LẠC GIỮA CHỐN QUEN
Đinh Lê Vũ
Tên sách: Lạc giữa chốn quen
Tác giả: Đinh Lê Vũ
Thể loại: Văn học trong nước
Nhà xuất bản: Văn Hoá Sài Gòn
Năm xuất bản: 4-2005
Khổ: 13×19 cm
———————
Đánh máy (TVE): Venus (một số bài sưu tầm trên mạng)
Sửa chính tả (TVE): rfidquyen
Chuyển sang ebook: tovanhung (TVE)
Ngày hoàn thành: 18/8/2006
http://www.thuvien-ebook.com
Mùa lụt
Hai nhà cùng nằm trên một con phố, đối mặt nhau. Con phố bé tẹo chạy dọc song song với đường bờ sông của cái thị xã miền Trung cũng bé tẹo này, với những mảng tường vôi loang lổ, mái ngói âm dương cũ kỹ, mùa đông rêu lên xanh rì. Thị xã hiền hòa, những con phố ở đây cũng hiền hòa, âm thanh nhộn nhịp ồn ào chỉ vang lên vào những ngày nắng đẹp hoặc những đêm hội hè. Còn lại, bao trùm một bầu không khí bình yên, tĩnh lặng…
Buổi sáng, đến giờ đi học, bao giờ thằng bé cũng đứng bên này lề đường ơi ới gọi con bé. Rồi con bé, sẽ đường hoàng xuất hiện sau cánh cửa gỗ nặng ì đã lên nước đen bóng, tóc chải thẳng nếp, áo trắng, váy xanh, cặp sách sẵn sàng, chạy băng qua đường. Ngày nắng cũng như ngày mưa, hai cái bóng nhỏ xíu nắm tay nhau đến trường gần như một lệ thường ở con phố bé tẹo này. Trường ở gần nhà thôi, chỉ băng qua vài ngã ba, ngã tư là đến. Dõi theo hai cái bóng nhỏ xíu, ngộ nghĩnh là bốn con mắt ngập tràn thương yêu của hai bà mẹ. Họ cũng là bạn của nhau từ hồi còn cắp sách…
Mùa đông, những đánh mây đen nặng trĩu kéo về vần vũ trên bầu trời, loa phóng thanh cuối phố oang oang báo tin gió mùa đông bắc, con phố nhỏ bắt đầu chìm đắm trong mưa. Mưa rơi, có lúc ào ào như trút nước có lúc râm rỉ như chảy qua mặt rây, thường kéo dài đến mấy ngày liền không tạnh. Gió thổi ào ạt, lá vàng rụng đầy. Cứ mưa hai ba ngày như thế, nước sông từ từ dâng lên. Nước mưa trong phố chạy ra, cộng với nước mưa trên nguồn đổ xuống đục ngầu nhanh chóng làm thành trận lụt, bắt đầu từ con đường bờ sông, rồi kế đến là con phố có hai căn nhà đối mặt nhau. Mùa lụt bắt đầu vào tháng mười hằng năm. Nước cứ dâng lên, thoạt tiên mấp mé lề đường, rồi đến bậc thềm, từ từ lần vô nhà, tuôn vào mọi ngõ ngách. Có khi, chỉ nghe mưa rào rào suốt đêm, sáng ra thức dậy, con phố nhỏ đã thành dòng sông trước nhà. Dòng sông nước lụt đỏ nặng phủ sa, khi nước rút, để lại một lớp đất bùn đặc quánh...
Những ngày như vậy, trường hay thông báo cho nghỉ học. Mà cũng chẳng cần thông báo cho nghỉ học, hai đứa bé cũng không thể nào tự lội nước đến trường, trong lúc người lớn bận bao nhiêu là việc. Người lớn loay hoay dọn dẹp nhà cửa, trông chừng theo mực nước lên, bàn ghế, giường tủ, và cả xe Honda nữa, lần lượt được kê cao bằng một lớp gạch, hai lớp gạch rồi ba lớp… Nước lên đến đâu thì kê cao đến đấy. Còn lại, cả ngàn thứ vặt vãnh, giày dép, chai lọ cũ và muôn thứ hầm bà lằng khác lâu nay không đụng cũng được lôi ra, cái nào giữ lại thì cất đặt lên cao, cái nào không dùng nữa thì thả trôi theo dòng nước lụt. Rồi lại lấy ván ép mà chèn cửa, không cho rác rưởi vào nhà. Không ai rỗi hơi mà chú ý đến hai đứa bé. Kê một tấm phản thật cao, thật chắc chắn ở hiên nhà, thả kèm vài cái gối, mền và ít đồ chơi, trừng mắt dặn: “Ở đó chơi nghe chưa. Lội xuống vọc nước là ăn đòn đó!” là có thể yên tâm đi lo việc của mình. Hai đứa bé vốn là hai đứa bé ngoan…
Những ngày nước lụt đối với người lớn là một chuỗi cực nhọc, lo toan thì dưới mắt hai đứa bé lại là niềm vui thích tột cùng. Ngồi trên tấm phản, con bé ước ao biết bao được xắn ống quần lội tung tăng ngoài đường nước chảy, đón nhặt nhưng chiếc lá vàng trôi theo dòng nước, để nước mơn man ve vuốt bàn chân. Ngồi trên tấm phản, thằng bé ước ao biết bao được đặt chân xuống nước, lội sang bên kia đường đến chỗ tấm phản nơi con bé ngồi, cùng ngắm con phố quen thuộc bây giờ trở thành một dòng sông nhỏ với muôn ngàn hấp dẫn của một dòng sông thực thụ. Mà thật ra, thằng bé có cần gì hơn. Nó chỉ muốn được ngồi bên cạnh con bé, được nghe con bé cười khanh khách mỗi khi có vật nào đó trôi theo dòng nước bị vướng lại, được nhìn những chiếc răng sữa be bé trắng tinh và đều tăm tắp của con bé. Rồi hai đứa bày đồ chơi ra chơi. Thằng bé sẽ cầm chiếc xe hơi bằng nhựa “tin tin” lái xe chạy lăng xăng chốc chốc quay lại hỏi con bé đang chu môi thổi chiếc bếp lò và nồi cơm nhỏ xíu cũng bằng nhựa: “Có cơm ăn chưa?” Và con bé, sẽ làm như thể bận rộn lắm, đưa tay giả bộ lau những giọt mồ hôi tưởng tượng trên trán lúc đầu: “Chưa có, sao mầy mau đói quá vậy?” Rồi hai đứa sẽ nhìn nhau cười. Chỉ mới nghĩ đến chừng đó thôi, thằng bé đã thấy nôn nao. Ngồi bên này chơi một mình, nó buồn quá…
Thằng bé nhìn qua bên kia con phố, không, bây giờ là dòng sông nước lụt, hướng nơi con bé ngồi và gọi: “Nhiên! Nhiên!”. Con bé quay lại cười, vẫy tay rối rít: “Hoan! Hoan! Lội qua đây chơi đi!”. Lời rủ rê của con bé nghe mới hấp dẫn làm sao! Nó len lén thò chân xuống nước, bắt gặp ánh mắt nghiêm khắc của mẹ và tiếng nạt khẽ: “Rút chân lên nghe chưa, Hoan!”, vội vàng co chân lên, tiếc rẻ… Mặt thằng bé buồn xo. Con bé gọi mãi, thấy thằng bé không sang được, quay lại phụng phịu với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ cho con qua bên thằng Hoan chơi nhe mẹ!”. Đề nghị của con bé không được mẹ chấp thuận, mắt nó rưng rưng. Con bé ngồi buồn xo… Dòng sông bé tẹo thôi, nhưng sao ngăn cách hai đứa quá chừng…
Trong lúc con bé đang chèo chẹo làm nũng với mẹ thì thằng bé đã nghĩ ra một trò mới, và nó khoái chí với mình lắm. Nó xé giấy vở xếp luôn một lúc mấy con thuyền giấy, í ới gọi con bé: “Nhiên ơi, để tao gởi mấy chiếc thuyền này qua cho mầy nghe!”. Mặt con bé tươi tỉnh hẳn lên. Nó khum khum hai bàn tay nhỏ xíu làm loa gọi sang: “Mầy gởi thư qua cho tao nữa nhe!”. Thằng bé cuống quýt: “Ừa, ừa, tao gởi liền đây!”. Con bé lại khum khum tay: “Ừ, mầy gởi liền nhe!”. Chỉ có chừng đó thôi mà hai đứa nói qua nói lại cả buổi. Cuối cùng, mấy chiếc thuyền giấy cũng được thả xuống nước. Không chiếc thuyền nào qua được đến bờ bên kia. Nước lụt cứ chảy xuôi, cuốn trôi những chiếc thuyền giấy đến cuối đường quẹo ngang về hướng sông. Con sông lớn, nước chảy ồ ạt, không như dòng sông nước lụt nhỏ bé chảy ngang trước nhà, đã cuốn trôi đi những chiếc thuyền giấy mỏng manh cùng với những xác lá vàng tơi tả…
Có một lần, thằng bé cũng len lén lội sang bờ bên kia với con bé. Lúc đó, mẹ nó đang mím môi kê lại chiếc bàn máy may trong nhà, việc trông chừng thằng bé có phần lơi lỏng. Thằng bé nhìn quanh, không thấy ai, thò một bàn chân, rồi hai bàn chân xuống nước. Nước lụt mơn man chân nó, mát rượi. Thằng bé thả hẳn người xuống khỏi phản, từ từ men xuống bậc thềm, lội băng qua đường. Bên kia, con bé khua khua hai tay mừng rỡ, miệng không ngớt gọi: “Hoan, nhanh lên, Hoan ơi!”. Nước chỉ dâng lên đến quá đầu gối thằng bé một chút, nhưng chảy xiết. Thằng bé đã tiến sang được quá nửa đường, gần đến bờ bên kia, trông mặt nó hớn hở làm sao. Thình lình, nó vấp phải một hòn đá khá lớn nằm ngang giữa đường khuất sâu dưới nước, không nhìn thấy được. Thằng bé loạng choạng, ngã xuống ướt mèm. Con bé ngồi trên chiếc phản khóc thét lên: “!Mẹ ơi, thằng Hoan bị té!”. Người lớn chạy ra, và thằng bé nhanh chóng được đỡ dậy, mang vào nhà thay áo quần, sưởi ấm, xoa dầu khắp người. Nước lụt không sâu, nhưng khi ngã xuống, thằng bé cũng kịp uống vài ngụm, òng ọc. Sau lần đó, thằng bé bị một trận đòn nên thân đã đành, con bé cũng bị đòn vì tội “rủ rê”… Cũng may là nước lụt chỉ dâng lên vài ngày rồi rút. Sau vài trận mưa “dội bùn”, thường có sau mỗi trận nước lụt, cuốn trôi đi hết mọi rác rưởi, bùn đọng nước lụt để lại, con phố lại sạch sẽ, sáng trưng. Dấu vết của nước lụt bấy giờ chỉ còn là những vệt sẫm màu nhờ nhờ trên tường nhà, chỗ mực nước lúc dâng lên cao nhất…
*
Dòng sông nước lụt hồi còn nhỏ chỉ tạm thời ngăn cách hai đứa vài ngày rồi thôi. Hai đứa bé ngày nào lớn lên, bây giờ là cả một đại dương ngăn cách. Năm mười bốn tuổi, con bé theo gia đình đi định cư ở Mỹ. Ngày chia tay, hai đứa không còn gọi nhau là “mầy, tao”, đã bắt đầu ngượng ngùng xưng tên, nhưng vẫn quấn quít nhau như hồi còn nhỏ. Con bé khóc hết nước mắt, cuối cùng cũng đi, tặng lại thằng bé hộp bút chì màu mà nó quý nhất, để làm kỷ niệm. Thằng bé không biết làm gì ngoài việc đứng im, lặng nhìn con bé bước lên xe, không khóc, con trai lớn rồi mà, nhưng buồn lặng. Vài năm sau đó thằng bé học xong phổ thông, cũng rời xa con phố nhỏ. Hồi ức về những mùa lụt ngày xưa, và cô bạn gái nhỏ nhắn, hiền lành, có lần khóc thét lên khi mình bị ngã trong nước lụt, thằng bé vẫn mang theo, canh cánh bên lòng…
Thằng bé lớn lên, bây giờ là tôi, một chiều về thăm con phố cũ, cũng đúng vào một ngày nước lụt. Bâng khuâng ngồi trên chiếc phản gỗ trước hiên nhà, tôi cố tìm lại cảm giác ngày xưa. Dòng nước lụt làm thành dòng sông trước hiên nhà vẫn thế, đục ngầu, tôi không sao có lại được một chút hứng thú khi thò chân xuống dòng nước lụt. Nước có vẻ bẩn, trong tôi chợt thoáng lên ý nghĩ nước lụt có thể làm chân mình tối nay râm ran ngứa… Lại phải giúp mẹ dọn nhà, kê cao đồ đạc, lặp lại những công việc nhàm chán, buồn tẻ trong những ngày lụt của người lớn ngày xưa. Nhà đối diện đổi chủ, cánh cửa gỗ lên nước đen bóng vẫn thế, nhưng đóng im lìm. Tôi ước ao vô cùng, dù chỉ một lần thôi, cánh cửa kia mở ra, Nhiên xuất hiện, nụ cười rực rỡ, hai hàm răng trắng tinh, sáng bừng lên, lấp lóa…
Lâu lắm rồi, tôi mới lại về đây, buồn vui lẫn lộn… Và cũng lâu lắm rồi, tôi không được biết tin tức gì của Nhiên. Chẳng biết Nhiên bây giờ lưu lạc nơi nào. Cầu mong em có một đời sống hạnh phúc…
Thị xã cũ vẫn còn đây, bé tẹo, bây giờ trở thành khu phố cổ, điểm thắng cảnh du lịch nổi tiếng. Khách Tây có, ta có, từng đoàn người vai mang ba lô đi lang thang, nhìn nhìn, ngó ngó, thi thoảng dừng lại chụp hình. Khó có thể tìm lại cái không khí hiền hoà, tĩnh lặng ngày xưa. Con phố nhỏ bây giờ ồn ã, đầy sắc màu với những bảng hiệu lòe loẹt, dường như đang khoác lên trên mình một chút điêu toa, ngày xưa không hề có…
Có kẻ đi xa lâu lắm trở về, tìm chút kỷ niệm xưa, và mùa lụt thuở ấu thơ, lơ ngơ giữa con phố cũ trong một ngày mùa đông, lòng ngậm ngùi biết mấy…
Chọn lựa
1. Ngày đầu tiên cô đến trường nhận nhiệm sở, bố đi cùng với cô. Nhà chỉ có hai bố con sống với nhau, khi biết cô nhận quyết định phân bổ về một ngôi trường heo hút cách nhà gần cả trăm cây số, bố cứ nằng nặc không chịu để cho cô tự đi, cô năn nỉ thế nào cũng không được. Từ nhỏ đến lớn, cô chưa đi xa nhà một mình lần nào, bố không yên tâm.
