Quỳnh Dao
Người Vợ Câm
Mục Lục
Thông tin ebook
Tên truyện : Người Vợ Câm
Tác giả : Quỳnh Dao
Nguồn : http://www.viendu.com
Convert : Bùi Xuân Huy (santseiya_TVE)
Ngày hoàn thành : 23/04/2007
Nơi hoàn thành : Hà Nội
=1=
Vào khoảng năm Dân Quốc thứ 20, trong thành Bắc Bình.
Đó là một tòa gia trạch lớn có sân vườn xung quanh rất rộng, rất sâu, gồm có ba dãy nhà và ba vườn hoa, ngoài cổng có đôi sư tử đá ngồi canh, trên cánh cổng đen bóng có gắn đôi vòng lớn bằng đồng để kéo, tít trên cao có tấm biển mạ vàng để hai chữ: Dật Lư. Đó là nhà của Liễu Dật Vân. Nhà Liễu Dật Vân là gia thế thư hương theo đúng chuẩn mực, mà cũng là một vọng tộc ở Bắc Bình.
Trong vườn hoa bên phía trong nhà, có hai thiếu phụ đang ngồi thêu thùa dưới một gốc cây hòe to, hai a hoàn chắp tay đứng hầu hai bên.
Đó là một buổi chiều giữa mùa hè, trên cây ve sầu ngân nga không dứt; ngoài tiếng ve ra, mọi thứ đều yên lặng như tờ. Hai a hoàn đứng lơ mơ gà gật.
- Ối, – đột nhiên một người lớn tuổi hơn trong hai thiếu phụ khe khẽ kêu lên một tiếng, ngay lưng ra, đặt tay lên cái bụng đã lùm lùm.
- Sao thế ạ? Người thiếu phụ trẻ hơn một chút vội vã hỏi.
- Có gì đâu người kia cười, một cái cười kiêu hãnh và mãn nguyện của người làm mẹ Tôi thấy như thằng bé con trong bụng đang tập thái cực quyền; nó đạp tôi một cái, tôi tưởng như tóm được chân nó ấy chị ta lại đặt tay lên bụng, xoa xuýt.
- Chị ạ người trẻ hơn nói Sao bụng em trước nay chẳng động đậy gì cả Chị này cũng lấy tay xoa xoa bụng.
- Em hãy còn chưa đến lúc đâu, mới được ba tháng, thai chưa biết mát, đến khi được sáu bảy tháng nó mới đạp chứ.
Đặt kim chỉ xuống đùi, hai thiếu phụ nói chuyện sôi nổi với nhau.
Người lớn tuổi hơn nói:
- Chẳng biết là con trai hay con gái đây! Dật Vân thì đã sắp bốn mươi rồi, chị cũng gần ba mươi mới có thai lần đầu, mong sao nó là con trai, nếu là con gái thì chị phải nạp thiếp cho Dật Vân mất.
- Em cũng hi vọng sinh được con trai, nhà họ Phương đã ba đời đơn truyền rồi, hai cụ già gửi gấm hi vọng vào em, nếu không xong thì em phải đẻ một hơi chín mười đứa cũng nên…
- Trời, đẻ con chứ có phải đẻ như lợn đâu mà ra hàng đàn.
- Chị!
- Chết! Người lớn tuổi đỏ mặt vì trót lỡ nói hơi thô – chúng mình gieo một quẻ xem là trai hay gái đi.
- Chị nhất định là con trai rồi, bụng chị nhọn nhọn thế kia.
- Em này người lớn tuổi hơn, tức là Liễu phu nhân nói nếu mà chúng mình sinh con trai thì phải cho chúng bái lạy, nhận làm anh em nhé…
- Đúng rồi Phương phu nhân nói chị em mình thân nhau thế này, nếu cùng sinh con gái, cho chúng kết làm chị em, nếu sinh được một trai một gái…
- Thì cho chúng kết làm vợ chồng Liễu phu nhân tiếp lời ngay.
- Một lời là chắc chứ? – Phương phu nhân hỏi.
- Đương nhiên rồi! Liễu phu nhân nghiêm trang nói, rút cái vòng ngọc trong tay ra đưa cho Phương phu nhân chúng mình hãy trao đổi cái này làm tin đi, sau này không được trả của đấy.
- Ai mà trả lại thì người đó chết bất đắc kỳ tử! Phương phu nhân lấy chuỗi hạt bằng hổ phách ra khỏi cổ mình, trịnh trọng đưa cho Liễu phu nhân. Rồi hai người nhìn nhau cả cười. Phương phu nhân nắm lấy tay Liễu phu nhân nói:
- Chị ơi, từ nay chúng mình thân lại thêm thân đấy. ngày mai em phải về nhà rồi, tháng sau chị đến nhà em chơi chứ ?
- Phưỡn cái bụng to thế này đi lại chẳng tiện lắm, hãy để ở cữ xong, đầy tháng đi cũng được nhé? Hôm nay mình nói với nhau thế này là tốt lắm rồi, yên tâm đi.
- Lão gia bên nhà có đồng ý không?
- Nói gì thế? tất nhiên là sẽ không phản đối đâu! Thế lão gia bên ấy thì sao?
- Cũng tuyệt đối không có vấn đề!
Hai người lại nắm tay, nhìn mặt nhau mà cười mãn nguyện. Việc chung thân của đôi trẻ thế là đã được quyết định trong cái nắm tay của họ rồi.
Liễu Phu nhân sinh được con trai, đặt tên là Tĩnh Ngôn.
Phương phu nhân sinh được con gái, đặt tên là Y Y.
o0o
Năm năm sau, cũng dưới gốc cây hòe thuở trước, hai người đàn bà lại họp mặt với nhau. Phương phu nhân bíu chặt tay áo của Liễu phu nhân, nước mắt ràn rụa nói:
- Chị ơi, chị trách em là đúng rồi, chị mắng em là đúng rồi, nhưng em nhất định hối hôn! Cho dù em đã thề bồi rằng sẽ chết bất đắc kì tử, nhưng em vẫn đòi hối hôn. Em làm sao biết được Y Y sinh ra lại là… lại là đứa bé câm kia chứ! Em không thể làm hỏng một đời của Tĩnh Ngôn được, chị ơi, chị đi tìm cho nó một nơi khác đi!
- Em ơi, từ từ đã nào. Liễu phu nhân nói với vẻ đau đớn và nghiêm trọng -Nếu Y Y mà không lấy Tĩnh Ngôn thì chẳng lẽ nó làm gái già suốt đời ư ? Mà em thì suốt đời chịu oán hờn ư ? Họ Liễu nhà này có phải là bất tín bất nghĩa đâu. Tình cảm chị em ta đâu phải chỉ đến đây là hết, có phải không nào? Em ơi, chị nói cho em biết nhé, nếu Tĩnh Ngôn mà không lấy Y Y thì chị sẽ không cho nó lấy ai hết!
- Ôi, chị ơi Phương phu nhân kêu lên một tiếng, ôm chặt Liễu phu nhân, khóc thất thanh. Liễu phu nhân vỗ vỗ vào vai bà ta, an ủi:
- Cứ yên tâm, em ạ, tất cả đều là số mệnh, ông trời sẽ tự sắp xếp đâu vào đấy mà.
o0o
Liễu Tĩnh Ngôn ngồi trong thư phòng, buồn bực nhìn vào quyển sách để trước mặt. Cách mạng đã đem lại một thế giới mới, cũng đã đem đến bao nhiêu là tư tưởng mới, thế mà anh vẫn cứ phải hi sinh cho cái kiểu hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy của xã hội cũ thật là không công bằng, nhưng anh không có cách nào phản kháng được; ngày giờ đó đã chọn xong, chỉ còn chờ để anh, đúng ngày đúng giờ ra mà làm một tên chú rể xúi quẩy mà thôi. Từ trước đến nay anh có gặp Phương Y Y bao giờ đâu, hoặc giả có gặp thì cũng là từ khi còn bé tí đã từng chơi với nhau, thế thôi. Vậy nên, đối với Y Y, anh chẳng có một tí ấn tượng nào hết, một cô gái câm, làm sao lại bắt phải lấy một cô gái câm kia chứ? Chỉ vì mẹ anh đã chỉ vào bụng để giao ước hôn nhân, gần như là một trò đùa thế ư? Gần đây, anh đã xem rất nhiều tác phẩm và học dịch từ phương Tây, anh say mê những tình yêu trần trụi của họ, chẳng cần có mối mang, càng chẳng có cái kiểu chỉ vào bụng mà hẹn ước gả bán, rất nhảm nhí kia! Hầu như tất cả những bạn bè của anh đều có được một người vợ đẹp đẽ yêu kiều nhất thế giới, thế mà anh, từ khi biết đặt chân xuống đất là đã bị gán số phận gắn cho một người vợ câm, một “phu nhân” câm rồi. Anh những muốn chống trả lại cái số phận đó, thậm chí định đào hôn! Đã từng chịu sự tiêm nhiễm của trào lưu tư tưởng mới, Liễu Tĩnh Ngôn cảm thấy bất mãn với rất nhiều tập quán truyền thống cũ kỹ, nhất là đối với cái cung cách hôn nhân cổ hủ của Trung Quốc. Hai con người vốn chẳng có một chút! cảm tình nào, thế mà vì một người lạ hoắc nào đó, lại buộc phải kết thành chồng vợ ngay trong một đêm, thật là quá không hợp tình hợp lý!
- Ta phải phản kháng! Ta phải phản kháng! – anh phẫn uất mà nghĩ vậy.
Cửa thư phòng được mở ra, Liễu Dật Vân bước vào. Vừa trông thấy cha, Liễu Tĩnh Ngôn đã đứng phắt dậy, chắp hai tay, cung kính reo một tiếng:
- Thưa ba!
Liễu Dật Vân ngồi xuống ghế, ông ta là một người đầy một bụng sách vở, là một ông già ngoan cố bám giữ đầu óc và tư tưởng cũ. Trong cái gia đình này, ông ta có quyền uy và sức mạnh vô hạn. Nhìn qua Liễu Tĩnh Ngôn một cái, ông ta nói chậm rãi:
- Tĩnh Ngôn, lại đây!
Tĩnh Ngôn bước lên phía trước hai bước.
- Bắt đầu từ ngày mai, không cần phải đến thư phòng nữa Liễu Dật Vân nói chuẩn bị việc hôn nhân cho cẩn thận, con biết đấy, trai lấy vợ, gái gả chồng, đó là một việc lớn của đời người, cũng là một nghĩa vụ làm người.
- Vâng ạ, thưa ba. Liễu Tĩnh Ngôn cung kính trả lời, mà trong lòng thì bất bình sôi sục. Chuẩn bị việc hôn nhân? Còn gì mà phải chuẩn bị kia chứ? Chỉ trừ có việc làm chú rể là phải tự mình làm, còn ngoài ra, bao nhiêu việc khác đã có người làm hộ từ lâu rồi. Anh thấy kì lạ thật, tại sao họ không làm thay nốt cái việc làm chú rể đi cho rồi?
- Về cuộc hôn nhân này Liễu Dật Vân trầm ngâm nói cha biết rằng trong lòng con cũng không thật ưng ý. Nhưng mà mẹ con và Phương phu nhân đã chỉ bụng mà hứa hôn rồi, hơn nữa lúc đó không ngờ rằng Y Y sẽ là người câm. Chúng ta là người có học, quyết không thể hối hôn chỉ vì cô ấy là người bị câm, con có hiểu không?
- Vâng ạ, thưa ba.
- Bây giờ, cha nói cho con biết, con nhất định phải lấy Phương Y Y, đây là trách nhiệm làm người. Nếu con không thích cô ấy, thì con có thể lấy thêm ba thê bốn thiếp mặc lòng, nhưng Phương Y Y nhất định phải là nguyên phi của con.
- Vâng ạ, thưa ba… Liễu Tĩnh Ngôn đáp lời và cay đắng nghĩ thầm: ba thê bốn thiếp, làm sao mà anh lại phải nến trải những ba thê bốn thiếp cơ chứ? Anh không làm sao mà nói được với cha mình, rằng anh chỉ muốn một người vợ đẹp như hoa mùa xuân mà tình cảm quyến luyến, cùng xướng cùng họa, bách niên giai lão… chỉ một người thôi là đã đủ mãn tâm túc ý rồi! Việc gì cứ phải ba thê bốn thiếp nữa nào?
- Con xem đấy, Tĩnh Ngôn Liễu Dật Vân cho rằng như vậy là ông ta đã giải quyết được nỗi lòng cho con trai rồi nên gật gật đầu nói làm cha mẹ, quả không muốn con cái phải hậm hực, ấm ức. Dù là ngày hôm trước con cưới Y Y, ngày hôm sau con lấy ngay vợ thiếp, cha cũng đồng ý, các a hoàn trong nhà, con vừa ý ai thì cũng có thể thu dụng, con hiểu không?
- Vâng ạ, thưa ba.
- Thôi được rồi, bây giờ đến chỗ mẹ con xem sao, không nên suốt ngày ngồi tịt trong thư phòng làm mẹ con phải lo lắng.
- Vâng ạ, thưa ba.
Liễu Dật vân đứng dậy, ung dung không chút vội vã, bước ra khỏi thư phòng Liễu Tĩnh Ngôn chắp tay tiễn ông. Đợi cha đi xa rồi, anh mới nặng nề ngồi phịch xuống ghế, hằm hằm vơ lấy sách vở trên bàn ném ra xa, rên rỉ một mình:
- Nếu quả là lấy thêm năm thê bảy thiếp thì vẫn gọi là có trách nhiệm với Phương Y Y à? Cô ấy chẳng lẽ cam tâm làm người vợ bù nhìn chỉ có danh nghĩa thôi ư?
Một tuần lễ sau, đám cưới được cử hành đúng ngày giờ đã định, sư phô trương hình thức cùng những lễ vật đưa dâu có vẻ to tát đến mức người đi đường trông mà lác mắt. Trên đường, kiệu hoa của cô dâu đi trước, theo sau là bảy tám mươi mâm của hồi môn, tiếng pháo, tiếng trống phách náo nhiệt chưa từng thấy. Kiệu hoa đi vào cổng nhà họ Liễu, tân khách đứng đầy, mọi người tranh nhau xem mặt cô dâu. Cô dâu được người phù dâu dìu ra ngoài, những giải là khăn lượt kiểu đuôi phượng hoàng, những hoa chùm gấm bó. Cô dâu được phù dâu dìu đi làm mọi nghi lễ, mình run lẩy bẩy.
Lúc giao bái trời đất, Liễu Tĩnh Ngôn đã từng ngó qua Phương Y Y, chiếc khăn cưới còn phủ che mặt, không làm sao mà nhìn thấy mặt mũi, chỉ thấy dáng thon thon, chân tay thanh thoát, đi đứng dịu dàng, thướt tha, thật là một tấm thân yểu điệu! Hành lễ xong đi bái lạy bài vị tổ tiên, cha mẹ, các bậc trên. Sau đó, trong tiếng bàn luận của tân khách, anh nghe thấy không dưới chục lần hai tiếng “vợ câm”, nó như là kim châm vào trái tim anh; anh cảm thấy trong người đau buốt lên.
Mời khách, rồi quậy rỡn về rượu… tất cả đã xong. Anh được đưa đến tân phòng để cùng cô dâu uống rượu hợp cẩn. Bước vào phòng, anh nhìn ngay thấy cô dâu cúi đầu ngồi trên ghế, khăn cưới vẫn che trên mặt, hai người phù dâu đứng hầu hai bên. Anh nhìn sang chỗ cô, trong khoảnh khắc, chợt thấy mất hết cả dũng khí để mở khăn che mặt. Ai biết được dưới tấm khăn kia là khuôn mặt như thế nào. Cô ấy, ngoài cái sự là bị câm ra, còn có khuyết tật nào nữa không? Đứng chôn chân ở đó, anh không tài nào nhấc lên được. Một người phù dâu gật đầu với anh và nở nụ cười khích lệ. Cuối cùng anh cũng đã bước được lên, lấy hết dũng khí, nhấc bỏ chiếc khăn như một tấm bình phong chắn giữa hai người anh và cô – Trong chớp mắt, anh lặng người đi, rồi sau, hoàn toàn hành động như vô thức, anh đưa tay nhè nhẹ nâng cằm cô dâu lên, nhìn chăm chú vào khuôn mặt đó.
Hàng lông mi dài đang cụp xuống, nhưng vì giật mình khi bị đột ngột nâng cằm lên, nên trong lúc hoảng hốt, mi mắt chợt nâng lên và bàng hoàng nhìn anh một cái. Thế là đã đủ rồi, đủ cho anh nhận ra đôi mắt trong veo như nước và sáng như sao của cô. Hàng lông mày cong cong vẽ hai nét trên mắt, chân mày xanh biếc, đúng là lông mày trinh nữ; bên dưới cái mũi xinh xinh là cái miệng nhỏ xíu, trông mới dịu dàng, thanh tú làm sao. Làn da trắng nõn, mịn màng, trơn tru, trông như ngọc thạch màu phấn hồng… Anh không mong đợi một người vợ nào có thể đẹp hơn cô nữa. Trong khoảnh khắc, anh hiểu ra tại sao trước khi kết hôn, bên phía họ Phương không để cho anh và Y Y gặp nhau. Họ có ý dành cho anh một nỗi ngạc nhiên, vui sướng khi động phòng, để bù đắp lại sự thiếu hụt về một mặt khác cho anh. Anh buông tay, nhẹ nhẹ thở ra một hơi. Hai người phù dâu đều nở nụ cười. Thế rồi anh mơ màng phát hiện ra là trong phòng, mọi người đều đi hết sạch, chỉ còn hai người là anh và cô dâu mới.
Anh còn bàng hoàng đứng vậy một lúc sau, không biết nên làm thế nào mới đúng. Cuối cùng, anh bước đến bên cạnh cô, mỉm cười với cô, cô sợ hãi nhìn lại anh, rõ ràng cô còn hoang mang hơn anh, càng không biết mình phải làm gì.
- Em đẹp lắm anh khen cô.
Cô băn khoăn nhìn vào miệng, rồi bất lực cúi đầu xuống. Anh thấy như mình bị một cú đánh, rồi mới chợt hiểu ra là cô không hề nghe được tiếng của anh, thì ra cô bị điếc, hầu như tất cả những người điếc đều trở thành câm, tất cả những người câm đều do bị điếc. Nhưng, trước khi xảy ra sự việc này, anh không hề nghĩ nó lại như vậy, anh không ngờ cô ấy vừa câm lại vừa điếc! Anh ngật người ra sau và gần như đổ xuống ghế!
- Ông trời của tôi ơi! Anh lẩm bẩm kêu lên.
Nhìn thấy điệu bộ của anh như vậy, cô đã hiểu ra, cô mở mắt to nhìn anh một lúc, trong mắt lộ vẻ ngờ vực buồn tủi, tựa như cô đdang sợ sệt mà hỏi anh:
- Không lẽ là anh chưa biết sao? Không lẽ họ không có nói rõ với anh ư? Không lẽ họ lừa cho anh phải lấy em ư?
Liễu Tĩnh Ngôn ngó nhìn khuôn mặt ở trước mắt anh kia; đẹp quá; ngoan quá đi mất! Anh không thể nào tin rằng, một người có khuôn mặt đẹp đẽ đến như thế mà lại là người bẩm sinh câm điếc! Anh bịt tay vào mặt mình, thầm cáu giận với tất cả những thần linh đã sắp đặt mọi việc trong cõi u minh, anh lắc đâu, tự nói một mình:
- Thật là không phải tí nào! Cô ấy phải là hóa thân của tất cả những gì tốt đẹp nhất; như thế thật bất công quá. Nhất định là ông trời đã làm sai một việc nào đó!
Nhìn thấy miệng anh động đậy, cô biết là anh đang nói, nhưng cố gắng đến quá sức, cô cũng vẫn không thể hiểu được anh đang nói gì, nét tuyệt vọng biểu lộ trên mặt anh đã như đánh một đòn nặng vào cô. Cô như hơi cúi đầu, nhắm mắt lại, hai giọt nước mắt lớn nhanh chóng làm nhòe ướt sũng hàng lông mi đen và dài của cô. Được biết rằng trong khi động phòng mà rơi nước mắt là điều không tốt lành, cô cố hết sức ghìm nén những giọt nước mắt đang trào lên trong mắt. Liễu Tĩnh Ngôn tỉnh ra khỏi sự trầm ngâm suy nghĩ của mình, lập tức hiểu ra là thái độ của mình đã làm tổn thương đến cô, anh đứng lên khỏi ghế, bước tới bên cô. Tuy đã biết rõ cô không nghe được, nhưng anh vẫn nói với cô bằng giọng rất xót xa và trìu mến:
- Em rất đẹp, mà cũng hết sức dễ thương, anh biết được sự thiệt thòi của em, nhưng em cứ yên tâm Anh nhẹ nhàng vuốt má cô – Anh sẽ đối xử với em rất tốt, sẽ không lấy thê lấy thiếp để làm đau lòng em.- Rồi anh nhìn chăm chú vào cô, nét mặt dịu dàng, ấm áp; anh thở dài một hơi, nói khẽ – Em đẹp thật!
Cô nhìn anh với vẻ vừa băn khoăn vừa vâng chịu. Rồi anh hỏi.
- Em có biết viết chữ không?
Cô mở to mắt ra vẻ chưa hiểu.
- Anh thật là hồ đồ – Anh lẩm bẩm anh phải tập cho quen không dùng tiếng nói để trao đổi với em Anh làm hiệu như đang viết chữ, cô hiểu ra và thèn thẹn gật đầu.
- Thế thì tốt rồi Anh lại nói một mình xem ra thì từ nay về sau, chúng mình chỉ còn cách dùng bút để nói chuyện, anh có lẽ sẽ không quen trao đổi kiểu hoa chân, múa tay đâu.
Anh cười dịu dàng với cô, biết được anh không khinh rẻ và ác ý với mình, cô ngó anh bằng một sắc thái tình cảm e lệ, thẹn thùng làm nổi phong thái rất riêng của cô, nó yêu kiều lặng lẽ, nó gợi lòng thương cảm chứa chan. Anh nhìn vào mắt cô mà lòng rung động, đưa tay đặt nhẹ lên bờ vai cô.
- Đã đến lúc đi ngủ rồi, phải không nào? – Anh hỏi giọng dịu dàng, mắt nhìn hai ngọn nến hồng trên bàn và cả một đống lớn những giọt sáp rụng xuống đầy ụ dưới ngọn nến đỏ.
Hai tháng trôi qua, Liễu phu nhân ngạc nhiên và vui mừng thấy con trai thế nào mà lại hết sức vừa lòng với người vợ câm của mình. Anh thường ở rất lâu trong phòng. Một hôm, có một a hoàn nhỏ nhìn xuống thấy anh đang kẻ lông mày cho Y Y, thế là cả phủ đều trêu cười Tĩnh Ngôn, cô em khác mẹ của anh là Tĩnh Văn cười rằng:
- Anh ơi, có phải anh bắt chước theo Trương Tệ không?
- Đừng có vội Liễu Tĩnh Ngôn chỉ vào em gái, nói sẽ có ngày anh chàng Trương Tệ của cô vẽ lông mày cho cô đấy!
Liễu Tĩnh Văn bất giác đỏ mặt, vội vàng trả đũa lại ông anh một cái, không nghĩ ngợi nhiều, nói luôn:
Điểm trang xong khe khẽ hỏi chồng
Vẽ mày đậm nhạt hợp thời hay không?
Tiếc là chị dâu mới của em, chẳng cách nào mà “khe khẽ hỏi” được đâu! Anh ơi, chắc chị ấy phải khoa chân múa tay mà hỏi mất?
Mắt Tĩnh Ngôn lập tức biến sắc, anh sa sầm mặt, quay mình bước đi, không thèm nói một câu. Từ đó người trong nhà không một ai dám nói đến chứng câm của thiếu phu nhân trước mặt Liễu Tĩnh Ngôn nữa. Việc Liễu Tĩnh Ngôn yêu quý vợ mình là việc mà tất cả mọi người trong nhà đều nhận rõ. Hơn nữa, vị thiếu phu nhân mới này không biết nói nên không thể xung đột với bất cứ ai, cô ta lại rất biết hầu hạ chăm sóc bố mẹ chồng, rất lễ độ, rất nhẹ nhàng. Vì vậy mà từ trên xuống dưới trong nhà đều đối xử với cô rất lịch sự và có phần khách sáo. Tuy nhiên cũng có người ngấm ngầm ghen ghét và coi thường cô.
Thời gian cứ trôi từng ngày, Liễu Tĩnh Ngôn bắt đầu phát hiện ra ở người vợ câm của mình rất nhiều ưu điểm: dịu dàng, nhu mì, vâng chịu, nhã nhặn từ tốn, lại còn có cả một bụng thơ văn nữa. Một hôm, Liễu Tĩnh Ngôn và mấy người bạn trẻ có cuộc tụ tập với nhau, đây là cuộc họp mặt bạn bè đầu tiên của anh sau khi kết hôn. Mọi người vừa gặp nhau đã vui vẻ trêu đùa, chọc ghẹo nhau, một bạn vỗ vaị Liễu Tĩnh Ngôn nói:
- Anh bạn Tĩnh Ngôn ơi, cái tên của bạn sao mà khéo đặt vậy, quả nhiên là lấy được người vợ “tĩnh ngôn”.
Liễu Tĩnh Ngôn đã biến sắc, nhưng một người bạn khác lại cười lên, nói:
- Anh bạn Tĩnh Ngôn ơi, lâu quá mới gặp được bạn, chắc là dạo này còn bận “tâm tình lặng lẽ” bên người vợ đẹp chứ gì?
- Bạn đã học được cách nói theo kiểu ra dấu bằng tay chưa? Anh bạn thứ ba hỏi, mồm thì bắt chước kiểu ú ú ớ ớ của người câm, tay thì khua múa lung tung một hồi, rồi lại đọc hai câu vè rằng:
Vợ đẹp giơ tay chỉ hoa sen,
Chồng ngơ ngẩn hỏi: Ai đánh em?
- Bạn thử nói xem nào, – anh bạn thứ tư vừa nói vừa nháy nháy mắt đêm đầu của các bạn nó ra làm sao?
Mấy anh bạn của Tĩnh Ngôn vốn hay đùa rỡn quen rồi, không ngờ lần này anh lại bùng lên cơn cáu giận ghê gớm, anh nói xanh rờn:
- Xin lưu ý, không nên xía vào đời tư của người khác!
- Sao thế? một bạn nói cậu từ trước đến nay vẫn đứng vào phái mới kia mà, sao hôm nay lại làm ra vẻ “lão phu tử” thế?
- Vâng, – Liễu Tĩnh Ngôn đanh mặt lại, nói vợ tôi bị câm, như vậy là đáng buồn cười lắm, có phải không?
- Ồ, thôi không nói đến nữa, đùa một tý thôi mà! một bạn cười cười chạy đến kéo Liễu Tĩnh Ngôn, nói Ngồi xuống đi, ngồi xuống đi! Đừng nóng!
- Đùa thôi à, – Tĩnh Ngôn phẩy phẩy tay áo, lớn tiếng nói Tại sao lại không đem vợ các người ra mà đùa? nói xong, anh hầm hầm quay phắt mình, rũ áo mà đi.
Về đến nhà là Liễu Tĩnh Ngôn đi thẳng vào phòng mình Y Y đang ngồi thêu thùa bên cửa sổ, nhìn thấy anh bước vào với nét mặt đầy vẻ bực bội liền đứng ngay dậy, rất sửng sốt nhìn anh, im lặng chờ đợi. Liễu Tĩnh Ngôn nhìn cô một cái, lắc đầu, thở dài, ngả mình xuống ghế dài, ngấm ngầm buồn bực. Y Y đi tới bên anh, tay cầm giấy bút, vội vã viết:
- Tại sao anh lại bực?
Liễu Tĩnh Ngôn viết:
- Vì em đấy.
- Em làm cái gì sai? – Đôi mắt to của Y Y đầy vẻ sợ hãi.
- Không phải là em sai, mà là ông trời sai rồi. Liễu Tĩnh Ngôn viết.
- Ông trời sai cái gì?
- Ông trời không nên sinh ra em bị câm!
Bàn tay cầm bút của Y Y run lên, một lúc lâu mới viết tiếp:
- Ai làm cho anh bực mình?
- Đừng hỏi nữa, đó là người không liên quan.
- Đó là em gái phải không? Anh đừng vì em mà bực giận em gái được không? – Y Y viết mà nét mặt lộ vẻ nhẫn nhục, thương tâm, chịu đựng. Em gái mà Y Y nói đến chính là Tĩnh Văn, cô ta là con bà vợ hai của Liễu Dật Vân.
- Tĩnh Văn xúc phạm đến em à?
- Không có đâu! Y Y vội vàng viết Không có gì hết cả! Cô ấy đối với em rất tốt!
Liễu Tĩnh Ngôn chăm chú nhìn Y Y một lúc lâu, anh hiểu rằng nhất định là Tĩnh Văn đã tỏ ra một cái gì đó. Anh bắt đầu tìm hiểu, vị trí của Y Y ở trong đại gia đình họ Liễu này thật là khó xử. Ở đây, chỗ nào cũng đầy hận thù và ganh ghét. Ba bà vợ bé của bố anh đều ghét bỏ anh vì anh là con trai độc nhất. Vì vậy mà người vợ câm được yêu quí của anh trở thành đối tượng để cho họ chế nhạo và bắt nạt.
- Y Y, anh không cho phép bất cứ người nào chế giễu em! Anh viết, và xót xa nhìn người vợ bé nhỏ đáng thương của mình.
Y Y cầm bút lên, đôi mắt to chớp chớp rồi vội vã viết ra:
- Tĩnh Ngôn, chỉ cần anh tốt với em thôi là em không còn sợ gì hết nữa. Trước kia, khi còn ở nhà họ Phương, em phải chịu đựng buồn bực hơn ở đây nhiều. Các anh chị em khác mẹ của em suốt ngày cười nhạo em. Bây giờ, anh tốt với em thế này là em đã được lên thiên đàng rồi, chỉ cần anh không chê em tật nguyền cho phép em hầu hạ anh suốt đời, là em không ước gì hơn nữa.
Liễu Tĩnh Ngôn ôm cô vào lòng, nhẹ nhẹ hôn cô.
=2=
Mùa xuân năm thứ hai, Y Y đã mang thai.
Đây là một tin tức lớn đối với nhà họ Liễu; Liễu Tĩnh Ngôn là con trai một của Liễu Dật Vân, như vậy là đời thứ ba của dòng họ Liễu sắp xuất hiện rồi. Liễu phu nhân sung sướng đến nỗi suốt ngày cười không khép được miệng. Liễu Dật Vân cũng vui phơi phới ra. Liễu Tĩnh Ngôn thì nửa mừng nửa sợ. Cảm giác tân kỳ và niềm vui được làm cha khiến cho đầu óc anh nhà họ Liễu, Liễu phu nhân ra ngay lệnh không để cho Y Y làm bất cứ việc gì nữa, kể cả việc ngày hai buổi đến thăm hỏi cha mẹ chồng cũng cho thôi. Nhà bếp cũng suốt ngày bận rộn về làm thức ăn cho Y Y, chẳng bao giờ ngớt những yến sào, hải sâm. Liễu phu nhân thân tự ngày hai dạo đến phòng con dâu, hỏi việc nọ, thăm việc kia làm liên lụy cả đến các bà vợ lẽ, họ lúc nào cũng phải tất bật chạy theo Liễu Phu nhân. Quy củ nhà họ Liễu rất chặt chẽ, các bà vợ lẽ chỉ bằng hạng người hầu kẻ ở của bà phu nhân, nên bà lớn đi đến đâu, các bà nhỏ đều phải đuổi theo mà hầu hạ. Vậy là nhất thời, những người dưới và các phu nhân nhỏ đều oán than như ri.
Một hôm, Liễu phu nhân đến buồng của bà hai, vừa đến cửa thì nghe thấy tiếng Tĩnh Văn nói gay gắt.
- Cái đồ câm đó nay biến thành phượng hoàng rồi. Ai biết rồi nó sinh ra cái trò gì, có lẽ là một đồ câm con cũng nên!
Liễu phu nhân bước vào, tức đến xanh mặt, Tĩnh Văn nhìn thấy Liễu phu nhân thì vội tạnh ngay cái giọng đó, lập cập kêu lên một tiếng:
- Mẹ!
Bà hai cũng giật mình đứng ngay dậy, không dám nói câu nào. Liễu phu nhân bước tới hằm hằm cho Tĩnh Văn hai bạt tai, mắng:
- Ta đánh chết cái con ranh con thối mồm này đi, rồi xem, mai kia nhất định đem gả cho một thằng câm; xem ngươi còn khua lưỡi sau lưng người khác không? rồi bà quay sang té tát bà hai Dì khéo nuôi thật đấy, con gái ngoan lắm! Lúc thường không biết dạy một tí nào, rồi học được ở đâu cái thói điêu ngoa ấy? Đứa trẻ sinh ra mà có gì sai sót thì cứ liệu đấy, ta sẽ tính nợ với các ngươi!
Liễu phu nhân đùng đùng bỏ đi, nhưng Y Y thì đã bị buộc thêm vào mình một mối oán hận không thể gỡ ra được. Chẳng bao lâu, Y Y đã nhận ra rằng chỉ cần Liễu phu nhân và cha con Liễu Dật Văn không có mặt là sau lưng cô liền có bao nhiêu kẻ hầu người hạ ranh con bắt chước cô, tay hoa chân múa, mồm thì ậm à ậm oẹ; thậm chí còn cười nhạo ngay trước mặt cô, làm cô sợ đến nỗi suốt ngày trốn trong buồng không dám thò ra ngoài.
Hôm đó, Liễu Tĩnh Ngôn đi ra ngoài trở về, vừa vào đến phòng mình thì nhìn thấy Y Y đứng tựa song cửa sổ, chảy nước mắt. Nhìn thấy anh, cô vội quay đi, lau khô nước mắt, làm mặt tươi tỉnh để tiếp đón anh. Liễu Tĩnh Ngôn chau lông mày, cầm giấy bút lên viết:
- Đã xảy ra chuyện gì?
- Không có chuyện gì cả Y Y viết.
- Đừng dối anh, nói cho anh biết làm sao mà chảy nước mắt?
- Em không chảy nước mắt, có hạt bụi rơi vào mắt thôi.
- Anh không tin.
Y Y nhìn sang phía anh, trầm ngâm một hồi lâu, mới do dự mà viết ra.
- Người ta nói với em rằng, anh lấy em là vì cha đồng ý cho anh được lấy bảy vợ thiếp phải không?
Liễu Tĩnh Ngôn ngó nhìn khuôn mặt ửng hồng và cặp mắt hoe đỏ của cô, bật cười lên một tiếng và viết:
- Đúng thế.
- Thế thì sao không lấy đi? Y Y dẩu môi mà viết.
- Chưa đến lúc đấy thôi; khi nào em chán anh, ghét anh, không cần anh nữa thì sẽ…
Y Y vứt bút, lao vào lòng anh. Đó là một buổi tối, cô xõa mớ tóc dầy, cánh tay để trên đùi anh. Tự nhiên Liễu Tĩnh Ngôn bỗng nhớ đến bài Tí Dạ Ca trong thơ cổ.
Xưa đêm chẳng cuốn đầu,
Tóc mềm hai vai xõa,
Tay đặt trên gối chàng,
Nhìn thương quá là thương.
Anh chép bài thơ ấy cho cô xem. Y Y đỏ mặt, nhìn sâu vào Tĩnh Ngôn. Lúc sau cô cầm lấy bút, viết ra một bài thơ nhạc phủ:
“Thượng tà! Em muốn cùng chàng tương tri
Đời người ai mà khỏi tuyệt suy
Dù cho núi có mòn, nước sông có cạn
Trời đông dậy sấm ầm ầm, mùa hè tuyết rơi lả tả
Trời đất sập vào nhau
Cũng dám cùng chàng tuyệt suy!
Viết xong bài thơ, cô se sẽ liếc nhìn anh rồi viết một hàng chữ nhỏ bên dưới:
- Những muốn lòng anh tựa lòng em được không nào?
Liễu Tĩnh Ngôn nắm chặt tay cô, hai người im lặng cùng đứng dựa vào khung cửa sổ, nhìn những bóng hoa rùm ròa khắp mặt sân, ngắm trăng đang lên, và nhìn vào mặt nhau. Liễu Tĩnh Ngôn nghe thấy cả tiếng giọt sương gieo xuống đầu cành cây một đôi họa mi đang thủ thỉ dưới hàng hiên, dưới bậc thềm, côn trùng gì đấy kêu ri ri. Anh khao khát muốn truyền lại tất cả các âm thanh đó cho người vợ đáng thương không thể nào vận dụng được thính giác. Anh đưa mắt lên ngó sang phía cô, mắt cô long lanh sáng, thần trí như đang say. Anh biết rõ ràng, không cần anh phải nói thành lời những gì anh đang thụ cảm, chính cô cũng có thể cảm nhận được tất cả vẻ đẹp của thế giới chẳng khác gì anh. Từ lúc nào chẳng biết, anh cảm thấy gần gũi với cô quá chừng, lúc này đây, hai người hình như đã hòa vào thành một.
Mùa đông năm ấy, tuyết rơi rất dày, con gái lớn của Tĩnh Ngôn ra đời trong mùa đông đó. Quãng thời gian như thế đối với Tĩnh Ngôn sao mà dài như ngày tận thế. Ngoài cửa sổ, tuyết tới tấp rơi, sắc mặt của Y Y còn trắng hơn cả tuyết. Thời gian của cuộc đẻ kéo dài tới hai mươi bốn giờ. Nhìn mồ hôi lạnh vã ra trên trán Y Y, nhìn cô quằn quại, thở hổn hển… anh cảm thấy như chính mình là thủ phạm. Những nữ đầy tớ trong nhà cứ ra vào nườm nượp, mẹ anh và mấy bà nhỏ ra sức đẩy anh ra khỏi phòng đẻ. Anh thấy kì quái không hiểu nổi tại sao mẹ và các bà chẳng tỏ ra căng thẳng một tí nào. Chẳng lẽ họ không có lòng thương người, chẳng lẽ họ không biết rằng Y Y của anh đang vật vã giữa cái sống và cái chết hay sao? Mỗi khi nghe tiếng Y Y đau đớn kêu ú ớ từ trong phòng đẻ vẳng ra, anh cảm thấy như toàn thân của mình đang lên cơn co giật.
Rút cục, đang trong lúc anh tuyệt vọng nhất, đang nghi rằng cái khổ hình này hình như không bao giờ kết thúc thì từ trong phòng vang lên tiếng trẻ khóc lanh lảnh, anh giật thót mình một cái rồi ngã phịch xuống ghế.
- Cảm ơn trời! Anh thầm thì nói, và trong giây lát anh cảm thấy cuộc sống sao mà kỳ diệu thế, một sinh mệnh nhỏ nhoi đã được sinh ra từ bản thân anh. Anh xông đến chỗ phòng đẻ, một người nữ bộc mở cửa ra, cười cười, nói với anh:
- Chúc mừng cậu chủ, đã được một thiên…. ấy, ấy đừng! Cậu chủ chưa vào được bây giờ đâu, còn phải chờ thêm một lúc nữa!
Thiên kim! Một đứa con gái! Nhưng cứ kệ cho nó là gái hay trai đi! Anh chỉ muốn biết sức khỏe của Y Y thế nào, người nữ bộc cười toét miệng
- Đương nhiên là mợ tôi rất khỏe, đứa trẻ cũng rất khỏe, đã được thuận lợi thế nầy là nhất rồi đấy!
Đau đớn nhiều đến vậy mà còn gọi là thuận lợi ư? Liễu Tĩnh Ngôn bực mình với nữ bộc, không hiểu sao mà lòng dạ của họ lại chai cứng đến thế! Một lúc sau thì Liễu phu nhân và các bà nhỏ mới từ trong phòng bước ra, trên mặt Liễu phu nhân đầy vẻ tiu nghỉu, làm cho Liễu Tĩnh Ngôn giật mình, cho rằng Y Y đã làm sao rồi. Nhưng, Liễu phu nhân chỉ nói:
- Nó là con gái!
- Con gái đầu lòng, lần sau nhất định là con trai Bà hai nói Lúc này Liễu Tĩnh Ngôn mới hiểu ra, Liễu phu nhân tiu nghỉu vì đã sinh con gái.
Không để ý những việc đó, anh xông ngay vào phòng, trông thấy ngay khuôn mặt Y Y đặt trên gối sao mà xanh xao, tiền tụy thế, đôi mắt to nhắm nghiền, hai giọt nước mắt đang lăn xuống hai bên đuôi mắt. Anh lại giật mình, chạy vội đến, nắm lấy tay Y Y, nhất thời quên mất là Y Y không nghe được, anh gọi to:
- Em khỏe không? Em không việc gì phải không?
Y Y mở mắt ra, nhìn anh một cách mệt mỏi, rồi quay đầu sang phía giường của đứa con; lúc này anh mới nhân ra đứa hài nhi bé xíu bọc trong tã lót với cái mặt bé xíu đầy nếp nhăn và đỏ hon hỏn. Anh hiếu kỳ nhìn cái sinh vật bé nhỏ ấy đang cựa quậy. Tự nhiên cảm thấy như không thể nào tìm được mối dây liên hệ giữa mình và sinh vật nhỏ ấy, chỉ cảm thấy nó kỳ dị và anh hơi hoang mang thế nào ấy. Nhưng đến khi cúi xuống ngắm kỹ đứa con thì tình cảm làm cha tự nhiên máy động một cách dịu dàng trong anh. Anh lấy tay sờ nhẹ nhẹ vào mặt nhỏ non mềm của con, làm con bé giật mình mở mắt ra, Liễu Tĩnh Ngôn hít một hơi dài, ngạc nhiên thích thú nhìn sang phía Y Y. Rồi sau, anh chạy lung tung khắp trong phòng lục lọi mãi mới tìm được giấy bút và hớn hở viết:
- Con xinh lắm, giống em.
Anh đưa mảnh giấy cho Y Y xem, Y Y nhướng lông mày lên, mắt biểu lộ ý muốn lấy cây bút, Liễu Tĩnh Ngôn đưa giấy bút cho cô, cô viết:
- Anh thích nó không?
- Tất nhiên. Tuyệt lắm.
Trên mặt Y Y hiện lên một nụ cười yên tâm nhẹ nhõm, cô lại viết:
- Em rất tiếc, lần sau chắc sẽ đẻ con trai.
Liễu Tĩnh Ngôn hơi bực mình, cướp lấy bút, viết:
- Đẻ con đau đớn như thế thì anh chỉ mong lần sau em đừng đẻ nữa thôi.
Y Y hốt hoảng nâng bút:
- Đừng nói lung tung, em nhất định sinh con trai cho anh.
Liễu Tĩnh Ngôn thở dài, lắc đầu với Y Y, cười dịu dàng. Đứa trẻ tự nhiên bật khóc, tiếng khóc ròn rã, lanh lảnh. Liễu Tĩnh Ngôn vui mừng nghe con khóc và viết lên giấy:
- Tiếng của con tốt lắm.
- Thế ư? Y Y viết, mặt lộ vẻ quan tâm và mãn nguyện. – Thế thì nó sẽ không trở thành người câm nữa?
- Tất nhiên rồi. Liễu Tĩnh Ngôn rẽ mớ tóc xõa ra trán cho Y Y.
- Cảm ơn trời! Y Y viết ra ba chữ thật to và nhắm mắt lại như vừa trút được gánh nặng, mệt mỏi ngủ thiếp đi.
Vì đứa trẻ được sinh ra trong ngày có tuyết lớn nên được ông nội đặt tên là Thụy Tuyết, nhưng cả nhà đều gọi nó là Tuyết Nhi. Tuyết Nhi tuy là con gái nhưng chẳng bao lâu đã được mọi nguời trên dưới trong nhà đều mến yêu. Chủ yếu là vì Tuyết Nhi cực kỳ xinh đẹp, có đôi mắt to đen và sáng giống mẹ, đôi lông mày thanh tú và phóng khoáng cùng cái mũi cao thẳng giống Liễu Tĩnh Ngôn. Cô bé là kết tinh của cả cha và mẹ, tổng hợp được các ưu điểm của cả hai người. Nhưng, trong cái gia đình phức tạp này, được sủng ái chưa chắc đã là may mắn. Các bà mẹ kế của Tĩnh Ngôn suốt ngày bám theo sau Y Y, những muốn tóm được những khiếm khuyết sai lầm của mẹ con cô.
Hôm đó Tuyết Nhi sắp tròn một tuổi, bà vú bế nó ra sân sưởi nắng. Liễu Tĩnh Ngôn bước tới, gọi lên sau lưng Tuyết Nhi:
- Tuyết Nhi ơi, cho ba bế tí nào!
Tuyết Nhi bám sau lưng bà vú, không động tĩnh gì đối với tiếng gọi của bố cả. Liễu Tĩnh Ngôn bỗng rùng mình, anh ra hiệu bảo bà vú đừng động đậy, anh bước đến gần hơn và gọi to sau lưng Tuyết Nhi:
- Tuyết Nhi ơi!
Tuyết Nhi vẫn chỉ biết việc của mình, đã không quay đầu, lại chẳng động đậy gì cả, chỉ ra sức gậm vào vai bà vú. Liễu Tĩnh Ngôn cảm thấy như tim mình cứ rơi mãi, rơi mãi xuống tận đáy sâu. Đứng ngây ngất một hồi lâu, anh mới rút trong mình ra một chiếc đồng hồ quả quýt, để vào bên tai của Tuyết Nhi, nó vẫn không động tĩnh gì anh để sang tai khác xem sao, Tuyết Nhi vẫn không hề phản ứng. Anh cất đồng hồ đi, âm thầm bước về phòng, ngồi dựa lưng vào ghế. Y Y đang bận khâu áo cho bé, nhìn thấy sắc mặt Tĩnh Ngôn có ý khang khác, đưa mắt dò hỏi nhìn sang anh. Anh lấy giấy bút ra viết:
- Anh muốn đưa Tuyết Nhi đến khám bác sĩ.
- Tại sao cơ? Y Y viết, vẻ bối rối.
- Anh nghi cái tai nó có vấn đề, nhiều phần có vẻ như bị điếc, nếu thế thì nó mãi mãi sẽ không biết nói mất!
Y Y sợ hãi đứng lên, cái rổ khâu trên đùi lăn xuống đất, đổ hết các thứ ra ngoài. Cô chạy vụt ra khỏi phòng, tìm bà vú, giằng lấy Tuyết Nhi bế vào trong phòng, nhìn con bé một cách hoang mang. Cô nhìn vào miệng Tuyết Nhi, lại nhìn vào tai Tuyết Nhi, lắc lắc con bé một cách hoảng loạn. Liễu Tĩnh Ngôn bước tới, dùng một cái ấm đồng vừa tìm thấy, nhặt cái que sắt cời lò sưởi, gõ mạnh một cái bên tai Tuyết Nhi, “Phèng” một tiếng rất to. Tuyết Nhi nhìn mẹ và nghịch cái hoa bằng hạt cườm giắt bên tóc mai của Y Y. Tiếng kêu phát ra từ cái ấm đồng, to như thế, nhưng không hề có tác dụng gì đối với Tuyết Nhi, con bé vẫn vọc vọc cái hoa cườm như thường. Tĩnh Ngôn vứt tung ấm đồng và que sắt, ngồi phịch xuống ghế, hai tay ôm lấy đầu, nói một cách tuyệt vọng:
- Trời ơi là trời! Trời ơi là trời! Lại một Phương Y Y nữa! Chỉ phải cái là nó chưa có một Liễu Tĩnh Ngôn để chỉ bụng đính hôn thôi. Suốt đời sẽ là tàn phế và nhẫn nhục, thế thì cái thân nó sẽ sống làm người thế nào đây? Trời ơi, cái vòng tuần hoàn di truyền này sẽ truyền đến đời nào mới thôi? Cái nghiệp chướng này là do ai gây ra đây?
Y Y ôm chặt lấy Tuyết Nhi, cô biết rằng thí nghiệm của Liễu Tĩnh Ngôn đã thất bại rồi, cô đã có một đứa con gái giống hệt mình. Nhìn đôi mắt to đen và rất sáng, nhìn khuôn mặt nhỏ đẹp đến lạ lùng của Tuyết Nhi, mặt Y Y tự nhiên tái dại hẳn đi. Cô đặt Tuyết Nhi lên giường, còn mình phủ phục bên cạnh, gục đầu vào mép giường, trong lòng hốt hoảng quýnh lên, âm thầm cầu khẩn:
- Thượng đế ơi, con xin cam nguyện mù nốt đôi mắt này đi để đổi lấy đôi tai lành cho con gái con! Đừng để cho nỗi đau khổ của con truyền sang thân mình những đứa con của con!
Ngày hôm sau, Liễu Tĩnh Ngôn đưa Tuyết Nhi đến khám ở chỗ bác sĩ Tây y; quả đúng như dư đoán của Liễu Tĩnh Ngôn, Tuyết Nhi bị điếc bẩm sinh, và vì không nghe được tiếng dộng nên không thể học nói được. Liễu Tĩnh Ngôn hỏi về tần suất di truyền của loại bệnh này thì được biết là nó hết sức phức tạp. Trên thực tế, cả cha và mẹ Y Y đều là những người bình thường, nhưng tại sao Y Y lại bị điếc? Muốn biết vậy thì phải truy ngược lên vài đời trước. Đời sau của Tuyết Nhi, cũng không thể bảo đảm là bình thường được; còn những đứa con sau này của Y Y là bình thường hay không bình thường cũng khó xác định. Lòng trĩu nặng, Liễu Tĩnh Ngôn về đến nhà, đưa con cho Y Y, còn mình thì tự nhốt vào trong thư phòng.
Cái tin Tuyết Nhi bị câm điếc bẩm sinh như một đám mây đen bao phủ lên cả nhà. Liễu phu nhân không ngớt miệng thở ngắn than dài, oán trời, oán đất, oán chính bản thân mình. Lẽ ra là ngàn lần, vạn lần không nên “chỉ bụng đính hôn” với Phương phu nhân. Liễu Dật Vân gọi Liễu Tĩnh Ngôn đến, đòi anh phải nạp thiếp ngay, vì trách nhiệm đối với gia đình. Liễu Tĩnh Ngôn âm thầm lắc đầu rồi nói:
- Thưa ba, con đã lấy Y Y rồi, bây giờ làm sao nỡ để cô ấy phải thủ phòng không? Cô ấy cũng có trái tim, tình cảm, có máu, có thịt chứ?
- Con đã đối xử tốt với cô ta rồi! – Liễu Dật Vân nghiêm giọng nói con đã lấy cô ta làm nguyên phi, thế chưa đủ sao? Ba thấy, nếu Y Y mà không câm điếc, con cũng có thể nạp thiếp, huống chi, cô ta lại còn không đẻ con trai. Con cũng biết “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (trong ba tội bất hiếu thì tội không có con nối dõi tông đường là lớn nhất). Ta năm nay đã sáu mươi tuổi rồi, ta phải được thấy đời sau của nhà họ Liễu.
Vấn đề nạp thiếp của Liễu Tĩnh Ngôn đã làm cho cả nhà không yên ổn, cứ râm ran hết cả lên. Các bà thiếp của cha Liễu Tĩnh Ngôn tha hồ mà tát nước theo mưa, mượn gió bẻ mặng. Họ không bỏ lỡ cơ hội để giễu cợt, hoa chân múa tay đằng sau lưng Y Y; Liễu Tĩnh Văn bĩu dài môi, chẳng dấu dếm gì, nói:
- Đã biết trước là ngữ ấy chỉ biết nuôi con câm thôi mà!
Địa vị của Y Y ở nhà họ Liễu vốn mất đi hai chữ “đắc sủng” từ khi sinh con gái, thế rồi lại có bằng chứng là Tuyết Nhi có tật do mẹ truyền cho thì cảnh ngộ của cô càng thêm khó chịu. Các bà dì ghẻ của Tĩnh Ngôn bắt đầu công nhiên cười nhạo cô, Liễu phu nhân cũng cau mặt khó chịu mỗi khi trông thấy cô, đến những kẻ ăn người ở cũng nhìn cô bằng nữa con mắt. Đến bây giờ, cái tin Liễu Tĩnh Ngôn cần nạp thiếp vừa truyền ra, Y Y như là đã bị nhốt vào lãnh cung, suốt ngày bế con ngồi trốn trong phòng mà khóc. Đã thế, Liễu Tĩnh Ngôn lại dứt khoát mang chăn chiếu đến ngủ ở thư phòng, hầu như không về phòng với cô nữa, kể cả ban ngày ban đêm. Cô hiểu, không những cha mẹ chồng đã không thích cô nữa, mà cả người chồng ngày trước từng đối với cô ơn nặng như núi, tình sâu như biển nay cũng muốn vứt cô đi rồi. Người mà cô còn co thể dựa vào như tính mệnh của chính cô, chỉ là đứa con gái chấy rận mới đầy tuổi tôi mà thôi.
Hôm ấy, cô bế Tuyết Nhi đi dạo vườn hoa ở sân trong, vừa đến bên bể cá vàng thì gặp bà hai với bà ba đang ngồi thành bể nói chuyện phiếm, cô định lui ra, nhưng không kịp, bà hai vẫy tay gọi cô đến, cô đành phải bế con đến. Bà ta bế lấy Tuyết Nhi và nói với bà ba:
- Xem này, thật là đáng tiếc cho khuôn mặt này, chẳng biết tại sao mà lại hóa ra cái giống câm kia chứ?
- Mẹ làm sao thì con làm vậy mà! Bà ba nói và nhìn Y Y cười cười Y Y không hiểu họ nói gì, cũng cười với họ. Bà hai nói:
- Câm cũng chẳng sao, con gái chỉ cần xinh đẹp là được!
- Hừ! Cái bà thiếu phu nhân kia kìa, chả phải xinh đẹp là gì? Cứ xem, lúc bà ta vào cửa uy phong ghê gớm đến thế, mà bây giờ có ai thèm ngó nữa đâu.
Họ lại nhìn Y Y cười, cô bắt đầu thấy cái cười của họ là không mang ý gì tốt cả, cô miễn cưỡng gật đầu với họ. Cô đưa tay định bế lấy Tuyết Nhi thì bà hai gắt lên:
- Làm sao? Quý lắm phải không? Ta có ăn thịt mất cái con câm này của cô đâu mà cô sợ? Con này có cho không người ta cũng chẳng thèm đâu!
Tuyết Nhi cũng đưa tay đòi mẹ, bà hai đành đưa dúi vào lòng Y Y, nói vẻ khó chịu:
- Đồ ranh con đáng bỏ đi, cũng là đồ bỏ như mẹ mày!
Bà hai vừa nói xong câu đó thì từ sau núi giả có người đi đến và nhìn bà ta bằng cặp mắt giận dữ. Bà ta chợt nhận ra đó là Liễu Tĩnh Ngôn, không khỏi giật mình lên.
Liễu Tĩnh Ngôn lạnh lùng nói:
- Y Y là đồ bỏ đi ở chỗ nào? Tuyết Nhi là đồ bỏ ở chỗ nào, nói thử xem!
- Ôi, nói chơi thôi mà! Bà hai nóị
- Từ lần sau các bà đừng nói chơi như vậy! Liễu Tĩnh Ngôn nghiêm giọng nói. Rồi sau, quay đầu đi, Tĩnh Ngôn nhìn thấy đôi mắt to của Y Y đang nhìn anh phát cáu với các bà nhỏ một cách khó hiểu, anh bất giác thở dài một hơi. Anh đưa tay đòi bế con, Y Y vừa mừng vừa sợ đưa con cho anh. Anh và Y Y trở về phòng, đóng cửa lại. Y Y đưa cặp mắt to đen mênh mông nhìn anh, ánh mắt vừa ai oán vừa thiết tha. Liễu Tĩnh Ngôn lại thở dài và tự mình nói với mình.
- Ai chịu trách nhiệm việc này đây? Cùng một kiếp người, làm sao mà cảnh ngộ lại khác nhau đến thế? Ông trời đã nặng ra người, sao còn nặn ra khuyết tật làm gì?
Y Y nhìn anh, cô không hiểu anh nói gì, cuống quýt đi tìm giấy bút đưa cho anh; anh cầm lấy giấy bút mà không biết viết gì, chỉ nhìn Y Y đang ngơ ngẩn đứng đó mà xót xa thương cảm. Y Y co rúm người lại trước ánh mắt của anh, cúi đầu xuống và lại đứng ngây ra đó. Rất lâu sau, Y Y mới lấy lại giấy bút từ tay anh và viết:
- Anh không cần em nữa phải không?
Liễu Tĩnh Ngôn nâng cằm cô lên, cô đang rưng rưng nước mắt, nét mặt đầy vẻ đau xót Tĩnh Ngôn viết:
- Ai bảo thế?
- Em gái và mọi người đều nói, anh sắp lấy vợ khác, trả em về nhà mẹ đẻ, đúng không?
- Nói lung tung!
- Tĩnh Ngôn, đừng đưa em đi nhé Cô viết ngoáy tít lên Hãy cho em được ở bên anh, làm con hầu của anh nhé, em xin anh! Nếu anh đuổi em đi, em sẽ chết!
Anh nâng lấy mặt cô, nhìn vào mắt cô, rồi run rẩy hôn cô, khe khẽ nói:
- Anh phải chạy trốn em, không phải là không cần em, chỉ sợ em lại có con nữa. Anh không muốn cái bi kịch của cuộc đời này cứ tiếp tục kéo dài thêm mãi! Nhưng mà anh yêu em, Y Y ạ, anh yêu em quá chừng.
Không nghe được tiếng anh, nhưng Y Y biết rằng anh đang thể hiện tình cảm tốt đẹp với cô, cô cảm kích quì xuống gục đầu vào đùi anh.
=3=
Liễu Tĩnh Ngôn nhất định không chịu nạp thiếp, và anh lại chuyển từ thư phòng về với Y Y. Mùa thu năm đó, Tĩnh Văm đi lấy chồng; mùa đông thì Liễu Phu nhân mất. Lúc lâm chung, vẫn còn lấy làm tiếc vì chưa có cháu đích tôn. Phương phu nhân đến viếng Liễu Phu nhân, khóc lóc vật vã thất thanh trước linh vị rồi thầm nhắc bảo Y Y hãy suốt đời hầu hạ Liễu Tĩnh Ngôn và hãy làm việc nghĩa, hãy tự mình nạp thiếp cho chồng. Y Y đem việc đó nói lại với Liễu Tĩnh Ngôn, anh chỉ thở dài mà bỏ đi.
Tuyết Nhi đã được ba tuổi, xinh đẹp dễ thương, đã học được cách nói ra hiệu bằng tay. Liễu Tĩnh Ngôn mỗi lần nhìn thấy nó miệng ú ớ, tay thì ngoay ngoáy huơ dọc huơ ngang làm hiệu, là trong người cảm thấy ớn lạnh. Một hôm, anh ngồi đọc sách trong phòng, Tuyết Nhi thì xếp những mẫu gỗ để chơi, anh nhìn ngắm nó. Tuyết Nhi ngẩng đầu lên thấy bố đang nhìn mình thì sung sướng quá, miệng be lên một hồi dài, tay ra hiệu cái gì đó, Liễu Tĩnh Ngôn thấy như trong tim lên một cơn kinh giật. Con gái anh đó. Con gái câm của anh đó! Cho đến tận cùng của cuộc sống chẳng lẽ cứ be lên ú ớ như thế mãi sao? Nghe tiếng be như vậy, trán anh rịn mồ hôi lạnh, trong lòng dâng lên nỗi phẫn hận và nôn nao rất mãnh liệt. Anh nhìn Tuyết Nhi mà thần kinh căng lên hết mức, Tuyết Nhi vẫn ú ớ, vẫn tiếp tục hoa chân múa tay để “nói”. Anh bỗng thốt ra một tiếng quát:
- Thôi đi!
Tuyết Nhi không nghe được tiếng bố, vẫn cứ hoa chân múa tay.
- Tôi bảo thôi đi! – Liễu Tĩnh Ngôn quát to hơn, sau đó, quay ra tìm Y Y; Y Y đang ngồi khâu vá ở bên giường, thấy thần sắc của anh có vẻ khác, liền bước tới, Liễu Tĩnh Ngôn ra lệnh cho cô:
- Bế con bé này đi cho tôi!
Y Y nhướng lông mày, nhìn anh có ý hỏi, vì không rõ ý anh, cô làm một động tác tay đơn giản biểu thị ý thắc mắc. Liễu Tĩnh Ngôn bột phát gào lên:
- Bế con cô đi khỏi đây ngay, cút hết đi cho tôi! Biết chưa? Thấy Y Y vẫn nhìn mình một cách nghi hoặc và hoảng hốt, anh cảm thấy như đang đứng trên đống lửa; vớ lấy một tờ giấy, anh dùng nét chữ thật đậm, viết:
- Tôi không muốn trông thấy mẹ con cô hoa chân múa tay nữa, bế con gái câm của cô ra khỏi đây ngay!
Y Y bị đánh một cú choáng người, cô hốt hoảng và sợ hãi nhìn Liễu Tĩnh Ngôn, tiếp đó từ trong cổ họng phát ra một tiếng kêu to kỳ quái và tuyệt vọng, cô lao vụt đến bế thốc lấy Tuyết Nhi đang ngơ ngác không hiểu gì cả, cô bàng hoàng chạy ra ngoài như thế người ta chạy trốn một tai họa gì đó. Liễu Tĩnh Ngôn lấy tay ôm chặt lấy mặt rên rỉ:
- Trời ơi, tôi không thể chịu đựng được điều đó! Tôi không có cách nào chịu đựng được nữa!
Buổi tối hôm đó, anh phát hiện thấy Y Y nằm trên giường khóc đến đứt ruột đứt gan, anh đưa tay vuốt vuốt tóc cô, thở dài, nói:
- Anh thật là quá tàn nhẫn, quá mất tính người! Anh hôn cô và lại nói Tha lỗi cho anh!
Cô không nghe được tiếng anh, nhưng cô đã ngừng khóc, nhìn anh bằng đôi mắt mênh mang sầu tủi, da diết pha chút bất nhẫn… thật là hàm chứa biết bao nhiêu thứ tình cảm trong đó! Anh cảm thấy trái tim mình đã bị ánh mắt của cô vò nát.
Một buổi tối, sau đó một tuần lễ, cô viết một mảnh giấy đưa cho anh:
- Em lại có thai rồi, em hi vọng lần này sẽ có đứa con trai bình thường.
Anh vội vã ngó nhìn cô, tay chân lạnh toát đi và trong lòng còn lạnh hơn nữa. Y Y mỉm cười hơi thẹn thẹn với anh, như có ý muốn hỏi:
- Anh có vui không?
Anh cầm lấy bút, viết:
- Có ai biết là em có thai không?
- Không, chỉ anh biết thôi.
- Mấy tháng rồi?
- Gần ba tháng rồi.
Liễu Tĩnh Ngôn nhìn cô yên lặng suy nghĩ. Anh đã biết đứa trẻ này sẽ ra sao, tám mươi phần trăm khả năng là cũng bị câm; vạn nhất nó có được bình thường đi nữa thì đời sau của nó cũng sẽ không bình thường. Không, anh không thể chứa chấp trong nhà một người câm thứ ba nữa, không thể để nhà họ Liễu phải nuôi con trai câm, rồi cháu câm! Anh nâng bút lên, kiên quyết viết:
- Phá bỏ nó!
Y Y quá ngạc nhiên, nhìn anh sợ hãi.
- Không cô viết, tay run lên Em cần đứa con này, em xin anh! Nó sẽ rất hoàn hảo, em bảo đảm là thế mà! Em cần có nó! Không nên phá bỏ nó, em xin anh!
- Phá bỏ nó! Tĩnh Ngôn tiếp tục viết Anh sẽ đi kiếm cho em một liều thuốc, anh không thể cho nhà họ Liễu đời này sang đời khác làm người câm!
- Không nên! Y Y viết một cách bấn loạn Em cần đứa con này! Em cần có nó! Em cần một đứa con bình thường! Em xin anh! Em xin anh! Em xin anh!
Liễu Tĩnh Ngôn lắc đầu, Y Y nắm lấy áo anh, quì dưới chân anh, nhìn anh một cách khẩn khoản. Anh vẫn lắc đầu, Y Y liều chết túm chặt vạt áo của anh, gục đầu vào người anh, nước mắt như mưa. Anh viết lên giấy:
- Đừng trách anh cứng nhắc quá, chẳng lẽ em nỡ lòng sinh thêm một đứa con câm để nó chịu tội với cuộc đời này ư? Em hãy tỉnh táo một chút đi, để anh đi lấy thuốc cho em.
Anh ném tờ giấy xuống cho cô, rồi dứt khoát rút chân ra khỏi đôi tay cô đang giữ chặt; Y Y phát ra một tiếng kêu rên tuyệt vọng, đứng vội lên định kéo anh lại, nhưng anh đẩy ngã cô và đi khỏi. Y Y nằm vật ra đất, vùi đầu vào hai bàn tay, đau đớn khóc lên.
Buổi tối hôm sau, Liễu Tĩnh Ngôn bưng một bát thuốc đã sắc xong, đi vào buồng, đóng cửa lại. Y Y sợ sệt nhìn anh, toàn thân run lẩy bẩy. Liễu Tĩnh Ngôn đặt bát thuốc lên bàn, viết vào giấy:
- Uống hết đi, hãy tỉnh táo lên một chút!
Y Y run run viết:
- Em xin anh, mở lòng từ bi, cho em giữ lại đứa con này, em chưa bao giờ xin anh việc gì, em chỉ xin mỗi một việc này! Em cần đứa con này, nó nhất định là bình thường! Lã chã tuôn nước mắt, cô vừa khóc vừa viết:
- Anh đánh em, mắng em, lấy vợ bé, đều được hết, nhưng chỉ xin anh cho em giữ lấy đứa con này, suốt đời em biết ơn anh!
Liễu Tĩnh Ngôn cảm thấy cay trong mắt, nhưng một nỗi sợ khác vẫn ám ảnh anh, anh kiên quyết không lay chuyển, anh viết:
- Nó sẽ không bình thường, nó sẽ mãi mãi mang mầm mống di truyền của tật câm điếc! Em nhất định phải uống bát thuốc này, anh ra lệnh cho em!
Anh cầm bát thuốc đưa vào tận mặt cô, ép cô phải uống, mắt cô mở rất to, mang nỗi kinh khủng không gì sánh nổi nhìn anh. Cô lùi lại, anh dấn đến, cho đến khi cô lùi vào đến sát tường. Cô đưa bàn tay lạnh ngắt ra giữ lấy tay anh, toàn thân run lên, miệng há ra, cơ hồ như muốn nói to lên lời cầu khẩn trong lòng mình. Anh cầm bát thuốc kê vào tận miệng cô, mắt cô càng mở to hơn, càng hoảng hốt, càng tuyệt vọng hơn; trong mắt còn đượm vẻ bi phẫn, ai oán, kinh hoàng. Anh nghiêng bát thuốc vào miệng cô, dằn giọng nóị
- Uống đi!
Mồ hôi lạnh từ trán cô lăn qua lông mày, rơi xuống bát thuốc, cô vẫn dùng đôi mắt ấy nhìn chòng chọc vào anh. Rồi như một cái máy, cô cầm bát thuốc uống ừng ực từng ngụm to vào ngườị Liễu Tĩnh Ngôn chăm chú nhìn miệng cô, thấy cô đã thật sự nuốt hết thuốc rồi, anh mệt mỏi quay mình đi, để chiếc bát không lên bàn. Anh cảm thấy toàn thân bải hoải, trán đẫm mồ hôi Y Y vẫn đứng dựa vào tường, mặt trắng bệch ra như người chết, đôi mắt buồn thương mà phẫn hận nhìn anh như một người hoàn toàn xa lạ đối với cô. Ánh mắt ấy làm anh run lên. Anh có thể hiểu được ngôn ngữ của đôi mắt ấy. Mà thực ra nó còn dữ dằn hơn cả lời nói, nó như đang gào thét vào mặt anh vậy:
- Anh là ma quỷ! Anh là quân giết người! Anh là thủ phạm!
Liễu Tĩnh Ngôn nhấc bút lên, lật đật viết:
- Y Y, tha lỗi cho anh bất đắc dĩ phải dùng đến cách này! Anh sợ lại có một đứa con tàn phế nữa, xin em hiểu cho anh!
Anh đưa mảnh giấy đến trước mặt Y Y, cô lướt qua một cái, nở nụ cười thê thảm, nâng bút lên viết:
- Chồng là trời, mệnh lệnh của anh, em đâu dám không phục tùng?
Liễu Tĩnh Ngôn cảm thấy như mình bị đâm một nhát dao, anh hiểu, đằng sau mấy chữ ấy là cả một nỗi oán hận trong lòng cô. Anh đứng dậy, lảo đảo lui ra khỏi phòng, ngửa mặt lên trời thở dài thườn thượt.
Sáng sớm hôm sau, đứa con trong bụng Y Y đã bị trục ra, đó là một thai con trai đã bắt đầu rõ hình hài. Khi người nữ bộc và các bà mẹ nhỏ buồn bã báo tin cho Liễu Tĩnh Ngôn thì anh trầm mặc hồi lâu mới nói:
- Y Y thế nào?
- Yếu lắm, ra máu nhiều, nhưng không sao đâu, sẽ hồi phục ngay thôi mà.
- Báo nhà bếp nấu bát canh sâm, hầm kỹ và cho thật nhiều chất bổ.
- Vâng ạ.
Liễu Tĩnh Ngôn đi vào phòng, Y Y đang nằm thiêm thiếp, mặt trắng bệch, hàng lông mi đen và dài che rớp trên mi mắt, đôi tay bất lực buông xuôi xuống. Liễu Tĩnh Ngôn nhẹ nhàng ngồi xuống mép giường, lấy tay khe khẽ vuốt má Y Y mà thấy mắt mình cay sè, anh thì thầm nói:
- Y Y, anh xin lỗi em!
Cái vuốt ve của anh làm Y Y động đậy, cô mở to đôi mắt trống rỗng vô hồn ra, lặng lẽ nhìn sang phía anh. Nước mắt anh rơi xuống mặt cô, cô cũng không quan tâm việc đó. Một hồi lâu sau, cô làm hiệu đòi giấy bút, anh đưa đến cho cô, cô viết mấy chữ rất to rồi ném bút, khép mắt nằm lịm. Liễu Tĩnh Ngôn xem thì thấy cô viết rằng:
- Liễu Tĩnh Ngôn, tôi hận anh, tôi hận anh kinh khủng, nguyền rằng hết đời hết kiếp này không bao giờ nhìn mặt anh nữa!
Liễu Tĩnh Ngôn nhìn cô, đây vốn là một cô bé hiền lành nhu thuận biết bao! Anh đứng lên, bâng khuâng, hoang mang, ra khỏi phòng, đi đến vườn hoa. Đường mòn âm u gió se lạnh, sương giá trắng bạc ngọn rêu, anh đứng chôn chân ở đó, nhìn ngắm tòa gia trạch cổ, những căn phòng cổ, những sân vườn và cây cối già nua. Trong ngôi nhà này, có người vợ đang hận thù anh, có đứa con gái suốt đời mang tật, có những người đàn bà ganh ghét anh, có ông bố cứ bắt buộc anh phải có con trai! Trong ngôi nhà này, anh đã phải hy sinh quá đủ rồi! Anh có lỗi với người, hay người có lỗi với anh? Anh có gì sai, hay chính là số phận đã sai? Hay ở đâu đó có cái gì trục trặc?
Trời sáng hẳn rồi, ánh bình minh đã xuyên qua kẽ lá. Liễu Tĩnh Ngôn cười lớn, sau đó đi vào trong buồng lấy một bọc tiền, rời khỏi cánh cổng lớn có sư tử đá canh hai bên. Trên đường, một chiếc xe kéo chạy đến, anh bước lên xe. Xe chạy, chẳng có người nào biết được là anh đi theo hướng nào.
Ba năm sau, Y Y nhận được một lá thư của Liễu Tĩnh Ngôn, địa chỉ là Tôkiô, Nhật Bản.
Lại qua đi ba năm nữa.
Liễu Tĩnh Ngôn ngồi trong một căn nhà ở Tôkiô, mình mặc áo bộ áo kimônô và đã quen ngồi quì gập hai đầu gối kiểu người Nhật, trên những tấm thảm Nhật. Ở tấm thảm bên cạnh anh, có đứa con trai chừng hai tuổi đang bò chơi. Liễu Tĩnh Ngôn cầm trong tay một tập thư, đang trầm ngâm suy nghĩ, bao lần giở đi đọc lạị
Lá thư thứ nhất:
“Tĩnh Ngôn phu quân!
Ba năm trước không cáo mà biệt, khiến toàn gia bất ổn, hôm nay vui mừng nhận được thư, biết người vẫn an khang cả phủ vui mừng, cha già mấy năm nay thân thể không mấy yên lành vì chứng trầm uất, thường lấy làm nhớ nhung người con độc nhất đang đi xa. Tuyết Nhi ngoan ngoãn dễ thương nhưng cũng biết thân mình tàn phế, thật đáng buồn, đáng thương Ba năm qua, ngày ngày nghĩ ngơi, hiểu rõ ra rằng ngày ấy người phải dụng tâm khổ kế. Thiếp không hiểu hết lòng người, không biết ý người, để làm ra chồng vợ biệt ly, cha con phân tán. Thực là hổ thẹn khôn nguôi. Xin người bỏ qua cho, và thương lấy cha già con nhỏ, sớm tinh kế trở về, thì thiếp vô cùng cảm kích. Kiều cư tại ngoại, xin muôn vàn bảo trọng
Y Y dâng thư “
Lá thư thứ hai:
“Tĩnh Ngôn!
Tiếp được thư, biết rằng anh không có ý trở về trong thời gian trước mắt Không biết sống nơi đất khách quê người, mọi sinh hoạt có quen không? Cha thì tạm coi là khỏe, Tuyết Nhi cũng khỏe, xin đừng nghĩ ngợi nhiều. Gia mẫu đã qua đời ba tháng trước, công lao ân tình sâu nặng, chưa một ngày trở về thăm, thật mười phần thương cảm.
Tuyết Nhi đã lên bảy, gần đây nghe nói có nơi mở trường dạy người câm, muốn đưa Tuyết Nhi đi xin học, nhưng bị ba bà kế mẫu can ngăn. Xin sớm tính kế quay về, đó là cái may cho thiếp, cũng là may cho Tuyết Nhi chúc.
Y Y dâng thư “
Lá thư thứ ba:
“Tĩnh Ngôn!
Trở về có được không? Trước đây em có nhiều điều không đúng, xin anh tha thứ chắc anh không phải là người vô tình bạc nghĩa, cố tình không muốn nhìn đến mẹ con em nữa? Người trong nhà nhiều phần phức tạp, hai mẹ con, thân mang tật nguyền, sống mà thấy thật khó khăn chật vật, nghĩ rằng anh quá hiểu điều đó, xin hãy nhớ đến ân tình thuở trước mà sớm trở về.
Gần đây, cứ mỗi lần canh khuya mất ngủ, sự cũ lần lượt hiện lên như đang diễn ra trước mắt, còn nhớ chăng cái khi cùng đứng nép bên cửa sổ, cầm bút đề thơ “Trời đông sấm dậy ầm ầm, mùa hè tuyết rơi lả tả”? Chẳng biết giờ này ngày này “Tay đặt trên gối chàng nhìn thương quá là thương” đã là ai đó ta ?
Thương người, nhớ người lắm lắm, người có biết không?
Trân trọng, trân trọng
Y Y.”
Lá thư thứ tư:
“Tĩnh Ngôn!
Một năm qua nhanh vậy, đêm nay lại một đêm giao thừa nữa rồi, còn nhớ đêm giao thừa năm ấy, giao thừa đầu tiên sau khi cưới, đón giao thừa, mười hai giờ xong, hai mình trốn vào buồng ăn hạt dẻ rang, anh nhớ việc ấy không? Đêm nay, ai đang bóc hạt dẻ cho anh đây?
Gia đình này quả thật đáng chán đến thế ư? Hay còn có một sức mạnh nào lớn hơn mọi thứ trong gia đình này đang níu kéo anh?
Bao giờ trở lại đây? Xin hãy nhớ:
Sớm tối ba dạo ngông
Mong thư báo về nhà
Đón nhau ngoài ngàn dặm
Há ngại gió bụi xa?
Chúc khỏe
Y Y.”
Lá thư thứ năm:
“Liễu xanh có ngát quán bên đường
Niên thiếu dễ dàng biệt quê hương
Lầu vắng canh năm chuông tàn mộng
Dưới hoa buồn nhớ dãi mưa suông
Vô tình chẳng khổ, đa tình hận
Một tấc cuốn thành vạn mối thương
Góc biển chân trời còn có tận
Chỉ rối tương tư bất tận vương!”
Lá thư thứ sáu:
“Gió thu xanh
Trăng thu bạch
Lá rơi tụ lại tan
Quạ đổ bỗng kinh hoàng.
Nhớ đau đáu, bữa nào gặp được?
Đất này, thời này chẳng bén tình!”
Lá thư thứ bảy:
“Tĩnh Ngôn!
Bệnh của cha không đỡ mấy, xin sớm trở về nhà, em đã chuẩn bị mua cho anh một người thiếp, nhất định là anh sẽ vừa lòng. Tuyết Nhi nhớ ba nó, hãy về đi, nó vẫn là máu thịt của anh mà, có phải không?
Xin bảo trọng”
Lá thư thứ tám:
“Ba ơi:
Mẹ nhớ ba, con cũng nhớ ba, bao giờ thì ba trở về? Mang cho con một con búp bê, có được không? Mẹ dạy con làm thơ vẽ tranh, ba ơi ba về đây để con làm thơ vẽ tranh cho ba xem Cúi xin ba. Kính chúc bình an may mắn.
Tuyết Nhi kính dâng thư”
Có tiếng người mở cửa làm Liễu Tĩnh Ngôn giật mình,a nh để xấp thư xuống. Đứa bé dưới đất nhảy ngay lên, lao đao chập chững ra cửa, miệng reo to:
- Mẹ đã về rồi!
Một người phụ nữ Nhật Bản còn trẻ xách làn rau bước vào, cô ta búi tóc cao, mặc bộ kimônô để lộ cái cổ trắng nõn nà. Cô ta nhìn thấy Liễu Tĩnh Ngôn đang đọc thư liền kêu một tiếng nhỏ, chạy lại, ngồi xuống đất, người dựa vào người Tĩnh Ngôn, kêu ca:
- Anh lại xem thư của người đàn bà ấy rồi, anh định trở về Trung Quốc à? Anh đừng đi, bụng em lại có rồi đấy!
- Đừng buồn, – Liễu Tĩnh Ngôn vuốt vuốt vai cô ta A-ya-kô, nếu mà anh định về Trung Quốc thì anh sẽ mang em theo!
- Nhưng mà không được đâu, em không đi với anh được, ba mẹ em còn phải dựa vào em!
- Thì mình gửi tiền cho các cụ
- Không được không được, họ không chịu đâu, mà em cũng không cần đến Trung Quốc! Có phải anh định đi thật không? Anh định đi thật không?
- Tất nhiên là không phải, không định đi Anh an ủi cô ta và nhìn vào đôi mắt to đẹp của cô. Chính là vì đôi mắt ấy mà anh thấy thích cô, đôi mắt ấy giống mắt một người, đó là Y Y đang ở trong toà gia trạch già cỗi ở Bắc Bình! Trong khoảnh khắc, hình ảnh của Y Y hiện ra, sao mà tươi rói rõ ràng sinh động đến thế, cứ như là cô đang đứng trước mặt anh vậy, đôi mắt trong veo như nước nhìn về phía anh nghi hoặc, dường như đang hỏi anh:
- Làm sao mà anh không trở về? Làm sao không về? Làm sao không về?
=4=
Liễu Tĩnh Ngôn xa nhà đã mười năm.
Hôm ấy, có một chiếc xe đỗ trước cửa nhà họ Liễu. Một người đàn ông trạc tuổi trung niên, trên mình đầy vẻ phong trần vất vả, bước xuống khỏi xe. Đằng sau lưng anh ta, một đứa trai sáu tuổi và một đứa bé gái chừng bốn tuổi cũng bước xuống xe. Người đàn ông đứng trước cánh cổng đen bóng có đến ba mươi giây, mới như chợt tỉnh, gọi hai đứa con:
- Bé Bân, bé Lăng, đi theo ba!
Mỗi tay dắt một đứa bé đi tới cổng nhà, lấy hai vòng đồng đập vào cửa mấy cái Hai đứa bé tò mò nhìn đôi sư tử đá canh cổng, bé gái lấy giọng thỏ thẻ nói:
- Hai con chó to quá!
- Không phải chó! Bé trai nói – đó là sư tử!
Cổng đã mở. Lão Vương gác cổng đứng đó bỗng đờ người đi một phút rồi mới kêu to:
- Thiếu gia ơi, đúng thiếu gia về đây rồi! Người đâu? Thiếu gia đã về! Lão Vương vừa kêu gọi vừa quay đầu chạy vào trong phủ, cổ họng phình hết cả lên để hò hét, chỉ một lát, gia nhân đã tuôn đến Liễu Tĩnh Ngôn dắt hai đứa con vào nhà. Ba bà mẹ kế nay chỉ còn hai, Liễu Dật Vân cũng đã qua đời cách đó một năm. Bây giờ bà hai, bà ba đều nghe hơi mà đến, bà ba nói một giọng chói tai:
- Tĩnh Ngôn, đúng là anh đã về đấy ư?
Bà hai thì dùng cặp mắt hết sức hiếu kỳ, nhìn dán vào hai đứa trẻ. Liễu Tĩnh Ngôn bảo bọn chúng:
- Bé Bân, bé Lăng, gọi bà Hai, bà Ba đi!
Bọn trẻ ngượng ngùng lúng túng gọi theo. Bà Hai nói:
- Ôi, thật đáng tiếc, lão gia của chúng ta không được gặp mặt cháu đích tôn. Thế là họ Liễu nhà ta đã có cháu đích tôn rồi! Sao trước đây chẳng viết lấy một chữ báo cho chúng tôi!
Bỗng, Liễu Tĩnh Ngôn thấy như trước mắt có gì loé lên, một thiếu nữ trạc tuổi mười ba, mười bốn tuổi thướt tha yểu điệu bước đến, hai vai buông hai bím tóc dài đen nhánh, trên mình mặc một chiếc áo bó kiểu “xường xám”, một đôi mắt trong veo như nước, mặt mũi đẹp như tranh vẽ. Trong khoảnh khắc, Liễu Tĩnh Ngôn ngờ như đó là Y Y thời trẻ. Nhưng rồi, anh lập tức hiểu ra ngay. Anh xông đến, và không tự kiềm chế hành động của mình, anh reo to:
- Tuyết Nhi!
Tuyết Nhi nhìn anh chăm chú, anh hai tay nắm lấy hai tay Tuyết Nhi, mắt đăm đăm nhìn khuôn mặt đẹp của Tuyết Nhi với tất cả niềm xót thương đau đáu… Rồi lại nhè nhẹ gọi lên:
- Tuyết Nhi ơi!
Tuyết Nhi nhìn sang phía cha, rồi cúi đầu đi tìm một cành cây khô, vạch lên mặt đất:
- Ba của con đây ư?
Liễu Tĩnh Ngôn liền gật đầu, Tuyết Nhi lại nhìn anh khá lâu rồi viết:
- Ba ơi, ba làm cho mẹ con con chết vì nhớ ba!
Viết xong, cô bé vứt cành cây đi, đôi mắt đã rưng rưng đầy nước mắt, nhìn qua ông bố một lần nữa rồi chạy vào phía trong. Lúc đó những người nhà đã dỡ hết hành lý từ xe vào nhà, họ trở lại vây lấy Tiểu Bân và Tiểu Lăng hỏi han tíu tít. Tuyết Nhi đi vào được một lúc chưa lâu thì Y Y run rẩy đi ra, cô đứng ở đó, Liễu Tĩnh Ngôn bước đến, cũng lặng lẽ nhìn cô. Cô thật là tiều tụy, thật là gầy yếu, chỉ giữ được nét đẹp ở đôi mắt thưở xưa. Nhưng vì mang chứa quá nhiều và quá lâu những ưu tư sầu khổ nên đã mất đi ánh lấp lánh xưa kia. Bị câu thúc trong vòng quan tâm rối rít của người nhà. Liễu Tĩnh Ngôn không có cách nào biểu đạt tâm ý với Y Y, chỉ có thể cười cười với cô. Vẫy gọi hai đứa trẻ, Liễu Tĩnh Ngôn nói với chồng:
- Đây là mẹ các con.
Hai đứa dùng ánh mắt hoài nghi nhìn Y Y, Tiểu Bân ngoẹo đầu, nói một cách ngạo nghễ:
- Không phải đâu, bà ấy không phải là mẹ!
- Chào mẹ đi! Liễu Tĩnh Ngôn ra lệnh.
Y Y dò xét hai đứa trẻ, rồi nhìn qua Liễu Tĩnh Ngôn có ý hỏi, Liễu Tĩnh Ngôn làm một động tác tay biểu thị đó là con của anh. Y Y gật đầu, mỗi tay dắt một đứa quay vào trong nhà – Liễu Tĩnh Ngôn để ý cái khoảnh khắc mà Y Y quay đầu đi đó, nó đã đựng đầy nước mắt trong đôi mắt cô. Anh không thể phân tích ra được nguyên nhân làm cô rơi lệ, nó là do vui mừng hay không vui?
Buổi tối hôm đó, Liễu Tĩnh Ngôn và Y Y đã có cuộc bút đàm rất dài dưới ánh đèn. Bọn trẻ đều ngủ say rồi, đêm yên lặng như tờ. Ngoài cửa sổ, trong vườn hoa già nua cổ kính có ánh trăng, có tiếng côn trùng, có bóng hoa, có tiếng gió… Đó chính là một cảnh sắc mà mười năm qua, cơ hồ như ngày nào anh cũng mộng mị khát thèm. Trong cuộc bút đàm này, Liễu Tĩnh ngôn nói cho Y Y biết các việc của anh ở nước ngoài, kể cả việc có A-ya-kô. Y Y nghe xong chỉ viết một câu:
- Cô ấy đẹp lắm à?
- Đúng thế Liễu Tĩnh Ngôn viết.
Y Y không viết nữa, Liễu Tĩnh Ngôn nhìn cô, nét mặt cô thờ ơ không biểu cảm. Nhiều năm bị dày vò rồi, hình như cái đó đã rèn luyện cho cô khả năng không bộc lộ vui buồn mừng giận ra sắc mặt. Anh quả thật không có cách nào phát hiện ra được trong lòng cô đang nghĩ gì. Anh viết:
- Y Y, những năm dài như thế, em sống như thế nào? Anh nhớ em ghê gớm!
- Thực ư? Hai chữ này được viết rất to Thực là nhớ em ư? Cô cười cười, cười một cách hết sức phiêu diêu, hết sức ngạo nghễ. Sau đó cô viết:
- Cười vui buồn khổ đều là giả, tham cầu nhớ nhung tất cả cũng chỉ vì là si ngốc! Là thật ư? Là giả ư? Nếu là thật thì cần gì phải nhớ chứ? Nếu là giả, thì việc gì lại phải lừa dối tôi? Cần phải biết rằng, tôi đã không còn là Y Y của năm xưa nữa. Anh đã giúp tôi khám phá cánh cửa tình, nhân sinh chẳng qua là như thế! Nhớ cũng thôi, không nhớ cũng thôi, thật cũng thôi, giả cũng thôi, về cũng thôi, không về cũng thôi. Tôi đã viết cho anh mười lá thư, đến lá thư thứ mười mà không gọi nổi anh về thì tức là tình cảm của tôi đã dùng hết rồi! Anh hiểu chưa?
Liễu Tĩnh Ngôn ớn lạnh vì những lời trên, nó như một nhát dao sắc đối với anh, nó nói rõ sự vô tình của anh. Mà nay, tuy đã trở về nhưng anh còn có tư cách gì để đòi được tình cảm của Y Y? Y Y đứng dậy, vội vã viết hai câu:
- Tôi đã dọn buồng ngủ cho anh rồi, để cho Thúy Ngọc đưa anh đi ngủ. Thúy Ngọc vốn là người đã chuẩn bị sẵn dành cho anh đấy. Nếu anh cần đến cô ấy thì vẫn có thể dùng làm thiếp hoặc để hầu chăn gối.
Viết xong, bèn vỗ tay gọi, một a hoàn mi thanh mục tú, người xinh đẹp bước vào phòng. Y Y ra hiệu cho cô ta đưa anh đi Anh không động đậy, cứ đứng như trời trồng, nhìn cô. Sau đó viết ra mấy chữ:
- Ở nước ngoài mười năm, sớm mong chiều nhớ, chẳng một ngày nào quên được. Hôm nay trở lại, em lại nhẫn tâm làm vậy!
- Nếu thật lòng nhớ đến tôi, thì xin đối đãi chu đáo với Tuyết Nhi trong những năm tháng về sau! Con bé ngoan ngoãn trung hậu dịu dàng bình tĩnh, tài hoa dồi dào, mọi mặt đều hơn hẳn tôi dạo trước. Chỉ tiếc là năm nào bị cản trở không được đến trường học, nếu không thì đến hôm nay có thể đã biết nói rồi. Anh dầu sao cũng đã trở về, trách nhiệm của tôi coi là xong. Mong muốn được nghỉ ngơi dễ chịu một thời gian.
Những lời nói đó làm Liễu Tĩnh Ngôn cảm thấy như là lời di chúc, một cảm xúc bất thường chụp xuống người anh. Thần sắc của Y Y lãnh đạm, thần thái phiêu diêu, làm cho anh không có cách nào hiểu thấu được cô. Nhưng anh biết rằng, không còn có một ngôn ngữ nào có thể lay động được cô. Đứng hẳn người dậy anh cùng Thúy Ngọc bước ra khỏi phòng.
Về nhà đã được một tuần lễ, anh phát hiện ra rằng Y Y thì trốn tránh anh, còn Tuyết Nhi, trái lại, luôn gần gũi bên mình anh.
Một hôm, anh và Tuyết Nhi nói chuyện bằng bút với nhau, anh viết.
- Mẹ đang hận ba lắm phải không?
- Không, mẹ yêu ba. Tuyết Nhi viết rất thẳng thắn Bé Bân và Bé Lăng làm mẹ đau lòng, mẹ ghen với mẹ của mấy em đó!
- Thực ư?
- Rồi sẽ qua đi, ba ạ. Chỉ là mẹ bực giận ba mà thôi, mấy hôm nữa là sẽ tốt lên ngay mà.
Nhưng mấy hôm sau không hề tốt lên tí nào. Một tháng sau, Y Y đổ bệnh, nằm liền ba hôm không ăn uống gì cả. bao nhiêu thầy thuốc đến bắt mạch, đều không biết được bệnh gì, chỉ nói thể chất gầy yếu, hư hao lâu ngày, uất kết trong tâm, e rằng khó chữa trị.
Buổi tối hôm thứ ba, cô gọi Tuyết Nhi đến không biết đã nói chuyện gì với Tuyết Nhi Sáng sớm ngày thứ tư, trước sự chứng kiến của Tĩnh Ngôn, Y Y đã đột ngột ra đi. Lúc lâm chung, cô nhìn Liễu Tĩnh Ngôn hình như có điều gì muốn nói. Nhưng cả đời cô đã không bao giờ nói, lúc cuối cùng cũng chẳng có cách nào nói lên được tiếng nói của lòng mình, cô mang nặng trong tâm linh một vết thương mà lặng lẽ ra đi. Khi mất, cô mới tròn ba mươi lăm tuổi.
Sau khi Y Y mất, Liễu Tĩnh Ngôn trở nên hết sức rầu rĩ chán nản. Chẳng bao lâu sau, anh phát hiện ra rằng mình rất phụ thuộc vào Tuyết Nhi, tất cả mọi việc ăn uống ngủ nghỉ và các vật dụng hàng ngày của anh đều do một tay Tuyết Nhi lo liệu. Những cái anh chưa nghĩ ra thì Tuyết Nhi đã nghĩ hộ cho anh. Trời đổ lạnh, Tuyết Nhi đưa áo ấm cho anh; trời nóng lên thì Tuyết Nhi may áo mùa hè. Nó không chỉ chăm sóc bố, mà còn trông nom chi chút cả hai đứa em cùng cha khác mẹ. Ngày tháng lặng lẽ trôi đi dưới bàn tay chăm sóc của Tuyết Nhi và trong cái buồn bã chán nản của Liễu Tĩnh Ngôn.
Hôm đó, Liễu Tĩnh Ngôn đang ở trong thư phòng thì phát hiện ra hai đứa bé con của anh ôm nhau khóc, việc này làm cho anh hết sức kinh ngạc. Anh kéo chúng vào lòng, hỏi:
- Có việc gì nào?
- Con nhớ mẹ Tiểu Lăng nóị
- Ba ơi, chúng mình về Nhật đi, có được không? Tiểu Bân nói.
- Thế nào rồi? Ở đây không được ư?
- Họ gọi chúng con là đồ con lai! anh Tiểu Bân nói họ còn gọi là đồi giặc biển Đông Ba ơi, thế nào là đồ con lai, thế nào là giặc biển Đông hả ba?
Liễu Tĩnh Ngôn sững sờ, toàn thân bỗng đổ mồ hôi lạnh, anh bực bội nói:
- Ai gọi các con là đồ con lai?
- Tất cả bọn họ Tiểu Bân nói Chỉ có chị câm là không gọi thế.
- Ba sẽ đi mắng họ một trận, rồi sau sẽ không ai dám gọi các con là đồ con lai nữa đâu Liễu Tĩnh Ngôn nói và vỗ về an ủi hai đứa con thân yêu của mình.
o0o
Năm đó, ở Bắc Bình có một cuộc triển lãm tranh rất gây ấn tượng. người mở triển lãm tranh là một thiếu nữ còn rất trẻ, mới tròn mười bảy tuổi, một nữ lang nhỏ bé mang hai dòng máu trong mình, cô tên là Liễu Lăng. Cùng bày tranh với Liễu Lăng trong cuộc triển lãm này còn có chị của cô ta là Liễu Thụy Tuyết với mười bức tranh. Liễu Lăng thì vẽ những cỏ hoa kiểu chấm phá, Liễu Thụy Tuyết thì vẽ có hoa theo kiểu “công bút”. Các điệu dùng bút hoàn toàn không giống nhau nhưng mỗi bên đều có phong cách cổ kính. Nhất thời, cuộc triển lãm và người mở triễn lãm đã trở thành đối tượng bàn tán của mọi người thường trong thành phố, người ta gọi hai chị em vẽ tranh đó là “Liễu thị song anh”.
Sự thành công của cuộc triễn la!m tranh đã trở thành việc vui mừng lớn của nhà họ Liễu. Liễu Tĩnh Ngôn hài lòng đẹp ý, suốt ngày cùng hai cô con gái trò chuyện và vẽ tranh, cuộc sống có vẻ bình tĩnh tự tin Nhưng mà, năm đó, cũng lại là năm mà cuộc kháng Nhật lên đến cao trào, “sự biến mùng bảy tháng bảy” vừa nổ ra, chiến sự bùng lên dày đặc khắp nơi, lòng người hoang mang lo sợ . Một hôm, Liễu Bân lúc đó đang học đại học mặt đầy vẻ giận dữ, sùng sục đến, tay cầm một tờ báo, vứt toẹt lên bàn. Liễu Tĩnh Ngôn cầm lên xem thì thấy một mẩu tin có tiêu đề là:
“Bàn về huyết thống của tài nữ Liễu Lăng con gái một kỹ nữ Nhật Bản tại sao lại được ca ngợi như chúng ta?”
Ở dưới là bài nói vào chuyện riêng của người ta, đại thể nói Liễu Lăng là con không chính thức của một người có gia thế ở Trung Quốc và một kỹ nữ Nhật Bản. Bài báo tung ra trước xã hội những đả kích nặng nề đối với Liễu Lăng. Liễu Tĩnh Ngôn đặt tờ báo xuống thở dài một tiếng; Liễu Bân ngẩng đầu lên, to tiếng nói:
- Ba ơi, thế rốt cục chúng ta là người Nhật Bản hay người Trung Quốc?
- Tất nhiên là người Trung Quốc.
- Nhưng, ở trường các bạn học gọi chúng con là Nhật Bản, họ đòi chống lại con! Ở nhà thì hai cái đồ già lụ khụ kia gọi chúng con là đồ con lai, thậm chí còn nói chúng con không phải là người nhà họ Liễu, đẻ ra đã bất minh, bất chính, đến đây mạo nhận để chia hưởng tài sản của nhà họ Liễu… Ba ơi, cái kiểu sống như thế này con không thể chịu được.
- Đó là nghiệp chướng mà tôi làm ra đó Liễu Tĩnh Ngôn âm thầm tự nhủ, trong lòng thảm thê vô hạn, tự cảm thấy mình không thể hiểu được thế giới này, tự thấy hoang mang trước cuộc sống của con người Tuyết Nhi tuổi đã ba mươi, chỉ vì bị câm mà đành để tuổi thanh xuân cứ thế trôi tuột đi. Còn hai đứa con bình thường không khuyết tật gì thì lại sinh ra vấn đề mới, nếu sớm biết thế này thì làm sao mà cứ phải tạo ra những sinh mệnh mới kia chứ?
- Ba ơi, – Liễu Bân nói Mẹ con là một kỹ nữ phải không?
- Đúng thế Liễu Tĩnh Ngôn gật gật đầu mẹ con là một người phụ nữ cực kỳ tốt.
- Ba ơi, thế nào là tốt? Thế nào là xấu? Thế nào là đúng? Thế nào là sai? Ba ơi, con không thể chịu được nữa. Ba hãy cứu tiểu Lăng đi, đừng để cho báo chí tiếp tục viết nữa Cái thế giới này thực là quá lộn xộn! Con thấy khâm phục chị con đấy, cứ bình tĩnh yên lành, chẳng tranh chấp gì với nhân thế, chị ấy đúng là người được hạnh phúc!
- Chị ấy có cái bất hạnh riêng. Liễu Tĩnh Ngôn nói Con ạ, con hãy nhớ, con phải điều khiển được vận mệnh nó, điều khiển con. Một đời của ba đã chịu để cho vận mệnh nó giật dây rồi, đã tạo ra hết bi kịch này đến bi kịch khác! Con ơi, hãy tự mình dẫn dắt mình!
Ngày hôm sau, Liễu Bân để lại thư mà đi, trong thư chỉ có hai câu:
“Ba ơi, con đi sáng tạo ra trời đất riêng của mình đây.
Con trai lưu bút”.
Liễu Tĩnh Ngôn đã trở thành một người già rồi, việc đứa con trai độc nhất ra đi, dường như đã nằm trong dự đoán của ông. Nhưng nỗi văng vẻ và đau buồn thì không thể có người ngoài nào hiểu nổi. Nửa năm sau, con gái nhỏ là Liễu Lăng đã bỏ nhà ra đi với một họa sĩ, nhà họa sĩ đó bỏ vợ, còn Liễu Lăng thì bỏ chồng, chân trời góc biển, chẳng biết là đi đâu. Sự việc này là một đòn giáng mạnh vào Tĩnh Ngôn, chỉ một đêm thôi mà râu tóc ông đều bạc hết. Trong nếp nhà cũ kỹ ấy, người chết thì đã chết rồi, người đi thì đã đi rồi… Ngày tháng cứ thế mà im lìm trôi đi, nhân sự thì lại mấy phen biến ảo! Liễu Tĩnh Ngôn già lắm rồi, hàng ngày ngồi ngơ ngẩn trong thư phòng; bám riết theo ông, vẫn chỉ có cô Tuyết Nhi, một con người không bao giờ nói năng gì. Cô lặng lẽ hầu hạ tất tần tật mọi việc của ông bố, ăn ngủ, đi lại… Không hề oán hận, không hễ phiền trách, tĩnh lặng, hiền hòa, cứ như đó đã là số phận, là trách nhiệm, là thế giới của cô vậy.
Buổi tối hôm đó, Tuyết Nhi bưng đến cho cha một bát canh sâm Liễu Tĩnh Ngôn nhìn sang phía Tuyết Nhi, con bé sao giống hệt như mẹ nó! Trong khoảnh khắc, kỷ niệm về Y Y trỗi lên mạnh mẽ, những cảnh tượng cùng sống với Y Y thưở trước lần lượt phục hiện trong óc ông. Nỗi ngạc nhiên xen lẫn vui mừng khi mở chiếc khăn cô dâu buổi tối động phòng; ngồi vẽ lông mày trước gương, cùng nhau tựa song cửa sổ, lúc sinh ra Tuyết Nhi, rồi cả cái cảnh ép buộc Y Y đọa thai… như vừa mới hôm qua. Ông đứng dậy, bước đến bên cửa sổ, bất giác ngâm lên những câu thơ điếu vong của Tổ Thức:
“Thập niên sinh tử lưỡng mang mang, bất tư lượng tự nan vong, thiên lý cô phần, vô xứ thoại thê lương. Trúng sử tượng phùng ưng bất thức, trần mãn diện, mấn như sương…”
Thở dài một cái, ông quay đầu lại, nhìn ngay thấy Tuyết Nhi đứng bên bàn, đang sắp xếp lại sách vở bút mực trên bàn cho ông. Ông nghĩ đến Y Y, Tiểu Bân, Tiểu Lăng, những người thân yêu của mình đã rời xa mình hết rồi. Có người đã đi sang một thế giới khác; có người thì còn đấy, nhưng ở mãi đâu bên kia của thế giới này. Còn lại với ông, chỉ có những thứ gì thuộc về một người già: Sự trống rỗng, sự trầm mặc và những hồi ức… Nhưng Tuyết Nhi lại cứ bám theo ông, cái con bé câm đáng thương này! Chẳng lẽ nó lại không cảm thấy trống trải, không tiếc cho tuổi xuân đi qua một cách uổng phí ư? Bước đến bên bàn, ông cầm bút lên viết:
- Tuyết Nhi, con cứ phụ giúp ba, cứ cố thủ trong tòa gia trạch cổ lỗ này mà không cảm thấy cuộc sống quá tẻ nhạt ư? Ba thật là có lỗi với con, đáng ra phải tìm cho con một tấm chồng mới phải.
Tuyết Nhi lẳng lặng nhìn hai hàng chữ ấy, lúc sau cô ngẩng đầu lên, đôi mắt to trong veo như nước, nhìn cha thật lâu với vẻ dịu dàng. Cô ngồi xuống, nâng bút viết:
- Ba ơi, ba nhớ buổi tối hôm đó, hôm trước khi mẹ mất không? Mẹ đã gọi con đến, mẹ và con vừa dùng cách ra hiệu, vừa dùng bút để nói chuyện, mẹ con đã nói với con rất nhiều. Mẹ con bảo con đừng bao giờ lấy chồng. Mẹ bảo con phải khuất phục số phận của mình, biết thân phận mình là người câm. Nếu con mà kết hôn thì chỉ có hai khả năng, một là lấy được người có tình nghĩa như là mẹ con đã gặp được ba đấy. Kết quả thế nào? Làm cho cả hai bên đều đau khổ, vợ chồng phải chia ly. Hai là lấy phải người không tình không nghĩa thì kết quả thế nào không thể tưởng tượng ra được. Hơn nữa, mẹ con nói, sẽ có một ngày ba trở nên hết sức trầm mặc, cô đơn, mẹ con bắt con phải thề trước giường bệnh là suốt đời không bao giờ rời ba…. Con đã thề rồi. Ba ơi, mẹ đã biết từ trước là thế nào cũng có ngày như hôm nay. Mẹ con nhất định là có khả năng tiên tri, biết trước được việc sẽ xảy ra, biết thế nào em trai, em gái con cũng rời xa ba, biết thế nào ba cũng phải cần đến con. Ba ơi, làm sao con cứ phải lấy chồng nào? Con thấy cuộc sống như thế này là thoả mãn rồi; chăm sóc ba theo như kỳ vọng của mẹ con, con cảm thấy như mẹ đang cùng sống với ba và con. Ba, mẹ và con, đó là những gì mà mẹ con ngày ngày cầu nguyện trong một thời gian mười năm khi ba đi xa.
Tuyết Nhi đặt bút xuống, ngước mắt nhìn Liễu Tĩnh Ngôn, bèn khóe miệng cô đính một nụ cười dịu nhẹ nhưng trên mắt lại đọng đầy nước mắt. Liễu Tĩnh Ngôn chống khuỷu tay lên bàn nhìn những hàng chữ Tuyết Nhi vừa viết, nước mắt nhòe nhoẹt, trong lòng như thầm rối rít gọi.
- Y Y! Y Y! Y Y!
Ông cứ nghĩ rằng Y Y hận ghét ông cho đến lúc chết, không hề biết rằng Y Y đã sắp xếp mọi việc cho mình tới mấy chục năm sau! Trong suốt mười lăm năm lấy cô làm vợ, ông đã cho cô được cái gì? Mười năm ôm gối chiếc chăn đơn, mười năm tương tư khắc khoải. Cô viết thư cầu xin ông trở về nhưng ông còn lưu luyến với Nhật Bản, còn lưu luyến trong lòng một người đàn bà khác Còn cô, cô đã cho ông toàn bộ cuộc đời, toàn bộ tình cảm của cô; lúc sắp ra đi, còn để lại một Tuyết Nhi này cho ông.
- Y Y! Y Y! Y Y!
Ông gọi lên và lảo đảo đến bên cửa sổ, phảng phất tưởng như linh hồn Y Y lảng vảng ngoài song cửa. Khoảng thời gian trước khi ra đi, Y Y đã tỏ ra thờ ơ lãnh đạm với ông, sự lãnh đạm đó còn như khắc vào trái tim ông. Phải rồi, cô oán hận ông đã vì một người đàn bà khác mà không trở về. Nhưng trong khoảnh khắc trước khi trút hơi thở cuối, cô đã từng như muốn nói một lời gì, phải chăng cô muốn nói với ông rằng, cô đã tha lỗi cho ông? Cô vẫn yêu ông?
- Y Y!
Ông gọi, nhưng ngoài song kia nào thấy bóng Y Y, bây giờ đang là giữa mùa thu, ánh trăng trong vường trắng lặng, lá rụng rơi đầy đất: Ông nhớ đến bài từ mà Y Y gửi cho ông thưở trước:
Gió thu xanh
Trăng thu bạch
Lá rơi tụ lại tan
Quạ đổ bỗng kinh hoang
Nhớ đau đáu bữa nao gặp được?
Đất này thời ấy chẳng bén tình!
- Hết -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét