Thiên Chúa Là Cha Hay Là Mẹ
(Phần I)
Lời Ngỏ
“Thiên Chúa là Cha, là Mẹ, là Thầy, là Bạn… hay là…” (bản liệt kê là vô tận). Nhưng, theo nhà thần học Henry Lubac, sau khi đã viết lên bảng những danh xưng như thế, phải xóa ngay đi… vì chúng ta chẳng biết thực sự Thiên Chúa là ai. Thật vậy, tìm kiếm và gọi đích danh Thiên Chúa hay Thượng Ðế vẫn luôn là một khao khát của suy tư nhân loại từ xưa tới nay. Ðây thật là một công việc táo bạo, liều lĩnh : táo bạo vì dám đem lên bàn “mổ xẻ” chính Ðấng thần thiêng, liều lĩnh vì có nguy cơ giản lược Thượng Ðế thành những hạn từ chật hẹp. Tuy nhiên, nỗi khao khát mãnh liệt dày vò đến độ có thể khoả lấp được những giới hạn vốn có nơi con người.
CHÚA LÀ CHA ! CHÚA LÀ MẸ !
Trong các tôn giáo, bên cạnh một Thần là Cha thường có một Nữ thần là Mẹ.
Trong mạc khải Kinh Thánh, Thiên Chúa vừa là Cha lại vừa là Mẹ. Thiên Chúa thường được gọi là Vị Hôn Phu hơn là Thân Phụ. Hiền thê của Thiên Chúa chính là Israel; Hiền thê của Ðức Kitô chính là Hội thánh.
Chúa Con không thay thế cho Chúa Cha, nhưng trái lại luôn qui hướng về Chúa Cha. Như thế không cần phải chọn lựa một trong hai hoặc qui thiên luận hoặc qui Kitô luận.
Cái chết của người cha do một số nhà tâm lý học nêu lên là cách diễn tả cuộc khủng hoảng của tuổi thành niên trên bình diện đức tin cũng như trên bình diện những mối tương quan gia đình.
Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của bụi gai, cũng chẳng phải là Thiên Chúa của núi non, như trong folklore, bởi vì Ðấng sáng tạo tỏ mình qua công trình sáng tạo mà không đồng hoá với công trình sáng tạo. Người cũng không hề là “Hữu Thể xét như hữu thể” của các triết gia. Người xác định mình không phải bằng chính mình nhưng bằng mối tương quan với những kẻ tôn thờ Người : Người là Thiên Chúa của ông Ápraham, ông Ixaác và ông Giacóp và Người hứa với ông Môsê là Người “ở với ông” (Xh 3,1-15)
DẪN NHẬP
Thần linh tối hậu là nam hay là nữ ? Không quả quyết được. Ðiều này chứng tỏ rằng Thiên Chúa vượt lên trên bình diện giới tính nhân loại, và nơi Người vừa có uy quyền của một người Cha vừa có lòng trìu mến của một người Mẹ.
Giao ước giữa Thiên Chúa với
Phải chăng Kitô giáo đã thay thế tôn giáo của người Cha bằng tôn giáo của người Con như người ta đang chủ trương? Thực ra, giả như ta có chứng minh được một tình trạng “lạm phát Kitô học” nào đó, thì chính Ðức Kitô lại luôn luôn quy hướng về Chúa Cha. Cho nên đúng hơn phải nói là tiếp nối chứ không phải là thay thế.
“Cái chết của Thượng Ðế” được Nietzche tiên báo và được Robinson, Van Buren hoạ theo, đã xảy ra đồng thời với lời tuyên bố của các nhà Tâm lý học chiều sâu về “cái chết của người cha”. Nhưng ở cả hai bên, cuộc khủng hoảng này chỉ là một giai đoạn của tuổi thiếu niên cần phải vượt qua : con người chỉ có thể nên trưởng thành đích thực khi người ấy nhận ra rằng mình chẳng phải là nguyên ủy của chính mình.
Khảo luận này gồm 5 phần :
Phần I : CHA HAY MẸ ?
Phần II : CHA HAY CHỒNG ?
Phần III : NGƯỜI CHA HAY NGƯỜI CON ?
Phần IV : CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI CHA
Phần V : THẦN HỌC HAY KITÔ HỌC ?
Phần I
Cha hay Mẹ ?
“Thiên Chúa không là nam cũng không là nữ.
Người là Thiên Chúa. Người còn siêu việt hơn cả tình phụ tử và mẫu tử của con người”.
Giáo lý Hội thánh Công giáo, 1993, số 239.
Trong phần lớn các tôn giáo, người ta đã sống và diễn tả mối tương giao với thần linh theo hình thức tương quan cha mẹ – con cái.
Trong các tôn giáo theo kiểu phụ quyền, đặc biệt là nơi những người du mục, Thần linh tối cao là một người Cha tác sinh, còn trong các tôn giáo theo kiểu mẫu quyền, đặc biệt là nơi những người làm nông nghiệp, thì đó là một Nữ thần tác sinh, là Mẹ của thần linh và của loài người.
Trong cả hai trường hợp, mối tương giao giữa con người với thần linh đều ở trong phạm vi sinh học : cho dù có là huyền thoại nguyên thủy đi chăng nữa, thì sự sống vẫn luôn được truyền bằng hình thức giới tính.
Thiên Chúa của lương dân
THIÊN CHÚA – NGƯỜI CHA
Những lời cầu nguyện cổ xưa ở Cận Ðông chứa đựng rất nhiều lời cầu khẩn Thiên Chúa như là Cha.
Người cha là người tác sinh, người sở hữu mầm sự sống, người tác sinh về mặt sinh học.
“Ôi lạy Ðức Chúa (…) Ngài là Cha,
vương triều Ngài thật hoàn mỹ.
Ôi lạy Ðức Chúa, Ngài là Cha
Ðấng tác sinh thần linh và con người”.
(Hymne suméro-akkadien cầu nguyện cùng thần Sin).
Nơi những người Hy Lạp, ta chỉ cần trích một đoạn trong bản anh hùng ca Iliad kể chuyện Thétis khẩn cầu chúa tể đỉnh Olympic phù hộ cho Achille : “Ôi lạy thần Zeus, Ngài là Cha !” Và Homère gọi thần Zeus là “Cha của thần linh và của con người” (Iliad I, 501 và 544), và một đoạn văn của Aristote : “Lòng âu yếm của người cha dành cho con cái cũng giống như lòng âu yếm của Thượng đế dành cho con người” (Aristote, Giảng luân lý cho Eudème, VII, X, 8).
Các Ngôn sứ
Ở đầu sách Isaia, Ðức Chúa phán : “Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn, nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta” (Is 1,2). Và ở cuối sách có lời chép : “Quả chính Ngài là Cha chúng con” (Is 63,16 và 64,7).
Ngôn sứ Isaia đã nhiều lần nhắc đến hình ảnh một Thiên Chúa cư xử với
“Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Is 66,12-13).
Bản Vulgata thậm chí còn gán cho Thiên Chúa những quan năng của người phụ nữ.
“Hãy lắng nghe Ta, hỡi nhà Giacóp cùng toàn thể phần còn lại của nhà Israel, Ta đã cưu mang ngươi trong lòng Ta và sinh hạ ngươi từ dạ Ta” (Is 49,1, Vulgata).
Trong sách ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa phàn nàn về thái độ phụ bạc của dân : “Ta đã nói : ngươi sẽ gọi Ta “Cha ơi… Thế nhưng…” (Gr 3,19).
“É?raim có phải là đứa con Ta yêu dấu, một đứa con Ta rất mực mến yêu ? Vì mỗi lần nhắc tới nó, Ta lại thấy nhớ thương, nên lòng Ta bồi hồi thổn thức, Ta thương nó, thương nó thật nhiều, sấm ngôn của Ðức Chúa” (Gr 31,20).
Ngôn sứ Hôsê diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với
“Ta đã tập đi cho É?raim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11,3-4).
Cũng cần ghi nhận rằng lòng “hiếu thảo” – nguyên thủy xác định mối tương quan giữa người con với cha mình (lòng hiếu thảo của đạo làm con) – về sau được áp dụng vào những mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa.
THIÊN CHÚA LÀ CHA VÀ LÀ MẸ
Ngay từ khởi thủy, nhân loại đã gán cho các thần linh của mình một giới tính.
Các nam thần với tính cách hùng mạnh và nữ thần với tính cách người mẹ là những phản ảnh thánh thiêng của những nền văn minh phụ quyền hoặc mẫu quyền. Ðôi khi, nhưng khá hiếm, cũng có các thần lưỡng tính, kiêm cả hai chức năng và hai phẩm tính này.
Ở Cận Ðông, người Hittít thường kêu cầu một vị thần tối cao vừa là cha vừa là mẹ :
“Ôi lạy nữ thần Arinna, nhân loại qui?mến ngài ;
Cúi xin ngài thứ tha lỗi lầm của nhân loại,
Ngài là ánh sáng bầu trời và cõi đất
Ngài là Cha và là Mẹ của mọi xứ sở (…)
Ngài là Cha là Mẹ
của những kẻ bị áp bức và những kẻ khiêm cung”.
Lời cầu nguyện của người Hittít
“Ôi lạy thượng đế của con,
đối với con, ngài là cha và là mẹ của con.
Ôi thượng đế của con, lòng con thiếu vắng ngài !
Cúi xin ngài, lạy thượng đế của con,
xin lấy tình cha mà xử với tôi tớ này !”
Bài thi ca của người Hittít cầu nguyện với thần Shamash
“Phần con, con chẳng có người mẹ nào :
Mẹ của con, chính là ngài đó.
Phần con, con chẳng có người cha nào :
Cha của con, đó chính là ngài”
Một bộ tộc vùng Bắc Mỹ cũng sử dụng những ngôn từ như vậy để cầu nguyện với Thượng Ðế :
“Ôi Thượng Ðế, Ngài là Mẹ con,
Ngài cũng là Cha con.
Ai là Mẹ con, ai là Cha con ?
Ôi Thượng Ðế, chỉ có mình Ngài mà thôi”.
Lời cầu nguyện của một bộ tộc vùng Bắc Mỹ
Thiên Chúa mang mẫu tính trong truyền thống Do-thái – Kitô giáo
Trong tiếng Hípri, những thực tại tinh thần lớn lao đều được xếp vào giống cái :
- Shekina (Thánh điện)
- Ruah (Tinh thần)
- Thorah (Lề luật)
- Hokhma (sự Khôn ngoan)
Những thực tại này nhắc đến và diễn tả Thiên Chúa theo phương diện nữ tính.
Sách Sáng thế
Trong bản văn nói về công cuộc sáng tạo, tác giả sách Sáng thế đã viết : “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27).
Chắc chắn điều đó muốn cho thấy rằng : không phải chỉ có người nam, cũng không phải chỉ có người nữ là hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng cả hai đều là hình ảnh của Người.
Thiên Chúa của Ápraham, của Isaác, của Giacóp cũng chính là Thiên Chúa của Sara, của Rebécca, của Rakhen.
“Thiên Chúa của những người cha” cũng chính là “Thiên Chúa của những người mẹ”.
Ðức Chúa phán : “Con đầu lòng của Ta là
Sách Ðệ nhị luật
”Trong sa mạc, nơi anh em thấy Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mang anh em như một người mang con mình” (Ðnl 1,31).
“Suy nghĩ lại, anh em phải nhận biết rằng Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, giáo dục anh em như một người giáo dục con mình” (Ðnl 8,5).
“Anh em là những người con của Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em” (Ðnl 14,1).
Triết học
SUY TƯ CỦA PHONG TRÀO NỮ QUYỀN
VÀ SUY TƯ BÌNH DÂN
Thần học của phong trào nữ quyền
Một nữ thần học gia châu Mỹ đã đưa ra một song luận : Thiên Chúa là người Cha, thợ thủ công hay là người Mẹ sinh thành ? Và bà đã giải quyết vấn đề theo sát theo đường hướng của phong trào nữ quyền :
“Trong truyền thống Do-thái – Kitô giáo, công cuộc sáng tạo đã được miêu tả theo trí vẽ như một “hành vi” trí tuệ và thẩm mỹ của Thiên Chúa, một hành vi được viên toàn nhờ Lời của Người và được thực hiện bởi “tay của Người”, tương tự một bức tranh được nghệ nhân sáng tác hoặc một hình thể được nhà điêu khắc sáng tạo ra. Nhưng mẫu thức Thiên Chúa là Mẹ lại nêu lên một hình thái sáng tạo khác hẳn, nhấn mạnh đến sự lệ thuộc triệt để của vạn hữu vào Thiên Chúa, nhưng theo cách nội tại hơn là ngoại tại. Khi đó, nếu chúng ta muốn hiểu thế giới như thể một cách nào đó đang “ở trong” Thiên Chúa, đúng hơn là Thiên Chúa đang “ở trong” thế giới, thì hiển nhiên chính hình ảnh Người mẹ sẽ đem lại nhiều cơ may giúp ta quan niệm được công cuộc sáng tạo phát xuất từ hữu thể thần linh. Bởi vì chính hình ảnh về một cuộc thai nghén, sinh hạ, cho bú mớm đã tạo nên một bức họa đầy hình ảnh về một cuộc sáng tạo phụ thuộc sâu xa vào sự sống thần linh, và được sự sống này chở che bao bọc. Tuy thật đơn giản, nhưng ta không có cách trình bày nào khác ngoài hình ảnh này, một hình ảnh có đủ sức để diễn tả tính tương thuộc, tương liên của bất kỳ sự sống nào với nguyên nhân của chính mình. Hết thảy chúng ta, dù khác nhau về giới tính, nhưng ai cũng đều có nơi trú ngụ đầu tiên là cung lòng của người mẹ. Tất cả chúng ta đều được sinh ra từ thân xác của thân mẫu chúng ta và phần lớn chúng ta được thân mẫu dưỡng nuôi, cho bú mớm. Li! ệu còn hình ảnh nào tuyệt trác hơn để có thể diễn tả một thực tại căn bản nhất của cuộc sống. Trên hành tinh của chúng ta và trong toàn thể vũ trụ vạn vật : tất cả chúng ta đang sống, đang hoạt động và đang ở trong Thiên Chúa.
Mẫu thức Thiên Chúa là Mẹ phá vỡ nhị nguyên luận có tính đẳng cấp của truyền thống và của trình thuật sáng tạo trong sách Sáng thế, trong đó Thiên Chúa phân biệt hẳn với thế giới và ở ngoài thế giới, Người đã sáng tạo thế giới với những bậc thang các hữu thể. Một cách trình bày tượng hình mới phát xuất từ mẫu thức Thiên Chúa là Mẹ. Hình thái sáng tạo này hợp với mẫu thức của một hình thái sáng tạo không phải là hành vi trí tuệ hay nghệ thuật, nhưng nó là một biến cố vật lý : vũ trụ vạn vật phát xuất từ Thiên Chúa, nó là sự diễn tả của chính hữu thể Thiên Chúa và như thế người ta có thể nhìn nhận vũ trụ vạn vật này là “thân mình” của Thiên Chúa. Ðây không phải là cái gì xa lạ với Thiên Chúa, nhưng là cái khởi xuất từ “cung lòng” của Thiên Chúa, và được thành hình do “sự cưu mang”, tiến trình này biểu trưng cho lịch sử tiến hóa lâu dài của vũ trụ vạn vật. Cách trình bày của chúng tôi chứa đựng nhiều hệ lụy quan trọng, nhưng trước tiên cần nhắc lại rằng : đây không phải là một kiểu trình bày bóng bẩy như mẫu thức mang tính nghệ thuật và tri thức của công cuộc sáng tạo. Chúng tôi không chủ trương Thiên Chúa sáng tạo bằng cách sinh ra vũ trụ vạn vật như thể sinh ra thân mình Người. Ðiều chúng tôi muốn gợi lên, đó chính là hình ảnh so sánh của việc sinh hạ này gần gũi với đức tin Kitô giáo, với bối cảnh của thuyết tiến hóa cũng như với khoa sinh thái học của thời đại hơn là một mẫu thức khác, mẫu thức người thợ thủ công.
Một hệ lụy có tính phê bình trong mẫu thức của chúng tôi đó là : nó phá đổ những nhị nguyên thuyết giữa tinh thần và vật chất, giữa thần khí và xác thịt, giữa con người và tự nhiên, giữa giống đực và giống cái” (Sallie Mac Fague, “Dieu Mère”, trong Concilium 226, 1989, p. 168-170).
Tôn giáo bình dân
Robert Pannet đã thấy trong tôn giáo bình dân hai cách hiểu về Thiên Chúa khởi đi từ một mẫu thức gia đình đặc biệt của người Italia : “Ðối với những người Công giáo Italia (những người nhập cư) thuộc giới bình dân, Thiên Chúa, Ðức Kitô, Ðức Mẹ, là những nhân vật rất quen thuộc. Quan niệm truyền thống về gia đình của dân chúng Italia đã phản ảnh trên hình thái mà từ đó các mẫu thức tôn giáo được trình bày. Thiên Chúa mang hơi hướng của thần Jupiter, theo hình ảnh của một người cha trong gia đình, coi uy quyền của mình là bất khả xâm phạm nhưng lại không thi hành uy quyền này. Trong tâm thức của những người di trú Italia, hình ảnh của Ðức Mẹ rất gần gũi với hình ảnh “người mẹ” mà ảnh hưởng của bà – lúc nào cũng quan tâm để ý, âu yếm chở che – có tính cách quyết định trong việc điều hướng mái ấm gia đình” (Robert Pannet, Le Catholicisme populaire, Le Centurion, 1974, p. 181).
NGUYÊN LÝ NỮ TÍNH NƠI THIÊN CHÚA
Aphraate le Persan đã nhận thấy nơi Chúa Thánh Thần khuôn mặt người Mẹ của con người : “Khi một người con trai chưa lập gia đình, anh ta yêu mến, tôn kính Cha của anh và Thánh Thần, Mẹ của anh, ngoài ra anh ta không còn một tình yêu nào khác.
Khi một người con trai lập gia đình, ta rời bỏ Cha của anh và Mẹ của anh… Và tư tưởng của anh ta bị thế giới này cuốn hút”. (Aphraate le Sage Persan, Exposés 18 S.C. 359,1989,t. II p.761 ).
Thần học chính thống, đặc biệt là chính thống Nga, đã nhận ra khía cạnh này khi lập luận về “sự khôn ngoan” của Thiên Chúa.
Jean Guitton và Teilhard de Chardin đã nhận thấy nơi Ðức Maria một cực nữ tính của Thiên Chúa :
”Các dân tộc mới trở lại Kitô giáo có nhu cầu tìm gặp trong phạm vi Thiên Chúa một nguyên lý nữ tính có khả năng làm quân bình nguyên lý nam tính. Tôi thấy không có gì bất tiện khi nhìn nhận rằng mối bận tâm này đã tồn tại và vẫn còn tiếp tục tồn tại trong đại chúng. Tất cả vấn đề là xem người ta dành cho nó ý nghĩa nào. Nguyên lý nữ tính khi nhằm trình bày Thiên Chúa đã muốn rằng hai cực của hai yếu tố giới tính được thần tính đảm nhận, tuy nhiên chúng không được đồng hóa với thần tính : bản tính nhân loại của Ðức Giêsu, ngôi vị nhân loại của Ðức Maria. Quả Thiên Chúa sáng tạo thần thánh bằng cách phóng ra ngoài những điều ở nơi Người, còn các thần linh ngoại giáo luôn chỉ là sự khách thể hóa của một số khuynh hướng nào đó. Những thần linh này giống với vô thức của con người… Yếu tố nữ tính của bản tính nhân loại có thể tìm thấy hình thức loại suy của mình nơi Thiên Chúa.
Ðiều chúng tôi gọi là Phụ tính của Thiên Chúa có nghĩa là tình yêu tuyệt đối, dưới hình thức ưu việt, hàm chứa những đặc tính mà đối với chúng ta vừa là Cha vừa là Mẹ. Thiên Chúa không phải chỉ mang hình thức giống đực. Muốn hiểu rõ hơn tình yêu của Người, cần phải thu gọn làm một điều gì là sâu xa căn bản nhất trong tình yêu của một người nam với một người nữ. Khi ngôn ngữ buộc chúng ta phải gán cho Thiên Chúa hình thức giống đực, ta hiểu rằng ta sẵn sàng đón nhận một kiểu loại suy nữ tính, tất nhiên không phải nơi Thiên Chúa, nhưng trong những gì trực tiếp xung quanh Người, trong những chương trình tiên khởi của Người. Chắc chắn, ở trong đó sẽ có một nguyên lý tha hóa đối với tôn giáo, nếu khuynh hướng đề cao nữ tính này không dựa trên những luận cứ và những dữ kiện. Nếu việc đề cao tư tưởng về Ðức Maria được thực hiện theo phương pháp hoang đường như thể là một ngẫu tượng về “người mẹ của các thần linh”, thì việc đề cao này rất đáng nghi ngờ” (Jean Guitton, La Vierge Marie, Aubier, 1949, p. 100-101).
”Về vấn đề Mông triệu thăng thiên, nhà tâm lý học Jung đã ủng hộ luận đề rằng : trong thần bí học của Giáo hội Công giáo, sự phát triển của khoa Thánh mẫu học là công trình của những phụ nữ ao ước thấy mình được “trình bày” rõ ràng hơn trong cấu trúc về Nước Trời.
Nhưng trái lại, niềm xác tín của riêng tôi là : việc đề cao Ðức Maria được đưa lên ngự bên cạnh Ðức Kitô chủ yếu là công trình của những người nam (những người nam tận hiến sống bậc độc thân), trong khi đó những người có lòng sùng mộ hết mình đối với Ðức Kitô-con người, tôi không nói về “Ðức Kitô-hoàn vũ”, đều là những người nữ.
Nền tảng (và mối quan tâm) của vấn đề Ðức Maria (“sự kiện Ðức Maria”), theo ý kiến của tôi, điều đó làm bộc lộ một nhu cầu không thể cưỡng lại của Kitô giáo nhằm “nữ hóa” một Thiên Chúa Giavê đã được nam tính hóa một cách khủng khiếp. Ðơn giản đây chỉ là một trong những khuôn mặt được trình bày về tính siêu việt của Thiên Chúa vượt trên những khám phá của con người. Thiên Chúa vừa được “hoàn vũ hóa” vừa được “nữ hóa” nhằm phản ứng lại một “chủ nghĩa gia trưởng thời kỳ đồ đá mới” nào đó rất thường được trình bày như là yếu tính chung cuộc của Tin mừng” (P. Teilhard de Chardin, “Lettre à Maryse Choisy”, 1955, dans Psyché 99-100, p. 8).
Một nữ thần học gia Mỹ châu đã nhận thấy trong việc đồng hóa Ðức Kitô với Lời chứ không phải với Khôn ngoan một sự sai trật thực sự về mặt thần học.
“Trong Kitô giáo, khả hữu tính nội tại của Thiên Chúa với tính cách là giống cái đã bị loại trừ. Kitô giáo đã chuyển đổi quan niệm về Khôn ngoan thành quan niệm yêu mến Lời, được định nghĩa là “Con Thiên Chúa”.
Kitô giáo đã đặt khuôn mặt trung gian mang diện mạo nam tính này vào trong mối tương quan với ngôi vị nhân loại của Ðức Giêsu. Như thế, tính cách nam tính của Ðức Giêsu với tư cách là một ngôi vị nhân loại được đặt vào trong mối tương liên với tính nam tính của Lời với tư cách là “Con Thiên Chúa”. Khi đó tất cả mọi suy luận về tính khả hữu của yếu tố nữ tính trong Thiên Chúa nơi hình ảnh Ba Ngôi bị loại bỏ ngay lập tức”. (Rosemary Radford Ruether, “La Féminité de Dieu”, trong Concilium 163,1981, p. 96).
NGUY CƠ CỦA VIỆC NỮ HÓA THIÊN CHÚA
Nhận ra chiều kích nữ tính nơi Thiên Chúa sẽ tránh được nguy cơ nhìn Thiên Chúa dưới khía cạnh quá thiên về nam tính. Nhưng như thế không phải là không nguy hiểm, bởi vì khi đó việc tiến đến Thiên Chúa có thể lại trở thành một cuộc trở về lòng mẹ với tất cả những triệu chứng thoái hóa mà hình ảnh đó có thể gợi cho thấy.
Thiên Chúa luôn luôn vượt hẳn những cách thế trình bày của chúng ta : giản lược Thiên Chúa vào những ảo ảnh của chúng ta, dù là nam tính hay là nữ tính, tức thị biến Ngườ? thành một ngẫu tượng.
Dom Pierre Miquel,
Viện phụ của Ðan viện Saint-Martin de Ligugé.
G. Nguyễn Nghị chuyển ngữ
Thiên Chúa Là Cha Hay Là Mẹ
Phần II
Cha hay Chồng ?
”Người tôi yêu thuộc trọn về tôi
và tôi trọn vẹn thuộc về chàng”
(Dc 2,16)
Thiên Chúa – Người Chồng đã dần dần thay thế Thiên Chúa – Người Cha, hay cùng tồn tại song song.
Mối tương quan giữa đứa trẻ với cha nó thì khác mối tương quan giữa người vợ với người chồng?
Người ta không thể chọn cho mình người cha, nhưng người ta chọn cho mình người chồng.
Những gì đúng thực trên bình diện những mối tương giao nhân loại thì cũng đúng thực trên bình diện những mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa : Thiên Chúa đã khởi xướng công cuộc sáng tạo và chính trong Người, con người không ngừng được “sống, chuyển động và hiện hữu”.
Nhưng trong những gì liên hệ đến mối tương giao thuộc hôn nhân, con người luôn luôn được tự do đón nhận hay từ khước tình yêu. Dụ ngôn về người vợ bất trung đã được trình bày trong nhiều văn phẩm Cựu ước. Dụ ngôn người con hoang đàng trong Tân ước được thêm vào nhưng không thay thế dụ ngôn người vợ bất trung.
Các nhà thần bí Kitô giáo khi muốn diễn tả kinh nghiệm của mình thì thường thường cảm hứng từ hình ảnh loại suy về cuộc hôn nhân của nhân loại hơn là từ tín điều về việc Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử.
Vấn đề không phải là coi Thiên Chúa như một sự thay thế vị trí của người chồng trần gian đối với những ai thích thú cần một nhu cầu tình yêu vợ chồng, như các trinh nữ hoặc những người phụ nữ đã lập gia đình nhưng không được thỏa mãn, những bà vợ đã ly dị hoặc những bà góa không ai an ủi được.
Khi đó, phân tâm học sẽ có đủ điều kiện thuận lợi để phát hiện nguồn gốc của tình cảm này là một tình trạng không được thỏa mãn về mặt tình dục, một tình trạng “chuyển di”, “thăng hoa” của chủ nghĩa tình dục.
Ðàng khác, một tình trạng không được thỏa mãn như vậy trên bình diện trần thế có thể trùng hợp với việc đào sâu thực sự quan niệm về Thiên Chúa và cũng trùng hợp với tiến trình tăng trưởng tâm linh.
Nói rằng Thiên Chúa là chàng rể của linh hồn chúng ta, đó là nhận ra nơi Người nguyên lý của sự phong phú tâm linh của chúng ta. Nếu không có mầm sống thần linh mà Người đã đặt để trong linh hồn chúng ta nhờ ân sủng, thì chúng ta vẫn chỉ là những kẻ son sẻ, cằn cỗi mà thôi, chỉ nhờ Thiên Chúa chúng ta mới sinh hoa kết trái phong phú được.
”Chúng ta đã được tái sinh do hạt giống bất diệt nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi” (1Pr 1,23).
”Khi người ta trách chủ nghĩa thần bí vì đã diễn tả theo một hình thức đam mê yêu đương, nhưng người ta quên rằng : chính tình yêu đã khởi đầu bằng việc bắt chước thần bí học và đã vay mượn từ thần bí học lòng nhiệt thành, hăng hái và trạng thái xuất thần”. (Bergson, Les deux sources de la morale et de la religion, PUF,1970).
Cựu ước : Ðức Chúa Là Hôn Phu Của Israel
Mạc khải Do thái – Kitô giáo là tôn giáo duy nhất mà trong đó Thiên Chúa không có nữ thần cấp thấp, nhưng Người được nhìn nhận là hôn phu của Israel và rồi của toàn thể nhân loại.
Con người thụ tạo tương giao với Thiên Chúa trong tư cách là một người vợ, một người vợ mà Người bảo vệ và yêu thương, nhưng người vợ này khi thì qui phục, khi thì bất trung với Người.
Chủ đề giao ước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, dẫn đạo trong thần học của
NGÔN SỨ HÔ- SÊ : NGƯỜI CHỒNG BỊ PHỤ TÌNH
“Hãy đưa mẹ các ngươi ra tòa, đưa nó ra tòa đi !
Vì nó không phải là vợ của Ta,
và Ta không phải là chồng của nó.
Những vật đĩ thõa trên mặt nó,
và những dấu ngoại tình trên ngực,
nó đều phải vứt bỏ”
(Hs 2,4).
” Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu,
Ta sẽ lập hôn ước với ngươi
trong công minh và chính trực,
trong ân tình và xót thương.
Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành,
và nguơi sẽ được biết Ðức Chúa”
(Hs 2,21- 22).
NGÔN SỨ ISAIA : NGƯỜI VỢ BẤT TRUNG
“Ðức Chúa phán thế này : Ðâu là tờ ly hôn mà Ta đã viết để rẫy mẹ các ngươi, hoặc trong số chủ nợ của Ta, Ta đã bán đứt các ngươi cho ai nào ?
Này đây : chính vì lầm lỗi của các ngươi mà các ngươi đã bị đem đi bán, chính bởi tội lỗi của các ngươi mà mẹ các ngươi đã bị rẫy” (Is 50,1).
“Quả thế, Ðấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Ðấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Ðức Chúa các đạo binh; Ðấng chuộc ngươi về, chính là Ðức Thánh của Israel, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất. Phải, Ðức Chúa đã gọi ngươi về, như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn. ” Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẫy cho đành ?”, Thiên Chúa ngươi phán như vậy. Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp.
Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót, Ðức Chúa, Ðấng cứu chuộc ngươi, phán như vậy.
Ta cũng sẽ làm như thời Nô-ê : lúc đó, Ta đã thề rằng hồng thủy sẽ không tràn ngập mặt đất nữa, cũng vậy, nay Ta thề sẽ không còn nổi giận và hăm dọa ngươi đâu.
Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Ðức Chúa là Ðấng thương xót ngươi phán như vậy” (Is 54,5-10).
” Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Ðức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao !
Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang” (Is 61,10).
”Chẳng ai còn réo tên ngươi : “Ðồ bị ruồng bỏ!”
Xứ sở ngươi hết bị tiếng là “Phận bạc duyên đơn.”
Nhưng ngươi được gọi : “Ái khanh lòng Ta hỡi !”
Xứ sở ngươi nức tiếng là “Duyên thắm chỉ hồng.”
Vì ngươi sẽ được Ðức Chúa đem lòng sủng ái,
và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.
Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ,
Ðấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về.
Như cô dâu là niềm vui cho chú rể,
ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ”
(Is 62,4-5).
NGÔN SỨ GIÊRÊMIA : CÔ GÁI ÐIẾM ÐƯỢC THA THỨ
”Ðức Chúa phán thế này : Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn, lúc ngươi theo Ta trong sa mạc, trên vùng đất chẳng ai gieo trồng” (Gr 2,2).
Ðức Chúa đã phán với tôi những lời như sau :
”Nếu một người đuổi vợ và bà này bỏ đi, làm vợ một người khác, thử hỏi : người chồng cũ có trở lại với bà ta nữa không?
Vậy, phải chăng đất kia đã chẳng hoàn toàn ra ô uế ?
Và ngươi, ngươi đã đàng điếm với bao nhiêu tình nhân, lại còn mong trở về với Ta nữa ! Sấm ngôn của Ðức Chúa.
Ngước mắt lên các đồi trọc mà xem có nơi nào ngươi đã chẳng trao thân cho người khác !
Ngươi ngồi đợi chúng bên vệ đường như tên Ả-rập ngồi rình trong sa mạc. Ngươi đã làm cho xứ sở ra ô uế vì những chuyện đàng điếm và gian ác của ngươi. Cho nên đến mùa, không có mưa, cuối mùa, mưa cũng chẳng thấy.
Và ngươi cứ mặt dạn mày dày như con đĩ, mà chẳng biết xấu hổ là gì. Từ bây giờ, ngươi lại không xưng hô với Ta như vậy sao :
”Ngài là thân phụ của con, là lang quân của con thuở thanh xuân ấy ?” Lẽ nào Ngài giận đến muôn đời, lẽ nào Ngài chấp nê mãi mãi ?
Nói vậy rồi, ngươi tiếp tục làm điều gian ác, vì ngươi vốn lì lợm” (Gr 3,1-5).
“Ðức Chúa phán với tôi dưới thời vua Giôsigiahu : Ðiều
Nó đàng điếm trơ trẽn như vậy, nên đã làm cho xứ sở ra ô uế; nó đã ngoại tình với loài gỗ đá. Ðến thế rồi mà Giuđa, con em bất tín bất trung của nó, vẫn cứ giả dối, chưa hết lòng trở về với Ta, – sấm ngôn của Ðức Chúa.
Rồi Ðức Chúa phán với tôi :
Trở về đi, hỡi
Ta sẽ không nghiêm nét mặt với các ngươi nữa, vì Ta giàu lòng xót thương – sấm ngôn của Ðức Chúa – và Ta không giận dữ mãi đâu.
Có điều là tội ngươi, ngươi phải biết : ngươi đã xúc phạm đến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, khi lang bạt khắp các nẻo đường tìm kiếm ngoại kiều dưới mọi lùm cây rậm; còn tiếng Ta gọi, các ngươi chẳng thèm nghe – sấm ngôn của Ðức Chúa” (Gr 3,6-13).
NGÔN SỨ ÊDÊKIEN : THIẾU NỮ BỊ BỎ RƠI
Tất cả lịch sử của dân
DIỄM CA : ÐÔI TÌNH NHÂN
Những vần thơ tuyệt diệu trong sách Diễm ca là khúc tình ca tuyệt hảo diễn tả tình yêu giữa Ðức Chúa với
TÂN ƯỚC : ÐỨC KITÔ LÀ LANG QUÂN CỦA HỘI THÁNH
Sang Tân ước, chủ đề Giao ước đã biến chuyển : Thiên Chúa không còn là Lang quân của
Chủ đề này bao hàm hai giai đoạn : giới thiệu tân nương và cuộc trở lại của Lang quân.
GIỚI THIỆU TÂN NƯƠNG
“Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Ðức Kitô là đầu của Hội thánh, chính Người là Ðấng cứu chuộc Hội thánh, thân thể của Người. Và như Hội thánh tùng phục Ðức Kitô như thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.
Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Ðức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội thánh bằng nước và Lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu thương vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Ðức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng : chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội thánh” (Ep 5,22-33).
“Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Ðức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết” (2 Cr 11,2).
“Ðức Giêsu trả lời : ‘Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó’” (Mc 2,19-20).
“Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Ðó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (Ga 3,29).
CUỘC TRỞ LẠI CỦA TÂN LANG
Trong dụ ngôn năm trinh nữ khôn ngoan và năm trinh nữ khờ dại :
“Nửa đêm, có tiếng la lên : ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi’” (Mt 25,6).
“Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh, vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên, và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng. Nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền”. Vải gai đây chỉ những việc lành của dân thánh, thiên thần bảo tôi : “Hãy viết : hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên !” Người lại bảo tôi : “Ðó là những lời chân thật của chính Thiên Chúa” (Kh 19,7-9).
“Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21,2).
“Bấy giờ, trong số bảy thiên thần mang bảy chén đầy bảy tai ương cuối cùng, một vị đến bảo tôi: “Lại đây, tôi sẽ chỉ cho ông thấy Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên” (Kh 21,9).
“Thần Khí và Tân Nương nói : “Xin Ngài ngự đến !” Ai nghe, hãy nói : “Xin Ngài ngự đến !” Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh mà không phải trả tiền” (Kh 22,17).
Chính Ðức Kitô là Người khởi xướng việc tuyển chọn : “không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16) như Thiên Chúa đã tuyển chọn trong Cựu ước.
TRƯỚC NHAN THIÊN CHÚA, CON NGƯỜI LÀ NỮ GIỚI
“Tất cả mọi tâm hồn là nữ giới trước Thần Khí” (L. Massignon cité par Yvonne Chauffin dans Mémorial Massignon, Dar El Salam – Le Caire, 1963, p. 53).
Trong mối tương giao giữa Thiên Chúa với con người, theo quan niệm về giao ước của Cựu ước hay theo thần bí học trong truyền thống Kitô giáo, chính Thiên Chúa nắm giữ vai trò nam nhân.
Khi thống kê, người ta có thể quả quyết rằng : các phụ nữ thường sùng kính nhân tính của Ðức Kitô – Tân Lang hơn (thánh Gertrude, thánh Têrêsa Avila, thánh Margarita Maria Alacoque), trong khi nam giới thường sùng mộ Ðức Maria hơn (thánh Bênađô, thánh Louis Gonzaga, thánh Louis Maria Grignon de Montfort).
Tuy nhiên, Ðức Maria lại hiện ra với chính những người nữ, tại phố Bac (1830) tại Salette (1846), tại Lộ Ðức (1858).
Một nhà thần bí, một nhà phân tâm học, một sử gia chuyên về các cách nghĩ, một nhà luân lý, một nhà thần học, một nhà nhân chủng học, đã có một phân tích đồng quy trong việc giải thích thái độ của con người trước mặt Thiên Chúa
“Nếu một con người luôn luôn trinh tiết, thì người ấy không thể sinh hoa kết trái được. Ðể có khả năng sinh hoa kết trái, người ấy cần phải trở thành một người phụ nữ. “Phụ nữ” là một từ ngữ cao trọng nhất ta có thể gán cho linh hồn, quý trọng hơn cả từ trinh khiết.
Con người hãy tiếp đón Thiên Chúa vào lòng mình, điều này tốt thật, chính trong cuộc tiếp đón này, người ấy trở nên trinh tiết. Nhưng ước gì Thiên Chúa trở nên cội nguồn sự phong nhiêu trong linh hồn của người ấy, điều này tốt hơn, bởi vì sự phong nhiêu của ân ban là cách nhìn nhận duy nhất đối với ân ban và khi đó tinh thần trở nên nữ tính trong việc nhìn nhận, để đến lượt mình, việc nhìn nhận này sinh hạ Ðức Giêsu trở lại trong cung lòng Cha của Thiên Chúa” (tôn sư Eckhart, Sermon 2, Seuil, 1974, t. I, P. 52).
“Tôi không nghĩ rằng các thần học gia sẽ phản đối tôi nếu tôi đề xướng lên rằng : tất cả mọi người nam đều là nữ trong tương giao với Thiên Chúa. Con người ấy không còn là kẻ chủ động như khi anh ta sống trong xã hội, trong thế giới chức nghiệp, trong thế giới tình cảm. Chính Thiên Chúa hoạt động trong anh và anh phải để cho Thiên Chúa hoạt động trong chính con người mình” (Maryse Choisy, Le Chrétien devant la psychanalyse, Téqui, 1955, p. 130).
“Thần bí tự căn bản mang nữ tính.
“Thiên Chúa là Cha, Mẹ, Hôn Phu, Trẻ Thơ, nhưng một vai trò còn thiếu đối với Thiên Chúa trong vô số những biểu tượng : đó là vai trò Hôn Thê.
“Không một vai trò nào của nam giới có đủ khả năng diễn tả trọn vẹn Thiên Chúa trước Thiên Chúa.
“Chính vì đó, các nhà thần bí nam giới phải trở nên những người nữ (đề tài linh hồn – hiền thê) hoặc trở nên những trẻ thơ.
“Ðối với những người nữ, việc kết hợp với Thiên Chúa không làm cho giới tính của họ thành vô ích. Trong thần bí, họ tiến triển với niềm hạnh hạnh phúc hơn hẳn người nam, với tính cách là những nữ tử, hôn thê, người mẹ” (Jean – Noel Vuarnet, Extases féminines, Arthaud, 1980, p. 7 & 14).
Xavier Thévenot ghi nhận tính loại suy giữa kinh nghiệm tôn giáo và kinh nghiệm yêu đương : trong cả hai trường hợp đều có ý thức về sự gần gũi, bổ túc và khác biệt.
“Kinh nghiệm về Thiên Chúa và kinh nghiệm giới tính, mỗi một trong hai đều đưa đến biện chứng về một Người Khác, về một Ðồng Nhất hoặc còn dẫn đến Siêu Việt và Nội Tại.
“Kinh nghiệm thần bí cũng như kinh nghiệm giới tính là một kinh nghiệm vừa cảm thấy sự gần gũi vừa đồng thời cảm thấy sự xa lạ về một Người Khác” (Xavier Thévenot, Homosexualités et morale chrétienne, Le Cerf, 1985, p. 200, note 17).
Phủ nhận sự khác biệt về giới tính, đó cũng chính là phủ nhận sự khác biệt giữa con người với Thiên Chúa :
“Ðồng tính luyến ái là tình trạng không nhận thức đầy đủ và hiện sinh về sự khác biệt của giới tính có liên hệ với tình trạng không nhận thức được tha tính của Thiên Chúa… Người nam đồng tính luyến ái cảm thấy sợ hãi và khinh bỉ đối với người nữ : trong vô thức, anh khước từ thái độ nữ tính trong tương giao đối với Thiên Chúa.
“Còn người nữ đồng tính luyến ái lại là người không cần đến chồng cũng như nhân loại (hôn thê) không cần đến Thiên Chúa (hôn phu) [theo Rm 1] (ibid, p. 209-211).
Urs von Balthasar nhắc lại :
“Giáo hội và linh hồn chỉ có thể đón nhận được hạt giống của Lời và của chân lý tâm linh với một tâm hồn rộng mở và với thái độ sẵn sàng hoàn toàn của người nữ, không sừng sộ gắt gỏng, không cứng cỏi, không tính phản ứng theo kiểu người nam, nhưng đúng hơn là dâng hiến chính mình trong bóng tối, đón nhận trong bóng tối, chịu đựng trong bóng tối, và không tìm kiếm những gì mà mình có thể đón nhận nhưng không phải trong thái độ này” (Urs von Balthasar, Théologie de l’Histoire, Plon, 1955, p. 116).
Trong các cộng đồng theo các tín ngưỡng thờ thần Vôđu của dân tộc Bênin, người khai tâm được gọi là “hôn thê của thần linh“ : cảm thức ngoại giáo của hữu thể nhân linh ở trong thái độ nữ tính trước hữu thể thần linh.
“Người khai tâm trong phụng tự Vôđu được gọi cách biểu tượng là “người vợ của thần Vôđu” (Abbé Mellon Djivoh, dans la revue Pentecôte d’Afrique n.7, 3-1992, p. 52; x. L. V. Thomas et René Lumeau, La terre africaine et ses religions, L’Harmattan, 1975, 2 éd. 1992, p. 175).
Dom Pierre Miquel,
Viện phụ của Ðan viện Saint-Martin de Ligugé.
G. Nguyễn Nghị chuyển ngữ
Thiên Chúa Là Cha Hay Là Mẹ
Phần III
Người Cha hay Người Con ?
“Giêsu kẻ thoán ngôi Ðức Chúa”
Ernst Bloch, Le Principe espérance,
Gallimard, 1982, p. 1497.
“Trong Ðức Kitô, thần tính trở thành con”.
J.-L. Marion, L’idole et la distance,
Grasset, 1977, p. 144.
“Nhân danh Cha”
Sigmund Freud đã nhiều lần quả quyết rằng trong Kitô giáo, Người Con đã thay thế Người Cha.
“Do thái giáo từng là tôn giáo của Người Cha, còn Kitô giáo trở thành tôn giáo của Người Con. Thiên Chúa ngày xưa, Thiên Chúa – Cha, đã chuyển sang bình diện thứ hai, Ðức Kitô, Con của Người, đã thế chỗ” (Freud, Moise et le monothéisme, 1948, p. 134; Totem et Tabou, Payot, 1965, p. 177).
Tuy nhiên, các nhà chú giải đã đếm được trong Tân ước 11 lần và trong Cựu ước 170 lần, Thiên Chúa được gọi là “Cha”.
Ðức Kitô dạy các môn đệ kêu cầu “Lạy Cha chúng con” và đối với người Kitô hữu, tước hiệu Cha vẫn luôn là danh Thiên Chúa.
Người ta ghi nhận rằng “Ðức Giêsu không rao giảng phụ tính của Thiên Chúa cho đám đông. Trong lời giảng của Người, phụ tính của Thiên Chúa không phải là một điểm thần học chung chung. Ðức Giêsu chỉ nói về Thiên Chúa với tư cách là Cha cho các Tông đồ của Người, hết sức riêng tư” (A-M. Hunter, Introduction à la Théologie du Nouveau Testament, Le Cerf, 1968, p. 36-37).
Các Giáo phụ đã nhận thấy rằng : mạc khải căn bản của Ðức Kitô là về phụ tính của Thiên Chúa.
Thánh Athanasiô đã viết : “Nói về một người rằng người ấy là kiến trúc sư, thì vẫn còn là đứng ở phạm vi bên ngoài những công trình của người ấy mà thôi và không ám chỉ gì đến người con của nhà kiến trúc. Chính vì người con này, anh em gọi người ấy là cha; và vì những công trình của người ấy, anh em gọi người ấy là nhà sáng tạo. Người ấy chính là Thiên Chúa. Như thế, thật là đúng đắn biết bao khi chúng ta biểu thị Thiên Chúa nhờ Con của Người và gọi Người là Cha, cũng như khi chúng ta biểu thị Thiên Chúa nhờ các công trình của Người và gọi người là Ðấng Bất Khả Thụ Sinh” (thánh Athanasiô, De Decretis Nicaenae Synodis, PG, 25/472 A et 473 A).
Thánh Syrillô Alexandria viết : “Gọi là ?Thiên Chúa? điều đó chỉ biểu thị quyền bá chủ muôn loài muôn vật mà thôi. Còn gọi là “Cha” lại đụng chạm đến một đặc tính thâm sâu và riêng tư, bởi vì điều đó muốn nói rằng : Thiên Chúa là Ðấng Tác Sinh. Như vậy, một cách nào đó, Cha là danh hiệu đích thực nhất của Thiên Chúa, danh hiệu tuyệt hảo của Người” (thánh Syrillô Alexandria, In Ioannem XI, 7, PG, 74, 500 B).
“Bởi vì công trình tạo dựng được thực hiện sau khi đã sinh hạ Người Con, như thế trước hết, đặc tính của Thiên Chúa là Cha và sau đó là Thiên Chúa” (ibid, Thesaurus 5, PG, 75).
Cha Régnon đã tóm lược rất tài tình tư tưởng của các Giáo phụ khi ngài viết :
“Xét trên bình diện yếu tính và vĩnh cửu, Thiên Chúa là Cha… Yếu tính của Thiên Chúa là Cha cũng như bản tính của Người là Thiên Chúa. Quan niệm Thiên Chúa là Thiên Chúa trước khi quan niệm Người là Cha là một khuyết điểm của lý trí chúng ta. Quan niệm này – phải là quan niệm đầu tiên trong tất cả mọi quan niệm, và vì vị thế hữu thể học đích thực của Người – là?quan niệm về một người Cha” (De Régnon, É?udes sur la Trinité, t. III, p. 276).
“Cha của Thầy và của anh em” (Ga 20,17)
“Cha của Thầy cũng là Cha của anh em”. Ðức Giêsu đã sử dụng công thức này nhằm nêu bật sự khác biệt trong tương giao giữa ngôi Con với Cha và mối tương giao giữa những người Con với Cha “không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,27).
Cách nói “Cha Thầy” (Mt 7,21), trên miệng Ðức Giêsu, không phải là một yêu sách đòi được đồng bản tính, cũng chẳng phải là cách xưng hô đạo hiếu, nhưng là một lời khẳng định về mối tương giao đặc biệt thâm sâu và có tính cách hỗ tương mà những lời khẳng định khác của Người nhấn mạnh : Ðức Giêsu đã gọi Thiên Chúa là Cha trước cả khi cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi gọi Ðức Giêsu là “Người Con”.
“Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10,38).
“Xin cho tất cả nên một, như Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21).
“Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30).
Duy chỉ mình Ðức Giêsu mới gọi Thiên Chúa là “Cha Tôi” và người Kitô hữu chỉ có thể gọi Thiên Chúa là “Cha” trong mối dây thông hiệp với anh em mình.
J. Ratzinger đã ghi nhận điều này như sau :
“Một người duy nhất có quyền gọi Thiên Chúa là “Cha“ : đó chính là Ðức Giêsu Kitô, Người Con Duy Nhất, còn tất cả mọi người khác phải gọi là “Cha chúng ta”. Bởi vì Thiên Chúa chỉ là Cha đối với chúng ta khi chúng ta nhập cuộc vào cộng đoàn các con cái của Người. Người là Cha đối với “tôi” chỉ vì tôi ở trong cái “chúng tôi” của các con cái Người” (J. Ratzinger, Frères dans le Christ, Le Cerf, 1962, p. 66).
Klossowsky cũng ghi nhận :
“Người ta chỉ có thể sống tình huynh đệ nhân loại khi người ta dựa trên địa vị làm con Thiên Chúa” (Klossowsky, “Qui est mon prochain?”, Esprit, déc. 1938, p. 413).
Phụ tử và nghĩa tử đồng thời
Ngôi Cha không hiện hữu trước Ngôi Con : có một sự đồng thời giữa Cha và Con. Không có Ngôi Con, Ngôi Cha không phải là Ngôi Cha.
Cha Régnon đã nhận xét về mầu nhiệm Ngôi Con trong cung lòng Ba Ngôi như sau : “Những danh hiệu về Ngôi Cha phần lớn là tiêu cực, vì nó chỉ một điều gì đó ở “bên kia hay vượt quá” mà tri thức nhân loại không thể nhận thức được. Chỉ một danh hiệu duy nhất : đó là danh hiệu Cha, nhưng danh hiệu này lại nói lên một tương quan. Cha của Người Con. Lý trí của chúng ta phải dựa vào chính Ngôi Con để suy tư về Ngôi Cha” (De Régnon, Études sur la Trinité, t. III, P. 367).
“Ai gọi ?Cha? là gọi “Cha của một người Con”,
ai gọi ?Con? là gọi “Con của một người Cha”.
Là ?Con? nghĩa là có một người Cha,
là ?Cha? nghĩa là có một người Con.
“Nơi những người nam, tư cách làm cha là một điều gì đó được thêm vào, bởi vì trước khi trở thành người cha, anh ta đã là một ngôi vị nhân loại. Nhưng nơi Thiên Chúa, toàn thể tư cách Ngôi Cha nằm ở trong địa vị là Cha của Người” (De Régnon, I, p. 68).
Gần đây một nhà phân tâm học đã nhấn mạnh đến tính hỗ tương của hai hạn từ cha – con trong gia đình nhân loại. Tộc hệ được căn cứ trên “đạo làm con”. Theo ý kiến của tôi, cha mẹ đón nhận tất cả từ nơi con cái của họ cũng như con cái của họ đón nhận tất cả từ nơi cha mẹ chúng.
“Người con trai kiến tạo người cha (Filius ante patrem), người con gái kiến tạo người mẹ (Filia ante matrem). Ngoài ra, người con trai tham gia cách đặc biệt vào việc tái tạo lại Tâm Hồn của người mẹ (Filius ante animum matris), cũng như người con gái tham gia vào việc tái tạo lại Tâm Hồn của người cha (Filia ante animam patris).
Tôi những tưởng rằng đã đến lúc chúng ta cần phải ý thức về tính song phương trong mối tương quan giữa cha mẹ – con cái. Không thể giản lược, coi con cái chỉ là hoa trái của Cha và Mẹ, như người ta vẫn nói. Ðây là vấn đề về chuyện con gà mái và quả trứng” (Pierre Solité, La Femme éternelle, Seghers, 1980, p. 390, note).
Thánh Athanasiô đã quả quyết mạnh mẽ rằng, một đằng Ngôi Cha đã không bao giờ là Ngôi Con, và Ngôi Con sẽ không bao giờ là Ngôi Cha, đàng khác Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần đồng vĩnh cửu với Ngôi Cha.
Trong thần tính, duy chỉ Ngôi Cha tuyệt đối là Cha và Ngôi Con tuyệt đối là Con, và nơi hai ngôi vị này đặc tính của Cha luôn tồn tại trong Chúa Cha, đặc tính của Con luôn tồn tại trong Chúa Con.
“Quả vậy, hễ ai hỏi tại sao Ngôi Con lại không sinh hạ một người con, thì người ấy cũng sẽ hỏi tại sao Ngôi Cha lại không có người cha của mình. Hai vấn nạn này đều phi lý và bất chính như nhau. Thực vậy, Ngôi Cha vẫn muôn thuở là Cha và không bao giờ là Con thế nào, thì Ngôi Con vẫn luôn luôn là Con và không bao giờ là Cha” (thánh Athanasiô, Contra arianos, oratio I, 21-22, PG, 26, 56 C – 57 A).
Ðối với những ai phủ nhận tính vĩnh cửu của Ngôi Con, thánh Athanasiô nói : “Họ cứ hoang tưởng đến độ nghĩ rằng đã có một thời Thiên Chúa vô tri và vô cảm” (thánh Athanasiô, Contra arianos, oratio II, 32, PG, 26/ 216).
Phụ tử và nghĩa tử nhìn nhận nhau
Ðịa vị làm Cha của Thiên Chúa theo hình thức sinh học trong Tân ước không còn đậm đặc như trong Cựu ước nữa. Thiên Chúa nhân lành hẳn nhiên vẫn là tác giả của sự sống, những mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với Thiên Chúa là một sự nhìn nhận hỗ tương : “Ðức tin vào một Thiên Chúa-Cha không dựa trên sự kiện có tính “vật chất” về sự sinh sản và về người con, nhưng dựa trên việc cùng nhận biết nhau” (J. Pohier, Au Nom du Père, Le Cerf, 1972, p. 130).
Theo hình ảnh của Thiên Chúa
Khi không có một mối tương quan theo hình thức sinh học giữa Thiên Chúa và con người, thì cần phải nhấn mạnh rằng : Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh Người, giống như Người.
H-M. Féret cho rằng : “Ðể sử dụng hợp lý hạn từ Cha, ngoài mối tương quan phụ thuộc hàm chứa trong hạn từ Ðấng Tạo Hóa, thì giữa Thiên Chúa và con người cần phải có một mối tương quan giống nhau nào đó (St 1,27), một cộng đoàn được thông phần bản tính Thiên Chúa (2Pr 1,4), thuộc dòng giống Thiên Chúa (Cv 17,28)” (H-M Féret, Connaissance biblique de Dieu, Le Cerf, 1955, p. 192).
Mọi tình phụ tử của nhân loại đều biểu lộ tình phụ tử của Thiên Chúa.
Trong Tin mừng, Ðức Kitô dặn các môn đệ của Người :
“Anh em đừng gọi ai dưới đất này là Cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23,9).
Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Êphêxô : “Tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời dưới đất” (Ep 3,14-15).
Hugues de Saint-Victor cũng viết :
“Ðịa vị làm cha của con người là bí tích và là hình ảnh địa vị làm Cha của Thiên Chúa” (Hugues de Saint-Victor, Institutiones in Decalogum, PL, 176, 12D).
Thiên Chúa là Tình Yêu
Nói rằng Thiên Chúa là Cha cũng tương đương với nói rằng Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngay cả khi Mạc khải về Thiên Chúa-Tình Yêu đến sau mạc khải Thiên Chúa-Cha : “Thiên Chúa của chúng ta không phải là một “thần-thợ chế tạo”, nhưng Người là “Thiên Chúa-Cha”, một vị Thiên Chúa Tình Yêu, nhưng đây là tình yêu bác ái nhờ đó người ta có thể dâng hiến chính mình, chứ không phải là một tình yêu dục vọng vì nó người ta chiếm hữu” (Laberthonnière, Esquisse d’une philosophie personnaliste, Vrin, 1942, p. 548, note 3).
Con người đã linh cảm rõ ràng có một mối thâm giao nhiệm mầu giữa tình yêu và thần tính, như thể chính Thiên Chúa đã thần hoá tình yêu.
Tuy nhiên, cần biết chính Thiên Chúa đã mạc khải cho con người hiểu rằng không phải tình yêu là một vị thần, nhưng chính Thiên Chúa là Tình Yêu.
Dom Pierre Miquel,
Viện phụ của Ðan viện Saint-Martin de Ligugé.
G. Nguyễn Nghị chuyển ngữ
Thiên Chúa Là Cha Hay Là Mẹ ? P. IV
Phần IV
Cái Chết của Người Cha
Chính khái niệm phụ tử không xuất phát từ một kinh nghiệm khả giác nào đó, lịch sử tôn giáo đã xác nhận điều này :
“Ðức tin vào Thiên Chúa là Cha có nghĩa là nhận biết một Ðấng Khác, siêu việt trên vạn hữu, nhờ Ðấng ấy, chúng ta được hiện hữu và được đưa vào trong một cộng đoàn vượt quá trật tự nhân loại” (Louis Beirnaert, La “Morale sans Péché” du Docteur A. Hesnard dans les É?udes, janvier 1955, p. 45).
“Không phải chính Thiên Chúa là biểu tượng vĩ đại của người cha, nhưng chính con người là một người Cha “bị thiếu hụt”, nghĩa là một người cha chẳng bao giờ thành cha nếu không có một người Cha, bởi vì anh ta được danh hiệu cha chỉ do từ một tình Phụ Tử duy nhất” (Ep 3,14) (Manaranche, Dieu vivant et vrai, Le Seuil, 1972, p. 58).
Về phần mình, Jacques Madaule đã xác định rõ : con người không trở nên người trưởng thành do bởi người cha của hắn chết, nhưng anh ta là người trưởng thành khi anh ta nhận ra những giới hạn của cha mình và thôi không thần hoá ông nữa.
“Cần lưu ý rằng việc đồng hoá người cha với Thiên Chúa chỉ chính xác một phần nào thôi (…). Dường như các triết gia vô thần đã bị một sự giống nhau, tương đồng làm cho sai lạc.
“Khi đồng hoá Thiên Chúa với một người cha tưởng tượng mà nhân loại đã đưa ra nhằm điều hướng những bước chân đầu tiên của họ, thì đối với họ, cái chết của người cha chính là hậu quả đương nhiên của tuổi trưởng thành” (Jacques Madaule dans le numéro spécial de l’Anneau d’Or sur “le père”, 9-10, 1946, p. 38).
“Dẫu người cha không phải là một người tầm thường, đáng thương, nhưng cũng chẳng lâu ông sẽ thấy giới hạn về hiểu biết cũng như các khả năng của mình, và người con vốn kính trọng ông nhất, một ngày nào đó cũng buộc phải nhìn nhận rằng cha mình không phải là một vị thần, nhưng là một con người. Ðây quả là một ngày khủng khiếp đối với cả hai người, ngày mà người ta muốn đến càng chậm càng tốt. Khi người con khám phá ra những giới hạn nơi người cha của mình, đó chính là lúc người con nghiệm thấy mình là một con người” (Jacques Madaule, ibid, p. 36).
A. Vergote cũng viết : “Ta có thể nói về việc phụ hóa Thiên Chúa (biến Thiên Chúa trở thành người cha), hơn là thần hóa người cha” (A. Vergote, Psychologie religieuse, Dessart, Bruxelles, 1966, p. 296).
Mối nguy hiểm của việc trình bày Thiên Chúa là một người cha đó là : hoán vị quá đơn giản người cha nhân loại, từ đó có hai “linh đạo” (!) sai lầm :
- Nếu người cha nhân loại của ta là một con người yếu đuối, nhu nhược, không có tư cách, không vĩ đại, thì ý tưởng, hay đúng hơn hình ảnh của ta, về Thiên Chúa sẽ sai ngay từ khởi đầu.
- Nếu người cha nhân loại của ta là một con người thích bạo lực, bốc đồng, hung dữ, bất nhẫn, thì ý tưởng, hay đúng hơn hình ảnh của ta, về Thiên Chúa cũng sẽ sai ngay từ đầu.
Những mối tương giao phụ-tử và tử-phụ là một hình ảnh thường là méo mó về những mối tương giao giữa Ngôi Cha và Ngôi Con.
Nói chung, mối tương giao giữa người cha trần thế với người con trần thế thường có :
* sự đối lập về ý chí và
* không tương hợp về ý chí.
Tuy nhiên, người cha là cha đối với người con và người con là con đối với người cha (như trong trường hợp giữa Ngôi Cha và Ngôi Con), cùng một trật là chủ thể của vinh quang, của niềm vui, của niềm hãnh diện.
“Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 17,5).
Phụ tính của Thiên Chúa không phải là sự phóng chiếu được lý tưởng hóa về người cha trần thế của chúng ta bằng cách trang trí thêm các phẩm tính và quên đi những yếu điểm của người cha này. Phụ tính của Thiên Chúa cũng không phải là sự sáng tạo vô thức của những người nam người nữ đã bị thiếu thốn tình yêu của người cha (những người mồ côi), và người Cha trên trời là sản phẩm thay thế cho người cha trần gian họ thiếu.
Nói rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta chính là nhìn nhận rằng chúng ta mắc nợ Người sự sống : sự sống tự nhiên và sự sống siêu nhiên. Nói rằng chính Người đã sáng tạo, đã sinh ra chúng ta, đó là chúng ta nhìn nhận Người vừa là cha vừa là mẹ, Người là tác giả làm nên chúng ta.
Vai trò kép của người Cha : sửa dạy và an ủi
Sigmund Freud nhận thấy nơi người cha hai chức năng : chức năng trấn áp và chức năng an ủi, đây cũng là hai chức năng của Thiên Chúa.
“Chính vì mãi yếu đuối mong manh như một đứa trẻ nên con người vẫn luôn luôn bị dày vò bởi hoài niệm về người cha. Nếu bất cứ cảnh khốn cùng nào cũng là nỗi hoài niệm về người cha, thì bất kỳ niềm an ủi nào cũng lại là lặp lại của người cha” (d’après Freud, L’avenir d’une illusion, PUF, 1971, p. 245-246).
Hai bản văn, một của Charles Péguy, một của cha Foucauld sẽ minh họa thái độ kép này :
“Khi tôi đang đi trên đường và giả như cha tôi gọi tôi để bắt tôi trở về nhà, tôi sẽ không sợ cha tôi” (Hauviette, dans “Le Mystère de la Charité de Jeanne d’Arc” de Péguy, NRF, p. 44).
“Lạy Cha, con xin phó thác đời con trong tay Cha. Lạy Cha, con dâng mình con cho Cha, con tin tưởng nơi Cha, Lạy Cha, xin hãy làm cho con tất cả những gì làm Cha vui thỏa. Cha làm cho con điều gì con cũng xin tạ ơn Cha, tạ ơn về mọi sự, con sẵn sàng tất cả, con xin đón nhận tất cả, con tạ ơn Cha về tất cả, miễn là thánh ý Cha được thể hiện nơi con. Lạy Cha, con không ước muốn điều gì khác, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha. Lạy Thiên Chúa, con xin hiến dâng linh hồn con trong tay Ngài với tất cả tình yêu của trái tim con, bởi vì con yêu Ngài. Và đối với con, đây là một nhu cầu của tình yêu dâng hiến chính mình con, phó thác chính mình con trong tay Ngài vô giới hạn. Con xin phó dâng chính mình con trong tay Cha với niềm tin tưởng vô biên” “Charles de Foucauld, Méditations sur l’É?angile” dans É?rits spirituels, de Gigord, 1927, p. 29).
Thiên Chúa-Cha : phóng chiếu hay bù trừ của người cha trần thế ?
“Phân tâm học đã giúp chúng ta nhận ra mối liên hệ sâu xa giữa phức cảm về người cha với niềm tin vào Thiên Chúa. Phân tâm học đã cho chúng ta thấy rằng : trên bình diện tâm lý học, Thiên Chúa ngôi vị không là gì khác hơn là người cha đã được biến hình đổi dạng.” (Freud, Un souvenir d’enfance de Léonard de Vinci, Gallimard, 1987, p. 212.)
Tâm lý học chiều sâu quan niệm Thiên Chúa như thể là phóng ảnh của một người cha nhân loại : người cha uy quyền thành Thiên Chúa uy quyền; hoặc như là một sự bù trừ : người cha yếu đuối thành Thiên Chúa hùng lực.
Sigmund Freud đã khai triển kiểu giải thích này về phụ tính của Thiên Chúa trong tác phẩm L’avenir d’une illusion. Ông viết như sau :
”Một em bé đang lớn lên, khi nó nhận thấy rằng nó cứ phải là một em bé mãi, không thể thiếu sự bảo vệ chở che để chống lại những quyền lực tối cao và vô danh, khi đó em khoác cho các quyền lực này những nét mặt của người cha. Em tạo cho mình các thần thánh mà em rất sợ, em cố gắng làm đẹp lòng các thần nhưng em gán cho các thần nhiệm vụ bảo vệ chở che em. Như thế, hoài niệm của em bé về người cha của mình trùng với nhu cầu cần được bảo vệ mà em cảm thấy vì sự yếu đuối của con người” (Freud, L’avenir d’une illusion, p. 64).
Beirnaert và Manaranche đã chứng minh sự không chính xác trong cách giải thích giản lược này :
”Có lẽ người ta lầm khi tin rằng : khái niệm về người Cha trên trời phát sinh từ một phóng chiếu nào đó trên bình diện tôn giáo của hình ảnh người cha trần tục.
“Một cuộc nghiên cứu gần đây về hình ảnh Cha nơi các thiếu nữ, chứng minh rằng hình ảnh Thiên Chúa, đối với ba phần tư các cô được hỏi, trùng với hình ảnh người cha, nhưng đối với một phần tư còn lại, hình ảnh Thiên Chúa là một sự bù trừ đối với người cha mà cô cảm thấy bất túc” (Yorick Spiegel dans Concilium 163, 1981, p. 16).
Một cuộc nghiên cứu về hình ảnh Thiên Chúa trong một nhóm các chủng sinh đã cho thấy ở nơi họ đó là một sức mạnh thâm sâu hơn là một quyền lực bên ngoài.
“Cách chung, nhưng là chính yếu, khi chúng tôi đối sánh các chủng sinh với các nhóm sinh viên giáo dân, chúng tôi nhận thấy rằng : các chủng sinh – khi họ nói hay viết về Thiên Chúa – thường dành ưu tiên cho một hệ thống ngữ nghĩa học tương hợp với hình ảnh biểu tượng về người Mẹ hơn là về người Cha. Ðặc biệt, họ gán cho Thiên Chúa những phẩm tính như “lòng âu yếm”, “tình thân mật”, “người luôn hy vọng đợi chờ”, “người mà sống bên cạnh, người ta cảm thấy như ở nhà mình”. Trước hết, đấy là những phẩm tính thuộc về phạm vi mẫu tính. Ðàng khác, các chủng sinh lại rất ít nhấn mạnh đến một số nét biểu lộ đặc biệt diện mạo của người Cha. Thế nên, đối với họ, Thiên Chúa không phải chỉ ít được gán cho những nét như “người xé? xử” và “uy quyền”, mà còn ít có những nét mang tính “chuẩn mực” và “người ban lề luật”. Thiên Chúa cũng ít còn mang khuôn mặt của “người duy trì trật tự”, “người lãnh đạo”. Thế có nghĩa là, khi nói về Thiên Chúa, các chủng sinh thường nhấn mạnh đặc biệt đến những gì nói lên thái độ quan tâm, yêu thương và thân tình của Thiên Chúa. Họ rất ít nói về Thiên Chúa với tính cách là Ðấng quy chiếu vào Lề Luật với những yêu sách cụ thể nhắm đến một tương lai cần phải xây dựng. Họ nhìn nhận sự hoạt động năng động của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, nhưng họ thích trình bày hoạt động này như một s�! ��c mạnh thúc đẩy họ từ bên trong hơn là một quyền lực bên ngoài thực sự phân biệt với chính họ” (Alfred Vannesse, “Représentation de Dieu et structure psychique”, Lumen Vitae, volume XXXII, 1977, n. 3, Langage religieux et relation à la Mère, p. 307).
Người Cha theo cái nhìn của người nam và của người nữ
Một người nam không quan niệm Thiên Chúa-Cha như một người nữ, bởi vì mối tương giao giữa một người con trai với cha của anh thì khác mối tương giao của người con gái với cha của cô.
Thiên Chúa là Cha hay là Ông Nội ?
“Khi chúng ta nói rằng Thiên Chúa là Cha, chúng ta thường có chiều hướng chỉ nghĩ rằng Ngài là ông nội”.
HUXLEY
”Linh đạo trẻ thơ là một cuộc sáng tạo không ngừng, trong khi sự ấu trĩ là bao giờ cũng chỉ biết lặp đi lặp lại những phản ứng của quá khứ…
“Ðể một người trưởng thành có thể thực sự cảm thấy mình hiện diện như một trẻ thơ trước Thiên Chúa, tiên vàn người đó phải có khả năng hành động với tư cách là một con người trong tương quan với những người khác” (L. Beirnaert, dans La Vie spirituelle, oct. 1951; “Enfance et Maturité spirituelle”).
”Người ta đã làm méo mó quan niệm về Phụ tính được áp dụng cho Thiên Chúa, người ta làm cho Người hoá ra tầm thường; từ Thiên Chúa-Tình Yêu, người ta biến Người trở thành một Thiên Chúa-Bố…
Phụ tính, đó là Tình Yêu, được đẩy tới sự hoàn thiện của chính mình” (Auguste Valensin, Textes et documents inédits, Aubier, 1961, p.409-410 ).
Nơi thánh Têrêxa Lisieux, ý tưởng về Thiên Chúa là Cha không được thành hình từ người cha của thánh nữ, ý tưởng linh đạo trẻ thơ cũng không được hình thành khởi đi từ những hình ảnh của tuổi thơ, nhưng nó chỉ được sử dụng để diễn tả mà thôi (x. A. Combes, Sainte Thérèse de Lisieux et sa mission, Éditions Universitaires, 1954, p. 218-219).
“Kinh nghiệm cho thấy rằng khái niệm về linh đạo người cha luôn luôn là hàm hồ và thường là khô khan nghèo nàn đối với người cha cũng như đối với người con gái hoặc con trai thiêng liêng” (G. Paradis, “La Chasteté”, dans Vie Consacrée, 1968, 6, p. 364).
Khi đó phụ tính của Thiên Chúa chỉ là một nơi ẩn náu “quá ư là con người” cho tình cảm bất an của chúng ta.
Hẳn nhiên chúng ta là “con cái của Thiên Chúa”, nhưng đối với chúng ta, vấn đề không phải là sống trong tình trạng ấu trĩ về đàng thiêng liêng, tinh thần. Tuổi tâm linh, tinh thần của chúng ta phải tương ứng theo một mức độ nào đó với tuổi thể lý của chúng ta (cũng như các bí tích ăn nhịp với những giai đoạn trong cuộc sống con người chúng ta vậy).
Chúng ta đã được tạo thành để trở nên những con người trưởng thành về tinh thần.
Con đường bé nhỏ của linh đạo trẻ thơ không phải là con đường của một thứ ấu trĩ. Lời của Chúa : “Nếu anh em không nên giống những trẻ nhỏ, thì anh em không được vào Nước Trời” không được hiểu như một lời khuyên dành cho con nít.
Thánh Phaolô và thánh Phêrô cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải vượt qua giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ đến tuổi trưởng thành :
”Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành ngươì lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con” (1Cr 13,11).
“Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ” (1 Pr 2,2).
Tâm tình lệ thuộc
Phái Tin lành tự do thường cho tình cảm phụ thuộc là nguồn gốc của ý tưởng về Thiên Chúa-Cha.
Harnack đã cho rằng tình cảm phụ thuộc là điểm căn cốt của mạc khải Tân ước. Sabatier và Goguel, khi nhận ra những giới hạn của Schleiermacher, thì chính họ cũng thấy tình cảm phụ thuộc là nguồn cội của quan niệm về phụ tính của Thiên Chúa : “Tình cảm phụ thuộc của chúng ta cung cấp một nền tảng thực nghiệm và bền vững cho ý tưởng về Thiên Chúa… Trước mọi suy tư và xác định của lý trí… Người ta có thể thiết lập một phương trình như thế này : tình cảm phụ thuộc của chúng ta là tình cảm về sự hiện diện nhiệm mầu của Thiên Chúa trong chúng ta” (A. Sabatier, Esquisse d’une philosophie de la religion, 9e éd, livre I, chap. I, 2, p. 20).
“Schleimacher có thể đã giản lược ít nhiều các vấn đề khi ông định tính tình cảm tôn giáo qua ý thức về một tình trạng phụ thuộc tuyệt đối. Tuy nhiên qua đó, ông đã làm sáng tỏ một trong những yếu tố cấu thành căn cơ nhất của tôn giáo” (Maurice Goguel, “Témoignage d’un Historien”, dans Protestantisme francais, Plon, 1945, p. 327).
“Bố đấy !” Ðối với một đứa trẻ, người cha trước hết là một sự hiện diện. Ðứa trẻ không biết “bố để làm gì”, nhưng nhưng nó đoán được vai trò và tầm quan trọng của ông là đem lại sự an toàn cho nó” (Roger Pons dans le numéro spécial de L’Anneau d’Or 9-10, 1946, p. 25).
Georges Morel đã phê bình kiểu giải thích về phụ tính của Thiên Chúa như một tình cảm phụ thuộc bẩm sinh này :
“Ðịnh nghĩa con người cơ bản là một hữu thể phụ thuộc vào Thiên Chúa, dù họ có ý thức hay không, thì cũng là biến Thiên Chúa trở thành cái gì tương đối” (G. Morel, L’Autre, Aubier, 1977, p. 122).
Tuy nhiên, phải nhận rằng : tất cả mọi mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa, thay vì tương đối hóa Thiên Chúa, có thể chỉ giúp cho đạt được sự hiệp thông.
Khao khát được làm cha của riêng mình
“Ðặt tên cho mình, đó là sinh ra mình, khởi đầu với cái tên mà người khác đặt cho. Như thế vào năm 21 tuổi, tôi là Pierre Emmanuel ở giữa thế giới. Tự nay trở đi, cha tôi, đó chính là tôi” (Pierre Emmanuel cité par Jean Hamburger dans son Discours de réception à l’Académie francaise, Le Monde, 19-20 janvier 1986.
Khi phê bình lý thuyết về “cái chết của người cha”, Claude Bruaire đã nhận thấy trong Thiên Chúa-Cha, một Thiên Chúa không nguồn gốc, “một người cha không có cha”, Ðấng hằng hữu (Platon, Phèdre, 245 d).
Nhưng khuynh hướng này rất nguy hiểm, bởi vì không nguồn gốc, theo Eschine, cũng có nghĩa là “một cái gì đó không có lý do hiện hữu” (86,1) và, theo Sophocle, là “một cái gì không hiện hữu” (Tro 743), còn Isocrate thì cho là “một cái gì không thể hiện hữu” (397a).
“Tôn giáo có lẽ chịu thua thuyết nhân hình đầy sức mê hoặc khi thay thế người Cha vào chỗ Ðấng tuyệt đối. Bị ám ảnh ngay từ bẩm sinh bởi người cha của mình, trong phức cảm ham muốn và thù hận, ý thức phóng chiếu một cách đầy hoang tưởng nhân vật Cha – Người đã ám ảnh ý thức – lên cái bóng của Thiên Chúa. Người ta thúc giục các tín hữu thanh lọc đức tin của mình bằng cách loại trừ phụ tính của Thiên Chúa ! Tuy nhiên, chúng ta dễ hiểu tại sao việc thanh lọc đức tin này chỉ có thể đưa đến thuyết vô thần mà thôi. Không tương hợp với sự sinh sản của nhân loại, phụ tính là một quan niệm đơn nghĩa triệt tiêu toàn bộ những phụ tính của chúng ta. Bởi vì phụ tính có nghĩa chính xác là Cha, nghĩa là một người cha không cha. Ðây là một điều mà người con trai không bao giờ có thể là như vậy, hoàn toàn đơn giản, bởi vì trước hết anh ta là một người con, bởi vì anh ta không phải là Cội Nguồn tối hậu, sáng tạo một khởi nguyên không có bắt đầu” (Claude Bruaire, La raison politique, Fayard, 1974, p. 261).
Mình là cội nguồn của chính mình, không mắc nợ người khác cuộc hiện hữu, đối kháng cha mình, là một cám dỗ của bất kỳ chú thiếu niên nào. Cha Sagne đã chẩn đoán tài tình căn bệnh ảo tưởng nguyên thủy này :
“Bằng chứng và biểu hiệu cho tính cách hữu hạn của tôi, đó chính là tôi lãnh nhận nguồn gốc của mình từ một người khác tôi, nhờ một ân ban vẫn luôn được ẩn giấu và không thể đạt tới được, một ân ban mà tôi không thể làm chủ được đến độ tôi chỉ có thể lãnh hội được nhờ đức tin và lời của một người khác. Tôi không biết cội nguồn của mình, tôi không có quyền đối với nguồn gốc của tôi, bởi vì tôi không phải là cội nguồn của tôi. Tắt một lời, tôi không phải là cha của tôi”.
Phức cảm Oedipe, không chỉ là chuyện sở hữu người mẹ, nhưng còn triệt để hơn nữa đó là một ước muốn hoang đường muốn trong bà và cùng với bà tham gia vào một hành vi tính dục đầu tiên và nguyên thủy để từ đó đưa đến việc thụ thai chúng ta. Ðây là một cám dỗ muốn mình là cội nguồn của chính mình, mình là người cha của chính mình, đồng thời muốn phục hồi sự duy nhất nguyên thủy mà sự sinh hạ đã cắt đi khỏi ta, vì chúng ta không được sinh ra từ một ngôi vị độc nhất, nhưng là từ hai ngôi vị (cha-mẹ), trong đó giới tính đã khắc ghi một dấu ấn không thể xóa nhòa được về sự khác biệt và một sự rạn nứt của sự chết” (Jean-Claude Sagne, “De l’illusion au symbole, La reconnaissance du père”, Lumière et Vie 104, p. 50-51).
Tuy nhiên, J. N. Bezancon đã ghi nhận rằng : “Là con, đó là một điều gì khác hơn là giấc mơ trẻ thơ muốn được đồng hóa với cha mình hoặc muốn thay thế cha mình.
“Là cha, đó là một điều gì khác hơn là muốn được “tái tạo chính mình” (J. N. Bezancon, Le Christ de Dieu, DDB, 1979, p. 153).
Mặt khác, đối với con người, nhìn nhận Thiên Chúa là Cha nghĩa là đón nhận một tình yêu mà con người không phải là kẻ có sáng kiến đi trước :
”Nếu Thiên Chúa được gặp gỡ trong tư thế là Ðấng Hôn Phu, thì Người cũng được nhìn nhận là Cha của chúng ta : Kinh Thánh đã sử dụng cả hai biểu tượng.
Vậy Thiên Chúa không phải chỉ là Tình Yêu mà ta lựa chọn, nhưng Người còn là Tình Yêu mà ta không lựa chọn, một Tình Yêu mà ta cảm thấy mình được chìm ngập trong đó.
Là vị Hôn Phu, Thiên Chúa tự giới thiệu, trong lịch sử, như là một người đi đến gặp gỡ người vợ yêu dấu và trao tặng nàng lòng âu yếm của mình… Nhưng Người cũng là Ðấng Sáng Tạo từ nơi Người xuất phát không ngừng sự bất tất triệt để của tôi : “Ðấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt, chính là Ðấng đã tác thành ngươi” (Is 54,5).
“Khi đó, tôi hiểu rằng : tình yêu được gặp gỡ là tình yêu nguyên thủy và lịch sử đời tôi xác minh con người của tôi” (p.162) (André Manaranche, Je crois en Jésus-Christ aujourd’hui, Le Seuil, 1968, p.87 et p. 162).
Thánh Grêgôriô Nyssê đã từng phân biệt việc sinh ra về mặt tâm linh với việc sinh ra về mặt sinh học :
“Các hữu thể khác khi sinh ra phải mắc nợ hiện hữu từ cha mẹ chúng, trong khi sự sinh ra về mặt tâm linh phụ thuộc vào sự tự do của người sinh hạ… Duy chỉ có hình thức sinh sản này là có quyền chọn cái gì mình muốn là và là cái mình lựa chọn” (thánh Grêgôriô Nyssê, Discours catéchétique, PG 45, 97 C-D).
Cái Chết của Thiên Chúa và Cái Chết của Người Cha
Ðáng chú ý là cái Chết của Thiên Chúa do một số thần học gia phát biểu trùng hợp với cái Chết của người Cha do các nhà tâm bệnh học công bố.
Cái Chết của Thượng Ðế mà Nietzsche đã tiên báo là cái chết của một Thượng Ðế do tay người phàm làm ra nhằm kiếm chác từ nơi Người sự thành công, vinh hoa phú quý và tình yêu, tức là ước muốn tham dự vào những đặc quyền của Người như sự hiện diện khắp nơi, tính bất tử và ngay cả việc được đồng hóa với Ngài.
Mới đây, J. Pohier đã phân tích thái độ này một cách thật thích đáng :
“Chúa Cha là một ảo ảnh bởi vì Người là sự hóa thân của một khát vọng muốn được trở thành toàn năng.
“Muốn là Thiên Chúa, đối với người không phải là Thiên Chúa, là một trong những ảo tưởng triệt để nhất của khát vọng” (J. Pohier, Au Nom du Père, 1972, Cerf, p. 36).
“Ðối với con người, tội là tự coi mình là một cái gì đó không phải là mình, nghĩa là coi mình là Thiên Chúa. Nhưng ta cũng có thể nói rất đúng rằng tội coi Thiên Chúa là cái Người không là : Người không phải là Ðấng tước đoạt hoặc ngăn cản con người trở nên Thiên Chúa” (ibid, 135).
Cái chết của người Cha là nhằm lật đổ ông, nhằm chiếm lấy những đặc quyền của ông, nhằm thay thế chỗ của ông, loại trừ ông, để mình trở thành mình mà không cần phụ thuộc vào ông. Ước mơ của người niên thiếu chỉ có thể thoát ra khỏi ảo tưởng của mình một khi bỏ đi khát vọng này :
“Từ chối người cha, đó là từ chối đối tượng mà ước vọng tạo ra nhằm che giấu vực thẳm của mình” (ibid, 42).
Dom Pierre Miquel,
Viện phụ của Ðan viện Saint-Martin de Ligugé.
G. Nguyễn Nghị chuyển ngữ
Thiên Chúa Là Cha Hay Là Mẹ ?
Phần năm
Thần học hay Kitô học ?
Một Thiên Chúa không có Ðức Kitô
hay một Ðức Kitô không có Thiên Chúa
Người ta có thể nêu lên hai khuynh hướng liên quan đến Thiên Chúa và Ðức Kitô. Khuynh hướng thứ nhất coi việc Nhập Thể là không thể tương hợp với siêu việt tính của Thiên Chúa, khuynh hướng này cũng từ chối việc nhìn nhận Con Thiên Chúa trong Ðức Kitô.
Khuynh hướng thứ hai cho rằng sau cái chết của Thiên Chúa, Ðức Kitô là con người lý tưởng và đã trở thành khuôn mẫu cho nhân loại.
Cả hai khuynh hướng trên đều đưa đến việc hiểu sai thần tính của Ðức Kitô.
“Than ôi! Chúng ta hiếm khi là những hữu thể toàn diện và lạc thuyết – lựa chọn từ bỏ – lại thường là phận của chúng ta.
Chúng ta đi tới chỗ tuyên bố rằng :
“Ðức Kitô, vâng tôi nhận, Thiên Chúa, không”, bởi vì chúng ta đã được giải phóng khỏi ngẫu tượng trừu tượng này, hay là :
“Thiên Chúa, vâng tôi nhận, Ðức Kitô, không”, bởi vì nói một con người là Thiên Chúa nghĩa là để tay lên trên Ðấng vốn mãi không thể nắm bắt được (…)
“Nhưng khi chúng ta biến Thiên Chúa trở thành một ngẫu tượng, thì Ðức Kitô đến tiêu diệt ngẫu tượng này; và khi chúng ta có nguy cơ biến Ðức Giêsu trở thành một ngẫu tượng, thì Thiên Chúa đến để tiêu diệt ngẫu tượng đó” (Pierre-Jean Labarrière, “Dieu sans Christ et Dieu du Christ”, dans Christus 98, 1978, p. 148).
“Một số người ra sức duy trì một niềm tin nào đó vào Ðức Giêsu bằng cách hy sinh niềm tin vào Thiên Chúa : đối với họ, Ðức Giêsu có lẽ là một nhà mạc khải, nhưng không phải là mạc khải về Thiên Chúa mà là mạc khải về con người. Người không phải là Ðường đưa dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa, nhưng Người là một bậc tôn sư của nhân loại. Người là Ðấng dạy chúng ta biết sống cho ra con người, dạy chúng ta biết giải phóng và sáng tạo định mệnh con người của chúng ta. Người dạy chúng ta biết đánh mất chính mình và biết tái sinh nơi tha nhân và, đối với họ, Người là khuôn mẫu của một cuộc hiện sinh tự do và vị tha. Nhưng dung mạo lịch sử của Ðức Giêsu lại không chịu việc cắt xén này. Người đã xuất hiện giữa người đồng thời với Người như một người của Thiên Chúa, một con người của cầu nguyện và là một bậc thầy về cầu nguyện, một con người luôn có những mối tương giao thật?thâm sâu với Thiên Chúa đến độ Người gọi Thiên Chúa là “Abba”, Cha, một con người tuyên bố sứ điệp giải phóng những người khác trong tư thế là một người đứng về phía Thiên Chúa, một con người xưng mình là người được Thiên Chúa phái đến, và toàn thể lý do hiện hữu của Người là loan báo Lời Thiên Chúa. Và chính vì lý do này mà những người tin vào Người đã gọi Người là “Ngôi Lời Thiên Chúa”. Chắc chắn điều đó không ngăn cản Người cũng là tôn sư và là kiểu mẫu cho chúng ta về đàng nhân loại. Nhưng nếu Người đã xuất hiện như một Con Người phổ ! quát, Ðấng đã trở thành anh em của mọi người, Ðấng mà trong bất cứ người nào cũng có thể nhận thấy mình là người, đó chính là vì mối tương quan đặc biệt với Ðấng dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là “Cha của chúng con”, và chính trong nguồn mạch tình yêu của Cha Người, Người đã kín múc được sức mạnh hầu có thể yêu thương mọi anh em của Người cho đến cùng. Như thế, chúng ta không thể giam hãm khuôn mặt của Ðức Kitô trong những giới hạn của một kiểu mẫu nhân loại nào đó. Thánh Phaolô đã từng thấy “vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt của Ðức Kitô” (2Cr 4,6). Một số thần học gia về cái chết của Thiên Chúa đã thử thực hiện việc giản lược này và họ đã thực hiện theo hai hình thức : hoặc là “cắt xén” ngôn ngữ mạc khải của Ðức Giêsu như thế nào đó để cho ngôn ngữ này chỉ nhắm liên hệ đến con người và không còn liên hệ đến Thiên Chúa nữa, và ngôn ngữ mạc khải của Ðức Giêsu chỉ có ý nghĩa trong một viễn tượng quy nhân mà thôi. Hoặc là họ thấy trong mạc khải của Ðức Giêsu một mạc khải trái khoáy, mạc khải này dạy chúng ta rằng Thiên Chúa đã biến mất, Người đã giải phóng chúng ta khỏi sự hiện diện chèn ép của Người, Người mời gọi chúng ta qua Ðức Giêsu để không còn cần đến Ngài nữa.
“Ngược lại, một số người khác lại cố gắng duy trì niềm tin vào Thiên Chúa bằng cách hy sinh niềm tin vào Ðức Kitô. Họ nghĩ rằng một người sống trong nền văn hóa của chúng ta có thể tin rằng Thiên Chúa hiện hữu, Người là Ý Nghĩa tuyệt đối và vô hạn của tất cả những gì đang hiện hữu và đang tới, nhưng người ấy không thể chấp nhận việc giam hãm chân lý phổ quát và tuyệt đối cũng như tính toàn thể của Ý Nghĩa vào trong tính đặc thù của một cá nhân và của một thời khắc lịch sử. Khi từ chối nhìn nhận Ðức Giêsu là người mạc khải đến từ Thiên Chúa, là con đường độc nhất dẫn đưa nhân loại đến cùng Thiên Chúa, người ta có thể vẫn còn coi Người là kiểu mẫu cho việc tìm kiếm Thiên Chúa. Nhưng khi đó, Người ta sẽ bỏ đi phần trọng yếu nhất của mạc khải Dothái – Kitô giáo, một mạc khải không chỉ dạy tin vào Thiên Chúa, nhưng còn loan báo và hứa hẹn bảo đảm một cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người ngay trong chính lịch sử của chúng ta kể từ thời Ápraham, và mạc khải cũng quả quyết rằng cuộc gặp gỡ này đã diễn ra trong ngôi vị và biến cố Ðức Giêsu Kitô” (Joseph Moingt, La révélation de Dieu dans la mort du Christ).
Ðàng khác, cần phải ghi nhận rằng lộ trình tâm linh thì khác nhau :
* Có những người trước hết tin vào Thiên Chúa, rồi sau đó họ khám phá ra Ðức Kitô.
* Những người khác trước hết lại tin vào Ðức Kitô, Ðấng đưa dẫn họ tới gặp gỡ Thiên Chúa.
Kitô học từ trên xuống và Kitô học từ dưới lên
Theo một số người, Ðức Kitô là Ngôi Lời nhập thể đã từ nơi Chúa Cha “xuống” thế; theo một số người khác, con người Giêsu đã được Ngôi Lời đảm nhận.
Hai thái độ này có thể đã được phân biệt ngay từ trong Cựu ước.
“Tiền hữu và Nhập thể :
“Ta có thể qui những chuẩn bị của Cựu ước cho biến cố Thiên Chúa đến ở giữa loài người vào trong hai chiều hướng lớn :
* Chiều hướng thứ nhất, chiều hướng từ dưới lên nhằm trình bày những sứ giả nhân loại từ từ được siêu phàm hóa (trở nên những nhân vật siêu phàm), và thấy mình được tán dương vào hàng ngũ thần thiêng.
* Chiều hướng thứ hai, chiều hướng từ trên xuống nhằm trình bày những sứ giả thần linh dần dần được ngôi vị hóa và bước vào trong đời sống của con người.
“Một đàng, đây là những nhân vật có nguồn gốc và tầm vóc nhân loại, nhưng trong chương trình cứu độ, họ đón nhận một vai trò đại diện tập thể và cùng với sự tiến triển của mạc khải, họ được nâng bằng một sự siêu việt siêu phàm : đó là Ðấng Mêsia, con vua Ðavít, Người Tôi Trung đau khổ…
“Nhưng có một chiều hướng khác do mạc khải Cựu ước vạch ra dẫn tới Thiên Chúa Ðấng cứu độ : đó là mạc khải về những thuộc tính thần linh, chính các thuộc tính thần linh này cũng được sai đi và lần này thì các thuộc tính được nhân hóa :
* đó là Lời
* đó là Thần khí
* đó là Ðức Khôn ngoan
“Vấn đề cực kỳ khó khăn phức tạp này đã được se kết thật là hài hoà tuyệt vời trong ngôi vị Ðức Giêsu Kitô” (P. Benoit, “Préexistence et Incarnation”, dans Revue biblique 77, 1970, p. 10-11).
Hai khuynh hướng này đã được xác định vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo. Trường phái Antiôkhia khởi đi từ nhân tính của Ðức Kitô lịch sử và dựa vào các Tin mừng nhất lãm. Còn trường phái
“Theo quan điểm của những người theo trường phái Antiôkhia và Nestôriô, nhập thể được quan niệm là sự cư ngụ của Con Thiên Chúa trong một con người…
Theo quan điểm của những người theo trường phái
Cả hai “trường phái” này tồn tại hơn kém suốt dòng lịch sử của Giáo Hội.
H. Kung đã nhắc lại hai trường phái này trong nền thần học Ðức quốc vào thế kỷ XIX :
“Sau một Kitô học chủ yếu là suy lý – “từ trên cao xuống” – đặc biệt nhấn mạnh đến thần tính của Ðức Giêsu (và đạt đến đỉnh cao trong quan niệm của Hêgel), người ta phải tiến tới một Kitô học lịch sử nhấn mạnh đến nhân tính của Ðức Giêsu – “từ dưới lên” – khởi đi từ tác phẩm “Cuộc đời Chúa Giêsu” của tác giả Strauss” (Hans Kung, Être chrétien, Le Seuil, 1978, p. 522).
Nếu Ðức Kitô chỉ là một con người, cho dù cao cả tới đâu, thì Người cũng chỉ là một khuôn mẫu, chứ không phải là một Ðấng Cứu Ðộ.
Nếu Ðức Kitô chỉ là Thiên Chúa, thì Ngườ? chỉ là kẻ làm tăng thêm gấp đôi của Chúa Cha.
Khoa hình ảnh icône cũng cho thấy hai khía cạnh này : thầy rabbi dịu hiền người Galilê thì khác với Ðấng toàn năng (Pantokrator) của Byzantin.
Nhưng theo các Giáo phụ, phải quả quyết rằng : Ðức Kitô không được “thần hóa” bởi Thiên Chúa Cha, cũng không phải bởi cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.
Qui Thiên Chúa hay qui Kitô
Một số thần học gia mới đây đã đề xuất một kiểu so sánh vay mượn từ thiên văn học.
Thiên văn học của Ptôlêmê lấy trái đất làm trung tâm của vũ trụ : các hành tinh (và mặt trời) xoay xung quanh trái đất.
Thiên văn học của Copernic lấy mặt trời làm trung tâm của thái dương hệ; trái đất không còn là trung tâm của vũ trụ nữa.
Theo thần học Kitô giáo, Ðức Kitô được đặt ở trung tâm của các tôn giáo; tất cả đều quay xung quanh Người. Theo cách nói của Karl Rahner, có vô số các “Kitô hữu vô danh”.
Từ nay trở đi, chính Thiên Chúa là Ðấng được người ta đặt ở trung tâm của các tôn giáo : tất cả đều qui chiếu vào Người.
Tuy nhiên, một trong các tôn giáo này có tính ưu việt hơn : đó là tôn giáo trong đó đã diễn ra mầu nhiệm Nhập Thể mạc khải, và Thần Khí “đang làm việc” trong tất cả các tôn giáo.
Cũng cần ghi nhận rằng :
”Qui Kitô luận, nếu được hiểu chính xác, thì không thể bị coi là mâu thuẫn với qui thần luận : trái lại, qui Kitô luận giả thiết và đòi qui thần luận. (J. Dupuis, Vers une théologie chrétienne du pluralisme religieux, Le Cerf, 1997, p. 311).
THẦN HỌC VÀ CÁC LIÊN TỪ
Ðức Giêsu từ Chúa Cha mà đến
và trở về cùng Chúa Cha
Các nhà chú giải đã có lý khi nhấn mạnh sự nghèo nàn về cú pháp trong sách Tin mừng thứ tư, có nhiều câu thường chỉ được giản lược vào một chủ từ, một động từ và một túc từ. Nhưng bù lại, tác giả – như một bậc thầy về mặt văn phạm – đã sử dụng rất đa dạng các liên từ Hy-lạp để xác định những mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con.
ÐỨC GIÊSU LÀ ÐẤNG ÐANG ÐẾN
* Từ Thiên Chúa (ek) : “Ðức Giêsu bảo họ : “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi” (Ga 8,42).
“Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Bây giờ, Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga 16,28).
* Từ phía Thiên Chúa (apô) : “Ông (Nicôđêmô) đến gặp Ðức Giêsu ban đêm. Ông nói với Người : “Thưa Thầy, chúng tôi biết : Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy đã làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy” (Ga 3,2 ).
”Ðức Giêsu biết rằng : Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa” (Ga 13,3).
* Từ nơi Thiên Chúa (para) : “Trong nhóm Biệt phái, người thì nói : “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”; kẻ thì bảo : “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy ?” Thế là họ đâm ra chia rẽ” (Ga 9,16).
”Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy và tin Thầy từ Chúa Cha mà đến” (Ga 16,27 ).
ÐỨC GIÊSU LÀ ÐẤNG VỀ CÙNG CHÚA CHA (eis)
“Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18).
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1).
”Ðức Giêsu biết rằng : Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa” (Ga 13,3).
“Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ còn ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha. Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11).
ÐỨC GIÊSU ÐANG Ở CÙNG CHÚA CHA (meta)
”Thưa Thầy, chúng tôi biết : Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy” (Ga 3,2).
Ðức Giêsu ở trong Chúa Cha : “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Ðấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (Ga 14,10).
” Xin cho tất cả nên một như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 7,21).
Chỉ trích dẫn các đoạn văn cũng giúp ta có thể hình thành một nền thần học Gioan :
1. Chúa Con từ Chúa Cha mà đến (ek), như trẻ sơ sinh từ lòng mẹ mà ra.
2. Chúa Con trở về cùng Chúa Cha : Người hướng về Chúa Cha (eis) không phải trong một thái độ tĩnh, nhưng bằng tất cả sức năng động của ngôi vị Người. Cuộc trở về ngự bên hữu Chúa Cha kể từ biến cố Thăng Thiên hoặc ngay từ chiều thứ sáu Tuần Thánh) chỉ là sự viên toàn của một chuyển động tình yêu đã đưa Người đến gần con người, mà vẫn không làm cho Người xa cách Thiên Chúa.
3. Chúa Con không bao giờ tách lìa khỏi Chúa Cha : Chúa Con không thể hiện hữu nếu không có Chúa Cha và Chúa Cha sẽ không còn là Chúa Cha giả như Chúa Con không hiện hữu. Do đó mà có hai liên từ nhấn mạnh đến sự hiện diện hỗ tương hoặc sự cư ngụ trong nhau (en) giữa Ngôi Cha và Ngôi Con.
Như vậy, sách Tin mừng thứ tư trình bày cho chúng ta phần trọng yếu của mạc khải liên hệ đến mối tương quan giữa Ngôi Con với Ngôi Cha.
VINH DANH CHÚA CHA NHỜ CHÚA CON
TRONG CHÚA THÁNH THẦN
Chúng ta cần phải nại đến các Giáo phụ, đặc biệt là thánh Basiliô, hầu có thể khai triển suy tư thần học về các mối tương quan giữa Thần Khí với Chúa Cha và Chúa Con.
Luật cầu nguyện (lex orandi) biểu đạt luật đức tin (lex credendi). So với vinh tụng ca (Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần) nhấn mạnh sự bình đẳng giữa các ngôi vị Thiên Chúa, đối lại phái Ariô và phái bác bỏ thiên tính của Chúa Thánh Thần (Pneumatômaques), cần chú ý đến vinh tụng ca có tính “chức năng” hơn. Ðó là : “Vinh danh Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần” vì nó biểu đạt một cấu trúc cho thấy sự duy nhất của Thiên Chúa, nhưng với điều kiện là phải xác định rõ rằng : Chúa Con không phải vì là Ðấng Trung Gian cho nên thấp kém hơn Chúa Cha; và Chúa Thánh Thần không phải vì là “Cảnh vực thần linh” cho nên vô ngã.
CHÚA THÁNH THẦN PHÁT SINH BỞI CHÚA CHA
NHỜ CHÚA CON
Mối tương quan giữa Chúa Thánh Thần với Chúa Cha và Chúa Con là một trong những điểm gây chia rẽ giữa Ðông phương với Tây phương. Thêm vào kinh Tin Kính của Công đồng Nixêa chữ “Filioque” (và Chúa Con), thời đã khiến cho người Hy-lạp cho những người La-tinh là những người rơi vào lạc thuyết. Những người Hy-lạp giải thích như sau : Chúa Thánh Thần phát xuất từ hai nguyên ủy là Chúa Cha và Chúa Con, trong khi bất kỳ hồng ân viên toàn và đặc biệt là Thánh Thần, nếu có được trao ban qua trung gian Chúa Con, thì cũng chỉ có một nguồn mạch duy nhất : đó là Chúa Cha.
Tuy nhiên, Chúa Con không hề xa lạ với việc sai phái Thần Khí (Ga 16,7), cũng như Thần Khí không xa lạ với biến cố thành thai của Chúa Con (Lc 1,35).
KẾT LUẬN
”Ta nói Thiên Chúa là vô biên bởi lẽ Người không ở trong một điều gì khác, nhưng mọi hữu thể lại được chứa đựng trong Người. Người ở bên ngoài mọi nơi chốn, bởi vì không gì có thể giam hãm Người được. Người đã có đó trước mọi thời gian, vì chính nhờ Người mà thời gian hiện hữu. Dòng lịch sử cứ diễn tiến và Thiên Chúa vẫn có đó, luôn luôn… Bao con số muốn biểu đạt Thiên Chúa, bao từ ngữ muốn xác định Người có lẽ bạn vẫn thấy thiếu, nhưng chẳng có gì thiếu nơi hiện hữu của Thiên Chúa. Cứ làm cho tri thức của bạn trở nên sắc bén, cứ luyện tập tinh thần của bạn : bạn cũng chẳng nắm chẳng hiểu được Thiên Chúa (…)
“Bởi vì đó là chân lý của mầu nhiệm Thiên Chúa, trong Chúa Cha, danh xưng của một bản tính không thể hiểu được. Thiên Chúa là Ðấng người ta không thể thấy được, Ðấng Khôn tả, Ðấng Vô biên. Lời lẽ hùng hồn nhất chỉ có thể là yên lặng và trí tuệ nào muốn thấu hiểu mầu nhiệm này phải thấy mình hoàn toàn ngu dốt và phải nhận ra mình nhỏ bé hẹp hòi. Vị Thiên Chúa đây là Cha, nhưng không phải như những người trong nhân loại làm người cha. Người là Ðấng Bất Khả Thụ Sinh, Ðấng Hằng Hữu, Người là Ðấng luôn luôn hiện hữu và hiện hữu đến muôn thuở muôn đời. Duy chỉ Chúa Con nhận biết Người, vì sách Tin mừng Mátthêu nói cho chúng ta hay : “không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con và những kẻ người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,27). Tri thức của Cha và Con là nhận biết nhau, hiểu biết của Cha về Con và của Con về Cha là một hiểu biết hoàn hảo. Và vì không ai biết rõ Chúa Cha trừ Chúa Con, cho nên chúng ta chỉ có thể biết rõ Chúa Cha nhờ những gì Chúa Con – chứng nhân trung thành duy nhất – đã dạy chúng ta.
“Nhưng những điều về Chúa Cha như thế, tôi thích nghĩ hơn là nói. Bởi vì tôi cảm thấy rõ rằng dường như bất cứ ngôn từ nào cũng đều bất lực không thể diễn tả được điều Người là. Chúng ta quan niệm Người là Ðấng ta không thể thấy được, khôn dò khôn thấu, bất tử. Chúng ta nói điều đó nhằm tôn vinh Người, nhằm đem lại một ý nghĩa và một xác định rõ ràng cho tư tưởng của chúng ta. Nhưng ngôn từ nhân loại của chúng ta phải phủ phục bái quỳ trước bản tính Thiên Chúa và không thể biểu đạt minh bạch thực tại thần linh được…
“Như vậy, tri thức hoàn hảo về Thiên Chúa hệ tại nhận biết rằng Thiên Chúa hiện hữu, Người không thể không được biết, nhưng Người lại là Ðấng hoàn toàn không thể diễn đạt được, không thể tả ra được. Chúng ta cần phải tin vào Người, tìm cách nhận biết Người, tôn thờ Người”.
(Saint Hilaire, Sur la Trinité, II, 6-7, trad. Meslin, Éd. Ouvrières, p. 50-51).
Dom Pierre Miquel,
Viện phụ của Ðan viện Saint-Martin de Ligugé.
G. Nguyễn Nghị chuyển ngữ
Hết