Nguyễn Tuân – Một vụ bắt rượu lậu
Truyện ngắn “Một vụ bắt rượu lậu” về nội dung cũng như hình thức, không quen thuộc lắm với phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Chúng tôi chọn in truyện này vì nó tiêu biểu cho thời kỳ sáng tác đầu tiên của ông, với một loạt truyện ngắn trào phúng có khuynh hướng hiện thực phê phán.
*
* *
Dân cày ở làng Phong Cốc, bây giờ thực không còn lấy cớ gì để phàn nàn với nhau trong lũy tre xanh và với người ngoài, ở giữa đường chợ đông, rằng quan trên không săn sóc tới.
Đấng phụ mẫu của họ là quan phủ Thiệu Hóa – làng Phong Cốc thuộc về Thiệu Hóa phủ, Thanh Hóa tỉnh – những khi hành hạt qua đó thường vẫn không quên bảo với thầy Đề rằng nên tạt vào đấy mươi lăm phút để xem cái “dân khí” vùng đó lâu nay ra sao?
ở đình làng, trong những ngày này, hương chức kỳ cựu đều được quan Phủ khuyến khích họ nên giảng giải cho lũ đàn em về cái đức làm dân đối với bề trên không được tỏ vẻ kháng cự, và cái đạo làm dân trong một nước thái bình, ở một thời yên lặng, phải đóng sưu thuế, theo tạp dịch cho đều đều. Nếu sự phục thiện của dân đã kết quả được một phần thì càng nên gắng nữa cho được mười phần, càng nên cố sức nữa lên mãi mãi. Rồi nhà nước sẽ thương tới, và quan Phủ hứa thêm rằng ngài đã bẩm tỉnh cho, thì tha hồ mà được nhờ…
Nhưng lúc quan phủ gần trẩy đi sang làng khác, ngài vẫn không quên bảo thầy lý mới, như mấy lần trước:
- Thầy nên coi chừng đến công việc của thầy và sự hành động phi pháp của dân làng. Trách nhiệm của thầy nặng lắm đó! Thầy giữ việc làng thay thầy lý trước (bị chết một cách rất thê thảm và chẳng vinh dự gì) trong khi thừa hành công vụ, chắc thầy rõ phận sự của thầy trong lúc này, hơn ai hết thảy.
Thầy Lý run lẩy bẩy, chỉ biết mồm “dạ dạ” đưa mãi hai bàn tay chắp lên khỏi ngực. Thầy không dám nhìn thẳng vào quan và thứ nhất là nhìn vào ông Đề ngồi gần ngang hàng với quan; trong một lúc nhốn nháo ở đình lúc quan mới tới làng, thầy Lý đã dám liếc trộm ông Đề khi ngài này sai bác Cửu châm đóm để ngài hút thuốc lào vào điếu dóng của quan phủ, có cái xe trúc uốn cầu vồng dài đến gần bốn thước ta. Ông Đề cặp mắt sáng như tia lửa, những lúc nheo nheo mí mắt lại, thì không khác gì mắt con vọ lúc ở trên cành gạo chú mục nhìn đống thịt chết ở mặt đất. Thầy Lý tin rằng nếu ngấc mắt lên mà đụng gặp phải nhỡn tuyến của ông Đề già thì sẽ bị thôi miên mất: và thôi miên thuật kia sẽ bắt thầy phải tường tận cung khai gia sản nhà mình ra xem của chìm là bao nhiêu và của nổi là bao nhiêu để ông Đề vui vẻ trả lời bằng ý nghĩ rằng có một ngày rất gần đây, chúng nó sẽ phải thay đổi chủ và thầy thì cố nhiên là sẽ mất quyền sở hữu ấy.
Nghĩ đến đấy, thầy Lý càng không dám giữ đầu mình cho thẳng thắn, chỉ biết cúi mặt xuống đất hết nhìn đôi ủng da tây của quan Phủ, đôi guốc kinh của ông Đề và đôi bàn chân lấm của mình. Thầy Lý lúc này thật là một ông hóa thân của sự sợ hãi. Thầy chỉ biết dạ, dạ mãi, để đáp lại những lời đanh thép mà thầy chỉ hiểu một cách mang máng. Bỗng thầy giật mình khi nghe thấy quan gắt:
- Cái anh Lý này “chướng” quá. Người ta hỏi thầy xem số rượu dân làng uống trung bình trong những ngày thường chênh lệch với những ngày tế lễ như xuân tế, thu tế, hoặc vào đám ăn chạ là độ bao nhiêu, mà thầy cứ dạ là nghĩa lý chi? Vô lý quá!
- Dạ bẩm ông Lớn, về việc dân làng con uống rượu, con cũng không lấy gì cho tường lắm. Dạ, con mới được dân cho con ra thay anh Lý bất hạnh của con được độ mấy tháng.
Câu trả lời của thầy Lý có vẻ đần độn một cách lừng khừng gần giống như lời bướng bỉnh thốt ra ở cửa miệng những dân cứng đầu cứng cổ. Tuy rằng là thật thà, nhưng thầy lý cũng vẫn đủ trí khôn nhận rằng có lẽ nó sẽ làm cho quan Phủ đến phải nổi trận lôi đình. Mà quả nhiên thế thực. Thầy Lý hiền lành kia nghĩ đúng đấy. Vì quan Phủ đã biến sắc mặt, làm om cả đình làng:
- Thầy làm việc quan như thế hỏng, hỏng to. Đừng nói chi đến chuyện nay mai thầy mong được nhà nước cho tưởng lục hay mong điền vào chân chánh phó tổng khuyết. Nếu anh không thay đổi cách làm việc thì cái triện lý trưởng của anh cũng khó lòng mà giắt được lâu đâu. Việc dân trong làng uống rượu mà thầy mù tịt như vậy thì chết thật. Thầy làm việc không được mẫn tiệp rõ quá rồi. Nếu ta không thương anh, đem một việc này mà bẩm tỉnh thì liệu anh có còn giữ được đồng triện không?
ấy thế rồi quan và ông Đề và lính tráng trẩy đi để một lũ kỳ cựu hương chức làng Phong Cốc đưa mắt nhìn nhau và nhìn ông Lý vừa bị quan quở. Thầy Lý đâm mê và toát mồ hôi. Mồ hôi thấm qua cái áo lụa nâu già và làm đẫm cả lưng chiếc áo the dài mầu nước dưa.
Thầy Lý ra khỏi đình làng. Trận gió bấc thổi rụng lá vàng, thổi bay tà áo thầy và lớp mồ hôi gặp gió lạnh càng se đến đâu càng làm cho thầy lạnh “trông thấy” đến đấy. Với không khí lạnh lẽo ở ngoài trời, thầy thấy trong mình bớt bừng bừng và lúc về tới nhà, thì thầy đã lấy lại được sự trật tự hoàn toàn cho bộ óc vừa bị kích thích mạnh.
Vào đến nhà, bỏ khăn áo, thầy nằm vắt tay suy nghĩ. Thầy bỏ bữa cơm ngon có rượu ngâm thuốc, có món nhắm tốt. Trông thấy rượu, thầy sực nhớ ra vì câu chuyện ban nãy mà thầy bị quở ở giữa làng. Thầy điên tiết lên muốn đem lẳng “mẹ nó” cả chai cả nậm ra ngoài ao.
Bà vợ thấy chồng có thái độ lạ lùng khác mọi ngày, dám chê cả món dê bóp tái và bánh tráng vừng bà công phu mua tận chợ bên sông gặp ngày phiên, vội đón hỏi:
- Làm sao thế? Nghe nói quan về làng ta định bắt dân mở trường và khai giếng thêm phải không? Sao lại bỏ bữa rượu? Thằng Kha nhà theo tôi sang chợ ngoan lắm.
- Mở trường, khơi giếng! Ai bảo thế? Đình với giếng gì? Việc triều đình nhà nước, u mày biết gì mà hỏi! Cất rượu đi! Thầy Lý bỏ mặc vợ tưng hửng đang lủi thủi lấy lồng bàn đậy mâm cơm để dành. Thầy đang lo đến cái tiền trình của tên lý trưởng vừa bị quan hạch là không đầy đủ bổn phận. Thầy càng ngẫm kỹ mấy câu quan vừa nói ban nãy thì ra cái chân lý trưởng của thầy là bấp bênh. Nó như cái thế quả trứng bị để ở đầu đẳng sớm tối vỡ lúc nào không hay. Rồi thầy lại lẩn thẩn nghĩ đến chuyện những chức phận ti tiểu lúc quên tạ ơn những vị đỡ đầu thì bị quan thầy báo thù lại như thế nào… Nhưng không, thầy Lý nhớ rõ ràng rằng, thầy đã được quan Phủ ban cho thầy cái vinh dự bắc chiếc ghế đẩu ngồi gần quan trong tư thất, sau khi quan đã rủ lòng thương nhận cho thầy cái phong bì “lễ mọn” mà thầy khom khom cúi dâng lên bề trên bằng sự thành kính của kẻ biết ơn và tạ được ơn. Thầy còn nhớ như in vào ruột những câu của quan giảng dụ hôm đó vồn vã ôn tồn và những cảnh quan coi thầy như là đầy tớ tay chân… Thầy Lý đưa tay qua trán, nhắm mắt lại, tưởng lại những phút ấy mà thầy rạo rực cả người. Sướng quá, thầy tự hỏi mình rằng cái số phận tầm thường của một người lý trưởng được hưởng những phút như phút ấy độ mấy lần trong một đời? Thầy so sánh quan Phủ hôm ấy và quan Phủ hôm nay sao khác hẳn đi? Không, có lẽ quan nhiều việc đến nỗi quên hẳn là mình đã tạ lễ? Phải, phải, không c�! � thể như thế được. Thầy lại cho rằng hay tại mình tạ thiếu. Nhưng không, vì hôm đó, quan đã khen thầy một câu: “Anh Lý người linh lợi lắm. Anh đưa túc số như thế này, tôi tiêu nó được thành món”. Nếu thế thì là nghĩa lý gì, và nguy hiểm quá nhỉ! Vì ai còn biết mạch mối đằng nào mà tìm, mà hiểu. Trong ba, bốn ngày liền, thầy Lý cứ ăn kém đi vài bát cơm, ngủ kém đi vài canh dài, với những ý nghĩ ấy nó không tha ám ảnh thầy.
Rồi một buổi trưa già, thầy vừa bỏ mẩu triện đồng vào tráp đen thì thấy lũ trẻ làng đang reo ầm lên ngoài cổng:
- A… a… a… Tây về!… Có Tây về làng ta!
Thầy Lý thấy khác trong người, vì không biết tại sao thầy nghĩ ngay tới sự chẳng lành sẽ xảy ra. Thầy đang sửa lại khăn áo, sắp ra xem là chuyện gì thì con chó mực ở sân gân cổ lên trời sủa váng cả nhà lên. Một tốp người, quần, áo, mũ, giầy vàng khè một màu kaki đã tiến vào nhà, đứng đầy cả sân. Thầy Lý nhìn họ: người nào cũng oai phong lẫm liệt, người cầm thuốn sắt, kẻ đeo túi da đựng súng lục liên. Thầy lẩm bẩm: “Thôi bỏ mẹ, lại lính đoan”, và tiến ra sân.
Lính đoan thấy ông Lý ra vội xúm cả lại xung quanh cứ đặc cả lại như là đàn muông săn lúc vây được con sói rừng, đều một loạt nói bô bô:
- Trong làng có rượu lậu! Ông đi ngay! Có cả quan Đoan về đấy!
Bấy giờ thầy Lý mới biết là có cả quan Tây Thương Chính về nữa. Thầy vội vàng chạy ra vái dài quan Đoan. Người Tây tay cầm ba toong song, đứng ở gần cổng; rồi cả bọn kéo đi rất nhanh theo một ông Đội đoan có bộ râu “củ ấu” là người dẫn đường xem có vẻ thông thạo đường lối trong làng lắm. Đến ngõ đình, cả bọn ập vào nhà bác nhiêu Tìn. Thầy Lý trong bụng phấp phỏng vì từ lúc đi đến giờ, thầy chỉ biết theo nhà đoan thôi. Lúc đến nhà nhiêu Tìn, thầy mới hiểu rằng quan Đoan về bắt rượu lậu ở nhà tên nhiêu Tìn, một người mà thỉnh thoảng vẫn đưa lại nhà thầy những chai rượu rất ngon trong những ngày nhà ông Lý có kỵ dùng thứ rượu cúng rất tinh khiết. Thầy Lý than thầm cho nhiêu Tìn đã gặp sự chẳng lành… Cảnh náo nhiệt bầy ra trong nhà người bị Đoan vào khám xét đã chiếm hết cả giác quan thầy Lý. Lính đoan gọi ầm ĩ:
- Chủ nhà là nhiêu Tìn đâu? Nhiêu Tìn đâu?
Bỗng ông đội Đoan vừa reo, vừa chạy:
- Nó đây rồi! Các thầy mau theo bắt lấy! Kia kìa nó đang mang vò cơm chạy! Nó vừa mới vọt ra cổng ngang!
Lính đoan chạy, cả quan Đoan, cả thầy Lý cũng chạy theo một người nhà quê đang ôm một cái chĩnh chạy miết ra phía bờ ao gần đình làng, cách họ độ ba chục bước.
Trẻ con khóc. Chó sủa. Đàn bà kêu, và các ông già bà lão trố mắt chống gậy “càng cua” đứng nhìn theo đám bụi mù bay.
Lúc thầy Lý theo kịp được nhà Đoan đến bờ ao thì thấy thằng cha nhiêu Tìn đang lõm bõm ở giữa ao, hai tay bưng một cái chĩnh có nắp. Chung quanh bờ ao, người đứng vây đen ngòm. Quan Đoan vừa nhìn thầy Lý vừa nhìn ông đội nói một hồi tiếng Tây dài, mặt đầy vẻ tức giận, dẫm chân, múa tay, trông đáng ghê sợ lắm. Ông đội Đoan chỉ thuốn xuống phía ao bèo, nói chõ xuống người bưng chĩnh:
- Mày có muốn sống không? Nhiêu Tìn, mày có chịu lên không? Chúng ông mà xuống tóm được mày thì mày bỏ đời!
Nhiêu Tìn ở giữa ao mếu máo nói lên:
- Con lạy các quan, các quan tha cho con. Các quan đừng giết con.
- Ai giết mày? Mày cứ đưa cái vò lên đây!
- Lạy các quan, con trót dại có làm ít tương để ăn. Lạy các quan, thật con có dám đem bán đâu!
- Tương với mắm gì? Mày không lên, ông mà phải lội xuống thì… thì…
- Con khổ lắm. Các quan tha cho con! ối, mẹ thằng Tìn đâu, tao khổ lắm! Các quan làm tội tao, thì tao đổ tương xuống ao đây này!…
- Này thằng kia, nếu mày đổ vò cơm kia xuống ao, thì quan Đoan sẽ bắn mày! Mày định làm phi tang đi hở?
Quan Đoan đứng ở trên bờ vừa chửi rủa bằng tiếng Tây vừa rút súng lục, tay trỏ bấm sẵn cò, chĩa vào nhiêu Tìn. Ông Đội đoan đứng nói với về phía thầy Lý.
- Này ông Lý, nếu nó dìm chĩnh cơm để mất tang chứng rượu lậu, ông phải chịu một phần trách nhiệm đấy.
Thầy Lý hoảng cả người. Thầy lại càng hoảng nữa khi thấy quan Đoan chĩa súng về phía mình. Rồi liên tưởng, thầy nhớ đến vụ đổ máu vừa xảy ra trong làng cách đây mấy tháng: trong một vụ bắt bớ hàng lậu do quan Đoan Bécnắcđê chỉ huy, ông Lý trước mà mình thế chân bây giờ đã bị đạn Nhà nước nổ chết trong giây lát, giữa một lúc mà người ta bảo rằng nhà Đoan cần phải chân chính tự vệ. Thấy quan Đoan mắt đỏ ngầu, mồm sùi bọt, quát tháo rầm cả góc ao, thầy càng cuống cả lên. Mà dưới ao, thằng cha nhiêu Tìn vẫn cứ mếu máo và van lơn các quan đừng xuống ao, và nếu xuống hắn dọa sẽ đánh chìm cái chĩnh tương mất!
- Thế thì muốn sống mày phải lên ngay!
Tiếp lời ông Đội, thầy Lý cũng bảo nhiêu Tìn:
- Thế mày lên đi! Tao xin mày đấy! Mày làm chuyện phi pháp để lụy cả đến lý trưởng làng này! Mày định cho tao theo ông Lý trước hay sao? Mày không nhớ đấy à?
- Con lạy ông, ông xin cho con, không có các quan giết con mất.
- Thì mày cứ lên đi, tao sẽ xin cho. Mày cầm cho khéo cái vò kia, rồi lên ngay đi! ừ, lên đằng phía quan Đội ấy.
Bao nhiêu cặp mắt đều nhìn vào nhiêu Tìn đang lõm bõm bưng cái vò bước lên bờ ao.
Hắn run lập cập, vì ngâm nước lạnh thì ít mà vì sợ nhà Đoan thì nhiều. Ông Đội giằng lấy tay hắn lôi lại trước mặt quan
- Ông tưởng mày ở cả ngày ở dưới ấy!
Ông lấy làm khoái trá khi nhìn vào trong lòng chiếc chĩnh. Nhưng sao ông lại cau mặt lại và mũi hít mạnh, đánh hơi. Ông sấn sổ hỏi nhiêu Tìn:
- Cái gì ở trong chĩnh?
- Dạ bẩm tương. Con có dám nói bậy đâu, con làm có một ít để kho cá ăn ở nhà chứ thực không dám đem ra chợ bán; ông Đội tỏ vẻ khó chịu trình với quan Tây Đoan rằng đây là một thứ nước chấm của nhà chùa thường ăn chay và người An Nam dùng với cơm. Quan Tây đoan bắt ông Đội nếm và hỏi ông có dám cả quyết như thế không. Ông Đội trả lời nhất định rằng trong chĩnh đó không có chất gì để làm rượu. Thầy Lý thấy câu chuyện khám xét kết cấu một cách ngộ nghĩnh không ngờ như vậy, phải hỏi nhiêu Tìn:
- Thế sao lại bưng vò tương mà chạy? Các quan khám rượu lậu kia mà! Ai bắt tương? Cái lý của anh gian lắm! Anh phải khai cho rõ ràng ra kẻo phiền đến cho tôi lắm đấy!
Nhiêu Tìn hoàn hồn, khai với thầy Lý:
- Con thấy người làng đi chợ về, dạo này đồn rằng Nhà nước đánh thuế cả tương và nước mắm, con thấy tương con làm không có giấy phép nên con sợ, con phải chạy đem vứt đi…
*
* *
Lúc sự yên lặng đã trở lại trong làng và mọi người đã ngặt nghẽo cười khi giải tán – trừ nhà Đoan rời làng Phong Cốc với nỗi tức bực – thì trời đã xế bóng. Bác nhiêu Tìn cũng mỉm cười bưng chĩnh tương về nhà, trong bụng nghĩ thương vợ phải một phen chạy rượu lậu vất vả, và không biết vợ đã đem giấu kín vò cơm ở nơi nào đây. Bác tự nghĩ nếu không có chĩnh tương này thì chỉ có Trời mới gỡ nổi cho bác khỏi ở tù.
Đông Dương tạp chí, số 29 ra ngày 27-11-1937
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét