Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Dam Cuoi Gia.html

Dam Cuoi Gia.html


Thông tin ebook

Tên truyện: Đám Cưới Giả

Tác giả: Miguel de Cervantes Saavedra

Dịch giả: Trung Đức

Thể loại: Văn học nước ngoài

Nhà xuất bản: Đà Nẵng

Năm xuất bản: 1986

Số quyển / 1 bộ: 1

Hình thức bìa: Bìa mềm

———————————-

Nguồn: http://vnthuquan.net

Đánh máy: HBDuong

Chuyển sang ebook (TVE): santseiya

Ngày hoàn thành: 13/06/2010

Nơi hoàn thành: Việt Trì – Phú Thọ

http://www.thuvien-ebook.com


Mục Lục

Giới thiệu

ĐÁM CƯỚI GIẢ

TRUYỆN VỀ CUỘC NÓI CHUYỆN GIỮA CON CHÓ XIPIONG VÀ CON CHÓ BECGANXA


Giới thiệu

Gần bốn thế kỷ nay kể từ ngày tác phẩm Nhà quý tộc tài ba Đôn Kihôtê xứ Mangcha, ra đời cho đến nay, nhân dân thế giới vẫn không hề mệt mỏi ngợi ca Mighen đê, một nhà nhân văn vĩ đại, một nhà văn thiên tài từng có công định hình một thể văn chương tiểu thuyết. Bằng việc khám phá ra tính cách và đưa tính cách vào truyện kể, ông đã làm cho truyện kể trở thành tiểu thuyết. Từ đó đến nay, tiểu thuyết không ngừng được các thế hệ nhà văn sử dụng, cách tân và hoàn thiện trong từng thời đại.


Mighen đê Xecvantet sinh ngày 9/12/1547 tại thành phố Ancala đê Hênarêt, gần thủ đô Mađrit, trong một gia đình quý tộc đã sa sút. Cha ông làm nghề thuốc, tần tảo kiếm sống cho bảy người con. Trong hoàn cảnh kinh tế gieo neo, lại không sống ổn định ở một nơi nào, Mighen đê Xecvantet chỉ có thể học hết bậc trung học. Nhưng khác với mọi thanh thiếu niên khác, Mighen đê Xecvantet là một người chịu học và chăm đọc sách. Ông còn hơn nhiều người khác ở chỗ ngay từ bé đã được chu du khắp vùng Caxtida, trung tâm văn hóa của Tây Ban Nha thời đó. Ông sống trong thời kỳ tiểu tư bản chủ nghĩa nhiều biến động, trong đó, sự thay đổi các giá trị đạo đức và tinh thần là tiêu biểu nhất. Ông đã sống hết mình cùng với thời đại. Có thể kể ra đây các sự kiện quan trọng của cuộc đời Mighen đê Xecvantet. Năm 1569, ông san Ý phục vụ giáo chủ Hulio Aquavia. Năm 1570, ông đi lính phục vụ trong quân đội Tây Ban Nha đồn trú tại Ý. Năm 1671, trong trận thủy chiến Lepangto, ông bị cụt tay. Năm sau lành bệnh, ông lại phục vụ trong quân đội Tây Ban Nha, có mặt ở nhiều nơi trên đất Ý: đảo Xixin, đảo Xecdenha; ở các thành phố: Phlorenxia, Henova Napolet, Milan và Roma… Ngày 26/9/1575, ông trở về Tây Ban Nha nhưng ở ngoài khơi thuyền của ông bị hải quân Angie tấn công, ông và các đồng đội của mình bị bắt làm tù binh. Trong thời gian bị cầm tù, ông tổ chức bốn lần Vượt ngục nhưng không thoát. Gia đình phải bỏ tiền nhờ vả nhà thờ can thiệp chuộc ông về. Năm 1580, ông trở về nước, làm một số công việc vặt vãnh như tiếp lương và thu thuế cho triều đình. Nhiều lần phải vào tù oan. Ngày 23/4/1646, ông qua đời tại thủ đô Mađrit.


Một cuộc đời biến động trong một xã hội đảo điên. Một tâm hồn cao thương, một tấm lòng đôn hậu đối lập với thói sống vụ lợi, thấp hèn. Một cuộc đời như vậy sẽ thắp sáng mãi mãi ngọn lửa nhân văn. Đó chính là ngọn nguồn không bao giờ cạn kiệt cho sáng tác văn học của Mighen đê Xecvantet. Ông để lại di sản văn học bao gồm thơ ca, kịch bản và tiểu thuyết. Có thể dẫn ra đây một số tác phẩm văn xuôi của ông: Galatea (tiểu thuyết in năm 1585), Nhà quý tộc tài ba Đôn Kihôtê xứ Mangcha (tiểu thuyết phần một và phần hai in năm 1605 và 1645) và Những truyện mẫu (tập in năm 1612) và tiểu thuyết Những công việc của Pecxilet và Xihixmunda (in năm 1617 sau khi ông qua đời).


Đám cưới giả và truyện về cuộc nói chuyện giữa hai con chó là truyện vừa mà chúng tôi rút trong tập truyện mẫu gồm mười một truyện. Truyện này được Mighen đê Xecvantet hoàn thành theo như lời nhà nghiên cứu người Tây Ban Nha – Amexua, vào khoảng 1603 – 1604 tại thành phố Vadadolit, khi nhà văn có mặt tại đây để hầu kiện. Vốn là người trung quân ái quốc nhất mực: ở nơi trận tiền dũng cảm chiến đấu, dù bị cụt tay vẫn ở lại quân ngũ, khi rơi vào tay quân Angie vẫn bất khuất không đầu hàng, bốn lần vượt ngục mà không thoát. Nhưng khi về nước, dù có thư riêng đề nghị triều đình đặc sủng vẫn cứ phải đi làm một nhân viên tiếp lương cho hạm tàu và quân đội rồi đi thu thuế, thu tô với biết bao cực nhọc. Thế nhưng triều đình vẫn cầm tù ông, vẫn đưa ra tòa xét xử ông. Cám cảnh cho thân mình, Mighen đê Xecvantet đã sáng tác tác phẩm này nhằm phơi bày thực trạng xã hội trong tấn bi hài kịch do những tên bợm sắm vai chính.


Đám cưới giả và truyện về cuộc trò chuyện của hai con chó là một bộ nhị bình rất lý thú. Bức thứ nhất là cảnh đời được nhìn dưới con mắt người. Bức thứ hai mang màu sắc huyền ảo: cảnh đời người dưới nhãn quan hai con chó. Hai bức tranh này liên hoàn với nhau, bổ sung cho nhau nhằm làm nổi bật thực trạng xã hội Tây Ban Nha thời kỳ tiền tư bản: một xã hội trong đó những giá trị tinh thần và đạo đức đang thay đổi và đảo lộn.


Trong Đám cưới giả, chúng ta thấy thầy quản Campuxano, một tên đại bợm, trổ hết mánh khóe đã lừa được Donha Extephania vừa đẹp lộng lẫy vừa đài các và nề nếp, lạo có của hồi môn. Chúng ta thấy Extephania, một cô gái đại bịp, cũng trổ hết mưu ma chước quỷ lừa được thầy quản, một công tử hào hoa phong nhã lại giàu có. Người nọ ảo tưởng ở người kia sẽ đem lại cho mình một kho của cải giàu sụ và chắn tín rằng mình đã nắm phần thắng qua đám cưới được tổ chức công khai và trọng thể tại nhà thờ lớn. Nhưng có ngờ đâu, và đây là đoạn mở nút của tấu hài kịch, vợ chồng Donha Giementa, vốn là chủ đích thật của ngôi nhà kia, trở về đúng lúc đôi trai gái đại bịp kia đang hưởng tuần trăng mật. Lúc đó Donha Extephania lộ nguyên hình là một cô gái nghèo rớt mồng tơi và thầy quản cũng chẳng khá hơn chút nào.


Trong Truyện về cuộc nói chuyện giữa hai con chó cho thấy một tấn bi kịch rộng lớn hơn, trong đó có các tên bợm của đủ mọi tầng lớp người sống trong xã hội ấy: bọn ăn trộm thịt nơi lò mổ, bọn trương tuần và cảnh sát đồng lõa với bọn trộm cắp và gái điếm đã cùng nhau cướp bóc của cải của khách vãng lai, bọn chăn cừu giết cừu ăn thịt song lại đổ tội lên đầu lũ chó không chịu canh giữ thú dữ, bọn lính vô công rỗi nghề kiếm sống bằng nghề diễn trò, bọn thương nhân gian giảo nhưng hợm mình khoe mẽ, bọn quý tộc ngu ngốc nhưng hống hách, bọn người Mo chăm chỉ làm ăn nhưng kiệt sỉ, bọn người tốt bụng nhưng sống trong ảo tưởng như nhà giả kín thuật, nhà thơ, nhà toán học và quân sư của triều đình… Mỗi nhân vật ấy là một cảnh đời nực cười đến rơi lệ vì đằng sau nó lấp lánh tư tưởng nhân văn của nhà văn thiên tài Mighen đê Xecvantet.


Đám cưới giả và truyện về cuộc nói chuyện giữa hai con chó là một truyện viết theo lối một chuyện bao gồm nhiều chuyện. Có thể nói chuyện lớn, chuyện bao quát là chuyện về cuộc gặp gỡ giữa thầy quản Campuxaho và cử nhân Peranta. Trong Truyện về cuộc nói chuyện giữa hai con chó có rất nhiều chuyện nhỏ hơn về các cảnh đời được dẫn bởi con chó Becganxa. Con chó này là một kẻ bợm nghịch. Trong một xã hội toàn những tên bợm nghịch, toàn những kẻ mưu cầu cuộc sống bằng mẹo vặt và thủ đoạn thấp hèn thì chó theo hầu chủ cũng bợm nghịch mà thôi, điều này không có gì khó hiểu. Becganxa có đầy đủ tư chất của một tên bợm nghịch: tìm mọi cách để được chủ yêu nhưng khi không có lợi cho bản thân thì nó liền bỏ chủ ngay. Nhờ việc thay thầy đổi chủ này, Becxanga có được điều kiện chu du khắp thiên hạ. Sống bên cạnh dủ mọi loại người trong xã hội và do đó nó có thể kể lại đủ chuyện trên đời. Nếu Becganxa là con chó trong thời thực sự nếm trải mọi mùi đời thì Xipiong lại là con chó thông thái đã kịp thời đưa ra những nhận xét mang triết lý sâu sắc. Cũng như vậy, nếu thầy quản Campuxano là kẻ lăn lóc với đời, nếm trải đủ mùi đời thì cử nhân Peranta là một người học vấn đã kịp thời đưa ra đúng lúc những tục ngữ dân gian, những cách ngôn, châm ngôn của các thi sĩ và triết gia nhằm làm nổi bật bài học đạo lý cần phải có cho người đời.


Đám cưới giả và truyện về cuộc nói chuyện giữa hai con chó thuộc loại truyện du đãng (novela picaresca) Tây Ban Nha rất thịnh đạt trong thế kỷ 17. Ngày nay, truyện du đãng không còn nữa nhưng nhân vật của nó, những tên bợm nghịch (picaro) vẫn còn lại và đang tác oai tác quái trong đời sống chính trị ở các nước chậm phát triển và phụ thuộc Mỹ La tinh. Đó là những Quốc trưởng, những Tổng tống độc tài từng được tái hiện trong tiểu thuyết hiện đại Mỹ La tinh. Thư ngài Tổng thống lại nói về phương pháp, Mùa thu của ngài trưởng lão, Ta đấng tối cao


Dịch tác phẩm này, chúng tôi hy vọng đáp ứng nhu cầu muốn hiểu biết của độc giả về truyện du đãng, một thể loại văn chương rất thịnh đạt trong văn học Tây Ban Nha thời đại phục hưng, cho đến nay vẫn chưa được biết đến ở Việt Nam.


Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 1986
NGUYỄN TRUNG ĐỨC


ĐÁM CƯỚI GIẢ

Từ nhà thương Rexurecxiong nằm ở ngoại ô Campo thuộc thành phố Vadadolit có một người lính bước ra. Nhìn cái vẻ bề ngoài: mặt bủng, chân gầy nhom phải chống kiếm làm gậy mà đi, rõ ràng ta thấy anh lính đang rét tun giữa mùa hè oi nóng. Như một người vừa ốm dậy đang tập đi, anh đi xiêu vẹo, chân nọ xọ chân kia. Khi bước vào cửa ô, anh nhìn thấy một người bạn đã sáu tháng nay mới gặp lại. Người này như thể nhìn thấy bóng ma, hoa mắt lên, vội tiến đến anh nói:


– Ối! Sao lại thế này hở thầy quản Campuxano. Lẽ nào ngài lại ở cái đất này! Vốn giao du với ngài từ hồi ở Phần Lan, trước kia tôi thấy ngài mang giáo, nay thấy ngài mang gươm. Ngài làm sao mà nom ốm yếu thế kia?


Campuxano đáp:


– Tôi có ở đất này hay không cứ nhìn tôi thì rõ, thưa ngài cử nhân Peranta. Còn những câu hỏi khác tôi xin trả lời vắn tắt thế này thôi: Tôi vừa ở cái nhà thương kia ra, phải chịu cực nhục do một người đàn bà trút lên vai tôi. Đáng lẽ tôi không nên chọn người đàn bà này làm vợ, nhưng tôi đã nhầm.


– Ô, ngài cưới vợ rồi sao? – Peranta hỏi.


– Đúng thế, ngài cử nhân ạ – Campuxano đáp.


– Có lẽ đó là một cuộc hôn nhân vì tình – Peranta nói – Chẳng lẽ cuộc hôn nhân này lại mang đến cho ngài nhiều nỗi đắng cay tới mức phải ân hận thế sao?


– Tôi sẽ không nói cuộc hôn nhân này có phải là cuộc hôn nhân vì tình hay không, dẫu rằng tôi có thể khẳng định nó là một cuộc hôn nhân đầy đau khổ – Thầy quản nói – Vì từ cuộc hôn nhân này, tôi đã tận hưởng bao nhiêu khoái lạc. Tôi phải trả giá quá đắt cho những khoái lạc xác thịt bằng sự đau khổ về tinh thần mà cho đến lúc này tôi vẫn chưa tìm được phương thuốc hữu hiệu để làm chúng dịu nhẹ đi. Nhưng bây giờ tôi thiết nghĩ không phải là lúc nói chuyện dài dòng ở ngay ngoài đường. Xin ngài hãy thứ lỗi cho. Hẹn đến một hôm khác thảnh thơi hơn, tôi xin kể hầu ngài những chuyện của tôi. Đó là những chuyện mới, đầy lý thú mà có lẽ ngài phải để cả đời mới nghe hết.


– Xin ngài đừng làm thế – cử nhân Peranta nói – Tôi chỉ muốn ngài đến nhà trọ của tôi. Tại đó chúng ta sẽ cùng ăn một bữa cơm xoàng: niêu cơm đã bé lại còn vơi vì chỉ đủ cho hai người ăn. Tuy vậy cũng không sao, thằng hầu của tôi sẽ ăn đĩa cháo ngô. Nếu như ngài đang mệt, chúng ta sẽ ăn trước mấy lát giăm bông. Tôi thật lòng mời ngài. Như ngài đã biết đấy, bao giờ tôi cũng thật bụng với ngài.


Campuxano cảm tạ cử nhân Peranta và nhận lời mời. Cả hai người cùng đi về Xan Đorenle để nghe kinh Misa. Peranto đưa thầy quản về nhà trọ, mời thầy xơi cơm. Sắp xong bữa ăn, cử nhân liền yêu cầu thầy quản kể cho mình nghe những sự kiện khiến mình nóng lòng chờ đợi. Campuxano không để cử nhân Peranta phải nài nỉ nhiều. Trước khi kể, thầy quản nói:


– Thưa cử nhân Peranta, rồi thế nào ngài cũng nhớ ra thôi. Tại thành phố này tôi kết bạn với đại úy Pedro de Herera, người hiện đang có mặt ở Phần Lan.


-Vâng, tôi nhớ ra rồi. – Peranta trả lời.


– Vậy là có một ngày – Campuxano kể tiếp – trong ngôi nhà trọ của chúng tôi ở Solana, khi chúng tôi cơm nước xong thì có hai người đàn bà bước vào. Theo sau họ là hai người hầu gái. Thoạt nhìn, họ có vẻ là người tử tế. Một cô nương bắt chuyện với đại úy. Họ đứng mà nói chuyện. Trong lúc nhỏ to chuyện trò, họ cứ lúc một xa dần ra phía cửa sổ. Cô nương kia kéo ghế ngồi xuống ngay cạnh tôi. Cổ chiếc áo măng tô kéo lên đến tận cằm do đó ta chỉ nhìn thấy cái vẻ dịu dàng của chiếc áo măng tô chứ không nhìn thấy gương mặt cô nương. Mặc dù tôi đã khẩn khoản yêu cầu cô nương vì phép lịch sự hãy cởi chiếc áo măng tô ra nhưng nói thế nào cô nương cũng không chịu. Điều đó càng đốt cháy trong tôi nỗi khát khao được nhìn rõ mặt cô nương. Hình nhưng để ý cố ý khiêu gợi tính tò mò trong tôi, nếu không thì đó là một thủ đoạn tinh xảo, cô nương chìa ra một bàn tay nõn nà có đeo những chiếc nhẫn quý. Mặc dù là một người lính, tôi cũng tin rằng mình có thể chinh phục cô nương chẳng khó khăn gì. Vì lúc đó, ngoài thái độ hào hoa phong nhã, tôi rất diện: tôi đeo một chiếc vòng to như ngài đã biết, đội chiếc mũ gài lông chim và vai có tua ngũ, mặc một bộ quần áo màu sắc sặc sỡ. Tôi liền khẩn khoản mời cô nương hãy cởi chiếc áo măng tô ra. Cô nương trả lời tôi:


– Xin quan nhân chớ nên vội vàng như thế. Thiếp là người có gia cư đàng hoàng. Quan nhân không tin thì hãy cho thằng hầu theo thiếp về nhà hẳn quan nhân sẽ tin thiếp là người con gái chính chuyên hơn cả. Vả lại, thiếp còn muốn biết sự thận trọng của quân nhân có đúng nhưng phong thái lịch sự của quan nhân hay không, lúc ấy thiếp sẽ hài lòng để quan nhân nhìn gương mặt thiếp.


Trước ân huệ lớn lao mà cô nương hào hiệp ban phát cho, lòng đầy cảm kích, tôi hôn lên bàn tay cô nương và hứa hẹn sẽ trao cho cô nương cả một núi vàng. Viên đại úy kết thúc cuộc mạn đàm. Hai cô nương ra về. Người hầu của tôi đi theo họ. Viên đại úy bảo với tôi rằng cô nương kia muốn nhờ ông ta chuyển hộ bức thư tới tay một viên đại úy khác mà theo như lời cô ta nói thì người này là anh em họ nhưng tay đại úy thừa biết rằng đó là người tình cô ta. Tôi sống trong kỷ niệm nóng bỏng mà đôi bàn tay kia để lại trong tâm hồn mình và tôi khao khát đợi giây phút đưa chân đi theo thằng hầu của mình để đến nhà cô nương. Thằng hầu đã lễ phép để tôi được tự nhiên bước vào nhà. Tôi thấy một ngôi nhà trang hoàng đẹp mắt, chủ nhân là một người đàn bà khoảng ba mươi tuổi. Đó là cô nương mà tôi chỉ được diễm phúc quen đôi bàn tay. Cô nương đẹp lộng lẫy nhưng việc gặp lại cô nương thật là may mắn cho tôi. Chúng tôi có dịp may được ngồi nói chuyện riêng với nhau. Cô nương có giọng nói dịu dàng đến mức tiếng nói của cô nương qua lỗ tai thấm sâu vào đáy tâm hồn tôi. Trong buổi chuyện trò, chúng tôi cùng sống trong những giây phút hạnh phúc nhất. Tôi mở lòng mở dạ nói chuyện tào lai, khoa mẽ, dâng tặng, hứa hẹn đủ điều, làm và nói tất cả những gì tôi cảm thấy cần thiết để lọt vào mắt xanh của cô nương. Nhưng có lẽ cô nương đã từng nghe những chuyện tương tự hoặc những lời tâng bốc còn hay hơn nên dường như cô nương chỉ nghe mà không tin điều tôi nói. Cuối cùng, cuộc n�! �i chuyện của chúng tôi trong bốn ngày liên tục chẳng đem lại kết quả gì. Tôi vẫn chưa hái được cái trái cây mà tôi hằng mong ước.


Đến thăm cô nương, lúc nào tôi cũng thấy ngôi nhà vắng vẻ, trong nhà không thấy bóng dáng những kẻ giả vờ làm người nhà hoặc người bạn trai nào, chỉ có một người hầu gái không khéo phục vụ cô nương. Cuối cùng, phải viện cớ tình yêu của người lính sắp phải thuyên chuyển đi làm nhiệm vụ nơi khác, tôi đã thổ lộ lòng mình với Donha Extephania de Caixedo (đó là tên họ của cô nương mà tôi biết được). Cô nương đã trả lời tôi như thế này.


– Thưa thầy quản Campuxano, nếu thiếp cứ làm bộ thánh thượng mà không trao thân gửi phận cho chàng thì chẳng hóa ra thiếp là người ngớ ngẩn lắm sao. Thiếp từng là kẻ có tội và hiện nay vẫn còn là kẻ có tội vì cho đến nay vẫn chưa hề cùng ai… Tuy nhiên về đời tư của thiếp, chưa một ai trong xóm làng dè bĩu. Thiếp chẳng được thừa hưởng gia tài của cha mẹ hoặc chú bác cô dì thân thích; song tất cả đồ dùng nội thất trong ngôi nhà này trị giá hai ngàn rưỡi đồng excudo[1] và những thứ đựng trong áo gối kia sớm muộn cũng biến thành tiền. Với số vốn liếng này thiếp đang định kiếm một tấm chồng. Đó là người thiếp có bổn phận phục tùng, là người thiếp trao trọn vẹn tình yêu thủy chung son sắt. Người chồng ấy chắc chắn không thể nào có được người đầu bếp bậc thầy biết nêm mắm muối và gia vị vào các món xào nấu hơn thiếp, khi mà thiếp muốn làm để thể hiện mình là người đàn bà có tài nội trợ. Thiếp biết làm một người quản gia trong gia đình, một người hầu gái trong nhà bếp và một bà chủ nhà trong phòng khách. Tóm lại thiếp biết sai khiến và biết làm cho người khác phải phục tùng mình. Đối với thiếp, không có thứ gì là của bỏ đi và thiếp biết thu vén của cải cho gia đình. Tiền được chi theo lệnh của thiếp sẽ tăng giá trị bội lần. Quần áo trắng của thiếp chẳng những nhiều mà ! còn là loại tốt, không phải mua từ cửa hàng hoặc từ xưởng dệt. Bàn tay thiếp và bàn tay cô các cô hầu gái của thiếp tự kéo sợi dệt lấy vải và khi có thể may thì được may luôn ở nhà mình. Thiếp tự khen mình vì thiếp biết rằng những lời tự khen đúng lúc và đúng chỗ sẽ chẳng bao giờ gây nên những lời báng bổ của người khác. Tóm lại, thiếp nói thật là thiếp muốn tìm một người chồng che chở cho thiếp, chỉ bảo thiếp làm ăn, mang lại vinh dự cho thiếp chứ không tìm một gã trai lơ để hầu hạ và bôi nhọ thiếp. Nếu chàng vui lòng nhận điều kiện trên thiếp xin trao thân gửi phận cho chàng và phục tùng chàng. Chàng chẳng phải mất công tìm kiếm gì nữa. Đó là điều người ta tìm kiếm trong các ngôn ngữ của bà mai và sẽ chẳng có bà mai nào tốt hơn để làm mối cho chúng ta như thế này đâu.


Lúc ấy tôi vui sướng như điên, sướng cái sướng không ở trên đầu mà ở dưới hai gan bàn chân. Tôi vẫn tỉnh táo để mà sống trong niềm vui sướng trước cảnh tượng được vẽ trong tương lai và ngay trong tầm tay mình. Một trang trại mà chỉ thoáng nhìn đã tính ra được số tiền tương ứng. Chỉ thế thôi đã đủ thích chí rồi. Tôi hân hoan bảo cô nương rằng, tôi là một người rất là may mắn vì Thượng đế đã dun dủi cho tôi cái duyên kỳ ngộ được gặp một người bạn gái và người ấy trở thành người vợ theo ý muốn của tôi, trở thành bà chủ điền trang không đến nỗi nhỏ bé của tôi, cộng vào đó, một vòng vàng tôi đeo nơi cổ, một số viên ngọc quý tôi để ở nhà, và nếu bán đi một số bộ quần áo sỹ quan, tôi sẽ có hơn hai ngàn ducado[2]. Nếu cộng với số tiền hai ngàn rưỡi đồng excudo của cô nương thì chúng ta sẽ có một số vốn đủ để chúng ta kéo nhau về làng quê sống cuộc đời điền viên. Ở quê, tôi còn có một số của chìm. Chúng tôi có thể sống vui vẻ và nhàn hạ ở điền trang nếu biết sử dụng tốt số vốn trên cùng với việc thu hoạch đúng thời vụ hoa màu trên đất đai của mình. Thế là chúng tôi đính ước với nhau. Rồi chúng tôi vạch ra cả một kế hoạch gồm việc công bố chúng tôi là trai chưa vợ gái chưa chồng ở nhà thờ, sau đó trong ba ngày liền chúng tôi tổ chức tiệc mừng vào dịp lễ Pa! xqua. Ngày thứ tư chúng tôi tổ chức lễ thành hôn. Dự lễ cưới chúng tôi có hai người bạn tôi và một chàng trai mà cô nương bảo là anh họ của mình. Nghĩa là tôi đối xử với chàng ta như cách đối xử mà người vợ mới cưới của tôi vẫn dùng. Nghĩa là nó quanh co và tráo trở. Ở đây tôi không muốn nói toạc ra vì mặc dù tôi đang kể sự thật nhưng đây không phải là lời xưng tội trước Chúa.


Thằng hầu của tôi mang chiếc rương từ nhà trọ về nhà vợ tôi. Tôi liền khóa chặt cửa lại, chưng ra trước mặt cô nương chiếc vòng vàng cực kỳ quý giá, rồi cho cô nương xem thêm chừng ba hay bốn chiếc vòng nữa, nếu không to thì cũng là chiếc vòng cực kỳ tinh xảo; cho cô nương xem bốn chiếc nhẫn vàng đủ kiểu đủ dạng và bộ quần áo sỹ quan của tôi. Tôi đưa cho cô nương bốn trăm đồng rean[3] để chi dùng. Sáu ngày liền tôi hưởng tuần trăng mật rất hạnh phúc. Tôi ngự ngay trong ngôi nhà như một chàng rể trác táng trong nhà ông bố vợ giàu sang. Tôi đi trên những tấm thảm, nằm trên những tấm ra trải giường Hà Lan đắt tiền, thắp sáng trong những cây đèn đế bạc. Tôi ngủ dậy lúc mười một giờ trưa, ăn cơm lúc mười hai giờ ngay tại giường nằm rồi lại ngủ trưa tới hai giờ chiều ngay trong phòng tiếp khách của các bà. Donhaexte và cô hầu gái thi nhau nhảy múa và tán tụng tôi đủ điều. Lúc này thằng hầu của tôi trở thành một con nai vì hắn lười nhác và đần độn. Khi Donha Extephania không có mặt bên tôi chính là khi cô ta ở trong nhà bếp lo thúc giục và bảo ban bọn đầu bếp làm những món ăn hợp với khẩu vị của tôi, khiến tôi thèm ăn hơ. Áo sơ mi, cổ áo, khăn tay, toàn là thứ mới mua ở Aranhuet, thơm phức mùi nước hoa, ngày nào cũng được thay một bận.


Những ngày vui đó vèo trôi như tên bay qua cửa sổ. Vì thấy mình được ăn mặc tử tế, được phục dịch chu đáo nên trong những ngày ấy tôi liền dẹp ngay những mưu đồ đểu cáng nảy sinh từ ngày chúng tôi cưới nhau. Rồi một buổi sáng nọ – trong lúc Donha Extephania còn đang nằm trên giường – ở ngoài cửa chính vang lên tiếng vồ gọi cửa nện rất mạnh. Người hầu gái thò đầu qua cửa sổ rồi ngay lập tức hốt hoảng nói:


– Ôi! Chào bà! Bà đã về rồi ạ! Nhưng vì sao bà lại về sớm hơn dự định nói trong thư thế nhỏ?


– Ai về hả? – tôi hỏi người hầu gái.


– Còn ai nữa kia chứ? – Người hầu gái nói – Đó là bà chủ của tôi: Donha Clemente Buexe và Dong Lope Melendet de Anmendaret cùng hai người hầu và bà quản gia Hortigoxa.


– Con ở, hãy đi mở cửa mau. Những chuyện khác ta liệu sau – Donha Extephania nói. Còn chàng, vì tình yêu đối với thiếp, xin chàng hãy bình tĩnh và chớ nên trả lời bất kỳ một câu hỏi nào không có lợi cho thiếp.


– Vậy, xin cô nương cho biết ai là người dám thóa mạ cô nương trước mặt ta. Xin cô nương hãy cho ta biết họ là ai mà cô nương phải hoảng hốt đến như vậy?


– Thiếp chưa thể trả lời ngay được. Chàng chỉ nên biết rằng tất cả những gì xảy ra ở đây đều là chuyện lừa phỉnh hết và những mưu đồ ấy sẽ được phơi bày ra ánh sáng, rồi chàng sẽ tường tận hết thôi mà.


Dẫu rằng tôi đang muốn tranh luận cho ra lẽ trắng đen với cô nương nhưng Donha Clemente Buexe đã bước vào phòng và do đó cuộc tranh luận phải bỏ lửng ở đây. Donha Clemente Buexe mặc một bộ đồ lụa xanh thêu thùa rất đẹp mắt, ngoài khoác một chiếc áo, đội một chiếc mũ gài lông chim đủ sắc màu, lông màu xanh, hồng, trắng, cổ đeo một sợi dây chuyền vàng, mặt che một chiếc mạng mỏng. Cùng vào phòng còn có Dong Lope Melendet de Anmendaret cũng diện bộ lộng lẫy – dù đó chỉ là quần áo lúc đi đường. Bà quản gia Hortigoxa là người đầu tiên lên tiếng:


– Lạy Giesu Chúa tôi! Thế này là thế nào? Dám nằm cả lên giường bà chủ Clemente sao. Lại có mặt cả cái anh chàng này ở đây nữa. Gớm thật đấy. Hôm nay, ngày đầu tiên ta thấy chuyện kinh thiên động địa xảy ra trong cái nhà này. Donha Extephania to gan thật. Được đằng chân lân đằng đầu, bà ta đã lợi dụng quá mức tình bạn cao cả của bà chủ ta.


– Bà Hortigoxa, xin bà hãy bớt giận đi nào – Donha Clemente Buexe nói – Chính tôi là người có lỗi. Sẽ chẳng bao giờ tôi tha thứ cho mình trong việc chọn mặt gửi vàng. Tôi đã lầm khi quá tin cậy Donha Extephania.


Ngay lập tức, Donha Extephania trả lời thế này:


– Thưa Donha Clemente Buexe kính mến của tôi, xin bà đừng phiền lòng và xin bà hãy hiểu cho rằng cái điều bà nhìn thấy trong ngôi nhà lúc này quả thật là bí hiểm. Tôi tin rằng khi bà đã rõ thật hư ắt bà sẽ tha thứ cho tôi và bà chẳng phải kêu ca bất cứ điều gì.


Lúc này tôi đã mặc xong quần áo chẽn. Donha Extephania cầm tay tôi dẫn tôi sang phòng bên. Tại đây Donha bảo tôi rằng người bạn gái ấy muốn lừa cho ngài Lope Melenret kia một mẻ. Ngài là người mà Donha Clemente Buexe muốn cưới làm chồng. Bây giờ Donha Clemente Buexe dẫn ngài về đây cốt để cho ngài tin rằng ngôi nhà cùng đồ nội thất cũng như trang trại đây là của Donha và Donha làm giấy để ngài hưởng số của hồi môn này. Nhưng khi xong đám cưới ngài sẽ thấy rằng mình chẳng được hưởng gì hết vì ngài đã bị lừa do quá cả tin vào tình bạn, tình yêu của Donha Clemente Buexe. Donha Extephania còn bảo tôi:


– Sau đó của thiếp vẫn là của thiếp và sẽ chẳng ai chê cười Donha Clemente Buexe hoặc bất kỳ người đàn bà nào muốn kiếm cho mình một tấm chồng danh giá, dẫu có dùng đến cả những thủ đoạn lừa bịp đi nữa.


Tôi bảo cô nương rằng cái việc Donha Clemente Buexe muốn làm kia là sự lạm dụng tình bạn quá đáng và rằng cô nương hãy suy nghĩ cho kỹ kẻo lại phải cậy nhờ đến pháp luật thu hồi tài sản của mình. Để trả lời tôi, cô nương viện ra biết bao lý lẽ, kể cả việc cô nương phải giúp đỡ Donha Clemente Buexe đến mức tôi cũng phải nhân nhượng cốt được lòng Donha Extephania. Cô nương còn nói chắc như đinh đóng cột với tôi rằng cái trò bịp này kéo dài không quá tám ngày và trong thời gian này tôi tạm lánh sang nhà một người bạn gái khác của cô nương. Khi chúng tôi mặc xong quần áo, cô nương vào phòng khách tạm biệt Donha Clemente Buexe và Dong Lope Melendet de Anmendaret rồi bảo thằng hầu vác rương đi theo mình. Tôi cũng bước theo sau cô nương mà chẳng thèm chào tạm biệt những người kia.


Donha Extephania dừng lại rồi bước vào nhà một người bạn gái. Trước khi chúng tôi bước vào nhà, cô nương nói chuyện một lúc khá lâu với người bạn gái và sau đó một người ở gái bước ra bảo chúng tôi hãy cùng vào nhà. Người ở gái dẫn chúng tôi đến một căn phòng hẹp, quá hẹp là đằng khác vì nó không đủ chỗ để kê riêng rẽ hai chiếc giường khiến cho chúng nằm sát vào nhau đến mức ra trải giường của chiếc giường này chồm lên ra của chiếc giường kia. Quả nhiên, chúng tôi ngụ tại đây sáu ngày cả thảy và trong cả sáu ngày ấy không có lúc nào chúng tôi không đay nghiến nhau. Lúc nào tôi cũng ca thán cô nương quá dại dột đến mức đã để nhà cửa, ruộng vườn lại cho một người bạn gái. Quả thật đó là một việc làm dại dột mà không ai nên làm như thế, ngay cả với bà mẹ đẻ mình.


Tôi cứ đay nghiến vợ tôi về điều này đến mức chủ nhà phải để ý. Nhân một ngày Donha Extephania đến nhà cũ để xem tình hình như thế nào, nữ chủ nhân hỏi tôi vì sao tôi hay cãi cọ với vợ và cứ mắng nhiếc vợ mình là đồ lẩn thẩn đã để cho người khác lợi dụng tình bạn quá đáng. Tôi liền kể hết cho bà ta nghe, nói đến việc tôi đã cưới Donha Extephania, nói đến số của hồi môn tôi được hưởng và nói đến cái ngu ngốc của vợ tôi đã nhường nhà cửa, điền trang cho Donha Clemente Buexe. Mặc dù việc này xuất phát từ một ý định rất tốt đẹp nhằm giúp Donha Clemente Buexe kiếm một đức ông chồng danh giá như Dong Lope Melendet. Nghe đến đây nữ chủ nhân liền làm dấu thánh và liên tục nói: "Lạy chúa Giesu! Lạy chúa Giesu! Đồ quỷ cái!" khiến cho tôi cũng phải hoang mang chẳng biết ra làm sao. Cuối cùng, nữ chủ nhân bảo tôi thế này:


– Thưa thầy quản Campuxano, chẳng biết việc tôi sẽ nói ra đây có phản lại lương tri mình không nhưng nếu không nói cho ngài biết thì tôi rất áy náy trong lòng. Thôi thì cứ đành phó mặc cho Thượng đế lòng lành bởi vì sự thật bao giờ cũng là sự thật và giả dối bao giờ cũng phải nhường bước trước sự thật, có đúng thế không, thưa thầy quản? Sự thật là thế này: Donha Clemente Buexe mới đích thực là chủ nhân của ngôi nhà và điền trang mà Donha Extephania định trao cho ngài làm của hồi môn. Và sự lừa bịp là tất cả những gì mà Donha Extephania đã nói với thầy quản. Cô ta chẳng có gì cả: không nhà không cửa, không ruộng vườn và chỉ có độc một bộ váy áo mặc trên người mà thôi. Câu chuyện lừa lọc này có thể xảy ra được là vì Donha Clemente Buexe đi thăm người thân ở Plexenxia rồi từ đó đi dự lễ Thánh bà Goadalupe, do đó, phải để nhà cho Donha Extephania trông nom hộ, vì thật tình hai người này là bạn thân với nhau. Vả lại, nếu xét cho kỹ thì cũng chẳng nên đổ tội cho cô gái đáng thương này vì cô ta biết làm sao lừa được một người như thầy quản đây để cưới làm chồng.


Đó là tất cả những điều bà ta nói. Nghe xong, tôi thấy thất vọng ê chề và hiển nhiên tôi sẽ thất vọng như thế mãi nếu vị thần hộ mệnh của tôi không kịp thời chăm sóc tôi, nói với trái tim tôi rằng hãy nhớ rằng mi là con chiên của Chúa và rằng tội lỗi phần lớn của con người là để mất hy vọng. Chỉ có quỷ dữ mới để mất hy vọng. Lời nhắc nhủ đúng lúc ấy làm tôi thêm vững vàng hơn. Nhưng lời nhắc nhủ ấy chưa đủ sức khiến tôi thôi không nai nịt áo quần, cầm thanh kiếm và ra đi tìm Donha Extephania với mục đích cho cô nương một bài học đích đáng. Nhưng vận may rủi của tôi, tôi cũng chẳng biết như thế là tốt hay là xấu, đã cản ngăn để tôi không tài nào gặp nổi Donha Extephania ở bất kỳ nơi nào tôi định đến tìm. Thế là tôi đi đến Xandorente, phó mặc vận may rủi của mình cho Đức Bà chúng ta. Tôi ngồi lên một thân cây dẻ và ngủ một giấc mê mệt đến mức tôi sẽ không tỉnh dậy nếu như không có ai đánh thức.


Lòng buồn bực và đau khổ, tôi đến nhà Donha Clemente và tôi thấy công nương hết sức bình thản với tư thế chủ nhân đích thực của ngôi nhà. Tôi không dám nói chi với công nương vì Dong Lope đang có mặt ở đấy. Tôi trở về nhà người bạn gái. Nữ chủ nhân nói với tôi rằng bà ta kể với Donha Extephania là tôi đã biết rõ thủ đoạn và trò lừa bịp của cô nương. Và bà ta còn bảo tôi rằng cô nương hỏi thái độ của tôi như thế nào trước tình cảnh trớ trêu này. Bà ta trả lời cô nương rằng tôi rất bực tức và tôi đang đi tìm cô nương để trừng trị. Cuối cùng bà ta bảo tôi rằng Donha Extephania đã mang đi tất cả của cải tôi để trong rương và chỉ để lại cho tôi một bộ quần áo đi đường.


Tất cả câu chuyện có thế thôi. Lại một lần nữa Thượng đế che chở cho tôi. Tôi đến xem cái rương của mình và tôi thấy nó mở toang giống như một chiếc quan tai đang chờ đón một thây ma và có lẽ tôi sẽ là cái thây ma nếu tôi đủ minh mẫn để mà cảm nhận đầy đủ nỗi bất hạnh của bản thân lúc bấy giờ.


Cử nhân Peranta lòng đầy cảm thông với thầy quản Campuxano, nói:


– Với việc Donha Extephania mang đi cơ man nào vòng vàng, dây chuyền vàng, ngài bị một vố đau điếng. Quả thật ngài giống như câu ca thường nói: "Dã tràng se cát biển Đông"…


– Chuyện lừa lọc ấy chẳng làm tôi đau đớn gì – thầy quản Campuxano nói – bởi vì tôi cũng có thể nói rằng: "Vỏ quýt dày có móng tay nhọn".


– Tôi thật lòng không hiểu vì sao ngài lại có thể dẫn câu tục ngữ ấy ra với tôi nhỉ? – cử nhân Peranta nói.


– Đơn giản thế này thôi: tất cả vàng vòng, nhẫn vàng, dây chuyền vàng tuy hào nhoáng thế thôi nhưng thật ra chưa đáng giá quá mười hai đồng ecudo đâu, thưa ngài cử nhân – thầy quản Campuxano nói.


– Sao lại thế được nhỉ – cử nhân Peranta cãi lại – bởi vì chỉ riêng cái vòng ngài thường xuyên mang ở cổ cũng đã trị giá hơn hai trăm đồng ducado.


– Đúng là như thế nếu cái mã bề ngoài nói đúng nội dung bên trong – thầy quản trả lời – Nhưng sự thật không phải là vàng khi tất cả các đồ vật cứ vàng chóe lên trước mắt ta. Những vòng vàng, những dây chuyền, nhẫn vàng ấy chỉ là sản phẩm của nghệ thuật làm vàng giả mà thôi. Nhưng khốn nỗi chúng được làm tinh xảo lắm, đến mức chỉ có đá thử vàng hay lửa mới phát hiện ra chúng là của giả.


– À, hóa ra là thế – cử nhân Peranta nói – Ngài và Donha Extephania là "kẻ cắp, bà già gặp nhau" mà thôi. Chuyện này oái ăm thật.


– Ờ, chuyện này rất chi là oái ăm đến mức chúng tôi lại có thể gặp lại nhau. Nhưng ngài cử nhân Peranta ạ, cái đau khổ của tôi chính là ở chỗ Donha Extephania sẽ có thể phá hủy tất vòng vàng, dây chuyền vàng của tôi mà tôi không thể làm gì nổi cô nương. Chuyện này thật đáng buồn cho tôi vì quả thật đó là sự thất bại của tôi.


– Ngài Campuxano này, ngài hãy cảm tạ Thượng đế đi – cử nhân Peranta nói – vì sự thất bại ấy có chân, nó đã đi và nó không buộc ngài phải mất công tìm kiếm nó.


– Đúng thế – thầy quản trả lời – Nhưng với tất cả điều đó, và dù rằng tôi đã không đi tìm sự thất bại ấy, tôi vẫn gặp lại nó trong tâm tưởng và ở bất kỳ nơi nào tôi cũng thấy nhục nhã.
– Tôi thật lòng không biết trả lời ngài thế nào cho phải – cử nhân Peranta nói – nhưng có le cũng hợp cảnh khi tôi nhắc hai câu thơ của Petracca:[4]
            Che chi prende dilette di far frode
            Non si de lamenar staltri l'inganna
mà nếu dịch sang tiếng Tây Ban Nha nó là thế này: Kẻ nào thường thích lừa người, khi bị người lừa chớ có mà kêu.


– Không, tôi đâu dám kêu ca – thầy quản trả lời – mà chỉ thương thay cho mình thôi. Tôi cũng hiểu rằng kẻ có tội mà chưa biết tội trạng của mình thì chưa cảm nhận được nỗi nhục nhã của sự trừng phạt. Tôi cũng nhận thấy rõ ràng rằng tôi muốn lừa người nhưng tôi lại bị người lừa, bởi vì chính những mưu mô và hành động của tôi đã hại tôi. Nhưng tôi cũng không đủ sáng suốt để mà không tự ta thán cho chính mình. Cuối cùng để kể thêm cho ngài rõ câu chuyện của tôi, tôi xin nói rằng cái người anh em họ của Donha Extephania mà tôi bắt gặp trong phòng khách đã mang cô nương đi nơi khác và sau này họ trở thành vợ chồng suốt đời. Tôi không muốn tìm cô nương vì tôi không thích trả thù nữa. Trong ít ngày, tôi chuyển nhà trọ, tôi đổi bộ tóc, bởi vì lông mày, lông mi bắt đầu rụng, và tóc tôi dần dần cũng rụng hết khiến tôi bị hói trước tuổi. Thật ra là tôi bị bệnh rụng tóc. Tôi thấy mình là kẻ trọc lóc thật sự, vì không những không có tóc để mà chải, mà còn không có tiền để mà tiêu. Bệnh tật cứ theo gót cuộc sống quẫn bách của tôi. Vì sự nghèo hèn thường đố kỵ với danh giá con người nên một số kẻ đã bị dẫn đến giá treo cổ, số khác lại bị đưa vào nhà thương, còn một số nữa bị tống cổ vào nhà kẻ thù của mình để phải vừa van xin vừa phải tuân phục nó. Đó là một trong số những nỗi khổ lớn nhất có thể xảy ra đối với một kẻ bất hạnh. Để khỏi phải bán quần áo và cũng vừa đúng lúc trong nhà thương Recurecxion người ta dùng biện pháp xông để chữa b! ệnh, tôi liền vào nhà thương này. Đó là nơi tôi đã được xông tới bốn mươi lần. Người ta bảo rằng tôi sẽ lành bệnh nếu tôi chịu kiêng cữ giữ gìn. Thanh kiếm tôi vẫn có, còn những thứ khác xin phó mặc cho trời.


Cử nhân Peranta lòng đầy thán phục trước những điều thầy quản vừa kể xong, lại mời mọc ngài ăn thêm.


– Thưa cử nhân Peranta, chắc chắn rằng điều tôi vừa kể xong không làm ngài khoái chí bằng những chuyện tôi sắp nói với ngài. Đây toàn là những sự kiện vượt quá mức thường tình, vượt quá sức tưởng tượng của con người. Lẽ nào ngài lại không muốn biết thêm rằng tôi đã phải vận dụng tất cả mọi nỗi bất hạnh của mình ở trong nhà thương để quan sát, hiểu biết đôi điều sẽ nói với ngài. Đó chính là điều mà cho đến lúc này ngài không tin và trên thế gian này cũng sẽ chẳng bao giờ có người tin nó là sự thật.


Tất cả những điều kỳ lạ được giáo đầu như thế càng đốt cháy thêm nỗi khát khao của cử nhân Peranta khiến ngài cũng phải lên tiếng đề nghị thầy quản kể cho nghe ngay lập tức những điều kỳ thú ấy.


– Chắc hẳn ngài đã nhìn thấy hai con chó đeo hai chiếc đền vẫn thường đi cùng anh em Capacha. Hai chiếc đèn này soi sáng chúng mỗi khi chúng xin của bố thí chứ! – Thầy quản nói.


– Đúng thế, tôi thấy rồi mà – cử nhân Peranta trả lời.


– Và ngài cũng đã nhìn thấy hoặc nghe thấy điều người ta nói về chúng rồi chứ – thầy quản tiếp tục nói – Người ta bảo rằng, nếu từ trên cửa sổ ném của bố thí xuống, chúng liền soi đèn chạy đến tìm của bố thí và chúng thường dừng lại trước cửa sổ nào vẫn thường cho của bố thí. Với việc chúng đi lại xin của bố thí như thế nên nom chúng giống những con cừu hơn là những con chó, mà thật ra khi ở nhà thương Recurecxion, chúng là những con sư tử rất dữ tợn, lo việc canh giữ ngôi nhà vô cùng cẩn thận.


– Tôi cũng đã từng nghe người ta nói như thế, cử nhân Peranta nói. Nhưng điều đó không hề gây hào hứng cho tôi một chút nào.


– Vậy thì điều tôi sẽ nói về chúng sẽ là lý do khiến ngài phải thích thú. Và rồi ngài chẳng phải hoảng hốt làm dấu thánh, cũng chẳng phải viện dẫn những lý do này nọ, ngài sẽ phải tin điều tôi nói. Đó là điều tôi đã nghe và tận mắt thấy hai con chó ấy nói: một con gọi là Xipiong và con kia gọi là Becganxa. Có một đêm,cái đêm tôi xông lần cuối cùng thì hai con chó nằm trên hai chiếc chiếu rách ở phía đuôi giường tôi nằm. Về khuya, vì mất ngủ nên tôi đang nghĩ về những sự kiện trước đây, về những nỗi bất hạnh mới đây, nên tôi không chú ý nghe tiếng người đang nói chuyện để xem mình có hiểu được vấn đề họ đang nói với nhau hay không. Một lát sau tôi nhận ra ngay vấn đề người ta đang nói với nhau, nhận ra hai con chó: con Xipiong và con Becganxa đang nói chuyện với nhau.


Thầy quản Campuxano vừa nói xong thì cử nhân Peranta liền đứng dậy nói:


– Thưa ngài Campuxano, quả là ngài đang hào hứng. Về phần mình, cho đến lúc này, tôi vẫn còn nghi nghi hoặc hoặc về câu chuyện đám cưới của ngài, còn về chuyện này, chuyện ngài nghe thấy những con chó nói chuyện với nhau, xin ngài cho tôi được phép tuyên bố rằng tôi thuộc vào số những người không tin bất cứ chuyện gì. Vì tình yêu của Thượng đế, tôi van ngài chớ nên kể những chuyện khủng khiếp cho bất kỳ ai ngoại trừ những người bạn thân tín của mình như tôi đây chẳng hạn.


– Xin ngài đừng xem tôi quá ngu dốt đến mức không biết rằng nếu không vì phép màu nhiệm thì những con vật này không thể nói được. Tôi thừa biết rằng loài sáo, loài vẹt, loài khướu có thể nói được tiếng người là vì chúng có cái lưỡi thích hợp để phát âm và chúng chỉ nói được những từ, những câu đã thuộc lòng chứ chúng không thể đối đáp với nhau một cách lưu loát và sáng rõ như những con chó này. Vì vậy, sau nhiều bận nghe chúng nói chuyện với nhau, chính tôi cũng không tin ở mình nữa và tôi coi đó là chuyện tôi mơ thấy trong lúc trên thực tế thì mình đang tỉnh. Với năm giác quan mà Thượng đế đã cho mình, tôi chăm chú nghe và ghi lại trong trí nhớ để rồi sau đó tôi viết lại cuộc nói chuyện của những con chó không bỏ sót một lời nào. Từ những trang viết này, người ta có thể nhận biết được những chuyện khiến họ nghi ngờ rồi tin tưởng để cuối cùng tin vào cái sự thật do tôi nói ra. Những sự kiện được đề cập đến trong này rất kỳ thú và phong phú, hơn thế nữa chúng được những con người hiểu biết nói ra chứ không phải chỉ đơn thuần là lời của những con chó. Vậy là những chuyện này không do tôi bịa ra và ngược với chính kiến của bản thân, tôi tin rằng tôi không mơ mà chính là những con chó ấy đang nói chuyện với nhau thật.


– Trời ơi – cử nhân Peranta nói – Cứ y như thời của Maricaxtanha trở lại với chúng ta, khi những quả bí nói chuyện với nhau. Hoặc giả sử như thể thời của Edop[5] sống lại với chúng ta, khi con gà cãi nhau với con cáo và một số con vật này tranh luận với những con vật khác.


– Một số trong những con vật ấy có thể là tôi – thầy quản Campuxano nói – nếu như tin rằng cái thời đại ấy trở lại với chúng ta và hơn thế nữa sẽ là thời đại ấy nếu không tin điều tôi nhìn thấy, điều tôi nghe thấy, điều tôi dám thề với lời thề độc buộc chính sự nghi ngờ phải tin. Nhưng dù trường hợp được đặt ra này có lừa phỉnh được tôi, giả dụ sự thật tôi nói ra đây là do tôi mơ thấy, hỡi ngài Peranta, lẽ nào ngài sẽ không thích thú khi ngài thấy những câu chuyện được viết ra trong một cuộc nói chuyện do những con chó này, dù ai cũng thế thôi, đã nói ra.


– Đủ rồi, thưa thầy quản Campuxano – cử nhân Peranta nói – Xin ngài khỏi phải mất công thuyết phục tôi tin rằng ngài đã nghe thấy những con chó nói chuyện với nhau và tôi xin nói với ngài rằng tôi rất thích thú nghe cuộc nói chuyện do thầy quản Campuxano viết ra. Tôi thề với ngài rằng tôi tin đó là một chuyện lành mạnh.


– Nhưng trong này còn có chuyện tôi thấy mình cần phải nói rõ thêm – Campuxano nói – Lúc ấy tôi rất tập trung tư tưởng, tinh thần sảng khoái và trí nhớ minh mẫn (nhờ tôi ăn nho khô và hạnh nhân). Nhờ vậy tôi cứ việc viết một mạch theo trí nhớ của mình, tôi viết chính những từ ngữ mà tôi nghe được, không cần phải dùng tu từ để trang điểm cho truyện thêm màu sắc văn vẻ. cũng chẳng thêm hoặc bớt mộ từ để câu chuyện thêm mùi mẫn. Cuộc nói chuyện không chỉ xảy ra trong một đêm mà hai đêm liền. Tuy nhiên, tôi mới chỉ ghi lại đêm đầu tiên là đêm Becganxa nói về cuộc đời nó. Tôi đang định viết về đêm Xipiong kể về cuộc đời của nó. Một khi ngài đọc, hoặc tin hoặc thậm chí ngài không tin, đánh giá cao hoặc đánh giá thấp câu chuyện của Becganxa đã nói được tôi viết lại và bản thảo này tôi mang trong ngực. Tôi bỏ cái lối Xipiong nói và Becganxa trả lời, thường làm cho lời văn dài dòng mà tôi dùng hai chấm đặt sau tên của mỗi con chó để giúp ai xem mường tượng đó là cuộc nói chuyện mà tôi nghe được.


Nói xong, thầy quản Campuxano rút từ trong ngực ra một tập bản thảo, đưa nó cho cử nhân Peranta. Người này cầm lấy tập bản thảo, mỉm cười như thể chế giễu những gì mình mới nghe và sắp được đọc.


– Tôi sẽ ngả lưng ngay trên chiếc ghế này – thầy quản nói – trong khi ngài đọc.


– Xin ngài cứ tự nhiên cho – Peranta nói – Tôi sẽ đọc xong ngay bây giờ đây.


Thầy quản Campuxano nằm xuống ghế. Cử nhân Peranta mở tập bản thảo và ngay ở trang đầu tiên ngài thấy đề như thế này.


TRUYỆN VỀ CUỘC NÓI CHUYỆN GIỮA CON CHÓ XIPIONG VÀ CON CHÓ BECGANXA

Những con chó của nhà thương Rexurecgion ở ngoại ô thành phố Vadadolit, vốn được gọi là những con chó của anh em Mahudet.


XIPIONG: Bạn Becganxa thân mến, đêm nay chúng ta phó mặc cái nhà thương này cho vận may rủi, có lẽ chẳng có chuyện gì xảy ra cả đâu và chúng ta cùng nhau tìm nơi yên tĩnh mà nghỉ ngơi. Có lẽ chẳng có chỗ nào tốt hơn là cái chỗ ở giữa những tấm thảm này, nơi chẳng ai nhìn thấy chúng ta, ngoại trừ những mảng trời.


BECGANXA: Ờ người anh em Xipiong nói phải đấy. Tớ nghe đằng ấy nói và tớ hiểu rằng mình đang nói với đằng ấy, sự kiện đó khiến tớ không thể tin bởi lẽ việc chúng ta nói chuyện với nhau là một sự kiện vượt ra ngoài lẽ thường tình.


XIPIONG: Becganxa ạ, quả nhiên là như vậy và cái phép mầu này sẽ còn kỳ vĩ hơn nữa trong việc chúng ta không chỉ nói suông mà còn nói có suy nghĩ, cứ như thể chúng ta có khả năng duy lý, bởi vì sự khác nhau giữa con vật và con người là ở chỗ con người biết lý lẽ còn con vật thì không.


BECGANXA: Tất cả những điều đằng ấy nói tớ đều hiểu, anh bạn Xipiong ạ, và do đó cái việc đằng ấy nói và cái việc tớ hiểu được khiến tớ vừa thích thú vừa cảm động. Rõ ràng trong cuộc đời mình, nhiều lần tớ nghe nói đến những tính nết quý của chúng ta, đến mức mà dù cho một số muốn tin rằng chúng ta có một bản năng tự nhiên rất linh hoạt và sắc sảo trong một số công việc, nhưng đặc tính này khiến cho họ tin rằng cúng ta có sự nhận biết cả lý lẽ kia đấy.


XIPIONG: Tớ thấy bọn họ thường ca ngợi trí nhớ rất tốt của chúng ta, ca ngợi lòng biết ơn của chúng ta và cả lòng trung thành vô hạn độ của chúng ta. Họ ca ngợi nhiệt tình nhiều đến mức họ thường vẽ chúng ta như là biểu tượng của tình bạn. Chắc đằng ấy đã nhìn thấy ở những nấm mồ xây bằng đá thạch cao tuyết hoa, người ta thường họa hình ảnh những người được chôn bên thành một và nếu là mộ song táng cả vợ lẫn chồng thì bên cạnh hình ảnh của hai người bao giờ cũng có hình ảnh một con chó nằm ở dưới chân với hàm ý rằng những người này sống trong tình bằng hữu mãi mãi keo sơn.


BECGANXA: Tớ biết rất rõ rằng có những con chó mang nặng lòng biết ơn chủ đến mức chúng nhảy cả xuống huyệt của chủ mình và chịu để cho người ta lấp đất chôn luôn với chủ. Lại còn có những con chó khác nằm liệt bên mộ chủ, không ăn không uống gì, cứ nằm thế cho đến khi kiệt sức mà chết. Tớ cũng biết rằng sau voi, loài chó chúng mình được thừa nhận là loài vật có trí khôn. Sau chúng mình mới đến lượt loài ngựa và cuối cùng là loài khỉ.


XIPIONG: Đúng thế, nhưng có lẽ đằng ấy sẽ phải thú nhận rằng chưa bao giờ đằng ấy nhìn thấy và nghe thấy một con voi, một con ngựa, một con khỉ nào nói tiếng người. Do vậy mà tớ hiểu rằng cuộc nói chuyện này của chúng ta bỗng nhiên rơi vào số những sự kiện được coi là kỳ vĩ, những sự kiện khi được thể hiện ra hoặc được chứng kiến đã tiên đoán một thảm họa nào đó đang đe dọa dân chúng.


BECGANXA: Cứ theo cái cách suy nghĩ này, tớ chưa hiểu tại làm sao người ta lại coi lời một sinh viên nói về những ngày qua là một điềm báo.


XIPIONG: Đằng ấy nghe anh ta nói gì?


BECGANXA: Anh ta nói rằng trong số năm ngàn sinh viên trúng tuyển vào đại học có hai ngàn theo học ngành y.


XIPIONG: Vậy thì làm sao đằng ấy lại giễu cợt sự kiện ấy?


BECGANXA: Tớ chế giễu nó vì hai ngàn thầy thuốc này cần phải có con bệnh để sống, nếu không bọn họ sẽ chết đói hết.


XIPIONG: Nhưng dù thế nào đi nữa, dù sự việc chàng ta nói chuyện có kỳ vĩ hay không, chúng ta vẫn cứ nói chuyện. Một khi ông Xanh ra lệnh sự kiện này phải xảy ra thì nó cứ xảy ra, không một mưu mẹo hay một sự thông thái nào có thể cưỡng lại cái lệnh ấy. Vậy thì, không có một lý do nào có thể buộc chúng ta phải tranh luận xem chúng ta sẽ nói như thế nào và vì sao chúng ta nói. Tốt hơn hết là chúng ta hãy chơi cho hết cái ngày tốt lành này, đúng hơn là cái đêm tốt đẹp này. Vì chúng ta sống đêm nay trên những manh chiếu này và chúng ta không thể biết hạnh phúc của chúng ta kéo dài được bao lâu nữa. Vậy thì chúng ta hãy biết tận dụng nó và hãy nói chuyện với nhau hết đêm nay, không nên để cho giấc ngủ cản trở việc chúng mình được hưởng dịp may hiếm có này mà tớ hằng mong đợi từ lâu.


BECGANXA: Tớ cũng chẳng kém đằng ấy đâu. Kể từ khi đủ sức gặm một cái xương, tớ đã có ý muốn nói được để kể lại những sự kiện đã giữ gìn cẩn thận trong ký ức. Trong ký ức tớ có biết bao chuyện, mới có, cũ có, thậm chí có cái đã bị quên mất rồi. Bây giờ tớ bắt đầu nói chỉ vì thèm được nói cho nên những chuyện ấy cũng sống lại trong ký ức mình. Tớ nghĩ cần phải hưởng cái thú được nói này và cần phải thỏa sức tận hưởng. Vậy là tớ sẽ kể rất nhanh tất cả những gì tớ nhớ được cho dù có vấp váp hoặc nhầm lẫn đôi chút.


XIPIONG: Chí phải, chí phải! Anh bạn Becganxa ạ. Đêm nay đằng ấy hãy kể chuyện đời mình và những khổ nhục đằng ấy phải chịu đựng để chúng ta cùng đi đến cái nhìn hiện tại. Đêm mai, nếu chúng ta còn nói chuyện, tớ xin kể cho đằng ấy nghe chuyện đời mình. Bởi vì tốt hơn hết là hãy tiêu khiển thời giờ vào việc tự kể lại chuyện của chính mình hơn là đi tọc mạch vào đời tư người khác.


BECGANXA: Xipiong bạn hỡi, lúc nào tớ cũng coi đằng ấy là bạn và luôn tin tưởng đằng ấy và bây giờ hơn lúc nào khác, đằng ấy muốn kể về đời mình và muốn biết chuyện thầm kín của tớ. Đằng ấy là người cẩn trọng vì đằng ấy còn biết phân chia thời gian để chúng ta có thể tận dụng nó. Nhưng trước hết đằng ấy hãy cho mình biết có kẻ nào rình nghe chúng mình nói chuyện với nhau không đã.


XIPIONG: Theo như tớ nghĩ, ở đây không có ai đâu. Gần đây, tuy có một người lính đang xông, nhưng lúc này hắn ta đang muốn ngủ hơn là muốn nghe nói chuyện.


BECGANXA: Vậy thì để tớ có thể yên tâm mà nói thì đằng ấy hãy nghe đi. Nếu đằng ấy mệt hoặc chán những điều tớ nói thì đằng ấy cứ việc ra lệnh cho tớ im mồm nhé.


XIPIONG: Mời đằng ấy cứ việc nói cho tới sáng hoặc cho tới khi chúng mình bị người ta phát giác. Tớ sẽ nghe đằng ấy nói với tất cả niềm hứng khởi của mình. Tớ chỉ cắt ngang lời đằng ấy khi cảm thấy thật sự cần thiết.


BECGANXA: Tớ còn nhớ, hình như ngày đầu tiên tớ nhìn thấy mặt trời là những ngày tớ sống ở Sêvida, lúc ấy tớ ở trong lò mổ, cái lò mổ nằm ở ngoại ô thành phố. Đó là nơi cha mẹ tớ sống và làm việc. Có lẽ các cụ thuộc giống chó Alapo[6], được các ông tai to mặt lớn vẫn thường nuôi trong cái khung cảnh ồn ĩ nơi lò mổ. Người chủ đầu tiên nuôi tớ là một ông tên là Nicolaten Romo, một thanh niên béo khỏe, người tầm thước, hay cáu gắt như tất thảy những người làm nghề đồ tể. Cái ông Nicaolaten này dạy tớ cùng một số con chó khác để chúng lăn xả vào những con bò mộng, đớp và giữ chặt lấy tai chúng, bắt chúng làm tù binh của mình đem về cho chủ. Trong công việc này, tớ dễ dàng thành công bởi tớ dữ như một con diều hâu.


XIPIONG: Becganxa bạn hỡi, chuyện ấy có gì đáng phải khoe kia chứ, bởi vì đó là một việc tầm thường chẳng đòi hỏi ta phải mất nhiều công sức mới học được.


BECGANXA: Xipiong, người anh em thân mến, tớ sẽ nói gì với đằng ấy về những cảnh tượng tớ nhìn thấy cũng như những sự kiện lừng danh tớ được biết đã xảy ra ở lò mổ. Trước hết đằng ấy hãy cứ nghĩ rằng những người làm việc ở lò mổ, kể từ ông nhỏ đến ông lớn đều là những người có hiểu biết nhưng lại dã man, không hề sợ đức Vua cũng chẳng sợ pháp luật nhà Vua, đàn ông và đàn bà chung đụng với nhau không cần biết đến giấy giá thú. Bọn họ là một bầy chim ăn thịt. Họ duy trì cuộc sống của mình và của nhân tình bằng của cắp. Ngày nào súc vật cũng bị giết thịt. Trước khi trời rạng sáng, trước lò mổ đã đông nghịt bọn đàn bà và thiếu niên choai choai. Bọn họ mang theo những túi to, lúc đến thì rỗng không, lúc về đầy ắp những miếng thịt to. Những cô hầu gái mang bộ lòng gan và một nửa miếng thịt vai. Không có một con vật nào bị giết mà người ta không phải biếu xén những miếng thịt ngon nhất. Vì thời đó ở Sevida chưa có người cung ứng thịt nên mỗi người cứ việc đến tận lò mổ mà mua miếng thịt mình thích nhất, miếng tươi nhất, miếng ngon nhất hoặc miếng thịt rẻ tiền nhất. Các tay chủ lò mổ không khuyên đám dân chúng này đừng ăn cắp mà khuyên họ hãy chờ việc pha thịt và rửa thịt ngay tại chỗ. Những con vật bị giết thịt này bị làm lông, rồi bị pha ra thành từng miếng giống như chặt liễu và dây nho vậy. Nhưng không một chuyện nào khiến tớ thích thú và coi thường hơn là chuyện những tay đồ tể này thản nhiên giết người như giết con vật nuôi vậy. Chỉ c! ần một câu nói như "hãy vứt bỏ thứ rơm rác kia để ta đỡ nhức mắt" lập tức người ta thọc con dao bầu vào bụng một người, như thể chọc tiết một con bò mộng. Họa hoằn lắm mới có một ngày không đánh nhau, không có giết chóc nhau, không cãi nhau. Tất cả mọi người đều hăng tiết cấu xé lẫn nhau và trước cảnh tượng ấy ai cũng có cái nhìn bông đùa. Không một ai lại không có vệ sĩ đứng ở quảng trường Xang Phrangxico miệng nhai thịt vai và lưỡi bò cái. Sau rốt, tớ có nghe một người cẩn trọng nói rằng để chiếm được Sevida, Hoàng đế có ba bảo bối sau đây: con đường di sản, lò mổ và đường biển.


XIPIONG: Nếu cứ kể dài dòng về những hoàn cảnh của các ông chủ cũng như những khiếm khuyết trong nghề nghiệp của họ mà bạn được biết, Becganxa bạn thân mến ạ, tớ e rằng đến phải xin ông Xanh cho phép chúng ta nói chuyện hàng năm trời. Đồng thời tớ cũng ngại rằng nếu cứ theo tình điệu kể chuyện lúc này của đằng ấy thì đằng ấy không thể nào kể hết một nửa chuyện của mình. Do vậy, khi tớ kể cho đằng ấy nghe chuyện, tớ muốn mách đằng ấy một điều mà nhờ nó đằng ấy sẽ có kinh nghiệm kể chuyện. Điều ấy là thế này: trong các truyện có một số cốt truyện hấp dẫn, một số khác muốn hấp dẫn người đọc, người nghe phải nhờ đến cách thức kể chuyện. Nghĩa là tớ muốn nói rằng có một số truyện tuy không phải rào trước đón sau, phải sử dụng đến những lời hoa mỹ đã khiến ta thích thú rồi. Lại có những chuyện cần phải sử dụng những lời hoa mỹ tựa như ta mặc cho nó bộ quần áo từ ngữ sặc sỡ sắc màu và khi kể phải sử dụng điệu bộ của bàn tay hay nét mặt, phải thay đổi ngữ điệu cho thích hợp thì truyện mới đủ sức lôi cuốn và hấp dẫn người đọc, người nghe. Chính nhờ cái cách thức kể chuyện đó chúng ta mới có thể khiến cho những sự kiện rời rạc, nhạt nhẽo trở nên sâu sắc và thú vị. Mong rằng đằng ấy đừng quên điều tớ mách bảo và hãy tận dụng nó ngay những chuyện đằng ấy sắp kể.


BECGANXA: Tớ sẽ làm đúng như vậy nếu tớ đủ sức làm được. Tớ hy vọng mình cũng làm được như vậy vì cái khát vọng được nói thành lời đã cho tớ có ý định và quyết tâm làm bằng được điều đằng ấy mách bảo. Nhưng có lẽ tớ còn vụng về lắm và do đó sẽ không thể kể lưu loát ngay được đâu.


XIPIONG: Điều đó có lý do của nó. Đằng ấy hãy nhìn vào lưỡi mình vì hình như những thói tật của cuộc sống con người vẫn còn nằm nguyên trên lưỡi đằng ấy.


BECGANXA: Vậy tớ xin kể tiếp nhé. Chủ tớ dậy tớ mang một cái sọt ở ngay trước mõm và cách đề phòng kẻ khác muốn lấy cắp các thứ đựng trong cái sọt ấy. Ông ta còn dạy tớ làm quen với ngôi nhà cô nhân tình của ông ta. Thế rồi sau đó ông ta chỉ việc ngồi ở nhà cô nhân tình mà đợi thịt mang từ lò mổ về mà không bể mất một đồng xu nhỏ. Một ngày nọ, trong lúc trời vừa rạng sáng, tớ đã cẩn thận mang về cho ông ta một cái sọt đựng thịt ngon. Trong lúc đang đi tớ nghe thấy có tiếng ai gọi tên mình vọng ra từ một cửa sổ. Ngước mắt lên tớ nhìn thấy một cô gái đẹp đứng trên lầu cao. Tớ dừng lại. Cô gái từ trên lầu cao đi xuống cầu thang rồi bước ra cửa chính. Cô ta lại cất tiếng gọi tớ. Tớ thong thả bước lại gần để xem cô ta muốn gì. Cô ta liền lấy một miếng thịt đựng trong sọt và cô ta để vào đó một chiếc guốc cũ. Thế là tớ nói cho mình tớ nghe: "Thịt lại đi với thịt". Trong lúc lấy miếng thịt cô gái bảo tớ: "Gavilăng, mày hãy đi đi và hãy nói với chủ mày, cái anh chàng Nicolaten Romo ấy rằng chớ có nên tin vào bọn súc vật và mày hãy nói rằng ta chỉ lấy một cái lòng của con sói thôi. Đó tức là miếng thịt đựng trong sọt này". Lúc ấy tớ hoàn toàn có thể tước cái tớ bị tước, nhưng tớ không muốn làm vì nếu tớ cướp lại miếng thịt ắt hẳn cái mõm bẩn của tớ sẽ vấy bẩn đôi bàn tay sạch sẽ, trắng nõn của cô ấy.


XIPIONG: Hoan hô, đằng ấy hành động rất chí lý bởi sắc đẹp có quyền được người khác tôn trọng.


BECGANXA: Tớ đã làm như vậy. Tớ mang theo chiếc sọt không có thịt mà lại có chiếc guốc trở về với chủ mình. Hình như lão chủ thấy tớ trở về ngay, không thấy có thịt mà thấy chiếc guốc trong sọt lão nghĩ rằng tớ trêu chọc lão. Láo rút ngay một lưỡi kéo phóng về phía tớ. May mà tớ tránh kịp nếu không thì chẳng bao giờ đằng ấy được nghe tớ kể chuyện này và cả những chuyện khác mà tớ sẽ kể cho đằng ấy nghe. Tớ đứng dậy trên đất bụi, rồi bò bằng bốn chi theo con đường ở phía sau nhà thờ thánh Becnacdo. Tớ cứ đi trên những cánh đồng của Thượng đến mặc cho số phận dun dủi. Đêm ấy tớ ngủ ngoài trời và ngày hôm sau, may mắn làm sao, tớ đến đứng trước một bầy cừu. Tớ nhìn bầy gia súc và tớ tin rằng mình đã tìm thấy nơi dung thân ngay trong bầy gia súc này. Tớ cảm thấy rằng cái nghiệp trông nom đàn gia súc là của chính mình, chức nghiệp bảo vệ và che chở những kẻ yếu đuối và hèn kém trước những thế lực mạnh và hung hãn. Hầu như tớ chỉ mới đưa mắt nhìn một trong số ba người chăn cừu thì người đó đã gọi: "Tô! Tô!". Hiển nhiên người đó gọi tớ và ngay lập tức tớ cũng đến gần người ấy, lễ phép cúi đầu và ve vẩy cái đuôi tỏ vẻ mừng rỡ. Người đó đưa tay lên sờ lưng tớ, vạch mõm tớ, nhổ nước bọt vào mõm tớ rồi nhìn vào hai mắt tớ. Thế là người ấy đoán được tuổi của tớ và nói với những người chăn cừu kia rằng tớ có đủ các đặc điểm của một con chó nòi. Giữa lúc ấy ông chủ đàn gia súc cầm cây giáo và đeo gia huy cưỡi trên lưng một con ng�! �a cái có bộ lông màu hạt dẻ cũng vừa đến kịp. Nhìn ông ta trong tư thế ấy thì thấy ông giống người lính canh giữ bờ biển hơn là một tay chủ trại chăn nuôi. Ông ta hỏi người chăn cừu rằng: "Con chó này thế nào, nó có ngoan nết không?". Người chăn cừu bèn trả lời: "Thưa ông. Con đã xem kỹ và thấy rằng ở con chó này không có dấu hiệu nào chứng tỏ nó không phải là con chó không có triển vọng lớn. Bây giờ nó đến đây và con không biết rõ nó là của ai vì có điều con biết chắc rằng những đàn gia súc quanh đây không hề có con chó này" – "Đúng thế đấy – ông chủ nói – Hãy lấy chiếc vòng có ghi tên Leongxido của con chó vừa chết mà đeo vào cổ nó, hãy cho nó ăn uống tử tế như những con chó khác, hãy ve vuốt nó thường xuyên bởi vì người có quý con vật thì con vật mới ở cùng người, nghe chưa". Ông chủ nói xong liền phi ngựa đi. Người chăn cừu liền đeo lên cổ tớ chiếc vòng và đổ đầy thức ăn vào một cái đĩa đem cho tớ ăn. Rồi người ta đặt tên cho tớ là Bacxino. Tớ rất hài lòng với công việc mới, với ông chủ mới. Tớ chăm chỉ và cẩn thận trông nom đàn cừu, không hề rời chúng một nửa bước trừ những lúc tớ ngủ. Tớ thường nằm ngủ dưới bóng mát của lùm cây mọc bên bờ những con suối nhỏ. Những lúc thư thả như thế này tớ thường ôn lại những cảnh đời trước đây, đặc biệt là cảnh đời ở lò mổ, cảnh sống của tay chủ cũ và những người như hắn ta thường cột chặt đời mình những thích thú điên cuồng với các ả nhân tình. Ôi, bây giờ tới sẽ nói gì với đằng ấy về những việc tớ học được ở cái trường học đầu t! iên nơi! lò mổ nhỉ! Nhưng tớ sẽ phải giấu chúng đi kẻo đằng ấy lại bảo tớ hay dài dòng và hay chỉ trích.


XIPIONG: Vì tớ đã có dịp nghe một nhà thơ vĩ đại nói rằng thật khó lòng nếu không viết một bài thơ đả kích nên tớ khuyên đằng ấy chỉ nên đả kích một cách có trí tuệ, đừng nên đả kích một cách mù quáng mà gây nên đổ máu. Tức là tớ muốn nói rằng đằng ấy chỉ nên trần thuật các sự việc với màu sắc cụ thể, chớ nên rỉa rói và gây kích động để bất kỳ một ai đó phải đổ máu. Đó chính thực là một sự đả kích có hiệu lực và đằng ấy có thể gây cho rất nhiều người phải bật cười. Nếu đằng ấy bằng lòng với lối đả kích này, tớ tin rằng đằng ấy là một người thận trọng, rất có ý thức trách nhiệm.


BECGANXA: Tớ xin ghi nhận lời khuyên của đằng ấy và tớ tha thiết mong đợi giờ phút đằng ấy kể chuyện đời mình bởi đằng ấy vốn là người biết rõ và chỉ ra cho mình những khiếm khuyết trong nghệ thuật kể chuyện. Tớ tin rằng cùng một lúc tớ sẽ tiếp thu được bài học ý nghĩa và được giải trí khi nghe đằng ấy kể. Nhưng để tiếp tục câu chuyện của mình, tớ xin nói rằng trong những lúc nghỉ ngơi thanh thản ấy tớ nhận thấy rằng cái điều người ta nói về đời sống những người chăn cừu là không đúng sự thật. Chí ít ra là điều nói trong các sách mà người bạn gái lão chủ của tớ vẫn đọc khi tớ đến nhà bà ta. Đó là những cuốn sách nói về những người chăn cừu, đàn ông và đàn bà, suốt đời chỉ có ca hát và thổi sáo thổi tiêu, thổi tù và, cả những nhạc cụ kỳ lạ khác. Tớ dừng lại chăm chú nghe bà ta đọc và tớ biết rằng người chăn cừu ở Anphrixo có giọng hát du dương và trong sáng đã ngợi ca cô Belisada có một không hai. Anh ta hát không dứt lời suốt từ lúc mặt trời mọc trên đỉnh núi Aurora cho đến khi khuất bóng sau đỉnh núi Teti. Trong thời gian đó anh ta tha thẩn đi lại khắp cả vùng đồi Acdia đến mức không một thân cây nào anh ta không ngồi lên để mà ca hát. Không chỉ ca hát ban ngày mà ngay cả khi đêm với đôi cánh đen của nó đã phủ kín mặt đất, anh ta vẫn không ngừng ca những bài hát du dương và cả những lời rên rỉ tuyệt vời[7]. Bà ta mải mê đọc cuộc đời người chăn cừu Elixio, người chỉ biết yêu chứ không dám mạo hiểm[8]. Sách cũng nói rằng người chăn cừu Philida[9], họa sĩ duy nhất của bức chân dung của anh ta, từng là kẻ hợm hĩnh hơn là người được sống hạnh phúc. Về những thất vọng của Sireno và những nỗi niềm ân hận của Diana, sách nói rằng nhờ có Thượng đế và sự thông thái của Phelixia[10], người với dòng nước mát của mình đã giải được quan hệ r�! ��c rối giữa hai người và làm sáng tỏ những lực lượng bí hiểm đã cản trở hai người. Tớ nhớ mình đã nghe đọc rất nhiều sách từ thuở ấy nhưng tất thảy những cuốn sách nói về cuộc sống người chăn cừu đều không đáng để ta nhập tâm.


XIPIONG: Thấy chưa Becganxa, đằng ấy đã làm theo đúng lời khuyên của tớ rồi đấy. Đả kích, châm chọc rồi cho qua. Chỉ mong đằng ấy có một tư tưởng, tình cảm thật trong sáng thì dù cái lưỡi đằng ấy không thích như vậy, đằng ấy vẫn thành công trong lúc kể chuyện.


BECGANXA: Quả đúng thế, lưỡi ta sẽ không bao giờ vấp váp nếu ta có một tư tưởng chủ đề thật trong sáng và chín chắn trong khi kể chuyện. Nhưng nếu như có lúc nào đó tư tưởng chủ đề của tớ chựa thật chín muồi mà tớ đã lên tiếng đả kích và nếu có ai định chế nhạo tớ thì tớ sẽ trả lời họ bằng chính câu trả lời của Mauleong, nhà thơ ngụ ngôn và viện sĩ của Viện hàn lâm những kẻ bắt chước. Có một người hỏi ông ta Deumde Deo nghĩa là gì thì ông ta bảo: Của ai trả người ấy.


XIPIONG: Đó là câu trả lời của một thằng ngu. Đằng ấy nhớ cho là không bao giờ được nói điều gì mà ngay sau đó phải xin lỗi. Hãy tiếp tục câu chuyện đi.


BECGANXA: Những tư tưởng tớ từng đề cập tới cũng như nhiều suy nghĩ khác mà tớ chưa nói ra khiến tớ nhìn rõ giữa người chăn cừu tớ cùng chung sống với những người chăn cừu trong sách là hoàn toàn khác hẳn nhau. Bởi vì những người chăn cừu của tớ khi họ hát thì không phải là những bài hát du dương và được đặt lời trang nhã, mà là những lời này: "Con sói đến kìa, hãy bắt lấy nó, hỡi Hoanica!". Hoặc những câu hát tương tự khác. Những lời hát này không vang lên theo âm nhạc phát ra từ sáo từ tiêu, từ tù và mà chúng theo nhịp phách của hai chiếc gậy đuổi bò đập vào nhau và chúng cũng chẳng được hát với giọng trong trẻo, vang vọng, ngây ngất mà ngược lại với giọng ồm ồm mà khi chúng vang lên, dù đơn ca hay đồng ca. Chúng không phải là tiếng hát, trái lại, là tiếng gào thét hay gầm gừ. Những lúc rỗi rãi họ bắt chấy rận cho nhau hoặc sửa lại đôi giày da thô. Trong số họ, không có ai được gọi bằng những cái tên xinh đẹp và thơ mộng như Amatita, Philidat, Galatia, Diana[11]. Cũng chẳng một anh con trai nào có cái tên đẹp như Lisacdo, Lauxo, Haxinhto và Risoto. Tất cả bọn họ đều được gọi bằng những tên thông tục như Anton, Dominhgo, Bablo hoặc Dorente. Nhờ vốn sống thực tế ấy mà tớ hiểu rằng tất cả những gì tớ hằng suy nghĩ đều đáng để mọi người tin tưởng: những cuốn sách kia là những cuốn sách viết về những chuyện mơ mộng và được viết rất hay để mua vui cho đám người nhàn rỗi và nội dung của chúng chẳng chứa đựng một mảy may sự thật nào.


XIPIONG: Đủ rồi, Becganxa ạ. Đằng ấy hãy trở lại câu chuyện của mình đi và hãy tiếp tục đi.


BECGANXA: Đa tạ Xipiong, bạn thân mến ạ. Vì nếu đằng ấy không nhắc thì tớ cứ trơn miệng mà nói đến mức minh họa lại cho đằng ấy cả một cuốn sách thuộc số những cuốn sách đã lòe bịp. Nhưng tớ hy vọng rằng sắp tới sẽ kể rành rọt hơn, hấp dẫn hơn.


XIPIONG: Đằng ấy hãy nhận chân cho rõ những thiếu sót của mình và hãy mạnh dạn vứt bỏ thói văn hoa rườm rà. Nghĩa là tớ muốn nói rằng, Becganxa ạ, đằng ấy hãy nhận rằng: đằng ấy là một con vật thiếu lý trí và giờ đây nếu đằng ấy tỏ ra là một người có chút ít lý trí nào đó thì đó là sự việc kinh khủng và chưa từng thấy như hai chúng ta vừa mới thảo luận xong.


BECGANXA: Đúng như vậy, nếu như tớ còn ở trong tình trạng ngu dốt của mình. Nhưng giờ đây điều mà tớ định nói với đằng ấy ngay từ lúc đầu buổi nói chuyện này đã trở lại trong trí nhớ của tớ rồi. Tớ không chỉ hào hứng bởi việc tớ nói mà còn bởi cái điều tớ quên chưa nói.


XIPIONG: Vậy có phải lúc này đằng ấy không thể nói về cái điều vừa nhớ lại được sao?


BECGANXA: Đó là chuyện xảy ra giữa tớ và mụ già quyến rũ, học trò của bà phù thủy Gamacha de Mongtida.


XIPIONG: Thế thì bạn hãy kể ngay đi trước khi kể sang chuyện đời đằng ấy.


BECGANXA: Chuyện ấy tớ chưa kể bây giờ đâu. Dĩ nhiên phải kể đúng lúc. Đằng ấy hãy bình tĩnh nào và hãy nghe theo thứ tự những chuyện của đời tớ. Như vậy đằng ấy sẽ thú vị hơn, chả là vì chính đằng ấy đang muốn biết hoàn cảnh câu chuyện trước khi bước vào câu chuyện đó sao?


XIPIONG: Hãy nhớ là chỉ nên nói ngắn gọn và súc tích. Đằng ấy hãy kể điều đằng ấy muốn kể đi.


BECGANXA: Vậy là tớ mãn nguyện với công việc canh gác đàn gia súc vì hằng ngày tớ ăn miếng bánh do công sức và mồ hôi mình làm ra. Tớ cũng thấy rằng tớ hoàn toàn thoát khỏi sự đe dọa của cuộc sống "nhàn cư vi bất thiện", vì nếu như ban ngày là được thảnh thơi đôi chút thì về ban đêm tớ không ngủ vì thường xuyên phải chạy nhảy đuổi bắt bọn chó sói, kiểu như những người chăn cừu vừa hô: "Bacxino, chó sói, Bacxino" và thúc giục chó đuổi bắt sói thì tớ là anh chàng dẫn đầu đàn chó xông về phía người ta chỉ có bọ sói. Tớ chạy qua các vực thung lũng, leo lên những đỉnh đồi, xuyên qua các cánh rừng, nhảy qua các vực sâu, vượt qua các con đường để rồi sáng hôm sau trở về lòng buồn vì không bắt được sói và cũng chẳng thấy dấu vết chúng đâu mà chân vấp toác miệng. Lúc ấy chúng tớ cảm thấy mệt bã người và càng chán nản hơn khi nhìn thấy một con dê cái chết hay một chú cừu bị vật cổ, bị sói ăn dở dang. Tớ càng buồn hơn nữa khi thấy mọi công lao chuyên cần trông nom đàn gia súc của mình đều bị đổ xuống sông xuống biển hết. Ngày hôm sau, ông chủ liền đến, bọn chăn cừu chạy đến đón ông mang theo cả những chiếc da của con vật đã chết. Ông chủ mắng mỏ bọn chăn cừu ngu dốt để sói ăn thịt gia súc của mình và ra lệnh cho bọn chăn cừu trừng phạt bọn chó lười. Thế là đòn roi thi nhau rơi xuống người chúng tớ, còn những lời mắng nhiếc thậm tệ rơi xuống đầu bọn họ. Vì vậy, một ngày nọ, vì thấy mình bị đòn oan, vì thấy công lao của mình không đem lại kết quá, nên tớ ! quyết định thay đổi cách thức rình bắt bọn sói. Tớ không ở xa bầy gia súc như vẫn thường làm mà tớ ở ngay trong giữa đàn gia súc bởi tớ nghĩ rằng bọn sói sẽ đến tận đây vì đây mới là chỗ thuận lợi cho chúng bắt gia súc. Mỗi tuần chúng tớ phải thay nhau canh giữ đàn gia súc. Một đêm tớ đã có dịp tận mắt nhìn thấy bọn sói. Tớ nghĩ rằng bầy gia súc thấy sói lại nằm im là chuyện không thể có được. Thế nào chúng cũng be lên và hoảng hốt chạy khi nhìn thấy sói. Tớ nép mình ở phía sau một thân cây. Những con chó khác, bạn tớ chạy lên phía trước. Rồi từ gốc cây này tớ ngời rình và tớ thấy hai người chăn cừu đến bắt lấy một chú cừu béo nhất đàn, giết nó theo cách thức đặc biệt để sáng hôm sau khi người ta nhìn thấy xác cừu chết thì cứ đinh ninh tin rằng thủ phạm là bọn sói. Tớ đứng lặng người đau đớn khi thấy rằng những người chăn cừu lại chính là bọn sói và chính họ đã xả thịt con vật mà đáng lẽ họ phải có bổn phận trông nom chu đáo. Ngay sau đó, họ đi báo cho chủ biết có sói đến bắt cừu, trình cho chủ xem tận mắt tấm da con vật vừa bị giết và phần thịt còn lại. Còn bọn họ ăn phần thịt nhiều hơn và ngon nhất. Ông chủ lại mắng chửi bọn người chăn cừu, lại ra lệnh cho trừng phạt bọn chó chúng tớ. Làm gì có sói: chỉ có bọn người chăn cừu hèn nhát. Tớ muốn tố cáo điều đó nhưng tớ lại câm không nói được. Tất cả những sự kiện ấy khiến tớ vừa mừng vừa giận. "Lạy chúa, chúa hãy soi sáng con – tớ nghĩ thầm – Ai sẽ thấu cho cái tội lỗi này. Ai là người có sức mạnh để làm cho mọi người hiểu rằng! công vi! ệc bảo vệ đàn gia súc này bị tấn công ngay từ bên trong, rằng bọn người canh gác phải làm nhiệm vụ thì lại ngủ khì, rằng kẻ được tin cậy giao cho việc trông nom tài sản lại ăn cắp chính tài sản ấy, kẻ đi bảo vệ ngài lại giết chính ngài".


XIPIONG: Becganxa ạ, đằng ấy nói chí phải. Vì không một tên kẻ trộm nào nguy hiểm bằng chính thằng ở trong nhà. Chính vì thế mà những người thận trọng bị thất bại, trong khi đó những kẻ phổi bò thường xuyên bị thất bại đấy. Nhưng cái đau khổ của con người ở chỗ nó phải tin và tự tin, nếu không thì làm sao nó sống được trên thế gian này. Nhưng thôi, đằng ấy hãy dừng lại ở đây kẻo tớ không muốn chúng ta trở thành những kẻ hay đả kích. Nào, đằng ấy tiếp tục đi.


BECGANXA: Tớ xin kể tiếp. Tớ bèn quyết định bỏ nghề, mặc dù tớ vẫn tiếc vì quả thật nó không đến nỗi tồi lắm. Tớ tìm một nghề khác dù không được trả công nhưng cũng không bị đánh đập. Tớ trở lại thành phố Sevida, vào làm cho một nhà buôn rất giàu có.


XIPIONG: Đằng ấy làm thế nào tìm được chủ mới? Vì theo như lệ thường, ngày nay, việc tìm được ông chủ tốt để phục vụ thật là khó khăn. Các ông chủ khác nhau lắm, mỗi ngài một tính một nết. Có những ông chủ hoạnh họe đủ điều, trước tiên đòi xem có phải là con nhà dòng giống không, rồi xem mặt mũi và dáng vẻ, rồi đòi kiểm tra xem có thông minh lanh lợi không, có người còn đòi kiểm tra cả quần áo ta mặc. Để được vào hầu các ngài ấy còn khó hơn cả việc đi hầu Thượng đế, vì để vào hầu Thượng đế thì ai nghèo sẽ được Ngài coi là kẻ giàu có nhất, ai có địa vị hèn mọn trong xã hội thì được Ngài coi là kẻ có phẩm giá nhất. Vào hầu Thượng đế, chỉ cần có trái tim trong sạch, thề tận tình phục vụ Ngài thì sẽ được Ngài nhận và sai ghi tên mình vào sổ lưu, chỉ cho mình biết số lương mình được hưởng mà số lương này dù có lớn đến đâu đi nữa cũng chỉ đủ thỏa mãn những nhu cầu của mình thôi.


BECGANXA: Xipiong ạ, tất cả những điều đó đã được mọi người biết tỏng rồi.


XIPIONG: Tớ cũng nghĩ như thế đấy, Thôi, tớ xin ngừng lời để đằng ấy kể chuyện vậy.

BECGANXA: Để trả lời câu hỏi của đằng ấy "làm thế nào tìm được chủ mới", tớ xin nói thế này: như đằng ấy biết, đức khiêm tốn là cơ sở và lá cốt lõi của mọi đạo đức tốt và nếu không có nó thì không thể thành người được. Đức tính khiêm tốn sẽ giải hòa mọi bất đồng, sẽ chiến thắng mọi khó khăn và sẽ dẫn dắt chúng ta đi tới vinh quang. Tính khiêm tốn biến kẻ thù thành bạn hữu, làm nguội đi cơn tức khí của kẻ đang giận dữ và làm cho kẻ kiêu ngạo bớt thói khoe khoang khoác lác. Khiêm tốn là mẹ đẻ của đức tính biết nhường nhịn và là chị em của đức tính hiền hòa. Tóm lại, nếu có đức tính khiêm tốn ở trong mình thì mọi thói xấu sẽ không thể giở trò gì được, cho dù chúng có điều kiện tốt để hành động, bởi những mũi tên tội ác của nó đều bị bẻ gãy hoặc mài cùn mũi nhọn. Tớ biết cách sử dụng đức tính khiêm tốn trong việc đi tìm kiếm ông chủ mới. Trước hết tớ quan sát và nhận định thật tỉnh táo xem cái nhà tớ định vào kia có đủ sức nuôi tớ không và có chỗ ở cho một con chó lớn như tớ không. Sau đó tớ mon men đến bên cửa ra vào và khi có người lạ bước vào nhà, tớ phải đoán xem có đúng là người lạ không, và lên tiếng sủa. Khi nhìn thấy ông chủ đi đến lập tức tớ cúi đầu, ve vẩy cái đuôi rồi tớ đến gần ngài và thè lưỡi liếm giày cho ngài. Nếu người ta lấy gậy đánh tớ thì tớ nai lưng ra chịu đòn và sau đó vẫn điềm đạm hòa nhã nựng kẻ đã nên tớ. Vì tớ biết không một ai nhẫn tâm lại một lần nữa nhìn tớ chịu đòn và nhìn tớ nự! ng dù mới bị đánh xong. Chính bằng cách này, sau hai lần chịu đòn dũng cảm, tớ được ở lại nhà này. Tớ phục dịch họ chu đáo, họ cũng quý mến tớ không một ai đuổi tớ nếu tớ không từ biệt họ, hay đúng hơn, tớ không bỏ nhà để lại ra đi một lần nữa. Có lẽ tớ đã tìm được chủ nếu như vận rủi không đeo đuổi mình.


XIPIONG: Theo cái cách thức đằng ấy vừa kể, tớ cũng đã tìm kiếm các ông chủ của mình và tớ có cảm tưởng hình như họ đọc được tâm tư chúng mình thì phải.


BECGANXA: Nếu tớ không nhầm thì chúng ta đồng quan điểm trong vấn đề này. Về vấn đề này tớ sẽ nói với đằng ấy vào lúc thích hợp như tớ đã hứa. Bây giờ mời đằng ấy nghe điều xảy ra với tớ sau khi bỏ đàn gia súc để ra đi. Tớ trở lại Sevida. Như tớ đã nói, Sevida là nơi dung thân của những người nghèo và nơi ẩn nấp của những người bị ruồng bỏ. Sevida không chỉ dung nạp những người nghèo khổ, nó cũng không vồ vập đón tiếp những ông tai to mặt lớn. Tớ mon men đến cửa ngôi nhà lớn của một thương gia. Tớ làm như đã nói và chẳng bao lâu tớ được dung nạp ngay. Người ta thu dụng tớ, ban ngày xích tớ lại một chỗ, ban đêm thả tớ ra. Tớ chăm chỉ và nhanh nhẹn phục vụ chủ nhà. Tớ sủa bọn người lạ mặt và gầm gừ đối với bọn người ít quen biết. Về ban đêm, tớ không ngủ mà đi lại lùng sục khắp các xó xỉnh từ ngoài vườn đến các hành lang. Tớ không chỉ trông coi nhà chủ mà còn trông coi luôn thể các nhà hàng xóm. Ông chủ rất hài lòng trước việc tớ làm và ra lệnh đối xử tốt với tớ, cho tớ bánh mì và những khúc xương ném từ bàn ăn của ông xuống chỗ tớ và tớ bày tỏ lòng biết ơn rất nồng nhiệt khi nhìn thấy chủ, nhất là khi thấy ông từ xa, tớ uốn éo nhãy cẫng lên mừng rỡ đón ông. Vì thấy tớ biết thể hiện niềm vui sướng trước mình, ông chủ liền ra lệnh thả tớ ra để tớ được tự do đi lại cả ngày lẫn đêm. Vì thấy được tự do, tớ liền chạy đến bên ông, lượn vòng bên ông mà không dám liến mõm lên tay ông vì lúc ấy tớ nhớ tới câu chuyện ngụ ngôn củ! a Edop nói rằng khi con lừa ngu ngốc bắt chước con chó cưng của chủ liếm tay chủ, liền bị chủ ra lệnh cho tay chân nện cho một trận nên thân. Tớ có cảm tưởng rằng câu chuyện ngụ ngôn này muốn dạy cho chúng ta cần phải biết xử sự đúng lúc và đúng chỗ, không nên làm bừa theo mốt những người khác và mang vạ vào thân. Ví như một người lùn thích hợp với việc đóng vai hề, làm một ông phỏng, chơi trò kéo tay hoặc bắt chước tiếng chim hót hay các cử chỉ khác nhau của con vật và của con người. Anh ta chỉ nên làm những việc ấy, anh ta sẽ trở nên nổi danh và được công chúng tin tưởng, bằng không, nếu anh ta lại đi sắm vai một ông lớn trong xã hội loài người thì anh ta sẽ thất bại.


XIPIONG: Đủ rồi, Becganxa ạ. Đằng ấy cứ như thể mà nói vì đằng ấy đã nắm được kỹ thuật kể chuyện rồi đấy.


BECGANXA: Có lẽ vì đằng ấy hiểu tớ nên những người kia cũng hiểu điều tớ nói. Tớ cũng chẳng biết mình có đức tính gì quý không, nhưng mà tớ cảm thấy thật là khó hiểu khi tớ thấy một công tử đóng vai hề. Hình như ông ta biết làm xiếc và không một ai lại có thể uốn éo múa điệu dân vũ Chacona[12] khéo như ông ta. Tớ quen một công tử được mọi người ca ngợi lắm. Theo lời cầu khẩn của một gã thầy tu, công tử đã cắt thảm đen phủ lên một nấm mồ. Làm ra vẻ quan trọng, công tử mang những miếng giấy bị cắt này đến cho các bạn mình xem và các bạn công tử thấy chúng giống như những lá cờ và cảnh cướp phá của quân địch được phủ lên mổ mả ông cha công tử.
Vậy là tớ xin tiếp tục câu chuyện nhé. Thương nhân này có hai người con trai: một đứa lên mười hai, đứa kia khoảng mười bốn, cả hai cùng đi học chữ ở trường tiểu học Giêsu. Hai cậu này học rất oai: có gia sư, có tiểu đồng đi theo mang hầu sách vở và cả cái gọi là vademecum[13]. Cứ nom họ đi học với vẻ đài các phong lưu: đi cáng khi trời nắng, đi xe khi trời mưa, tớ lại càng khâm phục và đánh giá cao cái cung cách giản dị mà người cha sử dụng m! ỗi khi ông ta ra chợ để buôn bán. Người cha khi ra đi chỉ mang theo một thằng hầu người da đen và đi trên chiếc xe xoàng xĩnh.


XIPIONG: Becganxa ạ, đằng ấy nên nhớ rằng việc khoe của và thế lực của ở những người con chứ không phải ở chính bản thân mình, đó là tập quán của các nhà buôn thành Sevida và có lẽ ở cả các thành phố khác. Bởi vì các nhà buôn chỉ thật sự hùng mạnh ở cái bóng của mình chứ không phải ở ngay chính bản thân mình. Vì lẽ đó, họ thường đối xử với nhau một cách khiêm nhường, còn tâm sức họ lại giành để chăm nom các việc khác. Vì biết chắc rằng họ sẽ mất mạng ngay tức khắc nếu họ để lộ lòng tham và của cải của mình, họ chăm chút con cái, họ còn cho con cái ăn diện cứ như thể còn lo chạy cho con mình một số tước hiệu và một số phù hiệu để chưng lên ngực, khiến cho họ khác hẳn với con thứ dân và giống y hệt con cái nhà quyền thế.


BECGANXA: Đó chính là lòng tham nhưng là lòng tham cao thượng. Vì với thứ lòng tham này, bọn họ hành động cốt để địa vị xã hội của họ ngày một cao sang hơn mà không phương hại đến người khác.


XIPIONG: Đằng ấy nên biết rằng hãn hữu lắm hoặc chẳng bao giờ họ thực hiện mục đích của mình mà lại không làm hại người khác.


BECGANXA: Chúng mình đã thỏa thuận với nhau rằng chúng mình không làm cái việc đi đả kích người khác kia mà.


XIPIONG: Đúng thế, nhưng tớ có đả kích ai đâu.


BECGANXA: Bây giờ tớ khẳng định điều tớ nhiều lần đã nói. Một tên nói xấu tồi tệ vừa làm thiệt mạng mười người có dòng giống quý phái và nói xấu hai mươi người tốt. Ấy thế mà có ai chửi bới về cái việc y vừa nói một điều tệ hại làm ảnh hưởng xấu đến người khác thì ngay lập tức y sẽ chối là y không hề nói gì và nếu người ta có nói gì thì y im lặng. Quả có thế, Xipiong ạ, kẻ nào muốn kéo dài cuộc nói chuyện trong hai giờ đồng hồ mà không động chạm tới việc đả kích hay nói xấu người khác thì hẳn anh ta phải là người biết nhiều và thận trọng lắm đấy. Bởi vì cứ xem như tớ đây, vốn là con vật, khi tớ nói với tất cả lý lẽ của mình thì ngôn từ của tớ toàn là những lời đả kích ào đến lưỡi mình như thể muỗi sa xuống rượu. Vì thế tớ nói rằng chúng ta thừa kế những lời đả kích và cả những việc làm tồi tệ của cha ông chúng ta mà chúng ta uống phải chúng từ ngay trong sữa mẹ. Này nhé, đằng ấy cứ để ý kỹ mà xem: khi một đứa trẻ con được cuốn tã lót rút cánh tay ra khỏi chiếc tã thì nó giơ lên với ý định trả thù một ai rồi. Và khi nó nói từ đầu tiên trong lúc tập nói là từ con đĩ thì nó đã dùng từ này để gọi mẹ nó hay gọi bà vú em của nó.


XIPIONG: Đúng thế đấy, anh bạn ạ. Tớ thú nhận rằng tớ cũng phạm nhiều khuyết điểm và tớ thành tâm mong rằng đằng ấy tha lỗi cho tớ, như tớ đã nhiều lần tha lỗi cho đằng ấy. Chúng ta hãy cùng nhau thề độc từ đây trở đi chúng ta sẽ không đả kích, không dùng lời lẽ cay độc nữa. Bây giờ xin đằng ấy cứ tiếp tục câu chuyện của mình đi. Hình như đằng ấy đang kể đến chuyện bọn con trai nhà buôn nọ đi học ở trường Giêsu rồi.


BECGANXA: Khi đề cập tới bất kỳ chuyện gì tớ đều nhắc nhở mình rằng không được đả kích người khác. Nhưng việc này đối với tờ khó lòng mà làm được. Bởi thế tớ nghĩ rằng mình phải học tập cách làm của một gã hay thề thốt. Anh này vốn là người hay ân hận và cứ mỗi bận phạm vào một khuyết điểm nào đó, anh ta liền thề, anh ta tự véo vào bắp tay rõ đau, miệng hôn xuống đất để thề rằng sẽ không vấp phải khuyết điểm ấy nữa. Tớ cũng vậy, cứ mỗi lần tớ đả kích ai thì tớ chợt nhớ ra là mình phạm vào điều tự thề thốt, thế là tớ cắn vào đầu lưỡi để nhắc nhở bản thân sẽ không được vi phạm vào lời thề thốt nữa.


XIPIONG: Đó chính là biện pháp hữu hiệu. Đằng ấy mà áp dụng biện pháp này thì tớ mong rằng đằng ấy sẽ cắn đầu lưỡi mình nhiều lần đến mức cụt mất lưỡi. Do vậy đằng ấy sẽ không thể đả kích được nữa.


BECGANXA: Nếu không đến cái mức ấy thì chí ít tớ cũng biết tránh xa thói xấu và ông trời cũng sẽ thổi bay những tội lỗi của tớ. Bây giờ tớ xin kể tiếp câu chuyện của mình. Có một ngày hai cậu con trai ông chủ tớ bỏ quên cặp sách ở ngoài sân. Vì hồi ở lò mổ ấy tay chủ cũ dạy tớ cách mang sọt đựng thịt, tớ liền cắp cái cặp được mệnh danh là vademecam và tớ đi sau họ với ý định sẽ không buông ra chừng nào chưa đến trường học. Sự kiện này diễn ra y như tớ mong đợi: các cậu chủ thấy tớ miệng cắp cặp sách liền sai một tiểu đồng đến giằng lấy nhưng tớ không chịu buông ra. Mõm tớ cứ ghì chắc lấy quai chiếc cặp sách cho tới khi tớ bước vào lớp học cùng với họ. Bọn học trò thấy vậy cười rộ lên. Cậu lớn đến bên tớ và thế là tớ lễ phép đặt cái cặp sách vào tay cậu, sau đó tớ lui ra phía cửa lớp, ngồi chống hai chân châm chú nhìn thầy giáo đứng trên bục giảng bài. Tớ không hiểu giáo dục có sức mạnh gì mà chỉ với việc được gần gũi nó ít nhiều tớ đã thích thú tình yêu thương, thích thú mục đích cuộc đời, và những biện pháp mà những người cha và các thầy giáo dạy cho bọn trẻ nhỏ để chúng như cây non sẽ vươn thẳng mà đón lấy ánh sáng của đạo đức chứ không bị cong queo khi chúng đi theo con đường vô đạo đức. Tớ thích thú ngắm nhìn các thầy giáo nhẹ nhàng trách cứ chúng, có lúc trừng phạt chúng. Nhưng thường thường các thầy lấy gương tốt mà khuyến khích chúng, lấy phần thưởng mà cổ vũ chúng, lấy lẽ phải mà khuyên bảo chúng rồi cuối cùng các thầ! y vẽ ra cho chúng thấy cái xấu, thấy tội lỗi là đáng sợ, nhưng đồng thời các thầy cũng vạch ra cái đẹp, cái cao thượng của đạo đức để chúng noi theo nhằm một phần rửa sạch thói hư tật xấu, một phần giúp chúng yêu quý đạo đức để trở thành những người có giáo dục.


XIPIONG: Becganxa ạ, đằng ấy nói chí lý lắm. Tớ nghe nói về đám người quý hóa này và tớ thấy không mấy ai trên thế gian này bì kịp họ về mặt cẩn thận và không mấy người trong số những người dẫn đường, hoặc chỉ lối con đường lên thiên đường sánh kịp họ. Các thầy giáo này quả thật là tấm gương để ta thấy phẩm giá con người, để ta thấy đức tính cẩn trọng có một không hai và cuối cùng để ta thấy đức tính khiêm tốn sâu sắc. Những đức tính đó là nền tảng để xây dựng vững chãi tòa nhà hạnh phúc của đời mình.


BECGANXA: Đúng như đằng ấy nói. Và để tiếp tục câu chuyện của tớ, tớ xin kể, các cậu chủ rất thích ngày nào tớ cũng mang vedemecum cho họ. Tớ rất sẵn lòng làm việc đó. Với công việc này, tớ sống rất đế vương và còn hơn thế là đằng khác, bởi vì đó là cuộc sống khá là nhàn hạ nhờ bọn học trò thường xuyên thích trêu chọc và đùa nghịch với tớ. Tớ để cho họ thọc tay vào mõm tớ, để cho những đứa nhóc con hơn trèo lên lưng tớ. Khi chúng đánh rơi mũ, tớ nhặt đưa tận tay chúng với tất cả niềm vui thích. Bọn họ cho tớ ăn thả sức. Bọn họ thích thú nhìn ngắm tớ khi họ ném cho tớ những hạt quả óc chó hoặc quả phỉ thì tớ như con khỉ đập vỡ sọ ra, bỏ vỏ ăn cùi. Điều đó giống như một bằng chứng chứng thực cho con người thông minh hoạt bát của tớ, nên họ mang cho tớ rất nhiều dưa góp đựng trong một chiếc khăn và tớ ăn món dưa góp như người ăn vậy. Tóm lại, tớ sống cuộc sống của một học trò không đói, không ghẻ lở, có thể nói rằng đó là cuộc đời hạnh phúc. Cuộc đời học trò mà không đói, không ghẻ lở thì đó là cuộc đời sướng như tiên bởi vì trong cuộc sống ấy có cả hai thứ cùng song hành: đạo đức và sở thích. Chàng trẻ tuổi cứ việc học hành và chơi nhởi cô tư lự. Nhưng rồi người ta cũng cướp đi cuộc sống vinh quang và thanh nhàn ấy của tớ. Các thầy cô giáo thấy rằng nửa giờ nghỉ giải lao, bọn học trò không ôn bài mà lại đi nô đùa với tớ nên đã ra lệnh cho cậu chủ của tớ từ hôm sau trở đi không được mang tớ đến lớp nữa. Các cậu chủ nghe l! ời thầy để tớ ở nhà và lại giao tớ gác cửa. Nhưng người ta lại không thả rong cho tớ được tự do cả ngày lần đêm mà lại xích cổ tớ, đồng thời cho tớ nằm trên manh chiếu đặt sau cánh cửa. Ôi, Xipiong thân mến, đằng ấy có biết từ cuộc đời tự do bay nhảy chuyển sang cuộc đời tù túng thì khổ biết nhường nào không? Này nhé, khi một người quen sống trong túng thiếu và đau khổ mãi sẽ làm quen với túng thiếu và đau khổ hoặc liều chết quách đi cho rồi, đó là một nhẽ. Nhưng đang sống trong thiếu thốn và khổ đau, bỗng nhiên người ấy được sống trong no đủ, trong hạnh phúc và vui thú để rồi sau đó lại rơi tõm xuống cảnh sống bần hàn, bất hạnh thì đó là một nỗi đau nhức nhối mà nếu chưa chết luôn thì chẳng qua họ còn bị trời đầy đọa cho đau khổ hơn nữa mà thôi. Tớ lại trở về với khẩu phần ăn của một con chó, trở về với những khúc xương do cô da đen ném cho, nhưng ngay cả những khúc xương cũng bị những con mèo, vốn nhanh nhẹn lại không bị xích cướp mất nếu như cái xương ấy không rơi trong tầm tay tớ. Xipiong thân mến, hãy để cho tớ được triết lý nhé, nếu như lúc này mà không triết lý về những sự kiện từng xảy ra với tớ đang trở lại tươi mới trong ký ức thì tớ thấy rằng câu chuyện do tớ kể lúc này sẽ không được hoàn chỉnh và nó cũng chẳng phải là kết quả của một quá trình tìm tòi và suy nghĩ.


XIPIONG: Becganxa ạ, tớ xin nhắc lại đằng ấy là thế này, cái sở thích được triết lý ấy vừa trở lại với đằng ấy liệu có phải là ý định của quỷ dữ không đấy? Bởi vì sự công kích không có thứ vải nào thật tốt để che đậy tâm địa xấu xa đâu. Một người công kích phải hiểu rằng tất cả những điều y nói ra đều là những tư tưởng vĩ đại của nhà hiền triết và hiểu rằng việc nói xấu tức là chửi bới thiên hạ, việc phát hiện những thiếu sót của kẻ khác là một việc làm cao thượng và không có cuộc đời của bất cứ một người đả kích nào lại không đầy rẫy những thói hư tật xấu. Nếu như đằng ấy đã hiểu điều ấy rồi thì xin cứ thả sức mà triết lý.


BECGANXA: Xipiong ạ, đằng ấy đã có thể tin rằng tớ còn đả kích mạnh hơn nữa vì tớ đã có ý định ấy rồi. Vì cả ngày nhàn rỗi, và như đằng ấy biết, khi nhàn rỗi thường hay suy nghĩ vẩn vơ, nên tớ liền điểm duyệt lại trong ký ức mình một số câu La tinh học lỏm được khi tớ đến trường cùng với các cậu chủ, lập tức tớ thấy đầu óc mình sáng láng ra nhiều và tớ quyết định sẽ sử dụng chúng vào những dịp cần thiết, nhưng không phải như những kẻ dốt nát mà hay sính chữ. Có một số nhà thơ trong lúc nói chuyện xổ ra những câu La tinh ngắn và khó hiểu khiến cho những ai không biết tiếng La tinh liền nghĩ họ là những nhà thông thái lắm, nhưng thật ra họ không biết phát âm chuẩn một danh từ, cũng như không biết chia một động từ.


XIPIONG: Tớ còn biết trong số những người thật sự biết tiếng La tinh có những kẻ thiếu thận trọng, đến mức trước mặt bác thợ giày và bác phó cạo, họ cứ thao thao bất tuyệt xổ ra hàng tràng tiếng La tinh.


BECGANXA: Vì thế chúng ta cùng đi đến kết luận này, kẻ nói tiếng La tinh trước mặt người không biết nó cũng đáng khinh như kẻ nói La tinh mà không hiểu gì cả.


XIPIONG: Nhưng cũng còn một điều cần lưu ý đằng ấy, có những người không thích nói tiếng La tinh nên đã bị coi là người ngu xuẩn đấy.


BECGANXA: Đúng thế đấy. Không ai có thể nghi ngờ điều ấy được. Bởi vì trong thời thống trị của người La Mã, ai cũng nói tiếng La tinh như tiếng mẹ đẻ của mình. Trong số họ có những người đần độn không nói được tiếng La tinh nên bị coi là người ngu si.


XIPIONG: Vậy thì Becganxa ạ, cần phải thận trọng khi dùng tiếng La tinh trong lúc nói tiếng Tây Ban Nha và trong cả khi nói tiếng La tinh.


BECGANXA: Quả nhiên là như vậy vì rất có thể nói những điều lẩn thẩn trong tiếng La tinh cũng như trong tiếng Tây Ban Nha. Tớ từng thấy những ông cử văn chương ngớ ngẩn, những nhà ngữ pháp lẩn thẩn, những nhà văn viết tiếng Tây Ban Nha chúng ta đã lạm dụng tiếng La tinh trong lời văn của mình khiến cho cả thiên hạ nổi giận, không chỉ một lần mà nhiều lần rồi.


XIPIONG: Thôi, chúng ta hãy dừng lại ở đây và đằng ấy hãy bắt đầu triết lý đi.


BECGANXA: Tớ nói rồi. Những lời triết lý ấy tớ vừa nói xong mà.


XIPIONG: Đằng ấy nói gì nhỉ?


BECGANXA: Chính là thói rởm đời của những người nói tiếng La tinh và những người nói tiếng Tây Ban Nha. Cái thói rởm đời ấy đã được tớ gợi ra và đằng ấy kết luận.


XIPIONG: Đằng ấy gọi cái việc đả kích là triết lý sao. Becganxa ạ, đằng ấy đã tán thành cái mặt tồi tệ của việc đả kích và đã gọi nó bằng một cái tên mà đằng ấy thích. Tớ nghĩ rằng chính cái tên do đằng ấy đặt ra này sẽ có ngày nó hại chúng ta vì người ta sẽ gọi chúng ta là những kẻ đê hèn, cũng có nghĩa là những con chó độc miệng hay chỉ trích. Hãy coi trọng cái mạng sống của mình mà câm mồm đi thì hơn, Becganxa ạ và xin đằng ấy hãy kể tiếp đi.


BECGANXA: Tớ phải bắt đầu kể tiếp như thế nào đây?


XIPIONG: Nghĩa là tớ muốn đằng ấy kể ngay vào câu chuyện, chứ không nên triết lý lòng thòng.


BECGANXA: Được rồi, tớ sẽ kể như đằng ấy muốn.


XIPIONG: Cái lối nói năng lòng thòng dây cà ra dây muốn ấy là khuyết tật của kẻ nói rằng việc gọi tên các sự vật bằng chính tên của nó không có gì là thô thiển và xấu xa cả. Anh ta nghĩ ngoài cái cách ấy ra không còn cách nào khác. Nhưng anh ta không biết rằng vì để gọi đúng tên sự vật, nhiều khi phải nói quanh co, vòng vèo và chính cái việc này khiến lỗ tai khó chịu khi phải nghe. Lời nói hay bao giờ cũng thể hiện tư chất cao thượng của kẻ nói và viết nó.


BECGANXA: Đằng ấy nói đúng và tớ tin đằng ấy. Tớ xin tiếp tục câu chuyện. Tớ không bằng lòng trước việc người ta không cho tớ đến trường học và cướp đi của tớ cuộc sống vui tươi và phong phú trong những ngày theo các cậu chủ đến trường. Và để đổi cuộc sống tự do của học trò lấy cuộc sống nghèo hèn của người đàn bà da đen, tớ buộc phải sống yên ổn và nhàn tản trong một khuôn khổ nhất định mà sợi dây xích cho phép. Cũng như tớ, Xipiong ạ, đằng ấy nên sáng suốt mà nhận ra cho rõ chân lỳ này: vận rủi ro bao giờ cũng theo đuổi kẻ bất hạnh đến cùng cho dù y chạy tới tận cùng trời cuối đất. Tớ nói điều đó là vì người đàn bà da đen phải lòng một thanh niên da đen, người cũng làm đầy tớ cho gia đình này. Anh thanh niên da đen được phép nằm ngủ ở ngoài phòng khách, ngay sau cửa ra vào. Giữa phòng đợi và phòng khách còn có một hành lang. Cô gái da đen phải ngủ trong phòng xép trên tầng gác. Vì thế hai người này chỉ có thể gặp nhau vào ban đêm mà thôi. Và để gặp được nhau, bọn họ phải ăn cắp hoặc làm chìa khóa cửa giả. Đêm đến, cô da đen lén xuống cầu thang, quẳng cho tớ miếng thịt hoặc mẩu bô để bịt miệng tớ lại. Sau đó cô ta mở cửa cho anh thanh niên da đen đợi sẵn. Tớ lặng im tạo điều kiện cho họ gặp gỡ nhau và lấy đi rất nhiều thứ của chủ nhà. Mấy ngày đầu, quà biếu của cô da đen đã nuốt chửng lương tri của tớ và tớ cảm thấy rằng nếu không có quà biếu của cô da đen thì bụng tớ lép kẹp. Và từ con chó săn linh lợi hoạt bát tớ trở thành con chó béo nùn! g nục mà chẳng được tích sự gì. Nhưng, cũng may mà tớ là một kẻ có tư chất đứng đắn, tớ vẫn muốn làm hết phận sự của mình đối với chủ vì chính ông ta là người cho tớ chỗ ngủ, cho tớ miếng bánh ăn hàng ngày. Tớ muốn làm điều đó như tất cả những con chó ngoan nết, những con chó được mệnh danh là những kẻ biết hàm ơn và cả những con chó ăn cơm chủ phải phục vụ chủ.


XIPIONG: Đúng thế đấy, Becganxa ạ. Tớ muốn đằng ấy cũng học triết học đi, vì từ môn khoa học này ta biết được những lẽ phải nằm ngay trong sự thật khách quan và cả trong sự hiểu biết chính xác. Đằng ấy cứ tiếp tục câu chuyện của mình đi.


BECGANXA: Trước tiên tớ muốn đằng ấy hãy giải thích cho tớ biết triết học là gì, nếu đằng ấy hiểu. Mặc dù tớ gọi ra cái danh từ này nhưng thật ra tớ không hiểu và tớ chỉ lờ mờ cảm thấy đó là một cái gì rất quý giá.


XIPIONG: Được rồi. Tớ xin giải thích thật ngắn gọn nhé. Danh từ này được ghép bởi hai từ Hy lạp, filoa có nghĩa là tình yêu và sofia có nghĩa là khoa học. Vậy thì filosofia có nghĩa là tình yêu khoa học và filosofo có nghĩa là người yêu khoa học.


BECGANXA: Ôi, Xipiong, đằng ấy thông thái quá. Quỷ sứ nào dạy đằng ấy những điều lý thú ấy?


XIPIONG: Becganxa ạ, quả thật đằng ấy ngây thơ quá đấy. Chuyện giản đơn này bọn học trò cũng biết và hơn nữa còn có những kẻ làm ra vẻ ta đây biết tiếng Hy Lạp mà thật ra không biết gì, cũng như những kẻ làm ra vẻ ta đây biết tiếng La tinh mà thật ra chẳng biết gì, bọn họ cũng biết ý nghĩa của từ triết học.


BECGANXA: Đó chính là điều tớ nói và tớ muốn tất cả bọn người ấy đều phải bị đưa lên cối ép, ép cho thật mạnh để vắt ra điều chúng biết. Nếu không làm như vậy e rằng chúng vẫn dùng bộ quần áo lộng lẫy, tức là cái thứ tiếng Hy Lạp và La tinh giả vờ ấy, để lòe bịp thiên hạ, như những người Bồ Đào Nha vẫn đang lòe bịp những người da đen ở Ghine.


XIPIONG: Becganxa ạ, bây giờ thì đằng ấy có thể phải uốn lưỡi nhiều lần và tớ cũng có thể đả kích. Bởi vì cho đến lúc này tất cả những điều chúng ta trao đổi với nhau đều là những lời đả kích.


BECGANXA: Quả vậy, tớ không buộc mình phải làm cái việc một người tên là Coronda, người Tirio đã làm. Tớ nghe người ta nói rằng, ông này đặt ra luật không một ai được mang theo vũ khí vào tòa thị chính của thành phố, nếu ai không tuân theo lệnh này sẽ bị mất mạng. Một ngày nọ, chính ông ta quên mất điều luật do mình ban bố nên đã đeo kiếm bước vào tòa thị chính. Người ta liền nhắc nhở ông bằng cách đọc lại và dùng chính thanh kiếm ấy chém vào ngực ông ta. Như vậy Coronda là người đầu tiên đặt ra luật và vi phạm luật và cũng là người đầu tiên phải chịu hình phạt. Điều tớ nói không phải là tớ đặt ra luật mà là để hứa rằng khi nào đả kích, tớ phải cắn đầu lưỡi để suy tính cho hết nước đã. Nhưng bây giờ sự thể khác xưa rồi. Hôm nay luật được chế định ra, ngày mai nó liền bị phá bỏ và hình như thế mới phù hợp với thực tiễn. Bây giờ ai đó đã hứa sẽ sửa chữa khuyết điểm còn lớn hơn nhiều. Ca ngợi kỷ cương là một việc, thực hành kỷ cương ấy lại là việc khác, và quả nhiên từ nói đến làm bao giờ cũng có khoảng cách. Mong rằng quỷ dữ chết đi cho rồi, vì tớ chẳng muốn mỗi khi nói cứ phải cắn đầu lưỡi để suy nghĩ cho chín chắn. Tớ cũng chẳng muốn tuôn ra những lời nhã nhặn ở đằng sau tấm mành này, nơi tớ chỉ làm cái việc ca ngợi cái quyết định cao thượng của mình mà chẳng được ai chứng kiến.


XIPIONG: Theo như điều cậu nói, Becganxa ạ, nếu đằng ấy là người hẳn đằng ấy sẽ là một tên đạo đức giả và tất cả những lời và việc đằng ấy nói và làm đều là những lời nói suông, là sự lừa bịp và dối trá, được cái áo đạo đức che ngoài. Và rồi đằng ấy làm cốt để người ta ca ngợi như tất cả những tên đạo đức giả khác đã từng làm.


BECGANXA: Bây giờ tớ không biết lúc ấy tớ sẽ hành động như thế nào. Có điều tớ biết chắc là lúc này tớ không muốn cứ phải cắn đầu lưỡi trước khi nói, rằng tớ không muốn nói thoải mái vì còn biết bao điều cần phải nói, tớ không biết đến khi nào nói hết và hơn nữa tớ sợ rằng khi mặt trời mọc chúng ta vẫn ở trong bóng tối, vẫn chưa nói hết chuyện với nhau.


XIPIONG: Thôi, điều tốt hơn hết ta nên phó mặc cho ông trời. Đằng ấy hãy tiếp tục câu chuyện của mình và hãy đi vào mạch chính của chuyện, chớ có sa lầy vào những đoạn bình luận ngoại đề. Nếu làm được như thế thì dù câu chuyện có dài đằng ấy vẫn kết thúc nhanh được.


BECGANXA: Vậy là do tớ đã tận mắt nhìn thấy bọn người da đen hèn đốn này lạm dụng lòng tin của chủ để ăn cắp nên tớ đã quyết định bằng tất cả các biện pháp tốt nhất phải ngăn cản việc làm hèn hạ ấy. Quả nhiên là tớ đã làm được. Tớ bước ra với mưu đồ được chuẩn bị sẵn. Cô gái da đen xuống cầu thang để hú hí với anh thanh niên da đen kia mà lòng cô ả đinh ninh những miếng thịt, những mẩu bánh, những mẩu bơ mà cô ả quẳng cho tớ sẽ bịt miệng tớ… Ồ, Xipiong ạ, của đút có sức mạnh ghê gớm, nó có thể làm được tất cả đấy…


XIPIONG: Đúng thế, chúng có sức mạnh ghê gớm. Xin đằng ấy hứng chí vừa thôi để còn tiếp tục câu chuyện.


BECGANXA: Tớ nhớ rằng khi tớ theo các cậu chủ đến trường học có một câu tục ngữ La tinh nói rằng: Habet bovem in lingua[14]. Các cậu ấy bảo nó là một câu châm ngôn.


XIPIONG: Ờ, thế là đằng ấy đã trở thành một nhà La tinh học trong một giờ xúi quẩy rồi đấy. Làm sao đằng ấy chóng quên điều chúng ta vừa nói về những kẻ sính chữ trong khi nói tiếng Tây Ban Nha thường đế thêm tiếng La tinh vào lời ăn tiếng nói của họ thế nhỉ?


BECGANXA: Nhưng câu thành ngữ La tinh này được tớ sử dụng rất đúng chỗ. Đằng ấy nên biết rằng những người Athen thường dùng đồng tiền vẽ hình một chú bò mộng và khi có một viên quan tòa nào đó không nói được, hoặc không làm được cái việc cần phải làm cho đúng với lẽ phải và công lý vì y bị mua rồi thì người Athen nói: "Trong lưỡi có một con bò"


XIPIONG: Đằng ấy áp dụng sai câu thành ngữ La tinh ấy rồi.


BECGANXA: Điều ấy chưa đủ sáng tỏ sao khi quà biếu của cô gái da đen đã chẳng bịt miệng tớ trong rất nhiều ngày, khiến tớ không muốn sủa khi cô ta xuống cầu thang để hú hí với người yêu hay sao? Vì thế tớ nhắc lại rằng của đút có sức mạnh ghê gớm.


XIPIONG: Tớ chẳng đã trả lời rằng của đút có sức mạnh ghê gớm rồi sao. Và nếu bây giờ không phải là lúc chúng mình khề khà bàn tán về nhân tình thế thái thì chúng mình có thể kể ra hàng ngàn trường hợp cụ thể minh chứng cho điều nói rằng của đút có sức mạnh ghê gớm. Hơn thế nữa, nếu trời cho chúng ta có điều kiện thời gian có lẽ tớ cũng kể cho đằng ấy nghe những chuyện tương tự trong cuộc đời tớ.


BECGANXA: Cầu Thượng đế sẽ thỏa mãn nguyện vọng của đằng ấy. Bây giờ xin đằng ấy lắng tai nghe nhé. Cuối cùng ý định tốt đẹp của tớ đã từ chối của đút của cô gái da đen. Một đêm trời tối như mực, cô gái ấy mò mẫm xuống cầu thang để đi tìm thú vui với anh thanh niên da đen như lâu nay vẫn làm. Tớ lẳng lặng xông đến cô ả vì tớ không muốn làm kinh động người nhà chủ, và chỉ loáng mắt tớ đã xé toang chiếc áo vá đớp vào đùi cô ta một miếng. Vết cắn ấy làm cho cô ả phải mất tám ngày nằm liệt giường mà giả vờ bị bệnh nhưng không ai biết bệnh gì. Cô ả khỏi đau. Rồi một đêm khác, cô ả lại mò mẫm xuống cầu thang đi tìm thú vui và thế là tớ lại tiếp tục cuộc chiến với người hầu gái nhưng lần này tớ không cắn mà chỉ cào khắp người cô ả làm như thể gái cào. Các cuộc ẩu đả giữa chúng tớ với nhau rất thầm lặng và bao giờ tớ cũng là người chiến thắng, còn cô gái chẳng những bị đau mà còn ngày một kém vui hơn. Nhưng cơn giận dữ của ả lại được thể hiện rõ ở bộ lông và sức khỏe của tớ. Cô ả cướp đi của tớ mẩu bánh và cả những mẩu xương thừa. Tớ bị đói và do đó lông tớ cứ rụng dần, xương hóc của tớ cứ bày ra. Nhưng dù cô ả cướp đi của tớ miếng ăn vẫn không thể cướp đi tiếng sủa của tớ. Nhưng ả da đen vẫn không chịu dừng cuộc chiến nơi đây mà còn đi xa hơn nữa. Cô ta muốn kết liễu đời tớ luôn một thể nên đã mang cho tớ một con bọt biển rán giòn và một miếng bơ. Tớ biết ngay mưu mô quỷ quyệt của ả. Tớ thấy cái món ăn ấy! còn nguy hiểm hơn cả bả chó vì ai mà ăn nó sẽ bị trướng bụng và thế là rồi đời. Tớ cảm thấy mình khó mà đối mặt với một kẻ thù đê hèn như vậy và tớ thấy tốt hơn cả là phải bỏ đi nơi khác cho khuất mắt. Một ngày nọ, tớ được tháo xích và thế là chẳng cần phải cáo từ ai, tớ liên đi thẳng ra ngoài đường. Đi được khoảng trăm mét, vận xui khiến tớ gặp được cảnh sát trưởng mà tớ từng nói ở đầu câu chuyện này. Ông ta vốn là bạn chí thiết của Nicolaten Romo, chủ cũ của tớ. Người này nhận ngay ra tớ và gọi đúng tên tớ trong khi tớ cũng vừa nhận ra được ông ta. Tớ cũng có quen biết ông ta và khi ông ta gọi tớ, tớ liền chạy đến lòng đầy mừng rỡ, ngẩng cổ nhìn ông ta. Ông ta nói với hai người đi theo: "Con chó này rất được việc đấy, nó là của một người bạn chí thân tên là Nicolaten Romo. Nào, chúng ta hãy đem nó về nhà". Hai người hầu cận rất thích thú, bảo rằng nếu là chó ngoan nết thì rất được việc cho tất cả mọi người. Bọn họ muốn dựng đứng tớ dậy để ôm về nhà nhưng ông chủ tớ bảo rằng không cần phải làm thế vì tớ quen biết ông ta, tớ sẽ đi theo ngay. Tớ quên mất chưa nói với đằng ấy rằng khi tớ bỏ trại chăn nuôi đi thì tớ được một người di gan đã gỡ lấy chiếc vòng cổ để bán đi, do đó khi về thành phố Sevida, tớ không đeo vòng cổ. Ông chủ mới này liền đeo vào cổ tớ một chiếc vòng làm bằng đồng thau sáng bóng. Xipiong ạ, giờ đây tớ cho rằng đó chính là cái vòng luẩn quẩn tượng trưng cho số phận tớ: hôm qua tớ là anh học trò, hôm nay tớ là anh lính hầu.


XIPIONG: Cả thiên hạ đều như thế chứ đâu chỉ có một mình đằng ấy. Tớ thấy đằng ấy chẳng việc gì phải ca thán quá đáng về sự thăng trầm của số phận mình mà như thể giữa thằng hầu nơi lò mổ và thằng hầu trong trại lính có sự khác nhau nhiều lắm. Tớ không thể chịu những lời ca thán về số phận của những người có khát vọng trở thành vương tôn công tử mà chẳng thành. Họ có quyền gì để mà chửi bới số phận kia chứ. Họ đã nguyền rủa số phận bằng bao lời thậm tệ. Họ thi nhau chửi bới chẳng qua là để cho những ai nghe những lời nguyền rủa sẽ nghĩ rằng một ngày nào đó những người giàu có cao sang sẽ phải sống một cuộc đời bất hạnh như bọn họ.


BECGANXA: Đằng ấy nói chí lý lắm. Tớ xin tiếp tục câu chuyện của mình. Ông chủ của tớ chơi thân với một thầy thư lại. Cả hai cùng sống với hai ả đàn bà thân phận hèn mọn thôi. Hai người đàn bà này có gương mặt phúc hậu nhưng lại sống buông thả và ranh ma. Hai người này làm công việc của cái lưỡi câu và chiếc cần câu để cho cảnh sát trưởng và thầy thư lại thả sức câu trên cạn theo cách thức của họ. Hai người đàn bà ăn diện đẹp mắt nhưng chỉ thoáng nhìn biết ngay họ là gái làm tiền. Họ thường xuyên lân la ở các nhà trọ của du khách. Khi thấy ở Calit hay ở Sevida có hội chợ, họ liền hí hởn tin chắc rằng họ sẽ kiếm được nhiều lời. Không một du khách nào không bị họ bám lấy. Khi thấy có du khách nào giàu có lại tỏ vẻ mến mộ sắc đẹp của mình, lập tức hai người đàn bà này mật báo cho cảnh sát trưởng và thầy thư lại biết khách sạn nào du khách đến trọ. Thế rồi trong lúc du khách đang say sưa hú hí với hai người đàn bà thì cảnh sát trưởng và thầy thư lại ập tới bắt quả tang họ, khép họ vào tội trai gái tư thông bất chính, dọa sẽ bỏ tù du khách. Nhưng chẳng bao giờ du khách chịu ngồi tù vì họ không muốn để mất danh dự. Du khách đưa tiền ra để mọi chuyện êm đẹp. Cụ thể, đã xảy ra chuyện này: ả Colindre, đó là tên của ả nhân tình cảnh sát trưởng, lăn xả vào tán tỉnh một du khách. Ả ta hẹn với du khách là sẽ cùng ăn tối, rồi cùng đến ngủ qua đêm tại một nhà trọ. Sau đó Colindre mật báo cho cảnh sát trưởng biết và khi hầu như đôi trai gài vừa cởi xong xống! áo thì cảnh sát trưởng, thầy thư lại, hai lính lệ và tớ cùng ập vào phòng bắt quả tang bọn họ làm chuyện bất chính. Đôi trai gái lúng túng. Thấy vậy, cảnh sát trưởng liền cường điệu thêm tội lỗi của họ, ra lệnh cho họ mặc quần áo để về đồn. Du khách sợ xanh xám cả mặt mày. Làm bộ thương người, thầy thư lại tham gia ý kiến, rồi lạy lục cảnh sát trưởng giảm hình phạt từ tù ngồi xuống nộp tiền phạt một trăm đồng rean. Du khách nhờ đưa giúp chiếc quần để ở dưới đuôi giường để lấy tiền nộp phạt. Nhưng mọi người tìm không thấy chiếc quần và sẽ chẳng bao giờ tìm thấy nó. Bởi vì ngay từ khi bước chân vào phòng, mũi tớ đã ngửi thấy mùi thịt lợn rất ngon khiến cho bụng tớ đã cồn cào lại càng thêm cồn cào. Tớ khịt mũi đánh hơi và thấy thịt lợn để ngay trong túi quần. Đích thị là một miếng giăm bông ngon tuyệt đang nằm trong túi quần. Để chơi khăm du khách, tớ cắp luôn chiếc quần ra ngoài đường cái rồi ngay tại đấy tớ để cả tâm hồn vào việc xơi ngon lành miếng giăm bông. Sau đó tớ trở lại căn phòng thấy người khách lạ đang dở khóc dở mếu nói rằng hãy trả lại ông ta chiếc quần vì trong đó ông ta có để năm mươi đồng escuti d' oro in oro[15]. Thầy thư lại nghĩ rằng Colindre hoặc hai tên lính đã ăn cắp rồi. Cảnh sát trưởng cũng nghĩ vậy, liền gọi riêng từng người đến hỏi. Không ai chịu nhận và ai cũng đổ tội cho quỷ dữ. Thấy cảnh! tượng! ấy tớ động lòng thương. Tớ vội trở ra chỗ vừa ăn giăm bông để nhặt chiếc quần đem về trả lại du khách. Tìm đâu cũng không thấy chiếc quần, tớ liền nghĩ rằng có ai vừa đi qua thấy chiếc quần đã nhặt đi rồi. Vì biết chắc rằng du khách này không có tiền nộp phạt, cảnh sát trưởng thất vọng. Nhưng cảnh sát trưởng vẫn chưa chịu về tay không nên đã nghĩ rằng có thể bắt chủ nhà trọ phải nộp tiền phạt thay cho du khách. Ông ta liền cho đòi chủ nhà trọ đến. bà chủ đến trong tư thế ăn mặc hở hang, hầu như khỏa thân. Vì đã nghe rõ tiếng ca thán của du khách, thấy Colindre đang ở trần khóc lóc, thấy bọn lính đang vơ vét, thấy cảnh sát trưởng đang nổi cơn lôi đình và thầy thư lại mặt đang hầm hầm giận dữ, bà chủ không thể ghìm lòng mình được nữa. Đúng là như thế! Đúng là chuyện đã xảy ra như thế khi ở đây tiếng người ồn ào khiến cho tình hình đã rối ren lại càng thêm rối ren hơn. Lúc này bà chủ nhà trọ nói: "Thưa thầy cảnh sát trưởng và thầy thư lại, các thầy đừng nên đối xử với tôi như vậy vì tôi hiểu rõ mọi chuyện ở đây. Các thầy đừng có ăn nói hống hách trước mặt tôi. Các thầy nên ngậm miệng lại và cút đi. Nếu không tôi mà nổi đóa lên thì các thầy đừng có trách. Tôi sẽ đưa ra ánh sáng tất cả bọn trộm cắp trong chuyện này. Tôi biết rất rõ bà Colindre là ai rồi và tôi biết rằng bà ấy là kẻ đồng lõa với thầy cảnh sát trưởng. Các thầy đừng để tôi phải nói ra hết thì dơ lắm. Tốt hơn hết là các thầy trả lại cho người khách lạ này số tiền bị mất và đừng có mà động chạm tới tôi vì tôi là một người đàn b�! � chính ! chuyên, có chồng hẳn hoi, được cưới cheo tử tế với a perpenan rei de memoria[16]. Lạy chúa tôi, tôi hành nghề này với lương tri trong sạch và cái nghề này chẳng làm thiệt hại cho ai. Nhà trọ của tôi có biển treo đàng hoàng, cả bàn dân thiên hạ ai ai cũng nhìn thấy. Đừng có mà sinh sự với tôi vì lạy Chúa, tôi cũng biết phủi cho người mình hết bụi. Tôi là người để cho các cô gái kia theo lệnh của tôi mà mang người tình đến đây. Bọn họ có chìa khóa phòng trọ và tôi chẳng phải là người tò mò để mà rình rập xem trai gái họ làm gì!". Các ông chủ của tớ cứ đứng đần ra nghe bài "diễn văn" của bà chủ nhà trọ mà sửng sốt trước tất cả những điều bí mật trong đời tư của mình bị bà ta đưa ra ánh sáng. Nhưng các ông chủ tớ vì thấy không có thể noi tiền của bất kỳ ai trừ bà chủ nhà trọ cứ một mực ra lệnh đưa bà ta về giam trong nhà tù. Bà chủ nhà trọ lu loa kêu trời bất công đã để cho cảnh sát trưởng muốn làm gì thì làm trong lúc ông chồng hiệp sĩ của bà ta vắng nhà. Người khách lạ thì gào rống lên đòi trả lại số tiền năm mươi đồng escuti d' oro in oro. Đám lính lệ cãi lại rằng họ không nhìn thấy quần áo của người khách lạ vả lại Chúa không cho phép họ làm điều bất lương ấn. Thầy thư lại vẫn ngậm miệng suốt từ nãy giờ liền cùng cảnh sát trưởng khám xét quần áo của Colindre vì thầy nghĩ có thể cô ta cầm số tiền năm mươi đồng escuti d' oro in oro, v�! � cô ta ! vốn có thói lần hầu bao của những người ăn nằm với mình. Colindre nói rằng người khách lạ kia say rượu và số tiền năm mươi đồng escuti kia là không có thật, chẳng qua vì say rượu nên lão đã bịa ra. Quả thật khung cảnh trong phòng lúc này hỗn loạn tiếng gào thét, tiếng thề thốt. Không có cách nào có thể dẹp được cảnh ấy và quả nhiên nó sẽ không lặng đi nếu viên thiếu úy Asixtente lúc ấy không kịp thời bước vào phòng. Viên thiếu úy này đang làm nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ các khách trọ trong nhà trọ này, nghe thấy tiếng người cãi lộn đã đến đây. Thiếu úy hỏi nguyên nhân sự cãi lộn này. Bà chủ nhà trọ liền nói mạch lạc và đầy đủ chi tiết nguyên nhân cuộc cãi lộn. Bà ta nói nữ thần Colindre (lúc này đã ăn mặc tử tế) là ai, tố cáo quan hệ bất chính giữa ả với cảnh sát trưởng, tố cáo hành động trộm cắp của bọn lính lệ vừa mới đây ở ngay trong phòng này. Bà ta tự thanh minh cho mình rằng với tình cảm cao thượng chẳng bao giờ bà ta để cho đám đàn bà bị tình nghi vào trọ ở nhà này. Bà ngợi ca đức ông chồng như một vị thánh và bảo một cô hầu gái chạy ngay về phòng ngủ của mình để lấy tờ chứng chỉ của chồng mình để ngài thiếu úy xem. Bà ta bảo viên thiếu úy hãy xem rồi sẽ biết rằng một người đàn bà có người chồng rất danh giá như thế thì không thể làm chuyện xấu xa được. Rằng nếu bà ta dùng nhà này để chứa chấp trai gái làm điều bất chính thì quả thật bà ta là con người xấu xa đến mức không thể tưởng tượng được và Thượng đế sẽ trừng phạt bà ta thật nặng. Bà ta thề rằng Chúa trời sẽ chứng giám cho bà ta xem bà ta có! định ! kiếm lời và kiếm cơm trong cái nghề làm chủ nhà chứa không. Viên thiếu úy điên ruột vì bà ta nói quá nhiều đã ngắt lời bà ta: "Bà chị ạ, quả thật là tôi tin rằng ông chồng bà chị có chứng chỉ hiệp sĩ như bà chị đã nói. Thật ra ông ta là một hiệp sĩ chủ nhà chứ". "Và là một nhà chứa rất danh giá" – bà ta đế thêm vào – "Và người danh giá sao lại không có bạn trong thế gian này nhỉ?". "Không, điều tôi muốn nói không phải là thế đâu bà chị ạ. Tôi bảo bà chị hãy ăn mặc cho tử tế để đi vào nhà giam". Cái lệnh này mới tai ác làm sao, vừa nghe xong bà chủ nhà trọ nằm lăn ra sàn nhà, tự cào móng tay vào mặt và gào toáng lên. Nhưng mặc cho chủ nhà trọ ăn vạ, viên thiếu úy vẫn bình thảnh và kiên quyết thi hành bằng được lệnh của mình: đưa chủ nhà trọ, du khách và Colindre về nhà giam. Sau đó tớ được biết rằng du khách chẳng những mất năm mươi đồng escuti mà còn phải trả thêm mười đồng lệ phí nữa. Bà chủ nhà trọ phải nộp một khoản tiền lớn hơn. Colindre cứ tự nhiên qua cửa chính mà ra đường hưởng quyền tự do của mình. Vào ngay ngày được trả tự do ấy, Colindre đã mồi chài được một thủy thủ làm công cho vị du khách kia. Ả lại mật báo cho cảnh sát trưởng và thầy thư lại để bọn họ đến lột tiền anh ta. Xipiong ạ, đằng ấy thấy đấy, từ lòng ham muốn của tớ đã nảy sinh bao chuyện kỳ quái.


XIPIONG: Không, đằng ấy phải nói là từ lòng tham của các ông chủ đằng ấy thì mới đúng kia.


BECGANXA: Đằng ấy hãy nghe tớ kể tiếp. Trong những chuyện tớ sắp kể ra tớ còn đả kích mạnh hơn nữa. Dù sao đi nữa tớ cũng đã trót đả kích cảnh sát trưởng và thầy thư lại rồi.


XIPIONG: Nhưng xin đằng ấy nhớ cho là việc nói xấu một cá nhân không phải là không thể đồng nhất với việc nói xấu tất cả các tay cảnh sát trưởng và thư lại. Bởi trên thực tế có rất nhiều thầy cảnh sát trưởng và thầy thư lại rất tốt, rất chân thật và công bằng. Họ là bạn của mọi thú vui mà không hề làm thiệt hại tới người thứ ba. Đúng là trên thực tế, không phải tất cả các thầy thư lại đều thích gây sự, đều lộng hành, đều mưu mô bới móc đời tư người khác để tố giác họ trước pháp luật mà trục lợi, đều kết bè kết đảng với cảnh sát trưởng để làm trò. "Ngài hãy mọc râu cho tôi, tôi sẽ mọc tóc cho ngài". Đúng là trên thực tế không phải tất cả các tay cảnh sát trưởng đều giao du với bọn du đãng, đều có nhân tình để sử dụng vào các vụ lừa đảo và trấn lột người khác. Trên thực tế có rất nhiều, rất nhiều hiệp sĩ thật sự là hiệp sĩ ngay từ trong bản chất con người họ, rất nhiều người trong số họ không sống buông thả, trác táng, không tồi bại như những kẻ đi lại các nhà chứa lấy vũ khí đe dọa các khách lạ và nếu thấy bắt nạt được họ là chúng làm tan nát cuộc đời họ. Đúng là trên thực tế có nhiều hiệp sĩ đáng kính trọng, họ là quan tòa và là luật sư khi cần thiết và khi họ muốn.


BECGANXA: Ông chủ của tớ còn dữ tợn hơn. Ông ta có con đường riêng của mình. Lúc nào ông cũng tự hào là người dũng cảm có nhiều chiến tích hiển hách. Ông khoe khoang lòng dũng cảm của mình mà không hề lo cho sự an toàn tính mạng của bản thân. Nhưng việc làm ấy khiến ông nhiều phen bị hao tiền tốn của. Một ngày nọ, một mình ông đánh nhau với sáu tên du thủ du thực ở ngay cửa ô Heret. Tớ đành chịu không thể giúp ông một tay vì tớ bị dây thừng buộc ở mõm rồi. Bao giờ cũng vậy, ban ngày người ta lấy thừng buộc mõm tớ lại, ban đêm mới cởi ra. Tớ cứ đứng ngây người ra hào hứng xem trận đấu không cân sức trong đó chủ tớ được dịp phô bày toàn bộ lòng dũng cảm của bản thân. Trước sáu lưỡi kiếm múa lượn vù vù của sáu tên du thủ du thực, ông cứ lăn xả vào đánh chúng, làm như thể sáu lưỡi gươm kia chẳng khác gì sáu thanh kiếm gỗ. Thật là kỳ thú khi đứng xem sự hoạt bát của con người ông trong lúc đánh nhau: nào đâm, nào đỡ, nào rình miếng và con mắt linh lợi đầy cảnh giác khiến cho ông không bị một nhất kiếm nào đâm phải. Cuối cùng ông đã đọng lại mãi trong tình cảm thán phục của tớ, của tất cả những ai đứng xem vì họ biết rằng ông đã lôi được cả sáu tên du thủ du thực từ cửa ô Heret ra đến cổng trường Maexe Rodrigo, tức là đi xa khoảng trăm bước chân. Ông giam chúng trong trường rồi quay lại thu chiến lợi phẩm gồm ba cái túi vải. Ông mang chiến lợi phẩm về cho viên sĩ quan giúp việc xem. Nếu tớ không nhầm thì đó là cử nhân Sacmiente de Vadadret, một người nổi tiếng với v! iệc phá hoại trại giam Sauxeda. Ông chủ tớ đi đâu là được dân chúng ở đấy nhìn theo rồi chỉ trỏ mà lòng đầy thán phục như thể họ muốn nói rằng: "Người kia là người với hai cánh tay vạm vỡ của người vùng Andaluxia đã một mình đánh nhau với sáu tên du thủ du thực đấy". ban ngày chúng tôi đi loanh quanh khắp thành cốt để dân chúng ngắm nhìn và ngợi ca. Ban đêm chúng tôi đến tiệm Triana trên một đường phố ngay cạnh phố Molina de la Ponvora. Ông chủ bảo tớ canh chừng xem có ai nhìn thấy thì bảo cho ông biết, còn ông bước vào ngôi nhà, sau đó tớ cũng theo vào luôn. Trên sân sau một ngôi nhà này, chúng tôi gặp những thanh niên lực lưỡng, khỏe mạnh, không mặc áo măng-tô, cũng không đeo kiếm, tất cả đều phanh cúc áo. Chúng tớ còn thấy một người – có lẽ là chủ ở đây, một tay cầm cốc rượu còn tay kia cầm cái bình to đựng đầy rượu ngầu bọt, đang mời tất cả cùng uống. Hầu như vừa mới nhìn thấy ông chủ tớ thì tất cả bọn họ đều dang rộng hai cánh tay chạy đến với ông, ôm hôn và chúc rượu ông. Ông chủ tớ hỏi thăm tất cả bọn họ và còn hỏi thăm nhiều người khác nếu ông thấy họ có những điểm gần gũi mình, miễn sao tất cả đều là bạn, đều tôn trọng nhau và không làm hại người khác. Bây giờ tớ muốn kể cho đằng ấy nghe về việc họ nói chuyện với nhau, về bữa cơm tối họ cùng ăn, những vụ ăn trộm họ tiến hành, những lời bàn tán về người đàn bà mà họ có quan hệ, những người đàn bà họ được ân ái. Về những lời tán tụng của người này dành cho người kia, về những người dũng cảm hiện vắng mặt trong cuộc hội ngộ này nhưng đư! ợc họ! nhắc đến tên tuổi và chiến tích. Về nghệ thuật đấu kiếm được người ta bàn đến đúng lúc mà giữa bữa ăn có người đã đứng dậy khoe mấy miếng mỡ trước những miếng chém hoặc đâm cũng bằng tay, về ngôn từ hết sức cay độc họ dùng trong những lúc nói, và cuối cùng về vóc dáng của cá nhân người chủ ngôi nhà mà tất cả mọi người đều phải kính nể, coi như cha đẻ của mình. Nếu nói tất cả những chuyện ấy thì có khác gì tớ lạc vào một mê cung khó có thể tìm được lối ra khi muốn ra. Cuối cùng tớ hiểu được rằng vị chủ nhà vẫn được gọi tên là Monipodio, là người che chở cho bọn trộm cắp và là chỗ dựa cho bọn du thủ du thực. Cuộc thương lượng lớn của ông chủ tớ đã giành được thắng lợi: trước tiên ông làm mọi người hâm mộ và vị nể, sau đó là việc ông rút lui an toàn và cuối cùng ông để lại những chiếc túi của sáu tên du thủ du thực ở đây. Ông chủ tớ đã dùng chúng vào việc trả tiền cho bữa ăn tối của tất cả những ai có mặt. Bữa ăn tối kết thúc vào lúc trời sắp sáng và ai nấy cũng hể hả ra về. Vào lúc ăn tráng miệng, ông chủ tớ được tin về một tên du thủ du thực lạ mặt vừa mới tới thành phố này. Họ bảo rằng có lẽ y là người dũng cảm hơn bọn họ và vì ghen tức mà họ mách cho ông chủ tớ biết. Ông chủ tớ định đến hôm sau sẽ lột hết tiền của y ngay trong lúc y còn trần truồng trên giường nằm trong nhà chứa. Còn nếu như y vẫn mặc nguyên quần áo thì sao? Trong thái độ của ông chủ, tớ thấy rất rõ ngài đang run sợ. Nhưng xin đằng ấy hãy bình tĩnh và bây giờ hãy nghe một chuyện đã xảy ra với ông chủ tớ m�! � tớ kh! ông hề thêm bớt một tí nào. Có hai tên trộm đã đánh cắp được một con ngựa quý ở Antekere. Chúng mang nó đến Sevida và để có thể bán nó trót lọt và dễ dàng chúng dùng một thủ đoạn mà theo tớ vừa khôn khéo vừa thận trọng. Chúng đến trọ tại các nhà trọ khác nhau. Một đứa đến công đường kiện rằng Pedro de Losada nợ y bốn trăm đồng rean chưa trả, và để làm bằng chứng, y trình lên một văn tự có chữ ký của Pedro de Losada. Thiếu úy Axixtente phán rằng tên Losada kia phải công nhận văn tự cùng chữ ký là của y và nếu y thừa nhận đó là văn tự do y làm thì sẽ tịch thu tài sản hoặc sẽ bị bỏ tù. Ngài giao việc kiểm tra này cho ông chủ tớ và thầy thư lại bạn thân của cảnh sát trưởng. Tên ăn trộm liền dẫn họ đến nhà trọ của tên kia và ngay lập tức y thừa nhận chữ ký của mình và thú nhận món nợ chưa trả được, rồi y chỉ con ngựa quý là tài sản duy nhất của mình mà nhà chức trách có thể tịch thu được. Vừa nhìn thấy con ngựa, ông chủ tớ nổi máu tham ngay và nói rằng sẽ mua nó nếu tên kia chịu bán. Tên ăn trộm bất chấp pháp luật đã nhận bán ngay. Con ngựa được đem bán đấu giá và người đặt cao nhất là năm trăm đồng rean lại chính là người được ông chủ tớ bố trí trước. Thật ra con ngựa này có thể còn được trả giá cao gấp đôi nhưng vì cần phải bán vội nên nó chỉ được giá ấy thôi. Kết quả của vụ mua bán này là, tên ăn trộm đi kiện thu lại được tiền nợ vốn y không hề có, tên bị cáo nhận tờ thanh toán nợ vốn y không cần và ông chủ tớ có được con ngựa. Nhưng con ngựa này còn làm hại ông hơn cả con ngựa Sedano[17] đối với chủ nó. Bọn ăn trộm liền chuồn đi nơi khác. Sau hai ngày lo sửa sang lại yên cương và bổ sung những thứ trang bị mà con vật còn thiếu, ông chủ tớ ngạo nghễ cưỡi ngựa tiến ra quảng trường Phrangxixco, một quảng trường gồ ghề những mô đất và xoàng xĩnh hơn cả quảng trường ở các làng quê. Mọi người tấm tắc khen ngợi và chúc mừng ông chủ tớ mua được con ngựa quý giá quá hời, bởi vì họ khẳng định rằng con ngựa này nếu mua đúng giá phải hết một trăm năm mươi đồng ducado. Còn ông chủ tớ lượn đi lượn lại quanh con vật mà hết lời ca tụng những ưu việt của nó như thể ông đang đứng trên sân khấu ngắm một bài tráng ca. Trong lúc mọi người xúm quanh con vật thì có hai người đàn ông tư thế chững chạc, ăn mặc sang trọng bước tới. Một người lên tiếng nói: "Ôi, lạy chúa! Con ngựa ki đích thị là con Piedehiero, con ngựa của tôi vừa bị mất trộm ở Antekera cách đây mấy hôm". Những người đi cùng với ông (vốn là bốn thằng ở) đều đồng hành khẳng định rằng đúng thế, rằng nó là con ngựa Piedehiero rồi, đúng là con ngựa của ông chủ bị người ta ăn trộm rồi. Ông chủ tớ đứng thẫn thờ đầy ngạc nhiên. Người chủ cũ cứ nhận con ngựa này là của mình. Ông chủ tớ cứ nhận nó là của ông. Hai bên tranh cãi nhau, cùng đưa ra những bằng chứng nhưng người chủ đích thực của con ngựa đã đưa ra những bằng chứng đúng đắn và xác thực hơn cả. Cuộc tranh cãi kết thúc có lợi cho ng�! �ời ch�! �� con ngựa, còn ông chủ của tớ bị tước mất con ngựa. Ông chủ tớ hiểu ra rằng mình đã mắc bợm bọn ăn trộm và thán phục mưu mẹo của chúng. Chúng đã biết lợi dụng bàn tay những người thừa hành pháp luật để bán trót lọt của ăn cắp. Còn hầu như cả thiên hạ đều lấy làm hả lòng hả dạ vì thấy lần đầu tiên hành động đê hèn của ông chủ tớ đã bị lộ tẩy. Nhưng nỗi bất hạnh của ông ta không dừng lại ở đây. Một đêm, đích thân thiếu úy Axixtente đi tuần vì trước đó có người báo cho ngài biết tin: bọn ăn trộm đang hoạt động tại các xóm ở khu Xăng Hulian. Vào lúc đi đến một ngã tư đường, đoàn tuần tra đêm thấy có một bóng đàn ông đang chạy. Lập tức thiếu úy Axixtente thả tớ ra, chỉ cái bóng người đang chạy kia, xuỵt cho tớ đuổi theo; "Kẻ trộm, Gavilang! Gavilang! Bắt lấy kẻ trộm". Vì đã ngấy những trò ranh ma của ông chủ và vì để thi hành mệnh lệnh của ngài Axixtente, tớ đã đuổi theo cái bóng kia mà đó đích thực là ông chủ của tớ và tớ không để cho ông ta kịp đề kháng, đã vật đổ ông ta xuống đất. Nếu như người ta không đến kịp, không kịp lôi tớ ra thì tớ đã trừng phạt đích đáng ông ta. Bọn họ phải vất vả lắm mới lôi ra được. Bọn lính lệ muốn trừng phạt tớ và có lẽ muốn giết tớ nữa chứ chẳng đùa. Bọn họ dùng gậy gộc sắp sửa đánh tớ thì thiếu úy Axixtente ngăn họ lại, nói: "Không được ai đánh nó vì con chó này đã làm theo mệnh lệnh của ta". Thiếu úy đã hiểu được âm mưu thâm độc của bọn lính. Còn tớ, tớ cũng hiểu rồi. Thế là một ngày nọ tớ chẳng thèm từ giã một ai, theo một chỗ tường thủng c! hui ra kh! ỏi trại lính, đi thẳng một mạch ra cánh đồng đến một địa điểm cách Sevida chừng bốn dặm. Vận may của tớ muốn tớ gặp một đoàn quân đang tập trung ở đây để chuẩn bị đi đến thành Cactahena, người ta đồn vậy. Trong đội quân này có bốn tên du thủ du thực vốn là bạn chí cốt của các bạn ông chủ cũ của tớ. Và người lính đánh trống lại là một lính lệ trong công đường của thiếu úy Axixtente và là một người hay tếu giống như tất cả các tay lính đánh trống khác mà thôi. Tất cả đều nhận ra tớ. Tất cả đều nói chuyện với tớ, làm như thể tớ biết nói tiếng người. Trong số họ, người lính đánh trống thể hiện rõ nhất lòng ưu ái và mến một tớ nên tớ quyết định lúc nào cũng ở bên ông ta. Nếu ông ta muốn đưa tớ đến Ý hoặc Phần Lan, tớ cũng đi vì tớ nghĩ, và có lẽ đằng ấy cũng nghĩ như thế, rằng quả là chí lý câu tục ngữ này: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn", có nghĩa là việc đi lại các miền đất khác nhau và giao du với đủ mọi hạng người sẽ làm cho ta khôn ra nhiều.


XIPIONG: Becganxa ạ, điều đó rất đúng. Tớ nhớ rằng tớ nghe ông chủ cũ của tớ, một người rất tốt, nói rằng sở dĩ Ulise, người Hy Lạp nổi tiếng, được gọi là người cẩn trọng vì ông ta đã đi khắp các miền đất đai và giao tiếp với đủ hạng người và một số dân tộc khác. Vì vậy tớ hoàn toàn tán đồng ý định của đằng ấy, sẽ đi đến nơi nào mà họ đưa đằng ấy đến.


BECGANXA: Vậy là người lính đánh trống không còn cách nào để nghịch ngợm và gây cười cho người khác, nên bắt đầu dạy tớ nhảy theo nhịp phách của tiếng trống. Và làm một số điệu bộ gây cười đầy hấp dẫn mà một số con chó khác chứ không riêng gì tớ có thể học ngay được. Để thực hiện nhiệm vụ của mình, đoàn quân ấy bắt đầu di chuyển dần dần. Trong lúc hành quân, không một sĩ quan nào có thể hạn chế họ nói và làm những điều càn rỡ. Viên đại úy thì rất trẻ, hơn nữa là người quân tử và là một con chiên ngoan của chúa Crixto: Thầy quản vừa để lại phía sau một cuộc sống xa hoa phú quý mà thầy đang ngẩn ngơ nuối tiếc. Viên thượng sĩ lại là một người lanh lợi và cẩn trọng, hơn nữa còn là một người hào hiệp với tất cả mọi người trong đoàn quân ấy. Đó là một đội quân có rất nhiều phần tử du thủ du thực hay tán dóc. Những kẻ này đã làm nên những việc đáng xấu hổ ở nơi đoàn quân đi qua và thi nhau nói xấu người họ không ưa. Chỉ có ngài đại úy vì là người tốt nên phải chịu đủ mọi điều nhục nhã bởi chính những người dưới quyền mình. Bởi vì trong số quân lính ấy có một số kẻ là đao phủ đối với ngay cả đồng đội mình. Dù ngài có muốn đi chăng nữa, dù ngài có định làm đi chăng nữa ngài cũng không thể hạn chế hoặc ngăn chặn những tổn thất này. Chiến tranh là thế đấy, nó mang theo trong nó những bất đồng, những khắc nghiệt và cả những đau đớn đến chua xót lòng. Cuối cùng, sau mười lăm ngày luyện tập, tớ đã nhảy được. Người lính đánh trống c�! �n tiếp tục dạy tớ đứng thẳng người đi trên hai chân sau như cách đi của con ngựa thành Napolit, hoặc đi vòng quanh theo cách đi của con lừa kéo cối xay lúa hay cối ép mía, cùng một số trò khác nữa. Nếu tớ nhanh trí học cho giỏi để làm thật tốt những trò chơi ấy hẳn có người sẽ ngờ rằng cái kẻ đang làm trò kia là quỷ tàng hình thành con chó. Người lính đánh trống rất hài lòng về tớ nên đặt cho tớ cái tên: Con chó thông thái. Ngay từ khi chưa đến nơi trú quân, người lính vừa gõ trống vừa đi khắp nơi để quảng cáo rằng tất cả những ai muốn xem con chó biểu diễn nhiều trò kỳ lạ và lý thú thì hãy bỏ ra tám đồng hoặc bốn đồng maravedi[18]. Mua vé vào cửa, tùy theo làng nhỏ hay to, đông dân hay thưa dân. Nhờ có những lời cổ động ấy, không có ai là không đi xem tớ diễn trò và không một ai sau khi xem tớ diễn trò mà lại không thán phục và ngợi ca tài nghệ của tớ. Người lính đánh trống thu được rất nhiều tiền cùng với sáu người bạn của mình, họ chưng diện như những ông hoàng. Thói xấu và lòng ganh ghét đã khiến cho một số tên du thủ du thực muốn ăn trộm tớ và bọn chúng đang rình thời cơ. Việc kiếm miếng ăn mà không phải đổ mồ hôi chứa đựng trong nó biết bao ý muốn tham lam. Chính vì thế ở Tây Ban Nha có biết bao kẻ làm nghề múa rối, và nhờ có các buổi múa rối, người ta bán các đồ trang sức, bán rượu nhiều và phong phú đến mức để ăn diện, nhậu nhẹt thì d�! � có bá! n cả gia tài cũng không đủ chi dùng trong một ngày. Suốt năm suốt tháng, bọn họ không ra khỏi bếp ăn và các quán rượu. Vì thế tớ hiểu rằng cái cuộc sống say bí tỉ không bắt nguồn từ nghề nghiệp chính đáng mà bắt nguồn từ thu nhập bất chính. Bọn chúng là một lũ du đãng, vô tích sự, một lũ sâu mọt mà thôi.


XIPIONG: Đủ rồi, Becganxa. Chúng ta không trở lại việc đả kích nữa. Đằng ấy hãy tiếp tục câu chuyện đi kẻo tàn đêm mất rồi. Tớ không muốn khi mặt trời mọc chúng mình vẫn ngồi im trong bóng tối.


BECGANXA: Đằng ấy sẽ nghe ngay bây giờ mà. Vì thấy việc dạy tớ làm theo những trò chơi do anh ta sáng tác ra chẳng khó khăn gì và anh ta nghĩ rằng nếu tớ bắt chước con ngựa chiến thành Napolit thì thú vị biết bao, nên anh ta mang cho tớ mấy chiếc áo mặc ngoài có vẽ hình nhăng nhít và làm một chiếc ghế đặt trên lưng tớ. Trên chiếc ghế này có một thằng hình nhân cầm một chiếc giáo con. Anh ta dạy tớ chạy thẳng đến chiếc vòng đặt giữa hai cây cột. Rồi trong ngày hội thi nhảy qua vòng, anh ta quảng cáo rằng con chó thông thái sẽ nhảy chui qua vòng và làm nhiều trò mới lạ chưa từng thấy, nó sẽ làm một cách khéo léo đầy thú vị để không ai bảo rằng người chủ của nó nói dối. Vậy là có một ngày đoàn quân đến Mongtida. Người ta đưa chủ tớ vào bệnh viện vì anh ta muốn thế. Ngay lập tức anh ta ra lệnh tổ chức diễn trò, nhờ tiếng tăm của một con chó thông thái biết diễn trò vui, mà chưa đầy một giờ đồng hồ người ta đã kéo đến đông nghịt cả sân. Chủ tớ hả lòng hả dạ nhận thấy buổi trình diễn này mang lại cho mình rất nhiều tiền nên anh ta vui vẻ nói tếu suốt ngày. Tiết mục đầu tiên trong buổi diễn trò ấy là tiết mục tớ nhảy trên một chiếc trống tròn trong lúc nó lăn. Tớ làm động tác nhảy theo sự chỉ huy của cái roi mà chủ cầm trong tay. Khi chủ tớ hạ thấp roi xuống, tớ nhảy, còn khi anh ta dương cao roi, tớ đứng yên. Ông chủ bảo tớ: "Này, Gavilang, hãy nhảy chồm vào cái lão già chơi trống bỏi mà con quen biết ấy, hoặc nếu con không thích hãy nhảy vào cái cô Pimpeneda, bạn thân của cô gá! i người Gadegot đang làm con sen ở Vandeaxtida. Con không thích sao, hỡi Gavilang, vậy thì con hãy nhảy chồm vào cái anh chàng tú tài Pasida, kẻ đang đứng lặng yên kia kìa. Ồ, hôm nay con hư quá đấy! Vì sao con không nhảy hả? Nhưng mà ta hiểu mưu mẹo của con rồi. Thế thì con hãy nhảy vào thùng rượu của Eskiviat, một thứ rượu nổi danh ngang với rượu thành phố hoàng gia". Ông chủ tớ hạ cái roi xuống, thế là tớ nhảy và tớ nhận ra thói xấu và mưu mô quỷ quyệt của anh ta. Ngay sau đó, anh ta quay lại phía dân chúng, rồi nói rõ to: "Thưa quý vị kính mến, xin quý vị đừng nghĩ điều mà con chó này biết làm là một trò gây cười. Tôi đã bỏ nhiều công sức để dạy nó hai mươi tiết mục. Tiết mục ít hấp dẫn nhất, ít tốn công sức nhất là việc nó sẽ bay như một con chim ưng. Tôi muốn nói rằng nó có thể đi bộ được ba mươi dặm. Nó biết nhảy điệu xarabanda[19] và điệu dân vũ chacona còn hơn cả chính người sáng tác ra các điệu vũ này. Nó uống liền một lúc hai lít rượu mà không để lại một giọt. Nó xướng âm son, pha, mi, rê rất chuẩn như người coi giữ nhà thờ. Tất cả các trò này và cả một số trò khác tôi chưa nói, quý vị sẽ xem trong ngày đoàn quân còn đóng quân ở đây. Bây giờ, con chó thông thái của chúng ta sẽ nhảy và chúng ta cùng nhau thưởng thức trò vui". Ông chủ tớ kết thúc mấy lời ra mắt trước quý vị khán giả khiến họ càng đòi hỏi được xem tất cả các trò tớ được học. ! Ông ch�! � quay lại phía tớ nói: "Gavilang, con yêu, con hãy nhảy thật hay những động tác ta đã dạy con. Nhưng bây giờ, con hãy hăng hái nhảy vào mụ phù thủy nổi tiếng mà người ta đồn rằng hiện đang có mặt tại đây". Ông chủ tớ hầu như vừa nói xong thì một bà hộ lý già, có lẽ hơn bảy mươi tuổi, lên tiếng nói như tát nước vào mặt y: "Đồ lừa đảo, đồ nhảm nhí, đồ mất dạy kia, ở đây không có ai là phù thủy cả. Giả như mày nói về bà Camacha thì bà ta đã phải đền tội, và bây giờ bà ta ở đâu thì chỉ có Chúa mới biết. Còn như mày định nói đến ta thì bà bảo cho mà biết: chưa bao giờ trong đời mình bà làm phù thủy. Nếu bà có phép phù thủy và từng nổi tiếng như mày nói thì bà sẽ làm cho các quý vị khán giả ở đây biết rằng mày nói láo và mày phải chịu tội trước pháp luật. Cả bàn dân thiên hạ đều biết rõ cuộc đời của bà và bà nổi tiếng không phải vì là phù thủy mà vì bà phạm những tội lỗi khác kia. Vậy mày là một thằng lính đánh trống nhảm nhí mà thôi. Hãy cút khỏi đây. Nếu không bà sẽ đánh cho mày phải chuồn ngay". Thế là bà ta gào thế, chửi bới thậm tệ chủ tớ đến mức khiến y phải dừng lại ở đây và sẽ chẳng bao giờ tớ được diễn trò dưới bất kỳ hình thức nào nữa. Sự đảo lộn này không làm chủ tớ phải lo ngại vì anh ta vẫn còn khá nhiều tiền có thể sống lâu dài chẳng những ở nhà thương này mà còn ở những nhà thương khác. Chính đám cử tọa là bị thiệt nên họ chửi bới bà già, gọi bà già là đồng bóng thay cho từ mụ phù thủy và gọi bà là mụ đàn bà có râu. Đêm đó, chúng tớ nghỉ lại trong nhà thương ấy. Chiều tối ! hôm ấy! tớ nhìn thấy bà già một mình ở ngoài vườn. Bà già gọi tớ: "Cháu có phải là con trai Mongtien không? May quá, có đúng là con trai Mongtien không?". Tớ ngẩng đầu lên nhìn bà già rõ lâu. Bà già nhìn thấy vậy, nước mắt lưng tròng đi về phía tớ, hai tay ôm lấy cổ tớ, dường như bà ta để tớ hôn lên mồm bà. Nhưng tớ thấy tởm quá và thế là tớ không hôn.
Câu chuyện mà giờ đây tớ muốn kể cho cậu nghe tớ đã nói với cậu ngay từ đầu và do đó chúng ta không nên hoảng sợ trước việc người ta nhìn thấy chúng ta nói. Bởi vì cậu nên biết rằng bà già nói với tớ thế này: "Mongtien, con trai yêu quý của ta, con hãy đi theo ta và con sẽ biết phòng ở của ta, con hãy đi theo ta và con sẽ biết phòng của ta. Con hãy tìm cách đến với ta để hai chúng ta nói chuyện riêng với nhau. Con đừng ngại vì ta sẽ để hé cánh cửa cho con vào. Con nên nhớ rằng ta biết nhiều chuyện thuộc về đời tư của con và nếu con nghe được sẽ rất bổ ích đấy". Tớ cúi đầu tỏ ý vâng lời vì như bà ta nói bà ta biết tớ là con chó Mongtien mà bà ta đang tìm kiếm. Tớ thấy ngạc nhiên và hơi hoảng hồn tuy nhiên tớ vẫn kiên trì chờ đêm đến để được nghe bà ta nói với tớ về những điều thần bí và huyễn hoặc. Hơn nữa, vì được biết người ta nói bà già là phù thủy nên tớ lại càng nôn nóng đợi chờ buổi gặp mặt với bà ta. Cuối cùng, cái giờ phút gặp gỡ ấy cũng đã đến với tớ trong căn buồng của bà già. Đó là một căn buồng hẹp, thấp và tối được soi sáng lờ mờ bởi ngọn lửa leo lét cháy trên cây đèn dầu. Bà già khêu bấc cho cây đèn, mang nó đến đặt trên một cái bàn nhỏ rồi đến gần t! ớ. Bà ! già không nói không rằng, lại ôm lấy cổ tớ và tớ lại cảm thấy tởm lợm nên không hôn bà già. Điều đầu tiên bà già nói với tớ là: "Ôi, con ta, trên thiên đường ta sẽ phải mỏi mòn chờ đợi trước khi đôi mắt này nhắm lại với ước mơ duy nhất là được nhìn thấy con thì bây giờ con đã đến. Lạy chúa, thần chết hãy đến mang ta đi khỏi cuộc đời mòn mỏi này vì ta đã được gặp lại con ta rồi. Con ạ, con nên biết rằng trong xóm này có bà phù thủy nổi danh nhất thế gian đã sống. Bà ta tên là Gamacha de Mongtada. Đó là người duy nhất trong nghề nghiệp của mình thật sự vĩ đại mà các bà phù thủy Erichto, Xeicxi và Medea không thể sánh cùng bà. Khi nào muốn, bà làm cho mây tụ tập lại che khuất ông mặt trời đi và khi nào thích thì bà lại làm cho mây tan đi để bầu trời lại trong xanh hơn bao giờ hết. Trong nháy mắt bà mang những người ông từ những miền đất xa lạ đến đây. Bà trừng trị thật mầu nhiệm những cô trinh nữ trót có những cử chỉ hớ hênh. Bà chung đụng xác thịt với những người đàn bà góa khiến họ từ chỗ là người chính chuyên thờ chồng trở thành người đàn bà hư hỏng. Bà chia uyên rẽ thúy những cô gái đã có chồng rồi lấy cô nào bà thích. Ngay mùa đông gió tuyết bà vẫn có hoa hồng thắm tươi trong vườn và ngay trong tháng giêng bà đã thu hoạch ngô chín. Còn việc làm cho cái xoong ngon lành có ngay trong khay thức ăn là một việc quá dễ dàng đối với bà đến mức bà không làm, kể cả việc làm cho bóng ma hay người sống hiện lên trong gương mà người ta yêu cầu bà làm, bà cũng không làm. Bà nổi tiếng trong việc biến người đàn ông thành con vật và bà biến! một g�! � coi nhà thờ thành con lừa trong sáu năm liền. Đó là điều ta không hiểu được người ta đã làm như thế nào. Bởi vì về chuyện các cô tiên đầy phép thuật đã biến những người đàn ông thành con vật thì những người thông thái hơn cả nói rằng đó chỉ là việc các cô tiên với sắc đẹp và cử chỉ duyên dáng đã bắt mất hồn những người đàn ông, buộc họ say đắm và tận tụy hầu hạ các cô ấy đến mức trở thành súc vật. Nhưng ở con, con ta ạ, thì kinh nghiệm cho ta thấy điều ngược lại: ta biết rõ con là con người có lý trí nhưng ta lại thấy con trong hình dáng một con chó. Đó là gì nếu không phải là phép tàng hình đã làm cho vật này hiện hình dưới dạng một vật khác. Dù thế nào đi nữa, điều đáng buồn xảy ra đối với ta lẫn mẹ con, vốn là đồ đệ của Camacha, không bao giờ hiểu biết được nhiều phép thuật như bà ta. Chúng ta không hiểu và không làm được nhiều phép thuật không phải vì chúng ta kém thông minh, kém lanh lợi hay thiếu nhiệt tình mà chỉ vì bà Camacha không muốn dạy cho chúng ta những phép thuật nhiệm mầu nhất, bởi bà muốn giữ riêng cho mình để phòng thân. Mẹ con tên là Mongtiela, là người nổi tiếng thứ hai sau bà Camacha. Còn ta tên là Canhixare. Nếu như ta không thông thái bằng hai bà thì ít ra ta cũng có những ước muốn đẹp không kém bất kỳ bà nào. Thật tình là thế này: bà Camacha phải chịu thua mẹ con trong việc một mình dũng cảm chống chọi với cả một bầy quỷ dự trong lúc bị chúng vây kín xung quanh. Còn ta, ta hèn nhát hơn mẹ con, ta chỉ đủ sức đánh nhau với một nửa bọn quỷ dữ mà mẹ con đã đánh thắng. Nhưng còn các mặt khác, mẹ con và ta ngang t�! �i nhau, ! tỉ như việc nấu dầu xức, thứ dầu mà bọn phù thủy chúng ta vẫn thường dùng. Không một ai có thể tài hơn chúng ta và ngay cả bây giờ ta cũng không để cho bất kỳ mụ phù thủy nào làm giỏi hơn ta trong việc nấu dầu xức. Con nên biết rằng vì thấy cuộc đời ta trôi đi trên đôi cánh mỏng manh của thời gian đã đến lúc kết thúc, ta muốn giũ bỏ mọi thói xấu mà ta từng tận tâm, tận sức gây nên trong rất nhiều năm và ta chỉ muốn mình là một thầy phù thủy. Đó là một thói xấu rất khó từ bỏ. Mẹ con từng làm như vậy: mẹ con đã từ bỏ được nhiều thói xấu, đã làm được nhiều điều tốt lành trong cuộc đời này. Thế nhưng bà mẹ con đã chết như một thầy phù thủy chứ không chết như một người bệnh. Bà mẹ con chết trong nỗi đau lòng biết chắc răng là phù thủy Camacha, thầy học của mình đang căm tức mình. Bà Camacha lộn tiết lên với mẹ con vì ba thấy mẹ con sánh ngang tài với bà ấy hoặc vì một lý do nào khác mà ta không thể hiểu được. Mẹ con có mang và đến ngày sinh. Bà Camacha đến chăm lo và đỡ đẻ cho mẹ con. Khi đỡ đẻ xong, bà Camacha chìa cho mẹ con xem hai con chó, rồi bà ta nói thế này: "Đây là tội lỗi! Đây là sự lừa lọc! Nhưng, hỡi ôi Mongtiela, ta là bạn của con, ta lo thu xếp ổn thỏa cho cái sự đẻ đái này, còn con hãy lo giữ gìn sức khỏe và hãy biết rằng nỗi bất hạnh này sẽ mãi mãi bị chôn vùi trong im lặng. Con chớ nên suy nghĩ và tự xấu hổ nhiều về sự kiện này vì con biết rằng ta hiểu đây là những đứa con của lão Rodrigo, thằng hầu của con. Vậy thì con chó con này là kết quả, là sự mong mỏi của người có bàn tay mầu nhiệm". Cả hai chúng ta,! mẹ con! và ta, đều ngạc nhiên và thuần phục bà ta. Nhưng riêng ta, ta biết rõ tất cả trong cái sự kiện quái dị này. Bà Camacha bỏ ra về, mang theo hai con chó con. Ta ở lại với mẹ con, chăm sóc mẹ con. Trong suốt thời gian tĩnh dưỡng người không hay biết điều gì đã xảy ra với mình. Cái giờ phút cuối cùng của đời bà Camacha đã đến. Bà ta gọi mẹ con đến bên giường trong lúc hấp hối và nói với mẹ con rằng: vì điên tiết mà bà ta đã biến hai đứa con trai của mẹ con thành hai con chó đang sống bên bà ta, nhưng bà ta khuyên mẹ con không nên buồn rầu làm gì vì hai con chó này sẽ lại trở thành người vào lúc bất ngờ nhất, nhất là khi mắt chúng nhìn thấy những điều nói trong bài thơ sau đây:
            Chúng sẽ trở lại làm người
            Khi với tinh thần sắc bén
            Thấy phải ra tay cứu người mắc nạn
            Và diệt bọn cơ hội gặp thời
Như ta đã nói, vào lúc sắp chết, bà Camacha đã nói với mẹ con như vậy. Mẹ con đã ghi điều đó và học thuộc lòng, còn ta ghi khắc trong tâm trí để có lúc nào đó phải nói về các con với một người nào đó. Để có thể nhận ra các con, khi nhìn thấy những con chó có bộ lông của con, ta đều gọi bằng cái tên của mẹ con, không chỉ vì ta nghĩ rằng tất cả chó trên thế gian này đều được gọi tên mà chỉ là xem cách thức chúng đáp lại lời gọi như thế nào. Và chiều nay, ta xem biết bao trò lạ do con diễn và người ta gọi con là con chó thông thái, và việc con ngẩng đầu lên đáp lại tiếng gọi của ta ở ngoài vườn, ta nghĩ ngay con là con của bà Mongtiela. Vậy con là người mà ta rất thích! thú bá! o cho biết cách thức lấy lại hình người lúc ban đầu của mình. Ta muốn cách thức ấy sẽ dễ dàng đối với con, như cách thức người ta nói về Apeludo trong Con lừa vàng[20] chỉ cần ăn một bông hoa hồng duy nhất thì hình thù con vật biến đi và anh ta từ con vật trở lại thành người. Nhưng cách thức của con hơi khác một chút, nó hoàn toàn phụ thuộc vào tinh thần con. Điều con vẫn phải làm, con ạ, là luôn luôn cầu khẩn Thượng đế trong trái tim mình và hãy kiên tâm chờ những lời này, ta không muốn gọi là lời tiên tri mà chỉ đơn thuần gọi là lời đoán số, sẽ xảy ra đúng như vậy. Bởi vì chúng đã được chính bà Camacha nói ra và ta tin rằng dứt khoát chúng sẽ được ứng nghiệm, nghĩa là con và em con sẽ lại có hình người như vốn có từ lúc mới chào đời. Ta buồn lòng vì ta đã sống đến cuối đời rồi và do đó chẳng còn dịp may để đươc nhìn lại thằng em con. Nhiều lần ta định hỏi sư phụ ta – vốn có hình hài một con dê đực – xem số phận của các con sẽ kết thúc ra sao, nhưng ta không dám, bởi vì trước những câu hỏi của ta chẳng bao giờ người trả lời cho thật rõ ràng, thật thẳng thắn mà thường quanh co và khó hiểu. Vậy thì tốt hơn hết là chẳng nên hỏi người về bất kỳ điều gì, bởi vì khi nói ra một sự thật bao giờ người cũng trộn lẫn nó trong muôn vàn điều gian dối. Khi nhớ lại những câu trả lời của người, ta nhận ra rằng người không biết thật chính! xác nh�! ��ng điều sẽ xảy ra trong tương lai mà người chỉ đoán mò thôi. Bởi thế mà nhiều người hiểu rất sai nghề phù thủy của chúng ta. Nhưng dù cho thiên hạ có báng bổ chúng ta như thế nào chăng nữa, chúng ta cũng không thể từ bò nghề phù thủy được. Chúng ta sẽ đi khỏi nơi đây, chúng ta sẽ cùng chung sống mãi mãi với dân chúng, với các thầy phù thủy, nam cũng như nữ. Tại đấy, người ta sẽ cho chúng ta ăn uống kham khổ và sẽ được thưởng thức những món ăn ta không dám kể lại cho con, vì ta không muốn làm vẩn đục đôi tai cao quý của con. Có người cho rằng chúng ta, những thầy phù thủy, không thật sự hưởng những món ăn ấy vì thật ra đó là hình ảnh ma quái về các món ăn mà quỷ dữ làm hiện hình trước bọn phù thủy chúng ta. Lại có những người khác cho rằng chúng ta không sống và hưởng thụ các món ăn ấy mà đích thực chúng ta đã chết, chết từ thể xác đến linh hồn. Riêng ta, ta cho rằng cả hai quan điểm ấy đều phản ánh một sự thật nào đó, vì chính chúng ta, các thầy phù thủy, không biết đích xác khi nào chúng ta đi khỏi cõi đời này và chúng ta sẽ ra đi theo hình thức nào của cái chết. Bởi không có cách nào để phân biệt rạch ròi các sự kiện trong thế giới ma quái với sự kiện thuộc đời thật, cuộc đời trần thế. Do tiếp xúc trực tiếp với các thầy phù thủy bị bắt giam, các ngài trong tòa án tôn giáo cũng đã có những hiểu biết ấy. Do đó ta nghĩ rằng các ngài ấy đã tìm ra được sự thật ta vừa nói. Con ạ, ta muốn thoát khỏi cái tội lỗi này và để làm được điều đó, ta phải sử dụng đến mưu mẹo. Ta làm đủ mọi cách để được nhận vào đây làm hộ ! lý cho n! hà thương. Ta chữa lành bệnh cho những người nghèo. Một số người xấu số chết đi còn để lại cho ta cuộc sống bằng cách họ để lại cho ta của nả của họ, hoặc những thứ vặt vãnh khác. Trước đám đông, ta cũng làm bộ cầu kinh nhưng khi chỉ có mình ta, ta thả sức niệm chú. Ta trở thành một kẻ giả dối, làm điều thiện để che đậy tội lỗi của mình. Vẻ hào nhoáng những việc làm của ta dần dần xóa mờ đi những việc làm tội lỗi trước đây của ta trong ký ức một số người. Quả nhiên là thói đạo đức giả không làm thiệt hại tới người thứ ba nhưng nó làm hại ngay chính người sử dụng nó. Con ta ạ, ta muốn khuyên con điều này: con hãy tỏ ra là một người tốt khi con có thể làm người tốt. Nếu con là người thì con hãy giữ kín những việc làm xấu xa tội lỗi của mình. Ta là phù thủy, đúng thế, ta không giấu con. Mẹ con là phù thủy, ta cũng không thể giấu con được. Nhưng những việc làm tốt đẹp của hai chúng ta thì cả bàn dân thiên hạ ai cũng biết rõ, không ai có thể phủ nhận được. Trong chuyến du chơi tuyệt vời, chúng ta đã đi đến một làng hẻo lánh trong dãy núi Pirineot. Sau đó ba ngày, mẹ con mất. Mẹ con ra đi khỏi cõi thế tục này trong tâm thế thanh thản. Chỉ trong vòng mười lăm phút, bằng mấy động tác đơn giản, mẹ con hóa phép ra được một chiếc giường đệm toàn hoa tươi. Sau đó bà nằm lên đó để trút hơi thở cuối cùng. Mẹ con ra đi mang trong trái tim mình hình ảnh hai đứa con nhỏ và chẳng bao giờ, ngay cả khi sắp tắt thở, mẹ con tha thứ cho bà Camacha. Ta vuốt mắt cho mẹ con, rồi đưa mẹ con đến nơi an nghỉ cuối cùng. Ta đành phải để mẹ con lài tron! g mồ. S! ẽ chẳng bao giờ ta gặp lại mẹ con nữa, tuy nhiên ta vẫn chưa để mất lòng tin được gặp lại bà trước khi ta chết. Bởi vì, người ta đồn rằng mẹ con vẫn lởn vởn đi lại trong nghĩa địa. Có lẽ, cũng có lần ta chạm trán với mẹ con tại nghĩa địa và ta đánh bạo hỏi xem mẹ con có cần ta phải làm gì hộ không để lương tâm bà được thanh thản.
Mỗi sự kiện mà bà già nói với tớ để ca ngợi người đàn bà mà theo như bà già nói là mẹ đẻ của tớ, chúng như những mũi tên xuyên vào trái tim tớ khiến cho tớ muốn lăn xả vào mà xé xác bà già ra từng mảnh. Nhưng tớ không làm là vì tớ không thích bà già phải chết trong hình thức ấy. Cuối cùng, bà ta nói với tớ rằng đêm ấy bà ta đã nghĩ đến việc xức thuốc tàng hình để đi đến ăn những bữa cơm thường có và bà ta sẽ hỏi sư phụ của mình về những điều sẽ xảy ra với tớ. Lúc ấy tớ muốn hỏi bà ta về thứ thuốc tàng hình mà bà ta vừa nói. Dường như bà ta đọc được ý muốn của tớ, vì bà ta trả lời tớ như thể tớ đã hỏi bà ta rồi. Bà ta nói: "Thứ thuốc tàng hình mà những thầy phù thủy chúng ta vẫn xức là một thứ nước được nấu lẫn các thứ thuốc lá còn tươi rói chứ không phải như người ta thường nói rằng nó được pha chế từ máu trẻ thơ do chúng ta đã bóp cổ chết. Trên đây con cũng có thể hỏi ta vì sao quỷ dữ lại sai khiến chúng ta giết chết trẻ em? Vì quỷ dữ biết rằng những trẻ em ấy vừa mới được đặt tên, còn ngây thơ và trong trắng nên chúng dễ dàng lên thiên đàng và do đó quỷ dữ sẽ nhận một thứ tội đặc biệt cùng với mỗi linh hồn Thiên chúa giáo mà quỷ dữ nấp sau chúng! . Ta khô! ng thể nói rõ hơn được nữa về điều này, mà chỉ nên nhắc lại một câu tục ngữ: cần chọc thủng cả hai con mắt vì kẻ thù người ta đã chọc thủng mất một rồi và rằng cái nỗi đau trong lòng của người cha khi bị giết mất con là nỗi đau lòng lớn nhất có thể mường tượng được. Điều quỷ dữ quan tâm hơn cả là làm cho chúng ta, những thầy phù thủy, luôn luôn phạm những tội ác dã man nhất vì Thượng đến đã cho phép nó làm như vậy. Nếu không được phép của Thượng đế thì quỷ dữ không thể chống đỡ nổi đòn tấn công của con vật nhỏ nhoi như con kiến. Quả nhiên là như vậy, vì đã một lần ta cầu khẩn Thượng đế xin ngài cho ta phá hủy vườn nho của kẻ thù. Nhưng Ngài trả lời ta rằng đừng có mà động đến vườn nho ấy, dù là chỉ động đến một lá nho. Do đó khi nào con đã là con người, con sẽ hiểu hết tất cả những nỗi bất hạnh đổ lên đầu con người, đổ xuống các thành phố, các xóm thôn, các quốc vương, những vụ chết người, những vụ đắm tàu, những vụ đổ vỡ. Tóm lại những đau thương và tổn thất ấy đều do bàn tay của Đấng Chí tôn và ý nguyện của ngài. Những tội ác gây ra những đau thương, những tổn thất ấy đều do bàn tay chúng ta, những thầy phù thủy làm ra. Thượng đế không thể bị buộc tội được. Còn chúng ta phải chịu tiếng xấu là tác giả của những tội lỗi: tội lỗi trong ý định, tội lỗi trong lời nói, tội lỗi trong hành động và tất cả những tội lỗi ấy đều được Thượng đế cho phép làm, như ta đã nói với con. Bây giờ, con ạ, nếu như con có thể nói được, có thể hiểu được ta, con sẽ nói rằng ai là người đã l! àm cho t! a trở thành nhà lý luận và có lẽ con sẽ còn nói: "Ôi, cái bà già quỷ quái này! Làm sao bà ta không từ bỏ cái nghề phù thủy đi bởi vì bà ta hiểu biết rất sâu sắc, rồi bà ta sẽ trở về với Thượng đế bởi bà ta cũng biết rằng Thượng đế sẽ tha tội cũng như Ngài đã cho phép phạm tội". Về điều này, ta xin trả lời con, xem như con đã hỏi ta, rằng thói quen làm điều ác nằm ngay trong bản thể con người. Thói xấu làm phù thủy cũng trở thành máu thịt trong người. Trong khung cảnh một người đang say sưa ấy nếu có lấy băng lạnh mà đổ vào tâm hồn để làm cho niềm tin nguội lạnh đi thì niềm tin sẽ không nguội lạnh đi mà chỉ làm cho người ta quên mình đi, quên luôn cả những hình phạt đầy sợ hãi mà Thượng đế thường hăm dọa và quên luôn và niềm vinh quang. Quả thật, khó mà tiêu diệt được năm giác quan của con người vì tội lỗi từ máu thịt mà ra. Vì lẽ đó tâm hồn trở nên yếu đuối, không thể đánh thức dậy những tư tưởng tốt đẹp trong con người mình. Thế là người ta cứ tự buông thả mình trong vực sâu tội lỗi, không giơ cao cánh tay để nắm lấy cánh tay Thượng đế lúc đó đang đưa ra để cứu vớt mình, để mình đứng dậy. Ta cũng đã từng ở trong hoàn cảnh ấy: ta nhìn thấy hết, ta hiểu hết nhưng ta không thể sửa chữa được những ý định tội lỗi, ta luôn luôn là kẻ xấu và ta sẽ còn là kẻ xấu xa. Nhưng thôi, hãy tạm gác điều đó lại và chúng ta hãy trở lại câu chuyện về thuốc tàng hình. Ta đã nói với con rằng đó là một thứ nước rất lạnh đến mức làm tê liệt mọi cảm giác của những ai xức nó. Sau khi xức dầu xong, chúng ta liền thay hình đổi ! dạng bi! ến thành gà, thành cú vọ, thành quạ, đi đến nơi su phụ đang đợi chúng ta và tại đây chúng ta lại trở lại hình hài ban đầu, hình người. Để tận hưởng mọi khoái cảm mà ta không nói với con, bởi vì đó là những khoái cảm mà trí nhớ lầm lẫn không thể nhớ chính xác được, những khoái cảm mà ngôn từ không thể diễn đạt chính xác được. Tóm lại, đích thị ta là thầy phù thủy và ta mặc cái áo giả đạo đức để che đi những việc làm nhơ nhuốc của ta. Quả thật có những người kính phục và ca ngợi ta, nhưng cũng không thiếu những kẻ rì rầm bán tán nói rằng ta đã làm nhiều điều tai ác đến mức tòa án pháp đình tôn giáo phải nổi giận. Các ngài đã trút cơn thịnh nộ của họ lên bàn tay tên đao phủ, kẻ không được đút lót, đã thẳng tay trừng trị chúng ta, mẹ con và ta. Nhưng sự kiện ấy đã qua đi lâu rồi, các sự kiện đều qua đi hết, trí nhớ đã phai mờ hết, cuộc đời không bao giờ lặp lại, lưỡi người đời cũng đâm ra mệt mỏi, những sự kiện mới choán chỗ và làm mờ nhạt những sự kiện có trước. Ta là hộ lý trong nhà thương và ta đã làm được nhiều việc tốt lành, đồng thời những khi tàng hình ta cũng đã sống những giây phút tuyệt vời sung sướng. Ta chưa già lắm đến mức không thể sống thê được một năm nữa. Năm nay ta đã bảy mươi lăm tuổi đầu. Vì tuổi tác mà ta không thể ăn chay được. Vì những kẻ giang hồ mà ta không thể cầu kinh được. Vì đôi chân gầy guộc này mà ta không thể đi chơi hội được. Vì quá nghèo mà ta không thể cho của bố thí. Vì thích niệm chú nên ta không thể nghĩ điều hay lẽ phải. Mặc dù ta hèn kém và xấu xa như thế đ! ó nhưng! ta thừa biết Thượng đế lòng lành vô biên và ngài biết tất cà những tội lỗi của ta, thế là đủ. Thôi, cuộc nói chuyện nên dừng lại đây kẻo ta rầu lòng lắm rồi. Con ạ, hãy vào đây để xem ta xức dầu tàng hình, bởi vì trăm hay không bằng tay làm, trăm nghe không bằng một thấy, bởi vì hôm nay là một ngày tốt lành, được ngồi yên trong nhà, không phải để khóc lóc mà là để vui cười thỏa thích. Thế nghĩa là ta muốn nói rằng những khoái cảm mà quỷ dữ đem lại cho chúng ta dẫu là giả dối, thì đối với chúng ta vẫn là những khoái cảm, và ta cũng muốn nói rằng các khoái cảm càng thích thú hơn khi chúng được ta tưởng tượng ra".
Trong lúc nói dài dòng như vậy, bà già đã đứng dậy, cầm cây đèn dầu vào phòng trong hẹp hơn. Tớ dõi con mắt theo bà mà lòng ngổn ngang ý nghĩ, hàng ngàn ý nghĩ khác nhau nảy ra trước những điều bà già nói và sẽ nói, lòng tớ đầy thán phục chờ xem sự việc bà già sẽ làm. Bà già đặt cây đèn lên chốc tường rồi ngay lập tức cởi hết xống áo, bà lấy từ trong xó ra một cái chảo thủy tinh rồi xức dầu tàng hình từ chân lên tới đầu. Trước khi xong công việc, bà già dặn tớ: dù là thân thể bà già bất động nằm trong phòng, dù bà già biến mất dạng thì tớ chớ có sợ hãi và hãy bình tĩnh đợi cho đến sáng ngày hôm sau. Bởi vì ngay sau đó tớ sẽ được biết những gì sẽ xảy ra với mình trước khi trở lại làm người. Tớ cúi đầu dường như để nói với bà già rằng tớ sẽ làm theo điều bà ta dặn dò. Bà giá xức xong dầu tàng hình, nằm thẳng cẳng trên sàn nhà như đã chết rồi. Tớ đến bên bà già, dí mõm vào mồm bà già và tớ thấy ! bà già ! thở nhẹ nhàng đều đều. Xipiong, bạn hỡi, tớ phải thú nhận với đằng ấy ột sự thật là: tớ vô cùng sợ hãi khi thấy một mình ngồi trong căn phòng với một người đang chết. Bà già cao bảy pie[21]. Cả thân hình bà già là một bộ xương được bọc bởi làn da đen nhẻm, nhăn nheo và sần sùi. Bụng bà ta được che bởi một tấm da cừu. Tấm da này che kín hạ bộ và còn che luôn cả bộ đùi của bà già. Đôi vú bà già teo lại tựa như hai cái bóng đái bò đã khô khốc nhăn nhúm. Cái mũi khoằm nhòm xuống đôi môi thâm xì và hàm răng khấp khiểng. Đầu tóc bà già rối bù. Đôi mắt trợn trừng. Hai má tóp lại. Cổ họng dài ngoẵng, bộ ngực nổi gò lên. Tóm lại thân hình bà già đã gầy guộc lại có vẻ ma quái. Tớ chậm rãi quan sát bà già và ngay tức khắc nỗi sợ hãi xâm chiếm toàn bộ tâm hồn tớ. Tớ muốn cắn bà già một miếng để xem bà có biết gì không nhưng tớ cảm thấy tởm lợm nên không dám. Nhưng rồi cuối cùng tớ ngoạm vào gót chân bà già lôi bà ra ngoài sân. Dù thân xác bị kéo lê trên nền đất, bà già vẫn chẳng hay biết gì. Tại đây, với việc ngắm nhìn một khoảng không thoáng rộng, tớ không sợ hãi như trước nữa. Tớ đã có thể bình tĩnh chờ đợi cho đến khi bà già tỉnh lại và nói cho nghe những gì sắp xảy ra với tớ. Trong chính lúc này, tớ tự hỏi lòng mình: "Ai đã khiến cho người đàn bà này nham hiểm và xấu xa đến thế? Vì sao bà già lại biết rất rõ cái gì là tổn thất, c! ái gì l! à tội lỗi? Vì sao bà ta lại hiểu Thượng đế và nói nhiều đến ngài nhưng lại hành động như quỷ dữ?". Tớ mãi suy nghĩ trong những vấn đề ấy và do đó đêm đã qua đi và ngày đã trở lại. Người ta thấy chúng tớ ở ngay giữa sân, bà già vẫn chưa tỉnh lại, tớ ngồi chống hai chân trước, chăm chú nhìn cái thân hình xấu xí và ma quái của bà già. Dân chúng trong cái nhà thương ấy xôn xao chạy đến vây lấy chúng tớ. Có người nói rằng: "Ôi, cái bà Canhixare tốt bụng đã chết rồi. Ôi thương quá, sao bà ta phải chết khổ chết sở thế kia". Một số khác thận trọng hơn, cầm tay bà già bắt mạch, thấy rằng mạch vẫn còn, nghĩa là bà già chưa chết, nhờ đó họ biết rằng bà già đang trong trạng thái lên đồng thiếp. Lại còn có những kẻ khác nói rằng: "Cái mụ điếm già này, hiển nhiên là thầy phù thủy rồi và có lẽ mụ đã xức dầu tàng hình. Chẳng bao giờ các thánh lại làm chuyện đồi bại này và đến bây giờ những ai từng quen biết với mụ đều biết rằng mụ nổi tiếng là thầy phù thủy hơn là bậc thánh hiền". Lạ hơn nữa, tớ thấy người ta xúm đến lấy kim cắm vào da thịt bà, từ chân lên tới đầu. Mặc dù vậy bà già vẫn ngủ li bì cho đến tận bảy giờ sáng mới bừng tỉnh dậy. Vì cảm thấy nhức nhối bởi kim găm khắp người, thấy chân đau nhói bởi vết cắn của tớ và thấy người nóng rát ở những chỗ xây xát do việc đêm qua tớ lôi thân xác bà ta từ trong phòng ra ngoài sân, thấy mình đang bị thiên hạ vây quanh nhìn, bà già xấu hổ và tưởng rằng tớ là tác giả của sự sỉ nhục này. Thế là bà già xông lại tớ, hai tay ghì chặt lấy cổ tớ định bóp nghẹt t�! � luôn. ! Trong khi bóp cổ tớ, bà già nói: "Ôi, đồ đểu giả, đồ vô ơn bạc nghĩa, đồ mất dạy. Mày tưởng với việc làm này mày trả ơn bà những việc tốt lành bà đã làm cho mẹ mày và cả những việc bà định làm cho mày đấy hả?". Vì thấy mình rất có thể bị toi mạng bởi hai bàn tay của con quỷ cái đang xiết ngày một chặt lại, tớ dẫy đạp thật mạnh rồi ngoặm lấy tấm da cừu thắt nơi bụng mụ mà kéo mụ đi khắp sân. Mụ gào toáng lên, kêu gọi mọi người cứu mụ khỏi nanh vuốt con chó bị hồn ma nhập. Với luận điệu xảo trá này, mụ già đã khiến cho một số người tin rằng tớ bị ma nhập nên có một vài người lấy nước thánh rẩy cho tớ, số khác sợ hết hồn không dám đến gần, một số la hét ầm ĩ để đuổi tớ chạy đi. Mụ già tai ác rên rỉ, tớ cứ riết chặt hai hàm răng giữ cho chắc lấy mụ làm cả khu vực ồn ào huyên náo. Vừa lúc đó, tay lính đánh trống – chủ cũ của tớ cũng đến. Anh ta buồn rầu vì cũng tưởng tớ bị ma nhập. Những người khác, vốn không biết thuật đánh đồng thiếc đã lấy roi nên tớ thật mạnh làm lưng tớ bật cả máu tươi. Vì thấy nỗi căm tức trong lòng đã nguội, tớ thả mụ già ra, rồi với ba cái nhảy, tớ đã ra tới đường cái. Rồi đi thêm tí nữa, tờ đã khỏi cái xóm nhỏ ấy, kéo theo sau cả một bầy trẻ nhỏ. Vừa chạy theo tớ, chúng vừa la hét: "Tránh ra, tránh ra kẻo con chó thông thái bị điên đấy". Một số đứa khác lại gào: "Nó không rồ đâu. Quỷ dữ hiện thành chó đấy". Trong sự ồn ào huyên náo ấy tớ phải nhanh chóng đi khỏi cái làng này. Vẫn còn rất nhiều người tin rằng tớ bị a nhập hay đúng hơn là quỷ d�! �� hiện! hình. Bởi họ tin vào việc mắt họ đã nhìn thấy các trò tớ diễn cũng như tai họ nghe thấy những lời độc ác của mụ già khốn kiếp kia. Tớ thấy mình phải chạy cho nhanh để thoát khỏi những cặp mắt căm giận kia, để họ tin rằng tớ đã biến mất như quỷ dữ vẫn thường làm. Trong sáu giờ đồng hồ, tớ chạy được mười hai dặm đường. Tớ gặp một cái lán của những người Digan dựng trên một cánh đồng ngay sát cạnh thành phố Granada. Tớ nghỉ lại ở đây trong chốc lát bởi vì có một số người Digan nhận ra tớ là con chó thông thái và thế là họ náo nức đón nhận tớ. Họ giấu tớ trong một cái hang đề phòng khi có ai đi tìm tớ sẽ không thể nhìn thấy và để dùng tớ kiếm cơm ăn như tay lính đánh trống, chủ cũ của tớ đã làm. Ý định ấy sau này tớ mới hiểu ra. Tớ ở với bọn họ trong khoảng hai chục ngày. Nhờ chung sống với họ mà tớ hiểu được cuộc sống cũng như tập quán của người Digan. Tớ sẽ cố gắng kể lại cho đằng ấy nghe.


XIPIONG: Becganxa ạ, trước khi đằng ấy tiếp tục câu chuyện của mình, chúng ta hãy dừng lại ở điều mụ phù thủy nói với đằng ấy và chúng ta thử cùng nhau phân tích xem cái điều đại bịp mà cậu đã nhẹ dạ tin kia có đúng là sự thật không. Tớ cho rằng có là thằng quá ngu ngốc nên mới tin rằng bà Camacha biến những người đàn ông thành những con vật và tin rằng cái anh chàng giữ nhà thờ nọ bị biến thành con lừa để hầu hạ bà ta. Những chuyện ấy chẳng qua chỉ là chuyện bịa, là sự lừa bịp. Còn nếu như giờ đây, chúng ta có một sự hiểu biết tương đối nào đấy thì chúng ta vẫn là những con chó, hay đúng ra vẫn mang hình dạng chó mà nói chuyện với nhau và như chúng ta đã nhận định đây là một sự kiện ngoại lệ, một sự kiện phi thường chưa bao giờ được nhìn thấy và rằng mặc dù ta đã sờ mó được sự vật ấy thì cũng chớ nên nhẹ dạ tin ngay, để đến mức một vài chi tiết nhỏ của nó cũng đủ làm cho ta tin. Vấn đề ở đây đặt ra cho chúng ta là phải nên thận trọng trước khi tin một điều gì đấy. Có lẽ cần phải làm sáng tỏ thêm. Bà Camacha nói rằng bà ta tin sẽ có ngày chúng ta lấy lại hình hài ban đầu của mình thì bà ta đã dựa vào chuyện hão huyền nào đó. Những lời mà đằng ấy coi là những lời tiên tri chẳng qua cũng chỉ là những lời khuyên nhủ hay là những chuyện cổ, tựa như chuyện về con ngựa cụt đầu hay chuyện cái nồi cơm hồ vơi lại đầy. Đó là những chuyện mua vui bên ngọn lửa bập bùng trong đêm đông. Bởi vì nếu không như thế thì những lời ấy đã trở thành hiện thực! rồi. Những lời của bà ta cần phải hiểu theo nghĩa tỉ dụ, nghĩa là ý nghĩa ấy không bật ra từ chính những từ ấy mà chúng khiến ta phải liên tưởng đến những sự việc khác. Khi bà ta nói:
            Sẽ trở lại làm người
            Khi với tinh thần sắc nhạy
Chúng thấy phải ra tay
Cứu giúp người mắc nạn
Diệt trừ bọn cơ hội gặp thời.
thì tớ hiểu rằng câu thơ ấy muốn nói rằng chúng ta sẽ lấy lại hình hài lúc ban đầu khi chúng ta nhìn thấy những kẻ ngày hôm qua đang ở đỉnh cao của vận may nhưng hôm nay đang rên xiết dưới chân Thần bất hạnh và trong những kẻ ấy có ít người được kính trọng. Chúng ta sẽ lấy lại hình hài ban đầu của mình khi chúng ta nhìn thấy những người cách đây độ hai giờ còn là những kẻ khốn cùng không một tấc đất cắm dùi, nhưng giờ đây họ đang ngất nghểu hưởng miếng đỉnh chung khiến ta phải lác mắt. Nếu như lúc đầu ta không thấy họ vì họ kèm cỏi thì lúc này ta không thể sánh kịp họ vì họ đã đã giàu có và cao sang. Nếu chúng ta tin vào điều câu thơ sấm nói thì chúng ta đã lấy lại hình hài ban đầu rồi. Vì chúng ta đã nhìn thấy những cảnh tượng ấy và từng phút từng giây chúng ta đều chứng kiến. Vì lẽ đó mà tớ hiểu rằng chúng ta nên hiểu lời thơ sấm của Camacha ở nghĩa bóng, nghĩa văn chương của nó. Trong lời thơ sấm này, chúng ta cũng không thể tìm được, giải pháp hay hành động cho chúng ta, vì rất nhiều lần nhìn thấy cảnh tượng lời thơ sấm nói đến nhưng chúng ta vẫn cứ là chó. Do đó, bà Camacha là một người bông lơn, bà Canhixare là người bịp bợm, còn bà Mongtiela l�! � một n! gười ngu. Xin lỗi vì tớ nhỡ mồm, nếu quả thật bà ta là mẹ đẻ của chúng ta, hay của riêng đằng ấy thôi, vì tớ chẳng muốn bà ta là mẹ của tớ. Vậy tớ nói rằng ý nghĩa chân thực của lời thơ sấm kia chỉ là một trò tiêu khiển mà thôi, bởi ở đấy nói rằng kẻ nào có khả năng hùng mạnh thì sẽ quật ngã những kẻ đang cai trị và dựng dậy những ai đang bị thống trị.


BECGANXA: Xipiong thân mến, đằng ấy có lý lắm và đằng ấy là một người thận trọng trong cách suy nghĩ. Tớ sẽ phải suy nghĩ nhiều về những điều đằng ấy vừa nói và tớ tin rằng tất cả những gì đã xảy ra và đang xảy ra với chúng ta chỉ là một giấc mơ mà thôi. Bởi vì chúng ta vẫn chỉ là những con chó. Nhưng không vì thế mà chúng ta từ bỏ sự thích thú được nói như người. Vậy thì xin đằng ấy đừng chán tai trong lúc tớ kể về những ngày chung sống với những người Digan giấu tớ trong hang.


XIPIONG: Được, tớ sẽ nghe đằng ấy với tất cả niềm hào hứng để buộc đằng ấy cũng phải thích thú nghe tớ, khi đến lượt tớ kể chuyện đời mình, nếu Thượng đế cho phép.

BECGANXA: Những ngày tớ sống với bọn Digan, tớ hiểu được những thói xấu, những trò lừa đảo và bịp bợm của họ, cả những vụ ăn trộm mà bọn họ làm ngay từ khi thôi không quấn tã lót và mới chỉ lẫm chẫm biết đi. Đằng ấy đã thấy bọn họ đông đúc, ồn ào có mặt ở khắp đất nước Tây Ban Nha chưa nhỉ? Tất cả bọn họ đều quen biết nhau, đều liên hệ tin tức với nhau và chuyển đổi cho nhau những thứ lấy trộm được. Bọn họ đều phục tùng tuyệt đối một vị hoàng đế của họ mà họ gọi là Bá tước, người này còn có một tên hiệu là Mandonado. Họ gọi như vậy không phải vì ông ta xuất thân từ một dòng họ quyền quý mà chỉ là một thằng hầu của một công tử có cái tước hiệu đó. Thằng hầu này yêu một cô Digan và cô gái đòi anh ta phải làm một người Digan thì cô ta mới đáp lại mối tình của anh ta. Thằng hầu liền làm theo yêu cầu của cô gái và lấy cô làm vợ. Sự kiện ấy làm vui lòng tất cả bọn Digan. Bởi thế bọn Digan suy tôn anh ta làm thủ lĩnh của mình và đều chia của ăn trộm cho anh ta. Để che dấu cái cuộc sống ăn không ngồi rồi của mình, họ làm nghề rèn sản xuất ra các công cụ tiện lợi cho nghề trộm cắp. Bởi thế, đằng ấy thấy bọn đàn ông đem bán nào kìm, nào mũi khoan, nào búa, còn bọn đàn bà thì đem bán nào là bàn ba chân, nào quạt lò. Bọn đàn bà này đều biết đỡ đẻ và họ đỡ khéo lắm, khéo hơn cả đàn bà Tây Ban Nha. Chỉ một thoáng thôi, chẳng vất vả gì cả, họ đã đỡ xong và họ tắm đứa hài nhi trong nước lạnh. Vì thế mà tất cả bọn Digan đứa nào cũng da ! ngăm đen chứng tỏ rằng họ từng nếm trải mùi cay đắng mà ông trời đã thử thách họ. Có lẽ vì thế mà đằng ấy sẽ thấy bọn họ ai cũng xông xáo, vui nhộn, hay nói bông đùa và nhảy múa rất tuyệt. Bọn Digan chỉ lấy người đồng bọn vì họ không muốn những mưu mẹo cũng như những thói tật của mình lộ ra ngoài. Các cô gái Digan luôn luôn thờ chồng, giữ gìn thể diện cho chồng và rất ít cô ngoại tình với người khác. Khi họ phải đi ăn xin thì họ pha trò và làm ảo thuật để người ta bố thí chứ họ không van xin. Còn khi họ viện đến tình cảnh nghèo khó thì không một ai tin và cho rằng đó là một lũ lười nhác và không ai đi bố thí cho kẻ lười nhác. Rất ít khi hoặc chưa lần nào, nếu tớ nhớ không nhầm, tớ nhìn thấy con gái Digan vào làm lễ kiên tin ở nhà thờ, vì tớ nhiều lần vào nhà thờ xem hành lễ. Những suy tư của họ đều tập trung vào việc nghĩ làm thế nào để lừa bịp người và nên ăn trộm ở đâu. Bọn họ thường khoe với nhau đã ăn trộm ở đâu và làm thế nào để lấy trộm được. Nhờ vậy, một ngày nọ, ngay trước mặt tớ, một gã Digan kể lại cho đồng bọn nghe vụ gã lừa và lấy trộm con lừa của một bác nông dân. Gã Digan này có một con lừa cụt đuôi và gã làm cho nó một bộ lông dài mượt y hệt đuôi thật. Gã ang lừa ra chợ và một bác nông dân mua nó với mười đồng ducado. Khi nhận tiền của bác nông dân, gã liền gạ xem bác có mua nữa không vì gã hãy còn một con lừa cùng mẹ với con này nhưng quý hơn con này và gã bán giá cao hơn. Bác nông dân bảo gã là hãy đi mang con lừa ấy đến để bác mua và nhân tiện hãy mang luôn con lừa vừa bán xong đến quán bá! c trọ. ! Bác nông dân đi, gã Digan đi theo sau. Vì gã đã âm mưu ăn trộm con lừa gã vừa bán xong cho bác nông dân nên ngay lúc đó gã tháo bộ lông giả và thế là con lừa có đuôi trở thành con lừa cụt đuôi. Gã thay chiếc ghế thồ hàng, thay luôn cả hàm chiếc và gã dắt con lừa đến bán cho bác nông dân. Thoạt đầu, bác nông dân cảm thấy nó giống con vừa mới mua nhưng vẫn bỏ tiền ra mua nữa. Khi trở về nhà trọ để trả tiền thuê phòng, bác nông dân chỉ thấy độc một con lừa. Vì thấy con lừa này quá giống con lừa trước, bác nông dân nghi gã Digan ăn trộm của mình mất một con nên bác định không trả tiền. Gã Digan liền tìm nhân chứng và gã dẫn đến những người từng muốn mua con lừa cụt đuôi và họ làm chứng rằng gã Digan đã bán con lừa có lông đuôi dài, khác hẳn con lừa gã bán lần thứ hai. GIữa lúc cảnh sát trưởng đến và y liền đứng về phía gã Digan phân xử như sau: bác nông dân phải trả tiền mua lừa cho gã Digan. Như vậy là bác nông dân mua một con lừa mà phải trả hai lần tiền. Bọn họ còn kể nhiều vụ trộm, đặc biệt là ăn trộm gia súc và họ tỏ ra là những người lành nghề. Tóm lại, bọn Digan là bọn người xấu. Dù có nhiều vị chánh án cẩn trọng đã ra tay trừng trị bọn Digan nhưng họ vẫn chứng náo tật ấy, không hề ân hận và sửa chữa. Hai mươi ngày sau, bọn Digan này định đưa tớ tới Mucxia. Vì thế tớ lại có dịp đi qua Granada. Tại đây có mặt viên đại úy chỉ huy đoàn quân trong đó có người lính đánh trống vốn là chủ của tớ.
Vì quen biết viên đại úy này, bọn Digan liền giấu tớ trong phòng trọ. Tớ nghe bọn họ nói chuyện và biết được lý do họ đến Mucxia và tớ hiểu rằng chuyến đi đến Mucxia chẳng tốt lành gì nên tớ quyết định phải chạy trốn bọn người này thôi. Tớ làm theo ý định ấy. Vừa ra khỏi Granada, tớ liền gặp ngay một trang trại của người Mo[22]. Chủ nhà niềm nở đón tiếp tớ và tớ ở lại với ông ta vì tớ thấy hình như ông ta muốn giữ tớ lại để trông nom vườn tược, một công việc theo nhận biết của tớ, sẽ nhẹ nhàng và đơn giản hơn công việc trông nom đàn gia súc. Hơn nữa, trong công việc này, ở đây không có sự mặc cả về tiền lương nên ông chủ người Mo dễ dàng chấp nhận việc nuôi tớ và tớ cũng dễ dàng bằng lòng trông nom vườn tược và yêu quý ông ta. Tớ ở được với ông người Mo này chừng một tháng không phải vì tớ thích cuộc sống này mà vì thông qua việc sống trực tiếp với một người Mo, tớ muốn biết thêm được cuộc sống, phong tục của tất cả người Mo sống trên đất Tây Ban Nha. Ôi, Xipiong thân mến, làm sao có thể nói với đằng ấy bao sự kiện tớ từng nhìn thấy trong hai tuần. Nếu kể lể chi tiết tớ e phải mất hai tháng. Nhưng quả thật là tớ cần phải kể cho đằng ấy nghe nhưng xin đằng ấy vui lòng với việc tớ nói nét chung nhất về những gì tớ nhìn thấy và ghi nhận được. Hãn hữu lắm người ta mới thấy một người Mo tin vào luật lệ thiêng liêng của đạo Thiên chúa. Tất cả những người Mo này đều nghĩ cách làm ra tiền và lo tích lũy tiền. Và để có tiền, họ lăn lưng ra làm việc mà không ăn tiêu. Nếu vi phạm quyền lợi của nhau thì họ tự khắc sẽ bỏ tù hoặc đày vĩnh viễn vào trong bóng tối kẻ nào gây! thiệt hại. Nhờ cung cách làm ăn lúc nào cũng thu về tiền bạc và không tiêu xài, họ đã ky cóp rất nhiều tiền bạc. Có thể nói họ đã chiếm giữ hầu hết số tiền hiện có trong nước Tây Ban Nha. Tiền bạc là mục đích sống của họ, là cuộc chiến sinh tử của họ, đồng thời tiền bạc cũng là cái dẫn họ đến sự khánh kiệt. Họ đạt được mục đích có nhiều tiền rồi cất giấu tiền, để một ngày đồng tiền nuốt chửng họ. Đằng ấy nên biết rằng người Mo rất đông, ngày nào họ cũng kiếm được nhiều tiền, rồi họ cất giấu tiền của để rồi họ chết dần chết mòn đi. Vì họ ngày một sinh sôi nảy nở nên chỗ để họ chôn giấu của cải cũng ngày một nhiều. Giữa họ với nhau, không bao giờ họ tôn trọng đạo đức, nghĩa hiệp cả. Bọn họ, đàn ông cũng như đàn bà, không bao giờ đến nhà thờ. Bọn họ lấy lẫn nhau, thi nhau đẻ con vì việc sống một cách kiêu hãnh và cách là tăng thêm nhanh chóng nòi giống của họ. Chiến tranh cũng không hủy diệt được họ. Quân đội vất vả nhiều nhưng cũng không tiêu diệt được họ. Bọn họ ăn trộm của chúng ta một cách thật nhẹ nhàng như không. Họ đem tài sản thừa kế của cha ông chúng ta bán lại cho chúng ta và thế là họ trở nên giàu có Bọn họ không nuôi người ở vì họ tự phục dịch lấy và không chịu tiêu tiền cho con cái đến trường học vì khoa học của họ chỉ là thứ khoa học ăn cắp, làm thế nào để ăn trộm của chúng ta càng nhiều càng tốt. Từ mười hai người con của cụ Giado lưu lạc vào đất Hy Lạp và khi bị hoàng đế Moisea đuổi đi, con cháu cụ lúc ra khỏi đất Hy Lạp đã có tới sáu trăm ngàn tráng đinh, khô! ng kể �! �àn bà và trẻ em. Một sự sinh sản ghê gớm đến mức không một sự sinh sản này giống người nào có thể sánh kịp.


XIPIONG: Biện pháp để tiêu diệt những đau thương mà đằng ấy chỉ ra đã được người ta tìm kiếm trong bóng tối. Tớ biết rằng những đau thương đằng ấy chưa nói còn khủng khiếp hơn những cái đằng ấy kể ra. Nhưng nước Tây Ban Nha còn có những người thận trọng và lo xa cho rằng Tây Ban Nha đã nuôi trong lòng mình quá nhiều rắn độc như cái bọn người Mo này. Những con người cẩn trọng và lo xa này qua những đau thương sẽ tìm ra lối thoát cho Tây Ban Nha. Vậy đằng ấy hãy tiếp tục câu chuyện của mình đi.


BECGANXA: Vốn keo kiệt như tất cả những người Mo keo kiệt khác, ông chủ tớ đem bánh hạt kê và một vài mẩu bánh mì chia ra cho tớ ăn và cả ông ta cũng ăn như vậy. Nhưng cuộc sống khốn nạn này giúp tớ mang vác cả ông trời trên vai một cách nặng nhọc giống hệt trường hợp tớ sẽ kể sau đây. Mỗi buổi sáng thức dậy, cùng với lúc mặt trời hừng đông, một chàng trẻ tuổi đã ngồi ngay dưới gốc cây thạch lựu – trong vườn trồng nhiều cây thạch lựu mà – thoạt mới nhìn tưởng chàng ta là một anh học trò, vận quần áo dạ. Chàng ta đang chăm chú viết trên một chiếc cặp, thỉnh thoảng vỗ tay lên trán rồi cắn móng tay mắt ngước lên nhìn trời xanh. Lần khác, chàng ta lại quá ưu tư đến mức không nhúc nhích tay chân, cũng không nháy mi mắt. Đó là cái cách thức chàng ta đang say sưa tìm ý thơ. Tớ nghe thấy chàng ta đang thầm thì đọc như người niệm chú, rồi bỗng nhiên chàng ta đọc to lên: "Thượng đế muôn năm. Đây là khổ thơ tuyệt mỹ mà ta đã làm được trong đời". Rồi chàng ta vội vàng viết ngay lên cuốn vở viết tay, lòng đầy hân hoan. Tất cả những điệu bộ ấy giúp tớ hiểu ngay ra anh chàng là một nhà thơ. Tớ liếm chân chàng ta để biểu thị rằng tớ là con chó ngoan nết. Tớ nằm ngay dưới chân chàng ta. Còn chàng ta, yên chí tớ là con chó ngoan, tiếp tục suy tư tìm ý thơ và lời thơ, lại vò đầu bứt tóc, lại húy hoáy viết điều anh chàng vừa nghĩ ra. Giữa lúc ấy, một chàng trẻ tuổi khác bước vào vườn cây. Chàng này điệu bộ hơn, bảnh bao hơn, tay cầm mấy tờ giấy, vừa đi vừa đọc. Chàng này! cũng đến bên chàng thi sĩ và nói: "Anh đã kết thúc màn đầu chưa?" – "Bây giờ tôi sắp kết thúc rồi. Đó là một màn tuyệt vời mà tôi có thể nghĩ ra được" – thi sĩ trả lời. "Bằng cách nào hả?" – người mới đến hỏi – "Bằng hình thức này – thi sĩ trả lời – Đức Giáo hoàng mặc phục lễ giáo hoàng cùng với mười hai đức hồng y giáo chủ, tất cả các vị này đều mặc áo màu tím sẫm bởi vì khi xảy ra sự kiện mà vở kịch tôi viết chính là lúc mutatio caparum (tiếng La tinh), trong đó các đức hồng y giáo chủ không mặc áo màu đỏ mà chỉ mặc áo màu tím thẫm. Tôi nghĩ rằng đây là hình thức thuận lợi để thể hiện sự kiện thật nổi bật trong vở kịch và nhờ vậy tôi sẽ đưa vào những pha gây cười rất tuyệt. Tôi cũng tin rằng tôi không thể sai trong việc để các hồng y giáo chủ mặc áo màu tím sẫm vì tôi đã đọc kỹ các tài liệu y phục thời La Mã" – "Vậy anh bạn muốn ông chủ nhà hát của tôi lấy đâu ra áo thụng màu tím sẫm cho mười hai đức hồng y giáo chủ hả?", người kia hỏi – "Vậy nếu tước mất của tôi, dù chỉ một chi tiết ấy thôi, thì vở kịch của tôi còn ra thể thống gì nữa?" thi sĩ trả lời – "Chả lẽ người ta lại bỏ mất cái chi tiết bề ngoài quan trọng này sao. Bạn hãy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra ở nhà hát kịch khi một Đức Giáo hoàng cùng mười hai vị hồng y giáo chủ và các vị chức sắc theo sau mà lại không mặc áo màu tím sẫm kia chứ. Lạy chúa, nếu các hồng y giáo chủ mà mặc áo màu tím sẫm như tôi nghĩ thì cảnh tượng sẽ vui và đẹp mắt biết bao, còn đẹp hơn cả cảnh tượng vở Raidele Daraha c! hứ ch�! � đùa đâu". Đến đây thì tớ hiểu rõ ràng rằng một người là thi sĩ, một người là kép hát. Kép hát khuyên thi sĩ nên cắt bỏ cái cảnh nói đến các hồng y giáo chủ nếu như thi sĩ không muốn gây khó dễ cho chủ nhà hát dựng vở kịch này. Thi sĩ cảm ơn kép hát về lời khuyên chân thành kia và thi sĩ nói thêm rằng thi sĩ sẽ không bê nguyên xi cuộc hội tuyển cử giáo chủ vốn cùng xảy ra với sự kiện nổi bật à thi sĩ muốn khắc sâu vào tâm trí người xem vở kịch này. Kép hát cười, rồi bỏ đi để cho thi sĩ được yên tĩnh trong lúc sáng tác. Kép hát cũng phải trở về với công việc của mình: học cho thuộc vai mình sẽ sắm trong một vở kịch mới. Sau khi viết thêm được một số câu thơ cho vở kịch tuyệt tác của mình, thi sĩ thong thả lấy từ trong túi quần ra mấy mẩu bánh cứng và khoảng độ vài chục quả nho khô. Cũng chỉ có ngần ấy thôi, thế mà lúc đầu tớ tưởng phải nhiều nho khô lắm, vì tớ thấy túi quần cứ nổi cộm lên. Thi sĩ phủi cho sạch bụi bám vào những mẩu bánh cứng kều, rồi bẻ vụn ra cùng ăn với nho khô, kể cả cuống khô còn bám vào quả bởi vì tớ không thấy ông ấy nhằn bỏ một cuống nào. Thi sĩ ăn nho khô cùng với bánh cứng hy vọng để nuốt trôi bánh nhưng tớ thấy thi sĩ nhai trệu cả răng mà vẫn không nhá vỡ mẩu bánh cứng, buộc phải nhổ đi. Thi sĩ bèn cho tớ những mẩu bánh cứng và trong lúc ném cho tớ, thi sĩ nói: "Tô! Tô! Hãy ăn đi con. Chớ có bỏ phí của trời". Tớ đớp lấy miếng bánh và nghĩ: "Ôi chao, cái chàng thi sĩ này khiến mình ngạc nhiên biết bao trước những lời người ta vẫn nói rằng thi sĩ luôn luôn được các thần và thần thi ca trên ! trời ch! e chở và nâng đỡ". Tóm lại cái phần lớn nhất của nỗi bất hạnh trên đời này là sự nghèo khốn của thi sĩ. Nhưng nỗi bất hạnh còn lớn hơn thế nữa chính lại là cái đói đang cồn cào trong bụng buộc tớ phải ăn món ăn mà thi sĩ không thể nào ăn được. Trong lúc sáng tác vở kịch, thi sĩ không hôm nào không đến vườn nho và do đó tớ không thiếu những mẩu bánh cứng bởi vì thi sĩ chia sẻ với tớ một cách tự nhiên. Sau khi ăn xong chúng tớ đến giếng nước. Tớ thì quỳ chân xuống uống, còn thi sĩ thì lấy tay vốc nước mà uống. Nhưng sau khi sáng tác xong vở kịch, thi sĩ không hề đến vườn nữa. Tớ bị đói bụng khủng khiếp. Vì vậy, tớ quyết định bỏ nhà để đi vào thành phố tìm kiếm hạnh phúc. Người nào đi tìm hạnh phúc người ấy sẽ gặp tớ, tớ nghĩ thế nên đã liều bỏ đi. Vừa bước chân vào thành phố, tớ đã nhìn thấy nhà thơ của tớ từ trong Tu viện thánh Heronimo nổi tiếng bước ra. Khi thấy tớ, thi sĩ cũng dang rộng hai cánh tay về phía tớ và tớ cũng đi về phía thi sĩ, lòng đầy hân hoan được gặp lại thi sĩ. Ngay lập tức, thi sĩ lấy bánh bẻ ra thành từng mẩu và trong lúc nhét bánh vào mõm tớ, thi sĩ cũng liên tục nhét bánh vào mồm mình. Nhờ có những mẩu bánh này, cơn đói không khủng bố cái bụng tớ nữa. Những mẩu bánh mềm mại ngon lành và việc tớ nhìn thấy thi sĩ từ trong tu viện bước ra khiến tớ ngờ rằng thi sĩ cũng có các nữ thần bẽn lẽn như hầu hết các nhà thơ vẫn có. Thi sĩ đứng dậy và đi vào thành phố, tớ cũng đứng dậy đi theo sau và định bụng sẽ nhận thi sĩ làm chủ nếu thi sĩ muốn. Vì nghĩ rằng của thừa của thi sĩ cũng đủ nuôi s�! �ng mình! bởi vì không cái túi nào lớn hơn và tốt hơn cái túi nhân phẩm mà đôi bàn tay hào hiệp của nó không bao giờ keo kiệt. Do đó, tớ không bằng lòng với câu tục ngữ nói rằng kẻ giàu có mà keo kiệt vẫn cho nhiều hơn kẻ rớt mồng tơi. Câu tục ngữ ấy hàm ý rằng kẻ giàu có mà keo bẩn vẫn có thể cho một vài thứ, trong khi đó người nghèo vì không có gì để cho, họ chỉ có thể cho ước mơ hão huyền mà thôi. Chúng tớ đi mãi rồi cũng dừng chân tại nhà một tay chủ gánh hát tên là Angulo – kẻ xấu bụng – không phải là ông Angulo, một diễn viên, một người vui tính nhất lúc ấy và là người có kịch bản. Angulo kẻ xấu bụng tập hợp toàn thể diễn viên lại để nghe vở kịch của ông chủ tớ. Khi đọc đến khúc giữa màn đầu, cứ hai diễn viên một, lần lượt bỏ ra ngoài cho đến khi trong phòng nghe chỉ còn lại chủ nhà, thi sĩ và tớ. Vở kịch nhạt nhẽo đến mức như thế đấy, ngay cả tớ dù có là con lừa trong việc nghe thơ đi nữa tớ cũng biết là vở kịch này đã được quỷ Satang sáng tác ra để làm cho thi sĩ bị thất bại ê chề. Nhìn thấy cảnh tượng người nghe thơ mình bỏ ra về hết, thi sĩ giận lắm, chỉ còn biết nuốt nước bọt. Sự thất bại của thi sĩ sẽ đỡ hơn nếu thi sĩ nhạy bén nhận ra rằng trong việc người nghe bỏ ra ngoài ấy có chứa một nỗi bất hạnh đang đe dọa. Rồi quả nhiên mười hai người ngâm thơ của thi sĩ đều trở lại với thi sĩ và chẳng nói chẳng rằng họ dựng thi sĩ dậy, và nếu không vì phải tôn trọng quyền tác giả, chắc chắn họ sẽ nện cho thi sĩ một trận nên thân. Trước tình cảnh ấy, tớ cứ đứng sững người ra chẳng hiểu thế ! nào. Ch�! �� gánh hát đau khổ. Các diễn viên vui vẻ hớn hở. Thi sĩ lỳ lợm đứng im, bình tĩnh cấm lấy tập bản thảo giấu vào trong ngực, rồi lẩm bẩm nói: "Thật là đàn gẩy tai trâu". Nói xong, thi sĩ bình thản bỏ đi. Tớ không thể cũng đi theo thi sĩ được. Tớ nhận ra điều đó là vì chủ gánh hát chiều chuộng tớ, khiến tớ phải ở lại với ông ta. Chỉ trong vòng hơn một tháng, tớ trở thành một diễn viên hề đóng vai câm rất thành công. Họ buộc vào cổ tớ một chiếc vòng vàng chóe nhưng không phải là vàng và dạy tớ làm trò trên sân khấu: đuổi theo những ai mà diễn viên muốn. Vì các vở kịch thường vẫn kết thúc ở cái đoạn mà người ta phải giơ gậy để đuổi đánh một ai đó. Ông chủ gánh hát thường suỵt tớ, thế là tớ đuổi cắn những người nào ông chủ chỉ cho tớ. Tớ diễn trò là để mua vui cho những thằng ngu và để thu nhiều lãi về cho chủ. Ôi, Xipiong thân mến ơi, ai là người có thể kể cho đằng ấy nghe về những gì tớ thấy trong gánh kịch này và trong hai gánh kịch khác. Nhưng nếu không vì phải rút cho thật cô đúc câu chuyện thì tớ sẽ để lại ngày hôm sau khi chúng ta lại có dịp ngồi nói chuyện với nhau. Nào, đằng ấy có thấy cuộc đời của tớ là rất phong phú và đa dạng các sự kiện không? Đằng ấy có phục con đường tớ đi và các ông chủ của tớ không nào? Vậy là tất cả những gì đằng ấy nghe được chẳng bì kịp vào đâu so với những điều tớ đã ghi nhận, đã điều tra, đã thấy ở đám người này. Cuộc sống, phong tục tập quán, công việc, sự nhàn tản, sự ngu dốt và cả sự sắc sảo của con người, cùng hàng loạt các sự kiện trong đó có những ch! uyện ch! ỉ nên nói thầm vào tai. Lại cũng có những chuyện phải nói to, nói công khai cho mọi người cùng biết và tất cả các sự kiện này cần được nhắc lại để nhớ đời, để giúp kẻ ngu bừng tỉnh trước những ảo ảnh, trước những cái đẹp giả tạo và trước những sự thay đổi.


XIPIONG: Becganxa ạ, đằng ấy đã chứng minh cho tớ thấy rõ con đường dài mà đằng ấy đã phát hiện ra để mở rộng câu chuyện của mình và tớ thấy rằng đằng ấy nên dừng lại để kể câu chuyện đặc biệt kẻo trời sắp sáng rồi.


BECGANXA: Tớ đồng ý với đằng ấy và bây giờ hãy nghe tiếp nhé. Tớ cùng với một gánh hát đến thành phố Cadadolit này. Tại đây, trong khi diễn một vở hài kịch, tớ bị thương suýt mất mạng. Tớ không kịp trả thù kẻ đánh tớ vì lúc ấy tớ vướng dây xích cổ. Sau đó tớ nguôi cơn tức giận nên cũng chẳng muốn trả thù. Bởi vì chỉ ngồi nghĩ đến việc trả thù thì con người mình sẽ tồi đi rất nhiều. Tớ ngán cái nghề diễn trò trên sâu khấu không phải vì phải làm việc mà vì tớ thấy cái nghề này rất dễ bị chửi mắng và đánh đập. Vì tự thương mình hơn là vì hối cải, tớ nhất quyết không trở lại gánh hát nữa và tớ tự tu tỉnh, y hệt những kẻ đã tự tu tỉnh, từ từ bỏ những thói xấu khi bản thân không còn đủ sức để tiếp tục làm càn. Thật tình mà nói, bây giờ tớ tu tỉnh cũng chưa phải là muộn. Vậy là có một hôm tớ thấy đằng ấy mang cây đèn bão cùng đi với ngài Mahude, một con chiên hiền lành, tớ liền nhận thấy đằng ấy có vẻ phấn khởi và đang lo lắng làm tròn bổn phận của mình. Thú thật là tớ ghen với đằng ấy và ao ước được như đằng ấy. Thế là tớ đến bên ngài Mahude ra mắt ngài. Ngay lập tức, ngài nhận tớ và cho tớ làm bạn với đằng ấy và ngài đem tớ về nhà thương này. Tại đây, không ít sự kiện đã xảy ra với tớ và tớ thấy cần phải kể lại cho đằng ấy nghe, đặc biệt là câu chuyện xảy ra giữa bốn người bệnh nằm cạnh nhau mà tớ nghe được. Câu chuyện này ngắn thôi, không làm mất thời gian. Đây, nó như thế này đây.


XIPIONG: Cần phải nhanh lên vì trời sáng đến nơi rồi.


BECGANXA: Ở phòng cuối nhà thương này có bốn chiếc giường kê sát nhau. Bốn người bệnh nằm trên bốn giường ấy là: nhà thi sĩ, nhà toán học, nhà giả kim, nhà quân sư quạt mo.


XIPIONG: Tớ nhớ là mình đã nhìn thấy hạng người lương thiện ấy rồi.


BECGANXA: Vậy là có một buổi trưa mùa hè, các cửa đều khép lại hết và tớ nằm hóng mát dưới gầm giường của một trong bốn người ấy. Thi sĩ lên tiếng than vãn về vận may rủi của mình. Nhà toán học thấy thế liền hỏi thi sĩ vì sao lại than vãn. Thi sĩ trả lời: "Làm sao mà tôi lại không than vãn được kia chứ. Vì tôi tâm niệm điều Horaxio[23] nói trong sách bàn về nghệ thuật thi ca của ông rằng: Một cuốn sách kể từ khi viết hoàn chỉnh mà chưa được mười năm thì chưa nên công bố và tôi không những để hai mươi năm lao tâm khổ tứ để tìm ra tứ thơ, cấu trúc cuốn sách và mười năm tiếp theo để trước tác. Đó là một tác phẩm có tư tưởng lớn, một sự sáng tạo mới mẻ đáng khâm phục, một lối thơ trong sáng trắc việt, một cốt truyện kỳ thú, một bố cục chặt chẽ bởi vì đầu, giữa và cuối ăn khớp nhau. Nhờ vậy tôi đã sáng tạo nên một tráng ca tuyệt vời sung mãn. Thế mà tôi không có duyên may gặp được một vị hoàng thân để gửi tác phẩm của mình cho ngài đọc. Như thế thử hỏi làm sao tôi không ca thán cho vận may rủi của mình kia chứ? Tôi đi tìm mà không thể gặp được một vị hoàng thân thông minh, có tư tưởng tự do và hào hiệp. Thật đáng thương thay cho thời đại chúng ta". "Cuốn sách ấy đề cập tới vấn đề gì?" – nhà giả kim hỏi. Thi sĩ trả lời: "Nó đề cập tới điều mà giáo chủ Tucpin! , giáo chủ của hoàng đế Actut ở Anh quốc chưa viết, cùng với một phụ trương nhan đề Chuyện về lời thỉnh cầu của thánh Brian. Tất cả những điều ấy đều được thể hiện dưới hình thức tráng ca, trong đó có phần được viết theo niêm luật của thơ tám chân và phần khác viết theo lối thơ tự do. Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là toàn bộ tác phẩm đều được viết bằng danh từ chứ không hề dùng đến động từ". "Tôi không hiểu biết gì về thi ca – nhà giả kim nói – và do đó tôi không thể thấu hiểu nỗi bất hạnh của ngài. Nhưng dù nỗi bất hạnh của ngài lớn đến đâu chăng nữa cũng không thể sánh kịp với nỗi bất hạnh của tôi. Câu chuyện là thế này: vì thiếu dụng cụ hoặc giả vì không cò một vị hoàng thân nào hào hiệp giúp đỡ và tạo cho tôi những điều kiện cần thiết cho nghề làm đá giả kim, nếu không thế thì bây giờ tôi sống trên vàng và tôi trở nên giàu có hơn cả hoàng đế Midat[24], hoàng đế Greso[25]. – "Thưa ngài giả kim, chẳng hay ngài đã thành công trong việc biến sắt thành bạc chưa?" – nhà toán học hỏi – "Cho đến giờ tôi vẫn chưa làm được việc áy – nhà giả kim trả lời – Nhưng tôi biết chắc rằng trên thực tế đã có người làm đư�! �c. Tôi ! chỉ còn thiếu hai tháng nữa là chế được đá giả kim, một dụng cụ khẽ chạm vào bất kỳ thứ kim loại nào, trừ vàng và bạc ra, ngay cả với đá, cũng có thể biến chúng thành vàng bạc". – "Thưa các ngài, kể ra các ngài cũng biết cách cường điệu những nỗi bất hạnh của mình đấy – nhà toán học tham gia câu chuyện. Tóm lại, một ngài có sách không tìm được một vị hoàng thân thông minh, tốt bụng, hào hiệp để gửi sách cho ngài. Một ngài đang ở trong khả năng hiện thực có thể chế ra được đá giả kim mà đành phải bỏ lỡ. Còn tôi, tôi sẽ nói gì về nỗi bất hạnh của mình, Đó là nỗi bất hạnh rất cô đơn đến mức không có chủ đề mà đứng lại. Hai mươi năm ròng rã tôi cứ đuổi theo một cái điểm định hình, chỗ này tôi bỏ lại nó, chỗ kia tôi lại đụng phải nó, dường như tôi đã tóm được nó và bỗng nhiên nó lại ở tít đằng kia. Tôi rất hào hứng đuổi theo cái điểm ấy. Điều đó cũng như thể phép cầu phương một hình tròn xảy ra với tôi: nghĩa là đã có lúc tôi tới một điểm gặp được nó nhưng không hiểu vì sao nó lại không ở trong túi quần mình. Đó chính là nỗi buồn của tôi, một nỗi buồn rất giống với nỗi buồn của Tantalo[26]: ông ta ở gần kề trái cây mà phải chịu chết đói, ở rất gần nước mà chịu chết khát. Có lúc tôi nghĩ mình đã tìm ra được chân lý, nhưng lại có lúc tôi cảm thấy mình còn xa mới đạt tới nó, cứ như vậy tôi làm việc t! rong su�! �t hai mươi hai năm trời mà chẳng đạt kết quả. Lắm lúc tôi thấy việc mình làm chẳng khác gì việc làm của Sisipho. Cho đến lúc này, quân sư vẫn nín lặng nhưng bỗng nhiên ngài lên tiếng nói: "Những lời ca thán ấy cũng chỉ có thể sánh với lời than của Đức giáo hoàng trứ danh, người đã tập trung tất cả mọi nỗi nghèo khó trong cái nhà thương này và tôi xin từ bỏ nghề nghiệp và cả những công việc chẳng đem lại miếng ăn cho chủ nó. Thưa các ngài, tôi là quân sư và tôi đã hiến nhiều mưu mẹo cho nhà vua trong các thời kỳ khác nhau và những mưu mẹo này đều rất ích lợi đối với nhà vua mà không làm thiệt hại bất kỳ một ai. Ngay bây giờ tôi vẫn giữ được một lá đơn trong đó tôi thỉnh cầu đức vua chỉ cho tôi người tôi có thể mách bảo một mưu mô mới do tôi vừa nghĩ ra. Đó là mưu giúp đức vua chấn hưng lại đất nước. Nhưng cũng như những bức thư trước của tôi, có lẽ bức thư này sẽ bị ném vào sọt rác và sẽ ra nằm ngoài bãi tha ma. Xin các ngài đừng tưởng tôi là thằng ngớ ngẩn khi nhìn nhận nó từ góc độ chung nhất. Cái mưu ấy của tôi là thế này: Triều đình ra lệnh cho tất cả thần dân của đức vua, kể từ tuổi mười bốn đến tuổi sáu mươi, đều phải ăn chay mỗi tháng một lần và ngày ăn chay vần phải được chọn và công bố để thần dân đều biết. Và mọi chi tiêu cho việc mua hoa quả, thịt cá, rau trứng và rượu trong cái ngày ăn chay ấy đều được quy thành tiền để nộp cho đức vua, không được thiếu một chinh. Nếu việc chi tiêu tiết kiệm này được thực thi trong hai mươi năm liền thì triều đình sẽ không phải dùng mẹo vặt và quyền lực để c�! �ớp bó! c của thần dân. Bởi vì nếu người ta tính toán kỹ cũng như tôi đã tính kỹ thì sẽ thấy ở Tây Ban Nha có ba triệu người trong lứa tuổi nói trên, không kể người ốm yếu tàn tật, không kể cụ già và em nhỏ. Và tất cả những người trong độ tuổi trên ăn chay thì ít ra trong mỗi ngày ăn chay ấy mỗi người cũng để ra được một đồng rean năm hào, nhưng tôi chỉ tính một rean thôi. Vậy các ngài hãy thử tính mà xem, không ít của đâu. Mỗi tháng Tây Ban Nha có ba triệu đồng rean. Việc ăn chay này chẳng làm thiệt hại tới những người ăn chay bởi vì với việc ăn chay, họ làm vừa lòng Thượng đế và đồng thời lại cung tiến của cải cho đức vua. Hơn nữa, họ lại có thể ăn chay như thế nào đó miễn là phù hợp với hoàn cảnh riêng và có lợi nhất cho sức khỏe của bản thân. Cái mưu này rất trong sạch, không hề gợn một chút bụi bặm và nó sẽ được dân trong các giáo khu làm theo, không phải phiền hà đến các quan thanh tra vốn là những kẻ đục khoét làm cho quốc vương ta ngày vàng suy yếu đi". Tất cả đều cười ha hả trước cái mẹo vặt kia và cười quân sư lẩn thẩn và ngay cả quân sư cũng cười to tiếng trước câu chuyện mua vui của mình. Riêng tớ, tớ ngạc nhiên và hào hứng nghe họ nói chuyện với nhau và tớ nhận thấy rằng phần lớn những chuyện vui như thế này đều đến nhà thương để rồi tắt lịm đi trong nhà thương.


XIPIONG: Becganxa ạ, đằng ấy nói chí phải. Nào, đằng ấy còn kể nữa không đấy?


BECGANXA: Còn chứ. Nhưng tớ chỉ kể thêm hai chuyện nữa thôi, vì hình như trời đã sáng rồi thì phải. Có một hôm, ông quản gia của tớ đi xin của bố thí tại nhà quan thanh tra thành phố này, xung quanh chẳng có một ai. Tớ liền nghĩ rằng mình phải tranh thủ lúc chỉ có một mình ngài để trình ngài biết một tin mà tớ nghe lỏm được ở một ông già ốm nằm trong bệnh viện. Ông già nói phải có cách gì để trị bọn con gái giang hồ đã mang tới thành phố này một căn bệnh khó chữa: bệnh giang mai. Trong hai mùa hè vừa qua, các nhà thương chật ních bọn đàn ông bị bệnh giang mai vì họ đi theo bọn gái giang hồ. Bọn đàn ông này đòi cần phải chữa chạy ngay. Tớ định nói cho ngài biết điều đó. Vì nghĩ mình sẽ nói và nói được nên tớ lên giọng tru tréo sủa nghe rất chói tai khiến quan thanh tra nổi giận. Ngài gọi quân hầu đến và chúng lấy gậy đánh tớ tới tấp đuổi tớ ra ngoài. Trong số đó, có một tên lính lệ cầm luôn đỉnh đồng choảng ngay vào sườn tớ, khiến tớ bị thương và cho đến bây giờ trên sườn tớ vẫn còn sẹo đấy.


XIPIONG: Thế cậu có ca thán gì không?


BECGANXA: Làm sao tớ lại không ca thán được kia chứ, một khi đến giờ tớ vẫn còn đau.


XIPIONG: Becganxa này, không một ai nên đến chỗ không được mời và không nên làm việc người ta không cần đến mình. Cậu nên biết rằng lời khuyên răn của người nghèo, dù là tốt đi nữa, sẽ chẳng bao giờ được người ta tiếp nhận và kẻ nghèo đừng bao giờ nghĩ đến việc khuyên răn các ông lớn và các người ngu vì bọn họ cứ tưởng rằng họ hiểu biết tất cả. Sự hiểu biết thông thái của người nghèo bị bóng đêm và mây mù của sự túng quẫn và nghèo nàn che tối và nếu như nó bị người ta phát giác thì người ta liền cho đó là những lời lẩn thẩn và họ coi thường nó.


BECGANXA: Xipiong ạ, đằng ấy dạy rất phải, từ nay trở đi tớ sẽ nhớ và làm theo lời khuyên của đằng ấy. Một đêm khác ông quản gia của tớ đến xin của bố thí tại nhà một bà quý phái. Bà này đang bế trên tay một con chó bé tí ti đến mức nó có thể trốn vào trong yếm ngực bà. Khi nhìn thấy tớ, con chó con này liền lên tiếng sủa, xông vào và ngoặm cho tớ một phát vào bẹn. Tớ quay lại nhìn bà chủ mà lòng vừa nể vừa giận dữ, lòng tự nhủ lòng: "Nếu tao mà gặp mày ở nơi khác, con chó con hỗn láo ạ, thì hoặc là mày phải thuần phục tao hoặc là tao xé xác mày ra". Trong hành động hỗn láo của con chó này, tớ thấy ngay cả những kẻ hèn nhát và yếu bóng vía nhất khi có chỗ dựa vững chắc thì chúng trở nên bạo dạn và càn quấy, chúng dám ngang nhiên tiến lên đối mặt với những người hơn chúng.


XIPIONG: Điều đằng ấy nói chỉ là một trong muôn vàn biểu hiện của cái sự thật này: có một số người núp dưới bóng chủ mình đã ngang nhiên làm điều càn quấy. Nhưng nếu thần chết hoặc một tai nạn bất ngờ nào đó đánh gục cái cây mà họ núp dưới bóng thì ngay lập tức chúng nhận thấy mình là kẻ yếu hèn, kẻ chẳng có sức mạnh gì. Bởi vì, quả không sai là giá trị con người chúng chẳng qua là ánh hào quang mà chủ chúng cho chúng mượn mà thôi. Đạo đức và sự hiểu biết chân chính bao giờ và lúc nào cũng chỉ là một, luôn luôn là một, dù nó trần truồng hay nó được che đậy, dù nó đứng một mình hay nó cùng đứng trong một tập thể. Sự thật chứng minh rất rõ rằng anh có thể chiếm được lòng ngưỡng mộ của dân chúng nhưng trên thực tế anh không đáng được hưởng nó. Becganxa ạ, chúng ta tạm dừng cuộc nói chuyện nhé. Trời đã sáng rõ rồi và đêm nay nếu chúng ta vẫn được nói chuyện với nhau thì tớ sẽ kể cho đằng ấy nghe câu chuyện cuộc đời tớ.


BECGANXA: Đúng thế đấy! Đằng ấy sẽ bắt đầu từ đây nhé.



Cử nhân Peranta vừa đọc xong bản thảo thì cũng vừa hay thầy quản Campuxano thức dậy. Cử nhân nói:


– Dù rằng cuộc nói chuyện này là chuyện bịa và chẳng bao giờ xảy ra trong thực tế, tôi vẫn thấy nó được viết rất hay. Vậy, ngài quản Campuxano có thể viết tiếp phần thứ hai được rồi đấy.


– Tôi cũng nghĩ như thế – thầy quản trả lời – Tôi sẽ hào hứng bắt tay viết nó mà chẳng cần phải tranh luận với quan bác xem chó có nói được hay không.


Cử nhân trả lời như sau:


– Ngài quản Campuxano ạ, chúng ta sẽ không trở lại tranh luận thêm về vấn đề ấy nữa. Tôi đã hiểu rõ sự sáng tạo tuyệt vời được thể hiện trong bản thảo Cuộc nói chuyện và thế là đủ rồi. Bây giờ lòng tôi sáng láng ra rất nhiều. Chúng ta hãy cùng nhau ra cầu để đứng trên đấy mà ngắm cảnh trí thiên nhiên đi.


– Nào, chúng ta cùng đi thôi – thầy quản nói.


Và họ cùng nhau ra đi.
 


HẾT




[1] Tiền vàng của Tây Ban Nha

[2] Tiền vàng Tây Ban Nha thời cổ, có giá trị hơn đồng excudo

[3] Tiền đúc bằng vàng hoặc kẽm, giá trị thấp hơn rất nhiều so với đồng excudo và đồng ducado

[4] Nhà thơ Ý, sinh năm 1304, mất năm 1374

[5] Nhà ngôn ngữ người Hy Lạp cổ đạo – khoảng từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 5 trước công nguyên

[6] Một loại chó to, khỏe, dữ tợn, thường được nuôi làm chó săn

[7] Những nhân vật trong truyện La Axxadia của Lope de Vega

[8] Nhân vật trong truyện La Galatea của chính Xecvantex

[9] Nhân vật trong truyện Người chăn cừu Philida của Ganvet

[10] Những nhân vật trong Bảy cuốn sách về nàng Diana của J. de Mongtemado

[11] Đó là tên con gái

[12] Một điệu vũ Tây Ban Nha

[13] Tiếng La tinh nghĩa là cái cặp sách

[14] Trong lưỡi có con bò. Có thể dịch tương đương với thành ngữ tiếng Việt – nén bạc đâm toạt tờ giấy

[15] Tiếng La tinh nghĩa là escudo bằng vàng

[16] Tiếng La tinh nghĩa là giấy giá thú

[17] Một con ngựa trong huyền thoại Tây Ban Nha, nếu ai cưỡi nó thì sẽ bị thiệt mạng

[18] Tiền cũ Tây Ban Nha, giá trị thấp hơn 10 lần so với đồng rean

[19] Một điệu nhảy của dân Tây Ban Nha thời ấy

[20] Truyện ma quái của nhà văn Luxio Apuledo thời đế chế La Mã, sống khoảng thế kỷ II

[21] Đơn vị đo chiều dài của người Tây Ban Nha xưa, mỗi pie tương đương 28 cm

[22] Cư dân sống ở Bắc Phi, từng thống trị lãnh thổ Tây Ban Nha. Sau khi ách thống trị của người Mo bị người Tây Ban Nha đánh đổ, người Mo vẫn ở lại sinh sống ở đây

[23] Nhà thơ La Mã, tác giả tập "Bàn về nghệ thuật thi ca"

[24] Hoàng đế nước Phrigia, người có phép có kỳ tài đụng tay vào vật gì vật ấy biến thành vàng

[25] Hoàng đế cuối cùng của Lidia, người nổi tiếng về giàu có

[26] Theo huyền thoại Hy Lạp, Tantalo là vua Lidia, bị thần Dớt đày xuống xứ Tacta, chịu đói và chịu khát vì tội đã ăn thịt con trai Pelop


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét