Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Han Hoc Danh Ngon.html

MỤC LỤC

Chương thứ nhất : ĐỐI VỚI BẢN THÂN

I.-Tu thân…………………….3

II.-Lập chí…………………….6

III.-Nhân phẩm…………………….8

IV.-Học vấn…………………….11

V.-Tính tình…………………….14

VI.-Thành tín…………………….15

VII.-Chí tiết…………………….17

VIII.-Ngôn hành…………………….17

IX.-Quá thất…………………….21

X.-Vệ sinh…………………….22

Chương thứ hai : ĐỐI VỚI GIA TỘC

I.-Trị gia…………………….24

II.-Hiếu, hữu…………………….26

III.-Giáo dục…………………….27

IV.-Lễ độ…………………….28

V.-Cần đại…………………….29

VI.-Xa, kiệm…………………….30

VII.-Từ, ái…………………….31

VIII.-Độ lượng…………………….32

IX.-Phòng hoạn…………………….33

Chương thứ ba : ĐỐI VỚI NHÂN QUẦN, XÃ HỘI

I.-Xử sự…………………….34

II.-Trí ngu…………………….39

III.-Dũng lực…………………….40

IV.-Công, tư…………………….41

V.-Tri túc…………………….41

VI.-Giới tham…………………….42

VII.-Xử thế…………………….43

VIII.-Nhân, nghĩa…………………….45

IX.-Khiêm cẩn…………………….46

X.-Chí khí…………………….47

XI.-Khoan thứ…………………….49

XII.-Thiện, ác…………………….50

XIII.-Hiếu, ố…………………….51

XIV.-Thủ dữ…………………….52

XV.-Giao tế…………………….52

XVI.-Bần, phú…………………….55

XVII.-Ân, oán…………………….57

XVIII.-Lợi, hại…………………….57

XIX.-Họa, phúc…………………….58

XX.-Tế ngộ…………………….60

XXI.-Đạt sinh…………………….60

XXII.-Vật loại…………………….62

Chương thứ tư : TẠP NGỮ

I.-Tạp ngữ…………………….63

Bản ý chúng tôi cốt là để tự tu cùng làm một thứ giúp cho sự tu dưỡng của các cậu, các cô học trò tuổi trẻ.

Trong tập này hoặc có câu nào kén chọn chưa tinh, xếp đặt nhầm lẫn, phiên dịch không đúng nghĩa, dám mong những bậc bác nhã quân tử trong nước chỉ bảo cho; thì thật là may cho chúng tôi lắm. Đến như đua đòi lập ngôn, thì chúng tôi đâu dám.

Hà Nội ngày 18 tháng 9 năm Đinh Mão

TRẦN-LÊ-NHÂN

HÁN HỌC DANH NGÔN

Chương Thứ Nhất

Đối với bản thân

I.-TU THÂN

1.-Người quân tử ghi nhớ rõ nhiều những câu nói hay, việc làm tốt của người đời trước, để nuôi cái đức của mình.

Dịch-Kinh

2.-Thấy phải thời theo, có lỗi thời đổi.

Dịch-Kinh

3.-Người quân tử cử động thận trọng, không sơ suất với ai ; dong mạo đoan trang, không thất sắc (1) với ai ; ngôn ngữ cẩn thận, không sảy miệng với ai.

Lễ-Kỵ

 (1) Thất sắc : Kiêu ngạo, khinh bạc, mất vẻ tự nhiên.

4.-Vấn tâm (1) không có điều gì đáng thẹn, thì còn lo gì, sợ gì.

Luận-ngữ

 (1) Vấn tâm : Tự mình hỏi mình.

5.-Lúc nhỏ khí huyết chưa sung túc, phải giữ gìn sắc dục ; lúc nhớn khí huyết đang hăng hái, phải giữ gìn việc tranh đấu ; lúc già khí huyết đã suy kém, phải giữ gìn việc tham lam.

Luận-ngữ

6.-Yêu mến người mà người không thân thiết với mình, thì xét lại lòng "nhân" của mình đã đầy đủ chưa ; quý trọng người mà người không lễ phép với mình, thì xét lại xem sự "kính" của mình đã chu chí chưa.

Mạnh-Tử

7.-Tự mình khinh mình trước, người ngoài mới khinh mình sau.

Mạnh-Tử

8.-Phàm làm gì mà có điều chưa thoả lòng, thì nên xét lại thân mình, xem làm như thế, đã là phải hẳn chưa.

Mạnh-Tử

9.-Danh dự quá sự thật, nguời quân tử lấy làm xấu hổ.

Mạnh-Tử

10.-Ngửng lên không hổ với giời, cúi xuống không thẹn với người, đó là một điều vui sướng.

Mạnh-Tử

11.-Tu tỉnh tâm thân, thận trọng công việc, không thế, thì sợ nhục đến tổ tiên.

Hiếu-Kinh

12.-Chớ lo không được quan to, nên lo cái "đức" của mình còn kém cỏi; chớ tủi không được lộc hậu, nên tủi cái "trí" của mình còn hẹp hòi.

Trương-Hành-Truyện

13.-Tự xét thân mình, miễn là không thẹn ; thị phi miệng thế, thì có quản chi.

Ban-Siêu-Truyện

14.-Nhất tâm (1) ăn ở cho phải đạo, thì giời cũng không làm hại nổi.

Tuân-Tử.

(1) Nhất tâm : Trước sau bao giờ cũng một lòng như vậy.

15.-Giản dị quá, người ta hay nhờn ; nghiêm trang quá, người ta không thân.

Thuyết-Uyển

16.-Kẻ chịu thiệt thường được ích, kẻ ích mình thường hay thiệt.

Thuyết-Uyển

17.-Sự yêu hãnh (1) là cái búa chém đẽo cái tính linh (2). Sự mê đắm là con ngựa theo đuổi cái tai vạ.

Thuyết-Uyển

 (1) Yêu hành : Sự không đáng được mà cố cầu may cho được.

(2) Tính linh : Tính hay và tốt giời phú sẵn cho người ta.

18.-Nói cho hay, làm cho phải, thế là tu thân.

Tố-Như

19.-Kẻ không chịu sửa mình mà muốn có tiếng thơm để đời, thì khác nào mặt xấu mà muốn có hình đẹp ở trong gương.

Nhan-Thị Gia-Huấn

20.-Lập thân còn gì khó bằng làm thế nào cho không tủi thẹn (1); thủ thân còn gì khó bằng làm thế nào cho khỏi điếm nhục (2); phòng thân còn gì khó bằng làm thế nào cho ít bệnh tật.

Tuân-Sinh-Tiên

 (1) Tủi thẹn : Sự khó chịu, bởi lương tâm cắn rứt mà sinh ra.

(2) Điếm nhục : Sự xấu xa, nhem nhuốc.

21.-Thói khinh bạc (1), đem đối đãi với người quân tử, thời tự mình làm cho mình thất đức (2); đem đối đãi với kẻ tiểu nhân, thời tự mình làm cho mình hại thân.

Tuân-Sinh-Tiên

(1) Khinh bạc : Kiêu căng khinh bỉ, tuyệt không có tí gì trọng hậu.

(2) Thất đức : Ăn ở không ra gì, mất hẳn nết tốt.

(3) Hại Thân : Thiệt đến tính mệnh.

22.-Bể tình dục, lấp mãi mà không đầy.

Thành sầu khổ, phá mãi mà không tan.

Khuyến-Giới Toàn-Thư

23.-Tâm địa để lâu, không đem việc hay đời cổ để tắm tưới, thì nhem nhuốc những trần tục (1) ; soi gương mặt mũi đáng ghét, trò chuyện nhạt nhẽo khó nghe.

Hoàng-Đinh-Kiên

(1) Trần tục : Bẩn thỉu, tục tằn.

24.-Tâm nên để cho vui, mà hình thể nên để cho khó nhọc.

Lâm-Bô

25.-Không xấu với miệng, chẳng bằng không xấu với thân; không xấu với thân, chẳng bằng không xấu với tâm.(Không nói bậy, chẳng bằng không làm bậy; không làm bậy, chẳng bằng không nghĩ bậy.)

Thiệu-Ung

26.-Không phấn phát (1) thì một ngày một lười nản ; không kiềm thúc (2) thì một ngày một dông dài.

Chu-Hi

(1) Phấn phát : Cố gắng.

(2) Kiềm thúc : Xem xét giữ gìn.

27.-Đem lòng yêu vợ con ra yêu cha mẹ thời là hiếu ; đem lòng giữ nhà ra giữ nước thời là trung ; đem lòng trách người ra trách mình thời ít lỗi ; đem lòng dong mình ra dong người thời trọn nghĩa.

Cảnh-Hành-Lục

28.-Tâm niệm trầm tiềm mãi mãi, thì lẽ gì mà nghĩ chả ra. Chí khí phấn phát luôn luôn, thì việc gì mà chả làm nổi.

Lã-Khôn

29.-Tâm phải cho to để dung nạp những người trong thiên hạ ; tâm phải cho rộng để chịu đựng cái hay trong thiên hạ ; tâm phải công bằng để bàn việc trong thiên hạ ; tâm phải trầm tiềm để xét lý trong thiên hạ ; tâm phải vững vàng để chống lại với biến cố (1) trong thiên hạ.

Lã-Khôn

(1) Biến cố : Tai biến, hoạn nạn.

30.-Tâm thuật quí nhất là quang minh, trung hậu ; dung mạo quí nhất là chính đại, lão thành (1) ; ngôn ngữ quý nhất là giản dị, chân thật.

Lã-Khôn

(1) Lão thành : Từng trải.

31.-Muốn bỏ tính lười thì trước hết đừng sáng dậy trưa ; muốn bỏ thói kiêu thì trước hết đừng nhẹ miệng chê cười thiên hạ.

Tăng-Quốc-Phiên

32.-Kẻ có tài hơn người, tất có tình dục hơn người, mà không có lòng đạo đức hơn người để tự trị lấy mình, thì lại là tôi tớ cho tình dục.

Lương-Khải-Siêu

II.-LẬP CHÍ

33.-Yên vui, thư nhàn là thứ thuốc độc, không nên quyến luyến ham mê.

Tả-Truyện

34.-Thà làm mỏ con gà, còn hơn làm đít con trâu.

Chiến-Quốc-Sách

35.-Tài giai nên ngang dọc trời đất, không nên quanh quẩn xó nhà.

Triệu-Ôn

36.-Cây chi, cây lan tuy mọc chỗ rừng vắng mà hoa vẫn thơm ; người quân tử theo lẽ phải, làm điều hay, tuy gặp khốn cùng, mà tiết hạnh vẫn không đổi.

Gia-Ngữ

37.-Kẻ trông mong vào người thì không được chắc ; kẻ nhờ cậy vào người thì không được lâu.

Hàn-Thi-Ngoại-Truyện

38.-Người có chí thì việc gì cũng nên.

Hán-Quang-Vũ

39.-Gây dựng cho nên, khó hơn lên trời ; phá hoại cho hỏng, dễ như đốt lông.

Liêu-Tì

40.-Của chứa nghìn vạn, không bằng nghề mọn trong tay.

Nhan-Thị Gia-Huấn

41.-Người sinh ở đời, không có một ít nghị luận hay, một ít công nghiệp tốt, suốt ngày chỉ ăn no, mặc ấm, mà không dụng tâm (1) , thì khác gì loài vật.

Tô-Tử-Do

(1) Dụng tâm : Để bụng, để chí làm việc gì.

42.-Mắt không theo người trông, tai không theo người nghe, miệng không theo người nói, mũi không theo người ngửi.

Nguyên-Kết

43.-Lâu nay đời vẫn làm đắm đuối loài người, cái chí của ta là cái để độ thân ta, mà sóng gió không thể xiêu dạt vùi dập được.

Chúc-Vô-Công

44.-Giời có thể cho người ta được mùa; không thể cày cấy hộ được.

Ngụy-Liễu-Ong

45.-Ở đời có ba điều đáng tiếc : một là hôm nay bỏ qua, hai là đời này chẳng học, ba là thân này nhỡ hư.

Chu-Hi

46.-Trên thì giời, dưới thì đất, người ta ở khoảng giữa ; làm người có ra người thì mới không uổng.

Chu-Hi

47.-Tuổi trẻ không gắng sức, già cả những ngậm ngùi.

Cổ-Thi

48.-Làm người nên tự lập (1), tự trọng (2), không nên bước theo gót người (3), nói theo miệng người (4).

Lục-Cửu-Uyên

(1) Tự lập : Tự mình lập lấy thân mình; không bá bạ nương tựa vào người khác.

(2) Tự trọng : Tự mình biết quý trọng phẩm giá, tư cách của mình, không chịu đê mạt.

(3) Theo gót : Làm theo đuôi, tôi tớ người ta.

(4) Theo miệng : Cười theo, dạ hớt, nịnh hót.

49.-Cắn chặt răng để chịu thiệt, đứng vững bước để làm người (có lượng và có gan).

Cổ-Ngữ

50.-Tài giai nên đỉnh đạc đứng ở cõi đời.

Ngô-Dụng-Trai

51.-Đối với người đời xưa mà chịu thua kém, là không có chí ; đối với người đời nay mà không bao dong, là không có lượng.

Lưu-Cao

52.-Người không có chí, như thuyền không lái, như ngựa không cương, trôi dạt lông bông, không ra thế nào cả.

Vương-Thú-Nhân

53.-Học dễ mà thích học thì khó, làm dễ mà hết sức làm thì khó, xấu hổ dễ mà biết xấu hổ thì khó.

Vương-Thuyền-Sơn

54.-Những việc nghĩa, nên làm, sức đủ làm, bụng muốn làm ; vì bè bạn, vợ con gàn trở, mà thôi không làm, thế là người vô chí.

Lã-Khôn

55.-Nghèo không là xấu, nghèo mà không có chí mới là xấu ; hèn không đáng ghét, hèn mà không có tài mới đáng ghét ; già không nên than thở, già mà sống thừa mới đáng than thở ; chết không nên bi ai, chết mà vô bổ mới đáng bi ai.

Lã-Khôn

56.-Chúng ta sinh sau cổ nhân, nên làm con cháu cổ nhân, chẳng nên làm tôi tớ cổ nhân.

Ngụy-Hy

57.-Phàm lúc nguy cấp, chỉ nên trông cậy những điều của mình, không nên trông cậy những điều của người.

Tăng-Quốc-Phiên

III.-NHÂN PHẨM

58.-Người quân tử hiểu rõ việc nghĩa, cho nên thích nghĩa ; kẻ tiểu nhân hiểu rõ việc lợi, cho nên thích lợi.

Luận-Ngữ

59.-Người quân tử hòa thuận mà không a-dua ; kẻ tiểu nhân a-dua mà không hòa thuận.

Luận-Ngữ

60.-Kẻ sĩ (1) mà còn quyến luyến những sự thuận tiện, yên vui cho xác thịt, thì tâm lụy (2), chí hèn (3), không đáng gọi là kẻ sĩ.

Luận-Ngữ

(1) Sĩ : Người có học vấn.

(2) Tâm lụy : Tâm thân phải ngoại vật nó vướng vít.

(3) Chí hèn : Ý chí suy kém, không hăng hái.

61.-Người nghĩa không dối mình, người liêm không lấy bậy.

Thuyết-Uyển

62.-Người thường trọng lợi, người giỏi trọng danh.

Trang-Tử

63.-Người quân tử phi nhân nghĩa, thì không sống được; kẻ tiểu nhân phi thị dục, cũng không sống được.

Hoài-Nam-Tử

64.-Giàu đục không bằng nghèo trong, sống nhục không bằng chết vinh.

Lễ-Ký

65.-Trung tín, cẩn thận, là cái nền thành người hay ; hão huyền, quỉ quyệt, là cái gốc thành người dở.

Tiềm-Phu

66.-Hiền ngụ tại tâm tính, không ở tại sang hèn.

Tiềm-Phu

67.-Người tuấn kiệt mới biết việc đời.

Thục-Chí

68.-Phàm việc gì mà chịu thiệt, ấy là người tốt ; phàm việc chiếm phần hơn, ấy là người xấu.

Phạm-Thân-Tập

69.-Thiên hạ chưa lo đến, mình lo trước thiên hạ ; thiên hạ đã vui rồi, mình vui sau cả thiên hạ.

Phạm-Trọng-Yêm

70.-Giữ việc đạo nghĩa, làm việc trung tín, trọng việc danh tiết.

Ấu-Dương-Tu

71.-Kẻ đại gian giống như người trung, kẻ đại nịnh giống người tín.

Lã-Hối

72.-Khí tượng như chim phượng hoàng liệng trên mây xanh, thì những lợi hại cỏn con, không động được tâm nữa.

Trình-Di

73.-Người biết "đạo" tất không khoe, người biết "nghĩa" tất không tham, người biết "đức" tất không thích tiếng tăm lừng lẫy.

Trương-Cửu-Thành

74.-Đời suy, đạo vi, lòng ham muốn loài người đầy rẫy, không phải người cương nghị thì đứng vững sao được.

Chu-Hi

75.-Thà làm người tốt mà giá quý đệ nhất phẩm, còn hơn làm người xấu mà quan to đệ nhất phẩm.

Hải-Thụy

76.-Tâm sự người trượng phu, nên sáng như trời xanh, rõ như ban ngày, để cho ai ai cũng được trông thấy.

Tiết-Huyên

77.-Bố cứu giời đất gọi là "công", ích lợi thế gian gọi là "danh", có tinh thần gọi là "giàu", có liêm sỉ gọi là "sang", biết dọc sách gọi là "phúc", có tiếng thơm gọi là "thọ", có con cháu dạy được gọi là "khang ninh".

Trần-Cấp-Sơn

78.-Nuốt được cái cay đắng trong cái cay đắng, mới làm được hạng người trên loài người.

Lục-Tài-Tử

79.-Thân ở trong muôn loài, tâm ở trên muôn loài.

Bạch-Sa

80.-Kẻ có ích cho đời, tâm địa chắc hẳn hơn người ; kẻ thụ dụng ở đời, tài tình quyết là không lộ (những người nông nổi, trong không có gì, như chiếc thuyền nan để không, nổi bềnh mặt nước, lung lay lúng liếng luôn luôn. Thuyền chở được nhiều, thì bao giờ trông cũng trầm trọng).

Trần-Kế-Nho

81.-Không lấy bậy, tay thơm ; không chơi bậy, thân thơm ; không nói bậy, miệng thơm ; không nghĩ bậy, tâm thơm.

Thang-Nhược-Sĩ

82.-Làm quan mà có tính nhàn tản yên vui, công việc tất nhiên trễ nải ; làm quan mà đem lòng thương công kế lợi, tâm địa tất nhiên gian tham.

Lã-Khôn

83.-Một bậc anh hùng cứu nạn, giúp nguy, thì cốt nhất là phải lao tâm, khổ lực(1).

Tăng-Quốc-Phiên

(1) Lao tâm, khổ lực : Nghĩ nhiều, làm nhiều.

84.-Ta có tai, mắt, ta nghe, ta trông ; ta có tâm tư, ta suy, ta nghĩ ; ta đối với người đời xưa, có lúc ta thờ như thầy, có lúc ta kính như bạn, cũng có lúc ta kình địch không chịu. Ta theo công lý, nhất quyết ta không làm tôi tớ cổ nhân.

Lương-Khải-Siêu

IV.-HỌC VẤN

85.-Hay hỏi thì biết rộng, tự dụng (1) thì hẹp hòi.

Thư-Kinh

(1)Tự dụng : Tự cậy thông minh tài giỏi để làm mọi việc.

86.-Không lo, sao có được ; không làm, sao có nên.

Thư-Kinh

87.-Ai phải là ta học.

Thư-Kinh

88.-Có học những câu cổ nhân dạy thì mới hay.

Thư-Kinh

89.-Ngọc không giũa, không thành đồ đẹp ; người không học, không biết nhẽ phải.

Lễ-Ký

90.-Càng học càng biết mình càng kém.

Lễ-Ký

91.-Để nhớn tuổi mới học thì khó nhọc mà khó thành.

Lễ-Ký

92.-Thấy người hay, nghĩ sao cho bằng ; thấy người dở, tự xét xem mình có như thế không.

Luận-Ngữ

93.-Chất phác quá thì ra quê mùa, văn hóa quá thì ra hào nhoáng.

Luận-Ngữ

94.-Nghe cho nhiều, rồi chọn điều phải, và cố làm kỳ được ; xem cho rộng, rồi ghi nhớ lấy, để suy xét cho tường.

Luận-Ngữ

95.-Bất cập là dở, mà thái quá cũng không hay.

Luận-Ngữ

96.-Tính người lúc mới sinh không khác nhau mấy, chỉ vì tập quen hay thì hay, tập quen dở thì dở.

Luận-Ngữ

97.-Học rộng mà phải chuyên tâm, bền chí, hỏi những điều thiết thực mà suy nghĩ để hay cho tâm thân.

Luận-Ngữ

98.-Đối với kẻ tự hại thân, dầu nói cũng bằng thừa ; đối với kẻ tự liều thân, dầu giúp cũng vô ích.

Mạnh-Tử.

99.-Những người trải qua tai hoạn, thì thường thấu nhẽ và giỏi việc.

Mạnh-Tử

100.-Tin sách cả, không bằng không sách còn hơn.

Mạnh-Tử

101.-Kẻ sĩ cần nhất phải khí độ cho to, và kiến thức cho rộng.

Bùi-Hành-Kiệm

102.-Người ta biết nhiều cũng là làm giàu.

Gia-Ngữ

103.-Gươm tuy tốt, có mài mới sắc ; tài tuy tốt, có học mới cao.

Tập-Ngữ

104.-Đợi rỗi mới học, thì lúc rỗi cũng không có thể học được.

Hoài-Nam-Tử

105.-Trăm sông học bể, đến được bể ; gò đống học núi, không đến được núi ; là tại một đằng đi, một đằng đứng.

Dương-Tư

106.-Băng ở nước ra mà lạnh hơn nước ; màu xanh ở chàm ra mà thẫm hơn chàm.

Tuân-Tử

107.-Không biết thì hỏi, không hay thì học.

Phồn-Lộ

108.-Tài cao mà không học, vẫn chưa là hoàn toàn.

Thuyết-Uyển

109.-Kẻ học giả không lo không có tài, chỉ lo không có chí.

Trung-Luận

110.-Hại còn gì to bằng không chịu sửa lỗi ; nhục còn gì to bằng không biết xấu hổ.

Văn-Trung-Tử

111.-Học cũng có ích như trồng cây : mùa xuân được hoa, mùa thu được quả.

Nhan-Thị Gia-Huấn

112.-Đồ dùng bẩn thì biết rửa, tâm địa bẩn sao lại để yên.

Ý-Lâm

113.-Càng học càng hay, cũng như khát mà ra sông, ra bể uống, uống nhiều thì được nhiều, uống ít thì được ít.

Thận-Tử

114.-Vui nhất không gì bằng xem sách ; cần nhất không gì bằng dạy con.

Sử-Điển

(1) Tâm địa : Tấm lòng, trí khôn, thần hồn của người ta.

115.-Thường được nghe những câu ngang tai (1), thường gặp phải những việc phật ý (2), cũng là một sự mài giũa cho người ta được hay.

Hồng-Tự-Thành

(1) Câu ngang tai : Câu nói thẳng thường khó nghe.

(2) Việc phật ý : Việc công bằng thường trái ý riêng.

116.-Sĩ phu mà ba ngày không xem sách, thì soi gương mặt mũi đáng ghét, nói chuyện nhạt nhẽo khó nghe.

Hoàng-Đình-Kiên

117.-Học mà chưa thấy vui thì chưa gọi là học.

Tư-Mã-Quang

118.-Phú quí mà kiêu ngạo, cố nhiên là không phải ; học thức mà kiêu ngạo, cái hại cũng khá to.

Trình-Hiệu

119.-Đọc sách hay, là cho thân ta được ít lỗi.

Lã-Khôn

120.-Học cần nhất là phải biến hóa khí chất (1).

Tiết-Huyên

(1) Biến hóa khí chất : Biến đổi tính dở, nết xấu.

121.-Xem nhiều cổ huấn (1), để cho hay người ; biết nhiều truyện đời, để cho thạo việc.

Hoàng-Sĩ-Ngạn

(1) Cổ huấn : Lời dạy bảo của người đời trước.

122.-Học giả nên thu liễm (1) tinh thần : ví như lò lửa, để tụ lại thì vừa nóng, vừa sáng mãi, tải ra thì chóng tàn.

Hạ-Đông-Nam

(1) Thu liễm : Thu lại, lượm lại, không để cho tản ra.

123.-Hoc vậy sau mới biết có lỗi, học kỹ vậy sau mới biết đổi lỗi.

Phan-Nam-San

124.-Trải qua một phen tỏa triết (1), tăng thêm một phần kiến thức.

Kinh-Viên Tiểu-Ngữ

(1) Tỏa triết : Ngăn trở đè nén, không để cho như ý.

125.-Nhà phú quí nên học cách khoan dung, người thông minh nên học thói trung hậu.

Trần-Kế-Nho

126.-Có học vấn mà không có đạo đức thì là người ác ; có đạo đức mà không có học vấn thì là người quê.

La-Tư-Phúc

127.-Đọc sách mà con mắt không tinh, thế là vùi dập cái khổ tâm (1) của người đời cổ.

Ngạn-Ngữ

(1) Khổ tâm : Lo nghĩ lao khổ để làm một việc khó khăn.

V.-TÍNH TÌNH

128.-Đáng vui mà buồn, đáng buồn mà vui, đều là táng tâm (1) cả.

Tả-Truyện

(1) Táng tâm : Mất tính tự nhiên, tính thường, người mà như thế thì dở lắm.

129.-Sự vui sướng của thằng dại, người khôn lấy làm buồn rầu.

Chiến-Quốc-Sách

131.-Tiếng người không cánh mà bay xa, tình người không rễ mà bám chặt.

Quân-Tử

132.-Người còn, bụng chết, còn gì thảm hơn.

Trang-Tử

133.-Vui không gì vui bằng thích điều lành, khổ không gì bằng nhiều lòng dục (1).

Tố-Thư

(1) Dục : Ham mê say đắm.

134.-Tính nước vẫn trong, cát, đá làm bẩn ; tính người vẫn lành, thị dục làm hại.

Văn-Tử

135.-Sự "giận khí huyết" (1) không nên có ; sự "giận nghĩa lý" (2) không nên không.

Sử-Điển

(1) Giận khí huyết : Tức, hơi hung hăng xằng một lúc.

(2) Giận nghĩa lý : Tức giận, bực, căm theo nghĩa phải, theo lẽ công, mà ai ai cũng lòng như vậy.

136.-Nghe lời chê bai mà giận, là làm cho người ta gièm pha ; nghe câu khen ngợi mà mừng, là làm cho người ta nịnh hót.

Văn-Trung-Tử

137.-Lòng giận giỗi tệ hại vô cùng : bốc lên thì dễ, dẹp đi thì khó.

Trình-Di

138.-Cũng một chữ "tình" đem dùng cho quốc gia, xã hội, thì hay vô cùng, đem dùng ở chốn nguyệt hoa, thì có khi thiệt mạng.

Hiệp-Tà-Kính

139.-Hai chữ "lần lữa" đủ hại một đời.

Cổ-Ngữ

(1) Lần lữa : Nấn ná nay để mai, mai để ngày kia.

140.-Sĩ phu nên có tấm lòng lo việc nước, chẳng nên chỉ có lời bàn lo việc nước.

Cấp-Chủng Chu-Thư

141.-Thói thường người đời rất hay thay đổi : việc chưa đến, ai ai cũng nói giỏi ; việc đã đến, ai ai cũng tránh khó ; việc đã xong, ai ai cũng nhận công.

Nhân-Sinh-Tất-Độc-Thư

142.-Kẻ hay hiếu danh, việc làm thường giả dối.

Lã-Khôn

143.-Ở đời cái gì thung dung thì còn, mà cấp bách thì mất : việc mà thung dung thì có ý vị, người mà thung dung thì người sống lâu.

Lã-Khôn

VI.-THÀNH TÍN

144.-Làm điều thành thật, thì bụng yên ổn và một ngày một hay ; làm điều gian dối, thì bụng băn khoăn và một ngày một dở.

Thư-Kinh

145.-Vàng ngọc không quí báu bằng "Trung Tín" (1).

Lễ-Ký

(1) Trung : Thật lòng . Tín : Tin, không sai lời.

146.-Chớ tự mình dối mình.

Đại-Học

147.-Người mà không có "tín" , chẳng biết người ấy làm ra thế nào, mà hay được (người không có tín thì nói dối, làm càn, đi đâu cũng hỏng).

Luận-Ngữ

148.-Lòng tin nhau nếu chẳng được lâu bền, thì ăn thề cũng vô ích.

Tả-Truyện

149.-Ai mà vâng liều, hứa liều, tất nhiên ít khi giữ được đúng.

Lão-Tử

150.-Người miệng nói khôn khéo quá thì ít thành tín.

Hàn-Thi Ngoại-Truyện

151.-Quân tử xử với người, còn hết lòng, huống chi tự xử với mình ; tiểu nhân tự xử với mình, còn hay dối, huống chi xử với người.

Dương-Tử

152.-Có lòng thành thật, mà không biết quyền biến (1), cũng là một cách nguy vong (2).

Diêm-Thiết-Luận

(1) Quyền biến : Tùy thời thế mà tạm dùng cơ mưu để cho được việc, hay tránh khỏi tai hại.

(2) Nguy vong : Sự hiểm nghèo hay hại thân, hỏng việc.

153.-Vì không thấy mà cứ không tin, thì cũng như con ve sầu không biết tuyết.

Diêm-Thiết-Luận

154.-Khéo mà dối giá không bằng vụng mà thật thà.

Thuyết-Uyển

156.-Người mà không trung tín, không thể đứng được ở đời.

Trình-Di

157.-Một chữ "thành" đủ dùng để tiêu muôn dối, một chữ "kính" đủ dùng để địch nghìn tà.

Tào-Nguyệt-Xuyên

158.-Đạo của người quân tử, chẳng gì to bằng đem "trung thành" mà xướng xuất (1) cho cả thiên hạ.

Tăng-Quốc-Phiên

(1) Xướng xuất : Nói, hay làm trước nhất để cho người ta theo.

VII.-KHÍ TIẾT

159.-Thấy lợi chẳng bỏ nghĩa, thấy chết chẳng đổi lòng.

Lễ-Ký

160.-Quân tử cố cùng (quân tử bền gan chịu cảnh khốn cùng, không vì cùng mà làm bậy).

Luận-Ngữ

161.-Giàu sang không thể đãng được tâm mình, nghèo hèn không thể đổi được tiết mình, uy vũ không thể tỏa được chí mình.

Mạnh-Tử

162.-Người ta, có chẳng chịu làm điều dở, vậy sau mới khả dĩ làm được điều hay.

Mạnh-Tử

163.-Bỏ đời người đi, để làm việc nghĩa.

Mạnh-Tử

164.-Giàu mà luộm thuộm, chẳng bằng nghèo mà thanh danh ; sống mà nhục, chẳng bằng chết mà vinh.

Lễ-Ký

165.-Sang một mình, giàu một mình, người quân tử lấy làm xấu hổ.

Lễ-Ký

166.-Chịu nhục để sống ở đời, người trượng phu lấy làm xấu hổ.

Yên-Đan-Tử

167.-Chí người trượng phu, càng cùng càng phải kiên gan, càng già càng phải hăng hái.

Mã-Viện

168.-Quan văn không hề tiếc tiền, quan võ không tiếc mạng, thiên hạ mới được thái bình.

Nhạc-Phi

169.-Đối với việc nước, hết hơi, hết sức, làm cho đến khi chết mới thôi.

Gia-Cát-Khổng-Minh

170.-Liều thân chẩy (1) nạn nước, coi chết thoảng như về (2).

Tào-Tử-Kiến

(1) Chẩy : Đem mình giấn vào.

(2) Về : Trở lại chỗ cũ. Người ta sống là ở trọ, chết là về quê của mình.

VIII.-NGÔN, HÀNH

171.-Loạn sinh ra là bởi lời nói.

Dịch-Kinh

172.-Người hay, ít nói ; người nông nổi, nhiều lời.

Dịch-Kinh

173.-Câu nói trái ý, tất phải xem câu ấy có hợp lý không ; câu nói chiều lòng, tất phải xem câu ấy có vô lý không.

Thư-Kinh

174.-Miệng thường làm cho người ta xấu hổ.

Thư-Kinh

175.-Bàn việc công, không nên nói chuyện tư.

Lễ-Ký

176.-Sa chân thì chết đuối, sẩy miệng thì chết oan.

Lễ-Ký

177.-Chỉ có nói, không có làm, người quân tử lấy làm xấu hổ.

Lễ-Ký

178.-Nhanh nhẹn việc làm, cẩn thận câu nói.

Luận-Ngữ

179.-Lúc đáng nói mới nói, thì người nghe không chán.

Luận-Ngữ

180.-Người đáng nói với, mà mình không nói, là bỏ hoài người ; người không đáng nói với, mà mình nói là phí mất lời.

Luận-Ngữ

181.-Nói, phải nghĩ cả đến làm ; làm, phải nghĩ lại đến nói.

Trung-Dung

182.-Lời nói giản dị mà ý sâu xa, là lời nói hay.

Mạnh-Tử

183.-Nói lời chớ có nuốt lời.

Công-Dương-Truyện

184.-Việc làm muốn trước người, lời nói muốn sau người.

Đại-Ký

185.-Lời nói ngọt ngào, trong tất có cay đắng.

Thân-Sinh

186.-Lời nói hay, giúp người ấm hơn vải lụa ; lời nói dở, hại người, đau như gươm giáo.

Tuân-Tử

187.-Miệng là cái cửa họa, phúc.

Quách-Yên

188.-Không biết mà nói là ngu, biết mà không nói là hiểm.

Chiến-Quốc-Sách

189.-Muốn cho người không nghe, chẳng gì bằng đừng nói ; muốn cho người không biết, chẳng gì bằng đừng làm.

Hán-Thư

190.-Chớ nói nhiều, nói nhiều, lỗi nhiều.

Gia-Ngữ

191.-Thuốc hay đắng miệng, dã được tật ; nói thật trái tai, lợi việc làm.

Gia-Ngữ

192.-Suốt đời làm lành, một câu bạc ác đủ đổ đi cả.

Gia-Ngữ

193.-Quân tử nói bằng việc làm, tiểu nhân nói bằng ngọn lưỡi.

Gia-Ngữ

194.-"Câu nói" không nói ra, nghe lại to hơn tiếng trống, ran hơn tiếng sấm.

Quản-Tử

195.-Tặng một câu hay, quí hơn tặng vàng ngọc, châu báu.

Tuân-Tử

196.-Chim mà mỏ quắp thì loài chim sợ ; cá mà miệng ngoáp thì loài cá sợ ; người mà miệng lưỡi sắc sảo thì loài người sợ.

Hàn-Thi Ngoại-Truyện

197.-Lời nói đáng tin thì giọng không đẹp, lời nói giọng đẹp thì không đáng tin.
Lão-Tử

198.-Hai bên cùng mừng, hay khen ngợi quá đáng ; hai bên cùng giận, hay bêu giếu đặt điều.

Trang-Tử

199.-Trí khôn muốn cho tròn, việc làm muốn cho góc gách.

Hoài-Nam-Tử

200.-Người quân tử chẳng sợ cọp, chỉ sợ miệng kẻ gièm pha.

Luận-Hành

201.-Không nên mưu việc lớn với kẻ đa ngôn (1) ; không nên ở chung lâu với người hiếu động (2).

Văn-Trung-Tử

(1) Đa ngôn : Nói nhiều, thường hay lộ chuyện.

(2) Hiếu động : Không ở yên, hay sinh sự.

202.-Việc làm được trước mặt mọi người thì hãy nói ; câu nói được trước mặt mọi người thì hãy làm.

Sử-Điển

203.-Bệnh theo miệng mà vào, vạ tự miệng mà ra.

Phó-Dịch

204.-Biết được làm là khó, thì nói không nhẹ miệng.

Chu-Hi

205.-Đương khi vui mừng, chớ có nói nhiều ; đương khi đắc chí (1), chớ có thay đổi công việc.

Chu-Hi

(1) Đắc chí : Thỏa lòng ao ước, được như ý nguyện.

206.-Kẻ hay giỏi nghị luận người, thường quên mình không xét đến.

Trương-Thức

207.-Việc gì không thể đối người nói được thì đừng làm ; việc gì không thể cùng người làm được thì đừng nói.

Triệu-Biện

208.-Tâm không bình, khí không hòa, thì nói hay nhầm lỗi.

Hứa-Hành

209.Biết, phải biết cho suốt ; làm, phải làm cho đến nơi.

Trương-Tĩnh-Phong

210.-Nghìn lời nói, muôn câu chuyện cốt ở sự thật.

Tiết-Huyên

211.-Lời nói như tên, không nên bắn bậy, đã lọt vào tai ai, thì không tài nào rút ra được nữa.

Lục-Tài-Tử

212.-Lời nói mà giản dị, vừa phải, thì ta ít khi hối, mà người ít khi oán.

Viên-Thị-Thế-Phạm

213.-Khi xong việc mới nghị luận, đứng ngoài cuộc mà phẩm bình, là cái nết xấu của kẻ học giả.

Ngụy-Hy

214.-Đương lúc thích chí, gặp người thích chí, nói chuyện thích chí, thì ngôn ngữ lạ càng phải cẩn thận lắm.

Lưu-Trấp-Sơn

215.-Việc làm nên trước mọi người, câu nói nên sau mọi người.

Lã-Khôn

216.-Làm việc nghĩa thì chớ tính lợi hại ; luận anh hùng thì chớ kể nên thua.

Lã-Khôn

217.-Ngôn ngữ ác nhất là đặt điều, nói không.

Lã-Khôn

218.-Gièm phai, mai mỉa là một chứng xấu nhất ở đời.

Lã-Khôn

219.-Nói chuyện chớ châm chọc để người ta buốt ; nói đùa chớ cạnh khóe để người ta đau.

Lục-Lũng-Kỳ

220.-Đại cục tuy một ngày một bại hoại, chúng ta vẫn phải nên hết sức duy trì, được phần nào hay phần ấy, còn ngày nào hay ngày ấy.

Tăng-Quốc-Phiên

IX.-QUÁ THẤT

(Nhầm Lỗi)

221.-Thấy phải thời theo, có lỗi thời đổi.

Dịch-Kinh

222.-Chớ xấu hổ có lỗi, mà lại làm càn.

Thư-Kinh

223.-Có lỗi mà chẳng đổi, thế thật là có lỗi.

Luận-Ngữ

224.-Có lỗi đổi được, còn gì hay hơn.

Tả-Truyện

225.-Người ta thường có lỗi, vậy sau mới hay đổi.

Mạnh-Tử

226.-Người ta khổ vì không biết cái lỗi của mình.

Dương-Thái-Tôn

227.-Cái lỗi cốt ý làm, là lỗi lớn ; lỗi vô ý nhỡ là lỗi nhỏ.

Đường-Bưu

228.-Có lỗi mà chẳng đổi, gọi là kẻ mất hết lương tâm.

Trung-Luận

229.-Không gì dở bằng "Ghét nghe điều nhầm lỗi của mình".

Úy-Liệu-Tử

230.-Nói đương sướng hả mà nín ngay được ; ý đương hớn hở mà thu hẳn được ; tức, giận, ham mê đương sôi nổi, nồng nàn mà tiêu trừ biến mất được ; không phải người kiên nhẫn, thì không tài nào được như thế.

Vương-Thủ-Nhân

231.-Có lỗi đã là một điều lỗi, không chịu nhận lỗi, lại là một điều lỗi nữa.

Lã-Khôn

232.-Kẻ khoe cái hay của mình là xấu ; kẻ nhặt nhạnh cái hay của người làm của mình, lại càng xấu nữa ; kẻ lấy hẳn cái hay của người làm của mình, lại càng xấu lắm nữa.

Lã-Khôn

233.-Lúc giàu chẳng sẻn, lúc nghèo mới hối ; lúc rỗi chẳng học, lúc làm mới hối ; lúc thường chẳng giữ gìn, lúc ốm mới hối.

Cổ-Ngữ

234.-Điều dưỡng cái "khí" lúc đang giận ; đề phòng "câu nói" lúc sướng mồm ; lưu tâm sự "nhầm" lúc bối rối ; biết dùng "đồng tiền" lúc sẵn sàng

Uông-Thụ-Chi

X.-VỆ SINH

235.-Dưỡng sinh không gì hay bằng ít lòng ham muốn, say mê.

Mạnh-Tử

236.-Tinh thần dùng quá thời kiệt, hình thể làm quá thời mệt.

Tư-Mã-Thiên

237.-Người khéo nuôi thân, không cần phải cao lương.

Diêm-Thiết-Luận

238.-Bệnh vừa mới bớt, phải lại nhiều khi nặng thêm.

Hàn-Thi-Ngoại-Truyện

239.-Đói mà cho ăn của độc, thì thật là giết người.

Hà-Xưởng

240.-Ai cũng muốn sống lâu, mà không biết cách dưỡng sinh. Ai cũng biết ăn uống quá độ thì ốm đau, mà không biết giữ miệng. Ai cũng biết tình dục quá độ thì khô héo mà không biết phòng thân.

Bão-Phác-Tử

241.-Thầy thuốc giỏi, dặn cách ăn nằm trước, rồi cho thuốc thang sau.

Văn-Trung-Tử

242.-Người khôn ngoan không đợi ốm mới chữa, chữa khi chưa ốm.

Tô-Vấn

243.-Vạ tự miệng mà chui ra, bệnh theo miệng mà chui vào.

Phó-Rịch

244.-Người ta đến lúc già yếu mới vệ sinh, thì khác nào đến lúc nghèo khổ mới dành dụm, tuy chăm chỉ cũng không ích gì.

Trình-Hiệu

245.-Tinh thần không vận dụng thời ngu, khí huyết không chuyển vận thời ốm.

Lục-Tượng-Sơn.

246.-Buổi sáng dậy sớm, thật tốt vô cùng.

Kinh-Viên-Tiểu-Ngữ

247.-Thường làm lấy những việc vặt, thì khỏe mạnh người.

Kinh-Viên-Tiểu-Ngữ

248.-Bớt lo, bớt sầu, đừng phiền, đừng não, là một cách làm cho tâm ta bớt được nhiều bệnh.

Nguyện-Thể-Tập

249.-Ít sắc dục để nuôi "tinh" (1), ít ngôn ngữ để nuôi "khí" (2), ít tư lự để nuôi "thần" (3).

Tuân-Sinh-Tiên

(1) Tinh : Tâm tính thiêng liêng trong thân người.

(2) Khí : Hơi thở ra thở vào.

(3) Thần : Tinh, khí trong thân người

250.-Muốn cho thân không có bệnh, trước hết phải để tâm không có bệnh.

Tuân-Sinh-Tiên

251.-Yêu con mà yêu một cách ngon ngọt, là làm cho con hại thân (1) ; thương con mà thương một cách cô tức (2), là làm cho con bại đức (3).

Lã-Khôn

(1) Hại thân : Hao mòn thân thể sinh ra bệnh tật.

(2) Cô tức : Cẩu thả nôm tạm, không làm đến nơi đến chốn.

(3) Bại đức : Hư hỏng cả tính nết.

252.-Những cách làm cho sống lâu : Từ, Kiệm, Hòa, Tĩnh.

Cổ-Ngữ

(1) Từ : Nhân đức phúc hậu .

(2) Kiệm : Chừng mực.

(3) Hòa : Vui vẻ, êm ái.

(4) Tĩnh : Im lặng không nóng nảy.

253.-Thân mình như hòn ngọc trắng, hễ cầm sẩy tay là vỡ tan.

Cao-Phan-Long

254.-Rỗi rãi ở nhưng luôn, thời thân thể lệt bệt, tâm chí cùn mằn.

Hồ-Lâm-Giực

255.-Rượu là thứ thuốc độc nát ruột, gái là con dao thép cắt xương.

Cổ-Huấn

Chương Thứ Hai

Đối với gia tộc

I.-TRỊ GIA

256.-Ngựa què làm đổ xe, đàn bà ác nghiệt làm tan nhà, nát cửa.

Dịch-Vĩ

257.-Chẳng lo hiếm người, chỉ lo cái "phận" kẻ trên, người dưới không phân minh ; chẳng lo thiếu của, chỉ lo cái "lòng" kẻ trên, người dưới không hòa thuận.

Luận-Ngữ

258.-Trong nhà không thu xếp cho hòa thuận, mà đi kể truyện với láng giềng, thì chưa gọi là phải được.

Chiến-Quốc-Sách

259.-Những nhà tích đức (1), quyết nhiên không có tai ương.

Tân-Ngữ

(1) Tích đức : Làm nhiều điều thiện.

260.-Lấy vợ, lấy chồng mà cứ kể đến đồng tiền thì thật là mọi rợ.

Văn-Trung-Tử

261.-Dạy vợ khi mới về, dạy con khi còn nhỏ.

Nhan-Thị-Gia-Huấn

262.-Chăm chỉ học hành là cái gốc để gây nhà, ăn nói lễ phép là cái gốc để giữ nhà, cư xử hòa thuận là cái gốc để trị nhà.

Chu-Hi

263.-Cần kiệm là điều cốt yếu trị gia (1), học hành là điều cốt yếu để khởi gia (2), hòa thuận là điều cốt yếu để tề gia (3), làm theo công lý là điều cốt yếu để bảo gia (4).

Chu-Hi

(1) Trị gia : Quản trị việc nhà.

(2) Khởi gia : Gây dựng cơ đồ (của nhà cơ nghiệp).

(3) Tề gia : Chỉnh lý trong nhà cho có trật tự.

(4) Bảo gia : Giữ cho nhà được thịnh vượng lâu dài.

264.-Cách trị nhà cốt ở "hòa", cách mưu sinh (1) cốt ở "chăm".

Chu-Hi

(1) Mưu sinh : Kiếm ăn để nuôi thân, nuôi nhà.

265.-Nhà thịnh hay suy, không tại giàu sang hay nghèo hèn, chỉ tại có lễ nghĩa, hay không có lễ nghĩa.

Lục-Cửu-Uyên.

266.-Rất vui không gì bằng xem sách, rất cần không gì bằng dạy con.

Sử-Điển-Nguyện-Thể-Tập

267.-Lúc có tiền nên nghĩ đến ngày không có tiền ; chớ để đến ngày không có tiền, mới nhớ lại đến lúc có tiền.

Cổ-Ngữ

268.-Trị nhà kiêng nhất là xa xỉ, thứ nhì là biển lận.

Nghê-Tư

269.-Cư xử trong nhà không gì hay bằng "nghĩa", không gì quí bằng "nhẫn".

Tiết-Tư-Am

(1) Nghĩa : Điều phải, ở thẳng để chữa những sự chênh lệch cho được phân minh.

(2) Nhẫn : Nhường, nhịn, dong thứ cho được êm thấm.

270.-Xử công việc nhà, nên khoan thai công minh cho đâu ra đấy, thì việc không rối, mà người nhà không ai oán, cũng không ai nói dối được.

Ngụy-Hy

271.-Thương yêu con em mà không dạy cho biết nghĩa lý, giữ chức phận ; tuy của có nhiều, chúng lại càng hoang dâm, tuy học hay chữ, chúng lại càng gian trá.

Trình-Hán-Thư

272.-Chính thân mình không có qui củ (1), thì chỉnh lý thế nào được một nhà.

Trình-Hán-Thư

(1) Qui : Thước tròn ; Củ : Thước vuông ; nghĩa là ở cho tròn, làm cho thẳng.

273.-Người gia trưởng (1) tức là cái gương cho cả nhà soi : phải thành thật, phải công minh, phải cần mẫn, phải tiết kiệm.

Sử-Điển-Nguyện-Thể-Tập

(1) Người chủ trương của một gia tộc.

274.-Tâm thuật chớ để đắc tội (1) với giời đất ; ngôn, hành cần làm khuôn phép cho con em.

Cổ-Ngữ

(1) Đắc tội : Phải tội.

II.-HIẾU, HỮU

(Hiếu thảo, thân yêu)

275.-Dậy sớm, thức khuya, nghĩ làm sao không để nhục đến cha mẹ.

Thư-Kinh

276.-Người mà cha mẹ yêu, ta cũng phải yêu ; người mà cha mẹ kính, ta cũng phải kính.

Lễ-Ký

277.-Chớ để nhục đến thân mình, chớ làm xấu cho cha mẹ.

Lễ-Ký

278.-Ở nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính thuận với người trên.

Luận-Ngữ

279.-Cha mẹ như có lỗi, phải dịu dàng hòa nhã, liệu lời can ngăn.

Luận-Ngữ

280.-Con ăn ở với cha mẹ, việc phụng dưỡng cần phải có, mà lòng tôn kính cần phải có hơn.

Luận-Ngữ

281.-Không thừa thuận để vui lòng cha mẹ, không đáng gọi là người ; không cảm động để làm hay cho cha mẹ, không đáng gọi là con.

Mạnh-Tử

282.-Người con đại hiếu, suốt đời mến cha mẹ.

Mạnh-Tử

283.-Trong gia đình mà người trung (1), chẳng dạy dỗ kẻ bất trung, người tài chẳng trông nom kẻ bất tài, thì kẻ hay, người dở cũng chả khác nhau mấy.

Mạnh-Tử

(1) Trung : Đứng đắn, công minh, người hay và giỏi.

284.-Kẻ biết làm con, vậy sau mới biết làm cha.

Gia-Ngữ

285.-Cây muốn lặng, gió chẳng đừng ; con muốn nuôi, cha mẹ đã khuất.

Gia-Ngữ

286.-Anh em liên can với nhau như là tay phải với tay trái.

Thiệu-Tục

287.-Thế gian rất khó được là anh em.

Tô-Quỳnh

288.-Người hiếu lắm, nuôi chí cha mẹ, người hiếu vừa, nuôi thân thể cha mẹ.

Ý-Lâm

289.-Cha con cùng lòng thì đất cũng hóa ra vàng, anh em cùng sức thì đá cũng thành ra ngọc.

Cổ-Ngạn

290.-Con nhà tử tế, cha giận, sợ ít ; cha không nói, lại sợ nhiều.

Cổ-Ngữ

291.-Con ăn ở với cha mẹ, cốt nhất nuôi "tâm" (1) người, thứ nhì nuôi "thân" (2) người ; nuôi thân mà không nuôi tâm là kém lắm ; ăn ở chỉ văn vẻ bề ngoài, mà chẳng nghĩ đến thân người, lại là kém quá lắm nữa.

Lã-Khôn

(1) Nuôi tâm : Thừa thuận cái chí của cha mẹ mà làm cho người vui lòng, bằng lòng.

(2) Nuôi thân : Nuôi thân thể người cho được no ấm, yên ổn.

III.-GIÁO DỤC

292.-Người ta không kỳ loài giống nào, đều có thể dạy được cả.

Luận-Ngữ

293.-Ăn no, mặc ấm, ở rỗi, mà không có dạy dỗ, thời gần như giống vật.

Mạnh-Tử

294.-Để cho con một hòm vàng, không bằng dạy cho con một quyển sách.

Vi-Hiền-Truyện

295.-Đem việc làm dạy người ta thì người ta theo ; chỉ đem lời mà dạy người ta thì người ta không phục.

Dệ-Ngũ-Luân

296.-Người mẹ lành quá, hay có con hư.

Diêm-Thiết-Luận

297.-Sửa điều dở cho ai chớ nghiêm khắc quá ; dạy điều hay cho ai, chớ cao xa quá.

Sử-Điển

298.-Người ta ngu đến đâu cũng dạy được, mà khôn đến đâu cũng phải dạy.

Trần-Hoành-Mưu

299.-Chồng sợ vợ cố nhiên là ngu, nhưng vợ mà không biết sợ chồng, lại là hạng ngu quá.

Cổ-Huấn

300.-Nuôi con mà không dạy, là gây một đàn trộm cướp.

Vô-Danh

IV.-LỄ ĐỘ

301.-Những nhà ăn ở đời đời giàu sang, ít nhà ăn ở có lễ độ.

Thư-Kinh

302.-Người ta có lễ độ thời yên, không lễ độ thời nguy.

Lễ-Ký

303.-Người ta khác giống cầm thú, vì rằng có lễ.

Lễ-Ký

304.-Người ta giàu sang mà biết lễ, thời không kiêu ngạo, không hoang dâm ; người nghèo hèn mà biết lễ thời chí mới hăng hái.

Lễ-Ký

305.-Tự xử nghiêm trang mà việc làm thời giản dị.

Luận-Ngữ

306.-Nhả quá hóa nhờn, nghiêm quá thì không ai thân.

Gia-Ngữ

307.-Ai mà tự kính, thời người ngoài mới kính ; ai mà tự khinh, thời người ngoài cũng khinh.

Chu-Hi

308.-Làm người không nên có "bộ dạng khinh người, nhưng cũng chẳng nên không có "cốt cách khinh đời" (không nên khinh người, song nên biết khinh người dở, sự dở).

Lục-Lũng-Kỳ

V.-CẦN, ĐẠI

(Chăm chỉ, trễ biếng)

309.-Có siêng năng thì sự nghiệp mới to.

Thư-Kinh

310.-"Biết", không phải là khó ; "làm" mới là khó.

Thư-Kinh

311.-Đường dài trăm dặm, tuy đi được chín mươi, song mới là một nửa (Thói thường làm ăn, trước thì chăm, sau thì lười, cho nên công việc mười phần được chín mà vẫn hay hỏng ; người ta cũng vậy, thường trước hay sau dở ; cho nên càng về sau càng cần, mẫn, trì thủ thì mới hay).

Chiến-Quốc-Sách

312.-Dịp may có được mà dễ mất.

Tề-Thái-Công

313.-Dòng nước chảy luôn thì không thối, then cửa đẩy luôn thì không mọt.

Lã-Thị-Xuân-Thu

314.-Đường tuy gần, chẳng đi chẳng đến ; việc tuy nhỏ, chẳng làm chẳng nên.

Tuân-Tử

315.-Rỗi quen thành lười, lười quen thành bệnh.

Nhan-Thị-Gia-Huấn

316.-Việc đời vì khó mà bỏ, mười việc độ một việc ; vì lười mà bỏ, mười việc đến chín việc.

Nhan-Thị-Gia-Huấn

317.-Ở đời chẳng có việc gì khó nhọc mà làm nên.

Văn-Trung-Tử

318.-Người ăn dưng, ở rỗi là người bỏ đi.

Hồ-Thanh-Phủ

319.-Tấc bóng là tấc vàng, có tấc vàng khó mua được tấc bóng.

Cổ-Thi

320.-Chăm chỉ là thuốc chữa "lười", cẩn thận là thuốc chữa "kiêu".

Tăng-Quốc-Phiên

321.-Chăm thời tuy yếu cũng phải mạnh, tuy ngu cũng phải sáng.

Tăng-Quốc-Phiên

322.-Tập quen khó nhọc là cốt để sau này gánh vác việc đời.

Tăng-Quốc-Phiên

323.-Cái lười sinh đủ mọi nết xấu.

Tăng-Quốc-Phiên

324.-Tinh thần càng dùng càng nẩy ra, không nên nhân tinh thần mỏi mệt mà quá yêu tiếc.

Tăng-Quốc-Phiên

VI.-XA, KIỆM

(Xa hoa, tần tiện)

325.-Xả xỉ thì việc gì cũng quá lạm, hà tiện thì việc gì cũng quê mùa.

Luận-Ngữ

326.-Cả nước xa xỉ, thì dạy nước lấy tiết kiệm ; cả nước tần tiện, thì dạy nước lấy lễ nghi.

Lễ-Ký

327.-Cái hại xa xỉ quá là thiên tai (1).

Tấn-Thư

(1) Thiên tai : Tai hại giời làm, như lụt, bão, đại hạn mất mùa, tật dịch .v,v…

328.-Kẻ xa xỉ, thì giàu mà tiêu vẫn không đủ ; kẻ kiệm ước, thì nghèo mà tiêu vẫn có thừa.

Đàm-Tử

329.-Ai mà tự phụng (1) có tiết độ (2), thì không sinh lòng tham.

Văn-Trung-Tử

(1) Tự phụng : Ăn mặc tiêu dùng cho thân mình.

(2) Tiết độ : Chừng mực, có hạn chế.

330.-Tiết kiệm, chất phác, đều là đức tốt của người ta.

Trình-Di

331.-Người mà chịu khổ, ăn rau là ngon, việc gì làm chả nổi.

Uông-Cách

332.-Biển lận với kiệm ước khác nhau xa ; bủn gọi là biển lận, tần tiện gọi là kiệm ước.

Uông-Cách

333.-Có kiệm ước mới thanh liêm.

Phạm-Thuần-Nhân

334.-Người nào tự phụng xa xỉ thì họ càng ít khi được nhờ.

Trần-Cơ-Đình

335.-Thường lo không đủ thì tự nhiên có thừa.

Ngụy-Tế-Thụy

336.-Việc đáng bớt tiêu, mà không bớt tiêu, tất đến việc nên tiêu, lại không chịu tiêu.

Ngụy-Hy

337.-Ở thời loạn, lại càng không nên xa xỉ lắm.

Tăng-Quốc-Phiên

338.-Kẻ hay kiệm ước không phải lụy người.

Tăng-Quốc-Phiên

VII.-TỪ, ÁI

(Nhân đức, thương yêu)

339.-Người quân tử yêu ai, hay dùng cách phải ; người thường yêu ai, hay dùng cách cẩu thả, nộm tạm.

Lễ-Ký

340.-Yêu con sâu xa, thì phải bắt con cần lao (1) mới được.

Luận-Ngữ

(1) Cần lao : Chăm chỉ làm ăn.

341.-Kính ông già ta, đến cả ông già người ; yêu con trẻ ta, đến cả con trẻ người.

Mạnh-Tử

342.-Người quân tử rất ghét việc làm hại đồng loại.

Gia-Ngữ

343.-Ăn quả cây nào, chớ bể kềnh cây ấy.

Hoài-Nam-Tử

344.-Giời không phải cho riêng một người giàu, ý trời muốn ký thác (1) những kẻ nghèo cho người ấy ; giời không phải cho riêng một người sang, ý giời muốn ký thác những kẻ hèn cho người ấy.

Sử-Điển.

(1) Ký thác : Nhờ cậy ủy thác ai làm việc gì.

345.-Có yêu người, vậy sau mới giữ được thân.

Trương-Tái

346.-Việc tốt nhất trên thế gian, không gì bằng cứu người nguy cấp, thương kẻ khốn cùng.

Cổ-Ngữ

VIII.-ĐỘ LƯỢNG

347.-Biết người ta dối, không thèm nói ra mồm ; phải người ta khinh, không thèm giận ra mặt ; như thế thì có ý vị (1) vô cùng, và thụ dụng (2) vô cùng.

Súc-Đức-Lục

(1) Ý vị : Thuần nhị vui thú.

(2) Thụ dụng : Được hưởng nhiều sự sung sướng về sau.

348.-Giời đâu cũng che, cho nên có tiếng là cao ; đất đâu cũng chở, cho nên có tiếng là rộng ; mặt trời, mặt trăng, chỗ nào cũng soi, cho nên có tiếng là sáng; sông, bể cái gì cũng dong nạp (1), cho nên có tiếng là lớn.

Tào-Thực

(1) Dong nạp : Nhận lấy, hứng đựng lấy.

349.-Cùng người ta, mà còn có ý so hơn, quản thiệt, thế là trong tâm vẫn còn cặn bã, chưa tiêu trừ hết.

Tiết-Huyên

350.-Nhịn điều người ta không nhịn được, dong điều người ta không dong được, chỉ có người nào kiến thức, độ lượng hơn người, mới được như thế.

Trình-Di

351.-Đại trượng phu nên dong người, chớ để người dong.

Chu-Hi

352.-Khí độ hẹp hòi là cái bệnh rất to của kẻ học giả.

Lã-Khôn

353.-Bo bo cùng người, tranh nhau phải trái, như thế thì độ lượng mình cùng độ

lượng người, khác nhau được là bao nhiêu.

Lã-Khôn

354.-Vật gì trông qua biết ngay, thì kỳ trung không có gì cả.

Tăng-Quốc-Phiên

(1) Kỳ trung : Bên trong cái ấy.

IX.-PHÒNG HOẠN

355.-Người ta nếu không nghĩ xa, thì không bao lâu, thế nào cũng có những sự ưu hoạn khốn khó.

Luận-Ngữ

356.-Hay nói xấu người, khi xảy ra có vạ miệng, thì tính là sao ?

Mạnh-Tử

357.-Môi hở răng lạnh.

Tả-Truyện

358.-Sa ngã xuống nước, còn thể bơi được, đắm đuối với ai, không thể cứu được.

Đại-Ký

359.-Lỗ kiến vỡ đê, tí lửa cháy đồi.

Hậu-Hán-Thư

360.-Người ta đều biết phòng họa hoạn, ít người biết làm cho họa hoạn đừng có sinh ra.

Lão-Tử

361.-Chim sẻ làm tổ đầu nhà, mẹ con hú hí, tự lấy làm yên ; nhà cháy mà chim vẫn như không, là tại không biết tai vạ sắp đến.

Không-Tòng-Tử

362.-Hổ, báo ở đằng sau, đằng trước tuy có châu báu, cũng không kịp nhặt, là có ý tránh họa hoạn trước, còn lợi để lại sau.

Hoài-Nam-Tử

363.-Con voi vì ngà, ve sầu vì tiếng, đom đóm vì sáng, mà đều hại thân ; cho nên người biết yêu thân, không quí gì tiếng tăm rực rỡ.

Lã-Ngữ-Tập-Túy

364.-Cái tường thấp hay mời kẻ trộm đến

Thi-Tử

365.-Chớ khinh việc nhỏ, lỗ thủng còn đủ đắm thuyền ; chớ khinh vật nhỏ, con sâu con cũng đủ hại người.

Quan-Roãn-Tử

366.-Giữ thân nên như phòng giặc.(Thân không giữ gìn thì hư, như giặc, không phòng thì bị tràn đến).

Trinh-Thiện-Phu

367.-Nên đương lúc có, nghĩ đến lúc không ; chớ đến lúc không, mới tưởng lại lúc có.

Ngạn-Ngữ

Chương Thứ Ba

Đối với nhân quần, xã hội

I.-XỬ SỰ

368.-Phải có nhẫn nại (1), công việc mới xong.

Thư-Kinh

(1) Nhẫn nại : Chịu khổ, bền chí, không chán nản, không ngã lòng.

369.-Việc có dự trước thì làm mới nên.

Trung-Dung

370.-Nóng nẩy muốn chóng việc thì không xong ; ham mê lợi nhỏ thì hỏng việc lớn.

Luận-Ngữ

371.-Nhân đức vặt, khí khái xằng, thường làm hại công việc lớn.

Luận-Ngữ

372.-Roi tuy dài, không đánh tới bụng ngựa.( Quyền thế tuy mạnh cũng không trị đến được).

Tả-Truyện

373.-Người quân tử chăm biết việc lớn, việc xa ; kẻ tiểu nhân chăm biết việc nhỏ, việc gần.

Tả-Truyện

374.-Kéo chưa biết cầm, mà sai cắt áo, thì thiệt hại to.

Tả-Truyện

375.-Người "trí" hay lo, người "nghĩa" hay làm, người "nhân" hay trì thủ.

Cốc-Lương

376.-Việc gì mà công chúng đang giận, thì chớ phạm đến ; việc gì mà riêng mình ham muốn, thì khó làm nên.

Tử-Sản

377.-Lấp nước không lấp tự nguồn, tất nước lại chảy ; chặt cây không chặt từ gốc, tất cây lại nảy mầm.

Sử-Tô

378.-Ôm củi di chữa cháy, củi chưa cháy hết thì lửa vẫn chưa tàn.

Chiến-Quốc-Sách

379.-Không lòng báo thù, mà để cho người ta ngờ là báo thù, thì nguy ; có lòng báo thù mà để cho người ta biết là báo thù thì vụng.

Tô-Đại

380.-Người đi đêm, tuy không là gian, nhưng không thể cấm chó không cắn được.

Chiến-Quốc-Sách

381.-Việc đời có việc không nên biết, có việc không nên không biết ; có việc không nên quên, có việc không nên không quên.

Đường-Tuy

382.-Cả nghe thì sinh dở, tự phụ thì hỏng việc.

Châu-Dương Liệt-Truyện

(1) Tự phụ : Cậy mình tài giỏi.

383.-Việc đáng làm thẳng tay mà không làm thẳng tay, thì thường lại bị hại.

Hán-Thư

384.-Cứng quá thì gãy, mềm quá thì oặt.

Tuấn-Bất-Nghi Truyện

385.-Trăm lần nghe, không bằng một lần trông thấy.

Triệu-Sung-Quốc Truyện

386.-Gỡ chỉ rối, không nên nóng nảy.

Cung-Toại Truyện

387.-Lấy cái dây rất nhỏ, buộc vào vật rất nặng, treo lên chỗ cao lưng chừng, rủ xuống vực sâu vô hạn, tuy người ngu cũng biết phàn nàn rằng sắp đứt.

Mai-Tặng Truyện

388.-Người lòa cưỡi ngựa mù, nửa đêm đi ra ao sâu.

Thế-Thuyết

389.-Có khó nhọc một phen, mới được lâu dài rỗi rãi.

Dương-Hùng

390.-Nước đã đánh đổ, sau hốt không được ; việc đã để hỏng, sau hốt không kịp.

Mã-Vũ

391.-Làm nhà bên đường, gặp ai cũng bàn, thì ba năm không xong.

Tào-Bao Truyện

392.-Sai một li, đi nghìn dặm.

Hậu-Hán-Thư

393.-Nền không chắc mà tường cao, là sự bại hoại nằm sẵn ở đó.

Hậu-Hán-Thư

394.-Khuấy nước sôi cho khỏi reo, không bằng rút củi cho bớt lửa.

Hậu-Hán-Thư

395.-Đã nuôi cọp, phải cho ăn thịt no, không thì bị nó sửa mất.

Lã-Bố Truyện

396.-Việc đời thường không được như ý, mười việc thường đến tám, chín việc.

Dương-Hỗ

397.-Chẳng quí một thước ngọc, mà trọng một tấc quang âm (1).

Hoài-Nam-Tử

(1) Quang Âm : Ánh sáng, tức là thì giờ.

398.-Đá giũa ngọc, muối đánh vàng, vật có nhiều thứ tầm thường mà làm tốt được cho thứ quý báu.

Tiềm-Phu

399.-Ai trồng đào, mận, mùa hè có bóng mát mẻ, mùa thu lại được quả ngon ; ai trồng tật-lê, mùa hè không chỗ nghỉ ngơi, mùa thu lại phải gai góc.

Thuyết-Uyển

400.-Nghĩ sâu, tính xa, thì không cùng khốn.

Tố-Thư

401.-Thấy gì quái gở, không cho là quái gở, thì quái gở ấy tự nhiên lui.

Nghệ-Văn-Loại-Tụ

402.-Kỵ nhau còn gì bằng nước với lửa, thế mà khéo dùng, đem lửa đun nước, thì được bao nhiêu là việc.

Phó-Tử Giả Ngôn

403.-Đem xương trừ kiến, kiến lại càng nhiều ; lấy cá đuổi ruồi, ruồi lại càng đến.

Hàn-Phi-Tử

404.-Việc làm kín đáo thì mới nên, câu truyện tiết lộ thì hay hỏng.

Hàn-Phi-Tử

405.-Việc làm trái nhẽ mà muốn xong, khác nào cầm ngược quần mà tìm cạp.

Đặng-Tích-Tử

406.-Chẳng nên bới lông mà tìm vết.

Hàn-Phi-Tử

407.-Nhà cháy, người đến chữa thì ơn ; những bực già cả bảo dọn củi, giữ bếp được suốt đời không hỏa hoạn thì lại không ơn đến.

Thi-Tử

408.-Không có gì giỏi bằng hay bàn, không gì yên bằng hay nhẫn, không gì hơn người bằng có đức, không gì sướng thân bằng làm lành.

Hoàng-Thạch-Công

409.-Thiên hạ vốn không có việc gì, chỉ tại đám người tầm thường hay sinh sự quấy rối.

Lục-Tượng-Tiên

410.-Việc đời, người nghe thấy, không bằng người trông thấy biết rõ hơn, người trông thấy không bằng người ở đấy biết tường tận hơn.

Lục-Du

411.-Việc tất đến thế, lý phải thế, chỉ có người trầm tĩnh mới trông thấy trước và biết rõ ràng.

Tô-Tuân

412.-Phàm việc để tâm lo sợ thì hay nên, khinh thường thì hay hỏng.

Lã-Tổ-Khiêm

413.-Người khôn lo việc : không lo việc một ngày, thường lo việc trăm năm.

Tạ-Kim

414.-Người đại trượng phu đau lòng việc nước, nên thung dung, trầm tĩnh, để mà lo toan.

Lục-Triều-Sử-Luân

415.-Không có việc, chớ nên sinh vệc ; có việc, chớ nên sợ việc.

Tôn-Hạ-Phong

416.-Làm việc vô ích để cầu phúc, không bằng làm việc có ích để cứu người.

Lục-Thế-Nghi

417.-Xưa nay những bậc anh hùng, chỉ vì không chịu thiệt, mà hại bao nhiêu công việc to.

Lâm-Thoái-Trai

418.-Kẻ tính hay hồ nghi, chớ cùng lo toan việc lớn.

Kinh-Viên Tiểu Ngữ

419.-Xử những việc khó xử càng nên khoan dong ; xử người khó xử, càng nên trung hậu ; xử thời buổi khó khăn, ngờ vực, càng nên tự nhiên như vô tâm.

Lý-Tiêu-Viễn

420.-Cái thói viêm lương (1), kẻ phú quí lại tệ hơn kẻ bần tiện ; cái lòng đố kỵ (2), người thân thích lại tệ hơn người dưng. Nếu không coi bằng mắt lạnh nhạt, xử bằng khí hòa bình thì thật là ngày ngày ngồi trong màn phiền não (3).

Trần-Cấp-Sơn

(1) Viêm lương : Nóng, lạnh, thấy thịnh vượng thì vồ vập, thấy suy đồi thì tránh xa.

(2) Đố kị : Ghen ghét.

(3) Màn phiền não : Nơi buồn bực khổ sở.

421.-Chớ đem lòng ham mê, say đắm mà tự mình giết mình ; chớ đem tiền của bất nghĩa mà giết con cháu ; chớ đem chính sự ác mà giết dân ; chớ đem học thuật xằng mà giết thiên hạ, hậu thế.

Lưu-Cao

422.-Tưởng rằng không có việc, tất là có việc ; sợ rằng có việc, tất là không có việc.

Nhân-Sinh Tất Độc Thư

423.-Việc không yên tâm chẳng nên làm, việc trái nhẽ phải chẳng nên làm, việc gây oan nghiệt chẳng nên làm, việc hại người ta chẳng nên làm.

Nhân-Sinh Tất Độc Thư

424.-Người khôn chẳng đánh nhau với thiên mệnh (1), chẳng đánh nhau với công lý (2).

Trần-Kế-Nho

(1) Số mệnh trời đã định cho người ta.

(2) Công lý : Lẽ phải, ai ai cũng công nhận như vậy.

425.-Việc sắp xảy ra mà ngăn được, việc đương xảy ra mà cứu được, việc đã hỏng mà vớt lại được thế là có quyền biến, là có tài năng. Chưa có việc mà biết có việc sắp đến, mới có việc mà biết việc sau thế nào, định việc mà biết việc xảy ra thế này, thế khác, thế gọi là có lo xa, là có kiến thức.

Lã-Khôn

426.-Tâm chí chưa phải cay đắng, hoạn nạn chưa từng trải qua, thời trí khôn chậm và đảm lực (1) non.

Hồ-Lâm-Dực

(1) Đảm lực : Sức can đảm để làm việc gì.

427.-Khổ bụng (1) thì thế nào giời cũng thương ; nặng tay thì nên nghĩ người khó chịu.

Cổ-Ngữ

(1) Khổ bụng : Chịu nghĩ, chịu thiệt, chịu khổ.

428.-Nên tập quen chịu nực, quen chịu rét, quen chịu khó, quen chịu khổ.

Tăng-Quốc-Phiên

429.-Người mà tính khí bất thường, thì suốt đời không làm nên được một việc.

Tăng-Quốc-Phiên

430.-Xưa, nay người tầm thường mà bại hoại (1), đều là vì tính "lười" ; người tài giỏi mà bạo hoại, đều là vì tính "kiêu".

Tăng-Quốc-Phiên

(1) Bại hoại : Hư hỏng.

431.-Thiên hạ thật không có cảnh ngộ nào dễ xử, nhân gian thật không có thì giờ nào là bỏ đi.

Tăng-Quốc-Phiên

432.-Bằng lòng yên số phận, cắm cổ làm việc đời.

Tăng-Quốc-Phiên

433.-Việc xong mới hối mình rằng dại, việc xong mới chê người còn khờ, như thế đều là chưa lịch duyệt (1) lắm cả.

Tăng-Quốc-Phiên

(1) Lịch duyệt : Từng trải, biết qua, làm qua.

II.-TRÍ NGU

(Khôn, dại)                              

434.-Người ngu, việc đã xong, vẫn chưa biết ; người trí, việc chưa hiện, đã rõ rồi.

Chiến-Quốc-Sách

435.-Người suốt, không đợi nghe nói, cũng đã hiểu ; người sáng, không đợi thấy hình cũng đã rõ.

Hán-Thư

436.-Đã khôn mà lại hay bàn, hay hỏi, hay lo, hay tính, thì việc gì mà chả làm nên.

Gia-Ngữ

437.-Người ta có bỏ hết được cái khôn vặt thì mới khôn to được.

Trang-Tử

438.-Người khéo thường bận, người khôn hay lo.

Trang-Tử

439.-Kẻ biết người là người "khôn" ; kẻ biết mình là "người sáng".

Lão-Tử

440.-Cái gì cũng biết, mà đạo làm người không biết, thì chưa gọi được là khôn.

Hoài-Nam-Tử

441.-Thường có người thấy đám mây bay sang đằng tây, mà bảo là mặt trăng đi đằng đông.

Bão-Phác-Tử

442.-Vật gì tuy rất sạch, giũ chẳng cẩn thận thời bẩn ; người ta tuy rất khôn, làm chẳng suy nghĩ thời ngu.

Không-Động-Tử

443.-Có yên tĩnh mới nảy ra tinh thần, có tinh thần mới nẩy ra trí lực.

Hồ-Lâm-Dực

444.-Đem trí thuật xử với đời, có biết đâu đời không ai ngu cả.

Hồ-Lâm-Dực

445.-Ngu độn thì người ta chê cười , thông minh thì người ta ngờ ghét ; thông minh mà như ngu mới thật là khôn kín.

Lã-Khôn

III.-DŨNG-LỰC

(Sức mạnh hùng dũng)

446.-Thấy điều phải mà không làm, thì thật là liệt nhược (1).

Luận-Ngữ

(1) Liệt nhược : Hèn kém yếu ớt.

447.-Người quyền thế chỉ biết hùng dũng mà không biết nghĩa thì làm loạn ; người dân chỉ biết hùng dũng mà không biết nghĩa thì trộm cướp.

Luận-Ngữ

448.-Cảm khái mà tự sát, thì không phải là can đảm.

Hán-Thư

449.-Không vào hang cọp, không bắt được cọp con.

Hậu-Hán-Thư

450.-Ông tướng đánh trận thua, không thể nói chuyện hùng dũng được nữa.

Quảng-Vũ-Quân

451.-Hùng dũng mà lại gặp người hùng dũng thì hùng dũng không đủ cậy ; khôn ngoan mà lại gặp người khôn ngoan thì khôn ngoan không đủ cậy (Ý nói thành thật là hơn cả) .

Tô-Triệt

IV.-CÔNG TƯ

(Công bình, thiên tư)

452.-Giời không che riêng, đất không chở riêng, mặt trời mặt trăng không soi sáng riêng.

Gia-Ngữ

453.-Không thể lấy nặng nhẹ dối được người có cân, không thể dài ngắn dối được người có thước.

Quản-Tử

454.-Tâm ta như cán cân, không thể vì người mà đuối, mà tươi được.

Gia-Cát-Lượng

455.-Tâm địa bình tĩnh thì tự nhiên khoan khoái công minh.

Trình-Hiệu

456.-Việc của thiên hạ, nên đem cái tâm của thiên hạ mà khu xử ; chớ nên khu xử bằng cái khôn ngoan vụn vặt, trí tuệ nhỏ nhen.

Tả-Tôn-Đường

V.-TRI TÚC

(Bằng lòng số phận)

457.-Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy.

Thái-Trạch

458.-Người tri túc (1) không vì lợi mà làm lụy thân (2).

Trang-Tử

(1) Tri túc : Biết được thế là đủ rồi, không ham mê theo đuổi nữa.

(2) Lụy thân : Phiền lụy khó chịu đến thân.

459.-Người tri túc là người giàu.

Lão-Tử

460.-Thích lắm tất tiêu to, chứa nhiều tất mất lớn, biết đủ thời chẳng nhục, biết thôi thời chẳng nguy.

Lão-Tử

461.-Người tri túc không bao giờ nhục.

Lão-Tử

462.-Dưa ngọt thì cuống đắng ; trong thiên hạ không có vật gì là đẹp toàn.

Mặc-Tử

463.-Biết đủ thường được vui sướng, hay nhẫn tự khắc yên ổn.

Khuyến-Giới-Toàn-Thư

464.-Người tri túc thì nghèo hèn cũng vui sướng, người không tri túc thì giàu sang cũng lo buồn.

Lã-Bang-Hiến

465.-Người tri túc, giời không bắt nghèo được ; người vô cầu (1), giời không bắt hèn được.

Ngụy-Hy

(1) Vô cầu : Không cầu cạnh luồn cúi ai.

466.-Phàm việc đã tốt mà còn muốn cho tốt quá, nhiều khi hay hỏng.

Tả-Tôn-Đường

VI.-GIỚI THAM

(Đừng tham)

467.-Đói rét đến thân, quên cả liêm sỉ.

Triều-Thố

468.-Người hiền mà nhiều của thì kém mất chí hay, người ngu mà nhiều của thì thêm nhiều tội lỗi.

Sơ-Quảng

469.-Ba ba, thuồng luồng, cho vực còn nông, làm tổ dưới đáy, chim cắt, diều hâu, cho núi còn thấp, làm tổ trên đỉnh, thế mà khi chết, cũng chỉ vì một cái mồi.

Tuân-Tử

470.-Không có đức mà nhiều của là cái mầm tai vạ.

Tiềm-Phu

471.-Dưới con mồi thơm, tất có con cá chết.

Tam-Lược

472.-Kẻ hiếu thắng tất phải tranh, kẻ tham vinh tất phải nhục.

Khuyến-Giới-Toàn-Thư

473.-Lòng dục không trừ, thì như con thiêu thân đâm vào lửa, cháy mạng mới thôi ; lòng tham không bỏ, thì như con đười ươi thích uống rượu, đổ máu mới thôi.

Khuyến-Giới-Toàn-Thư

474.-Người có bao nhiêu của cũng không vừa, thì tham lam đê tiện không biết thế nào mà kể.

Vương-An-Thạch

VII.-XỬ THẾ

(Cư xử ở đời)

475.-Có của cải mà để không kín đáo, là gợi cho người ta ăn trộm. Có nhan sắc mà tính hay vuốt ve, là gợi cho người ta ghẹo bỡn.

Dịch-Kinh

476.-Giời làm ác nghiệt, còn có thể tránh được ; tự mình gây nên ác nghiệt, thì mình làm mình chịu, còn tránh làm sao được.

Thư-Kinh

477.-Không ghen ghét ai, không cầu cạnh ai, thì làm việc gì mà chẳng lành, chẳng tốt.

Thư-Kinh

479.-Kẻ nói thì nhân đức mà kỳ thực không có gì, thường gặp phải những sự oán ân, tai vạ.

Lễ-Ký

480.-Có biết vâng lời, vậy sau mới biết sai khiến.

Lễ-Ký

481.-Người ta không biết mình mà mình không giận, thế chả là quân tử ư.

Luận-Ngữ

482.-Chẳng lo người ta không biết mình,chỉ lo mình không biết phân biệt người hay người dở.

Luận-Ngữ

483.-Đối với người già thì kính mến, đối với bè bạn thì tin thật, đối với người trẻ thì thương yêu.

Luận-Ngữ

484.-Chẳng giận điều nọ xọ sang điều kia, chẳng lỗi lần này lại phạm làn nữa.

Luận-Ngữ

485.-Người không lo xa, tất nhiên có ưu hoạn (1) gần.

Luận-Ngữ

(1) Ưu hoạn : Sự lo phiền hoạn nạn làm cho người ta khốn khổ.

486.-Tự trách mình nhiều mà trách người ít, thì không ai oán giận.

Luận-Ngữ

487.-Người quân tử hợp quần (1) mà chẳng kết đảng (2).

Luận-Ngữ

(1) Hợp quần : Ăn ở một cách có đoàn thể để giữ gìn lấy nhau.

(2) Kết đảng : Kết thành phe tụi, công kích lẫn nhau, để thỏa lòng tự tư tự lợi.

488.-Trọng người giỏi mà dong người thường ; khen người hay mà thương người dở.

Luận-Ngữ

489.-Yêu người, người thường yêu lại ; kính người, người thường kính lại.

Mạnh-Tử

490.-Việc gì thiên hạ đang tức giận, thì chớ giây đến.

Tả-Truyện

491.-Muốn cho người ta yêu mình, trước hết phải yêu người đã. Muốn cho người ta theo mình, trước hết phải theo người đã.

Quốc-Ngữ

492.-Phong tục xô đẩy, người khôn cũng khó tránh.

Dương-Vận-Truyện

493.-Kẻ tự cho mình là giỏi thì tai không được nghe nhời khôn lẽ phải nữa.

Gia-Ngữ

494.-Sự ưu hoạn là bạn cùng ở suốt đời với người ta.

Trang-Tử

495.-Tự mình không biết mình là một điều hại lớn.

Lã-Thị-Xuân-Thu

496.-Đối với người có tài đức to, thì đừng chê bai những nết nhỏ mọn. Đối với người có danh dự lớn, thì đừng chỉ trích những lỗi cỏn con.

Hoài-Nam-Tử

497.-Dùng "nhân" để trị người, dùng "nghĩa" để trị ta.

Đổng-Trọng-Thư

498.-Ăn ở hay mà gặp dở thì gọi là số ; ăn ở dở mà gặp hay thì gọi là may.

Trung-Luận

499.-Biết phòng xa thì cai quản người, không biết phòng xa thì người cai quản.

Diêm-Thiết-Luận

500.-Cùng ở với nhau lúc có ưu hoạn thì dễ, cùng ở với nhau lúc có quyền lợi thì khó.

Lã-Đông-Lai

501.-Gia đình như xảy ra chuyện không hay, nên xử một cách thung dung, chớ có khích liệt (1). Bầu bạn như có điều không phải, nên can một cách thiết liệt (2), chớ có ưu du (3).

Thiệu-Khang-Tiết

(1) Khích liệt : Trêu trọc dữ dội.

(2) Thiết thật : Thật sự, đến nơi đến chốn.

(3) Ưu du : Bỏ xuôi, mặc kệ.

502.-Chỉ có chút lòng nại phiền (1) thì việc gì cũng làm được, người nào cũng xử được.

Nhân-Sinh-Tất-Độc-Thư

(1) Nại phiền : Chịu quen được khó nhọc, nhẫn nại.

503.-Người ta thường tiếc cái đã qua về trước, mong cái sắp đến sau này, mà sao nhãng hững hờ cái hiện đang có.

Tôn-Trung-Quân

504.-Người ta giữ được sáu chữ "Thiên lý (1), Quốc pháp (2), Nhân Tình (3)" thì suốt đời không có tội lỗi.

Bảo-Huấn

(1) Thiên lý : Lẽ phải tự nhiên ai cũng nên theo.

(2) Quốc pháp : Phép nước, điều nên theo, điều nên tránh.

(3) Nhân tình : Tính người hay, dở.

505.-Người khéo dùng "oai" không giận bậy ; người khéo dùng "ơn" không cho bậy.

Lã-Khôn

506.-Người ta mà nóng nảy, nông nổi, hẹp hòi, thì xử việc, việc hay hỏng, tiếp người, người hay giận, mà chính mình cũng phải thiệt thòi.

Lã-Khôn

507.-Quân tử được nghìn vạn người khen ngợi, không lấy làm sướng, phải một vài người kiến thức chỉ nghị (1), thì lấy làm lo.

Tăng-Quốc-Phiên

(1) Chỉ nghị : Chỉ trích một việc gì mà bàn bạc chê cười.

VIII.-NHÂN NGHĨA

(Lòng thương, việc phải)

508.-Kẻ bất nhân không xử lâu được cảnh cùng khổ, cùng khổ mãi thì làm liều ; không xử lâu được cảnh yên vui, yên vui mãi thì sinh đãng (1).

Luận-Ngữ

(1) Đãng : Hư, phóng túng, chẳng hay giữ mình.

509.-Làm bất nghĩa mà được giàu sang, giàu sang ấy ta coi như mây nổi.

Luận-Ngữ

510.-Kẻ bất nhân mà ta ghét bỏ quá tệ, thế là khích nó làm càn.

Luận-Ngữ

511.-Người ta nhân thì vinh, bất nhân thì nhục.

Mạnh-Tử

512.-Người chỉ làm giàu là người bất nhân, người chỉ làm nhân là người không giàu.

Mạnh-Tử

513.-Người nhân thường rộng yêu cả loài người.

Lễ-Ký

514.-Kẻ bất nghĩa mà lại mạnh thế, càng chóng chết lắm.

Tả-Truyện

515.-Nghĩa mà trọng hơn đời người, thì bỏ đời người đi là phải ; đời người mà trọng hơn nghĩa, thì giữ trọn đời người là phải.

Đỗ-Kiều

516.-Người nhân chẳng chịu khổ thân để cầu lấy hư danh (1) ; người nghĩa chẳng làm thiệt người để vụ lấy tự ích (2).

Tân-Tự

(1) Hư danh : Tiếng hão, chỉ có tiếng không có sự thật.

(2) Tự ích : Ích riêng cho thân mình.

517.-Sự học, trước hết phải phân biệt việc nghĩa với việc lợi.

Trương-Thức

IX.-KHIÊM, CẦN

(Khiêm nhường, cẩn thận)

518.-Lên rằng hay, thế là mất hay ; khoe có công, thế là mất công.

Thư-Kinh

519.-Tính kiêu ngạo chớ để mọc ra ; lòng ham mê chớ để buông rộng ; chí phải cho to, chớ có mãn túc (1) ; vui phải có hạn, chớ có kỳ cùng.

Lễ-Ký

(1) Mãn túc : Tự cho là to, là đầy đủ.

520.-Người quân tử, bất kỳ làm việc gì, cẩn thận ngay từ lúc bắt đầu.

Lễ-Ký

521.-Vì tức giận một lúc, mà quên cả thân, quên cả cha mẹ, thế là nhầm lắm.

Luận-Ngữ

522.-Chớ khoe điều hay, chớ phô công trạng.

Luận-Ngữ

523.-Vì mình không tranh, cho nên thiên hạ không ai có thể cùng tranh nổi.

Lão-Tử

524.-Cứng quá tất gãy, găng quá tất đứt.

Lục-Thao-Tam-Nghi

525.-Loài kim cứng quá thì gãy, mảnh da căng quá thì rách.

Thuyết-Uyển

526.-Cậy mình phú quý, học thức mà khinh người, đều là tự mình gây dựng ra tai vạ cả.

Bàng-Thị Gia-Huấn

527.-Loài kim vì cứng mà hay gẫy, nước vì mềm mà được toàn.

Bão-Phác-Tử

528.-Cảnh giàu sang giống như nhà trọ, chỉ người cẩn thận mới ở được lâu.

Cáp-Khoan-Nhiêu

529.-Phàm việc nên nhường công, nên để hay cho người, chớ có khoe tài, khoe đức của mình vào đấy.

Tiết-Kính-Hiên

530.-"Khí" kiêng nhất là hung hăng, "tâm" kiêng nhất là hẹp hòi, "tài" kiêng nhất là bộc lộ.

Lã-Khôn

531.-Tự khiêm thì người ta càng phục, tự khoe thì người ta càng khinh.

Kinh-Viên Tiểu-Ngữ

X.-CHÍ KHÍ

(Chí tiết, khí khái)

532.-Kẻ học giả có chí muốn biết những sự cao minh, mà còn xấu hổ mặc không được đẹp, ăn không được ngon, thì chưa đáng cùng nói chuyện cao minh được.

Luận-Ngữ

533.-Thấy lợi nghĩ đến nghĩa mà không lấy bậy, lâm nạn làm hết sức mà không tiếc thân, một lời giao ước, tuy lâu ngày mà vẫn nhớ mãi.

Luận-Ngữ

534.-Đáng chết thì chết : quyết không cầu thả cầu sống, để cho "tâm" không được yên, thà chỉ nên thí thân đi, để cho "tâm" được yên và "đức" được trọn vẹn.

Luận-Ngữ

535.-Người đã biết nuôi "chí" thì không nghĩ đến "hình" ( quí tinh thần hơn quí thân thể ).

Trang-Tử

536.-Người nào có chí, làm việc hay nên.

Hậu-Hán-Thư

537.-Nghèo là cảnh thường của học trò ; chết là sự hết của đời người.

Gia-Ngữ

538.-Ai mà thân được nhàn rỗi thì chí thường hẹp hòi.

Gia-Ngữ

539.-Đói xác ve hơn no lè tè bọ hung.

Bão-Phác-Tử

540.-Người đi học chẳng lo không có tài, chỉ lo không có chí.

Diêm-Thiết-Luận

541.-Người quân tử, trọng được, khinh được, làm tội được, giết chết được, nhưng không thể bắt làm xằng được.

Diêm-Thiết-Luận

542.-Người quân tử không buồn tuổi sắp già, chỉ lo chí trễ nải.

Trung-Luận

543.-Người đời đục cả, ta một mình trong ; người đời say cả, ta một mình tĩnh.

Khuất-Bình

544.-Liêm sỉ là việc lớn, tử sinh là việc nhỏ.

Diệp-Mộng-Đắc

545.-Không gì nghèo bằng không có tài, không gì hèn bằng không có chí.

Uông-Cách

546.-Học trò trong nước mà không có chí tiết, thì thế nước thoi thóp như người sắp chết.

Tiết-Huyên

547.-Người ta thứ nhất phải "có chí" (1), thứ nhì phải "có thức" (2), thứ ba phải "có thường" (3).

Tăng-Quốc-Phiên

(1) Có chí : Để tâm vào việc gì và cố làm cho được.

(2) Có thức : Hiểu biết tính người, việc đời.

(3) Có thường : Bao giờ cũng vậy, không biến đổi, không gián đoạn.

548.-Phải trái không rõ ràng, tiết nghĩa không giảng xét, thiên hạ sở dĩ loạn là tại thế.

Hồ-Lâm-Dực

XI.-KHOAN THỨ

(Rộng rãi, bao dong)

549.-Việc gì người ta làm cho mà ta không thích, ta cũng chớ làm việc ấy cho người ta.

Lễ-Ký Trung-Dung

550.-Những điều mình không muốn, thì chớ làm cho người.

Luận-Ngữ

551.-Một lời nên làm luôn là "Thứ" (1) ; một việc nên có luôn là "Chính" (2).

Thân-Giám

(1) Thứ : Khoan dong, có lượng.

(2) Chính : Ngay thẳng, không gian phi.

552.-Người quân tử không trách việc người ta không nghĩ tới, không ép việc người ta không làm được, không bắt việc người ta không thích.

Văn-Trung-Tử

553.-Chim không thể chạy, ngựa không thể hay, can gì chê nhau những điều không thể hay.

Nguyên-Điền

554.-Đừng oán ta không bằng ai, người không bằng ta vô số ; đừng khoe ta giỏi hơn ai, người giỏi hơn ta cũng nhiều.

Khuyến-Giới-Toàn-Thư

555.-Đem lòng trách người mà trách mình, thì ít lỗi ; đem lòng dong mình mà dong người, thì ít oán.

Lâm-Bô

556.-Trông thấy những việc cực ác (1) thế gian, thì còn sự nhầm, sự lỗi gì, mà chả dong thứ ; nghĩ đến những kẻ cực oan xưa nay, thì câu mỉa, câu chê gì là đáng so kể.

Lưu-Cao

557.-Trách người đến nỗi người ta ngậm miệng, nín tiếng, đỏ mặt, toát mồ hôi, mình tuy hả lòng, song thế thật là con người nông nổi khe khắt quá.

Lã-Khôn

558.-Không trách gì người là cách cần nhất để biết sửa lấy thân ; hay thể (1) cho người ta là cách cần nhất để tập cho có lượng.

Lã-Khôn

(1) Thể : Đem thân mình mà xử vào cảnh người.

559.-Việc đời có việc mình không thích mà người thích, có việc người thích mà mình không thích.

Lã-Khôn

560.-Chớ đem điều mình giỏi, mà bắt người cũng như thế ; chớ đem điều mình hay, mà khinh người không được thế.

Triệu-Khiêm

561.-Thiện không gì quí bằng "khoan dung" ; ác không gì dở bằng "ghen ghét".

Tăng-Quốc-Phiên

XII.-THIỆN ÁC

(Lành, dữ)

562.-Thiện không làm nhiều, không đủ nổi tiếng ; ác không tích nhiều, không đủ hại thân.

Dịch-Hệ-Từ

563.-Người thiện làm điều lành, suốt ngày như chưa đủ ; người ác làm điều dở, cũng suốt ngày như chưa đủ.

Thư-Kinh

564.-Giồng "đức" chăm cho lớn, trừ "ác" bỏ cho sạch.

Thư-Kinh

565.-Người tốt mà giàu, thế là trời thưởng ; người xằng mà giàu, thế là trời phạt.

Tả-Truyện

566.-Thiện thì thiện theo, ác thì ác theo, cũng như bóng theo hình, vang theo tiếng.

Đổng-Trọng-Thư

567.-Chớ bảo điều thiện này nhỏ mà chẳng làm, chớ bảo điều ác kia nhỏ mà cứ làm.

Thục-Tiên-Chúa

568.-Công chẳng gì giỏi bằng bỏ ác mà làm thiện, tội chẳng gì to bằng bỏ thiện mà làm ác.

Tân-Thư

569.-Biết hay mà không tin, gọi là dại ; biết dở mà không chừa, gọi là mê.

Dục-Tử

570.-Bụng người quân tử, muốn cho người ta cũng hay như mình ; bụng kẻ tiểu nhân, muốn cho người ta cũng dở như mình.

Trình-Di

571.-Ẩn ác, dương thiện là bậc thánh ; thích thiện ghét ác là bậc hiền ; tách bạch thiện, ác quá đáng là hạng người tầm thường ; điên đảo thiện, ác để sướng miệng gièm pha, là hạng tiểu nhân hiểm ác.

Chu-Trung-Trang-Công

572.-Suốt đời làm lành, lành cũng chưa đủ ; một ngày làm ác, ác đã có thừa.

Hà-Viên

573.-Kẻ trách mình, có thể làm nên điều hay cho người ; kẻ trách người, thật là làm thêm cái dở cho mình.

Hứa-Hành

574.-Nghe thấy người ta hay thì ngờ, nghe thấy người ta dở thì tin, thế là bụng đầy những gươm giáo.

Trần-Kế-Nho

XIII.-HIẾU, Ố

(Yêu, ghét)

575.-Yêu ai, nhưng cũng nên biết điều dở của người ấy ; ghét ai, nhưng cũng phải biết điều hay cho người ấy.

Lễ-Ký

576.-Khi yêu thì muốn cho sống, khi ghét lại muốn cho chết ; mình không có quyền làm được sống, chết, mà lúc thì muốn cho sống, lúc lại muốn cho chết, như thế thật là mê hoặc lắm thay.

Luận-Ngữ

577.-Có kẻ nhiều người ghét, song hoặc là kẻ có tính khác thường (1) chăng, ta hẳn phải xét xem, thật đáng ghét vậy sau mới ghét. Có kẻ nhiều người yêu, song hoặc là kẻ có tính nịnh đời (2) chăng, ta hẳn phải xét xem thật đáng yêu, vậy sau mới yêu.

Luận-Ngữ

(1) Khác thường : Tư tưởng, hành vi một cách sâu xa, trái hẳn với hạng người tầm thường.

(2) Nịnh đời : A dua, lấy lòng tất cả những hạng người.

578.-Người mê thích điều lành, phúc tuy chưa đến, song họa đã xa ; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa.

Trung-Luận

579.-Người mà nhiều người ghét, thì nguy lắm.

Tuân-Tử

580.-Việc được, thì gièm pha nổi lên ; đức cao, thì chê bai kéo đến.

Hàn-Dũ

581.-Yêu người mà yêu vô lý, thành ra làm hại cho người ; ghét người mà ghét vô lý, thành ra làm hại cho thân.

Ngụy-Tế-Thụy

582.-Người quân tử, ta nên thân, song không nên quá chiều mà phụ họa ; kẻ tiểu nhân, ta nên tránh, song không nên ruồng rẫy như hằn thù.

Thân-Hàm-Quang

XIV.-THỦ,DỮ

(Lấy,cho)

583.-Người quân tử cứu kẻ khốn khó, chẳng làm giàu thêm cho kẻ đã giàu.

Luận-Ngữ

584.-Người ai cũng biết có "lấy" mới gọi là "lấy", nhưng không biết cách "cho" mà cũng là "lấy".

Hàn-Đàm-Truyện

585.-Giàu có mà biết trẩn cấp cho kẻ khốn cùng mới là quý, nếu không, thì chỉ là một đứa canh tiền.

Mã-Viện

586.-Kẻ chịu ơn, thường sợ người ; kẻ làm ơn, thường kiêu người.

Gia-Ngữ

587.-Không đáng cho mà cho, thì không phải là ơn.

Diêm-Thiết-Luận

588.-Bo bo giữ của không biết bố thí, thì thật là đầy tớ đồng tiền.

Đường-Tử

589.-Làm ơn cho ai, thì chớ kể ; chịu ơn của ai, thì chớ quên.

Viên-Thị-Thế-Phạm

XV.-GIAO TẾ

(Cách giao tiếp với mọi người)

590.-Lễ, quý có đi, có lại với nhau.

Lễ-Ký

591.-Cùng bè bạn chơi, nói phải có tín (1).

Luận-Ngữ

(1) Tín : Nói thế nào, làm như thế. Không dối trá.

592.-Làm bạn với người thẳng, người thật, người giỏi thì có ích ; làm bạn với người gian, người nịnh, người lém thì có hại.

Luận-Ngữ

593.-Không biết phân biệt câu nói hay, dở, thì không thể nào biết kẻ tà, người chính được.

Luận-Ngữ

594.-Chơi với người hay như vào nhà hoa, lâu không ngửi thấy thơm, thế là hóa hay. Chơi với kẻ dở, như vào hàng cá, lâu không ngửi thấy tanh, thế là hóa dở.

Lễ-Ký

595.-Giàu sang mà nhũn nhặn thì ai chả quý, giàu sang mà âu yếm, thì ai chả thân.

Gia-Ngữ

596.-Lễ nhiều, nói ngọt là mồi giử ta.

Tả-Khưu-Minh

597.-Quen biết sơ sài mà chuyện nói thân thiết, thế là người ngu.

Thôi-Nhân

598.-Xem chơi với ai, đủ biết con người hay dở.

Quản-Tử

599.-Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, người nịnh hót ta là kẻ hại ta.

Tuân-Tử

600.-Ở phải chọn láng giềng, chơi phải chọn bạn.

Tuân-Tử

601.-Kẻ lấy thần thế chơi với nhau, thần thế đổ là hết bạn ; kẻ lấy của cải chơi với nhau, của cải tan là mất bạn.

Văn-Trung-Tử

602.-Quân tử khi lấy gì, thì xem người cho, đáng lấy mới lấy ; khi cho gì, thì ai cũng cho, không cần phải chọn.

Thuyết-Uyển

603.-Người quân tử mời được, nhưng không dụ được ; bỏ được, nhưng không khinh được.

Văn-Trung-Tử

604.-Chơi với người trên, chớ nịnh ; chơi với người dưới, chớ kiêu.

Dương Tử

605.-Người ta đi xa, qua sông không khó, trèo non không khó, chỉ khó tại nơi nhân tình giáo dở, hiểm hơn non sông.

Bạch-Cư-Dị

606.-Kẻ ta nói chọc tức mà không giận, phi là người có đại lượng, tất là kẻ có thâm cơ.

Lưu-Phan

607.-Người nào không hay chịu nghe lời, thì một câu, ta cũng không nên nói với.

Hoàng-Đình-Kiên

608.-Thích điều hay thì bạn hay đến, thích điều dở thì bạn dở đến.

Trình-Hiệu

609.-Người ta chưa biết bụng mình, chẳng nên vội cần cho người ta biết ; người ta chưa hợp ý mình, chẳng nên vội cầu cho người ta hợp.

Tiết-Huyên

610.-Người ta bất đắc dĩ phải ở với kẻ vô nghĩa (1), thỉ ngoài phải hòa nhã, trong phải bình tâm, ngõ hầu mới khỏi tai vạ.

Nguyện-Thể-Tập

(1) Vô nghĩa : Không biết lẽ phải trái ; người xằng.

611.-Không hứa bậy, cho nên mình không phụ ai ; không tin bậy, cho nên không ai phụ mình.

Ngô-Hoài-Dã

612.-Kẻ hay nói xấu người, thật là khinh bạc ; kẻ gặp ai cũng khen ngợi, thì cũng chưa phải là người hay.

Trần-Cơ-Đình

613.-Đối người phú quí, có lễ độ không khó, có thể thống mới khó ; đối người bần tiện, có ơn huệ không khó, có lễ độ mới khó.

Lưu-Cao

614.-Kẻ không phục ai, cùng kẻ thấy ai cũng phục, đều là ngu si, gàn dở cả.

Kinh-Viên-Tiểu-Ngữ

615.-Câu khen quá đáng của người bạn, lại hại hơn câu chê quá đáng của kẻ thù.

Ly-Mã-Bão

616.-Lên trời khó, cầu cạnh người ta lại khó hơn ; hoàng điên đắng,nghèo khổ lại đắng hơn ; giá mùa xuân bạc, tình người lại bạc hơn ; sông núi hiểm, lòng người lại hiểm hơn. Biết được khó, chịu được khổ, quen được bạc, dò được hiểm thì mới khả dĩ ở đời.

Tiền-Hạc-Than

617.-Lòng nghĩ làm hại người, chẳng nên có ; lòng nghĩ để phòng người chẳng nên không.

Tôn-Miện

618.-Quân tử đối với người, dạy dỗ không nghe, vậy sau mới trách ; thể tất (1) không được, vậy sau mới giận.

Lã-Khôn

(1) Thể tất : Đem thân mình xử vào địa vị người.

619.-Đối với người lo, chớ vui ; đối với người khóc, chớ cười ; đối với người thất ý (1), chớ khoe.

Lã-Khôn

(1) Thất ý : Buồn bực không được như lòng ước ao.

620.-Hai bên cùng hối, thì không sự căm giận gì là không tan ; hai bên cùng ưa, thì không sự giao du gì là không hợp ; hai bên cùng giận, thì không sự tai vạ gì là không gây nên.

Lã-Khôn

621.-Muốn làm người tốt, phải tìm bạn tốt.

Cổ-Ngữ

622.-Kẻ nào theo ý ta mà nói là kẻ tiểu nhân, ta nên xa tránh.

Thân-Hàm-Quang

XVI.-BẦN, PHÚ

(Nghèo, giàu)

623.-Nghèo chẳng nên nói dối, giàu chẳng nên cậy mình.

Thái-Công

624.-Kẻ  tiểu nhân nghèo thì bủn xỉn, giàu thì kiêu căng.

Lễ-Ký

625.-Người mà tính hung hăng, lại ghét nghèo khổ, thì tất làm xằng.

Luận-Ngữ

626.-Nghèo mà không nịnh, giàu mà không kiêu.

Luận-Ngữ

627.-Nghèo mà không oán mới khó, giàu mà không kiêu còn dễ.

Luận-Ngữ

628.-Người giàu có mà không khôn ngoan, thì cũng như bù nhìn mặc áo gấm.

Triệu-Vũ

629.-Ai sinh ra mà giàu ngay thì kiêu, ai sinh ra mà sang ngay thì hay ngạo.

Hậu-Hán-Thư

630.-Có cái rất giàu mà không phải là vàng bạc, có cái sống rất lâu mà không phải là thọ nghìn năm.

Hoài-Nam-Tử

631.-Rất sang không phải đợi phải có chức tước, rất giàu không đợi phải có tiền tài.

Hoài-Nam-Tử

632.-Chăm cho có vốn to mà tiêu dùng chừng mực, thì giời cũng không bắt nghèo được.

Tuân-Tử

633.-Nhà có của cải hàng nghìn, hàng vạn, mà không biết cách làm ăn, thì cũng như nghèo vậy.

Hàn-Thi-Ngoại-Truyện

634.-Giàu phải nghĩ đến lúc nghèo, trẻ phải nghĩ đến lúc già.

Thuyết-Uyển

635.-Ta được giàu sang, chớ để người cười là phường béo ăn (1) ; ta phải nghèo hèn, chớ để người chê là đồ vô chí (2).

Lục-Sinh

(1) Béo ăn : Chỉ vụ ăn uống sung sướng, không biết lo sâu tính xa. Những công việc cho thân cho nhà.v.v…

(2) Vô chí : Chịu ép một bề, không biết để tâm lo liệu lập lấy thân.

636.-Không lấy bậy của ai, gọi là giàu ; không bị nhục với ai, gọi là sang.

Công-Nghi

637.-Luồn cúi để giàu sang, chẳng bằng nghèo hèn mà khí khái.

Khổng-Tòng-Tử

638.-Giời cho ta giàu sang sung sướng, là chiều chuộng để cho ta dễ làm lành ; giời bắt ta nghèo khổ lo buồn, là mài giũa để cho ta kiên gan, bền chí.

Trương-Hoành-Cừ

639.-Bần tiện sinh ra cần kiệm, cần kiệm sinh ra phú quý, phú quý sinh ra kiêu sa, kiêu sa sinh ra dâm dật, dâm dật lại sinh ra bần tiện.

Sử-Điển-Nguyện-Thể-Tập

640.-Nghèo không là xấu, nghèo mà không có chí mới là xấu ; hèn không đáng ghét, hèn mà không có nghề mới đáng ghét.

Lã-Khôn

XVII.-ÂN, OÁN

(Ân huệ, thù oán)

641.-Chỉ chuyên tâm làm lợi cho riêng mình, thì nhiều người oán.

Luận-Ngữ

642.-Chẳng oán giời, chẳng trách người.

Luận-Ngữ

643.-Dùng ân đức để báo oán.
Lão-Tử

644.-Dùng cách ngay thẳng để báo oán, dùng lòng ân đức để báo ơn.

Luận-Ngữ

645.-Ăn ở đến hàng nghìn người chỉ mặt, thì không bệnh cũng phải chết.

Hán-Thư

646.-Miệng nói ân huệ, mà thật không có gì, thì chỉ tổ cho người ta oán.

Quản-Tử

647.-Làm những việc to, chẳng nên nề hà những oán nhỏ.

Hán-Quang-Vũ

648.-Người ta soi gương, thấy mặt bẩn, thì lau rửa ngay và khen gương tốt. Sao khi có tội lỗi, gặp được ai chỉ trích, thì lại ghét mà không ơn.

Hoài-Nam-Tử

649.-Của chứa nhiều, mà không biết dùng, thì thật là "kho oán".

Thuyết-Uyển

650.-Kẻ biết phận mình, chẳng oán giời ; kẻ biết thân mình, chẳng trách người.

Thuyêt-Uyển

XVIII.-LỢI, HẠI

651.-Lợi làm cho trí khôn tối tăm.

Sử-Ký

652.-Trước hết tránh hại, sau mới hãy cầu lợi.

Hậu-Hán-Thư

653.-Chỉ vì lợi mà sinh bao nhiêu hoạn nạn.

Tiêu-Doãn

654.-Có quả quyết mới trừ được cái "hại".

Chu-Thư

655.-Thiên hạ đều vì lợi mà xô đẩy nhau đi, thiên hạ đều vì lợi mà đua chen nhau lại.

Lục-Thao-Dật-Văn

656.-Tâm chẳng được điều "nghĩa" thì chẳng vui, thân chẳng được chút "lợi" thì chẳng yên.

Phồn-Lộ

657.-Ai cũng biết lợi mới là lợi, mà chẳng biết không hại cũng là lợi ; ai cũng biết hại mới là hại, mà chẳng biết có lợi cũng là hại.

Khuyến-Giới-Toàn-Thư

658.-Làm được một điều lợi, không bằng trừ được một điều hại.

Gia-Luật-Sở-Tài

659.-Lấy lợi chung của nước làm lợi riêng của mình, thì gọi là kẻ làm tàn hại nước.

Hoàng-Lê-Châu

660.-Thấy lợi xông vào, thấy hại lùi lại, hay vơ vào mình, dở đùn cho người, đó là thói thường kẻ tiểu nhân vậy.

Lã-Khôn

661.-Người ta hay có lỗi to, là chỉ tại "tự tư, tự lợi" (1).

Lã-Khôn

(1) Tự tư, tự lợi : Chỉ biết mình, chỉ ích mình không nghĩ đến ai cả.

XIX.-HỌA, PHÚC

662.-Nhà làm nhiều điều lành, tất có phúc thừa ; nhà làm những điều chẳng lành, tất có vạ thừa.

Dịch-Kinh

663.-Người ta thường sống về lo nghĩ, hoạn nạn (1) mà chết về yên nhàn, vui sướng (2).

Mạnh-Tử

(1) Lo nghĩ hoạn nạn : Cảnh khổ thúc giục người ta lo nghĩ để lập thân, để gây dựng cơ đồ, sự nghiệp.

(2) Yên nhàn vui sướng : Cảnh sướng làm cho người ta hay sinh ra phóng đãng và bại hoại, nguy vong.

664.-Không có đức mà phúc nhiều, thì cũng như không có nền, mà tường cao, chả bao lâu thế nào cũng đổ.

Phạm-Văn-Tử

666.-Ái có đức thì thịnh vượng, ai cậy sức thì nguy vong.

Triệu-Lương

667.-Ai làm lành thì giời cho phúc, ai làm ác thì giời bắt tội.

Gia-Ngữ

668.-Còn hay mất, phúc hay họa, do ở mình cả ; tai giời, gở đất thì có can gì.

Tập-Ngữ

669.-Nhiều người yêu thành ra phúc ; nhiều người ghét thành ra họa.

Hoài-Nam-Tử

670.-Chỉ ai không cầu lợi mới không hại, chỉ ai không cầu phúc mới không họa.

Hoài-Nam-Tử

671.-Giàu sang mà tài đức không xứng, thì tai vạ mới to.

Vương-Phù

672.-Của ngon nát ruột, sắc đẹp mê lòng, người hung hăng hay phải vạ, miệng biện ác hay chiêu tai (1).

Diêm-Thiết-Luận

(1) Chiêu tai : Vời chuốc lấy tai vạ.

673.-Thấy tai vạ mà hay làm lành, thời tai vạ không đến nữa.

Thuyết-Uyển

674.-Ai có phúc lạ thường, tất nhiên có họa lạ thường.

Liệt-Nữ-Truyện

675.-Phúc đến thì bụng khôn ngoan, họa lại thì thần mê muội.

Sử-Chiếu-Thông-Giám

676.-Sức mạnh không thể làm được phúc, trí khôn không thể tránh được vạ.

Kê-Khang

677.-Thường khi giây phút không nhẫn, mà sinh ra tai vạ rất to.

Vương-An-Thạch

678.-Làm lành mà mong giời báo thì không được phúc ; làm ơn mà chực người báo thì không có đức.

Dả-Thạch-Quì

679.-Việc làm tại người, mà thành được việc thì tại giời ; phúc giáng tự giời, mà ở được phúc thì tự người.

Lưu-Cao

680.-Cho quỉ thần là "chưa chắc đã biết" thì chẳng nên cầu phúc ; cho quỉ thần là "quyết nhiên có biết" thì chớ nên làm xằng.

Lưu-Cao

681.-Kẻ có tiếng hão, kẻ hay ác ngầm, kẻ sẵn lòng ghen ghét, thì thường hay gặp tai vã bất ngờ.

Tăng-Quốc-Phiên

XX.-TẾ NGỘ

(Gặp gỡ duyên may)

682.-Hùm thiêng ở núi, oai vệ vô cùng, đến lúc sa cơ, cũng hèn, cũng nhục.

Tư-Mã-Thiên

683.-Nhẹ nhàng như chim hồng bay gặp cơn gió xuôi, vùng vẫy như con cá to ra làn nước lớn.

Vương-Bao

684.-Rồng mà thất thế, thì cũng như giun.

Ngỗi-Ngao

685.-Cỏ bồng gặp gió, mà đi được nghìn dặm, là thừa cái thế gió (Nhân cơ hội mà làm thì dễ).

Thương-Tử

XXI.-ĐẠT SINH

(Biết thấu việc đời và đời người)

686.-Trong họa, phúc thường mọc sẵn ; trong phúc, hoa thường nấp sẵn.

Lão-Tử

687.-Người ta đều biết sống là vui, chưa biết sống là khổ ; đều biết già là mệt, chưa biết già là nhàn ; đều biết chết là xấu, chưa biết chết là được yên.

Liệt-Tử

688.-Người sinh ở đời, nếu trong lòng không tự đắc (1) thì đi đến đâu mà chả khổ ; nếu trong lòng thản nhiên (2) thì đi đến đâu mà chả sướng.

Mã-Tồn

(1) Tự đắc : Vui vẻ, tự nhiên, bằng lòng số phận.

(2) Thản nhiên : Khoan khoái, tự nhiên, không để sự vật bên ngoài làm lụy đến tâm thân.

689.-Chớ đem vọng tưởng (1) mà hại chân tâm (2) ; chớ đem khách khí (3) làm hại nguyên khí (4).

Hồ-An-Quốc

(1) Vọng tưởng : Nghĩ xằng, nghĩ viển vông, hão huyền.

(2) Chân tâm : Tính trời tự nhiên, vốn lành vốn hay.

(3) Khách khí : Hơi xằng, hơi hão, thường làm cho người ta tức giận vô ích.

(4) Nguyên khí : Tính khí của giời phú cho người ta.

690.-Nhàn tản lắm chẳng phải là chân lạc (1).

Chu-Hi

(1) Chân lạc : Vui vẻ một cách chân chính.

691.-Bậc đại nhân cho cả thiên hạ làm một thân : nếu nào ta, nào người, tách bạch quá đáng, thì tâm mình đã chênh lệch rồi, còn bình thiên hạ sao được ; cho nên muốn tu thân, trước phải chính tâm (1).

Dương-Phục-Sở

(1) Chính tâm : Làm cho tâm(tư tưởng) được bằng phẳng ngay ngắn không chênh lệch tí nào.

692.-Người ta lúc nhắm mắt đi thì dể cho sâu bọ tha hồ đục vào thây xác, thế mà lúc sống, không chịu nhường nhịn nhau một chút, là tại làm sao ?

Cao-Phan-Long

693.-Lời nói, việc làm so sánh với cổ nhân thì "đức" tiến (1) ; công danh phú quí phó mặc cho thiên mệnh (2), thì "tâm" nhàn (3) ; báo ứng (4) nghĩ đến con cháu, thì không làm xằng ; hưởng thụ lo đến túng thiếu, thì tiêu dùng biết tiết kiệm.

Trần-Cấp-Sơn

(1) Đức tiến : Đức hạnh một ngày một hay nên.

(2) Thiên mệnh : Mệnh trời đã định cho người ta.

(3) Tâm nhàn : Tâm thần khoan khoái không phiền não.

(4) Báo : Có cho tất có báo ; Ứng : Có cảm tất có ứng.

694.-Người ta trong tâm trừ bỏ hết những sự lo nghĩ vớ vẩn, thời thiên lý (1) hiển hiện, khoái hoạt vô cùng.

Lý-Tử-Dung-Cốc

(1) Thiên lý : Lẽ phải tự nhiên.

695.-Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy, nếu chẳng để lo thân, cho tâm yên lặng được một lúc, thì cũng đáng thương.

Nhân-Sinh-Tất-Độc-Thư

696.-Người ta có chút việc chưa được hả lòng, cũng là cái hay ; nếu cái gì cũng được hả lòng, thì thế nào cũng có cái dở to theo sau.

Nhân-Sinh-Tất-Độc-Thư

697.-Cái vui tự nhiên mới thật là vui ; nghĩ cho kỹ, trong vũ trụ (1) còn có việc gì nũa.

Trần-Bạch-Sa

(1) Vũ trụ : Khoảng trong trời đất bốn phương gọi là vũ (không gian) ; thời giờ đời cổ qua đời nay gọi là trụ (thời gian).

698.-Người ta nghĩ đến lúc chết đi, không còn có một vật gì nữa, thì mưu kia, kế nọ tự nhiên tiêu trừ.

Cao-Phan-Long

XXII.-VẬT LOẠI

(Loài vật)

699.-Hai con hổ tranh mồi đánh nhau, con nhớn tất đau, con nhỏ tất chết.

Trần-Trẩn

700.-Áo cừu tuy rách, không thể dùng da chó mà vá được.

Xuân-Thu-Hậu-Ngữ

701.-Chim bị bắn sẩy, thường sợ cây cong.

Phó-Dịch

702.-Cái bóng không vật gì cong mà thẳng được, cái vang không vì tiếng xấu mà tốt được.

Quản-Tử

703.-Cây thẳng đẫn trước, giếng ngọt cạn trước.

Trang-Tử

704.-Đá đập được, mà không thể làm mất được chất rắn ; son mài được, mà không thể làm mất được sắc đỏ.

Lã-Thị-Xuân-Thu

705.-Ngựa giống như hươu, thì già nghìn vàng ; hươu thật thì không bao giò được giá ấy.

Hoài-Nam-Tử

706.-Cá, giải chán vực sâu mà ra chỗ nông, cho nên mắc phải chài lưới ; chim, muông chán rừng rậm mà xuống đồng bằng, cho nên bị phải cạm bẫy.(Người ta không biết yên phận thì thường khổ).

Hàn-Thi-Ngoại-Truyện

707.-Gấm vóc mà xé rách từng mảnh, không bằng vải thường mà còn nguyên.

Bão-Phác-Tử

708.-Những thứ hổ báo ăn thừa, là thứ chuột bọ tranh nhau chí chết.

Bão-Phác-Tử

709.-Ngọc mà hóa ra đá, châu mà hóa ra sỏi, là tại lời gièm pha cả (Những lời gièm pha làm cho cái hay hóa dở).

Luận-Hành

Chương Thứ Tư

I.-TẠP NGỮ

(Câu vặt)

710.-Không phải thần đáng tế mà tế, là siểm nịnh.

Luận-Ngữ

711.-Ba lần gẫy tay mới hay thuốc.

Tả-Truyện

712.-Tóc ngắn tấm lòng dài.

Tả-Truyện

713.-Người đàn bà góa không nghĩ việc dệt vải mà lo nhà nước nguy vong (quên việc mình, lo việc nước).

Tả-Truyện

714.-Chó anh Chích (1) cắn vua Nghiêu (2), không phải tại vua Nghiêu bất nhân, mà tại vua Nghiêu không phải là chủ nó.

Khoái-Triệt

(1) Chích : Tên thằng ăn trộm.

(2) Nghiêu : Một bậc thánh đế thời cổ.

715.-Không phải thổ nghi, giồng cũng không mọc ; không phải ý muốn, dạy cũng không thành ?

Sử-Ký

716.-Người sinh ở đời như bóng ngựa câu qua cửa sổ.

Trương-Lương

717.-Vì nước quên nhà, vì công quên tư.

Giả-Nghị

718.-Muốn cho nước sôi nguội dần, một người đun, trăm người khuấy vẫn vô ích ; sao bằng rút củi ra và tắt lửa đi.

Mai-Thặng

719.-Thiên hạ có người sợ bóng mình, ghét vết mình, cắm cổ chạy, vết lại càng nhiều, bóng lại càng nhanh ; chẳng bằng đến chỗ rợp mà nghỉ, thì tự nhiên bóng mất hẳn và vết tuyệt ngay. (Sửa mình thì tự khắc những lời gièm pha che bai tịt mất).

Mai-Thặng

720.-Chẳng hôi thối thì ruồi, nhặng đã chẳng hay đến.

Trần-Phồn

721.-Thợ vẽ ghét vẽ chó, ngựa, thích vẽ mà quỷ, vì sự thực khó hình dung, mà sự hão huyền dễ bày đặt vậy.

Trương-Hành

722.-Kẻ sĩ nhiều người cậy "tài" mà hỏng mất "nết".

Phùng-Diễn

723.-Gai góc không phải là nơi phượng hoàng đậu.

Cừu-Lãm

724.-Củi cả rừng không thể tiếp được lửa ma chơi, nước cả sông không đổ đầy được chén thủng.

Vương-Phù

725.-Bạn nghèo hèn không nên quên, vợ hàn vi không nên bỏ.

Tống-Hoằng

726.-Báo chết để da, người ta chết để tiếng.

Vương-Ngạn-Trương

727.-Chim đến lúc cùng thời mổ, muông đến lúc cùng thời cào, người ta đến lúc cùng thời dối giá.

Nhan-hồi

728.-Tính người tầm thường, như nước ở lọ ; lọ vuông nước vuông, lọ tròn nước tròn.

Vương-Hóa-Cơ

729.-Biết con không ai bằng cha.

Quản-Tử

730.-Cá mất nước thì cá chết, nước mất cá, nước vẫn là nước.

Vựng-Uyển

731-Lòng người nham hiểm hơn núi sông.

Trang-Tử

732.-Kẻ, có mặt người ta, hay nịnh hót, thì khi người ta vắng mặt, cũng hay chê bai.

Trang-Tử

733.-Vượn, khỉ mà mặc áo cho đẹp, tất cào, cắn, xé rách, sau mới hả lòng.

Trang-Tử

734.-Lưới trời lồng lộng, thưa mà không sót.

Lão-Tử

735.-Vật trong thiên hạ chẳng gì mềm nhũn bằng nước, thế mà to vô hạn, sâu vô cùng.

Hoài-Nam-Tử

736.-Nguồn trong, dòng nước trong ; nguồn đục, dòng nước đục.
Tuân-Tử

737.-Giời không vì người ghét rét, mà bỏ mùa đông.

Tuân-Tử

738.-Chim hồng, chim hộc, cất cánh bay xa, là nhờ có lông cánh ; lông nhỏ trên lưng, lông tơ dưới bụng, mọc thêm một nắm, bay chẳng cao hơn, rụng mất một nắm, bay chẳng thấp hơn.

Hàn-Thi-Ngoại-Truyện

739.-Một mình trông, chẳng bằng cùng nhiều người trông, sáng hơn ; một mình nghe, chẳng bằng cùng nhiều người nghe, suốt hơn.

Hàn-Thi-Ngoại-Truyện

740.-Thân dê mà lốt cọp, thấy cỏ thì thích, thấy chó sói thì run, quên mất cả bộ da khoác là lốt cọp.

Dương-Tử

741.-Người ta ai cũng có lòng ham muốn, ham muốn thời cầu, cầu thời tranh, tranh thời chết.

Tuân-Tử

742.-Con gà ấp mổ con cáo, con chó đẻ gừ con cọp, tuy hăng hái thật, song cái chết đã theo sau.

Ngô-Tử

743.-Núi nhọn thời không cao, song hẹp thời không sâu.

Tân-Tụ

744.-Con hổ, con báo chưa đủ lông vằn, đã có chí ăn thịt trâu, dê ; chim hồng, chim hộc chưa đủ lông cánh, đã dắp lòng bay xa bốn bể.

Thi-Tử

745.-Lửa bốc lên cao, nước chảy xuống thấp, thế mà lửa bao giờ cũng thua nước.

Văn-Trung-Tử

746.-Giận bốc lên nóng hơn lửa ; lưỡi nói ra sắc hơn gươm.

Hoàng-Hiến

747.-Tay áo dài thì múa khéo, tiền bạc nhiều thì buôn giỏi.

Hàn-Phi-Tử

748.-Mặt trời mặt trăng làm sáng sủa cho thiên hạ mà không ai ơn ; đất nước núi sông, làm no ấm cho thiên hạ, mà không ai quí.

Nhâm-Tử

749.-Con cá no muốn làm khác hẳn loài cá, bỏ nước nhảy lên bờ thì phải chết ; con hổ muốn làm khác hẳn loài hổ, bỏ núi ra đồng bằng thì phải bắt.

Quan-Doãn-Tử

750.-Trời xa mà đáng tin, người gần mà khó biết.

Cổ-Ngữ

751.-Người giỏi không thương thân mình chết, mà lo nước nhà suy.

Tô-Tuân

752.-Phú quí là cạm của trời, bần tiện là trường học của trời, hoạn nạn là roi vọt của trời.

Tạ-Mai-Trang

753.-Ngày thường chẳng thắp hương, lúc nguy cấp mới ôm chân phật.

Cổ-Ngạn

754.-Ngựa hèn hay quanh quẩn ở chuồng.

Cổ-Ngạn

755.-Mõ vì kêu mà chóng thủng, dầu vì sáng mà chóng hao.

Cổ-Ngạn

756.-Ban ngày chớ nói chuyện người, ban đêm chớ nói chuyện ma.

Cổ-Ngạn

757.-Cái tay giận dỗi không đánh nổi cái mặt tươi cười.

Cổ-Ngạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét