Kính Vạn Hoa
Nguyễn Nhật Ánh
1
Bây giờ, khi cầm trên tay tập sách này, hẳn bạn đọc đã biết đây là tập cuối cùng của bộ truyện Kính vạn hoa.
Tại sao nó là tập cuối cùng? Tại sao tập cuối cùng không phải là tập 48 hay tập 54? Có lẽ trước khi chia tay với bạn đọc, tác giả cũng cần có đôi điều giải thích. Giống như trong một buổi tiệc, trước khi khách khứa buông đũa và rời khỏi bàn ăn, người chủ nhà lịch sự không thể không nói đôi lời.
Tuy gọi là giải thích đôi điều, nhưng rõ ràng là tác giả buộc phải viết cả một tập sách mới mong nói hết, vì những điều muốn nói thực sự là rất dông dài, đôi chỗ phải ngừng lại để nhớ, đôi lúc còn phải ngừng lại để thở.
2
Khi tập đầu tiên của bộ Kính vạn hoa có tên là Nhà ảo thuật ra đời vào cuối năm 1995, nhiều người không tin bộ truyện sẽ kéo tới con số 10. Ông Nguyễn Thắng Vu, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng động viên tôi "Mình thấy cậu có thể viết được mười tập đấy". Ông giám đốc thực bụng tin như thế hay đơn giản chỉ để truyền dũng khí cho tôi thì tôi không biết.
Riêng tôi, tôi chỉ biết cặm cụi viết. Tôi viết như một con ong. Như một con tằm. Con ong làm mật, con tằm nhả tơ. Còn nhà văn thì cho ra đời những tác phẩm. Đó là công việc, cũng là thiên chức của người cầm bút.
Tôi tâm niệm thế và tôi miệt mài viết, thực tình thì cũng không biết mình sẽ viết được bao nhiêu tập. Tôi cố không nghĩ ngợi đến những con số vì không muốn mình bị những áp lực không đâu.
Khi Kính vạn hoa ra tới tập thứ 10, ông Nguyễn Thắng Vu không giấu được niềm vui. Hình như hơn cả niềm vui nữa, cái mà ông bộc lộ là sự phấn khích.
Chẳng biết ông mua được ở đâu, hay đặt người ta làm một chiếc hộp nhựa trong suốt, đựng vừa vặn mười tập Kính vạn hoa và đem bày trong tủ kính ở Nhà xuất bản, khách nào tới cũng đem ra khoe.
Cái hào hứng hồn nhiên trẻ thơ nơi ông già đó đã động viên tôi nhiều hơn bất cứ một lời có cánh nào của ông.
Dù rằng tôi tự biết: trong sự hợp tác giữa tôi và nhà xuất bản trong việc khai sinh ra bộ Kính vạn hoa, có một điều chúng tôi thầm hiểu nhưng không ai nói ra. Ngoài mục đích đem đến nhiều tác phẩm hơn cho trẻ em, ở đây có một sự thách thức ngầm, một tự ái nghề nghiệp. Sự chiếm lĩnh của các bộ truyện nước ngoài trong thị trường sách thiếu nhi, khởi đầu là Tứ quái TTKG và về sau là Harry Potter, Animorphs, Stine đã là cú hích để cho bộ Kính vạn hoa bắt đầu và cố gắng đi trọn con đường mà nó đã chọn.
Khi bộ Kính vạn hoa ra tới tập thứ 12 thì tôi bắt đầu vững tin. Nhưng xem ra ông Giám đốc Nhà xuất bản còn vững tin hơn tôi. Ông dang rộng hai tay, không phải để ôm tôi mà để kết luận một câu xanh rờn "Mình tin rốt cuộc bộ sách có thể là thế này này". Thoạt đầu tôi trố mắt ra, không hiểu ông muốn nói gì. Ông cười hóm hỉnh "Bộ Kính vạn hoa sẽ gồm 70 tập, dài bằng sải tay của mình".
Nhà báo Phạm Chu Sa, cùng với Thúy Nga, Ngọc Cúc, Việt Hà và Lê Minh Quốc là những bạn bè đã theo dõi, động viên bộ truyện ngay từ đầu, thì phán chắc nịch "Tớ quả quyết bộ Kính vạn hoa sẽ dài 63 tập". Tôi không hiểu Phạm Chu Sa lấy con số 63 kia ở đâu ra. Sau đó, khi giới thiệu bộ Kính vạn hoa trên báo Thanh Niên, anh vẫn lặp lại con số đó một cách khẳng khái, cứ như thể chính anh là tác giả. Tôi tò mò "Con số 63 ở đâu ra thế?". Phạm Chu Sa thản nhiên "Tớ tính theo… âm dương ngũ hành". Tôi nhăn nhó "Đừng có mà phao tin bậy bạ. Tôi không thể viết nổi chừng đó tập đâu!". Anh vỗ vai tôi, cười hề hề "Tớ phóng đại ra như vậy để cậu cố gắng phấn đấu đó mà".
3
Con số 63 từ trên trời rơi xuống kia cho đến hôm nay đã bị thực tế chứng minh là trật lất. Con số 70 đầy mơ mộng của ông giám đốc Nhà xuất bản cũng không bao giờ trở thành hiện thực.
Không phải tôi không thể viết được đến các con số đó. Cố thì có thể được, mặc dù trong lãnh vực văn chương không phải lúc nào cũng nên cố. Tôi viết bộ truyện này ròng rã bảy năm trời không ngơi nghỉ. Nghề dạy nghề, kinh nghiệm sáng tác ngày càng dồi dào. Viết truyện liên hoàn, cũng giống như ta búng một đồng xu. Khó ở cái búng đầu tiên, còn nếu đồng xu đã có cái thế vững vàng rồi, nó sẽ tự lăn.
Nhưng dù đồng xu sáng tạo của tôi có lăn ngon trớn tới đâu thì rồi đến một ngày đẹp trời nó cũng phải dừng lại.
Hôm nay chính là cái ngày đẹp trời đó.
4
Ngày đẹp trời, éo le thay, không phải do trời quyết định. Nó xảy ra từ một sự kiện hoàn toàn ngẫu nhiên.
Ngay từ đầu, tôi đã đặt tên cho bộ truyện của mình là Kính vạn hoa. Nhiều em nhỏ đã hỏi tôi "Tại sao chú lại đặt tên là Kính vạn hoa?".
Câu trả lời rất đơn giản: vì kính vạn hoa là một đồ chơi của trẻ em. Thuở bé, tôi mê cái kính vạn hoa, và bây giờ, đã lớn, tôi vẫn mê thứ đồ chơi này. Nếu được bỏ phiếu, tôi sẽ không ngần ngại bình chọn ống kính vạn hoa là đồ chơi kỳ thú nhất của tuổi thơ, là quà tặng tuyệt diệu nhất mà người lớn đã nghĩ ra cho trẻ em. Hằng hà bông hoa lần lượt xuất hiện dưới tay mình, chỉ sau mỗi cái lắc nhẹ. Những cánh hoa không ngừng thay dáng, những sắc hoa không ngừng đổi màu, có tới hàng vạn, hàng triệu những bông hoa như thế, và tuyệt vời thay, không bông hoa nào giống bông hoa nào trong hàng vạn hàng triệu cái kia.
Tôi ao ước những tập Kính vạn hoa của mình cũng sẽ đem lại cho các độc giả nhỏ tuổi điều gì na ná như thế: Cứ lắc một cái, một câu chuyện mới lại hiện ra. Trong bài giới thiệu bộ truyện Kính vạn hoa trên báo Khăn Quàng Đỏ, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã đặt nhan đề cho bài viết là "Những cú lắc". Cái tên anh đặt mới hợp ý tôi làm sao!
Theo lẽ thông thường, tên của bộ sách đã là Kính vạn hoa thì các tập thuộc bộ sách sẽ không có tập nào được mang cái tên đó nữa. Cũng như ông bố đã trót mang tên này thì tên của những đứa con sẽ phải khác đi.
Nhưng tập 45 này tôi lại đặt tên là Kính vạn hoa. Dĩ nhiên tôi cũng có thể chọn một cái tên khác. Nếu muốn đánh dấu sự kết thúc của bộ truyện, tôi có thể đặt tên cho cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay là Cuốn sách cuối cùng. Thơ mộng hơn, có thể là Hoa lưu ly, hàm ý là "đừng quên tôi"…
Tuy nhiên, tôi đã không làm thế. Tôi vẫn chọn cái tên Kính vạn hoa. Có gì đâu, chẳng qua câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây liên quan đến… cái kính vạn hoa.
Bảy năm trước, khi chọn cái tên này cho cả bộ sách, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng sẽ có một ngày tôi viết về cái kính vạn hoa. Hôm nay tôi có viết về nó, chỉ là một sự tình cờ.
Sự tình cờ lạ lùng đó đối với tôi như một phán quyết: Bộ truyện Kính vạn hoa như vậy là đã đi tới chặng cuối cùng. Và như các bạn đã biết: ở tập 45.
5
Mọi chuyện bắt đầu vào cái hôm tôi bước vào tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng, được cô văn thư trao lại một lá thư.
Lá thư gấp tư, xé từ tập học trò ra, không có phong bì.
Tôi kẹp chiếc cặp bằng tay trái, tay phải mở thư, tò mò đọc:
"Kính gửi chú Nguyễn Nhật Ánh,
Ba đứa tụi cháu đến tìm chú có chuyện nhưng tiếc là không gặp. Chiều mai, đúng 5 giờ, tụi cháu sẽ trở lại. Rất mong được gặp chú".
Nội dung lá thư, nếu có thể gọi đó là lá thư, không có gì đặc biệt. Đây chỉ là lời nhắn lại. Hơn nữa, từ trước đến nay, các độc giả nhỏ tuổi đến tòa soạn tìm tôi không phải chỉ một lần.
Tôi đọc những lời nhắn kia một cách bình thản, nhưng đến khi lướt mắt qua các chữ ký bên dưới, miệng tôi bỗng há hốc.
Ở dưới lá thư là ba chữ ký ngoằn ngoèo, có kèm theo tên hẳn hoi, lần lượt là: Quý ròm, Tiểu Long và Hạnh.
Vẻ mặt đột ngột đờ ra của tôi khiến cô văn thư phải chớp mắt:
- Có chuyện gì thế anh?
- Ờ, ờ… không có gì! – Tôi đáp và liếm đôi môi khô rang – Ai gửi thư này cho tôi thế?
- Khi nãy có ba em học sinh đến đây…
Tôi cắt ngang:
- Hai trai một gái phải không?
- Vâng. Cô gái xinh lắm, tóc dài, đeo kính cận…
- Còn hai cậu con trai thì một mập một ốm?
Tôi thở hắt ra khi nhìn thấy cái gật đầu của cô đồng nghiệp. Vậy là rõ: Ba em học sinh đến tìm tôi có vóc dáng giống y như Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh.
6
Nói "giống y như", có nghĩa ba em học sinh đó không thể là Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh.
Tôi biết rõ tuồng chữ của Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh như biết rõ tuồng chữ của mình.
Chữ của nhỏ Hạnh tròn trịa và mềm mại, ngay hàng thẳng lối, dù viết trên giấy không kẻ dòng. Nét chữ đẹp đẽ và mực thước đó là nét chữ của một cô giáo tương lai. Dù chưa trông thấy chữ viết của nhỏ Hạnh, có lẽ các độc giả của Kính vạn hoa cũng có cảm giác như tôi. Em Huỳnh Thị Kim Ngân ở số nhà 260A đường Ấp Bắc, thành phố Mỹ Tho, viết thư cho nhỏ Hạnh, khuyên nhủ chân tình: "Chị Hạnh ơi, xem truyện xong em biết chị rất thích ăn bò viên. Lúc nào chị xuống quê em chơi, em dẫn chị đi ăn nhé. Nhưng chị đừng mở tiệm bán bò viên. Chị là "bộ từ điển biết đi", mở tiệm bán bò viên thì uổng phí tài năng của chị lắm". Em Phạm Phương Thanh ở số 61 ngõ 651, dốc Minh Khai, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội viết thư cho nhỏ Hạnh cũng không ngoài mục đích can ngăn: "Chị Hạnh ơi! Sao chị mê món bò viên thế? Em chưa được nếm bao giờ. Chắc ngon lắm nhỉ? Em thấy anh Quý nói đúng đấy. Chị đừng làm chủ hiệu bò viên vì em thấy chị thích hợp với nghề cô giáo hay bác sĩ hơn – một nhà sử học hay khoa học cũng được".
Nhỏ Hạnh xem qua những lá thư này, chỉ tủm tỉm cười, không nói năng gì. Tôi ngồi bên cạnh, tò mò nhìn nó, thú thực là không biết nên có ý kiến về những chuyện riêng tư như thế này hay không. Cuối cùng tôi quyết định không nói gì, dù sao trong nhóm Quý ròm, nhỏ Hạnh vẫn là đứa tôi tin tưởng nhất. Tôi biết nó thừa bản lĩnh để quyết định chính xác mình sẽ là ai sau này và tôi hoàn toàn tôn trọng quyết định của nó.
So với nhỏ Hạnh, chữ viết của Quý ròm là cả một sự đối nghịch. Nói cho công bằng, chữ Quý ròm đẹp mắt, bay bướm. Nhưng đó là cái đẹp của một bức tranh. Cái đẹp để ngắm chứ không phải để đọc. Thoạt nhìn vào tập của Quý ròm, ai cũng công nhận là chữ đẹp. Nhưng đến khi đọc thì ai nấy đều bật ngửa: những con chữ của Quý ròm cứ móc vào nhau líu ríu, hệt như các toa xe lửa, chính xác là như búi cỏ rối, muốn hiểu nghĩa phải vừa đánh vần vừa phỏng đoán đến toát mồ hôi. Trong tập của Quý ròm, chỉ có những chữ số là rõ ràng. Chẳng biết có phải vì vậy mà nó chỉ học xuất sắc các môn liên quan đến các con số như toán lý hóa hay không.
Tiểu Long người sao chữ vậy. Chữ của nó cục mịch nhưng nom vững chắc, rất nhiều nét đậm. Những con chữ to mập bò lổm ngổm trên trang giấy như đàn heo con. Nếu giàu tưởng tượng, người đọc có thể hình dung ra cảnh lũ heo con vừa đi vừa chen huých nhau, thậm chí có thể nghe thấy cả những tiếng ủn ỉn khi chúng hục hặc giành nhau xuống hàng.
Những tuồng chữ vừa kể ra trên đây quá là quen thuộc với tôi. Chúng không giống chút gì với tuồng chữ trên lá thư cô văn thư tòa soạn vừa đưa ra.
7
Vả lại, thật khó tin là nhóm Quý ròm đi tìm tôi trong lúc này. Tôi nghĩ phải lâu lắm, tụi nó mới đủ can đảm gặp lại tôi. Tuần trước, khi cuộn băng cassette Nhà ảo thuật của hãng Saigon Audio phát hành, tụi nó đã rủ nhau trốn biệt. Tôi hoàn toàn thông cảm với sự mất tích đột ngột của tụi nó, và đoán chắc tình trạng bốc hơi này phải kéo dài ít nhất là một tuần lễ nữa.
Chuyện xảy ra cách đây ba tháng. Lúc đó, hãng Saigon Audio có ý định chuyển thể bộ Kính vạn hoa, trước tiên là tập 1 Nhà ảo thuật, thành băng cassette để đáp ứng nhu cầu của những em thích nghe chuyện nhưng chưa đủ sức đọc trực tiếp các trang sách. Đấy là những em bé ở độ tuổi từ sáu đến tám, đang học khoảng từ lớp một đến lớp ba.
Khi cô Hồng Dung bên hãng ngỏ ý nhờ tôi tìm giúp vài em có thể lồng tiếng cho các nhân vật trong truyện, tôi nghĩ ngay đến các bạn trẻ của tôi:
- Nhờ chính Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh lồng tiếng là hay nhất. Đây là chuyện của các em. Không có gì thích hợp hơn khi các em tự lồng tiếng cho chính mình.
- Ồ, tốt quá! – Cô Hồng Dung reo lên hớn hở – Vậy anh dẫn các em tới ngay chỗ tụi tôi đi.
Văn phòng hãng Saigon Audio nằm trên đường Bến Hàm Tử, gần như ngay sau lưng nhà nhỏ Hạnh.
Chiều, mới hai giờ, bốn chú cháu đã xăng xái kéo nhau đi. Bọn trẻ vui thích ra mặt. Tiểu Long cảm động đến mức khụt khịt mũi suốt đường đi. Nhỏ Hạnh liên tục đẩy gọng kính trên sống mũi, mặc dù tôi thề là cái kính không hề trễ xuống một centimet nào. Quý ròm thì khỏi nói, nó luôn luôn đi vượt lên trước mọi người, rồi như nhận thấy mình nôn nao quá, nó cố tình đi tụt lại, nhưng chốc sau lại thấy nó đã ở phía trước.
Ngay cả tôi cũng không nén được hào hứng. Có lúc tôi muốn co cẳng chạy theo Quý ròm, nhưng rồi tôi kềm lại được. Dù sao tôi cũng là người lớn, không thể nhắng lên như bọn trẻ nếu không muốn người ta cười cho.
8
Lúc ra đi khí thế là vậy, lúc trở về bốn chú cháu lếch thếch như bốn con gà rù.
Lý do: cuộc thử việc thất bại não nề. Thất bại oái oăm này quả ra ngoài dự liệu của tôi. Tôi cứ đinh ninh lồng tiếng cho nhóm Quý ròm không ai xứng đáng hơn chính nhóm Quý ròm. Tôi tin thế, và bọn trẻ cũng tin thế.
Nhưng ngày hôm đó chúng tôi đau khổ nhận ra rằng không phải bao giờ sự thật cũng ăn khớp với niềm tin.
Giọng nhỏ Hạnh thì còn tàm tạm. Nhưng giọng của Tiểu Long và Quý ròm thì hỏng bét bè be. Hai tướng tới tuổi dậy thì, vỡ giọng lúc nào tôi không để ý, đến khi thu tiếng xong, mở ra kiểm tra thử, nghe ồm ồm như giọng ngỗng đực.
Trong khi Tiểu Long và Quý ròm mặt mày đỏ nhừ thì cô Hồng Dung, nhỏ Hạnh và tôi không nhịn được, ôm bụng cười bò. Tôi cười đến chảy nước mắt, khiến Quý ròm đâm quạu. Mặt nó sầm xuống một đống:
- Cháu và Tiểu Long đến đây đâu phải để tấu hài!
Tiểu Long không nói gì nhưng mặt nó cau lại, cứng như gỗ, còn mũi thì khịt khịt liên tục, cứ như thể có ai chơi ác nhét viên bi trong đó.
Cô Hồng Dung tìm cách an ủi bọn trẻ:
- Các cháu đừng buồn! Thế nào chúng ta cũng sẽ có dịp cộng tác với nhau.
Cô Hồng Dung bảo đừng buồn, bọn trẻ nom càng buồn hơn. Khù khờ như Tiểu Long họa may còn tin tưởng một ngày đẹp trời nào đó cơ may sẽ rớt trúng đầu nó nhưng thông minh như Quý ròm thì thừa biết rằng còn lâu tụi nó mới đủ can đảm quay trở lại chốn đau khổ này lần thứ hai.
Tiểu Long và Quý ròm bị loại, tất nhiên nhỏ Hạnh không bao giờ tham gia lồng tiếng một mình.
Bốn chú cháu thất thểu ra về giữa trưa nắng, tám cẳng chân như đeo đá, và như đôi khi vẫn xảy ra, con đường ngắn ngủn từ hãng Saigon Audio về nhà nhỏ Hạnh bỗng dưng đi hoài không hết.
9
Nỗi buồn mới qua được hơn hai tháng, ai nấy đang chờ cho nó nguôi ngoai thì đùng một cái, cuộn băng Nhà ảo thuật được phát hành.
Chui vào hiệu sách nào cũng nghe cuộn băng này phát ra rả, bọn Quý ròm biến luôn. Vì ngượng khi nhớ đến chuyện cũ cũng có, mà vì tự ái cũng có.
Bọn nhóc không bén mảng đến các hiệu sách quen thuộc đã đành, còn trốn luôn cả tôi. Tinh quái như nhỏ Hạnh và Quý ròm đương nhiên tụi nó biết thừa tôi đã thủ sẵn ba cuộn băng để dành tặng tụi nó. Tôi là người lớn, đâu thèm để bụng những chuyện vặt vãnh. Có buồn cũng chỉ buồn một lúc rồi thôi. Hơn nữa, hai tướng Quý ròm và Tiểu Long vỡ giọng chứ tôi đâu có vỡ giọng.
Bọn Quý ròm không liên lạc với tôi đã một tuần và theo tính khí của tụi nó, tôi biết tình trạng này sẽ còn kéo dài thêm ít nhất là một tuần nữa, lúc đó bốn chú cháu mới có thể nói đến chuyện "ngồi xuống uống miếng nước ăn miếng bánh", theo như kiểu nói của Tiểu Long.
Cho nên, không có lý gì bọn trẻ đi tìm tôi trong lúc này. Các tác giả của bức thư mà tôi vừa nhận được dĩ nhiên là Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh giả danh, không còn nghi ngờ gì nữa.
Đêm đó, tôi suy nghĩ rất lung. Năm giờ chiều mai chắc chắn tôi sẽ gặp nhóm Quý ròm giả. Cuộc gặp gỡ này không có gì đáng lo, tôi cũng tò mò muốn xem các cô cậu nghịch ngợm kia muốn gì ở tôi.
Chuyện khiến tôi băn khoăn là chuyện khác. Đó là tôi phân vân không biết có nên cho bọn Quý ròm hay tin về cuộc gặp gỡ kỳ lạ chiều mai không. Gặp một bọn trẻ giả danh tụi nó mà không thông báo cho tụi nó biết cũng dở. Nhưng liên lạc với tụi nó trong "thời điểm tế nhị" này không biết tụi nó có vui vẻ không.
Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, tôi vùng dậy đi lại chỗ đặt máy điện thoại. Nhà Tiểu Long chưa gắn điện thoại, tôi chỉ có thể gọi cho nhỏ Hạnh hoặc Quý ròm. Nhỏ Hạnh học bài trên gác trong khi máy điện thoại đặt dưới nhà, bắt nó chạy lên chạy xuống tôi không nỡ.
Tôi quay số máy nhà Quý ròm, nghe tiếng nhỏ Diệp lảnh lót ở bên kia đầu dây:
- A lô, cháu là Diệp. Xin lỗi, chú cần gặp ai ạ?
Tôi cười:
- Chú biết cháu là Diệp rồi, khỏi cần "quảng cáo"! Chú là…
- A, chú cũng khỏi cần phải "quảng cáo"! – Nhỏ Diệp reo lên – Cháu nhận ra rồi! Chú là chú Ánh!
Nhỏ Diệp cười hích hích trong máy, giọng cười lém lỉnh không thua gì Quý ròm. Đúng là anh nào em nấy! Nhưng thoắt một cái, giọng nó đã chuyển qua phụng phịu:
- Chú xấu lắm nghen! Những tập Kính vạn hoa gần đây, chú toàn viết về các anh chị lớn, chẳng nhắc gì đến cháu. Bộ chú quên cháu rồi sao?
- Đừng trách oan chú như thế chứ! – Tôi giật mình, cố vắt óc để kể công trạng – Ờ, ờ, hình như trong tập Gia sư vừa rồi chú có viết về cháu mờ!
- Trong tập đó cháu xuất hiện có chút xíu hà! – Giọng nhỏ Diệp giận dỗi – Chú lại tả cháu lấm lét như tên trộm gà, còn bị bọn nhóc Quỳnh Dao ném suýt u đầu nữa chứ! Cháu không chịu đâu!
Chỉ nghe giọng nói, tôi hình dung được nhỏ Diệp đang vùng vằng ở bên kia.
- Thôi, được rồi! – Tôi cười giả lả, giọng cố làm ra vẻ hào phóng – Những tập sắp tới, chú sẽ viết về cháu nhiều hơn, thậm chí có tập cháu sẽ được làm công chúa nữa cơ đấy. Bây giờ thì cháu cho chú gặp anh Quý một chút!
10
Tôi tưởng Quý ròm sẽ từ chối nói chuyện với tôi.
Nhưng tôi đã lầm. Quý ròm không những không ngán gặp tôi, mà vừa nhấc ống nói lên nó đã tuôn một tràng:
- Chào chú! Chú khỏe không? Mấy hôm nay chú đi chơi đâu mà tụi cháu gọi hoài không gặp? Chú nhờ chị nào trông nhà giùm thế?
Thằng nhóc hỏi dồn dập khiến tôi không biết đường nào trả lời. Lại hỏi toàn những chuyện gì nghe lạ hoắc lạ huơ.
Tôi ngạc nhiên đáp:
- Mấy hôm nay chú vẫn ở nhà mà.
- Ở nhà đâu mà ở nhà! – Quý ròm dường như không tin tưởng tôi tẹo nào, giọng nó kéo dài ra – Cháu và Hạnh thay phiên nhau gọi, chẳng thấy chú đâu, chỉ có chị nào đó nhấc máy.
Tôi nhíu mày:
- Làm gì có chị nào! Chắc tụi cháu gọi nhầm số hay sao ấy chứ!
- Nhầm sao được! Cháu nghe máy cassette nhà chú đang mở cuộn băng Nhà ảo thuật rõ mồn một mà.
Trong nhà tôi quả có mấy cuộn băng Nhà ảo thuật thật, và thỉnh thoảng tôi vẫn mở ra nghe. Tôi đã định không nhắc đến chuyện cuộn băng, nhưng Quý ròm đã đề cập trước, tôi chẳng phải úy kị nữa:
- Đúng là chú thường nghe cuộn băng này. Nhưng điều đó không có nghĩa là trong nhà chú có thêm một ai.
Tôi nghe tiếng tặc lưỡi trong ống nghe, đoán Quý ròm đang bứt sắp đứt cả tai, vội hỏi:
- Thế chị đó nói gì với tụi cháu?
- Chị đó cũng nói giống y như chú. Chỉ bảo tụi cháu gọi nhầm số.
- Thấy chưa! – Tôi kêu lên đắc thắng.
Nhưng Quý ròm đã nhanh chóng làm tôi cụt hứng. Nó thản nhiên:
- Cháu chưa thấy gì cả! Biết đâu chú chẳng dặn chị ấy nói như thế!
- Trời ơi là trời! – Tôi vò tung mái tóc – Sao cháu có thể nghĩ ra được câu chuyện lạ lùng như thế hả trời!
- Có gì đâu mà lạ lùng hở chú? – Mặc tôi la trời, Quý ròm vẫn tỉnh rụi – Nếu chú đã quyết không muốn gặp tụi cháu thì chuyện gì lại không thể xảy ra.
Quý ròm làm tôi chưng hửng:
- Ai bảo thế? Tại sao chú không muốn gặp tụi cháu?
- Chậc, thì tại vì chú sợ bọn cháu ngượng về chuyện cuộn băng chứ còn tại sao!
Hóa ra tụi nó đã đi guốc vào bụng tôi, cái bọn nhóc ranh mãnh này! Tôi đinh ninh tụi nó sẽ trốn tôi bét nhất là nửa tháng, những ngày qua tôi cố giúp đỡ tụi nó bằng cách không ngó ngàng gì tới số máy nói của nhỏ Hạnh và Quý ròm. Không ngờ tụi nó lại chủ động gọi cho tôi.
Tôi thở một hơi dài:
- Thực tình chú có ý nghĩ đó thật. Nhưng chắc chắn chú không tránh mặt nếu tụi cháu gọi tới.
Tôi chép miệng, và nói bằng giọng não nuột đến đá cũng phải mềm lòng:
- Chú nói vậy, cháu tin không?
- Cháu tin! – Quý ròm đáp, rồi nó ngập ngừng nói thêm – Nhưng nếu thế thì… lạ thật!
Một tia chớp bỗng xẹt ngang đầu tôi:
- Số điện thoại của chú hiện nay là số máy mới, có khi tụi cháu gọi nhầm số thật cũng nên. Tụi cháu gọi số mấy?
Sau khi nghe Quý ròm đọc số, tôi giơ hai tay lên trời và hét lớn đến mức nhà bác học Archimède nếu sống lại chắc cũng phải xám mặt vì ghen tị:
- Lạy chúa! Đúng là nhầm số thật rồi, ông tướng con ơi! Số cuối cùng là số 4 chứ không phải số 1!
11
Tôi cười trêu, khi cả hai đã bình tĩnh:
- Chú cứ nghĩ sẽ không gặp tụi cháu ít nhất là một tuần lễ nữa!
- Lẽ ra là vậy, nếu tụi cháu không trót nhận lời trông coi Câu lạc bộ Kính Vạn Hoa giùm chú! – Quý ròm làu bàu – Tụi cháu còn phải nhận thư và trả lời bạn đọc nữa chi!
- Vậy là tốt! – Tôi hoan hỉ nói – Để tưởng thưởng cho tinh thần trách nhiệm của tụi cháu, chú sẵn sàng tiết lộ một tin tức cực kỳ hấp dẫn. Chiều mai…
12
Chiều hôm sau, trời tù mù, đùng đục như quét một lớp chì. Báo đài đưa tin có áp thấp nhiệt đới. Mây xám xịt, trĩu xuống như muốn chạm các nóc nhà cao tầng nhưng không khí thì mát mẻ, dễ chịu.
Ngược lại với thời tiết bên ngoài, cái ghế tôi ngồi hôm nay sao giống cái lò than kinh khủng. Tôi ngồi làm việc cứ nhấp nha nhấp nhổm. Càng gần đến giờ hẹn tôi càng thấy nôn nao.
Tôi liếc đồng hồ đến lần thứ tám thì cô văn thư gọi lên phòng:
- Anh xuống đi! Ba em học sinh hôm qua đến rồi.
Tôi xếp giấy tờ vào cặp và lật đật bước ra khỏi phòng, rảo bước xuống cầu thang.
Đang ngồi chờ tôi trên chiếc ghế nệm dài ở phòng khách là ba em học sinh mặt mày nom sáng sủa, pha chút láu lỉnh.
Tôi vừa xuất hiện, chưa nói tiếng nào, như đã đoán ra, cả ba đồng loạt đứng dậy:
- Chào chú ạ.
Khi các em ngồi, tôi không có ấn tượng gì đặc biệt. Nhưng khi đứng lên, các em khiến tôi trố mắt sững sờ. Các em trông giống các nhân vật Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh mà tôi mô tả lạ lùng. Còn giống hơn cả Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh bằng xương bằng thịt.
Tôi chỉ tay vào cô bé:
- Cháu là…
Cô bé mỉm cười, ánh mắt tinh nghịch lóe lên sau tròng kính:
- Dạ, cháu tên Khánh Ly.
Hai ông nhóc cũng vội vã tự giới thiệu:
- Còn tụi cháu là Đức Long và Quý Hồ ạ.
Đức Long có thân hình rắn chắc và làn da rám nắng của dân chơi thể thao, tóc cắt ngắn, mỗi khi cười bày ra hàm răng to khỏe và trắng bóng. Còn Quý Hồ hoàn toàn ngược lại, còm nhỏm còm nhom, mặt mày lém lỉnh, đôi môi liên tục mấp máy, vẻ như luôn sẵn sàng tuôn ra những lời bông đùa nghịch ngợm.
13
Căng-tin cơ quan nằm tuốt trên lầu ba nên tôi rủ các em ra quán nước cạnh tòa soạn.
- Thế nào? – Khi chủ quán đem nước ra đặt trước mặt mỗi người, tôi nheo mắt nhìn các vị khách đặc biệt, hắng giọng – Gặp chú có chuyện gì đây? Sao lại ký tên trong thư là Tiểu Long, Quý ròm và nhỏ Hạnh?
- Tụi cháu gặp chú cũng vì chuyện này đó chú! – Quý ròm, à quên, Quý Hồ nhanh nhẩu đáp.
- Vì chuyện này? – Tôi ngạc nhiên.
- Vâng ạ! – Khánh Ly nhỏ nhẹ tiếp lời, vừa nói nó vừa đưa tay đẩy gọng kính trên sống mũi y như… nhỏ Hạnh – Chả là cách đây một tuần tụi cháu đăng ký tham gia sinh hoạt ở Câu lạc bộ sáng tác báo Khăn Quàng Đỏ…
Tôi lặng im nghe, vẫn chưa đoán ra các bạn trẻ này định dẫn tôi tới đâu:
- …Vừa thấy tụi cháu đi chung, các bạn trong câu lạc bộ đã xúm xít thì thào với nhau. Đến khi biết tên của Quý Hồ và Đức Long, các bạn liền hỏi ngay tụi cháu có quen biết gì với chú không…
Tôi như hiểu ra, liền gật gù cắt ngang:
- Chắc chắn các cháu bảo là có quen?
- Vâng ạ! – Khánh Ly ngượng ngập – Không những khoe là quen biết chú mà bạn Quý Hồ còn nhận mình chính là Quý ròm trong truyện chú viết.
Tôi nhìn Quý Hồ, thấy nó tủm tỉm cười, chẳng lộ vẻ gì áy náy. Tôi đưa mắt sang Đức Long:
- Thế còn cháu?
Mặt Đức Long lúc này giống như quả cà chua chín. Nó ấp úng:
- Cháu cũng thế ạ. Cháu bảo cháu chính là… Tiểu Long.
Tôi liếc Khánh Ly, chưa kịp hỏi, nó đã thật thà khai báo:
- Cháu không muốn mạo nhận nhỏ Hạnh chút nào nhưng hai bạn Quý Hồ và Đức Long đã lỡ nói dóc rồi, cháu không còn cách nào khác là đành phải… nói dóc theo ạ.
- Tức là cháu cũng tự nhận mình chính là nhỏ Hạnh?
Khánh Ly nhìn đi chỗ khác:
- Thì thế chứ sao ạ.
Quý Hồ bất thần vọt miệng tố cáo:
- Chú ơi, bạn Khánh Ly còn tặng chữ ký nữa đó!
- Cái gì? – Tôi giật thót – Tặng chữ ký? Tặng cho ai?
- Tặng cho những bạn hâm mộ "nhà thông thái" Hạnh ở trong truyện Kính vạn hoa chứ còn tặng cho ai hả chú!
Khánh Ly quay phắt sang cậu bạn ròm:
- Bạn cũng thế thôi! Bạn cũng nhận xằng là Quý ròm rồi tặng chữ ký lung tung mà bây giờ lại đi méc!
Đức Long khụt khịt mũi (y như Tiểu Long):
- Thôi đừng gây gổ nữa! Hôm đó ngay cả mình cũng tặng mấy chục chữ ký chứ ít gì! Vấn đề bây giờ là… là…
Tôi dán mắt vào Đức Long, không rõ nó kém khoa ăn nói thật hay cố tình bắt chước "ngốc tử" Tiểu Long mà nó cứ "là, là" cả buổi vẫn không thể nào diễn đạt được ý nghĩ trong đầu.
Khánh Ly đỡ lời cho bạn:
- Sở dĩ tụi cháu liều mạng đến tìm chú chính là mong chú thương tình giải vây giùm cho tụi cháu…
14
Đúng lúc đó, Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh lò dò từ bãi gửi xe đi lại.
Đã được tôi thông báo trước về cuộc gặp gỡ này nhưng khi lại gần, phát hiện ra hình dáng của những kẻ giả mạo, ánh mắt tụi nó dường như không giấu được vẻ kinh dị.
Quý ròm khẽ chào tôi, lễ phép:
- Nếu chú bận tiếp khách, tụi cháu sẽ ngồi đợi.
Nói xong, nó cùng Tiểu Long và nhỏ Hạnh ngồi xuống chiếc bàn bên cạnh.
Bọn Quý Hồ cũng kinh ngạc không kém trước sự xuất hiện của nhóm Quý ròm.
Đức Long liếc sang chỗ bọn trẻ mới đến rồi quay lại nhíu mày hỏi tôi:
- Ai thế chú?
Tôi chưa kịp trả lời, Quý Hồ đã thúc cùi tay vào hông bạn, ra vẻ hiểu biết:
- Cũng là một bọn nhóc giả mạo đến cầu cứu chú Ánh giải vây giùm chứ ai!
Tôi lướt mắt qua các gương mặt thấp thỏm của Khánh Ly, Quý Hồ và Đức Long, mỉm cười:
- Trông thấy ngoại hình của các cháu, lại nghe hai cái tên Đức Long và Quý Hồ, bất cứ ai cũng có thể nhầm là nhóm Quý ròm. Chuyện đó rất bình thường, có gì mà phải cầu cứu chú?
Đức Long liếm môi:
- Nhưng tụi cháu đã lỡ… tặng chữ ký.
- Suýt tặng ảnh nữa ạ! – Quý Hồ láu táu bổ sung – Các bạn đó xin cả ảnh, may mà tụi cháu không có sẵn, nếu có dám tụi cháu cũng đem ra phân phát luôn rồi.
Bọn Quý ròm ngồi bàn bên cạnh tò mò lắng nghe, tới lúc này, như không nhịn được. Quý ròm nhìn lên trời, nói bâng quơ:
- Đúng là thỏ đội lốt hùm!
Tiểu Long đưa tay quẹt mũi, phụ họa:
- Nhưng đến phút chót lại thò đuôi thỏ!
Phản ứng của bọn Quý ròm thực tình là ra ngoài tiên liệu của tôi. Tôi trừng mắt quay sang tụi nó, thấy nhỏ Hạnh ngồi che miệng tủm tỉm, liền thở phào. Chắc là tụi nó muốn trêu bọn nhóc giả mạo này thôi chứ không phải tức giận thực sự.
Quả nhiên, nghe bọn Quý ròm xiên xỏ, Quý Hồ nóng mặt trả đũa ngay:
- Có tới sáu con thỏ đội lốt hùm chứ đâu phải ba con. Hì hì, nhưng dù sao thì ba con này trông vẫn giống hơn ba con kia nhiều!
Đức Long nhếch mép:
- Nếu tưởng đưa tay lên quẹt mũi mà giống Tiểu Long thì bọn này bắt chước xem còn giống hơn.
Ý nó muốn châm chọc cái động tác quẹt mũi của Tiểu Long vừa rồi. Nói xong, nó đưa tay lên quẹt mũi lia lịa, vừa quẹt vừa khịt khịt như muốn chọc quê đối phương.
Tôi ngồi chứng kiến cái hoạt cảnh đó, bụng không biết nên cười hay nên khóc. Đang chờ nghe xem bọn Quý Hồ nhờ tôi chuyện gì, tự nhiên Quý ròm và Tiểu Long nhảy vào phá bĩnh khiến mọi thứ chẳng đâu vào đâu.
- Thôi, thôi, – Tôi rối rít xua tay – các cháu đừng gây gổ nữa. Nào, Khánh Ly nói cho chú nghe tiếp đi nào!
15
- Nếu chuyện chỉ có vậy thì tụi cháu đâu cần phải tức tốc đi tìm chú. Đằng này, các bạn đó bảo là thỉnh thoảng chú vẫn ghé chơi đằng Câu lạc bộ, và hình như sắp tới chú sẽ đến nói chuyện thì phải! – Khánh Ly càng nói mặt mày càng giống quả táo phơi khô – Nếu quả thật như vậy thì tụi cháu sẽ… sẽ… bị ê mặt mất.
- Gieo gió thì gặt bão, còn trách ai!
Tôi giả vờ không nghe câu bình phẩm cố làm ra vẻ lẩm bẩm của Quý ròm, nhìn thẳng vào mắt Khánh Ly, tặc lưỡi hỏi:
- Thế các cháu muốn chú giúp bằng cách nào?
Quý Hồ gãi đầu, rụt rè:
- Một là chú đừng bao giờ đến Câu lạc bộ sáng tác của báo Khăn Quàng Đỏ nữa…
Tôi chưa kịp có ý kiến, ở bên cạnh Quý ròm đã cười hi hi:
- Nếu là Quý ròm thật thì chẳng bao giờ lại đưa ra một đề nghị ngô nghê như thế. Chú Ánh không đến Câu lạc bộ chẳng lẽ các bạn đó không biết đi tìm chú Ánh để hỏi cho ra lẽ chắc?
Giọng Quý ròm đúng là thứ giọng xóc hông. Nhưng kẹt nỗi, lý lẽ của nó lại quá xá vững chắc nên Quý Hồ dù giận tím mặt cũng cố dằn lòng, gật gù:
- Cũng có lý!
Đối phương thừa nhận "cũng có lý" là đã nhân nhượng lắm rồi, nhưng Quý ròm vẫn chưa chịu thôi. Hết cười hi hi, nó lại cười hê hê:
- Có lý đứt đuôi đi rồi chứ "cũng" cái củ khoai lang gì nữa! Bọn này làm biếng không thèm suy nghĩ chứ nếu chịu động não thì chẳng thua gì Quý ròm hay nhỏ Hạnh đâu đấy!
Quý ròm đúng là… Quý ròm! Cái miệng huênh hoang của nó khiến đám nhóc kia tức muốn xịt khói lỗ tai. Đức Long quay sang nhìn Quý ròm trừng trừng, có cảm giác lúc này nó chẳng có ao ước nào hơn là làm sao cho cái thằng ròm bép xép kia trúng gió méo miệng quách đi cho rồi.
Tôi buộc phải cứu vãn tình thế bằng cách nhìn bọn Quý ròm, nhăn nhó:
- Các cháu ngồi yên đợi chú không được hay sao?