Cô bới tóc cao, quầng mắt và môi tô đậm hơn bình thường một chút, cố gắng làm ra vẻ nghiêm trang, đĩnh đạc nhưng vẫn không giấu được ánh mắt trẻ con, bồn chồn. Bác bảo vệ trường nhìn cô: “Anh đến xin học cho cháu?”. Bố phải đỡ lời: “Không, tôi đưa cháu đến nhận nhiệm sở…” Bác bảo vệ bật cười: “Tôi xin lỗi, cô giáo trẻ quá! Làm tôi cứ tưởng…” Cô cũng cười, vẻ không chấp: “Dạ, không có chi, bác!”
Mọi chuyện trôi qua khá suôn sẻ. Cô được phân ở một căn phòng nho nhỏ trong khu tập thể trường cùng với các anh chị em giáo viên cũ. Thầy hiệu trưởng người tầm thước, mang kiếng cận, nói vui với cô: “Cô về đây, vậy là thầy Huyên có bạn rồi. Thầy Huyên về trước cô hai tuần, cũng độc thân như cô. Có khi sau này, hai người cảm ơn tui không biết chừng…” Mọi người cười xòa. Mặt cô đỏ bừng như gấc chín, nhưng cảm giác đầu tiên về ngôi trường đầu tiên, những người đồng nghiệp đầu tiên thật dễ chịu. Bố cô trước khi ra về, còn nói với thầy hiệu trưởng: “Cháu còn dại lắm, nhờ mấy thầy cô nhắc nhở dùm”. Không dưng cô thấy giận bố, lúc nào cũng coi cô như con nít. Thầy hiệu trưởng cười hiền lành: “Xin bác cứ yên tâm!”
2. Rồi cô cũng được gặp Huyên, người về trường trước cô hai tuần, trong bữa cơm tập thể đầu tiên. Huyên dạy Toán, nhà ở cùng thành phố với cô, ra trường trước cô hai năm, lần lữa mãi, rồi cuối cùng, chấp nhận về đây. Huyên có vẻ vui tính, dường như thân thiện với tất cả mọi người, pha trò, nói cười luôn miệng. Mọi người chọc Huyên: “Huyên nên rửa đi, chứ không thì suốt ngày cứ đi ra đi vô nhìn mấy khuôn mặt già nua này, chán chết!”. Huyên nheo mắt nhìn cô: “Cô My thấy thế nào?”. Mọi người nhao nhao: “Ghê thật, chưa chi mà đã…” Bữa cơm đầy ắp tiếng cười. Cô biết, mọi người muốn cô vui, đỡ nhớ nhà. Cô thấy mình thật may mắn, bắt đầu thấy thích môi trường ở đây.
Buổi tối, cô ngồi một mình trong phòng, loay hoay đóng mấy cây đinh treo đồ trên tường và sắp xếp sơ lại đồ đạc thì có tiếng gõ cửa. Huyên ào vô như một cơn gió, nhìn cô đầy vẻ quan tâm: “Cô My đang làm gì đó, tôi cứ sợ cô khóc vì nhớ nhà!” Cô lắc đầu: “Đâu có, anh!”, vẫn không giấu được đôi mắt sắp sũng nước. Không để cho cô kịp nhờ, anh cằm lấy cái búa, gõ gõ, đóng đóng gọn hơ. Rồi anh rủ: “Cô ra sân ngồi uống trà, đàn hát với mấy anh chị cho vui. Hồi mới tới, tôi cũng… nhớ nhà y như cô!” Cô nhìn anh, nghi hoặc, anh mà cũng nhớ nhà ư, rồi chợt nghĩ ra, anh nói vậy là để cho cô đỡ ngượng. Cô líu ríu theo anh, lòng bồi hồi. Ít ra, ban đầu, anh cũng có vẻ hiểu cô…
Cô ngủ muộn một chút, dư vị của buổi tối họp mặt đầu hôm làm cô vui vui, nhưng vẫn không xóa được những giọt nước mắt rưng rưng trên mi lúc nửa đêm trở giấc, khi cô chợt nghĩ đến bố. Bố ở nhà một mình, thui thủi trong căn nhà rộng thênh, và cô thấy thương bố hơn bao giờ hết.
3. Ngôi trường nằm trên một bãi đất rộng, chỉ lèo tèo ba dãy nhà vừa làm văn phòng, vừa làm lớp học. Ngoài sân cỏ dại mọc đầy. Chung quanh sân trường không có hàng rào ngăn cách với bên ngoài, trông giống như một trụ sở ủy ban xã hơn là một ngôi trường, càng không giống ngôi trường trong trí tưởng tượng của cô. Có cả thảy chín lớp, cô được phân công phụ trách bộ môn Văn khối lớp mười thay cho một cô giáo vừa xin nghỉ dạy vài tháng trước. Ở ngôi trường heo hút này, người ta đến và đi như cơm bữa, người lâu nhất trụ lại đây cũng chỉ gần năm năm. Cô không biết rồi mình có sẽ ở lại đây lâu không, hay là như mấy người kia, nhưng mới đầu, sống ở đây cũng không có gì là cực khổ, thiếu thốn cho lắm. “Que sera sera? Whatever will be will be?”, cô lẩm nhẩm hát một khúc hát quen một cách vô thức, thấy mình cũng không đến nỗi vô tích sự…
Giờ đầu tiên lên lớp, cô bồn chồn đã đành, Huyên cũng chạy ra chạy vô, lúc thì hỏi han, lúc thì mang cho cô mấy tài liệu liên quan, làm như thể chính anh lên lớp không bằng. Cô cảm động trước sự lo lắng thái quá của anh, anh chỉ cười: “Lần đầu ai cũng vậy hết, tôi muốn cô chuẩn bị thật kỹ để lên lớp đỡ run…” Đám học trò đầu tiên của cô có vẻ dễ thương, thích thú ra mặt khi có cô giáo mới trẻ măng. Cô nhìn đám học trò, thấy thân thuộc như thể tụi nó là em cô, bắt đầu giảng. Sau tiết học, có một đứa, trông chững chạc nhất bọn, nói với cô: “Cô dạy hay ghê, cô ở lại dạy tụi em luôn nha cô!”. Cô vui lâng lâng vì thấy học trò thích mình.
Huyên mời cô đi uống nước, tặng cô một bó hoa dại với những cánh hoa li ti trắng muốt, nói là để mừng thành công của cô. Tối hôm đó cô không ngủ được, phần thì nhớ bố, bố không có ở đây để chia sẻ niềm vui này với cô, phần thì nhớ ánh mắt ấm áp của Huyên nhìn cô, lúc anh trao cho cô bó hoa. Trong căn phòng tối, những cánh hoa trắng cô cắm trong ly nước đặt ở bàn cứ sáng bừng lên lấp lóa…
4. Thấm thoắt cô ở lại ngôi trường mới đã được hơn một tháng. Lần đầu tiên về thăm bố, nhìn bố gầy hơn, da sạm đen, cô rưng rưng nước mắt, thấy mình như có lỗi với bố. Cô ríu rít hỏi bố đủ chuyện, từ chuyện ngoài phố đến chuyện mấy nhà hàng xóm, con mèo nhà mình đẻ được mấy con. Rồi cô kể cho bố nghe chuyện cô ở trường, mắt bố lấp lánh vui khi thấy cô vui. Cô không nhắc một lời nào đặc biệt về Huyên với bố, vả lại, anh đã nói gì với cô đâu. Cô nao nao nhớ anh…
Ba ngày cô ở nhà với bố trôi qua thật nhanh, nhanh đến mức cô thấy mình chưa kịp làm được gì cho bố, đã phải xuống lại trường. Bố tiễn cô ra bến xe, nắm tay cô dặn dò: “Con nhớ giữ gìn sức khỏe. Rảnh, xin phép về thăm bố!”. Cô muốn ôm chầm lấy bố mà khóc, không đi nữa, nhưng rồi chỉ nói: “Con đi nghe bố!”. Cô không đám nhìn lâu vào mắt bố. Lúc xe chạy di, cô nhủ lòng: rồi mình sẽ về thăm bố đều…
Ba ngày ở thành phố, cô không quên có quà cho anh. Cô loanh quanh hàng giờ trước mấy cửa hàng, cuối cùng, quyết định mua tặng anh tập nhạc Phú Quang mà cô rất thích. “Người yêu ơi, dù mai này cách xa. Mãi mãi diệu kỳ là tình yêu chúng ta” Cô hình dung mắt anh sẽ rướn lên ngạc nhiên lúc nhận quà cô tặng rồi tủm tỉm cười một mình.
5. Ngày hai mươi tháng mười một đầu tiên trong đời lẫn trong đống hoa và quà tặng của học trò chất đầy trên chiếc bàn nhỏ trong phòng cô là cánh hồng nhung tươi rói được buộc quanh bằng dải nơ đỏ, không một dòng nào kèm theo. Chỉ thoáng nhìn qua, cô đã biết ngay là của ai. Huyên là vậy, luôn luôn rất chu đáo với cô. Cô nao người cảm động khi chợt nghĩ đến ý tứ thầm kín anh gởi gắm đến cô trong cánh hồng nhung. Cô đỏ bừng mặt, một mình…
Buổi tối, Huyên đưa cô đi dạo trên con đường bạch đàn ngập đầy ánh trăng phía sau trường. Anh lúng búng kể cho cô nghe vài câu chuyện vui vui về học trò lớp anh dạy, cô cười, trong mắt cô có ánh trăng lấp lánh. Rồi anh dịu dàng hôn cô dưới tàn cây bạch đàn, nụ hôn ngọt mềm và ấm. Cô biết thế nào cũng có giây phút này, cô mong nó từ lâu lắm rồi. Trong lúc khép mi mơ màng đón nhận lời tỏ tình của anh, cô đã hình dung đến một căn nhà nhỏ ở đâu đó gần trường, sân nhà trồng toàn hoa hồng nhung và những hoa dại cánh li ti trắng muốt. Một căn nhà có chồng dạy Toán, vợ dạy Văn cùng trường, những đứa con kháu khỉnh, xinh xắn như thiên thần, ông ngoại sẽ xuống đây sống chung với cháu. Cô hạnh phúc tràn trề…
6. Niên học rồi cũng qua nhanh. Anh vẫn chu đáo với cô anh làm cho cô yêu mến nghề dạy học, yêu ngôi trường nghèo nàn ở miền quê xa hút này, với những đứa học trò học đến lớp mười rồi mà hãy còn nghịch ngợm ngây ngô như con nít. Và cũng chính vì có anh, cô nghĩ là suốt đời mình sẽ ở lại đây, sẽ đưa bố lên đây cùng sống, sẽ không bỏ trường mà đi như nhiều người khác. Kỳ nghỉ hè, anh đưa cô về thành phố, ghé thăm bố cô, sửa lại giúp bố cái chái bếp sau nhà bị sập, đóng giúp ông bộ bàn ghế bị long chân. Cô thấy căn nhà nhỏ ở gần trường, trước nhà trồng đầy hoa trong mộng ước của mình thật gần và mùi hoa hồng cứ thoang thoảng, nồng ấm đâu đây…
Hết hè. Khi những tán hoa phượng ven con đường gần nhà cô bắt đầu kết trái xanh rì, cô gặp anh để hẹn ngày cùng lên trường. Trông cô thật hăm hở, cô nhớ trường, nhớ học trò. Anh nhìn cô như nhìn một người lạ. “Anh đi đày một năm ở dưới đó đủ rồi. Em cũng vậy!”. Anh nói dứt khoát, ngưng lại một chút để thăm dò, rồi tiếp: “Anh đang xin việc cho hai đứa mình ở lại thành phố. Em ở lại với anh đi!”. Cô sững sờ, anh nói cái gì vậy cà. Còn căn nhà nhỏ, mảnh sân nhỏ trồng toàn là hoa của hai người?… Cô lắp bắp: “Vậy sao anh nói…”Anh cắt ngang lời cô: “Anh có nói gì đâu”. Rồi anh ngọt ngào: “Ở lại đây với anh nha Mỹ! Dưới đó không có gì hấp dẫn tụi mình hết. Anh không muốn chôn vùi đời mình dưới đó. Anh yêu em!” Ba tiếng cuối cùng anh nói dứt khoát, gọn hơ, nghe giống như lời kết luận cho một cuộc tranh cãi chứ không phải là lời yêu dành cho cô.
Cô vật vã mất ngủ hàng tuần lễ liền. Anh nói anh yêu cô. Tận đáy lòng, cô cũng yêu anh. Cô biết mình không thể sống thiếu anh, và anh, hình như cũng vậy. Bỗng dưng, cô nhận ra một điều trước đây mình chắc chắn bỗng trở nên mong manh quá. Anh yêu cô, có thật vậy không? Đầu óc cô quay cuồng với câu hỏi này. Cô cố làm ra vẻ tươi tỉnh với bố nhưng hình như bố biết hết…
7. Ngày cô ra bến xe xuống lại trường, Huyên không ra tiễn cô, dù cô đã báo tin cho anh. Bố đề nghị: “Để bố đi cùng với con xuống dưới đó chơi vài ngày, xem con ăn ở thế nào. Ở thành phố hoài, tù túng quá!” Cô nghĩ, bố đi vì thương cô, sợ cô buồn. Bố tuyệt nhiên không hỏi một lời nào về Huyên và cô biết ơn bố về điều này.
Ngôi trường vẫn vậy, cô vẫn ngày ngày hai buổi lên lớp, ngoài giờ dạy, vùi mình trong phòng. Mọi người trong trường nhìn cô ái ngại, càng làm cho cô thấy quyết tâm, mình không thể bỏ trường mà đi, vì chuyện của Huyên. Bố ở chơi độ một tuần rồi về thành phố thu xếp lên ở hẳn với cô. Bố nói: “Bố thấy thích vùng quê yên tĩnh này”. Học trò ngày nào cũng đến chơi với cô, hồn nhiên đến ngây ngô, làm cô thấy nỗi buồn trong cô sao bé nhỏ quá chừng. Chung quanh còn nhiều việc đang chờ cô, nhiều người đang cần cô. Cô tự nhủ: mình không thể nào bị cuốn đi bởi nỗi buồn bé nhỏ như thế…
Gần nửa học kỳ trôi qua. Huyên không một lần đến thăm cô, không hề viết cho cô một dòng, dù anh biết, cô vẫn ở đây, ngôi trường nơi hai người đã gặp nhau. Căn phòng dành cho anh vẫn để nguyên, mọi người hy vọng, ít ra, anh cũng sẽ một lần trở lại. Có mấy lần cô bước ngang qua phòng anh ở ngày xưa, tần ngần, rồi lại quay đi. Kỷ niệm, tiếng cười ấm áp của anh vẫn đầy ắp trong lòng cô. Cô biết, mình không dễ dàng quên được anh. Một buổi chiều, thầy hiệu trưởng nhờ cô vào dọn dẹp căn phòng của Huyên, trước khi nhường lại cho một giáo viên khác sắp về. Lẫn trong một ít sách vở cũ, vài xấp bài tập học trò chưa chấm anh để lại, bụi phủ đầy, cô tìm thấy tập nhạc Phú Quang cô tặng anh ngày xưa. Cô nhớ lại bài hát mình thích. “Người yêu ơi, dù mai này cách xa…” Anh và cô đã cách xa nhau thật rồi. Trong con đường anh chọn, không có chỗ cho cô bước cùng. Cô không ân hận về quyết đã không ở lại thành phố với anh. Cô biết ở đây, mình cần thiết như thế nào. Cô mím môi, dặn mình đừng buồn nữa, nhưng sao lòng cứ rưng rưng, muốn khóc…
Đám cưới Hà Nội
Lũy gởi cho tôi cái thiệp cưới đỏ chót ghi mời “An và bạn gái”, ngoài bì có hai chữ “L-T” lồng vào nhau bay bướm, kèm theo là mấy dòng thư: “Tài chính eo hẹp quá tao không tổ chức cưới ở Đà Nẵng được, mầy thu xếp ra Hà Nội dự đám cưới tao, rủ Hoa đi thì hay quá. Bạn bè tao chỉ còn có mình mầy, cố gắng thu xếp ra. Trang cũng mong mầy lắm”. Trang, vợ Lũy, là dân Hà Nội, tôi gặp trong vài lần Trang theo Lũy về Đà Nẵng thăm quê chồng. Tôi đọc thư Lũy, tự nhiên buồn buồn, tội nghiệp cho thằng bạn thân của tôi quá, rồi không lý giải được vì sao mà thấy tội nghiệp. Lẽ ra cưới vợ phải vui chớ! Tôi hỏi Hoa: “Em có cùng đi với anh?”. Hoa im lặng, đắn đo một chút rồi lắc đầu: “Công việc ở cơ quan em cuối quý bận lắm, chắc là không được đâu”. Hoa đã nói vậy, tôi không thêm một lời nào, chợt nghĩ: lại phải đi một mình, như lâu nay vẫn ở một mmh, ăn cơm bụi một mình, đi mua sắm một mình… Hoa luôn nói yêu tôi và tôi cũng tin như vậy, nhưng rồi thấy mình hình như không chắc chắn với mình lắm. Tự hỏi: Không biết có phải là tại mình đang già đi, đang trở nên khó tính và lẩm cẩm quá không?
Hoa tiễn tôi ra sân bay: “Anh ra đến nơi nhớ phone về để em yên tâm. Khi nào về báo trước để em đi đón”. Tôi gật đầu: “Ừ!”, thấy chùng lòng vì vẻ chăm sóc ngọt ngào của Hoa. Buổi sáng tháng ba, trời Đà Nẵng ấm và đầy gió. Hoa dặn: “Hà Nội chắc lạnh lắm đây, anh nhớ choàng khăn choàng cổ” rồi dúi vào tay tôi một thỏi chewing-gum, cái thứ kẹo dai nhách và nhạt phèo. Tôi vẫy tay Hoa bước vào phòng đợi, thấy người trống rỗng, không buồn không vui, chẳng hề giống như mọi lần khác tạm biệt nhau.
***
Hà Nội đang có gió mùa đông bắc, tôi xuống sân bay, choàng vội chiếc khăn choàng của Hoa xếp vào túi xách trước khi đi, vẫn cứ phải co ro người. Tuyền đón tôi ở cổng ga đến: “Anh Lũy bận quá, nhờ em đi đón anh”, rồi huyên thuyên giới thiệu: “Em là bạn thân của Trang. Anh Lũy chỉ đưa em xem ảnh của anh, vậy mà lúc anh vừa bước ra, em đã nhận ra anh ngay”. Tôi cười: “Công nhận Tuyền tài ghê, mình phục đấy! Phải nhờ vả Tuyền thế này, phiền quá! Mình nghĩ mình tự về cũng được mà”. Tuyền phụng phịu: “Anh mà nói thế, em giận đấy. Anh Lũy bảo với em, anh ra Hà Nội lần đầu”. Tôi chợt thấy chột dạ: hình như Lũy đã khai báo hết về tôi cho cô bé này nghe rồi, định bụng về gặp sẽ hỏi tội Lũy. Rồi lại thấy: Đúng là con gái Hà Nội, tự nhiên thật!
Tuyền chụp lên đầu tôi cái mũ chạy xe mô tô, đưa chìa khóa xe cho tôi, bảo: “Anh đèo em!”, rồi xăng xái: “Anh đưa túi xách cho em”, tự động ngồi lên xe, ôm choàng lấy hông tôi như đã quen thân từ lâu lắm. Suốt đường đi, Tuyền cứ ríu ran hỏi chuyện, chuyện gia đình, chuyện công việc, hóa ra Tuyền rành rẽ về tôi nhiều hơn tôi tưởng. Tôi cười: “Anh chả biết gì về em, trong khi em rõ ràng lý lịch của anh quá. Như vậy là không công bằng chút nào cả”. Tuyền cũng cười, đưa nắm đấm vào lưng tôi: “Anh sao vội quá, từ từ đã, lo gì”, rỗi bâng quơ hát nho nhỏ sau lưng tôi: “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng…”, giọng hát đầy và ấm. Gió cứ thổi vun vút bên tai tôi, những hàng cây lá vàng lấp lóa lướt qua, và tôi băn khoăn tự hỏi không biết có phải là cây cơm nguội không mà lá vàng quá thể…
***
Lũy ôm lấy hai vai tôi, lắc lắc: “Trời ơi, tao mong mầy quá chừng”, quay sang Tuyền: “Em lên đón, có nhận ra nó ngay không?”, Tuyền nghiêng đầu nhí nhảnh: “Em chỉ nhìn qua là biết ngay”, rồi cười: “Em trao trả bạn anh còn nguyên, không sứt mẻ gì hết nghe! Xong nhiệm vụ rồi, em về đây!”, quày quả quay ra cổng. Tôi nói với theo: “Anh cảm ơn Tuyền nhiều nhe!”. Tuyền ngoái đầu lại nhìn tôi nheo mắt. Tôi hất hàm hỏi Lũy: “Bạn Trang đấy à?”, Lũy gật đầu: “Ừ, bạn thân đấy! Mầy thấy sao?”, không đợi tôi trả lời, lôi tôi vào nhà, than thở: “Bận ngập đầu luôn, tao cư ước giá có mầy ở đây giúp tao một tay”. Tôi cười trêu Lũy: “Cưới vợ, sướng muốn chết rồi, còn than thở nỗi gì hả?”
Ba mẹ Lũy đã ra đây từ mấy ngày trước để lo đám cưới cho cậu con trai út, có cả vợ chồng chị Liên, chị gái Lũy, cùng ra. Anh Hải, chồng chị Liên, cười chào tôi: “Lũy coi như xong rồi, bao giờ thì đến lượt An đây?”. Tôi làm ra vẻ hiền lành: “Ai mà thèm ưa em!”. Chị Liên sà vào góp chuyện: “Đàn ông con trai nói chuyện có một sách, chán thật. Như anh Hải ngày xưa, sắp cưới chị đến nơi rồi mà ai hỏi cũng cứ trả lời y như em. Chị là chị hiểu lắm?”. Anh Hải đưa tay dí trán chị Liên: “Em chỉ toàn nói xấu anh không à!”. Chị Liên “xí!’ một cái, nghe dài giọng: “Xin lỗi nha, lỡ nói tốt cho người xấu”, rồi làm bộ “í quên” làm cả nhà cười ồ…
Mẹ Lũy chào tôi vồn vã: “Mới ra hả con, mấy ngày nay thằng Lũy mong con quá trời”. Ba Lũy vỗ vai tôi, thân tình: “Ngày mai, con đi họ với gia đình bác nghe!”. Tôi suýt than trời: “Còn gì là đời trai của con nữa!”, chợt nghĩ: Đây là chuyện nghiêm chỉnh của người lớn, không đùa được, bèn gật đầu: “Dạ!”. Lũy cười với tôi: “Mầy không sợ lẻ bạn đâu, tao đã nhờ Tuyền đi với mầy rồi. Hay là tận dụng cơ hội này ở lại Hà Nội luôn với tao đi”. Rồi làm như chợt nhớ ra, Lũy hỏi: “Sao mày không rủ Hoa cùng ra?”. Tôi cười buồn: “Hoa nói là bận việc cơ quan!” Lũy ái ngại: “Có chuyện gì không ổn hả?”. Lũy vốn là đứa tinh ý, tôi biết mình sẽ không giấu được Lũy điều gì, nhưng cũng không biết mình sẽ kể Lũy nghe điều gì. Thật sự, Hoa cũng không có gì đáng trách, dường như nỗi buồn trong tôi là do tôi nghĩ ngợi mà ra, Hoa có can dự gì đâu.
***
Buổi tối, xong hết việc, Lũy lấy xe đưa tôi đi lòng vòng các phố. Hai thằng cứ chạy quanh, không mục đích, không ai nói với ai tiếng nào. Chúng tôi đi ngang qua hồ Gươm, nhìn những chiếc ghế đá ven hồ đầy các cặp tình nhân ôm nhau, ngang qua các phố Hàng Bài, Hàng Gai buôn bán sầm uất. Lũy đột ngột lên tiếng: “Ngày mai, tao gỡ mác độc thân rồi, hết còn được bay nhảy. Trang hiền lắm, thương tao lắm!” Tôi vẩn vơ nghĩ ngợi: Tại sao Lũy nói “Trang thương tao lắm” mà lại không nói “tao thương Trang lắm”?, chợt nhận ra rằng trong đời sống, dù niềm vui có lớn đến đâu thì dường như bên trong nó vẫn chứa đựng những điều không trọn vẹn khó nói. Tôi đột ngột vòng hai tay ôm lấy ngang hông Lũy, thật chặt, trước đây tôi chưa từng làm thế bao giờ, mơ hồ cảm nhận một cảm giác không rõ ràng như thể mình sắp có một mất mát lớn lắm. Rồi lại thấy mình vô cùng lẩm cẩm, mai mốt rồi cũng có ngày tôi lấy vợ thôi, như Lũy hôm nay. Tôi nhớ đến Loan, đến Cẩm, đến Phượng, những cô bạn gái không thành trước đây của Lũy, mơ màng nghĩ chắc các cô sẽ buồn lắm đây khi nhận được tin từ đây Lũy sẽ mãi mãi thuộc về một người, suốt đời…
Lũy lên tiếng: “Khuya rồi, mình về đi”, chở tôi đi ngược lại những con đường cũ về nhà Lũy. Lũy phóng xe ngang qua một con phố hai làn đường, ở giữa có bồn cây thật rộng, những vòm lá đan dày với nhau. Tôi xuýt xoa: “Đẹp ghê há?”. Lũy gật đầu: “Ừ, phố mới, phố Liễu Giai đấy! Có bồ, dẫn đi dạo ở phố này thì không gì bằng”. Tôi nghe Lũy nói, da diết ước ao giá có Hoa ở đây rồi tưởng tượng ngày mai, trong lễ cưới Lũy, họ nhà trai có tôi với Tuyền làm thành một cặp, vô cùng xứng đôi vừa lứa, buồn bã tự hỏi: sao lại không phải là với Hoa? Tôi biết sau này, dù Hoa có coi cuộn băng vidéo quay lại đám cưới Lũy, hay có xem ảnh đám cưới, Hoa cũng không thèm ghen đâu, tính Hoa không thích ghen vặt. Hoa vẫn từng nói anh muốn đến thì đến, muốn đi thì đi em không giữ anh đâu, bởi có giữ cũng không được, gượng ép lắm. Hình như Hoa chưa bao giờ sợ mất tôi
***
Suốt đám cưới, Lũy lôi tôi đi khắp nơi, giới thiệu với ba mẹ, họ hàng của Trang: “Đây là bạn thân của con, mới từ Đà Nẵng ra” và với bạn bè Trang: “Bạn của anh, anh vẫn thường kể đấy, từ Đà Nẵng ra đây với anh”. Ba mẹ Trang trầm trồ: “Ồ, quý hóa quá, anh không quản đường xa”. Mấy cô bạn của Trang thì thầm thì: “Anh Lũy có bạn thân ghê nhỉ!” làm tôi cứ luôn ở trong tâm trạng lâng lâng, nửa sung sướng, nửa ngượng ngùng. Tuyền nói cười luôn miệng, tôi bất giác nghĩ: Chắc Tuyền không biết buồn bao giờ. Tuyền lúc thì lôi tôi giới thiệu với đám bạn này, lúc thì đám bạn kia: “Bạn thân của anh Lũy đấy, từ miền Nam ra đấy!”. Anh Hải gọi tôi ra một góc nói nhỏ: “Tao thấy con bé bạn của Trang chịu mầy lắm rồi, tính tới luôn đi, lấy vợ Bắc kỳ với thằng Lũy nhà này cho vui” rồi nhìn cái vẻ mặt lừ khừ của tôi, văng tục: “Anh thấy mầy bờm bỏ mẹ, chả trách!”
Lúc nhà trai sắp lên xe, nhà gái bịn rịn tiễn cô dâu, Tuyền hỏi tôi: “Khi nào anh vào Đà Nẵng lại?” Tôi nghĩ trong đầu: Xong đám cưới rồi, còn ở lại làm gì nữa, Lũy nó không cần mình nữa rồi, buột miệng: “Ngày mai”. Tuyền chép miệng: “Sao anh vào sớm thế?”, vồn vã mời: “Nếu anh còn thời gian, anh nói anh Lũy với Trang đưa lên nhà em chơi”. Tôi hờ hững: “Ừ, nhưng anh không hứa chắc, em đừng chờ”, nhận ra mình hơi bất nhẫn: “Tuyền có số phone, cho anh xin, hôm nào anh sẽ gọi điện ra thăm”. Tuyền hăm hở ghi cho tôi số phone, luôn mồm dặn: “Anh nhớ nhá! Đừng quên nhá!”. Tôi cầm lấy số phone Tuyền đưa, nghi ngờ không biết khi nào mình mới gọi cho Tuyền được đây…
Lũy hỏi: “Sao mấy về sớm quá, không không ở lại lên Sa Pa chơi với vợ chồng tao, đi chợ tình cho biết”. Tôi đã ước ao từ lâu được có một chuyến đi Sa Pa, nhưng rồi tự nhủ: Chỉ tổ tủi thân thêm, lắc đầu: “Không được đâu, cơ quan tao dạo này bận lắm” với vẻ mặt vô cùng tiếc rẻ. Lũy xăng xái: “Ngày mai, tao sẽ book vé máy bay cho mầy, nhờ mầy đưa Tuyền đi chợ sắm ít quà về Đà Nẵng”. Tôi xua tay: “Thôi khỏi, đừng làm phiền Tuyền nhiều quá”, chợt nhớ khi book vé xong, phải gọi điện thoại về báo ngày giờ bay để Hoa đi đón, vả lại, nhờ một cô gái đưa đi mua quà để tặng một cô gái khác là điều khốn nạn không gì bằng. Rồi lại thấy, suy cho cùng, tôi cũng giống như Lũy thôi, chuyến đi Hà Nội ăn cưới Lũy như thế này là đã bay nhảy lắm rồi, tôi sắp phải trở về với cuộc sống thường nhật của tôi, mà sao chưa bao giờ Hoa có cái niềm tự hào vô tư đưa tôi đi giới thiệu với bà con, bạn bè như vậy để tôi có được cái tâm trạng như trong đám cưới Lũy, cứ thấy lâng lâng, nửa sung sướng, nửa ngượng ngùng…
Về Phố
Dễ thường, chị xa phố đã gần mười năm. Ngày chị đi, phố vẫn còn ngủ yên, không như bây giờ, là khu du lịch phố cổ nổi tiếng, khách tây, khách ta luân phiên ra vào nườm nượp. Lúc đó, Quỳnh hãy còn nhỏ lắm, ngày cưới của chị, vẫn bộ váy xanh áo trắng đồng phục đi học thường ngày, tay còn lấm đầy mực xanh, chạy lăng quăng quanh xóm khoe: “Đám cưới chị tao, anh rể tao từ Mỹ về nhe, mai mốt chị tao qua Mỹ ở luôn!” trước những cặp mắt thán phục của tụi bạn cùng xóm. Đâu biết lần đó chị đi là suốt những đêm tiếp sau, Quỳnh ôm gối khóc vùi vì thiếu hơi mồ hôi nồng nồng của chị, cái giường hai chị em vẫn ngủ chung bỗng rộng thênh thênh… Và suốt khoảng thời gian từ một con bé chuyển thành thiếu nữ, Quỳnh chẳng có chị để thủ thỉ chuyện này chuyện nọ mỗi lúc đi học về, thư của chị thì họa hoằn mới nhận được, chỉ toàn là chuyện chồng con và nỗi nhớ của người xa phố. Phố trong tiềm thức của chị, với những nếp nhà cũ kỹ, mái ngói âm dương đọng rêu xanh rì, chiều chiều có tiếng rao lục tàu xá khàn khàn đầu ngõ, kèm theo tiếng mõ khua lốc cốc… Không phải phố của bây giờ, hàng ăn, hiệu vải bảng hiệu kẻ chữ lòe loẹt, ồn ả, náo nhiệt…
Quỳnh tròn mười tám tuổi và nhận được tin chị về thăm. Tin một người từ Mỹ về đối với phố bây giờ không còn là tin sốt dẻo như cách đây mấy năm nữa, khi thông thương còn khó khăn và cuộc sống còn cực khổ. Cả nhà Quỳnh nôn nao và tự nhiên Quỳnh thấy thương chị hơn bao giờ hết, một thứ tình cảm dường như âm ỉ trong Quỳnh từ nhỏ mà Quỳnh chưa hề nhận ra. Quỳnh suốt ngày kể chuyện về chị đến nỗi Thông phát gắt lên: “Lúc nào cũng chị, Quỳnh làm như chỉ mình Quỳnh là có chị.”. Quỳnh không thấy giận Thông, Thông làm sao hiểu được Quỳnh chỉ có mỗi mình chị. Ba đi làm xa cả tháng mới về, mẹ buôn bán suốt ngày ngoài chợ, chị là cả một thời thơ ấu của Quỳnh…
Rồi chị cũng về đến phố, vào một ngày trời chớm mưa, những giọt mưa hòa lẫn với những giọt nước mắt tủi mừng hạnh ngộ trên má chị. Mẹ ôm lấy vai chị, nghẹn ngào: “Con tôi…” rồi nức nở. Ba vui lắm, mấy năm gần đây ba không được khỏe, lập cập huơ huơ chiếc gậy cầm tay trên nền gạch: “Hai đó hả con?”. Chị vùi mặt vào vai mẹ mà khóc. Chỉ có Quỳnh, một mình đứng đó, ngỡ ngàng không thốt được một lời. Chị đấy sao, một người phụ nữ trung niên trắng mập, sang trọng đến xa lạ? Đến khi chị quay lại nhìn Quỳnh, đôi mắt ánh lên vẻ yêu thương một cách buồn rầu, chị thầm thì gọi Quỳnh: “Cún Con!” thì Quỳnh nhận ra chị ngay, chị của Quỳnh thật đây rồi. Bỏ qua những năm tháng cách biệt, bỏ qua hàng rào lối sống ngăn cách, chị lại là chị của Quỳnh ngày xưa, của những ngày cả hai chị em từng lóc ngóc ngồi chờ một tiếng rao lục tàu xá khàn khàn quen thuộc, chén lục tàu xá ngòn ngọt thơm lừng, vét sạch chén vẫn chưa đã thèm…
Chị không về một mình, theo chị là thằng Cún Con gần ba tuổi, mắt tròn xoe, miệng ngọng nghịu mấy câu tiếng Anh chưa rõ lời. Chị ngượng ngùng phân trần: “Hai đứa lớn đi học, con dẫn thằng nhỏ về cho biết phố. Nó không biết nói tiếng Việt.” rồi giải thích: “Con gọi nó là Cún Con để đỡ nhớ dì Út.”. Quỳnh nghe mắt mình cay cay, trong Quỳnh đang lan tỏa một thứ tình cảm ruột rà ấm áp. Bất giác, Quỳnh đưa tay vẫy vẫy thằng bé: “Lại đây chơi với dì Út, Cún Con!” để được đáp lại bằng một ánh mắt dè chừng, sợ sệt. Tự nhiên Quỳnh thấy buồn, thằng bé là con của chị Quỳnh, là cháu ruột của Quỳnh, hoàn toàn không phải là người của một thế giới xa lạ nào khác, sao nó lại không giống Quỳnh và chị, lại chẳng nói chung một thứ tiếng nói của Quỳnh và chị, của bà con nội ngoại. Quỳnh không hình dung được trong ngần ấy năm chị đã xoay xở như thế nào để tồn tại, chợt thấy đau lòng kinh khủng, mà không thể diễn tả được rạch ròi những điều đang xảy ra trong đầu mình…
Chị đòi Quỳnh đưa chị đi khắp nơi, thăm bạn bè cũ, luôn mồm hỏi thăm chỗ này chỗ nọ, người này người kia, ai còn ai mất… để rồi Quỳnh thấy chị như buồn hơn, trầm tư hơn. Chị đến thăm ngôi trường ngày xưa chị học, bây giờ cũng là trường của Quỳnh, nhưng chẳng tìm được người quen. Thầy Bách dạy Hóa, cô Tươi giám thị qua đời cách đây vài năm, các thầy cô khác người thì đã nghỉ hưu, người đã lưu lạc phương nào. Chị mừng đến phát khóc khi bắt gặp chiếc ghế đá cũ dưới hàng dương trước mặt cột cờ giữa sân trường, ngày xưa, giờ ra chơi chị hay ngồi hóng mát, nghe tiếng lá dương rì rầm trong gió, tiếc bây giờ hàng dương không còn, thay vào là mấy cây bàng uy nghi, sừng sững… Chị đi chợ với Quỳnh, gặp một chị bạn cùng lớp cũ đang bán hàng, ôm chầm lấy nhau giữa chợ không kể bộ áo quần lấm lem luốc của chị bạn. Hai người ríu ra đủ thứ chuyện, thật vui, và Quỳnh ngồi đó nghe hai chị nói chuyện, tự hỏi mười lăm, hai chục năm sau, Quỳnh và một đứa bạn nào đó của Quỳnh gặp lại, có sẽ như thế này… Đứa bạn đó chắc chắn sẽ không thể nào là Thông, Thông vốn không thích những trò mà Thông cho là tình cảm nhăng nhít. Không dưng, Quỳnh thấy buồn, nỗi buồn không nguyên cớ mà có thật, cố nén một tiếng thở dài…
Phố vẫn thế, vẫn những nếp nhà cũ kỹ, mái ngói âm dương đọng rêu xanh rì, bây giờ hàng quán nhiều hơn, nhưng không còn là của ngày xưa. Chị dẫn Quỳnh đi quanh, cố tìm một gánh lục tàu xá nhưng không thấy. Ông lão bán lục tàu xá già yếu lắm rồi, đã nghỉ bán từ lâu. Cả bà lão hay gánh xí-mà ngang qua nhà, hồi nhỏ ít tiền, chị hay nhường cho Quỳnh, phần mình chờ Quỳnh ăn xong vét chén, mới hay là từ lâu bà lão đã không còn. Cuộc sống chung quanh bây giờ có nhiều điều xao động quá, đến chén xí-mà của tuổi thơ cũng bị Quỳnh lãng quên thì làm sao mà bà lão không bị người đời quên lãng. Chị chép miệng: “Hồi nhỏ thì không có tiền, bây giờ định bụng về ăn cho đã thì mới biết nhiều thứ đã không còn. Thế thì làm sao Cún Con của chị biết phố.”. Cún Con, sau một thời gian theo bà ngoại, đã biết vòi dì Quỳnh, bập bẹ mấy câu tiếng Việt ngọng líu, lơ lớ, đã dám ra ngõ chơi với tụi nhỏ hàng xóm, cũng đùa giỡn, la hét ì xèo. Quỳnh nhìn vào mắt chị, tưởng không còn niềm vui nào lớn hơn…
Chị hay rủ Quỳnh đi dạo quanh phố lúc gần nửa đêm, chính lúc nửa đêm chị mới tìm được phố của mình. Phố trong đêm, là những đường nét gân guốc, huyễn hoặc dưới bàng bạc ánh trăng, luôn gợi lên vẻ u hoài, trầm mặc. Không còn tiếng mõ khua lốc cốc của những hàng quà rong bán dạo trong đêm, phố dường như im ắng hơn. Chị mua bánh mì chả, hai chị em vừa đi dạo loanh quanh phố vừa nhấm nháp… Quỳnh nhớ hồi chị mới lớn, buổi tối đi đâu về, chị cũng đem về cho Quỳnh mấy miếng bánh mì chả thơm giòn, béo ngậy. Ngày đó, chị không xinh lắm nhưng có duyên, môi hồng, mắt sáng long lanh và tóc như mây. Quỳnh còn nhớ anh Phong bên cạnh nhà vẫn thường hối lộ bánh cho Quỳnh để được làm quen với chị… Suốt những cuộc chuyện trò của hai chị em, chị không hề nhắc đến một cái tên con trai nào nhưng có lần Thông đến rủ Quỳnh đi chơi bị Quỳnh từ chối làm Thông dằn dỗi bỏ về, chị đã buồn buồn với Quỳnh mà rằng: “Chỉ có những tình cảm thời học trò là chân thành, là đẹp nhất, em cố mà nâng niu, kẻo sau này chẳng bao giờ tìm lại được.”. Ôi, chị của Quỳnh, chị về thăm phố có hơn tháng, Quỳnh chỉ có ý muốn thời gian này dành hết cho chị…
Thấm thoát, chẳng mấy chốc đến ngày chị đi. Cún Con lúc này đã bám đòi bà ngoại nhiều hơn mẹ, chị bịn rịn dắt con lên máy bay mà mắt rơm rớm. Cả nhà Quỳnh cũng không ai kìm được nước mắt, xem ra cuộc chia tay lần này còn nặng nề hơn lần chị đi lấy chồng. Sau chuyến về thăm phố, chị phải quay trở về với cuộc sống thường nhật, bổn phận làm người của mình bên kia bờ đại dương, mà sao Quỳnh thấy cái cuộc sống tha hương của chị cô đơn, nghiệt ngã quá. Sẽ cứ êm đềm mà bức bối như thế, rồi có qua đi một kiếp người?
Thông cũng theo Quỳnh ra sân bay tiễn chị. Lúc máy bay cất cánh cũng là lúc Quỳnh, mặt nhòe nhoẹt nước mắt, từ từ khuỵu xuống trong cánh tay vững chải của Thông…
1. Anh tình cờ bắt gặp những dòng làm quen trên internet: “Có ai là người Hội An không? Tôi là một người Hội An xa quê. E-mail cho Đông Nguyên theo địa chỉ: dongnguyen@hotmail.com“. Anh vốn không phải là người mặn mòi cho lắm với những trò làm quen trên báo, trên mạng máy tính nhưng không hiểu sao, có một cái gì như níu anh lại khi đọc những dòng làm quen này. Ừ, thì có thời anh cũng là người Hội An xa quê, ở xa mà gặp một người đồng hương là mừng muốn chảy nước mắt. Anh hình dung Đông Nguyên có nét thật giống anh ngày xưa. Ở một nơi xa, không bạn bè, không họ hàng, với những người không cùng tiếng nói, phong tục, và xa lạ, quả là một cực hình.
Anh gởi e-mail cho Đông Nguyên: “Có một thời, tôi cũng là người Hội An xa quê. Nhưng may mắn làm sao, bây giờ tôi đã trở về. Tôi ba mươi tuổi, xin được phép gọi Đông Nguyên là em vì chắc em nhỏ tuổi hơn tôi. Hân hạnh được làm quen với em.”. Anh còn nhớ lần đầu tiên anh gởi e-mail cho Đông Nguyên là một Chủ nhật đầy nắng, giữa lúc anh đang chèo queo ở nhà vì không tìm ra được bạn uống cà phê. Trong một buổi sáng Chủ nhật nhàn rỗi, con người ta dễ cảm thấy cô đơn biết bao, thèm được trò chuyện biết bao.
2. “Em mười chín tuổi, đang học ngành Y khoa tại Toronto. Ông có thể yên tâm gọi em bằng em mà không sợ bị hố. Em rời Hội An cách đây hai năm. Hội An nhỏ xíu à, ở đó ai cũng biết nhau, tại sao trước đây em không biết ông?”. Tại sao trước đây em không biết ông? Cô nhỏ Đông Nguyên này thật ngộ, câu hỏi của cô, cả cách xưng hô của cô cũng thật ngộ. Những dòng ngắn ngủn của Đông Nguyên làm anh thấy vui vui, chợt nhận ra đôi lúc niềm vui đến với mình thật đơn giản. Tại sao trước đây chúng ta không biết nhau? Đơn giản vì anh xa Hội An lúc cô còn rất nhỏ, lúc anh trở về thì cô đã ra đi. Bây giờ đang là cuối hè, ở Hội An, những cây phượng dọc đường Trần Hưng Đạo đã bắt đầu kết trái và ra lá xanh rì. Anh nhớ thời đi học của mình, trường của anh ở đầu đường Trần Hưng Đạo, ngày nào cũng hai bận qua lại trên con đường này, nghỉ hè chừng vài bữa lại thấy rưng rức nhớ những tán hoa phượng đỏ rực như lửa. Đông Nguyên rời Hội An cách đây hai năm, lúc đó chắc cô đang học lớp 11, như vậy hẳn cô cũng đã từng đi qua con đường thời đi học anh đã đi qua, ngồi học ở ngôi trường anh đã từng ngồi. Và thầy cô cũ của anh ngày xưa biết đâu cũng là thầy cô của cô. Nếu vậy thì người Hội An mình có nhiều điểm đồng cảm với nhau quá, phải không Đông Nguyên?
3. “Em nghe ông kể chuyện mùa hè mà thấy ham. Canada bây giờ cũng đang hè, nhưng mà trời se se lạnh. Em nhớ hoa phượng, cái màu đỏ của hoa phượng thật cháy lòng. Ông tinh ý quá, đúng là em học xong lớp 11 rồi mới đi. Ở Hội An, nhà ông ở đâu? Ông chỉ cần nói ở đâu là em có thể hình dung ra ngay, em nhớ Hội An từng góc phố, từng con đường. Nhà em ở trên Ngọc Thành, ông có biết Ngọc Thành?…”. Có, anh có biết Ngọc Thành, đã từng rất quen thuộc với anh nữa kia. Đó là một làng ven sông với những ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa vườn cây xanh ngút mắt, con đường chính dẫn vào làng băng qua hai bên là đồng lúa. Và cái bến sông quen, hồi đi học anh có một thằng bạn thân ở trên đó, cứ hễ Chủ nhật hoặc ngày lễ là bọn anh rủ nhau lên Ngọc Thành, để áo quần ở nhà thằng bạn, ra bến câu cá, tắm sông… Sao cái thời đi học, bọn anh vô tư và vui vẻ đến vậy. Anh cũng có một mối tình nơi bến sông Ngọc Thành, cô bạn anh học cùng trường, chiều chiều hay ra bến sông gánh nước. Không hề nói với nhau được một câu cho ra hồn, chỉ có tụi bạn anh trêu ghẹo gán ghép và nụ cười răng khểnh của cô bạn. Có thể gọi đó là một mối tình? Sau này, thằng bạn anh đi làm ăn xa, anh ít có dịp ghé lên lại Ngọc Thành, nhưng anh nghĩ suốt đời mình cũng khó lòng quên được nụ cười răng khểnh đó…
4. “Em đã vào năm học mới, bên này mà đi học, đi làm là bận bù đầu. Em ít gởi e-mail cho ông, ông có buồn không? Thật lòng, em rất thích đọc mail của ông, nghe ông kể chuyện Hội An. Ông làm suốt đêm qua, em nằm mơ khóc ướt cả gối vì nhớ nhà. H! ồi còn nhỏ, em cũng hay theo chị em ra bến sông giặt đồ, sao em không gặp ông? Em buồn cười quá phải không? Bây giờ thì em phải đi học đây, chào ông!”. Cuộc sống là vậy, cứ phải tất bật, hối hả, ở đâu thì cũng làm việc cật lực để sống… Cả ngày hôm nay, anh phải tiếp một đoàn khách từ Nhật Bản sang tìm hiểu thị trường du lịch Việt Nam và những tiềm năng du lịch của Hội An. Anh đưa họ đi suốt từ sáng sớm đến tối mịt, đi quanh phố, ghé thăm Chùa Cầu, những ngôi nhà cổ, các hội quán, chùa chiền xưa. Họ quan tâm đến những điều tưởng chừng rất nhỏ nhặt, một mảng tường rêu, cái giếng cổ trong con hẻm nhỏ, viên gạch lót sàn có niên đại cũ, cách bày biện trong một quán cao lầu truyền thống… Họ khen phong thái và nụ cười của người Hội An, cởi mở, hiếu khách, em thấy Hội An mình oai không, Đông Nguyên? Ngày mai, anh lại phải một ngày đưa đoàn khách đi thăm mấy ngôi mộ Nhật Bản cổ, sau đó, ra sông xuôi dòng xuống bến Thuận Tình, về hướng Cửa Đại. Mệt, vì phải trả lời họ suốt ngày, nhưng vui!
5. Tết Trung Thu ở Hội An là một dịp đặc biệt. Từ năm giờ chiều, người ta đã cấm tất cả xe cộ vào khu phố cổ để cho một đêm hội thật sự náo nhiệt. Phố xá tắt hết đèn điện, nhường chỗ cho lồng đèn và bàng bạc ánh trăng, huyền ảo mà lộng lẫy… Hội múa lân, hội rước lồng đèn, xe hoa kéo dài thành cả một đoàn đi vòng quanh các phố. Dưới chân Chùa Cầu là một sân khấu nhỏ cho thiếu nhi hát đồng dao: “Úp lá khoai, mười hai con giáp, đứa mặc áo trắng, đứa mặc áo đen, đứa xách lồng đèn, đứa cầm ống thụt chạy vô chạy ra…”. Anh đi dạo lòng vòng cùng với mấy người bạn là thợ chụp ảnh amateur, quanh các phố, sau đó ra bờ sông coi thả hoa đăng và nghe hát hò khoan. Đúng lúc đó, anh chợt nghĩ tới Đông Nguyên. “Ông làm em nhớ lại mấy trò chơi hồi còn nhỏ. Hồi nhỏ, em có hai đứa bạn thân, ngày nào cũng chơi mấy trò Úp lá khoai, Rồng rắn lên mây… Ông biết không, bên này, em không có một đứa bạn thân nào cả. Trung Thu, tủ lạnh nhà em đầy bánh, chỉ thiếu bánh Trung Thu. Trời bên này lạnh kinh khủng, em không thể ra balcony ngắm trăng mà vọng cố hương được. Buồn quá, phải không ông?”. Có một cái gì đó len lỏi trong tim anh, thật dịu dàng. Anh thấy thương Đông Nguyên, như là một cô em gái côi cút đang ở một nơi xa xôi…
Giá mà có Đông Nguyên ở đây, anh sẽ mời cô bắc ghế ra trước sân nhà anh ngắm trăng, nhâm nhi bánh Trung Thu và uống trà. Đêm nay, anh cũng chỉ có một mình, thèm được chuyện trò ghê gớm, Đông Nguyên à!
6. “Giáng Sinh này, em đi nghỉ với gia đình ở Orange County bên Cali, thăm mấy người bà con. Ông biết không, ở đây có một khu được gọi là Tiểu Sài Gòn vì người Việt sinh sống nhiều. Em đi dạo, thấy nơi đây không giống Việt Nam, cũng không phải là Mỹ. Em đi ăn phở, chẳng hề giống phở bên mình, em nhớ phở Liến của Hội An mình kinh khủng, ông à. Nhắm mắt lại, em vẫn còn hình dung rõ ràng bát phở thơm lừng, nước phở trong vắt, sợi bánh phở ăn dai dai, sừn sựt, rau quế xanh ngắt, đu đủ ngâm dấm chua chua, giòn giòn… Phở Liến bây giờ ra sao rồi hở ông?”. Phở Liến thì vẫn nguyên chỗ cũ, hầu như sáng nào anh cũng ghé! Gian hàng phở chật chội và hơi ẩm ngày xưa, bây giờ được sửa sang lại thành một căn nhà hai gian, khang trang, sạch sẽ, tiếc là không còn giàn bông giấy phía trước. Mấy chục năm qua, hương vị phở vẫn vậy, ngọt ngào, không lẫn đi đâu được… Con trai ông phở Liến là bạn cùng lớp với anh hồi còn nhỏ, rất dễ nhận ra là con ông phở Liến bởi lông mày rậm, tóc quắn, người to tròn, bây giờ có mở một chi nhánh phở Liến dưới Cẩm Châu. Có mấy chi nhánh phở Liến như thế ở quanh Hội An, nhưng căn nhà hai gian trên đường Lê Lợi sáng nào cũng đông nghẹt người… Hội An mình còn có cơm gà bà Minh, bánh tráng đập dập Cẩm Nam, bánh mì chả chiên giòn ngay đầu cổng chợ…, Đông Nguyên còn nhớ? Ngày xa Hội An, anh chỉ ao ước có phép lạ nào đó giúp mình bay về, ăn một bữa cho đã, rồi chết cũng sướng. Anh nói dại quá phải không, Đông Nguyên?
“Noel xong, em bận thi cử liên miên, chắc là thi xong em mới gởi e-mail lại cho ông được. Ông đừng buồn, em vẫn nghĩ tới ông, như một dấu ấn kỷ niệm về quê nhà xa xôi. Em mong sau này, khi lớn lên, già đi, mình vẫn còn gởi e-mail liên lạc với nhau như thế này. Ông có mong như vậy không?”
7. Sao lại không hở Đông Nguyên, khi mình đã là bạn bè của nhau? Anh nhớ đã có lần nói điều này trong một cái e-mail nào đó gởi cô rồi. Noel qua đã lâu, anh vẫn không nhận được thêm dòng nào của Đông Nguyên. Cô bận học thi, như cô nói, hay vì một lý do nào khác. Cuộc sống ở xứ người, luôn luôn phải chống chọi và mệt mỏi, những người sống tình cảm như cô chắc phải chật vật lắm mới thích nghi nổi. Tự nhiên anh thấy lo lo, nỗi lo lắng thật mơ hồ, không biết có chuyện gì xảy ra với Đông Nguyên. Tự lúc nào, Đông Nguyên đã trở thành một phần đời sống của anh. Sáng Chủ nhật nào anh cũng mở máy ra check mails, dù không chắc sẽ nhận được những dòng e-mail quen thuộc của cô.
Hội An rục rịch đón Tết. Cây mai trước sân nhà anh, được lặt lá từ hai tháng trước, bây giờ kết những nụ hoa vàng, be bé, xinh xinh. Phố xá, chợ búa dường như đông hơn, người ta bắt đầu mua sắm, sửa soạn nhà cửa, quét vôi, sơn phết lại, chuẩn bị cho một năm mới tốt lành. Tháng Chạp, công việc của anh cũng bận rộn hơn, khách du lịch nhiều, lại phải tổng kết cuối quý, cuối năm. Có đôi sáng Chủ nhật rảnh rang bất chợt, anh bắt gặp mình nhớ Đông Nguyên, tự hỏi: Chẳng biết lúc này cô đang làm gì?
Công việc như cuốn lấy anh, không cho anh kịp thở. Anh bất ngờ nhận được e-mail của Đông Nguyên, tiếng bíp nhẹ của máy tính báo có mail, bình thường thôi, nhưng làm anh hồi hộp đến run người. “Em muốn dành cho ông một bất ngờ nho nhỏ. Sáng 28 Tết, ông đón em ở đầu cổng chợ. Dấu hiệu để nhận ra em: áo dài trắng, tóc dài rẽ ngôi giữa và một cành mai Việt Nam. Em về Hội An được hai ngày rồi…”. Đông Nguyên về Hội An đã hai ngày rồi, tại sao anh không gặp cô? Tờ lịch trên tường nhà anh chỉ mới là ngày Chủ nhật, 24 âm lịch. Anh hớt tóc, cạo râu, chỉnh tề xuống phố, ngẩn ngơ tìm một tà áo dài trắng với cành mai vàng, dù biết là còn bốn ngày nữa mới đến 28 Tết. Quá dài cho một nỗi mong chờ, phải không Đông Nguyên?
Chẳng nghe lời gió nói
1. An nhớ lần đầu tiên An biết Oanh là qua lời chị Huệ: ”Thôi, An lông bông tìm kiếm đâu cho xa, ở lớp ngoại ngữ ban đêm của chị có một con nhỏ tên Oanh, hiền lắm, lại chăm học. An để chị làm mai cho!”. Lúc đó, An vừa ở bộ đội xuất ngũ về, chưa tìm được việc làm, một mảnh tình vắt vai cũng chưa. Con gái hiền thì được chứ hiền lắm như lời chị Huệ nói thì An không ham. Nhưng cũng cười: “Ừ, thì hôm nào có dịp, chị làm mai con nhỏ đó cho em!”.
Chị Huệ chưa kịp tạo ra một dịp nào để làm mai thì một buổi sáng đi uống cà phê, An gặp Oanh đi với Thảo. Thảo là con nhỏ gần nhà An, hồi nhỏ chảnh chọe kinh khủng, lớn lên tự dưng thấy đằm thắm hẳn. Thảo gọi: ”Anh An ngồi cùng bàn với tụi này cho vui!”, chỉ cô gái đang ngồi bên cạnh, giới thiệu: ”Ðây là Oanh, bạn học bên trường Kinh tế với em”. Oanh nói giọng nhỏ nhẹ: ”Chào anh!”, rồi cười, nụ cười mỏng mảnh như sương. An nhìn Oanh, nhìn đôi mắt trong veo của Oanh, như có sợi gì đó đang vấn vít trong tim mình, thật nhẹ. Rồi Thảo chợt nhớ ra: “À, Thảo quên, Oanh học Anh văn ban đêm chung lớp với chị Huệ!”. À, thì ra là người quen. Oanh tủm tỉm cười: ”Chị Huệ hay kể về anh An em chị hiền lắm. Oanh không ngờ được hân hạnh gặp người hiền ở đây”. An kêu thầm: ”Oan gia, chị Huệ ơi là chị Huệ!”.
2. An không nhớ mình bắt đầu chơi thân với Oanh và Thảo từ lúc nào. Chắc là nhờ chị Huệ đánh tiếng nhờ vả: ”Thằng em tao về đây chưa có bạn bè gì, hai đứa bây đi đâu, rủ nó đi với!”. Thật ra thì cũng chẳng ai rủ ai, chỉ toàn là tình cờ thôi. Chị Huệ bảo An ở nhà rảnh rỗi làm gì cho phí, đi học Anh văn đi, sau này sẽ có lúc cần dùng. An cắp sách đi học Anh ban đêm, lớp bằng A, tức là sau Oanh và chị Huệ một lớp. Thảo cũng đi học ở trung tâm ngoại ngữ này. Buổi tối tan học, An hay gặp Oanh và Thảo, ba anh em rủ nhau đi uống sữa đậu nành, hoặc ăn chè. Vì An chưa có việc làm nên đi ăn chè hoặc uống sữa đậu nành, có lúc An trả tiền, có lúc Oanh giành trả. An tỏ ra băn khoăn thì Oanh cười: ”Anh An đừng lo, tụi em giàu lắm!”. Chơi với nhau một hồi, An mới nhận ra, Oanh không hiền lắm như lời chị Huệ quảng cáo, chỉ ít lời thôi. Oanh cũng nói là hồi mới gặp Oanh thấy An hiền lắm rồi bỏ lửng câu ở chỗ này. Vậy là sao? Buổi tối về nhà nằm mơ màng, An nhớ nhất là cặp mắt trong veo của Oanh. Trong veo đến mức, An không dám nói gì, làm gì để tiến đến gần Oanh hơn, vì sợ mình không khéo sẽ làm tổn thương đến cái tình bạn trong veo vừa mới chớm.
Rồi An cũng xin được việc làm, một chân lễ tân khách sạn do Oanh giới thiệu, vì chủ khách sạn là bạn thân với ba Oanh. Tháng lương đầu tiên, ba anh em rủ nhau đi lòng vòng suốt buổi chiều đến tối, đi ăn, rồi đi hát karaoke. Trong phòng karaoke, Thảo có vẻ vui lắm, nói cười nhiều lắm, nhưng đến lúc An tình cờ bấm bài Lời của gió, cười cười nói là để tặng Oanh thì không dưng, Thảo lặng lẽ hẳn, Oanh cũng im lặng làm An thấy áy náy vô cùng. Mình đã làm một điều gì không phải lúc?
3. Oanh hẹn An đi uống cà phê riêng. Lần đầu tiên được hẹn đi uống cà phê riêng, An choáng người vì hạnh phúc. Ngồi trong quán vắng, Oanh nhìn thẳng vào mắt An, giọng nghiêm trọng hơn thường ngày: ”Anh An thấy Thảo thế nào?”. Không dưng An cảm thấy có một điều gì đó, dè dặt: ”Thảo là một cô bạn tốt!”. Oanh cúi mặt, dùng ngón tay thấm nước vẽ mấy vòng tròn trên mặt bàn, ngọ ngoạy không yên, rồi ngập ngừng: ”Em cũng không biết nói sao nữa, Thảo mến anh lắm!”. Ðó không phải là điều An chờ đợi được nghe từ chính miệng Oanh. Bao nỗi hồi hộp, bối rối trong An tan biến đi hết, An thấy mình bình thản, như là đang nghe một câu chuyện không hề liên quan gì đến mình, buông một câu vô thưởng vô phạt: ”Anh cũng mến Thảo”. Oanh nhìn An thật lạ rồi lắc đầu: ”Nhưng cái cách anh nói không hề giống cái cách em vừa nói. Thôi, quên chuyện này đi, coi như em chưa hề nói gì với anh”. Im lặng một lúc lâu, rồi An rụt rè nhìn Oanh, nói một câu dò hỏi: ”Sao em cứ lo chuyện của Thảo mà không nghĩ gì đến mình?”. Oanh cười cười: ”Anh đừng lo cho em. Em có bạn trai rồi”. An bất ngờ đến chẳng nói được câu nào. Một trò đùa với An, có phải?
Không phải là chuyện đùa! Thảo cũng công nhận: ”Oanh có bạn trai rồi!” nhưng chị Huệ thì khăng khăng khẳng định: ”Con gái nói mà, tao học cùng lớp Oanh, tao biết, nó chưa có gì đâu! Bồ bịch gì mà tối thứ bảy nào cũng thui thủi đi về một mình”. Rồi chị Huệ khuyên An: ”Mày cứ tiến tới đi!”. An thấy buồn và hoang mang. Mình thân với Oanh là thế, Oanh tốt bụng là thế, sao tình yêu vẫn mãi là một điều khó nói.
4. Bẵng đi một thời gian dài, có đến cả tháng, không thấy mặt Oanh, Thảo thì đi học một mình. Hai anh em vẫn hay đi uống sữa, ăn kem sau giờ tan học. Một bữa, An làm như vô tình: ”Sao lâu nay không thấy Oanh hở Thảo?”. Thảo cười: ”Bây giờ thì Oanh quên anh em mình rồi. Bồ nó về!”. Giọng An nghe thật lạ: ”Ở đâu về?”. ”Ở Mỹ. Oanh với anh Phong quen nhau hồi còn đi học, anh Phong đi Mỹ bốn năm nay, bây giờ mới về”. Thảo còn làm như vô tình kể thêm vài chuyện vu vơ nữa về Oanh, về Phong, nhưng An không nghe được gì, hai tai An như ù đi. Không phải là lần đầu tiên An biết yêu nhưng cảm giác này thật khó mà chịu đựng nổi! Ngốc thật!
Có một buổi chiều chạy xe trên phố, An gặp Oanh. Áo đầm trắng, tóc xõa bay bay, mắt môi ngời ngời hạnh phúc, Oanh ngồi sau xe máy của một gã con trai mặt trắng bệch, ria mép tỉa tót cẩn thận. Giọng Oanh nghe vui lạ lùng: ”Chào anh An! Ðây là anh Phong, bạn em. Còn đây là anh An!”. Gã con trai cười chào An bằng một vẻ lịch sự dễ ghét. An khách sáo: ”Chà, lâu quá không gặp Oanh!”. Oanh cười rất tươi: ”Tụi em đang định hôm nào ghé mời anh đi uống cà phê với tụi em cho vui”. Rồi Oanh vội vã: ”Em đi đây, hôm nào gặp lại nghe anh An!.
5. Rồi chẳng có buổi cà phê nào để Oanh giới thiệu bạn trai như Oanh hứa hết. Khi An gặp lại Oanh, Phong đã trở về Mỹ. Oanh cười nói suốt ngày, giỡn cũng mạnh mồm hơn, thỉnh thoảng lại khoe về một đám cưới đã dự tính ngày. Cũng là Oanh, nói nửa như muốn tâm sự, nửa như muốn phân trần với An: ”Tụi em quen nhau từ hồi còn đi học, sau đó anh Phong mới đi H.O. Ảnh thương em lắm, tuần nào cũng điện thoại về cho em!”. Oanh kể về Phong nhiều lần đến nỗi An có linh cảm là Oanh làm thế một phần cũng để tự huyễn hoặc mình. Có phải hạnh phúc phải mang dáng vẻ mong manh như thế mới thật sự là hạnh phúc!
Một tuần trước khi đám cưới Oanh, ba anh em mới lại có dịp ngồi uống cà phê với nhau. Không khí lần này trầm lắng hẳn, không như mấy lần vẫn ngồi với nhau. Thảo khoác một dáng vẻ buồn rầu không thèm giấu. Oanh trông có vẻ mệt mỏi, dù vẫn cười nói nhiều. An thì không thể giữ được thái độ vô tư như nhau với hai cô bạn thân. Oanh mào đầu, giọng đùa cợt: ”Oanh cho anh An một cơ hội cuối đây. Anh An có thương một trong hai đứa em thì nói đi, chỉ còn một tuần nữa thôi. Anh không nói sau này hối hận không kịp, ráng chịu đó!”. An nhìn thẳng vào mắt Oanh, cái nhìn nói lên nhiều điều nhưng Oanh lảng mắt đi. Vậy là rõ! An buông một câu nói đùa mà nghe rất thật: ”Anh thương cả Oanh với Thảo!”. Thảo đột nhiên gắt gỏng: ”Thảo không cần đâu. Thảo nhường hết cho Oanh đó!”. Ðêm trôi thật khẽ và sâu. An có cảm giác như đây là lần cuối cùng ba anh em ngồi với nhau. Ngồi vẩn vơ một lúc, Thảo đứng dậy trước, nhìn đồng hồ: ”Thôi, khuya rồi, mình về đi!”.
Ðám cưới Oanh, An xung phong lên hát Lời của gió, mắt cố không nhìn cô dâu, chú rể tay trong tay, đi vòng quanh chào quan khách. Oanh đã chẳng hề nghe được lời gió nói, cũng như lời An muốn nói, chỉ cho mình Oanh nghe.
6. Oanh theo chồng đi Mỹ được gần hai năm, trong hai năm đó, An cũng có gặp gỡ một vài người nhưng rồi chẳng đi đến đâu. Mối tình tưởng chừng thoảng qua với Oanh không ngờ lại làm An nhớ lâu đến thế. Gặp một cách hành xử nào đó của các cô gái từng quen biết, An vẫn nghĩ giá đó là Oanh, thì Oanh sẽ xử sự thế này, Oanh làm thế kia và dĩ nhiên là Oanh hay hơn nhiều. Từ ngày Oanh đi, An cũng ít gặp Thảo, nếu có gặp thì cũng chỉ là nụ cười xã giao hờ hững của hai người quen biết cũ. Rồi thôi. An muốn biết tin tức về Oanh biết bao nhưng lại không dám gặp hỏi thăm Thảo.
Rồi Oanh đột ngột trở về. Ðẹp, sang trọng hơn ngày xưa nhưng có những nét từng trải hơn. Và buồn. Nỗi buồn không thèm giấu giếm. Gặp lại An, Oanh vẫn tỏ ra vô tư, như không hề thay đổi chút nào sau ngần ấy thời gian xa nhau. Oanh nói mình đã ly dị chồng, nói về đổ vỡ của chính mình một cách bình thản, nhẹ nhàng như chuyện của ai đó không hề liên quan đến Oanh, càng không liên quan đến An. Như là những buồn vui trong Oanh, An chưa bao giờ được phép dự phần. Như là những ngọn gió suốt mùa chỉ thổi lớt phớt bên ngoài, có hay không thì người ta cũng không biết sự hiện diện của nó. Oanh không biết, hay không muốn biết?
Những ngày Oanh ở Việt Nam rồi cũng qua mau. Rồi Oanh cũng sẽ ra đi, kỷ niệm về một tình yêu thầm lặng với Oanh trong An rồi cũng sẽ qua đi, sẽ phai mờ dần theo ngày tháng… An sẽ phải cố mà quên Oanh đi, như một giấc mơ không có thật. Tình yêu của An không có thật. Chỉ có nỗi buồn trong An là có thật, An không thể nào quên được, cứ ngày càng đầy…
Lạc giữa chốn quen
1. Tôi vào lại Sài Gòn trong một chuyến đi bất ngờ, không hề dự tính trước, hoàn toàn vì công việc, sau gần sáu năm xa cách. Anh Hạo, khi bàn giao công việc cho tôi trước chuyến đi, vỗ vai thân tình: “Nếu mọi chuyện tốt đẹp, Mẫn có thể ở lại trong đó chơi vài ngày, thăm bạn bè, người yêu cũ.” kèm theo một cái nheo mắt. Tôi cười: “Em đã book vé Thứ Hai đi, Thứ Tư về, sao anh không nói sớm hơn.”. Chi, trên đường đưa tôi ra sân bay, dặn: “Anh vô trong đó, coi có cái gì đó hay hay thì mua về cho em!” . Cái gì đó hay hay của Chi là một cái kẹp tóc, hay một bộ dụng cụ làm bếp đầy rẫy ở các siêu thị Sài Gòn. Chi nói mà không hề nhìn mặt tôi, không biết lời dặn dò này của Chi làm tôi buồn lòng, như thể Chi không dặn dò gì thì tôi sẽ không hề nhớ đến Chi. Con đường dẫn ra sân bay có một đoạn đang được tráng nhựa lại, nắng, gió, và bụi tung mù mịt. Tôi chầm chậm đưa khăn tay lên chậm mắt, cay xè, mà hình như không phải vì bụi.
Sài Gòn đón tôi bằng cái nóng ghê người, ba mươi mốt độ rưỡi. Tôi ngã người khoan khoái trên chiếc taxi về khách sạn, chiếc taxi sơn độc một màu vàng vọt, người tài xế kính cẩn mở cửa, đóng cửa xe khi tôi bước lên, bước xuống. Khách sạn ở ngay trung tâm, cách chỗ tôi làm việc chưa đầy nửa cây số, máy lạnh mát rượi, thảm lót sàn êm như nhung, cũng những nhân viên phục vụ mở cửa, đóng cửa, và giúp mang hành lý lên phòng. Tôi cố để không tỏ ra ngượng nghịu, những tiện nghi phục vụ chu đáo này ngày thường tôi có mơ cũng đâu thấy được, trong đầu đang có tiếng tậc lưỡi: tiền trong tiêu chuẩn công tác, cơ quan chịu hết, có mất mát gì của mình. Nhìn bộ vó của tôi bây giờ, cà vạt, giày da bóng lộn, Samsonite sang trọng, điện thoại di động giắt lưng, có ai nghĩ là lột bộ vó này ra, tôi về ở nhà thuê, một căn gác, ẩm thấp, mùa hè nóng như một cái lò bánh mì. Cũng đâu ai biết được tôi đang phải dành dụm từng đồng để tìm cho được một chỗ ở của riêng mình, cho một đám cưới mà Chi đang từng ngày chờ đợi. Mà ngày thì vẫn trôi đi với viễn cảnh sống chung mãi hoài chỉ là dự tính…
2. Buổi tối rảnh rỗi đầu tiên ở Sài Gòn, tôi nằm dài ở phòng khách sạn, mát lạnh, mắt đăm đăm nhìn vào kênh âm nhạc MTV trên ti vi khách sạn, đầu óc như không nghĩ ngợi, không còn nhớ gì, trống rỗng. Đúng tám giờ thì tôi vùng dậy, phone cho Đạt. Đạt là bạn cũ của tôi, thời đi học chơi với nhau khá thân, bây giờ đang làm ở một công ty quảng cáo của Mỹ. Đạt không phải là đứa tôi không nhớ đến khi có dịp vào lại Sài Gòn, nhưng gặp nhau để nghe nó hỏi thăm, để thấy cuộc sống của nó bây giờ với mình khác nhau nhiều quá là điều tôi không hề muốn. Xem ra, cục mặc cảm nghèo khó trong tôi lúc nào cũng to, nhưng tối nay, tôi thèm gặp Đạt quá, lâu lắm rồi không gặp nhau. Chưa đầy mười phút sau cú phone của tôi, hai vợ chồng Đạt, mỗi đứa mỗi xe phóng đến, vừa ló mặt đến quầy lễ tân khách sạn đã cười ha hả. Hà, vợ Đạt, hoa khôi của lớp tôi ngày xưa, hồ hởi: “Lâu quá mới lại được gặp Mẫn, tụi này mừng ghê.”. Đạt, trông chững chạc hơn nhiều, mập phệ, ra dáng thành đạt, mừng rỡ ôm vai tôi: “Mầy sao gầy quá?” rồi kéo tay tôi: “Đi, đi một vòng, kiếm chỗ nào đó nói chuyện chơi.”. Rồi Đạt chở Hà, giao một xe cho tôi, lòng vòng qua những con đường người xe vun vút, những con đường ngày xưa tôi quen thuộc lắm, bây giờ lại thấy mình như kẻ lạ.
Một chỗ nào đó ngồi nói chuyện chơi mà Đạt và Hà chọn là một tea-room sang trọng ở góc đường Hàm Nghi, nằm trên gác hai của một căn nhà cao tầng. Đạt nói với tôi: “Tao vẫn còn nhớ gu của mầy, chỗ này yên tĩnh, nghe nhạc thích lắm!”. Khi chúng tôi vào, trên sân khấu nhỏ đặt giữa khán phòng trang trí bằng vô số những hình ảnh vẽ cách điệu cảnh đồng quê Việt Nam, một cô ca sĩ trẻ mặc áo dài, tóc dài rẽ xuống hai bên vai, đang hát: ” Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em…”. Đèn sân khấu chiếu vào mặt cô một thứ ánh sáng xanh bệch làm cô trông giống một pho tượng, có vẻ hư thực. Bài hát này ngày xưa có lần My bắt tôi tập để hát tặng My nhân sinh nhật mười chín tuổi. Tôi chợt nhớ đến My, cách đây mấy năm, My đã theo chồng về một xứ sở xa lạ nào đó, một đời sống êm đềm với những đứa con lai kháu khỉnh chờ đón, không biết bây giờ, My có còn nhớ bài hát một thời mộng mị. Chuyện tình ngày xưa với My, và những kỷ niệm cũ, với tôi, cũng giống như một cơn mộng mị, bởi nó đẹp và tan biến nhanh. Mà có ai có thể sống trong mộng mị được suốt dời…
Cô phục vụ mang lại một cái menu đồ uống, tôi chọn một món cocktail rẻ tiền nhất có cái tên là lạ “Bare Foot: 4,7 USD/ly”, Đạt gọi một ly Henessy và cho Hà một ly cocktail nhiều màu có cắm một chiếc dù nhỏ. Nhìn sơ qua giá trên menu, tôi biết Đạt sẽ trả một khoản bằng một phần ba lương tháng của tôi, không ít hơn. Thỉnh thoảng ở Đà Nẵng, tôi vẫn đi tiếp khách cơ quan ở chỗ này, chỗ nọ, tiền bạc cơ quan lo, lần nào nhìn vào hóa đơn, tôi vẫn thấy như có một cái nhói người. Trưa mai, trong một bữa cơm thân mật mời đối tác, cũng sẽ là những khung cảnh sang trọng đến choáng ngợp, cũng những khuôn mặt viên mãn, no đủ, và những hóa đơn với khoản tiền kếch xù tính bằng đô la. Tôi không biết là sau này, khi mình giàu có lên, những ý nghĩ tủn mủn vụn vặt như thế này có còn, nhưng lúc này, chỉ tổ làm day thêm trong tôi cục mặc cảm nghèo khó. Tôi ngồi đây, cảm thấy thật khó khăn để nói chuyện với vợ chồng Đạt một cách cởi mở. Đạt nói như phân trần để tôi yên lòng: “Lâu lâu có dịp, tụi tao mới vào đây, chứ ngày nào cũng thế này thì có nước bán nhà sớm.”.
Câu chuyện cứ trôi đi theo một chiều hướng nhạt nhẽo, chỉ nóng lên khi Đạt nhắc lại đám bạn cũ và những kỷ niệm thời sinh viên. Hà cười suốt buổi, thỉnh thoảng phụ họa theo chồng những chi tiết Đạt quên. Đạt vui vẻ: “Lâu quá, tao mới có dịp được sống thật lòng như thế này. Hằng ngày, lúc nào cũng phải giữ mình, dè chừng trong quan hệ làm ăn, tao chán lắm.”. Hà quan tâm tới chuyện khác: “Sao Mẫn không lấy vợ, My đi rồi, không lẽ ở hoài vậy sao?”. Tôi trả lời gượng gạo: “Chắc cũng sắp, cô ấy tên Chi.” rồi một điều tự nhiên như cây cỏ, tôi nhớ đến Chi. Chi dường như thuộc về một thế giới khác hẳn với Đạt và Hà, càng khác xa với My, nửa căn cơ, nửa phù phiếm một cách rất đàn bà và hiền lành. Tôi chọn Chi bởi bên Chi, tôi thấy bình yên. Chợt nhớ: Ngày mai, tôi sẽ tranh thủ mua quà cho Chi, một cái gì đó hay hay và rẻ tiền là đúng ý Chi, Chi sẽ vui. Tôi thấy mình thật có lỗi khi đem so sánh Chi với Đạt, với Hà, với My, với những gì không thuộc về Chi rồi thấy sao mà tội nghiệp tôi vô cùng…
Lúc đưa tôi về khách sạn, Hà hẹn: “Tối mai Mẫn còn ở đây, tụi mình đi uống cà phê ở tòa nhà ba mươi ba tầng?”. Đạt nói thêm: “Ngồi trên đó nhìn xuống thành phố dưới này, hay lắm!”. Tôi cười: “Thành thật cám ơn hai người. Tối mai Mẫn bận rồi!”. Hà chép miệng tiếc rẻ: “Vậy thì Đạt, Hà chia tay Mẫn ở đây. Mẫn về ngoài đó vui. Cưới vợ, báo tin sớm cho tụi này ra chơi!”. Tôi gật đầu: “Chắc chắn!” rồi nghĩ chắc là tôi sẽ không mời hai bạn đâu, cảm thấy là mình thật tệ, cả vô lý nữa nhưng lại thấy là không thể khác đi được…
3. Bằng một cách nào đó, Tiến biết tôi đang ở Sài Gòn. Tiến phone cho tôi theo số máy điện thoại di động, giọng trách móc: “Sao mày vào Sài Gòn mà không báo tin cho tao biết? Sao không về Biên Hòa chơi?”. Lúc Tiến phone là vào khoảng bốn giờ chiều, tôi đang loanh quanh trong một hiệu sách nơi đường Nguyễn Huệ: “Tao đi công tác, gấp lắm, chắc là không ghé thăm mầy được. Thôi, để dịp khác!”. Tiến văng tục: “Mầy nói như c., hai giờ nữa tụi tao sẽ xuống Sài Gòn, tao và Kiên. Mầy ở đâu?”. Tôi nói tên khách sạn và nơi hẹn gặp Tiến. Tiến, Kiên là bạn cùng ở ký túc xá với tôi thời sinh viên, không học cùng lớp nhưng ở cùng phòng, thân nhau như anh em ruột. Cả Tiến và Kiên đang sống ở Biên Hòa, cách Sài Gòn ba chục cây số, mất một giờ đi xe máy. Tôi thấy cảm động, Tiến là vậy, bổ bã nhưng chân thành. Ít ra, tôi sẽ không có một buổi tối nằm chèo queo ở khách sạn, một mình với kênh âm nhạc MTV ồn ào, giậm giựt.
Đúng sáu giờ, chuông điện thoại trong phòng tôi reo. Giọng Tiến. Tôi hỏi: “Mầy đang ở đâu?”. “Tao với Kiên đang đứng trước khách sạn mầy ở.” Tôi nôn nóng: “Sao không lên đây?”. Tiến nửa đùa nửa thật, vẫn giọng nói bổ bã thường ngày nhưng sao khó nghe quá: “Khách sạn của mầy sang trọng bỏ mẹ, hai thằng tao mà lên nó phí đi, không xứng.”. Tôi đấu dịu: “Thôi được, tao xuống bây giờ đây. “, biết là Tiến đùa nhưng vẫn thấy buồn. Suy cho cùng, ở một chỗ sang trọng thì đâu phải là một cái tội. Tôi thấy nhớ thằng Tiến của ngày xưa, bổ bã thật đấy nhưng ăn nói đâu có cay độc như bây giờ.
Ba thằng kéo nhau vào một quán nhậu ven đường, Tiến gọi một xị rượu đế và dĩa gân bò hầm. Tôi giao hẹn trước: “Tao không uống được nhiều đâu!”. Tiến nhìn tôi cười, mà sao trong mắt Tiến như có tia vằn: “Thằng Mẫn dạo này uống rượu Tây quen, đâu chơi được thứ này!”. Kiên đấu dịu: “Thôi, nâng ly đi, mừng sức khỏe và mừng gặp lại.”, cầm đũa gắp một miếng gân bò: “Ăn thứ này để nhớ ngày gian khổ. Mầy còn nhớ nồi cháo gân bò bà Ba Khía ở phía sau trường không Mẫn?”. Tôi gật đầu: “Hồi đó, hôm nào lĩnh học bổng, ra mần một tô cháo bò, cho thật nhiều gừng, đời không còn gì để mơ ước.”. Kiên trầm ngâm kể: “Sau này có lần đi qua trường, tao đĩnh đạc ghé vào gọi một tô cháo gân bò thật to, không còn thấy ngon, chỉ thấy hôi rình mùi bò. Tao không biết là do bà Ba nấu cháo dở đi, hay mình dở đi, có rủng rỉnh chút tiền là quên mất đi thời gian khổ.”. Kiên chỉ kể chuyện như mọi câu chuyện bình thường khác mà sao tôi nghe giọng Kiên có chút sũng nước.
Tiến nâng ly: “Thôi, uống đi. Lâu ngày gặp nhau, thằng Kiên cứ nhắc chuyện cũ, nghe chán bỏ mẹ. Nói chuyện gì vui vui đi.” quay sang vỗ vai tôi: “Hơn ba chục tuổi, già rồi chứ không còn nhỏ nhít gì đâu. Khi nào cưới vợ?”. Tôi nghĩ đến Chi, nhớ vẻ mặt hiền lành một cách tủn mủn của Chi: “Đang quen một em, con nhà lành, công nhân may.”. Tiến tỏ ra quan tâm: “Mầy có mang theo ảnh, cho tụi tao xem mặt!”. Tôi rút cái ví da từ sau túi quần ra đưa Tiến, cái ví da có lần Chi tặng tôi khi thấy cái ví cũ của tôi rách bem, khi mua về đã tẩn mẩn cắt cái ảnh đẹp nhất dán vào, dặn: “Để lúc nào cũng có em ở bên anh!”. Tiến ngắm nghía hình Chi, đưa cho Kiên, nhận xét: “Trông hiền lành, được đấy! Cưới cho rồi, đừng làm khổ con người ta nữa.”, rồi bô bô bày tỏ quan điểm: “Tao cũng chỉ ước mơ thế này thôi, cưới vợ là bà này bà nọ mà làm gì, chỉ tổ về làm tôi mọi cho nó.”. Kiên đưa trả cái ví da lại cho tôi: “Tháng sau là đám cưới tao, cuối năm nay là đến thằng Tiến. Mẹ tao ở nhà giục quá, ngày nào cũng giục. Liệu mầy có thu xếp vào dự được?”. Tôi tính nhẩm một con số, ngập ngừng, như thể mình là thằng có lỗi: “Chắc là tao không vào được, tụi mầy thông cảm cho tao!”. Tiến lại nâng ly: “Uống đi, băn khoăn mà làm quái gì. Ở hoàn cảnh mầy bây giờ, tụi tao cũng vậy thôi, tiền đâu mà bỏ cả triệu bạc từ Đà Nẵng vào Sài Gòn ăn cưới. Tụi tao hiểu mầy mà!”. Tiến lúc này mới thực sự là thằng Tiến chí tình, tự nhiên tôi thấy mắt mình cay cay. Tôi muốn nói một điều g�! � đó với Tiến, với Kiên nhưng rồi lại thấy có nói gì cũng quá thừa. Sự thiếu thốn tiền bạc, đôi khi làm cho con người ta sống ít tình cảm với nhau hơn, dù lòng đâu hề muốn thế.
4. Công việc rồi cũng hoàn tất mỹ mãn, đúng như mong đợi và tôi không còn việc gì ở thành phố này nữa. Ngày Thứ Tư, đúng dự định, tôi ra sân bay lúc mười hai giờ trưa, chuyến bay vào lúc bốn giờ chiều, phải ra sớm như vậy vì sau mười hai giờ trưa, khách sạn sẽ tính thêm tiền. Giờ này, Đạt, Hà bận đi làm, không tiễn tôi được, mà tôi cũng không thích tiễn đưa, chỉ biết chào tạm biệt nhau qua điện thoại. Tiến với Kiên về lại Biên Hòa ngay đêm qua. Lúc chia tay nhau, Kiên nói: “Tụi tao chỉ xuống gặp mầy một chút vậy thôi, phải về để ngày mai đi làm sớm. Có gì, tin cho tụi tao biết.”. Tiến kéo dài giọng khệ khạ như người say nhưng thật ra rất tỉnh: “Lần sau vào Sài Gòn mà mầy còn trốn thế này thì tao xuống cắt cổ.”. Tôi cười: “Tao biết tội của tao rồi.”, chợt thấy buồn vì biết nếu không có dịp đi công tác, tự tôi cũng khó lòng vào được Sài Gòn đơn thuần chỉ để đi chơi, thăm viếng bạn bè.
Chuyến bay dời lại hai tiếng đồng hồ, vì một trục trặc kỹ thuật gì đó, Hàng Không Việt Nam thì thoảng vẫn trễ máy bay với lời xin lỗi và giải thích bằng hai thứ tiếng Việt và Anh lúc nào cũng giống hệt nhau. Tôi có thêm hai tiếng đồng hồ loanh quanh ở sân bay, lội quanh các shop bán hàng lưu niệm, mua cho Chi một lọ nước hoa ngoại bé tí với giá bán ghi bằng đô la. Từ lúc quen nhau đến giờ, chưa lần nào Chi dùng nước hoa, Chi nói Chi không thích nước hoa nhưng tôi thừa hiểu là Chi không dám phung phí một khoản tiền lớn vào những khoản xa xỉ. Tôi gỡ mảnh stick ghi giá tiền trên lọ nước hoa, vất đi, biết là dù có hạ giá tiền xuống bao nhiêu lần để nói dối Chi, Chi cũng sẽ ca cẩm tôi hoang phí cho mà xem.
Lúc máy bay cất cánh, trời đã sẫm tối. Từ trên cao nhìn xuống, Sài Gòn với cơ man là đèn sáng nhấp nháy, giống như một tấm thảm đẹp tuyệt vời có đính những viên kim cương lấp lánh. Cô tiếp viên xinh xắn nhắc tôi thắt dây an toàn, tôi nhìn khung cảnh êm đềm trên máy bay, hít một hơi thở dài rồi nhắm mắt lại, mơ hồ ước ao được nằm duỗi dài trên tấm thảm kim cương lấp lánh dưới kia mà ngủ một giấc thật say, quên hết những lo toan, buồn đau và hệ lụy của cuộc đời. Được thế, quả không còn gì sướng hơn!