Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Nghe thuat Thien.html

NGHỆ THUẬT THIỀN

1.

 Ba con đường minh triết Á Châu truyền thống – đạo Ấn, đạo Phật và Thiền – đã được diễn đạt bằng ba nền nghệ thuật, hay nói đúng hơn, là chuyên chở theo chúng ba nền nghệ thuật đặc sắc, hàm súc, siêu nhiên, ngày càng hấp dẫn con người hiện đại. Đó là nghệ thuật Ấn, nghệ thuật Phật và nghệ thuật Thiền.

2.

Sẽ thiếu sót, khi muốn nói đến nghệ thuật Thiền mà không nói đến Thiền nói chung, về căn bản của nó.

Bồ Đề Đạt Ma, ông tổ thứ 28 của đạo Phật tại Ấn Độ, cập tỉnh Quảng Đông (Trung Hoa) vào khoảng những năm 520 – 526. Ông trở thành sư tổ của Thiền. Thiền là cách gọi của Trung Hoa và Việt Nam, Nhật gọi là Zen. Thiền và Zen đều phiên âm từ tiếng Phạn Dhyàna. Có thể dịch nghĩa từ này là "im lặng mà suy nghĩ" (tĩnh tự). Trong lịch sử triết học Trung Hoa người ta gọi Thiền là môn phái triết học im lặng.

Một người có thẩm quyền giảng thuyết về Thiền trên thế giới là giáo sư Suzuki, người Nhật. Tại một hội thảo quốc tế, giáo sư Erich Fromm, người Mỹ, đã tóm tắt một số phương diện cốt yếu của Thiền theo định nghĩa của Suzuki như sau: "Thiền là nghệ thuật nhìn vào bản tính hiện hữu mình; nó là con đường từ hệ lụy tới tự do; nó giải phóng những tinh lực tự nhiên của ta; nó ngăn chặn chúng ta khỏi hóa điên hay tàn tật, và thúc đẩy ta bộc lộ khả năng hạnh phúc và thương yêu…"

Mục đích tối hậu của Thiền là Ngộ. Cũng Erich Fromm đã trình bày ở hội thảo: "Ngộ không phải là một tâm trạng bất thường; nó không phải là một cơn ngây ngất trong đó thực tại biến mất… Nó là một trạng thái trong đó con người hoàn toàn hòa hợp với thực tại bên ngoài và bên trong hắn. Ngộ có nghĩa là sự thức tỉnh trọn vẹn của toàn thể cá tính đối với thực tại."

Sống trong Thiền có nghĩa là đối xử với chính mình và thế gian bằng một tâm thức ưa mến và tôn kính nhất.

3.

Nghệ thuật Thiền bắt rễ sâu vào những suy nghĩ đó, và đứng về phía lịch sử mà nói, đã được nuôi dưỡng từ những chuẩn thẩm mỹ của đất Hoa Nam đời Tống (960 – 1280).

Cái cảm giác lập tức của chúng ta trước một tác phẩm Thiền là thấy người nghệ sĩ nhận thức đựơc cuộc sống từ bên trong, chứ không phải là hướng cái nhìn ra bên ngoài. Một nghệ thuật khơi gợi, chứ không thuyết giảng. Trong khi đó, một pho tượng Hy Lạp, một bức tranh Phục Hưng, một vườn cây cổ điển của Châu Âu là sự trau chuốt và phô diễn một cơ thể đẹp, ở ngay cái trật tự của thế giới sự vật có thể sờ mó đựơc.

Có thể nhận ra những nét riêng biệt của nghệ thuật Thiền:

- Đơn bạc đến tối giản đường nét, màu sắc, nhiều khi như dở dang, hết sức tự do. Không chú trọng cái đẹp mắt, cái đẹp mỹ thể.

- Nhận thức hướng nội, không miêu tả và phân tích, mà ám chỉ và tượng trưng.

- Phương tiện diễn đạt và chất liệu thì đơn sơ đến khổ hạnh, không chờ và không tìm những hiệu quả thị giác.

- Buông thả hồn nhiên những khoảng trống vô thức, tạo một khoảng trống vô cùng giản dị giữa tâm hồn con người và sự vật.

4.

Người Âu Mỹ tạc tượng, vẽ tranh như những kỹ sư thông thái đo đạc và kiến tạo. Nghệ sĩ Thiền đặt hành động vẽ của mình trong một thứ trực giác hồn nhiên không kiểm sóat. Ngọn bút và cái đục trong tay người nghệ sĩ Âu Mỹ đắn đo, ý thức như khi người thấy thuốc cầm con dao mổ bao nhiêu,  thì trong tay người nghệ sĩ Thiền lại được bỏ mặc cho sự tự hành bấy nhiêu. Có điều ta nên hiểu thứ tự do này là kết quả của một vô thức đạt được qua tu luyện lâu dài và gian khổ. Nói như Suzuki, lối nhận thức thực tại này của Thiền là lối nhận thức tiền khoa học, hay siêu khoa học, hay có thể nói là phản khoa học cũng đựơc.

Hiểu như vậy, nhận thức của Thiền là một dạng trở về căn nguồn đúng nghĩa nhất của con người.

Trong mấy thế kỷ liền, nghệ thuật Thiền muốn đặt trọng lượng của mình vào cái hư không. Hội họa, cũng như thư pháp, vườn cây, đều lấy sự trống trải, đơn bạc của chất liệu, hình thể và màu săc làm phương tiện. Cái được coi là quan trọng nhất trong sự vật là cái vô lường, mà đã vô lường thì chỉ có thể gợi ý, chứ không thể miêu tả được.

5.

Về hội họa, chính Thiền đã đẻ ra loại tranh một màu mà người Nhật gọi là Sumié, thịnh hành trong các tu viện đầu thế kỷ XIV. Chỉ một màu đen trên giấy trắng mở ra cái ý vị hư vô, trừu tượng, mà thời hiện đại đã khai thác và tái sinh. Thẩm mỹ Thiền không theo đuổi cuộc vui chơi, không thỏa mãn trí khôn. Mục đích của nó là tâm niệm. Người vẽ thì chiêm nghiệm đối tượng, người xem thì chiêm nghiệm bức tranh. Cả hai coi đó là cái đã xuất khởi cửa trầm tư.

Nếu không phải là hầu hết, thì cũng rất nhiều họa sĩ Thiền trong lịch sử là tu sĩ. Người tu Thiền vào những thế kỷ xa xôi thường xa lánh nơi đô hội, ngồi một mình trong những hốc đá tĩnh mịch, mù sương. Hội họa đối với họ là sự mặc niệm, là đạo (con đường) dẫn tới một trạng thái tối thượng, nơi không còn cái ý nghĩa cắt lìa giữa con người và vũ trụ, con người và sinh vật, đá và cây, sông và núi… Tất cả chỉ còn là một bản chất.

Họa sĩ Nhật và Trung Hoa vẽ rất nhiều cảnh một người đơn chiếc với bóng trăng, hay ngắm nhìn thác nước, có khi chỉ là mê man trước một vùng hư không, người và vật đều thoát xác. Vẫn luôn là thế, và vẫn không luôn là thế. Họ không có mục đích quan sát ngoại vật rồi biểu diễn lại bằng tài năng cái thiên nhiên như nó, mà chỉ gợi ý thơ bằng cách tạo một cuộc đời im lặng.

Ở Viễn Đông xưa, không có cái ý con người làm chủ và chiếm đoạt thiên nhiên. Ở đây, người nghệ sĩ hướng về con người giải hòa với những lực lượng huyền bí trong vũ trụ. Tranh phong cảnh ở đây không chút nào giống với tranh phong cảnh thời Phục Hưng chẳng hạn, với cách diễn tả đầy đủ, hợp lý và khách quan, như thật. Trong quan niệm khoa học của Âu Mỹ, thiên nhiên thường làm nền cho một người – ông chủ. Trái lại, ở tranh Thiền, ta phải cố gắng lắm mới nhận ra một bóng người mơ hồ bé nhỏ, lạc bước trong vùng núi thâm sâu, giữa thung lũng mù sương hay trước dòng sông dữ dội. Rất nhiều họa sĩ có thói quen đặt một khoảng trống ngay giữa tranh, chỉ gieo vào đấy một cánh én nhọn hoắt hay một cành cây gầy guộc, để trí tưởng tượng của người xem mất hút trong im lặng và hư không.

Cũng có khi ta gặp một cành tre, một chiếc thuyền, một bông hoa hay con chim sơn cước được vẽ y như thật. Nhưng khi đó, ta nên nhớ rằng ý nghĩa thẩm mỹ thực sự vẫn vượt ra ngoài vật thể, khỏi đường biên đơn thuần của sự miêu tả theo tự nhiên.

6.

Vườn Thiền cũng là một khoảng không tịch lặng, thanh bình của thơ và của đẹp, thuận lợi cho sự mơ màng một đời sống tinh thần thanh khiết.

Nghệ thuật vườn Thiền có gốc từ thế kỷ X, những mẫu già nhất còn lại đến nay là vườn Thiền Tenryu – fi, ra đời hồi thế kỷ XIV, còn mẫu hoàn chỉnh nhất là vườn Thiền Ryôan – fi ở Kyoto, ra đời từ thế kỷ XV.

Vườn Tenryu – fi không có hoa, không cây cỏ, mà toàn là những rong rêu, sỏi đá, màu sắc tối sẫm. Do nhà danh họa Soami thực hiện, vườn được bố cục như một bức tranh: giữa để trống, những thành phần chính đều lánh sang hai mép, như ngập ngừng, định ra hẳn phía ngoài. Cái khái niệm đối xứng như khoa hình học ấn định, ở đây, được nới ra một cách linh hoạt bằng những thái cực ngược chiều nhau: âm và dương, núi và thác nước, đảo và biển, tâm và vật. Tất cả là tượng trưng. Rùa và sếu, núi và đảo là những tảng đá hoang sơ và bụi cây cằn cỗi, nước của sông hồ là cát trắng và sỏi. Một thác nước từ trên cao đổ xuống lướt thành sông: đó là đời người. Dòng sông đổ ào ra biển Hư vô: đó là cái chết. Những tảng đá gớm ghiếc lăn kềnh: đó là dục vọng.

Vườn Ryôan -  fi nổi tiếng chỉ là mảnh đất chủ nhật phủ đầy cát trắng, chải kỹ càng như tấm thảm vô sắc, trên đó 15 tảng đá dị hình nằm trong một trật tự hết sức bâng quơ, như nhô lên từ vô thức. Sách vở phương tây cho rằng đó là tác phẩm nghệ thuật trừu tượng đầu tiên.

Từ cánh cửa tu viện, người tu Thiền nhìn ra vườn. Họ không tìm tấm thảm sang trọng, nhung lụa, rực màu hoa lá, mà tìm một phương tiện nghèo, khô, để tri giác đựơc cái gì là tuyệt đối.

7.

Chính các thiền sư Nhật đã truyền bá lý tưởng của mình, vào thế kỷ XIII, bằng con đường trà đạo.

Uống trà ở Nhật là nghệ thuật trở về với đời sống bình dị và xích lại gần thiên nhiên. Phòng trà là một kiến trúc đơn sơ, thôn dã, nhưng thanh khiết, trí tuệ. Hơn thế nữa, uống trà là một nghi lễ trân trọng tiến hành nơi hoang vắng. Người ta uống trong trầm ngâm, thắp hương, cắm hoa và treo tranh để chiêm nghiệm. Trước khi vào phòng trà, khách đi qua một vườn chè tịch mịch, đủ để trút lại mọi bận bịu trong lòng, chuẩn bị bước vào cõi thơ và mộng của trà đạo, để cơ thể được trong sạch, khách còn qua một bể nước rửa tay, súc miệng. Để tránh ồn ào, pha tạp, người ta không uống trà quá 4 người.

Cái bát gốm dùng để uống trà là một tác phẩm thật sự nghệ thuật. Người uống nâng niu, thưởng thức hình dáng và chất liệu của nó trong hai lòng bàn tay. Chính trà đạo là cái bệ đỡ vững chắc cho nghệ thuật gốm Nhật Bản trong nhiều thế kỷ. Vào thế kỷ XV, bởi sự thúc đẩy của các thầy trà đạo mà gốm Nhật đã có một bước ngoặt mới rời khỏi kiểu cách rườm rà, trang sức của gốm Trung Hoa và Triều Tiên để đáp ứng với thẩm mỹ Thiền: Thuần khiết, đơn bạc; Và đó là cái Đẹp cao sang, không tư lự.

Thái Bá Vân – nhà phê bình mỹ thuật       

HẾT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét