Thông tin ebook
Tên truyện : DJINN: Một Lỗ Màu Đỏ Giữa Những Viên Đá Lát Bị Tháo Gỡ
Tác giả : Alain Robbe-Grillet
Dịch giả : Hoàng Ngọc Biên
Thể loại : Văn học nước ngoài
——————————-
Nguồn : http://tienve.org
Chuyển sang ebook (TVE) : santseiya
Ngày hoàn thành : 02/04/2008
Nơi hoàn thành : Hà Nội
Mục Lục
Giới thiệu tác giả
Alain Robbe-Grillet (1922-2008)
Alain Robbe-Grillet sinh ngày 18.8.1922 ở Brest (Finistère), tây bắc Pháp, trong một gia đình gồm những người làm khoa học và kỹ sư. Ông học trung học ở Lycée de Brest, rồi Lycée Buffon, Lycée Saint-Louis ở
Tác phẩm Robbe-Grillet đi từ văn chương qua điện ảnh, nhiếp ảnh, hội hoạ đi tới đâu cũng để lại dấu vết một cái nhìn sắc sảo. Con người xưa nay bị ngộ nhận nhiều nhất giờ đây đã được hiểu rõ hơn về biến chuyển của người viết, tiến trình suy nghĩ, và về ý nghĩa sâu xa của sự tìm kiếm. Ngòi bút Robbe-Grillet khởi sự từ chỗ "tước bỏ trái tim lãng mạn" nơi sự vật, chối từ những yếu tố qui ước, như một câu chuyện kể mang kịch tính, ý niệm một chiều về thời gian, phân tích tâm lý nhân vật, và đạt đến một kiểu mô tả lạnh lùng những hình ảnh và vật thể lặp đi lặp lại, những biến cố ngẫu nhiên của đời sống thường ngày: người đọc bấy giờ tha hồ đoán hiện thực đàng sau những chi tiết và sự kiện. Hiện thực khách quan? Không hẳn thế. Robbe-Grillet luôn nhấn mạnh cái chỗ chủ quan này của thế giới ông mô tả: mọi thứ được nhìn qua mắt của một nhân vật, chứ không phải của một người kể chuyện "cái gì cũng biết", và người đọc từ nay sẽ không nhìn bản văn như một biểu hiện của thực tại, mà là một thứ ngôn ngữ được vận dụng trong đó chữ đóng vai trò quan trọng như những dấu hiệu chứ không phải là cái chuyên chở ý nghĩa.
Hoàng Ngọc Biên
NHẬP
Không có gì – tôi muốn nói là không một bằng chứng quyết định nào – có thể cho phép bất cứ ai xếp câu chuyện của Simon Lecur vào loại những chuyện thuần tuý tiểu thuyết. Ngược lại người ta có thể khẳng định là những yếu tố nhiều và quan trọng của bản văn không chặt chẽ, đầy lỗ hổng, hoặc như là bị nứt nẻ này, ăn khớp với thực tế (thực tế mà ai nấy đều biết) với một sự nhấn mạnh bởi vì là rõ ràng, nên làm ta thấy rối tung. Và, nếu như có những thành phần khác của chuyện kể tự tách ra một cách có cân nhắc, thì lúc nào cũng với một cách đáng ngờ đến nỗi người ta không thể cố tình không thấy ra một ý đồ có hệ thống về phía người kể chuyện, tựa như là có một nguyên nhân thầm kín nào đó đã chủ trì cho những thay đổi và những phát kiến của anh ta.
Một nguyên nhân như thế, tất nhiên, chúng ta không nhìn ra được, ít nữa là ngay bây giờ. Nếu chúng ta khám phá được nguyên nhân ấy, toàn bộ sự việc sẽ do đó mà sáng tỏ… Dù sao đi nữa, chúng ta cũng được phép suy nghĩ về nó.
Về chính tác giả, chúng ta biết rất ít. Tông tích thật sự của anh ta đã là có vấn đề rồi. Không ai biết anh ta có người bà con xa hay gần nào không. Sau khi anh ta biến mất, người ta khám phá ra ở nhà anh ta một giấy thông hành của Pháp mang tên Boris Koershimen, kỹ sư điện tử, sinh ở
Còn về tên họ đã khai báo, thì người ta không phát hiện chút âm nào thuộc vùng
Bản văn mà chúng ta quan tâm đây – chín mươi sáu trang đánh máy, chừa dòng đôi – đã được đặt làm bằng chứng trên bàn làm việc của anh ta (trong căn phòng nhỏ có bàn ghế mà anh đã mướn, ở số 21 đường Amsterdam), bên cạnh một cái máy đánh chữ xập xệ, mà theo những nhà chuyên môn, thì quả đây là cái máy chữ đã được dùng để đánh những trang kia. Tuy nhiên, ngày giờ làm cái việc đánh máy thì cách đấy vài tuần lễ, hay còn có thể là nhiều tháng; và, ở chỗ này cũng thế, việc cái máy chữ đặt nằm gần những trang giấy bởi thế cũng có thể là kết quả của một sự dàn cảnh, một sự giả mạo tưởng tượng bởi cái nhân vật luôn chuyển động kia nhằm làm rối mù những dấu vết của chính mình.
Khi đọc câu chuyện kể của anh, người ta trước tiên có cảm tưởng đây là một cuốn sách giáo khoa dùng để dạy tiếng Pháp, như ta vẫn thấy có cả hàng trăm cuốn. Sự tiến triển đều đặn của những cái khó trong văn phạm của ngôn ngữ chúng ta nổi rõ trong suốt tám chương mỗi lúc càng dài hơn ra, nói chung là tương ứng với tám tuần lễ của một tam cá nguyệt ở các trường đại học Mỹ. Các động từ được đưa vào truyện theo thứ tự cổ điển của bốn cách chia động từ, ngoài ra ở cách chia thứ hai, còn có cả một sự đối nghịch được đánh dấu rõ nét giữa những động từ có mang trung tố theo thể bắt đầu và những những động từ không mang trung tố ấy. Những thời và những lối trong chia động từ cũng được sắp xếp một cách hoàn hảo, nối tiếp nhau một cách chặt chẽ từ thời hiện tại của lối trình bày cho đến lối liên tiếp chưa hoàn thành, đến thời tương lai xảy ra trước và lối điều kiện. Các dùng những đại từ quan hệ cũng được sắp xếp như thế, những thể phức tạp của chúng chỉ xuất hiện ở phần sau của chuyện kể. Như thường lệ, phần lớn những tự động từ qua lại và thuộc thành ngữ cũng được dành cho phần kết của truyện.[2]
Tuy nhiên, cái nội dung giai thoại trên những trang giấy vẫn là rất xa cái nội dung mà người ta thường bắt gặp trong những tác phẩm cùng loại, ở đây đã được cố tình biến thành không quan trọng. Mức xác suất của những biến cố ở đây hầu như lúc nào cũng quá thấp so với những định luật của chủ thuyết hiện thực truyền thống. Bở vậy nên không ai cấm ta nhìn ra một cớ vắng mặt trong cái mục đích tự cho là giáo dục ấy. Đằng sau cớ vắng mặt ấy hẳn là có ẩn giấu một cái gì khác. Thế nhưng đó là cái gì?
Xin đưa ra đây, đưa nguyên vẹn, bản văn nói trên. Phía trên cùng tờ giấy đầu tiên ta thấy cái tít đơn giản này: Cuộc hẹn.[3]
CHƯƠNG 1
Tôi đến nơi đúng giờ ấn định: bấy giờ là sáu giờ rưỡi. Trời đã gần như tối. Cửa nhà kho không đóng. Tôi đẩy cửa lớn bước vào, cánh cửa không còn ổ khoá.
Bên trong im lặng như tờ. Lắng nghe kỹ, căng hết tai cũng chỉ thu được một tiếng động nhỏ rõ và đều, khá gần: những giọt nước đang chảy từ một cái vòi nước nào đó không khoá kỹ, vào một cái bồn, hoặc chỉ vào một vũng nước trên nền nhà.
Dưới ánh sáng yếu ớt rọi vào từ những cửa sổ với mặt kính cáu bẩn, một phần đã bị vỡ, tôi cố gắng lắm mới phân biệt được những đồ vật chung quanh mình, chất thành đống loạn xạ khắp mọi phía, có lẽ là không còn dùng được nữa: những máy móc cũ xếp xó, những khung cốt kim loại và sắt vụn linh tinh, mà bụi và rỉ sét đã nhuộm lên một màu hơi đen, đồng đều và xỉn.
Khi mắt đã quen tranh tối tranh sáng, tôi rốt cuộc mới nhận ra người đàn ông, bấy giờ đang ở ngay trước mặt tôi. Đứng thẳng, bất động, hai tay đút vào túi áo mưa, người ấy nhìn tôi không nói một lời, không buồn khoác một cử chỉ chào hỏi nào. Nhân vật ta mang kính đen, và bấy giờ trong đầu tôi bỗng thoáng qua một ý nghĩ: có lẽ hắn mù…
Cao lớn và mảnh khảnh, cứ nhìn vẻ bên ngoài thì còn trẻ, hắn ta dựa một bên vai vào một chồng thùng hình dáng không đồng đều. Vì mang kính, cái mặt hắn, giữa chiếc cổ kéo cao của cái áo đi mưa có thắt lưng và vành nón bẻ sụp xuống trán, không nhìn thấy rõ. Toàn bộ không có cách gì ta không nghĩ đến một cuốn phim trinh thám xưa những năm 30.
Bấy giờ chính tôi cũng đứng không nhúc nhích, năm hay sáu bước cách chỗ cái con người bất động y như một pho tượng bằng sáp kia, và tôi cất tiếng đọc rõ (mặc dù giọng nhỏ) câu mật mã: "Ông Jean, tôi chắc thế? Tên tôi là Boris. Tôi đến vì mẩu tin rao vặt."
Và tiếp sau đó, lại vẫn chỉ tiếng động đều đặn của những giọt nước, trong im lặng. Anh chàng mù kia hay lại cũng điếc và câm?
Sau nhiều phút trôi qua, rốt cuộc câu trả lời đến: "Đừng phát âm là Jean, mà là Djinn. Tôi người Mỹ."
Tôi ngạc nhiên đến nỗi khó giấu nổi sự ngạc nhiên ấy. Giọng nói quả là giọng một người đàn bà trẻ: giọng nghe du dương và ấm, với những âm vang trầm làm cho giọng có một vẻ gì thân mật xác thịt. Tuy nhiên, nàng không chữa lại tiếng tôi gọi "ông" mà dường như vậy là nàng đã chấp nhận.
Một nụ cười nửa miệng lướt qua trên môi nàng. Nàng hỏi: "Ông thấy khó chịu phải làm việc dưới quyền một cô gái?"
Có cái gì thách thức trong câu nói của nàng. Thế nhưng liền lúc ấy tôi quyết định nhập cuộc chơi. "Không, thưa ông," tôi nói, "trái lại thì có." Dù sao, tôi cũng không có cách chọn lựa khác.
Djinn không có vẻ vội nói thêm. Nàng chú ý quan sát tôi, với vẻ không thiện cảm. Có lẽ nàng đang có một phán đoán bất lợi về những khả năng của tôi. Tôi rất sợ nghe bản án, và nó đến sau khi xem xét: "Ông khá bảnh trai đấy, nhưng đối với một người Pháp thì quả ông lớn con quá."
Tôi muốn cười. Cô gái người nước ngoài này ở Pháp không phải là đã lâu, tôi cho thế, và nàng ta đã đến đây với những ý nghĩ có sẵn. "Tôi là người Pháp," tôi nói để chữa lại. "Vấn đề không phải ở chỗ đó," nàng trả lời sau một hồi im lặng.
Nàng nói tiếng Pháp với một giọng hơi trọ trẹ, nghe rất có duyên. Giọng nói nàng ngân nga và cái vẻ lai tính của nàng làm tôi nghĩ đến nữ diễn viên Jane Frank. Tôi thích Jane Frank. Tôi xem tất cả các phim cô ta đóng. Tiếc thay, như "ông" Djinn nói, vấn đề không phải ở chỗ đó.
Chúng tôi đứng yên như thế, quan sát nhau, thêm vài phút nữa. Nhưng bên trong mỗi lúc một tối hơn. Để che giấu sự bối rối của tôi, tôi hỏi: "Vậy thì vấn đề ở chỗ nào?"
Lần đầu tiên thoải mái, hình như thế, Djinn phác nụ cười tuyệt vời của Jane. "Ông sắp cần phải không để ai nhận ra mình trong đám đông," nàng nói.
Tôi rất muốn cười trả với nàng, và kèm theo một lời khen về con người nàng. Tôi không dám: nàng là sếp. Thế nên tôi chỉ tự biện hộ: "Tôi không phải là người khổng lồ." Thật ra, tôi cao gần một mét tám mươi, còn nàng thì cũng không nhỏ nhắn gì.
Nàng bảo tôi tiến về phía nàng. Tôi bước năm bước về hướng nàng. Nhìn gần hơn, mặt nàng xanh xao lạ thường, và bất động như là bằng sáp. Tôi hầu như thấy sợ tiến lại gần hơn. Tôi nhìn vào miệng nàng…
"Thêm nữa," nàng nói. Lần này, không còn nghi ngờ gì nữa: môi nàng không nhúc nhích khi nàng nói. Tôi bước thêm một bước nữa và tôi đặt bàn tay lên ngực nàng.
Đây không phải là một người đàn bà, cũng chẳng phải là một người đàn ông. Trước mặt tôi là một hình nhân bằng chất dẻo bày trong tủ kính thời trang. Bóng tối giải thích sự lầm lẫn của tôi. Cái nụ cười Jane Frank chỉ là do tưởng tượng của tôi mà ra.
"Cứ sờ nữa đi, nếu ông thấy thích," giọng nói quyến rũ của "ông" Djinn cất lên mỉa mai, nhấn mạnh cái lố bịch trong hoàn cảnh của tôi. Tiếng nói ấy từ đâu tới? Âm thanh không phải từ chính hình nhân phát ra, chắc là thế, mà từ một cái loa giấu kín ngay bên cạnh.
Như thế là tôi đang bị theo dõi bởi một người nào đó tôi không nhìn thấy. Thật là rất khó chịu. Tôi có cảm giác vụng về, bị đe doạ, có lỗi. Cô gái đang nói với tôi thế là đang ngồi cách đấy nhiều cây số; và nàng đang nhìn tôi, như một con sâu nằm trong một cái bẫy, trên màn ảnh truyền hình của nàng. Tôi chắc chắn là nàng đang chế giễu tôi.
"Cuối lối đi chính giữa," giọng nói cất lên, "có một cầu thang. Ông đi lên tầng lầu hai. Những bậc cầu thang sẽ không lên cao hơn." Sung sướng được rứt khỏi con búp bê không đời sống kia của tôi, tôi nhẹ nhõm làm theo những chỉ dẫn.
Lên đến tầng lầu thứ nhất, tôi thấy cầu thang ngừng ở đấy. Vậy thì đây là tầng lần thứ hai theo kiểu Mỹ. Điều này xác nhận phán đoán của tôi: Djinn không sống ở Pháp.
Bây giờ tôi đang ở trong một thứ tầng gác mái rộng mênh mông, hoàn toàn giống như tầng trệt; vẫn những cửa kính dơ bẩn và vẫn những lối đi được sắp xếp giữa những đồ đạc chất đống đủ loại. Có điều ở đây sáng hơn một chút.
Tôi nhìn quanh bên phải rồi bên trái, tìm một con người nào đó hiện diện trong cái đống loạn xạ những giấy cứng, gỗ và sắt này.
Bất chợt, tôi có cảm tưởng lúng túng về một cảnh tượng đang tái diễn, như trong một cái kính soi: trước mặt tôi, cách năm hay sáu bước, sừng sững vẫn cái nhân vật bất động ấy, với chiếc áo mưa kéo cao cổ của hắn, cặp kính đen và chiếc nón nỉ sụp vành xuống trán, nghĩa là một hình nhân thứ hai, bản sao y chang hình nhân đầu tiên, trong một tư thế giống hệt.
Bây giờ, tôi tiến đến gần, không chút e ngại, và tôi giang tay ra phía trước… May thay, tôi ngừng cái động tác ấy của mình đúng lúc: cái nhân vật ấy vừa nhoẻn miệng cười, và cái cười ở đây không gì chối cãi được, nếu tôi không phải là người điên. Cái hình nhân giả bằng sáp kia là một người đàn bà thật sự.
Nàng rút bàn tay trái ra khỏi túi, và, với một động tác chậm rãi, nàng đưa cánh tay lên để gạt cánh tay tôi, bấy giờ đã để yên trên không, bởi tôi đang ngạc nhiên.
"Anh đừng đụng tôi," nàng nói, "có đặt mìn đấy." Giọng nói vẫn là giọng nói ấy, vẫn với cái sức lôi cuốn xác thịt và vẫn cái giọng
"Xin lỗi," tôi nói, "tôi ngu thật." Nàng lấy lại ngay giọng điệu nghiêm chỉnh và không ai bẻ lại được: "Theo đúng phép," nàng nói, "anh vẫn phải bắt buộc thưa gửi khi tiếp chuyện tôi."
"O.K.," tôi nói, vẫn không bỏ cái vẻ vui vẻ bên ngoài của mình. Thế tuy nhiên, toàn bộ cái màn dàn dựng này bắt đầu làm tôi bực mình. Djinn hẳn là cố tình làm như thế, bởi vì sau một hồi suy nghĩ, nàng nói tiếp: "Và đừng có nói O.K., nó tầm thường lắm, nhất là khi nói tiếng Pháp."
Tôi muốn chấm dứt ngay cuộc gặp gỡ khó chịu này: tôi không thấy có hy vọng gì, sau một kiểu tiếp khách như thế. Nhưng, đồng thời, cái cô xấc láo kia lại tác động nơi tôi một sự thu hút mơ hồ. "Cám ơn về những bài học tiếng Pháp," tôi nói.
Như đoán được ý nghĩ của tôi, bấy giờ nàng nói: "Anh không rút khỏi chúng tôi được đâu. Quá muộn rồi, lối ra đã được canh giữ. Tôi giới thiệu anh với Laura, cô ấy có súng đấy."
Tôi quay người về phía cầu thang. Một cô gái khác, mặc đúng cùng áo quần như thế, với cặp kính đen và mũ mềm, đang đứng đấy, trên đầu những bực thang, hai bàn tay thọc sâu vào túi áo mưa.
Tư thế cánh tay trái của cô và chỗ túi áo méo mó làm cô có một vẻ gì gần giống như là đe doạ: con người trẻ tuổi này đang chĩa súng vào tôi, súng cỡ bự, giấu dưới vải… Hay cô ta giả vờ làm như thế?
"Chào Laura. Cô mạnh giỏi, thưa cô?" tôi nói và cố hết sức theo kiểu trong phim ảnh ly kỳ. "Ông mạnh giỏi, thưa ông," cô khẳng định đáp lại, theo kiểu hoàn toàn ăng-lô xắc-xông. Cô ta không có cấp bậc trong Tổ Chức, bởi vì cô ta thưa qua thưa lại với tôi.
Một ý tưởng phi lý thoáng qua trong đầu tôi: Laura chỉ là cái hình nhân bất động ở tầng trệt, đã bước lên các bực cầu thang theo sau tôi, và bây giờ lại đứng ngay trước mặt tôi.
Thật ra, con gái ngày nay không còn như ngày xưa. Ngày nay, các cô cũng chơi trò băng đảng, như bọn con trai. Các cô tổ chức những vụ tống tiền. Các cô đánh cướp và đấu võ karaté. Các cô cưỡng hiếp bọn thiếu niên không đủ sức chống cự. Các cô mặc quần đàn ông… Thật là không còn sống nổi.
Djinn có lẽ cho là cần có những lời giải thích, bởi vì lúc bấy giờ nàng bắt đầu một bài diễn văn dài hơn: "Tôi hy vọng là anh bỏ qua cho những phương pháp của chúng tôi. Chúng tôi bị buộc tuyệt đối phải làm việc như thế ấy: chú ý đến những kẻ thù có thể có, canh chừng sự trung thành của những bạn bè mới; nói tóm, là luôn luôn hành động với sự thận trọng lớn nhất, như anh vừa thấy."
Sau đó, nghỉ một lúc, nàng tiếp tục: "Hành động của chúng tôi, do cần thiết, phải là bí mật. Nó có nhiều mạo hiểm trầm trọng cho chúng tôi. Anh sẽ giúp chúng tôi. Chúng tôi sẽ cho anh những chỉ dẫn rõ ràng. Nhưng chúng tôi thích (ít nữa là vào lúc đầu) không phát hiện cho anh biết ý nghĩa của sứ mạng anh, cũng như mục đích chung của công tác này. Làm vậy là vì thận trọng, nhưng cũng là vì hiệu quả.
Tôi hỏi nàng cái gì xảy ra nếu tôi từ chối. Thật ra, nàng không cho tôi chọn lựa: "Anh cần tiền. Chúng tôi chi tiền. Vậy thì anh hãy chấp nhận không bàn cãi. Đặt câu hỏi hay bàn ra tán vào chỉ là chuyện vô ích. Anh làm những gì chúng tôi bảo và chỉ có thế thôi."
Tôi thích tự do. Tôi thích có trách nhiệm về những hành động của mình. Tôi thích hiểu những gì tôi làm… Thế nhưng, tôi lại đồng ý nhận cái giao kèo kỳ cục đó.
Không phải vì sợ cái súng tưởng tượng kia mà tôi bị đẩy đến chỗ đồng ý, cũng chẳng phải vì cần tiền gắt gao… Khi người ta còn trẻ, người ta có nhiều cách khác để kiếm sống. Vậy thì, tại sao? Tại tò mò? Tại muốn tỏ ra anh hùng? Hay tại một động cơ nào khó hiểu hơn?
Dù sao chăng nữa, nếu tôi tự do, thì tôi có quyền làm điều gì tôi muốn làm, dù cho nó đi ngược lý trí của tôi.
"Anh đang nghĩ điều gì đó mà anh muốn giấu," Djinn nói. "Vâng," tôi nói. "Vậy thì là điều gì?" "Cái điều chẳng ăn nhập gì đến công việc."
Bấy giờ Djinn bỏ cặp kính đen xuống, để ai nấy chiêm ngưỡng đôi mắt đẹp nhợt nhạt của nàng. Sau đó, nàng rốt cuộc cười với tôi cái nụ cười đẹp mê hồn mà tôi từng trông đợi từ lúc đầu. Và, từ bỏ cái kiểu nói anh-tôi theo thứ bậc, nàng thì thầm bằng giọng dịu và ấm:
"Bây giờ, xin anh cho biết anh nghĩ gì."
"Cuộc đấu tranh giữa các giống," tôi nói, "chính là động lực của lịch sử."
CHƯƠNG 2
Khi tôi trở lại một mình, bước nhanh nhẹn trên những đường phố bấy giờ chói chang ánh đèn đường và tủ kính các cửa tiệm, tôi nhận ra trong tôi một sự thay đổi tâm trạng thật đáng kể: một sự hân hoan mới toanh bấy giờ làm thân thể tôi nhảy nhót, lay động những suy nghĩ của tôi, đem màu sắc lại cho những sự vật nhỏ nhất quanh tôi. Bây giờ không còn cái đầu óc hời hợt, mơ hồ và dửng dưng, của buổi sáng nay, mà là một thứ hạnh phúc, còn có thể nói là phấn chấn, không định rõ được lý do…
Có thật là không lý do? Tại sao không thú thật nó? Cuộc gặp gỡ của tôi với Djinn, dĩ nhiên, chính là nguyên do của sự chuyển biến rõ ràng và đột ngột ấy. Thường xuyên, chẳng có lý do gì, tôi cứ nghĩ về nàng. Và hình ảnh nàng, cái dáng dấp của nàng, khuôn mặt của nàng, những cử chỉ của nàng, cái cách nàng cửa động, sau cùng là nụ cười của nàng, quá hiện diện trong đầu óc tôi: công tác của tôi chắc hắn không đòi hỏi tôi phải chú trọng nhiều thế đến con người thể xác của người chủ.
Tôi nhìn những cửa tiệm (khá là xấu trong khu này), những người qua lại, những con chó (thường lệ, tôi ghét chó) một cách thích thú, khoan dung. Tôi muốn cất tiếng hát, muốn chạy. Nhìn mặt ai tôi cũng thấy ra sự vui vẻ. Thường thường, tôi thấy họ ngu đần và buồn bã. Hôm nay, những người ấy được ban một thứ ân huệ không giải thích được.
Công việc mới của tôi hẳn là thú vị: nó là cái thích phiêu lưu. Nhưng nó còn có một cái gì hơn thế nữa: cái thích phiêu lưu ái tình… Xưa nay tôi vẫn là kẻ lãng mạn và viễn mộng, điều đó đã hẳn. Vậy thì, ở đây, tôi phải rất chú ý. óc tưởng tượng quá nhạy bén của tôi có nguy cơ kéo theo những sai lầm trong phán đoán của mình, ngay cả những chuyện ngu ngốc trầm trọng trong hành động.
Đột nhiên, một chi tiết bỏ quên trỗi dậy trong trí nhớ của tôi: tôi cần phải không để ai nhận diện ra mình. Djinn đã nói thế, và đã nhấn mạnh lặp đi lặp lại nhiều lần. Thế mà tôi lại làm đúng cái điều ngược lại: mọi người chắc chắn đều để ý thấy cái hứng khởi vui vẻ của tôi. Cái hứng khởi ấy, chính vì thế, rơi tuột xuống tới mấy tầng.
Tôi bước vào một tiệm cà-phê, và tôi gọi một cái expresso đen. Người Pháp chỉ thích cà-phê Ý; cà-phê “Pháp” không được mạnh lắm. Nhưng cà-phê dở nhất trong tất cả các thứ cà-phê, với họ, là cà-phê Mỹ… Tại sao tôi lại nghĩ đến Mỹ? Một lần nữa, lại là tại vì Djinn! Cái khoản này bắt đầu làm tôi bực mình rồi đấy.
Chuyện ngược đời: ở Pháp, để không bị ai chú ý, người ta gọi một cái cà-phê nhanh của Ý. Có thật là có những “người Pháp”, hay những “người Mỹ”? Người Pháp là như thế… Người Pháp ăn cái này, và không ăn cái kia… Người Pháp mặc theo cách này, họ bước đi theo kiểu kia… Nói về ăn, thì có lẽ vẫn còn đúng thật, nhưng càng ngày càng ít đi. Phía trên quầy, có cái danh sách ghi giá bán gắn trên tường; tôi đọc: hot-dog, pizza, sandwiches, rollmops, merguez…
Anh bồi bàn đem đến một tách nước màu rất đen, và đặt trên bàn trước mặt tôi, với hai miếng đường gói chung trong giấy trắng. Sau đó, anh bỏ đi và trên đường đi anh quơ theo một cái ly dơ nằm trên một cái bàn khác.
Bấy giờ tôi khám phá ra tôi không phải là người khách duy nhất trong cái quán rượu trước đó trống trơn khi tôi mới bước vào. Tôi đang có một cô ngồi bên cạnh, bề ngoài như một sinh viên, mặc một cái áo vét đỏ và đang chúi mũi đọc một cuốn sách y khoa to tổ bố.
Trong khi tôi quan sát cô, cô có vẻ như đoán được cái nhìn của tôi về phía cô, và cô ngẩng mặt lên nhìn về phía tôi. Tôi chợt nghĩ một cách trớ trêu: xong rồi, ta sẽ được một điểm xấu, ta đã để lộ diện rồi! Cô sinh viên lặng lẽ ngắm nghía tôi một lúc lâu, như là không trông thấy tôi. Rồi sau đó trở lại chúi mũi vào cuốn sách của mình.
Nhưng vài giây sau, cô lại xem xét tôi, và lần này, cô cất tiếng, giọng lừng chừng, với một sự vững chắc trầm tĩnh: “Bảy giờ năm phút. Ông sắp trễ rồi.” Cô nói mà không nhìn đồng hồ của mình nữa. Tôi nhìn đồng hồ của tôi một cách máy móc. Quả đúng là bảy giờ năm phút. Và tôi có cái hẹn lúc bảy giờ mười lăm ở nhà ga phía Bắc.
Như thế cô gái này là một nữ gián điệp, do Djinn cử ra trên đường đi của tôi để canh chừng cái sự tận tuỵ nghề nghiệp của tôi. “Cô làm việc với chúng tôi?” tôi hỏi, sau một hồi suy nghĩ. Rồi, vì cô vẫn cứ câm miệng, tôi hỏi nữa: “Làm sao cô biết rõ về tôi như thế? Cô biết tôi là ai, tôi đi đâu, tôi phải làm gì, và vào lúc mấy giờ. Vậy ra cô là bạn của Djinn?”
Cô nhìn kỹ tôi với một sự chú ý lạnh lùng, chắc chắn là với vẻ nghiêm khắc, bởi vì rốt cuộc cô tuyên bố: “Ông nói nhiều quá.” Và cô lại chúi mũi vào công việc của mình. Ba mươi giây đồng hồ sau, vẫn không ngừng đọc sách, cô cất lên mấy tiếng, khá chậm rãi, như là tự nói với mình. Cô có vẻ như đang cố đọc cho hiểu một đoạn văn khó trong sách: “Tiếp tục đi trên đại lộ, con đường ông đang tìm là con đường thứ ba bên phải.”
Thật ra vị thần hộ mệnh ấy có lý: nếu tôi cứ ngồi đó bàn cãi, tôi sẽ trễ mất. “Cám ơn cô,” tôi nói, biểu lộ sự độc lập của mình bằng một cái chào long trọng thái quá. Tôi đứng dậy, tôi đi tới quầy, tôi trả tiền nước và tôi đẩy cánh cửa kính. Khi đã ra tới bên kia cửa, tôi ném một cái nhìn ra sau, về phía cái phòng lớn ánh sáng chói chang, nơi không có ai khác hơn ngoài cô gái mặc cái áo vét đỏ. Cô không còn đọc sách nữa. Cô đã gấp cuốn sách to tổ bố lại, để trên bàn, và cô đưa mắt theo dõi tôi không chút nào ngại ngùng, với một vẻ trầm tĩnh và cứng rắn.
Mặc dầu muốn làm ngược lại, để chứng tỏ sự tự do của mình, tôi ngoan ngoãn tiếp tục theo đúng đường đi được chỉ dẫn, lên đại lộ, giữa đám người đàn ông và đàn bà đang từ chỗ làm trở về nhà. Họ không còn tỏ ra vô tâm mà còn đáng yêu nữa. Bây giờ thì tôi tin là mọi người đang canh chừng tôi. Đến khúc quanh thứ ba, tôi rẽ qua phải, đi vào một con hẻm vắng và tối.
Không có xe cộ qua lại cũng như không có xe đậu, chỉ sáng được là do rải rác cách xa có những ngọn đèn đường cũ rích màu vàng nhạt chập chờn, lại dường như bị chính những cư dân tại đây bỏ phế – còn đường tầm thường thứ yếu này tạo ra một sự tương phản toàn diện với đại lộ mà tôi vừa bỏ lại đàng sau. Nhà cửa thấp (nhiều nhất là một tầng) và nghèo, không một chút ánh sáng ở các cửa sổ. Vả chăng ở đây nhiều nhất là những nhà kho và xưởng. Mặt đất thì không bằng phẳng, lát đá theo kiểu xưa, tình trạng rất bết, còn giữ lại những vũng nước bẩn trong những chỗ trũng.
Tôi lưỡng lự không muốn tiến sâu vào con đường chật hẹp và kéo dài này, trông giống như một ngõ cụt: mặc dầu đứng trong vùng tranh tối tranh sáng, tôi vẫn thấy rõ được một bức thành không lối ra, rõ ràng là bị bịt kín ở đầu kia đường. Tuy nhiên, ở lối vào, một tấm biển màu xanh mang một tên đường thật sự, nghĩa là có hai lối ra: “Đường Vercingétorix III”. Tôi không biết là có một con đường Vercingétorix thứ ba, không biết có cả một con đường thứ hai…
Suy nghĩ kỹ, có lẽ có một lối đi, ở đầu kia đường, qua phải hay qua trái. Thế nhưng không thấy có xe cộ là điều đáng ngại. Tôi có đi đúng đường không đây? Ý tôi lúc bấy giờ là đi qua con đường sau đó, trông có vẻ quen thuộc. Tôi chắc hắn nó đưa tới nhà ga gần như cũng mau như vậy. Chính sự góp ý của cô sinh viên y khoa đã đưa tôi tới con đường gọi là đường tắt này.
Thời giờ thúc bách. Cái hẹn của tôi ở nhà ga phía Bắc, bây giờ, chỉ còn dưới năm phút là tới. Con đường hẻm hẻo lánh này, dù sao, cũng tiện cho việc đi nhanh: không một chiếc xe nào hay một người bộ hành nào cản đường, và cũng không có những ngã tư ngã ba.
Cái mạo hiểm đã được chấp nhận (hơi tình cờ, than ôi!), bây giờ chỉ còn phải làm sao đặt chân một cách cẩn thận lên những nơi đi qua đi lại được trên cái mặt đường không có hai bên lề, chỗ tôi đang bước những bước dài nhất có thể bước. Tôi đi mau tới nỗi tôi có cảm tưởng mình đang bay, nhưng trong những giấc mơ.
Trong lúc này, tôi không biết ý nghĩa thật đúng cái công tác của tôi: nó chỉ gồm có mỗi việc phát hiện một du khách nào đó (hình dáng người ấy tôi có rõ ràng trong đầu) đến
Tôi chưa đi đến được nửa con đường vô tận kia, đột nhiên, một đứa trẻ con lao tới cách mười mét ngay trước mặt tôi. Nó chạy ra từ một căn nhà bên tay phải, cái nhà cao hơn những nhà lân cận một tí, và băng qua mặt đường hết tốc lực của dôi chân trẻ trung của nó.
Trong khi chạy, nó vấp phải một viên đá lát nhô lên và té vào một vũng bùn xám đen. Nó không khóc. Bây giờ nó không nhúc nhích, cả người nó nằm bò càng, hai tay dang phía trước.
Bước tới mấy bước, tôi đứng sát cạnh cái thân người nhỏ nhắn nằm bất động. Tôi thận trọng lật ngửa cái thân người ấy. Đó là một thằng bé trạc tuổi mười hai, ăn mặc lạ lùng: giống như một chú bé sống ở thế kỷ trước, với một chiếc quần bó ở phần trên đầu gối bởi một thứ nịt gối, và một cái áo choàng rộng, khá ngắn, bó chặt vào mình bằng một cái thắt lưng da lớn.
Mắt thằng bé mở lớn; nhưng hai con ngươi thì bất động. Miệng nó không ngậm, cặp môi hơi run.
May là nó không té vào bùn, mà chỉ sém ở mé cái chỗ trũng nước bẩn. Nước ở đây, nhìn gần hơn, có vẻ nhớt nhầy, một màu nâu hầu như đỏ chứ không đen. Một nỗi sợ khó hiểu đột nhiên lấn vào tôi. Có phải cái màu nước lạ hoắc này làm tôi sợ? Hay là cái gì khác?
Tôi xem đồng hồ. Bây giờ là 7 giờ 9 phút. Tôi sẽ không có mặt ở nhà ga đón chuyến xe lửa từ
Cánh cửa bên phải tôi mở rộng. Thằng bé chắc chắn là từ nhà ấy chạy ra. Thế nhưng, bên trong nhà không thấy có một chút ánh đèn nào, cả tầng dưới lẫn tầng trên. Tôi đưa tay ôm người thằng bé nhấc lên. Nó gầy quá mức, nhẹ y như một con chim.
Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn đường gần ngay đó, tôi thấy mặt nó rõ hơn: gương mặt ấy không mang một thương tích nào rõ ràng, nó trầm tĩnh và đẹp, nhưng đặc biệt rất xanh xao. Đầu nó có thể đã đập vào một viên đá lát, và nó bị bất tỉnh bởi cái va chạm đó. Tuy nhiên, nó đã ngã về phía trước, tay duỗi thẳng. Vậy thì cái đầu đã không đụng mặt đất.
Tôi đi qua ngưỡng cửa căn nhà, cái gánh nặng mỏng manh ôm trên tay. Tôi thận trọng tiến vào một hành lang dài nằm thẳng góc với con đường ngoài kia. Mọi thứ chung quanh đều đen và lặng.
Không gặp một lối ra nào – một cánh cửa bên trong hoặc một khúc quanh – tôi đi đến một cái cầu thang gỗ. Bấy giờ hình như tôi thoáng thấy có một chút sáng yếu ớt ở tầng lầu một. Tôi bước lên bằng những bước chậm rãi, bởi vì tôi sợ vấp, hoặc sợ hai chân hay đầu thằng bé, lúc ấy vẫn còn bất tỉnh, đụng phải một chướng ngại vật nào đó không trông thấy được.
? đầu cầu thang tầng lầu một có hai cánh cửa. Một cánh đóng, cánh kia thì khép hờ. Đây chính là nơi toả ra cái ánh sáng yếu ớt kia. Tôi đưa đầu gối đẩy cánh cửa và tôi bước vào một căn phòng kích thước mênh mông, với hai chiếc cửa sổ ngó ra đường.
Trong phòng không có đèn. Chỉ là ánh sáng những ngọn đèn đường từ bên ngoài rọi vào, qua những cửa kính không màn che; ánh sáng đủ để tôi có thể phân biệt những đường viền đồ đạc: một cái bàn gỗ trắng, ba hay bốn chiếc ghế không đồng bộ, mặt ghế nát vỡ ít nhiều, một chiếc giường sắt kiểu Tây-ban-nha và nhiều rương tráp đủ dạng đủ cỡ.
Giường có một cái nệm nhưng không có ra trải, cũng không có chăn mền gì cả. Tôi đặt thằng bé, đặt hết sức nhẹ nhàng, xuống chỗ nằm thô sơ này. Nó vẫn còn bất tỉnh, không cho thấy một dấu hiệu nào là còn sống, trừ mỗi một nhịp thở rất yếu. Nhịp tim nó đập gần như không sao nhận ra được. Nhưng đôi mắt to của nó vẫn mở, vẫn sáng rực trong vùng tranh tối tranh sáng. Tôi đưa mắt tìm một cái núm bật đèn, hay một cái gì khác để có một chút sáng. Nhưng tôi chẳng thấy có cái gì loại như thế. Bấy giờ tôi mới nhận ra là khắp phòng chẳng có một ngọn đèn nào.
Tôi trở ra chỗ đầu cầu thang và tôi cất tiếng gọi, giọng ban đầu khe khẽ, và sau đó lớn hơn. Không một tiếng trả lời nào đến tai tôi. Cả ngôi nhà chìm đắm trong một sự im lặng toàn diện, như là bị bỏ rớt lại. Tôi không biết phải làm gì. Chính tôi cũng đang bị bỏ rớt lại, ngoài thời gian.
Thế rồi một ý nghĩa đột xuất đưa bước chân tôi trở lại những cánh cửa sổ của căn phòng: thằng bé ban nãy vừa chạy ra có chút xíu như thế là để đi đâu? Nó băng qua mặt đường, từ bên này qua tới bên kia, một đường thẳng băng. Vậy thì có thể nó ngụ ở căn nhà đối diện.
Thế nhưng, phía bên kia đường chẳng có một căn nhà nào cả: chỉ là một bức tường gạch dài, không thấy có một cửa trổ nào cả. Xa hơn một chút về bên trái, là một hàng rào xiêu vẹo. Tôi trở lại cầu thang và tôi cất tiếng gọi lần nữa, vẫn vô ích. Tôi lắng nghe tiếng của chính tim tôi đập. Lần này, tôi có cảm tưởng rất mạnh, là thời gian đã ngừng lại.
Một tiếng lách tách nhẹ trong phòng gọi tôi trở lại chỗ người bệnh của tôi. Cách hai bước đến chỗ giường, tôi bỗng có một động tác hoảng sợ, một bước thối lui theo bản năng: thằng bé vẫn nằm đúng cái tư thế lúc nãy, nhưng bây giờ nó có một cái thánh giá lớn đặt trên ngực, một cái thánh giá bằng gỗ đậm với một hình chúa bằng bạc, từ hai vai dài xuống suốt thân mình.
Tôi nhìn quanh mọi hướng. Không có ai ngoài thằng bé đang nằm. Vậy nên thoạt đầu tôi nghĩ chính thằng bé này là tác giả cái màn dàn cảnh rùng rợn này: nó giả vờ bất tỉnh, nhưng lại cử động khi tôi quay lưng ra chỗ khác. Tôi ghé sát mắt quan sát gương mặt nó, nét mặt bất động y như những nét trên một cái mặt bằng sáp, và da mặt cũng nhợt nhạt như thế. Nó có vẻ như một tượng người chết nằm ngửa trên mộ phần.
Đến lúc ấy, ngẩng đầu lên, tôi nhận ra sự hiện diện của một đứa bé thứ hai, ở ngưỡng cửa căn phòng, một con bé tuổi khoảng từ bảy tới tám, đứng bất động ngay giữa khung cửa lớn. Đôi mắt nó dán chặt vào tôi.
Cô bé từ đâu đến? Bằng cách nào nó đã đến đây? Không một tiếng động nào báo cho biết nó đến gần. Tuy nhiên, trong ánh sáng lờ mờ, tôi trông thấy rõ chiếc áo dài trắng của nó, áo theo kiểu xưa, với một cái áo bó khít khao và một cái váy rộng gấp nếp, phồng nhưng cũng khá căng cứng, phủ xuống đến tận gót.
“Chào em,” tôi nói, “mẹ em có đây không?”
Con bé tiếp tục im lặng nhìn tôi. Toàn bộ cảnh này không thực, như là ảo giác, cứng đơ, đến độ âm thanh giọng nói của tôi vang lên lạc điệu một cách lạ lùng ngay cả với chính tôi, và nó như không có thật, trong cái không gian đã bị hoá phép, dưới thứ ánh sáng xanh kỳ lạ…
Bởi không có giải pháp nào khác hơn là nói đại thêm vài tiếng nữa, tôi thốt lên, một cách khó khăn, câu nói tầm thường này:
“Anh của em bị té.”
Ngay những lời tôi thốt ra cũng không đánh thức được một câu trả lời hay một tiếng dội, như những đồ vật vô ích, chẳng có chút ý nghĩa. Và im lặng trở lại. Tôi có thực sự đã nói? Cái lạnh, cái mất cảm giác, sự tê liệt bây giờ bắt đầu len vào tay chân tôi.
CHƯƠNG 3
Tình trạng mê hoảng ấy kéo dài bao lâu?
Lấy một quyết định đột ngột, con bé tiến đến phía tôi, không nói gì, bước đi dứt khoát. Tôi làm một cố gắng lớn để ra khỏi tình trạng đờ đẫn của mình. Tôi đưa tay vuốt lên trán, lên mí mắt, nhiều lần. Rốt cuộc tôi trồi lên được. Dần dần, tôi lấy lại được cảm giác của mình.
Cái tôi thấy rất ngạc nhiên là bấy giờ tôi đang ngồi trên một cái ghế, ở đầu giường. Gần tôi, thằng bé vẫn còn ngủ, nằm ngửa thẳng cẳng, mắt mở, cái thánh giá đặt trên ngực. Tôi cố đứng dậy không khó khăn gì lắm.
Con bé cầm một cây đèn cắm nến bằng đồng trước mặt, cây đèn sáng loáng như bằng vàng; nó có ba ngọn nến, tất cả đều tắt. Con bé bước đi không một tiếng động nhỏ, lướt tới theo kiểu những bóng ma; nhưng ấy cũng là bởi đôi dép nhẹ có đế bằng nỉ của nó.
Nó đặt cây đèn nến trên cái ghế mà tôi vừa mới rời. Rồi nó thắp ba ngọn nến, lần lượt từng ngọn, một cách chăm chút, mỗi lần thắp nó đánh một que diêm mới và thổi tắt diêm sau khi dùng, để phần que diêm đen còn lại vào hộp, một cách nghiêm chỉnh hết mình.
Tôi hỏi: "Có chỗ nào có điện thoại không? Ta sẽ gọi một bác sĩ cho anh của em."
Con bé nhìn chòng chọc vào mặt tôi với một thứ thái độ như ban ơn, như người ta vẫn thường làm đối với một người tiếp chuyện không có khả năng, hoặc điên rồ.
"Jean không phải là anh của cháu," nó nói. "Và bác sĩ chẳng ích lợi gì, bởi vì Jean chết rồi."
Nó nói với một thứ giọng ung dung của người lớn, không có kiểu nói của trẻ con. Giọng nó ngân nga và dịu dàng, nhưng không biểu lộ một sự xúc động nào. Nét mặt nó rất giống nét mặt thằng bé đang chết ngất kia, dĩ nhiên là nét con gái hơn.
"Nó tên là Jean à?" tôi nói. Câu hỏi là thừa; nhưng đột nhiên tôi nhớ đến Djinn và, lần nữa, tôi cảm thấy một nỗi tuyệt vọng dữ dội. Bây giờ đã hơn bảy giờ rưỡi. Vụ việc như thế là đã hoàn toàn kết thúc… kết thúc xấu, nói thế mới đúng. Con bé nhún vai:
"Dĩ nhiên," nó nói. "Ông muốn gọi nó là gì bây giờ?" Rồi, vẫn với cái vẻ nghiêm trọng và biết điều, nó tiếp: "Hôm qua, nó đã chết rồi."
"Em nói cái chuyện gì vậy? Khi người ta chết, là chết luôn."
"Không, Jean thì không!" Nó khẳng định với một sự vững tin dứt khoát đến độ chính tôi tự mình cảm thấy bị nao núng. Tuy nhiên, bên trong, tôi vẫn cười khi nghĩ đến cái cảnh tượng kỳ lạ mà cả con bé và tôi đang tạo ra, và những câu chuyện qua lại phi lý giữa nó và tôi. Nhưng tôi chọn chấp nhận trò chơi:
"Nó vẫn thường chết sao?"
"Vào lúc này thì đúng vậy, rất thường. Những lần khác, có khi nhiều ngày mà nó vẫn không chết."
"Và chết như thế có lâu không?"
"Một giờ đồng hồ có lẽ, hay một phút, hay một thế kỷ. Cháu không biết. Cháu không có đồng hồ."
"Tự nó ra khỏi cái chết một mình? Hay em phải giúp nó?"
"Đôi khi nó trở lại một mình. Thường thường, thì là khi cháu rửa mặt cho nó; ông biết đấy: gọi là lễ xức dầu thánh lần cuối."
Đến bây giờ thì tôi bắt được cái ý nghĩa có khả năng đúng của toàn bộ sự việc: thằng bé hẳn là thường xuyên vẫn bị ngất, gốc chắc là do thần kinh; nước lạnh đắp lên trán dùng như một thứ thuốc chuyển máu để làm nó sống lại. Tuy nhiên, tôi không thể bỏ hai đứa trẻ lại trước khi thằng bé bị bệnh tỉnh dậy.
Lửa những ngọn nến bây giờ làm gương mặt nó hồng hào. Ánh đèn phản chiếu ấm hơn làm giảm bớt những chỗ tối chung quanh miệng và mũi thằng bé. Hai con ngươi trong mắt, bấy giờ cùng tiếp nhận cái ánh sáng mới ấy, cũng chiếu ra những luồng sáng nhảy nhót, phá vỡ cái nhìn trừng trừng của nó.
Con bé mặc áo dài trắng ngồi phịch xuống giường, dưới chân cái được cho là xác người chết. Tôi không thể cầm được một cử động, để thằng bé khỏi phải chịu những chấn động mà con bé có thể gây ra khi ngồi như thế lên cái khung lò xo bằng kim loại. Đáp lại, con bé nhìn bằng một cái nhìn coi thường:
"Người chết không biết đâu. Ông phải biết điều đó. Họ không còn có mặt ở đây nữa. Họ ngủ trong một thế giới khác, với những giấc mơ của họ…" Những câu chuyển giọng xuống thấp hơn làm cho âm sắc giọng nó mờ đi, giọng giờ đây trở nên êm ái hơn và xa vắng hơn khi nó thì thầm: "Nhiều lần, cháu nằm ngủ bên cạnh nó khi nó chết; tụi cháu cùng đi lên thiên đàng."
Một cảm giác trống rỗng, một nỗi lo âu quá mức, lần nữa, lại quấy nhiễu tinh thần tôi. Thiện chí của tôi cũng như sự hiện diện của tôi chẳng làm được gì. Tôi muốn ra khỏi căn phòng ma ám đang làm cho thân xác cũng như lý trí tôi suy yếu dần. Nếu tôi có được những lời giải thích đó, tôi bỏ ra ngay tức khắc. Thế nên tôi lặp lại câu hỏi đầu tiên của mình:
"Mẹ em ở đâu?"
"Mẹ đi rồi."
"Khi nào mẹ về?"
"Mẹ không về," con bé nói.
Tôi không muốn cố hỏi thêm. Tôi nhận ra ở đây có cái bi kịch gia đình gì đó, đau khổ và bí ẩn. Tôi nói để thay đổi đề tài:
"Thế còn bố em?"
"Bố chết rồi."
"Mấy lần?"
Nó mở mắt nhìn tôi ngạc nhiên, đầy vẻ thương cảm và trách móc, và rất nhanh đã làm tôi thấy ân hận. Sau một lúc khá lâu, con bé rốt cuộc chịu giải thích:
"Ông chỉ nói chuyện điên khùng. Khi người ta chết, là chết luôn. Trẻ con còn biết như thế." Lý luận thì hiển nhiên đúng là vậy.
Thế là tôi đã đi khá xa rồi. Làm sao những đứa trẻ có thể ở đây một mình, không cha cũng không mẹ? Có lẽ chúng sống ở nơi khác, ở nhà ông bà hay bạn bè gì đó, những người vì lòng nhân ái đã cho chúng vào ở. Nhưng, vì ít nhiều bị bỏ bê như thế, suốt ngày chúng cứ chạy rông hết bên này đến bên kia. Và cái ngôi nhà bỏ hoang kia, không có điện cũng chẳng có điện thoại, chỉ là cái chỗ chơi chúng nó thích. Tôi hỏi:
"Anh của em và em, các em sống ở đâu?"
"Jean không phải là anh cháu," nó trả lời, "chồng cháu đấy."
"Và cháu sống với nó trong ngôi nhà này?"
"Chúng cháu muốn ở đâu là tuỳ ý. Và, nếu ông không thích ngôi nhà này của chúng cháu, tại sao ông đến? Chúng cháu có nhờ cái gì của ai đâu?"
Tóm lại, con bé có lý. Tôi không biết tôi đang làm gì. Tôi tóm lược trong đầu cái tình hình này: một cô giả là sinh viên y khoa hướng dẫn tôi đến một con đường nhỏ mà tôi không chọn; tôi nhìn thấy một thằng nhỏ đang chạy, ngay trước mặt tôi; nó té và bất tỉnh; tôi bê cái xác nó vào chỗ trú gần nhất; ở đấy, một con bé ưa lý sự và ưa chuyện thần bí nói tràng giang với tôi những chuyện không đầu không đuôi về những người vắng mặt và những người chết.
"Nếu ông muốn thấy chân dung cha cháu, thì nó treo trên tường kìa," kẻ tiếp chuyện tôi nói, để kết luận. Làm sao nó đoán được tôi vẫn còn nghĩ đến cha nó?
Trên mảng tường mà nó đưa tay chỉ, giữa hai cửa sổ, một cái khung nhỏ bằng gỗ mun quả thật là lộng hình một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi, mặc y phục hạ sĩ quan hải quân. Dưới miếng gỗ đen, người ta luồn một nhánh hoàng dương được ban phép lành.
"Ông đi hải quân?"
"Dĩ nhiên."
"Ông chết ngoài biển?"
Tôi tin chắc nó sẽ lại nói "Dĩ nhiên", với cái nhún vai khó thấy rõ của nó. Thế nhưng thực tế là những câu trả lời của nó luôn luôn ngược lại cái tôi chờ đợi. Và, lần này nó chỉ chỉnh lại, như một cô giáo sửa một đứa học trò: "Chết đắm ngoài khơi", là thành ngữ đúng khi nói tới một vụ đắm tàu.
Tuy nhiên, những lối giải thích rõ ràng như thế thật khó tưởng tượng là phát xuất từ miệng một đứa bé từng ấy tuổi. Và, đột nhiên, tôi có cảm tưởng là nó đang trả một bài thuộc lòng. Dưới cái hình, một bàn tay chăm chút nào đó đã viết những dòng chữ này: "Tặng Jean và Marie, ba yêu quý." Tôi hơi quay đầu về phía con bé:
"Em tên là Marie?"
"Dĩ nhiên. Ông muốn gọi cháu là gì đây?"
Trong khi tôi khảo sát bức chân dung, tôi đột nhiên linh cảm như sắp có một cái bẫy. Thế nhưng con bé đã nói tiếp:
"Còn chú, chú tên là Simon. Có một cái thư cho chú đây." Tôi vừa để ý thấy một cái bì thư màu trắng, hơi ló ra dưới nhánh hoàng dương. Vậy nên tôi không có thì giờ suy nghĩ về những cái thay đổi xảy ra trong thái độ của Marie: nó gọi tôi bằng chú và nó biết cả tên tôi.
Tôi khéo léo kẹp cái thư giữa hai ngón tay, và tôi rút nó ra khỏi chỗ giấu mà không làm hỏng mấy cái lá hoàng dương. Không khí và ánh sáng thường làm cho loại giấy này chóng vàng. Giấy này, dưới thứ ánh đèn yếu ớt ấy, tôi thấy có vẻ như không vàng mà cũng không nhạt đi. Hẳn là nó không phải đã ở đây từ lâu.
Bì thư mang tên nguyên vẹn của người nhận: "Ông Simon Lecur, tức Boris", nghĩa là không những tên tôi mà thôi, mà còn có cả mật khẩu của tổ chức tôi mới chỉ làm việc từ có mấy giờ trước đây. Còn lạ hơn nữa, chữ viết giống mọi điểm (cùng thứ mực, cùng thứ viết, cùng bàn tay ấy) với chữ đề tặng trên tấm ảnh của người lính hải quân.
Thế nhưng, lúc ấy con bé la thất thanh, sau lưng tôi: "Xong rồi Jean, anh thức dậy được rồi. Ông ấy đã tìm thấy cái thư."
Tôi đột nhiên quay người lại, và tôi thấy thằng bé nằm bất động bỗng bật người dậy và ngồi trên mép nệm giường, hai chân thòng xuống, bên cạnh cô em gái hớn hở. Cả hai đứa cùng vỗ tay và run lên vì vui mừng trên chiếc giường kim loại lung lay trong suốt gần một phút bởi trận cười của chúng. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn ngốc nghếch.
Sau đó con Marie, không ngần ngại, lấy lại vẻ nghiêm túc của mình. Thằng bé lập tức bắt chước nó; thằng bé – theo tôi nghĩ – vâng theo con bé rõ ràng là nhỏ tuổi hơn nó, nhưng lanh lẹn hơn. Bấy giờ con bé tuyên bố với tôi:
"Bây giờ chú là cha của tụi cháu. Cháu là Marie Lecur. Và đây là Jean Lecur."
Nó nhún người lên để chỉ vào kẻ đồng loã của mình, một cách trịnh trọng, đồng thời nghiêng đầu cúi chào tôi. Tiếp đó, nó chạy ra tới đầu cầu thang; ở đấy, hẳn là nó ấn vào một cái nút điện (gắn ở bên ngoài phòng), bởi vì liền tức khắc một thứ ánh sáng chói chang tràn ngập cả phòng, y như trong một rạp hát vào cuối một màn diễn.
Nhiều ngọn đèn, những đèn gắn tường kiểu xưa hình chim, thật ra là có thể nhìn thấy khá rõ; nhưng, khi đèn không bật sáng, thì có thể không nhìn thấy được. Nhẹ nhàng và lanh lẹn, Marie trở về phía giường, và ngồi xuống lại sát bên cạnh anh nó. Chúng nó nói với nhau giọng nhỏ, kề sát tai mà nói.
Sau đó, chúng lại nhìn tôi. Bây giờ chúng có vẻ chăm chú và ngoan ngoãn. Chúng muốn được nhìn thấy những gì xảy ra tiếp theo đó. Chúng đang ở trong nhà hát, còn tôi thì ở trên sân khấu, đang diễn một vở tuồng lạ hoắc, do một người lạ viết ra cho tôi… Hay, có lẽ, người lạ ấy là một phụ nữ?
Tôi mở bì thư ra, cái bì thư không dán. Bên trong là một mảnh giấy xếp làm bốn. Tôi mở tờ giấy cách cẩn thận. Chữ viết vẫn cùng là chữ ấy, chắc hẳn là của một người thuận tay trái, hay nói rõ hơn, của một người nữ thuận tay trái. Tim tôi nhảy nhót khi tôi nhìn thấy chữ ký…
Nhưng đột nhiên tôi cũng nhìn thấy rõ hơn cái lý do khiến tôi trước đây một lúc có sự ngờ vực theo bản năng, trước những chữ viết tay nghiêng ngược chiều, dưới bước chân dung đóng khung đen: ở Pháp, rất ít người viết tay trái, nhất là thuộc thế hệ người hải quân này.
Thư chẳng có gì là một lá thư tình, dĩ nhiên. Nhưng mấy chữ thôi cũng đã nhiều rồi, đặc biệt là khi những chữ ấy xuất phát từ một người mà ta vừa mất vĩnh viễn. Bấy giờ lòng tràn đầy hào hứng, đối diện với hai công chúng trẻ của tôi, tôi lớn giọng đọc lá thư kia, giống như một diễn viên kịch.
"Chuyến xe lửa từ
Thư được ký tên "Jean", nghĩa là Djinn, không thể nhầm. Nhưng tôi không hiểu rõ câu viết về chỗ nghi ngờ. Những nghi ngờ của ai? Tôi xếp mảnh giấy, và để nó trở lại vào phong bì. Marie vỗ tay vài tiếng ngắn. Trễ hơn một chút, Jean cũng làm như nó, nhưng không hào hứng lắm.
"Tôi đói bụng," nó nói. "Chết vất vả lắm."
Hai đứa trẻ bây giờ đi về phía tôi và mỗi đứa cầm một bàn tay tôi, vẻ có uy. Tôi để yên cho chúng làm, bởi lẽ đây là những hướng dẫn. Cả ba chúng tôi đi ra như thế, trước tiên là ra khỏi phòng, rồi ra khỏi nhà, như một gia đình đi dạo mát.
Cầu thang và hành lang ở tầng dưới, cũng như chỗ đầu cầu thang tầng trên, bây giờ đây đó sáng rực ánh đèn, do những bóng đèn cao thế. (Ai đã bật đèn lên?) Thấy Marie khi đi ra không hề tắt điện cũng như không đóng cửa ra vào ở dưới đường, tôi hỏi nó tại sao. Câu trả lời của nó cũng không lạ lùng gì hơn cái phần còn lại của tình thế.
"Không sao đâu," nó nói, "bởi vì Jeanne và Joseph vẫn còn ở đó."
"Jeanne và Joseph là ai vậy?"
"Ấy, Joseph là Joseph, và Jeanne là Jeanne chứ ai."
Con bé kéo tay tôi đi về phía đại lộ, đi thật nhanh và thỉnh thoảng nhảy lên những viên đá lát không đồng đều. Jean thì trái lại, hơi để cho người khác dẫn dắt mình. Đi được vài phút, nó lặp lại:
"Tôi rất đói."
"Đã đến giờ ăn tối," Marie nói. "Phải cho anh ấy ăn. Nếu không, anh ấy chết nữa; và chúng ta sẽ không còn đủ thì giờ chơi trò chơi ấy đâu."
Khi chấm dứt câu, con bé phá lên một tiếng cười ngắn, rất sắc, mà hơi âu lo. Nó điên khùng hoàn toàn, như phần lớn những đứa bé quá biết phải trái. Tôi tự hỏi không biết thật ra con bé bao nhiêu tuổi. Nó nhỏ con và mảnh khảnh, nhưng có lẽ nó nhiều hơn tám tuổi.
"Marie, em bao nhiêu tuổi?"
"Hỏi phụ nữ về chuyện tuổi tác là không lễ độ, chú biết đấy."
"Ngay cả ở tuổi này?"
"Dĩ nhiên. Không cứ phải ở tuổi nào đó mới bắt đầu cần biết lễ độ."
Nó thốt lên câu châm ngôn kia với một giọng trịnh trọng, không hé một chút cười thông đồng. Nó có ý thức được hay không cái phi lý của lối lý luận ấy của mình? Nó đã quẹo qua trái, ra đại lộ, kéo theo chúng tôi, tức là Jean và tôi, sau lưng mình. Bước đi của nó, cũng dứt khoát y như tính cách của nó, không khuyến khích người khác đặt những câu hỏi. Đột nhiên, chính nó là người đứng phắt lại, để phát biểu câu này, trong khi ngước mắt lên nghiêm khắc nhìn tôi:
"Chú, chú có biết nói dối?"
"Đôi lần, khi cần thiết."
"Cháu thì cháu nói dối giỏi lắm, ngay cả khi không có ích gì. Nói dối mà do cần thiết thì chẳng có giá trị gì, dĩ nhiên. Cháu có thể để nguyên một ngày hoàn toàn không nói cái gì có thật cả. Cháu từng đoạt giải thưởng về nói dối, năm ngoái, ở trường."
"Em nói dối," tôi nói. Nhưng phản công của tôi không làm nó bối rối một giây. Và nó tiếp tục, với một sự tự tin trầm tĩnh:
"Ở lớp luận lý học, năm ấy chúng cháu làm những bài tập nói dối cấp hai. Chúng cháu cũng nghiên cứu nói dối cấp một với hai người lạ. Và thỉnh thoảng, chúng cháu nói dối nhiều giọng một lúc. Hấp dẫn lắm. Ở lớp trên, học sinh thực tập nói dối cấp hai với hai người lạ và cả nói dối cấp ba. Nói dối cấp ba hẳn là khó. Cháu đang nóng lòng vào năm học tới."
Rồi, cũng đột ngột như thế, nó lại bước tới trước. Còn thằng bé thì không mở miệng. Tôi hỏi:
"Chúng ta đi đâu đây?"
"Đến tiệm ăn."
"Ta có thì giờ sao?"
"Dĩ nhiên. Thế người ta viết cho chú cái gì, trong thư ấy?"
"Rằng em sẽ đưa ta đến nơi mà ta phải đến."
"Thế thì, khi cháu đưa chú đến tiệm ăn, chú phải đến tiệm ăn."
Quả là không có gì để đối đáp. Vả lại chúng tôi đến trước một tiệm cà-phê – quán rượu. Con bé đẩy cánh cửa kính một cách đầy uy thế và với một sức mạnh lạ lùng. Chúng tôi, cả Jean và tôi, đi theo sau nó. Tôi nhận ra ngay cái tiệm cà-phê nơi tôi đã gặp cô sinh viên y khoa mặc áo vét đỏ…
Cô ta vẫn còn đấy, vẫn ngồi cùng chỗ cũ, ngay giữa cái phòng lớn trống không. Cô đứng dậy khi nhìn thấy chúng tôi đi tới. Tôi tin chắc là cô đang đợi tôi trở lại. Khi đi qua gần chúng tôi, cô ra dấu với Marie và nói nhỏ giọng:
"Mọi việc ổn cả chứ?"
"Tốt cả," Marie nói, rất lớn, không có vẻ gì ngại ngùng. Và ngay sau đó, nó thêm: "Dĩ nhiên."
Cô sinh viên giả đi ra, chẳng buồn nhìn tôi một cái. Chúng tôi ngồi tại một trong những cái bàn hình chữ nhật, tận cuối phòng. Không lý do gì rõ ràng, mấy đứa bé chọn cái bàn ít sáng đèn nhất. Chúng tránh những ánh đèn quá sáng, hình như là thế. Dù sao, thì chính Marie là người quyết định.
"Tôi muốn một cái pizza," Jean nói.
"Không," em gái nó nói, "anh thừa biết là trong những thứ ấy họ cố tình nhét đầy vi khuẩn và virút."
?a, tôi tự bảo, cái phép phòng bệnh thì ra đã thắng thế nơi giới trẻ. Hay là bọn trẻ này được nuôi dạy trong một gia đình Mỹ? Khi anh bồi bàn đến gần chúng tôi, Marie gọi bánh mì nướng kẹp giăm-bông phó-mát cho tất cả mọi người, hai chai limônát, "và một cốc bia nửa lít cho ông đây, ông là người Nga." Con bé nhăn một bộ mặt dễ sợ với tôi, trong khi người đàn ông bỏ đi, vẫn không nói gì.
"Tại sao em nói tôi là người Nga? Vả chăng, người Nga họ cũng không uống bia nhiều hơn người Pháp, hay người Đức…"
"Chú là người Nga, bởi vì tên chú là Boris. Và chú uống bia cũng như mọi người uống bia thôi, Boris Lecurovitch ạ!"
Sau đó, đổi cả giọng lẫn đề tài, nó nghiêng người ghé vào tai tôi thì thầm, giọng tâm sự:
"Chú có để ý vẻ mặt ông bồi bàn tiệm cà-phê không? Ông ta chính là người mặc đồ hải quân trong cái ảnh đóng khung của người đã chết đấy."
"Ông chết thật rồi chứ?"
"Dĩ nhiên. Chết đắm ngoài khơi. Hồn ma của ông ấy trở lại phục vụ cho tiệm cà-phê nơi ông làm ngày xưa. Chính vì thế mà ông ta không nói gì bao giờ."
"À ra thế," tôi nói. "Tôi hiểu."
Người đàn ông mặc áo vét trắng thình lình xuất hiện trước mặt chúng tôi, với các thức uống. Ông ta trông giống người hải quân lắm. Marie nói với ông ta, giọng rất lịch sự:
"Cháu cám ơn ông. Ngày mai mẹ cháu sẽ ghé qua, để trả tiền."
CHƯƠNG 4
Trong khi chúng tôi ăn, tôi hỏi Marie làm sao người bồi bàn ấy có thể được mướn làm trong một tiệm cà-phê, trước khi ông ta chết, bởi ông ta đang là hải quân. Nhưng con bé không lúng túng tí nào:
“Dĩ nhiên chỉ là những lần nghỉ phép của ông. Vừa về tới đất liền, ông đến thăm cô bồ làm việc ở đó. Và vì tình yêu, ông cùng cô bồ ấy bưng dọn những ly nhỏ rượu vang trắng và những tách cà-phê kem. Tình yêu, nó có thể sai ta làm những chuyện lớn lao lắm.”
“Thế cô bồ của ông ta, bây giờ cô ấy ra sao?”
“Khi cô biết người yêu chết thảm khốc như thế, cô tự tử, bằng cách ăn một cái pizza làm theo kiểu công nghiệp.”
Sau đó, Marie muốn biết ở Moscou người ta sống như thế nào, bởi vì nó gán cho tôi quốc tịch Nga. Tôi trả lời là nó hẳn cũng phải biết điều đó, bởi nó là con gái tôi. Thế là nó chế ra một câu chuyện bịa kỳ quặc mới:
“Đâu có. Chúng cháu không có sống với chú. Những người sống lang thang nay đây mai đó đã bắt cóc Jean và cháu, khi chúng cháu còn bé tí. Chúng cháu đã sống trong những đoàn xe lưu động, đi khắp châu Âu và châu Á, ăn xin, ca hát, nhảy múa trong các gánh xiếc. Cha mẹ nuôi chúng cháu còn buộc chúng cháu ăn cắp tiền, hay đồ vật trong các cửa hàng.
“Khi nào chúng cháu không vâng lời họ, họ trừng phạt chúng cháu một cách ác độc: Jean phải ngủ trên xà đu bay, còn cháu thì trong chuồng cọp. May thay, con cọp rất hiền; nhưng nó có những giấc ác mộng, và thế là nó gầm suốt đêm: tiếng gầm cứ làm cháu giật mình. Buổi sáng khi thức dậy, cháu chưa ngủ đủ giấc.
“Còn chú, trong thời gian ấy, chú chạy đi tìm chúng cháu khắp thế gian. Đêm nào chú cũng đi coi xiếc – mỗi đêm một đoàn xiếc mới – và chú rảo khắp các hành lang hậu trường để hỏi thăm hết bọn trẻ chú gặp. Nhưng, có lẽ chú nhìn nhiều nhất là những cô biểu diễn ngựa xiếc… Chỉ tới hôm nay đây chúng ta mới gặp lại nhau.”
Marie nói mau, với một thứ tin tưởng vội vàng. Đột nhiên, cái hứng khởi của nó tàn rụng. Nó suy nghĩ một lúc, bất chợt mơ màng, rồi nó buồn rầu kết thúc:
“Nhưng còn cái này nữa, chúng ta cũng chưa chắc đã gặp lại nhau. Có thể không phải là chúng ta, cả chú cũng thế…”
Chắc hẳn cho rằng mình đã nói khá nhiều chuyện bậy bạ, bấy giờ Marie tuyên bố là tới lượt tôi phải kể một câu chuyện gì đó.
Bởi tôi ăn nhanh hơn bọn trẻ, tôi đã kết thúc miếng bánh mì nướng kẹp giăm-bông phó-mát của mình từ lâu. Marie, bấy giờ còn nhai từng miếng chậm chạp và chăm chỉ giữa những câu kể dài dòng của mình, có vẻ như chưa sắp ăn xong bữa. Tôi hỏi nó muốn tôi kể loại chuyện gì. Nó muốn – đây là dứt khoát – một “câu chuyện tình và chuyện khoa học giả tưởng”, chữ sau cùng này nó phát âm kiểu tiếng Pháp, tất nhiên. Vậy nên tôi bắt đầu:
“Đấy. Một người máy gặp một thiếu nữ…”
Cô thính giả của tôi không để tôi đi xa hơn.
“Chú không biết kể,” nó nói. “Một câu chuyện đúng nghĩa, bắt buộc phải ở thì quá khứ.”
“Nếu em muốn. Vậy thì, một người máy đã gặp một…”
“Không, không phải cái kiểu quá khứ ấy. Một câu chuyện, phải là ở kiểu quá khứ kể chuyện. Nếu không, chẳng ai biết đó là một câu chuyện.”
Hẳn là nó có lý. Tôi suy nghĩ một lúc, vì ít quen dùng cái thì này trong ngữ pháp, và tôi bắt đầu lại:
“Ngày xưa, lâu lắm rồi, trong cái vương quốc đẹp đẽ của nước Pháp, có một người máy rất thông minh, mặc dù hoàn toàn bằng kim loại, gặp một cô gái thuộc hàng quý tộc trẻ và đẹp trong một dạ vũ ở triều đình. Họ khiêu vũ với nhau. Chàng nói với nàng những lời tình tứ. Nàng đỏ mặt. Chàng xin lỗi.
“Họ lại khiêu vũ nữa. Nàng thấy chàng hơi cứng, dưới những cung cách trịnh trọng làm chàng nổi bật hẳn. Ngay ngày hôm sau, họ kết hôn. Họ nhận được những món quà lộng lẫy và lên đường đi hưởng tuần trăng mật… Kể như thế được chứ?”
“Chuyện không có gì hay lắm,” Marie nói, “nhưng cũng được. Dù sao, những thì quá khứ dùng đúng.”
“Vậy,” tôi kể tiếp. “Người vợ trẻ, tên là Blanche, đặt tên như thế để bù lại, bởi vì tóc cô rất đen, và nàng không nhận ra ngay cái tính cách điều khiển học nơi người hôn phối của mình. Tuy nhiên, nàng cũng thấy rõ là anh chàng lúc nào cũng làm cùng những động tác và lúc nào cũng nói cùng những câu ý như nhau. ‘Ấy,’ nàng nghĩ, ‘đây chính là một con người kiên trì theo ý kiến của mình.’
“Nhưng, một sáng nọ, thức dậy sớm hơn thường lệ, nàng nhìn thấy chàng đang vô dầu hệ thống máy móc của những khớp xương hông, trong phòng tắm, với một cái bình dầu của máy may.
“Bởi nàng là người có giáo dục, nàng không bày tỏ một nhận xét nào. Tuy nhiên, kể từ ngày đó, mối nghi ngờ xâm chiếm lòng nàng.
“Những chi tiết nhỏ không giải thích được bấy giờ trở lại trong đầu óc nàng: chẳng hạn, những tiếng cọt kẹt ban đêm không thể nghe kêu từ chiếc giường, trong khi chồng nàng ôm ấp nàng trong bí mật của căn phòng ái ân; hoặc tiếng tích tắc lạ lùng của chiếc đồng hồ báo thức, ngập cả khoảng không gian chung quanh chúng.
“Blanche cũng đã khám phá ra là đôi môi màu xám của chàng, rất không diễn cảm, thỉnh thoảng phóng ra những cái chớp, bên phải hay bên trái, như một chiếc xe hơi sắp đổi hướng. Còn nhiều dấu hiệu nữa, thuộc loại máy móc, rốt cuộc đã làm nàng hoàn toàn lo lắng.
“Sau cùng, nàng cầm chắc những cái bất thường còn làm lúng túng hơn nữa, và là những cái thật sự khủng khiếp: chồng nàng không bao giờ quên cái gì cả! Cái trí nhớ kinh hoàng của chàng liên quan đến những sự cố nhỏ nhặt nhất hàng ngày, cũng như cái nhanh nhẹn không giải thích được của chàng trong những bài tính nhẩm khi mỗi cuối tháng hai người tính sổ chi tiêu trong gia đình, đã cho Blanche một ý nghĩ nham hiểm. Nàng muốn biết nhiều hơn nữa và dự kiến một kế hoạch đầy thủ đoạn…”
Bọn trẻ bấy giờ đã vét hết đĩa ăn của chúng. Còn tôi, người tôi đang sôi lên tại chỗ, vì tôi rất sốt ruột muốn rời ngay cái quán rượu này, để biết được chúng tôi rốt cuộc sẽ đi đến đâu sau đó. Vậy nên tôi vội vàng đến chỗ kết luận:
“Tiếc thay,” tôi nói, “đúng vào lúc ấy, cuộc viễn chinh Thập Tự thứ Mười Bảy bùng nổ, và anh chàng người máy bị động viên vào bộ binh thuộc địa, trung đoàn Ba thiết giáp. Anh xuống tàu ở cảng Marseille và tham gia chiến tranh ở Trung Đông, chống lại những người
“Bởi vì tất cả kỵ binh đều mặc những bộ áo giáp có khớp bằng thép không gỉ, những đặc điểm thể xác của người máy không ai nhận ra được. Và anh chàng không bao giờ trở về lại nước Pháp hiền hoà, bởi vì anh đã chết một cách oan uổng, một đêm hè, không ai chú ý, dưới dãy tường Jérusalem. Mũi tên thấm độc của một tên lính ngụy đã gây ra một sự chập mạch bên trong bộ óc điện tử của anh.”
Marie bĩu môi.
“Kết thúc thật là ngu xuẩn,” nó nói. “Chú có một vài ý hay, nhưng chú đã không biết khai thác chúng một cách thông minh. Và, nhất là không có chỗ nào chú làm cho các nhân vật sống thực và làm cho người ta có thiện cảm. Khi nhân vật chính chết, ở cuối câu chuyện, người nghe chẳng cảm động tí nào.”
“Vậy là khi nhân vật chính chết, em không cảm động sao?” tôi nói đùa.
Lần này, dù sao tôi cũng có được của cô giáo sư môn kể chuyện quá đòi hỏi của mình một nụ cười thích thú. Con bé trả lời tôi vẫn với cái giọng nhại:
“Bạn ơi, dù sao tôi cũng thấy chút thích thú được nghe bạn, khi bạn kể cho chúng tôi về buổi dạ vũ, nơi hai người làm quen và tán tỉnh nhau. Khi Jean và tôi ăn vừa xong, chúng tôi rất lấy làm tiếc, vì đến chỗ ấy bạn bỗng rút ngắn câu chuyện kể: chúng tôi nhận ra ngay cái vội vàng đột ngột của bạn…” Rồi đổi giọng: “Sau này, cháu muốn học để trở thành vai chính trong tiểu thuyết. Đây là một nghề tốt, và nó cho phép ta sống ở thì quá khứ kể chuyện. Chú không thấy như thế là đẹp hơn sao?”
“Tôi vẫn còn đói,” đến lúc ấy thì thằng anh con bé nói. “Bây giờ, tôi muốn một cái pizza.”
Hẳn đây chỉ là một lời nói đùa, bởi vì cả hai đứa cùng phá ra cười. Nhưng tôi không hiểu tại sao. Cái cười có thể là một phần của cái kiểu màu mè riêng tư của chúng. Sau đó là một lúc lâu im lặng mà tôi thấy giống như một lỗ hổng trong thời gian, hay như một khoảng trắng giữa hai chương sách. Tôi kết luận chắc hẳn sắp có cái gì mới mẻ xảy ra đây. Tôi chờ đợi.
Bọn trẻ bạn đồng hành của tôi, chúng nó cũng chờ đợi. Marie cầm cái dao và cái nĩa của nó lên, nó đùa nghịch một lúc với dao nĩa bằng cách cho cả hai tựa vào nhau, nối ở hai đầu, giữ cho chúng thăng bằng; sau đó nó sắp hai cái thành hình chữ thập giữa bàn. Trong khi làm những việc tập dợt không đâu vào đâu ấy, nó làm ra một vẻ trịnh trọng, một sự chính xác có tính toán, đến nỗi tôi thấy việc tập dợt có giá trị của những dấu hiệu bí hiểm.
Tiếc thay, tôi không biết cách giải thích những hình tượng ấy. Và cũng có thể chúng thật sự chẳng có ý nghĩa gì. Như tất cả những trẻ em và những nhà thơ khác, Marie thích đùa nghịch với nghĩa và vô nghĩa. Làm xong công trình xây dựng của mình, nó mỉm cười, với chính mình. Jean uống cạn ly của nó. Cả hai đứa đều im lặng. Chúng chờ đợi cái gì thế?
Chính thằng bé phá tan sự im lặng:
“Không, ai nấy đừng sợ gì cả. Pizza, đó chỉ là cái làm cho ta hăng tiết lên. Vả lại, đã nhiều tháng nay, tiệm cà-phê này chỉ còn bán có mỗi bánh mì nướng kẹp giăm-bông phó-mát và sandwich. Nãy giờ ông tự hỏi chúng ta đang chờ đợi gì ở đây, phải thế không? Chưa đến giờ lên đường, chỉ có thế thôi. Bây giờ, chúng ta sắp đi đây.”
Giống như em gái nó, thằng bé này cũng nói năng gần như một người lớn. Nó thì hơn thế, nó gọi tôi bằng ông. Nó chưa bao giờ nói nhiều như thế kể từ khi chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên, cách đây hơn một giờ. Nhưng bây giờ thì tôi hiểu tại sao nó kiên trì im lặng như vậy.
Giọng nói của nó quả là đang giữa thời kỳ thay đổi, và nó ngại những âm bị bể của nó, phát ra bất ngờ giữa những câu nói, sẽ làm nó lố bịch. Điều đó có lẽ cũng giải thích tại sao em nó và nó cùng phá ra cười: chữ “pizza” hẳn là mang những âm tiết đặc biệt đáng ngại cho những dây thanh đới của nó.
Bây giờ, rốt cuộc, Marie cho tôi biết đoạn tiếp chương trình của chúng tôi: chính nó, nó cũng buộc phải trở về nhà (nhà nào?) để làm bài (những bài nói dối?), trong khi anh nó sẽ đưa tôi đến một cuộc họp mặt bí mật, nơi tôi sẽ nhận những chỉ thị rõ ràng. Nhưng, về phần tôi, tôi phải không được biết địa điểm cuộc hẹn này. Vậy nên người ta sẽ bắt tôi giả dạng làm người mù, đeo cặp kính đen có mặt kính hoàn toàn mờ đục.
Những sự đề phòng và những bí ẩn mà tổ chức bí mật này phải giữ chung quanh những hoạt động của nó càng ngày càng trở nên quá đáng. Nhưng tôi tin phần lớn của cuộc chơi là ở đấy, và, dù sao chăng nữa, tôi đã quyết định theo đuổi kinh nghiệm này tới cùng. Tại sao thì cũng dễ đoán thôi!
Vậy nên tôi giả vờ coi như sự xuất hiện gần như là kỳ diệu của những đồ vật cần thiết cho việc giả trang của tôi là điều hoàn toàn tự nhiên: cặp kính đã được báo cho biết, cũng như chiếc gậy màu trắng. Jean đã âm thầm đến lấy những thứ đó trong một góc phòng của tiệm cà-phê, nơi chúng nằm chờ sẵn, gần ngay chỗ chúng tôi ngồi ăn.
Dĩ nhiên bọn trẻ đã chọn chiếc bàn này, không tiện gì mấy và không được sáng, bởi vì nó ở ngay gần chỗ giấu các thứ kia. Thế nhưng ai đã để những đồ phụ tùng kia ở đó? Jean, hay Marie, hay là cô sinh viên mặc áo vét đỏ?
Cô này hẳn là đã theo dõi tôi từ khi tôi đi ra từ cái xưởng có những hình nhân, nơi Djinn kết nạp tôi làm công tác cho nàng. Cô có thể đã đem theo cái gậy và cặp kính. Cô đã theo tôi đến tận cái quán bia này, và cô đã bước vào vài giây đồng hồ sau tôi. Cô đã có thể để ngay tức khắc những đồ vật nọ xuống ở cái góc kia, trước khi đến ngồi vào chiếc bàn gần bàn tôi.
Tuy nhiên, tôi lấy làm lạ là mình đã không nhận biết tí gì về những lần đi lại ấy. Khi tôi khám phá ra sự hiện diện của cô sinh viên, thì cô đã ngồi và trầm tĩnh đọc cuốn sách giải phẫu học to tướng của mình. Nhưng lúc ấy, tôi thích thú trong những tưởng tượng yêu đương, sảng khoái và mơ hồ, những thứ hẳn là làm hại tới cái ý thức thực tại của tôi.
Một câu hỏi khác làm tôi còn bối rối hơn nữa. Chính tôi là người đã muốn uống một tác cà-phê trong quán bia này, cô gái giả sinh viên chỉ làm cái việc theo tôi. Thế mà, tôi rất có thể chọn một cái quán khác trên đại lộ (hoặc là không uống cà-phê). Trong những điều kiện ấy, làm sao bọn trẻ lại được kẻ tòng phạm của mình báo cho biết trước chỗ chúng sẽ tìm thấy cái gậy và cặp kính?
Mặt khác, khi đến đây, Marie nói chuyện với người hầu bàn y như nó đã quen biết hắn rất nhiều. Và Jean thì biết những món ăn nào thật sự có bán ở đây, trong số những món người ta bày, với cách mang ít nhiều xảo quyệt, ở cái bảng treo trên tiệm rượu. Sau cùng, chúng còn cho là mẹ chúng sẽ ghé vào tiệm ngay sau đó, để thanh toán tiền bữa ăn của chúng tôi; trong khi chỉ cần để tôi trả cái số tiền ít ỏi đó. Anh hầu bàn không hề có một sự phản đối nào. Anh ta rõ ràng tin bọn trẻ, và cả hai đứa đều hành xử như những khách quen lui tới ở đây.
Vậy thì mọi việc xảy ra y như tôi đã tình cờ bước vào cái quán bia họ dùng làm căng-tin và tổng hành dinh. Chuyện thật là khó tin. Tuy nhiên, cách giải thích khác có thể đúng nhưng còn có vẻ lạ lùng hơn nữa: không phải “do tình cờ”; trái lại, tôi đã được chính tổ chức dẫn tới cái quán rượu này, mà không hề hay biết, để gặp cô sinh viên đang chờ tôi ở đây.
Thế nhưng, trong trường hợp này, người ta đã “dẫn” tôi như thế nào? Bằng cách gì? Dùng phương pháp huyền bí nào? Tôi càng nghĩ về tất cả những chuyện đó, sự vật càng ít sáng tỏ hơn, và tôi càng kết luận là ở đây có hiện diện một điều khó hiểu… Nếu trước tiên tôi giải được bài toán liên hệ giữa bọn trẻ và cô sinh viên y khoa… Than ôi, tôi chẳng giải được gì cả.
Trong khi tôi khuấy động những ý nghĩ ấy trong đầu, Jean và em gái nó đeo cặp kính đen lên mắt tôi. Những vành bọc cao-su của cái gọng, hình thù khít khao, rất vừa với trán tôi, với hai bên thái dương tôi, với gò má tôi. Tôi nhận ra tức khắc là tôi không thể nhìn thấy gì hai bên, phía dưới cũng không, và tôi cũng không nhìn thấy gì cả qua mặt kính, vì quả thật là chúng mờ đục.
Và bây giờ, chúng tôi, tôi và thằng bé, bước đi trên lề đại lộ, cạnh bên nhau. Chúng tôi cầm tay nhau. Bàn tay kia để không, bàn tay phải, tôi cầm cái gậy trắng đưa ra phía trước, cái đầu gậy quét khoảng không trước bước chân tôi, để tìm những vật chướng ngại có thể có. Đi được vài phút, tôi đã sử dụng đồ phụ tùng này một cách hoàn toàn tự nhiên.
Trong khi để người ta dẫn đi như một người mù, tôi suy nghĩ về cái tự do của tôi đang dần dần xuống cấp một cách lạ lùng, kể từ lúc, sáu giờ rưỡi tối, tôi bước vào cái nhà kho với những hình nhân, chất đầy những hàng hoá vứt đi và những máy móc không còn dùng được, nơi “Ông Jean” đã cho gọi tôi tới.
Ở đó, không những tôi đã chấp nhận tuân lệnh một cô gái tuổi tôi (hay có thể còn trẻ hơn tôi nữa), mà tôi còn đã làm như vậy dưới sự đe doạ xúc phạm của một họng súng (ít ra là giả thiết) đã đánh tan mọi cảm giác về một sự chọn lựa tự nguyện. Hơn thế, không một lời phản đối, tôi đã chấp nhận không biết một tí gì về cái công tác chính xác của mình và những mục đích mà tổ chức ấy đang theo đuổi. Tôi đã không hề thấy tổn thương tí nào về việc ấy; trái lại, tôi đã cảm thấy sung sướng và nhẹ nhàng.
Tiếp đó là một cô sinh viên chẳng dễ thương gì, trong một tiệm cà-phê, bằng những điệu bộ của viên thanh tra và của cô giáo, đã buộc tôi đi theo một con đường với tôi không phải là con đường tốt nhất. Việc đã đưa tôi tới chỗ phải săn sóc một tên giả vờ bị thương nằm bất tỉnh dưới đất, nhưng thật ra lại là đang giỡn mặt với tôi.
Khi tôi biết được điều đó, tôi đã không than phiền gì về cái cách hành xử bất chính ấy. Và lần này, tôi thấy ngay là mình đang vâng lời một con bé chỉ mới mười tuổi, chuyên nói dối và hơn thế, chuyên bịa đặt. Cuối cùng, tôi đã chấp nhận mất cả quyền sử dụng mắt mình sau khi đã tuần tự mất hết quyền sử dụng ý chí tự do của mình và quyền sử dụng trí khôn của mình.
Đến độ bấy giờ tôi hành động mà không hiểu một chút gì về việc mình đang làm cũng như cái gì sẽ xảy ra, không biết luôn cả mình đang đi đến đâu, dưới sự dẫn dắt của cái thằng bé con ít nói kia, rất có thể là một thằng bé mắc bệnh động kinh. Và tôi chẳng hề tìm cách vi phạm điều lệnh bằng cách chơi gian một chút với cặp kính đen. Chắc là chỉ cần nhích nhẹ cái gọng một chút, với lý do là để gãi chân mày, làm sao tạo ra một cái kẽ hở giữa vành cao-su và một bên sống mũi…
Thế nhưng tôi không làm gì cả. Rõ ràng là tôi đã muốn làm một anh điệp viên vô trách nhiệm. Tôi đã không ngại để cho người ta bịt mắt mình. Rồi đây, nếu như Djinn thích, chính tôi sẽ trở thành một thằng người máy sơ đẳng. Chưa chi tôi đã nhìn thấy mình ngồi trên một chiếc ghế cho người bị liệt, mù, câm, điếc… tôi còn biết gì nữa?
Nghĩ tới cảnh này tôi mỉm cười với chính mình.
“Tại sao ông cười?” Jean hỏi.
Tôi trả lời tôi thấy hoàn cảnh hiện tại của tôi quả thật là khôi hài. Thằng bé bấy giờ nói lại, như trích đọc, một câu tôi từng nghe từ miệng của em gái nó, khi chúng tôi ngồi ở tiệm cà-phê:
“Tình yêu,” nó nói, “có thể sai ta làm những chuyện lớn lao lắm.”
Thoạt đầu tôi tưởng nó chế nhạo tôi; và tôi đã trả lời, một cách khá bực tức, là tôi không thấy hai việc có một quan hệ nào. Nhưng, nghĩ lại, cái nhận xét kia của thằng bé tôi thấy trước hết là không giải thích được. Làm sao nó biết được cái hy vọng si tình (hầu như phi lý và, dù sao cũng là thầm kín) mà tôi cũng chỉ vừa mới thú nhận với chính mình?
“Có chứ.” nó lại nói bằng cái giọng khi thì trầm khi thì cao của nó, “có một sự quan hệ hiển nhiên: tình yêu thì mù quáng, cái ấy ai cũng biết. Và, dù sao chăng nữa, ông không nên cười: bị mù, buồn lắm.”
Tôi sắp hỏi nó có phải vậy thì nó kết luận tình yêu là chuyện buồn chăng (suy ra từ hai đề xuất của nó liên hệ tới đặc tính người mù, theo đúng y tam đoạn luận), thì bỗng xảy ra một sự cố làm chuyện trao đổi của chúng tôi ngưng tại đó.
Chúng tôi dừng chân, được một lúc, bên bờ lề đường (tôi nhận ra được cái mép bằng đá nhờ đầu chiếc gậy bịt sắt) và tôi tưởng là chúng tôi đang chờ đèn hiệu cho phép những người bộ hành qua đường. (Ở nước tôi không có nhạc hiệu cho người mù, như nhiều thành phố bên Nhật Bản.) Thế nhưng tôi đã nhầm. Chỗ này hẳn là một cái bến taxi, nơi Jean chờ một chiếc xe trống đi tới.
Quả là nó cho tôi bước lên một chiếc xe khá lớn, dường như thế, căn cứ cái nơi cánh cửa xe mở rộng mà tôi mò mẫm bước qua. (Tôi đã bỏ cái gậy cho người dẫn đường.) Tôi ngồi vào chỗ chắc phải là cái băng ghế sau, rộng và tiện nghi.
Trong khi tôi ngồi xuống, Jean đã đóng sập cửa lại và hẳn là đã đi nửa vòng xe, để chính nó bước lên xe bằng cánh cửa bên trái: tôi nghe tiếng người ta mở cửa, có người nào vào bên trong xe và ngồi bên cạnh tôi. Và cái người nào ấy rõ chính là thằng bé, bởi cái giọng bị vỡ từng tiếng không ai bắt chước được của nó hỏi người tài xế:
“Xin vui lòng cho chúng tôi đến chỗ này.”
Cùng lúc ấy, tôi nghe một tiếng giấy kêu khẽ. Thay vì nói cho biết chỗ nào chúng tôi muốn tới, Jean có lẽ đã chìa ra cho người tài xế một miếng giấy có viết địa chỉ (ai viết?). Cái mẹo ấy là để không cho tôi biết nơi chúng tôi sẽ đến. Và bởi vì người sử dụng mẹo là một thằng bé con, cái kiểu thức ấy không làm người tài xế ngạc nhiên.
Thế nếu đây không phải là một chiếc taxi thì sao?
CHƯƠNG 5
Trong khi xe chạy, tôi lại nghĩ tới cái phi lý trong hoàn cảnh của tôi. Nhưng tôi lại không sao quyết định chấm dứt nó được. Cái bướng bỉnh ấy của tôi làm ngay chính tôi cũng ngạc nhiên. Tôi tự trách mình về nó, nhưng đồng thời cũng thấy vui vì nó. Việc tôi thích Djinn không thể là nguyên nhân duy nhất ở đây. Chắc hẳn là cũng do tò mò. Chứ còn gì nữa?
Tôi cảm thấy mình bị cuốn vào một chuỗi những tình tiết và những gặp gỡ mà sự tình cờ hẳn là chẳng mảy may đóng một vai trò nào. Chỉ là tôi không nắm được cái nguyên lý nhân quả sâu xa ấy thôi. Những bí ấn liên tiếp kia đã làm tôi nghĩ tới một thứ săn bắt kho báu: người ta lần hồi nhích lên từ manh mối này đến manh mối khác, và người ta chỉ khám phá ra cách giải quyết vào tận cuối hồi kết thúc. Và kho báu ở đây, chính là Djinn!
Tôi cũng tự đặt ra những câu hỏi về loại công tác mà tổ chức chờ đợi ở tôi. Có phải người ta sợ không dám nói huỵch toẹt với tôi về công tác đó? Hay đó là một công tác thuộc loại ít đem bày tỏ ra được? Những thoả thuận mào đầu như thế kia có nghĩa là gì? Và tại sao người ta giành cho tôi quá ít sáng kiến như vậy?
Cái kiểu hoàn toàn không có thông tin như thế, tôi hy vọng dù sao cũng chỉ là tạm thời: có thể trước tiên tôi phải đi qua cái đoạn đường này đã, để người ta thử thách tôi. Cuộc chạy đua đến kho báu như thế, trong cái đầu óc tiểu thuyết của tôi, trở thành một hành trình kết nạp.
Còn về việc tôi vừa biến thành nhân vật người mù cổ điển được một chú bé dắt đi kia, chắc chắn nó chỉ là một cách gợi lòng trắc ẩn của người ngoài, và bởi thế là một cách ru ngủ sự ngờ vực của họ. Nhưng, để khỏi bị lộ diện trong đám đông, như người ta đã dứt khoát dặn dò tôi, thì tôi thấy hình như phương tiện này có chỗ rất phải bàn lại.
Ngoài ra, còn có một lý âu lo rõ rệt cứ không ngừng trở lại làm tôi bận tâm: chúng tôi đang đi đâu đây? Chúng tôi đang đi theo những con đường nào, những đại lộ nào đây? Xe chúng tôi đang lăn bánh đi về những vùng ngoại ô nào thế này? Đi phát hiện cái gì? Hoặc giả, đi tìm cái bí mật mới nào nữa đây? Và có còn lâu nữa mới đến được đó không?
Điểm sau này hơn hết – thời gian ngồi trên xe – mới là điểm làm tôi thấy lo lắng, không rõ vì sao. Biết đâu Jean được phép cho tôi biết điều này? Tôi làm bộ tình cờ đem câu hỏi này hỏi hắn. Thế nhưng hắn trả lời tôi là chính hắn cũng không biết gì cả, là điều tôi thấy có vẻ còn lạ hơn nữa (ít ra, vì là tôi đã tin hắn).
Người tài xế, nghe tất cả những gì chúng tôi nói với nhau, bấy giờ can thiệp để trấn an tôi:
"Ông đừng lo. Ta đến nơi ngay bây giờ mà."
Thế nhưng tôi lại nhận ra trong hai câu nói ấy, tôi chẳng biết vì sao, có một lời đe doạ mơ hồ. Dù sao chăng nữa, nó chẳng nói lên một điều gì. Tôi lắng tai nghe những tiếng động trên đường phố, chung quanh chúng tôi, nhưng chúng cũng chẳng cung cấp được một dấu hiệu gì về những khu vực mà chúng tôi đi qua. Có lẽ xe cộ lưu thông ở đây tuy vậy mà ít náo nhiệt hơn chăng.
Sau đó, Jean đưa cho tôi máy cục kẹo the. Tôi bảo nó là tôi muốn ăn một cục thôi. Nhưng nói thế cũng là vì lịch sự. Thế là nó cầm cánh tay trái tôi, và bảo:
"Này, ông đưa bàn tay ông cho tôi."
Tôi chìa bàn tay đưa ra cho nó. Nó để vào tay tôi một viên kẹo ngậm đã chảy hết phân nửa, hơi dính khắn, thứ kẹo mà trẻ con đứa nào cũng có trong túi. Tôi thực sự chẳng còn muốn tí nào, nhưng tôi không dám đem thú nhận với người cho: viên kẹo một khi đã nhận, không có cách nào có thể đem trả lại cho nó.
Vậy nên tôi cho kẹo vào miệng, hoàn toàn miễn cưỡng. Ngay lập tức tôi nhận ra nó có một vị lạ lung, vừa nhạt vừa đắng. Bấy giờ tôi rất muốn khạc viên kẹo ra lại. Tôi ghìm lại được, vẫn là để khỏi làm phật lòng thằng bé. Bởi vì không nhìn thấy nó được, tôi sẽ chẳng bao giờ biết là lúc ấy nó có đang quan sát tôi hay không.
Ở đây tôi lại khám phá ra một hậu quả ngược đời của sự đui mù: một người mù thì không còn cách nào làm cái gì mà có thể giấu giếm được! Kẻ nào khốn khổ không nhìn thấy được là cứ phải liên tục sợ người khác nhìn thấy mình. Để thoát khỏi cái cảm giác khó chịu này, trong một thứ phản xạ khá là không hợp lý, tôi nhắm mắt lại sau cặp kính đen của mình.
Tôi đã ngủ, tôi tin như thế; hay ít ra, tôi đã thiu thiu ngủ. Nhưng tôi không biết là ngủ bao lâu.
"Ông dậy đi, giọng thằng bé cất lên, chúng ta xuống xe ở đây."
Và đồng thời, nó hơi lay tôi một tí. Bây giờ tôi nghi viên kẹo the với cái vị khả nghi kia chính là một viên kẹo gây ngủ; bởi tôi không hề có thói quen ngủ trên xe như thế. Anh bạn Jean của tôi quả đã thuốc tôi, không gì đúng hơn thế, bởi vì hẳn là hắn đã được lệnh. Làm như vậy, tôi không sao biết được thời gian chúng tôi vừa đi là mất bao lâu.
Xe dừng lại. Và anh chàng dẫn đường trẻ tuổi của tôi đã trả tiền cuốc xe (nếu như đây quả đúng là một chiếc taxi, là điều mỗi lúc tôi càng thấy ít chắc chắn). Tôi không còn nhận ra có ai ngồi ở chỗ tài xế nữa. Và tôi có cái cảm giác mơ hồ là tôi không còn ngồi trong cùng chiếc xe trước kia nữa.
Tôi tỉnh ra lại rất khó. Cái bóng tối bấy giờ vẫn còn bao trùm tôi làm cho tôi tỉnh dậy càng khó hơn, và đồng thời làm cho nó còn mơ hồ hơn nữa. Tôi có cảm tưởng như giấc ngủ của mình kéo dài, trong khi tôi vẫn mơ là tôi vừa đi ra khỏi nó. Tôi không còn ý niệm gì về giờ giấc cả.
"Nhanh lên ông. Chúng ta không phải là đến sớm đâu."
Thần bản mệnh của tôi sốt ruột và nói thẳng thừng cho tôi biết, bằng cái giọng trật đường rầy buồn cười của mình. Tôi khó nhọc ra khỏi xe, và tôi cố gắng đứng thẳng người được sao hay vậy. Tôi cảm thấy người choáng váng, y như tôi đã uống nhiều rượu quá.
"Bây giờ," tôi nói, "em trả lại cái gậy cho tôi."
Thằng bé đặt cái gậy vào bàn tay phải của tôi, và sau đó nắm lấy bàn tay trái của tôi, để kéo mạnh tôi đi.
"Đừng đi nhanh quá. Em làm tôi mất thăng bằng bây giờ."
"Chúng ta sẽ trễ đấy, nếu ông cứ bước lê như vậy."
"Bây giờ chúng ta đi đâu đây?"
"Đừng có hỏi tôi. Tôi không có quyền nói với ông. Vả lại, chỗ này cũng chẳng có tên."
Dù sao, chỗ này hoàn toàn yên lặng. Tôi thấy dường như chung quanh chúng tôi chẳng còn có ai cả. Tôi không nghe tiếng ai nói, cũng không nghe tiếng bước chân nào. Chúng tôi bước đi trên sỏi. Thế rồi nền đất thay đổi. Chúng tôi bước qua một ngưỡng cửa và chúng tôi đi vào một toà nhà.
Ở đấy, chúng tôi làm một quãng đường khá phức tạp, mà thằng bé có vẻ như đã thuộc làu, bởi nó không bao giờ do dự mỗi lần đổi hướng. Bây giờ một nền nhà bằng gỗ đã thay thế cho những đá lát lúc đầu.
Bấy giờ có thể là có ai khác đang đi theo chúng tôi, hoặc đúng hơn là đi trước chúng tôi, để chỉ đường cho chúng tôi. Quả thế, nếu tôi dừng một lúc, thì người dẫn đường trẻ tuổi của tôi, vẫn đang nắm tay tôi, cũng dừng, và bấy giờ tôi nghĩ là tôi phân biệt được, hơi phía trước một tí, một bước chân thứ ba vẫn tiếp tục bước trong vài giây đồng hồ. Nhưng cái này cũng khó mà khẳng định.
"Ông đừng có dừng lại như thế," thằng bé nói.
Và đi xa hơn vài mét:
"Ông coi chừng đấy, chúng ta sắp bước lên bực thềm. Ông nắm tay phải vào lan can ấy. Nếu cái gậy vướng, ông hãy đưa nó cho cháu."
Không, theo bản năng, tôi không thích đưa cái gậy cho nó. Tôi linh cảm như có một mối nguy đang tới gần. Thế nên, cùng bàn tay ấy, tôi vừa nắm thành lan can bằng sắt vừa nắm chỗ nắm cong của cây gậy. Tôi chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra. Nếu có cái gì quá đáng lo ngại xảy ra, tôi sẵn sàng lập tức lột kính đen ra bằng tay trái (bàn tay mà thằng bé bấy giờ đang nắm lỏng lẻo trong tay nó) và, bằng tay phải, tôi sẽ vung cái gậy bịt sắt của tôi lên để dùng làm vũ khí tự vệ.
Nhưng không có biến cố nguy ngập nào xảy ra. Sau khi đã leo lên một tầng, theo một cái cầu thang rất dốc, chúng tôi mau chóng tới một căn phòng hình như đang có một cuộc họp. Jean đã báo cho tôi biết trước khi bước vào, và còn khẽ giọng nói:
"Ông đừng gây tiếng động nhé. Chúng ta là những người đến cuối cùng. Đừng làm người ta chú ý."
Nó mở nhẹ cánh cửa và tôi bước theo nó, vẫn để tay cho nó nắm, y như một đứa bé. Trong phòng có rất nhiều người: tôi tức khắc biết như thế dựa theo những tiếng rất nhẹ – nhưng nhiều – những tiếng động đủ thứ, tiếng thở, tiếng chặn ho, tiếng vải sột soạt, những tiếng chạm nhỏ hoặc những tiếng lách thoáng qua, tiếng đế giày rít nhẹ trên nền nhà, vân vân.
Tuy nhiên, mọi người ở đây đều đứng yên, tôi tin như thế. Nhưng ai nấy hẳn là đều đứng, và họ hơi nhúc nhích tại chỗ, bắt buộc phải thế. Vì không ai cho tôi biết phải ngồi vào đâu, nên tôi, tôi cũng không ngồi. Chung quanh chúng tôi, không ai nói gì.
Thế rồi đột nhiên, trong cái im lặng đông đảo nhiều người có mặt chăm chú, sự ngạc nhiên ai nấy nóng lòng chờ đợi rốt cuộc đến. Djinn có mặt ở đây, trong phòng, giọng nói thánh thót của nàng cất lên cách chỗ tôi chừng vài mét. Và ngay lập tức, tôi cảm thấy toàn bộ sự kiên nhẫn của tôi đã được đền bù.
"Tôi triệu tập các bạn đến đây," nàng nói, "là để đem đến cho các bạn mấy điều giải thích, lúc này đã là cần thiết "
Tôi tưởng tượng nàng trên một cái bục, cũng đang đứng, và đang đối diện với những người nghe. Có một cái bàn nào trước mặt nàng, như trong một lớp học không? Và Djinn ăn mặc như thế nào? Nàng có vẫn mặc cái áo mưa và đội mũ dạ? Hay nàng đã bỏ hết ra để đến buổi họp? Và cặp kính đen của nàng, nàng còn giữ hay không?
Lần đầu tiên, tôi hết sức thấy thèm bỏ kính của mình ra. Nhưng chưa ai cho phép tôi làm như thế; và nói tóm thì cũng chưa phải đã đến lúc, với bao nhiêu người bên cạnh có thể đang trông thấy tôi. Đó là không kể chính Djinn… Thế nên tôi phải tự bằng lòng với những gì người ta cho tôi: tiếng nói ngọt ngào với giọng hơi lai Mỹ.
"…tổ chức bí mật quốc tế… sự ngăn vách các nhiệm vụ… tác phẩm lớn của lòng nhân đạo…"
Tác phẩm gì lớn của lòng nhân đạo? Nàng đang nói chuyện gì thế? Đột nhiên, tôi ý thức được cái lông bông của mình: tôi còn không để ý nghe nàng nói gì nữa! Bị hốt hồn bởi những âm điệu ngoại lai của nàng, tâm trí để hết vào việc tưởng tượng khuôn mặt và cái miệng thoát ra những âm điệu đó (Nàng có mỉm cười chăng? Hay nàng giả làm ra vẻ cứng rắn của bọn đứng đầu băng đảng?), tôi đã bỏ sót cái chính yếu: lưu ý đến cái thông tin chứa đựng trong những lời nàng nói; tôi nhấm nháp những lời nói ấy thay vì ghi nhận ý nghĩa của chúng. Thế mà tôi cứ tự cho là cực kỳ kiên nhẫn tìm cách biết rõ hơn công việc sắp tới của mình!
Djinn giờ đây đã ngưng nói. Đúng ra nàng vừa nói những gì? Tôi cố tìm cách nhớ lại nhưng vô ích. Tôi mơ hồ nghĩ rằng đó chỉ là những câu tiếp đón, chào mừng khách trong tổ chức đến. Nhưng tại sao nàng lại ngưng nói? Và những người nghe khác, họ làm gì trong lúc ấy? Chung quanh tôi, không ai nhúc nhích, cũng không ai tỏ vẻ ngạc nhiên.
Tôi không biết có phải là do xúc động hay không, thế nhưng những cảm giác nhoi nhói quấy rầy làm mắt bên phải tôi thấy khó chịu. Tôi cố co mạnh mí mắt nhiều lần nhưng cũng không làm sao cho hết thấy khó chịu. Tôi tìm cách lén gãi. Bàn tay trái của tôi bấy giờ vẫn nằm trong tay thằng bé, nó không buông tay tôi ra, và bàn tay phải thì còn vướng cái gậy. Tuy nhiên, chịu không nổi nữa, tôi thử tìm cách đưa bàn tay phải lên chà xát ít nữa là ở chung quanh mắt.
Bị vướng chỗ tay nắm cong của cái gậy, tôi làm một cử chỉ vụng về, và cái gọng kính dày cộm tuột lên trên, tới chỗ vòm cong chân mày. Thực ra, hai mặt kính chỉ lệch đi có một tí, nhưng khoảng cách giữa da và cái viền bằng cao su thì lại đủ để cho tôi thấy được cái gì đang ở ngay bên phải tôi…
Tôi sửng sốt. Tôi chưa hề tưởng ra như thế… Tôi từ từ nhích cái đầu mình, để quét một vùng rộng hơn qua khe nhìn chật hẹp của tôi. Cái tôi thấy, khắp mọi nơi, chỉ khẳng định cho nỗi sợ lúc ban đầu của tôi: tôi có cảm tưởng đang đứng trước hình ảnh của chính mình, được nhân lên hai mươi hay ba mươi lần.
Thật vậy, căn phòng đầy những người mù, có lẽ cũng là những người giả bộ mù: những thanh niên tuổi tôi, ăn mặc khác nhau (nhưng, nói chung, khá gần với cách ăn mặc của tôi), cũng với những cặp kính đen to tổ bố trên mắt, cũng cái gậy trắng cầm bên tay phải, một thằng bé giống y như thằng bé của tôi nắm bên tay trái.
Tất cả những người đó đều hướng về một phía, về phía cái bục. Mỗi cặp – một người mù và người dẫn đường của mình – đều cách biệt những người bên cạnh bởi một khoảng trống lúc nào cũng gần như giống nhau, y như người ta đã cất công sắp xếp một loạt những tượng người giống nhau, trên những cái ô đã được vạch ranh giới.
Và, bỗng nhiên, một thứ cảm giác ghen tuông ngu xuẩn làm tim tôi đau thắt: vậy ra Djinn không phải đã nói những lời kia với tôi! Tôi biết rõ đây là một cuộc họp đông người. Thế nhưng tận mắt mình nhận ra Djinn đã tuyển mộ hai hay ba tá trai trẻ, không khác gì tôi mấy và đối xử với ai nấy y chang như nhau, đó lại là một chuyện khác. Với nàng, tôi không là gì hơn một thằng ít nổi bật hơn cả trong đám.
Nhưng, đúng vào lúc ấy, Djinn bắt đầu nói lại. Một cách rất lạ lùng, nàng tiếp tục bài diễn văn của mình ở ngay giữa một câu, không lặp lại những chữ nói trước đó để giữ cho vấn đề gắn bó chặt chẽ. Và nàng cũng không nói gì để biện minh cho sự đứt đoạn vừa qua; giọng nàng vẫn đúng y như vậy, như không hề có việc ấy xảy ra.
"… sẽ cho phép các bạn không đánh thức những nghi ngờ…"
Đã bỏ hết mọi sự thận trọng (và mọi lối tuân thủ những mệnh lệnh mà đột nhiên tôi không còn chịu nổi), bấy giờ tôi quay đầu, vừa uốn cong cổ và vừa hất cằm lên, đủ để trung tâm cái bục nằm ngay trong tầm nhìn của mình…
Thoạt tiên tôi không hiểu được cái gì đã xảy ra… Nhưng ngay lúc ấy tôi vẫn phải nhận ra cái điều hiển nhiên: đúng là có một cái bàn cho người thuyết trình, nhưng không có ai đàng sau cả! Djinn chẳng hề có mặt ở đấy, cũng chẳng có mặt ở đâu cả trong căn phòng!
Chỉ là một cái máy phóng thanh truyền đi lời phát biểu của nàng, đã được thu âm tôi không biết ở đâu cũng chẳng biết hồi nào. Cái máy đặt trên bàn, nhìn thấy rất rõ, gần như là sỗ sàng. Có lẽ sau khi gặp một sự cố kỹ thuật gì đó, máy đã ngừng chạy: một người thợ đang loay hoay kiểm tra các dây nhợ, mà hẳn là trước đó anh ta đã nối lại…
Toàn bộ cái duyên dáng của giọng nói tươi mát và đầy nhục dục kia phút chốc đã biến mất. Chắc hẳn phần còn lại của bài thu âm vẫn có chất lượng tốt; những lời nói vẫn tiếp tục bài hát nhẹ bên kia Đại Tây Dương của nó; cái máy ghi âm vẫn phát lại trung thực những độ vang, điệu nhạc, và cả những chỗ chuyển giọng nhỏ nhất…
Thế nhưng, giờ đây khi cái ảo tưởng về sự hiện diện bằng xương bằng thịt kia đã tiêu tan, tôi mất luôn mọi tiếp xúc cảm giác với điệu nhạc ấy, điệu nhạc trước đây một phút tai tôi nghe còn êm dịu biết bao. Khám phá của tôi về cái điều gian trá ấy đã phá tan cái tác dụng thần diệu của bài diễn văn, bây giờ đã trở nên tẻ nhạt và lạnh ngắt: cuộn băng từ bây giờ đọc lên nghe vừa vô tính vừa vô danh như là của một thông báo đọc ở phi trường. Đến độ, giờ đây, tôi chẳng thấy có một trở ngại gì khi nghe những câu nói, cũng chẳng khó khăn gì khi khám phá ra ý nghĩa.
Giọng nói không mặt mũi kia bây giờ đang giải thích cho chúng tôi về vai trò và những chức năng tới đây của chúng tôi. Nhưng nó không vạch ra cho chúng tôi thấy hoàn toàn, nó chỉ cho chúng tôi những nét lớn thôi. Nó mở rộng về những mục đích theo đuổi hơn là những phương pháp: nó cho biết là vì chú trọng tới hiệu quả, nên hiện giờ nó chỉ muốn tiết lộ cho chúng tôi cái cần thiết tối thiểu mà thôi.
Như tôi có nói, tôi đã không theo dõi kỹ đoạn đầu bài phát biểu của nàng. Nhưng tuy nhiên hình như tôi đã nhận ra cái chính yếu của nó: cái tôi đang nghe bây giờ dù sao cũng cho phép tôi cho như thế, bởi vì ở đây tôi không thấy có những điều gì tối nghĩa đáng kể (ngoại trừ những cái tối nghĩa do cô gái diễn giảng cố tình sắp xếp vào bài nói).
Vậy thì, như nàng cho chúng tôi biết, những người chung quanh tôi và tôi, chúng tôi đã được gia nhập vào một phong trào quốc tế đấu tranh chống lại chủ nghĩa máy móc. Mẩu tin rao vặt trên báo, mẩu tin đã đưa tôi (sau thời gian ngắn trao đổi thư từ qua lại với một hộp thư bưu điện) đến gặp Djinn trong cái xưởng bỏ hoang kia, ngay lúc ấy đã làm tôi đoán là như thế. Nhưng tôi đã không đo đúng được những hiệu quả của công thức đã được dùng: "cho một cuộc sống tự do hơn và thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc của máy móc."
Thực ra, hệ tư tưởng của tổ chức thật là đơn giản, nhìn bên ngoài còn có thể nói là đơn giản quá mức: "Đã đến lúc chúng ta phải tự giải phóng khỏi máy móc, bởi vì chính máy móc áp bức chúng ta, không gì khác hơn. Con người cứ tưởng là máy móc phục vụ cho họ, trong khi chính họ, từ bao giờ họ vẫn phục vụ cho máy móc. Dần dà, máy móc điều khiển chúng ta, và chúng ta tuân hành máy móc."
"Chủ nghĩa máy móc, trước tiên, chịu trách nhiệm về tình trạng phân công lao động thành những mảnh vụn không có một ý nghĩa nào. Công cụ máy buộc mỗi công nhân phải hoàn thành một động tác duy nhất, mà anh ta phải lặp đi lặp lại từ sáng đến tối, suốt cả đời. Chia nhỏ là chuyện hiển nhiên đối với những công việc tay chân. Nhưng nó cũng trở thành qui luật trong bất cứ ngành nào của hoạt động con người.
"Như vậy, trong mọi trường hợp, kết quả về xa của công việc chúng ta làm (hàng chế biến bằng công nghiệp, dịch vụ, hay nghiên cứu trí tuệ) chúng ta hoàn toàn không thấy được. Người lao động không bao giờ biết được cái hình dáng toàn bộ cũng như khả năng sử dụng sau cùng của nó, hoặc có biết là biết một cách lý thuyết và hoàn toàn trừu tượng. Không một trách nhiệm nào được giao cho anh ta, không một tự hào nào thuộc về anh ta. Anh ta chỉ là một mắt xích rất nhỏ của cái dây chuyền sản xuất đồ sộ, chỉ đem đến một thay đổi chi tiết cho một bộ phận rời, một bộ phận máy tách riêng, những thứ tự chúng không có một ý nghĩa nào.
"Trong bất cứ lãnh vực nào, không ai còn sản xuất cái gì toàn bộ. Và ý thức con người chính nó cũng tan ra từng mảnh. Các bạn hãy ghi nhớ điều này: sự tha hoá chúng ta bằng máy móc, chính nó đã gây ra chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa quan liêu xô viết, chứ không phải ngược lại. Chính việc tán thành bụi nhỏ trên toàn vũ trụ đã làm nảy sinh ra bom nguyên tử.
"Tuy nhiên, đầu thế kỷ này, giai cấp cầm quyền, là giai cấp duy nhất được miễn trừ, vẫn còn giữ trong tay quyền quyết định. Từ đấy, cái máy suy nghĩ – nghĩa là máy tính – cũng lấy mất quyền ấy của chúng ta. Chúng ta chỉ còn là những kẻ nô lệ, làm việc để tự huỷ diệt chính mình, phục vụ – và lấy đó làm điều vinh quang lớn lao nhất – cho vị thần toàn năng máy móc".
Về những phương tiện sử dụng để gây ý thức nơi đám đông, Djinn kín đáo hơn và ít rõ ràng hơn. Nàng nói về "chủ trương khủng bố cách hoà bình" và những hành động "có tính kịch" do chúng tôi tổ chức giữa lòng quần chúng, trong xe điện hầm, trên những quảng trường, trong những văn phòng và trong những nhà máy…
Tuy nhiên, có cái gì làm tôi thấy chói tai trong những lời nói hoa mỹ kia; đó là cái số phận dành cho chúng tôi, là những người thực hiện chương trình: vai trò của chúng tôi hoàn toàn mâu thuẫn với những mục đích mà nó đưa ra. Ít ra là cho đến nay, chương trình ấy người ta chưa hề đem áp dụng với chúng tôi. Ngược lại người ta đã điều khiển chúng tôi không một chút quan tâm đến ý chí tự do của chúng tôi. Và bây giờ, người ta còn thú nhận là chúng tôi chỉ được phép biết một phần của toàn bộ. Người ta muốn giáo dục những nhận thức, thế nhưng người ta bắt đầu không cho chúng tôi nhìn thấy. Rốt cuộc, để đưa lên đỉnh cao toàn bộ những thứ ấy, chính là máy móc đang nói với chúng tôi, đang thuyết phục chúng tôi, đang điều khiển chúng tôi…
Lần nữa, trong tôi lại tràn ngập một mối ngờ vực. Tôi cảm thấy như có một mối nguy xa lạ, khó hiểu, đang phảng phất đâu đó trong cuộc họp giả mạo này. Căn phòng đầy những người giả mù là một cái bẫy mà tôi đã tự mình để mình bị kẹt vào… Qua khe hở hẹp, mà tôi đã cẩn thận mở ra dưới vành bên phải của cặp kính to tổ bố của tôi, tôi liếc nhìn qua người đứng ngay sát bên tôi, một thanh niên to cao tóc vàng mặc một cái blouson da màu trắng, khá sang trọng, áo hở để lộ một cái áo tròng đầu màu xanh tươi…
Hắn ta cũng thế (đúng như tôi đã nghi ngay từ lúc nãy), hắn cũng nhích lướt vài milimet cái dụng cụ đã được điều chỉnh làm cho hắn không nhìn thấy gì, để nhìn quanh quẩn, bên trái hắn; cứ như thế hai cái nhìn nghiêng của chúng tôi gặp nhau, tôi chắc chắn vậy. Vả lại, một cái nhếch mép nơi miệng hắn ra hiệu đồng loã với tôi. Tôi đáp lại hắn, vẫn bằng cái biểu hiện nhăn mặt, có thể được coi như là một nụ cười mỉm với hắn.
Thằng bé đi theo hắn, bấy giờ đang cầm bàn tay trái của hắn, không hề để ý đến hành tung của chúng tôi, hình như thế. Cả thằng bé Jean cũng chắc chắn như thế, bởi lẽ rõ ràng là nó đứng bên ngoài cái chút xíu trao đổi ấy. Trong lúc đó, bài diễn văn tiếp tục, kêu gọi chúng tôi với những lời lẽ quyết liệt:
"Máy móc đang giám sát các bạn; hãy đừng sợ nó nữa! Máy móc đang ra lệnh các bạn; không vâng lời nó nữa! Máy móc đòi hỏi hết thì giờ của các bạn; không cho nó thì giờ nữa! Máy móc tự coi đứng trên con người; hãy đừng coi trọng nó hơn con người nữa!"
Bấy giờ tôi thấy anh chàng mặc blouson trắng, lúc ấy cũng còn giữ cái gậy người mù trong tay phải, bí mật luồn nó ra sau lưng mình, về phía bên trái, để có thể đưa cái đầu nhọn của nó đến gần tôi. Với cái đầu bịt sắt kia, hắn âm thầm vẽ những dấu hiệu rắc rối trên nền nhà.
Anh chàng đồng nghiệp của tôi, cũng cứng đầu như tôi, quả là đang tìm cách truyền đạt cho tôi điều gì đó. Nhưng tôi không làm sao hiểu được điều anh ta muốn nói với tôi. Anh vẽ lui vẽ tới nhiều lần cho tôi thấy, cùng loạt hình những gạch thẳng ngắn và những đường cong chéo nhau. Tôi cứ cố tìm cách đọc cho được cái mật mã ấy nhưng vô hiệu; cái nhìn rất giới hạn của tôi trên nền nhà, lại thêm nữa là nhìn quá nghiêng, không làm cho việc suy đoán dễ dàng hơn, chắc chắn là vậy.
"Chúng tôi đã khám phá ra, giọng nói được ghi âm tiếp tục, một giải pháp đơn giản để cứu những người anh em của các bạn. Hãy cho họ biết giải pháp ấy. Hãy đưa nó vào đầu óc họ mà không phải báo trước, hầu như là không để cho họ biết. Và hãy biến chính những người ấy thành những người tuyên truyền mới…"
Đúng lúc ấy, tôi bỗng đoán có một sự náo động đột ngột sau lưng tôi. Tiếng những bước chân vội vã, rất gần, cắt đứt cái im lặng của căn phòng. Tôi cảm thấy có một cú đánh mạnh vào phía dưới sọ đầu tôi, và cảm giác đau rất dữ dội…
CHƯƠNG 6
Simon Lecur thức dậy, miệng nhão nhẹt y như là anh ta đã nhậu nhiều quá, giữa những cái thùng chất đống và những máy móc không còn dùng được nữa. Anh ta tỉnh lại dần, với cái ấn tượng mơ hồ là anh vừa ra khỏi một cơn ác mộng dài. Anh nhận ra ngay cái cảnh tượng chung quanh mình. Đây là cái xưởng bỏ hoang, nơi anh đã làm quen với Djinn. Gần như liền lúc ấy, anh nhớ ra điểm xuất phát sứ mạng của anh:
"Mình phải ra nhà ga phía Bắc," anh nghĩ. "Mình còn phải nhanh chân mới được, bởi vì tới kịp giờ đến của chuyến xe lửa từ
Nhưng Simon Lecur cảm giác một cách mơ hồ rằng toàn bộ câu chuyện nhà ga ấy, chuyến xe lửa, chuyện cái người hành khách mà anh không được trễ hẹn kia, là đã quá hạn, đã tuột lại đàng sau: cái tương lai kia đã thuộc về quá khứ rồi. Có một cái gì đó làm rối tung không gian và thời gian. Và Simon còn không làm sao có thể xác định được hoàn cảnh của riêng anh trong chuyện này. Cái gì đã xảy ra với anh? Và hồi nào? Và ở đâu?
Một mặt, bây giờ anh đang nằm dài dưới đất, mà không có cách gì anh biết ra được vì sao, giữa bụi bặm và những mảnh vụn linh tinh rải đầy nền trong xưởng, giữa những vật liệu và máy móc dụng cụ nằm xếp xó. Mặt khác, trời bấy giờ đã sáng hẳn. Nắng một buổi mai sáng đẹp trời mùa xuân đã lên cao, bên ngoài, chiếu rực rỡ lên những mặt kính đầy bụi của mái trần; trong khi, trái lại, đêm xuống dần khi Djinn xuất hiện trước mặt anh, vẫn trong những căn phòng đã được cải dụng kia, với áo mưa và nón đàn ông…
Simon bất chợt nhớ lại một cảnh mới diễn ra đây, mà giờ đây anh nhìn thấy lại với một sự chính xác tột bực: một thằng bé khoảng mười tuổi, nhìn hoàn toàn bất động như thế, trong tư thế quá ư cứng đơ và da mặt bằng sáp, nằm dài trên một cái giường sắt nệm để trần, với một cái thánh giá lớn đặt trên ngực, dưới ánh sáng chập chờn của ba ngọn nến trên một cây đèn cắm bằng đồng…
Một hình ảnh khác tiếp sau hình ảnh kia, cũng rõ ràng và cũng thoáng nhanh như thế: vẫn thằng bé ấy, và vẫn ăn mặc như ở thế kỷ vừa qua, tay trái dẫn một người mù. Người mù thì bàn tay còn lại bóp chặt tay nắm uốn cong của một cái gậy màu trắng, mà anh ta dùng để nhận ra mặt đất trước chân bước của mình. Cặp kính đen to tổ bố che mất nửa mặt của anh ta. Anh ta mặc một cái áo blouson da mịn màu trắng, có khoá kéo, mở rộng để lộ chiếc áo đan sợi màu xanh tươi…
Một ý nghĩa bất chợt thoáng qua đầu Simon Lecur. Anh đưa bàn tay lên ngực mình. Những ngón tay của anh không tìm thấy cây thánh giá bằng gỗ mun (mặc dầu chính anh cũng đang nằm ngửa trong tư thế đúng y như tư thế thằng bé vào cái đêm nó nằm chết), nhưng anh nhận ra sự hiện diện của cái áo blouson bằng da lông cừu non và cái áo tròng đầu đan bằng sợi dệt từ lông dê ở Cachemir. Anh nhớ quả là mình đã chọn những thứ đó để mặc đến chỗ hẹn đêm đó, mặc dù những chiếc áo màu xanh và trắng ấy, vừa trang nhã mà cũng vừa cẩu thả, anh không thấy có vẻ gì hoàn toàn thích hợp cho chuyện đi kiếm việc làm…
"Đâu có," anh tự bảo, "đây không thể là cuộc hẹn của đêm ấy. Đêm ấy chưa tới mà cuộc hẹn thì đã xảy ra rồi. Vậy thì là đêm hôm qua, chắc là thế… Còn về hai cảnh tượng đều có mặt cùng thằng bé kia, cảnh thứ hai phải xảy ra trước, bởi lẽ, trong cảnh thứ nhất, thằng bé nằm trên giường người chết… Thế nhưng những hình ảnh ấy từ đâu đến?"
Simon không biết mình có nên thừa nhận chúng theo tiêu chuẩn những kỷ niệm, y như với những biến cố xảy ra trong đời sống thực của anh; hay có phải đúng hơn đây là những hình tượng tạo thành trong những giấc mơ, và bây giờ nối nhau diễu hành trong đầu chúng ta lúc chúng ta tỉnh dậy, và thường thường là theo một thứ tự thời gian đảo ngược.
Dù sao chăng nữa, đã có một lỗ hổng trong thời khoá biểu của anh ta. Quả thực dường như Simon khó có thể ngủ trên mười hai tiếng đồng hồ ở một chỗ không tiện nghi như thế này…trừ phi là do những viên thuốc ngủ, hay những thứ ma túy mạnh hơn…
Một hình ảnh mới, mà anh ta không biết từ đâu đến, bất ngờ xuất hiện trong trí nhớ rối loạn của anh: một đường hẻm nhỏ thẳng tắp, đá lát lỗ chỗ, được chiếu sáng lờ mờ bởi những ngọn đèn đường cũ, nằm giữa những hàng rào sụp đổ, những tường thành bít kín và những túp lều đổ nát đến phân nửa… Và lần nữa vẫn thằng bé ấy chạy túa ra từ một căn nhà, chạy được năm hay sáu bước và ngã nằm dài trong một vũng nước màu hơi đỏ…
Simon Lecur đứng dậy một cách khó nhọc. Anh cảm thấy rã rời, mệt mỏi, cái đầu nặng trĩu. "Mình phải uống một tách cà-phê, anh nghĩ, và phải uống một viên aspirine." Anh nhớ là, khi từ đường lớn đi vào, rất gần đây, anh đã bắt gặp nhiều tiệm cà-phê và tiệm rượu. Simon đưa lòng bàn tay phủi mấy cái trên vải trắng chiếc quần anh mặc, bấy giờ nhầu nát, không ra hình thù gì và vấy đầy bụi đen; nhưng dĩ nhiên anh không lấy lại được cái vẻ bình thường của mình.
Khi quay người lại để đi, anh thấy có một người nào khác cũng đang nằm dài dưới đất, cách chỗ anh vài mét, trong một tư thế nằm giống y như anh. Thân người không xuất hiện toàn bộ: một cái thùng to kếch sù che mất phần trên của nửa thân trên và cái đầu. Simon tiến lại gần, một cách thận trọng. Anh giật bắn người khi nhận ra khuôn mặt: đó là khuôn mặt của Djinn, không thể có chút nghi ngờ nào.
Người thiếu nữ nằm chắn ngang lối đi, vẫn với chiếc áo mưa có cái nút, cặp kính mát và chiếc mũ dạ mềm, lạ là vẫn nằm nguyên trên đầu khi cô ngã xuống đất, chấn thương ở lưng do một lưỡi dao hay một viên đạn nào đó. Cô không có một vết thương nào rõ ràng, nhưng một vũng máu, đã đông lại, từ phía dưới ngực lan xuống trên nền xi măng hơi đen, chung quanh bờ vai trái.
Nhiều phút đồng hồ trôi qua trước khi Simon quyết định làm một động tác gì đó. Anh ta đứng đấy, không nhúc nhích, không hiểu, và cũng không nghĩ ra được một việc gì phải làm. Rốt cuộc, anh cúi người xuống, cố vượt qua sự kinh hãi của mình, và muốn đụng vào tay xác chết…
Cái xác không những đã cứng đơ và lạnh, mà anh thấy nó còn như là quá cứng, quá rắn chắc, đến nổi người ta không thể tin nó là bằng thịt và bằng những khớp xương của con người. Để đánh tan những nghi ngờ sau của mình, và mặc dù có một cảm giác ghê sợ khó hiểu bấy giờ ghìm anh lại, anh vẫn gồng mình sờ cả tay chân, ngực, da trên má và môi, để thăm dò…
Cái giả tạo hiển nhiên của toàn thân thể làm Simon hoàn toàn tin về sự lầm lẫn của mình, bây giờ đang lặp lại, chỉ cách nhau có vài giờ, cái lầm lẫn khi anh mới đến: anh lại đứng trước một hình nhân bằng giấy cứng bồi. Tuy nhiên, cái vũng màu đỏ đậm không phải là chất dẻo: Simon dùng đầu ngón tay kiểm tra tính chất hơi ẩm ướt và nhớt nhầy của nó. Song người ta cũng không thể khẳng định đây là máu thật.
Tất cả những sự việc ấy với Simon Lecur có vẻ phi lý; nhưng anh nghi, một cách mù mờ, rằng những cái giả vờ kia có thể vẫn có một ý nghĩa chính xác nào đó, mặc dù cái ý nghĩa chính xác đó anh không biết gì… Cái hình nhân bị ám sát nằm đúng cái chỗ Djinn đứng khi hai người gặp nhau ngắn ngủi đêm hôm trước; mặc dù Simon nhớ rõ đã nhìn thấy nó, lần ấy, ở tầng trệt… Trừ phi bấy giờ anh lẫn lộn hai cảnh nối tiếp nhau, cảnh có mặt Djinn và cảnh có cái hình nhân ấy.
Anh quyết định bỏ đi càng nhanh càng tốt, vì sợ những chuyện bí hiểm khác sẽ còn xảy đến làm vấn đề rối thêm. Những bí hiểm anh đã có đủ rồi, cho nhiều giờ suy nghĩ. Nhưng, dù sao, càng suy nghĩ nhiều về nó, anh càng thấy ít nhận ra sợi dây dẫn đường.
Anh bước xuống cầu thang. Ở tầng trệt, bản sao y nguyên thân xác Djinn vẫn còn ở chỗ cũ, vẫn dựa hờ trên những cái thùng kia, hai tay đút trong túi áo mưa, một cái mỉm cười khó nhận thấy đọng lại trên đôi môi bằng sáp. Vậy thì trên kia cũng là một hình nhân thứ hai, mọi điểm đều giống nhau. Cái nụ cười nhếch mép mỉa mai trên môi không còn giống tí nào nụ cười của Jane Frank. Simon chỉ có cái cảm giác khó chịu là có ai đó đang giỡn mặt với mình. Anh nhún vai và đi về phía cửa kính mở ra sân.
… Anh chưa qua khỏi cánh cửa, thì cái hình nhân giả nhẹ nhàng đứng lên và nụ cười càng rõ nét hơn. Bàn tay phải rút ra khỏi túi áo mưa, đưa lên tận mặt và từ từ lột cặp kính đen… Đôi mắt đẹp màu xanh lá lại hiện ra…
Chính Simon là người, trong khi bước đi, đã tưởng tượng ra sự huyễn hoặc sau cùng ấy. Nhưng anh ta chẳng buồn ngoảnh lại, để phá vỡ hoàn toàn sự giống nhau yếu ớt kia, bởi vì anh vẫn còn tin chắc là, lần này, anh chỉ thấy một người phụ nữ Mỹ ở viện bảo tàng Grevin. Anh băng qua sân, bước khỏi cánh cửa bên ngoài; thế rồi, đến cuối tít con đường nhỏ, anh đổ ra đại lộ tấp nập khách bộ hành, như đã dự đoán. Simon bấy giờ cảm thấy người nhẹ nhõm hẳn, tựa như anh đã trở về thế giới có thực, sau một thời gian vắng mặt triền miên.
Lúc ấy, căn cứ theo vị trí mặt trời, có thể đã gần trưa. Bởi đêm hôm qua Simon không lên giây đồng hồ đeo tay của mình đúng lúc, quả nó đã ngưng chạy; anh nhận ra điều này cũng vừa mới đây thôi. Khi đã lấy lại hết sự tự tin của mình, anh bắt đầu bước những bước nhanh nhẹn. Nhưng anh không thấy một quán rượu hay một quán bia nào. Mặc dầu, trong trí nhớ của anh, đại lộ có nhiều những quán loại này, rải suốt chiều dài của nó, còn những tiệm cà-phê thực ra đi một quãng xa hơn mới bắt đầu có. Anh bước vào quán đầu tiên anh nhìn thấy.
Simon tức khắc nhận ra chỗ này: đây chính là nơi anh đã uống một tách cà-phê đen, khi lần đầu tiên đi ra khỏi cái xưởng bỏ hoang. Nhưng hôm nay nhiều khách hàng ngồi ở đây, và Simon có khó khăn phần nào khi tìm cho được một cái bàn trống. Rốt cuộc anh tìm được một cái, trong một góc tối, và anh ngồi xuống, mặt hướng ra phía phòng.
Anh bồi bàn ít nói đêm hôm qua, mặc vét màu trắng và quần đen, hôm nay không làm việc, trừ phi là anh ta đã đi vào bếp lấy một đĩa đồ ăn nóng nào đó. Một người đàn bà lớn tuổi, mặc một chiếc blouse xám, thay chỗ anh ta. Bà tiến đến chỗ người mới tới để hỏi xem khách muốn kêu gì. Simon nói với bà là anh chỉ muốn một cái cà-phê đen, rất đậm, với một ly nước robinet.
Khi bà trở lại, bưng trên khay cái tách nhỏ màu trắng, một cái lọ và một cái ly lớn, anh hỏi bà, với cái vẻ làm ra hết sức vô tình, có phải anh hầu bàn hôm nay không có mặt hay không. Bà không trả lời ngay, y như bà còn suy nghĩ về câu hỏi; sau đó bà nói, giọng có một cái gì lo âu:
"Ông muốn nói anh nào?"
"Người mặc áo vét trắng, thường phục vụ ở đây."
"Lúc nào cũng là tôi phục vụ khách ở đây," bà ta nói. "Không có ai khác, ngay cả vào những giờ cao điểm."
"Nhưng, mới hôm qua, tôi đã nhìn thấy…"
"Hôm qua, ông không thể nhìn thấy gì cả: hôm qua là ngày tiệm đóng cửa."
Và bà ta bỏ đi, vì bận công việc. Giọng nói bà thực tình không có gì khó chịu, nhưng rất mệt mỏi, và nghe còn buồn nữa. Simon quan sát chung quanh. Anh có nhầm tiệm cà-phê này với một tiệm khác có cách sắp xếp như nhau?
Không kể sự hiện diện của nhiều khách hàng, những thợ thuyền và những nhân viên văn phòng cả nam lẫn nữ, sự giống nhau dù sao cũng làm ta bối rối: vẫn cùng cái vách kính ngăn phòng khách với vỉa hè, bàn vẫn là những cái bàn ấy và được sắp xếp y như thế; chai lọ, sau quầy rượu, cũng được sắp thành dãy cùng một kiểu, và vẫn những bảng quảng cáo nhỏ bày phía trên dãy trên cùng. Một trong những quảng cáo ấy đưa ra cùng những thức ăn nhanh: bánh mì kẹp nhân, bánh mì nướng kẹp giam bông phó mát, pizza, vân vân.
"Mặc dù từ lâu, ở đây người ta không còn bày bán pizza," Simon Lecur nghĩ. Sau đó, anh ngạc nhiên thấy mình bỗng dưng tin chắc một điều như thế, mà lại còn tin hết mình nữa. Anh uống tách cà-phê liền một hơi. Bởi lẽ giá pizza có ghi trên quảng cáo, hẳn là người ta có thể gọi pizza. Tại sao Simon đột ngột tin điều ngược lại? Dĩ nhiên anh không có một thông tin nào đặc biệt cho phép anh nghĩ như thế.
Nhưng, trong khi anh nghiên cứu những bảng ghi khác treo sau quầy rượu, anh lại chú ý đến một bức hình chụp bán thân cỡ nhỏ thôi, lồng trong khung đen, mà người cũng treo ở đó, cách xa một chút, gần cái qui định cấm bán thức uống có rượu cho những người ở tuổi vị thành niên. Bỗng dưng cảm thấy có một sự tò mò mà chính anh cũng không sao giải thích rõ ràng được, Simon Lecur đứng dậy, lấy cớ đi vào phòng vệ sinh, và xẹt qua hướng khác để có thể đi ngang qua trước bức hình. Đến ngay chỗ ấy, anh dừng lại, như là tình cờ, để quan sát nó gần hơn.
Hình cho thấy một người đàn ông trạc ba mươi tuổi, cái nhìn sáng nhưng đầy lo âu, mặc quân phục sĩ quan hải quân, hay đúng hơn, là hạ sĩ quan. Gương mặt nhắc Simon nhớ đến một cái gì đó… Đột nhiên, anh hiểu tại sao: đây là anh hầu bàn đã bưng dọn cho anh đêm trước.
Một nhánh hoàng dương được ban phép lành, luồn dưới khung gỗ đen, ló ra bên phía tay phải. Khô héo qua năm tháng, những cọng cây đầy bụi của nó đã mất đi phân nửa lá. Dưới bức hình, trên phần biên rộng màu trắng đã ngả vàng, một nét chữ rõ ràng viết tay trái đã kẻ ra lời đề tặng này: "Tặng Marie và Jean, ba yêu quí."
"Có phải bộ quân phục làm ông tò mò?" bà hầu bàn hỏi.
Simon không nghe bà đến gần. Người đàn bà mặc blouse xám đang lau chùi những cái ly, sau quầy rượu. Bà tiếp tục:
"Người ông đang nhìn là cha tôi đấy. Ông người Nga."
Simon, trước đây chưa để ý thấy, bấy giờ nhìn nhận y phục quả là không thuộc hải quân Pháp. Thế nhưng, vì nhân vật kia không đội mũ, sự khác biệt lúc ban đầu không hiện rõ. Để nói một điều gì đó, anh hỏi có phải người hải quân đã chết ngoài biển không"
"Chết đắm ngoài khơi," người đàn bà chữa lại.
"Bà tên là Marie?"
"Dĩ nhiên!" bà vừa trả lời vừa nhún vai.
Anh bước xuống tầng hầm, nơi có những phòng vệ sinh bốc mùi hôi. Những bức tường quét màu kem ở đây được những người khách năng lui tới dùng để viết lên những chính kiến của mình, những hẹn hò công việc và những ý nghĩ kỳ quặc về dục tình. Simon tự bảo một trong những lời nhắn ấy có lẽ viết gửi cho anh; chẳng hạn, cái số điện thoại kia, viết bằng bút chì đỏ, cứ thấy lặp đi lặp lại mãi, đủ mọi hướng: 765-43-21. Những con số, dù sao, cũng dễ nhớ.
Khi trở về chỗ cũ, anh dừng mắt lại ở phía góc lõm chỗ chặp hai mặt tường lát bằng gỗ giả, ngay sau ghế anh ngồi trước đấy. Một cái gậy trắng, như gậy những người mù thường dùng, để dựa vào góc tường. Tường thành ở đây nằm trong vùng không được chiếu sáng lắm, nên anh đã không để mắt nhìn tới, khi anh mới đến. Cái gậy hẳn là phải có ở đó từ trước. Simon Lecur ngồi xuống. Khi bà hầu bàn với vẻ mặt buồn đi ngang qua gần đó, anh ra dấu cho bà:
"Thưa bà, xin bà vui lòng cho tôi một cái pizza."
"Chúng tôi không còn làm pizza từ mấy tháng nay," bà mặc áo xám nói. "Sở vệ sinh không cho phép chúng tôi bán."
Simon uống hết ly nước và trả tiền cà-phê. Anh đang đi về phía cửa ra vào, thì chợt nhớ ra một điều gì. "Ủa," anh nói nhỏ, "ta quên cái gậy rồi." Không có bàn nào khác ở gần cái vật ấy để nó có thể là của một người khách nào khác. Simon vội bước trở lại, cầm cái gậy lên không lưỡng lự và đi băng qua phòng đông người, với một dáng điệu thanh thản, gậy kẹp dưới cánh tay phải. Anh đi ra không ai nghi ngờ thắc mắc gì cả.
Trước cửa tiệm cà-phê, một người bán hàng rong bày trên vỉa hè những cái lược giả đồi mồi và những thứ hàng lặt vặt rẻ tiền khác. Mặc dù hàng thấy thảy đều có vẻ rẻ một cách quá đáng, Simon Lecur mua một cặp kính đen, mặt kính rất rộng và màu rất đậm. Anh thích cái gọng kính vì nó ôm rất sát. Cái nắng gắt mùa xuân làm anh thấy mắt khó chịu, và anh không thích để những tia nắng nghiêng kia lọt qua những khe hở quá rộng hai bên. Anh lập tức đeo kính vào; kính rất vừa vặn.
Lúc ấy chính anh cũng không hiểu vì sao – đơn giản là chỉ để đùa thôi, có lẽ – Simon nhắm mắt lại, núp sau cặp kính đen của mình, và vừa bước đi vừa mò mẫm mặt đường lát đá, trước chân mình, với cái đầu bịt sắt của chiếc gậy. Làm như thế anh cảm thấy có một cảm giác thư thái.
Bao lâu anh còn nhớ được chung quanh anh chỗ nào nằm ở đâu, anh có thể bước tới không khó lắm, mặc dù mỗi lúc anh càng phải bước chậm hơn. Đi được chừng hai mươi bước, anh không còn có ý niệm gì về những chướng ngại vật chung quanh mình. Anh cảm thấy hoàn toàn lạc bước và dừng lại, nhưng anh không mở mắt. Cái diện người mù của anh bấy giờ không để ai chen lấn anh.
"Thưa ông, ông có muốn tôi giúp ông qua bên kia đường?"
Người cất tiếng hỏi anh là một thằng bé. Simon có thể áng chừng tuổi của nó không khó, bởi vì giọng nói của nó rõ ràng đang bước vào giai đoạn bị vỡ tiếng. Chỗ phát xuất tiếng nói, rõ ràng là nghe ra được, vả lại cũng cho biết chiều cao của thằng bé, với một sự chính xác làm cho con người giả làm mù kia phải ngạc nhiên.
"Vâng, xin cảm ơn," Simon trả lời, "tôi rất muốn."
Thằng bé cầm bàn tay trái của anh, nhẹ nhàng và chắc.
"Đợi một lát đã," nó nói, "đèn hiệu đang xanh và xe cộ trên đại lộ chạy nhanh quá."
Simon kết luận là anh đã dừng lại đúng ở lề vỉa hè. Như vậy là anh đã đi lệch nhiều, lệch đến cả mấy mét so với hướng lúc bắt đầu đi. Tuy nhiên kinh nghiệm ấy vẫn cuốn hút anh, và còn làm anh say mê nữa; anh muốn theo đuổi cho đến khi có một khó khăn nào đó không vượt qua nổi chấm dứt nó.
Với cái mũi nhọn bịt sắt, anh không thấy khó khi mò ra cái cạnh bờ đường bằng đá và độ cao thấp, mà anh sắp phải bước xuống để đi ra lòng đường. Sự bướng bỉnh ngu xuẩn của anh làm chính anh cũng ngạc nhiên: "Ta hẳn là phải có cái mặc cảm dipe chết tiệt kia rồi," anh ta vừa tự bảo vừa mỉm cười, trong khi thằng bé kéo anh tới trước, vì xe cộ rốt cuộc đã nhường lối cho người đi bộ. Nhưng rồi nụ cười tắt ngay, thay vào đó là cái suy nghĩ trong nội tâm:
"Ta không nên cười: bị mù, buồn lắm."
Cái hình ảnh nhạt nhoà của một con bé mặc áo dài trắng có nếp nhíu, bó sát eo bằng một dải vải lớn, sau khi chập chờn một lúc trong một ký ức không định rõ được, rốt cuộc đọng lại sau màn mí mắt khép lại…
…
Nó đứng bất động trong khung cửa. Cảnh trí chung quanh nó quá tối, thực tế không cho phép ta phân biệt được mọi vật. Hiện lên trên nền tranh sáng chỉ có chiếc áo dài the màu trắng, mái tóc vàng hoe, và sắc nhợt nhạt trên gương mặt. Con bé bưng trước mặt mình, bằng cả hai tay, một chân đèn cắm nến có ba nhánh, bằng đồng vàng óng, nhẵn bóng và sáng loáng; nhưng cả ba ngọn nến đều tắt.
Tôi tự hỏi, thêm một lần nữa, những hình ảnh kia từ đâu tới. Cái chân đèn đã từng xuất hiện trong ký ức của tôi. Nó được đặt trên một cái ghế, lần này thì thắp sáng, ở đầu giường một thằng bé đang nằm trên giường người chết
Nhưng giờ đây chúng tôi đã đi qua bên kia lòng đường, và tôi sợ người dẫn đường của tôi bỏ tôi lại. Vì không thoải mái lắm trong vai trò người mù, tôi mong cả hai chúng tôi tiếp tục bước đi với nhau, thêm vài phút nữa. Để câu giờ, tôi hỏi nó:
"Tên em là gì?"
"Tôi tên Jean, thưa ông."
"Nhà em ở trong khu này?"
"Không, thưa ông, tôi ở quận mười bốn."
Thế tuy nhiên chúng tôi đang ở đầu kia Paris. Mặc dù có thể có nhiều lý do khác nhau để giải thích tại sao thằng bé có mặt ở đây, tôi vẫn ngạc nhiên thấy nó la cà ngoài đường như thế, ở cái nơi xa nhà nó đến thế. Tôi sắp hỏi nó một câu về vấn đề này, thì tôi bỗng e sợ sự soi mói của tôi làm nó thấy lạ lùng, nó sẽ hoảng sợ, và còn sẽ làm nó bỏ chạy
"Đường Vercingétorix," thằng bé nói rõ, bằng cái giọng đột nhiên chuyển từ cao xuống trầm, ngay cả ở giữa một chữ.
Cái tên vị thủ lĩnh Gô-loa làm tôi ngạc nhiên: tôi tưởng dĩ nhiên là có một đường Vercingétorix đổ ra đại lộ này, và tôi cũng không nghĩ là còn có một đường Vercingétorix khác ở nơi nào khác, dù thế nào đi nữa, trong thành phố Paris. Không thể cùng một tên lại được dùng cho hai con đường khác nhau trong cùng một thành phố; trừ phi là có hai ông Vercingétorix trong lịch sử nước Pháp. Tôi chia sẻ những nghi ngờ ấy với người bạn đồng hành.
"Không, nó trả lời không do dự, chỉ có một đường Vercingétorix, và là đường duy nhất mang tên ấy ở
Vậy là tôi đang nhớ lộn nó với một tên đường khác?… Tin vào những chuyện hoàn toàn sai như thế là việc xảy ra khá thường xuyên với chúng ta: chỉ cần một mảng ký ức từ nơi nào khác đến len vào bên trong một toàn bộ gắn bó chặt chẽ đang mở ra cho nó, hoặc chỉ cần chúng ta vô tình nối lại hai phân nửa rời nhau, hoặc chúng ta có thể hình thành những ảo giác có đủ dáng dấp của thực tại đối với chúng ta
Nhưng tôi để câu giải đáp cho vấn đề địa hình học kia của tôi lại về sau, vì sợ những câu hỏi của tôi rốt cuộc sẽ làm mệt thằng bé chăng. Nó buông bàn tay tôi ra, và tôi nghi nó không còn muốn làm người dẫn đường cho tôi thêm lâu hơn nữa. Có lẽ bố mẹ nó đang chờ nó về ăn bữa ăn trưa.
Vì nó không nói gì khá lâu từ nãy tới giờ (lâu đủ để tôi có thể ý thức được điều đó), có một lúc tôi còn sợ không chừng nó đã bỏ đi rồi, và không chừng từ đây tôi phải đi tiếp con đường của tôi một mình, không có sự đỡ đần do trời ban cho của nó. Tôi hẳn là có vẻ bối rối, bởi vì bấy giờ tôi nghe giọng nó cất lên, giọng nói trấn an mặc dầu những âm vang nghe lạ lùng.
"Dường như ông không quen đi một mình," nó nói. "Ông có muốn chúng ta cùng đi với nhau thêm một lúc nữa không? Ông đi đâu đây?"
Câu hỏi làm tôi lúng túng. Nhưng tôi phải tránh không để cho người dẫn đường ứng biến của tôi nhận ra điều ấy. Để nó không biết là chính tôi tôi cũng không biết mình đang đi đến đâu, tôi trả lời một cách tin tưởng, không suy nghĩ:
"Ra nhà ga phía Bắc."
"Vậy thì chúng ta không nên qua đường. Ga ở phía bên kia đại lộ."
Nó có lý, dĩ nhiên. Mau mắn như mọi lần, tôi cho nó lời giải thích duy nhất tôi nghĩ ra lúc ấy:
"Tôi nghĩ vỉa hè bên này ít người hơn."
"Quả đúng là bên này ít người hơn," thằng bé nói. "Nhưng, dù sao, lúc bấy giờ ông vẫn phải quẹo ngay qua bên phải. Ông đi xe lửa?"
"Không, tôi sẽ đợi gặp một người bạn."
"Ông ấy từ đâu tới?"
"Anh ta tới từ
"Vào lúc mấy giờ?"
Tôi lại tiến sâu vào một tình thế nguy hiểm. Mong sao có một chuyến xe lửa vào đầu giờ buổi chiều! May thay, rất có thể thằng bé không biết giờ giấc xe lửa.
"Tôi không còn nhớ đúng giờ nào, tôi nói. Nhưng chắc chắn là tôi đến rất sớm."
"Chuyến tốc hành từ
CHƯƠNG 7
"Chúng ta sẽ dùng con hẻm này," thằng bé nói. "Đi thế nhanh hơn. Nhưng ông phải chú ý mỗi khi đặt chân xuống đất: đá lát ở đấy rất là không đều nhau. Nhưng ngược lại, sẽ không có xe cộ hay người đi nào cả."
"Được," tôi nói, "tôi sẽ chú ý."
"Tôi sẽ cố gắng dẫn ông đi qua những ổ gà và những mô đất. Khi bất ngờ gặp một chướng ngại gì đặc biệt, tôi sẽ bóp bàn tay của ông mạnh hơn… Đấy, ngay chỗ này: ta cần quẹo phải."
Tốt hơn là tôi nên mở mắt, dĩ nhiên. Như thế sẽ thận trọng hơn, và dù sao cũng tiện hơn. Thế nhưng tôi đã quyết định bước đi như người mù lâu được chừng nào hay chừng đó. Đây đúng là cái người ta vẫn gọi là một sự đánh cuộc ngu xuẩn. Tóm lại là tôi hành động như một kẻ dại dột, hay như một đứa trẻ con, là điều tôi không quen chút nào…
Cùng lúc ấy, cái bóng tối mà tôi đang tự buộc mình vào, và trong đó chắc hẳn tôi cũng đang thấy thú vị, tôi nhận ra nó có vẻ hoàn toàn thích hợp với sự bấp bênh tinh thần trong đó tôi đã phải vẫy vùng kể từ khi tỉnh dậy tới giờ. Cái tình trạng mù tự nguyện của tôi sẽ là một thứ ẩn dụ, hay một thứ hình ảnh khách quan, hay một thứ gia tăng…
Thằng bé kéo mạnh cánh tay trái của tôi lôi đi. Nó bước những bước dài tới trước, nhẹ và chắc chắn, tôi khó mà theo cái nhịp đó. Tôi phải lao người tới, phải mạo hiểm hơn, nhưng tôi không dám: tôi mò mẫm mặt đất trước mặt mình, với đầu chiếc gậy của tôi, như thể tôi đang sợ sẽ bất chợt đứng trước một hố thẳm, là điều dù sao cũng rất ư lạ lùng…
"Nếu ông không đi tới nhanh hơn," thằng bé nói, "ông sẽ không đến kịp chuyến xe lửa đâu, ông sẽ đón hụt người bạn của ông, và sau đó chúng ta sẽ phải chạy tìm ông ta khắp cả nhà ga."
Giờ tôi đến đối với tôi không quan trọng chút nào, cái đó đã rõ. Tuy nhiên, tôi vẫn đi theo người hướng dẫn mình một cách tin tưởng và chăm chỉ. Tôi có cái ấn tượng lạ lùng là người ấy đang đưa tôi đến một cái gì quan trọng, mà tôi không hề biết gì cả, và có thể là chẳng liên quan gì đến nhà ga phía Bắc và chuyến xe lửa từ Amsterdam.
Hẳn là do bị cái ý nghĩ đen tối kia xô đẩy, càng lúc tôi càng liều lĩnh táo bạo hơn trên mảnh đất đầy những chuyện lạ kia, mà giờ đây đôi chân tôi đã dần dần quen bước. Chẳng bao lâu, tôi cảm thấy thoải mái ở đây. Tôi tưởng hầu như mình đang bơi trong một môi trường khác…
Tôi không nghĩ là đôi chân tôi tự chúng hoạt động dễ dàng như thế, có thể nói là không kiểm soát. Chúng còn muốn đi nhanh hơn thế nữa, bị lôi kéo bởi một sức mạnh không có sự dự phần của thằng bé trong đó. Bây giờ, tôi sẽ chạy, nếu như nó yêu cầu tôi…
Nhưng giờ đây chính nó lại là người đột nhiên vấp té. Tôi không đủ thì giờ giữ nó lại, bàn tay nó tuột khỏi tôi và tôi nghe tiếng nó bổ xuống nặng nề, ngay trước mặt tôi. Bị cuốn theo đà của tôi, chỉ một tí nữa thì tôi có thể cũng ngã chồm lên trên người nó, và chúng tôi sẽ cùng xoay ra lăn trong tối, người này chồng lên người kia, như những nhân vật của Samuel Beckett. Tôi phá ra cười vì cái hình ảnh đó, trong khi cố giữ lại thăng bằng.
Còn người dẫn đường cho tôi, nó không không cười chế giễu cái điều rủi của mình. Nó không thốt lên một lời nào. Tôi không còn nghe nó động đậy gì nữa. Không biết nó có thể rủi ro mà bị thương chăng? Nó té đập đầu vào một viên đá lát nhô lên, không biết có bị chấn thương sọ não?
Tôi gọi nó bằng tên tục và hỏi xem nó có bị đau không; nhưng nó không trả lời một tiếng nào. Một sự im lặng đột nhiên ập đến, và nó kéo dài, là điều làm tôi bắt đầu lo thật sự. Tôi mò mẫm viên đá với cái mũi nhọn bịt sắt của cái gậy, hết sức thận trọng… Thân mình thằng bé nằm ngang lòng đường. Nó có vẻ bất động. Tôi quì xuống và cúi mình trên người nó. Tôi buông cái gậy, để sờ nắn áo quần nó bằng cả hai tay. Tôi không thấy có một phản ứng nào, nhưng, dưới những ngón tay tôi, tôi cảm thấy có một thứ nước nhớp nháp mà tôi không định rõ được là chất gì.
Lần này, tôi sợ hẳn. Tôi mở mắt. Tôi bỏ kính đen ra… Trước tiên, tôi còn bị loá bởi cái ánh sáng chói chang mà tôi không còn thấy quen nữa. Thế rồi cảnh trí chung quanh bắt đầu hiện ra, rõ dần, đậm đặc như trên một tấm ảnh chụp bằng máy Polaroid, hình ảnh dần dần hiện ra trên một mặt giấy rất trắng và láng… Nhưng cảnh trí vẫn giống như cảnh trong giấc mơ, lặp lại và gây kinh hoàng, với những uẩn khúc mà tôi không làm sao xoay xở hòng thoát khỏi được.
Con đường dài vắng ngắt, trải ra trước mắt tôi, quả đã nhắc tôi nhớ lại một cái gì đó mà tôi tuy nhiên không sao biết xác định rõ nguồn gốc: tôi chỉ có ấn tượng đó là một nơi chốn tôi đã từng đến rồi, mới đây thôi, ít ra là một lần, nhiều lần có lẽ…
Đó là một con đường nhỏ thẳng tắp, khá hẹp, vắng vẻ, tĩnh mịch, mà người ta không nhìn thấy đoạn cuối. Người ta có thể bảo là nó đã bị con người ruồng bỏ, bị cách ly, bị thời gian quên mất. Hai bên đường nối nhau những dãy nhà kiến trúc thấp, lờ mờ, hư hỏng ít nhiều: những túp lều xập xệ cửa nẻo há hốc, những xưởng thợ đổ nát, những tường thành bít kín và những hàng rào sụp đổ…
Trên mặt đường đá lát thô thiển theo kiểu xưa – mặt đá lát hẳn là không được bảo trì từ một trăm năm nay – một thằng bé khoảng mười hai tuổi, mặc một cái áo blouse xám, phồng và bó sát eo, như đám trẻ em con trai dân dã thế kỷ trước thường mặc, đang nằm dài, và nằm sấp, hẳn là đã bất tỉnh…
Toàn bộ cảnh này đã xảy ra trước đây, ít nữa là một lần. Hoàn cảnh ấy, cái hoàn cảnh tuy nhiên rất đặc biệt, mà tôi đang đương đầu đây, chỉ là cái việc lặp lại một biến cố đã xảy ra trước, đúng y chang, mà chính tôi đã có sống qua những gian truân, đã đóng cùng một vai tuồng… Nhưng khi nào? Và ở đâu?
Dần dần, ký ức mờ nhạt… Tôi càng tìm cách đến gần nó, nó càng trốn khỏi tôi… Thêm một luồng sáng cuối cùng… Sau đó là không còn gì nữa. Đó sẽ chỉ là một ảo ảnh từng thoáng qua. Vả lại tôi biết rõ những ấn tượng mạnh mẽ và qua mau ấy, những ấn tượng tôi cũng như nhiều người khác thường có, mà đôi khi người ta cho một cái tên gọi: ký ức của thời tương lai.
Thật ra, đây đúng hơn là một thứ ký ức tức thì; cái gì đang xảy ra với ta, ta cứ tưởng rằng nó đã xảy ra với ta trước đó, tựa như hiện tại trở thành gấp đôi, nứt ra ở ngay giữa làm thành hai phần sinh đôi: một thực tại tức thì, cộng với một bóng ma của thực tại ấy… Nhưng cái bóng ma lập tức chập chờn… Người ta muốn bắt lấy nó… Nó đảo qua đảo lại sau mắt ta, như con bướm trong suốt hay ma trơi nhảy nhót mà ta chính là đồ chơi… Mười giây sau, tất cả đều bay đi mất vĩnh viễn.
Còn về số phận của kẻ bị thương, có một điều dù sao cũng làm tôi yên tâm: cái thứ nước nhớt nhầy làm vấy bẩn mấy ngón tay của tôi, khi tôi mò mẫm trên đất chỗ gần chiếc áo blouse vải xám, không phải là máu, mặc dù màu của nó có thể làm ta nghĩ đến máu, cũng như cái cách nó đông đặc.
Đó chỉ là một vũng bùn bình thường màu hơi đỏ, lên màu do bụi rỉ sét, hẳn là đã nằm yên trong những hốc đá lát từ trận mưa sau cùng. Thằng bé, may cho bộ áo quần nó, trông xuềnh xoàng nhưng rất sạch, té ngay trên mép đường. Có lẽ trong khi muốn tôi tránh khỏi cái chướng ngại vật mà tôi đang sấn đến kia, chính nó đã mất thăng bằng. Tôi hi vọng hậu quả của cái té sẽ không quá tai hại.
Nhưng bây giờ tôi phải lo mọi thứ hết sức khẩn cấp. Thằng bé tuy không bị gãy xương cốt gì, nhưng sự kiện nó bất tỉnh cũng làm tôi nghi ngờ nó bị giập nặng ở đâu đó. Tuy nhiên, khi lật cái thân người mảnh khảnh kia, nhẹ nhàng như mẹ chăm sóc con, tôi không thấy có một thương tích nào ở trán hay ở hàm.
Cả khuôn mặt còn nguyên. Đôi mắt thì nhắm. Người ta có thể bảo là nó đang ngủ. Nhịp tim và hơi thở có vẻ bình thường, mặc dù rất yếu. Dù sao, tôi cũng phải hành động: sẽ không có ai đến tiếp tay cho tôi ở cái nơi hẻo lánh này.
Nếu những căn nhà chung quanh chúng tôi có người ở, tôi sẽ đến tìm người giúp đỡ. Tôi sẽ đưa thằng bé đến, những người phụ nữ từ tâm sẽ cho nó một cái giường, và chúng tôi sẽ điện thoại cho cảnh sát cấp cứu, hay cho một bác sĩ nào trong khu vực bằng lòng đến tận nơi.
Nhưng có người ở hay không trong những căn nhà lụp xụp trơ trước gió kia? Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu có. Có còn sống ở đấy chăng chỉ là những kẻ vô gia cư, là những người sẽ chế giễu vào mặt tôi khi tôi hỏi nhờ một cái giường hay một cái điện thoại. Có lẽ hơn thế, nếu tôi làm phiền họ giữa lúc họ đang bận một việc gì mờ ám, họ sẽ dành cho tôi một sự tiếp đón còn tệ hơn nữa.
Chỉ đến lúc đó, tôi nhìn thấy, ngay bên phải tôi, một ngôi nhà nhỏ hai tầng, tình trạng khá hơn những nhà bên cạnh, đặc biệt là các cửa sổ vẫn còn đâu vào đấy trong khuôn và còn y tất cả những mặt kính. Cánh cửa ngôi nhà khép hờ… Vậy thì đây sẽ là nơi tôi mạo hiểm đến viếng trước tiên. Chỉ đến khi đặt được thằng bé bị thương vào một chỗ trú rồi, tôi mới có thể thấy yên tâm.
Thế nhưng tôi thấy, mà không sao cắt nghĩa được, là dường như tôi đã biết cái gì sẽ diễn ra sau đó: lấy chân đẩy cánh cửa khép hờ, tôi sẽ bước vào trong căn nhà lạ, với thằng bé bất động mà tôi sẽ thận trọng ôm trong tay. Bên trong, mọi vật đều sẽ tối đen và vắng vẻ. Tuy nhiên tôi sẽ nhận ra một luồng sáng nhợt nhạt, hơi xanh, từ tầng lầu thứ nhất toả xuống. Tôi sẽ chậm rãi trèo lên cái cầu thang bằng gỗ, hẹp và dốc đứng, những bậc cầu thang sẽ kêu cót két trong cảnh yên lặng…
Tôi biết vậy. Tôi còn nhớ mọi việc… Tôi còn nhớ toàn bộ ngôi nhà, với một sự chính xác kỳ lạ, nhớ tất cả những biến cố đã xảy ra kia, những biến cố nối tiếp nhau mà chính tôi đã từng trải qua, và đã từng dự một phần tích cực… Nhưng là khi nào vậy?
Tuốt trên cầu thang, có một cánh cửa khép hờ. Một thiếu nữ cao lớn và mảnh mai, tóc rất vàng, đang đứng ngay chỗ cửa hé mở, tựa như cô đang chờ một người nào sắp đến. Cô mặc một cái áo dài trắng, vải nhẹ, mỏng như tơ, trong mờ, mà những nếp gấp bay bồng bềnh theo một cơn gió nhẹ bất chợt, bắt vào những ánh phản chiếu của cái ánh sáng xanh kia bấy giờ không biết từ đâu toả xuống.
Một nụ cười không định rõ được, rất dịu dàng, trẻ trung, xa vắng, nhếch hở đôi môi nhợt nhạt của cô. Đôi mắt to màu xanh lá, trông càng to hơn trong vùng tranh tối tranh sáng, ánh lên một tia sáng kỳ lạ, "giống như mắt của một người con gái đến từ một thế giới khác", Simon Lecur nghĩ ngay khi anh nhìn thấy cô.
Và anh đứng đấy, bất động ở ngưỡng cửa căn phòng, mang trên tay (như một bó hoa hồng "ôm tặng", anh nghĩ) thằng bé bất tỉnh. Bị mê hoặc trước cảnh tượng ấy, anh chiêm ngưỡng sự xuất hiện thần diệu kia, mỗi giây phút trôi qua cứ sợ rằng nó sẽ tan thành khói, nhất là khi có một luồng gió hơi mạnh hơn (thế tuy nhiên, trong căn phòng, có vẻ như chẳng có một vật nào khác nằm ngay luồng gió ấy) làm bay tung những tà áo mỏng chung quanh cô, "như những ngọn lửa màu tro than."
Sau một lúc, hẳn là rất lâu (nhưng không thể đo chắc chắn được), thời gian Simon không sao nghĩ ra được trong đầu một câu nào khả dĩ thích hợp với hoàn cảnh kỳ lạ đó, rốt cuộc, không còn cách nào khác, anh thốt lên những tiếng đơn giản, buồn cười:
"Có một cậu bé bi thương."
"Vâng, tôi biết," cô gái nói, nhưng nói trễ, như thể những lời Simon thốt ra, khi đến được cô, có thể đã đi qua những khoảng không gian bao la. Thế rồi, sau một lúc im lặng nữa, cô nói thêm: "Chào ông. Tôi là Djinn."
Giọng nói cô dịu dàng và xa vắng, quyến rũ nhưng không nắm bắt được, như đôi mắt cô.
"Cô là một tiên nữ?" Simon hỏi.
"Một thần linh, một tiên nữ, một cô gái, ông muốn sao cũng được."
"Tôi tên Simon Lecur," Simon nói.
"Vâng, tôi biết", người lạ nói.
Cô có một giọng nói hơi trọ trẹ của người ngoại quốc, giọng Anh có lẽ, trừ phi đó là những âm điệu ngân nga của những tiên ngư hay tiên nữ. Nụ cười của cô rõ nét hơn, nhưng không nhận ra được, khi cô cất lên những lời ấy: người ta có thể bảo là cô đang nói từ một cõi nào khác, từ rất xa trong thời gian, cô đang đứng trong một thứ thế giới tương lai, trong lòng thế giới ấy mọi thứ đều đã hoàn thành.
Cô mở rộng cánh cửa, để Simon có thể dễ dàng bước vào. Và bằng một cử chỉ ân cần cô đưa cánh tay trần (cánh tay trong khi cử động, vừa rút ra khỏi một tay áo rất rộng loe ra ở cổ tay) chỉ vào một chiếc giường bằng đồng kiểu xưa, chỗ đầu giường, dựa vào bức tường cuối phòng dưới một cây thánh giá bằng gỗ mun, được kèm hai bên hai cái chân đèn bằng đồng mạ vàng, sáng rực, mang nhiều ngọn nến. Djinn bắt đầu thắp những ngọn nến ấy, chậm rãi, thắp từng ngọn.
"Giường trông giống như của người chết," Simon nói.
"Giường nào mà chẳng sẽ là giường người chết, một ngày nào đó?" cô gái trả lời thì thầm nghe tiếng được tiếng mất. Giọng cô sau đó vững vàng hơn để khẳng định, đột nhiên nghe như của một người mẹ: "Khi ông đặt Jean nằm xuống trên những tấm ra trắng kia rồi, nó sẽ ngủ một giấc ngủ không mơ thấy gì."
"Vậy ra cô cũng biết nó tên là Jean?"
"Vậy chứ tên nó là gì đây? Ông muốn nó mang một cái tên gì lạ lùng hay sao? Thằng cao trai nào cũng đều tên Jean. Đứa con gái nào cũng tên Marie. Nếu ông là người ở đây, ông khắc biết điều đó."
Simon tự hỏi cô định nói gì khi dùng chữ "ở đây". Có phải chữ ấy muốn chỉ ngôi nhà kỳ lạ này? Hay nguyên con đường bỏ hoang kia? Hay cái gì khác nữa? Simon đặt thằng bé lúc ấy vẫn bất tỉnh, đặt rất nhẹ nhàng, lên chiếc giường người chết. Djinn kéo hai bàn tay thằng bé để lên ngực, như người ta vẫn làm cho những người linh hồn đang ra đi.
Thằng bé để yên cho người ta làm, không có một chống đối cỏn con nào, cũng không để lộ bất cứ một phản ứng nào khác. Mắt nó vẫn còn mở lớn, nhưng hai con ngươi đứng yên. Lửa những ngọn nến làm mắt nó sáng lên những ánh phản chiếu nhảy nhót, cho chúng một sự sống nồng nhiệt, phi thường, đáng ngại.
Bấy giờ, Djinn đứng bất động trở lại, bên cạnh chiếc giường mà cô đang ngắm nghía với một vẻ bình lặng. Trông cô mặc chiếc áo dài trắng mờ ảo, gần như là vô hình dung, người ta có thể nghĩ cô là một tổng thiên thần đang canh giấc ngủ cho một trái tim đau khổ.
Simon phải làm một cố gắng tỉnh táo trở lại, trong cái im lặng ngột ngạt tràn ngập căn phòng, để hỏi cô gái mấy câu hỏi mới:
"Thế cô có thể cho tôi biết thằng bé bị thương ra sao?"
"Nó bị rối loạn trí nhớ trầm trọng," cô nói, "làm nó mất ý thức từng phần, và rốt cuộc có thể làm cho nó chết hoàn toàn. Nó cần phải nghỉ, nếu không bộ óc suy nhược của nó sẽ mệt mỏi quá nhanh và những tế bào thần kinh của nó sẽ chết vì kiệt sức, trước khi thân thể nó đạt đến tuổi người lớn."
"Những rối loạn ấy nói chính xác là thuộc loại nào?"
"Nó nhớ lại, với một sự chính xác phi thường, những gì chưa xảy ra: những gì sẽ xảy ra với nó ngày mai, hay cả những gì nó sẽ làm năm tới. Và, ở đây, ông chỉ là một nhân vật của trí nhớ bệnh hoạn của nó. Khi nó tỉnh dậy, ông sẽ tức khắc biến mất khỏi căn phòng này, là căn phòng thực ra, ông chưa bước vào…"
"Vậy là sau này tôi sẽ đến đây?"
"Vâng. Cái đó tất nhiên."
"Khi nào?"
"Tôi không biết chính xác ngày giờ. Ông sẽ đến ngôi nhà này, đến lần đầu tiên, khoảng giữa tuần tới…"
"Thế còn cô, cô Djinn, cô sẽ ra sao nếu nó tỉnh dậy?"
"Tôi cũng thế, tôi sẽ biến mất khỏi đây khi nó tỉnh dậy. Cả hai chúng ta đều sẽ biến mất cùng lúc."
"Thế nhưng chúng ta sẽ đi đâu? Chúng ta có vẫn ở bên nhau?"
"À không. Cái đó sẽ đi ngược lại những qui luật của thứ tự thời gian. Ông hãy cố gắng hiểu: ông, ông sẽ đến chỗ nào lẽ ra ông phải đang có mặt trong lúc này, trong cái thực tại hiện thời của ông…"
"Cô nói 'hiện thời' có nghĩa như thế nào?"
"Có mặt ở đây bây giờ, do nhầm lẫn, là cái tôi tương lai của ông. Cái tôi 'hiện tại' của ông đang ở xa đây nhiều kilomet, tôi nghĩ thế, và đang dự một cuộc họp về sinh thái học chống lại chủ nghĩa máy móc điện tử, hay một cái gì thuộc loại đó."
"Thế còn cô?"
"Tôi thì, không may, tôi đã chết rồi, chết từ ba năm nay, và tôi sẽ không đi đâu cả. Chỉ là cái bộ óc rối loạn của Jean đã đưa chúng ta đến với nhau, tình cờ, trong ngôi nhà này: tôi, tôi thuộc về quá khứ của nó, trong khi ông Simon, ông thuộc về đời sống tương lai của nó. Bây giờ ông hiểu rồi chứ?"
Nhưng Simon Lecur không sao nắm bắt được – nếu không phải là theo cách hoàn toàn trừu tượng – tất cả những chuyện ấy có thể mang ý nghĩa gì, trong thực tế. Để thử xem có phải mình – có phải hay không – chỉ là giấc mơ của ai khác, anh có ý ngắt mạnh vào tai mình. Anh cảm thấy có một cái đau bình thường, rất là thật. Nhưng, điều đó có nghĩa là gì?
Anh phải đấu tranh chống lại cái chóng mặt mà lý trí anh đang phải đương đầu trước những sự lẫn lộn về thời gian và không gian kia. Cô gái mờ ảo và mơ mộng kia có lẽ là hoàn toàn điên… Anh ngước mắt lên phía cô. Djinn nhìn anh mỉm cười.
"Ông ngắt tai mình," cô nói, "để biết xem mình có đang nằm mơ hay không. Nhưng ông không nằm mơ đâu: người khác đang nằm mơ ông, và đây là điều khác hẳn. Và chính tôi đây, dù là đã chết, tôi vẫn còn có thể cảm được cái đau đớn hay cái vui thú trong thân thể mình: đó là những nỗi đau hay những niềm vui đã qua, mà thằng bé cảm thụ quá mức kia nhớ lại, và đã cho chúng một đời sống mới, hơi bị hao mòn bởi thời gian."
Simon bị tràn ngập bởi những cảm xúc trái ngược. Một đàng, người con gái lạ lùng này mê hoặc anh và, dù không tự thú nhận điều này với mình, anh đang sợ phải nhìn thấy cô ta biến mất; dù cho cô có đến từ cõi âm, anh vẫn muốn được ở bên cô. Nhưng, cùng lúc, tất cả những chuyện phi lý ấy làm anh nổi giận: anh có cảm tưởng như, để chế giễu anh, người ta kể cho anh nghe những chuyện kỳ quặc.
Anh cố gắng lý luận một cách bình tĩnh. Cái cảnh ấy (mà anh đang sống bấy giờ) chỉ có thể thuộc đời sống tương lai của anh – hay của thằng bé – nếu như quả thật những nhân vật có mặt trong căn phòng sẽ phải gặp nhau lại sau đó ít lâu, tuần lễ tiếp sau đó chẳng hạn. Tuy nhiên chuyện này không thể xảy ra, trong những điều kiện bình thường, nếu cô gái đã thực sự chết từ ba năm trước.
Do cùng lý do sai ngày tháng ấy, cái cảnh đang diễn ra đây không thể đã xảy ra trong đời sống quá khứ của Djinn, bởi vì chính anh chưa từng gặp cô, cái thời cô còn sống…
Một sự nghi ngờ, đột nhiên, làm lung lay sự xác tín quá ư bảo đảm ấy… Trong một chớp mắt, kỷ niệm thoáng qua đầu Simon, kỷ niệm một cuộc gặp gỡ đã qua với một thiếu nữ tóc vàng mắt xanh nhạt với giọng nói hơi pha giọng Mỹ… Ấn tượng ấy lập tức tan đi một cách đột ngột, như nó đã đến. Nhưng chàng thanh niên thì vẫn còn bối rối.
Anh có lẫn lộn cô, trong một thoáng ý nghĩ, với một hình ảnh nào đó của nữ diễn viên Jane Frank là người từng gây cảm giác mạnh nơi anh trong một bộ phim? Lối giải thích này không thuyết phục được anh. Và anh lại thấy sợ, cái sợ còn mạnh thêm hơn, là thằng bé sẽ tỉnh dậy và Djinn sẽ biến mất trước mắt anh, mãi mãi.
Lúc ấy, Simon nhận ra một đặc điểm quan trọng của cảnh trí, điểm mà rất lạ lùng, anh chưa hề chú ý một chút nào: các màn trướng trong phòng đều kéo kín. May bằng một thứ vải dày màu đỏ sậm, hẳn là rất cũ (dùng lâu nên mòn xơ cả chỉ, dọc các nếp gấp), những màn trướng kia che trọn những mặt kính trông ra đường. Tại sao giữa ban ngày mà người ta che kín hết như thế kia?
Nhưng sau đó Simon nghĩ lại về cái ý "giữa ban ngày" nọ. Vậy thì bây giờ là mấy giờ? Thôi thúc bởi một mối lo đột ngột, anh chạy đến các cửa sổ, bấy giờ không có một chút ánh sáng nào lọt vào, qua vải màn cũng như học hai bên mép. Anh vội vàng vén một vạt màn lên.
Bên ngoài, trời tối đen. Từ lúc nào? Con đường nhỏ hoàn toàn chìm trong bóng tối, dưới một bầu trời không trăng không sao. Anh cũng không thấy có một tí ánh đèn nào – đèn điện hay bất cứ đèn gì khác – ở cửa sổ các ngôi nhà vả chăng cũng gần như không ai nhìn ra được. Một ngọn đèn đường duy nhất kiểu xưa, khá xa, nằm hẳn bên phải, toả ra một thứ ánh sáng xanh nhạt trong vùng bán kính khoảng vài mét.
Simon buông màn xuống. Đêm có lẽ đã đến nhanh quá? Hay "ở đây" thời gian trôi theo những định luật khác? Simon muốn xem giờ trên chiếc đồng hồ đeo tay của anh. Anh không hề ngạc nhiên khi nhận ra là nó đã đứng. Kim đồng hồ chỉ mười hai giờ đúng. Có thể nửa đêm mà cũng có thể giữa trưa.
Trên tường, giữa hai cửa sổ, có treo một bức ảnh chân dung lồng dưới kính, khung gỗ đen, phía sau ló ra một nhánh hoàng dương được ban phép lành. Simon nhìn bức chân dung gần hơn. Nhưng ánh sáng từ những cây nến không đủ để anh có thể phân biệt những nét của người trong ảnh, một người đàn ông mặc quân phục, hình như thế.
Đột nhiên ý muốn nhìn rõ hơn khuôn mặt ấy xâm chiếm Simon, bấy giờ bất chợt nhận ra hình ảnh kia mang một tầm quan trọng không giải thích được đối với mình. Anh vội vàng quay lại gần phía giường, cầm lấy một chân đèn, và trở về chỗ bức chân dung, đưa cái ánh sáng run rẩy của những ngọn nến chiếu hết sức vào ảnh
Anh có thể gần như đoán chắc: đây là chân dung của chính anh. Không thể nào có chuyện nhầm lẫn. Khuôn mặt hoàn toàn nhận ra được, mặc dù có lẽ già hơn đến hai hay ba tuổi, hay hơn thế một chút, là chỗ đã làm cho anh có một vẻ nghiêm nghị và trưởng thành.
Simon gần như hoá đá. Cái chân đèn nặng bằng đồng giơ ra thẳng tay, anh không sao rời mắt khỏi cái bản sao kia của mình, bấy giờ đang như hơi mỉm cười với anh, với cái vẻ vừa anh em vừa nhạo báng.
Trên cái ảnh chụp xa lạ đó, anh mặc bộ đồng phục hải quân và mang lon hạ sĩ quan trưởng. Nhưng bộ đồng phục không đúng y như đồng phục dùng trong quân đội Pháp, không đúng như thời hiện tại, ít ra là thế. Vả chăng, Simon chưa hề đi lính hay đi hải quân bao giờ. Bản in ảnh màu nâu đen hơi bị phai. Giấy ảnh có vẻ đã ngả vàng vì thời gian, lấm chấm những vết nhỏ màu xám hay nâu nhạt.
Ở phần lề dưới, hai dòng chữ ngắn viết tay chắn xiên khoảng trống. Simon nhận ra ngay ở đây nét chữ của mình, chữ viết nghiêng theo chiều ngược như chữ những người thuận tay trái. Anh khẽ đọc: "Tặng Jean và Marie, ba yêu quý."
Simon quay người lại. Anh không nghe tiếng cô, Djinn đã tiến đến gần anh; và cô ngắm anh với một cái bĩu môi đùa cợt, gần như là âu yếm:
"Ông thấy không," cô nói, "đây là một bức ảnh của ông, trong vài năm nữa."
"Thế nó, nó cũng là một phần của cái trí nhớ bất thường của Jean, và của tôi trong tương lai?"
"Tất nhiên, cũng như mọi thứ khác ở đây."
"Trừ cô?"
"Vâng, đúng thế. Bởi vì Jean lẫn lộn mọi thứ thời gian. Đó chính là cái làm cho mọi thứ rối loạn và khó hiểu."
"Lúc nãy cô có nói là tôi sẽ đến đây trong vài ngày tới. Tại sao? Tôi sẽ đến đây làm gì?"
"Ông sẽ đem trở lại trên tay ông một thằng bé bị thương, dĩ nhiên, một thằng bé vả lại sẽ phải là con trai của ông."
"Jean là con trai tôi? "
"Nó 'sẽ là' con trai ông, như lời đề tặng trên bức ảnh đã chứng tỏ. Và ông cũng sẽ có một đứa con gái, có tên là Marie."
"Cô thấy rõ là không thể nào như vậy! Tuần tới tôi không thể có một đứa con tám tuổi, đứa con mà hôm nay chưa sinh ra, và lại là người chính cô đã từng biết cách đây hơn hai năm!"
"Ông đúng là lý luận như một người Pháp: theo chủ thuyết thực chứng và chủ thuyết Descartes Dù sao đi nữa, tôi có nói là ông sẽ trở lại đây 'lần đầu tiên' trong vài ngày tới. Nhưng sau đó ông sẽ còn trở lại đây nhiều lần. Ông còn có thể sẽ ở trong ngôi nhà này với vợ và con cái của mình. Nếu không thế, tại sao ảnh ông lại dùng trang hoàng cho bức tường kia?"
"Cô không phải người Pháp?"
"Trước đây tôi không phải người Pháp. Trước, tôi người Mỹ."
"Cô làm gì, ngoài đời?"
"Diễn viên điện ảnh."
"Và do sao mà cô chết?"
"Một tai nạn máy móc, do một cái máy tính điên loạn gây ra. Chính vì lẽ đó mà bây giờ tôi đang đấu tranh, chống lại việc máy móc hoá và thông tin học."
"'Bây giờ' nghĩa là gì? Tôi tưởng cô đã chết rồi chứ!"
"Thì sao? Ông cũng thế, ông cũng đã chết rồi! Ông không để ý bức chân dung trong khung gỗ đen, và nhánh hoàng dương được ban phép lành đang canh giữ cho linh hồn ông sao?"
"Vậy thì do sao mà tôi chết? Do sao mà sau đó tôi sẽ chết? Hay đúng hơn, do sao mà tôi sẽ chết sau này?" Simon hét lên, càng lúc càng phẫn nộ.
"Chết đắm ngoài khơi," Djinn bình tĩnh trả lời.
Lần này thì quá lắm rồi. Simon làm một cố gắng cuối cùng, tuyệt vọng, để ra khỏi cái chỉ có thể là một cơn ác mộng. Anh nghĩ trước tiên anh sẽ phải làm cho giãn gân cốt: anh phải hét lên, anh phải đập đầu vào tường, phải đập bể một cái gì
Một cách điên cuồng, anh vứt cái chân đèn nến hãy còn thắp sáng xuống nền nhà, và cương quyết bước về phía người thiếu nữ quá đẹp đang giễu cợt mình. Anh đưa tay ra nắm người cô. Thay vì chống lại anh, cô ôm choàng lấy anh, như một con bạch tuộc vàng, với một thứ nhục dục mà anh không hề chờ đợi.
Đối với một bóng ma, da thịt cô quá ấm và quá êm Cô kéo anh đến giường, ở đấy thằng bé đã bỏ trốn, hẳn là do tiếng ồn ào đánh thức dậy. Trên nền nhà, những ngọn nến rải ra vẫn tiếp tục cháy, có nguy cơ bắt lửa qua những màn trướng
Đó là hình ảnh rõ ràng sau cùng của Simon Lecur về căn phòng, trước khi chìm đắm vào cuộc vui.
CHƯƠNG 8
Năm ngoái, khi tôi đến Pháp, tôi có quen, quen tình cờ, một anh chàng trạc tuổi tôi tên là Simon Lecur, nhưng cứ muốn người ta gọi mình là Boris, đến nay tôi vẫn không hề biết tại sao.
Tôi thích anh ta ngay tức thì. Anh chàng khá đẹp trai, to cao đối với một người Pháp, và nhất là anh có một óc tưởng tượng ngông cuồng làm anh cứ mỗi lúc lại biến cái đời sống hàng ngày và những biến cố bình thường nhất của nó thành những cuộc phiêu lưu tiểu thuyết kỳ lạ như ta vẫn thấy trong những truyện kể khoa học giả tưởng.
Nhưng hầu như ngay lúc ấy, tôi đã nghĩ là tôi đôi khi sẽ cần phải có nhiều kiên nhẫn để sẵn sàng chấp nhận những chuyện bịa đặt ngông cuồng của anh; lẽ ra tôi phải viết: những chuyện điên cuồng của anh. "Tôi phải yêu anh ấy kinh khủng," tôi đã tự nói với mình như thế ngay cái ngày đầu tiên; nếu không phải thế, thì rất mau, chúng tôi sẽ không chịu đựng được nhau đâu.
Chúng tôi gặp nhau một cách vừa lạ lùng vừa nhạt nhẽo, nhờ vào một mẩu rao vặt đọc được trên một tờ nhật báo. Bấy giờ tôi và anh ấy, chúng tôi đều đang tìm việc làm; một việc làm từng giai đoạn có thể cho phép chúng tôi kiếm cho mình, nếu không phải là cái cần thiết, thì ít ra cũng là một tí xa hoa, mà không phải nhọc công quá. Anh ta, anh ta cũng tự cho là sinh viên.
Vậy thì một mẩu rao vặt, được viết theo lối điện báo với những chữ viết tắt không phải là rõ ràng lắm, tìm một người đ.ô. hoặc đ.b. để trông nom hai đứa bé, một trai và một gái, có lẽ là giữ buổi tối, đón ở trường về nhà, dẫn đi chơi sở thú, hay vài việc khác cùng loại như thế. Cả hai chúng tôi đều có mặt ở chỗ hẹn. Nhưng không có ai khác đến.
Người đăng tin rao vặt, khoảng giữa thời gian ấy, hẳn là đã từ bỏ dự tính kia, hoặc là định bằng một cách khác, tìm cái mà người ấy cần. Có điều là khi Simon và tôi gặp nhau, người này đứng trước mặt người kia, thoạt đầu người này cứ tưởng người kia có thể là người mướn mình.
Khi chúng tôi khám phá là hoàn toàn không phải như vậy, và kẻ đăng mẩu rao vặt thật ra đã cho chúng tôi leo cây (nghĩa là hắn ta đã cho chúng tôi ăn thịt thỏ, như ở Pháp người ta vẫn nói), về phần tôi, tôi khá thất vọng. Nhưng anh ta, không mảy may bối rối dù chỉ là một giây, anh ta thích thú tự nguyện kéo dài cái nhầm lẫn của mình, và còn nói y như tôi sắp là bà chủ của anh rồi.
"Anh không lấy làm phiền," bấy giờ tôi hỏi anh ta, "phải làm việc dưới quyền một cô gái sao?" Anh ta trả lời là trái lại anh rất lấy làm vui lòng.
Anh ta nói "lấy làm vui" chứ không phải là "có thể sẽ lấy làm vui", điều này có nghĩa là anh tiếp tục trò chơi. Vậy nên đến lượt tôi, tôi giả vờ chính mình là cái người anh ta bịa ra, bởi vì tôi thấy câu chuyện có vẻ khôi hài lạ đời, bởi vì trên tất cả tôi thấy anh ta buồn cười và thú vị.
Tôi còn nói thêm là "nhưng đứa bé kia, mà từ nay anh ta sẽ trông nom giùm tôi, rất là khó bảo: chúng thuộc một tổ chức khủng bố làm nổ tung cả những trung tâm nguyên tử…" Đây là một ý định ngu xuẩn tôi không biết vì sao đột nhiên thoáng qua đầu tôi lúc ấy.
Sau đó, chúng tôi đến một quán bia, trên đại lộ gần ngay đó, và anh ta lấy cho tôi một cái cà-phê kem và một cái bánh mì nướng kẹp giăm bông phó mát. Tôi muốn lấy một cái pizza, nhưng anh ta đã tức thì lao vào những chuyện hoang đường mới về cái tiệm rượu này, nơi coi như là người ta dọn những thức ăn có thuốc độc cho những gián điệp bên phía kẻ thù là những kẻ người ta muốn trừ khử.
Bởi anh hầu bàn của tiệm cà-phê ít nói, gắt gỏng, với một bộ mặt có vẻ hung dữ, Simon khẳng định hắn ta là một tên gián điệp Xô-viết, và người làm việc cho hắn ta chính là hai đứa bé kia.
Cả hai chúng tôi đều rất vui. Chúng tôi thì thầm vào tai nhau, để anh hầu bàn không nghe chúng tôi, như những kẻ âm mưu hoặc những tình nhân. Cái gì cũng làm chúng tôi thích thú cả. Cái gì với chúng tôi cũng dường như diễn ra trong một bầu khí đặc biệt, được ưu đãi, hầu như siêu nhiên.
Cái cà-phê kem rất tệ. Nhưng anh bạn tôi đã giải thích cho tôi, với một vẻ rất nghiêm trang, rằng, nếu tôi cứ tiếp tục uống cà-phê đậm quá, tôi sẽ bị mù, do bởi màu mắt xanh nhạt của tôi. Anh đã lợi dụng câu chuyện, dĩ nhiên, để nói mấy lời khen "cái nhìn bí ẩn" của tôi và cả "cái ánh-mắt-ngoài-trái-đất" từ con người của tôi toát ra!
Tôi phải đến nhà ga phía Bắc, để đón cô bạn Caroline của tôi, sẽ đến bằng xe lửa từ
Chúng tôi bắt đầu bước đi, một cách vui vẻ. Simon tìm cách bịa ra đủ thứ chuyện, ít nhiều huyễn hoặc, liên hệ đến những nơi chúng tôi đi qua và đến những người đi qua chúng tôi. Nhưng anh ta đưa chúng tôi đi theo một con đường kỳ lạ, rắc rối, mà anh cũng không chắc lắm: những con đường nhỏ ngày càng vắng vẻ, hình như là một lối đi tắt.
Rốt cuộc chúng tôi đi lạc hoàn toàn. Tôi thì sợ trễ giờ, còn Simon thì rõ ràng càng lúc càng bớt đùa với tôi. Tôi hết sức bằng lòng, vì không còn cách nào khác, đã có thể nhảy lên một chiếc taxi đang chạy chậm để đón khách, bởi tôi thấy sự hiện diện bất ngờ của nó ở những nơi hẻo lánh như thế này có vẻ như là trên trời rơi xuống.
Trước khi bỏ lại người dẫn đường đáng thương của tôi, vì – do những lý do ngông cuồng – anh không chịu leo lên xe với tôi, tôi cũng đã hẹn với anh ngày hôm sau, lấy một cái cớ thật ra là phi lý (cố tình phi lý): trở lại thăm viếng khu phố vắng vẻ này – không có một cái gì hấp dẫn du khách – chính xác tại điểm mà chúng tôi chia tay nhau, nghĩa là khoảng giữa con đường dài thẳng tắp, giữa những hàng rào cũ kỹ và những tường thành phân nửa đã sụp đổ, lấy một căn chòi hoang phế làm điểm mốc.
Vì tôi sợ không thể tự mình tìm ra được chỗ ấy, chúng tôi đã quyết định, để thực hiện cuộc khảo sát này, sẽ gặp nhau trong tiệm cà-phê, nơi chúng tôi đã từng dùng chân ngày hôm nay. Bia ở đây có thể ít tệ hơn cà-phê đen.
Nhưng người tài xế taxi sốt ruột; ông ta cho rằng xe của mình đang làm nghẽn giao thông, là điều hoàn toàn ngu xuẩn bởi lẽ ở đây chẳng có giao thông gì cả. Tuy nhiên, giờ xe lửa đến gần, nên Simon và tôi, hai chúng tôi chia tay nhau rất ngắn ngủi. Vào phút chót, anh hét với tôi một số điện thoại mà tôi có thể dùng để gọi cho anh: số bảy trăm sáu mươi lăm, bốn mươi ba, hai mươi mốt.
Khi đã ngồi vào taxi, chiếc xe cũ kỹ và tình trạng còn tồi tệ hơn những chiếc taxi ở New York, tôi nghĩ là xe cũng có cái màu vàng tươi mà chúng tôi vẫn từng quen thuộc, ở bên nhà, nhưng ở Pháp thì lại rất là đặc biệt. Tuy nhiên, Simon không ngạc nhiên về điều này.
Và sau đó, khi suy nghĩ thêm, tôi tự hỏi làm sao có thể có chuyện cái xe này ở ngay đây, trên đường đi của chúng tôi: taxi thường không có thói quen lảng vảng tìm khách ở những nơi hẻo lánh, gần như không có người ở như thế này. Điều này thật không sao hiểu được…
Sự bối rối của tôi còn tăng thêm nữa khi tôi nhận ra người tài xế đã điều chỉnh cái kính chiếu hậu trong xe, phía trên kính che gió, để có thể dễ dàng quan sát chính tôi, thay vì trông chừng con đường phía sau chúng tôi. Khi tôi bắt gặp cái nhìn của ông ta, trong cái kính nhỏ hình chữ nhật, ông ta còn chẳng thèm quay nhìn chỗ khác nữa. Mặt ông ta có những nét mạnh mẽ, không đều, không đối xứng. Và tôi thấy ông ta có một vẻ gì hung dữ.
Khó chịu vì hai con ngươi tối sầm ấy, hai con ngươi nằm sâu hút trong hốc mắt, bấy giờ vẫn cứ tiếp tục nhìn chòng chọc vào tôi trong kính (vậy ra ông ta biết rõ cái mê lộ những con hẻm kia, đến độ ông có thể lái xe nhanh thế đó mà hầu như chẳng phải nhìn đường sá?), tôi hỏi ông ta có phải nhà ga phía Bắc còn xa hay không. Người đàn ông bấy giờ cái miệng co dúm lại một cách khủng khiếp, có thể là do cười nhưng không cười được, và ông nói bằng một giọng chậm rãi:
"Cô đừng lo, chúng ta sắp đến ngay mà."
Câu nói vô hại đó, thốt ra bằng một giọng bi thảm (người nào hay sợ hãi có thể cho câu nói là đe dọa) chỉ làm tăng thêm sự bối rối của tôi. Tiếp đó, tôi tự trách mình quá đa nghi, và tôi tự bảo là cái kiểu tưởng tượng điên loạn của Simon hẳn là đã lây sang tôi.
Tôi đã nghĩ là tôi đang rất gần nhà ga, vào lúc Simon và tôi chia tay. Thế mà chiếc taxi đã chạy rất lâu, trong khu phố mà tôi không nhận ra được gì cả, và lại có cái vẻ làm tôi nhớ đến những vùng ngoại ô xa xôi.
Thế rồi, đột nhiên, tới một khúc quanh trên đường, chúng tôi ở ngay trước mặt tiền rất quen thuộc của nhà ga phía Bắc. Bên lề đường, chỗ xe taxi thường quẹo gấp trở lại rồi thả khách xuống, Simon đã đứng đó đợi tôi.
Anh ta mở cửa xe một cách lịch sự, và hẳn là tự anh đã thanh toán tiền cuốc xe, bởi vì, sau khi tôi thấy anh cúi xuống một lúc ở cửa kính đã quay xuống, chỗ tài xế, ông này đã mở máy không đợi gì khác, nhấn ga chạy hết tốc lực. Tuy nhiên, cuộc nói chuyện qua lại (không nghe được) cực kỳ ngắn gọn, và tôi không nhớ đã thấy, giữa hai người, có một cử chỉ nhỏ nào có thể liên hệ đến việc trả tiền.
Vả lại, tôi hoàn toàn hãy còn sửng sốt trước sự xuất hiện bất ngờ của Simon. Anh ta mỉm cười dễ thương, với một vẻ sung sướng, như một đứa bé đã vừa làm xong một trò đùa vui. Tôi hỏi anh bằng cách nào anh đã đến đây.
"Ấy," anh trả lời, "tôi đi theo một đường tắt."
"Anh đi bộ đến đây?"
"Dĩ nhiên. Và tôi chờ cô đã mười phút rồi."
"Không thể như thế được!"
"Có lẽ không thể được, nhưng là có thật. Cô đã mất thì giờ vô cùng lâu để đi một đoạn đường rất ngắn. Bây giờ, cô đã đón trễ chuyến xe lửa, và trễ cả cô bạn của cô."
Không may là đúng như thế. Tôi đã trễ gần mười phút, và sẽ rất khó tìm cho ra Caroline trong đám đông. Lẽ ra tôi phải đón bạn ngay chỗ bước xuống xe lửa, ngay cửa ra vào sân ga.
"Nếu cô muốn biết ý kiến tôi," Simon còn nói thêm," thì cái lão tài xế kia đã cố tình đưa cô đi dạo một vòng, để kéo dài cuốc xe. Thấy cô đến trễ, có lúc tôi đã nghĩ là có thể cô sẽ không bao giờ đến: taxi vàng lúc nào cũng là những xe dùng để bắt cóc. Ở nước chúng tôi nó đã thành truyền thống.
"Từ nay cô cần phải coi chừng hơn nữa: ở
Thế rồi đột nhiên, như anh vừa bỗng nhớ ra một công chuyện gì khẩn cấp, Simon ngưng bặt, ngay giữa những chuyện bịa đặt và những chuyện nói dối với mình, để vội vàng tuyên bố:
"Xin lỗi cô, tôi phải đi ngay đây. Tôi đã trễ quá rồi… Vậy thì, hẹn ngày mai, như đã thỏa thuận."
Để nhắc tôi nhớ cuộc hẹn ngày hôm sau, anh ta đã xuống giọng nói bí mật, như một kẻ nào đó đang sợ để lọt vào tai tò mò của những tên có cơ là gián điệp. Tôi trả lời: "Mai nhé!" và tôi thấy anh vừa đi vừa chạy. Anh mất hút ngay trong đám đông.
Bấy giờ tôi trở lại cửa ra vào nhà ga và tôi thoáng thấy Caroline đang bước ra, tiến đến phía tôi với nụ cưới mở to nhất. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy nó đang nắm tay một con bé tóc vàng, rất xinh, tuổi có lẽ là bảy hay tám gì đó.
Caroline, tay phải bấy giờ bận xách một cái valise, buông tay con bé để ra dấu vui mừng với tôi bằng tay trái. Và, không quan tâm tới những người qua lại đang vội vàng chen lấn tứ phía giữa chúng tôi, nó hét:
"Thế ra mày đi đón tao trên sân ga cái kiểu ấy! Mày đứng nói chuyện với bọn đàn ông con trai, chẳng thèm quan tâm tới giờ chuyến xe lửa của tao!"
Nó chạy bổ lại tôi và ôm hôn tôi tới tấp như thường lệ. Con bé nhìn ra nơi khác, với cái vẻ kín đáo của một người nhỏ tuổi có giáo dục chưa được đem giới thiệu. Tôi nói:
"Vâng, tao biết, tao đến hơi trễ. Cho tao xin lỗi. Tao sẽ giải thích cho mày rõ…"
"Có gì đâu mà giải thích: tao thấy rõ là mày đang đứng với một anh chàng đẹp trai! Này, tao giới thiệu Marie với mày. Cháu là con gái của anh Joseph và chị Jeanne của tao. Mấy người ở
Con bé bấy giờ hướng về tôi, ân cần và nghiêm trang, biểu diễn một cái nghiêng mình chào phức tạp, trịnh trọng, kiểu chào người ta dạy cho những tiểu thư cách nay năm mươi hay một trăm năm. Tôi nói: "Chào em, Marie!" và Caroline tiếp tục liến thoắng giải thích.
"Cháu về nghỉ hè ở nhà một người cô, mày đã biết đấy: em gái của Jeanne có chồng là một sĩ quan hải quân Nga. Tao đã kể cho mày nghe chuyện đó rồi: một anh chàng tên là Boris, đã xin tị nạn chính trị nhân một lần tàu ghé lại La Haye."
Bằng một giọng phải chăng của người lớn, và với một thứ ngôn ngữ kiểu cách lạ lùng đối với một đứa bé ngần ấy tuổi, con bé Marie thêm vào những bình luận của riêng mình:
"Chú Boris thật ra không phải là một người tị nạn chính trị. Chú là một điệp viên Liên Xô, giả dạng làm người ly khai và được giao nhiệm vụ gieo sự tranh chấp và hỗn loạn trong giới công nhân ngành công nghiệp nguyên tử."
"Chính em một mình khám phá ra điều đó à?" Tôi hỏi nó một cách thích thú.
"Vâng, chính cháu," nó trả lời không bối rối. "Cháu thấy rõ là chú ấy có số điệp viên xăm màu lam trên cổ tay trái. Chú cố giấu nó dưới một giải băng bằng da, mà chú mang coi như là để tăng cường khớp xương. Nhưng không đúng thế, bởi lẽ chú không làm việc gì phải dùng sức cả."
"Đừng có nghe Marie," Caroline nói với tôi. "Lúc nào cháu cũng bịa ra những chuyện phi lý, chuyện khoa học giả tưởng, chuyện tình báo hoặc là huyền bí. Trẻ con đọc quá nhiều sách văn chương huyễn hoặc."
Lúc ấy, tôi nhận ra có một người đàn ông đang quan sát chúng tôi, cách chỗ chúng tôi vài bước. Ông ta đứng ở chỗ hơi khuất, trong một góc tường, và đang nhìn chòng chọc và cái nhóm nhỏ chúng tôi với một vẻ quan tâm bất thường. Thoạt tiên tôi cứ tưởng Marie là người đã làm hắn chú ý một cách khá là khả nghi như thế.
Hắn có thể vào khoảng bốn mươi tuổi, có lẽ hơn thế một chút, và mặc một bộ đồ tây màu xám, cái chéo trước ngực, kiểu may cổ điển (áo vét, quần và áo gi-lê đi với nhau), nhưng đã cũ, sờn, dùng lâu nên xộc xệch, và một chiếc sơ-mi và một cái cà-vạt bèo nhèo y như vừa để nguyên quần áo như thế mà ngủ suốt một đoạn đường xe lửa dài. Hắn xách trên tay một cái va-li da màu đen, làm tôi nghĩ đến cái túi dụng cụ của bác sĩ mổ, tôi không hiểu chính xác là vì sao.
Hai con mắt tối sầm và sắc bén kia, nằm sâu hút trong hốc mắt, khuôn mặt với những nét không đối xứng, nặng nề, lộ hẳn một vẻ khó coi, cái miệng to tướng ấy, vặn vẹo do một kiểu cười nhếch mép, tất cả những cái đó nhắc tôi nhớ dữ dội một cái gì đó… một kỷ niệm, dù là mới đây thôi, mà tôi không sao xác định.
Thế rồi, bất chợt, tôi nhớ ra: đó là ông tài xế chiếc taxi màu vàng đã đưa tôi ra ga. Tôi bắt gặp một ấn tượng khó chịu mạnh mẽ, gần như thuộc về thể xác, đến nỗi tôi cảm thấy mình đang đỏ mặt. Tôi quay mặt khỏi cái nhân vật khó chịu ấy. Nhưng, mấy giây sau, tôi lại nhìn hắn ta.
Hắn không nhúc nhích cũng không đổi hướng cái nhìn của mình. Nhưng nói đúng ra, chính Caroline là người hắn có vẻ đang theo dõi. Tôi đã có quên nói là Caroline rất đẹp? Cao lớn và khoẻ mạnh, thon thả, tóc rất vàng, với những sợi ngắn và một khuôn mặt hiền dịu, hơi giống con trai một chút, nhắc ta nhớ nhiều tới khuôn mặt của nữ diễn viên Jane Frank, nó luôn luôn cuốn hút về mình những lời tán tụng, ít nhiều lộ liễu, của cánh đàn ông đủ mọi lứa tuổi.
Tôi cũng phải thú nhận một chuyện khác: có người cho rằng nó và tôi, chúng tôi giống nhau một cách lạ lùng. Nói chung người ta nghĩ chúng tôi là chị em, nhưng thường thì họ cho chúng tôi là sinh đôi. Và đã nhiều lần bạn bè của Caroline nói chuyện với tôi mà vẫn tưởng là đang nói chuyện với nó, thế nên một ngày nọ đã nảy sinh ra một biến cố lạ lùng…
Nhưng Caroline đã ngắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:
"Mày sao vậy?" nó vừa hỏi vừa nhìn vào mặt tôi một cách lo lắng. "Mày thay đổi sắc mặt. Có thể nói là mày vừa nhìn thấy một cái gì kinh khủng lắm."
Marie, đoán được nguyên do cảm xúc của tôi, đã điềm tĩnh cắt nghĩa, giọng rất to:
"Cái ông theo dõi chúng ta từ khi chúng ta xuống xe lửa vẫn đứng đàng kia, với chiếc va-li nhỏ đầy những dao con. Hắn là một tên cuồng dâm, dĩ nhiên, cháu nhận ra điều đó ngay từ đầu."
"Đừng nói to thế," Caroline vừa thì thầm vừa cúi xuống con bé, giả bộ như vuốt thẳng những nếp nhàu trên áo nó, "ông ta nghe thấy bây giờ."
"Tất nhiên là hắn nghe chúng ta," Maire trả lời vẫn không hạ thấp giọng. "Hắn đứng đấy là để nghe chúng ta mà."
Và, một cách bất ngờ, nó thè lưỡi trêu chọc về phía người lạ, cùng lúc mỉm một nụ cười thiên thần nhất của nó với hắn ta. Caroline vừa phá ra cười, với sự vô tâm thông thường của nó, vừa rầy Marie cho có lệ, hoàn toàn không phải rầy thật. Rồi nó nói với tôi:
"Thật ra, con bé có lẽ có lý. Vả lại tao nghĩ lão kia đã đi cùng chuyến xe lửa với tụi tao. Tao thấy hình như đã nhìn thấy lão đi lảng vảng trên hành lang toa xe, và đã thoáng thấy lão trên sân ga khởi hành, ở
Ngước mắt lên lần nữa về phía con người đáng ngại với chiếc vali nhỏ màu đen kia, bấy giờ tôi chứng kiến một cảnh tượng chỉ làm tăng thêm sự ngạc nhiên của tôi. Người đàn ông không còn đứng quay về phía chúng tôi; bây giờ hắn nhìn một người mù đang đi về phía hắn, mò mẫm trên đất với đầu bịt sắt của chiếc gậy cầm trên tay.
Đây là một người đàn ông cao lớn tóc vàng khoảng hai mươi hay hai mươi lăm tuổi, mặc một chiếc áo blouson lịch sự bằng da rất mịn, màu kem, áo hở để lộ một cái áo tròng đầu màu xanh tươi. Cặp kính to tổ bố màu đen che hai con mắt hắn. Hắn nắm bên tay phải cái gậy trắng tay cầm uống cong. Một thằng bé khoảng mười hai tuổi nắm bàn tay trái dẫn đường cho hắn.
Trong vài giây đồng hồ, tôi đã tưởng tượng, mặc dầu không thể như thế được, đây chính là Simon Lecur, hiện đang trở lại đây và giả dạng làm người mù. Tất nhiên, khi nhìn kỹ người ấy, tôi nhận ra ngay là tôi nhầm: mấy điểm chung mà người ta có thể nhìn thấy trong dáng đi nói chung, áo quần, hay kiểu tóc của hai người trai trẻ kia, thật ra chỉ là một phần rất nhỏ.
Khi người thanh niên cầm chiếc gậy trắng và người dẫn đường đi đến gần cái nhân vật áo quần xộc xệch và tay cầm túi xách bác sĩ kia, cả hai dừng lại. Nhưng không ai trong họ biểu lộ bất cứ một dấu hiệu gì. Không có chào hỏi, không một lời hay một cử chỉ chào đón mà người ta lẽ ra có thể chờ đợi trong những trường hợp tương tự. Bây giờ họ đứng yên đấy không nói gì, đối diện nhau, bất động.
Thế rồi, một cách chậm rãi và chính xác, cùng một cử động đều như nhau, đúng y như có cùng một bộ máy làm cho cả ba cái đầu hoạt động, họ quay về phía chúng tôi. Và họ đứng yên như thế, hoá đá lần nữa, không cử động y như ba pho tượng: anh chàng tóc vàng nửa mặt bị che dưới cặp kính to tướng, cặp hai bên là thằng bé con bên trái và người đàn ông nhỏ con mặc bộ đồ tây bèo nhèo màu xám bên phải.
Cả ba người mắt nhìn chòng chọc vào tôi, kể cả người mù, sau cặp kính đen to tướng, tôi dám thề như vậy. Mặt thằng bé ốm nhom, xanh xao hết sức, trông bất thường, như ma. Những nét xấu xí của người đàn ông nhỏ con bất động vẽ ra một cái cười nhăn khủng khiếp. Toàn bộ cái nhóm người ấy đột nhiên khiến tôi thấy ghê rợn, đến nỗi tôi muốn gào lên, như là để chấm dứt một cơn ác mộng.
Nhưng, cũng như trong những cơn ác mộng, miệng tôi không thoát ra được một tiếng nào. Tại sao Caroline không nói gì cả? Và Marie, bấy giờ đang đứng giữa hai chúng tôi, với cái thoải mái của đứa trẻ chẳng nể nang sợ sệt gì, tại sao nó không phá tan tình thế mê hoảng kia? Tại sao nó không còn nhúc nhích, cả nó cũng biến thành câm, dưới tác dụng của sự mê hoặc nào?
Nỗi lo mỗi lúc mỗi tăng lên trong tôi nguy kịch, gay gắt, đến độ tôi sợ tôi sẽ bất tỉnh. Để chống lại cảm giác bất ổn không sao chịu nổi kia, ít khi thấy có nơi bản chất của tôi, tôi cố nghĩ tới một cái gì khác. Nhưng để bám víu vào, tôi không tìm ra được cái gì ngoài một trong những tràng diễn văn ngu xuẩn mà Simon đã đọc cho tôi nghe, một hay hai giờ trước đấy:
Anh ta cho rằng tôi không phải là một phụ nữ thật sự, mà chỉ là một cái máy điện tử rất toàn hảo, do bác sĩ Morgan nào đó tạo nên. Ông này, hiện giờ, đang tiến hành trên tôi những cuộc thí nghiệm khác nhau, để thử nghiệm những hiệu năng của tôi. Ông đưa tôi vào một loạt những thử nghiệm, đồng thời cho những nhân viên làm việc với ông giám sát những phản ứng của tôi, đặt họ cùng khắp trên đường tôi đi, trong số đó có những người cũng chính lại chỉ là những người máy…
Những động tác của anh chàng giả làm mù kia, anh chàng vừa đến ngay trước mặt tôi như chỉ là do tình cờ, bộ tôi không thấy là chúng có vẻ máy móc và nghe giật giật từng hồi sao? Cặp kính lạ lùng kia, mà mỗi lúc tôi càng thấy có vẻ như lớn ra khủng khiếp, chắc chắn không che đôi mắt thật, mà là một thiết bị tiếp nhận tinh vi, còn có thể là những máy phát những tia tác động lên thân thể tôi và lên cả ý thức của tôi, mà tôi không hề biết. Và cái lão y sĩ – tài xế taxi không ai khác hơn là chính ông Morgan ấy.
Khoảng cách giữa những người ấy với tôi bây giờ không còn ai, tôi không biết do một sự tình cờ nào, hay một sự huyền bí nào. Những hành khách qua lại ở đây rất đông, trước đấy một lúc, bây giờ đã biến mất… Với một sự khó khăn không thể hiểu nổi, tôi đã ngoảnh đầu khỏi ba cặp mắt đang thổi miên tôi. Và tôi nhìn về phía Marie và Caroline cầu cứu.
Cả hai người này bấy giờ cũng đang nhìn tôi với cùng đôi mắt lạnh lùng, vô nhân. Họ không về phe tôi, mà về phe bọn người kia, chống lại tôi… Tôi cảm thấy hai chân bủn rủn và lý trí lảo đảo trên không, đang rơi tuột một cách chóng mặt.
…
Sáng hôm ấy khi tôi thức dậy, cái đầu tôi trống rỗng, nặng, và miệng thì nhão nhẹt, y như tối hôm trước tôi đã nhậu nhiều quá, hay đã uống thuốc ngủ loại mạnh. Nhưng không có chuyện như thế…
Đúng ra, tôi đã làm gì, đêm hôm trước? Tôi không sao nhớ ra được… Tôi cần ra ga đón Caroline, nhưng có chuyện gì đó đã ngăn cản tôi… Tôi không còn biết chuyện gì.
Tuy nhiên, một hình ảnh đã trở lại trong trí nhớ tôi, nhưng tôi không sao gắn nó với bất cứ chuyện gì. Đó là một căn phòng lớn, đồ đạc chưng tạp nham, hư hỏng rất nhiều, như những chiếc ghế thủng đáy và những chiếc giường sắt trơ khung kia, mà người ta đem vứt lên tầng thượng ở những ngôi nhà xưa.
Đặc biệt có rất nhiều những cái rương cũ, kích thước và hình dáng khác nhau. Tôi đã mở một trong những cái rương ấy. Rương đầy những áo quần đàn bà không còn hợp thời trang, những áo yếm bó sát, những váy lót và những chiếc áo dài đẹp đã bạc màu từ thời xưa. Tôi khó mà phân biệt rõ những đồ trang sức tỉ mỉ phức tạp và những đồ thêu, vì căn phòng chỉ được chiếu sáng bởi hai chân đèn với những mẩu nến cháy màu vàng chập chờn…
Tiếp đó, tôi nghĩ đến mẩu tin rao vặt mà Caroline đã đọc cho tôi nghe, trong điện thoại, khi nó gọi tôi để cho tôi biết giờ xe lửa đến. Bởi vì tôi đang tìm một việc gì nhỏ, để kiếm thêm vào số tiền học bổng của tôi, tôi đã quyết định đến địa chỉ trong mục tuyển người làm lạ lùng kia, mà cô bạn tôi đã thấy được khi đọc một tờ tuần báo về sinh thái học. Nhưng hôm nay, tôi ngủ lâu đến nỗi đã đến lúc tôi phải đâu đấy sẵn sàng, nếu tôi muốn có mặt ở đấy đúng giờ hẹn.
Tôi đến nơi đúng sáu giờ rưỡi. Trời bấy giờ đã gần như tối. Cửa nhà kho không đóng. Tôi đẩy cửa lớn bước vào, cánh cửa không còn có ổ khoá.
Bên trong im lặng như tờ. Dưới ánh sáng yếu ớt rọi vào từ những cửa sổ với mặt kính cáu bẩn, tôi khó phân biệt được những đồ vật chung quanh mình, chất thành đống loạn xạ khắp mọi phía, có lẽ là không còn dùng được nữa.
Khi mắt đã quen tranh tối tranh sáng, tôi rốt cuộc mới nhận ra người đàn ông, bấy giờ đang ở ngay trước mặt tôi. Đứng thẳng, bất động, hai tay đút vào túi áo mưa, người ấy nhìn tôi không nói một lời, không buồn khoác một cử chỉ chào hỏi nào.
Một cách cương quyết, tôi bước về phía anh ta…
KẾT
Đến đấy thì chấm dứt câu chuyện của Simon Lecur.
Tôi nói đúng "câu chuyện của Simon Lecur", bởi vì không ai – trong cánh chúng ta cũng như trong cánh cảnh sát – nghĩ rằng Chương 8, xưng tôi là người nữ, thật ra đã được viết bởi ai khác hơn: nó nhập vào với toàn bộ một cách quá ư rõ ràng, về quan điểm ngữ pháp cũng như theo sự hợp lý của những tuyến đường và những chỗ câu chuyện kể lật ngược.
Simon – tất cả những lời chứng đều ăn khớp nhau về điểm này – đã đến trường ở đường Passy để dạy như bình thường, ngày 8 tháng Năm, vào đầu buổi chiều. "Ông có vẻ lo lắng", trong cuộc điều tra, nhiều học sinh của anh ta đã quả quyết như thế. Nhưng phần đông đều nói thêm là anh ta lúc nào cũng có vẻ lo lắng.
Thực ra, anh ta biểu lộ một trạng thái hoang mang pha lẫn sự kích thích hầu như bệnh hoạn, nỗi lo âu không kiềm chế được và một khí chất vui vẻ nhẹ nhàng, thoải mái, tươi cười, đóng góp rất nhiều cho cái khả ái hiển nhiên mà ai ai cũng thích thú nhìn nhận nơi anh. Chỉ trong một câu chuyện trao đổi ngắn nhất ngoài hành lang với một đồng nghiệp, một nữ học sinh, hay cả với một người cấp trên thôi, anh ta vẫn để lộ một sự vồn vã dễ thương, chuyện trò lúc nào cũng đầy những phát kiến bất ngờ và thoải mái, lúc nào cũng tỏ một sự hồn nhiên, một sự hóm hỉnh tự nhiên, làm mọi người đều yêu mến anh, như người ta yêu một đứa bé…
Thế rồi, đột nhiên, nụ cười ngây thơ tan biến trên đôi môi, bấy giờ trong có mấy giây đã mất đi những đường nét đẹp đẽ và đầy nhục dục để trở nên cứng và mỏng; đôi mắt anh như cắm sâu vào hốc mắt, hai đồng tử tối sầm lại… Và anh quay người lại đột ngột, tựa như anh định đối diện với một kẻ thù có thể đến gần sau lưng anh, lén lút… Nhưng không có ai cả, và Simon từ từ lấy lại tư thế trước đây, trước mặt người tiếp chuyện bấy giờ đang bối rối. Chính mình cũng bối rối, anh chàng bấy giờ dường như đã bỏ chạy cách đến hàng ngàn cây số, hay cả hàng năm ánh sáng. Anh chào từ biệt bằng mấy lời lẽ mơ hồ, rời rạc, hầu như không nghe được.
Thứ Sáu ngày 9 tháng Năm, anh ta không có mặt ở trường. Người ta không có gì lo lắng về chuyện này: lớp học thứ Sáu của anh, sắp vào cuối ngày, là lớp cuối cùng trong tuần và nhiều học sinh – nhất là vào mùa xuân – ưa giả bộ xem như đây là lớp không bắt buộc; chính các giáo sư trẻ đôi khi cũng làm như thế.
Nhưng, thứ Hai ngày 12, người ta cũng không thấy anh trở lại, qua thứ Ba cũng thế. Phòng anh ở không có điện thoại. Thứ Tư, một hiệu phó đã hỏi các học sinh xem có ai trong bọn họ có thể ghé qua đường Amsterdam, để hỏi thăm sức khỏe của "Ján", có thể là đang đau nặng và hiện không thể nào báo cho trường biết. Cô nữ sinh sứ giả không công đã nhìn thấy cánh cửa đóng kín. Cô bấm chuông liên hồi, và gọi nhiều lần vẫn không ai trả lời. Không một tiếng động nào phát ra từ bên trong.
Thứ Năm ngày 15 là lễ Thăng Thiên. Sáng thứ Sáu ngày 16, các nhà chức trách của trường đã báo động cho cảnh sát. Người ta đã phá cửa phòng Simon Lecur khoảng giữa trưa hôm thứ Sáu ấy, trước sự hiện diện của một viên cảnh sát đơn vị.
Trong phòng ở cũng như trong phòng tắm, các viên thanh tra đã thấy mọi thứ đâu đó ngăn nắp, cũng như những nhân viên của chúng ta (những người này có chìa khoá đúp, dĩ nhiên) từng thấy trước đó hai ngày. Không có dấu vết ẩu đả, không có dấu vết thăm viếng không đúng lúc, cũng không có dấu vết ra đi vội vã. Vậy nên chín mươi chín trang giấy đánh máy (đã được chúng tôi cẩn thận để lại nguyên chỗ sau khi làm bản sao) rất mau chóng trở thành yếu tố duy nhất có thể được xem như là một chỉ dấu.
Sự quan tâm của những người điều tra đối với bản văn ngày càng gia tăng, người ta nghi thế, khi, Chủ Nhật ngày 18 vào lúc 7 giờ tối, người ta khám phá trong một cái xưởng đã được dùng vào việc khác, gần nhà ga phía Bắc, xác một cô gái lạ mặt, tuổi khoảng 20. Cái chết xảy ra trước đó không hơn một giờ, có thể còn ít hơn nữa.
Nạn nhân trẻ tuổi không mang trên người một giấy tờ gì có thể cho phép nhận diện cô. Nhưng nhận dạng bên ngoài, áo quần, cái tư thế chính xác nằm trên mặt đất (vả lại kể cả chính chỗ nằm) đúng là y như đã được mô tả ở Chương 6 của câu chuyện Simon Lecur. Như chính anh ta đã cho biết, vũng máu là máu giả. Bác sĩ pháp y đã nhận ra ngay là thân thể không mang một thương tích nào, cũng không có chấn thương bên ngoài, như thế những nguyên nhân gây ra cái chết vẫn là bí ẩn. Tuy nhiên có vẻ hầu như không còn bàn cãi gì nữa là ai nấy đang đứng trước một vụ ám sát, chứ không phải là một cái chết tự nhiên.
Mọi cuộc điều tra tiến hành tìm lai lịch của cô gái, cho đến bây giờ, đều vô hiệu: trên toàn lãnh thổ không có ai như dấu hiệu nhận dạng được báo là mất tích. Vì chỗ ấy ở gần nhà ga, những cuộc điều tra bấy giờ thế là hướng về phía Anvers hay
Có một điểm khác làm cảnh sát tò mò: sự giống nhau còn hơn là lạ lùng (dáng đi nói chung, kích thước, nét mặt, màu mắt và màu tóc, vân vân) giữa cô gái tử nạn và chính Simon Lecur. Vấn đề làm người ta bối rối đến độ có lúc người ta đã nghĩ ra được hai người đây chỉ là một: vị giáo sư khả ái của trường Pháp-Mỹ có thể là một phụ nữ cải trang. Cái giả thuyết hấp dẫn kia tuy nhiên không được chấp nhận, bởi vì bác sĩ nhà trường đã có khám chi tiết người mang tên là Simon, đâu khoảng hai tuần lễ trước đó, và đảm bảo là anh ta thuộc phái nam.
Vị y sĩ hành nghề ấy – tức bác sĩ Morgan – chữa cho Simon những chứng bệnh về nhãn khoa, bệnh trầm trọng, hình như thế, mặc dù có lẽ có nguồn gốc thần kinh. Người đàn ông mất tích quả đã cho rằng thị giác mình thường bị đột ngột xuống cấp (độ sáng của những hình ảnh trong võng mạc giảm dần), càng ngày tình trạng này càng xảy ra thường xuyên hơn và có thể đi đến chỗ hoàn toàn mù, đôi khi kéo dài nhiều phút đồng hồ liền. Morgan, là người say mê phân tâm học, đã liền nghĩ ngay đến một thứ mặc cảm dipe mà ai cũng biết.
Người bệnh chỉ vừa cười trả lời rằng mình chẳng có gì để làm ở
Trong số những nhân vật xuất hiện trong câu chuyện kể của anh, dù sao cũng có một người – ít nhất – chắc chắn có thật: con bé Marie. Bắt đầu từ cái xưởng bị bỏ hoang, những người điều tra đã tìm ra được không khó khăn cái tiệm cà-phê nơi người ta không dọn bán pizza. Một người cảnh sát đã theo dõi cơ sở này trong nhiều ngày. Con bé Marie, vẫn lại mặc chiếc áo dài kiểu năm 1880, bước vào tiệm buổi tối ngày 21 (nó đến, như người ta đã biết sau đó, để thanh toán một khoản nợ cũ). Lúc nó bước ra, người cảnh sát đã bám sát gót nó. Anh ta theo chân nó đến tận ngõ cụt Vercingétorix. Khoảng giữa con hẻm, một số người trong cánh chúng ta đã can thiệp. Sau khi nhẹ nhàng chặn đường con người canh giữ trật tự quá tò mò kia, những người ấy, lần nữa, đã lại đưa anh ta trở về điểm xuất phát.
– Hết –
Phụ lục
Dưới đây là bài TỰA của Alain Robbe-Grillet, và bài Giới Thiệu Yvone Lenard dưới nhan đề "Cuộc hẹn được đề nghị như một câu trả lời cho một nhu cầu dứt khoát", trong Le rendez-vous (ấn bản Holt, Rinehart and Winston, 1981).
TỰA
Alain Robbe-Grillet
Tôi là người viết tiểu thuyết. Có nghĩa là tôi viết những câu chuyện. Những chuyện của tôi – người ta thường nhận xét như thế với tôi – không "hiện thực", theo những tiêu chuẩn bình thường. Thế tuy nhiên, với tôi, chúng có thật.
Ngay cả khi những biến cố người ta bắt gặp trong đó có vẻ làm ta hoang mang (không lô-gic, phi lý hoặc mâu thuẫn), những biến cố ấy lúc nào cũng tác động lên tôi với một sức mạnh không thể bác bỏ đi đâu được, bất chấp mọi lý trí.
Ở đây có một nghịch lý. Nghịch lý ấy ngày càng trầm trọng nếu như ta nhận xét rằng những chuyện kể ấy (những chuyện tôi kể) thường được nẩy sinh từ những khích động hình thức có tính rất cưỡng bức, những khích động thay vì làm tôi lần cấn, tôi thấy như lại chính là nơi tự do của tôi sẽ có thể nở hoa (nghĩa là: sẽ có thể làm việc.)
Những cưỡng bức hình thức gay gắt, tự do sáng tạo của tôi, chân lý của thế giới được tạo ra từ đó, đấy là ba cái cực – trên lý thuyết là kỵ nhau – tổ chức nên sự gắn bó chặt chẽ trong bản văn của cái mà người ta đã gọi là "Tiểu Thuyết Mới". Vả lại, thật sự, cả Flaubert lẫn Nabokov lẽ ra đã có thể tán thành một chương trình như thế rồi.
Trong bản văn trước mặt đây, những cưỡng bức có tính tạo sinh thuộc lĩnh vực ngữ pháp: tôi đã đề nghị với Yvone Lenard, chuyên gia về sách giáo khoa dạy tiếng Pháp, là chính tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết, trong đó, từ chương này qua chương khác, tôi sẽ tôn trọng sự tiến triển tuần tự bình thường của những cái khó về ngữ pháp trong một năm học ở đại học. Như vậy Yvone Lenard là người đã cung cấp cho tôi cái dàn này. Đây là cuốn sách. Tôi đã rất thích thú khi viết nó. Giờ đây, mong đừng có ai đến nói với tôi rằng những chuyện như thế không hề có thật.
CUỘC HẸN
được đề nghị như một câu trả lời cho một nhu cầu dứt khoát
Yvone Lenard
Những người dạy các lớp tiếng Pháp ở trình độ trung cấp từ lâu đã nhận thấy việc tuyển chọn sách đọc thích hợp cho những sở thích và khả năng của các sinh viên là chuyện khó. Những bản văn do một tác giả đã được nhìn nhận viết thường là quá khó, không hẳn do những tư tưởng phức tạp, mà do bút pháp và từ ngữ của họ không phải là dễ hiểu được. Mặt khác, những văn bản được viết hoàn toàn như là sách giáo khoa, dù có giải trí và tốt về mặt giáo dục, vẫn thiếu giá trị văn học.
Trong những lần bàn chuyện ngôn ngữ và việc học ngôn ngữ, Alain Robbe-Grillet và tôi thảo luận vấn đề này, và Robbe-Grillet bắt đầu quan tâm đến tác dụng mà những hạn chế gay gắt về ngữ pháp và từ vựng có thể có đối với tư tưởng và bút pháp của người viết. Những hạn chế ấy có làm suy yếu sự diễn đạt của người viết đến độ làm mất đi bản sắc của người ấy? Một bản văn viết với mục đích dạy học có đương nhiên bao giờ cũng phải là một thứ diễn giải tẻ nhạt, thiếu sự căng thẳng năng động và bí hiểm? Tôi chắc chắn câu trả lời cho cả hai câu hỏi phải là không. Alain Robbe-Grillet, xưa nay lúc nào viết cũng tự áp đặt cho mình những tiết chế thuộc một tính chất khác, đã nhìn vấn đề như một thách thức chính ông muốn đương đầu. Tôi đã cung cấp tiến trình tuần tự về ngữ pháp, theo thứ tự dẫn nhập có vẻ lô-gic hơn cả cho những sinh viên trình độ trung cấp cho đến cao cấp.
Như mọi nhà văn chân chính, Robbe-Grillet đã tìm thấy trong tiến trình ấy những yếu tố, không chỉ cho lối diễn đạt của mình, mà cả cho cấu trúc chiều sâu, căn bản của câu chuyện.
[...]
CUỘC HẸN và Tiểu Thuyết Mới
Alain Robbe-Grillet cảm nhận rằng CUỘC HẸN là một phần trong tổng thể tác phẩm của ông. Xa hơn, ông coi nó như một nhập môn lý tưởng cho việc nghiên cứu những tác phẩm khác của ông.
CUỘC HẸN không những sẽ cho phép sinh viên thu hoạch một số lớn thành ngữ tiếng Pháp đương đại, mà nó còn sẽ gây ra những câu hỏi, giải trí, và giải đáp những trò chơi rối rắm. Hơn thế, nó sẽ dẫn người đọc nỗ lực đi tìm cái mà Robbe-Grillet và những tác giả khác của Tiểu Thuyết Mới đã dấn thân vào.
[1] Trường Pháp-Mỹ ở Paris (Ecole franco-américaine de Paris – E.F.A.P.) 56 rue
[2] Luận điểm của chúng tôi đã được xác nhận qua việc nhà xuất bản sách giáo khoa từ bên kia Đại Tây Dương Holt, Rinehart and Winston, CBS Inc., 383 Madison Ave., New York, N.Y. 10017 mới đây đã cho xuất bản tám chương sách ấy.
[3] Chú thích của người dịch: Cuộc hẹn (Le rendez-vous) là tên ấn bản cuốn sách giáo khoa tiếng Pháp được nhà xuất bản Holt, Rinehart and Winston, CBS College Publishing, ấn hành năm 1981 tại Mỹ. Trên bìa cuốn sách này, tên Giáo Sư Yvone Lenard được để ngay dưới tên tác giả Alain Robbe-Grillet. Cuộc hẹn không in phần Nhập và Kết như trong ấn bản Djinn của Minuit (1981), nhưng được giới thiệu bằng một bài Tựa tiếng Pháp của tác giả Robbe-Grillet, một bài Giới Thiệu bằng tiếng Anh, "Cuộc hẹn được đề nghị như một câu trả lời cho một nhu cầu dứt khoát", ký tên Yvone Lenard – trong đó, ngoài phần trình bày hoàn cảnh và mục tiêu hợp tác giữa hai bên, vị giáo sư này còn giới thiệu nội dung sư phạm qua những bài tập (cho từng chương, từng đoạn) được lồng vào bản văn: hiểu biết tổng quát, từ vựng, ngữ pháp, phát biểu cá nhân. Cuối sách là phần từ vựng soạn tương đối công phu và đầy đủ – từ những chữ thông dụng nhất như être/to be đến những chữ ít thông dụng hơn như déchiffrement/deciphering. Ấn bản phát hành ở Mỹ tương đối tốt, ở chỗ có lẽ nó đã được đọc kỹ hơn (có phải vì là sách giáo khoa?) nên không thấy có dăm ba lỗi typo phạm phải trong ấn bản Minuit.
Những phát hiện ghi nhận về lỗi typo cũng như 83 (!) chỗ khác nhau gi! ữa hai ấn bản là do người dịch chuyển ngữ lần thứ nhất năm 1996 theo Le rendez-vous (ấn bản Holt, Rinehart and Winston), rồi cũng năm đó, khi đọc Djinn (ấn bản Minuit) vì tò mò, đã cất công rà lại toàn bộ, cũng vì… tò mò. Bản chuyển ngữ khá lâu mới hoàn tất, mà hai bản Minuit và Holt, Rinehart and Winston thì có nhiều chỗ (chỗ, chứ không phải chỉ là chữ) hoàn toàn khác nhau, nên phải thú nhận là rất khó xác định được phần lớn sự chọn lựa trong bản Việt ngữ là ngả theo bản nào: một bên là bản Minuit tươi rói sự sáng tạo nghệ thuật, một bên là bản Holt, Rinehart and Winston dù sao cũng có những ràng buộc vì mục đích sư phạm (có khi nguyên một đoạn trong bản Minuit không thấy trong bản Holt, Rinehart and Winston!) nhưng không vì thế mà mất đi một cái thú chơi ngôn ngữ có một không hai…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét