Ngụ ngôn – La Fontaine
Nguyễn Văn Vĩnh dịch
Nguồn: Thư Viện Toàn Cầu
Tác giả: Jean de La Fontaine (08/06/1621 – 13/04/1695), nhà thơ cổ điển Pháp, vào Viện Hàn Lâm Pháp năm 1683.
Dich giả: Nguyễn Văn Vĩnh (15/06/1882 – 01/05/1936), người xuất bản tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ (ĐạiĐăng Cổ Tùng Báo – 1907); Người có công khơi nguồn cho dòng chảy của thơ mới (qua bản dịch này). Nam
Lời dịch giả:
“Tập dịch-văn này tôi làm ra kể đã lâu năm lắm rồi, khi còn ít tuổi, chưa làm văn bao giờ, mà đọc qua thơ La Fontaine cũng phải cảm hứng, chấp chảnh nên văn, tuy lắm câu văn còn lấc-cấc lắm, nhưng các bạn độc giả, cũng nhiều ông xét quá rộng cho là dụng công dịch là đúng. Đúng đây là đúng cái tinh thần, chứ không có nề gì những chữ “hổ” đổi làm “sư-tử”, “cái gậy” đổi ra “con chó”, khiến cho những người thắc mắc được một cuộc vui, ngồi soi bói từng câu từng chữ, mà kể được ra có ba bốn chữ dịch lầm.
Những chỗ sai lầm đó, trong bản in này cũng xin cứ để nguyên không dám chữa.”
(Trung Bắc Tân Văn – 1928)
Dưới đây là 43 bài thơ được dịch từ Les Fables (1666-1694) và đã đăng trên các báo ĐạiĐăng Cổ Tùng Báo, Đông Dương Tạp Chí… trước khi in thành sách năm 1919. Nam
- Con Ve Và Con Kiến (1907)
- Con Ve Và Con Kiến (1914)
- Con Cá Nhỏ Và Người Đánh Cá
- Chó Rừng Và Chó Giữ Nhà
- Chó Rừng Và Chó Giữ Nhà Còm
- Lừa Đội Lốt Sư Tử
- Con Nhái Muốn To Bằng Con Bò
- Chó Rừng Và Con Cò
- Gà Đẻ Trứng Vàng
- Hai Thằng Ăn Trộm Với Con Lừa
- Con Thỏ Và Con Rùa
- Gà Trống Và Hồ Ly
- Sáo Mượn Lông Công
- Lợn, Dê Cái Và Cừu
- Lừa Và Chó Con
- Chuột Nhắt, Mèo Và Gà Trống Non
- Chó Sói Và Giàn Nho
- Truyện Cô Hàng Sữa
- Hai Con Lừa
- Bò Cái, Dê Cái Và Cừu Cái Lập Hội Với Sư-Tử
- Sư-Tử Và Con Muỗi Mắt
- Con Dơi Và Hai Con Cầy
- Lừa Mang Hòm Sắc
- Mèo Già Và Con Chuột Nhắt
- Con Gấu Và Hai Bác Lái
- Người Giết Cọp
- Con Chó Bị Chủ X�! ��o Tai! font>
- Chó Sói Và Đàn Gà Tây
- Đống Của Với Hai Người
- Các Thầy Lang
- Hội Đồng Chuột
- Hai Người Tranh Nhau Con Sò
- Các Loài Vật Phải Bệnh Dịch Hạch
- Chó Sói Và Bức Tượng
- Hai Con Dê Cái
- Mặt Trời Và Loài Ếch
- Sư Tử, Con Lang Và Con Hồ
- Thần Chết Và Lão Tiều Phu
- Già Kén Kẹn Hom
- Sư-Tử Về Già
!- Anh Chàng Đứng Tuổi Với Hai Chị Nhân Ngãi
- Triều Đình Vua Sư Tử
- Con Chim Phải Tên
- Cụ Già Và Ba Người Trai Trẻ
Con Ve Và Con Kiến
(La Cigale et La Fourmi)
Trên cây có một con Ve
Hát hết mùa hè mùa lạnh kiết so
Âu là đành phận đem đầu
Chạy sang chị Kiến kêu cầu lân bang,
Nhờ bà hàng xóm lòng thương,
Cho vay dăm hột thóc lương trợ thì
Khi nào hết lạnh sang hè,
Lại xin đem nốt lãi lời phân minh.
Nhược bà có bụng nghi tình,
Xin thề giời, phật chứng minh việc này.
Kiến bà tính ghét mượn vay,
Trong nghìn thói độc thói này nhỏ nhen.
Lắc đầu rồi lại còn chèn,
Lúc trời nắng ráo anh em làm gì?
Ve rằng tôi ngâm phú thi
Đêm ngày nhai nhải cái gì cũng ngâm
Kiến bà chú tệ độc tâm,
Đáp rằng xưa hát, nhảy đầm nay coi!
(ĐạiĐăng Cổ Tùng Báo – 1907) Nam
Con Ve Và Con Kiến
(La Cigale et La Fourmi)
Ve sầu kêu ve ve,
………..Suốt mùa hè,
Đến kỳ gió bấc thổi,
Nguồn cơn thật bối-rối.
Một miếng cũng chẳng còn,
Ruồi bọ không một con.
Vác miệng chịu khúm-núm,
Sang chị Kiến hàng-xóm.
Xin cùng chị cho vay,
Dăm ba hạt qua ngày.
– Từ nay sang tháng hạ,
Em lại xin đem trả.
Trước thu, thề Đất Trời!
Xin đủ cả vốn lời.
Tính Kiến ghét vay cậy;
Thói ấy chẳng hề chi.
– Nắng ráo chú làm gì?
Kiến hỏi Ve như vậy.
Ve rằng:
….. – Luôn đêm ngày,
Tôi hát, thiệt gì bác.
Kiến rằng:
….. – Xưa chú hát!
Nay thử múa coi đây.
(Đông Dương Tạp Chí – 1914)
Con Cá Nhỏ Và Người Đánh Cá
(Le Petit Poisson et Le Pêcheur)
Miễn là cá sống dưới hồ,
Cỏn-con cũng có ngày to kếch-xù.
Nhưng mà cá đã cắn câu,
Thả ra tôi nghĩ còn ngu nào tầy!
Mỗi chốc câu lại được ngay,
Cá chép nọ lúc ngày còn nhỏ,
Mắc lưỡi câu anh nọ bên sông.
Người rằng:
…………… – Thôi cũng là xong.
Chẳng chi cũng miếng ở trong đĩa đầy,
Sao bằng ta bỏ ngay vào rổ.
Cá chép con lại nỏ mồm kêu:
– Thân tôi phỏng được bao nhiêu.
Chẳng qua nửa miếng là nhiều chứ chi?
Xin ông đợi đến khi tôi lớn,
Tôi lại đây để đón ông câu.
Đắt tiền cũng có người thầu (mua).
Chẳng hơn cá oắt phải câu hàng nghìn.
Mà hồ dễ đã nên một đĩa,
Ăn chua mồm thấm-thía vào đâu.
Người rằng:
…………… – Dầu chẳng thấm đâu,
Hỡi anh cá oắt ra mầu khôn-ngoan.
Thôi anh hãy khoan khoan lời tán,
Bữa chiều nay tạm rán ăn chơi.
Gà chuồng ai thả đuổi chơi,
Biết đâu cá nước chim trời mà tin.
Chó Rừng Và Chó Giữ Nhà
(Le Loup et Le Chien)
Chó rừng kia xương ngoài da bọc,
Bởi chó nhà săn sóc trông nom
Bữa kia gặp một chó xồm,
Tròn quay béo mượt, phải hôm chạy quàng
Chó rừng cũng tính choang một mẻ,
Vồ anh kia mà xé thit ra.
Ngặt rằng chó lớn thực-thà,
Ví bằng đấu sức ai đà dám đoan
Rằng chó rừng quyết tâm được trận
Sơn-cẩu ta đành phận khiêm-cung.
Lại gần rủ-rỉ nói cùng,
Khen anh chó nọ mượt lông đẫy mình.
Chó rằng: – Ví tiên sinh muốn vậy,
Có khó chi việc ấy mà thèm,
Ngài nên từ chốn sơn-nham,
Là nơi kham khổ ở làm chi đây.
Gầy lõ thịt một dây cùng kiết,
Các ông đây thảm thiết đói dài.
Được bữa hôm khó bữa mai,
Tháng ngày chăm chắm miệng nhai vẫn thèm
Cứ theo ta thử xem một chuyến.
Chó rừng bèn gạ chuyện một khi:
– Muốn được vậy phải làm gì?
Đáp rằng: – Công việc khó chi đâu mà
Đồ rách rưới đi qua cửa ngõ,
Thì sủa ran đuổi nó đi xa;
Ngày ngày nịnh hót chủ nhà,
Vẫy đuôi mừng rỡ ai mà chẳng thương.
Chỉ có vậy bữa thường cơm cháo,
Thịt cùng gà xương xẩu thiếu chi.
Lại còn chủ mến vuốt ve.
Chó rừng ưng vậy đi theo nửa đường.
Chợt nom thấy một! khoang cổ chó.
Hỏi khoang gì, thì nó chối không.
Hỏi đi hỏi lại kỳ cùng,
Cho ra cái vết trụi lông là gì.
Chó một mực lì lì chẳng nói:
– Cái vặt này, ngài hỏi làm chi?
Tái tam hỏi lại hỏi đi,
Thì ra vết xích còn ghi rành rành.
– Chết nỗi! Thế ra anh phải buộc!
Muốn chạy dong không được hay sao?
Chó rằng: – Buộc mãi đâu nào,
Họa là mới xích chẳng bao lâu mà.
– Dẫu chẳng mấy cũng là phải xích,
Cái tự do, gì thích cho tầy!
Thôi thôi, mặc bữa no say,
Ngàn vàng hồ dễ sánh tầy thảnh thơi!
Chó rừng chạy riết một thôi.
Chó Rừng Và Chó Giữ Nhà Còm
(Le Loup et Le Chien Maigre)
Mới rồi kể chuyện cá con,
Kêu-ca tán-tụng nỉ-non hết lời,
Mà sau cũng phải vào nồi.
Con gà đã nhốt chuồng rồi chớ tha
Thả ra mà đuổi ai mà,
Dại ngây vô giá, thật là nên chê.
Người khôn cá chẳng dại gì,
Thủ-thân là nghĩa, ai thì chẳng siêng.
Giải cho nghĩa ấy phân miêng,
Nên đem chuyện nữa kể thêm sau này:
Chó rừng kia mới dại thay!
Gặp muông gia-cẩu ở ngay cổng làng
Đã toan quắp lấy gọn-gàng,
Nỏ mồm chó lại kêu van còn gầy:
– Xin ngài hãy xá thân này,
Để chờ ông chủ tháng này cưới con.
Cô tôi gặp hội đào-non,
Bụng nầy no béo chẳng còn thiếu chi.
Chó rừng tin vậy tha đi,
Cách chừng mấy bữa rồi thì lại sang.
Xem gầy hay béo cho tường,
Ai hay chó lẩn gậm giường nọ ra.
Cách trong bờ giậu nói qua:
– Đợi đây một lát tôi ra bây giờ.
Anh bằng lại có lòng chờ,
Cả anh Thủ-hộ cũng đưa ra chào.
Thủ-hộ là chó dữ sao,
Chó rừng vùng ấy con nào cũng kinh.
Anh kia nghe vậy biết tình,
Chào qua Thủ-hộ chạy nhanh vô rừng.
Đã nhanh mà dại vô chừng,
Sài lang mà lại chưa từng mưu gian.
Lừa Đội Lốt Sư Tử
(L’âne Vêtu de La Peau du Lion)
Con lừa kia đội da sư-tử.
Khắp một vùng tưởng dữ đều-kinh.
Tuy rằng là vật đáng khinh,
Mà ai cũng sợ oai linh con lừa.
Rủi phải khi tai thò một mẩu,
Lòi ngay ra điên-đảo khi-man.
Chó kia chạy đuổi sủa ran,
Làm cho ai nấy nổi cơn tức cười.
Cách giả hình mấy người đã biết,
Thấy mãnh-sư chạy riết trong đồng.
Thì ai cũng lấy lạ-lùng,
Mãnh-sư để chó đuổi cùng thế nhưng?
Xét lắm kế lẫy lừng trong cõi,
Cũng chẳng qua giả-dối như lừa.
Nghênh-ngang hống-hách gió mưa,
Chẳng qua đội lốt để lừa người ngây.
Con Nhái Muốn To Bằng Con Bò
(La Grenouille Qui Se Veut Faire Aussi Grosse Que Le Boeuf)
Con nhái nom thấy con bò,
Hình-dung đẹp-đẽ, mình to béo tròn.
Nhái bằng quả trứng tí-hon.
Lại toan cố sức bằng con bò vàng.
Ngậm hơi, cổ bạnh, bụng trương;
Kêu: – Chị em đến xem tường cho ta.
Đã bằng chưa, chị trông, nà!
Bạn rằng: – Còn kém. – Nhái đà phồng thêm;
Hỏi rằng: – Được chửa, chị em?
Bạn rằng: – Chưa được; Phồng thêm ít nhiều.
– Chị ơi! Còn kém bao nhiêu?
Bạn rằng: – Còn phải phồng nhiều. Kém xa!
Tức mình, chị nhái oắt ta,
Lại phồng bụng quá vỡ ra chết liền.
Ở đời lắm kẻ thật điên,
Sức hèn lại muốn tranh tiên với người.
Dại thay những thói đua đòi
Vinh gì cuộc rượu trận cười mà ganh.
Để cho cơ-nghiệp tan-tành.
Chó Rừng Và Con Cò
(Le Loup et La Cigogne)
Chó rừng tham ăn hay nuốt vội,
Nhân một khi vui hội anh em.
Miếng ngon đương lúc miệng thèm,
Chưa trôi miếng gối đã thêm miếng đầu.
Phải cái xương mắc sâu trong họng,
Phúc mười đời cò bỗng đi qua.
Chó rừng mới gạt chị ta,
Đến ngay thò mỏ gắp ra một hòn.
Xong công việc, cò còn tính giá,
Chó rừng đà chẳng trả tiền công,
Lại còn ơn vỗ như không:
– Đầu mày trong cổ họng ông mới rồi.
Đã thoát khỏi thì thôi, phúc đức!
Lại chửa mừng còn chực đòi công.
Bội ơn! Cút thẳng cho xong,
Chớ hề đến trước mặt ông mà ngầy!
Gà Đẻ Trứng Vàng
(La Poule Aux Oeufs D’or)
Tham thì thâm, cổ-nhân dạy thế,
Lấy chuyện gà ra để răn đời,
Đem câu bịa đặt kể chơi:
Một hôm gà nọ đẻ rơi trứng vàng.
Chủ ngỡ có bảo-tàng trong bụng,
Mổ phăng ra chắc cũng mau giàu,
Ai ngờ có cóc chi đâu,
Gà thường cũng vậy, khác nhau chút nào.
Chủ biết dại, kêu gào tiếc của;
Làm gương soi cho đứa tham tâm,
Mới đây có kẻ nghĩ lầm;
Được mười lại muốn ngay trăm ngay nghìn.
Trơ ra hết nhẵn ngồi nhìn.
Hai Thằng Ăn Trộm Với Con Lừa
(Les Voleurs et L’ane)
Vị con lừa, của vừa ăn trộm,
Hai đứa gian đánh lộn cùng nhau,
Thằng này muốn để về sau,
Thằng kia muốn bán cho mau lấy tiền.
Khi hai cậu huyên thuyên ẩu-đả,
Anh đấm đau anh đá cũng già.
Xẩy thằng ăn cắp thứ ba,
Ở đâu lại phỏng lừa ta tẩu liền.
Con lừa đó như in một xứ.
Mấy ông vua tranh cự cùng nhau.
Tự dưng người ở đâu đâu,
Cướp phăng xứ ấy đem câu giảng hòa.
Thế là trơ mắt thỏ ra.
Con Thỏ Và Con Rùa
(Le Lièvre et La Tortue)
Đi cho sớm, việc gì tất-tả
Chuyện Thỏ Rùa nghĩ đã hay thay!
Rùa kia gọi Thỏ bảo:
……………………………- Này,
Thi cùng ta chạy từ đây qua đường.
Thỏ bảo Rùa:
………………….- Chị thường hóa dại
Hãy uống xong thuốc tẩy vài liều
Họa chăng ta có nhận keo
Rùa càng thách tợn, giải treo thật nhiều
Thỏ tức khí bao nhiêu cũng đắt;
Đem giải kia mà đặt bên đường.
Những gì lọ kể dài dang;
Ai ngồi chủ cuộc, phân tường nói chi,
Thỏ ra sức chỉ đi ba bước,
Là đến nơi lấy được như không,
Vội chi mà chẳng thong-dong
Vừa đi vừa bỡn cũng không chậm gì.
Đứng gặm cỏ, có khi cũng sớm,
Mặc kệ Rùa, Thỏ hợm ta đây,
Chàng-dàng chân dép chân giầy
Trong khi Rùa nọ ai hay vội-vàng,
Biết thân nặng lại càng cố gắng:
Cứ từ-từ rảo cẳng bước lên.
Sá chi thân phận Rùa hèn,
Thỏ càng đủng-đỉnh ở bên vệ đường.
Nhường chạy trước thêm càng danh-giá
Muốn lúc nào mà chả đến chơi
Vừa đi, vừa nghỉ, vừa chơi;
Nghe hơi gió thổi, xem trời kéo mây,
Rùa thấm thoát đến ngay trước đích
Thỏ vội-vàng một mạch chồn chân,
Nhưng mà chửa được đến gần,
Thì Rùa đã tới nơi ăn giải rồi.
Lại còn nhiếc một hồi: – Chú Thỏ,
Đã bảo mà, nhanh có làm chi!
Ví chăng nhà cũng đội đi.
Như ta đây nữa, chú thì bước sao?
Gà Trống Và Hồ Ly
(Le Coq et Le Renard)
Trên cành cây con gà trống đậu,
Đã khôn-ngoan lại láu việc đời.
Hồ-ly đến ngọt mấy lời:
– Đôi ta hết giận, tới thời hòa-an.
Nay trong khắp thế-gian thân-ái
Tình anh em tôi lại thưa anh
Xuống đây hôn cái tỏ tình;
Trăm nơi còn phải chạy nhanh mới cùng,
Rầy mặc sức vẫy-vùng đi lại,
Tôi với anh hết hại lẫn nhau.
Từ đây anh chớ lo-âu,
Khi nào có việc muốn cầu đến em,
Gọi một tiếng ngày đêm cũng lại,
Xuống đây hôn gọi ngãi đồng-bào.
Gà rằng:
………….. – Mầng rỡ xiết bao!
Tin này biết lấy cách nào tỏ vui?
Lời anh nói thì tôi thêm trọng.
Kìa ngó xa thấy bóng chó săn,
Hai anh đang chạy tới gần
Ý chừng cũng một tin thân-ái này.
Đợi tôi đó xuống ngay lập tức,
Để bốn ta cùng được hôn nhau…
Hồ-ly nghe chửa rứt câu,
Vội vàng một mạch cắm đầu chạy nhanh.
– Thôi anh nghỉ để dành khi khác,
Kẻo em còn chạy các nơi xa.
Nói rằng cẳng bốn chân ba,
Nghĩ mưu không đắt, Hồ ta giận mình.
Gà thấy hắn thất-kinh đắc-ý:
Lừa thằng gian thích-chí dường bao!
Sáo Mượn Lông Công
(Le Geai Paré des Plumes du Paon)
Công đổi lông, Sáo liền nhặt lấy,
Đem lên mà cắm bậy vào mình:
Cùng Công đi diện vung-vinh;
Coi trong bộ-tịch có tình khoe-khoang.
Đàn Công thật, biết chàng giả-mạo,
Xúm nhau vào báng-nhạo một phen;
Đánh cho một trận huyên-thiên;
Mổ cho trụi đến lông đen của mình.
Sáo bấy giờ nghĩ tình đồng-loại,
Về bọn nhà, chúng lại đuổi đi.
Ngẫm xem trong bọn văn-thi,
Biết bao tài mượn, thiếu chi tá-gà,
Dầu thế vậy, đây ta mặc sức,
Nói làm chi cho cực lòng người.
Lợn, Dê Cái Và Cừu
(Le Cochon, La Chèvre et Le Mouton)
Con Dê, con Cừu, con Lợn béo,
Cùng một xe đương kéo qua đường.
Chủ nào có phải vì thương,
Đem ra chơi chợ coi phường leo-dây;
Hay là giắt đi đây đi đó,
Để cho coi phường-phố thị-thành,
Chẳng qua đem bán cho nhanh,
Nó tham lời lãi chớ tình-nghĩa chi.
Lợn ý-éc một khi ỏm-tỏi.
Ngỡ trăm dao nó đuổi theo sau.
Dê, Cừu chẳng rõ vì đâu,
Mà kêu nhức óc váng đầu người ta.
Hỏi:
…… – Cớ chi mà la thế vậy?
Thử im mồm nằm đấy xem sao?
Chủ-nhân nổi giận ào-ào,
Mắng Heo vô cớ kêu gào điếc tai;
– Kìa bắt-chước như hai gã nọ.
Cứ ở yên phỏng có mất gì?
Con Cừu ngậm miệng lì-lì,
Khôn-ngoan rất mực ai mà không yêu.
Heo bèn đáp:
………………… – Lựa theo thằng ngốc,
Tôi đây nào phải học chú Cừu,
Ví chăng Cừu biết phận Cừu,
Thì Cừu chắc hẳn lo ưu mấy lần,
Còn Dê nọ an thân nằm đó,
Cũng chẳng qua là họ ngu-si,
Hai thằng này ngỡ có khi.
Gọt lông và sữa vắt đi là cùng,
Có lẽ thế là xong phận họ.
Còn tôi đây thân nọ đã đành:
Chỉ đem nướng chả, nấu canh,
Sống mà cái chết vẫn dành một bên.
Cho nên phải khóc rên rầm-rĩ.
Ngẫm Heo ta thâm-thúy lạ dường,
Nhưng mà dẫu thét cùng đường.
Chết đành vẫn chết ai thương đâu mà
Biết cam thân phận mới là.
Lừa Và Chó Con
(L’ âne et Le Petit Chien)
Tài tự-nhiên, xin ai chớ ép,
Gượng nên công có đẹp mẽ gì?
Mấy đời những đứa ngu-si,
Làm ra mặt thiệp nó thi nên duyên.
Ai cũng mến là “thiên chi phó”,
Bẩm-sinh ra sẵn có mấy người,
Ai tài thì cũng mặc ai
Lừa ngu chuyện nọ là bài dạy khôn:
Gã Lừa ấy đến hôn ông chủ;
Nghĩ thầy ta há phụ không yêu!
Chó kia phỏng lớn bao nhiêu,
Ông, bà bữa sớm bữa chiều cho ăn,
Lại có lúc quá thân hôn-hít;
Lại có khi quấn-quýt xoa đầu;
Trò-vè phỏng có chi đâu.
Chỉ giơ chiếc vó, gâu-gâu một hồi,
Đùa bỡn có thế thôi mà quý.
Còn ta đây động tí thì đòn,
Rầy ta há lại không khôn;
Cũng là như rứa phỏng còn khó chi,
Nhân thấy chủ đang khi đắc-ý,
Lừa ta bèn rủ-rỉ đến bên:
Móng chân cùn-cụt đưa lên,
Vuốt cằm ông chủ mà rên một hồi.
Chủ vội thét: Lừa toi! Quái lạ!
Đem gậy đây, sửa gã một phen.
Nói rồi cầm gậy đả liền,
Để Lừa rối-rít như điên như cuồng.
Thế là thôi hết tấn tuồng.
Chuột Nhắt, Mèo Và Gà Trống Non
(Le Cochet, Le Chat et Le Souriceau)
Chuột-nhắt xưa nay quanh xó cửa,
Ra khỏi nhà bỡ-ngỡ một phen.
Về khoe với mẹ huyên-thiên:
– Con qua rặng núi đến miền biên-cương;
Con chạy nhặng khác dường chuột lớn,
Đi dong chơi hung-tợn khắp đường,
Nơi kia con gặp hai chàng:
Một chàng phúc-hậu đường-đường khôi-ngô.
Chàng kia thì tiếng to mà dữ,
Bộ hung-hăng, nghiêng-ngửa mặt mày:
Trên đầu cục thịt đỏ gay,
Hai tay vùng-vẫy như bay lên trời;
Xoè nan quạt đuôi thời to tướng,
Khiếp, khiếp chưa! Hình dáng kỳ-khôi!
Chuột con kể chuyện lôi-thôi,
Tưởng chừng vật lạ xa xôi đâu về!
Ai ngờ chú Hùng-kê chính đấy,
Chuột-nhắt ta nom thấy hãi-hùng.
– Hai tay phành-phạch vẫy-vùng,
Con xưa nay vốn thị-hùng mà ghê.
Đuôi quắp đít chạy về một mạch,
Miệng chửi thầm, thề kệch đến già.
Ví chăng không gặp hắn ta,
Thì con hẳn tiếp được nhà-hiền kia,
Lông bóng nhoáng, râu ria đường-bệ.
Đuôi lại dài, tam-thể trên mình.
Lừ-đừ coi bộ hiền-lành;
Duy đôi mắt liếc long-lanh khác thường,
Cùng giống Chuột nghe dường ái-mộ,
Y như ta cũng có hai tai,
Lại gần con đã kiếm bài,
Làm quen với hắn, một hai thân-tình.
Thằng nọ bất thình-lình lên giọng:
Kéc-ke-ke! Trong họng kêu ra.
Vội-vàng con phải lánh xa.
Thử-bà nghe nói nghĩ mà sởn lông:
– Chết con ạ! Chớ trông ngoài mã,
Bộ hiền-lành chính gã Miêu-nhi,
Xưa! nay độc-ác gian-phi,
Cùng nòi nhà Chuột, nó thì hại luôn,
Con Gà nọ thì con há sợ;
Hắn cùng ta có nợ xưa nay,
Đã không làm hại nhà mày,
Mà thường giống Chuột lại hay ăn Gà!
Thằng Mèo nó coi ta như gỏi,
Hại loài mình mòn-mỏi bấy lâu.
Đỏ lòng, xanh vỏ có câu,
Con nên ghi lấy về sau đừng lầm.
Chó Sói Và Giàn Nho
(Le Renard et Les Raisins)
Chó Sói kia ở nơi rừng ấy
Đương đói lòng lại thấy giàn nho!
Mấy chùm vừa chín vừa to.
Nước da đỏ thắm, thơm-tho ngọt-ngào.
Cậu Sói cũng ước-ao được bữa.
Nhưng giàn cao không với đến nơi.
Chê-bai Sói lại được lời:
– Nho xanh chẳng xứng miệng người phong-lưu.
Truyện Cô Hàng Sữa
(La Laitière et Le Pot Au Lait)
Cô Bê-ret đi mang liễn sữa,
Kê đệm bông để giữa đỉnh đầu,
Chắc rằng kẻ-chợ xa đâu,
Nhẹ nhàng thoăn-thoắt chẳng âu ngại gì.
Chân hôm ấy thì đi dép một,
Váy xắn cao ton-tót bước nhanh.
Gọn-gàng mà lại thêm xinh;
Vừa đi vừa tính phân-minh từng đồng:
Sữa bấy nhiêu, bán xong ngần ấy,
Trứng một trăm mua lấy về nhà.
Ấp đều có khó chi mà,
Khéo ra mấy chốc đàn gà đầy sân.
Cáo nọ dẫu mưu thần chước giỏi,
Có tha đi cũng lỏi mươi con.
Bán đi mua một lợn non,
Ta cho ăn cám béo tròn như trâu.
Đem ra chợ bầy đâu chẳng đắt,
Bán lợn đi, lại dắt bò về.
Thừa tiền thêm một con bê,
Để cho nó nhẩy bốn bề mà coi.
Cô Bê-rét nói rồi cũng nhẩy;
Sữa đổ nhào hết thẩy còn chi:
Nào bò, nào lợn, nào bê,
Nào gà, nào trứng cùng đi đằng đời.
Cô tôi thấy của rơi lênh-láng,
Lủi-thủi về chịu mắng cùng chồng.
Đành rằng mấy gậy là cùng,
Để câu chuyện sữa kể dong khắp làng.
Nghĩ lắm kẻ hoang-đường cũng lạ,
Ước xa-xôi hay quá phận mình
Tề-Mân, Sở-Mục hùng danh
Ví cùng Bê-rét rành rành cũng như
Rõ mở mắt trơ-trơ mà mộng
Chuyện mơ hồ mà động đến lòng.
Của đời hết thảy thu xong,
Trường-thành đắp nổi, A-phòng về ta.
Khi ta một mình ta thách hổ;
Vua nước Tàu đạp đổ như chơi.
Vận may lại thuận lòng người,
Muôn dân mến-phục, ngai Trời ngồi trên,
Sịch một tiếng tỉnh liền giấc mộng.
Té vẫn mình bố Ngỗng xưa nay.
Hai Con Lừa
(Les Deux Mulets)
Hai con La cùng đi đường cái,
Con tải tiền, con tải cỏ khô.
Gã kia vinh-hạnh dường phô.
Ví ai mang đỡ chẳng cho đỡ nào.
Dáng đủng-đỉnh làm cao với chúng;
Cổ leng-keng chuông đụng suốt ngày.
Ai ngờ gặp buổi không may,
Giặc đâu kéo đến, dòm ngay túi tiền.
Vồ La nọ giặc liền bắt lấy,
Nắm dây cương kéo lại một nơi.
La gắng sức, cự với người.
Chúng đâm nát thịt tơi-bời một khi.
Than: – Danh vọng lảm chi cho cực;
Gã hèn kia, sao được yên thân,
Mà ta đau-đớn như rần.
La kia nghe thoảng lại gần đáp ngay:
– Hễ cây cao, gió lay càng dữ…
Mang cỏ khô ví thử như ta,
Thì chi đến nỗi đau mà.
Bò Cái, Dê Cái Và Cừu Cái Lập Hội Với Sư-Tử
(La Génisse, La Chèvre et La Brebis en Société avec Le Lion)
Con Bò, con Dê, con Cừu cái,
Cùng Mãnh-sư quí-ý đại lân-ông.
Xưa kia lập hội buôn chung;
Hẹn rằng lỗ lãi đổ đồng chia nhau.
Dê đánh bẫy được hươu một chú,
Mời cổ-đông đến đủ hội-đồng.
Khi đà khắp mặt đến đông.
Sư rằng:
……. – Bốn đứa chia chung bốn phần.
Nói vừa đoạn liền phân bốn góc,
Rồi nhận ngay lấy góc to cao:
Đứa nào muốn biết lẽ sao?
Bởi vì Sư-tử là tao chứ gì?
Lẽ phải ấy, ai thì dám cãi.
Còn phần nhì, cũng lại nhận luôn,
Rằng là cường-giả chi quyền.
Phần ba nhận nữa, vì khôn nhất đàn.
Đến phần tư thì quan chiếm nốt;
Con nào vơ, ông bóp chết tươi!
Sư-Tử Và Con Muỗi Mắt
(Le Lion et Le Moucheron)
Sư-tử một hôm mắng con Muỗi:
– Bước đi đồ hôi-thối nhỏ-nhen!
Muỗi ta đâu có chịu hèn,
Tức cùng Sư-tử trao liền chiến-thư:
– Mi chớ tưởng vua mà ta sợ;
Đừng làm cao. Mi chớ hợm đời.
Con bò to gấp mấy ngươi,
Ta còn kéo nổi như chơi đi cùng.
Nói vừa đoạn Muỗi xông lên trước;
Rúc tù-và, rồi vượt trận tiền.
Vừa làm tướng, vừa thổi kèn.
Trước còn bay vọt lên trên tít-mù;
Sau nhào xuống, nhảy xô vào cổ.
Sư-tử ta xấu hổ phát điên;
Mép sầu bọt, mắt quắc lên.
Miệng gầm, chân nhảy, sợ rên một vùng.
Việc kinh-hãi khắp trong thế-giới,
Ai hay đâu bởi cái Muỗi con.
Đuổi Sư khắp núi cùng non,
Khi thì đốt gáy, lúc bon cắn đầu;
Khi bay lọt vào đâu lỗ mũi,
Sư-tử ta hậm-hui phát khùng.
Nguy ranh quay cổ lại trông,
Thấy nanh cùng vuốt cũng không làm gì.
Muỗi nhoét miệng cười khì mấy tiếng,
Sư tức mình lại nghiến hàm răng.
Đuôi thì ngoe-nguẩy vung-văng.
Mà ra phải chịu một thằng Muỗi ranh.
Anh giận lắm thì anh thêm nhọc,
Cậy hùng-cường làm cóc gì tôi!
Muỗi ta thắng trận phản hồi,
Khải-hoàn một trận vang trời vo-vo.
Chạy cùng xứ báo cho chúng biết.
Mạng nhện đâu lại kết ngang đường.
Muỗi ta vướng phải ai thương.
Ta nên lấy chuyện làm gương hai điều:
Cuộc tranh-cạnh có ! nhiều thù-nghịch.
Kẻ nhỏ thường nên kệch kẻ to,
Nhiều khi việc lớn chẳng lo,
Mà ra chút việc nhỏ-nhò chẳng xong.
Con Dơi Và Hai Con Cầy
(La Chauve-Souris et Les Deux Belettes)
Dơi bay quạng xẩy khi chúi cổ,
Choạng ngay vào cửa tổ con Cầy.
Cầy này ghét chuột xưa nay,
Chạy ra đã định vồ ngay Dơi già:
– Giống mi đã cùng ta làm hại,
Sap cả gan dám lại nơi đây?
Phải chăng chính chuột là mày.
Dơi van lạy:
……………… – Lượng cao soi-xét
Tôi thực không phải kiếp chuột mà;
Ai đâu đặt-để sai-ngoa.
Trời sinh tôi quả vốn là kiếp chim.
Còn đôi cánh hiển-nhiên thượng-tại,
Chúc vạn niên điểu-loại cao bay!
Lời cung nghe lọt tai Cầy,
Tức thì phóng-xá cho bay về nhà.
Cách khi đó một vài hôm nữa,
Dơi lại choàng vào cửa hang Cầy.
Cầy này tính ghét chim bay,
Té ra Dơi lại gặp ngày nguy nan;
Cô dài mõm đã toan ra bắt:
– Mày là chim, tao quật chết tươi.
Dơi sao cũng khéo mau lời:
– Xin ngài nhìn kỹ hình tôi chim nào.
Chim có đủ vũ-mao mới phải,
Tôi vốn là thú-loại xưa nay.
Chúc xin Thử-quốc lâu dài!
Hoàng-thiên hại hết những loài miêu-nhi!
Khen Dơi biến trá cũng kỳ,
Nhờ mưu khôn thoát hiểm-nguy hai lần.
Thơ rằng:
Liệu gió khen ai khéo phất cờ,
Đổi lời cầu thoát lúc nguy-cơ.
Sẵn câu vạn-tuế trên đầu lưỡi,
Chúc Hán khi xưa, chúc Ngụy giờ.
Lừa Mang Hòm Sắc
(L’âne Portant Les Reliques)
Một con Lừa lưng mang hòm sắc,
Thấy người tôn đã chắc tôn ta.
Vênh-vang bộ mặt giở ra,
Chấp lễ chấp bái như là thần đây,
Có người kia lần này biết ý,
Bảo Lừa:
…………. – Đừng nghĩ thế mà sai,
Hợm đâu có hợm lạ đời!
Ai tôn đâu chú, chú đòi lên cân.
Người lễ bái là cầu ông thánh,
Sự anh-linh uy-mãnh của ngài,
Quan mà dốt đặc vô-tài,
Thì dân lạy cái áo ngoài mà thôi.
Mèo Già Và Con Chuột Nhắt
(Le Vieux Chat et La Jeune Souris)
Thím Chuột nhắt trẻ người non dạ,
Bị Mèo già vồ đã nguy-nan.
Lẻo mồm còn cứ kêu van:
– Xin ngài sinh phúc kẻo oan phận này,
Thân Chuột nhắt phỏng tầy mấy chút:
Nhặt của rơi, thiệt hụt gì ai!
Hãy khoan lượng nghĩ xin ngài,
Vì tôi đã để cho ai đói nào!
Miệng này phỏng ăn bao nhiêu hạt;
Chỉ cơm rang góc bát là no,
Sá chi thận phận gầy-gò,
Để dành các cậu, các cô thì vừa.
Chuột bị bắt trình thưa như vậy,
Mèo bảo rằng:
………………….; – Lời ấy khó nghe.
Thôi đi, đừng nói nữa đi!
Tao đây chứ phải giống gì mà mong.
Mèo, lại già hẳn không dung-xá,
Rất đang tâm, mi lạ chi ta,
Thôi cho mi xuống làm ma,
Kêu cùng Thập-điện hoạ là có nghe.
Con tao chẳng thiếu chi thực-phẩm.
Mèo nói xong bèn lẩm Chuột ranh.
Chuyện này nghĩa-lý rành rành,
Đầu xanh vẫn thị tinh-ranh khoe mầu.
Già hay tàn-nhẫn biết đâu!
Con Gấu Và Hai Bác Lái
(L’ours et Les Compagnons)
Hai bác lái tiền lưng đã cạn,
Gạ láng-giềng, nhà bán mền lông
– Gấu to mua giúp hay không?
Để ta đi bắt đóng gông lôi về,
Gấu lớn kếch, gớm-ghê Chúa gấu,
Bán bộ da đủ tậu trăm gian,
Mặc vào thách được dao hàn;
Lót xong đôi áo hãy còn có dư,
Bác lái đã hợm chưa, bác lái?
Vội-vàng đâu bé cái vội vàng!
Hai ngày tình-nguyện đem sang.
Đôi bên giá-cả sẵn-sàng đã xong.
Rồi hai gã gia công tìm gấu;
Thấy một con loạn tẩu trong rừng.
Ở đâu chạy lại sau lưng;
Hai anh khiếp đảm hàm răng cập-kè,
Đành thất ước, trở về tay trắng,
Lẽ thiệt-thòi cũng chẳng kêu-ca.
Một anh trèo tót ngọn đa;
một anh sợ khiếp, sởn da rùng mình;
Nằm xóng-xượt làm thinh tảng chết,
Miệng ngậm hơi như hệt thây ma
Bấy giờ lại sực nhớ ra:
Gấu tha thây chết, người ta vẫn đồn.
Anh lái nọ khốn hồn chẳng cựa,
Quả Hùng-công mắc lựa mưu khôn.
Thấy người nằm đó chổng trôn.
Đã ngờ chết thật, xong còn hơi nghi,
Bèn lấy cẳng hất đi, lật lại,
Vẫm cứng đờ một cái xác người.
Mõm thò vào mũi dánh hơi.
Thấy im phăng-phắc thôi thời hết nghi.
Chết đã hẳn, ta đi xa quách:
Kẻo thối-tha có sạch-sẽ gì!
Gấu ta nghĩ vậy bỏ đi,
Trên cây, bác lái tức thì xuống ngay;
Đến thăm bạn, khen ngay mẹo giỏi,
Mừng cho nhau thoát khỏi nạn to.
Lại còn sẽ gặng hõi dò:
– Còn da gấu nọ ai cho bây giờ?
Lúc ban nãy. G! ấu giơ mõm hỏi.
Nó bảo gì, anh nói em hay?
Lái kia bèn đáp lại ngay:
– Gấu giơ mõm bảo từ nay thì chừa.
Da gấu kia hễ chưa bắt được,
Chớ vội đem kết ước bán đi!
Người Giết Cọp
(Le Lion Abattu par L’homme)
Trên bức-vách có tranh lạ kiểu,
Khen thợ đâu cũng khéo vẽ-vời,
Một con Cọp lớn tuyệt-vời,
Mà ra chỉ có một người giết xong.
Kẻ đứng ngắm thôi cùng tấm-tắc,
Cọp đâu qua, lập tức im mồm.
Cọp rằng: “Cứ đó ta nom,
Thì ra người khoẻ hơn hùm chẳng sai.
Nhưng thợ vẽ điêu-tai quá đỗi,
Bút có quyền tả dối sự đời.
Ví dầu Cọp biết vẽ-vời,
Tranh này hẳn khác, cảnh thời không ngoa”.
Con Chó Bị Chủ Xẻo Tai
(Le Chien A Qui On A Coupé Les Oreilles)
Chẳng hay tôi có tội gì,
Mà người đem xẻo tai đi thế này?
Hình-dung trơ-trẽn, ô hay!
Mặt này thôi dám từ rày nhìn ai?
Giống người tàn-bạo kia ơi!
Đang tay độc-địa cùng tôi làm gì?
Chó Xù kêu vậy một khi,
Thì ra chủ cắt tai đi mất rồi.
Xù kia đã tưởng thiệt-thòi,
Rồi ra mới biết cụt tai lợi nhiều.
Xưa nay Xù vốn tiếng liều,
Cướp đường để chúng chạy theo đuổi cùng;
Hai tai thường rách tứ-tung,
Hay gì cái bướu lòng-thòng đôi bên,
Ở đời là chốn cạnh-chen,
Nơi nào dễ nắm không nên để thừa.
Chổ nguy đừng có hở cơ.
Mấy câu sau tưởng không cần phải dịch. Vả ông La Fontaine lại lầm: Chó rừng thường vồ chó đồng ở cổ, không vồ ở tai. (Nguyễn Văn Vĩnh)
Chó Sói Và Đàn Gà Tây
(Le Renard et Les Poulets D’inde)
Đàn Gà Tây sợ mưu Chó Sói,
Lên cây cao chói-lọi lảm thanh.
Sói ta chạy loạn vòng quanh,
Thấy Gà chăm-chắm đứng rình trên cây;
Sói nổi giận:
………………. – Quân này láo thật!
Bay đứng xa không bắt được sao?
Nói rồi Sói giở mưu cao,
Nhân đêm hôm ấy trăng sao vặc trời.
Hình như vị ở nơi gà-qué;
Thách Sói tài giở kế vây quanh.
Sói liền mở túi tinh-ranh:
Chồm lên rồi lại như đành chịu thôi.
Đoạn rồi đến nằm co tảng chết;
Ngón phường-chèo giở hết trò ra.
Chước đâu khôn-khéo thực là!
Trăm phương nghìn kế thôi mà thiếu chi.
Trong khi Sói quanh đi quẩn lại,
Thì đàn Gà sợ-hãi suốt đêm.
Dẫu rằng buồn ngủ đã mềm,
Chống đôi con mắt mà xem chước gì.
Ra nhìn mãi rồi thì hóa quáng,
Té lộn nhào đâm choạng xuống sân.
Con này con khác ngã dần,
Sói tha con một để gần một bên.
Khi chồng-chất đã nên một đống,
Bấy giờ xâu đòn ống đem về.
Ở đời nên nhãng cái nguy,
Càng săn nom lắm, nhiều khi vào tròng.
Đống Của Với Hai Người
(Le Trésor et Les Deux Hommes)
Một người kia gặp cơn túng ngặt,
Muốn vay ai, ai đắt mà vay
Lưng không, biết tính sao đây?
Quyết đi tự-tận phen này cho xong,
Thừng buộc cổ long-đong phải hết;
Dẫu chẳng toan cũng chết đói mà,
Ngẫm xem bụng dạ người ta,
Ai ưa nhịn đói mà qua kiếp người.
Gần đấy có một nơi nhà đổ
Anh kiết ta đến đó liều mình.
Trên tường sẵn có đóng đanh:
Một dây thòng-lọng đã đành là xong.
Chẳng ngờ vách cũ không được tốt,
Đổ đánh ùm, vung một đống tiền.
Chàng ta đứng dậy nhặt liền:
Đem vàng đi thẳng còn quên chiếc thừng.
Cũng chẳng đếm xem chừng lẻ chẵn,
Mau bước chân vội lẩn về nhà.
Người có của bỗng chạy ra,
Thoát trông đã thấy tiền đà vắng tanh.
Kêu: Trời hỡi! Nay mình chưa chết,
Mà bạc tiền đã hết mất rồi.
Vậy thì chết quách đi thôi,
Dây đâu thắt cổ cho rồi một phen.
Thừng còn sẵn theo trên vách đổ,
Chỉ thiếu người treo cổ vào trong
Thò đầu chàng quấn một vòng,
Chỉ trong giây phút là xong một đời.
Nực cười chết đến nơi còn tính:
Tiền mua dây người ghính đỡ cho.
Ông trời sao khéo bày trò,
Thừng kia của nọ chéo-cho lạ đời.
Thương hại thay những người bủn-xỉn.
Có của mà giấu kín một nơi;
Chẳng dám ăn, chẳng dám chơi,
Để cho kẻ cắp hoặc người họ xa;
Cũng có khi người ta lấy hết,
Hoặc đất đen giữ diệt dưới sâu.
Tài-thần bỡn-cợt lắm câu;
Bày ra trò lạ ở đâu ghẹo đời!
Ông muốn khiến một người thắt cổ,
Bỗng thừng kia, anh nọ chui vào,
Ông đùa những cách lạ sao?
Các Thầy Lang
(Les Médecins)
Thầy lang Lắc đến thăm người ốm,
Thầy Gật kia hàng xóm cũng sang.
Gật rằng:
…………… – Bệnh cũng tầm-thường.
Lắc rằng:
………….. – Người ốm thiên-đường sắp lên.
Việc thang thuốc mỗi bên một trái,
Để người đau đến phải qua đời.
Lắc ta quả đã như lời,
Hai thầy vẫn tấc đến trời lên câu.
Bên rằng: Có sai đâu, đã bảo!
Bên rằng: Theo thuốc lão, can gì!
Hội Đồng Chuột
(Conseil Tenu Par Les Rats)
Một con mèo tên là Trạng-Mỡ,
Bắt chuột nhiều long- lổ hầm hang.
Mèo đâu dữ- dội lạ dường!
Để cho đến nỗi sạch quang trong ngoài.
Họa còn sót một hai chú lỏi,
Đố dám thò ra khỏi cửa hang.
Chú nào cũng đói họng gang,
Trông thấy Trạng -Mỡ coi dường yêu-tinh.
May được buổi tiên-sinh chạy gái,
Chốn cao xa trên mái nhà người.
Chuột thừa được lúc thảnh-thơi,
Họp nhau bàn việc kim-thời nguy nan,
Chú chuột già ra bàn ngay trước:
– Liệu mau mau trong bước hiểm-nghèo,
Đem chuông mà buộc cổ mèo,
Để cho khi hắn leo-trèo tìm ta,
Leng-keng nghe hiệu là ta chạy,
Ai cũng khen mà lạy Cụ-Trùm.
Duy còn một việc đeo chuông,
Nghe như hơi khó tìm phương thi-hành.
Hỏi lũ chuột, thì anh từ-cáo;
Anh lại rằng:
……………….. - Đây lão dại gì?
Đã đành nơi chết ai đi.
Ngẩn-ngơ một lát rồi thì hội tan.
Té ra cuộc luận-bàn thực hão.
Có lạ gì bàn láo xưa nay!
Chẳng là việc chuột thế này;
Việc dân, việc nước cũng hay bàn xằng.
Thơ rằng:
Nghị luận còn dở-dang,
Triều-đình đông nhan-nhản
Thi-hành làm cục-trung,
Bá-quan đã tận-tán.
Hai Người Tranh Nhau Con Sò
(L’huitre et Les Plaideurs)
Hai người đi trẩy hội chùa,
Qua nơi bãi cát, gặp sò nổi lên.
Tay cùng trỏ, mắt cùng nhìn,
Mồm cùng muốn lẩm cùng vin lý già.
Người cúi nhặt, kẻ liền la:
– Khoan, khoan! Hãy hỏi ai là đáng ăn?
Cứ theo như lẽ công-bằng,
Ai mà thấy trước thì ăn đỡ thèm,
Người kia phải đứng mà xem.
Đáp rằng:
…………… – Nếu vậy mà nên công-bình,
Nhờ trời tôi mắt cũng tinh.
Cãi rằng:
………….. – Mắt tớ còn nhanh gấp mười,
Tớ thề tớ thấy trước rồi.
– Nhưng mà tao ngửi thấy mùi đã lâu!
Trong khi cãi-cọ cùng nhau.
Xẩy Quan Án nọ đi đâu qua đường.
Đôi bên đem chuyện thân tường,
Xin quan phân-xử đôi đường trắng đen.
Cầm sò quan đứng quan nhìn,
Tách đôi mảnh vỏ hút liền ruột trong.
Khi quan vừa nuốt trôi xong,
Ngài bèn lên giọng Bao-Công phán truyền:
Xử cho bên bị bên nguyên,
Quân-phân đôi vỏ, hai bên xử hòa
Còn tiền phí-tổn thì tha.
Thơ rằng:
Kiện-tụng xưa nay tốn kém to,
Chẳng qua đục nước chỉ nuôi cò,
Mới hay gan ruột quan moi hết,
Trơ lại còn đôi cái vỏ sò!
Các Loài Vật Phải Bệnh Dịch Hạch
(Les Animaux Malades de La Peste)
Có một bệnh ai là chẳng khiếp,
Hẳn ông Trời điên tiết bày ra.
Để răn thế-giới gian-tà,
Chính danh dịch-hạch (lựa là kiêng tên).
Một ngày chật ních Hoàng-tuyền,
Phải khi trái tiết, bệnh truyền súc-sinh.
Giống nào giống nấy hãi kinh,
Chết không khắp lượt, linh-tinh phải đều
Xem ra cảnh-tượng tiêu-điều,
Biếng ăn nhác uống, thân liều cho xong.
Cao-lương mỹ-vị coi không,
Chó rừng chó sói đều cùng nằm im.
Mặc Cừu, mặc Lợn, tha tìm.
Bồ-cu, chim Gáy chẳng thèm nhìn nhau.
Hết vui ra cảnh buồn rầu.
Hùng-sư hội-nghị để cầu bình-yên,
Diễn rằng:
……………. – Hỡi các anh em!
Trên kia nay đã xui nên cảnh này
Để răn tội chúng ta đây,
Vậy nên cứu xét ai hay làm càn.
Phải ra mà chịu lấy nàn,
Họa may cứu được cho an các loài.
Xem trong lịch-sử xưa nay,
Cầu qua nạn chúng, kẻ hay dâng mình.
Tội ta, ta xét cho minh,
Vấn tâm ta thử thực-tình một phen,
Như ta tham thực nết quen,
Mồm này đã nhá cừu hèn biết bao?
Loài cừu tội lỗi đâu nào,
Nhiều khi ta nhá đến đầu thằng chăn.
Vậy nên ta chịu hiến thân,
Nhưng ai có tội xa gần thú ra.
Cũng nên bắt chước như ta,
Để ai trọng phạm ra mà chịu thay.
Chó rừng đứng dậy tâu ngay:
– Thánh-quân tự trách khắc thay cho mình
Vả cừu ngu-độn hôi-tanh,
Án mông ngự-dụng là vinh ! cho cừu.
Sự thường tội lỗi đâu nào!
Còn như thằng bé chăn cừu bất-lương.
Kẻ ra độc-ác bao đường,
Cùng loài cầm thú toan đường tác oai…
Sói tâu vậy, cả các loài,
Một phe nịnh-hót khen hoài rằng hay
Cọp, Gấu, dữ ác nào tày,
Mà ai có dám đem bày tỏ ra?
Những loài bặng-nhặng chua-ngoa.
Đến như chú Cẩu cùng là Bụt con.
Đến lượt Lừa thú tội luôn:
– Trót qua một bãi cỏ non của người,
Phải khi bụng đói cỏ tươi;
Ma tinh giun-giủi như mời miệng ăn.
Trót đưa một lưỡi gian-tham,
Chịu rằng phạm lỗi tham ăn của người.
Các giống nghe nói vừa rồi,
Đồng-thanh mắng mỏ Lừa tồi gian-ngoan.
Sói kia cũng thạo việc quan,
Phỉnh rằng:
……………… – Nặng nhất là ăn cỏ người.
Phải đem lừa vật chết tươi,
Gieo tai cho cả, tội thời tại mi.
Tầm thường mà tội lăng-trì,
Chết nỗi! Trộm cỏ còn gì nặng hơn!
Việc này giết cũng chẳng oan
Liền đem hành-hạ một cơn chết Lừa.
Thế mới biết kiện thưa tố-tụng,
Trắng hay đen, thôi cũng thế-thần.
Chó Sói Và Bức Tượng
(Le Renard et Le Buste)
Danh tiếng chẳng qua hề vẽ mặt,
Cái dềnh-dàng rối mắt thằng ngây.
Lừa kia chỉ biết nhìn ngay.
Sói kia thóc-mách tính hay xét cùng;
Trước sau nhìn, thủy-chung cặn-kẽ:
Cái hư-danh ai hễ ở ngoài,
Thì y lập-tức chê-bai.
Chuyện xưa có tượng anh-tài một pho;
Pho tượng ấy dẫu to nhưng rỗng,
Sói nhìn khen thợ dụng tinh-công:
Đầu to mà óc thì không!
Đại-danh lắm bậc tượng đồng khác chi!
Hai Con Dê Cái
(Les Deux Chèvres)
Khi nào Dê đã ăn no,
Thì Dê hay thích tự-do chơi bời.
Đi tìm những chốn xa-khơi,
Những vùng khuất nẻo, những nơi vắng người,
Núi cao cây cỏ tốt -tươi;
Dưới khe sâu thẳm, đá đôi ba hòn!
Các cô đến đấy nhảy bon,
Chẳng ai ngăn được Dê non chạy quàng.
Một hôm, Dê cái hai nàng,
No-nê bỏ nội cỏ vàng đi dong.
Hai bên bờ suối nước trong,
Tình-cờ đâu lại đi cùng tới bên.
Có cầu nho-nhỏ bên trên,
Đói Cầy họa mới đi len nhau vừa.
Dưới khe dòng nước chảy bừa,
Đứng trên nom xuống nghĩ mà ghê thay!
Nhịp cầu tấm ván lung-lay,
Vậy mà Dê nọ bước ngay một đầu,
Dê kia nào có hãi đâu,
Đưa chân cũng bước đầu cầu bên kia.
Thoát coi nào có khác chi,
Vua Pha-nho với vua Louis hội-đồng,
Hài nàng bước một thong dong,
Giữa cầu thoắt đã đi cùng tới nơi.
Kiêu-căng ai lại nhường ai
Cũng nòi đáo-để, cũng vai anh-hùng.
Cô này cậy cháu nhà tông,
Dê này Bách-lý là ông sáu đời.
Con dòng cháu giống phải chơi!
Cô kia khi ấy tức-thời nghĩ ra:
Tổ-tiên ngũ-đại nhà ta,
Là Dê Tô-vũ ông cha kế-truyền.
Cũng là cháu phượng con tiên,
Hai cô cùng dấn bước lên nhịp cầu.
Nào ai có nhượng ai đâu;
Ganh nhau cho đến đâm đầu xuống khe.
Câu này chẳng những chuyện dê,
Bước đường danh-lợi ngưởi đi cũng đường.
Mặt Trời Và Loài Ếch
(Le Soleil et Les Grenouilles)
Vua ngược-ác một hôm lấy vợ,
Cả bàn-dân mừng rỡ yến-diên,
Duy Ê-đốp bảo là điên,
Ô hay! Lũ ngốc tự-nhiên mừng xằng!
Bèn đem chuyện kể rằng: – Khi trước,
Vầng Thái-dương muốn rước dâu về.
Chuôm ao ếch nhái sợ mê,
Inh-tai chẳng chuộc, trong khe dưới ngòi:
– Than ôi! Nếu Mặt-trời sinh đẻ,
Ếch nhái ta hồ dễ ở yên,
Một Mặt-trời đã nóng điên,
Ví bằng nửa tá bể liền cạn khô.
Cá và ếch biết vô đâu ở?
Cói với lau biết nở nơi nao?
Loài ta biết tính thế nào?
Nước-nôi khô ráo, sống sao phen này?
Lời nói phải mà hay đáo-để!
Ếch khôn-ngoan người dễ đã tầy.
Sư Tử, Con Lang Và Con Hồ
(Le lion, le sanglier et le renard)
Sư-tử sọm lại đau phong-thấp,
Muốn tìm thầy cứu-cấp bệnh già.
Lệnh vua đã tỏ ý ra,
Dẫu làm chẳng được ai mà từ-nan.
Vua Sư-tử phán toàn các giống,
Kén lương-y đem cống tại triều.
Thôi thì cầm-thú bao nhiêu,
Thợ thầy đã lắm lại nhiều thuốc thiêng.
Duy Hồ xấc dám kiêng không đến;
Ở lỳ nhà một chuyến mà chơi!
Lang ta hiến nịnh tức thời,
Quì tâu Hồ nọ mệnh Trời dám sai.
Sư-tử thoát nghe bài sớ tấu,
Cơn giận đâu nổi ngáu ngay lên:
– Bá quan vâng thửa lệnh truyền:
Nã Hồ đem đến Ngự tiền mau đây!
Hồ biết ý, nghĩ ngay chước cãi:
– Dạ! Muôn tâu Quảng-Đại Cao-Minh.
Hạ-thần quả thật oan tình,
Vốn đang tìm chốn anh-linh khẩn-cầu,
Nên chưa kịp vào chầu trước Điện,
Nay mới về xin hiến phương hay,
Hạ-thần may đã gặp thầy,
Dạy rằng Thánh-thể bệnh này dễ yên.
Kém Chân Hỏa là tên trong sách;
Vị tuổi già, huyết mạch khí suy.
Bây giờ họa có lang-bì,
Dùng làm áo phủ tức thì bệnh yên.
Lang-thần muốn ghi tên trong sử,
Nghĩ vua tôi nên giữ phen này.
Thôi thì da nọ lột ngay,
Cho đòi phúng-tượng vào may áo liền.
Phương thuốc lạ. Ngự khen Hồ giỏi,
Truyền: – Bá quan! Mau trói Lang-thần.
Thịt kia nướng chả Trẫm ăn;
Da kia may áo làm chăn Trẫm nằm.
Nghĩ câu chuyện nên ngâm mãi mãi.
Bọn nịnh-thần ! chờ hại lẫn nhau,
Nịnh mà hưởng phúc dễ đâu,
Nịnh mà nên hoạ là câu nói thường.
Ai ôi! Nên biết thương nhau mấy:
Kẻ gièm-pha chớ cậy chi mình!
Lạ gì những thói triều-đình.
Thần Chết Và Lão Tiều Phu
(La Mort et Le Bucheron)
Lão tiều vác củi cành một bó,
Củi đã nhiều, niên-số lại cao.
Lặc-lè chân đá chân xiêu,
Lom-khom về chốn thảo-mao khói mù.
Tủi thân-phận, kỳ-khu khó nhọc,
Đặt bó sài ở dọc lối đi.
Than rằng:
…………….. – Sung sướng nỗi gì,
Khắp trong thế-giới ai thì khổ hơn?
Bữa no đói luôn cơn buồn-bã;
Vợ nào con vất-vả trăm chiều,
Hết thuế lính lại thuế sưu.
Quanh năm khách nợ còn điều gì vinh?
Hỡi thần Chết thương tình chăng tá,
Đến lôi đi cho dã một đời.
Chết đâu dẫn lại tức thời,
– Hỏi già khi nãy kêu vời lão chi?
Lão-tiều thấy cơ nguy cuống sợ:
– Nhờ tay ngài nhắc đỡ lên vai.
Thơ rẳng:
Đành chết là hết nợ,
Sao mà ai cũng sợ?
Mới hay bụng thế-gian;
“Khổ mà sống còn hơn!”
Già Kén Kẹn Hom
(La Fille)
Cô ả nọ làm cao khí quá,
Định kén chồng được gã giỏi trai,
Có mầu, có vẻ có tài;
Chẳng ghen cũng chẳng như ai lạnh-lùng,
Lại còn muốn con rồng cháu phượng,
Của rõ nhiều sung-sướng nhất đời;
Tài-hoa, học thức tuyệt-vời,
Trăm hay muốn cả. Nhưng ai tốt đều?
Ông trời nọ cũng chiều nết khó,
Lại xui nên vô-số kẻ dòm.
Nhưng ai cô cũng chê om:
Gớm người thế ấy dám dòm đến ta!
Anh kia đã chê là cục-kệch;
Anh này thì mũi lệch khó coi;
Thế này, thế nọ, lôi-thôi.
Thôi thì chẳng thiếu chi lời bẻ-bai.
Ngẫm gái hợm ra ai cũng vậy.
Ai cũng rằng: – Đồ bây ra gì?
Đám hay hết thảy đuổi đi,
Rồi ra đến bọn xằng-xì đưa tin.
Môi cô ả tớn lên càng dữ,
Biết bọn này mở cửa làm chi?
Quân này thường dễ có khi,
Tưởng ta ế muộn, lỡ thì chi đây!
Nhỡ trời phó gái này can-đảm.
Dẫu riêng chăn cũng cám tấm lòng;
Khăng khăng một mực nằm không,
Cái già sồng-sộc thoắt trông thấy gần.
Thì chẳng mãnh bước chân vào cửa;
Một vài năm thêm nữa mới phiền.
Một ngày thấy một hết duyên,
Tóc-xanh môi thắm tự-nhiên phai dần.
Đem gương ngắm lần-thần thấy kém,
Lấy phấn son tô-điểm mãi vào.
Thì ra duyên hết từ bao,
Tháng ngày đã cướp lúc nào không hay.
Nhà kia đổ còn tay thợ chữa,
Má này nheo biết sửa làm sao?
Bấy giờ cái hợm bớt cao,
Hỏi gương, gương mắng: Làm sao chưa chồng?
Hỏi đến lòng thì lòng cũng giục:
Hợm đến đâu cũng lúc ngứa nghề
Ả ta tẩn-mẩn tê-mê,
Thì ra tính cũ hay chê bớt rồi,
Vớ ngay một bác đồ tồi.
Sư-Tử Về Già
(Le Lion Devenu Vieux)
Sư-tử trên rừng ai cũng sợ;
Lúc tuổi già ngồi nhớ oai xưa
Khóc than thân-phận già-nua.
Vì chưng ta yếu bây giờ chúng khinh:
Con ngựa đến đá mình một móng;
Chó rừng vào há họng cắn chơi;
Con bò đến húc. Trời ơi!
Muốn gầm một tiếng, hết hơi mất rồi.
Sư rầu-rĩ đành ngồi thất thủ,
Thôi cũng đành đợi số cho xong,
Thân tàn chết cũng cam lòng.
Con lừa đâu cũng vào trong hang mình.
Sư thấy thế làm thinh chẳng được,
Than:
……… – Thế này đã nhuốc hay chưa!
Sống mà chịu tủi với lừa,
Chết đi chết lại cũng như khác gì!
Anh Chàng Đứng Tuổi Với Hai Chị Nhân Ngãi
(L’homme Entre Deux Ages et Ses Deux Maitresses)
Anh chàng nọ tuổi đà đứng trạc,
Trên mái đầu tóc bạc hoa râm.
Bấy giờ bụng mới nghĩ thầm:
Nếu không vợ mãi đêm nằm với ai?
Trong tay gã tiền tài cũng lắm,
Kẻ lăn lưng mớ-nắm thiếu gì.
Này tương- thức, nọ tương-tri,
Ai không săn-sóc, hắn thì mần thinh.
Việc kén vợ phân-minh là phải.
Trong mấy người đi lại chạ chung.
Có hai chị ả góa chồng,
Xem trong ý gã ra lòng yêu thương.
Một thím nọ xuân đương vừa độ.
Còn thím kia khí mõ mất rồi.
Nhưng mà son phấn khéo nhồi,
Phai đâu tô đó coi người cũng xinh.
Trong những lúc mặn tình gần-gụi,
Ả đua nhau sửa búi củ-hành.
Tóc râm còn mấy đám xanh,
Nàng thì nhổ tuột cho nhanh bao-giờ.
Còn tóc bạc phơ-phơ trên mái,
Thì nàng kia cũng lại nhổ phăng.
Để cho đũa lệch hóa bằng,
Bỗng dưng có tóc ra thằng trụi-trơn.
Chàng biết ý nổi cơn tức giận.
Đoan-quyết ngay từ bận này chừa:
Thôi thôi đừng khéo ỡm-ờ!
Tôi can các chị đừng vờ thương yêu.
Đây đã trải bấy-nhiêu ý-tứ,
Đã biết đường cư-xử các bà.
Đành rằng không vợ đến già,
Đầu này dẫu trụi nhưng mà biết khôn.
Triều Đình Vua Sư Tử
(La Cour du Lion)
Một ngày kia. Mãnh-sư Hoàng-đế,
Muốn thử xem quyền-thế tầy bao,
Bèn vời bách-thú lâm trào;
Mỗi loài phái một viên vào Long-cung.
Sắc vàng tống đi cùng một dạo,
Đóng ấn son Quốc-bảo rõ ràng.
Chiếu rằng suốt một tháng-tràng,
Hội bàn trước chốn Ngai Vàng liên miên.
Lúc mở hội khai diên tứ yến,
Có phường tuồng nhân-tiện làm trò.
Mãnh-sư có ý làm to,
Để đem quyền-thế mà phô chư-hầu.
Truyền hội-nghị ở lầu Ngũ-phụng,
Những thịt xương lủng-củng bốn bề.
Sực nồng hôi-hám gớm-ghê,
Gấu kia bịt mũi dường chê nặng mùi.
Ngự hiểu ý, giận sôi sùng-sục,
Cho xuống ngay Địa-ngục mà chê.
Khỉ ta hiến nịnh tức thì:
– Muôn tâu Thiên-thảo cực-kỳ thông-minh.
Khen móng nhọn, khen dinh thơm phức,
Trăm thức hoa, hương nức không bằng.
Ngờ đâu lời nịnh tán xằng,
Mãnh-sư lại giận giết phăng khỉ già.
Vua Sư-tử thực là phàm-phũ,
Hẳn cũng dòng Kiệt, Trụ chi đây.
Lại gần Chó-sói hỏi ngay:
– Mùi gì tâu thực Trẫm hay thử nào!
Sói đại-thần trí-cao khéo chối.
Cúi tâu:
………… – Thần ngạt mũi thấy chi!
Khôn-ngoan nên chẳng can gì.
Chuyện hay đã dạy, nên ghi vào lòng.
Ai muốn vững Triều-trung quyền-chức,
Nịnh không nên, cương-trực cũng đừng;
Cứ làm ra một người rừng.
Con Chim Phải Tên
(L’oiseau Blessé d’une Flèche)
Con chim nọ phải tên gần chết,
Than mấy câu giãi hết nổi niềm.
Nói ra thêm não thêm phiền:
Giết chim lại bởi lông chim lạ-lùng!
Trách nhân-loại lòng hung dạ độc,
Nhổ cánh này làm đốc tên kia,
Nhưng loài bất đức hợm chi,
Vụ này hẳn cũng có khi vào mình.
Xem trong đám sinh-linh đồng loại,
Cũng cánh này làm hại cành kia!
Cụ Già Và Ba Người Trai Trẻ
(Le Vieillard et Les Trois Jeunes Hommes)
Cụ tám-mươi đương trồng cây cối,
Có ba chàng trẻ tuổi cười rằng:
– Làm nhà họa có nên chăng;
Trồng cây thì thực lố-lăng mất rồi!
Khoan đã! Cụ già ơi, con hỏi:
Quả ai ăn? Cụ nói con hay?
Họa may Bành-Tổ lên đây,
Chứ như đại-lão, phỏng ngày còn bao!
Làm chi thế công-lao cho uổng
Thóc người ăn, cày ruộng hơi đâu!
Thôi thôi, cụ bấy tuổi đầu
Chi bằng ngồi khểnh vuốt râu ngắm đời;
Hối những sự lầm sai thưở nhỏ,
Còn ước xa đã có chúng tôi.
Rằng:
……… – Con cũng quá buổi rồi,
Phàm chưng muôn việc của người làm ra
Kiên-nhẫn khó xong mà dễ hỏng.
Cái chết đâu vẫn ngóng bên ngoài.
Thọ là ai? Yểu là ai?
Lão già, con trẻ vắn dài khác chi.
Nào đã biết ai đi tới đó?
Bóng hào-quang ai ngó sau cùng.
Sớm còn tối mất lẽ chung,
Vững chi cái mạng mà mong lâu dài
Bóng cây này dẫu ai nghỉ mát,
Con cháu nhà có thoát đi đâu.
Như già có chi lo sau,
Cháu con ăn quả về lâu thiệt gì.
Ngẫm cái sướng phúc đi vạn đại,
Ấy cũng là lão hái quả rồi
Quí hồ còn sống ít hồi,
Một ngày là một được ngồi hưởng vui.
Cũng có lẽ Trời xui hiểm-hóc,
Trên mồ bay Ác mọc lão nom.
Cụ già khéo nói chính mồm:
Một chàng qua bến, ngã tòm xuống sông.
Còn một chàng lập công với nước,
Phải đầu tên mũi mác chết toi.
Cậu ba ! nhân lúc thư rồi,
Leo cây chiết giống sẩy rơi vỡ đầu.
Cụ già nghĩ đến câu chuyện thế,
Khắc phiến bia mà để bên mồ.
Gọi là một tiếng Ô-hô!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét