêng bàn cờ vào lúc nào, và, trong đêm đông này, chúng tôi phân vân. Chúng tôi đồng ý tiếp tục lại ván cờ từ một khởi điểm lựa chọn đại. Rồi tôi học thuộc lòng các bài vở, hắn đưa cho tôi một cuốn sách do hắn tự tay đóng bìa vải, nghĩa là cái bìa trông khá vụng về: Thế giới trước khi con người được sáng tạo, của Camille Flammarion, giá 25 xu, in năm 1886, bản của Thư viện Quốc gia, nxb Debuisson & Công ty, 5, phố Coq Héron, và Lucien Marpion, 4 và 7, hẻm Odéon, Paris. Đối với hắn đó chỉ là một cuốn sách giáo khoa mỏng về thiên văn học. Ngọn đèn dầu nham nhở tắt phụp. Tôi định nhỏm dậy đốt đèn:

"Cứ nằm im," hắn bảo tôi trong bóng tối căn buồng.

Tôi khép mắt, trong lúc những hạt cát trên mái đầu tôi tuôn chảy xuống các khe trên giường, và hắn vòng tay ôm lấy tôi, và các mái nhà thiếc của chúng tôi long lanh dưới ánh trăng đang tràn vào các góc sân vắng.

 

Cơn buồn dày vò tôi. Tôi than thở với người đầu bếp, nó có thể giúp đỡ nếu chúng tôi không ở trong sa mạc, vì tôi đã cất giấu được nhiều thứ rồi; tôi giữ chìa khoá kho lương thực, cân chia gạo bột là công việc hàng ngày của tôi.

Gió thổi mạnh đến đỗi tôi chỉ ngồi trơ trên các đống rơm ẩm và ấm ở tít sâu trong các chuồng ngựa; rồi tôi bước trở vô nhà hắn mà chẳng buồn nói năng, như một kẻ xa lạ tới ngồi trước ngọn lửa. Hắn ngó tôi một lúc, đứng dậy, đóng sập cánh cửa, rồi hắn đánh tôi. Ăn đòn no nê xong tôi thiếp ngủ trên chiếc đi-văng trong phòng khách, như một con thú đầy ắp hận thù và dịu dàng ở khoảng giữa của một ngày, liếm cánh tay gầy guộc dính đầy rơm rác và bùn đất. Khi tôi mở mắt, tên da đen đang lau chùi máu và những hạt châu của tôi; nó cầm một miếng giẻ lướt nhẹ khắp thân tôi. Khi tôi khá hơn, người ta đuổi thằng nấu ăn xuống nhà dưới và ông già tới nằm cạnh tôi. Bóng những vừng mây; ngọn lửa đã tắt khiến gió luồn vào lò sưởi thổi tung những tàn tro. Một bức mành vạn hoa dệt bằng những cuồng len của nước Pháp. Ông già sục sạo trong tủ, vặn đinh ốc mở nắp một hộp thiếc đã rỉ sét lấy ra những miếng băng vải, những lọ dầu để xoa bóp hai ống chân tôi. Chúng tôi uống cà phê sữa, chúng tôi chơi cờ ngỗng[4]. Sự ham thích môn thiên văn học của tôi khiến ông già cảm thấy vui; một vinh hạnh lớn cho mày đấy, ông già nói.

Rồi ổng vẽ hình trái đất thuở khai thiên lập địa. Ổng lấy bút chì màu vẽ những tảng băng sơn sáng ngời, những đồng cỏ mượt xanh, hang động và ao hồ. Với một mẩu phấn trắng ổng “rắc tuyết” lên các đỉnh núi, trong lúc ngọn đèn và ngọn lửa lụn tàn. Ổng đặt một cái thau lớn trước lò sưởi, pha nước ấm cho tôi tắm rửa. Ổng lấy một miếng bọt biển lau chùi mình mẩy tôi. Tôi mở cửa. Ngoài vườn, tôi lấy ống sáo ra thổi dưới bầu trời đầy sao nhấp nhánh ánh sao vẽ trên cát những hình lau sậy. Các séghia rực sáng ở phía những vách đá thật gần trong sự yên tĩnh của đêm khuya. Không một tiếng chim kêu, không một tiếng chó sủa. Trên vòm trời không một gợn mây, lạnh lẽo, trong veo, vầng trăng xanh xao đang dong buồm vào cõi vô tận, bên trên những mái nhà quét vôi trắng của chúng tôi.

"Lại đây," ông già nói.

Thế nhưng tôi vồ lấy cây súng, những viên đạn; tôi bước ra ngoài vòng rào, một tấm mền phủ lên đôi vai trần. Tôi chạy về hướng có ngọn núi, trong cái sa mạc của Thượng Đế. Tôi chỉ yêu Ngài, chứ không phải cái thằng đàn ông đó; tôi thuộc về Thượng Đế, về Đấng Muôn Thuở, Ông Trời của tôi và Thượng Đế của tôi, Đấng Cha Muôn Đời, Đấng Tạo Hoá và Quan Toà của tôi. Nỗi buồn đã chắp cánh cho đôi chân tôi đến ngàn năm. Tôi dẫm lên những hạt cát còn tinh khiết như vào thủa bình minh của thế giới. Cặp đùi dài và đen của tôi run rẩy trong không khí buốt giá. Băng đạn cuộn quanh mình, những nếp gấp của tấm chăn, và họng súng ló trên vành tai, nhún nhảy theo nhịp bước chân; luồng gió phát ra trong cơn trốn chạy nâng tôi lên; tôi lắng nghe tiếng máu sôi sục nơi ngưỡng cửa của mười thế kỷ đấu tranh. Ăn mặc như vậy, võ trang như vậy, tôi nhìn thấy vòm trời xanh của đêm, những tảng đá to và trắng có vân như cẩm thạch bên trên cánh đồng. Tôi nuốt những giọt lệ nóng, tiến xa thêm về hướng những vách đá hồng, xin đất trời chứng giám cho mảnh linh hồn bất diệt của tôi, tôi tiến xa thêm cho tới khi gặp những thung lũng đá, y hệt những miệng núi lửa trên mặt nguyệt.

Khi tôi quay về nhà:

"Đốt đèn lại đi, tao sẽ đưa bao diêm cho mày."

Ngọn bấc đã cháy lại vừa đủ sáng; ông già theo tôi vô nhà, mở một cánh của bàn viết ra, và, ngồi trước các ngăn kéo, dưới cái chụp đèn vải có đính chuỗi hạt, ổng vẽ hoạ đồ trang trại; mỗi tháng ông già phải vẽ lại bức hoạ đồ vì tình trạng cái đầm lầy luôn luôn thay đổi theo dung lượng nước của con suối mà chúng tôi nghe tiếng chảy róc rách. Trước khi tôi đến, một người lính Đức trẻ đã sống ở đây sau cuộc chiến bại của lữ đoàn Africa-Korps; anh lấy những cuốn sổ nhỏ viết nhật ký trong sa mạc và cất giấu dưới những phiến đá. Sử dụng bút chì đỏ ông già kẻ những bãi bờ trong lúc tôi thiếp ngủ trên chiếc đi-văng nơi phòng khách, trong một đêm Algérie.


CHƯƠNG HAI

Mỗi buổi sáng, lúc mặt trời mọc, từ cái sân thượng của tôi, tôi nhìn bầu trời, những vách đá bị soi ngược và sa mạc chín vàng, những tán cọ xanh cao ngất oằn trĩu những cánh chim mà tôi nghe những tiếng gọi đàn ríu rít. Tôi cột quai dép vào chân; tôi bước xuống sân: như vậy, như vậy mỗi ngày.

Sau khi nhìn cái nhựt khuê để xem giờ, chúng tôi bắt thang trèo lên chiếc đồng hồ treo tường bên trên lò sưởi. Trên nấc thang chót — cha tôi giữ nấc thang đầu — tôi vặn chìa khoá lên giây thiều, cẩn thận tránh xê dịch miếng giẻ nhét vào cỗ máy để chận tiếng chuông reo “phá huỷ sự yên tĩnh của sa mạc “.

Tôi ra suối tắm. Mặt trời làm bốc hơi những giọt nước đọng trên mép vai trần của tôi. Gió đã lặng từ ba hôm nay và thời tiết đang vào xuân. Trong khí trời xanh và ấm, an lành, lũ chim bồ câu đang lượn bay từng vòng.

Chúng tôi cân một kí lúa mạch, ông già lệnh cho tôi phải đổ đầy thức ăn vào các máng trong chuồng chim mà tôi chui vào qua khung cửa thấp. Ổng rút trong túi ra một mảnh giấy, đút qua mắt lưới sắt trao cho tôi:

"Mầy nghĩ sao nếu tao chỉ thả mày ra khi mày đã đáp được câu đối này."

Tôi đọc:

Vế ra:

       CHIÊN CÓC CÓC CA CHIÊN CÁ CÁ CƯỜI

       CHỌC CHUỘT CHUỘT CHÀO CHỌC CHÓ CHÓ CHỬI

Khi chúng tôi trở vô nhà.

"Tao chưa thể khen tài làm thi phú của mày được đâu."

Đây là vế đối:

       HUN HIỆP HIỆP HÁT HUN HƯNG HƯNG HÒ

       HỎI HIỀN HIỀN HÁY HỎI HIỂN HIỂN HÙ[5]

Trên trang sau ông già ghi:

       i bánh mì

       ơ hũ mỡ

"Chuyện nội trợ. Thằng đầy tớ của tao mới học đánh vần, chưa biết đọc. Phải dùng mẹo vặt như vậy mới xong, đi chợ nó hay quên lắm."

Tôi lội xuống ao. Nước cao tới đùi dưới những cành sung thấp, tôi cọ qua cọ lại màng tang êm ái của mình vào bờ đất sét. Trên một mái nhà tôi phơi bày thân thể trong ánh nắng, nằm trên một tấm thảm cho khỏi bị lớp bụi trắng dính vào mình — một lớp bụi vôi màu trắng đục như tuyết. Đôi vai tròn và rộng của tôi nhễ nhại mồ hôi, mặt trời nơi thượng tầng khí quyển thiêu đốt cái thân hình đen nâu nồng mùi của tôi; đôi môi mọng và ấm nới rộng khuôn mặt tôi; tôi khám phá những chiếc răng trắng tinh của mình. Để bày tỏ lòng hâm mộ, ông đại tá hí hửng vỗ vỗ vào cái ống quần rộng thùng thình của ổng: tao muốn chụp hình mày nằm như vậy.

Ổng chỉ cho tôi xem một đàn chim găng-ga bay ngang qua bầu trời. Đó là loài chim cu của vùng Sahara [Xahara] này, chúng có một dân số hơn năm trăm con, sống trong sa mạc, ở phía bên kia những mũi đá. Mỗi ngày một bận, sau khi đã bay lượn lòng vòng trên vòm trời cao tít, chúng đáp xuống những chỗ cạn của các đầm lầy để uống nước trong vài giây, chân lún dưới bùn, rồi bay lên không trung trong những tiếng kêu lanh lảnh.

"Nếu mày thấy một cuốn sách hấp dẫn trong tủ sách của tao…"

Tôi chọn quyển Odyssée trong bản dịch của Victor Bérard.

"Tao không có đặt mua quyển truyện này, nó là quà của một thằng chủ tiệm sách ở Algérie, cứ mỗi tam cá nguyệt là nó gởi cho tao một thùng sách khảo cứu khoa học và nó đã có nhã ý kèm thêm vài cuốn khác mà tao không mấy ưa, nhưng nhờ vậy mà tủ sách của tao đã được thêm dồi dào. Tao biếu mày cuốn Odyssée."

Tôi mở sách ra trên một ghế băng. Trọn buổi sáng, chúng tôi loay hoay soạn thảo lời đề tặng. Mến tặng em Abdallah thì dễ quá; chúng tôi đồng ý nó phải là “bài thơ của biển cả đọc trong sa mạc”, rằng trạng từ “vô vàn” thường được Homère sử dụng để chỉ những lượn sóng biển, cũng có thể áp dụng cho những đụn cát sa mạc mà chúng tôi có thể nhìn thấy ở cách đây mấy cây số, từ các lùm cây của chúng tôi. Lúc đồng hồ điểm mười một tiếng ông già đã thấy khoái cái câu: Bài thơ của biển cả này, ta đọc trong sa mạc hoang sơ, bên bờ những đụn cát vô vàn.

Cái sa mạc yên tĩnh này.

Ánh sáng chói chang. Bể nước có những hình khảm ngũ sắc bằng miểng gạch men màu — đã cạn khô; các chú rắn mối nhảy vô đó nằm mơ mộng.

"Bớt lăng xăng đi, lại đây với tao."

Hoa diên vỹ và đàn cò trong bãi sậy.

Chim chóc.

Đàn cá nhỏ.

"Nắng to quá để ta có thể ngồi lại trong vườn."

Một lối đi dài ở giữa và đằng trước trang trại bên ngoài cánh cổng nơi tôi đang đứng chờ người mang lương thực về; tên Da Đen, vào khoảng giờ ngọ, sẽ từ khu trù mật trở về với cái thúng trên đầu.

Các bộ sưu tầm để ở trong các gian trại: Trại Săn Thú, Trại Nhân Chủng Học, Trại Kỷ Vật Riêng, và cuối cùng là Trại Tiền Sử chiếm vị trí của một chuồng ngựa cũ, tất cả tạo thành một viện bảo tàng nho nhỏ trong sa mạc Sahara. Những bộ sừng nai gắn vào mặt bàn xi măng; một tủ kính đựng một cái nón cối thời thuộc địa; ở chỗ khác là một cái yên xe bằng da lạc đà có ghi hàng chữ: “Yên xe này thuộc về tôi từ năm 1923 đến năm 1927″; những tấm ảnh — trắng xát, máy ảnh có thâu ghi được gì không nhỉ — chụp hình trang trại lúc đang xây cất; tất cả được liên hệ bằng mũi tên này: Sau thời chinh chiến là thời suy gẫm; những dụng cụ của Khoa Đo Quả Đất đã đem lại điều lợi ích là giúp cho ta hiểu được Lịch Sử của sự khám phá vùng sa mạc Sahara bởi Nước Pháp.

"Mày cứ thư thả mà xem cho nó đã."

Bọn du khách đã kéo tới. Cuộc thăm viếng tuần tự diễn ra như sau: một chiếc xe đò tới đỗ gần cổng, con chó cái sủa inh tai và chẳng có ma nào dám bước vô. Ông đại tá giam mình trong ngôi nhà. Thằng bếp trấn an con chó, hỏi trong đám du khách có ai là danh nhân không. Họ lấy danh thiếp ra đưa cho nó và nó trao lại cho ông đại tá và chờ quyết định. Nếu chẳng có ai xứng đáng cho ngài đại tá giáp mặt, tên Da Đen trở ra dẫn họ vào trong sân, phân phát vé vô cửa, do chúng tôi vẽ, mỗi vé giá hai trăm quan — nó sẽ được ăn mười phần trăm — và xâu chìa khoá trong tay, thằng bếp bắt đầu mở các gian trại. Bên cạnh cuốn Sổ Vàng có để sẵn bút mực cho khách ký tên; một tờ giấy thấm còn in ngược lờ mờ vài nét chữ ký của Ngài Đại Tướng. Từ ngôi nhà của ông đại tá, nép sau các tấm rèm và qua các khung cửa sổ nhỏ, ổng quan sát bọn du khách; ổng sẽ mở cuốn Sổ Vàng ra đọc lời bình phẩm.

Trong sự mát mẻ của những gian buồng:

"Tao còn nhớ câu này; từ chính cửa miệng của mày: em gái ông hiện ở bên Tây, cô ấy sẽ nghĩ sao về chuyện ông với tôi. Nó chẳng nghĩ sao nghĩ trăng gì hết ớ mày ơi, cái chuyện tao lẹo tẹo với một thằng con nít ở thuộc địa; tuy nhiên câu nói của mày có ngụ ý đe dọa tống tiền; vậy thời nếu còn muốn ở trong nhà tao, mày nên ký tên ngay vào tờ giấy này, có ghi tất cả là mười bảy chữ mà mày phải lặp lại theo tao: Tôi thề danh dự rằng tôi đã được đối xử như con trong nhà vị Sĩ Quan. Mày đến quỳ gối ở cuối dãy hành lang. Tôi từ từ tiến tới chỗ đó, quỳ xuống, lặp lại theo lời ổng rồi ký tên vào tờ giấy.

Ông già khép cửa lại. Nơi xa, bầy dê của chúng tôi đang lang thang trên cánh đồng cỏ thưa có nhiều nét Soudan hơn Sahara. Tôi có trách nhiệm đừng để cho chúng nó tới phá phách một vài thửa ruộng thử nghiệm, bởi ông già đã nảy ý muốn trồng trọt lúa mì. Tôi ngước nhìn cánh đồng; trong túi áo túi quần tôi có những viên sỏi để bắn ná; tôi không buồn chán; tôi đọc sách, tôi ngắm nhìn lũ chim, tôi hát cho tôi nghe; tôi nhảy múa; và tôi nghiêm chỉnh hơn cái thằng già đó.

Bờ của một cái ao do lượng nước dồi dào tạo thành, vũng nước hồng bị cát vàng vây quanh. Tôi thích cái chỗ này. Đó đây vài công lúa mì, những đường mòn ở trên mực nước của đầm lầy, những con kinh tháo nước khiến toàn cảnh trông như một bàn cờ ô vuông, như một nông trại thử nghiệm ven các thửa vườn dừa bên trên có các mái nhà của chúng tôi, những mái nhà lốm đốm những vỏ chai xanh bị nắng làm cho đen đúa. Một cơn gió nhẹ; những vết chân chim trên cát.

Trong một góc, trên cánh đồng khô giữa cỏ úa, một kim tự tháp bằng xi măng do ông già xây.

"Ngôi mộ của tao," ổng nói, nghiêng mình thật lâu, tay vuốt chòm râu cằm xám và ngắn.

Nhưng ông già chỉ xây ảo mộng. Sự im lặng của miếng vườn thử nghiệm. Cánh đồng hoang vu, yên lặng, trắng xoá. Không khí, cây cối, cái lăng tẩm nhỏ bằng xi măng. Từng bước từng bước nhẹ nhàng dọc theo những bờ kinh tôi len lỏi vào mê đạo của nước. Mặt trời đâm đốt tôi. Các miểng chai gắn vào những mũi tên đất của các gian trại loan báo giờ khắc: sắp đúng ngọ.

Gần hơn, chỉ cần thoáng nghe tiếng bước chân, tôi cũng biết rõ hắn đang làm gì. Hắn băng qua sân, đóng kỹ cánh cửa gỗ, rồi lại đấm vào xem nó đã khép chặt chưa. Tôi nghe giọng nói khô và khàn của hắn quát tên đầy tớ. Rồi hắn lấy súng bắn các vỏ chai trong một góc sân để thực tập. Bầu trời trắng xoá, nóng bỏng.

Bị choá mắt lúc đúng ngọ, tôi trở về căn buồng tối tăm của hắn. Một cái chậu sứ để rửa mặt toả sáng dịu dàng cạnh bên cái tủ búp-phê của nước Pháp. Khi mắt đã quen với bóng tối tôi tựa người vào chiếc giường. Tuần trước, Robinson Crusoé để trên bàn ngủ của ông già: vì tôi hỏi: Chỉ tại tao thích cái điểm này; nó đóng những cái cọc để mỗi ngày nó lấy dao khắc vào đó; mỗi tuần lễ, mỗi tháng trôi qua đã được nó ghi khắc trên gỗ, vì nó không muốn lãng quên Thời Gian.

Sau giấc ngủ trưa, cha tôi ngồi dậy trần truồng như nhộng, trong một cái bọc gỗ có nắp khép mở bằng những bản lề đồng mà cha đã lấy đinh nhỏ đóng vào, cha lấy ra một cặp kiếng không gọng, kẹp nó vào sống mũi, đội chiếc nón cối, gõ ngón tay vào mặt kính phong vũ biểu cho kim chỉ đúng vào nấc thay đổi; mặc đồ, gài thắt lưng xong, bảo tôi ngắm nghía thử, rồi nói:

"Chiều tà trên sa mạc đẹp quá, chúng ta đi dạo mát đi."

"Con thương ba," tôi nói với ông già, trước những cồn cát bị ánh hoàng hôn nhuộm thắm.

"Chắc con đã để ý thấy ba không còn tới lui khu trù mật nữa, biết ba đã muốn xa lánh cõi đời."

Khi chúng tôi đã tiến thêm vài bước:

"Mấy thằng nhỏ về đây sống với ba đã làm cho ba thất vọng; chúng nó hay đi vô làng mua thuốc lá, kể chuyện nọ này với thiên hạ, lại còn toa rập với thằng bếp để gian lận bòn rút của cải của ba. Con thì khác hẳn. Hai lỗ mũi của con tròn vo và êm ái như lỗ mũi của loài thú vật; khi hôn lên môi con, ba nghĩ tới khoái lạc của một loài thú hiền lành, tính tình luôn luôn thay đổi, buồn, vui, nóng, nguội lẫn lộn."

Chúng tôi ăn cơm tối trước hiên nhà, trong ánh đèn dầu, trên cái bàn mang ra sân để dưới gốc cây. Trời đã bắt đầu oi ả nên ông già sẽ ngủ trên một mái nhà trong chiếc giường sắt. Ông già đã cởi đồ nằm ngủ trần truồng khi bắt đầu có những cơn nóng nực, bên cạnh những tán cọ, nơi hướng có những mũi đá hồng. Các mái nhà trắng của chúng tôi hiện lên rõ rệt dưới ánh trăng, tôi trèo lên mái nhà nằm ngủ bất cứ chỗ nào, thường thường là ở trên một tầng tháp, hướng đông, dưới bóng một lỗ châu mai trên đỉnh tường, bầu trời bao la, trong vắt, hay có vài cụm mây trắng bay lướt qua trên đầu tôi; và tất cả, tất cả những thiên thể của đêm.


CHƯƠNG BA

Một đêm oi ả, tôi rời nông trại ra bờ suối. Cởi tấm vải quấn che mông đùi, tôi lội xuống nước. Một tiếng đằng hắng khiến tôi khựng lại. Lau sậy động đậy. Trong dòng nước ấm, ông già đang lặn hụp như một con thú. Các nếp mỡ trên cơ thể trần truồng vỗ đập vào hai đầu gối, trong lúc ông già đang uốn mình cho nước suối thoa bóp các bắp thịt bụng. Nước dán các sợi lông lưa thưa trên đầu ổng vào sọ. Ổng ưỡn cái bụng trắng xác dưới ánh trăng lên cho tôi xem:

"Tao đây mà, tao đang tắm suối. Lại đây, lại gần tao đi."

Mặc dù đã quen nhìn thấy ổng, tôi cũng phải bỏ chạy, mùi cỏ ướt của đầm lầy đập vào môi tôi sưng vù vì đã khóc.

Ông già đốt đèn.

"Tao muốn đo mày."

Ổng kiểm soát hai chân không của tôi, nhìn coi chúng có đụng đất hay không, rồi ổng mới ghi chiều cao của tôi trên một cây cột quét nước sơn.

Khi ông già đã thiếp ngủ, trôi nhảy chuyền qua các mái nhà xuống đất, ngoài vòng tường tôi men theo một cánh đồng huệ, sự êm ả của những bụi cây sắp sửa chan hoà ánh trăng. Tôi tựa đầu vào một thân cây nghỉ mệt. Tôi lắng nghe tiếng chim hót trong đêm vào giờ này. Một con chó đực lông trắng mõm nhọn đi rảo, nó đang si tình con chó cái trong nhà; chúng tôi chạm mặt nhau ở các ngả tư của những con đường mòn. Khi cát đã êm ái dưới bước chân thì tôi cũng vừa nghe buồn ngủ.

"Làm tình mà không yêu nhau thì còn gì buồn bã cho bằng nhưng mà ba thì biết con thương ba."

"Con thương ba lắm," tôi thỏ thẻ bên mép nệm dưới vòm trời đầy sao. "Ba còn nhớ cái đêm bên bờ suối… Con đã cho ba biết rằng con mồ côi cả cha lẫn mẹ; con ôm ba hôn và khóc nức nở vì con đã tìm được một người cha mới."

"Ba sẽ nhớ mãi suốt đời."

"Ba nhìn kìa, cái đầm lầy cỏ sậy mọc ngút đầu, đầy những chú ếch xanh dưới ánh trăng."

"Ba sẽ để nó lại cho con, cái chỗ đó, cái chỗ mà con đã thú nhận tình yêu của con đối với ba."

"Vậy thì ba và con xuống nhà làm tờ di chúc đi."

Trong căn buồng, tôi đặt ngọn đèn trên chiếc khăn vải láng trải bàn, ông già khơi tim đèn măng-sông và ngọn lửa. Khi ánh đèn đã sáng sủa hơn, ổng xé một trang tập vở ra làm tờ chúc thư. Những chữ mà óc tôi đã soạn thảo, mắt tôi đang thấy chúng hiện ra dưới bàn tay ông già. Tôi tựa người sát vào mình ổng để bộc lộ niềm xúc cảm dạt dào cho tới khi ổng ký tên xong. Tôi chộp tờ giấy, tờ hợp đồng mua bán, phe phảy cho mực chóng khô trong cơn gió nóng.

Trong một cái chái chứa đồ phế thải tựa vào các gian trại, tôi tìm chiếc va li đã xiêu vẹo vì những chuyến đi hoang. Tôi quỳ xuống kiểm điểm lại các ổ khoá, cất giấu vào bên trong trang giấy của cuốn vở học trò mà tôi đã phải trả với biết bao nhiêu đau khổ.

Chúng tôi trở lên mái nhà.

"Ba đã nghĩ đến tương lai của con. Con ráng lo học hành để mai sau kiếm được một chỗ dung thân."

Nhưng tôi đâu còn chỗ nào khác để sống, ngoại trừ ký ức của con người.

Ông già đốt một cây nến, nó soi sáng cả một phía các gian trại, và ổng ngồi ỉa — một cái chuồng bồ câu có khoét một cái lỗ và có các nấc thang để bước lên. Mỗi thứ hai, ổng cắt các mảnh giấy vuông; xâu giấy sắp hết vì đó là đêm thứ sáu. Các chuồng chim trong gian trại bên cạnh; âm thanh các cục cứt người rớt vào thùng khiến lũ chim cu hoảng sợ; chúng kêu chíp chíp. Rồi ổng bước những bước dài băng qua chiếc sân lộ thiên trắng xoá dưới bầu trời quang đãng và những lớp muối; ổng trở về giam mình trong căn buồng. Gần bên cánh cổng, người tình của con chó cái rứt ra và chạy lẫn vào trong khu vườn.

 

Trên mái nhà của chúng tôi — bóng tối của cánh đồng bao vây —, đứng cạnh giường, tôi nhìn người đàn ông khoả thân đang yên giấc dưới các tấm ra trắng trong sự tĩnh mịch của đêm khuya.

Với chiếc ống dòm của pháo binh chúng tôi quan sát sao Hoả. Đôi mắt xanh của tôi di động. Qua mắt kính tôi nhìn thấy Hoả Tinh đang lóng lánh.

"Lại đây, lại đây nằm trên giường với ba."

Nhưng tôi trở về trên mái nhà của tôi, nằm xuống cái chỗ tôi vẫn nằm dưới bầu trời đen và trắng.

"Mày có lại đây hay không?"

Từ trên giường ông già réo gọi vì chúng tôi ở cách nhau tới mười mét hay mười lăm mét. Rồi, vừa khoác tấm áo choàng vàng lên người vừa xỏ dép vào chân:

"Xuống nhà với tao, tụi mình sẽ ăn nhậu."

Tôi vui sướng vì lời đề nghị trước lúc rạng đông, vì bữa ăn khuya bất ngờ đó. Khi chúng tôi đã đặt dĩa nĩa trên bàn, ông già có vẻ như đang mơ mộng:

"Đút cho tao đi."

Thấy tôi còn chưa hiểu, ông già lấy tay chỉ chỏ vào cái chỗ đó.

"Sao mày lại khóc," ổng hỏi.

Chúng tôi rửa tấm hình chụp hồi sáng. Dưới ánh đèn tôi nhận ra khuôn mặt tôi.

"Mày rất đẹp trai," ông già nói; rồi ổng kéo tôi lên mái nhà của ổng. Tựa như các miểng chai gắn vào các mũi tên trên các gian trại toả sáng long lanh, các lời hứa hẹn của lão già cũng lóng lánh.

 

Trên giường, ôm siết tôi: "Con không hạnh phúc với ba à. Mỗi ngày con được chăn dê, con được chơi giỡn, được nhìn máy bay bay qua bay lại."

Cơn lạnh đánh thức tôi, mây giăng khắp trời. Các đám mây rất rõ. Cơn mưa trút xuống bất ngờ xua chúng tôi ra khỏi giường.

 

Tên Da Đen ngồi xếp bằng trước cái máy hát. "Tởm lắm nhưng vẫn cần" toả ra từ ống loa. Những bản java của khoảng hai mươi năm trước và toàn bộ những bài hát của Montparnasse trong căn bếp của chúng tôi. Ai đã mang dĩa hát đến. Chúng tôi ra đồng cỏ, đặt máy hát trên mặt đất đỏ nứt nẻ vì những cơn nắng lửa; và tôi nhảy múa. Ông đại tá chỉ cho chúng tôi mượn một dĩa hát thôi. Để bớt nhàm chán, chúng tôi thay đổi tốc độ của máy. Bản "Con Dơi", do giàn nhạc Baltimore-Promenade chơi. Bàn tay tôi nhẹ nhàng nắm lấy một cành của một cây khuynh diệp to lớn, chân tôi rời mặt đất; chuyền từ cành này sang cành kia dưới tán lá, ở nơi giao thoa của các cành xám và xinh tôi chọn những cành dang ra hướng mặt trăng.

Trong một chuồng cu, một quả trứng đã rơi gần tấm lưới nên tôi có thể dùng một cọng rơm khều lấy. Không gây tiếng động, tôi trèo những bậc thang dẫn lên các sân thượng. Tôi để cái trứng dưới các tấm ra, vào chỗ ấm áp nhất của cơ thể; tôi nhìn người đàn ông đang nằm im trong giấc ngủ. Tôi ứa nước mắt, những giọt nước mắt chảy dài hai bên má, những tiếng nấc nghẹn trong cuống họng. Tôi men tới căn chòi của thằng bếp. Tôi khóc và nó liếm nước mắt tôi. Nó âu yếm quàng tay vào cổ tôi. Nó vuốt mái tóc tôi. Lệ tôi rơi ướt đôi vai rộng của nó.

"Tôi căm thù thằng cha đó quá," tôi nói.

"Đừng mà em, ổng thương em lắm mà, em cứ làm theo ý em như vậy là bậy bạ lắm đó nha."

 

Nó ép buộc tôi phải yêu mến các bộ sưu tầm của nó, phải tôn sùng nó như tôn sùng một thượng đế, và nó không yên bụng chỉ vì cái sở thích dị hợm của mình. Trước cửa Trại Kỷ Vật, nó có gắn một tấm biển để lưu ý khách tới thăm: Bên trong có nhiều cảnh tượng chướng mắt, nếu thấy ngại thì đừng vào. Nếu khách cứ bước vô đại, họ sẽ thấy mấy con khỉ đang giao cấu, bằng đất nung, mà nó đã bắt tôi nặn.

Từ bữa ăn chiều, ánh đèn di chuyển từ buồng này qua buồng kia. Tôi biết rõ duyên do của sự chuyển động đó. Ánh đèn rốt cuộc dừng lại trong căn buồng lớn nơi ông già đang ngồi nắn nót vẽ một bức tranh. Tôi nói tôi biết vẽ phong cảnh. Ngồi vào chỗ của ổng, tôi vẽ dùm ổng.

"Không thể tưởng tượng nổi, ông già phải khẳng định, vẽ thêm một bức nữa đi."

Tôi chiều ý ổng; thấy tôi muốn đi ngủ, "một bức nữa thôi," ông già hạ lệnh, và, ngó thấy cái bản mặt bí xị của tôi:

"Khi đã yêu thì ta có thể làm được tất cả mà."

Đầu óc hắn luôn luôn có sẵn một trò bỉ ổi. Tôi lảo đảo và phải vịn vào mép bàn để khỏi té lăn cù xuống cái nền đất nện của phòng ăn. Tôi hú liên tu như một con chó sắp chết. Tôi nhắm nghiền mắt lại. Tôi cảm giác bàn tay của hắn trên khuôn mặt tôi, cặp môi của hắn lạnh ngắt. Mắt vẫn khép kín, tôi chìm xuống đêm, rồi nôn mửa dưới gậm bàn.

 

Tôi được mời đi dự một đám cưới trong vườn cọ của khu trù mật, khá xa chỗ chúng tôi ở. Tôi đi theo các đoàn người dưới ánh đuốc, và tôi nhìn thấy khuôn mặt của người làm thuê cho cha tôi trong đám đông, anh ta bảo tôi nên đề phòng; thiên hạ sẽ không nương tay vì tôi là một sự ô nhục. Nhiều kẻ sẽ sẵn sàng tuyên bố rằng cái chết là hình phạt hợp lý nhất dành cho tôi, một thằng đồi bại; tụi Tây sẽ không nhọc công tìm xác tôi; tôi đã bị phê phán ngay từ buổi đầu, không một chút xót thương.

Tôi bước vô căn vườn của chú rể; tức khắc một hòn đá vút tới trúng cùi chỏ, không biết do ai ném. Một viên đá khác chọi trúng mặt tôi. Bên cạnh những đống lửa để cho lũ trẻ con trông coi, tôi gặp lại người giúp việc nhà của ông đại tá, anh ta quay trở lại vì lo ngại cho tôi.

"Sao anh làm vậy?"

"Muốn bảo vệ em mà," anh nói.

Tôi xua anh đi và xích gần ánh lửa. Khi các món đầu tiên được mang lên cho thực khách, chàng rể kéo tôi lên một mái nhà ngồi ăn riêng với lũ trẻ và bọn tôi tớ. Người ta lại cho tôi biết về mối hiểm nguy đang chờ. Bỗng nhiên, tôi muốn giáp mặt cái chết, và, mùi tử khí, tôi muốn mang nó nóng hổi về nhà đặt lên môi cha tôi. Tôi rời khu vườn qua ngả cửa hông thấp ít người biết; vài tên đàn ông rời đám đông, và cuộc đuổi theo khởi sự ngay trong các ngõ ngách nóng hực len lỏi qua các vườn cọ, những bước chân rượt đuổi nhau không gây một tiếng động nhỏ trên cát.

Trở về cái bordj, một bên vai bị lưỡi dao rạch đứt còn tươm máu, nhưng may mắn đã thoát chết, tim đập thình thịch, tôi thấy hắn nằm trên chiếc ghế dài chờ tôi về. Khi cặp môi đẫm mùi tử khí của tôi chạm vào môi cha tôi, cha tôi rên. Một tiếng thở khò khè. Rồi cha cầm chùm chìa khoá băng qua sân.

Hắn không biết mắc cái chứng gì mà réo tôi đến bên giường.

Hắn gọi tôi từ chiếc giường sắt lớn.

"Con đã muốn thức khuya để canh cho ba ngủ phải hông?"

Miệng tôi hé mở để đối đáp:

"Con muốn ngồi gần ba."

 

Trong bóng đêm, tôi gào thét không thôi mối hận thù. Tôi trèo lên những tảng đá gần bầu trời. Tôi nhảy vọt qua những khe đá. Ở trên cao, các mũi đá tạo những dãy buồng lộ thiên chằng chịt nơi tôi ngồi khóc, cây súng gác ngang đằng sau gáy, trong bộ đồ tơi tả tôi buộc thắt vào người bằng những sợi da. Mắt tôi, cây súng của tôi lóng lánh dưới ánh trăng, băng đạn trên đôi vai trần. Tôi nằm nghỉ trong các căn buồng trong vách đá của tôi, tôi ngụ trong những hang đá; tôi lấy phấn kẻ lên vách những dấu hiệu lờ mờ. Trên cái chỗ cao đó dường như có những con hẻm, những chiếc giường trong đá: Ôi mảnh linh hồn tôi bất tuyệt dưới vòm trời đen và toà lâu đài tuyệt mỹ của các vì sao. Tôi ngồi đó khóc, cây súng trong tay. Rồi, hãi sợ bỗng đến; tôi nghe đau nhói, trong nỗi cô đơn ở một nơi quá xa ngôi nhà của cha tôi.

 

Tôi hay trở lại ngồi trong những căn buồng của các mũi đá. Tôi học tiếng Pháp từng chữ một, tập viết lần đầu tiên. Tôi hay cảm thấy cô đơn như vậy trong những đêm nóng và xanh, ở phía trên cánh đồng cỏ, ở phía trên các vườn cọ, ngồi trên những vách đá hồng. Lũ sói tru. Tôi mang theo vở và mực; hai cánh tay trần, chống trên đá, một cây đèn cầy ngọn lửa rung rinh trong cơn gió đêm thoảng nhẹ gần bên tôi, lần đầu tiên tôi được nghe tiếng nói thầm thì của mình; khi làm như vậy tôi hoàn toàn được tự do, khi tôi đặt bút viết dưới vòm trời đầy sao, trên những phiến đá của tôi, trong cái sa mạc của Thượng Đế của tôi. Những cụm mây nhỏ, từng đàn, tách rời những đám mây trắng lớn và tiến về hướng mặt trăng.

 

Trong sự im lặng trước buổi rạng đông hắn cất tiếng gọi tôi từ chiếc giường sắt. Tôi giả vờ ngủ để khỏi phải tới chỗ hắn. Nhưng hắn vẫn tiếp tục gọi. Trong ánh sáng lờ mờ hắn nhìn mặt tôi, mắt tôi. Hắn có nghĩ rằng tôi có thể hồi tưởng lại không nhỉ. Tôi cũng nhìn hắn dưới bầu trời đầy sao. Ông già trong những cơn co giật kêu rú như sắp chết tới nơi và tiếng rên la quá to vang dội trong sa mạc.

"Tao không nén được, chắc ở nơi xa người ta cũng nghe thấy."

Sau cái phút đó, trong đêm khuya tôi đã bảo hắn:

"Sao ông không để cho tôi được yên thân?"

 

Khi có những tiếng chim đầu tiên hót trong đêm tối, tôi gõ vào một cái nồi đồng và nó phát ra một âm thanh trong trẻo; ban đầu thì rất khẽ, chỉ để cho tôi nghe được thôi, những cú thật nhẹ và thật ngắn, rồi trầm ấm hơn sau những khoảng im lặng; khi tới gần khu vườn, tôi ngưng gõ, rồi lại gõ thêm khi đã đi xa hơn. Các vách tường ném trả lại âm thanh đó; tôi chỉ là một thanh âm, dịu dàng, xúc cảm, có thể trở thành nguy hiểm cho chính tôi và cho chúng nó.

Chúng nó bật cặp đèn pha của chiếc xe hơi. Thằng Đen trói tay tôi, xô tôi xuống cát. Thằng Tây lấy chân đá.

"Tao đã có cớ để thù ghét mày rồi đó," nó nói.

 

Chúng nó không biết phải xử trí thế nào đối với tôi. Nhắm mắt lại, tôi nghe rõ tiếng nói của chúng nó, tiếng nói của cha tôi, khàn khàn trong đêm tối. Chúng nó kềm chắc tôi xuống ghế băng; một cảnh tượng quái đản nếu có một kẻ nào đó đứng nhìn lén trên đồng cỏ. Tôi mở mắt, trong ánh sáng choá loà của cặp đèn pha. Trong tiếng chó sủa, lũ chó bu lại bị cha tôi lấy chân gạt ra, chúng nó nhặt một cây đèn. Tôi vẫn còn run rẩy chút đỉnh, trong lúc chúng mở cánh cổng, và tôi để mặc cho chúng muốn làm gì thì làm, và chúng ném tôi vào một góc sân, trên nền đất cứng nứt nẻ vì cái nóng.

 

Trên mái một chuồng ngựa, trên lớp vôi trắng, tôi vẽ một bàn cờ; tôi đánh cờ bằng các viên sỏi. Tôi muốn viết lại những điều tôi trông thấy. Bút chì trên tay, sau tiếng rên tôi đã giật lấy của tên đàn ông đó, những chiếc trống của châu Phi khua nhẹ trên những ngọn đồi đen, còn trật tự nào dành cho tôi không nhỉ khi tôi đã phó thác đời mình cho những rủi may của đêm tối.


CHƯƠNG BỐN

Trên chiếc giường đó trên một mái nhà, ban đêm, tôi ngó thấy tấm nệm trắng trên những lò xo, và tên đàn ông đó nằm trên mình tôi. Sự đau đớn tột cùng và cái sức nặng đàn ông nghiền nát vĩnh viễn cái khuôn mặt bị nắng sa mạc thiêu đốt của tôi, chỉ có đôi mắt biếc mở thao láo là còn linh động. Chẳng mấy chốc hắn sẽ có được cái tiếng kêu, nửa như rên, nửa như rú vì sung sướng, trong sự im lặng của cánh đồng hoang vắng, chỉ có những căn chòi giáo dân, ở cách xa hai cây số, là có thể nghe thấy, và cái đỉnh tột cùng và ngân nga của tiếng rên la như thể trong cơn khoái cảm ông già muốn phân tích niềm hoan lạc.

Khi hắn chơi xong, trên các kho dụng cụ không mái, tựa những tia mật ong trong bóng đêm, có ai thèm viết như tôi trong lúc đó không nhỉ; và, khi tôi đã nhảy vô ngồi trong các hố đựng cuốc xẻng dụng cụ thể thao đó, và lôi các cuốn sổ nhỏ trong tường ra, bàn tay tôi dò dẫm trên nền đất sét nứt nẻ, thầm đoán nỗi hoang mang của cuộc đời tôi trong bóng tối.

Hắn có chụp ảnh tôi; tôi đến từ những đêm tối chỉ để riêng cho hắn; trước mặt hắn tôi đã hiện hình. Tôi đã giã biệt những lang thang muôn đời trên những ngọn đồi đá cũng chỉ vì hắn, và, đêm nay, tôi đứng cạnh giường hắn và hắn đã tức giận chỉ vì điều đó. Hắn tức bực một cách quá ngu xuẩn vì những hành vi của tôi, hắn khoe cấp bậc và tuổi đời, mà tôi đem nện lên bầu trời đen tối, nơi ngưỡng cửa của mười thế kỷ đấu tranh, mai phục và dối lừa.

 

Tả tơi trên chiếc giường kê ngoài trời, gió đêm thổi mát khuôn mặt tôi. Tôi đâu có liên hệ với hắn, tôi thầm nghĩ, trong khi hắn hì hục trên mình tôi, các móng tay tôi bấu vào tấm nệm vì đau đớn; tên đàn ông đó đang cưỡng bức tôi viết lại điều gì — những con chữ đầu tiên của tôi có phải là những vết móng cào vào tấm ra trắng; hắn đã mua vui và chẳng ngờ cũng đã dạy cho tôi viết một văn bản trực diện bầu trời đen. Nếu tôi đã chấp thuận vẽ theo ý hắn — hắn sẽ vui mừng xiết bao — thì tôi đã không bị xử tệ như thế, và hắn sẽ đem các bức hoạ màu nước của tôi ra treo trong cái nhà bảo tàng của hắn, vì tôi có hoa tay; nhưng còn cái chuyện vẽ vời theo ý hắn: tôi biết sử dụng màu sắc nào để chống đối hắn, ngoài cái bút pháp xuất phát từ tấm linh hồn tôi bất tuyệt và sự tự do của tôi thôi.

Tay tôi chạm vào đầu hắn; hắn bắt đầu thở hổn hển, cặp môi run và lạnh của hắn cố moi tìm đầu lưỡi tôi, nhưng tôi dấu nó thật sâu trong cuống họng. Môi tôi chỉ hôn những hòn đá; khuôn mặt tôi chỉ hiện ra trên tấm ảnh hắn chụp; nhưng hắn xé bỏ rồi.

Chống khuỷu tay trên mép nệm, hắn cũng nhìn tôi; trong ánh mắt hắn tôi chỉ thấy thấp thoáng hình dáng tôi vươn ra ngoài bóng tối của cuộc đời để run rẩy trong niềm vui được biết mình vẫn còn sống, bởi vì nếu muốn, tôi chỉ cần phóng tới một bước là tôi sẽ biến mất vĩnh viễn, hoặc là tôi sẽ còn sống mãi trong ký ức của con người.

Tiếng nói của tôi chỉ còn là một tiếng rên rỉ ngắn và cứng; a, não óc quá khiêm nhường của tôi; và có ai không chứ, có ai để mà đọc các quyển sách tôi viết ra. Nếu hắn biết được chuyện viết lách thì tôi sẽ bị tra tấn đến chết. Thỉnh thoảng, như một cú trả thù kín đáo, nghệ thuật đã chuyền tay nhau; đôi tay run rẩy của tôi sẽ làm được gì trước những vì sao đêm; đúng, tôi đã sinh ra từ dục tình của tên đàn ông đó, nhưng, ở một nơi xa hơn các bức hoạ màu nước đáng phỉ nhổ hắn đã muốn ép buộc tôi vẽ ra, trên cái khốn cùng đó của tôi đã có một chiến thắng nào bay lượn; trên các mái nhà của tên đàn ông đó tôi đã nhặt được một văn phong nào, những câu cú bị vùi dập không phải vì đã cận kề với cái chết, mà bởi nổi thống khổ bất thuyên giảm; từng trang và từng trang như cái thân thể nóng bỏng của tôi, mệt nhoài, trên cái ánh sáng màu vàng óng ả như kim nhũ của đêm.

Dưới ánh trăng, tôi đã khởi sự bằng cách lấy phấn viết lên những phiến đá gần bầu trời. Chúng tôi, những đứa con của sa mạc này, chúng tôi căm thù các ông; các ông đã mua vui trên mình mẩy chúng tôi, cũng có khi muốn bắt gặp gương mặt của Thượng Đế trong ánh mắt của chúng tôi, chúng tôi như một đàn thú lang thang; các ông sẽ có được các thứ đó trong vòng tay của chúng tôi, và cái chết nữa. Nằm ngửa mặt trên giường tôi khóc như chưa từng được khóc, cả một bầu trời sao đêm trong mắt lệ long lanh.

 

Văn thái và sự tồn tại nào mà tôi đã bắt gặp được trên mái chuồng ngựa. Những trang sách tôi viết ra, trong bóng tối của đời tôi, chúng vẫn còn như bị lún sâu trên nền trời u ám và bị đe doạ, dù chỉ bởi cái chết của tôi thôi. Hắn đã có thể đoán biết được không, rằng tôi sẽ còn ghi nhớ mãi: đêm nay, đêm tôi bị đánh đập tơi bời. Tên đàn ông đó, với những cú gậy, đang giải thoát cho tôi, đưa tôi ra khỏi cái thế gian mà tôi đang nện cái khuôn mặt bất tử của mình vào, vì hắn vừa mới bảo:

"Một đứa bé có thể ngây thơ được không nhỉ?"

 

Các đám mây bị ánh trăng đẹp xuyên qua, càng lúc càng nhiều, từng đám và từng đám mây xám khô lũ lượt bay qua trên nền trời xanh của đêm. Tôi tận dụng sức mạnh của đôi mắt tinh nhuệ, ngắm nhìn các gian trại và các mái nhà của tên đàn ông chỉ có thể được trường tồn nhờ đôi tay tôi, các gian nhà có những chiếc mái phẳng của tên đàn ông trong những đêm hè bất tuyệt đang đắm chìm trong sự hiểu biết của tôi về hắn; đôi mắt xanh biếc và không ngớt thay đổi của tôi còn mở ra mãi mãi giữa muôn vạn ngôi sao và đồi đá. Hắn đã gặp tôi giữa muôn ngàn sự tình cờ, tôi, một kẻ có thể viết văn, tôi, như là niềm hy vọng độc nhất của hắn để được tồn tại; mà tôi thì lại quá đỗi xa xăm, quá đen tối. Các cuốn vở của tôi trên mái nhà trắng, đó là định mệnh của tôi và của gã đàn ông kia như một ván cờ dưới những đám mây bạc lang thang trên bầu trời của châu Phi.

 

Hắn biết tôi đang đi rảo dưới chân tường của căn trại và hắn không thể nén được lòng ham muốn gọi tôi đến bên chiếc giường sắt. Tên Da Đen huýt sáo một tiếng khẽ, mang ra cho tôi các thức ăn; tôi đặt những nụ hôn lên bờ vai rộng của nó, mi mắt nó có những mụn mủ xanh nho nhỏ. Nó đưa cho tôi mượn chiếc lược của nó vì tôi đã đánh mất cây lược của tôi, nó theo tôi lên tới giữa những bậc thang đất sét dẫn lên cái sân thượng nơi ông già đã chuẩn bị sẵn và đang nôn nóng chờ, trước dãy Ngân Hà đang bay lướt qua bên trên chiếc giường sắt.

Ngọn nến trên cây đèn bằng đồng đặt trong một hốc tường bị thổi tắt, tôi nghe tiếng thở hổn hển của tên đàn ông ở sát bên, hắn trở mình lăn lộn trên những chiếc lò xo kẽo kẹt. Đôi môi tôi ướt và cứng hé mở cho hắn được nếm mùi muối ngọt. Tay hắn vòng ôm thân hình tôi dưới chiếc sơ-mi xanh, đã phai màu vì đêm tối. Cái tật xấu của hắn, khi đêm về, đã trở thành cái thói quen của tôi, cho nên dù có khiếp sợ, đầu tựa vào các chấn song, tôi vẫn chuyện trò với mảnh linh hồn tôi muôn thuở. Hắn cũng tợ như kẻ cuối cùng tôi còn được nhìn thấy mặt trước khi nhắm mắt lại, đang ở phía trên tôi, hơi thở vội vàng, hổn hển, như thể hắn muốn giết tôi, che lấp cả một vạt trời. Hắn ngó vào mắt tôi có những bóng tối chập chờn; hắn tìm bờ môi tôi; vừa chạm vào, toàn thân hắn đã bị co giật, ngơ ngẩn vì cái tiềm lực bỗng thoát ra ngoài khiến hắn rú lên, tung toé ướt đẫm mình tôi. Và những giọt máu của người đàn ông đó cũng là những giọt máu của tôi, dù tôi không đám thú nhận nó là máu huyết của tôi tới mức độ nào. Sau tiếng rú, tôi áp bàn tay vào má hắn; hắn chấp nhận cử chỉ âu yếm đó; bàn tay êm và sẫm của tôi có những vết đất hồng khô bám vào các móng.

"Tôi cũng cô đơn như anh," tôi nói.

Rời vòng tay hắn, tôi trở về mái nhà của tôi. Một thoả hiệp ngấm ngầm rất tiện lợi đã tách rời hai đứa. Các cuốn sổ nhỏ của tôi, tôi lấy ra khoe với bầu trời đen: nảy sinh từ đêm tối chúng sẽ trở về với đêm tối nếu tôi qua đời.

Dù có hắn, tôi cũng tìm được một mảnh linh hồn và sự tồn tại. Giấc ngủ nào trong giờ phút này, một giấc ngủ êm đềm nhất chăng, trong sự êm ái của áo quần tôi đã rách bươm, khi mà, yên tâm vì không khí yên tĩnh, tôi thiếp ngủ trong sự yên bình của đêm, như thể tôi được chiếc sân tuyệt hảo này bảo vệ khỏi cái chết.

 

Bàn cờ tôi đã vẽ trên mái nhà: ôi cành lau đong đưa trên màu vôi trắng đã bắt mắt tôi sau khi tôi đã tìm cách trốn chạy về phía xa; cái mưu mẹo trẻ con nơi tôi đã sáng chế các tín hiệu cho sự trường tồn của tôi trong trí nhớ con người. Tôi bày trò với các hòn đá, đi xuống đi lên trên các lối mòn; hòn đá này là để cho hắn, và hòn đá kia thì giữ lại cho tôi; a, những khoảng cách của đêm, mà tôi đã sử dụng để kháng cự tên đàn ông đó, trên chiếc mái của chuồng ngựa.

 

Sa mạc gần cận và sự bất tận của bầu trời. Dưới ánh trăng tôi thấy các cuốn tập của tôi trên các viên ngói, sự êm ái và sức mạnh của những con chữ. Tấn thảm kịch nào đã được trí não tôi chấp nhận. Tôi đã nắm bắt được gì trên bàn cờ định mệnh của tôi, bàn cờ ô vuông đen trắng, vẽ bằng than đen, và đồ lại bằng phấn trắng. Cuộc chiến thắng nào đây và chiến thắng trước những ai đây. Một tấn tuồng của đêm đen làm bằng những phần mảnh ráp nối, như sự bí ẩn của một ván cờ luôn luôn phải bắt đầu lại, trong bóng đêm.

Các cuốn vở của tôi, tôi sẽ đem nhét vào các thùng thư; quăng ném chúng cho sự tình cờ may rủi; gởi chúng sang châu Á, gởi chúng qua châu Âu và cả châu Đại Dương nữa; và tôi sẽ múa ca trong những thung lũng đá.

Những tầng mây xanh và đen. Ôi, sự chiến thắng của những cuốn sách nhỏ, nó sẽ huỷ hoại cái hào quang choá loà của những tên Xâm Lược.

Tên đàn ông còn chưa hiểu nổi điều đó, chỉ được tồn tại nhờ có những cuốn sổ tay rất khiêm tốn của tôi; hắn mà lòng tự cao tự đại đã xây lăng tẩm khi còn sống, hắn sẽ nhờ vả tất cả ở một thằng bé con chỉ mới tập viết văn; một cuộc chiến đấu với thiên thần mà tôi sẽ là kẻ chiến thắng; sẽ chẳng còn lại gì cả từ con người của hắn, từ cái bảo tàng viện kia, ngoại trừ những cái mà tôi đã cứu vớt khỏi sự lãng quên muôn đời trong những cuốn sổ nho nhỏ có các tấm bìa màu của tôi: vàng, xanh, đỏ, và được âm thầm đút nhét vào các hộp thư, từ chốn sa mạc hoang vu.

Đêm, đêm bị nghịch đùa bằng sự tuỳ hứng của tâm hồn tôi; tôi liệng một nắm sỏi lên bàn cờ tôi đã đào trên một mái nhà, một cái mái nhà trên sa mạc, nơi không có gì khuấy nhiễu cuộc đối thoại giữa tôi với định mệnh, dù chỉ là mộng ước sẽ có được một người hồi âm.

 

Ngọn lửa đã tắt trên cây nến đồng, giữa những bóng tối chập chờn, đêm nay, trên mái nhà trắng của tôi, bàn tay tôi che đậy không để cho mắt tôi trông thấy cái chết trên mặt bàn cờ khiêm tốn. Các trang bản thảo nào, có tờ gần như không còn đọc được nữa, tôi đã mang ra tung gởi khắp thế giới; ai sẽ đọc những cuốn sách đã bị tinh tú ám ảnh, ai sẽ thuận nhìn bằng con mắt của tôi. Tôi đã làm gì, ở một nơi xa cách những nhà văn đồng thời; tại châu Phi nơi họ đang có một địch thủ vô danh.

Các ngôi sao bị mây che khuất; tuy nhiên tôi cũng ngước nhìn; ở một khoảng cách nào, trong đêm nay, trong lúc này, sự di chuyển của các vì sao xua đuổi cái chết xa tôi, và một nỗi niềm hân hoan nào, và một sự yên tĩnh nào sẽ đến cạnh tôi, và một tác động nào đã khởi sự ở ngoài tôi.

 

Đêm đêm gió hong khô những giọt nước mắt của tôi. Khi tỉnh giấc, do một sự ngẫu hứng tuyệt diệu nào trước khi trời sáng, đứng thẳng trên các mái nhà, trên cái mô hình kỷ hà tuyệt vời của chiếc sân, tôi chẳng biết nỗi buồn đau của tôi tự chính nó có phải là tiếng reo hò chiến thắng cuồng mê nhất đã được sáng chế dưới một bầu trời lấp lánh ánh sao. Xa nhân loại và thế giới, ôi tuổi ấu thơ nào đang xây đắp cho những dạng thể của vĩnh hằng. Tôi đã sinh ra trên mảnh đất này của sa mạc, từ những im lặng nào, và đã chào đời trong sự ưng thuận đồng tình của các vì sao. Đối với ông già ấy, có phải tôi chỉ là một giấc mơ đến từ một quá khứ rất xa xăm. Chấp nhận sự tàn nhẫn của số phận, với tôi ở nơi này và ngay bây giờ thảy đều như đang khoác một vẻ mỹ miều: sự tàn bạo của người đàn ông đó. Và của tôi nữa. Tôi, tôi giờ đây chẳng còn mơ ước một điều gì khác nữa, ngoài cái việc tựa khuỷu tay mình lên trên bến bờ của giấc ngủ mê, bên cạnh cái chết, hơn cả sự đối thoại với mảnh linh hồn bé nhỏ của tôi, hơn cả việc đặt bút viết dưới những ngôi sao cuối cùng, trực diện Đấng Tối Cao, Thượng Đế và Quan Toà duy nhất của tôi.

HẾT




[1] Nhà văn Alain Blottière có chụp được một bức hình ngôi mộ của Augiéras ở Domme, Pháp. Bia mộ chỉ là một phiến đá lam nham, với cái tên Augiéras được khắc rất vụng về, chẳng biết ai đã dựng lên.
 

[2] Một bức tranh Augérias vẽ bằng sơn dầu trên bảng gỗ, khoảng năm 1961:
 

[3] Phụ chú của Tiền Vệ:

Trong bản Việt ngữ này, dịch giả Nguyễn Đăng Thường đã cho thằng bé, tuỳ tâm trạng và hoàn cảnh của nó, dùng những chữ khác nhau (“ổng”, “hắn” và “nó”) để kể về ông già. Trong mối quan hệ với ông già, thằng bé cũng xưng hô bằng những cách khác nhau: “con/ba”, “tôi/ông”, “tôi/anh”.

[4] Jeu de l’oie. Trò chơi do dòng họ Médicis ở Florence sáng chế trong khoảng thời gian 1580, dựa theo một trò chơi cổ Hy Lạp: xê dịch các con cờ theo kết quả của hai con súc sắc để vượt qua 63 ô vuông và cạm bẫy (cầu, giếng, nhà lao, cái chết…) đặt theo hình xoắn ốc để đi từ khởi điểm cho đến khi tới đích (viết theo Wikipédia, NĐT).

[5] Trong nguyên tác, đoạn này là một trò chơi chữ rắc rối và vô vị để đố nhau, bất khả dịch, nên người dịch phải thay thế bằng một trò vô duyên tương tợ bằng tiếng Việt, hầu cho thấy cái tâm lý đôi khi rất ấu trĩ của ngài đại tá (NĐT).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét