Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Hecnani.html

Hecnani.html

Thông tin ebook

Tên truyện : Hecnani

Tác giả : Victor Hugo

Dịch giả : Phùng Văn Tửu

Thể loại : Kịch – Sân khấu

Nhà xuất bản : Sân Khấu

Ngày xuất bản : Quý 2/2006

Số trang : 236

Kích thước : 14.5 x 20.5 cm

Trọng lượng : 240 g

Số quyển / 1 bộ : 1

Hình thức bìa : Bìa mềm

Giá bìa : 31.000 VNĐ

———————————-

Nguồn : http://docsach.dec.vn

Chuyển sang ebook (TVE) : santseiya

Ngày hoàn thành : 28/11/2007

Nơi hoàn thành : Hà Nội

http://www.thuvien-ebook.com

Mục Lục

Lời Nhà Xuất Bản

Lời Giới thiệu

Nhân vật

Hồi 1: Nhà Vua

Lớp 1

Lớp 2

Lớp 3

Lớp 4

Hồi 2: Tướng cướp

Lớp 1

Lớp 2

Lớp 3

Lớp 4

Hồi 3: Ông già

Lớp 1

Lớp 2

Lớp 3

Lớp 4

Lớp 5

Lớp 6

Lớp 7

Hồi 4: Ngôi mộ

Lớp 1

Lớp 2

Lớp 3

Lớp 4

Lớp 5

Hồi 5: Lễ cưới

Lớp 1

Lớp 2

Lớp 3

Lớp 4

Lớp 5

Lớp 6

Lời Nhà Xuất Bản

Tủ sách Kiệt tác Sân khấu thế giới ra mắt bạn đọc là công sức của nhiều thế hệ Sân khấu nối tiếp sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và giới thiệu với bạn đọc Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua, có ảnh hưởng lớn không chỉ về Sân khấu mà có tầm ảnh hưởng đến phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung. Tất nhiên tiếp nhận và giao lưu văn hoá nghệ thuật không diễn ra một chiều mà tác động qua lại.

Bắt đầu từ các tác phẩm cổ đại Hy Lạp, Trung Quốc, Ấn Độ với các tên tuổi hàng đầu về bi kịch và hài kịch như : Exkhin, Ơripít, Xôphốc, Vương Thừa Phủ, Kaliđáx… bộ sách trải rộng qua nhiều thời kỳ rực rỡ của Sân khấu thế giới như thời đại Phục Hưng, Lãng mạn và Hiện đại… giới thiệu những kiệt tác chói sáng có sức sống xuyên qua nhiều thế kỷ của những nhà viết kịch kiệt xuất như Sếchxpia, Sinlơ, Môlie, Coócnây, J.Gớt, Gôgôn, ípxen, Muyxê, Ghenman, B.Brếch, Sêkhốp, Bếckét, Raxin, Jăng Anui, Camuy, Tào Ngu… Nhiều tác phẩm ra đời từ hàng ngàn năm trước nhưng tư tưởng và nghệ thuật vẫn đồng hành với bạn đọc và khán giả hôm nay.

Tác phẩm của ba tác giả Sân khấu Việt Nam: Đào Tấn, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi có mặt trong Tủ sách Kiệt tác Sân khấu thế giới đã đáp ứng đòi hỏi của đông đảo bạn đọc.

Nhà xuất bản Sân khấu cảm ơn Hội đồng tuyển chọn gồm các nhà Sân khấu học tiêu biểu và Công ty Minh Thành – Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hồ Chí Minh đã giúp đỡ tận tình, trách nhiệm cao để Tủ sách kiệt tác kịp thời ra mắt bạn đọc trọn vẹn 100 cuốn trong năm 2006, chào mừng những sự kiện trọng đại của đất nước.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc

Nhà Xuất Bản Sân Khấu

Lời Giới thiệu

Vichto Huygô (1802 – 1885) là cây đại thụ của chủ nghĩa lãng mạn Pháp đã toả bóng gần khắp thế kỷ trước. Tên tuổi của ông gắn liền với những tập thơ nổi tiếng Lá thu, Tiếng hát buổi hoàng hôn, Trừng phạt, Mặc tưởng, Truyền kỳ các thời đại… và với nhiều bộ tiểu thuyết quen thuộc Nhà thờ Đức Bà Pari, Những người khốn khổ, Chín mươi ba… Tuy nhiên, ông còn là nhà soạn kịch và ta không thể nói đến kịch lãng mạn của thế kỷ XIX mà không nhắc đến Huygô.

Sáng tác kịch của Huygô thu gọn vào trong một khoảng thời gian tương đối hẹp: mười vở từ 1827 đến 1843 tức là vào những năm cuối cùng của thời kỳ Trung hưng (1815 – 1830)và kéo dài gần hết thời kỳ Quân chủ tư sản (1830 – 1848) ở pháp: Amy Rôpxa (1827), Crômoen (1827), Hecnani (1830), Mariông Đơlormơ (1831), Nhà vua vui chơi (1832), Luycrex Borgia (8133), Mari Tuydo (1833), Ănggielô (1835), Ruy Blax (1838). Những người Buyêcgravơ (1843).Bốn chục năm sau ông mới lại viết Torcơmadda (1882).Vở thứ mười hai: Những anh em sinh đôi,chưa hoàn thành.

Kịch của Huygô góp phần quan trọng vào sự chiến thắng của kịch lãng mạn trong thời đại bấy giờ, và khá đa dạng. Mỗi vở đi vào những chủ đề, đề tài khác nhau, đưa khán giả đến những xứ sở và thời đại không giống nhau, đồng thời còn khác nhau cả về một số đặc điểm hình thức.

Kịch đã từng có một thời kỳ hoàng kim với chủ nghĩa cổ điển ở Pháp trong thế kỷ XVII, với các bi kịch của các Cornây, Raxin, các hài kịch của Môlie. Kịch cổ điển đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa tiến bộ trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Bước sang thế kỷ XIX, tinh thần thời đại đã hoàn toàn thay đổi, khác rất xa với thế kỷ cổ điển của Lui XIV. Tính chất hài hoà, cân đối với quy tắc ba duy nhất và sự phân chia ranh giới rạch ròi giữa bi kịch và hài kịch không còn phù hợp với những tâm hồn lãng mạn đương muốn thoát ra khỏi cuộc sống tư sản tầm thường ở đó mọi thứ đều như bị trật khớp, họ không thể thích nghi nổi.

Hoàn cảnh mới đòi hỏi một sân khấu mới. Kịch lãng mạn ra đời. Đây không phải chỉ là sự đổi mới về nội dung mà cả về hình thức thể loại, đổi mới từ kịch bản đến việc dàn dựng và diễn xuất ở nhà hát. Một thể loại mới được khẳng định: kịch đram lãng mạn, gắn liền với tên tuổi của Huygô. Crômoen là vở kịch nổi tiếng đầu tiên của ông, rút ra từ Những hồi ký về Cách mạng Anh của Ghidô, với khung cảnh nước Anh năm 1657. Nhân vật chính là Crômoen, lãnh tụ của cách mạng tư sản, lúc này đã đạt đến uy quyền tột đỉnh và đương ôm ấp mộng đế vương. Với năm hồi, gần bẩy ngàn câu thơ, hơn sáu chục nhân vật, chưa kể hàng loạt nhân vật phụ không có tên, nếu đem diễn sẽ kéo dài trên mười tiếng đồng hồ. Crômoen không thích hợp với sân khấu. Tác phẩm này chủ yếu chỉ là nơi để nhà văn tuôn trào ra đầu ngọn bút những suy nghĩ sôi sục ấp ủ trong đầu, những nhiệt tình cuồn cuộn làm căng từng đường gân thớ thịt. Mở đầu vở Crômoen là một bài tựa cũng vượt ra ngoài mọi khuôn khổ, xét về độ dài cũng như về nội dung ý nghĩa của nó. Tựa Crômoen trở thành bản tuyên ngôn của kịch đram, đồng thời cũng được xem như cương lĩnh của chủ nghĩa lãng mạn nói chung. Tựa Crômoen xuất hiện chẳng khác nào cuộc bùng nổ năm 1793 của cao trào Cách mạng Pháp như chính tác giả đã nhận xét.

Trong Tựa Crômoen, tác giả chỉ ra rằng tự nhiên cũng như xã hội không phải chỉ phô bày toàn những cái chân, thiện, mỹ; trái lại, cái xấu tồn tại bên cạnh cái đẹp, cái ác bên cạnh cái thiện, cái xấu xí bên cạnh cái cao nhã, bóng tối bên cạnh ánh sáng. Văn học phải phản ánh toàn vẹn những mặt tương phản ấy trong cuộc sống. Và kịch đram đáp ứng được yêu cầu này, nó phù hợp với tâm trạng chán ghét của các nhà văn tiến bộ trước thực tại xã hội dưới thời quân chủ Buôcbông và quân chủ Lui Philip.Tựa Crômoen đả phá việc phân chia nghệ thuật một cách võ đoán thành các loại hình cao và thấp, không thừa nhận cái ranh giới cứng nhắc giữa bi kịch và hài kịch.

Bi kịch và hài kịch cổ điển phải nhường chỗ cho kịch đram “Kịch đram nhào lẫn cái thô kệch và cái trác việt, cái khủng kiếp và cái hài hước, bi kịch và hài kịch đram… là đặc tính của văn chương hiện nay”.

Đặc điểm quan trọng khác của kịch đram được Huygô nêu lên khá cặn kẽ trong Tựa Crômoen là sự phá bỏ các quy tắc duy nhất về địa điểm và duy nhất về thời gian lâu nay vẫn là kỷ cương trong kịch trường của chủ nghĩa cổ điển. Với Tựa Crômoen, những đặc trưng của kịch đram được hệ thống hoá và được nâng lên thành nguyên tắc.

Một trong những nguyên nhân chính tạo nên sức hấp dẫn của kịch đối với các nhà lãng mạn là nghệ thuật tự do. Mọi thứ dây rợ ràng buộc đôi cánh của ngòi bút và của tâm hồn tác giả đều phải đập phá. Mọi kiểu lồng giam hãm nghệ thuật đều bị bẻ nát dù đó là lồng sơn son thếp vàng. Không có quy tắc trong kịch. Không có cả quy tắc trong thơ.

Câu thơ tự do thay thế cho câu thơ alêc xăngđranh[1] cân đối, nghiêm ngặt. Huygô và các nhà lãng mạn không thích nghi nổi với thời đại tư sản. Tâm hồn khao khát vươn lên trời cao của họ luôn luôn bị vít xuống mảnh đất “trần tục”, nơi đó ngự trị thế lực kim tiền. Họ cảm thấy thân phận của mình như những chim trời bị buộc lông trói cánh trong sân nuôi gà vịt. Họ bị tù túng. Họ khao khát tự do. Những tâm hồn ấy làm sao có thể đi đôi được với “trật tự”, hoà hợp được với quy tắc cổ điển!

Hecnani là vở kịch đầu tiên của Huygô được ra mắt công chúng. Đó là một vở kịch thơ năm hồi. Từ bối cảnh nước Anh trong Crômoen, bây giờ kịch được đưa trở về lục địa, sang nước láng giềng Tây Ban Nha đầu thế kỷ XVI, vào lúc vua Đôn Caclôx trở thành hoàng đế quốc Đức. Huygô sáng tác Hecnani với một tốc độ hiếm có. Vở kịch được hoàn thành trong 28 ngày, từ 29-8 đến 25-9-1829. Các thế lực bảo thủ tìm mọi cách ngăn cản vở kịch trình diễn. Thêm vào đó là cái õng ẹo của nữ diễn viên Macxơ đóng vai Dônha Xon trong những buổi diễn tập. Nhưng tất cả đều vô hiệu. Ngày 25-2-1830, Hecnani ra mắt ở Pari, và “trận Hecnani” thực sự bắt đầu!

Liền trong 45 tối trình diễn vở kịch, Kịch viện Pháp trở thành “bãi chiến trường” giữa hai phe cổ điển và lãng mạn. Có cà chua, trứng thối và có cả những cuộc ẩu đả! Huygô đã thắng: Kịch lãng mạn đã thắng!

Huygô rời Tây Ban Nha trở về với khung cảnh của nước Pháp thế kỷ XVII dưới thời tể tướng Risơliơ trong Mariông Đơlormơ cũng là một vở kịch thơ năm hồi. Vở này mới đầu có nhan đề Một cuộc quyết đấu dưới thời Risơliơ, viết xong từ năm 1829, trước Hecnani, nhưng đã bị kiểm duyệt cấm. Vua Saclơ X rất bực tức với nó và phản đối việc đưa ra trình diễn vì vai trò của nhân vật vua trong vở kịch chẳng đẹp đẽ gì. Phải đợi hai năm sau khi tình hình chính trị đã thay đổi kịch mới được ra mắt công chúng.

Tình trạng cũng gần tương tự như vậy đối với vở Nhà vua vui chơi. Cũng vẫn là kịch thơ năm hồi, cũng vẫn khai thác đề tài trong lịch sử dân tộc, nhưng không phải ông vua Lui XIII âu sầu, lép vế dưới quyền tể tướng Risơli mà là ông vua Frăng xoa I của thế kỷ XVI đẹp trai, vui vẻ, ham chơi, đã từng làm hại cuộc đời bao nhiêu phụ nữ. Ngày 22/11/1832, vở kịch được trình diễn lần đầu. Ngày 23, có lệnh cấm. Buổi diễn thứ hai đã được ấn định vào ngày 24, bị huỷ bỏ. Như vậy buổi diễn đầu tiên cũng là buổi cuối cùng. Số phận của còn long đong hơn cả Marông Đơlormơ . Phải đợi đến nửa thế kỷ sau, khi Huygô đã tám mươi tuổi. Ông mới được xem vở kịch ấy của mình! Vở kịch bị cấm vì lý do “vô đạo đức”, có “nhiều đoạn… làm tổn hại đến phong hoá”. Nhưng thực ra chính là vì hình ảnh vua Frăng xoa I trên sân khấu còn tồi tệ hơn vua Saclơ X trong Mariông Đơlormơ.

Khán giả xúc động vì tình cha con của T’ribulê trong Nhà vua vui chơi lại xúc động vì tình mẹ con trong Luycrex Borgia. Vẫn là không khí của thế kỷ XVI, nhưng nhà văn đã đưa chúng ta rời nước Pháp sang bên Ý cũng như trong vở Ănggiilô. Trước mắt chúng ta bây giờ là các thành phố Vơnidơ, Pherarơ, Pađu. Huygô từng chủ trương kịch phải viết bằng thơ. Trong Tựa Crômoen, ông không tán thành ý kiến cho rằng “những yếu tố ngôn ngữ thơ ca của chúng ta xung khắc với cái tự nhiên và cái thật”, ông phê phán những ai “đã kết luận một cách có lẽ hơi vội vã là kịch phải viết bằng văn xuôi”. Tuy nhiên, Huygô không cứng nhắc. Đa số các vở kịch của ông là kịch thơ. Nhưng Luycrex Borgia Ănggiêlô lại viết bằng văn xuôi.

Mari Tuyđo, vở kịch ra đời cùng một năm với Luycrex Borgia cũng viết bằng văn xuôi. Từ ý, chúng ta lại trở về với nước Anh của thế kỷ XVI. Về mặt kết cấu hình thức, tác giả không chia vở này thành “hồi” mà thành “ngày”. Đây là vở kịch ba “ngày”. Riêng “ngày” thứ ba lại chia nhỏ thành hai “phần”.

Khung cảnh Tây Ban Nha đã xuất hiện trong vở kịch đầu tiên của Huygô ra mắt công chúng, sẽ lại xuất hiện một lần nữa trong Ruy Blax, kịch thơ năm hồi, vở cuối cùng thành công của tác giả. Nhưng ở đây là Tây Ban Nha của Mađrit thế kỷ XVII chứ không phải của Xaragôx thế kỷ XVI. Có thể nói, trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác kịch của Huygô, đây là vở xuất sắc hơn cả.

Các đề tài lịch sử thuộc nhiều nước khác nhau tạo điều kiện cho nghệ thuật dàn cảnh phát huy đến cao độ và màu sắc địa phương có dịp được khai thác triệt để: sông Tami, điện Hoaitơ Hôn, điện Luvrơ, tháp Luân Đôn, hầm mộ Saclơ-manhơ… những tướng cướp, những gái giang hồ, những anh hề, những sủng thần…; rồi các lọ thuốc độc, các dao găm tô-lét to bản… Cũng cần nói ngay rằng Huygô thường chỉ mượn lịch sử làm khung cảnh cho những câu chuyện do ông hư cấu nên chứ không muốn hoàn toàn lệ thuộc vào lịch sử. Tất nhiên trong vở kịch nào của ông cũng có một vài nhân vật có thật, nhưng lồng vào đó là cả một thế giới sáng tạo của nghệ thuật. Đúng như tác giả đã viết trong Tựa Crômoen; “Tất cả những gì tồn tại trong thế giới, trong lịch sử, trong cuộc sống, trong con người, tất cả đều cần phải và có thể phản ánh vào sân khấu, nhưng dưới chiếc đũa thần của nghệ thuật”.

 

*

* *

Trong kịch của Huygô, chúng ta thường bắt gặp kiểu nhân vật nổi loạn. Tiêu biểu cho kiểu nhân vật này chắc chắn là Hecnani. Lần đầu tiên một nhà soạn kịch Pháp đã táo bạo đưa lên sân khấu nhân vật tướng cướp, mà lại là nhân vật chính. Một con người sống ngoài vòng pháp luật, cùng đồng đảng tung hoành khắp xứ, bị triều đình truy lùng mọi nơi. Nhưng đây không phải “tướng cướp” hiểu theo nghĩa thông thường, mà là kẻ “nổi loạn chính trị” có mối thù không đội trời chung với vua Tây Ban Nha.

Con người “nổi loạn” ấy có những phẩm chất tốt đẹp, ý chí căm thù sâu sắc, tinh thần kiên cường bất khuất trong đấu tranh, tâm hồn cao thượng trong tình yêu… Trong khi đó đối thủ của chàng – Đôn Caclôx – là một con người bỉ ổi, dùng đủ mọi lời đường mật trơ trẽn để quyến rũ phụ nữ và không ngần ngại có cả những hành động vũ phu. Đôn Caclôx không chỉ xuất hiện như một cá nhân mà gắn với hệ thống xã hội đầy bất công. Hành động trả thù của Hecnani do đó có ý nghĩa xã hội rộng lớn hơn.

Nhân vật ” nổi loạn” không nhất thiết cứ phải là con người sống ngoài vòng pháp luật. Trong kịch Huygô, xét về địa vị xã hội, còn gì xa cách nhau, trái ngược nhau bằng một quan tể tướng triều đình và một tướng cướp rừng xanh. Nhưng Ruy Blax lại có nét hết sức gần gũi với Hecnani. Hecnani kình địch với triều đình từ bên ngoài. Ruy Blax đối chọi với triều đình từ bên trong. Đó cũng là một nhân vật “nổi loạn”. Bên trong bộ quần áo tể tướng là tâm hồn của một người bình dân – anh đầy tớ Tuy Blax. Đẹp biết bao hình ảnh của tể tướng Ruy Blax đứng thẳng người trong cuộc họp của Hội đồng tư vấn trước mặt bọn quan lại tham nhũng im lặng gục đầu nghe chàng quở mắng! Khác với Hecnani, ở đây, Ruy Blax không “nổi loạn” vì một mối thù cá nhân nào. Chàng chống lại cả một trật tự xã hội.

Có thể nói trong hầu hết các vở kịch của Huygô, hành động bao giờ cũng được xây dựng trên bối cảnh triều đình thối nát, dù đó là chế độ quân chủ Tây Ban Nha giai đoạn đương lên (Hecnani) hay trong buổi suy tàn (Ruy Blax), là ông vua hiếu sắc gây tai hoạ cho mọi gia đình (Nhà vua vui chơi) hay mối quan hệ tội lỗi giữa nữ hoàng Tây Ban Nha với gã sủng thần người ý (Mari Tuyđo).

Tất cả những cái đó tạo nên nội dung xã hội – chính trị tiến bộ trong kịch Huygô phản ánh tâm trạng chống đối của nhà văn đối với các chế độ Trung hưng và Quân chủ tư sản. Trong hàng ngũ các nhà văn lãng mạn, Huygô là người có ý thức rõ rệt nhất về sứ mệnh cao cả của nghệ thuật và của nghệ sĩ. Chính trong bối cảnh lịch sử ấy mà ta có thể nói đến lý tưởng dân chủ trong kịch của Huygô, tuy còn mờ nhạt.

Lý tưởng dân chủ ấy thiếu một cơ sở tư tưởng thật vững chãi. Nhà văn chưa nhìn thấy sự thắng lợi tất yếu của các lực lượng dân chủ trong một tương lai không xa, hơn nữa lại bị chi phối phần nào bởi tư tưởng điều hoà giai cấp và khuynh hướng. Do đó, nhân vật “nổi loạn” thường dừng lại giữa đường khi chưa hoàn thành sự nghiệp (Hecnani) hoặc đi đến kết thúc bi thảm (Ruy Blax, T’ribulê…). Nhà văn chủ trương con đường hoà giải mâu thuẫn thay thế cho biện pháp đấu tranh cách mạng quyết liệt để tiêu diệt cái ác. Muốn thế, mỗi bên phải biết dẹp hằn thù, mở rộng lòng khoan dung, nén bớt dục vọng. Đó là mặt hạn chế của Huygô. Quyết định của Đôn Caclôx khoan dung độ lượng với tất cả mọi người trong Hecnani không khỏi làm cho ta ngạc nhiên. Còn Crômoen trong vở kịch cùng tên đã tự chủ được mình, tuyên bố từ chối vương miện là cái đích ông tha thiết bấy lâu, làm cho cả những kẻ mưu hại ông cũng phải thán phục!

Dưới ngòi bút của Huygô, số phận bi đát thường đến với các nhân vật nào thiếu lòng khoan dung mà chỉ theo đuổi mộng trả thù.

Còn nhân vật “nổi loạn” của Huygô thì đồng thời cũng không vượt được ra ngoài quỹ đạo của nhân vật nổi loạn lãng mạn. Sự phản kháng mang màu sắc chính trị dù quyết liệt đến đâu cũng đều được đan vào những tình huống không thật, sản phẩm của trí tưởng tượng bay bổng nhất. Vua và tướng cướp cùng yêu một người con gái và người con gái dòng dõi quý tộc ấy trao trái tim mình cho tướng cướp chứ không cho vua; gã đầy tớ Ruy Blax thầm yêu hoàng hậu Tây Ban Nha; anh hề T’ribulê thân hình dị dạng là cha đẻ của một thiếu nữ xinh đẹp biết rõ vua là hạng Sở Khanh mà vẫn cứ yêu vua… Mặt khác, sự nổi loạn lại mang nặng sắc thái cá nhân. Đó là những cá nhân nổi loạn. Một cá nhân đơn độc chống lại cả xã hội tàn ác thì không thể thắng lợi được dù cho cá nhân đó kiên cường như Hecnani hay quyền thế như tể tướng Ruy Blax.

Dẫu sao thì những nhân vật “nổi loạn” trong kịch của Huygô vẫn để lại trong lòng mọi người mối thiện cảm tốt đẹp. Huygô là nhà văn của chủ nghĩa nhân đạo. Tinh thần đó cũng là một nội dung lớn trong kịch của ông. Các nhân vật được Huygô xây dựng với ngòi bút ưu ái, trong đó có nhiều nhân vật chính, đều là những con người dưới đáy xã hội; Ruy Blax, Mariông, Điđiê, T’ribulê, Ginbe, Jan… cả Hecnani nguyên dòng dõi cao sang nhưng bị đẩy sang hàng ngũ dân chúng. Nhà văn sử dụng phương pháp tương phản quen thuộc để làm nổi bật những phẩm chất của họ; tướng cướp đặt bên cạnh vua Tây Ban Nha, anh hề đặt bên cạnh vua Pháp. Ruy Blax bên cạnh hầu tước Đôn Xaluyxi, Jan bên cạnh nữ hoàng Mari Tuyđo.

Đối với những con người ấy, Huygô không chỉ biểu lộ một tấm lòng yêu thương vô hạn mà còn nhìn thấy được phần nào sức mạnh của họ. Hình ảnh “Nhân dân – Đại dương” đã từng làm cho vua Tây Ban Nha phải kinh hoàng lo lắng. Song, xem kịch của ông, ta thấy hình ảnh nhân dân không vượt ra khỏi giới hạn một người đầy tớ, một gái giang hồ, một anh hề, một thanh niên không biết cha mẹ là ai, một người bị đày đoạ đến mức phải đi làm giặc… Huygô quan niệm nhân dân ít nhiều còn trừu tượng và nhìn con người dưới góc độ nhân tính chung chung. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho các nhân vật của Huygô có phần nào đơn điệu, tâm lý không phong phú, tuy ta cũng không nên khuyếch đại quá đáng nhược điểm này đến mức cho rằng các nhân vật chính trong kịch Huygô chỉ lặp đi lặp lại một kiểu và tâm lý nghèo nàn, đơn giản một cách sơ đẳng như có người nghĩ…

Về nghệ thuật dắt dẫn hành động kịch, có ý kiến cho rằng bên những ưu điểm, Huygô có nhược điểm là thường xen vào những lớp phụ hoặc những màn độc thoại, để riêng ra thì rất hay, nhưng nhiều khi không thật cần thiết lắm đối với hành động kịch nói chung. Diễn biến của một số nhân vật đôi lúc cũng hơi đột ngột, không thật hợp lôgich.

Một nhược điểm khác dễ thấy hơn của kịch Huygô là việc sử dụng khá phổ biến một số biện pháp quen thuộc của nhạc kịch cổ điển nhằm tác động đến thị hiếu dễ dãi của một tầng lớp khán giả nào đấy. Đó là sự xuất hiện trên sân khấu những nhân vật đeo mặt nạ hoặc cải trang khiến mọi người hồi hộp: Đôn Caclôx đeo mặt nạ, Đôn Ruy Gômê mặc áo Đôminô đen (Hecnani) Xavecny cải trang thành sĩ quan, Điđiê và Mariông cải trang thành diễn viên (Mariông Đơlormơ) Ruy Blax, khoác áo tể tướng, Đôn Xaluyxt mặc hiệu phục đầy tớ (Ruy Blax) kẻ tử thù mình trùm vải đen (Mari Tuyđo)… Đó còn là những lọ thuốc độc, những con dao găm, những tiếng tù và, những hầm mộ, những chỗ ẩn nấp bí mật, những mảnh đăng ten rớm máu, những ám hiệu…

Kịch lãng mạn của Huygô, với tất cả ưu điểm và nhược điểm của nó, ghi một cái mốc quan trọng trong lịch sử nghệ thuật sân khấu ở phương Tây.

Cũng cần nói thêm, Huygô cùng với Đuyma(1) được đánh giá là hai nhà soạn kịch kiêm dàn cảnh hiện đại đầu tiên(2). Đối với Huygô, những yêu cầu về dàn cảnh không để tách riêng ra mà được đưa ngay vào trong kịch bản.


Ở đầu mỗi hồi kịch, nhà văn đều miêu tả thật tỉ mỉ cách bài trí sân khấu. ở đầu mỗi lớp, đối với các nhân vật quan trọng, nhà văn nói rõ cách trang phục. Chúng ta còn thấy trải ra trong kịch bản, suốt từ đầu đến cuối, hầu như từng trang, từng đoạn, những ý kiến hướng dẫn cho diễn viên đóng vai của mình. Ở lề bản thảo các vở kịch, Huygô lại thường vẽ phác các dự án bài trí cho sân khấu.

Tập sách này giới thiệu với bạn đọc hai vở kịch chọn lọc của Huygô: Hecnani, Ruy Blax.

Phùng Văn Tửu

Nhân vật

Hecnani
Đôn Caclôx
Đônha Xon Đơ Xinva
Đônha Xon Đơ Xinva
Vua Bôhêm
Quận Công Đơ Bavie
Quận Công Đơ Gôta
Quận Công Đơ Luytdenbua
Nam Tước Đơ Hôhenbua
Đôn Xăngsô
Đôn Matiax
Đôn Bicacđô
Đôn Gacxi Xuyarê

Đôn Frăngxixgô
Đôn Joăng Đơ Harêo
Đôn Gin Telê Girông
JaKê
Đônha JôDêpha Duyactơ
Người mưu sự thứ nhất, thứ hai, thứ ba
Một tráng sĩ Lục Lâm
Một Bà phu Nhân
Những người mưu sự  (Thuộc Đảng liên minh chí thánh, gồm người Đức và người Tây Ban Nha).
Những tráng sĩ Lục Lâm
Những nhà Quý phái
Lính tráng
Tiểu đồng
Nhân dân v.v…

Hồi 1: Nhà Vua

Lớp 1

XARAGÔX

Một phòng ngủ. Ban đêm. Một ngọn đèn trên bàn.

ĐUYACTƠ: (U già mặc đồ đen, váy đính hạt huyền, theo kiểu thời hoàng hậu Idaben) – Tín nữ, Đôn Caclôx

ĐÔNHA JÔDÊPHA: (Một mình, U khép những chiếc rèm đỏ thắm ở cửa sổ và sắp xếp lại mấy chiếc ghế bành. Có tiếng gõ ở chiếc cửa nhỏ bí mật bên phải. U nghe ngóng. Tiếng gõ thứ hai) – Anh chàng đã đến đấy chăng?
(Có tiếng gõ nữa.)

- Đúng là ở cầu thang bí mật.
(Tiếng gõ thứ tư)
 - Mau ra mở cửa mới được.
(U mở cái cửa nguỵ trang. Đôn Caclôx vào, áo khoác che kín đến mũi và mũ kéo sụp xuống mắt).
 - Xin kính chào tráng sĩ đẹp trai.
(U đưa khách vào. Khách mở áo khoác ra và để lộ bên trong một bộ quần áo bằng nhung lụa rất sang trọng, theo kiểu trang phục xứ Caxti năm 1519. U nhìn khách sát tận mặt rất kinh ngạc lùi lại).
- Ơ kìa, ngoài Hecnani, không phải ngài ư! Cứu tôi với Cháy, cháy!

ĐÔN CACLÔX: (Nắm lấy cánh tay u) – Kêu thêm hai tiếng nữa là mụ, mụ sẽ chết đó!
(Đôn Caclôx nhìn u chằm chằm. U sợ hãi, im bặt).
Đây là nhà nàng Đônha Xon, vợ chưa cưới của ông quận công già đơ paxtơranha, chú của nàng, một lão quý phái hiền lành, lụ khụ, đáng kinh và cả ghen phải không? Nói đi! Cô nàng yêu thương một gã kỵ sĩ râu ria chưa có, tối nào cũng bất chấp những kẻ ghen tị, tiếp anh chàng nhân tình trẻ tuổi không râu ngay trước chòm râu của lão già. Có đúng thế không?
(U im lặng. Đôn Caclôx lắc cánh tay u)
– Mụ trả lời đi chứ?

ĐÔNHA JÔDÊPHA: – Ngài cấm tôi không được nói hai tiếng kia mà, thưa ngài.

ĐÔN CACLÔX: - Ta cũng chỉ cần một tiếng thôi: phải hoặc không. Cô chủ của mụ đúng là Đônha Xon đơ Xinva chứ? Nói đi!

ĐÔNHA JÔDÊPHA: – Phải. Thế sao?

ĐÔN CACLÔX: - Chẳng sao cả. Lão quận công, ông chồng già chưa cưới của nàng, giờ này đi vắng chứ?

ĐÔNHA JÔDÊPHA: – Phải.

ĐÔN CACLÔX: - Chắc nàng đương đợi anh chàng?

ĐÔNHA JÔDÊPHA: – Phải.

ĐÔN CACLÔX: - Ta chết quách cho xong!

ĐÔNHA JÔDÊPHA: – Phải.

ĐÔN CACLÔX: - Hãy giấu ta trong phòng này. 

ĐÔNHA JÔDÊPHA: – Ngài?

ĐÔN CACLÔX: - Ta.

ĐÔNHA JÔDÊPHA: – Sao thế?

ĐÔN CACLÔX: - Chẳng sao cả.

ĐÔNHA JÔDÊPHA: – Tôi, đem giấu ngài!

ĐÔN CACLÔX: – Tại đây.

ĐÔNHA JÔDÊPHA: – Không đời nào!

ĐÔN CACLÔX: (Rút ở thắt lưng ra một con dao găm và một túi tiền) – Thưa bà, bà vui lòng chọn cho hoặc túi tiền này, hoặc lưỡi dao này.

ĐÔNHA JÔDÊPHA: (Cầm túi tiền) – Vậy ngài là quỷ hay sao?

ĐÔN CACLÔX: - Đúng đấy, mụ ạ!

ĐÔNHA JÔDÊPHA: (Mở cái tủ hẹp lẩn trong tường) – Ngài vào đây.

ĐÔN CACLÔX: (Ngắm nghía cái tủ) – Cái hộp này!

ĐÔNHA JÔDÊPHA: (Đóng tủ lại) – Không ưng thì đi đi cho

ĐÔN CACLÔX: (Lại mở tủ ra) – ưng chứ!
(Lại ngắm nghía cái tủ)
– Hẳn đây là cái chuồng mụ thường tiện tay đựng chiếc cán chổi dùng làm ngựa cưỡi của mụ chứ gì?
(Cố thu mình nép vào trong tủ).
– ối chà chà!

ĐÔNHA JÔDÊPHA: (áy náy chắp tay) – Một anh đàn ông ở đây!

ĐÔN CACLÔX: (Trong tủ còn để mở) – Dễ thường chủ mụ đương đợi một chị đàn bà hay sao?

ĐÔNHA JÔDÊPHA: – Trời ơi! Tôi nghe thấy tiếng chân cô Đônha Xon, Khép tủ lại, nhanh lên, ngài ơi!
(U đẩy cánh cửa tủ khép lại);

ĐÔN CACLÔX:  (Từ trong tủ) – Này mụ, nói hở ra một lời là mụ chết đấy!

ĐÔNHA JÔDÊPHA: (Một mình) – Anh chàng này là thế nào? Giêxu, lạy Chúa tôi, hay tao hô hoán lên? Hô hoán ai? Trong lâu dài, trừ ta và cô chủ, ai nấy đều ngủ cả. Chậc! Anh chàng kia sắp đến. Việc có liên quan tới chàng. Chàng có thanh gươm sắc, cầu Trời tránh cho chúng con khỏi cảnh địa ngục.
(Nhấc túi tiền xem nặng nhẹ).

Xét cho cùng, đây chẳng phải là quân trộm cắp.
(Đônnha Xon vào, mặc quần áo trắng. Đônha Jôdêpha giấu túi tiền).

Lớp 2

ĐÔNHA JÔDÊPHA, ĐÔN CACLÔX (Nấp trong tủ), ĐÔNHA XON, rồi  HECNANI

ĐÔNHA XON: - Jôdêpha!

ĐÔNHA JÔDÊPHA: - Thưa cô?

ĐÔNHA XON: – Ôi! Ta e có điều chẳng lành. Hecnani lẽ ra phải đến đây rồi!
(Tiếng chân bước ở lối cửa nhỏ).
Chàng lên đấy. Ra mở cửa đi, trước khi chàng gõ, mau lên, chóng lên!

(Jôdêpha mở cửa nhỏ. Hecnani vào. áo khoác rộng, mũ rộng vành. Bên trong, bộ quần áo tráng sĩ lục lâm xứ Aragông màu xám, một áo giáp bằng da, một thanh kiếm, một con dao găm và một chiếc tù và ở thắt lưng).

ĐÔNHA XON: (Chạy lại với chàng) – Hecnani!

HECNANI: – Đônha Xôn:! A! Thế là tôi lại được gặp em! Và tiếng nói vừa rồi là tiếng nói của em! Tại sao số phận an bài cuộc sống của chúng ta xa nhau đến thế? Tôi cần có em vô cùng để quên đi những kẻ khác!

ĐÔNHA XON: (Sờ áo của chàng) – Giêxu! áo khoác của anh ướt sũng! Trời mưa to lắm ư?

HECNANI: – Tôi không rõ.

ĐÔNHA XON: – Chắc anh lạnh lắm!

HECNANI: – Có hề gì đâu.

ĐÔNHA XON: – Anh cởi áo khoác này ra vậy.

HECNANI: – Đônha Xon bạn gái của tôi, hãy nói cho tôi nghe, đêm đêm khi em đương ngủ yên lành, ngây thơ và trong trắng, khi giấc ngủ tươi vui làm cho miệng em hé mở và vuốt cho hàng mi em khép lại, có vị thiên thần nào bảo cho em biết em làm ấm lòng một kẻ khốn khổ bị mọi người ruồng bỏ, hắt hủi như thế nào không?

ĐÔNHA XON: – Ngài đến chậm quá đấy, thưa ngài! Nhưng ngài có lạnh không, nói cho em biết đi.

HECNANI: – Tôi ấy à! Đứng gần em, người tôi nóng như lửa đốt! ồ! Khi tình yêu ghen tuông sôi sục trong đầu ta, khi trái tim ta căng lên và chứa đầy dông tố, những bão táp sấm sét của một đám mây trên trời bay qua dội xuống có nghĩa lý gì?

ĐÔNHA XON: (Cởi áo khác cho chàng).- Nào! Đưa áo khoác đây và cả thanh kiếm nữa.

HECNANI: (Đặt tay lên thanh kiếm). – Không. Đây cũng là cô bạn của tôi, thơ ngây và chung thuỷ. Đônha xon ơi, ông quận công già, chồng chưa cưới của em, ông chú của em, vắng nhà ư?

ĐÔNHA XON: – Vâng, giờ này là của chúng ta.

HECNANI: – Giờ này thôi. Sau đó có cần gì? Phải quên đi hoặc phải chết. Em ơi! Một giờ bên em! Một giờ, đúng thế, đối với kẻ muốn cả cuộc đời, và sau đó là vĩnh viễn!

ĐÔNHA XON: – Hecnani!

HECNANI: (Chúa chát) - Quận công vắng nhà, tôi sung sướng thật đấy! Khác nào một tên trộm run rẩy nậy cửa, tôi vội vã lẻn vào, và gặp em, và hưởng lén của lão già một tiếng đồng hồ lời ca giọng hát và vẻ nhìn của em. và tôi sung sướng thật đấy, và chắc thế nào chẳng có kẻ ghen với tôi đã đánh cắp được của lão một tiếng đồng hồ, còn lão chiếm đoạt cuộc đời của tôi!

ĐÔNHA XON: – Bình tĩnh lại đi anh.
(Đưa cái áo khoác cho Jêdêpha)
Jôdêpha đem sấy cái áo cho khô.
(Jôdêpha ra. Nàng ngồi xuống và ra hiệu cho Hecnani lại gần mình).
Lại đây anh!

HECNANI: (Không nghe thấy nàng nói) – Vậy là quận công vắng nhà đấy!

ĐÔNHA XON: (tươi cười) – Trông anh cao lớn quá!

HECNANI: – Lão đi vắng đấy!

ĐÔNHA XON: – Anh yêu quý, chúng mình đừng nghĩ đến quận công nữa.

HECNANI: – ồ! Phải nghĩ đến chứ, thưa cô! Lão già ấy! Lão yêu cô, lão sắp cưới cô! Sao! Chẳng phải hôm nọ lão hôn cô đấy ư? Đừng nghĩ đến sao được!

Đônha xon: (Cười) – A ra anh buồn bực vì thế! Một cái hôn của ông chú! Hôn lên trán! Gần gần như cha hôn con!

HECNANI: – Đâu phải thế. Một cái hôn của tình nhân, của chồng, của kẻ cả ghen. Trời ơi! Cô sẽ là vợ lão, cô ạ! Cô có nghĩ đến điều ấy không? Ôi lão già rồ dại, đầu đã trĩu xuống còn cần đến một người vợ để sống nốt chuỗi ngày tàn, bóng ma giá lạnh mà còn lấy một nàng thiếu nữ! Ôi lão già rồ dại! Khi bàn tay lão gắn lấy bàn tay cô, lão không biết cái chết đang kết lấy bàn tay kia của lão hay sao? Lão lao vào cuộc tình duyên của chúng ta không chút hãi hùng! Lão ơi! Hãy cút đi mà trao kích thước cho người phu đào huyệt!
Ai bày ra chuyện cưới hỏi này? Mong rằng chẳng qua cô bị người ta ép uổng!

ĐÔNHA XON: – Nghe đâu vua muốn thế.

HECNANI: – Vua! Vua! Cha tôi bị cha hắn kết tội phải chết trên đài xử chém; câu chuyện cũ ấy xảy ra lâu lắm rồi, nhưng đối với vong hồn tên vua đã chết, đối với con nó, đối với người vợ goá của nó, đối với tất cả họ hàng nhà nó, mối hận thù của tôi vẫn còn mới nguyên! Nó chết đi rồi, không kể làm gì nữa. Nhưng từ khi còn nhỏ xíu, tôi đã thề sẽ giết con nó để trả thù cho cha tôi. Ta tìm mi ở khắp mọi nơi, hỡi Caclôx, vua của các xứ Caxti! Vì mối hận thù giữa hai dòng họ chúng ta còn dai dẳng lắm. Những người cha đã kình địch với nhau không xót thương, không hối hận. Ba mươi năm trời! Những người cha chết đi cũng vô ích! Mối thù của họ vẫn sống. Đối với họ, chưa có yên nghỉ, vì những người con trai còn sống thì cuộc quyết đấu còn tiếp tục. à! Thế ra chính mi đã muốn có cuộc hôn nhân khả ố này! Càng hay. Ta đương tìm mi, mi lại dẫn xác vào con đường ta đi!

ĐÔNHA XON: – Anh làm em sợ quá.

HECNANI: - Số phận của tôi là bị đời nguyền rủa, rồi tôi cũng đến làm cho bản thân tôi sợ hãi! Em hãy nghe đây. Em còn trẻ, và người đàn ông mà họ gán cho em, Ruy dơ Xinva, ông chú của em, là quận công dơ Paxtơranha, bậc cự phú xứ Aragông, bá tước và đại thần xứ Caxti. Lão không còn trẻ trung gì nữa, nhưng, em ơi, lão có thể đem lại cho em nhiều vàng bạc, châu báu, hoa hột đến nỗi vầng trán em còn rạng rỡ lên giữa các vầng trán vương phi, còn về địa vị, tiếng tăm, danh vọng và của cải, có lẽ nhiều hoàng hậu phải ghen với quận công phu nhân của mình. Lão là người như thế đấy. Còn tôi thì nghèo khổ và từ hồi thơ ấu, tôi cũng chỉ có những khu rừng trong đó chân không tôi chạy trốn. Có lẽ tôi cũng có một tấm gia huy danh giá nào đấy mà giờ đây một lớp máu han gỉ đã vùi trong bóng tối, đang còn bị che lấp dưới những nếp vải đen trên đài xử chém, và nếu một ngày kia tôi thực hiện được điều mong đợi, những quyền lợi ấy có thể sẽ theo lưỡi kiếm từ trong bao này đi ra. Còn bây giờ, tôi chỉ nhận được của ông Trời ghen ghét không khí, ánh sáng và nước lã là những thứ Trời ban cho tất cả thiên hạ. Thế nào, em cũng phải giải thoát hoặc khỏi tay quận công, hoặc khỏi tay tôi. Phải lựa chọn một trong hai đường, cưới lão hoặc theo tôi.

ĐÔNHA XON: – Em sẽ theo anh.

HECNANI: – Giữa đám bạn hữu hung hãn của tôi ư? Những kẻ bị án đầy biệt xứ mà gã đao phủ nắm trước tên tuổi, những kẻ gươm không bao giờ nhụt, lòng không bao giờ sờn, ai cũng nung nấu một mối thù phải trả? Em sẽ đến chỉ huy lũ cướp của tôi như người ta nói ư? Bởi vì em không biết đấy thôi, tôi, tôi là một tay tướng cướp! Tôi bị truy lùng trong khắp các xứ Tây Ban Nha, duy chỉ có mảnh đất Catalônhơ già nua đã cưu mang tôi như tỉnh mẹ trong những cánh rừng, trên những núi cao của mẹ, trong những hốc đá cheo leo, ở đó chỉ có giống chim ưng nhìn thấy. Tôi lớn lên giữa những tráng sĩ lục lâm tự do, nghèo khổ và nghiêm nghị của mẹ, và mai kia khi nghe tiếng tù và này rúc lên trong vùng rừng núi, ba ngàn tráng sĩ sẽ kéo đến… Em rùng mình rồi đấy! Hãy suy nghĩ nữa đi. Theo tôi vào rừng, lên núi, xuống bãi, đến với những người giống như quỷ sứ em thường gặp trong mộng, nghi ngại đủ thứ: mắt nhìn, giọng nói, bước chân, tiếng động, ngủ ngay trên cỏ, ra suối uống nước, và ban đêm khi con thức dậy, em cho con bú, lại nghe tiếng đạn rít vèo vèo bên tai. Lang thang với tôi, biệt xứ, và chưa biết chừng phải theo tôi đến chỗ mà tôi sẽ theo cha tôi: đến đài xử chém.

ĐÔNHA XON: – Em sẽ theo anh.

HECNANI: – Quận công giàu có, quyền thế, thịnh vượng. Quận công, lên tuổi ông cha khi xưa không có vết ố nhỏ. Quận cộng muốn gì được nấy. Quận công dâng trái tim cho em kèm theo của cải, phẩm tước, hạnh phúc…

ĐÔNHA XON: - Chúng ta sẽ đi ngày mai. Hecnani đừng trách em về sự táo tợn kỳ lạ của em. Anh là ác quỷ hay thiên thần của em? Em không biết, nhưng em là kẻ tôi đòi của anh. Hãy nghe em nói. Anh muốn đi đâu cũng được, em sẽ đi theo. Anh ở lại hay anh đi, em vẫn thuộc về anh. Tại sao em làm như vậy? Em đâu có biết. Em cần được trông thấy anh, trông thấy anh luôn, trông thấy anh mãi. Khi nghe bước chân anh mất hút, tim em như ngừng đập, thiếu anh, em như người mất hồn; nhưng khi thoáng nghe tiếng bước chân em trông đợi, em mềm yếu, em lại nhớ ra mình còn sống và cảm thấy như hồn em lại quay trở về!

HECNANI: (ôm ghì lấy nàng). – Em yêu quý!

ĐÔNHA XON: – Đến nửa đêm. Ngày mai. Anh hãy dẫn đồng đội đến. Dưới cửa sổ phòng em. Thế nhé, em sẽ dũng cảm và cứng cỏi. Anh vỗ ba tiếng.

HECNANI: – Thế bây giờ em có biết tôi là ai không? đầy biệt xứ hay không?

ĐÔN CACLÔX: (Mở tung cánh cửa tủ rầm rầm) – Các người định nói chuyện cà kê đến bao giờ mới thôi? Dễ thường các người tưởng ngồi trong cái tủ này thoải mái lắm sao?

(Hecnani lùi lại, kinh ngạc. Đônha Xon thét lên và nép vào cánh tay chàng, đôi mắt hoảng hốt nhìn Đôn Caclôx chằm chằm.)

HECNANI: (Bàn tay đặt lên đốc kiếm) – Người này là thế nào?

ĐÔNHA XON: – Trời ơi! Cứu tôi với!

HECNANI: – Im đi, Đônha Xon. Em làm những con mắt ghen tuông để ý đến bây giờ. Khi có tôi ở bên cạnh thì dù xảy ra …

ĐÔNHA XON: – Cần gì phải biết, thưa ngài? Em theo ngài.

HECNANI:  - Không được, một người phụ nữ yếu ớt như em muốn theo tôi, cần phải biết tên tuổi nào, địa vị nào, tâm hồn nào, số phận nào ẩn giấu trong kẻ mục phu Hecnani. Em đã chấp nhận một tên tướng cướp, nhưng em cũng chấp nhận một kẻ bị …(thiếu) chuyện gì cũng xin em đừng bao giờ cầu cứu bất cứ ai khác ngoài tôi.

(Với Đôn Caclôx)
Ông làm gì ở đó?

ĐÔN CACLÔX: - Tôi ư? Nhưng cứ nhìn thì đủ biết, đâu phải tôi phi ngựa băng rừng đến đây.

HECNANI: – Kẻ nào đã xúc phạm lại chế giễu sẽ khiến cho kẻ thừa kế của hắn vui cười.

ĐÔN CACLÔX: - Ai cũng đến lượt! Này ông ạ, ta hãy nói thẳng. Ông yêu cô nương và đôi mắt huyền của cô nương, tối nào cũng đến soi mắt ông vào đấy, như thế được lắm. Tôi cũng yêu cô nương và muốn biết ai là kẻ đã bao lần tôi thấy trèo qua cửa sổ vào đây trong khi tôi đứng lại ở ngoài cửa ra vào.

HECNANI: – Rồi tôi sẽ cho ông đi ra bằng lối tôi đi vào, thưa ông.

ĐÔN CACLÔX: - Sau sẽ hay. Vậy là tôi cũng đem tình yêu của tôi hiến cô nương. Chúng ta hãy chia nhau. Được không? Tôi thấy trong tâm hồn tốt đẹp của cô nương chứa chan bao tình yêu, bao nhân hậu, bao tình cảm âu yếm, chắc chắn có đủ cho hai anh nhân tình. Thế rồi, tối nay, muốn thực hiện cho xong việc ấy, tôi đột nhập vào được đây, có lẽ vì người ta lầm tưởng tôi là ông, tôi ẩn nấp, tôi lắng tai nghe, chẳng nói giấy gì ông, nhưng tôi nghe rất bập bõm mà ngột ngạt thì rất ghê. Đã thế, chiếc áo vét kiểu Pháp của tôi lại nhàu mất cả. Tôi đành chui ra!

HECNANI: – Lưỡi dao nhọn của tôi cũng đương khó chịu và muốn chui ra vậy!

ĐÔN CACLÔX: (Cúi chào) – Thưa, cái đó tuỳ ông.

HECNANI: (Rút kiếm) – Coi chừng!

(Đôn Caclôx  rút kiếm)

ĐÔNHA XON: (Nhảy vào giữa hai người) – Hecnani! Trời ơi!

ĐÔN CACLÔX: - Cô nương cứ bình tĩnh.

HECNANI:  (Với Đôn Caclôx) – Hãy nói cho biết tên ngươi!

ĐÔN CACLÔX:  – Hừ! Hãy nói tên ngươi đi đã!

HECNANI:  - Ta dành cái điều bí mật và khủng …(thiếu)

 

(Họ dấu kiếm. Đônha Xon run lẩy bẩy khuỵu xuống một chiếc ghế bành. Có nhiều tiếng đập cửa).

ĐÔNHA XON: (Hoảng hốt đứng dậy) – Trời ơi! Có người gõ cửa!

(Hai địch thủ dừng tay, Jôdêpha từ cửa nhỏ hốt hoảng chạy vào).

HECNANI:  (Với Jôdêpha) – Ai gõ cửa thế?

ĐÔNHA JÔDÊPHA: (Với Đônha Xon) – Thưa cô! Thật là bất ngờ! Quận công, ngài đã về!

ĐÔNHA XON: (Hai bàn tay vặn vào nhau) – Quận công! Thôi chết! Khổ tôi chưa!

ĐÔNHA JÔDÊPHA: (Đưa mắt nhìn quanh) – Giêxu! Nào kẻ lạ mặt! Nào dao kiếm! Lại đánh nhau. Rắc rối quá!

(Hai địch thủ lại tra kiếm vào bao.) …(thiếu)

ĐÔN CACLÔX: – Thế kẻ ấy tên là gì?

HECNANI: – Việc gì đến mi? Coi chừng! Đỡ này!

…(thiếu)

Caclôx choàng áo khoác vào và kéo mũ sụp xuống mắt.

(Có tiếng đập cửa).

HECNANI: – Làm thế nào?

(Có tiếng đập cửa).

Tiếng người nói: (Bên ngoài) – Đônha Xon, mở cửa cho ta!

(Đônha Jôdêpha tiến một bước về phía cửa. Hecnani  ngăn u lại).

HECNANI: – Đừng mở.

ĐÔPHA JÔDÊPHA: (Lôi tràng hạt ra) – Cúi lạy thánh Jăc! Xin cứu chúng con ra khỏi cơ sự này!

(Lại có tiếng đập cửa).

HECNANI: (Chỉ cho Đônha Xon cái tủ) – Chúng ta hãy nấp đi.

ĐÔN CACLÔX: - Trong tủ à?

HECNANI: (chỉ cánh cửa tủ) – Ông cứ chui vào đi. Tôi sẽ lo liệu. Cả hai chen vào cũng vừa chán.

ĐÔN CACLÔX: - Xin đa tạ, tủ quá rộng.

HECNANI: (Chỉ cái cửa nhỏ) – Trốn ra lối này vậy.

ĐÔN CACLÔX: – Chào ông. Còn tôi, tôi ở lại đây.

HECNANI: – à! Gớm nhỉ, thưa ông rồi ông sẽ phải trả tôi món nợ này!
(Với Đônha Xon)
Hay anh chặn cửa lại nhé?

ĐÔNHA XON: (Với Jôdêpha.) – Cứ mở cửa ra.

HECNANI: – Hắn bảo sao?

ĐÔN CACLÔX: (Với Jôdêpha đương bàng hoàng) – Ta bảo mụ cứ ra mở kia mà!

(Vẫn có tiếng đập cửa Đônha Jôdêpha run lẩy bẩy ra mở).

ĐÔNHA XON: - Tôi chết mất thôi!

Lớp 3

(Vẫn các nhân vật trên. ĐÔN RUY GÔMÊ ĐỜ XINVA râu tóc bạc phơ, mặc đồ đen. Nhiều gia nhân cầm đuốc.)

ĐÔN RUY GÔMÊ : – Những gã đàn ông trong phòng cháu gái ta vào lúc đêm hôm khuya khoắt thế này! Chúng bay vào cả đây! Cơ sự này phải làm toáng lên mới được. 
(Với Đonha Xon) – Có thánh jăng đơ Avila chứng giám, nếu ta không lầm, chúng tôi có ba người trong phòng nàng! Như thế là thừa hai đấy, nàng ạ.
(Với hai chàng trai trẻ).
Còn hai anh kỵ sĩ trẻ tuổi kia, các anh làm gì ở đây? Tổ tiên chúng ta ngày xưa có Lơ Xít và Becna, những con người khổng lồ ấy của đất nước Tây Ban Nha và của hoàn cầu đã đi khắp các xứ Caxti, tôn kính các bậc già cả và che chở các nàng thiếu nữ. Đó là những con người cường tráng, tay mang gươm giáo mà thấy nhẹ hơn các anh mang đồ nhung lụa. Những con người đó kính trọng các chòm râu điểm bạc, bắt tình yêu của họ quỳ gối trong nhà thờ, không phản bội ai, vì lý do là phải gìn giữ danh dự của gia đình. Nếu muốn có vợ họ cưới hỏi đường hoàng, giữa ban ngày, trước mặt thiên hạ, với thanh gươm, lưỡi búa hoặc ngọn giáo trên tay! Còn những bọn lừa thày phản bạn, đêm đêm hai mắt cúi gằm nhìn xuống gót chân, lén đến sau lưng những ông chồng để đánh cắp danh giá các bà vợ của họ, chỉ biết gửi gắm vào bóng tối những âm mưu đê hèn của chúng, tôi cam đoan rằng Lơ Xít, ông tổ của tất cả chúng ta, chắc sẽ coi chúng là đồ hèn mạt, sẽ bắt chúng phải quỳ gối và dùng bản kiếm vả lên tấm gia huy, làm nhục thanh danh quý tộc lạm dụng của chúng. Những người đời xưa có lẽ phải đối xử với những người đời nay như thế, tôi nghĩ mà phiền lòng. Các anh đến đây làm gì? ! Chẳng hoá ra ta chỉ là một lão già làm trò cười cho bọn thanh niên ư? Họ sẽ cười ta, chiến sĩ Damôra ư? Và mỗi khi ta đi qua, đầu bạc trắng, họ sẽ cười ư? ít ra cũng không phải ngữ các anh có thể cười ta được!


HECNANI: - Thưa quận công…

ĐÔN RUY GÔMÊ : – Im! Sao! Các anh có kiếm, có dao, có giáo, có săn bắn, tiệc tùng, chó săn, chim ưng, có những bài ca để chiều chiều hát dưới các ban công, có lông chim cài trên mũ, áo lụa, có khiêu vũ, đua ngựa, tuổi trẻ hoan lạc. Đồ trẻ con, các anh vẫn thấy chán! Các anh vớ ngay lấy một lão già. Chao ôi! Đồ chơi này, các anh đã nghịch gẫy nát rồi! Nhưng cầu Chúa xui khiến cho những mảnh vỡ bắn tung vào mặt các anh! Hãy đi theo ta!

HECNANI: – Bẩm quận công…

ĐÔN RUY GÔMÊ : – Đi theo ta! Đi theo ta! Các anh tưởng đây là chuyện đùa hay sao? Hừ! Nhà ta có một kho báu. Đó là danh giá của một người con gái, của một người phụ nữ, danh giá của cả một gia đình, người con gái ấy, ta yêu nàng, nàng là cháu gái ta và sắp sửa đổi chiếc nhẫn của nàng, lấy chiếc nhẫn ở ngón tay ta. Ta tưởng nàng trinh bạch, trong trắng và thiêng liêng đối với mọi người, thế mà ta đây, thân danh là Ruy Gômê đơ Xinva, chỉ cần đi vắng một tiếng đồng hồ là đã không tránh khỏi có ngay một tên đánh cắp danh giá lẻn được vào nhà! Hãy lui cả ra! Rửa tay đi, hỡi những ngữ không có tâm hồn, bởi vì các anh chỉ cần chạm tay vào người vợ con chúng ta là đủ làm cho họ vấy bẩn. Không. Được lắm. Các anh cứ tiếp tục nữa đi. Ta còn có gì khác nữa nào.
(Lão giật giải huân chương đeo ở cổ).
Đây, giày xéo dưới chân đi, cứ việc giày xéo lên tấm huân chương Lông cừu vàng của ta.
(Lão ném mũ xuống đất).
Hãy rứt tóc ta ra mà đem vứt vào sọt rác! Rồi ngày mai các anh tha hồ khoe khoang khắp phố phường rằng xưa nay chưa có kẻ du đãng nào, nghịch ngợm láo xược, làm nhục được một mái tóc bạc hơn trên một vầng trán cao quý hơn.

ĐÔNHA XON: – Thưa quận công…

ĐÔN RUY GÔMÊ : (Với các gia nhân) – Quân hầu đâu! Quân hầu đâu! Giúp ta một tay! Lưỡi búa, con dao găm, thanh đoản kiếm Tôlet của ta đâu!

(Với hai chàng trai trẻ).
Và cả hai hãy đi theo ta!

ĐÔN CACLÔX: (Tiến lên một bước) – Quận công này, trước hết vấn đề đâu có phải như thế. Vấn đề là mác-ximiliêng, hoàng đế Đức băng hà.
(Đôn Caclôx quẳng áo khoác và lật mũ lên để lộ mặt).

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Lại còn đùa à? Trời ơi! Đức Vua!

ĐÔNHA XON: – Đức vua!

HECNANI: (Mắt nảy lửa) – Vua Tây Ban Nha!

ĐÔN CACLÔX:  (Nghiêm trang) – Phải, Caclôx đây. Quận công này, nhà ngươi điên hay sao? Đức hoàng đế tổ phụ của ta băng hà rồi. Ta mới biết tin chiều hôm nay. Ta vội vàng thân hành đến báo cho khanh, là người bề tôi trung thành ta vẫn yêu mến, và hỏi ý khanh, không cho ai biết, lúc đêm tối, chuyện đơn giản có thế mà làm rầm rĩ lên!

(Đôn Ruy Gômê ra hiệu cho các gia nhân lui ra ngoài. Lão lại gần Đôn Caclôx mà Đônha Xon đương chăm chú nhìn một cách vừa sợ hãi, vừa sững sờ, còn Hecnani thì đứng ở góc phòng nhìn chằm chằm, mắt nảy lửa).

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Nhưng tại sao họ chần chừ mãi mới mở cửa cho kẻ hạ thần?

ĐÔN CACLÔX: - Lý do hay nhỉ! Khanh về nhà với cả một đoàn gia nhân! Khi ta phải đến dinh cơ của khanh bàn việc cơ mật quốc gia, quận công, phải chăng để đem nói cho tất cả các đầy tớ của khanh biết?

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Xin điện hạ xá lỗi. Do là bề ngoài…

ĐÔN CACLÔX:  – Này cố ơi, ta Đônha Xon cử cố cai quản lâu đài Fighe, ta phải cử ai cai quản cố bây giờ?

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Xin xá lỗi…

ĐÔN CACLÔX:  – Thôi được. Không nói đến chuyện đó nữa. Tóm lại, hoàng đế băng hà rồi.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Đấng tổ phụ của điện hạ băng hà rồi sao?

ĐÔN CACLÔX:  – Quận công nhìn ta đau buồn thì biết

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Ai sẽ lên nối ngôi ạ?

ĐÔN CACLÔX:  – Một vị quận công ở Xăcxơ ra ứng cử. Frăngxoa đệ nhất bên Pháp là một trong số những người tranh cử.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Các tuyển cử hầu sẽ khai hội ở đâu ạ?

ĐÔN CACLÔX: – Nghe đâu họ đã chọn Ex-la-sapen hoặc Xpia, hoặc Frăngpho.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Đức vua vốn được Chúa phù hộ, lại không bao giờ nghĩ đến ngôi hoàng đế hay sao?

ĐÔN CACLÔX:  – Luôn luôn.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Vậy ngôi báu nhất định về tay điện hạ.

ĐÔN CACLÔX: - Ta biết thế.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Hoàng phụ khi xưa là thân vương nước áo, nên hạ thần tin rằng khắp đế quốc đều nhớ rõ vị hoàng đế vừa rớt từ tấm hoàng bào xuống tấm vải liệm chính là tổ phụ của điện hạ.

ĐÔN CACLÔX: - Hơn nữa ta còn là trưởng giả thành Găng.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – khi còn nhỏ tuổi, hạ thần đã được chiêm ngưỡng đức tổ phụ của điện hạ. Chao ôi! Cả một thế kỷ qua đi, duy nhất hạ thần còn sót lại. Bây giờ tất cả đều chết cả rồi. Đó thật là một vị hoàng đế uy nghi và quyền thế.

ĐÔN CACLÔX:  – La Mã ủng hộ ta.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Dũng cảm, cương quyết, tuyệt nhiên không hề bạo ngược, cái đầu ấy rất hợp với cơ thể Giecmanh lâu đời!
(Lão cúi xuống hôn hai bàn tay nhà vua).
Hạ thần xót xa cho điện hạ vô cùng! Còn trẻ quá mà phải ngập trong một cái tang đau đớn nhường ấy!

ĐÔN CACLÔX: - Giáo hoàng muốn lấy lại đảo Xinxin của ta. Một vị hoàng đế không thể chiếm hữu Xinxin, ngài liền tôn ta lên ngôi hoàng đế; khi ấy ta phải ngoan ngoãn trả lại Naplơ cho ngài. Cứ nắm chắc lấy con chim ưng đi đã (1), rồi xem ta có chịu để cho họ cắt lông xén cánh hay không!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Đức hoàng đế kỳ cựu đó chắc sẽ vui mừng thấy vầng trán đã cao rộng của điện hạ tiến tới ngai vàng của Người! Chao ôi, thưa điện hạ, cùng với điện hạ, chúng tôi sẽ thương khóc khôn nguôi vị hoàng đế rất vĩ đại, rất nhân từ và rất sùng đạo ấy!

ĐÔN CACLÔX: - Giáo hoàng khôn khéo lắm. Xinxin là cái gì hả con? Đó là một hòn đảo treo phía dưới vương quốc của cha, một hòn đảo, một mẩu đất, một manh áo rách bươm lòng thòng, chẳng dính gì đến nước Tây Ban Nha. Giữ nó làm gì, con ơi, một hòn đảo xù xì dính vào đất đai đế quốc bằng mỗi một sợi chỉ như thế? Đế quốc của con xấu dáng đi mất. Mau, lại đây con, kéo đâu! Ta cắt phăng nó đi! Xin đa tạ Đức Cha chí thánh! Bởi vì con có ý định, may ra gặp hồng vận khâu nối thêm nhiều cảnh như thế nữa vào đế quốc thần thánh, và dùng các đảo, các công quốc vá víu cho bờ cõi của con nếu có vài ba chỗ nào bị rách!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Xin điện hạ đừng buồn! Có một thế giới của những kẻ công bằng, ở đó nhìn lại những người đã khuất càng thấy thiêng liêng và oai vệ hơn!

ĐÔN CACLÔX: – Ông vua Frăngxoa đệ nhất ấy là một tay đầy tham

vọng! Đức hoàng đế cao niên vừa mất đi, mau mau! Hắn liếc tình đế quốc ngay! Hắn được làm vua nước Pháp rất sùng đạo rồi chứ không đâu? Hừ! Phần của hắn bở đấy chứ và níu lấy cũng bõ công đấy chứ! Đức hoàng đế tổ phụ của ta từng nói với vua Lui rằng nếu trẫm là Chúa Trời Cha va nếu trẫm có hai hoàng nam, trẫm sẽ phong con cả làm Chúa Trời, con thứ làm vua nước Pháp.
(Với quận công).
Theo khanh, liệu Frăngxoa có hy vọng gì không?

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Đó là một người dương dương tự đắc.

ĐÔN CACLÔX: - nếu thế thì phải thay đổi lại tất cả. Chiếu chỉ của giáo hoàng cấm bâu một người ngoại quốc.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Nhưng nếu vậy, thưa điện hạ, điện hạ là vua Tây Ban Nha?

ĐÔN CACLÔX: - Ta là trưởng giả thành Găng.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Cuộc chinh chiến vừa qua đã nâng vua Frăngxoa đệ nhất lên khá cao.

ĐÔN CACLÔX:  – Con chim ưng có lẽ sắp hiện ra trên chỏm mũ của ta cũng có thể cất cánh tung bay.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Điện hạ có biết tiếng La Tinh không?

ĐÔN CACLÔX: - Xoàng.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Đáng tiếc quá. Giới quý tộc Đức rất thích người ta nói tiếng La Tinh với mình.

ĐÔN CACLÔX:  – Rồi chúng sẽ phải bằng lòng với thứ tiếng Tây Ban Nha kêu hùng; bởi vì, khanh cứ tin lời vua Saclơ, khi tiếng nói đã cất lên vang vang thì nói bằng tiếng nào chẳng được. Ta đi Flăngđrơ đây. Xinva thân yêu, vua của khanh chuyến này trở về phải là hoàng đế. Vua nước Pháp sắp khuấy động tất cả. Ta muốn thắng hắn bằng tốc độ. Ta sẽ lên đường sớm.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Thưa điện hạ, chưa quét sạch bọn giặc hung hãn mới nổi lên khắp các vùng rừng núi Aragông mà điện hạ đã bỏ chúng tôi để đi hay sao?

ĐÔN CACLÔX:  – Ta ra lệnh cho quận công Đơ Accôx tiêu diệt bọn giặc.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Điện hạ cũng ra lệnh cho tên đầu đảng ngồi yên chịu chết hay sao?

ĐÔN CACLÔX:  – Này! Thằng đầu đảng ấy là đứa nào? Tên hắn?

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Kẻ hạ thần không được biết. Nghe nói hắn là tay ghê gớm lắm.

ĐÔN CACLÔX:  – Chà! Ta biết hiện giờ hắn đương ẩn náu ở Galix, và chỉ cần một dúm quân là thanh trừ được ngay.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Thế mà có những tin đồn bậy rằng hắn lẩn quất gần đây.

ĐÔN CACLÔX:  – Đồn bậy! Đêm nay khanh cho ta nghỉ lại đây.

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Cúi lạy sát đất) – Xin đa tạ điện hạ!
(Lão gọi gia nhân)
Tất cả chúng bay hãy tiếp nước đức vua, khách của ta.

(Các gia nhân cầm đuốc vào. Quận công xếp họ đứng thành hàng rào hai dẫy đến tận cửa ở cuối sân khấu. Trong khi đó, Đônha Xon thong thả bước lại gần Hecnani. Nhà vua để ý theo dõi cả hai người).

ĐÔNHA XON: (Nói nhỏ với Hecnani) – Ngày mai, dưới cửa sổ phòng em, lúc nửa đêm, nhớ đừng sai hẹn đấy. Anh vỗ tay ba lần.

HECNANI: (Nói nhỏ) – Ngày mai.

ĐÔN CACLÔX: (Nói riêng) – Ngày mai!
(Bước lại gần Đônha Xon với vẻ lịch thiệp, nói to).
Xin cô nương vui lòng cho phép tôi đưa cô nương về phòng.
(Vua đưa nàng ra cửa. Nàng ra).

HECNANI: (Bàn tay nắm chuôi con dao nhọn giấu trong ngực) – Con dao găm đắc lực của ta ơi!

ĐÔN CACLÔX: (Quay trở lại, nói riêng) – Thằng cha có vẻ tức tối ghê.
(Vua kéo riêng Hecnani ra một nơi).
Chạm kiếm với ông, tôi đã làm danh giá cho ông rồi, thưa ông. Tôi coi bộ ông trăm điều đáng ngờ. Nhưng vua Đôn Caclôx không ưa những chuyện phản phúc. Ông đi đi. Tôi còn chiếu cố che chở cho ông trốn đi đấy.

ĐÔN RUY GÔMÊ:  (Quay trở lại và chỉ Hecnani ) – Thưa, vị này là ai?

ĐÔN CACLÔX: - Bây giờ hắn đi. Đó là một kẻ tuỳ tùng của ta.

(Họ cùng với các gia nhân và đèn đuốc đi ra, quận công đi trước nhà vua, tay cầm một cây nến sáp).

Lớp 4

Hecnani, một mình

Phải, tuỳ tùng của ngươi, hỡi vua! Tuỳ tùng của ngươi! Ta ở trong số đó! Đúng thế, suốt đêm ngày, từng bước từng bước, ta đi theo ngươi! Một con dao nhọn trong tay, mắt bám theo vết chân ngươi, ta đi.Dòng họ của ta trong ta theo đuổi dòng họ của ngươi trong ngươi. Đã thế, người giờ đây lại là tình địch của ta nữa!` Có một lúc ta phân vân giữa yêu đương và căm thù; trái tim ta không đủ rộng cho cả nàng và ngươi, yêu nàng ta nhãng quên mối căm thù ngươi đè trĩu trong lòng; nhưng vì chính ngươi muốn, chính ngươi đến làm ta nhớ lại, thì được rồi, ta nhớ lại! Tình yêu của ta làm cho cán cân đương bấp bênh nghiêng hẳn về phía hận thù. Phải, ta là kẻ tuỳ tùng của ngươi và chính là ngươi nói ra! Được lắm, từ nay sẽ không có tên nịnh thần nào chầu chực ngươi ngủ dậy, không có gã quý phái nào hôn bóng của ngươi, hoặc viên quan thị vệ nào từ bỏ hết nhân cách để hầu hạ ngươi, không có con chó nào trong cung điện được huấn luyện đi theo gót một ông vua, lại chăm chỉ đi theo chân ngươi bằng ta! Tất cả những bọn tai to mặt lớn xứ Caxti mong muốn ở ngươi một danh hiệu rỗng tuếch nào đấy, một phần thưởng vô giá trị nào đấy óng ánh, một giải huân chương(1) nào đấy để tròng vào cổ, còn ta, điên rồ gì mà ước muốn những thứ vặt vãnh như thế! Cái ta muốn ở ngươi, đâu phải là những ân huệ hão huyền, mà là linh hồn trong cơ thể ngươi, dòng máu trong huyết quản ngư! ơi, tất cả những thứ mà một lưỡi dao găm hung hăng, đắc thắng mò tìm rất lâu tận đáy tim mới moi ra được. Ngươi cứ đi trước đi! Ta theo ngươi. Chí phục thù của ta lúc nào cũng tỉnh táo, luôn luôn đi bên ta và nhắc nhở vào tai ta. Đi đi! Ta vẫn theo đây, ta vẫn rình mò và nghe ngóng, bước chân ta vẫn rón rén tìm bước chân ngươi, vẫn bám sát, vẫn theo đuổi! Rồi đây, ban ngày, hỡi vua, ngươi không thể quay đầu lại mà không thấy ra sừng sững, ảm đạm trong cuộc hội hè của ngươi; ban đêm, hỡi vua, ngươi không thể quay mắt lại mà không thấy đôi mắt rực lửa của ta loé lên sau lưng ngươi!
(Chàng ra theo lối cửa nhỏ).

Hồi 2: Tướng cướp

Lớp 1

XARAGÔX

Một khoảng sân lát đá trước cửa lâu đài Xinva. Bên trái, những bức tường lớn của lâu đài với một cửa sổ, có ban công. Phía dưới cửa sổ, một cửa ra vào nhỏ. Bên phải và ở cuối sân khấu, nhà cửa, phố xá. Ban đêm. Trên mặt trước các dinh thự, còn thấp thoáng một vài cửa sổ có ánh đèn.


 ĐÔN CACLÔX, ĐÔN XĂNGSÔ, XĂNGSÊ ĐƠ DUYNIGA (bá tước đơ Môngtơrê), ĐÔN MATIAX XĂNGTUYRIÔNG (hầu tước đơ Anmuynăng),  ĐÔN RICACĐÔ ĐƠRÔXAX (lãnh chúa Cadapanma)

 

Cả bốn người đều vào, Đôn Caclôx đi đầu, ai nấy đội mũ xùm xụp, trùm áo khoác dài và đeo kiếm làm cho vạt áo cộm lên.


ĐÔN CACLÔX: (Ngắm nhìn ban công) – Chính cái ban công kia rồi, cửa kia… Lòng ta rạo rực(1)
(Chỉ cái cửa sổ không có ánh đèn)
Chưa có ánh đèn!
(Đưa mắt nhìn những khung cửa sổ có đèn sáng).
Đèn sáng khắp những nơi ta không muốn có đèn, chỉ trừ ở cái cửa sổ kia là nơi ta muốn có!

ĐÔN XĂNGSÔ: – Tâu điện hạ, chúng ta hãy nói chuyện tiếp về thằng nghịch tặc ấy. Thế ra điện hạ đã để cho nó sổng mất!

ĐÔN CACLÔX: - Chính thế.

ĐÔN MATIAX : - Có thể đó là thằng đầu đảng bọn cướp!

ĐÔN CACLÔX: - Dù hắn là đầu đảng hay thủ lĩnh, cũng chưa từng có ông vua nào mặt mũi oai nghiêm bằng.

ĐÔN XĂNGSÔ: - Tâu điện hạ, tên hắn là gì?

ĐÔN CACLÔX: (Nhìn chăm chú lên cửa sổ) – Muynôx… Fecnăng…
(Có điệu bộ như người chợt nhớ ra)
Một cái tên có vần i.

ĐÔN XĂNGSÔ: – Hecnani chăng?

ĐÔN CACLÔX: - Đúng!

ĐÔN XĂNGSÔ: - Chính nó rồi!

ĐÔN MATIAX : - Chính Hecnani ư? Tên trùm!

ĐÔN XĂNGSÔ: (Với vua) – Nó nói những gì điện hạ còn nhớ không?

ĐÔN CACLÔX: (Không rời mắt khỏi cái cửa sổ) – Chà! Ta chẳng nghe được gì khi ngồi trong cái tủ chết tiệt của chúng!

ĐÔN XĂNGSÔ: - Nhưng tại sao lại thả nó ra khi điện hạ đã tóm được nó rồi?

(Đôn Caclôx quay lại một cách nghiêm nghị và nhìn thẳng vào mặt gã).

ĐÔN CACLÔX: - Bá tước đơ Môngtơrê, nhà người chất vấn ta đấy.
(Hai nhà quý phái lùi lại và im lặng)

Vả lại, có bận tâm gì về chuyện đó đâu. Ta muốn tình nhân của nó chứ không phải đầu của nó. Ta mê nàng đến phát điên lên mất! Đôi mắt huyền đẹp tuyệt trần đời, các bạn ơi! Hai tấm gương! Hai tia sáng! Hai ngọn đuốc! Chúng trò chuyện với nhau, ta chỉ nghe được mấy tiếng này: Đêm mai, anh đến nhé! Nhưng đó là điều cốt yếu. Thế có tuyệt không? Trong khi tên cướp có bộ mặt phong nhã ấy còn nán lại để đâm chém ai, hoặc đào một cái mồ nào đó, ta rón rén đến cuỗm con chim câu của nó đi.

ĐÔN RICACĐÔ : – Tâu điện hạ, lẽ ra vừa cuỗm chim câu lại phải vừa giết diều hâu mới thật là hoàn hảo.

ĐÔN CACLÔX: (Với Đôn Ricacđô) – A bá tước! ý kiến hay đấy! Nhà ngươi lanh lẹn lắm!

ĐÔN RICACĐÔ : (Cúi rạp xuống) – Điện hạ phong cho hạ thần bá tước gì ạ?

ĐÔN XĂNGSÔ:  (Hối hả) – Lỡ lời đấy!

ĐÔN RICACĐÔ : (Với Đôn Xăngsô) – Đức vua đã gọi tôi là bá tước.

ĐÔN CACLÔX:  – Thôi! Được rồi!
(Với Ricacđô).
Ta đã để rơi tước vị đó. Ngươi hãy nhặt lấy.

ĐÔN RICACĐÔ: (Lại cúi rạp lần nữa) – Xin đa tạ điện hạ!

ĐÔN XĂNGSÔ: (Với Đôn Matiax) – Tước bá hay ho chưa! ở trên trời rơi xuống.

(Nhà vua đi đi lại lại ở cuối sân khấu, sốt ruột nhìn những cửa sổ có đèn sáng. Hai nhà quý phái trò chuyện ở phía trước).

ĐÔN MATIAX: (Với Đôn Xăngsô) – Nhưng khi cuỗm được mỹ nhân rồi, đức vua sẽ làm gì khi đã cuỗm được mỹ nhân?

ĐÔN XĂNGSÔ: (Nguýt Ricacđô) – Người sẽ phong cho cô ả làm nữ bá tước, rồi làm thị nữ. Rồi người chỉ việc có với cô ả một đứa con trai, cậu ta sẽ làm vua.

ĐÔN MATIAX: - Thôi đi, tôi xin ngài! Một đứa con hoang! Bá tước ơi, dù là đức vua, con đẻ ra với một nữ bá tước cũng không thể lên ngôi vua được!

ĐÔN XĂNGSÔ: - Thế thì, thưa hầu tước thân mến Người sẽ phong cô nàng làm nữ hầu tước.

ĐÔN MATIAX: - người ta dành những đứa con hoang cho các xứ bị chinh phục. Người ta cử chúng làm phó vương. Bọn chúng là dễ dùng vào những việc như thế.

(Đôn Caclôx trở lại).

ĐÔN CACLÔX: (Giận dữ nhìn tất cả các cửa sổ có ánh đèn sáng) – Trông có giống những con mắt ghen tuông đương dòm ngó chúng ta không kia? Có thế chứ! Hai cái tắt đèn rồi! Này các ngươi! Những phút chờ đợi sao mà dài thế! Ai có thể làm cho thời giờ đi nhanh hơn được nhỉ?

ĐÔN XĂNGSÔ: - ở chốn triều đình, chúng tôi cũng thường nói như thế.

ĐÔN CACLÔX: - Thì dân chúng của ta cũng lại nói thế trong dinh các ngươi.
(Chiếc cửa sổ cuối cùng tắt đèn).
Cửa sổ cuối cùng tắt đèn rồi!
(Quay về phía ban công nhà Đônha Xon vẫn tối đen).

Hỡi ô cửa kính đáng nguyền rủa kia! Bao giờ mi mới sáng lên? Đêm nay trời tối mù mịt! Đônha Xon ơi, hãy đến ngời sáng lên như một ngôi sao trong bóng tối đi!
(Với Đôn Ricacđô)
Đã nửa đêm chưa?

ĐÔN RICACĐÔ: - Sắp nửa đêm rồi ạ.

ĐÔN CACLÔX: - Đành phải làm cho xong! Gã kia có thể đến bất chợt lúc nào.
(Cửa sổ phòng Đônha Xon bừng sáng. người ta thấy bóng nàng in lên trên cửa kính sáng trưng).
Các bạn ơi! anh hào quang! Bóng nàng ở cửa sổ. Chưa bao giờ ta nhìn thấy buổi bình minh nào diễm lệ hơn! Mau mau lên! Làm tín hiệu nàng đương chờ đi. Phải vỗ tay ba lần. Một lát nữa, các bạn ơi, các bạn sẽ trông thấy nàng! Nhưng đông thế này có lẽ làm cho nàng hốt hoảng… Cả ba các ngươi hãy đứng khuất vào chỗ tối, đằng kia, rình thằng cha ấy. Các bạn ơi, chúng ta hãy chia nhau cặp tình nhân. Thế này nhé, phần ta vị công nương, phần các ngươi tên tướng cướp.

ĐÔN RICACĐÔ: – Xin đa tạ!

ĐÔN CACLÔX: – Nếu hắn đến, từ chỗ mai phục, các ngươi lao ra cho nhanh và đâm cho hắn một mũi kiếm. Trong lúc hắn ta đương hồi tỉnh lại trên nền gạch, ta sẽ cuỗm mỹ nhân đi, sau đó chúng ta tha hồ mà cười. Nhưng đừng có giết chết hắn đấy! Xét cho cùng đó cũng là một tay hảo hán, vả lại giết chết một người là điều nghiêm trọng lắm.

(Ba nhà quý phái cúi chào và ra. Đôn Caclôx để cho họ đi xa rồi vỗ tín hiệu hai lần. Vỗ xong lần thứ hai, cửa sổ mở ra và Đônha Xon mặc đồ trắng xuất hiện trên ban công).

Lớp 2

ĐÔN CACLÔX,  ĐÔNHA XON


ĐÔNHA XON: (Trên ban công) – Anh đấy ư, Hecnani? 

ĐÔN CACLÔX : (nói riêng) Chết! Mình chớ có nói!
(Lại vỗ tay).

ĐÔNHA XON: – Em xuống đây!
(Nàng đóng cưa sỉ lại, ánh đèn biến mất. Một lát sau, cánh cưa nhỏ mở. Đônha Xon tay cầm đèn, vai khoác áo bước ra).
Anh Hecnani!
(Đôn Caclôx kéo sơp mị xuống mặt và rảo bước về phía nàng. Đônha Xon đánh rơi đèn.)
Trời! Không phải tiếng bước chân của chàng!
(Nàng định quay vào nhà. Đôn Caclôx: chạy đến nắm cánh tay giữ lại).

ĐÔN CACLÔX : - Đônha Xon!

ĐÔNHA XON: – Không phải giọng nói của chàng! Chao! Khỉ thân tôi!

ĐÔN CACLÔX : - ồ! Nàng còn muốn giọng nói nào mới âu yếm hơn nữa? Vẫn là một tình nhân, lại là một tình nhân làm vua!

ĐÔNHA XON: – Vua!

ĐÔN CACLÔX: - Em cứ ước muốn đi, cứ ra lệnh đi, một vương quốc là của em! Bởi vì kỵ đương chen ngang vào một cách âu yếm mà em muốn cự tuyệt, chính là đức vua của em, là Caclôx nô lệ của em đây!

ĐÔNHA XON: (Cố gỡ tay vua ra). – Cứu em với, anh Hecnani!

ĐÔN CACLÔX: - Nỗi lo sợ mới đúng đắn và chính đáng làm sao! Có phải tên tướng cướp của em nắm giữ em đâu, vua đấy chứ!

ĐÔNHA XON: – Không. Tướng cướp, chính là ngài! Ngài không xấu hổ hay sao? Chao! Tôi ngượng hộ cho ngài! Phải chăng đây là những chiến công mà vua chúa sẽ khoe khoang ầm ĩ? Đương đêm đến cưỡng đoạt một người đàn bà! Tên tướng cướp của tôi còn hơn gấp trăm lần! Hỡi vua, tôi xin tuyên bố rằng nếu số phận con người phụ thuộc vào tâm hồn tốt xấu, nếu Thượng đế tuỳ theo tấm lòng cao thượng của từng người mà sắp xếp địa vị, nhất định chàng sẽ là vua, là chúa, còn ngài là quân trộm cắp.

ĐÔN CACLÔX: (Cố kéo nàng) – Cô nương…

ĐÔNHA XON: – Ngài quên rằng cha tôi xưa là bá tước ư?

ĐÔN CACLÔX: - Ta sẽ phong nàng làm nữ quận công

ĐÔNHA XON: (Đẩy y ra) – Thôi đi! Thật là nhục!
(Nàng lùi lại mấy bước).

Giữa chúng ta không thể có chuyện gì được đâu. Cha già của tôi đã vì ngài mà đổ máu chan hoà. Còn tôi là đứa con gái quý phái và biết trọng dòng máu đó. Làm nàng hầu không xứng với tôi đâu, làm vợ ngài thì tôi không xứng!

ĐÔN CACLÔX: - Quận chúa nhé?

ĐÔNHA XON: – Vua Caclôx, ngài đi mà ve vãn những đứa con gái không ra gì, nếu ngài dám xử sự bỉ ổi với tôi, tôi sẽ rất có thể tỏ ra cho ngài thấy thế nào là công nương và thế nào là phụ nữ(1)!

ĐÔN CACLÔX: - Này! Nàng hãy cùng chia sẻ ngai vàng và danh vị của ta. Đi theo ta, nàng sẽ là vương phi, hoàng hậu!…

ĐÔNHA XON:  - Không. Đó là mồi, là bả. Vả lại, thưa điện hạ, dù là với điện hạ, tôi cũng xin thành thật mà thưa rằng tôi thích cùng với anh HECNANI của tôi, ông vua của tôi, sống lang thang ngoài vòng xã hội và pháp luật, chịu đói, chịu khát, quanh năm trốn tránh, ngày ngày chia sẻ số phận khổ cực và hãi hùng, hơn là sống với hoàng đế để làm hoàng hậu!

ĐÔN CACLÔX: - Người ấy sung sướng biết bao!

ĐÔNHA XON: – Sao? Nghèo khó, lại bị trục xuất nữa!

ĐÔN CACLÔX: - Nghèo khó và bị trục xuất cũng tốt vì được yêu! Ta đơn độc một thân! Hắn có một thiên thần bên cạnh! Vậy nàng ghét ta ư?

ĐÔNHA XON: – Tôi không yêu ngài.

ĐÔN CACLÔX: (Hùng hổ túm lấy nàng) – Đã thế! Nàng yêu ta hay không cũng mặc! Nàng vẫn phải đi, và tay ta khoẻ hơn tay nàng. Nàng phải đi! Ta muốn lấy nàng! Chà! Rồi xem ta đây làm vua Tây Ban Nha và các xứ Ấn Độ(1)có phải vô tích sự hay không!

ĐÔNHA XON: (Giẫy giụa) – ối! Thưa ngài! Xin rủ lòng thương! Sao! Ngài là bậc vương giả, ngài là vua. Nữ quận công, nữ hầu tước, nữ bá tước, ngài tha hồ lựa chọn. Các phu nhân trong triều đình bao giờ cũng luôn luôn có một tình yêu sẵn sàng đáp lại tình yêu của ngài. Còn như người bị trục xuất của tôi, chàng đã nhận được cái gì của ông Trời keo kiệt? Chao! Ngài có caxti, Aragông và Nava, và Muyêcxi, Lêông(2), và mười vương quốc nữa, và các xứ Flamăng, và ấn Độ với bao nhiêu mẻ vàng! Ngài có một đế quốc không ông vua nào đụng đến, rộng đến nỗi mặt trời không bao giờ lặn trên bờ cõi của ngài! Đã có tất cả, lẽ nào, là một ông vua, ngài lại chiếm của anh ấy người con gái tội nghiệp này, anh ấy chỉ có tôi mà thôi?
(Nàng sụp xuống chân vua. Vua cố lôi nàng đi).

ĐÔN CACLÔX: - Đi! Ta không nghe gì hết. Đi! Nếu theo ta, ta sẽ ban cho bốn xứ thuộc Tây Ban Nha của ta, chọn đi! Nào, muốn những xứ nào? Chọn đi!
(Nàng giãy giụa trong tay vua)

ĐÔNHA XON: – Vì danh dự của tôi, thưa ngài, tôi chỉ muốn nhận của ngài con dao găm này!
(Nàng giật con dao găm giắt ở thắt lưng vua. Vua buông nàng ra và lùi lại).
Bây giờ ngài hãy tiến lên! Tiến lên một bước đi!

ĐÔN CACLÔX: - Gớm cô ả! Ta không còn ngạc nhiên tại sao người ta lại yêu một tên phiến loạn!
(Vua định tiến một bước. Nàng giơ dao lên).

ĐÔNHA XON: – Hễ tiễn một bước, tôi giết ngài rồi tự giết tôi luôn.
(Vua lùi lại nữa. Nàng quay đầu lại và kêu thật to).
Hecnani! Anh Hecnani!

ĐÔN CACLÔX: - Im đi!

ĐÔNHA XON: (Giơ dao găm) – Một bước! là hết chuyện.

ĐÔN CACLÔX: - Thưa bà! Tôi ngọt ngào đến thế là quá lắm rồi. Tôi có ba người tuỳ tùng ở đằng kia, họ sẽ bắt bà phải đi…

HECNANI: (Bỗng xuất hiện phía sau lưng vua) – Ông còn quên một người tuỳ tùng nữa!

(Vua quay lại và nhìn thấy Hecnani sừng sững sau lưng mình, trong bóng tối, hai tay khoanh trong chiếc áo khoác dài trùm kín người, cái mũ rộng vành hất lên. Đônha Xon kêu một tiếng, chạy lại ôm lấy Hecnani).

Lớp 3

ĐÔNCACLÔX, ĐÔNHA XON, HECNANI

HECNANI: (Đứng sừng sững, hai tay vẫn khoanh lại, mắt nảy lửa nhìn vua chòng chọc) – A! có trời làm chứng cho, tôi sẵn lòng đi tìm hắn ở nơi xa hơn!

ĐÔNHA XON: – Anh Hecnani, cứu em thoát tay ông ta!

HECNANI: – Cứ yên tâm, em yêu của anh!

ĐÔNCACLÔX: - Chẳng biết tụi bạn của mình làm gì trong phố mà để tên trùm du đãng lọt qua thế này!
(Gọi)
Môngtơrê!

HECNANI: – Các bạn của ông ở trong tay các bạn của tôi, và đừng cầu cứu lưỡi kiếm bất lực của họ nữa. Với ba kẻ đến giúp ông, sẽ có sáu mươi người đến giúp tôi. Sáu mươi, mà chỉ cần một cũng địch nổi cả bốn người các ông. Vì thế, hai chúng ta hãy thanh toán cuộc tranh chấp riêng với nhau ở đây. Hừ! Ông vừa giở vũ lực ra với cô gái này! Đó là hành động của một kẻ dại dột, thưa đức vua xứ Caxti, và của một kẻ hèn nhát!

ĐÔNCACLÔX:  (Mỉm cười ngạo nghễ) – Thưa ngài tướng cướp, ngài chớ có khiển trách tôi!

HECNANI: – Nhạo báng à! ồ Ta không phải là vua, nhưng khi một ông vua lăng nhục ta, lại còn nhạo báng ta, cơn giận của ta bốc cao và nâng lên ngang tầm với hắn, và ông hãy coi chừng, khi ta đã bị xúc phạm, vầng trán đỏ ửng của ta còn đáng sợ hơn chỏm mũ nhà vua! Ông còn hy vọng hão huyền nào thì thực là điên rồ.
(Chàng nắm lấy tay vua).
Có biết bàn tay nào đương siết chặt ông lúc này không? Nghe đây. Cha ông đã cho giết hại cha tôi, tôi căm thù ông. Ông đã đoạt tước hiệu và tài sản của tôi, tôi căm thù ông. Cả hai chúng ta lại yêu cùng người đàn bà, tôi căm thù ông, tôi căm thù ông, đúng, ta căm thù mi đến tận xương tuỷ!

ĐÔNCACLÔX: - Được lắm!

HECNANI: – Tuy nhiên, tối nay, tôi không hề nghĩ đến căm thù. Tôi chỉ có một ao ước, một hăm hở, một khao khát, Đônha Xon! Lòng chan chứa yêu đương, tôi chạy đến… ủa! Tôi thấy ông định cướp nàng mang đi một cách đê hèn! Thế đấy! Tôi đã quên ông, ông lại đứng chặn đường tôi! Thưa ngài, tôi nói để ngài biết, ngài điên rồ lắm! Đôn Caclôx, thế là mi sa vào cái bẫy của chính mi. Đừng hòng trốn, đừng hòng ai cứu! Ta tóm mi và vây chặt mi! thân cô thế cô, chung quanh toàn những kẻ thù quyết liệt, mi định giở trò gì?

ĐÔNCACLÔX: (Kiêu hãnh) – Thôi đi! Ngươi chất vấn ta đó!

HECNANI: – Được, được, ta không muốn một cánh tay vô danh trừng trị mi. Không thể để cho cuộc báo thù lọt khỏi tay ta như thế. Mi sẽ không chết về tay bất cứ người nào khác ngoài ta. Vậy hãy thủ thế đi!
(Chàng rút kiếm).

ĐÔNCACLÔX: - Ta là đức vua của ngươi. Cứ việc đâm. Nhưng không đấu kiếm.

HECNANI: – Ngài ơi, ngài nên nhớ, mới hôm qua kiếm của ngài còn chạm kiếm của tôi.

ĐÔNCACLÔX: - Hôm qua có thể được. Khi ấy ta không biết tên ngươi. Ngươi không biết tước hiệu của ta. Hôm nay thì, anh bạn ơi, ngươi biết ta là ai và ta cũng biết ngươi là ai rồi.

HECNANI: – Chưa chắc.

ĐÔNCACLÔX: – Không đấu kiếm. Ngươi cứ việc hành thích. Đâm đi!

HECNANI: – Dễ mi tưởng rằng vua chúa là thiêng liêng đối với ta ư? Nào, có thủ thế không?

ĐÔNCACLÔX: – Người sẽ hành thích ta mà thôi!
(Hecnani lùi lại. Đôn caclôx quắc mắt trừng trừng nhìn chàng).
A! Bọn kẻ cướp đê tiện chúng bay tưởng rằng có thể tự do hoành hành vô tội vạ trong các đô thị hay sao? Tưởng rằng, mình mẩy vấy máu, chất đầy tội sát nhân, mà vẫn có thể làm bộ hào hiệp hay sao, hỡi quân khốn nạn? Và tưởng rằng bọn chúng tao còn bị mắc lừa, hạ cố đọ kiếm để làm danh giá cho những lưỡi dao găm của chúng bay hay sao? Không, tội ác bám chặt chúng bay. Khắp nơi, chúng bay kéo lê nó theo sau. Bọn ta mà đấu kiếm với chúng bay ư! Xin kiếu! Cứ hành thích đi!
(Hecnani buồn rầu và tư lự, tay mân mê chuôi kiếm một lát rồi bỗng quay vị phía vua và bị gẫy lưỡi kiếm trên đá lát).

HECNANI: – Thôi mi cút đi!
(Vua ngoái người về phía Hecnani và nhìn chàng một cách ngạo mạn).
Chúng ta sẽ có những dịp chạm trán tốt hơn. Cút đi!

ĐÔNCACLÔX: – Thôi được. Vài tiếng đồng hồ nữa, ta đây, vua của ngươi, sẽ về đến cung điện. Việc đầu tiên là ta sẽ cho triều quan trưởng khố. Họ đã treo giải thưởng lấy đầu ngươi chưa?

HECNANI: – Đã.

ĐÔNCACLÔX: – Thưa tôn ông, từ hôm nay ta coi ngươi là thần dân phiến loạn và phản bội. Báo cho ngươi biết, ta truy nã ngươi khắp nơi.
Ta ra lệnh trước xuất người trong toàn cõi vương quốc.

HECNANI: – Ta đã bị thế rồi.

ĐÔNCACLÔX: – Đươc lắm.

HECNANI: – Nhưng Pháp ở liền bên cạnh Tây Ban Nha. Đó là một nơi tị nạn.

ĐÔNCACLÔX: – Ta sắp lên ngôi hoàng đế Đức. Ta ra lệnh trục xuất ngươi trên khắp đế quốc.

HECNANI: – Tuỳ mi. Ta còn những nơi khác trên hoàn cầu ở đó ta sẽ thách thức mi. Còn nhiều chốn nương thân mà thế lực của mi không vươn tới được.

ĐÔNCACLÔX: – Và đến khi ta sẽ có cả hoàn cầu?

HECNANI: – Lúc ấy ta sẽ có nấm mộ.

ĐÔNCACLÔX: – Ta sẽ có cách phá tan những âm mưu láo xược của ngươi.

HECNANI: – Nàng phục thù đi khập khiễng, nàng tiến chậm lò dò. Nhưng nàng sẽ đến.

ĐÔNCACLÔX: (Nhếch mép cười khinh bỉ) – Chạm vào vị công nương mà tên tướng cướp này tôn thờ!

HECNANI: (Hai mắt lại rực lên) – Mi có nhớ hiện mi còn ở trong tay ta không? Này ông Xêda La Mã(1)tương lai kia, đừng nhắc cho ta biết ta đương còn nắm mi trong tay, yếu ót, nhỏ bé, và nếu siết mạnh cái bàn tay trung thành rất mực này lại, ta sẽ bóp chết từ trong trứng, con chim ưng đế vương của mi.

ĐÔNCACLÔX: – Cứ làm đi!

HECNANI: – Cút đi! Cút đi!
(Chàng cởi áo khoác của mình ném lên vai vua).
Trốn đi, và mặc áo khoác này vào, vì ta e mi lại được một mũi dao của các bạn ta.
(Nhà vua mặc áo khoác).
Bây giờ thì cứ yên tâm mà đi. Ta còn khao khát báo thù thì đầu mi còn là vật thiêng liêng đối với bất cứ ai khác ngoài ta.

ĐÔNCACLÔX: – Thưa ông, ông vừa nói với tôi như vậy, sau này đừng xin ban ơn xá tội.
(Vua ra).

Lớp 4

HECNANI, ĐÔNHA XON

ĐÔN CACLÔX: (Nắm lấy bàn tay Hecnani) – Bây giờ, chúng ta trốn cho nhanh.

HECNANI: (Dịu dáng nghiêm nghị đẩy nàng ra) – Cô bạn gái của anh, trong lúc anh gặp hoạn nạn, em vẫn luôn luôn một lòng một dạ, không hề xa lánh, vẫn muốn được sống bên anh cho đến cùng trời cuối đất thế là phải lắm. Đó là một ý nghĩa cao thượng xứng với tấm lòng chung thuỷ! Nhưng, lạy Chúa, Người biết đấy, bây giờ không còn là lúc để tiếp nhận của nàng nhiều đến thế, để hân hoan mang về sào huyệt của tôi cái kho nhan sắc tuyệt vời khiến cho vua chúa cũng phải nổi ghen, để Đônha Xon đi theo tôi và thuộc về tôi, để đem sinh mệnh của nàng gắn với sinh mệnh của tôi, để kéo nàng đi theo mà không hổ thẹn và không hối tiếc; tôi nhìn thấy đài xử chém đã quá gần.

ĐÔNHA XON: – Anh nói sao?

HECNANI: – Tên vua vừa bị anh ngang nhiên thách thức, sắp trừng trị anh vì đã dám tha chết cho hắn. Hắn đương trốn; có lẽ bây giờ hắn đã ở trong cung điện của hắn, đương triệu tập tay chân, lính tráng, quân hầu, triều thần, đao phủ…

ĐÔNHA XON: – Anh Hecnani! Trời ơi! Em run sợ! Này! Đã thế, chúng ta phải mau mau lên! Cùng nhau chạy trốn đi!

HECNANI: – Cùng nhau ư! Không, không. Bây giờ muộn mất rồi. Chao ôi! Đônha xon, khi em mới xuất hiện trước mắt anh, hiền hậu và đoái lòng yêu mến anh bằng một mối tình cứu vớt, anh dù khốn khổ vẫn rất có thể tặng em quả núi, khu rừng, dòng suối của anh – tình thương của em làm cho anh thêm mạnh dạn, – miếng bánh lưu đầy của anh, nửa chiếc giường cỏ xanh rậm rạp mà rừng ban cấp cho anh; nhưng tặng em một nửa đài xử chém. Đônha Xon ơi, tha thứ cho anh! Đài xử chém là của riêng một mình anh!

ĐÔNHA XON:  - Anh đã hứa với em kia mà!

HECNANI: (quỳ xuống chân nàng) – Thiên thần của anh! Ôi! Giờ phút này mà cái chết có lẽ đương đến, cái kết thúc ảm dạm của một cuộc đời ảm đạm đương lại gần trong bóng tối, dù anh là kẻ bị trục xuất, mang bên mình một mối lo âu vô hạn, ra đời trong chiếc nôi đẫm máu, dù tang tóc bao trùm lên cuộc đời anh đen tối đến đâu, anh vẫn tuyên bố ở đây rằng anh là một kẻ sung sướng và muốn mọi người ghen tị với anh; bởi vì em đã yêu anh! Vì em đã nói với anh như thế! Vì em đã âm thầm cầu phúc cho vầng trán oan nghiệt của anh!

ĐÔNHA XON: (Cúi xuống đầu chàng) – Anh Hecnani!

HECNANI: – Xin cảm tạ cái số phận tốt lành và may mắn đã đặt đoá hoa này trên bờ vực thẳm của tôi!
(Chàng lại đứng lên).
Lời anh vừa nói ở nơi này không phải nói với em đâu, anh nói với Trời đương lắng nghe anh, và với Thượng đế đấy!

ĐÔNHA XON: – Xin anh để cho em đi theo!

HECNANI: – Ôi! Đương ngã xuống vực sâu mà còn bứt lấy bông hoa thì thật là có tội. Thôi, anh đã được hưởng hương hoa như thế đủ rồi! Em hãy nối cuộc đời em bị anh vò nát với những cuộc đời khác. Em hãy cưới lão già ấy đi. Chính anh giải cho em những lời thề thốt. Anh quay về trong bóng đêm của anh. Còn em, hãy sung sướng, hãy quên đi!

ĐÔNHA XON: – Không, em đi theo anh! Em muốn dự phần nào tấm vải liệm của anh! Em không rời anh(3)!

HECNANI:  (Ôm chặt lấy nàng) – Ôi! Hãy để cho anh chạy trốn một mình.
(Chàng bứt rứt buông nàng ra).

ĐÔNHA XON: (Đau đớn, hai tay vặn vào nhau) – Hecnani! Anh trốn tránh em! thế ra, mình điên rồ thật, đem hiến cả cuộc đời rồi thấy mình bị ruồng bỏ, yêu đến thế và chịu bao nhiêu nỗi buồn bực đến thế mà không được hưởng ngay cả cái hạnh phúc chết bên chàng.

HECNANI: – Anh bị lưu đầy! Anh bị trục xuất! Anh gieo tai hoạ!

ĐÔNHA XON: – Ôi! Anh bội bạc!

HECNANI:  (Quay trở lại) – Đã thế thì, thôi! Thôi, anh ở lại, em muốn thế, thì anh đây. Em lại đây, ôi! Lại đây ngả vào lòng anh! Anh ở lại, và ở lại đến bao giờ là tuỳ em. Chúng mình hãy quên bọn họ đi! Chúng mình ở lại đây.

(Chàng đỡ nàng ngồi xuống một cái ghế đá).
Em ngồi xuống phiến đá này.
(Chàng ngồi xuống dưới chân nàng).
Ánh lửa trong mắt em tràn đầy mi mắt anh. Em hát đi cho anh nghe một khúc hát nào đó như thỉnh thoảng buổi tối em đã từng hát cho anh nghe với đôi mắt huyền long lanh giọt lệ. Chúng ta hãy sung sướng! Chúng ta hãy uống đi, vì ly rượu đã rót đầy, vì giờ này là của chúng ta, còn mọi sự trên đời đều là điên rồ. Em hãy nói với anh đi, hãy làm cho anh say mê đi. Phải chăng thật là thú vị khi yêu và biết người ta yêu mình tha thiết? Khi hai đứa bên nhau? Chỉ hai đứa thôi? Và thật là điều thú vị được tình tự với nhau, ban đêm, khi mọi vật đều yên nghỉ? Ôi! Hãy để cho anh được ngủ và mơ trong lòng em, Đônha Xon! Em yêu của anh! Em xinh đẹp của anh!

(Tiếng chuông rộn rã ở xa xa).

ĐÔNHA XON: (Hốt hoảng đứng dậy) – Chuông báo động! Anh có nghe thấy không? Chuông báo động!

HECNANI: (Vẫn quỳ) – Không phải đâu! Chuông mừng hôn lễ của chúng ta đấy.
(Tiếng chuông dồn dập thêm. Tiếng người kêu loạn xạ, đèn đuốc sáng trưng khắp các cửa sổ, trên khắp các mái nhà, trong khắp các phố).

ĐÔNHA XON: – Đứng lên đi anh! Chạy trốn đi! Trời đất ơi! Xaragôx sáng rực!

HECNANI: (Hơi nhổm người lên) – Hôn lễ của đôi ta sẽ cử hành dưới ánh đuốc.

ĐÔNHA XON: – Đó là hôn lễ của người chết! Hôn lễ của những nấm mộ!

(Tiếng gươm khua. Tiếng la hét).

HECNANI: (Lại nằm xuống chiếc ghế đá) – Chúng ta ngủ nữa đi!

(Tay cầm kiếm chạy đến) – Thưa tướng quân, lính tráng, quan quân kéo về đây từng đoàn kỵ binh dài dằng dặc! Thậm cấp, thưa tướng quân!
(Hecnani đứng dậy).

ĐÔNHA XON: (Tái xanh) – Ôi! Anh nói quả không sai!

TRÁNG SĨ LỤC LÂM: – Cứu chúng tôi với!

HECNANI: (Với tráng sĩ Lục Lâm) – Có ta đây. Được.

Tiếng kêu loạn xạ: (Bên ngoài) – Giết chết tên tướng cướp đi!

HECNANI: (Với tráng sĩ Lục Lâm) – Kiếm của ngươi…
(Với Đonha Xon).
Từ biệt vậy!

ĐÔNHA XON: – Chính em làm hại anh! Anh đi đâu bây giờ.
Lại đây! Chúng ta trốn ra lối cửa mở này.

HECNANI:  - Trời! bỏ rơi các bạn của anh ư! Em nói gì?

(Tiếng ồn ào và la hét).

ĐÔNHA XON: – Những tiếng la hét ấy khiến em rụng rời.
(Giữ Hecnani lại).
Anh hãy nhớ, nếu anh chết, em cũng chết đấy!

HECNANI: (Ôm nàng trong tay) – Anh hôn một cái!

ĐÔNHA XON: – Chồng của em! Anh Hecnani của em!
Chúa tể của em!

HECNANI: (Hôn lên trán nàng) – Chao ôi! Đây là chiếc hôn đầu tiên.

ĐÔNHA XON: – Có lẽ cũng là chiếc hôn cuối cùng!
(Chàng đi. Nàng ngã vật xuống ghế).

Hồi 3: Ông già

Lớp 1

Lâu dài Xinva ở miền núi xứ Aragông
Phòng trưng bày những bức chân dung của dòng họ Xinva; gian phòng rộng, trang trí bằng những bức chân dung lồng trong khung trạm trổ rất hoa mỹ và phía trên là các mũ quận công cùng các huy hiệu mạ vàng.
Phía cuối sân khấu, một cái cửa cao kiểu gô tích. Khoảng cách giữa các chân dung treo đầy đủ bộ đồ binh khí giáp trụ thuộc các thế kỷ khác nhau.

 

ĐÔNHA XON: (Mặc đồ trắng và đứng gần một cái bàn).

ĐÔN RUY GÔMÊ XINVA: (Ngồi trong chiếc ghế bành quận công lớn bằng gỗ sồi).

ĐÔN RUY GÔMÊ : – Rốt cuộc! Thế là hôm nay! Một tiếng đồng hồ nữa nàng sẽ là quận công phu nhân của ta! Không còn chú chú cháu cháu nữa! Và nàng sẽ ôm hôn ta! Nhưng nàng đã tha thứ cho ta chưa đấy? Ta có lỗi. Thú thật như vậy. Ta đã làm cho trán nàng thẹn đỏ, ta đã làm cho má nàng xám xanh. Ta đã nghi ngờ hấp tấp quá, lẽ ra khi chưa nghe đầu đuôi ra sao, ta chưa nên buộc tội nàng mới phải. Nhìn bề ngoài là dễ lầm lẫn! Con người ta kể cũng bất công thật! Đúng là hai chàng thanh niên bảnh trai có mặt ở đấy! Thì đã sao. Ta đừng nên tin vào hai mắt ta mới phải. Nhưng biết làm sao được, nàng ơi? Khi người ta đã già cả!

ĐÔNHA XON: (Không nhúc nhích và rầu rầu) – Quận công cứ nói đi nói lại mọi chuyện đó. Ai trách quận công?

ĐÔN RUY GÔMÊ : – Ta! Ta đã có lỗi. Lẽ ra ta phải hiểu rằng với tâm hồn của nàng thì không đời nào lại có nhân tình nhân ngãi khi đã là Đônha Xon, và khi đã mang trong tim dòng máu Tây Ban Nha tốt đẹp!

ĐÔNHA XON: – Chính thế, dòng máu ấy tốt đẹp và thuần khiết, thưa quận công, và có lẽ chẳng bao lâu, người ta sẽ thấy nó.

ĐÔN RUY GÔMÊ : (Đứng dậy, và đi đến bên nàng) – Nàng hãy nghe đây! Người ta không chủ động được khi đã say đắm như ta đã say đắm nàng, lại già cả. Người ta ghen tuông, người ta độc ác, vì sao? Vì người ta đã già rồi. Vì cái xinh đẹp, cái duyên dáng, cái trẻ trung ở những kẻ khác, tất cả đều làm cho người ta sợ, vì tất cả đều đe doạ. Vì người ta ghen tức với những kẻ khác và hổ thẹn với mình. Trớ trêu thay! tình yêu ác chướng, đem lại cho lòng người bao nhiêu nỗi đắm say, sôi nổi, làm cho tâm hồn trẻ ra, nhưng lại quên mất cơ thể! Khi một gã mục tử trai trẻ đi qua – ờ, đúng thế – hắn vừa đi vừa hát, ta vừa đi vừa mơ mộng, hắn đi trong cánh đồng cỏ xanh của hắn, ta đi trong những con đường tối tăm của ta, thường ta vẫn nhủ nhầm: – Hỡi các tháp canh có lỗ châu mai của ta, hỡi toà vọng lâu cổ kính của ta, ta sẵn lòng đem các ngươi cho hết, ôi! Ta sẵn lòng cho hết những cánh đồng lúa mì và những khu rừng của ta, và những đàn mục súc bạt ngàn đương gặm cỏ trên các quả đồi của ta, danh hiệu lâu đời của ta, phẩm tước lâu đời của ta, cả những dinh cơ đã hư nát, cả các bậc tổ tiên đương sắp sửa chờ đón ta, để đổi lấy túp lều tranh mới dựng và vầng trán trẻ trung của hắn! Bởi vì tóc hắn đen nhánh, bởi vì mắt hắn sáng ngời như mắt nàng, nàng có thể nhìn hắn và nói rằng: Người đâu mà trẻ trung đến thế! Và rồi lại nghĩ đến ta đã già cả. Ta biết như thế lắm! Tuy ta mang tên Xinva thật, nhưng thấm tháp gì! Đấy, ta tự nhủ như vậy. Nàng thấy đó, ! ta yêu nàng biết chừng nào! Cho hết, miễn sao được trẻ và đẹp như nàng! ơ hay, ta mơ tưởng những gì thế này? Còn trẻ và đẹp được ư khi ta phải vươt trước nàng rất xa trên con đường tới mồ!

ĐÔNHA XON: – Biết đâu đấy?

ĐÔN RUY GÔMÊ : – Nhưng này, cứ tin lời ta, những tay kỵ sĩ phù phiếm ấy chẳng có mối tình lớn lao nào mà không bay theo lời nói. Cô gái nào cứ yêu, cứ tin một trong những thằng trai tơ kia mà xem, rồi chỉ chết vì chuyện đó, còn nó thì cười vui. Tất cả lũ chim non với đôi cánh lanh lẹ, sặc sỡ, với giọng hót đắm đuối ấy có một tình yêu cũng biến đi như bộ lông trên mình. Còn những con chim già, tuy tuổi tác đã làm tắt giọng, phai màu, nhưng có bộ cánh bền chặt hơn, và tuy không đẹp bằng, nhưng tốt hơn. Chúng ta yêu hẳn hoi. Bước chân của chúng ta nặng nề? Đôi mắt của chúng ta lờ đờ ư? Vầng trán của chúng ta nhăn nheo ư? Trái tim con người không bao giờ có vết nhăn cả. Chao ôi! Khi một ông già yêu thương, ta phải nể nang ông. Trái tim luôn luôn trẻ trung và luôn luôn có thể rớm máu.

Ôi! Tình yêu của ta không phải như một thứ đồ chơi bằng thuỷ tinh, óng ánh và rung rinh. Ôi! Không, đó là một tình yêu nghiêm túc, sâu xa, vững bền, chắc chắn, thắm tình cha con, đượm tình bầu bạn, bằng gỗ sồi như chiếc ghế bành quận công của ta ngồi đây! Đấy, ta yêu nàng như thế, và ta còn yêu nàng hàng trăm cách khác nữa, như người ta yêu bình minh, như người ta yêu hoa lá, như người ta yêu bầu trời! Được trông thấy nàng hàng ngày, nàng, dáng đi uyển chuyển của nàng, vầng trán thanh khiết của nàng, tia sáng long lanh trong ánh mắt tự hào của nàng, ta hân hoan vô cùng và tâm hồn ta vui như mở hội!

ĐÔNHA XON: – Chao ôi!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Rồi đấy nàng xem, thiên hạ ai cũng ca tụng khi thấy một người phụ nữ, trong trắng như nàng tiên, ngây thơ như chim câu, săn sóc, che chở và đoái lòng yêu thương một kẻ gần đất xa trời, đương từng ngày từng ngày tàn lụi dần, chân đã vấp phải phiến đá xây mồ, một ông già vô dụng chỉ còn một việc chết nữa là hết. Sự nỗ lực phi thường ấy của một trái tim biết hy sinh tận tuỵ, biết an ủi một kẻ hấp hối cho đến lúc thở hơi cuối cùng, và có thể không yêu, nhưng vẫn làm ra vẻ yêu đương trìu mến, đó là một sự nghiệp thiêng liêng, và thiên hạ ca ngợi là phải!
Ôi! Đối với ta, nàng sẽ là vị thiên thần có trái tim phụ nữ ấy, đem lại niềm vui cho tâm hồn ông già tội nghiệp và gánh đỡ hộ ông một nửa những năm tháng cuối cùng, kính trọng ông như con gái kính cha và thương ông như em gái thương anh vậy.

ĐÔNHA XON: – Thưa quận công, chẳng những không đi trước tôi mà quận công rất có thể theo sau tôi. Còn trẻ có phải là một lý do để sống đâu. Chao ôi! Tôi xin thưa với quận công rằng, các ông già nhiều khi chậm chạp để cho bọn trẻ vượt lên trước là thường, và mắt chúng đột nhiên khép hàng mi lại như nắp mộ đá sập xuống.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Ô hay! Cứ nói gở! Nhưng nàng ơi, ta sẽ quở mắng sau! Một ngày như hôm nay là vui vẻ và thiêng liêng. Mà này gần đến giờ rồi, sao nàng vẫn chưa sửa soạn xong để ra nhà thờ thế? Phải mau mau! Mặc áo cưới đi! Trang điểm đi chứ. Ta chờ đợi từng giây từng phút đây.

ĐÔNHA XON: – Sẽ còn kịp chán.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Không kịp đâu.
(Một tiểu đồng vào).
Muốn gì đấy, Jakê?

TIỂU ĐỒNG: – Bẩm đức ông, ở ngoài cửa có một người đàn ông, một khách hành hương hay một gã ăn mày chẳng rõ, đương đứng đấy xin đức ông cho trú ngụ.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Dù khách là ai, đón khách vào nhà là hạnh phúc vào theo. Cứ cho người ta vào. ở ngoài phố có tin tức gì không? Người ta bàn tán ra sao về thằng đầu đảng bọn cướp phản nghịch dấy loạn lung tung trong các miền rừng núi của chúng ta?

TIỂU ĐỒNG: – Bẩm Hecnani thế là đi đứt, sư tử chúa sơn lâm thế là đi đứt rồi ạ.

ĐÔNHA XON: (Nói riêng) – Trời ơi!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Sao?

TIỂU ĐỒNG: – Bẩm bọn cướp đã bị tiêu diệt, nghe nói đức vua đã thân chinh đi truy nã. Đầu Hecnani hiện nay vua treo giải thưởng một ngàn ê quy; nhưng nghe đâu hắn ta chết rồi ạ.

ĐÔNHA XON: (Nói riêng) – Sao! Không có em ư, anh Hecnani?

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Ơn trời! Tên giặc ấy, thế là đã chết! Bây giờ thiên hạ có thể vui thú được rồi đây, người đẹp thân mến của ta ơi! Sắm sanh trang điểm đi chứ, em yêu của ta, niềm kiêu hãnh của ta! Hôm nay thật là vui đơn vui kép!

ĐÔNHA XON: (Nói riêng) – Than ôi! Quần áo tang!
(Nàng ra).

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Với tiểu đồng) – Bảo họ mang ngay cho công nương hộp nữ trang ta tặng, nghe!
(Lão lại ngồi xuống ghế bành).

Ta muốn được thấy nàng trang điểm như tượng Đức Mẹ, và đẹp tuyệt trần nhờ đôi mắt dịu hiền của nàng, và nhờ hộp nữ trang của ta, khiến một khách hành hương cũng phải quỳ xuống. à thế còn người khách đến xin trú ngụ! Mày ra mời vào đây và chuyển lời ta xin lỗi, quàng lên.
(Tiểu đồng chào rồi ra).
Để cho khách phải chờ đợi! Hừ! Thật không phải!

(Cửa phía cuối sân khấu mở ra. Hecnani xuất hiện cải trang thành khách hành hương. Quận công đứng dậy và ra đón).

Lớp 2

ĐÔN RUY GÔMÊ, HECNANI

(Hecnani dừng lại ở ngưỡng cửa)

HECNANI: – Kính chúc ngài bình an và hạnh phúc!

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Giơ bàn tay lên chào) – Chúc khách bình an và hạnh phúc!
(Hecnani vào. Quận công lại ngồi xuống)
Bác là khách hành hương phải không?

HECNANI: (Nghiêng mình) – Vâng ạ.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Chắc là bác từ Acmilax đến?

HECNANI: – Không ạ. Tôi đi đường khác. Ở đó đương có chiến sự.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Bè lũ của tên bị đầy biệt xứ, có phải không?

HECNANI: – Thưa, tôi không rõ.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Tên đầu đảng tên Hecnani, nó ra sao? Bác có biết không?

HECNANI: – Thưa ngài, người ấy là thế nào ạ?

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Bác không biết nó ư? Tiếc chưa! Số tiền lớn sẽ không về tay bác được rồi. Bác có hiểu không, tên Hecnani ấy là một thằng nghịch tặc chống lại nhà vua, đã lâu lắm không bị trừng trị. Nếu bác đi Madrit, có thì sẽ được xem người ta treo cổ hắn đấy.

HECNANI: – Tôi không đi đến đó.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Mọi người đương đua nhau lấy đầu của hắn.

HECNANI: (Nói riêng) – Thì cứ việc đến mà lấy!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Bác đi hành hương ở đâu thế?

HECNANI: – Thưa ngài, tôi đi Xaragôx ạ.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Bác có lời nguyện với một vị thánh ư? Với Đức Mẹ chăng?

HECNANI: – Vâng, thưa quận công, với Đức Mẹ.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Ở nhà thờ Đen Pila?

HECNANI:  - Đen Pila.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Phải là người chẳng có tâm hồn mới không làm trọn những lời nguyện của mình với các thánh. Nhưng khi lời nguyện của bác đã làm trọn rồi, bác không có những dự định gì khác à? Bác chỉ có mỗi nguyện vọng được trông thấy nhà thờ Đen Pila thôi ư?

HECNANI: – Vâng, tôi muốn được trông thấy Đức Mẹ áo vàng chói lọi ngồi trong chiếc khám sáng rực ở cuối dãy hành lang tối mờ mờ, rồi quay về ngay.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Được lắm. Tên bác là gì nhỉ? Ta là Ruy đơ Xinva.

HECNANI:  (Lưỡng lự) – Tên tôi à?…

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Nếu bác không muốn nói ra thì thôi. Ở đây không ai có quyền biết tên bác. Bác đến xin trú ngụ phải không?

HECNANI: – Thưa quận công, vâng ạ.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Cám ơn. Rất hân hạnh được tiếp đón bác. Bác cứ ở lại đây và cần gì cứ hỏi. Còn như tên bác, ta cứ gọi bác là ông khách. Dù bác là ai đi nữa, cũng được! Và ta sẵn lòng tiếp đón Xatăng không hề ngần ngại, nếu là do Chúa phái đến nhà ta.

(Cửa phía cuối sân khấu mở rộng cả hai cánh. Đônha xon vào, trong bộ đồ cưới Caxti thời ấy. Sau nàng, gia nhân, đầy tớ và hai thị nữ, mang để lên bàn một cái tráp bạc chạm, đặt trên một chiếc đệm nhung, trong tráp có một hộp nữ trang rất quý, một vành hoa quận chúa, và lẫn lộn rất nhiều vòng tay, vòng cổ, hạt trai, kim cương… Hecnani bàng hoàng, hổn hển, nhìn chòng chọc vào Đônha Xon bằng đôi mắt nảy lửa, không để tai nghe quận công nữa).

Lớp 3

Vẫn các nhân vật trên: ĐÔNHA XON, CÁC TIỂU ĐỒNG, ĐẦY TỚ, THỊ NỮ.


ĐÔN RUY GÔMÊ: (Tiếp tục) – Đây là Đức Mẹ của riêng ta. Bác cứ cầu nguyện đi sẽ có hạnh phúc.
(Lão bước đến giơ tay ra đón Đônha Xon, nàng vẫn nhợt nhạt và âu sầu).
Cô dâu xinh đẹp của ta ơi, lại đây – Ơ kìa! Chưa đeo nhẫn ư! Chưa đội vành hoa ư!

HECNANI: (Nói vang như sấm) – Ở đây ai muốn kiếm một nghìn carôluy(4) vàng?
(Tất cả sửng sốt quay lại. Chàng giật tung chiếc áo dài của khách hành hương, giẫm chân lên, trên người còn lại quần áo sơn cước).
Ta là hecnani!

ĐÔNHA XON: (Nói riêng, mừng rỡ) – Trời! Còn sống!

HECNANI: (Với các đầy tớ) – Ta chính là kẻ đương bị truy tầm đây! Vừa nãy, ngài muốn biết tên tôi là Pêrê hay Điêgô chứ gì? không, tôi tên là Hecnani. Tên ấy đẹp hơn nhiều, đó là tên kẻ bị trục xuất, đó là tên kẻ bị đầy biệt xứ! Ngài nhìn thấy cái đầu này chứ? Nó đánh giá khá nhiều tiền vàng đủ chi phí cho ngày vui mừng của ngài.
Cái đầu này, ta cho bọn các cậu đấy. Các cậu sẽ được trả rất nhiều tiền! Lấy đầu ta đi! Trói tay ta! Trói chân ta đi! Trói đi! Mà thôi, chẳng cần, đã có một dây xích trói buộc ta, ta sẽ không giật dứt ra đâu!

ĐÔNHA XON: (Nói riêng). – Khổ tôi chưa!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Điên rồi! thế ra, khách của ta là một người điên!

HECNANI: – Khách của ngài là một tên tướng cướp.

ĐÔNHA XON: – Ồ! Đừng ai tin lời ông ta!

HECNANI: – Có sao là ta nói vậy.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Một nghìn carôluy vàng! Ông ơi, món tiền ấy lớn lắm đấy, và tôi không tin cậy tất cả kẻ ăn người làm của tôi đâu.

HECNANI: – Thì có sao? Càng hay, nếu trong số đó có một kẻ muốn số tiền ấy.
(Với các đầy tớ).
Các cậu đem nộp tôi đi! Các cậu đem bán tôi đi!

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Cố ngăn cho chàng đừng nói nữa) – Ông im đi! Người ta có thể tin lời ông đấy.

HECNANI: – Các cậu ơi, cơ hội này thật hiếm có! Tôi bảo các cậu chính tôi là kẻ bị đầy biết xứ, là tên phiến loạn, là Hecnani đây!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Im đi!

HECNANI: – Hecnani!

ĐÔNHA XON:  (Ghé vào tai chàng nói không ra hơi) – Trời ơi! Anh im đi!

HECNANI: (Ngoái về phía Đônha Xon) – Người ta cưới nhau ở đây! Tôi, tôi cũng muốn cưới vợ! Cô dâu của tôi cũng đương đợi tôi.
Nàng không đẹp bằng cô dâu của ngài, thưa quận công, nhưng chung tình chẳng kém. Đó là cái chết!
(Với các đầy tớ).
Các cậu chưa ai nhúc nhích bước nào ư?

ĐÔNHA XON: (Nói nhỏ), – Thương em, anh ơi!

HECNANI: (Với các đầy tớ) – Hecnani! Một nghìn carôluy vàng!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Thật là quỷ quái!

HECNANI: (Với một gã đầy tớ trẻ tuổi) – Lại đây, cậu; cậu sẽ được món tiền đó; giầy có rồi, từ thân phận đầy tớ, cậu sẽ lại trở thành người.
(Với các đầy tớ vẫn không nhúc nhích).
Cả các cậu nữa, cũng run sợ à? Sao mà ta khốn khổ thế này!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Người anh em ơi, đứa nào chạm đến đầu anh thì cũng sẽ mất đầu. Dù anh là Hecnani, dù anh còn tệ hơn thế gấp trăm lần, dù người ta thưởng một đế quốc chứ không chỉ thưởng tiền cho ai giết được anh, ta vẫn cần bảo vệ anh, người khách của ta, ở nơi này, dù phải chống lại vua, vì ta tiếp nhận anh từ tay đức Thượng đế. Chỉ rụng một sợi tóc ở trên đầu anh, ta cũng xin chết ngay.
(Với Đonha Xon).
Cháu ơi, một tiếng đồng hồ nữa, cháu sẽ là vợ ta; cháu hãy lui về phòng. Ta đi cắt cử người canh gác lâu đài. Ta đi đóng cửa.
(Lão ra. Các đầy tớ ra theo).

HECNANI: (Nhìn một cách thất vọng, thắt lưng không đeo vũ khí) – Ôi! Đến một con dao cũng không có!

(Sau khi quận công đã đi khuất, Đonha Xon bước mấy bước như để đi theo các thị nữ, rồi dừng lại, và khi họ đã ra hết, nàng quay lại chỗ Hecnani với vẻ lo lắng).

Lớp 4

HECNANI, ĐÔNHA XON

(Hecnani nhìn hộp đồ cưới để trên bàn bằng con mắt lạnh lùng như không thiết chú ý, rồi chàng lắc đầu và hai mắt sáng quắc).


HECNANI: – Tôi có lời mừng cô! Nói sao cho siết, đồ trang sức tôi ưa quá đi mất, tôi mê quá đi mất, và tôi thán phục!
(Chàng lại gần hộp nữ trang).
Chiếc nhẫn trông nhã quá, vành hoa thật vừa ý, chuỗi hạt làm rất tuyệt, chiếc vòng tay hiếm có, nhưng còn kém đến trăm lần, kém đến hàng trăm lần người đàn bà có trái tim đê mạt che giấu dưới vầng trán trong trắng tuyệt vời thế kia!
(Lại ngắm nhìn hộp nữ trang).
Thế cô đã đổi cái gì lấy tất cả những thứ này? Khá lắm! Một chút tình yêu của cô phải không? Quả thực, thế thì có tốn kém gì đâu! Trời đất ơi! Phụ tình như vậy! Không biết nhục nhã, mà còn sống ở đời!
(Ngắm nhìn đồ nữ trang).
Mà biết đâu, xét cho cùng ngọc trai này là giả, vàng này, kim cương này là giả, toàn đồ đồng, đồ thuỷ tinh, đồ chì, xaphia giả, hoa hột giả, châu ngọc giả, vòng xuyến giả! à! Nếu thế thì, quận công phu nhân ơi, trái tim của ả cũng giả nốt như các thứ trang sức này, và ả chỉ là đồ vàng mạ!
(Chàng quay trở lại hộp nữ trang).
Nhưng không, không. Toàn là đồ thật, toàn là đồ tốt, toàn là đồ đẹp cả đây. Lão ta, sắp bước xuống mồ, đâu dám lừa dối. Chẳng thiếu thứ gì.
(Chàng lần lượt cầm lên tay các đồ nữ trang trong hộp).
Vòng này, hột này, hoa tai này, vành hoa quận chúa này, nhẫn vàng này… Tuyệt trần! xin đa tạ mối tình keo sơn, thuỷ chung và sâu sắc! Hộp nữ trang quý giá vô ngần!

ĐÔNHA XON: (Nàng đến bên hộp nữ trang, lục tìm và lôi ra một con dao găm) – Chàng chưa lục tới đáy! Đây là con dao găm, nhờ có nữ thần hộ mệnh giúp đỡ, tôi lấy được của vua Caclôx lúc vua mang ngai vàng ra tặng tôi, nhưng tôi đã vì chàng mà từ chối, chàng, người đương nhục mạ tôi đây!

HECNANI: (Quỳ xuống dưới chân nàng) – Ôi! Hãy để cho anh quỳ gối lau những giọt nước mắt cay đắng và chứa chan vẻ diễm lệ trong đôi mắt ưu sầu của em, sau đó em sẽ lấy tất cả máu trong người anh để bù đắp những dòng lệ ấy!

ĐÔNHA XON: (Cảm động) – Hecnani! Em yêu anh, em tha thứ cho anh, và chỉ có tình yêu đối với anh mà thôi.

HECNANI: – Nàng đã tha thứ cho tôi và yêu tôi! Nhưng làm sao bản thân tôi tự tha thứ cho mình và tự yêu mình được sau khi đã ăn nói như thế? Ôi! Hỡi nàng tiên sinh ra để sống trên thiên đường, anh muốn biết em đã đi qua những nẻo đường nào, để hôn nền đá lát!

ĐÔNHA XON: – Anh yêu của em!

HECNANI: – Không, em khinh ghét anh mới đúng! Nhưng thôi, hãy nói với anh: Em yêu anh! Trời ơi! em hãy làm yên lòng một trái tim đương ngờ vực, em hãy nói với anh như thế đi! Vì thường phụ nữ chỉ cần thốt ra vài ba tiếng ấy là đủ chữa khỏi bao nỗi đau đớn.

ĐÔNHA XON: (Mải nghĩ ngợi và không nghe chàng nói) – Lại có thể nghĩ rằng tình yêu của mình chóng phai đến như thế ư! Rằng những hạng người tầm thường kia, chúng có thể làm cho một trái tim đã khắc sâu tên chàng trở nên nhỏ mọn đến mức chạy theo những mối tình khác chúng cho là danh giá hơn nhiều ư!

HECNANI: – Chao ôi! Anh đã ăn nói cục cằn! Nếu ở vào địa vị em, Đonha Xon ạ, anh sẽ không chịu đựng nữa, anh sẽ chán ngấy cái gã điên rồ hung hăng ấy, cái thằng ngu đần rầu rĩ ấy, nó chỉ biết vuốt ve sau khi đã làm cho đau lòng. Anh sẽ bảo hắn: Cút đi! Ruồng bỏ anh đi, em hãy ruồng bỏ anh đi! Và anh sẽ cầu phúc cho em, vì em nhân hậu và dịu hiền, vì em đã chịu đựng anh quá lâu rồi, vì anh xấu xa, anh sẽ bôi đen những chuỗi ngày của em bằng những bóng đêm của anh, vì còn thế này nữa, tâm hồn em đẹp đẽ, thanh cao và trong trắng, nếu anh độc ác, đâu có phải lỗi tại em? Em lấy vị quận công già đi, lão tử tế, sang trọng, lão được thừa hưởng xứ Ônmêdô bên ngoại, xứ Aneala bên nội. Một lần nữa anh khuyên em hãy lấy lão đi để được giàu sang, sung sướng! Anh, em có biết bàn tay hào phóng này có thể tặng em được cái gì tuyệt diệu không? Một món hồi môn gồm toàn đau khổ. Em sẽ có thể chọn trong đó hoặc máu, hoặc nước mắt. Tù đày, xiềng xích, chết chóc, khủng khiếp đương vây quanh anh, đó chính là cái vòng vàng của em, đó là cái vành hoa xinh đẹp của em, và chưa từng có người chồng vênh vang hãnh diện nào tặng vợ một món nữ trang phong phú hơn gồm toàn khốn khổ và tang tóc. Hãy lấy lão già đi, anh khuyên em; lão xứng với em! ờ! Ai là người tin được rằng đầu kẻ biệt xứ này xứng đôi với vầng trán trong trắng của em? Ai là người nhìn thấy hai đứa chúng ta, em thuỳ mị và xinh tươi, anh hung bạo, liều lĩnh, em hiền hoà và lớn lên như một bông hoa trong bóng rợp, anh bị xô vào vô vàn đá ngầm đương lúc phong ba, ai là ng�! �ời thay thế mà có thể nói rằng số phận chúng ta cùng theo một nhịp(5)? Không. Thượng đế làm mọi việc đều hoàn hảo, không sinh ra em để làm vợ anh đâu. Anh không có quyền gì do Trời định sẵn đối với em cả, anh đành cam chịu! Anh chiếm được trái tim của em, đó là một sự đánh cắp! anh trả lại nó cho người xứng đáng hơn. Trời chẳng bao giờ tán thành tình yêu của chúng ta. Anh đã nói dối khi bảo rằng đó là tại số của em! Vả lại, oán thù, tình yêu, xin vĩnh biệt tất! Đời anh sắp kết thúc. Anh ra đi, vô tích sự, với hai điều mộng hão, hổ thẹn vì không trả được thù mà cũng chẳng làm đẹp được lòng ai, anh sinh ra để thù ghét, nhưng anh lại chỉ có thể yêu thương! Em hãy tha thứ cho anh! Hãy trốn anh đi! Đó là hai điều cầu xin của anh; em đừng khước từ, vì đó là những điều cuối cùng! Em đương sống, còn anh chết rồi. Anh chẳng thấy có lý do gì để em tự chôn mình theo anh dưới mộ.

ĐÔNHA XON: – Rõ bội bạc!

HECNANI: – Hỡi các núi non xứ Aragông! Galix! Ext’ramađua! Than ôi! Ta gieo tai hoạ cho khắp xung quanh! Ta đã lấy đi những đứa con can trường nhất của các ngươi, ta đã đưa họ đi chiến đấu cho quyền lợi của ta, không chút hối hận, và thế là họ chết cả! Đó là những con người kiên cường nhất của nước Tây Ban Nha kiên cường. Họ chết cả! Tất cả đều ngã xuống trong rừng núi, tất cả đều nằm ngửa, chết một cách dũng cảm, trước Thượng đế, và nếu mở mắt ra, họ sẽ thấy trời xanh! Anh đã gây nông nỗi ấy cho tất cả những gì gắn bó với anh như thế đấy! Đó có phải là một số phận khiến em phải ghen tị không? Đônha Xon, em lấy quận công đi, lấy quỷ sứ đi, lấy vua đi! Nên lắm! Tất cả những gì không phải anh đều đáng giá hơn anh! Anh chẳng còn bạn bè nào tưởng nhớ đến anh. Tất cả đều bỏ anh; cuối cùng bây giờ là lúc đến lượt em, vì số anh là phải đơn độc. Hãy trốn tránh sự truyền nhiễm của anh. Đừng xem chuyện yêu đương là nghĩa vụ thiêng liêng! Ôi! Vì lòng thương em, em hãy trốn đi! có lẽ em tưởng anh là một người như mọi người khác, một kẻ thông minh, thẳng tiến đến cái đích mơ ước của mình. Đừng làm thế em ơi. Anh là một sức mạnh mù quáng ở đời! Một kẻ thừa hành vừa đui vừa điếc của những ma lực huyền bí! Một tâm hồn bất hạnh tạo bởi những sự tăm tối! anh đi đâu? Anh không biết.
Nhưng anh cảm thấy mình bị xô đẩy bởi một cơn lốc mãnh liệt, một số mệnh phi lý: Anh cứ xuống, cứ xuống mãi, không bao giờ dừng lại! thỉnh thoảng, mệt thở hổn hển, nếu anh đánh bạo quay đầu l! ại liền nghe có tiếng người nói: Đi đi! Mà vực thì sâu thăm thẳm, nhìn xuống đáy thấy đỏ rực không biết lửa hay máu! Trong khi đó, mọi vật xung quanh trên con đường anh lao xuống như điên dại, đều gẫy nát, đều chết hết. Vô phúc cho kẻ nào chạm phải anh! Ôi! Trốn đi! Hãy tránh ra khỏi con đường tai vạ của anh. Trời ơi! anh sẽ làm khổ em ngoài ý muốn của anh mất thôi!

ĐÔNHA XON: -Trời ơi!

HECNANI: – Chúa Trời của anh là một con quỷ ghê gớm lắm đấy, em ạ. Chỉ có hạnh phúc của anh là điều kỳ diệu duy nhất nó không làm nổi. Còn em lại chính là hạnh phúc! Vậy em sinh ra không phải để làm vợ anh đâu, hãy tìm một người chồng khác đi. Nhưng này, giả sử bao giờ em thấy ông Trời mỉm cười với số phận của anh vốn bị Trời ghét bỏ… em đừng tin! chẳng qua con tạo trớ trêu đó! Hãy lấy quận công đi!

ĐÔNHA XON: – Thế ra, vẫn chưa đủ hay sao! Anh đã vò xé trái tim em, bây giờ còn bóp cho nó vỡ nát! à! Anh không yêu em nữa!

HECNANI:  - Ôi! Trái tim anh và linh hồn anh, là em! Lò than hồng nuôi dưỡng mọi ngọn lửa của anh, là em! Đừng giận anh đã trốn tránh em, em yêu quý!

ĐÔNHA XON:  - Em không giận anh. Duy có điều em sẽ do đó mà chết mất

HECNANI: – Chết ư! Vì ai? vì anh? Chẳng lẽ em lại chết vì chuyện không đâu như thế?

ĐÔNHA XON: (Khóc nức nở) – Tất cả chỉ vì thế.
(Nàng lả xuống một chiếc ghế bành).

HECNANI: (Ngồi xuống bên nàng) – Trời ơi! em khóc! em khóc kìa! Mà vẫn là lỗi tại anh! và ai sẽ trừng phạt anh? bởi vì em sẽ lại tha thứ cho anh nữa! Ai sẽ nói cho em hiểu anh đau lòng biết chừng nào khi thấy giọt lệ ứa ra dập tắt ánh lửa long lanh trong mắt em, nó là nguồn vui của anh! Ôi!! Bạn bè của anh chết cả rồi! Ôi! Anh vô lý quá! Tha thứ cho anh. Anh muốn yêu, mà không biết yêu, than ôi! Dẫu sao anh cũng yêu bằng một mối tình hết sức sâu sắc! Em đừng khóc nữa! Thà chúng ta chết còn hơn! Sao anh lại không có cả một thế giới? Anh sẽ đem tặng nó cho em! anh khổ sở quá!

HECNANI: – Ôi! Tình yêu sẽ là một hạnh phúc tột cùng nếu người ta có thể chết được vì quá yêu nhau!

ĐÔNHA XON: – Em yêu anh! thưa ngài! em yêu ngài và hoàn toàn thuộc về ngài.

HECNANI: (Ngả đầu vào vai nàng) – Ôi! Một nhát dao đâm của em chắc sẽ làm cho anh dễ chịu biết mấy!

ĐÔNHA XON: (Van nài) – A! Anh không sợ Chúa trừng phạt vì nói thế à? 

HECNANI: (Vẫn ngả vào ngực nàng) – Thôi được! Cứ để Chúa xe duyên chúng ta! Em muốn như thế. Thì cũng đành! Anh đã cưỡng lại rồi!

(Hai người ôm lấy nhau, nhìn nhau ngây ngất, không còn trông, còn nghe thấy gì nữa và như quên hết sự đời. Đôn Ruy Gômê từ cửa phía cuối sân khấu đi vào. Lão nhìn và đứng dừng lại như phỗng ở ngưỡng cửa).

Lớp 5

HECNANI, ĐÔNHA XON, ĐÔN RUY GÔMÊ

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Không nhúc nhích và khoanh tay, ở ngưỡng cửa) – à ra thanh toán tiền trọ như thế này đây!

ĐÔNHA XON: – Trời ơi! Quận công!
(Cả hai quay lại như vừa giật mình tỉnh dậy).

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Vẫn không nhúc nhích) – Trả công ta như thế đấy ư, ông khách của tôi? thưa đức ông tốt bụng, lão hãy đi kiểm tra xem tường luỹ có đủ cao không, cửa đóng có kỹ không, và lính cung thủ có mặt ở chòi canh không, lão hãy vì chúng tôi đi tuần quanh lâu đài của lão nhiều lượt. Lão hãy lục tìm trong kho vũ khí một bộ áo giáp vừa với tầm vóc của lão, hãy nai nịt mặc thử bộ đồ chiến một lần nữa ở tuổi lục tuần! Chúng tôi trả công lòng tốt của lão bằng sự trung trực này đấy! Lão làm việc ấy vì chúng tôi và chúng tôi làm việc này vì lão! Hỡi chư thánh trên trời! Con đã sống hơn sáu chục tuổi đầu, con đã thấy nhiều tướng cướp tính khí ngang tàng, con đã nhiều phen tuốt dao xua đuổi những quân vô lại làm vướng đường con đi, con đã thấy những tên sát nhân, những đứa làm bạc giả, những kẻ lừa thầy phản bạn, những kẻ vờ làm đầy tớ, bỏ thuốc độc vào thức ăn cho chủ, con đã từng thấy những kẻ chết không thánh giá và không đọc kinh, con đã thấy Xphorxơ và Borgia ngày trước, nay lại thấy Luyte, nhưng con chưa bao giờ gặp kẻ nào đốn mạt quá đáng đến thế, hắn phản bội người chủ nhân cho hắn trú ngụ mà không sợ sét đánh! Thời con ngày xưa làm gì có chuyện ấy. Việc phản phúc hết sức đen tối khiến cho một Ông lão phải đứng sừng sững ở ngưỡng cửa nhà và làm cho người chủ già nua trước khi ngã xuống trông giống như một pho tượng dùng để đặt ở trên mồ của mình. Hỡi dân xứ Môritani và Caxti! Người này là thế nào?
(Lão ngẩng đầu lên và đưa mắt nhìn các bức chân dung treo qua! nh phòng).
Hỡi tất cả các vị Xinva đương lắng tai nghe, xin thứ lỗi cho nếu trước mặt các vị, xin thứ lỗi cho, nếu con nóng nảy nói rằng hiếu khách là dại dột!

HECNANI: (Đứng dậy) – Thưa quận công…

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Im đi!
(Lão thong thả dạo ba bước trong phòng rồi lại đưa mắt nhìn các chân dung trong họ Xinva).
Hỡi các vị quá cố linh thiêng! Hỡi các đấng tổ tiên! Những con người gang thép! Các vị thấy được cả những thứ từ trên trời xuống, từ địa ngục lên, xin nói cho con biết, thưa các vị, xin nói cho con biết người này là thế nào? Hắn không phải Hecnani, đích danh hắn là juđa! Ôi! Xin các vị cố lên tiếng bảo cho con biết tên hắn!
(Khoanh tay).

Lúc sinh thời, các vị đã gặp sự việc tương tự như thế chưa? Chắc là chưa!

HECNANI: – Bẩm quận công…

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Vẫn nói với các bức chân dung) – Các vị thấy không? Hắn muốn nói đấy, quân đốn mạt! Nhưng các vị hiểu rõ ruột gan hắn hơn con. Ôi! Các vị đừng nghe hắn! Hắn là một đứa gian giảo! Hắn dự đoán cánh tay con chắc sắp gây đổ máu trong nhà này, dự đoán cõi lòng con sôi sục phong ba đương ấp ủ một sự báo thù nào đó, đại loại như bữa tiệc bay đầu ngày xưa, hắn sẽ thưa với các vị rằng hắn là kẻ bị đầy biệt xứ, hắn sẽ thưa với các vị rằng mai kia thiên hạ sẽ nói đến Xinva như ngày nay người ta nói đến Lara(6), rằng hắn là khách của con, rằng hắn là khách của các vị… Hỡi các đấng tổ tiên, hỡi các vị, các vị xem đấy, có phải lỗi tại con hay không? Xin phân xử cho hai chúng con!

HECNANI: – Ruy Gômê đơ Xinva, nếu trên đời có một vầng trán nào cao quý, có một trái tim nào rộng lượng, có một tâm hồn nào cao thượng, thì đó là tâm hồn của ngài, thưa quận công! Đó là tâm hồn của ông bác, ông bác ạ! Tôi đương nói với ông bác đây, tôi có tội, và không hề dám một lời chối cãi, chỉ còn biết nhận tôi là kẻ khốn nạn. Đúng, tôi đã muốn chiếm và đoạt vợ của ông bác, đúng, tôi đã muốn làm ô uế giường của ông bác, đúng, thật là đê mạt! Tôi có máu. Ông bác sẽ đâm cho nó chảy lênh láng, lau gươm, rồi không nghĩ đến nữa là chí phải!

ĐÔNHA XON: – Thưa quận công, không phải chàng đâu! Xin quận công chỉ nên đâm chết tôi!

HECNANI:  - Im đi, Đônha Xon. Bởi lẽ đây là giờ tối hậu, giờ này là của anh. Anh chỉ còn nó nữa mà thôi. Vì vậy, hãy để cho anh phân trần với quận công ở đây.

Thưa quận công, ông bác cứ tin những lời cuối cùng từ miệng tôi nói ra; tôi cam đoan, tôi có tội, nhưng ông bác cứ yên tâm, nàng vẫn trong trắng! Tất cả là thế. Tôi có tội, nàng trong trắng: ông bác cứ tin ở nàng, ông bác cứ đâm cho tôi một mũi kiếm hay mũi dao găm. Cứ thế! Rồi ông bác hãy sai người quẳng xác tôi ra cửa, và lau sàn, nếu ông bác muốn, có gì đâu!

ĐÔNHA XON:  - A! Một mình tôi gây ra tất cả. Vì tôi yêu chàng.
(Đôn Ruy nghe thấy thế thì rùng mình quay lại và trừng trừng nhìn Đônha Xon. Nàng sụp xuống chân lão.)
Đúng thế, xin tha thứ cho! Thưa quận công, tôi yêu chàng!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Nàng yêu hắn ư!
(Với Hecnani).
Vậy ngươi nên run sợ đi!
(Có tiếng kèn ở bên ngoài. Tiểu đồng vào. Với tiểu đồng).
Tiếng kèn gì thế?

TIỂU ĐỒNG: – Bẩm đức ông, nhà vua thân hành ngự giá đến cùng với một đội cung thủ và viên truyền lệnh thổi kèn báo hiệu.

ĐÔNHA XON: – Trời ơi! Nhà vua! Chết mất!

TIỂU ĐỒNG: (Với quận công) – Đức vua phán hỏi tại sao lại then cài cửa đóng và truyền lệnh phải mở ra.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Mở cửa rước đức vua vào đi

(Tiểu đồng cúi chào rồi ra).

ĐÔNHA XON: – Nguy cho chàng mất!

(Đôn Ruy Gômê đi đến bên một bức chân dung, đó là chân dung của chính lão, ở cuối hàng bên trái, lão ấn một cái lò xo, bức chân dung bật ra như một cánh cửa, để lộ một chỗ ẩn nấp khoét trong tường. Lão quay về phía Hecnani.)

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Ông vào đây.

HECNANI: – Đầu tôi là của ông bác. Ông bác cứ đem nộp vua. Tôi xin sẵn sàng. Tôi là tù nhân của ông bác.
(Chàng chui vào chỗ nấp. Đôn Ruy Gômê ấn lò so lần nữa, bức chân dung lại trở về chỗ cũ.)

ĐÔNHA XON: (Với quận công) – Thưa quận công, xin rủ lòng thương.

TIỂU ĐỒNG: (Vào) – Thánh thượng!

(Đônha Xon vội vàng hạ tấm mạng che mặt xuống. Cửa mở rộng cả hai cánh. Đôn Caclôx vào, mặc binh phục, theo sau là một đoàn các nhà quý tộc cũng mang vũ khí, các lính tráng vác giáo, vác súng hoả mai hoặc mang nỏ.)

Lớp 6

ĐÔN RUY GÔMÊ, ĐÔNHA XON (che mạng), ĐON CACLÔX, TÙY TÙNG.

Đôn Caclôx thong thả tiến vào, bàn tay trái đặt lên đốc kiếm, bàn tay phải để trong ngực, nhìn lão quận công bằng con mắt nghi ngờ và tức giận. Quận công bước tới nghênh tiếp nhà vua và cúi rạp xuống chào. Yên lặng. Không khí chờ đợi và sợ hãi bao trùm chung quanh. Cuối cùng, khi đã tiến đến trước mặt quận công, nhà vua thình lình ngẩng đầu lên.

ĐON CACLÔX: – Này người anh em của ta, vì lý do gì hôm nay nhà ngươi then cài cửa đóng kỹ như vậy? Có chư thánh chứng giám! Ta cứ tưởng thanh đoản kiếm của người bị hoen gỉ nhiều rồi! Chứ có ngờ đâu khi chúng ta đến thăm ngươi, nó lại vội vàng sáng loáng trong tay người đến như vậy!
(Đôn Ruy Gômê muốn nói, nhà vua tiếp tục với điệu bộ oai nghiêm).
Bây giờ mà còn muốn làm ra ta đây trai trẻ thì hơi muộn mất rồi! Chúng ta đây có quấn khăn hay không? Hay tên ta là Bôapđin hoặc Mahôm, chứ không phải Caclôx, trả lời đi! Nên người thấy ta mới hạ cửa và nhấc cầu?

ĐÔN RUY GÔMÊ: (nghiêng mình). – Thưa điện hạ…

ĐON CACLÔX: (Với các nhà quý phái đi theo) – Các khanh hãy thu lấy chìa khoá! Hãy chiếm giữ các cửa ra vào!
(Hai võ quan ra. Nhiều võ quan khác dàn quân lính thành ba hàng trong phòng từ chỗ vua đứng ra đến cổng lớn. Đôn Caclôx quay lại phía quận công).

À! Các ngươi nhen lại những cuộc phản loạn đã bị dập tắt hay sao? Chà! Nếu các ngươi giở những thái độ ấy ra với ta thì, thưa các ngài quận công, vua sẽ giở thái độ của vua! Và ta sẽ đi khắp miền rừng núi dùng bàn tay thiện chiến của ta giết hết bọn lãnh chúa tận những ổ kiên cố của chúng!

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Đứng thẳng người lên) – Thưa điện hạ, dòng họ Xinva đều trung thành…

ĐON CACLÔX: (Ngắt lời lão) – Quận công, hãy trả lời không được quanh co, nếu không, ta sẽ sai san phẳng mười một tháp canh của ngươi! Đám cháy đã dập tắt, còn sót lại một tàn lửa, bọn cướp đã chết, còn sót lại tên đầu đảng. Ai che giấu hắn? Chính ngươi! Tên Hecnani phiến loạn, tên đầu độc ấy, nhà ngươi giấu hắn ở đây, trong toà lâu đài này!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Thưa điện hạ, đúng thế!

ĐON CACLÔX: – Khá lắm. Ta muốn lấy đầu nó hoặc là đầu ngươi, ngươi hiểu chứ, người anh em?

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Nghiêng mình) - Thưa điều đó không hề gì, điện hạ sẽ được như ý.
(Đônha Xon hai tay che mặt và ngã khuỵu xuống chiếc ghế bành).

ĐON CACLÔX: (Dịu ngọt) - À! Nhà ngươi đã biết hối lỗi! Đi dẫn tên tù đến đây cho ta.

(Quận công khoanh tay, cúi đầu và trầm ngâm một lát. Vua và Đônha Xon lặng lẽ theo dõi lão, nhưng tâm tư trái ngược hẳn nhau. Cuối cùng,quận công ngẩng đầu lên, tiến đến trước mặt vua, cầm tay vua rồi thong thả dẫn vua đến trước bức chân dung cũ nhất, bức chân dung đầu tiên, ở bên phải)

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Chỉ cho nhà vua bức chân dung cũ kỹ) - Vị này là tộc trưởng, là ông tổ, là đầu ngành, là bậc vĩ nhân của dòng họ Xinva Đôn Xinviuyx, ba lần nhậm quyền tối cao chấp chính ở La mã.
(Sang bức chân dung bên cạnh).
Đây là Đôn Ganxêrăng đơ Xinva, sánh ngang với Xit! ở Tôrô, gần Valađôlit, người ta còn thờ một cái hòm mạ vàng đựng di hài của Người, trên thắp một
nghìn cây bạch lạp. Người đã giải thoát cho Lêông khỏi cái nạn cống một trăm người trinh nữ.
(Sang bức chân dung khác).
Đôn Blax, người đã chính mình tự nguyện đi đầy vì trót khuyên vua làm điều không đúng.
(Sang bức khác).
Đôn Gioorgiơ, người đã bỏ tiền chuộc Ramia, vua xứ Aragông.

ĐON CACLÔX: (Khoanh tay và nhìn lão từ đầu đến chân) – Chà! Đôn Ruy, ta khen ngươi đấy! Tiếp tục nữa đi!

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Sang bức chân dung khác) – Đây là Ruy Gômô Đơ-Xinva, hội trưởng Hội Xanh-jăc và Hội Calst’rava. Bộ áo giáp khổng lồ của Người không hợp với tầm vóc chúng ta. Người đã giật ba trăm lá cờ, đánh thắng ba mươi trận, chinh phục được cho vua các tỉnh Mốt’rin. Ăngtêkêra, Xuyê, Nigia, và chết nghèo khổ. Thưa điện hạ, xin hãy chào Người.

(Lão nghiêng mình, ngả mũ chào rồi sang bức khác. Nhà vua lắng nghe lão với tâm trạng sốt ruột và giận dữ ngày càng tăng).
Bên cạnh đây là Gin, con trai Người, thân thiết đối với những tâm hồn trung thực. Bàn tay của Người, khi thề có giá trị như những bàn tay đế vương.
(Sang bức khác)
Đôn Gaxpa, niềm vinh dự của dòng họ Măngđôx và dòng họ Xinva! Mọi danh gia vọng tộc đều dính líu đến dòng họ Xinva, thưa điện hạ, Xăngđôvan khi thì sợ hãi chúng tôi, khi lại kết thân với chúng tôi, Măng-rich ganh tị chúng tôi, Lara ghen tức chúng tôi. Alăng-caxt’rơ oán ghét chúng tôi. Chúng tôi vừa chạm chân đến tất cả các quận công, vừa chạm đầu đến tất cả các vua chúa!

ĐON CACLÔX: (Sốt ruột) – Nhà ngươi đùa đấy à?

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Đi sang các bức chân dung khác) – Kia là Đôn Vaxkê, biệt hiệu Hiền nhân, Đôn Jêm, biệt hiệu Dũng nhân.

Có lần trên đường đi, chỉ một mình. Người cũng bắt giữ được Đamêt và một trăm quân Môrơ. Tôi xin bỏ lướt qua và toàn những nhân vật ưu tú hơn nhiều.
(Thấy vua tỏ vẻ tức giận, lão bỏ lướt qua nhiều bức và đến thẳng chỗ ba bức chân dung cuối cùng ở phía bên trái khán giả).
Đây là tổ phụ cao quý của kẻ hạ thần. Người thọ sáu mươi tuổi, đã cam kết điều gì không bao giờ sai, ngay cả với những gã Do Thái.
(Sang bức chân dung gần cuối).
Ông già này, con người đáng tôn kính này là thân phụ của kẻ hạ thần. Người rất vĩ đại, tuy đứng ở cuối dòng họ. Giặc Môrơ ở Grơnát bắt giam bá tước Anva Girông, bạn của Người. Người liền dẫn sáu trăm binh lính đi tìm, Người sai tạc tượng Anva Girông bằng đá, chở theo sau và thề với quỷ thần nhất quyết không lùi bước nếu vị bá tước bằng đá không tự ý quay đầu và tháo lui. Người đã chiến đấu, rồi đến được chỗ bá tước và cứu bá tước.

ĐON CACLÔX: – Tên tù của ta!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Một vị Gômê dơ xinva đấy! thiên hạ nói như thế đấy khi họ nhìn thấy tất cả các bậc anh hùng đó trong nhà này…

ĐON CACLÔX: – Tên tù của ta ngay tức khắc!

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Cúi rạp xuống trước nhà vua, cầm tay vua dẫn đến trước bức chân dung cuối cùng chỗ Hecnani đương nấp. Đônha Xon đưa mắt nhìn theo, lo lắng. ai nấy đều chờ đợi và im lặng) – Bức chân dung này, là chân dung của kẻ hạ thần. Xin đa tạ Vua Đôn Cáclôx! Vì điện hạ không muốn cho mọi người khi nhìn thấy nó ở đây, sẽ nói: Kẻ cuối cùng này, đứa con xứng dáng của một dòng họ cực kỳ cao quý, là một tên phản bội đã bán đầu ông khách của hắn”.

(Đônha xon mừng rỡ. Mọi người khác đều lộ vẻ sửng sốt. Nhà vua kinh ngạc, tức giận lùi xa, rồi đứng lặng hồi lâu, môi run bần bật, mắt nẩy lửa).

ĐON CACLÔX: – Quận công, toà lâu dài của ngươi chướng lắm! Ta sẽ san phẳng nó!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Rồi điện hạ sẽ bồi thường cho thần, có phải thế không

ạ?

ĐON CACLÔX: – Quận công, ta sẽ sai phá sập các tháp canh vì sự táo tợn quá đáng của ngươi và trồng gai thay vào chỗ đó!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Thà rằng thấy gai mọc đầy trên nền tháp canh trước đây, còn hơn thấy một vết nhơ ăn ruỗng thanh danh dòng họ Xinva lâu đời.
(Với các chân dung).
Đúng thế không, thưa tất cả các vị?

ĐON CACLÔX: – Quận công, cái đầu ấy là của ta, và nhà ngươi đã hứa với ta…

ĐÔN RUY GÔMÊ: – kẻ hạ thần đã hứa hoặc cái đầu ấy, hoặc cái đầu này.
(Với các bức chân dung).
Đúng thế không, thưa tất cả các vị?
(Chỉ cái đầu của mình).
Con nộp cái đầu này.
(Với vua)
Điện hạ cứ lấy.

ĐON CACLÔX: – Quận công, khá lắm. Nhưng ta thiệt quá, xin đa tạ! Cái đầu mà ta cần còn trẻ, chặt xong rồi, có thể túm tóc xách lên. Đầu của ngươi! Ta thiết quái gì? Tên đao phủ có muốn túm lấy tóc cũng đành chịu. Lơ thơ vài sợi nắm không đầy chét tay!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Thưa điện hạ, chớ có sỉ nhục! Đầu kẻ hạ thần vẫn còn đẹp chán và thần tin rằng nó giá trị ngang với đầu một tên phiến loạn. Đầu của một người họ Xinva mà điện hạ rẻ rúng thế!

ĐON CACLÔX: – Nộp Henani cho ta!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Thưa điện hạ, thần đã tâu rồi.

ĐON CACLÔX: (Với tuỳ tùng) – Hãy lục soát khắp nơi! Đừng để sót một ngăn nhà nào, một ngách hầm nào, một chòi canh nào…

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Toà vọng lâu của thần cũng trung thành như thần. Chỉ có nó và thần biết được điều bí mật. Cả hai chúng tôi sẽ giữ kín.

ĐON CACLÔX: – Ta là vua!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Trừ phi phá tan toà lâu dài vụn ra từng mảnh làm mồ chôn thần, bằng không sẽ chẳng ăn thua gì.

ĐON CACLÔX:  - Nói nhẹ, nói nặng, tất cả đều vô hiệu! Này quận công, nộp tên tướng cướp cho ta, nếu không, cả đầu, cả lâu đài, ta sẽ phạt băng tất.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Thần đã có lời tâu rồi.

ĐON CACLÔX: – À được! Đã thế, đáng lẽ chỉ một, ta sẽ có hai cái đầu.
(Với quận công đơ Ancala).
Giorgiơ, bắt giam quận công lại!

ĐÔNHA XON : (Giật tấm mạng che mặt và lăn xả vào giữa vua, quận công và các lính cận vệ) – Vua Đôn Calôx, ngài là một ông vua tàn nhẫn!

ĐON CACLÔX: - Trời đất ơi! Ai thế này? Đônha xon!

ĐÔNHA XON: – Thưa điện hạ, ông không có trái tim của một người Tây Ban Nha!

ĐON CACLÔX: (Bối rối và lảo đảo) – Công nương ơi, công nương nghiêm khắc với vua quá đấy.
(Bước đến gần Đônha xon. Nói khẽ).

Chính công nương khiến ta phẫn nộ thế này. Cứ chạm đến công nương là đàn ông trở nên thiên thần hoặc ác quỷ. Thế đó! Khi bị ghét bỏ, người ta sinh ra độc ác ngay! Nàng ơi, nếu như nàng muốn, ta vốn là người cự phách, có lẽ ta đã trở thành vĩ đại, trở thành sư tử của Caxti! Nàng đã biến ta thành con hùm của xứ này bằng sự giận dữ của nàng. Con hùm ấy đang gầm lên đây, công nương ơi, công nương im đi cho!
(Đônha Xon đưa mắt nhìn y. Y nghiêng mình).
Dẫu sao, ta sẽ tuân lệnh
(Quay về phía quận công).
Người anh em của ta, ta quý trọng nhà ngươi. Xét cho cùng, nỗi ngần ngại của nhà ngươi xem ra cũng chính đáng. Ngươi cứ việc trung thành với khách và bất trung với vua, được thôi, ta dung thứ cho ngươi và thế là ta hơn ngươi đó. Ta chỉ dẫn cháu gái ngươi đi làm con tin mà thôi.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Mà thôi!

ĐÔNHA XON: (Kinh hoàng) – Tôi ư, thưa điện hạ?

ĐON CACLÔX: – Phải, nàng.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Chỉ thế thôi! Ôi lòng khoan dung đại độ! Ôi kẻ chiến thắng rộng lượng! Tha tội chặt đầu và hành hạ trái tim! Ơn huệ to tát thật!

ĐON CACLÔX: – Chọn đi! Đônha Xon hoặc tên phản nghịch. Ta cần một trong hai người.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Ôi! Đó là quyền của điện hạ!

(Đon Caclôx đến bên Đôn ha Xon để dẫn nàng đi. Nàng chạy đến níu lấy Đôn Ruy Gômê).

ĐÔNHA XON : – Cứu tôi với, quận công ơi!
(Bỗng nàng dừng lại. Nói riêng).
Khốn khổ thân ta, thôi cũng đành! Đầu của chú ta hoặc đầu chàng!… Thà rằng ta còn hơn!
(Với vua).
Tôi đi theo ông.

ĐON CACLÔX:  (Nói riêng) – Trời đất ơi! ý kiến thế mà tuyệt! cô em của ta rút cục cũng phải bớt giận làm lành!

(Đônha Xon buồn bã và cả quyết bước lại gần cái tráp đựng đồ nữ trang, mở ra lấy con dao găm giấu vào trong ngực. Đôn Caclôx bước đến giơ tay đón nàng).

ĐON CACLÔX: (Với Đônha Xon) – Nàng màng gì theo đó?

ĐÔNHA XON: – Có gì đâu.

ĐON CACLÔX: – Một viên ngọc quý chăng?

ĐÔNHA XON: – Đúng.

ĐON CACLÔX: (Mỉm cười) – Xem nào.

ĐÔNHA XON: – Rồi ông sẽ được xem.
(Nàng đưa tay cho vua và sửa soạn đi theo. Đôn Ruy Gômê đương đứng không nhúc nhích, trầm ngâm nghĩ ngợi, bỗng quay lại, bước mấy bước và kêu lên).

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Đônha Xon! Trời đất ơi! Đônha Xon! Hỡi tường cao luỹ dày, giúp ta với! Hãy đổ sụp xuống đi! Vì ở đây chẳng ai là người có tình nghĩa!
(Lão chạy đến bên vua).
Xin tha cho cháu ở lại! thần chỉ có một mình cháu, tâu đức vua!

ĐON CACLÔX: (Buông bàn tay Đônha Xon ra) – Vậy, tên tù của ta!
(Quận công cúi đầu và có vẻ trần trừ bứt rứt ghê gớm; rồi lão ngẩng đầu, chắp tay nhìn lên các bức chân dung).

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Xin tất cả các vị rủ lòng thương con!
(Lão tiến một bước về phía chỗ ẩn nấp; Đônha Xon đưa mắt nhìn theo lo lắng. Lão quay nhìn lên các bức chân dung).
Ôi! xin các Người che mặt lại! Mắt các người ngăn cản con.
(Lão lảo đảo bước đến tận bức chân dung của mình, rồi lại quay về phía nhà vua).
Điện hạ muốn thế ư?

ĐON CACLÔX:  – Đúng.

(Quận công run rẩy với tay lên cái lò xo).

ĐÔNHA XON: – Trời ơi!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Không!
(Lão sụp xuống dưới chân vua).

Điện hạ hãy thương tình, lấy đầu kẻ hạ thần!

ĐON CACLÔX: – Cháu gái ngươi!

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Đứng dậy) – Cứ bắt cháu đi vậy! Và để danh dự lại cho thần!

ĐON CACLÔX: (Nắm lấy bàn tay nàng Đônha Xon đương run rẩy) – Từ biệt quận công.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Xin tạm biệt!
(Lão đưa mắt nhìn theo nhà vua đương từ từ bước đi cùng với Đônha Xon, rồi đặt bàn tay lên con dao găm của mình).
Cầu Chúa che chở cho điện hạ!
Lão trở lại phía trước sân khấu, thở hổn hển, đứng lặng, không nhìn thấy, nghe thấy gì nữa, mắt đờ đẫn, hai tay khoanh trước ngực đương rộn rập. Trong khi đó vua ra cùng với Đônha Xon, và toàn bộ các nhà quý phái tuỳ tùng, xếp hàng đôi, theo thứ bực, nghiêm trang ra theo. Họ vừa đi vừa thì thầm trò chuyện.

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Nói riêng) – Hỡi vua! Trong khi ngươi hớn hở ra khỏi nhà ta, tấm lòng trung quân bấy lâu cũng ra khỏi tim ta đẫm lệ.
(Lão ngước mắt lên, nhìn chung quanh và thấy chỉ còn lại cô một mình. Lão chạy đến bên tường, tháo hai thanh kiếm treo trên giá xuống, so với nhau rồi để lên một cái bàn. Xong đâu đấy, lão đi tới chỗ bức chân dung, ấn cái lò xo, cánh cửa bí mật lại mở ra).

Lớp 7

ĐÔN RUY GÔMÊ, HECNANI

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Ra)!
(Hecnani từ trong chỗ nấp bước ra. Đôn Ruy chỉ cho chàng hai thanh kiếm ở trên bàn).
Chọn đi! Đôn Caclôx ra khỏi nhà rồi. Bây giờ phải thanh toán với ta.
Chọn đi! Và chúng ta phải làm gấp. Ô hay! Tay ngươi run lên kia.

HECNANI: – Quyết đấu ư! Cụ ơi! chúng ta không thể đấu kiếm với nhau được.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Sao vậy? Ngươi sợ à? Người không phải quý phái à? Chà! Dù là quý phái hay không, kẻ nào xúc phạm ta đều có đủ tư cách cùng ta chạm kiếm!

HECNANI: – Cụ ơi…

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Anh chàng kia, lại đây đâm chết ta hoặc lại đây mà chịu chết.

HECNANI: – Chết, thì xin vâng. Cụ đã cứu sống tôi bất kể những ước vọng của tôi. Vì thế đời tôi là của cụ. cụ cứ việc lấy lại.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Ngươi muốn à?
(Với các bức chân dung).
Các vị xem đấy, hắn muốn chết.
(Với Hecnani).
Đã thế thì được. Cầu nguyện đi!

HECNANI: – Ôi! thưa ngài, chính là tôi muốn cầu xin ngài một điều cuối cùng.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Hãy nói với đức ngài khác(7).

HECNANI: – Không, không, với ông bác! Ông bác ơi, cứ đâm chết tôi đi. Đoản kiếm, gươm, dao găm, đâm bằng gì cũng được. Nhưng xin ông bác thương tình ban cho tôi niềm vui tối hậu này! Quận công ơi, cho phép tôi trước khi chết được trông thấy nàng!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Trông thấy nàng!

HECNANI: – Hay ít nhất cũng cho phép tôi được nghe tiếng nàng một lần cuối! chỉ một lần nữa thôi!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Nghe tiếng nàng!

HECNANI:  - Ồ! Ông bác ơi, tôi thông cảm nỗi lòng ghen tuông của ông bác. Nhưng tuổi thanh xuân của tôi đã bị thần chết túm lấy rồi, ông bác tha thứ cho tôi. Nếu không thể trông thấy nàng, ông bác có vui lòng cho tôi nghe tiếng nàng không? Rồi tôi sẽ chết ngay chiều nay. Chỉ nghe tiếng nàng thôi! Ông bác hãy cho tôi thoả lòng mong ước! Nhưng, than ôi! Tôi sẽ thanh thản từ giã cõi đời, nếu ông bác vui lòng chiếu cố cho linh hồn tôi trước khi bay về trời được gặp lại linh hồn nàng trong đôi mắt của nàng! Tôi sẽ không nói gì với nàng cả. Ông bác sẽ đứng ở đấy, ông bác ạ. Sau đó, ông bác sẽ giết tôi.

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Chỉ chỗ ẩn nấp còn để ngỏ) – Hỡi chư thánh! Cái hang kia sâu đến nỗi, kín đến nỗi, hẻo lánh đến nỗi ngươi không nghe thấy gì cả hay sao?

HECNANI: – Tôi không nghe thấy gì cả.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Ta buộc phải nộp hoặc Đônha Xon, hoặc chính người.

HECNANI: – Nộp nàng cho ai?

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Cho vua.

HECNANI: – Ngờ nghệch lắm, ông bác ơi! Vua yêu nàng đấy.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Vua yêu nàng!

HECNANI: – Vua cướp mất nàng của chúng ta rồi! Vua là tình địch của chúng ta đó!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Khốn kiếp! Gia thần của ta đâu! Lên ngựa! Lên ngựa mau! Đuổi theo tên bắt người!

HECNANI: – Ông bác nghe đây. Muốn báo được thù không thể làm rầm rĩ lên được(8). Tôi thuộc về ông bác. Ông bác có thể giết tôi đi. Nhưng ông bác có muốn dùng tôi để trả thù cho cháu gái ông bác và danh tiết của nàng không? Cho tôi tham gia vào cuộc báo thù của ông bác! Ôi! Hãy ban cho tôi ơn huệ ấy, và nếu cần phải ôm hôn chân ông bác, tôi xin ôm hôn! Cả hai chúng ta cùng đuổi theo tên vua. Thế nhé, thưa quận công, tôi sẽ là cánh tay của ông bác, tôi sẽ trả thù cho ông bác. Sau đó, ông bác sẽ giết tôi!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Lúc đó, liệu ngươi còn chịu chết như bây giờ nữa không?

HECNANI: – Có, thưa quận công.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Ngươi lấy gì ra thề?

HECNANI: – Đầu cha tôi.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Liệu mai kia ngươi còn nhớ tới lời thề không?
HECNANI: (Tháo cái tù và đeo ở thắt lưng đưa cho lão) – Ông bác nghe đây. Ông bác cầm chiếc tù và này. Dù sự thể ra sao, hễ khi nào ông bác muốn, bất cứ ở đâu và vào giờ nào, ông bác ạ, nếu sực nghĩ đã đến lúc tôi phải chết, ông bác cứ đến, cứ rúc chiếc tù và này lên, và không cần bận tâm gì nữa. Đâu sẽ vào đấy.

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Giơ tay ra cho chàng) – Bắt tay!
(Họ siết tay nhau. Với các bức chân dung).
Xin tất cả các vị, hãy chứng giám cho!

Hồi 4: Ngôi mộ

EX-LA-SAPEN

Những gian hầm chứa ngôi mộ của Saclơmanhơ ở Ex-la-sapen. Những vòm trần cuốn lớn theo kiểu kiến trúc Lôngbacđi. Cột to và thấp, cửa cuốn hình bán nguyệt, đầu cột chạm chim và hoa. Bên phải, ngôi mộ của Saclơmanhơ, với một cái cửa nhỏ bằng đồng đen, thấp và hình cuốn. Một ngọn đèn duy nhất ở khung cửa cuốn, chiếu sáng hàng chữ: KAROLUS MAGNUS. Ban đêm. Khán giả không nhìn thấu được đến tận cuối gian hầm; tầm mắt bị chặn lại bởi các cửa cuốn, các cầu thang và các hàng cột dọc ngang trong bóng tối.

Lớp 1

ĐÔN CACLÔX, ĐÔN RICACĐÔ ĐÔ RÔXAX

(Bá tước đơ Cadapanma tay cầm một chiếc đèn lồng. Cả hai mặc áo khoác rộng, mũ kéo sụp xuống mắt).

ĐÔN RICACĐÔ: (Mũ cầm tay) – Nơi này đây.

ĐÔN CACLÔX: - Bè đảng tụ họp ở nơi này đây! ta sắp tóm gọn tất cả bọn chúng trong bàn tay ở nơi này đây! A! Ngài tuyển cử hầu thành T’revơ ơi, nơi này đây! Ngài cho chúng mượn địa điểm này! Quả tình, địa điểm chọn khéo lắm! Một vụ âm mưu đen tối tung hoành thuận lợi trong bầu không khí nhà mồ. Mài dao găm trên mộ thì còn gì bằng. Song như thế cũng hơi liều đấy. Đem đầu ra đặt cược ăn thua, hỡi các ông sát nhân! Thế nào rồi sẽ biết. Chà! Chúng chọn mồ mả để dùng vào một việc như thế thì phải quá; chúng sẽ đỡ phải đi xa.
(Với Đôn Ricacđô).

Những gian hầm này lan rộng trong lòng đất có xa lắm không?

ĐÔN RICACĐÔ: – Đến tận thành luỹ.

ĐÔN CACLÔX: - Quá mức cần thiết.

ĐÔN RICACĐÔ : – Còn những gian hầm ở phía kia thông đến tận tu viện Antenhem…

ĐÔN CACLÔX: – Nơi trước đây Tôđônphơ diệt trừ Lôte. Được lắm! Một lần nữa, bá tước ơi, hãy nhắc lại cho ta nghe các họ tên, các mối hằn thù, xảy ra ở đâu, như thế nào và vì sao.

ĐÔN RICACĐÔ : – Gôta.

ĐÔN CACLÔX: – Ta hiểu vì sao vị quận công trung hậu ấy mưu phản. Lão muốn ngôi hoàng đế về tay một người Đức chính cống.

ĐÔN RICACĐÔ : – Hôhenbua.

ĐÔN CACLÔX: – Ta cho rằng Hôhenbua thích xuống địa ngục với Frăngxoa hơn lên thiên đường với ta.

ĐÔN RICACĐÔ : – Đôn Gin Telê Girông.

ĐÔN CACLÔX: – Hỡi trời cao đất dầy! Thế ra hắn cũng nổi loạn chống lại vua của hắn ư, quân khốn kiếp!

ĐÔN RICACĐÔ: – Người ta đồn rằng Girông bắt gặp điện hạ trong phòng vợ ông ta ngay tối hôm được điện hạ phong nam tước. Ông ta muốn báo thù cho danh tiết người vợ dịu hiền.

ĐÔN CACLÔX: – Như thế là hắn nổi loạn chống lại Tây Ban Nha. Họ khai tên những đứa nào nữa?

ĐÔN RICACĐÔ: – Cùng với những người đó, họ còn kể tên các đức cha Vaxkê, giám mục ở Avila.

ĐÔN CACLÔX: – Cũng là để báo thù cho tiết hạnh của vợ hắn chứ!

ĐÔN RICACĐÔ: – Rồi Guydơman đơ Lara, bất mãn, đòi được quàng lên cổ giải huân chương của điện hạ.

ĐÔN CACLÔX: – À! Guydơman đơ Lara! Nếu chỉ cần một sợi dây quàng cổ, hắn sẽ được như ý(9)

ĐÔN RICACĐÔ: – Quận công đơ Luytdenbua. Về những kế hoạch thiên hạ đồn đại là của ông ta…

ĐÔN CACLÔX: – Quận công Đơ Luytdenbua đầu óc lớn quá đấy.

ĐÔN RICACĐÔ: – Joăngđơ Harô, ông ta thèm muốn miền Axtorga.

ĐÔN CACLÔX: – Những tên trong họ Harô vẫn làm cho đao phủ được tăng lương gấp đôi.

ĐÔN RICACĐÔ: – Hết đấy ạ.

ĐÔN CACLÔX: – Đã đủ hết những cái đầu cho ta đâu. Bá tước này, như thế mới là bảy, hãy còn thiếu.

ĐÔN RICACĐÔ: – À! Thần không kể tên mấy tên cướp do thành T’revơ hoặc nước Pháp thuê tiền…

ĐÔN CACLÔX: – Những đứa chẳng thù oán, tay lăm lăm con dao nhọn quay theo phía những đồng tiền to nhất, giống như kim nam châm hướng về Bắc cực.

ĐÔN RICACĐÔ: – Tuy nhiên, thần nhận thấy có hai tay rất gan dạ, cả hai đều mới đến, một trẻ, một già…

ĐÔN CACLÔX:  - Tên chúng?
(Đôn Ricacđô nhún vai tỏ ý không biết)
Tuổi chúng?

ĐÔN RICACĐÔ: – Tay trẻ hai mươi tuổi.

ĐÔN CACLÔX: – Phí quá nhỉ.

ĐÔN RICACĐÔ: – Tay già, ít nhất cũng sáu mươi.

ĐÔN CACLÔX: – Một đứa chưa đến tuổi, một đứa đã quá tuổi. Thôi kệ. Rồi ta sẽ liệu. Đao phủ khi cần thiết có thể trông cậy vào sự giúp sức của ta. Chà! Lưỡi kiếm của ta chẳng đời nào gượng nhẹ với bè lũ phiến loạn đâu, nếu rìu của hắn cùn, ta sẽ cho mượn kiếm, bá tước ạ! Và nếu cần ta sẽ khâu nối hồng bào của ta vào tấm dạ của đoạn đầu đài cho rộng. Nhưng ta có lên ngôi hoàng đế được không đã?

ĐÔN RICACĐÔ: – Tuyển cử đoàn, giờ này đương hội họp và bàn bạc.

ĐÔN CACLÔX: – Biết thế nào được? Họ sẽ bầu Frăngxoa đệ nhất, hoặc Frêđêric Hiền nhân, cùng dòng dõi Xăc-xông với họ cũng nên! Ôi! Luyte có lý, sự đời đảo điên hết cả! Bọn nhào nặn các đức hoàng đế tôn nghiêm sao mà khéo thế! Chỉ chấp nhận những lý lẽ kim tiền làm lý lẽ mà thôi! Một gã Xăcxông theo tà giáo! Một tên tướng quốc ngu si! Một tay giáo chủ thành T’revơ phóng đãng! Còn quốc vương Bôhêm thì ủng hộ ta. Các thân vương xứ Hex, lại bé nhỏ hơn cả những quận hạt của chúng nữa! Những thanh niên đần độn! Những lão già trác táng! Có vương miện cả đấy, đúng thế! Nhưng còn đầu óc? Ngươi tìm xem! Hội nghị trò hề, toàn một lũ lùn! Mà ta có thể cuốn mang đi trong tấm da sư tử của ta, như Hecquyn! Bọn chúng mà lột bỏ áo khoác màu tím ra, có lẽ còn thua kém T’ribulê cả một cái đầu! Ta thiếu ba phiếu, Ricacđô ơi! thiếu hết cả! Trời! Ta sẵn lòng nhường Găng, Tôlet và Xalamăng giơ. Ricacđô thân mến ạ, ba tỉnh để tuỳ chúng chọn, nếu chúng bằng lòng cho ta ba phiếu! Anh thấy không, để có ba phiếu ấy, đúng thế, ba tỉnh thuộc xứ Caxti hoặc xứ Flăngđrơ của ta, ta sẵn lòng nhường Dầu cho, sau này, phải lấy lại!
(Đôn Ricacđô cúi rạp xuống chào vua rồi đội mũ lên đầu).
Nhà ngươi đội mũ ư?

ĐÔN RICACĐÔ: – Tâu điện hạ, Người đã anh anh tôi tôi với kẻ hạ thần.
(Cúi chào lần nữa).
Kẻ hạ thần nay là đại khanh Tây Ban Nha.

ĐÔN RICACĐÔ: (Nói riêng) – ồ! Tội nghiệp cho mi quá! Thèm khát những cái hão huyền! Toàn một loài vụ lợi! Suy nghĩ điều gì cũng như đều thông qua tư tưởng của ta! Một bầy gà vịt đói meo, ngửa mỏ ăn xin không biết trơ trẽn, khiến vua phải bóp vụn uy quyền ra phân phát!
Chỉ riêng Thượng đế và hoàng đế là vĩ đại! Và giáo hoàng! Ngoài ra!. .. Vua chúa và quận công! có nghĩa lý gì!

ĐÔN RICACĐÔ: – Hạ thần hy vọng họ sẽ bầu điện hạ ư! Đâu ta cũng chỉ toàn gặp chuyện rủi ro. Cứ phải là vua mãi hay sao!

ĐÔN RICACĐÔ: (Nói riêng) – Xì, hoàng đế hay không, ta đây cũng là đại khanh Tây Ban Nha.

ĐÔN CACLÔX: – Bầu xong hoàng đế Đức, họ sẽ dùng tín hiệu gì để thông báo tên tuổi cho thành phố biết?

ĐÔN RICACĐÔ: – Nếu là quận công Xăcxơ, chỉ một phát súng thần công. Hai phát nếu là vua Pháp, ba phát nếu là điện hạ.

ĐÔN CACLÔX: – Lại còn nàng Đônha Xon ấy nữa!… Mọi chuyện đều làm cho ta bực tức và khó chịu! Bá tước ơi, nếu may ra ta được làm hoàng đế, chạy đi tìm nàng cho ta. Biết đâu người ta bằng lòng một vị Xêda!…

ĐÔN RICACĐÔ: (Mỉm cười) – Điện hạ tốt quá!

ĐÔN CACLÔX: (Khinh khỉnh ngắt lời gã) – Hừ! Về chuyện này, cấm hé răng! Ta chưa hề nói ta muốn mọi người nghĩ như thế nào. Bao giờ biết tên người trúng cử?

ĐÔN RICACĐÔ: – Theo kẻ hạ thần một giờ nữa là cùng.

ĐÔN CACLÔX: – Ôi! Ba phiếu! Chỉ ba phiếu! Nhưng trước hết phải bóp chết cái bè lũ mưu phản này đã, còn đế quốc về tay ai sau sẽ hay.
(Đếm trên đầu ngón tay và giậm chân).
Vẫn thiếu đứt ba phiếu! Hừ! Đến lọt vào tay bọn chúng mất thôi! Tuy nhiên, lão Cornây Agrippa là tay đoán tài! Trên đại dương không trung, lão đã nhìn thấy mười ba ngôi sao từ phương Bắc lướt vun vút về phía ngôi sao của ta. Vậy, đế quốc về tay ta! Nhưng nghe đâu lại có người đồn rằng tu sĩ jăng T’ritem tiên đoán sẽ về tay Frăngxoa. Muốn nhìn rõ thời vận của ta hơn, lẽ ra ta phải dùng ít nhiều khí giới hỗ trợ cho lời tiên tri! Mọi lời tiên đoán của tay phù thuỷ tài giỏi nhất càng được linh ứng và hiệu nghiệm hơn nhiều nếu có một đạo quân tinh nhuệ, với súng ống, giáo mác, bộ binh, kỵ binh, trống giong cờ mở, đóng vai bà đỡ đẻ cho chúng. Ai là người đoán giỏi hơn. Cornây Agrippa? Hay jăng T’ritem? chính là kẻ có một đạo quân để giải thích lá số, mỗi câu nói đều cắm một mũi giáo, mộ được nhiều lâu la lính đánh thuê hoặc tướng cướp có lưỡi gươm thay đổi được thời vận trớ trêu, đẽo gọt tình thế theo sở thích của nhà tiên tri. Một lũ điên rồ tội nghiệp! Mắt giương giương, đầu ngẩng cao, lăm le tiến thẳng lên ngôi bá chủ hoàn cầu và nói: Ta có quyền! Chúng nó lắm súng thần công sắp thành dãy dài, hơi nóng bỏng phát ra có thể đốt cháy thành phố: chúng có tàu bè, lính tráng, ngựa nghẽo, ai chẳng tưởng chúng sắp tiến tới đích, giẫm đạp lên trên các dân tộc bị nghiền nát… Nào ngờ! Đến ngã tư lớn những con đ! ường may rủi ở đời là nơi dễ đưa người ta xuống vực thẳm hơn lên ngai vàng, chúng chưa đi được ba bước, đã dùng dằng, lưỡng lự, cố tìm hiểu số trời mà chẳng ăn thua, chúng do dự, thiếu tự tin và trong lúc hoang mang, tìm đến người thầy bói ở góc phố để hỏi đường.
(Với Đôn Ricacđô).
Người đi đi! Đã đến giờ bọn mưu phản sắp tới. A! Chìa khoá ngôi mộ!

ĐÔN RICACĐÔ: (Trao một chiếc chìa khoá cho vua) – Tâu điện hạ, Người sẽ nhớ công bá tước đơ Limbua, kẻ coi giữ phần mộ, bá tước đã giao chìa khoá cho kẻ hạ thần và làm tất cả để điện hạ được vui lòng.

ĐÔN CACLÔX: (Đuổi gã ra) – Hãy làm tất cả những điều ta dặn! Tất cả!

ĐÔN RICACĐÔ: (Cúi lạy) – Tâu điện hạ, thần xin đi ngay!

ĐÔN CACLÔX: – Cần ba tiếng súng thần công, phải không?

(Đôn Ricacđô nghiêng mình và ra. Đô Caclôx còn lại một mình, trầm ngâm mơ màng. Tay vua khoanh trước ngực, đầu cúi gục; rồi vua ngẩng đầu lên và quay về phía ngôi mộ).

Lớp 2

ĐÔN CACLÔX, một mình

Saclơmanhơ, xin thứ lỗi! Những trần cuốn cô quạnh này lẽ ra chỉ nên âm vang lại các lời lẽ trang nghiêm; chắc Người rất bực mình về tiếng vo ve này, do dục vọng của chúng tôi gây ra trên lăng mộ của Người. Saclơmanhơ nằm đây! Hỡi nấm mồ âm u, làm sao mi có thể chứa đựng một linh hồn vĩ đại đến thế mà không vỡ tung? Hỡi vị khổng lồ của một thế giới sáng tạo. Người nằm đó thật ư và ở đấy Người có thể nằm duỗi thẳng chân ra ư? A! Châu Âu như hiện tình bây giờ và do ngài để lại là một quang cảnh đẹp đẽ say lòng người! Một toà cung điện với hai người đứng trên nóc, hai vị thủ lĩnh được tuyển lựa mà tất cả các vua chúa bẩm sinh đều thuần phục. Hầu hết các quốc gia, công quốc, vương quốc, hầu quốc, lãnh địa của các tướng lĩnh, tất cả đều cha truyền con nối. Nhưng đôi khi dân chúng có giáo hoàng của mình và Xêda của mình, mọi việc lại trôi chảy, và sự ngẫu nhiên điều chỉnh sự ngẫu nhiên. Do đó, mới có thể quân bình và trật tự luôn luôn được bộc lộ. Các tuyển cử hầu mặc áo dạ vàng, các hồng y giáo chủ mặc áo đỏ tía, các viện nguyên lão tôn nghiêm làm cho trái đất xúc động ấy, chỉ ngồi đó làm vì chứ Thượng đế muốn sao vẫn do Người quyết định. Do nhu cầu của các thời đại, thế nào cũng có ngày một ý chí nảy nở, nó lớn lên, nó đi, nó chạy, xen dự vào mọi việc, trở thành người, chinh phục nhân tâm, tạo một địa vị; nhiều vua chúa gí nó dưới chân hoặc nhét giẻ bịt miệng nó, nhưng thế nào một buổi sáng kia nó cũng bước vào hội nghị bầu hoàng đế hoặc hội nghị bầu giáo hoàng,! và tất cả vua chúa đột nhiên nhìn thấy cái ý chí từ thân phận tôi đòi, vượt lên đè đầu cưỡi cổ họ, quả cầu nằm trong tay hoặc cái mũ ba tầng trên trán. Giáo hoàng và hoàng đế là tất cả. Mọi thứ trên trái đất đều vì hai ngài và do hai ngài. Hai ngài chứa đựng một sự huyền bí vô biên; hai ngài có đủ mọi quyền hành trên trời, được Trời đem các dân tộc và các vua chúa làm một đại tiệc để khoản đãi, và sắp xếp cho hai ngài ngồi riêng với nhau dưới những từng mây ầm ầm sấm sét, bên bàn tiệc nơi Thượng đế mang món thế giới ra mời. Hai ngài ngồi tại đấy, đối diện với nhau, cắt xén thêm bớt, sắp xếp hoàn cầu như người cắt cỏ sửa sang mảnh ruộng. Tất cả diễn ra giữa hai ngài với nhau. Các vua chúa đứng ngoài cửa, hít mùi thơm của các món ăn bưng đến, nghển cổ, kiễng chân, chăm chú, chán chường, nhìn qua ô cửa kính. Bên dưới họ, mọi người tụ họp thành nhóm, theo từng nấc. Hai ngài vun vào và phá ra. Vị này tháo, vị kia cắt. Một vị là chân lý, một vị là sức mạnh. Các vị có cái lý của các vị, trong bản thân các vị, và tồn tại vì các vị đương tồn tại. Khi hai ngài từ trong điện bước ra, bình đẳng với nhau, một vị mặc áo bào đỏ thắm, một vị khoác tấm vải trắng toát, vũ trụ loá mắt, sợ sệt chiêm ngưỡng hai bản thân đó của Thượng đế: giáo hoàng và hoàng đế. Hoàng đế! Hoàng đế! Làm hoàng đế! Ôi tức điên, không được làm hoàng đế! Và thấy lòng mình tràn đầy quả cảm! sung sướng thay con người đương yên nghỉ trong nấm mồ này! Con người ấy vĩ đại biết chừng nào! Vào thời của ngài, còn tốt đẹp hơn! giáo hoàng và hoàn! g đế! ! Khi ấy đâu phải là hai người. Pie và Xêda! Đem hai thành La Mã kết hợp với nhau trong bản thân mình bằng một cuộc hôn nhân thần bí, nhờ lẫn nhau mà sinh sôi nảy nở, ban cho nhân loại một hình thức, một linh hồn, đem các dân tộc và các vương quốc đúc lẫn lộn với nhau thành khối để tạo nên một châu Âu mới, rồi cả hai nặn lại trong khuôn bàn tay mình số đồng đen còn xót lại của thế giới La Mã già nua! Ôi! Số phận oanh liệt biết bao! Dẫu sao, nấm mộ này là mộ của ngài. Mọi sự đều vô nghĩa đến nỗi ai cũng đi tới chốn này ư? Ô hay! Đã từng làm hoàng tử, làm vua, làm hoàng đế! Đã từng là thanh gươm, đã từng là luật pháp! Đấng khổng lồ lấy nước Đức làm bệ kê chân! Sao! Có danh hiệu là Xêda, và có tên là Salơmanhơ! Đã từng vĩ đại hơn Anniban, hơn Attila, vĩ đại ngang với thế giới!… Thế mà tất cả nằm gọn nơi kia! A! Các người cứ mưu bá đồ vương đi! Và hãy nhìn xem cát bụi còn lại của một vị hoàng đế! Cứ làm náo động ầm ĩ khắp trái đất. Cứ xây cứ đắp đế quốc của mình và đừng bao giờ nói: Thế là đủ! Cứ đẽo gọt một toà cung điện nguy nga! Các người có biết một ngày kia còn lại gì không? Ôi! Điên rồ thay! Phiến đá này! Và tên tuổi, chức tước hiển hách! Mấy con chữ cho lũ trẻ tập đánh vần! Lòng kiêu hãnh của các người khát vọng cao xa đến đâu chăng nữa, kết cục vẫn là đây! Ôi! Đế quốc! Đế quốc! Có gì đâu! Ta với tay đến nó, và thấy nó hợp sở thích của ta. Như có cái gì bảo ta: Anh sẽ có đế quốc! Ta sẽ có đế quốc. Giá mà ta có nó!… Trời ơi! Đứng đầu cả nhân loại(10)! Một mình sừng sững trên chót vót toà loa thành đồ sộ! Trở thành cái vòm trần cuốn của một đống các quốc gia xếp chồng chất lên nhau nhìn xuống dưới chân thấy các vua chúa đứng dàn hàng, và chùi dép lên trên đầu họ: mé dưới các vua chúa lại nhìn thấy các dòng họ phong kiến, các quan trấn thủ, các vị giáo chủ, các ngài thống lĩnh, các quận công áo mũ xêng xang; dưới nữa đến các vị giám mục, các tu sĩ, các tù trưởng bộ lạc, các vị chức sắc, rồi đến tăng lữ và lính tráng; dưới nữa, xa cái đỉnh chỗ chúng ta đứng, ở trong bóng tối, tận cùng dưới đáy vực thẳm, dân chúng! Dân chúng! Nghĩa là một đám đông, một biển khơi, một tiếng huyên náo; những tiếng khóc và những tiếng kêu, đôi khi một tiếng cười chua chát; lời than vãn làm cho trái đất cũng phải kinh hoàng choàng tỉnh dậy, vượt qua bao nhiêu âm thanh, vang đến tai chúng ta râm ran! Dân chúng! Những đô thị, những tháp canh, một đám đông nghìn nghịt, những gác chuông nhà thờ cao vút để rung chuông nguy biến!
(Mơ màng).

Nền móng của quốc gia, mang trên vai cái kim tự tháp khổng lồ tì vào hai địa cực, những lớp sóng ào ạt đêm ngày vây riết lấy nó, làm cho nó chòng chành, chao đảo, làm cho mọi vật đều thay đổi chỗ, và những ngai vàng, ở tít trên cao cũng lung lay như những chiếc ghế đẩu, đến nỗi các vua chúa phải gác lại những cuộc tranh cãi không đâu, ngước mắt nhìn lên trời… Các vua chúa! Hãy nhìn xuống dưới mà xem! A! Nhân dân! Đại dương! Sóng dào dạt không ngừng! Chẳng có vật gì ném xuống mà không khuấy động tất cả! Sóng đập nát ngai vàng và ru êm nấm nộ! Một mảnh gương ít khi vua chúa soi vào thấy mình là đẹp! A! Nếu đôi khi nhìn xuống lớp sóng tối om đó, người ta sẽ thấy vô vàn đế quốc chìm sâu dưới đáy, như những con tàu lớn bị đắm, xô đi xô lại theo ngọn nước triều, làm vướng đường sóng biển mà sóng biển cũng không biết đến nữa. Thống trị tất cả những cái đó? Nếu được bầu thì leo lên cái đỉnh ấy ư? Leo lên đấy, và biết rằng mình chỉ là một con người! Dưới kia là vực thẳm!… Miễn sao trong lúc ấy ta đừng có hoa mắt! Ôi! toà kim tự tháp lắc lư làm bằng các quốc gia và các vua chúa kia ơi, đỉnh của mi hẹp quá chừng! Vô phúc cho kẻ nào bước chân run rẩy! Tay sẽ bấu víu vào ai?… Ôi! Nhỡ trong khi cảm thấy thế giới dưới chân ta rung chuyển! Cảm thấy trái đất cựa quậy, nảy sinh, phập phồng mà ta sẩy chân ngã xuống thì sao! Rồi, đến khi nắm được quả cầu trong tay, ta sẽ làm gì với nó? Liệu ta có mang nổi nó không đã? Bản thân ta có tài cán gì? Là hoàng đế ư? Trời ơi! Ta làm vua cũng quá lắm rồi! Quả t! hật, chỉ có ai thuộc nòi xuất chúng, tâm hồn mới lớn lên theo kịp với vận mệnh. Còn như ta đây! Ai sẽ làm cho ta thành vĩ đại? Ai sẽ hướng dẫn ta(11). Ai sẽ khuyên bảo ta?…

(Sụp xuống quỳ trước ngôi mộ).
Saclơmanhơ! Chính là Người! Ôi! Thượng đế vốn không biết trở ngại là gì, đã đem hai bậc đế vương chúng ta đặt đối diện với nhau, vì vậy, xin Người hãy rót vào trong lòng tôi, từ dưới đáy ngôi mộ này, một cái gì vĩ đại, cao siêu và mỹ lệ! Ôi! Người hãy làm cho tôi thấy được mọi sự vật qua mọi khía cạnh của chúng! Hãy chứng tỏ cho ta thấy thế giới là nhỏ bé, bởi vì tôi không dám động đến nó. Hãy chứng tỏ cho tôi thấy trên tháp Baben kia, từ chỗ tên mục đồng lên đến chỗ Xêda đứng cao vút tận trời, ai ở thứ bậc nào cũng đều lấy làm hài lòng, tự chiêm ngưỡng, nhìn kẻ đứng bên dưới và cố nhịn cười. Hãy bảo cho tôi những bí quyết dễ chiến thắng và trị vì của Người, và hãy nói với tôi rằng nên trừng phạt hơn là tha thứ! có phải thế không? Nếu quả thật một linh hồn vĩ đại yên nghỉ trong cái giường cô quạnh, thỉnh thoảng cũng thức dậy vì tiếng động do trái đất gây nên, và trong đêm tối, ngôi mộ rộng rãi, sáng sủa bỗng hé mở ra, rọi vào thế gian một ánh chớp; nếu quả thật như vậy, hỡi hoàng đế Đức! Ôi! Hãy nói cho tôi biết sau Saclơmanhơ người đời có thể làm được gì nữa! Người nói đi! cho dù trong khi nói, hơi thở đế vương của Người làm cho cái cửa bằng đồng đen này gãy ụp xuống đầu tôi chăng nữa! Hoặc tốt hơn, hãy để tôi được trông thấy dung nhan giá lạnh của Người, đừng xua đuổi tôi bằng một trận cuồng phong; cứ ngồi tựa khuỷu tay vào chiếc gối đá của người ở đầu giường. Chúng ta trò chuyện, vâng, dù Người sẽ nói với tôi bằn! g một giọng khủng khiếp toàn những chuyện làm cho mắt mờ và mặt mày xanh xám, Người cũng cứ nói đi và xin đừng làm loá mắt đứa con hoảng sợ của người, vì chắc nấm mộ của người tràn đầy ánh sáng! Hay nếu Người không nói gì, thì trong khi yên giấc ngàn thu, hãy để cho Caclôx nghiên cứu cái đầu của Người như một thế giới; hãy để cho tôi thung dung lấy kích thước của Người, hỡi đấng khổng lồ! Bởi dưới trần gian này không có gì vĩ đại như cái hư không của Người! Hãy để cho thi hài khuyên bảo tôi, vì linh hồn nín tiếng!
(Đưa chìa vào gần ổ khoá).

Nào ta vào!
Trời! Nhỡ ngài nói vào tai ta! Nhỡ ngài đương ở trong đó, đi đứng khoan thai! Nhỡ ta trở ra với đầu tóc bạc phơ! Ta vẫn cứ vào!
(Có tiếng chân bước).
Có người đến! Trừ ta, ai là kẻ giờ này dám khuấy động nơi an nghỉ của một người chết như ngài? Ai thế?
(Tiếng chân người lại gần).
À! Ta quên! Đó là những kẻ mưu sát ta! Nào ta vào!
(Đôn Caclôx mở cửa ngôi mộ, bước vào trong rồi khép lại. Nhiều người vào, chân bước rón rén, mặc áo khoác liền mũ trùm kín toàn thân).

Lớp 3

NHỮNG NGƯỜI MƯU SỰ

(Họ bước lại gần nhau, nắm tay nhau và thì thầm trao đổi mấy lời).

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ NHẤT: (Người duy nhất cầm một cây đuốc sáng) – Ad augusta.

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ HAI: – Per angusta(1).

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ NHẤT: – Các thần thánh che chở chúng ta.

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ HAI: – Các người chết giúp đỡ chúng ta.

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ NHẤT: – Thượng đế phù hộ chúng ta.

(Tiếng bước chân trong bóng tối).

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ HAI: – Ai, đứng lại?

TIẾNG NÓI TRONG BÓNG TỐI: – Ad augusta.

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ HAI: – Per angusta.

(Nhiều người mưu sự nữa bước vào. Tiếng chân bước).

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ NHẤT: (Với người thứ ba) – Kìa. Lại có ai đến.

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ BA: – Ai, đứng lại?

TIẾNG NÓI TRONG BÓNG TỐI: – Ad augusta.

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ HAI: – Per angusta.

(Nhiều người mưu sự nữa bước vào, giơ tay làm hiệu trao đổi với tất cả những người khác).

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ NHẤT: – Tốt lắm. Chúng ta đã đông đủ…, Gôta, báo cáo đi. Anh em ơi, bóng tối chờ đợi ánh sáng.

(Mọi người mưu sự ngồi quây thành hình bán nguyệt trên các ngôi mộ. Người mưu sự thứ nhất lần lượt đi đến trước mặt từng người, và ai nấy cầm nến châm vào ngọn đuốc của chàng. Rồi người mưu sự thứ nhất lẳng lặng đến ngồi trên ngôi mộ ở chính giữa vòng tròn, và cao hơn các ngôi mộ khác).

QUẬN CÔNG ĐƠ GÔTA: (Đứng dậy) – Hỡi các anh em tên Saclơ nước Tây Ban Nha(2) về họ mẹ là người ngoại bang, dám lăm le ngôi bá chủ đế quốc (3).

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ NHẤT: – Hắn sẽ được ngôi mộ.

QUẬN CÔNG ĐƠ GÔTA: (Ném cây đuốc của mình xuống đất và di chân lên).

- Đầu hắn sẽ như cây đuốc này!

MỌI NGƯỜI ĐỒNG THANH: Như cây đuốc ấy!

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ NHẤT: – Hắn phải chết!

QUẬN CÔNG ĐƠ GÔTA: – Phải chết!

Mọi người đồng thanh: – Giết chết hắn đi!

ĐÔN JOĂNG ĐƠ HARÔ: – Cha hắn là người Đức.

QUẬN CÔNG ĐƠ LUYĐENBUA: Mẹ hắn là người Tây Ban Nha.

QUẬN CÔNG ĐƠ GÔTA: – Hắn không còn là người Tây Ban Nha mà cũng Chẳng phải là người Đức. Phải chết!

MỘT NGƯỜI MƯU SỰ: – Nếu các tuyển cử hầu lúc này sắp bầu hắn làm hoàng đế thì sao?

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ NHẤT: – Họ! Hắn! Không đời nào!

ĐÔN GIN TELÊ GHRÔNG: – Có gì đâu! Anh em ơi! Cứ đập vỡ đầu là vương miện cũng chết!

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ NHẤT: – Nếu hắn có đế quốc thần thánh dù là thế nào, hẳn cũng trở thành chí tôn và chỉ một mình Thượng đế có thể chạm ngón tay vào hắn!

QUẬN CÔNG ĐƠ GÔTA: – Chắc chắn nhất là hắn chết đi trước khi trở thành chí tôn!

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ NHẤT: – Họ sẽ không bầu hắn được nữa!

MỌI NGƯỜI ĐỒNG THANH: – Hắn sẽ không có đế quốc nữa!

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ NHẤT: – Cần bao nhiêu cánh tay để khâm liệm hắn?

MỌI NGƯỜI ĐỒNG THANH: – Chỉ một.

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ NHẤT: – Ai sẽ đâm?

MỌI NGƯỜI ĐỒNG THANH: – Tất cả chúng ta!

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ NHẤT: – Vật tế thần là một tên phản nghịch. Họ bầu một vị hoàng đế. Còn chúng ta, hãy chọn  một viên chủ tế. Ta cùng rút thăm.
(Tất cả những người mưu sự viết tên mình vào một mảnh giấy, cuộn tròn lại và lần lượt đem bỏ vào bình đựng di hài của một ngôi một. Rồi người mưu sự thứ nhất nói):
Chúng ta hãy cầu nguyện.
(Mọi người quỳ xuống. Người mưu sự thứ nhất lại đứng dậy và nói):

Người được tuyển lựa hãy tin ở Thượng đế, hãy trừng trị như một người La Mã, hãy chết như một người hêbrơ! Người đó phải biết coi thường mọi nhục hình kìm kẹp, hát dưới giá treo cổ, cười trên lò than rực, và làm bất cứ việc gì để giết và để chết nhẫn nhục!
(Chàng nhặt ở trong bình ra một lá thăm).

MỌI NGƯỜI ĐỒNG THANH: – Tên ai?

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ NHẤT: (Nói to) – Hecnani.

HECNANI: (Từ trong đám đông những người mưu sự bước ra) – Ta được rồi! Hỡi nàng báo thù! Theo đuổi nàng mãi ta đã túm được nàng!

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Lách đám đông và kéo riêng Hecnani ra một nơi) – Ôi! Anh nhường ta nhát dao đó!

HECNANI:  - Không, không đời nào! Ôi! Thưa ngài, xin ngài đừng ghen với vận may của tôi! Đây là lần đầu tiên tôi gặp may mắn!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Anh chẳng có gì hết. Thế này nhé! Tất cả thái ấp, lâu dài, bồi thần, trăm nghìn nông dân trong ba trăm làng của ta, để được đậm nhát dao ấy, ta cho anh đấy, anh bạn ạ!

HECNANI: – Không!

QUẬN CÔNG ĐƠ GÔTA: – Cánh tay của lão đâm không được vững lắm đâu, lão ơi!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Thôi đi! Các ông! Cánh tay tôi yếu nhưng tôi có gan dạ. Đừng thấy vỏ gươm han gỉ mà tưởng lưỡi gươm cùn(4)
(Với Hecnani).
Anh thuộc quyền ta!

HECNANI:  - Đời tôi thuộc quyền ngài, đời hắn thuộc quyền tôi.

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Lôi chiếc tù và ở thắt lưng ra) – Nàng! Ta nhường nàng cho anh đó, và trả anh chiếc tù và này(5).

HECNANI: (Giao động) – Sao? Cuộc sống và Đônha Xon ư! Không! Tôi nắm lấy sự báo thù! Trong chuyện này tôi nhất trí với lòng Trời run rủi. Tôi phải trả thù cho cha tôi!… Có lẽ còn hơn thế nữa!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Nàng! Ta trao nàng cho anh đó, và ta trả anh chiếc tù và này.

HECNANI: – Không!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Hãy suy nghĩ đi, cháu ơi!

HECNANI: – Thưa quận công! Hãy để con mồi lại cho tôi!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Thôi được! Nguyền rủa ngươi đã tước mất của ta niềm vui này.
(Lão lại giắt tù và vào thắt lưng).

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ NHẤT: (Với Hecnani) – Người anh em, ngay tối hôm nay, trước khi họ kịp bầu hắn, ta nên đứng đợi Caclôx ở…

HECNANI: – Đừng lo ngại gì cả! Tôi biết cách phải xô một đứa xuống mồ như thế nào.

NGƯỜI MƯU SỰ THỨ NHẤT: – Cầu cho mọi sự phản phúc lại rơi xuống đầu tên phản nghịch, và cầu Chúa phù hộ cho anh! Còn chúng ta, hỡi các vị công hầu bá tử(7), nếu anh bạn đây ngã xuống mà chưa giết được, chúng ta sẽ tiếp tục! Chúng ta hãy thề sẽ lần lượt và không một ai trốn tránh, đâm tên Caclôx kỳ cho đến chết.

MỌI NGƯỜI: (Rút kiếm ra và đồng thanh) – Xin thề!

QUẬN CÔNG ĐƠ GÔTA: (Với người mưu sự thứ nhất) – Lấy gì ra mà thề, người anh em?

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Quay ngược thanh kiếm, cầm đằng mũi nhọn và giơ lên đầu) – Chúng ta hãy thề trước cây thánh giá này!

MỌI NGƯỜI: (Đều giơ kiếm lên và đồng thanh) – Hắn phải chết không kịp sám hối!

(Người ta nghe thấy một tiếng súng thần công xa xa. Tất cả mọi người đều đứng lặng im. Cửa ngôi mộ hé mở và Đôn Caclôx xuất hiện ở ngưỡng cửa, tái nhợt, lắng tai nghe . Tiếng súng thứ hai. Tiếng súng thứ ba. Đôn Caclôx mở toang cửa ngôi mộ, nhưng không tiến một bước nào mà vẫn đứng sững ở ngưỡng cửa).

Lớp 4

NHỮNG NGƯỜI MƯU SỰ, ĐÔN CACLÔX, RỒI  ĐÔN RICACĐÔ, CÁC NHÀ QUÝ PHÁI, CÁC LINH CẬN VỆ, VUA BÔHÊM, QUẬN CÔNG ĐƠ BAVIE, RỒI ĐÔNHA XON

ĐÔN CACLÔX: – Các người, hãy đứng xa nữa ra! Hoàng đế nghe các ngươi đây.
(Tất cả các ngọn đuốc cùng tắt phụt một lúc, lặng lẽ như tờ. Đôn Caclôx tiến lên một bước trong bóng tối dầy đặc đến nỗi người ta chỉ nhìn thấy lờ mờ những người mưu sự nín lặng và không nhúc nhích).

Im lặng và tối đen! Một bầy trong đó chui ra rồi lại biến vào trong đó! Các ngươi tưởng rằng chuyện này sẽ qua đi như một giấc mơ, và không có những bó đuốc của các ngươi nữa, ta sẽ nhầm các ngươi là những pho tượng đá ngồi trên mộ hay sao? Các pho tượng của ta ơi! Ban nãy, bọn ngươi nói khá to đấy! Nào! Hãy ngẩng những cái đầu ủ rũ lên, bởi vì Saclơ Canh đây! Đâm đi! Tiến lên một bước đi! Xem nào: các ngươi có dám không? Không, các ngươi sẽ không dám. Đuốc của các ngươi đã cháy đỏ rực như máu dưới các vòm cuốn này; hơi thở của ta đã đủ làm cho chúng tắt ngấm hết! Nhưng hãy nhìn đây, và hãy quay những con mắt lơ láo của các ngươi đi, ta tắt đuốc đi đã nhiều, ta châm đuốc lên còn nhiều hơn!
(Đôn Caclôx lấy chiếc chìa khoá sắt gõ lên cửa ngôi mộ bằng đồng. Thấy hiệu lệnh đó, lính tráng kéo vào đầy các gian hầm, cầm đuốc và đoản kích. Dẫn đầu là quận công đơ Aneala, hầu tước đơ Anmuynhăng, vân vân).
Mau tới đây, các chim ưng của ta, ta đã được tổ chim, ta đã được con mồi!
(Với những người mưu sự).
Đến lượt ta thắp sáng. hầm mộ cháy bừng bừng! Hãy nhìn mà xem!
(Với lính tráng).
Chúng bay vào cả đây, vì tội trạng đã rành rành!

HECNANI: (Nhìn lính tráng) – Thế mà hay! Ban nãy có một mình, hắn có vẻ lớn lao quá. Được lắm! Mới đầu ta cứ ngỡ Saclơmanhơ. Té ra chỉ là Saclơ Canh.

ĐÔN CACLÔX:  (Với quận công đơ Aneala). – Đại nguyên soái Tây Ban Nha!
(Với hầu tước đơ Anmuynhăng).
Thuỷ sư đô đốc Caxti, lại đây! Tước khí giới bọn chúng đi!
(Họ vây quanh những người mưu sự và tước khí giới).

ĐÔN RICACĐÔ: (Chạy tới và cúi lạy sát đất) – Muôn tâu bệ hạ!…

ĐÔN CACLÔX: – Ta phong người làm pháp quan đô chính.

ĐÔN RICACĐÔ: (Lại cúi lạy) – Hai vị tuyển cử hầu thay mặt Thượng hội nghị đến chúc mừng bệ hạ tôn nghiêm!

ĐÔN CACLÔX: – Cho họ vào!
(Nói nhỏ với Ricacđô).
Đônha Xon.

(Ricacđô chào và ra. Vua Bôhêm và quận công đơ Bavie vào, mặc áo dạ vàng, đầu đội mũ miện, đèn đuốc, chiêng trống tưng bừng. Theo sau là một toán đông các nhà quý phái Đức mang cờ hiệu đế quốc, thêu con chim ưng hai đầu, ở giữa có phù hiệu Tây Ban Nha. Lính tráng đứng giãn ra, sắp thành hàng rào, lấy lối cho hai tuyển cử hầu tiến đến cúi chào hoàng đế rất cung kính, và hoàng đế nhấc mũ đáp lễ lại).

CÔNG ĐƠ BAVIE: – Saclơ! Vua của những người La Mã, đức Bệ hạ chí tôn, đức hoàng đế! Thế giới giờ đây ở trong tay ngài, vì ngài có đế quốc. Chiếc ngai vàng mà mọi đáng quân vương đều khao khát, nay là của ngài! Thoạt tiên, quận công Xăcxơ là Frêđêric được bầu; nhưng xét thấy ngài xứng đáng hơn, ông đã từ chối. Vậy xin ngài đến tiếp nhận vương miện và quả cầu. Hỡi đức vua! Đế quốc Thần thánh khoác cho ngài tấm áo bào, võ trang cho ngài thanh đoản kiếm, và ngài trở thành cực kỳ vĩ đại.

ĐÔN CACLÔX: – Khi nào trở về, ta sẽ đến cảm ơn Thượng nghị hội. Các ngươi hãy ra về. Xin cảm ơn người anh em xứ Bôhêm của ta, người anh em xứ Bavie của ta, các ngươi hãy ra về! Ta sẽ thân hành đến.

VUA BÔHÊM:  - Saclơ, tổ phụ chúng ta xưa kia là bạn thân. Thân phụ tôi yêu mến thân phụ ngài, và ông thân sinh ra các người yêu mến nhau.
Saclơ, còn trẻ thế mà đã trải qua bao bước gian truân, xin ngài cho biết có vui lòng nhận tôi vào hàng anh em của ngài hay không?

Tôi đã được trông thấy ngài từ khi ngài còn nhỏ xíu, và không sao quên được…

ĐÔN CACLÔX: (Ngắt lời) – Ừ được rồi! Hỡi vua Bôhêm, người là chỗ thân thích!
(Đôn Caclôx đưa tay cho vua bôhêm cũng như cho quận công đơ Bavie hôn; rồi truyền cho hai tuyển cử hầu đi ra, họ cúi chào rất cung kính).
Các người về đi!
(Hai tuyển cử hầu cùng đoàn tuỳ tùng ra).

QUẦN CHÚNG: – Vạn Tuế!

ĐÔN CACLÔX: (Nói riêng) – Ta tới đích rồi! Và tất cả đã tránh đường cho ta đi! Lên ngôi hoàng đế! Vì Frêđêric Hiền nhân khước từ!

(Ricacđô đưa Đônha Xon vào).

ĐÔNHA XON: – Lính tráng! Hoàng đế! Trời ơi! Thật bất ngờ! Anh Hecnani!

HECNANI: – Đônha xon!

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Bên cạnh Hecnani, nói riêng) – Nàng không hề nhìn thấy ta!

(Đônha Xon chạy đến với Hecnani. Chàng đưa mắt nhìn có vẻ nghi ngại khiến nàng lùi lại).

HECNANI: – Thưa cô nương!

ĐÔNHA XON: (Rút ở trong áo ra một con dao nhọn) – Em vẫn giữ con dao nhọn của hắn đây!

HECNANI: (Giơ hai tay về phía nàng) – Em!

ĐÔN CACLÔX: - Tất cả yên lặng!
(Với những người mưu sự).
Các ngươi đã hoàn hồn lại chưa? Ta cần cho đời một bài học. Lara người Caxtit và Gôta người Xăcxơ, và tất cả các ngươi! Các ngươi đến đây làm gì? Nói đi!

HECNANI: (Tiến lên một bước). – Thưa ngài, chuyện hoàn toàn đơn giản và có thể nói để ngài biết được. Chúng tôi khắc lời tuyên án lên bức tường của vua Bantada.
(Chàng rút dao nhọn ra và vung lên).
Chúng tôi trả lại cho Xêda những gì của Xêda.

ĐÔN CACLÔX:  – Im!

(Với Đôn Ruy Gômê)
Người cũng phản bội ư, Xinva?

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Kẻ nào trong hai chúng ta, thưa ngài?

HECNAN: (Quay về phía những người mưu sự) – Đầu chúng ta và đế quốc! Hắn ao ước gì đều được cả.
Chiếc áo bào xanh của các quận vương có thể đã làm vướng bước chân ngài. Chiếc áo bào đỏ thắm thích hợp với ngài hơn. Máu dây ra không nhìn thấy.

ĐÔN CACLÔX: (Với Đôn Ruy Gômê) – Người anh em đơ Xinva của ta, đây là một sự phản nghịch đáng đem xoá bỏ tước hiệu của nhà ngươi đi! Đây là tội đại nghịch, Đôn Ruy, ngươi nhớ kỹ lấy!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Có những vua Rôđrigơ mới có những bá tước juyliêng(8).

ĐÔN CACLÔX: (Với quận công đơ Ancala). – Chỉ những ai có thể là quận công hoặc bá tước, khanh hãy bắt giữ. Số còn lại!…

(Đôn Ruy Gômê, quận công dơ Luytdenbua quận công đơ Gôta, Đôn joăng đơ Harô, Đôn Guyđơman đơ Lara, Đôn Telê Girông, nam tước đơ Hôhenbua tách ra khỏi nhóm những người mưu sự, còn Hecnani ở lại. Quận công đơ Ancala bố trí lính cận vệ vây chặt lấy họ).

ĐÔNHA XON: – Chàng thoát rồi!

HECNAN: (Từ trong nhóm những người mưu sự bước ra) – Tôi yêu cầu tính cả tôi nữa!
(Với Đôn Caclôx).
Vì đây là chuyện búa rìu, vì Hecnani, gã mục phu vô danh tiểu tốt, có lẽ sẽ lọt qua chân mi không bị trừng phạt, vì đầu hắn chẳng tới được ngang tầm thanh đoản kiếm của mi, vì phải lớn lao mới có thể chết được, ta đứng lên vậy. Thượng đế là đấng ban quyền trượng và đem nó ban cho mi, cũng đã phong ta làm quận công đơ Xêgorbơ và quận công đơ Cacđôna, hầu tước đơ Môngroa, bá tước đơ Anbatêra, tử tước đơ Go, lãnh chúa của những miền không sao đếm xuể. Ta là Jăng đơ Aragông, cung trưởng Avi, sinh ra trong cảnh tù đầy, đứa con bị trục xuất của một người cha bị cha mi tuyên án sát hại, hỡi vua Caclôx xứ Caxti! Đâm chém nhau là việc riêng trong dòng họ giữa chúng ta. Bọn mi có đài xử chém, bọn ta có mũi dao nhọn. Đấy. Trời đã cho ta làm quận công, còn cảnh đầy ải khiến ta thành kẻ lục lâm. Song, ta mài gươm trên đá núi và tôi lại gươm trong thác nước đã chẳng ăn thua gì.
(Chàng đội mũ. Với những người mưu sự khác).
Chúng ta hãy đội mũ vào, hỡi các quan đại khanh Tây Ban Nha!
(Tất cả những người Tây Ban Nha đội mũ. Với Đôn Caclôx).
Đúng, đầu chúng ta, hỡi vua, có quyền đội mũ khi rơi xuống trước mặt mi!
(Với những người bị bắt).

Xinva! Harô! Lara! Những bậc có tước vị và dòng dõi, xin dịch chỗ cho Jăng đơ Aragông! Hỡi các vị quận công và bá tước, để chỗ cho tôi!
(Với bọn triều thần và lính cận vệ).
Hỡi vua, hỡi các đao phủ và lính hầu, ta là Jăng đơ Aragông! Nếu đài xử chém của bọn mi bé quá thì thay đi!
(Chàng đến đứng cùng với các nhà quý phái bị bắt).

ĐÔNHA XON: – Trời ơi!

ĐÔN CACLÔX: - Quả thực ta quên bẵng chuyện đó.

HECNANI: – Sườn ai đổ máu, người ấy có trí nhớ tốt hơn. Kẻ xúc phạm thường điên dại quên đi điều sỉ nhục, nhưng người bị xúc phạm ghi khắc mãi trong lòng(9)!

ĐÔN CACLÔX: - Vậy ta là con cháu những người cha đã làm rơi đầu cha các ngươi, còn danh hiệu nào đáng ao ước hơn!

ĐÔNHA XON: (Quỳ phục xuống trước mặt hoàng đế).

Xin bệ hạ tha thứ! Rủ lòng thương! Xin bệ hạ mở lượng khoan hồng! Hoặc giết cả hai chúng tôi, vì chàng là người yêu của tôi, là chồng tôi! Chỉ có chàng tôi mới sống nổi! Ôi! Tôi run sợ quá. Xin bệ hạ rủ lòng thương giết chúng tôi cùng với nhau! Tâu hoàng đế! tôi lê mình đến dưới chân tôn nghiêm của bệ hạ! Tôi yêu chàng! Chàng đối với tôi cũng như đế quốc đối với bệ hạ! Ôi! xin gia ơn!
(Đôn Caclôx nhìn nàng, không hề nhúc nhích).
Bệ hạ mải nghĩ điều gì khủng khiếp thế?…

ĐÔN CACLÔX: - Thôi được, đứng dậy, quận công phu nhân đơ Xêgrbrơ, bá tước phu nhân đơ Anbatêra, hầu tước phu nhân đơ Môngroa…
(Với Hecnani).
Còn những tên gì khác nữa, Đôn Joăng?

HENANI: – Ai nói thế vậy? Vua ư?

ĐÔN CACLÔX: - Không, hoàng đế.

ĐÔNHA XON: (Đứng dậy). – Trời đất!

ĐÔN CACLÔX: (chỉ nàng và nói với Hecnani). – Quận công, đây là vợ ngươi!

HENANI: (Mắt ngước lên trời và hai tay ôm Đônha Xon) – Thượng đế công minh!

ĐÔN CACLÔX: (Với Đôn Ruy Gômê) – Này người anh em của ta, dòng máu quý phái của nhà ngươi ghen tức đấy, ta biết. Nhưng Aragông có thể kết hôn với Xinva được.

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Buồn rầu). – Đâu phải dòng máu quý phái của kẻ hạ thần!

HENANI: (Ôm Đônha Xon trong tay và nhìn nàng âu yếm) – Ôi! Lòng căm hờn của anh bay biến hết!
(Chàng quăng dao nhọn của mình đi).

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Nhìn cả hai người, nói riêng) – Ta nổi lôi đình lên chăng? ồ! Không. Tình yêu cuồng si! Nỗi đau rồ dại! Hỡi mái đầu già nua Tây Ban Nha, mi làm cho chúng động lòng thương hại mất thôi! Lão ơi, hãy cháy âm ỉ, hãy yêu và đau đớn một cách âm thầm, cứ để mặc trái tim mòn héo! Đừng một lời than vãn. Thiên hạ cười cho!

ĐÔNHA XON: (Trong cánh tay Hecnani). – Ôi, quận công của em!

HENANI: – Trong tâm hồn anh chỉ còn toàn yêu đương.

ĐÔNHA XON: – Ôi, hạnh phúc quá!

ĐÔN CACLÔX: (Đặt tay lên ngực, nói riêng) – Hãy tắt ngấm đi, hỡi trái tim trẻ trung và rừng rực lửa! Lâu nay mi làm cho lý trí rối loạn, giờ hãy để cho nó ngự trị. Những mối tình của mi, những tình nương của mi, từ nay, chao ôi, là Đức, là Flăngđrơ, là Tây Ban Nha.
(Mắt nhìn chăm chú lên lá cờ hiệu).
Hoàng đế giống như con chim ưng, bạn đời của mình: ở vị trí của trái tim, chỉ có một chiếc phù hiệu.

HENANI: – A! Ngài là Xêda!

ĐÔN CACLÔX: (Với Hecnani) – Đôn Joăng, trái tim khanh xứng đáng với dòng họ cao quý của khanh.
(Chỉ Đônha Xon).
Nó cũng xứng đáng với nàng. Quỳ xuống, quận công!
(Hecnani quỳ xuống. Đôn Caclôx tháo huân chương Lông cừu vàng của mình quàng lên cổ chàng).
Khanh nhận chiếc vòng này.
(Đôn Caclôx rút kiếm ra đập ba lần lên vai chàng).
Hãy trung thành! Có thánh Êchiên chứng giám, quận công, ta phong khanh làm hiệp sĩ.
(Đôn Caclôx nâng chàng đứng dậy rồi ôm hôn).
Nhưng chiếc vòng cổ êm ái nhất, xinh đẹp nhất khanh có, còn ta không có, địa vị tối cao mà lại thiếu nó, hai cánh tay của một người phụ nữ mình yêu và được nàng yêu lại! A! Khanh sắp được sung sướng; còn ta, ta là hoàng đế.
(Với những người mưu sự).
Ta không cần biết tên các ngươi nữa.

Thù hằn và giận giữ, ta muốn quên hết. Thôi, ta tha tội cho các ngươi! Đó là bài học ta thấy nên dạy cho đời(10).
(Những người mưu sự quỳ sụp xuống).

NHỮNG NGƯỜI MƯU SỰ: – Vinh quang thay Caclôx!

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Với Đôn Caclôx) – Riêng kẻ hạ thần chịu hình phạt.

ĐÔN CACLÔX: - Cả ta!

HENANI: – Ta không hằn thù nữa. Caclôx đã tha thứ.
Ai đã làm cho tất cả chúng ta đổi thay như thế!(11)

Toàn thể: (Lính tráng, những người mưu sự, các nhà quý phái). – Nước Đức muôn năm! Vinh dự thay Saclơ Canh!

ĐÔN CACLÔX: (Quay về phía ngôi mộ) – Vinh dự thay Saclơmanhơ! Các ngươi hãy cho hai chúng ta ở lại riêng với nhau!

(Mọi người ra).

Lớp 5

ĐÔN CACLÔX, một mình.

(Đôn Caclôx nghiêng mình trước ngôi mộ).

Người có hài lòng về tôi không? tôi đã rũ bỏ hẳn những cái nhỏ nhen của một ông vua chưa? Hỡi Saclơmanhơ! Là hoàng đế, tôi đã thật sự thành một người khác chưa? Tôi có thể phối hợp được chiếc mũ nhà binh của tôi với chiếc mũ hành lễ của La Mã không? Tôi có quyền đụng chạm đến những cơ nghiệp của thế gian không? Bước chân tôi liệu đã vững chắc và có thể đi trên con đường nhỏ hẹp ngổn ngang cảnh hoang tàn mà đôi dép to rộng của Người đã nện cho chúng tôi hay chưa? Tôi đã châm được cây đuốc của mình vào ngọn lửa của người chưa? Tôi đã nghe hiểu lời nói vang lên trong mộ của Người chưa? A! tôi đã từng đơn độc, lọt thỏm, đơn độc trước một đế quốc, cả một thế giới đương gầm thét, đương hăm doạ, đương âm mưu; phải trừng trị dân Đan Mạch, phải hối lộ đức giáo hoàng, lại còn Vơnidơ, Xôlimăng, Luyte, Frăngxoa đệ nhất, hàng nghìn con dao găm đố kỵ đã loang loáng trong bóng tối, những cạm bẫy, những đá ngầm, những kẻ thù nhiều vô kể, hai mươi dân tộc, mà chỉ một có lẽ cũng đủ làm cho hai mươi ông vua phải lo sợ, tất cả đều cấp bách, tất cả đều dồn dập, tất cả đều phải làm đồng thời một lúc. Tôi đã kêu lên với Người: Tôi phải bắt đầu từ đâu? Và Người đã trả lời tôi: Con ơi, từ lòng độ lượng!

Hồi 5: Lễ cưới

XARAGÔX

Một khoảng sân lát của lâu đài Aragông. Phía cuối sân khấu, tay vịn của một chiếc cầu thang đi vào vườn. Bên phải và bên trái, hai cửa thông với sân, cuối sân, phía trong cùng, là một hàng lan can trên có hai dãy cửa tò vò theo lối kiến trúc Môrexcơ, nhìn phía bên trên và nhìn qua các cửa ấy thấy các khu vườn của lâu đài, các vòi phun nước trong bóng tối, các vòm cây ánh sáng chập chờn, cuối vườn là các nóc nhà kiểu gôtích và ả Rập của toà lâu đài đèn thắp sáng rực. Ban đêm. Xa xa nghe có tiếng kèn sáo tưng bừng. Những người đeo mặt nạ, những người mặc quần áo khiêu vũ hoá trang, rải rác, từng cá nhân hoặc từng nhóm đi qua sân. Phía trước sân khấu, một tốp thanh niên quý phái tay cầm mặt nạ, cười nói ầm ĩ.

Lớp 1

ĐÔN XĂNGSÔ XĂNGSÊ ĐƠ DUYNIGA (Bá tước đơ Môngt’rê), ĐÔN MATIAX XĂNGTUYRIÔNG (Hầu tước đơ Anmuynhăng), ĐÔN RICACĐÔ ĐƠ RÔXAX (Bá tước Đơ Cadapanma).  ĐÔN FRĂNG XIXCÔ ĐƠ XÔTÔMAYO (Bá tước đơ Valancada). ĐÔN GACXI XUYARAÊ ĐƠ CACBAGIAN (Bá tước đơ pênanve).


ĐÔN GACXI: – Chà chà, vui vẻ muôn năm và cô dâu muôn năm!

ĐÔN MATIAX: (Nhìn ra ban công) – Cả Xaragôx tối nay ra đứng ở cửa sổ.

ĐÔN GACXI: – Thế là phải! Thiên hạ chưa bao giờ thấy hôn lễ nào trong ánh đuốc vui vẻ hơn, và đêm tối nào êm ả hơn, và cô dâu chú rể nào xinh đẹp hơn!

ĐÔN MATIAX: - Hoàng đế phúc đức quá!

ĐÔN XĂNGSÔ: - Hầu tước ơi, vào một buổi chiều trời sâm sẩm tối, khi hai chúng mình cùng đi theo ngài tìm cơ hội tiến thân, có ai ngờ một ngày kia mọi việc lại kết thúc như vậy?

ĐÔN RICACĐÔ: (Ngắt lời y). - Trong số đó có tôi nữa đấy.
(Với những người khác).
Chuyện như thế này, các ngài ạ: ba chàng si tình, một tên tướng cướp mà đài xử chém đương đòi, rồi một ông quận công, rồi một ông vua, cùng bao vây một trái tim phụ nữ. Sau đợt tấn công, ai chiến được? Chính là tên tướng cướp.

ĐÔN FRĂNG XIXCÔ: – Nhưng thế thì thường quá. Tình yêu và chuyện làm giầu, ở những nơi khác cũng như ở Tây Ban Nha, đều là trò thò lò bịp bợm. Quân trộm cắp bao giờ cũng thắng.

ĐÔN RICACĐÔ: – Còn tôi đã xem người ta tình tự mà làm nên sự nghiệp. Thoạt đầu là bá tước này, rồi quan đại khanh này, rồi pháp quan đô chính này. Tôi đã dùng thời giờ của tôi rất tuyệt chẳng ai ngờ.

ĐÔN XĂNGSÔ: – Bí quyết của tiên sinh là săn đón trên đường vua đi…

ĐÔN RICACĐÔ: – Nhắc nhở những quyền lợi của tôi, những công lao của tôi…

ĐÔN GACXI: – Tiên sinh đã lợi dụng những lúc vua đãng trí.

ĐÔN MATIAX: – Ông quận công già bây giờ ra sao? Lão sai đóng đinh quan tài cho mình chứ?

ĐÔN XĂNGSÔ: – Chớ cười cợt, hầu tước ơi. Vì đó là một tâm hồn cao thượng. Lão yêu nàng Đônha Xon. Sáu mươi năm trời đã làm tóc lão hoa râm, một ngày khiến chúng thành bạc trắng!

ĐÔN GACXI: – Nghe đâu lão chưa xuất hiện lại ở Xaragôx?

ĐÔN XĂNGSÔ: – Ngài còn muốn lão đem quan tài về dự đám cưới hay sao?

ĐÔN FRĂNG XIXCÔ: – Còn hoàng đế đương làm gì?

ĐÔN XĂNGSÔ: – Hoàng đế hôm nay buồn. Gã Luyte làm cho ngài bực mình.

ĐÔN RICACĐÔ: – Gã Luyte ấy, nguyên nhân lo lắng và hốt hoảng hay ho nhỉ! Tôi chỉ cần bốn cảnh sát là giải quyết được hắn ngay!

ĐÔN MATIAX: - Xôlimăng cũng khiến cho ngài băn khoăn.

ĐÔN GACXI: – Ồ! Luyte, Xôlimăng, Neptuynuyx, quỷ sứ và juypite, những quân đó can hệ gì đến tôi? Phụ nữ xinh đẹp, hội hoá trang hiếm có và tôi đã nói trăm điều nhảm nhỉ!

ĐÔN XĂNGSÔ: - Đó là cái cốt yếu.

ĐÔN RICACĐÔ: – Gacxi không lầm. Nhưng tôi đây không còn là tôi nữa trong ngày hội hè và tưởng chừng khi đeo mặt nạ, đầu tôi cũng biến thành một cái đầu khác, thật thế!

ĐÔN XĂNGSÔ: (Nói nhỏ với Đôn Matiax) – Thì ngày nào mà không phải là hội hè?

ĐÔN FRĂNG XIXCÔ: (Chỉ cái cửa bên phải) – Các ngài ơi, có phải phòng cô dâu chú rể đó không?

ĐÔN GACXI:  (Gật đầu) – Chúng ta sắp thấy họ đến bây giờ đấy.

ĐÔN FRĂNG XIXCÔ: – Chắc không?

ĐÔN GACXI: – Ồ! Chắc chứ!

ĐÔN FRĂNG XIXCÔ: – Càng hay. Cô dâu đẹp lắm kia!

ĐÔN RICACĐÔ: – Hoàng đế phúc đức quá! Hecnani, tên phiến loạn thế mà được huân chương Lông cừu vàng! Được cưới vợ này! Được tha tội này! Hoàng đế mà nghe theo tôi thì khác lắm, có lẽ ngài đã ban chiếc giường đá cho gã trai lơ, chiếc giường đệm lông cho vị công nương.

ĐÔN XĂNGSÔ: (Nói nhỏ với Đôn Matiax) – Tôi muốn đâm cho hắn một nhát quá! Một gã quý phái giả hiệu với cái vẻ hào nhoáng rơ rẫm bên ngoài! Khoác áo bá tước, nhưng bên trong đầy những ý nghĩ đê tiện(1)!

ĐÔN RICACĐÔ: (Sán lại gần) – Ông nói chuyện gì thế?

ĐÔN MATIAX: (Nói nhỏ với Đôn Xăngsô) – Bá tước ơi, chớ gây sự ở đây!

(Với Đôn Ricacđô)
Ông ấy hát cho tôi nghe một bài đoản ca của Pêt'rac tặng người đẹp.

ĐÔN GACXI: – Các ông ơi, có nhìn thấy, giữa đám hoa lá, phụ nữ, và quần áo muôn mầu muôn sắc, cái thây ma, đứng tựa vào lan can mặc bộ đôminô(2) đen làm bẩn cả hội hoá trang kia không?

ĐÔN RICACĐÔ: – Ờ nhỉ!

ĐÔN GACXI: – Ai thế?

ĐÔN RICACĐÔ: – Đúng người hắn, bộ điệu hắn, chính là Đôn Prăngcadio, thống lĩnh hải quân.

ĐÔN FRĂNG XIXCÔ: – Không phải.

ĐÔN GACXI: – Anh chàng chưa bỏ mặt nạ ra.

ĐÔN RICACĐÔ: – Hắn cố ý đấy. Quận công đơ Xôma muốn cho mọi người chú ý đến mình đấy mà. Có gì đâu.

ĐÔN RICACĐÔ: – Không phải. Quận công vừa nói chuyện với tôi.

ĐÔN GACXI: – Vậy cái mặt nạ ấy là ai? Kìa, hắn kia kìa!
(Một người mặc bộ đôminô đen vào và chậm chạp đi vào mé cuối sân khấu. Ai nấy quay đầu lại đưa mắt nhìn theo, nhưng y có vẻ chẳng để ý).

ĐÔN XĂNGSÔ: – Người chết mà đi được thì cũng đi như thế.

ĐÔN GACXI: (Chạy theo người mặc điminô đen) – Ông mặt nạ tuyệt đẹp kia ơi!

(Người mặc đôminô đen dừng bước và quay đầu lại, Gácxi bước lùi. Thề có linh hồn, các ngài ơi, trong mắt hắn tôi thấy loé lên một ánh lửa).

ĐÔN XĂNGSÔ: – Nếu là ma quỷ, hắn sẽ biết tay tôi!
(Y tiến về phía người mặc đôminô vẫn không nhúc nhích).
Ma quỷ kia! Mi từ địa ngục lên đấy ư?

Người đeo mặt nạ: – Ta không từ đó lên, ta đi xuống đó đây.
(Hắn lại bước đi và khuất vào sau chiếc tay vịn của cầu thang. Mọi người sợ hãi đưa mắt nhìn theo).

ĐÔN MATIAX: – Giọng nói rờn rợn như từ dưới mồ vọng lên.

ĐÔN GACXI: – Chà! Cái gì làm cho sợ hãi ở chỗ khác thì trong cuộc khiêu vũ lại mua vui!

ĐÔN XĂNGSÔ: – Thằng cha nào khôi hài dở thế!

ĐÔN GACXI:  - Hay đấy là Ma vương đến xem ta nhảy múa trong lúc chờ đợi địa ngục, ta nhảy múa đi thôi!

ĐÔN XĂNGSÔ: – Nhất định tay nào làm trò vè đấy mà.

ĐÔN MATIAX: – Mai chúng ta sẽ biết.

ĐÔN XĂNGSÔ: (Với Đôn Matiax) – Ông hãy nhìn hộ xem. Hắn ra sao rồi?

ĐÔN MATIAX: (ở ngoài lan can) – Hắn đã xuống cầu thang. Có thế thôi.

ĐÔN XĂNGSÔ: – Thằng cha nhộn thật đấy!
(Mơ màng).
Lạ lùng quá!

ĐÔN GACXI:  (Với một bà phu nhân đi qua) - Nữ hầu tước ơi, chúng ta nhảy với nhau bài này chứ!
(Y cúi chào và giơ tay ra mời).

Bà phu nhân: – Bá tước thân mến, ngài cũng biết, tôi nhảy với ngài bài nào, chồng tôi đều đếm cả đấy.

ĐÔN GACXI: – Thì càng nên nhảy. Ông nhà chắc vui vẻ lắm. Ông thích thú như thế kia mà. Ông cứ đếm còn chúng ta cứ nhảy.

(Bà phu nhân đưa tay cho Đôn Gacxi và họ ra).

ĐÔN XĂNGSÔ: (Tư lự) – Lạ lùng quá, thật thế!

ĐÔN MATIAX: – Cô dâu chú rể kia rồi. Yên lặng.

(Hecnani và Đônha Xon cầm tay nhau bước vào. Đônha Xon mặc áo cưới lộng lẫy. Hecnani mặc đồ nhung đen, cổ đeo Lông cừu vàng. Theo sau họ là đám đông các người đeo mặt nạ, các bà phu nhân và các nhà quý phái.
Bốn thị đồng đi trước họ và hai người lính mang đoản kích, mặc hiệu phục rất đẹp theo sau. Ai nấy đứng dàn thành hàng và cúi chào khi hai người đi qua. Âm nhạc rộn rãi).

Lớp 2

Vẫn các nhân vật trên. HECNANI, ĐÔNHA XON, TÙY TÙNG

HECNANI: (Chào) – Chào các bạn!…

ĐÔN RICACĐÔ: (Bước đến trước mặt chàng và cúi chào) – Hạnh phúc của ngài tạo nên hạnh phúc của chúng tôi, thưa ngài!

ĐÔN FRĂNG XIXCÔ: (Ngắm Đônha Xon) – Lạy chúa! Chàng đang dắt tay nữ thần Vênuyx!

ĐÔN MATIAX: – Khỏi phải nói, một đêm như đêm nay thì sung sướng thật!

ĐÔN FRĂNG XIXCÔ: (Chỉ cho Đôn Matiax phòng tân hôn) – Trong kia sắp diễn ra nhiều chuyện thơ mộng lắm nhé! Được làm tiên nữ thấy hết mọi điều trong lúc đóng cửa, tắt đèn thì thú vị quá nhỉ!

ĐÔN XĂNGSÔ: (Với Đôn Mactiax) – Khuya rồi. Chúng ta đi thôi chứ?
(Ai nấy đến chào cô dâu chú rể rồi ra, người ra lối cửa, người đi xuống cầu thang ở cuối sân khấu).

HECNANI: (Tiễn chân mọi người) – Chúa phù hộ cho các bạn!

ĐÔN XĂNGSÔ: (ở lại sau cùng, bắt tay chàng) – Chúc ngài hạnh phúc!

(Hecnani và Đônha Xon còn lại với nhau. Tiếng chân đi và tiếng người nói nghe mỗi lúc một xa rồi im hẳn. Trong suốt phần đầu của lớp kịch tiếp theo, tiếng âm nhạc và ánh đèn xa xa tắt dần. Đêm tối và im lặng dần dần trở lại).

Lớp 3

HECNANI, ĐÔNHA XON

ĐÔNHA XON: – Thế là họ đi cả rồi!

HECNANI: (Cố kéo Đônha Xon vào lòng) – Em yêu quí!

ĐÔNHA XON: (Thẹn đỏ mặt và lùi lại) – Hình như… Khuya lắm, thì phải.

HECNANI: – Em yêu! Để ngồi riêng với nhau, bao giờ cũng là khuya quá!

ĐÔNHA XON: – Cái ồn ào vừa qua làm em mệt lắm! Vui đùa như thế chỉ quấy rầy hạnh phúc thôi, có phải thế không, ngài thân mến của em?

HECNANI: – Em nói đúng. Hạnh phúc là một cái gì nghiêm trang, em ạ. Nó ưa những trái tim sắt đá và từ từ khắc sâu vào đấy. Cảnh vui thú hoa ném hoa tung, làm cho nó ghê sợ. Nụ cười của nó gần với nước mắt hơn tiếng cười.

ĐÔNHA XON: – Trong đôi mắt anh, nụ cười ấy là ánh sáng.
(Hecnani cố kéo nàng về phía cửa. Nàng thẹn đỏ mặt).
Chốc nữa đã.

HECNANI: – Ôi! Anh là nô lệ của em! Được rồi, cứ đứng lại đây, cứ đứng lại đây! Em muốn làm gì thì làm. Anh không đòi hỏi chi hết. Em hiểu điều em làm. Điều em làm là phải! Nếu em muốn, anh sẽ cười, anh sẽ hát. Tâm hồn anh bừng bừng… Này! Em cứ bảo hoả diệm sơn tắt lửa đi, hoả diệm sơn sẽ khép những vực thẳm hé mở của nó và trên sườn nó sẽ chỉ còn toàn hoa và bãi cỏ xanh tươi! Bởi vì tên khổng lồ đã bị khuất phục, núi Vêduyvơ giờ là nô lệ, còn như tim nó bị chất dung nhan gặm mòn có can hệ gì đến em? Em muốn hoa ư? Được rồi! Núi lửa đang rừng rực phải cố hết sức bình sinh bừng nở hoa trước mắt!

ĐÔNHA XON: – Ôi! Anh thật là tử tế đối với một người phụ nữ khốn khổ, anh Hecnani của lòng em!

HECNANI: – Tên ấy là thế nào, thưa cô nương? Ôi! Hãy thương tình đừng gọi anh bằng tên ấy nữa! Em làm cho anh nhớ ra rằng mình đã quên hết tất cả! Anh biết ngày xưa, trong mộng, có một Hecnani, mắt sáng quắc như ánh gươm, một người của đêm tối và của núi rừng, một người bị đầy ải, khắp thân thể chỗ nào cũng thấy chữ báo thù! Một kẻ bất hạnh kéo lê sự nguyền rủa theo sau! Nhưng anh không còn biết Hecnani ấy nữa. Anh, anh yêu những cánh đồng cỏ, yêu hoa, yêu rừng cây, yêu tiếng chim hoạ mi ca hót. Anh là Jăng đơ, chồng của Đônha Xon! Anh sung sướng!

ĐÔNHA XON: – Em sung sướng!

HECNANI: – Những manh áo rách anh vứt lại ngoài cửa khi vào nhà có can hệ gì đến anh! Anh nay trở lại toà cung điện tiêu điều của anh. Một vị thiên thần của Chúa trời chờ đón anh ở ngưỡng cửa.

Anh vào nhà và xếp dựng lại những chiếc cột đổ gãy, anh nhóm lại lửa, anh lại mở các cửa sổ, anh sai nhổ cỏ trên nền gạch lát ngoài sân, anh chỉ còn toàn là vui vẻ, hoan lạc, yêu đương. Người ta cứ trả lại cho anh các toà tháp, các vọng lâu, các thành quách, chùm lông trên mũ, địa vị ở triều đình Caxti, và khi em Đônha Xon của anh đến, mặt đỏ bừng cúi gầm xuống đất, mọi người hãy để cho hai chúng ta riêng với nhau, anh sẽ bỏ qua mọi chuyện còn lại! Anh chưa hề nhìn thấy gì, chưa từng nói gì, chưa từng làm gì, anh làm lại từ đầu, anh xoá bỏ hết, anh quên! Dù là khôn ngoan hay điên dại thì anh cũng đã có em, anh yêu em và em là của anh!

ĐÔNHA XON: (Ngắm huân chương Lông cừu vàng của chàng) – Huân chương vàng này đi với bộ đồ nhung đen này nổi quá!

ĐÔNHA XON: – Em không để ý. Mọi người khác có can hệ gì đến em! Hơn nữa nào phải vấn đề ở chỗ nhung hay lụa? Không, quận công của em. Cổ anh mới thật phù hợp với huân chương vàng! Anh cao thượng và dũng cảm, quận công ạ.
(Chàng muốn kéo nàng đi).
Rồi đã anh! Một lát nữa! Anh thấy không? Em khóc đấy, vì vui sướng, ra xem đêm đẹp đi anh!
(Nàng ra bao lơn).
Quận công của em ơi, chỉ một lát nữa thôi! Đủ thời gian để hít thở và để xem thôi mà! Đèn đuốc và âm nhạc hội hè tắt hết cả rồi. Chỉ còn lại đêm tối và chúng ta! Diễm phúc hoàn toàn! Anh không tin như thế ư, anh ơi! Thiên nhiên trong lúc ngủ vẫn chập chờn âu yếm chăm sóc chúng ta. Trên trời duy nhất chỉ có vầng trăng, cũng nghỉ ngơi như chúng ta, và cùng với chúng ta hít thở bầu không khí ngát mùi hoa hồng(1)! Anh hãy xem: không còn ánh lửa, không còn tiếng động. Tất cả đều im lìm. Vầng trăng lúc nãy mọc ở chân trời, trong lúc anh nói, ánh trăng sáng rung rinh và giọng nói của anh, cả hai cùng thấm vào tim em. Em cảm thấy vui sướng và thanh thản, hỡi anh yêu, và chỉ ước gì được chết ngay lúc đó.

HECNANI: - A! Nghe giọng nói thần tiên này, ai không quên hết sự đời! Lời ăn tiếng nói của em là một khúc ca trong đó không còn sót lại một chút gì trần tục. Và, như một du khách đi thuyền trên sông, lướt theo dòng nước vào một buổi chiều mùa hạ đẹp trời, nhìn thấy trước mắt hàng ngàn cánh đồng hoa nở theo nhau trốn miết, anh say mê thả tâm hồn theo những điều mơ tưởng của em!

ĐÔNHA XON: – Cái yên lặng này u ám quá! Cảnh êm đềm này sâu lắng quá! thế nào, anh muốn nhìn thấy một ngôi sao ở cuối trời kia không? Hoặc một thanh âm của đêm tối, dịu dàng và êm ái, thình lình cất lên lời ca?…

HECNANI: (Mỉm cười) – Rõ là thất thường! Vừa mới lúc nãy chạy trốn ánh sáng và lời ca tiếng hát!

ĐÔNHA XON: – Cuộc khiêu vũ! Nhưng giá như một con chim líu lo ngoài cánh đồng! Một con họa mi ẩn mình trong bóng tối và trong khóm rêu, hoặc tiếng tiêu dìu dặt ở nơi xa xa!… Bởi vì âm nhạc vốn dịu dàng, làm cho tâm hồn hoà điệu, và, như một đội hợp xướng thần tiên, rung lên trong lòng mình muôn ngàn lời ca giọng hát! Chao ôi! Như thế thú vị biết chừng nào?
(Nghe có tiếng tù và xa xa trong bóng tối).
Trời! Em được chấp thuận rồi!

HECNANI: (Rùng mình, nói riêng) – Ôi! Khổ thân em tôi!

ĐÔNHA XON: – Một vị thiên thần đã hiểu tâm tư của em, vị phúc thần của anh đấy chắc?

HECNANI: (Chua xót) – Đúng đấy, vị phúc thần của anh!
(Lại có tiếng tù và. Nói riêng).
Lại nữa!…

ĐÔNHA XON: (Mỉm cười) – Anh Đôn Joăng, em nhận ra tiếng tù và của anh.

HECNANI: – Thật thế không?

ĐÔNHA XON: – Anh có góp phần trong cuộc hoà nhạc ấy ư?

HECNANI: – Góp phần, đúng như em nói.

ĐÔNHA XON: – Cuộc khiêu vũ khó chịu! ồ! Em ưa tiếng tù và trong rừng sâu hơn nhiều!… Vả lại, tù và của anh thì cũng như tiếng nói của anh.
(Lại có tiếng tù và).

HECNANI: (Nói riêng) – A! Con hổ hiện ở dưới kia đương gầm lên đòi mồi!

ĐÔNHA XON: – Anh Đôn Joăng, bản hoà âm ấy làm cho lòng người chan chứa niềm vui…

HECNANI: (Đứng dậy, dữ dội) – Cứ gọi tôi là Hecnani! Em cứ gọi tôi là Hecnani! Tôi chưa đoạn tuyệt được với cái tên oan nghiệt ấy đâu.

ĐÔNHA XON: (Run sợ) – Làm sao thế, anh?

HECNANI: – Lão già!

ĐÔNHA XON: – Trời ơi! Mắt nhìn ảo não chưa kìa! Anh làm sao thế?

HECNANI: – Lão già đương cười rũ trong bóng tối! Em không nhìn thấy ư?

ĐÔNHA XON: – Anh nói gì huyên thuyên thế? Lão già ấy là thế nào?

HECNANI: – Lão già!

ĐÔNHA XON: (Quỳ khuỵu xuống) – Em quỳ gối van anh ôi! Anh nói đi, có điều gì bí ẩn vò xé lòng anh? Anh có chuyện gì thế?

HECNANI: – Anh đã thề với lão điều đó.

ĐÔNHA XON: – Đã thề!
(Nàng lo lắng theo dõi mọi cử chỉ của chàng. Bỗng chàng dừng lại và đưa bàn tay lên trán).

HECNANI: (Nói riêng) – Ta vừa định nói gì? Chớ để nàng đau khổ đấy. Anh có gì đâu, anh vừa nói với em thế nào nhỉ?

ĐÔNHA XON: – Anh nói là…

HECNANI: – Không, không… Đầu óc anh bị rối loạn đấy… Anh hơi mệt một chút, em thấy đấy. Đừng có hoảng lên.

ĐÔNHA XON: – Có cần thứ gì không anh? Anh cứ sai bảo con hầu của anh đi!

(Lại có tiếng tù và).

HECNANI: (Nói riêng) – Lão muốn thế! Lão muốn thế! Lão được lời thề của ta rồi!
(Tìm ở thắt lưng không đeo gươm và không có dao nhọn).

Chẳng có gì hết. Lẽ ra đã phải giải quyết xong! A!…

ĐÔNHA XON: – Anh đau lắm ư?

HECNANI: – Một vết thương cũ, tưởng đã kín miệng, nay lại toác ra…
(Nói riêng).
Phải để nàng xa mình ra mới được.
(Nói to).
Đônha Xon, em yêu, nghe anh nói: cái hộp mà trước kia trong những ngày vất vả, anh vẫn mang theo bên mình…

ĐÔNHA XON: – Em biết anh muốn gì rồi. Này! Anh cần cái hộp ấy làm gì?

HECNANI: – Trong hộp có một cái lọ đựng thứ thuốc sẽ chữa khỏi được nỗi đau đớn đương hành hạ anh… Đi đi em!

ĐÔNHA XON: – Em đi ngay đây, thưa anh.
(Nàng ra lối cửa phòng tân hôn).

Lớp 4

HECNANI, một mình


Hạnh phúc của ta mà lão tới làm ra nông nỗi ấy! Ngón tay định mệnh loé sáng trên tường đây rồi! Than ôi! Sao mà số phận giễu cợt ta chua chát thế!
(Chàng lặng người đi mơ màng quằn quại, rồi bỗng nhiên quay phắt lại).
ơ này!… Mà tất cả đều im lìm. Ta chẳng nghe thấy tiếng ai đến cả. Hay là ta nhầm…
(Người đeo mặt nạ mặc bộ đôminô đen xuất hiện ở phía trên cầu thang. Hecnani dừng lại sững sờ).

Lớp 5

HECNANI, NGƯỜI ĐEO MẶT NẠ

NGƯỜI ĐEO MẶT NẠ: – “Dù sự thể ra sao, hễ khi nào ông bác muốn, bất cứ ở đâu và vào giờ nào, ông bác ạ, nếu sực nghĩ đã đến lúc tôi phải chết, ông bác cứ đến, cứ rúc chiếc tù và này lên, và không cần bận tâm làm gì nữa. Đâu sẽ vào đấy” – Lời giao ước ấy đã được những người chết chứng giám. Này! Thế đâu đã vào đấy cả chưa?


HECNANI: (Nói nhỏ) – Chính lão!

NGƯỜI ĐEO MẶT NẠ: – Ta đến nhà ngươi và ta bảo cho ngươi biết đã đến lúc rồi. Giờ này là của ta. Ta thấy ngươi chậm trễ đấy.

HECNANI: – Được. Ông bác ưng thế nào? Ông bác sẽ làm gì cháu! Xin cứ nói!

NGƯỜI ĐEO MẶT NẠ: – Ngươi có thể chọn dao hay thuốc độc. Cần thứ nào, ta đưa cho. Cả hai ta sẽ cùng đi.

HECNANI: – Được.

NGƯỜI ĐEO MẶT NẠ: – Chúng ta cầu nguyện chứ?

HECNANI: – Cần gì!

NGƯỜI ĐEO MẶT NẠ: – Được! Đưa bàn tay của ngươi đây cho ta.
(Lão đưa một cái lọ con cho Hecnani, chàng nhận lấy và tái người đi).
Uống đi, để cho ta uống nốt.
(Hecnani kề cái lọ lên môi, rồi rụt tay lại).

HECNANI: – Ôi! Xin thương tình, đến mai! Ôi! Thưa quận công, nếu trong người ông bác còn sót lại một trái tim, hay ít ra một linh hồn, nếu ông bác không phải là một quái tượng từ hoả ngục thoát ra, một người chết bị đầy đoạ từ nay thành ra yêu ma hoặc quỷ quái; nếu thượng đế chưa khắc lên trán ông bác mấy chữ: “Không bao giờ”; nếu ông bác biết thế nào là hạnh phúc tuyệt đỉnh được yêu đương, được ở lứa tuổi đôi mươi, được cưới người mình yêu; nếu đã từng có người phụ nữ được yêu run rẩy trong cánh tay ông bác, xin ông bác đợi cho đến mai. Đến mai ông bác sẽ trở lại!

NGƯỜI ĐEO MẶT NẠ: – Nói dễ nghe nhỉ! Đến mai! Đến mai! Ngươi đùa đấy chứ! Chuông báo tử đã khua vang trong ngươi sáng nay rồi! Và ta, ta biết làm gì đêm nay! Có lẽ ta đến chết vì thế mất. Sau đó ai đến bắt và lôi ngươi đi được! Một mình xuống mồ ư! Này anh ơi, phải theo ta đi thôi.

HECNANI: – Hừ! Không được, tôi rẫy ra khỏi lão đấy, đồ quỷ ạ, tôi sẽ không tuân theo đâu.

NGƯỜI ĐEO MẶT NẠ: – Ta biết mà! Khá lắm! Thế ngươi đã lấy gì ra thề với ta? à! Một thứ vô giá trị! Xét cho cùng! Nào có đáng là bao! Cái đầu của cha ngươi quên đi cũng được thôi. Tuổi trẻ vẫn vô tư lự.

HECNANI: – Cha tôi! Cha tôi!… Trời ơi! Tôi đến phát điên lên mất!

NGƯỜI ĐEO MẶT NẠ: – Không, đó chỉ là một lời thề giả dối và một sự phản bội.

HECNANI: – Thưa quận công!…

NGƯỜI ĐEO MẶT NẠ: – Bởi vì những người con trưởng trong các gia tộc Tây Ban Nha ngày nay lấy chuyện nuốt lời thề làm một trò đùa…
(Lão đi một bước ra phía cửa).

HECNANI: – Đừng bỏ đi vội.

NGƯỜI ĐEO MẶT NẠ: – Vậy thì…

HECNANI: – Ác nghiệt quá, lão ơi!
(Chàng cầm lấy cái lọ).
Ta quay trở lại cửa thiên đường.

(Đônha Xon vào, không nhìn thấy người đeo mặt nạ, đứng gần cái lan can ở cuối sân khấu).

Lớp 6

Vẫn các nhân vật trên. ĐÔNHA XON

ĐÔNHA XON: – Em tìm không ra cái hộp ấy đâu!

HECNANI: (Nói riêng) - Trời ơi! Nàng! Đương lúc này ư!

ĐÔNHA XON:  - Chàng làm sao thế? Mình làm cho chàng sợ hãy, chàng lảo đảo khi nghe tiếng mình! Tay anh cầm cái gì đấy? Đáng ngờ quá! Tay anh cầm cái gì đấy? Trả lời đi.
(Người mặc áo đôminô lại gần và tháo mặt nạ ra. Nàng kêu thét lên và nhận ra Đôn Ruy).
Thuốc độc rồi!

HECNANI: – Trời đất ơi!

ĐÔNHA XON: (Với Hecnani) - Nào em đã làm gì anh? Sao bí ẩn khủng khiếp thế này!… Anh đã lừa dối em, anh Đôn Joăng!…

HECNANI:  - Ôi! Anh đã buộc lòng giấu em chuyện này. Anh đã hứa với quận công, người đã cứu sống anh. Aragông phải trả món nợ ấy cho Xinva!

ĐÔNHA XON: – Anh không phải là của quận công mà là của em. Tất cả những lời hứa hẹn khác của anh, có can hệ gì đến em!
(Với Đôn Ruy Gômê).
Quận công ạ, tình yêu làm cho tôi mạnh mẽ. Tôi sẽ đương đầu với ngài, đương đầu với tất cả, quận công ạ, để bảo vệ chàng.

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Không nhúc nhích) – Nếu được thì cô cứ việc bảo vệ hắn chống lại lời hứa đã thề thốt.

ĐÔNHA XON: – Lời hứa nào?

HECNANI: – Anh đã thề.

ĐÔNHA XON: – Không, không; không có gì ràng buộc anh cả; không thể như thế được! Tội ác, mưu sát, điên cuồng!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Nào, quận công!

(Hecnani định nghe theo. Đônha Xon cố ngăn chàng lại).

HECNANI: – Để mặc tôi. Đônha Xon, đành phải thế. Tôi đã hứa với quận công, và có cha tôi ở trên cao kia!

ĐÔNHA XON: (Với Đôn Ruy Gômê) – Ông đi mà giằng lũ con của hổ mẹ còn hơn là giằng người yêu của tôi. Ông có biết Đônha Xon là thế nào không? Từ lâu, do thương hại ông già cả, thương hại ông sáu chục tuổi đầu, tôi đã làm ra bộ con gái hiền từ, ngây thơ và nhút nhát; nhưng có nhìn thấy con mắt này nhoà lệ căm hờn hay không?
(Nàng rút ở trong người ra một con dao găm).
Ông có trông thấy con dao găm này không? A! Lão già rồ dại, nhìn mắt đã long lên như thế này mà ông không sợ lưỡi dao hay sao? Đôn Ruy, ông hãy coi chừng! Chú ơi, cháu cũng là người trong họ! Chú hãy nghe cháu, dù cháu là con đẻ của chú đi nữa, nhưng nếu động đến chồng cháu thì cũng khốn cho chú đấy!
(Nàng quăng dao găm đi và quỳ phục xuống trước mặt quận công).
Ôi! Tôi phủ phục dưới chân ngài! Xin ngài rủ lòng thương chúng tôi! Xin buông tha! Chao ôi! Thưa ngài, tôi chỉ là phận đàn bà, tôi yếu đuối, sức lực suy sụp trong tâm hồn tôi, tôi đến kiệt sức mất, tôi phủ phục dưới chân ngài! Ôi! Tôi van ngài, xin ngài rủ lòng thương chúng tôi!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Đônha Xon!

ĐÔNHA XON: – Chú tha lỗi cho! Phụ nữ Tây Ban Nha chúng cháu, khi đau đớn thường hay nặng lời, chú cũng biết đấy… Chao ôi! Chú vốn không phải là người ác nghiệt! Xin rủ lòng thương! Chú ơi, chạm đến chàng, tức chú giết cháu đó! Xin rủ lòng thương! Cháu yêu chàng lắm kia!

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Buồn rầu) – Nàng yêu hắn quá đấy!

HECNANI: – Em khóc à?

ĐÔNHA XON: – Không, không, anh yêu của em, em không chịu để anh chết đâu! Không, em không chịu để thế đâu.
(Với Đôn Ruy)
Xin tha cho ngày hôm nay; rồi ngài, tôi cũng sẽ yêu cả ngài nữa.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Sau hắn! Với chút tình yêu thừa, tình bạn ế, còn kém cả thế nữa, nàng tưởng có thể làm dịu cơn khát đương giày vò ta hay sao?
(Chỉ Hecnani).
Hắn là duy nhất! Hắn là tất cả! Còn ta, thương hão! Tình thân hữu của nàng có ích gì cho ta? Ôi điên lên mất! Hắn sẽ chiếm được trái tim, tình yêu, người đẹp(1) và bố thí cho ta một cái nhìn của nàng! Và nếu cần phải nói một lời những ước vọng điên cuồng của ta, chính là hắn sẽ bảo nàng: Cứ nói thế, đủ rồi đấy! Và thầm nguyền rủa cái tên ăn mày tham lam hắn vừa phải vứt cho một chút cặn của chiếc cốc rỗng! Nhục nhã lắm! Lố bịch lắm! Không được, phải dứt khoát cho xong. Uống đi!

HECNANI: – Lão được lời hứa của anh và anh phải giữ lời.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Nào!

(Hecnani đưa cái lọ lên môi. Đônha Xon lao vào giật tay chàng ra).

ĐÔNHA XON: – Khoan đã! Cả hai hãy hạ cố nghe tôi nói.

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Mộ đã mở ra rồi, ta không đợi được nữa.

ĐÔNHA XON: – Một lát thôi, quận công ơi, anh Đôn Joăng ơi! Chao ôi, các người cả hai đều độc ác quá! – Tôi đòi hỏi ở họ cái gì? Một lát thôi! Tôi chỉ đòi hỏi tất cả… tất cả có thế! Vả lại, cũng phải để cho người đàn bà khốn khổ này giãi bày ruột gan của mình chứ!… Ôi! Để cho tôi nói đã nào…

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Với Hecnani) – Ta vội.

ĐÔNHA XON: – Các ngài làm tôi sợ run lên thế này! Nào tôi đã làm gì các ngài?

HECNANI: – Ôi! Tiếng kêu khóc của nàng làm tôi đứt từng khúc ruột.

ĐÔNHA XON: (Vẫn giữ lấy tay chàng) – Anh cũng biết là em có cả ngàn điều muốn nói.

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Với Hecnani) – Phải chết.

ĐÔNHA XON: (Vẫn níu lấy cánh tay Hecnani) – Anh Đôn Joăng, em nói xong đã, rồi anh muốn làm gì thì làm.
(Nàng giằng lấy cái lọ).
Được, nó đây rồi!
(Nàng giơ cái lọ ra trước mắt của Hecnani và của ông lão ngơ ngác).
ĐÔN RUY GÔMÊ: – Bởi vì ở đây chỉ gặp chuyện với hai mụ đàn bà, Đôn Joăng ạ, nên ta đành đi tìm những tâm hồn ở nơi khác vậy. Ngươi viện dòng máu cha ông ra để thề thốt quàng xiên, ta sẽ đi kể lại cho cha ngươi dưới âm phủ biết! Vĩnh biệt…
(Lão bước mấy bước ra phía cửa. Hecnani ngăn lại).

HECNANI: – Quận công, dừng lại đã!
(Với Đônha Xon).
Khổ quá! Anh van em, em muốn anh là kẻ thề gian, và lật lọng, và bội lời thề hay sao? Em muốn anh đi đâu cũng mang theo dấu ấn phản bội trên trán hay sao? Vì tình thương, trả thuốc độc ấy cho anh! Hãy vì tình yêu,

hãy vì tấm linh hồn bất tử của chúng ta…

ĐÔNHA XON: (Sa sầm) - Anh muốn à?
(Nàng uống).
Giờ thì cầm lấy.

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Nói riêng) – Trời ơi! Thứ đó dành cho nàng ư!

ĐÔNHA XON: (Trả lại Hecnani lọ thuốc đã uống hết một nửa) - Cầm lấy này.

HECNANI: (Với Đôn Ruy) – Thấy chưa, hỡi lão già khốn nạn!

ĐÔNHA XON: – Đừng oán trách em, em đã dành phần cho anh đấy.

HECNANI: (Cầm lấy cái lọ) - Trời!

ĐÔNHA XON: – Anh có lẽ chẳng để dành phần cho em như thế đâu. Anh!… Anh không có tấm lòng của một người vợ ngoan đạo, anh không biết yêu như một người con gái dòng họ Xinva. Nhưng em đã uống trước rồi nên em yên tâm. Đấy! Anh muốn uống thì uống đi!

HECNANI: – Chao ôi! em làm cái gì thế, rõ khổ!

ĐÔNHA XON: – Chính anh muốn thế chứ.

HECNANI: – Một cái chết khủng khiếp lắm đấy!

ĐÔNHA XON: – Không. Sao vậy?

HECNANI: – Thứ thuốc ấy đưa người ta xuống mồ.

ĐÔNHA XON: – Chẳng phải đêm nay chúng ta ngủ cùng với nhau ư? Ngủ giường nào mà chẳng thế!

HECNANI: – Cha ơi cha, cha hành phạt con là kẻ đã quên cha!
(Chàng đưa lọ thuốc lên miệng).

ĐÔNHA XON: (Lao vào chàng) – Trời! Đau đớn kinh khủng!… Chao ôi! Anh vứt xa lọ thuốc ấy đi!… Em phát điên lên mất. Khoan đã! Trời ơi! Anh Đôn Joăng, thứ thuốc độc ấy nhậy lắm, thứ thuốc độc ấy làm xuất hiện trong gan ruột một con giao long hàng nghìn nanh nọc nó cắn, nó xé! Ôi! Em có tưởng đâu lại đau đớn đến như thế! Nó là cái gì thế này? Là lửa! Anh chớ có uống! Ôi anh sẽ quá đau đớn!

HECNANI: (Với Đôn Ruy) – A! Tâm hồn mi độc ác lắm! Mi không thể chọn cho nàng thứ thuốc độc nào khác hay sao?
(Chàng uống và vứt lọ đi).

ĐÔNHA XON: – Anh làm gì thế?

HECNANI: – Em đã làm gì thế?

ĐÔNHA XON: – Lại đây, hỡi tình nhân trẻ trung của em, trong cánh tay em.
(Họ ngồi bên nhau).
Đau đớn dữ dội lắm phải không anh?

HECNANI: – Không.

ĐÔNHA XON: – Đêm tân hôn của chúng ta bắt đầu rồi đấy! Cô dâu như em xanh xao quá có phải không anh?

HECNANI: – Ôi!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Định mệnh báo ứng.

HECNANI: – Ôi tuyệt vọng! Ôi khổ tâm! Đônha xon đau đớn, còn ta đứng nhìn!

ĐÔNHA XON: – Anh bình tĩnh lại đi. Em đỡ hơn rồi. Một lát nữa thôi, chúng ta sắp cùng nhau giương cánh bay về những miền ánh sáng mới. Chúng ta hãy bay sóng đôi đến một thế giới tốt đẹp hơn. Hôn em một cái thôi, hôn em đi!
(Họ ôm hôn nhau).

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Ôi đau đớn!

HECNANI: (Giọng thều thào) – Ôi! xin tạ ơn Trời tuy đã bắt anh phải sống cuộc đời đầy những vực thẳm vây quanh và những bóng ma theo gót, nhưng nay cho phép anh, sau khi chán ngán trên con đường đầy khổ ải được ngủ thiếp đi, đôi môi trên bàn tay của em!

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Chúng thật là hạnh phúc!

HECNANI:  (Giọng mỗi lúc một yếu hơn) – Lại đây… lại đây, Đônha xon, tất cả đều tối sầm… Em có đau đớn không?

ĐÔNHA XON: (Giọng cũng thều thào) – Không, không chút nào nữa.

HECNANI: – Em có nhìn thấy ánh lửa trong bóng tối không?

ĐÔNHA XON: – Chưa thấy.

HECNANI: (Thở dài) - Đây này…
(Chàng ngã xuống).

ĐÔN RUY GÔMÊ: (Nâng đầu chàng lên, nhưng đầu lại lả xuống). - Chết rồi!

ĐÔNHA XON:  (Đầu tóc rũ rượi, và nhổm người lên) – Chết à! Không phải đâu!… Chúng ta ngủ đấy. Chàng đương ngủ, chồng ta đấy, mi thấy không, chúng ta yêu nhau, chúng ta nằm ở đây. Đây là đêm tân hôn của chúng ta.
(Giọng thều thào).
Này đừng có đánh thức chàng dậy, ngài quận công đơ Măngđôx, chàng đương mỏi mệt đấy.
(Nàng quay mặt Hecnani lại).
Anh của em, quay mặt lại đây với em. Gần chút nữa… gần thêm chút nữa…
(Nàng lại ngã xuống).

ĐÔN RUY GÔMÊ: – Chết rồi!… Ôi! Khốn khổ thân tôi!
(Lão tự sát).

Hạ màn

– Hết –




[1] Câu thơ 12 âm tiết, ngắt nhịp ở chính giữa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét