Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Khai Quat Ve Van Hoa Phuong Dong.html

Khai Quat Ve Van Hoa Phuong Dong.html

Thông tin ebook

Tên sách: Khái Quát Về Văn Hoá Phương Đông

Tác giả: GS. TS. Mai Ngọc Chừ

Thể loại: Địa lý

———————————-

Nguồn: http://dongphuonghoc.org

Chuyển sang ebook (TVE): santseiya

Ngày hoàn thành: 26/01/2010

Nơi hoàn thành: Việt Trì – Phú Thọ

http://www.thuvien-ebook.com


Mục Lục

I. SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ VÀ CÁC NỀN VĂN HOÁ PHƯƠNG ĐÔNG

II. CÁC KHU VỰC VĂN HOÁ PHƯƠNG ĐÔNG TỪ GÓC NHÌN KHU VỰC HỌC

—–1. KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á

——–1.1. Vùng lưu vực sông Hoàng Hà

——–1.2. Vùng lưu vực sông Dương Tử (Trường Giang, Hoa Nam, Lưỡng Hồ)

——–1.3. Quần đảo Nhật Bản

——–1.4. Bán đảo Korea (Triều Tiên, Hàn)

—–2. KHU VỰC ĐÔNG NAM Á

—–3. KHU VỰC NAM Á

—–4. KHU VỰC TRUNG Á

—–5. KHU VỰC BẮC Á

—–6. KHU VỰC TÂY Á – BẮC PHI

III. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNGPHƯƠNG ĐÔNG

—–1. Văn hoá phương Đông mang đậm tính chất nông nghiệp – nông thôn.

—–2. Về tư tưởng triết học và phương thức tư duy, phương Đông thiên về "chủ toàn" và tổng hợp.

—–3. Trong quan hệ giữa người với người, văn hoá phương Đông nặng về tính cộng đồng và cách ứng xử tình cảm, mềm dẻo.

—–4. Trong quan hệ ứng xử với thiên nhiên, phương Đông nghiêng về hoà đồng, thuận tự nhiên.

—–5. Về phương thức sống, văn hoá truyền thống phương Đông trọng tĩnh, hướng nội và khép kín.

—–Tiểu kết:

IV. SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC NỀN VĂN HOÁ PHƯƠNG ĐÔNG RA KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI

V. CÁC THÀNH TỰU VÀ NHỮNG MẶT HẠN CHẾ CỦA VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG PHƯƠNG ĐÔNG

—–1. Các thành tựu

——–a) Những phát minh lớn về khoa học – kĩ thuật

——–b) Hai nền triết học nổi tiếng

——–c) Sự xuất hiện các tôn giáo

——–d) Ngôn ngữ

——–e) Văn học

——–f) Nghệ thuật

—–2. Những hạn chế

TÀI LIỆU THAM KHẢO


Xét về vùng lãnh thổ, phương Đông ngày nay được hiểu là khu vực bao phủ toàn bộ châu Á và phần Đông Bắc châu Phi. Mặc dù khái niệm Đông phương học (Oriental Studies) xuất phát từ phương Tây song vai trò của Đông phương học nói chung, văn hoá phương Đông nói riêng càng ngày càng được giới khoa học thế giới khẳng định và quan tâm. Ngày nay, xét trên nhiều góc độ như lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hoá, v.v. phương Đông chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Nói đến phương Đông, người ta không thể không nhắc đến những nền văn hoá – văn minh nổi tiếng như Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Arập, Trung Hoa, không thể không nhắc đến Nho giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Hinđu giáo và hàng loạt tín ngưỡng bản địa mang màu sắc phương Đông. Nói đến phương Đông, người ta cũng nhắc ngay đến các đại ngữ hệ như Nam Á, Nam đảo, Hán – Tạng, Thái – Kađai, Antai, v.v.; đến những công trình văn hoá kì vĩ như Ăngco Voat, Vạn lí trường thành, Borobudur, các kim tự tháp Ai Cập, v.v. Và, từ góc nhìn văn hoá hiện đại, phương Đông còn làm cho thế giới ngạc nhiên về "sự thần kì Nhật Bản", về hàng loạt các con rồng châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, v.v. Tóm lại, phương Đông là một khu vực văn hoá có "bản sắc" riêng cả về phương diện truyền thống lẫn hiện đại.


I. SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ VÀ CÁC NỀN VĂN HOÁ PHƯƠNG ĐÔNG

1. Phương Đông với sự bao phủ toàn bộ châu Á và một phần châu Phi, là nơi có điều kiện tự nhiên phong phú và đa dạng. Vì vậy, ngay từ khi có xã hội loài người, nơi đây đã từng là khu vực sinh tồn của bầy người nguyên thuỷ. Rồi theo sự phát triển của lịch sử, ở phương Đông dần dần xuất hiện công xã thị tộc, bộ lạc và sau đó là các nhà nước.

Ngày nay các nhà khoa học đã khẳng định một cách chắc chăn rằng phương Đông là nơi xuất hiện những nhà nước chiếm hữu nô lệ tối cổ. Các nhà nước ấy chính là các nền văn minh xét trên góc độ văn hoá. Người ta thường nói đến bốn nền văn hoá – văn minh Phương Đông: Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ và Trung Quốc. Và có một nét đặc biệt là những nhà nước gắn liền với các nền văn hoá – văn minh phương Đông thường xuất hiện trên lưu vực những dòng sông lớn từ bờ biển phía đông Địa Trung Hải đến bờ biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương: Lưu vực sông Nin ở Ai Cập; lưu vực Lưỡng Hà tạo bởi sông Tigrơ (Tigre) và Ơphơrat (Euphrate) cùng chảy ra vịnh Pecxich; lưu vực đồng bằng bắc Ấn Độ tạo bởi sông Ấn (Hindus) và sông Hằng (Gangga); và lưu vực hai con sông lớn Hoàng Hà và Dương Tử (Trường Giang) tạo ra vùng đồng bằng Hoa Bắc và Hoa Trung màu mỡ. Phân lập các lưu vực rộng lớn nói trên là những hệ thống núi non trùng điệp và những sa mạc mênh mông: sa mạc Arập ở đông Ai Cập, dãy núi Zagrôt ở phía đông Lưỡng Hà, dãy Himalaya và cao nguyên Pamir ở bắc và đông bắc Ấn Độ, rồi vùng sa mạc Nội Mông, Ngoại Mông ở bắc và tây bắc Trung Hoa. Địa thế hiểm trở cùng với nh! ững phương tiện giao thông hết sức hạn chế thời đó đã làm cho các nền văn hoá – văn minh cổ đại phương Đông xuất hiện và phát triển một cách tương đối độc lập, vì vậy mỗi nền văn hoá – văn minh có tính chất độc đáo riêng và mang dấu ấn dân tộc đậm đà [Chiêm Tế, 2000, 63 - 64].

Sông Ấn

Sông Ấn nhìn từ Vệ tinh

Sông Nin

Nói chung, các lưu vực sông ở phương Đông nói trên đều tạo thành những đồng bằng rộng lớn và phì nhiêu, rất phù hợp với sự phát triển của nông nghiệp. Những "hằng số" tự nhiên đó là: thuỷ lượng cao, khí hậu ấm áp, đất đai màu mỡ, dễ canh tác. Chính vì vậy cư dân các khu vực nói trên đã sớm gắn bó với việc sản xuất nông nghiệp, nhất là nghề trồng lúa nước. Bên cạnh trồng trọt, các gia đình còn chăn nuôi gia súc và gia cầm, một số làm các nghề thủ công như sản xuất nông cụ, dệt vải, làm đồ gốm, v.v. Tuy nhiên nghề thủ công phương Đông chỉ có tính chất bổ trợ cho nền kinh tế khép kín của làng xã, không phát triển thành kinh tế hàng hoá thị trường. Như vậy là kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo của các quốc gia phương Đông.


2. Phương Đông bước vào xã hội chiếm hữu nô lệ - xã hội có giai cấp đầu tiên trong lịch sử phát triển của nhân loại – tương đối sớm. Điều này cũng dễ hiểu. Như trên đã nói, nông nghiệp ở phương Đông ra đời sớm và giữ vai trò chủ đạo. Khi nông nghiệp phát triển thì tổ chức xã hội cũng phát triển, dẫn đến việc xã hội sớm phân hoá thành giai cấp và hệ quả là nhà nước sớm ra đời. Thời gian xuất hiện nhà nước phương Đông cổ đại sớm nhất (dưới hình thức nhà nước chiếm hữu nô lệ) là vào khoảng thế kỉ thứ IV TCN. Dĩ nhiên các nhà nước chiếm hữu nô lệ không ra đời cùng một lúc và cũng không chấm dứt cùng một lúc. Ra đời sớm nhất là nhà nước chiếm hữu nô lệ ở Ai Cập và Lưỡng Hà (thế kỉ thứ IV TCN), sau đó mới đến các nhà nước ở khu vực sông Ấn, sông Hằng và Hoàng Hà, Dương Tử (thế kỉ thứ III TCN). Về sự "lụi tàn" của các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông cũng tương tự. Nếu như đế quốc Ba Tư ở vùng Trung Cận Đông sụp đổ ngay từ thế kỉ thứ IV TCN thì nhà nước cổ đại Ấn Độ còn kéo dài mãi đến tận những thế kỉ đầu công nguyên.

Các nhà nước cổ đại phương Đông không chỉ có những đặc trưng chung của một xã hội chiếm hữu nô lệ mà còn có những đặc điểm riêng mang màu sắc phương Đông, như sau [Chiêm Tế, 2000, 65 - 66].

- Do các quốc gia cổ đại phương Đông ra đời ở thời kì mà sức sản xuất xã hội đang còn ở trình độ thấp kém, tức là ở giai đoạn cuối của thời đại đồ đá mới, nên xã hội chiếm hữu nô lệ không thể phát triển nhanh chóng, khiến các quốc gia đó, nói chung, không trở thành những xã hội chiếm hữu nô lệ phát triển thành thục và điển hình.

- Sự tồn tại dai dẳng và ngoan cố của các tổ chức công xã nông thôn, tàn tích của xã hội thị tộc thời nguyên thuỷ, và sự phát triển rất yếu ớt của chế độ tư hữu về ruộng đất trong các xã hội cổ đại phương Đông. Nói như C. Mac (trong thư gửi Ph. Ăngghen ngày 2 – 6 – 1853): "Việc không có sở hữu tư nhân về ruộng đất là cơ sở của tất cả các hiện tượng ở phương Đông". Ăngghen cũng có nhận xét tương tự khi ông viết (trong thư gửi lại cho C. Mac ngày 6 – 6 – 1853): "Việc không có sở hữu tư nhân về ruộng đất thực sự là chiếc chìa khoá để hiểu toàn bộ phương Đông".

- Sự bảo tồn lâu dài của chế độ nô lệ gia trưởng và của các hình thức áp bức, bóc lột kiểu gia trưởng, việc sử dụng lao động của nô lệ chưa được phổ cập trong các ngành sản xuất xã hội và vai trò của nô lệ trong sản xuất kinh tế chưa chiếm vị trí chủ đạo. Nô lệ phương Đông không phải là lực lượng chính làm ra của cải vật chất. Tuyệt đại đa số nô lệ được sử dụng để hầu hạ, phục dịch trong các gia đình quan lại, chủ nô quyền quý. Điều này cũng dễ hiểu bởi ở các quốc gia nông nghiệp phương Đông, nhà nước bóc lột nông dân là chính, bằng chế độ lao dịch, thuế khoá.

- Sự xuất hiện và phát triển mạnh của một hình thức tổ chức nhà nước đặc biệt – nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền – gọi là chủ nghĩa chuyên chế phương Đông. Các quốc gia phương Đông sở dĩ thiết lập được thiết chế chính trị này bởi vua các nước đó nắm được quyền sở hữu tối cao về ruộng đất và về thần dân trong cả nước. Có thể nói khắp dưới gầm trời không đâu không phải đất nhà vua, khắp dưới mặt đất không đâu không phải thần dân của nhà vua [Cao Liên, 2003, 29]. Do nắm được tư liệu sản xuất là toàn bộ ruộng đất nên các nhà vua đã dùng nó để ràng buộc các thần dân và nắm trọn quyền chính trị. Một lí do nữa về sự tồn tại của nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền là yêu cầu của việc trị thuỷ, đắp đê phòng lụt, bảo vệ mùa màng. Nhu cầu này đòi hỏi phải tập trung quyền lực vào trung ương để có thể huy động được sức người sức của, nhân tài vật lực. Ngoài ra các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông còn phải tiến hành các cuộc chiến tranh để mở rộng bờ cõi hoặc bảo vệ lãnh thổ của mình, do đó cũng cần phải tập trung quyền lực vào tay trung ương để huy động lực lượng vật chất và tinh thần.

Tóm lại, với bộ máy bạo lực to lớn, với việc đề cao đến mức thần thánh hoá nhà vua, các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông đã phục vụ đắc lực cho giai cấp chủ nô, bảo vệ quyền lợi và tài sản của giai cấp thống trị, đàn áp những cuộc khởi nghĩa của nông dân, giữ vững địa vị thống trị của chủ nô. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông đã làm nòng cốt cho nhân dân xây dựng, phát triển được những nền văn hoá đa dạng, độc đáo, với nhiều thành tựu rực rỡ về chữ viết, văn học nghệ thuật, khoa học tự nhiên, triết học, v.v. và hàng loạt những công trình văn hoá vật chất đồ sộ vẫn sống mãi với thời gian. Những thành tựu văn hoá rực rỡ ấy đã làm cho các quốc gia cổ đại phương Đông trở thành những trung tâm của các nền văn hoá – văn minh thế giới cổ đại.


3. Vào những năm cuối cùng TCN hoặc những năm đầu công nguyên, nhìn chung các quốc gia phương Đông đều kết thúc chế độ nô lệ và lần lượt chuyển sang xã hội phong kiến.

Vào thời kì trung đại, nền kinh tế chủ yếu của các nhà nước phong kiến phương Đông vẫn là nền kinh tế nông nghiệp, tự cung tự cấp. Trong xã hội phong kiến, giai cấp phong kiến quý tộc và sau này thêm tầng lớp địa chủ, là giai cấp nắm tư liệu sản xuất, nắm ruộng đất nên là giai cấp thống trị. Giai cấp bị trị là nông dân. Ở phương Đông, khi kinh tế phong kiến là điền trang thái ấp thì nông dân chịu thân phận nông nô còn khi kinh tế phong kiến chuyển sang hình thức địa chủ thì nông dân trở thành tá điền.

Trong các nhà nước phong kiến phương Đông, nhà nước phong kiến Trung Hoa là một điển hình. Đặc trưng của kiểu nhà nước này là có một chính thể quân chủ chuyên chế tập quyền cao độ, hoàn hảo. Dưới chế độ phong kiến, vua là người nắm trong tay toàn bộ quyền lực: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Vua được mệnh danh là Thiên tử. Và bộ máy nhà nước do vua đứng đầu có một uy quyền vô cùng to lớn.

Trong lịch sử, chế độ phong kiến phương Đông tồn tại dai dẳng: khoảng 20 thế kỉ (Tính từ đầu công nguyên đến những năm đầu của thế kỉ XX). Thời điểm bắt đầu thoái hoá của của các nhà nước phong kiến phương Đông có thể tính từ thế kỉ XVI – XVII trở đi. Vào thời điểm đó, giai cấp phong kiến phương Đông trở nên phản động, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Các nhà nước phong kiến phương Đông vẫn duy trì tình trạng kinh tế tự cung tự cấp, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, bóp chết những mầm mống của nền kinh tế hàng hoá và những quan hệ sản xuất mới – quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Hơn nữa các nhà nước còn thi hành chính sách bế quan toả cảng, đóng cửa, không giao lưu với thế giới bên ngoài. Trong khi đó thì cũng đúng vào thời điểm ấy, các nước phương Tây tiến hành cách mạng tư sản, xác lập chủ nghĩa tư bản và tiến hành xâm lược các nước nhằm mở rộng thị trường mà đối tượng được chúng "để mắt đến" chính là các quốc gia phương Đông. Khi cuộc chiến tranh xâm lược của phương Tây nổ ra, giai cấp phong kiến phương Đông nói chung đều nhân nhượng, thoả hiệp và đầu hàng. Do vậy từ thế kỉ XVI đến XIX, trừ Nhật Bản, tất cả các nước phương Đông đều bị biến thành nước nửa thuộc địa hoặc thuộc địa của các nước tư bản phương Tây.

Nhìn chung, trong chế độ phong kiến, các nền văn hoá phương Đông vẫn toả sáng. Những "chiếc nôi" văn hoá cổ đại phương Đông vẫn có sức lan toả mạnh mẽ ra các khu vực xung quanh: Nhiều yếu tố văn hoá Ấn Độ được truyền bá sang Đông Nam Á, Tây Tạng, Bắc Á, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới; văn hoá Trung Quốc, đặc biệt là Nho giáo, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Nhật Bản, Korea, Việt Nam và các nước khác; Văn hoá Ai Cập – Lưỡng Hà mặc dù tồn tại không lâu song những thành tựu của nó không chỉ có ảnh hưởng trong khu vực mà còn toả sáng ra các khu vực khác của thế giới, v.v. Cùng với sự lan toả của các nền văn hoá cổ đại là sự xuất hiện của các nền văn hoá mới như Arập, Nhật Bản, Korea, v.v. Bức tranh văn hoá phương Đông, do vậy càng phong phú, đa dạng, nhiều sắc vẻ. Thêm nữa, vừa đấu tranh chống lại sự đô hộ của chủ nghĩa tư bản phương Tây, các dân tộc phương Đông vừa tiếp thu những yếu tố văn hoá mới, tiến bộ từ phương Tây để làm giàu cho vườn hoa văn hoá của dân tộc mình. Bức tranh văn hoá phương Đông từ đây càng ngày càng rực rỡ sắc màu.

Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, các quốc gia phương Đông lần lượt giành được độc lập dân tộc. Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, từ đây các nền văn hoá dân tộc phương Đông như một vườn hoa được chăm sóc cẩn thận và khoa học nên phát triển tốt tươi và đượm nhiều hương sắc. Văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia phương Đông.


II. CÁC KHU VỰC VĂN HOÁ PHƯƠNG ĐÔNG TỪ GÓC NHÌN KHU VỰC HỌC

Là một khu vực văn hoá thống nhất, rộng lớn, phân chia văn hoá phương Đông ra thành các khu vực nhỏ hơn là một việc làm không hề đơn giản. Khó có một "nhát cắt" thật rạch ròi giữa các khu vực hay các vùng văn hoá. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ văn hoá các khu vực luôn có sự tác động và ảnh hưởng lẫn nhau. Do vậy, sự phân chia văn hoá phương Đông thành các khu vực văn hoá dựa trên lãnh thổ địa lí cũng chỉ có ý nghĩa tương đối mà thôi. Với một quan niệm như vậy, từ góc nhìn khu vực học, chúng ta có thể tạm thời phân chia văn hoá phương Đông thành 6 khu vực dưới đây.[1]


1. Đông Bắc Á

2. Đông Nam Á

3. Nam Á

4. Trung Á

5. Bắc Á

6. Tây Á – Bắc Phi



1. KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á

Có người gọi khu vực này là Đông Á. Đây là khu vực của các nền văn hoá Trung Hoa, Nhật Bản, Korea, trong đó văn hoá Trung Hoa là trung tâm. Văn hoá Nhật và văn hoá Korea chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hoá Trung Hoa, vì vậy một số học giả coi đây là những nền văn hoá "vệ tinh" của văn hoá Trung Hoa. Văn hoá Việt Nam một phần cũng chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa.

Khu vực văn hoá Đông Bắc Á có thể phân nhỏ thành các vùng văn hoá như sau.


1.1. Vùng lưu vực sông Hoàng Hà

Lưu vực sông Hoàng Hà (tức sông vàng) là trung tâm của văn minh Trung Hoa.

Sông Hoàng Hà có nguồn nước do tuyết tan bắt đầu từ vùng núi Côn Lôn phía bắc tỉnh Thanh Hải – Tây Tạng, chạy dài 5.460 km qua 9 tỉnh [Trịnh Huy Hoá, 2001, 17], đổ vào Bột Hải, tạo ra một vùng châu thổ rộng lớn lên tới 740.00 km2. Đây là con sông nhiều phù sa nhất thế giới, mỗi năm mang theo 12 tỷ tấn phù sa. Vì dòng chảy của sông này đi qua vùng bình nguyên đất vàng, nên nó cuốn theo một khối lượng khổng lồ đất phù sa, đất sỏi vàng (do đó có tên sông vàng).

Khí hậu khô, lạnh của vùng này rất thuận lợi cho việc trồng các loại cao lương, ngũ cốc.

Khu vực này được bao bọc bởi cao nguyên ở phía tây, thảo nguyên và sa mạc Gôbi ở phía bắc, nên cũng thuận lợi cho sự phát triển du mục.

Do ít tiếp xúc với biển (chỉ khoảng 700 km bờ biển, trong khi chiều rộng nội địa lên tới 5000 km), khí hậu khu vực này mang tính lục địa rõ rệt. Về mùa đông, trời rất lạnh bởi những đợt gió tràn xuống từ vùng Sibir. Việc trồng cấy một phần nhờ lượng nước mưa (trung bình hàng năm khoảng 600 mm), một phần nhờ nước do băng tan.

Hạ lưu sông Hoàng Hà

Với điều kiện sống như trên, văn hoá khu vực lưu vực sông Hoàng Hà có một số đặc điểm chính như sau:

- Sản xuất: Kinh tế nông nghiệp khô là chủ đạo, ngoài ra còn có du mục và thương nghiệp. Thuỷ lợi phát triển.

- Văn hoá vật chất phục vụ đời sống: Ăn bánh bao, cháo kê, thịt cừu, thịt dê; Mặc đồ dệt bằng tơ gai, lụa; Ở nhà hầm đào dưới đất; Đi xe.

- Văn hoá tâm linh: Nho giáo phát triển mạnh và chi phối toàn bộ đời sống tâm linh; Phật giáo Thiền và Đạo giáo có ảnh hưởng sâu rộng; Tin vào định mệnh, sùng đạo Thần Tiên.

- Văn hoá đạo đức: Trọng lễ nghĩa, tuổi tác, trọng chức tước, học thức.


1.2. Vùng lưu vực sông Dương Tử (Trường Giang, Hoa Nam, Lưỡng Hồ)

Con sông dài nhất Trung Quốc (và dài thứ ba thế giới) này dài tới 6.300 km (vì vậy còn có tên là Trường Giang – tức sông dài) [Trịnh Huy Hoá, 2001, 16]. Dương Tử bắt nguồn từ miền Tây tỉnh Thanh Hải, chạy vòng xuống Tây Tạng, Côn Minh, Tứ Xuyên rồi ngược lên hồ Động Đình, qua Giang Tô, Thượng Hải và đổ ra biển. Đây là khu vực của sông, hồ, với lượng mưa lớn. Hồ Động Đình rộng tới 3.000 km2. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.000 mm. Toàn bộ lưu vực sông Dương Tử rộng tới 1.800.000 km2. Khí hậu ấm áp, khác hẳn vùng Hoàng Hà. Khu vực này, vì vậy, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Một nửa sản lượng lương thực của Trung Quốc được gieo trồng trên vùng đồng bằng sông Dương Tử, đặc biệt là gạo. Tuy nhiên, đây cũng là vùng có nhiều bão, lũ.

Sông Dương Tử chia Trung Quốc ra thành hai miền: miền Bắc và miền Nam.

Từ thời cổ đại, các tộc người phi Hán đã định cư ở đây. Người Bách Việt sống ở bờ nam sông Dương Tử. Đến thời Xuân Thu, vùng này bị nước Sở chiếm giữ. Năm 223, Sở bị Tần thôn tính. Từ đây diễn ra quá trình Hán hoá rất mạnh. Tất nhiên, văn hoá Hán cũng tiếp thu nhiều yếu tố văn hoá phương Nam.

Sông Dương Tử

Văn hoá vùng lưu vực sông Dương Tử có những đặc điểm chính như sau:

- Sản xuất: Trồng lúa nước là chủ đạo.

- Văn hoá vật chất: Thức ăn tổng hợp, thuỷ sản có vai trò quan trọng trong bữa ăn; mặc nhẹ, mát; nhà làm bằng tre, nứa.

- Văn hoá tâm linh: Tục thờ cúng tổ tiên, sùng bái tự nhiên; đạo Giáo phổ biến.

- Văn hoá ứng xử, quy phạm đạo đức: Coi trọng quan hệ cộng đồng, huyết thống; thích nếp sống giản dị.

Hai con sông lớn Hoàng Hà và Dương Tử, như trên đã nói, tạo ra cả một khu vực đồng bằng rộng lớn Hoa Bắc và Hoa Trung do đó cư dân sống ở khu vực này, ngoài những đặc điểm văn hoá mang bản sắc riêng ở từng lưu vực con sông, vẫn có những đặc điểm chung nhất định do nghề nông quy định. Do vậy sự phân chia thành hai vùng văn hoá như trên cũng chỉ có tính tương đối mà thôi.


1.3. Quần đảo Nhật Bản

Cùng với 4 đảo lớn là Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và gần 4000 hòn đảo lớn nhỏ khác bao quanh, Nhật Bản là quốc gia "toàn đảo". Bờ biển của Nhật Bản có chiều dài tới 29.000 km. Núi rừng chiếm khoảng 72% lãnh thổ. Các triền núi đều khá dốc do đó việc canh tác nông nghiệp rất khó khăn. Núi lửa nhiều: khoảng 200, trong đó 67 ngọn vẫn "sống". Sông ít, nhỏ, ngắn, nghèo phù sa. Đồng bằng nhỏ, hẹp, chủ yếu do nham thạch của núi lửa tạo ra. Đất canh tác chỉ vào khoảng 2,5 triệu hecta. Những điều kiện địa lí như trên buộc người Nhật phải hướng cuộc sống ra phía biển, do đó nghề hàng hải và đánh bắt cá phát triển.

Gỏi Nhật Bản

Khí hậu của Nhật Bản rất khác biệt: ở phía bắc, vùng Hokkaido và vùng núi tây bắc đảo Honshu về mùa đông lạnh như Sibir, ở phía nam, vùng đảo Kyushu thì lại có khí hậu nhiệt đới, vì vậy là vùng đất tràn trề ánh nắng. Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng về thiên tai: động đất, núi lửa, lụt lội, sóng thần, bão gió, v.v. Điều kiện tự nhiên như vậy rõ ràng có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển nông nghiệp.

Đối với Nhật Bản, biển đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Chính biển đã xoá đi sự cô lập với thế giới bên ngoài của Nhật Bản. Sự phát triển của hàng hải, đặc biệt là hệ thống cảng biển, đã làm cho Nhật Bản vươn xa ra thế giới bên ngoài, trong đó có cả sự du nhập những yếu tố văn hoá – văn minh từ các khu vực khác nhau của thế giới.

Do địa hình chủ yếu là thung lũng (khoảng 300), bị chia cắt thành nhiều vùng núi lửa nên quần đảo Nhật Bản tạo ra nhiều tiểu vùng văn hoá địa phương. Các tiểu vùng đó là: Đông hải đạo (đồng bằng Kanto), Tây hải đạo (đảo Kyushu), Nam hải đạo (đảo Shinkoku và các đảo phía nam), Bắc hải đạo (đảo Hokkaido), Bắc lục đạo (vùng núi phía bắc, chủ yếu là hai tỉnh Nigata và Kanazawa) và Kinki (vùng đồng bằng Kansai).

Những đặc điểm chung nhất về văn hoá của Nhật Bản có thể kể đến là như sau.

- Sản xuất: Trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, đánh bắt cá.

- Văn hoá vật chất:

+ Ăn cơm với cá và các loại hải sản khác. Ăn đũa.

+ Mặc đồ ấm, chắc, bền.

+ Ở nhà sàn như nhiều quốc gia Đông Nam Á.

+ Đi lại bằng tàu, thuyền rất phổ biến.

- Văn hoá tâm linh: Thần đạo (Shinto) rất thịnh hành.

- Văn hoá ứng xử và quy phạm đạo đức:

+ Trọng chữ tín

+ Tính kỉ luật cao

+ Tiết kiệm, cần cù, nhẫn nại; có ý thức rõ rệt về bổn phận và nghĩa vụ; chu đáo, tỉ mỉ, cẩn thận;

+ Vừa giữ gìn tính khép kín cộng đồng (do hoàn cảnh sống biệt lập với thế giới lục địa) vừa muốn tìm hiểu, học tập cái hay, cái tốt của người khác (do hướng ngoại nhờ biển).


1.4. Bán đảo Korea (Triều Tiên, Hàn)

Bán đảo Korea có 3 mặt giáp biển: Phía tây là biển Hoàng Hải (biển vàng), phía nam là eo Cao Ly, phía đông là biển Nhật Bản. Dọc theo bờ biển ở phía tây và phía nam có khoảng 3000 hòn đảo. Tổng diện tích bán đảo vào khoảng 210.500 km2.

Kim chi Hàn Quốc

Địa hình Korea là địa hình núi. Núi chạy suốt sườn đông từ bắc xuống nam, núi ngăn cách Korea với Trung Quốc. Có hai ngọn núi nổi tiếng là Kumgang (nghĩa là kim cương) và Sorak (nghĩa là tuyết bao phủ). Ở phía bắc có cao nguyên Kaema (với độ cao trung bình 990 m). Ngoài núi, phần lãnh thổ còn lại chủ yếu là các vùng đất thấp, bao gồm các bình nguyên ven biển và các thung lũng bám dọc theo sông.

Tuyệt đại đa số các sông của Korea đều ngắn, nước chảy xiết và đều đổ ra Hoàng Hải. Hai sông dài nhất là Yalu và Tumen đều bắt nguồn từ đỉnh núi Paektu ở phía bắc. Sông Yalu dài 800 km đổ ra vịnh Cao Ly ở phía tây. Sông Tumen đổ ra biển Nhật Bản ở phía đông. Ở Nam Korea (Hàn Quốc), sông dài nhất là Naktong, dài 530 km. Ngoài ra còn có sông Hàn, sông Kum là những con sông cung cấp lượng nước chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp của Hàn Quốc.

Korea có 4 mùa. Khí hậu đặc trưng là Đông Á gió mùa, nóng và ẩm ướt vào mùa hạ, lạnh và khô hanh vào mùa đông. Mùa hạ, lượng mưa chiếm tới 70% lượng mưa cả năm. Lượng mưa hàng năm ở miền Bắc thường thấp hơn ở miền Nam: miền Bắc lượng mưa vào khoảng 600 mm – 1000 mm, trong khi ở miền Nam là 1000 mm – 1200 mm. Mùa đông miền Bắc lạnh hơn miền Nam. Ở miền Bắc nhiệt độ thấp nhất có thể xuống đến -100C.

Lịch sử cổ đại Korea gắn liền với nhà nước Choson mà những người tiền sử của nó có thể thuộc về nhóm ngôn ngữ Altai từ Sibir, Mãn Châu và Mông Cổ di cư đến. Họ là những thợ săn, ngư dân, nông dân theo tín ngưỡng Shaman (đa thần giáo). Và tại đây đã diễn ra sự cộng cư với cư dân bản địa để hình thành nên dân tộc Hàn ngày nay.

Trên những nét chung nhất, văn hoá Korea có những đặc điểm sau.

- Sản xuất: Trồng lúa nước, lúa mì, lúa mạch và các loại rau đậu; chăn nuôi gia súc; đánh bắt cá.

- Văn hoá vật chất: Ăn cơm với cá và rau dưa (kim chi), thích gia vị, ăn đũa; ở nhà một tầng hình chữ L, chữ U hoặc chữ nhật, làm bằng đất sét và gỗ, mái tranh; mặc ấm.

- Đạo đức, lối sống: Theo đạo Khổng nên hoà hiếu, tôn trong quan hệ thứ bậc trong cư xử, hiếu kính cha mẹ, trung thành với bạn bè.

- Tính cách: Thẳng thắn, bộc trực.

- Văn hoá tâm linh: Shaman giáo (thờ cúng các thần linh của thiên nhiên); nhiều người theo đạo Phật, đạo Lão.

Ngoài 4 vùng văn hoá nêu trên, ở khu vực Đông Bắc Á còn có một vùng văn hoá nữa thuộc đồng bằng sông Hắc Long Giang (Mãn Châu). Vùng văn hoá này vừa mang những đặc trưng của văn hoá Trung Hoa vừa mang những đặc trưng của văn hoá Bắc Á mà chúng tôi sẽ giới thiệu ở dưới.


2. KHU VỰC ĐÔNG NAM Á

Đông Nam Á ngày nay bao gồm 11 nước: Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Thái Lan, Myanmar (Miến Điện), Malaysia, Indonesia, Singapore, Brunei, Philippines và Đông Timor. Tuy nhiên xét về văn hoá truyền thống, phạm vi của nền văn hoá này rộng hơn lãnh thổ 11 nước hiện nay. Khu vực văn hoá Đông Nam Á về phía tây đến bang Assam của Ấn Độ, về phía bắc lên đến phía nam bờ Dương Tử, về phía đông đến quần đảo Philippines và về phía nam đến các đảo cực nam của Indonesia. Do ở cạnh hai nền văn hoá – văn minh lớn của nhân loại là văn hoá – văn minh Trung Quốc và văn hoá – văn minh Ấn Độ nên Đông Nam Á đã tiếp thu nhiều yếu tố văn hoá từ hai nền văn hoá – văn minh này.

Đặc điểm nổi bật nhất của Đông Nam Á về điều kiện tự nhiên là tính chất nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều. Đông Nam Á là nơi có độ ẩm cao nhất thế giới. Khí hậu biển cũng là một đặc điểm tự nhiên quan trọng. Đường bờ biển dài là nguyên nhân gây ra mưa nhiều và khiến cho lượng hơi nước luôn luôn dư thừa trên đất liền. Có thể nói, biển và gió mùa, khí hậu nóng và ẩm đã biến Đông Nam Á thành thiên đường của thế giới thực vật. Với lượng mưa lớn từ 1500 đến 3000 mm / năm (có nơi đến 4000 mm), lượng bức xạ mặt trời cao trên 100 kcal. M2/năm, độ ẩm tới mức trên 80% và nhiệt độ trung bình lên tới 200C đến 270C, Đông Nam Á đã tạo ra những cánh rừng nhiệt đới bao la với đủ các loại thảo mộc quý hiếm và có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là các loại cây gia vị và hương liệu. Cũng nhờ điều kiện tự nhiên nêu trên mà Đông Nam Á đã trở thành khu vực được mệnh danh là quê hương của cây lúa nước – cây lương thực số một của nhân loại.

Nhà sàn Ê đê

Ở Đông Nam Á có sự đối lập khá rõ giữa khu vực lục địa (bán đảo Trung Ấn) với khu vực hải đảo. Khu vực lục địa, ngoài địa hình núi còn có những đồng bằng phù sa màu mỡ nổi tiếng như đồng bằng châu thổ sông Hồng (Việt Nam), đồng bằng sông Mêcông (Cămpuchia, Việt Nam, …), đồng bằng sông Menam (Thái lan), đồng bằng sông Irawadi, Salusen ( Myanmar). So với khu vực lục địa, đồng bằng ở hải đảo thường nhỏ hẹp. Tuy nhiên, so với khu vực lục địa, rừng ở các nước hải đảo lại có phần trù phú hơn.

Đông Nam Á có mạng lưới sông ngòi dày đặc. Đây là một nguồn lợi lớn về kinh tế, trước hết là về mặt giao thông vận tải. Các sông lớn có giá trị kinh tế cao phần lớn đều nằm ở bán đảo Trung Ấn: sông Mêcông (dài 4500 km, đoạn chảy vào khu vực Đông Nam Á dài 2600 km), sông Hồng, sông Saluen (3200 km), sông Irawadi (2150 km), sông Menam (1200 km). Các sông ở khu vực hải đảo thường ngắn, dốc và có giá trị thuỷ điện cao. Nhìn chung, các sông ở Đông Nam Á nhiều nước, dòng chảy trên mặt có lưu lượng lớn, hàm lượng phù sa cao, tạo nên các vùng châu thổ rộng lớn, màu mỡ. Trữ năng thuỷ điện của các con sông ở vùng này cũng thật đáng kể: Indonesia 20 triệu kw, Việt Nam 20 triệu kw, Lào 12,4 triệu kw, Thái lan 8 triệu kw.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, Đông Nam Á cũng thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn, trở ngại không nhỏ do thiên nhiên gây ra. Đó là nạn động đất, núi lửa, bão gió, lụt lội, hạn hán, sâu bệnh, v.v. Tuy nhiên nhìn một cách tổng thể, thiên nhiên Đông Nam Á khá thuận lợi cho cuộc sống của con người, nhất là cho cuộc sống của con người trong buổi đầu lịch sử nhân loại. Có thể nói khu vực này có thế mạnh tự nhiên cho sự phát triển nông nghiệp.

Những đặc điểm văn hoá tiêu biểu của Đông Nam Á có thể kể đến là:

- Sản xuất: Trồng lúa nước, đánh bắt cá, trồng một số cây công nghiệp (cao su, cà phê, chè, v.v.).

- Văn hoá vật chất:

+ Ăn cơm với rau, cá và các sản phẩm đồng quê như cua, ốc, hến,…, các loại gia vị, hương liệu. Thức ăn tươi sống. Nhiều vùng ăn bốc.

+ Mặc thoáng, mát.

+ Ở nhà sàn.

+ Đi lại bằng thuyền.

- Văn hoá tâm linh: Sùng bái tự nhiên, thờ cúng tổ tiên. Hồi giáo, Phật giáo, Hinđu giáo, Nho giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều người.

- Đạo đức, lối sống: Văn hoá nông nghiệp nên trọng tình hơn lí, trọng quan hệ thân tộc, quan hệ cộng đồng; trọng tuổi tác, kinh nghiệm. Chế độ mẫu hệ ra đời sớm và tồn tại lâu dài.


3. KHU VỰC NAM Á

Khu vực Nam Á nằm ở phía nam dãy Himalaya. Khu vực này được ngăn cách bởi biển Arập ở phía tây, vịnh Belgan ở phía đông và Ấn Độ Dương ở phía nam. Thuộc về Nam Á có 6 quốc gia: Srilanka, Ấn Độ, Pakistan, Nepan, Banglades và Butan.

Dãy núi Himalaya với độ cao hơn 8000 m (trong đó đỉnh Êvơret cao nhất thế giới lên tới 8848 m), chiều rộng 300 km, chiều dài 2414 km chắn ở phía bắc đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến khí hậu của 3 nước là Nepan, Butan, Banglades và một phần Ấn Độ.

Vùng đồng bằng Ấn – Hằng được tạo nên bởi sông Ấn (Hindus) và sông Hằng (Gangga) là phần lãnh thổ bao trùm phần lớn diện tích của Pakistan, và một phần diện tích của Ấn Độ và Banlades. Hai con sông này đều bắt nguồn từ dãy Himalaya nhưng sông Ấn (Hindus) chạy về phía tây dọc theo lãnh thổ Pakistan, đổ ra biển Arập còn sông Hằng (Gangga) thì chạy từ tây sang đông, qua Ấn Độ và Banglades rồi đổ ra vịnh Belgan. Sông Ấn với chiều dài khoảng 2900 km đã tạo ra cả một vùng đồng bằng rộng lớn cho Pakistan còn sông Hằng với chiều dài 3090 km thì tạo nên hàng triệu hecta đồng bằng cho Ấn Độ và Banglades. Đồng bằng Ấn – Hằng trở thành cái nôi của một nền văn hoá – văn minh cổ xưa và rực rỡ ở châu Á.

Phía nam bán đảo Ấn Độ là vùng cao nguyên Dekkan được ngăn cách bởi các dãy núi bao bọc xung quanh: dãy Vindhya và dãy Satpura ở phía bắc, ngăn cách với vùng đồng bằng Ấn – Hằng, dãy Gat Tây ngăn cách với biển Arập và dãy Gat Đông ngăn cách với vịnh Belgan. Do bị vây kín như vậy nên khí hậu vùng cao nguyên Dekkan khá khắc nghiệt, đất đai thì khô cằn, sản xuất kém phát triển.

Khu vực Nam Á có những đặc trưng văn hoá chủ yếu dưới đây.

- Sản xuất: Trồng lúa nước là chủ đạo. Ngoài ra còn trồng lúa khô và phát triển kinh tế du mục. Thuỷ lợi giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.

- Văn hoá vật chất:

+ Thức ăn chính là cơm song nhiều vùng thiếu lương thực. Ăn bốc ở nhiều vùng.

+ Đi lại: Nhờ sông Ấn và sông Hằng cùng với các nhánh dày đặc của nó mà thuyền bè Ấn Độ đã đi lại, buôn bán với nhiều nơi trên thế giới.

- Văn hoá ứng xử, đạo đức: Chế độ đẳng cấp nặng nề, trọng sự phục tùng, cam chịu.

- Văn hoá tâm linh: Quê hương của Phật giáo, Hinđu giáo.


4. KHU VỰC TRUNG Á

Từ đông sang tây, khu vực Trung Á có điểm đầu là khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc và điểm cuối là biển Kaspi.

Đặc điểm tự nhiên nổi bật của khu vực này là có nhiều hoang mạc (như hoang mạc Karakuma, hoang mạc Takla Makah, …) và hầu như không có biển (trừ bờ biển Kaspi của Tuyêcmenistan). Đây là khu vực có nhiều núi cao: Pamir ở tây bắc cao trung bình 4000 m, Himalaya ở phía nam cao trên 8000 m, v.v. Đây cũng là khu vực có nhiều thung lũng và thảo nguyên rộng tới triệu hecta, rất thuận lợi cho chăn nuôi phát triển.

Xét về vị trí địa lí, khu vực Trung Á được phân thành 3 vùng:

- Vùng phía nam: Ngăn cách với Nam Á bởi dãy Himalaya. Phía đông tính từ cao nguyên Tây Tạng ( Tibet), phía tây giới hạn đến vịnh Pecxich qua Apganistan. Con đường đông – tây này đã được cư dân Arập sử dụng đi lại buôn bán khi chưa mở được đường biển.

-Vùng phía tây gồm Tuyêcmenistan, Uzebekistan và một phần Kazaktan. Nhờ có biển Kaspi, Aral và hai con sông Syr Daria, Amour Daria điều tiết mà vùng này khí hậu ôn hoà hơn, thích hợp cho việc phát triển nông nghiệp.

- Khu vực khép kín còn lại (phần lớn là những nước cộng hoà thuộc vùng Trung Á của Liên Xô cũ), bao gồm cả hoang mạc rộng lớn Karakuma ở Tuyêcmenistan (rộng tới 350.000 km2).

Nói chung khí hậu khu vực Trung Á thuộc loại khô. Lượng mưa trung bình hàng năm chỉ vào khoảng 200 mm. Nhiệt độ rất chênh lệch: chênh lệch giữa mùa đông và mùa hè (có nơi mùa hè lên tới 480C nhưng mùa đông lại xuống tới -630C như vùng Tadjikistan), chênh lệch giữa vùng này với vùng khác, thậm chí ngay trong một ngày (ở Tuyêcmenistan và Kazaktan, vào mùa hè, nhiệt độ trong cùng một ngày ở thung lũng là 300C thì ở vùng núi là 50C). Có những đỉnh núi tuyết phủ quanh năm.

Tuyệt đại đa số cư dân Trung Á phát triển kinh tế du mục, lấy chăn nuôi gia súc làm nghề sản xuất chủ yếu. Đời sống kinh tế thấp kém làm cho xã hội phát triển chậm. Đây là khu vực văn minh nhà nước ra đời muộn, còn lưu giữ đậm nét các yếu tố văn hoá của chế độ thị tộc, bộ lạc.

Những đặc điểm văn hoá đáng chú ý là:

- Sản xuất: Kinh tế du mục, chăn nuôi các loại gia súc như cừu, ngựa; trồng bông lấy sợi.

- Văn hoá vật chất:

+ Ăn thịt, uống sữa; làm bánh từ các loại ngũ cốc.

+ Mặc ấm: quần áo làm từ bông, da thú, lông thú.

+ Đời sống du mục nên ở lều di động, nay đây mai đó.

- Văn hoá ứng xử, đạo đức: Coi trọng sức mạnh, tổ chức quân sự kỉ luật, chặt chẽ; đề cao và tuân phục thủ lĩnh.

- Văn hoá tâm linh: Theo tín ngưỡng đa thần, Hồi giáo có sức mạnh to lớn.


5. KHU VỰC BẮC Á

Đây là khu vực rộng lớn, nằm ở phía bắc châu Á, chạy dài theo chiều đông – tây từ biển Ôkhốt đến dãy núi Uran (ở Kazakstan).

Địa hình khu vực Bắc Á đan xen giữa thảo nguyên, rừng già với các sông lớn (như Obi, Ienisei), hồ lớn (Baikal) và sa mạc ( Gobi).

Khí hậu khu vực Bắc Á quá khắc nghiệt: khô và rất lạnh. Vùng Sibir có khi lạnh xuống mức -700C. Khí hậu ở đây lạnh đến mức các hồ nước phần lớn thời gian trong năm đều đóng băng. Nước ít lạnh như Mông Cổ về mùa đông nhiệt độ cũng có thể xuống mức -300C. Điều kiện tự nhiên như trên làm cho khu vực này đất rộng nhưng bị bỏ hoang nhiều. Tài nguyên thiên nhiên giàu về tiềm năng nhưng chưa được khai thác. Cuộc sống của cư dân ở đây chủ yếu là du mục, do vậy kinh tế kém phát triển, quá trình hình thành xã hội văn minh đến muộn.

Văn hoá khu vực này được đặc trưng bằng những yếu tố chủ yếu dưới đây.

- Sản xuất: Du mục, chăn nuôi cừu, ngựa, lạc đà.

- Văn hoá vật chất: Ăn thịt, uống sữa; mặc ấm, quần áo chủ yếu bằng da thú dày, nhiều lông; ở lều di động, đốt lửa; đi lại bằng lạc đà, ngựa; dùng cung tên rất giỏi.

- Văn hoá ứng xử, đạo đức: Coi trọng sức mạnh quân sự, suy tôn và tuân thủ nhất luật theo thủ lĩnh.

- Văn hoá tâm linh: Rất sùng bái tự nhiên; Hồi giáo, Phật giáo du nhập từ ngoài vào và được cải biến, có ảnh hưởng đáng kể trong đời sống xã hội.


6. KHU VỰC TÂY Á – BẮC PHI

Tây Á – Bắc Phi (hay Trung Đông – Bắc Phi), như tên gọi của nó đã chỉ ra, thuộc về hai châu lục nên điều kiện tự nhiên khá đa dạng cả về địa hình, khí hậu lẫn môi trường sinh thái.

Khu vực này bao hàm các quốc gia ở bán đảo Arập (Arập xêut, Yêmen, Oman,…), lưu vực Lưỡng Hà, bờ tây vịnh Pecxich (Irắc, Côoet, bán đảo Arabi, Tây Iran), Tiền Á (các nước ở phía đông Địa Trung Hải như Siri, Libăng, Gioocđani, ixraen), bán đảo Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kì – nước nay thuộc châu Âu nhưng văn hoá truyền thống phương Đông), các nước thuộc đông – bắc Phi (Ai cập, Xu đăng) và các nước thuộc khu vực phía bắc sa mạc Sahara (Libi, Algiêri, Tuynizi,…). Cũng có thể xếp vào khu vực này cả những nước như Armeni, Azerbaizan, v.v.

Đặc điểm nổi bật nhất về điều kiện tự nhiên của khu vực này là có nhiều sa mạc rộng lớn: Sahara, Arập, Libi, Rub Alkhali, v.v. Diện tích sa mạc chiếm tới 70%, có nơi lên đến 90% (Ai Cập) tổng diện tích tự nhiên khu vực.

Sa mạc Sahara

Địa hình khu vực Tây Á – Bắc Phi có sự đối lập rõ rệt giữa núi cao và lòng chảo. Có những ngọn núi cao như Saint Catherin (cao tới 2637 m) lại có các vùng sa mạc mênh mông như Libi, thậm chí có nơi thấp hơn cả mặt nước biển như lòng chảo Kattara. Nhìn chung khí hậu khu vực này nóng nực, khô khan, rất ít mưa. Lượng mưa ở nơi cao nhất cũng chỉ vào khoảng 200 mm (đồng bằng Địa Trung Hải), nơi thấp nhất 25 mm ( Cairo).

Tuy nhiên, "bù" lại, khu vực này có 3 con sông lớn rất có giá trị mà nguồn nước có được chủ yếu do băng tan, đó là sông Nin dài 6.500 km ở bắc Phi, sông Tigrơ và sông Ơphơrat ở Tây Á. Chính các con sông này, như đã nói ở trên, là mảnh đất tạo ra nền văn hoá – văn minh cổ đại nổi tiếng ở phương Đông: Ai Cập – Lưỡng Hà. Và những gì mà các con sông này mang lại đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp và cây công nghiệp. Tuy nhiên, khi nước sông dâng cao thì lụt lội xảy ra là điều khó tránh khỏi. Vùng này, vì vậy, khi là "đống cát bụi", khi là "một biển nước" và khi là "một vườn hoa" như người ta thường nói.

Khí hậu khu vực Tây Á – Bắc Phi cũng rất đối nghịch. Ở vùng Tây Á, nhiệt độ ban ngày và ban đêm rất chênh lệch: ban ngày rất nóng, ban đêm rất lạnh (có nơi 460C ban ngày nhưng 60C ban đêm). Nhiệt độ vùng sa mạc có thể xuống dưới 00C.

Những điều vừa trình bày trên đây về điều kiện tự nhiên của khu vực Tây Á – Bắc Phi cho thấy sự phân bố rất không đồng đều về không gian sinh thái giữa các vùng. Bởi vậy, đối với những vùng được hưởng các nguồn lợi của tự nhiên (như đồng bằng các con sông lớn), cư dân quan niệm đó là sự ban phát của đấng tối cao, của trời đất, do đó luôn mang trong mình sự ngưỡng mộ và lòng cảm tạ. Trái lại, đối với những vùng khí hậu và địa lí khắc nghiệt hoặc với những khi xảy ra thiên tai khốc liệt thì cư dân lại mang tâm lí sợ hãi và coi đó là sự trừng phạt của đấng tối cao. Nói khác đi, trong tâm thức của cư dân khu vực này, mọi thứ đều do Trời định. Bổn phận của người dân là tuân theo ý Trời.

Xét về mặt vị trí địa lí, Tây Á – Bắc Phi là đầu mối giao lưu quốc tế có ý nghĩa chiến lược về nhiều mặt: Biển Arập nối thông sang Ấn Độ Dương và toàn bộ châu Á; biển Kaspi giữ vai trò là cầu nối Đông Âu – Trung Á; Địa Trung Hải là cửa ngõ vào châu Âu; Hồng Hải (biển Đỏ), vịnh Ađen không chỉ đơn thuần là đường giao lưu nội bộ mà còn trở thành đường hàng hải quốc tế nhờ kênh đào Sue nối Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương, v.v. Vị trí địa lí như vậy đã tạo cho cư dân ở đây cuộc sống "tung hoành bốn phương" từ rất sớm. Vì vậy buôn bán là nghề truyền thống của họ. Công việc này có tính chất "xuyên lục địa" và mang tầm quốc tế. Đặc biệt từ khi Hồi giáo ra đời và phát triển thì việc phối hợp giữa buôn bán và truyền bá đạo Hồi đã làm cho "bước chân" của các nhà buôn – Muslim càng vươn xa hơn.

Khác với một số khu vực khác ở châu Á, ở Tây Á – Bắc Phi, chế độ mẫu hệ không tồn tại dai dẳng nếu không nói là bị xoá mất từ rất sớm. Từ xa xưa, người đàn ông đã nắm giữ vai trò chủ chốt trong gia đình và xã hội. Trước đàn ông, phụ nữ chỉ biết cúi đầu phục tùng. Sau này, khi đạo Hồi phát triển thì địa vị của người đàn ông lại càng được đề cao hơn nữa.

Như đã phân tích ở phần trên, khi nông nghiệp phát triển, xã hội sớm phân hoá thành giai cấp thì nhà nước sớm ra đời. Nhà nước Ai Cập – Lưỡng Hà cũng nằm trong xu thế chung ấy. Tuy nhiên, ở khu vực Tây Á – Bắc Phi, tình trạng thiếu đất canh tác, thiếu nhân lực trở thành vấn đề nóng bỏng. Do vậy trong lịch sử phát triển của các bộ lạc và các tiểu vùng ở khu vực này, những cuộc chiến tranh giành đất đai và cướp bóc gia súc, nô lệ xảy ra rất sớm và liên miên. Bởi thế, so với các khu vực khác ở phương Đông thì xã hội chiếm hữu nô lệ ở khu vực này tương đối điển hình.

Dưới đây là những đặc điểm văn hoá chủ yếu của khu vực.

- Sản xuất:

+ Nông nghiệp phát triển ở lưu vực các con sông lớn.

+ Chăn nuôi phát triển rộng khắp ở các vùng.

+ Thương mại phát triển kéo theo sự ra đời sớm các đô thị.

- Văn hoá vật chất phục vụ đời sống:

+ Bánh làm bằng bột mì, bột ngô rất phổ biến.

+ Mặc kín: Trùm đầu và mặt (vừa do khí hậu khắc nghiệt vừa do những quy định ngặt nghèo của đạo Hồi).

+ Vận chuyển, đi lại bằng lạc đà là chính (phù hợp với địa hình sa mạc vì con vật này có sức chịu đựng dẻo dai, có khả năng chịu được nóng bức và chịu được khát). Một số nơi gần sông thì dùng thuyền.

- Văn hoá ứng xử, đạo đức:

+ Trọng nam. Vợ bị coi là tài sản riêng của chồng.

+ Bậc dưới tuyệt đối tuân thủ và phục tùng bậc trên.

+ Đề cao sự trung thành (thậm chí đến mức mù quáng), thù ghét sự phản bội.

+ Trung thực, căm ghét sự lừa dối.

- Văn hoá tâm linh:

+ Sùng bái thần linh, nhất luật tin ở ý Trời.

+ Có niềm tin đến mức cuồng tín vào tôn giáo.

+ Đây là nơi phát sinh các tôn giáo lớn của thế giới: Kito giáo ở Palextin, Hồi giáo ở Mecca. Ngày nay nơi đây vẫn là khu vực nóng bỏng nhất của Hồi giáo.


III. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNGPHƯƠNG ĐÔNG

Văn hoá phương Đông rất rộng lớn về quy mô, lãnh thổ, rất đa dạng về màu sắc và có sự tồn tại rất lâu dài về mặt lịch sử. Khái quát cho đúng, cho hết những đặc điểm của văn hoá phương Đông quả là một công việc không hề đơn giản, nếu không nói là hết sức khó khăn. Đây là vấn đề phức tạp và còn phải nghiên cứu nhiều. Ở đây chúng tôi mới chỉ tập hợp và nêu lên một số nhận xét bước đầu.


1. Văn hoá phương Đông mang đậm tính chất nông nghiệp – nông thôn.

Theo chúng tôi, tính chất nông nghiệp – nông thôn là đặc điểm nổi bật nhất, là bản sắc dễ thấy nhất của văn hoá phương Đông. Đặc điểm này thuộc về loại hình văn hoá: Văn hoá phương Đông chủ yếu là văn hoá gốc nông nghiệp, trong khi văn hoá phương Tây chủ yếu thuộc loại hình gốc du mục và thương nghiệp. Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là trong văn hoá phương Đông không có các yếu tố du mục và thương nghiệp (như đã thấy qua việc khảo sát các khu vực văn hoá phương Đông vừa trình bày ở trên) nhưng nhìn một cách tổng thể thì bản sắc nông nghiệp – nông thôn là nét chủ đạo.

Đường làng

a) Xã hội phương Đông, như đã trình bày ở các trang trước, là xã hội nông nghiệp. Nền sản xuất cổ truyền của các xã hội phương Đông về cơ bản đều là nền sản xuất nông nghiệp. Điều kiện địa lí tự nhiên của các quốc gia phương Đông nói chung đều thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp. Biểu hiện rõ nhất của các điều kiện này là sự có mặt của những con sông lớn: Sông Nin ở Bắc Phi; sông Tigrơ, sông Ơphơrat ở Tây Á; sông Ấn (Hindus), sông Hằng (Gangga) ở Ấn Độ; sông Hoàng Hà, sông Dương Tử (Trường Giang) ở Trung Quốc; sông Mêcông ở bán đảo Trung – Ấn, sông Mênam ở Thái Lan, sông Hồng ở Trung Quốc, Việt Nam, v.v. Lưu vực các con sông này tạo ra những đồng bằng rộng lớn, vựa lúa của phương Đông và thế giới. Và cũng chính từ các dòng sông ấy đã xuất hiện các nhà nước cổ đại – các nền văn hoá – văn minh phương Đông. Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà người ta lại đưa ra các cụm từ như "văn minh sông Hồng", "văn minh sông Mã", "văn minh sông Ấn – sông Hằng", v.v. Có thể nói, ngay từ đầu, văn hoá – văn minh phương Đông đã là văn hoá – văn minh nông nghiệp. Và đặc điểm này "đeo đuổi" văn hoá phương Đông cho đến tận ngày nay.

Không chỉ trong lịch sử xa xưa, ngày nay nông nghiệp vẫn phổ biến ở nhiều quốc gia phương Đông. Các nhà khoa học cho biết rằng hiện nay 90% diện tích trồng lúa trên thế giới nằm ở châu Á và sản lượng lúa gạo tại châu Á bằng 92% tổng sản lượng của thế giới. Như vậy rõ ràng là sản xuất nông nghiệp gắn chặt với các quốc gia phương Đông, và đó là cơ sở tạo ra loại hình văn hoá gốc nông nghiệp, tạo ra bản sắc nông nghiệp - nông thôn của văn hoá phương Đông.

b) Tính chất nông nghiệp – nông thôn được thể hiện ở rất nhiều bình diện văn hoá và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển của các nền văn hoá phương Đông.

Những biểu hiện của tính chất nông nghiệp – nông thôn của văn hoá phương Đông rất đa dạng. Có thể nêu ra ở đây một vài ví dụ.

Trước hết xin nói về văn hoá vật chất liên quan đến những nhu cầu thiết yếu nhất của con người, đó là ăn, mặc, ở, đi lại.

Nguồn lương thực chính của người phương Đông chủ yếu là lúa gạo và các loại ngũ cốc do nền sản xuất nông nghiệp tạo ra. Người phương Đông thường ăn cơm với các loại thực phẩm mang tính tự cung tự cấp như rau, cá và một số loại thịt gia cầm. Các loại gia vị, hương liệu như ớt, tiêu, rau thơm, cari, v.v. vốn là sản phẩm của sản xuất nông nghiệp cũng được dùng phổ biến ở nhiều nơi. Vì thực phẩm mang tính tự cung tự cấp nên thường tươi, sống và người dân thường ăn nóng.

Cách ăn mặc của cư dân phương Đông cũng phù hợp với công việc sản xuất nông nghiệp: Nói chung mặc ấm về mùa lạnh (hoặc ở xứ lạnh) và mát mẻ về mùa nóng (hoặc ở xứ nóng); mặc gọn gàng, tiện lợi (khố, váy, v.v.).

Nói chung, trừ một số khu vực dân cư theo loại hình kinh tế du mục nên ở lều di động, đa số cư dân còn lại sống trong một ngôi nhà cố định. Đó có thể là nhà "nửa nổi nửa chìm", tức là đào sâu xuống lòng đất một chút, hoặc là ngôi nhà sàn tiện lợi về mọi mặt.

Trong số các phương tiện đi lại thì thuyền phổ biến ở nhiều nơi, và hình thức di chuyển này ở phương Đông rõ ràng trước hết gắn với nông nghiệp – nông thôn sau đó mới đến yếu tố thương mại.

Không chỉ gắn liền với những yếu tố văn hoá mang "tính vật chất" phục vụ trực tiếp đời sống thường nhật của con người như vừa trình bày ở trên, tính chất nông nghiệp - nông thôn của văn hoá phương Đông còn được biểu hiện ở các tín ngưỡng và sinh hoạt văn hoá dân gian rất độc đáo của khu vực.

Có thể nói bao trùm lên đời sống cư dân nông nghiệp phương Đông là niềm tin tín ngưỡng và các sinh hoạt văn hoá dân gian như biểu diễn âm nhạc, múa hát, lễ hội, v.v. Tín ngưỡng là cội nguồn của lễ hội. Trong lễ hội thường diễn ra các trò chơi và các hoạt động ca múa dân gian. Lễ hội vừa là dịp tiến hành các nghi lễ có tính ma thuật để cầu xin thần linh giúp đỡ, xua đuổi tà ma, vừa là dịp để người dân vui chơi giải trí. Tín ngưỡng và các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian luôn gắn với cuộc sống của cư dân nông nghiệp, phản ánh sâu sắc nhịp điệu lao động và đời sống tinh thần phong phú của người dân. Tín ngưỡng bản địa và các lễ hội đã trở thành một nhân tố văn hoá đặc sắc gắn bó với các giá trị văn hoá nông nghiệp – nông thôn cổ truyền phương Đông.

Trong số các loại tín ngưỡng tồn tại ở phương Đông, phổ biến nhất là tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ở thời kì sơ khai khi khoa học kĩ thuật chưa phát triển, gần như tất cả đều phụ thuộc vào thiên nhiên, vào ý Trời. Vì vậy, ở khắp nơi, từ Đông Bắc Phi – Tây Á đến đất nước mặt trời mọc, các quần đảo Đông Á, từ Bắc Á rồi lưu vực sông Hoàng Hà rộng lớn cho đến các đảo cực nam Indonesia, v.v. đâu đâu người ta cũng thờ cúng các vị Thần liên quan đến sản xuất nông nghiệp như Thần Mặt trời, Thần Đất, Thần Nước, Thần Lúa, Thần Gió, Thần Sông, v.v.

Gắn liền với tín ngưỡng sùng bái tự nhiên là hàng loạt các lễ hội nông nghiệp như lễ hội té nước, lễ hội cầu mưa, cầu nắng, hội đua thuyền, lễ tịch điền, lễ hội mừng được mùa, v.v.

Ngoài tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, một loại tín ngưỡng nữa cũng khá phổ biến là tín ngưỡng phồn thực. Với ý nghĩa "phồn" – "nhiều", "thực" – "nảy nở", tín ngưỡng này mang triết lí sống điển hình cho cư dân nông nghiệp luôn hướng tới sự sinh sôi, là ước mong duy trì và phát triển sự sống. Trong cuộc sống lấy nghề nông làm vi bản, người dân không có mong muốn gì hơn là mùa màng tươi tốt, gia súc đầy đàn, gia đình, con cái đông đúc đề huề. Để phát triển, theo qui luật tự nhiên cần có sự kết hợp giữa hai yếu tố khác loại là mẹ và cha, trời và đất. Bắt đầu từ thực tế cuộc sống, con người nông nghiệp phương Đông đã nâng tư duy phồn thực trở thành một tín ngưỡng quan trọng, gắn nó với hàng loạt nghi thức và lễ hội đa dạng, sống động. Những tín ngưỡng và lễ hội này vừa mang tính chất nguyên sơ, chân thực và thiêng liêng trong tâm thức vừa phản ánh tính chất đặc trưng chung của văn hoá nông nghiệp phương Đông.

Tín ngưỡng và lễ hội phồn thực được biểu hiện ở hai khía cạnh chủ yếu: thờ sinh thực khí và thờ hành vi giao phối. Biểu hiện thờ sinh thực khí có ở nhiều nơi. Nhiều tượng, tháp, hình trụ, … được tạc, đắp theo hình các sinh thực khí nam nữ. Ở Ấn Độ và hàng loạt nước Đông Nam Á, người ta đều tìm thấy rất nhiều linga (sinh thực khí nam). Ngay ở thủ đô Seoul hiện đại ngày nay, ở nhiều nơi, kể cả trước cửa khách sạn cao sao, người ta cũng có thể trưng bày các hình sinh thực khí được đắp rất to. Một số nhạc cụ như chiêng, trống, dùi trống, v.v. cũng mang ý nghĩa biểu tượng của các sinh thực khí. Cũng có khi người ta lại lấy ngay những vật có sẵn hình sinh thực khí trong tự nhiên để thờ cúng. Chẳng hạn, cột đá hình sinh thực khí nam thờ ông Đùng ở Nhân Nghĩa, Lạc Sơn, Hoà Bình hay kẽ nứt Lỗ Lường hình sinh thực khí nữ được thờ ở Sở Đầm, Hòn Đỏ, Khánh Hoà, v.v.

Tính chất nông nghiệp – nông thôn còn được thể hiện qua các sinh hoạt văn hoá dân gian như hát múa, biểu diễn âm nhạc. Các hình thức như hát đối (nhất là hát đối nam nữ), hát ru con, hát đồng dao, v.v. đều có ở nhiều nước phương Đông, nhất là các nước Đông Nam Á. Những điệu múa mềm mại, uyển chuyển, nhịp nhàng mang nhiều âm hưởng của nhịp điệu lao động, mô tả các động tác cày cấy, gặt hái, v.v. cũng khá phổ biến. Múa phương Đông rõ ràng khác với nhảy của phương Tây. Các nhạc cụ phổ biến của phương Đông cũng được tạo ra từ những sản phẩm nông nghiệp (sáo, kèn, chiêng, trống, …) và luôn mang "âm hưởng đồng quê".

Nông nghiệp gắn liền với nông thôn. Tính chất nông nghiệp – nông thôn của văn hoá phương Đông được nảy sinh, nuôi dưỡng và phát triển trong một mô hình xã hội đặc biệt: mô hình làng xã. Các công xã nông thôn, theo cách nói của C. Mac, có ảnh hưởng rất sâu đậm đến đời sống văn hoá của cư dân nông nghiệp phương Đông. Có thể nói văn hoá làng xã với tính cộng đồng và tính tự trị cao là một nét nổi bật của văn hoá phương Đông.

Trong làng xã phương Đông, gia đình là một "đơn vị sản xuất", ở đó vai trò của người phụ nữ rất quan trọng. Sự ra đời và tồn tại dai dẳng của chế độ mẫu hệ ở nhiều khu vực phương Đông, suy cho cùng, trên một khía cạnh nào đấy, cũng do đời sống nông nghiệp quy định. Và đó cũng là một biểu hiện của tính chất nông nghiệp – nông thôn của văn hoá phương Đông.


2. Về tư tưởng triết học và phương thức tư duy, phương Đông thiên về "chủ toàn" và tổng hợp.

Theo nhận xét của GS Cao Xuân Huy, phương Đông, xét về tư tưởng triết học, thiên về chủ toàn, trong khi phương Tây thiên về chủ biệt. Khi nhìn nhận vấn đề, phương Đông thường chú trọng đến tính toàn diện, toàn thể, toàn cục. Tư tưởng triết học chủ toàn có quan hệ mật thiết với phương thức tư duy tổng hợp phép biện chứng. Khi xem xét một sự vật, hiện tượng, người phương Đông thường nhìn nó một cách tổng thể, xem nó như một hệ thống – cấu trúc hoàn chỉnh, ở đó các yếu tố tạo nên chỉnh thể có quan hệ với nhau, ràng buộc và quy định lẫn nhau. Người phương Đông ít chú ý đến việc phân tích từng yếu tố tách "rời" như phương Tây mà quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ giữa chúng. Có thể lấy ví dụ qua cách chữa bệnh truyền thống. Các thầy thuốc phương Đông thường xem cơ thể con người là một "chỉnh thể hệ thống", do vậy sự tồn tại của các cơ quan trong cơ thể con người có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi một cơ quan nào đó bị yếu hoặc mắc bệnh thì các thầy thuốc Đông y thường không chỉ chữa cơ quan đó mà còn chú ý đến toàn bộ cơ thể. Khi toàn bộ cơ thể khoẻ thì sẽ "kéo" cơ quan bị yếu khoẻ lên. Trái lại, y học phương Tây lại nặng về phân tích và chú ý đến yếu tố, do vậy thường can thiệp trực tiếp vào cơ quan bị đau yếu trong cơ thể: đau chỗ nào thì tiêm, chích, cắt bỏ chỗ ấy. Dĩ nhiên, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nh�! �ợc điểm của nó (vì vậy ngày nay ta mới đi theo cách Đông – Tây y kết hợp). Đau ruột thừa chẳng hạn, nếu không can thiệp bằng cách cắt bỏ kịp thời ngay chỗ đau thì chắc chắn sẽ gây hậu quả khôn lường. Tuy nhiên cách chữa không chú ý lắm đến "mối quan hệ giữa các cơ quan" của phương Tây nhiều khi cũng chưa ổn, chẳng hạn, chữa được khớp thì lại "bục" dạ dày do thuốc chữa khớp rất độc hại, rất "kị" dạ dày. Cách chữa bệnh của phương Đông tuy đòi hỏi thời gian nhưng chắc chắn, cơ bản và có tác dụng lâu dài.

Hiệu thuốc Đông y

Óc tư duy tổng hợp của phương Đông có mặt mạnh là giúp con người có cái nhìn toàn diện nhưng đôi khi cũng có hạn chế là dễ "bỏ qua" những tiểu tiết quan trọng. Óc phân tích của người phương Tây giúp con người có điều kiện đi sâu được vào các chi tiết. Có lẽ đó cũng là một trong những lí do khiến nền khoa học – kĩ thuật của phương Tây phát triển.


3. Trong quan hệ giữa người với người, văn hoá phương Đông nặng về tính cộng đồng và cách ứng xử tình cảm, mềm dẻo.

Cả hai phẩm chất này, suy cho cùng, cũng là do loại hình văn hoá gốc nông nghiệp chi phối. Trong sản xuất nông nghiệp, các gia đình nông dân cùng canh tác trên một cánh đồng, ruộng đất nhà này tiếp giáp ruộng đất nhà kia. Để có được năng suất, những người nông dân trong làng không thể không liên kết với nhau. Chỉ có đoàn kết con người mới chống được thiên tai. "Lụt thì lút cả làng" vì vậy chỉ có sự đồng tâm hiệp lực của cả làng, cả xã thì mới đắp được đập, được đê ngăn nước. Muốn chống hạn, diệt sâu bệnh, chuột bọ, v.v. cũng cần sức mạnh của cả làng. Môi trường canh tác mang tính tập thể như thế chính là cơ sở để nảy sinh tính cộng đồng.

Đặc trưng này của văn hoá phương Đông khiến mỗi người khi hành động luôn luôn phải nghĩ đến cộng đồng, đến tập thể, xã hội. Trong làng, người dân thường tránh những việc làm phương hại đến tập thể. Từ đây nảy sinh quan điểm sống vì tập thể. Vì tập thể, người ta sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân. Cũng vì thế mà người phương Đông thường đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm (trong khi phương Tây thì coi trọng quyền lợi). Quả thực, trong việc chống chọi với thiên tai, địch hoạ, nếu không có tinh thần trách nhiệm được đề lên thành nghĩa vụ thì không thể có được chiến thắng.

Những người trong làng sống nương tựa vào nhau, vì nhau, sống theo tinh thần cộng đồng, do đó họ đối xử với nhau rất có tình cảm. Mọi vấn đề nảy sinh đều được giải quyết bằng tình nghĩa họ hàng, bà con, láng giềng một cách mềm dẻo. Có người ví văn hoá ứng xử phương Đông mềm dẻo và linh hoạt như nước. Vì vậy mềm dẻo, trọng tình thực sự là một đặc trưng của văn hoá ứng xử phương Đông. Người ta sống với nhau bằng tình cảm thương yêu, bằng tinh thần cộng đồng, vì vậy sẵn sàng giúp đỡ nhau trong những lúc hoạn nạn, khó khăn, theo tinh thần "lá lành đùm lá rách". Lối sống trọng tình cảm tất yếu dẫn đến thái độ trọng đức, trọng văn, trọng sự hiếu hoà. Từ tính cộng đồng, từ sự đùm bọc làng xã, sau này truyền thống tốt đẹp ấy phát triển thành tinh thần dân tộcchủ nghĩa yêu nước phương Đông.

Nếu so sánh với văn hoá phương Tây thì cũng thấy một sự khác biệt nhất định. Có thể nói, trong quan hệ ứng xử, phương Tây thiên về cá thể, trọng lí. Đối với phương Tây, con người cá nhân được đề cao. Điều này có điểm mạnh là phát huy cao độ sức sáng tạo cá nhân, tránh được sự dựa dẫm theo kiểu "cha chung không ai khóc". Hơn nữa lối ứng xử trọng lí giúp con người sống theo pháp luật một cách có ý thức – điều mà các xã hội nông nghiệp phương Đông phải phấn đấu rất gian khổ mới có được.

Những điều trình bày trên đây không có nghĩa là ở phương Đông chỉ có tính cộng đồng mà không có tính cá nhân còn ở phương Tây chỉ có tính cá nhân mà không có tính cộng đồng. Tách bạch như vậy là siêu hình. Do đó, theo chúng tôi, cách nói "thiên về" cái này hay cái kia như các nhà nghiên cứu đã nêu là có cơ sở. Cũng có người cho rằng, ở Việt Nam, tâm thức duy cộng đồng luôn luôn chiếm ưu thế đối với tâm thức duy cá nhân [Nguyễn Kiến Giang, 2003, 34]. Đây cũng là một cách diễn đạt có cơ sở. Nhận định này có thể áp dụng cho văn hoá phương Đông nói chung.


4. Trong quan hệ ứng xử với thiên nhiên, phương Đông nghiêng về hoà đồng, thuận tự nhiên.

Đặc điểm hoà đồng, thuận tự nhiên của văn hoá phương Đông thường được đặt trong sự so sánh với đặc điểm chinh phục tự nhiên của văn hoá phương Tây. Văn hoá phương Tây thiên về giải thích, cải tạo thế giới. Nói như C. Mac: "Vấn đề là cải tạo thế giới". Tất nhiên nói như trên không có nghĩa là đối lập tuyệt đối giữa văn hoá phương Đông và văn hoá phương Tây trong vấn đề đối xử với môi trường tự nhiên.

Sống chung với lũ

Thái độ hoà đồng với tự nhiên của văn hoá phương Đông đã được hình thành từ rất lâu và định hình trên cơ sở của những quan niệm về con người trong các học thuyết phương Đông. Theo nhiều tác giả, con người trong quan niệm của tất cả các tôn giáo phương Đông và trong hầu hết các học thuyết triết học phương Đông truyền thống đều không đối lập với giới tự nhiên. Nó luôn luôn được coi là một thành tố, một bộ phận của giới tự nhiên [Hồ Sĩ Quý, 2004, 12].

Có thể cắt nghĩa đặc điểm hoà đồng, thuận tự nhiên bằng cơ sở kinh tế – xã hội của phương Đông.

Trước hết có thể giải thích bằng nền sản xuất nông nghiệp. Như đã nói ở trên, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Một sự "nổi giận" của trời đất có thể làm cho toàn bộ công sức của người dân "tan thành mây khói". Điều này có thể thấy rõ qua các trận bão gió, lụt lội, lở đất, động đất, núi lửa, v.v. Bởi vậy từ trong tâm khảm của người dân, tự nhiên là đấng tối cao. Sản xuất nông nghiệp chỉ có thể đạt hiệu quả khi thuận theo tự nhiên. Một trong những biểu hiện của sự thuận theo ấy là tính thời vụ. Có thể nói, kinh nghiệm sống, nói cụ thể hơn là kinh nghiệm sản xuất, đã khiến cư dân nông nghiệp phương Đông phải hành động thuận theo tự nhiên. Trái ý tự nhiên, trái ý Trời sẽ bị trả giá. Đó là bài học có thể phải trả bằng đói khổ, nước mắt và tính mạng. Không còn cách nào khác, Nhật Bản vẫn phải "sống chung với động đất", Indonesia phải "sống chung với núi lửa", Philippines phải "sống chung với bão" còn đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam thì phải chấp nhận "sống chung với lũ" như là một lẽ tự nhiên. Bài học về động đất và sóng thần ở Đông Nam Á và Nam Á (đặc biệt là đối với các nước Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanca) ngày 26 tháng 12 năm 2004 làm hơn 280.000.000 người thiệt mạng càng khẳng định sức mạnh cực kì to lớn của thiên nhiên mà con người không dễ gì có thể "chế ngự" nổi.

Một lí do khác nữa cắt nghĩa cho đặc điểm hoà đồng, thuận tự nhiên là ở tổ chức của xã hội truyền thống phương Đông, đó là xã hội nông nghiệp với chế độ công xã nông thôn. Chế độ này, như đã nói, mang lại cho mỗi đơn vị nhỏ bé (làng xã) một cuộc sống cô lập, tách biệt. Công xã tổ chức theo lối gia đình tự cấp, tự túc. Con người bị trói buộc bởi những xiềng xích nô lệ của các quy tắc truyền thống, do đó hạn chế sự phát triển của lí trí, từ đó rất dễ trở thành nô lệ của những điều mê tín dị đoan. Những công xã nông thôn phương Đông, do vậy, hạn chế con người ở việc chủ yếu phục tùng những hoàn cảnh bên ngoài, phục tùng tự nhiên chứ không có ý thức và năng lực làm chủ hoàn cảnh, chinh phục tự nhiên. Đây cũng chính là lí do để chế độ chuyên chế phương Đông tồn tại và phát triển.


5. Về phương thức sống, văn hoá truyền thống phương Đông trọng tĩnh, hướng nội và khép kín.

Cuộc sống nông nghiệp luôn luôn cần một sự ổn định. Người dân thường rất sợ những điều xảy ra bất thường. Lối sống hài hoà với tự nhiên, tình cảm với mọi người, suy cho cùng, cũng là nhằm đạt tới sự ổn định. Từ đây xuất hiện phương thức sống trọng tĩnh, hướng nội và khép kín.

Sống trong các công xã nông thôn cô lập, tách biệt, xét ở một góc độ nào đó, tính tự trị đồng nghĩa với hướng nội và khép kín. Trong xã hội phong kiến, mô hình làng xã "kín cổng cao tường" cùng với những thiết chế xã hội ngặt nghèo của nó càng làm cho "tầm nhìn" của cư dân nông nghiệp không vượt khỏi "luỹ tre làng".

Cổng làng

Nền nông nghiệp tự cấp tự túc chỉ tạo ra được những sản phẩm vừa đủ để lưu thông trong phạm vi "chợ làng", không trở thành hàng hoá thương nghiệp của nền kinh tế thị trường kiểu phương Tây. Đó cũng là hướng nội, khép kín.

Lối sống trọng tĩnh, hướng nội và khép kín không thể tạo ra sự phát triển đột biến. Có lẽ đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm cho chế độ phong kiến phương Đông kéo dài sự trì trệ nhiều thế kỉ.

Trái với phương Đông, phương Tây trọng động, hướng ngoại và cởi mở. Điều này cũng dễ hiểu. Ở đó nền kinh tế thương mại và du mục buộc người ta phải năng động, phải đi tìm thị trường ở bên ngoài và mở rộng quan hệ.


Tiểu kết:

1. Trở lên chúng tôi đã trình bày một số đặc điểm chủ yếu của văn hoá phương Đông. Vấn đề này, như đã nói ở trên, chỉ là những nhận xét bước đầu. Dưới đây là một vài nhận xét xuất phát từ cơ sở triết học của vấn đề.

Có thể nói muốn tìm hiểu được bản sắc văn hoá phương Đông thì phải xem xét cơ sở kinh tế – xã hội của nó. Nói như học thuyết Mac – Lênin thì đó là hạ tầng cơ sở hay tồn tại xã hội, bởi tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội.

Xã hội phương Đông là xã hội nông nghiệp vì vậy văn hoá phương Đông là văn hoá gốc nông nghiệp và bản sắc nổi trội nhất của nó là tính chất nông nghiệp – nông thôn.

Cuộc sống nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau buộc người ta phải cố gắng bao quát chúng. Từ đây hình thành lối tư duy tổng hợp và cách nhìn nhận toàn diện, mọi mặt (chủ toàn).

Để sản xuất nông nghiệp thu được kết quả, người dân không thể không dựa vào nhau, liên kết với nhau để tạo thành sức mạnh cộng đồng. Tính cộng đồng vì vậy mà nảy sinh và phát triển. Và rồi quan hệ cộng đồng trở thành tiền đề cho quan hệ ứng xử mang tính mềm dẻo, coi trọng tình cảm hơn những quyền lợi vật chất.

Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Làm trái tự nhiên là thất bại. Những bài học ấy đã "dạy" người dân phương Đông cách sống hoà đồng với tự nhiên và thuận theo tự nhiên.

Những gì bất thường của tự nhiên đều làm cho cư dân nông nghiệp lo lắng, thậm chí khiếp sợ. Vì vậy từ trong tâm thức, họ trọng sự ổn định và luôn muốn một cuộc sống tĩnh tại. Hơn nữa nền nông nghiệp phương Đông gắn liền với chế độ công xã nông thôn, với tổ chức làng xã cô lập, tách biệt đã làm cho cuộc sống của người dân khép kín, hướng nội.

2. Cơ sở kinh tế – xã hội của phương Đông, như vừa trình bày ở trên, có phần khác với phương Tây. Và sự khác biệt về cơ sở ấy đã quy định sự khác nhau về tư tưởng, triết học, triết lí của hai nền văn hoá [Xin xem Nguyễn Hùng Hậu, 2004, 9 - 16].

Nói chung triết học phương Đông thường đi liền với tôn giáo (như triết học Ấn Độ) hoặc với đạo đức chính trị xã hội (như triết học Trung Hoa). Nhà triết học phương Đông được suy tôn là người hiền, hiền triết, minh triết. Trái lại triết học phương Tây thường gắn liền với những thành tựu của khoa học, nhất là khoa học tự nhiên. Nhà triết học của phương Tây thường là nhà khoa học, nhà bác học.

Mục đích của hai nền triết học cũng khác nhau: triết học phương Đông nhằm ổn định trật tự xã hội (như triết học Trung Hoa mà tiêu biểu là đạo Nho), giải thoát (hay siêu thoát như triết học Ấn Độ mà tiêu biểu là Phật giáo) hay hoà đồng với thiên nhiên (thuận thiên như Đạo giáo); triết học phương Tây thiên về giải thích và cải tạo thế giới.

Đối tượng của triết học phương Đông là xã hội, cá nhân con người, là cái tâm. Nói cách khác, triết học phương Đông lấy con người làm trung tâm. Chính vì vậy tri thức của triết học phương Đông chủ yếu nặng về xã hội, chính trị, đạo đức, tâm linh. Nghĩa là nó mang tính "hướng nội", lấy trong giải thích ngoài. Từ đây có thể thấy triết học phương Đông có vẻ thiên về duy tâm. Đối tượng của triết học phương Tây rộng hơn: toàn bộ tự nhiên, xã hội, tư duy. Vì vậy tri thức của triết học phương Tây cũng rộng hơn. Tuy nhiên tự nhiên được coi là gốc, là cơ sở, do đó triết học phương Tây thiên hơn về hướng ngoại, lấy ngoài giải thích trong. Điều này cũng có nghĩa là triết học phương Tây nặng về duy vật hơn triết học phương Đông.

Xét về phương pháp nhận thức, triết học phương Đông thiên về trực giác, trong khi triết học phương Tây thì thiên về tư duy duy lí, phân tích, mổ xẻ. Lối tư duy duy lí, phân tích, mổ xẻ của phương Tây làm cho khoa học kĩ thuật phát triển và kéo theo nó là sự phát triển của công nghệ, kĩ nghệ hiện đại. Lối nhận thức trực giác của văn hoá phương Đông rất phù hợp với đối tượng vận động, đặc biệt là khi triết học phương Đông lấy con người làm trung tâm. Trực giác, linh cảm ban đầu có thể là một gợi ý, một tia chớp loé lên tức thì, giúp định hướng cho các phát kiến về sau.

Tóm lại, văn hoá phương Đông có những đặc điểm khác với văn hoá phương Tây. Theo một số học giả, sự khác biệt đó là như sau.

Khuynh hướng trội của phương Tây là hướng ngoại, chủ động, tư duy lí luận, hiếu chiến, cá thể, phân tích, tri thức suy luận, khoa học, cạnh tranh, bành trướng, tư duy cơ giới, chú ý nhiều đến thực thể, v.v.

Khuynh hướng trội của phương Đông là hướng nội, bị động, huyền bí, hoà hợp, quân bình, thống nhất, tâm lí, tâm linh, tập thể, tổng hợp, minh triết, trực giác, tôn giáo, hợp tác, giữ gìn, tư duy hữu cơ, chú ý nhiều tới quan hệ, v.v. [Nguyễn Hùng Hậu, 2004, 15].


IV. SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC NỀN VĂN HOÁ PHƯƠNG ĐÔNG RA KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI

Một đặc điểm khá nổi bật của văn hoá phương Đông là có sự ảnh hưởng mạnh của các nền văn hoá – văn minh lớn ra khu vực và thế giới. Có thể minh hoạ cho nhận xét này bằng việc phân tích một số ảnh hưởng của văn hoá Arập, văn hoá Trung Quốc và văn hoá Ấn Độ.


1. Văn hoá Arập có sự lan toả khá rộng.

Văn hoá Arập chính là nền văn hoá của những người du mục sống trên sa mạc ở trên các vùng đất Arập. Nền văn hoá đó đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ và có ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều khu vực ở châu Âu, châu Á và châu Phi. Dẫu rằng văn hoá Arập đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau, nhưng những đóng góp và ảnh hưởng của nó vẫn rất rộng rãi và sâu sắc.

Năm 650, 18 năm sau khi vị sứ giả cuối cùng Mohammed mất, người Arập tràn qua Lybia và Tunisi. Năm 827, hơn mười nghìn người Arập đến chinh phục Sicily và bắt đầu thời kì thống trị của họ trên hòn đảo châu Âu này. Năm 642, người Arập với ngọn cờ Islam đã thắng thế ở Ai Cập, Syria, và Palestine.

Người Arập thống trị Sicily khoảng hai thế kỉ. Trong thời gian đó, họ đã lập nên hàng chục đô thị ở nước Italy ngày nay. Trong hai thế kỉ đó, dân số hòn đảo Sicily xinh đẹp tăng gấp đôi. Người Arập thay đổi toàn bộ xã hội Sicily, từ cách làm nông nghiệp đến việc ăn uống, sinh hoạt. Họ đem tới Sicily mô hình hệ thống tưới tiêu từ vùng sa mạc khô cằn. Họ gây dựng ngành tơ lụa ở Sicily. Họ trồng lúa, mía, bông và cam. Đường phố Sicily đầy chợ ngoài trời nhộn nhịp, sầm uất. Nhưng ảnh hưởng lớn nhất có lẽ là ngôn ngữ. Từ khi người Arập đến Sicily, người Sicily nói hai thứ tiếng: tiếng Arập và tiếng Hy Lạp. Sicily trở thành thành phố thịnh vượng nhất châu Âu, với kinh tế phát triển, văn học – nghệ thuật nở rộ.

Từ Sicily (thủ đô của đế chế Byzantine và sau này của Constantinop), người Arập chinh phục Tây Ban Nha, vươn tới Trung Hoa và Ấn Độ. Họ lật đổ người Xume và thống trị vùng đất giữa hai con sông Tigơrơ và Ơphơrat cho tới tận năm 3800 TCN. Họ tấn công Ba Tư ở phía Đông, bán đảo Sinai và toàn bộ vùng Địa Trung Hải ở phía Tây.

Văn hoá Arập ngày càng bám rễ sâu vào lãnh địa của người Norman dưới các vương triều của hai đế chế Byzantine và Constantinope, nhất là trên mảnh đất nghệ thuật và kiến trúc. Người theo đạo Hồi (Muslim), người Do Thái giáo, người Kitô giáo đã chung sống hoà bình trên mảnh đất Sicily. Ngày nay, các quận Kalsa, Cala, Cassaro vẫn còn nguyên vẹn những vết tích của nền kiến trúc pha trộn giữa hai phong cách Arập và Norman. Theo nhận xét của John Julius Norwich, một nhà nghiên cứu về Sicily thì Sicily hiên ngang đứng giữa lòng châu Âu – và hiên ngang đứng giữa một thế giới trung cổ tối tăm – như là một biểu tượng của sự khoan dung và khai sáng, một bài học cho mỗi con người phải học để hiểu cảm giác của những người có dòng máu và có niềm tin khác mình.

Cũng như ở châu Âu, văn hoá Arập có sức mạnh khá bền vững ở châu Phi và châu Á. Với 22 nước Arập thuộc châu Phi và châu Á, cùng nói một tiếng nói chung là tiếng Arập, cùng chọn đạo Hồi (Islam) làm tôn giáo quốc gia, cộng đồng người Arập cho thấy một sức mạnh thống nhất về ngôn ngữ và tôn giáo. Văn hoá Arập đã nảy nở, lan toả và phát triển trên những mảnh đất vốn không phải là quê hương của mình. Nó để lại dấu ấn trong mọi biểu hiện của cuộc sống thường ngày của người dân, trong đời sống tôn giáo, trong kiến trúc – hội hoạ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Islam là đóng góp lớn nhất của văn hoá Arập và có ảnh hưởng lớn nhất đối với văn hoá thế giới. Bằng chứng là sự có mặt của Hồi giáo với tư cách là tôn giáo chính thức ở Indonesia, Malaysia, Brunei – những quốc đảo hùng mạnh ở Đông Nam Á, trong đó, Indonesia là quốc gia có số lượng tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới. Ở khắp nơi trên các đất nước này, kiến trúc Hồi giáo, đặc biệt là kiến trúc nhà thờ Hồi giáo, rất phổ biến và giữ vai trò chủ đạo trong nền kiến trúc dân tộc. Chỉ một điều đó thôi cũng đủ thấy ảnh hưởng của văn hoá Arập – Islam ở Đông Nam Á có sức mạnh đến mức độ nào!


2. Nhắc đến cống hiến của văn hoá Trung Hoa cổ đại đối với lịch sử nhân loại, như sẽ nói kĩ ở dưới, không thể không nhắc tới "tứ đại phát minh", đó là: la bàn, thuật làm giấy, thuật in ấn và thuốc súng.

Từ cuối thế kỉ 12 đến đầu thế kỉ 13, la bàn được truyền sang Arập, từ đó sang châu Âu, và đã đóng góp rất nhiều cho ngành hàng hải thế giới.

Sau thế kỉ 6, kĩ thuật làm giấy của Trung Quốc được truyền sang Triều Tiên, Việt Nam và Nhật Bản. Đến thế kỉ 8, phương pháp này qua Thổ Nhĩ Kì truyền vào Arập, sau đó được truyền sang châu Âu.

Kĩ thuật in ấn của Trung Quốc cũng dần được truyền sang các nước láng giềng như Triều Tiên, Nhật Bản, sau đó truyền sang Arập và châu Âu.

Vào thế kỉ 13, thuốc súng và vũ khí mang thuốc súng của Trung Quốc đã lần lượt được đưa vào Ấn Độ, Arập, và vào cuối thế kỉ 13 đầu thế kỉ 14 được truyền sang châu Âu.

Ngoài bốn phát minh trên, một số thành tựu khoa học kĩ thuật khác của Trung Quốc cũng có ảnh hưởng nhất định đối với văn minh nhân loại. Thuật luyện đơn (bào chế thuốc) của Trung Quốc sau khi truyền vào Arập, đã góp phần thúc đẩy kĩ thuật chế biến thuốc của nước này phát triển, và cũng cần nói thêm rằng sau đó kĩ thuật chế biến thuốc của châu Âu lại chịu ảnh hưởng của Arập, và nền hoá học hiện đại sau này chính là được phát triển trên cơ sở kĩ thuật chế biến thuốc của châu Âu thời trung cổ.

Đồ sứ tinh xảo của Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng trên thế giới. Vào nửa cuối thế kỉ 15, kĩ thuật làm đồ sứ của Trung Quốc đã được truyền sang Italy, mở ra một kỉ nguyên mới cho lịch sử chế tạo đồ sứ của châu Âu, và còn ảnh hưởng cho tới ngày nay. Không phải ngẫu nhiên mà từ tiếng Anh China vừa có nghĩa là Trung Quốc lại vừa có nghĩa là đồ sứ.

Nền văn học rực rỡ và đồ sộ của Trung Quốc cũng có ảnh hưởng vô cùng rộng lớn trên phạm vi toàn thế giới. Những tác phẩm văn học nổi tiếng như "Tam Quốc Diễn Nghĩa", "Tây Du Ký", "Hồng Lâu Mộng", "Thuỷ Hử", " Liêu Trai Chí Dị", "Kim Bình Mai"… đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng và được các học giả nước ngoài đánh giá cao.

Nền nghệ thuật phong phú và thần bí của Trung Quốc đã khiến cho không biết bao nhiêu các triết gia và các nghệ thuật gia của châu Âu khuynh đảo. Nhà khải mông tư tưởng Pháp thế kỉ 18 Voltaire đã gọi Trung Quốc của phương Đông là "cái nôi của mọi nền nghệ thuật".

Triết học Trung Quốc cũng có ảnh hưởng sâu sắc ở châu Âu vào thế kỉ 17-18. Triết gia Gottfried Wilhelm von Leibniz, người tiên phong của triết học cổ điển Đức, là triết gia đầu tiên nhận ra tầm quan trọng của văn hoá Trung Quốc đối với sự phát triển của châu Âu. Khi nghiên cứu về phép toán cơ số 2, " Chu dịch" cổ đại của Trung Quốc đã cho ông những gợi mở vô cùng quan trọng. Năm 1701, một giáo sĩ Pháp trong bức thư gửi cho ông đã gửi kèm theo hai bản Dịch đồ, đó là "Phục Hi lục thập tứ quái thứ tự đồ" và "Phục Hi lục thập tứ quái phương vị đồ". Leibniz sau khi nghiên cứu kĩ hai bản vẽ này, cho rằng chính sự sắp xếp trong bát quái là sự thể hiện tư tưởng của phép tính "cơ số 2" đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Năm 1703, ông đã triển khai phép cơ số 2 sang bốn lĩnh vực cộng trừ nhân chia. Phép tính cơ số 2 có vai trò vô cùng quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người cho rằng không có sự ra đời của phép tính cơ số 2, thì sẽ không thể xuất hiện lôgíc toán học và khoa học máy tính hiện đại ngày nay.

Khi các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dần chiếm vị trí thống trị trong xã hội, ở châu Âu đã nổ ra phong trào khải mông tư tưởng. Sự phát triển của phong trào này đòi hỏi sự kế thừa tư tưởng của những người đi trước. Nhưng các trào lưu tư tưởng ở châu Âu thời trung thế kỉ lại có mối ràng buộc chặt chẽ với tôn giáo thần học, do vậy không thể đáp ứng được những đòi hỏi của các nhà khải mông tư tưởng. Và chính nền văn minh cổ đại Trung Hoa đã đem lại cho họ nguồn năng lượng mới. Đầu tiên, các nhà khải mông tư tưởng nhận thấy màu sắc tôn giáo trong triết học Trung Quốc rất mờ nhạt. Lý tưởng chính trị của Voltaire là hy vọng sau khi xoá bỏ được nền "tôn giáo thần học" dựa vào mê tín, sẽ xây dựng nên một nền " tôn giáo lý tính" đề cao lý tính, tự nhiên và đạo đức. Trong con mắt ông, Nho giáo của Trung Quốc chính là hình mẫu cho thứ "tôn giáo lý tính" này. Nhà khải mông tư tưởng Pháp Denis Diderot trong phần giới thiệu về Trung Quốc trong cuốn "Bách khoa toàn thư" cũng cho rằng, khái niệm cơ bản trong triết học Trung Quốc là "lý tính". Ông đặc biệt ngợi ca Nho giáo, chỉ ra rằng Nho giáo chủ trương lấy "lý tính" và " chân lý" để trị quốc bình thiên hạ.

Ở Đức, trào lưu lấy "tôn giáo triết học" thay thế "tôn giáo thần học" cũng chịu ảnh hưởng của triết học Trung Quốc. George Wilhelm Friedrich Hegel mặc dù rất coi thường triết học Trung Hoa, nhưng cũng thừa nhận rằng "nguyên tắc cơ bản mà người Trung Quốc thừa nhận là lý tính". Ở Anh, các nhà khải mông cũng thường trích dẫn "lập luận của người Trung Quốc" để phản đối "Kinh Thánh". Triết học truyền thống của Trung Quốc cũng có ảnh hưởng rất lớn ở Nga vào thế kỉ 19.

Ảnh hưởng của triết học Trung Quốc đối với châu Âu không chỉ dừng lại ở thế kỉ 18. Mặc dù sau đó có những biến động nhất định, nhưng bắt đầu từ giữa thế kỉ 19, châu Âu lại xuất hiện trào lưu tìm hiểu, nhu cầu giao lưu với văn học, nghệ thuật, triết học của Trung Quốc. Sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, châu Âu xuất hiện cuộc khủng hoảng văn hoá, trí thức châu Âu lại hướng tầm mắt của mình về phương Đông, hy vọng tìm thấy phương thuốc giúp châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng này từ văn hoá phương Đông, đặc biệt là trong triết học và văn học Trung Quốc. Nhà xã hội học, triết học nổi tiếng người Đức Bertolt Brecht đã giành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu triết học cổ đại Trung Quốc. Ông đặc biệt quan tâm tới tư tưởng "phi công", "kiêm ái" của Mạc gia, lý luận triết học tu thân trị quốc của Lão Trang và học thuyết "lấy nhu thắng cương" trong triết học cổ đại Trung Quốc.

Nhưng ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc đối với khu vực, đặc biệt là các quốc gia láng giềng vẫn rộng rãi và sâu sắc hơn cả. Lương Khải Siêu đã từng chia lịch sử Trung Quốc thành 3 giai đoạn: "Trung Quốc của Trung Quốc", "Trung Quốc của châu Á" và "Trung Quốc của thế giới"; trong đó, giai đoạn từ khi nhà Tần thống nhất Trung Quốc cho tới cuối triều vua Càn Long nhà Thanh được coi là thời kì "Trung Quốc của châu Á". Trong 2000 năm lịch sử này, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên vũ đài lịch sử châu Á, văn hoá Trung Quốc đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới các quốc gia ở châu lục này, đặc biệt là Nhật Bản, Triều Tiên,Việt Nam và các nước thuộc khu vực Đông Nam Á.

Trung Quốc và Nhật Bản là hai nước láng giềng kề cận, có quan hệ truyền thống lâu đời. Vào năm 600, Nhật Bản đã cử sứ đoàn đầu tiên sang nhà Tuỳ Trung Quốc, và sự lớn mạnh của nhà Tuỳ đã để lại ấn tượng sâu sắc cho sứ đoàn Nhật Bản. Sau đó, Nhật Bản đã mô phỏng chế độ của nhà Tuỳ, căn cứ vào tư tưởng của Nho gia, tiến hành các cuộc cải cách và đạt được thành công rõ rệt. Sau khi nhà Đường thành lập, sự lớn mạnh thịnh vượng của nhà Đường với chế độ chính trị hoàn mỹ, quân đội lớn mạnh, nền văn hoá rực rỡ càng khiến cho Nhật Bản khâm phục bội phần. Vào năm 623, Nhật Bản lại cử sứ đoàn sang nhà Đường, từ đó về sau trong vòng 200 năm, Nhật Bản liên tục cử 18 sứ đoàn sang Trung Quốc. Năm 645, Nhật Bản nổ ra cuộc "Đại hoá cách tân" với tôn chỉ tối cao là "Đường hoá" (tức "Trung Hoa hoá"). Năm 718, Thiên Hoàng Nguyên Chính định ra "Dưỡng lão luật lệnh", quan chế, binh chế, điền chế, thuế chế, học chế… được quy định trong đó đều là phiên bản của chế độ nhà Đường. Vào giai đoạn này, luật pháp của Nhật Bản về cơ bản áp dụng theo luật pháp nhà Đường, chỉ chỉnh sửa đôi chút để bản địa hoá. Trường học các cấp của Nhật Bản lấy kinh điển của Nho gia làm giáo trình, thờ cúng Khổng Tử. Nhật Bản coi Trung Quốc là quê hương của Phật giáo, nhà Đường có tông phái Phật giáo nào, Nhật Bản cũng có tông phái Phật giáo tương ứng. Nhật Bản còn sử dụng lịch pháp của nhà Đường, nhà Đường định ra lịch mới, Nhật Bản liền áp dụng nguyên mẫu. Trong xã hội, c! ác tầng lớp nhân dân chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá Đường, họ ngâm vịnh Đường thi, phát triển Đường hoạ (hội hoạ theo phong cách nhà Đường), hành Đường lễ, mặc Đường phục, ăn các món ăn kiểu nhà Đường…

Sự giao lưu văn hoá giữa Trung Quốc với bán đảo Triều Tiên có lịch sử từ rất lâu. Vào thời kì nước Triều Tiên cổ (TK 5 TCN – TK 1 TCN), Nho học và chữ Hán đã được truyền vào Triều Tiên. Thời kì Tam quốc (Cao Ly, Bách Tế, Tân La) (giữa TK 1 TCN – giữa TK 7), ba nước Triều Tiên đã du nhập văn hoá Trung Quốc với quy mô lớn bằng những con đường khác nhau: Cao Ly du nhập Nho giáo qua đường bộ, nổi bật là chế độ điển chương của Hán Nho; Bách Tế qua đường biển du nhập văn hoá miền Nam Trung Quốc, chịu ảnh hưởng của tư tưởng học thuật đa dạng của Lục triều; Tân La lại gián tiếp chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc qua hai nước Cao Ly và Bách Tế.

Đến thời nhà Đường, ba nước Cao Ly, Bách Tế, Tân La thường xuyên cử người sang nhà Đường học tập văn hoá Trung Quốc. Sau khi nước Tân La thống nhất Triều Tiên, liền xây dựng nhà nước theo mô hình chế độ chính trị của nhà Đường. Về học chế, Tân La xây dựng chế độ Quốc học, đến năm 747 (năm thứ 6 Cảnh Đức Vương) Quốc học được đổi thành Đại học giám. Đại học có tiến sĩ, dạy Nho học và Số học. Nho học phải học "Luận ngữ", "Hiếu kinh"; "Chu Dịch", "Thượng Thư", "Mao Thi", "Lễ Ký", "Xuân Thu Tả Truyện" và "Văn Tuyển" là những môn học tự chọn. Số học thì lấy các sách "Nam khai", "Cửu chương", "Lục chương" của Trung Quốc làm giáo trình. Phong tục tập quán của Tân La cũng mang đậm bản sắc của văn hoá Trung Hoa, từ trang phục, tên họ cho đến các ngày lễ dân gian đều mang đậm dấu ấn của văn hoá Trung Hoa. Phật giáo thời kì Tân La cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo Trung Quốc.

Văn hoá Trung Quốc đến Việt Nam bằng một con đường riêng. Vào năm 179 TCN, nước Âu Lạc (một trong những Quốc hiệu trước đây của Việt Nam) bị thôn tính vào nước Nam Việt của Triệu Đà. Đến năm 111 TCN, nước Nam Việt bị thôn tính vào đế quốc Hán. Nước Âu Lạc khi ấy thuộc nước Nam Việt, cũng bị thôn tính theo vào đế quốc Hán. Từ đó Việt Nam trải qua hơn 10 thế kỉ nằm dưới sự thống trị của đế quốc phong kiến phương Bắc. Đến năm 938, với chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền đã mở ra một thời kì độc lập cho Việt Nam. Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, các triều vua Trung Quốc từ Hán tới Đường đã thi hành chính sách đồng hoá (tức Hán hóa) nhằm vĩnh viễn thôn tính Việt Nam vào Trung Quốc. Với bối cảnh lịch sử như vậy, văn hoá Trung Quốc đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với Việt Nam, đặc biệt là sự du nhập của Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo.

Qua cư dân gốc Hán, Nho giáo và Đạo giáo đã dần ảnh hưởng vào cư dân gốc Việt, vào văn hoá Việt. Hơn nữa, các quan thái thú, thứ sử, đô hộ lại có chủ trương đem lễ nghĩa của Nho giáo, phong tục văn hoá Trung Hoa phổ cập vào xã hội Việt. Vì vậy, ảnh hưởng của Nho giáo ở Việt Nam ngày càng lớn. Đạo giáo được truyền bá vào Việt Nam từ rất sớm, khoảng từ thời Tần (cuối thế kỉ 2 TCN), nhưng sự truyền bá của Đạo giáo vào Việt Nam chỉ phát triển mạnh vào cuối thời Đông Hán và trong thời Tam Quốc (khoảng thế kỉ 3). Cùng với Nho giáo, đến đầu công nguyên, Phật giáo từ bên ngoài dần thâm nhập vào Việt Nam không chỉ qua đường biển mà còn qua Trung Hoa. Từ thế kỉ 4 trở đi, Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo ngày càng có ảnh hưởng rộng hơn trong xã hội Việt Nam. Dần dần, cùng với sự hình thành của giai cấp phong kiến người Việt thì Phật giáo, Đạo giáo và nhất là Nho giáo ngày càng có cơ sở vững chắc hơn.

Sự ảnh hưởng của văn hoá Hán đối với văn hoá Việt Nam nói riêng, văn hoá Đông Nam Á nói chung, còn để lại dấu ấn trong các lĩnh vực khác như cách ăn, mặc, ở, đi lại, phương thức sản xuất, quan hệ xã hội, ngôn ngữ, v.v. Về mặt ngôn ngữ chẳng hạn, hàng loạt từ Hán đã được du nhập vào các ngôn ngữ Đông Nam Á như vào tiếng Thái, tiếng Lào, tiếng Việt, tiếng Khmer,… Dấu ấn của văn hoá Trung Hoa còn được lưu lại ở các ngôi mộ gạch cổ được xây dựng từ thế kỉ I đến thế kỉ VI mà người ta thường coi là sự nảy sinh một nền văn hoá – nghệ thuật Hán – Việt. Về âm nhạc, một số nhạc cụ Trung Hoa như khánh, chuông,… cũng được người Việt và một số dân tộc Đông Nam Á khác tiếp nhận.

Có thể nói, đến thế kỉ 8, cùng với sự du nhập ồ ạt văn hoá Trung Hoa như chữ Hán, Nho giáo, Phật giáo, chế độ chính trị – xã hội, khoa học kĩ thuật… vào các quốc gia Đông Á, thì giữa các quốc gia này với Trung Quốc đã hình thành nên một lãnh địa văn hoá riêng biệt mà trung tâm là Trung Quốc, hay còn gọi là "khu vực ảnh hưởng văn hoá Hán". Cho đến thế kỉ 19, khi chủ nghĩa tư bản phương Tây lớn mạnh tiến vào khu vực Đông Á, lãnh địa này mới bị phá vỡ, nhưng dấu ấn của nó vẫn còn lưu lại và ảnh hưởng đến các quốc gia này cho tới ngày nay.


3. Văn hoá Ấn Độ chiếm một vị trí đặc biệt ở phương Đông vì vậy có những ảnh hưởng đáng kể ra khu vực và thế giới.

Phát triển rực rỡ trong hàng ngàn năm, nền văn hoá Ấn Độ đã khiến nhiều người ngưỡng mộ. Trong bài giảng đọc ở Trường Đại học Cambridge, Anh, năm 1882, học giả người Đức nổi tiếng Max Muller đã nói: "Nếu chúng ta phải tìm trên toàn thế giới một nước được trời phú nhiều nhất về của cải, sức mạnh và vẻ đẹp thiên nhiên – trên một số điểm có thể coi là thiên đường trên mặt đất – thì tôi sẽ chỉ ngay vào Ấn Độ.

Nếu tôi được hỏi dưới bầu trời nào trí óc con người đã phát triển một cách đầy đủ nhất những năng khiếu hoàn hảo nhất của mình, đã suy tư sâu sắc nhất về những vấn đề lớn nhất trong cuộc sống, và đã tìm ra những lời giải của một vài vấn đề trên, hoàn toàn xứng đáng được sự chú ý của ngay cả những người đã nghiên cứu Platon và Kant – thì tôi cũng chỉ vào Ấn Độ.

Và nếu tôi tự hỏi mình rằng từ nền văn học nào mà chúng ta – những người ở châu Âu này, những người đã được nuôi dưỡng hầu như hoàn toàn với tư tưởng của người Hy Lạp, La Mã và của một chủng tộc Xemít là người Do Thái, có thể rút ra được cái yếu tố điều hoà hiện đang cần nhất để làm cho cuộc sống bên trong của chúng ta hoàn thiện hơn, toàn diện hơn, phổ biến hơn, thực tế là một cuộc sống thực sự con người hơn, không phải chỉ cho cuộc đời này, mà còn cho biến hình và vĩnh cửu – thì tôi lại chỉ vào Ấn Độ".

Gần nửa thế kỉ sau, Romain Rolland cũng viết tương tự: "Nếu có một nơi nào trên bề mặt Trái Đất mà ở đó tất cả những ước mơ của con người đã tìm được một quê hương ngay từ thời kì nguyên sơ khi con người bắt đầu mơ ước về sự tồn tại của mình, thì đó là Ấn Độ".[2]

Chính những thành tựu lớn lao đó của văn hoá Ấn Độ đã có sức thuyết phục và lan toả, tạo ra những quê hương mới trên những vùng đất xa xôi.

Tại các nước ở châu Á, nhất là các nước Đông Nam Á, văn hoá Ấn Độ đã phủ một lớp khá dày lên văn hoá bản địa, tạo thành một dấu ấn nổi bật, không bao giờ bị phai mờ.

a. Vào đầu Công Nguyên, nền văn minh của Ấn Độ đã bắt đầu lan ra ngoài vịnh Bengal vào Đông Nam Á qua cả đất liền lẫn hải đảo. Vào khoảng cuối thế kỉ thứ V sau Công Nguyên, các quốc gia ở đây đã được tổ chức theo những qui tắc truyền thống của lý thuyết về chính trị của Ấn Độ hoặc đi theo tôn giáo về Đạo Phật và đạo Hinđu của Ấn Độ tại Miến Điện, Thái Lan, Đông Dương, Indonesia và Malaysia ngày nay. Có học giả mô tả những vùng này là "vùng ngoại biên của Ấn Độ". Nhiều học giả đã mô tả sự mở rộng về phía Đông của nền văn minh Ấn Độ trong hình ảnh là hàng loạt "đợt sóng" và quả thực, có những lý do khi cho rằng "những đợt sóng" này hiện vẫn còn đập vào bờ biển của các nước Đông Nam Á cho đến tận ngày nay. Trong cuốn Lịch sử cổ đại của các quốc gia Ấn hoá vùng Viễn Đông, nhà nghiên cứu G. Coèdes đã nói đây là "Sự lan toả của một nền văn hoá có tổ chức, dựa trên quan niệm Hinđu về vương quyền, được xác định đặc trưng bằng sự tôn thờ Hinđu giáo và Phật giáo, hệ thần thoại Purana, tin theo Dharma và lấy sanskrit làm phương tiện diễn đạt".[3]

Các nền văn hoá của các nước Đông Nam Á hiện đại đã để lại nhiều dấu ấn của thời kì tiếp xúc lâu dài với văn hoá Ấn Độ. Một số ngôn ngữ của vùng này (Malay và Java chẳng hạn), chứa đựng một thành phần quan trọng những từ có nguồn gốc sanskrit và Dravidian, văn tự sanskrit đã từng là nguồn gốc của chữ Thái, chữ Lào, chữ Khmer, v.v.

Những dấu tích ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ đến ngày nay vẫn còn hằn nổi trên các công trình kiến trúc, điêu khắc và các loại hình khác của văn hoá khu vực này. Các bộ sử thi vĩ đại, trong đó có Ramayana của Ấn Độ đã thâm nhập vào nhiều loại hình văn hoá nghệ thuật của khu vực Đông Nam Á.

b. Đặc biệt, một đất nước có nền văn minh vĩ đại như Trung Quốc cũng đã chịu ảnh hưởng rất lớn của văn hoá Ấn Độ qua sự tiếp nhận đạo Phật, yoga, âm nhạc ( nhất là đời Đường), thiên văn và chiêm tinh học,… Và từ đây, văn hoá Ấn Độ với các thành tố của nó đã tiếp cận và để lại những dấu ấn sâu sắc đối với các nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản trong cả đời sống hàng ngày lẫn những hoạt động có tính quốc gia như tang ma, kinh cầu hồn, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, ăn chay… Đặc biệt là Thiền Tông đã phát triển rất mạnh và có tầm ảnh hưởng sâu rộng tại Nhật Bản. Thiền ăn sâu vào tiềm thức người Nhật, Thiền đã đi vào hoa, vào trà, vào nếp sống, nếp nghĩ của người dân và cuối cùng, họ đã nâng chúng lên thành nghệ thuật như Trà Đạo, Hoa Đạo… Bản chất khiêm tốn mà sắc bén, nhân ái mà quật cường của người Nhật được cả thế giới ngưỡng mộ cũng có thể được coi là kết quả từ sự thực nghiệm Thiền Định.

Chúng ta có thể đưa ra những nhận định bước đầu về sự tiếp thu văn hoá Ấn Độ tại vùng này như sau:

- Thời điểm du nhập văn hoá Ấn Độ tương đối muộn so với các nước ở Đông Nam Á;

- Có thái độ chủ động trong tiếp nhận, tuy có lúc thăng trầm nhưng nói chung, giới cầm quyền tạo nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp nhận văn hoá Ấn Độ, đặc biệt là Phật giáo. Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu hiện đại, đây là quá trình tự Ấn Độ hoá của các nước Đông Bắc Á.

- Việc tiếp nhận văn hoá Ấn Độ tại các nước này là tiếp nhận có lựa chọn, chủ động và kết hợp với các thành tố văn hoá bản địa, tạo nên sắc thái rất riêng, độc đáo, không thể trộn lẫn so với văn hoá Ấn Độ nói riêng và văn hoá thế giới nói chung.

c. Tại các nước châu Âu, ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ cũng vô cùng sâu rộng. Và điều đáng nói ở đây là sự quan tâm đặc biệt của các học giả châu Âu đối với nền văn hoá – văn minh Ấn Độ.

Châu Âu đến với Ấn Độ đầu tiên có thể là tình cờ và tò mò, nhưng dần dần, họ bị lôi cuốn bởi chiều sâu tâm linh của nền văn hoá và văn minh Ấn Độ. Mối liên hệ trực tiếp được thiết lập lần đầu tiên giữa châu Âu và Ấn Độ xảy ra vào một ngày đầy ý nghĩa lịch sử: ngày 20 tháng 5 năm 1498, khi Vasco Da Gama đi thuyền buồm tới cảng Calicut. Người Anh đầu tiên tới Ấn Độ là cha Thomas Stevens, một người theo đạo Thiên Chúa, đã tới Goa vào năm 1579. Ông là một trong những người châu Âu đầu tiên bày tỏ sự quan tâm tới các ngôn ngữ phương Đông.

Sự khám phá "bất thình lình" ra một nền văn học vĩ đại chưa từng được thế giới phương Tây biết đến trong nhiều thế kỉ là một trong những sự kiện quan trọng nhất kể từ khi khám phá lại kho tàng văn học cổ điển của Hy Lạp trong thời kì Phục Hưng. Cuốn Upanishads đã xuất hiện trước Schopenhauer như một sự thiên khải. Ông viết: "Trong toàn bộ thế giới không có sự nghiên cứu nào ngoài sự nghiên cứu về những căn nguyên đầy lợi ích và cao quí như cuốn Upanishads, nó là ánh sáng của đời tôi và nó cũng là ánh sáng cho cái chết của tôi". Thông qua Schopenhauer và Ngài von Hartman, triết học sanskrit đã tìm được ảnh hưởng vững chắc cho các thế hệ tiếp theo tại nước Đức. Kant có mối quan tâm sâu sắc đối với văn hoá Ấn Độ và đã thuyết giảng nhiều về đất nước phương Đông vĩ đại này. Ông đã từng đánh giá những người theo đạo Hinđu rằng: "Họ là những người lịch lãm, đó là lí do giải thích tại sao tất cả những quốc gia khác đều được khoan dung trong nền văn hoá của họ…".

Foster đã dịch Sakuntala ra tiếng Đức vào năm 1791, Goeth và Herder thì chào mừng tác phẩm này cùng một niềm hân hoan như Schopenhauer đã làm đối với Upanishads. Lời giới thiệu của Goeth ở đầu vở kịch rất nổi tiếng:

Cái gì gợi nên những tháng năm ngọt ngào của tuổi trẻ

Và tất cả tâm hồn bị mê hoặc, quyến rũ không thể nào rời xa?

Liệu có gì là sự kết hợp giữa Trái Đất và Thiên đường nơi trần thế?

Ta gọi tên em, ôi Sakuntala!

Người phương Tây đã đáp lại văn hoá Ấn Độ: một số lớn các nhà thơ châu Âu, các nhà hùng biện, tiểu thuyết gia, nhà triết học tiếp tục mang ơn di sản văn hoá của tiểu lục địa Nam Á này. Họ đã từng nói rằng: Chúng ta phải biết ơn các nhà biểu tượng học đã giúp cho châu Âu tiếp cận Ấn Độ theo một quan điểm mang tính chất khoa học. Biểu tượng học bắt đầu với Ngài William Jones, người đã tuyên bố trong khi ông làm Chủ tịch của Hội Châu Á ở Bengal vào năm 1789 rằng các ngôn ngữ sanskrit, Hy Lạp, Latinh, và có thể cả các ngôn ngữ Celtic và Teutonic đã nảy sinh từ một nguồn chung. Chính điều này đã dẫn đến nền tảng của môn Triết học so sánh của Franz Bopp năm 1816; môn Tôn giáo so sánh (do Burnouf, Roth và Max Muller tiến hành) có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến hệ tư tưởng hiện đại mà ảnh hưởng của nó chỉ có thể so sánh với Thuyết Tiến hoá của Darwin.

Châu Âu cũng chú ý tới việc dạy học và cuộc đời của con người vĩ đại nhất trong các nhà cải cách tôn giáo của Ấn Độ là Gautama Buddha. Các nhà tiên phong trong việc nghiên cứu đạo Phật là Burnof, Lassen, Rhys Davids, Stcherbatsky và Trenckner. Các tác phẩm nghiên cứu ở trình độ cao về lịch sử, văn học, tôn giáo và ngôn ngữ Ấn Độ đã xuất hiện. Các học giả từ hầu hết các nước châu Âu đều tham gia vào công việc nghiên cứu này, không chỉ từ Anh, Pháp, và Đức (là nhóm chủ yếu) mà còn từ Ba Lan, Na Uy, Thuỵ Sĩ, Đan Mạch… Việc nghiên cứu Ấn Độ theo kiểu phương Tây đã dẫn đến một hướng mới cho chính Ấn Độ, và sự hợp tác giữa các học giả châu Âu và Ấn Độ đã đem lại những kết quả tốt đẹp hơn bao giờ hết.

Ở Pháp, Lamartine, Victor Hugo và Alfred de Vigny là những nhân chứng cho sự say mê đối với Ấn Độ trong thế kỉ XIX. Chủ nghĩa vị lai và chủ nghĩa biểu tượng nằm ở trong số các trào lưu văn học mới mà văn hoá Ấn Độ đã khơi dậy cảm hứng như Mallarmé hay Pierre Loti…

Ở Nga, Lép Tônxtôi có mối quan hệ và chịu ảnh hưởng của văn học phương Đông khi đang học tại Trường Đại học Kazan. Dần dần, sự quan tâm của ông đối với văn hoá Ấn Độ đã dẫn tới một sự hiểu biết nhất định đối với tư tưởng Ấn Độ. Ông đã cố gắng trộn lẫn những tư tưởng của Đạo Phật và tư tưởng của Ấn Độ giáo với những khái niệm của Thiên Chúa giáo. Nguyên tắc của Tônxtôi về việc không dùng bạo lực trong khi vẫn áp dụng những nguyên tắc khoan dung, nhân ái của đạo Thiên Chúa chủ yếu dựa theo quan niệm của đạo Phật về Ahimsa.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cũng qua ảnh hưởng của Tônxtôi mà một nhà văn nổi tiếng của Pháp đã hiểu được một cách sâu sắc tư tưởng Ấn Độ. Người đó chính là Romain Rolland (1966-1944) hay còn được Gorki gọi là "Lép Tônxtôi của nước Pháp", được Stefan Zweig gọi là "Lương tâm của Châu Âu". Ông đã từng viết một chuyên luận về Gandhi và cuốn Khảo luận của tôi về huyền thoại và hành động của Ấn Độ, ông đánh giá rất cao sự kết hợp giữa cái nhìn nội tâm sâu sắc và các chính sách mang tính đạo đức trong tác phẩm của các học giả người Ấn Độ, và nhấn mạnh đến sự hấp dẫn mang tính hoàn cầu của nó.

Sang đến thế kỉ XX, các nhà văn phương Tây đã đưa rất nhiều các khái niệm, từ vựng và biểu tượng của Ấn Độ vào trong tác phẩm của mình. Các tác phẩm của Ấn Độ như Sakuntala của Kalidasa kịp thời có mặt ở phương Tây, các vở kịch của R. Tagore được diễn ở khắp các nước châu Âu, châu Á… André Gide, người dịch rất nhiều các tác phẩm của R. Tagore đã cất cao giọng khi nói về nhà thơ: "Đối với tôi, dường như không có một nhà tư tưởng nào của thời hiện đại có thể xứng đáng với lòng kính trọng của chúng ta hơn Tagore. Tôi vui lòng cúi mình tuân phục trước Người như Người đã vui lòng cúi mình tuân phục để hát ca trước Chúa".[4]

Trong thế kỉ XX, văn hoá – xã hội Ấn Độ đã lôi cuốn rất nhiều các nhà nghiên cứu châu Âu. Người ta nghiên cứu Ấn Độ từ góc độ xã hội học (như Max Weber), tâm lý học (như C.G. Jung), từ hình thái kinh tế – xã hội (như K. Marx, Lênin), v.v. Ngoài ra, các học giả còn quan tâm đến những ảnh hưởng của Ấn Độ đối với phương Tây về các mặt kiến trúc, hội hoạ, âm nhạc, v.v.


4. Không chỉ các nền văn hoá – văn minh lớn mới có sức lan toả ra khu vực và thế giới, trong nội nội bộ một khu vực văn hoá – văn minh, một nền văn hoá nào đó cũng có sức lan toả mạnh. Nền văn hoá Đông Sơn của Việt Nam là một ví dụ. Khu vực ảnh hưởng của văn hoá Đông Sơn rất rộng. Chesnov cho biết: "Gần đây nhất, việc phân tích kĩ thuật luyện kim ở những đồ đồng vùng Kavkaz đã cho những kết quả thật bất ngờ rằng chúng ta đã chịu ảnh hưởng của những trung tâm luyện kim vùng núi Đông Dương, nơi mà, theo những kết quả đào xới gần đây, đồng đã tồn tại ít nhất là từ thiên niên kỉ thứ ba TCN" [Dẫn theo: Trần Ngọc Thêm, 1996, 94]. Nói đến văn hoá Đông Sơn không thể không nói đến trống đồng. Và điều đáng nói là trồng đồng Đông Sơn có mặt ở khắp các quốc gia Đông Nam Á. Và chính vì sức lan toả rộng, văn hoá Đông Sơn mới được coi là văn hoá của toàn khu vực chứ không chỉ của riêng Việt Nam.


V. CÁC THÀNH TỰU VÀ NHỮNG MẶT HẠN CHẾ CỦA VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG PHƯƠNG ĐÔNG

1. Các thành tựu

Các thành tựu của văn hoá phương Đông tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực dưới đây:

- Khoa học – kĩ thuật

- Triết học

- Tôn giáo

- Ngôn ngữ

- Văn học

- Nghệ thuật


a) Những phát minh lớn về khoa học – kĩ thuật

Phương Đông có những đóng góp đáng kể cho kho tàng văn hoá nhân loại về mặt khoa học – kĩ thuật.[5]

Về mặt khoa học, đó là những phát kiến về toán học, thiên văn, địa lí, y học, v.v.

Ai Cập là mảnh đất toán học ra đời từ rất sớm. Người Ai Cập đã sáng tạo ra hệ thống chữ số thập phân, hệ đếm thập tiến vị mà biểu hiện của nó là những kí hiệu trong văn tự cổ để ghi các số 1, 10, 100, 1000. Người Ai Cập cũng đã giải được những bài toán về tính diện tích hình tròn, hình tam giác, tính thể tích hình tháp đáy vuông, giải được các phương trình có hai ẩn số. Văn hoá Lưỡng Hà cũng để lại dấu ấn về toán học. Lúc đầu người Sumer dùng hệ đếm lấy số 60 làm cơ sở như 1, 60, 600, 3600,… Ngày nay hệ đếm này vẫn dùng để đo thời gian: 1 giờ = 60 phút, 1 phút = 60 giây hay một vòng tròn bằng 360 độ. Sau đó người Lưỡng Hà sử dụng hệ đếm lấy số 10 làm cơ sở. Người Lưỡng Hà sớm biết đến bốn phép tính cộng trừ nhân chia, biết khai căn bậc 2, bậc 3; biết giải phương trình bậc 2, rối phát hiện ra định lí: trong một tam giác vuông, bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương của hai cạnh góc vuông, v.v. Trong văn hoá Trung Quốc, Tổ Xung Chi đã tìm ra được số Pi chính xác có 7 số lẻ nằm giữa 3,1415926 và 3,1415927.

Trong lĩnh vực thiên văn học, văn hoá phương Đông đã ghi những dấu ấn chói lọi. "Sự cần thiết phải tính toán những thời kì nước lên của sông Nin đã tạo ra thiên văn của Ai Cập" [C. Mác - Ăngghen, 1982, 220]. Người Ai Cập phác hoạ được sơ đồ các tinh tú, phát hiện được 5 hành tinh của hệ mặt trời là Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Và từ việc quan sát thiên văn, đặc biệt là việc quan sát sao Lang để theo dõi mực nước sông Nin, người Ai Cập đã sáng tạo ra dương lịch (một năm có 365 ngày chia thành 12 tháng). Việc quan sát thiên văn của người Lưỡng Hà phát hiện ra sao chổi và các hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, sao băng. Người Lưỡng Hà sáng tạo ra âm lịch (một năm có 354 ngày, chia thành 12 tháng, trong đó 6 tháng 29 ngày và 6 tháng 30 ngày). Người Trung Quốc từ thời Tần Hán đã phát minh ra nông lịch, chia thời gian một năm thành 24 tiết để nông dân theo đó sản xuất nông nghiệp. Vào thời Đông Hán, nhà thiên văn học nổi tiếng Trương Hành (78 – 139) đã nhận biết ánh sáng của mặt trăng chính là từ mặt trời mà có được.

Kiến thức về địa lí của người Lưỡng Hà được thể hiện bằng việc lập được danh sách các dòng sông, thành phố, quốc gia; bằng việc vẽ sơ đồ thành phố Babilon, Nippur,… Thậm chí người ta còn vẽ được cả bản đồ thế giới trên một tấm đất sét dù rằng rất sơ giản: trái đất hình tròn có dòng sông chạy quanh, dòng sông này thông với sông Ơphơrat… Ở Trung Quốc, không chỉ giỏi về thiên văn, Trương Hành còn rất giỏi về địa lí – địa chất. Chính ông là người đã chế tác ra dụng cụ đo hướng động đất khá chính xác. Về phong thuỷ, người Ai Cập cổ đại có một phương pháp thuật tướng địa chí khi xây dựng Kim tự tháp. Tất cả các Kim tự tháp đều được xây dựng theo đúng hướng Nam – Bắc, cùng đường sức với từ trường trái đất. Các nhà khoa học ngày nay còn cho biết rằng lớp đá hoa cương phía trong Kim tự tháp có tính năng nạp điện để có thể hấp thụ và bảo tồn các tia vũ trụ, còn lớp đá vôi bên ngoài thì có khả năng ngăn chặn sự khuếch tán tia vũ trụ trong lòng Kim tự tháp, bảo tồn được lâu dài các xác ướp [Vũ Quang Hà - Trần Thị Mai Hoa, 2000, 38].

Nền y học phương Đông có những phát kiến đặc biệt. Từ tục lệ ướp xác, người Ai Cập hiểu rất tường tận về cơ thể người và rất giỏi về phẫu thuật. Tất cả các chuyên khoa như nội, ngoại, răng, mắt, … đều được quan tâm. Người ta cũng coi tim là bộ phận quan trọng nhất nên khi ướp xác họ giữ tim riêng, không ướp cùng xác. Từ khoảng năm 1500 – 1450 TCN, một bộ Sách thuốc đã được người Ai Cập biên soạn, trong đó có nói đến các cách chữa bệnh và thuật ướp xác. Đối với người Lưỡng Hà, các bệnh thông thường về xương, gan, dạ dày, mắt, da liễu đều có cách chữa trị hiệu quả. Còn ở Trung Quốc, ngay từ thời Hán đã có nhiều thày thuốc giỏi như Trương Trọng Cảnh (tác giả cuốn "Thương hàn luận", nói về cách chữa bệnh thương hàn), Hoa Đà (người đầu tiên ở Trung Quốc dùng phẫu thuật chữa bệnh), v.v. Ở phương Đông, một điều đặc biệt trong việc chữa bệnh là đều dùng các loại thuốc từ thảo mộc. Truyền thống y học Ai Cập – Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc, v.v. đều như vậy. Về vấn đề này, nhà y học Lý Thời Trân ngay từ thời Minh đã có một tác phẩm rất nổi tiếng nhan đề "Bản thảo cương mục", ở đó ông không chỉ ghi lại 1558 vị thuốc do tiền bối để lại mà còn đưa vào danh sách 374 vị mới. Tác phẩm này có vai trò quan trọng trong việc đưa nền y học Trung Quốc tiến thêm một bước mới.

Các kiến thức về hoá học cũng có những phát kiến của phương Đông. Người ta nói rằng không có đóng góp của người Arập thì hoá học không trở thành một ngành học. Không phải ai khác mà chính người Arập đã chế ra nồi cất đầu tiên và gọi tên là al – ambik (nay tiếng Pháp gọi là alambic). Người Arập phân biệt được axit với bazơ, phân tích được nhiều chất hoá học do đó đã chế ra được nhiều loại thuốc phục vụ chữa bệnh.

Trong lĩnh vực sinh vật học, ngay từ thế kỉ thứ IX, một người Arập tên là Otman Aman Jahip đã đưa ra thuyết tiến hoá với nội dung: từ khoáng vật > thực vật > động vật > người. Người Arập thường chú ý đến thực vật, nhất là ghép cây, tạo ra các giống cây mới. Trong tác phẩm "Sách của nông dân", nhà thực vật Avan đã nói về cách trồng và chăm sóc 585 loại cây, hướng dẫn cách ghép cây, chỉ rõ các triệu chứng và cách chữa bệnh cho cây.

Những phát kiến kĩ thuật quan trọng có thể kể đến là giấy, cách in, la bàn và thuốc súng.

Từ thế kỉ thứ 1 TCN, nhờ sự phát triển của ngành dệt tơ tằm, người Trung Quốc đã tạo ra được cách làm giấy bằng tơ. Sau đó đến năm 105, giấy được chế tạo từ vỏ cây, giẻ rách, lưới cũ,… Từ đó nghề sản xuất giấy phát triển mạnh.

Kĩ thuật in bằng bản khắc gỗ ra đời từ đời Đường. Đến thế kỉ XI (thời Tống), người ta phát minh ra kĩ thuật in chữ rời bằng đất sét nung. Đầu thế kỉ XIV, chữ đất sét nung được thay bằng chữ gỗ. Sau khi truyền sang Triều Tiên, chữ gỗ được thay bằng chữ đồng. Từ đó nghề in càng phát triển.

Một phát kiến quan trọng nữa là việc chế tạo được la bàn. Từ thế kỉ thứ 3 TCN, người Trung Quốc biết tính chất hút sắt của nam châm và đến thế kỉ thứ 2 TCN thì biết thêm về tính định hướng của nó. Đến thế kỉ thứ 11 (thời Tống), người ta biết cách thu từ tính bằng việc dùng sắt mài lên đá nam châm. Từ miếng sắt có từ tính ấy, người ta làm ra được la bàn. Việc phát minh ra la bàn đã tạo điều kiện rất thuận lợi để ngành hàng hải phát triển.

Việc phát minh ra thuốc súng có nguồn gốc từ việc luyện đan vốn được coi là thuốc trường sinh bất lão. Nguyên liệu được dùng để luyện là lưu huỳnh, diêm sinh và than củi. Nhưng việc luyện đan chỉ dẫn đến các vụ cháy nổ. Và thế là tình cờ thuốc súng được phát hiện. Có thể coi sự phát hiện này bắt đầu từ đời Đường, sau đó từ thế kỉ thứ X, thuốc súng được sử dụng để làm vũ khí. Từ thời Tống, thuốc súng được dùng để chế tạo tên lửa, cầu lửa, pháo, đạn bay, v.v.


b) Hai nền triết học nổi tiếng

Phương Đông đã đóng góp cho kho tàng văn hoá thế giới hai nền triết học nổi tiếng: triết học Ấn Độ và triết học Trung Quốc.[6]

Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định triết học Ấn độ phát triển rực rỡ và có bản sắc riêng, rất độc đáo. Nền tảng và truyền thống của triết học Ấn Độ là lí tưởng hoà bình, bác ái. Theo J. Nehru, nền tảng thế giới quan, vũ trụ quan của Hinđu giáo nói riêng, văn hoá Ấn Độ nói chung, là học thuyết về mối quan hệ giữa Brahman và Atman. Brahman là thực thể, là tinh thần của vũ trụ, là linh hồn của thế giới, là cái tuyệt đối, là Đại ngã. Đối với thế giới quan Ấn Độ, vạn vật của thế giới đều nằm trong thể đồng nhất, và cái thể này chính là Brahman. Còn Atman, theo triết học Ấn Độ, là linh hồn cá nhân, linh hồn cá thể. Đó là cái ngã, cái tôi, cái ta hay Tiểu ngã. Brahman và Atman tuy phân biệt thành hai nhưng là một, chúng như sóng với nước, sóng từ nước mà ra rồi sóng lại trở về với nước. Sóng là nước và ở góc độ nào đó, nước cũng là sóng. Brahman và Atman giống như không khí ngoài trời và không khí trong bình. Cái bình như cơ thể con người còn tam độc (tham, sân, si) giống như chiếc nắp đậy bình lại. Không khí trong bình lúc đầu cũng trong sạch, tươi mát như không khí ngoài trời nhưng sau bị nhiễm bẩn do bị bịt lâu ngày giống như ao tù. Đi trên đường Đạo là thanh lọc, làm cho không khí trong bình đỡ ô uế, và đến một lúc nào đó thì nắp bình bị bật tung ra, tức tham, sân, si không còn nữa, khi đó không khí trong bình cũng như không khí ngoài trời. Lúc đó Tiểu ngã hoà đồng với Đại ngã, ta với ! vũ trụ là một. Cái xảy ra trong vũ trụ cũng xảy ra trong ta, tức giác ngộ. Chính vì thế mà lưng của đạo sĩ Ramakrishna cũng bị lằn những vết roi khi ông nhìn thấy đứa trẻ bị đánh, vì ông và đứa trẻ là một. Đây chính là cơ sở, là nền tảng triết lí sâu xa của lòng nhân từ, thương yêu hết thảy mọi chúng sinh [Nguyễn Hùng Hậu, 2004, 21]. Có thể nói mối quan hệ giữa Brahman và Atman là nền tảng của thế giới quan, vũ trụ quan của người Ấn Độ, nó quyết định, chi phối toàn bộ các hệ tư tưởng Ấn Độ cổ đại.

Cũng theo J. Nehru, nếu như Brahman – Atman là nền tảng thế giới quan thì Karma – Samsara là nền tảng nhân sinh quan của triết học Ấn Độ. Karma là nghiệp, Samsara là luân hồi. Theo thuyết Samsara, con người không chết thật mà chuyển sang kiếp khác, tức là tái sinh trong vòng luân hồi. Sự luân hồi giống như côn trùng – nhộng - ngài. Nhìn bề ngoài chúng là những con vật khác nhau nhưng thực chất chỉ là sự biến hoá của một côn trùng mà thôi. Samsara gắn liền với Karma. Theo Karma, mọi hành động, việc làm, hành vi, cử chỉ, suy nghĩ, v.v. của con người đều có giá của nó. Mọi niềm vui, nỗi buồn, sự sung sướng hay đau khổ ở cõi đời này đều là kết quả của những hành động, việc làm từ kiếp trước. Và những việc làm, hành động ở kiếp này sẽ "gặt" kết quả ở kiếp sau. Nguyên tắc chung là nhân nào thì quả ấy: nhân tốt quả tốt, và ngược lại. Karma là toàn năng và ngoài ý muốn của con người, tức là mang tính khách quan.

Như vậy, xuất phát điểm của tư tưởng triết học Ấn Độ là vạn vật đồng nhất thể, do đó trong mỗi con người đều có bản thể vũ trụ. Bản thể vũ trụ của con người nằm ở trong TÂM. Tâm con người chứa rất nhiều điều bí ẩn, nhiều năng lượng, tiềm năng. Và nhiệm vụ của tư tưởng triết học là phải giải phóng những tiềm năng to lớn ấy.

Triết học Trung Quốc, nhìn tổng thể, có 4 vấn đề lớn, đó là: 1) Vấn đề cơ bản của triết học, 2) Vấn đề con người, 3) Vấn đề biện chứng, và 4) Vấn đề luân lí, đạo đức [Nguyễn Hùng Hậu, 2004, 123 - 138].

Về vấn đề thứ nhất, trả lời câu hỏi thế giới do đâu mà có?, triết học Trung Quốc cũng có hai trường phái. Trường phái duy tâm cho thế giới vạn vật do trời, do thượng đế sinh ra (Khổng Tử đề cao thiên mệnh còn Mặc Tử thì đề cao thiên chí). Trường phái duy vật cho sự giao cảm âm – dương sinh ra trời đất (Kinh dịch) hoặc ngũ hành tương sinh tương khắc sinh ra vạn vật (học thuyết ngũ hành).

Con người là vấn đề trung tâm, nổi bật trong lịch sử triết học Trung Quốc. Theo triết học Trung Quốc, con người vốn có một địa vị cao quý. Tuy nhiên không phải tất cả mọi vấn đề liên quan đến con người đều được đề cập. Ngay từ lúc đầu, triết học Trung Quốc đã khẳng định đầy đủ giá trị con người, thể hiện tinh thần nhân văn trên hết. Do vậy, về cơ bản, triết học Trung Quốc chỉ chú ý đến các mặt đạo đức, luân lí, hướng nội nhằm xoa dịu mâu thuẫn, ổn định xã hội. Về số phận con người, các nhà duy tâm giải thích bằng mệnh trời. Mỗi người có một mệnh riêng, số phận của mỗi người đã được an bài (Theo Khổng Tử, chỉ chữa được bệnh chứ không chữa được mệnh; theo Mạnh Tử, địa vị xã hội của mỗi người đã được Trời sắp đặt từ trước). Các nhà duy vật thì chủ trương trời chính là giới tự nhiên và con người có thể thắng được tự nhiên, tức thắng được trời (Tuân Tử). Về mẫu người mà các nhà tư tưởng hướng tới, có thể kể đến:

: Người có trình độ uyên thâm về kiến thức và tiêu biểu về đức hạnh.

Quân tử: Ngoài việc có kiến thức uyên thâm còn phải suy nghĩ và hành động đúng mực, luôn hoàn thiện bản thân, biết mệnh trời, vừa hoà hợp với người vừa giữa được bản lĩnh của mình, v.v.

Đại trượng phu: ở nơi rộng lớn của thiên hạ, đứng nơi chân chính của thiên hạ, thực hiện đại đạo của thiên hạ; là người phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất (Giàu sang không quyến rũ, nghèo hèn không đổi chí, uy vũ không khuất phục).

Thánh, thánh nhân: Có phẩm chất đạo đức tột đỉnh, trí năng tột đỉnh, hiểu biết đạo trời, tình người.

Về phép biện chứng cũng có hai trường phái. Phái duy tâm chủ trương trời không đổi, đạo cũng không đổi (Đổng Trọng Thư). Phái duy vật chủ trương thuyết biến dịch, nghĩa là trời đất vạn vật luôn trong quá trình biến đổi theo một quy luật nhất định. Sự biến đổi ấy do hai mặt bên trong là âm – dương chi phối. Lão Tử cũng cho rằng trong thế giới, mọi thứ đều biến đổi. Nguyên nhân của sự biến đổi là do những mâu thuẫn bên trong. Và phát triển là sự chuyển hoá lẫn nhau giữa hai mặt đối lập trong một sự vật ("Hoạ là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ ẩn nấp của hoạ").

Vấn đề cuối cùng là luân lí, đạo đức. Theo Mặc gia, loạn lạc và sự suy đồi về đạo đức là do nhà cầm quyền không chính danh, không trọng sự giáo dục bằng lễ nghĩa, không biết thương yêu người. Lão Tử thì tìm nguyên nhân ở lối sống không thuận theo đạo, tức không thuận theo tự nhiên, ở việc không kìm được dục vọng, v.v. Người khuyên nên tránh xa danh vọng địa vị, công thành rồi thì nên lui về.

Luân lí đạo đức còn thể hiện ở học thuyết tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức, v.v.

Trở lên chúng ta đã xem xét những đặc điểm chủ yếu nhất của hai nền triết học tiêu biểu của phương Đông. Cũng cần nói thêm rằng, trong mỗi nền triết học ấy, không phải các quan điểm đều thống nhất. Triết học Trung Quốc, như vừa trình bày, có cả duy vật lẫn duy tâm, và đó là những quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề. Triết học Ấn Độ cũng vậy, có thể phân thành hai phái: phái Astika (Hữu) là hệ thống triết học chính thống thừa nhận quyền uy của thánh kinh Vêđa, bảo vệ triết lí tôn giáo Hinđu, còn phái Nastika (Vô, tạm gọi là phi chính thống) thì bác bỏ thánh kinh Vêđa, đả phá triết lí Hinđu giáo [Lương Duy Thứ (chủ biên), 1996, 1550]. Những sự khác biệt trên đây cho thấy bức tranh triết học phương Đông thật đa dạng, nhiều vẻ.


c) Sự xuất hiện các tôn giáo

Phương Đông là quê hương của hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà C. Mac nêu nhận xét: Ấn Độ nói riêng và phương Đông nói chung là chiếc nôi của các tôn giáo nhân loại, còn lịch sử phương Đông có dạng lịch sử các tôn giáo.

Dưới đây là một số tôn giáo chính có ảnh hưởng sâu rộng.


1. Bàlamôn giáo

Bàlamôn giáo (Brahmanism) là tôn giáo hình thành trên cơ sở kinh Vêđa do người Aryen từ phía tây bắc Ấn Độ đưa vào. Đạo này tôn thờ Brahma nghĩa là Đại Hồn – một ý niệm rất trừu tượng của kinh Vêđa. Những người theo tôn giáo này được gọi là Brahman (phiên âm Hán Việt thành Bàlamôn). Brahma là chúa tể của các vị thần, là nguồn gốc của vũ trụ và có quyền năng vô hạn. Ngài hiện ở ba ngôi với tư cách là thể thống nhất của ba vị thần: Brahma (thần sáng tạo), Visnu (thần bảo tồn) và Siva (thần phá huỷ).

Brahma

Visnu

Siva

Ngôi Brahma sáng tạo ra thế giới. Tượng hình của ngài là 4 mặt song chỉ có 3 thành hình. Đầu ngài có vòng hoa, râu rậm, 4 tay cầm 4 phần kinh Vêđa. Ngài khi thì cưỡi con thiên nga Hamsa, khi thì ngồi trên đoá sen mọc từ rốn của Visnu đang nằm trên mình rắn Naga.

Ngôi Visnu bảo tồn vũ trụ. Bốn tay của ngài cầm 4 lệnh bài: cái vòng, cái búa, cái tù và, cánh hoa sen. Đây là những thứ tượng trưng cho các chất tạo thành vũ trụ. Sự hiện diện của ngài ở nhiều tư thế: khi thì nằm trên mình rắn Naga, khi thì có dạng nửa người nửa chim, khi thì cưỡi chim thần Garuđa.

Ngôi Siva phá huỷ thế gian, vì vậy có nhiều tên gọi mang tính hung dữ: Ruđra, Aghora (người khủng khiếp), Ugra (người tàn nhẫn), v.v. Ngài mang trong mình chức năng của thần chết, quyền hạn của thần thời gian. Ngài thường cưỡi con bò thần Nanđin.

Bàlamôn giáo sau được phát triển thành Hinđu giáo.


2. Hinđu giáo (Ấn giáo)

Hinđu giáo tiếp sau và hoàn chỉnh Bàlamôn giáo. Hinđu giáo có một hệ thống thư tịch gồm hai bộ: Kinh và Kệ.

Kinh (Sruti) là Vêđa. Mỗi Vêđa gồm có 4 Samhita làm thành bộ:

- Rigvêđa (Tụng): có đến 1080 bài tụng.

- Samavêđa (Ca)

- Yajurvêđa (Linh ngôn)

- Arthavavêđa (Phù chú)

Kệ (Smriti) gồm có:

- Purana: thoại (tức thần thoại)

- Sastra (luận): Trình bày. giải thích về những vấn đề cần thiết của con người, của xã hội như luận về đạo pháp, luận về bổn phận, luận về lạc thú, v.v.

Hinđu giáo, với sự bảo tồn và phát triển Bàlamôn giáo, tiếp tục duy trì và củng cố chế độ đẳng cấp nặng nề Casta trong xã hội Ấn Độ.

Nếu như Vêđa giáo còn là tôn giáo của xóm làng ở thời kì sơ khai thì Hinđu giáo đã trở thành tôn giáo của quốc gia, của dân tộc.

Có điều đặc biệt là khác với nhiều tôn giáo luôn chủ trương sống ép xác khổ hạnh, coi đó là hành vi đạo đức thanh cao, Hinđu giáo, ngược lại, xem tình dục và tình yêu là sự thể hiện tự do cá nhân. Hơn nữa, đó còn được coi là hành động thăng hoa và sáng tạo của vũ trụ và của con người [Lương Ninh (chủ biên), 1998, 213]. Hàng loạt công trình điêu khắc hiện còn tồn tại trong các đền tháp phương Đông đã nói lên điều đó. Đây là một trong những lí do để có thể nói rằng Hinđu giáo là tôn giáo rất "đời thường".


3. Phật giáo

Quê hương cuả Phật giáo (Buddhism) là Ấn Độ. Người sáng lập ra tôn giáo này là Tất đạt đa (Siddhartha). Sau khi thành Phật được đệ tử tôn xưng là Thích ca Mâu ni (Xakia Muni). Thực ra, trước khi lập ra Phật giáo (vào khoảng thế kỉ V TCN), ông đã theo Bàlamôn giáo (Brahmanism). Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội Ấn Độ lúc đó, sự phân biệt đẳng cấp và sự kì thị màu da hết sức khắt khe. Bất bình trước những bất công đó và đồng cảm với nỗi thống khổ của muôn dân, Tất đạt đa đã rời bỏ Bàlamôn giáo và tự mình đi tìm một tôn giáo khác. Sau 6 năm khổ hạnh tu hành tại núi Tuyết Sơn (vùng Uruvela, gần Gaya) vẫn chưa tìm ra được con đường mới, ông rời đến một nơi khác, ngồi dưới gốc cây Pipal (sau được gọi là cây Boddhi – "Bồ đề") và tịnh tâm suy nghĩ. Sau 49 ngày tu luyện, trí óc Siddhartha sáng tỏ. Ngài đã hiểu ra được quy luật của cuộc đời và nỗi khổ đau của dân chúng. Từ đó Ngài cùng với 5 người bạn đi khắp nơi để tuyên truyền tư tưởng của mình. Ngài được tôn là Buddha (Đấng Giác Ngộ, người Việt gọi là Bụt, Phật) và trở thành người sáng lập ra Phật giáo.

Phật Adiđà

Cầu nguyện

Thực chất của Phật giáo là học thuyết về nỗi khổ và sự giải thoát. Đức Phật đã từng nói: "Ta chỉ dạy một điều: khổ và khổ diệt".

Giáo pháp của Đức Phật được trình bày đầy đủ trong "Tứ diệu đế" (bốn chân lí kì diệu): Khổ đế (bản chất nỗi khổ), Tập đế hay Nhân đế (nguyên nhân của nỗi khổ), Diệt đế (cảnh giới diệt khổ) và Đạo đế (cách diệt khổ). Trong bốn diệu đế này, ba diệu đế đầu tiên thiên về triết lí còn đế cuối cùng (Đạo đế) là phần hướng dẫn thực hành cuộc sống đạo đức để đạt được mục đích diệt đế. Nói một cách đơn giản, theo Đức Phật, cuộc đời là bể khổ. Khổ do sinh, lão, bệnh, tử, do mọi thứ ước muốn, dục vọng và do sự ngu dốt gây ra. Muốn hết khổ, con người phải loại trừ các nguyên nhân gây ra nỗi khổ, tức là phải diệt dục và thực hiện Niết bàn.

Đức Phật đã chỉ ra bát chính đạo (tám nẻo đường chân chính) để diệt khổ: 1 – chính kiến (kiến giải chính xác), 2 – chính tư duy (suy nghĩ đúng đắn), 3 – chính ngữ (lời nói chân thành, chính xác), 4 – chính nghiệp (làm việc tốt), 5 – chính mệnh (cuộc sống chính đáng, lương thiện), 6 – chính tinh tiến (tiến lên một cách chính đáng), 7 – chính niệm (nhớ, nghĩ những điều tốt lành, chính đáng) và 8 – chính định (tĩnh tâm, tập trung tư tưởng vào một việc).

Trong "bát chính đạo" nêu trên, chính kiến, chính tư duy và chính tinh tiến thuộc lĩnh vực khai sáng trí tuệ (tuệ); chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng thuộc phạm vi rèn luyện đạo đức (giới) còn chính niệm và chính định thì nằm trong lĩnh vực rèn luyện tư tưởng (định).

Sau khi Đức Phật qua đời (khoảng năm 483 TCN), nhiều hội nghị kết tập kinh Phật được tổ chức. Tại hội nghị kết tập kinh Phật lần thứ hai (cách thời điểm Đức Phật qua đời 100 năm), một số chư tăng đòi thay đổi một vài điều trong giới luật. Tại hội nghị lần thứ ba, nhóm chư tăng theo xu hướng cải tổ còn đòi thay đổi cả kinh pháp nữa. Càng về sau, ý kiến càng không thống nhất. Điều này dẫn đến sự ra đời của hai trường phái Phật giáo: Trường phái Thượng toạ hay Trưởng lão (Theravada) chủ trương không thay đổi những gì mà Đức Phật đã đề ra và Trường phái Đại chúng (Mahasanghika) chủ trương mở rộng kinh Phật. Sau này, trường phái Đại chúng tự nhận là Đại thừa (Mahayana) và coi trường phái cổ điển là Tiểu thừa (Hinayana).

Phái Đại thừa với nghĩa "cỗ xe lớn", "con đường cứu vớt rộng", ngụ ý chở được nhiều người. Phái đại thừa phát triển lên phía bắc (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, v.v.) nên được gọi là Bắc Tông. Phái Tiểu thừa với nghĩa "cỗ xe nhỏ", "con đường cứu vớt hẹp", ngụ ý chỉ chở được một số người. Phái này phát triển xuống phía nam (nhất là Đông Nam Á) nên được gọi là Nam Tông.


4. Hồi giáo

Hồi giáo (Tiếng Arập: Islam với nghĩa gốc là "phục tùng", Muslim "tín đồ Hồi giáo") gắn liền với sự xuất hiện của nhà nước Arập, ra đời vào đầu thế kỉ thứ VII. Người sáng lập Hồi giáo là Mohamad. Mohamad xuất thân từ một bộ lạc có thế lực ở Mecca. Từ năm 610, ông bắt đầu truyền bá đạo Hồi. Năm 622 bị tầng lớp quý tộc Mecca chống đối, ông phải rời lên phía bắc, cách Mecca 400 km. Năm đó được gọi là năm thứ nhất của kỉ nguyên Hồi giáo. Mohamad tự xưng là Tiên tri. Sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, đến năm 630 Mohamad triệu tập được 10.000 người theo mình trở lại Mecca. Từ đây, Mecca bị khuất phục. Mecca trở thành Thánh địa của đạo Hồi. Ông trở thành người đứng đầu nhà nước Arập mới thành lập.

Hồi giáo là một trong ba tôn giáo có số lượng người đi theo nhiều nhất: khoảng 600 triệu. Người ta thường cho rằng giáo luật của đạo Hồi thuộc vào loại "khắt khe" nhất trong số các giáo luật tôn giáo. Đại để, giáo luật đạo Hồi có mấy điểm đáng chú ý như sau.

- Tin vào một Thượng Đế duy nhất là Đức Thánh Allah, do đó, ở bản địa (nơi sinh ra đạo Hồi), người ta chỉ thờ cúng duy nhất đức anh linh này (chứ không thờ tổ tiên, họ mạc). Đây là tôn giáo nhất thần tuyệt đối. Tuy nhiên người ta không thờ ảnh tượng vì cho rằng Allah toả sáng khắp nơi, không một hình dáng nào có thể thể hiện được Ngài.

- Tin tưởng vào sứ mạng của giáo chủ Mohamad.

- Cầu nguyện mỗi ngày 5 lần (ở nhà, ở nhà thờ hoặc ở phòng cầu nguyện).

- Hàng năm thực hiện một tháng kiêng khem (ăn chay) vào tháng Ramadan (tháng thứ 9 theo Hồi lịch). Trong suốt tháng này, người theo Hồi giáo phải không được ăn, uống, hút và sinh hoạt vợ chồng vào ban ngày, tính từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Luật này không bắt buộc đối với người ốm, phụ nữ có thai và trẻ em.

- Đóng góp cho Đạo 10% tổng thu nhập của mình.

- Không ăn thịt lợn dưới bất kì hình thức nào. Không uống rượu, bia.

Ngoài những điều luật chính như trên còn có một số điều khác tuy không mang tính bắt buộc nhưng vẫn thường được thực hiện ở nhiều nơi, chẳng hạn:

- Trong đời ít nhất có một lần hành hương tới Thánh địa Mecca.

- Nam giới đạo Hồi có thể lấy tới bốn vợ nhưng phải tôn trọng nguyên tắc khi lấy vợ sau phải được những người vợ trước đồng ý và của cải, tiền bạc do người chồng kiếm phải được phân phát công bằng cho tất cả những người vợ, không được thiên vị một ai.

- Nữ giới khi ra khỏi nhà phải đội khăn che tóc (vì theo người Hồi giáo, tóc là thứ sexy nhất, chỉ chồng mới được chiêm ngưỡng).

Mặc dù có một số điều luật khá nghiêm khắc song trên thực tế Hồi giáo không phải là một tôn giáo hoàn toàn cực đoan, nghĩa là bắt các tín đồ của mình từ bỏ cuộc sống hiện tại, coi cuộc sống hiện tại chỉ là tạm bợ (do đó không cần phấn đấu) và chỉ đặt niềm tin vào kiếp sau, vào "thế giới bên kia".

Kinh thánh của đạo Hồi là kinh Côran, trong đó ghi lại những lời nói của Mohamad. Tuy nhiên, theo các tín đồ Hồi giáo, đó là những lời phán bảo của Đức Thánh Allah.

Hồi giáo đã từng cống hiến cho nhân loại những thành tựu to lớn về khoa học, đặc biệt trong các ngành y học, thiên văn học, hoá học, văn học, v.v.

Ngoài bốn tôn giáo chính nêu trên, ở phương Đông còn có một số tôn giáo khác như đạo Jain, đạo Sikh, v.v. Tuy nhiên những đạo này có số lượng tín đồ không nhiều. Ngoài ra cũng được gọi là "giáo", "đạo" nhưng Nho giáo (hay đạo Nho) ngày nay không được các nhà nghiên cứu xếp vào lĩnh vực tôn giáo, vì vậy một số vấn đề liên quan đến Nho giáo đã được chúng tôi "điểm qua" trong phần nói về triết học ở trên.


d) Ngôn ngữ

Trong lĩnh vực này, văn hoá phương Đông có nhiều thành tựu rất có giá trị.

Những phát kiến quan trọng nhất liên quan đến ngôn ngữ là sự ra đời của các hệ thống chữ viết.

Một trong những phát minh quan trọng nhất của người Ai Cập cách đây khoảng 5000 năm là sự sáng tạo ra chữ viết để ghi lại tiếng nói của họ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa vì chữ viết ra đời khắc phục được những hạn chế về mặt không gian và thời gian của ngôn ngữ nói, ngôn ngữ âm thanh.

Hình thức sơ khai đầu tiên của chữ viết Ai Cập là chữ hình vẽ. Tên gọi chính thức của loại chữ này, như các nhà ngôn ngữ học thường nói đến, là chữ tượng hình, bởi nó giống như sự vật được mô tả. Những ví dụ rất phổ biến mà nhiều tài liệu thường nhắc đến là vòng tròn có chấm ở giữa là chữ chỉ mặt trời, ba làn sóng chồng lên nhau là chữ chỉ khái niệm nước, v.v. Tuy nhiên sự vật trên thế gian thì nhiều vô kể, nếu mỗi sự vật phải cần một chữ tượng hình để mô tả thì số lượng chữ sẽ nhiều vô cùng, và như vậy thì rất khó nhớ. Vì vậy, dần dần về sau, cách mô tả sự vật, hiện tượng chỉ mang tính tượng trưng và cách viết được đơn giản hoá đi nhiều. Xu hướng này làm cho chữ viết Ai Cập tiến gần tới nguyên tắc quy ước là chính. Từ đây một hệ thống kí hiệu chữ viết mang tính quy ước đã ra đời. Ngày nay, người ta đã thống kê được hệ thống kí hiệu chữ viết Ai Cập bao gồm khoảng 750 kí hiệu tượng hình và 20 kí hiệu ghi âm. Có thể nói đây là một bước tiến vĩ đại của văn hoá Ai Cập bởi điều đó không chỉ biểu hiện trình độ phát triển của tư duy, nhận thức của con người mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Chữ tượng hình của người Ai Cập được khắc trên đá, trên tường của các đền, miếu, cung điện và các kim tự tháp. Chữ còn được viết lên giấy làm bằng vỏ một loại cây có tên papurut thường mọc nhiều ở các đầm, hồ và hai bên bờ sông Nin.

Gần như cùng thời với chữ Ai Cập là sự xuất hiện của chữ viết ở Lưỡng Hà. Chủ nhân đầu tiên của kiểu chữ viết này là người Sumer – tộc người đầu tiên xuất hiện ở lưu vực sông Tigrơ và Ơphơrat. Chữ Sumer xuất hiện vào khoảng thiên niên kỉ thứ IV TCN. Sau này các tộc người khác như Akkad, Hatti, Atxiri, Ba Tư đều tiếp thu chữ viết Sumer.

Chữ Sumer, cũng như chữ Ai Cập, là chữ tượng hình. Hệ thống chữ Sumer cổ có khoảng 600 kí hiệu. Sau này người ta còn thêm một số kí hiệu ghi âm nữa. Trong quá trình phát triển, hệ thống chữ viết Sumer được đơn giản hoá đi nhiều. Từ hình vẽ gần giống sự vật, các kí tự tượng hình dần chuyển thành hình tròn, hình cong, hình bán nguyệt, rồi sang vạch thẳng. Cuối cùng để dễ ấn vào đất sét, các vạch thẳng được cải tiến thành hình nêm, hình đinh hay hình góc (hai vạch thẳng gặp nhau tạo thành một góc), vì vậy chữ Sumer nói riêng, các chữ ở khu vực Tây Á tiếp thu chữ Sumer nói chung, thường được gọi là chữ hình đinh, chữ hình nêm hay chữ hình góc. "Giấy" được người Sumer dùng để viết là đất sét mềm được cán thành những mảng mỏng, cuộn lại thành hình quả cầu, hình lăng trụ, v.v.

Cũng như chữ viết Ai Cập, chữ Lưỡng Hà (mà đại diện là chữ Sumer) là tài sản tinh thần lớn của cư dân khu vực này. Các minh chứng khảo cổ học cho biết cư dân Lưỡng Hà đã dùng chữ viết của minh để ghi lại các tri thức khoa học, các sáng tác văn học, rồi tình hình chính trị, kinh tế, v.v. Tại Ninivơ, thủ đô đế quốc Atxiri, qua khai quật khảo cổ học, người ta đã tìm thấy cả một thư viện đồ sộ, trong đó có đủ các loại văn bản bằng đất sét viết về kinh tế, hành chính, pháp luật, v.v. và thậm chí cả những tài liệu về bói toán, kinh cầu nguyện, những lời tiên tri, các đơn thuốc, v.v. Rõ ràng, nhờ chữ viết, các giá trị về lịch sử và văn hoá Lưỡng Hà đã được bảo tồn cho đến tận ngày nay.

So với chữ Ai Cập và Lưỡng Hà thì chữ viết ở Ấn Độ ra đời muộn hơn. Dựa trên những kí hiệu khắc trên các con dấu được phát hiện ở lưu vực sông Ấn, người ta phán đoán rằng chữ viết của Ấn Độ ra đời cách đây khoảng 2000 năm. Tuy nhiên thứ chữ ấy không còn tồn tại sau đó. Đến khoảng năm 800 TCN, xuất hiện chữ Kharosthi, sau đó là chữ Brami. Cả hai loại chữ này đều bắt nguồn từ Tây Á, địa bàn của văn minh Lưỡng Hà. Chữ Kharosthi bắt nguồn từ chữ Aramaic còn chữ Brami – từ chữ Semitic. Từ hai loại chữ này, đến thế kỉ thứ VI TCN, để ghi lại ngôn ngữ Ấn – Âu, người ta cải biến mẫu tự Devanagari. Từ đây chữ Sanskrit ra đời. Sau này, ở phía bắc Ấn Độ, để truyền bá đạo Phật dễ dàng, người ta đã cải biên chữ Sanskrit thành một thứ chữ đơn giản hơn: chữ Pali. Các chữ viết Thái, Lào, Chăm, Khmer ở vùng bán đảo Trung Ấn được ra đời cũng trên cơ sở của chữ Pali – Sanskrit ở Ấn Độ.


e) Văn học

Văn học phương Đông để lại nhiều thành tựu rực rỡ cho kho tàng văn học thế giới.

Sinh ra trong nền văn hoá nông nghiệp là chủ đạo, văn hoá dân gian nói chung, văn học dân gian nói riêng, có đất để phát triển. Nói chung, trong bối cảnh văn hoá như vậy, văn học dân gian phương Đông phát triển hơn văn học bác học. Có thể nói, nước nào ở phương Đông cũng có một kho tàng vĩ đại về thần thoại, cổ tích và thơ ca dân gian. Vì tồn tại trong hình thức truyền miệng nên thơ ca dân gian rất phát triển. Thơ ca chuyên chở cảm xúc, lại có lối diễn đạt súc tích, bằng vần luật, nhịp điệu nên rất dễ thuộc, dễ nhớ.

Nói đến văn học cổ điển phương Đông, không một nhà nghiên cứu nào không nhắc đến hai sử thi vĩ đại của Ấn Độ: Mahabharata và Ramayana.

Mahabharata (Bharata vĩ đại) là bộ sử thi lớn nhất Ấn Độ. Nói như Hêghen, bộ sử thi đồ sộ thuộc loại nhất này xứng đáng là bộ sử thi "mẫu mực nhất" của văn học thế giới. Ra đời vào khoảng thế kỉ thứ IX TCN, sửa đổi, bổ sung và hoàn chỉnh vào thế kỉ thứ V TCN, Mahabharata bao gồm 110.000 câu thơ đôi (sloka – 2 câu 8 chữ). Đánh giá về tác phẩm này, người Ấn có câu châm ngôn rất nổi tiếng, đó là: "Cái gì không có trong Mahabharata thì cũng không tìm thấy ở đâu trên xứ sở Bharata".[7]

Mahabharata nói về cuộc chiến tranh vĩ đại giữa hai bộ lạc thuỷ tổ của người Arya [Lương Ninh (chủ biên), 1998, 192], hay cũng có thể coi là giữa hai chi của dòng họ Bharata [Lương Duy Thứ (chủ biên), 1996, 185]. Tương truyền tác giả của trường ca này là đạo sĩ Krishna Dwaipayana Vyasa. Tuy nhiên, trong tiếng Sanskrit, Vyasa lại có nghĩa là "người sưu tập". Vì vậy các nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ đây là tác phẩm đã được rất nhiều thi sĩ dân gian sưu tầm và chỉnh lí.

Về tác phẩm này, có hai điều cần nhấn mạnh:

- Không chỉ nói về cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và cuộc chiến giành giật lãnh thổ, Mahabharata còn là cuộc chiến bảo vệ sự bình đẳng, bác ái, bảo vệ nếp sống đạo đức hiền hoà (tức bảo vệ Dharma).

- Người anh hùng trong sử thi Mahabharata mang một vẻ đẹp đặc biệt. Họ vừa sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh, sẵn sàng chiến đấu song lại luôn mong ước, phấn đấu cho hoà bình, cho lẽ phải và tình yêu. Hình ảnh người anh hùng lí tưởng trong sử thi Mahabharata không đơn thuần là những nhân vật thần linh mà là "những anh hùng nửa thần linh, nửa trần tục" theo cách nói của IA. V. Vasilkov.[8]

Ramayana (Những chiến tích của Rama) xuất hiện vào khoảng từ thế kỉ thứ VI đến thế kỉ thứ III TCN. Trường ca này gồm 24.000 sloka. Đây là sử thi văn chương, sử thi cung đình, khác với Mahabharata là sử thi anh hùng. Tuy nhiên, cũng như Mahabharata, Ramayana từ hàng nghìn năm nay đã ăn sâu vào tâm hồn dân tộc và có ảnh hưởng lớn đến xã hội Ấn Độ về rất nhiều mặt: đạo đức, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, …

Ramayana kể về sự nghiệp và công đức của hoàng tử Rama nước Kosala – người được coi là hoá thân thứ bảy của thần Vishnu. Ở trường ca này, cũng như ở Mahabharata, cuộc chiến tranh giành đất đai, bờ cõi không phải là ý nghĩa chủ đạo. Việc Rama chiến đấu với quỷ Ravana để bảo vệ Sita – vợ mình, là thể hiện ý nghĩa diệt trừ cái ác, bảo vệ cái thiện. Chiến thắng của Rama là chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối. Rama trở thành một siêu mẫu về đức vua lí tưởng theo quan niệm Hinđu. Còn Sita là biểu tượng của người phụ nữ lí tưởng – chung thuỷ, kiên trì, nhẫn nại [Lương Duy Thứ (chủ biên), 1996, 194 - 195].

Thành tựu vĩ đại của văn học Trung Quốc được thể hiện ở cả hình thức lẫn nội dung, cả khối lượng lẫn chất lượng. Nền văn học Trung Quốc phong phú về nội dung, sâu sắc, thâm thuý về tư tưởng, tinh tế, sắc sảo và điêu luyện về hình thức thể hiện.

Dấu mốc về thời kì ra đời của văn học Trung Quốc có thể là sự xuất hiện của Kinh Thi. Nguồn gốc của Kinh Thi là các sáng tác dân gian. Khổng Tử là người sưu tầm, ghi chép thành văn bản viết. Hiện còn 305 bài lưu giữ được đến ngày nay. Về mặt nội dung, Kinh Thi phản ánh rất chân thực và sinh động cuộc sống của người dân lao động Trung Quốc, đặc biệt là nỗi thống khổ của họ (vì thiên tai, vì chiến tranh,…). Về mặt thể hiện, Kinh Thi vừa là lời ăn tiếng nói của những người lao động dân dã lại vừa mang những đặc trưng tiêu biểu nhất của ngôn ngữ thi ca. Có thể nói, được thử thách qua không gian, thời gian và lòng người, Kinh Thi mãi mãi là viên ngọc óng ánh trong kho tàng văn học phương Đông và thế giới.

Trong kho tàng thơ ca cổ điển Trung Quốc, thơ Đường chiếm một vị trí đặc biệt. Có thể nói, với 50.000 bài thơ của khoảng 2300 thi sĩ, "thơ Đường đã đem lại vinh quang cho Đất nước của thơ ca (Thi ca chi bang) và ảnh hưởng sâu rộng đến thơ ca đời sau" [Lương Duy Thứ (chủ biên), 1996, 49].

Những thành tựu của thơ ca Trung Quốc gắn liền với tên tuổi của Khuất Nguyên (340 – 278 TCN), Lý Bạch (701 – 762), Đỗ Phủ (712 – 770), Bạch Cư Dị (772 – 846). Đó là những đại thi hào mà tên tuổi của họ còn sáng mãi đến tận ngày nay.

Ra đời muộn hơn thi ca, tiểu thuyết của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện từ đời Minh Thanh. Tuy nhiên những thành tựu của thể loại này cũng không phải nhỏ. Có thể kể ra một loạt những tác phẩm lớn và nổi tiếng như Thuỷ hử (Thi Nại Am), Tam quốc diễn nghĩa (La Quán Trung), Tây du kí (Ngô Thừa Ân), Hồng Lâu Mộng (Tào Tuyết Cần),…, trong đó Hồng lâu mộng được coi là tác phẩm có giá trị nhất trong dòng văn học hiện thực cổ điển Trung Quốc. Sau này, đến thời hiện đại, một nhân cách lớn của văn học cách mạng Trung Quốc thường được nhắc đến là Lỗ Tấn với tác phẩm AQ chính chuyện lừng danh thế giới.

Ngoài hai nền văn học lớn là Ấn Độ và Trung Quốc, các nền văn học khác ở phương Đông cũng gặt hái được những thành tựu đáng kể: văn học Ai Cập, Lưỡng Hà với các thể loại thơ ca, truyện kể, giáo huấn, anh hùng ca…; văn học Arập, ngoài thơ ca, có thể kể đến tập truyện Nghìn lẻ một đêm hình thành từ thế kỉ thứ X đến thế kỉ XII, văn học Đông Nam Á, trong đó có văn học Việt Nam, với những sắc màu đa dạng của văn học dân gian và của các thể loại, đặc biệt là thơ ca, v.v.


f) Nghệ thuật

Về nghệ thuật kiến trúc, công trình thuộc loại cổ xưa nhất song có giá trị vĩnh hằng, đó là các Kim tự tháp của Ai Cập – kì quan số một của thế giới cổ đại. Đây là những lăng mộ khổng lồ, nhìn như một khối đá hình tháp có đáy vuông, bốn mặt phẳng của tháp là hình tam giác cân quay về đúng bốn hướng Nam – Bắc – Tây – Đông. Có thể nói, nghệ thuật xây dựng Kim tự tháp là nghệ thuật dùng đá. Người ta đã dùng đến 2.300.000 tảng đá, mỗi tảng vài ba tấn, có tảng đến 55 tấn để xây tháp. Nghệ thuật dùng đá nói ở đây là nghệ thuật đẽo đá, mài đá và xếp đá. Tất cả các tảng đá đều được đẽo, mài thành một kích cỡ nhất định rồi xếp lên thành tháp mà không dùng đến bất kì chất kết dính nào. Các Kim tự tháp đã được xây dựng như thế và đã tồn tại tới bốn, năm ngàn năm. Quả là một thách thức với thời gian! Không phải ngẫu nhiên mà người Ai Cập rất hãnh diện với câu nói: "Bất cứ cái gì cũng đều sợ thời gian, nhưng thời gian thì lại sợ Kim tự tháp" [Lương Ninh (chủ biên), 1998, 26].

Ngoài Kim tự tháp, người Ai Cập còn là chủ nhân của nhiều đền đài nguy nga, tráng lệ mà tiêu biểu là đền Tebơ thờ thần Mặt trời Amôn với gian chính rộng tới 5000 m2, 134 cột đá xếp thành 16 hàng, có cột đá cao tới 21 mét.

Công trình kiến trúc tiêu biểu của Lưỡng Hà cổ đại là thành phố Babilon được xây dựng vào khoảng 600 năm TCN. Và, đặc biệt, một trong bảy kì quan của thế giới cổ đại là công trình kiến trúc vườn treo Babilon. Đây là một "vườn hoa không trung" trong cung điện mà "từ xa, vườn treo trông giống như một quả đồi xanh tươi đầy hoa" [Lương Ninh (chủ biên), 1998, 29].

Nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ gắn liền với Hinđu giáo và Phật giáo. Các công trình sớm nhất được xây dựng vào khoảng thế kỉ thứ III – thứ II TCN, ví dụ chùa Stupa Sanchi hay chùa hang ở miền Trung – Tây Ấn Độ. Đặc biệt, từ Vương triều Gupta (khoảng 319 – 467) hàng loạt chùa theo phong cách điêu khắc gupta của Hinđu giáo đã được xây dựng. Đặc trưng phong cách gupta từ đây về sau trở thành những nét cổ điển của nghệ thuật Ấn Độ. Đặc điểm nổi bật của phong cách điêu khắc này là ở vẻ đẹp sinh động và nét hiện thực giới tính của các hình tượng.

Nghệ thuật kiến trúc đặc trưng của Arập là kiến trúc cung điện và thánh đường Hồi giáo. Ra khỏi thế giới Arập, sau này những công trình kiến trúc Hồi giáo mọc lên ở khắp nơi: Jerusalem, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Brunei, v.v. Tất cả đều trở thành những kiến trúc tuyệt tác, những công trình nghệ thuật đặc sắc của văn hoá nhân loại. Trong số những công trình kiến trúc Hồi giáo hiện đang tồn tại thì đẹp nhất, được xây dựng một cách công phu nhất là những thánh đường Hồi giáo, ở đó nổi bật hơn cả là lễ đường (mosque) và các tháp (minarets) hình củ hành hoặc nhọn.

Ngoài ra còn có thể kể đến hàng loạt những công trình kiến trúc nổi tiếng của phương Đông mà ngày nay các khách du lịch bốn phương thường tìm đến như Borobudur ở Indonesia, chùa vàng chùa bạc ở Myanmar, Ăngco Voat ở Cămpuchia, các chùa chiền, cung điện ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Kyoto (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), v.v. Tất cả đều là những kiến trúc, những công trình văn hoá vật chất đặc sắc của phương Đông đóng góp cho kho tàng văn hoá thế giới.


2. Những hạn chế

Văn hoá phương Đông, như vừa trình bày ở trên, có nhiều thành tựu vĩ đại. Tuy nhiên văn hoá phương Đông không phải không có những hạn chế nhất định.

Các hạn chế của văn hoá phương Đông, suy cho cùng, chủ yếu do đời sống nông nghiệp chi phối.


2.1. Văn hoá gốc nông nghiệp mang tính làng xã của phương Đông đã tạo ra những hạn chế trong tính cách con người. Nền kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp với tính tự trị làng xã buộc mỗi cá nhân, mỗi gia đình phải tự làm ăn, tự lo liệu cuộc sống của mình. Do khoa học kĩ thuật chưa phát triển, sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên nên người dân thường chỉ đủ ăn, đủ mặc. Đó là cơ sở tạo ra tính tư hữu, tính ích kỉ, chỉ biết bo bo giữ về mình: "Ai có thân người ấy lo, Ai có bò người ấy giữ", và gắn với nó là tâm lí sợ người khác hơn mình. Họ dễ bì tị, đố kị với những người giàu có, với những người có cuộc sống dư dả hơn mình. Hơn nữa tính cộng đồng làng xã lại có mặt trái là dễ tạo ra thứ chủ nghĩa tập thể bình quân, lối sống ỷ lại, dựa dẫm, cam phận trong cái tôi nhỏ bé của mình, làm cản trở tính sáng tạo của mỗi cá nhân. Chính vì lối sống ấy mà ý thức cá nhân trong mỗi con người không phát huy mạnh mẽ để trở thành ý thức sáng tạo. Người ta không nghĩ hay không dám hướng đến một cung cách làm ăn khác hơn để cải tiến cuộc sống đơn sơ, thiếu thốn của mình, và cam chịu, chấp nhận nó như một điều tất yếu. Họ bằng lòng với cuộc sống theo cách thức sản xuất mà ông cha để lại, không dám đi xa, mạo hiểm vì cả đời chỉ quen với làng xã và mảnh ruộng cỏn con của mình. Thêm nữa lối sống nông nghiệp còn tạo ra cho người nông dân tính cách lề mề, tuỳ tiện sự yếu kém về tính tổ chức. Nền sản xuất nông nghiệp vốn ít có những đòi hỏi khắt khe về thời gian, người ta không phải lo cạnh tranh gay gắt, không bị ai thúc ép. Vì thế nên khi bước vào xã hội hiện đại với yêu cầu phát triển công nghiệp thì tính cách tuỳ tiện, thiếu kỉ luật, thiếu tính tổ chức mới bộc lộ tất cả những yếu kém của nó. Đó là mặt hạn chế cơ bản của con người nông nghiệp phương Đông trong sự so sánh với con người phương Tây vốn quen tác phong nhanh nhẹn, chính xác và làm việc hết mình.

Tư tưởng cục bộ địa phương cũng là một hạn chế của con người nông nghiệp quen sống trong cộng đồng làng xã mình mà ít mở rộng hiểu biết, giao tiếp ở phạm vi rộng hơn, xa hơn. Tâm lí "người cùng làng" trong phạm vi cộng đồng có thể dễ đố kị nhau nhưng khi ra ngoài làng thì họ lại bênh vực cho những người cùng làng xã mình, hay có thể từ một việc va chạm nhỏ nhưng nếu động đến làng thì cả làng sẵn sàng kéo nhau ra bảo vệ làng mình một cách cực đoan bất kể tốt, xấu, phải, trái.


2.2. Như đã phân tích ở trên, xã hội nông nghiệp với chế độ công xã nông thôn cô lập, tách biệt, cộng với những xiềng xích nô lệ của các quy tắc hà khắc cổ truyền "đã làm hạn chế lí trí của con người trong những khuôn khổ chật hẹp và trở thành công cụ ngoan ngoãn của mê tín. Những công xã này chủ yếu làm cho con người phục tùng những hoàn cảnh bên ngoài chứ không nâng con người lên địa vị làm chủ những hoàn cảnh ấy" [Nguyễn Hùng Hậu, 2004, 6]. Xã hội phương Đông, vì vậy, mang tính chất thụ động, quân bình, ít thay đổi. Không phải ngẫu nhiên mà Các Mác đã dùng những từ như "bất động", "tĩnh" để chỉ xã hội phương Đông. Tình trạng tĩnh tại, trì trệ của xã hội phương Đông kéo dài đến tận mươi năm đầu của thế kỉ XIX. Và đó chính là cơ sở để chế độ chuyên chế phương Đông tồn tại quá dai dẳng, làm cản trở sự phát triển của xã hội.

Lối tư duy thiên về trực giác của phương Đông, ít óc duy lí, phân tích, mổ xẻ cũng phần nào làm cho khoa học kĩ thuật không phát triển mạnh được như phương Tây. Những phát kiến về khoa học – kĩ thuật của phương Đông trước đây chủ yếu gắn với sản xuất, nảy sinh từ sản xuất (từ sản xuất nông nghiệp > lịch ra đời, thiên văn phát triển, v.v.). Trên một ý nghĩa nào đấy, đó cũng là một hạn chế của văn hoá phương Đông.

Bên trên chúng ta đã điểm qua về một số đặc điểm của văn hoá phương Đông xét từ góc độ triết học, đó là văn hoá phương Đông nghiêng về cân bằng, ổn định, hài hoà, đạo đức, tinh thần, tình cảm, ngả về tĩnh, trong khi văn hoá phương Tây lại thiên về đấu tranh, phát triển, phủ định, lí trí, lí tính, vật chất, ngả về động. Phải chăng đó là một trong những nguyên nhân làm cho phương Tây phát triển nhanh về khoa học kĩ thuật, chinh phục giới tự nhiên, trong khi đó phương Đông vẫn ngủ im lìm với bầu trời mây mù mang tính chất tôn giáo kéo dài suốt mấy thế kỉ? Vật cùng tắc biến, phương Đông đã, đang trỗi dậy và sẽ có những triển vọng to lớn [Nguyễn Hùng Hậu, 2004, 164].


2.3. Phương Đông đã có những tấm gương sáng về sự phát triển vượt trội: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, … Trong số những bài học có thể rút ra được từ các quốc gia nói trên có bài học về giữ gìn bản sắc ưu việt của văn hoá truyền thống, loại bỏ những yếu tố văn hoá lạc hậu, lỗi thời, hạn chế do nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu gắn liền với công xã nông thôn quy định, và tiếp thu những yếu tố văn hoá mới, tiên tiến của phương Tây. Nói cách khác, đồng thời với việc bảo tồn và phát huy những thành quả, những yếu tố tích cực của văn hoá truyền thống, cần phải xây dựng một nền văn hoá - văn minh công nghiệp (và hậu công nghiệp) tiên tiến cho sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia và toàn khu vực.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Almanach những nền văn minh thế giới, 1995. NXB Văn hoá thông tin.

2. Cao Liên, 2003. Phác thảo lịch sử thế giới. NXB Thanh niên.

3. Chiêm Tế, 2000. Lịch sử thế giới cổ đại, Tập 1. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

4. Hồ Hoàng Hoa (chủ biên), 2001. Văn hoá Nhật – những chặng đường phát triển. NXB Khoa học Xã hội.

5. Hồ Sĩ Quý, 2004. Đông và Tây: về triết lí "con người chinh phục tự nhiên" và triết lí "con người hoà hợp với tự nhiên". Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 6.

6. Lương Duy Thứ (chủ biên), Phan Thu Hiền, Phan Nhật Chiêu, 1996. Đại cương văn hoá phương Đông. NXB Giáo dục Hà Nội.

7. Lương Ninh (chủ biên), 1998. Lịch sử văn hoá thế giới (cổ, trung đại). NXB Giáo dục.

8. Lương Ninh (chủ biên), Đinh Ngọc Bảo, Đặng Quang Minh, Nguyễn Gia Phu, Nghiêm Đình Vỳ, 2003. Lịch sử thế giới cổ đại. NXB Giáo dục.

9. C. Mác – F. Ăngghen, 1982. Tuyển tập, Tập 4. NXB Sự thật.

10. Mai Ngọc Chừ, 1999. Văn hoá Đông Nam Á. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

11. Nehru J., 1990. Phát hiện Ấn Độ. (3 tập, Bản dịch) NXB Văn học.

12. Nguyễn Hùng Hậu, 2004. Triết lý trong văn hoá phương Đông. NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.

13. Nguyễn Kiến Giang, 2003. Đi tìm cách tiếp cận bản tính tộc người Việt. Trong cuốn "Văn hoá Việt Nam: đặc trưng và cách tiếp cận", Lê Ngọc Trà tập hợp và giới thiệu, NXB Giáo dục.

14. Phạm Tuấn Anh, 2005. Một góc nhìn Phương Đông – Phương Tây & Cục diện thế giới. NXB Thanh niên.

15. Trần Ngọc Thêm, 1996. Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam. NXB T.P Hồ Chí Minh.

16. Trịnh Huy Hoá, 2001. Đối thoại với các nền văn hoá – Trung Quốc. NXB Trẻ T.P Hồ Chí Minh.

17. Trịnh Huy Hoá, 2001. Đối thoại với các nền văn hoá – Triều Tiên. NXB Trẻ T.P Hồ Chí Minh.

18. Trịnh Huy Hoá, 2002. Đối thoại với các nền văn hoá – Nhật Bản. NXB Trẻ T.P Hồ Chí Minh.

19. Trịnh Huy Hoá, 2002. Đối thoại với các nền văn hoá – Afghanistan. NXB Trẻ T.P Hồ Chí Minh.

20. Trịnh Huy Hoá, 2002. Đối thoại với các nền văn hoá – Pakistan. NXB Trẻ T.P Hồ Chí Minh.

21. Vũ Dương Ninh (chủ biên), 1997. Lịch sử văn minh nhân loại. NXB Giáo dục.

22. Vũ Minh Giang, 2001. Khu vực học với nghiên cứu phương Đông. Trong cuốn: "Đông phương học Việt Nam", Kỉ yếu Hội thảo quốc gia lần thứ nhất. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

23. Vũ Quang Hà – Trần Thị Mai Hoa, 2000. Lịch sử triết học Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

24. Basham A. L., 2000. A cultural History of India. Oxford University Press.

25. Bickerman E.J., 1969. Chronology of Ancient World, London.

HẾT




[1] Cách phân chia này và một số thông tin liên quan chúng tôi dựa vào bài viết của GS. TSKH Vũ Minh Giang: "Khu vực học với nghiên cứu phương Đông". Kỉ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia lần thứ nhất mang tên "Đông phương học Việt Nam", NXB ĐHQG Hà Nội, 2001, trang 53.

[2] Trích theo Jawaharlal Nehru, Phát hiện Ấn Độ, 1990, NXB. Văn học, Phạm Thủy Ba, Lê Ngọc Hoàng Tuý và Nguyên Tâm dịch, tập I, trang 136.

[3] G. Coèdes, Inscriptions du Cambodge, 1937, vol. I-VIII, Hanoi, trang 120.

[4] Trích theo L. Renou, Ảnh hưởng của tư tưởng đối với văn học Pháp, Adyar Library, 1948, trang 25.

[5] Chi tiết về những thành tựu này, về tài liệu bằng tiếng Việt, có thể tham khảo [Lương Ninh (chủ biên), 1998; Lương Duy Thứ (chủ biên), 1996; Vũ Dương Ninh (chủ biên), 1997, …]. Ở đây chúng tôi dẫn một số thông tin theo Lương Ninh (chủ biên).

[6] Chi tiết về hai trường phái này xin xem công trình của Nguyễn Hùng Hậu. Một số nhận xét ở phần này chúng tôi dựa vào công trình trên [Nguyễn Hùng Hậu, 2004, 17 - 28, 123 - 138].

[7] Bharata là vua thuỷ tổ đồng thời là tên dòng họ đầu tiên của người Ấn, sau đó trở thành tên của đất nước Ấn Độ. Ngày nay Bharata vẫn là quốc hiệu của Cộng hoà Ấn Độ [Lương Duy Thứ (chủ biên), 1996, 184].

[8] Câu này dẫn lại qua [Lương Duy Thứ (chủ biên), 1996, 188].


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét