Quỳnh Dao
Như Mây Trong Hoàng Hôn
Mục Lục
Thông tin ebook
Tên truyện : Như Mây Trong Hoàng Hôn
Tác giả : Quỳnh Dao
Nguồn : http://www.viendu.com
Convert : Bùi Xuân Huy (santseiya_TVE)
Ngày hoàn thành : 23/04/2007
Nơi hoàn thành : Hà Nội
Chương 1
Vừa được nghỉ hè, thì mẹ tôi lại được thư của dì Quyên từ miền Nam gởi đến. Cả một bức thư dài hình như chỉ đề cập đến cuộc sống thôn quê. Dì Quyên có một nông trường nhỏ và một vườn hoa rộng, cuối thư dì viết:
“Nếu Tiểu Cẩn thấy chán cuộc sống ồn ào ở thành phố, muốn thay đổi môt chút không khí lành mạnh, chị khuyên nó nên đến miền Nam này với em, ở chung với bà dì cô đơn một thời gian xem sao…”
Mẹ đọc xong thơ đưa cho tôi hỏi:
- Sao Cẩn? Con muốn về chơi với dì Quyên không?
- Để thủng thẳng tính.
Tôi uể oải đáp, dù đã mơ ước được ngắm vườn hoa của dì Quyên thật lâu.
Nhưng cảnh sống ở thôn quê chẳng hấp dẫn với tôi tí nào cả. Lý do chính là sự hiện diện của Thụy Bình. Nếu xa thành phố nghĩa là tôi sẽ phải xa chàng, đó là một sự buồn nản, khó chịu, đời sống nếu chỉ để ngắm hoa và hầu chuyện Dì Quyên thì có gì vui thú. Vì vậy, đề nghị của bà dì cô đơn phải lảng thật nhanh trong đầu tôi. Mẹ cũng không buồn nhắc đến. Mãi đến lúc có chuyện gay go giữa tôi và Thụy Bình.
Thụy Bình là sinh viên năm thứ tư ban ngoại ngữ trường đại học chính trị. Chúng tôi đã quen nhau trong buổi dạ vũ tại nhà một người bạn, trong dịp giáng sinh. Kể từ đó tôi như mắc phải cái nợ mấy trăm năm với chàng, không trả không được. Cuộc hò hẹn nào cũng không thiếu vắng sự hờn dỗi, cãi nhau. Nguyên nhân: Chàng quá đẹp trai. Những yếu tố đó của chàng đã giữ chặt tôi, nhưng cũng làm tôi đau khổ. Chàng như một loài thú bất kham, một thứ ngựa chứng ở rừng già mà khả năng tôi chưa đủ để giữ riêng chàng cho tôi. Thái độ bông đùa bất cần với tình yêu say đắm mà tôi trọn vẹn hiến dâng, nhiều lúc làm tôi điên tiết. Vì vậy, mỗi khi xa nhau là lại nhung nhớ, nhưng lúc gặp nhau là chắc chắn lại có chuyện gây gổ. Tôi biết ngoài tôi ra, Thụy Bình còn có cả đám con gái khác vây quanh. Bình không giấu tôi chuyện đó (điều này càng làm cho tự ái tôi khó chịu).
Trong khi tôi chỉ có một mình chàng, và tôi hằng ao ước chàng chỉ có một mình tôi thì Bình lại như chú bướm nhởn nhơ, hết dạo đóa hoa này lại tìm đến đóa khác. Tôi không có một lý do gì để ngăn cấm Bình qua lại với những thiếu nữ khác. Vị trí tôi không cho phép tôi làm chuyện đó. Trong lúc tôi đang bực tức thì Bình lại thân mật hơn với những cô gái kia nhiều lúc còn hơn cả với tôi. Tôi dỗi hờn quyết định không thèm để ý đến Bình nữa, nhưng mỗi lần nhìn đôi mắt đen nháy với nụ cười đùa cợt của chàng. Bao nhiêu sự cương quyết kia lại tan rã. Sự mềm yếu nhiều lúc làm tôi thấy tự giận mình.
Hôm ấy, chính mắt tôi đã chứng kiến cảnh Bình kéo tay một cô gái ăn mặc hợp thời trang rời rạp hát. Thế mà Bình vẫn thản nhiên cãi nhau nhiều lúc làm tôi đau khổ nhưng chỉ có tôi khổ thôi chứ Bình thì vẫn tỉnh bơ với lối hẹn mai gặp.
Bình đi rồi tôi mới thấy khổ, có lẽ tôi quá ngu ngơ, bây giờ Bình mặc tình thao túng, trong khi tôi chẳng làm gì được chàng. Một chút can đảm dứt khoát lóe trong đầu, và tôi thu xếp vội hành trang, mẹ đã ngạc nhiên khi nghe tôi nói:
- Con muốn đi thăm dì Quyên!
Và tôi hôm ấy, trên chuyến xe lửa tối rời Đài Bắc, thành phố của ánh sáng và tình yêu. Trước giờ đặt chân lên xe, tôi đã đánh một điện tín cho dì Quyên. Đoàn tàu lướt nhanh trong đêm vắng, tựa lưng vào thành ghế, ngắm những ngọn lửa lạc lõng chạy vụt về phía sau trong đường dài, tôi mênh mang với cuộc tình vừa trốn chạy.
Sáu giờ sáng, đoàn tàu dừng lại nơi ga Nam Tư. Ở đây chỉ cách thành phố Nam Hùng có hai trạm ga nhỏ, xách túi hành trang xuống xe, nắng đã bắt đầu xuyên qua ngọn cây tôi ngơ ngác không biết nông trường dì Quyên nằm ở phía nào. Lòng lo lắng chẳng hiểu dì Quyên đã nhận được điện tín chưa? Trong cơn lúng túng định tìm người hỏi thì đột nhiên một chiếc xe ba bánh từ đâu dừng lại trước mặt, gã tài xế là một gã thanh niên trẻ, với giọng nói Quan Thoại rõ ràng:
- Cô có phải là cô Cẩn không?
- Vâng!
- Bà Lý nhờ tôi ra đó cô đây.
Bà Lý ở đây có lẽ là để chỉ dì Quyên. Tôi nghĩ nhưng vẫn do dự không dám bước lên xe. Gã có vẽ nóng tính:
- Lên xe đi chứ!
Tôi bước lên, đặt giỏ hành lý dưới chân, xe lạch cạch nổ máy hướng về phía trước, giữa nắng ban mai huy hoàng, tôi rảo mắt nhìn quanh, những cánh đồng trải dài ngút mắt, xe men theo con đường nhỏ trải đất đỏ, thỉnh thoảng mới thấy một bác nông phu hay một người đàn bà đầu đội nón lá, chân đất lúi cúi bên thửa ruộng cắm cúi làm việc chẳng buồn để ý đến sự biến đổi chung quanh, xe chạy qua, họ cũng không thèm ngước mặt nhìn lên.
Mặt trời lên cao dần, tôi phải đội nón rơm rộng vành lên, đây là chiếc nón treo bán ở các tiệm bách hóa ở thủ đô, hoàn toàn khác hẳn với chiếc nón lá lụp xụp ở day quê dốt nát, tôi kênh kiệu và cảm thấy nông thôn hình như chẳng có gì đẹp. Chỉ có một bầu không khí trộn lẫn mùi phân chứ không có gì khác. Nhìn những đống phân ủ cao tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao khoa học đã tiến bộ thế này mà người làm ruộng vẫn không xử dụng phân hóa học để thay phân người với vật chi cho hôi thúi.
Xe chạy hơn nửa tiếng vẫn chưa thấy đến, tôi nhìn gã lái xe, lưng gã đã ẩm mồ hôi nhưng cổ chưa rịn một chút nước, chứng tỏ việc lái xe chẳng có gì là nặng nhọc với gã. Nhiều lúc tôi muốn nói một hai câu để phá vỡ cái không khí buồn tẻ. Muốn hỏi thăm đến bao giờ mới tới nhà dì Quyên nhưng trông gã mải miết lái xe, cắm cúi đạp như ngoài việc lái xe không còn biết đến việc nào khác. Tôi mất hứng ngay. Rồi lấp lửng nghĩ đến dì Quyên. Một người đàn bà, trẻ tuổi độc thân có dư chút ít tiền của, tại sao không chọn chốn thành phổ để định cư sống chỉ ở chốn đèo heo hút gió này. Cây lá hoa cỏ có đẹp đẽ gì đâu ngắm nghía. Giả sử như thích hoa đi nữa, ở thành phố vẫn có thể bỏ tiền ra lập một vườn hoa nhỏ trước nhà như thường. Cần gì phải khổ sở ở vào chốn đèo heo hút gió này. Những sự thắc mắc của tôi không kéo dài lâu vì dì Quyên là người đàn bà kỳ quặc, không giống như bao người đàn bà khác.
Mẹ bảo dì là đứa em gái duy nhất của mẹ, nhưng dì đẹp hơn mẹ, đôi khi ngắm tôi mẹ bảo “Con giống dì Quyên hơn mẹ”. Không hiểu có phải vì thế khôang mà dì tỏ ra rất thân với đám chị em tôi.
Dì Quyên nhỏ hơn mẹ tôi hai tuổi, khoảng bốn mươi lăm, nhưng dáng dấp vẫn còn trẻ hơn số tuổi kia nhiều. Đời sống hôn nhân của dì như không được suông sẻ lắm. Lúc từ Hoa Lục dọn sang Đài Loan, dì đã trên ba mươi, cái tuổi bắt đầu của kiếp hoa tàn, mới nhận lấy một ông già hơn sáu mươi tuổi. Nhiều người bảo dì tôi vì tiền chứ không phải vì tình yêu. Năm năm trước, người chồng già qua đời và dì Quyên hưởng trọn vẹn gia sản để lại, chôn chồng xong xuôi, dì bán hết sản nghiệp, ôm số tiền to xuôi Nam và chọn vùng đất này làm nơi ẩn dật, ngoài miếng đất trồng hoa ra nghe nói gì có một nông trường nhỏ. Sự liên lạc giữa chúng tôi từ đó cơ hồ như bị cắt đứt. Mỗi năm chỉ có một lần, ngày tết mới thấy dì trở lại Đài Bắc với những số tiền lì xì thật nhiều cho lũ trẻ con.
Xe ngừng trước một cái sân rộng trải đất đỏ, nhưng tòa nhà ngói đỏ thấp ẩn hiện xa xa. Gã lái xe nhảy xuống đường nói:
- Tới rồi!
Tới rồi, như vậy đây là nhà dì Quyên. Tôi đảo mắt nhìn quanh, mép bên kia sân là môt chuồng trâu. Hai con trau lớn và một chú nghé đang bình thản gặm cỏ. Những đàn gà con chíu chít bên chân mẹ gần như ở đâu cũng có. Mùi phân trâu và gà hăng hắc. Tôi quay đầu lại phía sau chỉ thấy đống rạ chất cao lưng trời. Chó đánh được mùi người lạ sủa ran. Một con chó vàng lớn xông về phía tôi, khiến tôi hoảng hốt lùi về phía sau.
Tiếng chó sủa hình như đã làm quấy động người trong nhà. Tôi thấy dì Quyên bước ra:
- Ô! Cẩn mới đến đấy à?
Dì mừng rỡ và quay sang hét chú chó hung dữ.
Tôi bước tới định ôm dì, nhưng con chó vàng đã nhe răng gầm gừ khiến tôi chùn chân. Dì Quyên phải hét:
- Đức ơi, xích con Willy lại coi.
Gã lái xe đưa tôi về vội bước tới. Thì ra hắn tên là Đức.
Cánh tay hắn thật khoẻ cuồn cuộn bắt thịt, hắn nắm lấy dây xích chó lôi vào nhà. Dì Quyên xiết chặt tôi trong tay hỏi:
- Ba mẹ có khỏe mạnh không?
- Dạ khỏe.
Tôi đáp và theo chân dì vào trong, ngôi nhà có bề ngoài trông sần sùi kỳ cục, nhưng bên trong lại bày trí trang nhã, tường quét vôi trắng, song cửa màu xanh nhạt có rèm thưa, đây có lẽ là phòng ngủ của dì, một chiếc giường nhỏ, một tủ áo đơn giản, và một bàn đọc sách với cái ghế, chỉ có thế thôi.
Tôi đặt xách du lịch xuống, cởi nón chưa kịp làm gì thì dì Quyên kéo tay tôi về phía người nói:
- Lại đây cho dì ngắm xem, ồ! Con có vẻ gầy hơn xưa nhiều đấy nhé.
Mặt tôi nóng lên thật ra sự bỏ ăn bỏ uống, sau này là lỗi ở Thụy Bình cả. Tôi cười gượng che dấu:
- Trời nóng quá, mỗi năm đến mùa hè con đều sụt ký thế.
- Vậy à! Vậy thì không có gì đáng lo. Dì Quyên vui vẻ – Ở đây hết mùa hè này là bảo đảm con sẽ mập ngay. Trời đất, dì Quyên muốn tôi ở đây cả một mùa hè. Thật ra ngay từ giờ phút này, tôi đã thấy hối hận về hành động dại dột của mình. Chắc chắn hôm nay Thụy Bình sẽ đến tìm tôi. Biết tôi bỏ đi chàng sẽ nghĩ sao? Hay là trong cơn bực chàng lại đến với một đứa con gái khác? Tính Bình vậy đó. Tim tôi bức rức và bắt đầu cảm thấy mình ngu dại. Ước chi có cách, tôi đã bay về Đài Bắc ngay.
- Ngồi xe hỏa mệt lắm, phải không?
- Không.
Tôi giật mình nhìn dì Quyên đáp. Dì mặc bộ áo bằng vải thô xanh, cổ đứng, tóc bới có cài trâm, lưng thắc gọn đúng điệu nhà nông, nhưng sự đơn sơ không che mất vẻ dịu dàng dễ mến của dì.
- Nếu con không mệt, cứ sang phòng dì dành cho con xem được không? Nửa khuya nửa hôm nhận được điện tín làm hết hồn, dì cứ ngỡ chuyện gì xảy ra chứ? Đâu ngờ con đến. Phòng chuẩn bị trong hoàn cảnh hấp tấp như vậy thiếu gì con cứ nói. Dì bảo Đức nó xuống Cao Hùng mua về cho.
Cách căn phòng dì Quyên một gian là phòng tôi. Phía trước là một chiếc sân nhỏ, vật nổi bật nhất trong phòng là chiếc bàn sách có hình hoa bằng ống tre. Những đóa hoa hồng xinh làm cả phòng thơm ngát, hoa còn bám sương chứng tỏ mới hái ban sáng, tôi thích thú bước tới bàn, sung sướng:
- Ồ! Hoa đẹp quá!
Dì Quyên cười rộng rãi:
- Hoa trong vườn mà, con muốn bao nhiêu chả có. Tôi ngắm chiếc bình cắm, thật ra đó chỉ là ống tre, trên có khắc hai chữ “Kinh tiết” bay bướm. Dì Quyên có vẻ không để ý đến sự tò mò của tôi nói:
- Bình hoa này của Đức nó làm đấy!
Đức, anh chàng vừa đen lại vừa thô? Thế mà làm được những việc tỉ mỉ thế này? Tôi ngạc nhiên nhưng không nói gì hết. Gian phòng này bài trí không khác phòng dì Quyên bao nhiêu, chiếc bàn trang điểm có kính to có lẽ vừa từ phòng dì Quyên dời sang, giường được phủ drap trắng. Tôi ngồi xuống giường, nhưng âm thanh êm ái kêu lên, thì ra dưới drap là một tấm nệm cỏ dầy.
Dì Quyên sợ tôi không quen nói:
- Nằm nệm cỏ mắc hơn nệm gòn con ạ!
- Vâng! Thưa dì.
Tôi tán đồng, dì có vẻ thích thú.
- Vậy rửa mặt đi, rửa xong ngủ một giấc dậy dùng cơm là vừa, cơm rồi chiều dì sẽ đưa con đi xem vườn hoa.
Nói xong dì lại lớn tiếng gọi ra nhà sau:
- Hoa ơi! Hoa.
Tôi chưa biết dì gọi ai thì đã thấy một đứa con gái khoảng mười lăm mười sáu tuổi chạy vào. Dì Quyên bảo nó mang nước cho tôi rửa mặt. Phải nói rằng bị người hầu hạ như thế tôi rất khó chịu, tôi muốn tự làm một mình, dì Quyên lắc đầu nói:
- Ở đây chưa có nước máy, chỉ có nước giếng, con không lấy được đâu, để nó làm, ở không cũng vậy thôi.
Sau đó tôi mới biết Hoa được dì Quyên mua với giá năm ngàn đồng. Lúc đầu ông cha ghẻ của có định đưa cô nàng vào bán cho động mãi dâm ở Cao Hùng. Dì Quyên phải ra cao giá mới cứu được Hoa khỏi rơi vào chốn lầu xanh. Tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao trên đời này có chuyện vô lý như vậy. Nhân vị con người bỏ đâu? Quyền sống của họ nữa chứ.
Rửa mặt xong, tôi mới thấy mỏi, ngồi trên xe hỏa cứ nghĩ mãi chuyện mình với Thụy Bình không làm sao chợp mắt. Sau hai ba cái ngáp, tôi thấy buồn ngủ. Dì Quyên hỏi dùng điểm tâm chưa, tôi đáp ăn hai ổ bánh mì trên xe rồi. Bây giờ bụng vẫn còn cứng, dì vỗ vai tôi rồi bỏ ra. Bây giờ mới có quyền khép cửa ngả lưng xuống giường. Giường thật êm, mùi nệm cỏ thơm nhẹ. Tôi nhắm mắt, hình ảnh Thụy Bình lại hiện ra óc. Chàng đến nhà tìm chẳng thấy tôi sẽ làm gì? Có buồn bã bỏ đi, có chờ nhưng bức rức không? Cơn mệt mỏi đè nặng lên mắt…
Chương 2
Tôi nằm mơ thấy rất nhiều chuyện nhưng mọi giấc mơ đều có hình bóng của Thụy Bình, chàng giống như một oan hồn lúc nào cũng đeo cứng lấy tôi, khiến tôi không lúc nào thấy được bình thản.
Đến lúc thức dậy, nắng chiều ở khung cửa rọi vào, cho tôi thấy những dãy núi mờ xa và một góc chuồng bò gần đấy. Vừa mở mắt, nhìn khung cảnh lạ không hiểu mình đang ở đâu. Tôi lăn người lại đã thấy cô bé tên Hoa đang ngồi ở ghế cạnh cửa. Hình như cô nàng đang thêu thùa gì đó. Thấy tôi dậy, nó bước tới với nụ cười xã giao:
- Cô ngủ ngon quá, bây giờ đã sắp ba giờ chiều.
- Ba giờ rồi à? Thế mà tôi cứ ngỡ mình ngủ chưa đầy năm phút.
Tôi xuống giường, vươn vai. Thau nước và khăn lau mặt đã có sẵn. Người ở nhà quê có vẻ sướng hơn ở đô thị, giầu có là có quyền được hầu hạ ngay.
- Em may cái gì đấy?
Tôi hỏi Hoa, con bé có vẻ e lệ.
- Dạ, em may màn cửa, anh Đức mới đến Cao Hùng mua vải về đây.
Tôi quay lại nhìn khung cửa rỗng, chợt hiểu. Dì Quyên quả chu đáo. Màn cửa rất cần thiết đối với phái nữ. Tôi rửa mặt, chải đầu xong, thì Dì Quyên cũng bước vào, cười nói:
- Con ngủ say như trẻ con, sao bây giờ đói chưa?
Đói lắm, bụng tôi đang biễu tình rầm rĩ, tôi nhìn dì Quyên với nụ cười e thẹn thú nhận, chưa kịp lên tiếng thì một bà tớ già mang một măm đầy ắp cơm và thức ăn bước vào. Tôi lúng túng:
- Dì Quyên, con ra ngoài ăn cũng được mà.
- Nào cứ ăn đi.
Dì Quyên nói, dì có vẻ khoan dung của một bà mẹ, dì ngồi kế bên nhìn tôi ăn, tôi tò mò hỏi:
- Dì Quyên, dì có con không?
Dì ngẫm nghĩ một chút nói:
- Có người trời sinh ra đã quyết định là không con, dì là một trong những người ấy.
- Thế dì thích có con không?
- Làm sao không thích cho được.
Dì Quyên nhìn tôi trìu mến. Đột nhiên tôi cảm thông cho nỗi cô đơn của dì. Thế này làm gì dì chẳng mong mỏi sự hiện diện của tôi. Biết đâu nó chẳng phải là một niềm vui đầm ấm?
Cơm xong, dì Quyên đưa tôi đi xem vườn hoa, nắng chiều thật gắt, tôi phải đội nón, trong khi dì Quyên có vẻ quen với nắng hơn nên để đầu trần, chúng tôi đi qua một chiếc sân rộng, rồi vào một rừng trúc nhỏ. Con đường mòn giữa những cây trúc xanh tươi phủ đầy cỏ non tạo cho tôi một cảm giác mát mẻ. Cuối đường là những dãy rào tôi đã có thể ngưỡi được mùi thơm của hoa, những cánh hoa vàng đóa lớn đong đưa theo gió, bên cạnh hàng rào là một chiếc xe đạp nước cũ kỹ, trên đấy là một gã đàn ông lưng trần, đầu đội nón lá đang lúi cúi bên trục bánh xe. Dì Quyên đứng lại nói:
- Sao thế Đức? Bộ hư nhiều lắm sao?
Gã đàn ông tên Đức đứng dậy quay nhìn tôi và dì Quyên, chiếc nón lá đẩy ra sau để lộ đôi mày dày và đen như sâu rọm, hắn lắc đầu:
- Cũng không đến nỗi nào; đợi chiều một tí thả nước vào thử xem.
Những bắp thịt cuồn cuộn trên vai gã, màu đen bóng của da phản chiếu dưới ánh sáng như tượng đồng. Những giọt mồ hôi trên trán trên cổ và trên lưng Đức lấp lánh tạo một vẻ khêu gợi đặc biệt của đàn ông. Tôi như bị cuốn hút và không khỏi nghĩ đến Thụy Bình, nước da của chàng trắng một cách yếu đuối, so với nước da đồng đen của Đức là hai hình ảnh khác biệt.
Dì Quyên hỏi:
- Hôm nay hoa nở đều không?
- Khá lắm.
Đức vừa nói vừa bước đến mở cửa rào, cửa rào làm bằng những sợi dây kẽm đan kín vào khung. Tôi và dì Quyên bước vào, trước mắt tôi là một tấm thảm đủ màu mùi hoa thoảng trong gió, phần lớn vùng đất rộng được dùng vào việc trồng hoa hồng. Những cánh hồng nhung màu đỏ thắm, màu hồng và trắng, lớn có nhỏ có nở trọn vẹn hoặc chỉ hé nụ.Tất cả như thi đua hương sắc, dì Quyên chỉ cho tôi từng loài hoa một. Đóa nào là Tường Vi, đóa nào là Hồng, và dạy tôi cách phân biệt từng đóa Hồng Trung Quốc và Âu Châu. Đi khỏi vườn hoa Hồng là một mảnh đất hình vuông, trồng đủ thứ hoa từ hoa Nhài đến Vạn Niên Thanh, cỏ ngũ sắc rồi Cúc, nhưng phần lớn chưa nở hoa vì bây giờ cũng chưa tới mùa thu, chúng tôi thả dọc theo đường trải sỏi qua khu hoa Trà của mùa Đông, Trạng Nguyên của mùa Giáng Sinh v.v… Dì Quyên nhẫn nại chỉ cho tôi các mùa hoa nở và những cách vun trồng nhưng tôi đâu có còn đầu óc đâu để nghĩ đến chuyện đó, tôi đã bị những đóa hoa tươi thu hút hồn…
Ở góc vườn có một căn nhà kiếng, chúng tôi đi vào bên trong từng chậu hoa sắp thành hàng, trồng những loại hoa hiếm hoi phần lớn chưa nở. Dì Quyên cho tôi biết loại nào là Bá Hạp, Đuôi Trĩ, Uất Kim Hương, Thục Quì, v.v… Những loại hoa Lan và Phật Thủ thì lại được để ở một góc riêng biệt.
- Đây là công trình của Đức đấy, cậu ấy đã ghép được hoa Lan với Phật Thủ.
Tôi nhìn những đóa hoa màu đỏ trên cành Phật Thủ ngạc nhiên:
- Đây là hoa Lan sao?
Dì Quyên coi:
- Phải, và nó sống nhờ vào nhựa của loại Phật Thủ.
Thế giới của sinh vật thật lạ lùng, một giống cây này có thể sống bám vào một loại cây khác, không phải chỉ ở thực vật thôi mà cả ở những động vật. Tôi nghĩ và bất giác nhớ đến những loại ốc mượn hồn. Con người không khác chi loài vật cũng có người phải sống bám vào người khác, nghĩ đến đây bất giác tôi mất vui ngay. Ra khỏi nhà kiếng, dì Quyên lại đưa tôi đi xem các loại hoa khác trong đó có loại Nhất Nhật Xuân, là một loài hoa dại không có giá nhưng tôi thấy nó đẹp hơn những loại khác nhiều. Chúng tôi theo đường đưa ra những luống cải xanh tươi, tôi biết đây cũng là của dì Quyên, đi thêm một lúc lại gặp một hồ nước rộng. Trong hồ mấy chú ngỗng đang nhởn nhơ, những cây đa rậm lá che mất cả khoảng trời.
- Vào đây tránh nắng một tí đi, dì Quyên nói.
- Trong hồ có nuôi rất nhiều cá chép, nếu con thích cứ ra đây câu.
Tôi hỏi:
- Ao này của dì luôn à?
- Ờ!
Dì Quyên không để ý lắm đến sự khâm phục của tôi.
Từ hồ nuôi cá nhìn thẳng là cửa chính vào vườn hoa, anh chàng tên Đức đang cặm cụi đạp nước, thấy chúng tôi trở về, hắn gật đầu chào, dì Quyên bảo:
- Thôi bao nhiêu đó đủ rồi, nghỉ đi Đức.
- Thêm một chút tốt hơn bà chủ ạ!
Đức đáp và tiếp tục đạp, nắng phản chiếu trên tấm thân đồng đen của hắn.
Trở vào nhà tôi cởi nón, đi trong nắng mồ hôi đã làm ẩm ướt cả tóc tôi, dì Quyên trái lại không lộ vẻ gì là mệt nhọc, thấy thái độ tôi, dì cười nói:
- Đúng là dân thành phố.
Tôi bước về phía cửa sổ, đón những làn gió mát đang lồng lộng thổi vào.
- Dì ở đây dùng bao nhiêu người chăm sóc vườn hoa?
- Vườn hoa à? Chỉ có một mình cậu Đức thôi.
Tôi ngạc nhiên:
- Chỉ có một mình ông ấy? Trong coi hết thế cũng hay lắm.
- Cái gì rồi cũng không qua được sự ưa thích. Dì Quyên đáp rồi nhìn tôi, chỉ vắn tắt thêm mấy tiếng – cậu ấy cũng khá lắm.
Mà trời đã xuống núi, bầu trời tự màu xanh ngả sang màu hồng nhạt, những đám mây bồng bềnh tím sẫm. Tôi đứng giữa vùng đất trống nhìn vẻ dẹp của trời đất mê mẩn cả người. Cô Hoa lùa gà về chuồng, chú chó hung dữ ban sáng bây giờ đã tỏ ra thân thiện hơn, hắn nằm trước chuồng trâu, đưa mắt thau tháu nhìn tôi.Gió thật mát. Tôi nhìn qua cánh đồng rừng trúc đen thẫm đầy quyến rũ, tôi như bị lôi cuốn, băng qua con đường ban chiều đã cùng dì Quyên đi qua. Trúc không cao lắm, ngả nghiêng theo gió, tạo thành những âm thanh êm đềm.
Tôi thấy lòng thanh thản lại, hình bóng của Thụy Bình không còn quấy rầy tôi. Đột nhiên bản tính trẻ thơ lại vùng dậy trong đầu, tôi chợt muốn đếm xem có bao nhiêu cây trúc trong rừng nên đi qua từng hàng tôi đếm:
- Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám…
Vừa đi vừa đếm, nhưng khi vừa đến ngõ rừng, tôi chợt giựt mình vì trước mắt tôi là một người đàn ông. Hắn làm tôi suýt hét lên. Không ai khác hơn là Đức, có lẽ anh chàng đã nhìn thấy tôi từ lâu (chính điều đó làm tôi e thẹn). Đức vẫn với vẻ lam lũ, hai ống quần săn cao, chân trần lấm đầy bùn. Một tay xách thùng, một tay vác cần câu, mình trần, đầu vẫn đội nón lá.
Tôi ngượng ngùng trong lúc Đức vẫn hồn nhiên, chàng cười với tôi, nụ cười thân thiện lộ cả hàm răng trắng.
- Cô sẽ không bao giờ đếm trúng đâu, trừ trường hợp cô làm dấu trên từng cây một.
Tôi gượng cười chống chế cho hành động trẻ con của mình:
- Tôi đếm chơi chứ đâu cố tình đếm thật.
Rồi bước tới nhìn chiếc thùng Đức đang xách trên tay, bốn năm con cá còn sống nhăn, đang nhảy nhót trong ấy, tôi thích thú kêu lên:
- Ở đâu có nhiều thế?
- Trong hồ ấy, có muốn câu thử không?
- Nhưng dùng mồi gì?
- Trùng!
Tôi giật mình, nghe đến tiếng trùng đã làm tôi lợm giọng, làm sao dám móc vào cần mà câu? Đức hiểu điều tôi nghĩ, hắn nói:
- Ngày mai tôi sẽ chuẩn bị đủ cho cô, kể cả việc móc mồi.
Đức nhìn tôi cười nghịch:
- Nhưng trùng đâu có gì đáng sợ? Cô nghĩ kỹ xem, con tôm không phải cũng chỉ là một loài trùng lớn sao? Lúc ăn có bao giờ người ta ghê tởm, đó là chưa nói đến loài hải sâm hay con lươn, chúng đều là những món ăn tuyệt.
Tôi nhìn Đức, thái độ hắn không giống dân nhà quê tí nào, tuy cơ thể cũng kịch cợm rắn chắc. Nhưng trong cái dáng dấp thô kệch kia vẫn có chút hơi hướng tao nhã, lịch sự của dân thành phố. Khiến kẻ đối diện khó đoán được con người thật.
Tôi gật đầu đồng ý với chàng, rồi bỏ đi về phía hồ cá, trong khi Đức tiếp tục lối đi riêng của hắn.
Đứng trên bờ hồ nhìn mặt nước phẳng lặng như gương đột nhiên tôi cũng thấy buồn lặng xuống, cá thỉnh thoảng trồi mình lên mặt nước tạo thành những gợn sóng lăn tăn, phá cái bình lặng của mặt hồ. Tôi đứng thế thật lâu, trời ngả tối lúc nào không hay, mãi đến lúc cô bé Hoa dẵn chó Willy chạy ra mời tôi vào dùng cơm, tôi mới sực nhớ ra là đã quá bảy giờ hơn.
Bước vào phòng ăn bất giác tôi giật mình. Dì Quyên đã có mặt trên bàn từ lâu, nhưng sự ngạc nhiên của tôi không phải ở đây, mà là sự hiện diện của Đức, phải nhìn thật kỹ tôi mới nhận ra hắn, khônng còn chiếc nón lá lụp xụp, thay vào đó là mái tóc rẽ ngôi ngay ngắn. Một chiếc áo chemise trắng, một chiếc quần dài thẳng nếp. Tất cả hoàn toàn khác với buổi sáng. Dì Quyên nhìn tôi cười hỏi:
- Đi dạo có mỏi chân không con?
- Dạ không!
Tôi đáp và vẫn không bỏ thói tò mò nhìn Đức. Đức tự nhiên:
- Cô dùng cơm!
Tôi ngồi xuống ghế, nhưng chiếc bụng mới đầy ắp cơm lúc ba giờ chiều bây giờ vẫn chưa thấy đói. Nhìn những món ăn vun đầy trước bàn, tôi miễn cưỡng ăn thêm một chén, trong khi Đức chẳng vị nể làm một hơi bốn năm chén to, lại tráng miệng thêm ba cái bánh bao và mấy trái chuối. Tôi ngạc nhiên nhưng hắn vẫn bình thản.
Cơm xong, vào phòng dì Quyên, tôi kể cho dì nghe những chuyện đã xảy ra ở nhà, nhưng vẫn không ngăn được sự hiếu kỳ, tôi hỏi:
- Đức là ai thế hở dì?
Dì Quyên nhìn tôi với nụ cười dễ mến muôn thuở.
- Hắn làm gì mà con tò mò thế?
Tôi đỏ mặt:
- Dạ không gì hết nhưng trông hắn sao thấy lạ quá à!
- Hắn lạ thật. Dì Quyên đáp. – Đã tốt nghiệp về môn côn trùng phá hoại thực vật ở đại học Đài Bắc đấy.
- Hắn đã từng là sinh viên à?
Tôi ngạc nhiên mở to mắt, dì Quyên lạ lùng:
- À, thế con tưởng hắn thế nào?
Tôi lúng túng:
- Dạ không nghĩ gì hết, có điều không ngờ.
Dì Quyên gật gù:
- Ba năm trước lúc dì đăng báo tìm người biết chăm sóc cây cỏ, Đức đã đến đây, cậu ấy bảo rất yêu thích nghề trồng hoa và định tìm cơ hội để thực tập về những điều mình đã học cũng như nghiên cứu… Nên dì đã mời cậu ấy ở lại giúp dì, lúc đầu tưởng Đức làm tạm một thời gian, không ngờ cậu ấy lại có thể giúp lâu như vậy. Có Đức, dì được rảnh tay nhiều việc, cậu ấy hình như chẳng biết mệt mỏi là gì, cứ làm mãi từ sáng đến tối.
- Đức không có người thân sao?
- Hình như không có, nghe đâu cậu ấy một thân một bóng đến xứ Đài Loan này.
- Đức người xứ nào?
- Sơn Đông.
Hèn gì chàng cao lớn thế. Tôi nghĩ
- Tại sao Đức lại chiu chôn thân ở chốn đèo heo hút gió này? Theo con nghĩ thì… Tôi suy diễn với dì Quyên – Có lẽ hắn gặp chuyện gì đau đớn, thất tình chẳng hạn nên mới về chốn yên tịnh này để xoa dịu vết thương, hoặc có thể Đức gặp điều gì oan ức khổ sở, hoặc phạm tội gì nặng nề nên phải tìm chỗ trốn.
Dì Quyên cười xòa lấy tay vuốt đầu tôi:
- Con gái dì xem tiểu thuyết nhiều quá nên bị lậm, chớ con biết cậu Đức chỉ là một người bình thường như bao nhiêu người khác. Không mê danh vọng, ghét chen đua vì vậy sống không nổi ở xã hội thành phố. Đức thích làm bạn với cỏ cây hơn, thế thôi. Đừng nghĩ ngợi xa vời mà lệch lạc.
Tối hôm ấy, tôi không ngủ được, tựa ghế nhìn ra ngoài trời, trăng thật sáng, cánh đồng lờ mờ trong sương. Ở chốn đồng quê chỉ mỗi một ngày mà tôi có cảm giác như đã ở lại đây thật lâu. Giờ này Bình ở Đài Bắc đang làm gì? Chàng có nhớ đến tôi không? Đồng hồ tay chỉ mười giờ khuya. Ở nhà quê giờ này là khuya lắm rồi, khuya như chừng nửa đêm. Giờ của thành phố bắt đầu sống, đèn đuốc đủ màu, đêm trở mình giữa chốn ăn chơi.
Chắc chắn Thụy Bình đang liu lo bên gái, chàng đang nhún nhảy giữa tiếng nhạc vũ trường chăng?
Giửa lúc đầu óc tôi đang quây quần quanh hình ảnh của Thụy Bình, thì tiếng tiêu sâu thẳm ở đâu vẳng tới, trái tim tôi trống rỗng. Ngoài tiếng tiêu trầm bổng ra không còn một cái gì khác nữa hết.
Chương 3
Ngày qua ngày thấm thoát mà tôi ở nhà dì Quyên đã được hơn tuần lễ.
Bữa ấy tôi dậy thật sớm, chưa hơn năm giờ, nên bầu trời bên ngoài còn mờ nhạt hơi sương. Tôi xách giỏ bước ra khỏi phòng, định đến vườn hoa ngắt một vài cánh hồng còn đẫm sương cho bình hoa xinh xắn. Nhưng khi đến nơi, đã thấy cửa vườn mở rộng, Đức đang lúi cúi bên những cụm hoa thật to vừa mới hái. Vừa nhìn thấy tôi, hắn đã nhanh nhẹn:
- Chào cô, cô khỏe chứ?
Tôi ngạc nhiên vì sự hiện diện của hắn ở đây.
- Anh đang làm gì thế?
- Chuẩn bị chở đi Cao Hùng.
- Bán à?
- Có chỗ quen họ đặt sẳn, mỗi ngày tôi phải chở hoa đến đó cho họ.
Tôi tròn mắt:
- Thế có nghĩa là mỗi ngày anh đều dậy sớm như thế?
- Vâng!..
- Chở đến Cao Hùng bao lâu mới tới?
- Hơn một tiếng đồng hồ.
Thật xấu hổ, tôi nghĩ đến lúc mình còn ngủ mê thì Đức đã lên đường đi giao hàng, thì ra chiếc xe ba bánh này là dùng để chở hoa. Đức nhìn chiếc giỏ của tôi hỏi:
- Cô đi hái hoa?
- Vâng! định hái một vài cành…
Đức chọn một cành hoa Lan trao cho tôi:
- Này, cành này cắm vào bình thì thật đẹp.
Tôi nhận Lan cho vào giỏ rồi đi hái hoa hồng, Đức cũng tiếp tục công việc của chàng, khi xong xuôi tôi trở về chổ cũ thấy Đức vẫn chọn hoa, tôi nhớ sực đến việc đêm rồi tò mò hỏi:
- Anh Đức, tối qua sao không nghe anh thổi sáo?
Đức nhìn tôi cười:
- Thổi sáo chỉ là một cái thứ tiêu khiển, tùy theo trường hợp mới thổi chứ.
- Tùy là tùy thế nào?
Đức bó hoa thành bó:
- Tùy hứng, lúc nào vui quá không thổi, buồn quá không thổi, ngay cả những đêm không trăng không sao cũng không có hứng thổi.
- Tại sao vậy?
- Vì vui quá thổi đâu nhập hồn, buồn quá thổi sẽ thành ra ảo não. Riêng về chuyện tại sao có trăng mới thổi thì đó là vì ý thích. Trong một bài luận về âm thanh của Trương Triều có viết “Xuân nghe chim hót, Hạ nghe ve sầu kêu, Thu nghe giun dế gọi, Đông lặng tiếng tuyết rơi. Đó là chuyện bốn mùa. Còn hằng ngày, phải có tiếng có danh. Tôi phải nghe tiếng tiêu tiếng sáo. Ở trong núi phải có tiếng thông reo. Thì mới không uổng công trời sinh ra hai lỗ tai cho ta vậy”. Chính vì thế mà tôi mới thổi sáo khi có trăng, cô hiểu chứ?
Tôi chăm chú nhìn khuôn mặt vuông trước mắt, không ngờ đằng sau những bắp thịt nảy nở kia còn có một tâm hồn biết thưởng ngoạn nữa.
- Anh có vẻ kỳ cục.
Tôi nói, Đức hình như không để ý lắm đến sự ngạc nhiên của tôi, anh chàng chất hoa lên xe, rồi quay sang tôi cười:
- Trông dáng cô bây giờ giống gì cô biết không?
- Giống gì?
- Một cô bán hoa.
- À! tôi cười, rồi lựa một cành hoa hồng trong giỏ, đưa cho Đức bắt chước giống bán hoa chuyên nghiệp – Mời ông mua hoa, chỉ có một đồng một nhánh thôi.
- Mắc quá, Đức nhún vai. Cử chỉ của anh chàng như con khỉ đột – Cả xe hoa của tôi thế này mà chỉ bán được có hai mươi đồng, cô bán mắc quá.
Tôi cười, đột ngột nhớ đến bài thơ “Cô bán hoa ” của Lưu Đại Bạch, nên hỏi:
- Anh có đọc thơ của Lưu Đại Bạch không?
- Không!
- Có một bài viềt về cô bán hoa! Tôi đọc cho anh nghe nhé.
Cái lạnh đầu Xuân còn đó.
Người con gái co ro.
Với tiếng rao mời gọi.
”Hoa đẹp.
Giá rẻ.
Mùa Xuân tùy ý khách yêu.”
Nhưng khách phương Đông chê hoa dở.
Khách phương Tây chê cành khô.
Cửa lầu đóng kín chẳng thèm mở.
Gió vẫn thổi.
Cỏ vẫn xanh.
Hoa sầu ủ rũ.
Ngày mai mời gọi cũng vậy thôi.
Xuân Giang Nam đến sớm.
Hoa Giang Nam tươi đẹp.
Mùa Xuân thức giấc bằng tiếng gọi mời của cô bán hoa.
Hoa Hạnh đỏ rồi.
Hoa Lê trắng xóa.
Đầu hẻm cuối hẻm lạc giọng mời.
Trang điểm cho người.
Trang điểm cho đời.
Mấy quan tiền mua được mùa Xuân?
Người mua hoa cười.
Người bán hoa khóc.
Hồng nhan như tấm thảm Xuân tàn.
Đọc xong tôi ngẩng lên, thấy Đức khoanh tay đứng cạnh xe yên lặng, mắt chàng có vẻ ngời sáng của cảm xúc. Một lúc mới nghe Đức nói:
- Bài thơ hay thật, “Xưa kia mua mất mấy quan tiền”!
Đức nhìn những cành hoa trong xe, nhìn tôi rồi lại nhìn giỏ trên tay tôi, “Hồng nhan như tấm thảm Xuân tàn”. Hay nhưng thảm quá, ở xứ Đài Loan này hoa không bao giờ chết theo mùa xuân. Đức nói rồi như sực nhớ ra điều gì kêu lên “chết rồi! Vậy là hôm nay lại giao hoa trễ nữa”!
Và vội vã đóng chốt xe lại, đẩy xe ra khỏi vườn hoa. Tôi đứng tựa bờ rào nhìn theo. Khi xe đã khuất xa rồi, mới quay lưng lại, những giọt sương mai lẫm đẫm ướt cả hài tôi.
Xách giỏ trở về phòng, vừa tới cửa tôi đã thấy dì Quyên ngồi bên mép giường. Dì có vẻ trầm tư lạ. Chăn gối đã sắp xếp ngăn nắp, có lẽ dì Quyên đã xếp cho tôi. Điều này làm tôi hổ thẹn. Dì Quyên vẫn ngồi yên, hình như dì chẳng nghe thấy tiếng chân tôi, trên tay dì là chiếc áo chemise tôi vừa vứt ra buổi sáng (bản tính tôi là thế, lúc nào cũng không ngăn nắp, thay ra là ném). Mắt dì cứ đăm đăm ngắm những đóa hoa nhỏ thêu trên áo. Tôi đứng ở cửa, giả vờ ho một tiếng, dì mới quay lại:
- Tiểu Cẩn đấy à?
Tôi nhìn dì cười, bước tới:
- Vâng, dì làm gì đấy?
Dì Quyên đưa tay chận tôi:
- Đứng đấy, để dì ngắm con một chút xem.
Tôi đứng lại, dì nhìn tôi với đôi mắt trìu mến, rồi bước tới kéo tôi vào lòng.
- Con càng lớn càng đẹp, phải chi con là con của dì thì hay biết mấy.
Không hiểu sao đột nhiên tôi cảm thấy giọng nói của dì xúc động lạ. Chính điều đó làm tôi cảm động. Dì Quyên cô đơn đã quá lâu. Làm sao… Làm sao… Thế nào thì dì cũng chỉ là một người đàn bà, một người đàn bà bình thường như bao nhiêu người khác. Sống giữa cây cỏ và đồng quê, làm sao chẳng thấy cô đơn chứ? Tôi tựa mặt mình vào nếp áo khô cứng của dì. Mùi xà phòng thơm thoảng nhẹ. Tôi nói:
- Dì à! Hay là dì bỏ đây về Đài Bắc sống với tụi con đi?
Dì Quyên yên lặng xoa đầu tôi, thật lâu mới kéo tôi ra với nụ cười. Nụ cười buồn thương hại:
- Dì không thích ở thành phố con ạ!
Rồi dì ôm đống quần áo tôi định giặt, bước ra cửa. Tới cửa dì còn quay đầu lại nói:
- Tiểu Cẩn, hôm nay dì giết gà cho con, con phải ăn thêm mấy chén mới được nhé.
Tôi cười, dì Quyên bỏ đi.
Buổi trưa, người phát thư với chiếc scooter bụi mù đất đỏ ghé qua. Tôi và dì Quyên đang đứng tựa cửa nhìn ra sân xem anh Đức tìm cách khống chế chú trâu đực đang nổi điên. Con trâu thật mạnh, nhiều lúc muốn đẩy Đức ngã nhoài xuống đất. Nhưng sau cùng Đúc cũng làm chủ được con vật. Chàng cột nó vào thân cây.
Trâu già có vẻ vẫn chưa hết nổi giận, nước bọt đùn ra mồm hai chân nó sủi mạnh xuống đất. Sự xuất hiện của ông phát thư làm chúng tôi bỏ hẳn chú trâu qua bên. Dì Quyên nhận thư, xem sơ qua tên người nhận rồi đưa cho tôi.
- Tiểu Cẩn, thư của con đây này.
Tôi tiếp lấy phong thư, tim đập mạnh. Nét chữ của Thụy Bình.
Sự mừng rỡ của tôi không qua được mắt của dì Quyên. Tôi vội chạy vào phòng khép cửa lại.
Thư Bình viết lúc nào cũng tình cũng hay, chàng trách tôi bỏ đi chẳng cho chàng hay, làm khổ chàng. Rồi sau đó Bình kể lể nào là phải tốn đôi vợt gỗ hối lộ cho cậu em trai tôi mới biết được địa chỉ của tôi. Bình bảo kiếm không được tôi, chàng thất vọng vô cùng, sau cùng, Bình viết:
“Ở nhà quê có gì mà lôi cuốn em dữ vậy? Trở về Đài Bắc đi chứ, anh có nhiều chuyện muốn nói với em, đừng để anh phải đợi mỏi mòn.”
Đọc xong thư tim tôi bức rức, tôi muốn bỏ về Đài Bắc ngay. Nhưng bên ngoài đã có tiến gõ cửa tôi vội nhét thư xuống gối.
Bên ngoài là dì Quyên, vẫn nụ cười thật tươi dì hỏi:
- Thư ai đấy con? Của bạn trai à?
Tôi đỏ mặt che dấu:
- Dạ không phải.
Dì Quyên không hỏi thêm, chỉ nói:
- Ra dùng cơm đi, xong cả rồi.
Hôm ấy tôi dùng cơm không biết ngon, con gà của dì Quyên đặc biệt làm cho tôi hình như nhạt quá. Cả ngày còn lại, tôi ngơ ngơ ngẩn ngẩn không làm được gì hết. Tôi định thu xếp quần áo trở về Đài Bắc. Nhưng lại thấy bắt đầu luyến lưu nơi đây. Không phải vì sự ràng buộc tình cảm với dì Quyên mà hình như là với vườn hoa thì phải, bao nhiêu tình cảm xung đột trong tim. Tối đến không còn chịu được thì tôi thưa với dì.
- Dì Quyên, mai con về Đài Bắc.
Dì Quyên đang chải tóc, nghe tôi nói đặt lược xuống, quay lại.
- Con buồn gì?
- Dạ khônng phải, tại con nhớ nhà.
Tôi đáp lòng xốn xang, dì Quyên bước tới đặt tay lên vai tôi, nhưng mắt dì không nhìn tôi mà nhìn ra cửa sổ. Lòng mắt thật xa vắng, giọng nói cũng có gì đổi khác biệt.
- Tiểu Cẩn, ba mẹ con có con những hai mươi năm nay, con không thể nhín ra mấy ngày cho dì được sao? Tiểu Cẩn, sống với dì vô vị quá phải không con? Vậy để mai dì bảo Đức đưa con đến Cao Hùng chơi, con sẽ được viếng những cảnh đẹp như hồ Đại Bối, eo biển Tây Tử… Rồi con về đây, sống thêm với dì ít hôm nhé?
Tôi xiết mạnh tay dì Quyên, xúc động:
- Vâng, con sẽ không đi nữa đâu, con sẽ ở lại đây hết mùa hè này.
Chương 4
Ánh trăng nhiều lúc làm người trằn trọc, cả chiếc sân rộng sáng tỏ như ban ngày. Tiếng tiêu vẫn lúc trầm lúc bổng, theo gió đưa người vào mộng. Tôi vùng dậy, bước tới cửa, bên ngoài là một cảnh bình yên.
Trên người chỉ có chiếc áo ngủ và đôi hài thêu mang từ Đài Bắc, tôi men theo tiếng tiêu ra vườn. Gió lùa vào đôi tay trần tạo cảm giác mát lạnh.
Cửa vườn hoa mở hé, tôi lách người vào, chợt nhiên, tiếng tiêu im bặt, tôi thấy Đức nằm dài trên cỏ, mắt lom lom nhìn tôi. Tôi cười với chàng, Đức ngồi dậy hỏi:
- Cô ra đây làm gì? Trời tối đen không sợ rắn à?
Tôi bước tới định ngồi xuống cạnh Đức:
- Anh không sợ làm gì tôi phải sợ?
Nhưng Đức đã cản:
- Đừng ngồi xuống, cỏ ẩm sương không đấy.
- Anh ngồi được, thì tôi cũng ngồi được. Tôi nói và làm, vì thật ra đi nãy giờ hai vạt áo tôi cũng đã đẫm sương – Anh thấy lạnh không?
Tôi hỏi, Đức chỉ nhún vai. Chúng tôi yên lặng ngồi bên nhau. Tôi nghịch chiếc tiêu của Đức. Ống tiêu sần sùi có lẽ do Đức làm thành. Không ngờ một ống tre xấu xí thế này lại có thể tạo ra những âm thanh kỳ diệu thế, tôi bó gối tò mò:
- Anh có thể kể chuyện đời tư của anh cho tôi nghe không?
- Đời tư tôi có gì lạ đâu?
Đức ngạc nhiên, tôi nhìn thẳng mặt chàng:
- Anh dấu dì Quyên thì được chờ đừng hòng dấu tôi. Tại sao anh lại đến đây làm một gã làm vườn trong khi với cặp bằng đại học sẵn có, anh vẫn kiếm được một việc làm nhàn hạ gấp mười lần mà? tại sao? có phải vì sự hiện diện của một người con gái không?
Đức nhìn tôi với đôi mắt của một giám khảo nhìn thí sinh. Thật lâu, anh chàng mới lắc đầu nói:
- Không có lý do gì hết, cô lầm rồi.
- Tôi không tin.
- Không tin à? Chàng cười – Không tin thì tùy cô, tôi chỉ biết yêu thiên nhiên thực vật cây cỏ. Tôi ghét bộ mặt giả dối của thành phố, sự ganh đua dành giựt của con người vì lợi ích riêng tư. Ở gần cỏ cây, tôi thấy tâm thần bình thản và đơn giản. Tôi yêu sự đơn giản đó.
Tôi lắc đầu:
- Đa số tuổi trẻ chẳng ai nghĩ như anh hết. Tôi nói – Nếu đó là sự thật thì anh đúng là người bất bình thường, bây giờ đâu có ai như anh, tốt nghiệp đại học xong là ai cũng muốn tung mình ra ngoại quốc. Đến Nữu Ước, Luân Đôn, Paris… Những trung tâm cường thịnh văn minh, đã mang tiếng ở trong trời đất , phải có danh gì với núi sông, chứ ai lại chạy về nhà quê như anh vậy?
- Cô cũng cho thế là đúng? Đức chăm chú nhìn tôi hỏi. Dưới ánh trăng tất cả như nhuốm bạc, mắt chàng đen và sáng – Cô cũng muốn xuất ngoại như những người kia?
- Xuất ngoại không phải là lối thoát duy nhất. Tôi nói và nhìn lại Đức – Nhưng rất cần thiết. Xứ Đài Loan quá nhỏ, người càng lúc càng nhiều, sinh viên đại học chen chúc như cá dưới sông. Những người trẻ tuổi không có chỗ đứng để phát triển. Dĩ nhiên là phải chạy ra ngoại quốc, đó là chưa nói nền văn minh vật chất của xứ ngưòi có quá nhiều hấp lực, nhưng tôi sẽ không bao giờ làm việc đó, tôi chỉ muốn…
Đức nhìn tôi nhíu mày:
- Cô muốn thế nào?
- Lấy chồng sanh con đẻ cái. Không biết lý do gì thúc dục, khiến tôi tỏ bày tất cả trái tim lột trần của mình cho gã thanh niên chưa lấy gì làm quen biết lắm. Ngắt một cọng cỏ, tôi lập lại – Lấy chồng rồi sinh con được sống với người mình yêu có một đứa con càng nghich càng tốt, được như vậy thì ở đâu cũng vậy, cần gì phải xuất ngoại.
Đức chăm chú nhìn tôi:
- Vậy thế nào mới được coi như đối tượng của cô?
- Đối tượng à? Tôi chợt nghĩ đến Thụy Bình, khuôn măt thanh tú của chàng với đôi mắt đen làm lòng tôi ấm. Nhưng tôi giật mình kêu lên – Trời ơi, tôi đang hỏi chuyện anh mà anh lại quay sang chất vấn tôi. Anh Đức, xin lỗi anh. Anh đã yêu qua bao giờ chưa?
-Chưa! Đức khẳng định Nói chuyện với cô tôi thấy ngượng quá! Thuở xưa, lúc còn đi học, bạn bè tôi đã đặt cho tôi một cái tên là "củ cải đỏ".
- Cái gì? Tại sao củ cải đỏ? Không lẽ lúc ấy da anh đỏ như củ cải đỏ à?
Tôi ngạc nhiên hỏi. Đức tự nhiên:
- Không phải thế đâu, mà nguyên do chánh là tôi không ưa gặp mặt người khác phái, mỗi lần gặp mặt con gái thì mặt tôi đỏ như gấc, không thể không tìm chỗ lánh được.
Tôi cười lớn, cười ngả nghiêng. Đức tiếp tục:
- Càng khổ sở hơn nữa là tôi trở thành mục tiêu pha trò của mấy cô bạn. Mỗi lần họ thấy tôi là họ kêu lên, họ quây quanh tôi đặt hàng trăm câu hỏi ngớ ngẩn. Lũ bạn trai cũng không buông tha, họ được dịp tham dự ké, kết quả là tôi sợ tiếp xúc với mọi người, tôi trở thành nhút nhát và không dám chơi thân vơi ai cả. Sau khi thi hành quân dịch, tôi chọn đời sống hòa hợp với thiên nhiên này làm sinh kế, từ đó mới xóa tan được mặc cảm nhút nhát.
Đức làm tôi thấy không khí trở nên ấm hơn. Tôi ngồi bó gối nhìn chàng:
- Tôi có thấy anh nhút nhát đâu, anh nói chuyện trông cũng có duyên lắm chứ.
Đức thờ ơ:
- Vậy à?
Tôi không hỏi thêm gì nữa, chúng tôi im lặng thật lâu tôi mới hỏi:
- Tối nào anh cũng ra đây?
- Vâng, tôi thích nằm trên cỏ thế này.
- Để làm gì?
- Khôing làm gì cả, chẳng qua… Đức ngưng lại một chút rồi nói – nghe cỏ cây nói chuyện cũng là một cái thú.
Tôi kêu lên:
- Cái gì? cây cỏ mà cũng biết nói chuyện à?
- Biết chứ, Đức nói nếu cô chịu khó yên lặng một chút sẽ nghe thấy ngay.
- Tôi không tin chuyện ấy.
- Thử xem, Đức cười nói Đừng nói chuyện, lắng một chút là nghe ngay.
Tôi yên lặng bắt chước Đức, xa xa có tiếng chim kêu, rồi gió luồn qua cổ. Tiếng chó sủa ở bờ ruộng, tiếng dế kêu với côn trùng rên rỉ, đêm. Thật sự đêm chẳng chết như tôi tưởng. Nó không bất động mà âm thầm sống với ngàn tiếng gọi khác nhau. Có điều tôi không hề nghe thấy có tiếng nói của cây cỏ.
- Đó, cô có nghe thấy không?
Tiếng Đức thì thào bên tai, tôi chau mày:
- Có nghe thấy gì đâu?
- Thế cô không nghe hoa Kèn ca tụng hoa hường đẹp, Nhất Nhật Thanh khen sương hôm nay mát và trong sao? Ngay cả loài hoa Quỳ nặng nhọc cũng hót trăng hôm nay sáng, hoa Tím đang làm quen với hoa Đỏ, Mộc Cân xì xào cùng hoa Đèn Lồng, cỏ Ngũ Sắc than thở cùng Phổ Công Anh…
Tôi suýt buột miệng cười to. Đức vẫn thản nhiên nói với đôi mắt sáng, tôi gật gù:
- Anh bày trò chơi cũng ngộ nghĩnh. Thật tôi không ngờ cỏ cây lại bận rộn như vậy. Bây giờ hình như tôi cũng đã nghe. Cỏ Tranh đang làm thơ cho Sậy già hát, hoa Loa Kèn đang tranh luận cùng Tường Vi, hoa Lý xâu những hạt sương thành chuỗi để tặng nàng Hồng xinh xắn…
Rồi chúng tôi cười, đêm mát như hồ thu, một cơn gió thổi qua làm tôi hắt hơi. Đức nói:
- Thôi cô vào đi, bằng không cảm lạnh bây giờ, khuya rồi.
Thật vậy, đêm đã khuya lắm rồi, trăng di chuyển về hướng tây làm những chiếc bóng trong vườn hoa cũng di chuyển theo. Tôi đứng dậy làm một động tác vươn vai. Đêm thật tuyệt, Đức lượm chiếc áo chemise trải dưới bãi cỏ lên, nói:
-Tôi đưa cô vào nhà nhé? Cẩn thận coi chừng trợt chân đấy.
Tôi bước chầm chậm, sương đẫm ướt hài làm chân lạnh, không ngờ buổi tối ở thôn quê tình tự thế này. Tôi bước chậm, thưởng thức hết cái thú vị của một đêm trăng. Bóng lá và hoa run rẩy theo từng làn gió mát, Đức đi ở sau lưng, anh chàng cũng yên lặng như đang trầm tư một cái gì?
Ra đến bờ rào, chân tôi bỗng nhiên đạp phải cái gì mềm nhũn. Tôi giật mình lảo đảo ngã vào hàng rào. Một cọng kẽm gai quẹt nhẹ lên tay làm tôi đau thốn.
- Sao? Sao thế?
Đức thật nhanh bước tới nắm tay tôi, tay hắn thật rắn. Tôi nhìn chỗ bị thương. Dưới ánh trăng một làn máu đỏ chảy dài:
- Không sao cả đâu, dây kẽm gai quẹt nhằm một tí.
- Để tôi xem nhé! Đức nói và cuối xuống xem xét vết thương, xong ngẩng đầu lên – Về phòng nhớ tẩy bằng thuốc sát trùng, coi chừng bị phong đòn gánh đấy.
Và tất cả biến cố chợt nhiên đến. Đức không buông tay tôi ra ngay. Mắt chàng nhìn thẳng mặt tôi, con ngươi chừng như càng lúc càng mở rộng, màu đen long lanh, một cảm giác mê hoặc lan trong tim. Tôi không còn kiểm soát được tư tưởng và lý trí mình. Ánh trăng soi trên mặt Đức, tạo thành những ảo ảnh kỳ lạ, mùi hoa Hồng nồng nàn. Mùi cỏ thơm tho. Tôi thấy mặt Đức như càng lúc càng đến gần mặt tôi hơn, hơi thở và mùi đàn ông ở người chàng làm tôi chết ngất. Tôi ngẩng đầu lên, cánh tay vòng qua lưng chàng. Không hiểu Đức là người chủ động hay tôi chủ động và đôi môi chúng tôi đã gắn liền nhau.
Nụ hôn rời nhau từ cảm giác say ngủ. Tôi giật mình trở về thực tại và hoảng hốt không hiểu tại sao mình lại hành động u mê vậy? Tôi ngượng ngùng nhìn lên, Đức cũng không tránh khỏi mặc cảm như tôi. Chàng há hốc mồm như định giải thích (nhưng tôi không biết giải thích gì). Tôi ngỡ ngàng một chút rồi quay đầu chạy vào nhà. Vào đến nhà, đóng sập cửa lại mới thở ra hơi. Nhìn ánh trăng vẫn sáng ngoài cửa, tôi chỉ còn biết biện minh cho mình nụ hôn ban nãy. Lỗi tại trăng đẹp và hoa cỏ hết.
Đêm đó, tôi lại mất ngủ, tôi cứ thắc mắc mãi về hành động của mình. Tại sao lại hôn? Tại sao lại hôn người mình không hề yêu quý? Dĩ nhiên, người yêu muôn thuở của tôi vẫn là anh Bình, Thụy Bình yêu mến. Nhưng tại sao tôi lại để Đức hôn? Nếu Đức hiểu lầm, ngỡ đó là tình yêu thì sao? Tôi phải giải thích cho hắn rõ. Nhưng đổ thừa ai đây chớ? Cỏ cây với trăng sáng à? Lý do đó có vẻ không vững, nhưng đó là sự thật. Trong tim tôi chỉ có một bóng dáng của Thụy Bình, chứ đâu ngờ bị anh chàng cộc kệch như Đức chiếm lấy dễ dàng thế?
Vừa hối hận vừa bực tức, tôi đưa tay xuống gối lấy hai bức thư của Thụy Bình vừa gởi cho tôi, nhưng bàn tay tôi chỉ mò vào khoảng trống. Thư đâu? Rõ ràng là tôi đã âu yếm xếp nó dưới gối cơ mà? Sao bây giờ lại không có cánh biến mất? Cô Hoa có thay drape làm lọt mất không? Nhưng cô Hoa hôm nay nào có thay, ngay buổi trưa tôi vẫn còn lấy ra đọc cơ mà? Ai lấy? Tại sao?
Buổi sáng, tôi thức dậy, Đức đã đưa hàng đến Cao Hùng.
Trưa đến Đức cũng đâu mất, anh chàng lấy lý do là xe đạp bị hư để không cùng chúng tôi dùng bữa cơm trưa. Đợi đến chiều, tôi không còn kiên nhẫn nữa, tôi phải tìm Đức để nói rõ lý do nụ hôn đã lầm lẫn. Không phải vì tình yêu mà tôi hôn hắn. Tôi đi ra vườn hoa, tôi không thể để một người thiệt thà, trực tính như Đức hiểu lầm được. Nhưng rảo hết vườn hoa vẫn không gặp Đức, đi ra rẫy cau vẫn không thấy dáng hắn. Tìm khắp nơi, từ ao cá đến rừng trúc cũng không gặp. Tôi trở về phòng, dì Quyên đã ngồi ở đầu giường tôi tự bao giờ.
- Dì Quyên!
Tôi gọi, dì nhìn tôi với đôi mắt hờn trách:
- Tại sao không ngủ trưa, nắng thế này mà cứ để đầu trần đi ra ruộng, có ngày cảm cho biết.
- Dạ, lâu lâu hứng bất tử bỏ đi một vòng vậy.
Tôi nói và lật gối lên. Dưới gối lại xuất hiện hai bức thơ ở vào vị trí cũ, tôi liếc về phía dì Quyên. Dì vẫn làm ra vẻ bình thản, tôi thắc mắc không hiểu dì Quyên tò mò đọc thư Bình làm gì?
Tối hôm ấy tôi bắt gặp Đức bên giếng nước. Anh chàng vẫn mình trần, bùn lấm đầy thân, hình như đang lấy nước rửa thì phải. Tôi bước tới, Đức thấy tôi lộ vẻ lúng túng thấy rõ:
- Anh Đức!
Đức ngẩng đầu lên, má đỏ gay, điều này khiến tôi cũng thấy khó khăn:
- Chuyện hôm qua… ơ… ơ… Anh đừng hiểu lầm nhé? Tôi… tôi cũng không hiểu tại sao… Có lẽ tại trăng sáng quá!
Đức nhìn tôi, rồi đột ngột như con trâu say nắng, đôi mắt chàng đỏ ngầu với giọng nói nặng trịch:
- Cô khỏi phải giải thích gì hết, thái độ cô tối qua đã cho tôi biết điều đó, đừng nhắc nữa, lỗi tại tôi hết, hãy coi như không có gì xảy ra hết đi.
Đức lườm tôi, rồi ném mạnh gầu nước xuống giếng, lấy nước lên tưới cả chiếc sân rộng, tưới xong chàng cũng không thèm quay lại nhìn tôi bỏ về phía rừng trúc.
Thật kỳ cục, thái độ thô lỗ của Đức không làm tôi giận, trái lại khiến tôi cảm thấy hối tiếc. Tôi biết mình đã chạm tự ái của chàng. Cần gì phải biện minh. Cả ngày hôm nay Đức đã trốn lánh, điều ấy chứng thật những gì chàng nghĩ, tôi cần gì phải bày tỏ thêm. Tôi hối hận và nhận thấy những ngày nghỉ hè của mình phải kết thúc ở đây rồi.
Chương 5
Buổi chiều hôm sau, tình cờ ghé qua phòng dì Quyên. Dì Quyên không có ở trong phòng, tôi ngồi chờ thật lâu vẫn không thấy dì tới. Trong lúc ngồi không, tôi không biết làm gì hơn là chọn sách đọc. Trên kệ sách dì có rất nhiều quyển sách đẹp. Tôi thờ ơ lấy xuống một quyển. Đúng quyển Hồng Lâu Mộng. Lật phớt qua mấy trang, chợt một phong thư từ trong rơi ra. Bức thư của mẹ gởi cho dì Quyên, có lẽ viết trước ngày tôi về đây. Sự tò mò kích động, tôi không dừng lại được, mở phong bì. Bên trong là cánh thư dài:
”Em Quyên!
Thơ em chị đã nhận được, riêng chuyện liên hệ với Tiểu Cẩn, chị muốn nói rõ với em một chút.
Năm ngoái đến Đài Bắc, hẳn em đã thấy, Tiểu Cẩn không những đã lớn lại trưởng thành. Nó chẳng khác em chút nào từ cử chỉ đến nụ cười. Nhiều khi đối diện với nó, chị cứ ngỡ là đang đối diện với em thuở nhỏ.
Không phải chỉ có dáng dấp bên ngoài không, ngay cả bản tính ương gàn và hay nghĩ vớ vẩn cũng không khác em nữa. Chị lo lắm nhất là lúc này, lúc mà tình cảm con gái vừa biết nghĩ đến tình yêu.
Em Quyên, chị muốn rõ ý em, em có muốn Tiểu Cẩn bước vào vết xe cũ em đã đi qua không?
Nghĩ đến chuyện cũ, chuyện chị lãnh nuôi Tiểu Cẩn thế cho em mà nhanh thật, chớp mắt mà đã hai mươi năm. Hai mươi năm Cẩn gọi chị bằng mẹ. Hai mươi năm ân tình chắc chắn Cẩn không biết nó là con em, vì chị không bao giờ đối xử cách biệt giữa nó với những đứa con của chị.
Mùa đông năm ngoái. Cẩn quen với một đứa con trai tên Mai Thụy Bình. Nó gần như rơi ngay vào vòng tay đứa con trai thủ đoạn đó. Bình không phải là hạng con trai đàng điếm bê bối, hắn đẹp trai, có điều hơi hiếu thắng vì sự đẹp trai của mình cho nên không bao giờ coi trọng tình yêu hết. Bình có một gia đình nề nếp, nhưng xã hội đã làm hắn hư, mấy lần chị chứng kiến chuyện Bình làm eo làm sách để Cẩn phải khổ lên khổ xuống. Bình như mèo vờn chuột. Tiểu Cẩn thì không khác em là bao nhiêu, trung hậu và thật thà, nhưng không bao giờ nhận sai, cố chấp như một con trâu nước. Cẩn quá tin Bình, nếu Bình thật yêu Cẩn thì không chuyện gì đáng nói rồi, đàng này chị thấy, Thụy Bình chẳng khác gì gã bạn trai của em ngày xưa là bao nhiêu. Chỉ có ý chơi hoa cho biết mùi hoa rồi bỏ chứ không hề có ý định nghiêm chỉnh. Đó là điều chị bận tâm nhất. Kinh nghiệm đời Cẩn chưa có, nó chưa thể phân biệt được đâu là phải đâu là trái, nhưng lúc nào cũng cứ tưởng là đã trưởng thành, không cần ý kiến của một ai hết. Ở vào lớp tuổi lưng chừng, nguy hiểm. Chị nhiều lúc đứng tim đưa mắt nhìn Cẩn dò dẫm bước bên vực sâu mà hãi hùng.
Mỗi lần Cẩn hẹn với Bình, là mỗi lần chị không nuốt trôi cơm, chị sợ chuyện cũ lại tái diễn, nhưng bất lực không biết làm cách nào để cứu Cẩn ra khỏi đôi tay lông lá của gã con trai đó. Không thể không công nhận Bình đẹp trai, cái đẹp trai bề ngoài hời hợt mà bao nhiêu đứa con gái mới lớn dễ bị chết ngộp.
Vì vậy, em Quyên. Em nghĩ xem có giải pháp nào không? Cẩn dù sao cũng là con gái em, em phải cứu nó, chị đề nghị em rủ nó về đồng quê ở với em vài tháng. Tốt nhất là trong mùa hè này, biết đâu với hoàn cảnh mới nó chẳng thay đổi quan niệm sống? Trong lúc rảnh rỗi em cũng nên tìm dịp dạy dỗ nó, cứu nó thoát khỏi cạm bẫy cũng là một lần chuộc lại lầm lỗi cũ của mình. Em Quyên, chuyện đã thế này thì làm sao em cũng phải kín đáo, tự ái tuổi trẻ rất quan trọng. Nếu để nó biết rằng nó là con tư sinh của em và người cha khôeng biết mặt, thì hậu quả ra sao hẳn em hiểu chứ? Đừng quên chuyện quan trọng đó nha em!
Còn nữa, trong những thư trước, nghe em ca ngợi gã con trai phụ việc cho em nhiều quá, nhắm thế nào? Nếu thấy được cứ tạo cơ hội cho lũ trẻ gần nhau đi. Nhưng nhất định không để kế hoạch “lộ liễu” nhé?
Thôi chào em, rất mong hồi âm.
Chúc khoẻ,
Ngày… tháng…
Ký tên,
Lệ.”
Tôi đặt lá thư xuống, thẫn thờ. Ý thức như bay mất đâu đâu, mãi thật lâu mới trở về, sự trở về của ý thức làm con tim nhức nhói. Tôi lảo đảo đứng dậy. Bây giờ tôi mới biết được rằng tại sao bấy lâu nay dì Quyên đặc biệt yêu tôi, và sự hoàn toàn khác biệt giữa tôi và lũ em khác cha khác mẹ. Tôi là con dì Quyên, tôi là đứa con gái không cha thừa nhận! Sự hiện diện của tôi ở đây chẳng qua là sự xếp đặt từ trước. Đúng rồi! Ai cũng muốn chia rẽ mối tình của tôi với Thụy Bình hết!
Tim tôi nhói đau, đầu choáng váng, máu cơ hồ muốn làm vỡ tung từng mạch máu trong người.
Giữa lúc đó, dì Quyên bước vào, phía sau có cả Đức, hình như họ đang bàn cãi nhau về vấn đề tiền bạc. Vừa thấy tôi, dì Quyên cười nói:
-Tiểu Cẩn, mai Đức sẽ đến Cao Hùng thu tiền, dì muốn con nhân cơ hội này đến đấy chơi cho biết.
Nữa rồi, kế hoạch lại tiến hành. Tôi đứng bất động, cánh thư nắm chặt trong tay. Tôi nhìn thẳng mặt dì Quyên. Hình như dì đã biết hết sự thật nên tái mặt:
-Tiểu Cẩn, sao vậy con? Có chuyện gì buồn phiền?
Tôi đưa cao lá thư nghẹn lời:
-Dì hãy nói với con tất cả những điều trong lá thư này đều không có thực, nói đi, nói đi!
Nhìn bức thư, dì Quyên há hốc mồm, đưa tay lên định phân bua điều gì, nhưng rồi lại bỏ tay xuống rên rỉ:
-Trời ơi!
Dì nhắm mắt lảo đảo ngồi xuống ghế, tôi xông tới giữ chặt vai dì nói như hét:
-Dì nói đi chứ, nói đi chứ! Đấy không phải là sự thật, tất cả chỉ là trò đùa, nói đi, nói đi…
Tôi vừa nói mà nước mắt tôi cứ như suối, tuôn đẫm cả áo tôi:
-Dì nói đi, tôi không phải là con dì, tất cả chỉ là trò chơi đùa nghịch, nói đi… nói đi!
Dì Quyên vùng khỏi tay tôi, tay dì lạnh như ướp đá, giọng nói thê thảm vẳng từ vực sâu:
-Tất cả đều là thật, thật hết! Tiểu Cẩn, con là con của mẹ!
- Không phải, tôi khóc rống lên – Dì nói dối, dì gạt con, dì không hề có con bao giờ cả, chính miệng dì đã bảo con điều đó. Dì và mẹ gạt con đến đây chỉ để cắt đứt mối tình con với anh Bình thôi!
Càng nói tôi càng thấy tức, càng thấy cơn giận dồn lên đầu, bầu máu nóng như đang cuồn cuộn trong người.
-Ai ai cũng âm mưu cả, cũng muốn giết tình yêu của con cả, thế còn chưa đủ, còn bày đặt thêu dệt chuyện dì là mẹ ruột con! Con chắc chắn không bao giờ có chuyện đó, nếu có đi nữa, chẳng bao giờ con nhận dì là mẹ, chẳng bao giờ!
Tôi càng nói mặt dì Quyên càng tái, dì như một thân xác không hồn, mặc tình tôi dằn vặt, xô đẩy. Đang lúc cơn giận lên cao thì chợt thấy như có bàn tay ai nắm lấy vai tôi kéo ngược ra sau. Tôi quay lại thì ra là Đức. Đức nhìn tôi với cái nhìn trách móc:
- Cô đừng tiếp tục nổi nóng nữa, bà chủ sắp ngất xỉu rồi đó.
Tôi nhìn Đức, lửa giận đổi chiều, tôi dậm chân hét to:
- Anh là ai mà có quyền can thiệp vào đời tư tôi? Tôi biết anh cũng là một trong những kẻ dự phần vào âm mưu này, mấy người hợp nhau lại định hại tôi. Hèn gì, có sự hậu thuẫn của dì Quyên, anh mới dám ôm hôn tôi tối hôm kia chứ? Toàn là mưu sĩ cả, toàn là những kẻ âm mưu hết.
Những lời nói của tôi đã quật ngã Đức, anh chàng trừng mắt nhìn tôi:
- Cô nói cái gì? Ai âm mưu?
Tôi không đáp, hùng hổ xông ra cửa, có tiếng dì Quyên hét to phía sau:
- Tiểu Cẩn đi đâu đấy?
- Tôi về Đài Bắc!
Vừa chạy, tôi vừa nói. Trở lại phòng, tôi vột nhét quần áo vào xách tay du lịch, Hoa đứng ở cửa phòng nhìn chứ không dám bước vào, tôi xách hành lý mình bước ra cửa, vừa đi vừa khóc. Con đường đất đỏ bụi mù, nắng như thiêu như đốt. Tôi quên mang theo nón, nên mồ hôi đã hòa với nước mắt thành một. Sức nắng cháy làm đầu tôi nhức nhối, cổ họng tôi khô. Sỏi trải dưới đường bây giờ thành những trở ngại quan trọng ngăn cản bước chân. Đi được một đoạn đường ngắn, tôi không lê chân được nữa, nên ngồi xuống bãi cỏ ven đường nghỉ mệt. Tôi cũng bắt đầu lấy lại được bình thản, bắt đầu vận dụng được lý trí của minh. Bức thư của dì Quyên, nỗi đau như xé thịt. Không phải tôi chỉ buồn vì thân phận thật sự của mình, mà những lời phân tích trong thư của mẹ, cho tôi thấy mối tình của tôi từ đầu đến cuối chỉ là mốt mối tình đơn phương. Bình có thật sự xem tôi như món đồ chơi không? Chàng có trững giỡn với tình yêu tha thiết của tôi không chứ? Tất cả nếu nghĩ kỹ, có vẻ đó là sự thật, một sự thật bén nhọn như dao đâm vào tim tạo thành trăm vết thương rỉ máu. Tôi cứ thế ngồi, cứ thế nghĩ và u sầu không biết phải làm sao? Có tiếng chó sủa cắt ngang sự nghĩ ngợi, rồi Willy chạy đến ngửi ngửi, tôi vẫn ngồi bất động. Sau đấy, tôi thấy một chiếc xe ba gác ngừng trước mặt mình. Đức nhảy xuống xe với một vòi nước ấm trên tay, anh chàng đưa vòi nước vào miệng tôi, và tôi máy móc uống. Tỉnh táo xong, hết khát, tôi mới nhìn rõ mặt Đức, đôi mắt hắn thật lạnh, hắn nhìn tôi hất hàm hỏi:
-Lên xe đi, nón cô có sẵn trong xe, tôi sẽ đưa cô ra bến xe ngay.
Toi đứng dậy leo lên xe. Đức nhìn tôi một chút nói:
- Cô nghĩ kỹ chưa? Thật sự cô muốn về Đài Bắc à?
- Ừ!
Tôi vẫn chưa hết dỗi hờn. Hắn tiếp tục nhìn tôi với đôi mắt lạnh:
- Hôm trước nhận đuợc điện tín của cô, bà chủ đã gọi hết những người trong nhà thức dậy. Chỉ để làm mọi công việc. Dọn phòng cho cô. Trước đến giờ tôi chưa hề thấy bà chủ vì ai lại sốt sắng như thế. Vì vậy cuối đêm hôm ấy, đứng ở sân ga, vừa nhìn thấy cô là tôi đã đoán ngay cô là con ruột bà chủ, vì cô giống bà ấy như khuôn đúc.
Tôi cắn nhẹ môi, Đức ngưng một chút tiếp tục nói:
- Còn một điều nữa tôi cần minh định với cô, tôi chẳng hề tham dự vào bất cứ một âm mưu nào cả, chuyện buổi tối hôm nọ ở vườn hoa tôi thành thật xin lỗi cô. Ở trong tình cảnh hiện tại, tôi hiểu chắc cô sẽ tin rằng tôi nói thật, tôi rất mong thế?
Tôi vẫn yên lặng. Đức nhảy lên xe:
- Thôi bây giờ chúng ta ra bến xe.
Xe nổ máy và hướng về phía nhà ga, tôi yên lặng ngồi trong xe, mắt thờ ơ nhìn theo chú chó Willy chạy đuổi theo sau, lúc đi thật xa, sao lúc lại gần quá. Thị trấn nhỏ đã xuất hiện trước mắt, những mái nhà kiến trúc có ngói sơn xanh. Tôi cắn nhẹ môi và quyết định:
- Anh Đức, quay xe lại đi!
Đức quay đầu lại nhìn tôi, rồi xe ngừng thật gấp.
Chàng xuống xe và bước tới nhìn tôi với đôi mắt ấm:
- Xin tuân lịnh cô!
Xe quay đầu trở lại, chạy nhanh về hướng nông trường. Willy chạy bở hơi mới đuổi theo kịp. Vừa đến nơi, tôi nhảy xuống xe chạy bay về phía phòng dì. Dì Quyên ra mở cửa đón tôi với đôi mắt ngạc nhiên. Tôi gọi lớn:
- Dì ơi!
Dì mới thật sự tin và ôm tôi vào lòng, những giọt nước mắt chảy dài xuống má.
- Tiểu Cẩn, Tiểu Cẩn con!
Tôi cũng khóc theo. Một lúc, rồi tất cả lại trở về với sự bình lặng, dì Quyên vẫn không buông tôi ra. Mùi vải thơm, mùi xà bông thơm quen thuộc làm lòng tôi trở ấm.
Tối hôm ấy, tôi gặp Đức ở vườn hoa, Đức vẫn nằm trên bãi cỏ ở cạnh những đám hoa vàng. Tồi ngồi xuống cạnh, ngượng nghịu:
-Anh Đức!
- Hử?
- Anh làm gì đấy?
- Không làm gì cả, tôi định thôi việc.
- Tại sao vậy?
- Không tại sao cả.
- Tôi biết tại sao rồi… Tôi đáp – Anh Đức, tôi không cố tình nghĩ là anh có tham dự vào chuyện âm mưu.
Đức cắt ngang:
- Thôi đừng nhắc chuyện đó nữa.
- Nhưng mà… Tôi nhìn Đức. Khuôn mặt vuông với đôi mày rậm và chiếc miệng rộng hôm nay trông thật dễ nhìn. Tôi xích lại gần hơn, nắm lấy vai Đức nói – Đừng thôi việc nhé anh, ở lại đây với tôi một thời gian, chúng ta sẽ cùng nghe hoa cỏ nói chuyện.
Đức nhìn tôi, rồi một bàn tay xiết nhẹ tay tôi:
- Cẩn có thấy đời sống ở thôn quê giản dị và bình thản không? Cẩn có yêu thích cuộc sống thế này không chứ?
- Thích lắm!
Hoa và cỏ bắt đầu nói chuyện. Tôi đã nghe thấy… Hoa Vàng đang ca ngợi hoa Hường xinh đẹp, Nhất Nhật Tân khen sương sớm tinh khiết, Bông Quỳ trầm trồ trăng sáng, hoa Tím đang kết bạn với hoa Đỏ, Mộc Can và Đèn Lồng đang kể chuyện tâm giao… Còn loài cỏ Ngũ Sắc cũng đang bày tỏ tâm sự mình với loài Phổ Công Anh kiêu sa cao quý.
- Anh Đức này. Tôi đột nhiên nhớ tới một điều mà lâu quá tôi không hỏi.
- Cả tên lẫn họ anh là gì nhỉ?
-Đức cười nhẹ:
- Điều đó quan trọng lắm sao?
Tôi vội khoát tay:
- Không, không, không cần lắm. Có hay không thì vẫn là anh cơ mà?
- Hết -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét