Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

NhungChuyenTraThuCuaVuaLeChieuThongVaVuaGiaLong

NHỮNG CHUYỆN TRẢ THÙ CỦA

VUA LÊ CHIÊU THỐNG VÀ VUA GIA LONG

(Trích CHƯƠNG 3)

Nguyễn Mạnh Quang

Trong chương này, người viết xin trình bày những hành động trả thù hết sức dã man của hai ông vua người Việt của nước Việt Nam. Hai ông vua này đều có thành tích “cõng rắn về cắn gà nhà”. Dưới đây là những hành động của hai ông vua Việt gian phản dân phản nước này.

I.- NHỮNG HÀNH ĐỘNG TRẢ THÙ CỦA VUA LÊ CHIÊU THỐNG

Lê Chiêu Thống không những bị lịch sử kết tội là hạng người “ruớc con voi Mãn Thanh về giầy mả tổ Việt Nam” để phục hồi quyền lực cho cá nhân mà còn bị dân tộc Việt Nam hết sữc khinh bỉ về những hành động trả thù những người có quan hệ với nhà Tây Sơn. Những hành động trả thù hèn hạ của tên vua phản quốc này được ông Hoa Bằng kể lại trong cuốn “Quang Trung Nguyễn Huệ Anh Hùng Dân Tộc 1988-1792″ như sau:

“Chiêu Thống Đền Ơn, Trả Oán.- Sau ngót một tháng đã lấy lại được kinh thành Thăng Long, nhưng hiệu lệnh của vua Lê chỉ choèn choèn ở 5 lộ Ứng (Ứng Hòa), Thường (Thường Tín), Từ (Từ Sơn), Thuận (Thuận Thành) và Quảng (Quảng Oai) mà thôi. Còn từ Trường Yên (Ninh Bình) trở vào Nam đều bị ngăn cách, không thông tin tức được. Theo An Nam Nhất Thống Chí, sách viết Bác Cổ, sổ A tờ 31b và 32 a

Lê Chiêu Thống, một người có tính hẹp hòi, khắc nghiệt, sau khi nhờ sức quân Thanh, lấy được Thăng Long, làm luôn những việc báo ân, trả oán cốt thỏa tư ý yêu ghét thiên lệch và riêng theo tình cảm cá nhân, chứ chẳng cân nhắc bằng lý trí mà đặt quốc gia trên hết. Trong dịp này, Chiêu Thống lộ hết cái bản tướng bất xứng chức.

Hồi tháng 11 năm Chiêu Thống thứ hai (Mậu Thân, 1788) Vua Lê trị tội những người xuống hàng Tây Sơn. Bấy giờ trong họ nhà vua có người tòng nữ kết duyên với tướng Tây Sơn đã có mang, vậy mà vua Lê sai mổ bụng, lấy thai, giết chết cả hai mẹ con vô tội. Chính Chiêu Thống lai sai chặt chân ba người hoàng thúc quăng ra giữa chợ trong cung. Cương Mục, quyển 47, tờ 39.

Ấy là không kể những vụ như: Giết Phan Như Tụy, trấn thủ Tuyên Quang, vì Tụy bắt hoàng đệ Duy Lưu đem nộp Tây Sơn và khép phò mã Dương Bành vào tử hình vì Bành dẫn quân đàng trong đuổi bức ngự giá. Ngòai ra, vua Lê còn cách tuột Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích mà bắt hoàn làm dân, bãi tước quận công của Nguyễn Hoản, giáng Phan Lê Phiên làm Đông Các Học Sĩ và Mai Thế Uông xuống chức tư huấn.

Mấy việc làm này chẳng những làm cho lòng người nôn nao ngờ vực và không nhất tâm, lại còn khiến cho bà Thái Hậu (mẹ vua Chiêu Thống) đau đớn tức bực nữa. Nguyên, khi Thái Hậu từ bên Mãn Thanh về đến Thăng Long, nghe biết những việc ngang trái của Vua Lế đã làm việc ấy, bà phát bẳn lên rằng: “Ta cay đắng mới xin được quân cứu đến đây. Nước nhà phỏng được mấy phen cứ trả ân báo thù để phá họai thế này! Hỏng đến nơi rồi!” Rồi bà kêu khóc, không chịu vào cung. Tụng thần là Nguyễn Huy Túc khuyền giải mãi, bấy giờ bà mới thôi. Cương Mục, quyển 47, tờ 39.

Đến khi ban thưởng, chia chức, Chiêu Thống chỉ “rảy mưa móc” cho bọn bầy tôi hoặc tòng vong hoặc ở nơi hành tại gia thăng cho bầy tôi hỗ tụng Phan: Đinh Dữ lên Lại Bộ Thượng Thư Bình Chương Sự, Lê Duy Đào và Vũ Trinh lên Tham Tri Chính Sự. Nguyễn Đình Giản lên Binh Bộ Thượng Thư Tri Khu Mật Viện Sự, Nguyễn Duy Hiệp và Châu Dõan Lệ lên Đồng Tri Khi Mật Viện Sự, Trần Danh Án lên Phó Đô Ngự Sử, Lê Quýnh lên Trung Quân Đô Đốc Trường Phái Hầu, v.v…, chứ không nghĩ gì đến những cựu thần và hào kiệt các nơi. Vì vậy, nhiều người thất vọng và ngã lòng…”[i]

II.- NHỮNG HÀNH ĐỘNG TRẢ THÙ CỦA VUA GIA LONG

Giống như Lê Chiêu Thống, Nguyễn Ánh không những mang tội với lịch sử là hạng người “cõng rắn về cắn gà nhà” (quân phản quốc) vì đã nhờ cậy Giám-mục Bá Đa Lộc của Giáo Hội La Mã vận động ngoại cường xin quân viện để phục hồi vương quyền, mà còn bị đời đời phỉ nhổ và nguyền rủa vì đã trả thù vua tôi nhà Tây Sơn một triều đại đã có đại công với dân tộc Việt Nam một cách hết sức dã man. Việc trả thù này được sử gia Phạm Văn Sơn ghi lại như sau:

“Đối với vua tôi nhà Tây Sơn là những kẻ thù không đội trời chung, tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802), Chúa Nguyễn đã dùng tân pháp, nghĩa là dùng các hình phạt tàn ác và nhục nhã nhất….

Những người bị xử tử hình trước là anh em vua Cảnh Thịnh. Để cho Cảnh Thịnh nhục thêm, người ta đào mả cha mẹ chú bác của nhà vua rồi tán nhỏ hài cốt và đựng vào một cái sọt cho binh sĩ đi tiểu vào sọt xương ấy. Sau sọt hài cốt bị đem bày ra trước mặt tội nhân. Người ta dọn một bữa cơm thịnh soạn trên một cái mâm quí cho đám tử tù. Quang Thiệu buồn rầu bảo anh “Gia đình ta thiếu gì mâm mà phải đi ăn mâm mướn của người…” Sau khi dùng bữa, người lý hình khóa miệng các chiến phạm lại vì sợ họ chửi bới vua mới. Tay chân Cảnh Thịnh bị buộc vào chân bốn con voi. Sau khi được lệnh, bốn con voi đi ra bốn phía xé Cảnh Thịnh ra làm bốn mảnh, Cảnh Thịnh còn quay lại nhìn một lần chót cái sọt xương của cha mẹ. Hình phạt này thi hành xong thì các mảnh xác của kẻ xấu số bị treo ở mỗi đầu các chợ trong kinh thành Phú Xuân để cho giòi và quạ đến rỉa. Lính phải cảnh gác những miếng thịt nát này e có người đến lén lấy đi.

Còn với mẹ con bà Bùi Thị Xuân, người ta cũng căm thù nên cũng dùng hình phạt dã man nhất. Nguyên nhân là bà đã điều khiển binh sĩ đánh vào lũy thành Trấn Ninh hết sức kịch liệt đã làm cho Nguyễn Ánh và các tướng lĩnh có phút thất thần, tưởng chừng nguy khốn đến nơi.

Một buổi sáng sương đã tan, mặt trời đã lên cao dần thì một ít tiếng súng đại bác nổ ran sau đó là tiếng thanh la inh ỏi khắp kinh thành Phú Xuân không ngớt. Người ta báo cho nhân dân biết tại pháp trường hôm nay xử thêm hai chiến phạm Tây Sơn: Mẹ con bà Thiếu Phó Trần Quang Diệu! Nhân dân thành Phú Xuân ai nấy đều rõ thành tích của Bùi Thị Xuân khi uy quyền của nhà Tây Sơn tràn khắp vùng sông Hương núi Ngự. Người ta đã phục Bùi Thị Xuân chẳng riêng chỗ Bà có nhan sắc hơn người, mà còn ở chỗ có gan dạ và trí lược của một đại tướng. Người ấy đã có công gây dựng một phần sự nghiệp của chồng và của ba anh em Tây Sơn, đã bao phen xuất nhập chiến trường, vào sinh ra tử.

Người ta đưa lại cho Bà cái chết thế nào?

Dĩ nhiên Bà phải chịu một cực hình vì người ta coi Bà từ lâu là một kẻ địch lợi hại bậc nhất: Bà phải bị hành quyết dưới chân voi nghĩa là phải tội voi giày. Với hình phạt này, tội nhân bị lột trần nếu là đàn bà, bị trói quặp lại nếu là đàn ông, và thớt voi nhất cử nhất động đều theo khẩu lệnh của các giáp sĩ nai nịt gọn gàng. Trước hết, voi từ từ tiến tới gần kẻ xấu số gắp lấy tội nhân quỳ dưới chân. Voi đặt nạn nhân nằm ngang trên cặp ngà trắng tinh rồi vận chuyển vòi hết sức mạnh, xiết chặt tội nhân lại. Bao nhiêu khớp xương kêu răng rắc và gẫy hết. Tội nhân ngất đi và có thể chết ngay, nhưng chưa đủ! Voi tung tội nhân lên cao rồi nhẩy bổ lên hứng lấy rồi lại tung lên lần nữa, cao hơn lần trước. Lần này tội nhân rơi xuống đất như một cái quả chín rụng. Bấy giờ voi mới lấy chân chà đạp lên mình tội nhân và dẵm nát như bùn mới thôi.

Tiếng thanh la vang lên rộn rã một hồi. Một không khí nghiêm trọng đầy khủng khiếp như ép hơi thở của hàng vạn con người hồi hộp chung quanh pháp trường chờ chứng kiến một cảnh tượng ghê gớm.

Giờ hành quyết đã tới! Người ta dẫn ra hai người: một cô gái mới đôi chín xuân xanh, con gái của (Bà) Bùi Thị (Xuân) và (Bà) Bùi Thi (Xuân). Người con gái bị lột hết y phục. Cái thân hình nõn nà của cô bây giờ có một vẻ đẹp não nùng làm mê mẩn đám khán giả như thôi miên họ. Có người toan đứng ra can thiệp để cứu đóa hoa chớm nở đó. Nhưng đã muộn! Thớt voi từ từ tiến đến, một đám đen lù lù tượng trưng cho sức mạnh mù quáng, vô tri, tàn ác.

Người con gái biến sắc rồi trắng bạch như tờ giấy. Nàng kêu thất thanh rồi ngoảnh lại phía mẹ để cầu cứu. (Bà) Bui Thị (Xuân) nghiêm nét mặt trách: “Con phải chết anh dũng để xứng đáng là con của ta! Mẹ đây còn làm thế nào mà cứu con được!”

Bùi Thị vẫn điềm tĩnh khi con gái bị voi tung lên tung xuống.

Đến lượt Bùi Thị. Trước khi ra pháp trường, Bà đã quấn khắp thân thể một lớp vải bên trong quần áo để tránh sự lõa lồ trước mắt mọi người . Khí sắc của Bà vẫn hồng hào, tươi đẹp và hiên ngang như khi lâm trận. Người ta nhớ lại rằng khi thực lực của Tây Sơn phất phơ như sợi tơ trước gió, Quang Thùy, Quang Toản (anh em Tây Sơn) cuốn cờ bỏ chạy, người đàn bà ấy một voi một giáo tả xung hữu đột như Triệu Tử trong trận Chương Dương cho đến khi rơi vào tay đối thủ.

Con voi lớn nặng nề tiến lại toan làm phận sự như lần trước. Nàng cũng bình thản bước lại gần nó hét một tiếng thật lớn, nhái theo khẩu lệnh thường dùng để nạt những con voi thiếu kỷ luật. Voi gjật mình quay về phía giáp sĩ. Moi người kinh ngạc cho rằng voi khiếp oai người nữ tướng. Bọn giáp sĩ vội vàng bắn hỏa pháp sau đít voi bắt buộc nó tiến về phía tội nhân, đồng thời quát to ra lệnh bà Bùi Thị phải quỳ xuống.

Hỏa pháo nổ lung tung, cây nhọn đâm vào miệng voi thúc voi phải tiến. Bị kích thích, voi trở nên hung tợn rống lên chạy bổ tới, dơ vòi quấn lấy tội nhân như con trăn quấn một con thịt nhưng trái với lệ thường nó tung lên nhưng không chà đạp như mọi bận. Rồi voi bỏ chạy vòng quanh pháp trường rống lên những tiếng đầy sợ hãi. Hàng vạn con người hoảng hốt theo. theo tài liệu của giáo sĩ De La Bissachère viết năm 1807

Như trên ta đã thấy, mả của Thái Đức Nguyễn Nhạc và Thái Tổ Nguyễn Huệ đều bị khai quật, hài cốt bị nghiền nát như cám cho quân lính đi tiểu vào và trưng bày trước mặt anh em vua Cảnh Thịnh, còn sọ thì đem giam vào ngục tối. Theo truyền thuyết tại khám đường Phú Xuân bấy giờ có ba cái vò: Một đựng sọ vua Thái Đức, một đựng sọ vua Quang Trung, còn cái thứ ba không biết có phải là sọ của Đông Định Vương Nguyễn Lữ hay sọ vua Cảnh Thịnh. Ba cái vò này để trong ba gian riêng biệt, bị xiềng vào cột, ngoài cửa niêm phong hẳn hoi. Mỗi tháng có hội đồng đến kiểm soát. Lính canh cho rằng các vò linh thiêng lắm nên họ vẫn bí mật cúng vái để cầu an và gọi là Ông Vò hay Ông Chúa Ngụy. (Theo tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ trong bài Note sur les cendres des Tây Sơn dans la prison du Khám Đường của Nguyễn Đình Hòe) .

Cũng theo lời truyền thuyết ở Huế, đêm đêm lính canh thường nghe thấy tiếng rên khóc trong ba cái vò… Lại một đêm vua Gia Long đang nằm đọc sách ở hậu cung thấy trên nóc nhà rớt xuống một cái đầu tóc râu dài rậm rạp trông rất hung ác, vài phút sau lại rơi một chiếc nữa, sau đến chiếc thứ ba, rồi cả ba lăn long lóc quanh long sàng 10 phút mới biến. Nhà vua kinh hoảng phải cho rời ba cái sọ ấy đi một nơi bí mật khiến ngay nay không còn ai biết đến nữa. Lại có nguồn dư luận cho rằng những đầu lâu này còn bị giữ trong ngục mãi đến năm 1885 là khi vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành chạy ra Tân Sở có người bí mật nhân vụ lộn xộn này vào khám đường lén gánh đi mất và cho đến nay không còn ai biết tung tích ra sao.”[ii]

Trên đây là hai bài học lịch sử về cái gương phục hồi quyền lực cho một chế độ chính trị bạo ngược đã bị nhân ghê tởm và đạp đổ. Mong rằng dân ta sẽ không bao giờ quên những bài học xương máu trên đây.

——————————————————————————–

Phụ chú:

[i] Hoa Bằng, Quang Trung Nguyễn Huệ Anh Hùng Dân Tộc 1788-1792 (Glendale, CA: Xuân Thu, 1980?), tr. 174-175.

 

[ii] Phạm Văn Sơn, Việt Sử Tân Biên (Glendale, CA:: Đại Nam 1980? ), Quyển IV, tr. 243-247 và 249


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét