Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

DAI HOC.html

ĐẠI HỌC

Phan Văn Các

(Giới thiệu và dịch chú)

LỜI DẪN

Đại học vốn là một thiên trong sách Lễ kí (là thiên thứ 42 trong 49 thiên của sách này). Là một trong các tác phẩm của Nho gia, tương truyền là do Tăng Tử làm ra. Trịnh Huyền thời Đông Hán nói rằng: "Danh viết Đại học giả, dĩ kì kí bác học, khả dĩ vi chính dã" (Gọi là Đại học, vì nó ghi chép việc học rộng lớn có thể làm được chính sự Lễ kí chú); Khổng Dĩnh Đạt đời Đường nói: "Thử Đại học chi thiên, luận học thành chi sự, năng trị kỳ quốc, chương minh kì đức ư thiên hạ" (Thiên Đại học này bàn về việc học hành, có thể trị được nước, làm sáng cái đức minh ở trong thiên hạ).

Xét về nội dung thì nó hòa trộn luân lí, triết học và chính trị trong một thể thống nhất. Sách này nêu ra ba cương lĩnh lớn là "minh minh đức", "tân dân" và "chỉ ư chí thiện" cùng với tám điều mục là "cách vật", "trí tri", "thành ý", "chính tâm", "tu thân", "tề gia", "trị quốc", "bình thiên hạ" là những cương lĩnh cơ bản và nguyên tắc chủ yếu của cái học "nội thánh ngoại vương" của Nho gia.

Tư Mã Quang thời Bắc Tống soạn sách Đại học quảng nghĩa, đó là lần đầu tiên Đại học được tách thành sách riêng. Trình Tử lại điều chỉnh các chương tiết ở nguyên văn Đại học làm thành Đại học định bản và khẳng định rằng đây là "Khổng thị chi di thư, nhi sơ học nhập đức chi môn" (sách do họ Khổng để lại, và là cái cửa bắt đầu đi vào học đạo).

Chu Hi thời Nam Tống đem Đại học, ghép với Luận ngữ, Mạnh Tử và Trung Dung lại gọi là Tứ thư (bốn cuốn sách lớn). Từ đó Đại học chính thức trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của Nho gia. Ông lại làm ra sách Đại học chương cú, dựa vào ý kiến hai anh em họ Trình, "phát kì chỉ thú, nhiên hạ cổ giả giáo nhân chi pháp, thánh kinh hiền truyện chi chỉ, xán nhiên phục minh ư thế" (phát huy nội dung ý nghĩa của nó, nhờ thế mà phép dạy người thưở xưa, và nội dung ý nghĩa của kinh truyện thánh hiền lại được sáng tỏ rực rỡ ở đời – Đại học chương cú tự).

Xuất phát từ quan điểm chính trị và đạo đức của Nho gia, Đại học đã nhấn mạnh vào tính thống nhất không thể chia cắt giữa việc tu dưỡng đạo đức cá nhân với việc trị quốc, bình thiên hạ.

Ở Việt Nam, chuyên bàn về sách Đại học thì chỉ có các cuốn Đại học giảng nghĩa, là một bản dịch nôm sách Đại học (có kèm bản chú giải gốc chữ Hán của Chu Hi) và bài nói về cách đọc sách Đại học. Không rõ tác giả, hiện là một bản viết tay 30 trang kí hiệu Thư viện Hán Nôm là AB.277.

Đại học tích nghĩa, do Lê Văn Ngữ biên soạn và viết tựa năm 1927, giảng giải sách Đại học của Tăng Tử, có viện dẫn Kinh Thư, Luận ngữ, Mạnh Tử để thuyết minh. Có một số bài bàn về sách kinh truyện, như Luận ngữ, Trung dung.

Kí hiệu Thư viện Hán nôm là A.2594.

Ngoài ra là các bộ sách chung về Tứ thư như:

- Tứ thư đoản thiên, gồm 170 bài kinh nghĩa, đề tài lấy ở "Tứ thư", như Lí nhân vi đức, Vi chính dĩ đức, tỉnh hình phạt, kê minh cầu v.v… do Trương Văn Đường in năm Minh Mệnh 19 (1838).

- Kí hiệu Thư viện Hán nôm: A. 1794, A.1424.

- Tứ thư sách lược, là tập văn sách, lấy đề tài trong Tứ thư, dùng làm mẫu cho học trò thi cử.

Kí hiệu sách: VHv 391/1-2, VHv 901, VHv 900, VHv 2241, VHt 17.

- Tứ thư tiết yếu, do Bùi Huy Bích trích đoạn, Liễu Văn Đường in năm Thành Thái 7 (1895).

- Tứ thư tính nghĩa, là tập sách chọn lọc ở các trường và các khoa thi, đề tài lấy ở Tứ thư, là loại sách tham khảo luyện thi. Kí hiệu VHv 443, VHv 444, VHv 601/345.

- Tứ thư ước giải do Lê Quý Đôn, hiệu đính Úc Văn Đường in năm Minh Mệnh 20 (1839).

Diễn giải bằng chữ Nôm, một số chương trong Tứ thư.

Kí hiệu sách: AB 270/1-5.

- Tứ truyện tinh nghĩa gồm những bài tinh nghĩa chọn từ khoa thi các trường, đề tài lấy từ Tứ thư làm sách tham khỏa ch người theo đòi cử nghiệp.

Kí hiệu sách: VHv.601/6, VHv.1151 v.v…

Viết và dịch bằng chữ quốc ngữ có:

- Nho giáo, 3 tập của Trần Trọng Kim (tập II có dành 4 trang giới thiệu vắn tắt về Đại học, Nhà xuất bản Trung Bắc tân văn Hà Nội 1932).

- Khổng học đăng của Phan Bội Châu, NXB Khai Trí, Sài Gòn 1929, trong đó dịch và giới thiệu toàn văn Đại học, với những lời bình luận sâu sắc.

- Tứ thư bản dịch của Đoàn Trung Còn từ trước năm 1975, năm 1996 được NXB Thuận Hóa – Huế in lại.

Bản dịch chú này của chúng tôi có tham khảo các bản dịch của các tác giả nói trên nhất là bản Đại học của Phan Bội Châu trong Khổng học đăng, và kết quả của các nhà nghiên cứu Nho học Trung Quốc, cùng với bản dịch bạch thoại của Tiền Huyền, nhà xuất bản Nhạc Lộc thư xã, Hồ Nam, 1994.

CHƯƠNG I

Tiết thứ nhất

Đại học chi đạo: tại minh minh-đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện. Tri chỉ nhi hữu hậu định; định nhi hậu năng tĩnh; tĩnh nhi hâu năng yên; yên như hậu năng lự; lự nhi hậu năng đắc. Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy; tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hỷ.

Dịch nghĩa

Đạo đại học là ở chỗ làm sáng tỏ đức sáng, là ở chỗ khiến đời sống dân chúng không ngừng đổi mới, là ở chỗ khiến cho người ta ở vào cõi chí thiện. Biết rằng phải đạt tới cõi chí thiện, thì đã có được phương hướng kiên định; đã có được phương hướng kiên định, thì có thể tĩnh, đã có thể yên tĩnh thì có thể an tâm; đã có thể an tâm thì có thể suy nghĩ, đã suy nghĩ rồi thì có thể thu hoạch. Muôn vật đều có gốc ngọn nặng nhẹ, muôn vật đều có đầu cuối trước sau. Biết sắp xếp đúng thứ tự trước sau của sự vật, thì đã gần với Đạo vậy.

Chú giải

1. Thân dân. Tư tưởng luân lí của Nho gia. Gần gũi dân chúng để giáo dưỡng họ. Khổng Dĩnh Đạt đời Đường nói trong Lễ kí chính nghĩa, "Thân dân giả, ngôn đại học chi đạo tại thân ái vu dân" (Thân dân, nói đạo đại học là ở chỗ yên dân). Chu Hi thời Nam Tống nói trong Tứ thư tập chú; "Trình Tử nói rằng, thân nên là tân. Tân tức là bỏ cái cũ, ý nói đã tự mình làm sáng tỏ cái đức sáng của mình, lại phải nên suy ra đến người khác khiến họ cũng có thể bỏ được vết nhơ nhiễm phải từ trước. Chủ trương cảm hóa người khác bằng thực tiễn đạo đức của mình. Vương Thủ Nhân thời Minh nói: "An bách tính, tức là thân dân. Nói thân dân là kiêm cả ý giáo dưỡng. Nói tân dân thì hơi thiên lệch". "Yêu cái mà dân yêu, ghét cái mà dân ghét, đó gọi là cha mẹ dân, đó đều là ý nghĩa của chữ "thân". "Thân dân" thì cũng giống như Mạnh Tử nói "thân thân nhân dân (Truyền tập lục). Lại nói: "Nói minh minh đức, là lập cái thể của thiên địa vạn vật nhất thể (Đại học vấn) là dùng tâm học để giải thích "thân dân".

2. Chí thiện. Đạo đức hoàn mỹ. Một trong ba cương lĩnh "đại học" của Nho gia. Khổng Dĩnh Đạt đời Đường sớ: "chí thiện giả, ngôn đại học chi đạo, tại chỉ xử ư chí thiện chi hành (Chí thiện là nói dừng ở nơi chí thiện – Lễ kí chính nghĩa). Chu Hi thời Nam Tống lấy "lí" để thích nghĩa chí thiện: "chí thiện, tắc sự lí đương nhiên chi cực dã" (Chí thiện là tột đỉnh của sự lý đương nhiên, cái lẽ việc phải như vậy – Tứ thư tập chú). Vương Thủ Nhân đời Minh: "Chí thiện chỉ là cái tâm này thuần với cực điểm của lẽ trời" (Truyền tập lục, nhất) "chí thiện ở tại tâm ta, chứ không phải nhờ cầu ở bên ngoài" (Đại học vấn). Đó là lấy "tâm tức lí" để thích nghĩa "chí thiện". Trần Xác ở buổi giao thời Minh Thanh thì cho rằng: "Thiên hạ chí lí vô cùng, nhất nhân chi tâm hữu hạn" (Cái lí của thiên hạ thì vô cùng, cái tâm của một người thì hữu hạn). "Đạo vô tân, tri diệc vô tận" (Đạo là vô tân, biết cũng là vô tận), "Phù học, hà tận chi hữu! Thiện chí trung hựu hữu thiện yên, chí thiện chi trung hựu hữu chí thiện yên" (Học làm gì có chỗ cùng tận. Trong cái thiện lại có cái thiện trong đó, trong cái chí thiện lại có cái chí thiện trong đó). "Kim nhật hữu kim nhật chí thiện, minh nhật hữu minh nhật chí thiện" "phi ngô chi thông minh khả dĩ ức nhi tận chi dã" (Hôm nay có cái chí thiện hôm nay, ngày mai có cái chí thiên ngày mai. Không phải sự thông minh của ta có thể ức đoán hết được – Đại học biện).

Tiết thứ 2

Cổ chi dục minh minh-đức ư thiên hạ giả; tiên tri kỳ quốc; dục tri kỳ quốc giả; tiên tề kỳ gia; dục tề kỳ gia giả; tiên tu kỳ thân; dục tu kỳ thân giả; tiên chính kỳ tâm; dục chính kỳ tâm giả; tiên thành kỳ ý; dục thành kỳ ý giả; tiên trí kỳ tri; trí tri; tại cách vật.

Dịch nghĩa

Người xưa muốn làm sáng tỏ đức sáng trong thiên hạ, trước hết phải bình trị được nước mình; muốn bình trị được nước mình, trước hết phải sửa sang cho nhà mình được chỉnh tề tốt đẹp; muốn sửa sang nhà mình cho chỉnh tề tốt đẹp; trước hết phải tu chỉnh bản thân mình; muốn tu chỉnh bản thân mình; trước hết phải lo giữ cho cái tâm mình ngay ngắn, muốn giữ cho ngay ngắn cái tâm mình, trước hết phải làm cho ý niệm mình được chân thành; muốn làm cho ý niệm mình được chân thành thì trước hết, phải có sự hiểu biết; mà con đường để có được sự hiểu biết chính là nghiên cứu đến nơi đến chốn cái nguyên lí của sự vật.

Chú giải

1. Cách vật trí tri. Nói tắt là "cách tri". Mệnh đề nhận thức luận của Nho giáo. Xuất hiện sớm nhất ở Lễ kí, Đại học. "Trí tri tại cách vật", "cách vật nhi hậu tri chí". Trong lời truyện không có giải thích. Chu Hi thời Nam Tống dựa theo ý mình mà giải thích, gọi là "bổ Đại học cách vật trí tri truyện" (Bổ sung lời truyện về cách vạt trí tri trong sách Đại học), cho rằng "Trí tri tại cách vật" tức là: "Ngôn dục trí ngô chi tri, tại tức vật nhi cùng kì lí" (Nói năng muốn dẫn đến sự hiểu biết của ta, thì phải tiếp xúc với vật mà tìm cho hết cái lí của nó – Tứ thư tập chú). Ý nói người ta chỉ có thể bằng cách nhận thức sự vật ngoại giới thì mới có thể không ngừng tăng thêm hiểu biết của mình. Vương Thủ Nhân thời Minh giải thích cáchchính, coi "cách vật" là "chính tâm". Đều không phải là bản ý của Đại học. Khổng Tử tuy không nói rõ "cách vật trí tri", song tư tưởng "cách trí" của Nho gia cũng bắt nguồn từ nhận thức luận của Khổng Tử. Trong vấn đề "cầu tri" (tìm kiếm tri thức), Khổng Tử chủ trương "đa văn trạch kì thiện nhi tòng chi, đa kiến nhi chí chi" (Luận ngữ, Thuật nhi) và nói :"Ngã phi sinh nhi tri chi giả, hiếu cổ, mẫn dĩ cầu chi giả dã (Luận ngữ, Thuật nhi). Về sau học phái Tuân Tử lại đề ra "bất văn tức vật thiểu chí", "kiến vật nhiên hậu tri thị phi sở tại" (Không hỏi thì việc hiểu biết sẽ ít; nhìn thấy sự vật rồi mới biết sự phải! trái ở đâu – Tuân Tử, Nghiêu vấn), có lẽ là chỗ dựa cho "cách vật trí tri" của Đại học. Đến giao thời Minh Thanh, Vương Phu Chi lí giải "cách vật" và "trí tri" là quan hệ biện chứng giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lí tính, chỉ ra rằng hai mặt "trí tri" và "cách vật" giúp đỡ lẫn nhau (Thượng thư dẫn nghĩa, Thuyết mệnh trung nhị). Nhan Nguyên, đời Thanh giải thích "cách vật" là "phạm thủ thực tố kì sự" (bắt tay vào thật làm việc ấy) và nói "thủ cách kì vật nhi hậu tri chí" (mó tay vào vật rồi sau đó mới hiểu biết – Tứ thư chính ngộ, Đại học). Sự giải thích khác nhau của các thời Tống, Minh, Thanh đối với mệnh đề "cách vật trí tri" cũng đã phản ánh sự đối lập của hai loại nhận thức luận cổ đại của Trung Quốc.

2. Thành ý chính tâm. Tư tưởng luân lí và phương pháp tu dưỡng đạo đức của Nho gia. Thành ý là không được dối mình. Chính tâm là lòng phải ngay thẳng. Khổng Tử tuy chưa nói rõ "Thành ý chính tâm" song đã có tư tưởng ấy. Luận ngữ Tử hãn nói: "Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã", "vô ý" chính là yêu cầu "thành ý". Chu Hi chú: "Ý, tư ý dã" (ý là ý riêng mình) – Luận ngữ chương cú tập chú). Ông còn nói với các đệ tử "Ngô vô ẩn hỗ nhĩ. Ngô vô hành nhi bất dữ nhị tam tử dã, thị Khâu dã – Luận ngữ. Thuật nhi) về mệnh đề này của Đại học, Khổng Dĩnh Đạt sớ: "Năng thành thực kì ý, tắc tâm bất khuynh tà dã… Ý năng tinh thành, cố năng tâm chính dã. (Có thể làm cho ý mình thành thực, thì lòng không thiên lệch… Ý tinh thành được cho nên lòng ngay thẳng vậy). Chu Hi thời Nam Tống chú: "Tâm giả, thân chỉ sở chủ dã. Thành; thực dã. Ý giả, tâm chi sở phát dã. Thực kỳ tâm chi sở phát, dục kì nhất ư thiện nhi vô tự khí dã" (Tâm là cái làm chủ mình. Thành là thật. Ý là cái do tâm phát ra. Làm cho cái tâm phát ra được thật, muốn nó đều tốt mà không tự dối mình vậy). "Ý kí thực, tắc tâm khả đắc nhi chính dã" (Ý đã thật, thì lòng có thể được ngay thẳng vậy – Tứ thư tập chú).

CHƯƠNG II

Vật cách nhi hậu tri chí; trí chí nhi hậu ý thành; ý thành nhi hậu tâm chính; tâm chính nhi hậu thân tu; thân tu nhi hậu gia tề; gia tề nhi hậu quốc trị; quốc trị nhi hậu thiên hạ bình.

Dịch nghĩa

Nghiên cứu đến tận cùng nguyên lí của sự vật, thì mới có thể có được sự hiểu biết; Có được sự hiểu biết thì ý niệm mới chân thành; ý niệm chân thành thì cái tâm mới ngay ngắn. Cái tâm ngay ngắn thì mới tu chỉnh được bản thân mình. Tu chỉnh được bản thân mình rồi mới sửa sang nhà mình chỉnh tề tốt đẹp; sửa sang nhà mình chỉnh tề tốt đẹp mới bình trị được nước mình; bình trị được nước mình thì mới làm thiên hạ được thái bình.

Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản.

Từ thiên hạ cho đến kẻ thứ nhân, tất cả đều lấy việc sửa mình làm gốc.

Chú giải:

1. Tu thân, tức là là “tu dưỡng thân tâm” Tư tưởng luân lí và phương pháp tu dưỡng đạo đức của Nho gia. Quẻ Phục trong Chu Dịch nói: “Bất viễn chi phục, dĩ tu thân dã” Khổng Dĩnh Đạt thời Đường sớ: "Sở dĩ không xa mà nhanh chóng trở lại, là để tu thân vậy, có sai thì sửa vậy”. Cho rằng tu thân là ở chỗ có sai thì sửa. Khổng Tử nói “tu kỉ”, cũng có nghĩa “tu thân”, “tu kỉ dĩ kính…. tu kỉ dĩ an nhân… tu kỉ dĩ an bách tính” (Luận ngữ. Hiến vấn). Lưu Bảo Nam thời Thanh viết: “Tu kỉ giả, tu thân dã”. Đại học coi "tu thân” là căn bản của tám điều mục thi giáo. Mạnh Tử. Tận tâm hạ: “Quân tử chi thủ, tu kì thân nhi thiên hạ bình” (Điều người quân tử giữ là sửa thân mình mà thiên hạ được bình trị). Mạnh Tử cũng coi tu thân là cơ sở của tu dưỡng đạo đức. Sau Cách mạng Tân Hợi, chính phủ Bắc dương đề xướng tôn Khổng độc kinh” từng nêu ra “Quốc dân giáo dục dĩ Khổng Tử chi đạo vi tu thân chi đại bản” (Nền giáo dục quốc dân lấy đạo của Khổng Tử làm gốc lớn để tu thân – Thiên đàn hiến pháp thảo án). Trước năm 1922, các trường trung tiểu học của Trung Quốc có đặt môn “tu thân".

2. Tu, tề, trị, bình. Nói tắt của tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tư tưởng luân lí – chính trị của Nho gia. Về các mặt giáo hoá con người, tu dưỡng đạo đức và thực tiễn chính trị, Nho gia đều chủ trương từ mình đến người, từ gần đến xa, cho nên lấy cách vật, trí tri thành ý, chính tâm làm cơ sở cho tu tề trị bình, đồng thời lấy “tu thân” làm cái căn bản để nối đến tám điều mục trước sau; dùng nó hình thành cả hệ thống triết học chính trị luân lí phong kiến. Lúc sinh tiền Khổng Tử chưa hề nói cụ thể “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” song tư tưởng tu tề trị bình của Nho gia thực đã bắt nguồn từ Khổng Tử. Khổng Tử chủ trương “khắc kỉ phục lễ” (Luận ngữ, Nhan Uyên, “hành kỉ hữu sỉ (Tử Lộ), "chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ” (Thuật nhi) thì đều yêu cầu người ta chú ý “tu thân”. Lại nêu ra “nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, hiếu đễ kì vi nhân chi bản” (Học nhi) đều yêu cầu phải “tề gia”. Lại nói: "Đạo thiên thặng chi quốc, kính sự nhi tín, tiết dụng nhi ái nhân, sử dân dĩ thời” (Học nhi). Đó đều là nói về “trị quốc”. Còn đề ra bác thi ư dân nhi năng tế chúng” (Ung dã), "tu kỉ dĩ an bách tính" (Hiến vấn). Đó chính là tư tưởng “bình thiên hạ.

3. Thứ nhân. Từ gọi chung những người sản xuất nông nghiệp từ thời Tây Chu về sau. Có thuyết nói “thứ dân thời Tây Chu, bao gồm dân tự do lớp trên, nông nô lớp giữa và nô lệ lớp dưới” (Phạm Văn Lan Trung Quốc thông sử). Thứ nhân thời Xuân Thu được bàn luận việc nước, “Thiên hạ hữu đạo, tắc thứ nhân bất nghị “(Luận ngữ. Quý thị). Địa vị của họ thấp hơn sĩ nhưng ở trên công thương tạo lệ. Từ Tần Hán về sau chỉ chung những người bình dân không có tước vị. Trong Luận ngữ nói đến “thứ nhân” thường dùng chữ “dân” xuất hiện 50 lần, như “Sử dân dĩ thời" (Học nhi), “Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ” (Vi chính). Còn trong Khổng Tử gia ngữ. Ngũ nghi giải, dẫn lời Khổng Tử ví mối quan hệ giữa vua với thứ nhân như thuyền với nước, e rằng là do người sau thêm vào.

CHƯƠNG III

Kỳ bản loạn nhi mạt trị giả, phủ hỹ; kỳ sở hậu giả bạc, nhi kỳ sở bạc giả hậu, vị chi hữu giã.

Cái gốc rối loạn mà cái ngọn được gọn gàng ngay ngắn, là điều không thể có được; Coi nhẹ cái căn bản đáng phải trọng thị và coi nặng cái chi tiết vốn là thứ yếu, [thánh nhân xưa] chưa từng có như vậy bao giờ.

Khang cáo viết: khắc minh đức

Thiên “Khang cáo” nói: “Có thể làm sáng tỏ đức” (Khang Cáo là một thiên trong Chu thư)

Thái giáp viết: cô thị thiên chi minh mệnh.

Thiên Thái Giáp "Suy nghĩ thẩm sát đức sáng mà trời đã phú cho". (Thái giáp là một thiên trong Thượng thư).

Đế-Điển viết: khắc minh tuấn đức.

Thiên Nghiên điển (trong Ngu thư) nói: "Có thể làm sáng tỏ đạo đức cao thượng”.

Giai tự minh dã.

Đó đều là nói rằng đạo đức phải sáng tỏ từ nơi bản thân mình.

Thang chi bàn minh viết: Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân.

Lời Bàn minh của vua Thang nói rằng: Gột rửa cáu bẩn, trở thành con người mới, ngày ngày đổi mới, lại càng phải mới nữa.

Khang cáo viết: tác tân dân.

Thiên Khang cáo (Chu thư) nói: Phải cải tạo những di dân [của Ân Thương] trở thành những người dân mới [của triều Chu].

Thi viết: Chu tuy cựu bang, kỳ mệnh duy tân.

Kinh Thi nói rằng: " Chu tuy là nước cũ [từ triều Ân] nhưng đã chịu mệnh Trời, mệnh ấy là mới".

(Thi. Đại nhã. Văn Vương, chương I)

Thị cố quân tử vô sở bất dụng kỳ cực

Bởi thế người quân tử [đối vôi mọi việc trên] chẳng có việc gì là không dụng tâm dụng lực đến triệt để (mọi việc đều mang hết sức lực của mình).

Thi vân: bang kỳ thiên lý, duy dân sở chỉ.

Kinh Thi nói rằng: “Kinh kì [nhà Thương] rộng ngàn dặm, là chỗ dân chúng ở”.

(Thi. Thương tụng. Huyền điểu, chương 1 câu 15-16).

Thi vân: “miên man hoàng điểu, chỉ ư khưu ngu". Tử viết: ư chỉ, tri kỳ sở chỉ, khả dĩ nhân nhi bất như điểu hồ;

Kinh Thi nói rằng: “Chim hoàng li hót líu lo, đậu ở một góc gò”. (Thi. Tiểu nhã. Miên man, chương 2, câu 1-2). Khổng Tử nói rằng: Con chim kia đậu, còn biết chọn chỗ mà đậu, há lẽ người ta lại không bằng con chim sao!

Chú giải

1. Khang cáo. Một thiên trong Thư Chu thư là bài văn của Chu Công khuyên răn Khang Thúc lúc phân phong cho ông. Khang Thúc là thuỷ tổ nước Vệ thời Chu, họ Cơ, tên là Phong là em trai Chu Võ Vương. Lần đầu phong ở đất Khang (Tây Bắc huyện Vũ, tỉnh Hà Nam ngày nay) nên gọi là Khang Thúc. Sau khi Chu Công dẹp yên được Vũ Canh và tam giám nổi loạn, bèn đem bảy tộc dân Ân và vùng xung quanh cố đô nhà Thương phong cho Khang Thúc, kiến đô ở Triều Ca (huyện Kì, tỉnh Hà Nam ngày nay) gọi là nước Vệ. Thành Vương còn lệnh cho ông làm Tư Khấu nhà Chu.

2. Thái Giáp. Văn tự giáp cốt Ân Khư viết là . Vua nhà Thương, tên là Chí. Là cháu đích tôn của vua Thang, là con của Thái Đinh. Thái Giáp là miếu hiệu của ông. Sau khi nối ngôi Trọng Nhâm, vì không tuân theo phép của vua Thang, không lo quốc chính, bạo ngược với trăm họ, bị Y Doãn đày ra Đồng Cung (ở Yển Sư, Hà Nam ngày nay). Y Doãn nhiếp chính ba năm, Thái Giáp hối lỗi sửa chữa, lại được đón về phục vị. Có một thuyết nói rằng Y Doãn đày Thái Giáp, tự lập làm vương, bảy năm sau, Thái Giáp trốn ra được, giết được Y Doãn tự mình phục vị (Trúc thu kỉ niên cổ bản) Sau khi phục vị, nối nghiệp vua Thang, khiến “chư hầu quy Ân, bách tính dĩ ninh” (Chư hầu theo về nhà Ân, trăm họ được yên ổn) ở ngôi 12 năm. Sau khi chết được tôn làm Thái Tông. Sách Thuyết Uyển, thiên Kính thận chép Khổng Tử dẫn lời Thái Giáp “Thiên tái nghiệt do khả vi, tự tác nghiệt, bất khả hoạn” (Trời làm tai nghiệt, còn tránh được, tự mình gây tai nghiệt, thì không thể trốn được).

3. Đế điển, tức Nghiêu điển, một thiên trong sách Thượng thư. Học giả cận đại cho rằng do sử quan đời Chu viết ra căn cứ vào truyền thuyết, sau đó lại được người thời Xuân Thu Chiến quốc thêm thắt tư tưởng Nho gia vào mà thành. Ghi chép sự tích Nghiêu Thuấn thiện nhượng, phản ánh một số tình hình lịch sử Trung Quốc thời kì cuối xã hội nguyên thuỷ. Ngụy Cổ văn Thượng Thư tách nửa sau của thiên này ra và thêm vào 28 chữ, để làm thành Thuấn điển.

4. Bàn minh. Bàn là cái chậu tắm thời cổ. Trên chậu có khắc minh văn để khuyên răn. Về câu này trong thiên Lễ kí. Đại học, Trịnh Huyền chú: “Bàn minh, khắc giới vu bàn dã” (Bàn minh, là khắc lời răn ở chậu tắm).

CHƯƠNG THỨ IV

Tiết thứ 1

Thi vân: mục mục Văn-Vương, ô tập hy kính chỉ; vi nhân quân chỉ ư nhân; vi nhân thần chỉ ư kính; vi nhân tử chỉ ư hiếu; vi nhân phụ chỉ ư từ, dữ quốc nhân giao chỉ ư tín.

Kinh Thi nói: “Vua Văn Vương ân đức sâu xa, ôi Ngài cứ kính cẩn mãi không thôi". Làm vua thì dừng ở đức nhân; làm bề tôi thì dừng ở đức kính, làm con thì dừng ở đức hiếu; làm cha thì dừng ở đức từ; giao thiệp với người trong nước thì dừng ở đức tín.

(Thi. Đại nhã. Văn vương, chương 4, câu 1-2).

Tiết thứ 2

Thi vân: chiêm bỉ Kỳ úc, lục trúc y y, hữu phỉ quân tử, như thiết như tha, như trác như ma, sắt hề giản hề, hích hề, huyền hề, hữu phỉ quân tử, chung bất khả huyên hề, như thiết như tha giả, đạo học dã; như trác như ma giả, tự tu dã; sắt hề, giản hề giả, tuận lật dã; hích hề, huyến hề giả, uy nghi dã; hữu phỉ quân tử, chung bất khả huyên hề giả, đạo thịnh đức chí thiện; dân chi bất năng vong dã.

Dịch nghĩa:

Kinh Thi nói rằng: “Trông kìa trên khúc quanh của sông Kì, tre xanh tốt rườm rà, [Nước Vệ] có người quân tử thanh tao, như cắt như giũa thật chăm chỉ, như dùi như mài thật tinh tế. Trang trọng nghiêm túc, xiết bao uy nghi. Vinh diệu rạng rỡ thay! [Nước Vệ], có người quân tử, mọi người mãi mãi không quên”. Câu “như cắt như giũa" là nói việc học của người quân tử. Câu “như dùi như mài” là nói việc trau dồi phẩm chất. “Trang trọng nghiêm túc" là nói trong lòng người quân tử cung kính sợ sệt; “Vinh diệu rạng rỡ" là nói dáng vẻ người quân tử rất mực uy nghiêm, có người quân tử, mọi người mãi mãi không quên” là nói thịnh đức chí thiện, thì dân chúng không bao giờ quên.

(Thi. Vệ phong. Kì úc, chương 1, câu 1-9).

Tiết thứ 3

Thi vân, ô hô! tiền vương bất vương, quân tử hiền kỳ hiền, nhi thân kỳ thân; tiểu nhân lạc kỳ lạc, nhi lợi kỳ lợi, thử dĩ một thế bất vương dã.

Dịch nghĩa:

Kinh Thi nói: "Hỡi ô! Những bậc vua đời trước, người ta không quên”. Người quân tử ca ngợi các thánh vương đời trước tôn trọng những người hiền, yêu mến người thân của mình; kẻ tiểu nhân [cũng nhờ công đức che thánh vương đời trước] mà được vui hưởng niềm vui, được thụ hưởng điều lợi, vì thế người ta đời đời không quên.

(Thi. Chu tụng. Liệt Văn, câu 13).

CHƯƠNG THỨ V

Tử viết: thính tụng ngô do nhân dã, tất dã, sử vô tụng hồ, vô tình giả bất đắc tận kỳ từ, đại uý dân chí, thử vị tri bản, thử vị tri chi chí dã.

Khổng Tử nói: “Xử kiện thì ta cũng như người khác thôi. Nếu nhất định [phải nói có điều gì khác] thì đó là ta muốn làm sao cho không xảy ra kiện tụng nữa thì hơn”. Khiến cho những kẻ muốn giấu giếm sự thật không được giở hết tài bẻm mép của họ, khiến cho dân chúng trong lòng cảm thấy kính sợ. Như vậy có thể nói là biết được cái gốc”. Như vậy có thể nói là đã biết đến nơi đến chốn!

(Lời Khổng Tử ghi trong Luận ngữ. Nhan Uyên).

 CHƯƠNG THỨ VI

Thành ý chính tâm

Tiết thứ 1

Sở vị thành kỳ ý giả, vô tự khi dã; như ố ác xú, như hiếu hảo sắc, thử chi vị tự khiểm; cố quân tử tất thận kỳ độc dã.

Dịch nghĩa:

Nói rằng làm cho ý niệm mình được chân thành có nghĩa là đừng tự dối mình: giống như ghét mùi thối, giống như ưa sắc đẹp hoàn toàn từ lòng chân thật mà ra; như vậy mới gọi được là thoả mãn tâm ý mình. Bởi thế người quân tử khi chỉ có một mình mình nhất thiết phải hết sức cẩn thận.

Chú giải:

1. Thận độc. Phương pháp tu dưỡng của Nho gia. Chỉ việc khi chỉ có một mình mình, không ai hay biết, vẫn thận trọng giữ cho hành vi của mình phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức. Khổng Tử tuy coi trọng việc tu dưỡng đạo đức cá nhân song chưa hề nêu ra khái niệm này. "Thận độc” xuất hiện sớm nhất ở Đại học, Trung dung. Ở Trung dung có câu: “Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi, cố quân tử thận kì độc dã" (không có gì hiện ra hơn khi ẩn, không có gì dễ thấy hơn cái giấu đi, cho nên quân tử rất thận trọng khi chỉ có một mình). Ở Tuân Tử. Bất cẩu có câu: "Quân tử chí đức, mặc yên nhi dụ, vị thi nhi thân, bất nộ nhi uy. Phù thử thuận mệnh, dĩ thận kì độc giả dã” (cái đức tột vời của người quân tử, mặc nhiên không nói ra người khác cũng biết, không cần phải ra ơn người khác cũng thấy gần gũi, không nổi giận người khác cũng thấy uy nghi; đó là vì biết thuận theo mệnh của Trời đất bốn mùa, mà lại hết sức thận trọng khi chỉ có riêng mình không ai biết).

Nho gia nhấn mạnh trị quốc bình thiên hạ phải bắt đầu từ “tu thân” mà "thận độc" là một trong những phương pháp cơ bản để tu thân. Theo quan điểm Nho gia, người ta ở trong hoàn cảnh chỉ có một mình là dễ quên cho nên không thể “át nhân dục ư tương manh”, “sử kì tư trưởng ư ẩn vi chi trung” (ngăn chặn lòng ham muốn ngay khi sắp nảy sinh, để cho nó cứ lớn dần lên trong nơi thầm kín – Chu Hi, Tứ thư chương cú tập chú) còn "tiểu nhân thì khi ở chỗ kín mỗi lời nói việc làm đều cho rằng không ai nhìn thấy, không ai nghe thấy nên tha hồ làm càn” (Lễ kí. Trịnh Huyền chú). Phương pháp “thận độc” khiến người ta cẩn thận giữ mình. Nó đòi hỏi “thành”, đòi hỏi chân thực không giả dối, đòi hỏi ngôn hành nhất trí, trong ngoài như một. Nho gia cho rằng nếu ở trong hoàn cảnh người khác không biết, chỉ riêng mình biết mà vẫn giữ được chuẩn mực đạo đức, thì mục đích tu thân có thể thực hiện được thuận lợi.

2. Tự khiểm. Khiểm nghĩa là đầy đủ, cũng nghĩa là chân thật. “Tự khiểm trái với “tự khi". Mạnh Tử nói: “Ngưỡng bất quý ư thiên, phủ bất tạc ư nhân" như thế có thể gọi là "tự khiểm" (không hổ thẹn với lương tâm mình).

Tiết thứ 2

Tiểu nhân nhàn cư vi bất thiện, vô sở bất chí, kiến quân tử nhi hậu yểm nhiên; yếm kỳ bất thiện nhi trứ kỳ thiện; nhân chi thị kỷ như kiến kỳ phế can nhiên, tắc hà ích hỹ. Thử vị thành ư trung, hình ư ngoại, cố quân tử tất thận kỳ độc dã.

Dịch nghĩa

Kẻ tiểu nhân ngồi rỗi làm điều xấu xa, không có điều xấu xa nào không làm, khi thấy người quân tử thì lấm lét lẩn tránh, cố che giấu điều xấu xa mà cố trưng bày điều tốt. Nhưng người ta đã như thấy rõ tận gan phổi nó rồi, thì [che đậy như vậy] phỏng có ích gì? Đó gọi là sự thật ở bên trong tất thể hiện ra bên ngoài. Cho nên người quân tử khi chỉ có một mình mình nhất thiết phải hết sức cẩn thận.

Tiết thứ 3

Tăng-tử viết: thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ!

Dịch nghĩa

Tăng Tử nói: “Mười con mắt nhìn vào, mười ngón tay chỉ vào, thật nghiêm khắc biết bao!

Tiết thứ 4

Phú nhuận ốc; đức nhuận thân, tâm quảng, thể bàng. Cố quân tử tất thành kì ý.

Dịch nghĩa:

Của cải thì điểm tô nhà cửa, còn đạo đức thì điểm tô thân mình, lòng dạ rộng rãi, thân thể thảnh thơi thanh thản. Cho nên người quân tử nhất định phải làm cho ý niệm mình được chân thành.

 CHƯƠNG THỨ VII

Tiết thứ nhất

Sở vị tu thân tại chính kỳ tâm giả. Thân hữu sở phân trí tắc bất đắc kỳ chính; hữu sở khủng cụ tắc bất đắc kỳ chính; hữu sở hiếu nhạo tắc bất đắc kỳ chính; hữu sở  tin hoạn tắc bất đắc kỳ chính.

Dịch nghĩa:

Nói rằng sửa mình (tu thân) trước hết chính là làm cho lòng mình ngay thẳng (chính kì tâm). Nếu như mình có điều giận dữ, thì lòng sẽ không ngay thẳng, nếu như có điều sợ hãi, thì lòng sẽ không ngay thẳng; nếu như có điều ham muốn thì lòng sẽ không ngay thẳng; nếu như có điều ưa thích, thì lòng sẽ không ngay thẳng; nếu như có điều lo lắng, thì lòng sẽ không ngay thẳng.

Chú giải:

Phân trí. Giận dữ

Tiết thứ 2

Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị; thử vị tu thân tại chính kỳ tâm.

Dịch nghĩa:

Nếu tâm trí không để vào đó, thì dẫu nhìn mà chẳng thấy, dẫu để tai mà chẳng nghe, dẫu ăn mà chẳng biết mùi vị. Như vậy nên gọi là sửa mình cốt ở chỗ làm cho lòng (cái tâm) mình ngay thẳng.

 CHƯƠNG THỨ VIII

(Tu thân tề gia)

Chương này thích “tu thân tề gia” chia làm 2 tiết:

Tiết thứ 1

Sở vị tề kỳ gia, tại tu kỳ thân giả.

Nhân chi kỳ sở thân ái, nhi tịch yên; chi kỳ sở tiện ố, nhi tịch yên; chi kỳ sở uý kính nhi tịch yên; chi kỳ sở ai căng nhi tịch yên; chỉ kỳ sở ngạo đọa nhi tịch yên; cố hiếu nhi từ kỳ ác; ố nhi tri kỳ mỹ giả, thiên hạ tiển hỹ.

Dịch nghĩa:

Nói rằng muốn sửa sang cho nhà mình được chỉnh tề tốt đẹp (tề gia) trước hết phải sửa mình (tu thân). Chính là vì con người ta đối với những người thân yêu của mình thường có sự thiên lệch, đối với những người mình kính sợ, thường có sự thiên lệch, đối với những người mình thương xót, thường có sự thiên lệch; đối với những người mình coi thường ngạo mạn, cũng thường có sự thiên lệch. Cho nên yêu thích ai mà thấy được chỗ xấu của người ấy, ghét bỏ ai mà thấy được chỗ tốt của người ấy, là điều hiếm có trong thiên hạ vậy.

Chú giải:

Ngạo đọa. Ngạo tức. Đọa tức "bất kính" ngạo đọa là khinh ngạo bất kính.

Cố ngạn hữu chi viết: nhân mạc tri kỳ tử chi ác, mạc tri kỳ miêu chi thạc. Thử vị thần bất tu, bất khả dĩ tề kỳ gia.

Dịch nghĩa:

Cho nên ngạn ngữ có câu rằng: “Người ta không ai biết được cái xấu của con mình, không ai biết được lúa má trong đám ruộng nhà mình là tốt tươi”. Như vậy cho nên không sửa mình (tu thân) thì không thể làm cho nhà mình chỉnh tề tốt đẹp (tề gia).

CHƯƠNG THỨ IX

Tề gia trị quốc

Tiết thứ 1

Sở vị trị quốc tất tiên tề kỳ gia giả.

Kỳ gia bất khả giáo, nhi năng giáo nhân giả, vô chi. Cố quân tử bất xuất gia nhi thành giáo ư quốc.

Dịch nghĩa:

Nói rằng trị lí quốc gia tất trước tiên phải sửa sang gia đình mình cho ngay ngắn tốt đẹp, ấy là bởi vì người nhà mình không giáo dục nổi mà lại có thể giáo dục được người khác, đó là điều không thể có. Bởi thế người quân tử không ra khỏi nhà mà có thể hoàn thành được việc giáo hóa cả nước.

Tiết thứ 2

Hiếu giả, sở dĩ sự quân dã; đễ giả, sở dĩ sự trưởng dã; từ giả, sở dĩ sử chúng dã.

Dịch nghĩa:

Đạo hiếu [đối với cha] cũng chính là để thờ vua, đạo đễ [đối với anh], cũng chính là để thờ bậc trưởng thượng, đạo từ [đối với con] cũng chính là để sai khiến chúng dân vậy.

Tiết thứ 3

Khang cáo viết: như bảo xích tử, tâm thành cầu chi, tuy bất trúng, bất viễn hỹ. Vị hữu học dưỡng tử, nhi hậu giá giả dã.

Dịch nghĩa:

Thiên Khang cáo nói: “[yêu thương chăm lo cho dân chúng] giống như chăm sóc đứa con sơ sinh (con đỏ)". Miễn là thành tâm theo đuổi điều đó, thì dẫu không hoàn toàn đúng như vậy, thì cũng chẳng cách xa bao nhiêu. [Cũng giống như] chưa từng có người con gái nào học cách nuôi con trước rồi sau mới đi lấy chồng vậy.

Tiết thứ 4

Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân; nhất gia nhượng; nhất quốc hưng nhượng; nhất nhân tham lệ, nhất quốc tác loạn, kỳ cơ như thử, thử vị nhất ngôn phấn sự, nhất nhận định quốc.

Dịch nghĩa:

Cả nhà [của bậc quốc trưởng] làm điều nhân, thì cả nước sẽ dấy lên phong khí nhân ái. Cả nhà [của bậc quốc trưởng] đều lễ nhượng, thì cả nước sẽ dấy lên phong khí lễ nhượng. Còn nếu một người [quốc trưởng] tham lam tàn bạo, thì cả nước sẽ làm loạn.

Cái sự lí chính là như vậy. Đó gọi là chỉ một lời nói có thể làm hỏng cả đại sự, chỉ một người có thể an định được quốc gia.

Tiết thứ 5

Nghiêu, Thuấn suất thiên hạ dĩ nhân, nhi dân tòng chi; Kiệt, Trụ suất thiên hạ dĩ bạo, nhi dân tòng chi; kỳ sở lệnh phản kỳ sở hiếu nhi dân bất tòng; thị cố quân tử hữu chư kỷ nhi hậu cầu chư nhân, vô chư kỷ nhi hậu phi chư nhân, sở tàng hồ thân bất thứ nhi năng dụ chư nhân giả, vị chi hữu dã. Cố trị quốc tại tề kỳ gia.

Dịch nghĩa:

Nghiêu, Thuấn lấy nhân ái mà dẫn dắt thiên hạ, nên dân chúng đi theo hai ông. Kiệt, Trụ dùng bạo lực mà cai trị thiên hạ, dân chúng [lúc đầu] cũng đi theo họ. Nhưng mệnh lệnh ban ra ngược lại điều mong muốn của họ nên dân chúng không theo nữa.

Bởi thế người quân tử phải có [đức tốt] ở mình, rồi sau mới đòi hỏi ở người khác; phải không có [khuyết điểm] ở mình rồi sau mới phê phán được người khác. Cứ giữ ở nơi mình mà không suy ra cho người khác, như vậy mà khuyên bảo cho người khác hiểu được, thì đó là điều không thể có. Bởi thế cho nên trị quốc phải bắt đầu từ tề gia.

Tiết thứ 6

Thi vân: "Đào chi yêu yêu, kỳ diệp trăn trăn; chi tử vu qui, nghi kỳ gia nhân". Nghi kỳ gia nhân nhi hậu khả dĩ giáo quốc nhân.

Thi vân: "nghi huynh nghi đệ". Nghi huynh nghi đệ nhi hậu khả dĩ giáo quốc nhân.

Thi vân: “kỳ nghi bất thắc, chính thị tứ quốc”; kỳ vi phụ tử huynh đệ túc pháp nhi hậu dân pháp chi dã. Thử vị trị quốc tại tề kỳ gia.

Dịch nghĩa:

Kinh Thi nói: “Cây đào tơ mơn mởn, lá nó mọc xum xuê, nàng ấy về nhà chồng, ắt hoà thuận đề huề".

Hoà thuận đề huề với mọi người trong nhà, rồi sau mới có thể giáo hoá người trong nước.

(Thi – Chu Nam. Đào yêu, chương 3 câu 1-4).

Kinh Thi nói: “Hoà thuận với anh, hoà thuận với em”. Anh em hoà thuận, rồi sau mới có thể giáo hoá người trong nước.

(Thi, Tiểu nhã. Lục tiêu, chương 3, câu 5)

Kinh Thi nói; “Người ấy uy nghi đúng đắn không sai trái, thì có thể sửa trị đúng đắn các nước khắp bốn phương. Bậc quốc trưởng chỉ có làm cho hành vi của cha con anh em trong nhà mình đủ trở thành mẫu mực, thì sau đó dân chúng sẽ noi theo. Như vậy gọi là trị quốc trước hết ở tề kì gia (sửa sang trong nhà mình cho chỉnh tề tốt đẹp).

(Thi. Tào phong. Thi cưu, chương 3, câu 5-6).

CHƯƠNG THỨ X

Trị quốc bình thiên hạ

(chia làm 16 tiết)

Tiết thứ 1

Sở vị bình thiên hạ tại trị kỳ quốc giả

Thượng lão lão nhi dân hưng hiếu; thượng trưởng trưởng nhi dân hưng đễ; thượng tuất cô nhi dân bất bội; thị dĩ quân tử hữu hiệt củ chí đạo dã.

Dịch nghĩa:

Nói rằng bình trị thiên hạ, trước tiên ở trị lí quốc gia. Là bởi vì nếu nhà vua tôn kính người già, thì dân chúng sẽ dấy lên phong khí hiếu kính; nếu nhà vua trọng người huynh trưởng, thì dân chúng sẽ dấy lên phong khí đễ nhượng; nếu nhà vua thương xót kẻ cô độc thì dân chúng sẽ không rời bỏ. Vì thế người quân tử có cái "đạo hiệt cử" vậy.

(Về "đạo hiệt cử" xin xem tiếp tiết 2)

Tiết thứ 2

Sở ố ư thượng, vô dĩ sử hạ; sở ố ư hạ, vô dĩ sự thượng; sở ố ư tiền, vô dĩ tiên hậu; sở ố ư hậu, vô dĩ tòng tiền; sở ố ư hữu, vô dĩ giao ư tả; sở ố ư tả, vô dĩ giao ư hữu; thử chi vị hiệt củ chi đạo.

Dịch nghĩa:

Điều gì mình chán ghét ở người trên [của mình], thì chớ đem điều đó mà sai khiến người dưới; điều gì mình chán ghét ở người dưới [của mình] thì chớ đem điều đó mà thờ người trên; điều gì mình chán ghét ở người trước mình, thì chớ đem điều đó mà đối xử với người sau mình; điều gì mình chán ghét ở người sau mình thì chớ đem điều đó mà đối xử với người trước mình; điều gì mình chán ghét ở người bên hữu mình, thì chớ đem điều đó mà giao vãng với người bên tả mình; điều gì mình chán ghét ở người bên tả mình, thì chớ đem điều đó mà giao vãng với người bên hữu mình. Như thế gọi là "đạo hiệt cử".

Chú giải:

Hiệt củ chi đạo là tư tưởng đạo đức và phương pháp giáo dục của Nho gia. Hiệt có nghĩa là ràng buộc ước thúc, giữ lấy. Củ là đồ dùng để dựng hình vuông, nghĩa bóng là phép tắc, chuẩn mực. Hiệt củ, tức là giữ gìn và tuân theo các chuẩn mực đạo đức.

Trịnh Huyền thời Đông Hán chú: “Hiệt do kết dã, khiết dã Củ, pháp dã. Quân tử hữu khiết pháp chi đạo, vị thường chấp nhi hành chi, động tắc bất thất chi". (Hiệt có nghĩa như kết, như khiết, nghĩa là giữ lấy, nắm lấy. Củ là phép tắc. Quân tử có đạo nắm giữ lấy phép tắc, nghĩa là thường xuyên nắm lấy mà thực hiện, và khi hành động thì không trái với phép tắc ấy).

Điều ấy cũng có nghĩa là: người quân ta cần giữ sao cho lời nói việc làm của mình hợp với chuẩn mực phép tắc.

Chu Hi thời Nam Tống giải thích có khác: "Hiệt, đạc dã, củ sở dĩ vi phương dã”. Cho rằng hiệt củ là suy từ mình ra để đo người khác, vật khác, khiến cho giữa trên với dưới, mình với người, muôn việc đều phù hợp với chuẩn mực phép tắc.

Tư tưởng này của Nho gia, tìm đến cội nguồn, chính là từ đạo lí của Khổng Tử “Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Luận ngữ. Nhan Uyên) và “Kỉ dục lập nhi lập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân, năng cận thủ thí, khả vị nhân chi phương dã dĩ” (Luận ngữ. Ung dã).

"Hiệt củ chi đạo” cũng chính là đòi hỏi người ta trong xử thế tiếp vật phải dùng phương pháp "năng cận thủ thí" để "dĩ kỷ đạc nhân" (suy ta ra người).

Tiết thứ 3

Thi văn: "Lạc chỉ quân tử, dân chi phụ mẫu"; dân chi sở hiếu, hiếu chi; dân chi sở ố, ố chi, thử chi vị dân chi phụ mẫu.

Dịch nghĩa:

Kinh Thi nói: "Vui thay người quân tử, là cha mẹ của dân". Điều gì dân thích, thì mình thích, điều gì dân ghét, thì mình ghét. Như vậy thì gọi là cha mẹ dân.

(Thi. Tiểu nhã. Nam Sơn hữu đài, chương 2, câu 3-4).

Tiết thứ 4

Thi vân: Tiệt bỉ Nam sơn, duy thạch nham nham; hách hách sư doãn, dân cụ nhĩ chiêm; hữu quốc giả, bất khả dĩ bất thận, tịch tắc vi thiên-hạ lục hỹ.

Dịch nghĩa:

Kinh Thi nói: “Núi Nam cao vòi vọi kia, chỉ có đá trập trùng. Quan Thái sư họ Doãn hiển hách. Dân chúng đều trông ngóng vào ngài”. Người cai trị quốc gia không thể không thận trọng, một khi xa rời chính đạo tất sẽ bị thiên hạ trừng phạt.

(Thi Tiểu nhã. Tiệt Nam sơn, chương 1, câu 1-4).

Tiết thứ 5

Thi vân: "Ân chi vị táng sư, khắc phối Thượng đế, nghi giám vu Ân, tuấn mệnh bất dị”; đạo đắc chúng tắc đắc quốc, thất chúng tắc thất quốc.

Dịch nghĩa:

Kinh Thi nói: “Khi nhà Ân chưa mất dân chúng, thì đạo đức phù hợp với Thượng đế. Nên soi vào [tấm gương diệt vong của] nhà Ân, [để biết rằng giữ được] mệnh Trời là không dễ". Đạo trị nước: được dân chúng thì được nước, mất dân chúng thì mất nước.

(Thi Đại nhã. Văn Vương, chương 6, câu 5-8).

Tiết thứ 6

Thị cố quân tử tiên thận hồ đức; hữu đức thử hữu nhân; hữu nhân thử hữu thổ, hữu thổ thử hữu tài; hữu tài thử hữu dụng.

Dịch nghĩa:

Vì thế người quân tử trước hết cẩn thận về đức, có đức tất thì mới có được nhân dân, có nhân dân mới có được đất đai; có đất đai mới có được của cải; có của cải mới có thể sử dụng.

Tiết thứ 7

Đức giả bản dã, tài giả mạt dã; ngoại bản, nội mạt, tranh dân thi đoạt.

Dịch nghĩa:

Đức là cái gốc, của là cái ngọn. Để cái gốc ra ngoài (coi thường cái đức) để cái ngọn vào trong (coi trọng của cải) thì sẽ phải tranh dân đoạt lợi.

Tiết thứ 8

Thị cố tài tụ tắc dân tán, tài tán tắc dân tụ; thị cố ngôn bội nhi xuất giả diệc bội nhi nhập; hoá bội nhi nhập giả diệc bội nhi xuất.

Dịch nghĩa:

Vì thế [chỉ chăm lo] tích tụ của cải, thì dân chúng sẽ li tán, của cải phân tán [ra cho dân] thì dân chúng sẽ tụ họp. Vì thế nói ra với dân chúng những lời trái lẽ, thì sẽ thu về những sự trái nghịch, thu về những của cải bằng thủ đoạn bội nghịch, thì cũng sẽ bị người ta dùng thủ đoạn bội nghịch mà tước đoạt đi (của vào trái lẽ thì cũng ra một cách trái lẽ).

Tiết thứ 9

Khang Cáo viết: duy mệnh bất vu thường

Đạo thiện tắc đắc chi, bất thiện tắc thất chi hỹ.

Dịch nghĩa:

Thiên Khang cáo nói: “Mệnh trời chẳng phải mãi mãi bất biến”. Đạo Trời là: người thiện thì được mệnh Trời, người bất thiện thì mất mệnh Trời vậy.

Tiết thứ 10

Sở thư viết: Sở quốc vô dĩ vi bảo, duy thiện dĩ vi bảo. Cữu Phạm viết: vong nhân vô dĩ vi bảo, nhân thân dĩ vi bảo.

Dịch nghĩa:

Sở thư nói: “Nước Sở chẳng có cái gì đáng gọi là của quý, chỉ có đức thiện đáng coi là của quý". Cữu Phạm cũng nói: “Người lưu vong không có cái gì đáng gọi là của quý, chỉ có phẩm đức nhân ái hiếu kính đáng coi là của quý mà thôi”.

Chú giải:

1. Sở thư, tức là sách Quốc ngữ nước Sở.

2. Cữu Phạm, Cữu vốn nghĩa là cậu, em mẹ. Về sau cũng dùng để gọi anh em của vợ. Thiên tử gọi chư hầu khác họ bằng "cữu". Vua chư hầu cũng gọi quan đại phu khác họ bằng "cữu".

Nước Tấn có đại phu Cữu Phạm, là cậu của Tấn Văn Công Trùng Nhĩ, chính tên là Hồ Yển

3. Nhân thân nghĩa là lấy lòng nhân thờ cha mẹ.

Tiết thứ 11

Tần-thệ viết: Nhược hữu nhất cá thần, đoán đoán hề vô tha kỹ, kỳ tâm hưu hưu yên, kỳ như hữu dung yên, nhân chi hữu kỹ, nhược kỷ hữu chí, nhân chí ngạn thánh, kỳ tâm hiếu chi, bất sỉ nhược tự kỳ khẩu xuất, thực năng dung chi, dĩ năng bảo ngã tử tôn lê dân, thượng diệc hữu lợi tai!

Dịch nghĩa:

Thiên Tần thệ nói: Nếu như có được một đại thần thật thà thành khẩn, chẳng hề có tài năng gì khác, chỉ có tấm lòng khoan hòa, như có một lượng chứa lớn, thì tài năng của người khác, khác nào như đại thần ấy có tài năng; đức tốt của người khác đại thần ấy thật lòng ưa thích, chẳng những là tự miệng nói ra, mà thực sự có thể dung nạp, nên có thể che chở cho con cháu và trăm họ của ta, mà còn có lợi cho cả đất nước!

Nhân chi hữu kỹ, mạo tật dĩ ố chi: nhân chi ngạn thánh nhi vi chi, tỷ bất thông, thực bất năng dung, dĩ bất năng bảo ngã tử tôn lê dân, diệc viết đãi tai.

Dịch nghĩa:

[Còn nếu] người khác có tài, đem lòng ghen ghét đố kị, người khác có đức tốt, thì chèn ép không để cho tiếp cận với nhà vua. Người như vậy thì không thể dung nạp ai, bởi thế người ấy chẳng thể chở che cho con cháu trăm họ của ta, mà còn nguy hại cho cả đất nước.

Chú giải:

1. Tần thệ. Tên một thiên trong sách Thượng Thư.

Lời tựa Thượng Thư nói: “Tần Mục Công phạt Trịnh, Tấn Tương Công soái sư bại chư Hào, hoàn quy tác Tần thệ” (Tần Mục Công đánh Trịnh, Tấn Tương Công đem quân đánh bại Tần ở đất Hào, trở về làm ra bài Tần thệ). Đây là một thiên tư liệu Tần từ khá sớm còn lưu truyền lại.

Duy nhân nhân phóng lưu chi, bình chư tứ di, bất dữ đồng trung quốc; thử vị duy nhân nhân vi năng ái nhân, năng ố nhân.

Dịch nghĩa:

Người nhân phải đem hạng người đố kị ấy mà đày đi xa, đuổi chúng đến tứ di, không cho chúng được cùng ở đất Trung Nguyên. Đó chính là “chỉ có người nhân mới có thể biết yêu người, mới có thể biết ghét người”.

Chú giải:

1. “Duy nhân nhân vi năng ái nhân năng ố nhân” là nhắc lại lời Khổng Tử. “Duy nhân giả năng hiếu nhân, năng ố nhân” (Luận ngữ, Tử Hãn).

Tiết thứ 12

Kiến hiền nhi bất năng cử, cử nhi bất năng tiên, mạn giã. Kiến bất thiện nhi bất năng thoái; thoái nhi bất năng viễn, quá dã. Hiếu nhân chi sở ố, ố nhân chi sở hiếu, thị vị phất nhân chi tính, tai tất đãi phù thân.

Dịch nghĩa:

Thấy người hiền mà không chịu tiến cử, tiến cử mà không chịu đưa tên trước lên trên mình, như thế là khinh mạn. Thấy người xấu mà không chịu triệt thoái, triệt thoái mà không chịu xa lánh, như thế là sai trái. Ưa thích điều mà mọi người ghét, ghét bỏ điều mà mọi người ưa thích, như thế gọi là làm trái ngược với bản tính con người, tai nạn chắc chắn sẽ giáng vào thân.

Tiết thứ 13

Thị cố quân tử hữu đại đạo, tất trung tín dĩ đắc chi kiêu thái dĩ thất chi.

Sinh tài hữu đại đạo: sinh chi giả chúng, thực chi giả quả, vi chi giả tật, dụng chi giả thư, tắc tài hằng túc hỹ.

Dịch nghĩa:

Vì thế người quân tử có đạo lớn, ắt phải có được bằng lòng trung tín, và sẽ mất đạo ấy bởi lòng kiêu ngạo và thói xa hoa.

Tích tụ được của cải có một đạo lí lớn: người làm ra của cải thì đông, người hưởng thụ của em thì ít, làm ra của cải thì chóng mà tiêu dùng của cải thì chậm. Như vậy thì của cải luôn luôn dồi dào sung túc.

Chú giải:

1. Kiêu thái. Kiêu ngạo và xa xỉ.

Tiết thứ 14

Nhân giả dĩ tài phát thân, bất nhân giả dĩ thân phát tài. Vị hữu thượng hiếu nhân nhi hạ bất hiếu nghĩa giả dã: vị hữu hiếu nghĩa kỳ sự bất chung giả dã: vị hữu phủ khố, tài phi kỳ tài giả dã.

Dịch nghĩa:

Người nhân thì dùng của để phát huy thân mình; kẻ bất nhân thì đem thân mình để phát triển của cải. Chưa từng có bao giờ vua ưa thích điều nhân mà dân chúng lại không yêu điều nghĩa; cũng chưa từng có bao giờ dân chúng yêu điều nghĩa mà công việc lại không thành. Cũng chưa từng có bao giờ của cải ở trong kho lẫm lại không phải là của cải của người nhân.

Tiết thứ 15

Mạnh Hiến Tử viết: súc mã thặng bất sát ư kê đồn, phạt băng chi gia bất súc ngưu dương; bách thặng chi gia bất súc tụ liễm chi thần; dữ kỳ hữu tụ liễm chi thần, ninh hữu đạo thần; thử vị quốc bất dĩ lợi vi lợi, dĩ nghĩa vi lợi dã.

Dịch nghĩa:

Mạnh Hiến Tử nói: “Trong nhà có xe có ngựa thì không xét đến [món lợi nhỏ của] việc nuôi gà nuôi lợn, trong nhà đủ sức chứa nước đá [ướp dùng lễ vật] thì không nên nuôi trâu nuôi dê. Hễ đã là quan khanh có đến trăm cỗ xe, thì không nuôi những gia thần quen thói vơ vét. Thà nuôi kẻ gia thần hay ăn trộm của mình còn hơn là nuôi kẻ gia thần thạo việc vơ vét cho mình.

Đó gọi là quốc gia không nên lấy lợi làm lợi mà nên lấy nghĩa làm lợi vậy.

Chú giải

1. Mạnh Hiến Tử, là một đại phu hiền đức của nước Lỗ.

2. Tụ liễm nghĩa là bóc lột của dân chúng mà thu gom vào cho quan.

Tiết thứ 16

Trưởng quốc gia nhi vụ tài dụng giả, tất tự tiểu nhân hỹ; bỉ vi thiện chi. Tiểu nhân chi sử vi quốc gia, tai hại tịnh chí, tuy hữu thiện giả, diệc vô như chi hà hỹ. Thử vị quốc bất dĩ nghĩa vi lợi, dĩ lợi vi lợi dã.

Dịch nghĩa:

Đứng đầu một quốc gia mà chỉ một mực vơ vét của cải ắt là do mưu kế của kẻ tiểu nhân. Nếu nhà vua tán thưởng kẻ tiểu nhân ấy, dùng kẻ tiểu nhân ấy mà cai trị quốc gia, thì thiên tai nhân hoạ ắt sẽ cùng ùa đến. Lúc đó dẫu có người thiện đức cũng chẳng còn làm sao được nữa. Đó gọi là quốc gia không biết lấy nghĩa làm lợi mà chỉ biết lấy lợi làm lợi vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét