Ngọc Phụng
Lớp Học Rắc Rối
Thông tin ebook
Tên truyện : Lớp Học Rắc Rối
Tác giả : Ngọc Phụng
Thể loại : Văn học trong nước
Nhà xuất bản : Kim Đồng
Năm xuất bản : 2003
Tủ sách : Tuổi Mới Lớn
———————————-
Nguồn : http://www.nxbkimdong.com.vn
Chuyển sang ebook (TVE) : santseiya
Ngày hoàn thành : 17/07/2008
Nơi hoàn thành : Hà Nội
Mục Lục
Một
Ngọc ngồi chống cằm, mắt nhìn thầy nhưng dường như hồn lại để đâu đâu. Bên tai, tiếng thầy giảng Kiều làm Ngọc miên man hình dung: nếu như chính Ngọc gặp phải tình cảnh như nàng Kiều khốn khổ kia thì Ngọc sẽ như thế nào.
Í cha! Nếu vậy thì ai sẽ là Kim Trọng đây? Ngọc cố lôi ra một lô một lốc những đứa bạn trong và ngoài lớp để "ướm thử" và cố hình dung về "nhân vật" của mối tình đầu. Dũng "thư sinh" cùng lớp thì dáng dấp cũng tương đồng với chàng Kim nhưng khổ nỗi là hắn dốt văn quá. Giọng của Dũng thì kể cũng "dịu dàng" đó nhưng những điều hắn nói thì ôi thôi, mỗi lần nghe, Ngọc có thể phải nhảy dựng lên đụng nóc nhà vì… quá tức. Hay là thằng Hạo lớp chuyên Văn đây ta? Chàng này thì "siêu hạng" về ăn nói văn hoa. Chậc, nhưng chàng lại có tật thích đem chuyện người khác ra mà soi mói. Còn gì là thơ mộng, lãng mạn của "mối tình đầu" với một anh chàng chuyên moi móc những tính cách không hay của bạn bè rồi giả bộ vô tình góp ý bằng một giọng điệu văn hoa. Thế thì thằng Trọng bên lớp chuyên Toán vậy! Trùng tên với nhân vật. Tuyệt! Trọng hơn hẳn hai tên kia về mọi thứ, trừ cái thói quen vò đầu bứt tai khi hỏi tác giả của một bài thơ nào đó. Có lần, trong giờ ra chơi, Ngọc viết hai câu thơ "Rừng xanh ai nhuộm mà xanh. Má hồng ai nhuộm mà quanh năm hồng"[1] rồi đố hắn tác giả của hai câu thơ trong bài thơ ấy là ai. Hắn suy nghĩ mông lung lắm. Sau một hồi vò đầu bứt tóc thì đột nhiên hắn nhảy cẫng lên tựa như Ác-si-mét ngày xưa: "Của Hồ Xuân Hương! Của Hồ Xuân Hương! Đúng không? Ngọc thua Trọng rồi nhé. Ha ha haR! 30;". Trọng cười một cách đắc thắng khi thấy Ngọc mở to mắt kinh ngạc nhìn mình. Trọng từng nói, từ trước đến giờ, hắn chỉ thuộc mỗi bài "Bánh trôi nước" của Hồ Xuân Hương trong chương trình văn học. Lý do thứ nhất là bài thơ này chỉ có 4 câu, mà câu mở đầu "Thân em vừa trắng lại vừa tròn" đã là một sự thật hiển nhiên: bánh trôi nước thì phải trắng và tròn chứ! Thứ hai là mẹ hắn hay nấu món chè này cho hắn ăn. Cái sự "bảy nổi ba chìm" của bánh trôi, hắn cũng đôi lần nhìn thấy. Thứ ba là trong giờ giảng bài thơ này, thằng Phú đã nói ra đúng cái câu mà hắn đang định phát biểu để lấy le với các bạn sau những chuỗi ngày thất bại ê chề trong giờ Văn rằng: "Tác giả bài thơ này đã miêu tả rất sinh động một cô gái da trắng, mập, tròn và có tấm lòng đỏ như son". Tấm lòng đỏ như son của cô gái nào kia hình dạng ra sao thì hắn chưa biết nhưng hắn đã chứng kiến khuôn mặt… biến dạng của cô giáo dạy Văn khi nghe thằng Phú "cảm thụ" bài thơ một cách kinh dị như thế. Hắn mừng rơn vì mình đã không "dại dột" phát biểu trước thằng Phú cái điều mà mình vừa suy nghĩ được. Nếu không, đó lại là một thất bại nặng nề tiếp theo bên cạnh những thất bại thảm hại khác trong giờ Văn. Thế là lần đầu tiên, một bài thơ không có công thức như Toán, hắn lại thuộc làu làu và nhớ từng câu từng chữ lẫn tên tác giả một cách "khắc cốt ghi tâm". Cho đến mãi về sau này, hễ có ai đọc bất cứ bài thơ nào, hắn cũng lẩm nhẩm hỏi: "Thơ đó của Hồ Xuân Hương hả mậy?"… Hỏng bét, hỏng bét – Ngọc ngh�! � thầm ! – chàng Kim là người đối văn đàm thơ với nàng Kiều, nếu cứ mỗi lần "đụng" đến thơ văn mà chàng lại cứ vò đầu bứt tóc thì còn gì là thơ hay văn nữa…
Thôi, chắc chọn đại Phong "người mẫu" cho rồi. Phong dù sao cũng hơn mấy đứa kia, nhưng Phong lại bị một cái tật là chẳng ưa gì khi nói chuyện với con gái. Thế là hỏng bét tất cả! Kim Trọng ơi là Kim Trọng! Chậc, thôi thì chuyện ai là Kim Trọng để sau tính vậy.
Bây giờ thử xem ai sẽ là nhân vật Thúc Sinh đây! Thúc Sinh mê Kiều, coi trọng tài năng của nàng nhưng lại quá nhát gan. Ôi, chọn Tường "văn nghệ" vào vai này là phải nhất bởi Tường có rất nhiều điểm giống Thúc Sinh: mê thơ văn, ghiền nghe hát, đam mê nghệ thuật nhưng lại luôn lẩy bẩy mỗi khi đứng lên phát biểu trước lớp. Có lần, hắn đọc cho cả lớp nghe bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan, không biết hồn vía thế nào mà sau mấy lần tằng hắng, nuốt nước miếng, đưa tay vuốt ngực, Tường mới run run cất giọng: "Nàng có ba người anh đi bộ…". Ngưng rất lâu rồi hít một hơi dài, hắn mới tiếp tục cất tiếng "… Đội em nàng có em chưa biết nói…" thay vì phải là "Nàng có ba người anh đi bộ đội. Em nàng có em chưa biết nói". Chưa hết, có lần, trong một tiết lịch sử, Tường còn đọc: "Quân ta đánh sập một cái cầu tiêu… (ngưng một lúc để tiếp thêm tinh thần) diệt 3 xe tăng địch". Cả lớp mắc cười muốn lộn ruột nhưng cũng phải cố ép tiếng cười trở ngược vào trong vì sợ thầy la… Thôi, nhưng dù sao, đó cũng là những vướng mắc nho nhỏ, có thể tha thứ được. Tạm ổn, tạm ổn. Vậy, còn nhân vật…
- Ngọc, em đứng dậy cho tôi…
Ôi, sao tự nhiên tiếng ai mà rổn rảng thế. Cái tên gì mà sao nghe như là… – Ngọc nhủ thầm trong bụng.
- Ngọc, em đứng dậy!
"Chết cha, đó là tên mình" – Ngọc định thần lại, song vẫn chưa nhận ra ai đang gọi. Tuyển đập nhẹ vào vai Ngọc, làm Ngọc giật bắn người, quay lại, nạt thấp giọng:
- Hết chuyện hay sao mà dám đánh người ta? Trời ơi, tui thèm đánh "ông" quá nhưng sợ thầy la
Tuyển nhướng mắt rồi hất mặt như ra hiệu cho Ngọc. Hơi nghi ngờ, Ngọc nhìn theo và giật bắn người:
- Úi, thầy…
Tuy hơi hoảng nhưng Ngọc vẫn toét miệng cười cầu tài bởi Ngọc biết chắc mình là học trò thầy cưng nhất lớp. Ngoài giờ học, Ngọc vẫn thường được cùng thầy bình luận về một nhân vật trong một tác phẩm nào đó. Thầy và Ngọc còn trao đổi những tác phẩm hay cho nhau rồi lại cùng bình về tác phẩm đó như hai người bạn. Thầy tuy khắt khe về điểm số nhưng lại rất dễ tính với học sinh. Thỉnh thoảng, thầy cho nghỉ hẳn hai tiết liền để cả lớp tranh luận về một vấn đề nào đó như: tình bạn tuổi học trò, tình yêu, lòng tốt, sự vị tha… một cách thoải mái. Biết chắc là thầy không kỷ luật nhưng Ngọc vẫn "thu" nụ cười về và cúi đầu biết lỗi.
- Em đang thả hồn đi đâu vậy hả?
- Dạ, em đâu có…
- Sao em cứ mơ mơ màng màng vậy. Gọi mấy lần mới nghe. Em phải tập trung vào bài giảng chứ!
- Dạ, em đang tập trung mà thầy! – Ngọc cố vớt vát biện hộ rồi bỗng dưng "xung" lên, tự nhủ: "Thì mình cũng đang hướng về tác phẩm chứ có phải không đâu". Ngọc ngước mặt lên, cất giọng:
- Dạ, em cũng đang suy nghĩ về toàn bộ truyện Kiều đó thầy!
Thầy Thông nheo nheo mắt:
- Em suy nghĩ về tác phẩm như thế nào? Hãy nói lên cho cả lớp cùng nghe.
- Dạ! – Ngọc hào hứng. Em đang suy nghĩ nếu mình là nhân vật Thúy Kiều thì… thì…
- Thì sao? – Thầy Thông hỏi, ra chiều thú vị lắm.
- Nếu là Kiều thì em…
Giọng Tuyển thì thào sau lưng:
- Trời ơi là trời! Kiều hồi đó là giống như mấy cô bán bia ôm bây giờ đó. Tự nhiên sao lại…
Thiên địa ơi, nãy giờ mải miên man suy nghĩ, Ngọc quên một chi tiết quan trọng rằng: Kiều là một gái lầu xanh! Ôi, Ngọc có đọc mấy bài báo viết về số phận của những "nàng Kiều thời đại", thân phận của họ trăm bề khốn khổ: nào là bị mấy tên mặt rô hành hạ, nào là chịu sự ngược đãi của những Tú ông Tú bà, nào là… Đủ thứ chuyện không hay. Nếu Ngọc mà lâm vào hoàn cảnh đó thì…
- Thì em sẽ làm sao? – Thầy Thông cất tiếng. Ngọc bật ra ngay câu trả lời:
- Thì em sẽ gọi điện thoại về nhà cho anh Ba đến cứu…
Cả lớp cười rộ. Thầy Thông cũng không nhịn được cười. Thầy vờ nghiêm mặt nhưng lại lấy quyển sách che miệng và quay mặt lên bảng. Ngọc thấy đôi vai thầy rung rung. Tùng ngồi kế bên Ngọc thì toác cả miệng. Hắn gập cả người lên bàn, cười sặc sụa…
Giờ tan học hôm đó, Ngọc ôm cặp ra khỏi lớp mà vẫn bị tiếng cười của các bạn trong lớp bám theo. Đi gần đến nhà, ngang qua bãi giữ xe của nhà sách, một giọng con trai cất lên:
- Ngọc, vô đây!
Ngọc tiu nghỉu bước vào và đưa đầu ra. Lạc lấy tay giật tóc Ngọc một cái, hỏi:
- Sao bữa nay về trễ vậy?
- Ư!
- Bị thầy la hả?
- Ừ!
- Không thuộc bài hả?
- Còn lâu!
Ngọc quay lưng đi một mạch. Ừ hén, sao hồi nãy mình không nghĩ ra vậy ta. Nếu mình là Thúy Kiều thì mình sẽ chọn Lạc làm Từ Hải. Cái tên này cho hắn làm Từ Hải để hắn chết đứng cho đáng đời. Hừ…
Hai
Vừa bước vào lớp, Ngọc đã nghe Vân gọi giật lại:
- Ngọc, đi quét lớp đi chứ. Giờ này mà chưa chịu làm, bộ đợi đến khi giáo viên trừ điểm vệ sinh trong sổ đầu bài rồi mới chịu, phải không?
- Thì bây giờ Ngọc làm liền nè. Bộ Tuyển, Trung, Tùng chưa ai tới hết hả?
Ngọc để cặp vô ngăn bàn rồi quay lại hỏi Vân lớp trưởng. Như được khơi đúng mạch, Vân "tuôn" ra ngay:
- Hết chuyện rồi hay sao mà chờ đợi mấy ông tướng siêu lười đó? – Vân dấm dẳng – Chắc một lát nữa, trống vào học rồi mấy tên đó mới vô quá! May là hôm qua mình đã nhắc nhở rằng hôm nay trực rồi mà còn vậy đó! Vân nói thiệt…
Ngọc vội cầm chổi lên để kết thúc "bài phê bình" của Vân, nhưng không ngờ Vân vẫn tiếp tục:
- Hồi đó, khi thấy Ngọc bị xếp ngồi chung với ba tên đó, Vân tưởng Ngọc sẽ không phải đụng tay đụng chân vô ba cái vụ trực nhật này. Ai mà ngờ đâu…
- Đâu phải mấy bạn đó không chịu trực nhật đâu. Họ cũng chịu khó quét lớp lắm chứ bộ…
- Chịu khó theo cái kiểu ba bảy hai mươi mốt ngày thôi chứ đâu có thường xuyên? Ngọc nhìn Như lớp mình kìa, tổ trực nhật của Như có ba đứa con gái, chỉ có một mình Mạnh là con trai, vậy mà Mạnh vẫn phải đảm đương hết công việc trực nhật để cho con gái ở không. Còn trong tổ của Ngọc chỉ có mỗi Ngọc là con gái mà lại bị đày đoạ thế này…
Vân đổi giọng ra chiều thương hại làm Ngọc tự nhiên nổi giận. Đẩy mạnh cái bàn vào đúng vị trí, Ngọc đáp trả:
- Thì tại Như là lớp phó kỷ luật. Hai người kia một là tổ trưởng, một là lớp phó văn thể mỹ. Chỉ tội nghiệp cho Mạnh thôi…
Tự nhiên Ngọc ngẩn người ra nghĩ ngợi lý do mình nổi giận. Không biết là do giọng điệu của Vân hay vì Mạnh. Mạnh là học sinh hiền lành nhất lớp, sức học trung bình, người cao, ốm, ít nói. Mạnh là bạn thân của Tuyển. Hai người tính cách trái ngược hẳn nhau, thân nhau là do hai người gần nhà và cùng học chung cấp hai. Mạnh luôn nhường nhịn Tuyển trong bất kỳ trường hợp nào. Có lúc, Ngọc thấy Tuyển đánh mạnh vào bả vai Mạnh rồi cười lên hăng hắc mà MaÏnh chỉ im lặng rồi cười nhẹ. Nụ cười thật hiền, không có vẻ gì là cam chịu mà hình như Mạnh coi đó là chuyện bình thường. Ngạc nhiên, Ngọc hỏi:
- Sao tự nhiên Tuyển đánh Mạnh vậy?
- Thích!
- Vậy nếu ai đánh Tuyển mà lại nói như vậy thì Tuyển có thấy thích không?
- Ngu sao thích?
- Vậy sao Tuyển còn đánh người khác?
- Tại thích!
Tuyển vẫn trả lời bằng giọng tỉnh queo. Bực bội trước thái độ của Tuyển, Ngọc quay sang Mạnh:
- Sao Mạnh để Tuyển đánh vậy?
- Tuyển chỉ giỡn thôi mà!
- Giỡn kiểu gì mà kỳ vậy? Lần sau Tuyển làm vậy, Mạnh phải phản ứng chứ?
- Phản ứng sao? – Mạnh hỏi bằng giọng hiền lành.
- Ừm… thì… thì Mạnh phải đánh lại!
- Còn lâu Mạnh mới đánh lại tui.
Tuyển cười hề hề rồi lại phát một cái thật mạnh vào vai Mạnh. Tự nhiên, Ngọc thấy ngứa ngáy chân tay:
- Mạnh không đánh lại thì kêu Ngọc, Ngọc phụ cho!
- Tụi mình đánh cũng không lại Tuyển đâu! – Mạnh vừa nói vừa cười khi thấy sự phấn khích hiện rõ trên khuôn mặt Ngọc.
- Nếu đánh không lại thì tụi mình… quăng bụi vô mắt Tuyển rồi mới nhào vô đánh. Không thôi tụi mình đánh lén sau lưng, thế nào cũng thắng hà…
- Trời, trời… Hết chuyện hay sao mà tự nhiên Ngọc xúi bạn bè người ta đánh nhau? Tự nhiên hà…
Tuyển kêu lên. Ngọc chột dạ vì sự quá trớn của mình nhưng cũng cố cứng giọng:
- Ai biểu Tuyển thích đánh người khác làm chi…
- Kệ tui. Tui đánh người khác chứ có đánh Ngọc đâu mà Ngọc trách móc? Coi kìa…
Ngọc im bặt ngay vì thấy mình đuối lý trước… lý sự cùn của Tuyển. Trong lớp, Tuyển được phong danh là Tuyển "ba lơn" bởi cái tánh tưng tửng của mình. Tuy tánh khí vậy nhưng Tuyển học rất khá, nhất là những môn tự nhiên. Có lần, trong giờ Lý, cả lớp đang nghe thầy giảng bài thì tự nhiên chàng Tuyển nhà ta thở dài đánh sượt một tiếng, nghe não cả lòng. Cả lớp im phăng phắc chờ đợi sự quở trách của thầy dạy Lý thì Tuyển đã chủ động đưa tay lên phát biểu:
- Dạ thưa thầy, em có chuyện muốn hỏi!
- Em nói đi!
- Trên thế giới hiện nay có loại máy nào giúp con người vẫn có thể thưởng thức mùi vị thức ăn như bình thường nhưng lại không cần phải nhai chưa thầy?
- Chưa, nhưng đã có loại thức ăn không cần nhai nhưng vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng dành cho người già và người bệnh.
- Không, ý em muốn hỏi là có loại máy nào mà người bình thường khi ăn vẫn thưởng thức theo cách cũ, nhưng lại bỏ qua một công đoạn là nhai mà chỉ cần nuốt thôi. Có chưa thầy?
- Vậy chức năng của răng để làm gì nếu không để nhai thức ăn? – Thầy ngạc nhiên.
- Dạ, tại em thấy trên thế giới hiện nay loại máy móc nào mà con người cần thì họ cũng đều chế tạo được hết rồi. Mai mốt, em mà làm kỹ sư thì em phải chế tạo ra loại máy nào đây? Em đang suy nghĩ làm cách nào để chế tạo ra cái máy mà em vừa nói với thầy nên em phải hỏi kỹ đã có người chế tạo ra loại máy đó chưa?
Khuôn mặt Tuyển thành thật đến nỗi thầy Lý không nghi ngờ gì, nói với Tuyển bằng một giọng nhẹ nhàng:
- Em ngồi xuống đi. Lo học trước đi rồi hãy lo đến những chuyện khác!
Tuyển thở dài ngồi xuống. Lúc đó, Ngọc còn nghe Tuyển lẩm bẩm:
- Hay là chế tạo ra loại máy giúp người ta chỉ ngủ một mắt, còn mắt kia vẫn thức để canh ăn trộm đây ta?
Trung từ đằng sau giằng lấy cây chổi Ngọc đang cầm trên tay:
- Quét lớp thì phải tắt quạt chứ. Mấy tờ giấy bay lung tung kìa… Thôi, Ngọc xuống lấy khăn trải bàn đi, Trung quét lớp cho!
Đưa cây chổi cho Trung, Ngọc lững thững đi xuống phòng gởi đồ. Đi đến cầu thang thì thấy Tuyển đang lò dò bước lên. Vừa thấy Ngọc, Tuyển cất tiếng ngay:
- Tuyển lấy khăn trải bàn với nhúng khăn lau bảng rồi. Để bây giờ lên quét lớp. Ê, Mạnh ơi, Mạnh…
Mạnh bước lên, Tuyển quay sang nói bằng giọng ngang ngang:
- Lên quét lớp phụ tao nhe mậy…
- Ừ! – Mạnh gật đầu ngay.
Thấy Ngọc im lặng đứng nhìn, Tuyển nói nhỏ với Ngọc như sợ người khác nghe thấy:
- Một lát nữa Tuyển cho Ngọc ăn cái này ngon lắm!
- Cái gì vậy? Ngọc tò mò.
- Ông ngoại Tuyển đem từ dưới quê lên. Lát nữa tụi mình vô lớp ăn chung…
Ngọc toe toét miệng cười:
- Ừ, bây giờ tụi mình vô quét lớp hén…
Cả ba chưa bước vào lớp thì đã nghe giọng Như eo éo:
- Tôi không biết "ông" có phải là con trai không nữa. Con gái nói gì ông cũng phải cãi lại cho bằng được là sao?
- Nói không đúng thì phải cãi lại chớ? – Tùng nhướng mắt trả lời.
- Tôi nói vậy mà không đúng hả?
- Cái chuyện tôi quét lớp như thế nào là chuyện của tôi, liên quan gì…
- Sao không liên quan? "Ông" thử nghĩ coi, gần tới giờ vô học rồi mà "ông" cứ dùng tay đi lượm từng miếng giấy thì biết chừng nào lớp mới sạch? Như vậy mà kêu là quét lớp đó hả, kêu là lượm rác thì có…
- Thì Trung cũng đang quét rồi, tôi làm theo cách đó thì có sao đâu? Mà "bà" là lớp phó kỷ luật chớ có phải lớp phó lao động đâu mà góp ý vô mấy cái chuyện này?
Đúng là ngang như cua. Như dậm chân rồi bỏ đi. Tùng quay sang nói bâng quơ:
- Có chịu nổi không? Chịu đựng trong giờ học không nói chuyện là muốn ná thở rồi, bây giờ làm như "nó" muốn quản lý mình ngoài giờ học luôn chắc…
- Kệ "nó" mày ơi… Có quyền lớp phó kỷ luật là vậy đó. Tụi mình phải khổ với nó dài dài…
Ba
Mà đúng là tổ của Ngọc "khổ dài dài" vì Như thật, bởi chưa có buổi sinh hoạt chủ nhiệm nào mà tổ lại không phải lên bảng đứng vì bị kiểm điểm: khi thì trực sinh bị trừ điểm trong sổ đầu bài; khi thì tổ luôn đứng bét trong các tổ; khi thì một thành viên trong nhóm không thuộc bài khiến cả tổ bị vạ lây… Nhưng lỗi nhiều nhất vẫn là tội nói chuyện trong giờ học. Các tội kia khi bị phạt thì còn ấm ức chớ bị phạt vì tội này thì cả tổ đều "tâm phục khẩu phục" bởi bốn thành viên đều thuộc tuýp người "biết rất nhiều chuyện nhưng không thể giữ riêng cho bản thân mình". Khi thì Trung rì rầm kể lại các chuyện trinh thám vô cùng gay cấn cho ba người còn lại nghe bằng một giọng thì thào làm ai cũng hồi hộp lắng nghe, ai cũng muốn biết diễn biến kế tiếp của vụ án sẽ ra sao. Lúc khác lại là Tùng kể chuyện ma bằng giọng trầm trầm làm ai cũng phải dựng tóc gáy nhưng vẫn cố dỏng tai mà nghe. Chưa hết, Tuyển thì chúa hay kể chuyện tiếu lâm làm cả bọn đau bụng vô cùng vì không được cười ra tiếng. Ngọc cũng góp vui bằng mấy bài thơ con cóc sưu tầm trên mặt bàn hay những mảnh giấy không chính thức của các bạn đồng trang lứa chuyền tay nhau đọc rồi cười khúc khích. Trong một lần bị kiểm điểm trước lớp, Tuyển đã gân cổ cãi lại rằng: hắn nói chuyện trong lớp không phải là do hắn muốn vậy mà là do… giáo viên chủ nhiệm yêu cầu như thế. Cả lớp thót tim khi nghe Tuyển nói. Như thế này thì quá lắm rồi, cái tánh tưng tửng của hắn đã đi quá đà cho phép. Sự giận dữ hiện rõ trên khuôn mặt, song c! ô chủ nhiệm vẫn kìm giọng:
- Sao em lại nói tôi khuyến khích em nói chuyện trong giờ học?
Tuyển chẳng nói chẳng rằng, tiến về phía chỗ ngồi và lấy trong cặp ra quyển sổ liên lạc. Hắn đem lên bàn giáo viên, mở quyển sổ và chỉ vào dòng "Lời phê của giáo viên" rồi cất giọng:
- Thì cô phê là "Hãy nói chuyện trong giờ học" đó thôi!
Ôi, tía má ơi! Cả lớp như lên cơn sốt vì không biết lời phê đó có phải là sự thật hay là do Tuyển bịa ra. Không kềm chế nổi, Vân lớp trưởng nãy giờ đứng gần bàn giáo viên chủ nhiệm liếc mắt hết cỡ về phía cuốn sổ đầu bài. Như phát hiện ra một sự kiện trọng đại, Vân há hốc miệng rồi quay sang nhìn cô giáo. Cô chủ nhiệm nhìn vào quyển sổ liên lạc của Tuyển rồi cũng phải tròn mắt. Cả lớp lờ mờ đoán ra là hình như cái câu cô phê trong sổ Tuyển là sự thật. Hơn 40 cái đầu trong lớp như nổ bung ra vì không hiểu lý do tại sao cô giáo lại phê như thế trong khi mắt vẫn căng lên theo dõi nhất cử nhất động kế tiếp của cô. Tai ai cũng dỏng lên hết cỡ. Cô giáo dù kìm nén song cả lớp vẫn nghe tiếng thở… hơi dài của cô. Bây giờ, tiếng ruồi bay qua, cả lớp cũng có thể nghe rõ mồn một. Sau một vài giây định thần, cô giáo ngồi xuống nói bằng giọng nghiêm khắc, song uy lực đã giảm đi phần nào, không như những lần sinh hoạt chủ nhiệm trước:
- Tôi phê "Hay nói chuyện trong giờ học" chứ có phải là…
Một vài tiếng "ồ" lên từ dưới lớp. Tiếp theo đó là tiếng mở cặp và tiếng giấy sột soạt. Dường như các học sinh khác đều lấy sổ liên lạc của mình ra "nghiên cứu" lại lời phê của cô giáo. Đột nhiên, Vân vỗ hai tay vào nhau như vừa có một phát kiến vĩ đại:
- A! Vân hiểu rồi mấy bạn ơi! Do cô của chúng ta quen tay nên cho thêm dấu ngã vào chữ "hay" đó…
Cả lớp gật gù tán thành bởi trong lời phê của cô đa phần thường là: "Hãy tập trung hơn trong giờ học"; "Hãy chú ý hơn vào môn Toán"; "Hãy tham gia phong trào tích cực hơn"… Như mở được tấc lòng, cô giáo cất lên giọng uy lực cũ:
- Em Vân nói đúng. Do cô quen tay nên…
- Nhưng em đâu có biết nên cứ nghĩ là cô bắt em phải nói chuyện trong lớp! – Tuyển nói bằng giọng ngây thơ và với khuôn mặt hiền lành… vô số tội – Rõ ràng là cô viết "Hãy nói chuyện trong giờ học" mà…
- Vân, em cho cô mượn cây bút xóa!
Vân nhanh nhẩu đưa cho cô cây bút xóa. Cô giáo xóa dấu ngã một cách cẩn thận rồi quay sang nói với Tuyển:
- Lần này thì cô bỏ qua, nhưng bắt đầu từ lần sau…
"Bắt đầu từ lần sau"… Quả là một thời điểm vô cùng bi đát mà tổ phải trải qua khi Như luôn dán mắt vào nhóm của Ngọc. Mới thứ tư mà trong sổ ghi kỷ luật của Như đã hết chỗ để gạch ở bốn cái tên: Trung, Tùng, Tuyển, Ngọc. Ngọc quay xuống mở miệng: "Trung, cho Ngọc mượn cây thước": gạch. Tuyển nhướng người lên trả cục gôm kèm theo tiếng cám ơn: gạch. Tùng quay sang hỏi mấy phút nữa hết tiết: gạch. Ngọc mở miệng lẩm nhẩm theo lời bài thơ thầy đang đọc: gạch. Riết, cứ đến giờ sinh hoạt chủ nhiệm, khi Như cầm sổ kỉ luật chưa kịp đọc gì thì Ngọc, Trung, Tùng, Tuyển đã tự giác lên đứng một góc bảng để nghe "tuyên phạt tội trạng". Giấy kiểm điểm của bốn đứa chất đống. Cái hôm bốn đứa ngồi viết kiểm điểm chung với nhau, Tùng nói với Tuyển:
- Tao thấy thay vì mày muốn sáng chế ra loại máy nhai giùm con người thì hãy tập trung suy nghĩ cách gì để có thể viết chỉ một lần kiểm điểm nhưng nó biến thành nhiều bản để sử dụng cho những lần sau còn hay hơn!
Tuyển gật gù rồi thừ người ra nghĩ ngợi. Ngọc vui mừng góp ý:
- Hay là tụi mình đi photo sẵn? Mà như vậy thì không được. Cô đâu có chịu bản photo?
Trung chống cằm:
- Nhờ người khác viết giùm thì không được vì mỗi người đều có nét chữ riêng. Có nhiều vụ án được điều tra thành công chỉ dựa vào nét chữ đó!
Tùng đập mạnh bàn một cách đột ngột:
- Chung quy là cũng tại con Như. Đúng là suốt ngày chỉ biết xen vào chuyện của người khác thôi!
- Lớp phó kỉ luật mà… – Trung tặc lưỡi.
- Ừ, tao chúa ghét ban cán sự lớp! – Tuyển tự nhiên bật ra một câu rất bất chợt. Ánh mắt Tùng chuyển sang giận dữ:
- Bữa nào phải kêu người đánh nó một trận cho nó bỏ cái tật…
- Tùng đánh Như hả? Trời ơi, không được, Tùng không được làm như vậy! – Ngọc kêu lên hốt hoảng.
- Có gì đâu mà Ngọc phải sợ vậy chứ? – Tùng trấn an.
- Tùng sẽ bị đuổi học đó. Với lại, Như là bạn cùng lớp mình mà…
Tuyển và Trung im lặng một lúc rồi Trung nói nhẹ:
- Thôi đi mày ơi, gì mà đến nỗi đó?
Tuyển cũng góp vào:
- Kiểm điểm thôi mà. Cũng tại tụi mình nói chuyện trong lớp chớ bộ. Bỏ qua đi…
- Bỏ qua gì mà bỏ qua. Tuần nào cũng viết kiểm điểm. Tao bực quá rồi, đánh nó xong, tao bị đuổi học cũng được!
Ngọc hốt hoảng hơn, giọng như nghèn nghẹn:
- Tự nhiên Tùng đánh lộn rồi nghỉ học hà. Mà sao…
Tuyển nhẹ giọng an ủi:
- Nó chưa đánh ai hết mà, Ngọc yên tâm đi. Nó không đánh Như đâu!
- Sao Tuyển biết? Tùng vừa nói là sẽ đánh kìa!
Mắt Ngọc bắt đầu ngân ngấn nước. Tùng quay sang bắt gặp khuôn mặt Ngọc thì hơi bối rối, nhẹ giọng:
- Ngọc đừng có khóc. Tùng sẽ không đánh Như đâu!
- Thiệt hả?
- Thiệt.
Nghe Tùng nói vậy, mặt Ngọc tươi tỉnh hơn nhưng trong bụng vẫn lo ngay ngáy, bởi hơn ai hết, Ngọc biết rõ hoàn cảnh gia đình Tùng ra sao. Ba mẹ ly dị, Tùng ở cùng cô dượng trong một căn nhà sang trọng, rộng lớn. Những lúc Tùng gặp mặt ba mẹ là lúc xin tiền. Tùng có tiền nhiều lắm bởi khi gặp ba thì Tùng nói rằng mẹ chưa cho tiền. Thế là ba đưa ra một xấp bạc lớn. Gặp mẹ thì Tùng nói là ba không quan tâm đến việc chu cấp. Vậy là mẹ dúi vào tay một mớ tiền to. Hai vợ chồng không hề gặp mặt nhau, cũng không thèm kiểm chứng lại lời của con mình là đúng hay sai. Ăn mặc thì đã có cô dượng lo nên số tiền đó luôn đầy trong túi Tùng. Đi sớm về muộn cũng không ai nói đến nên Tùng giao du với khá nhiều bạn bè đủ mọi thành phần ngoai trường. Cô giáo, thầy giáo chủ nhiệm của hai năm học trước cũng đành bó tay trước một học sinh mà đủ điểm lên lớp đã kể như một may mắn. Năm nay, nhờ sự quan tâm đặc biệt của cô giáo chủ nhiệm nên Tùng có tiến bộ ít nhiều, nhưng Tùng vẫn có thói quen suy nghĩ: "Học tới đâu hay tới đó…". Với suy nghĩ như vậy nên Tùng chẳng sợ điều gì, chỉ sợ… lời nói nhẹ nhàng. Trong lớp, ngoài kết thân với Tuyển, Trung, Ngọc, Tùng chẳng có thêm một người bạn nào một cách đúng nghĩa. Một phần là do thái độ của Tùng, một phần là do ánh mắt không mấy thiện cảm của các bạn trong lớp khi thấy Tùng vẫn thường qua lại với những thanh niên bất hảo trước cổng trường. Tùng đã từng lao đến đánh Hạo bên lớp chuyên Văn khi Hạo nói như cố tình để Tùng nghe: "Cái tụi đó sớm muộn gì thì cũng b�! �� công an gô đầu cả lũ cho mà coi…". Lần đó, Tùng bị trường đem ra hội đồng kỷ luật, may nhờ có cô giáo chủ nhiệm bảo lãnh nên Tùng được tạm tha. Nhưng không vì thế mà Tùng hối cải. Tùng nói: "Họ đuổi thì em nghỉ thôi chứ có gì đâu…". Cô giáo chủ nhiệm phải tiếng nhỏ tiếng to khuyên giải. Tùng khi lắc, khi gật, cuối cùng thì trả lời ậm ừ: "Em có học tiếp thì cuối cùng cũng không đậu nổi tốt nghiệp đâu". Cô kiên quyết: "Cô sẽ có cách để em đậu tốt nghiệp. Em cứ trở vào học đi cái đã". Tùng trở vào học và cô giáo chủ nhiệm thực sự có một cuộc cải cách. Cô chia lớp ra thành mười tổ, mỗi tổ có từ bốn đến năm học sinh và phải chịu trách nhiệm lẫn nhau: học sinh yếu thì được xếp ngồi bên học sinh giỏi, học sinh trung bình đi chung với học sinh khá để cùng giúp nhau trong học tập. Hôm đó, Tùng suýt bỏ về bởi chứng kiến các bạn trong lớp thảy đều lắc đầu nguầy nguậy khi nghe cô giáo phân công mình cùng tổ với Tùng. Có bạn còn cứng giọng: "Thà em nghỉ học còn hơn…". Trầy trật lắm, cuối cùng thì cô cũng chọn được ba người: Tuyển, Trung, Ngọc. Đơn giản là vì Tuyển tưng tửng, lại khá mấy môn tự nhiên. Cũng do tánh khí tưng tửng đó mà Tuyển bị chối từ khi gia nhập các tổ khác. Trung thì tánh điềm đạm, bình tĩnh nên khi cô "chỉ định", Trung cũng không phản đối. Còn Ngọc giỏi các môn xã hội và lại là bạn thân của Tùng từ đầu năm lớp 10 nên xung phong ngay khi tổ thiếu một người. Cái nhóm bốn người này nhanh chóng thành "nhóm đặc biệt" trong lớp cũng như trong trường bởi Tùng vốn dĩ đã nổi danh là "h�! ��c sinh ! cá biệt"
Bốn
Đối với người khác, Tùng "cá biệt" như thế nào không biết chứ đối với Ngọc, Tùng luôn là người bạn tốt. Còn nhớ ngày đầu tiên đi học cấp ba, cũng là ngày đầu tiên Ngọc mặc áo dài. Cảm giác vướng víu, bức bối khiến Ngọc khi bước xuống xe ba chở đi với một khuôn mặt khổ sở vô cùng. Nhà cách trường chỉ một con phố nhưng trong suốt hơn một tháng, ba và anh trai phải thay phiên nhau đưa đón Ngọc đi học. Nhưng dù ba và anh lo lắng, chăm chút đến đâu thì cũng dừng lại ở mức… trước cổng trường. Cái khoảng cách từ cổng trường đi lên lớp học sao mà xa vợi khi phải lê bước với một ống quần rộng và cái áo có hai tà dài quá đầu gối. Lúc đó, Ngọc muốn nổi đóa trước quy định của trường khi bắt buộc học sinh không được phép mang ba lô hay giỏ xách đi học mà chỉ được phép đựng sách vở bút viết bằng cặp mà thôi. Cặp thì có nghĩa là không có dây đeo hay có thể mang trên vai như ba lô hay giỏ xách được. Thế là một tay Ngọc xách cặp, tay kia nắm hai cái ống quần và bước đi một cách bực bội. Chính Tùng là người xách cặp giúp Ngọc đi đứng thoải mái hơn mỗi lúc tan học hay trước khi vào lớp. Cũng chính Tùng đi bộ chung để Ngọc có cảm giác yên tâm là hai tà áo của mình không bị vướng vào một vật gì đó sau lưng hay phía trước mặt. Tùng còn luôn gánh vác những công việc mà Ngọc không làm tốt được như: hái lá dương xỉ, trồng giá, bắt ốc sên để thực tập trong giờ Sinh, hướng dẫn cách vẽ bảng vẽ kỹ thuật. Có lần, tan học thì trời đổ mưa tầm tã, một nhánh cây ở cuối trường bị gió thổi! mạnh, gãy đổ. Học sinh như bầy ong vỡ tổ túa ra về, bất chấp lời căn dặn của thầy hiệu trưởng là phải đợi tạnh mưa. Ngọc vốn sợ tiếng sấm sét. Đứng trong hành lang lớp đợi tạnh mưa, Ngọc run bắn người mỗi khi bầu trời loé lên một tia sáng. Lúc đó, người đang ướt như chuột lột vì dầm mưa ra về, nghĩ sao đó, Tùng đã quay ngược vào trường. Hai bạn trẻ, một lạnh run vì người ướt, một run sợ trước sấm sét, đứng nói đủ thứ chuyện trên đời để quên lạnh, quên sợ… Kết bạn với Tùng, Ngọc luôn "bị" ăn cùi thơm[2] một cách bắt đắc dĩ. Số là một hôm, thầy bệnh nên lớp nghỉ tiết cuối. Tùng và Ngọc vừa bước ra đến cổng trường thì gặp một ông lão bán cùi thơm. Thi thoảng, Ngọc vẫn ăn quà vặt nhưng nào có trò chuyện với người bán hàng bao giờ, bữa nay rảnh rỗi nên câu chuyện của hai trẻ một già cứ miên man. Gần cuối câu chuyện thì hai đứa mới biết cụ đi bán cùi thơm để kiếm bạc lẻ nuôi cháu. Ngọc thấy Tùng im lặng khi nghe cụ già kể rồi Tùng ăn hết cùi thơm này đến cùi thơm kia, còn giục Ngọc ăn thi coi ai ăn nhanh hơn… Cuối cùng, Tùng móc ra một tờ bạc lớn dúi vào tay ông lão, nói bằng giọng hiền lành:
- Con gởi tiền.
Cụ già móc trong túi ra mớ bạc lẻ định thối[3] lại, Tùng bóp nhẹ bàn tay nhăn nheo của cụ.
- Thôi, tiền còn dư chút đỉnh, con gởi cho em ở nhà ăn bánh. Cụ mua bánh cho em giúp con!
Giọng Tùng chân thành. Ông cụ cảm động gật đầu. Ngọc xúc động lắm và nhớ mãi khuôn mặt của Tùng lúc ấy. Từ đó trở đi, hai đứa trở nên thân thiết, thân đến nỗi Tùng phát hiện ra cái anh chàng học trên một lớp rất hay nhìn trộm Ngọc. Tùng cười giòn:
- Cho ảnh[4] một cơ hội đi
- Là sao? – Ngọc nhướng mắt, hỏi.
- Là cho phép ảnh nhìn công khai chớ sao nữa!
- Vậy phải làm sao?
- Chịu khó nhìn lại ảnh rồi chớp chớp mắt là được hà…
Tùng bày cách nhiệt tình, Ngọc vui vẻ nhận lời và "chịu khó" nhìn lại ảnh mỗi khi gặp nhau ở bãi giữ xe. Sốt ruột vì thấy tình hình vẫn không cò gì tiến triển, Tùng lân la kết bạn với ảnh rồi rủ ảnh đá cầu chung vào những giờ giải lao. Khi ấy, Tùng kéo Ngọc theo và "bắt" Ngọc ngồi đó nhìn. Tùng còn dặn dò là Ngọc phải biết mỉm cười mỗi khi thấy ảnh nhìn mình và vỗ tay hoan hô mỗi khi ảnh đá một pha cầu hay. Một tuần sau vẫn chưa thấy dấu hiệu gì, Tùng gạt đi chuyện đá cầu, nói:
- Hay là Ngọc lấy xe đạp đi học đi
- Chi vậy? Nhà Ngọc gần xịt mà đi xe đạp nỗi gì?
- Chậc, nhà gần nếu đi ngõ này nhưng sẽ phải đi xa nếu đi ngõ kia, đúng không?
- Mắc gì tự nhiên bắt Ngọc đi vòng cho xa?
- Nghe lời Tùng đi mà…
Ngọc gật đầu rồi làm theo. Thế là mỗi buổi chiều tan học, Ngọc tà tà đạp xe trên con đường vòng về nhà, anh chàng nọ tà tà chạy theo phía sau, cố giữ một khoảng cách không quá xa mà cũng chẳng quá gần. Tùng không cần lên ga nhưng bằng xe máy vẫn có thể "rà" theo để "nắm tình hình" từ phía sau. Cái gì đến phải đến: xe của Ngọc bị xẹp bánh. Anh chàng nọ vội lật đật chạy đến nên xe bị sút sên[5]. Thế là Ngọc và ảnh cùng tà tà dắt hai chiếc xe đạp đi bộ chung trên một đoạn đường dài…
Hôm sau, vừa gặp mặt Ngọc, Tùng hí hửng:
- Thành công mỹ mãn, đúng không?
Ngọc xụ mặt:
- Có gì vui đâu mà Tùng cười? Tùng thử dắt xe đi bộ một quãng đường xa thiệt xa như Ngọc ngày hôm qua coi!
- Sao vậy? – Tùng trố mắt ngạc nhiên làm Ngọc giận thêm.
- Tối hôm qua Ngọc ngủ mà cứ tưởng là mình không có chân. Mất cảm giác luôn, mỏi đến nỗi như vậy đó. Từ đây đừng có báo hại Ngọc theo cái cách đó nữa…
Tùng quẹt mũi rồi gật đầu. Không báo hại Ngọc theo cách đó thì Tùng báo hại Ngọc theo cách khác. Chuyện là Ngọc rất sợ thằn lằn[6], sợ hơn là phải nghe tiếng sấm sét. Trong giờ học môn lịch sử, đang say sưa nghe thầy giảng bài thì Tùng khều khều:
- Có cái gì trên áo Ngọc kìa!
Ngọc quay lại nhìn và điếng hồn khi nhận ra một con thằn lằn đang bám trên vai áo. Ngọc thét lên một tiếng kinh hoàng rồi không biết sức mạnh từ đâu mà có, Ngọc nhảy phóc lên bàn một cách gọn hơ rồi hét tiếp một tiếng còn kinh hoàng hơn khi thấy con thằn lằn vẫn yên vị trên vai áo. Cũng gọn hơ như cách "bay" lên mặt bàn, Ngọc "đáp" đất cũng dễ dàng như thế rồi nhảy loi choi, miệng kêu thất thanh:
- Thằn lằn! Thằn lằn! Cứu! Cứu…
Rồi như hết sinh khí, Ngọc khuỵu người xuống và bật khóc ngon lành. Cả lớp còn chưa kịp định thần sau chuỗi hành động của Ngọc thì Tùng đã chạy tới, bắt con thằn lằn ra khỏi áo Ngọc. Ngồi bệt xuống, quẫy đạp chân như trẻ con quấy khóc, giọng nấc nghẹn:
- Sao không bắt ra từ hồi nãy hả? Sao không bắt ra lúc đó?
Chơi thân với Tùng, Ngọc thường bị những ánh mắt không lấy gì làm thiện cảm của những học sinh cùng khối. "Bọn chúng" nhìn Tùng rồi nhìn sang luôn cả Ngọc bởi hai đứa luôn sát cánh bên nhau trong và ngoài giờ học. Khi thì Ngọc tếch theo Tùng lên tận sân thượng trường vào giờ ra chơi, lúc lững thững tận phòng giáo cụ vào cuối giờ, lúc khác lại tha thẩn đi lượm mấy cái lá bàng to đùng rụng ở sân đem tặng cô giáo dạy nữ công gia chánh để cô cắm hoa nghệ thuật… Xui rủi thế nào mà trong một lần thơ thẩn đi hái me gần sân vận động trong giờ học thể dục, cả hai bị thầy giáo thể dục kỷ luật:
- Hai em, mỗi người chạy năm vòng sân cho tôi. Hết giờ nghỉ giải lao rồi mà vẫn còn nghịch phá, không chịu vào học hả?
- Dạ, tại tụi em không biết là hết giờ ạ! – Ngọc lễ phép.
- Hết giờ chơi mà sao không biết? – Thầy nghiêm giọng.
- Tại ở đây đâu có chuông đâu thầy? – Tùng cũng nhẹ giọng.
Do sân trường không thích hợp cho luyện tập thể thao nên vào giờ thể dục, học sinh của trường phải đến sân vận động. Sân vận động rất lớn nên thầy quy định hiệu lệnh bằng những hồi còi. Có lẽ quá mê ly với những trái me mà hai đứa không nghe hiệu lệnh đó.
- Hai em đừng có đổ thừa này nọ. Ai cũng tập trung đúng giờ, chỉ có hai em là không thôi. Ra chạy mỗi người năm vòng cho tôi!
Chạy chưa hết một vòng mà Ngọc đã bắt đầu thở bằng miệng:
- Mệt quá…
- Ăn sáng chưa? – Tùng hỏi
- Chưa, hồi sáng Ngọc dậy trễ. Còn 4 vòng nữa lận. Chắc chết quá…
Tùng nhìn Ngọc vừa chạy vừa hả miệng ra như đợi không khí bay vào để thở, nói:
- Hít thở sâu vô là đỡ mệt hà…
- Quá mệt… – Ngọc tiếp tục than.
- A, Tùng có cách không phải chạy nữa rồi!
Tùng kêu lên mừng rỡ. Ngọc còn mừng hơn:
- Cách gì? Cách gì? Sao? Sao?
Lúc này đã chạy được hơn một vòng, Tùng chạy chậm lại rồi nói:
- Một lát nữa, khi tụi mình chạy gần đến chỗ của lớp thì Ngọc hãy nằm xuống, ai làm gì thì làm, đừng có nói gì hết, cũng đừng có mở mắt
- Tự nhiên làm vậy chi? Thầy la chết.
- Tùng đảm bảo thầy không la mà còn đối xử tốt với Ngọc cho mà coi!
- Chắc không đó?
- Chắc. Rồi, gần tới rồi. Chuẩn bị đi nha…
Ngọc chạy thêm một đoạn nữa thì nằm lăn dài ra đất. "Ha ha… Thoải mái thiệt!" Ngọc nhắm mắt lại và tự nhủ: "Cứ thoải mái như vậy thì thích thiệt". Nhưng cảm giác sung sướng của Ngọc chưa được hưởng bao lâu thì Ngọc đã muốn lịm người khi nghe tiếng của Tùng thất thanh:
- Bạn Ngọc xỉu rồi thầy ơi… Bạn Ngọc xỉu rồi thầy ơi…
Trời ơi, Ngọc bủn rủn cả chân tay khi nghe như vậy. Thì ra… Ôi…sao hồi nãy mình không nghĩ ra…Điệu này chắc bị đuổi học luôn quá. Quá sợ cái viễn cảnh kinh hoàng ấy, Ngọc như lả cả người đi. Tiếng bước chân chạy đến, tiếng người xôn xao xung quanh. Ngọc lơ mơ nhận thấy mình được bế xốc lên và tựa vào một cái gì đó. Cảm thấy đau nhói bên thái dương, Ngọc mở mắt.
-
- Mặt tái mét luôn, không còn một giọt máu…
- Người quá trời mồ hôi…
Thầy thể dục cất tiếng:
- Các em tránh ra để bạn thở. Ngọc, em hãy hít thật sâu rồi thở ra nhé. Rồi, hít vào, thở ra…
Ngọc yếu ớt làm theo lời thầy.
- Em có bị bệnh tim không?
Thầy hỏi bằng giọng dịu dàng. Ngọc khẽ lắc đầu:
- Có bị bệnh thiếu canxi không?
Ngọc lắc đầu.
- Em ăn sáng chưa?
Ngọc lại lắc đầu. Thầy quay sang nói với Bình, lớp phó lao động:
- Em tập trung các bạn lại rồi tiếp tục tập mấy động tác đi…
Các bạn trong lớp lục tục quay trở lại luyện tập. Thầy đỡ Ngọc đứng dậy rồi dìu Ngọc đi:
- Em đi ra đây với thầy…
Thế là hết! Ngọc bủn rủn cả người nhủ thầm, lê bước một cách nặng nhọc mặc dù thầy giáo như đang nhấc Ngọc đi trong đôi tay khoẻ mạnh…
… Tô phở nghi ngút khói kèm theo một cái trứng gà, ly sữa nóng đặt trước mắt mà Ngọc vẫn còn không tin đó là sự thật. Thầy thể dục ân cần:
- Do em đói quá nên mới bị xỉu như vậy. Em ăn đi, ăn từ từ thôi…
Năm
Cái tin Như – lớp phó kỷ luật – tổ chức sinh nhật mời cả lớp, trừ Tùng, không khiến ai ngạc nhiên hay thắc mắc. Như và Tùng không ưa nhau. Ai cũng biết điều đó nhưng Ngọc không ngờ Như lại đối xử với Tùng theo cách đó. Quá đáng hơn, Như còn chìa ra tấm thiệp mời cho Hạo bên lớp chuyên Văn khi có mặt Tùng, cất cao giọng:
- Bữa đó, Hạo mà không có mặt thì nửa đời còn lại sẽ hối hận cho coi!
- Thiệt hả? – Hạo liếc Tùng một cách gai góc rồi cất giọng văn hoa cố hữu – Ai lại lỡ tiệc sinh nhật của Như được. Hạo không muốn nửa đời còn lại mình phải hối hận đâu.
Tùng lầm bầm:
- Ừ, không đi thì nửa đời còn lại hối hận, đi thì nguyên đời còn lại hối hận luôn…
Như tiếp tục cất tiếng:
- Bữa đó, ba mẹ Như sẽ mời một người bạn của ba mẹ. Mà Hạo biết đó là ai không? Một giảng viên đại học đàng hoàng đó nha. Ba mẹ Như nói đây là năm cuối cấp nên nhân dịp sinh nhật này mời thầy đến tư vấn định hướng giúp chúng ta chọn một trường đại học thích hợp.
- Sướng vậy. Hạo xuýt xoa. Đúng là ai được đi dự sinh nhật của Như là một vinh hạnh. Hạo lại kín đáo liếc sang Tùng.
Ngọc thấy tay chân của Tùng bất đầu ngọ nguậy. Hạo dường như cũng nhận ra điều đó:
- Thôi, Hạo phải về lớp đây. Hẹn gặp lại trong buổi tiệc sinh nhật nha. Cám ơn vì Như đã mời.
Hạo quay đi vội vã, Như lúc lắc đầu ra vẻ thú vị và bước về chỗ ngồi với một thái độ hả hê. Ngọc quay sang Tùng:
- Tùng thích nghe giảng viên đại học nói chuyện thi cử hả?
- Thi tốt nghiệp chưa chắc đậu nói gì đến thi đại học…
- Tùng cứ nói vậy hoài hà. Vậy sao Tùng lại giận?
- Ai hơi đâu mà giận cái "tụi đó"!
- Hay là Tùng thích đi dự sinh nhật của Như? – Ngọc biết Tùng từ trước đến giờ đâu có ưa gì Như.
- Ai mà thèm đi sinh nhật cái con đó?
- Vậy thì sao… – Ngọc im bặt vì nhận ra nguyên nhân một cách rõ ràng: Tùng là người duy nhất không được mời trong lớp. Thực ra từ trước đến giờ, khi tổ chức tiệc tùng luôn không có mặt Tùng. Những lần trước, những người tổ chức tiệc không mời rất nhiều người, trong đó cò Tùng, nhưng đây là lần đầu tiên Tùng là người duy nhất bị gạt ra. Ngọc đau lòng nhận ra rằng Tùng chưa bao giờ được mời đến dự một buổi tiệc nào do bạn bè trong lớp tổ chức cả. Ngọc hạ thấp giọng:
- Chắc sinh nhật của Như, Ngọc sẽ không đi đâu!
Ánh mắt Tùng lóe lên một tia sáng. Tùng không giấu vẻ ngạc nhiên của mình:
- Sao vậy? Sao Ngọc không đi?
- Ngọc không thích.
- Nhưng bữa đó có giảng viên…
- Tùng muốn Ngọc đi lắm phải không? Tùng này kỳ ghê, lần nào Ngọc đi sinh nhật của bạn trong lớp về, Tùng cũng đều kêu kể lại cho Tùng nghe. Ngọc không thích nữa đâu…
- Vậy Ngọc sẽ không đi hả?
- Ừ, bữa đó Ngọc sẽ đãi Tùng ăn một bữa ngon thiệt ngon!
- Tự nhiên đãi Tùng ăn?
- Không có gì là tự nhiên đâu. Ngọc đãi Tùng ăn để khi thực tập môn Sinh, Tùng phải giết con cá lóc để Ngọc làm thí nghiệm.
- Sẵn sàng thôi…
Không những Ngọc không đi mà Tuyển và Trung cũng thấy chán dự tiệc sinh nhật của lớp phó kỷ luật. Cả nhóm kéo nhau vào một quán chè. Sau khi ních đầy bụng nào là bột chiên, há cảo, bún bò, bánh cuốn… bốn đứa cầm ly chè của mình lên:
- Trời! No muốn ói luôn mà vẫn phải ăn thêm ly chè! – Tuyển đứng dậy nới rộng dây nịt rồi ngồi xuống quậy đều ly chè thập cẩm.
- No thì đừng có ăn nữa! – Trung can.
- Ngu sao không ăn? – Tuyển nhướng mắt đưa ly chè lên rồi trợn mắt – Uý, hình như có con ruồi. Ha ha… có con ruồi trong ly tao tụi bay ơi. Phải chi tao phát hiện sớm hơn…
- Thì mày không ăn ly chè này nữa hả? – Tùng hỏi.
- Không, thì tao sẽ vớt ra rồi ăn tiếp chứ đâu để con ruồi lạnh cứng trong ly đến nông nỗi này. Chậc, lỡ rồi. Ăn luôn!
- Hay đổi ly khác đi mày ơi! – Trung đề nghị.
- Chi uổng vậy? – Tuyển gạt phăng.
- Vậy thì cũng phải vớt con ruồi ra đã chứ. Định để nó phiêu lưu trong bụng mày hả? Tùng cười.
- Tao quên. Để tao vớt ra.
Tuyển vớt con ruồi ra bằng muỗng rồi lại dùng cái muỗng ấy múc chè lên, đưa vào miệng. Ngọc nhăn mặt:
- Ghê.
- Gì đâu mà ghê… – Tuyển trề môi – Tuyển bỏ con ruồi đi rồi chứ có ăn đâu. Ừ, nói ghê đi, không biết nãy giờ Ngọc ăn hết mấy con ruồi rồi nữa kìa…
- Ngọc mà ăn ruồi? Điên!
- Ai mà biết được, con ruồi trong ly thì Tuyển đã vớt ra, nhưng có trời mà biết có mấy con ruồi trong ly của Ngọc. Mà ly chè thì Ngọc đã ăn vô bụng rồi còn gì.
Ngọc tự nhiên cảm giác lợn cợn trong miệng. Tuyển trấn an bằng một câu xanh rờn:
- Ăn ruồi thì có ăn thua gì. Thực ra hàng ngày mình ăn nhiều thứ còn ghê rợn hơn mà mình đâu có biết.
- Như là cái gì? – Tùng hỏi.
- Mày chưa về quê nên chưa biết đâu! – Tuyển nói bằng giọng tự mãn khi thấy Trung, Tùng, Ngọc mở to mắt như đang hớp từng lời mình đang thốt ra – Mày có biết con cá rô phi nó ăn bằng gì không?
Không đợi ai trả lời, Tuyển hứng khởi trả lời luôn:
- Cứt heo! Tụi bay biết sao không? Người ta đào ao, thả cá rô phi xuống rồi làm chuồng heo lên trên. Heo nó ăn xong rồi cứ việc ị xuống hồ, cá rô phi sẽ "xực" hết ba cái thứ đó. Chưa hết đâu, những nơi xâm xấp nước thì người ta trồng rau muống, rau lớn lên thì người ta hái rau cho heo ăn
Tuyển tiếp tục thao thao:
- Mà như vậy cũng đâu có chuyện gì đáng nói, đúng không? Điểm đáng nói ở đây là cái phần rau muống non thì người ta đem ra chợ bán. Đừng nói với Tuyển là từ nhỏ tới giờ, mấy người chưa bao giờ ăn món cá rô phi chiên dầm nước mắm, ăn chung với rau muống xào nha…
Cả ba đứa chưa kịp định thần thì Tuyển đã lại "phang" tiếp:
- Mà nói đến nước mắm mới nhớ. Hôm bữa Tuyển về quê. Nhà Tuyển dưới quê ở gần một nhà làm nước mắm. Nước mắm thì ai cũng biết là làm từ cá, đúng không? Mà ruồi nhặng thì thích cá. Úi chu choa, chỉ cần đi ngang chỗ làm nước mắm đó mà vỗ tay mạnh một cái thì ruồi bay lên nhìn muốn xỉu luôn…
- Ghê quá… – Ngọc nhăn mặt.
- Chưa hết đâu. Còn mấy cái vụ làm khô mắm…
- Thôi, mày đừng cò kể nữa! – Tùng khoát tay – Mày định làm tụi tao nhịn ăn hết chắc?
- Ai mà có ý đó đâu. Tao chỉ nói cho tụi bay biết thôi mà
- Biết để không ăn gì hết hả?
- Đâu có, biết để mà ngăn ngừa tối đa mấy cái thứ đó.
- Làm sao mà ngăn ngừa được? Người ta nuôi trồng chứ có phải tụi tao tự trồng lấy mà ăn đâu, chẳng lẽ lại uống nước lã mà sống hả?
- Í trời ơi, tao nghe nói bây giờ nước cũng bị ô nhiễm dữ lắm…
- Mày còn nói nữa
- Tụi bay đừng có học cái tánh tránh né sự thật như vậy – Tuyển "lên lớp" – Phải biết cách đối diện với nó rồi tìm cách giải quyết chứ! – Tự nhiên Tuyển thở dài – Mà biết sự thật cũng chưa hẳn là tốt nữa. Như tao nè, tao đem ba cái chuyện hồi nãy kể cho má tao nghe. Má tao quá hoảng nên trước khi nấu bất cứ món gì, má tao cũng ngâm kỹ lưỡng trong nước muối hay trong thuốc tím. Cái điệu này tao sợ chưa chết vì thuốc trừ sâu trong rau thì đã ngộ độc thuốc tím chết mất đất rồi!
- Đáng đời mày!
Tùng cười khoái chí khi thấy khuôn mặt rầu rĩ của Tuyển. Không màng đến thái độ của Tùng, Tuyển trầm tư:
- Nếu mà tao chết vì ngộ độc thuốc tím thì sao đây ta? Chậc, không biết lúc đó làm sao mà viết cáo phó đây! Thà chết vì lý do là kiến cắn hay lá rụng trúng đầu còn đỡ nhục nhã hơn!
- Mày nói đâu đâu không hà Tuyển ơi! – Trung nhăn mặt.
- Tao nói vậy mà đâu đâu hả? Mày chưa biết đó chớ gần nhà tao có một ông kia chết lãng[7] lắm. Trúng số độc đắc, mừng quá, tự nhiên lên "tăng xông"[8] nằm liệt giường rồi chết. Chưa hết đâu nha, cái bà kia còn chết lãng xẹt hơn, bả…
- Thôi, tự nhiên đem mấy chuyện đó ra nói hà. Mày lo ăn chè của mày đi!
Tùng chặn ngang lời Tuyển. Tuyển cười hề hề, đưa ly chè của mình lên:
- Tao ăn xong rồi, mày kêu cho tao thêm ly cốc-tai nữa đi!
Trung ngạc nhiên:
- Mày ăn nữa hả? Sao hồi nãy mày nói là no muốn ói?
- Ừ hén, tao quên. Hình như dạo này tao bị bệnh hay sao đó mày ơi, ăn vô cái tự nhiên thấy no, mà no rồi tự nhiên lại không nhớ nên lại muốn ăn tiếp. Chắc bữa nào phải đi khám coi bị bệnh gì quá…
- Ừ, mày đi khám não lại đi. Tao thấy mày bị nặng lắm rồi đó!
Tùng cười hăng hắc. Tuyển tỉnh bơ gào lớn, gọi chủ quán:
- Chị ơi chị, tính tiền cho thằng bạn em trả đi chị!
Ngọc mở ba lô, định lấy tiền ra trả thì Tuyển khoát tay:
- Thôi, Ngọc để cho thằng Tùng trả!
- Ngọc hứa đãi chớ bộ. Ngọc có tiền mà…
- Chậc, Tuyển biết là Ngọc có tiền nhưng làm sao nhiều bằng thằng Tùng. Để nó trả như là một cách tụi mình giúp nó nhẹ túi. Hì hì…
Tùng móc bóp ra:
- Mày không cần nói vậy thì tao cũng trả nhưng có cần phải nâng cao mày lên, hạ thấp tao xuống như vậy không hả? Ngọc để Tùng trả cho, cho thằng này nó sáng mắt!
- Ừ, sáng mắt tao nhưng tối mắt mày. Ha ha ha…
- Tuyển này… – Ngọc phát nhẹ vào vai Tuyển.
- Nói giỡn thôi mà! Thôi, tụi mình đi bộ một vòng cho bớt no rồi trở lại ăn tiếp. Còn sớm mà…
- Ừ, có lý…
Bốn bạn trẻ bước ra khỏi quán. Tuyển vỗ vỗ bụng:
- Đúng là no muốn ói luôn…
Sáu
Dư vị bữa ăn còn chưa kịp tan hết thì hôm sau, cả nhóm đã nghe Như cạnh khóe:
- Đúng là nhóm "không có tương lai". Tưởng là chỉ một đứa bỏ đi chứ không ngờ lại là cả lũ!
Ngọc ngạc nhiên chưa biết Như đang nói về cái gì thì Như đã tiếp tục nói với Hạo như cố tình để cho bọn Ngọc nghe:
- Như có lòng tốt mời mà lại có người ngu không chịu đi. Tưởng nghe giảng viên đại học tư vấn là dễ lắm chắc?
- Thôi đi Như ơi, nhắc chi đến mấy người đó. Người ta nói chọn bạn mà chơi mà. Ai ngu thì người đó… chết.
Nghe liên tục mấy từ "nhạy cảm", Trung nháy mắt nói nhỏ:
- Hình như tụi nó đang nói về tụi mình hay sao ấy…
- Mặc xác tụi nó, mày để ý làm gì? – Tùng gạt đi.
- Phải coi tụi nó đang nói gì chớ? Cái gì lơ mơ tao ghét lắm! Ê, Mạnh, lại đây nói nghe!
Tuyển gọi lớn. Mạnh ôm cặp từ cửa lớp bước vào, ngồi xuống bên cạnh Tuyển, Tuyển hất hàm:
- Hôm qua, mày đi sinh nhật con nhỏ đó, có vui không?
Mạnh thở dài:
- Vui gì mà vui. Sinh nhật mà Như điểm danh số người đến dự như là đi học vậy đó!
- Vậy hả? Vui quá hén! – Tuyển kêu lên.
- Không dám vui đâu. Như còn phát cho mỗi đứa một tờ trắc nghiệm gì đó rồi bắt phải làm trước khi nghe giảng viên nào đó nói chuyện về ba cái vụ thi cử.
- Thiệt hả?
- Thiệt. Y như là đang đi thi chứ không phải là đi ăn sinh nhật vậy. Tao chẳng thích chút nào hết…
- Tội nghiệp mày quá! Sao mày không bỏ về?
Tuyển cất giọng an ủi. Mạnh hiền lành trả lời:
- Tại tao…
Giọng Như đột ngột nâng cao cường độ:
- Mà tụi nó không đi cũng đúng, bởi tụi nó biết chắc nếu thi đại học thì cũng không đậu. Cá biệt mà… – Như kéo dài giọng.
- Mà nếu có đậu thì cũng là bi kịch cho mọi người thôi! Cái hạng "giả danh trí thức", khó xài lắm…
- Ê, hình như tụi nó đang nói móc mình hay sao ấy!
Tùng nói đúng cái câu mà khi nãy Trung đã nói. Tuyển nghiêng đầu "nhại" lại câu nói của Tùng:
- Mặc xác tụi nó, để ý làm gì? Để tao.
Không để Tùng kịp phản ứng gì, Tuyển đã tiến lại gần Như và Hạo, vồn vã:
- Hạo, Hạo đứng dậy Tuyển coi cái này một chút. Như nữa, Như cũng đứng dậy đi!
- Đứng dậy chi? Tuyển muốn gì? – Hạo đề phòng.
- Không có gì đâu. Tuyển chỉ muốn biết Hạo với Như cao bao nhiêu, bề ngang bao nhiêu thôi hà…
- Tự nhiên muốn biết chiều cao với chiều ngang của người ta chi? – Như sẵng giọng.
- Để Tuyển về làm quan tài. Làm quan tài phải biết chiều cao với chiều ngang chính xác thì khi nằm vô mới thấy thoải mái được chứ. Để Tuyển coi, Hạo thì hơi cao, Như hơi lùn một chút.
Như phùng mang trợn mắt:
- "Ông" mất dạy vừa thôi. "Ông" nói năng kiểu đó hả?
- Kiểu gì đâu? – Tuyển tỉnh bơ.
- "Ông" trù tôi chết hả? – Như trợn mắt.
Tuyển nhơn nhơn:
- Thì con người ai cũng phải chết mà. Đó là quy luật tự nhiên thôi. Hay Như là người cá biệt?
- "Ông" khùng vừa thôi! Như gào lên.
Tùng đưa tay lên miệng làm loa:
- Làm trai cho đáng nên trai. Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên Vậy mà sao tao thấy mày đi đến đâu là ồn ào đến đó vậy Tuyển ơi…
Tuyển quay sang giả giọng trách móc:
- Tao đang làm ăn mà. Mày đừng có ồn!
- Ai làm ăn gì với "ông"?
- Nhà tui bán hòm mà. Bây giờ tui lấy số đo của "bà" trước để mai mốt "bà" cần là tôi chở tới liền.
- Đồ khùng! – Như hét lên.
- Tui mà khùng hả? Vậy tôi hỏi "bà" nha, nếu tôi đưa một tờ bạc nhỏ và một tờ bạc lớn rồi kêu "bà" chọn một trong hai thì "bà" sẽ lấy tờ bạc nào?
- Dĩ nhiên là tờ bạc lớn rồi. Điên hay sao mà chọn tờ bạc nhỏ?
- "Bà" ngu quá! "Bà" phải chọn tờ bạc nhỏ thì người ta mới tưởng bà điên nên sẽ thử lại nhiều lần. Lúc đó tha hồ mà hốt bạc nha. "Bà" thấy cách của tôi có hay không?
Như giậm chân đùng đùng:
- Trời ơi, vậy "ông" nói tôi không điên thì bị ngu đó hả?
Tuyển cười thích thú:
- Úy trời, cuối cùng thì "bà" cũng hiểu ý tôi muốn nói gì. Ha ha ha…
- Cái hạng điên như "ông", tôi không thèm chấp nhất. Đúng là ở chung nhà với mấy cái quan tài đó nên thần kinh của ông mới bị ảnh hưởng nghiêm trọng vậy đó.
- Ừ, nhà tui bán quan tài chớ toàn bán cho người nổi tiếng không đó nghen. Hạo nè, nãy giờ đứng đây thấy Như thì gào thét, nhảy tưng tưng, còn Tuyển thì lịch lãm, nói năng nhẹ nhàng. Hạo nói thật lòng đi, thấy ai giống người bị thần kinh hơn?
Tuyển quay sang Hạo nói bằng giọng từ tốn nhưng ánh mắt ánh lên vẻ tinh quái. Lũ bạn cùng lớp lấy tay che miệng cười khúc khích. Nổi đoá vì thấy mình bị dồn vô thế bí, Như lấy cái cặp của mình chọi thẳng về phía… không có ai. Cái cặp đụng phải cánh cửa đánh "rầm" một tiếng. Thấy tình hình có vẻ không êm, Hạo lặng lẽ rút khỏi lớp. Như trợn trừng mắt:
- "Ông" có tin là tôi đánh "ông" không?
- Vậy "bà" có tin là nếu bà đánh tui thì tui sẽ ôm "bà" không?
Mắt Như từ trợn trừng chuyển qua trợn trắng. Như đùng đùng bước ra khỏi lớp. Tùng cười sằng sặc tiến đến kéo Tuyển về chỗ ngồi.
- Phải công nhận mày luôn, mày làm cho nó tức đến ná thở! Ê, mà bộ nhà mày hay bán quan tài cho người nổi tiếng lắm hả?
- Ừ.
- Là ai? – Mạnh tròn mắt ếch – Tao có thấy ai nổi tiếng chết mà chôn bằng quan tài nhà mày đâu?
- Tụi bay có biết nhân vật Tiểu Long Nữ trong phim Thần điêu đại hiệp là ai không?
Cả bọn tranh nhau trả lời:
- Biết chứ! Trần Ngọc Liên!
- Ừ, vậy Tiểu Long Nữ thương ai nhất?
- Dương Quá. Lưu Đức Hoa đóng.
- Đúng, nhưng Dương Quá nể nhất là ai, biết không?
- Quách Tỉnh.
- Chính xác. Mà biết Quách Tỉnh thương nhất là ai không?
- Hoàng Dung.
- Vậy con Hoàng Dung với Quách Tỉnh tên gì?
- Quách Phù.
- Mà Quách Phù từng chặt đứt cánh tay của ai?
- Của Dương Quá.
- Ủa – Mạnh sốt ruột cắt ngang – mà mấy người này thì liên quan gì đến việc nhà mày bán quan tài cho người nổi tiếng đâu?
Cả đám lúc này mới ngớ người ra:
- Ừ, đúng rồi…
- Nãy giờ mày định nói gì?
Tuyển khoát tay chặn ngang:
- Tụi bay thấy nhân vật Dương Quá của Lưu Đức Hoa nổi tiếng cỡ nào chưa? Gần nhà tao có một bà "mê" nhân vật này lắm. Khi bà ta chết đã chôn bằng hòm nhà tao đó
Tuyển nói, khuôn mặt "tỉnh" đến nỗi cả bọn chỉ biết há miệng, tròn mắt. Không đợi những phải ứng kế tiếp, Tuyển nói thêm:
- Tao quên xin số đo của tụi bay. Bữa nào cho tao biết nha!
- Tuyển lấy làm chi? Đừng nói với Ngọc là có liên quan đến quan tài nữa đó nha!
- Có liên quan chớ. Tuyển suy nghĩ kỹ rồi. Tụi mình phải tính ba cái vụ này trước. Mà tụi mình chết trước càng hay chứ sao, chết sớm xuống "dưới đó" đang còn nhà mặt tiền, chết sau mai mốt vô hẻm ở thì làm sao mà làm ăn được…
- Điên…
- Khùng…
- Ba trợn vừa vừa thôi mày ơi…
Bảy
Bình, lớp phó lao động, tập trung lớp muốn bở hơi tai. Vậy mà thầy thể dục lại nghỉ dạy. Thế là lớp lại túa ra, tung hô ầm ĩ như vỡ chợ. Bình một phần lo thầy vì một lý do nào đó đến muộn chớ không phải là nghỉ dạy, thấy cảnh này chắc chắn sẽ phạt hít đất cả lũ; một phần thì lo thầy cô dạy lớp kế bên sẽ la nên nói lớn:
- Không được về. Các bạn tập trung lại thành hàng ngay ngắn cho tôi!
Khổ nỗi là giọng Bình tuy lớn hết cỡ nhưng lại chẳng có một chút xíu uy lực nào. Bình quay sang nhìn Như với ánh mắt cầu cứu. Như lập tức nói lớn:
- Tập trung. Mấy bạn tập trung lại. Bạn nào rời hàng, tôi điểm danh, vắng mặt thì đừng có trách.
Lời của Như quả là có uy lực. Đang ồn ào như ong vỡ tổ, ngay lập tức, cả lớp im lặng rồi nhìn nhau. Như tiếp tục:
- Tập trung lại thành hàng. Giữ trật tự.
Cả lớp lục tục dàn hàng rồi ngồi xuống ngay ngắn, nhưng trật tự được một lúc thì lại nghe râm ran chuyện trò, bất chấp thỉnh thoảng Như vẫn gào lên:
- Giữ trật tự. Im lặng…
Tuyển là người đầu têu kể chuyện hài cho cả lớp cùng nghe. Với giọng điệu tưng tửng và khuôn mặt "điên tự nhiên", Tuyển đã khiến các bạn trong lớp cười lăn cười bò. Nào là chuyện buổi trưa nọ, trời nóng quá nên chàng ta vô quan tài ngủ, bị ba đánh một trận tơi bời đến chuyện con chó nhà hàng xóm chết được chàng ta viết cáo phó như thế nào… Đang kể ngon trớn thì thằng Lâm hét lên:
- Ê, tụi bay ơi! Đằng kia có quay phim kìa. Người ta quay phim ca sĩ!
Cả lớp lên cơn sốt. Lúc này không phải là Như mà là Tuyển nói lớn:
- Trật tự. Các bạn không được qua đó! – Rồi Tuyển đổi giọng "lên lớp" – Chưa thấy ai như mấy người hết. Ca sĩ thôi mà, có gì đâu phải chen lấn nhau mà coi. Tụi mình đâu có cần "lụy" họ như vậy? Thử nghĩ coi, nếu như không có khán giả tụi mình thì làm sao họ có được như ngày hôm nay. Họ phải "lụy" mình mới đúng chứ. Thấy khi họ lên sân khấu không? Họ phải cúi đầu thật thấp, hát cho mình nghe, hát xong rồi còn phải cám ơn rồi chúc mình vui vẻ, hạnh phúc, khoẻ mạnh. Trời ơi, hôm bữa tôi đi coi ca nhạc, mấy người biết sao không…
Tuyển nói đúng hay sai chưa biết nhưng quả thực là có tính thuyết phục. Lớp lập tức "hạ nhiệt". Tuyển tiếp tục thao thao:
- Tôi thấy cái chị kia kìa, lên tặng cho anh ca sĩ nọ một bó hoa và một con gấu bông to tổ chảng. Trời ơi, phí tiền ghê chưa? Tiền đó để ăn còn bổ béo hơn. Mà mắc mớ gì mình phải tặng hoa cho ca sĩ, họ phải tặng cho mình mới đúng chứ? Tôi thấy…
Sơn gật gù:
- Tuyển nói cũng đúng hén. Ê, mà hình như có mấy cầu thủ quốc gia đang tới sân luyện tập kìa!
Đang thao thao bất tuyệt nhưng khi nghe đến bốn chữ "cầu thủ quốc gia" thốt ra từ miệng Sơn, mắt Tuyển đã sáng rực như cái đèn pha. Tuyển quay người ngó dáo dác. Khi thấy đội bóng từ trên xe bước xuống thì chàng ta đã phóng như bay đến, miệng reo lên:
- Cầu thủ… Ha ha ha…
Rồi chàng quay ngược trở lại với một tốc độ phi thường, chạy đến lấy cuốn sổ và cây bút rồi lao đến các cầu thủ như tên bắn. Cách xa cả chục mét mà lớp vẫn nghe được giọng chàng ta hớn hở:
- Cho em xin chữ ký. Trời ơi, em tiếc quá, phải chi em có đem theo máy chụp hình…
Như được châm ngòi, cả lớp đang ngồi theo hàng bỗng túa ra hai hướng: một đến đoàn làm phim, một đến các tuyển thủ như một bầy ong vỡ tổ. Như gào khản cả tiếng mà các bạn vẫn không quay lại. Bình, lớp phó lao động, sau một hồi phân vân chưa biết phải xử lý như thế nào nhưng rồi cuối cùng cũng nhẹ nhàng "rút" về phía các cầu thủ.
Sau khi ngắm nhìn chán chê hình ảnh bằng xương bằng thịt thần tượng của mình, cộng thêm cái nắng nóng lẫn sự tiêu tốn sức lực vào chuyện chen lấn, gọi tên thần tượng… thì các bạn trong lớp lục tục kéo nhau vào bóng râm.
- Trời ơi, Hương không ngờ là anh chàng ca sĩ đó trắng thiệt! Xời ơi, con trai gì mà phơi nắng nãy giờ, da vẫn trắng bóc hà, nhìn ớn ớn sao đó…
Hương nhăn mũi nhận xét về "làn da Châu Á" của chàng ca sĩ nọ. Cảm giác như bị xúc phạm đến mình, Phong "người mẫu" đốp lại ngay:
- Con trai người ta phơi nắng da vẫn trắng, dù sao cũng đỡ hơn "bà". Con gái gì đâu mà ở trong mát, da cũng đen thui hà…
Hương trợn mắt đưa ra ngay lý lẽ bảo vệ "nước da bánh mật" của mình:
- Đen thì đẹp, có sao đâu? Tôi đen vậy nên khi tôi giận cũng không đưa ra cái bản mặt tím bầm như ai kia…
Vốn chẳng ưa gì bọn con gái, Phong trợn mắt, mím chặt cặp môi đỏ chót, khuôn mặt trắng bệch sắp sửa chuyển màu:
- Bộ đen thì đẹp, trắng thì xấu hả? Vậy ai là người mê mẩn cái anh chàng Micheal Jackson da đen đi tẩy da cho trắng bóc hả?
- Tôi mê tài năng của anh ta thôi! – Hương gân cổ cãi lại.
- Thôi đi. Tui mệt mấy người quá! – Tuyển chen ngang – Suốt ngày đi cãi nhau ba cái chuyện da trắng với da đen. Trắng hay đen thì có liên quan gì, quan trọng là làn da khỏe mạnh. Coi mấy cầu thủ đá banh kìa. Nhìn da thịt của họ thôi là đã thấy tràn đầy sức sống. Mấy người coi Tuyển nói có đúng không?
Không có tiếng đồng tình, cũng không có tiếng phản đối. Như tự nhiên cất lên giọng ngâm nga chẳng dính đâu vào đâu với câu chuyện về da.
- Đàn ông miệng rộng thì sang… Sao tôi thấy có người miệng rộng nói nhiều thôi. Mà những đứa nói nhiều thường chẳng làm nên tích sự gì hết.
- Miệng rộng vô tích sự còn đỡ hơn miệng thỏ!
Tuyển nhướng mắt nói ngay khi Như vừa dứt lời. Cả đám chưa hiểu lời đối đáp của Tuyển có ý nghĩa ra sao, duy chỉ có một mình Minh là cười sặc sụa. Nó ôm bụng cười rũ rượi như người mất trí. Không nén được tò mò, Bảo – nãy giờ ngồi bên cạnh Minh – giương mắt lên hỏi:
- Mày cười gì vậy? Tao thấy có gì mắc cười đâu?
- Tụi bay có biết… – Minh lại gập người xuống ôm bụng cười.
- Biết gì? Biết gì? – Cả nhóm lao nhao.
- Biết miệng thỏ là gì không? – Minh lại ôm bụng cười sằng sặc.
- Là gì? Mày cười hoài vậy? – Bảo mất kiên nhẫn, giọng hơi gắt.
- Tụi bay hỏi thằng Tuyển đi. Hỏi nó miệng thỏ là gì? Trời ơi, mắc cười quá!
Cả nhóm càng thắc mắc tợn, đứa quay sang Tuyển, đứa quay sang Minh, đứa xì xào bàn tán:
- Miệng thỏ là gì mậy?
- Tao thấy thỏ dễ thương mà…
- Ừ, răng thỏ cũng hay hay chớ bộ…
Không chịu nổi khuôn mặt giả bộ ngây thơ của Tuyển, Minh nói bằng một giọng gần như lạc đi vì cố nén tiếng cười:
- Trời ơi, miệng thỏ là cái dùng để thông bồn cầu đó. Tụi bay ngu quá! Há há há… Như là miệng thỏ! – Minh lăn ra và cứ thế mà cười. Cả lớp ngớ ra một lát rồi cười rộ lên. Như giận run người, đứng phắt dậy, hét:
- Im lặng. Mấy người cười cái gì hả? Tôi ghi tên vào sổ kỷ luật hết bây giờ.
Cả lớp vẫn tiếp tục cười, bất chấp lời đe dọa của Như. Như quay sang chỉ thẳng vào mặt Tuyển và Minh:
- Hai "ông" là cái đồ ! Cười gì mà cười hoài vậy hả?
- Cười miệng thỏ! – Minh nói và tiếp tục cười toác cả miệng.
Như tức giận quay lưng đi một mạch, Tùng nói với theo:
- Lớp phó ơi, "bà" đi rồi ai chấm điểm kỷ luật cho lớp đây?
Vân lớp trưởng và Bình lớp phó lao động nãy giờ chứng kiến mọi việc nhưng cũng chỉ im lặng, không tỏ thái độ ủng hộ hay chê trách ai. Thấy Như bỏ về, Vân chột dạ:
- Không biết có sao không nữa.
- Chắc không sao đâu! – Bình chắc lưỡi – Mà cũng sắp hết giờ rồi. Thôi, mình cứ để các bạn chơi tự do đi. Hết giờ rồi về.
- Ừ! – Vân gật đầu đồng ý.
Được lớp trưởng cho phép chơi tự do nhưng có lẽ đã thỏa thích với trận cười khi nãy nên chỉ một số bạn kéo nhau ra một góc sân đá cầu, đá banh hay tụ lại thành từng nhóm nói chuyện phiếm. Vân ngồi xuống góp ý với Tuyển:
- Tuyển quá đáng thiệt đó, làm cho Như nổi giận đến như vậy.
- Cho đáng đời nó. Nó phải bị vài lần như vậy cho bỏ cái tật.
- Tật gì đâu?
- Tật hay chê bai người khác.
Minh chen vào:
- Tụi tui cũng biết làm lớp phó kỷ luật thì phải nhắc này nhắc nọ nhưng quả thực là tánh tình của Như… vô duyên lắm, chuyên lấy lỗi lầm của người khác ra chế giễu, hăm he kỷ luật không hà. Cái gì cũng vậy, phải có giới hạn của nó…
Tùng chêm vào:
- Nó làm như chứng minh được người khác phạm lỗi là chứng tỏ nó là người thanh cao vậy. Người đâu mà kỳ lạ, đem người khác ra chê bai như là một thói quen vậy. Mà thông thường ai hay chê bai, trách móc người khác thường ít nhìn lại bản thân mình lắm. Nó làm như vậy riết nên Tùng chẳng thèm nói lại. Mệt. Nó nói nó nghe, cảm thấy mình nói nhiều thì im. Vậy thôi.
Cái cách Tùng nêu "vấn đề" để tranh luận trong nhóm là điều chưa xảy ra bao giờ. Trong lớp, những buổi tán gẫu từng nhóm luôn không có mặt Tùng. Vậy mà hôm nay Tùng nói một hơi rồi im lặng nhìn ra xa. Bất chợt, Tùng quay lại, khều Hiếu:
- Ba mày đợi kìa. Trời nắng quá, mày ra nhanh, không thôi ổng mệt.
Hiếu là người được ba mẹ cưng nổi tiếng cả trường. Là con trai nhưng Hiếu chưa bao giờ được phép đi học một mình, đi đâu cũng phải có ba mẹ đưa đón. Không phải bận tâm bất cứ điều gì ngoài chuyện ăn học, ngay cả việc kết bạn, Hiếu cũng nằm trong "tầm kiểm soát" của ba mẹ. Đi sinh nhật bạn bè, Hiếu được ba mẹ chọn quà giúp và chở đến tận nơi rồi hẹn giờ quay lại đón. Nhớ năm vừa rồi, khi cả lớp đi cắm trại chung, ba mẹ Hiếu cẩn thận đến nỗi chuẩn bị cho Hiếu một khẩu phần ăn mang theo vì sợ Hiếu ăn nhằm những thứ không hợp vệ sinh. Cẩn thận hơn, đến lúc đốt lửa trại để thức trắng đêm thì ba mẹ đã hộ tống Hiếu về nhà với lý do "sợ Hiếu bị cảm lạnh khi ở ngoài trời. Các cháu yên tâm đi, sáng sớm mai Hiếu sẽ có mặt đúng giờ"…
Tùng khều Hiếu:
- Ba mày đợi kìa!
Hiếu không đáp. Tùng lấy chân ẩy nhẹ vào chân Hiếu:
- Mày để ổng đợi ngoài nắng vậy hả?
Hiếu mím môi rồi bật ra câu trả lời:
- Kệ ổng. Cứ để ổng đợi đi. Tao đã nói là để tự tao đi học mà tại ổng bả[9] không chịu chớ bộ. Tụi mình đang nói chuyện mà!
- Còn chuyện gì để nói đâu? – Tùng nghiêng đầu.
Hiếu đứng bật dậy:
- Vậy thì tao lại đằng kia đá cầu với tụi nó một lát!
Nhìn theo dáng Hiếu đi vội vã, Tùng bật cười:
- Cái thằng, nó định nổi loạn với ba nó chắc…
Tùng quay đầu nhìn lại phía ba Hiếu, ánh mắt tự nhiên xa vắng. Ngọc ngẩn người không hiểu lý do tại sao khi đó ánh mắt và khuôn mặt của Tùng có một nỗi buồn pha lẫn sự giận dữ kỳ lạ đến vậy.
Tám
Hôm qua là hạn chót đóng học phí. Hôm nay, thầy Lương giám thị cầm cuốn sổ vào lớp ngay trong giờ Văn. Sau khi xin phép giáo viên bộ môn, thầy đọc danh sách những học sinh chưa đóng tiền. Tùng cùng bốn học sinh khác đứng lên rồi lên trước bảng đứng. Thầy Lương nghiêm giọng:
- Tại sao chưa đóng tiền hả?
Im lặng.
- Nói! – Thầy quát lớn.
- Tại em không có tiền – Tùng trả lời.
Ngọc không hiểu tại sao Tùng chẳng bao giờ chịu đóng học phí đúng hạn dù Tùng có rất nhiều tiền. Trong danh sách học sinh đóng tiền trễ lúc nào cũng có tên Tùng. Vào năm học lớp 10, lớp 11, thầy Thanh giám thị là một thầy giáo lớn tuổi rất thương học trò nghèo. Thầy nói nếu không có tiền đóng một lúc thì cứ "đóng góp": có bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu cho đến khi nào đủ thì thôi. Thầy lúc nào cũng giữ bên mình quyển sổ "ghi nợ", học sinh có thể đóng tiền cho thầy bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu. Những tờ bạc nhỏ được thầy vuốt lại cho phẳng phiu rồi kẹp vào sổ. Có lần, Ngọc hỏi: "Thầy làm vậy chi cho mắc công? Thầy kêu học sinh tự để dành tiền khi nào đủ thì đóng cho thầy một lượt luôn…". Thầy cười hiền hậu: "Rủi để dành gần đủ rồi có việc gì cần lại lấy ra xài thì sao? Thầy vừa giữ tiền vừa nhắc nhở thì thế nào đến cuối tháng cũng đủ tiền học phí". Quả thực như lời thầy nói, các học sinh nghèo trong trường nhờ đó cũng nhẹ gánh cho cha mẹ phần nào khi họ cố dành tiền ăn sáng để "góp" cho thầy vào mỗi ngày. Có một vài học sinh lỡ xài thâm vào tiền học phí cũng không bị kỷ luật hay bị ba mẹ la khi mấy ngày sau "khắc phục" bằng cách "góp" như vậy. Khi đó, Tùng luôn là người góp tích cực nhất. Cứ mỗi buổi học, Tùng lại đến gặp thầy đưa một tờ bạc nhỏ rồi chìa quyển sổ của mình ra để thầy ký nhận, nói với thầy một vài câu để nghe thầy mắng một câu gì đó rồi mới đi… Ngọc và Tùng còn nghe thầy kể chuyện gia đình, chuyện quá khứ của thầy một cách say sưa vào nh�! �ng giờ rảnh rỗi…
Nhưng từ lúc thầy Thanh về hưu, thầy Lương thay thế thì mọi chuyện đã không còn như cũ. Nhất là những khi hết hạn học phí thì lúc nào cũng có cảnh học sinh chưa đóng tiền đứng trước lớp nghe thầy chất vấn:
- Sao đi học thì mấy người đi đầy đủ mà tiền lại không đóng đầy đủ là sao hả?
Tùng khẽ nhếch mép và đưa tay lên quẹt mũi. Như bị khích, thầy Lương nạt lớn:
- Từng em một nói lý do không đóng tiền học phí của mình. Nói!
- Em nói rồi, em không có tiền – Tùng khịt mũi trả lời.
- Không có tiền đóng học mà lại có tiền đi chơi hả?
Thầy Lương lừ mắt rồi quay sang Diệu. Dưới ánh mắt nghiêm của thầy và của cả lớp đang tập trung nhìn lên, Diệu như cố thu người lại thật nhỏ, giọng run run:
- Mẹ em chưa lãnh lương nên vẫn chưa cho tiền ạ…
Mẹ Diệu là công nhân may. Nhà Diệu nghèo khó, lại đơn chiếc. Hai mẹ con chỉ nhờ vào tiền may gia công. Tháng nào may mắn lắm thì Diệu không đóng học phí trễ, nhưng điều may mắn ấy lại rất hiếm hoi
- Còn em? – Thầy quay sang Hải.
- Em lỡ làm mất tiền. Em không dám nói vì sợ ba mẹ đánh đòn.
- Em sợ ba mẹ mà không sợ tôi sao?
- Dạ, em sợ – Giọng Hải run run.
- Vậy sao không về xin tiền đóng học phí?
- Dạ – Hải cúi đầu nói lí nhí.
- Hết lý do này tới lý do kia. Nội chuyện đóng tiền thôi mà cũng chậm trễ. Trước sau gì cũng đóng thì đóng sớm cho tôi khỏi tốn công nhắc nhở. Mai là hạn chót, em nào mà không đóng, tôi sẽ kỷ luật em đó.
Diệu cuống quýt:
- Thầy ơi, mai mẹ em vẫn chưa lãnh lương. Cho em thêm mấy ngày nữa đi thầy…
- Ai cũng như em, biết bao giờ tôi mới thu xong, nộp cho trường đây? Mai là hạn chót!
- Nhưng mai em chưa đóng kịp. Diệu cúi mặt, nước mắt trào ra.
- Chưa đóng thì tôi sẽ trừ vào điểm hạnh kiểm của em.
- Gì kì vậy? – Ngọc buột miệng nói. Thầy Lương quay phắt xuống:
- Em vừa nói cái gì, nói lại tôi nghe!
Ngọc đứng dậy.
- Sao không nói? – Thầy Lương quát.
Ngọc cúi đầu:
- Dạ thưa thầy, em thấy tiền học phí có liên quan gì đến hạnh kiểm đâu? Tại mẹ bạn ấy chưa cho tiền chớ đâu phải lỗi bạn ấy?
- Vậy em nói đó là lỗi của tôi đó hả? – Thầy Lương đột ngột hét lớn làm Ngọc giật bắn cả người. Ngọc buột miệng:
- Vậy thầy trừ hạnh kiểm của mẹ bạn ấy đi!
- Hỗn láo! – Thầy Lương đập bàn cái rầm. Em dám nói chuyện với thầy cô kiểu đó hả?
Ngọc cúi đầu không nói. Rồi không hiểu nghĩ gì, Ngọc lại ngước mặt lên nhìn thẳng vào thầy. Thầy chỉ tay vào mặt Ngọc:
- Em đừng có bày đặt vô lễ với tôi. Tôi sẽ trừ điểm kỷ luật lớp này. Học sinh gì mà…
- Bạn ấy nói có gì sai đâu… – Tùng đứng sau lưng thầy cất tiếng.
Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, thầy Thông dạy Văn bước đến:
- Thôi, các em hứa với thầy Lương là mai sẽ nộp tiền học phí đi rồi chúng ta học tiếp.
- Nhưng ngày mai nhà em vẫn chưa có tiền – Diệu rụt rè lên tiếng.
- Vậy đợi chừng nào có tiền thì hãy đi học! – Thầy Lương sẵng giọng.
Diệu bật khóc nức nở:
- Thầy đừng đuổi học em thầy ơi!
Ngọc bước lên đưa cho Diệu một miếng khăn giấy. Thầy Lương nạt:
- Ai cho phép em rời khỏi chỗ? Em dám đi lại lung tung khi giáo viên đang làm việc vậy đó hả?
Ngọc tròn mắt nhìn thầy. Thầy Thông nghiêm giọng:
- Ngọc, em về chỗ. Thầy Lương à, tôi đảm bảo với thầy là ngày mai các em sẽ nộp học phí đầy đủ. Còn bây giờ, thầy cho các em tiếp tục học. Nãy giờ cũng tốn nhiều thời gian chung của lớp rồi.
Khuôn mặt của thầy dạy Văn ánh lên một nét cương nghị đến khắc nghiệt. Nhìn thầy lúc này không giống một chút nào với thầy mọi khi. Thầy Lương nhìn qua một lượt các học sinh chưa đóng học phí với ánh mắt thiếu thiện cảm, khẽ gật đầu chào thầy Thông rồi bước ra khỏi lớp.
- Tất cả các em về chỗ ngồi đi.
Các học sinh vừa yên vị, thầy Thông quay lưng đi chậm chạp về phía bàn giáo viên. Đôi vai thầy như rũ xuống. Thầy cất giọng:
- Thầy xin lỗi các em. Lẽ ra các em không phải chứng kiến những chuyện như thế. Thầy xin lỗi. Thầy biết rằng rồi sẽ có rất nhiều em không thể nào quên được chuyện của ngày hôm nay dù thực lòng thầy không muốn các em phải nhớ
Thầy Thông ngưng rất lâu rồi nói nhỏ, nhỏ đến nỗi tựa như nói cho riêng mình nghe:
- Khi thầy chọn ngành sư phạm và khi giảng cho các em nghe về những tác phẩm văn học, thầy chỉ hy vọng một điều là sẽ góp phần thắp lên những đức tính tốt đẹp trong mỗi em. Chỉ như thế thôi. Rồi mai đây, các em sẽ tự mình toả sáng, trở thành một con người biết nâng niu cái đẹp, biết ghét bỏ, xa lánh cái xấu xa và thương yêu con người, yêu cuộc sống xung quanh mình – Thầy trâm ngâm – Thầy biết, có những niềm tin khi sụp đổ thì rất khó xây dựng lại hoặc phải mất rất nhiều thời gian để tìm lại. Thầy chỉ mong sau này, nhớ về tuổi học sinh của mình, các em vẫn giữ được những tình cảm trìu mến, thân thương chứ đừng chỉ nhớ về những thời khắc như khi nãy. Hãy cố nhớ về những hình ảnh đẹp chứ đừng cố để quên đi tất cả. Thầy không muốn các em có những khoảng trống trong ký ức. Thầy xin lỗi…
Tiếng trống hết tiết vang lên. Các học sinh lặng lẽ bước ra khỏi lớp. Ngọc vừa ôm cặp bước ra, Tùng nói khẽ:
- Ngọc rủ Diệu đi uống nước nhé! Tùng đợi ở quán đó nghen…
- Thôi, Diệu không nhận tiền của Tùng đâu. Diệu cám ơn!
- Diệu cứ nhận đi, chừng nào có tiền thì trả lại cho Tùng cũng được. Diệu mượn chớ có phải xin đâu mà ngại? Rủi mai không có tiền, thầy không cho vô lớp học thì sao?
Tùng đẩy xấp tiền về phía Diệu. Ngọc cầm xấp tiền lên, đặt vào tay Diệu:
- Tùng đã nói vậy thì Diệu cầm đi. Bạn bè không chứ có gì đâu mà ngại.
- Không. Diệu cám ơn – Diệu đặt xấp tiền lên bàn và quay lưng bước ra khỏi quán. Tùng thở dài:
- Hình như tại Diệu không ưa Tùng hay sao ấy!
Ngọc nhìn Tùng trìu mến:
- Không phải vậy đâu. Ai lại đi ghét một người dễ thương như Tùng chớ!
- Thiệt hả?
Tùng ngường ngượng gãi đầu. Ngọc vui vui khi thấy Tùng như thế. Tùng lúc nào cũng tạo ra những niềm vui nho nhỏ cho Ngọc. Nhớ những lần đi chơi chung với nhóm, khi Tùng xung phong trả tiền và nói: "Yên tâm đi. Tùng có nhiều tiền mà" thì bị cả bọn phản đối. Tuyển nạt ngay: "Mày có tiền nhiều kệ mày chứ. Định lấy tiền đè người khác hả mậy?". Thế là những lần ăn uống kế tiếp, cả bọn luôn luân phiên nhau trả và Tùng đã thích nghi với điều này rất nhanh chóng. Có những lúc "nghe đồn" quán kem, chè nào đó "ngon dữ dội" mà Trung, Ngọc, Tuyển không có đủ tiền thì cả nhóm lại chở nhau trên xe đạp đi đến đó "thám thính tình hình". Dừng trước quán nhìn người ra kẻ vào tấp nập một lúc, cả bọn chép miệng: "Quán đông người ăn vậy chắc là ngon thiệt. Đợi chừng nào tụi mình có đủ tiền rồi tới đây ăn nghen tụi bay". Nhìn chán chê một lúc rồi cả bọn đạp xe về dù trong túi của Tùng lúc đó dư sức trả cho nguyên một quán…
Chín
Hôm sau, cũng vào tiết Văn, thầy Thông vừa mới ghi tựa đầu bài lên bảng thì thầy Lương bước vào:
- Thầy Thông thấy không? Các em học sinh này không dùng hình tức kỷ luật là không xong. Hôm qua vừa nói sẽ kỷ luật nếu không đóng học phí thì hôm nay đã đóng tiền đầy đủ. Đâu phải là "tụi nó" không có tiền mà tại "tụi nó" không chịu đóng thôi. Mới bây lớn mà đã bày đặt dối cha mẹ, lừa thầy cô rồi. Thiệt hết biết…
Thầy Lương nói một hơi rồi quay lưng đi. Thầy Thông từ bục giảng bước xuống:
- Các em đã đóng tiền đầy đủ rồi à? Diệu đâu?
- Dạ, hôm nay Diệu không đi học ạ!
Vân lớp trưởng đứng lên nói. Thầy Thông ngạc nhiên:
- Diệu không đi học? Vậy ai đóng tiền học phí cho Diệu?
Cả lớp xì xào bàn tán:
- Chắc mẹ bạn ấy đóng…
- Mẹ Diệu đi làm suốt ngày mà…
- Hay bạn ấy lên trường đóng rồi lại quay về nhà?
- Đã lên trường mà lại không vô học?
- Ai biết được?
Ngọc quay sang Tùng:
- Tùng đóng tiền cho Diệu đó hả?
Tùng khẽ gật đầu. Ngọc cười tít mắt:
- Ngọc biết ngay mà. Tùng nha, bây giờ Ngọc mới biết.
- Đừng có chọc Tùng mà…
Nhìn Tùng ngượng ngập, tự nhiên trong lòng Ngọc dâng lên một niềm thương mến…
Thầy Thông hỏi lớp trưởng:
- Hoàn cảnh gia đình của Diệu như thế nào mà thầy thấy Diệu thường hay trễ tiền học phí vậy?
- Dạ, khó khăn ạ!
- Có ai biết nhà bạn ấy không? Có bạn nào đến nhà bạn ấy chưa?
Cả lớp im lặng nhìn nhau. Thầy Thông khẽ thở dài:
- Em Vân cho thầy địa chỉ nhà Diệu nhé!
- Dạ…
Con hẻm càng đi càng nhỏ lại. Có lúc lối đi chỉ vừa đủ cho một chiếc xe đạp cùng một người dắt. Bùn lầy, rác rưởi và những đồ vật mà người trong hẻm cố tận dụng lối đi chung để tạo thêm không gian cho mình, khiến con hẻm càng thêm nhỏ lại. Nhà Diệu gần cuối hẻm. Ngọc cất tiếng gọi:
- Diệu ơi… Diệu ơi Diệu…
Diệu mở cửa. Hơi bất ngờ pha lẫn ngượng ngập khi thấy Ngọc, Diệu khẽ nói:
- Sao Ngọc biết nhà Diệu mà tìm vậy? Ngọc vô nhà chơi!
Nhà tối, cộng thêm mùi ẩm thấp làm căn nhà có vẻ hiu quạnh.
- Diệu đang nấu cơm. Thôi, tụi mình ra phía sau nói chuyện cho mát. Ngọc tới một mình hả?
- Không, có Tùng đi nữa…
- Tùng đâu?
- Tùng ngồi ở quán nước gần nhà. Tùng ngại nên không dám vô, sợ Diệu lại giận như hôm bữa
Diệu bật cười kéo Ngọc ra sàn nước phía sau:
- Hôm bữa Diệu có giận gì đâu. Mà Tùng ngại là đúng rồi, nhưng không phải ngại cho Tùng đâu mà Tùng ngại Diệu xấu hổ đó!
- Có gì đâu mà Diệu xấu hổ?
- Nhà cửa của Diệu thế này…
- Đến chơi mà nghe Diệu nói vậy thì buồn quá. Diệu nói vậy là oan cho tụi mình đó nghen. À, mà sao hai bữa nay Diệu nghỉ học vậy? Diệu bệnh hả?
- Ngọc cũng biết rồi đó: mẹ Diệu chưa lãnh lương. Thầy Lương nói…
- Trời, tưởng chuyện gì. Ngọc cứ ngỡ là Diệu bị bệnh nên không đi học được chớ. Tiền học phí đóng xong rồi, Diệu đi học lại đi không thôi lại mất bài vở.
- Tùng đóng tiền học cho Diệu hả? Sao lại…
- Bây giờ Diệu từ chối cũng đâu có được. Đóng rồi thì đâu có lấy ra được. Mà Diệu từ chối là không nên đâu nha! Làm như vậy không phải là Diệu tự trọng đâu mà là Diệu coi thường Tùng đó. Đâu phải Tùng cho đâu, Diệu chỉ mượn tạm rồi khi nào có tiền trả lại cũng được mà. Tùng thật lòng muốn giúp Diệu đó – Ngọc khẽ nắm tay Diệu – Mai Diệu đi học nha!
Diệu cất giọng thì thầm, mắt nhìn xuống dòng kênh đen:
- Hồi đó, mơ ước lớn nhất của Diệu là được làm cô giáo. Mẹ Diệu nói chỉ có học vấn mới có thể giúp hai mẹ con thoát khỏi hoàn cảnh này nên dù khó khăn đến mấy, mẹ cũng lo cho Diệu ăn học. Diệu yêu hình ảnh của thầy cô đứng trên bục giảng lắm. Từ nhỏ đến lớn, Diệu luôn nhìn họ bằng ánh mắt ngưỡng mộ và luôn nghĩ rằng họ không giống như chúng ta. Họ… thầy cô thì phải sống ở một nơi nào đó như là thần tiên vậy. Diệu còn nghĩ khi hết giờ dạy thì họ… Diệu không biết là họ đi đâu nhưng chắc là không về nhà như chúng ta! – Diệu cười – Đến lúc lớn, Diệu mới biết là mình vô lý nhưng đôi khi những suy nghĩ ấy vẫn cứ lướt qua trong đầu. Đến nỗi, nhiều lúc Diệu thấy thầy cô ăn cơm hay mua một thứ gì đó thì Diệu cảm thấy điều đó lạ lẫm lắm. Diệu điên quá, đúng không?
- Đâu có, Ngọc cũng giống như Diệu vậy đó… – Ngọc cười giòn – Có khi Ngọc còn tưởng thầy cô sống trong một cái tổ như chim nữa kia…
- Nhưng từ khi Diệu bị thầy Lương quát vào mặt vì tội chưa đóng học phí thì những suy nghĩ ấy không còn nữa. Tự nhiên, nó biến mất hết như chưa bao giờ có vậy. Diệu cũng không hiểu tại sao…
Cả hai bạn trẻ lặng nhìn xuống dòng kênh đen. Dường như có một cái gì nghèn nghẹn ngay ngực. Gió từ lòng kênh thổi vào lành lạnh kèm theo mùi hôi thối bốc lên khiến Ngọc cảm thấy nôn nao trong người.
Bước ra khỏi nhà Diệu, Ngọc đã thấy Tùng cười nắc nẻ với một anh bán nước đá trên chiếc xe ba gác. Chị bán chè đậu đen đưa cho Tùng và anh nọ mỗi người một ly chè. Dưới chân hai người, số đã ăn xong đoán chừng cũng 5, 6 ly!
- Cha, bữa nay có chú em nào theo phụ cậu vậy? – Chị bán chè hỏi.
- Em út gì đâu. Hồi nãy nó khiêng phụ tôi mấy cây đá, giờ lại đãi tôi ăn chè. Em đang đợi ai hả? – Anh bán đá hỏi.
Tùng gật đầu.
- Cậu bán cho tôi một góc tư đá nữa đi!
Chị bán chè đưa ra cái thùng đá. Anh bán đá nhanh nhảu:
- Một góc tư hả? Dạ, có liền!
- Bữa nay lịch sự dữ, dạ thưa đàng hoàng ta!
- Thì nắng "ừ", mưa phải "dạ" chớ biết sao? Bán đá mà, phải nhìn trời mà có thái độ như thế nào chớ…
Anh thanh niên nhìn Tùng rồi nháy mắt. Tùng cũng nháy mắt lại với anh ta và cả hai bật cười vui vẻ. Quay mặt sang thì thấy Ngọc. Tùng chạy đến:
- Ủa, Ngọc mới ra hả?
Ngọc khẽ gật đầu. Tùng cất giọng nôn nóng:
- Được không?
- Mai, Diệu sẽ đi học. Diệu hứa rồi.
- Ngọc giỏi quá! Lại ăn chè, lại ăn chè đi. Chè này ngon lắm! – Tùng kéo Ngọc lại gần gánh chè.
- Bạn em đó hả? – Anh bán đá hỏi.
- Dạ.
- Em lên yên sau xe mà ngồi cho đỡ mỏi chân.
- Dạ, được rồi anh.
- Không sao đâu, Ngọc cứ ngồi đi, chẳng lẽ ăn mà lại đứng.
- Ngọc ngồi dưới đất như Tùng cũng được mà!
- Sao được? Tùng là con trai thì khác chớ. Ngọc ngồi trên yên xe đi. Chị cho em ly chè đi chị.
Đặt ly chè vào tay Ngọc, Tùng cười:
- Vậy là bữa nay có thêm một người coi Tùng là bạn. Tùng không ngờ cảm giác đó lại dễ chịu đến như vậy…
Ngọc nghiêng nghiêng đầu:
- Ngọc nói vậy thôi chớ mai Diệu không có đi học đâu.
Nụ cười tắt trên môi Tùng:
- Sao vậy? Sao hồi nãy Ngọc nói…
- Mai là chủ nhật mà! – Ngọc cười giòn – Ai lại đi học vào chủ nhật chớ…
- Đi học sướng quá hén, được nghỉ ngày chủ nhật. Tụi tui buôn bán quanh năm có được nghỉ ngày nào đâu? – Chị bán chè nói chen vào.
- Thôi đi bà ơi, bà có còn là con nít đâu mà nghỉ với ngơi. Tại bà ham kiếm tiền chớ có ai cấm bà không được nghỉ bán? – Anh bán đá vọt miệng.
- Nghỉ bán rồi lấy cơm đâu mà ăn?
- Thì ăn chè thay cơm! – Giọng anh ta tỉnh bơ – Bà thấy tui nghèo vậy chứ tôi sang trọng lắm, nhiều khi tui nghỉ làm cả tuần luôn đó…
- Trời mưa thì bán đá cho ai mà không nghỉ? – Giọng chị bán chè châm chọc.
- Cái bà này…
Ngọc đưa lại cái ly cho chị bán chè. Tùng đứng dậy móc tiền ra trả.
- Thôi, tụi mình về.
- Ừ…
- Tụi em về nha anh chị! – Tùng chào tạm biệt hai người. Ngọc cũng khẽ gật đầu:
- Thưa anh chị em về…
Tùng và Ngọc đi rồi mà vẫn còn nghe tiếng "Xí" rõ dài của chị bán chè sau khi anh bán đá cười hăng hắc, nói: "Cái tụi nhỏ này chào y như là tụi mình là hai vợ chồng vậy hén…".
Tùng thở ra:
- Vậy mà hồi nãy, Ngọc làm Tùng hết hồn. Tùng cứ ngỡ…
- Ai biết Tùng yếu bóng vía đến vậy đâu. Mới nói có một câu vậy mà…
- Mai là chủ nhật rồi hả?
- Ừ.
- Vậy Ngọc có nhớ mai là ngày gì không? – Tùng quay sang hỏi Ngọc, ánh mắt chờ đợi.
- Thì là chủ nhật thôi, ngày gì đâu?
- Vậy mai Ngọc có rảnh không?
- Cũng hơi rảnh thôi. Có chuyện gì không Tùng? – Ngọc nheo mắt.
- À… ừ… cũng không có gì đặc biệt. Thôi, mai Ngọc với Tùng… à ừ… Ngọc đi với Tùng… Ngọc đi…
- Đi đâu?
- Đi… đi với Tùng… – Tùng ấp úng.
- Đi đâu mới được chớ?
- Đi… à… Mà thôi, mai tụi mình đi hiến máu nhân đạo đi. Mấy bữa nay nhà trường đang phát động phong trào khuyến khích học sinh lớp 12 đi hiến máu đó. Tụi mình đi nha…
- Hiến máu nhân đạo hả?
- Ừ, Ngọc đi với Tùng nha.
- Cũng được. Để Ngọc rủ thêm Tuyển với Trung. Vậy tối nay Tùng phải ngủ sớm, sáng mai đừng có ăn gì nha!
- Tùng biết rồi…
Mười
Tuyển vừa đi vừa cằn nhằn:
- Mày biết tao phải ăn bao nhiêu cơm, biết bao nhiêu đồ ăn mới có được một lít máu không? Để tao tính coi, ba má tao nuôi tao mười mấy năm mà trong người tao chỉ có 4, 5 lít máu. Một lát nữa, rủi người ta lấy hết một lít máu của tao thì sao?
- Mày cứ nói quá… Chắc người ta không lấy nhiều vậy đâu! – Trung trấn an.
- Mình tự nguyện chớ bộ? Người ta phải lấy sao để mình vẫn khỏe mạnh, phải không mậy?
Tùng quay sang Trung như tìm đồng minh. Trung gật đầu ngay:
- Ừ, tao cũng nghĩ vậy…
- Nhưng… – Ngọc lo lắng hỏi – Người ta lấy máu của mình theo cách nào?
- Cái này thì Tuyển biết! – Tuyển hăng hái nói – Tuyển nghe người ta nói là bác sĩ dùng một cây kim bự như cây đũa vậy đó. Lấy cây kim đó chọt vô bụng để lấy máu ra!
- Ôi! – Ngọc khụyu xuống – Thôi, Ngọc không hiến máu nữa đâu, để Ngọc về.
Trung và Tùng đỡ Ngọc đứng dậy:
- Ngọc đừng có nghe lời thằng Tuyển nói. Nó biết gì mà nói chứ!
- Vậy Tùng có biết không? – Ngọc hỏi.
- Chậc… Tụi mình chưa có đứa nào biết rõ hết. Cứ vô đó thì biết, nếu thấy sợ thì lúc đó về cũng đâu có sao? Đâu có ai ép buộc mình được?
- Ừ, Tùng nói đúng đó! Thôi, tụi mình vô đi!
… Sau khi khám sức khỏe, đo cân nặng, huyết áp, mỗi đứa được uống một ly trà đường. Tuyển đưa cái ly lên:
- Người ta cho mình uống bao nhiêu đây nước trà chắc một lát nữa người ta lấy lại của mình bao nhiêu đây máu quá! Ê, tao uống nửa ly thôi, được không mậy?
- Bác sĩ kêu uống bao nhiêu thì mày uống bấy nhiêu đi. Mày nhiều chuyện quá! -Trung gạt đi.
- Tao phải nói nhiều để tao không nghĩ bậy mày ơi! Tao mà im lặng thì đầu óc của tao suy nghĩ lung tung lắm. Mày thấy Ngọc im lặng nãy giờ chứ thực ra có trời mà biết Ngọc đang suy nghĩ những gì. Ê, Ngọc, Ngọc…
- Hả? – Ngọc giật nảy người khi Tuyển khều tay.
- Làm gì mà ngẩn người ra vậy? – Tuyển hỏi.
- Đâu có gì đâu…
- Ngọc sao vậy? – Tùng lo lắng hỏi – Sao nãy giờ không nói gì vậy?
- Không có gì đâu. Tới phiên tụi mình rồi kìa!
Bốn đứa bước vào phòng. Căn phòng rộng có những chiếc giường trải ra trắng toát. Tuyển, Trung mỗi người vọt lên nằm một giường. Ngọc rụt rè leo lên. Y tá quấn vào bắp tay mỗi đứa một vòng dây ga-rô. Một cô y tá quay sang Tùng:
- Em lên nằm luôn đi.
- Dạ, để một lát nữa đã. Để em ở đây với bạn này -Tùng tiến lại gần giường Ngọc đang nằm – Bạn ấy run lắm!
Tùng ngồi phía đầu giường, nắm bàn tay không cột dây ga-rô của Ngọc:
- Tay Ngọc đổ mồ hôi rồi kìa. Ngọc sợ lắm hả?
Ngọc khẽ gật đầu. Giọng Tuyển oang oang:
- Cô lấy tụi em mấy lít máu vậy cô?
Cô y tá khẽ nạt:
- Gì mà mấy lít? Một đơn vị máu là 200ml thôi. Mấy em mỗi lần hiến một đơn vị là được rồi.
- Gần bằng một chai nước ngọt hén! Vậy mà em cứ tưởng lấy ít nhất là một lít chớ…
Cô y tá ngồi bên giường Ngọc:
- Em cứ việc thở đều đi!
Cô thoa lên tay Ngọc mốt thứ gì đó man mát. Tùng cất tiếng:
- Ngọc cứ nằm yên nha. Coi giúp trong mắt Tùng có gì không? Tùng tự nhiên sao thấy xốn mắt quá…
Tùng khẽ nghiêng đầu cúi xuống. Một tay vẫn cầm lấy tay Ngọc, tay kia vạch mắt của mình lên. Ngọc mở to mắt ra nhìn và cảm thấy nhói bên cánh tay:
- A!… – Ngọc kêu lên.
- Xong rồi, em cứ nằm yên… – Cô y tá cất giọng – Tùng lấy tay ra khỏi mắt, bật cười:
- Hết sợ rồi phải không? Cũng như kiến cắn thôi. Tại Ngọc sợ nên thấy đau vậy đó.
Tuyển lại cất giọng:
- Cô lấy máu của em đi truyền cho ai vậy cô?
- Thì người nào cần máu thì truyền.
- Một lát, vừa lấy máu của em xong là cô đi truyền cho người khác liền hả?
- Bậy nè! Còn phải xét nghiệm coi máu có nhiễm bệnh gì không, coi đó là nhóm máu gì nữa chớ…
- Máu nhiễm bệnh thì không xài được hả cô? – Tuyển tiếp tục đặt câu hỏi.
- Ừ, máu nhiễm bệnh không xài được.
- Vậy máu nhiễm bệnh thì làm gì?
- Huỷ đi.
- Máu người mà cũng bỏ hả cô?
- Không xài được thì phải bỏ chớ. Em đừng có nghiêng người như vậy, nằm yên nhé! – Cô y tá nhắc nhở khi thấy Tuyển hơi nghiêng người – Chớ mỗi giọt máu mỗi quý thì ai lại bỏ nếu như vẫn còn sử dụng được. Máu quý lắm các em à. Bệnh nhân cần máu hàng ngày, hàng giờ đó… Rồi, xong rồi. Để cô rút kim ra. Các em qua bên kia nằm nghỉ rồi qua bên phòng ăn uống và nhận quà.
Tuyển sáng rỡ mắt:
- Được ăn nữa hả cô? Í cha, làm việc này có ý nghĩa thiệt!
Cô y tá rút kim, chấm một miếng bông vào ngay nơi vừa rút. Cô nói với Ngọc:
- Em lấy tay ấn mạnh rồi qua bên kia nằm nghỉ một lát.
Tùng buông tay Ngọc ra:
- Ngọc hết sợ chưa? Rồi, Ngọc qua kia nghỉ đi, đến phiên Tùng.
Ngọc ngồi dậy bước xuống giường. Tùng leo lên giường, nằm xuống, nói:
- Ngọc qua bên kia nghỉ ngơi đi, không thôi bị mệt đó!
- Ngọc không sao đâu. Cô ơi, em ngồi đây được không cô?
- Ừ, cũng được…
- Sao Ngọc không qua bên đó? – Tùng ngạc nhiên.
- Ngọc ngồi đây cho Tùng bớt sợ. Hồi nãy Tùng cũng làm như vậy cho Ngọc bớt sợ mà.
- Ừ, vậy cũng được… – Tùng cười rạng rỡ – Thực ra Tùng cũng sợ tiêm kim lắm…
Tùng và Ngọc vừa bước qua phòng ăn thì đã thấy Trung và Tuyển ngồi đó. Tuyển ngoắc lia lịa:
- Lại đây, lại đây ngồi chung nè.
Ngọc và Tùng vừa ngồi xuống thì Tuyển đã cất giọng ngay:
- Ê, đồ ăn ở đây ngon lắm. Hai người uống sữa đi. Phải uống cho lại sức. Mấy người có cảm giác gì không?
- Cảm giác gì đâu? – Trung nói.
- Í trời, vậy mà tao có đó. Kỳ lắm nghen, tao có cảm giác là hình như cả thế giới đều biết tao vừa làm một việc ý nghĩa là hiến máu vậy. Hiến máu cứu người. Đúng là nghĩa cử cao đẹp thiệt! Tao thấy tự hào quá…
- Thôi đi mày ơi, mới cho có một chút máu mà mày làm như vừa cứu thế giới xong vậy! – Trung cười – Mà không biết máu mày có xài được không nữa kìa. Mày thuộc nhóm máu K mà!
- Tao mới học Sinh xong, đâu có nhóm máu K đâu mậy. A, B, O… thì có chứ làm gì có nhóm máu K? – Tuyển nhăn trán – Hay bữa đó tao học bài không kỹ?
- Mày học thuộc bài đó. Thằng Trung nó nói mày có nhóm máu K là máu khùng đó. Há há há…
Cả bọn bật cười ầm ĩ. Tuyển tỉnh bơ:
- Máu khùng mà có tấm lòng nghĩa hiệp, còn hơn tụi bay…
- Tụi tao sao? – Trung nhướng mắt – Tụi tao cũng đi hiến máu, cũng có tấm lòng nghĩa hiệp như mày chớ bộ?
- Tụi bay cũng đi nhưng lại không có tấm lòng tốt như tao! – Tuyển nhơn nhơn tự đắc, tựa như hắn đã quên hết những điều mà hắn cằn nhằn khi nãy – Mà tao nói cho tụi bay biết, tuần sau tụi bay đừng có ăn cháo huyết hay tiết canh, nghe chưa!
- Sao vậy? – Tùng ngạc nhiên.
- Biết đâu máu của tụi mình không xài được rồi "trôi sông lạc chợ" vô mấy món ăn đó thì sao?
- Í – Ngọc nhăn mặt.
- Mày đừng có nói chuyện khùng điên nghe chưa! – Tùng nạt ngang – Hết chuyện nói rồi hả?
- Tuyển ơi, tao đi với mày tao sợ chết lãng quá! – Trung chuyển giọng.
- Sao chết lãng? – Tuyển ngạc nhiên.
- Thì mày nói tầm bậy tầm bạ rồi có ngày bị thiên hạ đánh chết chớ sao? Thực ra mày nói mày có suy nghĩ không vậy? Mày nói thiệt đi!
- Lời đã nói ra thì suy nghĩ làm quái gì? Có rút lại lời nói như rút tiền trong ngân hàng được đâu? Còn trước khi nói, tao không suy nghĩ mày ơi. Tao sợ!
- Sợ gì? – Tùng hỏi ngay.
- Tao sợ hậu quả. Mà cứ mỗi lần suy nghĩ là mỗi lần lại sợ hậu quả từ câu mình nói ra thì làm sao dám nói nữa. Bởi vậy tao chẳng thèm suy nghĩ luôn cho chắc ăn.
- Thiên địa ơi, hèn chi…
- Hết biết cái thằng này…
- Tuyển thiệt là…
"Không biết hắn lại đang nghĩ ra chuyện gì nữa đây?" – Ngọc nhủ thầm trong bụng khi chiều hôm đó Tuyển gọi điện qua, cất giọng thều thào như người hết hơi:
- Ngọc qua nhà Tuyển liền nha! Tiện đường mua cho Tuyển bịch súp cua hay bánh canh cũng được. Qua liền nha, có chuyện quan trọng lắm đó!
Khi Ngọc vừa tới cổng nhà Tuyển thì đã thấy các bạn trong lớp đứng ngồi lố nhố. Hơi hoảng, Ngọc vội chạy vào thì thấy Tuyển nằm trùm mền tới bụng. Tuyển chợt thở mạnh ra rồi ngồi dậy ngó qua một lượt, lẩm bẩm:
- Có khoảng nửa lớp tới hà… Ôi, không ngờ mình lại bị hắt hủi đến như vậy.
Bảo tiến lại gần, đưa tay sờ trán Tuyển:
- Mày bị sốt hả Tuyển? Hay bị cảm lạnh? – Bảo tự sờ trán mình rồi tròn mắt – Tao thấy nhiệt độ của mày cũng bình thường mà.
- Hay là nó bị đau bụng? – Mẫn vọt miệng – Ủa, mà nếu như bị đau bụng thì sao hồi nãy nó đòi ăn cóc chín? Mẫn có mua nè… – Mẫn chìa ra một bọc cóc chín.
- Còn nó nói với tao là nó thèm sơ-ri. Lúc đó giọng nó yếu lắm! – Vương chen ngang và đặt bịch sơ-ri ngay giường Tuyển.
- Vậy chắc nó bị đau họng rồi. Tao nghe má tao nói đau họng ăn cóc chín sẽ hết đó…
- Vậy cuối cùng mày bị gì mới được chớ?
Minh nhìn lom lom Tuyển. Lúc đó, mẹ Tuyển từ phía sau nhà bưng lên một mâm đựng những hũ da-ua[10]. Mạnh chạy đến đỡ lấy. Mẹ Tuyển mỉm cười gật đầu khi nghe tiếng dạ thưa chào hỏi:
- Các cháu ở chơi ăn da-ua. Bác có công chuyện phải đi một lát. Ôi, bác quên cái giỏ xách…
Mẹ Tuyển chực quay vào thì Mạnh đã nhanh nhảu:
- Bác để cháu lấy!
Mạnh chạy ra phía sau nhà và cầm ra cái túi xách, trao tận tay mẹ Tuyển và theo sau, ý chừng muốn thay Tuyển đóng cổng. Ngọc nghe tiếng mẹ Tuyển loáng thoáng:
- Bữa nay mấy đứa họp nhóm hả?
Ôi, cái tên Tuyển này! Thì ra hắn đang giở trò! – Ngọc nhủ thầm trong bụng – Tuyển vẫn ngồi đó trùm mền quanh lưng cất giọng:
- Mấy bạn ăn da-ua đi. Da-ua này nhà Tuyển làm đó. Ngon lắm…
Cái mâm da-ua thì để ngay giường Tuyển đang ngồi. Các bạn trong lớp khi tiến tới lấy hũ da-ua thì phải tiến đến cạnh giường. Và thế là lần lượt mỗi người tiến tới lấy một hũ da-ua và đặt lại trên giường những thứ mình cầm trên tay. Mâm da-ua vừa hết thì ngay giường Tuyển lóc nhóc những bao, những bịch. Nào là bịch chè chuối, nào là cái bánh bông lan, nào là mấy trái sabôchê, mãng cầu, đu đủ, cóc, ổi… Các bạn vừa ăn lưng hũ da-ua, Tuyển cất giọng như chủ tọa:
- Đố mấy bạn chứ da-ua làm từ gì?
- Vậy mà cũng đố, dễ ợt. Da-ua làm từ sữa – Hương vọt miệng trả lời ngay.
- Nhưng đây là loại da-ua đặc biệt vì nó được làm từ một loại sữa đặc biệt. Đố mấy bạn biết đó là sữa gì? – Tuyển tươi hồng sắc mặt đặt câu hỏi.
- Tao thấy da-ua này cũng giống như những da-ua khác thôi.
- Ừ, có gì đặc biệt đâu…
- Mấy người lại đây, Tuyển cho coi cái này nè…
Cả đám bu đen bu đỏ quanh Tuyển. Bằng một cử chỉ quan trọng, Tuyển đưa tay lên lột từ từ miếng băng dán trên tay, hỏi:
- Mấy người có thấy gì không?
- Dấu kim tiêm… Í cha, mày bị bệnh đến nỗi phải truyền nước biển lận hả? Mày bị suy nhược cơ thể hả? – Bảo cất giọng lo lắng. Tuyển lắc đầu:
- Không phải tao được truyền vô mà là tao bị lấy ra!
- Í trời ơi, mày bị lấy tủy sống hả? – Bảo há hốc miệng. Tuyển đưa tay trấn an:
- Không phải lấy tủy sống mà là lấy máu.
- Lấy máu? – Cả bọn kêu lên kinh ngạc.
- Ừ, hồi sáng này tao đi hiến máu. Tao đi cho máu cho người ta đó. Hiểu không?
Thấy ánh mắt của các bạn nhìn mình chăm chú, Tuyển cao giọng kể lại "diễn biến" chuyện mình đi hiến máu kèm thêm một chút "gia vị". Cuối cùng, Tuyển kết luận:
- Đó, mấy người thấy loại da-ua này làm từ loại sữa đặc biệt như thế nào chưa?
- Vậy hồi sáng người ta lấy của mày bao nhiêu máu? – Quân hỏi bằng giọng khâm phục.
- Một lít tư!
- Hả? – Mạnh thốt lên kinh ngạc.
- Í quên, một phần tư lít! – Tuyển nói thật – Chuyện hiến máu là chuyện tốt mà, nếu như có người nào cần máu của Tuyển thì Tuyển cũng sẵn sàng cho liền. Hồi sáng, Tuyển cũng nói vậy nhưng mấy cô y tá khuyên Tuyển phải giữ gìn sức khỏe nên Tuyển mới ngưng cho đó chớ.
Tuyển thao thao bất tuyệt nói khi thấy ánh mắt hâm mộ của các bạn trong lớp nhìn mình như thể chàng ta là một con người đang cứu nhân độ thế. Như để thuyết phục mọi người hơn, Tuyển hất hàm sang Trung, Tùng, Ngọc đứng tụ thành một nhóm:
- Không tin mấy người hỏi Trung, Tùng, Ngọc coi. Hồi sáng đi theo "hộ tống" Tuyển đó!
- Tại sao phải có tới ba người "hộ tống" mày lận? – Thằng Quân tròn mắt kinh ngạc.
- Trời ơi, vậy mà mày cũng hỏi. Tao hỏi mày nha, thí dụ mày bị đứt tay mất có một chút máu là mày đã thấy đã xây xẩm mặt mày rồi, đúng không?
Quân gật đầu một cái rụp. Tuyển cao giọng:
- Vậy mà Tuyển này mất một lượng máu nhiền hơn gấp trăm ngàn lần cái lượng máu đứt tay đó. Hỏi mấy người, như vậy có cần người hộ tống không chớ?
Cả nhóm lao xao tán thành:
- Đúng đó, mất máu nhiều chớ đâu phải chuyện chơi…
- Hôm bữa, chị gái tao đứt tay, mất có một chút máu là xỉu rồi huống chi…
- Tưởng lấy máu ra khỏi người là đơn giản lắm hả?
- Phải công nhận…
… Tuyển kênh mặt lên tận hưởng "niềm tự hào" một cách nhiệt tình đến nỗi khi các bạn trong lớp ra về gần hết, Tuyển vẫn còn thao thao:
- "Một giọt máu đào hơn ao nước lã", vậy mấy người tính giúp coi, Tuyển đã cho người khác biết bao nhiêu là ao nước. Hí hí hí… Không ngờ Tuyển này vĩ đại thiệt!
- Thôi đi ông tướng! – Trung cắt ngang cơn hưng phấn của Tuyển – Tao không ngờ mày lại "kinh khủng" vậy. Hết biết mày luôn. Nãy giờ, tao tưởng mình đang coi tấu hài chớ! Thiệt là nói xạo không chớp mắt!
Tuyển đảo mắt nhìn quanh, nhận ra xung quanh mình chỉ toàn là "người nhà", Tuyển tung mền đứng bật dậy:
- Gì mà nói xạo không chớp mắt? Tao nói xạo ở điểm nào, mày chỉ ra cho tao coi!
- Mày cho người ta có một chút máu mà làm như là mày hiến xác mày vậy! Còn nói tụi tao "hộ tống" mày nữa chớ!
Trung vừa nói, vừa quay sang Ngọc và Tùng.
- Thì sự thật là ba người đi chung với Tuyển mà. Mình chỉ dùng từ "văn hoa" một tí thôi… Nói đi cũng lại nói lại nha, phải công nhận, qua vụ này mới thấy trong lớp chỉ có phân nửa người là "thật lòng" với Tuyển này thôi. Nghe Tuyển bệnh, chỉ có phân nửa lớp tới thăm thôi. Đúng là…
Tuyển nói như một người già đang chiêm nghiệm lại quãng đời mình đã trải qua. Rồi Tuyển lên giọng:
- Thôi, nhập tiệc đi mấy bạn. Trời, phải công nhận là chưa bao giờ mình thấy nhiều đồ ăn đến như vậy. Ăn đi, ăn đi…
Trung dường như còn muốn "tranh luận" tiếp nhưng có lẽ hấp dẫn trước một "núi thức ăn" trên giường nên hơi do dự rồi cũng "nhập tiệc" cùng những người khác. Mạnh rụt rè cất tiếng:
- Tao thấy mày làm vậy kỳ kỳ làm sao đó Tuyển ơi. Tự nhiên…
- Mày thấy cắn rứt lương tâm thì đừng có ăn! – Tuyển nhướng mắt – Tao chưa thấy ai như mày, đồ ăn bạn bè đến thăm tặng mình mà mày nói kỳ kỳ. Bộ khi tao bệnh thì mới đem đồ ăn tới thăm tao được hả? Bình thường tới thăm đem đồ ăn cũng có sao đâu. Đúng là… Mà có phải tao lấy không đâu, tao đãi ya-ua lại rồi chớ bộ!
Những lời Tuyển nói dường như là… cũng có lý phần nào nên Tùng, Trung, Mạnh, Ngọc như trút bỏ được nỗi lòng nên hăng hái mở những cái bao nho nhỏ đựng thức ăn của các bạn trong lớp ra và ăn một cách ngon lành.
- Phải công nhận là Tuyển nó hay thiệt. Nó nghĩ ra những "chiêu" chẳng ai có thể nghĩ ra được! – Tùng cười nói với Ngọc khi đứng ngay cổng nhà Ngọc – Thôi, Ngọc vô nhà ngủ sớm đi. Hồi sáng mới hiến máu nên chắc tối sẽ hơi mệt đó. Mai còn phải đi học nữa mà. Ngọc vô nghỉ đi, Tùng về đây…
- Tùng về thiệt hả? – Ngọc tinh nghịch.
- Ừ, Tùng về.
- Tùng để quên một thứ ngay chỗ Ngọc mà lại về sao? Tùng vẫn chưa lấy mà! – Ngọc cười giòn – Nhớ lại đi, Tùng quên cái gì…
- Tùng quên gì đâu…
- Quên cái này nè… – Ngọc lấy trong ba lô ra một món quà gói giấy kiếng – Chúc mừng sinh nhật vui vẻ!
- Ngọc vẫn nhớ sinh nhật của Tùng hả? – Tùng kêu lên xúc động
- Có khi nào Ngọc quên sinh nhật Tùng đâu. Sinh nhật vui vẻ, Tùng nhé!
- Ôi, vậy mà Tùng cứ tưởng… Cám ơn Ngọc nhiều. Tùng thấy vui lắm…
Dưới ánh sáng vàng của đèn đường, có gì đó trên khuôn mặt Tùng phản chiếu lấp lánh. Đêm đó, Ngọc cứ trằn trọc thắc mắc mãi: không biết đó là nước mắt của Tùng hay là do Ngọc bị chóa ánh đèn đường mà hoa mắt?
Mười một
Chuyện Như phát một bảng trắc nghiệm cho các bạn trong ngày sinh nhật của mình theo lời Như là nhằm biết được tỉ lệ tương đối hay tuyệt đối gì đó số lượng người có khả năng thi đậu đại học chưa lắng xuống bao lâu thì Như đã quyết tâm khơi lại cho nó bùng lên. Có lẽ ba chữ "thi đại học" luôn ám ảnh trong Như nên vào giờ về, Như gõ lên bảng để các bạn chú ý và nói lớn:
- Chiều nay đúng một giờ, tất cả các bạn phải có mặt đầy đủ tại phòng sinh hoạt Đoàn. Ai không có mặt thì Như sẽ điểm danh coi như là một ngày nghỉ học. Nhớ chưa?
Có lẽ sợ hơn 40 cái đầu đang nhìn mình bằng một thái độ hơi ngạc nhiên, sẽ không nhớ hết những thông tin mình mới đưa ra nên Như lại lấy thước gõ vào bảng nghe côm cốp:
- Lấy sổ ra ghi đi! Đúng một giờ, tại phòng sinh hoạt Đoàn…
Khoa rụt rè:
- Chiều nay đâu có phải học ngoại khóa môn gì đâu, đến trường làm gì vậy? Tôi phải đi bơi nữa đó…
- Đi bơi có quan trọng bằng việc quyết định cho cuộc đời không? Bỏ đi bơi một bữa có sao đâu…
Như nhanh chóng trả lời Khoa và mắt đanh lại như có vẻ không muốn trả lời bất cứ câu hỏi nào. Nhưng khổ nỗi, không phải ai trong lớp cũng tinh ý nhận ra điều đó. Nguyên đưa tay lên y chang cái cách phát biểu trong lớp:
- Vậy chiều nay có phải đem theo sách vở gì không? Tự nhiên nói tới trường mà tụi tui không biết gì hết thì làm sao mà chuẩn bị chớ?
Như vừa bước ra khỏi lớp, vừa trả lời:
- Đem theo một cây viết và một cuốn sổ tay là được rồi.
Như ra về rồi mà cả lớp vẫn còn xôn xao bàn tán, không biết chiều nay đến trường vì lý do gì. Tuyển chu mỏ nói:
- Phải công nhận, con gái mà chỉ huy thì ra nông nỗi vậy đó! Riết rồi tao thấy tính tình của nó chẳng giống một con giáp nào trong mười hai con giáp hết. Bi kịch. Đúng là bi kịch thiệt…
- Mày thấy "bi kịch" sao hồi nãy không chịu nói? – Trung hỏi Tuyển.
Tuyển gạt ngang:
- Tánh của Như bây giờ chẳng chịu nghe ai nói đâu, chỉ thích người ta phải nghe mình thôi. Ê, tao có chuyện này nhờ tụi bay nghen…
- Chuyện gì? – Tùng hỏi.
- Mai mốt, nếu trời xui đất khiến hay số phận cay nghiệt đưa đẩy tao thương Như thì tụi bay phải kiên quyết ngăn cản và khuyên răn giúp tao nghen! Tự nhiên tao thấy sợ cái câu "ghét của nào trời trao của đó" quá! – Tuyển nói bằng một vẻ mặt đau khổ khiến cả nhóm không nhịn được cười. Tùng cười sặt sụa:
- Thôi đi mày ơi! Mày nói y như trăn trối vậy. Mày vừa nói xong là tao rùng mình ớn lạnh rồi!
- Ai mà biết được. Tao nghe người ta nói yêu là mù quáng. Rủi mai mốt tao bị mù quáng thì sao? – Tuyển vẫn còn vẻ mặt đau khổ – Người ta cũng nói: "Người đi một nửa hồn tôi mất", lúc đó tụi bay bỏ tao đi không thèm cứu thì cả đời tao mất luôn đó…
Ngọc khều Tuyển, giả bộ hạ thấp giọng:
- Bộ Tuyển đang tương tư Như hay sao mà tính xa quá vậy?
- Mô Phật! Cũng may là không phải vậy! – Tuyển chắp tay – Có ghét Tuyển thì cũng đừng nói những câu mà nghe xong đã làm Tuyển dựng tóc gáy như vậy chớ…
- Ai mà biết đâu. Tự nhiên Ngọc thấy Tuyển…
Tuyển đột nhiên cười lên hăng hắc:
- Với cái tánh của Như thì có lẽ trong lớp mình chỉ có một người chịu đựng nổi thôi!
- Ai vậy? – Cả ba ngạc nhiên.
- Là Mạnh đó! – Tuyển trả lời một cách đắc thắng, tựa như mới tìm ra một điều bí mật to lớn – Mấy người không thấy tánh của Mạnh hả? Ai đặt đâu là ngồi đó hà, chẳng bao giờ dám phàn nàn hết. Chỉ có Mạnh mới không phát điên lên trước cái tánh kinh khủng của lớp phó kỷ luật của tụi mình thôi. Mấy người thấy Tuyển nói có đúng không?
Cả bọn gật gù, không biết tán thành lời nói của Tuyển hay là đang suy nghĩ về điều Tuyển nói. Có một sự thật phải công nhận là: tánh khí của Tuyển tuy lúc mưa lúc nắng nhưng những điều Tuyển nói ra (dù chưa biết chính xác đúng hay sai), không ít người phải suy nghĩ chớ ít khi cãi lại ngay lúc đó được.
Tuy nhiên, khi ngồi trong căn phòng nóng bức, lại thiếu ghế ngồi thì hơn 40 cái đầu muốn nổ tung khi một thầy giáo lạ hoắc bước vào với một xấp tài liệu to đùng. Như đứng dậy, nói:
- Đây là thầy Nhu dạy luyện thi. Hôm nay thầy sẽ tư vấn một cách đầy đủ cho chúng ta phương pháp ôn thi đại học sao cho hiệu quả nhất…
Gần hết một buổi chiều ngồi nghe thầy giáo nói về phương pháp ôn thi đại học sao cho hiệu quả nhưng có lẽ hơn 40 cái đầu trong lớp không phải cái đầu nào cũng biết kềm nén cảm xúc một cách hiệu quả. Ngay trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm sau đó, một cánh tay đưa lên cao vút đòi phát biểu:
- Thưa cô, khoản tiền quỹ lớp sao lại hết rồi mà thủ quỹ chỉ ghi "đưa cho Như tổ chức lớp tư vấn thi đại học"?
Cô giáo chủ nhiệm ngạc nhiên:
- Từ trước đến giờ, các em vẫn tự quản lý tiền quỹ lớp của mình. Nhưng hôm nay cô cũng thắc mắc tại sao một số tiền lớn như vậy lại không công khai một cách rõ ràng? Mai, em ghi ra một cách chi tiết về khoản chi đó cho các bạn biết.
Mai đứng dậy với khuôn mặt đỏ bừng:
- Thưa cô, số tiền quỹ đó chúng em dự định đến cuối năm sẽ tổ chức liên hoan nhưng bạn Như nói là các bạn trong lớp cần… cần…
- Như, em đứng dậy! – Cô giáo quay sang Như – Khoản tiền quỹ đó em sử dụng vào việc gì? Mai, em ngồi xuống đi…
Như đứng dậy:
- Thưa cô, em thấy năm nay là năm học cuối cấp và sẽ là năm các bạn trong lớp thi đại học nên em quyết định mời một giáo sư đến tư vấn cho các bạn phương pháp học sao cho thật tốt. Bữa đó, bạn nào cũng tham dự đầy đủ mà…
- Như nói như vậy có đúng không các em? Nhưng, tại sao em không bàn trước với cô điều này? – Cô hỏi Như.
Không đợi Như trả lời, cả lớp lao nhao:
- Có ai cần làm vậy đâu? Tự nhiên làm rồi còn bắt người khác phải mang ơn…
- Bắt người ta ngồi nghe ba cái chuyện đinh tai nhức óc, vừa nóng vừa nhức đầu mà còn mất tiền nữa. Kỳ quá…
- Tưởng miễn phí chớ…
- Chuyện hôm đó dù miễn phí, tôi đã muốn nổi điên rồi huống chi bây giờ biết là không phải vậy. Tiền quỹ của lớp bộ ai cũng có quyền đem xài chắc?
Tiếng lao xao làm lớp học nhốn nháo cả lên. Quân đứng dậy nói:
- Thưa cô, hôm bữa, bạn Như chẳng nói gì trước với tụi em hết. Như chỉ nói là đến trường vào lúc một giờ. Hôm đó tụi em thực sự là có nghe thầy giáo nói về chuyện thi cử nhưng tụi em không hề được chuẩn bị trước.
Minh nói thêm vào:
- Như cứ lấy quyền làm lớp phó kỷ luật rồi muốn làm gì thì làm mà chẳng thèm hỏi ý kiến của ai. Ai không chịu làm theo thì Như lại đòi ghi vô sổ kỷ luật. Em thấy chuyện này đâu thể một mình Như quyết định, mà đâu phải ai cũng cần nghe tư vấn gì gì đó đâu…
Không hề tỏ ra bối rối, Như nói:
- Sao lại không cần tư vấn. Học làm chi mười mấy năm trời rồi không thi đại học? Như làm như vậy là tốt cho các bạn thôi…
Một làn sóng phản đối dâng lên:
- Ai kêu làm đâu mà làm…
- Hành xác người khác chớ tốt nỗi gì…
- Người ta muốn là tự động người ta tìm hiểu thôi, ai mượn…
Tuyển chồm lên nói nhỏ với Ngọc:
- Lần này, Như nó chết chắc. Đúng là… Hí hí… Tiêu đời nghe em!
Nhưng có lẽ Như không phải là người chấp nhận "tiêu đời" một cách dễ dàng. Như quay sang cất giọng uy quyền cố hữu:
- Các bạn im lặng. Hôm bữa khi các bạn nghe tư vấn như vậy chẳng lẽ không giúp ích gì cho việc định hướng trong học tập sao? Như chỉ muốn lớp mình ai cũng đậu đại học thôi…
- Ý Như nó nói mày luôn đó Tùng! – Tuyển thì thào – Nói chung là tao thấy nó cũng có ý tốt nhưng có điều là phương pháp "độc tài" quá, tụi bay hén…
Cả lớp bực bội không phải chỉ vì số tiền quỹ bị sử dụng một cách vô lý mà dường như mọi người muốn nhân cơ hội này để giải tỏa những bức xúc mà Như đã bắt mọi người phải chịu đựng từ bấy lâu nay. Từ đầu năm lớp 10, Như đã tự mình ra ứng cử chức lớp phó kỷ luật cho đến giờ. Gần ba năm, thời gian khá dài để "uy lực" của Như đủ mạnh khiến "một lời nói ra không ai dám cãi". Nói đi thì cũng phải nói lại, cũng chính nhờ "uy lực" ấy, Như mới có thể điều khiển dàn "âm binh âm tướng" một cách tương đối không mấy khó khăn bởi lớp luôn đứng đầu về thành tích "cá biệt". Lớp của Ngọc là một lớp tương đối đặc biệt. Đầu năm cấp ba, "đầu vào" toàn là những cá nhân ưu tú nên được chọn làm lớp chuyên Lý. Học thì nhiều nhưng "thành tích xấu" cũng không ít. Cứ mỗi lần lễ chào cờ đầu tuần, lớp được "vươn lên" vị trí thứ nhì… từ dưới đếm lên đã là một thành tích đáng ăn mừng bởi lớp của Ngọc luôn đội sổ trong mọi phong trào thi đua. Gần nửa năm lớp 10 thì lớp chuyên Lý có dấu hiệu rệu rã do những thành viên cá biệt kéo thành tích học tập của lớp xuống một cách đặc biệt. Hai giải pháp được trường đưa ra: một là phân chia lại lớp học, ai giỏi thì tiếp tục vào lớp chuyên, ai yếu thì vào lớp bình thường; hai là không tồn tại lớp chuyên nữa mà tập thể lớp của Ngọc sẽ là một lớp bình thường. Biện pháp cuối cùng là… kết hợp cả hai cách trên. Thế là những thành phần ưu tú được các lớp chuyên "rước" đi một cách nhiệt tình, còn những thành phần khác ở l�! ��i "kết hợp" với những phần tử từ các lớp chuyên "gởi" qua trao đổi. Lớp của Ngọc trở thành một lớp học bình thường lọt thỏm giữa một dãy lớp chuyên. Một sự kiện "gây sốc" cho không ít học sinh bởi các bạn được qua lớp chuyên thì cố tạo nên một vỏ bọc ù lì, khép kín với bạn mới bởi bị "chia cắt" đột ngột với các bạn cùng lớp. Còn cái lớp mới hình thành của Ngọc thì mặc cảm vì nhiều lý do, trong đó nổi lên nhất là lý do thua kém bạn bè trong việc học tập. Thế là một sự nổi loạn ngầm cứ lan tỏa trong lớp nên việc đội sổ trong toàn trường là điều không thể tránh khỏi. Chính lúc đó, cái "uy lực" của Như đã kéo lớp lại bởi nổi loạn thì nổi loạn song khi đụng phải cách chấm điểm kỷ luật của Như, ai cũng phải kiêng dè. Từ đó, thành tích học tập của lớp được nâng lên đáng kể, không phải do lớp phó học tập mà là do lớp phó kỷ luật. Tuy lớp vẫn còn bị đội sổ song đã tiến bộ rất nhiều so với lúc trước, nhất là tinh thần của các bạn đã trở nên bình thường trở lại. Mà lớp của Ngọc đội sổ cũng còn do nhiều lý do… khách quan. Một lần tham gia biểu diễn văn nghệ ở trường, đến tiết mục hát về người mẹ Việt Nam anh hùng, không biết hồn vía để đâu mà đến cao trào bi tráng nhất thì Thu lại toét miệng cười để lấy lòng ban giám khảo, còn khuôn mặt của Cát và Minh trong vai người mẹ tiễn con đi thì lại tươi như hoa! Khổ nỗi, đó lại là cảnh phải tạo nên sự xúc động nên trước sự vui vẻ trật chìa như vậy, ban giám khảo làm sao chấm điểm cao được? Một lần khác, trong cuộc thi "Y tế học đ! ường"! có chủ đề là "Biện pháp sơ cứu khi bị tai nạn". Với cái đầu, cánh tay bị băng bó, Tuyển đứng trước toàn trường trả lời ro ro những câu hỏi của ban giám khảo liên quan đến việc sơ cứu khi bị rắn cắn:
- Khi bị rắn cắn nơi cánh tay thì trước tiên em phải làm gì?
- Thưa thầy, em sẽ dùng một sợi dây buộc chặt phần phía trên vết cắn để nọc độc không thể lan ra chỗ khác rồi mới làm những biện pháp cấp cứu tiếp theo ạ!
- Tốt lắm!
Nghe khen, Tuyển nhà ta phỗng cả mũi nhưng có lẽ vì quá say men chiến thắng, khi một học sinh nào đó ở lớp khác ngồi phía dưới cắc cớ hỏi vọng lên: "Vậy nếu rắn cắn vào mặt thì phải cột chặt ở đâu?" thì Tuyển vẫn cầm micro trả lời hùng hồn:
- Thì lập tức phải cột chặt cái cổ lại!
Một kết thúc bi thảm! Tuyển nhận được số điểm gây sửng sốt lẫn thất vọng. Quay về lớp, Tuyển càu nhàu thằng Long:
- Hồi nãy, mày băng bó ngay đầu tao, phạm qua phần lỗ tai nên mới ra nông nỗi này đó!
Thằng Long đáp trả một cách giận dỗi:
- Biết ngay mà, nếu điểm cao thì mày nói là nhờ mày, điểm thấp là tại tao…
Hết thất bại này đến thất bại khác khiến cho việc tìm ra nguyên nhân do ai gây ra cũng chẳng còn là việc quan trọng hàng đầu nữa. Đổ thừa tại trời thì sợ trời phạt. Thế là lớp bằng lòng với câu: "Tại… mấy lớp khác chứ không phải tại mình, tụi bay hén…".
Nhưng chuyện lần này thì không thể đổ thừa vu vơ như thế được. Hơn 40 cái đầu đang rất quyết tâm tìm ra một lý do để đi đến kết luận: "Tại Như chứ không phải là tại ai hết" dù lý do của Như là "muốn lớp mình ai cũng đậu đại học". Quân đứng dậy phát biểu:
- Thưa cô, em thấy bạn Như cũng có ý muốn tư vấn cho tụi em làm bài tốt nên mới mời giáo sư gì đó đến nói chuyện. Nhưng, lý do gì đi nữa thì Như làm vậy cũng là quá đáng. Như xài tiền quỹ của lớp để dành từ đầu năm đến giờ mà không nói với lớp một tiếng nào thì đâu có được. Em phản đối…
Tường cũng thu hết can đảm đứng lên trình bày ý kiến của mình:
- Em… em thấy Như… Dạ, em thấy bạn Như…
Rồi tựa như một quả bóng xì hơi, Tường bỗng dưng ỉu xìu:
- Dạ thôi, em hết thấy Như rồi…
Cả lớp cười rộ khi Tường như người hết hơi ngồi xuống. Cô giáo khoát tay:
- Cô sẽ xem xét sự việc này đến nơi đến chốn. Tuần sau, cả lớp sẽ đưa ra quyết định về việc này, còn bây giờ chúng ta tiếp tục sinh hoạt lớp.
Cô giáo vừa dứt lời, Như lập tức lấy ra quyển sổ ghi chép của mình mà cả lớp đặt tên riêng cho nó là "sổ phong thần". Bằng một thái độ cực kỳ tích cực, Như đọc ra những lỗi lầm trong tuần của các bạn trong lớp phạm phải một cách tự tin như chưa có chuyện gì xảy ra. Tuyển thì thào:
- Tao thấy tội nghiệp cho Như quá. Tao đang hình dung nếu tuần sau mà mấy đứa tụi mình lật đổ được cái chức lớp phó kỷ luật của nó thì không biết nó sẽ ra sao. Nó là người lấy việc kỷ luật người khác để vui sống mà…
Có lẽ trời không nỡ cướp đi niềm vui sống của Như nên ngay trong lần sinh hoạt chủ nhiệm sau, mẹ của Kim với một khuôn mặt tái nhợt như hết sức sống chạy vào lớp, cất tiếng bệu bạo:
- Cô ơi cô, cô cứu con tôi với…
Cô giáo vội vàng đỡ mẹ Kim dậy, cất giọng nhẹ nhàng:
- Có chuyện gì vậy bác? Bác bình tĩnh lại nói cho cháu nghe…
- Con Kim nhà tôi, con Kim nhà tôi… – Giọng của mẹ Kim thều thào… – nó bỏ nhà đi rồi cô giáo ơi…
Cô giáo chủ nhiệm và cả lớp sửng sốt khi nghe những lời thốt ra từ miệng của mẹ Kim. Trong lớp, Kim là người xinh xắn, lại là con nhà giàu, đi học được xe hơi đưa đón. Mẹ Kim tái giá cũng một ông giám đốc giàu có và Kim sống cùng mẹ và dượng. Trong lớp, Kim hầu như không nói chuyện với ai và sức học rất khá do có gia sư dạy kèm. Không ai biết rõ hoàn cảnh của Kim bởi hầu như Kim không kết bạn với ai trong lớp. Kim im lặng từ lúc vào học đến lúc ra về. Ban đầu, cũng có một vài bạn đến làm quen song với sự im lặng kéo dài ấy của Kim, họ dần rút lui bởi sợ mang tiếng là "thấy người sang bắt quàng làm họ". Mẹ Kim thì mải mê với công việc. Người dượng thì miệt mài với những phi vụ làm ăn. Vả lại, Kim nào phải là con ruột của ông ta. Còn người bố thì cũng "lực bất tòng tâm" khi muốn bày tỏ tình thương của mình với cô con gái ruột bởi nghe đâu ông luôn thất bại trong vấn đề tài chính nên không thể giành quyền nuôi con. Mỗi khi có dịp đến nhà thăm con gái, ông luôn có cảm giác ngại ngần trước những tiện nghi sang trọng của gia đình vợ cũ. Nghe đâu, bố ruột của Kim theo một đoàn buôn gỗ lậu qua Miên rồi mất liên lạc mấy năm nay. Kim sống trong một ngôi nhà rộng lớn nhưng thiếu đi sự quan tâm đúng mức nên ít khi mở miệng nói chuyện với ai, ngay cả với mẹ của mình. Có giấy mời đi họp phụ huynh, Kim để trên bàn làm việc của mẹ, mẹ cứ coi theo ngày giờ ghi trên đó mà đi. Mẹ cũng không có gì phải phàn nàn về Kim bởi Kim luôn học khá và ít có lỗi lầm. Kim cũng chẳng thể trách móc mẹ được bởi mẹ luôn đáp ứng �! �ầy đủ những gì mà Kim cần. Trong những giờ rảnh rỗi, Kim làm bạn với những tạp chí thời trang và với phim nhiều tập. Một sự đủ đầy về vật chất mà thiếu đi sự quan tâm đúng mức về tinh thần khiến Kim có một vết khuyết trong tâm hồn. Vết khuyết ấy tạo thành một "vết rạn" về tâm lý. "Vết rạn" ấy không đủ mạnh để ai giận ai hay tạo nên một sự hờn trách nào nhưng nó tạo nên một khoảng cách ngày càng xa giữa hai mẹ con, dù thực lòng họ không muốn thế. Người mẹ như lịm người đi:
- Nó theo một thằng nào đó, tôi đọc nhật kí của nó mới biết. Không ngờ nó lại mơ mộng, lãng mạn đến như vậy… Con gái mới mười mấy tuổi đầu mà muốn sống như mấy cái chuyện tình ướt át trong tiểu thuyết. Tôi chỉ có một mình nó, làm sao tôi sống nổi khi nó bỏ nhà đi đây cô giáo ơi…
Cô giáo mắt đỏ hoe. Các bạn nữ trong lớp cũng sụt xịt. Mẹ Kim nói, giọng như lạc đi:
- Trong lớp có cháu nào biết Kim vẫn thường đi đến những đâu thì giúp cho bác với. Kim nó hay qua lại với ai ngoài trường, ngoài lớp không mấy cháu? Các cháu giúp bác với. Bác lục tung mọi vật dụng của Kim rồi nhưng vẫn không tìm ra một số điện thoại hay địa chỉ của ai hết. Sao Kim nó không ghi địa chỉ hay điện thoại gì của bạn bè hết vậy? Hay là khi đi nó mang theo? Trong lớp này ai là bạn thân của Kim vậy? Ôi, cô giáo ơi, tôi rối trí quá. Cô nghĩ cách tìm con Kim về nhà giúp tôi với cô giáo ơi…
Cả lớp nhìn nhau ái ngại bởi không ai biết gì ngoài việc Kim là một trong những bạn học tương đối khá, ít nói và con nhà khá giả. Chỉ có thế chứ không có thêm một thông tin nào khác có thể giúp gì cho mẹ của Kim. Trước những cái lắc đầu ái ngại của những bạn bè cùng lớp với con gái mình, mẹ Kim như khuỵu người xuống tuyệt vọng. Với một khuôn mặt thất thần và thân hình rũ rượi, dù đã được cô giáo chủ nhiệm xốc dậy, mẹ Kim nói như mộng du:
- Tại sao lại có thể như vậy được? Tại sao con gái của tôi lại không có một người bạn nào trong lớp thế này? Vậy bao nhiêu năm nay con tôi đi học, nó trò chuyện, vui đùa với ai? Ôi trời ơi, tại sao con tôi…
Khi mẹ Kim rời khỏi lớp và cô giáo quay trở vào, cả lớp lặng im. Một sự im lặng thật nặng nề. Dường như ai cũng có cảm giác như mình là người có lỗi phần nào trước việc Kim bỏ nhà đi bởi có lẽ không phải một sớm một chiều Kim có quyết định đó. Chắc hẳn Kim đã ít nhiều có biểu hiện gì đó, song có lẽ do sự vô tâm nên không ai phát hiện ra. Cô giáo cất giọng lặng trầm:
- Các em đang phí phạm khoảng thời gian đẹp nhất của đời người, cô thật buồn khi phải nói ra điều đó. Thời đi học là khoảng thời gian khó quên bởi nó để lại những kỉ niệm trong trẻo nhất. Đó là lúc các em có những tình bạn đẹp tuyệt vời mà khó lòng các em tìm được trong những khoảng thời gian còn lại. Thời gian này các em không phải phụ thuộc nhiều vào những lo toan của cuộc sống thường ngày, tình cảm của các em chưa bị chi phối bởi những mối quan hệ xã hội, ràng buộc của gia đình nên những tình bạn đẹp, trong sáng là một điều rất tự nhiên thôi. Nhưng cô không hiểu tại sao… – Cô giáo nói trong nước mắt – cô không hiểu tại sao các em lại như thế được. Nếu cứ theo cái đà này thì khi tốt nghiệp ra khỏi ngôi trường cấp ba này, các em sẽ còn nhớ được những gì. Không có những kỉ niệm đẹp. Không có những tình bạn đẹp. Không có gì ngoài những bài học trong sách giáo khoa. Vậy thì một vài năm sau, các em sẽ nhớ đến gì nữa không hay đó đơn giản chỉ là khoảng thời gian học để đạt được tấm bằng tốt nghiệp?
Cả lớp như đông cứng lại trước những lời cô giáo nói. Cô giáo bật khóc thành tiếng:
- Trước là trường hợp của bạn Tùng, sau đến bạn Diệu, rồi đến chuyện của Như, bây giờ thì đến chuyện của Kim. Mai mốt trong lớp của chúng ta còn những chuyện buồn nào khác nữa?… Những người bạn học ngày trước của cô, cho đến bây giờ vẫn còn liên lạc với nhau không phải vì những mối quan hệ bắt buộc phải có mà đó là sự quan tâm lẫn nhau, một tình cảm chân thành, thân thiết bên cạnh những mối quan hệ gia đình. Những mối quan hệ như vậy rất cần thiết các em à… Cô biết rồi đây các em sẽ quen biết rất nhiều người nhưng có bao nhiêu người trong số họ mà các em có thể ôn lại những kỉ niệm vui buồn, tâm sự và lắng nghe nhau thực sự?… Các em đang đánh mất những thời khắc đẹp nhất và những tình cảm như thơ, như nhạc của cuộc đời mà không hề biết…
Cô giáo còn nói nhiều, nói nhiều nữa… Một vài tiếng thút thít của các bạn nữ trong lớp.
Mười hai
Chưa bao giờ trong lớp có một tình cảm thân ái đến thế. Ai cũng có vẻ như cố gắng đối xử với nhau theo cách thức để người khác dễ chịu nhất trong phạm vi mà mình có thể. Như dạo này cũng chấm điểm kỷ luật đỡ gắt gao hơn. Hôm bữa Quân định gân cổ cãi lộn với Tuyển về cái vụ chào cờ đầu tuần, Tuyển đã làm mất mặt lớp vì cái vẻ mặt ngơ ngáo khi lên nhận lại sổ đầu bài, nhưng không hiểu sao Quân lại nhẹ giọng:
- Mai mốt để người khác lên nhận thay Tuyển đi chớ Tuyển vừa đi vừa ngó qua ngó lại, Quân thấy thế nào ấy!
Hay cái hôm Tùng lau bảng để bụi phấn bay mù mịt, Như trừng mắt bước lên định lớn tiếng nhưng không hiểu sao lại thở hắt ra, thấp giọng:
- Tùng xuống nhúng khăn lau bảng đi. Khăn ướt sẽ đỡ bụi hơn…
Nhưng cái không khí ướp hoa ướp mật đó kéo dài chưa được bao lâu thì lại xảy ra sự cố. Hạo từ bên lớp chuyên Văn qua xin phép thầy Thông được học chung giờ Văn với lớp vì hôm bữa, Hạo bị bệnh nên phải nghỉ học. Tuyển bĩu môi:
- Nghỉ học sướng muốn chết mà bây giờ còn bày đặt. Cái thằng này màu mè vậy đó, chớ như tao, sợ mất bài thì mượn tập của bạn chép lại, sợ không hiểu bài thì nhờ bạn bè giảng lại là xong chớ có gì đâu. Có phải mất bài kiểm tra đâu mà bày đặt. Tao dám chắc, nó đang có âm mưu gì đó…
Hạo "âm mưu" gì thì chưa biết nhưng trong tiết Văn của thầy Thông, Hạo phát biểu rất tích cực. Hầu hết những câu thầy Thông đặt ra, Hạo đều trả lời một cách xuất sắc. Khổ một nỗi là Hòa hôm ấy lại ngủ gục trong lớp. Mọi hôm, Hòa thỉnh thoảng cũng ngủ gục nhưng không hiểu sao hôm nay vừa ngủ Hòa vừa ngáy. Thầy Thông ban đầu còn nhìn Hòa nhìn sang nơi khác, song tiếng ngáy cứ vang vang, thầy buộc lòng phải kêu Hòa ra ngoài rửa mặt. Hòa vốn là con của một người mổ heo chuyên cung cấp heo thịt cho nguyên một khu chợ gần nhà. Hầu như đêm nào, Hòa cũng phải thức dậy từ khuya để phụ việc với cha nên việc ngủ gục trong lớp của Hòa thường được các thầy cô hơi "châm chước". Đây chỉ là chuyện nội bộ, song với những lời văn hoa cộng thêm cách nói xấu theo kiểu buột miệng của Hạo thì hôm sau, hầu như cả khối đều biết chuyện Hòa là con của một ông chủ lò mổ heo và vì "lý do nghề nghiệp" nên thường ngủ gục trong lớp. Tức hơn nữa, Hạo còn nói cả lớp luôn bao che cái chuyện ngủ gục trong lớp thường xuyên của Hòa. Hôm sau, Hạo mon men qua lớp trong giờ chơi, tiến đến gần Như và cất giọng:
- Chương trình Văn bên lớp này dễ quá Như hén. Mấy câu hỏi thầy đặt ra dễ ợt hà. Hạo học dở nhất bên lớp chuyên Văn của Hạo mà cũng trả lời được nữa kìa. Mà sao mấy câu hỏi dễ như vậy mà lớp mình không ai chịu giơ tay phát biểu, Hạo thấy lớp mình…
- Lớp mình là lớp nào? Ai chung lớp mà kêu là lớp mình? – Tùng đứng phía sau Hạo cất tiếng làm Hạo giật mình, tựa như muốn nhảy dựng lên.
- Thì dù sao tụi mình cũng từng học chung lớp chứ bộ! – Hạo nói bằng giọng kiêng dè, có lẽ vẫn còn nhớ cái lần Tùng lao vào đánh mình – Tùng lừ mắt:
- Trước thì chung lớp nhưng bây giờ đâu có chung…
Hạo vốn học chung lớp với Ngọc nhưng sau cái chuyện phân chia lại lớp thì Hạo được qua lớp chuyên Văn. Hạo tự hào về điều này lắm nên rất thường xuyên về lớp cũ nói chuyện. Với lối nói cạnh khóe, Hạo thường moi móc những chuyện không hay của người khác rồi đem ra bàn luận và Hạo chỉ thường hay nói chuyện với Như chứ không nói chuyện với ai khác trong lớp. Giữa Hạo và Tùng có một cái hố sâu ác cảm và hai người dường như chẳng thèm giấu giếm ai chuyện đó. Hạo trả lới dấm dẳn:
- Học chung một ngày cũng gọi là cùng lớp. Mà lớp này có phải của riêng ai đâu mà cấm người khác chuyện này chuyện nọ. Thiệt là…
- Thiệt là sao? Nói tiếp đi! – Tùng hất mặt nhìn Hạo.
Hạo quay sang nhìn Như có vẻ như muốn tìm một đồng minh. Như lúc này với khuôn mặt khổ sở bị "phân thân", không biết về phe nào. Một đằng là đứa bạn từ trước đến giờ vẫn thân thiết trò chuyện. Một đằng là một người Như vốn chẳng ưa gì, song lại đang đại diện cho cái gọi là "tập thể lớp". Như nhăn nhó tiếp lời:
- Thiệt không biết phải nói sao với hai người nữa. Hai người từng học chung mà sao cứ như chó với mèo vậy hả?
Như nói xong vội đứng dậy, cầm quyển tập bước ra khỏi lớp. Tùng cười khẩy nhìn Hạo rồi quay sang Tuyển đang ngồi nhơn nhơn theo dõi những diễn biến kế tiếp. Tùng nói:
- "Như chó với mèo". Tùng là mèo!
Tuyển vọt miệng ngay:
- Vậy Hạo là chó rồi. Tùng là mèo. Hạo là chó. Há há há…
Hạo đỏ mặt tía tai bật ngay ra một câu mà không lường trước hậu quả:
- Tui là chó nhưng thông minh hơn mấy người có… đầu bò.
Như một tiếng sét đột ngột giáng xuống giữa buổi trưa nắng gắt, Tuyển bật dậy. Tùng lao vào Hạo. Một trận ẩu đả diễn ra không đúng nghĩa bởi Tuyển vừa tru tréo chửi, Tùng thì đè Hạo xuống. Hạo thì kêu cứu mà theo lời Hòa nói là "như heo bị chọc tiết". Ngọc từ ngoài cửa lớp thấy vậy vội chạy vào tức thì và cố lôi Tùng ra. Tuyển đang hăng máu chửi nên khi thấy Ngọc ngăn cản thì cũng cố kéo Ngọc ra để "trận đấu" tiếp tục, để hắn có lý do tiếp tục chửi. Ngọc vùng mạnh tay nên ngã chúi vào Hạo và Tùng. Chưa định thần thì thầy giám thị bước vào. Kết quả thắng thua chưa phân định nhưng hậu quả thì Ngọc, Tuyển, Tùng đã thấy ngay trước mắt. Ngồi trong phòng giám thị viết kiểm điểm, mặt mày Tuyển ủ dột:
- Ông bà mình nói không sai mà. Cái miệng hại cái thân. Hồi nãy rõ ràng tao đâu có đánh thằng Hạo được cái nào đâu mà cũng phải vào đây viết kiểm điểm. Đúng là trời cao không có mắt mà chỉ có lỗ tai thôi hà. Bi kịch cho những người thích nói như mình thiệt!
- Gì mà bi kịch chớ? Mà hồi nãy, thằng Hạo nó nói tụi mình là đầu bò nhưng sao thầy không bắt phạt nó luôn…
Tùng ngó ra cửa, có ý chờ thầy giám thị đến. Ngọc cất giọng giận dỗi:
- Tùng còn nói nữa! Hạo bị Tùng đánh chảy máu mũi, phải xuống phòng y tế luôn kìa. Mà Tùng đã nói là không đánh lộn nữa mà…
Tùng liếm môi trả lời:
- Tại nó nói tụi mình là đầu bò. Ai mà chịu nổi chớ.
Tuyển phụ họa:
- Ừ, mình đầu bò còn đỡ hơn cái bản mặt nó. Nó không những đầu bò mà còn có óc thằn lằn nữa. Đầu bò óc bò dù sao cũng nhiều óc hơn nó. Nó đầu bò óc thằn lằn nên mới ngu ngốc qua tận hang cọp mà bày đặt nói này nói nọ! Đúng là… há há há
Tuyển đang há miệng cười tán dương ý tưởng của mình về Hạo thì thầy giám thị bước vào. Thấy vẻ mặt nó tươi rói, thầy gằn gọng:
- Dễ dàng quá các em lờn mặt. Tôi sẽ làm việc với giáo viên chủ nhiệm của các em. Tất cả nộp bản kiểm điểm rồi về lớp đi.
Cả bọn nộp bản kiểm điểm rồi về lớp mà trong bụng lo ngay ngáy về những gì mà thầy vừa nói: làm việc với giáo viên chủ nhiệm.
Mười ba
Ngọc đến lớp rất sớm,song lại thấy Tuyển và Tùng ngồi trong lớp nói chuyện có vẻ đã lâu. Vừa lúc đó, Trọng bên lớp chuyên Toán cũng lò dò bước vô nhập bọn ngồi nói chuyện chung. Trọng thấy Ngọc thì hớn hở cất tiếng:
- Ngọc rảnh thì chỉ cho Trọng những ý chính của câu tục ngữ "cái nết đánh chết cái đẹp" đi. Một lát nữa, lớp Trọng kiểm tra một tiết môn Văn rồi mà Trọng không hiểu gì cái câu này hết.
Ngọc kiên nhẫn ngồi giảng những ý chính cho Trọng nghe, Trọng lắng nghe thật chăm chú với một khuôn mặt cực kỳ chịu đựng. Một lát sau, Ngọc kết thúc với một khuôn mặt cực kỳ hiền lành và nhẫn nại. Trọng rụt rè:
- Trọng chỉ muốn biết tóm lại điều này thôi: cái đẹp có tội tình gì đâu mà phải kêu cái nết đánh chết nó?
- Há há há… – Tuyển toét miệng cười rung cả người. Bây giờ, Tuyển mới thực sự chứng kiến cái cảnh đàn gảy tai trâu ra làm sao đó. Đúng là vịt nghe sấm mà…
Nghe những câu thành ngữ được mượn để chê bai mình một cách lộ liễu nhưng Trọng không mảy may tức giận. Trọng cất giọng hiền khô:
- Ai lại đi đàn cho trâu nghe bao giờ. Vịt nghe sấm thì nó làm sao?
Nhìn khuôn mặt Trọng không có vẻ gì là "thấm" những điều mình vừa nói, Ngọc đâm ra ngán ngẩm khi phải giảng lại một lần nữa. Ngọc cất giọng:
- Chừng nào mới kiểm tra một tiết Văn hả Trọng?
- Sau giờ ra chơi.
- Vậy thì giờ chơi, Ngọc sẽ giảng lại cho Trọng một lần nữa, há…
Trọng gật đầu và xách cặp đi về lớp mình. Ngọc quay sang, nghe Tuyển chép miệng.
- Phải công nhận là me dốt[11] có mùa nhưng thằng Trọng này thì dốt Văn nguyên năm. Chậm hiểu thấy ớn luôn! – Tuyển lại thở hắt ra. Mà nói về sự chậm hiểu thì mới nói nghen, bây giờ tao no muốn ói luôn!
Tùng nhướng mắt lơ đãng đặt câu hỏi:
- Giữa chuyện no với chuyện chậm hiểu thì có gì liên quan đâu?
Tuyển chắc lưỡi:
- Tại mày không biết đó. Hồi sáng này, tao hết tiền nên phải thức dậy từ sớm tinh mơ để chạy bộ với ông chú. Khi tao hết tiền thì lúc nào tao cũng phải dậy thật sớm để chạy bộ với chú tao.
Ngọc hỏi:
- Bộ chạy bộ chung rồi chú Tuyển cho tiền hả?
- Làm gì mà dễ dàng như vậy? Chạy bộ xong, Tuyển phải mua một ổ bánh mì không rồi ngồi nhai một cách thảm hại trước mặt chú. Kế đó, chú Tuyển sẽ hỏi tại sao phải ăn bánh mì, Tuyển lúc đó sẽ nói là do hết tiền nên phải ăn bánh mì không.
- Rồi chú mày móc tiền ra cho hả? – Tùng có vẻ bắt đầu quan tâm đến câu chuyện.
- Chưa, lúc đó chú sẽ nói là thôi, đừng có ăn bánh mì không. Đi ăn phở với chú…
- Tuyển đi liền chớ gì? Ngọc biết tính Tuyển quá mà…
- Ngu sao đi liền? Lúc đó, Tuyển phải càng làm ra vẻ thảm hại hơn rồi nói: "Chú cho ăn phở bữa nay rồi mai cũng phải ăn bánh mì không nữa thôi. Để bây giờ ăn luôn cho quen miệng". Thế là chú tớ dẫn tớ đi ăn phở xong rồi cho tiền. Há há… Trăm lần như một. Mà Tuyển thắc mắc một điều nha, không hiểu sao cả trăm lần như vậy rồi mà chú Tuyển vẫn chưa rút kinh nghiệm.
- Rút kinh nghiệm để khỏi cho tiền mày nữa hả? – Tùng hỏi.
- Đâu có, rút kinh nghiệm để mỗi lần thấy tao ăn bánh mì là lập tức rút tiền ra cho mà không cần phải qua mấy công đoạn cũ nữa – Tuyển trả lời tỉnh queo – Cũng như tụi mình cũng nên rút kinh nghiệm là đối với những hạng tiểu nhân như cái thằng Hạo kia thì đừng có thèm đánh nó, để nó uống nước rồi mắc nghẹn, không phải hay hơn sao?
- Đợi nó uống nước mắc nghẹn thì tụi mình cũng tức nghẹn họng mà chết rồi! – Tùng bực dọc nói.
Dường như nãy giờ, ai cũng nói chuyện để cố quên đi những diễn biến sẽ xảy ra trong ngày hôm nay khi có giờ dạy của cô giáo chủ nhiệm. Cố tránh thì cố nhưng quay một vòng thì cũng trở về câu chuyện mà chẳng ai vui vẻ gì. Đánh nhau, một hình thức kỷ luật chắc chắn là sẽ không nhẹ nhàng sau những ngày sống trong hòa bình ngọt ngào mà lớp đang tạo nên một cách cố gắng vượt bực. Ngọc nhìn Tuyển và Tùng rồi chép miệng.
- Từ từ tụi mình tính tiếp, chắc không sao đâu. Hạo gây sự với tụi mình trước chớ bộ…
- Ai mà tin được? Cái thằng đó lúc nào cũng nói chuyện nhẹ nhàng, nhu mì trước mặt thầy cô, còn tụi mình thì có quá nhiều "phốt". Thầy cô tin tụi mình hơn cái thằng "giả nhân giả nghĩa" mới là chuyện lạ đó!
Tuyển vừa trợn mắt vừa nói trong sự tức giận pha lẫn một chút ganh tị không giấu giếm. Tùng trấn an:
- Chắc cũng không đến nỗi nào đâu. Biết đâu chuyện lạ sẽ xảy ra…
Không biết từ lúc nào Tùng tin vào chuyện lạ và thật bất ngờ, chuyện lạ đã xảy ra ngay trong lần đầu tiên Tùng khuyên Tuyển và Ngọc tin vào chuyện lạ. Và Ngọc nhận ra cái câu cửa miệng của Tùng "đuổi học thì nghỉ thôi, Tùng không sợ", Tùng đã không nói từ rất lâu. Ngọc mỉm cười, nói riêng với Tùng về điều ấy khi trống đánh vào giờ học. Tùng lặng người đi, khẽ nói: "Tùng sợ nếu bị đuổi học thì không thể gặp mặt Ngọc mỗi ngày. Nếu bị như vậy thì Tùng sẽ buồn đến chết mất"…
Trong giờ của cô giáo chủ nhiệm, cô đã kiên nhẫn lắng nghe lý do dẫn đến chuyện đánh nhau và với sự làm chứng của nhiều bạn học cùng lớp, cô giáo đã "hóa giải" mọi chuyện bằng một hình phạt tương đối nhẹ nhàng: cả nhóm phải trực sinh thay cho lớp trong vòng hai tuần. Ngay trong buổi học hôm đó, thay vì giảng bài thì cô giáo đã dành thời gian để trò chuyện cùng cả lớp. Cô giáo nói nhiều, rất nhiều, song có lẽ chính lúc này, tập thể lớp mới thực sự gắn bó với nhau chứ không phải là không khí đầy hoa đầy mật trong sự cố gắng nữa. Mỗi thành viên trong lớp cảm thấy như có một sợi dây ràng buộc với những cá nhân còn lại, một sợi dây êm đềm, bền chặt mà không tạo nên cảm giác trói buộc hay khó chịu. Cái không khí ấy dễ chịu đến nỗi, khi Tùng đưa bàn tay của mình nắm nhẹ bàn tay Ngọc để trong ngăn bàn thì Ngọc đã để yên và cảm thấy rằng bàn tay của Tùng thật ấm áp…
Một tuần sau thì Như mời cả lớp đến nhà mình ăn tiệc. Ngay cả Tùng cũng được mời. Xôi, chè, thịt gà, bánh trái… được bưng ra càng tạo nên không khí rôm rả cho buổi tiệc nhỏ. Đứng dậy vỗ tay để mọi người tập trung vào mình, Như cất giọng:
- Bắt đầu từ nay, chúng ta sẽ tập trung vào những giờ không đến lớp. Như đã bàn với cô giáo rồi, cô giáo hứa cho chúng ta mượn địa điểm là nhà của cô. Toàn bộ chúng ta sẽ đến đó, vừa học bài, vừa ôn luyện. Bạn nào không hiểu bài thì có thể hỏi những bạn cùng lớp, chúng ta sẽ vừa giúp đỡ nhau học tập vừa quản lý nhau. Các bạn có đồng ý không?
Thằng Quân toét miệng cười:
- Í cha, cũng được hén. Vậy từ đây tụi mình đều lên chức quản lý. Há há… Thú nhận với mấy người nha, Quân này đi học gần 12 năm rồi, phấn đấu dữ dội lắm nhưng chưa bao giờ được lên chức tổ phó chứ đừng có nói gì đến mấy cái chức khác, tự nhiên bắt đầu được lên làm chức quản lí. Hí hí… Trời ơi, mà lại quản lí hơn 40 người lận. Hí hí…
Niềm kiêu hãnh của Quân lam ra nhanh chóng cho hơn 40 cá nhân còn lại. Thế là trong ngày hôm sau, học trò lũ lượt kéo đến nhà cô giáo chủ nhiệm mang theo tập, vở, sách và cả những thức ăn vặt. Hòa còn đem cả một bộ lòng heo gồm tim, gan, phèo, phổi… đến để cả lớp nấu cháo ăn, nhằm có thêm sức cho việc học. Hôm thì có bạn đem đến mấy ký khoai lang, hôm thì đậu phộng, lúc thì nếp để nấu xôi, khi thì đậu để nấu chè… Ai học cứ học, ai ăn cứ ăn. Ăn rồi học, học rồi ăn nhưng lại mang lại hiệu quả khá cao vì ai cũng phát huy tối đa vai trò quản lý của mình. Khi Mẫn lỡ ngủ quên một chút vì ăn quá no thì lập tức, Hương đã gọi giật dậy kêu đi rửa mặt cho tỉnh táo. Lúc Phong bí bét môn Toán thì lập tức, cả bọn giảng giải cho Phong nghe những nguyên lý cơ bản. Ai chưa thuộc bài thì cứ ở lại học cho đến khi thuộc, đói bụng thì cô giáo chủ nhiệm cho ăn cơm. Hôm cuối cùng, cô giáo đãi cả lớp một nồi chè đậu đỏ nước dừa, cô cất giọng bùi ngùi:
- Thời gian trôi đi nhanh quá! Mới hôm nào, lớp chúng ta còn cãi nhau vì những chuyện không đâu thì hôm nay, các em không những đã biết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ mà còn biết sống trọn vẹn những tháng ngày đẹp nhất trong cuộc đời. Cô chúc các em đều thi đậu tốt nghiệp. Cố gắng lên, các em nhé…
Thay lời kết
Cả lớp đều đậu tốt nghiệp với kết quả "đáng để được ăn mừng". Trong lúc đợi kết quả thi đại học của mình, Ngọc đăng ký tham gia vào lớp xóa mù ở phường. Ngày đầu tiên khi bước vào lớp, Ngọc run bắn khi nhìn thấy những học sinh lớn tuổi hơn mình rất nhiều. Ngọc rất ngạc nhiên khi thấy Lạc – cái anh chàng giữ xe vẫn thường hay giật tóc Ngọc mỗi khi Ngọc đi ngang qua chỗ anh ta cũng ngồi trong lớp. Qua những nét chữ vụng về của những con người từng lăn lóc trong cuộc sống, nay lại bắt đầu bằng những ký tự đầu tiên, Ngọc đã rưng rưng muốn khóc khi nhận được một mảnh giấy với nét chữ viết như gà bới nhưng chứng tỏ đó là một cố gắng rất lớn, gởi cho mình: "Cám ơn cô giáo". Ngọc đã xúc động biết bao khi biết Lạc đã sớm lăn lóc kiếm sống từ nhỏ và đối với anh, biết đọc chữ là mở ra cả một thế giới rộng lớn cho mình, ngoài những lúc giữ xe cực khổ. Từ lúc đến lớp phổ cập, Lạc lúc nào cũng gọi Ngọc bằng hai tiếng trìu mến và chân thành: "cô giáo". Một niềm vui lan tỏa dịu dàng sau mỗi giờ lên lớp làm Ngọc càng mong chờ kết quả thi vào trường đại học sư phạm của mình…
… Ngọc bấu tay vào Tùng trong sân bay đông đúc, miệng như cứng lại, không thể thốt nên lời. Những giọt nước mắt cứ tuôn rơi lã chã. Tùng đưa tay lên lau những giọt nước mắt ấy, cất giọng nhẹ nhàng:
- Tùng đi học chứ có phải đi luôn đâu mà Ngọc khóc. Hôm qua thằng Tuyển với thằng Trung vui cười hớn hở khi biết Tùng đi xa.
Rồi giọng Tùng cũng nghèn nghẹn:
- Tùng không biết có quen được việc không nghe giọng của Ngọc và không gặp Ngọc mỗi ngày hay không nữa?…
Máy bay cất cánh, Ngọc ngước lên nhìn và lau nước mắt. Trên đầu, cả một khoảng trời xanh đang mở ra mênh mông…
– Hết –
[1] Thơ Nguyễn Duy
[2] Lõi của trái dứa chín
[3] Trả lại (tiếng
[4] Anh ấy
[5] Tuột xích
[6] Người miền
[7] Vô lý, vô nghĩa
[8] Huyết áp
[9] Ông bà ấy
[10] Sữa chua
[11] Me chua dôn dốt
Do you mind if I quote a few of your posts as long as I provide credit and sources back to your webpage? My blog site is in the very same area of interest as yours and my users would really benefit from some of the information you provide here. Please let me know if this okay with you. Appreciate it!
Trả lờiXóaBuying shares on the NZX
Hey! Someone in my Facebook group shared this site with us so I came to take a look. I'm definitely loving the information. I'm bookmarking and will be tweeting this to my followers! Outstanding blog and fantastic design.
Trả lờiXóaHow to use Sharesies to buy Shares