Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Ngay tan cua Mafia Y.html

NGÀY TÀN CỦA MAFIA Ý

NGUYỄN QUÂN (Theo Reuters, AP, DPA)

 

 

 

Nguồn : Tuổi Trẻ Online

Tạo ebook : trongtk (TVE)

 

 

Mục lục :

 

Kỳ 1: Mối thâm thù San Luca

Càn quét

Mối thâm thù San Luca

Kỳ 2: Ndrangheta – bí mật và tàn bạo nhất

Tước đoạt quyền uy

Kiếm 50 tỉ USD mỗi năm

Kỳ 3: Các bố già rơi rụng

Tỉ phú trốn trong nhà kho

Rung chà cá nhảy

Kỳ 4: Những chiến binh trẻ

Đồ chơi trẻ thơ là súng ống

Không lối thoát

Kỳ cuối: Nói không với mafia

Guồng máy tàn nhẫn

Vĩnh biệt tiền bảo kê

 

 

 

 

 

Kỳ 1: Mối thâm thù San Luca

 

 

 

 

      Vụ thảm sát một lúc sáu người Ý tại thành phố Duisburg ở miền tây nước Đức được xem như giọt nước tràn ly khiến cảnh sát Ý tung liên tục các mẻ lưới lớn hốt một loạt bố già mafia.

 

Trong chiến dịch truy quét tội phạm mang mật danh “Pluton”, ngày 4-12 cảnh sát Ý đã bắt giữ hàng chục tên mafia trên đảo Sicily. Đây là đợt truy quét mới nhất trong chiến dịch an ninh mà cảnh sát Ý tiến hành gần đây nhằm làm tê liệt các tổ chức tội phạm khét tiếng tại Sicily.

Càn quét

Đại úy Vincenzo Letizia, thuộc lực lượng hiến binh Sicily, cho biết đã bắt giữ 46 phần tử mafia, trong đó có tên Vincenzo Santapaola, 38 tuổi, con trai cả một bố già khét tiếng tại Catania, thành phố lớn nhất nằm ở phía đông đảo Sicily. Các phần tử tội phạm này bị cáo buộc tống tiền, buôn lậu ma túy và một số tội danh khác. Ngoài ra, trong cuộc truy quét trên, cảnh sát Ý cũng thu giữ được một số vũ khí, ma túy và một cuốn sổ ghi chép hoạt động bảo kê, trả lương cho những tay chân trong băng nhóm.

Nhà chức trách Ý cho rằng Vincenzo Santapaola đã trở thành kẻ cầm đầu băng đảng mafia tại Catania sau khi cha hắn là “bố già" Benedetto Santapaola bị bắt và tống giam từ hơn 10 năm trước. Bộ trưởng Nội vụ Ý Giuliano Amato khen ngợi chiến dịch thành công mỹ mãn: “Chúng tôi bóc dỡ các băng nhóm từng mảng. Các bố già chớ hoang tưởng nữa. Chúng tôi sẽ lần lượt tóm từng tên”.

Chưa bao giờ giới chức trách Ý mạnh miệng như thế khi nói về việc tiêu diệt mafia. Nhưng họ có chứng cứ để tự tin như thế: họ đang tung các mẻ lưới rất thành công trong thời gian ngắn vừa qua. Đó là thắng lợi của ý chí chính trị, điều mà từ rất lâu trong thời gian qua, người ta vẫn cho rằng do giới “thiên đình” ở Ý có những câu kết với các băng nhóm tội phạm khiến chúng ung dung tự tung tự tác.

Trong thời gian gần đây, cảnh sát chống mafia Ý đã mở nhiều cuộc truy quét các băng nhóm tội phạm ở nước này. Ngày 5-11 vừa qua, cảnh sát đã bắt Salvatore Lo Piccolo, kẻ được mệnh danh là “bố già của các bố già" ở Palermo, bị truy nã đã 25 năm qua. Cùng bị bắt với hắn là con trai út Sandro và hai tên đàn em. Trong một đợt truy quét hồi đầu tháng 10-2007, cảnh sát Ý cũng bắt giữ gần 40 phần tử mafia thuộc băng đảng ở Sicily. Năm ngoái, họ cũng bắt được một “bố già" quan trọng khác là Bernardo Provenzano.

“Bố già" Lo Piccolo 

Có thể kể đến vụ Daniele Emmanuello, 43 tuổi, bị truy nã từ 13 năm qua bị cảnh sát tiêu diệt khi tìm cách tẩu thoát trong cuộc vây bắt tại một nông trang ở Sicily hôm 3-12. Quả không hổ danh là một “bố già" có cỡ ở thành phố Gela, nằm trong danh sách 30 tên tội phạm hàng đầu bị truy nã của cảnh sát Ý. Emmanuello trước khi gục ngã vì một viên đạn vào sau ót đã kịp nuốt những mẩu giấy có chứa tên và các số điện thoại quan trọng. Khi khám nghiệm tử thi, những mẩu giấy bí mật đó vẫn còn nằm trong thực quản của Emmanuello. Tuy nhiên, không rõ các nhà điều tra có tìm hiểu thêm được gì trong những mẩu giấy đã bị nhai nhỏ đó hay không.

Mối thâm thù San Luca

Những mẻ lưới của cảnh sát Ý đã được tổ chức liên tục trong thời gian qua nhưng tăng tốc trong vài tháng gần đây kể từ khi xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng bên… Đức hồi tháng tám năm nay. Nó là giọt nước tràn ly khiến cảnh sát Ý phải ra tay mạnh mẽ để chứng minh với các nước láng giềng rằng người Ý sẽ giải quyết triệt để nạn tội phạm có tổ chức đã ăn sâu cắm rễ trên đất nước hình chiếc ủng này.

Vụ thảm sát diễn ra sau buổi tiệc sinh nhật tròn 18 tuổi của Tommaso Venturi, ở nhà hàng pizza Da Bruno của người Ý tại thành phố Duisburg ở miền tây nước Đức, tối 14 rạng sáng 15-8. Các nạn nhân đều là người Calabria, miền nam nước Ý. Ngoài chủ tiệc, năm nạn nhân còn lại là Sebastiano Strangio, 39 tuổi, chủ nhà hàng, Francesco Giorgi, 16 tuổi, cháu trai của Strangio và các anh trai của Giorgi là Francesco, 22 tuổi, Marco Pergola, 20 tuổi và Marco Marmo, 25 tuổi. Tất cả đều được tìm thấy chết vì lỗ chỗ vết đạn trên người và ngồi trên hai chiếc xe đậu trước nhà hàng.

Các nhân viên điều tra Đức cho biết tìm thấy ít nhất 70 vỏ đạn và các nạn nhân đều không có vũ khí trong tay. Đặc biệt họ không tìm thấy vết tích gì từ các hung thủ, điều đó chứng tỏ chúng là những sát thủ rất chuyên nghiệp.

Từ quê quán của các nạn nhân, đều là người của “gia đình” Pelle-Romeo, cảnh sát Ý được mời vào cuộc. Các điều tra viên tin rằng đây là một vụ thanh toán giữa hai băng nhóm mafia của Ý là Nirta-Strangio và Pelle-Romeo, thuộc tổ chức Ndrangheta, bởi lẽ một trong sáu nạn nhân (Marco Marmo) bị cho là hung thủ từng sát hại Maria Strangio, 33 tuổi, vợ của “trùm” Giovanni Nirta thuộc băng Nirta-Strangio vào đêm Giáng sinh năm 2006. Trong vụ phục kích đêm đó, “trùm” Giovanni cũng bị thương cùng em trai là Francesco và đứa con trai 5 tuổi. Vụ thảm sát lại diễn ra vào dịp Ascension Day (ngày Chúa thăng thiên) – như lời đáp trả cho vụ án mạng ngày Giáng sinh năm trước.

Mối thâm thù truyền kiếp giữa hai gia đình mafia này đã kéo dài 16 năm qua, thường được báo chí Ý gọi là “mối thâm thù San Luca”. Nó xuất phát rất trời ơi: từ việc các nhóm thanh niên của hai bên ném trứng thối (hoặc pháo, theo các giả thuyết) vào nhau trong lễ hội Saint Valentin ở San Luca, tên một ngôi làng vùng Calabria, vào năm 1991. Các cuộc thanh toán trả đũa giữa hai nhóm diễn ra từ đó đến năm 2000 đã làm sáu người chết. Rồi hai bên ngưng xung đột trong một thời gian dài cho đến đêm Giáng sinh 2006. Thêm năm tên mafia bị thiệt mạng sau đó trong các cuộc “trải thảm”.

Sáu nạn nhân ở Duisburg được cho là phải rời khỏi Calabria để tránh xung đột nhưng vẫn không thể thoát. Ông Luigi De Sena, một cảnh sát kỳ cựu của Ý, nhận định đây là vụ xung đột chưa có tiền lệ giữa hai nhóm khi lần đầu diễn ra bên ngoài nước Ý.

 

Vòng trả đũa mới?

Bộ trưởng Nội vụ Ý Giuliano Amato khẳng định vụ thảm sát tại Duisburg có vẻ là hành động mới nhất trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng của hai gia đình mafia tại vùng Calabria. Trong một cuộc họp báo, ông Amato nhận định: “Chúng tôi hiện đang cố ngăn ngừa một thảm cảnh tương tự xảy ra ở Calabaria”. Đám tang của các nạn nhân ở Duisburg đã được chính quyền địa phương dàn xếp cho bớt linh đình để tránh gây ra những cơn giận dữ mới từ phía gia đình các nạn nhân.

Cảnh sát Ý lập tức ra tay. Hãng tin ANSA hôm 30-8 đưa tin các công tố viên Ý vừa ra lệnh bắt giữ 40 thành viên của băng nhóm mafia Calabria bị nghi là có liên quan đến vụ thảm sát ở Duisburg.

 

 

 

 

 

Kỳ 2: Ndrangheta – bí mật và tàn bạo nhất

 

 

Trong lễ tang tay mafia Marco Marmo tại San Luca, chính quyền Ý lo sợ những cuộc trả thù mới giữa các gia đình tại Calabria    

      Tên sát thủ đi một mình, gương mặt giấu trong cổ áo khoác dựng lên như thể để che gió. Hắn len lỏi trong dòng người đang xếp hàng chờ đi bầu ở Locri, một thành phố nhỏ ở cực nam của Ý.

Khi đến trước mặt Francesco Fortugno, hắn rút khẩu súng ngắn từ áo khoác và nã liền năm phát đạn vào người vị phó chủ tịch vùng Calabria trước khi lẩn vào đám đông nhốn nháo để tẩu thoát. Án mạng xảy ra vào ngày 16-10-2005.

 

Tước đoạt quyền uy

“Đó là một vụ sát hại một ná trúng hai chim bởi nó còn là thông điệp cảnh báo với người dân và các cấp chính quyền”, Mimmo Nasone, phụ trách tổ chức chống mafia Libera de Reggio ở vùng Calabria, phân tích. “Ông Fortugno là người nằm trong chính quyền vùng đang có lời tuyên chiến chống mafia. Khử ông theo kiểu kín đáo hẳn dễ hơn công khai thế này. Rõ ràng bọn chủ mưu đưa ra thông điệp mạnh mẽ: hoặc quí vị cúi đầu cam chịu, hoặc quí vị sẽ bị khử”.

Trong 14 tháng, chỉ riêng ở Locri đã xảy ra 24 vụ giết người có tính chất mafia; trong vòng hai năm có 323 vụ khủng bố hoặc âm mưu đe dọa (có khai báo) đối với các vị đại diện chính quyền của vùng và tính từ cuối những năm 1990, 28 hội đồng nhân dân địa phương đã bị giải tán vì “bị mafia thao túng”. Thẩm phán vùng Calabria, ông Vincenzo Macri, buộc phải thừa nhận: “Vùng này không còn nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ nữa. Ndrangheta có mặt ở khắp chốn. Người dân cũng chẳng còn dám tố cáo với cảnh sát hoặc cơ quan tư pháp nữa vì cả những tổ chức này cũng bị bọn mafia thâm nhập”.

Nỗi bất lực đó là có thật. Như thị trưởng Rocco Cassone của thành phố Villa San Giovanni phải sống và làm việc trong sự bảo vệ suốt ngày đêm của cảnh sát. Ông và các thuộc cấp từng bị cả chục lần dằn mặt từ mafia: đốt ôtô, bắn vào cửa nhà hoặc nhận bì thư chứa số viên đạn bằng với số thành viên trong gia đình mình… “Chúng muốn quyền lực, tất cả quyền lực”, thị trưởng Cassone phẫn nộ. Thị trưởng thành phố Gerocarne đã phải nộp đơn từ chức sau khi ôtô vợ ông ta bị cài bom. Mafia ở Calabria thậm chí còn đưa được 500g thuốc nổ vào nhà vệ sinh của tòa thị chính thành phố Reggio để tiêu diệt ông thị trưởng. Mộ phần dòng họ thị trưởng thành phố Sinopoli bị lực lượng tội phạm đặt thuốc nổ phá hủy.

Kiếm 50 tỉ USD mỗi năm

 

Lực lượng đặc nhiệm của hiến binh Ý trong cuộc vây ráp mafia tại làng San Luca  

Các băng nhóm tội phạm có tổ chức ở Ý bao gồm Ndrangheta ở Calabria, Cosa Nostra ở Sicily và Camorra ở Napoli cùng vài tổ chức khác ở miền đông nam. Cảnh sát Ý cho rằng trong các nhóm trên, Ndrangheta là bí mật nhất và cũng tàn bạo nhất. Ông Giuseppe Lumia, phó chủ tịch Ủy ban chống mafia của Quốc hội Ý, từng tuyên bố trên đài Sky TG24 rằng Ndrangheta nguy hiểm như khủng bố.

Ndrangheta xuất thân từ một tổ chức tội phạm chuyên nghề gá bạc bên Tây Ban Nha năm 1412. Chúng phát triển mạnh ở Calabria vì đây là một trong những vùng nghèo nhất nước Ý (tỉ lệ thất nghiệp hiện trên 30%). Năm 2005, Bộ Nội vụ Ý ước tính thành viên của Ndrangheta khoảng 4.000 – 5.000 trong số dân 576.000 ở Calabria.

Thuở trước, chúng kiếm tiền bằng nghề bắt cóc đòi tiền chuộc và nay đã lớn mạnh trong nghề buôn bán ma túy. Bước chân sang lĩnh vực kinh doanh bột trắng cocain từ 20 năm qua, Ndrangheta nhanh chóng giàu có và bắt tay với cả các băng đảng lừng danh bên Colombia. Với tiềm lực tiền bạc, Ndrangheta dám đánh cả những chuyến hàng trắng lên đến 25 tấn để phân phối khắp nơi. Viện Kinh tế và xã hội Eurispes đánh giá doanh thu của Ndrangheta lên đến 50 tỉ USD mỗi năm (Cosa Nostra hơn 40 tỉ, Camorra khoảng 40 tỉ) trong khi GDP của cả vùng Calabria chỉ vào khoảng hơn 40 tỉ. Có tiền, chúng còn o ép mua lại các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà chúng đã làm cho lụn bại để lấn sân sang bình phong hợp pháp.

Sở dĩ Ndrangheta tồn tại bền bỉ như thế còn là vì chúng biết tổ chức nhỏ gọn theo kiểu dòng họ truyền thống. Các băng phân vùng lãnh thổ làm ăn và thường không có quá 100 thành viên. Chỉ những thành viên trong dòng họ hoặc thuộc các dòng họ thân tình mới lấy nhau. Bọn trẻ sinh ra theo huyết thống đó nghiễm nhiên được quyền trở thành “cận vệ” khi đến tuổi thiếu niên.

Để bước lên cấp hai trong gia đình, các tay Mafia trẻ phải thực hiện nghi lễ nhập gia bí mật: cắt máu cho nhỏ lên một tấm ảnh thánh và sau đó đốt ảnh đi. Mỗi thành viên trong gia đình khi được thăng cấp đều được tổ chức lễ lạt chúc mừng. Thẩm phán Vincenzo Macri cho biết: “Điểm khác biệt đối với thời những năm 1970 là hiện nay các tay mafia có thể cộng tác với những kẻ không thuộc dòng họ mình”.

Ndrangheta khác biệt về tổ chức với Cosa Nostra vì không cơ cấu kiểu hình tháp. Nhưng nhờ đó chúng không gặp nguy hại khi có những tay đàn em đầu thú cảnh sát. Để thống nhất hoạt động, vào cuối mùa hè các ông trùm dòng họ có tiếng tăm của Ndrangheta tụ họp về nhà thờ Maria ở Polsi, trong vùng núi Aspromonte nhân dịp rước lễ Đức mẹ đồng trinh để thương thảo. Các nhà điều tra cho rằng quyết định hạ thủ chính trị gia Francesco Fortugno cũng từ cuộc họp các đại gia ở Polsi.

 

Cơ cấu một gia đình mafia vùng Calabria:

- Bố già: người có tiếng nói cuối cùng trong mọi việc, được bầu chọn bằng lá phiếu của mọi thành viên trong gia đình.

- Phó tướng: người thay thế khi bố già vắng mặt, do bố già chọn lựa.

- Quân sư: gìn giữ sự đoàn kết trong gia đình, đưa ra những lời khuyên hữu ích, do cả gia đình bầu chọn.

- Chỉ huy tiểu đội: do bố già lựa chọn, sẽ điều hành nhóm “binh sĩ" thực thi các nhiệm vụ cần cho gia đình. 

 

 

 

 

Kỳ 3: Các bố già rơi rụng

Vụ bắt giữ Bernardo Provenzano, bố già của các bố già Cosa Nostra, vào tháng 4-2006 được đánh giá là bước ngoặt của cuộc chiến chống mafia tại Ý. Trong mẻ lưới này, rất nhiều tay trùm cộm cán đã xộ lưới và nội bộ Cosa Nostra sau đó tan hoang vì những cuộc chém giết để giành ngôi vị.

 

Provenzano bị tóm trong niềm hân hoan của giới lãnh đạo Ý 

    

“Em yêu, tình yêu dịu ngọt của anh…”. Đó là những dòng chữ viết dở dang trên chiếc máy đánh chữ cũ kỹ bởi lẽ chủ nhân của nó, Bernardo Provenzano vừa bị bắt. Thật khó tưởng tượng cảnh ông già 73 tuổi đang mang trên mình căn bệnh liên quan đến tuyến tiền liệt phải sống trong căn phòng tồi tàn đến thế: hai chiếc ghế, một cái bàn cũ kỹ và chiếc giường hẹp chen chúc trong nhà kho chứa nông cụ.

Tỉ phú trốn trong nhà kho

Sẽ càng bất ngờ hơn nếu biết lão già bệnh tật đó lại chính là “bố già của các bố già" của Cosa Nostra tại đảo Sicily, người đang sở hữu số tài sản ước tính lên đến cả tỉ USD. Trong những tháng ngày trốn tránh cuối đời, Il Ragioniere (chuyên gia kế toán, vì những cách tính toán giỏi trong làm ăn bất hợp pháp lẫn hợp pháp) – biệt danh của Provenzano, phải giải trí với chiếc tivi cũ kỹ bị che chắn cho bớt ánh sáng và tai nghe để bớt tiếng ồn. Thực phẩm trong tủ lạnh chỉ là rau, phó mát, thịt ôi và mật ong.

Với tài sản của mình, được đứng nhờ dưới các tên giả, Il Ragioniere thừa sức chu du tận hưởng ở một hòn đảo đẹp đẽ nào đó. Nhưng ông ta quyết định “bám trụ" tại quê nhà của mình để tiếp tục điều hành công việc (bằng chứng là trên bàn làm việc của ông trùm có hàng chục mẩu giấy báo tin từ đàn em gửi đến và hàng chục mẩu khác ghi mệnh lệnh của ông ta sắp được chuyển đi). Cách giải thích của sĩ quan cảnh sát Renato Cortese, một trong những chỉ huy vụ bắt giữ, góp phần lý giải sự chịu đựng của Il Ragioniere: “Đùa cợt chính quyền ngay tại quê hương Corleone của hắn là một thách thức và cũng là một cách khẳng định quyền lực. Đối với một trùm mafia, rời bỏ Sicily để trốn tránh cảnh sát là thất bại tệ hại nhất”.

Il Ragioniere xứng đáng là bố già của các bố già vì ông ta đã đùa cợt cảnh sát Ý suốt 43 năm liền. Kể từ khi hắn bắt đầu bị truy nã năm 1963, có lúc cảnh sát tưởng hắn đã chết và chẳng ai có chút dấu vết gì về hắn ngoại trừ tấm ảnh mờ nhạt chụp hai năm trước đó và những giai thoại kinh hoàng về hắn. Mô tả theo kiểu của Luciano Liggio, người “thầy đầu tiên” của Il Ragioniere, thì “hắn là kẻ bắn súng bách phát bách trúng nhưng khốn nỗi chỉ có cái đầu bã đậu”. Thời đang lấy số trong giang hồ, Provenzano còn mang biệt danh là U Tratturi (máy kéo) vì dù chỉ cao 1,64m nhưng hắn sẽ băng băng xông tới khi có trong tay vũ khí.

Đến khi trùm Toto Riina bị bắt vào tháng 1-1993 thì Il Ragioniere được tôn vinh lên ngôi “bố già của các bố già" của Cosa Nostra. Trong vụ này cũng có tin đồn chính Il Ragioniere là kẻ mật báo cảnh sát nơi trú ẩn của Riina, người bạn thiếu thời của hắn, để vừa lập quan hệ, vừa tiếm quyền. Dĩ nhiên cảnh sát chẳng hay biết chuyện Il Ragioniere lên ngôi thống lĩnh vì các tay mafia thường nói tiếng lóng với các mật danh. Sang đến năm 1994, khi tên Gioacchino Pennino bị bắt và chịu khai báo thì cảnh sát mới biết Provenzano còn sống và đang làm ăn phát đạt.

Bốn năm sau nữa, cảnh sát Ý mới bắt đầu phác thảo được đôi chút hình hài của Il Ragioniere khi đặt máy nghe lén một trùm mafia tên Pino Lipari ngay trong nhà tù. Rồi Lipari được bố trí cho tự do. Cảnh sát theo dõi và tìm cách nghe lén. Nhờ đó họ mới biết Il Ragioniere đang sở hữu vô số tài sản lớn, nhà cửa, đất đai, cửa hiệu, thuyền đánh cá…

Rung chà cá nhảy

 

 

 Trùm mafia Francesco Vottari bị bắt tại Locri ngày 12-10-2007 sau thời gian dài bị truy nã. Một thẩm phán quốc gia Ý khẳng định ít nhất 90% bố già mafia Ý đang phải thụ án trong thời gian qua

 

 

 

Sĩ quan Cortese buộc phải thừa nhận những chiêu thức nghề nghiệp thông thường khó thành công với hệ thống liên lạc của mafia. Chúng thường chỉ trao đổi ngoài trời để tránh nghe lén; những mẩu giấy trao đổi (pizzini) được truyền qua cả chục người và thường đến mắt xích cuối cùng là cảnh sát mất dấu.

Sau bốn năm theo dõi Lipari, cảnh sát mới mơ hồ đoán biết khu vực trú ngụ của tên đầu sỏ mafia và chờ thời điểm đến tận sào huyệt, nhưng bên các công tố viên lại muốn dụng sách lược “đốt lửa chân thành”: bắt lần lượt những tay mafia thân cận của Provenzano. Và thế là ngày 24-1-2002, 38 tên mafia cộm cán xộ khám. Sách lược này được áp dụng liên tục đến năm 2005: thêm 350 tên mafia có quan hệ với Provenzano tra tay vào còng, nhưng hắn vẫn thoát lưới cảnh sát một cách ngoạn mục.

Tính tổng cộng, Il Ragioniere từng sáu lần lọt lưới các chiến dịch khá công phu của cảnh sát Ý. Sau này, khi vụ án kết thúc, người ta mới biết hắn có nội gián là người phụ trách lắp đặt thiết bị nghe lén trên đảo Sicily, có người nằm cả ở ban chống mafia của tòa án Palermo, có chủ tịch vùng Sicily thường xuyên thông báo tiến trình các cuộc điều tra! Và thậm chí đang có cuộc điều tra đối với Mario Mori, giám đốc mật vụ Ý, do liên quan với Provenzano. Người tinh ý còn cho rằng Provenzano chỉ bị bắt ngay trước hôm diễn ra bầu cử mà trong đó gió chính trị đổi chiều ở Ý.

Il Ragioniere bị bắt ngày 11-4-2006 sau khi cảnh sát chặt đứt nhiều vây cánh của hắn, buộc hắn phải quay về nơi mà cảnh sát đã đoán định trước: vùng Corleone, nơi mà “đến cây cối cũng là thành viên mafia” và gần với gia đình (vợ hắn dắt hai con trai trở về sống công khai ở Corleone từ tháng 4-1992). Không khó để cảnh sát thực hiện các biện pháp nghiệp vụ lắp đặt thiết bị nghe lén và ghi hình quanh nhà vợ Il Ragioniere. Chỉ cần vài cú đóng cầu dao điện là cảnh sát có thể vào vai thợ điện hoặc thợ đường dây điện thoại…

Từ đây, cảnh sát lần đến một trang trại trong núi của một gã chăn gia súc tên Giovanni Marino chuyên nghề làm phó mát. Vòng vây siết chặt và chỉ một lần sơ hở, Provenzano bị phát hiện trốn trong nhà kho của trang trại. “Khi tôi đạp cửa nhà kho, Provenzano tính sập cửa chặn lại. Tôi có cảm giác ngay đã tóm được kẻ cần tìm. Tôi chẳng cần hỏi thêm danh tính hắn. Và hắn cũng chỉ nhíu mày, như thể muốn nói “Thế là hết”. Chỉ có vậy thôi, còn thì hắn rất bình thản”, sĩ quan Cortese nhớ lại.

 

 

 

 

Kỳ 4: Những chiến binh trẻ

 

       Câu chuyện của Enzo, của Giovanni do nhật báo Ý Repubblica (ngày 16-6-2007) thuật lại là minh chứng rõ nét cho sự tàn bạo của các băng nhóm mafia tại Ý.

Giovanni (tên đã được thay đổi) đang mang trên mình bản án tử. Cậu phải sống trong sự bảo vệ cẩn mật của cảnh sát Ý bởi là một tay mafia qui hồi. Cuộc đời của Giovanni là bằng chứng sống của con đường đào luyện những chiến binh trẻ của giới tội phạm có tổ chức ở Ý.

 Từ bé, Giovanni đã có dịp làm quen với súng ống, nhưng chỉ là vung vẩy trong nhà của mình. Nhưng đến năm 15 tuổi, cậu ta đã chính thức giết người trong buổi ra mắt gọi là “thử lửa”. Nạn nhân là một gã trai cùng trạc tuổi. Một vụ phục kích có tổ chức hẳn hoi và nạn nhân bị bắn trực diện. Tên sát thủ trẻ được đàn anh ngợi khen vì máu lạnh của mình. Trong hai năm đứng chân trong hàng ngũ, Giovanni còn giết thêm ba người khác nữa theo lệnh của chỉ huy.

Đến năm 17 tuổi, Giovanni quyết định từ bỏ “cuộc sống dơ bẩn” đó (theo cách cậu ta đánh giá sau này) vì cảm thấy không phù hợp với mình. Giovanni ra đầu thú cảnh sát và bắt đầu hợp tác với bên tư pháp. Nhưng từ đó cậu ta bị gia đình và bạn bè từ mặt hẳn vì là “nỗi ô nhục” và phải mang trên mình án tử của tổ chức vì tội qui hồi.

Đồ chơi trẻ thơ là súng ống

 

“Tôi thề trung thành với Cosa Nostra, nếu phản bội, da thịt tôi phải bị thiêu cháy”. Đây là câu mở đầu trong bản “Mười điều răn của mafia” mà cảnh sát thu được khi bắt Salvatore Lo Piccolo, bố già của các bố già, người kế vị Provenzano, hôm 5-11 tại Palermo. Đó là bốn bản giấy A4 được đánh bằng máy chữ, một bằng chứng về tính qui củ của mafia tại Sicily"

.

 

 Những năm tháng “lấy số” của Enzo còn đáng sợ hơn. Thuở bé từng mơ làm thợ bánh mì nhưng sống trong một gia đình mafia ở Gela tại Sicily, giấc mơ giản dị đó của Enzo sớm bị lụi tàn. Là con trai của người nông dân hành nghề chăn nuôi gia súc, từ bé, Enzo đã theo cha đi chăn dắt trên các sườn đồi núi. Nhưng lên 10, cậu bé đã được làm quen với súng ống, những khẩu súng ngắn thật sự, thay cho những món đồ chơi bình thường của trẻ em cùng lứa. “Các anh lớn thường nói với tôi rằng tôi có nhiều khả năng trở thành cận vệ cho họ, và thậm chí một ngày nào đó sẽ trở thành thủ lĩnh”.

Lên 11 tuổi, Enzo được dạy bắn đạn thật. Những người hướng dẫn là chú bác trong nhà. “Họ dẫn tôi ra cánh đồng rồi chỉ cho tôi cách cầm súng, cách ngắm và bóp cò". Enzo được “dạy bảo” trong năm năm liền. Cậu được cho dự thính những buổi họp bàn công việc của các bậc chú bác trong nhà, nghe người lớn thảo luận về những án tử hình với người này, người khác. Trong thời gian sống trong bầu không khí bạo lực đó, Enzo được giao phó dần những nhiệm vụ “cỏn con”: đi đốt xe đối thủ, đi trấn áp, thu tiền bảo kê…

Đến buổi “thử lửa”, một ông chú đặt vào tay Enzo khẩu súng ngắn và ra lệnh đi hạ một đối thủ. Enzo làm ngay và sau đó lại đi bắn chết người một lần nữa. Sau lần này, Enzo đột ngột nhận ra bản chất của cuộc sống mình đang đắm chìm. Cậu quyết định ra đầu thú. “Tôi quyết định hợp tác với chính quyền vì không muốn dính dấp gì với mafia nữa. Mafia giờ đây đi giết những con người ngày càng nhỏ tuổi, thậm chí chỉ là những đứa trẻ". Ngoài lý do ghê sợ sự tàn ác của các bậc cha chú, Enzo còn có nỗi lo bị các sát thủ trẻ khác thanh toán sau những vụ phân chia chiến lợi phẩm không đồng đều.

Câu chuyện đầy ắp tình tiết sống động của Enzo khiến giới chức chính quyền tại Ý sửng sốt bởi họ nghĩ mafia đã suy yếu đi nhiều. “Hiện nay các bậc trưởng thượng trong băng đang ấn súng vào tay những đứa trẻ như chúng tôi. Tôi thấy rằng mỗi khi có một bố già bị bắt thì người ta lại thu nhận thêm những đứa trẻ và dạy chúng cách bắn giết. Đó là một con đường không có lối thoát. Tôi bắn và giết người vì được dạy để làm như thế”. Enzo đã tự tìm lối thoát cho riêng mình, bất chấp nguy cơ lãnh án tử của tổ chức.

Không lối thoát

Nhưng còn nhiều đứa trẻ khác không được như Enzo vì hiện chúng vẫn sống, trưởng thành và đôi khi chết vì một viên đạn vào đầu ngay trong khu phố mà gia đình chúng vẫn sống bao đời nay. Dường như có lộ trình cho những đứa trẻ lớn lên trong những khu phố “nguy cơ" như vậy. Bé đi trộm cắp, đánh đấm, lớn hơn chút cầm súng giết người và nếu tham vọng thì giết thật nhiều người để “lấy số” và trở thành thủ lĩnh.

Dĩ nhiên để kịp trưởng thành, chúng không được phạm sai lầm, dù nhỏ nhất. Cách đây vài năm, người ta biết chuyện một cậu bé 12 tuổi đột nhiên biến mất sau khi giật xách tay một cụ già giữa trung tâm thành phố. Chỉ sau này, khi một bố già hàng đầu của Cosa Nostra là Giuseppe Calderone đầu thú cảnh sát (do bị các băng nhóm khác truy lùng), người ta mới biết sự thật.

Cậu bé vô danh nọ đã phạm sai lầm tày trời: nó giật phải xách tay của mẹ của Nitto Santapaola, bố già tại Catania. Ở Sicily, chớ nên đụng vào người thân của bố già và càng tệ hại hơn nếu đụng vào một phụ nữ. Cậu bé lãnh ngay án tử. Nó bị bắt, bị tra khảo và cuối cùng là bị bỏ vào thùng axit cho tiêu hủy thi thể.

Nhưng cũng chính sự tàn ác và tham lam vô độ của những tay trùm mafia khiến người dân bắt đầu nói không với sự đe dọa của chúng. Thêm vào đó, ý thức chính trị của chính quyền, cùng những chiến dịch truy quét thành công trong vài năm qua đã mở ra cơ hội cho những thanh niên trẻ muốn qui hồi. Chỉ huy trưởng đội cảnh sát cơ động Palermo, ông Giuseppe Gualtieri nhận định: “Cuộc khủng hoảng của Cosa Nostra đang mở ra cơ hội, nhưng nếu không có ý thức của công dân thì sẽ không thể có chiến thắng bền vững được”.

 

 

 

 

Kỳ cuối: Nói không với mafia

 

Những bạn trẻ Ý xuống đường chống mafia vào tháng 10-2007 

     Những người lương thiện ở miền Nam nước Ý bắt đầu lập phong trào chống mafia một cách tự phát khi tình thế thuận lợi. Không chỉ bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của mình, họ còn giúp làm suy yếu sức mạnh tài chính của bọn mafia.

Khi hộp điện thoại nội bộ bị phá vì vài giọt keo dán nhựa, Maurizio Vara – chủ nhà nghỉ Amarcord ở trung tâm Palermo – hiểu ngay chuyện gì đang xảy ra với việc kinh doanh của mình. Đó không phải là trò đùa con trẻ mà là lời cảnh báo của mafia. Ông liền báo cảnh sát và từ chiều 12-5-2006 hôm đó, các camera an ninh được lắp đặt. Đặc biệt là phòng thương mại của thành phố chi trả khoản phí này.

Guồng máy tàn nhẫn

“Tôi quyết không nhượng bộ chúng vì bản thân tôi biết quá rõ các guồng máy tàn nhẫn này”. Ông chủ doanh nghiệp nhỏ con không nói ngoa. Nhiều năm trước, Maurizio từng cùng người anh trai điều hành xưởng cơ khí có 20 công nhân. Xưởng Cogevar của họ có được hợp đồng với Fiat nên doanh thu hồi năm 1999 đã lên đến hơn triệu USD.

Thế rồi một sáng đẹp trời tháng sáu năm đó, hai kẻ lạ mặt bước vào văn phòng của anh em nhà Vara và buông thõng một câu: “Đến lúc phải đưa chúng mày vào guồng rồi”. Chúng quay bước mà không để lại chút đầu mối liên lạc nào.

Maurizio dò hỏi những chủ cửa hiệu xung quanh thì được chỉ đến gặp một tên trung gian làm việc cho gia đình mafia đang quản lý khu vực này. Giá tiền bảo kê được đưa ra là 3.000 USD. Anh em nhà Vara tặc lưỡi cho qua để cầu mong được yên ổn làm ăn. “Chúng tôi đâu biết đó chỉ mới là tiền cho vé vào cửa” – Maurizio nhớ lại.

Bọn mafia ngày càng tăng yêu cầu. Tiền bảo kê tăng hằng tháng, rồi thì yêu cầu lấy giá “hữu nghị" cho các doanh nghiệp bạn bè của chúng… Đến lúc chúng yêu cầu nhận năm, sáu “người bạn” của chúng vào làm công thì anh em nhà Vara hiểu rằng bọn mafia muốn lấy cả xưởng của họ chứ không phải tiền. Họ phản ứng. Lập tức, tháng 1-2001, chúng đốt văn phòng làm việc của anh em Vara. Họ phải nhượng bộ.

Rồi ngày 16-6-2002, Maurizio bị buộc đến gặp bố già mafia trong một trang trại trong núi. “Chúng đẩy tôi lên ôtô. Tôi hiểu ngay mình sẽ bị giết”. Maurizio quyết nhảy khỏi xe, về trốn trong nhà suốt hai ngày liền. Sau đó, ông quyết định đi báo cảnh sát. Ông thuộc số ít dám kháng cự bởi lẽ có đến 80% cửa hiệu và doanh nghiệp tại Palermo từng phải cống nạp tiền cho bọn mafia để mua hai chữ “bình yên”.

Vĩnh biệt tiền bảo kê

Đúng hai năm sau, khi một nhóm sinh viên trẻ người Ý phát động phong trào có tên Addiopizzo (vĩnh biệt tiền bảo kê), Maurizio tham gia lập tức. Với câu khẩu hiệu gây sốc: “Một dân tộc phải trả tiền bảo kê là một dân tộc không có danh dự”, phong trào đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của những nạn nhân của mafia và nay đã có 200 chủ cửa hiệu đăng ký làm thành viên cùng hàng trăm sinh viên tình nguyện đứng vào hàng ngũ để làm công tác tuyên truyền.

Anh Vittorio Greco, nay là giáo sư sử học, người nghĩ ra câu khẩu hiệu của phong trào và là người thành lập phong trào cùng sáu người bạn thân, giải thích: “Chúng tôi nghĩ đơn giản: khi chủ hiệu phải nộp tiền bảo kê tức là tiền đó bị tính vào giá bán hàng mà người tiêu dùng phải gánh chịu. Chúng tôi vì thế muốn kêu gọi cả người tiêu dùng lẫn người buôn bán đứng vào phong trào”.

Phong trào của nhóm bạn trẻ có trình độ đại học này nhanh chóng phát triển vì hợp lòng dân nhưng trong nhóm không ai đứng ra nhận mình là thủ lĩnh vì sợ trở thành mục tiêu trả thù của bọn mafia.

Phong trào từ chối nộp tiền bảo kê nhanh chóng lan rộng vì người dân hiểu rằng đó là cách triệt tiêu sức mạnh tài chính của bọn tội phạm có tổ chức ở Ý. Đầu tháng mười hai này, một tổ chức mới vừa ra mắt tại Palermo với tên gọi Libero Futuro. Đó là cách người dân ở đây tưởng niệm người anh hùng của họ, doanh nhân Libero Grassi.

Có thể nói ông là người đầu tiên dám công khai từ chối trả tiền bảo kê. Ông bị bọn mafia bắn hạ vào tháng 8-1991 nhưng sự kiện đó trở thành tiếng chuông đánh động ý thức toàn xã hội.

Libero Futuro xác định hướng đi mới là bảo vệ những người bị buộc nộp tiền bảo kê. Tổ chức này đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong thủ tục pháp lý để tố cáo bọn mafia. Họ vừa mở chiến dịch vận động có tên gọi “Chống lại tiền bảo kê, xã hội tiêu thụ sẽ đổi thay”.

Đây là chiến dịch kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ những chủ doanh nghiệp công khai từ chối nộp tiền bảo kê. Ngoài ra họ cũng đang tổ chức việc phổ biến ý thức chống mafia trong các trường học và gây sức ép với các thể chế chính trị.     

 

Lần đầu tiên công khai hồ sơ về mafia

Lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả tài liệu, hồ sơ vụ án liên quan đến cuộc chiến chống mafia Ý và tội ác của chúng đã được công khai tại nước này. Tên tuổi của các tên mafia, cùng với ảnh, lý lịch, các cuốn sách, băng video, các cuộc phỏng vấn… lấy từ các hồ sơ chi tiết về mafia từ năm 1893 đến nay đã được công bố trên một trang web do Ủy ban chống mafia trực thuộc quốc hội lập ra. Ngoài ra, trang web này cũng công bố tên tuổi những người từng là nạn nhân của mafia.

Trang web trên được lập ra nhằm cung cấp một cái nhìn tổng thể về cuộc chiến chống mafia mà nhân dân và Chính phủ Ý tiến hành trong suốt hơn 100 năm qua. Ngoài ra, Ủy ban chống mafia cũng mong muốn cung cấp những dữ liệu và chi tiết đầy đủ cho những ai quan tâm đến cuộc chiến này và hi vọng người dân có thể cung cấp và chia sẻ các thông tin về nạn nhân hoặc các băng đảng mafia tại địa phương mình.

 

 

Hết


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét