Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

DuongVaoPhnomPenh BuiCatVu.html

Tên sách: Đường vào Phnom-Pênh

Tác giả: Bùi Cát Vũ

Nhà xuất bản: Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh

Năm: 1981

Số hoá: các thành viên www.quansuvn.net

-         Nguồn tư liệu: RongXanh; bodoibucket: scan.

-         Đánh máy: bodoibucket, ongbom_f2, h_lananh, Kon Tiahien, binhyen1960.


Mục lục

I. NGÀY HỘI CỦA NGƯỜI LÍNH

II. TÍNH SỔ VỚI KẺ THÙ

III. ĐƯỜNG ĐẾN MÊ-KÔNG

IV. VƯỢT SÔNG

V. MỆNH LỆNH SAU CÙNG

BA NGƯỜI TIỂU ĐOÀN TRƯỞNG

VI. MƯỜI NGÀY, MỘT BƯỚC NGOẶT

VII. BẾN NEAK-LƯƠNG

VIII. ĐƯỜNG VÀO PHNOM-PÊNH

IX. CHIỀU KINH THÀNH CHÙA THÁP

X. ĐÊM PHNOM-PÊNH

XI. MỘT NGÀY MỚI BẮT ĐẦU


I
NGÀY HỘI CỦA NGƯỜI LÍNH

Chiều ngày 05-01-1979.

Đoàn xe chúng tôi phóng như lao trên đường số 1, đến ngã tư Prasát ngoặt trái vào một đường đất đỏ, rồi dừng lại trước cổng ngôi nhà ngói hai tầng.

Trên xe nhảy xuống ai nấy đều lấm đầy bụi từ đầu tới chân, lông mày, lông mi, mái tóc bạc phếch trông đến buồn cười. Trời nóng như nung, không một tí gió. Anh Dũng, Tư lệnh Đoàn 7 tươi cười xua tay nói với mấy chiến sĩ vệ binh đang xoay trần đào công sự dưới gốc cây vú sữa:

- Thôi, tàm tạm thôi các cậu, lợi dụng hầm cũ được rồi, ghé một chút rồi lại đi mà.

Năm hôm nay, từ hôm Đoàn 7 vào chiến dịch, đã chuyển Sở chỉ huy sáu lần. Chưa chỗ nào dừng lại quá một ngày đêm.

Một chiến sĩ vệ binh gạt mồ hoi trán, tủm tỉm đáp:

- Mệt mà vui thủ trưởng ạ, chứ ở lì một chỗ như mấy tháng mùa mưa chán quá, phải không thủ trưởng?

Anh Dũng nhăn mặt cười, lầu bầu:

- Cậu này lém thật.

Tôi biết anh vui lắm. Tính anh ít nói, những lúc tình huống khó khăn, anh suy nghĩ nhiều, lại càng ít nói.

Không khí trong Sở chỉ huy rất rộn rịp. Anh em tất bật triển khai cho công tác chỉ huy, chuẩn bị cho cuộc họp vào bảy giờ tối nay, lo bữa ăn chiều …

Mấy hôm nay Sở chỉ huy tiền phương của Binh đoàn đi cùng với Sở chỉ huy Đoàn 7 để kịp thời cùng nhau xử trí tình huống diễn biến hết sức nhanh chóng và phức tạp.

Anh em tác chiến phân công tôi ở gian nhà ngói trệt bên cạnh ngôi nhà hai tầng.

Ở đây đêm qua còn là Sở chỉ huy Sư đoàn 805 của Pôn-Pốt. Trong nhà bày biện đủ thứ tủ, giường, đi-văng, bàn ghế thuộc loại đắt tiền. Xung quanh nhà còn những đống lông gà còn bốc hơi, da bò nhầy nhụa máu, bếp còn ngún lửa, tài liệu giấy tờ bị đốt cháy lam nham, phảng phất một mùi khăng khẳng rất khó chịu.

Trong lúc chúng tôi đang nghe trực ban tác chiến Cừ báo cáo về tình hình phát triển của các trung đoàn thì anh Phức, chủ nhiệm hậu cần sư đoàn đâu từ ngoài đường vào. Như một chủ nhiệm hợp tác xã Hoằng Hóa mới đi thăm đồng về, anh nói bông lông:

- Chu choa, đích thị là hậu cứ Sư đoàn tám linh năm rồi, đủ thứ, kho lúa, kho muối, nhà máy xay xát … hai khẩu một trăm linh năm còn nớ, mà xe thì các bố nhót đi mô mất rồi …

Anh Thẩm, chính ủy Đoàn, nói gạt ngang với giọng Nghệ Tĩnh nằng nặng nhưng dễ nghe:

- Hậu cần của ông phải giữ những thứ đó, phân phối lúa muối cho dân, đừng để bộ đội bận bịu mà chậm mất. À, nghe nói anh em vừa đem được thực phẩm ở hậu cứ lên, có đúng không?

- Báo cáo, có đấy ạ, đường 1 vừa thông thì anh em vọt lên ngay, có đủ bò, heo, gà, vịt, cá, rau … đủ thứ …

Chúng tôi chưa nghe hết lời nói đầy tự hào nghề nghiệp của chủ nghiệm hậu cần Phức, thì xe anh Ngọc Anh, phó tư lệnh và anh Vịnh, phó chính ủy về đến. Hai anh vừa chắt cạn bình trà mới châm, vừa báo cáo với chúng tôi những trận đánh rất hay của Tiểu đoàn 2 xe tăng và đoàn bộ binh 14 hồi trưa này.

Các sư đoàn của địch từ đường Mười và hướng Svairiêng rút chạy về Niếk-lương. Chứng tổ chức ngăn chận ta từng tuyến. Chúng lợi dụng bờ đê và làng mạc phía đông cầu Kompong-Trà-béc bố trí tuyến phòng ngự. Cán bộ và trinh sát Trung đoàn 14 đi trước phát hiện được toàn bộ đội hình của chúng. Khi xe tăng của ta đến ngoài tầm pháo bắn thẳng, thì Trung đoàn 14 đã bọc vòng hai cánh luồn ra phía sau địch. Năm chiếc xe T54 đi theo đường 1, tám chiếc M113 chia đôi, đi cặp song song hai bên bờ ruộng với T54. Bằng bốn phát pháo, xe tăng ta tiêu diệt ngay hai chiếc xe tăng PT85 của địch bên trái, trong lúc chúng vừa bắn vừa tháo chạy ra khỏi chỗ ẩn nấp. Ba chiếc PT85 địch bên phải cũng bị T54 ta bắn cháy một chiếc. Đồng thời bộ binh và thiết giáp ta xung phong như vũ bão vào trước mặt và hai bên sường địch. Chúng hoảng loạn, bỏ hai chiếc BT85 còn lại tháo chạy. Các đồng chí kỹ thuật của Tiểu đoàn 2 xe tăng ta vào lấy ngay hai chiếc PT85 dùng nó cùng với M113 truy kích địch. Dịch tan tác, lớp chạy chết, lớp đầu hàng. Tù và hàng binh khai đủ cả thành phần các Sư đoàn 805, 703, 221, 340 của Pôn-Pốt.

Sẵn đà, Tiểu đoàn 2 xe tăng trở lên đường 1 chở bộ binh mở hết tốc độ lên cầu Trà-béc để giành lại hàng ngàn dân bị địch lùa đi theo. Địch rất dã man, chúng bắt nhân dân làm trái độn giữa chúng. Từ trên dốc cầu Trà-béc chúng bắn bừa xuống đám dân chúng. Nếu ta từ dưới đường bắn lên thì chết dân. Đồng chí Thuyết, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14 xử trí rất thông minh. Anh cho hai tiểu toàn bộ binh luồn sau trong ruộng vòng ra chiếm bờ sông hai bên đầu cầu. Còn xe tăng thì vừa dùng trọng liên bắn trên cao để tránh dân, vừa nhích dần lên cầu. Nhân dân lợi dụng chỗ ruộng thấp, men theo bờ đê hai bên đường lộ, chạy ngược về phía sau. Thế là ta vừa cứu được dân, vừa chiếm được cầu mà địch không kịp phá. Chúng bỏ lại hai xe Hoàng Hà và hai pháo 105.

Báo cáo xong, anh Ngọc Anh còn nhắc đi nhắc lại mãi: "Coi xe tăng và bộ binh hiệp đồng tấn công ban ngày sướng quá trời, đẹp như diễn tập".

… … …

Xe Jeep các đơn vị lần lượt về đến, có dủ cả các cán bộ quân sự, chính trị, hậu cần, bộ binh, pháo binh, phòng không, xe tăng, công binh, thhông tin của Đoàn và Binh Đoàn. Nhôi nhà ngói hai tầng ở ngã tư Prasát này đêm nay lại thắt thêm một gút, nối dài chuỗi kỉ niệm đẹp trong cuộc đời chiến đấu của chúng tôi.

Trước khi vào hội nghhi, anh Thẩm mời tất cả đại biểu dự một bữa tiệc liên hoan. Anh bảo: "Ăn trước rồi họp sau ngon hơn, chớ để họp rồi thì nôn nao không ăn được".

Hậu cần Sư đoàn 7 có thành tích và kinh nghiệm tăng gia sản xuất cải thiện sinh hoạt cho bộ đội. Trưa nay khi đường 1 vừa thông thì cá mè, cá trắm cỏ từ bầu Đồng Trư, bò từ đồng cỏ Phước Vĩnh, Phước Sang, heo gà vịt từ trại chăn nuôi Lai Khê, cũng đã theo chân bộ đội đến đây. Chiều nay tất cả đơn vị trực thuộc xung quanh Sở chỉ huy đều được một bữa tươm tất.

Những cuộc sum họp hiếm hoi ở mặt trận như thế này thường làm cho người ta nhớ dai. Anh Can, phó chủ nhiệm chính trị thao thao nhắc lại những kỷ niệm năm xửa năm xưa. Có lẽ vì tôi ngồi đối diện với anh nên trở thành đối tượng của anh. Anh nhắc chuyện anh và tôi lọt vào ổ phục kích của Mỹ năm 1967, chuyện chúng tôi chui xuống hầm ngầm trong nhà tên Tỉnh trưởng Phước Long, những chuyên đi của Đoàn 7 ở Thái Hưng, Đồng Xoài, Phước Long, Định Quán, Lâm Đồng, Xuân Lộc, Sài Gòn trong những năm 1974-1975. Rồi anh kết luận vừa tìng cảm vừa triết lý:

- Không biết anh Ba đi với ép 7 lần này nữa có phải là lần cuối cùng chưa?

Muốn hướng sang chuyện khác, tôi bảo;

- Tôi nhớ mãi trận tụi mình bị lọt vào ổ phục kích của Mỹ ở Bù Đốp năm 1967, mới đây mà đã mười hai năm. Nếu chết thì đến nay xương đã mục. Thế mà anh vẫn cứ phây phây, trẻ đẹp trai như thường.

Anh Can bật đứng dậy, trịnh trọng:

- Báo cáo anh tôi vừa có con rể rồi đấy ạ!

Dù sao, tôi cũng thoáng nhớ lại ngày giải phóng tỉnh Phước Long của Binh đoàn, chỉ còn thiếu một ngày nữa thôi là tròn bốn năm.

Mỗi nggười một tí bia tráng bát mà nhằm nhè gì, thế mà mặt anh Can như chói nắng chiều. Anh say sưa chuyển sang đề tài khác:

- Hôm ngày hai, đoàn ta mới khựng ở đư5ờng 10 có một hôm mà trên cơ quan Binh đoàn có người tán với nhau là "Coi chừng Đoàn 7 gặp cái dớp như Long Khánh trong chiến dịch Hồ Chí Minh đấy".

Anh Dũng nhăn mày cười, lầm bầm:

- Hừ! Các bố chỉ được cái tán phét.

Nhìn anh Dững, tôi nhớ đôi vai lệch tròn vo, xuôi xị của anh chạy đi chạy lại tthâu đêm tren bờ đê ở ngã ba Xăng-Ke, khi mà Đoàn 7 đục một ngày đêm không thủng tuyến phòng thủ trên đường 10 của các sư đoàn Pôn-Pốt. Mới cách đây bốn hôm thôi.

Ở cuối bàn, anh Nhạn, Trung đoàn trưởng Trrung đoàn 209, trở thành chủ xướng nhóm dưới ấy. Giọng khàn khàn như ngạt mũi, anh kể chuyện hôm anh đến thăm một đám cưới ở ấp Phước Lưu vừa bị bọn Pôn-Pốt tập kích làm chết mất cô dâu. Anh nói:

- Đang buồn nẫu ruột, lại có một đồng chí thiếu tá thương binh về hưu. Ông ấy trợn mắt qúat bọn tớ: "Tụi Mỹ mà ta đánh còn phải chạy cong đuôi, đánh cái thứ chuột đồng này mà các anh làm ăn không ra làm sao hết, chán quá". Ức quá, nhưng chỗ bà con đông mình đành nhịn. May mà có cậu Nhẫn trợ lý chính trị. Cậu ta kể về chuyện chuột đồng. Cậu ta nói đại khái là ở miền Tây nông dân hay bắt chuột đồng cột giẻ tẩm dầu vào đuôi nó rói đốt. Chuột mang lửa khói chạy vào hang làm chuột mẹ chuột con ngộp phải chạy ra, bị nông dân ta chộp bắt đem về nhậ. Trẻ con bắt chước làm giống như vậy, nhưng chuột nhà nó không chui hang mà mang lửa chạy lên nóc nhà làm cháy cả xóm. Chừng đó cậu Nhẫn ta mới kết luận với đồng chí thiếu tá về hưu: "Anh bảo quân đội Pôn-Pốt là chuột đồng, nhưng chuột đồng có mang lửa đấy, mà không phải vài chục vài trăm con đâu nhé, đến hai trăm ngàn con đấy. Hở một chút là nó chui vào, cho nên phải vận động nhân dân xây làng ấp chiến đấu, tổ chức dân quân tự vệ cho chắc vào thì mới bảo vệ được xóm làng, tận diệt được chuột đồng chứ.". Cậu ấy kể chuyện hấp dẫn lắm, bà con cô bác tỏ vẻ thông cảm với bộ đội, còn đồng chí thiếu tá thì cũng cười giả lả.

*

* *

Một chiếc xe reo chở đầy những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Cách mạng Kampuchia cuốn bụi, đỗ xịch trước cổng. Đồng chí lái xe Việt Nam thò đầu ra ca-bin hỏi:

- Các đồng chí ơi, phòng chính trị ở đâu?

Các chiến sĩ vệ binh, thông tin đang lúi húi dọn bữa ăn trên sân gạch không đáp đồng chí lái xe mà reo ầm:

- Chị Sà-Vây! Chị Sà-Vây!

Một số cán bộ trong bàn ăn của chúng tôi cũng buông đũa bước ra cửa. Anh Khải, chủ nhiệm chính trị, chạy ra đón một cô gái Kampuchia từ ca-in bước xuống. Anh Khải lùn thấp nên cô gái đứng cao hơn anh nửa đầu. Không hiểu vì thẹn hay vì chói nắng chiều mà mặt cô gái ửng đỏ như trái dừa lửa.

Theo hiệu lệnh của Sà-Vây, các cô khác cũng lần lượt xuống phía sau xe. Các cô đều mặc áo bà ba xanh, quần đen mới, đội khăn rằn. Chiếc khăn rằn có nhiều tác dụng, dùng để tắm, thay quần áo, đội đầu che bụi che nắng và lúc cần như lúc này thì cắn hai mí lại để che mặt, chỉ chừa cặp mắt như phụ nữ ả-rập. 

Anh em vệ binh, công binh, thông tin xúm lại, kéo nài mời cho được khách lạc đường dùng bữa cơm liên hoan với đơn vị mình. Anh nuôi chạy mượn đũa bát để mời Sà-Vây và hai đồng chí nữa cùng ngồi chung mâm với chúng tôi. Sà-Vây và đội công tác do cô phụ trách mới về Đoàn 7 hôm mở màn chiến dịch, thế mà trong toàn Đoàn đều biết tên cô.

Dạo tháng sáu năm rồi có một đoàn gồm trên hai ngàn người dân Kampachia từ Preyveng vượt biên sang Việt Nam. Chuyện đó đã gây xúc động mạch trong quân và dân ta trên toàn tuyến biên giới Tây nam. Đoàn người phần lớn gồm ông già, bà lão, phụ nữ và trẻ con, khi đến được Việt Nam, chỉ cờn hơn tám trăm người. Trong lúc bị địch vây hãm trong rừng Tà-săng có một người phụ nữ đã dùng chiếc khăn rằn đai con trước ngực cùng các bạn xông pha chiến đấu để bảo vệ đoàn người, chờ bộ đội Việt Nam đến cứu. Lương thực khô kiệt, nước cũng thiếu, người mẹ phải nhai lá rừng cầm hơi thì còn lấy đâu ra sữa cho con. Đứa con gái mới bốn tháng của chị gào khóc đòi sữa. Để bảo đảm sinh mạng cho hàng ngàn bà con, chị cứa đầu vú mình nặn dòng máu tươi cho con bú. Rồi máu mẹ cũng cạn nốt. Chị phải ôm ghì mặt con vào ngực, ru dỗ cho con nín. Đến khi cảm thấy một khối mềm nhũn lành lạnh trên ngực chị mới kinh hoàng và chỉ còn biết khóc thầm, rồi xoay con ra sau lưng, tiếp tục chiến đấu. Khi đến đất sống, chị mở gút khăn rằn trao đứa con cho anh bộ đội Việt Nam rồi ngất lịm.

Người phụ nữ ấy là Sà-Vây.

Giờ đây trong ngôi nhà ở ngã tư Prasát này, các đồng chí đội viên công tác trở thành những nhân vật trung tâm trong bữa tiệc liên hoan. Anh em ai cũng săn sóc gắp thức ăn, rót nước ngọt cho các đồng chí đội viên công tác.

Anh Can chọn lúc bớt ồn ào, hỏi Sà-Vây bằng tiếng Việt:

- Cô Sà-Vây này, đội công tác của cô đang công tác với đơn vị nào, đố cô biết, trả lời bằng tiếng Việt Nam.

Sà-Vây chớp chớp đôi mi dài và rậm trên khuôn mặt tươi cười, đáp từng tiếng một:

- A … A … Đội công tác em công tác ở … binh đoàn Cửu long … Đoàn bảy … Phòng chính tr-rị. 

Anh em cười ồ! Tôi hỏi tên hai cô kia, rồi nói bằng tiếng Khơ-me:

- Các cô Sà-Vây, Chan-Thu, Sam-Môn này! Bộ đội cơ động nhanh, thời gian gặp nhân dân rất ngắn ngủi, trong trường hợp ấy các cô sẽ nói gì với nhân dân?

Chan-Thu, Sam-Môn nhìn xuống cười bẽn lẽn, Sà-Vây đáp:

- Nói bà con đoàn kết lại dưới sự lãnh đạo của Mặt Trận Đoàn kết Dân Tộc cứu nước Kampuchia, đứng lên tiêu diệt Pôn-pốt, Iêng-Xari cứu nước, cứu mình. Nói nhân dân Campuchia đoàn kết thương yêu bộ đội Việt Nam của cụ Hồ, người ơn đã cứu mình.

Tôi dịnh từng câu cho anh em nghe. Ai nấy đều tỏ vẻ xúc động.

Các cô ăn uống trông ngon lành, thật tình như người nhà. Qua vài câu trao đổi, tôi biết Chan-Thu và Sam-Môn đều ở tỉnh Kandal bị Pôn-Pốt lùa sang Svairiêng. Chan-Thu trước đã học trung học, biết một ít tiếng Pháp. Hai cô đã cùng với gần hai chục ngàn dân Kampuchia lánh nạn sang Việt Nam hôm ngày 6 tháng giêng năm 1978. Nhắc lại ngày hôm ấy các cô vui lắm.

- Ồ! Không có bộ đội Việt Nam thì chết hết, chao ôi! Pôl Pốt nó đuổi ở phía sau. Sam-Môn vừa nói vừa quạt bàn tay trước mặt.

Anh Khải hỏi:

- Các cô sang Việt Nam, ở Bến-Sắn phải không?

- Ôi! Bến Sắn, Bến Sắn, phải rồi, chúng em được đẻ lại ở bến Sắn. Bến Sắn là quê em đó. Chan-Thu nói dịu dàng, đệm vài tiếng tắc lưỡi hít hà.

Anh Thẩm hỏi:

- Từ chỗ này hai cô biết đường về Kandal, quê hương của hai cô không?

- Biết chứ, quê em ở hướng này này – Chan-Thu chỉ đúng hướng Tây Bắc.

- Nếu đi luôn đến Phnom-Pênh. Các cô có thích không?

- Ồ! Thích lắm chứ … Đi Battambang, Xiêm Rệp em cũng đi – Ba cô lao xao tranh nhau đáp.

Bỗng dưng trong lòng tôi hiện lên hai tiếng "Hồi Sinh", trước nay tôi hay dùng, mà bây giờ tôi mới thấy hết nghĩa của nó.

Ở ngoài sân gạch, trong các nhà bên cạnh cũng rầm rang những câu nói bằng hai thứ tiếng lẫn trong giọng cười trẻ trung: "Xamaki Đoàn Kết Việt Nam – Kampuchia" – "Boong bờ-ên – anh em – Việt Nam Kampuchia".

Chiếc máy điện honđa đốt sáng mấy bóng đèn huỳnh quang trong nhà ngoài sân, càng làm cho đêm liên hoan thêm náo nhiệt. Do kinh nghiệm bản thân, nhạy cảm với tình hình như chim én với mùa xuân mà mỗi người ở đây từ già đến trẻ, đều cảm thấy rằng mình sắp sửa bước vào những ngày lịch sử, NGÀY HỘI CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH.

Thật thế, chốc lát nữa đây chúng tôi tiến hành một cuộc hội nghị để thực hiện một nhiệm vụ lịch sử quan trọng mà chúng tôi vừa nhận nơi đồng chí tư lệnh Binh đoàn hồi 13 giờ trưa hôm nay tại Sở chỉ huy cơ bản ở phum Đôn Tông. Nhiệm vụ vinh quang đó là: Vâng lệnh Ủy ban Trung Ương Mặt Trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Kampuchia và Bộ chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Binh đoàn chúng tôi cùng với Binh đoàn 1 của Quân đội cách mạng Kampuchia đảm nhiệm một hướng, hiệp đồng cùng với các hướng khác và phối hợp với nổi dậy của quần chúng mở cuộc tiến công chiến lược giành thắng lợi quyết định cho cách mạng Kampuchia.

Đây là mệnh lệnh quân sự tuyệt mật, chỉ có mình tôi được biết và chỉ được phổ biến giao nhiệm vụ cho các đơn vị từng bước một. Tôi nhẩm tính: chỉ còn hai ngày ba đêm, phải vượt qua trên một trăm cây số đường độc đạo với hai con sông rộng, địch vẫn còn rất đông đang củng cố phòng thủ, mà phương tiện cơ động và nhất là phương tiện vượt sông ta chưa điều lên kịp.

Tôi phái đồng chí Phùng, phó phòng tác chiến chạy ngược về Svairiêng tìm anh Biểu, lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 25 Công binh để giục đội phà nặng lên nhanh.


II
TÍNH SỔ VỚI KẺ THÙ

Sau cuộc họp, một số lớn cán bộ trong Sở chỉ huy được phái đi ra phía trước, một bộ phận lùi về phía sau để tổ chức đón ba tiểu đoàn quân bạn liên tiếp.

Anh Thẩm và anh Dũng sang triển khai kế hoạch ở cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần. Tôi ở lại Sở chỉ huy một mình trực chỉ huy thay cho các anh.

Đã hơn mười giờ đêm mà trời vẫn còn oi nồng. Xa xa về hướng Tây, Tây bắc, Tây nam dội về những tiếng pháo nổ không ngớt. Xung quanh đây thỉnh thoảng đì đẹt một vài loạt AK của các đơn vị bạn đang làm nhiệm vụ truy bắt tàn binh địch, đảm bảo an toàn cho dân mới trở về phum cũ.

Ngồi trên chiếc võng mắc giữa cây vú sữa và cây cau. Trước sân nhà tôi suy nghĩ về cách giải quyết công việc sắp tới.

"Hồng Hà gọi Mê Kông! Hồng Hà gọi Mê Kông! Nghe rõ không trả lời ?".

Giọng nói thanh thanh của đồng chí thông tin trong đêm vắng gợi lên niềm thương cảm mông lung qua ba mươi năm khói lửa.

Nếu không có cuộc xâm lăng của Pôn-Pốt – Iêng-Xari ở biên giới tây Nam thì các nông trường Đồng sen, Long Khánh của binh đoàn đã thành hình, các lò vôi, lò gạch, lò xi măng cũng đã ra sản phẩm, đội tàu đánh cá cũng đã ra khơi … 

Nhưng nếu ta không bẻ gãy gọng kìm phía Tây Nam này của Chủ nghĩa bành trướng bắc Kinh thì tình thế sẽ ra sao?

Hằng ngày nhìn tấm bản đồ đất nước mà lòng xốn xang nặng trĩu: Một mũi tên phía bắc như một mũi dao lớn kề trên đỉnh đầu, một mũi dao nhọn hoắt ở phía tây nam như dí vào chỗ có buồng gan, những mưu toan bạo loạn chúng mong nhen nhúm trong nội địa, nơi còn tàn dư Mỹ – Thiệu. Toàn cục đã có Trung Ương lo, niềm tin đó đã trở thành sắt đá. Nhưng phải bẻ gãy mũi dao nhọn ở phía Tây Nam, đó là nguyện vọng của toàn dân và là trách nhiệm của toàn thể chiến sĩ và nhân dân ở hướng này. Bẻ bằng cách nào, lúc nào và trong điều kiện chính trị như thế nào, đó là tâm tư dằn vặt trong ngót hai năm nay.

Nhớ một ngày cuối tháng 4/1977. Hôm ấy tôi trực chỉ huy ở hậu cứ Binh đoàn. Tôi nhận được tin cấp trên thông báo là quân địch dùng mấy sư đoàn kéo theo lúc nhúc những dân binh vuợt kinh Vĩnh Tế sang chiếm Núi Dài, Nhà Bàn,Tịnh Biên … bao vây định chiếm thị xã Châu Đốc, tàn sát dân ta, đốt phá xóm làng mà đồng bào ta mới dựng lại sau mười năm chiến tranh chống Mỹ. Theo lệnh của cấp trên, Binh Đoàn phải phái ngay một đơn vị xuống Ang Giang và toàn Binh Đoàn sẵn sàng chiến đấu.

Biết đồng chí Mười Kim Phó tư lệnh Đoàn 9, đang nghỉ phép gần hậu cứ binh đoàn, tôi phái sĩ quan tác chiến đi mời đồng chí về nhận nhiệm vụ. Đồng chí Mười Kim, 47 tuổi, vừa mới cưới vợ được 8 tháng. Đồng chí được gọi giữa lúc đang xoay trần cuốc đất trồng mấy vồng khoai lang. Đồng chí quăng cuốc vào nhà không kịp tắm rửa, chỉ lau sơ rồi choàng bộ quân phục, thắt dây súng ra đi. Chị Mười mới có thai được 3 tháng, đứng dựa cột nhìn chồng hỏi :

- Giặc giả nữa à! Đi nữa à?

Anh Mười Kim cười đáp:

- Giặc thiệt chứ giặc giả gì, đi gấp, má nó cuốc nổi thì trồng cho líp chỗ đất đó.

Anh trèo lên xe, chị đứng tựa cửa trông theo … Từ ấy anh Mười Kim trở về thăm nhà được hai lần nữa. Và bây giờ thì anh đã hy sinh.

Cũng ngày hôm ấy, anh Vũ Cao, tư lệnh Đoàn 341 được gọi về Binh đoàn. Anh trố mắt nhìn tôi giây lâu rồi mới hỏi nửa đùa nửa thật:

- Chuẩn bị làm một khoắn nữa phải không anh?

Tôi đáp:

- Làm ngay chứ không phải chuẩn bị nữa.

Mới ngày hôm qua đây, Bộ tư lệnh binh đoàn giao cho Đoàn 341 chuyển sang làm kinh tế. Nhưng được cái là đi làm kinh tế thì đả thông nhiều, còn trở lại chiến trường thì khỏi giải thích gì dài dòng cả.

Buồn cười lúc bấy giờ một số đồng chí trong cơ quan tác chiến hỏi tôi rằng: Vẽ quân Khơme đỏ lên bản đồ thì tượng trưng màu gì? Có đồng chí bảo nó là một bộ phận quân cách mạng biến chất nên vẽ nó màu hường, vàng hay màu nâu gì đó. Sau cùng chúng tôi thống nhất với nhau là kẻ nào xâm phạm một tấc đất của chúng ta, giết một người dân ta là địch, vẽ xanh đậm vào.

Tưởng đâu cuộc xung đột chỉ diễn ra phía An Giang, vì qua nhiều lần ta phản đối, Pôn-Pốt xin lỗi rằng Trung Ương họ chưa lãnh đạo được Quân khu Tây Nam. Đó là do Quân khu Tây Nam của họ manh động. Đến đêm 24 rạng 25-9-1977 bọn PônPốt phát động một cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới, tập trung đông nhất và mạnh nhất vào tỉnh Tây Ninh. Chúng giết hàng ngàn dân ta ở Tân Biên, Lò Gò, Long Khánh. Binh đoàn được lệnh hành quân lên hướng Tây Ninh, và cuộc chiến tranh biên giới thực sự bắt đầu. Lúc bấy giờ từ ngữ báo chí còn gọi là "Cuộc xung đột biên giới". Cán bộ và chiến sĩ ta tranh luận sôi nổi về tính chất của cuộc đấu tranh này. Anh em cho đây là "Cuộc chiến tranh xâm lược do tập đoàn phản động PônPốt – Iêng Xary gây ra và phía ta là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc. Chứ đây không phải là cuộc xung đột về vấn đề tranh chấp biên giới".

Nhớ buổi sáng hôm 25-9-1977, chúng tôi lên Thiện Ngôn. Mới hai năm hòa bình mà cảnh vật đã thay đổi hẳn. Đập nước trên sông Cần Đăng, có bàn tay kết nghĩa của đồng bào Hòa Bình vừa xây dựng xong, bắt đầu cung cấp điện cho nhà máy cưa gỗ, nhà máy xay và thắp sáng cho thị trấn Thiện Ngôn mới. Những thảm xanh chuối, mía, đậu phộng … trải dài hai bên lộ 22, lộ đỏ, mà trước đây là rừng xác xơ do thuốc độc hóa học của Mỹ. Những nhà ngói đỏ tươi, cột bằng lăng láng au, xếp hàng hai bên lộ, thấp thoáng sau vườn cây ăn quả.

Khi đến giữa làng Tân Lập, còn cách biên giới bốn cây số, chúng tôi chết điếng trước cảnh tượng đau lòng. Nhiều người bật lên tiếng khóc. Đêm qua chúng đã giết, đã đốt, đã cướp sạch.

Một cụ già đến sau lưng chúng tôi thét lên: 

- Khóc à! Hèn nhát à! Các anh bảo chúng tôi lên đây xây dựng vùng kinh tế mới rồi để tụi nó giết, bây giờ khóc trừ à!

Tôi nhìn lên té ra là ông Ba Mây. Không dè gặp người quen cũ ở quận 10, thành phố Hồ Chí Minh giữa cảnh này. Gia đình ông, vợ và bốn con bị giết sạch, mình ông còn sống sót vì hôm qua ông đi đám cưới người thân ở Trại Bí. Chúng tôi cúi đầu im lặng trước lời trách mắng của ông Ba Mây.

Thật ra lúc bấy giờ nhiều người chưa hiểu rõ thực chất tình hình ra sao cả. Sau ba mươi năm chiến tranh, ai cũng mong muốn biên giới Việt Nam – Kampuchia là biên giới tình nghĩa láng giềng, nhân dân hai nước qua lại, như xưa.

Trong kháng chiến chống Pháp chống Mỹ còn thế, huống chi nay đã có hòa bình. Nhân dân hai nước vốn có truyền thống đoàn kết lâu đời, lại vừa mới kề vai sát cánh đánh đuổi kẻ thù chung qua những năm dài. Thật khó mà giải thích ngay được thực chất cuộc tàn sát nhân dân ta của tập đoàn phản động Pônpốt – Iêng-Xari. Chỉ có một điều ray rứt đắng cay là mình đã thiếu cảnh giác.

Khi trở về đến cầu Cần Đăng, chúng tôi gặp anh X. cán bộ quân đội về hưu, anh ấy quát đuổi theo xe chúng tôi:

- Mới thức dậy đó phải không mấy cha … Để cho mấy thằng giặc cỏ nó làm trời. Chán mấy cha quá!

Chúng tôi không ai nói ai. Biết anh nóng ruột và tuy chủ quan nhưng anh có lý là nếu ta cảnh giác đầy đủ thì không thể để diễn lại cảnh Núi Dài ở Tân-Lập đêm qua. Nhưng cho bọn Pônpốt là giặc cỏ thì không đúng. Ít lâu sau đó mới rõ ra là sau ngày 17/4/1975 chúng nó đã gấp rút xây dựng nhiều sư đoàn chủ lực trang bị rất mạnh, cùng với một hệ thống quân địa phương rất đông có đến hai mươi vạn tên. Chúng nó đã dốc vào biên giới Tây nam Tổ Quốc ta một cuộc chiến tranh tổng lực toàn điện. Đằng sau chúng, và ngay trong đội ngũ chỉ huy của chúng là bọn phản động Bắc kinh, chớ một mình Pônpốt – lêng Xari thì cho ăn vàng chúng cũng không dám đánh Việt Nam chứ đừng nói cho ăn kẹo.

Thế đấy, nhưng khi bước vào cuộc chiến đấu, Binh đoàn được lệnh: "Chỉ tiêu diệt địch trên đất ta, không sang đất Kampuchia; Cố gắng bắt sống địch nhiều mà giết ít thôi". Chiến sĩ ta tin tưởng tuyệt đối vào sự chỉ đạo của Đảng ta, quán triệt tinh thần nhân đạo trong chủ trương của Đảng. Dù sao binh lính của Pônpốt cũng là những người lao khổ, con em của nhân dân Kampuchia, nạn nhân của Bắc Kinh và bọn Ăng-ca ác ôn.

Chúng ta cũng không mắc mưu của bọn thủ phạm đầu sỏ muốn gây hận thù giữa hai dân tộc Việt Nam-Kampuchia. Dưới làn mưa đạn, trên hàng chục vạn quả mìn của chúng, nhân dân ta xây dựng ấp xã chiến đấu. Trong lúc đắp con đê theo đường biên giới để tỏ thiện chí hơn là đắp chiến lũy, chúng ta cũng móc đất từ phía Việt Nam lên, ta không lấy một hòn đất của nước bạn.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Mỹ mạnh là như thế, chúng nó đã dày đạp khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17, thế mà ta chưa từng lên tiếng yêu cầu một tổ chức quốc tế nào đến giám sát. Nhưng lần này ta đã mấy lần nêu yêu cầu đó, kể cả một tổ chức của Hội đồng Liên hiệp quốc cũng được, để giám sát biên giới.

Như Sơn Tinh luôn luôn vươn cao hơn mực nước ác độc của Thủy Tinh, chiến sĩ ta đã phát huy trí tuệ và tinh thần, đánh thắng quân địch trong giới hạn chật hẹp do điều kiện chính trị quy định. Trong lúc đó một nhà bình luận đài BBC cũng thấy được rằng: "Với sức mạnh và kinh nghiệm của Quân đội nhân dân Việt Nam cộng với đống vũ khí và phương tiện chiẽn tranh của Mỹ để lại, không cần đến một tuần là họ sẽ tới Phnom-Pênh".

Trong những năm tháng giữ chốt, nắng thì cháy da, mà đã mưa thì như trời dột, ngày ruồi đêm muỗi như vãi trấu. Ruồi muỗi chui đầy vào mắt mũi, miệng tai. Dưới nước đĩa lềnh như bánh canh lộn ngầu với xác địch nát rữa nặc mùi hôi thối. Địch cứ lẩn quẩn bu bám như đĩa đói. Chuột đông từng đàn lông dài như lông gáy heo, nó ăn xác lính Pônpốt không đủ, nó vào cắn cả gót bộ đội. Đêm ngày cứ nghe tiếng súng, tiếng ễnh ương cóc nhái triền miền đơn điệu, lạnh lùng, buồn tẻ. 

Trước mặt là bãi chiến trường chỉ có đồng hoang, cây thốt nốt, quạ, kên kên. Có con kên kên bị lạc đạn to bằng con gà tây, anh em thiếu thức ăn, tìm đủ cách nướng xào ướp đủ thứ gia vị mà nó vẫn tanh hôi không thể nào ăn được. Lính Pônpốt là những thằng lính mình trần trùng trục, miệng ngậm ngãi, vai vác súng, quấn quanh mình toàn là đạn, lựu đạn và một giỏ lá thốt nốt đựng cơm với một con mắm bò hóc nhỏ hơn ngón tay út. Nó chui nó rúc như dòi, nằm nước phơi nắng như trâu. Nó cũng "nhứt điểm lưỡng tiện" "Đầu nhọn đuôi dài", nó tập trung nhiều ĐKZ, 12 ly8, B40, B41, cối 82, 120 ly xếp hàng thành nhiều tầng lớp nó dùi cho thủng một điểm rồi chui vào đánh "nở hoa trong lòng địch". Nhưng trứng đâu có khôn hơn gà được, chúng mày chết kẹt trong mười sáu chữ giáo điều: "địch mạnh ta tránh, địch yếu ta đánh, địch dừng ta quấy, địch chạy ta đuổi" nên dễ bị dụ vào chỗ chết. Tuy vậy nó cũng gây cho chúng ta căng thẳng, không phải ác liệt kiểu B52, máy bay phản lực, đại bác 175 ly, xe tăng bầy của Mỹ, mà căng thẳng triền miên dai dẳng về ruồi muỗi, chuột, nắng mưa và những loạt đạn súng máy, cối ĐKZ, 105 ly bay đến không biết lúc nào. Căng thẳng vì hở một chút là nó lẻn vào giết dân đốt nhà, vì đại pháo 130 ly tầm bắn đến 27 km nó bắn luôn vào thị xã, thị trấn của ta; mà muốn triệt được pháo nó, chỉ có cách tốt nhất là đánh chiếm nơi nó đặt pháo bên đất Kampuchia. Mà việc ấy thì ta chưa được phép làm. Có anh em trong Bộ tham mưu nói rằng: "ta mới chỉ đượ! c phép đánh địch bằng cánh tay trái thôi".

Thế nhưng chỉ cần lui lại phía sau tuyến chốt chặn năm ba cây sõ thì có đủ áo xanh, áo đỏ, hon-đa, xe đạp, cà-phê, hủ tiếu, nước mía … Anh em chiến sĩ thường nói với nhau, cuộc chiến tranh này đặc biệt như thế nào chỉ có cấp trên, những người đang chiến đấu phía trước, các nhân viên trong Quân Y viện và những người ở gần các nghĩa trang liệt sĩ biết thôi.

Trong những ngày tháng tình hình phức tạp như thế, cấp trên luôn luôn đi sát phía trước. Có thể nói tuần nào cũng có một phái đoàn nghiên cứu của các học viện, nhà trường, binh quân chủng, các cơ quan của Bộ đến đơn vị, ra phía trước nghiên cứu. Các đoàn đại biểu đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố, các đoàn nghệ thuật … cũng đi thăm bộ đội trên các tuyến phòng thủ. Các tỉnh trong nội địa và nhất là thành phố Hồ Chí Minh gởi ra phía trước những tiểu đoàn địa phương, và những đội Thanh niên Xung phong.

Binh đoàn chúng tôi cùng với Binh đoàn 3 cập kè nhau trên tuyến biên giới như hai anh em sinh đôi. Chúng tôi thường trao đổi kinh nghiệm với nhau từ phương thức chiến đấu đến việc báo đảm hậu phương. Các anh Kim Tuấn và Phí Triệu Hàm thường đến Sở chỉ huy chúng tôi. Có hôm, anh Kim Tuấn bảo với tôi rằng: "Mình vất vả thế mà có anh em ở phía sau chê ỏng chê eo, nói mình không ra làm sao hết". Anh Phí Triệu Hàm có lúc ghé lại Sở chỉ huy chúng tôi cả đêm để trao đổi kinh nghiệm.

Nhớ một hôm, vào cuối năm 1977 tôi được phân công tổ chức cho đồng chí Ủy viên Bộ chính trị phụ trách chỉ đạo Mặt Trận Tây nam ra tận ngoài chốt tiền tiêu ở Mộc Bài. Bộ tư lệnh Binh đoàn rất ái ngại về việc này, vì chốt tiền tiêu đâu phải là nơi công tác đối với cương vị và tuổi tác của đồng chí ấy. Nhưng với đồng chí Ủy viên Bộ chính trị thì việc đi sát xuống tiểu đoàn, đại đội ở tất cả các hướng trên tuyến biên giới là việc thông thường của đồng chí, chúng tôi biết làm thế nào khác được. Hôm ấy đồng chí hỏi anh em chiến sĩ về cách đánh, kinh nghiệm của phân đội. Anh em cán bộ chiến sĩ gặp dịp bộc lộ tâm tình, anh em đòi tấn công sang bên kia giải quyết phức cho rồi, đó là cách đánh tốt nhất. Bằng cách trao đổi vấn đáp, đồng chí giải thích cho anh em mà tôi nhận thức được những ý chính: "Quân sự phải phục tùng chính trị và tạo điều kiện cho chính trị, ngược lại chính trị phải nhanh chóng đáp ứng và phục vụ cho thắng lợi quân sự. Quân sự, chính trị phải tạo điều kiện, tạo lực lượng, tạo thời cơ cho nhau thành thời cơ cách mạng. Ta phải giành thắng lợi trọn vẹn cả về quân sự lẫn chính trị. Dù quân sự ta mạnh đấn đâu đi nữa mà tấn công quân sự đơn thuần trong lúc điều kiện chính trị chưa đủ, thì cũng sẽ thất bại mà thôi. Ta đã hiểu rõ kẻ thù, ta cũng mong muốn góp phần xóa đi những đau khổ cùng cực của nhân dân bạn, nhưng cuộc cách mạng trên đất nước bạn là của bạn, do nhân dân bạn làm. Đó là điều khó nhất so với các cuộc ch! iến tranh giải phóng trước đây của ra". Đồng chí lại nhấn mạnh cho nhớ: "Dù thiên binh vạn mã đi nữa nhưng thất bại về chính trị thì cũng phải cuốn gói mà về".

Nói thế, nhưng đồng chí vẫn lộ vẻ ưu tư. Đồng chí nhìn thấy anh em quá cực khổ, nhiều chiến sĩ cán bộ từ sau ngày giải phóng miền Nam đến nay chưa được đi phép, có đồng chí từ mặt trận trở lại ghế nhà trường ngồi chưa nóng chỗ lại trở ra mặt trận, có đồng chí chưa dựng được nếp nhà nhỏ cho vợ con … Tôi nhớ rõ, hôm ấy đồng chí nhìn xa về phía đất Kampuchia hoang tàn, rồi nhìn qua những cánh đồng lúa nhiều đám đã chín vàng bên đất Việt Nam trải rộng đến tận chốt tiền tiêu. Xong đồng chí nói riêng với tôi: "Nếu ta phản công sang 5 – 3 cây số thì có sao đâu". Rồi đồng chí lại dặn tôi là để đồng chí về trao đổi trong Bộ chỉ huy tiền phương và xin chỉ thị Trung ương đã.

Chiều tối hôm ấy, một buổi chiều ảm đạm khét lẹt mùi thuốc súng, nhìn đồng chí bước lên xe, mái đầu bạc trắng, tôi tưởng chừng có sức nặng ngàn cân vô hình nào đó đang đè nặng lên đôi vai gầy của đồng chí.

Tôi hiểu rằng tình hình Kampuchia như đêm đen chưa có ánh một vì sao.

Thế là ngày 6-12-1977, sau hôm đồng chí Ủy viên Bộ chính trị đến Mộc Bài độ một tuần, chúng tôi được lệnh phản công và được đánh sang đất Kampuchia 3 km, trong lúc địch đang tiến công sang Bến Cầu, Bến Sỏi, Lò Gò, Cà Tum, Lộc Ninh … có nơi sâu đến 7 – 8 km bên đất ta.

Không phải vất vả gì lắm, Binh đoàn phối hợp với lực lượng địa phương Tây Ninh, Long An đã đánh tan rã gần hai sư đoàn của địch, quét sạch hết các loại lực lượng vũ trang và tổ chức Ăng-ka của chúng trong ba huyện biên giới là: KompongRồ, Chi Phu, KompongTrạch. Nhân dân địa phương nhất loạt đứng dậy ủng hộ bộ đội Việt Nam, cùng với bộ đội vây bắt tàn quân địch còn trốn trong rừng, trong ruộng. các chiến sĩ ta nhận thức sâu sắc nhiệm vụ chính trị, chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị cấp trên, đã nêu vô vàn tấm gương chiến đấu dũng cảm ngoan cường, thương mến nhân dân Kampuchia đang mắc nạn bằng tấm lòng chân thành của người chiến sĩ cách mạng quốc tế vô sản. Đơn vị nào, binh chủng nào cũng nêu những tấm gương cứu giúp nhân dân Kampuchia như người ruột thịt: Cõng người già, nhịn đói nhường cơm cho dân, đỡ đẻ cho phụ nữ, săn sóc trị bệnh cho trẻ em. Thà bị chết ngất vì khát chớ không lấy một quả dừa ở cả những nơi không có dân. Thà ăn muối chớ không bắt một con cá dưới ruộng. Đã bị thương, một mình ngồi giữ 5 – 6 tù binh mới vừa bắn mình đó mà vẫn giữ được bình tĩnh … Chiến sĩ ta đinh ninh với nhau rằng, khi giúp nhân dân bạn thoát nạn rồi thì chỉ giữ nửa nắm cơm để đắp đầu gối về nước, còn thì để lại hết cho bạn.

Nhân dân ở phía địch cứ đêm đêm lặn lội vượt qua tuyến địch chạy về với ta. Miễn là đem được thân xác đến gặp bộ đội Việt Nam, sống chết không màng. Hầu hết những người gặp được trinh sát hoặc đến được trước chốt tiền tiêu của ta đều đã ngất xỉu. Anh em ta khiêng họ về đổ cháo, đổ sữa, cho quần, cho áo …

Dưới áp lực của cuộc phảm công ngày 6-12-1977 của ta, hàng ngũ quân đội Pôn-Pốt ở biên giới phân hóa nghiêm trọng nhất là ở Quân khu 203. Pôn-Pốt ra tay thanh trừng, giải tán, đổi chỉ huy đổi phiên hiệu ba sư đoàn. Nhiều cuộc binh biến diễn ra ở Quân khu 203 (Quân khu Đông ). Trước tình hình đó, lần đầu tiên bọn Pôn-Pốt buộc phải đưa cuộc chiến tranh xâm lược của chúng ra công khai.

Chúng tôi được lệnh thu quân về trong ngày 6-1-1978. Nhân dân Kampuchia thấy bộ đội ta thu dây thông tin, bảo nhau bỏ tất cả, bám theo bộ đội không rời nửa bước. Ta đi đâu bà con kéo theo đó. Địch phát hiện ta lui quân, chúng bám đuổi theo giết dân. Ta phải đánh chặn bảo vệ dân. Nhiều cụ già chống gậy lọm khọm, nhiều chị hai tay nách hai con, nhiều em bé ốm gầy xanh xao, từng bước từng bước lê chân về hướng Đông. Anh em ta phải dùng tất cả các loại xe, kể cả xe pháo để chở dân. Chỉ nội trong ngày 6-1-1978, ngày lịch sử khó quên, trên đường số 1 và 13 nhân dân Kampuchia đã sang ta hơn hai vạn người. Bà con Việt nam ở Tây Ninh góp gỗ, góp gạch xây dựng làng Bến Sắn khang trang cho nhân dân Kampuchia lánh nạn.

Nhân lúc ta lui quân, bọn Pôn-Pốt và bành trướng Bắc Kinh tuyên truyền ầm ĩ là chúng đã đánh ta thua phải tháo chạy để bên trong thì lên dây cót tinh thần cho binh lính chúng, bên ngoài thì lừa gạt dư luận quốc tế.

Chúng lại điều quân từ phía sau ra đánh sang Hà Tiên, Bảy Núi, bắc Hồng Ngự, Mộc Hòa, Bến Sỏi, Tân Lập, Lộc Ninh …

Cho đến một hôm giữa tháng 5/1978 các chốt tiền tiêu báo cáo là nghe thấy tiếng súng nổ lớn dữ dội ở hướng Preyvieng. Cùng lúc ấy các đài vô tuyến điện đều báo là nhận được tín hiệu thông tin truyền đi liên tục trên nhiều tầng sóng, lặp đi lặp lại một câu: "Chúng tôi những người chiến sĩ cán bộ Quân khu 203 nổi dậy chống Pôn-Pốt, chúng tôi muốn gặp các bạn Việt Nam". Chúng tôi báo cáo tình hình đó lên trên thì đồng thời nhận được trên thông báo là Quân khu 203 đã nổi dậy. Thế là từng toán từng tốp trinh sát có cán bộ chỉ huy kiên cường dày dạn kinh nghiệm được phái sang các khu rừng rậm nơi có căn cứ của các đơn vị thuộc Quân khu 203. Giữa mùa mưa lũ, anh em ta đạp lên những bãi mìn, những bưng rạch ngập ngụa sình lầy, những khu rừng hoang đầy những mây gai … quyết tìm bắt liên lạc với bạn. Những chốt tiền tiêu đều phái người bung ra xa. Các nơi dồn dập báo cáo về đã bắt được liên lạc với một bộ phận nổi dậy hoặc đã gặp một cô sinh viên, một anh trí thức trốn trong rừng đã hơn tháng nay … Ở đâu trong đất Kampuchia, hễ nghe tiếng súng là phái người đi đến. Có toán trinh sát sau ba ngày ra đi điện báo về là đã đến bờ sông Mê-Kông … rồi im bặt mất hút luôn …

Những hôm ấy ở cơ quan và đơn vị phía trước phía sau đều rộn vui. Chúng tôi lại nhớ đến lời đồng chí Ủy viên Bộ chính trị: "Quân sự phục tùng chính trị và tạo điều kiện cho chính trị, còn chính trị phải nhanh chóng đáp ứng phục vụ lại cho quân sự". Có phải chăng đây là thêm một điều kiện chính trị mới, một lực lượng cách mạng mới của bạn và cả của ta nữa. Như thế này đã đủ điều kiện để thả tay cho quân sự vẫy cùng hay chưa? Sau này chúng tôi được biết trong sự kiện ngày 28-5-1978 này, ta đã liên lạc được với các đồng chí HenSomrin, ChiaSim, Penxôvan, XútKeo, Chăn-xi, Hunxen và các lực lượng ly khai Pôn-Pốt khác.

Suy nghĩ đến đây tôi lại nhớ đến đồng chí Xoai-keo, mà tôi được gặp cách đây hơn tháng, trong lúc tôi chuẩn bị chiến trường ở một vùng biên giới. Đồng chí Xoai-keo năm nay 41 tuổi. Hồi kháng chiến chống Pháp đồng chí còn nhỏ, con một gia đình nông dân nghèo ở vùng rừng núi Đông Bắc. Lúc bấy giờ vùng quê của đồng chí có quân tình nguyện Việt Nam hoạt động. Các chú bộ đội Việt Nam mà Xoai-keo gọi là bộ đội Um-Hồ (Bác Hồ) thường đóng trong nhà Xoai-keo. Phong cách đạo đức của các chú bộ đội Việt Nam làm cho tuổi thơ của Xoai-keo quen dần trở thành nếp trong cuộc sống giản dị, bình đẳng, nhân nghĩa, dũng cảm. Sau 1954 bộ đội tình nguyện Việt Nam về nước. Nhớ các chú bộ đội của Um-Hồ, Xoai-keo hát vang rừng núi những bài hát mà các chú bộ đội đã dạy cho. Lớn lên, Xoai-keo hăng hái hoạt động cách mạng, được kết nạp vào Đảng cộng sản Kampuchia, và đến năm 1972 trở thành huyện ủy viên. Một hôm anh được chỉ thị ra đón Pôn-Pốt. Pôn-Pốt đến trên chiếc võng do bộ đội và cán bộ Việt Nam khiêng. Xoai-keo thấy Pôn-Pốt xuống võng mà không chào cám ơn gì anh em Việt Nam đã khiêng mình cả. Anh bắt đầu có một nhận xét không tốt về con người Pôn-Pốt. Sau đó hắn ra lệnh cho anh đưa du kích ra đánh tàu trên sông. Anh ra quan sát về báo cáo là thuyền của quân giải phóng Việt Nam chớ không phải của Thiệu, anh còn nhấn mạnh là không phải địch mà là ta. Pôn-Pốt bảo cứ đánh! Xoai-keo đánh dấu hỏi về con người của Pôn-Pốt sao không giống những người cách mạng chân chính. Từ năm 1973 thấy Pôn-Pốt – Iêng-Xari bắt đầu đàn áp những người dân có cảm tình với cách mạng Việt Nam, anh càng suy nghĩ nhiều. Đến năm 1975-1976 lại thấy Pôn-Pốt – Iêng-Xari giết hại nhân dân ngày càng nhiều, anh khẳng định chúng nó không phải là cách mạng rồi.

Nhớ cụ Hồ, nhớ Việt Nam, Xoai keo cùng với bạn là UMi dìu dắt hơn năm nghìn dân sang đất Việt để xây dựng lực lượng cách mạng.

Từ lúc gặp đồng chí Xoai Keo đến nay, qua hình ảnh người cán bộ nông dân bộc trực ấy làm cho tôi tin tưởng rằng trên đất nước Kampuchia rộng lớn, chắc chắn còn nhiều Xoai Keo mà chúng ta chưa bắt tay được đó thôi. Lực lượng cách mạng tiềm tàng này sẽ nhân lên gấp bội khi có thời cơ cách mạng …

Ngày 2-12-1978, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Kampuchia ra đời là một sự kiện lịch sử trọng đại. Đó là kết quả của một quá trình đấu tranh cách mạng, nổi dậy chống lại chế độ phản động của Pôn-Pốt – Iêng-Xari bằng chính trị vũ trang của nhân dân Kampuchia. Vì vậy mà Mặt trận tuy mới ra mắt nhưng đã có uy tín chính trị vững chắc và rộng rãi trong nhân dân toàn cõi Kampuchia, cũng đã có một lực lượng vũ trang gồm mấy chục tiểu đoàn được học tập huấn luyện kỹ, thề quyết không đội trời chung với chế độ Pôn-Pốt.

Bầu trời Kampuchia hôm nay đã lấp lánh những vì sao sáng. Biết đâu, giờ này, đồng chí Ủy viên Bộ chính trị lại không thao thức để lại viết lên những vần thơ mới về những người chiến sĩ ở Mặt trận phía Tây Nam của Tổ quốc.

*

* *

Đồng chí Bộ, Phó phòng thông tin, nhắc tôi là đã đến giờ làm việc với Sở chỉ huy cơ bản của Binh đoàn. Chắc chắn là anh Hoàng Cầm, Trần Nguyên Độ, Ba Vinh, Nam Phong và các đồng chí các cơ quan các binh chủng đang tập hợp họp xung quanh máy tăng âm, chờ nghe tôi báo cáo. Còn tôi, tôi cũng mong tin tức mới nhất của các cánh quân bạn, và cần đề nghị Sở chỉ huy cơ bản dốc sức giải quyết cho một số việc để chúng tôi tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Tôi xem đồng hồ lúc này là 1 giờ ngày 6-1-1979.


III
ĐƯỜNG ĐẾN MÊ-KÔNG

Ngày 6-1-1979.

Đường ra phía trước thường là những con đường vui, dù đó chỉ là con đường rừng hiu quạnh, trèo đèo, lội bưng. Huống chi đường của chúng tôi đang đi ra phía trước sáng nay là con đường số 1 trải nhựa nằm giữa đồng bằng bát ngát tít tắp tận chân trời. Không máy bay địch, không đại bác nổ, chiều tối qua, quân ta đã xé toạc quân địch ra như xé một tấm vải trên đường số 1 này.

Hai bên đường, những nhà sàn bị phá nham nhở, từng đám người đủ mọi lứa tuổi ngồi chùm nhum, không phân biệt ai là dân, ai là lính địch. Họ làm như không dính dáng gì đến chuyện quân sự ở trên đường. Chưa có đội công tác của bạn nào đến đây cả.

Đoàn xe chúng tôi phải tránh những hố pháo, những ổ gà, những đống thùng đạn, những xác xe hỏng, nên chạy rất chậm. Vòm trời phía Tây trong xanh lơ lửng những gợn mây mỏng màu da cam. Trên cánh đồng hoang, đàn cò trắng hốt hoảng chao lượn như những tờ giấy trắng gặp ngọn gió xoáy. Hàng thốt nốt đứng sừng sững, trơ trọi lặng thinh giữa trời như những cụ già Khơ-me chất phác.

Đêm qua là đêm thứ sáu, mọi người phía trước phía sau đều thức trắng.

Các đơn vị của Đoàn 7 và hai tiểu đoàn số 2 và số 7 quân giải phóng Kampuchia, được Tiểu đoàn 2 xe tăng chi viện đã chiếm bờ Đông bến phà Neak-lương đêm qua! Bộ đội ta tiến như vũ bão, nội ngày hôm qua đã chẻ quân địch ra mà tiến hơn 40 cây số. Các sư đoàn của Pôn-Pốt từ đường Mười, Chi-Phu, Công-Pông-Rồ chạy tan tác về phía Tây không kịp phá cầu, không kịp đốt kho. Phà Neak-lương bị máy bay ta oanh tạc, trôi lềnh bềnh về phía hạ lưu. Chúng bỏ lại toàn bộ xe pháo, giựt thuyền của dân và ôm tất cả những vật gì nổi được bơi sang bờ phía Tây. Số chạy không kịp bị ta bao vây bắt sống gần hai ngàn tên. Nhân dân bị chúng lùa đến đây cũng ùn lại dọc bên bờ sông. Trong đêm tối họ reo mừng inh ỏi, họ gọi to: "Bộ đội giải phóng ơi! Đừng bắn, không còn Pôn-Pốt đâu". Được bộ đội đến giải phóng kịp thời, đang đêm nhân dân tháo ngược trở lại hướng Svay-riêng.

Gần đến cầu Kompong-Trabéc một đồng chí ngồi cùng xe chỉ cho tôi ba chiếc PT85 của địch bị ta bắn cháy trên cánh đồng.

Không ngờ hai bên đường 1 lại hoang tàn đến thế. Thị trấn Kompong-Trabéc (nghĩa là bến Cây ổi) trước đây rất đông người. Trong kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, chúng tôi thường qua lại chỗ này, Tra-béc xuống Tà-lô, sang Đồng Tháp Mười, lên Châk, Tiêm-phờ-lơn, Orăng-âu về chiến khu A (bắc tây Ninh) đông vui nhộn nhịp lắm. Từ trước tới nay nhân dân ta đoàn kết với nhân dân Kampuchia, giúp cách mạng Kampuchia hết sức tận tình trên tinh thần quốc tế vô sản chân chính. Nhưng từ 72 – 73 đến nay, bọn bành trướng Bắc Kinh đã lôi kéo được tập đoàn Pôn-Pốt – Iêng-Xari và từ đó chúng bắt đầu trở mặt. Chúng dùng bè cánh ở Quân khu Tây Nam do tên Tà-mốc làm Bí thư kiêm Quân khu trưởng, giết hại cán bộ, thương binh của ta, trước nay vẫn mượn một đoạn đường ở Mỏ Vẹt này để đi từ miền Tây lên miền Đông. Vũ khí từ miền Đông ta tải xuống cho miền Tây, lớp thì chúng phục kích cướp giựt, lớp thì chúng đề ra nguyên tắc chia đôi, chúng đòi toàn súng đạn loại lớn mà ta đang cần để đánh Mỹ. Gạo từ miền Tây ta tải lên chúng lấy phân nửa rồi bán lại cho ta với giá cao ở miền Đông. Mỗi lần Trung ương cục của ta thông báo tình hình ấy cho Pôn-Pốt thì chúng đổ lỗi cho quân khu Tây Nam làm sai. Nhưng nhân dân Prey-Veng và Svay-riêng thì rất thương bộ đội Việt Nam. Lại thêm các đồng chí chủ chốt trong ban lãnh đạo quân khu có chân trong Trung ương của PônPốt như Su-Va-na mà chúng tôi quen gọi là anh Mười Su và anh Năm Sang (cũng lấy vần đầu tên anh) là những đồng chí chí cốt chí tình, biết phân biệt phải trái, đúng sai. Anh Mười Su! Anh Năm Sang! Chúng tôi không bao giờ quên các đồng chí cũng như các đồng chí khác. Khi tập đoàn PônPốt – Iêng-Xari đã lộ nguyên hình là những tên phản bội, tay sai của Bắc Kinh, các anh đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của Quân khu 203 hồi tháng 5/1978. Lúc biết các anh gặp khó khăn, bộ đội Việt Nam đã tìm mọi cách để cứu nhưng không còn kịp nữa, chúng đã giết các anh rồi. Còn nhân dân các huyện biên giới được giải phóng từ những năm 1970 thì sau ngày 17/4/1975 chúng quy là dân loại 3 và đầy ải lên vùng rừng sâu nước độc giáp biên giới Thái lan, chúng đẩy dân các tỉnh khác lấp vào các huyện biên giới.

Cũng như các thị trấn khác, KomPong-Trabéc chỉ còn trơ những chân tảng xi măng lẫn cỏ dại. Dừng xe lại nhìn phía Phum Ampil cũ, tôi cố moi trí nhớ tìm cây me nhà cụ Sóc, ông già cụt một chân đã dám dùng rựa chém đứt cổ tên lính ngụy NonLon để giành lại đôi bò … Nhà cụ rộng rãi chỉ có hai vợ chồng già và đứa cháu nội, con lớn đã ra ở riêng, thằng Út thì đi tu. Đã đến Tra-béc mà không ghé nhà thì cụ giận lắm. Cụ thích chúng tôi ngoài tính tình hợp với cụ, còn vì chúng tôi biết thưởng thức món ếch ương phơi khô nướng nhắm rượu thốt nốt. 

Đứa cháu gái cưng của cụ là Mờ-ni, năm ấy 12 tuổi. Cháu rất thông minh. Chúng tôi học tiếng Kampuchia ở cháu và dạy lại cháu tiếng Việt Nam. Lúc đầu chúng tôi xưng "Pu" (chú), cháu bảo: "Um lớn hơn Âu Mờni mà, Mờni kêu bằng Um-Vu mà" (Bác Vũ). Một hôm thấy con cò bay ngoài ruộng, Mờni hỏi:

- Con chim đó Việt Nam kêu bằng gì?

- Con cò, "Con cò lặn lội bờ sông. Bắt tép nuôi chồng công tác đường xa".

Tôi giải thích câu ca dao đó, Mờni thích lắm. Cháu dạy lại cho các chị bên cạnh cùng học tiếng Việt Nam với cháu. Học tiếng nước ngoài mà học ngụ ngôn ca dao là dễ nhớ từ lắm. Cháu phát âm rõ nhưng không đúng dấu nghe dễ thương quá. Mỗi lần qua lại nhà là tôi bắt cháu nói: "Um-Vu ơi! Con cò lắng lói bờ song …" Tôi ôm bụng cười đến chảy nước mắt.

Cây me mà cụ Sóc hay cột bò vẫn đứng đó. Cụ, cháu Mờni và bà con Phum Ampil giờ ở đâu?

Tôi đi bộ lên cầu Tra-béc với anh Hồ Nam công binh, anh Phùng tác chiến, anh tám Danh quân báo, anh Bộ thông tin và một số anh em cán bộ chiến sĩ vệ binh trong Sở chỉ huy tiền phương. Chúng tôi muốn quan sát để xem, một trong những nỗi lo lắng đè nặng chúng tôi mấy hôm nay đã được anh em thiết giáp giải quyết như thế nào. Chiếc cầu sắt dài hơn trăm mét làm từ đời Pháp thuộc đã bị lún võng xuống hơn một gang tay, mặt gỗ bị băm nát. Chiều hôm qua năm chiếc T54, hai PT85 và chín chiếc M113 đã dũng cảm táo bạo vượt qua cầu này. Thế thì các cầu khác trên đường số 1 cũng sẽ qua được. Tôi hình dung theo anh em cơ quan tác chiến kể lại: chiều hôm qua một chiến sĩ lái xe tăng đã tình nguyện lái chiếc T54 đi đầu qua cầu này. Để làm cho cán bộ an tâm và cũng để tự động viên mình, đồng chí ấy lý luận rằng: "Cầu sắt nếu có sập thì cũng sập từ từ, có gì ta lùi xe lại". Khi được chấp thuận, một mình một xe, đồng chí cho xe lăn từ từ đặt phân nửa thân xe lên cầu, rồi nhích lên cho toàn thân xe nằm trên cầu. Anh nhảy xuống đất quan sát, rồi lại lên xe. Bằng một tốc độ chậm và đều, anh cho xe chạy qua cầu. Móng cầu chuyển động rúc rắc, thân cầu đung đưa, làm đứng tim anh em xung quanh. Xong đồng chí ấy lần lượt lái bốn chiếc T54 còn lại qua cầu. Nếu chỉ tính toán theo công thức thông thường, mà không có kinh nghiệm đưa xe tăng qua cầu gỗ bắc ngang sông Sài Gòn ở Võ Tùng, qua cầu sắt Biên Hòa có tấm bảng tròn vẽ chữ 12 tấn to tướng, thì không thể nào dám đưa T54 qua cầu Tra-béc.

Còn mở đường vòng tránh ở khu vực đàm lầy này thì phải mất năm ngày chưa chắc đã xong. Tôi nhìn anh Hồ Nam cười, có lẽ ba hôm nay chúng tôi đều quên cười. Anh Hồ Nam cũng nhoẻn miệng vừa nói vừa chúm năm ngón tay ra dấu: "Như vậy là xe tăng nó nện, những chỗ hở bị nén chặt hơn, bảo đảm cho hàng chục xe tăng nữa qua không sao".

Tuy biết rằng ý kiến anh Hồ Nam chưa đủ chứng cứ khoa học, nhưng cũng không ai tranh luận vấn đề ấy trong lúc này.

Đoàn xe của chúng tôi sốt ruột rú còi inh ỏi, xin đường vượt từng chiếc xe tải lác đác chạy chậm như rùa. Qua khỏi cầu Tra-béc vài cây số đã gặp dân đi ngược chiều rất đông, nào gồng gánh, xe bò, xe trâu, xe do người kéo. Lẫn lộn trong đó biết bao nhiêu là lính PônPốt. Họ mặc bộ đồ đen hoặc áo vàng vải Tô Châu may cùng một kiểu, trông là biết ngay. Nhân dân đã quen với bộ đội phía trước rồi, nên không còn ngỡ ngàng như bà con ở Đôn-so ngày hôm qua. Trên gương mặt của bà con chỉ có đôi mắt là còn sức sống.Họ gày gò phù thũng lê từng bước một. Các cụ già chỉ còn manh vải rách lủng lẳng trên ngực trên lưng gọi là áo, quần đùi vá đụp buộc túm phơi cặp giò gày nhom xiêu vẹo. Đàn bà thì áo túi ngắn cũn cỡn, xà rông bẩn cũ đến không còn thấy mặt vải, tóc tai rối bời, hoe hoét như mớ rễ lộc bình. Chúng tôi tươi cười vẫy tay nói với bà con hai bên đường:

-Xóc xa bai tà ơi, dầy ơi, boong ôn ơi!

(mạnh giỏi ông ơi, bà ơi, anh chị em ơi!)

Anh em đi xe sau cùng làm như vậy. Nhân dân cười cởi mở đưa tay vẫy mãi. Các em bé đầu trọc lóc, áo dài thùng thình quá gối, có đứa trần truồng, tấm lưng cong trên hai bàn đít chai đen trũi. Có bao nhiêu mì tôm, lương khô mang theo, chúng tôi phân phát hết cho các em. Có một em mím miệng nhìn tôi phập phồng cánh mũi nhỏ xíu, trông sao nhớ thằng cu Đức nhà tôi quá đỗi. Mỗi người chỉ đội trên đầu một ít gạo muối, vài thứ đồ dùng gia đình đơn sơ như nồi niêu, thúng mủng. Có em nhỏ ôm trum trũm chú chó con.

Thấy thế, quân y sĩ Mười Vàng cười khì khì.

Chả là hôm qua khi đến Đôn-so Prây-nhây, chúng tôi bảo nhân dân lấy lúa gạo, gà, heo của công xã chia nhau mà ăn, nhất là cho người già, trẻ em, người bệnh. Nhân dân nói: "Của Ăng-ka đấy, lấy Ăng-ka đập chết". Chúng tôi bảo "Ăng-ka chạy hết rồi, sợ gì ". Nhân dân bảo: "Mấy ông đi rồi Ăng-ka về đập chết".

Hai bên đường thỉnh thoảng gặp chiếc xe khẩu pháo còn mới tinh đâm đầu xuống ruộng. Cảm giác sau gần bốn năm trên đường từ Dầu Giây đấn Biên Hòa sống lại trong lòng tôi như đâu mới hôm qua, hôm kia đây vậy.

Thành phần trên chiếc xe Jeep của tôi, nếu có một nhà văn giỏi tán nhuyễn ra thì cũng đầy một quyển sách hấp dẫn. Chú Mười Vàng quê xứ dừa, ra trường Quân y sĩ từ trước trận chống càn Jan-xơn xi-ti và bắt đầu về công tác chung với tôi từ Tết Mậu Thân cho đến nay. Ôm vô lăng là cậu Biên, con cả đồng chí Trung người lái xe đi với tôi thừ thuở còn dùng Hon-da 90 đến khi có Gaz 69 rồi Jeep. Còn cậu Nguyện thì cũng nối nghiệp của bố. Bố Nguyện đã từng đánh nhau với Mỹ trên chiến trường miền Đông Nam bộ và Đông Bắc Kampu-chia. Biên với Nguyện rất lạ cảnh này, nên tôi cứ nhắc Biên vững tay lái, đừng làm cho nhân dân sợ. Còn Nguyện thì tôi nhắc mím kín môi lại kẻo bụi bám vào răng. Bụi bám vào lông mày, mi bạc như ông già, thế mà cậu ta cứ há hốc mồm.

Đoàn xe chúng tôi gào thét van xin mãi rồi cũng tới được cầu Tôn-lê-tút. Ở đây còn cách bến phà Neak-lương ba cây số. Xe của các binh chủng đỗ nối đuôi thành một chuỗi dài mấy cây số, khít như nêm. Riêng xe tăng và M113 thì không thấy. Đoàn xe chở phà và thuyền ghép của Lữ 25 Công binh tăng cường cho Đoàn 7 vẫn còn nghẽn ở tít phía sau.Trên cầu, hai bên dốc cầu, nhân dân chen chúc nhau đen nghịt, lộn nhèo với xe bò xe trận. Có những con trâu trợn tròn mắt trắng vặn nài bẻ ách không chịu đi. Chúng tôi gặp anh Dũng và mấy cán bộ tác chiến Đoàn 7 đang nhăn nhó điều khiển túi bụi trên đều cầu bên này. Đầu cầu bên kia thì anh Giáp, chủ nhiệm Công binh cùng làm việc ấy. Tôi hơi chột dạ vì vị trí anh Dũng lúc này là ở Sở chỉ huy mới đúng hơn. Nhưng nghĩ lại nếu anh không đi giải quyết một việc cụ thể như thế này thì có khi hỏng việc lớn. Hơn nữa, Sở chỉ huy Đoàn 7 cách cầu có ba trăm mét thì làm thế nào anh Dũng có thể ngồi yên trước tình huống như thế này. Trong chiến tranh nhiều khi về mặt chiến lược, chiến dịch rất thuận lợi nhưng để trục trặc mà không giải quyết kịp thời một khâu quan trọng nào đó trong chiến đấu thì bị thất bại là thường. Ở Sở chỉ huy đã có anh Thẩm chính ủy và chủ nhiệm các cơ quan.

Đêm qua sau cuộc họp ở ngã tư Pra-sát,chúng tôi đã phân công anh Ba Bì, anh Ngọc Ánh, anh Vịnh, anh Triệu, anh Tuất công binh Binh đoàn đi ra Neak-lương để chỉ huy chiến đấu mở rộng bãi đổ bộ và tìm mọi phương tiện tại chỗ để đưa hai Tiểu đoàn bạn và Trung đoàn 12 vượt sông đánh chiếm bến phà trong đêm. Đến ba giờ sáng, anh Ngọc Anh báo cáo về là không tìm ra một chiếc ghe chiếc xuồng nào cả. Tôi bảo làm phao bơi và kết bè bằng mọi vật nổi mà vượt. Đến bốn giờ các anh báo là sông rộng sóng to, đêm tối như mực, phao bè không bảo đảm vượt sông an toàn. Tôi bảo cố gắng khắc phục mọi cách để đưa bộ phận trinh sát sang, các anh cũng không giải quyết được.

Từ hai hôm nay, tôi không rời anh Hồ Nam, chủ nhiệm công binh Binh đoàn. Hồi hai giờ khuya tôi còn phái anh đi gặp anh Biểu, Lữ đoàn 25 Công binh ở Prây-nhây để xem phà máy đẩy có điều thêm được gì nữa không, dù tôi chắc đến giờ này chỉ có ngần ấy thôi: hai bộ phà nặng và hai mươi bốn xuồng gấp. Cầu Đôn-So bị xe tăng qua sập nên lực lượng còn lại của Lữ 25 Công binh vòng trở lại ngả Chi-Phu, đường sình lầy dài hơn trăm ki-lô-mét làm thế nào đến kịp.

Nhìn anh Hồ Nam hai vai xương xẩu, tóc hớt cao đã hoa râm, mắt thâm quầng vì mấy đêm rồi không ngủ, tôi nhớ những ngày Công binh mở đường bí mật đưa pháo bắn thẳng vào Bù-đăng, mở đường bao vây bốn phía Chi-Phu[1] Đồng Xoài, Phước Long, mở đường rừng núi chập chùng đưa pháo 130 ly vào lót sẵn ở phía Tây bắc Tiểu khu Lâm Đồng … Với những cây tre, những thùng xăng, thùng nhôm kết phà, công binh ta đã đưa xe vượt sông Sài Gòn, sông Bé, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ. Và mới cách đây mười ba ngày với những thùng phuy, ta đã bắc cầu nổi qua sông Vàm Cỏ cho toàn bộ Đoàn 341 bí mật vượt sông để cùng với Đoàn 2 bao vây tiêu diệt gọn ba Trung đoàn nòng cốt đi đầu của ba sư đoàn địch ở Bến Sỏi Tây Ninh.

Nhưng ta chưa từng vượt sông lớn mà bên kia bờ địch đã có hệ thống phòng ngự kiên cố mà học thuật quân sự gọi là "Vượt sông bằng sức mạnh".Ta chiếm bờ bên này rồi, chậm giờ nào là địch củng cố thêm bờ bên kia giờ ấy.

Vì thế mà chúng ta chạy vạy lo lắng biết bao nhiêu từ hôm qua đến nay và thực sự là ta đã lo việc này từ trước đây hai tháng rồi cơ mà. Thế nhưng đến giờ này thì chỉ có được ngần ấy thôi anh Hồ Nam à: Hai bộ phà đẩy, mỗi chuyến 45 phút, chuyển suốt 12 giờ không trục trặc gì thì được 64 xe tải. Nếu xe tăng thì bằng một nửa số đó. Biết làm sao bây giờ! Thời gian là thế, là lực, thời gian là xương, là máu.

*

* *

Mê-Kông! Dòng sông thân thiết đã tưới mát tâm hồn thơ trẻ, hôm nay sao Mê-Kông lại thiêu đốt lòng tôi.


IV
VƯỢT SÔNG

Sau khi dặn dò thứ tự ưu tiên xe cộ cho anh Giáp, chúng tôi lao ra bến phà Neak-Lương.

Còn cách bến độ một ki-lô-mét, tôi dừng lại dãy nhà bên phải, gọi anh Hựu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12, lên xe cùng đi xuống bến phà. Vừa đi anh Hựu vừa báo cáo tình hình.

Neak-lương đây rồi! Trên bãi xe rải nhựa, rộng bằng cỡ bến xe các tỉnh, ngổn ngang nào xe nào pháo. Một vài xác lính địch còn kẹt trong đó. Trận chiến đấu đêm qua và cuộc tháo chạy hỗn loạn của quân Pôn-Pốt còn để lại cảnh tượng tàn phá gớm ghiếc.

Từ phía bên kia sông tiếng trọng liên, đại liên của địch chĩa nòng bắn sang nghe rất gần, thỉnh thoảng xen lẫn tiếng đạn súng cối lớn nhỏ đủ cỡ. Tiếng súng nhỏ ở hai phía hạ lưu vAF thượng lưu chốc chốc lại nổ rộ lên từng chập một. Những đám khói còn nghi ngút thỉnh thoảng bốc cao. Mùi vải cháy, mùi thuốc súng, mùi dầu mỡ, mùi mắm bò hóc xông lên làm nhức đầu chóng mặt. Rải rác đó đây, còn một vài xác địch nằm sóng xoài sau gốc cây, bờ tre. Anh em nói đã làm vệ sinh chiến trường rồi nhưng vẫn còn sót. Tôi nhắc anh em đừng vứt xác địch xuống sông làm ô nhiễm nguồn nước.

Thấy tôi nhìn vào đống xe cộ ngổn ngang lấp mất đường xuống bến, anh Hựu báo ngay :

- Xe pháo của địch đấy anh ạ!

Nhưng thật ra thì cũng có mấy chiếc xe của ta. Anh Cẩm,Tham mưu trưởng Đoàn 9 chạy đến gặp tôi mừng rỡ. Anh bảo là anh mượn đường hành quân đi xuống Piêm-Cho cho nhanh.

Tôi hỏi Sở chỉ huy Đoàn 9 hiện ở đâu, anh bảo: anh Ba Hồng tư lệnh đoàn 9, đã lên Trà-béc, Đoàn 9 đang đuổi địch hướng Nam đường 1, nhưng sợ chậm nên muốn đưa một bộ phận đi cơ giới theo đường bờ sông để nhanh chóng xuống chặn địch không cho chúng chạy qua sông về phía Tây, vừa kịp thời bảo đảm sườn trái cho Đoàn 7 kịp thời vượt sông như nhiệm vụ Đoàn 9 đã nhận ở Binh Đoàn. Tôi bảo anh Cẩm: Không được đi đường này làm trở ngại Đoàn 7. Bộ phận xe trinh sát đã vào tới đây rồi thì có thể đi tiếp, còn các xe khác thì quay lại ngay.

Vừa lúc ấy cũng gặp anh Ba Bì tham mưu phó Binh đoàn và anh Thuyết trung đoàn trưởng 14 đến bãi xe. Anh Thuyết khoe ngay một thôi, nào là xe, nào là pháo, nào kho đạn, kho xăng, khí tài thông tin, công binh, xe ủi đất, nào kho vải, kho máy may, toàn của Trung Quốc mới tinh. Trong kế hoạch tác chiến ai cũng biết đây là hậu phương của Quân khu Đông và là vị trí phòng thủ của một trung đoàn địch. Anh Ba Bì ngắt ngang lời anh Thuyết:

- Biết rồi, nói mãi. Tôi đã giao cho hậu cần và công binh canh gác bảo quản.

Anh Ba Bì vừa đi vừa báo cáo qua tình hình và phân trần tại sao đêm qua không thể nào vượt được sông, dù ít nhất cũng một bộ phận trinh sát.

Chúng tôi đi xuôi theo bờ sông xuống phía Nam. Ở đây là chỗ chính của thị trấn, có nhiều phố xá, nhà lầu trước đây là cửa hàng của Hoa kiều, nay địch lấy làm kho chứa hàng chiến tranh, xưởng may quân trang, trạm sửa chữa xe pháo … Anh Ba Bì đưa tôi vào một nhà lầu ba tầng, trên đó ta đặt đài quan sát pháo binh. Vào trong rào sắt của ngôi nhà tôi thấy mấy chiến sĩ ta đang dỡ vải và bàn máy may từ trên ba chiếc xe tải xuống sân xi-măng. Tôi bực mình hỏi như quát:

- Các đồng chí làm cái gì thế?

Anh Ba Bì đỡ lời ngay là anh em chất hàng xuống để lấy xe cơ động.

Chúng tôi theo thang gác lên đến sân thượng thì gặp anh Thạnh trung đoàn trưởng Trung đoàn 210 pháo binh thuộc Đoàn 7 và anh Minh lữ trưởng Lữ 24 pháo binh của Binh đoàn đang lúi húi với tổ trinh sát đánh dấu các hỏa điểm và công sự địch.

Lúc ấy là 8 giờ 35 phút.

Qua ống nhòm các anh hướng dẫn tôi quan sát phía bên kia sông. Địa hình không khác hơn như hình dung trên bản đồ bao nhiêu. Bờ sông đất bồi thoai thoải, cách mép nước độ 100 mét là bãi hoa màu, có hai tầng công sự có nắp hẳn hoi, thấy địch rọ rạy trong đó. Kế đến là xóm làng có dừa cau và cây ăn quả. Nhà cửa thưa thớt, có chỗ mỏng nhìn thấy ruộng, bờ đê và con rạch phía sau phum. Từ Quốc lộ số 1 mọc ra một con đường đá đỏ chạy dọc xuống phía Nam vòng ra sau làng, thấy rõ cây cầu gỗ bắc qua rạch. Quốc lộ 1 từ bờ sông phía Bắc ngoặc ra bến phà, chạy giữa hai khu vực doanh trại đủ chứa hai tiểu đoàn, còn trơ những lô cốt xi-măng cốt sắt thời Pháp, bên ngoài có rào thép gai. Bến phà bên ấy chếch về phía Nam so với bến phà bên này độ 300 mét. Bờ bên ấy không có nhà tầng, phố xá như bên này. Đối diện với phà bên này là chót mũi Cù lao lớn từ phía Bắc thò xuống. Từ bờ sông bên ấy, nếu địch trèo cây thốt nốt, cây dầu như chúng thường làm thì có thể nhìn thấy dọc bờ sông bên này, nhưng bị che khuất bởi phố xá và cây cối nên không nhìn rõ bãi xe và con đường 1. Bờ bên này ưu thế hơn bờ bên kia nhiều.

Tôi mừng lắm. Kế hoạch vượt sông như vậy là chính xác. Theo kế hoạch dự kiến thì Trung đoàn 12 cùng với Tiểu đoàn 3 bạn được pháo binh yểm hộ mạnh mẽ, đổ bộ phía hạ lưu, vòng qua phía Tây vào sâu trong ruộng bao vây hai tiểu đoàn địch phòng thủ ở khu vực bến phà, đánh hất chúng ra sông. Sau đó phát triển tấn công mở rộng đường 1 vào chiều sâu từ 8-10 ki-lô-mét, để đẩy trận địa pháo 105,122 của địch ra khỏi tầm bắn đến bến phà. Kế đó Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 7 của bạn và Trung đoàn 14 tiếp tục vượt sông thay cho Tiểu đoàn 3 bạn và Trung đoàn 12 chiếm giữ và mở rộng bến phía bờ Tây. Còn Trung đoàn 209 thì ở cách Đông phà Neak-lương 10 kilômét, chuẩn bị các mặt làm mũi nhọn thọc sâu với xe tăng. Căn cứ vào địa hình địa thế bên ấy, địch chỉ có thể bố trí từ mép nước vào làng đến bờ đê phía sau chiều sâu không quá 300 mét. Còn chiều rộng nếu chiếm hết cái làng bao gồm Nam Bắc bến phà thì không quá 800 mét. Với hỏa lực của ta, cộng thêm pháo đạn chiến lợi phẩm của địch để lại dọc theo bờ sông, ta chỉ cần xoay nòng lại tạo thành mật độ mười mét một khẩu pháo cối, thì địch không thể nào chịu nổi.

Chúng tôi phân cho anh Thạch lo củng cố lại hệ thống hỏa lực bắn thẳng và súng cối, còn anh Minh tổ chức hệ thống hỏa lực pháo vòng cầu .Hai anh cùng lên một kế hoạch hỏa lực thống nhất, một giờ nữa phải hoàn chỉnh.

Chúng tôi vừa xuống tầng dưới thì pháo địch từ hướng đường 1 bắt đầu bắn đến, đạn nổ rất gần, mảnh bay rào rào. Anh Phùng, trưởng ban tác chiến Binh đoàn, trước đây vốn là cán bộ pháo binh, buột miệng:

-Pháo ta đâu, không trị tụi nó, coi chừng nó bắn cháy bãi xe mình.

Anh Thạnh, giọng móc ngoéo:

- Báo cáo đồng chí phó phòng tác chiến, lệnh của Binh đoàn khi chiếm bến phà Neak-lương chỉ được dùng súng nhỏ và cối 82 trở lại, không được dùng pháo, không được nổ các loại súng để báo cho địch là ta có cấp trung đoàn, sư đoàn ở đây.

Thật thế, từ lúc chúng tôi đến bến phà Neak-lương, địch bên kia sông bắn qua đủ các loại súng, nhưng ta chưa bắn trả.

Ở phía Nam và phía Bắc thỉnh thoảng nở rộ các loại súng bộ binh, khi ta đánh địch phản kích. Chỉ có xa xa về hướng Đông nam, hướng Đoàn 9 truy đuổi Sư đoàn 805 của địch là súng pháo nổ nhiều.

Một phát pháo nổ phía sau ruộng cách nhà ba tầng chúng tôi chừng 200mét, phát thứ hai nổ ngoài bờ sông. Anh Thạnh bảo:

- Tụi nó bắn bao bọc chiếc bán, chính hiệu Trung Quốc đấy, coi chừng nó bắn hiệu lực.

Chúng tôi không ai bảo ai cứ ở lại trong ngôi nhà. Đúng như anh Thạnh nói, một loạt đạn pháo rơi nổ phía sau, nhà bếp bốc cháy khói lùa vào nhà lầu. Anh Hồ Nam phát hiện sau nhà có con đê, giữa con đê có xẻ giao thông hào. Chúng tôi đi ra đó. Con đê này chạy song song cách đường 1 độ hai trăm mét. Nhiều đoạn giao thông hà có nắp và thiết bị bắn cho các loại hỏa lực ra phía đường 1. Chúng lót cả chiếu ván để nằm ngủ tại chỗ. Nhiều xác địch còn nắm cong queo bên khẩu ĐKZ, loại đại liên. Quan sát kỹ dấu vết, chúng tôi tấm tắc khen anh em trung đoàn 12 và 3 tiểu đoàn bạn đêm qua đánh rất khôn ngoan. Các vết đạn và vết chân của ta đều đi từ hướng Nam lên, đánh vào phía sau lưng địch. Nếu cứ lông ngông đi trên đường 1, thì dù là xe tăng cũng phải phơi xác.

Ngồi trong giao thông hào chúng tôi phân công nhau: Anh Hồ nam đi về hướng cầu Tôn-Lê-Tút đưa cho được phà lên, làm gì cũng phải đưa cho bằng được Đại đội 12 thuyền ghép lên trước. Anh Hựu đi tổ chức cho trung đoàn 12 vượt sông. Anh Phùng về Sở chỉ huy báo lại tình hình và ý định của tôi ở bến vượt cho Bộ tư lệnh Đoàn 7, chặn tuyệt đối không cho xe xuống bến và báo cáo về Sở chỉ huy cơ bản Binh đoàn. Tôi và anh Ba Bì, anh Tám Danh đi chuẩn bị bến vượt.

10 giờ 30 phút anh Hồ Nam đưa được ba xe chở hai mươi thuyền ghép xuống. Đội thuyền này mới được điều từ hậu phương đến, anh em chưa chiến đấu lần nào. Tôi thì chưa thấy mặt mũi chiếc thuyền ra sao. Đồng chí đại đội trưởng cho biết mỗi thuyền cần 6 người ghép trong năm phút là xong, nhưng anh em chỉ có hai người mỗi thuyền, ì ạch lắp ráp mất hai mươi phút. Pháo cối địch vẫn bắn mạnh dọc theo bờ sông. Đạn pháo 130 ly bay vun vút qua đầu, rơi nổ dọc theo đường 1. Chiến sĩ đại đội thuyền thỉnh thoảng lại nằm xuống tránh mảnh đạn nên đã chậm lại chậm thêm. Tôi vừa làm thợ vịn, vừa hụ hợ động viên chung chung, vừa hỏi tính năng tác dụng của thuyền. Lắp xong một chiếc tôi hiểu rồi, tôi cho vệ binh đi gọi Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12 và Trinh sát xuống phụ.

Đội thuyền ghép chia thành hai bến do anh Hựu chỉ huy một bến và anh ba Bì phụ trách một bến.

Bến của anh Hựu cách cầu phà Neak-lương độ 600mét, còn bến anh Ba Bì thì cách 1000m về phía hạ lưu. Ở trên đài quan sát pháo binh tôi nhìn rõ hai bến vượt sông. Bãi đổ bộ bên kia là phía đuôi làng, cây cối lưa thưa, nơi địch không thể bố trí lực lượng lớn được. Sức chở mỗi thuyền được một trung đội, nhưng chuyến đầu chỉ cho đi phân nửa số thuyền và mỗi thuyền chở một tiểu đội trinh sát.

Lúc ấy là 11 giờ 45 phút. Một trận hợp đồng đơn giản nhưng rất đẹp. Bằng một hiệu cờ ở bãi đổ bộ. Sở chỉ huy pháo binh trên nhà lầu phát tín hiệu cho pháo ta bắn đồng loạt. Một tràng tiếng nổ động đất, một bức tường lửa dựng lên suốt chiều dài một cây số bên kia bờ sông. Hai đội thuyền, mỗi đội năm chiếc thành đội hình chữ A, mở hết tốc độ. Thuyền đang lướt băng băng thì đại liên địch quét, đạn cày trên mặt nước, các loại đạn cối rơi lụp ụp quanh thuyền. Đội hình thuyền chỗ anh Hựu rối loạn quay mũi trở lại. Anh ba Bì vừa thét vừa phất cờ ra hiệu cho anh em phải tiến. Đội thuyền vòng lại một trăm tám mươi độ tiếp tục tiến. Được một chốc đội thuyền lần lượt tắt máy dừng lại. Năm chiếc chỗ anh Ba Bì không bị địch bắn bao nhiêu cũng tắt máy trôi lềnh bềnh. Trong ống dòm tôi nhìn thấy anh em kẻ chèo người bơi. Lúc này quân địch bị pháo ta đánh mạnh và bắn trúng nên chúng bắn ít đi và phần nhiều là đạn bay lên trời. Một số địch bỏ bãi sông chạy vào làng. Thuyền cặp bờ, pháo ta chuyển làn, các chiến sĩ trinh sát nhảy lên bờ lợi dụng địa hình vừa chạy vừa bắn trên bãi màu thoai thoải, trong làn khói vừa tan.

Hỏa lực của ta tiếp tục chế áp để cho anh em chèo thuyền về bờ bên này mất hơn mười lăm phút. Thì ra hồi nãy đoàn thuyền muốn quay lại là vì máy nổ đã có triệu chứng hỏng hóc đồng loạt chứ không phải anh em sợ trúng đạn địch. Trong lúc chúng tôi động viên anh em cất máy nổ dùng chèo bơi đưa tiếp bộ đội sang sông thì anh em kỹ thuật đã phát hiện được máy nổ hỏng vì máy mới chưa rà trơn mà anh em mở ga nhỏ quá.

Lúc bờ bên kia trinh sát ta đã chiếm được đuôi làng, và đang đánh ép vào sườn địch phía Bắc để mở rộng bãi đổ bộ, thì đội thuyền thứ hai gồm mười hai chiếc xuất phát, mỗi chiếc chở một trung đội đủ. Mười hai chiếc máy nổ rộ lên như một cuộc đua mô tô, chỉ mất bảy phút một chuyến đi về.

Đến 13 giờ hoàn thành đổ bộ Trung đoàn 12 và Tiểu đoàn 3 bạn. Đến 14 giờ 20 phút Trung đoàn 12 và Tiểu đoàn 3 bạn phối hợp với hỏa lực sấm sét, chiếm xong đường số 1 và bến phà phía Tây, bắt nhiều tù binh, phát hiện nhiều xe pháo, kho tàng của địch.

Tiếp theo, Trung đoàn 14 rồi Tiểu đoàn 2 Tiểu đoàn 7 bạn lần lượt vượt sông để chiếm lĩnh bến phà phía Tây cho Trung đoàn 12 và Tiểu đoàn 3 bạn phát triển tấn công theo đường 1.

Vừa lúc ấy, anh Hồ Nam và anh Biểu đến báo cáo là Tiểu đoàn 17 Công binh đã lắp xong hai bộ phà nặng, đề nghị cho chạy thử. Tôi đi lên bến phà với hai anh. Pháo địch từ đường 1 phía thượng nguồn bắn khá dày lên bến phà, có cả pháo 130 ly. Hai khoang thuyền bị lủng. Pháo ta được lệnh kiềm mạnh, nhưng không dập tắt được. Chúng tôi cho một phà chạy thử, chúng bắn khá chính xác làm hai đồng chí công binh bị thương. Vốn liếng chỉ có hai bộ phà, nên tôi đồng ý với đề nghị của anh Hồ Nam và Biểu cho dở phà phân tán dọc theo sông, chờ Trung đoàn 12 trục xuất được pháo cối địch rồi sẽ lắp lại để đưa xe pháo vượt sông.

Trung đoàn 12 và Tiểu đoàn 3 của Xát Tha báo cáo về: theo cung tù binh thì bọn địch phòng ngự ở bến phà phía Tây gồm có đủ các thành phần các sư đoàn 805, 703, 340 và bộ đội tỉnh Kandal do tên Ren Tổng tham mưu phó Khơ me Đỏ trực tiếp chỉ huy. Ren có thể đã chết rồi. Chúng cho biết rằng ở dọc đường số 1 có lực lượng mới điều đến, hòng ngăn chặn đường vào Phnom – Penh.

Lúc bấy giờ là 15giờ 30 ngày 6-1-1979.


V
MỆNH LỆNH SAU CÙNG

Chúng tôi trở về Sở chỉ huy Tiền phương đóng trong một ngôi chùa gần cầu Ton-Lê-Tút. Pháo 130 ly của địch vẫn bắn cầm canh. Trên đường số 1 nhân dân đã đi hết, chỉ còn xe là xe. Trực ban tác chiến báo cho biết ở nhà thông báo là Đoàn 341 đã đến núi Sơ-cách, đang tấn công về hướng Ba-nam bảo đảm sườn phải cho Đoàn 7. Núi Sơ-cách không có kho tàng và căn cứ địch như tin tình báo trước đây. Phía trái thì Đoàn 9 đã đến Piêm-cho, bắt nhiều địch, đang tiến xuống phía bắc An Giang bắt liên lạc với Trung đoàn 320 Đồng tháp để đảm bảo cho Trung đoàn 962 Hải quân lên sông Mê Kông theo mhư kế hoạch. Đoàn 2 được tăng cường cho Binh đoàn chúng tôi trong những ngày khó khăn, sau khi đánh thắng giòn giã ở Xầm-rông đang tiến lên phía Tây bắc, chiếm Prey-veng, sau đó phát triển lên bờ sông đối diện Phnom-Penh, nơi mà chúng tôi gọi là "Bầu diều" (vì trên bản đồ chỗ này giống bầu diều gà). Tôi rất mừng vì như vậy là kế hoạch hợp đồng của Binh đoàn được thực hiện hoàn chỉnh nhịp nhàng. Bốn Đoàn đều là đơn vị anh hùng, không có sức mạnh nào của địch có thể ngăn nổi bước tiến của Binh đoàn.

Uống cạn một ca nước trà nóng xong, tôi ra bờ đê chui vào chiếc xe thông tin tiếp sức báo cáo tình hình về Sở chỉ huy cơ bản cho Tư lệnh Binh đoàn. Thường những lúc như thế này tôi thường tự mình báo cáo. Ngoài nguyên tắc quân sự, còn một mối tình thiêng liêng được xây đắp khá lâu rồi, một sự tin cậy, một niềm tin tưởng lẫn nhau.

Anh Năm Thạch (là anh Hoàng Cầm) giọng mừng rỡ và đầy thân mật hỏi tôi:

- Tôi đây, Năm Thạch đây. Anh Ba khỏe không?

Thường, dù tình huống có nước sôi lửa bỏng thế nào anh cũng nói điện thoại với tôi như thế.

- Báo cáo anh, tôi mạnh.

- Cố gắng tranh thủ nghỉ, cố rán đừng để ngã ông nhé.

Những lúc như vậy tôi thường hay chảy nước mắt, giọng lạc đi. Tật ấy tôi sửa mãi chưa được. Tôi báo cáo tình hình vượt sông và kế hoạch tiếp tục chiều và đêm nay. Tôi đề nghị làm thế nào cho đội tàu 962 lên sớm, và có thứ trực thăng nào cẩu xe qua sông được thì chi viện, chớ chỉ có hai bộ phà mà đã thủng hai khoang thì trong 12 giờ giỏi lắm cũng chỉ qua được 64 xe.

Anh hiểu nỗi lo lắng của tôi. Anh hứa giục đội tàu 962 lên nhanh. Anh cho biết tình hình các hướng khác của quân bạn và các đơn vị của Binh đoàn ta đều thuận lợi. Anh dặn khi qua sông rồi, thì tổ chức sẵn sàng chờ lệnh mới.

Thế thì vẫn y như anh dặn tôi đêm hôm qua, khi tôi báo cáo ta đã chiếm Neak-lương. Tôi đề nghị:

- Đêm nay qua sông xong thì mai cho đi luôn, chứ chờ ngày N cũ (N cũ là ngày 8/1) thêm một ngày thì địch củng cố ngăn chặn hay phá hủy thành phố gây khó khăn cho ta và cho bạn lâu dài về sau. Anh ôn tồn giải thích cho tôi rằng đây là cuộc tiến công hiệp đồng nhiều hướng. Bộ chỉ huy tiền phương nắm chung và quyết định chung. Nhưng ở nhà anh sẽ đề nghị ý kiến ấy lên Bộ chỉ huy tiền phương, còn tôi tất nhiên là phải chuẩn bị sẵn sàng cơ động.

Anh dặn tôi thêm về cách cơ động, cách đánh, anh nhấn mạnh phải giáo dục anh em về kỷ luật chính sách. Anh nhắc phải giành thắng lợi trọn vẹn cả về chính trị và quân sự, phải nhớ những bài học cũ. Các chính ủy phải chịu trách nhiệm chính về việc này.

Anh vui mừng báo cho tôi biết là anh Khang-Sa-Rin, tổng tham mưu phó Quân đội Nhân dân Cách mạng Kampuchia kiêm tư lệnh Binh đoàn 1, bí hiệu là Mê Kông, hiện đang ở Sở chỉ huy cơ bản của Binh đoàn ta, cùng chỉ huy hướng của chúng tôi. Anh nhắc tôi quan tâm đầy đủ đến các đơn vị bạn (Quân đội Nhân dân Cách mạng Kampuchia). Anh cho biết ngoài ba Tiểu đoàn 2, 3, 7 bạn đang đi với tôi, còn bốn Tiểu đoàn nữa là 6, 9, 10, 11 sẽ đưa lên ngay sau khi đã truy quét tàn quân địch và ổn định tình hình xung quanh Svai-Riêng. Ngoài bốn đội công tác đã có, sẽ tăng cường thêm sáu đội nữa. Anh nhắc tôi cố gắng tránh những chỗ ác liệt, tránh thương vong cho đơn vị bạn, tạo điều kiện cho anh em hoàn thành nhiệm vụ.

Cuối cùng anh vẫn hỏi lại:

- Cố gắng giữ gìn sức khỏe anh Ba nhé! Gan ruột có thấy gì lạ không? Phải lấy thiết giáp mà đi. Chúc thắng lợi. Anh đến là tôi đến ngay đấy. Khỏe nhé! Thăm hết anh em Đoàn 7 và các binh chủng.

Giọng anh khàn khàn phát ra rất rõ từ máy tăng âm, rõ từng tiếng thở. Tôi thấy sao giống ngày vào giải phóng Phước Long quá; giống lúc vào Lâm Đồng, Long Khánh và Sài Gòn quá. Tôi cũng đốc chiến tiền phương, anh cũng ở cơ bản. Anh phát hiện những tình huống then chốt, chỉ đạo cho chúng tôi thực hiện để giành thắng lợi. Trong lúc đi chuẩn bị chiến trường cũng như trong quá trình diễn biến chiến đấu, anh tìm cách tránh cho tôi xông pha vào chỗ nguy hiểm. Ngược lại anh giành những chỗ ấy cho anh, như trong trận Bù-đăng anh đã bò vào tận rào thép gai, bị phục kích, suýt nữa thì hy sinh. Tôi đang sống lại với biết bao nhiêu kỷ niệm chiến đấu, và tình bạn, tình đông chí, không phải chỉ với anh Năm Thạch mà còn với bao nhiêu bạn bè khác, thì bỗng nghe hình như có tiếng phi cơ trực thăng. Tháng này ngày ngắn quá, mới bốn giờ chiều mà không gian đã ngả màu xám. Ngoài đường xe cộ rục rịch ầm ĩ. Khi ở trong Sở chỉ huy nghe tiếng gì như tiếng trực thăng thì nó đã đến ở trên đầu. Không kịp bảo ai, tôi chụp cái khăn mặt chạy ra ruộng quơ lia lịa. Chiếc UH-1 vừa đáp, người bước xuống té ra là anh Lâm Hà, phái viên tác chiến của Bộ chỉ huy tiền phương. Chúng tôi ôm chặt nhau. Trực thăng vẫn nổ máy, tôi kéo anh Lâm Hà ngồi xuống gốc cây bên bờ ruộng. Tôi báo cáo gọn tình hình trong mấy phút. Tôi bảo nỗi lo lắng lớn của tôi là vượt sông cho cơ giới. Tôi đề nghị ngày mai cho đi luôn. Sang sông được bao nhiêu xe, chúng tôi đi bấy nhiêu, còn thì đi bộ. Hễ gặp địch phía trước bộ đội nhảy xuống đánh, thì! quay xe lại chuyển tải anh em đi bộ lên tiếp. Nếu qua sông dừng lại thì mất thời cơ.

Anh Lâm Hà chỉ ừ ừ rồi đứng dậy. Tôi đứng lên theo, anh ghé tai tôi bảo:

- Hướng Đông bắc anh em đã chiếm Krochê, Stưng-treng đêm qua và đã vượt sông. Hướng Binh đoàn 3 đã có bộ phận qua Kompong-chàm và đang tổ chức vượt sông. Còn hướng Tây nam thì ta đã áp sát Tà Keo vòng qua Tà Ni. Hướng này xa hơn hướng của anh 20km, nhưng có hai trục đường số 2 và số 3 lại không phải qua sông …

Do dự một chút xem có nên nói thêm gì không, rồi anh tiếp:

- Đội biệt động 367 đã đến Bầu Diều, đêm nay vượt sông qua mục tiêu. Ủy ban Trung ương Mặt trận bạn cũng cho biết là các cán bộ phái vào vùng sâu cũng đã báo cáo về là đã chuẩn bị nhân dân sẵn sàng nổi dậy ở các mục tiêu ta sẽ đến … Như vậy anh nhanh chân thì anh có thể đến mục tiêu trước. Bộ cân nhắc kỹ lắm, các đồng chí Hêng-som-rin, Pen-sô-van, Chia-Sim, Xoai-Keo đều có đủ mặt hết, các đồng chí ấy quyết định đấy.

Anh vẫn chưa trả lời đề nghị của tôi, tôi hỏi lại:

- Như vậy là ngày mai cho đi luôn chứ còn chờ gì nữa.

Anh Lâm Hà vẫn tươi cười như thường lệ đáp chậm rãi:

- Trên phái tôi đi để nắm tình hình, hãy chờ tôi về báo cáo lại đã.

Vừa nói anh vừa về lại chiếc trực thăng. Tôi đi theo, nói to:

- Bây giờ tôi chỉ mong đoàn tàu 962, đề nghị cho trực thăng võ trang đi hộ tống và giục cho nó lên mau mau.

Anh Lâm Hà gật đầu lia lịa, xong bắt tay tôi thật mạnh rồi bước lên cửa trực thăng. Chiếc UH-1 quạt cát bụi mịt mù, cất lên đảo một vòng rồi bay thẳng về hướng đông.

Chưa đến một giờ sau, trong khi chúng tôi đang thông qua kế hoạch thọc sâu của xe tăng và Trung đoàn 209 do anh Dũng trình bày, thì trực thăng trở lại. Nó chưa kịp chạm đất thì anh Lâm Hà nhảy xuống chạy lại chỗ gốc cây lúc nãy, nơi tôi đang đứng. Anh truyền đạt rành mạch mệnh …

lệnh của Bộ chỉ huy tiền phương hai bên: "một là cánh quân chúng tôi chiếm toàn bộ thủ đô Phnom-Pênh, bao gồm cả sân bay Pô-chen-tông, chứ không phải từ cầu Mô-ni-vông lên đến Bộ Tổng Tham Mưu Pôn-Pốt phía nam Hoàng cung như đã qui định cũ; Hai là: N là ngày mai 7/1, chứ không phải là ngày 8/1". Anh chỉ nói miệng chứ không có bản đồ văn kiện, có lẽ vì gấp và cũng vì giao trọn thành phố thì cũng không cần bản đồ nữa. Anh cho biết ngày mai bạn sẽ đánh chiếm cảng Kôm-pông-som.

Tôi hỏi: Bộ đã thông báo cho anh Năm Thạch chưa?

Anh bảo là: Chính bộ đã trao đổi với anh Năm Thạch trước khi hạ quyết tâm, và phái anh đi truyền đạt trực tiếp cho nhanh. Tôi nhắc lại đoàn tàu 962. anh Lâm Hà cho biết là đã kiểm tra lại là tàu xuất phát từ hồi 10 giờ sáng. Vì theo kế hoạch cũ nên tàu lên đường chậm. Đang giục đấy, may thì nó đến kịp trong đêm nay, nhưng không sớm được đâu.

Lần này thì anh Lâm Hà không vội như lần trước, dù chiếc UH -1 vẫn mở máy chờ. Anh nấn ná xem tôi còn hỏi gì nữa không. Nhưng tôi thì lại vội, nên bắt tay anh trở vào Sở chỉ huy. Tôi hội ý với Bộ tư lệnh Đoàn 7 về nhiệm vụ trên vừa giao và đề nghị các anh triệu tập ngay một cuộc họp toàn đoàn cả các tiểu đoàn trưởng bạn và các binh chủng tăng cường.

Thế là mồng bảy, ngày mai. Mọi công việc phải hoàn thành nội chỉ trong đêm nay.

*

* *

BA NGƯỜI TIỂU ĐOÀN TRƯỞNG

Sau cuộc họp phổ biến mệnh lệnh sau cùng, tôi gặp riêng ba đồng chí tiểu đoàn trưởng bạn Miasa Xáttha, Meo Sầm-tô và Soc-khon. Ba anh đều còn rất trẻ, chưa ai đến ba mươi. Mỗi anh trở thành cán bộ quân đội Nhân dân Cách mạng Kampuchia bằng những con đường khác nhau. Xáttha, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, quê ở Svai-Riêng. Năm 1971 Xáttha tham gia quân đội Khơme đỏ. Lúc mới xây dựng, đại đội của Xáttha cùng ở chung với một đơn vị quân giải phóng Việt Nam thuộc Sư đoàn 9 cùng nhau đi đánh Lon-Nol và ngụy Sài Gòn ở Preksăng Đekviasua. Năm 1972 có chủ trương tách các đại đội Kampuchia ra để thành lập các trung đoàn Khơme đỏ, nhiều chiến sĩ Kampuchia không đồng ý, trong đó có Xáttha. Nhưng sau đó bộ tư lệnh Sư đoàn 9 giải thích là các đồng chí Kampuchia, đã giải phóng xong đất nước thì phải có quân đội riêng, quân đội giải phóng Kampuchia ở đây cũng do đồng chí Năm Sang, Mười Xu chỉ huy chứ không phải ai xa lạ. Chừng đó Xáttha mới đồng ý trở lại quân đội Khơme đỏ. Đến năm 1977, Xáttha làm tiểu đoàn phó bộ đội địa phương Svairiêng. Một hôm học nghị quyết của Trung ương Pôn-Pốt, Xáttha hết sức ngạc nhiên vì nghị quyết nói: "Việt Nam là kẻ thù số một, kẻ thù truyền kiếp" Xáttha không thể nào tin được, nhưng không dám nói với ai. Cho đến một ngày, tháng 10 năm 1977, quân Pôn-Pốt mở một trận tấn công xâm lược sang huyện Bến Cầu tỉnh Tây Ninh có tiểu đoàn của Xattha tham gia. Bọn chỉ huy tuyên truyền là sang tiêu diệt Sư đoàn 9 của Việt Nam. Tên Sư đoàn 9 làm cho Xattha nhớ lại biết bao kỷ niệm thân thiết. Xáttha đã lừa bọn chỉ huy bằng cách tình nguyện đưa một bộ phận trinh sát đi trước qua Bến Cầu. Khi đến đất Việt Nam, Xáttha bảo anh em giấu súng và vào tìm ta. Khi gặp bộ đội Việt Nam, Xáttha hỏi ngay tên chú Ba Hồng, chú Tám Tùng, chú Năm Tích, là những người chỉ huy Sư đoàn 9 mà Xáttha còn nhớ rất rõ.

Còn đồng chí Meo Sầm-Tô và Sockhon đều ở trong lực lượng nổi dậy thuộc sư đoàn 4 của đồng chí Hêng Somrin.

Trong không khí trang nghiêm mà rất đỗi thân mật như trong gia đình, tôi nói với ba đồng chí tiểu đoàn trưởng:

- Các đồng chí ạ! như các đồng chí đã biết trong cuộc họp vừa rồi. Theo lệnh của Ủy ban trung ương mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Kampuchia, ngày mai chúng ta vào giải phóng Phnôm Pênh.

Tôi ngừng, nhìn các anh, tìm lại hình ảnh xúc động của chính mình khi được lệnh vào giải phóng Sài Gòn năm trước. Các anh đều nhìn xuống im lặng, hàng lông mi dài đập nhanh trên vành mắt ửng đỏ. Tôi tiếp: 

- Đồng chí Khang Sà-rin, binh đoàn trưởng Binh đoàn 1, giao nhiệm vụ cho các đồng chí cùng chúng tôi giải phóng

Phhom-Pênh, sau đó Binh đoàn 1 vào đủ và hoàn toàn đảm nhiệm quân quản thành phõ Phnom-Pênh. Chốc nữa các đồng chí sẽ nghe trực tiếp chỉ thị của đồng chí Khang Sa-rin qua máy tăng âm. Nhưng vì bí mật nên đồng chí Khang sẽ không nói cụ thể được mà đồng chí giao cho tôi phổ biến kế hoạch và tôi được cấp trên của hai bên giao cho phụ trách chỉ huy cánh liên quân Việt Nam – Kampuchia này.

Các đồng chí đều không nói gì cả.

Tôi hỏi có đồng chí nào biết Phnom-Pênh không? Soc-Khon chỉ Sầm-Tô, người đã từng tham gia giải phóng Phnom-Pênh ngày 17-4-1975. Thì ra lịch sử quay một vòng tròn trở về chỗ cũ mang theo biết bao tang tóc cho một dân tộc. Cách đây gần bốn năm Sầm-Tô tham gia giải phóng Phnom-Pênh … ngày nay Sầm-Tô lại đi giải phóng Phnom-Pênh lần thứ hai để lật đổ kẻ đã lợi dụng xương máu của mình bốn năm về trước.

Tôi hỏi:

- Cảm tưởng của đồng chí lần giải phóng Phnom-Pênh nầy như thế nào?

Sầm-Tô rất đẹp trai, một vẻ đẹp rắn rỏi mặn mà, chắc nịch trong bộ quân phục Quân đội Nhân dân cách mạng Kampuchia. Anh đằng hắng lên giọng nói trầm trầm đều đều:

- Thưa đồng chí, ngày 17-4-1975 chúng tôi đổ xương máu nhiều lắm mới giải phóng được Phnom Pênh, cũng nhờ có anh em Việt Nam. Bọn Pôn-Pốt phản bội nhân dân, phản bội Tổ quốc, phản bội xương máu anh em chúng tôi. Do đó chúng tôi phải làm lại cuộc cách mạng Kampuchia. Chúng tôi thề không tiếc xương máu.

 Được đồng chí Sầm-Tô vào đề rồi, Xáttha mới nói:

- Đồng chí! Tiểu đoàn 3 chúng tôi là tiểu đoàn mồ côi, vì tất cả anh em trong tiểu đoàn đều bị Pôn-Pốt – Iêng-Xari

giết hết cha mẹ. Chúng tôi muốn được trả mối thù nầy. Các bạn Việt Nam giúp chúng tôi lần nữa. Các bạn Việt Nam hy sinh cho chúng tôi lần nữa … Nói đến đây anh sụt sùi. Chúng tôi đều rớt nước mắt.

Biết các anh đều nghiện rất nặng nhưng không ai đụng đến bao thuốc lá Vàm Cỏ và mấy ly nước trà bốc khói trước mặt.

Tôi hỏi các anh biết mặt Pôn-Pốt – lêng-Xari không. Các anh bảo là nó không bao giờ dám vác mặt xuống Quân khu 203, nên các anh chưa biết. Tôi lục xắc-cốt đưa cho các anh một xấp ảnh Pôn-Pốt, lêng-Xari, Tà-Mốc, Son-Sen và một số nhân vật khác. Các anh xem ảnh từng tên. Sockhon bảo: "Chúng nó béo phị còn nhân dân Kampuchia chúng tôi thì ốm đói như người sắp chết".

Sockhon bỗng ngẩng đầu lên hỏi tôi: 

- Chúng ta chỉ giải phóng Phnom-Pênh thôi sao? Tôi chợt nhớ Sockhon là người quê ở Battambang. Tôi nói:

- Tới Phnom-Pênh chưa phải là xong, chúng ta còn đi xa nữa … Hơn nữa ở Xiêm-Rệp, Battambang và nói chung là trên toàn bộ đất nước các đồng chí đã có những cánh quân bạn và lực lượng nổi dậy của quần chúng đã chuẩn bị sẵn sàng.

Tôi nhận thấy trong ánh đèn điện đôi mắt của Sockhon bỗng sáng rực lên một cách lạ kỳ.

Trước lúc ra đi Xáttha móc túi áo đưa cho tôi một bản tài liệu của Pôn-Pốt mà tiểu đoàn anh đã tìm thấy trong Sở chỉ huy của tên Ren ở Svai-Riêng.

Các đồng chí tiểu đoàn trưởng đã khuất mình trong đêm tối, mà hình ảnh và giọng nói của các đồng chí còn vương vấn mãi bên tôi.


VI
MƯỜI NGÀY, MỘT BƯỚC NGOẶT

Đọc xong bản nghị quyết của Trung ương Pôn-Pốt đề tháng 6 năm 1977, do Xáttha vừa trao cho, tôi nghĩ: Chủ quan dẫn đến sai lầm là cố tật của mọi kẻ xâm lược không có chính nghĩa. 

Xin trích dịch nguyên văn nghị quyết đó của Trung ương Ăng-Ka: "Duôl (An-nam) sau chiến tranh còn gặp nhiều khó khăn chồng chất, kinh tế kiệt quệ, chính trị thì nội bộ mâu thuẫn, ở miền Nam chính quyền chưa vững, tàn quân và tổ chức chính trị chống đối của Thiệu còn nhiều, đang hoạt động phá hoại … … … 

Về quân sự, Duôl (An-nam) có quân đội mạnh, có kinh nghiệm chiến đấu, trang bị phương tiện nhiều, song sau khi

thống nhất thì tinh thần quân đội sút kém … … … Tuy mạnh về quân sự nhưng yếu về chính trị, đang gặp nhiều khó khăn nên không đủ sức mạnh đánh lại chúng ta … … … 

Về chiến lược thì bị kềm chế, không dám tấn công sâu qua đất nước Kampuchia … … …

Ta phải lấy tư tưởng tấn công là chính, và đưa chiến tranh sang Việt Nam. Phải tấn công trước, tấn công dồn dập

để Duôl (An-nam) không kịp trở tay … … …"

Tôi nhớ lại: 

Xuất phát từ quan điểm đó, suốt mùa mưa 1978 chúng huy động đến tám sư đoàn tấn công vào binh đoàn ta, đồng

thời bu bám đánh tiêu hao liên tục hòng làm cho ta mệt mỏi, bị động không củng cố được để mùa khô chúng ra tay.

Khi nước bắt đầu rút, tháng 10/1978 chúng đã đưa lên mặt trận biên giới Miên-Việt mười chín trong số hai mươi hai sư đoàn bộ binh và hầu hết các sư đoàn binh chủng pháo binh, thiết giáp, hải quân, không quân. Tập trung mười hai sư đoàn trên hướng chủ yếu đối diện với Tây Ninh, Sông Bé và một phần Long An mà chúng gọi là quân khu Đông. Bốn sư đoàn trên hướng thứ yếu đối diện với An Gíang, Đồng Tháp, Kiên Giang mà chúng tôi gọi là quân khu Tây nam. Hướng giáp các tỉnh Tây Nguyên của ta, chúng gọi là quân khu Đông Bắc có ba sư đoàn. Còn lại toàn bộ đất nước Kampuchia đến biên giới Thái Lan ra biển chúng chỉ để ba sư đoàn để chống bạo loạn nổi dậy của dân chúng ở các quân khu Bắc, Tây bắc và Tây.

Như vậy là chúng không có dự bị chiến lược. Tổ chức chỉ huy mặt trận phía đông do tên Khiêu (Son Sen) bộ trưởng quốc phòng kiêm Tổng tham mưu trưởng phụ trách. Mặt trận đường 1 (Svai-Riêng) do tên Ren, Tổng tham mưu phó; Mặt trận Tây nam do tên Tà Mốc, phó bí thư Trung ương Ăng-ka chỉ huy.

Cuối tháng 10/1978 chúng cho các bộ phận ác ôn của các sư đoàn luồn sâu sang đất Việt Nam đến ba mươi, bốn mươi ki-lô-mét để giết dân, đánh phá kho tàng, giao thông,, cơ sở hậu cần của ta, hòng gây khó khăn cho ta, buộc ta bị động đối phó phía sau để chúng ra tay trong mùa khô sắp đến. Cũng trong lúc ấy Trung Quốc ráo riết tăng quân gây sức ép ở biên giới phía Bắc, bày đặt ra và làm rùm beng chuyện người Hoa.

Tháng 11 năm 1978 chúng dùng pháo các Ioại kể cả 130 ly, D-74, hỏa tiễn H-12 bắn phá liên tục các thị xã Tây Ninh, Châu Đốc, các thị trấn Hồng Ngự, Tân Châu, Tịnh Biên, Mộc Hóa, Gò Dầu … và nhiều nơi đông dân cư khác.

Đến tháng 12, thấy ta chưa hành động gì đáng kể, chúng cho là hoạt động phá hoại của chúng có kết quả, ta bị động đối phó lúng túng trong nội địa. Chúng tung hỏa mù định che mắt ta và thế giới.

Ngày 13 tháng 2 năm 1978 tại Phnorn-Pênh, Pôn-Pốt trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã rằng: "Trường hợp Việt Nam tấn công lớn vào Kampuchia thì tạm thời bỏ một vài vùng, chúng ta sẵn sàng đánh bại Việt Nam. Quân đội Kampuchia dân chủ đang đánh thắng ở khu vực biên giới và trên các đường tiếp tế của Việt Nam" (trên đất Việt Nam).

Bắc Kinh cũng ra rả hàng ngày luận điệu ấy: "Việt Nam sẽ bị sa lầy nếu tấn công sâu vào Kampuchia".

Chúng ra sức xuyên tạc hiệp ước hữu nghị Việt- Xô và sau khi Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Kampuchia ra đời thì chúng bôi nhọ xuyên tạc đủ điều. Mặt khác, chúng la lên: "Đây là Việt Nam chuẩn bị xâm lược Kampuchia và Đông Nam Á".

Từ 10 đến 20 tháng 12 Năm 1978 chúng đưa một số nhà báo Nhật, Mỹ đến quay phim chụp ảnh, cho Tân Hoa Xã đưa tin là âm mưu tổng tấn công trong ngày 22 tháng 12-1978 của ta đã bị bại. Chúng cho Son-Sen trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã (lại Tân Hoa Xã) ngày 16-12-1978 tại thị trấn Suông rằng: "Kampuchia sẽ đánh bại bất cứ một cuộc tấn công nào của Việt Nam", và chúng đưa tin thắng lợi giả tạo của chúng ở biên giới. 

Thật ra trong thâm tâm, chúng nhận định rằng lực lượng cách mạng không đủ sức và cũng không dám tấn công toàn diện. Mà nếu chỉ giải phóng đến bờ đông sông Mêkông để lập căn cứ cho Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Kampuchia thì lực lượng cách mạng sẽ sa lầy đến ngực, vì vùng này toàn là rừng ít dân. Nếu chúng lùa dân đi nữa, thì là vùng không dân, kinh tế không có gì, đường xá rất ít, phạm vi rộng, hậu phương xa.Ta sẽ tiêu tốn rất nhiều sức người, sức của, không thể nào chịu nổi trong cuộc chiến tranh lâu dài. Chừng ấy chúng tha hồ giành chủ động ở biên giới phía Bắc, phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Trung tuần tháng 12 năm 1978 coi như mọi mặt chuẩn bị xong, ngày 20, 21-12-1978 chúng phát động tấn công mùa khô trên toàn tuyến. Chúng tung ba sư đoàn vào đánh chiếm Bến Sỏi, Hảo Đước, Hòa Hội thuộc huyện Châu Thành trong kế hoạch bước đầu đánh chiếm toàn tỉnh Tây Ninh. Dùng ba sư đoàn đánh từ Mi-mốt xuống Kà-tum bắc Tây Ninh để phối hợp với cánh trên chiếm Tây Ninh rồi sau đó tăng thêm lực lượng tiến xuống Bắc Sài Gòn. Ném ba sư đoàn vào đánh Bảy Núi (An Giang), và Trà Phố, Trà Tiên đến nhà máy xi măng Kiên Lương (Kiên Giang). Đưa thành phần hai sư đoàn vào Đôn Phục (Đồng Tháp) và Hương Điền (Long An).

Về phía Cách mạng, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước ra đời lãnh đạo cuộc cách mạng Kampuchia. Bộ chỉ huy tiền phương hai bên được thành lập để chỉ huy thống nhất các lực lượng vũ trang hai bên.

Dùng kế địch để thực hiện kế ta, ngày 23-12-1978, không thể để cho quân địch phá hoại lúa mùa vừa chín tới dọc bờ sông Vàm Cỏ, binh đoàn Cửu Long được lệnh tấn công tiêu diệt quân địch đã vào sâu bên đất ta, sớm hơn thời gian dự định.

Ngày 28-12 liên quân Việt Nam – Kampuchia trên hướng Bắc cũng bắt đầu phản công đánh chiếm Kro-chê, Stưng-teng, Sơ-lông, Đầm-Be, Suông, Chúp dọc theo bờ trái sông Mê-kông, cắt đường rút lui của chín sư đoàn địch đang triển khai tấn công sang đất ta.

Như vậy là ta làm theo dự kiến của Bắc Kinh và tay sai Pôn-Pốt-Iêng Sa-ri là chiếm vùng rừng núi Đông Bắc đến bờ trái sông Mê-kông. Sa vào kế "dụ địch vào sâu" của chúng, chúng ra lệnh cho tất cả các đơn vị của chúng luồn lại đánh phá phía sau ta.

Về binh đoàn ta từ 23 đến 28-12-1978 Đoàn 341 và Đoàn 2, cùng với hai trung đoàn của tỉnh Tây Ninh và lực lượng địa phương dân quân du kích huyện Châu Thành, được một số bộ phận pháo binh, xe tăng thiết giáp chi viện đã bao vây chặt và tiêu diệt gọn thành phần nòng cốt của ba sư đoàn 707, 221, 340 địch, gồm cả ba Sở chỉ huy nhẹ sư đoàn. Bộ phận còn lại của ba sư đoàn nầy quay ra lập phòng tuyến đường 10 từ Kông-pông-trạch đến Svai-riêng để ngăn chặn ta.

Ngày 01-01-1979, sau khi điều chỉnh lực lượng, Binh đoàn tiến hành đột phá tuyến đường 10. Do ta chưa tích cực vòng sâu vào phía sau lưng địch nên ngày ấy ta chưa giải quyết được. Ngày 02-1 ta tấn công thì địch bị vỡ. Cũng trong ngày 2-1-1979, có một máy bay BOEING của Trung Quốc từ Bắc Kinh đến Nông Pênh trong một chuyến bay bất thường. Và ngay đêm 2 rạng 03-01-1979 chúng ra lệnh cho lực lượng ở Svai-riêng rút về phía sau để bảo toàn lực lượng và phòng thủ từ phía Sơ-cách đến Prây-veng dọc bờ sông Mê-kông.

Ở hướng Bắc và Đông Bắc cũng thế, sau khi ta tiêu diệt một số, địch tan tác hốt hoảng, chúng cũng được lệnh rút lui vào ngày 03-01-1979 về phòng thủ hai bên bờ sông Mê-kông.

Sau khi phá vỡ tuyến đường 10, Binh đoàn ta được lệnh phát triển tấn công đến bờ sông Mê-kông dọc theo trục đường 1. Đêm 3 rạng 4, Đoàn 7 đã cắt địch ở Prêy-Nhây, trên quốc lộ 1 đông Svai-riêng hai mươi cây số, ba sư đoàn địch ở đường 10 bị cắt mất đường chạy, bằng cơ giới. Lực lượng địch ở đường 1 phía Đông tây (?) Svai-riêng là Sư đoàn 460, Sư đoàn 805 và Trung đoàn độc lập 804 bị Đoàn 9 và Đoàn 2 của ta chia cắt truy đuổi, cũng tháo chạy tan tác.

Thế là chúng bỏ xe, bỏ pháo từng tốp chừng vài ba chục tên đạp rừng, đạp ruộng, chặt chuối lội sang sông. Tên Ren nắm một bộ phận Sư 805 và gom góp tàn quân các sư khác tổ chức ngăn chặn đường đến Nek-lương.

Ngày 03-01-1979 cánh Liên quân hướng Tây nam của ta mới bắt đầu nổ súng, mở cửa vào dãy núi Xom, Tà Keo.

Thế là trong vòng mười ngày, trên toàn bộ tuyến biên giới ta xóa gần hết mười sư đoàn mạnh, xương sống của quân đội Pôn-Pốt_Iêng xa-ri. Binh lính địch trong các sư đoàn này một phần lớn tan rã vào trong dân. Đó cũng là hậu quả tất nhiên của chế độ diệt chủng Pôn-Pốt – Iiêng Xa-ri áp dụng trong quân đội của chúng.

Tuy vậy trong lúc tôi ghi chép vào sổ tay những dòng trên đây thì tôi cũng nghĩ rằng quân đội Pôn-Pốt chỉ mới tan rã một bộ phận quan trọng. Chúng đang rút về phía Tây sông Mê-kông để phòng thủ Kongpong-Chàm, Phnom-Pênh và các tỉnh phía tây, Tây bắc, Tây nam. Rừng núi phía tây bát ngát với những dãy núi Tượng, núi Các-đa-môn, rừng núi phía bắc giáp với Thái Lan là chỗ dựa lâu dài cho chiến tranh du kích trường kỳ theo quan điểm của chúng. Nếu ngày mai đây, giải phóng được Phnom-Pênh đó là điều chắc chắn rồi – thì cuộc chiến đấu tiếp theo vẫn còn gay go, ác liệt.


VII
BẾN NEAK-LƯƠNG

Đêm 06 rạng 7 tháng 01-1979.

Đã khuya mà ở Sở chỉ huy tiền phương binh đoàn người vẫn ra vào tấp nập. Đêm nay đèn điện sẽ thắp đến sáng. Anh Vũ Thành, chủ nhiệm hậu cần binh đoàn, đích thân đưa xuống ba mươi xe tải của cấp trên mới tăng cường chở theo lương thực, quân trang mới, sữa đủ bồi dưỡng cho mỗi chiến sĩ một hộp. Anh Tiến, trưởng phòng tuyên huấn, cũng đưa xuống mấy xe, băng cờ biểu ngữ, truyền đơn, quyển cương lĩnh, máy phóng thanh, loa điện, cùng đi có các nhân viên báo chí, nhiếp ảnh, quay phim Việt Nam và SPK và các đội công tác Kampuchia. Bốn tiểu đoàn thuộc binh đoàn 1 của bạn cũng lần lượt đến. Các cán bộ, nhân viên cơ quan binh đoàn nhập làm một với cơ quan đoàn 7, gồm toàn anh em năng nổ thạo việc, nhưng lắm lúc cũng ngớ người ra không biết giải quyết việc nào trước việc nào sau.

Trong lúc ấy dù bên ngoài vẫn ừ hử với các câu hỏi của anh em cơ quan nhưng tâm trí tôi lại dồn hết về phía bờ sông.

Bỗng về phía tôi đang mong đợi rộ lên tiếng súng đủ loại. Chuông điện thoại reo, tôi chạy vào giằng ống nghe trên tay đồng chí trực máy. Đồng chí nào đó không xưng tên, báo cáo là đoàn tàu ta lên, bắn cháy tàu địch, ở đây cũng trông thấy ngọn lửa. Mừng quá chúng tôi reo lên như vỡ chợ. Nhưng sau một hồi yên lặng, không thấy ở bến báo gì thêm, tôi sinh nghi quay máy đòi gặp anh Ba Bì. Chờ một lát anh Ba Bì mới cầm máy trả lời là bộ binh ta bắn cháy tàu địch, chứ không phải là tàu ta lên tới. Thế là mừng hụt.

Cho đến lúc 20 giờ 40 phút, tôi đang nuốt vội bát mì tôm để trừ bữa ăn chiều, thì phía hạ lưu, chỗ lúc nãy súng lại nổ. Chạy ra sân xem, thấy đạn tín hiệu xanh, đỏ, trắng bay lên như những đóa hoa sen lẫn trong những chùm tia nhỏ rứt đỏ thẫm của đạn lửa AK. Mọi người xung quanh từ đồng chí vệ binh, đến anh nuôi, lái xe đều biết sự mong đợi của chúng tôi, reo inh ỏi:

- Tàu mình rồi!

- Lần này chắc rồi!

- Anh em bắn tín hiệu đấy.

- Không, anh em bắn dọa địch đấy chứ.

- Không, bắn chào mừng đấy.

- Ồ thích quá, đẹp quá, y như là pháo hoa …

Tôi nhắc anh Ba Bì cho anh em bắn tín hiệu, coi chừng đêm tối chập choạng lại choảng nhau thì nguy. Độ 20 phút sau anh Ba Bì báo về là đoàn tàu 962 đã lên tới. Tôi hỏi có chắc không? Anh ấy bảo là anh Huỳnh, Trung đoàn phó Trung đoàn 960 Hải quân đi chiếc PCF[2] đã đến chỗ anh ấy. Anh hỏi tôi có cần gặp anh Huỳnh trong điện thoại không?

Tôi ra bờ đê, chui vào xe thông tin báo cáo về Sở chỉ huy cơ bản. Đầu dây bên kia là anh Nam Phong, Tham mưu trưởng Binh đoàn. Anh Nam Phong rất mừng, anh báo cáo cho biết bạn ở hướng Bắc đang đổ bộ sang Kông-pông-chàm, bạn hướng Nam đã chiếm được Tà-Keo, Tà-Ni. Anh cười bảo:

- Tôi đã có kế hoạch rồi. Anh vào tới là tôi cũng tới ngay đấy anh Ba à!

Chúng tôi di chuyển Sở chỉ huy ra bờ sông Neak-lương theo kế hoạch. Có lẽ từ lúc trèo lên cây thốt nốt cao nghệu để cột cần ăng-ten, xe thông tin này mới được sử dụng vài ba lần. Nhưng khi được lệnh di chuyển anh em cuốn gói rất nhanh, nói cười tíu tít trong đêm tối.

Vừa đến bến phà chúng tôi gặp ngay anh Huỳnh, trung đoàn phó Trung đoàn 962. Anh Tám Danh trưởng phòng quân báo, ôm anh Huỳnh đấm lưng đụi đụi, giọng nói tỉnh rụi:

- Cha nội làm người ta chờ muốn chết. Binh chủng con cưng mà.

Hai anh quen thân đã lâu và mới cách đây mươi ngày, anh Tám Danh đã đi cùng với tôi xuống Cần Thơ, Hồng Ngự, Tân Châu để giao nhiệm vụ và tổ chức hiệp đồng giữa Trung đoàn Hải quân 962, Trung đoàn 113 đặc công và Trung đoàn bộ binh Đồng Tháp về nhiệm vụ này.

Anh Huỳnh tươi cười trông hiền lành, anh bảo:

- Ông ơi! Con cưng con cúng gì.

Rồi anh trải bản đồ ra báo cáo với tôi:

- Trung đoàn 962 cứ theo kế hoạch ngày N là 08/01, nên khi nhận lệnh hành quân thì gấp quá rồi. Tàu ta mới lên tới Vĩnh Xương thì gặp năm tàu chiến địch phối hợp với chốt trên bờ và trận địa pháo 105 ngăn chặn quyết liệt. Phải đổ bộ Trung đoàn đặc công 113 lên trục nó cả giờ mới đi được. Ta bắn chìm hai tàu địch, còn ba chiếc nó chạy. Ta đuổi theo nhưng tàu ta mèn quá rượt không kịp. Địch trên bờ cứ từng cụm năm bảy khẩu ĐKZ, 12 ly 8 bắn suốt. Tàu ta cứ giữa sông, vừa bắn vừa lên. Đến Sama-leo khỏi biên giới sáu cây số lại gặp hai tàu chiến Monito[3] loại tuần biển của Mỹ có pháo 105. Ta dàn đội hình PGM[4] và PCF[5] ra đánh, ta bắn chìm một chiếc, còn một chiếc tụi nó nhảy xuống sông bỏ tàu thả trôi. Ta cặp vào lấy súng. Đến cù lao Pooh Peam-leang cách biên giới được 19 km lại gặp địch ở trên cù lao và hai bên bờ bắn ra rất mạnh, ta dùng hoả lực chế áp và dùng khói mù che đội hình vượt qua, ta bắn cháy một xà-lan chở dầu. Từ đó trở lên nhờ có bộ binh của ta kiểm soát trên bờ nên êm! .

Tôi siết chặt tay anh Huỳnh, biểu dương Trung đoàn 962 hải quân và Trung đoàn 113 đặc công.

*

* *

Trong kháng chiến chống Mỹ, anh em chúng tôi từng đưa xe qua tất cả các con sông ở miền Đông Nam bộ. Từ lúc đưa những xe tăng M41 đầu tiên lấy được của địch qua sông bằng bè tre. Cho đến khi có phà nặng, phà nhẹ của Công binh kéo dây hoặc chạy máy đẩy. Mỗi đêm vượt sông, khắc sâu một kỷ niệm, một niềm vui khó quên vì nó gắn liền với một chiến dịch tấn công lớn mà ngươgi lính già lính trẻ gặp nhau thường hay nhắc đến.

Nhưng chưa có đêm vượt sông nào lại náo nức rộn ràng như đêm nay. Trên sông Neak-lương hồi trưa này còn vắng vẻ là thế mà giờ đây đã trở thành một bến cảng, một bến cảng thực sự. Hai chiếc PGM loại tàu tuần ven biển thả neo ở hai bên lạch trước mũi cù lao, sau nó là hai hàng mười ba chiếc PCF loại tàu chiến đấu trên sông. Phía dưới hạ lưu có tám tàu xi-măng bảo vệ xung quang 13 chiếc tàu há mồm loại nhỏ LCM-6 chở đầy lính thuộc đoàn 113 đặc công. Tàu nào cũng có đèn đỏ, đèn xanh trên cột. Giữa bến phà đôi bờ, sáu chiếc tàu há mồm loại to LCM-8 đan chéo nhau luân phiên cập bến. Trên tàu đèn tín hiệu đỏ chớp tắt lia lịa. Những ngọn đèn pha chói mắt thỉnh thoảng quét trên mặt sông và soi lên bến cho xe xuống tàu. Không phải là có trăng quên đèn đâu, nhưng vì phải nhương bến, cho nên hai chiếc phà công binh của Lữ 25 tạm nép qua một bên, sau khi đã chuyển được hai chuyến.

Các đơn vị thuộc Binh đoàn 1 Quân đooji nhân dân cách mạng Kampuchia đã sáng sông xong. Bây giờ đến lượt các binh chủng bảo đảm và các đơn vị cơ quan của Đoàn 7.

Trên bến, rầm rĩ tiếng động cơ xe tăng M113, xe tải, xe kéo pháo và các loại xe đặc chủng, xe chỉ huy. Thỉnh thoảng lại nổi lên một vài câu cãi cọ vì dành nhau qua phà:

- Ơ kìa! Đi đâu mà bướng thế ông tướng?

- Cho lên đi cùng đơn vị mà!

- Không đơn vị gì cả, ai đến trước qua trước.

- Trung đoàn 14 đây mà, các đồng chí không thấy ký hiệu dán trên kính đây sao?

- Không 14 – 15 nào cả, xe quân trang không qua kịp thì lấy đâu quần áo mới cho anh em thay.

Những câu cãi cọ đã không đáng trách mà lại còn dễ thương làm sao ấy!

Anh Thiện, tham mưu phó Đờn 7, bình thường ăn nói nhỏ nhẹ hiền lành là thế, mà lúc này anh cũn gquát luôn mồm.

Dọc bờ sông từng nhóm chiến sĩ hút thuốc tán chuyện. Đó đây lốm đốm những bếp lửa của các anh nuôi chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp như một phiên chợ đêm. Ánh đèn xanh, đỏ, tím vẽ loằng ngoằng trên mặt nước những con rắn khổng lồ. Chúng theo sóng tàu xô vào bờ, phủ qua những cái đầu đang lặn ngụp bơi lội, phì phèo, í ới. Thỉnh thoảng một cú đèn pha bất thần rọi lên bãi, làm lộ bí mật mấy thân hình tồng ngồng.

- Ê, đừng giỡn mấy cha, có nữ đội viên công tác đấy né. Không phải là vương quốc của giống đực không đâu?

Đố ai tìm được dấu vết mệt nhọc của sáu ngày đêm ròng rã hành quân chiến đấu với cường độ tưởng chừng ngoài sức chịu đựng của con người. Chiến sĩ ta đánh giặc giỏi, làm công tác dân vận giỏi, mà cũng rất nhạy cảm với cảnh đẹp thiên nhiên. Có lex vì thế mà chiến sĩ ta hay làm thơ.

Neak-lương, tiếng Khơ-me có nghĩa là nàng Lương. Chắc ở đây xưa kia đã xảy ra một chuyện buồn về thân phận người con gái tên Lương. Cách Svairiêng 68 km, Sài Gòn gần 200 km, Phnom-Pênh 60 km, cho nên hồi trước Neak-lương có nhiều hàng quán với món ăn đặc biệt của cá tôm Mê Kông nổi tiếng là ngọt thịt. Neak-lương đãi khách chờ phà. Vì thế mà tên Hố Lương quen thuộc hấp dẫn anh em quê miền Nam. Còn lính quê phía Bắc thì đây là dòng sông Mê Kông chảy qua ba nước anh em Lào – Kampuchia – Việt Nam đã hằn sâu vào tâm trí từ hồi ngồi trên ghế nhà trường. Ai cũng muốn hớp một ngụm nước sông, ai cũng muốn tắm, ít ra cũng rửa mặt, không thì cũng khoát tay xuống nước một cái như anh em lái xe.

Ba năm tám tháng rồi, Neak-lương điêu tàn, hiu quạnh dưới chế độ rào tường, ráp ngõ, cấm chợ, ngăn sông của Pon Pốt. Đêm nay Neak-lương hồi tỉnh mãnh liệt tưng bừng mở hội, như nhờ có phép thần tiên mà nàng Lương thoát nạn, từ cõi chết trở về.

Ra đến giữa sông mới biết sông rộng, gió sông Mê Kông làm mát da mát thịt, mát tận trong lòng.

Đến Sở chỉ huy mới anh em mới triển khai xong trong một doanh trại lính Pôn-Pốt, chúng tôi gặp anh Ngọc Anh và anh Vịnh đang là mnhiệm vụ chỉ huy các đơn vị ở phía tây sông. Sau khi nghe các anh báo cáo tóm tắt tình hình, chúng tôi đi ra chỗ bến phà xi-măng cũ thăm bà con Kampuchia đang tụ tập ở đó. Anh Tư Sen, trưởng phòng dân địch vận Binh đoàn cùng một số cán bộ của ta, các đội viên công tác của bạn, cả Sà-Vây, Chan-Thu, Sam-Môn đang có mặt ở đây.

Anh em cho biết bà con ở đây là người ở trong phum, hôm qua tụi nó lùa dân đi hết, bà con này trốn ở lại. Trong phum vắng vẻ, bà con sợ nên kéo ra đây. Bà con cho biết hơm mười ngày rồi chúng nó đưa nhiều xe, nhiều pháo và lính đông lắm sang miệt Svairiêng. Nhưng hai hônma y chúng nó chỉ lội sông về lẻ tẻ thôi.

Tôi ngồi trên mặt đất, kéo một em bé đứng cạnh, choàng tay ôm lấy nó. Tôi cố gợi cho đồng báo nói. Tôi muốn nghe tạn tai tiếng nói chân thật của bà con. Bà con thay phiên nhau kể, bổ sung, nhắc nhau, từ chuyện sinh sống làm lụng trong công xã, chuyện làm phân bằng xác người để đại nhảy vọt cho đến chuyện Ăng-Ka đánh giết hành hạ người dân, chuyện ăn, ở, mặc của bà con, chuyện cưới xin tình cảm nam, nữ, chuyện gia đình ly tán, chuyện sư sãi bị giết, chùa chiền bị đập phá. Nhà văn Nguyễn Thế Trung ngồi bên cạnh tôi bấm đèn pin ghi chép mà nước mắt rưng rưng. Từ ngày đầu chiến dịch đến nay, anh Trung đi với tôi như hình với bóng. Tôi ở đâu, đang làm gì, ngoái lại sau lưng cũng thấy anh đang ghi ghi chép chép. Mấy hôm ở Đôn-so, Prey-nhây anh rủ tôi đi xem dấu vết của các công xã như những người khảo cổ. Chúng tôi tìm đủ chứng tích và hiểu rằng các công xã của Pôn-Pốt – Iêng-Xari là một thứ chế độ nô lệ, có khi còn tàn bạo hơn chế độ nô lệ thời trung cổ. Nó xóa bỏ cơ sở gia đình. Nó phân ra nô lệ lão ông, nô lệ lão bà, nô lệ đàn ông, nô lệ đàn bà, nô lệ trẻ con. Hôn nhân hoàn toàn do Ăng-Ka sắp đặt bằng những đám cưới tập thể. Vợ chồng được ngủ chung với nhau có định kì như bỏ giống súc vật … Còn Ăng-Ka là bọn chủ nô có gia đình riêng, có nhiều vợ, biết dùng radio, cátsét, phích nước, đồ sứ Giang Tây … tế tạo tại Trung Quốc.

Khi bà con đã cạn lời, tôi mới hỏi, tôi hỏi những điều đã nghe mà lòng còn ngờ vực:

- Ba người ăn nửa lon gạo mà làm lụng nặng nhọc hơn mười giờ mỗi ngày, thì làm sao bà con làm nổi?

Bà con gần như đồng thanh đáp:

- Phải nổi chứ, đi té lên té xuống cũng phải làm, nó khoán một ngày hai thước khối đất, ngày nào làm không đủ thì dồn qua ngày sau, nên có lúc muốn chết còn khoẻ hơn.

- Mấy năm nay phum ta chết chừng bao nhiêu người?

- Độ phân nửa, còn bị đem đi biệt dạng thì nhiều.

Thấy không khí bi lụy quá, tôi xoay qua chuyện nhẹ nhàng hơn, tôi hỏi:

- Này các cô, làm lụng nặng như vậy mà mỗi năm nó chỉ phát một bộ quần áo thì làm sao đủ?

Các cô gái trốn mặt sau lưng các bà mẹ, lén nhìn chúng tôi trong bóng tối. Một bà mẹ nói:

- Mắc cỡ gì, ổng hỏi cho biết mà. Vậy nè, tối đi làm về thì cởi ra giặt phơi gió, ở truồng, ôm nhau ngủ, gà gáy dậy bận vô, nó còn ướt thì làm việc tới sáng nó khô …

Tôi tìm cách thăm dò lòng dạ của nhân dân Kampuchia đối với nhiệm vụ của chúng tôi, tôi hỏi:

- Ang-Ka nó nói Việt Nam là kẻ thù, Việt Nam là xâm lược, bụng bà con mình nghĩ sao?

Mọi người xôn xao giành nhau đáp, tôi phải đề nghị bà mẹ lúc nãy nói thay. Mẹ nói:

- Đừng nói vậy tội chết, mấy hôm nay đêm nào người già cũng lấy vỏ thốt nốt làm nhang chắp tay lạy về phía Svairiêng cầu trời khấn phật cho quân giải phóng về tới đây cứu bà con, nếu giải phóng dừng lại ở Svairiêng thì bà con ở đây chết hết.

Tôi cố gượng hết sức mà hai môi tôi cứ run, giọng nói méo mó, đứt đoạn:

- Mẹ ơi! Mẹ đừng nói vậy, mẹ cứ kêu chúng con bằng con, cứu mẹ, cứu nhân dân Kampuchia của mẹ là trách nhiệm của các con. Các con về trễ là các con có lỗi với bà con rồi.

Các cô đội viên công tác khóc thút thít. Một ông cụ nói:

- Anh em Việt Nam là người ơn, bộ đội giải phóng của cụ Hồ cứu nhân dân Khơ-me lần thứ hai. Tôi chắc chắn bà con Kampuchia nầy ở đâu cũng thương bộ đội giải phóng nhiều nhiều. Khi trước bộ đội giải phóng về nước, bà con khóc, bà con sợ Ăng-ka nó tới đánh bà con không dám nói ra miện chớ trong bụng nhớ hoài.

Nhìn bà mẹ già móm mém, tôi chợt nhớ bà mẹ Xo ở Ba Nam, chỉ trên dòng nước này không đến một giờ thuyền chèo. Bà mẹ Xo đầu cạo trọc láng bóng và hai vành tai dài như tai Phật, cũng móm mém như bà mẹ này. Mẹ Xo vui tính lắm. Mẹ bắt đầu quen anh em bộ đội gỉai phóng Việt Nam, khi mẹ nghe anh em nói tiếng Khơ-me "bắt cá" thành ra "bắt con gái" (chập sẩy thành ra chạp srẩy), mẹ cười ngất. Mẹ bảo: "chạp sẩy xi ban, chạp srẩy xi ót ban tê!" (bắt cá ăn được chớ bắt con gái ăn không được đâu). Mẹ thương con giải phóng Việt Nam, ngoài việc ép ăn, ép uớng, mẹ còn hay cặp đôi anh em với các co gái ngaon nhất vùng. Anh em nói có vợ rồi, mẹ không tin, nhưng sau rồi mẹ hiểu, mẹ không nói đến chuyện ấy nữa. Mẹ cứ hay nói với làng xóm rằng: "Cũng thời là một thứ người, nói một thứ tiếng, sao mà các con giải phóng Việt Nam hiền quá, tốt quá. dễ thương quá. Còn tụi "Duôl" Thiệu Sài Gòn thì dữ quá, ác qúa. Hồi nó càn lên đây nó gom hết thảy từ ông Phật đến cái váy phụ nữ. Có thằng nó chĩa súng biểu mẹ đưa vàng, mẹ làm bộ lục túi chầm chậm, nó nói: "có mấy cái túi mà bà già lục lâu quá để tôi lục giùm cho". Rồi nó mò từ trên cổ xuống lưng xà-rông của mẹ".

Nhớ mẹ Xo tôi hỏi:

- Bà con ơi! Dân Banam còn ở chỗ cũ không?

- Banam cũng tiêu hết rồi. Pôn-Pốt nói dân Banam thương Việt Nam, nó đưa lên Puốc Xát lâu rồi.

Một ông cụ trạc 70 tuổi gầy gò khổ sở, bỗng dưng nói tiếng Việt rất sõi, dùng nhiều từ ngữ rất cổ:

- "Mấy ông ơi! Tui nói thiệt tui là người Việt mình. Tui ở Mộc Hóa lên đây mần ăn hơn năm mươi năm rồi. Tui có vợ Miên đẻ sáu đứa con, một bầy cháu, bốn năm nay tui không dám nói tiếng Việt. Miễn hồ nhi là Việt, Miên lai Việt, nó cũng giết chết. Con cháu tui chết hết rồi, còn hai thằng con trai nó đem đi đâu mất. Nó nói nó giết cho tiệt cái giống "Duôl" đi. Dân trong phum này, phum khác biết tôi là gốc Việt mà chưa từng nói với nó đâu".

Trong lòng tôi thấy sáng them điều mà tôi đang tìm hiểu lâu nay: Tại sao Pôn-Pốt – Iêng -Xari tự tiêu diệt dân tộc mình? Thì ra là thế! Chúng có âm mưu tiêu diệt cả ba dân tộc Việt Nam, Kampuchia và Lào. Trong lúc chúng nó nói chỉ cần một triệungười để xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Kampuchia, thì ở Bắc Kinh cũng có người quyền uy tối thượng bảo rằng: "Ông ta sẽ làm lãnh tụ chỉ huy mấy trăm triệu nông dân Trung Quốc tiến xuống phía Nam". Đất đai Kampuchia – Lào – Việt Nam mà chứa một vài triệu dân thì còn quá rộng. Rồi cả vùng Đông Nam Á nữa. Thế giới có biết chuyện này không?

Trước cảnh tượng đêm nay bên dòng sông Cửu Long như sợi dây thiêng liêng gắn bó, buộc ràng giữa ba dân tộc, tôi chợt nhớ thơ Đồ Chiểu qua khí phách Lục Vân Tiên:

"Nay đã rõ đặng nguồn cơn,

Nào ai tính thiệt sơ hơn làm gì,

Có câu kiến nghĩa bất vi

Làm người dường ấy cũng phi anh hùng"

Huống chi, thưa vong linh cụ Đồ Chiểu đây không phải là một nàng Nguyệt Nga, một cô Kim Liên, mà là một dân tộc, hay đúng hơn là ba dân tộc anh em.

Chắc cụ Đồ cũng vui lòng khi cụ biết rằng, tuy còn phải sống bằng mì, khoai nhiều hơn là gạo, thế mà nhân dân ta đã dành dụm, dự trữ lúa gạo để cứu đói cho hàng triệu dân Kampuchia.

… Thấy bà con gầy gò, bủng beo, rách rưới quá, rách đến độ các cô gái không dám đứng dậy, cô Sà-Vây và anh Tư Sen đã sang sông lấy vải, sẵn bàn máy, may xà-rông cho phụ nữ, may quần đùi cho đàn ông và lấy gạo phát cho dân.

Có mấy cô gái kéo Sà-Vây ra một chỗ thầm thì những gì không rõ. Lát sau Sà-Vây trở lại báo là trong phun bà con còn giấu một đống súng, còn để năm người giữ trong đó và Sà-Vây đề nghị tổ chức cho phum một đội dân quân tự vệ.

Trở vào Sở chỉ huy, đã gần ba giờ sáng mà nhân viên trong Bộ tham mưu không kể là tác chiến hay quân lực đang bò ra can bản đồ thành phố Phnom-Pênh để kịp phát cho các đơn vị. Anh Tám Danh và anh Phùng đã chuẩn bị xong tình hình địch và phương án hành quân tác chiến. Anh Ba Bì cũng vừa đến.

Anh Đáng trinh sát, báo cáo với chúng tôi tình hình địch vừa nhận được:

Sư đoàn 260 địch điều từ Krachê về bảo vệ Phnom-Pênh hiện bố trí phòng thủ cầu Mô-ni-vông và phía Nam dọc theo đường 1 20km. Trung đoàn 180 vẫn bảo vệ Bộ Tổng tham mưu. Trung đoàn 331 của Sư đoàn 502 Không quân bảo vệ sân bay Pô-chen-tông. Sư đoàn 152 Thuỷ quân Lục chiến có một trung đoàn bảo vệ trên sông và căn cứ hải quân Chrui-chang-var. Ngoài ra một số lực lượng giữ nhà của Sư 377 xe tăng thiết giáp, sư 188 pháo binh và một bộ phận công binh được phân công bố trí chiến đấu bảo vệ khu vực hậu cứ từ ga xe lửa ra đến sân bay Pô-chen-tông. Hôm kia (05-01) nó gom cố vấn Trung Quốc về Phnom-Pênh. Hôm qua (06-01) nó ra lệnh đốt tài liệu và có nhiều máy bay đi lại giữa Pô-chen-tông và Băng-kok. Chúng ra lệnh phá cầu trên các đường dẫn vào Phnom-Pênh và tích cực đánh ngăn chặn, đánh du kích phía sau ta.

Kế anh Hoằng, phó chủ nhiệm hậu cần binh đoàn, cũng vừa từ Svairiêng đến, anh báo cáo là quần áo, lương khô, xăng dầu, bảo đảm đủ cho các đơn vị nhưng xe còn kẹt phía sau chưa qua phà được. Anh cho biết 25 xe tăng cấp trên tăng cường còn ở bên kia cầu Tra-béc, anh em chưa dám qua vì sợ sập cầu.

Chúng tôi cùng các cơ quan nghiên cứu lại mọi mặt tình hình, chuẩn bị cho cuộc hội nghị giao nhiệm vụ và tổ chức hiệp đồng chiến đấu lần chót vào rạng sáng hôm nay.


VIII
ĐƯỜNG VÀO PHNOM-PÊNH

Sáng ngày 07-1-1979.

Cuộc hội nghị hiệp đồng lần cuối vừa xong, trời trời cũng vừa sáng. Lần họp này có đủ tiểu đoàn trưởng và chính trị viên của bảy tiểu đoàn thuộc Binh đoàn 1, quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia. Nhà văn Nguyễn Chí Trung gọi là cuộc hội nghị ghi nhớ một đời, anh cứ theo các đồng chí cán bộ Kampuchia đặt xin trước các tấm bản đồ Pnnom-Pênh, khi nào các đồng chí ấy sử dụng xong.

Chúng tôi rủ nhau ra sông tắm rửa để thay quần áo mới. Chúng tôi tắm, chúng tôi bơi. Bầu trời bình minh buổi đầu xuân hôm nay trong quá. Gió mát rời rợi quét nhẹ trên mặt nước gợn sóng lăn tăn. Sáu chiếc tàu há mồm xình xịch năng nổ cả đêm rồi mà vẫn chưa thấy dáng mệt mỏi. Đội hình toàn cảnh trung đoàn 962 Hải quân hiện trên mặt sông, đẹp quá, hùng dũng quá.

Vừa lúc ấy, hai chiếc phà dân sự một trăm tấn sơn trắng như phà Mỹ Thuận, ì ạch ngược dòng đến nơi. Hình như thấy mình trễ tràng nên không cần đợi lệnh, phà cặp bến rước xe và người sang sông ngay.

Một ngày mới bắt đầu. Nhìn nhau thấy ai cũng quân phục mới, giầy mới, mũ mới. Nhìn người gặp nhau hàng ngày như Mười Vàng, Nguyện, Biên, mà tôi cũng thấy lạ hẳn. Đẹp nhất là các chiến sĩ Kampuchia. Bộ quân phục, nhất là cái mũ kết rất hợp với khổ người lực lưỡng, đầy đặn, nước da đậm, đôi mắt to, mày xếch với hàm răng trắng nuốt. Các đồng chí nữ trong đội công tác còn trang điểm thêm chiếc băng đỏ trên tay, càng thêm trẻ trung duyên dáng, khỏe mạnh.

Tôi trở vào xe thông tin, báo cáo lần cuối về Sở chỉ huy cơ bản, anh Hoàng Cầm dặn tôi nắm chắc Đoàn 341 và Lữ 24 pháo binh làm thê đội hai. Nếu địch ngăn chặn thành nhiều tuyến vững chắc thì tổ chức đột phá bằng sức mạnh, đằng sau còn có Đoàn 9, không sức nào cản nổi chúng tạ. Anh dặn chú ý mìn, các cánh khác vấp nhiều mìn trên đường 6, đường 3. Anh bảo là anh sẽ bay theo chúng tôi, khi gặp trở ngại thì anh sẽ đến ngay.

Đường số 1 từ bến phà lên độ năm ki-lô-mét, chạy cặp theo bờ sông, xóm vườn hai bên rậm rạp, đường rất hẹp. Đội hình hành quân chen chúc xếp hàng ở đoạn này. Đầu đội hình là Tiểu đoàn 2 xe tăng gồm bốn chiếc T54, một chiếc PT85 và mười một chiếc M113. Nhìn xa tít đường số 1 chạy giữa đồng nước, thấy rõ anh em Trung đoàn 12 tranh thủ đi bộ. Đêm qua một tiểu đoàn của Trung đoàn 12 và Tiểu đoàn 2 bạn đã chiếm tận chỗ xóm làng xanh xanh, mù mù kia. Bên cạnh đội hình Tiển đoàn 2 xe tăng, đã có đủ một đại đội hỗn hợp trinh sát công binh, và Tiểu đoàn 3 của Xáttha.

Nhìn xe tăng, xe bọc thép mà tôi hình dung nó đang dậm chân, xoay mông, ngoắc tai, lúc lắc đầu như ngựa đua ở làn mức xuất phát, chờ tiếng súng của trọng tài là phóng.

Tôi hỏi đồng chí Thành tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 xe tăng chớ trung đội trưởng Trần Ngọc Giao là đồng chí nào? Giao đang lúi húi làm gì trên xe tăng, nhảy xuống đất đưa tay chào tôi rồi lột mũ bảo hiểm ra cầm tay. Cán bộ chiến sĩ trẻ thường biết mặt cánh già chúng tôi, có khi biết đến tính tình nữa, còn chúng tôi thì hay quên họ. Tôi dặn Giao:

- Đồng chí cũng như anh em đại đội 10 anh hùng, tôi biết từ lúc Lộc Ninh, Phước Long. Vừa rồi tôi cũng đã cùng đồng chí Thành ra đường 10 đến chỗ hai chiếc T54 của ta bị địch bắn cháy và xác bốn chiếc PT 85 của địch, các đồng chí chiến đấu rất ngoan cường. Riêng đồng chí đã đổi chiếc xe này là chiếc xe thứ ba rồi phải không? Bộ tư lệnh Binh đoàn giao cho đồng chí đi đầu, xông mạnh nhé, xé nó ra, chen với nó mà đi nhé.

Giao khiêm tốn, chỉ vâng dạ, không nói gì. Tôi nhìn đại đội 10 chỉ vỏn vẹn có ngần ấy xe thôi, tôi hơi chột dạ, nhưng tôi không lộ ra ngoài sợ anh Thắng lữ trưởng xe tăng buồn. Tôi còn biết thêm là tình trạng kỹ thuật xe tăng rất tã, chưa được một ngày bảo dưỡng, mỗi xe M113 chỉ còn 150 lít xăng; xe T54 thì nhờ mượn dầu của Lữ 24 pháo binh nên nhiên liệu khá hơn, đạn pháo xe tăng chưa đến 12 quả cho mỗi nòng pháo mà xe hậu cần thì chưa lên kịp. Chúng tôi rất tiếc là 25 xe T54 của Lữ 215 do cấp trên tăng cường cho, thì anh em lái mới, kỹ thuật lái không bảo đảm nên còn dừng lại bên kia cầu Kompong Trabéc.

Tôi gặp Phạm Hoa, đại đội trưởng đại đội 5, đại đội đồng chí chỉ còn bốn chiếc M113. Trong lúc đang nói chuyện với Hoa tôi nghe trên một chiếc M113 phía sau có giọng nói Trị Thiên rất trong, rất trẻ, rất tình cảm. Giọng Trị Thiên là giọng hiếm hoi nhất trong Binh đoàn. Tôi đến chỗ ấy tìm thấy một chiến sĩ tuổi độ mười chín là cao, đang lau khẩu đại liên trên nóc chiếc M113. Tôi hỏi: Đồng chí ơi! đồng chí tên gì?

- Dạ, tên Đinh Văn Thương ạ.

- Quê ở đâu?

- Dạ quê Tuyên Hóa ạ.

- Tuyên Hóa sao nói tiếng "Huệ"?

Thương cười đỏ mặt:

- Dạ, tiếng Quảng Bình chứ ạ.

- Chiến đấu xe thiết giáp nhiều chưa?

- Dạ, chưa ạ! Cháu mới nhập ngũ năm 1978, mới học lớp lái xe thiết giáp ạ.

- Học ở đâu? Ở Sóng Thần phải không?

- Dạ, phải ạ!

- Hôm qua đại đội 21 của đồng chí mới chạy một mạch từ thành phố Hồ Chí Minh lên đây phải không?

- Dạ, phải ạ!

Thương chưa biết dùng từ ngữ quân sự. Nhìn dáng mảnh khảnh của Thương, nghe giọng nói nhỏ nhẹ lễ phép, tôi muốn hỏi mãi, trò chuyện mãi, nhưng thời gian không cho phép. Gương mặt bầu bĩnh, nước da sạm nắng, đôi môi đỏ, cặp mắt sáng ngời dưới vành lông mày đậm hơi xếch của Thương là hình ảnh tượng trưng cho các chiến sĩ trẻ mà tôi gặp hôm nay. Cái tên Thương cũng vang trong tôi một tình cảm, một kỷ niệm khó phai.

Chúng tôi trở lại cuối đội hình của Trung đoàn 14 và Tiểu đoàn 2 bạn. Sở chỉ huy hành quân của Đoàn 7 ở đây. Anh Dũng báo cho tôi biết là xe Trung đoàn 14 lên chưa đủ, mới được hai tiểu đoàn. Kinh nghiệm mãi rồi, thế mà vẫn sai sót. Chả là ban đầu khi còn ít xe tải thì định dồn cho các tiểu đoàn bạn và Trung đoàn 209 là trung đoàn đi đầu. Còn Trung đoàn 14 và Trung đoàn 12 thì đi bộ và chuyển tải dần. Khi được thêm ba mươi xe của cấp trên tăng cường thì tham mưu lại giao hết cho Trung đoàn 209 ở cách bến phà mười cây số, nên kẹt phía sau không điều lên được. Các xe đã qua sông rồi thì không đủ cho các tiểu đoàn bạn và một trung đoàn đi đầu của ta.

Trong lúc Sở chỉ huy chùm nhum lại thì địch đâu từ trong vườn bắn ra chiu chíu. Vừa bực vì xe, địch lại quấy rầy, anh Dũng đưa cánh tay phải cong cong vì vết thương cũ chỉ vô vườn quát:

- Vệ binh đâu? Chạy vào đuổi bắn bỏ mẹ mấy thằng đó cho tao.

Giữa lúc ấy có mấy chiếc xe chạy lên, tôi mừng thầm. Nhưng đó là xe của Lữ 71 cao xạ. Anh Nho chủ nhiệm phòng không của Binh đoàn đến báo cáo:

- Lữ 71 đã sang sông đủ, xin chỉ thị của đồng chí.

Đang bực mình, tôi đay nghiến anh Nho:

- Tại sao? tại sao cao xạ lại giành phà của bộ binh hả?

Rồi chợt thấy mình nóng này vô lý, tôi chuộc lại nhưng vẫn còn tự ái:

- Lữ 71 đã chiến đấu ở An Lộc, Phước Long, Đồng Xoái, anh dũng như thế nào tôi rất rõ, nhưng lần này thì chưa cần lên trước, không phải đi duyệt binh.

Cũng nhờ vậy mà một chặp sau anh Mười Thứ, phó tư lệnh đoàn 341 dong xe lên, có cả hai chiếc M113, để xin chỉ thị, tôi ôn tồn giao nhiệm vụ làm thê đội hai cho anh. Tôi hỏi thăm anh Tám Bôn, Vũ Cao, anh Quế hiện ở đâu, mấy hôm nay lội ruộng lầy chắc vất vả lắm thì phải. Nhưng rồi tôi cũng phải nói:

-Bây giờ thì anh để hai xe M113 ở đây còn thì quay lại, anh sang bên kia bến phà ngăn không cho xe của Đoàn anh qua nữa, nhường cho Đoàn 7 qua trước.

Đã gần 7 giờ, thôi thì đành phải dồn xe đủ cho ba tiểu đoàn bạn và Trung đoàn 14 làm đơn vị đi đầu thay cho Trung đoàn 209, còn Trung đoàn 209, Trung đoàn 12 thì đi bộ và đón nhận các xe lên sau.

Thế là lệnh xuất phát được truyền đi đúng lúc 7 giờ 15 phút. Trước đó hai mươi phút đã lệnh cho Trung đoàn hải quân 962 và Trung đoàn đặc công 113 rời bến.

Dưới bầu trời ngày đầu xuân trong sáng những tia nắng sớm xòe những rẻ quạt đủ màu trên màn sương mỏng. Đứng nhìn đoàn xe băng băng trên đường nhựa giữa đồng nước lác đác những cây thốt nố, lòng tôi sung sướng khó tả. Trên xe dưới lá cờ đỏ có năm tháp vàng ở giữa, các chiến sĩ Việt Nam – Kampuchia mặt mày rạng rỡ, quân phục, mũ kết mầu xanh xám mới tinh. Đẹp mắt thì một, mà đẹp lòng thì mười.

Đoàn xe Sở chỉ huy của tôi đi sau đội hình của Tiểu đoàn 3 Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia và Trung đoàn 14 Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi ngồi trên chiếc thiết giáp chỉ huy V-100 với anh Tạ Duy Thắng, lữ trưởng Lữ 22 xe tăng. Theo sau tôi cũng một chiếc V-100 dự bị do anh Đồng Phạm Thắng tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 xe tăng làm trưởng xe và một số cán bộ tham mưu Binh đoàn. Tiếp đó là các xe con của cơ quan và xe thông tin, trinh sát, v.v … Máy thông tin trên xe tôi liên lạc chung một tầng (tần) số với đồng chí Thành tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 xe tăng, với anh Dũng, anh Ba Bì và trung đoàn trưởng Trung đoàn 14 đi đầu.

Xe mới lăn bánh độ năm ki-lô-mét, ra giữa đồng trống thì đi chậm dần rồi dừng lại. Qua máy PRC-25, anh Thành báo là địch đang kéo pháo chạy, các khẩu còn lại hạ nòng bắn thẳng có cả 130 ly và 85 ly, súng bộ binh địch cũng bắn nhiều. Ta đang quét chúng để vượt qua. Tôi nói với anh Thắng, điện lại cho anh Thành "nó kéo pháo chạy có nghĩa là đường không có mìn. Thời cơ rất tốt, bắn đè đầu nó xuống, thúc xe tăng vượt qua nhanh, đuổi theo!".

Đường ở đoạn này vắng vẻ, nhìn thấy sông Mê Kông mà bên kia là Ba Nam. Hai hàng cây cổ thụ bên đường bị cưa cụt chết khô, gợi lên cảnh hoang tàn tang tóc một cách lạnh lùng.

Xe mới dừng lại đâu vài phút mà tưởng chừng như lâu lắm rồi.

Trong lúc ruột gan như rang như đốt thì phía bên phải có tiếng súng nổ dòn, rồi nghe tiếng động cơ tàu. Mọi người quay về phía đó. Tôi đứng hẳn trên nóc xe thiết giáp nhìn thấy rất rõ hai chiếc PGM dẫn đầu rẽ sóng với tốc độ khá nhanh, vừa bắn 37 ly sang bên kia bờ. Theo sau cách chừng 300 mét là hai tốp, mỗi tốp năm sáu chiếc PCF. Qua máy PRC-25 anh Huỳnh báo cáo: "Có tám chiếc xe tải địch vừa đổ quân trên đường Ba Nam sát bờ sông, chúng bắn DKZ và 12 ly 8 vào đoàn tàu ta, và ở mũi Cù lao có hai tàu chiến địch vừa bắn vừa chạy ngược trở lên".

Thấy tàu ta chạy theo lạch phía Đông Cù lao Ba Nam mà không chạy theo lạch phía bên này, tôi hỏi. Anh Huỳnh đáp là anh em truy đuổi theo hai tàu địch, khỏi sợ thủy lôi. Tôi rất đồng ý với cách xử trí của anh Huỳnh.

Ba Nam, Sâm Bua, Tức Leang, những địa danh ấy chẳng những tôi quen thuộc trên bản đồ mà cả trên thực địa. Sau cuộc đảo chánh lật đổ chính quyền Sihanouk tháng 3 năm 1970 quân Mỹ đánh sâu lên đất Kampuchia đến bắc đường 7 thuộc tỉnh Kratré, Kongpong-Chàm. Quân ngụy Sài Gòn đánh qua Svei-Riêng, Prây-Veng, Đông dương nghiễm nhiên trở thành chiến trường không giới hạn. Lúc đó các sư đoàn của ta giải phóng một vùng rất rộng thuộc các tỉnh Đông và Đông bắc Miên, một bộ phận Đoàn 1 của ta và Đoàn đặc công 367 cắt đứt quốc lộ 4 đoạn Ki-ri-rôm đèo Piknil, thắt cổ họng của Mỹ – Lon Nol từ cảng Kong Pong Xom lên Phnom Pênh. Chúng chỉ còn hy vọng đường sông Mê Kông và đường hàng không. Đoàn pháo binh của Miền được lệnh dùng Trung đoàn 96 gồm hai tiểu đoàn pháo cao xạ và hai tiểu đoàn pháo đất chuyển thành pháo đường sông, chặn không cho địch sử dụng sông Mê-Kông, đồng thời cùng với đăc công, khống chế thường xuyên sân bay Pô-Chen-Tông. Trung đoàn 96 pháo binh hạ quyết tâm biến Mê- Kông thành "Bạch Đằng thời đại", không cho một tàu nào của địch từ Sài Gòn lên Phnom Pênh. Quyết tâm đó đã được thực hiện trong suốt hai năm 1970 – 1971. Ác liệt lắm, vì Mỹ ngụy Sài Gòn – ngụy Lon Non có nhiều máy bay, tàu chiến mà tới mùa nước nổi là dọc bờ sông phía Đông nhà nọ sang nhà kia phải đi bằng xuồng. Vừa chiến đấu Trung đoàn 96 còn xây dựng kèm cặp một trung đoàn pháo binh bạn. Lúc đó anh Mười Xu phụ trách chung, anh Năm Sang phụ trách quân sự ở vùng này. Nhắc đến anh Mười Xu, anh Năm Sang không làm sao chúng tôi quên được mối! tình cách mạng trong sáng của những người Cộng sản chân chính. Lúc bấy giờ hai anh là linh hồn của phong trào cách mạng ở quân khu Đông này. Hai anh cũng là người lãnh đạo gắn bó mối tình đoàn kết thiêng liêng giữa hai dân tộc mà lịch sử đã quy định như vậy. Hai anh vận động nhân dân lo cho bộ đội giải phóng Việt Nam từ việc nhỏ như tải thương, tải đạn, nuôi dưỡng thương binh, đến việc lớn như đưa mấy chục xe tăng M41, M113 và pháo 105 ly thu được của địch trên đường số 6 vượt sông về biên giới. Nhân dân trong bốn tỉnh khu Đông ai cũng biết "boong Xu". Đến phum nào, anh cũng có thể cởi áo vắt vai, mặc quần đùi quấn khăn choàng tắm bước lên nhà sàn ngồi ăn cơm uống nước nói chuyện với đồng bào. Nhân dân biết "boong Xu" là cán bộ cách mạng chứ ít ai biết đồng chí Su Vana là ủy viên thường vụ trung ương Đảng kiêm bí thư khu ủy khu Đông.

Còn anh Năm Sang (Xa-ang) thì có cái say mê lớn nhất là đánh giặc. Giữa năm 1970 khi mới xây dựng được một tiểu đoàn anh đã đi đánh đồn bót của Lon Nol, giải phóng một vùng rộng trong hai huyện Preksăng Deck và Vi-hia-Sua ra đến tận vùng Bầu Diều đối diện với Phnom Pênh. Quân Lon Nol mà nghe đến tên Tà-Xa-ang là khiếp đảm. Dạo ấy thanh niên Kampuchia thích đi bộ đội giải phóng Việt Nam, chớ không muốn đi bộ đội Khơ-me đỏ. Nhưng bảo đi bộ đội Tà-Xa-ang là họ đi ngay.

Lúc ấy anh em ta đã huấn luyện cho anh em quân giải phóng Kampuchia nhiều người không biết chữ, biết bắn pháo 105ly, ĐKZ, ĐKB, 12 ly 8. Trong những trận đầu chiến sĩ ta lấy thước tầm đâu đó xong, rồi cho anh em giật cò. Đánh bộ binh cũng vậy, ta mở rào xong rồi mới dìu dắt người anh em xung phong. Một hôm vào mùa nước nổi, tôi theo anh em Việt kiều đi từ Chi-he qua Prek-Săng-Deak xuống Vi-hia-sua bằng Honda 90, rồi đi đuôi tôm ra Săm-Bua nằm sát bờ sông Mê-Kông. Nhân dân ở đây thương bộ đội giải phóng Việt Nam lắm. Bà con thấy anh em ăn uống cực khổ mà lại thích ăn thịt chó, bà con kêu cho chó, anh em mình cám ơn mà không lấy. Thế là đêm đêm bà con trói chó, khớp mỏ, lén đem ném bên cạnh nhà bộ đội ở. Tiểu đoàn trưởng Hùng Móm đánh giặc rất gan nhưng cũng hơi ẩu, anh nói: "mở trói thả chó thì bà con buồn, bà con nói chê của bà con". Nhân dân rình thấy bộ đội hay nấu thịt chó với củ riềng, những con chó sau lại có kèm theo củ riềng giắt trong sợi giây buộc quanh hông chó, trông tức cười không chịu được.

… Đoàn xe chúng tôi nhích dần lên rồi bon khá một chút. Khi xe chui vào làng, đối chiếu bản đồ là phum Kô Ki Thom, tôi còn thấy hai khẩu 130 ly, một khẩu còn bố trí y nguyên trên trận địa trong một chòi lợp lá thốt nốt, bên cạnh có mấy cái xác mặc áo đen, một khẩu 130 ly lật chỏng gọng bên đường. Xe xích kéo pháo đêu không thấy. Xe chạy một đỗi nữa, trông thấy hai khẩu 85 ly, 37 ly và hai chiếc xe lật nghiêng. Phum này dài chừng hai cây số, ở đây mới bắt đầu có dân, chắc là dân bị nó lùa đi hôm qua ở miệt Neak-lương lên, khi địch chạy rồi bà con mới ra đường lục tục đi ngược về. Khác với dân chỗ khác, bà con ở đây chỉ có một gánh, một xách, không có xe trâu bò gì cả. Họ cũng không vội vã gì, đi chậm chạp hoặc đứng lại tránh xe thành từng tốp. Buồn cười có mấy tên lính ngơ ngác còn mang y nguyên khẩu súng trên vai đứng chung với đồng bào nhìn xe vỗ tay. Có thằng vừa mới vứt khẩu cối 60 ly bên cạnh. Mấy em bé là tiếp xúc nhanh nhất, các em vẫy tay reo hò, có em vẫy tay hoan hô mà đầu vẫn đội một cái gói, các cụ bà chắp tay trước ngực vái chào, các cô gái vẫy tay thật mạnh miệng hoan hô gương mặt vừa vui tươi vừa kiên nghị.

Qua máy vô tuyến điện anh Ba Bì trao đổi với tôi một nhận định của anh: "Chỗ nào có dân hai bên đường là không có địch, chỗ nào đồng trống thì địch không bố trí được nhiều, tranh thủ mở hết tốc độ lao lên". Tôi rất đồng ý với anh Ba Bì và bảo anh Thắng truyền đạt ý kiến ấy cho Thành.

Từ phía sau anh Ba Bì cưỡi xe Jeep vượt lên trước, qua ngang xe tôi anh vừa nói như la vừa ra dấu là anh lên phía trước để đôn đốc anh em đi nhanh hơn.

Xe chạy được một khoảng đồng trống, tốc độ hơi khá một chút, thì dừng lại. Đồng chí Thành báo cáo là gặp cầu sập. Tôi toát mồ hôi hột. Tôi định cho xe tách ra lao lên trước thì anh Thắng cản lại bảo để chờ một chút xem sao. Chỉ vài phút sau Thành báo là cầu nó phá lâu rồi để làm đập nước, có đường vòng.

Anh Thắng đưa ống dòm cho tôi xem một đám địch có đến hàng trăm tên chạy từ trong phum ra ruộng phía tây. Khi đến đầu phum Prek Pol xe phải rời đường số 1 rẽ sang bên phải theo vệt đường cát lún, vượt qua con lạch cạn, nước đọng thành từng vũng đục đặc. Bên kia bờ địch còn bỏ lại một khẩu 85ly và nhiều khẩu DKZ trong công sự dọc theo bờ đê. Chỗ này nếu địch dám chiến đấu thì rất nguy hiểm. Có thể anh em xe tăng đi trước không kịp thấy phòng tuyến này. Ở đây dân rất đông, nhiều người đã có quyển cương lĩnh, cờ hoặc truyền đơn trên tay. Đồng bào họp trên bãi cỏ, trước sàn nhà, ngõ vào làng, từng đám năm chục, ba chục lắng tai nghe người biết chữ đọc cương lĩnh mà mắt vẫn theo dõi đoàn xe. Xe qua là trẻ em phất cờ hò reo inh ỏi. Người lớn thì đưa hai tay lên chào. Ông già bà lão cũng lột khăn đội đầu ra phất. Ai cũng muốn có một cử chỉ vui mừng chào đón. Xúc động nhất là có nhiều chị nâng đứa con nhỏ cao lên khỏi đầu để tỏ lòng tin tưởng đối với quân đội cách mạng.

Trên mảnh đất trước đây vài chục phút còn nghẹt thở xơ xác đau thương, bỗng bừng dậy một ngày hội. Đột ngột quá, nhiều người nhất là cụ già và phụ nữ nét mặt tươi vui nhưng nước mắt ràn rụa. Đồng chí lái xe tôi một tay vẫy vẫy, miệng cứ Xóc-xà-bai[6], Xa-maki[7] liên tục cho đến đỗi anh Thắng phải vỗ vai cậu ta thét : "Chú ý! Coi chừng tai nạn".

Đến giữa làng ở đầu dường vào chùa bên phải, thấy còn một khẩu 37 ly và một khẩu 85 ly, hai chiếc xe kéo pháo bị tăng ta cán bẹp nhúm, cản trở mất một phần ba đường, có mấy xác lính Pôn-Pốt nằm rải rác, một xác bị xe tăng nghiến nát bét. Nhưng cạnh đó nhân dân vẫn vui mừng phất cờ reo vẫy bộ đội. Có cụ già chỉ tay vào đống súng của địch mà bà con vừa gom lại, rồi chỉ tay vào ngực mình ý muốn nói cách mạng đồng ý võ trang súng cho chúng tôi chứ?

Xe qua khỏi phum. Trước mặt bên trái là cánh đồng nước, bên phải là một dãy bàu bưng dài rộng như con sông. Đoàn xe lại dừng. Dựa đầu vào nòng khẩu trọng liên trên nóc xe thiết giáp, tôi hỏi mấy cụ già dưới gốc cây đa:

- Cụ ơi! Đây phải phum Prekluông không?

- Chà[8] phum Prekluông.

- Thế thì bên kia sông có phải phum Tức-Leang không? Thưa cụ?

- Chà! Phải, Tức-Leang.

Tôi ngậm ngùi nhớ đến đồng chí Rọt. Năm 1968-1969 đồng chí là chiến sĩ vệ binh của đoàn pháo binh miền. Rọt quê ở Đức Hòa Long An, nhà rất nghèo, nông dân rặc. Giữa năm 1969 Rọt nằng nặc xin ra đơn vị chiến đấu. Lúc ấy mà xin ra chiến đấu là rất tiến bộ. Sang năm 1970 Rọt mới được toại nguyện. Qua một thời giam chiến đấu 6 tháng ở bờ sông Mê-Kông này, Rọt từ trung đội phó lên đại đội trưởng, vì lúc ấy cán bộ hy sinh nhiều, mà Rọt cũng được anh em tín nhiệm.

Tháng 8 năm 1970, nước bắt đầu lên, bọn Mỹ treo giải thưởng lớn cho tàu nào chở được lương thực, đạn dược, xăng dầu lên Phnom-Pênh cho Lon Nol. Bọn quân ngụy Sài Gòn ham tiền, thỉnh thoảng lén chạy lên một vài chiếc. Chúng cho tàu chạy sát bờ Tây và yểm trợ rất mạnh bằng pháo, máy bay và tàu chiến. Nó còn chế ra một loại rọ lưới thép trong đựng chất xốp không cháy, tàu nó lên nó cặp bên hông phải thân tàu, tàu nó xuống nó cặp bên hông trái để chống lại các loại đạn của ta từ bờ Đông bắn sang, lúc ấy ngoài ĐKZ, B41 và H12 bắn lủi ta còn có loại loại BĐ20, BĐ30 là loại đầu đạn lõm chứa 20-30 kg thuốc TNT, do xưởng quân khí Miền chế tạo, đẩy bằng động cơ tên lửa. ĐKB rất lợi hại. Loại đầu đạn này bọn chuyên gia quân sự Mỹ gọi là "quan tòa" hay là "thùng rác bay" vì nó giống hình của hai vật ấy. Chúng ví đạn này như V1-V2 của Đức Quốc xã.

Ban chỉ huy Trung đoàn 96 nghiên cứu thấy bờ phía Tây thuộc phum Prekluông địa hình tốt, xa đường 1, mới lập kế hoạch đưa một trung đội sang sông phục kích diệt tàu địch lên. Đồng chí Rọt tình nguyện đi chỉ huy trung đội này. Trận đánh ấy ta nhận chìm ba tàu vận tải và hai tàu dầu. Nhưng đồng chí Rọt đã hy sinh. Rọt đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để yểm trợ cho toàn trung đội rút vào bưng an toàn.

 … Anh Thắng chăm chú nghe báo cáo của Thành và anh lặp lại nhát gừng cho tôi:

"Địch chống cự có tổ chức ở một khu vực có khu nhà máy bên phải … chúng đem hai xe tải ra chắn đường, hỏa lực chống tăng các loại bắn ra khá mạnh, có hai chiếc PT85 … Có cả pháo 85 không biết là mấy khẩu … chiếc T54 của Trần Ngọc Giao lao xa phía trước, chiếc M113 số 271 của Đại đội 5 bị trúng đạn B41 trên nóc … Đồng chí lái bị thương nặng, xe đâm vào gốc cây bên đường … Anh em đang tổ chức bắn yểm trợ cho nhau để vượt qua … anh Dũng và anh Ba Bì cũng vừa lên tới chỗ anh Thành … đang tổ chức cho Tiểu đoàn 3 bạn và Trung đoàn 14 vòng đánh địch để bảo vệ cho xe tăng đột phá …".

Nhìn bản đồ tôi đoán đó là phum Kông-Lêng. Chỗ này đường bộ cách sông khoảng 300 mét, ở đây có thể là một tuyến phòng thủ khá mạnh của sư đoàn 260 địch.

Độ 20 phút sau, đoàn xe dồn dần, nhích lên, rồi chạy từ chậm đến nhanh dần. Đến ngang khu nhà máy thì tốc độ đã khá nhanh. Từ sáng đến giờ qua chỗ này mới có khói lửa mịt mù khét lẹt mùi thuốc súng. Ngay bên đường hai chiếc xe tải nằm phơi bụng, một chiếc lật ngửa. Một chiếc xe Jeep, một chiếc PT85 cắm đầu xuống mương. Đạn súng máy vẫn còn bay chiu chíu, loạn xạ bạt mạng. Qua khỏi phum lại ra ruộng trống, tôi thò đầu lên, đồng chí bắn trọng liên bảo lúc nãy là nhà máy gỗ ván. Tôi và đồng chí Thắng lại trèo lên ngồi trên mui xe. Bên trái phía trước là bàu nước rất rộng, xa mù mù bên trong bàu nước là rừng. Bên phải là đầm lầy, thỉnh thoảng mới có một con đường xe bò chạy ra các xóm làng lưa thưa gần bờ sông. Địa hình giống hệt như trên tấm bản đồ một phần năm mươi nghìn cứ ngoe nguẩy lồng lộn chực vuột ra khỏi tay tôi vì xe lao rất nhanh, gió cuốn rất mạnh. Đường số 1 cao hẳn lên, đường rất xấu nhiều ổ gà, xe V-100 của Mỹ xóc kinh khủng. Nhân dân hai bên đường rất đông đảo họ tránh ra phía sau hàng cây bị cưa cụt. Kim đồng hồ tốc độ xe nhảy lia lịa giữa 55-60 ki-lô-mét. Thế chỉ cần nửa giờ nữa nếu suông sẻ thì ra tới cầu Mô-Ni-Vông. Tôi nhìn đồng hồ lúc này là 9 giờ 15 phút.

Máy thông tin hai oát không liên lạc được với tàu nữa rồi. Tôi biết nước ngược này không thể đòi hỏi đoàn tàu nhanh hơn được vì tàu há mồm LCM-6 chỉ chạy được khoảng 15 cây số một giờ mà thôi. Tai tôi thỉnh thoảng lại va vào nòng khẩu trọng liên, đau điếng. Chiếc V-100 chồm lên rất nhanh, thấy chiếc xe tải nào phía trước chạy chậm, tôi ra hiệu cho đồng chí lái xe vượt qua. Đồng thời tôi khoát cho các xe sau không được theo tôi. Qua phum Chruôi Ampil thấy hai chiếc xe Hoàng Hà sơn màu xanh ve chai còn mới có biển đỏ số trắng lật nghiêng bên đường, những thùng đạn vung vãi, kế đó có một chiếc T54 nghiêng mình dưới mương, mang ký hiệu xe ta, rồi một xe Hoàng Hà nữa chở đạn, một xe kéo khẩu 37 ly cũng lăn kềnh. Rõ ràng dấu vết của tốc độ ý chí quyết tâm của bộ phận đi đầu.

Tôi đưa ba ngón tay ra dấu với anh Thắng:

- Thế là ta chỉ còn ba xe tăng T54 thôi.

Vượt qua ngang Tiểu đoàn 2 bạn, tôi đưa tay vẫy, các chiến sĩ Kampuchia vẫy lại, vừa reo hò vang dậy.

Xe tôi tăng tốc độ mãi cho tới bắt gặp một dãy xe của bạn Kampuchia nữa, tôi biết là mình đã tới Tiểu đoàn 3 đi cuối đội hình của Trung đoàn 14 rồi, Đồng chí Thắng ngăn không cho xe vượt lên nữa, xe tôi chen vào giữa đội hình Tiểu đoàn 3 Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia, anh chị em nhìn chúng tôi nét mặt ai cũng rạng rỡ đầy phấn khởi tự hào.

Bên phải đường là ruộng trống, chỉ có một hàng nhà sàn ven lộ cất theo một kiểu dành riêng cho bọn Ăng-Ka ở. Bên phải có con mương rộng, đầy nước nối liền các bàu bưng. Địa hình này địch không thể bố trí đông được. Rất tốt!

Bỗng trước mắt tôi xuất hiện một ngôi chùa rất cao, mù mù ở phía trước. Tôi chỉ cho anh Thắng một ký hiệu chùa ở phum KđaitaKoy trên bản đồ. Ngôi chùa hiện ra to dần, rõ dần. Những năm hoạt động trên đất Kampuchia tôi chưa thấy một ngôi chùa nào đồ sộ như thế này. Xe qua, chùa nằm bên phải,đường số 1 cua vòng sang trái chếch về phía Tây nam. Trong khoảnh khắc đón nhìn, tôi reo: "Phnom-Pênh kia Thắng ơi!". Chỗ này đường ăn sát bờ sông, tôi trông thấy xa xa, lởm chởm những chùa tháp, lâu đài ẩn trong rặng cây, như phông mờ mờ của một bức tranh cổ. Thắng nhìn theo tay tôi, nhưng không biết anh có kịp thấy không.

Bất chợt tôi lại reo lên: "Ăn rồi Thắng ơi!".

Vì tôi thấy xe ta phóng tốc độ 80 cây số giờ mà không sượng chút nào. Thành cũng không báo cáo gì cả, đầu đội hình chắc cũng đã qua cầu rồi, vì chỉ còn có bốn cây số thôi. Hướng Phnom-Pênh có một đám cháy, khói đen đặc bốc lên tận mây. Thắng bảo: "Nó đốt thành phố rồi anh ơi!". Tôi cũng lo.

Trước mặt khói bụi mịt mù, tay lái non hoặc mất bình tĩnh là lật xe như chơi. Bỗng tiếng súng bộ binh trên các xe đằng trước nổ như ngô rang. Anh Thắng xô tôi thụp xuống mui xe vì từ nãy tôi vẫn đứng trên ghế ngồi bên phải đồng chí lái. Khẩu trọng liên trên xe tôi cũng bắn. Nhìn qua lăng kính trông thấy hai bên đường, trong vườn ngoài ruộng địch chạy như đàn kiến nhọt vỡ tổ, đạn bay vung vít. Rồi các xe sau cũng nổ súng, nổ dây chuyền. Tôi nhìn thấy phố xá như kiểu chợ lớn cũ, khói, lửa, bụi che phủ, nhiều xe địch cháy rừng rực. Mấy xác áo đen bị xe đè nghiến nát trên đường, cùng với xe đạp, xe Honda, bàn ghế, cây gỗ, đủ thứ ngổn ngang. Đồng chí chiến sĩ súng máy reo to:

-Cầu kia rồi!

Xe quẹo phải lên cầu. Tôi đứng lên nhìn thì cột khói lúc nãy so với thành phố chỉ là một ngọn cây nhô lên trong đám rừng. Thành phố nhòa trong mắt tôi, tôi ngây ngất như nửa say nửa tỉnh.

Xuống dốc cầu tôi còn kịp nhìn thấy một người đang lia máy quay phim. Đến trước bùng binh có tượng đài ba chân, thấy một người to béo đang điều chỉnh đường, điệu bộ thành thạo như công an. Nhìn kỹ lại té ra là anh Ba Bì. Tôi dừng xe nhảy xuống. Anh Ba Bì tay vẫn điều chỉnh cho đội hình tiểu đoàn 2 bạn và Trung đoàn 209 rẽ trái, miệng báo cáo với tôi là Tiểu đoàn 3 bạn và Trung đoàn 14 qua hết rồi, anh Dũng cũng qua rồi. Anh bảo: "Đường thẳng sau lưng là đại lộ Mônivông", anh làm như tôi nhà quê vậy. Tôi nhìn đồng hồ: 10 giờ 45 phút. Tôi hỏi anh đã cho công binh xuống giữ chân cầu chưa, anh bảo đã bố trí xong rồi.

Chúng tôi phụ điều chỉnh xe với anh Ba Bì. Anh chị em chiến sĩ Kampuchia nhảy nhót reo hò trên xe, dưới lá cờ đỏ năm tháp vàng tung bay phần phật giữa ban trưa nắng vàng rực rỡ. Đẹp quá! Xúc động quá! Chúng tôi hoan hô họ như chính chúng tôi là dân chúng vậy.

Có tiếng súng nổ vang vang trong thành phố, phía Bắc, rồi phía Tây.

Đoàn xe Sở chỉ huy chúng tôi lần lượt lên đủ, đỗ dọc phía bên phải bùng binh. Tôi gặp đủ mặt các anh Hoằng, anh Phùng, anh Tám Danh, anh Bộ, anh Hồ Nam, anh Tiến, anh Tư Sen và những đồng chí khác. Trên mặt ai cũng thấy vẻ vui mừng rạng rỡ như muốn nói: "Binh đoàn mình hoàn thành nhiệm vụ một lần nữa rồi".

Khi đầu đội hình của Tiểu đoàn 7 bạn và Trung đoàn 12 đến và được điều chỉnh rẽ phải để ra bờ sông, nơi có Bộ tổng tham mưu Pôn-Pốt, thì chúng tôi cũng lên xe tiến thẳng đại lộ Mônivông.

Đường xá trong thành phố này rất dễ nhận, nó gạch thành ô vuông đông tây, nam bắc. Hai bên đường Mônivông ở đoạn này mỗi dinh thự chiếm một khu vườn, có chỗ còn có mảnh ruộng, bàu nước. Vắng vẻ đến rợn người. Xe chạy vài phút đã thấy những nhà cao sáu tầng, rạp chiếu bóng, dãy hiệu buôn hai ba tầng, tất cả đều đóng cửa, một số nhà vẫn còn bảng hiệu bằng chữ Trung Quốc, Khơ-me, Pháp. Gặp xác một chiếc M113 còn bốc khói bên trái đường mang ký hiệu xe ta, chúng tôi dừng lại xuống xem, không thấy còn gì trong xe cả. Xe chúng tôi đi tiếp lên hướng Bắc. Từ đây trở lên mới có xác địch rải rác, toàn mặc đồ đen, khăn rằn quấn cổ. Nhiều thằng còn kẹp chân trong chiếc Honda 90, đứa nằm vắt trên xe Jeep, nằm sãi trên vỉa hè. Đứa nào cũng có một khẩu súng đeo vai, văng bên cạnh hoặc chêm dưới bụng. Tất cả xe cộ, lính nằm chết đều quay đầu về hướng Bắc. Lên trước sân nhà ga, xác địch càng nhiều hơn.

Đoàn xe chúng tôi rẽ phải theo con đường trước công viên nhà ga đi thẳng ra bờ sông, chạy ngoặt trở xuống doi sông Bassac, nơi mà trên bản đồ đề là Bộ tổng tham mưu Pôn-Pốt. Trên đường gặp khá nhiều xe tải, xe du lịch, xe Bắc Kinh. Khu này rậm rạp, vắng tanh, các đầu đường đều ngăn vách tôn hoặc ván, chúng tôi quyết định trở lại đóng Sở chỉ huy ở chỗ khu nhà rẻ quạt, trước có bảng chữ Kampuchia: "Trụ sở Đại hội đại biểu nhân" nằm sát bờ sông. Ở đây trống trải, dễ bảo vệ. Khi vào nhà thấy chúng nó dơ quá, trụ sở Hội đồng gì mà đầy rác rến, cứt đái lẫn lộn trong đống liềm hái. Có mấy con bò ốm đói chạy lồng quanh trên đường nhựa . Một số anh em muốn tìm chỗ khác nhưng chúng tôi quyết định quét dọn mà ở chứ còn biết đi đâu nữa. Ở đây an toàn được mặt sông vì chỗ này là ngã tư nơi gặp nhau giữa Tông-lê-Sáp và Mê-Kông rộng đến hai ki-lô-mét.

Anh Thắng kéo tay tôi ra chỗ chiếc xe V-100 đậu dưới gốc dừa. Tưởng đâu có chuyện gì. Anh cười tủm tỉm và chỉ cho tôi những dấu đạn trên hông xe bây giờ tôi mới biết xe mình bị trúng nhiều đạn, có vết xước đặt vừa đầu ngón tay.

Việc đầu tiên của chúng tôi là triển khai xe thông tin để báo cáo về nhà.

Anh em thông tin trèo lên một cây sao cột sào ăng-ten. Nhưng loay hoay mãi không liên lạc được với Bộ chỉ huy tiền phương và Sở chỉ huy cơ bản của Binh đoàn. Đồng chí Bộ bảo là cự ly xa quá rồi, anh đề nghị cho xe thông tin tiếp sức chạy về gần Neak-lương để báo cáo. Tôi viết điện, tổ chức sẵn một bộ phận định phái anh Phùng đi, một mặt bảo anh em thử trèo lên đỉnh tháp của lâu đài Casinô nơi chứa cờ bạc công khai thời Sihanouk mắc ăng-ten thử. Đỉnh tháp này trên nóc tầng lầu năm cao nhất trong khu vực.

Mãi 13 giờ 15 phút, anh em thông tin mừng rỡ chạy vào báo cáo đã nói được với Bộ chỉ huy tiền phương hai bên. Tôi chui vào xe thông tin mà lòng rộn ràng hồi hộp.

Đầu máy bên kia là anh X. Một cuộc nói chuyện ngắn ngủi qua làn sóng điện, nhưng cả đời không thể quên được.

- A-lô, a-lô, Đoàn Cửu Long – Mê Kông báo cáo các anh, chúng tôi đã vào Phnom-Pênh hồi 10 giờ 30 phút và hoàn thành chiếm lĩnh các mục tiêu quy định hồi 12 giờ.

-Thật không? Tình hình trong thành phố ra sao?

Rồi giọng nói hạ nhỏ, không phải nói với tôi: "Rồi! Rồi! Đơn vị anh Khang Sarin và anh Hoàng Cầm chiếm Phnom-Pênh rồi".

Nhiều tiếng ồ à, cười khúc khích trong máy.

Tôi nói tiếp:

- Báo cáo … địch chống cự khá mạnh ở cầu Sài Gòn[9], thành phố rộng, nắm chưa được hết, mới gặp chúng đánh du kích lẻ tẻ. Thành phố không có dân.

- Có chắc ăn chưa?

- Báo cáo chắc ạ! Chúng tôi đã chiếm phía Bắc thành phố, mũi phía Tây và Tây nam đang phát triển ra chiếm sân bay Pô-Chen-Tông và Đài phát thanh. Phía Đông ta đã chiếm khu vực Bộ tổng tham mưu và dọc bờ sông đến Hoàng Cung rồi.

- Có chắc không?

- Báo cáo chắc ạ! Anh không nhận ra tiếng tôi sao?

- Nhận rõ rồi … Hiện giờ anh đang ở đâu?

- Tôi đang ở gần Bộ tổng tham mưu Pôn-Pốt, sát bờ sông ạ!

- Hoan nghênh, Ủy ban trung ương mặt trận đoàn kết cứu nước Kampuchia và tiền phương Bộ biểu dương Cửu Long – Mê Kông nhé.

Tôi trở về nhà rẻ quạt, mà đồng chí phiên dịch gọi là hội trường Chak-Đô- Mục[10] cũng vừa lúc đó hai xe M113 đến. Anh Nam Phong chạy vào báo là anh Hoàng Cầm tới. Chúng tôi ôm nhau nước mắt ràn rụa. Mới xa nhau có một tuần và mới nói chuyện với nhau qua điện thoại hồi sáng nay, thế mà tưởng đâu là cách xa nhau lâu lắm rồi vậy. Anh Hoàng Cầm bảo là trưa nay anh bay trực thăng đuổi theo đoàn xe, đến Phnom-Pênh bị pháo cao xạ 100 và 57ly, nó bắn lên ác quá tưởng rụng rồi, anh mới quyết định cho quay lại đường 1, đáp xuống Nam cầu Mônivông độ 15 ki-lô-mét rồi lấy xe M113 của đoàn 341 đi vào. Anh bảo: "Đến gần cầu hỏi mãi không ai biết ông ở đâu cả".

Chừng ấy tôi mới nhớ lại câu anh dặn tôi hồi sáng là: "Đến Nam cầu Mônivông thì triển khai Sở chỉ huy ở cách cầu độ vài ki-lô-mét đón anh lên".

Có các anh đến, tôi thấy nhẹ gánh, khỏe ra.

Anh Nam Phong bắt tay ngay vào chức trách, anh nghe anh Phùng báo cáo lại tình hình và phân công các đồng chí tham mưu đi kiểm tra các đơn vị.

Anh Hoàng Cầm rất chú trọng hướng sân bay Pô-Chen-Tông của Tiểu đoàn 7 bạn và Trung đoàn 209. Điện thoại lúc ấy cũng vừa nối thông với Sở chỉ huy Đoàn 7.

Lúc này mới thấm đói, thấm khát. Nhưng xin cơm, xin nước thì gạo không có, nồi không có, bình toong không có. Đánh giặc Tây nam này, anh em hay ăn chực ở các sư, lữ quen rồi, không mang theo gì cả. Thanh niên thì họ nhai bao nhiêu mì tôm cũng được, không cần phải ngâm nước nóng, họ gọi mì ăn liền là mì ăn liều. Không lúc nào hơn lúc này, chợt nhớ cô Hai Hỷ, hồi ở Phước Long, Long Khánh, Lâm Đồng, Sài Gòn năm trước chị nuôi cho ăn nóng ăn đủ lắm.

Anh em tham mưu bố trí một tổ cầm cờ tín hiệu để đón cánh quân đường thủy lên, một tổ trèo lên treo cờ đỏ năm tháp vàng khổ rộng năm mét trên đỉnh tháp nhà rẻ quạt.

Chín chục cây số chạy không cũng mất sáu tiếng, còn phải đánh nhau mở đường nữa, thì giỏi lắm giờ này đoàn tàu mới có thể đến được.

Anh Ba Bì vừa bảo như thế thì anh em ngoài bờ sông reo inh: "Tàu lên! Tàu lên!". Rồi súng lớn bắn giòn giã. Chúng tôi chạy hết ra bờ xi-măng sát sông đứng nhìn như ngày hội rước nước. Đang thích thú theo dõi hai chiếc PGM và một tốp PCF đi sau, triển khai đội hình chếch về phía chúng tôi, bắn mạnh sang phía bên kia bờ, thì súng máy, pháo, cối đâu từ phía đông sông và trên cù lao Chuôi Chang Var vãi đạn lên đầu chúng tôi. Tầu dừa, cành cây rơi lả tả. Mọi người tìm chỗ nấp thì chỗ nào cũng sân xi-măng và đường nhựa, đành phải nấp sau các thân dừa, gốc cây ven sông và sau các nhà ngói. Một chiếc tàu chiến trong đám tàu lố nhố bên kia sông bốc cháy. Tàu ta tiếp tục nã bồi. Hai chiếc khác cũng từ chỗ ấy tháo chạy lên phía Bắc, khuất mũi Cù lao. Mở PRC-25 liên lạc với anh Huỳnh, anh cho biết là tàu ta vừa bắn cháy một xà lan có bố trí hai khẩu 37ly và tiêu diệt trận địa pháo 105ly trên bờ sông. Anh đề nghị truy đuổi tàu địch và đổ bộ chiếm cứ hải quân như kế hoạch.

Biết rằng địch phía bờ bên kia và trên đảo còn nguyên, có hỏa lực rất mạnh mà đoàn 2 thì từ Svairiêng mới xuất phát hai ngày, không thể nào tới kịp được nên chúng tôi ra lệnh cho đoàn tàu đổ bộ Trung đoàn 113 đặc công trước cửa Hoàng Cung, rồi sẽ tổ chức đánh chiếm căn cứ hải quân địch bên Cù lao sau. Trong lúc ta đổ bộ, địch lại bắn dồn dập hỏa lực lên bến. Có đạn pháo rơi trúng khu Hoàng Cung. Pháo ta vừa bố trí xong ở gần bờ sông, phía dưới Casinô bắn sang kiềm chế pháo địch, nhất định phải bảo vệ cho được khu di tích Hoàng Cung cho nhân dân bạn.

Anh Hoàng Cầm quyết định dời Sở chỉ huy vào khuất bên trong một chút.

Lúc bấy giờ là 14 giờ 20 phút ngày 7-1-1979.

Chúng tôi vừa đến công viên phía Nam Hoàng Cung, thì cũng vừa gặp đoàn xe của Sở chỉ huy Binh Đoàn 1 bạn đến. Đồng chí Khang Sarin đi trên chiếc V-100 có cắm cờ hiệu Binh đoàn.


IX
CHIỀU KINH THÀNH CHÙA THÁP

07-01-1979.

Quân địch chống cự yếu hơn là dự kiến. Điều đó làm cho Bộ tham mưu Binh đoàn suy nghĩ. Thành phố Phnom-Pênh rộng đến 20 ki-lô-mét vuông, trước đây có gần hai triệu dân sinh sống. Pôn-Pốt cho rào tất cả các đường ngang ngõ tắt chỉ chừa lại mấy đại lộ chính. Xóa bỏ đô thị tất nhiên là Pôn-Pốt cũng bỏ tên đường phố. Những tên đường mà chúng tôi gọi là theo quy ước thống nhất dựa vào bản đồ cũ thời Sihanouk. Nhà cửa phố xá bỏ hoang lẩn lút trong những vườn chuối và cây ăn quả cỏ dại mọc um tùm tạo thành những khu vực địa hình phức tạp rộng bát ngát. Trong đó địch có thể ẩn nấp kín đáo hàng mấy sư đoàn. Riêng những lâu đài dinh thự nhiều tầng ở dọc các đại lộ, muốn sục sạo cho khắp cũng phải dùng hàng vạn quân trong mấy ngày. Thế mà quân cách mạng tiến vào thành chỉ mới đủ bố trí thưa thớt như trên một bàn cờ về khuya. Nếu đêm nay các cánh quân bạn chưa đến kịp ngoại ô hướng Tây, Tây bắc và Bắc, thì địch có thể từ ngoài đánh vào, trong đánh ra, gây khó khăn cho ta. Ai cũng biết "Kế không thành" là một trong những món sở trường của binh thư Trung Quốc. Tình huống này đã được dự kiến, nhưng lo vẫn cứ lo. Kinh nghiệm tác chiến trong thành phố của các đơn vị bạn chưa nhiều. Thắng lợi tương đối chóng vánh vừa rồi cộng với sự mệt mỏi suốt mười ngày hành quân chiến đấu liên tục, có thể dẫn đến liều lĩnh chủ quan. Ngay trong Sở chỉ huy binh đoàn tuy số người không đông hơn nhân viên tòa đô chính cũng đã có chiều mất cảnh giác. Ngày tháng giêng lại ngắn,! chỉ vài giờ nữa là đêm xuống rồi.

Bộ tham mưu binh đoàn tổ chức đi kiểm tra và giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyển từ chiến đấu ban ngày sang chiến đấu ban đêm. Vào một thành phố lạ như thế này mà không đi khảo sát địa hình thì thật là như nằm trên tổ kiến. Tôi nhận trách nhiệm cùng với sĩ quan tham mưu, chính trị đi kiểm tra hướng Bắc và hướng Tây.

Thành phố Phnom-Pênh này có một đặc điểm là đứng chỗ nào cũng nhìn thấy đền Phnom. Ngôi tháp đồ sộ hình chuông úp này là biểu tượng của thủ đô. Chúng tôi lấy tháp Phnom làm điểm chuẩn để đi và về.

Những chập súng lẻ tẻ đó đây không làm mất vẻ tĩnh mịch của một thành phố rộng lớn. Nó giống tiếng pháo trong ngày hội hơn là chiến tranh. Đám cháy phía sau nhà ga cũng đã lụi dần. Thế là bằng tốc độ phi thường của ý chí, quyết tâm, quân đội cách mạng đã giành lại trong tay Pôn-Pốt – Iêng-Xari một thành phố thủ đô, không để cho chúng kịp đốt phá. Tháp và đền Phnom được xây trên một hòn non nhân tạo mà tuổi tác có thể tính bằng những cây đa cổ thụ mọc trên sườn núi. Xung quanh chân núi là một vườn bách thảo với những loại cây mà ta chưa từng biết tên.

Dưới bóng mát của những tàn phượng vĩ bóng đa bên cạnh đền Phnom, trong vườn trẻ đầy cỏ dại, những chiếc đu quay, đu xích còn lay lắc đong đưa, hình như có đàn cháu nhỏ mới đâu đây! Trên hè phố đầy rác rưởi, giẻ rách, sách vở, thỉnh thoảng có một chiếc nôi, một xe đạp Mini, hay chiếc Honda vứt bừa bãi, như có thanh niên trai gái vừa đi vào nhà. Trước cổng một số dinh thự giàn bông giấy vẫn um tùm ra hoa trắng, đỏ, vàng trên cánh cổng hé mở. Trên bao lơn lủng lẳng những giò phong lan bên cạnh những chậu sứ Nhật Bản trổ hoa đỏ. Khung cửa kính còn buông màn xanh lam có viền đăng ten trắng. Ai trong đó mà bức màn lay động.

Yên lặng quá! Gió từ ngoài sông lùa qua bóng râm dưới tàn cây cổ thụ, làm cho một thành phố nổi tiếng ở vùng Đông Nam Á này thêm dịu dàng duyên dáng. Một thành phố mà có thi sĩ đã hình dung như một cô gái lim dim, thiu thỉu giữa một buổi trưa hè.

Đi giữa thành phố Phnôm Pênh chiều nay, tôi có cảm tưởng như là một thành phố phương Tây ngủ sớm trong mùa lạnh.Tôi lại tưởng tượng đến một thành phố bị bom neutron mà đế quốc Mỹ gọi là bom sạch.

Lạ lùng quá, dù đã nghe Pôn-Pốt – Iêng-Xary đuổi dân đi khỏi Phnom Penh hồi tháng tư năm 1975! Rùng rợn quá, dù đã biết thành phố Phnom Penh là thành phố chết.

Đến  trước khách sạn Hoàng Gia và khu trường Đại Học Y Dược chúng mới gặp các chiến sĩ bạn thuộc Tiểu đoàn 3. Họ gác các ngã ba ngã tư. Tôi hỏi đồng chí tiểu đoàn trưởng Mia-sa Xát-Tha và chánh trị viên Ôn-Chxan ở đâu. Các đồng chí chỉ vào khách sạn Hoàng Gia. Vào trong tòa lầu đồ sộ kiến trúc theo kiểu Pháp, tôi sực nhớ cách đây không lâu bọn Pôn-Pốt – Iêng-Xary đã giết mất một giáo sư kiêm nhà báo người Anh ở đây. Vòng phía sau lâu đài, bên cạnh hồ nước, chúng tôi gặp anh Thuyết trung đoàn trưởng Trung đoàn 14 và anh Luận, chính ủy trung đoàn. Thì ra Sở chỉ huy Trung đoàn 14 cũng đóng ở đây. Anh Thuyết cho mời các đồng chí chỉ huy Tiểu đoàn 3 ra gặp tôi. Xúc động quá tôi ôm hôn hai người bạn trẻ. Tôi hỏi:

- Thế nào, anh em mạnh khỏe cả chứ?

Xát Tha đáp:

- Dạ, báo cáo đồng chí, anh em khỏe cả!

Tôi quay sang Ôn-Chxan:

- Anh em có vui mừng không?

- Ồ! Mừng lắm, vui lắm, mà ai cũng chảy nước mắt hết.

Các chiến sĩ kampuchia trong Sở chỉ huy lần lượt đến bao quanh chúng tôi khá đông. Chúng tôi bắt tay từng người. Ai cũng vui tươi rạng rỡ trong niềm tự hào của những người chủ đi xa lâu ngày mới đưa bạn bè thân thuộc trở về quê nhà.

Tôi hỏi :

- Anh em bố trí canh gác, lùng sục tốt rồi chứ?

Xát-Tha đáp:

- Dạ! Các anh em tích cực lắm, mới bắt được mấy chục tù binh có đủ súng hết; có thằng đang gài mìn ở chân ghế, trên quạt trần. Anh nói tiếp: Đồng chí nhắc anh em Việt Nam coi chừng. Nó khai là chúng nó còn hơn hai mươi đội cảm tử trong thành phố, mỗi đội hai mươi, ba mươi đứa.

Tôi hỏi anh Thuyết các đội công tác bạn đang ở đâu. Anh đáp là đang đi với các tiểu đoàn trên đường 5, và ngoại ô phía Tây bắc. Anh bảo là chị em vừa phát hiện được một số công nhân nhà máy nước ngọt bị tụi Ăng-ka bắt ép chạy lên Ămleang bị lật xe chết bốn  và bị thương nhiều người, ta đã băng bó cứu chữa và cho ăn uống.

Sau khi giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 14 và Tiểu đoàn 3 chúng tôi đi xuống công viên đầu cầu Chruoi-Chang-va mà anh em gọi là "Cầu Sập". Tiểu đoàn 2 xe tăng tập kết tại đó. Xe tăng, xe thiết giáp của ta lem luốt dầu mỡ, khói bụi xếp hàng bên cạnh đầy xe chở khoang phà của công binh địch bỏ lại. Chiến sĩ xe tăng ta người thì phủi bụi lau xe, người thì nấu cơm dọc theo bờ sông.

Chúng tôi gặp Phạm Hoa, đại đội trưởng Đại đội 5 thiết giáp. Thấy tôi chăm chú nhìn chiếc PT85 và hai chiếc xe tải địch còn bốc khói âm ỉ ở phía nam gầm cầu. Hoa báo cáo ngay:

- Bọn địch trên ba xe này tất ngoan cố, nó bắn ta hy sinh một, bị thương ba.
Trong lúc thắng lợi như thế này mà nghe hy sinh mất mát dù ít, cũng rất đau xót, tôi cau mày.

Hoa trình bày là lúc xe tăng ta tiến đến phía sau Hoàng Cung cũng vừa lúc ba xe PT85 này theo đường bờ sông chạy lên. Nếu chặn đánh chúng ở đây thì có thể nát đổ Hoàng Cung, nên anh quyết định quay vòng lên phía Bắc chặn đầu bắt sống. Ta chạy đường vòng còn nó chạy đường thẳng chặn đầu không kịp nên đến đây phải bắn hạ nó.

Vừa lúc ấy Thành đến. Vốn người đã đen, da ăn nắng càng đen trũi, chỉ nhìn thấy đôi mắt và hàm răng.

Tôi hỏi ngay:

- Xe của Giao bị đổ phải không?

Hỏi nhưng tôi rất sợ câu trả lời.

Thành nói năng nghiêm chỉnh theo thói quen của lính xe tăng:
– Báo cáo anh, khi qua nhà máy gỗ ván các loại đạn pháo chống tăng của địch gài tương đối dày đặc. Được các xe sau yểm hộ, xe của Giao lao lên bứt bỏ đội hình Đại đội 10 đến ba bốn cây số. Lúc đó xe địch từ hai bên đường tháo chạy nên xe của Giao chen vào giữa đội hình xe địch. Khi xe của Giao bắn hạ được hai chiếc phía trước trong cự ly quá gần, khói bụi che lấp tốc độ nhanh không lấy được tim đường nên xe bị dệ xuống mương. Anh em nhảy xuống xe chiến đấu bằng súng bộ binh, diệt thêm hai xe chạy sau và bọn bộ binh địch. Mãi gần hai mươi phút sau, Đại đội 10 mới đến. Trần Ngọc Giao lên thay Đại đội trưởng trên chiếc T54 số 973, dẫn đầu đội hình chọc thẳng vào thành phố.

Như vậy là Trần Ngọc Giao đã chiến đấu trên chiếc xe tăng thứ tư trong vòng một tuần từ đường 10 vào đến Phnom-Pênh.

- Anh em khỏe cả chứ?

- Báo cáo anh chỉ có ba đồng chí bị thương nhẹ.

Tôi hỏi Phạm Hoa:

- Thế còn chiếc M.113 bị bắn cháy trên đường Mô-ni-vông?

Hoa kể:

- Khi đến chỗ ấy có hai ô tô và nhiều xe máy của địch chạy lên hướng Bắc. Từ các ngã ba ngã tư nó bắn ra, trên nhà gác nó bắn xuống, có chỗ thấy cả hàng chục nòng B40. Xe M.113 số 176 của tôi trúng hai quả B40 chỉ cách thùng xăng năm xăng-ti-met. Một số chiến sĩ bộ binh và nhân viên trong xe tăng bị thương nặng. Tưởng xe cháy anh em nhảy ra ngoài, thì thấy một xe đi sau tôi của Đại đội 21 bị trúng đạn bốc cháy. Khi chúng tôi chạy tới gần để cứu chữa thì chiếc xe như một bó đuốc, một đồng chí hy sinh và bốn đồng chí bị thương đã dìu nhau ra khỏi xe. Vừa lúc ấy xe phía sau của Đại đội 21 đến bốc anh em lên xe đi luôn.

Tôi hỏi:

- Đại đội 21 đi thẳng ra sân bay Pôchentông phải không?

Thành không đáp câu hỏi của tôi mà nói ý nghĩ của mình:

- Anh em ta chỉ dùng súng bộ binh bắn, chứ không dùng pháo sợ cháy thành phố. Đại đội 5, Đại đội 21 cũng vậy, nên ta mới bị thiệt hại như thế.

Hồi trưa này tôi nghe đồng chí trợ lý tác chiến về báo cáo lại một trường hợp tương tự như thế của một đại đội thuộc Trung đoàn 12, vây bắt địch mà không dùng B40, ĐKZ bắn vào Đài Độc Lập. Chiến sĩ ta đã không tiếc máu mình để bảo vệ những công trình lao động nghệ thuật, những phố phường trống hoang cho nhân dân bạn đỡ phần vất vả sau này. Chiến sĩ ta đã thực hiện một cách dũng cảm, nghiêm túc, sáng tạo lời dạy của Đảng ta.

Chúng tôi bàn kế hoạch bố trí xử dụng Tiểu đoàn 2 xe tăng đêm nay và căn dặn Thành phải đưa ngay hai tử sĩ về nước, rồi lên xe đi ra đại lộ Liên Xô.

Trên đại lộ Mô-ni-Vông và trên các phố buốn trước đây xung quanh khu chợ mới, vung vãi khắp nơi đầy ti-vi, tủ lạnh, nồi điện, bàn là, mô tô, xe đạp, chai lọ, hộp giấy, thùng gỗ, giấy bạc mới, đệm giường … Dấu tích lục lọi, phá phách của bọn lính Pôn Pốt trước khi tháo chạy.

Chúng tôi vào thử một con phố cất theo kiểu thời Pháp thuộc. Trên chiếc nôi đầy giẻ rách có con búp bê, trên mặt chiếc bàn tròn bằng cẩm thạch giả còn cái ô trầu mạ bạc trên nắp có bình vôi, ống ngoáy đồng chạm trổ hình tháp Bayon bốn mặt. Trong nhà bếp còn mâm cơm ăn dở đã quá lâu rồi. Nồi cơm lên meo, lên nấm xanh xanh, vàng vàng. Trong bát đĩa còn một chất đặc đen thủi có xương cá.

Dọc đường "Liên Xô" đường ra sân bay Pochentong chúng tôi gặp từng tổ chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 2 bạn canh gác. Trên sân rải đá cuội trước ngôi nhà cửa vách toàn bằng kính và kim loại không rỉ, có bảng đề "Phủ Thủ Tướng", nằm lăn kềnh một con cá sấu, một con gấu và một con beo nhồi bông trên đống giấy tờ sổ sách tranh ảnh còn mới nguyên. Các chiến sĩ bạn đưa cho tôi xem một xấp ảnh màu chụp  Pôn-Pốt – Iêng-Xari, Khiêu-Sâm- Phan và vợ của họ xun xoe với các nhận vật tai to mặt lớn ở Trung Nam Hải Bắc Kinh như: Hoa Quốc Phong, Hoàng Hoa, Uông Đông Hưng, Đặng Vĩnh Siêu, Phù Hạo, v.v … Có một tấm ảnh chụp toàn bộ Ban lãnh đạo Trung ương Khơ Me Đỏ, có cả Sihanouk đứng chầu rìa bên cạnh. Trớ trêu là mấy tấm thiệp chúc Tết Tây đỏ hoét của một số ít ỏi những vị đứng đầu các nước mà Pôn-Pốt đã hé cửa cho họ vào xem chúng nó làm thịt nhân dân Kampuchia.

Có tiếng súng nổ lớn hướng Pô-chen-Tông, xe chúng tôi dừng lại trước cơ quan viện trợ Mỹ MAAG cũ. Ở đây chúng tôi gặp đồng chí Chiêu-Sa-Vát, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 từ hướng sân bay đi lại trên chiếc xe Jeep mới toanh.

Đồng chí bảo là Trung đoàn 209 đang tiếp cận sân bay Pô-chen-Tông đồng thời nghe có nhiều tiếng pháo nổ ở hướng Nam Tây nam. Có lẽ cánh quân bạn trên đường số 3 đã lên gần đến nơi rồi.

Chúng tôi lên xe đi tiếp lên đến ngã tư nơi đường quốc lộ số 4 và đường Mao Trạch Đông gặp nhau, tôi gặp anh Từ, chính ủy Trung đoàn 209. Anh cho biết Sở chỉ huy Trung đoàn đóng ở đây, còn anh Cường  đã đi ra sân bay Pô-Chen-Tông với hai tiểu đoàn. Sau khi báo cáo qua tình hình của Trung đoàn, anh đưa  tôi đi xem bãi xe có gần trăm chiếc M113 và trên hai trăm chiếc xe tải ở trong và xung quanh khu chợ cũ (nhìn bản đồ là Phsar-Đơm-Kô nghĩa là "Chợ Cây Gòn"). Anh Từ còn cho biết xung quanh đây là khu sửa chữa xe pháo. Trên đường Mao Trạch Đông về phía Nam có xưởng may quân trang và sứ quán Trung Quốc. Do đó mà chúng cấm đường, ngăn bằng thùng phuy, giữa đường có nhiều trạm gác. Anh bảo, tất cả những dãy nhà kho của nhà ga xe lửa và tất cả lâu đài, dinh thự chùa chiền dọc theo phía Bắc đường sắt đều đầy ắp vũ khí đạn dược, phương tiện chiến tranh của Trung Quốc mới đưa sang. Dọc hai bên đường số 4 có rất nhiều pháo 105, 122, 37, 57 ly có cả đại pháo 130 ly. Anh kết luận rằng: Chưa phát hiện hết nhưng chắc chắn rằng từ hai bên đại lộ Mao Trạch Đông đổ về phía Tây là kho tàng và xưởng sửa chữa của quân đội Pôn-Pốt – Iêng-Xari. Có nhiều dấu tích để lại chứng tỏ bọn chuyên gia quân sự Trung Quốc đảm nhiệm khu vực này. Tôi cũng thoáng nghĩ bọn Pôn-Pốt – Iêng-Xari theo lệnh của Bắc Kinh đuổi dân ra khỏi Phnom-Pênh còn có mục đích nữa là để biến nơi đây thành căn cứ quân sự trung tâm. Vị trí Phnom-Pênh rất quan trọng, có đường Quốc lộ 4 và đường xe lửa nối liền với Cảng Kom-Pông-So! m. Phnôm-Pênh là điểm hội tụ là gốc xuất phát của tất cả đường quốc lộ – Quốc lộ 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, đi khắp các miền của đất nước, đánh số theo chiều kim đồng hồ.

Đánh một vòng xung quanh sân vận động, chúng tôi theo đường De Gaulle để trở ra đại lộ Mô-ni-vông. Đường này hai bên là cây me, cây khế, cây ô môi và có cây gì có hoa vàng quả như quả bồ kết. Nhà cửa phần lớn kiến trúc theo thời Pháp. Không một bóng người. Đến Sở chỉ huy Đoàn 7 trên đường Mô-ni-vông tôi gặp đủ cả anh Dũng, anh Thẩm, anh Vịnh. Các anh đóng trong nhà bán vé máy bay. Trước cửa, dọc theo rào sắt có hàng dương liễu. Trong nhà bày biện sang trọng với những bàn ghế đóng ở Kampuchia trước đây. Màn, thảm và đồ dùng đều mang nhãn hiệu Trung Quốc. Máy điều hòa nhiệt độ của Nhật. Trên tường có treo ảnh phong cảnh Trung Quốc, các bức trạm nổi gỉa đồng đen tượng hình đề Bayon Angkor. Các phòng khác có treo lịch hàng không và trên mặt bàn có những chiếc đế gỗ cắm cờ đươi nheo nho nhỏ bằng sa-tanh của Ru-ma-ni, Trìu Tiên, Nam Tư … Tầng dưới, trong một gian có cửa sắt dùng làm kho, đầy ắp những kiện hàng tài liệu, báo chí, sách vỏ Trung Quốc, cho đến những hộp giáy đựng lọ "Ca-la-thầu", "Ô-mai", "Xí-Muội". Có nhiều kiện họa báo, báo chí, sách chính trị bằng tiếng Khơ-me, tranh ảnh chụp ngoại giao của chính quyền Pôn-Pốt in từ Trung Quốc mới gửi sang. Nếu ta đưa một người tới đây mà không cho họ biết trước chắc chắn họ sẽ bảo đây là nhà ga máy bay trên đất Trung Hoa.

Chúng tôi đang bàn công việc cho đêm nay thì có điện thoại từ trại tù binh báo về là có hai vợ chồng người nấu cơm cho Pôn-Pốt muốn gặp Bộ chỉ huy Việt Nam. Anh Thẩm trả lời là báo họ phải gặp Bộ chỉ huy Binh đoàn 1 bạn. Anh em lại bảo là họ sợ gặp bạn sẽ bị giết chết, nên muốn xin gặp ta. Anh Thẩm đồng ý cho đưa họ đến. Trại tù binh là khu nhà in cũ ở gần bên Sơ chi huy Đoàn 7, nên chỉ mấy phút sau là anh em đưa họ tới nơi. Người chồng mặc áo sơ mi trắng, quần tetoron xám, cao gầy, giống người Trung Quốc nhiều hơn là Kampuchia. Vừa gặp chúng tôi, anh ta nói tía lia bằng tiếng Pháp. Anh Thẩm bảo anh ta nói tiếng Khơ-me. Anh Thẩm lại không biết tiếng Khơ-me nên tôi phải đứng vai phiên dịch. May sao chị vợ, dáng người và cách ăn mặc đúng là Khơ-me 10% thì lại nói tiếng Việt rất sõi. Họ bảo họ là người nấu ăn cho Pennút chớ khkông phải cho Pôn-Pốt. Họ kể: Sau ngày 14/4/1975 Chính phủ của Sihanouk do Pennút làm Thủ tướng, lưư vong ở Bắc Kinh, được Pôn-Pốt mời về hợp tác. Nhưng khi vừa về dến nơi thì nó bắt giam tất cả ở một nơi ở gần Báttambang để cải tạo lao động, còn vợ chồng Sihanouk thì bị giam lỏng ở Phom-Pênh. Mãi đến cách đây bốn ngày nó cho đưa hết về ngoại ô phía Tây nam Phom-Pênh. Vợ chồng Pennút được ở riêng một biệt thự gần đường Mo-ni-vông. Chúng nó cho phép Pennút được chọn một người nấu ăn và trồng rau nuôi gà. Pennút chiếu cố đến vợ chồng anh ta. Cho đến trưa hôm qua, chúng nó cho đem xa lại đưa vợ chồng pennút ra sân bay. Họ đoán Sihanouk cũng đi chiếc máy bay �! ��y.

Chúng tôi biết anh ta không phải là người đàu bếp chăn gà đâu, nhung chúng tôi đang rất cần những người thông thạo thành phố Phnom-Pênh. Chúng tôi nhờ anh ta dẫn một bộ phận vệ binh đến chỗ Pôn-Pốt giam những người trong chánh phủ lưu vong của Sihanouk. Anh ta đi một chốc trở về báo lại là theo dấu vết thì chúng đã đưa họ đi một tuần rồi. Tôi bảo anh ta ghi tên họ, chức vụ của tất cả những người ấy. Và hôm sau, khi đến nhà tù Tung-Sleng, tôi nghi là bọn họ đã bị giết. Vì trong số những xác chết bị xiềng chân trên giường sắt ấy không có vẻ là người lao động chân tay bình thường. Bên cạnh giường sắt bố trí riêng trong từng phòng lại có máy điện thoại, máy ghi âm, bàn máy đánh chữ … những phương tiện khai báo dành cho trí thức. Trong thành phố cũng rải rác những xác chết của đàn ông đàn bà mặc hàng đắt tiền. Chúng nó khử nhau trước khi tháo chạy.

Tôi nghĩ: Sau này bà con họ muốn đòi mạng thì hãy đòi ở Pôn-Pốt – Iêng-Xari và những người ở Trung Nam Hải – Bắc Kinh.

Làm việc với Bộ tư lệnh Đoàn 7 xong thì đã 16 giờ 30 phút, chúng tôi trở về Sở chỉ huy Binh đoàn.

Sở chỉ huy dời vào trong, cách bờ sông hai con đường, ở khu nhà khách của Hoàng cung. Lâu đài này chỉ có hai tầng nhưng rất đồ sộ, cất theo kiểu Pháp, có nền đá cao khỏi đầu. Tường dầy, cột o, các gian buồng trong nhà này có giá trị chống các loại đạn như lô cốt. Cửa lâu đài với những bậc thềm rộng, hai bên có hai con sư tử đá to tướng ngồi nhìn ra công viên "Con Gà". Anh em gọi là công viên "Con Gà" vì ngoài ấy có tượng hình con chim xòe cánh rất to bằng đá cẩm thạch màu gạch, nhưng khi lại gần nhìn kỹ là một loại Phượng Hoàng.

Anh Trần Nguyên Độ, phó chính ủy Binh đoàn, anh Tám Tùng, phó chủ nhiệm Chính trị cũng đã đến. Các anh đi theo đường bộ từ Neak-lương lên.

Sở chỉ huy Binh đoàn 1 Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia đóng trong khu nhà Tòa án gần đó.

Anh em văn phòng Bộ Tư Lệnh cũng đã đến, chị nuôi cho chúng tôi một bữa cơm nóng có rau muống luộc và thịt hộp.

Anh Nam Phong và Bộ Tham mưu đã triển khai được hệ thống thông tin chỉ huy thông suốt đến tất cả các đoàn bộ binh và các lữ binh chủng. Anh phân công anh em vệ binh dọn cho tôi một chiếc giường sắt có nệm, có màn. Thấy là thèm ngủ ngay. Anh bảo: "Anh ngủ no một bữa đi, không sao đâu. Đoàn 341 đã đứng chân ở Nam Bắc cầu Mô-ni-vông và dọc theo sông Bassac, Đoàn 9 đã nối sau Sư 341 về đến Neak-lương. Lữ 24 pháo binh cũng đã bố trí trận địa xong. Phía đường 3, lực lượng bạn hướng Tây nam đã vào chiếm sân bay Pô-chen-tông trước ta. Đơn vị đi đầu của cánh quân bạn hướng Bắc cũng đã gặp Trung đoàn 14 ở cây số 5 trên đường số 5 hồi chiều. Chỉ có hướng Bầu Diều thì Đoàn 2 chưa đến kịp. Nhưng đã có Hải quân ta kiểm soát trên sông. Sáng mai sẽ cho Trung đoàn 113 và một trung đoàn của Đoàn 9 đổ bộ sang thì ổn. Trong nội thành thì Binh đoàn 1 đã đến đủ, đang bố trí làm dầy thêm các khu phố. Đại đội 21 thiết giáp và Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12 làm lực cơ động cũng đã tập trung ở gần đấy rồi.

Nghe đến phiên hiệu Đại đội thiết giáp 21 tôi hỏi anh Nam Phong:

- Mình có điện thoại với Đại đội 21 không?

- Được, anh muốn gọi, tôi gọi cho!

Khi đầu dây bên kia có người trả lời, tôi hỏi:

- Đồng chí cho biết, đồng chí hy sinh trong chiếc 113 trên đường Mo-ni-vông tên là gì vậy?

- Bác cáo thủ trưởng, đồng chí ấy tên là Thương ạ!

Gì Thương?

- Đinh Văn Thương.

- Có phải Thương quê ở Tuyên Hoá, Bình Trị Thiên không?

- Vâng, đúng ạ!

- Đã dưa anh em về nước chưa?

- Đưa hồi chiều!

Tôi buông ống nghe, ngồi thừ người, ôm đầu:

"Cha mẹ đã đặt cho em một tên Thương, tên em nhiều ý nghĩa xúc động quá, Thương ơi!".

Chắc anh Nam Phong và anh em xung quanh không hiểu tại sao tôi lại buồn nhiều đến như thế.


X
ĐÊM PHNOM-PÊNH

Đêm xuống rất nahnh. Ánh trăng mồng chín tháng chạp héo hắt đọng lại nhờ nhờ trên tàng cây, mái tháp. Không điwjn, không đèn, đường phố chìm trong biển đen mênh mông, vắng vẻ lạ lùng. Mình đã quen sống trong các thành phố lớn, đã nghiên cứu trên bản đồ đến thuộc lòng các tên đường phố và các công trìng trong thành phố Phnom-Pênh, lại còn được cả một buổi chiều dong xe, thế mà còn không hiểu đâu vào đâu, thì anh em chiến sĩ làm sao?

Dù suy nghĩ triền miên như thế, nhưng tôi đã thấy yên tâm rất nhiều từ lúc được anh Nam Phong cho biết là các cánh quân bạn đã lấp kín ngoại ô ở phía tây và phía bắc. Bộ tư lệnh đã đến đủ có lẽ đêm nay tôi sẽ được ngủ một giấc bù cho mười đêm qua.

Đúng 18 giờ 30 phút tôi ra sau nhà vặn đài nghe tin BBC. Nhớ hồi ta chiếm Lộc Ninh và Phước Long, anh Tư Tuyến, trưởng phòng Tuyên huấn Cục chính trị Miền, muốn đưa tin trước BBC, nhưng rốt cuộc đều chậm hơn nó. Nhưng lần này BBC chỉ đoán non rằng: "Hôm qua đến nay đài phát thanh Phnom-Pênh không lên tiếng, không biết chuyện gì đã xảy ra …".

Khoảng 19 giờ, súng bắt đầu nổ vang vang khắp bốn phía. Nhiều nhất và gần nhất là hướng bắc, xung quanh Hoàng Cung lên đền Phnom, góc bên kia công viên "con gà" cũng khơi khơi mấy loạt AK điểm vài quả lựu đạn. Rồi pháo binh bắt đầu bắn từ hướng đông, tây bắc, tây nam. Hướng tây nam có cả pháo 130 ly, tiếng nổ đầu nòng đanh như bể ống. Các trận địa pháo của ta từ Nam cầu Mô-ni-vông và ngoại ô bắc thành phố cũng bắn trả về hướng đông và tây bắc. Còn hướng tây nam ta không bắn, sợ trúng quân bạn.

Một chặp sau tiếng súng thưa dần. Thỉnh thoảng đó đây những dây đạn lửa vọt lên cao. Trực ban tác chiến hỏi các đơn vị đều được trả lời là địch nó bắn lung tung không trúng ai cả. Ta thì cũng có một số anh chị em đơn vị bạn Kampuchia tham gia bắn cũng khá.

Đêm đã khuya, thấy tôi còn trăn trở, chú Mười Vàng, quèo tôi sang Tiểu đoàn 4 uống trà.

Ban chỉ huy Tiểu đoàn 4 cũng rất điệu đàn, các anh triển khai quan sát Sở trên sân thượng một tòa lâu đài bốn tầng. Máy điện thoại chỉ huy đặt ở một góc sân. Trên bàn trà, chiếc máy thu thanh bán dẫn đang ca nhạc đài tiếng nói Việt Nam. Chính trị viên tiểu đoàn chạy lăng xăng lo nước sôi, còn tiểu đoàn trưởng thì chạy hỏi ai còn lương khô hay đường, sữa gì không.

Đang chuyện trò tở mở, bỗng mọi người im bặt, phút giây hồi hộp đã đến: Đài tiếng nói Việt Nam đưa lại tin chiến thắng của đài SPK và đọc toàn văn bản tuyên bố của Ủy ban trung ương mặt trận dân tộc đoàn kết cứu nước Kampuchia. Chúng tôi ngồi nghe, hân hoan hiểu rằng giờ này cả nước và cả những người thân của chúng tôi đã biết tin chiến thắng này.

Ánh trăng mồng chín trải vàng trên mái chùa, lên mái đền đài trong Hoàng cung. Những tháp nhọn nhấp nhô ngã ngược chiều mây, mờ mờ ảo ảo gợi lên trong tiềm thức những mộng xa xưa mông hoang huyền bí. Nhấp chén trà "Hương" tôi kể chuyện cho anh em nghe: "Thuở xa xưa nơi đây còn hoang dã, nhân dân địa phương gọi là vùng Buôl-muc, Buôl-đay" (bốn mặt, bốn tay) vì sông Mê Kông và Tôn-lê-sáp gặp nhau rồi tẻ thành bốn nhánh. Vào buổi sáng thế kỷ 15, một bà nông dân tên Pênh phát hiện sáu tượng Phật bạc nằm trong bọng cây trôi giạt vào bờ. Bà Pênh rước Phật lên rồi đắp một mô đất, cất sáu ngôi chùa nhỏ bằng lá thốt nốt để thờ Phật. Nhà vua lúc bấy giờ đóng đô ở Angko nghe được tin ấy nghĩ rằng: "Phật không chịu ở Angko nữa mà muốn đi về Buôl-muc, Buôl-đay, trái tim của nước Kampuchia. Sau khi bị Thái Lan chiếm mất vùng Ménam rồi thì Angko trở nên biên địa". Nhà vua quyết định dời đô về đây, sai đắp núi cao, dựng sáu ngôi chùa bằng đá. Nơi đây dễ làm ăn, nhân dân tề tựu ngày một đông. Vua cho khai phá khu rừng phía tây lấy đất trồng lúa, và sai đắp bao ngạn chung quanh để chống lũ lụt. Từ đó nhân dân gọi đất này là Phnom-Pênh (núi bà Pênh). Mấy thế kỷ sau đó vì loạn lạc không ngớt, triều đình chia bè chia cánh nên vua phải di đô hết nơi này đến nơi khác, từ Angko xuống Longvet-Ouđông, Tàkeo, Kongpong-Chàm … Mãi tới giữa thế kỷ 19 vua Ang-Đuông mới trở về đây, và đến những năm đầu thế kỷ 20 dưới thời Pháp thuộc các đời vua Norođom, Sisowath con của Ang-Đuông mới xây lại Hoà! ng cung và các đền đài chùa chiền như ta thấy …"

Anh em có vẻ thích nghe lắm, coi như toàn thể tiểu đoàn bộ đều có mặt. Có đồng chí hỏi những cánh cong cong trên mái đền chùa là biểu tượng gì?

Tôi thầm cảm ơn cô giáo Kim-Van-Moni đã giúp tôi giải đáp được câu hỏi này.

Trong những năm 1971-1972, ở phum KomPong-Russei thuộc huyện Preksang-Đek, ngay bên kia sông đây thôi, tôi quen cô giáo Kim-Van-Môni. Thấy chúng tôi rất ham học tiếng Kampuchia và hay tìm hiểu con người và đất nước Kampuchia nên Môni cũng ưa nói chuyện với chúng tôi.

Nhân dân Kampuchia có tập quán nuôi rắn rồng ở trong nhà để nó bắt chuột. Ban ngày rắn nằm khoanh trên vì kèo, đòn tay. Anh em ta thấy thế sợ không ngũ được. Các cô gái trong phum rất thân với anh em chiến sĩ ta. Các cô rất hồn nhiên. Thừa lúc anh em đang tắm các cô lấy dọc cây nưa, rất giống đuôi rắn, thò vào chân vách nhà tắm ngọ nguậy lên bàn chân anh em. Chiến sĩ ta nhảy đùng đùng la oai oái trong nhà tắm, các cô thì cười rũ rượi. Thấy vậy Môni mắng yêu các cô và giải thích cho chúng tôi: "Rắn đối với Kampuchia là lành chứ không phải là dữ, người Kampuchia ai cũng biết truyền thuyết Naga. Ngày xửa ngày xưa có một ông vua tên Prah-Thong từ trên trời xuống cưới con gái của rồng là công chúa Neang Neak (Niêng-Niếc). Công chúa sinh ra dân tộc Kampuchia. Nên biểu tượng của dân tộc Kampuchia là Niếc, tiếng nhà Phật gọi là Naga hiểu là Rồng hoặc Rắn thần cũng được. Còn rắn thường gọi là Puốc. Vì vậy các đền chùa tượng Naga năm đầu, bảy đầu, chín đầu ở dưới thấp như ở cổng ra vào. Còn đuôi Naga thì uốn cong trên các góc mái. Trên đất Kampuchia ở đâu cũng có Naga, từ trên đền chùa, trong Hoàng cung đến vườn hoa, trên gọng xe bò, chuôi cày, vòng hái, trên thuyền cán dao, chìa vôi, cả trên cánh tay vũ nữ, trên cây gậy của cụ già …".

Truyền thuyết rất hay cũng na ná thần thoại Lạc Long Quân lấy Âu Cơ của Việt Nam. Hai dân tộc anh em sao giống nhau về cội nguồn đến thế.

Nhắc đến phum Kompong-Russei (nghĩa là Bến Tre), tôi không thể không nhớ bà mẹ của Môni. Bà mẹ già còng lưng đầu trọc. Hồi ấy, một ngày đầu năm 1972, chúng tôi sắp sửa về nước để tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ. Trong lúc chờ thuyền đến rước, chúng tôi tranh luận sôi nổi về cách kết cấu ngôn ngữ Kampuchia có nhiều chỗ giống Việt nam, nhưng còn thiếu một số từ cần thiết như "chè" thì gọi là "cháo đường" sữa bò gọi là "nước bò" thì bất tiện quá. Lúc thuyền đến, chúng tôi từ giã bà con tụ tập rất đông để tiễn biệt thì bà mẹ giang tay cản lại. Cán bộ chúng tôi đang hồi hộp không biết có anh em nào phạm chính sách gì vào giờ chót hay không, thì mẹ bảo: "Nghe các con nhắc cháo đường, mẹ nhớ lâu lắm rồi các con không được ăn, mẹ nấu gần chín, chờ ăn rồi mới được đi". Thì ra là thế.

Dạo ấy Môni buồn lắm, cô than: "Không biết các anh đi rồi, chuyện gì sẽ xảy ra?". Sau này nghĩ lại chúng tôi chắc Môni đã thấy những triệu chứng không lành.

Không biết giờ này dưới vầng trăng kia bà mẹ và Môni cũng như bà con Kongpong-Russei còn sống để mừng cho dân tộc, cho đất nước mà họ yêu tha thiết, được thoát nạn diệt chủng của Pôn-Pốt – Iêng-Xari hay không?

Nhìn dòng sông mênh mông dưới mảnh trăng có hình con mắt người Kampuchia, không hiểu sao tôi lại nhớ đến Hồng Hà. Có lẽ giờ này bên bờ sông ấy, có những em bé tựa như em Nguyễn-Thị-Hồng-Hà đang cùng các bạn reo mừng khi được nghe đài báo tin Kampuchia giải phóng. Nhưng khi về nhà gặp mẹ em đang khóc, em mới nhớ đến bố em. Bố Nguyễn Sông Thao của em không còn về phép nữa. Em không còn được bố dắt ra ngồi bên bờ sông quê hương để kể chuyện một dòng sông trên đất nước bạn nữa. Bố em đã ngã xuống như bao người anh hùng bảo vệ tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Hãy lau cho em dòng nước mắt. Trong sự mất mát lớn lao của em, của mẹ em, hàng triệu người dân lương thiện đã được cứu sống, một thế hệ trẻ như em tránh được họa diệt vong.

Hồng Hà ơi! Khi cô cháu dạy về lòng nhân nghĩa thì cháu hãy nhớ rằng bố cháu và các bạn chiến đấu của bố cháu là những tấm gương chói lọi về lòng nhân nghĩa cao cả nhất, đúng nghĩa nhất trên đời này.


XI
MỘT NGÀY MỚI BẮT ĐẦU

Ngày 8-1-1979.

Con gà cồ đâu đây đập cánh cất tiếng gáy dõng dạc. Rồi con thứ hai, thứ ba từ chỗ khác hưởng ứng, có tiếng gáy thanh thanh mỏng mảnh như chú gà te.

Tôi trở mình, định thần một chặp mới nhớ là mình đang nằm giữa Phnom Pênh. Thì ra trong thành phố diệt chủng, Pôn-Pốt vẫn không dập tắt được tiếng gà. Tiếng gáy vang vang chùa tháp tự ngàn xưa vẫn còn đấy. Ngoài đường sương xuống nhiều, hơi lạnh, trời tối đen để rồi lại sáng hẳn.

Từ phía sau phòng khách Hoàng gia có mấy anh em chiến sĩ bảo vệ thức sớm uống trà nói chuyện tự bao giờ. Hay là suốt đêm qua họ không ngủ. Những âm thanh lúc rạng đông bao giờ cũng khỏe khoắn tươi tỉnh.

 - Năm ngoái, ngày này mình ở đâu nhỉ?

 - Mình về Mộc Bài, Phước Lưu, Phước Chỉ, Bến Sỏi, Bến Cầu, năm ngoái đúng ngày này bà con Kampuchia kéo sang lánh nạn đặc đường đặc xá, vất vả thật!

 - Mới một năm mà tưởng đâu là lâu lắm rồi vậy.

 - Căng thẳng quá thành ra thời gian dài ra, chứ tính lại chỉ hơn một năm mà đánh thắng một cuộc chiến tranh, kể ra cũng nhanh đấy chứ …

Mặt trời ửng hồng sau rặng cây bên kia bờ sông Mê-kông. Từ trong Sở chỉ huy Binh đoàn ra đến thành phố bỗng tưng bừng náo nức hẳn lên. Mọi loại máy thu thanh đều mở hết cỡ.

Đài phát thanh SPK truyền đi một tin quan trọng:

"Hội đồng Nhân Dân Cách Mạng của nước Cộng Hòa Nhân Dân Cách Mạng Kampuchia ra đời, đảm nhiệm sứ mạng lịch sử của Cách mạng Kampuchia".

Từ khắp nơi các loại súng máy, tiểu liên nổ ran. Bắt đầu từ hướng đài Độc lập đến Phnom rồi truyền lan trên đại lộ Mô-ni-ong, Nô-rô-đôm, đường bờ sông. Trên các lầu cao bay lên tua tủa tín hiệu xanh, đỏ, trắng, vàng. Biết là anh em đang bắn chào mừng, bắn lung tung như vậy là sai, nhưng cũng không nỡ trách, nhất là đối với anh chị em chiến sĩ Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia. Vào lúc đúng 7 giờ sáng, tại phòng khiêu vũ nhà khách Hoàng gia, khai mạc một cuộc họp liên tịch mở rộng. Đồng chí Khang-Sarien chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố Phnom Pênh kiêm tư lệnh Binh đoàn 1 Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia và đồng chí Hoàng Cầm tư lệnh Binh đoàn 4, Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì cuộc họp.

Hội nghị đánh giá lại toàn bộ tình hình, đề ra chủ trương và biện pháp về các vấn đề:

Tiếp tục truy quét gọi hàng tàn binh Pôn-Pốt, bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy. Chuẩn bị mọi mặt để rước ủy Ban Trung Ương Mặt trận Đoàn Kết Dân Tộc Cứu Nước và Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Kampuchia về Thủ đô làm lễ chiến thắng. Chuẩn bị cứu tế cho dân, khôi phục điện, nước, nhà thương, làm vệ sinh tẩy uế thành phố … Hội nghị bàn Binh đoàn 4 rút ra ngoài, mở rộng phạm vi an toàn cho thành phố đến U-Đông, Kông-Pong-Spư, Tackhman và phía đông sông giáp ranh Kông-Pông-Chàm, Pray-Veng. Còn Binh đoàn 1 bạn làm nhiệm vụ quân quản thành phố Phnom-Pênh.

Tôi cùng với một bộ phận cơ quan, ở lại bên cạnh đồng chí Khang-Sarin, làm chuyên gia quân quản và duy trì quan hệ hiệp đồng chặt chẽ giữa hai Binh đoàn.

Anh Khang-Sarin quyết định dời cơ quan chỉ huy về đại sứ quán Trung Quốc cũ.

Mới đến đại sứ quán Trung Quốc cảm giác đầu tiên là trông nó giống sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Chu vi còn rộng hơn nhiều. Ở đây có máy điện, máy nước riêng, đến nơi là anh em phát động được ngay. Bên trong các buồng họp, phòng làm việc, phòng tiếp khách, phòng dạ hội … đều trang hoàng những đồ vật quý giá và đặc sắc nhất của Trung quốc. Những bức tranh thêu Thượng Hải, những bức tranh bằng xà cừ, đồi mồi, ngọc thạch, ngà voi, những đệm sa-lông bọc gấm Giang Châu, những thảm dạ, những màn nhung, những hàng sứ Giang Tây, rượu Mao Đài, thuốc lá Trung Hoa Bài … Trên thảm cỏ dưới gốc cây tùng, đống tro tàn của tài liệu bị đốt vội bay tứ tung như vàng mã.

Trên bàn trong nhà ở, còn lại những điếu thuốc hút dở, những lọ xí-mụi, ô mai chưa đậy nắp. Những quyển lịch bàn, lịch tường dở đến tờ 5-1-79.

Trên bộ sa-lông nhung xanh biếc có thêu rồng và phượng, lần đầu tiên tôi có dịp tiếp xúc với anh Khang Sarin. Anh 43 tuổi, dáng người cao lớn trong bộ quân phục ga-bác-đin ngắn tay. Tôi hỏi thứ anh trong gia đình và đề nghị gọi anh bằng tiếng Việt Nam là anh ba Khang vừa dễ gọi vừa bảo đảm bí mật.

Tin nhau như những người đồng chí quen biết từ lâu, anh hỏi tôi bằng một giọng nói nhỏ nhẹ của nông dân miệt Tà-keo, Kam-pốt:

- Anh có biết anh Hai Sĩ không?

- Phải anh Sĩ cao không?

- Phải, người cao, nước da trắng. Hồi năm 1953 tôi đi bộ đội thuộc Tiểu đoàn 40 ISSARAK tôi quen biết anh Hai Sĩ chỉ huy tiểu đoàn quân tình nguyện ở Kam-pốt.

Với một nụ cười hiền lành anh tiếp:

- Hồi đó chỉ huy toàn là bầu ra, nên gan lì lắm, hơn bây giờ. Rồi như nhớ đến công việc, anh nói:

- Anh Ba à! Công việc mới quá, lớn quá, mà công việc này chúng tôi chưa quen làm. Địch thì còn đông và thâm hiểm lắm.

Tôi nói:

- Xin anh cứ an tâm, chúng tôi coi công việc ở đây như chính là việc của bản thân mình vậy.

Tôi hỏi anh biết Phnom Pênh nhiều không. Anh cười bảo là hồi nhỏ nhà nghèo, ở tận Kông Pông Trạch-Kam Pốt nên không thể nào đến Phnom Pênh được, lớn lên làm cách mạng thì chuyên môn ở rừng.

Nhắc đến tình cảnh khổ cực của nhân dân Kampuchia dưới chế độ Pôn-Pốt – Iêng Sari, anh rưng rưng nước mắt:

- Năm 1972 khi thấy rõ bộ mặt phản bội của Pôn-Pốt – Iêng-Sari – Tà-Mốc, tôi ly khai rút vào bí mật xây dựng lực lượng Cách mạng chân chính chống lại chúng. Mình đã biết rõ bộ mặt khát máu của nó rồi, nhưng khi vào Phnom Pênh thật là ngoài tưởng tượng anh à.

Rồi anh nhắc đến các cán bộ quen thuộc trong kháng chiến chống Mỹ như Sóc-Khâm, Keo-Svey, Khem, Sóc-Khên là những đồng chí chỉ huy quân sự tỉnh Kam-Pốt. Anh bảo:

 - Những cán bộ trung thành với nhân dân, có đạo đức cách mạng đều bị nó giết hết, phải chi giờ này các anh còn sống để thấy ngày thắng lợi của nhân dân Kampuchia và chung lưng nhau đi vận động nhân dân tận diệt bọn Pôn-Pốt bảo vệ thành quả Cách mạng, xây dựng lại đất nước. Bây giờ thì cán bộ cũ chỉ đếm trên đầu ngón tay … Nghĩ sao anh lại tiếp:

- Tuy vậy nhưng tôi vững tin ở nhân dân tôi rất cách mạng, cán bộ chúng tôi rất kiên cường. Rồi anh hỏi tôi: Anh Ba biết đồng chí Xoai-Keo không? Tôi chưa kịp đáp thì anh nói tiếp: "Đồng chí Xoai-Keo, Tổng tham mưu trưởng của chúng tôi, là một đồng chí rất kiên quyết. Đồng chí lãnh đạo một bộ phận ly khai ở vùng Đông bắc – chắp hai bàn tay lên bộ đùi rất khỏe anh nói tiếp – Còn các đồng chí Sãi-Buthon và Tia-Panh nữa. Từ năm 1977 khi đã thấy rõ tập đoàn Pôn-Pốt – Iêng-Sari phản bội cách mạng, làm tay sai cho bọn bành trướng Bắc Kinh ám hại đồng chí bí thư Tỉnh ủy Kô-Kông, các anh đã lãnh đạo một bộ phận quân đội và nhân dân vào trong vùng rừng núi Kô-Kong, chống lại Pôn-Pốt".

Nghe anh Khang Sarin kể, tôi lại nghĩ đến đồng chí Ủy viên Bộ chính trị. Đồng chí đã thay mặt Trung Ương truyền đến cho chúng tôi niềm tin sắt đá vào tiền đồ cách mạng Kampuchia, trong lúc tình hình đêm đen chưa thấy một ánh sao. Thực ra bầu trời có bao giờ thiếu sao, những vì sao lúc bấy giờ đang ẩn trong mây xám trên khắp bầu trời Kampuchia.

Nhìn gương mặt đầy đặn màu đường thốt nốt với đôi mắt hiền lành, núm mũi to và bẹt của anh Khang Sarin, tôi liên tưởng đến một Thạch Sanh dũng cảm, bộc trực. Bọn Lý Thông Bắc Kinh và chằng tinh Pôn-Pốt toan hãm hại người ngay đã bị gục ngã. Xin đừng bao giờ để cho đàn tiên phải gẩy lại câu: "đàn kêu tích tịch tình tang, ai đem công chúa lên hang mà về".

Ngoài đường phố các tiểu đoàn bạn đang điều chỉnh bố trí. Ở đâu cũng có Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia đeo băng đỏ canh gác. Trước cổng các lâu đài lớn đã phơi phới cờ đỏ năm tháp vàng. Trên tất cả các công viên vang vang giọng nói trong trẻo của các nữ đội viên công tác, hình như có tiếng của Sà-Vây qua loa phóng thanh: "Nghe đây, nghe đây, hỡi binh sĩ và nhân viên ngụy quyền Pôn-Pốt – Iêng Sari! Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia đã hoàn toàn giải phóng làm chủ Nông Pênh và toàn nước Kampuchia. Các bạn hãy ra trình diện nộp vũ khí, sẽ được khoan hồng. Ai ngoan cố chống cự, trốn tránh, phá hoại, cướp của, sẽ bị nghiêm trị, nghe đây, nghe đây!".

Các thiên thần Garuda đang ưỡn ngực đỡ mái lâu đài, nhưng rắn thần Naga nghểnh cổ phồng mang xoắn chặt nhau chụm đuôi đỡ toà sen, các tiên nữ Apsara đang say sưa nhảy múa trên các cổng đền … Tất cả, tất cả đều như bước xuống đường trong ngày sống lại của Nông-Pênh, của Angko, Mê- Kông, Biển Hồ, Tôn-lê-sáp, của núi Uran, núi Các-Đa-Môn.

Anh Khang-Sarin cho tôi biết đại sứ quán Lào còn ở lại. Anh nắm tay tôi ra xe đi thăm đồng chí đại sứ Lào, bắt đầu công việc ngày thứ nhất.

Xe chúng tôi vừa đổ lại thì đồng chí đại sứ Lào từ trong nhà chạy ra ôm hôn chúng tôi. Đồng chí nói tiếng Việt khá thạo. Tôi giới thiệu anh Khang-Sarin, và tự giới thiệu. Vào gian phòng khách giữa tòa đại sứ, trông thấy ảnh đồng chí Cay-Sỏn-Phomvihản và đồng chí Su-Pha-Nu-Vông treo trên tường giữa. Đồng chí đại sứ mời chúng tôi uống nước dừa và thuốc lá Vientian. Đồng chí bảo là dừa đó của Tiểu đoàn 6 Quân đội Kampuchia hái cho, chớ mấy hôm nay không được ra khỏi nhà nên không còn gì để ăn uống cả. Đồng chí đại sứ Khăm-Phăn-Virachit đã 66 tuổi, tóc bạc trắng, nước da nâu, gương mặt tròn, trông rất đôn hậu. Đồng chí ngồi giữa, anh Khang-Sarin và tôi ngồi hai bên. Cùng với tủy viên Văn-Khâm Kop-Keo nhân viên Sa-vẻng, Đun-tiêng. Đấy là toàn thể thành viên trong Đại sứ quán Lào.

Anh Khang-Sarin ngỏ lời xin lỗi đại sứ lào, vì không biết các đồng chí ở lại Phnom-Pênh nên không kịp thời bảo vệ chu đáo.

Đồng chí Đại sứ mỉm cười hiền từ:

- Tốt lắm rồi, chúng tôi ở lại chiến đấu với các đồng chí mà. Có các đồng chí Tiểu đoàn 6 bảo vệ – ngừng một chốc, nén xúc động, đồng chí tiếp – Anh em bảo Tiểu đoàn 6 là tiểu đoàn mồ côi, bị Pôn-Pốt giết hết cha mẹ rồi, nên gặp tôi, họ nhớ cha, nhớ ông, họ khóc.

Qua lời kể của Văn-Khâm Kop-Keo và các đồng chí khác bổ sung, chúng tôi được biết: Theo quy định của chính quyền Pôn-Pốt, đại sứ Lào không được đi khỏi sứ quán quá 300 mét. Cần mua gì, ăn gì thì ra căntin đầu đường đặt hàng ngày trước, ngày sau lấy, trả bằng đô-la rất đắt. Đại sứ Lào không biết đại sứ quán Trung Quốc ở đâu, nhưng đêm đêm nghe nhạc phim inh ỏi hướng Tây nam nên đoán ở đó là sứ quán Trung Quốc. Hàng ngày, nhất là buổi chiều thấy người Trung Quốc đi tấp nập trên đại lộ Mô-ni-vông và Si-Sô-Vát. Sứ quán Lào có mua một chiếc Mécceđéc nhưng người lái là của Pôn-Pốt giữ chìa khóa xe. Mỗi năm vài lần nó đến lái xe đưa đại sứ Lào đến khách sạn Hoàng Gia hoặc điện Châm-ca-môn để dự lễ của nó. Sứ quán lào thật sự bị giam lỏng.

Năm ngày qua, xe nó chở người chạy rất nhiều lên phía Bắc. Sứ quán Lào thì bị bọn lính áo đen gác rất nghiêm ngặt, không cho ra khỏi nhà.

Đêm 4/1 nhân viên sứ quán không ngủ được, kéo nhau lên sân thượng hóng mát, vào khoảng một giờ đêm trông thấy nó đưa các sứ quán khác ở bên cạnh đi.

Sáng 5/1, nhìn sang sứ quán Miến Điện và Nam Tư bên kia đường thấy vắng vẻ, anh em sinh nghi. Sáng hôm qua 7/1 bọn lính áo đen trẻ con 13 – 14 tuổi đến thay phiên gác cho bọn cũ. Chúng nó cầm súng lăm lăm, sợ nó bắn bậy bạ, không ai dám ra cửa sổ. Đến mười giờ thì nghe tiếng xe tăng, tiếng cà-nông nổ ở phía cầu Mô-ni-vông, mấy đứa nhỏ đó bắn AK, B40 vào nhà sứ quán, rồi chạy mất. Sau một chặp thấy hai người lính trẻ vào sứ quán Miến Điện, đồng chí đại sứ Lào đoán là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, Đồng chí gọi bằng tiếng Việt Nam mời sang uống nước. Họ lắc đầu. Sau đó độ nửa giờ thì có một đại đội của Tiểu đoàn 6 Quân đội cách mạng kampuchia đến.

Đồng chí Đại sứ Lào hay dùng tiếng "Rồi" kéo dài nghe rất hiền lành, rất dễ mến. Đồng chí bảo:

-Tốt quá rồi! Như vậy là ba anh em ta gặp nhau đây rồi. Tốt quá rồi!

*

* *

Ôm hôn từ giã đồng chí đại sứ Lào, chúng tôi ra đường đi bách bộ để khảo sát địa hình luôn thể. Câu nói sau cùng của đồng chí đại sứ Lào còn ngân vang mãi bên tai tôi. Không hiểu lúc ấy tôi đã suy nghĩ những gì. Hình như tôi suy nghĩ về dòng sông Mê-Kông nối liền ba nước anh em như một khúc ruột. Hình như tôi thấy lại những nụ cười đầu tiên của người dân Kampuchia hiền hòa giữa những hàng cây bị đốn cụt dưới bầu trời ảm đạm nặng mùi chết chóc. Hay là tôi nhớ đến hình ảnh những người mẹ nâng con lên khỏi đầu và những tiếng Xóc-xà-bai, Xa-ma-ki quyện theo chúng tôi.

Mỗi một bước đi trên đất nước bạn, chúng tôi càng khẳng định tình chất chính nghĩa của công việc mình làm. Đến đây tôi lại nhớ lời quyết tâm của chiến sĩ Binh đoàn trước ngày khởi đầu chiến dịch phản công chiếc lược 23-12-1978: "Nếu phải đổi lấy việc ta làm hôm nay bằng mười kiếp sống, thì chúng tôi cũng xin sẵn sàng".

Bầu trời Phnom-Pênh giữa trưa ngày đầu xuân lồng lộng một màu vàng rực rỡ. Tiếng đại bác rền rền ở hướng Bắc và hướng Tây làm rung động mặt nước hồ sen trong kinh thành.

Anh Khang-Sarin nói với chúng tôi:

- Bọn Pôn-Pốt chạy về hướng Tây, hướng Bắc, các dãy núi rừng Các-Đa-Môn, Bailin, Caomêlai, Xàm-Rông, Pravihia thật là hiểm trở, mà bên kia là đất Thái Lan. Cuộc chiến đấu của chúng ta còn tiếp diễn gay go quyết liệt. Khó khăn nhiều, nhưng nhát định chúng ta sẽ thắng.

Tôi rất đồng ý với anh Khang Sarin. Nhưng tôi không nói thêm, trong lòng tôi còn ngân vang lời nói của đồng chí đại sứ Lào:

- Tốt quá rồi! Như vậy là ba anh em ta đã gặp nhau đây rồi!

Phnom-Pênh, mùa Xuân 1979




[1] Có lẽ là Chi khu?

[2] Tàu chiến đấu trên sông của Hải quân Mỹ

[3] Tên các loại tàu chiến ven biển và trên sông của quân đội Mỹ.

[4] Tên các loại tàu chiến ven biển và trên sông của quân đội Mỹ.

[5] Tên các loại tàu chiến ven biển và trên sông của quân đội Mỹ.

[6] Mạnh giỏi

[7] Đoàn kết

[8] Dạ hoặc thưa

[9] Cầu Mônivông còn có tên là cầu Sài Gòn

[10] Sông bốn mặt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét